Thôi bỏ đời đi

1.

– Hai vợ chồng tôi xin lỗi anh vì phải rời khỏi nơi đây một cách đột ngột. Cô em gái của tôi vừa gọi điện thoại báo tin ba tôi bị ” heart attack ” phải chở vào bệnh viện đang nằm ở phòng ICU…

– Tôi xin chia buồn với anh chị… Rồi anh chị có trở lại đây không?

– … Chúng tôi sẽ trở lại nhưng không biết chắc chắn ngày giờ… Chắc cũng phải hai ba ngày nữa…

– Như vậy tôi cũng về nhà rồi trở lại… Chứ ở đây mà không có chị nấu phở chắc tôi đói nhăn răng…

Biên, vợ của Chánh bật cười vì câu nói đùa của người bạn thân của chồng mình.

– Thì anh gậm đỡ fried chicken, hamburger hoặc pizza đi rồi mai mốt ăn phở mới ngon…

Gã cười chưa kịp lên tiếng, Chánh nhanh nhẩu thốt.

– Tôi định nhờ anh ở lại đây đón tiếp một người quen của tôi từ xa tới. Tôi hẹn sẽ gặp người đó ở đây… Bạn tôi đã chuẩn bị hai tuần nghỉ hè từ lâu do đó tôi không muốn làm họ thất vọng…

Hơi ngần ngừ giây lát rồi cuối cùng gã cũng cười gật đầu.

– Vậy thì tôi sẽ thay anh chị đón tiếp người đó… Hi vọng tôi sẽ không làm anh chị thất vọng…

Chánh cười cười.

– Tôi thì chắc là không thất vọng rồi mà tôi nghĩ anh sẽ không thất vọng khi gặp người bạn của tôi…

Bắt tay giã từ bạn, gã vẫn đứng ngoài hàng ba nhìn cho tới khi xe mất nơi khúc quanh. Gã muốn hỏi đôi điều về người mà mình sẽ đón tiếp nhưng thấy bạn vội vã đành nín lặng. Tính hơi dị, gã không thích và không muốn quen biết thêm người mới, người lạ. Hôm nay trong tình huống đặc biệt vì nể người bạn thân mà mình rất quí trọng, gã phải miễn cưỡng đón tiếp bạn của bạn. Sương giăng giăng mờ cảnh rừng núi. Cỏ cây trụi trơ lá. Tàn thu. Lá khô rụng đầy trên đất bị ngấm nước thành ra nặng và đổi ra màu nâu xậm vì vậy có gió thổi vẫn nằm yên trên đất. Đầu tháng 12 nhưng ở trên vùng cao của Smoky Mountain đã lạnh rồi. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp tới mức nước đông và đôi khi có tuyết. Hơi xa về hướng đông, đỉnh núi sừng sững đọng đầy sương mù trắng đục.

11 giờ đêm. Đang ngồi tại phòng khách xem tin tức về thời tiết, gã nghe loáng thoáng như có tiếng xe dừng trước cửa nhà rồi lát sau tiếng đinh đong vang lên.

– Tới không tới lúc nào mà nhằm lúc khuya mới tới…

Càu nhàu, gã ngồi dậy, mặc thêm chiếc áo choàng bên ngoài bộ pyjama rồi vội vàng bước ra mở cửa vì tiếng đinh đong lại vang gấp gáp.

– Tôi ra đây… Xin vui lòng chờ chút…

Cửa mở rộng ra. Gió lạnh vùng cao nguyên ùa vào khiến cho gã rùng mình. Nhờ ánh đèn đường và ánh đèn ngoài hàng hiên, gã thấy một người đứng chắn nơi cửa mà nhìn ngờ ngợ như là phụ nữ. Người này mặc chiếc áo khoác mùa đông bằng len màu xám dày cộm, đội trên đầu chiếc nón cũng bằng len màu xám và hai tay phủ kín bằng đôi găng tay cũng màu xám, ” boot ” cũng màu xám làm cho người đó giống như con sói xám.

– Xin lỗi bà tìm ai?

Gã lên tiếng hỏi. Dù đoán ra người đàn bà đang đứng trước cửa nhà là người bạn mà bạn mình đã nói song gã vẫn hỏi, có lẽ do tính cẩn thận và cũng do ở hình dáng hơi dị của người khách tới vào đêm khuya. Hỏi xong, gã thấy được chút ngỡ ngàng ở trong mắt người đàn bà đang đứng đối diện.

– Dạ… Xin hỏi ông đây có phải là nhà của anh Chánh…

– Thưa bà đúng…

– Xin hỏi ông anh chị Chánh có ở đây không ạ?

– Thưa không… Ba của anh Chánh lâm trọng bệnh bất thình lình nên họ đã rời đây hồi chiều và nói sẽ trở lại vài ngày nữa. Anh Chánh có nhờ tôi đón tiếp dùm cho ảnh một người bạn thân… Người đó…

Hiểu ý câu nói nửa chừng của gã, người đàn bà cười nhẹ.

– Dạ tôi chính là bạn của anh Chánh…

Hơi lùi lại như tỏ ý nhường chỗ cho khách vào, gã nói chậm.

– Xin bà thứ lỗi… mời bà vào… ngoài trời lạnh lắm…

Đợi cho người đàn bà vào hẵn trong nhà gã mới kéo cái va li to và nặng vào xong khép cửa lại không quên cài chốt an toàn.

– Bà để tôi mang hành lý vào… Bà tới ngồi gần lò sưởi ngồi cho ấm…

– Cám ơn ông… Tôi không nghĩ ở đây lại lạnh sớm như vậy…

Gã lầm bầm.

– Tới vùng núi non nhằm mùa đông mà không nghĩ lạnh sớm… Đúng là…

Lắc lắc đầu như không muốn lầm bầm thêm, kéo chiếc va li của người đàn bà từ ngoài cửa vào tới phòng khách, gã cười lên tiếng.

– Năm nay lạnh sớm hơn… Để tôi mang vali vào phòng ngủ của bà luôn…

Người đàn bà đứng lên bước sau gã đi vào hành lang ngắn rồi dừng lại trước căn phòng ngủ cửa mở phân nửa.

– Đây là căn phòng ngủ đẹp nhất mà anh Chánh có nhã ý dành cho bạn thân. Chắc bà cũng biết anh chị Chánh là người rất quí trọng bạn…

Hơi mỉm cười, người đàn bà nhìn gã.

– Xin phép ông, ông là gì của anh Chánh?

– Thưa bà, tôi là bạn…

Hơi mỉm cười, người đàn bà hắng giọng.

– Cô chứ không phải bà thưa ông…

Gã nhìn người đàn bà.

– Tôi xin lỗi cô…

– Không có chi thưa ông…

Nhường cho người đàn bà vào trước rồi gã mới bước vào trong phòng. Đặt chiếc va ly cồng kềnh trước cửa closet, gã nói chậm.

– Anh Chánh có vài người bạn thân. Cô với tôi là hai người trong số bạn thân của anh. Tuy nhiên tôi là bạn cũ, còn cô thì chắc là bạn mới…

– Thưa ông nói đúng… Tôi quen anh chị Chánh không lâu lắm…

Ngừng lại giây lát người đàn bà mới thong thả tiếp. Gã nhận ra cái giọng nói của cô ta rất lạ. Nó không giống như ba mẹ hoặc chú bác cô dì của anh.

– Tôi nói chuyện điện thoại với anh chị Chánh hoài. Tôi rất mến chị Biên. Chỉ coi tôi như em gái…

Gã cười cười.

– Quen nhau không lâu lắm mà cô lại được anh Chánh dành cho căn phòng đẹp nhất trong nhà. Điều đó làm cho tôi hơi có chút ganh tị với cô…

Như hiểu được cái ý ẩn trong câu nói của gã, người đàn bà cười tiếng ngắn. Giọng của cô ta nghe ấm và thanh thoát đồng thời cũng có chút cợt đùa.

– Tôi đâu có biết gì đâu. Ông đưa tôi vào đây mà…

Gã bật cười vì lời phân trần đó.

– Tại vì tôi lây cái tính quí bạn của anh Chánh. Là bạn của anh Chánh thì cô cũng là bạn của tôi…

– Cám ơn ông… Tôi rất hân hạnh được ông xem như bạn.

Người đàn bà buông câu nói lịch sự và kiểu cách. Hơi mỉm cười gã hỏi.

– Xin hỏi cô chưa ăn gì hết phải không?

Gã không hỏi tên khách mà khách cũng chẳng thèm xưng danh tánh. Như chuyện đó cũng chẳng có gì quan trọng đối với họ.

– Thưa ông chưa… Thức ăn trên máy bay tôi không thích. Xuống phi trường là tôi mướn xe lái tới đây…

– Vậy thì để tôi làm cho cô cái gì ăn trong lúc cô nghỉ mệt…

Gã bỏ ra khỏi phòng sau khi khép cửa lại. 15 phút sau. Tiếng bước chân nhẹ trên sàn gỗ.

– Ông nấu gì mà thơm quá vậy… Dường như có mùi mì thì phải…

 Nghe tiếng nói ở sau lưng, gã quay đầu lại. Trong vùng ánh sáng dọi từ trên trần xuống, người đàn bà trông thật lạ, thật khác. Lạ hơn nhiều người đàn bà mà gã đã gặp, khác hơn nhiều đàn bà mà gã đã biết.

– Chắc ông không phiền khi tôi ăn mặc như vầy…

Người đàn bà thốt khi thấy gã nhìn chăm chú. Có lẽ biết mình vô lễ, gã cười ấp úng.

– Xin cô thứ lỗi… Hồi nãy cô khác, bây giờ cô lại khác hơn nữa… Cô đổi khác nhanh quá làm tôi chới với… Tôi tưởng cô là ma hay là hồ ly trong truyện LTCD…

Người đàn bà bật cười hăng hắc. Giọng cười thật lạ. Gã cũng cười lên tiếng.

– Cô cứ ăn mặc, đi đứng, nói năng như ở nhà của mình. Tôi muốn cô thật thoải mái và thật tự nhiên khi ở đây. Đi nghỉ hè mà không được thoải mái và tự nhiên thì chán lắm…

Thấy gã đặt xuống bàn tô mì nóng bốc mùi thơm thơm của hành, ngò, húng quế, cải bẹ xanh, mấy con tôm và miếng thịt xá xíu; người đàn bà cười đưa mũi sát vào tô hít hơi dài xong mới ngước đầu lên cười nói. Gã nhận thấy cung cách ăn nói của người đàn bà lạ. Khi thì lịch sự và kiểu cách, khi thì dung dị và bình dân. Dường như ở trong cô ta có hai người khác nhau.

– Ông nấu mì nhìn thấy ngon quá… mà ngửi thì thèm ơi là thèm…

– Tôi không phủ nhận điều đó…

– Thơm quá… Có đủ thứ hết…Tôi ở xứ nóng, tới đây nhằm mùa lạnh mà được tô mì nóng ăn thì tuyệt…

Cô ta bưng tô mì lên ngửi xong húp nhè nhẹ ngụm nước lèo nóng rồi đưa ngón tay cái lên. Người đàn ông cười gật đầu nhận lãnh sự khen tặng.

– Ông không ăn với tôi à?

– Tôi vừa ăn xong định đi ngủ thì cô tới…

– Xin lỗi đã làm ông mất giấc ngủ… Đúng ra thì tôi phải tới sớm hơn nhưng chuyến bay bị trễ…

– Chẳng có gì để cô phải xin lỗi hết. Anh Chánh nhờ tôi đón cô nên tôi phải chờ. Với lại đang đi nghỉ hè ngủ giờ nào cũng được. Thường tôi với anh chị Chánh thức khuya lắm, những hơn nửa đêm mới đi ngủ…

– Anh Chánh có nói cho ông biết gì về tôi?

– Chẳng nói gì hết…

– Ngay cả tên họ, ông hoặc bà hay cô cũng không nói ư?

– Không…

– Ông cũng không hỏi ư?

– Không…

– Sao lạ dzậy?

– Chẳng quan hệ… Chẳng có gì quan trọng giữa ông hay bà, cô. Chẳng có gì đáng chú ý với cái tên. Cô tên mít xoài mận ổi cũng chẳng ăn nhập gì tới tôi…

Người đàn bà bật cười thánh thót chắc vì những lời gã nói.

– Như vậy tôi tên Mít ông chịu hông.

Gã cười nhẹ.

– Tôi chịu nhưng chắc cô không chịu… Anh Chánh chỉ cho tôi biết có người bạn thân từ xa tới gặp mà cuộc thăm viếng này bạn anh đã chuẩn bị từ lâu nên không muốn người bạn thân của mình bị thất vọng. Đối với tôi nếu là bạn thân của anh Chánh thì cũng là bạn thân của tôi. Như thế đủ rồi… mà đã đủ thì cần gì phải hỏi thêm…

Đang ăn, người đàn bà hơi ngước đầu lên nhìn người đang ngồi đối diện với mình. Bình thường từ mặt mũi, cách ăn mặc và cử chỉ, người đang ngồi là một người bình thường như muôn ngàn người đàn ông bình thường mà cô ta đã gặp trong đời sống bình thường. Chỉ có lời nói không bình thường. Điều này cũng đồng nghĩa với ý nghĩ không bình thường.

– Ông nấu mì ngon… Tôi cũng biết nấu mà không ngon bằng ông. Có lẽ…

Thấy gã chăm chú nhìn, cô ta cười tiếp.

– Tôi thiếu một điều kiện… Cho vào tô mì một chút lòng của mình. Có phải như vậy không ông?

Gã cười nhẹ như nhìn nhận. Uống ngụm nhỏ nước cam, gã nói với giọng trầm và hơi khàn.

– Cái ” log house ” này tôi mua để dành làm nơi trốn người. Thỉnh thoảng tôi lên đây ở một mình. Thỉnh thoảng tôi rủ anh chị Chánh lên đây chơi. Mỗi lần gặp nhau thì mỗi người đều tự ý nấu một món ăn. Tôi quí bạn nên mới chăm chút nấu. Tôi nghĩ, bất cứ việc gì nếu mình để tâm làm thì mình sẽ nhiều may mắn thành công hơn…

Bận nhai, người đàn bà chỉ gật đầu cười. Sau khi nuốt và húp hớp nước lèo, cô ta mới lên tiếng.

– Cám ơn ông…

Lắng nghe tiếng gió lùa rừng cây gây thành âm thanh ào ào hoài hủy, cô ta cười nhẹ nói tiếp.

– Ban đêm ở đây chắc là lạnh…

Gã cười im lặng có lẽ vì đang bận thầm quan sát người đang ngồi trước mặt mình. Mắt. Mũi. Miệng. Khung mặt. Trán. Tóc. Tai. Mỗi thứ đều riêng biệt, rời rạc nhưng lại hòa và hợp với nhau tạo thành nét đặc thù không giống ai và không ai giống được.

– Ông nhìn đủ chưa?

Đang cúi đầu ăn, người đàn bà ngước lên cười hỏi. Gã cũng cười đáp lửng lơ.

– Chắc là đủ. Tôi chỉ nhìn những gì tôi cần nhìn…

Người đàn bà bật lên tiếng cười mà gã cảm thấy là lạ.

– Tôi cũng vậy. Tôi thấy cái gì tôi cần thấy…

– Bà thấy cái gì?

Buột miệng hỏi, gã quên mất tiếng cô.

– Ậy… ậy… tôi đã nói tôi là cô…

– Tôi xin lỗi…

Thấy gã nhìn vào ngón tay đeo nhẫn của mình, người đàn bà cũng cúi nhìn rồi lên tiếng.

– Tôi biết… nhưng tôi là cô…

– Dạ…

Người đàn bà bật cười chắc có lẽ vì tiếng dạ.

– Cô thấy cái gì?

Gã lập lại câu hỏi của mình. Người đàn bà nhướng đôi mày hơi rậm, đen và dài của mình lên. Gã thấy được cái nhìn chiếu rọi từ trong đôi mắt đen long lanh màu huyền bí. Ánh mắt nhìn chiếu rọi xa xăm đó làm gã nhớ lại người mẹ kính yêu đã ngàn xa khuất nẽo của mình.

– Tại sao tôi phải nói cho ông biết tôi thấy cái gì…

Gã cũng cười theo tiếng cười của người đối thoại. Nâng tô lên húp cạn xong cô ta nghiêng qua như cốt ý cho gã thấy.

– Ông phải cám ơn tôi ăn hổng có chừa giọt nước…

Người được ăn lại không cám ơn mà còn bảo người nấu phải cám ơn mình nữa. Gã cười cười đứng lên.

– Cô nói đúng… Tôi rất cám ơn vì cô mà ăn như vậy thì tôi khỏi phải rửa cái tô. Để vậy sáng mai ăn tiếp…

Giọng cười rất lạ của người đàn bà vang vang trong căn nhà ấm dần vì lò sưởi đang cháy sáng. Gã nói trong lúc dọn bàn ăn.

– Tôi muốn hỏi một câu. Ông thấy tiện thì trả lời còn không tiện thì thôi…

– Cô cứ hỏi…

– Ông nấu ăn ngon mà tại sao lại ở một mình.

Gã vặn.

– Sao cô biết tôi ở một mình. Tôi có vợ hai con rồi…

– Xạo…

Người đàn bà buông tiếng ” xạo ” rồi cất tiếng cười thánh thót.

– Nếu có gia đình thì giờ này ông phải sống yên ấm bên vợ con chứ đâu có chui vào cái xó xỉnh lạnh ngắt này để ở một mình…

Gã cười cười.

– Tôi đâu có ở một mình…

Làn da mặt của người đàn bà hơi hồng lên chút xíu vì câu nói của gã. Tuy nhiên cô ta cũng không cự nự bằng lời hay tỏ cử chỉ nào phật lòng.

– Chỗ này là chỗ tôi trốn người. Cô cũng là người có gia đình mà tại sao lại chui vào cái xó xỉnh lạnh ngắt này để trốn người…

Người đàn bà nhìn gã giây lát rồi không biết nghĩ gì lại quay nhìn ra cửa sổ. Mưa gió xạc xào.

– Mời cô tới ngồi cạnh lò sưởi cho ấm. Cô ngồi lên cái ghế lớn nhất đó…

Bắt gặp cái nhìn dò hỏi của khách, gã cười nhẹ.

– Chỗ đó đặc biệt nhất nên tôi dành cho khách quí.

Người đàn bà ạ tiếng nhỏ bước tới ghế ngồi. Bây giờ cô ta mới biết cái ghế này có thể hạ xuống cho mình duỗi chân ra. Điều làm cho cô thích nhất chính là ngó thẳng vào lò sưởi đốt bằng củi lửa đang cháy đỏ.

– Đây là chỗ ông thường ngồi phải không?

Gã chưa trả lời người đàn bà cười tiếp.

– Lòng quí mến của ông khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà ba mẹ…

Gã cười cười nhẹ gật đầu như đồng ý.

– Cô thích trà hay cà phê?

– Nếu có thể được ông cho tôi xin tách trà nóng…

– Cô hơi khách sáo đó nghen…

Người đàn bà mỉm cười.

– Xin lỗi ông… Đó là thói quen không  bỏ được. Tôi trưởng thành ở trong bầu không khí khách sáo và kiểu cách… Chính gì vậy mà tôi mới trốn…

Nói tới đó cô ta ngưng ngang như biết mình lỡ lời. Gã cười im lặng. Lát sau người đàn bà thấy gã bưng một cái khay bằng gỗ ra đặt xuống bàn. Một bình trà khá lớn bốc khói. Một bình trà nhỏ hơn. Một cái tách lớn. Hai tách nhỏ. Gã biết người đàn bà ngạc nhiên và thắc mắc song lại im lặng không hỏi. Gã cũng không giải thích. Người ta đã không hỏi thì trả lời làm chi cho mệt. Dù không hỏi song người đàn bà mỉm cười nhìn từng cử chỉ nhỏ nhặt của gã. Bằng một thái độ từ tốn và thong thả, gã nhấc bình trà bằng sứ tráng men trắng muốt lên rót vào cái bình trà nhỏ hơn cũng bằng sứ tráng men bóng mượt mà. Khi nước chảy ra người đàn bà ngửi được hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.

– Thơm…

Khen xong cô ta mở lớn đôi mắt vì ngạc nhiên khi thấy gã lại rót trà từ trong cái bình trà nhỏ vào trong bình trà lớn rồi đậy nắp lại. Ngước nhìn người đối diện, gã cười nhẹ.

– Ba tôi có người quen ở Sài Gòn. Khi đi du lịch sang Mỹ ông này mua tặng ba tôi một bộ bình trà. Ba tôi lại cho tôi vì muốn tôi tập uống trà. Tôi mang lên đây tính pha cho anh chị Chánh uống thử nhưng hổng may. Cô có cái duyên được thử trước…

– Ồ… Sao ông không chờ anh chị Chánh…

Gã cười cười.

– Cô là bạn của tôi… Đã là bạn thì đâu có sự phân biệt…

Người đàn bà cười im lặng nhìn gã rót nước trà từ trong cái bình trà lớn sang bình trà nhỏ rồi sau đó rót từ bình trà nhỏ sang cái tách lớn rồi sau đó lại rót từ tách lớn sang hai cái tách nhỏ. Nhìn người đối diện, tay nâng tách trà lên gã cười.

– Mời cô…

Người đàn bà thong thả nâng tách trà đưa lên tận mũi, hít hơi dài đoạn nói nhỏ trong lúc nhìn gã.

– Thơm quá… Hình như hương hoa lài…

– Cô nhận xét đúng. Xung quanh nhà này tôi trồng rất nhiều bụi hoa lài. Khi nó nở hoa tôi hái lấy lúc còn tươi, dùng máy giữ kín lại rồi đem đông lạnh. Khi nào uống trà tôi đem ra pha…

Người đàn bà cười gật đầu tỏ ý hiểu. Hớp ngụm nhỏ nước trà, ngậm trong miệng giây lát rồi mới nuốt vào, cô ta cảm thấy cái ấm áp dịu dàng khiến cho mình sảng khoái. Gió hú ngoài trời đêm. Có tiếng rơi lộp độp trên mái nhà giống như tiếng nước rơi.

– Chắc có bão tuyết ở đâu đó… Vùng này thuộc rặng Appalachian…

Nghe gã nói người đàn bà ngước lên cười hỏi.

– Ông qua đây lâu chưa?

Gã cười trả lời.

– Tôi sinh ra trên xứ này…

– Ạ…

Nín lặng giây lát cô ta mới thỏ thẻ.

– Tôi thì mới qua đây được vài năm…

Gã cười không nói. Lát sau có lẽ không biết làm gì gã lại đưa tách trà lên uống ngụm nhỏ. Người đàn bà cũng vậy. Bàn tay nhỏ nhắn với năm ngón tay dài nuột nà mân mê cái tách trà bằng sứ tráng men trắng muốt. Hai người dường như có nhiều điều muốn hỏi muốn nói nhưng vì nghĩ là chuyện riêng tư của người khác nên ngại ngần không lên tiếng. Người đàn bà, tay cầm tách trà nóng, mắt đăm chiêu vào ánh lửa của lò sưởi đang cháy. Củi nổ tí tách bắn ra những tia lửa nóng màu vàng sậm.

– Lửa cháy đẹp quá…

Mắt vẫn nhìn vào lửa cháy trong lò sưởi, người đàn bà cười nói nói với gã đang ngồi nơi chiếc ghế đối diện.

– Nhà tôi chỉ có lò sưởi bằng ga. Bây giờ được ngồi ngắm lò sưởi đốt bằng củi tôi thấy khác nhiều…

– Khác như thế nào thưa cô?

– Ánh lửa của củi có màu lãng mạn, thơ mộng. Mùi của gỗ thơm hơn. Ngồi ngắm lửa cháy tôi cảm thấy mình được chút yên bình…

Ngước nhìn người đang ngồi đối diện với mình, người đàn bà hơi mím môi cười.

– Cám ơn ông đã dành chỗ tốt nhất cho tôi…

Gã cười cười.

– Đó là lý do tôi thích lên đây ở mùa đông. Ban đêm ngồi bên lò sưởi, không gian im lặng mình có thể mơ mộng…

Ngừng lại uống ngụm trà gã nói tiếp trong lúc nhìn ra cửa sổ.

– Ban ngày trời âm ấm tôi thích đi lang thang trong rừng. Xa lánh cuộc đời nhiều chừng nào tôi nghĩ tâm hồn của mình sẽ được yên bình nhiều chừng đó…

Cười nhẹ uống ngụm nhỏ trà, đặt cái tách xuống bàn xong người đàn bà cất giọng.

– Tôi thích ý nghĩ của ông. Sáng mai thức dậy tôi sẽ đi dạo…

Người đàn bà ngưng nói nhìn người đối diện. Dường như ý của cô ta muốn nói là nếu ông thấy thích ông có thể đi dạo cùng tôi. Tuy nhiên thấy gã vẫn im lìm nhìn ra cửa sổ, cô ta phải buông câu dò đường.

– Chắc ông rảnh sáng mai…

– Rảnh thì lúc nào tôi cũng rảnh…

Câu trả lời như không có trả lời của gã làm cho người đàn bà hơi chau mày rồi nín lặng. Tuy thấy cử chỉ đó song gã lờ đi. Cầm lấy tách trà uống vài hớp cho cạn, người đàn bà nói.

– Xin lỗi ông tôi đi nghỉ trước. Tôi muốn thức dậy sớm ngày mai…

– Cô cứ tự nhiên… Chúc cô ngủ ngon…

– Cám ơn ông…

Người đàn bà đứng lên nhẹ bước về phòng của mình. Tay cầm nắm cửa cô ta quay nhìn thấy gã vẫn ngồi im nhìn ra cửa sổ. Ngoài trời tối đen.

2.

Mặc dù trời mát lạnh nhưng có người lại đổ mồ hôi vì đi bộ. Nhìn vào đồng hồ đeo tay của mình thấy chỉ gần 10 giờ sàng, người đàn bà lẩm bẩm.

– Mình nên trở về kiếm cái gì ăn. Hổng biết ông ta cho mình ăn cái gì đây?

Vừa lẩm bẩm, cô ta bước lần theo con đường mòn. Chỉ mươi phút cô ta bước vào sân sau của ngôi nhà gỗ. Trời sáng hẵn lại có chút nắng nên cô ta mới thấy ngôi nhà khá rộng. Tường vách là những thân cây ghép lại với nhau. Nhờ được đẽo gọt và thoa lớp dầu bóng nên lớp gỗ bên ngoài thật đẹp với những cái vân là lạ. Mái nhà nhọn cao. Sân sau lớp cỏ xanh xanh còn đọng sương. Lá khô rơi đầy. Chiếc ” picnic table ” rộng và dài với sáu cái ghế đặt chính giữa sân. Bước ngang qua cái bàn cô ta dừng lại vì một vật đặt trên mặt bàn đập vào mắt. Đó là cái laptop hiệu Dell Inspiron15. Tuy nhiên vật đó không gây sự chú ý của cô ta bằng những dòng chữ. Đứng đối diện với màn hình cô ta lặng thinh đọc những dòng chữ đang hiện ra. Nó như là tựa của một tiểu thuyết với tên ” Yêu nhau trong guồng máy ” chiếm gần nửa trang. Ở trên đầu cùng tên tác giả còn ở bên dưới có hàng chữ Tiểu Thuyết. Trang kế bên có chữ Dàn Bài với phần tóm tắt của nội dung, tên và mọi chi tiết của nhân vật. Sau cùng là số chương được đánh dấu từ 1 cho tới 20. Người đàn bà mỉm cười lắc đầu lẩm bẩm điều gì đó rồi lật qua trang kế tiếp. Hàng chục tên nhân vật hiện ra với đầy đủ chi tiết như ngày sinh, nơi sinh, tên cha mẹ, khuynh hướng chính trị, sở thích, tính tình, tôn giáo. Đọc xong không biết nghĩ gì mà cô ta gõ lên bàn gõ dòng chữ: ” thích cái tựa. bố cục vững. Muốn biết thêm cảm nghĩ xin gặp Ngọc Trâm”.

Gõ xong cô ta mỉm cười bỏ vào nhà. Trên bàn ăn của nhà bếp có mảnh giấy ghi: ” hủ tiếu đã được làm sẵn chỉ cần nước nóng. Cà phê nóng. Enjoy yourself…”. Nói lên hai tiếng Thank You, người đàn bà rót nước nóng vào tô hủ tiếu và rót cà phê vào tách đoạn ngồi xuống vừa ăn vừa đọc điện thư trên màn hình của chiếc điện thoại.

*****

Gã thong thả bước vào sân sau. Nắng lên cao làm không khí ấm thêm. Bước tới chiếc bàn trên có đặt cái laptop gã ngồi xuống ghế. Gõ nhẹ lên bàn gõ một cái, gã chăm chú đọc dòng chữ rồi lắc lắc đầu cười. Đậy laptop lại, ôm nó bên tay gã xô cửa sau bước vào nhà bếp. Không có người nào ngồi hết chỉ có mảnh giấy ghi: ” Hủ tiếu ngon lắm. Cám ơn nhiều. Chiều nay ăn gì đây? ”… Bật lên tiếng cười ngắn gã bước ra phòng khách. Cũng không có ai ngồi. Gã nghe có tiếng động phát ra từ phòng ngủ của người đàn bà đã lưu lại trên laptop của mình cái tên Ngọc Trâm. Ngần ngừ giây lát gã mới chịu bước tới rồi gõ lên cửa ba tiếng.

– Dạ…

Tiếng bước chân di động. Cửa mở ra. Gã cười với khuôn mặt không son phấn.

– Tôi cám ơn về dòng chữ đã lưu lại…

Người đàn bà tự xưng tên Ngọc Trâm cười nhẹ.

– Không có chi. Tôi viết như vậy có làm ông khó chịu không?

Gã chưa kịp nói Ngọc Trâm tiếp liền.

– Phú Mỹ là tên thật hay bút hiệu của ông?

– Cả hai khi tôi viết bằng tiếng Việt … Ba tôi nói Phú Mỹ là tên của một địa điểm gì đó ở Việt Nam…

– Tôi cũng nghĩ như vậy…

Phú Mỹ hơi lùi lại như muốn nhường chỗ cho Ngọc Trâm bước ra ngoài. Mỉm cười tỏ vẻ cám ơn, cô đi trước ra phòng khách.

– Cô Ngọc Trâm đi bộ theo đường nào?

– Tôi chẳng biết và cũng chẳng để ý. Lúc đi theo cửa trước rồi lúc về lại về cửa sau… Chắc tôi phải cần một người hướng dẫn để khỏi đi lạc…

Nói xong cô ta cười hăng hắc.

– Sáng mai tôi sẽ đi với cô Ngọc Trâm…

– Ông tình nguyện chứ tôi hổng có bắt buộc nghen…

Phú Mỹ chậm rãi gật đầu.

– Tôi tình nguyện. Đúng ra tôi sợ cô đi lạc. Cô lạc thì tôi mất dịp liên lạc với cô để biết thêm chi tiết…

– Ông viết văn tài tử hay chuyên nghiệp…

– Cả hai. Tôi là một ” full-time freelance writer ”. Viết tiếng anh để sống còn viết tiếng mẹ đẻ để vui…

– Tôi không thấy tên ông trên sách báo của người Việt?

– Tôi viết trên mạng… Tôi nghĩ viết trên mạng có nhiều người đọc hơn…

– In thành sách hay viết trên báo thì ông nổi tiếng hơn…

Ngọc Trâm nhìn Phú Mỹ trong lúc nói câu trên xong rồi mới cười tiếp.

– Tôi nghĩ ông cũng chẳng mấy quan tâm về chuyện có tiếng tăm trong cộng đồng người Việt…

Ngừng lại cô thấy Phú Mỹ cười cười nói như lời giải thích hay phân trần.

– Tôi có mục đích riêng khi đăng bài trên mạng. Người ở trong nước được đọc những gì tôi viết…

Ngọc Trâm cười nhẹ. Nhìn nụ cười đó Phú Mỹ biết người đang trò chuyện với mình đã nghĩ ra, đã biết ra câu trả lời song vẫn hỏi để dò xét ý nghĩ của mình.

– Ngọc Trâm ma lanh lắm…

Ngọc Trâm cười hăng hắc dù bị mắng. Dường như cô không giận mà còn thích thú khi bị mắng ma lanh. Riêng Phú Mỹ sau khi buột miệng nói câu đó mới biết mình có hơi lỡ lời bèn hỏi nhỏ.

– Cô không giận tôi?

Ngọc Trâm nhún vai cười.

– Ngu sao giận…

Nói xong cô ta bước tới chiếc ghế mà đêm qua mình đã ngồi. Chưa chịu ngồi xuống cô  hỏi.

– Chỗ này vẫn là chỗ của tôi ngồi phải không?

Phú Mỹ cười nhẹ.

– Ngày nào cô còn ở đây thì đó là chỗ ngồi của cô. Tôi sẽ viết thông cáo báo cho anh chị Chánh biết…

– Cám ơn ông đã dành cho tôi chỗ ngồi đặc biệt trong nhà của ông…

– Không có chi… Tôi rất hân hạnh…

– Ông chê tôi khách sáo mà ông cũng như tôi…

– Chắc tôi bị cô lây…

Cười hăng hắc Ngọc Trâm buông mình xuống ghế rồi ngã người ra. Duỗi hai chân dài cô nhìn lò sưởi vẫn còn âm ỉ cháy. Ban ngày nên than hồng nhiều hơn. Có lẽ chủ nhà muốn giữ chút hơi ấm và làm mồi lửa.

– Cô Ngọc Trâm lạnh không. Tôi đốt thêm lửa nghen…

Ngọc Trâm cười bằng mắt vì cử chỉ săn sóc này.

– Tôi không lạnh mà chỉ muốn nhìn lửa cháy. Chắc tôi phải lên đây mỗi mùa đông để được ngắm lửa cháy trong lò sưởi.

– Tôi rất hân hạnh…

Phú Mỹ nói gọn bốn tiếng. Hiểu cái thành ý của Phú Mỹ, Ngọc Trâm cười thánh thót.

– Mà ông phải có mặt ở đây để đốt lửa chứ…

Bước vào nhà bếp, Phú Mỹ quay lại cười thốt.

– Tôi sẽ ở đây chờ được đốt lửa cho cô Ngọc Trâm ngắm…

Trở ra với khay trà giống như đêm hôm qua, Phú Mỹ đặt xuống mặt bàn kính rồi cười hỏi một câu.

– Cô Ngọc Trâm nghỉ hè bao lâu?

– Có chuyện gì hông. Ông tính đuổi tôi về hả?

Nghe giọng cười Phú Mỹ biết cô ta nói đùa.

– Đuổi thì tôi không đuổi. Tôi chỉ muốn biết để sắp xếp chương trình hướng dẫn cô đi chơi. Anh Chánh đã giao cho tôi việc tiếp đãi cô nên tôi phải làm cho đàng hoàng.

– Tôi tính ở chơi một tuần nhưng vì anh chị Chánh chưa biết ngày nào trở lại mà tôi lại thích phong cảnh nơi đây nên tôi có thể ở thêm vài ngày nữa. Phải ăn hết cơm gạo, mì hủ tiếu, phở của ông thì tôi mới chịu về…

– Như vậy thì còn lâu lắm cô mới ăn hết thức ăn của nhà hàng Phú Mỹ…

Hai giọng cười cùng cất cao tạo bầu không khí thân thiện giữa hai người xa với lạ mới gặp nhau không lâu.

3.

Mùa đông cây trụi lá trừ một vài loại cây thích hợp với cái lạnh thì lá vẫn xanh. Hai người bước song song trên con đường mòn chạy ngoằn ngoèo giữa khu rừng. Gần trong tầm mắt nhìn, đỉnh núi nhô lên màu trắng xám. Lớp sương mỏng đọng nền đất đầy lá cây khô vàng.

– Ông hổng lạnh hả?

Ngọc Trâm hỏi khi thấy anh mặc phong phanh hai lớp áo còn mình thì nón đội đầu, khăn quàng cổ, găng tay, giày đi tuyết, áo len và áo khoác ngoài dày cộm. Chưa vội trả lời, Phú Mỹ quay qua nhìn Ngọc Trâm rồi bật lên cười.

– Ngọc Trâm giống như con gấu bông… Mới có ba mươi mấy độ mà lạnh gì…

Ngọc Trâm rên hừ hừ.

– Ba mươi mấy độ mà hổng lạnh. Ông đúng là người tuyết rồi. Tay tôi lạnh cứng nè…

Nói xong nàng đưa bàn tay đang mang chiếc găng tay bằng len dày cộm chạm vào mặt Phú Mỹ.

– Thấy chưa… Một hồi hai chân tôi cứng không đi được là ông đem xe chở tôi về nghen…

Phú Mỹ cười nhẹ.

– Cô không đi được tôi cõng về cho. Bây giờ còn đi được cứ đi…

Mặc dù than lạnh nhưng Ngọc Trâm lại bước nhanh lên dẫn đầu. Phong cảnh quạnh vắng và đìu hiu. Gió rừng ru nhẹ thành âm thanh dặt dìu. Bước chân giẫm lên cỏ thành âm thanh lạc lõng. Chút hửng nắng ở về hướng đông nơi có đỉnh núi nhô cao. Buổi sáng không gian trầm lắng vào nỗi trơ trọi của chính mình.

– Tôi muốn hỏi ông một câu được không?

Ngọc Trâm nói mà không quay đầu lại. Im lặng giây lát mới có tiếng nói cất lên.

– Được…

– Tại sao ông vẫn còn độc thân?

– Tại vì tôi hổng muốn lấy vợ…

– Ông đừng trả lời như vậy. Tôi hỏi thật mà…

Nghe như có tiếng thở dài ở sau lưng mình, Ngọc Trâm nghĩ vậy.

– Phải nói là tôi chưa tìm ra đối tượng nào có đủ mánh khóe dụ tôi ký giấy ở tù…

Phú Mỹ nghe tiếng cười ré lên ở đằng trước. Anh nhìn thân hình của người đang cười chuyển động dưới mấy lớp áo dày. Anh nghe giọng cười ngọt ngào và ấm áp dù mùa đông trời lạnh ngắt. Anh tưởng tượng ra thân vóc mà hai ngày quen biết anh chưa thực sự thấy bằng mắt của mình. Ngọc Trâm lúc nào cũng bị bó, bị trùm kín mít bằng mấy lớp quần áo, giày vớ. Chỉ có lộ ra khung mặt. Làn tóc đen lơi trên vai. Vầng trán bướng bỉnh. Cặp chân mày hơi rậm gọn. Đôi mắt sâu với tia nhìn chiếu rọi. Mũi cao. Cái miệng hơi rộng. Phú Mỹ biết sở dĩ mình có ngay cái thiện cảm với Ngọc Trâm chỉ vì cô ta có đôi mắt rất giống với đôi mắt của mẹ mình. Đôi mắt dịu dàng đó tạo ra sự thân quen.

– Đối tượng của ông phải có mánh khóe nào nói nghe coi…

Ba tiếng ” nói nghe coi ” thường được hiểu như cộc cằn thô lỗ nhưng giọng nói của Ngọc Trâm lại như có vẻ cợt đùa và thân mật khiến người nghe không thể phiền giận.

– Đầu tiên người đó phải ma lanh…

Đi đằng trước Ngọc Trâm phá ra cười sặc sụa. Dĩ nhiên nàng biết người đang ở sau lưng ám chỉ và giễu cợt mình.

– Còn gì nữa?

– Thứ nhì đối tượng phải có cái gì để tôi thích kề cận…

– Cái gì là cái gì?

Tới phiên Phú Mỹ bật lên cười ha hả một cách thống khoái. Lát sau khi dứt cơn cười anh mới cất giọng hơi nghiêm.

– Cô thử nghĩ coi. Mình ở chung nhà với một người mà hổng thích lân la kề cận thì làm sao mà ở lâu dài được…

Ngọc Trâm ngắt lời.

– Cái này tôi đồng ý với ông… Khó mà tìm được một đối tượng tạo cho mình cảm giác bình yên để mình thích lân la kề cận bên họ…

Phú Mỹ im lặng. Lát sau anh nghe có tiếng thở dài rồi giọng nói vọng vào tai của mình.

– Đôi khi đối tượng mà mình thấy ban đầu lại có thêm một đối tượng ở bên trong mà cái này mới là thật…

– Tôi hiểu cô Ngọc Trâm muốn nói điều gì. Cám ơn sự chia xẻ kinh nghiệm của cô…

Ngọc Trâm cười thánh thót.

– Tôi rất vui khi được nói chuyện với ông. Ông chịu mình đi về chưa. Tôi lạnh cóng cả người nè…

Ngọc Trâm chậm chạp quay người lại. Phú Mỹ thấy trong đôi mắt của cô có chút gì buồn bã khiến cho anh không dám nhìn lâu mà phải xoay người đi trước dẫn đường về nhà. Anh mỉm cười khi nghe người đi sau hát nho nhỏ không biết bài hát của ai hay do người hát tự đặt ra. Dù không biết tên bài hát song anh nghe quen lắm.

Buông mình xuống chỗ ngồi quen thuộc của mình ở phòng khách Ngọc Trâm nói bằng giọng vòi vĩnh.

– Mệt quá… đói bụng quá… Có gì ăn hông nói nghe coi…

Mở cửa tủ lạnh ra Phú Mỹ cười nói lớn.

– Trưa nay mình ăn chay…

Ngọc Trâm kêu với giọng van nài pha chút cợt đùa.

– Hổng được đâu… Tôi còn chẻ và yêu đời mà ăn chay sao được… Ông phải đãi tôi thứ gì ngon ngon tôi mới chịu…

– Thế à… Thôi mình ăn tạm bánh mì thịt nghen…

Ngọc Trâm nhỏm người dậy khi nghe nói ăn tạm bánh mì thịt.

– Ông có cần tôi phụ gì không?

– Chắc là không. Tôi xin cô mười phút…

Không nói thêm lời nào Ngọc Trâm đi vào phòng của mình. Vừa thay xong quần áo cô nghe giọng của Phú Mỹ vang lên ngoài bếp.

– Bánh mì xong rồi… Cô chậm là tôi ăn hết…

Khẽ mỉm cười cô lẩm bẩm.

– Ông mà ăn hết là tôi dọng vô mặt ông liền…

Phú Mỹ đang ngồi nơi chiếc bàn ăn có sáu ghế ngồi. Trên mặt bàn bày hai cái dĩa có hai khúc bánh mì cỡ gang tay và hai ly nước cam. Đợi cho Ngọc Trâm ngồi xuống ghế, anh mới cười thốt.

– Mời Ngọc Trâm dùng thử bánh mì Phú Mỹ…

– Cám ơn ông. Chưa ăn mà tôi cũng cảm thấy ngon rồi…

Há miệng cắn một cái, nhai nuốt Ngọc Trâm đưa ngón tay cái lên như một lời khen.

– Ư… ư… ngon quá… bánh mì giòn rụm, nóng hổi vừa thổi vừa ăn…

Phú Mỹ bật cười lớn khi nghe cô pha trò.

– Ư… ớt cay ngon quá… Ông nên nghe lời xúi dại của tôi mở nhà hàng đi… Ít ra ông cũng có một người khách…

– Tôi mở nhà hàng chỉ nấu cho một người ăn thôi hả…

Ngọc Trâm gật đầu lia lịa.

– Đúng… đúng đó… Khách sẽ trả tiền sòng phẳng mà ” tip ” gấp đôi…

Cô thò tay bốc lát ớt đỏ tươi bỏ vào miệng nhai. Phú Mỹ trợn mắt nhìn.

– Hổng cay à…

– Cay gì… Ớt này tôi lủm nguyên trái cũng chẳng nhằm nhò gì… Ông làm sao mà bánh mì giòn rụm dzậy. Tôi ăn bánh mì khắp nơi mà cũng chưa ngon bằng của ông…

Thấy Phú Mỹ nhìn mình cười, Ngọc Trâm hiểu ý nên cất giọng nghiêm.

– Tôi không khen để lấy lòng ông đâu. Tôi ăn Lee’s Sandwich, Ba Lẹ và các tiệm bánh mì ở Cali, Texas, Toronto mà cũng không giống như của ông… Nước sốt vừa ăn, thịt mềm mà không bả, đồ chua dòn và tươi, bánh mì giòn mà ít vụn…

Đợi cho Ngọc Trâm dứt lời, Phú Mỹ mới cười thêm vào.

– Ngọc Trâm còn chưa nhắc tới một yếu tố quan trọng…

Ngọc Trâm nghe câu nói mà cô biết rất thành thực.

– Free… Tôi chỉ free cho người nào mà tôi quí mến. Như tôi viết free cho độc giả ở trong nước vì thương họ nghèo khổ, sống đời bất hạnh hơn tôi với Ngọc Trâm… Họ không có tiền để mua sách đọc. Có thể họ có tiền nhưng tiền đó để mua thức ăn trước. Hổng ăn thì hổng có đọc…

Phú Mỹ thấy người ngồi đối diện với mình chớp đôi mắt rồi mỉm cười nhẹ nhàng cất giọng.

– Tôi thích ông về điểm này…

– Cám ơn cô…

Uống ngụm nước cam xong Ngọc Trâm cười.

– Tiếng ” cô ” nghe cũng được. Nhưng tôi nghĩ ông thích gọi Ngọc Trâm hơn. Tôi ” free ” cho ông đó…

Tiếng cười liền theo. Phú Mỹ cũng cười theo một cách vui vẻ.

– Ăn xong rồi mình làm gì đây…

Phú Mỹ vừa định mở miệng nàng hớt lời trước.

– Hổng có đi bộ nữa đâu. Tôi rã giò rồi…

– Ngọc Trâm muốn làm gì?

– Tôi muốn đọc sách ở trong đó đó…

Ngọc Trâm chỉ vào cái laptop đang nằm trên mặt bàn viết ngay cửa sổ. Thấy Phú Mỹ do dự, cô xuống giọng.

– Nghen… Please… Tôi thích đọc để biết ” Yêu nhau trong guồng máy ” như thế nào… Cái gì chứ ” yêu ” là tôi không phản đối mà ủng hộ và hưởng ứng nồng nhiệt…

Phú Mỹ bật cười vì cử chỉ ngộ nghĩnh và buồn cười của Ngọc Trâm khi diễn tả về yêu.

– Tôi viết chưa xong mà…

– Hổng sao… có bao nhiêu tôi đọc bấy nhiêu…

– Tại sao Ngọc Trâm muốn đọc?

Phú Mỹ vặn và Ngọc Trâm trả lời liền như có sẵn ý nghĩ trong đầu của mình.

– Tôi muốn được là người đầu tiên được đọc truyện của Phú Mỹ. Đọc bản thảo thích hơn. Tôi rất hân hạnh đem khoe với bạn bè là tác giả cho tôi đọc bản thảo…

Nhìn đôi mắt long lanh van cầu năn nỉ, Phú Mỹ cười gật đầu rời ghế tới chỗ bàn viết.

– Ngọc Trâm muốn ngồi đây hay…

– Tôi đọc trong phòng được hông?

– Ở đâu cũng được…

– Ở nhà tôi được hông?

– Cái này thì tuỳ ở người đọc…

Ngọc Trâm cười hăng hắc khi nghe câu trả lời. Đưa tay đón cái laptop cô thì thầm.

– Cám ơn Phú Mỹ… Tại anh nói free mà…

Lần đầu tiên Ngọc Trâm gọi Phú Mỹ bằng anh. Cười gượng, Phú Mỹ đứng nhìn theo dáng đi của Ngọc Trâm cho tới khi cô bước vào phòng rồi lặng lẽ đi vào phòng của mình. Khép cửa lại xong xuôi, Ngọc Trâm leo lên giường. Ngồi dựa vào đầu giường, hai chân duỗi ra, cô đặt cái laptop lên đùi rồi nhìn vào màn hình. Những dòng chữ hiện ra. Cô hơi ngạc nhiên vì nó hơi khác hơn những gì cô đã đọc vội ngày hôm qua. Có lẽ Phú Mỹ đã sửa chữa và viết thêm. Đọc một mạch tới chương thứ 5 Ngọc Trâm ngừng lại. Cô nghe có tiếng gì là lạ khi xào xạc, lúc sồn sột như có ai làm cái gì ngoài sân. Thắc mắc cô vạch màn cửa sổ nhìn ra. Trời đất ơi… Phú Mỹ, áo polo ngắn tay, quần short, mang tennis shoes đang dùng cái cào cỏ to tướng cào lá khô thành đống cao nghệu bên hông nhà. Mở cửa sổ, ló đầu ra cô hỏi vọng ra.

– Có điên hông dzậy?

Cười hắc hắc Phú Mỹ giơ tay vẫy.

– Ra đây chơi đi. Trời ấm hổng có lạnh đâu…

– Cám ơn… Tôi hổng có điên…

Đóng cửa sổ, kéo màn lại cô còn nghe tiếng cười và câu nói vang lớn.

– Trời đẹp như vầy mà ở trong nhà mới điên… điên nặng…

Leo lên giường định đọc tiếp cô lẩm bẩm.

– Nói tôi điên hả… Tôi ra sân tôi dọng vô mặt cho biết…

Nhảy xuống giường, thay quần áo ấm Ngọc Trâm theo cửa sau bước ra vườn. Cô thấy Phú Mỹ nhìn mình cười vẫy tay. Chỉ nhìn nụ cười và cái vẫy tay đó cô biết chẳng có lý do gì để dọng vào mặt người ta. Nựng thì có. Cô bật cười vì ý nghĩ đó. Một điều cô nhận ra trời ấm hẵn lên chứ không lạnh như buổi sáng lúc hai người đi bộ. Bước tới đống lá khô cô giơ chân đá lá bay tứ tung.

– Ê… ê… làm gì kỳ dzậy?

Chân đá, tay hất lá bay tứ tung Ngọc Trâm cười hắc hắc.

– Tôi ghét ông… tôi đì ông cho bỏ ghét…

Buông cái cào cỏ ra, Phú Mỹ sải bước tới chỗ Ngọc Trâm đang giơ chân đá, tay quăng lá khô bay tơi tả. Hai tay anh đưa ra như muốn ngăn không cho cô làm. Cười hắc hắc Ngọc Trâm hốt nắm lá chọi vào mặt của Phú Mỹ. Không chịu kém anh cũng hốt lá ném trả lại. Cười hăng hắc, cười ha hả, hai người quăng ném lá vào nhau. Lá rơi trên tóc, áo, trên mặt song họ không màng vẫn tiếp tục trò chơi. Cuối cùng Ngọc Trâm ngồi bệt xuống đống lá khô còn Phú Mỹ nằm lăn ra bên cạnh chỗ Ngọc Trâm ngồi. Vừa thở cô vừa cười nói.

– Tôi chưa có khi nào vui như hôm nay. Tôi nói ông điên mà tôi nghĩ cái điên của ông rất…

Quay sang nhìn Phú Mỹ đang nằm, cô cười tiếp.

– … rất lãng mạn. Cám ơn nghen…

– Tôi phải cám ơn Ngọc Trâm mới đúng…

Vừa lúc đó có bóng xe chạy vào và bàn tay giơ ra vẫy vẫy. Ngọc Trâm đứng bật dậy reo lớn.

– Anh Chánh… Chị Biên… tới rồi…

Phú Mỹ ngồi dậy, chậm rãi đi sau lưng của Ngọc Trâm ra đón hai vợ chồng Chánh. Họ ra đúng lúc cặp Chánh Biên cũng vừa xuống xe. Ngọc Trâm ôm chầm lấy Biên. Cả hai đi vào nhà tíu tít trò chuyện. Đỡ lấy chiếc va li Chánh đưa cho, Phú Mỹ nói.

– Anh tới đúng lúc…

– Mọi chuyện ổn?

Bạn với nhau lâu năm, Phú Mỹ quen với lối nói chuyện của Chánh.

– Ổn… Anh nói đúng… Tôi không có gì để phàn nàn hoặc thất vọng về cô bạn của anh. Phải nói Ngọc Trâm rất duyên dáng và vui vẻ…

Chánh gật đầu.

– Theo lời Ngọc Trâm kể với Biên thì cô ấy học triết…

– Triết…

 Phú Mỹ kêu lên với nhiều ngạc nhiên.

– Tôi biết anh sẽ ngạc nhiên vì thời buổi này trong nước ít ai học cái môn khó kiếm cơm đó. Ngọc Trâm ở vào gia đinh khá giả nhờ công việc kinh doanh. Do đó cô ấy học cái mình thích hơn cái mình cần.

– Ngọc Trâm nói với tôi là có chồng…

Chánh cười nhìn bạn.

– Cô ấy cũng nói với tôi như vậy. Chồng Ngọc Trâm là thương gia giàu có lắm. Cách đây vài năm họ sang Mỹ sinh sống. Cái này thì tôi nghe Biên kể chứ Ngọc Trâm không có nói với tôi là sau khi sang Mỹ được thời gian thì Ngọc Trâm xin ly dị chồng mà không nói rõ lý do. Hiện thời thì cô ấy đang còn ly thân chứ chưa chính thức ly dị. Tôi nói chuyện với cô ta về văn chương nghệ thuật nhiều hơn về chuyện đời tư…

Hai người vào tới cửa. Mở cửa nhường cho Chánh vào trước rồi vào sau, Phú Mỹ thấy Ngọc Trâm và Biên ngồi ở bếp trò chuyện.

– Anh để tôi đem vào…

Chánh nói với bạn trong lúc hai tay xách hai chiếc va li đi về phòng ngủ của hai vợ chồng.

– Anh chị chắc chưa ăn tối phải không?

Biên cười trả lời.

– Chưa…

Nhìn Ngọc Trâm, Biên cười hỏi đùa.

– Hổm rày Phú Mỹ cho em ăn cao lương mỹ vị gì đâu nói nghe coi…

Nhìn Phú Mỹ đang ngồi kế bên, Ngọc Trâm xì tiếng dài.

– Cao lương mỹ vị gì đâu chị. Ổng cho em ăn mì cây gòn, bún thiêu Chợ Đũi, bánh mì ba trợn và phở chẳng ngon. Đã vậy còn bắt em cào lá nữa…

Nghe Ngọc Trâm vừa nói vừa cười sặc sụa, Biên cũng hùa theo.

– Vậy là Phú Mỹ tiếp đãi em đàng hoàng đó. Người khác là ổng cho gậm hot dog với hamburger…

Quay sang Phú Mỹ đang cười cười, Ngọc Trâm hỏi.

– Thiệt hả…

– Tôi biết Ngọc Trâm không chịu lạnh được nên không có nấu ngoài trời. Nhờ vậy cô mới được ăn bánh mì ba trợn…

Chánh xà vào ngồi góp chuyện. Nhà huyên náo và ồn ào lên. Biên bày ra mấy món ăn chơi mua ở tiệm như thịt quay, gà quay, nem chua. Phú Mỹ lôi ra chai Jack Daniel. Bốn người ăn nhậu, cười đùa, chọc ghẹo nhau một cách thân tình. Chánh hơn Phú Mỹ bốn tuổi. Biên với Phú Mỹ bằng tuổi nhau. Ngọc Trâm nhỏ nhất. Nhưng tuổi tác không là trở ngại. Họ rất hợp chuyện về văn chương nghệ thuật rồi tản mạn sang chuyện bên quê nhà. Ngọc Trâm tỏ ra rành rọt nhất trong chuyện này. Có nhiều điều Chánh với Phú Mỹ và Biên không biết hoặc biết lờ mờ thì cô lại biết tận tường.

– Tôi đói bụng mà uống rượu xót ruột quá. Ông có gì ăn hông?

Ngọc Trâm vòi vĩnh với Phú Mỹ.

– Ủa Ngọc Trâm chê thức ăn tôi nấu mà…

– Ai chê hồi nào đâu. Tôi chỉ than với chị Biên là ông cho tôi ăn mấy món lạ và ba trợn thôi… Ông cũng biết là mỗi lần được ông cho ăn tôi đều đưa ngón tay cái lên mà…

Ngọc Trâm đưa ngón tay cái lên cho hai vợ chồng Chánh Biên biết cô muốn chỉ điều gì. Phú Mỹ cười nhìn Chánh.

– Anh có cô bạn ma lanh hết biết. Cô ta học triết chắc là cô ta học môn triết học đường phố…

Chánh với Biên phá ra cười ngất. Phần Ngọc Trâm ré lên cười sặc sụa tới độ nước mắt chảy ra và cô phải lấy giấy chậm lên mắt mình.

– Ông có chịu cho tôi ăn chưa?

Phú Mỹ đứng lên đi tới chỗ cái bếp ga đang cháy liu riu.

– Tôi đãi anh chị và Ngọc Trâm một món…

– Có cần giúp gì hông?

Ngọc Trâm hỏi trỗng. Phú Mỹ cười cười.

– Tip…

– Dạ tôi sẽ nhớ…

Phú Mỹ đặt trước mặt mỗi người một cái dĩa có muỗng nĩa, tô cơm bốc khói và cuối cùng cái chão đầy thức ăn mà khi nhìn vào Ngọc Trâm bật reo tiếng lớn.

– Mực dồn thịt… Ui… ui… cái này tôi mê nhất…

Chánh gật gù.

– Món này ăn với cơm trắng thì hết chỗ chê…

Chưa ăn vội Phú Mỹ nhìn Ngọc Trâm ăn. Múc ít cơm bỏ vào dĩa, múc một lát mực và chút nước sốt, trộn trộn lại rồi dùng muỗng múc miếng nhỏ đưa lên miệng. Phú Mỹ thấy hai bờ môi há rộng ra bày hàm răng trắng đều đặn và chót lưỡi hồng hồng.

– Ummm… aaa…

Ngọc Trâm nói tiếng nhỏ khi bắt đầu nhai và nhai chậm rãi như để thưởng thức hương với vị của thức ăn. Đợi tới lúc nuốt xong cô mới nhìn Phú Mỹ.

– Ngon quá… Chắc tôi phải ” tip ” cho ông đầu bếp…

Tới phiên Biên với Chánh và Phú Mỹ bắt đầu ăn. Uống rượu đói bụng lại thêm thức ăn hợp khẩu vi nên bốn người ăn ngấu nghiến.

– Ngon…

Khen thêm lần nữa, Ngọc Trâm nhìn Phú Mỹ ngồi đối diện với mình.

– Cái này chắc là món ăn đường phố của ông hả?

Chánh bật cười khi nghe Ngọc Trâm hỏi móc Phú Mỹ.

– Không sai. Biết Ngọc Trâm học triết học đường phố nên tôi mới làm món ăn đường phố để đãi. Ngọc Trâm ăn ngon hông?

– Hổng ngon…

Ngọc Trâm đưa cái dĩa lên le lưỡi liếm chút cơm trộn với nước sốt còn dính trên dĩa xong thò ngón tay ra quẹt lấy nước sốt trong chão rồi bỏ vào miệng mút mút ngón tay của mình. Cử chỉ của trẻ con của cô làm ba người kia bật cười rồi cũng bắt chước làm theo. Bốn người thi nhau chấm mút, nhai nuốt thành ra chốc lát cái chão và tô cơm trắng sạch trơn.

– Mình ăn như vầy thì khỏi cần rửa chén…

Biên lên tiếng. Cười hắc hắc Ngọc Trâm hỏi.

– Ăn xong rồi mình làm gì?

– Đi bộ…

Phú Mỹ lên tiếng. Thở dài Ngọc Trâm nói bằng giọng than van.

– Giờ này đi bộ lạnh chết…

Tuy than van song cô cũng theo mọi người vào phòng thay quần áo ấm. Lát sau bốn người chia ra hai cặp nhàn nhã và thong dong đi trên đường tráng nhựa có đèn sang sáng.

– Tôi nghĩ lạnh nhưng thực ra cũng ấm…

Ngọc Trâm nói với người đi bên cạnh. Phú Mỹ cười nhẹ.

– Từ từ rồi Ngọc Trâm cũng quen dần…

– Tôi cám ơn về những ngày tôi ở đây. Tôi sẽ nhớ mãi kỳ nghỉ hè thú vị này. Ông và anh Chánh với chị Biên là bạn tốt của tôi. Ông không coi tôi như người xa lạ…

Phú Mỹ chợt nắm lấy tay của Ngọc Trâm rồi xiết nhè nhẹ. Không có cử chỉ phản đối hay hưởng ứng cô chỉ quay nhìn người đi bên cạnh và mỉm cười im lặng. Thật lâu Phú Mỹ mới lên tiếng.

– Tôi đã nói rồi mà. Bạn anh Chánh cũng là bạn tôi của tôi. Huống chi bây giờ Ngọc Trâm thực sự trở thành bạn của tôi. Tôi hi vọng mình sẽ làm bạn với nhau hoài…

Tới phiên Phú Mỹ biết tay mình bị bàn tay của Ngọc Trâm xiết nhè nhẹ.

– Tôi cũng dzậy… Tôi không có nhiều người bạn tốt như ông và anh chị Chánh…

– Tôi cũng thế… Không kể chị Biên, Ngọc Trâm là người bạn khác phái duy nhất…

Ngọc Trâm quay mặt qua nhìn Phú Mỹ rồi hỏi nhỏ.

– Tôi có thể tin ông điều đó không. Ông…

Phú Mỹ ngắt lời.

– Tôi nói thật. Cũng có một vài người theo đuổi tôi nhưng tôi lại không theo đuổi họ. Không phải gì hết mà chỉ vì tôi không có ” feeling ”…

– Tôi hiểu…

Phú Mỹ cười quay nhìn và thấy đôi mắt đen đang nhìn mình. Bóng tối có chút ánh đèn điện vàng làm đôi mắt có lực thu hút làm sao mà anh muốn hôn lên đôi mắt đó. Tuy nhiên anh phải cố cưỡng chống lại ý muốn vì biết chưa phải lúc và cũng không dám quả quyết là người có đôi mắt hưởng ứng cử chỉ của mình. Dường như cảm nhận ra ý nghĩ của Phú Mỹ nên Ngọc Trâm nhắm mắt lại phô ra đôi hàng mi dài cong.

– Ngọc Trâm có đôi mắt thật đẹp. Mẹ tôi cũng có đôi mắt đẹp song không bằng Ngọc Trâm.

– Mẹ ông đang ở đâu?

– Bà mất gần 10 năm rồi…

– Tôi buồn khi biết ông không còn mẹ…

Lần nữa Phú Mỹ biết bàn tay của mình bị xiết chặt hơn lần trước. Đang đi Ngọc Trâm thấy cặp Chánh-Biên quay đầu trở lại trong lúc Phú Mỹ vẫn đều bước. Ngang qua mặt cô thấy Chánh mỉm cười nhìn mình bằng ánh mắt bao dung của một người anh cả. Cô thầm cám ơn cử chỉ tế nhị đó.

Trang 2

Advertisement

2 thoughts on “Thôi bỏ đời đi

  1. Anh CSL kính,

    Đầu tiên tôi xin phép gọi “anh” vì tôi nghĩ anh và tôi có lẻ cùng tuổi và ngày xưa tôi cũng bị đi tù cải tạo hơn 3 năm ở trại Vườn Đào, Mộc Hóa.

    Rất cảm ơn anh đã cho đọc những tác phẩm của anh miển phí dù đó là sản phẩm tinh thần của anh. Không như những tác giả khác phải lấy lợi nhuận cho tác phẩm của mình. Thất không biết nói gì để bày tỏ sự biết ơn của tôi dành cho anh và những đứa con tinh thần anh đã gởi cho mọi người.

    Chúc anh cùng gia quyến một mùa Giáng sinh bình an, vui vẻ, và hạnh phúc.

    TCB.

  2. Kính anh TCB
    Cám ơn anh đã có lời chúc Giáng Sinh cho tôi và gia đình. Cũng như anh, tôi là một người lính của QLVNCH. Viết truyện cũng chỉ là việc nhắc lại thời chinh chiến đã qua, tưởng nhớ tới các đồng đội đã hy sinh vì tổ quốc hay bạn bè còn đang sống do đó tôi cũng chẳng muốn kinh doanh hay trục lợi gì. Cám ơn anh đã đọc truyện. Hi vọng tôi còn đủ sức khoẻ để viết cho anh và mọi người được đọc nhiều hơn nữa. Kính chúc anh và gia đình một mùa Giáng sinh bình an và tết tây vui vẻ.

Comments are closed.