trăng buông

bia_trangbuong

1

Tháng 5-1973. 9 giờ sáng.

Hai chiếc tàu sắt từ từ lùi ra giữa sông rồi quay mũi chạy về hướng đông.

– Mình đi đâu vậy anh?

Tuấn hỏi trong lúc đẩy mạnh cần ga. Hai máy dầu cặn rú lớn và kim đồng hồ từ từ tăng lên tới số 1000. Ngồi trên mui Quỳnh vừa nhìn vào bản đồ vừa trả lời chậm và nhỏ. Giọng của anh khàn khàn có lẽ vì thức khuya uống rượu và hút thuốc lá hơi nhiều.

– Biên Hòa…

– Mình biệt phái lên đó hả?

– Ừ…

Quỳnh trả lời gọn như không muốn nói chuyện nhiều nhưng Tuấn vẫn tiếp tục hỏi. Là lính mới xuống tàu hơn một tháng nên nó tò mò muốn biết đủ mọi thứ.

– Mình làm gì trên đó hả anh?

– Tuần tiễu… Giữ an ninh thủy lộ sông Đồng Nai…

Đưa tấm bản đồ lên ngắm nghía giây lát Quỳnh nói tiếp sau khi quẹt diêm đốt điếu thuốc.

– Địch dùng thủy lộ sông Đồng Nai vận chuyển vũ khí nặng cùng đạn dược để đánh vào Biên Hòa. Mình có nhiệm vụ ngăn chặn…

– Mình có hai chiếc tàu…

Nói tới đó Tuấn ngừng lại song Quỳnh hiểu người lính mới của mình muốn ám chỉ điều gì. Hít hơi thuốc thật dài, nhả khói ra từ từ anh nói với giọng thật chậm.

– Hai chiếc đủ rồi… Họ chỉ xin hai chiếc…

Tuy trả lời song Quỳnh lại nghĩ thầm thằng này hỏi nhiều quá. Hỏi thì ai cũng có quyền hỏi song cũng phải biết có những điều không nên hỏi và khi nào không nên hỏi.

– Mình biệt phái bao lâu?

Quỳnh cúi mặt gần sát vào tấm bản đồ hành quân chi chít chữ để giấu sự khó chịu của mình. Lát sau anh mới tằng hắng tiếng nhỏ.

– Tao không biết… Có thể một tuần, ba tháng hoặc lâu hơn…

– Anh tới Biên Hòa chưa?

– Vài lần… Hồi còn đi học… Thằng Thành nhà nó ở tại chợ. Mày muốn biết hỏi nó…

Tiếng Thành ở sau lái vọng lên khi nghe Quỳnh bán cái cho mình.

– Mày phải bao tao chầu cà phê. Tao hổng có làm vú em chùa đâu nghen…

Quỳnh hơi mỉm cười khi nghe người lính cơ khí của mình lên tiếng. Tuy chỉ mới có ba tuổi lính nhưng nó là một trong những người lính cơ khí giỏi nhất của đơn vị. Nhà có tiệm sửa xe gắn máy vì vậy nó nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa máy móc. Đó cũng là lý do khiến cho nó trở thành một chuyên viên về máy dầu cặn. Cũng nhờ nó có nhiều kinh nghiệm và siêng năng chịu khó bảo trì nên máy móc của chiếc tàu ít khi bị hư hỏng bất thình lình.

Thành bước ra trước mũi tàu. Dùng miếng giẻ lau hai bàn tay dính đầy dầu mỡ của mình nó móc túi lấy ra gói thuốc lá. Rút một điếu, bật chiếc zippo đốt thuốc xong nó leo lên ngồi cạnh thuyền trưởng.

– Chiều nay anh lên nhà tôi chơi nghen…

Cười cười nhìn người lính ở dưới quyền chỉ huy của mình hơn ba năm, Quỳnh hỏi gọn hai tiếng.

– Chuyện gì?

– Nhậu…

Thành trả lời thật vắn tắt. Quỳnh lắc lắc cái đầu tóc hơi dài của mình.

– Tao nhậu với ông Dương tối hôm qua giờ còn ớn. Ngửi mùi đế tao chóng mặt…

Thành cười hì hì. Hít hơi thuốc nó nói với thuyền trưởng một cách thân tình như nói với anh em trong nhà của mình.

– Ai bảo anh uống đế với vĩnh tòn ten. Tôi mời anh uống 33 mà… Anh mà nhậu đế hoài có ngày cháy ruột cháy gan…

Búng tàn thuốc lá xuống sông Quỳnh hừ tiếng nhỏ rồi mới nói như cố tình từ chối lời mời uống bia của nhân viên.

– Tao hết tiền rồi…

– Có sao đâu… Tôi bao anh mà… Mình lai rai vài chai 33 cho ngà ngà rồi nhìn đời bằng con mắt màu xanh…

Tuấn bật cười hắc hắc khi nghe Thành cải lương. Còn Quỳnh im lặng nhìn hai bên bờ sông như không muốn nói thêm. Những khóm dừa nước xanh um. Cỏ vàng úa. Nhà dân chúng lưa thưa. Mặt sông rộng ra và nước cũng bắt đầu đục hơn vì gần tới ngã ba. Hai con sông Vàm Cỏ Đông và Tây sẽ gặp nhau để biến thành con sông rộng hơn mang tên Vàm Cỏ rồi chảy thêm một khúc ngắn lại đổi tên thành sông Vàm Láng, khi ra gần tới biển lại nhập vào sông Soài Rạp rồi đổ ra biển Đông bằng cửa Soài Rạp. Dĩ nhiên tên Vàm Láng không có trên bản đồ hành quân mà chỉ là tên của dân địa phương đặt cho khúc sông ngắn mươi cây số này. Gió thổi mạnh. Nước lớn kéo theo từng dề lục bình trôi lang thang. Hàng dừa nước đung đưa trong cơn gió. Khóm cây bần mọc sát bờ sông lá vàng úa. Chiến tranh làm đất đai bị bỏ hoang nhiều hơn. Quỳnh đã thấy đất dọc theo sông Vàm Cỏ Đông từ trên vùng Bến Sỏi, Gò Dầu dài xuống tới Cần Giuộc hoang vắng không người cư ngụ và trở thành vùng tác xạ tự do.

– Alpha 11 đây 9…

Quỳnh nghe tiếng của Quốc vang trong máy 46. Như quen lệ Tuấn nhấc lấy ống nói đoạn đưa cho Quỳnh. Nó biết hai thuyền trưởng muốn nói chuyện với nhau.

– 11 nghe 9…

Quỳnh chậm chạp lên tiếng. Giọng của Quốc vang gấp gáp.

– Mình ngáo ở chợ Bưởi tối nay hả mậy?

– Ừa…

– Mày có chương trình giải trí gì hông?

– Hông… Mình tới đó trễ…

– Mấy giờ?

Quỳnh trả lời với giọng mệt mỏi.

– Chắc sáu bảy giờ…

Tiếng cười ha hả của Quốc vang vang cùng với giọng nói chế diễu và cợt đùa.

– Sáu bảy giờ mà trễ… Mày thành ông già hay đi tu hồi nào vậy?

Quỳnh cười nháy mắt với Thành. Cả hai biết Quốc quá nhiều. Nó sinh ở ngoài Bắc. Năm 54, mẹ bỏ nó lên thúng gánh xuống tàu há mồm đi vào Nam. Định cư ở Nha Trang nên nó có giọng nói trọ trẹ trung không ra trung mà bắc không ra bắc. Ngoài ra nó còn nổi tiếng trong đơn vị về tài nói nhanh, nói nhiều và nói dai hơn đĩa đói.

– Để tao nói chuyện với thằng Thành…

Quỳnh trao ống nói cho Thành xong im lặng nhìn dòng sông sáng lấp lánh của một ngày nắng nóng. Anh ước gì trời mưa để được nằm trên chiếc giường quen thuộc trong lòng tàu chật chội, vừa hút thuốc, vừa nhâm nhi ly cà phê và đọc lại bộ Anh Hùng Xạ Điêu. Tàu chạy ngang qua làng Nhật Tảo. Biết bao lần tàu đã chạy ngang qua địa danh nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh hào hùng và bất khuất của dân tộc song anh vẫn chưa có dịp ghé thăm.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phơ đằng sau lái của chiếc Alpha 9. Khi biệt phái cho các đơn vị bạn, bộ chỉ huy thường chọn các chiến đỉnh mà máy móc đang nằm trong tình trạng tốt nhất. Do đó mà các khinh tốc đỉnh mang số 9 và 11 được tuyển chọn vì hỏa lực mạnh, tốc độ nhanh và máy tàu tốt so với số còn lại. Nguyên giang đoàn có 7 khinh tốc đỉnh mang số 7, 8, 9, 11, 12, và 14. Vị chỉ huy trưởng của giang đoàn tin dị đoan nên khi nhận tàu từ hải quân Hoa Kỳ, ông ta đổi chiếc tàu mang số 10 thành ra 14. Lính nói giễu là ông có máu cờ bạc nên không thích số bù. Tuy nhiên lính vẫn quen gọi là Alpha 10.

– Mình đi ngã nào hả anh?

Tuấn lên tiếng hỏi. Thành trả lời khi thấy Quỳnh đã bỏ ra sau lái.

– Chạy chút nữa mày sẽ thấy bờ bên trái có con kinh đổ ra. Đó là Kinh Nước Mặn. Thằng 9 đi đâu mày theo đó…

Không hỏi nữa Tuấn vừa lái tàu vừa cầm lấy tấm bản đồ lên chăm chú xem. Lát sau nó lẩm bẩm.

– Nước Mặn đi ra sông Nhà Bè… Nhà Bè đi Biên Hòa… Mình khỏi hỏi ai hết…

Thành mỉm cười khi nghe người lính mới lẩm bẩm. Tính mở miệng nói điều gì song nghĩ sao nó lại lắc đầu rồi chậm chạp leo xuống sàn đứng nhìn chiếc Alpha 9 ở trước mặt đang từ từ rẽ vào Kinh Nước Mặn. Đi lại nhiều lần biết thủy trình có an ninh nên Quỳnh chui vào giường nằm đọc truyện chưởng một lát rồi thiếp ngủ.

– Anh Quỳnh… Tới Nhà Bè rồi…

Quỳnh hơi cựa mình khi nghe tiếng của Sang, thuyền phó vang bên tai. Giọng nói nhừa nhựa và còn ngái ngủ của anh vang chậm và rời rạc.

– Biết rồi… Chừng nào tới kho 5 gọi tao…

Sang vừa quay lưng đi Quỳnh nói vói theo.

– Nhớ bảo thằng Tuấn chạy sát bên bờ Thủ Thiêm khi gần tới bộ tư lệnh…

Sang gật đầu hiểu ý của cấp chỉ huy. Leo lên mui anh ra lệnh cho Tuấn đổi hướng đi sát bờ bên phải. Nhà sàn cất san sát dọc bờ sông xen lẫn với nhà ngói và cao ốc hai ba tầng. Thương thuyền trong nước và ngoại quốc buông neo đầy trên dòng nước khiến cho con sông Nhà Bè trở nên bận rộn suốt ngày đêm. Trong thời buổi chiến tranh thương cảng Sài Gòn trở thành một trong những thương cảng rộn rịp nhất của vùng Viễn Đông. Chậm chạp và lặng lẽ hai chiến đỉnh men theo bờ sông phía bên Thủ Thiêm đi lên Biên Hòa.

Khom người bước ra ngoài Quỳnh đứng nhìn hải quân công xưởng mà ngày xưa còn có tên sở Ba Son. Tàu chạy qua rạch Thị Nghè rồi lát sau tới Ngã Ba Đèn Đỏ, nơi sông Sài Gòn nhập vào sông Đồng Nai.

– Sông đó là sông Sài Gòn hả anh?

Tuấn vừa bẻ lái vừa nhìn bản đồ rồi đưa tay chỉ. Quỳnh gật đầu làm thinh. Rút gói thuốc lấy ra một điếu, gõ nhè nhẹ lên cái hộp quẹt rồi sau đó mới đốt thuốc. Hít hơi dài nhả khói ra từ từ anh cất giọng khàn khàn.

– Sông Sài Gòn là tên mà dân chúng hay gọi con sông phát nguyên từ hồ Dầu Tiếng, chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương rồi đổ vào sông Đồng Nai tại Ngã Ba Đèn Đỏ mà mày vừa chỉ đó. Thật ra con sông này được chia ra nhiều khúc mà tên gọi khác nhau…

Quỳnh ngừng lại để hít hơi thuốc. Đang đứng nơi cột ra đa, nghe thuyền trưởng nói Thành lên tiếng.

– Thật hả anh. Tôi chỉ biết có tên sông Sài Gòn…

Quỳnh cười gật gù.

– Tao nói theo sách vở… Từ hồ Dầu Tiếng tới gần chợ Thủ có tên sông Ngã Cái. Từ chợ Thủ Dầu Một tới cầu Bình Lợi người ta gọi là sông Thủ Khúc. Đoạn sông từ Bình Lợi tới ngã ba Đèn Đỏ gọi là sông Sài Gòn…

Thành hứ tiếng nhỏ.

– Kỳ quá… Lấy khúc sông Sài Gòn ngắn ngủn mà đặt tên cho cả nguyên con sông dài mấy trăm cây số…

Quỳnh cười cười hít hơi thuốc rồi im lặng như không muốn bàn cãi thêm. Búng tàn thuốc rơi xuống sông Thành lại hỏi.

– Sao gọi là sông Thủ Khúc hả anh?

Quỳnh ngập ngừng khá lâu mới trả lời.

– Tao không biết nhưng đoán Thủ là Thủ Dầu Một còn Khúc là khúc sông. Như vậy sông Thủ Khúc là khúc sông chảy qua tỉnh Thủ Dầu Một… Đó là tên gọi xưa của tỉnh Bình Dương…

Nói dứt Quỳnh ngừng lại rít hơi thuốc thật dài rồi mới lên tiếng hỏi sau khi ném tàn thuốc xuống nước.

– Mấy giờ rồi?

Thành giơ tay lên nhìn vào mặt chiếc đồng hồ Seiko.

– 2 giờ rưởi…

Lẩm bẩm mấy tiếng trong miệng Quỳnh ngước nhìn xóm nhà khá đông nằm dọc theo bờ sông. Đó là Cát Lái, nơi có một căn cứ của hải quân. Đối diện với Cát Lái là kho đạn Thành Thủy Hạ.

– Căn cứ gì vậy anh?

Tuấn hỏi.

– Căn cứ hải quân Cát Lái…

Trả lời xong Quỳnh hỏi lại.

– Mày chạy bao nhiêu?

– 1200…

– Lên 1500 đi… Muốn đi uống cà phê ở chợ Bưởi thời mày phải chạy ngàn rưởi hay ngàn bảy mới kịp… Từ đây lên đó khá xa…

Tuân lệnh thuyền trưởng Tuấn nhấn mạnh cần ga. Hai máy dầu cặn rú lớn phun ra chút khói trắng tan nhanh trong không khí. Nước sau lái tàu sủi bọt trắng xóa. Gió buổi trưa mùa hạ nóng nhưng nhờ ở giữa sông lớn nên không oi bức lắm.

Sang cười nói với Thành.

– Một máy mới đại kỳ chạy đã nghe mậy…

Gật đầu Thành bật cười hắc hắc nói đùa với Sang.

– Cho sếp Quốc hửi khói của mình…

Nó vừa dứt lời thời giọng của Quốc vang vang trong máy 46.

– Alpha 11 đây 9… Tiên sư anh… Anh ỷ có máy mới anh cho tụi này hửi khói của anh hả…

Tuấn định chụp lấy ống nói thời Thành nhanh tay hơn hớt trước.

– Anh nhanh lên… Chậm là tui gả em gái của tui cho thằng Tuấn…

Cái giọng nửa Bắc nửa Nha Trang của Quốc vang ong óng trong máy truyền tin át cả tiếng cười khằng khặc của Thành.

– Mày đừng có dại dột đem em mầy gã cho thằng Tuấn. Đó là trao duyên lầm tướng cướp…

Giọng nhừa nhựa của Quỳnh vang lên chậm chạp.

– Còn hơn trao duyên cho thằng sở khanh như mày… Tướng cướp dù sao cũng có lương tâm hơn sở khanh…

Nhân viên của chiếc Alpha 11 cười ha hả khi nghe Quốc im lặng. Quỳnh tiếp liền theo.

– Trao duyên cho thằng sở khanh như mày để lãnh cái bầu à. Mày mà biết nó có bầu là mày ca bài… Chiều nay ra khơi thoáng thấy dáng em có bầu… Tàu anh chạy tuốt…

Đang ngồi trong ụ súng đại liên 12 ly 7, Sang bật cười sằng sặc khi nghe Quỳnh ca bài Hoa Biển của Anh Thy. Bản nhạc này đã được thủy thủ ở các giang đoàn tác chiến của hải quân hát đi hát lại nhiều lần. Tùy theo hoàn cảnh và tùy theo người, họ sửa lời nhạc lại và hát như Quỳnh để biến bài Hoa Biển thành bài hát phổ thông đồng thời cũng làm cho Anh Thy nổi tiếng hơn dù nhạc sĩ tài hoa này không sáng tác nhiều vì đã hy sinh trên chiến trường lúc tuổi còn trẻ. Như hồi ở Rạch Giá anh đã nghe họ hát câu: ” Chiều nay ra khơi sóng lắc ghe chai muốn chìm…”

Kỳ và Biên bước ra trước mũi. Cũng giống như nhiều chiến đỉnh khác, chiếc Alpha 11 có sáu nhân viên kể cả thuyền trưởng với ba ngành cần thiết nhất là vận chuyển, cơ khí và trọng pháo. Quỳnh với Tuấn thuộc ngành vận chuyển; Sang, thuyền phó với Kỳ ngành trọng pháo; còn Thành và Biên ngành cơ khí. Nguyên tắc thời như vậy song hầu hết nhân viên thuộc các giang đoàn tác chiến đều là thủy thủ đa năng, đa nghề và đa hiệu, nhất là vị thuyền trưởng.

Quay nhìn chiếc tàu của Quốc xả khói đen cố bám theo tàu của mình đang ngược con nước ròng đi về Long Bình, Quỳnh ra lệnh cho Kỳ.

– Mày coi lại ụ 20 ly đi… Mình sẽ đụng với tụi nó…

Kỳ vừa quay lưng đi ra đằng sau lái anh nói vọng theo.

– Hai cây 50 và khẩu M79 đằng sau lái nữa… Nhớ lắp thêm đạn…

Kỳ im lặng vừa đi vừa lầm bầm. Quỳnh hướng về Sang đang ngồi nơi ụ 50 trước nói như mắng vốn vì Sang là người chỉ huy trực tiếp của Kỳ.

– Thằng đó chơi thời được mà làm thời lầm bầm…

Sang cười khặc khặc.

– Anh biết mà… Có tài thời có tật… Anh chọn nó chứ ai…

Quỳnh làm thinh không muốn cãi với Sang. Chức vụ thuyền trưởng nhỏ bé và ít quyền hạn không cho phép anh từ chối việc bổ xung nhân viên từ bộ chỉ huy giang đoàn. Huống chi lúc đó tàu lại đang thiếu hụt nhân viên trầm trọng vì Sang và Thành đều bị thương đang nằm bệnh xá, do đó anh đành phải nhận Kỳ dù không có thiện cảm với người lính có tật xấu này. Anh không biết ở các đơn vị khác thì thế nào nhưng riêng ở giang đoàn này thì lính càng cũ chừng nào càng khó trị chừng đó. Ỷ vào thâm niên và cấp bậc, lính cũ trở nên ba gai, ba trợn và ba đá. Dĩ nhiên đây chỉ là thiểu số mà thôi. Kỳ là một trong thiểu số lính cũ có một trong ba cái ba đó.

Chiếc tàu sắt rẽ nước phăng phăng tiến về hướng Long Bình. Bờ bên trái cây lá xanh um. Nhà lá và nhà ngói xen lẫn nhau. Hàng cau cao vút vượt lên trên nền trời xanh. Ngồi trên mui tàu ngắm những cây cau lã ngọn Quỳnh chợt nhớ tới quê ngoại của mình. Đã lâu lắm rồi, từ khi vùng đất mến yêu biến thành vùng giải phóng của địch, anh không còn dịp trở về nữa. Anh cảm thấy giữa mình với quê làng càng ngày càng bị chia cắt và cách xa hơn. Điều đó làm cho anh đau lòng và nỗi đau thầm kín xoáy sâu vào trong tâm khảm, hình tượng hoài hủy sự khắc khoải và ưu tư của người lính trẻ về cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc.

Quỳnh hơi ngửng đầu lên nhìn chiếc ghe gắn máy đuôi tôm từ trong con rạch nhỏ chạy ra. Chiếc ghe lớn khẳm lừ xuôi về miệt Sài Gòn. Dòng sông Đồng Nai chói chang ánh nắng. Bọt nước nổi lăn tăn xa đằng trước mặt. Trong bóng nắng của nước anh hồi tưởng lại tuổi học trò của mình. Tuổi mười bảy. Đệ tam. Hè. Anh và cô bạn học trường Lê Văn Duyệt đạp xe lên Lái Thiêu. Vườn trái cây rợp bóng mát. Nắng rơi theo bước chân đi. Nắng lỗ chỗ đọng trên mái tóc huyền dài xỏa lưng của Bình Minh. Tà áo dài bay trong cơn gió đồng. Đôi mắt trong đen của Bình Mình nhìn sâu thẳm miên man tình ý. Hò hẹn lâu rồi anh nói đi… Quỳnh chưa hề nói lời tình tự dù Bình Minh hiểu anh muốn nói điều gì. Tình bạn ngày càng thêm gắn bó, thân thiết và kéo dài tới khi thi xong tú tài 1. Quỳnh đi lính mà không hề giải thích cho cô bạn gái biết. Từ đó là xa nhau, là thôi không thấy nhau nữa. Anh cũng không bao giờ trở lại trường Lê Văn Duyệt để tìm Bình Minh. Dù vậy trong tâm tưởng anh đôi khi vẫn nhớ nàng.

– Alpha 11 đây Tango…

Tuấn nhấc lấy ống nói trao cho thuyền trưởng. Nghe giọng nói sang sảng Quỳnh biết đó là trung úy Trực, trưởng ban hành quân kiêm sĩ quan giang đỉnh của đơn vị.

– Alpha 11 nghe Tango…

– 11 đang ở đâu?

– Trình Tango tôi đang ở cách Lima Bravo chừng hai ô vuông…

– Khi nào tới Bravo Hotel, 11 báo cáo cho Tango biết… Nghe rõ trả lời…

Hiểu ý Quỳnh nói nhanh.

– Trình Tango… Tôi sẽ báo cáo khi tới Bravo Hotel…

Cuộc điện đàm chấm dứt. Đưa ống nói cho Tuấn, Quỳnh bật lửa đốt thuốc xong lại cắm đầu xuống tấm bản đồ hành quân đoạn chui vào phòng lái lục lọi trong đống sách vở bề bộn.

– Anh tìm gì vậy?

Tuấn lên tiếng hỏi nhưng Quỳnh im lặng không trả lời. Có thể anh không nghe hoặc nghe mà không muốn trả lời. Thấy vậy Tuấn nín thinh luôn vì biết mình đã quá tò mò vào chuyện của cấp chỉ huy. Có lẽ cũng biết điều đó nên Quỳnh tằng hắng tiếng nhỏ rồi thong thả giải thích cho người lính mới xuống tàu của mình nghe.

– Tao tìm cuốn sổ tay…

Lôi ra trong đống sách vở và tài liệu, Quỳnh đưa cuốn sổ tay cũ rích lên cho Tuấn thấy.

– Tao có thằng quen cùng xóm đi giang đoàn 24 xung phong. Đơn vị của nó từng hoạt động trên sông Đồng Nai. Mỗi lần tụi tao gặp nhau nó kể chuyện bị du kích núp bắn. Tao nhớ là tao đã ghi vào cuốn sổ tay những địa điểm mà nó kể. Nếu biết địa điểm…

Quỳnh ngừng lại. Tuy anh không nói hết câu song Tuấn hiểu. Leo lên mui tàu, đốt điếu thuốc, Quỳnh chậm rãi lật cuốn sổ tay cũ mèm có nhiều trang đã rời ra.

– Đây rồi…

Quỳnh lẩm bẩm. Như để thưởng cho trí nhớ của mình anh mỉm cười thích thú rít liên tiếp hai hơi thuốc thật dài rồi nhả ra từ từ. Khói thuốc theo gió bay vào mũi của Tuấn mùi hăng hăng. Mới đi lính gần một năm nên nó chưa nhiễm thói hư và tật xấu của lính. Đối với Tuấn, hút thuốc và uống rượu là thói hư còn đánh bài và chửi thề là tật xấu. Năm người lính cũ trên tàu nếu không có thói hư thời cũng có tật xấu hoặc có người có cả hai thứ ngoại trừ Ông Từ Sang. Không hút thuốc, không uống rượu, không chửi thề cũng không đánh bạc; Sang là một người lính gương mẫu của đơn vị và gia đình. Bởi vậy Sang mới được lính dưới tàu đặt cho biệt danh Ông Từ. Tiền lương lãnh ra nó không xài đồng nào mà đem về cho vợ. Nó có một phương châm sống rất giản dị và thực hành một cách đúng đắn. Không ăn của ai và cũng không ai ăn của nó được. Sang rất sòng phẳng trong chuyện tiền bạc. Tuấn nhận thấy lâu lâu Quỳnh mời Sang ăn sáng thời sau đó nó lại bao thuyền trưởng chai 33. Ở chung tàu với nhau lâu nên cả hai hiểu tính nhau và đối đãi với nhau rất sòng phẳng và điệu nghệ. Quỳnh với Thành là hai người có thói hư mà không có tật xấu. Đó là hút thuốc và uống rượu. Quỳnh hút thuốc lá liên miên, hết điếu này sang điếu khác. Anh hút hai hoặc ba gói mỗi ngày. Có thể nói Quỳnh xài hơn phân nửa tiền lương của mình vào thuốc lá và rượu. Số còn lại cho sách đọc và chi tiêu lặt vặt. Tuấn nhận thấy thuyền trưởng của mình đọc sách nhiều ngang với hút thuốc. Trên môi điếu thuốc thời trên tay anh là cuốn sách. Sách gì cũng được. Tờ Bách Khoa cũ mèm, tờ Sáng Tạo rách tả tơi, bộ truyện Ba Sinh Hương Lửa, Dọc Đường Số 1 và bộ truyện chưởng của Kim Dung đều lại được anh nâng niu và gìn giữ kỹ lưỡng hơn bộ quân phục đang mặc trên người. Một lần khi làm sạch sẽ cho tàu Tuấn mới khám phá ra dưới gầm giường của Quỳnh có vô số sách báo được chứa trong những thùng đạn đại liên.

– Mình tới đâu rồi anh?

Tuấn hỏi. Quỳnh ngước lên nhìn vào bờ bên phải rồi lát sau mới trả lời.

– Căn cứ Long Bình…

Thấy người lính mới tỏ vẻ ngơ ngác khi nghe mình nói tới tên Long Bình, Quỳnh mỉm cười hít hơi thuốc rồi mới giải thích vắn tắt.

– Mày ở Cai Lậy nên không biết nó đâu. Long Bình là căn cứ của lính Mỹ. Bây giờ Mỹ rút rồi nên giao lại cho lính mình. Hải quân cũng có một căn cứ dọc bờ sông…

– Tại sao lại đặt tên Long Bình?

Quỳnh bật cười hăng hắc vì câu hỏi này. Anh chưa kịp trả lời, tiếng của Thành vọng ra từ trong phòng ngủ. Chắc nó nghe được câu hỏi của Tuấn.

– Tại sao mày tên Tuấn?

– Ba má tôi đặt mà. Ổng bả nói hồi mới sinh ra tôi đẹp trai lắm nên ông bả đặt tên Tuấn, có nghĩa là tuấn tú…

Quỳnh mỉm cười khi nghe giọng cười khặc khặc trong họng của Thành. Được dịp xỏ xiên nên nó không khi nào chịu bỏ. Từ trong hầm chui ra đứng nơi mũi tàu nó xỏ liền một câu.

– Hồi nhỏ mày tuấn tú, đẹp trai sao bây giờ mười hai con giáp tao thấy mầy hổng giống con giáp nào…

Sang thêm vào một câu mà khi nghe xong Quỳnh không nhịn được phải bật lên tiếng cười.

– Chắc tại nó ăn trúng cái gì nên người nó méo mó, khỉ không ra khỉ mà người không ra người… Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi là nó đó…

Thành phá ra cười sặc sụa khiến cho Tuấn xụ mặt xuống và im lặng không dám nói thêm câu nào nữa. Nó đã khôn ra và biết im lặng là cách hay nhất để khỏi bị chọc quê thêm nữa, nhất là không tranh cãi với mấy người lính cũ chuyên ăn nói sống sượng và tìm đủ mọi cách chọc ghẹo mình.

– Chừng nào mình mới tới Biên Hòa hả anh?

Tuấn cố tình lãng sang chuyện khác bằng cách quay qua bắt chuyện với thuyền trưởng của mình. Hiểu ý Quỳnh cười cười.

– Chừng năm giờ rưởi…

– Anh đi nhậu hả?

– Chắc không…

– Thằng Thành rủ anh mà…

Quỳnh nhẹ lắc đầu.

– Tao ớn nhậu rồi. Chỉ muốn ngủ… Để thằng Quốc đi với nó…

17 giờ. Dòng sông nước trong xanh làm cho Quỳnh nhớ tới con sông Vàm Cỏ Đông khi lên tới vùng Trà Cú và Hiệp Hòa. Đang chăm chú vào tấm bản đồ, Quỳnh ngước lên khi nghe Tuấn hỏi.

– Mình đi ngã nào anh?

– Đi sát bên trái… đi thẳng…

Cắm đầu vào bản đồ Quỳnh nói chậm rãi như muốn giải thích cho người lính mới của mình biết rõ hơn.

– Chỗ này là làng Hiệp Hòa. Sông Đồng Nai tới đây chia ra làm hai dòng. Dòng bên trái là dòng sông chính, còn dòng bên phải là dòng phụ có tên Rạch Cát. Nó uốn cong hình chữ U tạo thành một cù lao tên Cù Lao Phố… Đây là địa danh nổi tiếng ngày xưa…

Tuấn im lặng đưa ống dòm lên quan sát rồi lên tiếng.

– Có nhà dân nhiều lắm… Chắc bưởi Biên Hòa trồng ở đây…

Quỳnh im lặng không nói chuyện nữa vì bận làm việc. Anh đọc cuốn sổ tay của mình rồi sau đó dùng viết mực đỏ khoanh tròn các địa điểm trên bản đồ. Anh nhận thấy các địa điểm được mình ghi ra đều nằm ở khúc sông qua khỏi Rạch Ông Tiếp tới Uyên Hưng và kéo dài lên tới ngã ba của con sông Rạng Đông.

5 giờ rưởi chiều. Hai chiếc Alpha 9 và 11 cập vào cầu nổi của căn cứ tạm thuộc giang đoàn 24 xung phong. Quỳnh cùng Quốc đi lên bộ chỉ huy nhẹ của giang đoàn 24. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau hai thuyền trưởng trở xuống tàu. Quỳnh nói với nhân viên.

– Mình nghỉ ở đây đêm nay. Sáng mai mình mới vào vùng công tác…

Thấy bạn đang ngồi sau lái nhìn dòng nước trong xanh lừ đừ chảy Quốc lên tiếng.

– Mày đi nhậu không?

Quỳnh lắc đầu cười.

– Tao nhức đầu chỉ muốn ngủ…

Nhìn mặt trời còn treo lơ lửng trên ngọn của hàng cây bên kia sông Quốc cười hà hà.

– Giờ này mà ngủ cái gì. Đi… Tao với mày lai rai vài chai rồi về…

Quỳnh lắc đầu uể oải đứng dậy.

– Mày đi với thằng Thành đi… Tao nằm đọc sách một chút rồi khò…

Không nài ép thêm Quốc nhảy lên cầu nổi trong lúc Quỳnh chui vào giường của mình.

2

9 giờ sáng. Mưa. Mưa rơi trắng xóa trên dòng sông rộng. Gió từng cơn vật vả, mang theo nước mưa tạt vào mặt Quỳnh rát rạt. Chiếc tàu sắt lầm lủi đội mưa đi lên thượng nguồn sông Đồng Nai. Hai chiếc tàu biệt phái được lãnh vùng công tác khó nuốt. Đó là đoạn sông từ Rạch Ông Tiếp, ngang với núi Bửu Long dài lên tới sông Rạng Đông. Khúc sông dài ba bốn chục cây số này là thủy lộ chuyển quân từ các vùng Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên về tỉnh lỵ, nơi có bộ tư lệnh quân khu 3 và phi trường Biên Hòa.

– Sao họ không cho mình tuần tiễu ở gần chợ hả anh?

Tuấn hỏi nhỏ. Quỳnh trả lời thật gọn.

– Tại mình là con ghẻ. Mày biết con ghẻ hông?

Tuấn cười lặng lẽ trong màn mưa mù mù sương vì cái giọng dấm dẳn của cấp chỉ huy. Những giọt nước mưa theo cổ áo mưa chảy vào áo rồi từ từ thấm vào quần áo khiến cho nó hơi khó chịu vì bị ướt và lạnh.

– Mình biệt phái cho đơn vị bạn thời mình là con ghẻ của họ. Họ sẽ đẩy mình vào chỗ nào họ chê, họ ớn. Đó là vùng nguy hiểm nhất, bị địch bắn nhiều nhất… Khúc sông mà mình có nhiệm vụ tuần tiễu là khúc sông bị áp lực nặng nhất… Tuần trước hai chiếc khinh tốc đỉnh của tụi 24 bị bắn tả tơi bằng B40 và 57 không giật… Tao nghe nói hai chiếc tàu này bị một trung đội súng nặng của địch phục kích…

– Tại sao nó bắn mình hả anh?

Hỏi xong Tuấn nghe thuyền trưởng cười hực rồi giọng nói vang mỏi mệt.

– Tại vì mình cản không cho tụi nó tự do hoạt động trên sông. Nó dùng thuyền chở súng nặng từ chiến khu D, C gì đó về để pháo hay đánh vào tỉnh lỵ…

– A…Tôi hiểu rồi… Mình cản đường cho nên nó phải bắn mình…

– Ừ… Mầy có mặc áo giáp không?

– Có… Tôi đội luôn nón sắt cho chắc ăn…

Tuấn cười hắc hắc sau khi dứt câu. Quỳnh mỉm cười quay nhìn người lính mới. Anh không thấy gì hơn ngoài chiếc nón sắt và cái poncho trùm kín thân thể. Những thứ đó làm anh liên tưởng tới câu hát… Poncho buồn phủ kín đời anh… Đột nhiên anh cảm thấy ruột gan như thắt lại khi nghĩ tới một điều. Chết… Lắc lắc đầu anh nói nhỏ với Tuấn.

– Mày nghe máy nghen… Tao đi hút thuốc… Lạnh quá…

Tuột xuống sàn tàu, tay vịn lan can Quỳnh đi lần ra sau lái. Thành và Biên mặc áo giáp, đội nón sắt đang ngồi uống cà phê và hút thuốc. Không đợi cho cấp chỉ huy hỏi, Thành tự động rót cho Quỳnh ly cà phê. Quẹt diêm đốt thuốc, bập bập mấy cái cho thuốc cháy đều xong anh mới hớp ngụm nhỏ cà phê. Đầu thuốc lá cháy đỏ rực trong bầu trời xám xịt mịt mờ hơi nước mưa. Gặp mùa mưa nên nước trên nguồn đổ xuống chảy phăng phăng cuốn theo những thân cây khô chết trôi đầy trên sông khiến cho tàu phải tránh né một cách khó khăn. Sáng hôm nay, khi ngồi nghe thuyết trình về tình hình chiến sự, trung úy Bình có nhắc cho anh và Quốc về chuyện đặc công địch đặt mìn để đánh chìm tàu của ta. Người nhái địch, lợi dụng mùa nước lũ, máng mìn vào các thân cây trôi trên sông rồi đẩy vào tàu cho nổ. Hai giang đỉnh của giang đoàn 24 đã bị chìm vì đụng phải mìn.

– Mình tuần tiễu khúc nào hả anh?

Thành hỏi. Hít hơi thuốc nữa Quỳnh hắng giọng.

– Mình lãnh khúc sông từ Rạch Ông Tiếp tới ngã ba sông Rạng Đông…

Thành trợn mắt nhìn thuyền trưởng của mình giây lát mới lên tiếng.

– Hai giang đỉnh của tụi 24 mới bị bắn tuần trước…

Quỳnh nhẹ gật đầu. Ánh mắt hơi đăm chiêu của anh nhìn dòng nước cuồn cuộn sau lái tàu.

– Tao biết…. Bởi vậy họ mới xin mình lên đây. Tàu của mình hỏa lực mạnh hơn và tầm hoạt động xa hơn… Mình sẽ ở trên đó hai tuần rồi về chợ nghỉ một ngày rồi lại trở lên. Mày biết khúc sông đó?

Thành lắc lắc đầu. Hít hơi thuốc dài rồi nhả khói ra nó nói chậm.

– Tôi không biết… Hồi nhỏ có chèo xuồng lên núi Bửu Long chơi mà cũng không có đi xa hơn…

Quỳnh trầm ngâm không nói. Mưa có vẻ nhẹ hạt hơn. Gió cũng bớt thổi mạnh. Bóng chiếc Alpha 9 chạy phía sau mờ mờ trong màn mưa giăng kín bầu trời và mặt sông rộng.

– Mình lãnh bao nhiêu dầu?

– Năm ngàn lít…

Gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng, Quỳnh nhìn những tấm giáp chống đạn B40 che kín hai khẩu đại liên 50 đặt hai bên hông tàu.

– Hai đứa bây ở đằng sau nên cẩn thận. Coi chừng tụi nó bắn sẻ…

– Anh đừng lo… Tụi tui che hai lớp giáp lận… Che kín mít hết trơn…

Hớp ngụm cà phê, Quỳnh nhìn những tấm giáp dầy chống đạn được giăng kín khắp nơi chỉ chừa lối đi nhỏ hẹp. Búng tàn thuốc rơi xuống nước, uống cạn ly cà phê anh chậm chạp đứng dậy. Trùm lên người chiếc áo mưa anh men theo hông đi lần về phía mũi tàu. Sang ló đầu lên khỏi ụ súng đại liên.

– Tôi đi uống trà cho ấm…

Quỳnh gật đầu leo lên ngồi trên mui bên cạnh Tuấn đang lái tàu.

– Tạnh mưa rồi anh ơi…

Tuấn mừng rỡ cởi cái nón sắt xuống. Chút nắng le lói trên bầu trời vẫn còn xám đục và mưa bụi giăng giăng trên mặt sông. Khúc sông này vẫn còn khá rộng. Tuy nhiên Quỳnh biết càng lên thượng nguồn lòng sông càng hẹp dần lại và nước chảy như cắt cuốn theo cây cối trên rừng thành từng bè lớn khiến cho tàu phải né tránh hoài. Điều mà anh lo ngại nhất là địch có thể bám theo các thân cây có cột sẵn mìn rồi lao vào để đánh chìm tàu. Anh cũng hy vọng khúc sông mà tàu của mình có trách nhiệm tuần tiễu vẫn còn rộng ở ngoài tầm bắn của B40 hoặc đại bác 57 ly không giật của địch.

– 11 đây 9…

Quỳnh nhấc lấy ống nói khi nghe giọng của Quốc vang vang.

– 11 nghe 9…

– Mày để tao đi trước…

Quỳnh cười đùa một câu.

– Mày sợ đi sau bị vẹm bắn bể gáo hả…

Tuấn nghe tiếng của Quốc cười ha hả trong máy 46.

– Chứ sao… Đời em còn đẹp như mơ mà lị…

Quỳnh lắc đầu đưa ống nói cho Tuấn xong nói.

– Mày nghỉ đi để thằng Thành lái…

Ngồi trên mui tàu Quỳnh thấy được khu phố dọc theo bờ sông. Nhà lầu hai tầng trắng mốc. Nhà ngói lơ thơ. Xóm nhà lá nằm lẻ loi xa về bên trái. Xa trên kia núi Bửu Long sừng sửng. Ngồi vào ghế lái Thành chập chạp đẩy cần ga lên tới số 1000. Chiếc khinh tốc đỉnh nặng nề rẽ nước bám theo chiếc chạy trước. Biết sẽ biệt phái dài hạn nên Quỳnh đã xin lãnh đạn tối đa song chỉ được cấp phát một cách giới hạn. Một ngàn viên đại bác 20 ly, năm ngàn viên 12 ly 7, một ngàn viên đại liên M60. Ba trăm viên M79 cho khẩu súng tự động ở sau lái. Chỉ có vậy thôi. Tuy nhiên anh không lo ngại vì thiếu đạn dược hay xăng nhớt mà quan tâm tới tình hình chiến sự nhiều hơn. Mặt trận miền đông không còn yên tịnh nữa mà càng ngày áp lực của địch càng gia tăng xuyên qua sự có mặt của các sư đoàn chính qui của bộ đội Bắc Việt từ ngoài Bắc vào. Các đại đơn vị này được trang bị đầy đủ với các loại vũ khí tối tân nhất do Nga Tàu cung cấp. Trong lúc đó sự thiếu vắng của quân lực Hoa Kỳ, nhất là tiếp liệu giảm dần, khiến cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải gồng mình nhận lãnh nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản. Sáng hôm kia, tham dự buổi thuyết trình về tình hình chiến sự, vị chỉ huy trưởng giang đoàn đã bày tỏ mối lo âu của ông ta về tình hình có vẻ không thuận lợi của quân lực.

Tàu chạy ngang qua núi Bửu Long. Nhìn vào con rạch khá lớn ở bờ bên trái rồi đối chiếu với bản đồ Quỳnh biết đó là Rạch Ông Tiếp. Xế trên kia một chút là ngã ba, nơi sông Đồng Nai chia làm hai dòng chính và phụ. Dòng phụ bên trái chạy quanh co rồi cuối cùng nhập vào dòng chính để làm thành một cù lao khá rộng. Cù lao này nhỏ hơn cù lao Phố và cũng không nổi tiếng bằng có lẽ vì ở xa thành phố.

– Alpha 11 đây 9…

Thành nhấc lấy ống nói rồi trao cho Quỳnh khi nghe tiếng của Quốc vang từ máy 46.

– 11 nghe 9…

– Mình theo ngã nào?

Không nhìn vào bản đồ Quỳnh trả lời liền.

– Cập bên phải… Mình đi dò đường trước nên theo ngã bên phải lớn hơn…

Cười ha hả Quốc đùa một câu.

– Em tuân lệnh sếp…

Quỳnh lắc lắc đầu cười một mình. Các giang đoàn tác chiến có một luật bất thành văn. Khi có công tác xa đơn vị và có từ hai chiếc tàu trở lên thời thuyền trưởng có cấp bậc cao hơn đương nhiên sẽ là trưởng toán. Trường hợp cấp bậc ngang nhau thì thâm niên quân vụ sẽ được tính. So cấp bậc và thâm niên quân vụ thì Quỳnh thuộc đàn anh của Quốc do đó anh đương nhiên trở thành cấp chỉ huy.

– Anh có đi núi Bửu Long chưa?

Thành lên tiếng. Đốt điếu thuốc, hít một hơi, Quỳnh nói trong khi nhả khói ra.

– Không… Tao có đi núi Châu Thới và suối Lồ Ồ… Hình như Bửu Long có núi và hồ…

Thành gật đầu nhẹ bẻ tay lái cho tàu đi vào khúc sông rộng bên mặt.

– Hồi còn đi học tôi dẫn bồ cũng lên núi chơi hoài…

Quỳnh quay nhìn Thành đoạn cười đùa.

– Mày mà cũng có bồ à… Tao tưởng…

Người lính cơ khí cười hi hí.

– Anh nói giỡn anh… Tôi không có tuấn tú như thằng Tuấn nhưng cũng sạch nước cản…

Quỳnh bật cười khi nghe Thành xỏ xiên. Tiếng của Tuấn từ sau lái vọng lên.

– Mày mà sạch nước cản… Cu dính dầu đầu dính mỡ mà sạch…

Quỳnh lại bật cười lớn hơn khi nghe Tuấn ăn miếng trả miếng với Thành. Nó vừa nhắc tới một câu nói nhạo báng dành cho các nhân viên thuộc ngành cơ khí là ” cu dính dầu đầu dính mỡ ”. Câu nói này tuy thô tục song lại diễn tả xác thực về nghề sửa máy của người lính cơ khí trên tàu. Chui vào trong lòng tàu chật hẹp nên đầu tóc, tay chân và quần áo của họ thường xuyên bị dơ dáy vì dính phải dầu mỡ và xăng nhớt do đó mới phát sinh ra câu nói đùa trên. Cười xong Quỳnh đưa ống dòm lên chăm chú quan sát bờ bên mặt của mình. Nhà dân chúng lưa thưa. Đa số là nhà lá cất dọc theo bờ sông.

– Mày chạy sát bờ để tao quan sát…

Quỳnh ra lệnh và Thành bẻ lái cho tàu chạy sát bờ chỉ cách chừng ba bốn chục thước. Dùng ống dòm quan sát giây lát Quỳnh cau mày lẩm bẩm. Anh biết ngay trở ngại của mình. Nếu địch phục kích bắn tàu tại đây thì anh không thể bắn trả vì sẽ trúng vào nhà của dân chúng. Dòng sông nhỏ lại dần dần nên nằm trong tầm bắn của B40 hoặc đại bác hạ nòng bắn thẳng. 57 không giật xưa rồi so với nhiều thứ vũ khí tối tân mà anh không biết. Anh cũng nhận ra một điểm thuận lợi cho mình là nhờ mùa mưa nước dâng cao bằng với mặt bờ sông nên súng trên tàu bắn sẽ có hiệu quả nhiều hơn mùa khô nước xuống thấp.

– Lên ngàn rưởi đi…

Tuy không hiểu chuyện gì song Thành im lặng tuân lệnh đẩy cần ga lên. Hai máy dầu cặn rú lớn và con tàu nặng nề rẽ nước lên nguồn. Quỳnh vẫn chiếu ống dòm vào bờ bên phải. Nhà dân chúng thưa dần dần rồi sau đó không còn nữa. Thay vào đó là đồng cỏ và cây cối xanh xanh. Điều khiến cho anh chú ý là vùng này có nhiều đồi, cao có, thấp có, cũng như nhiều mô đất chạy dọc theo bờ sông. Anh tự hỏi những mô đất này tự nhiên hay do người ta đắp lên. Nếu do người ta đắp lên thời họ là ai. Địch? Hay dân chúng đắp dưới áp lực của du kích? Những đồi cao thấp và các mô đất cây cỏ um tùm này là vị trí lý tưởng cho địch đặt các ổ súng cộng đồng để bắn tàu. Đối chiếu với bản đồ của mình Quỳnh nhận thấy từ Uyên Hưng lên tới khoảng 5 ô vuông có nhiều nguy hiểm nhưng cũng không bằng khúc sông từ Uyên Hưng dài lên tới ngã ba sông Rạng Đông. Kinh nghiệm cộng thêm linh cảm cho anh biết điều đó.

– Mày có ống dòm không Kỳ?

Quỳnh hỏi Kỳ đang ngồi nơi ụ 20 ly. Đó là chỗ cao nhất nên dễ dàng quan sát trong bờ.

– Có mà ống dòm của tôi dỏm lắm…

Nhẹ lắc đầu Quỳnh nói nhỏ.

– Lấy ống dòm của tao nè… Trên đó cao hơn…

Quỳnh và Kỳ đổi ống dòm cho nhau. Đưa cái ống dòm cũ mèm lên nhìn giây lát anh càu nhàu mấy tiếng rồi leo xuống đi vào phòng lái lấy ra chiếc ống dòm mới tinh. Leo lên mui ngồi lại chỗ của mình Quỳnh rút gói thuốc ra đưa mời Thành. Không từ chối nó lấy một điếu ngậm lên môi nhưng chưa vội đốt. Chờ cho Quỳnh lấy điếu thuốc nó mới bật chiếc zippo đốt luôn cho hai người. Rít liên tiếp hai hơi dài Quỳnh lại cắm cúi vào bản đồ và cuốn sổ tay của mình. Chiếc tàu sắt im lìm đi trong ánh nắng của một ngày mùa hè.

1 giờ sáng. Chiếc Alpha 11 ì ạch chạy ngược dòng nước. Cây cối trôi lang thang đầy trên mặt sông. Nhìn cảnh này Quỳnh liên tưởng tới mấy câu thơ của Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngã

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Gió đêm man mát nhưng anh vẫn cảm thấy nóng vì phải mặc thêm chiếc áo giáp dày cộm. Tuy đang ở giữa dòng song vì lòng sông hẹp khiến địch vẫn đủ sức bắn trúng tàu, do đó tất cả nhân viên đều phải mặc áo giáp và đội nón sắt. Ngay chính anh cũng cảm thấy khó chịu vì đội chiếc nón nặng chình chịch lên đầu, nhưng phải làm gương cho nhân viên, nhất là nghĩ tới lúc bị thương hay chết anh đành phải mặc áo đội nón cho an toàn.

Mảnh trăng thượng tuần sáng vằng vặc, buông xuống dòng nước mênh mông thứ ánh sáng mông lung, mờ ảo và bàng bạc chút hơi sương dọi trên áo của Tuấn biến thành màu trắng nhạt. Tiếng máy nổ rì rầm hoài hủy làm cho anh buồn ngủ. Lấy tay chà sát lên da mặt của mình cho tỉnh táo anh cầm lấy chiếc starlight scope lên. Mặt sông Đồng Nai sáng rực màu lân tinh trong ống kính. Dưới ánh trăng buông toàn thể cảnh vật đượm màu huyền hoặc, lung linh và mơ hồ. Anh cảm thấy được sự dịu dàng, nhẹ nhàng của ánh trăng lười biếng buông rơi từng sợi ánh sáng xuống cảnh vật đang yên tịnh ngủ trong lúc nửa đêm. Tất cả đều yên ngủ trừ ba thứ là máy tàu đều đặn nổ, máy truyền tin kêu xè xè và hai người ngồi câm nín, nhưng thỉnh thoảng cọ quậy như để chứng tỏ sự có mặt của mình. Có thể đâu đó cạnh bờ sông cũng có những người lính của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đang thức chờ bấm cò khi thấy bóng chiếc tàu sắt nằm trên đường thẳng từ lỗ châu mai tới đỉnh đầu ruồi. Viên đạn mang nhãn hiệu Made In China hoặc Made In Russia được nhắm bắn vào chiếc khinh tốc đỉnh Made In USA, trên đó có những người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả thứ vũ khí đều sản xuất từ ba siêu cường khác nhau, trừ những người lính Việt Nam của hai phe quốc cộng ở hai miền Nam Bắc.

Quỳnh kéo lê chiếc ống dòm một cách chậm chạp trong khi tự hỏi để làm gì? Mong thấy được những bóng người di động mà anh biết mình không thể bắn vì sợ trúng phải dân chúng. Anh không biết người dân ở trong bờ thuộc phe bên này hay bên kia, do đó anh không được quyền bắn ngay cả khi bị bắn trước. Người lính du kích, bộ đội bên kia được quyền bắn vì họ mượn, họ khoác lên cái vỏ bọc dân chúng. Cái vỏ bọc nhiệm mầu này khiến cho họ muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết bởi vì nhân danh nhân dân thì không ai có quyền kết tội họ được.

Tuấn đẩy nhẹ cần ga tới trước. Máy tàu rú nhỏ và chiếc chiến đỉnh chầm chậm rẽ nước. Cây đèn bấm của Quỳnh chiếu lên vòng tròn màu đỏ. Hai chữ Bình Hòa màu xanh hiện ra trong ánh trăng bàng bạc. Xa đằng trước chừng vài trăm thước, chiếc Alpha 9 đen xì hiện rõ ràng trên mặt sông lấp lánh sáng ánh trăng buông. Từ giữa sông vào tới bờ không quá năm mươi thước, cho nên vẫn nằm trong tầm bắn của súng địch. Hai chiếc tàu sắt biến thành mục tiêu cho địch thực tập tác xạ. Bum… Qua ống kính của chiếc ống dòm ban đêm Quỳnh thấy được ánh lửa nháng lên trong bờ.

– Nó bắn…

Quỳnh lên tiếng báo động cho nhân viên của mình. Tuấn đẩy mạnh cần ga tới trước. Hai máy dầu cặn rú lớn. Chiếc khinh tốc đỉnh nặng hàng chục tấn vọt tới trước. Ngồi trên mui Quỳnh đặt vội chiếc ống dòm xuống. Anh thấy ánh lửa lóe sáng nơi chiếc Alpha 9 và tiếng nổ ầm vọng vang trên mặt sông rộng. Khom người anh hét vào tai của Tuấn.

– Vào thẳng bờ…

Thấy người lính mới còn ngần ngừ vì chưa hiểu ý của mình anh lập lại.

– Cắm mũi vào bờ cho tao…

Được lệnh của thuyền trưởng Tuấn bẻ lái cho tàu tiến thẳng vào ngay chỗ địch vừa khai hỏa. Quỳnh hét thật lớn. Sợ nhân viên không nghe được anh còn đưa tay làm dấu hiệu.

– Sang… Kỳ… 45 độ…

Ở dưới chiến đỉnh lâu năm nên Sang và Kỳ hiểu ý cấp chỉ huy. Không được bắn thẳng vào nhà dân chúng, nhưng lại muốn làm câm họng súng của địch chiếc khinh tốc đỉnh chỉ còn cách đánh đòn hù. Đó là bắn, song bắn lên cao để hù dọa đám du kích. Hành động lái tàu đâm thẳng vào ngay chỗ vị trí phục kích của địch sẽ làm cho đám du kích hay bộ đội hoảng hốt vì nghĩ là mục tiêu đã bị lộ. Do đó chúng chỉ còn cách xách súng chạy vì biết không thể nào bắn trả lại hỏa lực hùng hậu của tàu. Kinh nghiệm của nhiều lần đụng trận cộng thêm sự liều lĩnh, Quỳnh hy vọng hành động của mình khiến cho địch không bắn thêm phát nào nữa.

– Alpha 11 đây 9…

– 11 nghe 9…

– Nó bắn trúng tao…

– Tao biết… Báo cáo thiệt hại…

Giọng Bắc pha Nha Thành của Quốc vang lên vui vẻ. Điều đó khiến cho Quỳnh an tâm vì đoán không có thiệt hại về nhân mạng.

– Nó bắn trúng vách che… Tiên sư nó… chút nữa là lọt vào ngay giường tao…

Quỳnh đứng bật dậy khi thấy tàu sắp vào tới mục tiêu.

– 9 đây 11… Cắm mũi vào bờ… nghe rõ trả lời…

– 9 nghe 11…

Thấy tàu còn cách bờ chừng ba mươi thước Quỳnh hét vào tai Tuấn.

– Quay… quay mũi…

Như sợ người lính mới không hiểu anh lấy tay làm dấu hiệu. Tuấn quay tay lái thật nhanh để đổi hướng cho tàu quay mũi lên thượng nguồn.

– Bắn…

Hai khẩu đại liên 50 trước mũi nổ liền theo khẩu lệnh. Còn khẩu đại bác 20 ly trên mui rống thành âm thanh lùng bùng lỗ tai. Đạn lửa kéo thành dây dài lê thê từ ngoài sông vào chênh chếch trong bờ. Chiếc Alpha 9 cũng bắt đầu bắn vịt trời để hù các anh du kích. Đúng với dự đoán của Quỳnh, địch không dám ngóc đầu lên để bắn nữa.

– Đủ rồi …

Quỳnh đưa tay làm dấu cho Sang và Kỳ. Âm thanh ngưng nhưng âm hưởng còn đồng vọng trên mặt nước sáng bàng bạc ánh trăng.

– 9 đây 11…

– 9 nghe 11…

– Đủ rồi… bắn nhiều hao đạn…

– Dạ em tuân lệnh sếp…

Quỳnh mỉm cười lắc đầu nhè nhẹ khi nghe Quốc nói đùa. Hai chiến đỉnh lùi ra giữa sông để tiếp tục cuộc tuần tiễu. Ngồi im trên mui, hít hơi thuốc, Quỳnh tự hỏi tới bao giờ đất nước mới được nghỉ ngơi. Người ta nói hòa bình rồi mà.

3

Tuấn reo lên mừng rỡ khi biết tin sẽ được trở lại thành phố Biên Hòa nghỉ xả hơi một ngày. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ tuy ngắn song có giá trị hơn huy chương của quân đội. Nó là phần thưởng của máu, nước mắt và mồ hôi; của mười bốn đêm thức ngủ chập chờn, của lo âu và sợ hãi. Mười bốn ngày. Mưa dầm ướt át. Nắng nóng cháy da. Đêm nửa ngủ nửa thức. Ngày ngủ gà ngủ gật. Nắng nóng như thiêu vì phải mặc áo giáp, đội nón sắt, thu hình trong ụ súng để chờ đợi một điều mà mình biết sẽ xảy ra song lại không biết lúc nào. Lo âu ở chỗ đó. Sợ hãi ở chỗ đó. Khổ cũng ở chỗ đó.

– Anh làm gì khi đi bờ?

Quỳnh mỉm cười khi nghe hai tiếng ” đi bờ ” của người lính trẻ vẫn còn quen ngôn ngữ ở quân trường.

– Lai rai… Tao kiếm chỗ nào khuất vắng, gọi một chai 33… lai rai một mình… Còn mày?

Quỳnh hỏi lại trong lúc đốt thuốc.

– Tôi theo thằng Thành lên nhà nó chơi…

Quỳnh cười cười.

– Coi bộ nó muốn bắt xác mày về sửa xe với nó…

Tuấn cười hắc hắc.

– Nó cho tôi coi hình em gái nó…

– Đẹp không?

Quỳnh tò mò hỏi.

– Khá đẹp… Con nhỏ học trường Ngô Quyền…

Liếc quanh một vòng có lẽ để nhìn xem sự có mặt của Thành không rồi Quỳnh mới lên tiếng.

– Nhiều khi thấy hình thì đẹp mà ở ngoài lại khác. Coi chừng em lùn tịt, mập ú, mặt rỗ, sứt môi lại thêm chân đi chữ bát, em hát cải lương, em ca vọng cổ…

Tuấn cười sặc sụa khi nghe Quỳnh giở giọng tiếu lâm.

– Bởi vậy tôi phải lên nhà coi mặt trước… Ưng thời tôi mới nhào vô chứ ngu gì lãnh đạn anh…

Tuấn cười ròn rả sau khi dứt câu. Quỳnh phang thêm một câu.

– Thằng Thành nó cũng lựu đạn lắm. Mày coi chừng… Mày để em nó cái bầu là nó thiến mày…

Tàu cặp vào căn cứ tạm của giang đoàn 24 xung phong nằm cạnh bờ sông cách chân cầu chừng non cây số. Đó là một dãy ponton với mấy cái nhà tiền chế của Mỹ để lại. Tất cả nhân viên đều sẵn sàng để lên bờ. Kỳ với Biên họp thành một cặp. Thành với Tuấn đi chung với nhau. Hôm nay tới phiên Kỳ trực tàu. Muốn đi chơi nó phải hối lộ cho ông từ Sang ổ bánh mì thịt và ly sinh tố.

Quỳnh ngồi một mình trong cái quán ăn nhỏ nằm trên con hẻm mà anh không biết tên. Đối diện với quán ăn phía bên kia là tiệm tạp hóa. Tô cháo cá trống không. Chai 33 còn phân nửa. Gói thuốc lá nhầu nát và xẹp lép chỉ còn mỗi một điếu. Khói thuốc lãng đãng bốc mùi hăng hăng. Trời ẩm ướt dường như muốn mưa. Anh có thể ngửi được mùi ẩm mốc của rong rêu theo cơn gió nồm từ ngoài biển kéo về. Điều này khiến cho anh nhớ lại thời gian ở Phú Quốc. Đó là tên gọi thông dụng cho nguyên hòn đảo song nơi có căn cứ hải quân chính là Cây Dừa hay còn có tên gọi khác An Thới. Tùng sự tại Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải, công việc của anh khá nhàn hạ và nhẹ nhàng của một nhân viên văn phòng. Những buổi chiều sau giờ làm việc anh thường ra bãi biển trước căn cứ nhìn ngắm vùng biển xanh để mơ mộng, để làm thơ cũng như hồi tưởng lại thời còn đi học. Gió nồm là gió từ hướng Nam thổi lên, từ ngoài khơi thổi vào mang theo hơi nước ẩm ướt tạo nên những cơn mưa triền miên và buồn bã. Những ngày cuối tuần, trời mưa dầm, nằm trong căn phòng nhỏ, đọc sách và nhìn mưa bay ngoài cửa sổ, đời lính của anh thật buồn, trống rỗng, nhàm chán đến độ phải mặc áo mưa đi tìm một quán nào khuất vắng, uống vài chai bia hay xị rượu đế để say và ngủ cho qua thời giờ. Nửa năm ở hòn đảo cách Rạch Giá gần một ngày tàu chạy đủ cho anh thấm thía được nỗi buồn xa nhà của lính. Rời An Thới anh ra Nha Trang thụ huấn khóa chuyên nghiệp. Cũng biển nhưng Nha Thành khác hẳn An Thới. Ồn ào hơn. Nhộn nhịp hơn. Xinh xắn hơn. Thiếu nữ Nha Thành mặn mà, trẻ trung và duyên dáng song anh không dừng chân được lâu để có kỹ niệm cũng như vấn vương và lưu luyến. Mãn khóa anh trở lại Sài Gòn rồi tháng sau khăn gói về Vĩnh Long. Đời lính chiến của hải quân bắt đầu. Anh tập làm quen với súng đạn, ngủ co rút trong con tàu nhỏ thấp lè tè mặt nước. Giang đỉnh cũ kỹ, han rỉ do hải quân Pháp để lại. Súng thời xưa hơn trái đất. Những chuyến công tác vào các vùng xa xôi. Sông Măng Thít. Sông Cổ Chiên. Sông Tiền. Sông Hậu. Rạch Ông Chưởng. Vàm Nao. Như dề lục bình anh trôi theo con nước lớn nước ròng. 1967. Anh lại lên đường trình diện đơn vị mới. Giang Đoàn 71 Thủy Bộ mà sau này cải tên thành Giang Đoàn 44 Ngăn Chận. Bến Lức. Quận lỵ nghèo xác xơ dù chỉ cách thủ đô Sài Gòn mươi ô vuông. Con sông Vàm Cỏ Đông đầy bất trắc. Tàu của hải quân Mỹ với lực lượng hùng hậu và hỏa lực khủng khiếp mà phải khó khăn lắm mới chế ngự được các ổ du kích điên cuồng. B40. 57 không giật. Bắn sẻ bằng súng trường bá đỏ, bằng khẩu Garant cổ lỗ sỉ song độc hại vô cùng. Cắc bùm… Âm thanh của sự chết. Viên đạn thoát ra từ nòng súng dài lê thê có sức xuyên thủng nón sắt. Một viên đạn, một người chết. Quỳnh đã thấy người chết trong một tháng nhiều hơn ba năm anh đi lính trước kia. Trà Cú… Hiệp Hòa. Cẩm Giang. Trảng Bàng. Gò Dầu. Bến Sỏi. Biên giới Miên Việt ngút ngàn… Anh đã đi qua một đoạn đường máu lửa của người lính thủy ở một đơn vị thực sự đánh nhau với địch dù họa hoằn lắm mới thấy được mặt mũi của người lính địch. Ở đâu cũng vậy. Người lính thủy như anh đều nằm trong thế tự vệ, chờ đợi địch bắn rồi mình mới bắn trả lại. Tuần tiễu trên sông Vàm Cỏ Đông, Tây hay Đồng Nai, hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải đưa cái mặt ra cho tên bộ đội hoặc anh du kích đấm trước. Đó là chỗ yếu của ta. Không nắm được thế chủ động thời bị thiệt hại nhiều hơn.

Quỳnh hơi cựa mình vì mỏi, mệt và buồn chán. Tuy mới hai mươi lăm mà đôi lúc anh cảm thấy mình già nua. Vói tay lấy gói thuốc anh quẹt diêm đốt điếu cuối cùng. Quán ăn vắng chỉ có anh và người đàn bà bán hàng. Từ chỗ tàu đậu ra tới con đường này gần nhất nên anh tạt vào ngay ngã ba ăn tô cháo lòng và uống chai bia. Con đường tráng nhựa cũ có nhiều ổ gà và đá cục.

– Chị cho tôi gói thuốc lá…

Quỳnh nói với chị chủ quán. Bà ta lắc đầu cười.

– Tôi không có bán thuốc lá…

Đưa tay chỉ cái quán bên kia đường bà ta tiếp.

– Quán của bà Lê có bán thuốc lá. Chú qua đó mua…

Gật đầu Quỳnh im lặng uống bia và hút thuốc. Tiếng xe gắn máy nổ ầm ỉ hòa lẫn trong tiếng trẻ con đùa giỡn la hét và tiếng ca nhạc phát ra từ dàn máy hát tạo thành âm thành hổn tạp. Chút nắng tháng năm về chiều rọi trên mái nhà tôn thành vệt vàng khè. Bây giờ là mùa hè… Quỳnh lẩm bẩm. Từ khi đi lính tới giờ anh ít chú tâm tới giờ giấc vì lẽ dễ hiểu là đối với lính giờ giấc không quan trọng. Chỉ có ngày và đêm. Mưa và nắng . Sống và chết. Tiếng hát của Nhật Trường vang nho nhỏ và âm thầm… Từ khi anh thôi học… Từ khi anh khoác áo trây di… Chiến tranh đã thiêu hủy, đã làm tan vỡ nhiều thứ trong đó có ước mơ được làm thầy giáo của anh. Tuy nhiên anh không hề ân hận khi tình nguyện đi lính bởi vì anh chiến đấu cho tự do, muốn được sống một đời sống theo ý của mình.

Quỳnh càu nhàu tiếng nhỏ khi nhớ ra gói thuốc lá không còn điếu nào. Uể oải đứng dậy, anh bước qua bên kia đường mua thuốc lá. Tiệm tạp hóa khá rộng và hơi sáng sủa.

– Xin lỗi anh… Anh muốn mua cái gì?

Giọng nói nhỏ, thanh thanh vang lên. Quỳnh nhìn về chỗ có tiếng nói phát ra. Ở trong góc tôi tối, bị che bởi một cái kệ cao, hiện ra một khuôn mặt. Cô bé, đúng là một cô bé, không biết bao nhiêu tuổi, chắc mười lăm mười sáu, Quỳnh đoán cô bé còn trẻ lắm, có thể búng ra sữa, đang nhìn anh mỉm cười. Nụ cười e ấp và thẹn thò song anh cũng thấy thấp thoáng chút thân quen và tò mò. Có lẽ cô bé chưa thấy người lính lạ như anh.

– Chào bé…

Quỳnh lên tiếng chào. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy cô bé cau mày và câu trả lời làm cho anh mỉm cười.

– Tôi lớn rồi…

Quỳnh cười. Như muốn chọc tức cô bé anh nói với giọng cợt đùa.

– Vậy à… Bé lớn rồi mà bé được mấy tuổi?

– 16…

Cô bé trả lời gọn lỏn như tỏ lộ sự bất mãn của mình khi bị gọi là bé.

– Vậy à… 16 tuổi thời đúng là lớn rồi… Anh xin lỗi đã gọi là bé

Quỳnh nhìn cô bé trong lúc nói. Anh thấy ánh mắt long lanh, hai làn môi hơi mím lại và một nụ cười rất lạ. Nó không giống nụ cười của bất cứ cô gái trẻ nào mà anh đã gặp qua.

– Anh muốn mua gì?

Cô bé hỏi lại lần nữa với giọng hơi nghiêm và Quỳnh trả lời bằng câu hỏi.

– Em có bán thuốc lá?

Quỳnh đổi cách xưng hô. Điều này khiến cho cô bé cười. Nụ cười rạng rỡ và thân thiện.

– Dạ có…

Cô bé thong thả đi tới quày hàng đặt phía bên kia. Quỳnh lặng lẽ theo sau. Nhờ vậy anh mới có dịp chiêm ngưỡng toàn thể phía sau của cô gái đang ở tuổi dậy thì. Dường như có cảm giác bị người con trai lạ chiếu tướng phía sau lưng của mình nên cô bé có vẻ luống cuống xuyên qua bước chân. Cuối cùng hai người đi tới quầy bằng kính bày nhiều món hàng. Đứng phía sau quày cô gái cười hỏi. Giọng của cô bé thanh và hơi trầm một chút.

– Anh muốn loại nào?

Quỳnh chỉ vào gói Capstan. Cô bé lấy gói thuốc lá đặt lên mặt bàn kính. Khỏ khỏ ngón tay trỏ lên mặt kính Quỳnh nói nhỏ trong lúc đưa ba tờ giấy 500.

– Anh lấy năm gói… Em tên gì?

Cô bé hơi ngập ngừng dường như không muốn nói tên. Quỳnh cười dọa.

– Em mà không nói tên thời anh kêu nhỏ, kêu bé… Lúc đó ráng chịu nghen…

Bị hăm he cô bé cúi mặt nhìn xuống mặt bàn rồi lí nhí trả lời.

– Dạ tên Hy…

Quỳnh mỉm cười gật gù. Cô bé tên Hy ngước lên. Câu hỏi được bật ra thật nhanh.

– Anh tên gì?

– Quỳnh…

Hy quay mặt đi để giấu nụ cười. Nàng thầm nghĩ.

– Con trai mà tên Quỳnh… Ngộ ghê…

Có lẽ cảm nhận được Hy cười về cái tên Quỳnh của mình, anh từ từ giải thích.

– Hồi má anh có thai ba anh mong có con gái nên chọn tên Quỳnh Hoa. Tới chừng sanh ra lại con trai nên ổng đành phải lấy tên Quỳnh. Thành ra tên của anh nửa con trai nửa con gái…

Không nhịn được Hy bật thành tiếng cười trong trẻo. Liếc nhanh anh lính trẻ nàng cười đùa.

– Bởi vậy mới gặp, tôi thấy anh có vẻ gì là lạ… Giống như con gái… Ngộ ghê…

Quỳnh gật đầu cười.

– Hy còn đi học?

– Dạ còn…

– Lớp mấy?

– Dạ tựu trường này lớp 10…

Trả lời xong Hy ngước nhìn vào mặt của Quỳnh.

– Anh đi lính gì vậy?

– Lính hải quân…

Nhìn chăm chú vào chiếc huy hiệu may nơi túi áo màu xanh nước biển Hy lẩm bẩm.

– Lực Lượng Trung Ương 214… Giang Đoàn 44 Ngăn Chặn… Lạ ghê…

Quỳnh xé gói thuốc lá, móc lấy một điếu rồi quẹt diêm đốt. Hít hơi dài anh nhìn quanh quất tiệm tạp hóa.

– Em học trường nào?

– Dạ trường Nam Hà…

– Lúc còn đi học anh có quen một cô học ở trường Ngô Quyền…

Hy lặng im không nói. Quỳnh cười nhẹ.

– Trường em học ở đâu?

– Dạ bên Cù Lao Phố…

– Phải qua cầu Gành…

– Dạ… Sao anh biết? Anh cũng ở Biên Hòa hả?

Quỳnh nhẹ lắc đầu cười hít hơi thuốc. Hy nhận thấy ông lính thủy này hút thuốc hơi nhiều. Mới đó mà hút gần hết điếu thuốc.

– Anh ở Sài Gòn… Anh biết tên cầu Gành vì đọc sách… Cầu Gành, cầu Rạch Cát cũng như Cù Lao Phố, núi Bửu Long, núi Châu Thới, suối Lồ Ồ…

Hy lại im lặng. Ở tại thành phố dĩ nhiên nàng nghe tên những chỗ này nhưng chưa có dịp đi tới. Ba má nghèo lại thêm đông con, lo ăn còn chưa đủ huống hồ gì đi du lịch. Ngoại trừ đi học nàng tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.

– Em có tới mấy chỗ đó chưa?

– Dạ chưa…

Quỳnh trợn mắt nhìn cô gái đang cúi đầu nhìn vào mấy món hàng chưng bày trong quầy hàng bằng kính. Dáng của cô bé trông thật hiền lành và tội nghiệp. Có lẽ nhà của cô bé nghèo và đông con nên cha mẹ không có tiền dẫn đi chơi đây đó.

– Nhà em nghèo…

Hy ngước nhìn anh lính trẻ. Quỳnh cảm thấy lòng mình nao nao vì ánh mắt buồn của cô bé.

– Mai mốt anh rủ em đi nghen…

Thấy cô bé im lặng không trả lời Quỳnh tiếp bằng giọng thân tình như anh trai nói với cô em gái của mình.

– Chịu hông?

Ngần ngừ giây lát Hy cười lắc đầu.

– Hổng biết… Ba má em khó lắm…

Hít hơi thuốc thật dài rồi quay mặt ra hướng con đường để nhả khói ra hết xong Quỳnh mới quay lại. Nhìn vào khuôn mặt xinh xắn còn nguyên nét học trò của Hy, anh nói chậm.

– Nếu anh còn trở lại đây anh sẽ tới nhà em xin phép ba má em…

Nhìn thấy nét mặt ngơ ngác của cô bé như không hiểu hết ý của mình muốn nói, anh tiếp với giọng thật trầm.

– Anh sẽ trở lại gặp em để mời em đi chơi núi…

Nụ cười tươi tắn nở ra trên môi, Hy nói với giọng như cô em gái làm nũng với anh trai.

– Nhớ nghen… Anh trốn là Hy nghỉ chơi anh luôn.

Quỳnh cười vui.

– Hy có anh trai không?

– Không… Em là con gái đầu lòng. Em có năm đứa em trai. Còn anh?

– Anh là con út… Anh có hai anh trai… Bởi vậy anh thích có cô em gái hiền và xinh đẹp như Hy…

– Em mà đẹp gì…

Hy cười nói khoe hàm răng trắng bóng. Bây giờ Quỳnh mới nhận ra cô bé có cái cổ cao ba ngấn. Giơ tay xem đồng hồ thấy đã quá ba giờ anh nói nhanh.

– Thôi anh đi… Cám ơn Hy…

Vừa ra tới cửa Quỳnh quay đầu lại cười.

– Đợi anh nghen…

– Dạ… Mà anh nhớ trở lại nghen…

Nhẹ gật đầu Quỳnh lẩm bẩm trong lúc bước đi.

– Anh sẽ trở lại nếu…

Đứng trong quầy Hy nhìn theo người lính xa lạ mang tên Quỳnh đi băng qua đường vào quán ăn bên kia.

*****

Uyên Hưng. Địa danh này xa lạ đối với nhiều người kể cả Quỳnh và nhân viên của hai chiến đỉnh 9 và 11. Nó nằm tại ngã ba của hai dòng rẽ của sông Đồng Nai. Con sông này có hai lần rẽ khi rời khỏi thành phố Biên Hòa để đi lên thượng nguồn. Lần thứ nhất rẽ làm đôi tại Rạch Ông Tiếp rồi sau đó nhập lại thành một dòng lớn. Chảy chừng vài cây số nó lại rẽ thành hai dòng và cuối cùng nhập lại tại ngã ba Uyên Hưng.

Ngôi đồn của địa phương quân nằm trơ vơ trên khoảnh đất trống ngay tại ngã ba. Vị trí này quan trọng về chiến thuật trong việc kiểm soát các thuyền ghe xuôi ngược trên sông đồng thời các toán thám sát cũng nghe ngóng về sự chuyển quân của địch từ bên quận Tân Uyên về tỉnh lỵ Biên Hòa.

Chiếc Alpha 11 và 9 cắm mũi ngay tại đồn. Máy tàu nổ xình xịch. Trời trưa nắng gắt. Lá cờ vàng ba sọc đỏ rũ xuống vì không có gió. Mặt sông lấp lánh sáng. Nước trong xanh. Máy đuôi tôm kêu bành bạch, cố gắng đẩy chiếc ghe khẳm lừ xuôi theo con nước về thành phố.

– Alpha 11 đây Biên Hùng… Nghe rõ trả lời…

Đang ngồi trên mui Quỳnh chụp lấy ống nói trước khi Tuấn lấy để đưa cho mình. Biên Hùng là ám danh của trung úy Bình, sĩ quan trưởng toán của giang đoàn 24 xung phong, đồng thời cũng là vị chỉ huy trực tiếp của anh trong suốt thời gian biệt phái cho đơn vị này với nhiệm vụ tuần tiễu khúc sông Đồng Nai.

– Quỳnh Hoa tôi nghe Biên Hùng…

Giọng của trung úy Bình vang rõ trong máy.

– Cho biết tọa độ của Quỳnh Hoa?

Đễ bảo toàn bí mật nên tất cả tên tuổi, địa danh đều được mã hóa, do đó Quỳnh phải có cuốn sổ để giải mã. Lật nhanh cuốn sổ tay ngay chỗ đã được làm dấu anh trả lời liền.

– Biên Hùng đây Quỳnh Hoa… Tôi đang ở tại U Minh Hiệp Hòa…

U Minh là chữ tắt của Uyên, còn Hiệp Hòa là chữ tắt của Hưng; nhập lại thành Uyên Hưng.

– Quỳnh Hoa đây Biên Hùng… Anh gặp Ông Địa chưa?

Đang ngồi trên ghế lái Tuấn bật cười khi nghe tiếng Ông Địa. Thật ra ám danh dí dỏm này do các chiến đỉnh đặt ra để chỉ các người lính địa phương quân thân quen. Cũng như các ông địa thường hay gọi đùa lính hải quân thành ra lính hai quần.

– Quỳnh Hoa đang bắt tay Ông Địa… Biên Hùng nghe rõ trả lời…

– Biên Hùng nghe Quỳnh Hoa 5/5…

Chấm dứt liên lạc với Biên Hùng, Quỳnh vội vả leo xuống đứng trước mũi tàu khi thấy toán lính địa phương quân đang sẵn sàng.

– Tôi là thiếu úy Tính… Anh em sẵn sàng…

Quỳnh vui vẻ bắt tay người trung đội trưởng địa phương quân xong ra lệnh cho tàu lùi ra giữa sông. Đồng hồ chỉ 18 giờ. Mặt trời mùa hè vẫn còn treo trên ngọn của hàng cây cao dọc theo bờ sông bên mặt. Điểm đổ quân. Gò Miễu. Hoạt động. Phục kích và tuần tiễu. Lời giải thích có vẻ mơ hồ của vị sĩ quan trưởng toán khiến cho Quỳnh thắc mắc. Tuy nhiên anh im lặng vì điều đó ngoài trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ của hai chiến đỉnh là đổ quân và yểm trợ hỏa lực khi có sự yêu cầu của Ông Địa. Thế thôi. 19 giờ tàu tới nơi hẹn. Đứng trên mui tàu Quỳnh rê ống dòm vào bờ với hy vọng thấy được những gì anh muốn thấy dù biết hy vọng của mình rất mong manh. Địch khôn ngoan và dư thời gian để ngụy trang. Họ ẩn mình sâu dưới hầm hồ cá nhân vững chắc và ghìm súng để chờ đợi. Đi lọt vào ngay chỗ họ phục kích là… Bùm… Quả đạn B40 hay 57 không giật bay ra chạm vào mục tiêu và nổ ra với toàn thể sức công phá.

Chiếc tàu sắt từ từ tiến vào bờ. Sang ngồi im trong ụ súng. Tay nó đặt lên một nút màu đỏ của ổ đại liên 50. Chỉ cần bấm nhẹ nút điện này, hai khẩu súng sẽ được khai hỏa với nhịp bắn hơn ba ngàn viên đạn trong một phút đồng hồ. Tuy nhiên điều đó không cản được địch bắn trước. Có thể kẻ nào đó nhắm vào Quỳnh đang ngồi trên cao dùng ống dòm quan sát mọi động tịnh trong bờ. Tuấn nghe tim mình đập thình thịch vì sợ hãi. Nó có cảm tưởng dù tiếng máy tàu nổ ầm ầm cũng không át được tiếng đập càng lúc càng lớn và càng mạnh của trái tim mình. Có sự va chạm nhẹ và chiếc Alpha 11 ghim mũi vào bờ cạnh mô đất khá lớn. Tính khoát tay ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền nhảy lên. Người lính địa phương quân cuối cùng rời tàu xong mà không có chuyện gì xảy ra. Tuấn thở phào nhẹ nhỏm. Nghe tiếng thở của người lính trẻ Quỳnh quay qua cười.

– Sợ hả?

Tuấn cười nhẹ.

– Teo bu gi luôn… Còn anh?

Quỳnh im lặng đốt điếu thuốc, hít hơi dài như để tìm lời nói rồi mới cười đùa.

– Không có teo bu gi như mày nhưng tao hổng biết nó còn hay mất…

Tuấn bật lên tiếng cười trong trẻo khi biết lính mới lính cũ gì cũng đều có cảm giác sợ hãi như nhau.

– Anh cho tôi xin điếu thuốc…

Quỳnh trợn mắt nhìn Tuấn giây lát rồi lặng lẽ móc gói thuốc ra đưa cho người lính trẻ. Anh biết đã tới lúc nó cần phải dùng thuốc lá để làm giảm sự căng thẳng thần kinh, sự sợ hãi và nỗi ám ảnh về một điều gì sẽ xảy ra cho mình. Mai mốt đây, khi thuốc lá kém hoặc không còn hiệu lực nữa, nó sẽ phải dùng tới rượu để giảm đi cơn sợ sệt, buồn phiền và chán nản. Anh hơi quay mặt chỗ khác để cười vì nghe tiếng ho và tiếng khọt khẹt của Tuấn. Ai hút thuốc lá lần đầu đều như vậy. Cũng như uống rượu. Anh nhớ lại lần đầu tiên mình uống rượu. Trời đất quay cuồng. Mửa thốc mửa tháo. Lăn đùng ra ngủ. Trưa thức dậy đầu nhức như búa bổ. Tay chân rũ liệt. Khát khô cổ họng. Nằm vật vờ như xác chết. Anh tự hứa sẽ không bao giờ say rượu nữa nhưng ba ngày sau anh lại ngồi uống bia một mình.

– Thuốc của anh nè…

Tuấn đưa trả lại gói thuốc. Quỳnh lắc đầu cười.

– Mày giữ luôn đi… Mày cần tới nó…

Không cần nói lời cám ơn Tuấn nhét gói thuốc Capstan còn phân nửa vào túi áo của mình.

– Lùi ra giữa sông…

Tuân lệnh Tuấn kéo cần ga về chữ R. Chiếc khinh tốc đỉnh chậm chạp lùi ra giữa sông. Phía bên trái Quỳnh thấy chiếc Alpha 9 cũng đang lềnh bềnh trên mặt nước sáng nhờ ánh trăng bàng bạc buông xuống cảnh vật như tấm lụa khổng lồ.

– 11 đây 9…

– 11 nghe 9…

– Bây giờ mình làm gì?

Quốc lên tiếng hỏi và Quỳnh trả lời không do dự.

– Tuần tiễu… Biên Hùng ra lệnh mình vừa tuần tiễu và yểm trợ cho Ông Địa. Mày chọn khúc nào?

Giọng của Quốc vang vang trong máy 46.

– Để tao lãnh khúc từ U Minh Hiệp Hòa xuống ngã ba…

– Gặp mày sau…

Cúp máy xong Quỳnh bảo Tuấn quay mũi hướng về thành phố Biên Hòa. Vì cần yểm trợ hỏa lực cho quân bạn nên tàu phải đi vào nhánh sông phụ nhỏ và dài hơn. Dòng sông lấp lánh sáng dưới ánh trăng đêm. Chút sương mù giăng giăng làm toàn thể mặt sông và luôn cả hai bên bờ mờ mờ ảo ảo, khi hiện ra lúc lại lẩn khuất. Nếu không có tiếng máy tàu nổ xình xịch Quỳnh sẽ có cảm tưởng mình là Lưu Nguyễn hay Từ Thức chèo chiếc thuyền con đi ngược dòng sông để lên cõi tiên mơ hồ mộng mị nào đó như lần đầu tiên đọc truyện Thần Tháp Rùa của nhà văn Vũ Khắc Khoan.

– Anh buồn ngủ hả?

Tuấn hỏi khi thấy Quỳnh ngồi im, đầu đội nón sắt gục xuống hai đầu gối.

– Ngủ gì được…

– Hôm qua anh đi đâu?

Tuấn lên tiếng vì biết nói chuyện sẽ làm cho mình quên đi cơn buồn ngủ. Quỳnh trả lời bằng giọng nhát gừng như mệt mỏi hoặc chẳng muốn trò chuyện.

– Tao uống ba chai bia rồi đi về… Mua mấy gói thuốc lá…

Anh ngừng lại mỉm cười. Tự nhiên hình ảnh của cô bé tên Hy hiện ra trong trí. Ánh mắt sáng long lanh. Nụ cười tươi. Cái cổ cao ba ngấn. Mái tóc đen dài xỏa nửa lưng. Khuôn mặt trái soan. Cô bé toát vẻ gì là lạ khiến cho anh chú ý và muốn làm quen dù biết mình và cô bé có nhiều khác biệt. Một người là lính, có đời sống nổi trôi, nay đây mai đó. Một người là học trò, suốt ngày ru rú trong nhà trừ khi đi học. Anh vẽ ra trong trí của mình hình ảnh một cô gái mặc áo dài trắng, dáng gầy gầy, cao cao, lặng lẽ đạp xe trên cây cầu sắt bốn nhịp bắt ngang sông. Gió thổi tà áo dài bay bay. Giọng nói nửa ngọt nửa chua như bưởi Biên Hòa, tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên vọng lên trong trí mường tượng âm thanh mơ hồ và xa xăm nào đó mà anh đã ước mơ từ lâu lắm. Tiệm tạp hóa cũ, nghèo, bề bộn có cô bé tới lui, ngồi cúi đầu vào quyển tiểu thuyết khi vắng khách. ” Nếu cô ta thích đọc sách thời mình sẽ lấy cớ cho mượn sách để làm quen…” Quỳnh nhủ thầm như thế.

Tiếng súng đột ngột nổi lên khiến cho Quỳnh đứng bật dậy. Đưa chiếc starlight scope lên anh nhìn về nơi có ánh lửa lóe sáng. Xa xa hướng tây nam nơi tàu vừa đổ quân bạn lên bờ, ánh lửa sáng lên từng chập cùng với tiếng nổ của đủ loại súng. Không đợi lệnh của thuyền trưởng, Tuấn đẩy mạnh cần ga. Hai máy tàu rú lớn. Chiếc tàu sắt rẽ nước tiến về trước nơi có súng nổ.

Giọng của Quỳnh vang rời rạc.

– 9 đây 11… Anh ở đâu?

– 9 nghe 11… Tôi đang trở lại chỗ Ông Địa…

Quốc trả lời gấp gáp. Càng tới gần Quỳnh nghe tiếng súng rền rền. Dưới ánh trăng mờ mờ lửa sáng, xuyên qua chiếc ống dòm anh thấy nhiều bóng người di động.

– Quỳnh Hoa đây Tánh Linh…

Quỳnh chụp lấy ống nói thật nhanh.

– Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh…

Giọng nói của thiếu úy Tính, sĩ quan trung đội trưởng của địa phương quân gấp rút và hối hả lẫn trong đó tiếng súng vang chát chúa pha tiếng lựu đạn nổ ầm ầm.

– Quỳnh Hoa… Quỳnh Hoa… Tôi đang đụng với tụi nó… Nó có gà cồ… Nghe rõ trả lời…

– Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh 5/5… Anh cần tôi yểm trợ…

– Tôi cố giữ vững vị trí… Sẽ cho biết sau…

Cuộc nói chuyện bị cắt đứt một cách đột ngột. Quỳnh đoán tình hình trở nên tồi tệ. Thiếu úy Tính chỉ có một trung đội. Sớm muộn gì ba mươi người lính với súng ống cũ mèm này sẽ bị địch tràn ngập vì hỏa lực yếu kém hơn. Dù biết điều đó song anh không thể làm gì khác hơn ngoại trừ yểm trợ hỏa lực. Tuy nhiên chiến đỉnh của anh không thể yểm trợ một cách hữu hiệu vì quân bạn cũng nằm trong tầm bắn của tàu trừ khi nào bắn hủy diệt mục tiêu. Điều này có nghĩa là bắn gục bạn lẫn địch. Súng nổ càng lúc càng dữ dội cho biết hai bên đang giao tranh ác liệt. Nhân viên của hai chiếc Alpha 9 và 11 đều ngồi vào ụ súng sẵn sàng tác xạ. Ra lệnh cho Tuấn lái tàu vào gần bờ hơn, Quỳnh ngồi im dùng ống dòm theo dõi trận đánh đang diễn ra trong đêm trăng sáng. Đạn lửa xẹt đầy trời. Anh nhận ra được tiếng AK 47 nổ rền át cả tiếng nổ của M16 và Carbine M2.

– Quỳnh Hoa đây Tánh Linh…

Đã chờ đợi từ lâu Quỳnh chụp nhanh lấy ống nói. Anh biết một giây trong lúc này rất quý giá. Nó có thể cứu vãn tình hình chiến trận và cứu sống nhiều mạng người.

– Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh…

– Tôi… Tôi… Tụi nó đông lắm… Bắn… Bắn… Chỗ đó đó… Tụi nó vào gần lắm… Tôi…

Tiếng nói của người sĩ quan trung đội trưởng lộn xộn không thành câu, khi có khi mất vì bị át bởi tiếng hô xung phong và tiếng súng nổ ầm ầm…

– Quỳnh Hoa… Tôi sắp bị tràn ngập… Bắn… Bắn lên đầu tôi… Nghe rõ trả lời…

Quỳnh lặng người. Bắn hủy diệt mục tiêu. Anh chưa bao giờ làm một chuyện như vậy. Tuy nhiên anh phải quyết định nhanh. Ầm… Con tàu rung chuyển với âm thanh lùng bùng lỗ tai. Địch đã khai hỏa vào chiếc tàu của anh đang lềnh bềnh giữa sông. Quỳnh đứng bật dậy.

– Bắn…

Sang bấm nút điện khi nghe khẩu lệnh của thuyền trưởng. Hai khẩu đại liên trước mũi, khẩu đại bác 20 ly chạm nổ trên mui, khẩu đại liên 50 và khẩu M79 tự động ở sau lái cùng lúc khai hỏa. Đạn lửa kéo thành dây dài đỏ rực trong ánh trăng buông xuống cảnh vật vẻ mông lung và man rợ. Không khí như nóng lên với hàng ngàn viên đạn xói vào bờ, xói vào da thịt con người. Ánh trăng sáng bàng bạc không còn nữa mà hình như đổi thành màu đỏ của máu.

4

– Uống đi anh…

Thiếu úy Tính đưa chiếc ly đầy bia lên tỏ dấu mời Quỳnh. Hai ngày sau khi trận đụng độ chấm dứt ông ta xuống tàu mời Quỳnh đi uống bia để cám ơn. Cũng nhờ sự can thiệp hữu hiệu của hai chiến đỉnh mà trung đội ông Địa mới không bị địch tràn ngập. Ông ta cho Quỳnh biết là sau khi gọi tàu bắn hủy diệt mục tiêu, ông ta đã cùng với lính nấp kỹ nên chỉ có vài người bị thương nhẹ. Phía địch phải chém vè, bỏ lại trận địa nhiều vũ khí và nhân mạng.

Uống một hơi bia Quỳnh hít hơi thuốc dài cười nói với Tính.

– Tôi ra lệnh cho lính bắn mà cũng sợ… Trúng các anh thời phiền…

Cười hà hà Tính ực hơi bia.

– Nhờ tôi và mấy thằng con lặn kỹ… Biết tàu sẽ bắn nên tui cho lính rút xuống sông…

Quỳnh gật gù cười vui vẻ.

– À ra thế… Như vậy thời mai mốt tụi tôi tha hồ bắn mà không sợ trúng các anh…

Rút điếu thuốc, quẹt diêm đốt xong Tính hỏi nhanh.

– Trên tàu có thứ súng gì mà tôi nghe nó nổ rền rền như lựu đạn vậy anh?

– Đó là M79 tự động… Đạn được kết lại thành dây…

Đang nói Quỳnh dừng lại khi thấy Tuấn bước vào cửa quán.

– Có chuyện gì?

Quỳnh hỏi nhỏ và Tuấn trả lời nhanh.

– Trung úy Bình muốn nói chuyện với anh…

Hơi gật đầu, Quỳnh uống cạn chai bia rồi cười nói với Tính.

– Rất tiếc tôi phải đi… Hôm nào gặp lại tôi mời anh chai bia…

Hai bên bắt tay nhau. Quỳnh và Tuấn hối hả trở lại tàu. Sau khi nói chuyện với Biên Hùng xong anh mới ra lệnh cho Tuấn lái tàu về Biên Hòa.

– Mình về lãnh thêm đạn… Mày coi mình thiếu đạn gì…

Quỳnh nói với Sang và ông từ trả lời không do dự.

– Mình cần đạn M79 dây. Họ có không anh?

Do dự giây lát Quỳnh mới trả lời.

– Tao không biết… Mình còn bao nhiêu dây?

– Hai chục…

– Mình nên để dành… Chỉ bắn…

Sang gật đầu tỏ ý hiểu cấp chỉ huy muốn nói gì. Hai chiến đỉnh xả hết tốc lực về thành phố. Họ hy vọng sẽ được nghỉ ngơi sau tuần lễ mệt nhọc. Bắt tay Quỳnh và Quốc thật chặt, trung úy Bình cười nói.

– Bên tiểu khu gởi công điện cho tôi nói về trận đánh ngày hôm kia. Họ khen hai anh… Tàu cần thứ gì cho tôi biết…

Quỳnh đưa ra danh sách xin lãnh dầu và đạn của mình. Liếc sơ qua ông ta cười lắc đầu.

– Dầu thời tôi có, còn đạn thời tôi chỉ có đạn 50 và 20 ly nhưng cũng không nhiều lắm. Để tôi điện về bộ tư lệnh trung ương xin thêm…

Nhân viên hai chiếc tàu vui mừng khi biết họ được ở lại thành phố đêm nay rồi sáng sớm ngày mai mới trở lại vùng công tác.

– Anh đi đâu?

Tuấn hỏi khi thấy Quỳnh thay quần áo.

– Uống bia…

– Uống bia mà sao diện dữ vậy?

Cười khặc khặc Quỳnh đùa.

– Đi với bồ. Mày không đi chơi à?

Tuấn thở dài sườn sượt.

– Tôi phải trực tàu…

– Thằng Sang đâu?

– Ảnh dở chứng không chịu coi tàu… Ảnh nói muốn đi chơi cho biết Biên Hòa…

Quỳnh cười chúm chiếm.

– Chắc nó biết mày có bồ nên làm eo làm sách… Mày coi chừng tàu…

Nhét gói thuốc lá và cái hộp quẹt vào túi áo, đội lên đầu chiếc nón lưỡi trai, Quỳnh nhảy lên cầu tàu.

*****

Hy bỏ cuốn truyện xuống mặt bàn kính. Hôm nay tiệm thật vắng bởi vậy má của nàng bỏ đi từ sáng sớm. Bà giao khoán cái tiệm tạp hóa cho đứa con gái mười sáu tuổi để đi ra ngoài lo buôn bán. Cũng may nàng lanh lẹ, tháo vát, có trí nhớ dai nên làm rất chạy việc. Vả lại cũng chẳng có gì nhiều và khách cũng không vào một lượt. Nắng bên ngoài dọi xuống mặt đường nhựa đầy ổ gà. Nhìn qua bên kia đường nàng thấy bà hai Mến đang lui cui dọn dẹp. Hơn tuần lễ trước đây có một anh con trai bước vào quán đó. Anh chàng lính thủy cao cao, không ốm không mập, bộ quân phục màu xanh nước biển, nón lưỡi trai đội lệnh một bên khiến cho khuôn mặt của anh ta có vẻ gì là lạ khác với những anh con trai mà nàng đã gặp. Làn da sạm nắng. Ánh mắt thoáng buồn. Nụ cười chỉ là cái nhếch môi. Dáng đi lừng khừng. Anh này chắc  ” khíu chọ ” lắm… Hy cười với mình khi nói lái hai tiếng khó chịu. Người gì mà có vẻ xa lạ và lạnh lùng. Ưa hổng nổi… Dù ưa hổng nổi nhưng trong lúc nhàn rỗi ngồi coi tiệm nàng lại mong anh ta có mặt để nói chuyện cho đỡ buồn. Nói chuyện với người sống vẫn thú hơn đọc sách. Sao anh ta lâu tới vậy. Người gì chậm như rùa, như cua. Đi cũng chậm. Nói cũng chậm. Hy cười lắc lắc mái tóc dài rồi thong thả đi ra cửa. Xa xa đằng kia một bóng người đi lại. Không hiểu sao nàng nghe tim mình đập hơi mạnh một chút. Bóng người đó quen quen rồi nàng nhận ra đó là anh lính thủy nhờ cái nón lưỡi trai đội xiên xiên trên đầu. Một ý nghĩ tinh nghịch nãy ra trong trí nàng cười hắc hắc quày quả quay trở vào trong tiệm.

Quỳnh ngừng lại nơi cửa của tiệm tạp hóa. Nắng bên ngoài hắt sâu vào bên trong nhưng cũng không đủ sáng. Yên tịnh. Vắng lặng. Anh ngập ngừng và ngần ngại không dám bước vào. Anh sợ gặp ba hoặc má của cô bé. Ông bà rất khó tính vì muốn bảo vệ cô con gái đầu lòng. Bước vào ba bước anh tằng hắng tiếng nhỏ. Không có ai xuất hiện. Định quay trở ra nhưng nghĩ sao anh lại đứng yên tại chỗ. ” Nếu rủi gặp ổng bả thì mình mua thuốc lá...” Nghĩ mình có lý do chánh đáng nên anh chậm chạp đi thẳng lại chỗ tính tiền.

– Hù…

Âm thanh thật lớn đột ngột vang lên khiến cho Quỳnh giật mình. Tiếng cười hắc hắc kèm theo câu nói đùa.

– Xời ơi… Lính gì mà nhát hít… Mới hù đã giật mình gòi…

Quỳnh quay lại. Hy cười rũ ra khi thấy nét mặt ngượng ngùng và bối rối của anh lính thủy.

– Hy làm anh sợ muốn xỉu…

– Anh đi đâu vậy?

Hy cười hỏi. Câu hỏi khó của nàng khiến cho Quỳnh lúng túng. Anh nghĩ thầm: ” Cô này kỳ ghê… Mình tới đây thăm mà cổ lại hỏi một câu móc họng...”

– Đi mua thuốc lá…

Bật cười vì câu trả lời này Hy lại phang thêm một câu.

– Ngoài đầu đường có hai ba tiệm bán thuốc lá mắc mớ gì mà anh phải vào tận đây…

Quỳnh cười gượng vì không biết trả lời ra sao. Cuối cùng anh bật lên câu nói mà khi nghe xong cô gái muốn cười mà phải nín vì sợ anh ta sùng.

– Thuốc lá của Hy thơm ngon mà lại rẻ hơn…

– Anh muốn mua thuốc gì?

– Capstan… Em lấy cho anh hai cây…

Cô bé tên Hy trợn mắt nhìn lom lom.

– Sao anh mua nhiều vậy?

Quỳnh nghĩ thầm trong trí: ” Cô bé này vô duyên ớn… Mình mua nhiều cũng bị rầy… bị hạch hỏi…”. Có lẽ cũng biết mình đi quá trớn nên Hy cười giả lả.

– Hy xin lỗi anh… Tại Hy coi anh như anh trai nên chọc anh chơi…

Quỳnh cười nhẹ. Hy cảm thấy nụ cười của anh lính thủy thật hiền và bao dung như không giận hờn về những lời nói của mình.

– Anh mua để dành vì lâu lắm mới về đây một lần…

Liếc không thấy ai trong quán anh cười tiếp.

– Chắc Hy không đi chơi núi được hả?

Cúi đầu nhìn xuống đất giây lát xong Hy mới ngước lên nhìn.

– Dạ hông… Em phải coi tiệm cho má… Mình ở đây nói chuyện nghen anh…

Hy nói với giọng năn nỉ khiến cho Quỳnh chỉ còn cách gật đầu ưng thuận. Thấy trên tay của anh có miếng vải băng nàng hỏi nhỏ.

– Anh bị gì vậy?

– Bị thương chút chút…

– Sao anh không đi nhà thương?

Quỳnh mỉm cười.

– Bị đứt tay mà đi nhà thuơng gì. Anh là lính nên bị thương hoài. Bị như vầy là nhẹ…

Quỳnh móc túi lấy ra gói thuốc, rút một điếu, dọng nhè nhẹ xuống mặt chiếc hộp quẹt mấy lần, đưa lên môi ngậm xong mới quẹt diêm đốt. Khói thuốc lá bốc mùi hăng hăng, bay vào mũi khiến cho Hy nhăn mặt.

– Hôi quá…

Quỳnh cười như có ý xin lỗi.

– Hy khỏe hông?

– Dạ mạnh. Hổng khỏe thời làm sao đứng đây nói chuyện với anh…

Quỳnh nhăn răng cười mà trong lòng nghĩ thầm. Cô bé này kỳ ghê. Hở ra là xỏ mình liền…

– Còn anh mạnh không?

– Anh cũng bình thường…

Nhìn thấy cuốn sách nằm trên mặt bàn Quỳnh cười tiếp.

– Hy thích đọc sách?

– Dạ thích… Mà mua sách tốn tiền lắm…

Quỳnh gật đầu cười như thông cảm về chuyện cô học trò còn đi học thời làm gì có tiền để mua sách.

– Anh có nhiều sách lắm…

Quỳnh ướm lời. Hiểu anh con trai muốn nói cái gì Hy hỏi.

– Anh cũng thích đọc sách?

Quỳnh hít hơi thuốc, ém hơi một chút rồi nói trong lúc quay mặt đi chỗ khác để nhả khói ra.

– Mê thời đúng hơn… Anh có một thùng sách dưới tàu… Anh sẽ đưa cho Hy đọc…

Hy nhìn đăm đăm vào một bên mặt của Quỳnh. Tóc đen dài không được cắt tỉa nên hơi rối. Làn da xạm nắng. Nốt ruồi đen gần bên tai. Quai cầm bạnh ra.

– Anh không cần phải làm vậy…

Quỳnh quay lại nhìn. Cô bé cúi đầu xuống đất như không muốn chịu đựng cái nhìn của anh ta.

– Anh thích làm như vậy. Hồi còn đi học anh rất thích đọc sách nên hiểu được sự say mê và ước ao của Hy. Với lại…

Hy ngước lên nhìn như chờ câu nói tiếp. Nàng thấy nụ cười hiền và độ lượng của Quỳnh.

– Anh đã đọc rồi… Sách cũ để lâu bị mọt ăn…

Hy bật lên tiếng cười thích thú khi nghe câu nói của Quỳnh. Cho mình mượn sách đọc mà anh ta còn phải năn nỉ mình. Lạ ghê… Mới mười sáu, dù còn ngây thơ và hồn nhiên song nàng đủ nhạy cảm để hiểu lý do cho mượn sách của anh. Hai người đứng trong quán trò chuyện thật lâu. Đưa tay lên xem giờ Quỳnh nói nhỏ.

– Anh phải trở lại tàu…

Hy cười thối tiền mua hai cây thuốc lá lại cho Quỳnh. Bước ra gần tới cửa anh mới quay lại cười.

– Chút nữa anh trở lại…

Hy cười im lặng nhìn theo dáng người lính trẻ bước đi hơi có chút khập khiểng. ” Để coi anh ta có trở lại như lời đã hứa…”

Đang lui cui xếp hàng Hy ngẩng đầu lên nhìn khi nghe tiếng bước chân vang nơi cửa. Nàng thấy anh lính thủy đi tới gần. Đặt cái túi vải nặng chình chịch xuống đất Quỳnh cười nói bằng giọng thân quen như anh trai nói với cô em gái của mình.

– Hy cứ giữ để đọc mà không cần phải trả lại cho anh…

– Nhiều quá…

Có lẽ cảm động nên Hy chỉ nói một câu. Quỳnh cười mở túi vải màu xanh ra và cô gái nhìn thấy đủ thứ sách báo nằm lũ khủ trong đó.

– Còn nữa nhưng anh chưa soạn ra hết. Lần tới…

Mân mê cuốn Điệu Ru Nước Mắt của Duyên Anh Hy ngước lên nhìn Quỳnh.

– Cám ơn anh…

Quỳnh cười im lặng. Bây giờ Hy mới biết tuy có nét lạnh lùng, khắc khổ và trầm lặng song anh lính thủy này có nhiều cái đáng mến hơn. Anh ta có cái gì không giống người khác, nhất là những người bạn trai học cùng trường với nàng.

– Anh thích văn chương không?

Quỳnh trả lời bằng cái gật đầu xong cười tiếp.

– Anh có viết truyện ngắn…

Hy tròn mắt nhìn Quỳnh. Anh lính thủy thấy trong đôi mắt long lanh của cô học trò xứ bưởi ánh lên chút ngạc nhiên lẫn thán phục. Chỉ vào trong chiếc túi vải đựng sách anh nói nhỏ.

– Trong đó có mấy tờ báo đăng truyện ngắn của anh viết…

– Vậy à… Hay không?

Hy buột miệng hỏi và khi hỏi xong nàng mới biết mình lỡ lời. Bụm miệng lại nàng cười nhìn Quỳnh.

– Em xin lỗi…

Quỳnh cười thản nhiên. Có lẽ anh không để ý tới câu hỏi đó hoặc anh nghĩ Hy còn ngây thơ và hồn nhiên nên không cố ý trong lời nói.

– Má em về…

Nói nhỏ với Quỳnh xong Hy vội vàng nhấc lấy chiếc túi vải đựng đầy sách bỏ vào trong góc. Hiểu ý Quỳnh cười nhẹ thì thầm.

– Lấy cho anh thêm một cây thuốc…

Khẽ gật đầu như hiểu ý của Quỳnh, Hy kéo cửa lấy cây thuốc lá đặt trên mặt bàn. Cầm lấy sáu tờ giấy năm trăm Hy nói lớn như muốn cho má của mình nghe.

– Cám ơn anh… Hôm nào anh trở lại Hy sẽ để dành cho anh…

Gật đầu cười Quỳnh quay lưng đi ra cửa vừa lúc má của Hy vào tới.

– Dạ chào bác…

Quỳnh vừa nói vừa cúi đầu chào má của Hy. Tuy ngạc nhiên về cử chỉ thân thiện nhưng bà ta cũng vui vẻ chào trả lại người khách lạ mới gặp mặt lần đầu tiên. Ra tới cửa anh nghe được tiếng của má Hy hỏi.

– Ai vậy. Quen với con hả?

– Dạ không. Anh là lính đóng ở dưới chân cầu tới mua thuốc lá…

Má của Hy liếc nhanh con gái mình. Dĩ nhiên bà biết con gái đầu lòng lớn rồi lại thêm xinh xắn và duyên dáng do đó sẽ có hàng tá con trai theo chọc ghẹo. Để cho con gái mới lớn ra đây phụ bán hàng bà cũng lo âu lắm; nhưng vì nhà chỉ có mình Hy là con gái nên bà phải bấm bụng cho con quán xuyến tiệm tạp hóa để bà có thời giờ đi ra ngoài ngoại giao chuyện này chuyện nọ.

– Thuốc lá ngoài đầu đường thiếu gì sao nó hổng mua…

Hy đưa tay bụm miệng để cho tiếng cười của mình không bật ra. Má của nàng cũng hỏi một câu giống như nàng đã hỏi Quỳnh. Phải có lý do và chỉ có người bán thuốc lá và người mua thuốc lá mới biết mà thôi. Dù vậy nàng cũng lên tiếng như phân bua.

– Ảnh uống bia ở bên quán thím hai Mến nên qua đây mua…

– Nó tới đây mấy lần rồi?

Hy hơi cau mày vì câu hỏi của má. Nàng biết bà hỏi dò.

– Dạ con cũng không để ý. Lâu lâu ảnh mới tới…

– Nó đi lính gì vậy?

– Dạ hình như đi lính hải quân… Đi tàu…

Bà Lê làm thinh không hỏi nữa. Mở ngăn tủ đựng tiền bà hơi mỉm cười vì thấy có mười sáu tờ giấy năm trăm ở trong đó.

– Con bán cho nó mấy cây thuốc?

– Dạ ba…

– Ừ… Thôi con đi nấu cơm đi… Chiều rồi…

Dạ tiếng nhỏ Hy khom người nhấc chiếc túi vải màu xanh chứa đầy sách báo trong đó.

– Con xách cái gì vậy?

– Dạ sách học của con Hiếu cho con mượn…

Trả lời xong Hy cúi đầu đi nhanh ra nhà sau như sợ má sẽ hạch hỏi nhiều câu khó trả lời. Nàng cảm thấy xấu hổ khi nói dối với má nhưng cũng không muốn cho má biết mình đã mượn sách của ông lính thủy. Nàng biết má mình tuy là đàn bà mà tính nóng còn hơn Trương Phi. Nếu biết bà sẽ chưởi tắt bếp luôn.

*****

0 giờ. Trăng hạ tuần vằng vặc buông xuống trần gian màu trắng bạc long lanh làm cho cảnh vật yên tịnh thêm mông lung và huyền ảo. Mặt sông sáng ngời lấp lánh. Sóng vỗ lách tách vào mạn tàu. Hàng cây dọc theo bờ sông phía bên kia vùng Tân Uyên mờ mờ đen. Gió nhè nhẹ. Quỳnh ngồi im. Tiếng kêu xè xè của máy truyền tin hòa nhập với tiếng máy tàu rì rầm làm cho anh buồn ngủ. Anh biết nếu nhắm mắt lại anh sẽ rơi vào giấc ngủ một cách thật dễ dàng và nhanh chóng. Bảy ngày qua, chiếc Alpha 11 đã chạy từ Rạch Ông Tiếp lên tới ngã ba Uyên Hưng không biết bao nhiêu lần. Toàn thể nhân viên của hai chiến đỉnh mệt nhoài vì phải chia ra làm việc 24/24. Đêm nửa ngủ nửa thức. Ngày một mắt nhắm một mắt mở. Cứ như thế mà lập đi lập lại ngàn lần. Xa xa về hướng đông nam là Sài Gòn. Không xa lắm đâu. Chừng 30 cây số. Ngôi nhà nhỏ bên dòng sông. Mẹ già còm cõi, lặng thầm ra vào, chờ đợi nhớ mong đứa con trai đi biền biệt. Bà không phải vọng phu mà vọng tử. Chiều chiều ra đứng nơi cửa ngóng con. Chiến tranh càng lan rộng thời nỗi lo âu của bà cũng lớn hơn. Súng đạn càng nổ nhiều thời sự sợ hãi của bà cũng tăng dần cường độ. Người chết thật nhiều. Xóm thưa dần đi đàn ông con trai khiến cho đàn bà và con gái phải làm việc nhiều và nặng nhọc hơn.

Tiếng súng nổ vu vơ khiến cho Quỳnh choàng tỉnh. Ngơ ngác nhìn anh thấy Tuấn đang ngồi im lặng trên chiếc ghế lái tàu. Trăng vẫn buông xuống mặt sông rộng màu trắng mông lung phủ trên vai áo trận thành ánh sáng nhạt mờ. Sương ẩm ướt. Trong ánh trăng một khuôn mặt hiện lên. Mái tóc dài óng ả. Khuôn mặt trái soan. Ánh mắt nhìn tinh nghịch. Nụ cười hồn nhiên của tuổi mười sáu. Cô bé tên Hy vẫn còn ngây thơ dù đang cố gắng làm người lớn. Tuổi dậy thì. Tuổi chập chững bước vào đời sống bằng những bước chân rụt rè, ngơ ngác của tâm trạng háo hức muốn biết thật nhiều, muốn khám phá đời sống tình cảm của chính mình và của người khác. Tuổi bắt đầu làm dáng, học trang điểm, bắt đầu nghe lời chọc phá hay tỏ tình của bạn trai cùng trường. Tuổi của nụ cười vu vơ khi bắt gặp cái nhìn lén của người bạn trai cùng lớp mà mình ưa thích.

Quỳnh chép miệng vì cảm thấy thèm hơi thuốc và ngụm cà phê.

– Mày coi chừng tao đi hút thuốc…

Tuấn lặng lẽ gật đầu. Leo xuống sàn tàu tới đứng nơi ụ súng đại liên 50 anh hỏi Sang đang ngồi ngủ gà ngủ gật.

– Mình còn cà phê?

Sang ngước lên.

– Tôi không biết… Anh hỏi thằng Thành…

Không nói gì thêm Quỳnh đi ra sau lái. Thấy Thành đang ngồi co ro trong hầm máy anh lên tiếng.

– Mình còn cà phê?

– Còn… Để tôi rót cho anh một ly…

Quỳnh ngồi thụt sâu vào trong hầm máy rồi mới đốt thuốc. Hớp ngụm nhỏ cà phê xong hít liên tiếp hai hơi thuốc, anh cảm thấy cà phê sao mà ngon cũng như thuốc sao mà ngọt ngào. Anh cười trong bóng tối vì ý nghĩ của mình. Nếu đem ý nghĩ này nói ra cho Hy nghe chắc cô bé sẽ cười chọc quê anh và nói tại thuốc lá của tiệm cô Hy đặc biệt… Anh hút hoài anh sẽ ghiền… Quỳnh bật cười vì ý nghĩ của mình. Điều đó khiến cho Thành và Biên ngạc nhiên. Hai đứa ở dưới tàu lâu nên biết tính tình trầm lặng ít nói ít cười của anh. Bây giờ tự nhiên nghe anh cười nên hai đứa lấy làm lạ.

– Có chuyện gì vui mà anh cười vậy?

Thành lên tiếng. Quỳnh nói nhỏ.

– Tao nhớ lại hồi còn đi học…

Quỳnh cười lặng lẽ khi phải nói tránh đi không cho nhân viên biết ý nghĩ của mình. Sống chết với nhau song mỗi người đều có sự riêng tư và anh không muốn xẻ chia với bất cứ ai. Uống hết ngụm cà phê cuối cùng, rít vội mấy hơi cho hết điếu thuốc rồi dụi tắt tàn thuốc vào trong thùng đạn, Quỳnh thong thả đứng lên.

– Tụi bây ngủ đi rồi lát nữa lên thế cho thằng Tuấn…

Bước ra đứng bên hông tàu Quỳnh ngước lên nhìn vầng trăng lưỡi liềm khuất trong mây. Cảnh vật như mờ đi. Chiếc đồng hồ dạ quang trên tay anh chỉ đúng 12 giờ rưởi sáng. Lẩm bẩm mấy lời anh leo lên mui ngồi thế chỗ cho Tuấn đi ra sau lái hút thuốc.

– Mày ngủ đi để tao lái cho…

Ngồi vào ghế lái Quỳnh quay mũi tàu về hướng thành phố. Đâu đó trong ánh trăng buông vằng vặc anh thấy khuôn mặt của cô bé hiện ra. Anh không hiểu sao mình lại nghĩ về cô bé tên Hy hoài dù chỉ gặp mặt có hai lần và cũng không nói chuyện nhiều… Chở em đi học mưa chiều… Tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa… Mưa thánh thót, mưa ngân nga… Hình như có bão băng qua thị thành… Chở em đi học mưa nhòa… Đường loang loáng nước lập lòa loáng cây… Lạnh vừa đủ siết vòng tay… Run đi em để sau này nhớ nhau… Chở em sa vũng lầy nào… Về nhà nói mẹ qua cầu sẩy chân... Mấy câu thơ tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên bật ra trong trí khiến cho Quỳnh mỉm cười… Sương mờ mờ mặt sông rộng. Gió lành lạnh. Cái lạnh vừa đủ để làm cho anh co ro và cảm thấy trơ trọi… Lạnh vừa đủ xiết vòng tay… Run đi em để sau này nhớ nhau… Lẩm nhẩm hai câu thơ, Quỳnh hồi tưởng lại hình bóng của ai đó. Cuộc tình đã qua đi rồi. Người cũng đã xa rồi mà sao mình còn nhớ. Người ta không nhớ mình thời tại sao mình vẫn nhớ người ta… Ngày hai đứa yêu nhau cũng có trăng. Mùa hai đứa xa nhau cũng là mùa trăng. Ta gói tình ta trong mắt em… để cuộc đời ta mãi lao đao… trôi hoài trên sông nước… dạt bến này sang bến khác… Hôm nay Biên Hòa. Ngày mai Long An. Mốt Mỹ Tho. Bữa kia Tây Ninh, Trà Cú, Mộc Hóa, Cao Lãnh…

Tiếng súng nổ đột ngột nổi lên nơi hướng tây khiến cho Quỳnh ngước nhìn. Nghe tiếng súng anh biết đó là súng đại liên của chiếc Alpha 9.

– 11 đây 9…

Giọng của Quốc vang vang trong máy 46.

– 11… 11… đây 9… Nó bắn trúng tôi… Nghe rõ trả lời…

– 11 nghe 9… Tôi sẽ gặp anh…

Quỳnh đẩy mạnh cần ga. Hai máy dầu cặn rú lớn. Chiếc tàu sắt rẽ sóng. Tuấn leo vào ghế lái thế chỗ cho Quỳnh. Rảnh tay anh đưa ống dòm lên quan sát. Xa xa chừng ô vuông nơi khúc quanh anh thấy hàng chục đốm lửa từ trong bờ xẹt ra. Ngồi trên ụ súng cao nên Kỳ thấy rõ. Nó la lớn với Quỳnh.

– Bờ bên phải đó anh…

Quỳnh rê ống dòm. Nhờ ánh trăng sáng anh thấy được hàng cây đen mờ có nhiều ánh lửa nhấp nháy. Tiếng súng từ chiếc Alpha 9 gầm rống như giận dữ vì bị địch bắn. Đạn lửa kéo dài lê thê thành một dây từ ngoài sông vào tận trong bờ. Bốn viên đạn thường sẽ có một viên đạn lửa chỉ đường mà đạn lửa được nối thành dây dài đủ hiểu nhịp tác xạ khủng khiếp của chiếc tàu do Quốc chỉ huy. Bụp… Bụp… Bụp… Nghe tiếng nổ đó Quỳnh biết chiếc Alpha 9 đã xử dụng tới khẩu M79 tự động để hủy diệt mục tiêu của địch. Ba khẩu đại liên 12 ly 7 và khẩu đại bác 20 ly chạm nổ không đủ sức làm địch ngưng bắn vào tàu. Chiếc Alpha 11 nhập cuộc. Đạn trong bờ vẫn tiếp tục bắn ra. Quỳnh nghe được tiếng nổ của AK47 hầu như bị át bởi tiếng súng của tàu. Ụ súng đại liên của Sang rống lên từng hồi như bò rống trong khi khẩu đại bác của Kỳ nổ từng chập. Lửa trong bờ chớp tắt liên tục. Thêm hỏa lực của một chiếc tàu nữa khiến cho địch tạm thời ngưng bắn. Tuy nhiên xuyên qua kinh nghiệm Quỳnh biết cuộc phục kích chưa chấm dứt. Ít nhất địch phải có hơn trung đội súng nặng mới bắn nhiều và lâu như vậy. Thường thường nếu là đám du kích bắn tàu thời chỉ bắn một hai trái B40 và vài tràng AK47 rồi thôi vì biết không thể nào ngóc đầu lên để bắn tiếp dưới sự bắn trả của tàu. Sự tuần tiễu của hai chiến đỉnh đã gây trở ngại cho việc chuyển tải khí giới của địch từ bên vùng Tân Uyên vượt qua bên này sông để vào thành phố Biên Hòa. Bởi vậy chúng phải tìm đủ cách để làm tê liệt hoạt động của hai chiến đỉnh.

– 9 đây 11…

– 9 nghe 11…

Quốc lên tiếng. Nghe giọng nói bình tỉnh của nó Quỳnh an tâm.

– Anh có bị gì không?

– Không có thằng nào nghỉ phép… Một máy tàu bất khiển dụng… Tuy nhiên hệ thống điện của súng vẫn tốt… Mẹ tao xui quá…

Quốc cười ha hả sau khi nói. Hai chiếc tàu sắt xếp thành hàng dọc, lềnh bềnh trên dòng sông như thách thức kẻ địch khai hỏa trước. Ngồi trên mui Quỳnh im lặng quan sát động tịnh trong bờ. Dưới ánh trăng vằng vặc anh thấy lờ mờ mô đất, gốc cây, hàng dừa nước. Những chướng ngại vật đó là vị trí thuận tiện cho địch ẩn nấp để bắn tàu. Ngẫm nghĩ giây lát anh leo xuống đi ra đằng sau lái. Đưa ống dòm cho Biên quan sát xong anh mới nói.

– Mày câu M79 vào nơi đó trong lúc tao dùng ống dòm điều chỉnh mục tiêu…

Biên gật đầu bấm nút điện. Hàng chục tiếng lụp bụp thoát ra rồi hai ba giây đồng hồ sau tiếng lựu đạn nổ rền vang. Xuyên qua ống dòm Quỳnh thấy ánh lửa nhấp nháy.

– Qua bên trái năm độ…

Quỳnh hét vào tai Biên để cho nó điều chỉnh. Phút sau hàng chục quả lựu đạn rơi đúng vào vị trí có mô đất và gốc cây. Tiếng nổ của lựu đạn kéo theo hàng ngàn tiếng súng nổ của hai chiến đỉnh. Lát sau lệnh ngưng bắn được ban ra. Địch cũng thôi không bắn nữa. Hai chiếc tàu vẫn trôi trên sông. Quỳnh nhìn đồng hồ. 3 giờ sáng. Đêm còn dài, thật dài…

5

– Mưa gì mưa hoài…

Tuấn càu nhàu. Tuy nhiên dù có càu nhàu mà mưa thời vẫn mưa. Mưa rơi trắng xóa trên mặt sông rộng. Mưa hạt nhỏ hạt lớn. Mưa hạt ngắn hạt dài. Mưa kéo theo gió và gió đưa mưa khắp nơi. Gió mang mưa vào tận chỗ ngồi. Gió hắt mưa tận chỗ nằm. Gió thổi mưa xuyên qua áo mưa, thấm vào áo quần gây ẩm ướt thân thể. Mưa dưới đất mưa lên. Mưa trên trời cao mưa xuống. Quỳnh nhếch môi cười khi nghe người lính trẻ càu nhàu. Đi lính là phải nhẫn nhục chịu đựng, không than van, không phàn nàn. Có than van cũng bằng thừa. Có than thở cũng chẳng đi tới đâu. Có khiếu nại thì được trả lời một câu ” Thi hành trước khiếu nại sau ”. Đã thi hành rồi thời còn khiếu nại làm gì nữa cho sếp ghét. Sếp không ưa cái bản mặt của mình thời sếp sẽ đì mình tối đa bằng cách tống khứ mình vào vùng công tác cả tuần lễ không thấy nhà, cả tháng không thấy đàn bà con gái. Cái mà mình thấy thường xuyên là người lính mặc bà ba đen, đi chân trần, xách AK, nằm mọp dưới hầm hố, ngón tay đặt hờ lên cò súng chờ chiếc tàu xuất hiện.

– Anh hút thuốc…

Tuấn nói nhỏ trong lúc chìa gói thuốc móp méo ra. Khom người cản cho mưa đừng làm ướt gói thuốc, Quỳnh lấy một điếu xong bật chiếc zippo. Ngọn lửa cháy bùng bị gió lùa thành màu xanh lè. Bập bập mấy hơi cho điếu thuốc bị ẩm ướt cháy đều xong anh nhếch môi cười lên tiếng.

– Tao coi bộ mày lậm rồi… Có thói hư rồi…

Cười hắc hắc Tuấn nói một câu bào chữa cho việc hút thuốc lá của mình.

– Tôi nghiệm ra lý do giản dị giải thích tại sao anh hút thuốc và nhậu hoài…

Ngước mắt lên nhìn vào khuôn mặt đã bắt đầu cháy nám của người lính trẻ thâm niên quân vụ chưa tròn năm, Quỳnh cất giọng lửng lơ.

– Thế à… Lý do gì?

Hít hơi thuốc thật dài, ém hơi thật kỹ rồi mới nhả khói ra từ từ, Tuấn cười nhẹ. Giọng của nó rời rạc và mỏi mệt.

– Anh cần có cái gì để mê, để ghiền… Nó làm anh quên…

Cười hực một tiếng Quỳnh phang một câu.

– Mày nói chuyện như ông cụ non…

Tuấn bật cười hắc hắc như không giận vì lời phê bình thẳng thừng của cấp chỉ huy.

– Mà tôi nói đúng không?

Vành môi của Quỳnh hơi nhếch thành nụ cười song anh lại im lặng hút thuốc rồi lát sau mới từ từ lên tiếng.

– Cũng đúng chút chút…

Tuấn bật cười thích thú khi nghe thuyền trưởng thú nhận. Riêng Quỳnh cũng mỉm cười. Dù không nói ra anh cũng phải công nhận Tuấn có nhận xét tinh tế và nhạy cảm. Đã đọc lý lịch nên anh biết nó học tới lớp 11. Vì thi rớt tú tài 1 nên bỏ học đi lính hải quân.

– Ủa mấy cuốn sách của anh đâu mất tiêu rồi. Tôi tìm cuốn Loan Mắt Nhung hoài mà hổng thấy…

– Tao cho người khác mượn…

Quỳnh trả lời nhát gừng. Dường như cảm thấy có cái gì không bình thường trong câu trả lời của anh nên Tuấn cười hỏi.

– Cho ai mượn?

– Người quen…

Vì cúi đầu ngắm mưa rơi trên sông nên Quỳnh không thấy được Tuấn nhìn mình lom lom với vẻ kinh ngạc.

– Mới quen?

– Ừ…

Biết Quỳnh không muốn bàn chuyện riêng tư nên Tuấn im lặng. Nhưng lát sau nó lại hỏi tiếp vì không dằn được tính tò mò.

– Đàn bà…?

Quỳnh bật cười vì câu hỏi.

– Chứ hổng lẽ tao quen đàn ông. Tao không phải đồng tính luyến ái… Tao cũng không lại cái…

Tuấn cười hắc hắc khi nghe thuyền trưởng thanh mình thanh nga một câu dài.

– Tôi hỏi đàn bà là để phân biệt với con gái…

Quỳnh gật gù cười mỉm.

– Con gái… Cô ta còn đi học…

Nói tới đó như không muốn thố lộ thêm Quỳnh leo xuống mui rồi mới nói vọng lên.

– Tao đi hút thuốc…

Một tay nắm lan can đi dần về sau lái anh nhìn mặt nước nổi bong bóng. Cơn gió vật vả thổi lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phần phật. Lá cờ cũ mèm nên màu vàng đã phai cũng như ba sọc đỏ không còn là màu đỏ mà biến ra màu cam. ” Mình phải bảo thằng Sang thay lá cờ mới...”. Quỳnh lẩm bẩm trước khi bước vào phía sau lái mái được che bằng tấm ny lông dày. Biên với Thành đang rút vào chỗ kín nhất vừa hút thuốc vừa nhìn mưa rơi mịt mù trên dòng sông Đồng Nai.

*****

Mưa lất phất mưa bay. Tiệm vắng tanh. Hy ngồi im nhìn từng giọt mưa từ trên mái nhà rơi xuống. Trang tạp chí mở rộng. Nàng đọc chậm và kỹ để tìm đoán xem truyện ngắn nào do ông lính thủy tên Quỳnh viết. Anh ta không nói bút hiệu của mình và nàng cũng quên hỏi nên bây giờ phải mất thời giờ tìm hiểu. Điều đó cũng không có gì khó khăn vì trong cuốn tạp chí chỉ có ba truyện ngắn mà thôi. Vả lại nàng cũng dư thời giờ để đọc. Cuối tháng 7 mưa nhiều nên tiệm cũng ế ẩm. Má nàng bỏ đi suốt ngày để tiệm cho nàng mặc sức muốn làm gì thời làm. Mỗi buổi chiều trước khi đóng cửa bà trở về coi lại tiền bạc sơ sơ thôi. Ánh mắt của nàng ngừng lại nơi truyện ngắn có tên Nửa Vầng Trăng Xế… Đại khái cốt truyện là truyện kể. Một người lính kể cho người bạn mới quen nghe tình yêu của anh ta. Điều oái oăm và kỳ lạ là anh ta yêu một ni cô… Tác giả không kết luận chuyện tình yêu đó như thế nào mà lại dành cho người đọc tự tìm hiểu và phán đoán. Mới mười sáu, chưa hề biết yêu thương ai, sở dĩ nàng đọc chỉ vì tò mò muốn biết ông khách hàng đặc biệt viết cái gì, hay hoặc dở để rồi tìm cách chọc phá ông ta chơi. Nàng vẫn còn tính con nít, thích chọc quê và xỏ xiên người khác. Tuy nhiên sau khi đọc xong nàng lại cảm thấy buồn. Nàng nghĩ nếu yêu là sầu khổ mà tại sao người ta lại yêu. Nàng chỉ nghĩ như vậy thôi. Chưa hề có tình ý cũng như yêu ai nên nàng không biết yêu như thế nào.

Gấp quyển tạp chí lại nàng đi ra cửa đứng nhìn mưa rơi. Không khí mát nằng nặng hơi nước. Nàng tưởng tượng ra ông khách đặc biệt đang mặc chiếc áo mưa màu xanh nước biển, đi trong cơn mưa bay lất phất tới thăm mình. Tóc ông ta ướt sũng. Nụ cười không trọn. Ánh mắt hiền và trầm lặng. Tia nhìn như xoáy vào điều gì mà một cô học trò mười sáu như nàng không thể hiểu. Giọng nói chậm rãi, khàn vì hút thuốc lá. Nghĩ tới thuốc lá nàng như ngửi được mùi thuốc Capstan thoang thoảng quanh đây. Đứng nhìn mưa chán nàng lại trở vào. Ngồi lên ghế nàng nhìn vào tủ kính rồi kéo cửa lấy gói thuốc lá ra mân mê xong đưa lên mũi ngửi. Dù gói thuốc chưa khui nàng cũng ngửi được mùi hăng hăng và khen khét.

– Thúi hoắc mà hút hoài… Ngộ ghê…

Hy cười với chính mình khi một ý nghĩ hiện ra ” Mai mốt mình xin ảnh một điếu hút cho biết…”. Ý nghĩ kỳ cục đó làm cho nàng bật cười hắc hắc. Đặt trả gói thuốc lá trở lại chỗ cũ nàng thấy Hiếu, bạn cùng lớp thân nhất của mình mặc áo mưa đang đi tới.

– Con nhỏ này khùng sao mà đi dưới mưa…

Hiếu dừng lại nơi cửa. Cởi áo mưa ra giũ giũ mấy cái cho nước mưa rơi xuống xong nó hất mặt cười với bạn.

– Nhớ ai vậy nhỏ?

– Đâu có nhớ ai… Có ai đâu mà nhớ…

– Tao hổng tin… Nhìn cái mặt thờ thẩn của mày như nhớ bồ… Nói thật đi có gì tao cố vấn cho…

Hy muốn dấu bạn về sự quen biết với Quỳnh nhưng cuối cùng bị Hiếu tra hỏi mãi nàng bèn phun ra hết.

– Anh ta đẹp trai hông?

– Tao hổng biết…

– Sao hổng biết… Bộ mày không nhìn người ta à…

Hy cười im lặng và Hiếu tiếp tục cuộc điều tra của mình

– Tính tình?

Hy cười hắc hắc như có điều gì thích thú.

– Khó ưa… Nhưng mà ưa được rồi là ưa hoài… Người trầm lặng, ít nói nhất là ít cười… Chắc anh ta sún răng…

Nói xong Hy bật cười và Hiếu cũng cười theo.

– Bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi lăm…

– Lớn hơn mày tới chín tuổi lận… Chắc ba má mày hổng thích đâu…

Hy cãi lại.

– Tao thích là được rồi. Ảnh quen tao chớ bộ… với lại tao coi ảnh như anh mà

– Mày có hình của anh ta?

– Mới quen mà xin hình làm gì…

– Mai mốt gặp lại anh ta mày xin hình để tao coi mặt anh ta tròn hay méo, xấu hay đẹp rồi tao làm mai cho…

Hy xì tiếng dài.

– Xí… Cái mặt búng ra sữa của mày mà đòi làm mai… Ai mà thèm…

Hiếu cười hăng hắc, với tay lấy chiếc áo mưa mặc vào.

– Thôi tao về… hổng thôi má tao bả la chết… Sắp tới ngày tựu trường rồi…

Hy gật đầu ngồi im nhìn theo bạn đi trong mưa. Nàng liên tưởng tới Quỳnh mặc áo mưa ngồi co ro trong trời mưa bay lất phất.

– Chắc ảnh lạnh lắm…

Nói xong nàng thở dài. Đó là tiếng thở dài đầu tiên của cô gái mười sáu tuổi.

*****

11 giờ. Đang ăn sáng ở Uyên Hưng, Quỳnh phải hấp tấp trở về tàu để nói chuyện với trung úy Bình. Hai chiến đỉnh sẽ nhận vùng công tác mới. Đó là khúc sông từ ngã ba Uyên Hưng dài lên tới sông Vũng Gấm. Hỏi thời được biết ngày đi có mà ngày về không, đúng hơn là chưa biết vì còn tùy thuộc vào tình hình chiến sự. Sang càu nhàu khi biết sẽ còn ở đây dài dài. Quỳnh gật đầu đồng ý. Rời Uyên Hưng, hai chiến đỉnh đi ngược lên thượng nguồn của sông Đồng Nai để tuần tiễu từ ngã ba Uyên Hưng dài lên tới ngã ba sông Vũng Gấm. Phong cảnh hoang sơ, tiêu điều và vắng vẻ. Ngồi trên ụ súng trước mũi, Sang nói lớn với Quỳnh.

– Coi bộ mệt nghen anh…

Quỳnh gật đầu im lặng. Hai bên bờ sông càng vắng vẻ chừng nào thời nguy hiểm càng nhiều chừng đó. Vùng này không có dân chúng ở tất nhiên phải thuộc vào vùng giải phóng của địch hay ít ra bộ đội cũng thường xuyên hoạt động. Nắng chang chang. Không có gió nên oi bức. Quỳnh đưa tay áo lau mồ hôi trán. Dù biết mặc áo giáp và đội nón sắt là cần thiết vì hai thứ đó sẽ che chở mình khi bị địch bắn nhưng anh vẫn khó chịu bởi nóng nực và nặng chình chịch. Anh có cảm tưởng cái nón sắt mình đang đội trên đầu giống cái vòng kim cô của Tôn Hành Giả. Ông ta phải đi hết con đường thỉnh kinh thời cái niền đầu mới rớt ra. Còn anh phải hết chiến tranh thời mới thôi đội nón sắt. Bao giờ chiến tranh mới chấm dứt. Quỳnh tự hỏi nhiều lần mà cũng không có câu trả lời thỏa đáng.

– 11 đây 9…

Quỳnh uể oải cầm lấy ống nói khi nghe giọng nói của Quốc vang vang trong máy 46.

– 11 nghe 9…

– Tao thấy ớn quá…

Quốc nói với giọng không được bình thường. Quỳnh cười trấn an.

– Không sao đâu… Mày để ý bờ bên trái, phía Tân Uyên…

Dứt điện đàm với Quốc, Quỳnh cầm ống dòm lên nhìn về phía trong bờ. Rừng chồi ngút ngàn với những trảng tranh và cỏ xanh rì. Dòng sông Đồng Nai bắt đầu hẹp lại dần dần và hai bên bờ sông cũng cao hơn mặt nước. Đây là một bất lợi cho tàu vì sự tác xạ sẽ không còn chính xác nữa. Mực nước sông phải bằng hoặc cao hơn bờ thời súng bắn mới có hiệu quả được. Ở đây nước hầu như chỉ chảy một chiều vì thủy triều không lên tới. Không những cao hơn mặt nước sông mà hai bên bờ còn có nhiều mô đất, gốc cây, đồi thấp rất tiện cho địch đào hầm hố ẩn núp để bắn tàu.

Sang chợt lên tiếng nói lớn.

– Hầm hố nhiều quá… Điệu này nó bắn mình xong tha hồ ngồi hút thuốc và uống cà phê… Mình bắn tới tết ma róc cũng hổng rụng sợi lông của nó..

Quỳnh cười im lặng. Sang nói tiếp.

– Dù sao nó cũng còn đỡ hơn sông Vàm Cỏ Đông… Anh nhớ lần mình vượt biên qua Miên?

Quỳnh gật đầu. Dù không muốn nhớ anh cũng không thể và không bao giờ quên chuyến hành quân vượt sang biên giới Miên. Đó là cuộc hành quân hổn hợp với bộ binh và biệt động quân. Điểm đặc biệt là anh có một thằng bạn thân ở trong tiểu đoàn biệt động quân này. Lần đầu tiên anh mục kích một cuộc kịch chiến giữa quân ta với quân địch. Hai bên chết như rạ. Sau khi địch rút lui anh mới gặp được thằng bạn thân. Hai đứa ôm nhau không khóc mà nước mắt ứa ra. Bộ quân phục bê bết bùn đất với máu, Hóa im lặng tận hưởng chai 33 nóng của anh đưa cho. Mới hai mươi ba tuổi mà trông nó già nua và cằn cỗi. Lửa của chiến tranh đã làm khô héo thằng học trò mơ mộng và lãng mạn. Ba ngày sau đoàn tàu mười mấy chiếc chở đầy lính ngược lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông để đổ quân vào trong đất Miên mà mục tiêu là vùng Lưỡi Vẹt. Con sông nhỏ bề ngang ba mươi thước khiến cho tàu xoay trở khó khăn. Hầm hố đầy hai bên bờ sông cao ngang với ụ súng 20 ly. Đại liên 50 bắn chỉa lên trời. Đại bác 20 ly chạm nổ không còn hiệu quả nữa. Tàu sắt cồng kềnh và nặng nề phải hứng B40, 57 không giật, lựu đạn và độc địa nhất là bắn sẻ. Biết bao nhiêu bạn bè, người quen, kẻ không quen biết đã nằm lại nơi xó xỉnh vô danh nào đó. Lần đầu tiên Quỳnh nhìn thấy cái chết rất gần. Năng, chết gục vì bị bắn một phát vào đầu trong lúc ngồi cạnh anh ăn tô mì gói. Máu bắn tứ tung. Hơn tuần lễ anh thức ngủ chập chờn vì nghĩ tới cái chết của Năng.

– Cà phê nè anh…

Biên đưa cho Quỳnh ly cà phê đen bốc mùi thơm thơm. Nhấp ngụm nhỏ anh tặc lưỡi cười đùa.

– Chừng nào giải ngũ mày mở quán cà phê đi…

Biên cười hắc hắc.

– Tôi thích mở quán nhậu hơn…

– Tại sao vậy?

Quỳnh vặn. Biên chưa kịp trả lời Tuấn đã vọt miệng hớt trước.

– Để khách không nhậu thời nó tha hồ nhậu…

Quỳnh bật cười rút trong túi ra gói thuốc mời Biên.

– Cám ơn anh tôi có rồi…

Thong thả lấy điếu thuốc gắn lên môi của mình, Quỳnh quẹt diêm. Tia lửa bùng lên rồi tắt thật nhanh dưới cơn gió mạnh. Càu nhàu anh khom người xuống phòng lái để quẹt diêm.

– Bum… Bum…

Âm thanh vọng âm u. Ngồi ở ụ súng trên mui nên Kỳ thấy trước nhất. Nó la lớn khi thấy ánh lửa lòe chớp trong bờ.

– Nó bắn… Bên trái

Ầm… Quỳnh cảm thấy một chấn động mạnh mẽ đẩy bật anh vào chỗ Tuấn đang ngồi lái tàu rồi sau đó là cảm giác đau buốt nơi tay. Nhìn xuống anh thấy cổ tay của mình máu tuôn đỏ tươi. Lồm cồm ngồi dậy anh cứng người sợ hãi khi thấy Biên nằm bật ngửa trên mui tàu. Máu từ nơi cổ của nó phún ra thành vòi đỏ tươi. Mặc cho vết thương của mình, anh chồm tới chỗ nó đang nằm. Mặt trắng bệch. Hai mắt mở lớn bất động. Hơi thở phì phò. Miệng há ra như muốn nói điều gì. Người lính thủy đang nằm trong trạng thái hấp hối. Không có gì. Không có ai có thể cứu sống được nó. Ứa nước mắt Quỳnh đưa bàn tay của mình ra cố bịn kín vết thương dài nửa gang tay trên cổ của người sắp chết. Anh biết việc làm của mình vô ích nhưng anh không thể làm gì khác hơn. Anh không đành lòng nhìn người lính dưới quyền đang đi dần vào cái chết. Nó còn trẻ quá mà. Mới có ngoài hai mươi. Súng trên tàu nổ ran ran. Máu nơi vết thương vẫn chảy. Chỉ có Biên đang nằm im lìm. Bàn tay nắm chặt lấy tay anh như lời gởi gấm. Gởi gấm cái gì. Hay chỉ là một níu kéo tuyệt vọng trước khi từ giã.

(CÒN TIẾP)

Advertisement