GIẶC BẮC 13

giacbac_bia

50

NHẬN DIỆN KẺ NỘI THÙ

Ngồi im tại trung dinh Hầu Nhân Bảo nhìn ra dãy núi non trùng điệp trước mặt. Rừng cây xanh rì. Hơn nửa tháng đã qua rồi mà quân của hắn vẫn còn bị kẹt cứng ở đây không thể nào tiến xuống thành Đại La. Dù quân số ít hơn nhưng dựa vào địa thế hiểm trở của vùng Chi Lăng quân Đại Việt đã cố thủ con đường huyết mạch ngăn không cho quân của hắn tiến xuống vùng Bắc Giang hội quân với Tôn Toàn Hưng và Lưu Trừng. Hắn thoáng thấy bóng Quách Dị ngoài sân. Khi họ Quách vừa xuất hiện nơi cửa hắn hỏi liền:

– Có chuyện gì vậy Quách tướng quân?

– Trình đại nhân… Tôi xin báo cho đại nhân một tin vui và một tin buồn…

Không có gì thay đổi trên nét mặt của vị đại tướng tổng chỉ huy quân bộ của Tống triều. Lát sau giọng nói trầm và nhỏ của họ Hầu vang lên:

– Tướng quân cứ nói…

– Trình đại nhân… Đại đội chiến thuyền của Lưu đô đốc đã kịch chiến với quân Giao Chỉ trên sông Bạch Đằng và tịch thu được của giặc hơn hai trăm chiến thuyền. Thắng lợi này có thể nói Lưu đô đốc đã vô hiệu hóa thủy quân của giặc. Tuy nhiên…

Quách Dị ngừng lại nhìn Hầu Nhân Bảo xong tiếp nhanh:

– Sau khi đánh tan đội chiến thuyền của giặc Lưu đô đốc đã tung hai vạn quân bộ lên bờ tìm cách hội với quân của Tôn tướng quân song gặp sức kháng cự mạnh mẽ của quân Giao Chỉ dưới sự chỉ huy của tên tướng Lê Hoàn…

– Tướng quân có tin gì về quan Lan Lãng Đoàn Luyện Sứ?

Liếc nhanh họ Hầu vị thủ lĩnh đoàn do thám Tống triều thấp giọng:

– Trình đại nhân… Theo báo cáo của quân do thám thời đạo quân thiện chiến của Tôn tướng quân cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu mạt tướng không lầm thời Tôn tướng quân hiện đang đóng quân ở một địa điểm gần cửa sông Lục Đầu thuộc Bắc Giang. Phạm Cự Lượng, tên tướng giỏi của Giao Chỉ đã gây rất nhiều khó khăn cho Tôn tướng quân. Dựa vào địa thế hiểm trở của vùng Bắc Giang cùng với sự thông thạo địa hình địa vật, quân Giao Chỉ dưới sự chỉ huy của Phạm Cự Lượng đã áp dụng cách hành binh bao vây, tập kích, đánh tỉa, đánh lén, nhắm đánh thắng thời đánh mà đánh không thắng thời rút lui chờ dịp khác. Điều này khiến cho quân ta điên đầu không biết đối phó ra sau. Đó cũng là lý do chính khiến cho Tôn tướng quân không thể nào điều động quân binh để hội với quân của Lưu đô đốc dù người đã đóng quân gần nửa tháng ở Bắc Giang. Ngoài ra lương thực cũng là chuyện khó khăn mà quân ta đang phải đối đầu…

Trầm ngâm thật lâu Hầu Nhân Bảo mới thở dài. Lúc mới vừa xua quân sang biên giới hắn nghĩ cuộc chinh nam sẽ không có trở ngại nào đáng kể. Quân Giao Chỉ sẽ chạy như vịt trước đạo quân đông đảo và tinh nhuệ của mình. Bây giờ tình thế hoàn toàn khác hẵn vượt ra ngoài dự tính. Muốn cứu vãn tình thế và nguy cơ tan rã của binh đội thiên triều hắn không còn cách nào hơn là đánh chiếm Chi Lăng để tràn xuống vùng Bắc Giang bắt tay với Tôn Toàn Hưng và Lưu Trừng.

– Chừng nào tướng quân mới đi gặp tên Giao Chỉ Quận Vương?

Hầu Nhân Bảo lên tiếng hỏi Quách Dị.

– Trình đại nhân… Mạt chức tới chỗ hẹn mỗi đêm nhưng không có thư của hắn. Tối hôm nay mạt chức sẽ đi tới chỗ hẹn hi vọng có tin tức của hắn…

Hầu Nhân Bảo nhìn Quách Dị:

– Ta cần tin tức của hắn… Ta cần sự giúp đỡ của hắn để đánh chiếm Chi Lăng bởi vì nếu để chậm quá tình thế sẽ trở nên tồi tệ và vô phương cứu vãn…

– Mạt chức biết… Thế nào hắn cũng sẽ liên lạc với ta…

Quách Dị đứng lên. Hầu Nhân Bảo ngồi im lìm với nét mặt nhiều ưu tư và lo nghĩ.

Ngang dọc chừng trăm thước khu mồ mả hoang vu lèo tèo độ hai mươi ngôi mộ. Có nhiều ngôi mộ đã lạn, không có bia còn nếu có bia cũng chỉ ghi vài dòng sơ sài. Cỏ dại mọc cao khỏi đầu. Mấy gốc cây lớn nằm trơ vơ. Chính giữa khu mồ mả là một ngôi mộ lớn nằm cạnh thân cây to đã chết. Ngắm nhìn địa thế xong sư Khai Quốc thốt:

– Mô phật…Bần tăng xin cắt đặt như thế này. Tôn trang chủ canh hướng tây, Lê trang chủ coi chừng phía bắc, Trần chưởng môn giám thị mặt đông và Lê chưởng môn quan sát hướng nam. Phần bần tăng trụ trì sau gốc cây lớn này…

Tôn Nhật cười nói đùa:

– Có chùa chiền nào đâu mà đại sư trụ trì họa chăng mấy nấm mồ vô danh…

Sư Khai Quốc nhẹ cười thốt:

– Mô phật… Đối với bần tăng ở đâu cũng là cửa phật sân chùa…

Dùng qua loa bữa cơm tối, sửa soạn chỗ ẩn nấp xong năm người ngồi im chờ đợi gian phi xuất hiện. Trời tối đen như mực. Gió thổi lai rai. Sấm nổ đì đùng. Thỉnh thoảng chớp loè sáng rực khiến cho khu nghĩa địa hoang vu càng thêm lạnh lùng và bí hiểm. Mưa bắt đầu rơi. Thời gian chầm chậm trôi.

Đang ngồi im an thần định khí Lê Hùng chợt nghe lẫn trong tiếng mưa rơi có tiếng tà áo phất gió kêu lạch phạch rồi một bóng đen xẹt vù qua mặt mình. Thân pháp khinh linh phiêu hốt tợ ma quỉ bóng đen tiến dần vào vào khu trung tâm nghĩa địa nơi có sư Khai Quốc canh giữ. Tới chỗ gốc cây lớn bóng đen dừng lại đứng im chờ đợi.

Nấp sau thân cây vị sư già bế hơi không dám thở. Thừa biết gian phi vũ thuật cao siêu, thính lực tinh tường có thể nghe được tiếng lá rụng ngoài trăm bước cho nên ông ta phải thi triển qui tức công bế hơi ngưng thở để hành tung khỏi bị bại lộ. Bóng đen từ phương bắc đứng đợi chừng chốc lát thời Lê Tuấn Bạch thoáng thấy một bóng đen khác từ hướng nam chạy tới. Sư Khai Quốc an thần định khí để lắng nghe khi hai bóng đen bắt đầu nói chuyện.

– Hầu đại nhân nhờ tại hạ chuyển lời cám ơn tới các hạ. Cũng nhờ sự trợ giúp của các hạ mà binh đội thiên triều đã chiếm được Mai Sao và Quang Lang…

Nghe câu nói này sư Khai Quốc ước đoán người đó chắc là Quách Dị, thủ lĩnh của đoàn do thám Tống triều.

– Hầu đại nhân còn cho biết thêm là người đã viết sớ cho đấng kim thượng để xin chỉ dụ về việc phong chức Giao Chỉ Quận Vương cho các hạ sau khi bình xong đất Giao Chỉ…

Giọng nói khác cất lên trầm trầm và lạnh lùng. Khi nghe giọng nói của người này sư Khai Quốc hơi ngờ ngợ dường như ông ta đã nghe qua vài lần.

– Quách thủ lĩnh vui lòng nói với Hầu đại nhân là tại hạ cám ơn về lòng ưu ái của người. Để tỏ lòng thần phục thiên triều tại hạ xin báo cho Hầu đại nhân biết là tên quân sư họ Vũ đã phái hai tướng chỉ huy một nửa vạn quân đóng trại bên ngoài ải Chi Lăng…

Quách Dị lên tiếng:

– Đa tạ các hạ đã báo tin…

Mưa chợt rơi nặng hạt hơn. Sấm bỗng nổ đì đùng và chớp loè sáng rực. Lãnh phần nhận diện ra kẻ nội phản cho nên nhân khi chớp loè sáng sư Khai Quốc nhẹ ló đầu ra nhìn.

Dù là tông chủ của một phái võ lừng danh với năm mươi năm thiền tọa mà vị sư đứng đầu của chùa Tướng Quốc thiếu điều bật la thảng thốt khi trông thấy mặt kẻ nội phản. Rụt đầu về chỗ cũ ông ta đưa tay vuốt nước mưa chảy thành dòng trên mặt đoạn ló đầu ra nhìn lần nữa. Quách Dị đã bỏ đi chỉ còn kẻ nội phản đứng im giữa trời mưa gió giây lát rồi tung mình vào bóng đêm mịt mùng.

Thở hơi thật dài sư Khai Quốc lắc đầu mấy lượt như không tin vào sự thực mà ông ta đã mục kích. Lát sau ông ta rời chỗ nấp. Lê Hùng, Tôn Nhật, Trần Hùng và Lê Tuấn Bạch cũng xuất hiện. Lê Hùng hỏi nhanh:

– Đại sư nhận diện hắn?

– Kẻ nội phản là ai?

Tôn Nhật hỏi câu trên. Thở dài vị sư già nói nhỏ:

– Mô phật… Hơn sáu mươi năm làm người, mục kích bao nhiêu điều kỳ lạ mà bần tăng hầu như không tin vào mắt của mình. Kẻ nội phản chính là Hồ Nguyên, đích tử của Hồ lão thí chủ…

– Đại sư thấy mặt y?

Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch lên tiếng. Sư Khai Quốc chậm rải trả lời:

– Không những thấy mặt mà bần tăng còn nghe giọng nói của y nữa. Hồ gia trang và bản tự có giao tình rất thân mật. Hồ lão thí chủ thường đến làm khách của chùa Tướng Quốc và bần tăng cũng thường quấy rầy Hồ gia trang. Hồ lão phu nhân rất mộ đạo cho nên bần tăng thường hay đến giảng kinh Phật cho người và con cháu trong trang. Bần tăng biết mặt Hồ Nguyên như biết mặt chư thí chủ…

Lạc Kiếm Trần Hùng chợt lên tiếng:

– Chuyện này quan trọng vô cùng cho nên tôi đề nghị đại sư và Tôn trang chủ nên trở về báo cáo cho quân sư biết để người tùy nghi định liệu…

Dặn dò ba người ở lại canh chừng xong sư Khai Quốc và Vô Hình Đao Tôn Nhật hối hả trở lại Chi Lăng. Sau khi nghe sư Khai Quốc tường thuật lại mọi chuyện Vũ quân sư có thái độ rất bình tịnh khiến cho Tôn Nhật phải lên tiếng:

– Dường như quân sư đã đoán ra kẻ nội phản là ai?

Vũ quân sư cười nhẹ:

– Ta không chắc chắn vì vậy ta mới cần chư vị xác định…

Vừa lúc đó Hồ Vũ Hoa bước vào. Vô Hình Đao Tôn Nhật nhìn thấy người bạn già của mình bỗng nhiên như già đi trăm tuổi và nét mặt phảng phất nét buồn phiền dù ông ta cố không tỏ ra cho mọi người thấy. Vòng tay thi lễ với Vũ quân sư ông ta nói nhỏ:

– Trình quân sư… Quân ta bị địch quân chận đánh khi ra khỏi Chi Lăng độ mấy dặm. Không chịu nổi sức tấn công của địch hai tướng đã phải lui binh hợp với tướng Phạm Bách Chước và đóng trại sát bờ sông Chi Ninh…

Trước tình hình bất lợi dồn dập xảy ra Vũ quân sư vẫn thản nhiên dường như ông ta biết trước tình hình sẽ phải xảy ra như vậy. Nhìn sư Khai Quốc, Tôn Nhật và Hồ Vũ Hoa ông ta thấp giọng như sợ có kẻ nào rình rập nghe được những điều mình sắp thố lộ:

– Kế hoạch dẫn dụ Hầu Nhân Bảo lọt vào vòng binh phục của ta đã đến giai đoạn sau cùng. Tôn trang chủ mang tin tới cho Đoàn Chí Hạ biết để y chuẩn bị. Phần Hồ lão trang chủ hãy đi gặp tướng Phạm Bách Chước để trao mật lệnh cho họ, còn Khai Quốc đại sư lãnh phong thư này trở lại khu nghĩa địa. Mở phong thư ra đại sư hãy làm theo lời chỉ dẫn. Ba vị nhớ là phải bảo mật tối đa. Sự tồn vong của đất nước sẽ được định đoạt bởi trận đánh này…

Ba người lãnh lệnh. Sư Khai Quốc do dự hồi lâu mới hắng giọng nói với Hồ Vũ Hoa:

– Hồ thí chủ chắc chưa biết…

Dường như đã đoán ra sư Khai Quốc muốn nói điều gì Hồ Vũ Hoa thở dài thốt:

– Tôi và quân sư đã bàn luận về việc này. Đó là lỗi của tôi đã không giáo huấn con cái một cách nghiêm nhặt. Thằng nghịch tử của tôi không những có tội với gia đình mà còn có tội đối với tổ tiên và đất nước nữa cho nên quân sư khuyên tôi tạm thời bỏ qua để lo chuyện đánh bại quân Tống. Đó mới là chuyện khẩn cấp và quan trọng…

– Ba vị hãy thi hành nhiệm vụ của mình…

Vũ quân sư lên tiếng nhắc nhở. Thấu hiểu sứ mệnh quan trọng của mình ba người vội kiếu từ. Còn lại một mình tại trung dinh Vũ quân sư trầm ngâm suy nghĩ giây lát đoạn nói với quân hầu:

– Mời tướng Lê Trung Đạo và Nguyễn Tánh, trưởng ban bảo hoàng thuộc đoàn do thám tới gặp ta lập tức…

Lát sau Lê Trung Đạo và Nguyễn Tánh bước vào. Nhìn vị tướng họ Lê, Vũ quân sư nói nhanh:

– Quân Tống sẽ tiến đánh Chi Lăng. Các vị tướng khác đều đã ra ngoài đóng trại hết rồi cho nên ta đặt tướng quân vào chức vị tổng chỉ huy binh đội Hoa Lư để trấn giữ ải Chi Lăng. Tướng quân hãy ra lệnh báo động khẩn cấp và đặt sĩ tốt trong tình trạng sẵn sàng đánh nhau với địch. Tướng quân cũng ra lệnh cho các toán quân tuần tiễu một điều là ” nội bất xuất ngoại bất nhập “. Bất cứ ai muốn ra khỏi hoặc vào vòng dinh trại phải là những người có tên trong danh sách này…

Vẩy quân hầu đem lại cho vị tướng họ Lê bảng danh sách xong Vũ quân sư tiếp nhanh:

– Kẻ nào trái lệnh sẽ bị quân tuần tiễu bắt giữ, nhược bằng chống cự sẽ bị hạ sát. Ta cho tướng quân có quyền được giết trước trình sau…

Nghe giọng nói và nhìn vẻ mặt của quân sư Lê Trung Đạo biết tình hình trở nên nguy kịch:

– Mạt tướng tuân lệnh quân sư… Bắt đầu từ hôm qua dù không có lệnh của quân sư nhưng mạt tướng đã tự động đặt quân sĩ trong tình trạng báo động cũng như tăng cường gấp đôi các toán quân tuần tiễu…

Gật gù tỏ vẻ hài lòng Vũ quân sư nói:

– Có được một vị tướng quyền biến và tận tụy như tướng quân ta an tâm lắm. Thôi tướng quân hãy chuẩn bị vì địch quân sẽ tiến đánh Chi Lăng không biết lúc nào…

Lê Trung Đạo rảo bước ra khỏi trung dinh còn lại Nguyễn Tánh.

– Nếu ta nhớ không lầm thời Nguyễn trưởng ban đã theo hầu tiên đế lúc bình loạn mười hai sứ…

Nguyễn Tánh nhẹ cười:

– Quân sư nhớ dai lắm… Lúc đó tiện chức là nhân viên thuộc ban tin tức của đoàn do thám…

Nhìn mái tóc hoa râm của người lính già trong ngành do thám Vũ quân sư nói:

– Nguyễn trưởng ban là nhân viên kỳ cựu của đoàn do thám mà lâu lắm lại không được thăng thưởng gì hết. Hôm nay ta đề bạt Nguyễn trưởng ban vào chức vụ phó thủ lĩnh kiêm trưởng ban bảo hoàng…

– Đa tạ quân sư …

– Ta cần Nguyễn phó thủ lĩnh huy động toàn thể nhân viên do thám đang có mặt tại tổng đàn thiết lập một màng lưới do thám và an ninh…

Do dự giây lát Nguyễn Tánh mới lên tiếng:

– Trình quân sư mạt chức cần phải hỏi ý kiến của Hồ trang chủ. Người là đệ nhất phó thủ lĩnh…

Vũ quân sư lắc đầu nghiêm giọng:

– Nguyễn trưởng ban không cần phải hỏi ý kiến của ai hết. Kể từ giờ phút này đoàn do thám Hoa Lư được đặt dưới quyền chỉ huy của ta…

Vũ quân sư thì thầm vào tai Nguyễn Tánh mấy lời. Nghe xong y nói nhanh:

– Mạt chức xin tuân lệnh quân sư …

Đêm mùa đông lạnh thê lương. Gió bấc thổi vù vù lạnh buốt xương. Sao khi mờ khi tỏ. Một bóng đen từ hướng bắc lặng lẽ tiến vào khu mồ mả hoang vu đoạn dừng lại nơi gốc cây lớn cạnh ngôi mộ. Ngó quanh quất không thấy ai hắn thò tay vào bọng cây rồi lấy ra mảnh giấy. Bỏ mảnh giấy vào túi hắn âm thầm rời khỏi khu nghĩa địa vô danh.

Lát sau bốn bóng người xuất hiện.

– Đại sư thấy hắn lấy rồi phải không?

Người hỏi câu trên chính là Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch. Sư Khai Quốc cười nhẹ:

– Mô Phật… Bần tăng làm đúng theo lời dặn của quân sư là đánh tráo mảnh giấy của tên Hồ Nguyên bỏ vào. Bây giờ ta hãy thông tin cho quân sư biết…

Dù trời đã sang canh ba song Hầu Nhân Bảo vẫn chưa đi nghỉ. Ngồi nơi trung dinh vị tướng chỉ huy đại quân của Tống triều ngó mong ra cửa như chờ đợi người nào. Có tiếng vó ngựa nổi lên dồn dập rồi Quách Dị bay mình xuống đất. Bước ba bước dài hắn nói lớn:

– Trình đại nhân… Mạt tướng nhận được tin mới…

Dứt lời Quách Dị trao mảnh giấy cho chủ tướng. Hầu Nhân Bảo mở ra. Trên nền giấy lem luốc ghi vỏn vẹn hai chữ ” Chi Lăng “. Xoa tay cười thỏa mãn họ Hầu nói nhanh:

– Mời chư tướng tới gặp ta lập tức…

Chốc sau các tướng chỉ huy năm đạo binh đều tề tựu đủ mặt. Hầu Nhân Bảo hắng giọng:

– Sau mấy lần đại bại giặc rút về cố thủ Chi Lăng. Bây giờ là lúc ta bủa vây và công kích Chi Lăng. Sáng mai đúng canh năm Hà tướng quân chỉ huy tiền quân đánh Chi Lăng…

Hà Bảng lên tiếng:

– Thưa đại nhân… Chi Lăng là một cửa ải hiểm trở một người thủ trăm người khó đánh. Chưa chắc ta phá được ải một cách dễ dàng…

Hầu Nhân Bảo tươi cười thốt:

– Ta cũng biết điều đó. Sở dĩ ta xua quân đánh Chi Lăng vì đã có nội ứng bên trong lòng địch. Mấy ngày qua ta liên tiếp thắng trận cũng nhờ vào nội ứng… Thôi chư tướng nên về sửa soạn để sáng mai xuất binh…

Năm vị tướng dưới quyền biết không thể nói gì thêm đành im lặng cáo từ còn lại Hầu Nhân Bảo và Quách Dị.

– Quách thủ lĩnh có gặp tên Giao Chỉ Quận Vương?

Đó là danh xưng mà Hầu Nhân Bảo đặt cho tên quân do thám Hoa Lư đã ba lần giúp hắn đánh chiếm ba trại quan trọng của Đại Việt.

– Trình đại nhân… Mạt tướng không gặp hắn mà chỉ thấy mảnh giấy của hắn để lại. Trong lần gặp gỡ cuối cùng hắn có nói cho tôi biết là tình hình ngày càng thêm khó khăn cho nên hắn chỉ thông tin bằng hộp thư mà thôi…

Hầu Nhân Bảo im lìm như suy nghĩ chuyện gì đoạn nói với quân hầu:

– Mang ra cho ta hai mảnh giấy…

Tuy chủ tướng không nói hết câu song tên quân hầu hiểu ý. Lát sau y trở ra trao hai mảnh giấy cho chủ tướng. Đưa ba mảnh giấy lên ánh đèn Hầu Nhân Bảo quan sát kỷ lưỡng.

– Đại nhân định so sánh bút tự của hắn?

Hầu Nhân Bảo gật đầu thay cho câu trả lời trong lúc nhìn ngắm bút tự của hai mảnh giấy. Lát sau hắn thong thả lên tiếng:

– Bút tự của ba mảnh   giấy đều giống nhau. Chỉ có mảnh thứ ba thời hơi khác một chút chắc có lẽ hắn viết trong lúc vội vàng… Quách thủ lĩnh có gặp hắn cũng tốt mà không gặp cũng không sao. Đánh bại quân Giao Chỉ xong ta đâu còn cần hắn nữa…

Quách Dị nói với giọng kinh ngạc:

– Mạt tướng nghe nói đại nhân đã dâng sớ về triều xin đấng kim thượng phong cho hắn chức Giao Chỉ Quận Vương kia mà…

Hầu Nhân Bảo bật cười rộ:

– Quách thủ lĩnh ngây thơ quá. Đó là cách đem mồi nhử cá. Thằng cẩu man như hắn mà đèo bòng đòi làm Giao Chỉ Quận Vương. Ta hao binh tổn tướng, đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu mới bình định xong Giao Chỉ thời ta đâu ngu dại gì dọn cỗ cho người khác ăn. Thôi trời cũng đã khuya Quách thủ lĩnh nên về sửa soạn để sáng mai chuẩn bị đánh Chi Lăng…

Tờ mờ sáng… Đùng… Đùng… Đùng… Pháo lệnh nổ rền trời đất. Đang thổi lửa nấu cơm buổi sáng chợt nghe pháo nổ rền rồi địch quân ùn ùn kéo tới, quân Đại Việt đâm rối loạn hàng ngũ không còn tinh thần để chiến đấu nữa.

– Rút lui…

Ba tướng họ Phạm hét lớn. Kèn thu quân rúc lanh lãnh. Quân Đại Việt quăng lương thực và vũ khí mạnh ai nấy chạy. Nương đà thắng Hà Bảng thúc tiền quân rượt theo địch quân tận bờ sông mới dừng lại. Truyền lệnh cho quân sĩ đốn cây làm cầu phao với bè chuẩn bị vượt sông rồi viên tướng họ Hà cùng với mấy thuộc tướng đứng bên này bờ sông quan sát ai Chi Lăng. Vách núi dựng đứng và trơn trợt. Cửa ải bằng gỗ đóng im ỉm. Mặt ải vắng ngắt không bóng người song bừng bừng sát khí. Quan sát hồi lâu Hà Bảng nói với các thuộc tướng của mình:

– Chi Lăng địa thế hiểm trở vô cùng. Một người thủ mười người khó đánh. Ta đợi Hầu đại nhân tới để xem người định liệu ra sao…

Xế chiều Hầu   Nhân Bảo chỉ huy trung   quân đến. Cỡi ngựa quan sát địa thế xong họ Hầu nói với các thuộc tướng:

– Quân ta mấy ngày hôm nay chiến đấu cực khổ nên ta cho nghỉ dưỡng sức một ngày xong đánh ải Chi Lăng cũng chưa muộn…

Gần hai vạn quân Đại Việt chia nhau đóng trại dọc theo bầu Chi Lăng. Tin địch quân đã chiếm lấy hai trại Mai Sao, Quang Lang và đang chuẩn bị vượt sông để đánh Chi Lăng khiến cho toàn quân xôn xao bàn tán. Rồi lệnh của quân sư ban ra đặt quân binh trong tình trạng chuẩn bị giao tranh khiến cho không khí khẩn trương tột độ. Tướng không cởi giáp và quân không rời vũ khí.

Ải Chi Lăng đóng kín. Nội bất xuất và ngoại bất nhập. Đó là nghiêm lệnh của quân sư áp dụng cho toàn quân. Kẻ nào bất tuân sẽ bị xử tử. Đường mòn, nẻo tắt đều có quân trấn đóng đề phòng địch quân đột kích. Quân tuần tiễu đi lại kiểm soát ngày lẫn đêm. Quân do thám Hoa Lư canh phòng khắp nơi ngăn ngừa quân do thám địch lẻn vào nghe ngóng. Trời trưa nắng le lói. Cảnh vật im lìm. Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên đứng im trên mặt ải Chi Lăng nhìn xuống dòng sông lấp lánh và con đường cái quan uốn lượn giữa núi rừng trùng điệp. Ánh mắt của vị phó thủ lĩnh đoàn do thám Hoa Lư nhìn đăm đăm về phía đông bắc. Xa xa chừng nửa dặm y trông thấy lều trại hàng hàng lớp lớp. Dinh trại của quân Tống im vắng. Thỉnh thoảng mới có bóng người ngựa đi đi lại lại. Quan sát cảnh vật giây lát y thong thả dạo bước về phía đông. Mặt thành của ải Chi Lăng nối liền với vách núi dựng đứng. Hồ Nguyên thong thả dạo bước như kẻ nhàn du song ánh mắt sắc sảo của y không ngớt ghi nhận địa hình địa vật. Chỗ nào là quân canh trấn đóng, nơi nào có quân tuần tiễu xuất hiện.

Ngay lúc y vừa rẽ vào đầu con đường mòn một toán quân tuần tiễu xuất hiện cản đường. Người trưởng toán nghiêm giọng:

– Mạt tướng yêu cầu Hồ phó thủ lĩnh dừng bước. Quân sư đã ban nghiêm lệnh nội bất xuất và ngoại bất nhập…

Hồ Nguyên tươi cười lên tiếng:

– Thế ư … Ta chỉ muốn đi dạo giây lát…

Người toán trưởng lắc đầu:

– Mạt tướng rất tiếc không thể nào làm vừa lòng Hồ phó thủ lĩnh được…

Nhìn thấy toán quân tuần tiễu chong vũ khí vào mình Hồ Nguyên cười gượng:

– Không dám làm phiền chư vị tại hạ xin quay trở lại…

Dứt lời y quay người bước trở về hướng cũ. Người trưởng toán cùng với toán quân tuần tiễu mất dạng trong rừng cây. Thử đi thử lại ba lần đều bị cản trở khi bởi quân tuần tiễu, lúc gặp nhân viên do thám hay quân canh gác cho nên Hồ Nguyên không thể nào rời khỏi dinh trại của quân Hoa Lư. Tuy nhiên y chưa chịu bỏ cuộc mà kiên nhẫn chờ đêm xuống. Bóng tối là đồng lõa của gian phi đạo tặc.

Chiều từ từ xuống. Đang ngồi trò chuyện với vợ con Hồ Nguyên trông thấy Nguyễn Tánh đang rảo bước về phía lều của mình. Hơi ngạc nhiên song y không tỏ cử chỉ gì khác lạ mà vui vẻ lên tiếng:

– Chào Nguyễn trưởng ban… Chắc phải có chuyện chi khẩn cấp nên các hạ mới tìm ta trong lúc này…

Vổ vai Nguyễn Tánh, Hồ Nguyên cười nói tiếp với giọng thân thiện:

– Ta quên là Nguyễn trưởng ban đã được quân sư thăng chức phó thủ lĩnh…

Nguyễn Tánh cười nói:

– Quân sư phái tôi mời Hồ phó thủ lĩnh tới trung dinh hội họp…

Không nói lời nào Hồ Nguyên cùng Nguyễn Tánh bước về phía trung dinh. Ngay lúc y vừa khuất dạng Hồ Vũ Hoa chợt bước vào lều thì thầm với con dâu. Không biết ông ta nói điều gì mà Hồ phu nhân hấp tấp thu dọn vật dụng thành hai gói nhỏ đoạn nắm tay Hồ Phong theo cha chồng ra khỏi lều.

Bước vào trung dinh Hồ Nguyên thấy người ngồi đầy đặc trong phòng. Ba vị tướng họ Phạm đều mặc giáp như sẵn sàng đánh trận. Phía bên kia đều đủ mặt các trang chủ, chưởng môn các môn phái. Có một điều khiến cho Hồ Nguyên thắc mắc là sự vắng mặt của Đoàn Chí Hạ, Phạm Bách Nhâm và Phạm Bách Dị. Đợi cho Hồ Nguyên và Nguyễn Tánh an vị xong Vũ quân sư lên tiếng:

– Vì thời giờ cấp bách cho nên ta không thể đợi hai tướng Bách Nhâm, Bách Dị và Đoàn thủ lĩnh…

Nhìn một vòng chư tướng ông ta thong thả tiếp:

– Ta nghĩ võ pháp và binh pháp có một tính chất giống nhau là biến hoá. Khi địch đoán là hư thời ta đổi thành thực còn khi địch đoán là thực thời ta đổi thành hư. Ta nói điều này có đúng không Lê trang chủ?

Tử Cước Lê Hùng cười ha hả:

– Quân sư mà chịu khó luyện võ thời mọi người ở đây không có ai là đối thủ của quân sư…

Mọi người cười ồ vì câu nói đùa của Lê Hùng. Vũ quân sư cười nói tiếp:

– Sau khi chiếm được ba trại của ta Hầu Nhân Bảo sẽ tập trung lực lượng để tấn công Chi Lăng. Giặc tinh binh mười vạn mà ta binh lực hao tổn khá nhiều nên không thể giữ Chi Lăng được. Do đó ta quyết định bỏ Chi Lăng…

Chư tướng xôn xao bàn tán về quyết định đột ngột này. Giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng ông ta tiếp:

– Rút lui không có nghĩa là bại trận. Ta chỉ tạm thời rút về vùng đồng bằng đông đúc dân cư để thứ nhất là tạm hoãn giao tranh với địch và thứ nhì là tuyển mộ thêm sĩ tốt hầu bổ xung vào chỗ thiếu hụt. Binh pháp cổ kim đều nói rằng rút lui là một việc khó khăn nhất của các vị tướng cầm quân bởi vì khi ta rút lui thời giặc sẽ nhân đó mà truy đuổi và tấn công vào sau lưng ta. Chi Lăng là cửa ngõ của Đại La cho nên Hầu Nhân Bảo tiên đoán rằng ta sẽ cố giữ Chi Lăng bằng mọi giá. Nếu hắn nghĩ rằng ta giữ Chi Lăng thời ta sẽ bỏ; tuy nhiên muốn rút khỏi Chi Lăng một cách an toàn ta phải làm thế nào để cho Hầu Nhân Bảo nghĩ là ta vẫn cố giữ Chi Lăng hoặc giả nếu rút lui ta sẽ dùng kế phục binh để chận đánh hắn…

Ngừng lại giây lát như để cho chư tướng có thời giờ suy nghĩ về lời nói của mình xong Vũ quân sư hắng giọng tiếp:

– Ta đã phái ba tướng Phạm Bách Nhâm, Phạm Bách Dị và Đoàn Chí Hạ bí mật rút khỏi Chi Lăng ngày hôm qua. Phạm Bách Nhâm rút về Đại La. Đoàn Chí Hạ trấn Phú Lương còn Phạm Bách Dị hạ trại cách Chi Lăng ba mươi dặm để làm thế ỷ giốc cho cuộc lui binh. Chư tướng có ý kiến gì không cứ việc trình bày?

Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên lên tiếng:

– Quân sư không sợ giặc đuổi theo khi rút bỏ Chi Lăng?

Vũ quân sư lắc đầu đáp:

– Ta đoán Hầu Nhân Bảo sẽ không truy đuổi dựa vào hai yếu tố là hắn không biết lúc nào ta sẽ rút lui hơn nữa hắn sợ bị lọt vào vòng binh phục khi đuổi theo ta. Đúng canh ba đêm nay ta sẽ âm thầm rút khỏi Chi Lăng chỉ trừ một ngàn quân do tướng Lê Trung Đạo chỉ huy cố thủ ải Chi Lăng để giặc tưởng ta vẫn còn ở đây. Phạm Bách Chước, tướng quân sẵn sàng chưa?

Phạm Bách Chước nhanh nhẹn đáp:

– Trình quân sư… Chư tướng đều đủ mặt chờ lệnh rút lui của quân sư…

– Tốt lắm chư tướng hãy về chờ nghe lệnh rút lui của ta…

Mọi người lục tục giải tán. Không ai để ý thấy quân sư láy mắt ra hiệu cho sư Khai Quốc.

51

LỬA CHÁY BẦU CHI LĂNG

Đúng canh ba. Sao khi mờ khi tỏ. Đêm mông lung và huyền bí. Tựa như những bóng ma quân Đại Việt âm thầm rời Chi Lăng chỉ trừ những người có phận sự đặc biệt. Nấp sau một thân cây sư Khai Quốc, Lê Hùng và Tôn Nhật thoáng thấy bóng của Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên khi ẩn khi hiện trong rừng cây rồi mất hút trong bóng đêm mịt mùng.

– Mô Phật… Kế mưu của quân sư đã thành. Chúng ta mau thông báo cho người biết…

Nói xong câu trên sư Khai Quốc cùng với Tôn Nhật và Lê Hùng hối hả trở lại trung dinh.

Vừa mới thay y phục định đi ngủ Hầu Nhân Bảo được quân hầu báo cáo có một người tự xưng là Giao Chỉ Quận Vương xin gặp mặt. Khoác vội nhung y họ Hầu ra lệnh cho quân hầu đưa khách lạ vào.

– Đêm hôm khuya khoắt mà tôi còn làm phiền tướng quân chỉ vì tin khẩn cấp và quan trọng…

Vẩy tay cho hộ vệ quân lui ra khỏi trung dinh Hầu Nhân Bảo tươi cười lên tiếng:

– Không có chi… Bản chức mong tin của các hạ lắm…

Giao Chỉ Quận Vương nói nhanh như không có nhiều thời giờ:

– Tại hạ dọ được tin quân Hoa Lư sẽ rút khỏi Chi Lăng. Họ bắt đầu di quân lúc canh ba…

Ánh mắt sáng lên nét mừng rỡ song Hầu Nhân Bảo lấy lại vẻ thản nhiên rất nhanh. Nhìn người khách đưa tin hắn hỏi:

– Ý kiến của túc hạ như thế nào đối với chuyện rút khỏi Chi Lăng của quân Giao Chỉ ?

Trầm ngâm giây lát Giao Chỉ Quận Vương cất giọng trầm trầm:

– Tại hạ không phải là vị đại tướng cầm binh cho nên không thể trả lời câu hỏi của tướng quân được. Tại hạ chỉ có một lời là nếu đuổi theo địch Hầu tướng quân nên cẩn thận. Vị quân sư chỉ huy quân Hoa Lư là một người nổi tiếng mưu lược và quỉ kế vô lường. Ông ta được quân binh Hoa Lư gọi là Vạn Thắng Quân Sư. Điều đó đủ nói lên tài dụng binh của ông ta…

Dứt lời Giao Chỉ Quận Vương xoay người bước ra khỏi trung dinh của Hầu Nhân Bảo. Đứng trong bóng tối suy nghĩ giây lát y tung mình chạy về hướng ải Chi Lăng.

Còn lại một mình Hầu Nhân Bảo bước từng bước chầm chậm quanh phòng. Vầng trán của vị đại tướng cau lại với nhiều suy tính. Biết giặc rút lui mà không đuổi theo thời bỏ mất cơ hội tốt. Đuổi theo giặc thời ngại sẽ lọt vào vòng phục binh vả lại binh pháp có câu ” giặc cùn chớ đuổi “. Dân Giao Chỉ vốn nổi tiếng cơ mưu và ngụy trá. Chi Lăng là một vị trí quan trọng trên đường tiến quân về Đại La và Hoa Lư, vậy cớ gì giặc lại rút bỏ? Dụ địch hay là rút lui thật sự vì lương thực hao hụt và binh lực bị tổn thất? Hàng chục câu hỏi lởn vởn trong trí não của vị đại tướng Tống triều.

– Gọi Quách tướng quân tới gặp ta lập tức…

Hầu Nhân Bảo ra lệnh cho quân hầu. Lát sau Quách Dị hấp tấp bước vào.

– Trình đại nhân có chuyện chi khẩn cấp…

Hầu Nhân Bảo nghiêm giọng:

– Tên Giao Chỉ Quận Vương đích thân tới đây gặp ta báo tin quân Hoa Lư sẽ rút khỏi Chi Lăng vào canh ba đêm nay. Ta muốn tướng quân kiểm chứng lại tin này xong báo cáo cho ta biết càng sớm càng tốt…

– Mạt tướng xin tuân lệnh đại nhân…

Bước ra khỏi trung dinh Quách Dị nhảy lên lưng con ngựa chiến. Tiếng vó ngựa nổi lên. Còn cách Chi Lăng hơn dặm đường y quẹo vào con đường mòn đoạn ngừng lại sau mô đất lớn. Một nhân viên do thám dưới quyền chỉ huy của hắn xuất hiện.

– Trình thủ lĩnh mạt chức nghe được tin lạ…

Quách Dị hỏi dồn:

– Phải tin lạ của ngươi chính là tin quân Hoa Lư rút khỏi Chi Lăng?

– Dạ đúng… Làm sao thủ lĩnh biết?

Quách Dị cười cười:

– Ta có nhân viên nằm trong lòng địch. Chính mắt ngươi thấy quân Hoa Lư rút lui?

Tên trưởng toán do thám nói với giọng quả quyết:

– Trình thủ lĩnh… Chính mắt mạt chức thấy quân địch thu góp lương thực và giở lều hạ trại hồi chiều. Tò mò mạt chức đánh bạo tới gần nghe ngóng mới biết quân địch kháo nhau về chuyện rút về Đại La. Tuy nhiên chúng còn lưu một ít quân ở lại giữ ải để làm kế nghi binh khiến cho ta tưởng chúng cố giữ ải Chi Lăng…

Quách Dị cười hỏi vặn:

– Tại sao ngươi không báo cho ta biết?

Tên trưởng toán ấp úng thốt:

– Trình thủ lĩnh… Mạt chức định sáng mai lẻn vào dọ thám lần nữa cho chắc chắn xong mới báo cáo cho thủ lĩnh biết…

Nghe thủ hạ thân tín tường thuật tỉ mỉ Quách Dị an tâm gật đầu ra lệnh:

– Thôi được rồi… Nếu có tin gì mới lạ ngươi phải báo cáo cho ta biết liền đừng chần chờ mà hư việc hết…

Nhảy lên ngựa hắn trở lại báo cáo cho chủ tướng. Bước vào trung dinh hắn thấy Hầu Nhân Bảo và các tướng dưới quyền đang ngồi chờ đợi tin tức của mình.

– Trình đại nhân… Việc quân Hoa Lư rút lui khỏi Chi Lăng quả có thực. Chính tên trưởng toán thuộc ban tin tức đóng ở Chi Lăng báo cáo cho mạt chức là hắn đã thấy địch quân thu góp lương thực cùng giở lều hạ trại hồi chiều. Hắn còn cho biết thêm địch chỉ để lại ít quân giữ ải Chi Lăng để làm kế nghi binh vì sợ ta đuổi theo chúng…

– Hà tướng quân nghĩ sao về tin này?

Hầu Nhân Bảo hỏi Hà Bảng, tướng chỉ huy đạo tiền binh. Nghĩ ngợi giây lát họ Hà lên tiếng:

– Nếu địch quân đã rút lui thời ta cũng nhân đó mà đánh chiếm ải Chi Lăng rồi đuổi theo chúng tới Đại La…

Hầu Nhân Bảo quay nhìn Trịnh Nhân Hộ, tướng chỉ huy hậu quân. Họ Trịnh lên tiếng liền:

– Tôi đồng ý với Hà tướng quân nhưng hành binh trong đêm tối hơi bất lợi vì ta không quen thuộc địa hình địa vật. Cho nên tôi đề nghị ta hãy chờ trời sáng mới cất quân chiếm ải Chi Lăng rồi phân binh đuổi theo địch…

Quách Thanh Bào, vị tướng chỉ huy hữu quân góp lời:

– Trình đại   nhân… Tôi thấy đề   nghị của Trịnh tướng quân có lý. Để an toàn và không sợ bị phục binh của giặc ta nên cho quân do thám đi trước dò xét và quan sát xem có gì khả nghi…

Hầu Nhân Bảo gật gù cười nhìn Triệu Pha, tướng cai quản tả quân đồng thời cũng là vị tướng trẻ tuổi nhất trong hàng đại tướng tháp tùng trong cuộc nam chinh này.

– Trình đại nhân… Ý kiến của ba vị đại tướng rất đúng. Phần tôi xin có thêm ý kiến là sau khi chiếm Chi Lăng xong ta hãy cho tiền quân đi trước để xem giặc đối phó ra sao. Nếu có mai phục giặc sẽ tấn công tiền quân của Hà tướng quân trước. Nếu giặc không có mai phục thời ta sẽ lần lượt cho trung quân cùng với hai đạo tả hữu theo sau còn Trịnh tướng quân chỉ huy hậu quân giữ ải Chi Lăng để tiếp ứng…

Hầu Nhân Bảo tươi cười thốt:

– Ta chấp thuận ý kiến của chư tướng… Vậy chư vị hãy về chuẩn bị…

Trời vào độ canh năm. Quân Tống xếp hàng tề chỉnh. Ngồi trên lưng con ngưạ ô cao lớn, tay cầm trường thương Hà Bảng im lặng nhìn về hướng ải Chi Lăng hiện mờ mờ trong màn sương sớm. Đùng… Đùng… Đùng… Ba hồi pháo lệnh nổ rền trời đất. Hà Bảng thúc ngựa vượt sông. Quân Tống xuống bè hoặc cầu nổi rồi ùn ùn bủa vây Chi Lăng. Quân Hoa Lư chống trả mãnh liệt. Tên từ trên mặt thành bay xuống tợ mưa rào. Nước sôi, đất đá rơi xuống chân thành. Tuy nhiên vì quân số ít ỏi vả lại không cố tình giữ nên vào khoảng giờ thìn quân Tống đã phá được cửa ải. Tướng Lê Trung Đạo truyền lệnh rút lui. Quân Đại Việt tản mác vào rừng sâu chạy trốn. Làm chủ ải Chi Lăng xong Hà Bảng sai quân thám mã thông báo cho Hầu Nhân Bảo. Được tin họ Hầu kéo quân tới quan sát tình hình xong nói với Quách Dị:

– Quách thủ lĩnh có nhân viên nào dưới quyền thông thạo về địa hình địa vật của vùng Chi Lăng không?

Quách Dị thưa liền:

– Trình tướng quân… Tôi có một nhân viên tiềm phục trong lòng địch. Hắn tên là Trần Hồ quán ở Lạng Giang cho nên rất thông thạo địa thế vùng này…

Dứt lời họ Quách sai thủ hạ đi gọi Trần Hồ. Lát sau Hầu Nhân Bảo thấy một Hoa Kiều trọng tuổi khúm núm tới vái chào Quách Dị:

– Quách đại nhân gọi tôi có chuyện chi dạy bảo…

Chỉ vào Hầu Nhân Bảo Quách Dị nói:

– Hầu tướng quân đây muốn biết về địa thế của vùng này nhất là bầu Chi Lăng. Ngươi biết gì hãy tâu trình cho Hầu tướng quân được tận tường…

Cung kính thi lễ cùng Hầu Nhân Bảo xong Trần Hồ nói:

– Thưa Hầu tướng quân… Ải Chi Lăng mà dân chúng địa phương quen gọi bầu Chi Lăng là một bãi đất dài chừng năm sáu chục dặm và rộng độ ba bốn dặm. Nó nằm lọt giữa hai dãy núi Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Đài ở hướng đông. Ngoài ra hai đầu của bầu Chi Lăng còn có các ngọn núi khác cao chót vót với nhiều hình tượng kỳ quái và rùng rợn. Dọc theo bầu Chi Lăng có cây cỏ rậm rạp và nhiều sình lầy. Địa thế của Chi Lăng vô cùng hiểm trở cho nên tướng quân phải cẩn thận vì địch có thể mai phục hai bên núi hoặc núp trong rừng cỏ rậm rạp để tấn công…

Trầm ngâm giây lát Hầu Nhân Bảo nói với Quách Dị:

– Quách thủ lĩnh nên cho Trần Hồ chỉ huy nhân viên do thám đi trước tìm kiếm dấu vết của địch…

Dứt lời hắn hạ lịnh cho Hà Bảng chỉ huy tiền quân đuổi theo giặc. Quách Dị cùng với quân do thám đi trước dọ đường.

Vách đá dựng đứng. Rừng cây xanh rì. Con đường độc đạo quanh co khi chạy sát vào vách núi Kai Kinh, khi mất hút trong vùng sình lầy đầy cỏ cao và rậm rạp. Không an tâm khi quan sát địa thế hiểm trở của bầu Chi Lăng Quách Dị rải quân do thám đi sâu vào hai bên đường tìm kiếm dấu vết phục binh của địch. Nghe thủ hạ nói không có gì khả nghi hắn sai quân thám mã báo cáo cho Hà Bảng. An tâm họ Hà thúc quân tiến sâu vào bầu Chi Lăng. Cỡi ngựa dẫn đầu, mắt không rời vách núi dựng đứng họ Hà lẩm bẩm:

– Hẻm núi này mà địch mai phục thời ta không có đường về…

Tuy nhiên tình hình vẫn yên tịnh. Quân tiến quá nửa bầu Chi Lăng mà không thấy có gì khả nghi Hà Bảng sai quân thông báo cho chủ tướng. Mừng rỡ Hầu Nhân Bảo ra lịnh di quân. Đi đầu là đạo quân thiết kỵ với nhân số nửa vạn rồi tiếp theo là quân bộ. Ngồi trên lưng con ngựa bạch quan sát điạ thế hiểm trở đầy đặc người ngựa Hầu Nhân Bảo cảm thấy hồi hộp và bất an.

Nấp sau mô đá cao Tam Phương Kiếm Đoàn Chí Hạ cùng với Quảng Uyên Bát Tướng im lặng theo dõi ngay lúc địch quân vừa xuất hiện. Y thấy nhân viên do thám địch đi trước dọ đường rồi lát sau bộ quân của địch chậm chạp tiến vào. Mắt không rời địch quân họ Đoàn nói nhỏ:

– Các ngươi ở đây theo dõi để ta đi gặp quân sư…

Dứt lời vị chúa tể lục lâm biến mất trong rừng cây. Lát sau y lại xuất hiện nơi khu rừng thưa.

– Trình quân sư… Tiền quân của giặc bắt đầu tiến vào bầu Chi Lăng…

Vũ quân sư cười thốt:

– Đoàn thủ lĩnh đợi ở đây khi nào thấy Hầu Nhân Bảo lọt vào giữa vòng binh phục mới bắn tên lửa truyền lệnh tấn công. Ta đã ra lệnh cho các tướng Phạm Bách Chước đánh cắt tiền quân địch; Phạm Bách Dị và Bách Nhâm xua quân chận bít hậu quân khiến cho giặc đầu đuôi không cứu với nhau được còn phần của Bách Tất và Bách Chân chỉ huy quân sĩ đánh thẳng vào trung quân của Hầu Nhân Bảo…

Quay sang Đoàn Chí Hạ và Khai Quốc đại sư, ông ta cười nói tiếp:

– Đoàn thủ lĩnh điều động năm ngàn thủ hạ hợp cùng giới giang hồ Đại Việt xung trận…

Ngừng lại giây lát ông ta nói với Đoàn Chí Hạ:

– Ta để cho Đoàn thủ lĩnh cái vinh dự bắt sống hay chém đầu Hầu Nhân Bảo?

Tay chúa cướp biên thùy ôm quyền cung kính thi lễ:

– Đa tạ quân sư…

Không khí im lìm và nặng nề. Quân Đại Việt nín thở chờ đợi. Cầm sẵn cây cung Đoàn Chí Hạ chờ lệnh của quân sư bắn tên lửa để tấn công. Nhìn thấy một vị đại tướng khôi giáp lấp lánh ánh mặt trời, cỡi ngựa bạch với đoàn quân hộ tống và cờ xí ngợp trời Vũ quân sư nói nhỏ:

– Tên lửa…

Mũi tên lữa xẹt thẳng lên trời cao rồi. Đùng… Đùng…. Đùng…. Ầm…. Ầm… Ầm… Hàng ngàn tiếng nổ chuyển rung trời đất. Đất đá từ hai bên hẻm núi rơi xuống như mưa. Tên độc bay vun vút.

Đang ngồi trên lưng ngựa quan sát chợt thấy mũi tên lửa xẹt lên trời rồi tiếp theo hàng ngàn tiếng nổ long trời lở đất Hầu Nhân Bảo bật la thảng thốt:

– Phục binh… Phục binh…

Đất đá, cây gỗ từ hai bên hẻm núi rơi xuống ào ào. Quân Tống kinh hoàng sợ hãi la hét rầm trời rồi mạnh ai nấy chạy tìm chỗ trốn vì sợ bị đá đè cây lăn.

– Lui… Lui binh… Rút lui…

Hầu Nhân Bảo la lớn song tiếng la của hắn bị át bởi tiếng địa lôi nổ, tiếng la, tiếng hét, tiếng kêu, tiếng khóc của quân Tống lẫn trong tiếng reo hò của quân Đại Việt. Không biết nấp ở đâu và tự bao giờ quân Đại Việt xuất hiện trùng trùng điệp điệp dọc theo sườn núi và trong rừng cỏ cao. Tên bay tợ mưa rào. Mấy vạn quân Tống biến thành những tấm bia sống cho quân Đại Việt trổ tài xạ tiễn. Đợt tấn công bằng địa lôi và tên độc vừa dứt thời hàng ngàn bó cỏ khô bốc lửa lớp lăn xuống theo triền núi hoặc được quân Đại Việt từ trên cao ném xuống.

– Hết địa lôi, tên độc lại hỏa công… Trời hại ta rồi…

Hầu Nhân Bảo la lớn. Bị đá đè, gỗ dập, bị trúng tên lại thêm lửa đốt quân Tống lớp chết lớp bị thương kêu la than khóc vang trời. Âm thanh của tiếng la khóc của quân Tống hòa với tiếng hò reo của quân Đại Việt lẫn trong tiếng địa lôi nổ ầm ầm dội vào vách đá nằm hai bên bầu Chi Lăng tạo thành thứ âm thanh quái dị đồng vọng theo hiểm lộ dài mấy chục dặm. Mùi thuốc súng cộng với mùi thây người bị lửa đốt cháy bốc lên khét nghẹt. Mặc dù Hầu Nhân Bảo và chư tướng hét khan cả cổ song quân sĩ sợ hãi đâm náo loạn hàng ngũ không còn nghe theo hiệu lệnh của chủ tướng nữa. Huống chi mấy vạn người ngựa và xe cộ muốn quay đầu trong hẻm núi chật chội và lầy lội cũng không phải dễ dàng và nhanh chóng được.

Hồ phu nhân cùng với kẻ cầm sổ giang hồ đứng cạnh nhau nhìn cảnh lửa cháy hừng hực và khói bốc mịt mù trong bầu Chi Lăng. Thây người chết, bị thương nằm ngổn ngang. Tiếng la hét, than khóc vang khắp nơi. Mùi thịt cháy khét nghẹt khiến cho Hồ phu nhân phải bịt mũi.

– Kế phục binh của quân sư cực hiểm… Đánh tan mấy vạn quân Tống mà không đổ giọt máu nào của quân ta. Tôn ông lâm trận không?

Kẻ cầm sổ giang hồ chưa kịp trả lời Hồ phu nhân nhoẽn nụ cười xinh xắn tiếp nhanh:

– Uả mà tôn ông bịnh hoạn đâu có sức giao đấu. Thôi tôi và tôn ông đứng đây xem người ta đánh nhau cũng được rồi…

Từ lúc được cha chồng báo cho biết đức phu quân khả kính của mình là kẻ nội phản nàng đau lòng khôn xiết. Giấu bên ngoài bộ mặt kiêu hùng, đạo mạo của một vị trang chủ nức danh hào hiệp của vùng duyên hải là một kẻ đê tiện, hèn hạ, tàn nhẫn, độc ác, giết người không gớm tay. Tiếp tay cho giặc Tống đánh lấy nước Nam, đức phu quân của nàng bị kết tội phản quốc và sẽ bị khu trừ không sớm thì muộn. Biết điều đó nàng cảm thấy tương lai mịt mờ, không còn đường để sống cũng như xấu hổ không dám nhìn mặt mọi người. Không ít thời nhiều nàng sẽ bị người đời dèm pha chế diễu vì chồng là kẻ phản quốc. Tình nghĩa vợ chồng đã chết theo cái tội giết đồng đạo, cái tội phản quốc. Đối với chồng nàng chỉ còn lại sự khinh bỉ. Người ta có thể yêu thương một kẻ thù mà người ta kính trọng nhưng người ta không thể yêu thương một người mà người ta khinh bỉ. Hơn thế nữa Hồ Phong, đứa con trai yêu quí của nàng sẽ vô cùng tủi hổ khi biết người cha mà nó kính yêu lại là kẻ phản quốc. Tuy nhiên Hồ Phong cũng còn chút may mắn là được thụ nghiệp từ một nhân vật giang hồ tài đức vẹn toàn. Chính cái tác phong hào hiệp này sẽ hun đúc cho nó trở thành một vũ sĩ chân chính.

Hồ phu nhân quay nhìn kẻ cầm sổ giang hồ với ánh mắt van lơn và cầu khẩn trong lúc nhẹ nắm tay người bạn đồng hành như cố giữ không cho y rời bước. Nhìn ánh mắt đó kẻ cầm sổ giang hồ không còn cách nào khác hơn là gật đầu ưng thuận.

– Phu nhân không muốn tôi xung trận để lập công với mọi người ư…

Kẻ cầm sổ giang hồ cười nói đùa.

– Không… Nói về công trạng thời không ai có công hơn tôn ông. Khám phá ra vụ án tiên đế là ông đã lập đại công rồi…

Quay qua nhìn người bạn đồng hành kẻ cầm sổ lắc đầu cười.

– Phu nhân nói sai rồi. Khám phá ra vụ án tiên đế không phải là công của tôi…

– Vậy chứ công của ai?

– Của phu nhân chứ của ai. Phu nhân chính là người đã đứng giữa quần hùng trên núi Tản Viên phanh phui ra những bí ẩn trong vụ án tiên đế và giải oan cho tôi. So về ơn nghĩa thì tôi còn nợ phu nhân nhiều lắm…

– Vậy hả… Nếu tôn ông nói còn nợ tôi thì tôi yêu cầu tôn ông trả nợ tôi đi…

– Phu nhân muốn tôi trả nợ bằng cách nào?

– Tôi chỉ xin được tôn ông nhận là tri kỹ sống chết có nhau thôi. Tôn ông làm được không?

Nghe Hồ phu nhân nói câu này kẻ cầm sổ nhẹ nắm lấy bàn tay mềm ấm của người đang đứng bên cạnh như thay cho lời hứa hẹn. Y hiểu người bạn của mình đang cần tình thương để xoa dịu vết thương lòng vì có một người chồng mang tội phản quốc.

– Làm một người bạn của phu nhân là điều tôi mong muốn nhất…

Nói xong câu nói này kẻ cầm sổ giang hồ cười nhẹ khi biết bàn tay của mình bị một bàn tay xiết chặt lại như tỏ lộ lời cám ơn chân thành nhất.

Kèn thúc quân réo lanh lãnh. Còi rúc rền vang mọi nơi trong bầu Chi Lăng. Quân Hoa Lư từ trên núi cao ùn ùn kéo xuống. Quân Đằng Châu từ trong rừng cỏ rậm rạp xuất hiện đông như kiến. Giáo gươm kiếm kích tua tủa. Tên độc bay vi vút.

– Sát Tống… Sát Tống…

– Bắt sống Hầu Nhân Bảo…

– Chém đầu Hầu Nhân Bảo …

Vũ quân sư đã ban lệnh cho sĩ tốt người nào bắt sống hoặc hạ sát các tướng giặc sẽ được phong chức hầu và tập ấm ba đời. Vì lẽ đó quân Đại Việt hò reo tấn công địch quân ác liệt hầu như quên cả mạng sống của mình. Đoàn Chí Hạ với năm ngàn thủ hạ hợp cùng giới giang hồ Đại Việt nhắm ngay chỗ Hầu Nhân Bảo xấn tới. Dù quân số đông đảo nhưng vì mất tinh thần cho nên quân Tống chống trả một cách yếu ớt.

– Mẹ… mẹ… Con muốn xem người ta đánh nhau…

Hồ Phong nói và Hồ phu nhân lắc đầu:

– Không được đâu con ơi… Chỗ người ta chém giết nhau nguy hiểm lắm vả lại đâu có gì vui mà con xem…

Hồ Phong kèo nài:

– Con muốn thấy ông nội đánh nhau với người ta…

Biết không cản được tính hiếu võ của con nên Hồ phu nhân đành ưng thuận song cũng rán dặn dò:

– Con đừng đi xa lỡ có gì nguy hiểm lắm…

Hồ Phong vui vẻ gật đầu bước lần xuống triền núi xem người ta đang giao đấu với nhau.

– Phong nhi…

Đang mải mê xem đánh nhau chợt nghe có tiếng người gọi Hồ Phong quay lại. Mừng rỡ không nhịn được nó la lớn:

– Phụ thân…

Đưa ngón tay lên miệng ra dấu cho con im lặng Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên đưa tay vẫy vẫy. Thấy phụ thân gọi Hồ Phong vội vã đi ngược trở lên.

– Con muốn xem người ta đánh nhau không. Ta dẫn con đi lại đàng kia xem vui hơn…

Hồ Phong nói nhanh:

– Để con chạy lại nói với mẫu thân cho người khỏi lo…

Hồ Nguyên lắc đầu:

– Khỏi cần… Cha con mình đi một lát sẽ trở lại…

Dứt lời Hồ Nguyên cắp lấy con trai băng mình vào rừng cây.

– Phong nhi… Phong nhi…

Hồ phu nhân gọi lớn song không có tiếng trả lời. Có lẽ giọng của nàng bị át bởi tiếng gào thét, la hét của hàng vạn người đang chém giết nhau.

– Phong nhi… Phong nhi… Tôn ông thấy Phong nhi ở đâu không?

Kẻ cầm sổ giang hồ bình tịnh thốt:

– Phu nhân an tâm… Để tôi đi kiếm… Chắc cháu Phong mải xem người ta đánh nhau nên đi lạc…

Hồ phu nhân nói bằng giọng nghẹn ngào:

– Tôn ông đi kiếm Phong nhi giùm tôi …

Kẻ cầm sổ giang hồ theo đường mòn đi xuống triền núi song cũng không thấy bóng dáng của Hồ Phong. Khoảng chừng tàn nén nhang y đi ngược lên chỗ cũ nhưng lại không thấy Hồ phu nhân.

– Phu nhân… phu nhân…

Kẻ cầm sổ giang hồ gọi lớn song không có tiếng trả lời. Đi lanh quanh một lát không thấy bóng dáng của Hồ phu nhân và Hồ Phong y linh cảm có chuyện chẳng lành. Theo con đường mòn dẫn về khu rừng thưa y chợt thấy vật gì lấp lánh dưới ánh nắng lổ chổ. Nhặt lên y biết đó là chiếc trâm cài tóc của Hồ phu nhân. Y đã thấy chiếc trâm này nhiều lần lúc Hồ phu nhân theo y lưu lạc giang hồ và nhất là trong quãng thời gian hai người bị cầm tù tại tổng đàn do thám. Đây là vật bất ly thân của nàng. Nay nó bị đánh rơi chắc Hồ phu nhân cố ý báo cho y biết nàng bị gian phi bắt cóc. Đứng tần ngần nghĩ ngợi hồi lâu y trở lại tìm sư phụ tường thuật việc Hồ phu nhân và Hồ Phong bị mất tích. Vũ quân sư nghiêm giọng:

– Con đoán biết ai đã bắt cóc mẹ con Hồ phu nhân?

Kẻ cầm sổ giang hồ do dự chưa trả lời. Ông ta nói nhanh:

– Tất cả mọi người đều biết Hồ Nguyên là kẻ phản quốc. Sở dĩ ta chưa bắt hắn chỉ vì ta còn cần hắn để thực hiện nốt mưu kế dẫn dụ Hầu Nhân Bảo lọt vào kế phục binh của ta. Nay mưu kế đã thành cho nên đây là lúc ta cần phải khai trừ tên phản quốc. Hồ Nguyên là kẻ cuối cùng mà con phải xóa tên trong cõi giang hồ…

– Sư phụ dạy đúng… Con xin từ biệt sư phụ…

Hiểu ý của đồ đệ, Vũ quân sư nói với giọng buồn rầu như đoán biết sự việc xẽ xảy ra như thế nào.

– Ta biết việc trừ khử Hồ Nguyên là một chuyện nguy hiểm đặt con vào vòng tử sinh không định trước. Tuy nhiên ngoài con ra không ai có thể hoá giải được chiêu kiếm giết người của hắn…

Lạy sư phụ ba lạy xong kẻ cầm sổ giang hồ băng mình vào rừng sâu. Quay sang quân hầu đang đứng cạnh Vũ quân sư nói nhanh:

– Gọi Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa tới gặp ta lập tức…

Lát sau Hồ Vũ Hoa hối hả bước vào. Vũ quân sư thuật sơ chuyện Hồ phu nhân và Hồ Phong bị bắt cóc và kẻ cầm sổ giang hồ đang truy lùng tông tích của Hồ Nguyên. Nghe xong Hồ Vũ Hoa giận dữ nói:

– Nghịch tử hai tay dính đầu máu tanh của đồng đạo giang hồ cộng thêm tội phản quốc thời tôi phải tìm nó để trừ diệt…

Nhẹ gật đầu Vũ quân sư nói:

– Cha giết con là chuyện không đúng với đạo lý tuy nhiên ta cần trang chủ theo sau giúp đỡ đồ đệ của ta trừ diệt tên phản quốc…

Lãnh lệnh Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa băng mình vào rừng sâu không màng tới tiếng quân Đại Việt hò reo khi bắt sống được Hầu Nhân Bảo.

Nghe tin chủ tướng bị bắt sống quân Tống mất hết tinh thần chiến đấu lớp buông khí giới đầu hàng lớp quăng vũ khí cắm đầu chạy trở lại ải Chi Lăng. Phần Hà Bảng dẫn tiền quân băng rừng vượt suối chạy về Lạng Giang. Được tin báo Vũ quân sư truyền lệnh mở vòng vây cho địch quân tháo chạy xong rượt theo tịch thu vũ khí và lương thực.

 

KẾT TỪ

Kẻ cầm sổ giang hồ đứng đối diện với Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên. Nắm tay con trai Hồ phu nhân đứng bên cạnh kẻ cầm sổ giang hồ.

– Cuối cùng rồi tại hạ cũng gặp lại Hồ trang chủ…

Tay kiếm giết người cất giọng trầm trầm. Hồ Nguyên nhếch môi cười hực:

– Ta biết rồi cuối cùng chỉ có ta và các hạ. Thù hận giữa ta và các hạ tưởng cũng nên thanh toán cho xong…

Kẻ cầm sổ giang hồ nghiêm giọng:

– Tại hạ xin minh định là tại hạ không hề có chút thù hận nào đối với Hồ trang chủ dù trang chủ đã gây cho tại hạ nhiều phiền lụy và khổ sở… Sở dĩ tại hạ giết Hồ trang chủ chỉ vì trang chủ là một vũ sĩ bại hoại làm nhơ danh vũ sĩ. Đó là lý do khiến cho tại hạ phải xóa tên trang chủ trong cõi giang hồ…

Giọng nói của Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên chợt cao vút lên chất chứa nhiều phẫn hận và cay đắng:

– Các hạ lấy tư cách gì mà đòi xóa tên của ta trong cõi giang hồ…

Giọng nói của kẻ cầm sổ giang hồ trầm xuống thành lạnh băng:

– Tại hạ chỉ hành xử bổn phận của một vũ sĩ. Hồ trang chủ là một kẻ phản quốc đồng thời là một nhân vật giang hồ đã làm nhơ danh vũ sĩ. Do đó Hồ trang chủ là kẻ cuối cùng tại hạ phải ghi danh vào trong sổ giang hồ… Xin mời…

Song phưong triển công phu trầm tịnh. Hồ phu nhân đứng im nhìn hai người sắp chém giết nhau. Trong lòng nàng ngổn ngang ý nghĩ. Một bên là người mang danh nghĩa chồng của nàng; một bên là kẻ cầm sổ giang hồ nhân danh vũ sĩ để đòi nợ máu cho những người đã chết dưới tay của Hồ Nguyên, kẻ phản quốc. Mãi suy nghĩ cho nên Hồ phu nhân không để ý tới thái độ của Hồ Phong. Nước mắt lưng tròng thằng bé nhìn chằm chằm vào phụ thân trong lúc bàn tay mặt của nó nắm chặt chuôi kiếm đến nổi gân xanh.

Chát… Kiếm với kiếm chạm nhau tóe lửa. Không biết người nào rút kiếm trước, người nào ra tay sau, chỉ biết mũi kiếm của người này đã đâm trúng mũi kiếm của người kia.

– Giỏi…

Lồng trong tiếng nói bàn tay giết người của Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Trước đó một sát na bàn tay của kẻ cầm sổ giang hồ đã chạm vào chuôi kiếm. Tuy nhiên khi bàn tay vừa nắm lấy chuôi kiếm y cảm thấy đan điền đau quặn lên rồi cánh tay hầu như tê liệt không còn chút sức lực nào để rút kiếm ra khỏi vỏ.

Rẹt… Âm thanh của kiếm nổi lên khô lạnh. Mũi kiếm của Hồ Nguyên xẹt tới mục tiêu tợ ánh chớp. Đi hơn nửa đường mũi kiếm bất thình lình đổi hướng xẹt tới yết hầu của Hồ phu nhân. Đang đứng im trầm tư mặc tưởng nàng không thấy được mũi kiếm giết người của chính người chồng xẹt tới. Có lẽ nàng không màng. Vả lại dù có thấy nàng cũng không tài nào tránh được chiêu kiếm giết người độc địa nhất giang hồ hiện nay. Biết bao nhiêu cao thủ nhất đẳng giang hồ đã không tránh được huống hồ gì một người không biết võ như nàng. Hồ phu nhân không thấy song kẻ cầm sổ giang hồ thấy. Nàng không màng nhưng y lại quan tâm. Bằng phản ứng của một vũ sĩ cả đời khổ luyện vũ thuật y tạt bộ đứng án ngay trước mặt Hồ phu nhân. Phản ứng này y phải vận dụng hết nội lực mới làm được bởi vì trong vòng một sát na thôi Hồ phu nhân sẽ thành cái xác không hồn.

Bựt… Âm thanh của sắt thép xuyên qua da thịt con người vang khô lạnh. Kẻ cầm sổ giang hồ nấc tiếng nhỏ. Thân hình y run rẩy. Mũi kiếm giết người của Hồ Nguyên đâm vào huyệt nhũ trung của y sâu cả gang tay. Rẹt… Hồ Nguyên tra kiếm vào vỏ… Đáng lẽ kẻ cầm sổ giang hồ phải ngã xuống nhưng không ngã vì được vòng tay của Hồ phu nhân ôm giữ lại.

– Đi… Đi… Phu nhân và Phong nhi theo ta về Trung Nguyên…

Hồ Nguyên đưa tay ra định nắm lấy tay vợ. Vẫn ôm cứng kẻ cầm sổ giang hồ trong tay Hồ phu nhân lùi lại một bước. Nước mắt lưng tròng nàng gào lớn:

– Buông tôi ra… Buông tôi ra… Ông đừng đụng tới tôi… Ông đi đi… Ông đi đi… chạy theo giấc mộng công hầu khanh tướng của ông đi… Ông đi đi… để mẹ con tôi ở lại đây…

Hồ Phong chợt la lớn:

– Phụ thân giết ông nội… Mẹ… mẹ… Con thấy phụ thân đâm chết ông nội…

Hồ phu nhân nhìn đăm đăm đức phu quân. Qua màn lệ nàng thấy một người đàn ông xa lạ, độc ác, tàn nhẫn và vô lương tâm.

– Đi đi… Ông đi đi… Ông không phải là chồng của tôi nữa…

Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên dùng dằng không muốn bỏ đi. Tiếng vó ngựa và tiếng reo hò nổi lên. Một đạo quân tinh kỳ phất phới xuất hiện. Có tiếng người thét lớn:

– Nó đó… Thằng Hồ Nguyên đó… Tên phản quốc đó… Bắt hắn… Bắt hắn… Quân sư đã ra lệnh kẻ nào bắt được hắn sẽ được tưởng thưởng…

Tiếng quân reo hò tở mở. Tiếng chân chạy rầm rầm. Trống kèn réo inh ỏi.

– Bắt Hồ Nguyên… bắt thằng phản quốc…

Không còn cách nào hơn Lạc Đạo Kiếm Hồ Nguyên băng mình chạy trốn.

Hồ phu nhân ngồi bệt xuống đất. Nâng đầu kẻ cầm sổ giang hồ đặt vào lòng mình nàng tức tưởi:

– Tôn ông ơi… Tôn ông… Tôn ông đừng chết… Tôi van tôn ông… Tôn ông đừng bỏ mẹ con tôi…

Kẻ cầm sổ giang hồ mở mắt. Giọng nói của y nhẹ như hơi thở :

– Phu nhân… Phu nhân… Tôi lạnh…

Hồ phu nhân ôm chặt y vào lòng như muốn đem hơi ấm của mình truyền sang cho người đang hấp hối. Vuốt ve khuôn mặt kẻ cầm sổ giang hồ, nàng nghẹn ngào:

– Tôn ông ơi … Tôi thương tôn ông… Tôi thương tôn ông… Tôn ông đừng bỏ tôi… đừng bỏ tôi mà đi tôn ông ơi…

Kẻ cầm sổ giang hồ mỉm cười. Nụ cười bình yên và sung sướng. Còn gì bình yên và sung sướng hơn khi nằm trong vòng tay của người mà mình yêu thương và thương yêu mình. Y thấy khuôn mặt của Hồ phu nhân mờ dần.

– Mẹ… mẹ… Thúc thúc ngủ hả mẹ…

Lặng lẽ gật đầu Hồ phu nhân lẩm bẩm:

– Thúc thúc ngủ say lắm… Thúc thúc ngủ lâu lắm mới thức dậy…

Đoàn quân trẩy qua như gió cuốn để lại người đàn bà và đứa trẻ ngồi ôm lấy xác chết lạnh từ từ.

 

HẾT

Advertisement