5.
An với Đạm đứng cạnh nhau trên con lộ đất nối liền Cái Đôi và Vàm Dinh. Ba ngày qua, trung đội 1 dưới quyền chỉ huy của hai đại đội trưởng và phó cố gắng tìm kiếm mìn, lựu đạn, hầm chông mà đám du kích đã gài trong suốt mấy năm qua. Ngoài nhiệm vụ giữ an ninh trục lộ, An còn dẫn lính truy lùng quân địch bằng cách vượt qua con rạch. Chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ vì đám du kích quân khôn ngoan không chịu trực diện giao tranh. Hôm nay là ngày thứ tư của cuộc hành quân. An cho lính của trung đội 1 nghỉ xả hơi chờ hoán chuyển với trung đội 3.
Trời cuối tháng 5 mưa nhiều. Đôi khi mưa suốt ngày. Cúi nhìn đôi giày bố bê bết bùn, Đạm cằn nhằn.
– Mưa gì mưa hoài… Mưa rồi nắng, nắng rồi mưa… chán quá…
An cười khom người đốt điếu thuốc.
– Ông đừng có cằn nhằn. Mưa rồi nắng còn đỡ hơn mưa dầm suốt ngày đêm. Mình chỉ có nước rút trong nhà ngủ hay đọc sách.
An đưa gói Bastos sang mời Đạm. Rút một điếu, quẹt diêm đốt thuốc, Đạm hỏi trong lúc bập bập cho thuốc cháy đều.
– Chừng nào anh mới đi phép…
– Tôi đã được chi khu chấp thuận cho hai tuần phép rồi. Sau cuộc hành quân này là tôi đi. Ông có muốn gởi gì không?
Đạm gật đầu. Tầm mắt mất hút vào quãng đồng không mông quạnh, anh nói chậm và nhỏ.
– Tôi đưa tiền cho anh mua sách đọc cho đỡ buồn. Mấy cuốn sách của tôi và của anh, tôi đã đọc mấy chục lần rồi…
Rít liên tiếp ba hơi thuốc dài, An liếc nhanh về bên mặt của mình. Xa xa trên con lộ đất, toán lính của trung đội 3 dưới quyền chỉ huy của Phát xuất hiện.
– Anh sẽ cộ cho em nguyên một túi quân trang đầy sách báo… Mình đọc xong sẽ chuyền cho lính đánh vần cho đỡ buồn và cho họ có chuyện làm. Nhậu riết mục người hết.
Đạm bật lên tiếng cười vui vẻ khi nghe cấp chỉ huy nói.
– Anh Ba tới rồi.
Theo sự phân chia thời An sẽ theo trung đội 1 của Xinh trở về đồn để sửa soạn đi phép, còn Đạm ở lại chỉ huy trung đội 3 của Phát tiếp tục giữ an ninh cho con lộ. Nhìn thấy Phát đi tới gần, An cười nói lớn.
– Tôi giao con lộ lại cho hai ông. Nhớ đặt các toán kích ban đêm.
Gật đầu Ba Phát cười nói với An.
– Thiếu úy đừng có lo. Về Sài Gòn ông ráng ăn nhậu cho đã đời đi.
Xinh cười chêm vào.
– Lần này thiếu úy nhớ đem xuống tấm hình cô bồ của thiếu úy nghe. Tụi này muốn thấy hình cô ta…
– Tôi sẽ nhớ lời anh dặn. Thôi mình đi.
Thấy dây giày của mình bị sút ra, Đạm khom người xuống để cột lại. Cắc… Bùm… Âm thanh nổi lên đột ngột. Đứng bên cạnh, Ba Phát nghe đạn rít bên tai mình. Hoảng hồn anh hụp đầu tránh. Vừa ngước lên, thấy An ngã lăn ra đất anh la lớn.
– Thiếu úy… Thiếu úy bị rồi.
Đạm đứt bật dậy. Anh đứng chết trân khi thấy An nằm dài trên đất. Nơi ngực trái của vị đại đội trưởng có lỗ tròn vo và máu theo lỗ tròn đó phun ra ướt đỏ cả chiếc áo bà ba đen.
– Thiếu úy… Thiếu úy…
Đạm lạc giọng. An mở mắt. Da mặt tái xanh lấm tấm chút máu đỏ tươi, anh mỉm cười trong lúc hai giọt nước mắt từ từ ứa ra. Nước mắt và nước mưa hòa với máu, chảy thành dòng đỏ tươi lan từ từ trên mặt đất đen lầy lội. Đạm nâng đầu cấp chỉ huy lên. Không còn gì để nói, để khóc, để nhắn nhủ, ngoài cái chết sẽ tới trong vài giây đồng hồ ngắn ngủi. Đôi mắt tinh anh không còn nữa. Thiếu úy An, trưởng đồn Cái Đôi rướn người lên một chút rồi im lặng mênh mông.
Ba Phát nghiến răng trèo trẹo. Cái chết của An khiến cho anh nổi điên.
– Mẹ… Tao mà để cho thằng du kích chó đẻ này sống là tao không dám nhìn mặt ông thầy.
Chụp khẩu Garant M2, Ba Phát nhào ra bờ rạch. Tay xách khẩu Carbine M2, Xinh la lớn.
– Để tôi phụ với anh.
Hai ông trung đội trưởng gan lì lội qua con rạch tiến về lùm cây cao, nơi mà họ nghi có tên du kích đã núp để bắn chết An.
– Nó đó… Nó chạy… Nó chạy anh Ba…
Bên này bờ rạch lính ra rầm lên. Đứng trên bờ mẫu Phát thấy một bóng áo đen chạy lúp xúp trên cánh đồng cỏ cao ngang lưng. Tay súng nổi danh ” Ba Phát ” nâng khẩu Garant M2 lên. Con mắt sáng rực của anh nhìn từ lỗ châu mai tới đỉnh đầu ruồi và mục tiêu đang di động. Cả ba xếp thành hàng một. Cắc… Bùm… Âm thanh vọng vang rừng cây. Bóng áo đen lảo đảo rồi ngã xuống.
– Trúng rồi…
-Trúng rồi…
– Anh Ba… Trúng rồi…
Bắn chết tên du kích mà Ba Phát thở dài sườn sượt. Dù sao anh cũng không thể cứu sống An. Người lính chiến quê ở Sài Gòn đã nằm xuống nơi con lộ đất vô danh. Anh đã đi phép và không bao giờ trở lại để ngồi nhậu với đồng đội của mình. Mưa rơi trắng xóa khoảng trời xám đục. Mưa rơi trên mặt của Đạm. Người chuẩn úy trẻ không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra hòa với nước mưa rơi trên mặt của mình.
*****
Đạm ngồi im trong hầm chỉ huy. Trước mặt anh là đống giấy tờ bề bộn. Cái gạt tàn thuốc đầy ắp. Ly cà phê cạn khô. Lật bật mà An chết đã hơn nửa năm rồi. Xuyên qua đề nghị từ chi khu, tiểu khu cho anh thay thế An chỉ huy đồn Cái Đôi và là đại đội trưởng đại đội 414. Anh không mừng vui khi lãnh nhiệm vụ mới mà trái lại lo âu nhiều hơn. Trách nhiệm nhiều và nặng hơn vì tình hình càng lúc càng thêm căng thẳng. Hiệp định khốn kiếp Paris được ký kết đã cho phép địch ngang nhiên hoạt động cũng như gia tăng quân số nhằm mục đích đè nặng áp lực quân sự lên chính quyền hiện hữu. Theo tin tức tình báo từ tiểu khu, chi khu và lính dưới quyền cung cấp; anh biết địch đã gia tăng quân số một cách đáng ngại cũng như đã mở ra các cuộc tấn công vào đồn bót và các trục lộ giao thông quan trọng. Đám du kích trong vùng được tăng cường thêm ba hoặc ít nhất hai đại đội thuộc tiểu đoàn chủ lực miền của mặt trận. Dù chỉ là một tiểu đoàn trừ, nghĩa là chỉ có ba đại đội song không vì thế mà địch lại giảm đi các cuộc công đồn hay phá rối. Lính của anh chết vì bị bắn sẻ nhiều hơn lúc trước. Họ bị địch chận đường phục kích trong lúc đi kích ban đêm. Dường như địch đã cài được người vào làm lính do đó chúng biết khá tường tận về hoạt động của lính trong đồn.
Khe khẽ thở dài Đạm với tay lấy gói thuốc Bastos xanh trên bàn. Quẹt diêm đốt, hít hơi dài đoạn nhả khói ra từ từ, anh lắc đầu nhìn hai ngón tay vàng ám khói thuốc của mình. Gần một năm từ khi về đây anh đã đổi khác khá nhiều, nhất là sau cái chết của An. Anh thức ban đêm và ngủ ban ngày. Anh hút thuốc lá nhiều hơn. Anh nhậu cũng chì hơn. Lính trong đồn gọi anh bằng cái tên ngồ ngộ. ” Chửn quí xị…” Bây giờ ông chuẩn úy hết sữa rồi vì đã đủ sức ngồi nhậu ba xi đế, lai rai chén chú chén anh với ba ông trung đội trưởng và lính trong đồn. Anh ăn thịt chuột, xực thịt rắn, đớp thịt kỳ đà, dơi quạ hay bất thứ cái gì mà lính nấu. Bây giờ cà phê dợt, nước nhứt, nhì hay ba đều ngon với anh. Lính trong đồn coi anh như bạn hoặc anh em. Họ chia cho anh bất cứ cái gì họ có, nghe theo lệnh của anh một cách vui vẻ và sống chết với anh một cách tận tình. Đó là điều an ủi cho anh, vì sau khi An chết anh cảm thấy cô đơn, trơ trọi và buồn bã. Anh thiếu một người để nói chuyện và đôi khi để tâm tình. Anh cần một người có trình độ học vấn ngang mình, quê quán ở Sài Gòn, để đêm đêm ngồi ngoài sân, vừa hút thuốc, vừa đập muỗi, vừa uống cà phê nhắc nhở kỷ niệm hay nói về Sài Gòn. Anh mến những người lính của mình. Anh thương Phát, Xinh và Thắng vì tính tình hiền lành và thật thà của họ. Tuy nhiên ở trong góc cạnh sâu kín của tâm hồn, họ không thể hiểu anh, chia xẻ được cảm nghĩ hoặc suy tư của anh.
” Chửn úy… Chửn úy…”
Đạm đứng lên khi nghe tiếng Phát gọi lớn. Bước ra khỏi hầm chỉ huy, anh thấy Phát đang đứng với một người lính mặc đồ trây di mang cấp bậc chuẩn úy. Giơ tay chào anh người lính nói.
” Thưa thiếu úy, tôi là chuẩn úy Nguyễn Đăng Trương…”
Hơi mỉm cười, Đạm nói nhỏ.
” Chi khu đã thông báo cho tôi về chuẩn úy… Ông có giấy thuyên chuyển của tiểu khu…? ”
” Dạ có…”
Trương lục túi đưa cái lệnh thuyên chuyển của tiểu khu ra cho Đạm. Liếc nhanh, anh cười nói với Phát.
” Anh Ba dẫn chuẩn úy Trương về nhà tôi. Để ông ngủ trên giường của thiếu úy An…”
Trong lúc Trương cúi xuống xách cái túi quân trang nặng chĩu, Đạm nói thêm với Phát.
” Anh nói với bà xã nấu cơm cho Trương. Ngày mai tôi sẽ cho ổng trình diện đại đội…”
Phát đi trước dẫn đường còn Trương vác túi quân trang theo sau. Anh để ý giao thông hào chạy dọc ngang cùng với công sự phòng thủ có trí súng trung liên hoặc đại liên. Góc bên trái của đồn sát với con lộ đất là dãy nhà của gia đình binh sĩ. Phát xô cửa vào một ngôi nhà lá nằm sát hàng rào kẽm gai và cách xa các ngôi nhà khác chừng mươi thước. Cái bàn nhỏ đặt chính giữa hai cái giường cây ọp ẹp. Căn nhà được chia làm hai ngăn. Phía trước là chỗ ngủ còn phía sau là nhà bếp song lại không có bếp núc gì hết.
” Chửn úy ngủ trên giường của thiếu úy An. ”
Phát chỉ vào chiếc giường cây nhỏ đủ cho một người nằm. Trương gật đầu đặt cái túi quân trang lên giường. Đứng nhìn giây lát, Phát cười lên tiếng.
” Chiều nay mời chửn úy ăn cơm với vợ chồng tôi. ”
Trương quay qua cười.
” Cám ơn trung sĩ. ”
Phát từ từ lui ra cửa. Trên đường về nhà của mình anh gặp Đạm. Hai người đứng nói chuyện khá lâu.
Bữa cơm đầu tiên mà Trương được ăn ở cái đồn xa xôi diễn ra trong bầu không khí thân mật và vui vẻ. Ăn xong Đạm dẫn Trương đi một vòng quanh đồn để chỉ cho vị chuẩn úy sữa biết sơ qua về hệ thống phòng thủ cùng tình hình chiến sự của vùng Cái Đôi.
” Thiếu úy ở Sài Gòn mà thiếu úy ở quận nào? ”
Đạm quẹt diêm đốt thuốc. Rít hơi dài, anh mới thong thả trả lời câu hỏi của Trương.
” Tôi ở Thị Nghè… Trương hút thuốc. ”
Ngần ngừ giây lát Trương mới rút lấy điếu thuốc. Đạm quẹt diêm đốt thuốc cho ông đại đội phó tương lai của mình.
” Bà xã tôi cũng ở Thị Nghè. ”
Trương lên tiếng sau khi hít hơi thuốc rồi nhả khói ra từ từ.
” Thế hả… Tôi tưởng Trương chưa có vợ. ”
” Dạ tôi mới cưới vợ được nửa tháng, sau khi ra trường Thủ Đức. ”
Đạm gật đầu. Liếc nhanh cấp chỉ huy của mình Trương hỏi một cách rụt rè.
” Tôi muốn đem vợ tôi xuống đây ở. Được không thiếu úy. ”
Đạm cười cười rít hơi thuốc.
” Được chứ… Sống độc thân ở đây buồn lắm… Chỉ sợ bà xã của Trương không thích sống ở đây thôi. ”
Bỏ tàn thuốc xuống đất, lấy giày giẳm lên cho tắt, anh từ từ tiếp.
” Ở đây buồn lắm… Chẳng có việc gì để làm… Chẳng có đi đâu được. Sống ở đây gần như ở tù. ”
Liếc ra quãng đồng không mong quạnh, anh thở dài nhè nhẹ.
” Đi tu thời đúng hơn… Dù sao thời mình cũng được tự do. ”
Trương cười hít hơi thuốc.
” Thiếu úy ở đây bao lâu rồi? ”
Đạm lại đốt điếu thuốc nữa. Hít một hơi anh lên tiếng với giọng trầm và khàn.
” Một năm rồi… Gọi tôi bằng anh đi… Trương ở quận nào? ”
” Dạ quận Gò Vấp. ”
” Ngày xưa tôi học Võ Trường Toản. ”
” Dạ tôi học Hồ Ngọc Cẩn. Bà xã của tôi học ở Trưng Vương…”
Vì cúi xuống để lấy giày giẳm lên tàn thuốc, Trương không thấy được nét buồn rầu hiện lên khuôn mặt khắc khổ của cấp chỉ huy.
” Thế à…”
Thấy Trương đưa tay đập muỗi bu đầy trên cánh tay của mình, Đạm cười.
” Cứ để cho nó hút máu no đi. Đập không hết đâu… Muỗi ở đây nhiều lắm. Muỗi rừng mà. ”
Trương cười nhìn ra chòi canh hiện lên trong buổi chiều vừa tắt nắng.
” Bởi vậy người ta mới có câu ” Ở đâu vui bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lền như bánh canh… Cạnh Đền ở đâu vậy thiếu úy? ”
” Đó là vị trí nằm bên bờ sông Trèm Trẹm. Trương có đọc quyển ” Bên Bờ Sông Trẹm ” của Dương Hà chưa? ”
” Dạ có đọc sơ qua. Chắc anh thích đọc sách? ”
Đạm gật đầu cười.
” May mà tôi thích đọc sách. Ở vùng này khi mùa mưa tới chỉ có đọc sách, nhậu và ngủ. ”
Ngước nhìn trời, anh cười tiếp.
” Mưa thúi đất luôn. Tôi sẽ xin với chi khu cho Trương năm ngày phép về thu xếp và dẫn bà xã xuống đây. ”
” Cám ơn thiếu úy. ”
” Nhưng tôi cá với Trương là bà xã của Trương sẽ không ở đây lâu. ”
Trương cười hăng hắc.
” Để rồi thiếu úy coi. Tụi này sẽ ở đây lâu. ”
Đạm cười nói khi thấy ông chuẩn úy sữa của mình cứ đưa tay đập muỗi.
” Thôi vào nhà. Đứng ở đây một hồi là muỗi sẽ tha hai đứa mình về Sài Gòn thăm ba má. ”
Trương cười hắc hắc bước theo Đạm đi vào nhà. Anh thầm nghĩ mình may mắn được một cấp chỉ huy vui tính trong ngày đầu tiên trình diện đơn vị.
6.
Thiếu tá Toàn, chi khu trưởng kiêm quận trưởng quận Cái Nước, bắt tay Đạm thật chặt.
” Cám ơn em đã chịu khó khai thông con lộ từ Cái Đôi về Vàm Dinh. Bây giờ an ninh được lắm. ”
” Không có chi thưa thiếu tá… Tôi xin với thiếu tá một đặc ân là. ”
Thấy Đạm hơi lúng túng, Toàn cười vỗ vai.
” Em muốn cái gì cứ nói ra… Mình là anh em với nhau mà. ”
Toàn ám chỉ tới một điều, anh thuộc khóa đàn anh của Đạm. Cả hai cùng xuất thân từ Thủ Đức. Chỉ vào Trương đang đứng chờ, Đạm cười nói.
” Chuẩn úy Trương xin về Sài Gòn thu xếp đem vợ xuống Cái Đôi. Tôi chỉ xin thiếu tá ký giấy phép cho Trương. ”
” Anh sẽ lo chuyện đó. Một hồi nữa anh sẽ đi Cà Mau để thăm ông già vợ bị bịnh đang nằm nhà thương. Trương có thể đi với anh về Cà Mau. ”
Đạm cám ơn Toàn xong trở về chỗ trung đội 2 đóng để nói cho Trương biết.
” Chi khu chỉ cho Trương có năm ngày phép và hai ngày đường thôi. Trương ráng đừng trễ phép. ”
” Tôi sẽ trở lại sớm hơn, anh đừng lo. ”
Dường như vẫn còn bị ám ảnh về cái chết của An, Đạm dặn dò thêm.
” Khi nào trở lại Cái Nước, Trương vào chi khu gọi máy báo cho tôi biết để tôi lên đón. Đừng có đi ẩu mà bị tụi nó chận đường hay bắn sẻ. ”
Ngừng lại giây lát để đốt điếu thuốc rồi mắt nhìn về quãng đồng không mông quạnh anh tiếp với giọng chậm và buồn.
” Hơn nửa năm trước đây thiếu úy An bị tụi nó bắn sẻ chết trong lúc khai thông con lộ này… Bây giờ tôi phải đi… Trương về Sài Gòn vui vẻ. ”
Đứng nhìn theo bóng Đạm cùng với mấy người lính khuất sau khúc quanh, Trương lắc đầu lẩm bẩm mấy tiếng. Anh mơ hồ có cái cảm giác, những ngày lính sắp tới của mình sẽ là những ngày không bình yên.
Đặt cuốn tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng xuống chiếc võng căng giữa hai thân cây, Đạm ngồi dậy. Đốt điếu thuốc anh đưa mắt nhìn vơ vẩn. Khung cảnh ở đây không có gì thay đổi. Cũng con rạch đục nước, đầy hay vơi tùy theo thủy triều ngoài biển. Rừng đước xanh xanh. Đồng cỏ xanh mướt vì nhằm mùa mưa. Trời xanh và cao. Gió phất phơ khóm cây cóc kèn, ô rô mọc um tùm dọc theo con rạch. Con lộ đất lầy lội vì cơn mưa dầm ngày hôm qua. Phát nói cho anh biết là bảy tám năm trước đây, vào thời ông Diệm, con lộ này được đổ đá dài từ Cái Nước xuống tận tới Cái Đôi. Tuy nhiên mấy năm sau này, lớp thì chính phủ không tu bổ, lớp thì mấy anh du kích của mặt trận cứ đào đường, đấp mô, đặt mìn riết rồi con lộ đá trở thành con lộ đất đầy ổ gà và hầm hố. Hai bên đường, du kích quân đào hầm trú ẩn hay hố cá nhân. Trong kế hoạch khai thông con lộ để cho xe cộ lưu thông một cách dễ dàng và an ninh, lính với sự giúp sức của dân làng, đã san bằng hầm hố, phá hủy chông mình, biến mặt lộ bằng phẳng hơn. Bất cứ khóm cây, bụi cỏ rậm dọc theo đường đều bị đốn hoặc đốt cháy khiến cho quang cảnh hai bên trở thành trống trải và dễ kiểm soát hơn xưa rất nhiều. Ban ngày xe cộ như xe lôi hoặc xe lam có thể lưu thông mà không cần hộ tống trừ mỗi buổi sáng lính phải đi trước để dò mìn. Nhờ thành quả này mà dân chúng ở Vàm Dinh và nhất là Cái Đôi không còn bị xem như biệt lập với thế giới bên ngoài nữa.
” Ông thầy… Ông thầy…”
Tám, người lính mang máy truyền tin đưa ống liên hợp của máy 25 lên ra dấu. Uể oải đứng dậy, Đạm bước chậm về chỗ Tám đang ngồi nói dóc với mấy người lính của trung đội 3.
” Chuẩn úy Trương đang ở đầu máy bên kia ông thầy…”
Gật đầu Đạm cầm lấy ống liên hợp. Hai bên nói chuyện giây lát, Đạm trả lại cho Tám đoạn nói với Phát.
” Anh Ba… Chuẩn úy Trương và vợ của ông ta vừa tới Cái Nước…”
Phát cười khi nghe giọng nói vui mừng của cấp chỉ huy. Anh biết mấy tháng nay Đạm đã làm việc nhiều gấp hai ba lần vì không có ai thay thế anh để chỉ huy.
” Ông thầy cứ nằm nghỉ đi… Tôi sẽ liên lạc với thằng 1 và 2 bảo tụi nó bung ra để giữ an ninh…”
Thấy Đạm hơi ngần ngừ, Phát cười tiếp.
” Ông thầy đừng có lo… Mấy thằng du kích không dám mò ra ban ngày đâu…”
Nghe lời Phát nói cũng có lý, Đạm trở lại võng nằm hút thuốc và đọc tiếp quyển Vòng Tay Học Trò. An chết để lại cho anh mấy chục quyển tiểu thuyết và tuần báo cũ mà nửa năm nay anh không có thời giờ đụng tới. Những cuộc phục kích, khai thông đường đất, tuần tiễu và hành quân hỗn hợp với các đơn vị bạn cũng chiếm hết thời giờ rồi. Đọc được nửa cuốn anh gấp sách lại. Nằm ngửa mặt nhìn anh nhìn lên khoảng trời mây trắng. Khói thuốc lãng đãng trong không khí ẩm mục mùi cỏ. Tình yêu trong sách làm cho anh nhớ lại thuở học trò của mình. Con đường băng qua sở thú. Mái tóc dài chấm vai. Tà áo trắng mượt mà thêu hai chữ ” Trưng Vương ” nơi ngực. Đôi guốc cây gõ lốc cốc trên đường. Âm thanh đáng yêu còn lẫn khuất trong góc cạnh nào đó của tâm hồn, để rồi khi nhớ lại chỉ vang lên chút ngậm ngùi và tiếc nhớ. Không giống như trong thơ Nguyễn Bính, nhà nàng không ở cạnh nhà anh, mà cách nhau con đường nhiều xe chạy. Những buổi chiều đi trên con hẻm nhỏ, anh thấy bóng nàng thơ thẩn trong sân trước như chờ đợi người đi tới nơi hò hẹn. Lá thơ được ném vội qua hàng rào cây, trở thành cánh bướm bay dật dờ trong gió, nàng cười vui cố chụp bắt không cho lá thư tình rơi xuống đất. Ánh mắt đen long lanh lấp ló sau hàng rào. Cánh tay trần vẩy vẩy.
Đạm nhắm mắt lại. Trong vùng ký ức mỏi mòn theo tháng ngày gian truân của đời lính, anh thấy sáng lên nụ cười của cô nữ sinh Trưng Vương rồi hình bóng mờ dần với giấc ngủ trưa. Không gian thật tĩnh mịch.
Tiếng súng nổ bất chợt làm Đạm choàng dậy. Tiếng động lớn dần dần rồi lát sau chiếc vỏ vọt lớn hiện ra. Lính đứng trên đường giơ tay vẩy. Ngang qua chỗ Đạm đang ngồi chiếc xuồng dừng lại.
” Thiếu úy… Thiếu úy…”
Tiếng của Trương từ dưới ghe phát ra. Đạm đứng dậy. Anh thấy Trương bước lên bờ.
” Thiếu úy khỏe không thiếu úy? ”
Đạm cười cười.
” Khỏe… Thấy mặt Trương là tôi khỏe rồi…”
Đưa tay ra bắt lấy tay người đại đội phó, Đạm cười nói đùa.
” Bà xã đâu. Chắc bả sợ muỗi cắn nên không chịu xuống phải không ”
Trương cười ha hả lắc đầu.
” Bả ngồi dưới ghe… Thiếu úy lại đây để tôi giới thiệu…”
Hai người lính đi tới sát bờ rạch. Một cô gái đang ngồi trong lòng ghe chật hẹp, xung quanh là những người dân quê lam lũ. Cô ta trông xa lạ và lạc loài.
” Trúc Đào, vợ tôi đó thiếu úy…”
Đạm ngơ ngác nhìn Đào. Lát sau anh mới gượng cười nói nhỏ mấy tiếng.
” Chào cô Trúc Đào. ”
” Đây là thiếu úy Đạm. Ổng là xếp của anh đó em. ”
Trương cười nói với vợ của mình. Cúi đầu xuống cố tránh ánh mắt nhìn của người lính chiến, Trúc Đào nói nhỏ như thì thầm.
” Dạ… thiếu úy…”
Quay qua Trương, Đạm vỗ vai nói.
” Trương về đồn trước đi. Tối nay mình sẽ nói chuyện nhiều…”
Trương nói một câu rồi mới chịu xuống ghe.
” Cám ơn thiếu úy đã đón tụi này…”
Đạm gật đầu. Chiếc vỏ vọt chạy đi để lại người lính chiến đứng tần ngần trên con lộ đất lầy lội. Không biết có phải anh khóc hay là khói thuốc bay lên làm cho anh ứa nước mắt.
Toán lính từ từ đi vào cổng chánh. Trước khi chia tay, Phát còn dặn lần nữa.
” Chiều nay ông thầy dẫn vợ chồng chửn úy Trương tới nhà tôi ăn cơm nghe. Bà xã tôi làm tiệc mừng hai vợ chồng ổng…”
Đạm gật đầu lầm lủi bước. Thái độ của cấp chỉ huy khiến cho Phát ngạc nhiên song anh ta cũng không nói gì thêm. Dường như anh ta đã quen với tính trầm lặng và ít nói của ông trưởng đồn. Đạm ngập ngừng trước khi bước vào căn nhà của mình. Lần đầu tiên anh giơ tay gõ cửa mặc dù cửa mở toang. Trương đón anh với nụ cười tươi.
” Thiếu úy mệt dữ… Để tôi bảo vợ tôi làm cho thiếu úy ly nước đá chanh…”
Đạm lắc đầu.
” Thôi khỏi… Chiều nay mình ăn cơm với gia đình của Phát…”
Hướng về Đào đang cúi đầu soạn quần áo từ trong va li ra, Đạm nói tiếp.
” Tạm thời hai vợ chồng Trương ở chung với tôi vài ngày…”
Liếc nhanh vợ, Trương cười nói.
” Tụi này đã bàn với nhau rồi. Đào sẽ nấu cơm cho thiếu úy ăn chung với tụi này…”
Đạm hơi mỉm cười đốt điếu thuốc.
” Từ nào tới giờ tôi ăn cơm tháng ở nhà Phát… Thôi khỏi phiền Trương và cô Trúc Đào…”
Đào ngước lên nhìn người chỉ huy của chồng mình.
” Thiếu úy…”
Đạm ngắt lời liền.
” Xin cô Đào đừng gọi tôi là thiếu úy. Ngay cả Trương cũng vậy. Trước mặt lính tráng thời không sao nhưng trong nhà…”
Hiểu ý Đào cười nói nhỏ.
” Cám ơn thiếu úy… À quên anh Đạm…”
Nhìn quanh quất căn nhà, Đạm nói với hai vợ chồng.
” Tôi đã bảo lính cất cho hai vợ chồng căn nhà mới nhưng họ bận rộn thành ra…”
Nhìn vợ, Trương cười lên tiếng.
” Nhà này còn rộng lắm, với lại tụi này cũng không có đồ đạc gì nhiều. Chỉ có quần áo và mớ sách báo…”
” Ở tạm thì được… Hai vợ chồng cũng phải có nhà riêng như người ta…”
Máng khẩu Colt 45 lên đầu giường, Đạm cười cười.
” Hai vợ chồng chịu khó ngủ chật chội vài đêm rồi sau đó về nhà mới…”
Nhìn ra cửa, thấy Phát đang đứng ngoắc anh tiếp nhanh.
” Bây giờ mình đi ăn cơm rồi về nghỉ sớm…”
Anh nhường cho Trương và Đào ra cửa trước. Đi sau nhìn vóc dáng mảnh mai của Đào, anh thầm thở dài. Tiếng thở dài của anh nghe thật buồn.
Bốn người ngồi và một đứng trong hầm chỉ huy. Bốn người ngồi là ba trung đội trưởng Xinh, Thắng và Phát. Còn người kia là Trương, đại đội phó. Người đứng chính giữa phòng là Đạm.
” Tình báo của chi khu…”
Đạm dừng lại nhìn ba trung đội trưởng cố cựu của mình. Cả ba đều biết khi mà cấp chỉ huy mở đầu buổi họp với năm chữ ” Tình báo của chi khu ” là thế nào cũng có đánh nhau. Đánh nhau có nghĩa địch công đồn hoặc chính họ sẽ mở cuộc hành quân săn tìm và tiêu diệt địch. Bây giờ nhằm tháng 8, tháng mưa dầm. Điều này rất thuận lợi cho địch mở những cuộc công đồn vì thời tiết xấu khiến cho sự can thiệp của phi cơ và pháo binh hoặc bộ binh trở nên khó khăn và mất thời giờ hơn.
” Trung úy Thiện vừa báo cho tôi biết, tiểu đoàn 505 chủ lực miền cộng thêm một đại đội cơ động tỉnh hiện có mặt trong vùng Cái Nước. Có lẽ trong vài ngày nữa thôi chúng sẽ tới Vàm Dinh hoặc Cái Đôi. Theo lời của ông Thiện, thời chi khu chưa xác định được địch sẽ di chuyển về đâu hay đánh đồn nào trong vùng này. Riêng tôi đoán, địch sẽ đánh đồn của chúng ta để rửa cái hận đã bị thất bại lần trước…”
” Tôi cũng đoán như ông thầy…”
Thắng lên tiếng. Ba Phát tằng hắng tiếng nhỏ.
” Lần này gay go nghe ông thầy. Tôi nghe nói thằng tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn 505 giỏi lắm…”
Đạm nhìn Phát chăm chú.
” Anh biết nó? ”
Phát cười cười gật đầu.
” Nó tên Tráng, bà con xa với tôi. Quê nó ở Thới Bình. Đang học trung học ở trường tỉnh rồi không biết vì lý do gì nó bỏ học theo mặt trận…”
” Ạ…”
Đạm có vẻ trầm ngâm. Lát sau anh mới nói nhỏ.
” Tôi sẽ liên lạc với ban 2 của chi khu để hỏi thêm về Tráng…”
Nói xong anh mỉm cười rút điếu thuốc rồi đưa gói thuốc ra mời bốn người lính của mình. Khói thuốc bay dật dờ trong gian hầm ẩm mục.
” Bắt đầu từ bữa nay, ta sẽ có hai toán thám báo đi ra ngoài mỗi đêm… Mỗi toán sẽ có 6 người. Tối nay, tôi sẽ đi đầu tiên. Ngày mai tới phiên Thắng và Trương, rồi sau đó ông Xinh và Phát. Mục đích của các toán thám báo là tìm kiếm sự có mặt của tiểu đoàn 505 để báo cáo lên chi khu…”
Hướng về Thắng, Đạm cười hỏi.
” Còn cái vụ cất nhà cho chuẩn úy Trương tới đâu rồi ông Thắng? ”
Thắng gãi gãi đầu.
” Dạ cũng gần xong rồi ông thầy. Bị lúc này mưa quá nên tụi nhỏ không có phơi lá được. Tôi định cất tạm một căn cạnh nhà của ông thầy thời dễ và nhanh hơn. Hai ông chánh và phó ở chung vách cũng vui và cũng đỡ hao lá…”
Hơi cau mày Đạm quay qua hỏi Trương.
” Ông chịu phiền ở chung vách với tôi thời gian rồi tới mùa nắng tôi sẽ bảo lính cất cho ông căn nhà khác…”
Trương cười nói đùa.
” Tôi thấy không có gì trở ngại. Dựa hơi thiếu úy thời còn gì bằng…”
Cười nhỏ Đạm quay qua nói với Phát.
” Ông nên coi lại các công sự phòng thủ. Còn súng cũng phải lau chùi lại. Lần này tụi nó đánh chắc sẽ dữ dội hơn lần trước… Thôi mình giải tán để tôi gọi máy liên lạc với chi khu…”
Đứng dựa lưng vào cây cột ở giữa căn nhà, Đào nhìn Đạm với vẻ tò mò lẫn ngạc nhiên. Ông xếp của chồng nàng, thoạt nhìn không giống như những người lính mà nàng thấy nhan nhãn trên đường phố Sài Gòn hay trên tivi. Chân mang đôi giép màu đen, gần giống như săng đan, mặc bộ bà ba đen, tay cầm khẩu súng trông rất lạ, ông thiếu úy tên Đạm của nàng không giống bất cứ người lính nào.
Đào thì thầm hỏi Trương.
” Ảnh mang giép gì vậy? ”
Trương cười cười trả lời thật gọn.
” Giép râu…”
” Giép râu là giép gì? ”
” Giép việt cộng…”
Câu trả lời của Trương không thỏa mãn được thắc mắc của Đào nên nàng quay sang Đạm.
” Anh Đạm mang giép gì lạ vậy? ”
” Giép râu. Đây là loại giép đặc biệt của mấy ông việt cộng. Nó làm bằng vỏ xe hơi và có nhiều dây như săng đan của mình, bởi vậy mình mới kêu là giép râu…”
Khẽ gật đầu Đào cười hỏi tiếp.
” Tại sao anh Đạm lại mặc quần áo màu đen và mang giép râu? ”
Nhìn Trương, Đạm tươi cười giải thích cho Đào.
” Tôi đi bắt việt cộng nên phải giả dạng giống như họ…”
” Tại sao bắt việt cộng mà anh lại phải giả dạng giống như việt cộng? ”
Mặc dù bị Đào hỏi tới, Đạm vẫn vui vẻ giải thích một cách cặn kẽ hơn.
” Mình phải giả dạng giống như họ thời mình mới tới gần họ và bắt sống họ được. Mình lại gần mà họ tưởng là đồng chí của họ rồi mình rình lúc họ không đề phòng mình đè bắt sống họ…”
Đào bật cười thánh thót vì câu trả lời có vẻ tếu của Đạm.
” Khi nào anh Đạm bắt sống được việt cộng anh Đạm cho Đào xem mặt ông việt cộng như thế nào… Chắc mấy ổng dữ lắm hả anh Đạm…? ”
Trương và Đạm đều bật cười vì câu hỏi ngây thơ của Đào. Mang khẩu AK lên vai Đạm chỉ vào cái máy 25 đặt dưới đất ngay đầu giường.
” Trương trực máy nghe. Nếu có gì tôi sẽ gọi… mà chắc cũng không có chuyện gì đâu…”
Đào im lặng nhìn theo Đạm bước ra cửa. Tự dưng nàng thầm thở dài. Tiếng thở dài thầm lặng của nàng Trương không nghe được vì anh mãi chăm chú vào cái máy truyền tin.
7.
Đỉnh mùng trắng ngà. Đêm thật im vắng trừ thỉnh thoảng tiếng kẻng canh vang rời rạc. Đào giơ tay xem đồng hồ. 1 giờ sáng. Bên cạnh nàng, Trương thở đều. Nàng không hiểu sao mình lại thức giấc nửa đêm. Tiếng muỗi kêu vo ve bên ngoài mùng. Nghe có tiếng động trên nóc nhà, nàng cố đoán ra tiếng động gì. Mãi lúc sau nàng mới nhận ra đó là tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà lá. Tự dưng nàng nghĩ tới Đạm. ” Giờ này chắc ảnh bị mưa ướt…”. Nàng nghĩ thầm và thương cho ông xếp của chồng mình. Sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới lớn, nàng chưa bao giờ thấy được bộ mặt thật của chiến tranh cũng như gian khổ và nguy hiểm của người lính đang chiến đấu nơi tiền đồn. Dù mới ở đây năm ngày nàng cũng sớm nhận ra một điều. Đạm và lính của anh nghèo vô cùng. Họ nghèo tới độ không có giày để mang. Con nít chỉ mặc quần cụt và ở trần quanh năm suốt tháng. Đàn bà cũng vậy. Mấy bà vợ của lính chỉ mặc bà ba đen. Họa hoằn lắm nàng mới thấy họ mặc áo khác màu như xanh, vàng hay tím. Bữa cơm của họ cũng đạm bạc như đời sống của chính họ. Cá kho hay chiên cộng thêm tô canh rau lỏng bỏng vài miếng thịt ba rọi. Còn thịt thời chỉ có thịt heo hay thịt vịt. Thịt bò và thịt gà đúng là xa xí phẩm của dân ở đây. Nhà thời nhà lá, vách trống trước hở sau, còn mái nhà thời nhìn thấy trăng sao. Nhà tắm thời bốn bức vách lá tả tơi mà đi từ xa người ta cũng có thể thấy được người tắm ở bên trong. Bởi vậy mà nàng phải tắm ban đêm và Trương phải đứng bên ngoài canh cho nàng tắm. Giường cây không có nệm mà được trải chiếu nên nằm đau lưng, nhúc nhích sẽ gây ra tiếng kêu kèn kẹt. Đó là lý do khiến cho nàng ngại ngùng khi ân ái với chồng lúc ban đêm. Nàng sợ Đạm nghe được. Đêm nào hai vợ chồng ân ái với nhau, sáng ra nàng cảm thấy mắc cỡ vì nghĩ Đạm biết bởi vì hai giường chỉ cách nhau có bức màn bằng vải mỏng manh. Nhiều lần nàng tính nói cho chồng mình nghe nhưng nghĩ đi nghĩ lại nàng đành im lặng. Có nói ra cũng không thay đổi được cái gì hết bởi vì đời sống của lính tiền đồn là như vậy. Thương chồng, cũng như hiểu được phần nào nỗi gian khổ cùng nguy hiểm của chồng, do đó nàng vui vẻ chấp thuận khi Trương nêu ý kiến rủ nàng xuống Cà Mau sống. Nàng biết sống ở nơi xa xôi đó nàng sẽ phải hy sinh rất nhiều. Nàng sẽ phải từ bỏ nhiều thứ lắm. Nàng không còn được mặc áo dài, lái xe honda, đi bát phố, xem chiếu bóng… Tuy nhiên khi đặt chân vào ngôi đồn nhỏ bé nàng mới biết là mình sẽ phải trực diện với túng thiếu, khổ sở và gian nan cùng cực.
Đào trở mình nằm nghiêng. Xuyên qua lớp vải mùng trắng nàng thấy mờ mờ cái bàn cây với ba cái ghế đẩu. Chiếc áo trây di của Trương máng nơi góc. Tiếng súng nổ vu vơ làm cho nàng giật mình lo lắng khi nghĩ tới Đạm. Nàng không hiểu tại sao nàng lại nghĩ tới anh trong lúc đang nằm bên cạnh chồng. Dường như có lý do thầm kín nào đó bắt nàng phải nghĩ tới Đạm và lo lắng cho anh. Hôm nay anh dẫn lính đi kích. Ngày mai tới phiên của Trương. Biết đâu chồng của nàng sẽ không trở về. ” Em hỏi anh… em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời… xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime… Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả… Anh trở về… anh trở về hàng cây nghiêng ngả… Anh trở về… có khi là hòm gỗ cài hoa… Anh trở về trên chiếc băng ca… Trên trực thăng sơn màu tang trắng… ”. Mấy câu hát đó nàng đã nghe hoài hũy trên đài phát thanh, truyền hình bằng thái độ thờ ơ, hờ hững vì nghĩ nó sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Tuy nhiên đêm nay nằm đây, ở ngôi đồn tận cùng của đất nước, nàng mới thấm thía, lo âu và sợ hãi. Cái chết xảy ra mỗi ngày. Cái chết gắn liền với tiếng kêu xè xè của mọt chê. Cái chết đến bằng phát đạn bắn sẽ của tên du kích. Người lính tuổi trẻ măng, bị đứt nửa phần thân thể vì đạp phải trái mìn cóc nhảy. Máu của họ đổ xuống nền đất đen đũi của lối đi, giao thông hào ẩm ướt và lô cốt nhầy nhụa thịt da sau trận công đồn của địch. Dấu tích của chiến trận, của sự chết, được lính xóa đi nhưng họ không thể nào xóa bỏ dấu vết hằn sâu trong lòng người. Người vợ lính, ôm đứa con quặt quà quặt quại, hai mắt trợn trừng vì mảnh đạn 82 ly ghim sâu vào cổ họng. Người vợ lính, khóc tỉ tê bên cạnh xác chồng, người lính địa phương, đã hy sinh vì tổ quốc, nhưng lại mù mờ không hiểu tổ quốc là cái quái gì cũng như hỏi tại sao mình lại hy sinh vì tổ quốc. Còn nhiều thứ lắm, nhiều cái chết hay bị thương, mà mỗi lần nhìn thấy nàng có cảm giác lo âu và sợ hãi nhiều hơn. Nàng sợ tới phiên của mình. Nàng sợ trở thành quả phụ. Tuy nhiên nàng không làm gì khác hơn nhận chịu, chia xẻ phần nào nỗi thống khổ và đau đớn của những người chung quanh.
Đang nằm thiu thiu ngủ Đào mở mắt vì nghe có tiếng hú lạ tai. Ầm… Ầm… Chiếc giường cây rung rinh muốn xập.
” Pháo… Pháo kích…”
Tiếng người la trong đêm vắng. Tiếng kẻng báo động vang vang. Trương nhảy tọt xuống đất. Tay xách súng, tay xách máy 25, anh nắm tay Đào.
” Chạy… Chạy em… Chạy theo anh…”
Trường nhào ra cửa. Phía trước mặt của anh là giao thông hào sâu hơn nửa người. Đỡ vợ xuống trước anh đứng ngó ra cửa chánh của đồn. Hàng chục bóng người chạy lăng xăng. Tiếng kêu xè xè rồi… Ầm… Đất cát bay rào rào. Trương nhảy tọt xuống giao thông hào.
Quá quen với cảnh pháo kích cho nên lính trong đồn vẫn tỉnh bơ. Nhiều người đứng khơi khơi trên sân nhìn ra cánh đồng cười nói om xòm.
” Tụi nói pháo thời tránh làm chi cho mệt. Trời kêu ai nấy dạ mà…”
” Thôi vào ngủ tiếp… Chắc hết rồi…”
Thấy Trương và Đào đứng dưới giao thông hào, Xinh cười nói.
” Chắc hết rồi chửn quí… Tụi nó chỉ phá cho mình mất ngủ thôi…”
Khẽ gật đầu Trương leo lên khỏi giao thông hào rồi đưa tay kéo vợ lên. Cả hai lặng lẽ đi vào nhà. Trở lại giường Đào trằn trọc không ngủ được. Nàng còn có nhiều đêm không ngủ được ở ngôi đồn xa tận cùng đất nước này. Tự dưng nàng ứa nước mắt. Nàng sẽ còn có nhiều lần ứa nước mắt khóc thầm trong đêm.
Đạm ngồi nơi miệng hầm chỉ huy. Tay trái cầm quyển Anh Hùng Xạ Điêu, tay trái cầm điếu thuốc, anh thờ ơ nhìn cánh đồng lấp xấp nước trước mặt mình. Những mô đất thấp. Gò đất cao. Hàng cây đước xanh đen. Trời không mưa nhưng lại có nhiều mây. Thỉnh thoảng mặt trời mới ló ra khỏi đám mây. Xóm nhà lá nằm bên tay phải của anh, sát với con lộ đất, hiện rõ dưới ánh mặt trời của một ngày gần cuối tháng 9. Hít hơi thuốc anh quay nhìn dãy nhà của gia đình binh sĩ. Toàn khu nhà lá nằm dọc theo con lộ đất. Cuối cùng, cách xa khu gia binh chừng năm thước, có hai căn nhà liền vách nhau. Một căn cho anh và một căn của vợ chồng Trương. Từ khi có thêm sự hiện diện của Đào, sinh hoạt của anh cũng có ít nhiều thay đổi. Anh ít khi ở nhà. Anh la cà nơi xóm nhà lá của dân làng thường xuyên hơn. Nếu không anh ở lì trong hầm chỉ huy của mình. Có thể nói nó là ngôi nhà thứ nhì của anh. Mặc dù hai nhà riêng rẻ song lại liền vách nhau do đó anh hầu như nghe hoặc biết và đôi khi thấy rõ sinh hoạt của hai người bên kia. Nằm đọc sách bên này anh nghe được tiếng cười thánh thót hay tiếng hát nho nhỏ của Đào. Những lúc Trương vắng nhà vì phải đi kích, đi giữ an ninh trục lộ giao thông, anh cảm thấy không được tự nhiên ở nhà một mình. Chi khu Cái Nước đã ra lệnh cho anh giữ gìn an ninh khoảng đường từ Cái Đôi đi Vàm Dinh. Cũng vì vậy mà anh phải cắt một trung đội hoạt động thường xuyên trong khu vực này. Ba trung đội luân phiên nhau, ban đêm thời bung ra phục kích đám du kích của địch, còn ban ngày thời mở đường buổi sáng và giữ an ninh cho xe cộ lưu thông. Cũng vì thế mà anh và Trương cũng như ba trung đội trưởng phải vắng nhà nhiều hơn…
” Anh Đạm…”
Đạm cục cựa khi nghe có người gọi tên mình. Quay qua anh thấy Đào đang đứng nhìn mình mỉm cười. Hôm nay nàng mặc chiếc quần vải đen và áo bà ba trắng. Mái tóc đen dài thả buông trên vai.
” Cô Trúc Đào có chuyện gì cần? ”
Hỏi xong câu hỏi Đạm hơi bối rối khi thấy người đứng đối diện đang nhìn mình đăm đăm.
” Dạ Đào tính nhờ anh một chuyện…”
” Chuyện gì vậy cô Trúc Đào? ”
” Dạ… Trước nhất Đào xin anh bỏ tiếng ” cô Trúc Đào ” khách sáo và kiểu cách của anh đi…”
Đạm mỉm cười. Nhìn vào đôi mắt long lanh của Đào giây lát, anh quay nhìn về cánh đồng trống. Giọng trầm khàn của anh vang lên nhỏ và chậm.
” Nếu Đào cho phép…”
” Dạ Đào cho phép anh từ lâu rồi… Từ hồi…”
Nói tới đó Đào ngập ngừng dường như có điều gì làm cho nàng khó nói. Đạm móc túi lấy ra gói thuốc. Dường như mãi suy nghĩ chuyện gì hoặc do thói quen, anh đưa gói thuốc mời khách. Cử chỉ của anh khiến cho Đào ngạc nhiên tới độ phải buột miệng kêu.
” Anh Đạm… Đào đâu có hút thuốc mà anh mời…”
Đạm gượng cười vì cử chỉ vô ý thức của mình.
” Xin lỗi Đào. Tôi tưởng Đào là người khác…”
” Anh mơ tưởng nhiều quá. Ngày xưa…”
Đào lại ngừng lời. Nhìn ra quãng đồng không mông quạnh, nàng thở dài.
” Đào tính mượn anh vài cuốn sách để đọc… Đào không có việc gì làm… Ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn… chán quá…”
Đạm mỉm cười rít hơi thuốc. Đào nói nhỏ.
” Anh hút thuốc nhiều quá…”
” Sao Đào biết tôi hút thuốc nhiều…”
” Đào thấy… Chín mười giờ đêm Đào còn thấy anh hút thuốc…”
Bật cười nho nhỏ, nàng nói tiếp.
” Vách lá trống trơn nên Đào thấy anh hút thuốc…”
Hơi gật đầu Đạm đứng lên.
” Đào về nhà trước đi rồi một hồi tôi đem qua…”
” Cám ơn anh. Mà anh ăn cơm chưa? ”
Giơ tay xem đồng hồ Đạm nói nhỏ.
” Chưa tới giờ…”
Đào cười bước đi. Gió thổi mạnh khiến cho chiếc quần vải dính sát vào người phô bày phần nào thân thể nẩy nở của người đàn bà mới lấy chồng. Nhìn theo giây lát Đạm thở dài buồn bã. Anh chợt nghĩ không biết bao lâu rồi mình chưa gần đàn bà. Thiếu úy An chết trước khi thực hành lời hứa đi cùng anh ra Cái Nước nghỉ xả hơi. Từ đó tới nay vì bận bịu, vì buồn rầu và lo âu, anh quên mất mình là một thanh niên trẻ tuổi đang khao khát tình cảm. Đàn bà trong đồn này cũng có nhưng đều lập gia đình và con cái đùm đề. Vả lại ngoài chuyện khao khát ái ân, anh còn cần một người để có thể vui đùa, trò chuyện và tâm tình trong những lúc buồn rầu hay đơn côi. Sự có mặt của Đào khiến cho anh thảng thốt nhận ra mình cũng cần một người đàn bà trong đời sống của mình. Anh cần một người yêu, người vợ để lấp cái khoảng trống vắng trong đời người lính chiến nơi tiền đồn heo hút xa xôi. Đào, gợi lại trong anh kỷ niệm xưa, thuở học trò và tình yêu đầu đời mà hơn năm nay anh hầu như quên lãng. Chậm chạp đứng lên, nhìn về căn nhà của mình, anh thấy Đào đang đứng nơi cửa chờ đợi. Hơi lắc lắc đầu anh bước nhanh. Vào nhà chọn ba cuốn tiểu thuyết, trở ra cửa. anh thấy nàng vẫn đứng chờ.
” Anh vào nhà chơi…”
Đào lên tiếng mời trong lúc cầm lấy ba cuốn sách của Đạm đưa cho. Ông đại đội trưởng lắc đầu cười từ chối khéo.
” Tôi phải đi ăn cơm rồi lo sửa soạn để đổi phiên cho Trương…”
” Vậy hả. Anh là xếp mà sao Đào thấy anh phải làm nhiều hơn người khác…”
Đạm cười hít hơi thuốc.
” Xếp phải làm gương cho lính. Vả lại ai ở đây cũng có gia đình nên tôi không muốn họ xa vợ con…”
Ngừng lại giây lát anh nói với giọng buồn buồn.
” Tôi không muốn lính chết… Họ chết vợ con khổ lắm. Tôi chết không ai khóc, không ai khổ…”
” Nếu anh chết… Đào khóc cho… Anh đừng buồn…”
Đào rơm rớm nước mắt sau khi nói. Đạm cúi đầu. Anh không muốn, hoặc anh sợ nhìn vào đôi mắt long lanh lệ của nàng. Thật lâu anh mới cười nói.
” Tôi phải đi ăn cơm… Đào đọc sách đi… Khi nào hết bảo Trương qua nhà tôi lấy nữa…”
” Dạ cám ơn anh…”
Đạm bước thật nhanh. Đào đứng im nhìn theo dáng đi vội vàng của anh cho tới khi mất dạng sau một lô cốt cao nàng mới lặng lẽ trở vào nhà.