1.
Từ trong hầm chỉ huy Đạm bước song song với thiếu úy An ra khoảnh sân rộng chói chang ánh nắng mặt trời vào một ngày của tháng 4 năm 1972. Hàng quân đứng im chờ đợi. Gọi là hàng quân cũng không đúng, mà gọi là lính cũng không đúng luôn. Danh từ đúng nhất là quân, lính với dân chúng; bởi vì hàng người đang đứng im chính là binh sĩ Địa Phương Quân thuộc đại đội 414 biệt lập, trấn thủ ngôi đồn Cái
Đôi nằm trong quận Cái Nước của tiểu khu An Xuyên mà người ta quen gọi Cà Mau. Gọi là đại đội cho oai, cho có vẻ quân số, nhưng thực ra chỉ có hơn bảy chục mống kể luôn cả cấp chỉ huy, đại đội trưởng và đại đội phó. Lính của đại đội có người mặc kaki màu xanh hoặc màu đen, có người mặc bà ba đen, có người mặc đồ dân sự. Nghĩa là họ mặc bất cứ loại quần áo nào mà họ có được. Có người mang giày bố. Có người mang giép. Có người đi chân không. Súng thời đủ loại. Đạm nhận thấy hơn phân nửa được trang bị M16, M79 hoặc M60. Phân nửa lính còn lại mang Carbine M2. Cũng có người xài bá đỏ. Ai mà có được AK là hách hơn hết. Điều đó chứng tỏ họ là tay chơi vì phải lấy được từ tay của kẻ địch.
Thiếu úy An, đại đội trưởng, liếc nhanh Đạm, vị chuẩn úy vừa ra khỏi trường Đồng Đế và mới trình diện mình chiều ngày hôm qua. Hướng về hàng quân, vị sĩ quan trẻ có bốn năm quân vụ nói nhanh và gọn.
” Anh em… Tôi xin báo cho anh em biết, chuẩn úy Đạm sẽ giữ chức đại đội phó của đại đội chúng ta. Tuy mới về đây nhưng tôi tin chuẩn úy Đạm sẽ trở thành cấp chỉ huy ngon lành trong việc hướng dẫn anh em chống lại Việt Cộng… Anh em có thể giải tán… Sau đây tôi mời ba trung đội trưởng tới gặp chuẩn úy Đạm. ”
Đạm nhận thấy khi nói chuyện với lính, An không có dùng chữ nghĩa văn chương gì hết. Lời nói của anh giản dị và tầm thường. Đối với những người lính này càng ít văn chương càng tốt. Họ học kém do đó dùng những danh từ mới mẻ, văn chương cao xa thời họ không hiểu.
Hàng quân giải tán còn lại ba người. Chỉ vào một thanh niên ước hai mươi lăm tuổi, An cười.
” Đây là trung sĩ Xinh, biệt danh Nhất Xinh, trung đội trưởng trung đội 1. ”
Hơi mỉm cười vì cái tên là lạ của người chỉ huy trung đội 2, Đạm đưa tay ra bắt tay Xinh. Anh ta bắt tay ông đại đội phó của mình bằng hai tay.
” Còn đây là trung sĩ Thắng, tự Hai Thắng, trung đội trưởng trung đội 2. ”
Đạm tươi cười bắt tay Thắng. Chỉ vào một thanh niên tuổi ngoài ba mươi, nét mặt hơi sáng láng và ăn mặc có vẻ tân thời một chút, An cười tiếp.
” Ông mặc đồ civil này là trung sĩ nhất Phát, tự Ba Phát, xếp của trung đội 3. ”
Đạm cười thầm. Dường như biệt danh của ba ông trung đội phó gắn liền với đơn vị mà họ chỉ huy. Nhất Xinh coi trung đội 1, Hai Thắng chỉ huy trung đội 2, Ba Phát lãnh trung đội 3.
Quay qua Phát, An cười hỏi.
” Trưa nay mình nhậu để ăn mừng chuẩn úy Đạm. Anh Ba lo rồi hả anh Ba? ”
” Dạ dạ… Tui lo hết trơn hết trọi rồi ông thầy. Đế thời mình thiếu gì còn mồi thời cá tôm, rắn rít, cóc nhái lềnh khênh… Mà ” chửn quí ” đây có ăn được hôn? ”
Đạm mỉm cười vì giọng nói miệt vườn, nhất là cách phát âm sai chính tả của Phát. Cười chúm chiếm, An vỗ vai Đạm một cái nhẹ xong nói đùa với ba trung đội trưởng của mình.
” Ba ông đừng lo… Chuẩn úy Đạm tuy tướng học trò mà có bộ giò ăn cướp, mà hể ăn cướp là đụng thứ gì xực thứ đó. ”
Nhất Xinh, Hai Thắng và Ba Phát cười khặc khặc khi nghe câu nói cà rỡn của An. Giơ tay chào hai cấp chỉ huy, họ kéo nhau đi về phía khu nhà lụp xụp dành cho gia đình binh sĩ. Còn lại hai người đứng nơi chính giữa sân, An hỏi Đạm.
” Em thấy thế nào? ”
Ngần ngừ giây lát Đạm mới cười lên tiếng.
” Thưa thiếu úy…”
An ngắt lời Đạm.
” Gọi là anh đi. Ở cái đồn của tận cùng đất nước này mà dạ thưa, thiếu úy với thiếu tá làm chi cho mệt. Anh ở đây ba năm rồi mà đâu có thấy quan to quan lớn, xếp bự xếp nhỏ tới thăm mình đâu thành ra lon lá, cấp bực cất vào hộc tủ, còn quân phong, quân kỹ cũng quên tuốt luốt. ”
Đạm mỉm cười khi nghe cấp chỉ huy nói chuyện với mình bằng cái giọng hơi tếu và nhất là ngôn ngữ bình dân.
” Dạ. Chắc anh ở Sài Gòn? ”
Hơi gật đầu An móc túi lấy ra gói Bastos xanh. Rút một điếu xong anh đưa sang Đạm. Thấy Đạm lắc đầu anh cười cười ấn gói thuốc vào tay Đạm.
” Hút đi… Xứ này muỗi mòng rắn rít dữ lắm. Hút thuốc lá để ngừa bệnh. Ghiền thuốc lá và rượu dù sao cũng đỡ hơn cảm cúm hoặc sốt rét quanh năm. ”
Nghe An nói, có lẽ vì nể lời nên Đạm rút lấy điếu thuốc. An quẹt diêm. Mùi diêm sinh bốc lên nồng nặc. Bập bập vài hơi cho cháy Đạm hít nhẹ một hơi rồi thở khói ra từ từ. An mỉm cười khi thấy ông chuẩn úy sữa của mình bật ho. Riết rồi cũng quen. Xuyên qua kinh nghiệm bản thân anh biết điều đó. Thong thả hít hơi thuốc lá, từ từ nhả khói, mắt nhìn về hướng rừng cây xa xa anh chầm chậm lên tiếng. Giọng của người đại đội trưởng địa phương quân nhuốm chút mơ màng.
” Nhà anh ở Phú Nhuận. Hồi đó anh học Chu Văn An. ”
Gật đầu cười, Đạm hít hơi thuốc thứ nhì.
” Em học Võ Trường Toản. ”
” Đạm có vợ con gì chưa? ”
” Dạ chưa. ”
An gật gù.
” Tốt… Lính độc thân như mình rủi có chết cũng không phiền ai. ”
Hít thêm hơi thuốc nữa, anh cười tiếp.
” Không vợ mà có bồ hả. ”
Đạm lắc đầu cười. An thấy nụ cười của người lính trẻ thật buồn.
” Dạ có… nhưng lâu rồi chắc cô ta cũng quên… ”
An im lặng không hỏi nữa.
” Ở đây đụng tụi nó thường không anh? ”
” Lia lịa. Đám du kích hay chủ lực miền hoặc cơ động tỉnh ở vùng Cái Đôi này kha khá mạnh. Du kích thời có chừng hai trung đội còn chủ lực miền, cơ động tỉnh thời tùy theo tình hình. Tụi Việt Cộng ở Cà Mau còn có các tiểu đoàn mang tên U Minh, có số từ 1 cho tới 12. Tuy nhiên mình đụng với đám du kích, chủ lực miền và cơ động tỉnh nhiều hơn. Cách đây chừng ba tháng tụi nó đánh đồn mình mà dô hổng nổi. ”
” Mình có bao nhiêu lính hả anh? ”
Buông tàn thuốc rơi xuống đất rồi lấy giày giẵm lên, An chỉ vào mấy lớp chông nhọn bằng cây xong nói một câu khiến cho vị chuẩn úy trẻ ngơ ngác.
” Bình thường thời bảy chục mà khi đụng trận thời trăm rưởi hoặc hai trăm. ”
Biết Đạm thắc mắc về lời nói của mình An cười.
” Từ từ rồi em sẽ hiểu… Lính ở đây đánh giặc lạ lắm. ”
Ngó về phía dãy nhà binh sĩ, An lại đốt thêm điếu thuốc nữa. Rít một hơi thật dài anh nói giọng thật trầm.
” Những gì mình học được nơi quân trường nhiều khi lại khó có thể áp dụng ở vùng này. Trận chiến ở đây là trận chiến bất quy tắc. ”
Ngừng lại để rít thêm hơi thuốc dài, An cười lập lại câu nói.
” Từ từ rồi em sẽ hiểu. Ở đây cái gì cũng lạ với mình hết. ”
Đạm gật đầu im lặng không nói gì hết vì nể cấp chỉ huy. Tuy nhiên trong lòng anh lại nghĩ khác.
” Ông này ở đây lâu nên mác nặng. Ông nói cái gì mà từ từ rồi em sẽ hiểu. Lính ở đây đánh giặc lạ lắm. Cái gì làm cho ông ta nói trận chiến ở đây là trận chiến bất quy tắc… Cái đồn nhỏ bằng cái lỗ mũi. ”
Tiếng của An vang lên khiến cho Đạm ngước lên nhìn. Nơi khu nhà của gia đình binh sĩ có bóng người giơ tay vẩy vẩy.
” Đi nhậu… Em ráng giữ mình nghe chưa. Mình nhậu với dân uống từ xị trở lên hông hà. ”
Đạm cười im lặng theo chân cấp chỉ huy của mình. Lát sau An dừng trước một ngôi nhà lợp lá, vách lá thấp lè tè. Ba Phát cười nói lớn.
” Dô đi ông thầy. Dô đi chửn quí. Tụi nó sẵn sàng hết trơn rồi. ”
Bước vào cửa, Đạm nhìn một vòng người ngồi vây quanh chiếc chiếu lớn. Đủ mặt Nhất Xinh, Hai Thắng và Ba Phát. Ngoài ra còn thêm hai người lính trẻ nữa.
” Thằng Tư Bánh Bèo mày ngồi gần chửn quí đi… Nhớ cho ổng cho chó ăn chè nghen mậy ”.
Chủ nhà là Ba Phát lên tiếng dặn Tư, người thanh niên trẻ tuổi, tóc dài ngồi cạnh Đạm. Thảy gói Bastos ra giữa chiếu, An cười lớn.
” Mấy ông tha cho chuẩn úy Đạm đi. Tối nay tôi sẽ dẫn ổng đi ăn sương với tôi. Ổng mà sỉn là bể. ”
Hai Thắng cười khằng khặc.
” Vậy hả ông thầy. Ông định dẫn thằng nào theo ông đây? ”
” Tôi không biết. Chắc ba ông phải oảnh tù tì. Ai thắng thời đi. ”
Dứt câu nói giỡn, An quất cạn chung rượu đế nghe cái trót. Khà tiếng nhỏ anh cười.
” Chà… Rượu này bốc à nghe. Mua ở đâu vậy? ”
” Ngoài chợ Cái Nước đó ông thầy. Rượu đế Đường Xuồng uống bốc mà cái hậu của nó ngọt hơn đường phèn đó ông thầy. ”
Rít một hơi thuốc lá, Tư Bánh Bèo lên tiếng. Rót đầy chung rượu anh đưa cho Đạm.
” Dô đi chửn quí… Tối nay ông đi ăn sương mà không sần sần thời lạnh lắm. ”
Đạm cười. Dĩ nhiên là anh không hiểu những danh từ lạ hoắc của Tư Bánh Bèo. Thấy mọi người ngó như chờ coi mình uống rượu anh nghĩ thầm.
” Dô thời dô… Có chết đâu mà sợ. ”
Vị chuẩn úy sữa ực một hơi cạn chung đế. Mắt trợn trừng trợn trắng, miệng há ra thật lớn, anh có cảm giác rượu mà mình vừa uống vào giống như là dòng nước lửa chảy từ cổ họng xuống tận bao tử. Dòng nước lửa chảy tới đâu da thịt anh nóng lên tới đó rồi cuối cùng bốc lên đầu, khiến cho anh phải khà, phải khạc ra hơi để giảm bớt cái nóng trong người ra.
” Bốc lửa hả chửn quí. ”
Xinh cười nói với cấp chỉ huy tương lai một cách thân tình như là người anh lớn tuổi vỗ về em trai của mình. An cười cười không nói. Mọi người đồng vỗ tay hoan hô khi thấy ông chuẩn úy sữa, lon còn mới tinh đi một hơi cạn chung rượu đế. Tân Đờn Cò, người lính trẻ nhất trong bàn tiệc cười nói với An.
” Ổng chịu chơi nghen ông thầy ”.
Gật đầu, An cười cười.
” Tôi đã coi tướng ổng rồi mà. ”
Quay qua Ba Phát, An hỏi.
” Ông có món gì đây? ”
Thân rót cho mình chung rượu, Ba Phát cười hề hề.
” Má con Nhạn bữa nay bả làm reo. Bả chỉ làm cho mình có hai món thôi. ”
Thấy Đạm gắp một miếng đưa cay Ba Phát cười hề hề.
” Chửn quí ăn cái đó được lắm. Thịt chuột ướp ngũ vị hương ăn cường dương nghe chửn quí. ”
Đang gắp mà nghe nói thịt chuột Đạm giật mình định bỏ xuống. An cười nói như trấn an ông đại đội phó của mình.
” Cứ ăn đi… Không có chết hay cùi lỡ gì đâu mà sợ… Tôi ăn ba năm nay rồi. ”
Tin tưởng vào lời nói của An cũng như muốn tỏ cho mọi người biết là mình chịu chơi, Đạm gắp miếng thịt chuột bỏ vào miệng nhai từ từ. Anh cảm thấy thịt mềm, ngọt và thơm chứ không phải kỳ cục như người ta đồn đại. Gắp thêm miếng nữa, nhai nuốt xong anh cười.
” Thịt này ngon hơn thịt gà. ”
Bật cười sằng sặc, Hai Thắng chêm vào.
” Chửn quí chửa vợ mà xực đồ cường dương thời coi chừng. Ở Cái Đôi này không có đàn bà con gái cho ông xì xú báp đâu. ”
Mọi người đều bật cười. Cười nhiều nhất là An. Riêng Đạm có vẻ ngượng. Lát sau anh mới lên tiếng cãi.
” Ông nói làm sao chứ tôi chưa nghe ai nói thịt chuột cường dương. ”
Ba Phát cười chúm chiếm.
” Thịt chuột thời không có cường dương, mà ngặt một nỗi là bà xã của tôi bả ướp ngũ vị hương trộn với con bửa củi. ”
An lên tiếng trong lúc đốt thuốc.
” Chuẩn úy Đạm trẻ tuổi mà cường dương thời cũng không có sao… Dô đi Tư Bánh Bèo… Anh khát nước. ”
Ực một hơi cạn chung đế, rót đầy chung khác Tư ấn chung rượu vào tay Đạm. Không chần chờ anh ực cạn chung đế mà không thấy Xinh nháy mắt với An. Ông xếp đồn Cái Đôi cười im lặng. Vị sĩ quan có ba tuổi lính đã nhìn thấy ở Đạm một tính chất rất cần thiết để trở thành cấp chỉ huy và nhất là thay thế mình chỉ huy đại đội địa phương quân Cái Đôi. Đó là sự hòa mình với lính, nhất là thứ lính địa phương này. Mặc kệ anh từ đâu tới. Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Pleiku hay Cần Thơ. Mặc kệ anh có trình độ đại học hoặc đậu hai ba bằng cử nhân, tiến sĩ. Mặc kệ anh xuất thân từ Đà Lạt, Thủ Đức hay Đồng Đế. Nếu anh không thể ngồi chung một cái chiếu với lính, hút Bastos xanh đỏ, uống rượu đế, ăn thịt rùa rắn, chuột, nghe vọng cổ, nói chuyện tiếu lâm; có nghĩa là anh không thể hòa đồng với người lính của địa phương. Không hòa hợp là anh không hiểu, không thông cảm và trở thành lạc lõng với những người xung quanh. Từ đó lính không thân thiện với anh, không thương anh và có thể không tuân lệnh của anh hay chỉ nghe lời anh một cách miễn cưỡng. Mặt trận ở đây không có những cuộc hành quân rầm rộ, xe tăng, tàu chiến hay máy bay. Đây là thứ trận chiến thầm lặng bao gồm tâm lý chiến, tình báo chiến và phản du kích chiến. Mỗi người lính ở đây là một điệp viên không có lãnh lương, nhưng thi hành nhiệm vụ của mình một cách tận tụy và hăng say. Họ thu lượm tin tức từ người thân trong gia đình, bà con, chòm xóm, láng giềng. Cũng nhờ thứ tình báo nhân dân này mà nhiều khi Việt Cộng chưa đánh đồn, họ đã biết trước địch sẽ đánh ở đâu, ngày nào, ban đêm hay ban ngày.
” Dô đi ông thầy. ”
Xinh nhắc chừng cấp chỉ huy của mình khi thấy An ngồi im lặng dường như đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì. Hai Thắng lên tiếng bênh xếp.
” Anh từ từ… Để cho ổng nhớ bồ ổng một chút. ”
An cười cười nhìn mọi người trong chiếu tiệc.
” Dô mấy chung đế Đường Xuồng rồi thời bồ bịch, tía má gì tôi cũng quên tuốt luốt. ”
Xinh cười sùng sục trong cổ họng. Xị rượu thứ nhì được rót ra. Đạm cảm thấy ruột gan xộn xạo, toàn thể các lỗ chân lông trên người đều mở rộng tối đa để cho hơi nóng thoát ra và trí não bềnh bồng. An láy mắt với Tư Bánh Bèo. Người lính địa phương quân bới đầy một chén cơm trắng đưa cho Đạm kèm theo câu nói.
” Ăn đi chửn quí… Bụng đói uống mau say lắm. ”
Cầm lấy chén cơm Đạm dùng đũa gắp một miếng thịt chuột. Vừa nhai vừa nuốt, anh cảm thấy thịt chuột ăn với cơm nguội ngon vô cùng. Xực liền một lúc ba chén cơm đầy, anh cảm thấy tỉnh táo hơn và người cũng bớt nóng hơn. Rút một điếu thuốc, quẹt diêm đốt, bập bập máy cái cho thuốc cháy đều, hít một hơi thật dài, anh nhả khói ra từ từ. Tuy nói chuyện, cười đùa với mọi người, nhưng An vẫn để mắt tới ông đại đội phó của mình. Anh gật gù mỉm cười tỏ vẻ thích thú và hai lòng khi thấy vị đại đội phó của mình uống rượu đế, ăn cơm với thịt chuột và hút thuốc lá một cách tự nhiên. Xị rượu thứ nhì vừa hết An tuyên bố giải tán buổi tiệc mừng để mọi người đi lo công chuyện.
Đạm thức giấc lúc xế chiều. Mặt trời vẫn còn ở trên đọt cây. Dù đầu óc còn váng vất vì men rượu, anh cũng gượng ngồi dậy. Xỏ đôi giày anh bước ra khỏi giường. Ngôi nhà lá nhỏ chỉ có một phòng với hai cái giường cây dành cho hai ông xếp độc thân. Bước ra tới cửa, anh đứng im nhìn bao quát khung cảnh của đồn Cái Đôi. Vị trí này là nơi mà anh bắt đầu cuộc đời lính của mình. Nó là nơi anh sẽ ở một năm, hai năm hoặc dài hơn tùy theo. Bên trái của anh là khu nhà lá lụp xụp, thấp lè tè, nơi lính và gia đình của họ cư ngụ. Đối diện với khu gia binh là con rạch khá lớn ăn thông với con rạch khác. Con lộ đất chạy dọc theo con rạch rồi được tiếp nối với con lộ phía bên bằng cây cầu ván bắt qua con rạch lớn hơn mà An nói là Rạch Cái Đôi. Hàng rào bằng chông nhọn cao khỏi đầu người, dày đặc mấy lớp. Anh thấy được những trái lựu đạn treo lủng lẳng. Sau lưng là quãng đồng trống, nước lấp xấp và cỏ cao khỏi đầu người. Trước mặt anh là cửa chánh của đồn, nhìn ra rạch Cái Đôi và cây cầu ván. Khung cảnh im vắng, đìu hiu. Trời cao và thật xanh. Gió phất phơ lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên một chòi canh cao. Nếu không có cái biểu tượng đó, không ai biết đây là ngôi đồn của quốc gia, vị trí xa nhất, hẻo lánh nhất của chi khu Cái Nước. Dọc theo con lộ đất, xa chừng nửa cây số, Đạm thấy hiện lên dãy nhà mái xám mốc của dân làng. Họ cất nhà dọc theo con lộ đất nối liền từ Cái Đôi đi Vàm Dinh và Cái Nước. Từ đây tới đó đường xa không quá ba chục cây số mà nhiều khi đi cả ngày cũng chưa tới được. Đi bộ thời bị đắp mô, phục kích, bắn sẻ, đạp lựu đạn, mìn; còn đi ghe thời bị chận đường, bắt cóc. Thành ra ngôi đồn lẻ loi và nhỏ bé này hầu như quanh năm suốt tháng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Sở dĩ nó còn đứng vững được là nhờ vào sự chiến đấu can trường của người lính địa phương quân. Lằn ranh mất còn, sống chết mỏng manh, nhưng rất rõ ràng và người lính biết điều đó. Họ chiến đấu không phải vì những danh từ dao to búa lớn, rỗng tuếch và mơ hồ, mà họ chết vì một điều giản dị và thực tế là bản thân, vợ con và làng xóm.
Đạm quay lại khi nghe tiếng tằng hắng. An, mặc bà ba đen, mang giép râu, giống y chang như một anh du kích miệt vườn.
” Mình đi ăn cơm rồi chuẩn bị ăn sương đêm nay. ”
Không dằn được tò mò Đạm hỏi liền.
” Ăn sương là gì hả anh? ”
An cười đốt điếu thuốc.
” Đi phục kích… Nhiều khi đi kích mình phải nằm chờ cả đêm, sương xuống ướt hết quần áo nên anh em gọi là ăn sương. ”
Đạm thầm nghĩ, mặc dù ít học, những người lính địa phương cũng có tâm hồn nghệ sĩ. Đi kích mà họ gọi là đi ăn sương. Danh từ này làm giảm đi sự bắn giết nhau cho nên nghe nhẹ nhàng và tình cảm hơn.
An, Đạm, ăn cơm tháng với gia đình của Ba Phát. Ông trung sĩ mới hơn ba mươi lăm mà có bảy đứa con. Đứa nhỏ nhất ba tuổi còn lớn nhất lên mười lăm.
” Ông thầy định đi đâu tối nay? ”
Đặt đôi đũa xuống bàn, An cười cười.
” Qua khỏi xóm nhà lá… Tôi rủ ông Đạm đi chơi cho ổng quen dần nên chọn chỗ khá an ninh. ”
Nhìn Đạm đang nhai cơm, Phát gật gù.
” Như vậy mình đem ít thôi… Đông người dễ bị lộ. ”
” Tôi để ông chọn địa điểm và chọn người luôn… Mình chỉ ở tới ba bốn giờ sáng thôi. ”
” Dạ… Ông thầy tính như vậy cũng được. ”
Ăn cơm xong, trên đường trở lại nhà của hai người, An tạt vào hầm chỉ huy. Đưa cho Đạm khẩu Carabine M2 với một dây đạn anh cười lên tiếng.
” Đây là khẩu súng tốt nhất… Đạm có thể ra hàng rào bắn thử. ”
Cầm khẩu súng và dây đạn Đạm hỏi nhỏ.
” Chừng nào mình đi ăn sương hả anh? ”
An cười trả lời.
” 20 giờ… Đạm ngủ một giấc đi. ”
Hai người ra khỏi hầm trú ẩn. An nhìn theo Đạm xách súng đi chậm chạp về phía hàng rào dọc theo rạch Cái Đôi.
Sáu người, một bán tiểu đội, nằm xếp hàng dọc theo con lộ đất từ Cái Đôi đi về Vàm Dinh. Đối diện với họ là con rạch nhỏ sáng mờ mờ dưới ánh sao của một đêm ba mươi không có trăng. Phía bên kia rừng cây đen thẳm. Đom đóm bay lập lòe. Tiếng ếch nhái hòa lẫn với tiếng côn trùng rỉ rả. Gió rì rào hàng cây dọc theo bờ rạch. Tiếng muỗi vo ve bên tai khiến cho Đạm bực mình. Thoạt đầu chưa quen anh đập muỗi lia lịa, nhưng sau đó nghe lời khuyên của An anh gồng mình mặc cho muỗi cắn. Đối với người lính không có gì chán bằng đi kích. Nằm im không được di chuyển, buồn ngủ híp mắt cũng ráng mở ra, gió lạnh, mưa ướt, sương đầm đìa tóc, chờ dài cổ, thức trắng dờ con mắt, rồi nhiều khi không bắn phát súng nào. Sáng sớm lủi thủi đi về đồn, ngủ ngày rồi chờ đêm xuống lại tiếp tục.
Nằm im bên cạnh An, Đạm lan man suy nghĩ và hồi tưởng. Những khuôn mặt hiện ra. Bạn bè. Bằng hữu. Cha mẹ. Anh chị em. Khuôn mặt của một cô gái hiện ra mơ hồ, nhạt nhòa đường nét và góc cạnh. Tà áo dài trắng thêu hai chữ Trưng Vương. Con đường hai lượt đi về. Chuyến xe bus đông người. Đứng gần nàng, anh im lặng nhìn chiếc mũi dọc dừa. Làn da trắng mịn với những sợi lông măng màu vàng. Nốt ruồi đen trên má. Đôi mắt đen dài. Hàng mi cong. Đôi mày rậm. Mái tóc dài tới vai. Chiếc cổ cao. Bờ ngực thon. Những buổi trưa của tháng hai, tháng ba. Trời man mát. Anh với nàng đi băng qua sở thú. Tà áo dài quấn chân. Tiếng cười hồn nhiên. Cái nắm tay rụt rè. Đôi bạn tình, tuy còn e ấp nhưng biết rằng tâm hồn của mình bắt đầu nhen nhúm tình yêu học trò. Những ngày hè, đèo sau lưng cô bạn gái, anh đạp xe đi ” thăm dân cho biết sự tình “. Không có nhiều tiền hai đứa chia nhau một chiếc nem Thủ Đức, uống chung ly nước mía ngọt ngào. Trời trưa nắng gắt, mồ hôi thấm ướt lưng anh chở người-yêu-học-trò đi núi Châu Thới, Suối Lồ Ồ, núi Bửu Long, đi ăn bưởi Biên Hòa để cho nàng về nhà khoe với anh chị em và ba má. Tình yêu giữa anh với nàng, nếu có, cũng chỉ là tình yêu vụng dại của tuổi học trò, được thể hiện bằng những bài thơ đăng lên báo xuân của trường, hay bằng những lá thư trao cho nhau khi xuống xe bus. Những cái nắm tay hấp tấp. Một lần hôn môi vội vàng. Tất cả chỉ là hình bóng, kỷ niệm nhỏ nhặt nhưng sẽ theo anh suốt đoạn đời lính chiến.
Đạm giật mình khi bị An cào vào cánh tay của mình. Nhìn theo tay chỉ của cấp chỉ huy, anh thấy hai bóng người hiện ra mờ mờ trong bóng tối thâm u. Họ đi lặng lẽ, không gây ra tiếng động nào. Tự dưng anh cảm thấy lo âu rồi sau đó sự lo âu biến thành sợ hãi. Anh nghe tim mình đập thình thịch khi hai bóng đen tới gần hơn nữa. Cả hai đều mang súng. Hai bàn tay ghì chặt lấy khẩu M2 chợt run lên bần bật rồi sau đó hoàn toàn bất động vì sự tê liệt của tứ chi hay của cả thân xác. Không kể Đạm, năm người lính địa phương quân im lìm chờ đợi. Họng súng đen ngòm của họ nhắm đúng vào mục tiêu đang di động cho tới khi lọt hẳn vào trung tâm của điểm kích. An xiết cò khẩu colt 45. Bằng… Bằng… Bằng… Ba tiếng súng nổ bất chợt và khô lạnh. Hai thân người đổ xuống. An rờ lên nòng súng của Đạm. Nó lạnh tanh. Những người lính địa phương quân thanh toán mục tiêu nhanh tới độ ông chuẩn úy mới ra trường không kịp bắn phát súng nào.
2.
Căn phòng vuông vức mỗi bề ba thước. Chính giữa phòng là một cái bàn bằng cây. Trên bàn lỏng chỏng cái gạt tàn thuốc làm bằng vỏ đạn đại bác 105 ly. Ly cà phê bằng nhựa ngả màu vàng khè. Trên cái kệ nhỏ nơi góc bên trái là hai cái máy 25 để liên lạc với chi khu và các đại đội bạn, còn một máy để liên lạc nội bộ. Đây là hầm chỉ huy, nơi làm việc của An. Hôm nay anh bắt đầu chỉ dẫn cho Đạm về hệ thống truyền tin, từ việc sửa chữa máy móc tới việc sử dụng, thay đổi tần số để khi cần anh có thể nói chuyện với chi khu hoặc ra lệnh cho các trung đội trưởng. Mời ông đại đội phó của mình một điếu thuốc lá xong An cười giảng giải.
” Thật ra khi địch đánh đồn thời mình khó mà xin được sự yểm trợ từ chi khu hoặc tiểu khu. Vả lại nếu có thời chỉ có pháo binh bắn năm mười trái cho có lệ. ”
Dừng lại hớp ngụm cà phê đen nguội An quẹt diêm đốt thuốc. Đạm nhận thấy cấp chỉ huy của mình hút thuốc liên miên. Sáng vừa mở mắt ra, việc đầu tiên của An là quẹt diêm đốt thuốc lá. Suốt ngày lúc nào điếu thuốc lá cũng dính trên môi hay trên tay của anh.
” Nếu tụi Việt Cộng có đánh đồn thời mình hãy tự túc tự cường trước. Cùng cực lắm mình mới gọi máy xin chi khu yểm trợ. Họ không có đủ phương tiện cho nên chỉ yểm trợ bằng pháo binh. Mà pháo binh bắn đôi khi cũng lạng quạng lắm. Một lần…”
An ngừng nói hít hơi thuốc thật dài. Mắt anh ngó mông ra khung cửa sổ nhỏ. Gọi là cửa sổ chứ thật ra chỉ là một khoảng trống, ngang chừng gang tay và dài độ sải tay. Nó là chỗ trống dùng để quan sát và tác xạ trong trường hợp đồn bị địch tràn ngập.
” Cách đây hơn năm, lúc anh còn là đại đội phó, ông thiếu úy Thiên, đại đội trưởng, gọi chi khu xin pháo binh yểm trợ vì địch tấn công dữ dội. Pháo binh dập nát đồn khiến cho hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Bên mình vợ con lính bị chết và bị thương nhiều lắm. Từ đó ông Thiên rồi sau đó tới anh đều không dám xin chi khu yểm trợ bằng pháo binh. Máy bay thời đỡ hơn một chút, nhưng ít khi mình được họ bắn can thiệp. Cái đồn vô danh này nằm ưu tiên hạng bét mặc dù mình cũng đánh nhau với tụi Vẹm… ”
An nói một hơi thật dài. Dường như từ lâu anh không có ai để nói chuyện. Đạm hỏi nhỏ.
” Ông thiếu úy Thiên đâu rồi anh? ”
An thở dài dụi tắt điếu thuốc. Rút một điếu thuốc khác, quẹt diêm đốt xong anh từ từ lên tiếng. Giọng của anh rời rạc, đứt khúc không thành câu và buồn buồn.
” Ổng chết cách đây mấy tháng. Tụi nó bắn khơi khơi. Trái 82 lọt ngay vào chỗ ổng đang ngồi. Thế là đi đứt. Anh và lính phải lượm từng miếng thịt bỏ vào bao ny lông. ”
An nhìn Đạm một cách chăm chú dường như để nhận xét coi có sự thay đổi nào hiện ra trên nét mặt của người lính trẻ. Lát sau vị đại đội trưởng của đồn Cái Đôi nói nho nhỏ.
” Ổng cũng ngồi trên cái ghế ngay chỗ em ngồi. ”
Đạm rùng mình nổi da gà đồng thời có cảm giác như ai đang nhìn mình, đang thở ở đằng sau cần cổ hoặc đang thì thầm bên tai của mình.
” Mới đầu anh cũng hơi sợ như em nhưng riết rồi cũng quen. Vả lại mình nghĩ ông ta là đồng đội với mình thời ông ta sẽ che chở cho mình. ”
An đứng dậy, nhìn về khoảng trống đoạn bước đi vài bước rồi dừng lại.
” Đi lính ở đây là ráng làm sao để nghe, thấy và biết. Có nghe, thấy, biết, em mới có thể sống sót được. Đối phó với đám du kích hay chủ lực miền của mặt trận giải phóng miền nam này dễ mà khó. Mình cũng phải mưu mô, thủ đoạn như chúng. Chỉ có điều là mình không tàn nhẫn và ác độc được như chúng mà thôi. ”
Bỏ tàn thuốc rơi xuống nền đất đen âm ẩm ướt, lấy giày giẫm lên xong An cười nói.
” Bây giờ mình ra chợ chơi cho biết. ”
Thấy An lận lưng khẩu Colt 45 Đạm hỏi nhỏ.
” Mình mang súng theo không anh? ”
An gật đầu.
” Em xách khẩu M2 theo cho chắc ăn… Có thể không có chuyện gì nhưng cẩn tắc vô áy náy. ”
Đạm cười khì. Anh còn cẩn thận hơn bằng cách mang luôn dây ba chạc có gắn mười băng đạn và ba trái M26. Nhìn thấy Đạm vũ trang kỹ An cười giỡn.
” Tụi du kích thấy em là nó chạy trước. ”
Cười hà hà Đạm bước song song với An ra cửa đồn. Thấy Ba Phát đang đứng nói chuyện với người lính gác cổng An lên tiếng liền.
” Tụi này ra chợ. Ông đi không? ”
” Đi thì đi… Ông thầy ra đó làm gì? ”
Quẹo trái vào con lộ đất chạy dọc theo kinh Cái Đôi An trả lời trong lúc nhìn về cách đồng trống xâm xấp nước phía bên kia con rạch.
” Cà phê cà pháo vậy mà. Tôi dẫn chuẩn úy Đạm đi cho biết. ”
Ba Phát quay qua cười nói với Đạm.
” Làm vài ly xây chừng nghe chửn quí. Ở đây mà không nhậu là tối ngủ không yên giấc. Mình nhậu muỗi nó mới sợ mình. ”
An bật lên tiếng cười hăng hắc khi nghe Ba Phát nói. Anh nhớ lại những ngày đầu mới về đây Ba Phát cũng nói như vậy. Nào là không nhậu say tối ngủ muỗi nó sẽ tha mình đi chỗ khác. Đạm cười cười lên tiếng.
” Tôi nghe thiếu úy nói là nếu mình không nhậu thời muỗi nó sẽ tha mình đi chỗ khác phải vậy không? ”
Tới phiên Ba Phát cười hà hà. Nhìn quanh quất cảnh vật Đạm thở khì.
” Ở đây buồn quá… Người đã không có mà cây cỏ hầu như cũng không có luôn. ”
Ba Phát liếc An. Anh thấy cấp chỉ huy của mình cúi đầu bước mà nét mặt có vẻ buồn rầu và tư lự. Tự dưng trong lòng anh cảm thấy tội nghiệp cho hai người lính trẻ tuổi và độc thân phải giam mình ở chốn khỉ ho cò gáy này. Anh sinh ra và lớn lên ở đây. Do đó anh chiến đấu vì bản thân, gia đình và làng mạc của mình. Còn hai người lính chiến này, đến từ vùng trời xa lạ nào đó, thời lý do gì mà họ phải sống chết với cái đồn vô danh, cho những người mà mình không quen biết. Phải có lý do gì đặc biệt lắm mà đầu óc của một người lính ít học như anh không thể hiểu được.
An cười cười lên tiếng. Giọng nói của anh nhỏ nhẹ và dịu dàng giống như của một người lớn giảng giải cho người nhỏ tuổi hơn mình.
” Coi vậy chứ không có buồn đâu Đạm. Mình ở riết rồi mới thấy cảnh ở đây còn đẹp hơn ở Sài Gòn. ”
Đạm nhìn An với ánh mắt nửa nghi ngờ nửa như thắc mắc về lời nói của cấp chỉ huy. Nháy mắt với Ba Phát, An cười tiếp.
” Quang cảnh ở đây giản dị, tầm thường và mộc mạc nhưng điều đó mới chính là cái đẹp không giả tạo. Những đêm trăng sáng đẹp lắm, nhất là những đêm sáng trăng bình yên. ”
An hơi nhấn mạnh ở hai chữ ” bình yên ”. Quay sang Ba Phát anh cười hỏi.
” Hôm nay mùng mấy hả anh Ba? ”
” Dạ mùng năm ông thầy. ”
Gục gặt đầu An nói trỗng nhưng Ba Phát hiểu câu nói đó dành cho mình.
” Rằm này mình làm một chầu nhậu với đờn ca đi để cho chuẩn úy Đạm đỡ buồn. ”
” Chà ông thầy có ý kiến hay à nghe. Để tôi bảo mấy thằng nhỏ lo. Kỳ này tôi phải kiếm cái gì nhâm nhi thật chiến để giới thiệu với chửn quí. ”
Đạm góp chuyện.
” Chuột đi anh Ba. Tôi hẩu món chuột ướp ngũ vị của bà xã anh. ”
An và Ba Phát bật cười ha hả. Vỗ vai Đạm một cách thân tình Ba Phát gật đầu.
” Chuột thời thiếu gì. Để kỳ này tôi bảo mấy thằng nhỏ kiếm vài món lạ hơn như rắn hổ, rùa hay kỳ đà. ”
Đạm chắt lưỡi.
” Tôi có nghe nói mà chưa bao giờ được thử. ”
” Tới rồi. ”
An lên tiếng. Đạm thấy một dãy nhà lá lụp xụp cất dọc theo con lộ đất chạy song song với con kinh nhỏ nước một bên đục một bên trong. Lưa thưa người đi lại. Ba Phát bước nhanh để vượt qua mặt An như cốt ý dẫn đường. Anh vui vẻ chào hỏi vài ông già bà lão đi trên đường. Ba người lính đi dài theo con đường lộ đất. Để ý quan sát Đạm thấy dân ở đây nghèo quá, nghèo thật nghèo. Nhà toàn là nhà lá. Nhiều căn nhà trống trước trống sau. Ở ngoài đường nhìn vào người ta có thể thấy hết những gì bên trong. Đa số là ông già bà lão hay những người sồn sồn.
” Sao tôi không thấy con trai con gái gì hết vậy anh Ba? ”
Đạm lên tiếng hỏi. Liếc nhanh An, ông trung đội trưởng của trung đội 3 trả lời.
” Con trai con gái đi lính hết trơn rồi chửn quí. ”
Quẹt diêm đốt điếu thuốc Bastos xanh An đỡ lời của Ba Phát.
” Anh Ba để tôi giải thích cho ông Đạm biết. Con trai con gái ở đây đi lính hết rồi. Đi lính có nghĩa là đi lính bên này hay bên kia. Bên này là đi lính quốc gia còn bên kia là theo mặt trận. Vùng này là vùng xôi đậu. Có nhà theo Việt Cộng, có nhà theo quốc gia. ”
” Làm sao mình biết ai theo Việt Cộng ai theo quốc gia hả thiếu úy? ”
Cười thành tiếng lớn An liếc Ba Phát.
” Cái đó thời ông phải mua rượu thịt làm một chầu nhậu linh đình để đãi anh Ba rồi ảnh truyền nghề cho ông… Ở đây họ gọi là cúng tổ. ”
Ba Phát cười ha hả dừng lại trước căn nhà cuối cùng.
” Đây là nhà của tía má thằng Tư Đờn Cò. ”
Ba Phát nói nhỏ cho Đạm nghe khi bước vào cửa. Căn nhà đất, vách lá, được chia làm hai gian. Phía sau là chỗ ngủ và bếp. Đằng trước là cái quán cà phê nhỏ với ba cái bàn cây, một tủ đựng thuốc lá và cái kệ dùng để pha cà phê. Ba Phát, An và Đạm ngồi xuống cái bàn cạnh cửa sổ.
” Bác Năm cho tôi ba ly xây chừng đi bác Năm. ”
Ba Phát nói vọng vào trong bếp. Một người đàn ông tóc hoa râm, mặc bà ba đen từ trong bếp bước ra.
” Thằng Ba mày mà tao tưởng ai… À lại có ông thiếu quí. ”
Bác Năm chấp tay xá An ba cái. An cũng chấp tay xá lại đoạn cười hỏi.
” Bác Năm khỏe hả bác Năm? ”
” Dạ cám ơn thiếu quí… Nhờ trời phật phù hộ nên tôi cũng hổng có bịnh hoạn chi. Còn ông nào đây? ”
Bác Năm chỉ vào Đạm. Ba Phát cười lên tiếng.
” Đây là ông chửn quí Đạm mới đổi về… Tui dẫn ổng ra đây thăm bác và mọi người cho biết.”
” Dạ dạ… Chào chửn quí. ”
Bác Năm xá ba xá. Bắt chước An, Đạm cũng chấp tay xá bác Năm.
” Thằng Ba mày uống cà phê hả? ”
” Dạ bác cho ba tụi tui ba ly đen đi rồi tính sau. ”
Bác Năm bỏ đi vào trong bếp. Đạm nghe có tiếng nói chuyện loáng thoáng từ trong bếp vọng ra. Ngồi đối diện với cửa sổ anh nhìn thấy cánh đồng rộng mênh mông. Bây giờ là tháng hai chưa có mưa sa cho nên mặt đất đen khô nứt. Hàng cây xanh xanh. Bờ mẫu cao lưa thưa cây như đước, bần, mắm… Không gian thật yên tịnh. Nắng chói chang trên cánh đồng khô. Bác Năm và một bà già mà Đạm đoán là vợ của bác bưng ba ly cà phê ra đặt lên bàn. Mấy cái ly bằng nhựa vàng và cũ mèm. Anh thấy An cầm ly cà phê lên uống một cách tự nhiên. Dường như An đã quen với chuyện dân quê ở đây ăn uống thiếu vệ sinh. Đốt điếu thuốc hít hơi dài An cười nhìn Đạm .
” Uống đi… Ở cái làng cuối cùng của đất nước mà mình còn có cà phê uống là nhất rồi. Nhiều khi đường bộ, đường thủy đều bị nghẻn thời nước ba cũng không có mà uống. ”
” Từ đây ra tới biển xa không thiếu úy? ”
An lại hít một hơi thuốc. Nhả khói ra từ từ anh hớp ngụm nhỏ cà phê xong mới trả lời câu hỏi của Đạm.
” Chừng mươi cây số… Nhưng khó đi lắm… Vả lại toàn là đồng không mông quạnh… Dân ở đây cũng có người đi ghe ra biển để đánh cá. ”
Quay qua bác Năm An cười hỏi.
” Cà phê này nước thứ mấy mà ngon vậy bác Năm? ”
Đang vấn thuốc rê bác Năm bật cười.
” Dạ… Thằng Tư mới đi Cái Nước tuần rồi nên tôi cho thiếu quí uống nước nhứt. Mai mốt kẹt đường thời mình uống nước nhì, nước ba. ”
An gật gù cười. Dù thắc mắc chuyện cà phê nước nhứt, nước nhì, nước ba, song Đạm im lặng uống một ngụm cà phê đầu tiên của mình nơi vùng hoang vu tận cùng đất nước.
Đợi cho Đạm uống gần nửa ly cà phê đen xong An cười hỏi.
” Được không? ”
Đạm chúm chiếm cười gật đầu.
” Ngon… Tôi không có gì phàn nàn. ”
Hướng về bác Năm đang ngồi hút thuốc trên bộ ván Đạm nói.
” Bác Năm cho tôi gói Ruby đi bác Năm. ”
An mỉm cười nháy mắt với Phát. Ông trung đội trưởng trung đội 3 cũng cười cười không nói gì hết. Đạm bắt đầu cuộc đời lính chiến nơi tiền đồn xa xôi hẻo lánh của mình với những hành động mà bất cứ người lính nào cũng làm như hút thuốc và uống rượu. Mai mốt anh có thể sẽ chửi thề, văng tục, hoặc còn đi xa hơn nữa tùy thuộc vào môi trường mà anh sống cũng như các đồng đội mà anh sẽ tiếp xúc.
Khui gói Ruby xong Đạm chìa gói thuốc sang An.
” Mời thiếu úy. ”
Mời cái gì thời An có thể từ chối nhưng mời thuốc lá thời anh nhận liền. Đưa gói thuốc sang Ba Phát Đạm cười.
” Mời anh Ba. Xin nói trước với anh Ba và thiếu úy là chầu nhậu này để phần tôi. ”
Phát cười hà hà.
” Được rồi chửn quí… Tôi không dành phần của ông đâu. ”
Đạm gật đầu cười nói với An.
” Tôi có hai tháng lương chưa xài. Ở cái đồn Cái Đôi này chắc tôi cũng không biết xài cái gì ngoài cà phê thuốc lá và nhậu nhẹt. ”
Uống cạn ly cà phê đen xong An quay qua hỏi bác Năm.
” Bác Năm có cái gì lai rai hôn bác Năm? ”
” Thiếu quí muốn món gì. Rắn xào lăn nghe thiếu quí. Đêm qua mấy đứa nhỏ cắm câu được ba con rồng ri cá bự lắm. ”
An tặc lưỡi.
” Gì chứ rắn thời hết chỗ chê. Đạm ăn rắn không? ”
Đạm gật đầu trong lúc uống cạn ly cà phê. Bỏ tàn thuốc xuống đất rồi lấy giày dụi cho tắt Ba Phát cười hà hà nói vọng vào trong bếp.
” Một xị đi bác Năm. ”
Bác Năm trở ra với xị rượu trắng và cái chung bằng thủy tinh lên màu vàng. Ngay cả rượu tuy gọi là rượu trắng mà màu của rượu cũng biến thành ngà ngà. Rót đầy chung rượu Ba Phát đặt ngay trước mặt An. Bao giờ cũng vậy, từ những buổi tiệc trong đồn hay ở nơi hàng quán, An đều được mời uống trước. Đó là sự kính trọng của dân làng và lính tráng dành cho anh. Đó cũng là sự bày tỏ lòng biết ơn của những người dân quê thật thà và hiền lành.
” Dô đi thiếu quí. ”
” Cám ơn anh Ba. ”
Đưa chung rượu đế lên như để mời hai người đối ẩm, ông xếp đồn Cái Đôi ực cạn chung rượu đế.
” Ngon không thiếu úy? ”
An bật cười vì câu hỏi của Đạm. Chép miệng, quẹt diêm đốt thuốc, rít hơi dài, ém hơi thật kỹ, nhả khói ra từ từ anh mới trả lời.
” Uống mới biết được. ”
Ngừng lại nhìn ra cánh đồng khô đầy cỏ cao với rừng tràm, đước xa xa anh nói tiếp.
” Không đến nỗi tệ lắm đâu… Ngà ngà chút thôi… Vừa đủ để cho mình thấy đời sống của người lính chiến như mình bớt phiền muộn và bớt mong manh. ”
Chỉ có Đạm mới hiểu được câu nói của An. Nhẹ thở dài anh nhấc lấy chung rượu đế mà Ba Phát vừa đặt trước mặt mình. Ông chuẩn úy sữa nhìn màu vàng của rượu, màu xanh của bầu trời tháng 2 và màu đất đen của nền nhà mình đang ngồi xong ực nhanh chung rượu đế cay xè. Bây giờ anh mới nghiệm ra lý do là tại sao An, Xinh, Thắng hay bất cứ người lính nào uống rượu đều ực nhanh, gọn chung rượu đế mà không có nhấp từ từ hay nhâm nhi chút chút như anh thấy các anh lớn của mình thường làm khi họ uống bia. Có hai lý do. Thứ nhất rượu ở đây mạnh mà lại không ngon, cho nên người ta không muốn thưởng thức cái cay, đắng, chua hay chát của rượu. Thứ nhì uống rượu là để tìm cảm giác, do đó họ uống thật nhanh hầu sớm có cảm giác la đà, chếch choáng hơi men.
” Đã hả chửn quí. ”
Ba Phát cười hỏi khi thấy Đạm, sau khi ực cạn chung rượu phải hít liền hai hơi thuốc để đưa cay.
” Rượu này bốc lửa nghe anh Ba. ”
Đạm lên tiếng. Cười hà hà Ba Phát tự rót rượu cho mình. Ông chuẩn úy sữa kín đáo nhận xét từng cử chỉ nhỏ nhặt của tay nhậu thâm niên đứng hàng thứ ba của đại đội. Thanh thản, từ tốn và chăm chú, Ba Phát rót đầy chung rượu xong đưa lên miệng. Trái với mọi người, anh uống từng ngụm nhỏ như muốn thưởng thức cái vị cay ngọt, cái hương của lúa ẩn trong mùi hăng hắc của chất rượu bốc lên.
Ngồi bên kia bộ ván bằng cây, đang bập bập điếu thuốc rê của mình, bác Năm chợt lên tiếng.
” Thằng Ba mày thấy được không? ”
Ba Phát gật gù cười.
” Ở vùng Cái Nước này còn ai nấu rượu ngon hơn bác được. Tiếc là đánh nhau hoài nếu không tôi làm ruộng lấy lúa cho bác nấu rượu. ”
Bác Năm thở dài.
” Giặc này biết bao giờ mới yên… Giặc chi mà giặc lạ…”
Bập bập vài hơi thuốc bác nói tiếp.
” Mấy ông của mặt trận nói là giải phóng mà tui thấy họ có giải phóng gì đâu. Chỉ có người chết nhiều hơn mà thôi. Năm đứa con của tui thời hai thằng bị mấy ổng giết rồi. ”
Nói tới đó bác Năm ngừng lại giơ tay áo quẹt nước mắt vừa ứa ra. Ba Phát im lìm. Đạm cúi nhìn gói thuốc lá đặt trên mặt bàn. An ngó quang cảnh trước mặt mình. Sát với con lộ đất là con rạch khá rộng. Kế đó là cánh đồng cỏ cao ngút ngàn rồi xa hơn nữa là khu rừng cây xanh xanh. Cánh đồng vắng ngắt. Nhưng anh biết vẫn có những du kích quân của mặt trận đang âm thầm di chuyển hay hì hục đào hầm hố để ẩn nấp hay đặt khẩu 82 bắn vào đồn của mình. Một đêm tối trời hay mưa gió, người của mặt trận sẽ vượt qua con rạch để bắn giết những kẻ đối nghịch với mình, dù kẻ đối nghịch chỉ là dân lành vô tội. Người dân chỉ biết làm ruộng, đánh cá, chài lưới, nuôi tôm câu cá, hay cho cùng là bán buôn với hy vọng sống sót và chờ đợi trận giặc qua đi. Thật ra họ theo bên này hoặc bên kia cũng chỉ vì thời thế hoặc hoàn cảnh đẩy đưa. Theo bên mặt trận thời đói khổ còn theo quốc gia thời kém an ninh, bởi vì lo âu và sợ sệt người của mặt trận trả thù bằng cách ám sát, bắt cóc, thủ tiêu hay giết hại mỗi khi chiến thắng. Vô hình chung họ nghiêng về bên quốc gia với một điều kiện là bảo đảm an ninh cho họ. Nhiệm vụ của người lính nghĩa quân hay địa phương quân là bảo vệ tính mạng cho dân làng. Khi mà thôn xóm có an ninh, thời du kích quân sẽ không có đất để hoạt động. Dù ở vùng Cái Đôi này không lâu, anh biết bảo đảm an ninh cho dân là nhiệm vụ chính yếu của mình.
” Dô đi ông thầy. ”
An mỉm cười khi nghe Ba Phát lên tiếng nhắc. Nhấc lấy chung rượu đế anh cười nói với Đạm.
” Ăn đi… Thịt rắn này ăn bổ lắm. ”
Sau khi uống hết hai chung rượu, Đạm cảm thấy người lâng lâng và anh ăn nói cũng vui vẻ và dạn dĩ hơn.
” Thiếu úy xúi tôi ăn toàn đồ bổ là hại tôi rồi. ”
An cười khằng khặc trong cổ họng.
” Ông đừng có lo… Mai mốt tình hình yên một chút tôi với ông ra Cái Nước nghỉ dưỡng sức. Lúc đó ông tha hồ xả xú bắp. ”
Hiểu ý của An, Ba Phát bật cười ha hả.
” Chừng nào đi ông thầy cho tui biết để tui tháp tùng nghe ông thầy. ”
Uống cạn chung rượu An nói giỡn.
” Ông không sợ bà xã đốt nhà sao mà đòi theo tụi này… Bả mà biết tôi rủ ông đi là bả bỏ đói tôi với ông Đạm. ”
Ba Phát cười hà hà. Rót chung rượu xong đưa sang cho Đạm, anh vừa cười vừa nói.
” Ông thầy đừng có lo. Tôi ráng o bế bả một đêm là bả còn năn nỉ tôi đi cho lẹ. ”
Dụi tắt tàn thuốc lá, An cười lớn.
” Ông mà o bế bả một đêm là ông hết cha xí quách rồi còn đi theo tụi này làm chi. ”
Đạm cười hăng hắc khi nghe Ba Phát và An đối đáp với nhau. Ba người lính vừa lai rai xị rượu vừa chuyện trò.
” Ông thầy có tính ăn sương tối nay? ”
An gật đầu. Trầm ngâm giây lát anh mới lên tiếng.
” Đêm nay ông Xinh và ông Đạm sẽ đi mần ăn. Sáng mai tôi và ông sẽ chỉ huy lính mở đường ra tới Vàm Dinh. Lệnh từ chi khu bảo mình phải cố gắng khai thông con lộ từ Cái Đôi đi Vàm Dinh. Sau khi khai thông xong mình còn phải giữ an ninh nữa. ”
Ba Phát gật đầu. Ực cạn chung rượu người lính có hơn mười năm kinh nghiệm đánh giặc gục gặt cái đầu tóc hơi dài.
” Chà… Mình bắt đầu mệt nghe ông thầy… Nào giữ đồn, giữ đường, phục kích… Điệu này ông thầy phải xin thêm lính mới được. ”
An thở khì một cái rồi buông tàn thuốc xuống đất. Lấy giày giẫm lên anh nói chậm.
” Tôi đã xin bổ xung rồi mà có thấy ai đâu. Tôi gọi máy năn nỉ thời chi khu bảo chưa được lịnh của ông tỉnh. ”
Ngừng lại giây lát, uống một hớp rượu, An mới từ từ nói tiếp.
” Mình ráng mà lo thân của mình đi đừng chờ lính bổ xung nữa. Còn vụ súng đạn thời mình cũng phải dè xẻn. ”
Rót hết rượu trong chai vào chung rượu, Phát đưa cho Đạm.
” Dô đi chửn quí… Ông cạn đi rồi mình về đồn ngủ một giấc để cho ông thức đêm nay. ”
Đạm uống một hơi cạn chung rượu. Khà tiếng nhỏ anh gắp miếng thịt rắn cuối cùng trên dĩa. An đứng lên. Phát theo sau. Đứng nơi cửa cả hai xì xầm trò chuyện chờ Đạm trả tiền xong kéo nhau về đồn.
3.
An thức dậy khi ánh nắng ban mai xuyên qua khung cửa sổ dọi vào mặt của mình. Uể oải ngồi dậy, anh khom người nhìn xuống đất để kiếm đôi giày. Phía bên kia giường của Đạm vẫn còn trống trơn. An cau mày thắc mắc vì sự vắng mặt của ông đại đội phó. Vừa lúc đó anh nghe có tiếng bước chân, tiếng nói chuyện loáng thoáng rồi Đạm bước vào.
” Không có đụng à? ”
An hỏi. Đạm trả lời bằng cái gật đầu xong mới hỏi lại.
” Sao anh biết không có đụng? ”
An cười cười quẹt diêm đốt thuốc.
” Tôi đâu có nghe súng nổ. Hơn nữa nếu đụng, ông Xinh sẽ về sớm để ngủ cho sướng chứ nằm hứng sương làm chi. ”
Dựng khẩu M2 nơi vách, cởi dây đạn máng lên khẩu súng, Đạm nằm vật xuống chiếc giường cây ọp ẹp của mình. Anh không buồn cởi đôi giày bê bết bùn đất. Buộc dây giày xong An đứng lên. Nhét khẩu Colt 45 vào lưng, đội chiếc nón đen anh bước ra cửa. Hơi ngần ngừ giây lát anh nói vọng vào.
” Ông ngủ đi… Tôi đi chiều mới về. ”
Đạm im lặng không nói năng gì. Chắc anh đã thiếp ngủ. Khi An bước ra khoảnh sân rộng thời Ba Phát và trung đội 3 đã sẵn sàng.
” Mình đi chưa ông thầy? ”
An liếc nhanh lính của mình. Ba mươi người, lính không ra lính, dân không ra dân, đang đứng ngồi và cười nói nho nhỏ.
” Anh đem hết hả anh Ba? ”
Hiểu ý cấp chỉ huy, Ba Phát lên tiếng.
” Đủ hết ông thầy. Có thể mình không đụng tụi nó nhưng trời mới biết. ”
An gật đầu.
” Vậy mình đi. ”
Ba Phát chưa kịp ra lệnh, Tư Bánh Bèo, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 nói liền.
” Anh Ba cho tui đi đầu nghe anh Ba. ”
Ba Phát gật đầu.
” Mày để cho thằng Năm Cà Nhỏng đi trước coi chừng mìn, lựu đạn hay chông. Thằng Tám Tàng dẫn tiểu đội 3 đi sau. Nhớ ém mấy thằng để đón tụi nó mò ra… Còn tiểu đội 2 của thằng Hai Nhà Lá đi với tao và ông thầy. ”
Lính chưa đi ra tới cổng, Ba Phát dặn vói theo.
” Tụi bây ráng mở con mắt, vảnh lỗ tai và dòm chừng dưới đất. Thằng nào không nghe lời tao, lạng quạng bị mìn chông thời đừng có cằn nhằn hay đổ thừa là tao không nói trước. ”
Người lính gác kéo rộng cánh cửa cho toán lính đi ra xong mới đóng lại cẩn thận. Đứng bên bờ rạch An cúi nhìn dòng nước đục lờ đờ chảy. Mấy dề cỏ mục trôi lang thang. Phía bên kia xa chừng trăm thước nổi lên mô đất cao khỏi đầu người. Những thân cây khô chết. Cỏ mọc xanh rì. Có tiếng chim kêu đâu đây song An không biết là loại chim gì. Nhìn lính đi trên con lộ đất rộng khoảng năm bảy thước anh trầm ngâm nghĩ ngợi. Tự dưng anh nhớ tới Sài Gòn. Ngôi nhà của ba má. Đứa em gái đang còn đi học. Suy nghĩ mãi anh cũng không nhớ cô em gái của mình đang học lớp mấy. Hình bóng thật nhạt nhòa và nhiều xa lạ. Hơn hai năm rồi anh chưa được đi phép về thăm gia đình. Cứ mỗi lần tính đi anh lại ngần ngại. Anh sợ trong lúc mình đi địch quân sẽ tấn công đồn và những người lính dưới quyền không biết có chống trả để giữ vững ngôi đồn không. Hai năm ở đây, anh xem ngôi đồn hẻo lánh này như là nhà của mình. Do đó anh cần phải giữ gìn. Anh xem những người lính dưới quyền như là anh em ruột thịt, do đó anh phải bảo vệ họ bằng mọi giá.
An quẹt diêm đốt thuốc. Mùi thuốc lá thơm lừng tản mạn thật nhanh vào không khí trong lành của buổi sớm mai. Hít liên tiếp hai hơi anh rảo bước đi theo sau người lính cuối cùng vừa quẹo trái.
” Có chuyện gì vậy anh Ba? ”
An cau mày hỏi lớn khi thấy lính của mình dừng lại nơi đầu cầu. Ba Phát cười cười.
” Dạ… Tụi nó chờ lệnh của ông thầy. ”
” Để tôi lên. ”
An bước nhanh tới đứng tại đầu cầu. Cây cầu ván bắt qua con rạch nhỏ này từ lâu được coi như là ranh giới vô hình giữa bên này và bên kia. Bước qua đầu cầu bên kia là đặt chân lên con đường được lén lút kiểm soát bởi du kích về ban ngày lẩn ban đêm. Họ đặt mìn, gài lựu đạn, đấp mô, đào hầm, cắm chông để ngăn cản sự lưu thông của xe cộ từ quận Cái Nước đi Vàm Dinh và Cái Đôi. Thật sự thời du kích ở đây chỉ đủ sức phá rối mà thôi. Họ muốn chứng tỏ sự hiện diện của mặt trận, muốn báo cho dân làng biết là mặt trận vẫn còn hoạt động và cảnh cáo đồng bào đừng có theo hay hợp tác với chính quyền.
Quẹt diêm đốt điếu thuốc An bước lên cầu. Anh đi thật mạnh dạn và quả quyết vì biết lính đang nhìn mình. Tay đặt hờ lên khẩu Colt 45 đeo bên hông, mắt nhìn thẳng ra trước, anh bước từng bước thong thả qua cây cầu ván rồi sau cùng đặt chân lên con lộ đất đầy bất trắc.
” Không có gì đâu. ”
An nói vọng lại. Thấy cấp chỉ huy đi trước, Ba Phát nói với lính của mình.
” Ông thầy đi rồi đó. ”
Tư Bánh Bèo thúc lính của mình lần lượt bước qua cầu. Năm Cà Nhõng đi đầu tiên. Anh ta có bổn phận đi trước để kiếm mìn, lựu đạn hay hầm chông. Bước nhanh tới ngang mặt An, anh cười lớn.
” Nắng ấm hả ông thầy. ”
Móc gói thuốc ra mời người lính chuyên môn dò mìn, An cười gợi chuyện.
” Ừ nắng ấm. Hôm nay chắc không mưa. ”
Đi sau cấp chỉ huy chừng ba bước, Tư Bánh Bèo nói lớn với lính của mình.
” Tụi bây tản ra hai bên lộ. Coi chừng mìn, lựu đạn. Thấy có mìn kêu tao gỡ cho… Đừng làm le nó nổ banh thây. ”
Quay sang An, anh cười tiếp.
” Dạ không mưa đâu ông thầy… Mưa là mình khổ. ”
An gật đầu cười. Ở cái xứ hai mùa mưa nắng này thời nắng mưa gì cũng khổ nhưng mưa lại khổ nhiều hơn. Địch hoạt động mạnh về mùa mưa vì có nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng. Mưa làm giảm đi hiệu năng yểm trợ của không quân. Mưa khiến cho lính gác không thấy xa, không nghe ngóng được rõ ràng. Mưa làm cho người lính di chuyển khó khăn và lười biếng hơn. Địch đánh đồn mà không lo bị máy bay oanh tạc, không lo pháo binh bắn phá và nhất là không lo lính từ quận hay tỉnh tiếp viện.
Lính đi thật chậm. Họ đâu cần và đâu muốn gấp rút. Ai lại muốn vội vàng và hối hả khi đi trên con lộ chết này. Mắt nhìn, tai nghe và toàn thể giác quan trong người mở hết ra để đón nhận từng cái khác lạ. Có thể là chút đất mới. Có thể là đống lá cây khô hay dề cỏ ướt đặt không nhằm chỗ. Có thể là sợi dây cước mỏng tanh giữ cái chốt an toàn của trái lựu đạn nội hóa… Có thể… Có thể… Hàng chục cái có thể xảy ra không ai biết trước được. Nếu những người lính địa phương khôn ngoan và cẩn thận, thời các tên du kích của mặt trận cũng quỷ quái và xảo quyệt không kém. Hai bên, có thể là bạn bè lúc còn trẻ, có thể là bà con, họ hàng, chòm xóm, bạn học với nhau. Họ biết nhau quá nhiều từ tính tình, sở thích, mánh khóe và đòn phép của cuộc chiến tranh du kích.
Đang đi đầu Năm Cà Nhõng chợt ngừng lại. Chăm chú nhìn trên mặt đất giây lát, anh la lớn.
” Mìn… Cóc nhảy… Ông thầy ơi… ”
” Mìn… Mìn… Anh Ba…”
Lính la rầm lên. Phát và An bước tới chỗ Năm Cà Nhõng đang đứng. Theo ngón tay của anh ta, An thấy mờ mờ một cục sắt đen mốc được phủ bằng lá cây. Phát gật gù.
” Đúng là cóc nhảy rồi. ”
Câu nói của Ba Phát như là một xác nhận. Đây là loại mìn nội hóa mà đám du kích thường hay đặt trên đường. Khi có người đạp trúng thời trái mìn tự động bật lên cao ngang với đầu gối hay bụng rồi mới nổ. Đó là điểm đặc biệt của loại mìn cóc nhảy. Nhảy lên tới ngang bụng mới nổ vì vậy ít có ai sống sót vì loại mìn đặc biệt này.
” Tại sao tụi nó lại gài một cách sơ sài như vậy? ”
An lên tiếng hỏi. Không có ai trả lời câu hỏi của anh. Thật lâu Phát mới trả lời.
” Chắc tại ban đêm trời tối nên tụi nó không thấy đường. Hay là tụi nó sợ nên làm ẩu tả. May mà tụi nó làm ẩu, không lạng quạng mình cũng có thằng banh thây. ”
Gật đầu, An quay qua hỏi ông trung đội trưởng thâm niên.
” Anh tính sao. Gỡ hay bắn. ”
Phát dụ dự chưa trả lời, An cười tiếp.
” Bắn cho chắc ăn. Gỡ lạng quạng lính bị thương hay chết. ”
Ba Phát cười phụ họa.
” Tôi cũng tính bắn đó ông thầy. ”
Quay lại toán lính đang đứng, anh ra lệnh.
” Tụi bây kiếm chỗ núp đi. ”
Lính lùi lại tìm chỗ núp. An và Phát đứng cạnh nhau cách chỗ chôn mìn xa xa. Ba Phát nâng khẩu Garant M2 lên. An cười hỏi đùa.
” Mấy phát anh Ba? ”
Ba Phát hỏi lại trong lúc điều chỉnh khẩu súng trường của mình.
” Ông thầy nói mấy phát? ”
An khom người đốt điếu Bastos xanh.
” Tôi cho anh hai phát. Phát thứ ba là anh bị phạt một xị. ”
Bật cười ha hả ông trung đội trưởng nổi tiếng thần xạ ghìm khẩu Garant M2. Mũi súng hướng về mục tiêu là trái mìn đang nằm đâu đó dưới mặt của con lộ đất. An chăm chú nhìn từng cử động nhỏ nhặt của tay súng nổi tiếng. Được Ba Phát giảng giải cũng như tự mình suy luận, cuối cùng anh mới tìm ra một vài bí quyết sơ đẳng để trở thành tay thần xạ. Thứ nhất là mắt phải tốt, phải tinh để có sức nhìn xa và nhìn lâu. Thứ nhì là tay súng phải vững để súng không bị run, mũi súng không bị nhúc nhích lúc chưa bóp cò. Tay súng phải vững để giữ súng khỏi bị lệch mục tiêu vì sức giật của súng. Thứ ba là không nhắm lâu bởi vì nhắm lâu tay sẽ mỏi, sẽ run, thời lúc bóp cò không đủ sức để ghìm súng lại. Còn thứ tư là cái khiếu trời cho mỗi người. Đây là yếu tố hiếm người có để trở thành tay thần xạ.
” Bùm… Ầm…”
Hai tiếng nổ chát chúa. Dĩ nhiên là có tiếng trước tiếng sau nhưng vì nhanh quá nên mọi người tưởng như có một tiếng. Tiếng trước là tiếng nổ của khẩu Garant của Ba Phát, còn tiếng sau là tiếng nổ của trái mìn cóc nhảy. Tiếng vỗ tay của lính vang lên. An gật gù.
– Một phát… Anh Ba đáng thưởng một chầu nhậu. ”
Cười hà hà Ba Phát vẫy tay ra lệnh cho lính tiếp tục. Từ khi Năm Cà Nhõng tìm ra trái mìn, lính bắt đầu chú ý khi di chuyển chứ không còn cười giỡn hoặc đi bậy bạ vì sợ đạp mìn hay lựu đạn.
Nắng lên đã cao. An giơ tay xem đồng hồ. 11 giờ. Từ Cái Đôi đi Quản Phú đường dài chừng ba cây số mà trung đội phải mất gần ba tiếng. Đưa tay chỉ xóm nhà lá xa đằng kia, Ba Phát đốt điếu thuốc lá rồi cười nói với cấp chỉ huy của mình.
” Tới Quản Phú rồi ông thầy. ”
An gật đầu cười.
” Anh Ba cho lính nghỉ nửa tiếng ăn trưa rồi tiếp tục đi. Mình phải có mặt ở Vàm Dinh lúc xế chiều. ”
4
Đạm giật mình khi nghe tiếng nổ làm rung rinh chiếc giường mình đang nằm ngủ.
” Pháo kích…”. Lớn tiếng kêu báo động, An nhảy tọt khỏi giường. Tay trái chụp lấy khẩu colt 45 treo nơi đầu giường anh la lớn.
” Đạm… theo tôi…”
Không kịp mang giày, Đạm chụp lấy khẩu Carbine M2 và dây đạn xong chạy theo sau An. Tiếng mọt chê 82 ly hú lồng lộng trên đầu hai người. Ầm… Ầm… Hai tiếng nổ gần gần. Như đã quen nghe tiếng đạn 82, An không chịu kiếm chỗ núp mà cứ tiếp tục chạy tới hướng có hầm chỉ huy của mình. Mọt chê vẫn rơi đều khắp nơi trong đồn. Đèn đuốc tắt ngấm. Tuy nhiên nhờ ánh trăng lưỡi liềm, Đạm thoáng thấy lính chạy ra hầm trú ẩn hoặc tới các công sự phòng thủ. Vào được hầm chỉ huy, An bốc máy 25.
” 1 đây Ánh Tuyết… Nghe rõ trả lời. ”
” 1 tui nghe Ánh Tuyết. ”
” Anh và con cái ra sao? ”
” Trình Ánh Tuyết… Tui và mấy đứa con mạnh.”
Vừa thở, Đạm vừa lắng nghe An liên lạc với các trung đội trưởng. Tay xách máy 25, tay cầm nón sắt, An nói thật nhanh với Đạm.
” Mình ra phòng tuyến. ”
Len lõi qua các giao thông hào, An dẫn ông đại đội phó của mình tới tuyến phòng thủ ngoài cùng do trung đội 3 của Phát trấn đóng. Trăng khuya mờ mờ. Gió lành lạnh và ẩm ướt. Trong không khí có mùi thuốc súng hăng hăng.
” Có gì không anh Ba? ”
An hỏi Ba Phát. Đầu trần, đứng sõng lưng, ông trung đội trưởng trung đội 3 nói chậm.
” Tụi nó pháo thăm dò ông thầy… Rồi lát nữa nó sẽ dập mình tả tơi trước khi xung phong. ”
An gật đầu. Nhìn ra quãng đồng trống mập mờ bóng người di động, anh quay qua nói với Đạm.
” Ông xách máy 25 qua phụ với ông Xinh. Thế nào tụi nó cũng nhào dô hướng đó. ”
Tuân lệnh, Đạm tay xách súng, tay nhấc lấy cái máy truyền tin. An hét vào tai vị đại đội phó.
” Ông cẩn thận… Có gì gọi cho tôi. ”
Hơi gật đầu, Đạm khom người chạy đi. Giao thông hào chỉ sâu tới ngang ngực do đó anh phải chạy lom khom. Vừa chạy anh vừa nghe tiếng 82 ly hú qua đầu xen lẫn với tiếng kêu xè xè. Cứ mỗi lần nghe tiếng xè xè của 82 ly, anh ngồi mọp xuống. An đã giảng giải cho anh biết về cách né pháo địch. Chỉ cần nghe tiếng đi của mọt chê, anh có thể đoán nó nổ xa hay gần bên mình. Âm thanh lồng lộng trên đầu là nổ xa, còn tiếng xè xè là nổ gần. Chừng mươi phút sau anh tới vị trí của trung đội 1. Vừa thở anh vừa nói với Xinh.
” Ông An bảo tôi tới đây phụ ông. ”
Xinh gật đầu trong lúc đặt khẩu M60 lên mặt đất ngay chỗ mình đứng. Liếc thấy Đạm tay xách súng, tay mang máy, anh cười nói.
” Có thêm tay súng của ông càng tốt. Mình giữ khẩu đại liên này. ”
Đạm gật đầu kéo cơ bẩm của khẩu Carbine M2. Nhìn ra hàng chông tre nhọn lểu sáng mập mờ dưới ánh trăng thượng tuần, anh lên tiếng.
” Tụi nó dám vượt qua rạch để đánh mình à? ”
Xinh cười hà hà.
” Tụi nó chơi mửng cũ hoài hà chửn quí. Mới đầu tụi nó đánh mặt đông thật rát làm cho mình dồn quân về hướng đó rồi mới ập dô ngã này. ”
” Ông có bao nhiêu lính? ”
Xinh liếc nhanh Đạm trước khi trả lời. Dù mới về đây chưa đầy tuần lễ, nhưng dù sao Đạm vẫn là sĩ quan tốt nghiệp từ quân trường Đồng Đế. Hơn thế nữa Đạm còn là đại đội phó, tức là cấp chỉ huy của anh. Do đó dù không thích anh cũng trả lời câu hỏi của Đạm.
” Hai mươi lăm chửn quí. Khi cần tôi kêu thêm lính… ”
Ông đại đội phó nhìn Xinh với ánh mắt dò hỏi.
” Lính ở đâu mà ông kêu? ”
Hiểu ý, Xinh giải nghĩa trong lúc lắng nghe tiếng mọt chê hú qua đầu.
” Vợ con lính trong đồn đều bắn súng được… Mấy bà vợ lính bắn súng không thua gì tụi mình… Con nít lớn cũng bóp cò lia lịa, còn em nhỏ tiếp đạn. ”
Đạm gật đầu. Bây giờ anh mới hiểu câu trả lời của An về tình trạng quân số ” bình thường thời bảy chục mà khi đụng trận thời trăm rưởi hoặc hai trăm. ”
Pháo địch vẫn đều đặn rơi vào, tuy nhiên lính trong đồn bình tĩnh giữ lấy vị trí của mình. Tiền pháo hậu xung. Pháo chỉ là đợt đầu của địch với ý định gây rối và tiêu diệt hỏa lực của lính trong đồn. Sau khi pháo, đợt thứ nhì bộ binh sẽ tấn công thẳng vào đồn. Điều này ai cũng biết từ binh nhì cho tới ông chuẩn úy mới ra trường như Đạm.
Lắng nghe tiếng départ thưa dần, An biết địch bắt đầu mở cuộc tấn công. Anh bốc máy ra lệnh cho ba ông trung đội trưởng sẵn sàng. Đứng dưới giao thông hào hay trong các công sự phòng thủ, lính ghìm súng chờ lệnh khai hỏa từ cấp chỉ huy. An vẫn im lìm. Mắt của anh nhìn đăm đăm vào cách đồng trống trước mặt mình. Xuyên qua hàng rào kẽm gai và chông nhọn, anh thấy vô số bóng người di động. Điều mà vị đại đội trưởng biết là địch có quân số đông hơn mình. Muốn đánh đồn, nhất là di chuyển dưới hỏa lực và địa thế trống trải, địch phải đông ít nhất hai, ba hoặc bốn lần hơn mình. Bao giờ cũng vậy. Địch phải huy động cở tiểu đoàn hay ít nhất ba đại đội cộng thêm súng nặng và pháo. Muốn bẽ gãy cuộc tấn công của địch anh phải bình tĩnh, sáng suốt và khôn ngoan. Đó là ba đức tính cần thiết của một cấp chỉ huy. Anh phải chứng tỏ cho lính biết là anh không sợ hãi, sẽ không đầu hàng địch quân. Sống hoặc chết, anh cũng phải giữ cái đồn này. Những binh sĩ của anh đều biết rõ, nếu Việt Cộng chiếm được đồn thời chúng sẽ tàn sát hết mọi người kể cả đàn bà và trẻ con. Do đó họ chỉ còn mỗi một chọn lựa. Sống hoặc chết chứ không đầu hàng. Không có danh dự dành cho một người lính đầu hàng địch quân.
” Anh Ba… Trái sáng. ”
An ra lệnh thật gọn. Hai trái hỏa châu xẹt lên trời rồi phút sau nổ bùng ra. Ánh hỏa châu vàng vọt cộng thêm ánh trăng cho An, xuyên qua ống dòm, thấy được hàng trăm bóng đen di động. Súng địch bắt đầu nổ và mỗi lúc một nhiều hơn. Lẫn trong tiếng súng còn có tiếng la hét vang trời của địch quân. Lính trong đồn im lặng chờ vì chưa có lệnh bắn. Đứng bên cạnh, ghìm khẩu M16 để chờ, Ba Phát nhìn sang An. Dưới ánh hỏa châu vàng vọt và ánh trăng thượng tuần màu trắng đục như sữa, vị đại đội trưởng bất động như tượng đá. Quai hàm bạnh ra, miệng mím chặt, ánh mắt rực sáng của An mất hút vào quãng đồng trống trước mặt của mình.
Năm mươi thước. Đạn AK, trung liên nồi, thượng liên réo trên đầu. Đạn đại liên cày xới mặt đất. Bộc phá làm bay tung hàng rào kẽm gai. B40 bắn xụp hầm hố. Nương theo đó đám lính chủ lực miền của mặt trận tiến vào gần hơn. Bốn mươi thước… Ba mươi thước.
” Bắn… ”
Khẩu lệnh nổ ra trong máy truyền tin. Ánh lửa lóe lên từ nòng súng Carbine, Garant, Thompson, M16, M60 và M79. Lựu đạn nổ ầm ầm. Mìn nổ tung thân xác. Đợt xung phong đầu tiên của đám lính mặt trận bị đốn gục bởi hỏa lực tiết kiệm nhưng chính xác của lính trong đồn. Tiếng kèn xung phong thổi ầm ỉ như thúc giục những người lính điên cuồng lao vào chỗ chết. Súng nổ rền mặt đông, đông bắc và đông nam của đồn Cái Đôi. Khói súng bốc mùi hăng hăng. Lính vừa nạp đạn vừa bắn. Cấp chỉ huy vừa la, hét để ra lệnh. Tay bóp cò, Ba Phát hét vào tai người lính thủ khẩu M79.
” Mày bắn vào ụ đất… Tụi nó có đại liên… lẹ lên… lẹ lên… ”
Trái lựu đạn bay đi trong bóng đêm mờ mờ rồi nổ ầm một tiếng.
” Trúng rồi…”
Anh xạ thủ khẩu M60 la lớn. Rét… Rét… Đạn xới mặt đất ngay trước mặt và anh ta gục xuống không kêu được tiếng nào. Ba Phát nhào tới. Khẩu đại liên nhịp đều đặn. Xác người bay tung. Thịt xương vắt lên hàng rào kẽm gai.
” Tiếp đạn… Đạn tụi bay… Để tao hạ mấy thằng du kích này… ”
Ba Phát vừa bắn vừa la, vừa hét lính của mình. Tay cầm ống liên hợp của máy 25, An không bắn mà chăm chú quan sát tình hình để điều động các đơn vị hoặc ra lệnh trực tiếp cho các trung đội trưởng hay tiểu đội trưởng. Tình hình chưa tới lúc nguy ngập khiến cho anh phải cầm súng.
” Anh Ba… Tụi nó bắt đầu rút. ”
An vỗ vai khi thấy Ba Phát vẫn tiếp tục bắn. Tiếng kèn thu quân của địch vang lanh lảnh trong đêm tối. Tiếng súng thưa dần dần. Biết thế nào địch quân cũng tấn công lần nữa, binh sĩ trong đồn hối hả tải thương và lo tiếp tế đạn dược. Người chết và bị thương được khiêng vào các hầm trú ẩn. Tất cả vợ con đều theo chồng ra đứng nơi giao thông hào hay trong các công sự phòng thủ có đặt súng đại liên. Không khí lặng trang. Lính nín thở hồi hộp chờ đợi đợt tấn công thứ nhì của địch.
Tay ghìm khẩu Carbine M2, mắt nhìn ra hàng chông tre, Đạm hỏi Xinh.
” Anh đoán tụi nó sẽ đánh dô chỗ của mình? ”
Xinh cười hà hà.
” Lần này nhất định nó sẽ đánh tụi mình. Chửn quí sẵn sàng chưa? ”
Đạm trả lời bằng cái gật đầu.
” Ông không sợ hả? ”
Xinh hỏi. Quay qua nhìn Xinh, Đạm trả lời câu hỏi một cách thành thật pha chút tếu trong đó.
” Sợ chứ… Nhiều khi xón đái… Ông thời quen rồi nên chắc ít sợ hơn tôi. ”
Xinh bật cười ha hả.
” Tui nói thật với chửn quí nhiều khi tui sợ teo mất cha thằng nhỏ. ”
Dù đang ở trong tình trạng căng thẳng, Đạm cũng phải bật cười sặc sụa khi nghe câu trả lời của Xinh.
” Thanh Đạm đây Ánh Tuyết… nghe rõ trả lời…”
Đạm bốc máy khi nghe tiếng của An vang vang trong ống liên hợp.
” Thanh Đạm nghe Ánh Tuyết…”
Không biết An nói gì mà Đạm lẳng lặng nghe xong mới trả lời.
” Thanh Đạm tôi nghe thẩm quyền 5/5…”
Vất ống nghe Đạm quay sang nói với Xinh.
” Ổng ra lệnh cho tôi và anh phải coi chừng mặt này vì tụi nó sẽ đánh…”
Bum… Bum… Bum…Tiếng départ của súng cối 82 ly vọng âm u. Pháo… Lính la rầm tìm chỗ núp. Ầm… Ầm… Đạm hụp đầu xuống khi nghe tiếng xè xè rất gần. Ầm… Đất đá, cây cỏ hay thứ gì bay vào người anh rát rạt. Tiếng nổ thật gần làm lùng bùng lỗ tai và điếc con ráy. Vẫn còn mọp đầu trong giao thông hào, Xinh lên tiếng.
” Mình phải đi chỗ khác… Nằm ở đây lạng quạng là banh thây. ”
Đạm gật đầu. Sau đợt pháo đầu tiên địch đã điều chỉnh mục tiêu nên bắn khá chính xác. Nếu không thay đổi vị trí anh sẽ ăn đạn liền.
” Mình lại đằng kia. ”
Đạm bò về bên trái chừng năm thước. Xinh ôm khẩu đại liên theo sau. Ngóc đầu lên quan sát anh thấy nhiều bóng đen thấp thoáng gần đầu cầu. Đặt khẩu M60 lên mặt đất, mũi hướng về cây cầu ván, Xinh nói nhỏ.
– Mình coi chừng cây cầu… Tụi nó qua mình nổ liền.
Đạm gật đầu. Anh hơi vững bụng khi thấy lính của trung đội 1 đứng dưới giao thông hào ghìm súng về hướng con rạch. Cạnh mỗi người lính là vợ con của họ. Tất cả đều cầm súng. Con nít nhỏ thời tiếp đạn cho các xạ thủ đại liên, trung liên hoặc lãnh phần tải đạn. Dưới ánh sáng hỏa châu, mọi người đều thấy rõ vô số bóng đen tiến tới gần con rạch Cái Đôi đầy nước. Pháo rơi thưa dần rồi sau đó họ nghe tiếng kèn xung phong của địch thổi rền trong đêm vắng.
– Xung phong…
– Xung phong…
Tiếng người la rền vang. Tay đặt vào cò súng, Xinh im lìm chờ khẩu lệnh khai hỏa của cấp chỉ huy.
– Bắn…
Đạm la lớn trong lúc tay xiết cò. Súng nổ rền. Khói bốc mù mịt. Đạn cày trên mặt đất. Đạn xói vào thân người. Không một người lính nào của mặt trận vượt qua được tới đầu cầu phía bên này. Tất cả đều bị khẩu M60 của Xinh đốn gục. Tuy nhiên kẻ này ngã kẻ khác lại tiến lên. Tiếng súng nổ hòa lẫn trong tiếng hò la, tiếng hét đau đớn của người bị trúng đạn.
Biết không thể vượt cầu, địch quân đổi chiến thuật bằng cách lặn xuống sông rồi sau đó trồi đầu lên ngay dưới hàng chông tre.
– Lựu đạn… Lựu đạn… Tụi bay…
Hét vào tai người lính đứng bên cạnh, Xinh rút trái lựu đạn đang mang nơi ngực. Miệng cắn chặt khóa an toàn, tay giựt mạnh cho cái khóa văng ra, anh ném vút vào đầu cầu nơi có mấy tên du kích đang chạy tới. Song song với hành động ném lựu đạn, tay trái của anh vẫn miết cò khẩu đại liên. Ầm… Ầm… Ầm… Hàng chục tiếng nổ cùng với nước, đất và xương thịt bay tung lên trời lồng trong tiếng kêu la của những người bị thương. Dưới ánh hỏa châu mờ mờ Đạm thoáng thấy những bóng người ngã vật ra đất.
– M79…
Xinh hét vào tai của người lính đang cầm khẩu M79. Đây là một trong năm khẩu súng phóng lựu của trung đội. Bum… Âm thanh của viên đạn M79 vọt ra khỏi nòng rồi mươi giây sau tiếng nổ ầm vang dội. Tất cả súng của trung đội 1 đều nhắm vào đám lính du kích của mặt trận đang liều lĩnh vượt qua cây cầu ván và con rạch đầy nước. Điều mà chúng không biết, dù có vượt qua con rạch, chúng không thể nào leo qua rừng chông tre nhọn cao khỏi đầu người cũng như hàng rào kẽm gai có gài mìn và lựu đạn.
– Thanh Đạm đây Ánh Tuyết… Nghe rõ trả lời…
Tay bóp cò, Đạm chụp lấy ống liên hợp. Anh nghe tiếng An la trong ống nghe.
– Thanh Đạm… Thanh Đạm đây Ánh Tuyết… Bên anh ra sao?
– Thanh Đạm nghe Ánh Tuyết… Trình thẩm quyền… Tụi nó đang tấn công dữ lắm…
– Anh giữ được không?
– Trình thẩm quyền… Tôi cố gắng.
Ngừng lại giây lát Đạm tiếp nhanh.
– Tôi giữ được… Thẩm quyền đừng lo.
– Có gì cho tôi biết… Tôi sẽ gởi thêm lính cho anh.
Vất ống nghe, Đạm miết cò khẩu Carbine M2. Anh nghe Xinh và mấy người lính đứng bên cạnh la hét, chửi thề và reo hò khi thấy địch quân bị kẹt bởi các chướng ngại vật nên không thể tràn vào đồn được. Tiếng kèn thu quân của địch vang lên. Lính trong đồn ới nhau lo tải đạn và tải thương.
– Tụi nó còn trở lại không?
Đạm hỏi trổng. Xinh cười trả lời.
– Ánh Tuyết nói là mặt bên đông tụi nó dô hai lần mà bị dội trở lại. Tôi nghĩ tụi nó sẽ chém vè…
Đạm gật đầu. Tình hình trở nên yên tịnh, nhưng lính vẫn được lệnh nằm tại vị trí đề phòng địch đánh úp một cách bất thình lình. Sương xuống ướt vai. Dường như văng vẳng trong đêm vắng có tiếng người bị thương rên rỉ. Trăng thượng tuần vắt vẻo trên cao tỏa ánh sáng đục như sữa.
– Chửn quí ngủ một chút đi cho khỏe?
Tay vẫn ghì lấy khẩu súng của mình, Đạm lắc đầu.
– Tôi không buồn ngủ mà tôi thèm thuốc lá…
Xinh bật cười.
– Ông nói trúng ý của tui… Ông ngồi xuống đất mà hút… Tụi nó không thấy đâu…
Đạm cười lặng lẽ. Ngồi phệt xuống nền đất lạnh ẩm ướt, anh khom người thật thấp để đốt điếu thuốc lá. Rít một hơi thật dài anh cảm thấy vị thuốc lá ngọt và mùi thuốc lá thơm vô cùng. Ngoài ra anh còn cảm thấy hơi thuốc lá làm cho người của mình ấm áp hơn. Rít mấy hơi anh ngước lên.
– Ông hút không?
Xinh cười nhỏ.
– Hút chứ… Ông coi khẩu đại liên đi để tôi hít vài hơi cho ấm.
Hơi gật đầu, Đạm ấn vào tay người lính đứng bên trái của mình gói Ruby.
– Chia cho anh em hút vài hơi cho ấm.
– Cám ơn chửn quí…
Gói thuốc được chuyền từ tay người này sang người khác rồi sau cùng được trả lại chủ nhân của nó. Nhét gói thuốc nhẹ chỉ còn một điếu Đạm mỉm cười một mình. Anh đã làm một cử chỉ rất cần thiết của một cấp chỉ huy; đó là chia xẻ gian lao, khổ nhọc cũng như vui mừng và sung sướng với những người đã, đang và sẽ sống chết với mình. Đêm từ từ trôi đi trong yên lặng.
Hừng đông. Đạm mở mắt. Anh giật mình vì không biết mình đã thiếp đi lúc nào. Quay qua bên cạnh phải trái anh thấy không có ai. Ló đầu lên khỏi mặt đất anh thấy lính tráng đi đi lại lại. Họ đang thu dọn chiến trường.
– Ông thầy ngủ ngon?
Xinh cười vui vẻ. Hơi có vẻ ngượng, Đạm cười gượng.
– Mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Thông cảm cho cấp chỉ huy mới đụng trận lần đầu, Xinh cười nói.
– Tôi cũng mới vừa thức dậy…
An chỉ huy lính thu dọn chiến trường. Địch rút lui để lại mười xác, mười hai súng trong đó có hai khẩu trung liên và khá nhiều đạn. Xác chết được lính kéo qua bên kia cây cầu ván để cho địch tới lấy. Lính trong đồn có hai người chết và bảy người bị thương nhẹ không cần phải xin tản thương.