13
8 giờ sáng. Ba trung đội xếp hàng tề chỉnh bao quanh cột cờ. Ba trung đội trưởng và phó đứng đầu trung đội của mình. Đạm và Trương đứng cách cột cờ năm thước. Hai người lính sẵn sàng kéo cờ lên. Đạm gật đầu ra dấu. Trúc Đào mỉm cười cất tiếng hát và bảy mươi lăm người lính đồng cất cao tiếng hát. Cùng lúc đó lá quốc kỳ từ từ được kéo lên. Hơn trăm cặp mắt ngước nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong cơn gió mạnh của một ngày giữa tháng giêng.
– Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền
Dù cho phơi thây trên gươm giáo
Thù nước lấy máu đào đem báo
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy
Người công dân luôn vững bền tâm trí
Hùng tráng quyết chiến đấu, làm cho khắp nơi vang
Tiếng người nước Nam cho đến muôn đời…
Tiếng hát của gần một trăm người vang vang khắp nơi, vọng lên trời xanh, lan dài trên quãng đồng không mông quạnh như là một thách đố đối với người lính du kích của mặt trận. Tiếng hát trở thành một biểu tượng cho niềm kiêu hãnh và bất khuất của người lính đã, đang và sẽ chiến đấu cho tự do của dân tộc. Tiếng hát là khí hùng thiêng liêng của sông núi được hun đúc từ mấy ngàn năm qua và mãi mãi trường tồn với tổ quốc. Người lính du kích của mặt trận có thể pháo vào đồn, có thể bắn sẻ, đặt mìn, gài lựu đạn hay làm bất cứ điều gì để giết chết họ, nhưng không thể nào dập tắt được ý chí quật cường và lòng yêu nước thiết tha của họ. Tiếng hát dứt song còn đồng vọng trong không gian. Lá cờ vàng ba sọc đỏ còn ngạo nghễ bay trong gió.
Lính của ba trung đội được phân chia ra thành ba toán. Toán 1 đốn cây; toán 2 dựng nhà và toán 3 đóng bàn ghế. Riêng ba trung đội trưởng cùng với Trương theo sau Đạm vào hầm chỉ huy để hội họp. Đợi cho bốn người ngồi xuống ghế và mời mỗi người một điếu thuốc lá xong Đạm mới bắt đầu.
” Một người lính trong đồn của chúng ta đã làm nội tuyến cho địch…”
Câu nói của Đạm khiến cho Thắng và Xinh quay nhìn nhau. Riêng Phát mỉm cười im lặng.
” Ông thầy nói thật hả ông thầy? ”
Xinh lên tiếng hỏi và Đạm gật đầu quả quyết. Đốt điếu thuốc anh thong thả nói.
” Tuần trước địch pháo vào đồn và pháo không trật một trái nào. Đa số đạn 82 ly của chúng đều nhằm vào khu vực chung quanh cột cờ hoặc các công sự phòng thủ có đặt súng đại liên của chúng ta. Có hai trái rơi gần hầm chỉ huy của tôi. Điều này cho tôi biết có ai đã chỉ mục tiêu cho chúng…”
Xinh và Thắng đều gật đầu đồng ý. Ngay cả Trương và Phát đã được Đạm cho biết trước cũng đều có cùng ý nghĩ với cấp chỉ huy.
” Ông thầy nghi ai? ”
Hít hơi thuốc thật dài, Đạm cười lên tiếng.
” Tôi chỉ phỏng đoán vậy thôi chứ còn nghi ngờ ai thời tôi không có điều gì hoặc chứng cớ gì để nghi ngờ. Bởi vậy tôi mới bàn với ba ông và chuẩn úy Trương tìm cách khám phá ra ai đã hoạt động cho mặt trận. Nếu không có ngày chúng ta sẽ ăn nguyên trái 82…”
Trương tủm tỉm cười. Ngay cả ba ông trung đội trưởng cũng lắc đầu cười gượng gạo vì câu nói hơi tếu của Đạm. Thắng chậm chạp lên tiếng.
” Ông thầy đừng nói như vậy xui lắm…”
Đạm mỉm cười hít hơi thuốc. Anh biết ba ông trung đội trưởng không ít thời nhiều cũng tin dị đoan nên kiêng kỵ và không thích nghe những lời nói thẳng của mình.
” Thiếu úy đã nghĩ ra cách nào để biết ai nội tuyến cho địch? ”
Thắng ngập ngừng lên tiếng. Hít hơi thuốc lá, Đạm trầm ngâm suy nghĩ, lát sau mới nhìn bốn người lính dưới quyền chỉ huy của mình.
” Tôi đã nói chuyện với ban 2 của chi khu và phòng 2 của tiểu khu để nhờ họ cung cấp lý lịch của tất cả những người lính được thuyên chuyển về đại đội trong vòng một năm nay…”
Thấy Phát giơ tay lên định xin phép nói, Đạm cười nhẹ.
” Anh Ba muốn hỏi gì? ”
” Dạ… Tôi có ý kiến như thế này. Sau khi chi khu và tiểu khu đưa cho mình bản lý lịch cá nhân mà thiếu úy yêu cầu thời mình sẽ phân loại những người có tên ra làm hai loại. Thứ nhất là những người mình không biết và thứ nhì là người mà mình quen biết…”
Liếc nhanh Thắng và Xinh như để hội ý xong Phát tiếp liền.
” Có nhiều người lính ở đây quen biết với tôi cũng như hai ông Xinh và Thắng. Họ có thể là người cùng làng, cùng quận, học cùng lớp hay bà con hai bên nội ngoại. Do đó tụi này có thể biết rành lý lịch của họ. Loại mà mình không biết chính là những người lính ở các quận khác trong tỉnh và được thuyên chuyển tới đại đội. Mình khó mà biết rõ lý lịch của họ…”
” Anh Ba nói có lý. Tuy nhiên điều mà tôi muốn nhấn mạnh là bất cứ ai cũng có thể là nội tuyến cho địch…”
Đạm nhân thấy ba ông trung đội trưởng có vẻ nhột khi nghe câu nói của mình. Vì thế anh mới cười nói tiếp.
” Tôi không nói ba ông và chuẩn úy Trương mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh là những người mình quen biết đôi khi cũng bị địch móc nối…”
Hít hơi thuốc thật dài, Xinh hắng giọng.
” Tôi cũng nghĩ như ông thầy. Để cho lính tráng không bị lộn xộn tôi nghĩ mình nên bí mật điều tra…”
Trương cũng lên tiếng phụ họa lời của Xinh.
” Tôi đồng ý lời của ông Xinh. Điều tra xem người lính nào hoạt động cho địch là một chuyện khá tế nhị. Nếu mình không khéo léo sẽ làm mất tinh thần chiến đấu của lính…”
” Ông thầy có bản lý lịch chưa? ”
Thắng lên tiếng hỏi và Đạm trả lời sau khi nhả khói ra từ từ.
” Thứ sáu tuần tới tôi và chuẩn úy Trương với Trúc Đào sẽ đi ra Cà Mau. Tụi này đi lãnh sách vở và dụng cụ về để bắt đầu khai giảng lớp học. Lúc đó phòng 2 tiểu khu sẽ giao cho tôi bản lý lịch cá nhân của lính…”
” Ông thầy và chửn úy đi bao lâu? ”
Liếc Trương đang ngồi trong góc, Đạm cười cười.
” Tụi này sẽ đi trưa thứ năm. Ra tới Cà Mau cũng chiều rồi nên phải đợi tới sáng thứ sáu mới lãnh sách vở được. Nếu về kịp thời tụi này sẽ về ngay ngày thứ sáu còn không phải đợi tới ngày thứ bảy…”
Phát cười ha hả ngắt lời Đạm.
” Ông thầy nên ở lại lâu lâu nghỉ ngơi cho bớt căng thẳng đầu óc…”
Quay sang Trương, Phát cười giỡn.
” Để cho chửn úy Trương và cô giáo có dịp du dương với nhau…”
Trương bật lên tiếng cười vui vẻ.
” Phải đó… Tôi sẽ ăn nhậu dùm ba ông…”
Búng tàn thuốc lá văng ra ngoài, Đạm hỏi Xinh.
” Vụ cất trường học tới đâu rồi ông Xinh? ”
” Gần xong rồi ông thầy. Sáng sớm này tía thằng Tư Bánh Bèo đứng chỉ huy tụi nó dựng nhà rồi. Còn bàn ghế tụi nó cũng đã đóng xong rồi. Khi nào ông thầy lãnh được sách vở về là tui sẽ nhờ tía thằng Tư coi ngày lành tháng tốt để mình khai mở lớp học. Ba đứa con của tui nóng lòng còn hơn mình nữa đó ông thầy…”
Đạm gật đầu cười vui vẻ. Anh cảm thấy hân hoan vì tất cả lính trong đồn đều hăng hái tham gia việc cất trường học và ghi tên đi học. Con nít thời không nói làm gì mà ngay cả người lớn cũng đều ghi tên. Điều này khiến cho Đào rất phấn khởi và nôn nóng.
” Tôi tính như thế này. Sau khi tôi lấy bản điều tra lý lịch về thời mình sẽ chia làm hai toán. Chuẩn úy Trương với ông Xinh và ông Thắng xúc tiến việc điều tra các người lính mà nơi sinh thuộc các làng mạc của quận Cái Nước. Phần tôi và ông Phát lãnh phần tìm hiểu về các người lính xa lạ như Quản Long, Năm Căn, Thới Bình, Sông Ông Đốc thuộc tỉnh Cà Mau. Mỗi tuần mình sẽ họp với nhau để báo cáo chi tiết…”
Ngừng lại đốt điếu thuốc khác, Đạm tiếp với giọng khàn khàn vì thức đêm và hút nhiều thuốc lá.
” Tiểu khu sẽ mở một khóa huấn luyện cấp tốc về an ninh tình báo. Mỗi đại đội phải gửi một người, có thể là hạ sĩ quan hay sĩ quan về tiểu khu tham dự khóa huấn luyện này…”
Trương chợt lên tiếng ngắt lời Đạm.
” Thời hạn của khóa huấn luyện bao lâu thưa thiếu úy? ”
Đạm trả lời cho Trương mà cũng có ý nói với ba ông trung đội trưởng.
” Vì tình hình chiến sự đang sôi động do đó tiểu khu chia khóa học làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất hai tuần lễ, còn giai đoạn thứ nhì một tháng. Vấn đề nhà ở và cơm nước sẽ do tiểu khu cung cấp. Trong bốn ông nếu không có ai tình nguyện thời tôi bắt buộc phải chỉ định một người…”
” Tôi tình nguyện…”
Trương lên tiếng trước nhất. Xinh cười ha hả.
” Chửn quí chịu chơi à nghe…”
Thắng tiếp theo lời của Xinh.
” Ổng mới ở đây mấy tháng mà chịu không nỗi rồi cho nên kiếm đường xả hơi…”
Phát cũng cười ghẹo thêm.
” Ổng dẫn bả ra Cà Mau du dương mà…”
Trương cười hà hà nhìn Đạm.
” Chừng nào khóa học mới bắt đầu thưa thiếu úy? ”
Đạm cười nhẹ nhìn ra khung cửa hẹp.
” Tiểu khu chỉ mới thông báo cho tôi biết vậy thôi. Ngày giờ thời chưa chắc chắn…”
Nhìn bốn người lính dưới quyền chỉ huy của mình, Đạm cười tiếp.
” Thôi mình giải tán. ”
Năm người lục tục ra khỏi hầm chỉ huy. Trên khoảnh đất trống nằm dọc theo hàng rào kẽm gai một ngôi nhà lá vừa được dựng lên. Người đi lại lăng xăng. Tiếng nói cười, la hét vang vang. Đạm mỉm cười một mình. Anh thấy lẫn lộn trong đám lính có bóng của Đào. Nàng đứng xa xa, bao quanh bởi học trò trai gái.
” Coi bộ mấy đứa nhỏ khoái lắm ông thầy…”
Phát lên tiếng. Đạm cười gật đầu rút một điếu thuốc xong đưa gói thuốc ra mời bốn người lính. Xinh, Thắng và Phát đều lấy một điếu ngoại trừ Trương lắc đầu cười.
” Cám ơn thiếu úy…”
” Chửn quí bỏ thuốc hồi nào vậy? ”
Thắng cười hỏi. Trương cười gượng.
” Đâu có bỏ mà hút ít thôi. Bả cằn nhằn nói tôi hút thuốc hôi quần áo…”
Ba ông trung đội trưởng đồng bật cười ha hả. Riêng Đạm chỉ chúm chiếm cười.
” Tôi đi coi trường học…”
Dứt lời Đạm bước đi trước. Tuy nhiên đi được chừng mấy bước anh ngạc nhiên vì bốn người lính không có ai tháp tùng với mình. Hơi lắc đầu cười một mình anh rảo bước về chỗ đám lính đang cất lớp học. Bác Năm, tía của Tư Bánh Bèo trịnh trọng bắt tay Đạm bằng cả hai bàn tay. Đây là một cử chỉ hơi mới lạ của bác.
” Thiếu quí thấy được không thiếu quí? ”
Bác Năm hỏi. Đạm trả lời không do dự.
” Có bác coi chừng thời cất chùa miễu còn được huống chi cái lớp học. Chừng nào mình mở lớp được hả bác? ”
Đạm đưa gói thuốc ra mời bác Năm. Đợi cho bác lấy xong anh mới quẹt diêm đốt cho bác rồi sau đó mới đốt cho mình. Bập bập mấy cái cho điếu thuốc cháy đều rồi sau đó mới hít một hơi dài, bác Năm cất giọng khàn khàn.
” Tôi đã coi ngày rồi thiếu quí. Bữa kia là ngày tốt nhất. Ngay cả lớp học chưa xong và công việc còn bề bộn mình cũng nên khai mở để được ông bà phù hộ…”
Đạm gật đầu cười. Dù không tin dị đoan nhưng xuyên qua kinh nghiệm, anh biết mình không nên bác bỏ hay đả kích sự tin tưởng của bác Năm và những người lính dưới quyền.
” Dạ tôi để cho bác toàn quyền chọn lựa ngày giờ cũng như lễ lộc để khai trương lớp học. Nếu cần gì bác cứ nói với anh Ba Phát…”
” Cám ơn thiếu quí… Chắc tui chỉ cần vài trăm bạc mua nhang đèn và bánh trái để cúng ông bà thôi…”
Đạm gật đầu. Thấy Đào đưa tay vẩy mình anh cười nói với bác Năm.
” Dạ tôi xin phép bác…”
Hít hơi thuốc bác Năm cười hà hà.
” Tui thấy ông thầy làm việc này hay quá. Từ từ tui sẽ nói với anh em trong xóm cho con cái đi học…”
” Vậy thì tốt quá. Tôi nhờ bác Năm lo chuyện đó dùm…”
Đạm bắt tay bác Năm rồi đi về phía Đào đứng lẫn lộn với đám con nít cười giỡn và chạy nhảy. Chúng nó vội ngưng cười nói và đứng im khi thấy mặt Đạm. Đối với đám con nít trong đồn, Đạm tượng trưng cho uy quyền do đó chúng tỏ ra dè dặt và kính sợ anh hơn tất cả mọi người. Riêng cô giáo Đào lại đón anh bằng nụ cười và ánh mắt đủ làm ấm lòng người lính chiến đóng ở tiền đồn heo hút.
” Đào cám ơn anh nhiều lắm…”
” Tại sao? ”
Đạm cười hỏi trong lúc nhìn mấy người lính đang lợp nhà.
” Không có sự giúp đỡ của anh thời trường học không thể hoàn thành và em không thể trở thành một cô giáo…”
Vừa nói Đào vừa vuốt tóc một đứa con gái đứng cạnh. Nó là đứa con gái nhỏ nhất trong đám học trò đứng quanh nàng. Nhìn mấy người lính đang leo xuống sau khi lợp xong mái nhà nàng cười nói tiếp.
”… dù là một cô giáo làng…”
Đạm bật cười cất giọng khàn khàn.
” Học trò ở đây cần một cô giáo, vả lại anh thích cô giáo làng hơn…”
Đào cười quay nhìn Đạm. Một khuôn mặt buồn. Ánh mắt u ẩn. Mái tóc khô cháy. Tia nhìn mỏi mệt. Người tình năm xưa của nàng bây giờ là một người lính già đi trước tuổi, gầy ốm và khô cằn. Nàng biết trong đời lính của Đạm đã có những đêm đi kích. Đêm thức trắng ôm súng chờ quân du kích của mặt trận xuất hiện. Những đêm bó gối trong giao thông hào lắng nghe tiếng mọt chê hú trên đầu. Những đêm căng mắt trong công sự phòng thủ ghìm khẩu súng cá nhân chờ đợi địch quân tấn công.
” Anh có tương tư không anh Đạm? ”
Đào bật lên câu hỏi và Đạm đớ người vì câu hỏi của nàng. Không biết phải trả lời như thế nào nên anh im lặng và hít liên tiếp mấy hơi thuốc.
” Anh Đạm…”
Đào lên tiếng thúc dục. Đạm cười cười.
” Em nghĩ anh có tương tư? ”
Đạm trả lời bằng một câu hỏi. Điều đó khiến cho Đào không bằng lòng.
” Anh trả lời như thế em không chịu đâu…”
Đạm cười nhẹ nhìn đám con nít đang từ từ tản mác. Chỉ còn anh và Đào đứng cạnh nhau nhìn mấy người lính đang đóng vách bằng cây lẫn lá bao quanh ngôi trường học.
” Tương tư ai? ”
Đạm nói kèm theo tiếng thở dài. Đào quay sang nhìn Đạm đăm đăm. Ánh mắt của nàng lộ ra vẻ quan hoài và lo âu. Dường như không muốn nói về chuyện tình cảm giữa hai người, Đạm lên tiếng.
” Đào đứng đây coi lính cất trường học đi. Anh phải đi gặp ông Phát có chuyện cần…”
” Em biết gì mà coi người ta làm…”
Đào nói trong tiếng cười và tiếng cười của nàng càng khiến cho Đạm bước nhanh hơn như chạy trốn. Anh không nghe được sau khi dứt tiếng cười là tiếng thở dài hắt hiu của nàng.
5 giờ sáng. Hai trung đội 1 và 2 đã sẵn sàng. Hôm nay là ngày quan trọng. Hai trung đội 1 và 2 dưới quyền của Xinh và Thắng lãnh nhiệm vụ mở đường và giữ an ninh từ Cái Đôi tới Vàm Dinh và có thể xa hơn nữa tùy theo tình hình an ninh trong vùng. Hai ông trưởng và phó cộng thêm cô giáo Trúc Đào sẽ đi ra Cà Mau để nhận lãnh sách vở cùng dụng cụ văn phòng dùng vào việc khai mở lớp học. Hai trung đội mà quân số khoảng năm mươi lăm người từ từ ra khỏi đồn rồi biến mất trong bóng tối của buổi hừng đông. Một giờ đồng hồ sau tức 6 giờ sáng, Đạm với Trương và Đào bước xuống chiếc vỏ vọt lớn đang nổ máy chờ họ trước cổng đồn. Đò dừng tại xóm nhà lá để đón thêm khách. Một tuần lễ, hai hoặc ba lần, những chuyến đò mang các thổ sản ở vùng Cái Đôi lên bày bán ở chợ Vàm Dinh hay Cái Nước, rồi sau đó mua các thứ như đường, thuốc lá, trà, cà phê hoặc thứ gì không thể sản xuất ở địa phương đem về bán lại cho dân chúng nơi Cái Đôi.
” Cô Đào về Sè Gòn hả cô Đào? ”
Một người đàn bà hỏi Đào khi thấy nàng ăn mặc tươm tất hơn ngày thường.
” Dạ chị Bảy khỏe hả chị Bảy. Tôi đi ra Cà Mau…”
” Có chuyện gì vậy cô Đào… Chắc cô cậu đi chơi hả? ”
” Dạ tôi ra tỉnh có chuyện cần…”
Đào kể cho mấy người trên xe biết chuyện nàng mở lớp dạy học trò trong đồn. Mấy người ngồi trên ghe ngạc nhiên hỏi chuyện.
” Chèn ơi… Vậy mà tụi tui đâu có biết. Phải chi cô cho tui biết thời tui cho hai thằng nhỏ của tui học. Để tụi nó ở nhà tối ngày cứ nhỏng nhỏng chơi…”
Đào liếc nhanh Đạm như hỏi ý kiến. Thấy Đạm gật đầu, nàng cười nói.
” Dạ lớp học còn trống nhiều chỗ lắm. Bữa nào chị dẫn hai đứa nhỏ vào đồn ghi tên rồi đi học…”
” Có mắc tiền không hả cô? ”
Đào cười vui vẻ trả lời. Đạm nghe giọng nói của nàng hơi tếu một chút.
” Dạ không có tốn tiền. Cái này là của mấy ông lính làm ra…”
Chỉ vào Đạm đang ngồi cạnh Trương, nàng cười tiếp.
” Ông thiếu úy Đạm chắc chị Hưởng biết mặt rồi? ”
Người đàn bà còn trẻ mặc chiếc áo bà ba màu vàng nhạt mà Đào gọi tên Hưởng cười liếc nhanh Đạm.
” Tôi biết. Gì chứ thiếu quí thời tôi thấy mặt hoài. Còn ông này phải chồng của cô hông? ”
” Dạ phải…”
Không biết nghĩ gì mà Đào lại cười nói đẩy đưa với Hưởng.
” Ông thiếu úy còn độc thân đó chị. Chị coi có cô nào làm mai dùm đi…”
Chị Bảy xen vào câu chuyện.
” Vậy hả. Ổng trẻ, đẹp trai mà có chức phận nữa thời kiếm vợ dễ ợt. Tôi có con cháu ở ngoài tỉnh. Để hôm nào tôi làm mai cho ổng… Mà thiếu quí ưng hông? ”
Đạm cười cười nhìn Đào đoạn lướt qua chị Bảy.
” Thời chị cứ làm mai đi. Biết đâu…”
Chị Bảy cười vui vẻ trong khi Đào cũng bật thành tiếng cười trong trẻo. Chiếc vỏ vọt dừng lại nơi cây cầu ván bắt qua con rạch nhỏ. Phía bên kia cầu năm ba người lính tụ lại.
” Có chuyện gì vậy anh Hai? ”
Đạm cất tiếng hỏi khi thấy Thắng.
” Dạ mấy đứa nhỏ thấy trái lựu đạn gài ở đằng kia. Ông thầy chờ một chút để tụi nó gỡ lựu đạn…”
Đạm hơi cau mày nhưng không nói gì hết. Trương bước xuống đường đứng nói chuyện với Xinh. Mươi phút sau Hành, trung đội phó trung đội 2 trở lại chỗ chiếc ghe đang đậu. Giơ tay chào Đạm, anh ta cười nói.
” Xong rồi thiếu quí…”
Vẩy người lái đò Hành ra hiệu cho anh ta tiếp tục lên đường. 11 giờ trưa đò ngừng lại ở Cái Nước. Từ đây có xe lam đi Cà Mau. Con đường nối liền quận Cái Nước với tỉnh lỵ Cà Mau khá an ninh nên xe cộ chạy nhiều hơn. Dân chúng cất nhà ở dọc theo hai bên đường. Ngắm những mái nhà xác xơ với những đứa trẻ ở truồng đứng bên đường giơ tay vẩy vẩy mình, Đạm khẽ thở dài. Chiến tranh tàn phá mọi nơi, mọi thứ và mọi người. Bất cứ người nào cũng đều mang lấy vết thương do chiến tranh gây nên. Tuy nhiên đối với anh đây là một trận giặc cần thiết chống lại hiểm họa xâm lăng của cộng sản. Dù sống ở vùng Cái Đôi mới hơn hai năm, nhưng anh cũng đã chứng kiến sự dã man và tàn bạo của những người phía bên kia. Đám du kích quân của mặt trận đã dùng mã tấu để chặt đầu ông Tư chỉ vì một tội danh mơ hồ là gián điệp cho Mỹ Ngụy. Làm sao một ông già hơn bảy mươi tuổi lại có thể làm gián điệp cho CIA. Suốt cuộc đời tăm tối của ông Tư, cũng chưa hề biết thế nào là gián điệp cũng như CIA là cái khỉ khô gì. Điều đáng nói là đám du kích của mặt trận không giết chết ông Tư bằng súng vì họ nói uổng một viên đạn. Nói như thế hóa ra họ coi sinh mạng của ông Tư, một người Việt Nam, rẻ hơn viên đạn AK. Đạm cảm thấy buồn khi nghĩ tới một điều là cộng sản đã coi trọng giá trị của một viên đạn hơn sinh mạng của một người Việt Nam như ông Tư. Còn nhiều lắm. Cách đây gần một năm khi còn dưới quyền chỉ huy của An, anh đã thấy hàng chục người từ ông già bà lão, đàn bà và con nít bị bắn bằng súng, bị chém bằng mã tấu khi đám du kích kéo về xóm nhà lá lúc ban đêm. Họ tuyên bố giải phóng tuy nhiên xuyên qua hành động giết hại dân làng vô tội họ biến thành một nhóm khủng bố độc ác và vô lương tâm.
” Anh Đạm tới rồi…”
Đạm ngơ ngác ngước nhìn khi nghe tiếng nói của Đào. Xe chạy chầm chậm trên con đường tráng nhựa nhiều ổ gà. Tiếng xe gắn máy nổ vang vang thành phố. Nhà ngói mái xám mốc xen lẫn với nhà tôn lụp xụp. Người đi lại thưa thớt. Cà Mau là một tỉnh có diện tích khá lớn, mà so ra lại nghèo vì có nhiều vùng đất hoang vu và mất an ninh. Các vùng U Minh, Đầm Dơi, Năm Căn hoặc Sông Ông Đốc, đất đai phần lớn hoang vu lại nằm trong vùng kiểm soát của cộng sản do đó ít dân cư ngụ và làm lụng.
Bước xuống xe đứng nhìn bao quát khung cảnh tỉnh lỵ giây lát, Đào cười nói với chồng.
” Không đẹp lắm nhưng còn hơn Cái Đôi của mình hả anh? ”
Sự so sánh của nàng khiến cho Đạm bật cười. Riêng Trương chúm chiếm cười nói giỡn.
” Nhưng mà anh thích Cái Đôi của mình hơn. Ở đó có cô giáo làng đẹp nhất nước…”
Đào cung tay thụi vào lưng của chồng một cái. Đưa tay chỉ dãy nhà ngói cao hai tầng, Đạm nói với Trương.
” Mình đi mướn phòng ngủ. Tụi mình có quyền ăn chơi đêm nay rồi mai sáng vào tiểu khu… Hai em tính đi đâu? ”
Như đã có chủ ý, Đào lên tiếng trước nhất.
” Tụi này đâu có biết. Anh là đầu tàu mà. Anh đi đâu tụi này theo đó…”
” Ở đây có quán cà phê nhạc không anh? ”
Trương hỏi khi cả ba bước vào cửa phòng ngủ.
” Có… Ông đại úy Tịnh có cô em mở quán cà phê nhạc cũng ở gần đây…”
Thấy Đào liếc mình, Đạm cười cười nói tiếp.
” Cô em của ông đại úy Tịnh có chồng tên Điền. Dường như Điền cùng khóa với Trương. Còn ông Tịnh là niên trưởng của anh… Ông ta trước anh hai khóa…”
Trương gật đầu cười.
” Em nhớ rồi. Điền cùng đại đội với em…”
Đạm chọn hai phòng liền nhau trên tầng lầu 2. Phòng ngủ rất sơ sài, chỉ có một cái giường khá rộng lót nệm. Tấm ra giường ngã màu ngà ngà. ” Dù sao cũng êm hơn cái giường cây của mình ”. Đạm nói thầm như thế. Mở cửa sổ anh nhìn khung cảnh của thành phố Cà Mau vào một buổi chiều. Đây là một thành phố có rất nhiều kinh rạch bao quanh hay cắt ngang như Kinh Xáng Cà Mau đi Bạc Liêu. Sông Gành Hào thông ra biển Đông. Sông Quản Lộ và Kinh Quản Lộ đi Phụng Hiệp. Sông Giồng Kè, sông Trèm Trẹm đi về miệt Thới Bình. Ngoài ra còn vô số kinh rạch nhỏ làm thành mạng lưới lưu thông chằng chịt. Tiếng động mà người dân ở đây nghe nhiều nhất chính là tiếng nổ của máy đuôi tôm. Phương tiện lưu thông được ưa chuộng nhất là thứ xuồng gắn máy đuôi tôm tên Vỏ Vọt. Hầu như phân nửa nhà ở Cà Mau đều có xuồng vỏ vọt.
Đạm quay lại khi nghe có tiếng gõ. Mở cửa anh thấy Trương với Đào. Trương mặc thường phục trông lạ hẳn. Riêng Đào yêu kiều và duyên dáng trong chiếc áo dài trắng, quần đen và guốc cao gót.
” Anh xong chưa? ”
Trương hỏi gọn. Nhét khẩu colt 45 vào lưng Đạm cười cười.
” Xong rồi. Mình đi ăn trước rồi uống cà phê sau…”
Bước ra ngoài khóa cửa lại, Đạm hỏi Trương.
” Hai em muốn ăn gì. Nếu hai em muốn ăn các thức ăn đặc biệt của Cà Mau thời mình đi ra chợ… Anh biết một chỗ bán chả giò ngon vô cùng…”
Trương nuốt nước miếng khi nghe tới chả giò.
” Em muốn ăn hột vịt lộn…”
Đào cười nói. Đạm gật đầu.
” Đào muốn ăn thứ gì cũng có. Cháo lòng, cháo vịt, cháo cá, thứ gì người ta cũng có bán…”
Ba người bước ra vỉa hè. Trời hưng hửng nắng. Vài vệt nắng chiều chiếu lên mái nhà ngói xanh màu rêu cũ. Tiệm tạp hóa bày hàng lan ra tận vỉa hè. Trương và Đào đi trước còn Đạm thong thả theo sau. Vừa chậm bước, anh vừa ngắm tà áo dài trắng phất phơ của Đào. Chiếc quần lụa màu đen bị gió thổi sát vào da hằn lên đường cong gợi cảm. Tiếng guốc nện xuống mặt đường nhựa thành âm thanh êm êm tai. Dường như biết Đạm đang đi sau lưng để ngắm mình, Đào liếc anh thật nhanh rồi lên tiếng.
” Mình đi ngã nào anh Đạm? ”
” Đi thẳng. Chợ gần bờ sông…”
Đạm dừng lại đốt điếu thuốc. Đường càng lúc càng đông người đi lại. Tiếng máy đuôi tôm nổ phành phạch. Mùi thức ăn bay tản mạn trong không khí khiến cho Trương ứa nước miếng. Ba người đi vào nhà lồng chợ. Chỗ này ban ngày là chợ song ban đêm trở thành hàng quán. Người ta bày bán đủ mọi thứ thức ăn. Khu hàng quán này được mọi người chiếu cố vì thức ăn ngon mà lại rẻ hơn. Hơn nữa ở đây người ta có thể ăn các đặc sản của địa phương.
Đạm chọn một cái sạp tương đối sạch sẽ và thưa người ngồi hơn những chỗ khác.
” Thưa bác tụi cháu muốn ăn chả giò…”
Đạm nói với bà già đang lui cui chiên chả giò trong một cái chảo lớn.
” Mời cô và hai cậu ngồi. Cô muốn ăn cái gì hả cô? ”
Vén áo dài ngồi xuống cái ghế thấp lè tè, Đào cười hỏi.
” Bác có bán hột vịt lộn không bác? ”
” Dạ tui không có bán nhưng cô muốn ăn thời tui sai con cháu nó mua dùm cô…”
Giơ tay ngoắc đứa con gái đang đứng nơi cột đèn, bà già kêu lớn.
” Sử… Mày chạy mua dùm cô hột vịt lộn…”
Quay qua Đào bà ta hỏi.
” Một chục hả cô. Một chục giá trăm hai…”
Đạm đưa tiền cho con Sử chạy mua hột vịt lộn và một xị nếp than. Trương hít hà còn Đạm xoa tay khi bà già đặt trước mặt hai người một dĩa chả giò nóng hổi với dĩa rau sống và hai chén nước mắm ớt. Ngay cả Đào dù không thích chả giò lắm cũng phát thèm. Thấy nàng thò tay định bốc cuốn chả giò, Trương la lớn.
” Ê ê… Em nói em không thích chả giò mà…”
Đào cười liến thoắng.
” Em ăn ké phần của anh Đạm chứ em hổng có ăn phần của anh đâu. Một hồi hột vịt lộn về anh đừng ăn nghen…”
Đạm lên tiếng binh Đào.
” Đào cứ ăn đi. Anh bao em ăn cho đã thèm. Mấy tháng nay mình kham khổ nên gặp dịp ăn được thời cứ ăn…”
Nghe Đạm binh vực mình, Đào le lưỡi chọc quê chồng. Nàng lấy một cuốn chả giò bỏ lên miếng rau xà lách, thêm chút bún, rau sống xong chấm vào chén nước mắm của Trương.
” Tuyệt… Bác làm chả giò bằng cái gì mà ngon vậy bác? ”
” Dạ với tôm thưa cô. Vùng này tôm rẻ hơn thịt heo nhiều nên tôi làm với tôm…”
Đạm cầm lấy cuốn chả giò bằng ngón tay cái của mình. Ngắm nghía giây lát anh chấm vào dĩa nước mắm ớt đoạn bỏ tọt vào miệng.
” Sao anh Đạm không ăn rau? ”
Đào cười hỏi. Đạm vừa nhai vừa trả lời.
” Ăn rau mau no…”
Đang nhai ngồm ngoàm, Trương xen vào.
” Đúng rồi đó… Ăn với rau mau no đâu có ăn nhiều được…”
Đào cãi lại.
” Ăn có rau mới ngon…”
Trương cười hì hì.
” Thì em cứ việc ăn chả giò với rau đi còn để anh với anh Đạm ăn chả giò không có rau cho…”
Đào háy chồng một cái. Con Sử trở về mang theo chục hột vịt lộn và xị nếp than. Đạm rót ra hai cái chung lớn. Đào đòi thử nếp than nên Đạm cũng rót cho nàng một chung nhỏ. Ba người ăn hết chục hột vịt lộn và mấy chục cuốn chả giò mà vẫn chưa thấy no.
” Bác còn món gì nữa không bác? ”
” Tui có tôm càng nướng ăn với bánh hỏi. Ngon lắm cậu…”
Đạm quay qua nói với Trương đang ăn nốt cái chả giò cuối cùng
” Mình làm thêm vài con tôm càng nghen Trương? ”
Trương gật đầu liền. Đạm cười hỏi Đào.
” Em ăn không? ”
” Ăn chứ… Em không ăn anh Trương ăn hết của em…”
Bật cười Đạm kêu ba con tôm càng nướng. Uống một hớp nếp than, đốt điếu thuốc, Đạm cười nói với Đào khi thấy nàng uống cạn chung rượu.
” Em uống nữa không? ”
Đào lắc đầu cười im lặng. Tuy không nói ra nhưng nàng cảm thấy sung sướng vì sự săn sóc kín đáo của Đạm. Trong khung cảnh bình yên và êm ả của đô thị, nàng nghe lòng mình thật thoải mái, thanh thản và nhất là không sợ sệt hoặc lo âu như ở Cái Đôi. Từ đó nàng hân hoan đón nhận sự săn sóc của người tình xưa.
” Em không muốn uống nhiều sợ say…”
Đào cười nói với Đạm. Trương chợt đứng lên rủ vợ đi dạo trong khi chờ đợi thức ăn. Còn lại một mình Đạm im lìm uống rượu. Nhìn hai vợ chồng nắm tay nhau đi dạo, anh bỗng thấy buồn rầu và cô đơn. Anh biết mình vẫn còn yêu Đào và có lẽ mãi mãi yêu người con gái đó. Nàng là người yêu đầu tiên của anh. Nàng cũng là tình yêu của tuổi học trò thơ mộng và lãng mạn. Mấy năm xa nhau, anh tưởng rằng sẽ quên đi hình ảnh cô nữ sinh dịu hiền, tuy nhiên khi tình cờ gặp nhau nơi tiền đồn heo hút, anh mới biết là mình vẫn còn yêu thương người tình xưa dù nàng đã có chồng và đang vui hưởng hạnh phúc. Dù yêu thương, anh không thể mở miệng thố lộ mà càng cố giấu diếm và cố gắng quên đi. Trên cương vị của một cấp chỉ huy anh không còn có cách nào hơn là câm lặng để cho tình yêu dày dò và nung nấu tâm hồn mình.
Trương và Đào trở lại đúng lúc bà bán bún nướng xong ba con tôm càng bốc mùi thơm phức. Đạm đưa cho Đào con tôm lớn nhất.
” Cha anh cưng Đào dữ… Lựa cho Đào con tôm lớn và ngon nhất…”
Trương cười nói giỡn và Đạm cũng cười đùa lại.
” Sở dĩ mình có bữa ăn hôm nay là do Đào. Phải có cô giáo thời hai anh em mình mới có lý do để đi ra Cà Mau… Mình ăn ké của Đào nên Trương đừng có phân bì…”
Đào lên tiếng hăm he chồng.
” Anh nghe anh Đạm nói chưa. Anh mà phân bì là em cho anh nhịn luôn…”
Có lẽ sợ câu hăm dọa của vợ nên Trương lẹ lẹ lột vỏ con tôm rồi đưa lên miệng cắn một cái hết phân nửa. Đào cười hắc hắc khi thấy câu hăm dọa của mình có ảnh hưởng đối với ông chồng trẻ. Phần Đạm chỉ lắc đầu cười khi thấy cách ăn uống rất ” lính ” của Trương.
” Mấy giờ rồi Trương? ”
” Dạ bảy giờ…”
Trương trả lời trong lúc bỏ phần còn lại của con tôm vào miệng. Vừa nhai vừa nuốt xong uống cạn chung nếp than anh quay qua cười nói với vợ.
” Em ăn lẹ đi rồi mình đi uống cà phê. Nếu em no thời anh ăn phụ cho…”
Thực sự thời Đào cảm thấy no nhưng muốn chọc ông chồng nàng cười thốt.
” Anh Đạm còn ăn mà…”
Nghe Đào nói, Đạm tình thực lên tiếng.
” Đào cứ ăn từ từ. Mới có bảy giờ mà… Mình đi chơi mà gấp làm chi…”
” Em thương anh nên em nhờ anh ăn phụ đó…”
Dứt lời nàng bỏ nửa con tôm càng vào chén cho chồng. Trương cười chúm chiếm nghiêng người nói nhỏ vào tai vợ những gì mà chỉ thấy nàng mặt đỏ au và lắc đầu quầy quậy.
14
Đạm, Trương và Đào bước vào quán cà phê nhạc khá đông người. Lính có mà dân cũng có. Dân thời đa số học sinh. Vào những năm 72, 73 và 74, không ít thời nhiều, Cà Mau cũng bị lây cái phong trào cà phê nhạc của Sài Gòn.
Đào chọn một cái bàn còn trống nằm trong góc. Quán mờ mờ đèn màu. Âm thanh phát ra từ dàn Akai nghe khá hay. Đạm gọi chai 33 cho mình. Đào chọn ly sinh tố và Trương chọn nước đá chanh. Vừa ngồi xuống Trương cười hỏi Đạm.
” Mình có thể yêu cầu nhạc được không anh? ”
” Anh nghĩ là được. Trương tới quầy tính tiền thử xem…”
Trương bỏ đi lại quầy tính tiền. Dù ngồi hơi xa một chút, Đào cũng nghe chồng mình reo lên với giọng mừng rỡ cùng với câu nói.
” Điền phải không…”
” Trương. Mày làm gì ở đây…”
Đốt điếu thuốc, Đạm cười nói với Đào đang ngồi đối diện với mình.
” Chắc Trương gặp Điền rồi…”
Đào mỉm cười im lặng. Cầm ly sinh tố nàng hớp ngụm nhỏ rồi làm bộ nhìn lên trần nhà. Nàng biết Đạm có vẻ không được thoải mái khi ngồi đối diện với mình. Ngay cả nàng cũng cảm thấy ngượng ngùng khi phải nhìn vào mặt của Đạm hiện mờ mờ trong ánh đèn màu.
” Em thích bản nhạc này…”
Đào nói nhỏ khi nghe ca khúc Hoa Nở Về Đêm của Mạnh Phát.
– Chuyện từ một đêm cuối nẻo một người tiễn một người đi
Đẹp tựa bài thơ nở giữa đêm sương nở tận tâm hồn
Chuyện một mình tôi chép dòng tâm tình tặng người chưa biết một lần
Vì giây phút ấy … tôi tình cờ hiểu rằng …
tình yêu đẹp nghìn đời là tình yêu khi đơn côi
Vào chuyện từ một đêm khoác bờ vai một mảnh áo dạ đường khuya
Bồi hồi người trai hướng nẻo đêm sâu, dấu tình yêu đầu
Vì còn tìm nhau lối về ngõ hẹp còn chờ in dấu chân anh
Niềm thương mến đó bây giờ và nghìn đời
Dù gió đùa dạt dào còn đẹp như khi quen nhau…
Ai lớn lên không từng hẹn hò không từng yêu thương
Nhưng có mấy người tìm được một tình yêu ngát hương…
Nhìn đăm đăm vào mặt Đạm khi nghe câu hát ” Ai lớn lên không từng hẹn hò, không từng yêu thương… Nhưng có mấy người tìm được một tình yêu ngát hương…”, Đào có cảm tưởng như nước mắt từ từ ứa ra trên khuôn mặt gầy buồn và khắc khổ của anh. Đôi mắt của ngày xưa. Đôi mắt của cậu học trò lãng mạn, mơ mộng mà nàng từng yêu thương không còn nữa. Bây giờ là đôi mắt của một người lính chiến với nhiều thấp thỏm, ưu tư và lo âu. Nó nhìn nàng, đôi khi rất đằm thắm và dịu dàng mà đôi khi cũng hững hờ và thờ ơ. Đào biết Đạm vẫn còn thương yêu mình. Điều đó được tỏ ra bằng cử chỉ hay thái độ kín đáo. Ánh mắt nồng nàn say đắm khi bị bắt gặp một cách tình cờ.
– Mến những người chưa quen
Một người ở lại đèn trăng gối mộng
Yêu ai anh băng sông dài cho đẹp lòng trai
Một người tìm vui mãi tận trời nào giá lạnh hồn đông
Một người chợt nghe gió giữa mênh mông rót vào trong lòng
Và một mình tôi chép dòng tâm tình tặng người chưa biết một lần
Vì trong phút ấy tôi tìm mình thì thầm giờ đã gặp được một nụ hoa nở về đêm…
” Bản nhạc buồn quá…”
Đạm nói bâng quơ. Đào cười hút một ngụm sinh tố.
” Anh buồn hay bản nhạc buồn? ”
” Cả hai ”
Đạm cười buồn trả lời hai tiếng. Đào cười cười.
” Em muốn uống bia… Em uống ké của anh được không? ”
Thấy Đạm nhìn mình, nàng cười giải thích.
” Em muốn hơi say say. Thỉnh thoảng mình cũng nên say để…”
” Để làm gì? ”
Đạm vặn và Đào cười uống thêm ngụm nước sinh tố.
” Để thả cho tâm hồn mình đi hoang, cho ý nghĩ phóng túng hơn…”
Nói xong nàng hơi chồm người cầm lấy ly bia khi Đạm đẩy về phía mình.
” Coi chừng say đó cô giáo ”
” Càng tốt…”
Đạm trợn mắt khi thấy Đào uống một hơi cạn ly bia còn gần phân nửa. Đẩy ly bia trả về cho khổ chủ, nàng cười hỏi.
” Anh vẫn còn làm thơ? ”
Đạm im lặng chưa trả lời, Đào cười đứng lên.
” Để em đi lấy cho anh chai bia… Anh uống say rồi anh làm thơ đọc cho em nghe nhen…”
Đạm gượng cười lắc đầu. Đi tới quầy tính tiền nàng thấy Trương đang đứng nói chuyện với Điền. Thấy vợ, anh cười giới thiệu.
” Đây là Đào vợ tao… Còn đây là Điền bạn của anh…”
Đào tươi cười gật đầu chào Điền.
” Chào anh…”
” Chào chị. Tôi phục chị lắm…”
Đào nhìn Điền với ánh mắt dò hỏi. Hiểu được thắc mắc của Đào, Điền giải thích.
” Tôi nghe Trương kể chị bỏ Sài Gòn xuống Cái Đôi sống chết với nó. Chịu từ bỏ đời sống an nhàn và sung sướng để chia xẻ nguy hiểm và khổ cực với chồng, chị can đảm lắm…”
Đào cười nhìn chồng.
” Cám ơn lời khen của anh. Ai ở trong hoàn cảnh của tôi cũng đều làm như thế. Thứ nhất là tôi thương anh Trương và thứ nhì là tôi chưa có con. Nếu có con cái chắc tôi cũng ở lại Sài Gòn cho mấy đứa nhỏ học hành…”
Trương cười vui vẻ vì câu nói của vợ. Điền điềm đạm lên tiếng.
” Chị nói đúng… Tuy nhiên nói gì thì nói tôi cũng phục sự hy sinh của chị…”
Dường như để chuyển đề tài, Đào cười nói với Trương.
” Em đi lấy bia cho anh Đạm… Em uống ké bia của ảnh nên em phải mua thường cho ảnh…”
Đào bật cười hắc hắc sau khi nói xong. Trương cũng cười lên tiếng.
” Em chịu khó ngồi nói chuyện với anh Đạm cho ảnh khỏi buồn…”
Cầm chai 33 Đào trở lại bàn. Ngồi xuống ghế, đặt chai bia và dĩa đậu phọng da cá trước mặt Đạm, nàng cười.
” Em mua cho anh bia và đậu phọng nữa đó…”
Đạm cười hỏi.
” Trương có nói gì không? ”
” Ảnh bảo em chịu khó ngồi nói chuyện với anh cho anh khỏi buồn…”
Đào cười thánh thót sau khi nói. Đạm cũng cười.
” Cám ơn em đã chịu khó ngồi nói chuyện với anh…”
Đào lại bật lên tiếng cười ấm dịu. Không biết nghĩ gì mà nàng chợt thấp giọng gần như thỏ thẻ bên tai.
” Em muốn giới thiệu một con bạn của em cho anh…”
Đạm lắc đầu. Hớp ngụm bia anh cười buồn.
” Cám ơn Đào nhưng anh nghĩ là không nên…”
” Lý do? ”
” Đâu có ai chịu làm quen hoặc yêu thương một người lính tiền đồn như anh…”
Đào lên tiếng liền như không đồng ý với câu nói của Đạm.
” Có chứ sao không. Dường như anh có thành kiến…”
Dù Đào không nói hết câu song Đạm hiểu. Khe khẽ lắc đầu anh nói với giọng buồn buồn.
” Anh không có thành kiến về các cô bạn của Đào. Anh chỉ không muốn làm khổ người ta… Đào đã đọc Chinh Phụ Ngâm thời ít nhiều em cũng hiểu được nỗi buồn chinh phụ như thế nào…”
Đào thở dài thầm lặng. Hồi còn học trung học nàng cũng đã đọc và nghiền ngẫm tác phẩm này. Cũng vì nghĩ tới nỗi buồn đau của một chinh phụ có chồng đi lính ở xa, nàng mới bằng lòng theo chồng đi về Cái Đôi. So sánh giữa sự chờ đợi, lo âu, khắc khoải và thương nhớ với sự gian nan, khổ cực, thiếu thốn khi theo chồng đi trấn tiền đồn; nàng đã chọn lựa một đời sống mà sau này khi đối diện với thực tế nàng mới biết là mình và những người lính như Trương hay Đạm đã phải hy sinh rất nhiều.
” Vậy chừng nào anh mới lấy vợ. Không lẽ bạc đầu như chàng Siêu…”
Đạm mỉm cười vì câu nói của Đào.
” Chắc như vậy…”
Sau khi nói xong ba tiếng Đạm hớp ngụm bia, hít hơi thuốc rồi cúi xuống đất để nhả khói ra từ từ. Biết Đào không thích mình hút thuốc, anh mới lịch sự không nhả khói bay vào mặt của nàng. Nhìn người đối diện với vẻ biết ơn Đào cười đùa.
” Lúc anh bạc đầu rồi ai thèm lấy anh…”
Đạm cũng cười nói lại.
” Thì lúc đó anh kiếm người đàn bà nào cũng bạc đầu như anh…”
Đào bật lên tiếng cười trong trẻo. Đạm đưa tay lên xem đồng hồ. Hiểu ý nàng cười nói liền.
” Mới hơn 8 giờ… Anh muốn đi về? ”
Đạm chưa kịp trả lời nàng cười nói với giọng nhõng nhẽo.
” Em hổng chịu đi về đâu. Em muốn nghe nhạc…”
Đạm nhẹ gật đầu. Anh khó mà từ chối được lời năn nỉ của Đào. Từ xưa cho tới bây giờ đều như vậy. Anh ít khi nào từ chối mỗi khi nàng nhõng nhẽo hay năn nỉ.
” Phải chi đồn Cái Đôi của mình có điện hả anh. Mình tha hồ nghe nhạc…”
Đạm cười vì ý tưởng ngồ ngộ của Đào. Sống ở một nơi xa vắng và thiếu thốn tiện nghi văn minh, dĩ nhiên nàng có quyền mơ ước một đời sống mà nàng đã từ bỏ.
” Em nhắc anh mới nhớ. Mình cần mua thật nhiều pin nghe radio. Anh cố gắng xin tiểu khu thêm pin. Nếu họ cấp thời mình khỏi mua…”
” Anh tính chừng nào mình đi về? ”
” Ngày mai thứ sáu mình vào tiểu khu nhận dụng cụ cho trường học xong em với Trương lo đi chợ mua các thứ mình cần dùng. Anh sẽ xin tiểu khu cấp cho mình một chiếc xe để chở đồ đạc về Cái Nước. Sau đó mình dùng ghe chở về Cái Đôi…”
” Chắc mình phải mở đường và giữ an ninh phải không anh? ”
Uống cạn ly bia Đạm cười cười.
” Đào nói đúng. Nếu đi lính chắc em sẽ trở thành cấp chỉ huy giỏi…”
Được Đạm khen, Đào bật cười hắc hắc.
” Anh cho em làm phó của anh đi. Có em bên cạnh bảo đảm anh sẽ oánh giặc hăng lắm…”
Đạm cười khì.
” Vậy là Trương ở nhà lo việc bếp núc hả? ”
Đào gật đầu khi nghe câu hỏi này. Nàng định nói điều gì song lại im lặng khi thấy Trương bước tới bàn.
” Xin lỗi để anh ngồi một mình. Tại gặp Điền thành ra…”
Đạm cười nhẹ.
” Anh hiểu. Vả lại anh với Đào bàn chuyện nhà binh. Đào bảo anh cho Đào lên làm phó còn Trương về lo việc gia đình…”
Trương bật cười ha hả đoạn nhìn vợ.
” Vậy hả anh. Mai mốt mình để Đào dẫn lính đi kích nghe anh. Lúc đó Đào sẽ biết bị muỗi cắn và đĩa đeo… Đĩa trâu con nào con nấy bự bằng bắp tay mà đeo dính cứng vào bắp chân chà chắc đã ngứa lắm anh…”
Đạm và Trương bật cười lớn khi nhìn cái mặt bí xị của Đào.
” Anh xạo… Làm gì có con đỉa nào lớn bằng bắp tay của mình…”
” Em không tin hỏi anh Đạm và mấy ông Phát, Xinh hay Thắng đi. Con đĩa trâu hút đầy máu bự bằng bắp tay và dài hai ba gang dính tòn ten trên đùi của mình…”
Đào nhắm mắt lại như không dám nghĩ tới cảnh đó. Không tha Trương còn hù thêm.
” Đó là chưa kể mình đang nằm kích mà bị chuột chạy hay rắn bò vào trong quần…”
Biết vợ sợ chuột, sợ rắn, Trương đem chuột ra hù khiến cho Đào sợ xanh mặt và rút chân lên ghế.
” Có thực không anh Đạm? ”
Đạm cười nhẹ.
” Muỗi thời anh bảo đảm nhiều lắm. Nhiều tới độ có thể tha em về Sài Gòn. Riêng đĩa, rắn và chuột thời thỉnh thoảng cũng có. Lính của mình bị rắn cắn hoài. Đôi khi bị rắn hổ cắn phải chở đi nhà thương. Nếu em không tin thời hôm nào em theo Trương đi kích cho biết đá vàng…”
Ngẫm nghĩ giây lát Đào cười ngỏn nghẻn.
” Thôi em không đi kích với anh Trương đâu. Biết em sợ chuột với đĩa và rắn ảnh sẽ nhát em. Muốn đi cho biết em sẽ đi theo anh…”
Trương cười hắc hắc nghiêng đầu nói nhỏ vào tai Đạm những gì Đào không nghe được. Nàng chỉ thấy Đạm gật đầu cười.
” Anh Trương nói cái gì với anh vậy? ”
Đào hỏi. Đạm lắc đầu trả lời.
” Bí mật quân sự không trả lời được…”
Đào xì tiếng dài như có vẻ giận dỗi vì câu nói của Đạm.
” Thôi mình đi về…”
Đạm lên tiếng. Thấy Đạm móc túi định trả tiền Trương nói nhanh.
” Anh khỏi trả tiền. Điền bảo nó bao mình. Cái này là hậu phương ủng hộ tiền tuyến…”
Nhìn vợ, Trương cười nói tiếp.
” Nó còn thân tặng cho em mấy cuồn băng nhạc mới…”
” Cho em? ”
Đào hỏi chồng với giọng kinh ngạc. Trương thản nhiên gật đầu.
” Nó nói nó phục em sát đất nên tặng em để tỏ lòng khâm phục…”
Nói xong Trương cười hì hì. Đạm ra cửa trước tiên. Đào đi chính giữa còn Trương theo sau.
Chiếc quân xa chạy chầm chậm trên con đường đá đỏ từ tỉnh lỵ đi về quận Cái Nước. Đạm ngồi trước với người tài xế còn hai vợ chồng Trương ngồi ở băng sau.
” Đường về Cái Nước yên không thiếu úy? ”
Hạ sĩ Tài, tài xế hỏi lại Đạm lần thứ nhì từ khi chiếc quân xa rời Cà Mau. Hiểu được sự lo âu của anh ta, Đạm cười nói trấn an.
” Anh an tâm đi. Hơn tháng nay đường yên lắm. Với lại tôi đã xin với chi khu cho giữ an ninh dài từ Cà Mau xuống tận Cái Nước…”
Nghe Đạm nói Tài cười toe toét.
” Tôi tin thiếu úy. Tôi cũng không sợ lắm, ngặt lỡ có chuyện gì thời bỏ một vợ năm con không ai nuôi…”
Đạm cười rút gói Ruby quân tiếp vụ ra mời Tài. 9 giờ sáng xe dừng lại trước cửa chi khu Cái Nước để Đạm vào liên lạc với đại đội. Mười lăm phút sau anh trở ra nói cho Trương biết là Phát với Xinh đã chỉ huy hai trung đội mở đường và giữ an ninh rồi. Trung đội 3 của Phát chịu trách nhiệm quãng đường từ Cái Nước về Vàm Dinh, còn trung đội 1 của Xinh lãnh phần từ Vàm Dinh về tận Cái Đôi. Đồ đạc từ chiếc quân xa của Tài được lính mang xuống hai chiếc vỏ vọt lớn. Đạm đi theo chiếc vỏ vọt thứ nhất còn Trương với Đào ngồi chiếc thứ nhì. Mỗi chiếc đều có hai người lính đi theo bảo vệ. Dọc đường từ Cái Nước về Cái Đôi đều có lính giữ an ninh. Xế chiều họ mới về tới Cái Đôi mà không gặp rắc rối nào.
15
Lễ khai giảng trường học được tổ chức khá long trọng. 8 giờ sáng, tất cả các em học sinh được tập họp thành hàng ngũ chỉnh tề để cùng với lính trong đồn chào quốc kỳ và hát quốc ca. Sau buổi lễ thượng kỳ Đào hướng dẫn cha mẹ của học sinh đi thăm lớp học. Mọi người đều trầm trồ khi thấy bàn ghế, bảng đen, sách vở và giấy mực đều mới tinh.
” Chà cô Đào làm lớp học đẹp quá làm cho tôi cũng muốn đi học luôn với mấy đứa nhỏ…”
Nhịn, vợ của Phát lên tiếng. Đào cười góp chuyện.
” Lớp học còn dư chỗ nhiều lắm. Chị muốn đi học thời học buổi chiều từ 1 giờ cho tới 4 giờ…”
Nhàn, vợ của Thắng nói nhỏ vào tai chồng.
” Mình lớn chồng ngồng mà đi học với tụi con nít mắc cỡ thấy bà…”
Thắng cười hà hà.
” Em năm đứa con rồi mà còn mắc cỡ tầm bậy. Mình dốt thời phải đi học chứ có gì đâu mà mắc cỡ…”
Mận, vợ của Xinh lên tiếng nói với Nhàn.
” Hay là tui với chị và chị ba đi học luôn một thể. Buổi chiều thời mình cũng ở không. Tới bốn giờ về nấu cơm cũng còn kịp…”
Nhịn gật đầu cười nói với Đào.
” Vài ngày nữa tụi này đi học chắc còn kịp hả cô? ”
” Dạ mấy chị muốn đi học lúc nào cũng được…”
Sau khi xem qua lớp học, cha mẹ của các em học sinh lần lượt giải tán để Đào bắt đầu giờ dạy học đầu tiên của mình.
Đạm chậm chạp bước ra khỏi hầm chỉ huy. Nắng vàng hực. Lá cờ vàng ba sọc đỏ rủ xuống vì không có gió. Đốt điếu thuốc anh nhìn sang bên kia trường học. Bóng cô giáo thấp thoáng. Áo bà ba trắng và quần dài đen qua lại. Đạm nghe có tiếng con nít đánh vần ” a sắc á, a huyền à, a nặng ạ ” vọng vang. Nó làm anh nhớ lại tuổi thơ của mình. Ngôi trường nhỏ nghèo nàn nằm lọt trong khu rừng cây. Những cây sao cao ngất tỏa bóng mát rời rợi. Vào những buổi trưa của mùa hè, lang thang trong khuôn viên trường học để tìm ổ chim, anh có thể nghe được tiếng chim cu gáy rời rạc, tiếng gõ đều đều và liên tục của con chim gõ kiến. Thật lâu, Đạm không biết bao lâu, anh đã không trở lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Kỷ niệm hay hình bóng của những đứa bạn nhỏ ngày xưa lần hồi nhạt nhòa trong ký ức.
Đào mỉm cười khi thấy Đạm đang đi tới gần lớp học. Bỗng dưng nàng thấy thương thương dáng đi chậm và ngần ngại của anh. Có phải trong thân hình gầy gầy đó đang chôn kín một tình yêu đôi khi biểu lộ ra bên ngoài bằng ánh mắt băn khoăn, thái độ ngại ngần và cử chỉ do dự. Ở trong anh là một mâu thuẫn giữa cái muốn và cái không muốn nối tiếp một cuộc tình đã dở dang. Ở trong anh là sự giằng co âm thầm và dai dẳng giữa tinh thần trách nhiệm và danh dự của một quân nhân với tình yêu của mình.
Đào bước ra tận cửa vì thấy Đạm hơi ngần ngại không muốn bước vào lớp học. Nhìn vào mặt ông xếp của chồng mình, nàng cười cất giọng thanh thoát pha chút đùa giỡn trong đó.
” Cám ơn thiếu úy tới thăm lớp học…”
Đạm mỉm cười khi nghe Đào gọi mình là thiếu úy. Liếc nhanh đám học trò đang chăm chú nhìn mình, anh nói chậm và nhỏ.
” Đào có cần thêm sự giúp đỡ của anh không? ”
Đào trả lời thật nhanh như đã có sẵn câu trả lời.
” Cần chứ. Em cần sự có mặt của anh để lên tinh thần…”
Đạm cười hỏi sang chuyện khác.
” Trương đâu rồi sao không thấy…”
Đào chưa kịp trả lời Đạm lên tiếng tiếp.
” Anh quên. Trương phải đi hành quân…”
” Anh có làm gì không? ”
Tất cả mọi người trong đồn này đều có một thái độ kính nể và dè dặt khi nói chuyện với Đạm vì anh là cấp chỉ huy của họ. Riêng Đào thì lại khác. Nàng chuyện trò với ông đại đội trưởng một cách tự nhiên và thân mật như đối với một người anh lớn tuổi trong gia đình. Một lần không biết giận Đạm về chuyện gì mà nàng phang một câu: ” Anh là xếp của ai chứ anh không phải là xếp của em đâu. Anh đừng có làm tàng…”. Trương đớ người khi nghe câu nói của vợ. Tuy nhiên anh lại ngạc nhiên vì Đạm, trái lại không giận mà còn nói lời xin lỗi Đào nữa.
” Chi vậy. Em muốn anh làm gì? ”
” Em muốn anh ở đây cho tới giờ tan học. Anh chìu em nghen. Em năn nỉ anh…”
Nói xong nàng lấy cái ghế đặt bên cạnh bàn viết chỗ mình ngồi.
” Anh ngồi đây nè anh…”
Hơi nhăn nhăn nét mặt rồi cuối cùng Đạm cũng ngồi xuống cái ghế bên cạnh bàn cô giáo. Sự có mặt của ông xếp đồn, khiến cho đám con nít im thinh thích chăm chú tập đánh vần bằng cách lập lại theo lời của cô giáo.
Không có chuyện gì làm Đạm nhìn ra ngoài trời hưng hửng nắng. Cây cột cờ thẳng tắp ngạo nghễ vươn mình trong khoảng không gian im vắng. Lá cờ bay nhè nhẹ có lẽ vì có gió nhờ ở trên cao. Nhìn ra ngoài giây lát anh quay vào trong lớp học với hơn hai chục khuôn mặt khờ khạo và hồn nhiên. Tất cả đều là con cái của lính trong đồn. Cha mẹ nghèo do đó không có tiền sắm quần áo mới hay lành lặn cho con. Có lẽ vì được đi học nên chúng mới mặc áo chứ bình thường thời ở trần cả ngày.
Cái mà Đạm thích nhìn nhất chính là cô giáo Trúc Đào. Hôm nay nàng mặc chiếc áo bà ba trắng bằng lụa và chiếc quần đen cũng bằng lụa. Mái tóc huyền buông dài trên lưng. Qua làn áo lụa mỏng anh thấy mập mờ chiếc nịt vú màu trắng. Eo thon nhỏ. Mông nở nang và tròn trịa. Hai chân dài. Anh mơ hồ cảm nhận được mùi hương là lạ, mà anh không biết nước hoa hay mùi hương toát ra từ thân thể của người đàn bà đang đứng trước mặt mình. Mới lấy chồng cho nên nàng vẫn còn giữ được vóc dáng của con gái trừ hai nơi trên thân thể. Ngực và mông của nàng nở lớn ra. Anh cảm thấy tim đập mạnh và mặt nóng lên khi nghĩ tới một điều mà bấy lâu nay anh thường ao ước và giấu kín trong lòng của mình. Anh ước ao được ôm và hôn Đào. Ước ao đó nhiều đêm làm anh trằn trọc. Ước ao đó càng lớn, càng mạnh mẽ mỗi khi anh nghe được tiếng sột sạt của quần áo được cởi ra, tiếng giường kêu kẽo kẹt, tiếng thở hay tiếng rên nho nhỏ của hai vợ chồng Trương phát ra từ bên kia vách. Hai nhà ngăn cách nhau bằng bức vách lá mỏng, trống chỗ này hở chỗ kia; do đó nhiều khi anh thấy được một phần thân thể của Hạnh khi nàng thay quần áo. Nhất là sau lần pháo kích cuối cùng khu nhà của họ bị hư hại nhiều hơn, nhờ vậy mà anh có nhiều dịp để nhìn trộm hay đôi khi vô tình chứng kiến cảnh âu yếm của đôi vợ chồng trẻ. Điều khiến cho anh băn khoăn là Đào có biết bị mình nhìn lén hay là không. Ý nghĩ nhìn lén khiến cho anh cảm thấy tự xấu hổ, nhưng sau đó lại tự an ủi mình chỉ nhìn trộm khi có dịp tình cờ chứ không làm điều gì khác hơn để gây sứt mẻ tình cảm của mình với Đào và nhất là với Trương.
Đang đứng tập cho học trò đánh vần, Đào có cảm giác là Đạm đang nhìn mình. Cái cảm giác bị người tình xưa nhìn sau lưng của mình làm cho nàng nửa thích thú mà nửa nhột nhạt. Nàng biết Đạm vẫn còn yêu mình mặc dù nàng đã có chồng. Ngay cả nàng cũng biết nhiều hay ít mình còn thương Đạm. Có lẽ không nhiều lắm, song cũng đủ để cho nàng vẫn muốn có Đạm ở bên cạnh, với một khoảng cách không làm xáo trộn nhiều trong đời sống tình cảm của mình. Sự có mặt của Đạm khiến cho nàng an tâm khi sống trong ngôi đồn lẻ loi và kém an ninh. Nàng cũng đã nghĩ tới một điều, yêu nàng Đạm sẽ làm đủ mọi cách để che chở cho nàng và Trương.
” Hết giờ rồi các em về ăn cơm đi…”
Câu nói của Đào với đám học trò làm cho Đạm đứng lên. Hai người lớn đứng bên nhau nhìn học trò chen lấn nhau ra cửa. Cuối cùng lớp học chỉ còn lại hai người.
” Anh cũng đi ăn cơm…”
Đạm nói nhỏ. Đào quay sang cười.
” Anh về nhà em ăn cơm nghen. Em có canh chua cá chiên ngon lắm. Em có chuyện muốn nhờ anh…”
” Chuyện gì vậy Đào? ”
Đạm hỏi với giọng băn khoăn. Đào cười nói trong khi thu dọn giấy tờ trên mặt bàn.
” Em sẽ nói cho anh nghe trong lúc mình ăn cơm…”
Đạm chỉ biết cười gượng gật đầu. Anh không thể nào từ chối khi nhìn ánh mắt van nài của Đào.
” Trương có về ăn cơm không? ”
” Chiều ảnh mới về…”
” Để anh nói với Phát cho ổng khỏi chờ…”
” Đào về nhà hâm cơm nóng chờ anh đó nghen. Anh không tới là em nghỉ anh ra…”
Đào cười nói. Đạm gật đầu rồi bước nhanh ra cửa. Đốt điếu thuốc, hít hơi dài anh cười với mình khi nghĩ tới câu ” Anh không tới là Đào nghĩ anh ra…”. Đó là câu hăm dọa của ngày xưa mà nàng thường hay nói mỗi khi hai đứa hẹn hò với nhau để đi xem chiếu bóng, đi ăn sâm bổ lượng hoặc bát phố ở Lê Lợi vào chiều thứ bảy. ” Sức mấy mà em nghỉ anh ra được. Nghỉ anh ra rồi ai chơi với em…”. Đạm lẩm bẩm thốt. Anh nghĩ tại sao mình không nói ra ngay sau khi nghe Đào nói câu hăm dọa đó.
Hơi ngập ngừng một chút rồi Đạm mới chậm bước vào nhà của Trương. Anh nghe được mùi tỏi cháy vàng thơm nồng căn nhà nhỏ. Tiếng Đào từ trong bếp vọng ra.
” Anh ngồi đi. Em xong hết rồi…”
Đạm ngồi xuống ghế đẩu. Trước mặt anh tô canh chua còn bốc khói và nồi cơm đầy. Gạo có mùi thơm thoang thoảng. Hai cái chén và hai đôi đũa đặt trên bàn. Đào bước ra với dĩa cá chiên vàng rụm. Đạm hít hà.
” Cá chiên thơm quá làm anh đói bụng…”
” Bởi vậy anh nên để em nấu cơm cho anh ăn mỗi ngày…”
Đạm gượng cười.
” Anh muốn lắm nhưng anh đã ăn nhà ông Phát lâu rồi mà thay đổi thời cũng kỳ kỳ. Trừ khi…”
Đào ngồi xuống ghế rồi bắt đầu bới cơm vào chén cho Đạm.
” Anh ăn nhiều đi. Em đã chừa cho anh Trương rồi. Đây là phần của hai đứa mình…”
Đào đỏ mặt vì biết mình lỡ lời. Dường như biết điều đó Đạm giả vờ nhìn ra ngoài sân và nói một câu bâng quơ.
” Trời hầm quá chắc chiều nay mưa…”
Đào cũng cười nhìn Đạm.
” Em mong trời mưa. Em cần nước mưa…”
Nhìn ra ngoài thấy trời tự dưng tắt nắng, nàng cười tiếp.
” Em nhớ lúc còn đi học. Cứ khi nào trời mưa là má bắt hứng nước mưa…”
Gắp một miếng cá rô vào chén, nàng nói với Đạm.
” Anh ăn hết đầu con cá lóc nghen. Em chỉ thích ăn hai cái má và cặp mắt thôi…”
Đạm im lặng ăn. Tiếng sấm gầm xa xa. Trời tối từ từ. Dù ngồi trong nhà anh cũng thấy mây đen từ hướng đông nam cuồn cuộn kéo về. Mưa rơi lác đác. Gió lùa vào cửa mang theo hơi nước mát.
” Trời mưa lớn như vầy tha hồ cho Đào hứng nước mưa…”
Đào lắc đầu cười.
” Không có anh Trương chắc em hổng có hứng nước…”
” Sao vậy? ”
” Dạ mình em xách nước mệt lắm…”
” Để anh phụ em. Coi như anh trả công bữa ăn cho em…”
Đào cười hắc hắc một cách vui vẻ.
” Anh không sợ người ta cười à? ”
” Ai cười? ”
” Lính của anh chứ ai…”
Đạm cười song không nói gì hết mà cắm cúi ăn hết chén cơm. Mưa hắt vào tận cửa. Đào đứng lên khép cửa xong trở lại bàn ngồi. Trong nhà tối mờ mờ từ khi khi đóng cửa. Đạm nhìn Đào và bắt gặp nàng cũng đang nhìn mình. Hai người đều có thái độ ngượng ngập.
” Anh no rồi…”
Đạm bỏ đũa. Uống ngụm nước lạnh anh nói bâng quơ.
” Không biết hết mưa chưa. Mùa này mưa dai lắm. Nhiều khi cả ngày cũng chưa tạnh…”
Đào cười thầm vì biết ông láng giềng của mình kiếm chuyện để nói. Nàng biết Đạm ngại ngồi một mình với mình. Anh sợ mang tiếng và nhất là sợ yếu lòng. Đặt đôi đũa xuống bàn nàng cười lên tiếng.
” Anh muốn hứng nước chưa? ”
” Ừ…”
Đạm đứng bật dậy và trả lời gọn một tiếng. Đào cười nhỏ.
” Em coi bộ anh sợ mắc nợ em lắm hả? ”
Đạm cười chống chế.
” Đâu phải. Anh muốn làm cho tiêu cơm…”
Đào đi trước và Đạm bước theo ra sau hè. Chỉ vào bốn cái mái lớn đã cạn nước nàng cười.
” Đó… Anh trả nợ đi…”
Bật thành tiếng cười vui vẻ, Đạm cởi áo bước ra ngoài trời đang mưa. Dùng cái thùng thiếc anh sang nước từ cái mái lớn sang ba cái mái nhỏ hơn.
” Anh dầm mưa coi chừng bịnh…”
Đứng trong nhà Đào nói vọng ra sân. Hơi gật đầu Đạm khom người múc đầy thùng nước xong đổ vào cái lu nước nhỏ kế bên chỗ Đào đứng. Nhìn bàn chân trần của nàng giẫm lên nền đất đen anh cảm thấy bùi ngùi. Có lẽ biết Đạm ngắm bàn chân của mình cho nên Đào rụt chân lại rồi thụt lùi vào trong.
” Xong rồi… Anh về nhà thay quần áo…”
Tay cầm lấy chiếc áo trây di, Đạm bước nhanh như muốn trốn chạy điều gì. Đào nhìn theo khẽ thở dài. Nàng muốn gọi Đạm trở lại để mời anh ly cà phê vì biết anh rất thích uống cà phê, nhìn mưa rơi và nghe nhạc.
Trương, Phát, Xinh và Thắng đồng quay nhìn khi nghe tiếng bước chân quen thuộc của Đạm vang lên bên ngoài hầm chỉ huy.
” Chào thiếu úy…”
Thắng lên tiếng trước nhất. Giơ tay ra dấu cho mọi người ngồi yên tại chỗ, Đạm cười móc từ trong túi áo trây di ra gói thuốc Ruby quân tiếp vụ. Người mà anh mời trước tiên là Trương.
” Cám ơn thiếu úy nhưng tôi ngửi khói được rồi…”
Đạm cười chìa gói thuốc cho Phát rồi sau đó tới Xinh và Thắng. Quẹt diêm đốt thuốc cho ba trung đội trưởng rồi mới đốt cho mình, Đạm hắng giọng.
” Tôi có danh sách binh sĩ đã thuyên chuyển hoặc tái bổ sung cho đại đội của mình từ một năm trở lại đây. Có tất cả mười một người ở rải rác trong ba trung đội. Bảy người thuộc trung đội 2 và 3. Tất cả đều là dân trong quận Cái Nước. Bốn người còn lại sinh trong các quận như Thới Bình, Năm Căn, Đầm Dơi, Sông Ông Đốc và Quản Long…”
Ngừng lại hít hơi thuốc, nhìn xuyên qua lỗ hỏng nhỏ, Đạm thấy được chút trời xanh lơ.
” Tôi đã chia mười một người lính bị tình nghi ra làm hai nhóm. Như mình đã bàn tính kỳ trước, tôi giao bản lý lịch của bảy người ở quận Cái Nước cho chuẩn úy Trương…”
Đưa bản lý lịch cho Trương, Đạm thong thả dặn dò.
” Ông với hai ông Xinh và Thắng bàn bạc với nhau để tiến hành cuộc điều tra ngầm. Riêng tôi và ông Phát phụ trách việc tìm hiểu lý lịch của bốn người ở các quận khác…”
” Thiếu úy tính khi nào mình bắt đầu? ”
Trương hỏi và Đạm trả lời nhanh.
” Ngay ngày hôm nay. Điều mà tôi cần lưu ý bốn ông là mình nên khéo léo và mềm mỏng để khỏi làm mất tinh thần của binh sĩ…”
Trương với Xinh và Thắng kéo nhau ra khỏi hầm chỉ huy. Đứng nhìn theo ba người lính đang chụm đầu bàn tán, Đạm mỉm cười nói với Phát.
” Tôi nghe nói chị Nhịn đã đi học? ”
Phát cười hà hà như có vẻ thích thú về chuyện bà vợ của mình đã đi học.
” Tôi hứa với bả là nếu bả đi học mà đọc được chữ thời tôi sẽ mua báo mỗi ngày cho bả đọc…”
Đạm cười khì.
” Làm sao mà anh mua được báo mỗi ngày. Báo mà tới được cái xứ đèo heo hút gió của mình thời cũ mất rồi…”
Phát cười hề hề rít hơi thuốc thật dài.
” Báo cũ mà mình chưa đọc thời cũng như báo mới… Vả lại còn lâu lắm bả mới đọc chữ được. Phải cả năm…”
Trong ba ông trung đội trưởng, Phát học cao hơn vả lại tính tình cũng cởi mở và đầu óc tân tiến hơn nên nói chuyện với Đạm rất hợp gu. Đưa bản lý lịch của bốn người lính, Đạm cười nói.
” Anh Ba coi trước đi rồi cho tôi biết ý kiến…”
Phát lẩm nhẩm từng tên một.
” Lê Văn Trọn, sinh ngày 9 tháng 2 năm 1954 tại làng Thới Hòa quận Thới Bình. Nguyễn Tấn Trước, sinh năm 1955 tại Xóm Chùa, Quản Long, tỉnh Cà Mau…”
Ngước lên nhìn cấp chỉ huy, Phát nói nhanh.
” Tôi cầm tờ giấy này về nhà rồi tối nay tôi hỏi bà xã của tôi. Thằng tên Lê Văn Trọn ở Thới Hòa này tôi nhớ mài mại. Bà xã tôi cũng ở Thới Hòa chắc bả biết thằng này. Còn thằng Trước này tôi nghe tên quen quen mà không nhớ nó con của ai. Để tôi hỏi thằng em ruột của tôi bên cảnh sát…”
” Ông nói làm tôi mới nhớ. Ông nhờ bên ty cảnh sát tìm dùm may ra họ biết nhiều hơn là chi khu hoặc tiểu khu… ”
Phát gật đầu cầm tờ giấy đi ra cửa. Trong hầm chỉ huy chỉ còn lại một mình Đạm đứng nhìn về hướng lớp học. Bóng cô giáo Đào đứng trước tấm bảng đen. Anh có cảm tưởng như nàng thỉnh thoảng lại nhìn về phía hầm chỉ huy nơi mình đang đứng.
Đạm nằm im trong bóng tối. Đã quá nửa đêm mà anh vẫn không ngủ được. Phía bên kia nhà của Trương thật yên tịnh. Đêm nay tới phiên Trương đi kích. Anh chỉ huy tiểu đội 2 thuộc trung đội 3 đi ăn sương từ hồi xụp tối và phải tới hừng đông mới trở về. Chỏi tay ngồi dậy Đạm lần mò trong bóng tối lấy bi đông nước lạnh và gói thuốc lá. Quẹt diêm đốt thuốc xong hít một hơi anh cảm thấy vị ngòn ngọt của thuốc lá trong miệng. Tiếng máy 25 kêu xè xè. Đêm đêm, nếu có bất cứ ai đi kích, Đạm phải mở máy để nghe ngóng tin tức và đôi khi truyền lệnh cho toán trưởng toán đi kích cũng như xin pháo binh yểm trợ khi cần thiết.
Hít liên tiếp ba hơi thuốc xong Đạm dụi tắt. Một giờ sáng mà trời vẫn còn nóng nực. Mặc áo và xỏ đôi giày anh bước ra sân. Sao mờ mờ trên cao. Đêm tối mông lung. Không khí ở ngoài sân mát hơn trong nhà khiến cho anh cảm thấy dễ chịu. Có ánh chớp lên từ hướng tây bắc xen lẫn với tiếng ì ầm. Dường như là tiếng nổ của bom. Đó là hướng U Minh Hạ. Toàn ngôi đồn im lìm ngủ yên. Có ánh đèn nhà ai lập lòe trong bóng đêm. Bum… Âm thanh vọng lại từ xa, âm u như tiếng vọng từ địa ngục, từ cõi chết. Âm thanh gắn liền với tiếng hú lồng lộng không gian. Ầm… Ánh lửa nháng lên sáng rực. Đạm nhìn thấy ánh lửa phát ra nơi chính giữa sân ngay chỗ cột cờ. Đất cát bay rào rào. Đạm xoay người đoạn nhảy vọt về phía cửa nhà của Đào.
” Đào… Pháo kích…”
Tiếng la của anh như hoảng hốt và lo âu. Lúc này anh không nghĩ tới thân mình mà chỉ nghĩ tới Đào.
” Đào… Đào…”
Đạm la thật lớn. Có tiếng trả lời nhỏ và gọn của Đào.
” Dạ…”
Giọng nói của nàng còn ngái ngủ. Đạm ùa vào nhà như cơn gió. Trong bóng tối mờ mờ anh thấy Đào đang ngồi trên giường. Nắm lấy tay nàng Đạm nói như hét.
” Theo anh xuống giao thông hào…”
Đạm chạy trước. Đào im lặng theo sau. Mấy hôm nay trời mưa nên dưới đáy giao thông hào ướt sũng nước. Dẫn Đào xuống giao thông hào xong Đạm nói nhanh.
” Em ngồi đây. Anh phải lên nhà lấy máy truyền tin…”
Vừa định nhảy lên anh vội hụp đầu xuống khi nghe tiếng xè xè. Oành… Tiếng nổ làm lùng bùng lỗ tai. Đất cát bay rào rào trên đầu hai người. Đợi tiếng nổ vừa dứt anh nhảy tọt lên mặt đất đoạn chạy ào vào nhà của mình. Chụp lấy chiếc máy 25 anh chạy trở lại chỗ cũ. Pháo vẫn rơi khắp nơi trong đồn nhưng nhiều nhất là quanh vùng nơi có cột cờ.
” 1, 2, 3 đây Thanh Đạm… nghe rõ trả lời…”
” 1 tôi nghe Thanh Đạm… Báo cáo thẩm quyền tui và ba thằng em vô sự. Tụi nó đã vào vị trí…”
” 2 nghe Thanh Đạm… Trình thiếu úy tui và các con ở yên vị trí…”
” 3 tôi nghe Thanh Đạm… Ông thầy… Tụi nó dũa mình kỹ quá ông thầy… Tui sợ ngày mai mình phải kiếm cây cột cờ khác quá…”
Đạm mỉm cười khi nghe giọng nói vui vẻ của Phát. Anh cảm thấy an tâm vì lính tráng không có ai bị thương và đã vào vị trí phòng thủ để sẵn sàng đánh trả nếu bị địch tấn công.
” Đào…”
” Dạ…”
” Em lạnh không? ”
Tiếng Đào trả lời yếu ớt.
” Dạ lạnh…”
” Em mặc áo của anh cho đỡ lạnh…”
Đạm cởi áo trây di của mình đưa cho Đào.
” Anh ở trần coi chừng lạnh à…”
Đào nói nhỏ trong lúc xỏ chiếc áo của Đạm vào người.
” Anh là lính đâu có lạnh… Anh mặc áo thun mà…”
” Anh làm như anh ngon lắm. Bộ trái tim anh bằng sắt sao mà không biết lạnh…
” Trái tim anh chì lắm…”
Đào bật cười vì câu trả lời của Đạm.
” Em ở đây để anh đi gặp ông Phát rồi anh trở lại.
” Thôi em đi với anh. Ngồi một mình em sợ…”
” Đi thì đi… Tối lắm em coi chừng…”
” Em nắm tay anh nghen…”
Không đợi Đạm trả lời, Đào quờ quạng giây lát mới nắm được tay của anh. Hai người lom khom và hì hục lội sình đi dần về phía vị trí cố thủ của trung đội 3. Phát đón hai người bằng câu nói giỡn.
” Cô Đào chịu khó lội sình dữ …”
Đào cũng cười nói lại.
” Tôi thay mặt chuẩn úy Trương đi ủy lạo để nâng cao tinh thần của anh em binh sĩ. Tụi nó đánh vào không anh Ba? ”
” Chưa thấy động tịnh gì hết. Chỉ có pháo thôi. Kỳ này tụi nó pháo nhiều hơn trước…”
Tuy Phát nói với Đào, nhưng nghe câu nói này Đạm hiểu là Phát báo cáo tình hình cho mình biết. Đứng dưới giao thông hào lính ghìm súng im lặng chờ địch. Họ chỉ hụp đầu xuống thấp khi nghe tiếng xè xè gần chỗ họ đứng. Pháo thưa dần dần. Tiếng kèn xung phong vang lanh lãnh trong đêm tối. Loa phóng thanh bốn chữ ” hàng sống chống chết ” của bên địch rờn rợn tựa như tiếng quỉ hú ma gào.
” Tụi nó tới…”
Phát la lớn. Lính kéo cơ bẩm xoành xoạch. Thấy Đạm tay không, Phát la lớn.
” Đứa nào có dư khẩu súng đưa cho ông thầy mượn tụi bây…”
Đào nói liền sau khi Phát dứt lời.
” Cho tôi mượn một khẩu…”
Phát cười ha hả. Đứng bên cạnh Phát, Tư Đờn Cò cười hì hì.
” Tôi cho cô Đào mượn khẩu M16 của tôi. Nó bắn ngon lành lắm cô…”
Đào hơi rùng mình vì chất thép lạnh tanh khi cầm lấy khẩu M16. Hơn tháng nay, dưới sự chỉ dạy của Trương nàng đã tập bắn súng. Chỉ tiếc khi nãy chạy xuống giao thông hào để tránh pháo kích, nàng đã quên không mang theo khẩu M16 quen thuộc. Gác khẩu M16 lên mặt giao thông hào, nàng cười nhỏ.
” Cám ơn anh Tư. Tôi mà bắn chết người lính nào của bên địch là tôi nói với thiếu úy Đạm lên chức cho anh…”
Không những Phát, Tư Đờn Cò mà cả Đạm cũng phải bật cười vì câu nói của Đào. Tuy nhiên tất cả đồng ngưng cười khi tiếng loa la vang ” hàng sống chống chết ” cùng với bóng người xuất hiện trên cánh đồng cỏ cao lấp xấp nước. Lính trong đồn vẫn im lìm vì chưa có lệnh bắn. Ghìm khẩu M16 trong tay, Đào liếc nhanh Đạm đứng bên cạnh. Không còn là cậu học sinh hiền từ, nhiều mơ mộng và lãng mạn; Đạm trở thành một người lính đang đối diện với địch quân xuyên qua ánh mắt rực sáng vẻ đanh lạnh, cương quyết và bình tĩnh. Đôi môi mím chặt, quai hàm bạnh ra lộ những bắp thịt; Đạm của nàng, người tình tuổi thơ của nàng quên hết quá khứ, tình yêu và chính bản thân. Anh chỉ biết có một điều giết người hoặc bị người giết. Anh chỉ chăm chú vào sự di động của địch quân đang càng ngày càng tiến lại gần, đang đe dọa sinh mạng của những người lính dưới quyền của mình. Bộc phá phá tung hàng rào kẽm gai. B40 phá tung chông tre và chướng ngại vật.
” Tiến…”
” Xung phong
” Giết mấy thằng lính ngụy…”
” Hàng sống chống chết…”
” Bắn nát đầu tụi nó đồng chí ơi…”
Ngàn tiếng la hét. Ngàn tiếng súng nổ. Quân du kích, lính chủ lực miền, lính cơ động tỉnh theo hai hướng bắc và đông tiến vào. Quan sát tình hình Đạm biết hai trung đội 1 và 2 sẽ chịu áp lực nặng vì nằm đúng vào hai hướng tấn công của địch.
” Bắn…” Khẩu lệnh nổ ra tựa tiếng la đầy phẫn nộ. Garant M2, Carbine M2, đại liên 30, trung liên, M16, M79, M60, lựu đạn M26 nổ ầm ầm. Khói súng bốc mùi hăng hăng. Đạn xói vào thân người. Đạn ghim vào hầm hố. Đợt xung phong đầu tiên của địch hơi khựng lại dưới hỏa lực chính xác của gần trăm tay súng. Tuy nhiên chúng vẫn không lùi lại mà điên cuồng nhào tới dù bị đốn gục dưới hỏa lực của lính trong đồn.
Đạm không bắn. Anh đang bận lắng nghe Xinh và Thắng báo cáo tình hình.
” 1 đây Thanh Đạm… nghe rõ trả lời…”
” 1 tôi nghe Thanh Đạm… Trình thẩm quyền tụi nó có chừng một đại đội đánh vào chỗ của tui…
” 1 đây Thanh Đạm… Anh giữ được không? ”
” Trình thẩm quyền tui giữ được. Chỉ xin thẩm quyền cho thêm đạn…”
” Tôi nghe anh 5/ 5… Tôi sẽ cho người đem đạn lại cho anh…”
Dứt cuộc điện đàm với Xinh, Đạm quay sang Phát.
” Anh Ba bảo vài đứa con của anh tiếp tế đạn cho thằng 1…”
Lãnh lệnh Phát bảo lính mang đạn cho trung đội 1 của Xinh.
” 2 đây Thanh Đạm… nghe rõ trả lời…”
” 2 tôi nghe Thanh Đạm…”
” Bên anh ra sao? ”
” Trình thẩm quyền. Tụi nó đánh tui nặng lắm. Nó có súng bự ông thầy…”
” Tôi sẽ cho một thằng con của anh Ba qua phụ với anh… nghe rõ trả lời…”
” Tôi nghe thẩm quyền 5/5…”
Tay bắn súng, Phát vẫn nghe được cuộc điện đàm giữa Đạm và Thắng. Đạm vừa dứt câu, anh vọt miệng nói.
” Để tôi đi ông thầy. Tôi dẫn tiểu đội 2 qua phụ với Thắng…”
” Anh cẩn thận. Mặt bên đó nặng lắm. Có gì báo cáo cho tôi biết…”
Phát kéo nguyên tiểu đội 2 đi thành ra mặt phòng thủ của trung đội 3 bị hở khiến cho Đạm cũng phải vừa bắn vừa truyền lệnh.
” Bắn Đào… Em bắn vào chỗ gốc cây đó đó…”
Đào mím môi bóp cò khẩu M16 theo hướng tay Đạm chỉ. Tạch… tạch… tạch… Hàng chục viên đạm ghim vào mục tiêu. Có tiếng la tắt nghẹn. Một người mặc áo đen lảo đảo bước đi mấy bước rồi ngã xuống. Ngưng bắn Đào thẩn thờ nhìn bóng áo đen đang nằm yên trên mặt đất. Nàng cảm thấy người như hụt hẩng cùng với trái tim thắt lại khi biết mình vừa bắn chết một người. Dù người đó thuộc phe bên kia, dù người đó là lính du kích của mặt trận, anh ta cũng là đồng bào với nàng. Tự dưng nàng ứa nước mắt rồi như không kềm giữ được nàng bật khóc.
” Đào… Sao vậy? Em bị thương…”
” Em… Em… bắn chết ông đó…”
Đào nức nở ngước lên nhìn Đạm. Người lính chiến thấy khuôn mặt của người tình xưa ràn rụa nước mắt. Buông khẩu súng anh kéo Đào sát vào người rồi dỗ dề.
” Không sao đâu. Em không cố ý…”
Ngừng nói anh chụp lấy khẩu M16 và quét nguyên một băng đạn vào chỗ năm bảy bóng đen tràn tới. Thủ khẩu M60 Tư Đờn Cò hét lớn.
” Mẹ nó… Thằng Hai mày lấy thêm đạn đi mày. Tụi nó dô để tao lo… Bắn… Bắn…”
Bất chấp nguy hiểm, bất chấp hàng rào tác xạ của lính trong đồn, địch quân cứ tiến vào. Rẹt… Rẹt… Tiếng đạn AK cày mặt đất. Tư Đờn Cò hự tiếng nhỏ.
” Thiếu úy… Thiếu úy… Anh Tư ảnh bị rồi…”
Đạm giật mình khi nghe tiếng la của Hai Tầm. Quay qua anh thấy Tư Đờn Cò nằm úp mặt vào khẩu đại liên M60. Nhào tới chỗ Tư Đờn Cò, Đạm la lớn.
” Đào… Em coi anh Tư bị gì đó…”
Đặt Tư Đờn Cò nằm dưới chân mình, Đạm hét vào tai của Hai Tầm.
” Tiếp đạn cho tôi…”
Hướng mũi súng về chỗ đám địch quân đang ào ào tiến tới Đạm miết cò khẩu M60. Hàng chục bóng áo đen gục xuống. Khói súng khét nghẹt. Vỏ đạn nóng bỏng tay. Đám du kích dội ngược trở lại vì bị hỏa lực dữ dội của khẩu đại liên M60. Nhờ vậy mà lính trong đồn có thời giờ củng cố lại vị trí và nhận tiếp tế từ tay vợ con của họ.
” Tụi nó đánh nữa hả thiếu úy? ”
Nhịn lên tiếng hỏi Đạm trong lúc lắp băng đạn vào khẩu M2 của mình.
” Chắc nó ê càng rồi chị. Nhưng chị cứ bảo mấy đứa nhỏ lấy thêm đạn cho chắc ăn…”
Cười gật đầu, Nhịn nói lớn với Hai Tầm.
” Chú Hai cho tôi thêm mấy trái lựu đạn. Tụi nó mà nhào dô lần này là tôi cho nó ăn miểng mảng cầu cho nó ớn…”
Đào ngồi phệt trên mặt đất lầy lội bùn xình, máu và nước mắt. Tư Đờn Cò nằm bất động. Đầu anh ta đặt trên đùi của nàng. Chiếc áo bà ba đen của người lính địa phương quân bê bết bùn xen lẫn máu.
” Anh Tư… Anh đừng chết anh Tư… Anh ráng sống nghe anh Tư. Anh phải sống để đàn cho tôi hát vọng cổ nghe anh Tư…”
Đạm ứa nước mắt khi nghe tiếng nức nở của Đào. Xa đàng kia cũng có nhiều tiếng nấc cùng tiếng kể lể của những người vợ lính khóc chồng vừa hy sinh vì tổ quốc. Mặt đất nhầy nhụa bùn và máu. Thây người chết nằm rải rác khắp nơi. Có xác vắt trên hàng chông nhọn. Có xác kẹt trong hàng rào kẽm gai. Quan sát khung cảnh, Phát chép miệng.
” Mình mệt rồi ông thầy. Mẹ nội lo chôn mấy thằng du kích này cũng đủ mệt rồi…”
Đạm im lặng nhìn Đào đang ngồi ủ rũ bên cạnh xác Tư Đờn Cò.
16
Đứng nơi mảnh đất nhỏ trước hầm chỉ huy, Đạm và Trương chăm chú nhìn mấy chục người lính hò nhau dựng cột cờ. Bảy ngày trước đây địch quân đã pháo kích vào đồn làm gãy cột cờ. Hôm nay họ lại dựng một cột cờ khác cao hơn đồng thời treo lá cờ mới và lớn hơn.
” Lá cờ này đẹp hả anh? ”
Trương lên tiếng khen. Đạm cười đùa.
” Dĩ nhiên là Trương phải khen đẹp vì Đào tự cắt may mà…”
Trương cười hà hà vui thích. Nhìn thấy Đào đang từ phía lớp học đi tới gần, anh nói nhỏ như sợ vợ của mình nghe được.
” Lớp học bị hư hại nhiều khiến cho Đào sùng mấy thằng cha việt cộng lắm…”
Đạm gật đầu móc thuốc đưa mời Trương. Trái với lệ thường Trương cầm lấy điếu thuốc và đốt một cách ngon lành.
” Ủa không sợ bị rầy hả? ”
Đạm cười hỏi. Trương nhẹ lắc đầu.
” Thỉnh thoảng tôi cũng hút cho vui. Đào có phàn nàn rồi đâu cũng vào đó…”
Nói xong Trương bước vào hầm chỉ huy để làm việc. Đạm đứng im ngắm Đào đang đi tới gần. Sau giây phút cầm súng bắn chết một người lính du kích của mặt trận, tâm tình của nàng cũng đã biến đổi chút ít. Tuy vẫn hồn nhiên, vui vẻ, tử tế song đôi khi cũng trầm lặng và suy tư. Ánh mắt phảng phất chút lo âu. Có lẽ nàng sợ sệt và chờ đợi điều gì đó. Có thể là sự chết. Đạm thở dài. Cuộc chiến tranh tự vệ chống lại sự xâm lăng và đô hộ bạo tàn của cộng sản đã khiến rất nhiều người trong số đó có Đào bị mất mát những gì không bao giờ tìm lại được. Anh biết ý nghĩ ” mình đã giết người ” sẽ ám ảnh nàng cho tới hết cuộc đời.
” Đào khỏe không? ”
Đạm hỏi với giọng săn sóc khi nàng dừng lại trước mặt mình.
” Dạ em bình thường. Anh Trương đâu rồi anh? ”
” Trương đang ở trong hầm chỉ huy. Để anh gọi Trương…”
Giơ tay ngăn không cho Đạm gọi Trương, Đào nói nhỏ.
” Em muốn nhờ anh một chuyện…”
Dường như đoán được ý của nàng nên Đạm cười lên tiếng.
” Anh đã xem xét lớp học của em rồi. Bàn ghế và sách vở bị hư hại kha khá. Anh đã bảo ông Thắng đôn đốc lính sửa chữa. Thứ hai tuần tới là em có thể dạy được rồi…”
Đào cười. Hơn tuần lễ nay Đạm mới thấy nàng cười dù là nụ cười vẫn còn phảng phất chút buồn lo. Anh thấp giọng của mình dường như không muốn cho Trương nghe.
” Nụ cười của Đào làm ấm lòng anh…”
Đào ửng hồng hai má vì câu nói đượm tình của Đạm. Liếc nhanh vào trong hầm chỉ huy, nàng nói nhỏ.
” Bây giờ em cảm thấy cười khó còn hơn khóc…”
Đạm cất giọng buồn buồn.
” Quên chuyện đó đi. Em hãy nghĩ là nếu em không giết người ta, người ta sẽ giết em hoặc giết Trương và anh. Em có muốn Trương hoặc em chết? ”
Đào im lặng nhìn ra quãng đồng không mông quạnh ngoài kia. Tia nhìn của nàng thật xa vắng. Có lẽ nàng thấy đâu đó trên mặt đất đen đũi có một thây người chết rã vì viên đạn của mình.
” Anh đói bụng chưa. Đào đã nấu cơm rồi. Anh về nhà tụi này ăn cho vui…”
Thấy Đạm còn ngần ngừ nàng nói tiếp.
” Anh cứng đầu lắm…”
” Anh cứng đầu… ”
Đạm lập lại với chút ngạc nhiên còn Đào mím môi nói nhỏ.
” Dạ đúng như vậy thưa ông đại đội trưởng…”
Phải dằn lắm Đạm mới không bật cười vì câu nói của Đào.
” Em biết chị Nhịn đi về Thới Bình thăm má của chỉ hơn một tuần rồi. Anh và ông Phát ăn cơm quán không hà… Vậy mà em kêu anh về nhà ăn cơm anh không chịu…”
” Anh không muốn bỏ ông Phát ăn một mình tội nghiệp ổng…”
Nghe Đạm lên tiếng bào chữa, Đào bèn nói lời năn nỉ và Đạm không thể nào từ chối trước lời năn nỉ của nàng.
” Em cần anh tội nghiệp em một chút… Em về trước để dọn cơm. Anh và anh Trương về sau. Anh không về nhà ăn cơm là em nghỉ chơi anh luôn…”
Đạm cười khì vì lời đe dọa của nàng. Đợi cho nàng đi giây lát, hít thêm mấy hơi thuốc lá anh mới bước vào hầm chỉ huy cười nói với Trương.
” Đào tới kêu anh em mình về nhà ăn cơm…”
Bỏ mớ giấy tờ xuống bàn Trương cười đứng lên.
” Ăn cơm xong em mời anh ra xóm nhà lá uống cà phê…”
Hai người lần lượt bước ra khỏi hầm chỉ huy. Đốt điếu thuốc Đạm hít một hơi rồi nhả khói ra từ từ. Khu gia binh xác xơ vì trúng đạn pháo kích mà vẫn lính chưa có thời giờ sửa sang lại. May mà vợ con của lính đã xuống hầm núp hoặc chạy ra giao thông hào nên không có ai bị thương.
” Vụ điều tra của Trương đi tới đâu rồi? ”
Đạm hỏi. Ngần ngừ giây lát Trương mới trả lời.
” Chưa có kết quả thưa anh. Mấy người này không xa lạ gì với hai ông Xinh và Thắng hoặc lính trong đồn…”
Liếc nhanh cấp chỉ huy đi bên cạnh, anh tiếp.
” Lý lịch của họ sạch lắm. Tất cả đều có anh em đi lính. Có người cha bị việt cộng giết. Có người anh đi lính quốc gia bị tử trận. Họ thù việt cộng lắm…”
Đạm gật đầu bỏ tàn thuốc xuống đất rồi lấy giày giẫm lên.
” Có thể là anh nghĩ lầm…”
Trương nhìn cấp chỉ huy của mình khi nghe câu nói này. Hơi mỉm cười Đạm tiếp.
” Anh nghĩ là mình có nội tuyến nhưng có thể anh nghĩ lầm… Chờ khi nào vợ ông Phát trở về thời mình sẽ biết rõ ràng hơn. Người em ruột của Phát làm ở ty cảnh sát nói là bốn người lính mà anh nhờ điều tra đều có lý lịch tốt. Họ không nằm trong danh sách những người có liên hệ với việt cộng…”
” Anh muốn hủy bỏ cuộc điều tra? ”
Trương hỏi và Đạm chầm chậm gật đầu nhưng lại nói khác.
” Chắc là như vậy. Anh chỉ nói cho một mình Trương biết thôi. Riêng phần ba ông trung đội trưởng cứ làm như mình vẫn tiếp tục. Anh muốn họ đề phòng. ”
Trương gật đầu quẹo trái để về nhà của mình. Khi họ bước vào cửa Đào đã dọn cơm lên bàn. Mùi cá kho thơm phức. Tự dưng Đạm ước gì mình có một người vợ như Đào. Tuy nhiên anh thầm thở dài vì biết đó chỉ là ước mơ.
Sau khi Tư Đờn Cò tử trận, tía má của anh dọn về Cà Mau và bán cái quán của họ cho một người khác. Quán cà phê nằm cạnh lộ đất đối diện với con rạch đầy nước. Nó cũng là con đường lưu thông quan trọng của dân chúng trong vùng vì con đường lộ thường xuyên bị đấp mô và gài mìn. Cứ mỗi lần con đường đất bị chận là dân làng đều dùng đường thủy cho lẹ và đỡ mất thời giờ hơn. Lính gọi quán cà phê nhưng thực ra là một tiệm tạp hóa bán đủ các thứ. Ngồi trong quán người ta ngửi được mùi cá khô, nước mắm, nước màu hòa trộn với mùi cà phê, thuốc lá và trà. Dù bán cái gì, dù có mùi gì, nó cũng được lính trong đồn ưa chuộng và thăm viếng đều đều. Lý do khiến cho mấy anh lính độc thân và có gia đình thường xuyên ra đây uống cà phê thật giản dị. Bà chủ mới. Bà ta tên Như Hạnh, vì vậy lính gọi là Quán Bà Hạnh.
Khi Đạm với Trương và Đào bước vào Quán Bà Hạnh thời chỉ còn một bàn trống đặt cạnh cửa sổ ngó ra cánh đồng phía bên kia. Mấy người lính cười gật đầu chào Đạm với Trương.
Đào ngồi xuống cái ghế trong góc. Nhìn quanh quất thấy bà chủ quán, nàng thì thầm hỏi Đạm.
” Ai có ý kiến ra đây uống cà phê? ”
Đạm cười cười chỉ Trương. Liếc Hạnh một cái, Đào nhìn Đạm cười chúm chiếm.
” Hèn chi… Hai anh sợ em ra đây làm kỳ đà cản mũi…”
Trương cười hắc hắc không đính chánh mà cũng không nói gì thêm. Đạm cũng cười cười không lên tiếng đính chánh. Hạnh bước tới bàn của ba người ngồi. Nàng tươi cười chào Đạm.
” Dạ chào thiếu úy…”
Quay sang Đào, nàng cười vui vẻ.
” Chào chị Đào…”
” Ủa chị biết tôi à? ”
Hạnh mỉm cười.
” Dạ biết. Chị Nhàn nói với tôi về chị nhiều lắm. Chị đi chợ ngang qua đây hoài nên tôi biết mặt…”
Quay qua Trương, nàng cười nói với Đào.
” Ông này là chuẩn úy Trương, chồng của chị chứ gì. Tôi thấy ổng đi ngang qua đây hoài. Chỉ có thiếu úy Đạm thì ít ra đây hơn…”
Hạnh vừa nói vừa nhìn Đạm. Ông đại đội trưởng cười vu vơ nhìn ra cánh đồng cỏ cao lã ngọn trong cơn gió buổi trưa.
” Dạ thiếu úy, chuẩn úy và cô Đào uống gì? ”
” Chị có trà không. Tôi muốn uống trà…”
Đào trả lời. Đạm với Trương nhìn nhau rồi cũng uống trà. Liếc thấy Hạnh đang lúi húi pha trà, Đào thì thầm với Trương.
” Anh có nói chuyện với chị ấy chưa? ”
” Một lần…”
Thấy vợ trợn mắt, Trương cười tiếp.
” Trưa hôm kia Ba Phát rủ anh ra đây uống cà phê nên anh mới biết chỉ…”
Quay qua Đạm, Trương cười cười.
” Quen biết gì đó với Ba Phát. Quê ở Cái Nước. Có chồng đi lính sư đoàn 21 đóng ở ngoài quận Quản Long. Sau khi chồng chết chỉ trở về quê ở Cái Nước rồi xuống đây mở quán…”
Đạm gật gù. Trương nói với vợ.
” Anh rủ em ra coi mắt chỉ. Nếu được thời mình giới thiệu cho anh Đạm…”
Không biết nghĩ gì mà Đào nhìn Đạm rồi cười nói đùa.
” Em coi chỉ cũng còn trẻ mà cũng văn minh lắm. Em làm mai cho anh nghen? ”
Tuy gượng cười và không trả lời câu hỏi của Đào, Đạm cảm thấy vui vui vì cử chỉ của nàng. Anh để ý thấy hôm nay nàng đã cười hai lần.
” Thôi đi anh sợ lắm…”
Hạnh bước ra. Hai tay của nàng bưng cái khay trên đựng một bình trà nhỏ và ba cái chén nhỏ.
” Chị Đào với thiếu úy và chuẩn úy uống thử. Trà này chắc không ngon bằng Sài Gòn đâu. Lần sau quý vị trở lại tôi mời uống trà Bảo Lộc…”
Đào nhìn trái dừa khô đặt trước mặt mình. Hồi còn nhỏ nàng đã được nghe ba nói về bình trà bằng trái dừa khô này. Người ta cắt trái dừa khô, khoét lấy cái ruột bên trong ra rồi bỏ bình trà vào để giữ hơi ấm. Trái dừa này được làm cầu kỳ hơn và đẹp mắt hơn vì người ta đánh bóng cái vỏ ngoài ra còn khoét cái ruột bên trong đúng với hình dáng và kích thước của bình trà.
” Để tôi rót cho chị Đào thử…”
Nhấc lấy bình trà Hạnh rót vào cái chén hột mít xong đặt trước mặt của Đào. Hương trà thơm thoang thoảng. Đào thong thả nhấc chén trà lên mũi, hít hơi thật dài rồi thở ra xong mới hớp một ngụm nhỏ. Lim dim mắt nàng cười nói với Hạnh.
” Ngon… Chị mua trà ở đâu mà ngon vậy? ”
Thấy Hạnh đang đứng nhìn mình với nụ cười tươi tắn, nàng cười nói tiếp.
” Ba tôi thích uống trà lắm cho nên ổng có dạy sơ cho tôi cách pha trà và uống trà…”
Nhìn hai người đàn ông đang ngồi cùng bàn với mình, nàng thong thả thốt.
” Hồi còn nhỏ ba của em hay rầy mấy ông anh về cách uống trà. Mấy ông anh thường nốc ừng ực hết ly này sang ly khác…”
Đứng bên cạnh, Hạnh cười phụ họa cho lời của Đào.
” Ba tôi gọi cách uống trà ừng ực nguyên cả ly là ngưu ẩm…”
Đào ré lên cười hắc hắc vì Hạnh nói đúng ý của mình. Ngoài mặt thời cười vui vẻ nhưng trong lòng nàng thầm ngạc nhiên vì những lời của Hạnh. Thái độ và cách nói chuyện chứng tỏ Hạnh, tuy sinh quán ở nơi quê mùa nhưng đã được đi học, ít nhất cũng cỡ trung học. Nghĩ như vậy nên nàng tìm cách dò hỏi về người đàn bà này.
” Chị pha trà với nước mưa? ”
Gật đầu cười Hạnh trả lời.
” Dạ… Tiếc là ở Cà Mau này không có hồ sen để tôi hứng sương lấy nước pha cho cô uống…”
Đạm nhìn Hạnh với chút ngạc nhiên. Tuy không thích trà nhưng hồi còn đi học anh biết khá nhiều chuyện lý thú về trà cũng như lối tiêu khiển phong lưu và tao nhã của người xưa. Bây giờ ngồi uống trà ở vùng đất tận cùng của đất nước, bỗng dưng có người gợi nhớ tới chuyện uống trà của người xưa khiến cho anh hồi tưởng lại đêm mưa thuở nào, nằm đắp mền, ăn đậu phọng rang đọc Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân.
” Thiếu úy uống thử nghen thiếu úy…”
Tuy miệng nói ” thiếu úy ” song Hạnh cũng rót trà ra chén cho Đạm và Trương. Dĩ nhiên ông đại đội trưởng phải vâng lời cầm chén trà lên uống một ngụm nhỏ. Anh không thể nào từ chối lời mời mọc của bà chủ quán có cặp mắt lá răm long lanh, đôi môi son cùng với nụ cười tươi tắn và lời nói dịu dàng, thân mật.
” Hương hoa lài thơm… Trà này ngộ quá. Hương hoa lài thơm nhưng anh vẫn ngửi được hương trà. Cả hai thứ hòa với nhau thành một mùi đặc biệt…”
Đạm nói. Trong lúc nói anh nhìn Đào cho nên không thấy được ánh mắt ngạc nhiên của Hạnh. Đào trầm ngâm.
” Anh nói đúng. Em cũng ngửi như vậy…”
” Tía của tôi pha đó. Ổng mua trà của một tiệm quen ở Sài Gòn rồi đem về ướp hoa lài. Ổng cho tôi một hộp. Gặp cô Đào với thiếu úy và chuẩn úy tôi mới đem ra mời…”
Đào nhìn Hạnh với ánh mắt thân thiện.
” Cám ơn chị…”
Hạnh nói câu xin lỗi với ba người vì phải đi tính tiền. Đào cười thì thầm với Đạm.
” Anh chịu hông? ”
Đạm cười không trả lời. Trương nói với vợ.
” Coi bộ ảnh chịu đèn rồi. Chỉ còn trẻ đẹp, ăn nói có duyên và vui vẻ. Anh nghĩ chỉ phải đi học…”
” Em cũng nghĩ như anh…”
Đào nháy mắt với chồng khi thấy Đạm ngồi im. Tay cầm chén trà đưa lên nhưng không uống, anh nhìn sang bên kia quãng đồng không mông quạnh. Ánh mắt đăm chiêu, mơ hồ như mất hút vào cõi mộng ảo nào đó của riêng mình. Lúc hai giờ chiều quán bắt đầu th ưa khách chỉ còn lại ba người.
” Thiếu úy thích nghe nhạc? ”
Đang ngồi mơ mộng, Đạm ngước lên khi nghe tiếng bà chủ quán nói bên tai.
” Nhạc gì vậy chị? ”
Đào lên tiếng hỏi trước nhất. Hạnh cười cười.
” Tiền chiến, phản chiến hay tình cảm. Cô Đào thích nghe loại nào?
Đào chưa kịp trả lời, Đạm hỏi liền.
” Nhạc yêu cầu được không chị? ”
” Với ai thời không được nhưng với thiếu úy thời chắc được…”
Trương bật cười hắc hắc còn Đào cũng mỉm cười vì câu trả lời ý nhị của Hạnh. Câu trả lời của nàng khiến cho Đạm cười gượng liếc nhanh Đào. Anh càng thêm lúng túng khi bắt gặp ánh mắt là lạ của nàng.
” Thiếu úy muốn yêu cầu bản gì. Mộng Dưới Hoa được không thiếu úy? ”
Đạm cười im lặng và sự im lặng của anh có nghĩa không phản đối. Nhạc cất lên chơi vơi, lãng đãng trong không khí tĩnh mịch và quạnh hiu, chạy lan dài trên mặt nước và tan trong cơn gió lùa đồng cỏ xanh cao ngút ngàn. Sống ở vùng đèo heo hút gió này cho tới hôm nay anh mới tìm ra nhiều điều lý thú. Ngồi nhìn cảnh vật hoang sơ, tiêu điều, uống trà và nghe nhạc anh mới nghiệm ra sự hòa hợp của âm nhạc và cảnh vật. Nó dễ làm cho anh mơ mộng. Nó đem lại chút an bình trong tâm hồn. Tiếng hát của người ca sĩ mà anh không nhớ tên cất lên lãng đãng, mơ hồ, bập bùng trong trí não.
– Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng
Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối
Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu
Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
Và nguyện muôn chiều ta có nhau
Tiếng người cười nói ồn ào khiến cho Trương cau mày. Lính ở đây thích cãi lương, vọng cổ hơn tân nhạc. Thành ra khi nhạc mở lên là họ nói chuyện ồn ào. Đào đá nhẹ vào chân của Đạm rồi hất đầu về phía Hạnh đang lui cui lựa nhạc và hát nho nhỏ theo nhạc của bản Mộng Dưới Hoa.
– Tôi cùng em mơ những chốn nào
Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao
Sánh vai một mái lầu phong nguyệt
Hoa bướm vì em nâng cánh trao
Hy vọng thơm như má chớm đào
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
Hòa lệ ân tình nuôi khát khao
Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta xây thành mộng nhìn thu
Núi biếc, sông dài ghi nhớ
Ôi chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
Bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mơ…
Đào và Trương nhìn Đạm khi nghe anh chợt buông tiếng thở dài hắt hiu. Ngay cả Hạnh dù ngồi nơi quày tính tiền khá xa cũng nghe được tiếng thở dài của ông lính xa lạ mới gặp mặt lần đầu tiên. Chỉ riêng Đạm mới biết tạo sao mình lại thở dài. Anh cảm thấy sự trống vắng trong tâm hồn của mình.
” Anh uống thêm trà? ”
Đào hỏi và Đạm gật đầu đưa chén cho nàng rót. Đặt bình trà về chỗ cũ Đào nói bâng quơ. Giọng nói của nàng mang âm hưởng buồn buồn và nuối tiếc. Dường như nàng nói với mình và có thể nói với một hoặc cả ba người ngồi trong quán.
” Nhớ Sài Gòn quá. Có đi xa mình mới thấy nhớ Sài Gòn phải không hai anh? ”
Trương ậm ừ như đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì. Còn Đạm chỉ mỉm cười im lặng.
” Nhà chị Đào ở đâu? ”
Hạnh gợi chuyện. Đào vui vẻ trả lời.
” Dạ tôi ở Thị Nghè… Chắc chị Hạnh có lên Sài Gòn chơi? ”
” Tôi ở Sài Gòn mấy năm…”
Hạnh cười buồn sau khi trả lời. Đạm nhìn Đào và bắt gặp nụ cười ranh mảnh của nàng. Lại một khám phá mới về bà chủ quán.
” Tôi lên Sài Gòn học. Gặp anh Tuấn. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau. Ảnh bị động viên. Ra trường vì thương tôi nên ảnh xin đổi về sư đoàn 21 ở Cà Mau… Một năm sau ảnh chết và tôi thành góa phụ…”
Lời nói của Hạnh đứt đoạn, rời rạc song cũng đủ nghĩa để người khác hiểu.
” Chị ở đâu? ”
” Dạ tôi ở Tân Định. Tôi học Trưng Vương… Tôi học ở Cà Mau hết lớp 9 tía má tôi cho lên Sài Gòn học tiếp. Đậu tú tài là tôi đi lấy chồng…”
Đạm bắt gặp cái nhìn hóm hỉnh của Đào.
” Trái đất tròn…”
Đào nói ba tiếng và chỉ có mình Đạm may ra mới hiểu nàng muốn nói điều gì.
” Tôi cũng học Trưng Vương…”
Đào quay lại cười nói với Hạnh. Có lẽ vì ngạc nhiên nên Hạnh bước tới bàn ba người đang ngồi.
” Vậy mình bạn học với nhau rồi. Đào học năm nào? ”
” Dạ tôi ra trường năm 73…”
” Vậy là Đào ra trường sau tôi một năm…”
Nhìn Đạm với Trương, Hạnh cười duyên dáng.
” Thiếu úy với chuẩn úy chắc là ra trường trước tôi với Đào…”
Uống cạn chén trà nóng, Trương trả lời.
” Tôi ra trường trước chị một năm…”
” Tôi ra trường từ hồi một ngàn chín trăm lâu lắm nên quên mất năm nào rồi…”
Đạm nói đùa và Đào buông gọn hai tiếng.
” Anh xạo…”
Đạm nhìn Hạnh.
” Tôi ra trường năm 70…”
” Thiếu úy học trường nào? ”
Nhìn Hạnh giây lát, Đạm mới lên tiếng.
” Tôi xin chị bỏ hai tiếng thiếu úy đi. Nếu chị bằng lòng thời tôi mới trả lời câu hỏi của chị…”
Hạnh cười thanh thoát.
” Dạ…. Tôi xin nghe lời anh Đạm…”
Uống ngụm trà, hít hơi thuốc Đạm nói chậm.
” Tôi học Võ Trường Toản…”
Hạnh bật lên tiếng cười vui như vừa gặp lại bạn thân lâu ngày xa cách.
” Hèn chi thấy anh Đạm lần đầu tôi có cảm tưởng đã gặp anh đâu đó. Chắc có lẽ trên đường đi học về…”
Tới phiên Đào cười hắc hắc. Đạm đỏ mặt vì tiếng cười ẩn ước chế nhạo của nàng. Dường như có ý nghĩ nào đó nên Đào cười nói với Hạnh.
” Chị ngồi nói chuyện cho vui…”
Đạm lừ mắt với Đào nhưng nàng lờ đi. Ngoài ra nàng còn đứng lên nhắc lấy cái ghế bàn bên cạnh rồi mời Hạnh ngồi xuống cạnh Đạm. Tuy nhiên khi Hạnh ngồi xuống thời không khí lại lặng trang vì dường như bốn người đều không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào. Cuối cùng Trương phải tằng hắng tiếng nhỏ rồi cười hỏi Hạnh.
” Chị bà con ra sao với anh Xinh? ”
Thấy Hạnh do dự, anh cười tiếp.
” Tôi hỏi cho vui chứ không có điều tra lý lịch của chị đâu. Chị không cần phải trả lời…”
” Có gì đâu mà phải giấu anh. Ông nội của anh Ba với ông nội của tôi là anh em ruột. Ảnh là vai em nhưng vì ảnh lớn tuổi nên tôi kêu ảnh là anh Ba…”
Đạm cười góp chuyện.
” Chị Hạnh còn trẻ đẹp mà tại sao người ta lại gọi cái quán này là Quán Bà Hạnh. Gọi Quán Như Hạnh thời đúng hơn…”
Đào đá vào chân của Đạm một cái thật mạnh. Anh biết cái đá chân biểu lộ sự ghen tức vì anh khen Hạnh trẻ đẹp.
” Cám ơn anh Đạm… Để tôi pha thêm cho quý vị bình trà mới…”
Như để che giấu mắc cỡ, Hạnh cầm lấy bình trà đi vào trong bếp. Trương nháy mắt với vợ rồi cười một mình. Đào làm thinh không nói. Hạnh trở ra với bình trà mới bốc khói.
” Anh Đạm uống thêm? ”
Không đợi Đạm trả lời, Hạnh rót vào chén cho anh rồi rót cho Đào với Trương. Đặt bình trà về chỗ cũ, nhìn con rạch đầy nước và khu rừng cỏ cao ngút ngàn nàng thở dài nhè nhẹ.
” Ở đây buồn quá…”
Hạnh ngừng nói khi thấy ba người ngồi cùng bàn nhìn mình với ánh mắt là lạ. Họ không ngờ cũng có người ở đây lại có cùng ý nghĩ như họ. Đưa tay xem đồng hồ, Đạm nói với Trương.
” Hai đứa ở chơi anh phải về liên lạc với chi khu…”
” Tụi em cũng về…”
Trương lên tiếng. Đạm giành trả tiền song Trương không chịu. Đứng nhìn theo ba người khách đi trên con đường đất, không biết nghĩ gì mà nét mặt của Hạnh lộ vẻ đăm chiêu.
Mưa rả rích. Gió dập vào vách lá thành âm thanh buồn buồn. Hạnh nằm ngửa mặt nhìn lên nóc mùng trắng ngà. Chiếc đèn dầu lửa sáng mù mù. Muỗi kêu vo ve ngoài mùng. Ở vùng này không mưa đã buồn mà mưa càng buồn hơn nhất là mưa vào ban đêm. Trơ trọi. Nàng chỉ nghĩ ra được hai tiếng này để diễn tả đời sống của mình ở vùng đất tận cùng của đất nước. Chỉ cách biển mươi cây số mà đi hoài không tới bởi vì mấy anh du kích không cho ai đi vào khu giải phóng của họ. Con rạch nước đục ngầu phù sa và mặn chát. Những cây tràm, đước khẳng khiu đứng như một chứng tích của tàn phá hay sự sống sót ngặt nghèo bởi thuốc khai quang. Hạnh lại trở mình nằm nghiêng, rút chân lên vì lạnh. Nước mắt từ từ ứa ra rồi chảy thành dòng xuống môi mằn mặn. Quãng đời cũ. Hình ảnh mông lung nhạt nhòa. Khuôn mặt của Tuấn. Người đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc. Người tình của tuổi học trò. Anh tới thật nhanh. Ra đi cũng bất ngờ. Không lời báo trước. Không một câu giã từ. Chỉ là thân xác bất động. Vết thương nhỏ ngay ngực. Vết thương đã giết chết đời anh và cũng làm tàn lụi dần đời em. Một người đàn bà chết chồng khi mới được 21 tuổi. Hằng đêm nằm co ro nàng lắng nghe mưa rơi trên mái nhà, để mơ, để moi móc kỷ niệm, lục lọi quá khứ mà cảm thấy tâm hồn hiu quạnh và lẽ loi.
Hạnh lại trở mình. Nàng đưa tay mò mẫm tìm cái máy hát băng. Nhạc cất lên ẩm mục trong không khí nằng nặng hơi nước hòa lẫn trong tiếng thở dài âm thầm hắt hiu.
– Đêm đã khuya rồi sao ngủ không yên.
Nghe tiếng mưa rơi nức nở trong tim.
Nhìn vào phố cũ tôi quen
Nhìn vào ngõ tối không tên
Chạnh lòng nhớ đến người yêu.
Anh nhớ năm nào vui buồn bên nhau.
Nay đã qua rồi biết tìm nơi đâu?
Tìm về dĩ vãng năm xưa
Tìm về những lúc mưa khuya
Ghi thành câu hát người ơi!
Hạnh bật lên tiếng thở dài. Tại sao nàng cứ mãi thương tiếc một người đã nằm sâu trong lòng đất lạnh. Nàng còn trẻ, đẹp, còn có thể tìm một người đàn ông khác để làm lại cuộc đời. Khuôn mặt của một người hiện ra trong bóng tối mông lung. Cũng là lính như Tuấn. Cũng ở Sài Gòn. Cũng dễ thương. Cũng hiền hậu. Người lính chiến có ánh mắt thẳm buồn. Tia nhìn mệt mỏi vì thiếu ngủ. Giọng nói trầm khàn vì ưu tư. ” Hèn chi thấy anh Đạm lần đầu tôi có cảm tưởng đã gặp anh đâu đó. Chắc có lẽ trên đường đi học về…” Hạnh mỉm cười tự hỏi tại sao nàng lại nói ra như vậy. Phải chăng hẹn hò từ kiếp trước…
– Mưa ơi!
Này mưa có phải mưa thương nhớ ai?
Có phải mưa than khóc ai?
Mang kiếp tha hương bao năm giang hồ.
Không biết bây giờ anh ở nơi đâu ?
Anh nỡ quên em những ngày buồn vui.
Đừng để tan nát tim em,
Đừng để phòng vắng cô đơn
Người về xin nhớ đừng quên…
Tiếng mưa rơi buồn từ từ đưa Hạnh vào giấc ngủ trong đó nàng thấy Đạm một mình trở lại uống trà vào buổi sáng sớm có sương mù đọng trên cánh đồng cỏ cao lã ngọn. Anh ngồi nhìn ra con rạch cạn nước và nhìn nàng với ánh mắt thật buồn.