GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 2: Tất cả cho Hoàng-Trường Sa

Giấc Mộng Việt Nam

         Quyển 2  

Tất cả cho Hoàng-Trường Sa 

TC hoang trương sa

TẬP 4

NHỮNG KẺ

THAM BẦN PHỤ PHÚ

 

19.

Chiếc Boeing 747 của Singapore Airlines chạm bánh xuống phi đạo của phi trường Dương Đông vào một ngày khô ráo và mát mẻ. Hành khách lục tục bước xuống. Thúy Nhi là người sau cùng rời máy bay. Tà áo dài màu thiên thanh của cô bay bay trong gió. Xuống hết cầu thang cô dừng lại nhìn bao quát khung cảnh của phi trường rộng lớn với hàng chục chiếc phi cơ đủ loại nằm im trong nắng chiếu lấp lánh mái nhà màu đỏ của khu chứa máy bay đồ sộ. Chiếc xe chở hành khách trờ tới. Mọi người lần lượt leo lên. Thúy Nhi cũng là người sau cùng bước lên để rồi cũng là người sau cùng xuống xe đi vào hành lang dài vào phòng đợi, nơi có một người đang chờ.

– Xin lỗi chị… Chị có phải là chị Thúy Nhi?

Một cô gái còn trẻ, mặc quần jean áo sơ mi ngắn tay đứng chực nơi cửa cười hỏi Thúy Nhi.

– Chính tôi… Em là ai vậy?

Đưa tay ra bắt tay Thúy Nhi, cô gái tươi cười, nhỏ nhẹ trả lời một cách lễ phép.

– Dạ em tên Nhàn, nhân viên mới của hãng. Chị Nhiều biểu em ra đây đón chị…

Thúy Nhi gật đầu mỉm cười.

– Vậy à… Chị em mình đi lấy hành lý…

Nhàn đon đả đi trước. Chừng mươi phút sau, hai người ngồi vào chiếc Honda Civic nhỏ nhắn do Nhàn lái rời khỏi phi trường. Gió man mát có mùi rong rêu và thum thủm. Quay cửa kính xuống, Thúy Nhi thò đầu ra ngoài. Hít hơi dài không khí trong lành của vùng hải đảo, cô cười lên tiếng.

– Mát quá… Thơm quá…

Đang lái xe, Nhàn quay qua cười hỏi Thúy Nhi.

– Em nghe nói hình như chị tính về đây ở luôn hả chị?

Thúy Nhi gật đầu cười.

– Ừ… Hai mươi mấy năm xa xứ đủ rồi… Tôi đã bán hết hãng xưởng ở bên Singapore rồi. Chỉ còn giữ lại công ty ở Phú Quốc thôi… Về đây vừa làm vừa chơi cho khoẻ thân già…

Nói xong nàng bật cười hắc hắc. Nhàn cũng cười lên tiếng.

– Mèn ơi… Chị mà già… Nếu chị Nhiều hổng có nói tuổi chị trước thì khi gặp chị em cứ tưởng chị chừng hai mươi. Chị vừa đẹp, vừa sang và quyến rũ… Đàn ông con trai mà thấy chị họ mê chết…

Thúy Nhi bật cười hăng hắc vì câu nói đậm chất nhà quê của Nhàn.

– Cám ơn em. Chị coi trẻ vậy chứ cũng quá ” date ” rồi em ơi… Em có gia đình chưa?

– Dạ chưa… Em mới có bồ… Ảnh là lính…

Thúy Nhi im lặng không nói gì thêm. Cô lơ đãng nhìn ngắm cảnh phố phường của Dương Đông. Từ lúc Phú Quốc vì lý do thời cuộc, trở thành nước Việt Nam thời thị trấn biển nhỏ bé này thêm quan trọng và đông đúc hẵn lên. Phi trường Dương Đông biến ra phi trường quốc tế có đủ sức đón nhận các loại máy bay thương mại của các hãng hàng không nước ngoài. Bên cạnh đó còn có thêm khu vực quân sự của không quân rộng mênh mông.

– Dạ… Chị muốn về nhà hay tới văn phòng?

Nhàn lên tiếng hỏi. Không do dự Thúy Nhi đáp.

– Em vui lòng đưa chị về nhà… Chị muốn nghỉ khoẻ hôm nay rồi mai sáng tới sở cũng được…

– Dạ… Chị sẽ thích ngôi nhà của chị…

– Sao em biết?

– Dạ… Em là người lo chỗ ở của chị mà… Từ nhà chị ra biển chừng vài chục bước thôi. Sau nhà là đồi núi còn trước mặt thì biển… Ui… chiều chiều chị thả bộ ra biển…

Thúy Nhi mỉm cười.

– Cám ơn em… Chị thích yên tịnh mà vùng Vũng Bầu lại ít người ở hơn những chỗ khác. Chị cũng thích Cửa Cạn nữa… Khi nào công việc làm ăn đâu vào đấy rồi chị sẽ mở tiệc mời hết nhân viên lên nhà chơi…

Nhàn quẹo xe vào con lộ tráng nhựa chạy dọc theo bờ biển. Thúy Nhi chép miệng nói tiếp.

– Chị đi nhiều nơi lắm nhưng không đâu đẹp bằng quê hương của mình. Chị nghĩ là mình quyết định đúng khi hồi hương…

Liếc nhanh cô chủ trẻ đẹp đang ngồi bên cạnh, Nhàn cười nhẹ lên tiếng.

– Em thì em cám ơn về quyết định hồi hương của chị lắm. Nhờ chị về đây mà em mới được chị Nhiều nhận vào làm thư ký riêng của chị…

– Thư ký riêng của chị…

Thúy Nhi kêu nhỏ trong lúc quay nhìn Nhàn với chút ngạc nhiên.

– Dạ… Em phụ trách giấy tờ, sổ sách, lập thời khoá biểu… Ngoài ra em cũng có thể giúp chị vài việc khác… Em có BFA…

Lắc lắc đầu Thúy Nhi cười nói.

– Em có Bachelor of Fine Arts mà làm thư ký thì uổng quá… Hổng được đâu… Chị hổng chịu để cho một graphic designer làm thư ký riêng đâu… Mà thôi để mai mốt chị em mình tính lại nghen… Chị sẽ tìm cho em một chức vụ tương xứng với khả năng của em…

Nghe Thúy Nhi nói, Nhàn bật cười hắc hắc.

– Chị Nhiều khen chị lắm. Chỉ nói chị là chủ mà hổng có bossy như nhiều chủ khác. Chỉ nói chị hiền lành và tốt bụng lắm. Bây giờ gặp em mới biết chị còn tốt hơn nữa…

Thúy Nhi nói nhỏ một hơi dài.

– Tại vì hồi còn nhỏ chị cũng đi làm công nên hiểu được nỗi khổ nhọc của người làm công. Ngày xưa ba chị chết, má chị nghèo quá nuôi hổng nổi nên cho chị làm con nuôi của người khác. Ba má nuôi của chị tử tế và thương chị lắm. Họ cho chị đi học rồi sau này đi làm dành dụm tiền mở hãng riêng. Nhờ trời phật thương và cũng biết cách làm ăn nên chị mới khá lên… Ui đẹp quá… Biển đẹp và sạch quá…

Nhàn cười đưa tay chỉ.

– Chị thấy cái nhà nhỏ ở trên đồi cao đó hông. Nhà của chị đó…

Thúy Nhi trầm trồ khi thấy ngôi nhà lợp ngói đỏ nằm trên cao. Lát sau xe quẹo vào con đường đá đỏ mịn và sạch trơn. Hai bên đường lác đác những cây cổ thụ thấp cành lá rì rào trong gió biển. Xe dừng trước cửa. Bước ra khỏi xe, để cho Nhàn xách hành lý của mình vào trong nhà, Thúy Nhi đứng nhìn bao quát phong cảnh. Sau lưng đồi không cao lắm. Trước mặt biển xanh ngút ngàn. Sóng vỗ ì ầm miên man. Đây là nơi mà nàng sẽ trú ngụ có thể hết đời mình ở Phú Quốc nếu không có gì xảy ra trong tương lai.

– Xong rồi chị… Chị nghỉ ngơi cho khoẻ… Em có thức ăn trong tủ lạnh cho chị. 9 giờ sáng mai em sẽ lên đây đón chị tới văn phòng…

Đứng nhìn theo bóng chiếc xe xuống đồi rồi mất hẵn sau khúc quanh Thúy Nhi mới lửng thửng bước vào nhà. Quan sát hồi lâu cô thầm cám ơn sự trang hoàng và xếp đặt của Nhàn. Cô nhân viên có cái nhìn rất mới lạ về cách chưng bày đồ đạc bên trong. Giản dị chứ không cầu kỳ; phóng khoáng và thoáng mát chứ không quá chật chội và chi tiết trong cách trang trí. Giản dị và phóng khoáng tạo cho người ta nhiều thoải mái và ấm cúng. Bước tới cửa sổ đang mở rộng cho gió biển lùa vào, nhìn xuống bãi biển chói chang ánh nắng và xa ngoài mặt nước thuyền đánh cá dật dờ trôi, cô cảm thấy tâm hồn mình thật yên bình và thanh thản.

Xe vừa tắt máy, Nhàn thấy cô chủ mở cửa bước ra liền.

– Dạ chào chị… Chị mặc áo dài đẹp quá…

Nhàn lên tiếng khen khi thấy cô chủ diện chiếc áo dài màu hoàng yến. Mở cửa ngồi vào ghế Thúy Nhi cười nhẹ.

– Cám ơn em khen… Ở đây mình tha hồ mặc áo dài … Ở xứ người mà diện áo dài thì trăm con mắt ngó mình lom lom…

– Vậy hả chị… Trước nhà nước bắt ai ra đường cũng phải đội nón bảo hiểm nên ít có người chịu mặc áo dài. Họ bảo mặc áo dài mà đội cái nồi cơm điện lên đầu thì dị hợm quá chẳng giống con giáp nào hết. Từ lúc chánh phủ mới bãi bỏ cái vụ đội nồi cơm điện thì tụi em mới bắt đầu mặc áo dài trở lại…

Thúy Nhi gật đầu lia lịa.

– Phải rồi… Ai mà mặc áo dài uyển chuyển thướt tha lại đội cái nồi cơm điện lên đầu. Mấy ông lớn của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đúng là không có con mắt mỹ thuật nên mới không nhìn ra cái sự dị hợm của chuyện mặc áo dài mà đội nón bảo hiểm…

Nhàn bật cười hắc hắc sau khi nghe Thúy Nhi nói.

– Chị có cần em chở chị đi ăn sáng không?

Thúy Nhi nhẹ lắc đầu.

– Chị ăn rồi… Thức ăn mà em mua chị ăn tới mai cũng chưa hết… Chiều nay chị tự lái xe về nhà được khỏi mắc công em đưa đón…

Nhàn dạ tiếng nhỏ im lặng lái xe. Chừng mười lăm phút sau cô dừng xe lại trước căn phố hai tầng có tấm bảng đề: Thúy Nhi-Công Ty Đồ Họa Kiến Trúc. Ở dưới có hàng chữ nhỏ hơn viết bằng tiếng Anh: Thuy Nhi- Architectural Designs Inc. Vừa mở cửa xe Thúy Nhi thấy Nhiều bước ra chào đón. Hai người bạn thân tay bắt mặt mừng cười nói vui vẻ. Nhiều thân đưa Thúy Nhi, vừa là bạn vừa là chủ của mình đi hết các phòng ốc để biết mặt nhân viên và công việc làm của họ. Cuối cùng hai người trở lại văn phòng riêng của Thúy Nhi. Quan sát văn phòng của mình giây lát, cô cười thốt.

– Cám ơn bạn đã lo cho mình chỗ ở mà mình rất thích. Bây giờ lại thêm cái phòng rất vừa ý…

Nhiều gật đầu nói với giọng cảm động.

– Mình rất vui khi Thúy Nhi dọn về đây. Vừa có người đỡ đần công chuyện và cũng có thêm người bầu bạn với mình. Công việc nhiều quá nên cần có ” bồ ” để trông coi. Phú Quốc bây giờ người ta đổ về đông lắm. Chỉ có mấy năm mà đã gần nửa triệu người rồi. Tụi này vừa lo vẽ kiểu nhà vừa lo phần kiến trúc và trang trí bên trong mệt ứ hơi luôn. Bồ lãnh phần vẽ kiểu nhà thì tôi lo phần trang trí…

Thúy Nhi cười nhìn Nhiều khi nghe cô ta gọi mình bằng tiếng gọi ” bồ ” quen từ hồi còn nhỏ. Ngừng lại giây lát Nhiều cười tiếp.

– Phú Quốc có ba công ty xây cất mà công ty nào cũng làm ăn phát đạt lắm. Sắp sửa có vụ đấu thầu xây cất doanh trại cho hải quân. Vì vậy mà mình bù đầu vì vẽ hoạ đồ trong ngoài luôn…

Hai người bàn bạc, chuyện trò tới gần một giờ trưa mới tạm nghỉ đi ăn trưa. Từ đó Thúy Nhi bận bù đầu. Tuần lễ sáu ngày, 10 tiếng một ngày, cô làm việc từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối mới về nhà. Phải mất hơn ba tháng cô mới giải quyết hết mọi công việc còn ứ đọng.

Trăng mênh mông trên bãi biển vắng người. Gió nhẹ chỉ vừa đủ ru hàng cây dương dọc theo bờ đất cao chạy song song với bãi cát. Sóng vỗ rì rầm hoài huỷ thành âm thanh buồn và quen thuộc. Mỗi đêm cứ vào khoảng 8 giờ, Thúy Nhi lại thả bộ trên bãi biển vài vòng rồi tới chỗ ngồi nhất định để ngắm biển thật lâu mới trở về nhà. Đêm nay theo lệ thường thêm trăng sáng nữa nên cô không thể bỏ qua cuộc đi dạo trên bãi biển dưới ánh trăng mùng mười. Đi gần tới chỗ ngồi quen thuộc mà mình thường ngồi mỗi đêm, cô thấy bóng một người đã ngồi lên chỗ của mình. Hơi cau mày vì khó chịu cô đi lại gần hơn mới nhận ra đó là một người đàn ông. Im lặng đi qua khỏi chỗ người đó ngồi chừng trăm bước cô vội quay trở lại. Khi gần tới chỗ người này ngồi cô cố tình đi sát và đi phía trước mặt để nhận diện xem người này là ai mà vô duyên dám chiếm chỗ ngồi của mình. Nhờ ánh trăng sáng với lại đi sát vào tảng đá dùng làm ghế ngồi, cô mới thấy người đàn ông cả gan và vô duyên này là một thanh niên, mặc quần jean, áo thun ngắn tay và đi chân trần. Đôi giày thể thao hiệu Nike nằm lăn trên cát. Anh ta có cách ngồi thật lạ. Từ nào tới giờ cô chưa thấy ai có cái kiểu ngồi dị hợm như anh ta. Ngồi bệt trên tảng đá, hai chân rụt lại, lưng cong xuống sát vào đùi, hai tay vòng lấy hai chân, mắt anh ta nhìn đăm đăm ra biển xa ngoài kia. Đi qua mặt anh con trai chừng vài chục bước, cô quay trở lại. Lần này cô đi thật chậm và thật gần sát chỗ anh ta ngồi hơn lần trước như cố ý cho anh ta thấy mình, biết có người đang quấy rầy. Cô muốn đòi lại chỗ ngồi của mình bằng cách làm cho anh con trai này bực bội phải bỏ đi chỗ khác. Đi thêm chừng năm chục bước rồi quay trở lại cô thấy anh ta vẫn như cục đá ngồi lù lù trước mặt mình.

– Người đâu mà lì quá…

Thúy Nhi lẩm bẩm. Khi gần tới chỗ ngồi, cô nhận ra anh ta vẫn ngồi với cái kiểu dị hợm đó, song thôi không nhìn biển nữa mà ngước đầu lên nhìn vầng trăng sáng huyền hoặc đang treo lơ lửng trên nền trời lắm mây khiến cho ánh trăng khi mờ khi tỏ, lúc tối lúc sáng buông thả từng sợi ánh sáng xuống bãi cát vàng, mặt nước biển xanh óng ánh như có sao và luôn cả bóng người ngồi im.

– Trăng với biển là của riêng tôi. Anh hông được nhìn a… Hư là tôi bắt đền…

Thúy Nhi lên tiếng lúc đi ngang qua chỗ người đang ngồi ngắm trăng. Không có tiếng người đáp trả chắc vì đang mãi ngắm trăng hoặc không thèm để ý tới lời nói của cô. Điều này làm cho Thúy Nhi cảm thấy tưng tức. Hổng lẽ anh ta điếc. Hay anh cố tình làm lơ lời nói của mình. Nghĩ như vậy cô vội quay bước trở lại chỗ thanh niên ngồi.

– Anh có nghe tôi nói hông anh?

Hơi cúi đầu xuống, thanh niên nhìn chăm chú cô gái đang đứng trước mặt mình. Thúy Nhi mơ hồ cảm thấy anh ta cười, nụ cười thật lạ.

– Tôi có nghe cô nói… Tôi cũng thấy cô đã bẹo hình bẹo dạng trước mặt tôi tự nãy giờ…

Nói xong anh ta hơi mỉm cười khi thấy cô gái mở lớn đôi mắt đen dài nhìn mình với chút gì tức tối.

– Anh đang ngồi ở chỗ của tôi đó…

– Chỗ của cô?

Thanh niên lập lại bằng câu hỏi ba tiếng. Thúy Nhi gật đầu liền.

– Phải… Chỗ đó của tôi. Mỗi đêm tôi đều ra đây ngồi ngắm biển. Đêm nay có trăng đẹp nên tôi định ra ngồi ngắm trăng. Đâu ngờ anh xí mất chỗ rồi…

Nhờ ánh trăng sáng nhiều hơn khi ra khỏi mây, Thúy Nhi thấy được nụ cười lạ mà ấm của thanh niên.

– Vậy à… Đêm nay là đêm đầu tiên tôi ngồi tại chỗ này ngắm trăng và biển. Tôi thích lắm… Chắc tôi phải ra ngồi tại chỗ này mỗi đêm…

– Hổng được đâu… Tôi đã nói với anh chỗ này là của tôi mà…

Thúy Nhi dùng dằng trong giọng nói cũng như cử chỉ của mình. Điều đó khiến cho thanh niên bật cười thành tiếng nhỏ.

– Cô có khắc tên mình lên tảng đá này để làm dấu nó là của cô không?

Thúy Nhi im lặng vì câu hỏi của thanh niên. Nhờ ánh trăng sáng rọi vào, cô thấy được khuôn mặt xương xương, mái tóc cắt ngắn, hai con mắt đen đang nhìn mình với nụ cười có chút gì giễu cợt trên môi.

– Cô có muốn tôi chia cho cô phân nửa chỗ ngồi không?

– Không… Tôi muốn ngồi một mình hà… Tôi muốn ngồi đây một mình ngắm trăng và biển…

– Biển có gì đẹp mà cô ngắm?

Thanh niên hỏi trong lúc mắt nhìn ra biển xanh ngoài xa thật xa.

– Anh làm sao biết biển hơn tôi… Chỉ có tôi mới biết biển đẹp…

Mỉm cười thanh niên buông hai tiếng ngắn gọn.

– Vậy à…

Nói xong anh ta đứng dậy. Không lời chào, anh ta bước đi. Thúy Nhi thấy được dấu bàn chân in trên cát ẩm ướt. Đôi giày thể thao hiệu Nike vẫn còn nằm yên tại chỗ. Đứng trông theo bóng thanh niên nhoà dần trong đêm trăng sáng, Thúy Nhi khe khẽ thở dài. Không biết nghĩ gì cô lại không chịu ngồi xuống tảng đá để ngắm biển và trăng mà cúi nhặt đôi giày của thanh niên lên rồi lặng lẽ đi dài dài trên bãi cát về hướng nhà của mình.

Đêm hôm sau. Thúy Nhi dạo biển như thường lệ. Cô cũng không quên xách theo đôi giày có ý trả lại cho thanh niên. Ra tới cục đá dùng làm chỗ ngồi cô ngạc nhiên vì không thấy anh ta ngồi nơi chỗ của mình như lời anh ta đã nói đêm qua. Điều đó làm cho cô hơi có chút thất vọng vì không gặp lại thanh niên để có lời chọc ghẹo và đôi co với anh ta.

– Có sao đâu… Mình quen một mình rồi…

Thúy Nhi lẩm bẩm trong lúc ngồi xuống tảng đá dùng làm chỗ ngồi quen thuộc của mình. Biển mênh mông sáng bạc màu trăng gợn từng lớp sóng cuộn vào bờ. Trăng trên cao mông lung. Gió nhẹ. Tiếng sóng vỗ bờ cát âm vang trong trí não mơ hồ hình ảnh thoáng qua bất chợt rồi lặng chìm vào đâu đó trong quá khứ. Vài năm trước đây, cô là một cô gái trẻ tuổi song rất thành đạt trên thương trường. Nhưng ở đời là vậy. Hể tiền nhiều thì tình lại ít. Cô có tiền song lại thiếu tình. Bởi vậy cô mới ngồi đây một mình. Nếu có chồng con thời giờ này cô không ngồi đây một mình ngắm biển và trăng. Cũng như bao cô gái khác cô cũng ước mơ có đời sống yên bình, có một người thương yêu để vỗ về an ủi và có một chỗ để đi và về mỗi ngày. Tuy nhiên dù thành đạt, tạo được một sản nghiệp mà bao người ước muốn, cô lại không là kẻ may mắn trong tình yêu. Cô biết mình có nhiều cái mà những cô gái khác ước ao. Cô cũng đâu có xấu xí gì. Cô xinh đẹp hơn trăm ngàn cô gái khác. Cô biết mình xinh đẹp, hiểu biết, tài hoa và đủ ” sexy ” để quyến rũ bất cứ gã đàn ông nào. Nhưng tới tuổi này cô vẫn phòng không chiếc bóng, không tìm ra một người yêu thương mình và mình yêu thương họ. Cái khổ nằm ở chỗ, nếu có người nào thương cô thời cô lại không yêu họ, hoặc có song lại không đủ để chịu từ bỏ đời sống một mình và song hành với họ. Ai đó nói loại người cô độc và độc lập như cô khó lấy chồng, khó mà uốn cái lưng để khép mình vào khuôn thức, bởi vì muốn có hạnh phúc lứa đôi người ta phải từ bỏ nhiều thứ và hy sinh nhiều cái lắm.

Khe khẽ thở dài Thúy Nhi rời chỗ ngồi quen thuộc, tay vẫn không quên xách theo đôi giày của thanh niên. Nửa tháng trôi qua, hằng đêm Thúy Nhi vẫn dạo trên bãi biển, ngồi ở chỗ ngồi quen thuộc có đôi giày của thanh niên được cô đặt trả lại chỗ của nó. Cô cũng không hiểu vì sao mình lại giữ cái của nợ đó. Đôi giày cũ chẳng đáng giá bao nhiêu lại thuộc về một người xa lạ mới quen biết lần đầu thì tội tình gì cô phải cưu mang nó, buổi tối mang ra rồi nửa đêm lại mang về. Người chủ của nó đã quên nó thì tại sao cô lại giữ. Đúng là lẩm cẩm và kỳ cục.

Đêm nay, chủ nhật không có trăng. Bãi biển vắng người. Chân trần, tay xách đôi giày cũ của thanh niên, Thúy Nhi chậm bước tới chỗ ngồi quen thuộc. Gần tới nơi cô hơi thoáng do dự khi thấy có bóng người ngồi lù lù ở chỗ của mình. Tự dưng cô hồi hộp và có cảm giác thật mới và thật lạ. Cái hình thù đó thật quen. Tới gần hơn, nhận ra dáng ngồi dị hợm cô mới đoan chắc đó là chủ nhân của đôi giày mà cô đang xách trên tay. Thanh niên hơi quay nhìn về hướng Thúy Nhi đang đi tới. Chắc anh ta biết có người tới nhờ tiếng bước chân cố tình giẫm lên cát.

– Đêm nay mà anh hổng tới là tôi quẳng đôi giày xuống biển… Xách tới xách lui hoài mệt quá…

Thúy Nhi nói trong lúc đứng trước mặt thanh niên. Nhờ vậy cô thấy được nụ cười thật mờ nhạt của anh ta.

– Tôi không nghĩ là cô lại giữ nó dùm cho tôi… Cám ơn cô thật nhiều…

Thúy Nhi nói trong tiếng thở dài thoát ra từ lồng ngực chỉ có cô mới biết.

– Tôi biết anh không nghĩ… Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại giữ đôi giày dùm anh… Chỉ có điều là tôi đã giữ. Cái đó mới quan trọng…

Thanh niên nhìn đăm đăm vào mặt cô gái đang đứng đối diện với mình. Lát sau anh ta mới từ từ lên tiếng.

– Cô giữ đôi giày, còn tôi cũng giữ một cái… Cô biết tôi giữ cái gì không?

Thúy Nhi hỏi lại bằng ánh mắt nhìn. Cái miệng của thanh niên hơi nhếch lên làm thành nụ cười.

– Hình ảnh của cô… Cái đó mới quan trọng… Cái đó mới làm tôi trở lại xí chỗ ngồi của cô…

Thúy Nhi bật lên tiếng cười vì thanh niên đã cố ý lập lại những lời mình nói.

– Để cho công bằng, mình sẽ chia chỗ ngồi làm đôi. Mỗi người được phân nửa. Chịu hông?

Thoáng do dự rồi Thúy Nhi gật đầu. Thanh niên nhích qua một bên. Ngồi xuống, hơi cách xa một chút, cô im lặng ngắm biển về đêm. Thanh niên, vẫn kiểu ngồi dị hợm, không nói tiếng nào, mắt nhìn đăm đăm ra vùng nước đen ì ầm vỗ sóng làm cho những ngọn đèn của tàu đánh cá khi mờ lúc tỏ, khi ẩn lúc hiện.

– Cô tên gì dậy cô?

Giọng của thanh niên cất lên nhỏ hầu như bay mất trong gió nhưng Thúy Nhi nghe được. Cô mỉm cười vì cái giọng miền nam đặc sệt nhà quê.

– Nhí…

– Nhí…?

Thanh niên lập lại. Thúy Nhi gật đầu cười một mình.

– Hồi nhỏ tôi bịnh hoạn đau yếu hoài nên người nhỏ có chút xíu. Mấy ông già trong xóm nói tôi trùng tên với người nào đã chết nên bị họ trù dập lớn hổng nổi. Họ biểu má tôi lấy cái tên nào xấu để đặt. Thế là tôi có tên Nhí. Mấy nhỏ bạn gọi thành Nhi rồi thành Nhí Nhi hay Nhi Nhí. Anh muốn gọi tên nào cũng được…

Giảng giải về cái tên của mình xong Thúy Nhi cũng không hỏi lại tên của thanh niên. Liếc nhanh cô gái đang ngồi bên cạnh, anh ta lên tiếng.

– Tôi tên Chương… Có người gọi là Chương Điên…

– Tại sao họ lại gọi anh là Chương Điên?

– Nếu có một người nào bỏ công việc lương tám chục ngàn một năm ở Mỹ để về Phú Quốc làm với tiền lương sáu ngàn một năm thì cô gọi họ là gì?

Thúy Nhi cười hắc hắc.

– Tôi nghĩ người đó không những điên mà còn khùng nữa. Hổng chừng ông còn bị mác hay chạm dây thần kinh nữa a…

Chương bật lên tiếng cười còn Thúy Nhi không nhịn được cũng bật cười hăng hắc.

– Tôi nghĩ tôi trở lại ngồi ở đây ngắm biển rất đúng. Có nhiều điều thú lắm…

– Như…

Thúy Nhi nói một tiếng thôi như hà tiện lời. Như hiểu ý Chương cười.

– Như cách nói chuyện… Như cách bẹo hình bẹo dạng…

Thúy Nhi cảm thấy mặt mình nong nóng. Có lẽ cô bị nóng vì nghĩ tới đã ” bẹo hình bẹo dạng ” trước mặt Chương.

– Hổng phải ai bẹo hình bẹo dạng tôi cũng ngắm đâu…

Nói xong Chương quay nhìn sang và bắt gặp  ánh mắt long lanh đen cũng đang nhìn mình với đôi môi mím chặt lại không phải vì giận mà cố để không há miệng ra cười thành tiếng.

– Anh này kỳ…

Thúy Nhi kêu nhỏ. Chương cười.

– Xin lỗi… Tánh tôi thẳng… Tôi nhớ lần trước Nhi Nhí có nói một câu: ” Anh làm sao biết biển hơn tôi… Chỉ có tôi mới biết biển đẹp…”

– Đúng là tôi có nói câu đó…

Thúy Nhi gật đầu xác nhận mà trong trí lại nghĩ: ” Cái anh này kỳ ghê… hết Nhi Nhí bây giờ lại Nhí Nhi...”. Nhìn ra mặt biển đen mờ nàng nói và nghe giọng nói của mình thật mơ hồ như bay mất theo cơn gió mạnh.

– Anh Chương có bao giờ lặn xuống biển chưa?

Không trả lời câu hỏi, Chương im lặng giây lát mới lên tiếng.

– Thứ bảy này tôi mời Thúy Nhi đi chơi được không?

– Đi đâu?

– Thúy Nhi nhận lời đi rồi tôi nói cho biết…

Thúy Nhi trả lời bằng nụ cười có nghĩa bằng lòng.

– Đi ra đảo chơi…

Vốn mê biển và khoái lặn lội nên Thúy Nhi reo tiếng nhỏ. Hai người từ giã sau khi Chương hẹn 9 giờ sáng thứ bảy gặp nhau tại chỗ này. Gần tuần lễ, đêm nào cũng đi dạo trên bãi biển song Thúy Nhi không thấy Chương ngồi đợi mình nơi chỗ cũ.

 

 

 

20.

Vừa gặp mặt, Chương với Thúy Nhi nhìn nhau giây lát rồi phá ra cười. Cả hai, người này thấy người kia khác lạ hơn lần trước. Áo thun ngắn tay, quần short, giầy Nike, Chương khác lần trước nhiều vì thêm cặp kiến đen hiệu Rayban làm cho anh ta có chút gì bụi hơn. Riêng Chương thì nhìn Thúy Nhi đăm đăm vì cô gái đang bẹo hình bẹo dạng bằng quần short, giầy adidas, áo sơ mi hở cổ và cặp kiến đen che khuất cặp mắt. Thở khì ra tiếng Chương cười.

– Nhi Nhí chắc sẵn sàng để lặn hả?

– Dạ… Chờ cả tuần lễ nóng ruột muốn chết luôn…

Đưa tay chỉ chiếc xe gắn máy đậu trên đường, Chương nói nhanh.

– Đi… Xe của tôi đậu trên đó…

Hai người theo con dốc nhỏ lên trên đường lớn. Ngắm chiếc xe gắn máy hiệu Kawasaki, kiểu Ninja; Thúy Nhi cười gật gù.

– Nhi bắt đầu khoái anh rồi anh Chương… Đi chơi bằng xe gắn máy mới đã…

Thúy Nhi ngồi lên yên. Ngập ngừng giây lát nàng mới chịu vòng tay ôm hờ eo ếch người bạn mới quen. Chương cười nói trong lúc đạp cho xe nổ máy.

– Tôi thích gắn máy hơn xe hơi vừa cồng kềnh lại chạy chậm. Hôm nào tôi mời Thúy Nhi bay một vòng quanh Phú Quốc bằng xe gắn máy. Lúc đó Thúy Nhi mới thấy còn đã hơn nhiều…

Thúy Nhi ré lên cười hắc hắc vì chiếc xe gắn máy vọt nhanh tới mức làm cô sẽ ngã bật về sau nếu không ôm eo ếch của Chương. Từng bay xe gắn máy với tốc độ 100 cây số nhưng cô cũng phải phục cái liều lĩnh và tài lái xe bạt mạng của Chương. Chiếc Ninja 300 lao đi như con trốt. Dù mới về ở Phú Quốc song Thúy Nhi cũng thuộc đường chút chút vì vậy nàng biết Chương đang lái xe chạy trên con lộ dọc theo bờ biển từ Vũng Bầu về Dương Đông. Khi tới Dương Đông anh lại rẽ vào con lộ lớn hơn dẫn xuống An Thới. Chiếc Ninja chạy chậm lại vì nhà cửa đông đúc và xe cộ cũng nhiều hơn. Cuối cùng chiếc xe chở hai người men theo con đường nhỏ chạy ra tuốt ngoài Mũi Ông Đội rồi ngừng lại nơi chiếc cầu bằng cây có buộc chiếc xuồng cao su. Tắt máy Chương dắt cô bạn gái bước xuống xuồng có đầy đủ dụng cụ cho cuộc đi chơi biển. Thúy Nhi nhận thấy có hai bộ quần áo lặn, hai bình dưỡng khí với ống thở, mặt nạ, dao găm và luôn cả hai cây súng bắn cá nữa. Chiếc xuồng từ từ tách ra khỏi cầu rồi phăng phăng lướt sóng ra khỏi vịnh An Thới.

– Mình đi ra đảo nào vậy anh Chương?

– Hòn Mây Rút… Chỗ đó có nhiều rặng san hô đẹp lắm…

– Có sâu không anh Chương?

– Chừng hai ba chục thước. Thúy Nhi có lặn sâu lần nào chưa?

Chắc bắt đầu nể nang người bạn mới quen nên Thúy Nhi cười tiếng nhỏ trả lời.

– Dạ cũng vài lần… mà anh Chương đừng có đem Thúy Nhi ra đây trấn nước nghen…

Câu nói giỡn làm cho Chương phá ra cười.

– Ai mà nỡ trấn nước Thúy Nhi… Với lại tôi lặn lội ẹ lắm…

– Thúy Nhi lặn còn dở lắm có gì anh Chương giúp nghen…

Gật đầu Chương đưa tay chỉ hòn đảo nhỏ nằm ngoài cùng mấy hòn đảo của An Thới.

– Chỗ đó…

Xuồng ủi vào bãi cát. Kéo xuồng lên xa trên bờ xong Chương đưa cho Thúy Nhi bộ quần áo lặn để mặc vào trong lúc anh kiểm lại dụng cụ lặn lần cuối rồi giúp cho cô đeo bình dưỡng khí. Sau khi sẵn sàng, Chương ra dấu cho Thúy Nhi theo mình. Biển Phú Quốc có đặc điểm là san hô mọc rất cạn. Có nhiều nơi không cần mang bình người ta cũng có thể ngắm được san hô. Tuy nhiên càng xuống sâu thì san hô càng nhiều và càng đẹp hơn nhờ lắm loài cá lạ màu sắc sặc sỡ và dạn dĩ hơn. Nhìn vào mặt kính của đồng hồ để biết giờ giấc, Chương ra dấu cho Thúy Nhi theo mình lặn sâu xuống. Hiểu ý Thúy Nhi lội song song với Chương xuống sâu hơn nữa. Ngừng lại anh đưa tay ra. Chiếc đồng hộ dạ quang của thợ lặn chỉ độ sâu 20 thước hay 66 bộ anh. Thế giới của nước bây giờ lung linh mờ ảo với những con cá ngựa, tôm tích, cá to nhỏ lớn bé đủ màu sắc và san hô rực rỡ biến đổi theo từng chỗ từng nơi và độ sâu. Có lúc cả vùng san hô sáng rực lên nhờ ánh mặt trời rồi có lúc vì thiếu ánh sáng và bị đá che khuất thành lung linh mơ hồ theo chuyển động của nước. Đáy biển thuộc Hòn Mây Rút có rất nhiều rặng san hô đẹp nhờ nước sâu và trong hơn các chỗ khác vì không có người lui tới thường xuyên. Dưới sự hướng dẫn của Chương, Thúy Nhi lặn vòng vòng quanh Hòn Mây Rút. Hơn một giờ Chương mới ra dấu cho Thúy Nhi từ từ nổi lên mặt nước. Lên bờ, trong lúc ngồi uống nước, Thúy Nhi nhìn Chương giây lát rồi cười lên tiếng.

– Thúy Nhi xin lỗi anh Chương…

– Xin lỗi việc gì?

– Dạ… Lúc trước Thúy Nhi có nói với anh Chương một câu là: ” Anh làm sao biết biển hơn tôi… Chỉ có tôi mới biết biển đẹp…”. Bây giờ Thúy Nhi xin rút lại lời nói đó…

Lục trong túi của mình ra thỏi kẹo chocolat, đưa cho Thúy Nhi, Chương cười nói với giọng hiền và thân mật.

– Lỗi gì đâu mà xin. Tôi thích Thúy Nhi cũng vì câu nói đó…

– Thiệt hông?

– Thiệt… Bởi vậy mà tôi mới trở lại chỗ cũ…

Giơ tay lên coi đồng hồ thấy chỉ gần 1 giờ trưa, Thúy Nhi cười.

– Thúy Nhi muốn rủ anh Chương đi ăn trưa. Anh Chương đi không?

– Đi liền… Thúy Nhi muốn ăn ở đâu?

Miệng nhai kẹo cô gái cười nhìn người ngồi bên cạnh.

– Ăn mà Thúy Nhi trả tiền à nghen…

Cười hắc hắc Chương đứng lên.

– Tôi có giành đâu… Thúy Nhi bao tôi ăn hoài tôi cũng chẳng có lời phàn nàn…

Hai người chậm rãi cởi quần áo lặn rồi lên xuồng cao su trở lại An Thới. Đợi cho Thúy Nhi ngồi lên yên chiếc Ninja xong xuôi, Chương mới lên tiếng.

– Mình lên Gành Dầu ăn trưa. Tôi biết một cái quán bán một món mà khi ăn rồi bảo đảm Thúy Nhi sẽ nhớ hoài…

Hai tay vòng ôm eo ếch người bạn mới quen, Thúy Nhi hỏi một câu. Vì tiếng máy xe nổ lớn với lại gió thổi ù ù nên nàng phải kê miệng sát vào tai của Chương.

– Anh Chương ở đây lâu chưa?

– Năm năm…

Vừa nói Chương vừa đưa năm ngón tay lên.

– Còn Thúy Nhi?

– Dạ hơn ba tháng…

– Thích đây không?

– Thích lắm… Mới về đã thích rồi mà bây giờ còn thích hơn nữa…

Thúy Nhi bật cười hắc hắc rồi ngậm miệng lại được trước khi nói ra năm tiếng cuối cùng ”… tại vì có anh Chương…” Vừa ra khỏi An Thới một chút, Chương quẹo xe vào con đường tráng nhựa phẳng phiu chạy men theo bờ biển đi về Mũi Đất Đỏ rồi lên Đường Bào, Dương Tơ, Cửa Lắp và Dương Đông. Thúy Nhi mãi mê ngắm cảnh còn Chương chăm chú lái xe. Nàng nhận thấy người bạn mới quen dường như rất mê tốc độ. Chiếc xe gắn máy có động cơ ba trăm phân khối lao vùn vụt trên đường, lúc lạng bên này lách bên kia. Nhiều khi nó xẹt vù qua mặt mấy chiếc xe hơi hoặc xe gắn máy chạy chậm hơn. Chương chỉ chịu giảm tay ga khi tới phố vì xe cộ đông đúc hơn. Lát sau anh lại phóng xe nhanh hơn trên con lộ đá đi về Gành Dầu rồi rẽ vào con đường đất đỏ và cuối cùng ngừng lại trước ngôi nhà ngói nằm lọt thỏm giữa khu rừng cây cao rườm rà tỏa đầy bóng mát. Đứng xuống đất, đưa tay vuốt vuốt mái tóc dài được buột chặt bằng cái khăn mù xoa, Thúy Nhi cười hỏi.

– Có cô nào dám ngồi cho anh Chương lái mô tô hông?

Hiểu ý cô bạn mới quen, Chương cười hà hà.

– Chẳng có cô nào dám ngồi hết. Thúy Nhi là người đầu tiên. Mấy ông bạn của tôi còn tè trong quần huống hồ gì mấy cô. Thúy Nhi đứng tim chưa?

Cười hắc hắc Thúy Nhi bĩu môi.

– Có gì đâu mà đứng tim… Anh Chương mà để Thúy Nhi lái thì anh mới đứng tim…

– Vậy sao… Coi bộ Thúy Nhi nhiều tài quá, nào lặn lội rồi lái mô tô nữa. Còn tài gì nữa hông?

– Còn nhiều lắm… Nhưng để dành mai mốt mới đem ra hù anh Chương…

Cả hai thong thả đi vào khu vườn cây rồi lát sau mới tới ngôi nhà. Nơi hàng ba bày mấy bộ bàn ghế cho khách ngồi. Chương chọn một cái bàn nhỏ hai chỗ ngồi sát ngoài kế bên thân cây vên vên cao lớn. Kéo ghế cho Thúy Nhi ngồi xuống anh mới bước vào trong nhà rồi lát sau trở ra cười thốt.

– Tôi đã gọi món ăn rồi. Thúy Nhi chắc thích ăn hải sản?

– Dạ thích lắm. Hồi ở bên Sing…

Nói tới đó nàng chợt ngưng lại vì biết mình lỡ lời. Không phải nàng muốn giấu diếm điều gì mà chỉ nghĩ sự quen biết với Chương chưa có gì sâu đậm để mình phải kê khai đời tư của mình. Tuy nhiên không biết nghĩ sao nàng lại cười nói tiếp.

– Hồi ở bên Tân Gia Ba, Thúy Nhi ở gần biển nên đi biển hoài…

Cười hiền Chương đùa một câu.

– Bởi vậy mà Thúy Nhi mới mê biển hả…

– Dạ…

– Tôi cũng vậy. Tôi sinh ra và lớn lên ở Oklahoma City nên đâu có biết biển. Lớn lên ba má dẫn đi biển một lần là mê luôn. Học xong đại học tôi đăng lính hải quân. Thời gian sau giải ngũ tính đi làm để dành tiền mua chiếc du thuyền đi vòng quanh thế giới mà cuối cùng lại về Phú Quốc. Đời có những cái mình không ngờ được…

Thúy Nhi cười ngước lên nhìn người thanh niên đang ngồi đối diện với mình.

– Dạ… Cũng như tôi vậy. Đang sống yên ổn ở Sing, tôi nổi khùng bán hết sản nghiệp dọn về Phú Quốc…

Nói tới đó nàng ngưng lại vì biết mình vừa lỡ lời lần nữa. Nàng không hiểu tại sao hôm nay mình lại hay lỡ lời quá. Bình thường nàng ăn nói rất cẩn trọng kia mà. Dường như mới quen biết song nàng lại có sự tín nhiệm nơi Chương nên quên mất đi sự dè dặt thường lệ. Dù Thúy Nhi ngưng ngang, Chương cũng hiểu được nhưng anh không tỏ thái độ nào. Nhìn Thúy Nhi, anh cười lãng sang chuyện khác.

– Món ăn mà tôi gọi cho Thúy Nhi ăn thử là món tôm tích nướng cuốn với bánh tráng và rau sống. Tôm tích là con tôm biển nhỏ bằng ngón tay mà thịt nó thơm, ngọt và không có dai như tôm hùm. Chỉ có Phú Quốc mới có tôm tích ngon nhất…

Cô hầu bàn mang ra hai trái dừa tươi đã được chặt sẵn đặt trước mặt hai người khách. Cầm lấy cái ống hút bằng nhựa, Thúy Nhi hút ba hơi liền xong mới cười thốt.

– Đang khát nước mà được uống nước dừa xiêm  thật đã làm sao…

Chương cười hút một hơi.

– Dừa xiêm này trong Rạch Giá đưa ra đó nên còn tươi…

– Phú Quốc mình cũng có dừa xiêm mà anh Chương…

Hút tiếp một hơi dài xong Chương mới lên tiếng.

– Phú Quốc mình có mấy cây dừa lão tòn ten mấy trái hổng đủ mình tôi uống nữa lấy đâu cho Thúy Nhi. Dân trong miệt Rạch Giá họ chở tàu ra đây bán cho dân đảo với giá cao hơn. Nhất là sau khi hai bên đoạn giao thì dừa chợ đen hông hà…

Dường như còn khát nước hay uống chưa đã nên Thúy Nhi ngoắc cô hầu bàn lại lấy thêm hai trái dừa nữa. Món tôm tích được mang ra. Những con tôm tích còn nhảy soi sói. Như đã quen, Chương bỏ vài con tôm lên cái vỉ nướng than đỏ rực trong lúc Thúy Nhi bưng chén nước mắm tỏi ớt đưa lên mũi ngửi rồi hít hà mấy cái. Bỏ chén xuống cô lấy mấy cọng rau húng lủi chấm vào chén nước mắm rồi đưa lên miệng nhai. Chương cười vui vì cử chỉ cô gái tuy mới quen mà anh sớm cảm nhận ra có nhiều cái đặc biệt giấu kín trong lòng. Thúy Nhi như một kho tàng ẩn giấu trong ngôi cổ mộ chỉ dành riêng cho người hữu duyên mới tìm ra chìa khóa để khai quật.

Thấy vỏ tôm cháy vàng, Chương gắp bỏ vào dĩa cho Thúy Nhi.

– Ui ngon quá… Cám ơn anh Chương nghen… Mai mốt Thúy Nhi sẽ mời anh Chương đi ăn hoài…

Chấm cuốn bánh tráng có tôm bún và rau sống vào chén nước mắm rồi đưa lên miệng cắn, Thúy Nhi vừa nhai vừa hít hà khen ngon. Chương ăn chậm và dường như anh thích nhìn cô bạn gái ăn hơn mình ăn nên lo phần nướng tôm rồi lột vỏ bỏ vào dĩa cho Thúy Nhi. Bắt gặp tia nhìn biết ơn của nàng, anh cười thân mật.

– Thúy Nhi ăn cho đã đi… Tôi ăn hoài hà… Thúy Nhi có ăn sushi rồi chứ gì?

Thúy Nhi trả lời bằng cái gật đầu vì bận nhai.

– Gỏi cá trích ở Dương Tơ ngon không kém gì sushi, có lẽ còn đậm đà hơn vì có chút rượu sim và nước mắm nhỉ Phú Quốc. Hàm Nình thì có ghẹ ăn mệt nghỉ. Còn ốc hương, sò nướng nữa…

– Coi bộ anh Chương sành ăn dữ hé…

Chương cười ha hả đưa cuốn bánh tráng vừa cuộn lại cho Thúy Nhi. Không khách sáo nàng cầm lấy chấm vào chén nước mắm đầy ớt đỏ tươi. Hai người dù quen không lâu nhưng chắc tại hạp tính tình và sở thích nên buổi ăn kéo dài gần tiếng đồng hồ mới dứt. Trả tiền xong, lửng thửng đi ra chỗ đậu xe, Chương đưa chìa khóa cho Thúy Nhi như muốn cho nàng lái.

– Tôi thích có một tài xế như Thúy Nhi…

Chưa chịu lấy chìa khóa, nàng cười cười hỏi.

– Sao anh thích Thúy Nhi lái?

Cười cười Chương lên tiếng.

– Để tôi được ôm cái eo đẹp của Thúy Nhi…

Làn da mặt hồng lên khi thấy nụ cười hóm hỉnh và câu tán kín đáo của người bạn mới quen, cô hỏi dò.

– Anh Chương hổng sợ hư xe của anh à?

Chương nheo mắt cười.

– Chiếc xe gắn máy đâu có giá trị bằng cái eo của Thúy Nhi… Đúng không?

Cười cười cô gái thò bàn tay có năm ngón tay dài nuột nà cầm lấy xâu chìa khóa. Dĩ nhiên cô biết cái eo của mình có giá trị hơn chiếc xe gắn máy. Đã có rất nhiều người đàn ông sẵn sàng đổi cả gia sản để được ôm cái eo của cô. Chương chắc đã nhìn ra giá trị của cái eo nên mới nói câu đó. Hai người ngồi lên yên. Chiếc Ninja300 nổ nhịp nhàng. Gài số, Thúy Nhi quay đầu cười nói với người ngồi phía sau.

– Anh Chương ôm cho chặt nghen…

Nghe lời cô tài xế, Chương xiết chặt vòng tay của mình và úp mặt vào lưng của nàng. Thúy Nhi mỉm cười cảm thấy có chút gì khác lạ trong lòng mình.

 

 

21.

 Thúy Nhi tắt đèn phòng làm việc của mình. Tay xách cặp đựng giấy tờ cần thiết và quan trọng, quàng chiếc bóp da lên vai cô đi ra cửa. Mỗi đêm cô là người sau cùng rời sở làm. Hôm nay thứ sáu nên nhân viên lãnh lương xong đã ra về từ lâu. Chỉ có mình cô mới ở lại làm cho xong công việc. Lý do khiến cô ở lại sở làm trễ hơn những người khác vì chẳng có ai đợi chờ cô trở về ngôi nhà nhỏ hai phòng ngủ hết. Đâu có ai chờ cơm. Đâu có ai đợi thì về sớm hay muộn cũng không quan trọng. Cơm nước thì dễ lắm. Cô đã tìm ra một cái quán nhận nấu cơm tháng, mỗi ngày một bữa tối với giá phải chăng. Cô muốn ăn lúc nào cũng được, từ 5 giờ chiều tới 8 giờ tối. Nhìn đồng hồ đeo tay cô chậm chạp ra xe. Ở Phú Quốc này, vì đất hẹp mà người lại đông nên thiên hạ ít có người xắm xe hơi. Chỉ có người giàu hoặc chơi sang thì mới có xe hơi. Không phải là triệu phú song Thúy Nhi lại có nhiều xe. Một xe hơi không chưa đủ, cô còn có xe gắn máy và xe đạp. Khi nào lười biếng cô lái xe hơi tới sở. Khi nào buồn cô đạp xe đạp đi làm. Khi nào nổi máu anh hùng xa lộ cô diện quần jean, áo da chạy chiếc Yamaha tới sở. Hể nghe tiếng nổ bum bum ở dưới đường là nhân viên của Thúy Nhi- Architectural Designs Inc đều biết hôm nay cô chủ trẻ đi làm bằng chiếc xe gắn máy không ai ở đảo Phú Quốc có được.

Đề máy cho xe nổ, Thúy Nhi vẫn ngồi yên nhìn ra trước mặt. Đèn đường sáng mờ. Xa về phía trước chừng cây số là biển. Bến tàu Dương Đông sáng rực trên biển đen vào đêm. Dọc theo bến tàu khách sạn, nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ mọc lên để cung cấp cho dân du lịch tới đảo mỗi ngày. Cô hi vọng bãi biển ở Vũng Bầu có chỗ ngồi quen thuộc của mình sẽ không bị chiếm trong tương lai. Thoáng nghĩ tới chỗ ngồi quen thuộc ngắm biển về đêm của mình cô thở dài buồn bã. Đã lâu lắm, gần tháng rồi gã thanh niên có vóc dáng nghệ sĩ với cái tên Chương Điên bỏ đi đâu mất biệt. Anh ta không thèm xí chỗ của cô, dù mỗi đêm cô vẫn ngồi có phân nữa tảng đá cốt ý để dành cho anh ta phân nửa kia. Anh ta đi mất biệt, chẳng có lời từ biệt sau lần đi ăn trưa với nhau. Tự dưng cô đưa tay sờ bụng của mình. Dường như cô vẫn còn có nguyên cảm giác nao nao khó tả vì bàn tay của Chương Điên đặt lên chỗ cái rún. Dù cách làn vải dày cô cũng thấy hơi ấm từ bàn tay truyền sang gây chút xuyến xao dịu nhẹ song đủ cho mình phải nhớ rất lâu. Tay đặt hờ hửng lên tay lái, Thúy Nhi nhấn nhẹ chân ga. Chiếc xe hơi từ từ lăn bánh về phía biển rồi quẹo phải chạy trên con đường tráng nhựa đi về Vũng Bầu và Gành Dầu. Lát sau nó đậu vào chỗ mà người chủ quán ăn có nhã ý dành riêng cho cô khách trẻ đẹp và ” tip ” rất hậu. Đi ngang qua cửa quán, đáng lẽ phải quẹo vào để ăn cơm tối như thường lệ, cô lại đi thẳng ra bãi biển. Thủng thẳng bước từng bực thang cô dừng lại khi chân chạm nền cát âm ẩm. Thủy triều lên cao thành ra ít có người đi dạo. Gió nồm từ ngoài xa hướng nam kéo về mang theo mùi rong rêu ngai ngái và mằn mặn của muối. Biển cô độc và người nào yêu biển cũng bị lây sự cô độc của nó. Hàng dương réo gió thành âm thanh buồn. Đi gần tới chỗ ngồi quen thuộc của mình, Thúy Nhi hơi ngập ngừng bước. Trên tảng đá cô đơn có một người ngồi. Cô nghe tim mình đập mạnh và đập nhanh, nhanh tới độ thành âm thanh ình ịch. Cái dáng ngồi dị hợm mà cũng thật quen thuộc. Ráng dằn sự xôn xao trong lòng song cô cảm thấy bước chân của mình mơ hồ loạng choạng. Cuối cùng rồi cô cũng bước tới đứng trước mặt người ngồi trên tảng đá. Hai khuôn mặt đối diện nhau. Hai ánh mắt nhìn nhau. Sóng vỗ ì ầm do đó người này không nghe được hơi thở rộn ràng của người kia. Cuối cùng người ngồi lên tiếng trước.

– Tôi ngồi đây lâu lắm rồi đó… Nếu Thúy Nhi mà không ra tôi sẽ tới nhà tìm…

Thúy Nhi bật lên tiếng cười ngắn.

– Anh biết nhà tôi?

Lắc lắc đầu, Chương thở dài nhè nhẹ.

– Tôi không biết nhà. Tôi cũng không biết sở làm. Tôi cũng không biết tên họ rõ ràng. Tôi cũng không có số điện thoại…

Thúy Nhi mỉm cười nhìn người đang ngồi.

– Tôi cũng vậy. Nhiều khi tôi rầy tôi ngu. Cái tên Chương Điên chẳng giúp ích được chút gì khi tôi muốn kiếm anh…

Ngước nhìn vào đôi mắt màu nâu hạt dẽ của cô gái, Chương bật cười hắc hắc.

– Hóa ra hổng phải mình tôi ngu và điên…

Thúy Nhi bật lên cười rồi sau đó đưa tay bịn miệng của mình. Nhìn Chương đang ngồi co ro, nàng nói nhanh.

– Tôi vừa ở sở ra và đang đói meo, anh Chương có muốn ăn tối không. Mình vừa ăn vừa nói chuyện…

Đứng dậy Chương cười nhẹ.

– Đó là lý do khiến cho tôi ngồi chờ Thúy Nhi…

Hai người bước song song trên nền cát ẩm. Gió thổi vừa đủ để cho Chương ngửi được mùi hương dịu dàng từ cô bạn gái. Hương thơm thật lạ, nửa như mùi hương thân thể và quần áo, nửa như nước hoa hay son phấn. Đi chơi hai lần song anh biết Thúy Nhi không dùng son phấn hay nước hoa, cũng không thoa son môi, sơn móng tay chân, kẻ chân mày như nhiều cô gái khác. Ở cô là sự tự nhiên, sự thực trần trụi như làn da mặt trắng hồng của người có sức khỏe dồi dào.

– Thúy Nhi đi bộ mỗi ngày?

Chương lên tiếng hỏi. Đang đi Thúy Nhi liếc nhanh người bạn đồng hành, chắc vì ngạc nhiên với câu hỏi có hơi lạc của anh ta. Gần tháng không gặp nhau, theo thường tình đáng lẽ anh phải hỏi, phải nói những lời gì khác hơn.

– Dạ… Mỗi đêm… Tôi thích đi bộ…

Chương gật gù cười liếc nhanh dáng người gọn gàng và thanh thoát của người đi bên cạnh. Bắt gặp cái liếc đó Thúy Nhi hỏi nhỏ.

– Sao anh Chương hỏi câu đó. Bộ có cái gì hả?

Chương gật đầu cười.

– Hèn chi tôi thấy Thúy Nhi có dáng đi rất đẹp. Thướt tha và uyển chuyển. Bộ Thúy Nhi có tập đi à?

Câu hỏi của Chương làm cho Thúy Nhi bật cười.

– Dạ… Không những tập đi mà Thúy Nhi còn bị mẹ bắt tập nhiều thứ lắm…

– Như gì?

– Tập múa, tập đàn, tập bắn súng… Anh Chương có tập gì hông?

– Có… tập lội, tập lặn, tập múa mà là múa võ và tập bóp cò súng…

Đang đi Thúy Nhi hơi chậm bước lại rồi quay nhìn Chương.

– Anh Chương là lính hả?

Chương gật đầu. Nhìn cái đầu tóc ngắn của Chương, Thúy Nhi cười tiếng ngắn.

– Đúng ra Thúy Nhi cũng đã đoán anh Chương là lính mà chưa có dịp hỏi… Mà lính gì?

– Lính thủy…

– Ở trên bờ hay đi tàu?

– Đi tàu… Sở của Thúy Nhi ở đâu?

– Dạ ở dưới phố… Gần tháng nay anh Chương đi đâu mất biệt vậy?

– Đi công tác ở Côn Sơn… Mới về tới Phú Quốc hồi sáng… Nếu tôi nói Thúy Nhi là người đầu tiên tôi gặp thì Thúy Nhi có tin không?

– Tin chứ… Thúy Nhi nghĩ hổng có lý do gì để anh xạooooo…

Cố tình đùa giỡn nên Thúy Nhi kéo dài tiếng xạo ra làm cho Chương bật cười hăng hắc.

– Cám ơn Thúy Nhi… Tôi rất sung sướng được có một người bạn như Thúy Nhi…

– Thúy Nhi cũng vậy… Người như anh Chương khó tìm gặp lắm…

– Còn Thúy Nhi thì sao…?

Cô gái cười lặng lẽ không trả lời cho tới khi lên tới cửa quán ăn mới nói nhỏ.

– Nếu Thúy Nhi nói anh Chương là người con trai duy nhất mà Thúy Nhi quen ở đây thì anh Chương tin không?

– Tin chứ… Tôi nghĩ hổng có lý do gì để Thúy Nhi xạooooo…

Cô gái bật cười hắc hắc khi nghe Chương nhái lại câu nói của mình. Suốt bữa cơm tối hai người tỏ ra tâm đắc lắm nên ăn xong rồi còn đi bộ trên bãi biển trò chuyện tới khuya lơ khuya lắc mới chia tay.

Jack ngước lên nhìn ra cửa khi nghe có tiếng gõ rồi đại úy Chương Điên bước vào. Đưa tay ra bắt tay vị tư lệnh của mình sau khi chào kính, Chương ngồi xuống ghế. Kéo hộc tủ ra, đặt lên mặt bàn cặp lon có hai vạch màu vàng bằng nhau và một vạch vàng nhỏ chính giữa, vị tư lệnh tàu ngầm thong thả thốt.

– Gắn lên đi… Ông lên thiếu tá rồi… Tôi gọi ông lên đây trước nhất để cho biết ông được thăng thiếu tá. Sau đó tôi chọn ông làm hạm trưởng chiếc VNN66 Hải Mã thay thế cho thiếu tá Tài được thuyên chuyển về bộ tư lệnh hải quân. Ông có gì khiếu nại không?

– Thưa tư lệnh không… Tôi cám ơn tư lệnh đã chọn tôi làm hạm trưởng…

Jack cười đứng dậy. Hiểu ý tiễn khách của cấp chỉ huy, Chương cũng đứng lên. Bắt tay thuộc cấp, Jack cười thốt.

– Ông xứng đáng được lên chức và lãnh nhiệm vụ mới. Tôi tin vào khả năng chỉ huy của ông. Trong tương lai hạm đội tàu ngầm của ta còn cần nhiều sĩ quan có kinh nghiệm và khả năng như ông để làm hạm trưởng các tàu mới hoặc thay thế các vị hạm trưởng sắp nghỉ hưu…

Ra khỏi phòng tư lệnh, Chương nghĩ ngợi. Anh vui vì được lên cấp bực và lên chức. Đang làm hạm phó dĩ nhiên anh cũng mong có ngày mình sẽ được chỉ huy một chiếc tàu ngầm để thi thố tài năng của mình. Gần đây anh cũng được nghe tin chính phủ đang hoạch định chính sách bành trướng lãnh thổ bằng cách đánh chiếm một vài hòn đảo trong vùng Trường Sa. Làm hạm trưởng tất nhiên anh sẽ được dự phần trong chiến dịch quan trọng này. Anh muốn được chia xẻ niềm vui và niềm hãnh diện với mọi người mà người đầu tiên anh nghĩ tới chính là cô bạn gái mới quen. Có một điều rắc rối là anh không có số điện thoại để liên lạc với Thúy Nhi. Anh chỉ biết một cách mơ hồ nàng làm việc đâu đó ở dưới phố.

– Cứ đi đại may ra…

Lính nói là lính làm huống chi lính tàu ngầm. Chiếc mô tô lao ra khỏi cổng của căn cứ tàu ngầm ở Mũi Ông Đội rồi ngược đường về hướng Dương Đông. Hai mươi phút sau anh ngừng xe trên con đường chính của phố và bắt đầu đi tìm. Cô ta làm ở phố mà làm việc gì? Chương lẩm bẩm. Cô ta ăn mặc sang trọng và lại có xe hơi thì chắc là làm lớn… Vừa đi vừa lẩm bẩm, mắt thì ngó hai bên đường xem có hãng xưởng, phòng ốc nào được tình nghi có Thúy Nhi làm việc. Một tấm bảng lớn đập vào mắt anh với hàng chữ Thúy Nhi- Công Ty Họa Đồ Kiến Trúc. Dưới lại thêm hàng chữ nhỏ hơn bằng tiếng Anh: Thúy Nhi-Architectural Designs Co. ” Hổng lẽ cô ta… mà tên Thúy Nhi thì đúng rồi… Mình cứ vào đại chết ai đâu mà sợ...”. Lẩm bẩm xong vị tân thiếu tá, tân hạm trưởng xô cửa bước vào. Anh có hơi do dự khi thấy hàng chục cặp mắt của người mà đa số phụ nữ nhìn mình đăm đăm với ánh mắt ngạc nhiên và tò mò. Thấy ông lính thủy bước tới bàn của mình, cô thư ký lên tiếng.

– Xin lỗi tôi có thể giúp được gì cho ông?

– Cô vui lòng cho tôi biết hãng này có người làm nào tên Thúy Nhi không thưa cô?

– Dạ thưa ông có một người…

– Tôi muốn gặp cô Thúy Nhi được không?

– Dạ ông muốn gặp cô Thúy Nhi có chuyện gì?

– Tôi tên Chương… Tôi quen với cô Thúy Nhi…

Biết người khách này là lính hải quân, cô thư ký cười nói.

– Dạ xin ông vui lòng ngồi chờ để tôi vào thưa với cô chủ Thúy Nhi…

Chương mỉm cười gật gù khi nghe mấy tiếng ” cô chủ Thúy Nhi ”. Hóa ra bấy lâu nay anh làm bạn với cô chủ hãng trẻ đẹp mà anh lại không biết. Thêm một điều mới là cô chủ hãng Thúy Nhi chưa có chồng bởi vậy nhân viên mới gọi bằng cô; chứ nếu có chồng thì người ta phải gọi bằng bà.

Đang ngồi ngó ra cửa sổ, Thúy Nhi hơi quay lại khi nghe có tiếng gõ cửa.

– Nhàn hả… Vào đi em…

Có tiếng cửa mở rồi một cô gái bước vào.

– Dạ Linh đây cô… Có một ông lính hải quân muốn gặp cô…

Hơi cau mày Thúy Nhi lẩm bẩm: ” mình đâu có quen ai là lính… hay là… hay là…”

– Dạ ông lính xưng tên Chương…

À lên tiếng mừng rỡ, Thúy Nhi nhanh nhẹn rời phòng. Ra tới chỗ khách ngồi đợi cô thấy Chương, trong bộ quân phục màu xanh nước biển đang ngồi đọc báo.

– Anh Chương…

Chương ngước lên. Thúy Nhi đọc được trong mắt người lính thủy có một chút ấm áp và âu yếm qua nụ cười hiền hậu.

– Thúy Nhi làm gì ở đây. Làm chủ hay làm công?

Câu hỏi làm cho người nghe bật lên cười hắc hắc kèm theo câu trả lời khôn khéo.

– Cả hai thứ… Anh Chương thích thứ nào?

Chương nhún vai.

– Thứ nào tôi cũng thích, mà cả hai thứ tôi cũng thích luôn và thích nhiều hơn nữa. Tôi mời Thúy Nhi đi ăn tối nay được không?

Không trả lời Thúy Nhi hỏi lại.

– Có chuyện gì đặc biệt hả anh Chương?

– Tôi được thăng cấp và nhận chức hạm trưởng. Thúy Nhi là người đầu tiên tôi muốn chia xẻ niềm vui đó…

Ánh mắt của cô gái long lanh hơn vì câu nói. Khẽ gật đầu cô đùa.

– Anh Chương muốn Thúy Nhi là người đầu tiên rửa cặp lon mới cho anh hả…

Chương mỉm cười gật đầu vì được cô bạn gái nhìn ra cái ý của mình.

– Thúy Nhi rất hân hạnh. Mấy giờ và ở đâu?

– 8 giờ… Thúy Nhi cho phép tôi đón Thúy Nhi tại nhà…

Không ngần ngừ Thúy Nhi viết địa chỉ nhà riêng và luôn cả số điện thoại cho Chương. Chàng lính thủy vừa quay lưng đi vội quay lại cười khi nghe câu nói ” Anh mà không tới là tôi nghỉ chơi anh luôn…”

Sửa soạn vừa xong Thúy Nhi nghe tiếng gõ cửa. Cô hơi thắc mắc vì không nghe tiếng xe mô tô của Chương. Tối nay không biết nghĩ sao mà cô lại thích mặc áo dài. Vì thế cô mong Chương không lái mô tô đón mình. Mặc áo dài mà đi mô tô thì không được nhã lắm. Mở cửa ra cô thấy ông lính diện rất hợp cho buổi đi ăn tối. Bộ côm lê không có cà vạt làm cho anh ta trẻ hơn và bớt chút bụi. Nhìn thấy Thúy Nhi diện bộ áo dài lụa trắng thướt tha, Chương mỉm cười.

– Tôi nghĩ Thúy Nhi sẽ mặc áo dài nên không lái mô tô. Tôi mượn xe của một người bạn…

Nhìn chiếc xe hơi xinh xắn, Thúy Nhi nói nhỏ.

– Có sao đâu… Anh Chương có thể lái xe của tôi cũng được mà. Tôi mong có được một tài xế đẹp ” chai ” như anh Chương…

Mở cửa, đợi cho Thúy Nhi ngồi vào ghế xong đóng cửa lại rồi Chương còn nghe tiếng cười hắc hắc của cô bạn. Chương hỏi trong lúc xe rời nhà.

– Thúy Nhi có đi ăn ở Bãi Thơm chưa?

– Dạ có một lần với cô bạn trong sở…

– Chắc Thúy Nhi bận làm hả?

– Dạ… Chính phủ có nhiều chương trình xây cất mới nên Thúy Nhi bận bù đầu luôn. Nhờ anh Chương tới kiếm nên Thúy Nhi mới được nghỉ…

Quay sang nhìn Chương, cô cười tiếp.

– Anh Chương còn ở đây lâu không?

Hỏi xong cô nghe được tiếng thở dài nhè nhẹ của người lính.

– Chắc không lâu. Thứ ba tuần tới tàu của tôi sẽ đi Côn Sơn và chắc còn lâu mới trở lại Phú Quốc…

Thúy Nhi cố gắng hết sức mới không ứa nước mắt. Vốn có tánh cứng cỏi, ít khi rơi nước mắt nhưng không hiểu sao cô lại cảm thấy buồn thật buồn khi nghe Chương nói sẽ đi xa. Nhờ khúc đường rộng thẳng và vắng xe nên Chương quay qua nhìn cô bạn gái ngồi bên cạnh. Hai ánh mắt đụng nhau và dính nhau trong khoảnh khắc song cũng đủ cho họ nói với nhau thật nhiều. Dù chưa có ai mở miệng nói ra những gì thầm kín ở trong lòng, nhưng bằng cái nhạy cảm họ biết mình đã dành cho người kia nhiều cảm tình mới lạ. Ở tuổi chính chắn ngoài ba mươi, thêm ở công việc làm ăn nên Thúy Nhi cũng đã quen biết nhiều người đàn ông. Tuy nhiên riêng với Chương, cô nhận thấy có nhiều điều khác lạ hơn những người mà nàng đã quen biết từ trước. Anh không chiều chuộng cô như người khác. Anh cũng không tỏ ra nâng niu và âu yếm cô quá mức. Anh đối xử với cô đồng đẳng, ngang hàng như bạn. Điều mà cô nhận biết rõ ràng là ở bên cạnh Chương, cô có được sự thoải mái và tự nhiên khiến cô muốn gần anh nhiều hơn. Thoải mái cười đùa, tự nhiên ăn nói mà không phải dè dặt, rào đón vì sợ anh phật lòng. Ở bên anh, cô cười nhiều hơn, nói nhiều hơn vì anh không những biết nghe chuyện mà còn biết nói nữa. Ở bên anh, cô có được sự bình yên hầu giải tỏa bớt áp lực của cuộc sống hối hả vội vàng.

– Ở xa song tôi cố về lại Phú Quốc thường hơn để gặp Thúy Nhi… Tôi nghe nói chính phủ sẽ thiết lập đường bay thẳng từ Phú Quốc ra Côn Sơn…

– Côn Sơn đẹp không anh Chương?

– Nói về phong cảnh thì Côn Sơn vắng vẻ và yên tịnh hơn Phú Quốc. Bãi biển đẹp lắm… Thúy Nhi thích lặn lội thì Côn Sơn là nơi rất thích hợp…

Biết Chương có ý rủ mình ra thăm khi anh dời về Côn Sơn, Thúy Nhi cười lên tiếng.

– Chắc Thúy Nhi cũng sẽ đi Côn Sơn nghỉ mát vài ngày…

Nhìn vào mặt Chương, cô cười đùa.

– Nói thì nói song Thúy Nhi hổng dám hứa chắc là ngày nào… Anh Chương đừng có đặt hi vọng nhiều quá. Nếu ở Côn Sơn mà có cô nào mời anh đi lặn thì anh cũng nên đi…

Nói xong Thúy Nhi thấy Chương có vẻ buồn bèn tiếp thêm một câu.

– Nhưng trước khi đi lặn với cô nào thì anh Chương nên điện thoại hỏi ý Thúy Nhi trước nghen. Nếu Thúy Nhi bằng lòng thì anh mới được đi…

– Như vậy tôi sẽ điện thoại cho Thúy Nhi mỗi ngày…

– Dạ anh cứ gọi… Thúy Nhi sẽ cho anh số ” cell ” để anh tha hồ gọi…

Xe chạy trên con đường tráng nhựa dọc theo bờ biển từ Gành Dầu đi về Bãi Thơm. Đây là con đường mới xây xong năm rồi. Nó chạy dọc theo dãy núi Bát Đại có những đỉnh núi khá cao như núi Hàm Rồng và các bãi biển đẹp như Mũi Đá Bạc, Mũi Trâu Nằm cùng các vịnh bãi khác. Từ khi con đường này được mở ra thì vùng đất hoang vu ngày xưa trở thành địa điểm du lịch cho dân địa phương và du khách nước ngoài. Nó đem lại cho dân chúng công ăn việc làm và thuế cho chính phủ.

Chỉ vào dãy nhà đèn sang sáng nằm trên đồi đất cao, Thúy Nhi nói với Chương.

– Thúy Nhi và nhân viên đã vẽ kiểu cho khu nhà đó. Đẹp lắm anh Chương… Hôm nào Thúy Nhi chở anh lên đó coi cho biết…

– Cô chủ hãng có vẽ dùm anh một ngôi nhà ở trên đó chưa?

Thúy Nhi hồng đôi má vì biết được cái ý trong câu nói đó. Cười hắc hắc cô nói tránh.

– Chưa… Phải hỏi ông chủ có chịu cho Thúy Nhi  vẽ kiểu nhà của ổng hông…

Chương bật lên tiếng cười vui vẻ.

– Chịu liền… Ai chứ cô chủ hãng vẻ kiểu thì nhà có xấu đẹp thì chủ nhà cũng ưng mà…

– Có chê cũng hổng dám lên tiếng hả anh Chương…

Gật đầu lia lịa Chương vừa lái xe vừa nói.

– Tôi thích Thúy Nhi ở chỗ là ở bên cạnh Thúy Nhi, tôi cảm thấy thật an tịnh, thoải mái và nói chuyện mà không phải rào đón, phải rặn từng lời, phải uốn từng câu. Sự lịch lãm, hiểu biết, tế nhị và cảm thông tư tưởng của Thúy Nhi khiến cho tôi muốn gần Thúy Nhi nhiều hơn…

Chương ngưng nói khi thấy cô bạn nhìn mình. Ánh mắt chứa đựng cái gì mà ngàn lời nói, trăm triệu chữ cũng không bằng. Cuối cùng giọng nói ngọt ấm vang nho nhỏ.

– Thúy Nhi cũng nghĩ gần giống như anh Chương đó. Chỉ cần thấy cái ” bản mặt ”…

Nói tới hai tiếng đó Thúy Nhi không nhịn được phải bật lên cười hắc hắc. Chương cũng cười lớn. Hai tiếng bản mặt thường để chỉ cái gì mình ghét, mình hổng ưa, song Chương lại cảm thấy cái giọng của Thúy Nhi nhuốm nhiều âu yếm pha chút cợt đùa thành ra chẳng làm anh phật lòng.

– … của anh Chương là Thúy Nhi có được sự bình yên và thanh thản…

Chương gật đầu trầm ngâm rồi lên tiếng.

– Tôi hiểu được Thúy Nhi muốn nói cái gì. Chúng mình, mỗi người đều có cách thế sống riêng, có những điều muộn phiền phải chịu đựng và âu lo, nhọc nhằn của cuộc sống. Thúy Nhi làm chủ trách nhiệm cũng nhiều, còn tôi làm hạm trưởng của tàu ngầm đụng chạm với nhiều nguy hiểm…

Vừa nghe Chương nói tới đó, Thúy Nhi bật kêu.

– Tàu ngầm… Mèn ơi… Hôm nào Thúy Nhi phải năn nỉ hạm trưởng cho Thúy Nhi chỉ huy tàu lặn xuống đáy biển nghen…

– Ừ… Tôi tính rủ Thúy Nhi đi ra đảo chơi… Tôi không còn ở đây lâu…

Giọng nói buồn buồn của Chương nghe thật bùi ngùi làm cho Thúy Nhi mũi lòng. Bên ngoài cô là cô gái cứng cỏi, cương nghị; song bên trong cái vỏ bọc đó cô rất mềm yếu và yêu thương người.

– Vậy hả…? chừng nào đi…? mai được hông anh Chương…?

Chương hơi đớ người vì kinh ngạc. Anh không ngờ Thúy Nhi lại sốt sắng nhận lời nên chậm trả lời. Khi thấy cử chỉ đờ đẩn đó Thúy Nhi cười hắc hắc chọc.

– Xời ơi… Anh Chương hỏi Thúy Nhi mà Thúy Nhi hỏi lại anh Chương thì anh Chương ú ớ… Sao kỳ vậy anh Chương?

Không biết làm gì hơn Chương cười cười.

– Tại tôi không ngờ Thúy Nhi lại nhận lời một cách mau lẹ như vậy. Thúy Nhi hổng có màu mè như nhiều người khác…

– Thúy Nhi có nói với anh Chương là Thúy Nhi hổng giống ai và hổng ai giống Thúy Nhi hết trơn hết trọi…

Chương bật cười hăng hắc gật đầu.

– Mai… Sáng mai tôi sẽ tới nhà chở Thúy Nhi đi đảo cả ngày luôn.

– Đi cả năm cũng được nữa…

Thúy Nhi cười lên tiếng khi xe dừng trước một quán ăn ở Bãi Thơm mà cô nhận ra mình có tới quán này khi đi cùng với Nhiều cách đây vài tháng. Không đợi và không cần Chương làm cử chỉ lịch sự mở cửa xe cho mình, cô mở cửa bước ra. Gió biển mát rời rợi và thơm mùi của biển. Chương bước tới. Đứng cạnh nhau họ im lặng ngắm biển. Tà áo dài màu trắng phất lên cao như muốn quấn lấy người đứng bên cạnh.

– Thúy Nhi có ngửi được mùi gì hông?

– Dạ có… Mùi của biển…

Chương quay nhìn sang người đứng bên cạnh khi nghe câu trả lời.

– Lúc trước Thúy Nhi có nói rằng chỉ có mình Thúy Nhi mới biết vẻ đẹp của biển. Rồi Thúy Nhi xin lỗi tôi và rút lại câu nói đó. Tôi nghĩ Thúy Nhi không cần phải xin lỗi và rút lại câu nói đó vì Thúy Nhi là một trong số rất ít người biết được vẻ đẹp của biển. Hổng phải ai ai cũng ngửi được mùi của biển đâu nghen Thúy Nhi, nhất là ” mùi biển của Thúy Nhi ”…

Chương nghe được tiếng cười ngắn và bàn tay mềm ấm áp nắm lấy bàn tay của mình rồi xiết chặt lại. Cái ấm của bàn tay khiến cho anh cảm thấy lòng mình thật tịnh lặng.

– Hổng phải ai cũng ngửi được mùi biển của Thúy Nhi đâu nghen anh Chương…

Quay qua nhìn, Chương thấy trong bóng tối mờ của biển sáng đôi mắt đen long lanh. Đôi môi mà anh biết không có thoa son song vẫn mặn mà lời nói chân thật hơi mím lại như cố giữ để không cười thành ra có nét gì là lạ.

– Thúy Nhi nói đúng. Muốn ngửi được mùi biển của Thúy Nhi thời người ta phải có cái tình biển của Thúy Nhi…

– Anh Chương nghĩ anh có tình biển của Thúy Nhi hông?

– Tôi nghĩ tôi có… Có thể không bao la như biển ngoài kia song vừa đủ để biết tình biển của Thúy Nhi đẹp và giá trị như thế nào…

Bật lên tiếng cười, Thúy Nhi xiết mạnh thêm bàn tay chai cứng của người lính tàu ngầm.

– Người ta điên vì tiền, vì tình, vì danh vọng, vì quyền lực và vì chữ. Riêng anh Chương điên…

Thúy Nhi ngừng lời để cười rồi mới tiếp tục nói.

– … Thúy Nhi nghĩ nếu anh Chương có điên thì đó là cái điên lãng mạn, cái điên quyến rũ đầy ắp mộng mơ của biển. Anh Chương ” điên biển ”…

Sau khi nói xong Thúy Nhi cười hắc hắc như thích thú vì lối chơi chữ của mình. Phần Chương lại không cười. Điều đó khiến cho Thúy Nhi phải cố nín cười rồi lát sau thỏ thẻ.

– Thúy Nhi nói có gì làm anh Chương phật lòng?

Nhẹ lắc đầu, Chương nhìn Thúy Nhi với cái nhìn thật lạ.

– Cám ơn Thúy Nhi đã nói ” điên biển ”. Nhờ  đó tôi mới nghiệm ra cái lý của người điên biển…

Thúy Nhi cười nhẹ lôi tay Chương.

– Vậy hả… Vậy thì anh Chương hãy bao Thúy Nhi ăn tối đi… Đói bụng muốn xỉu nè…

Cười hăng hắc Chương vòng tay dìu cô bạn đi vào quán ăn thắp đèn sáng mờ mờ có tiếng nhạc vọng ra.

22.

 3-2036.

Bộ Tư Lệnh Tiền Phương-Chiến Dịch Trường Sa. Dân thường, ít có người biết vị trí trên nằm ở đâu. Chỉ có các người lính liên hệ mới biết đó là căn cứ hổn hợp ba binh chủng hải lục không quân của nước Việt Nam nằm ở đầu phía bắc của Côn Đảo, ngó thẳng ra Biển Đông cách quần đảo Trường Sa 250 hải lý. Từ căn cứ này, quân lực của nước Việt Nam đã âm thầm phóng ra những cuộc thám thính, thăm dò, thu thập tất cả mọi thứ gì liên quan tới Trường Sa như tin tức, tài liệu và hoạt động của các nước dính líu vào cuộc tranh chấp mà đặc biệt là Trung Cộng. Các toán hải kích được thả ra từ tàu ngầm bí mật đổ bộ lên các đảo lớn như Trường Sa, Thị Tứ, Ba Bình và Đá Chữ Thập. Đó là bốn căn cứ quan trọng nhất của bốn nước Phi, Trung Cộng, Đài Loan và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tiềm thủy đỉnh đã thực hiện những chuyến công tác điệp báo bí mật thám sát và tìm hiểu về địa hình địa vật của vùng biển Trường Sa. Máy bay đã lén lút chụp hình các căn cứ của địch cũng như của bạn được thiết lập trên đảo từ ụ súng và hỏa tiển phòng không, đài ra đa, sân bay trực thăng hay phi đạo cho máy bay chiến đấu lên xuống, cầu tàu cho các chiến hạm. Tất cả những gì thu thập sẽ được chuyển tới Ban Điều Nghiên thuộc Phòng Nghiên Cứu Chiến Thuật và Chiến Lược của bộ quốc phòng để điều nghiên và đúc kết thành hồ sơ dùng cho chiến dịch Trường Sa. Trong vòng rào của bộ tư lệnh chiến dịch Trường Sa có căn cứ tiền phương của hải quân đóng ở Vịnh Đầm Tre và căn cứ của Chiến Đoàn Xung Kích gồm hai tiểu đoàn tác chiến và một đại đội tác chiến điện tử. Riêng không đoàn chiến thuật của không quân có căn cứ chung với phi trường Côn Sơn được nới rộng với phi đạo đủ đài cho các chiến đấu cơ và phi cơ vận tải hạng nặng lên xuống mỗi ngày.

20.00 giờ. Chiếc tiềm thủy đỉnh sơn đen không số, không huy hiệu mà cũng không treo cờ lặng lẽ ra khơi. Sóng vỗ tí tách vào mạn chiếc tàu ngầm đang hải hành nửa nổi nửa chìm nên vẫn chạy máy dầu cặn chứ không dùng điện bình hay sử dụng hệ thống AIP để tiết kiệm dưỡng khí.

Đây là chuyến công tác đầu tiên của chiếc VNN66 Hải Mã dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Vũ Quang Chương, tân hạm trưởng. Địa bàn hoạt động của nó chính là vùng biển của quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ thả các toán hải kích, mỗi toán 3 người để thám sát và thu lượm tin tức lần cuối cùng về mọi hoạt động của bốn nước Trung Cộng, nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Đài Loan và nước Phi. Căn cứ vào tin tức mới nhất này, bộ tư lệnh chiến dịch Trường Sa sẽ khai mở kế hoạch đánh chiếm một số đảo nằm trong quần đảo Trường Sa. Với ý định thầm kín và mục đích riêng tư nên trong giai đoạn 2 của chiến dịch Trường Sa, nước Việt Nam sẽ đánh vào các hòn đảo thuộc chủ quyền của nước Việt Nam mà Trung Cộng đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp. Hành động gây hấn này sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng về ba mặt kinh tế, chính trị và quân sự không riêng gì nước Việt Nam mà còn liên quan với các nước trong vùng thụ hưởng lợi ích của Biển Đông. Trung Cộng hiện đang là siêu cường đứng hàng thứ nhì trên thế giới về quân sự và kinh tế. Đánh chiếm các đảo ở Trường Sa là chính thức đối đầu với hạm đội Nam Hải, một hạm đội có thực lực mạnh nhất trong các hạm đội của nước có hải quân mạnh nhất Châu Á. Ngoài ra nếu cuộc chiến lan rộng, hải quân của nước Việt Nam nhỏ bé có cơ đụng với hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải nữa. Bởi vậy mà chiếc VNN66 được giao cho công tác điệp báo và phá hoại cuối cùng trước khi khai mở chiến dịch. Những tin tức mới nhất, nóng nhất sẽ được trình lên bộ tư lệnh hải quân, bộ tham mưu liên quân, bộ quốc phòng và cuối cùng nằm trên bàn giấy của thủ tướng Lê Quốc Việt. Sau khi duyệt xét hồ sơ, ông ta sẽ mở phiên họp kín với giới chức liên hệ để có quyết định cuối cùng về Chiến Dịch Trường Sa và cuộc chiến tranh giới hạn với Trung Cộng. Đối với đảo Phú Quốc nói riêng và nước Việt Nam nói chung, hai quần đảo Côn Sơn và Trường Sa rất xung yếu trên hai mặt quân sự và kinh tế. Nó là cửa ngõ đi vào Phú Quốc. Đặt hai căn cứ quân sự ở Côn Sơn và Trường Sa, hải quân Việt Nam có thể kiểm soát tất cả tàu thuyền từ Ấn Độ Dương về các nước như Trung Cộng, Đài Loan, Nam Bắc Hàn, Hồng Công và Nhật Bản. Nếu có cuộc xung đột về quân sự xảy ra thì các chiến hạm đi lại trên Biển Đông đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiển đặt tại hai căn cứ này. Vì thế mà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nước Trung Cộng, nước Đài Loan và nước Phi đều giành giựt chủ quyền nguyên quần đảo hay ít nhất cũng một phần tùy theo quyền lợi và tham vọng của nước họ. Hất Trung Cộng ra khỏi Trường Sa là bước đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất của chính phủ nước Việt Nam trong việc gây sức ép lên các nước láng giềng mà chủ yếu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đập tan lực lượng trú phòng của Trung Cộng ở Trường Sa là nước Việt Nam nhỏ bé có quyền ăn nói, đòi hỏi và yêu sách các công ty dầu hỏa phải chia lời cho mình. Dùng quân sự và chính trị yểm trợ cho kinh tế; dùng kinh tế để phát huy ảnh hưởng chính trị và tiềm năng quân sự là chủ thuyết của chính phủ Việt Nam được điều hành bởi các yếu nhân dân sự và quân đội.

 Đứng im cạnh chiếc ” plotting table ” đặt trong phòng chỉ huy, thiếu tá Vũ Quang Chương nhìn bao quát khung cảnh cái não của chiếc tàu ngầm. Tùy theo hãng chế tạo, cách thiết trí của phòng chỉ huy của mỗi tàu cũng khác nhau. Phía bên tay trái là vị trí của giàn máy móc chuyên dùng để dò tìm cũng như dẫn đường chỉ lối cho tàu ( Navigational Equipment ) bao gồm ba hệ thống thủy âm định vị chủ động, thụ động và MOAS. Kế đó là giàn máy móc thuộc về truyền tin và liên lạc như hệ thống GPS và ra đa. Xa hơn chút nữa ở góc phòng là khu vực Ship Control Station tức khu vực điều khiển và chỉ huy tàu như lặn xuống, nổi lên mặt nước, hải hành. Tất cả lệnh lạc cũng được phát ra từ đây. Khu vực này có bốn chỗ dành cho bốn thủy thủ để điều khiển tàu. Thứ nhất là thủy thủ cầm tay lái tàu ( helmsman ), thứ nhì là thủy thủ điều khiển hệ thống thăng bằng ( planesman) khi tàu lặn hoặc nổi lên và trong lúc hải hành. Ghế ngồi đặt ở phía sau của hai thủy thủ nói trên là ghế dành cho vị sĩ quan kiểm soát ( Diving Officer ) công việc của hai thủy thủ nói trên. Thứ tư là ( Chief of the Watch ) trông coi hệ thống ( Ballast Control Panel ) có nhiệm vụ kiểm soát hệ thống lặn xuống hoặc nổi lên và luôn cả hải hành bằng cách điều chỉnh các hầm, ngăn chứa nước, không khí  để duy trì tình trạng thăng bằng của tàu. Đối diện với hai chiếc bàn hành quân ( plotting table ) là hai con mắt và lỗ tai của tàu gọi là tiềm vọng kính ( periscope ). Trên đầu tiềm vọng kính, một bên có gắn ăng ten của giàn ra đa và một bên là ống kính của tiềm vọng kính. Chiều dài của tiềm vọng kính chừng 15 mét. Chiều dài này cho phép tàu có thể ở dưới mặt nước một khoảng cách khá sâu mà vẫn thấy những gì nổi trên mặt nước. Đa số tàu mới đóng sau đệ nhị thế chiến đều có hai tiềm vọng kính; một ống lớn hơn dùng cho việc quan sát và một ống nhỏ hơn dùng cho việc nhìn ngắm và xác định tọa độ để khai hỏa vũ khí. Đối diện với hai tiềm vọng kính là bàn làm việc của vị sĩ quan đương phiên. Tùy theo sự phân chia và xếp đặt của mỗi tàu, sĩ quan đương phiên ( Officer of the Deck ) có thể là một hạ sĩ quan thâm niên, sĩ quan cấp úy, cấp tá và cả hai vị hạm trưởng với hạm phó. Phía bên tay mặt là một khu vực không thể thiếu của tàu ngầm. Đó là khu kiểm soát và điều khiển vũ khí ( Weapon Control Panel ) với nhiều cái nút có chữ ” Fire ” màu đỏ. Hàng chục máy điện toán lập thành hệ thống có khả năng kiểm soát, phân tích, đề nghị vũ khí để tấn công tàu địch hoặc phá hủy vũ khí của địch khi bị tấn công.

Chương cúi nhìn xuống mặt bàn hành quân. Trước mặt vị hạm trưởng là tấm bản đồ của quần đảo Trường Sa trải dài từ bắc vĩ tuyến 6°12′ tới 12°00′ và đông kinh tuyến 111°30′ tới 117°20′. Quần đảo gồm khoảng 130 đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên vùng biển có diện tích chừng 180 ngàn cây số vuông. Trường Sa cách Vũng Tàu 300 hải lý, cách Cam Ranh 250 hải lý, cách Hoàng Sa chừng 350 hải lý và cách Phú Quốc 240 hải lý. Nếu so sánh thời Trường Sa gần Phú Quốc hơn hết đồng thời có liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói Côn Sơn và Trường Sa đối với Phú Quốc như là thế môi hở thì răng lạnh. Hể Côn Sơn và Trường Sa nằm trong sự kiểm soát của nước Việt Nam thì Phú Quốc an như bàn thạch. Cái thế chiến lược đó được chính phủ Việt Nam nhìn ra và quyết tâm giành lấy Trường Sa bằng mọi giá kể cả đánh nhau với Trung Cộng.

– Mình lặn được chưa hạm trưởng?

Đang làm phụ tá sĩ quan đương phiên, thượng sĩ Đan hỏi cấp chỉ huy của mình. Không trả lời Chương mỉm cười nhìn Thiện. Đúng ra nếu thiếu tá  Tài, cựu hạm trưởng được đổi về bộ tư lệnh hải quân thì đại úy Thiện, hạm phó sẽ được đôn lên làm hạm trưởng. Tuy nhiên vì anh thiếu một vài điều kiện để ” Tư Lệnh Jack ” không chọn anh mà lại chọn thiếu tá Chương. Thứ nhất là thâm niên quân vụ. Chương ở trong hải quân Phú Quốc lâu hơn Thiện. Thứ nhì Chương giữ chức vụ hạm phó lâu hơn Thiện. Thứ ba là cấp bậc. Chương được thăng cấp thiếu tá ngay vào lúc Tài được rút về bộ tư lệnh. Ba điều trên khiến cho Chương được ưu tiên trong việc chọn lựa một vị hạm trưởng đầy đủ kinh nghiệm và khả năng chỉ huy.

Nhìn Đan, Chương cười nhẹ trả lời.

– Ông hỏi hạm phó đi… Ổng là sĩ quan đương phiên mà. Ổng có quyền định đoạt…

– Cám ơn hạm trưởng…

Nói xong câu đó, Thiện ra lệnh ngắn gọn.

– 66… snort… 66… snort…

 Snort là tiếng tắt của ” snorkel depth ”. Lặn snort tức là lặn mà phần trên cùng của hệ thống dẫn không khí và xả khí thải ra từ máy tàu chạy dầu cặn vẫn còn nằm ở ngang hoặc thấp hơn mặt nước một chút. Điều này cho phép tàu lặn song vẫn có thể thấy được những gì nổi trên mặt nước và vẫn chạy máy dầu cặn chứ không dùng điện bình hay sử dụng hệ thống AIP để tiết kiệm dưỡng khí. Từ đó tiếng ” snorkel depth ” ám chỉ độ lặn sâu mà máy tàu vẫn hoạt động bình thường như nổi trên mặt nước.

– 66 snort… 66 snort…

Ngồi ở ghế sĩ quan kiểm soát tàu lặn, trung sĩ Biền lập lại nguyên văn. Lệnh được truyền đi và chiếc Hải Mã từ từ chìm xuống nước.Từng độ sâu được báo cáo liên tục mới ngừng lại khi tới độ sâu được ấn định. Đại úy Thiện cất giọng.

– 66… bình quân…  66… bình quân…

Cúi nhìn vào bàn làm việc dành riêng cho sĩ quan đương phiên giây lát, Thiện lại ra lệnh tiếp.

– 66… mười… một trăm năm mươi… 66… mười… một trăm năm mươi…

Theo lệnh của sĩ quan đương phiên, chiếc 66 từ từ chìm xuống và xuống tới độ sâu 150 mét rồi sau đó hải hành trong bóng tối mờ mờ của nước biển mà mục tiêu của nó là căn cứ Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa.

Chiếc VNN66 mang tên Hải Mã chạy với vận tốc 10 knots một giờ. Đây là đứa con đầu lòng và là đứa con cưng của Thầy Thăng trong chương trình mà vị kỹ sư lỗi lạc của nước Việt Nam đã đặt tên là Việt Nam Hóa Vũ Khí. Được hải quân Nhật Bản tặng chiếc tàu ngầm cũ tên Oyashio đóng bởi hai hãng đóng tàu nổi tiếng của Nhật là Kawasaki Shipbuilding Corporation and Mitsubishi Heavy Industries; kỹ sư Thăng và các cộng sự viên dưới quyền đã đem kỹ thuật đóng tàu ngầm hiện đại biến chiếc Oyashio cũ thành ra một ” hunter-killer submarine ” tức là loại tiềm thủy đỉnh đặc biệt có khả năng tấn công tàu nổi cũng như săn tìm và bắn chìm tàu ngầm địch. Nó có đủ hết từ hệ thống AIP, hệ thống C4 với ELF ra đa, hệ thống thủy âm định vị và hệ thống vũ khí chống tàu ngầm, tàu nổi và cả máy bay nữa. Sau khi hoàn thành, chiếc 66 được đem ra thử nghiệm trong gần một năm để tìm ra ưu và khuyết cũng như các rắc rối mà nó sẽ gặp phải. Vượt qua thời gian thử thách, nó chính thức trở thành chiếc tiềm thủy đỉnh VNN66 mang tên Hải Mã. Đạt được kết quả ngoài mong ước, bộ tư lệnh hải quân đã bỏ hàng trăm triệu đô la mua thêm các tàu ngầm cũ lớp Oyashio của hải quân Nhật Bản cùng các máy móc và thiết bị điện tử hiện đại để cho Thầy Thăng biến các tàu ngầm xưa cũ thành ra tối tân hơn. Sở dĩ hải quân Việt Nam với sự cố vấn của Tư Lệnh Jack chọn mua lại lớp tàu ngầm Oyashio vì hai lý do chính. Nước Nhật trong việc tìm kiếm đồng minh để đối đầu với Trung Cộng ở Biển Đông đã chọn nước Việt Nam ở Phú Quốc. Do đó họ đã cho không hoặc bán rẻ mười một chiếc tàu ngầm lớp Oyashio cho hải quân Phú Quốc. Lý do thứ nhì cũng không kém phần quan trọng mà một vị tư lệnh nhiều kinh nghiệm như Jack mới nhìn ra được. So với các tàu ngầm không phải là tàu ngầm nguyên tử nghĩa là chạy bằng dầu cặn và điện bình thời các tàu thuộc lớp Oyashio lại có thể lặn sâu tới 650 mét. Đó là một ưu điểm vượt trội của nó so với các loại tàu ngầm mới và tối tân hơn. Lặn sâu là một yếu tố khó đạt nhất đối với loại tàu ngầm chạy dầu-cặn-điện-bình. Ngay cả thầy Thăng cũng tán thành ý kiến của Jack nữa vì ông ta rất thông thạo kỹ thuật đóng tàu của Nhật Bản. Vả lại từng làm việc cho hai hãng đóng tàu Kawasaki Shipbuilding Corporation and Mitsubishi Heavy Industries, do đó ông ta rất dễ dàng ” up grade ” các dụng cụ điện tử bao gồm luôn cả hai dạng hardware software. Hiện tại ngoài ba chiếc tàu lớp Gotland của hãng Kockumk, hạm đội tàu ngầm Phú Quốc có được tám chiếc lớp Oyashio đang hoạt động là chiếc VNN44 Rắn Biển, VNN55 Sứa Lửa, VNN66 Hải Mã, VNN77 Hải Long, VNN88 Lươn Điện, VNN99 Cá Mập, VNN111 Cá Đuối và VNN222 Cá Heo. Nếu không có trở ngại nào thì tới năm 2039, hạm đội tàu ngầm Phú Quốc sẽ có ba mươi chiếc tàu ngầm cũ lượm từ các nước như Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Đức và Tân Gia Ba. Ngoài ra hải quân công xưởng của thầy Thăng còn dự định đóng thử một chiếc tàu ngầm mới tinh tương tự như chiếc VNN66 Hải Mã.

01:00 giờ. Chiếc VNN66 từ từ nổi lên độ sâu của tiềm vọng kính để liên lạc về bộ chỉ huy tiền phương ở Côn Sơn trước khi đi vào vùng biển do địch kiểm soát. Bức công điện được đánh đi. Lát sau trung sĩ nhất Én, hạ sĩ quan truyền tin đưa cho hạm trưởng tờ công điện đã được giải mã có nội dung ngắn gọn như sau: ” Bộ chỉ huy tiền phương gởi VNN66… Công tác thám thính bị hủy bỏ… thi hành công tác phá hoại… chiếc 885… đang neo ở Đá Chữ Thập...”. Nhận được lệnh, chiếc 66 hối hả chìm xuống nước trước khi có máy bay do thám hoặc tàu nổi của địch xác định được vị trí của nó.

02.00 giờ. Đá Chữ Thập. Hai hải lý về hướng tây. Chiếc VNN66 nằm lơ lửng trong nước ở độ sâu 15 mét. Trung sĩ Bính, phụ tá sĩ quan trực từ từ nâng chiếc kính tiềm vọng số 1 lên. Tàu có hai chiếc tiềm vọng kính được dùng với hai cách thức khác nhau. Chiếc số 1 dành cho thủy thủ đoàn các cấp. Nó lớn hơn nên dùng để quan sát. Chiếc kính  số 2 nhỏ hơn, dành cho việc quan sát, xác định mục tiêu và tọa độ để phóng thủy lôi nên chỉ có sĩ quan mới dùng. Cả hai đều được sơn màu xám nhạt. Hai tay nâng cái càng ống kính lên cho vừa tầm mắt của mình, hai con mắt dán vào đầu ống kính xong Bính từ từ xoay một vòng tròn để quan sát những gì đang ở trên mặt nước. Lính tàu ngầm gọi cử chỉ này là ” khiêu vũ với người đẹp áo xám ”. Quan sát hồi lâu anh mới thong thả lên tiếng.

– Thấy nó rồi đại úy…

Nghe Bính báo cáo, Toàn rời chỗ đứng bước tới chiếc tiềm vọng kính thứ nhì. Ôm lấy người đẹp áo xám, anh chậm chạp xoay một vòng tròn đoạn hắng giọng.

– Mời hạm trưởng…

Tới phiên vị hạm trưởng đi những bước lả lướt với người đẹp. Đứng trước ống tiềm vọng kính, Chương dán mắt vào chiếc 885 đang bỏ neo cách chỗ anh đứng ba hải lý. Trên mặt biển đen mờ lập lòe ánh sáng, anh thấy chừng chục bóng tàu đậu rải rác trên mặt nước. Rất dễ dàng nhận ra tàu nào là chiến hạm và tàu nào là quân vận hạm nhờ hình dáng và nổi bật là các cần câu được thiết trí hai bên hông và trước mũi cũng như sau lái. 885 là tàu chở quân dụng gồm nhiên liệu, lương thực và súng đạn tiếp tế cho các căn cứ của Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa. Đánh chìm các tàu chở tiếp liệu của hạm đội Nam Hải là công tác không thể thiếu trong chiến dịch Trường Sa.

– Thủy lôi 1 sẵn sàng…

– Thủy lôi 2 sẵn sàng…

– Thủy lôi 3 sẵn sàng…

Chương ra lệnh trong lúc vẫn nhìn vào ống kính. Đang đứng ở giàn máy điều khiển vũ khí ( Weapon Control Panel ) phía bên kia, trung úy Thâm lập lại cho thủy thủ dưới quyền của mình nghe rõ. Thật ra thì trong căn phòng chỉ huy nhỏ hẹp thì ai cũng nghe rõ, nhưng Thâm vẫn lập lại hai lần cho đúng thủ tục.

– Thủy lôi 1 sẵn sàng…

– Thủy lôi 2 sẵn sàng…

– Thủy lôi 3 sẵn sàng…

Giọng nói của Chương vang lên trầm trầm.

– Thủy lôi 1 bắn… thủy lôi 2 bắn… thủy lôi 3… bắn…

Nhóm thủy thủ phụ trách phóng thủy lôi bấm nút. Ba trái thủy lôi rời giàn phóng với vận tốc 65 hải lý một giờ. Trung úy Thâm và vị sĩ quan phụ tá là thiếu úy Chiến chăm chú nhìn vào màn hình của hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí. Lát sau giọng của Thâm chậm chạp vang lên.

– 30 giây… 20 giây… 15 giây… 10… 9… 8… 7… 6… 5… 4… 3…2… 1… Nổ…

Sức thủy lôi nổ mạnh tới độ làm lùng bùng lỗ tai người nghe đồng thời như muốn nâng chiếc tàu mấy ngàn tấn lên khỏi mặt nước dù nó đang ở xa mấy hải lý. Tiếng còi hụ rền vang. Hỏa châu phựt sáng trên trời cao. Lửa trên chiếc 885 bốc cháy sáng lòa mặt biển rồi lát sau hàng trăm tiếng nổ lớn nhỏ nổi lên. Điều đó cho mọi người biết chiếc tàu chở đạn được và thực phẩm cho quân lính của địch đã bị trúng ba trái thủy lôi và đạn dược trên tàu phát nổ làm cho tàu sẽ bị chìm trong chốc lát.

– Hạm trưởng… Tàu địch tới…

Đang ôm người đẹp, mắt dán vào ống kính, thấy bóng tàu lù lù trước mặt Toàn, sĩ quan C4 báo cáo. Chương bình tịnh ra lệnh.

– 66 lặn nhanh… 66… running dive…

Có lẽ vì gấp rút do đó vị hạm trưởng ra lệnh bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Tiềm thủy đỉnh có ba cách lặn khác nhau. Đó là lặn khẩn cấp (quick dive), lặn nhanh (running dive) và lặn bình thường hay còn gọi là bình quân (stationary dive). Lặn khẩn cấp chỉ dùng khi tàu đang ” snort ”.  Bằng cách lặn khẩn cấp, tàu có thể chìm xuống nước trong vòng một phút đồng hồ. Cách lặn nhanh là cách lặn với thời gian ngắn nhất trong lúc tàu đang xử dụng hệ thống bình điện để lặn. Cách thứ ba là lặn bình thường có nghĩa là sau khi lặn xuống nước rồi, các ngăn chứa nước được làm ngập để giữ cho tàu bình quân ở độ sâu theo ý muốn và tàu sẽ hải hành bằng tình trạng bình quân này.

Theo lệnh của hạm trưởng, chiếc 66 chìm mất trong nước chưa đầy một phút đồng hồ và tiếp tục xuống sâu hơn ba trăm mét mới tạm thời bình quân. Ở độ sâu đó thủy thủ trên tàu nghe tiếng nổ của loại tạc đạn chuyên dùng để chống tàu ngầm vọng ì ầm. Nhiều khi tiếng nổ gần làm rung chuyển thân tàu và râm ran lồng ngực. Giọng nói của Chương vang lên trầm trầm.

– 66… ba trăm năm chục… 66… ba trăm năm chục…

Hạ sĩ nhất Thêm lập lại.

– 66… ba trăm năm chục… 66… ba trăm năm chục…

Chiếc 66 tiếp tục lặn xuống sâu theo lệnh của hạm trưởng. Tiếng nổ nhỏ dần dần. Liếc nhanh máy chỉ độ sâu, vị tân hạm trưởng ra lệnh gọn.

– 66 bình quân… 66 bình quân…

Hạ sĩ nhất Thêm lập lại.

– 66 bình quân… 66 bình quân…

– 66… năm… 66… năm… tọa độ Côn Sơn…

Thủy thủ đều lộ ra nét vui mừng khi nghe  câu ” tọa độ Côn Sơn…”. Theo lệnh của hạm trưởng, chiếc 66 hải hành với vận tốc 5 knots một giờ như không muốn gây tiếng động để tàu nổi của địch có thể dùng máy dò âm thanh tìm ra vị trí của nó.

21.00 giờ. 100 hải lý đông Côn Sơn. Như con cá voi khổng lồ chiếc VNN66 nổi lên trên mặt biển đen ngòm. Nó cần nổi lên để tiết kiệm dưỡng khí lỏng dùng cho hệ thống AIP, chạy máy dầu cặn xạc bình điện và cũng để liên lạc với bộ tư lệnh trên đường trở về Côn Sơn. Công điện được đánh đi và  phút sau Chương đọc công điện gởi từ bộ tư lệnh với dòng chữ đã được giải mã: ”… 66… trực chỉ Hoàng Sa… thám sát Liêu Ninh… chi tiết biết sau...”. Tuy còn có nhiều thắc mắc về lệnh này song vị tân hạm trưởng vẫn thi hành lệnh của cấp trên một cách nghiêm chỉnh. Chương đưa tờ công điện cho Toàn, sĩ quan C4 mà cũng là sĩ quan đương phiên.

– 66 đổi lộ trình… 66 đổi lộ trình… mười… bắc vĩ tuyến mười sáu ba mươi hai không năm… đông kinh tuyến một trăm mười một ba mươi sáu ba mươi…

Đang có nhiệm vụ lái tàu hạ sĩ Bền lập lại lệnh hai lần cái lệnh dài lê thê của hạm trưởng một cách rõ ràng. Ai ai trong phòng chỉ huy cũng đều biết tọa độ đó chính là tọa độ của đảo Hoàng Sa, hòn đảo chính nằm trong quần đảo Hoàng Sa, cấm địa của hạm đội Nam Hải. Họ ngạc nhiên và thắc mắc vì đây là lần đầu tiên họ đi xa, xa hơn vùng biển của nước họ. Bấy lâu nay họ chỉ quanh quẩn ở Vịnh Thái Lan hoặc cùng lắm là đi Trường Sa và Vũng Tàu mà thôi. Hôm nay họ được lệnh đi Hoàng Sa, vùng hoạt động mạnh nhất của hải quân Trung Cộng.

– Mình đi Hoàng Sa thiệt hả hạm trưởng?

Người vừa lên tiếng hỏi chính là Chiếm, người thủy thủ mới nhất của tàu. Chỉ có lính tò te mới hỏi câu đó vì đâu có ai dám nghĩ lệnh của hạm trưởng thiệt hay giả. Nhìn Chiếm, Chương ôn tồn giải thích.

– Lệnh của bộ tư lệnh thì đâu có giả được em. Họ ra lệnh cho mình đi Hoàng Sa để coi giò coi cẳng chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh…

Đang ngồi trước giàn máy thủy âm định vị, thượng sĩ Đan bật lên tiếng cười chắc vì câu nói có chút cà rỡn của hạm trưởng.

– Tôi nói đúng không ông Đan…

So về tuổi đời và tuổi lính thì Đan là người đứng nhất dưới tàu bởi vậy ông ta được sự nể nang của mọi người kể cả hạm trưởng.

– Dạ hạm trưởng nói đúng. Hổng chừng khi mình coi giò coi cẳng xong bộ tư lệnh lại bắt mình bẻ giò bẻ cẳng thằng Liêu Ninh nữa…

Mọi người ngồi trong phòng chỉ huy đồng bật cười. Thiện, hạm phó góp chuyện.

– Hổng có dễ bẻ giò bẻ cẳng Liêu Ninh đâu. Nó được hộ tống bởi bốn chiếc Thẩm Dương, Thạch Gia Trang, Yên Đài và Duy Phường. Chiếc Thẩm Dương mang số 115 và Thạch Gia Trang 116 là hai khu trục hạm kiểu 051C được trang bị hỏa tiển, còn chiếc 538 Yên Đài và 550 Duy Phường là hộ tống hạm lớp 054A mới nhất của hải quân Trung Cộng đó ông. Mình lạng quạng nó xơi tái mình luôn… Đó là tôi chưa kể tới tàu ngầm và nhiều tàu khác nữa…

Thượng sĩ Đan cười hề hề.

– Hạm phó đừng có lo… Trung Cộng xài toàn đồ dỏm hông hà. Tàu ngầm của họ chạy xa trăm cây số còn nghe tiếng ồn…

Mặc nhân viên đấu láo cho qua thời giờ, Chương im lặng rời chỗ ngồi trở về phòng riêng của mình. Vào phòng đóng cửa lại, nằm trên chiếc giường hẹp té, trí óc anh nghĩ ngợi xa xăm. Có người nói lính tàu ngầm là những người đơn độc. Bây giờ anh nhận thấy lời nói đó có thể không đúng với tất cả nhưng lại đúng với anh. Sống trong tàu ngầm như sống trong nấm mồ bằng sắt không biết mình sẽ bị chôn vùi lúc nào. Ngày đầu tiên, khi chiếc tàu lặn xuống biển sâu tối đen, anh đâm ra sợ và cho tới bây giờ anh vẫn còn sợ, còn mang ám ảnh mình không bao giờ trở lên mặt đất để thấy ánh mặt trời và thấy mặt người… Chữ ” người ” làm anh nhớ tới Thúy Nhi. Có đi xa, có đối mặt với sự cô độc của mình, anh mới biết những giây phút ở bên cạnh người con gái đó quí giá vô cùng. Khuôn mặt hiện ra. Mái tóc dài. Đôi mắt đen. Nét mặt xinh xắn, thông minh song ẩn ước nỗi buồn giấu kín. Ở bên cạnh Thúy Nhi, anh có được sự an tịnh trong lòng cũng như tạm quên hết nỗi sợ chết và cô độc của mình. Cười thỏa thuê. Ăn nói tự nhiên và thoải mái. Tình bạn mà anh dành cho cô phát xuất tự tâm hồn ao ước có một tri kỹ. Thúy Nhi diễm tuyệt ở điểm, cho mà không cần nhận, không cần người ta phải tri ân mình. Dường như đó là cá tính đặc thù giúp nàng thành công trong thương trường ở cái tuổi còn rất trẻ. Trong tiếng ì ầm nho nhỏ của con tàu đang hải hành ở độ sâu trăm rưởi mét, anh như nghe được tiếng cười hắc hắc trong buổi tối cuối cùng trước khi ra Côn Sơn. Tà áo dài trắng phất lên trong đêm gió biển nhẹ thổi về thoảng mùi hương mà cho tới bây giờ anh cũng không biết tên song vẫn còn nhớ và vẫn còn trong tâm tưởng. Mình có nhớ người ta không? Vị hạm trưởng tự hỏi và loay quay tìm câu trả lời. Nếu không nhớ sao lại nghĩ hoài tới người ta? Nếu không nhớ sao gọi tên hoài? Nếu không nhớ sao lại vấn vương hình ảnh? Người lính tàu ngầm đơn độc thiếp đi mà ý nghĩ còn đọng lại khuôn mặt và tiếng cười.

Trang 2

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 2: Tất cả cho Hoàng-Trường Sa

  1. Cách đây cũng lâu, tình cờ vào trang này và đã đọc được hết quyển 2 của truyện dài này. Đang mong chờ quyển 3 và quyển 4 🙂

Comments are closed.