TẬP 6
Khiêu vũ với người đẹp áo xám
30.
Vừa bước lên cầu tàu, Chương nghe điện thoại cầm tay của mình reo lên những nốt nhạc. Lần gặp nhau trước, Thúy Nhi đã xếp đặt làm sao đó mà mỗi khi có người gọi thì điện thoại của anh sẽ reo lên âm thanh nghe rất lạ tai. Nhìn số điện thoại anh biết là của cô bạn thân ở Phú Quốc.
– Anh mạnh hông?
– Bịnh…
– Bịnh gì?
– Tương tư một người ở xa…
– Hổng tin đâu…
– Tại sao?
– Tại vì anh vừa nói vừa cười thì ai mà tin được…
– Vậy anh vừa nói vừa khóc hu hu thì Thúy Nhi mới tin hả?
– Ừa… Khóc đi… mà anh đang ở đâu dậy?
– Mới từ Trường Sa về tới Côn Sơn…
– Vậy à… Thúy Nhi có đọc báo nói về trận đánh ở Trường Sa. Anh có tham dự hông dậy?
– Có tham dự mà hổng có đánh nhau với ai…
– Sao dậy?
– Tại vì hổng có ai dám đánh nhau với Chương Điên hết…
Thúy Nhi nghe giọng cười hắc hắc của Chương bên kia đầu điện thoại.
– Có Thúy Nhi nè… Thúy Nhi đang muốn dọng vô cái bản mặt của anh đó…
Chương nghe tiếng cười hắc hắc của cô bạn thân vang vang sau câu nói đùa.
– Thúy Nhi có bận làm không?
Nghe câu hỏi này, hiểu ý của Chương, Thúy Nhi trả lời liền.
– Bận lắm… Hổng đi ra Côn Sơn được đâu. Anh ráng dìa Phú Quốc đi…
Trả lời xong Thúy Nhi nghe có tiếng thở dài của người ở xa kèm theo giọng nói buồn buồn mà nàng nghĩ làm bộ buồn để cho người khác đâm ra thương hại mà người khác đó chính là cô.
– Chắc còn lâu mới về được…
– Thì anh ráng chờ đi…
– Nhớ Thúy Nhi lắm…
– Xạo…ooooo…
Chương bật cười khi nghe tiếng xạo được cô bạn thân kéo dài ra.
– Chừng nào anh về lại Phú Quốc?
– Hổng biết… Hi vọng cuối tháng tới…
– Anh về ở lâu hông?
– Hổng biết… chắc vài ngày…
– Vậy được rồi… Anh ở lâu Thúy Nhi hổng có tiền nuôi cơm anh đâu…
Nghe tiếng cười hắc hắc lồng trong câu nói, Chương cũng giỡn lại.
– Anh ăn ít lắm…
– Hổng tin đâu… Người ta nói lính ăn nhiều, nói nhiều, xạo nhiều… Cái gì cũng nhiều hết…
– Vậy thì lính cũng yêu nhiều hả?
– Hông… Lính yêu ít xịt hà…
Đang đứng trên cầu tàu nói chuyện Chương thấy Tuấn, hạm trưởng chiếc VNN44 Hải Sà ngoắc mình bèn lên tiếng.
– Anh phải đi… Khi nào về An Thới anh sẽ gặp Thúy Nhi…
– Dạ… Anh ráng giữ gìn sức khỏe hén… Thúy Nhi muốn thấy cái bản mặt của anh…
Chiếc C130 đáp xuống phi đạo. Xe buýt của hải quân trờ tới. Mọi người tuần tự lên xe. Gần một năm mới trở lại Phú Quốc, không riêng gì Chương mà mọi người đều cảm thấy sự khác lạ của cái đảo nhỏ này. Nhà cửa nhiều hơn. Xe cộ nhiều hơn. Quán xá cũng nhiều hơn và tất nhiên người cũng nhiều hơn. Không những là thủ đô của quần đảo Phú Quốc, Dương Đông còn là trung tâm du lịch của nhiều quần đảo khác nữa như Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khoai và Côn Sơn. Phi trường Dương Đông trở thành phi trường quốc tế có sức tiếp nhận phi cơ lớn của các hãng hàng không ngoại quốc.
Ngồi bên cạnh Chương là trung tá Sơn, hạm trưởng chiếc khu trục hạm Quang Trung lên tiếng nói trong lúc nhìn ngắm phong cảnh hai bên con đường từ Dương Đông về An Thới.
– Tôi nghe phong phanh chánh phủ sẽ bắt cầu từ An Thới nối với hòn Dừa, hòn Roi, hòn Thơm, hòn Kim Qui và khuyến khích các công ty xây cất nhà cửa rồi bán lại cho dân chúng vì càng ngày người càng đổ về Phú Quốc nhiều hơn…
– Tôi cũng thích ý kiến đó thưa trung tá. Vậy là mình có thể đứng dưới tàu nhìn người đẹp đi trên cầu và hát câu ” Chiều nay ra khơi thoáng thấy mắt em nhuốm buồn… Áo em bay trong nắng tà… nhìn theo lệ ướt nhòa ” rồi trung tá…
Bật cười ha hả, Sơn vỗ nhẹ lên vai Chương.
– Em chưa vợ nên còn có người ” nhìn theo lệ ướt nhòa, khóc một người đi xa ” chứ anh thời chỉ có bà xã nắm tay con réo một người đi xa sao chưa đem lương về…
Chương cùng mọi người trên xe cười hăng hắc vì câu nói đùa của Sơn. Lần đầu tiên mới có dịp nói chuyện với nhau anh không ngờ vị hạm trưởng lớn tuổi, nét mặt khắc khổ và nghiêm nghị cũng biết đùa giỡn nữa.
Mọi người đồng đứng lên chào khi nghe tiếng hô ” nghiêm ” rồi tư lệnh Kiếm và phó đề đốc An, tư lệnh chiến dịch Trường Sa bước vào. Giơ tay ra dấu cho mọi người ngồi xuống xong xuôi, vị tướng hai sao của hải quân mới thong thả hắng giọng.
– Tôi mời quý vị hạm trưởng về đây họp với hai lý do chính. Đầu tiên là theo lời yêu cầu của mấy bà. Họ kêu nài mấy ông đi lâu quá chưa về nhà…
Có loạt tiếng cười nổi lên khiến cho tư lệnh Kiếm cũng phải mỉm cười ngưng lời.
– Lý do thứ nhì là giai đoạn 4 của chiến dịch Trường Sa. Theo ước tính của bộ quốc phòng, bộ tham mưu liên quân và bộ tư lệnh hải quân thì sớm muộn, có thể một hai năm nữa tức vào năm 2039 hoặc 2040; Trung Cộng sẽ mở cuộc chiến tranh trên biển với ta để tái chiếm lại Trường Sa và có thể đánh vào đảo Phú Quốc nữa. Đây là vùng biển có rất nhiều dầu hỏa và khí đốt, thứ nhiên liệu rất cần cho nền kinh tế đang lên của họ. Cuộc đụng độ lần này sẽ khốc liệt và to lớn hơn vì không những họ sẽ sử dụng hạm đội Nam Hải mà có thể cả Đông Hải và Bắc Hải nữa. So về số lượng tàu chiến thì ta không bằng họ. Đó là yếu điểm của ta. Tuy nhiên họ cũng có nhược điểm là phải vượt đoạn đường dài bảy tám trăm hải lý mới tới Trường Sa được. Còn nếu muốn đánh đảo Phú Quốc thì họ phải vượt ngàn hải lý. Ngày xưa trong cuộc chiến chống xâm lăng đến từ phương bắc, nhà Lý và nhà Trần đã sử dụng cách thức triệt đường lương thảo của địch khiến cho chúng phải rút lui. Hôm nay muốn đánh bại Trung Cộng, chúng ta cũng sẽ noi theo cách của người xưa là triệt con đường tiếp vận của họ bằng cách đánh chìm đoàn tàu tiếp tế nhiên liệu, đạn dược và lương thực cho binh sĩ. Nhiệm vụ đó được chính phủ giao phó vào tay hải quân mà đại diện là quý vị hạm trưởng của tàu nổi và tàu ngầm đang có mặt trong phòng này. Bây giờ nhân danh tư lệnh hải quân, tôi mời phó đề đốc An trình bày và thuyết giảng về Giai Đoạn 4 của Chiến Dịch Trường Sa. Có chú tâm theo dõi, học tập và áp dụng đúng cách thức được ghi trong tài liệu mật của hai Phòng An Ninh Tình Báo với Phòng Nghiên Cứu Chiến Thuật Chiến Lược, chúng ta mới có hi vọng đánh bại kẻ xâm lăng giữ vững bờ cõi và đất đai của tổ tiên đã để lại…
Sau đó trong vòng một tuần lễ, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều, các vị hạm trưởng cùng các đơn vị trưởng có liên hệ và trách nhiệm trong chiến dịch Trường Sa được chỉ dẫn một cách chi tiết về phần hành của họ.
Vừa quẹo xe vào con đường đá đỏ dẫn về nhà của mình, Thúy Nhi thấy Chương đang ngồi trước cửa. Bước xuống xe, nhìn anh đang ngồi xoải chân ra nàng hất mặt cười.
– Muốn gì mà nằm vạ trước nhà người ta dậy?
– Cơm… Đói bụng gần xỉu rồi nè…
Vừa nói Chương vừa vò bụng. Cười hắc hắc Thúy Nhi hỏi.
– Anh bao Thúy Nhi hả?
– Ừ… Bao Thúy Nhi ăn no phình bụng luôn…
Trong lúc nói Chương cười cười ngắm nghía cái bụng hay đúng hơn cái eo chưa đầy gang tay của nàng. Nhẹ lắc đầu, Thúy Nhi cười đùa.
– Thôi để Thúy Nhi bao người ” điên ” vừa trở về từ Trường Sa… Anh muốn ăn chỗ nào?
Ngồi bật dậy Chương nói nhanh.
– Đi Hàm Ninh ăn ghẹ…
Xoay người đi trước Thúy Nhi nói trong tiếng cười.
– Dạ em xin tuân lệnh hạm trưởng… Mời hạm trưởng lên tàu ngầm… ý quên lên xe…
Bật cười ha hả, mở cửa ló đầu vào Chương nói nhỏ.
– Cái bản mặt thấy ghét…
– Cám… ơ…oooo…nn…nnn…
Kéo hai tiếng cám ơn ra dài sọc, Thúy Nhi háy Chương.
– Cái bản mặt thấy ghét mà có nhiều người muốn nựng lắm nghen…
– Ai?
– Ai biết ai… chỉ biết có người thôi…
Chiếc Honda Civic từ từ lăn bánh trên đường đá đỏ mịn rồi lát sau ra tới đường lớn. Thay vì quẹo trái, Thúy Nhi lại quẹo phải đi ngược lên Gành Dầu. Biết Chương thắc mắc, nàng cười thốt.
– Nhiều khi buồn và nhớ anh, Thúy Nhi lái xe trên con đường này rồi sau đó đi ra bãi biển ngồi ngóng trời đất…
– Còn ngóng gì nữa không?
– Dạ ngóng một người đi xa quên về…
Nghe giọng buồn buồn của Thúy Nhi, Chương thở dài.
– Anh cũng vậy… Có những đêm ngủ trên bãi biển ngóng về nơi đây anh nhớ Thúy Nhi thật nhiều…
Lần thứ nhất Thúy Nhi nghe Chương bộc lộ chút tình cảm. Dù không phải lời thương yêu song cũng đủ cho cô hiểu được anh muốn nói gì.
– Mình quen nhau bao lâu anh nhớ không?
– Năm rưởi…
– Vậy à…
Nói xong hai tiếng, Thúy Nhi quay nhìn người ngồi bên cạnh. Chương đọc được trong ánh mắt của cô bạn gái có chút gì dịu dàng, âu yếm mà cũng tinh nghịch.
– Vậy mà Thúy Nhi tưởng như chừng mới hôm qua… Chắc tại anh đi hoài nên Thúy Nhi quên…
Chương cười. Bây giờ Thúy Nhi mới nhận ra Chương có đồng tiền. Cô không hiểu tại sao quen nhau lâu mà tới bây giờ mới nhận ra.
– A… Anh có đồng tiền…
– Quen hơn năm rưởi rồi mà tới bây giờ Thúy Nhi mới nhận ra anh có đồng tiền…
Bật cười hắc hắc vì câu trách khéo, Thúy Nhi nói một câu mà khi nghe xong Chương cũng bật lên cười.
– Tại đồng tiền của anh nhỏ quá chỉ có một xu teng… Thúy Nhi quen xài đồng tiền bự cỡ trăm đô…
Xe chạy trên đường nhựa phẳng phiu dọc theo bờ biển. Xa xa dọc theo bờ biển đèn sáng trưng. Hàng quán và nhà cửa được cất lên khắp nơi.
– Tối mai Thúy Nhi có làm gì không?
Nghe Chương hỏi dò, Thúy Nhi hiểu ý cười thốt.
– Có chuyện gì?
– Muốn nghe Thúy Nhi đàn… Tối mai rằm… Ngắm Thúy Nhi ngồi đàn dưới trăng anh nghĩ hình ảnh đó đẹp lắm… Anh lưu luyến tiếng đàn của em…
Thúy Nhi mỉm cười. Cô nhớ lại lần chia tay trước có tặng cho Chương cái cd nhạc do chính mình đàn và thu âm để anh nghe đỡ buồn. Không ngờ Chương vẫn còn nhớ. Chắc anh phải nghe nhiều lần lắm. Nhìn vầng trăng đang lơ lửng dọi xuống chút ánh sáng mông lung, Thúy Nhi thì thầm.
– Anh vẫn còn nhớ tiếng đàn của Thúy Nhi?
– Anh nhớ tiếng đàn năm mà nhớ người đàn mười lăm… Tàu lặn sâu 400 mét dưới nước, buồn lắm nên anh nghe đi nghe lại cái cd tới nỗi tương tư người đàn…
Thúy Nhi bật lên tiếng cười vui thích. Thấy anh chăm chú nhìn hai bàn tay của mình đặt trên tay lái, cô cười hỏi.
– Anh nhìn gì vậy?
– Nhìn hai bàn tay của Thúy Nhi chứ nhìn cái gì. Thúy Nhi có hai bàn tay thật đẹp. Đúng là bàn tay của một nghệ sĩ, một nhạc sĩ…
Quay nhìn vào mặt cô bạn gái, anh cười hỏi tiếp.
– Ngoài chuyện vẽ với đàn, Thúy Nhi còn biết gì nữa hông?
– Hỏi chi vậy?
Hỏi trong tiếng cười xong Thúy Nhi từ từ thốt.
– Dạ… Thúy Nhi biết làm thơ chút chút, viết văn chút chút. Thúy Nhi còn biết nấu ăn chút chút. Trước khi anh đi Côn Sơn, Thúy Nhi sẽ nấu vài món mời anh tới nhà…
Khẽ gật đầu Chương vui vẻ cười nói đùa.
– Cái gì Thúy Nhi cũng biết chút chút cộng lại thành ra biết nhiều… Mà có yêu nhiều không?
– Dạ cái này thì chút chút…
Nhìn Chương, cô cười cười tiếp.
– Yêu thương quí giá lắm nên Thúy Nhi hà tiện…
Câu nói của nàng khiến Chương phá ra cười. Thúy Nhi cũng cười cũng vừa đúng lúc xe ngừng lại trước cái quán nhỏ bên đường.
– Anh có ăn ghẹ chỗ này chưa?
Nhìn chiếc quán nhỏ khang trang và xinh xắn, Chương lắc đầu.
– Quán này chắc mới mở…
– Dạ chưa đầy năm… Anh chị của một nhân viên trong sở của Thúy Nhi làm chủ quán này. Thúy Nhi hay tới đây ăn để giúp họ…
Ông bà chủ quán mừng rỡ chào đón Thúy Nhi.
– Anh Chương, bạn thân của tôi muốn ăn ghẹ nên tôi đưa ảnh tới đây…
Ông bà chủ niềm nở mời khách quen ngồi vào bàn rồi lăng xăng rót nước uống và sau đó đi hấp ghẹ. Nổi tiếng là làng đánh cá lâu đời song Hàm Ninh còn được mọi người biết tới nhờ có ghẹ tươi thơm và thịt rất chắc. Ghẹ hấp chấm muối tiêu chanh mà lại có rượu sim thì ngon tuyệt vời. Hai người vừa ăn vừa mãi mê trò chuyện tới mười giờ hơn mới trở về nhà. Đưa Chương về tới cổng bộ tư lệnh hải quân, Thúy Nhi còn nhắc.
– Anh Chương nhớ đúng hẹn nghen…
Trăng mênh mông. Trăng vàng buông xuống mảnh vườn nhỏ sau nhà. Gió biển thổi về mang theo mùi rong rêu, muối mặn và thứ mùi quen thuộc của nước mắm thum thủm khiến người ta khó chịu song riết rồi thành ra quen và nhớ nhung mỗi khi xa vắng. Chương biết ở trong cái mùi nước mắm đó còn có thêm hương tóc, ánh mắt nhìn, tiếng cười của cô gái đang ngồi trước mặt mình. Trăng đọng trên màu tóc đen dài. Trăng chảy trên màu áo lụa trắng bàng bạc làm cho anh có cảm tưởng hình bóng của người ngồi mờ mờ ảo ảo, nửa thực nửa mộng. Tiếng đàn cất lên xa mà gần, đâu đó, chốn nào không có trong đời sống thực của anh. Nốt nhạc buông. Nốt nhạc chùng. Đêm thu. Heo may. Dòng sông mờ sương. Sương mờ chân mây. Thuyền xuôi dòng sông trăng về bến mơ để nhớ thương ai chùng tơ lòng…
Mười ngón tay người đàn ngừng mà âm thanh còn hoài trong tâm tưởng người nghe. Khoảng không gian nhỏ hẹp chỉ còn có âm thanh mơ hồ của sóng vỗ bờ và gió lùa qua cây rừng. Thúy Nhi nhìn hình tượng của người đang ngồi trước mặt mình trong bóng tối sáng mờ ánh trăng. Khắc khổ. Câm nín. Im lặng. Nhẫn nại. Chịu đưng. Tất cả hòa quyện với nhau hình thành một nỗi cô độc đẫm ướt toát ra từ ánh mắt nhìn xa vắng. Điều mà cô nhận thấy, dù quen biết nhau đã lâu, giữa cô với người đang ngồi, mỗi người có thế giới tư riêng mà ở trong đó người ta giấu kín tâm tư của chính họ. Có những suy tư và ý nghĩ cô biết không muốn hoặc không thể nói với Chương. Chính cô cũng đoán Chương có rất nhiều điều không thể và không muốn tỏ bày dù cả hai có thể thương yêu nhau. Đời sống có những nghịch lý không giải thích được. Có thể nào hai người yêu thương nhau song lại không thể chia xẻ tận cùng cảm nghĩ của họ. Có những người sinh ra chỉ để yêu thương nhau chứ không phải để sống với nhau như vợ chồng. Chương tới với nàng thật tình cờ, thật bất chợt. Anh đến đi thật vội vàng, thật lặng lẽ như đám mây đen của vùng biển bất chợt kéo về, đổ xuống chút mưa rào rồi đi mất. Nhiều lúc, ngồi trong căn phòng làm việc nhìn ra vùng biển xanh cô lại nhớ tới Chương như nhớ cơn gió biển có mùi rong rêu muối mặn. Nhớ Chương như nhớ tiếng sóng vỗ bờ khi đêm khuya vắng ngồi nơi chỗ hẹn nhìn biển đen thẳm.
Chương ngước lên nhìn khi nghe có tiếng thở dài.
– Em buồn…
– Dạ…
Nói xong một tiếng, Thúy Nhi tới ngồi cạnh Chương. Tựa đầu vào vai anh, cô ngước lên cười với anh hay cười với trăng và giọng nói cất lên như tiếng thì thầm.
– Đôi lúc Thúy Nhi muốn được tựa đầu vào vai anh ngắm trăng…
– Thúy Nhi còn muốn gì nữa không?
– Còn… Còn muốn làm hạm trưởng tàu ngầm…
Chương cười nhẹ trong lúc Thúy Nhi lại bật cười hắc hắc.
– Anh nhớ anh còn nợ Thúy Nhi…
Chương gật đầu xoa nhẹ bờ vai cô bạn gái. Có chút hương thơm lãng đãng trong gió theo ánh sáng của trăng bay vào mũi anh.
– Anh nhớ… Hi vọng lần tới…
Chương bỏ câu nói ở đó. Hai tiếng ” hi vọng ” của anh nghe rất mơ hồ. Thúy Nhi nhẹ gật đầu. Dù còn trẻ, không biết học từ ai hoặc có thể do chính sự suy nghiệm riêng của mình, cô hiểu được cái vô thường của cuộc sống. Cô không hiểu hết mà chỉ hiểu phần nhỏ song đủ cho cô sớm cảm nhận ra cái chất ảo của sự vật và người. Bởi vậy không mong đợi ở Chương điều gì, không mong anh làm cái gì cho mình. Hai người ngồi cạnh nhau ngắm trăng, nghe sóng biển và Thúy Nhi chìm vào giấc ngủ. Khi cô thức giấc gần sáng, Chương đã ra đi lúc nào không biết chỉ thấy trên bàn ăn có tờ giấy trắng ghi ba chữ ” Hẹn gặp lại…”.
31.
1-1- 2039.
Sau khi chính thức làm chủ quần đảo Trường Sa, vì lý do chánh trị và kinh tế; chánh phủ của nước Việt Nam vẫn không đá động tới các đảo mà nước Phi, Đài Loan và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã chiếm đóng. Bù lại ba nước này, tuy không chính thức ra mặt song cũng ngầm hoan hỉ về chuyện Trung Cộng bị hất ra khỏi Trường Sa. Ít ra họ cũng tạm thời không bị ăn hiếp bởi người láng giềng tham lam và bần tiện. Các hãng dầu hỏa trước kia hợp tác với Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Cộng gọi tắt là CNOOC để khai thác dầu hỏa ở Trường Sa thì bây giờ lại bắt tay với Tổng Nha Năng Lượng của chánh phủ Việt Nam ở Phú Quốc. Họ cũng chẳng thiệt thòi hay mất mát gì về sự thay ngôi đổi chủ này mà lại có lợi nhiều hơn do ở hoa hồng của họ tăng lên cao hơn lúc trước. Nhờ nguồn tài chánh dồi dào từ dầu hỏa, quân lực nước Việt Nam đã đổ tiền tỉ vào việc mua sắm vũ khí để trở thành khách hàng quan trọng đứng hàng thứ ba của các hãng chế tạo vũ khí của Hoa Kỳ chỉ kém có hai nước Nhật Bản và Đài Loan. Lấy sức mạnh quân sự hổ trợ cho kinh tế, lấy kinh tế gây ảnh hưởng chính trị và lấy chính trị làm hậu thuẫn cho quân sự. Chủ thuyết đó được chánh phủ nước Việt Nam áp dụng một cách khôn khéo và uyển chuyển hầu có thể sống còn trong sự xung đột càng ngày càng trở nên gay gắt giữa ba siêu cường Mỹ-Tàu-Nga và các cường quốc về quân sự và kinh tế trong vùng châu Á. Các tướng lãnh của quân lực Việt Nam đều biết sớm muộn gì hải quân Trung Cộng cũng sẽ mở cuộc chiến trên biển với nước họ để tái chiếm Trường Sa. Người láng giềng khổng lồ và là kẻ đối nghịch mấy ngàn năm của nước Việt sẽ không chịu bị mất mặt, mất đi nguồn tiền bạc dồi dào của dầu hỏa chưa kể Trường Sa sẽ biến thành căn cứ chiến lược trong việc kiểm soát hải lộ từ Ấn Độ Dương về khu vực của bốn nước có nền kinh tế phồn thịnh hàng đầu của Á Châu.
Từ bắc vĩ tuyến 15°22′ chạy xuống tới bắc vĩ tuyến 6°12′; đông giáp nước Phi, tây giáp bờ biển nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; đó là khu vực biển mà hải quân của nước Việt Nam ở Phú Quốc gọi là khu vực cấm đối với chiến hạm của Trung Cộng. Nó còn được thủy thủ của hạm đội Phú Quốc gọi đùa với nhau là ” No Chinese War-Ship Zone ”. Vùng biển bao la này được ngày đêm luân phiên tuần tiễu, canh giữ bởi hạm đội tàu nổi và đặc biệt hạm đội tàu ngầm Phú Quốc với ba chục chiếc tiềm thủy đỉnh cũ mới bao gồm các lớp của các nước chuyên đóng tàu ngầm dầu-cặn-điện nổi tiếng trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật và Tây Ban Nha. Đầu tiên ba chiếc thuộc lớp Gotland 19A là HMS Gotland, HMS Uppland, HMS Halland của hải quân hoàng gia Thụy Điển được đóng bởi hãng Kockums. Ba chiếc này khi gia nhập vào hải quân Việt Nam được đổi tên thành VNN11 Nàng Tiên Cá, VNN22 Mỹ Nhân Ngư, VNN33 Kình Ngư. Kế đó là ba chiếc thuộc lớp Oyashio của hải quân Nhật Bản có tên Oyashio SS590, Michishio SS591 và Uzushio SS592. Oyashio SS590 thành VNN66 Hải Mã, Michio thành VNN44 Rắn Biển và Uzushio thành ra VNN55 Sứa Lửa. Sau khi cải tiến ba chiếc tàu ngầm này, nhận thấy nó có nhiều ưu điểm vượt trội và thích hợp với vùng Biển Đông, bộ tư lệnh hải quân qua cố vấn của thầy Thăng đã điều đình với hải quân Nhật Bản mua hết tám chiếc còn lại của lớp Oyashio mà hải quân Nhật bắt đầu phế thải. Biết Việt Nam là đồng minh tốt nhất để chống lại Trung Cộng, nước Nhật bằng lòng bán với giá rẻ vì trong tương lai nước Việt sẽ còn mua thêm nhiều tàu chiến khác nữa. Thế là tám chiếc tàu ngầm sau cùng của lớp Oyashio trở thành VNN77 Cá Nược, VNN88 Cá Heo, VNN99 Cá Mập, VNN01 Lươn Điện, VNN02 Cá Đuối, VNN03 Thanh Long, VNN04 Hắc Long, VNN05 Bạch Long. Mười bốn chiếc tiềm thủy đỉnh này là xương sống của hạm đội tàu ngầm, song tư lệnh Jack và đề đốc Kiếm, tư lệnh hải quân chưa chịu dừng lại vì biết khả năng tiềm tàng của các tiềm thủy đỉnh. Tàu ngầm nguyên tử thì mắc quá với lại bảo trì và sửa chữa khó khăn mà một nước nhỏ như Việt Nam không dám đụng tới dù vẫn mơ có được một chiếc thôi. Dolphin 209, 212, 214 được đóng bởi hãng Howaldtswerke-Deutsche Werft AG (HDW) của nước Đức đắt tiền quá không thua gì Scorpene của Pháp. Xoay qua nhìn lại, lần nữa nước Việt Nam lại bắt tay với con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Sau thời gian thương lượng, tháng 1 năm 2038, nước Nhật thuận bán cho Việt Nam sáu chiếc tàu ngầm lớp Soryu có tên Soryu SS501, Unryu SS502, Hakuryu SS-503, Kenryu SS-504, Zuiryu SS-505 và Kokuryu SS-506. Tất cả sáu chiếc tàu ngầm này cũ nhất là chiếc Soryu hạ thủy năm 2009 và chiếc mới nhất là Kokouryu hạ thủy năm 2015. Tính đến thời điểm này thì nó cũng đã 24 tới 29 năm cũ và sắp được cho nghỉ hưu rồi. Bởi vậy mà hải quân Nhật bán giá 25 triệu đô la một chiếc. Sáu chiếc tàu này được Thầy Thăng lắp ráp vào thêm các dụng cụ điện tử hiện đại rồi thành ra VNN06 Hải Sà, VNN07 Bạch Tuộc, VNN08 Cá Thu, VNN09 Cá Đường, VNN12 Cá Hồng và VNN13 Cá Kìm. Chưa chịu dừng lại, hải quân của nước Việt Nam đã điều đình mua lại sáu chiếc tàu ngầm loại 471 lớp Collins của hải quân hoàng gia Úc và sau đó là bốn chiếc thuộc lớp Challenger của hải quân Singapore. Mười chiếc này đều do hãng Kockums đóng vì thế rất dễ dàng và nhanh chóng để cho thầy Thăng biến thành VNN14, VNN15, VNN16, VNN17, VNN18, VNN19, VNN20, VNN21, VNN22 và VNN23. Ba mươi chiếc tiềm thủy đỉnh chia làm ba toán, luân phiên túc trực ở vùng ” no Chinese war-ship zone ” và số còn lại được nghỉ dưỡng sức tại hai căn cứ lớn An Thới và Côn Sơn.
21.00 giờ. Hai chiếc xe jeep quẹo xuống cầu tàu và ngừng tại chỗ chiếc Hải Mã đang đậu nằm trong căn cứ tàu ngầm ở bộ tư lệnh hải quân Phú Quốc. Trung úy Sơn nhảy xuống trước tiên rồi tiếp theo năm người lính hải kích trang bị đầy đủ.
– Mình đi chưa đại úy?
Sơn hỏi Toàn sau khi bắt tay vị sĩ quan trực của chiếc Hải Mã.
– Còn chờ sếp… Ổng chưa về tàu… Trung úy và anh em hải kích xuống trước đi…
Toàn nói với Sơn. Đã quá quen thuộc với những chuyến công tác điệp báo với tàu ngầm nên không cần thủy thủ chỉ dẫn, toán hải kích tự động xuống tàu và tìm chỗ nghỉ ngơi dành riêng cho họ. Mười lăm phút sau chiếc jeep thắng gấp ngay chỗ chiếc 66. Chương vỗ vai người lính tài xế thay lời cám ơn rồi bước xuống tàu.
– Anh em hải kích xuống hết rồi hả Toàn?
– Dạ… Mình đi thưa hạm trưởng?
Chương gật đầu. Dưới sự điều khiển của Toàn, sĩ quan đương phiên, chiếc tàu ngầm không cờ, không số, không huy hiệu lặng lẽ tách bến lúc đồng hồ chỉ đúng giờ 21:30. Gió thổi mạnh và mát lạnh. Đứng nơi đài quan sát (conning tower) Chương ngoái đầu nhìn về hướng đèn sáng xa đằng kia. Dương Đông. Anh tự hỏi giờ này Thúy Nhi đang làm gì? Ngồi một mình nơi chiếc bàn với thức ăn nguội lạnh. Đây không biết lần thứ mấy anh đã hẹn rồi lại lỡ hẹn. Anh đã hứa rồi lại thất hứa. Không biết lần thứ mấy anh đi không nói được câu giã từ và lời hẹn khi nào gặp lại. Anh như cơn mưa của vùng trời Phú Quốc bất chợt đến bất chợt đi. Cứ mỗi lần đi xa anh lại cảm thấy gần gụi hơn người con gái có nhiều cá tính hình thành một mẫu người đặc biệt. Con gái thì hay nhõng nghẽo, vòi vĩnh, hờn giận, vui buồn bất chợt. Thúy Nhi không như vậy. Nàng chính chắn trong cung cách đối xử, trưởng thành trong suy tư khiến lắm lúc anh tưởng như nàng già tuổi đời và kinh nghiệm hơn với cái tuổi của nàng.
– Mình đi đâu thưa hạm trưởng?
Toàn hỏi cấp chỉ huy trong lúc hai người đứng trên đài quan sát. Để tiếp kiệm dưỡng khí lõng của hệ thống AIP với lại đang hải hành trong vùng biển của Vịnh Thái Lan nên chiếc 66 nổi trên mặt nước và chạy hai máy dầu cặn cho tới khi nào thật cần thiết mới lặn xuống nước. Liếc nhanh không thấy ai ở gần, Chương lên tiếng. Giọng của anh như thì thầm.
– Du Lâm…
Toàn quay nhìn hạm trưởng. Chương đọc thấy trong mắt của vị sĩ quan C4 thoáng nhanh chút ngạc nhiên.
– Mình đi làm mướn…
Cười tiếng nhỏ Chương từ từ giải thích cho Toàn hiểu.
– Tư lệnh Jack chỉ thị cho mình đi Hải Nam để thi hành công tác ISR (intelligence, surveillance& reconnaissance, tức tình báo, giám sát và thám thính) cho hải quân Hoa Kỳ. Thường thì họ tự làm lấy song không biết vì lý do gì mà lần này họ lại mướn mình làm. Chắc họ sợ nếu bị bể thì quê xệ nên mới bỏ tiền ra mướn mình. Với lại họ cũng biết mình cần biết những gì mà hạm đội Nam Hải sắp làm trong vụ tái chiếm Trường Sa vì vậy mới gợi ý trước…
Toàn cười nhẹ nói với cấp chỉ huy.
– Như vậy hai thùng đồ mà bộ tư lệnh cho chở xuống hôm qua là…
Toàn ngập ngừng không muốn nói ra. Chương gật đầu cười tiếp.
– Đồ chơi của họ đó… Công tác mình làm thuộc loại underwater communication, navigation & tracking, tức là liên lạc, hướng dẫn và theo dõi ở dưới nước. Trung Cộng vừa đóng xong hai chiếc tàu ngầm nguyên tử mới tinh được trang bị các dụng cụ điện tử bí mật và hỏa tiễn liên lục địa với tầm bắn xa mười mấy ngàn cây số. Hai chiếc này, một tăng viện cho hạm đội Đông Hải, còn một cho hạm đội Nam Hải. Vì thế mà hải quân Hoa Kỳ mới mướn mình đặt máy nghe lén ở vùng biển Hải Nam để tìm hiểu về chiếc tàu này đặc biệt là acoutic signature của nó. Ngoài ra theo như lời của đại tá Hoài, trưởng phòng an ninh tình báo thì Trung Cộng cũng sắp hạ thủy một chiếc hàng không mẫu hạm mới. Chiếc này còn ngầu hơn chiếc Sơn Đông nữa. Bộ tư lệnh cũng rất quan tâm về chuyện hạm đội Nam Hải có tàu mới nên khi hải quân Hoa Kỳ đề nghị mướn mình làm thì tư lệnh Kiếm ừ liền mà không nói gì về tiền bạc…
Toàn bật lên tiếng cười hắc hắc. Đại úy Thiện, hạm phó đi phép thường niên nên Toàn, tạm thời làm hạm phó.
– Như vậy mình làm chùa rồi hạm trưởng…
– Thì từ nào tới giờ cứ như vậy… Mình hổng làm chùa thì cũng làm ” free ” cho thiên hạ…
– Cà phê nè thưa hạm trưởng…
Hạ sĩ nhất Châu, trưởng bếp đưa cho Chương ly cà phê đen nóng thơm thoang thoảng.
– Ở trên này mát quá… Chắc mai mốt tôi phải lên đây đổi gió thường hơn…
Thủy thủ đoàn lục tục leo lên đứng trên đài quan sát. Chương cười nói với Châu.
– Vậy thì anh giao cái bếp của anh lại cho người khác đi…
Châu cười hì hì.
– Tôi cũng muốn giao mà hổng có ai nhận hết trơn hết trọi. Tụi nó chỉ thích ăn mà hổng thích nấu hạm trưởng ơi…
Toàn cười hà hà xen vào.
– Tôi cũng hổng dám giao cho ai ngoài anh Châu đâu. Tụi nó đốt tàu chứ nấu gì…
Châu cười ha hả. Mặc dù nói vậy chứ anh cũng khoái cái nghề nấu ăn này vì được nhiều ưu đãi hơn các thủy thủ trong tàu là miễn trực gác. Ngày cũng như đêm, đi công tác hay ở tại căn cứ trừ hạm trưởng ra ai cũng phải trực gác, còn riêng anh với ba phụ bếp chổng cẳng ngủ khò cho tới năm giờ sáng mới thức dậy sửa soạn điểm tâm cho mọi người. Còn khi về căn cứ ở An Thới thì anh lại càng khỏe hơn vì đa số thủy thủ đều có gia đình thành ra họ ăn uống ở nhà trừ chục người độc thân.
– Chừng nào hạm trưởng lấy vợ hả hạm trưởng?
Cười chúm chiếm khi nghe Châu hỏi hạm trưởng câu hỏi này, Toàn liếc nhanh cấp chỉ huy đang trầm tư nhìn mặt biển lóng lánh sáng.
– Đâu có ai thương tôi…
Chương chậm chạp lên tiếng. Châu nói trong tiếng cười.
– Thì cái cô gì đó hạm trưởng… Cái cô gì vẽ con cá ngựa đó…
– Thúy Nhi hả. Cổ… cổ…
Chương cà lăm có lẽ vì không biết nói sao. Sau khi hớp ngụm cà phê, hít hơi thuốc, Châu mới tiếp.
– Ừ… Cô Thí Nhi đẹp ghê… Cổ vẽ đẹp hổng thua gì họa sĩ…
Phải dằn lắm Toàn mới không bật lên tiếng cười khi nghe Châu, vốn dân lục tỉnh lại ít học nên nói Thúy Nhi trại ra Thí Nhi…
Có lẽ cũng nhận ra điều đó, thượng sĩ Đan đứng gần vội lên tiếng rầy Châu.
– Cái thằng này… Tên của cổ là Thúy Nhi mà mày lại nói Thí Nhi…
Châu cười hì hì quay nhìn hạm trưởng như xin lỗi. Vỗ vai Châu, Chương cười hà hà.
– Cô Thúy Nhi kể cho tôi nghe là hồi còn nhỏ cổ bịnh hoạn và ốm yếu nhỏ con lắm nên còn có tên Nhí Nhi hay Nhi Nhí…
Mọi người không nhịn được phá ra cười cái rần. Châu chép miệng thở khì tiếp.
– Chắc tại cổ sinh vào cái thời sau năm 75. Thời đó dân miền Nam mình đói triền miên. Tôi sinh năm 85 nè… Tía tôi hổng có bị đi cải tạo mà ở nhà làm ruộng cũng bị đói thê thảm luôn. Làm được bao nhiêu phải nộp cho hợp tác xã xong họ chia cho mình ăn cầm hơi. Tía tôi ổng sùng ổng chửi cách mạng quá trời. Ổng nói biết vầy hồi đó ổng bỏ đói thằng Duẫn cho chết tía nó luôn. Đám bí thư, chủ tịch ở xã không dám gặp mặt để nghe ổng chửi. Bắt ổng thì hổng được vì gia đình ổng là gia đình cách mạng mà. Má tôi thấy con cái đói khổ quá nên nhằn ổng hoài khiến ổng chịu hổng được bèn đóng tàu vượt biên…
Toàn cũng lên tiếng phụ họa.
– Đóng tàu vượt biên… Cái vụ này coi bộ…
Châu cười hì hì giải thích.
– Ông già tía tôi với mấy anh em trong xóm hùn nhau đóng tàu để vượt biên. Tụi công an và bí thư xã biết mà làm ngơ để tụi này đi cho khuất mắt vì để ổng ở lại ổng chửi cách mạng chịu gì thấu. Sáng hôm sau đi mà tối hôm trước tía tôi còn ăn nhậu với đám bí thư xã để từ giã…
Chép miệng thượng sĩ Đan cười nói giỡn với Châu.
– Ông già tía mày thuộc loại dân cậu hoặc là dân có máu mặt nên mới vượt biển kiểu đó. Gia đình tao vượt biên trốn chui trốn nhủi mà còn bị bắt ba lần mới đi thoát được…
Ực cạn ly cà phê đen đá, Đan cười hực.
– Ở tù cộng sản khổ lắm… Nước Mỹ mà muốn mấy thằng tù sợ ở tù thì chở hết đám tù ăn hại qua Hà Nội rồi mướn mấy thằng cộng sản nó coi chừng vài năm là hổng có thằng nào dám làm bậy để đi tù nữa… Ai như Mỹ, ở tù còn được coi tivi mà phải có Comcast cable để coi Cinemax, Showtime… Sư nó… tôi cũng muốn ở tù…
Ai ai cũng cười vì lời nói của Đan. Chương cũng cười rồi lặng lẽ chui xuống lòng tàu. Vì là sĩ quan đương phiên nên Toàn cũng xuống theo để lại trung sĩ Biết, phụ tá sĩ quan đương phiên làm ” watchman ” có nhiệm vụ đứng trên đài quan sát dùng ống dòm dò tìm máy bay hay tàu lạ.
Tàu hải hành trong hải phận quốc tế ngang qua quần đảo Côn Sơn khi Chương thức dậy lúc bảy giờ sáng. Sau khi làm các việc thường ngày anh ra nhà bếp ăn điểm tâm rồi tới phòng chỉ huy. Trung úy Thâm, sĩ quan đương phiên trình báo tất cả sự việc xảy ra trong đêm hôm qua. Thủy thủ đoàn có 65 người, gồm mười sĩ quan, mười lăm hạ sĩ quan và 40 thủy thủ. Với 20 người, phòng cơ khí là phòng đông nhân viên nhất gồm hai sĩ quan là trung úy Ân kỹ sư cơ khí trưởng, thiếu úy Nhẫn phụ tá của Ân. Năm hạ sĩ quan là thượng sĩ Mười, trung sĩ nhất Điện và Hân, trung sĩ Kiệm và Chuyện. Phòng điện lực có 9 người kể cả trung úy Biết và thượng sĩ Hiền chuyên viên về điện làm phụ tá. Phòng vũ khí có 8 nhân viên gồm trung úy Thâm, thiếu úy Minh, hai hạ sĩ quan là trung sĩ Biền với Chiến và bốn thủy thủ. Phòng điện tử có 10 người gồm đại úy Thiện, hạm phó và thiếu úy Hạnh với ba chuyên viên điện tử là trung sĩ nhất Mạnh, thượng sĩ Ân, thượng sĩ Đan và 6 thủy thủ. Riêng nhà bếp có 4 người dưới quyền chỉ huy của hạ sĩ nhất Châu. Phòng C4 có mười thủy thủ không kể hạm trưởng, đại úy Toàn và thiếu úy Ánh.
Xâm xẩm tối tàu đi ngang qua cù lao Thu ở Phan Thiết. Ngồi trên ghế sĩ quan đương phiên, thiếu úy Minh ra lệnh ngắn và gọn.
– 66 chuẩn bị lặn… 66 chuẩn bị lặn…
Đang là phụ tá sĩ quan đương phiên, trung sĩ nhất Mạnh lập lại hai lần lệnh của Minh. Lệnh này được truyền qua hệ thống C4 tới phòng cơ khí, điện khí và tất cả mọi nơi trên tàu có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp tới việc tàu bắt đầu lặn bằng tín hiệu âm thanh hai dài một ngắn. Từ phòng cơ khí vang lên hai lần câu nói của sĩ quan cơ khí trưởng.
– 66 sẵn sàng lặn… 66 sẵn sàng lặn…
Lệnh của sĩ quan đương phiên từ phòng chỉ huy vang vang.
– 66 lặn… hai trăm năm chục… 66 lặn… hai trăm năm chục…
Từ mọi ngõ ngách trong tàu vang vang lệnh và sau đó là lời của phòng cơ khí và điện lực.
– 66 lặn… hai trăm năm chục… 66 lặn… hai trăm năm chục…
Chiếc tàu sắt chìm xuống khỏi mặt nước không đầy một phút đồng hồ và sau đó tiếp tục xuống sâu hơn trong lúc Mạnh, phụ tá sĩ quan đương phiên liên tục báo cáo từng độ sâu cứ mỗi mười mét.
– 66… một trăm chín mươi mét… 66 một trăm chín mươi mét…
Chiếc Hải Mã cắm đầu vào lòng biển thâm u và lạnh ngắt cho tới khi bình quân ở độ sâu hai trăm năm chục mét. Tới đây thì Chương mới ra lệnh vì chỉ có vị hạm trưởng mới biết tàu đi đâu.
– 66… mười… hai trăm năm chục… bắc mười chín mười hai không bảy… đông một trăm lẻ chín bốn mươi hai không không…
Hạ sĩ Nhàn lập lại hai lần lệnh của hạm trưởng trong lúc quay tay lái đúng hướng trên màn ảnh trước mặt mình. Có tiếng xì xầm nho nhỏ vì mọi người đều biết tọa độ đó chính là tọa độ của đảo Hải Nam, căn cứ địa của hạm đội Nam Hải.
Chắc cũng nghe được tiếng xì xầm của thủy thủ, Chương cười lên tiếng.
– Anh em nào chưa biết gì về hạm đội Nam Hải đưa tay lên…
Không có cánh tay nào đưa lên sau câu nói của hạm trưởng. Điều đó chứng tỏ thủy thủ đoàn của chiếc Hải Mã ít nhiều gì cũng nghe hoặc biết về hạm đội nổi tiếng này của hải quân Trung Cộng. Giọng của Chương cất lên đều đều với tiếng động rì rầm nho nhỏ của máy móc.
– Hạm đội Nam Hải đặt bộ tư lệnh tại Trạm Giang và sáu căn cứ khác là Du Lâm, Hải Khẩu, Sán Đầu, Mã Vỉ, Bắc Hải và Quảng Châu. Hạm đội có lực lượng tác chiến khá hùng hậu gồm tàu nổi, tàu ngầm và nhiều phi cơ đủ loại. Về lực lượng tàu nổi hạm đội này có chiếc tuần dương hạm Nam Xương mang số 953 được dùng làm soái hạm. Nó có trọng tải mười mấy ngàn tấn và được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Lực lượng tàu nổi của hạm đội Nam Hải được chia ra hai đơn vị mang bí số 91526 và 91458. Đơn vị 91526 có 5 chiếc khu trục là 161 Trường Sa, 166 Chu Hải, cả hai đều thuộc loại 051 lớp Lữ Đại I và II; 163 Nam Xương và 164 Quế Lâm loại 051D lớp Lữ Đại; 167 Thẩm Quyến loại 051B lớp Lữ Hải. Còn hộ tống hạm thì hạm đội Nam Hải có nhiều lắm như chiếc 558 Tư Cống, 564 Nghi Xương, 509 Trường Đức, 551 Mao Minh, 554 Ân Thuận, 555 Chiêu Đồng, 557 Kế Thủ, 559 Bắc Hải, 560 Đông Quan, 561 Sán Đầu, 562 Giang Môn, 563 Phật Sơn, 565 Du Lâm, 566 Vũ Tây, 567 Hương Phiên. Ngoài ra họ còn có các khu trục hạm mà ta chưa biết rõ nó thuộc đơn vị nào. Đó là các khu trục hạm 139 Ninh Ba, 162 Nam Ninh, 165 Trạm Giang, 168 Quảng Châu, 169 Vũ Hán, 170 Lan Châu, 171 Hải Khẩu..
Khi Chương vừa nói tới đây thì thượng sĩ Đan lên tiếng liền.
– Có phải hai chiếc Lan Châu 170 và Hải Khẩu 171 bị tàu mình bắn chìm ở Trường Sa không hạm trưởng?
– Ông nói đúng đó. Còn chiếc 172 Côn Minh nữa. Nó bị chiếc tuần dương hạm Như Nguyệt của mình bắn chìm trước nhất ở Trường Sa…
Trung sĩ Bình cười hắc hắc xen vào câu chuyện.
– Tôi có ông anh bà con ở trên chiếc Như Nguyệt đó hạm trưởng. Lúc hai bên bắn nhau thì ổng có ca trực ở đài chỉ huy nên thấy rõ nội vụ. Thủy thủ đoàn của chiếc Như Nguyệt được báo chí, tivi phỏng vấn như anh hùng của đất nước thành ra trai tráng ai ai cũng khoái đi lính…
Hạ sĩ nhất Yên lên tiếng phàn nàn.
– Cái đó hổng công bằng. Chiếc 66 của mình bắn chìm chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông mà mình lại bị cấm hổng được hé răng nói cho ai biết. Còn mấy chiếc kia bắn có mấy chiếc tàu nhỏ xíu mà báo chí, tivi khen rùm trời…
Chương mỉm cười đùa một câu.
– Bởi vậy mình mới được tư lệnh Kiếm tưởng thưởng bằng cách gởi lên nghỉ mát ở Tam Á…
Thiếu úy Minh, sĩ quan đương phiên cười hắc hắc góp lời.
– Nghỉ hè ở đâu chứ Tam Á, Du Lâm tôi hổng ham rồi hạm trưởng ơi. Bị hạm đội Nam Hải nựng là mình bầm dập thân thể…
Vừa định lên tiếng trả lời Chương thấy trung úy Ân, sĩ quan cơ khí trưởng của tàu bước vào phòng chỉ huy. Chỉ cần nhìn nét mặt của Ân, vị hạm trưởng biết có chuyện quan trọng xảy ra mà chuyện đó không ngoài chuyện máy móc của tàu. Không biết Ân thì thầm cái gì mà Chương vội vàng rời khỏi ghế theo Ân đi về phòng máy. Tới nơi anh thấy Toàn đã có mặt và đang đứng nói chuyện với mấy chuyên viên về cơ khí như Nhẫn, Mười và Hân. Không đợi hỏi, Toàn báo cáo liền.
– Thưa hạm trưởng hệ thống AIP của mình bị trục trặc…
Nghe Toàn nói Chương hơi cau mày. Anh biết sự quan trọng của hệ thống này. Không có nó thì tàu không thể ở lâu dưới nước được. Nhất là trong chuyến công tác vô cùng bí mật này thì muốn hoàn thành nhiệm vụ anh phải ở luôn dưới nước chứ không được nổi lên mặt nước chạy máy dầu cặn thông thường để làm ra điện cũng như xạc bình ắc quy. Nổi lên mặt nước là chuyện mà không có chiếc tàu ngầm nào muốn vì rất nguy hiểm nhất là ở trong vùng do địch kiểm soát.
– Sửa được không ông Ân?
Chương hỏi vị sĩ quan cơ khí của tàu. Chỉ có Ân, kỹ sư cơ khí với mười mấy năm kinh nghiệm trong nghề mới có thể trả lời.
– Thưa được hạm trưởng nhưng hiện giờ tàu cần phải nổi lên mặt nước để chạy máy xạc bình điện trước để phòng khi mình phải ở lâu dưới nước…
Khẽ gật đầu Chương hỏi tiếp.
– Bao lâu?
Quay qua thượng sĩ Mười, Ân hỏi nhỏ như để xác định trước khi trả lời cho cấp chỉ huy.
– Bao lâu hả anh Mười?
Tuy không có bằng cấp song Mười là nhân viên cơ khí giỏi nhất của tàu.
– Chừng hai tiếng thưa trung úy… Cái bơm dầu bị bể ron mà mình hổng có cái mới để thay vì vậy tôi phải tháo ra rồi tìm cách thay cái ron mới nên lâu hơn…
– Ủa tôi tưởng Thầy Thăng cho lắp hệ thống AIP mới mà…
Toàn xen vào. Ân lắc đầu cười.
– Ai cũng nghĩ như đại úy vậy nhưng ông Thăng nói cho tôi biết là ổng lắp máy cũ vào. Lúc đó vì thiếu tiền với lại làm thử lần đầu nên ổng mua cái máy cũ để lắp vào cho chiếc 66…
Chương xen vào nói với Ân.
– Thôi được rồi. Nếu cần thì mình cũng phải nổi lên mặt nước. Bây giờ 18.00 giờ. 20.00 giờ mình sẽ lặn xuống. Nếu sửa không được ông báo cho tôi biết để tôi báo cáo với bộ tư lệnh xin chỉ thị…
Nói xong Chương với Toàn trở lại phòng chỉ huy. Chiếc Hải Mã từ từ nổi lên trên mặt biển chói chang ánh nắng. Biết tàu sẽ còn nổi trên mặt biển rất lâu nên Chương ra lịnh cho thủy thủ đoàn chia làm bốn toán, mỗi toán năm người có một sĩ quan chỉ huy thay phiên nhau đứng trên đài quan sát dùng ống dòm canh chừng tàu nổi và máy bay lạ. Ngoài ra giàn ra đa có nhiệm vụ dò tìm máy bay và tàu nổi cũng hoạt động tối đa. Anh cũng hơi an tâm vì tàu nằm trong hải phận quốc tế lại ở ngang vùng Nha Trang. Đó là vùng biển mà ảnh hưởng của Trung Cộng chưa lấn tới một cách sâu rộng và mạnh mẽ như vùng Quảng Nam, Quảng Ngải và Bình Định.
– Hình như có tàu lạ nè thiếu úy… Hướng bắc 45 độ…
Hạ sĩ Biên nói với thiếu úy Minh đang đứng bên cạnh. Đưa ống dòm lên nhìn Minh thấy xa thật xa gần mút tầm mắt của mình có hình dáng một vật đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhìn thật kỹ hồi lâu Minh mới lên tiếng bảo Biên.
– Báo cáo cho hạm trưởng biết…
Vừa lúc đó có tiếng của Toàn từ phòng chỉ huy vọng lên.
– Hạm trưởng biết rồi… Ra đa bắt được chiếc tàu lạ rồi…
Mươi phút sau Biên lại lên tiếng.
– Thiếu úy ơi… Hổng phải tàu mà là thuyền đánh cá…
Khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau chiếc Hải Mã chạy tới gần chiếc ghe đánh cá. Lúc đó mọi người mới nhận ra chiếc ghe dường như bị chết máy nên trôi dật dờ trên biển. Rồi sau đó họ lại thấy chiếc ghe sắp sửa bị chìm hay sao mà chỉ còn nổi phân nửa trên mặt nước.
– Ghe đánh cá của dân mình thiếu úy ơi… Tôi thấy số hiệu 351 và chữ An Bình nữa…
Tới phiên trung sĩ Đặng lên tiếng. Được báo cáo của thủy thủ, Toàn leo lên quan sát xong gọi máy báo với cho cấp chỉ huy. Lúc Chương leo lên đài quan sát thì chiếc Hải Mã đã tới gần hơn chiếc ghe đánh cá đang bị ngập nước sắp chìm vì vậy anh thấy rõ hai người đàn ông đứng trước mũi giơ tay vẩy vẩy như làm dấu hiệu cầu cứu. Khi tàu cập kế bên chiếc ghe thì thủy thủ đoàn mới thấy còn thêm hai người đàn bà đang nằm im trên bong.
– Hạm trưởng tính sao?
Toàn hỏi cấp chỉ huy. Chương trầm ngâm suy nghĩ. Anh không thể nhẫn tâm tới độ không cứu giúp người lâm nạn mà họ lại là đồng bào với anh. Tuy nhiên anh đang trên đường thi hành một công tác bí mật và quan trọng nên không muốn mang bốn nạn nhân theo. Sự dằn co giữa lương tâm và trách nhiệm khiến cho vị hạm trưởng ngần ngừ chưa chịu trả lời câu hỏi. Nhìn ánh mắt của bốn nạn nhân anh nhớ tới lời thuật kể của cha mẹ mình. Ngày xưa cha mẹ anh cũng là ” boat people ” tàu trôi dạt trên biển mấy ngày đêm sắp chết rồi may mắn được tàu buôn ngoại quốc cứu vớt. Nhờ lòng tốt đó nên gia đình anh mới tới được nước Mỹ tự do. Hôm nay chính là lúc anh phải làm cử chỉ gì để đáp lại lòng tốt đó.
– Mang họ lên tàu…
Chương ra lệnh gọn. Thủy thủ hò la vỗ tay hoan hô cử chỉ hào hiệp của cấp chỉ huy. Hơi mỉm cười, Chương nói nhỏ với Toàn.
– Bảo y tá săn sóc họ cho tỉnh lại rồi đưa họ xuống nhà bếp cho họ ăn uống tử tế. Tội nghiệp… Dù gì họ cũng là đồng bào của mình…
Toàn nhìn cấp chỉ huy bằng ánh mắt cảm phục. Anh biết ở trong khuôn mặt nghiêm nghị và trầm lặng ẩn chứa lòng nhân đạo đối với mọi người. Nửa giờ đồng hồ sau Chương được lính báo cáo đầy đủ lý lịch và lý do gây tai nạn chìm ghe của bốn ngư phủ. Hóa ra đó là một gia đình có hai vợ chồng với một đứa con trai và một con gái. Quê ở Quảng Ngải, ghe đánh cá của họ bị tàu chiến của Trung Cộng đụng chìm vì bị cho là đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển ở Hoàng Sa. Chuyện tàu chiến của hải quân cũng như thương thuyền và tàu đánh cá của Trung Cộng ủi chìm hay đánh đập và ngược đãi các ngư phủ của Việt Nam thời ai ai cũng nghe biết huống hồ gì các thủy thủ tàu ngầm thường xuyên có mặt ở Biển Đông. Họ cũng biết nhà nước của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm ngơ trước các hành động lấn chiếm biển đảo và đối xử tàn nhẫn của Trung Cộng. Mặc dù không gặp mặt để trò chuyện và hỏi han song vị hạm trưởng chiếc Hải Mã vẫn biết rõ tình trang của bốn ngư phủ xuyên qua báo cáo của sĩ quan các cấp. Đang ngồi im suy nghĩ trên ghế Chương thấy thiếu úy Hạnh, sĩ quan đương phiên nghe điện thoại xong quay qua báo cáo.
– Trình hạm trưởng… Phòng cơ khí báo cáo đã sửa xong hệ thống AIP và chạy thử rồi không thấy có trục trặc nào. Hệ thống điện bình cũng đã xạc xong rồi…
Không thay đổi nét mặt Chương gật đầu ra lệnh gọn.
– Hải Mã chuẩn bị lặn… Hải Mã chuẩn bị lặn…
Tiếng còi vang hai dài một ngắn trong hệ thống phóng đại âm thanh báo cho thủy thủ đoàn tàu chuẩn bị để lặn. Mọi người hối hả chui vào lòng tàu. Là watchman, trung sĩ nhất Chân, phụ tá sĩ quan đương phiên cũng là người chui vào lòng tàu cuối cùng. Đóng và khóa cửa hầm lại cẩn thận xong Chân mới báo cáo.
– 66 sẵn sàng lặn… 66 sẵn sàng lặn…
Một tiếng dài, một tiếng ngắn rồi một tiếng dài một tiếng ngắn vang lên báo hiệu tàu bắt đầu lặn. Phòng chỉ huy và phòng cơ khí là hai phòng bận rộn nhất trong lúc này. ” Quick dive ” hay lặn khẩn cấp là giây phút nguy hiểm nhất của tàu ngầm, bởi vì máy chạy bằng dầu cặn tiêu thụ rất nhiều dưỡng khí trong khi hệ thống nhập không khí và thoát khí thải ra đều phải đóng kín lại, vì vậy mà máy tàu chạy bằng dầu cặn sẽ hút và tiêu thụ hết dưỡng khí trong tàu khiến cho thủy thủ đoàn sẽ bị chết ngộp nếu máy tàu không được tắt đúng lúc. Thông thường nếu lặn khẩn cấp thì tàu chỉ có tối đa 60 giây đồng hồ để hệ thống C4 tự động tắt máy chạy dầu cặn và đổi sang hệ thống điện bình. Ngoài ra phải có nhân viên cơ khí ứng trực tại phòng máy để có thể tắt máy chạy dầu cặn bằng tay ( manual shutdown ) nếu hệ thống tắt tự động không tắt trong vòng một phút đồng thời khởi động hệ thống máy tàu chạy bằng điện bình.
– 66 quick dive… 66 quick dive…
Thủy thủ đoàn người Việt song đa số từng là thủy thủ của tàu ngầm Hoa Kỳ do đó họ có thói quen dùng tiếng Anh trong nhiều lệnh lạc gọn và nhanh. 55 giây đồng hồ, chiếc tàu nặng gần bốn ngàn tấn từ từ chìm mất xuống nước. Cũng như tàu nổi phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên như sức gió và sức nước trong việc điều khiển; tàu ngầm cũng phải bị nước chi phối rất nhiều khi lặn xuống và hải hành trong nước. Hải lưu là yếu tố mà tất cả hạm trưởng, hạm phó và sĩ quan đương phiên phải chú ý khi chỉ huy tàu lúc đang lặn xuống vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ dòng hải lưu ngầm có đủ sức lật ngửa, lật ngang, xoay vòng con tàu sắt nặng mấy ngàn tấn.
– 66… hai năm không… 66… hai năm không…
Theo lệnh của sĩ quan đương phiên, chiếc Hải Mã từ từ chìm sâu xuống nước cho tới khi đạt được độ sâu hai trăm năm chục mét. Nhật Bản là nước có một nền kỹ thuật đóng tàu đứng ngang hàng với các nước như Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh. Trong các loại tàu ngầm chạy bằng dầu cặn-điện bình thì lớp tàu ngầm Oyashio của Nhật bản là thứ tàu ngầm có thể lặn sâu hơn tất cả. Nó có khả năng lặn tới độ sâu 650 mét. Đó là độ sâu chỉ có tàu ngầm nguyên tử mới đạt được. Cũng nhờ sức lặn sâu này mà nó thành ra vô hình đối với các loại tàu nổi và tàu ngầm thông thường.
Nhìn vào màn hình của máy đo độ sâu thấy hiện lên con số 250, trung sĩ Hân nói gọn.
– 66… hai năm không… 66… hai năm không…
Là sĩ quan đương phiên, được quyền điều khiển mọi hoạt động trên tàu, thiếu úy Hạnh ra lệnh.
– 66… bình quân… 66… bình quân…
Được lệnh, chiếc Hải Mã bình quân ở độ sâu hai trăm năm chục mét sâu.
– 66… mười… bắc vĩ tuyến… mười chín mười hai mười một… đông kinh tuyến… một trăm lẻ chín bốn mươi hai hai mươi lăm…
Như con cá khổng lồ chiếc Hải Mã chậm chạp trườn mình trong lòng biển đen âm u tới đảo Hải Nam, căn cứ chiến lược của hải quân Trung Cộng.
32.
Chiếc 66 chậm chạp hải hành dưới lòng biển sâu hơn 400 mét để nghỉ dưỡng sức sau chuyến đi dài mấy trăm hải lý. Nó được lịnh nghỉ ngơi và cũng chờ quyết định của hạm trưởng trước khi xâm nhập vào vùng biển của đảo Hải Nam. Trên chiếc bàn hành quân hình chữ nhật bày la liệt dụng cụ hải hành. Chương thong thả xé phong thư có đề chữ ” Top Secret ” màu đỏ trong đó có tờ giấy ghi sẵn tọa độ cùng mọi chi tiết cần thiết mà chiếc 66 sẽ đi tới để thả ra toán hải kích thi hành công tác đặt máy nghe. Liếc nhanh bức công điện của bộ tư lệnh hải quân xong Chương cười nói với trung úy Sơn, trưởng toán hải kích.
– Trung úy đọc đi để biết nhiệm vụ của ông và toán hải kích…
Quay qua thượng sĩ Đặng, phụ tá của Sơn, anh cười tiếp.
– Đồ chơi mà hải quân Mỹ giao cho thì tôi biết ông và anh em hải kích đã được huấn luyện nên thông thạo rồi. Mười lăm phút nữa tàu sẽ hải hành vào vùng biển do địch kiểm soát…
Hiểu ý thượng sĩ Đặng vội rời chỗ ngồi đi về căn phòng dành cho toán hải kích. Chương nhẹ gật đầu ra hiệu cho trung úy Thâm, sĩ quan đương phiên. Hiểu ý của cấp chỉ huy, Thâm ra lệnh ngắn và gọn.
– 66… chuẩn bị hải hành… 66 chuẩn bị hải hành…
Qua hệ thống âm thanh, lệnh được truyền đi khắp nơi trong tàu rồi lời nói từ phòng cơ khí vang lên.
– 66… sẵn sàng hải hành… 66… sẵn sàng hải hành…
Được phòng cơ khí trả lời cho biết tàu sẵn sàng hải hành, trung úy Thâm lại ra lệnh tiếp.
– 66… ba trăm năm chục… 66… ba trăm năm chục…
Con tàu sắt nặng gần bốn ngàn tấn đang đi dưới độ sâu từ từ nổi lên và nổi lên đúng với độ sâu vừa được phát ra. Khi máy đo độ sâu vừa hiện lên con số 350, trung sĩ nhất Miên báo cáo.
– 66… ba trăm năm chục… 66… ba trăm năm chục…
Lệnh từ sĩ quan đương phiên lại vang ra.
– 66… bình quân… 66… bình quân…
Nhân viên phòng cơ khí lập lại hai lần lệnh của phòng chỉ huy.
– 66… 5… bắc vĩ tuyến… mười chín mười hai hai trăm năm chục… đông kinh tuyến… một trăm lẻ chín bốn mươi hai một trăm mười lăm…
Miệng lớn tiếng đọc lại hai lần lệnh của cấp chỉ huy, hạ sĩ Bình nhích tay lái đúng với tọa độ đã được chỉ định.
Chương rời ghế tới nhìn vào màn hình của hệ thống SA9510S đang hoạt động để dò tìm mìn hoặc các chướng ngại vật và chỉ đường cho tàu di chuyển. Có nhiều công ty và hãng xưởng chế tạo hệ thống MOAS ( Mine & Obstacle Avoidance System) như Thales, Elac Nautik, General Dynamic Canada thì Thầy Thăng lại chọn hệ thống SA9510S của hãng Kongsberg Maritime của nước Na Uy ( Norway ) bởi vì hai con mắt thần của hệ thống được gắn ở ngoài thân tàu có sức chịu đựng một áp lực của nước sâu tới sáu bảy trăm mét. Hệ thống này có thể thấy mọi sự vật ở phía trước tàu chiều ngang 120 độ, rộng 90 độ và khoảng cách xa vài hải lý đủ để tàu biết trước hầu tránh sự đụng chạm với mìn hoặc các chướng ngại vật. Trên giàn máy với ba màn hình khác nhau hiện lên rõ ràng cảnh vật dưới đáy biển. Chương, Toàn và trung úy Thâm, sĩ quan đương phiên chăm chú nhìn vào màn hình. Cả ba sĩ quan đều biết tàu bắt đầu đi vào vùng do địch kiểm soát nên rất nguy hiểm. Trên thế giới có chừng 250 ngàn trái mìn được thả trên biển và các hải cảng mà trong đó các vùng biển của Trung Cộng như đảo Hải Nam được coi nhiều nhất. Là căn cứ chiến lược, Hải Nam có bến đậu dành cho tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm thường, bến đậu riêng cho hàng không mẫu hạm, khu trục, tuần dương và hộ tống hạm cùng với nhiều tàu hoạt động tình báo cho nên các cửa ngỏ ra vào được hải quân Trung Cộng thả mìn hết mọi ngõ ngách đề phòng kẻ địch xâm nhập như tàu ngầm, người nhái và UMV (unman vehicle). Đó là chưa kể tàu ngầm các loại như Song, Ming, Kilo và các chiến hạm nổi luân phiên tuần tra ngày đêm. Có thể nói Hải Nam là căn cứ quân sự khó xâm nhập nhất của hải quân Trung Cộng.
Còi từ hệ thống MOAS ré lên báo cho mọi người biết đằng trước mặt tàu có chướng ngại vật. Đó có thể là mìn. Đã nghiên cứu kỹ bản đồ dưới đáy của vùng biển Hải Nam trước khi lên đường công tác, do đó Chương biết rõ từ bờ biển dài ra chừng trăm hải lý là vùng biển bằng phẳng không có đồi núi, đá ngầm hay các chướng ngại vật thiên nhiên nào hết. Nếu hệ thống MOAS báo động thì phía trước chỉ có thể là mìn hoặc tàu ngầm của địch.
– 66… không không… 66… không không…
Dưới lệnh của hạm trưởng chiếc tàu ngầm dừng lại lơ lửng trong nước. Hệ thống thủy âm định vị chủ động và MOAS được lệnh ngưng hoạt động chỉ còn hệ thống thủy âm định vị thụ động tiếp tục hoạt động để dò tìm chướng ngại vật vừa được cảnh báo thuộc loại nào, tàu ngầm địch hay mìn. Trên màn hình của máy thủy âm định vị thụ động không có hiện lên gì hết chứng tỏ chướng ngại vật đó chính là mìn. Tàu tiếp tục di chuyển thật chậm. Lát sau trên màn hình xuất hiện hàng chục trái mìn được treo lơ lửng trong nước.
– 66… 3 knots… 66… 3 knots…
Chương ra lệnh trong lúc nhìn thượng sĩ Ân, hạ sĩ quan vận chuyển có hai mươi năm trong nghề lái tàu. Hiểu ý, bước tới chỗ tay lái Ân nói với Bình.
– Mày để tao lái…
Thở hơi dài khoan khoái Bình vội vàng giao tay lái lại cho ông thầy. Anh hổng có ham ôm tay lái trong tình trạng khẩn trương và gay cấn muốn đứng tim này.
– 66… ba knots… 66… ba knots…
Với lệnh của hạm trưởng và dưới tay lái tàu chuyên nghiệp của thượng sĩ Ân, chiếc Hải Mã chậm chạp lách mình, lúc thì qua bên trái, khi quẹo qua phải, lúc lùi lại, đổi hướng nhiều lần để đi xuyên suốt qua biển mìn được giăng mắc khắp nơi. Chỉ cần một sai lầm hay sơ xuất nhỏ nhặt, tàu sẽ đụng mìn nổ tung ra hoặc kẹt cứng vào lưới mìn không nhúc nhích được và thủy thủ đoàn sẽ chịu chết ngộp. Không khí trong tàu như đông đặc lại. Thủy thủ đoàn đều biết tàu của họ càng lúc càng đi sâu vào biển mìn. Nhân viên trực của phòng chỉ huy còn hồi hộp và khó thở hơn khi nhìn trên màn hình của hệ thống MOAS. Có lúc họ có cảm tưởng thân tàu cọ với sợi dây cáp căng mìn tạo ra âm thanh rèn rẹt làm buốt cân não. Họ không hiểu tại sao hay bằng cách nào mà chiếc tàu to lớn và nặng nề lại có thể đi xuyên suốt qua khoảng cách nhỏ hẹp giữa hai trái mìn. Có người nghĩ xa hơn, liên tưởng tới lúc quay trở về cũng phải đi xuyên suốt lần nữa. Biết đâu lần trở về họ sẽ không có may mắn như lần đi. Máy điều hòa không khí chạy rì rì mà mồ hôi tươm ra từng hạt nhỏ trên trán của thượng sĩ Ân trong lúc ông ta bặm môi bẻ lái cho con tàu di chuyển. Có tiếng người thở khò khè vì hồi hộp quá độ. Giọng nói của hạm trưởng dù bình tịnh song ai ai cũng cảm thấy có chút gì run run vang lên.
– 66… trái hai giây…
– 66… phải bốn giây rưởi…
Từng tiếng, từng tiếng vang vang trong căn phòng đặc quánh lại vì cái lạnh của nước biển và cái lạnh của sợ hãi. Cuối cùng chiếc 66 cũng vượt qua khỏi biển mìn và nằm im trên mặt biển mà máy đo độ sâu chỉ 557 mét. Thủy thủ đoàn thở khì khi nghe hạm trưởng nói câu: ” 66… bình quân… 66… bình quân...”. Không còn trái mìn nào treo lơ lửng trên màn hình của hệ thống MOAS mà chỉ là màn ảnh của nước mờ mờ tối. Đại úy Toàn giấu kín tiếng thở của mình khi nghe hạm trưởng cho tàu nằm yên trên mặt biển. Qua kinh nghiệm của nhiều lần hoạt động chung với toán hải kích, anh biết tàu sẽ phải nổi lên ở độ sâu chừng năm mươi hoặc sáu mươi mét. Điều này rất nguy hiểm vì dễ bị phát giác bởi các máy thủy âm định vị của máy bay, tàu nổi và tàu ngầm của địch. Tuy nhiên chiếc 66 không còn chọn lựa nào vì toán hải kích chỉ có thể hoạt động ở độ sâu nhất định chừng năm chục hoặc tối đa sáu chục mét và cũng chỉ ra khỏi tàu độ mươi phút thôi. Ở lâu trong nước có độ sâu như vậy họ sẽ bị lâm vào tình trạng có quá nhiều khí nitrogen trong cơ thể. Vả lại khi nổi lên họ cũng phải mất thời giờ nhiều hơn để giảm áp làm cho cơ thể từ từ thích hợp với môi trường chung quanh. Càng xuống sâu chừng nào thì lính hải kích hay bất cứ thợ lặn càng cần dưỡng khí nhiều hơn, gấp năm lần khi thở với áp suất trên mặt đất. Dù muốn ở lâu họ cũng bị bắt buộc phải nổi lên do ở sự thiếu dưỡng khí trong bình. Ngay cả dưỡng khí được chứa bởi áp suất cao cũng được xem như là chất độc làm cho thợ lặn bị hôn mê và đưa tới cái chết.
– Toàn cho trực gác đàng hoàng… Anh em nào không có nhiệm vụ hãy đi nghỉ chờ đêm tới…
Nhận lệnh, đợi cho cấp chỉ huy rời phòng, Toàn với lính túc trực bên cạnh các hệ thống thủy âm định vị đang âm thầm hoạt động.
*****
00.00 giờ. Thủy thủ đoàn không ứng trực của chiếc Hải Mã thức dậy khi đèn bật lên sáng trưng. Ngồi trên ghế hạm trưởng, Chương ra lệnh gọn.
– 66… một trăm bảy mươi lăm… 66… một trăm bảy mươi lăm…
Theo lệnh của hạm trưởng, chiếc Hải Mã từ từ nổi lên ở độ sâu 175 mét.
– 66… không ba… bắc vĩ tuyến… mười chín mười hai hai trăm năm chục… đông kinh tuyến… một trăm lẻ chín bốn mươi hai một trăm mười lăm giây…
Chiếc tàu sắt nặng gần bốn ngàn tấn lặng lẽ trườn mình tiến tới tọa độ đã được chỉ định. Đại úy Ba và năm người lính dưới quyền ngồi im trong phòng lặn sẵn sàng chờ tới lúc ra khỏi tàu. Một tiếng rưởi đồng hồ sau, đang ngồi im trên ghế vị hạm trưởng lên tiếng.
– 66 bình quân… 66 bình quân…
Chiếc tàu sắt dừng lại lơ lửng trong nước. Ba đứng dậy khi thấy đèn xanh bật lên. Cánh cửa phòng ” divers in & out ” mở ra. Nước biển lạnh ngắt ùa vào phòng. Bên ngoài biển đen thui. Đèn pin nhấp nháy. Hai chiếc minisub được đẩy ra ngoài. Sáu người lính hải kích chia làm hai toán lặng lẽ theo sau hai chiếc tàu lặn nhỏ chở dụng cụ đi tới địa điểm đã được định sẵn. Đồng hồ dạ quang chỉ đúng 00.15 giờ và độ sâu 55 mét. Đó là độ sâu mà họ đang lặn, tuy nhiên độ sâu dưới đáy biển thì lại sâu hơn nhiều. Khi nào tới vị trí đã được ấn định họ mới mở máy thả cho nó chìm xuống đáy biển. Ngay lúc toán hải kích rời tàu thì đại úy Toàn, sĩ quan C4 cùng nhân viên trong tàu cũng bận rộn không kém. Sau khi toán hải kích đặt máy nghe xong xuôi thì họ phải lắng nghe, điều khiển và kiểm định xem hệ thống đã hoạt động đúng theo những gì đã được định sẵn rồi sau đó mới kích hoạt ( activated ) để kết nối hệ thống với trung tâm truyền tin của hải quân Hoa Kỳ đặt trên hàng không mẫu hạm. Khi nào được nhân viên trên tàu báo cho biết máy móc hoạt động tốt thì toán hải kích mới được trở về tàu. Tất cả thời gian lội tới địa điểm, đặt máy và lội trở về tàu chỉ xảy ra tối đa mười lăm phút.
– 66 đây Bình Ba…
Toàn lên tiếng trả lời liền khi nghe Bình Ba, tức trung úy Ba gọi.
– 66 nghe Bình Ba…
– Báo với 66, Bình Ba đã thả đồ chơi rồi…
Vừa lúc đó thiếu úy Ánh, sĩ quan điện toán phụ tá của Toàn nói lớn.
– Có tín hiệu rồi đại úy…
Gật đầu Toàn nói trong máy.
– Bình Ba đây 66… Tôi nhận được tín hiệu… Anh chờ chừng 1 phút nữa tôi sẽ cho anh biết…
– Bình Ba nghe 66…
Dứt liên lạc với toán hải kích, Toàn nhìn chăm chú vào màn ảnh của chiếc máy mà hải quân Hoa Kỳ đã cung cấp để bắt tín hiệu từ dàn máy nghe đồng thời kích hoạt hệ thống GPS.
– Tất cả hoạt động tốt…
Thiếu úy Ánh lên tiếng. Khẽ gật đầu Toàn ra lệnh cho toàn hải kích trở về tàu. Đang ngồi yên trên ghế, nghe báo cáo toán hải kích đã vào trong tàu an toàn và đầy đủ, Chương ra lệnh gọn.
– 66… ba trăm hai… 66… ba trăm hai…
Dưới lệnh của hạm trưởng chiếc Hải Mã từ từ chìm xuống 320 mét sâu.
– 66… ba trăm hai… 66… ba trăm hai…
Thiếu úy Ánh, sĩ quan đương phiên báo cáo khi thấy máy đo độ sâu chỉ số 320.
– 66… bình quân… 66… bình quân…
Sau khi ra lệnh cho tàu bình quân xong xuôi, Chương lại ra lệnh tiếp.
– 66… năm… 66… năm… bắc vĩ tuyến… mười bảy hai mươi sáu năm mươi ba; đông kinh tuyến… một trăm lẻ sáu ba mươi lăm mười lăm…
Ánh chậm rãi lập lại hai lần cho thủy thủ đoàn nghe rõ ràng lệnh của cấp chỉ huy. Có tiếng xì xầm của vài người vang lên nho nhỏ. Cuối cùng, như không dằn được tò mò, Ánh hỏi cấp chỉ huy trực tiếp của mình là Toàn.
– Mình đi Đồng Hới hả đại úy?
Liếc nhanh Chương đang ngồi trầm ngâm trên ghế, Toàn cười nói nhỏ.
– Anh đã nghe lệnh của hạm trưởng mà…
Tới phiên trung sĩ nhất Bang xen vào.
– Mình đi Đồng Hới có chuyện gì hả đại úy?
– Cho anh em đổi gió vậy mà…
Toàn cười rè sau khi nói. Lát sau anh mới lên tiếng tiếp.
– Mình đi về Côn Sơn…
Câu nói của Toàn không những không giải đáp thắc mắc của thủy thủ đoàn mà còn gây ra thêm nhiều câu hỏi khác. Biết vậy cuối cùng vị hạm trưởng phải lên tiếng.
– Mình về Côn Sơn nhưng thay vì theo đường cũ mình lại đi đường mới. Theo đường cũ nhanh hơn song lại nguy hiểm hơn. Có anh em nào muốn đi qua biển mìn lần nữa không?
Thủy thủ đoàn đang làm việc trong phòng chỉ huy không có ai lên tiếng trả lời câu hỏi. Điều đó tỏ ra chẳng có ai điên hoặc muốn đi trở về Côn Sơn bằng đường cũ.
– Chính tôi cũng không muốn đi xuyên qua biển mìn lần nữa vì vậy mà mình phải đi vòng bằng cách đổi hướng đi từ Hải Nam tới Đồng Hới rồi về lại Côn Sơn. Đi trong hải phận của Việt Nam nếu xui xẻo thì mình chỉ đụng đầu với Kilo thôi… Đi ngoài biển sâu mình sẽ đụng đầu hạm đội tàu ngầm Nam Hải…
Ai ai cũng đồng ý với nhận xét của hạm trưởng. Nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ có sáu chiếc tàu ngầm Kilo và một ít tàu nổi đủ khả năng dò tìm ra họ, vì vậy đi trong vùng duyên hải nước Việt Nam họ không sợ đụng đầu với gần một trăm chiếc tàu ngầm của hải quân Trung Cộng đang thường xuyên hiện diện trong vùng Biển Đông. Không phải họ sợ đánh nhau với kẻ địch mà chỉ chưa sẵn sàng thôi. Tới lúc nào đó, khi lực lượng tàu ngầm đủ mạnh họ sẽ đi tìm để tiêu diệt kẻ xâm lăng tới từ phương bắc.
03.00 giờ. Chiếc Hải Mã âm thầm nổi lên trên mặt biển tại địa điểm chỉ cách thị trấn Đồng Hới chừng mười hải lý để chạy máy xạc bình điện và cũng để cho thủy thủy đoàn được hít thở không khí trong lành. Đứng trên đài quan sát các thủy thủ có thể thấy rõ ánh đèn sang sáng nếu dùng ống dòm. Là watchman, trung sĩ Ấn rê ống dòm khắp nơi trên mặt nước để dò tìm xem có tàu nào ở gần. Hệ thống ra đa cảnh báo sớm ( early warning system ) quét sóng khắp nơi đề phòng bị máy bay phát hiện. Chương để mặc cho trung úy Thâm, sĩ quan đương phiên vẽ đường đi cho tàu về Côn Sơn. Biển thì bao la và bát ngát lại không có phương hướng gì hết cho nên muốn đi trên biển người ta phải dựa vào các dụng cụ để vẽ ra đường đi. Ngoài ra còn một điều cũng quan trọng không kém là phải làm sao để đi nhanh nhất. Đường thẳng nối liền hai địa điểm là đường ngắn nhất. Tọa độ của Đồng Hới là bắc vĩ tuyến 17° 26′ 53″, đông kinh tuyến 106° 35′ 15″. Từ tọa độ đó Thâm vẽ một đường thẳng tới một điểm trên hải đồ có tọa độ bắc vĩ tuyến 15°22′51″ và đông kinh tuyến 109°07′03″. Nhìn vào Chương biết đó là tọa độ của cù lao Ré hay còn gọi là đảo Lý Sơn nằm trong địa phận tỉnh Quảng Ngải cách bờ biển chừng 30 cây số. Sau khi vẽ xong đường thẳng nối liền Đồng Hới với cù lao Ré, Thâm lại chấm trên hải đồ một địa điểm khác có tọa độ bắc vĩ tuyến 15°22′51″ và đông kinh tuyến 110°30′03″ rồi từ tọa độ này lại vẽ một đường thẳng tới tọa độ bắc vĩ tuyến 8°40′57″ và đông kinh tuyến 106°36′26″ tức là tọa độ của quần đảo Côn Sơn.
04.00 giờ. Còi ré vang vang báo hiệu cho thủy thủ đoàn biết tàu sắp sửa lặn. Đóng nắp hầm và khóa lại cẩn thận, trung sĩ Ấn, phụ tá sĩ quan đương phiên báo cáo.
– 66 sẵn sàng lặn… 66 sẵn sàng lặn…
Trung úy Thâm ra lệnh gọn.
– 66… running dive… 66… lặn nhanh…
Chiếc tàu ngầm từ từ chìm mất xuống mặt nước đen ì ầm sóng vỗ và tiếp tục lặn sâu xuống tới độ sâu được chỉ định bởi Thâm, sĩ quan đương phiên. Nhìn đồng hồ đo độ sâu chỉ 200 mét, Thâm lên tiếng.
– 66… hai không không… 66… hai không không…
Chiếc Hải Mã bình quân ở độ sâu 200 mét để chờ lệnh mới.
– 66… mười knots… 66… mười knots…
Chiếc tàu ngầm nhẹ nhàng lướt đi trong nước trong lúc thủy thủ đoàn bận rộn với các hệ thống thủy âm định vị để dẫn đường và dò tìm.
– 66… bắc vĩ tuyến… mười lăm hai mươi hai năm mươi mốt… đông kinh tuyến… một trăm mười ba ba mươi không ba…
Có nhiệm vụ lái tàu, Nhiều lập lại hai lần lớn và rõ ràng cái lệnh dài lê thê của sĩ quan đương phiên trong lúc hướng con tàu theo đúng tọa độ đã được chỉ định. Chạy với vận tốc 10 knots một giờ, tàu phải mất hai ba ngày ròng rả mới về tới căn cứ Côn Sơn nếu không gặp bất cứ trở ngại nào. Sau khi tàu chạy đều rồi thì hạm trưởng cũng rời phòng chỉ huy trừ sĩ quan đương phiên. Thủy thủ đoàn ứng trực cũng không còn bận rộn lắm nên người thì đọc sách, kẻ nghe nhạc, nhóm còn lại thì trò chuyện và tán dóc với nhau. Dù vậy họ vẫn để mắt vào màn hình của hệ thống MOAS và thủy âm định vị thụ động.
– Ê tụi bây… Chiều mốt mình sẽ dìa tới căn cứ… Có đứa nào theo tao đi nhậu hông?
Trung sĩ nhất Chánh, chuyên viên điện tử lên tiếng hỏi. Tuổi mới hăm lăm lại độc thân nên Chánh là tay nhậu nhất nhì của tàu và có thể luôn cả hạm đội tàu ngầm nữa. Xưa lúc mới vừa thành lập cần có nhiều thủy thủ nên hải quân Việt Nam rất ưu đãi lính. Bất cứ ai từng là cựu lính thủy của hải quân Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc, Canada khi gia nhập họ đều được giữ nguyên cấp bậc cũ. Sau khi phục vụ được sáu tháng họ sẽ được lên một cấp bậc nữa. Điều đó khiến cho nhiều người lính của quân lực Việt Nam rất phấn khởi và tận tâm phục vụ vì cấp bậc càng cao thì lương càng nhiều hơn và bỗng lộc cũng nhiều hơn. Con cái của họ đi học ở đại học đều được chính phủ đài thọ hết. Xuất thân từ hải quân Hoa Kỳ với cấp bậc hạ sĩ nhất, chỉ cần ở trong lính năm năm, Chánh đã mang trung sĩ nhất đồng thời là chuyên viên ngành điện tử của tàu ngầm.
– Tôi… Tôi đi với ông…
Nhiều lên tiếng trong lúc đang lái tàu. Chánh hừ tiếng nhỏ.
– Mày mà nhậu gì… Mới uống chai bia đã sỉn rồi… Phá mồi thì có…
Nhiều cười hì hì.
– Thì tôi theo ông cho vui vậy mà… Ông uống một mình buồn chết…
Chánh làm thinh rồi lát sau mới thở dài nhè nhẹ.
– Ừ thì đi… Quán Gió Nồm có món ốc vú nàng ngon hết biết…
Vừa bước vào phòng chỉ huy vì sắp tới phiên trực làm sĩ quan đương phiên thay cho Thâm, thượng sĩ Ẩn lên tiếng đùa một câu.
– Tao đoán ốc vú nàng Thơm ngon lắm nên mày mới tới nhậu hoài…
Trung sĩ Chánh cười hăng hắc vì bị Ẩn nói trúng ý của mình. Hai vợ chồng chủ quán Gió Biển có cô em gái tên Thơm, không đẹp lắm mà ăn nói có duyên nên lính tráng độc thân rất thích lui tới quán. Chánh là một trong những người lính thường xuyên có mặt. Nghe đâu cô Thơm cũng thầm mến ông lính trẻ hào hoa và chịu chơi.
– Ông thầy đi không… Tôi với ông lai rai vài chai bia…
Chánh hỏi thượng sĩ Ẩn. Cười khà khà ông thượng sĩ gật đầu.
– Đi thì đi… Bộ mày tính nhờ tao làm mai hả?
Lần nữa Chánh cười hăng hắc mà nét mặt hơi có vẻ tẽn tò.
– Thì ông có thương thằng em ông thì ông nói dùm một tiếng…
– Mày bồ bịch, đào nhí, vợ bé, vợ nhỏ tùm lum ai mà dám giới thiệu mày… Rủi mày làm nó có bầu rồi lái tàu lặn mất tiêu…
Mọi người trong phòng chỉ huy ré lên cười kể cả Thâm, dù ráng dằn cũng phải bật ra tiếng.
– Hết giờ rồi trung úy… Ông đi nghỉ cho khỏe…
Ân nói với Thâm. Khẽ gật đầu vị sĩ quan trưởng phòng vũ khí còn quay qua cười nói đùa với Chánh trước khi rời phòng.
– Chừng nào đi nhậu ông nhớ hú tôi nghen… Tôi muốn coi mặt cô Thơm…
Chánh bật cười ha hả nói vói theo.
– Cám ơn trung úy… Khi nào đi tôi sẽ cho ông biết…
Đang vừa mở miệng định nói với Ẩn, Chánh vội ngưng bặt chăm chú nhìn vào màn hình của hệ thống thủy âm định vị. Lát sau anh mới lên tiếng.
– Ông thầy… Ông coi cái này nè… lạ lắm…
Chỉ cần nghe giọng nói của Chánh, Ẩn biết có chuyện gì xảy ra. Hai hạ sĩ quan, một về điện tử, một về điện toán, nhìn đăm đăm vào màn hình của hệ thống định vị thủy âm thụ động. Chiếc 66 được trang bị hai giàn thủy âm định vị, một ở lái và một ở mũi tàu dùng để dò tìm phía trước và phía sau. Trên màn ảnh của cả hai giàn trước sau đều hiện lên hai chấm đen lờ mờ mới đầu còn nhỏ sau lớn dần lên. Đứng quan sát, đôi mày rậm nhíu lại Ẩn, với hơn hai mươi năm kinh nghiệm mà cũng thắc mắc về tình trạng này, bèn bốc máy báo cáo cho Toàn, xử lý thường vụ hạm phó. Được báo cáo Toàn tức tốc tới ngay phòng chỉ huy. Đứng nhìn giây lát anh lẩm bẩm.
– Hổng lẽ mình…
Không biết nghĩ gì mà Toàn vội báo cáo với hạm trưởng. Chương có mặt tức khắc. Đứng quan sát giây lát anh ra lệnh cho tàu ngừng di chuyển đồng thời tắt đi hệ thống MOAS. Trên màn ảnh của hệ thống thủy âm định vị thụ động vẫn hiện lên hai chấm đen.
– Có một chiếc ở phía trước và có một chiếc ở phía sau… Cả hai…
Nói tới đó anh dừng lại như suy nghĩ rồi mới hắng giọng tiếp.
– Tôi đoán có thể cả hai đang săn mình… Cũng có thể họ tình cờ đi cùng đường với mình…
Chương nói với Toàn và thủy thủ đoàn. Thấy chấm đen ở đằng trước càng lúc càng to hơn chấm đen đằng sau, anh từ từ tiếp.
– Chiếc này đang đi ngược chiều với mình, còn chiếc đằng sau lại đi cùng chiều với mình…
Nói tới đó Chương ra lệnh cho tàu xuống sâu 400 mét. Mọi người đều biết ý định của hạm trưởng. Ông ta muốn thử lại lần nữa cho chắc chắn là hai chiếc tàu ngầm đang săn tìm thuộc loại tàu ngầm thông thường hay tàu ngầm nguyên tử, bởi vì ở độ sâu bốn trăm năm chục mét thì chỉ có tàu ngầm nguyên tử mới xuống sâu được như vậy. Các chiếc tàu ngầm lớp Oyashio của Nhật Bản là một ngoại lệ vì nó có khả năng lặn sâu tới 650 mét. Song, Ming, của Trung Cộng và Kilo của Nga chỉ lặn sâu tối đa ba trăm mét thôi.
– 66… ba năm không… ba sáu không… ba bảy không… ba tám không… ba chín không… bốn không không…
Tai nghe báo cáo, mắt nhìn vào màn hình của hệ thống thủy âm định vị thụ động, Chương, Toàn, Ẩn và Chánh thấy hai chấm đen mờ nhạt dần theo từng độ sâu, chứng tỏ ” acoustic signature ” hay là một trong nhiều loại tiếng ồn của tàu ngầm phát ra như chân vịt quậy nước, khi tàu rẻ nước tạo ra các bong bóng đã nhỏ dần khiến cho hệ thống thủy âm định vị thụ động không còn ghi nhận được một cách rõ ràng. Điều đó cho họ biết dường như hai chiếc tàu lạ đang săn tìm họ đã bị lạc mất phương hướng cũng như không thể lặn xuống sâu hơn để theo dấu chiếc Hải Mã. Như vậy hai chiếc tàu ngầm lạ là tàu chạy bằng dầu-cặn-điện-binh của hải quân Trung Cộng hoặc của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển này vì hải quân Hoa Kỳ chỉ có tàu ngầm nguyên tử mà thôi. Vả lại nếu tàu ngầm nguyên tử của hạm đội Nam Hải thì phải lặn xuống sâu hơn để theo dấu chiếc Hải Mã. Trong óc của vị hạm trưởng trẻ tuổi hiện lên câu hỏi. Chạy hay đối đầu với địch? Chạy thì dĩ nhiên an toàn song lại cảm thấy tưng tức. Là tàu ngầm chuyên săn tìm và tấn công tàu ngầm của địch mà bây giờ gặp kể tử đối đầu mà chạy thì mất mặt quá. Nếu thủy thủ các tàu ngầm khác của hạm đội mà biết được chiếc 66 phải chạy trốn trước tàu ngầm của Trung Cộng thì họ sẽ cười cợt, mỉa mai và khi dễ không riêng gì thủy thủ đoàn mà luôn cả hạm trưởng nữa.
Chương quay qua nhìn Thiện, Toàn và Chánh như hỏi ý. Thấy cả ba nhẹ gật đầu, hướng mắt về tất cả thủy thủ đoàn đang ngồi làm việc trong phòng chỉ huy, anh hỏi một câu.
– Anh em muốn hòa hay chiến?
– Chiến…
Hàng chục cái miệng cùng bật lên một lượt tiếng ” chiến…”. Nhẹ gật đầu cười vị hạm trưởng nói lớn.
– Chết cũng đánh tụi nó nữa hạm trưởng… Chạy nhục lắm hạm trưởng…
Thượng sĩ Đan lên tiếng nói dùm cho thủy thủ của tàu. Hạ sĩ nhất Tài đang ngồi trước giàn phóng thủy lôi cũng nói lớn.
– Dũa cho tụi nó te tua đi hạm trưởng… Dũa thằng SongII đi hạm trưởng…
Khẽ gật đầu cười Chương nói gọn.
– 66… ba không không… 66… ba không không…
Chiếc 66 từ từ nổi lên ở độ sâu 300 mét. Quay sang Ẩn, Chương ra lệnh gọn.
– Ông rán ” ID ” hai chiếc này cho tôi…
Tuân lệnh hạm trưởng, thượng sĩ Ẩn đeo ống nghe vào tai giây lát rồi mở cuốn cẩm nang dò tìm tiếng động của các loại tàu ngầm trên thế giới xong báo cáo chiếc đi ngược chiều là SongII, còn chiếc đi cùng chiều là Kilo636. Chiếc SongII cách 15 hải lý, vận tốc 11 knots. Chiếc Kilo636 có vận tốc 12 knots cách xa 35 hải lý.
Nghe Ẩn báo cáo, Chương ra lịnh.
– 66… ba… hai năm không… ba… hai năm không…
Dưới lệnh mới chiếc Hải Mã từ từ nổi lên ở độ sâu 250 mét đồng thời chạy với tốc độ 3 knots như cố ý không gây ra tiếng động. Hệ thống thủy âm định vị chủ động và MOAS được lịnh ngưng hoạt động chỉ còn có hệ thống thủy âm định vị thụ động tiếp tục dò tìm âm thanh của hai chiếc SongII và Kilo636.
– Thủy âm định vị thụ động báo cáo…
Sau vài giây dò tìm và nghe ngóng, trung sĩ Chánh trả lời cấp chỉ huy một cách vắn tắt song rất rõ ràng.
– Kilo… 15.21.41 + 110.29.25… vận tốc 14… khoảng cách 45… SongII… 15.20.50 + 110.29.45… vận tốc 9… khoảng cách 30…
Hơi gật đầu tỏ vẻ hài lòng, vị hạm trưởng chiếc 66 ra lệnh tiếp.
– 66… Nhiệm sở tác chiến… Nhiệm sở tác chiến…
Thượng sĩ Ẩn, sĩ quan đương phiên bấm nút đỏ. Đèn đỏ bật cháy báo cho thủy thủ đoàn biết nhiệm sở tác chiến đã được ban hành. Thủy thủ túa ra từ mọi ngõ ngách rồi lát sau đều ngồi vào nhiệm sở của mình. Không khí trong tàu lặng trang. Ai ai cũng nghe được lệnh của hạm trưởng.
– Phòng vũ khí… chuẩn bị decoy… phòng vũ khí… chuẩn bị thủy lôi…
Giọng của trung úy Thâm, trưởng phòng vũ khí vang trong máy liên lạc nội bộ.
– Phòng vũ khí… Decoy sẵn sàng… thủy lôi 1, 2, 3 sẵn sàng…
Nguyên thủy chiếc Hải Mã có hai giàn phóng thủy lôi đặt hai bên hông. Mỗi giàn phóng có ba ống phóng vì vậy nó có thể phóng ra cùng lúc ít nhất ba trái cho tới sáu trái tùy theo ý muốn. Sau khi mua lại của Nhật Bản, dưới sự tìm tòi và nghiên cứu của toán kỹ sư thuộc hải quân công xưởng ở Phú Quốc, nó được gắn thêm giàn phóng thứ ba ở trước mũi. Giàn phóng này có hai ống phóng có khả năng phóng ra một hoặc hai trái thủy lôi cùng một lúc. Điều đó càng khiến cho chiếc Hải Mã và các tàu anh em cùng lớp với nó trở thành loại tàu ngầm cực kỳ lợi hại trong việc săn tìm và tấn công tàu lạ.
Thủy thủ đoàn ngồi im trên ghế thi hành nhiệm vụ của mình. Nút đỏ, nút xanh, nút vàng, màn hình cái sáng cái mờ, cái lu cái tỏ. Từ vị hạm trưởng, hạm phó, sĩ quan đương phiên và trung sĩ nhất Chánh, nhìn chăm chú vào màn hình hệ thống thủy âm định vị thụ động có một chấm màu xanh hiện lên từ phía bên trái rồi di chuyển sang phía bên trái thành một đường dài màu xanh. Đó là tín hiệu của máy dò thủy âm định vị thụ động. Trong trường hợp bắt được ” acoustic singature ” của tàu lạ, tín hiệu sẽ hiện thành hình dáng mờ nhạt hay rõ ràng tùy thuộc vào nhiều điều kiện như độ ồn do chân vịt gây ra, bong bóng nước nhiều hay ít khi tàu di chuyển, máy móc của tàu đã được khử tiếng ồn với mức độ nào, khoảng cách giữa hai chiếc tàu và độ sâu của tàu đang lặn cùng với nồng độ muối của nước biển và sau cùng là độ nhạy cảm của hệ thống thủy âm định vị. Nhìn tín hiệu rõ dần dần ở hướng bắc, Chương hỏi gọn.
– Tọa độ của SongII?
Toàn lên tiếng trước khi Chánh trả lời.
– 15.21.45 + 110.29.05…
Ngay lúc Toàn vừa dứt lời, Chương nói liền không do dự giây đồng hồ nào.
– 66… thủy lôi 1 bắn…
Liền theo lệnh của hạm trưởng trái thủy lôi được phóng ra. Ngay lúc đó Chánh bật lên tiếng la hoảng hốt khi thấy một chấm xanh xuất hiện ở ngoài góc trái và càng ngày càng rõ dần lên khi di chuyển vào trung tâm điểm.
– Thủy lôi… thủy lôi…
Ai cũng thấy dấu hiệu xuất phát từ hướng nam. Điều đó chọ họ biết chiếc SongII cũng đã xác định được vị trí của chiếc 66 nên phóng thủy lôi tấn công. Có thể nói hai chiếc tàu ngầm của hai phe đều xác định được mục tiêu và tấn công cùng một lúc. Toàn liếc hạm trưởng đang đứng bên cạnh và bắt gặp ông ta cũng đang nhìn mình với nét mặt bình thản dù biết đang bị địch tấn công bằng thủy lôi. Phòng chỉ huy như nghẹt thở khi thủy thủ đoàn biết tàu của họ đang bị thủy lôi săn tìm.
– Decoy 1 bắn… decoy 1 bắn…
Đứng ở phòng điều khiển và kiểm soát vũ khí cách xa phòng chỉ huy chừng vài thước, trung úy Thâm ra lệnh cho hạ sĩ Bằng phụ trách giàn thủy lôi ở trước mũi tàu.
– Decoy 1 bắn… decoy 1 bắn…
Bằng bấm nút. Thân tàu hơi rung chuyển chút xíu vì hầu như trước sau chừng vài giây đồng hồ hai trái thủy lôi, một giả một thật được phóng ra cùng lúc. Ngay lúc Thâm nói dứt lệnh của mình, thủy thủ đoàn nghe lệnh của hạm trưởng vang lên gấp gáp.
– 66… năm không không… 66… năm không không…
Không chậm trễ một giây với sự điều khiển thành thạo của thủy thủ đoàn nhiều kinh nghiệm chiếc Hải Mã lặn nhanh xuống cho tới khi chạm đáy biển sâu 485 mét.
– 66… bốn tám năm… 66… bốn tám năm…
Trung sĩ nhất Hạnh, phụ trách máy đo độ sâu lên tiếng báo cáo. Toàn, trong vị thế hạm phó kiêm sĩ quan đương phiên ra lệnh cho tàu nằm yên để tránh thủy lôi. Tất cả máy móc đều ngưng hoạt động trừ hệ thống thủy âm định vị thụ động. Trên màn hình hiện lên một chấm xanh di chuyển thật nhanh và càng lúc càng tới gần. Thủy thủ đoàn nghẹt thở vì sợ cũng có mà vì tàu thiếu không khí do ở máy điều hòa không khí đã bị ngưng hoạt động. Ngồi im trên ghế hạm trưởng, Chương giấu kín nỗi lo âu vì không muốn cho thủy thủ đoàn biết mình sợ sệt. Anh cũng biết mình đang đối đầu với SongII lớp 039G hay S20 Song-class, loại tàu ngầm tối tân được đóng bởi hải quân của Trung Cộng. Anh cũng biết thủy lôi mà chiếc SongII vừa bắn ra là loại Wake Homing được trang bị hệ thống ” active seeker ” có khả năng tự động tìm kiếm để hủy diệt mục tiêu. Có thể nói loại thủy lôi tân tiến này được chế tạo để đối phó với tàu ngầm vì trước đầu nó có gắn một bộ phận thủy âm định vị chủ động. Khi thủy lôi được bắn ra, bộ phận ” active seeker ” này sẽ phóng tín hiệu được truyền đi trong nước và khi gặp vật gì như tàu ngầm sẽ dội ngược trở lại mà người ta gọi là ” ping ”. Ghi nhận được cái ping này, thủy lôi sẽ tự động săn tìm để phá hủy mục tiêu. Anh biết mặc dù mình đã phóng ra decoy đồng thời nằm yên dưới đáy biển sâu để đánh lừa thủy lôi địch song vẫn phập phòng lo sợ vì biết loại vũ khí này rất tinh khôn đồng thời có thể được điều khiển bởi hệ thống điện toán của tàu địch do đó rất khó tránh né được. Sự chờ đợi tưởng chừng dài vô tận. Cuối cùng anh cũng như thủy thủ đoàn nghe được tiếng nổ vọng lại ì ầm trên đầu họ. Rồi lát sau lại có thêm tiếng nổ thứ nhì nhỏ hơn tiếng thứ nhất. Trên màn hình của máy thủy âm định vị thụ động cũng không còn thấy tín hiệu nào khác. Điều đó cho anh suy đoán ra hai điều. Có thể tiếng nổ thứ nhất là trái thủy lôi giả mà tàu anh phóng ra đã bị thủy lôi địch bắn nổ rồi. Còn tiếng nổ thứ nhì chính là thủy lôi của tàu phóng ra đã phá hủy tàu ngầm của địch nên máy thủy âm định vị không còn dò thấy tín hiệu nữa. Chờ thêm vài phút nữa cho chắc ăn, Toàn quay nhìn hạm trưởng như hỏi ý. Thấy cấp chỉ huy nhẹ gật đầu cho phép, anh nhìn trung sĩ nhất An, đang là người điều khiển công việc cho tàu lặn hay nổi lên đoạn cười nói.
– 66… ba năm không… 66… ba năm không…
An bấm nút Ballast Control Panel. Tuy nhiên khi bấm xong anh biết ngay có trở ngại vì cái nút nhẹ hều như không có điện.
– Nguy rồi…
An kêu nhỏ. Toàn nhướng mày.
– Có chuyện gì vậy An?
– Tôi nghĩ hệ thống điều khiển hầm chứa nước không hoạt động… Dường như bị mất điện…
Ngay lúc đó giọng nói của trung úy Ân từ phòng cơ khí vang trong máy phóng thanh.
– Trình hạm trưởng… Hệ thống AIP hư nữa rồi…
Hơi cau mày, Chương lẳng lặng rời chỗ ngồi đi về phòng máy. Toàn cũng theo sau. Tới nơi anh thấy tất cả nhân viên của hai ban cơ khí và điện lực đều đủ mặt. Sau khi nghe hai chuyên viên về máy và điện trình bày, Chương mới biết hệ thống AIP bị hư nên không xạc bình điện được thành ra điện yếu không đủ sức dùng chạy các máy móc nhiều công xuất như máy điều hòa không khí, máy điều khiển tàu lặn hay nổi lên mặt nước… Thủy thủ đoàn nghe tin đều nhốn nháo. Họ biết nếu không có điện, mọi hoạt động đều đình trệ, đồng thời với việc tàu sẽ nằm luôn dưới đáy biển sâu và mọi người sẽ bị chết ngộp vì thiếu không khí để thở. Dù biết tình trạng nguy hiểm nhưng Chương vẫn tỏ ra bình tĩnh hỏi.
– Mình sửa được không ông Ân?
Do dự giây lát Ân gật đầu.
– Sửa thì được nhưng tôi không biết bao lâu. Mình không thể dùng điện để chạy máy điều hòa không khí vì điện chỉ còn đủ để khởi động máy AIP khi mình sửa xong…
Chương gật đầu nói nhanh.
– Ông và anh em cơ khí cố sửa càng nhanh càng tốt. Trong lúc đó nếu thiếu không khí thì mình sẽ thở bằng bình dưỡng khí…
Được lệnh nhân viên cơ khí và điện lực lo sửa máy còn Chương với Toàn trở lại phòng chỉ huy. Xuyên qua máy phóng thanh vị hạm trưởng thông báo cho thủy thủ đoàn biết rõ tình trạng của tàu đồng thời ra lệnh cho mọi người ở yên tại chỗ của mình và không được làm mất trật tự. Toán quân kỹ được trang bị vũ khí có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong tàu. Ban y tá ứng trực để săn sóc thủy thủ trong trường hợp họ ngất xỉu vì bị ngộp. Các bình dưỡng khí chỉ được dùng trong trường hợp cần thiết nhất. Không có điện nên tàu tối thui. Thỉnh thoảng mới có ánh sáng lóe lên từ đèn pin. Nhiệt độ trong tàu tụt xuống nhanh làm mọi người cảm thấy lạnh run vì hệ thống điều hòa không khí ngưng hoạt động và nhiệt từ các máy móc toát ra cũng không có nữa. Không khí lạnh và lặng trang. Ngồi thu hình trên chiếc ghế hạm trưởng, Chương im lìm chờ đợi mà trí óc không thôi suy nghĩ. Nếu hệ thống AIP không sửa được thì anh chỉ còn một chọn lựa là khởi động hệ thống máy chạy dầu cặn cung cấp điện cho tàu dùng vào việc điều khiển các hầm chứa nước để nổi lên mặt biển. Điều này rất nguy hiểm vì khi tàu chạy máy bằng dầu cặn sẽ hút hết không khí trong tàu khiến cho mọi người bị ngộp thở mà chết. Huống chi từ dưới đáy biển sâu gần 500 mét, tàu phải chạy mất ít nhất vài phút mới nổi lên mặt nước được. Nếu thiếu không khí thì máy cũng không thể chạy lâu được. Suy đi tính lại Chương lên tiếng gọi Ân, Đan và Toàn lại bàn tính cách thức cho tàu chạy máy dầu cặn để nổi lên mặt nước nếu hệ thống AIP không sửa được. Gần nửa tiếng đồng hồ lặng lẽ trôi qua. Không khí trong tàu bắt đầu ấm lên song cũng ngột ngạt và nặng nề hơn. Ai cũng biết tình trạng đó không tốt vì trong không khí mà họ đang thở có nhiều khí carbon hơn là dưỡng khí. Trong không khí bình thường thì nitrogen có 78%, dưỡng khí có 21%, argon chưa được 1% còn carbon dioxide có 0,04%. Khí mà chúng ta thở ra có tới 4% carbon dioxide. Nếu lượng dưỡng khí giảm và khí carbon tăng sẽ làm cho chúng ta bị ngạt thở hôn mê và chết. Đó là tình trạng mà thủy thủ đoàn của chiếc 66 đang lâm vào. Dù nằm im họ cũng phải thở nghĩa là phải hút dưỡng khí vào và nhả khí carbon là thứ khí độc ra. Thứ khí độc này lại hòa tan vào trong không khí để họ lại hít vào rồi càng ngày khí độc càng nhiều hơn. Nhân viên y tá trên tàu đi đi lại lại khắp nơi nhắc nhở mọi người cố gắng thức chứ đừng có ngủ bởi vì khi nhắm mắt ngủ thì họ sẽ ngủ luôn không bao giờ thức dậy nữa. Gia đình bốn người dân đánh cá, theo lệnh của thuyền trưởng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn vì họ không quen sống trong tàu ngầm như thủy thủ đoàn. Vài thủy thủ yếu sức nên được cho thở bằng bình dưỡng khí.
Mồ hôi nhễ nhại trên mặt, thượng sĩ Mười cùng với Hân, mỗi người xiết chặt con ốc cuối cùng của cái bơm gió xong Mười nói lớn với sếp của mình.
– Đề đi trung úy… Hi vọng mình còn đủ điện để đề máy…
Trung úy Ân tự tay bấm nút đề máy. Tiếng kêu è è vang lên song máy vẫn không nổ. Ngưng bấm nút Ân đưa tay áo lau mồ hôi trán. Chuyện vỗ vỗ lên cái bơm gió rồi lẩm bẩm.
– Nổ đi em… nổ đi anh thương…
Mỉm cười lắc lắc đầu Ân ấn nút đề máy lần nữa. Âm thanh è è lớn dần lên…
– Nổ… nổ…
Mười hét lớn. Tiếng bum bum vang lên ròn rã mà cũng không át được tiếng thở khì ra của gần hai chục nhân viên thuộc ban cơ khí. Trung úy Ân bắt tay nhân viên thật chặt như bày tỏ sự cám ơn và cũng chia xẻ sự vui mừng khi biết họ vừa trải qua cơn nguy hiểm chết người.
– Kỳ này về Phú Quốc tôi sẽ yêu cầu Thầy Thăng đổi máy mới. Nếu ổng hổng chịu thì tôi bảo ổng thế chỗ cho tụi mình…
Mọi người bật lên cười. Nhẫn gọi báo cáo cho hạm trưởng biết là hệ thống AIP đang chạy và xạc bình điện và khi nào xong sẽ báo cho phòng chỉ huy biết. Thủy thủ đoàn hò reo khi thấy đèn cháy sáng và máy điều hòa không khí chạy rì rầm.
Nửa giờ sau, lệnh của Toàn, sĩ quan đương phiên vang trong máy phóng thanh.
– 66.. ba năm không… 66… ba năm không…
Khẽ cựa mình, chiếc Hải Mã từ từ nổi lên ở độ sâu 350 mét.
– 66… một không… mười lăm hai mươi hai năm mươi mốt… một trăm mười ba ba mươi không ba…
Chiếc tàu ngầm lặng lẽ trườn mình đi trong lòng biển tối om về căn cứ Côn Sơn. Thủy thủ đoàn nhẹ thở phào khoan khoái và vui vẻ trò chuyện với nhau chờ tới lúc trở lại căn cứ, nơi có người thân đang chờ đón.
Hết Quyển 2
Cách đây cũng lâu, tình cờ vào trang này và đã đọc được hết quyển 2 của truyện dài này. Đang mong chờ quyển 3 và quyển 4 🙂