27.
Báo chí, truyền hình, truyền thanh trong nước cũng như của các cơ quan thông tấn xã quốc tế và các trang mạng đều xôn xao bàn tán về nguồn tin hai chiếc hàng không mẫu hạm của hạm đội Nam Hải thuộc hải quân Trung Cộng bị tàu ngầm lạ bắn. Chiếc Liêu Ninh bị hư hại nặng tới độ bất khiển dụng trong khi chiếc Sơn Đông chìm sau vài giờ hoả hoạn vì kho đạn dược phát nổ. Giới cầm quyền Bắc Kinh la toáng lên và khẳng định tàu ngầm Kilo của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã bắn chìm tàu của họ. Còn phe cầm quyền ở Hà Nội thì chối, nói là khi sự việc xảy ra thì sáu chiếc Kilo của họ chiếc đang nằm ụ, chiếc đang tuần tra ở Vịnh Thái Lan, còn chiếc thì bị hư hỏng. Tuy nhiên Trung Cộng không tin vào lời giải thích mơ hồ đó. Họ nói hành động gây hấn này của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ dẫn tới chiến tranh trên biển.
Một điều mà các tướng lãnh hải quân và giới am hiểu về quân sự ước đoán là mất đi hai hàng không mẫu hạm, sức mạnh của hải quân Trung Cộng bị giảm sút rất nhiều trong lúc họ cần có lực lượng tàu chiến hùng hậu để kiểm soát và duy trì tình trạng tranh chấp biển đảo hiện giờ. Mất hàng không mẫu hạm đồng nghĩa với sự vắng mặt của phản lực cơ chiến đấu đe doạ tàu chiến và oanh tạc các căn cứ địch. Máy bay xuất phát từ đảo Hải Nam xuống tới Trường Sa hay Phú Quốc để tuần tra hoặc đánh nhau với phi cơ địch rồi trở về sẽ không đủ xăng. Trung Cộng có một căn cứ không quân nơi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, song với sự phòng thủ yếu kém phi đạo này dễ bị phá huỷ nếu có chiến tranh xảy ra. Có thể nói mất đi hai chiếc Sơn Đông và Liêu Ninh, lực lượng đồn trú ở Trường Sa sẽ bị cô lập vì không còn được sự yểm trợ tích cực của lực lượng lưu động. Ngoài ra với hai chiếc tàu tiếp tế 885 và 887 bị bắn chìm thì các căn cứ cũng như tàu chiến đang có mặt ở Trường Sa sẽ bị thiếu hụt nhiên liệu, đạn dược và lương thực trầm trọng.
Đang ngồi trong phòng làm việc của mình, Thúy Nhi hơi nghiêng đầu lắng nghe tiếng động từ dưới đường vẳng lên. Dường như cô nghe được tiếng xe gắn máy nổ bình bịch. Xô ghế đứng dậy, bước nhanh tới cửa sổ cô nhìn xuống đường. Ông lính tàu ngầm đang ngồi trên yên chiếc Ninja 300 với cặp kính Rayban và áo lạnh màu xanh nước biển. Thấy cô đưa tay vẩy, ông ta cũng giơ tay vẩy vẩy kèm theo tiếng cười lớn.
– Đói bụng rồi…
Nhìn đồng hồ đeo tay của mình chỉ gần 12 giờ, Thúy Nhi nói vọng xuống.
– Chờ chút đi… Hể thấy mặt là kêu đói… Đúng là nợ…
Quay trở lại bàn làm việc nàng còn nghe giọng cười hăng hắc từ dưới đường vọng lên. Cầm lấy chiếc xắc tay, nàng bước nhanh ra cửa đúng lúc Nhàn bước vào.
– Chị đi ăn với ông Chương…
– Dạ… Rồi chị có trở lại không?
– Chưa biết… Cứ coi như chị không trở lại đi…
Ra tới đường, Thúy Nhi thấy Chương ngồi trên yên xe đang nổ máy. Cũng may hôm nay thứ sáu nên cô không mặc áo dài đi làm mà mặc jean với giày thể thao rất tiện ngồi xe gắn máy.
– Sao hôm nay hứng cái gì mà anh Chương lái Ninja vậy?
Đợi cho cô bạn ngồi lên yên xe xong xuôi, Chương mới quay đầu lại cười thốt.
– Xa Phú Quốc có hai điều làm cho tôi nhớ nhất là Thúy Nhi và lái mô tô có Thúy Nhi ngồi sau ôm eo ếch…
Dù trong lòng dấy lên chút gì xúc cảm khi nghe câu nói mà cô biết rất thật của ông lính song cô chỉ im lặng vòng tay ôm eo ông lính.
– Thúy Nhi như là chỗ cho tôi có lý do để trở về sau những chuyến công tác…
– Sao anh Chương không nói với ba má về đây ở để cho anh có chỗ trở về…
Chương thốt với giọng buồn buồn.
– Má tôi hẹn tôi ở Sài Gòn. Bả nói khi nào tôi lái tàu về Sài Gòn thời bà sẽ trở về…
Dứt lời Chương rồ máy và chiếc xe lăn bánh chầm chậm. Thúy Nhi làm thinh giây lát mới thỏ thẻ.
– Anh Chương về hồi nào dậy?
– Hồi trưa… Tôi mang tàu về sửa chữa…
– Tàu anh Chương bị hư hả?
Vừa lái xe Chương từ từ thuật lại cho Thúy Nhi nghe chuyện mình săn đuổi và bắn chìm chiếc Sơn Đông rồi sau đó bị tàu địch rượt nên phải lặn sâu hơn 600 mét vì vậy tàu bị rỉ nước phải đem về Phú Quốc để sửa chữa. Không biết nghĩ gì mà Thúy Nhi chợt lên tiếng.
– Thúy Nhi muốn coi chiếc tàu ngầm của anh Chương. Thúy Nhi chưa bao giờ thấy tàu ngầm ra sao…
Hỏi mà thấy Chương còn dụ dự chưa trả lời, Thúy Nhi xuống giọng năn nỉ.
– Nghen… Thúy Nhi muốn thấy…
Cảm thấy vòng tay của cô bạn xiết chặt như lời năn nỉ, Chương cười hắng giọng.
– Lý do nào khiến cho Thúy Nhi muốn coi chiếc tàu ngầm của tôi?
– Đọc sách báo Thúy Nhi nghe nói nhưng chưa thấy bao giờ. Chắc nó nhìn ngầu lắm hả anh Chương?
Cười hắc hắc Chương trả lời.
– Hông… Xấu ỉn hà…
– Anh Chương xạo…
Quẹo xe vào con đường đi Bãi Khem, Chương bật cười vang vang.
– Đi ăn xong rồi tôi sẽ chở Thúy Nhi về căn cứ…
Xiết chặt vòng tay của mình hơn cũng như tựa đầu vào lưng ông lính tàu ngầm, Thúy Nhi thì thầm.
– Cám ơn anh Chương…
Quay đầu lại Chương nói trong tiếng cười.
– Thúy Nhi mà bỏ tiếng ” Chương ” thời tôi sẽ để cho Thúy Nhi làm hạm trưởng chỉ huy chiếc Hải Mã lặn một vòng quanh đảo Phú Quốc…
Bật cười thánh thót, Thúy Nhi thì thầm vào tai ông lính.
– Thiệt hông… Anh nói thiệt hông anh?
Cười hăng hắc Chương trả lời nhanh.
– Thiệt… Lính tàu ngầm nói mà đâu có giả được…
Bật lên tiếng cười Thúy Nhi hỏi.
– Mình đi ăn ở đâu vậy anh?
Quay đầu lại Chương cười.
– Đi ăn phở ở quán Thanh Thanh… Tôi thèm phở…
– Nếu anh mà bỏ tiếng ” tôi ” thời tối mai anh lên nhà Thúy Nhi sẽ đàn cho anh nghe…
Xe ngừng trước quán ăn. Tắt máy xong Chương mới quay đầu lại cười đùa.
– Dạ em xin tuân lệnh hạm trưởng…
Cười thánh thót, Thúy Nhi làm một cử chỉ rất thân tình là tựa thân mình vào sát người Chương rồi thì thầm.
– Thúy Nhi sẽ nhớ anh hoài…
Vào quán, Chương gọi một chai 33 với tô phở tái nạm, còn Thúy Nhi ăn hủ tiếu đồ biển và uống nước dừa tươi.
Thuỷ thủ đoàn chiếc 66 ngạc nhiên và xì xầm khi thấy hạm trưởng của họ đậu xe gắn máy trên cầu tàu ở sau yên đèo thêm một cô gái trẻ đẹp.
– Nó đó…
Chỉ vào chiếc tàu có hình dáng tương tự như điếu thuốc xì gà, Chương cười tiếp.
– Nó mang số 66 và được đặt tên Hải Mã…
Ngắm nghía chiếc tàu sơn màu đen có cái tháp nhô lên cao và có hai cánh bè ra hai bên, Thúy Nhi cười nhẹ.
– Nó giống con cá lìm kìm hơn con cá ngựa…
Chương bật cười vì sự so sánh của Thúy Nhi. Đi dài dài theo thân tàu tới trước mũi nàng mới hỏi.
– Sao hổng thấy huy hiệu của tàu vậy anh…?
Vừa định mở miệng định nói thêm tiếng ” Chương ” song Thúy Nhi dừng lại kịp. Nhìn cái miệng nàng há ra vì phải ngưng nói bất thình lình Chương bật cười hắc hắc.
– Thúy Nhi định nói ” anh Chương ” phải hông?
Không trả lời cô gái cười mím chi lãng sang chuyện khác bằng câu hỏi.
– Anh cho Thúy Nhi làm hạm trưởng thời em có quyền vẽ số 66 và con cá ngựa lên tàu. Đúng không?
Bị cô bạn gái bắt chẹt, Chương phải gật đầu cười thốt.
– Thúy Nhi vẽ thời được song có điều phải vẽ hoài?
– Tại sao phải vẽ hoài?
– Tại vì mỗi lần có công tác điệp báo cần giữ kín bí mật thì phải xoá số tàu và huy hiệu của nó đi thành ra em phải vẽ lại nữa…
Chương cười cười nói thêm cốt ý cho cô bạn gái nản lòng.
– Thúy Nhi muốn vẽ cũng được. Có điều là phải leo lên cột buồm của tàu… Cực lắm…
Nói xong Chương đưa tay chỉ lên cái phần nhô lên cao nhất của tàu có dáng như cái ống hình trụ. Thúy Nhi bật cười hăng hắc.
– Anh gọi cái đó là cột buồm của tàu hả. Ngộ ghê…
Chương gật đầu cười thong thả nói.
– Ừ cái đó là cột buồm của tàu ngầm. Tiếng Anh gọi là ” sail ”. Cái sail có hai cánh nhô ra hai bên phải trái gọi là ” sail planes ” dùng để làm cho tàu đổi hướng đi bên trái hay bên phải…
Chỉ về phía sau đuôi anh cười tiếp.
– Thúy nhi thấy cái phần nhô lên ở đằng sau đuôi không. Nó được gọi là ” rudder ”. Còn phần nhô ra hai bên gọi là ” stern planes ” hay còn gọi là ” diving planes ” dùng điều khiển cho tàu lặn xuống hay nổi lên…
Thúy Nhi quay nhìn Chương rồi cười thốt.
– Ngộ à nghen…
Chương gật đầu cười.
– Muốn làm hạm trưởng thì Thúy Nhi phải học và biết nhiều thứ lắm. Đầu tiên là phải học lái tàu trước…
Ngẫm nghĩ giây lát Thúy Nhi lên tiếng.
– Chuyện đó dễ ợt…
Biết cá tính muốn là phải làm cho được của Thúy Nhi, Chương không còn cách nào hơn vui vẻ chấp thuận. Nhìn ông hạm trưởng với vẻ biết ơn, cô gái nói nhỏ.
– 9 giờ sáng mai Thúy Nhi sẽ có mặt tại đây…
Gật đầu Chương đưa Thúy Nhi vào trong lòng tàu thăm viếng. Là sĩ quan trực hôm nay nên đại uý Toàn ân cần tiếp đón khách lạ. Lần đầu tiên được phái nữ thăm viếng tàu, thuỷ thủ đoàn bu lại hỏi han và bắt tay cô bạn gái của hạm trưởng. Nhìn thuỷ thủ đoàn, Chương cười nói với giọng nữa thật nửa giỡn.
– Tôi có hứa sẽ để cho Thúy Nhi làm hạm trưởng chỉ huy con hải mã lặn một vòng quanh đảo Phú Quốc. Nói trước cho anh em biết để chuẩn bị…
Trung sĩ nhất Nhàn lên tiếng liền.
– Cho cô Thúy Nhi làm hạm trưởng luôn tôi cũng chịu nữa…
Mọi người bật cười lớn. Toàn xen lời.
– Lúc đó mình phải gọi cô Thúy Nhi là ” bà hạm trưởng ”…
Hồng nét mặt vì hiểu ý câu nói của Toàn, Thúy Nhi liếc nhanh Chương rồi mỉm cười hỏi lảng.
– Có bao nhiêu người ở dưới tàu hả anh Toàn?
– 65 người gồm có 10 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan và 40 thuỷ thủ. Cô Thúy Nhi muốn thăm tàu không?
– Dạ… Anh Toàn gọi Thúy Nhi được rồi… Gọi cô chi cho thêm khách sáo…
Toàn cười nhẹ thốt.
– Dường như tôi có thấy hình Thúy Nhi ở đâu…
Ngập ngừng giây lát Toàn reo nhỏ.
– Phải rồi… Ở nhà em gái của tôi… Nó… nó…
Nói tới đó Toàn lại bật cười ha hả đùa một câu.
– Đúng ra tôi phải nghĩ ra sớm hơn… Hân hạnh được thấy dung nhan của cô chủ Thuy Nhi Architectural Designs Inc…
Bật lên tiếng cười thanh thanh, Thúy Nhi nhìn Toàn.
– Em gái của anh Toàn tên gì vậy?
– Nhàn…
Tới phiên Thúy Nhi kêu nhỏ.
– Hân hạnh được gặp anh của Nhàn. Nếu bữa nay hổng gặp thì ngày mai cũng sẽ gặp vì sáng mai Thúy Nhi với Nhàn sẽ xuống đây vẽ hình con hải mã cho anh Chương mà…
Thấy Toàn nhìn mình dò hỏi, Thúy Nhi thong thả kể lại đầu đuôi. Nghe xong Toàn cười hăng hắc dẫn Thúy Nhi đi coi tàu. Giơ tay chỉ một vòng các máy móc trong căn phòng đầu tiên hai người bước vào, Toàn tươi cười giải thích.
– Đây là phòng chỉ huy và điều khiển, cái não của chiếc 66. Nó có mười sĩ quan và mỗi người có chuyên môn riêng của mình. Tôi với thiếu tá Chương hạm trưởng là sĩ quan điện toán, hai người là sĩ quan cơ khí, một sĩ quan điện, hai sĩ quan vũ khí và ba sĩ quan điện tử…
Rời phòng chỉ huy họ thăm viếng phòng vũ khí và phòng máy. Dọc theo đường đi, Thúy Nhi để ý thấy hai hàng giường ngủ nhỏ hẹp của thủy thủ đoàn nằm dọc hai bên đường đi. Phòng tắm cũng nhỏ xíu. Chỉ có phòng ăn hơi rộng rãi. Chín sĩ quan dưới tàu chia với nhau ba phòng ngủ, riêng hạm trưởng được phòng riêng mà cũng nhỏ xíu, bằng một phần ba phòng ngủ của nhà nàng. Điều đó cũng chẳng có gì lạ vì diện tích tàu chừng 800 mét vuông mà phải chứa sáu mươi lăm người và hàng ngàn thứ vật dụng.
– Sao Thúy Nhi còn muốn làm hạm trưởng nữa không?
Chương lên tiếng hỏi. Nhìn Toàn, Thúy Nhi cười nói đùa.
– Còn muốn chứ… Sau khi quan sát tàu xong Thúy Nhi thấy làm hạm trưởng phẻ ra… Phẻ hơn làm thuỷ thủ nữa… Hạm trưởng hổng biết lái tàu mà đứng chỉ người ta lái tàu…
Bật cười vì câu trả lời của Thúy Nhi, Toàn nháy mắt với hạm trưởng của mình xong kiếu từ để đi làm công chuyện riêng. Ở chơi tới bảy giờ tối, Chương mới chở Thúy Nhi về nhà và hẹn gặp lại sáng mai.
9 giờ sáng. Vừa ngừng xe tại cổng Thúy Nhi với Nhàn thấy Toàn ngồi trên xe chờ sẵn. Cả ba lên chiếc jeep chạy xuống cầu tàu.
– Tụi này đã lo sẵn sơn cho Thúy Nhi rồi. Ông Chương quảng cáo Thúy Nhi vẽ đẹp lắm nên thủy thủ đoàn đang chờ xem cô họa sĩ trổ tài…
Thúy Nhi cười hăng hắc.
– Anh Toàn đừng có nghe lời quảng cáo của anh Chương. Ảnh có thấy tôi vẽ bao giờ đâu mà nói tôi vẽ đẹp. Tôi vẽ như ông Trạng Quỳnh hà…
Ngồi băng sau nghe chuyện Nhàn xen vào.
– Chị Thúy Nhi giấu tài đó anh. Tranh treo trong sở là do chỉ vẽ không…
Gần tới nơi Thúy Nhi thấy đám đông mấy chục người đang đứng ngay chỗ chiếc tàu ngầm của Chương đang đậu. Quay đầu về sau Thúy Nhi cười nói với Nhàn.
– Coi bộ chị em mình có nhiều người ái mộ quá. Mình vẽ cua vẽ còng mà cũng có nhiều người chờ coi…
Xe vừa đậu lại Chương tươi cười lên tiếng.
– Anh có sơn đủ màu theo lời Thúy Nhi dặn rồi. Mời họa sĩ trổ tài…
Đêm hôm qua khi về tới nhà, Thúy Nhi đã lục sách vở và lên trên mạng nghiên cứu về loài cá ngựa nên biết con cá đặc biệt này sống ở vùng Biển Đông và Vịnh Thái Lan thuộc họ Thorny dài chừng 17 cm thôi nhưng lại là giống đông nhất trong các họ cá ngựa. Nàng cũng đã vẽ thử nhiều lần trên giấy trước vả lại trong đầu có hình ảnh con hải mã rồi nên khá nhuần tay. Nhờ vậy chỉ trong vòng nửa tiếng nàng đã vẽ xong một mặt với màu sắc được pha chế rất đặc biệt. Đứng dưới cầu tàu nhìn lên cột bườm cao, Thiện gật gù cười.
– Đẹp thật… Cô Thúy Nhi quả có hoa tay…
– Nhìn xa giống y chang con cá ngựa sống…
Trung úy Thâm khen. Riêng Chương chỉ cười im lặng không mở miệng khen vì sợ người ta nói ” mèo khen mèo dài đuôi ”. Sau khi vẽ xong hai mặt, giơ tay ngoắc Chương lại gần, Thúy Nhi cười mím chi rồi thì thầm như chỉ muốn cho anh nghe thôi.
– Thúy Nhi vẽ hai con cá ngựa có chút khác nhau. Con bên mặt là con đực còn bên trái là con cái…
Nói tới đó nàng cười hắc hắc nhìn vào mặt Chương.
– Một con là anh, một con là em…
Không nhịn được Chương bật cười vừa định lên tiếng, Thúy Nhi vội đưa tay ra bụm miệng anh lại không cho nói với thủy thủ đoàn của chiếc 66 đang đứng ngắm nghía và trầm trồ hai con cá ngựa có màu sắc lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.
28.
Tọa độ đông kinh tuyến 112o20’, bắc vĩ tuyến 16o50’, chiều dài 3,7km, chiều rộng 2,8km; Phú Lâm là đảo lớn nhất trong cụm đảo An Vĩnh và luôn cả quần đảo Hoàng Sa nữa. Năm 1958, Phạm Văn Đồng, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh đã ký giấy gián tiếp nhượng quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng. Hành vi bán nước của Phạm Văn Đồng nói riêng và Hồ Chí Minh với đảng cộng sản Việt Nam nói chung đã gây ra những hậu quả trầm trọng mà điển hình là năm 1974, Trung Cộng xua tàu chiến tấn công và chiếm đóng Hoàng Sa mặc dù có sự chống trả quyết liệt của hải quân nước Việt Nam Cộng Hòa. Sự hy sinh của các chiến sĩ anh dũng này cũng không cản được bước xâm lăng của kẻ thù phương bắc và từ đó cho tới nay Hoàng Sa hoàn toàn lọt vào vòng cai trị của Trung Cộng. Sáu mươi năm dài chiếm đóng, Trung Cộng đã biến quần đảo Hoàng Sa thành căn cứ có tầm vóc chiến thuật và chiến lược hổ trợ cho hạm đội Nam Hải trong các hoạt động quân sự nhằm khống chế thêm quần đảo Trường Sa và sau đó độc chiếm Biển Đông. Chiếm Hoàng Sa chưa đủ, móng vuốt của kẻ xâm lăng phương bắc lại vươn dài ra tới Trường Sa. Trận hải chiến ngắn ngủi năm 1988 giữa hạm đội Nam Hải của Trung Cộng và nhóm tàu chuyên chở của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xảy ra mà sự thắng trận lần nữa lại về tay của kẻ mạnh. Từ đó tàu chiến Trung Cộng tha hồ dọc ngang Đông Hải, tàu đánh cá Trung Cộng ngang nhiên xâm phạm lãnh hải xua đuổi ngư dân Việt; tàu hải giám Trung Cộng phách lối, ngang ngược bắt bớ, bắn chìm tàu đánh cá Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam. Đối phó với các hành động của lũ hải tặc Tàu Ô, nhà nước của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tọa thị bàng quang coi như không có chuyện gì xảy ra. Rồi tiếp theo năm 2014, Trung Cộng đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng mạnh miệng tuyên bố một câu vô trách nhiệm như sau: ” Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”. Dân Việt Nam thật vô cùng bất hạnh khi vị bộ trưởng quốc phòng lại tuyên bố một câu như vậy. Chỉ có các ông quan lớn của đảng cộng sản Việt Nam mới cho rằng quan hệ giữa Trung Cộng và nước Việt Nam Cộng Sản đang phát triển tốt đẹp mà thôi chứ dân chúng thì không có nói như vậy, nhất là các ngư dân sinh sống bằng nghề đánh cá trên Biển Đông.
21.00 giờ.
04-30-2036.
Bốn chiếc tàu ngầm của hạm đội Phú Quốc từ từ nổi lên mặt nước biển lấp lánh ánh lân tinh cách đảo Phú Lâm chừng 150 hải lý về hướng tây nam. Đó là VNN44 Hải Sà dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Nguyễn Đệ; VNN55 Sứa Lửa mà hạm trưởng là thiếu tá Lê Văn Linh, VNN 77 Cá Nược được điều động bởi thiếu tá hạm trưởng Trần Đình Văn và cuối cùng chiếc VNN66 Hải Mã. Tất cả bốn tiềm thủy đỉnh được đặt dưới quyền chỉ huy của Vũ Quang Chương, hạm trưởng chiếc 66 mang quân hàm trung tá. Đây là lần nổi lên mặt nước cuối cùng cho tới khi công tác hoàn thành. Nhiệm vụ của bốn chiếc tàu là phá hủy phi đạo của căn cứ Phú Lâm làm cho các phản lực cơ chiến đấu của Trung Cộng không thể cất cánh để yểm trợ cho lực lượng đồn trú cũng như đội chiến hạm đang hoạt động ở Trường Sa. Đánh chìm chiếc Sơn Đông, loại ra khỏi vòng chiến chiếc Liêu Ninh, bắn chìm hai tàu chở tiếp liệu 885 và 887 xong bây giờ hải quân của nước Việt Nam nhỏ bé đóng thủ đô ở đảo Phú Quốc sẽ phá hủy căn cứ Phú Lâm. Sau khi phi trường của căn cứ chiến lược này bị phá hủy thời giai đoạn 3 của Chiến Dịch Trường Sa mới bắt đầu. Thừa biết Phú Lâm là căn cứ chiến lược có tầm vóc rất quan trọng, được xây cất mấy chục năm nay nên bộ tư lệnh phải điều bốn chiếc tiềm thủy đỉnh nặng ký thuộc lớp Oyashio được trang bị hỏa tiễn Harphoon của hãng McDonell Douglass có tầm bắn xa trăm hải lý, bay với vận tốc gần bằng vận tốc của âm thanh và mỗi trái hỏa tiễn có đầu nổ nặng 227kg. Với hỏa lực của bốn chiếc cộng lại dư sức gây thiệt hại nặng cho căn cứ Phú Lâm. Riêng chiếc 66 còn mang theo một toán hải kích sáu người dưới sự chỉ huy của đại úy Ba, trưởng toán. Nếu cần nhóm hải kích sẽ đổ bộ lên đảo để thám thính và chụp hình trước vì không ảnh do phòng an ninh tình báo của bộ quốc phòng đều là hình ảnh chụp đã lâu rồi nên độ chính xác không còn cao nữa. Toán hải kích cũng còn có thêm nhiệm vụ, nếu cần sẽ phá hủy ra đa và hệ thống cảnh báo để cho các giàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn bị tê liệt hoặc không còn hoạt động hữu hiệu nữa.
Sở dĩ Jack, tư lệnh hạm đội tàu ngầm chọn bốn chiếc 44, 55, 66 và 77 trong chuyến công tác quan trọng này vì cả bốn chiếc tàu đều có khả năng lặn sâu hơn mọi chiếc tàu ngầm khác của hạm đội. Độ lặn sâu tối đa 650 mét là một ưu điểm biến tiềm thủy đỉnh của Nhật Bản thành ra ” stealth ” hay vô hình trước các loại tàu ngầm của hải quân Trung Cộng như Kilo, Song, Ming, Romeo. Hạm đội Nam Hải có 21 chiếc tàu ngầm gồm 2 chiếc SongII (039G), 6 chiếc Ming III (035 AIP), 12 chiếc Romeo I (033) và một chiếc Sang-O (Xpt). Tất cả tàu ngầm này đều là loại tàu ngầm thông thường chạy bằng dầu-cặn-điện-bình không thể lặn sâu quá 300 mét trong khi bốn chiếc 44, 55, 77 và 66 đều có thể lặn sâu gấp hai lần. Đối với tàu ngầm, run deep ( lặn sâu ) là ưu điểm số 1, run silent ( chạy êm ) là ưu điểm số 2, còn run fast ( chạy nhanh ) đứng thứ ba. Ngoài ra còn một ưu điểm khác cũng quan trọng không kém là ở dưới nước lâu. Bởi vậy mà hải quân Hoa Kỳ có tàu ngầm nguyên tử chứ không có tàu ngầm dầu cặn-điện bình. Tàu ngầm nguyên tử khi chạy gây ra tiếng ồn có thể lớn hơn so với tàu ngầm thường song nó lại lặn sâu và lặn lâu hơn vì vậy nó trở thành vô hình trước con mắt thần của các loại tàu ngầm thường.
– 66 chuẩn bị lặn… 66 chuẩn bị lặn…
Sau thời gian xạc bình điện bằng máy chạy dầu cặn, chiếc Hải Mã được lệnh chìm xuống. Tiếng còi vang vang báo hiệu cho thủy thủ đoàn. Đậy nắp hầm và khóa lại cẩn thận, Chương nói lớn.
– 66 quick dive… 66 lặn khẩn cấp…
Vẫn còn chạy máy dầu cặn, chiếc Hải Mã biến dạng dưới lòng biển sâu. Không đầy mười phút đồng hồ nó đã bình quân ở 150 mét rồi sau cùng hải hành với độ sâu 350 mét. Hệ thống thủy âm định vị chủ động và hệ thống MOAS (Mine & Obstacle Avoidance System) chuyên dò tìm mìn, đá ngầm, san hô hay bất cứ chướng ngại vật hiện diện trên đường đi tạm thời được lệnh ngưng hoạt động. Chỉ có hệ thống thủy âm định vị thụ động còn làm việc để dẫn đường cho tàu hải hành trong lòng biển sâu lạnh ngắt và tối mù cung như dò tìm tàu của địch. Phần hệ thống điều khiển và kiểm soát vũ khí cũng được kích hoạt để sẵn sàng khai hỏa trong trường hợp bị địch khám phá ra vị trí và tấn công. Đứng cạnh ” plotting table ” Chương im lặng nghe tất cả lệnh cũng như báo cáo xuyên qua hệ thống liên lạc. Thủy thủ đoàn im thinh thích làm việc nhất là nhân viên của hệ thống thủy âm định vị thì chăm chú nhìn vào màn hình còn tai thời lắng nghe bất cứ âm thanh, tiếng động lạ nào. Có thể đó là tiếng quẩy nước của cá mập, cá heo, tiếng kêu gọi đàn của cá voi hoặc có thể đó là tiếng chân vịt tàu quay trong nước. Mọi người đều biết càng tới gần quần đảo Hoàng Sa thời nguy hiểm càng tăng với sự rình rập của khu trục hạm, ngư lôi hạm, hộ tống hạm, trực thăng với dipping sonar dò tìm tàu ngầm lặn sâu hai ba trăm mét.
– 66… ba… bốn không không… mười sáu năm mươi không bảy… một trăm mười hai mười chín mười một…
Thiếu úy Hạnh, sĩ quan đương phiên lập lại hai lần lệnh của mình để cho thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy nghe rõ. Cái lệnh dài lê thê này đối với người thường thời vô nghĩa song đối với thủy thủ tàu ngầm thì lại có nghĩa rõ ràng và mạch lạc. Đầu tiên số 66 chỉ số của tàu. Kế đó ba chỉ tốc độ của tàu đang hải hành. Bốn không không là độ lặn sâu của tàu. Còn hai câu cuối cùng chỉ tọa độ của địa điểm mà nó phải đi tới. Chiếc Hải Mã xuống sâu hơn nữa cho tới khi máy đo độ sâu chỉ số 400 mét mới bình quân rồi lặng lẽ trườn mình đi. Ở độ sâu này nó không sợ bị các tàu lặn thông thường dễ dàng tìm ra vị trí.
14.00 giờ. Đại úy Ba, toán trưởng của toán hải kích bước vào phòng chỉ huy nơi Chương, Thiện, Toàn và Thâm đứng quây quần quanh chiếc bàn hành quân hình chữ nhật bày đầy các bức không ảnh về đảo Phú Lâm.
– Mấy ông coi kỹ đi… Đây là không ảnh mới nhất mà mình xin được của hải quân Hoa Kỳ. Hình được chụp từ vệ tinh hay máy bay thám thính cách đây hơn tháng thành ra chắc không có gì thay đổi…
Chờ một lúc cho bốn sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình lần lượt xem xét hết các tấm hình của đảo Phú Lâm xong xuôi, Chương mới hắng giọng.
– Hình chụp dù không có nhiều chi tiết lắm song cũng đủ cho chúng ta biết căn cứ Phú Lâm rất quan trọng. Nó là nơi đồn trú của đại đơn vị bộ binh cỡ cấp trung đoàn hay lữ đoàn. Về hải quân thì có ít nhất 10 chiến hạm chưa kể các tàu nhỏ tuần phòng. Nó có một phi đạo đủ chiều dài cho phản lực cơ chiến đấu lên xuống…
– Tụi Trung Cộng đặt tên nó là thành phố Tam Sa mà hạm trưởng…
Đại úy Toàn cười thốt. Nhìn vào tấm ảnh chụp và được ghi chú chỗ nào tàu chiến đậu, nơi nào là giàn hỏa tiễn, đài ra đa, ụ súng phòng không, bãi đáp trực thăng và đường bay của phản lực cơ, đại úy Ba lên tiếng.
– Trung tá có cần tôi với mấy thằng em lên coi lại không?
Chương cười lắc đầu trong lúc nhìn vào các tấm hình rồi sau đó mới chầm chậm cất giọng khàn vì thức đêm.
– Chắc tôi không cần toán hải kích làm chuyện đó đâu…
Ba nhìn đăm đăm Chương khi nghe câu nói đó. Liếc nhanh Thiện, Toàn và Thâm đang đứng, vị hạm trưởng cười nhẹ tiếp.
– Theo chỗ tôi được biết thời hệ thống phòng không của Phú Lâm khá mạnh mẽ. Địch đã bố trí mấy giàn hỏa tiễn đất đối không để chống máy bay và chống hỏa tiễn nữa. Đó là chưa kể mấy giàn cao xạ. Tất cả đều trông cậy vào hệ thống cảnh báo sớm ( early warning system ) với các giàn ra đa có khả năng dò tìm máy bay và hỏa tiễn xa hơn hai trăm cây số…
Ngừng nói giây lát vị hạm trưởng tiếp lời.
– Bốn chiếc tàu ngầm vừa được Thầy Thăng trang bị hệ thống video game…
Nói tới đó Chương nháy mắt ra hiệu cho Thâm. Hiểu ý vị sĩ quan phụ trách hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí của tàu đỡ lời cho hạm trưởng bằng cách nói với Ba.
– Mời đại úy qua đây để tôi giải thích cho ông hiểu…
Năm người bước qua khu vực dành riêng cho giàn máy móc kiểm soát và điều khiển vũ khí ( weapon control panel ).
– Đại úy có chơi video game lần nào chưa?
Thâm cười hỏi và Ba lên tiếng liền.
– Tôi có chơi vài lần…
Thâm gật đầu hắng giọng.
– Nhật Bản là nước đứng đầu về video game trên thế giới. Nước Mỹ lại là nước đầu tiên đem video game áp dụng vào trong lãnh vực quân sự bằng hệ thống điều khiển vũ khí. Khi mình phóng một trái hỏa tiễn ra thì mình cũng biết rõ một điều là địch cũng có thể phóng hỏa tiễn ra đánh chặn hỏa tiễn của mình. Muốn tránh bị địch đánh chặn thì mình phải điều khiển hỏa tiễn, luồn lách cách nào để dẫn đường cho nó vượt qua hàng rào phòng thủ và đánh trúng mục tiêu. Em Bình đây sẽ biểu diễn tài chơi video game cho đại úy biết rõ hơn…
Vỗ vai Bình ra hiệu, Thâm cười nói với Ba.
– Trong trò chơi này em Bình sẽ làm đủ mọi cách để vượt rào phòng thủ của địch và đánh trúng mục tiêu trong 10 giây đồng hồ. Ngoài đời thì người ta có cả ngày để làm song trong trò chơi chiến tranh của chúng ta thì em Bình chỉ có 10 giây thôi… Quá 10 giây mình ngủm…
Không kể Ba mà Chương, Thiện, Toàn, Thâm và hàng chục người khác trong phòng chỉ huy đều chăm chú vào màn hình đang hiện lên trò chơi vũ khí.
– Go…
Liền theo tiếng ” go ” như được điều khiển bởi bàn tay của phù thủy, trái hỏa tiễn xẹt qua đảo lại, luồn trên lách dưới xẹt thẳng vào mục tiêu cùng với tiếng nổ bùm và ánh sáng rực lên sáng lòa báo hiệu hỏa tiễn đã đánh trúng mục tiêu. Thâm vỗ nhẹ lên vai Bình kèm theo tiếng khen ngắn gọn.
– 8 giây… Nhanh hơn lần trước 1 giây…
Quay qua Ba đang đứng bên cạnh, Thâm cười.
– Đại úy muốn thử không?
Lắc lắc đầu Ba cười hì hì.
– Khỏi cần… Tôi mà chơi chắc phải mất tiếng đồng hồ hoặc là bị địch bắn rớt rồi…
Dứt lời anh quay qua cười nói với Chương.
– Có đồ chơi ngon lành quá chắc trung tá hổng cần tôi nữa rồi…
Khẽ gật đầu Chương cười nói với Ba như không muốn làm phật lòng anh.
– Vụ này thì không cần nhưng chắc là tôi sẽ cần đại úy với anh em hải kích ở Trường Sa…
Giơ tay chào Chương và các sĩ quan trong phòng chỉ huy, Ba cười cười đi về phía cuối tàu nơi dành riêng cho toán hải kích. Đứng trầm ngâm giây lát Chương mới nói nhỏ với Thiện.
– Phi đạo trên đảo Phú Lâm dài hơn cây số, đủ dài cho các loại phản lực cơ chiến đấu của địch như Sukhoi SU-30MKK lên xuống dễ dàng. Đó là vị trí quan trọng mà mình phải diệt đầu tiên. Bây giờ mình đi dạo một vòng quanh Phú Lâm để coi giò coi cẳng nó rồi tính kế sau…
Thiện gật đầu như đồng ý về lời nói của cấp chỉ huy. Muốn sử dụng và điều khiển Harphoon cho chính xác thời phải thấy mục tiêu. Muốn thấy là phải lại gần, càng gần càng tốt để có thể xác định mục tiêu qua tiềm vọng kính của tàu. Phú Lâm là một căn cứ chiến lược do đó Trung Cộng đã bỏ tiền tỉ ra để xây cầu tàu dài 400 mét đồng thời vét các chỗ cạn để cho tàu khu trục, hộ tống, tuần dương có thể ra vào dễ dàng mà không sợ bị mắc cạn. Ngoài ra họ còn xây những con đê bằng bê tông cốt sắt để ngăn sóng khiến cho bãi đậu rất im sóng.
– 66… mười sáu năm mươi không một… một trăm mười hai mười chín không ba… 66… mười sáu năm mươi không một… một trăm mười hai mười chín không ba…
Nghe hạm trưởng ra lệnh, thủy thủ đoàn biết tọa độ đó chính là đảo Phú Lâm, căn cứ chiến lược của Trung Cộng ở Biển Đông. Họ cũng đã được cấp chỉ huy cho biết nhiệm vụ nguy hiểm mà bốn chiếc tàu ngầm sẽ đảm trách là bắn hủy diệt căn cứ này. Không một ai có lời phàn nàn nào vì tất cả đều biết về sự ỷ mạnh ăn hiếp yếu của nước láng giềng Trung Cộng. Họ, ít nhất cũng một lần đọc tin tức, nghe bà con và bạn bè nói về hành vi độc ác đụng chìm ghe đánh cá, đánh đập hay bắt bớ và cấm các ngư dân Việt Nam không được hành nghề ngay trên đất của họ. Các hành động tham lam, gây hấn, ngang tàng và độc ác đó khiến cho họ bất mãn dù không nói ra. Bây giờ được dịp trả thù họ không ngần ngại làm dù lắm khi phải hy sinh mạng sống của mình. Huống chi nhiệm vụ của người lính là bảo vệ tổ quốc, chiến đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do độc lập của dân chúng.
– Mình phá hủy căn cứ Phú Lâm hả hạm trưởng?
Đang ôm tay lái, hạ sĩ nhất Nhịn cười hỏi câu trên. Mỉm cười Chương gật đầu nói với Nhịn mà cũng có ý nói cho thủy thủ ở trong phòng chỉ huy nghe.
– Phá hủy Phú Lâm xong mình sẽ về Trường Sa để kịp tham dự trận hải chiến ở Đá Chữ Thập…
– Mình đánh Trường Sa hả hạm trưởng?
Thượng sĩ Chúc lên tiếng hỏi với giọng ngạc nhiên. Liếc nhanh Thiện đang đứng cạnh giàn máy thủy âm định vị, Chương nhìn đồng hồ đeo tay của mình rồi sau đó mới trả lời.
– Tôi nghĩ giờ này hạm đội tàu nổi của mình đã bắt đầu rời Côn Đảo để chờ khi nào mình bụp nát Phú Lâm là họ mình sẽ dũa te tua nhóm tàu chiến của hạm đội Nam Hải đang đồn trú ở Trường Sa…
Thủy thủ đoàn xì xầm bàn tán khi nghe hạm trưởng tiết lộ tin tức. Nhìn Chúc đang quay đầu lại nhìn mình, Chương cười nhẹ tiếp.
– Bốn khu trục hạm, 4 tuần dương hạm, 4 hộ tống, 4 tàu ngầm, 4 tàu tác chiến đổ bộ chở theo bốn tiểu đoàn xung kích đang lềnh bềnh trên Biển Đông chờ khi nào mình dũa te tua căn cứ Phú Lâm là Chiến Dịch Trường Sa giai đoạn 3 sẽ bắt đầu. Đánh bật Trung Cộng ra khỏi Trường Sa là mục tiêu chính và nhất định phải làm cho được của hải quân nói riêng và của quân lực Việt Nam nói chung. Các anh em sẽ là những người lính đi viết lịch sử. Dù chúng ta có nằm xuống dưới đáy biển sâu thời tổ quốc sẽ tri ân và sử sách sẽ ghi danh…
Đợi cho cấp chỉ huy dứt lời xong xuôi Thiện mới hắng giọng.
– Mình còn cách Phú Lâm 45 hải lý thưa hạm trưởng…
Chương rời khỏi chỗ đứng của mình kèm theo lệnh vang lên.
– 66… năm… ba trăm năm chục… 66… năm… ba trăm năm chục …
Không gấp rút, chiếc tàu ngầm nặng bốn tấn từ từ lặn xuống độ sâu 350 mét đồng thời giảm tốc độ còn 5 knots một giờ. Khoảng 02.00 giờ nó còn cách căn cứ Phú Lâm chừng 50 hải lý. Muốn quan sát mục tiêu một cách rõ ràng thì tàu phải dùng tiềm vọng kính, tức là phải nổi lên gần mặt biển với độ sâu 15 mét.
– 45 hải lý…
Thiện lên tiếng. Khẽ gật đầu vị hạm trưởng ra lệnh gọn.
– 66… 15 mét…
– 40 hải lý…
Với độ nổi như vậy, tiềm vọng kính của tàu ngầm có thể ló lên để ống kính thấy được những gì cao hơn mặt nước biển. Chương dán mắt vào ống kính rồi từ từ quay một vòng tròn 360 độ. Xa xa đèn sáng lờ mờ song cũng đủ cho anh thấy được một đường sáng nằm bên phải mà anh đoán là phi đạo vì gần đó có những vòm nhà cao lên giống như nhà chứa máy bay. Đó là vị trí mà anh cần thấy nhất. Ống kính dừng lại ngay tại phi đạo và Chương đọc lớn tọa độ cho trung úy Thâm ghi vào hệ thống điều khiển và kiểm soát vũ khí vì muốn bắn đầu tiên là phải xác định được tọa độ của mục tiêu.
– Thiện với Toàn coi đi…
Bước sang bên, Chương nhường ống kính cho hạm phó. Quan sát chừng nửa phút, Thiện lên tiếng.
– Đúng nó rồi… Có mấy chiếc khu trục và hộ tống nữa… Mình bắn tàu không hạm trưởng?
Thiện hỏi và Chương trả lời liền.
– Ông lấy tọa độ đi…
Thiện đọc tọa độ cho Thâm.
– Toàn với Thâm coi đi…
Tới phiên hai vị sĩ quan vũ khí và C4 ghé mắt vào ống kính. Xoay ống kính một góc chừng 90 độ, Toàn nói lớn.
– Có năm căn nhà chứa máy bay… Hình như có bồn săng nữa hạm trưởng…
Cười nhẹ vị hạm trưởng chiếc 66 ra lệnh.
– 66 running dive … 66 lặn nhanh… bốn trăm năm chục… bốn trăm năm chục…
Chỉ cần 15 giây đồng hồ chiếc tiềm thủy đỉnh đã xuống độ sâu 50 mét sau đó từ từ xuống tới 150, 250, 350 rồi 450 mét và cuối cùng nằm im dưới đáy biển sâu 479 mét. Ở độ sâu này nó biến thành con cá ngựa vô hình đối với tất cả loại tàu ngầm thông thường. Ngay cả tàu ngầm nguyên tử cũng có ít hi vọng tìm ra nó.
01.30 giờ. Đây là khoảnh khoắc mà người ta thường say giấc điệp nhất. Tuy nhiên có những người không ngủ. Phải nói là họ không được phép ngủ. Sáu mươi lăm người lính của chiếc 66 và luôn cả ba chiếc 77, 44 và 55 nữa; tổng cộng hai trăm sáu chục người lính thủy đều mở mắt chờ tới giờ hành động. Họ không được nhắm mắt cho tới khi công tác hoàn tất. Đèn bật cháy báo hiệu giờ hành động đã tới. Quang cảnh trong lòng tàu chật hẹp rộn rịp hẳn lên vì thủy thủ ai cũng ngồi vào vị trí tác chiến của mình. 03.00 giờ. Chiếc 66 nằm ở độ sâu 15 mét, tức độ sâu vừa đủ cho tàu sử dụng hệ thống định vị toàn cầu điều khiển hỏa tiễn hủy diệt mục tiêu một cách chính xác. Để tránh bị địch phát giác ra sự có mặt cũng như vị trí của mình, bốn tàu đều sử dụng hệ thống truyền tin ELF ( Extremly low frequency ) để liên lạc trong nước biển và dưới độ sâu ba bốn trăm mét.
– SLAM sẵn sàng?
Chương hỏi gọn. Giọng nói của trung úy Thâm vang lên.
– SLAM sẵn sàng… thưa hạm trưởng…
SLAM là chữ viết tắt của loại AGM-84E Standoff Land Attack Missile được bắn từ khoảng cách xa trăm hải lý chuyên dùng để hủy diệt các mục tiêu lớn và quan trọng trên đất vì sức tàn phá khủng khiếp. Nó được phóng từ tàu nổi, phản lực cơ chiến đấu hay tàu ngầm. Khởi thủy nó là loại ” anti-ship missile ”, tức là loại hỏa tiễn dùng để phá hủy các chiến hạm song sau này được biến cải thành đa dụng hơn như phá hủy máy bay, tàu chiến và mục tiêu trên đất liền. Loại AGM-84 SLAM-ER (Standoff Land Attack Missile Expanded Response) mà chiếc 66 dùng trong công tác này còn mới mẻ hơn. Ngoài một bộ phận tự động tìm kiếm mục tiêu sẵn có ở đầu đạn, nó còn được lắp đặt thêm một bộ phận nhận chịu sự điều khiển trực tiếp từ tàu xuyên qua hệ thống GLobal Position System hay còn gọi là hệ thống định vị toàn cầu. Nặng 627 ký lô, dài 4 mét rưởi, vận tốc 855 cây số giờ, giá tiền 720 ngàn đô la một trái, SLAM là thứ hỏa tiễn đắt tiền không kém gì Tomahawk. Trung úy Thâm, vị sĩ quan chịu trách nhiệm tổng quát của WCS, tức hệ thống điều khiển và kiểm soát vũ khí trên tàu nhìn đăm đăm vào màn ảnh hiện lên hai chữ ” Lock Target ” màu đỏ.
– 66 bắn… 66 bắn…
Chương buông hai tiếng gọn và sắc. Trung úy Thâm lập lại lệnh khai hỏa của hạm trưởng một cách rõ ràng và chi tiết hơn cho nhân viên của mình đang ngồi trước giàn máy móc điều khiển vũ khí.
– SLAM 1 bắn… SLAM 2 bắn… SLAM3 bắn… Thủy lôi 1, 2, 3… bắn…
Phụ trách giàn phóng hỏa tiễn, trung sĩ nhất Điều bấm nút cùng lúc với hạ sĩ Miện và trung sĩ Bân bấm nút khai hỏa thủy lôi để tấn công các chiến hạm của địch đang neo đậu cách chỗ họ chừng mấy hải lý. Mọi người chăm chú theo dõi ba trái hỏa tiễn từ dưới nước và cách xa mục tiêu 45 hải lý rẽ nước vọt chênh chếch lên trời cao rồi biến thành mũi tên có cột lửa đỏ rực ở đằng sau đuôi lao xuống mục tiêu. Xuyên qua hệ thống định vị toàn cầu, tất cả mục tiêu của ba trái hỏa tiễn đều được thấy rõ ràng như ban ngày. Ngồi trước ba giàn máy video game, ba thủy thủ Bình, Tại và Chiến đang làm cái công việc đặc biệt và cần thiết là điều khiển hỏa tiễn tránh né đạn và hỏa tiễn của địch bắn ra phá hủy hỏa tiễn của họ cho tới khi nó chạm mục tiêu đã được định sẵn.
Đứng im nhìn đăm đăm vào màn hình của giàn điều khiển hỏa tiễn, thấy ánh lửa nháng lên từ mục tiêu định sẵn, Chương lên tiếng tức khắc. Một giây trong giờ phút này quí giá vô cùng vì liên hệ tới sinh mạng của sáu mươi lăm thủy thủ.
– 66 lặn… 66 lặn… năm trăm năm chục… năm trăm năm chục…
Lệnh từ hạm trưởng vang lên có chút gấp gáp. Chiếc 66 chìm sâu xuống nước và tiếp tục xuống tới năm trăm năm chục mét sâu dưới lòng biển đen âm u. Trên đầu nó bộc phá chống tàu ngầm nổ ầm ầm. Vách tàu hai lớp kêu răng rắc. Bình quân ở độ sâu 550, chiếc 66 chậm chạp và lặng lẽ chạy trốn cuộc săn tìm của tàu địch sau khi hoàn thành công tác. Trung úy Thâm, sĩ quan đương phiên chăm chú nghe cấp chỉ huy đọc bức công điện chưa được mã hóa: ” 66 gởi bộ chỉ huy tiền phương… 02.00 giờ… Rừng Phú Lâm đã bị cháy… 66 trực chỉ Trường Sa…”.
29.
04.30 giờ. 1-3-2037.
Bốn khu trục hạm, bốn tuần dương hạm, bốn hộ tống hạm và bốn tiềm thủy đỉnh; tổng cộng mười sáu chiến hạm chia thành bốn nhóm nhắm Trường Sa trực chỉ. Ngoài ra hai chiếc tàu tấn công đổ bộ chở hai tiểu đoàn xung kích đậu ở Côn Sơn cũng bắt đầu tách bến. Trong khi đó một toán tàu khác gồm có 4 khu trục hạm, 4 tuần dương hạm, 4 hộ tống hạm và 4 tiềm thủy đỉnh đang ở đâu đó giữa đường của Hoàng Sa và Trường Sa để ngăn sự tiếp viện của hạm đội Nam Hải từ căn cứ Tam Á xuống tiếp viện cho hải quân của Trung Cộng đóng ở Trường Sa. Một phi đoàn F15 đóng ở Côn Sơn sẵn sàng can thiệp nếu có máy bay của địch xuất hiện. Côn Sơn cách Trường Sa độ 100 hải lý, do đó bay với tốc độ hai lần nhanh hơn tốc độ âm thanh, phản lực cơ chiến đấu F15D chỉ cần ba phút sẽ có mặt ở tại mặt trận rồi. Ngoài ra hai phi đoàn F15C ứng trực ở Phú Quốc cũng sẽ can thiệp nếu cần. Nói tóm lại là quân lực của nước Việt Nam đã tung vào chiến dịch Trường Sa giai đoạn 3 hơn phân nửa lực lượng hải lục không quân. Điều này đủ nói lên sự quan trọng cũng như quyết tâm của chính phủ trong việc đòi lại chủ quyền quần đảo Trường Sa ở trong tay Trung Cộng. Trong chiến dịch Trường Sa, hải quân giữ vai trò quan trọng nhất vì phải đánh tan các tàu chiến của Trung Cộng trong thời gian ngắn nhất đồng thời phải đánh tan hoặc ít ra cũng ngăn chận đoàn tàu tiếp viện từ Tam Á xuống.
06.00 giờ. 1-3-2037. 50 hải lý về hướng tây của đảo Trường Sa Lớn. Mười sáu chiến hạm của hải quân Phú Quốc dàn hàng ngang dài mười mấy hải lý lặng lẽ tiến vào. Toán 1 do khu trục hạm VNK12 Quang Trung làm soái hạm với tuần dương hạm VNT4 Như Nguyệt, hộ tống hạm VNT12 Rạch Gầm và chiếc tàu ngầm VNN222 Cá Heo nhắm ngay căn cứ Đá Chữ Thập, tổng hành dinh của lực lượng Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa trực chỉ. Tất cả thủy thủ đều ngồi vào nhiệm sở tác chiến. Chiếc khu trục hạm to lớn với thủy đoàn hơn hai trăm vắng ngắt không có người đi lại trên bong. Trong đài chỉ huy các sĩ quan và thủy thủ lại bận rộn hơn. Kẻ nào phụ trách ra đa thì cắm đầu vào màn ảnh của máy ra đa. Người nào lo tìm tàu ngầm thì chúi mũi vào hệ thống thủy âm định vị. Đại úy Yến, sĩ quan C4 lăng xăng tới lui chỉ huy nhân viên liên lạc với bộ tư lệnh tiền phương ở Côn Sơn và liên lạc với các tàu bạn.
– Có tàu lạ…
Trung sĩ nhất Bình, phụ trách hai giàn ra đa chuyên dò tàu nổi trên mặt biển nói lớn. Màn ảnh của máy ra đa hiện lên chấm đen đang di chuyển và lớn dần dần. Đang ngồi trên ghế, trung tá Sơn, hạm trưởng chiếc VNK12 Quang Trung hỏi gọn.
– Bao xa?
– Trình hạm trưởng… 40 hải lý… bắc vĩ tuyến không chín độ ba mươi lăm phút mười hai giây năm mươi… đông kinh tuyến một trăm mười hai độ năm mươi bốn phút không tám giây không bảy…
Sơn im lặng không hỏi gì thêm. Lát sau Bình la nhỏ.
– Thêm một chiếc nữa…
Ngước nhìn vào màn ảnh ra đa thiếu tá Xinh, hạm phó thấy hai chấm lớn đang từ từ di chuyển từ đông sang tây nghĩa là ngược chiều với tàu của mình. Mấy phút sau chấm đen lớn dần dần lên. Điều đó cho biết khoảng cách đôi bên càng lúc càng gần nhau hơn.
– Bao xa…?
– 17 hải lý thưa hạm trưởng…
Tiếng trung sĩ nhất Bình vang lên. Mọi người hồi hộp chờ lên nổ súng từ cấp chỉ huy. 17 hải lý thì xa nhưng so với loại vũ khí tối tân bây giờ thì như một mét. Hỏa tiển chống tàu trung bình bay với vận tốc ngang với vận tốc của âm thanh, vì vậy chỉ cần vài giây đã cận kề mục tiêu. Tuy nhiên tất cả thủy thủ đều ngạc nhiên khi thấy hạm trưởng vẫn ngồi yên trên ghế. Họ đâu biết trong trí não của vị trung tá hạm trưởng nhiều kinh nghiệm đang suy tính sự lợi hại, thiệt hơn. Trong trò chơi súng đạn này sai một ly là đi ngàn dặm. Thứ nhất ông ta chưa xác định tàu lạ của nước nào, thuộc loại tàu gì như khu trục, hộ tống, tuần dương hay là tàu hải giám của địch. Chưa xác định được thì ông ta chưa biết phải dùng thứ vũ khí gì để chống lại.
– ” ID ” tàu lạ…
Sơn ra lệnh gọn cho trung sĩ nhất Tiến, phụ tá của trung úy Bảo, sĩ quan đương phiên. Lãnh lệnh Tiến bước ra hành lang của đài chỉ huy. Trên mặt biển chói chang ánh nắng bóng một chiếc tàu lọt vào trong ống kính của ống dòm. Bóng tàu hơi lạ so với các loại chiến hạm thường thấy. Lát sau anh lẩm bẩm khi thấy hai chiếc tàu bên hông có bốn vạch màu xanh trên thân tàu màu trắng. Chiếc bên phải có số 84 và chiếc bên trái mang số 72.
– Thưa hạm trưởng đó là tàu hải giám của Trung Cộng. Nó mang số 72 và 84…
Khẽ gật đầu song Sơn không nói gì hơn. Lát sau giọng của vị hạm trưởng chiếc khu trục hạm Quang Trung vang chắc gọn.
– Tất cả sẵn sàng chờ lệnh khai hỏa…
Lệnh được truyền đi qua máy truyền tin nội bộ tới tất cả nhân viên ứng trực ụ súng và giàn hỏa tiển. Trong loa phóng thanh có tiếng nói vang lên từ các ụ súng…
– 45 sẵn sàng…
– 2 sẵn sàng…
– 3 chờ lệnh
– 25 sẵn sàng…
– 15 sẵn sàng…
– Phalanx chờ lệnh hạm trưởng…
Chiếc khu trục hạm Quang Trung có tới bốn loại súng là đại bác Mark45 bắn bằng loại đạn 127 ly 7; bốn khẩu đại liên 12 ly 7; hai khẩu đại bác 25 ly và hai khẩu đại bác MK-15 Block 1 Phalanx CIWS (Closed-in Weapons System) sáu nòng bắn bằng loại đạn 20 ly được sử dụng chống lại máy bay hay hỏa tiển của địch nhờ một giàn ra đa gắn trên ụ súng để dò hỏa tiển hay máy bay và luôn cả đạn của súng bắn ra nữa. Loại MK-15 Block 1 Phalanx CIWS này có nhịp tác xạ 3000 viên trong một phút đồng hồ. Nó là loại đại bác phòng không và chống hỏa tiển có nhịp tác xạ nhanh nhất và có sức phá hoại mạnh nhờ vào đầu đạn được chế tạo đặc biệt. Tóm lại chiếc khu trục hạm Quang Trung được trang bị chín khẩu vừa đại liên vừa đại bác bắn tự động và được điều khiển bằng hệ thống điện toán. Đó là chưa kể tới các dàn hỏa tiển chống máy bay, chống tàu nổi và thủy lôi chống tàu ngầm. Không ai biết được vị hạm trưởng đang suy tính điều gì. Hai chiếc tàu hải giám thì không đáng để cho ông ta phải dùng tới hỏa tiển chống tàu mà mỗi trái giá gần nửa triệu đô la. Huống chi từ hồi đi tàu của hải quân Hoa Kỳ rồi sau đó làm hạm trưởng của khu trục hạm Quang Trung, ông ta và thủy thủ đoàn thực sự chưa có đánh nhau với ai bao giờ. Thực tập, thao dượt hay đánh trận giả thì có nhiều lần lắm. Tuy nhiên đó vẫn không phải là đánh nhau thực sự. Bây giờ có dịp ông ta muốn thử xem vũ khí trên tàu có hiệu lực như thế nào, có đúng như trên sách vở nói không.
– 8 hải lý…
Bình lên tiếng và trung tá Sơn vẫn ngồi rung đùi trên ghế hạm trưởng. Bình nói trong lúc nhìn hạm phó của mình.
– 5 hải lý…
– 3 hải lý…
Hai chiếc tàu sơn màu xám nhạt thấy rõ bằng mắt nhìn. Trung úy Bảo, sĩ quan đương phiên và thiếu tá Thêm, hạm phó nhìn nhau khi thấy khoảng cách đôi bên càng ngày càng gần hơn mà cấp chỉ huy vẫn im lìm không có lệnh lạc gì hết. Khi hai bên còn cách nhau non hai hải lý thì cả hai người đều mơ hồ đoán ra ý định của hạm trưởng khi thấy chiếc tàu lớn của mình nhắm ngay hướng chiếc tàu hải giám mang số 84 tiến tới.
– Quang Trung… 30 knots…
Đó là vận tốc tối đa của chiếc Quang Trung. Máy tàu rú lên, phun ra chút khói đen đằng sau lái rồi rẽ nước phăng phăng tiến tới. Sóng đập vào thành tàu ầm ầm tung bọt trắng xóa.
– 1000 mét…
Mặt lạnh như tiền, vị hạm trưởng chiếc khu trục hạm nhìn đăm đăm vào chiếc tàu mang số 84 đang ở trước mặt mình. Nếu một trong hai chiếc không đổi hướng thì sẽ có đụng nhau. Hai tàu đụng nhau thì chiếc nào nhỏ và nhẹ hơn sẽ bị hư hao nhiều hơn và lắm khi bị chìm. Cuối cùng chiếc tàu hải giám mang số 84 phải đổi hướng để tránh bị đụng. Hai tàu vượt qua gần tới độ thủy thủ trên tàu có thể thấy mặt nhau.
– Đuổi theo nó…
Nghe lệnh của hạm trưởng vang lên sắc và gọn, hạ sĩ Biền vội quay tay lái một vòng. Chiếc tàu nặng gần mười ngàn tấn quẹo cua thật gắt làm cho thân tàu nghiêng qua một bên. Chỉ cần mười lăm phút sau nó đã theo sát chiếc 84. Trong lúc đó chiếc 72 cũng đổi hướng đâm thẳng vào hông của chiếc Quang Trung. Hừ tiếng nhỏ vị hạm trưởng ra lệnh cho tàu đổi hướng đâm vào chiếc 72. Tuy nhiên hai chiếc hải giám 72 và 84 sau khi thay phiên nhau chèn ép mà tàu địch đã không bỏ chạy mà còn đâm vào tàu của mình nên cả hai bèn đổi hướng đi chỗ khác. Nhìn theo bóng tàu địch trung sĩ Nhàn lên tiếng.
– Mình mà chơi cho nó một trái Tomahawk là nó đi chầu hà bá liền…
Thượng sĩ Nhật cười nói với Nhàn.
– Giết gà đâu cần phải dao mổ trâu mậy. Mình để dành Tomahawk chơi với tàu khu trục. Tụi nó có mấy chiếc đang ở Trường Sa. Thế nào cháy nhà cũng ra mặt chuột…
Sơn nhẹ gật đầu cười nói như giải thích cho nhân viên của mình biết.
– Ông Nhật nói đúng đó. Tụi Trung Cộng có ba chiếc khu trục ở Trường Sa. Mình nên để dành Tomahawk để đón tiếp nó. Ba chiếc khu trục này là loại tàu mới đóng của hạm đội Nam Hải, được trang bị hỏa tiển chống tàu, máy bay và tàu ngầm nữa…
Từ khi mua lại của hải quân Hoa Kỳ chiếc khu trục hạm Quang Trung, hải quân Việt Nam chưa có dịp bắn thử lần nào vì loại hỏa tiển này quá đắt tiền. Cho tới bây giờ vì bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã ngưng sản xuất hỏa tiển Tomahawk để thay thế bởi loại khác tân tiến nên giá của nó thành ra rẻ hơn. Quân lực Hoa Kỳ hiện dự trữ khoảng ba ngàn trái Tomahawk và bán với giá rất hạ chừng hai trăm ngàn đô la một trái. So với các nước nghèo như Việt Nam thì giá đó cũng nhiều rồi chưa kể tiền bảo trì và sửa chữa nữa.
Hai chiếc tuần dương hạm VNT4 Như Nguyệt và hộ tống hạm VNT12 Rạch Gầm báo cáo không đụng chạm gì hết với chiến hạm của Trung Cộng. Thấy tàu địch bỏ chạy Sơn bèn ra lịnh cho tàu nhắm hướng Đá Chữ Thập trực chỉ. Càng tới gần Trường Sa, tất cả các vị hạm trưởng tham dự chiến dịch đều biết mình đang đi vào vùng kiểm soát của các tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải. Đây đó trong vùng biển bao la này mọc lên vô số giàn khoan dầu của hầu hết hãng dầu hỏa trên thế giới. Cái chất mà thiên hạ gọi vàng đen này là nguyên nhân chính khiến cho sự tranh giành càng ngày càng trở nên gay go. Nước mạnh làm theo ý của nước mạnh, nước yếu thì chịu lép vế song cố gắng làm được những gì để có phần trong việc khai thác nguồn tài nguyên của biển. Đó là lý do khiến cho một nước lớn như Trung Cộng ỷ mạnh làm càn, ngang ngược vẽ cái lưỡi của kẻ gian tham, xảo trá muốn độc chiếm nguồn lợi bất kể đạo đức và công lý.
– Có tàu địch… hạm trưởng…
Thượng sĩ Hòa, phụ trách giàn ra đa dò tàu nổi báo cáo. Trung tá Nguyên, hạm trưởng chiếc tuần dương hạm Như Nguyệt hỏi liền.
– Bao xa?
– 15 hải lý… bắc vĩ tuyến chín độ ba mươi sáu phút mười một giây bốn mươi… đông kinh tuyến một trăm mười hai độ năm mươi ba phút mười một giây không chín…
– ID the ship?
Đó là động tác đầu tiên của tất cả mọi chiến hạm khi gặp tàu lạ. Phải xác định đó là tàu của nước nào, loại tàu gì, số mấy, tên gì. Khi xác định được lai lịch của tàu lạ thì hệ thống Aegis trên tàu sẽ tự động tìm kiếm mọi loại vũ khí của tàu địch sau đó sẽ đưa ra cách thức và vũ khí đối phó lại. Có thể nói chỉ trong vòng chục giây đồng hồ ngắn ngủi, nếu có lệnh hệ thống Aegis sẽ phóng hỏa tiễn tấn công hay phá hủy hoặc sử dụng hệ thống súng tự động bắn rơi hỏa tiển của tàu địch phóng tới trước khi nó chạm mục tiêu. Aegis Weapon System gọi tắt là AWS là một hệ thống phòng thủ và tấn công rất phức tạp bao gồm nhiều hệ thống phụ khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ và chức năng của tàu chiến.
( Họa đồ ở trên cho chúng ta thấy được sự phức tạp của hệ thống AWS )
Hơi mỉm cười khi nghe hạm trưởng xổ tiếng Mỹ, hạ sĩ Tấn, thủy thủ ứng trực đưa ống dòm quan sát trên mặt biển. Xa mút nơi đường chân trời hiện lên bóng chiếc tàu chầm chậm di chuyển ngược chiều. Quan sát chiếc tàu chiến giây lát, anh lật nhanh cuốn sách dày cộm trong đó có ghi đầy đủ hình ảnh về tất cả các loại chiến hạm của các nước trên thế giới. Nhờ khéo vận động và ngoại giao hơn hai năm trời, cuối cùng hải quân Phú Quốc được hải quân Hoa Kỳ cung cấp cho một bản sao của cuốn sách ghi đầy đủ chi tiết về tất cả loại chiến hạm của các nước trên thế giới, đặc biệt là hai nước Nga Sô và Trung Cộng. Đối chiếu và so sánh hình ảnh của tàu lạ với hình ảnh trong sách xong anh lên tiếng.
– Trình hạm trưởng… Tàu khu trục Trung Cộng… Đó là chiếc 172 Côn Minh của hạm đội Nam Hải…
Hơi gật đầu Nguyên ra lệnh gọn.
– Báo cáo với Quang Trung ta thấy tàu địch…
Quay sang đại úy Thiết, sĩ quan C4, vị hạm trưởng ra lệnh tiếp.
– Chuẩn bị hệ thống AWS…
Ra lệnh xong Nguyên chú ý lắng nghe cuộc điện đàm giữa Tấn với vị sĩ quan đương phiên của chiếc Quang Trung.
– Quang Trung đây Như Nguyệt… Quang Trung đây Như Nguyệt…
– Quang Trung nghe Như Nguyệt…
– Như Nguyệt báo với Quang Trung đã thấy Côn Minh 172… Quang Trung nhận rõ trả lời…
– Quang Trung nhận rõ… Báo với Như Nguyệt, Quang Trung cũng thấy Lan Châu 170… trả lời…
– Như Nguyệt nhận rõ…
Vừa dứt điện đàm thì mọi người trong đài chỉ huy đều nghe giọng của thiếu tá Thành, hạm phó chiếc hộ tống hạm Rạch Gầm vang lên trong tần số liên lạc giữa ba chiếc tàu.
– Quang Trung, Như Nguyệt đây Rạch Gầm… Nghe hai ông thấy 172 với 170 tôi ham quá. Phần Rạch Gầm tui sắp tới Hải Khẩu thăm cô 171. Cô tiểu thư này mặc xường xám nhìn xa coi nõn nường quá…
Không ai nín được cười vì cái giọng cà rỡn của vị hạm phó chiếc Rạch Gầm. Tấn nói trong tiếng cười ha hả.
– Cô 171 khoe đùi coi bộ nõn nường mà dữ lắm nghen ông. Ông mà lạng quang cổ khạc lửa cháy râu ông đó…
– Như Nguyệt đừng có lo… Tôi điểm huyệt bằng cây súng nước là cổ chết trân liền…
Tất cả nhân viên lại bật cười. Nguyên quay nhìn ra ngoài để giấu nụ cười khi nghe hai ông lính có cấp bậc cao đùa giỡn với nhau để làm giảm đi sự căng thẳng tinh thần của chính họ và thủy thủ trên tàu. Đang cười chợt nghe giọng của hạm trưởng vang lên, hạ sĩ nhất Chân vội ngưng ngang rồi lớn tiếng lập lại nguyên văn lệnh hạm trưởng.
– Như Nguyệt… 30 knots… bắc vĩ tuyến không chín độ hai mươi lăm phút mười giây mười lăm… đông kinh tuyến một trăm mười hai độ năm mươi bốn phút không một giây không bảy…
Chiếc tàu sắt nặng mười ngàn tấn lướt sóng nhắm ngay chiếc Côn Minh tiến tới. Đại úy Thiết thấy rõ số 172 sơn màu trắng trước mũi của chiếc khu trục hạm thuộc lớp 052D của hạm đội Nam Hải. Không khí trong đài chỉ huy của chiếc Như Nguyệt như đặc lại làm cho hô hấp của mọi người trở nên nặng nhọc và khó khăn vì họ biết tàu của mình đã nằm trong tầm tác xạ của súng địch. Chiếc Côn Minh có một khẩu đại bác 130 ly còn chiếc Như Nguyệt lại được gắn tới hai khẩu đại bác 127 ly. Tất cả súng của hai chiếc tàu đều bắn tự động và được điều khiển bằng hệ thống điện toán. Xem ra so về súng lớn thì chiếc Như Nguyệt có lợi hơn nếu bắn nhau ở gần. Còn về hỏa tiển thì chiếc Như Nguyệt thuộc lớp Ticongodera Mark 41, tức là lớp mới nhất trong loại tuần dương hạm của hải quân Hoa Kỳ. Vì vậy mà nó được gắn tới 122 ống phóng hỏa tiển bao gồm các loại như Tomahawk, Harphoon, RIM66 và thủy lôi để chống lại máy bay, tàu nổi và tàu ngầm. Trong lúc đó chiếc Côn Minh chỉ được trang bị 64 ống bắn tên lửa loại phòng không như Hồng Kỳ-9, tên lửa chống hạm Ưng Kích-62 và Ưng Kích-18 dùng chống tàu và phá hủy mục tiêu trong đất liền. So ra thì bên tám lạng bên nửa cân. Nếu dùng hỏa tiển để diệt nhau thì đôi bên cùng chết. Có lẽ cũng biết điều đó nên dù nằm trong tầm tác xạ mà không chiếc nào chịu khai hỏa trước dù biết bắn trước có lợi hơn.
– Mấy ông còn nhớ vụ chiếc Cowpens?
Trung tá Nguyên lên tiếng. Thiếu tá Tấn trả lời trước nhất.
– Tôi còn nhớ vụ đó…
– Bây giờ mình sẽ làm chuyện đó với chiếc Côn Minh. Mình sẽ đâm thẳng vào hông của nó… Thử coi nó dám bắn mình không… Như Nguyệt… 30 knots… Kéo cờ Mỹ lên…
Thủy thủ đoàn ngơ ngác không hiểu vì lý do mà hạm trưởng ra lịnh treo cờ của nước Mỹ lên. Thấy đại úy Thiết do dự nhìn mình, trung tá Nguyên mỉm cười thì thầm vào tai vị sĩ quan mấy lời. Nghe xong Thiết tươi nét mặt hét thủy thủ kéo lá cờ có 50 ngôi sao lên cao song song với lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ai ai cũng đều ngẩng mặt nhìn hai lá cờ của hai nước bay phần phật trong gió. Được lịnh của hạm trưởng chiếc tuần dương hạm Như Nguyệt xả hết tốc lực nhắm thẳng vào tàu địch chạy tới. Hai bên chỉ còn cách nhau chừng cây số. Nhìn lá cờ vàng có bốn ngôi sao đỏ bay phần phật trên tàu của địch, Nguyên lớn tiếng ra lệnh.
– 45… 25… 12… chuẩn bị tác xạ… 45… 25… 12… chuẩn bị tác xạ…
Lệnh của hạm trưởng lập tức được truyền tới các ụ súng. Chiếc Côn Minh dài 155 mét, trọng tải 7 ngàn rưởi tấn so với chiếc Như Nguyệt dài 173 mét và trọng tải 10 ngàn tấn; nhỏ hơn dĩ nhiên nó phải né tránh vì nếu đụng nhau nó sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Trung Cộng chuyên lấy thịt đè người, ỷ mạnh ăn hiếp yếu, ỷ lớn ăn hiếp nhỏ nhưng bây giờ tới phiên nó bị chiếc tàu chiến có treo cờ 50 ngôi sao lấy bự đụng nhỏ, lấy nặng đè nhẹ. Chiếc khu trục hạm mang số 172, tên Côn Minh của hạm đội Nam Hải thuộc hải quân Trung Cộng đổi hướng không dám để cho hai tàu đụng nhau. Thủy thủ đoàn trong đài chỉ huy của chiếc Như Nguyệt đều thấy tàu địch nghiêng hẵn sang bên trái vì đổi hướng một cách gấp rút và bất ngờ. Sau đó máy đen phun khói mù mịt nó xả hết tốc lực chạy tới để khỏi bị tàu lớn hơn đâm ngay vào hông của mình. Hai tàu vượt qua nhau với khoảng cách xa vài trăm mét. Ngay khi đài chỉ huy của tàu mình vừa ngang với lái tàu của địch, vị hạm trưởng chiếc Như Nguyệt hét vào máy liên lạc.
– Như Nguyệt bắn… Như Nguyệt bắn…
Khẩu đại bác 127 ly bắn vào ụ súng đại bác 130 ly ở trước mũi và giàn phóng hỏa tiển đặt cạnh buồng lái. Khẩu 127 ly 7 thứ nhì tác xạ thẳng đài chỉ huy và giàn phóng hỏa tiển phía sau. Hai khẩu đại bác 25 ly và hai ụ súng có 8 khẩu phòng không 12 ly 7 bắn vào sau lái chỗ chứa trực thăng. Tiếng nổ rền trời đất. Vì khoảng cách quá gần nên đạn vừa ra khỏi nòng đã chạm mục tiêu tức khắc. Không ai biết chiếc Côn Minh bị trúng bao nhiêu viên đạn. Chỉ có thủy thủ đoàn trong đài chỉ huy của chiếc Như Nguyệt nhờ ở trên cao nên mới thấy rõ cảnh tượng. Chiếc trực thăng đậu sau lái tàu phát nổ trước nhất, kế đó giàn phóng hỏa tiển ở trước mũi bị trúng đạn phát nổ ầm ầm khiến cho phòng lái cũng vỡ tung ra và phựt cháy. Còn ụ súng đại bác 130 ly cũng không bắn được phát nào có lẽ vì bị mất điện khi giàn hoả tiển ở cạnh nó nổ tung ra. Với lại dù có khai hỏa nó cũng ít có hi vọng bắn trúng vì tàu địch ở đằng sau lái. Chưa có lệnh của hạm trưởng nên súng trên chiếc Như Nguyệt vẫn tiếp tục nhắm vào tàu địch bắn xối xả. Mấy chục trái hỏa tiển trên tàu phát nổ mạnh tới độ làm rung rinh chiếc Như Nguyệt mặc dù nó ở cách xa mấy trăm thước. Đứng trong phòng chỉ huy nhìn chiếc Côn Minh bốc lửa cháy phừng phựt, đại úy Thiết tặc lưỡi.
– Hạm trưởng giỏi thiệt…
Nguyên mỉm cười im lặng khi nghe lời khen ngợi của vị sĩ quan C4.
– Sao hạm trưởng biết nó sẽ tránh mình?
Thiếu tá Tấn hỏi. Vị hạm trưởng cười nhẹ.
– Tôi liều… Tuy nhiên tôi biết sau những vụ chận đầu tàu, ép máy bay mà tàu của hải quân Hoa Kỳ cứ tránh né mãi thì họ sẽ đâm ra có cái kiêu căng và tự phụ. Họ nghĩ ai ai cũng sợ họ. Hoa Kỳ, siêu cường số 1 mà còn sợ họ thì có nước nào dám chống lại. Chính vì tính kiêu căng và tự phụ đó mà khi thấy tàu mình có treo cờ Mỹ đâm thẳng vào thì họ mới bị sốc nặng và hối hả né tránh để cho hai tàu không đụng nhau. Mình chạy sau lái tàu thì khẩu 130 của họ gắn đằng trước mũi chỉ còn nước bắn vịt trời thôi. Mấy giàn phóng tên lửa là thứ giàn phóng thẳng đứng chỉ bắn ở xa chứ lại gần thì vô hiệu. Vì vậy mà nó trở thành mục tiêu cho lính của mình tập bắn…
– Hạm trưởng có lý…
Ngẫm nghĩ giây lát Nguyên nói tiếp.
– Tôi nghĩ vị hạm trưởng của chiếc Côn Minh thiếu kinh nghiệm hải chiến và mắc phải cái lỗi quá kiêu căng và tự phụ. Ông ta để cho mình bọc sau lái. Nếu ông ta để cho mình ở đằng mũi thì chưa biết ra sao. Ít ra khẩu 130 ly cũng có thể phản pháo được. Các anh nhớ đừng bao giờ để cho tàu địch ở sau lái của mình vì lúc đó mình như bị mù mắt…
Nhìn thấy thủy thủ đoàn của chiếc Côn Minh bắt đầu hạ xuồng cấp cứu xuống biển, Nguyên nói với hạm phó của mình.
– Chiếc Côn Minh sẽ bị chìm… Ông chỉ huy anh em vớt thủy thủ đoàn của nó lên tàu…
Xuyên qua tần số liên lạc, mọi người đều biết chiếc Quang Trung đã đụng với Lan Châu 170, còn Rạch Gầm cũng có cuộc hải chiến dữ dội với Hải Khẩu 171. Ngoài ra hai toán chiến hạm kia cũng báo cáo đã đụng độ với tàu địch. Tổng cộng sau những trận đánh, hạm đội tàu nổi của hải quân Phú Quốc đã đánh chìm phân nửa số lượng tàu chiến của địch cũng như gây thiệt hại nặng nề cho số còn lại. Sau khi tàu địch rút chạy về bắc, các chiến hạm đã hải pháo vào căn cứ của địch đóng trên Đá Chữ Thập, Châu Viên, Đá Gaven, Subi, Gạc Ma, Vành Khăn, Tư Nghĩa hay bất cứ nơi nào có quân của Trung Cộng trú đóng rồi năm tiểu đoàn xung kích của bộ binh đổ bộ lên căn cứ Đá Chữ Thập và các nơi khác. Nhiều trận đánh đẫm máu giữa hai bên đã diễn ra. Chiến dịch Trường Sa giai đoạn 3 của nước Việt Nam được coi như chấm dứt khi lá cờ tự do và dân chủ ngạo nghễ tung bay khắp nơi ở quần đảo Trường Sa.
Trang 4
Cách đây cũng lâu, tình cờ vào trang này và đã đọc được hết quyển 2 của truyện dài này. Đang mong chờ quyển 3 và quyển 4 🙂