GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 2: Tất cả cho Hoàng-Trường Sa

23.

Thức dậy sau giấc ngủ ngắn Chương cảm thấy khỏe khoắn. Rửa mặt sơ anh bước ra khỏi phòng đi về phía phòng ăn. Anh không đói song thèm ly cà phê nóng. Lấy ly cà phê anh vào phòng chỉ huy. Theo thói quen Thiện giơ tay chào cấp chỉ huy. Chương cười nói giỡn.

– Thôi khỏi chào… Có mấy mống mà chào làm chi cho mệt… Thiện đi nghỉ đi để tôi coi cho…

– Dạ… Cám ơn hạm trưởng… Tàu đang ở ngang Tuy Hòa…

Gật đầu hớp ngụm cà phê Chương ngồi lên ghế của mình. Thấy Thiện vẫn còn đứng xớ rớ chưa chịu đi mặc dù chỉ còn năm phút nữa mới hết phiên trực, anh nhắc lại.

– Ông đi ăn sáng rồi ngủ đi. Tôi thế cho ông mà…

Thiện cười bỏ đi về phía phòng ăn. Tàu hải hành dưới độ sâu 150 mét trong vùng hải phận quốc tế vì thế hệ thống thủy âm định vị được sử dụng để tránh né đá ngầm, san hô, tàu ngầm của các nước khác và có thể mìn nữa. Trong vùng biển lạ chưa từng đi lại thì tàu càng phải đặc biệt chú ý hơn. Đây là chuyến công tác bí mật do đó tàu chỉ nổi lên mỗi đêm một lần đúng giờ giấc đã được ấn định và ở độ sâu ” snorkel ” để chạy máy dầu cặn xạc bình điện và cũng để báo cáo với nhận chỉ thị của bộ tư lệnh. Trong trường hợp khẩn cấp như tàu bị tai nạn hay máy móc bị hư hỏng thì mới được quyền nổi lên mặt nước để liên lạc bất cứ lúc nào.

– Hạm trưởng…

Đang ngồi trước mặt dàn máy dò âm thanh, trung sĩ nhất Bá lên tiếng.

– Hạm trưởng coi nè hạm trưởng… Có chiếc  tàu ngầm lạ chạy trước mình…

Rời chỗ ngồi, Chương tới đứng trước màn ảnh của dàn máy thủy âm định vị thụ động. Nhìn vào màn ảnh giây lát anh ra lệnh.

– 66… không không… 66… không không…

Hạ sĩ Châu kéo cần ga về chữ N. Chiếc tàu ngầm chậm chạp ngừng lại rồi lơ lửng trong nước. Chương ra lịnh cho Bá tắt hai hệ thống MOAS và hệ thống thủy âm định vị chủ động. Trên màn ảnh của máy thủy âm định vị thụ động ghi nhận được tiếng động khá lớn mơ hồ như là tiếng chân vịt quậy nước của tàu ngầm. Có lẽ chiếc tàu ngầm lạ này ở xa nhưng thuộc loại tàu cũ gây ra tiếng ồn lớn do đó hệ thống thủy âm định vị thụ động của chiếc Hải Mã mới bắt được. Hoạt động ở trong vùng biển gần Hoàng Sa có thường trực ba loại tàu ngầm là tàu ngầm Kilo của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tàu ngầm của hải quân Trung Cộng và tàu ngầm nguyên tử của hải quân Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng cũng có thêm tàu ngầm của Nga Sô. Tàu ngầm của hải quân Trung Cộng thuộc lớp cũ hơn nên khi hải hành tạo ra nhiều tiếng động và tiếng động cũng có cường độ cao hơn. Chỉ có loại Kilo 636MV của Nga mà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang sở hữu sáu chiếc thì chạy êm hơn. Còn tàu ngầm nguyên tử của hải quân Hoa Kỳ thì chạy nhanh và lặn sâu hơn nên ít khi nào gặp nó. Đây có thể là tàu ngầm của hạm đội Nam Hải đang tuần tra quanh vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Điều này làm cho Chương suy đoán chiếc mẫu hạm Liêu Ninh cũng đang có mặt đâu đó ở vùng Hoàng Sa.

– 66… hai trăm năm mươi… 66… hai trăm năm mươi…

Thiếu úy Hạnh, sĩ quan đương phiên lập lại lệnh của hạm trưởng. Chiếc 66 từ từ lặn xuống sâu hơn cho tới 250 mét mới bình quân. Đang đeo ống nghe, trung sĩ Bá đưa cho hạm trưởng của mình. Lắng nghe một hồi Chương đưa trả ống nghe lại đồng thời ra lệnh cho Bá giở cuốn cẩm nang của Phòng Tình Báo Hải Quân Hoa Kỳ. Cuốn sách mật vô cùng quí giá này là vật không thể không có được nếu tàu ngầm muốn hoạt động dưới nước. Phải mất nhiều thời gian và công của với sự thỏa thuận của các giới chức thuộc bộ hải quân và bộ quốc phòng, bộ hải quân của nước Việt Nam mới được hải quân Hoa Kỳ cấp cho một bản sao giới hạn, có nghĩa là đã bị đục bỏ đi những gì thuộc ” top secret & classified ” để chỉ còn lại các phần không bí mật lắm trong đó có phần sưu tập âm thanh của các loại máy tàu của tất cả nước trên thế giới, đặc biệt hai nước thuộc phe đối nghịch với Hoa Kỳ như Nga Sô và Trung Cộng. Phần sưu tập âm thanh được thu vào bộ dĩa nhựa mà thủy thủ đoàn các cấp phải nghe và học thuộc lòng. Chỉ cần nghe rồi so sánh với những gì ghi trong quyển cẩm nang này, trung sĩ nhất Bá có thể biết được tiếng ồn của chiếc tàu mà mình đang nghe là của nước nào, thuộc loại tàu nổi hay tàu ngầm. Nếu là tàu nổi thì nó thuộc lớp tàu khu trục, tuần dương, hộ tống, chuyên chở, hàng không mẫu hạm… Nếu là tàu ngầm thì nó thuộc lớp nào, tên gì. Nhờ vào những điều ghi trong sách, dù cách xa tàu địch vài chục cây số, dù ở dưới độ sâu một hai trăm mét, chiếc 66 có thể ID tàu địch đồng thời phân loại và xác định vũ khí mà đối phương sẽ dùng.

– Phải SongII của Trung Cộng không?

Chương lên tiếng. Gấp sách lại Bá cười hi hí.

– Đúng rồi… Sao hạm trưởng biết?

Chương mỉm cười nghĩ thầm ” Bởi vậy tôi mới làm hạm trưởng...” Tuy nghĩ như vậy song anh lại nói khác đi cốt ý giải thích cho nhân viên nghe.

– Song là loại tàu ngầm tấn công được đóng bởi hải quân Trung Cộng. Nó có hai lớp SongI (039), SongII (039G và 039A). Tính tới năm 2010 thì họ đã đóng được 11 chiếc. Hạm đội Nam Hải có 2 chiếc SongII. Như vậy chắc mình đang đụng đầu với một trong hai chiếc đó. Dài 74 mét rưởi, rộng 8 mét rưởi, nặng 2250 tấn khi lặn, chạy bằng máy dầu cặn-điện và hệ thống API, giúp nó đạt tốc độ 24 knots và lặn sâu 300 mét. Nó được trang bị sáu ống phóng ngư lôi với 16 trái thủy lôi và hỏa tiển chống tàu nổi xa trăm cây số. Còn hỏa tiển có đầu đạn chứa 150 ký lô chất nổ. Về hệ thống thủy âm định vị thì nó xài của hãng Thales…

– Hạm trưởng coi nè hạm trưởng…

Lời của Chương bị cắt bởi tiếng gọi của trung sĩ Bá. Chương và Hạnh chăm chú nhìn vào máy thủy âm định vị thụ động. Trên màn ảnh, âm thanh được nghe bằng tai mà cũng được chuyển thành làn sóng xuất hiện ở phía bên trái rồi chạy qua  bên phải và cứ như thế mà tiếp tục. Một ý nghĩ lóe ra trong óc, Chương nói lớn.

– Bám theo nó…

Thấy nhân viên ngơ ngác nhìn mình mà chưa có hành động nào, anh từ từ thốt.

– Mình theo nó… biết đâu nó lại chỉ đường mình tới gặp chiếc Liêu Ninh…

À tiếng nhỏ như hiểu ý của hạm trưởng, Hạnh ra lịnh cho trung sĩ Bá xác định tọa độ của tàu ngầm địch xong âm thầm theo sau một khoảng cách vừa đủ để không bị mất dấu mà cũng không bị tàu địch phát giác ra mình. Lịnh nhiệm sở tác chiến được phát ra. Điều này đã đánh thức Thiện với Toàn. Được biết tàu đang chơi trò chơi mèo chuột với tàu địch hai sĩ quan cao cấp thích thú tham gia. Hai chiếc tàu ngầm trước sau cách khoảng xa xa lặng lẽ hải hành ở độ sâu khác nhau của vùng biển cách Hoàng Sa vài chục hải lý về hướng đông nam. Chiếc SongII thì ở độ sâu 250 trong lúc chiếc 66 ở độ sâu 350 mét.

Chương quay qua hỏi Thiện với Toàn.

– Hai ông nghĩ nó đi đâu?

Do dự mấy giây Thiện mới lên tiếng.

– Tôi nghĩ nó đi về đảo…

Bật lên tiếng cười ngắn, Chương nói tách bạch ra ý nghĩ trong đầu của Thiện.

– … đảo Tri Tôn hả. Ông nói không sai… Đúng ra nó đi về một địa điểm có tọa độ bắc vĩ tuyến 15o29’ và đông kinh tuyến 111o 12’…

Vừa nghe hạm trưởng của mình nói tới đó, Hạnh bật kêu liền.

– Hải Dương… Nó đi về giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Cộng…

Nhẹ gật đầu, Chương cười cười lên tiếng.

– Ông đoán đúng… Giàn khoan Hải Dương được Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc gọi tắt là CNOOC đặt năm 2014 ở vị trí cách đảo Lý Sơn hay cù lao Ré 119 hải lý về hướng đông và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là giàn khoan thứ nhì mà lại lớn nhất của Trung Cộng được xây cất với kinh phí hơn tỉ đô la. Đặt giàn khoan này vào địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là họ đã chơi ép nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam rồi. Tôi chắc nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ la làng thôi chứ không dám làm gì hết. Thời gian sau do áp lực của quốc tế, Trung Cộng kéo giàn khoan về và sau đó năm 2035 lại kéo giàn khoan trở lại vùng biển cũ mà họ đã đặt lúc trước…

– Hạm trưởng có nghĩ là bộ tư lệnh phái mình ra Hoàng Sa vì chiếc Liêu Ninh hay giàn khoan Hải Dương?

Toàn góp chuyện bằng câu hỏi trên. Chương cười cười.

– Có thể vì Liêu Ninh… Có thể vì Hải Dương… mà cũng có thể cả hai… Tôi nghĩ bộ tư lệnh phải dự tính cái gì nên mới phái mình lên Hoàng Sa. Có một lần tôi tình cờ nghe được ông Quốc lúc đó còn là tư lệnh hải quân và tư lệnh Jack nói với nhau là sau khi lấy được Trường Sa thì mình sẽ có trận hải chiến với Trung Cộng…

Mọi người đều im lặng lắng nghe những gì hạm trưởng nói. Có người vui mừng, có người hân hoan và có người lo lắng vì sự tiết lộ của hạm trưởng.

– Hải chiến lớn lắm. Phải đánh gục hạm đội Nam Hải thì mình mới giữ Trường Sa và tiến ra bắc giành lấy Hoàng Sa nữa. Dầu hỏa và khí đốt là máu huyết của mình và của Trung Cộng nữa. Chính phủ xây trường học, cấp học bổng cho con cái của mình, xây đường sá, bệnh viện đều từ tiền của dầu hỏa mà ra…

Đang nói Chương ngừng lại khi thấy trung sĩ Tánh ra hiệu. Bước tới đừng nhìn vào màn ảnh của máy dò âm thanh giây lát, anh nói lớn.

– Đủ rồi… Bây giờ mình kiếm chỗ ngủ xong đợi tối nổi lên báo cáo về bộ tư lệnh nhận chỉ thị…

Chiếc 66 đổi hướng nhắm đảo Lý Sơn chạy tới. Chương ra lệnh chấm dứt nhiệm sở tác chiến. Nhìn đồng hồ chỉ 13.00 giờ, anh biết còn lâu tàu mới được nổi lên mặt biển để hóng gió.

1 hải lý cách đảo Tri Tôn. 23.00 giờ. Chiếc VNN66 từ từ nổi lên gần mặt nước. Tiềm vọng kính có gắn cần ăng ten của ra đa từ từ ló lên một khoảng cách đủ để liên lạc với Côn Sơn. Nó có nửa phút hay 30 giây đồng hồ để liên lạc với bộ tư lệnh tiền phương đóng ở Côn Sơn. Lâu quá máy dò tần số của địch đóng trên quần đảo Hoàng sa sẽ bắt được tín hiệu và dò tìm ra tọa độ của nó. Chương và trung sĩ nhất Em với đại úy Toàn, sĩ quan C4 đứng ngồi trước hệ thống liên lạc. Bức công điện được đánh đi và 5 giây sau Em đưa cho cấp chỉ huy bức công điện từ bộ tư lệnh đã được giải mã. Liếc nhanh hàng chữ vị hạm trưởng nói gọn.

– 66… mười lăm… hai trăm năm chục… 66… mười lăm… hai trăm năm chục…

Đèn đỏ trong tàu bật cháy báo cho mọi người biết tàu sắp sửa lặn xuống. Trung úy Đãnh, sĩ quan đương phiên lập lại nguyên văn lệnh của hạm trưởng. Chiếc Hải Mã chìm xuống nước thật nhanh rồi tiếp tục xuống sâu tới 250 mét và bình quân ở độ sâu đó.

– 66… Năm… mười lăm hai mươi chín không bảy… một trăm mười một mười hai mười lăm…

Nghe hạm trưởng đọc tọa độ mọi người đều biết đó là địa điểm của giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Cộng. Không ai biết họ sẽ làm gì với giàn khoan dầu Hải Dương trừ bốn người là hạm trưởng, hạm phó, sĩ quan C4 và trung sĩ nhất Em, người lính giải mã công điện của bộ tư lệnh tiền phương Chiến Dịch Trường Sa đóng ở Côn Sơn

– Gọi trung úy Thâm, trung úy Chánh trình diện tôi…

Chương nói với trung úy Đãnh, sĩ quan đương phiên. Lát sau trung úy Thâm, sĩ quan vũ khí và trung úy Chánh, trưởng toán hải kích trình diện hạm trưởng. Nhìn mọi người trong tàu, anh nói gọn

– Tôi được lệnh bắn xập giàn khoan Hải Dương và bốn chiếc tàu trực thuộc. Chiếc đầu tiên là chiếc Dầu Khí Hải Dương 117 trọng tải 300 ngàn tấn, mỗi ngày có thể sản xuất 19 vạn thùng dầu thô, khả năng trữ dầu lên tới 2 triệu thùng với 140 nhân công trên tàu. Thứ nhì là Dầu Khí Hải Dương 720 phụ trách thăm dò địa chấn với 12 dây cáp dài 8000 m. Thứ ba là Dầu Khí Hải Dương 201 và cuối cùng là chiếc Dầu Khí Hải Dương 708. Vì toán hải kích có sáu người thôi nên mình sẽ phá hủy giàn khoan và chiếc 117 mà thôi…

Trung úy Chánh chợt ứng tiếng.

– Đặt mìn mấy chiếc tàu dân sự này dễ lắm thiếu tá. Chỉ cần một toán hai người thôi. Để tôi với anh em hải kích lãnh ba chiếc tàu còn thiếu tá lãnh giàn khoan đi…

Mỉm cười tỏ vẻ hài lòng song Chương cũng hỏi lại cho chắc ăn.

– Trung úy nghĩ anh em hải kích làm được không?

Trung úy Chánh trả lời không do dự.

– Dễ ợt mà thiếu tá… Tụi tui có đủ chất nổ cho ba chiếc tàu này đi chầu hà bá mà…

Gật đầu, chỉ vào hình của giàn khoan Hải Dương đồ sộ, Chương hỏi Thâm.

– Muốn đốn gục dàn khoan này mình cần bao nhiêu trái?

– Bốn thưa hạm trưởng. Bốn trái thủy lôi là mình bắn cho nó cắm đầu xuống biển. Như thế thì tụi Trung Cộng khỏi cất lại. Còn hạm trưởng muốn san nó thành bình địa thì mình chơi thêm vài trái Harphoon vào ngay tòa nhà…

Chương cười lắc đầu.

– Bắn gục nó được rồi. Tôi không muốn xài Harphoon… Tụi Trung Cộng có thể biết là mình bắn…

Lãnh lệnh, trung úy Thâm và trung úy Chánh lo đốc thúc lính dưới quyền chuẩn bị. Còn lại Chương với Thiện và Toàn thì thầm bàn luận. Đốn gục giàn khoan dầu thì dễ mà trốn thoát khỏi sự săn lùng của tàu địch mới khó. Giàn khoan nằm cách căn cứ Hoàng Sa chừng vài chục hải lý. Đây là vùng mà tàu chiến của hạm đội Nam Hải hoạt động mạnh nhất với khu trục hạm, tuần dương, hộ tống và tiềm thủy đỉnh. Đặc biệt có thêm sự hiện diện của chiếc Liêu Ninh khiến cho số lượng chiến hạm còn đông hơn nữa. Ba sĩ quan cấp bực cao nhất và nhiều kinh nghiệm nhất phải tính cách nào để chu toàn nhiệm vụ được giao phó đồng thời đem chiếc 66 trở về căn cứ một cách an toàn. Muốn phóng thủy lôi để bắn xập giàn khoan dầu Hải Dương 981, chiếc 66 cần lại gần chừng chục hải lý cũng như phải nổi lên ở độ sâu 15 mét để thả toán hải kích ra. Sau khi bắn xong nó lập tức lặn nhanh xuống độ sâu năm sáu trăm mét trốn tránh sự dò tìm của tàu nổi hoặc tàu ngầm của địch rồi sau đó mới từ từ rời vùng nguy hiểm.

01.00 giờ… Chiếc 66 từ từ nổi lên. Xuyên qua ống kính tiềm vọng, trung úy Chánh và toán thám sát biển lần lượt quan sát và nhận định mục tiêu. Cánh cửa của phòng ” diver lock in & out ” được mở ra. Nước biển ùa vào lạnh ngắt. Toán hải kích sáu người chia ra làm 3 nhóm mang chất nổ nhắm hướng ba chiếc tàu dầu tiến tới. Theo như kế hoạch dự trù, toán thám sát biển sẽ đặt cho mìn nổ đúng 2 giờ rưởi. Khi mìn của họ nổ thì đó cũng là lúc chiếc 66 khai hỏa thủy lôi bắn xập giàn khoan dầu Hải Dương. Đặt chất nổ tàu hải quân còn khó khăn và mất thời giờ chứ phá hoại tàu dân sự không có canh gác thì dễ như cơm bữa. Sáu người lính hải kích nhiều kinh nghiệm chỉ cần một tiếng rưởi đồng hồ vừa lặn đi lặn về và gài chất nổ để làm xong công tác phá hoại. Là người sau cùng lội vào phòng lặn, Chánh đưa tay xem đồng hồ. Còn hơn mười phút nữa mới tới 2 giờ, giờ hẹn. Tất cả sĩ quan và thủy thủ có nhiệm vụ đều im lặng chờ tới giờ khai hỏa. 01 giờ 59 phút 50 giây. Nhìn vào mặt kín đồng hồ lặn của mình, trung úy Chánh lên tiếng đếm từng giây. 10… 9… 8… 7… 6… 5… 4… 3… 2… 1… 0… Nổ… Vị sĩ quan hải kích la nhỏ rồi hàng loạt tiếng nổ ì ầm vọng vang làm rung rinh chiếc tàu ngầm nặng ba ngàn ký lô.

Ngồi trên ghế của hạm trưởng, Chương ra lệnh gọn.

– Thủy lôi 1 bắn…

Phụ trách ống phóng ngư lôi 1, hạ sĩ Kim nói lớn.

– Thủy lôi 1 bắn…

– Thủy lôi 2 bắn… Thủy lôi 3 bắn… Thủy lôi 4 bắn…

Tiếng ra lệnh và tiếng lập lại vang vang trong lòng con tàu chật hẹp và ngột ngạt. Mọi người chú mục vào màn hình của hệ thống điều khiển nên thấy được bốn trái ” wire-guide ” thủy lôi, mỗi trái có đầu đạn chứa hơn hai trăm ký lô chất nổ rẽ nước tiến tới mục tiêu xa mười hải lý. Chương cùng với các sĩ quan dưới quyền phải tính toán cho tàu nằm ở góc độ nào để có thể phóng bốn trái thủy lôi và điều khiển cho nó cùng nổ một lúc đúng vào bốn góc của giàn khoan dầu Hải Dương 981. Có như vậy mới đốn gục giàn khoan dầu cao bằng tòa nhà ba chục tầng này ngã nhào xuống nước. Phóng thủy lôi xong đáng lẽ chiếc 66 phải lặn xuống nhưng Chương lại chưa ra lệnh. Anh muốn nhìn thấy kết quả của việc mình làm. Anh muốn thấy thủy lôi, ít nhất một trái nổ ra làm gãy gục một chân của giàn khoan.

Trung sĩ Cân, người điều khiển hệ thống thủy lôi nói lớn.

– 15 giây…

Tất cả người ở trong phòng chỉ huy và ở tại giàn phóng thủy lôi hầu như nín thở vì tiếng đếm đều đặn.

– 10… 9… 8… 7… 6… 5… 4… 3… 2… 1… Nổ…

Tiếng nổ mạnh tới độ dù ở cách mười hải lý mà chiếc 66 còn bị rung rinh. Ầm… Tiếng nổ thứ nhì vang liền sau đó. Còn đang bàng hoàng Chiến nghe giọng của hạm trưởng vang lên gấp rút.

– 66 lặn… lặn… running dive… ba trăm năm chục… ba trăm năm chục…

Chiếc tiềm thủy đỉnh lặn nhanh xuống và tiếp tục lặn xuống. Trên đầu nó vọng ì ầm tiếng nổ của đủ mọi loại vũ khí chống tàu ngầm cho biết tàu địch đã mở cuộc săn tìm.

Nhìn vào máy đo độ sâu thấy chỉ 350 mét, Chương chầm chậm lên tiếng.

– 66… bốn năm không… 66… bốn năm không…

Đại úy Thiện liếc nhanh hạm trưởng khi nghe con số 450. Từ hồi làm hạm phó chiếc 66 anh ít khi thấy nó lặn sâu hơn 400 mét. Theo sách vở thì lớp tàu Oyashio có thể lặn sâu tới 650 mét. Tuy nhiên đó là lúc còn mới chứ bây giờ nó đã 25 năm cũ rồi vì vậy sức chịu đựng của nó phải kém và yếu hơn lúc còn mới.

Khi tàu vừa xuống tới độ sâu 370 thì giọng của hạ sĩ nhất Cam, phụ trách máy đo độ sâu vang lên nghe khàn khàn và nghèn nghẹn vì sức ép của nước. Ở độ sâu 370 mét, vách tàu phải chịu một sức ép nặng 39 ký lô trên một phân vuông. Cứ xuống sâu 10 mét thì áp xuất lại tăng thêm 1 ký lô nữa.

– Ba trăm tám chục…

Vách tàu bắt đầu rung chuyển. Một vài con ốc, tán, bù lon kêu răng rắc vì sức ép càng lúc càng mạnh hơn.

– Ba trăm chín chục…

Tiếng ba trăm chín chục của hạ sĩ nhất Cam vang nặng nhọc. Liếc nhanh qua ghế hạm trưởng, đại úy Toàn, sĩ quan C4 đồng thời là sĩ quan đương phiên thấy nét mặt của cấp chỉ huy lạnh như pho tượng đá không biểu lộ một vẻ gì như lo âu hay căng thẳng. Cứ mỗi độ sâu 10 mét thì Cam lại đọc lớn lên để báo cáo cho hạm trưởng biết. Tuy nhiên điều đó càng làm cho thủy thủ đoàn thêm căng thẳng và hồi hộp.

– Bốn trăm…

– Bốn trăm mười…

– Bốn hai mươi…

– Bốn ba mươi…

– Bốn bốn mươi…

– Ba năm mươi…

Ngay khi Cam vừa đọc số 450, giọng của Chương vang lên bình thản.

– 66 bình quân… 66 bình quân…

Tàu vừa bình quân xong Chương ra lệnh tiếp.

– 66… năm… tám bốn mươi năm mươi không bảy… một trăm lẻ sáu ba mươi sáu hai mươi sáu…

Thủy thủ đoàn thở phào nhẹ nhỏm khi nghe lệnh của hạm trưởng. Họ biết tọa độ mà cấp chỉ huy vừa nói chính là địa điểm của Côn Sơn. Ở độ sâu bốn trăm rưởi mét và với tốc độ 5 knots, chiếc Hải Mã lặng lẽ hải hành về Côn Sơn.

 

 

 

24.

Đang ngồi họp với Nhiều và các vị trưởng ban của hãng, Thúy Nhi thấy Nhàn đứng ngoài cửa đưa điện thoại lên ra dấu cho mình. Dù đang bận họp nhưng nàng biết phải có chuyện quan trọng và người gọi phải thân quen lắm nên Nhàn mới chịu gọi mình.

– Tôi có điện thoại vậy quí vị cứ tiếp tục… Chút nữa tôi sẽ trở lại…

Vào tới phòng riêng, Nhàn đưa điện thoại cho cô chủ kèm theo câu nói.

– Ông Chương… Dạ chị cứ nói chuyện… có gì em sẽ trình với chị sau…

Gật đầu cười tỏ ý cám ơn, Thúy Nhi cầm lấy chiếc điện thoại cầm tay. Cô nghe ở đầu dây bên kia vang lên giọng nói trầm và khàn của người lính tàu ngầm. Giọng nói xa và có âm thanh gì là lạ mà cô đoán là tiếng máy tàu.

– Thúy Nhi khỏe hông?

– Dạ phẻ re… Anh Chương đang ở đâu dậy?

Thúy Nhi nghe người bên kia đầu điện thoại bật cười hắc hắc vì lối phát âm của mình.

– Ở trong tàu ngầm… Cách Phú Quốc trăm cây số… Mai tôi về tới Côn Sơn và nghỉ xả hơi vài ngày…

– Thế à… Anh Chương có muốn thấy cái bản mặt của Thúy Nhi hông?

Thúy Nhi hỏi đùa. Bên kia đầu điện thoại lại bật lên tiếng cười và giọng nói đùa giỡn.

– Hỏi gì kỳ dậy… Tôi nhớ cái bản mặt của Thúy Nhi và muốn nựng nó một cái. Lính tàu ngầm mà nựng thì đã lắm nghen…

Tới phiên Thúy Nhi bật cười. May Nhàn đã bỏ ra khỏi phòng chứ còn ở đó chắc cô ta phải phì cười khi nghe cuộc đối thoại giữa cô chủ và người quen.

– Để Thúy Nhi hỏi coi có máy bay đi Côn Sơn ngày mai xong sẽ cho anh biết…

– Thúy Nhi đi máy bay quân sự cũng được. Hỏi bộ tư lệnh hải quân họ sẽ cho Thúy Nhi biết…

– Dậy à… mà Thúy Nhi đâu có quen ai ở hải quân…

Bên kia đầu điện thoại có tiếng cười pha lẫn trong tiếng nói.

– Cứ nói Thúy Nhi là bạn thân với Chương Điên, hạm trưởng chiếc tàu ngầm VNN66 Hải Mã là họ biết liền…

Thúy Nhi bật lên cười và giọng nói cũng có chiều giỡn đùa.

– Ui… Oai quá ta ui… Dạ em sẽ nghe lời ông thiếu tá hạm trưởng… Kỳ này em ra gặp hạm trưởng thì hạm trưởng phải cho em nựng cái bản mặt của hạm trưởng nghen… Thúy Nhi mà nựng thì đã lắm…

Nói xong câu cuối cùng mặt cô gái hồng lên vì thẹn thùng. Quen tính đùa cợt với nhau nên vô tình cô nhái câu nói của Chương. Chưa kịp phân trần cô lại nghe giọng của Chương vang lên trong tiếng cười hăng hắc.

– Thiệt hông… Thúy Nhi muốn nựng hả?

– Hông có nựng đâu mà dọng vô cái bản mặt thấy ghét của anh Chương… Bây giờ xin lỗi anh Chương cho phép Thúy Nhi đi làm công chuyện cho xong để mai đi gặp anh Chương…

– OK… Tôi mong gặp Thúy Nhi lắm…

Dứt điện thoại, Thúy Nhi vội vàng sang phòng họp với nhân viên cho tới trưa mới xong. Trong lúc đi ăn trưa nàng nhờ Nhàn hỏi xem có chuyến bay  nào từ Phú Quốc đi Côn Sơn. Nửa giờ sau Nhàn cho cô chủ biết sẽ có một chuyến bay đi Côn Sơn sáng ngày mốt lúc 10 giờ. Chiếc máy bay 14 chỗ ngồi rời phi trường Dương Đông đi Côn Sơn lúc 11 giờ. Từ khi về sống ở Phú Quốc cho tới nay, đây là lần thứ nhất cô mới ngồi máy bay.

– Em đi du lịch Côn Sơn hả?

Một người đàn bà còn trẻ ngồi ghế bên cạnh hỏi Thúy Nhi.

– Dạ… Em đi Côn Sơn thăm bạn…

– Bạn trai chứ gì…

Người đàn bà cười cười hỏi.

– Dạ sao chị biết?

– Côn Sơn giờ thành căn cứ quân sự lớn nên lính đông lắm. Con gái trẻ đẹp độc thân như em mà đi Côn Sơn thăm bạn thì chỉ có bạn trai thôi. Bạn em là lính nào? Hai quần, không quần hay lính lội bộ?

Nhìn thấy nét mặt ngơ ngơ ngác ngác của Thúy Nhi, người đàn bà còn trẻ bật lên cười hắc hắc rồi từ từ giải thích cho cô nghe.

– Cái đó là ông chồng của chị nói giỡn như vậy. Hai quần là lính hải quân, không quần là lính không quân còn lính lội bộ là lính bộ binh…

– Vậy à em đâu có biết… Người bạn của em là lính hai quần…

Tới phiên Thúy Nhi bật cười sau khi nói.

– Chồng của chị cũng là lính hai quần. Chị quen bên hải quân nhiều lắm. Em mà nói tên bạn của em là chị biết liền…

– Dạ ảnh tên Chương…

Thúy Nhi không giấu được vẻ ngạc nhiên khi thấy người đàn bà còn trẻ nhìn mình đăm đăm rồi buột miệng hỏi.

– Chương Điên hả?

Tới phiên Thúy Nhi nhìn lom lom lại người ngồi bên cạnh. Hổng lẽ người đàn bà trẻ đẹp này lại quen biết Chương. Dường như hiểu cô gái nghĩ gì, bà ta cười cười.

– Em quen Chương Điên lâu chưa?

– Dạ chừng vài tháng…

– Chị rành Chương lắm. Người ta nói Chương điên chứ thật ra Chương hiền và vui vẻ lắm. Khôn tổ bà mà điên gì… Chương đàn guitar hết sẩy luôn…

Thúy Nhi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chương không bao giờ thố lộ cho nàng biết việc anh đàn hay.

– Không những đàn hay mà Chương còn hát nghe mùi gụng gún nữa… Lâu lâu chị hay năn nỉ chồng của chị mời Chương lên nhà ăn cơm rồi đàn hát cho chị nghe…

– Xin lỗi chị tên gì?

– Yến Vi… Gặp Chương nói tên chị là cậu ta biết liền…

Tới đây thì Thúy Nhi thầm nghĩ người đàn bà tên Yến Vi này chắc phải quen với Chương lâu và thân thiết lắm vì vậy mới lên nhà ăn uống và đàn hát với nhau. Nghĩ tới đó cô hơi buồn buồn vì quen với Chương lâu mà không hề biết nhiều về người lính tàu ngầm này. Chút nữa gặp Chương, cô nhất định phải thẩm vấn anh về đời tư kỹ hơn. Rồi sau đó cô lại nghĩ mình cũng không nói cho Chương biết về mình thì tại sao lại trách người ta. Cô với Chương chỉ là bạn đúng nghĩa, chưa có tình cảm sâu đậm với lại thời gian quen biết cũng chưa đủ dài để biết nhau nhiều hơn.

– Tới Côn Sơn rồi…

Yến Vi lên tiếng. Nhìn ra cửa sổ Thúy Nhi thấy cụm đảo xanh rì có hòn đảo lớn nhất nằm chính giữa và bao quanh ba bốn hòn đảo nhỏ. Lát sau máy bay ngừng lại. Đứng dậy Yến Vi cười nói với Thúy Nhi.

– Hi vọng mình sẽ gặp lại… Chúc em vui vẻ với Chương…

Bước xuống máy bay, trong lúc chờ lấy hành lý, Thúy Nhi thấy một người lính mặc quân phục màu xanh, đầu trần, lái xe jeep tới đón Yến Vi. Vừa lấy hành lý xong cô thấy Chương mặc áo thun màu trắng, quần trây di, giày trận, đội cái nón hải quân ngồi chễm chệ trên chiếc Jeep mui trần vừa trờ tới. Nhảy phóc xuống xe, anh giơ tay chào Thúy Nhi theo kiểu nhà binh rồi cười hắc hắc.

– Tôi rất vui khi thấy cái bản mặt của Thúy Nhi…

Tuy đang buồn song thấy nụ cười và cử chỉ  chào đón của Chương, Thúy Nhi hổng nhịn được bật lên cười.

– Xời ơi… Anh Chương đẹp chai ghê… Nếu không biết trước chắc Thúy Nhi nhận không ra. Cái điệu này chắc Thúy Nhi không dám nựng… dọng dô mặt anh Chương đâu…

Khom người nhấc lấy chiếc valy đang nằm trên nền xi măng bỏ vào xe, Chương cười hỏi.

– Thúy Nhi thấy Côn Sơn đẹp hông?

– Chưa có đi mà… Phải chờ anh Chương chở đi một vòng mới biết được…

Thúy Nhi trả lời trong lúc leo lên chiếc jeep mui trần. Nhìn quanh quất lòng xe cô rút chiếc khăn ra cột mái tóc dài của mình lại rồi cười tiếp.

– Thúy Nhi thích chiếc jeep này…

Hiểu ý cô bạn, Chương lên tiếng liền.

– Thích thì lái đi… Tôi hân hạnh có cô tài xế chở mình đi chơi… Thấy Thúy Nhi lái xe jeep thiên hạ ở đây lé mắt hết…

Thúy Nhi đổi chỗ với Chương. Chiếc jeep vọt ra cổng phi trường. Cô cười lớn khi thấy người gác cổng trợn mắt nhìn. Xe giảm tốc độ khi vào tới phố. Chương nói cũng có phần đúng. Ai ai cũng trố mắt nhìn cô gái trẻ đẹp lái chiếc jeep nhà binh ngồi bên cạnh có ông lính thủy. Xe chạy vòng vo ra khỏi phố một đỗi rồi leo lên con đường dốc  và cuối cùng dừng trước cửa khách sạn ở trên đỉnh đồi nhìn xuống bãi biển nước xanh ngắt.

– Đẹp quá… Thúy Nhi bắt đầu mê biển Côn Sơn rồi…

Để cho nhân viên khách sạn lo hành lý, Chương đưa cô bạn lên phòng. Quan sát căn phòng cô cười hỏi đùa.

– Anh Chương nói lãnh lương có ngàn đô la một tháng mà tiền đâu mướn khách sạn sang dữ dậy?

Kéo chiếc màn ra nhìn ra phong cảnh bên ngoài, Chương cười đùa.

– Cô chủ ở mà… Tiếc là lính nghèo nên hổng có lâu đài cho cô chủ…

Thúy Nhi quay nhìn Chương với cái nhìn thật đằm thắm và giọng nói dịu dàng cất lên.

– Thúy Nhi đâu cần lâu đài anh Chương… Lâu đài đâu có lâu dài bằng tình cảm giữa chúng mình… Phải không?

Gật gật đầu Chương cười nhìn cô bạn mà mỗi lần gặp lại anh cảm thấy có nhiều điều mới hơn lạ hơn. Thúy Nhi giống như biển, không những có ba chiều rộng, dài và sâu mà còn có thêm chiều thứ tư chứa đựng vô số cái kỳ diệu.

– Thúy Nhi có cho phép tôi nựng cái bản mặt của Thúy Nhi hông. Lính mà nựng thì đã lắm…

Bặm môi lại để không cười, Thúy Nhi hỏi lại.

– Anh muốn nựng Thúy Nhi hay là anh muốn Thúy Nhi nựng anh. Cô chủ nựng đã lắm…

Cả hai đồng cất tiếng cười. Lát sau, Chương mới bước tới đứng đối diện với cô bạn gái.

– Anh xin phép được nựng Thúy Nhi trước…

Nghe giọng nói hơi lạc và nhìn ánh mắt của người lính, Thúy Nhi mỉm cười trả lời bằng cái gật đầu. Hơi run người trong vòng tay rắn chắc của người lính tàu ngầm, cô ngửi được mùi mồ hôi, mùi dầu cặn và mùi của biển hòa thành thứ mùi hương rất lạ, rất quyến rũ mà sau này làm cho cô nhớ hoài.

– Tôi nhớ Thúy Nhi nhiều…

Thúy Nhi ngước nhìn lên khi nghe câu nói đó. Cô mỉm cười vì Chương hôn lên trán thay vì hôn lên môi. Mân mê chiếc nút áo nhà binh, cô thì thầm.

– Ở trong góc cạnh nào đó, trong phút giây cô độc nào đó, Thúy Nhi nhớ tới anh Chương…

– Cám ơn Thúy Nhi… Tôi sẽ mang theo những lời của Thúy Nhi trong chuyến công tác sắp tới…

Ngừng lại giây lát Chương thong thả tiếp.

– Bây giờ Thúy Nhi sửa soạn đi. Tôi vào trại có chút việc xong sẽ đón Thúy Nhi lúc 18 giờ…

Đứng tựa lưng vào tường, Thúy Nhi nhìn theo bóng người lính mở cửa bước ra. Sóng biển vỗ ì ầm. Gió biển réo vi vu hàng cây cao ngoài sân chói chang nắng.

Áo dài trắng đơn sơ, Thúy Nhi đẹp đài các và đơn sơ của một xử nữ. Khi cô cặp tay Chương trong bộ lễ phục màu trắng xuất hiện ở phòng tiếp tân của khách sạn thì ai ai, từ đàn ông tới phụ nữ đều phải nhìn ngắm. Đàn ông thì ngưỡng mộ còn đàn bà thì ganh tị.

– Mình đi bộ lại nhà hàng… Gần đây thôi… Mình vừa ăn tối vừa nói chuyện…

Khẽ gật đầu, Thúy Nhi cười.

– Dạ… Thúy Nhi có nhiều chuyện muốn hỏi anh Chương lắm… như…

Thúy Nhi ngừng lại như có ý muốn khơi sự tò mò của Chương.

– Như chuyện gì?

– Trước khi gặp Thúy Nhi, anh Chương có quen ai hông?

– Không… Cô gái nào điên mới quen Chương Điên…

Nói xong câu đó Chương nhìn Thúy Nhi rồi bật cười. Thúy Nhi cũng bật lên tiếng cười rồi thỏ thẻ.

– Chắc tại Thúy Nhi bị lây cái điên biển của anh Chương… Anh Chương có quen ai tên Yến Vi hông?

Chương quay sang nhìn Thúy Nhi khi nghe cô hỏi. Lát sau anh mới cười trả lời.

– Có… nhưng mà hổng có liên hệ tình cảm gì hết…

– Tại vì Yến Vi có chồng rồi hả?

– Đúng…

Chương trả lời gọn mà không hề hỏi lại tại sao Thúy Nhi lại biết Yến Vi. Nhìn cô bạn gái đi bên cạnh, anh cười tiếp.

– Yến Vi là vợ của Jack, sếp của anh. Jack vừa lên chức đại tá làm tư lệnh hạm đội tàu ngầm…

Vừa gật đầu cười Thúy Nhi vừa kể chuyện gặp Yến Vi trên máy bay.

– Có một điều mà Thúy Nhi hơi phiền là anh Chương chẳng nói cho Thúy Nhi biết là anh Chương đàn hát rất hay…

Nghe tới đó Chương mỉm cười cất giọng. Lời của  anh như phiền trách song lại dịu dàng.

– Anh cũng có cái phiền tương tự như Thúy Nhi dậy. Thúy Nhi đàn hay, múa giỏi mà có bao giờ Thúy Nhi đàn cho anh nghe đâu, múa cho anh thấy đâu…

– Thì anh chẳng nói là Thúy Nhi ” bẹo hình bẹo dạng ” trước mặt anh rồi mà…

Câu nói làm cho cả hai đồng bật cười vui vẻ. Ngừng trước cửa nhà hàng lịch sự và sang trọng mới vừa xây năm 2030, Chương nói nhỏ.

– Mình vào đây… Tôi đặt chỗ rồi…

Như quen mặt Chương, người chiêu đãi vui vẻ chào hỏi rồi đưa họ tới một bàn hai chỗ ngồi trong góc kế bên khung cửa kính lớn nhìn ra bãi biển thắp đèn sang sáng.

– Côn Sơn có cái vẻ thanh nhàn và thảnh thơi hơn Phú Quốc…

Thúy Nhi lên tiếng trong lúc ngắm cảnh bãi biển về đêm. Cầm lấy thực đơn nàng không đọc mà ngước lên cười nhìn Chương.

– Món gì ngon hả anh Chương?

Cười cười Chương hỏi lại.

– Thúy Nhi muốn ăn món đặc sản của Côn Đảo?

– Dĩ nhiên… Tới đây là phải thử món ngon ở đây chứ…

Vẫn nhìn vào tờ thực đơn của mình, Chương mỉm cười.

– Món thứ nhất ngon nhất và là đặc sản của Côn Sơn đó…

Thúy Nhi ré lên cười tiếng ngắn chắc vì đọc tên món thứ nhất.

– Cái gì kỳ vậy anh Chương…

Nhìn làn da mặt ửng hồng của cô bạn gái, Chương cười khẽ.

– Con ốc này có hình dáng giống như… như…

Chương ấp úng không ra lời trong lúc liếc nhanh vào ngực của người đối diện. Hồng đôi má, Thúy Nhi gắt nhỏ.

– Biết rồi… anh Chương hổng cần tả thêm…

Gật gật đầu cười, Chương tiếp.

– Dân địa phương ở đây có hai câu ca dao ngộ lắm. ” Ai qua Đất Thắm, Bãi Bàng. Hỏi thăm Ông Đụng vú nàng lớn chưa ”…

Chương nghe tiếng cười sằng sặc của Thúy Nhi sau tờ thực đơn được đưa lên che kín mặt mày như không muốn cho người khác thấy dáng điệu thẹn thùng của mình. Cố ngước cao lên như muốn nhìn thấy nét mặt của cô bạn, anh cười nói thêm.

– Ba địa danh Đất Thắm, Bãi Bàng và Ông Đụng là nơi sản sinh ra con ốc có cái tên vừa đẹp và vừa lạ này…

– Anh có ăn món này chưa?

Thúy Nhi hỏi mà cố tránh nói tới cái tên của món ăn.

– Chưa… Tôi chưa có dịp thứ món này…

Ngay cả Chương cũng tránh không đụng tới tên món ăn. Thúy Nhi chọn món cua mặt trăng với gỏi cá nhám, còn Chương dĩ nhiên chọn món ốc. Rượu sim Phú Quốc thơm ngọt được mang ra. Hai người ăn gỏi cá nhám, uống rượu sim và chuyện trò. Chương hỏi về công việc của Thúy Nhi và được cô cho biết rất bận rộn. Hãng của cô phải mướn thêm nhân viên vì có rất nhiều chương trình xây cất của tư nhân trên đảo. Ba người giàu nhất đảo hùn vốn lại mua đất xây nhà, xây chung cư cho mướn. Hãng của cô được họ mướn vẽ kiểu cho một chung cư có ba trăm phòng.

– Anh Chương dời về Côn Sơn luôn hả?

Chương lắc đầu cười.

– Chắc tạm thời thôi. Chính phủ đang có kế hoạch bành trướng…

Nói tới đó Chương ngừng lại. Liếc thấy không có ai ở gần chỗ mình ngồi anh thấp giọng tiếp.

– Kế hoạch bành trướng lãnh thổ của chính phủ sẽ khai mở vào đầu năm tới. Vì thế mà bộ chỉ huy tàu ngầm tạm thời được dời ra đây…

Thúy Nhi gật đầu như hiểu được lời của Chương.

– Như vậy thì thỉnh thoảng Thúy Nhi bay ra đây thăm anh Chương. Còn anh nếu có dịp thì về Phú Quốc thăm Thúy Nhi…

– Anh sẽ về gặp Thúy Nhi ở Phú Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán…

Hai món cua và ốc được đem ra cùng lượt. Gắp thử miếng ốc chấm vào dĩa nước chấm rồi bỏ vào miệng nhai từ từ xong Thúy Nhi lên tiếng.

– Ngon… Thịt mềm mà hổng có dai…

Nói xong nàng bụm miệng cười, còn Chương cũng cười sằng sặc. Chắc người này cũng nghĩ giống như người kia.

– Anh thích món cua này nhất. Thúy Nhi là dân miền tây tất biết cua ốp thịt vào lúc có trăng. Riêng con cua ở Côn Sơn lại khác. Thịt của nó chắc và thơm ngon vào lúc có trăng nên dân ở đây gọi là cua mặt trăng…

Vừa nói anh vừa bẻ cái càng con cua ra rồi dùng kềm bóp bể vỏ lộ ra miếng thịt cua xong đưa cho Thúy Nhi. Cầm lấy cái càng cua đưa lên miệng cắn miếng nhỏ, nàng cười khẽ.

– Ui… ngon…

Thịt cua mềm ngọt lại có mùi thơm lạ chắc tại khi hấp cua đầu bếp đã cho thêm chất gì vào nước.

– Ngày mai anh dẫn Thúy Nhi đi lặn bắt cua đem lên bờ nướng ăn. Cua mà chấm với muối tiêu chanh hết sẩy. Anh mê lặn bắt cua nên tuần nào cũng rủ lính dưới tàu đi lặn riết rồi họ gọi anh là Chương Cua…

Thúy Nhi cười sặc sụa vì lối kể chuyện của Chương. Cô phải đưa chiếc khăn ăn lên miệng ngăn không cho thức ăn văng ra ngoài.

– Chương Cua mà cua gì vậy?

– Cua Thúy Nhi…

Suy nghĩ giây lát Thúy Nhi mới nghiệm ra câu nói ba tiếng của Chương. Anh đã dùng một tiếng cổ xưa cách đây hơn năm mươi năm mà bây giờ ít người xài. Đó là tiếng ” cua ” có nghĩa là con cua, một danh từ; song cũng có thể hiểu như một động từ có nghĩa là ve vản, tán tỉnh một cô gái. Tiếng cua có nghĩa duyên dáng và dí dỏm hơn tiếng dê. Cười hắc hắc cô đùa.

– Cua Thúy Nhi là cua kình có hai cái càng bự kẹp đau lắm…

– Hổng sợ… Anh là thợ lặn bắt cua có bằng mà…

Hai người ăn uống, nói chuyện cười đùa rất vui vẻ tới tám giờ đêm mới ra khỏi nhà hàng. Chương rủ Thúy Nhi đi dạo trên bãi biển tới hơn mười giờ anh mới đưa cô về khách sạn rồi hẹn sáng mai tới đón để đi lặn bắt cua.

Đang sửa soạn để lát nữa Chương tới đón mình đi tắm biển, Thúy Nhi nghe tiếng gõ cửa. Lấy làm lạ cô bước ra mới thấy đó chính là Yến Vi. Chắc cũng hiểu được sự ngạc nhiên của cô, Yến Vi giải thích gọn.

– Chương nhờ chị tới gặp em để nói cho em biết là Chương đã được lệnh rời Côn Sơn hồi 4 giờ sáng…

– Anh Chương đi đâu chị biết hông chị?

Yến Vi mỉm cười nhìn cô gái trẻ đang đứng trước mặt mình.

– Đúng ra thì chị không được phép nói song chị nghĩ nói cho em biết cũng chẳng hề gì…

Ngừng lại giây lát Yến Vi nhẹ hỏi.

– Chắc em có nghe người ta nói tới Hoàng Sa?

– Dạ em có nghe nói và cũng có tìm hiểu chút chút về quần đảo đó…

Nhẹ gật đầu, Yến Vi nói gọn.

– Chương và các đồng đội có công tác ở Hoàng Sa…

– Anh Chương là hạm trưởng tàu ngầm phải hông chị?

Nhẹ gật đầu, Yến Vi nhìn Thúy Nhi đang đứng cạnh cửa sổ mắt ngó mong về phía biển xanh bao la. Lát sau không biết nghĩ gì Yến Vi lại mỉm cười nhỏ nhẹ hỏi.

– Dường như em chưa biết nhiều về Chương phải không?

Gương mặt xinh xắn và thông minh của cô gái thoáng nét buồn man mác.

– Dạ… Em biết rất ít về anh Chương. Ảnh rất kín miệng mà em cũng ít chịu hỏi về chuyện đời lính của ảnh…

– Gần đây chắc em có nghe tới vụ nước Trung Cộng lại kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…?

– Dạ em có nghe… Hình như sau đó giàn khoan dầu này bốc cháy phải hông chị?

Gật đầu cười, Yến Vi nhìn vào mặt Thúy Nhi trong lúc buông câu nói.

– Chính Chương Điên đã chỉ huy chiếc tàu ngầm VNN66 mang tên Hải Mã bắn nổ giàn khoan dầu của Trung Cộng. Hành động bắn nổ giàn khoan dầu nhằm mục đích triệt đường tiếp liệu của hải quân Trung Cộng và sau nữa là kế vu oan giá họa… Chắc em không thích nghe chị nói về chuyện nhà binh hả?

Yến Vi cười hỏi Thúy Nhi. Cô gái sốt sắng lên tiếng.

– Dạ thích chứ chị… Em muốn biết về anh Chương càng nhiều càng tốt…

Khẽ gật đầu, Yến Vi hắng giọng.

– Cái này là ông chồng của chị nói cho chị nghe chứ chị cũng không biết nhiều về chuyện đánh nhau của mấy ông lính. Chính phủ Phú Quốc muốn đánh chiếm lại quần đảo Trường Sa đang ở trong tay Trung Cộng. Trước khi đánh, họ phải làm gián đoạn hay đình trệ hệ thống tiếp tế của địch từ đảo Hải Nam xuống Trường Sa bằng cách đánh chìm các tàu tiếp tế xăng dầu, đạn dược và lương thực. Vì lẽ đó mà Chương cũng như hạm đội tàu ngầm của hải quân Phú Quốc dưới quyền chỉ huy của chồng chị đã liên tiếp bắn chìm các quân vận hạm thuộc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng có căn cứ ở đảo Hải Nam. Ngay lúc này chồng của chị đã chỉ huy bốn chiếc tàu ngầm trực chỉ Hoàng Sa để tìm cách đánh chìm các tàu của hải quân Trung Cộng…

– Chừng nào anh Chương trở lại chị biết hông chị?

Yến Vi nhẹ lắc đầu.

– Chị không biết… Chuyện trở về của người lính chiến tùy thuộc vào những gì không ai biết trước được. Em cứ nghĩ là ” xưa nay chinh chiến mấy ai về ”…

Yến Vi nhìn ra cửa sổ khi nói câu cuối cùng. Đại dương xanh thẳm. Xa thật xa cuối chân trời nàng lờ mờ thấy bóng chiếc tàu chở theo hình bóng của người chồng thương yêu của mình. Jack, với chức vụ tư lệnh hạm đội tàu ngầm, anh có thể ở lại Côn Sơn. Nhưng anh đã không làm điều đó. Trách nhiệm và danh dự của một cấp chỉ huy bắt anh phải sát cánh với những người lính của mình. Lòng hy sinh và thương yêu đồng đội là một trong những điều biến người lính coi thường hiểm nguy và xem cái chết nhẹ tênh. Thúy Nhi cũng nhìn ra cửa sổ. Nước mắt ứa ra làm mờ màu xanh của biển song cô vẫn còn thấy bóng của Chương Cua, người lính tàu ngầm dù quen chưa lâu mà mỗi lần gặp nhau cô càng thêm vấn vương và quyến luyến. Cô chỉ biết cầu mong cho người đi có lần trở về để cho cô vẫn còn được Chương ” cua ” nhiều lần hơn nữa.

 

 

 

 

            TẬP 5

 

     TIẾNG CƯỜI DƯỚI ĐÁY BIỂN SÂU

    

 

25.

23.00 giờ. Thủy thủ đoàn của chiếc VNN11 ngạc nhiên rồi đâm ra thắc mắc khi thấy Tư Lệnh Jack bước xuống tàu của họ với chiếc ba lô quen thuộc mỗi khi có chuyến công tác xa căn cứ.

– Tư lệnh đi đâu vậy tư lệnh?

Hạ sĩ nhất Ấn thuộc ban vũ khí lên tiếng hỏi. Vỗ nhẹ lên vai người lính, Jack cười hà hà.

– Đi công tác chứ đi đâu… Lâu quá hổng lặn tôi nhớ…

Thượng sĩ Anh cười hắc hắc. Ông ta biết công tác mà đích thân tư lệnh tháp tùng thì phải là công tác cực kỳ quan trọng và nguy hiểm chứ nếu công tác thường thì đâu cần phải sự có mặt của một vị tư lệnh.

– Chắc mình đi Hoàng Sa hả tư lệnh?

Cười hà hà, nhìn ông quản nội trưởng của chiếc 11, Jack đùa một câu.

– Giấu ai chứ hổng giấu được ông… Mình đi Hoàng Sa rồi tiện đường mình ghé Hải Nam chơi…

– Trời đất… Tư lệnh hết chơi ở đâu mà lại ghé Hải Nam chơi…

Thượng sĩ Anh bật lên tiếng la trời. Hải Nam là  vị trí quân sự chiến lược trong đó có căn cứ tàu ngầm Du Lâm thuộc bộ tư lệnh hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng phụ trách không những Biển Đông mà còn luôn cả nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nữa.

– Không vào hang hùm sao bắt được cọp… Chắc ông nghe câu đó rồi chứ…

Thượng sĩ Anh gật đầu lia lịa.

– Tôi nghe chứ… Tư lệnh định bắt con cọp nào mà phải vào tận hang hùm Du Lâm?

– Kỳ này mình nhất định phải lột da và nướng trui con hồ ly núi…

Vừa bước vào phòng chỉ huy nghe Jack nói thiếu tá Nguyễn Văn Vinh, hạm phó biết vị tư lệnh của mình ví von chiếc tàu tiếp liệu nổi tiếng của hạm đội Nam Hải mang số 887 có tên Vi Sơn Hồ được thủy thủ đoàn của hải quân Phú Quốc gọi đùa là con hồ ly núi. Trọng tải 24 ngàn tấn, vận tốc 19 hải lý, chiếc tàu này còn được trang bị tám khẩu đại bác 37 ly để phòng vệ và tấn công tàu địch nếu cần. Sau khi chiếc 885 bị chiếc tàu ngầm VNN66 Hải Mã bắn chìm ở Trường Sa thì Vi Sơn Hồ 887 trở thành chiếc quân vận hạm quan trọng tiếp tế cho các căn cứ ở Biển Đông như Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu chiếc 887 bị chìm sẽ gây ra khó khăn cho hạm đội Nam Hải trong chuyện tiếp tế lương thực, xăng dầu và súng đạn cho các căn cứ xa xôi ở Biển Đông.

– Tôi nghĩ mình nên trấn nước, lột da trước rồi sau đó mới nướng trui tụi nó… Thưa tư lệnh…

Vinh nói câu trên khi bước vào khu vực dành làm phòng chỉ huy. Cười mím chi Jack hỏi nhỏ.

– Mình đi chưa?

– Dạ còn chờ tư lệnh…

Tủm tỉm cười Jack đưa ra tờ công điện. Liếc nhanh những dòng chữ, Vinh cười nói gọn.

– Cám ơn tư lệnh đã đề nghị tôi vào chức vụ hạm trưởng chiếc 11…

– Chức hạm trưởng chiếc 11 bỏ trống lâu rồi nên nó cần một hạm trưởng tài đức như ông. Mình đi được chứ hạm trưởng?

Vinh trả lời bằng cách lập lại hai lần câu nói.

– 11 hải hành… 11 hải hành…

Chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Nàng Tiên Cá của hạm đội tàu ngầm Phú Quốc từ từ rời căn cứ Côn Sơn. Ba chiếc VNN22 Mỹ Nhân Ngư, VNN33 Kình Ngư, VNN66 Hải Mã nối đuôi soái hạm nhắm hướng bắc thẳng tiến. Biển đen ì ầm sóng vỗ. Để tiết kiệm dưỡng khí lỏng với lại nhằm ban đêm nên bốn chiếc tiềm thủy đỉnh nổi lên mặt nước hải hành bằng máy tàu chạy dầu cặn. Chiếc Nàng Tiên Cá được trang bị hệ thống ” Manta radar surveillance & warning system ”, một hệ thống dò tìm và cảnh báo sớm trước khi máy bay hoặc tàu địch xuất hiện xa hơn trăm hải lý. Hệ thống này có khả năng dò tìm, khám phá, phân loại, kiểm chứng và xác định được địch hay bạn để dự trù cách thức đối phó trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị tấn công. Trong bốn chiếc thì ba chiếc VNN11, VNN22 và VNN33 thuộc lớp Gotland 19A của hải quân Thụy Điển do hãng Kockums đóng, còn chiếc VNN66 thuộc lớp Oyashio của hải quân Nhật Bản được đóng bởi Kawasaki Shipbuilding Corporation và Mitsubishi Heavy Industries rồi lại được hải quân công xưởng Phú Quốc dưới quyền trông coi của Thầy Thăng sửa chữa và tân trang với các dụng cụ và đồ chơi hiện đại để biến nó thành một chiếc tàu ngầm tối tân không thua gì các tàu mới đóng. Vì đây là công tác phá hoại và điệp báo do đó bốn chiếc tàu được lệnh cạo bỏ số tàu và huy hiệu, còn thủy thủ đoàn cũng được lệnh không mang theo những gì liên quan tới lý lịch của họ.

Không kể Jack, ba vị sĩ quan cao cấp nhất của chiếc VNN11 là thiếu tá Vinh, hạm trưởng; đại úy Đạm, tân hạm phó và đại úy Minh, sĩ quan C4 ngồi  quanh chiếc ” plotting table ” hay là bàn làm việc dành riêng cho hạm trưởng. Trải tấm bản đồ của vùng Biển Đông ra, Jack lên tiếng.

– Theo không ảnh do máy bay của hải quân Hoa Kỳ chụp được thì con chồn núi đang neo tại đảo Phú Lâm của Hoàng Sa. Không ảnh chụp ngày 9 tháng 3 mà bây giờ là ngày 11. Như vậy có thể nó có thể vẫn còn đang bốc hàng ở Phú Lâm…

Jack ngừng lại nhìn ba sĩ quan dưới quyền như chờ nghe ý kiến của họ. Vinh, hạm trưởng lên tiếng trước nhất.

– Tôi cũng nghĩ như tư lệnh. Hoặc giả nếu đã bốc hàng xong thì nó cũng phải đi về…

– Về Trường Sa…

Đại úy Minh, sĩ quan C4 góp lời. Đại úy Đạm, tân hạm phó xen vào.

– Như vậy thì chiếc 887 chỉ ở hai nơi. Hoặc là nó còn đậu tại Phú Lâm, hoặc là nó đang trên đường xuôi nam về Trường Sa…

Thong thả gật đầu Jack cười nhẹ nhìn Vinh như chờ nghe ý kiến của hạm trưởng. Hiểu ý vị tân hạm trưởng chiếc Nàng Tiên Cá lên tiếng.

– Mình có hai chọn lựa; hoặc mình đi rút lên Phú Lâm để đánh chìm nó, hoặc mình chận nó giữa đường về Trường Sa…

Không biết nghĩ gì mà Đạm bật lên câu nói.

– Có một điều tôi thắc mắc là nếu chỉ đánh đắm chiếc 887 thì tại sao bộ tư lệnh lại phái tới bốn chiếc…?

Nghe câu hỏi này Tư Lệnh Jack cười hắc hắc như thích chí rồi sau đó mới từ từ bật ra cái bí mật của chuyến công tác.

– Đạm hỏi một câu chí lý. Bắn chìm chiếc 877 thì chỉ cần chiếc 33 thôi chứ đâu cần kéo bốn chiếc cho tốn dầu hao điện. Ba chiếc 11, 22 và 66 có nhiệm vụ khác bí mật và quan trọng hơn. Mình với  chiếc 22 sẽ kéo lên Hoàng Sa hỏi thăm sức khỏe  thằng Lêu Bêu, trong lúc chiếc 66 sẽ đi Trường Sa vấn an thằng sơn đông mãi võ…

Không nhịn được Minh bật la nho nhỏ.

– Sơn Đông… Tư lệnh định dũa thằng Sơn Đông…

Jack gật đầu cười như xác nhận. Thằng sơn đông mãi võ là ám ngữ chỉ chiếc hàng không mẫu hạm có tên Sơn Đông của hạm đội Nam Hải. Nó là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì sau chiếc Liêu Ninh nhưng lại là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhất mang số 001A được đóng bởi Tập Đoàn Công Nghiệp Đóng Tàu của Trung Cộng tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh. Mặc dù không thuộc lớp hàng không mẫu hạm nguyên tử có kích thước khổng lồ như các mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ, song chiếc Sơn Đông cũng được trang bị nhiều hệ thống điện toán tối tân và hoàn hảo hơn chiếc Liêu Ninh.

Jack cười hà hà khiến cho các thủy thủ ở gần đó đều quay lại. Nhìn ba sĩ quan dưới quyền, anh cười tiếp.

– Ngoài cái chuyện đánh chìm chiếc 887, chính phủ còn muốn ta thi hành cái kế vu oan giá họa cho nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bằng cách đánh chìm hoặc gây thiệt hại nặng cho chiếc Sơn Đông và chiếc Liêu Ninh. Sau vụ chiếc 885 bị chìm ở Trường Sa rồi tiếp theo giàn khoan dầu Hải Dương 981 bị bắn gục ở Hoàng Sa thì tình hình Biển Đông lại sôi sục hẵn lên. Trung Cộng thì nói tàu ngầm Kilo của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã bắn chìm tàu và giàn khoan dầu của họ. Còn nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì bảo mình không có làm. Vì vậy mà tình hình bang giao giữa hai nước rất căng thẳng. Hạm đội Nam Hải đã phái nhiều tàu xuống Hoàng Sa và Trường Sa trong đó có chiếc Sơn Đông và Liêu Ninh để giữ an ninh cũng như săn tìm xem tàu ngầm của nước nào là thủ phạm. Bây giờ nếu mình bắn chìm thêm thằng sơn đông mãi võ, thằng ăn cướp Liêu Ninh và con hồ ly núi của hạm đội Nam Hải thì chắc hai bên sẽ có hải chiến liền. Trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi sống…

Thủy thủ đoàn ở trong tàu đều bật cười hắc hắc khi nghe vị tư lệnh của họ phát ngôn câu ” trâu bò húc nhau ruồi muỗi sống…”. Vinh gật gù hiểu ra cái ý của cấp chỉ huy. Nếu hai nước anh em cộng sản đánh nhau u đầu thì nước Việt Nam tự do và dân chủ được hưởng lợi nhiều lắm. Lực lượng tàu bè của hai phe sẽ bị chìm hoặc ít nhiều gì cũng bị thiệt hại. Nhân cơ hội này hạm đội Phú Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa một cách dễ dàng hơn. Hoặc giả nếu hai bên biết kìm hãm để không đánh nhau thì tàu chiến của hạm đội Nam Hải ở Trường Sa sẽ bị thiếu hụt xăng dầu, lương thực và súng đạn thì khó mà chống trả lại sự tấn công của hải quân nước Việt Nam.

– VNN33 được giao nhiệm vụ đánh chìm chiếc 887. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nó sẽ trở về Côn Sơn. Riêng hai chiếc 11, 22 sẽ lên Hoàng Sa hỏi thăm sức khỏe thằng Liêu Ninh. Phần chiếc 66 có nhiệm vụ riêng của nó. Tôi phái thiếu tá Chương đi Bãi Cỏ Mây đánh chìm Sơn Đông…

Không nhịn được Minh la nhỏ.

– Chiếc Sơn Đông của hạm đội Nam Hải… Tư lệnh…

Nghe Minh la, các thủy thủ và sĩ quan ở gần đều quay nhìn. Có lẽ vì tò mò nên họ bắt đầu lắng nghe cấp chỉ huy bàn luận. Biết được điều đó song Jack không tỏ cử chỉ gì khác lạ mà nói với giọng rất bình tịnh.

– Mang số 16, Liêu Ninh là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Cộng được hạ thủy năm 2012 và thực sự hoạt động vào năm 2013…

Không khí trong phòng lặng trang và có vẻ nặng nề từ khi Jack tiết lộ sự săn tìm cùng một lúc hai chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông và Liêu Ninh. Nhìn Vinh, Jack cười cười.

– Mình mà ” knock out ” thằng Sơn Đông và dũa te tua chiếc 16 Liêu Ninh là hai nước anh em cộng sản sẽ quánh nhau u đầu sứt trán liền. Thủ tướng Việt, bộ trưởng Quốc và tư lệnh Kiếm đã ra lệnh cho tôi, bằng mọi cách và bằng mọi giá, phải gây thiệt hại cho hai chiếc Sơn Đông và Liêu Ninh. Ít nhất thì ta cũng làm hỏng đường bay của nó để cho các phản lực cơ chiến đấu không cất cánh được. Như thế khi mình đánh chiếm Trường Sa thời hạm đội của mình mới bớt lo lắng về sự can thiệp bằng phản lực cơ chiến đấu của thằng sơn đông và thằng liêu ninh…

– Mình khó mà lại gần hai chiếc đó được… Cả hai đều là cái nhân của ” task force ”…

Vinh đã dùng Anh ngữ cho hai tiếng sau cùng vì tiếng Việt không có chữ nào chỉ xác nghĩa tiếng ” task force ”, là một nhóm tàu chiến bao gồm một hoặc hai hàng không mẫu hạm, vài chiếc khu trục hạm, tuần dương hạm, hộ tống hạm, tàu chiến đấu đổ bộ, tàu tiếp liệu, tàu vớt mìn, tàu ngầm và đôi khi còn có thêm vài thứ tàu khác nữa. Nhóm tàu chiến này được chỉ huy bởi một vị tướng một hoặc hai sao của hải quân. Như hạm đội số 7 của hải quân Hoa Kỳ có task force 77 từng tham dự thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh  Việt Nam.

– Khó không có nghĩa là không thể…

Jack lên tiếng. Vinh trầm ngâm suy nghĩ. Đốt điếu thuốc, hớp ngụm cà phê nguội xong Đạm mới lên tiếng.

– Chiếc Sơn Đông và Liêu Ninh bây giờ đang ở đâu, thưa tư lệnh?

Chưa trả lời Jack ngoắc một thủy thủ đang đứng gần chỗ mình ngồi.

– Nhờ em xuống nhà bếp…

Jack chưa nói hết câu thì người thủy thủ đã cười lên tiếng.

– Cà phê hả hạm trưởng… Để em bảo thằng Canh pha cho hạm trưởng… à quên tư lệnh ly cà phê phin…

– Cám ơn em…

Lúc Jack còn làm hạm trưởng chiếc VNN11 thì thủy thủ đoàn đều biết cái tật ghiền cà phê của vị hạm trưởng mang hai dòng máu Việt Mỹ. Quay qua cười với Đạm như xin lỗi về sự chậm trả lời câu hỏi, vị tư lệnh tàu ngầm thong thả rút trong xấp hồ sơ ra ba tấm không ảnh đặt lên bàn.

– Đây là mấy tấm hình chụp bởi máy bay thám thính của hải quân Hoa Kỳ mà mình xin được của họ. Hình chụp cách đây khá lâu…

Vinh, Đạm và Minh chăm chú nhìn vào mấy tấm không ảnh. Nó không cho họ nhiều chi tiết lắm như địa điểm của chiếc tàu lúc đang bị chụp hình, vũ khí hoặc các vị trí quan trọng cần phải phá hủy.

– Cà phê nè tư lệnh…

Hạ sĩ nhất Canh, đầu bếp chính của tàu đặt tách cà phê đen còn bốc khói trước mặt Jack.

– Cám ơn em… Anh ghiền cà phê em pha nhất…

Không những thủy thủ đoàn của chiếc Nàng Tiên Cá mà hầu như thủy thủ của hạm đội tàu ngầm đều biết tính tình bình dân, vui vẻ, cởi mở và không có cái chất ” quan liêu ” của Jack. Ai lớn hơn thì Jack gọi bằng anh, còn ai nhỏ tuổi hơn thì em. Ít khi nào Jack gọi lính của mình bằng cấp bậc trừ khi bắt buộc. Vì vậy mà ai cũng thích lân la trò chuyện với vị tư lệnh mà họ coi như anh cả. Tất cả hạm trưởng tàu ngầm cũng như lính các cấp đều được anh chỉ dẫn, dạy dỗ tận tình bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Ngoài thời giờ dành cho gia đình, Jack lúc nào cũng có mặt ở tại văn phòng  làm việc hoặc xuống các tàu để thăm viếng hỏi han và săn sóc thủy thủ đoàn. Vì thế mà ai cũng thương mến vị tư lệnh khả kính của họ.

– Vậy thì tư lệnh xuống tàu làm hạm trưởng chiếc 11 đi. Em sẽ pha cà phê cứt chồn cho tư lệnh uống mỗi ngày…

Thủy thủ trong phòng chỉ huy cười rần lên khi thấy Jack bịt mũi. Mới đầu hổng biết cà phê cứt chồn là cái quái quỉ gì nên Jack mới hỏi Canh. Tới chừng được Canh giải thích anh mới la làng và không bao giờ nhắc tới cái tên đó nữa. Nhấp ngụm cà phê, Jack thong thả lên tiếng khi thấy ba vị sĩ quan chỉ huy chiếc 11 im lìm suy nghĩ.

– Muốn phá hủy chiếc Liêu Ninh thì mình phải biết nó đang ở đâu. Đúng không?

Jack hỏi như mớm lời cho Vinh. Vị hạm trưởng cười nhẹ uống ngụm cà phê rồi hắng giọng.

– Muốn biết nó đang ở đâu mình phải xác định được vùng hoạt động thường trực của nó. Theo tin tức mà tôi được đọc trên báo thì đang có xung đột giữa Trung Cộng với nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở gần đảo Tri Tôn và giữa Trung Cộng với nước Phi ở Bãi Cỏ Mây…

Nghe Vinh nói tới đó Jack bật cười liền.

– Đó đó… Việt Nam mình gọi là Bãi Cỏ Mây, Trung Cộng gọi là Bãi Nhân Ái còn nước Phi gọi là bãi Ayungin. Phi có một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu Sierra Madre bị mắc cạn và trên đảo. Trung Cộng muốn chiếm đảo này như năm 2012 họ đã tranh chấp với Phi về bãi Scarborough mà nước Phi gọi là bãi Panatag, Trung Cộng đặt tên là Hoàng Nham. Ngay cả nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đang quan sát sự tranh chấp giữa hai nước Trung Cộng và Phi. Chiếc Sơn Đông đang ở đâu đó trong vùng tranh chấp này. Nếu mình mà dũa nó te tua thì hai anh em nước cộng sản sẽ đánh nhau. Còn chiếc Liêu Ninh thì đang có mặt ở Hoàng Sa…

Đợi cho cấp chỉ huy dứt lời, Đạm mới nhỏ nhẹ lên tiếng.

– Mình bắn chìm nó dễ hơn là dũa cho nó te tua thưa tư lệnh…

Hớp ngụm cà phê Jack cười nhìn Đạm.

– Ông chịu chơi à nghen. Tôi cũng nghĩ như ông. Mình dùng thủy lôi bắn chìm thì kín đáo và dễ hơn. Phá hủy phi đạo thì mình phải xài tới loại hỏa tiển Tomahawk hay Harphoon. Cái đó vừa tốn tiền và dễ bị lộ hơn vì tụi Trung Cộng có thể tìm hiểu để biết ra thứ vũ khí nào đã bắn tàu của họ. Mình phải làm sao cho Trung Cộng nghĩ là tàu ngầm của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã dùng thủy lôi bắn chìm hai chiếc Sơn Đông và Liêu Ninh. Như thế thì hai bên mới quánh nhau…

Nói xong Jack nhìn Vinh như chờ nghe ý kiến. Tuy anh là tư lệnh hạm đội tàu ngầm nhưng dù sao Vinh cũng là hạm trưởng của chiếc 11, do đó cần có sự ưng thuận của Vinh. Uống cạn hớp cà phê cuối cùng, Vinh ra hiệu cho Minh đang là sĩ quan đương phiên. Hiểu ý Minh nói lớn.

– 11… chuẩn bị lặn… 11… chuẩn bị lặn…

Tiếng còi hụ vang vang báo hiệu cho thủy thủ đoàn tàu sắp sửa lặn. Mọi người hối hả chui xuống. Đậy nắp hầm, khóa lại cẩn thận xong, phụ tá sĩ quan đương phiên là trung sĩ nhất Chấn  báo cáo.

– 11… sẵn sàng lặn… 11 sẵn sàng lặn…

Minh tiếp tục ra lệnh.

– 11… lặn khẩn cấp… 11… quick dive…

Tiếng thủy thủ đoàn lập lại lệnh của sĩ quan đương phiên vang vang trong loa phát thanh

– 11… lặn… 11… lặn…

Vẫn còn chạy máy dầu cặn chiếc VNN11 Nàng Tiên Cá trầm mình xuống nước thật nhanh. Chưa đầy sáu mươi giây đồng hồ nó đã chìm mất trong lòng biển đen thâm u.

– 11… một trăm năm chục… 11… một trăm năm chục…

Tấm bảng chỉ độ sâu hiện lên con số 30, 40, 50 rồi từ từ tăng lên 150. Ngay lúc con số 150 vừa hiện lên, Minh lên tiếng.

– 11… bình quân… 11… bình quân…

Có phận sự lái tàu, hạ sĩ Nhàn lập lại hai lần lệnh của Minh. Tới đây thì Vinh mới bắt đầu ra lệnh.

– 11… mười hai… mười hai… bắc vĩ tuyến mười sáu ba mươi mười lăm… đông kinh tuyến một trăm mười một ba mươi sáu

Đa số người trong phòng chỉ huy đều biết tọa độ mà chiếc 11 đi tới là địa điểm của đảo Hoàng Sa, nơi mà vị tư lệnh của họ đoán có sự hiện diện của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Phải đánh chìm hoặc gây thiệt hại nặng nề cho Sơn Đông và Liêu Ninh thời cái kế ly gián, vu oan giá họa mới thành và chiến dịch Trường Sa giai đoạn 3 của nước Việt Nam mới đạt được kết quả mà lại ít tốn hao xương máu của binh sĩ. Cắt tiếp tế bằng cách đánh chìm hai chiếc 885 và 886 rồi sau đó ngăn chận sự can thiệp của hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông là hai yếu tố chính để cho chính phủ Việt Nam ở Phú Quốc hất chân Trung Cộng ra khỏi quần đảo Trường Sa. Ngoài ra còn có một yếu tố phụ không kém phần quan trọng là gây ra sự hiềm khích, nghi kỵ và chia rẻ giữa hai nước anh em cộng sản. Mất hậu thuẫn từ Trung Cộng thì nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ yếu đi về chính trị, kinh tế và quân sự.

06.00 giờ. Phòng ăn đầy người ngồi khi Jack bước vào. Một thủy thủ lên tiếng.

– Tư lệnh ngồi chỗ của tôi thưa tư lệnh…

Jack lắc đầu cười.

– Cám ơn anh… Tôi chỉ muốn cà phê…

Đang lui cui nướng bánh mì, Canh lên tiếng.

– Tui đã pha sẵn ly cà phê cho tư lệnh rồi…

Canh trao cho Jack tách cà phê đen còn bốc khói.

– Cám ơn Canh…

Bỏ chút đường, quậy quậy mấy cái, Jack vỗ nhẹ lên vai Canh như thay cho lời cám ơn lần nữa rồi giơ tay lên chào mọi người trong phòng xong bước đi. Phòng chỉ huy cách phòng ăn không xa lắm nên chỉ vài bước anh đã vào tới.

– Tư lệnh thức sớm dậy tư lệnh?

Thiếu úy Hân, sĩ quan đương phiên cười nói với Jack.

– Tôi quen dậy sớm rồi. Mình đang ở đâu?

– Dạ… Mình đang đi qua Cam Ranh thưa tư lệnh…

– Có tin gì về con rắn biển và cá ngựa không?

– Dạ… Trình tư lệnh…

Cười thành tiếng nhỏ, Jack ngắt lời Hân.

– Thôi đừng có dạ với trình… Anh mà dạ với trình là tôi hổng có cho anh lên trung úy đâu…

Ai trong phòng chỉ huy cũng bật cười cái rần. Jack nhìn mọi người xong chầm chậm lên tiếng.

– Anh em mến tôi thì tôi cám ơn mà xin đừng có dạ, thưa, trình… nghe mệt quá… Nếu lễ phép thì dạ một tiếng được rồi…

Tủm tỉm cười Hân thong thả cất giọng.

– Dạ… Theo như công điện cuối cùng hồi hai giờ sáng thì con rắn biển đang lình bình ở giữa đường Hoàng Sa với Trường Sa chờ con chồn núi. Chắc chiều nay thì nó có thể nướng trui con chồn núi rồi. Còn con cá ngựa thì cách Bãi Cỏ Mây chừng tám chín chục hải lý…

Gật gù vị tư lệnh hạm đội tàu ngầm Phú Quốc thong thả nhâm nhi tách cà phê nóng trước khi tới điểm hẹn với chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang có mặt đâu đó trong vùng biển Hoàng Sa.

26.

Đêm lấp lánh ánh sao. Sóng vỗ ầm ầm. Cơn bão vừa đi qua vùng biển Trường Sa lưu lại mưa và gió mạnh. Chiếc 66 bình quân ở độ sâu 15 mét. Cần ăng ten nhô cao tối đa để bắt sóng. Thủy thủ thuộc ban truyền tin liên lạc làm việc không ngừng nghỉ. Họ chỉ có 30 giây đồng hồ để đánh và nhận công điện từ chiếc soái hạm 11. Bắt đầu từ giờ phút này, để giữ kín hành trình cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ bắn chìm nếu có thể, bằng không cũng phải gây thiệt hại nặng cho chiếc Sơn Đông đang có mặt ở Trường Sa; chiếc Hải Mã sẽ không nổi lên mặt nước trừ khi thật cần thiết. Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông nhiều tài nguyên thiên nhiên, nước Trung Cộng với lực lượng tàu chiến mạnh hơn đã không ngừng gây áp lực cả về ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế lên các quốc gia trong cuộc tranh chấp như Việt Nam, Phi, Đài Loan, Mã Lai và Nam Dương. Hai nước Việt Phi là hai nước có tranh chấp gay go nhất với Trung Cộng vì vậy mà cũng chịu áp lực mạnh nhất. Năm trước đây, Trung Cộng lại ngang nhiên đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam do nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kiểm soát rồi dẫn tới vụ giàn khoan này bị bắn hư. Chuyện còn đang nóng hổi thì bây giờ lại thêm vụ Bãi Cỏ Mây. Sự hiện diện của chiếc Sơn Đông ở vùng tranh chấp đã gây một áp lực nặng nề lên hải quân của nước Phi. Với số tàu bè ít ỏi và cũ kỹ họ không thể nào chống cự lại ” Sơn Đông Task Force ” của hạm đội Nam Hải. Vì lý do thầm kín và riêng tư, Hoa Kỳ chưa chịu nhúng tay vào để giúp đỡ các nước yếu trong vùng ngăn chống lại sự xâm chiếm trắng trợn của Trung Cộng. Biết được điều đó Trung Cộng không bỏ lỡ cơ hội để làm chủ Biển Đông và khống chế con đường hàng hải từ Ấn độ Dương về Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản. Một khi họ kiểm soát được hải lộ này thì sớm muộn gì ba nước đó cộng thêm Việt Nam phải cúi đầu thần phục họ. Không muốn chuyện đó xảy ra nước Việt Nam nhỏ bé ở Phú Quốc phải có hành động quyết liệt mà bắn chìm các chiến hạm của Trung Cộng là bước đầu tiên.

Còi ré và loa phóng thanh vang vang báo cho thủy thủ đoàn biết tàu sắp sửa lặn xuống sâu.

– Hải Mã sẵn sàng lặn… Hải Mã sẵn sàng lặn…

Đang ngồi ở chiếc bàn dành riêng cho sĩ quan đương phiên, thiếu úy Biết ra lệnh tiếp.

– 66… một trăm năm chục… 66… một trăm năm chục…

Chiếc VNN66 chìm mất xuống lòng biển đen không đầy phút đồng hồ. Đứng ở vị trí sĩ quan kiểm soát tàu lặn, trung sĩ Hà lập lại hai lần lệnh của cấp chỉ huy

– 66… một trăm năm chục… 66… một trăm năm chục…

Kim đồng hồ hiện độ sâu cứ mười mét một. 100… 110… 120… 130… 140 rồi cuối cùng bình quân ở độ sâu 150 mét. Tới đây thì Chương mới ra lệnh vì chỉ có hạm trưởng mới biết tàu sẽ đi về đâu.

– 66… năm… bắc vĩ tuyến không chín bốn mươi chín không một… đông kinh tuyến một trăm mười lăm năm mươi hai không ba…

Lãnh nhiệm vụ lái tàu hạ sĩ Em hướng tàu theo tọa độ đó trong lúc thì thầm hỏi thiếu úy Biết.

– Mình đi đâu vậy thiếu úy?

Liếc nhanh hạm trưởng đang ngồi trầm ngâm, Biết do dự giây lát rồi cũng trả lời.

– Mình đi Bãi Cỏ Mây…

– Nó ở đâu hả thiếu úy?

– Nó nằm trong quần đảo Trường Sa gần với nước Phi…

– Mình làm gì ở đó hả thiếu úy?

Biết im lặng không trả lời câu hỏi này.

– Mình đi tìm chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông của hải quân Trung Cộng…

Ai trong phòng chỉ huy cũng nghe giọng nói của hạm trưởng cất lên để trả lời câu hỏi của Em.

– Mình có nhiệm vụ bắn chìm nó…

Em và thủy thủ đoàn đều nhìn chăm chú vào hạm trưởng của họ khi nghe lời tiết lộ đó. Riêng Chương, khi thố lộ ra điều đó anh đã suy nghĩ rồi. Nói cho thủy thủ đoàn biết cũng chẳng thiệt điều gì mà còn có lợi hơn để cho họ chuẩn bị tinh thần.

– Bốn chiếc 11, 22, 33 và 66 của mình, mỗi chiếc được lãnh nhiệm vụ riêng của nó. Hai chiếc 11 và 22 ra Hoàng Sa đánh chìm chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Chiếc 33 sẽ chặn đường bắn chìm chiếc tàu tiếp vận Vi Sơn Hồ 887. Riêng mình sẽ tìm cách bắn chìm chiếc Sơn Đông… Anh em nghĩ sao?

Ai ai cũng im lặng. Lát sau trung sĩ Nhiều rụt rè lên tiếng.

– Mình làm được không hạm trưởng?

Hướng ánh mắt về phía vị hạ sĩ quan phụ trách một phần của hệ thống C4, Chương cười hỏi lại.

– Anh Nhiều nghĩ mình làm được không?

Cười hắc hắc, Nhiều trả lời không do dự.

– Lính tàu ngầm muốn làm là làm, hể làm là phải làm cho được… Tư lệnh Jack thường nói một câu ” You do what no one can do...”

Thủy thủ đoàn ai ai cũng biết Nhiều vừa thốt ra câu nói mà bất cứ thủy thủ tàu ngầm cũng đã học thuộc lòng ở trong trường huấn luyện và ở bất cứ chiếc tiềm thủy đỉnh nào. Câu nói đó khiến họ trở thành người lính khác hẵn lính thường. Họ là người lính đặc biệt, được huấn luyện để làm những điều người khác không làm được. Đó cũng chính là niềm hãnh diện thầm kín của họ. Muốn trở thành thủy thủ tàu ngầm không phải dễ. Đầu tiên họ phải có sức khỏe hoàn hảo, 20/20. Kế đó họ phải biết lội lặn. Trên căn bản, lính tàu ngầm là một thợ lặn không có bằng và biết cách mưu sinh thoát hiểm. Một điều đặc biệt và hiếm thấy, có thể chỉ thấy ở hạm đội tàu ngầm Phú Quốc là tất cả thủy thủ tàu ngầm bất kể cấp bậc, bất kể tôn giáo, bất kể tuổi tác đều phải ” hành Thiền ”. Đối với họ, hành thiền giản dị là cách thức để tịnh tâm, định cái tâm của mình làm cho họ không lo âu, hốt hoảng, sợ hãi trước mọi nguy hiểm cũng như giảm bớt áp lực từ một đời sống không bình thường. Sống trong một cái hộp sắt chìm sâu dưới nước hai ba trăm thước, người lính tàu ngầm cần có sự định tâm để không bị sự khủng hoảng tâm thần hầu hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Mỉm cười khi nghe câu trả lời đó, Chương rắn giọng.

– Lính tàu ngầm của nước Việt Nam sẽ không để cho lũ giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta. Chúng ta không thể để cho chúng bắn giết ngư dân, xâm chiếm biển đảo…

– Tụi Trung Cộng nó cứ lấy đất của mình hoài mà sao mình cứ nhịn nó vậy hạm trưởng?

Chương chưa kịp trả lời thì thượng sĩ Đan xen vào.

– Tại mấy thằng cha trong bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam nó thương cái đít của nó hơn thương dân thương nước. Nó mà hổng nhịn là tụi Trung Cộng cho nó mất chức liền, mà mất chức là mất tiền, mất quyền và còn mất luôn chỗ đội nón nữa…

Ai nấy đều bật cười vì câu trả lời cà rỡn mà xác nghĩa của ông thượng sĩ già. Ngay cả Chương cũng phải mỉm cười. Vừa bước vào thượng sĩ Ân cười lên tiếng.

– Ông Đan còn quên nói mất chức là mất nhà cửa xe cộ lại hổng được mấy em cẳng dài cưng nựng…

Mọi người lại có dịp cười lớn hơn vì lời pha trò của An. Thấy Ân bước vào phòng chỉ huy, Chương vội lên tiếng.

– Ông gọi hạm phó, ông Toàn, ông Thâm, ông Ân gặp tôi ở phòng riêng…

Lát sau bốn sĩ quan có cấp bực cao nhất của chiếc 66 lục tục bước vào. Vì không đủ chỗ nên có người ngồi người đứng quanh chiếc bàn nhỏ có tấm bản đồ của quần đảo Trường Sa.

– Bộ tư lệnh đã giao cho tôi công tác bắn chìm chiếc Sơn Đông đang hoạt động tại Trường Sa. Tôi mời mấy ông góp ý để mình có thể chu toàn nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Bốn ông có ý kiến như thế nào cứ việc trình bày…

Căn phòng hẹp im lặng. Tất cả sĩ quan, người nào cũng đủ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để biết chuyện bắn chìm chiếc Sơn Đông không phải dễ dàng. Nó được bảo vệ chu đáo và cẩn mật. Nào là khu trục hạm, hộ tống hạm, trực thăng săn tàu ngầm chưa kể tàu ngầm theo hộ tống nữa. Có thể nói vòng đai an ninh cho nó xa mấy chục hải lý. Bất cứ tàu lạ, tàu nổi hoặc tàu ngầm và máy bay lọt vào vòng đai an ninh này đều bị khám phá, ngăn chận trước khi chạm tới chiếc Sơn Đông.

– Hạm trưởng đã nghĩ ra cách nào chưa?

Trung úy Ân, sĩ quan cơ khí lên tiếng hỏi. Chương cười lắc đầu. Trung úy Thâm, sĩ quan vũ khí nói nhỏ.

– Mình lại gần nó khó lắm hạm trưởng…

Nhẹ gật đầu Chương nhìn Thiện trong lúc mắt không rời tấm bản đồ.

– Trước khi lên đường công tác tôi được xem một hồ sơ của phòng tình báo nói về chiếc Sơn Đông. Nó được bảo vệ bởi năm khu trục hạm là Lan Châu, Hải Khẩu, Thẩm Dương, Thạch Gia Trang, Quảng Châu thuộc lớp 052B và hai hộ tống hạm Yên Đài và Duy Phường. Hai chiếc Lan Châu thuộc lớp 052C mang số 170, Hải Khẩu 171; Thẩm Dương mang số 115 và Thạch Gia Trang 116 là hai khu trục hạm kiểu 051C được trang bị hỏa tiển; còn chiếc 538 Yên Đài và 550 Duy Phường là hộ tống hạm lớp 054A mới nhất của hải quân Trung Cộng. Riêng về tàu ngầm hộ tống thì phòng tình báo chỉ đề cập sơ sơ là có thể nó được hộ tống bởi tàu ngầm lớp Kilo636 hoặc SongI và SongII. Dù họ không quả quyết loại tàu ngầm nào song tôi đoán nó phải có ít nhất một chiếc tàu ngầm tháp tùng theo để bảo vệ và săn tìm tàu ngầm địch…

– Bấy nhiêu đó cũng mệt cho mình rồi hạm trưởng…

Đại úy Toàn cười lên tiếng. Chương gật đầu chưa kịp nói gì, Thiện cười thốt.

– Tôi nghĩ là có cách, có điều mình chưa nghĩ ra thôi…

– Tôi cũng nghĩ như ông vậy. Cứ từ từ suy nghĩ. Dù sao mình cũng còn hơn tuần lễ, tha hồ cho mình suy nghĩ…

Mọi người im lìm. Họ biết nếu không được phép nổi lên mặt biển thì tàu chỉ có thể lặn dưới nước hai tuần lễ vì bình dưỡng khí lỏng đủ cho ba tuần để thi hành công tác và trở lại căn cứ. Đó là chưa kể trường hợp bị tàu địch săn đuổi họ phải ở sâu dưới nước mà không được nổi lên để xạc bình điện bằng máy chạy dầu cặn như vậy ba tuần sẽ phải rút ngắn lại.

Bốn sĩ quan phụ tá lục tục rời khỏi phòng để mình Chương ngồi im suy nghĩ. Anh biết trách nhiệm của  mình. Với chức vụ hạm trưởng, anh là người phải suy nghĩ, tìm kiếm ra cách thức bắn chìm chiếc Sơn Đông đồng thời đem con tàu và thủy thủ đoàn an toàn trở về căn cứ. Làm thế nào để lại gần chiếc hàng không mẫu hạm của địch mà không bị các tàu khu trục, hộ tống, tuần dương, trực thăng và tàu ngầm địch dò tìm ra vị trí của mình. Địch có hệ thống thủy âm định vị thụ động và chủ động, có MOAS, có ra đa, có máy móc tinh vi đủ sức phóng ra ” decoy ” lừa thủy lôi và cũng có thể dùng thủy lôi bắn nổ thủy lôi. Địch có đông, có đủ hết còn anh chỉ có một mình với chiếc Hải Mã cũ xưa. Làm cách nào lọt qua khỏi vòng đai tàu bảo vệ chiếc Sơn Đông với chu vi mấy chục hải lý? Làm cách nào để tiếp cận chiếc hàng không mẫu hạm vừa tầm bắn của thủy lôi mà nó không thể tránh né, ngăn đỡ hay phá hủy thủy lôi được. Tới gần quá thời nếu có bắn chìm cũng không chạy thoát khỏi sự săn tìm của hàng chục chiến hạm của địch. Anh không muốn nằm lại trong lòng đại dương sâu thẳm. Anh còn có người đợi chờ anh trở về. Anh nhớ Thúy Nhi. Giọng nói. Nụ cười. Ánh mắt nhìn. Nhớ cảm giác vòng tay ôm quanh chiếc eo thon gọn. Nhớ mái tóc đen dài bay trong gió. Muốn được thấy lại những thứ đó anh phải sống để trở về. Những người lính của anh cũng vậy. Họ còn có vợ con, cha mẹ và người thân chờ nữa. Chết với người lính tàu ngầm đôi khi cần thiết song chưa phải lúc này. Thủy thủ đoàn không ai biết hạm trưởng của họ hầu như thức trắng đêm suy nghĩ tìm cách chu toàn nhiệm vụ cấp trên giao phó và sống sót trở về. Bảy ngày liên tiếp, chiếc 66 giám thị Sơn Đông Task Force một cách cẩn thận và bí mật mà vẫn chưa tìm ra cách nào để lại gần với khoảng cách vừa tầm bắn của thủy lôi. Phải lại gần bắn mà không bị tàu địch biết rồi sau khi bắn xong phải chạy cho nhanh hầu tránh thoát khỏi sự săn đuổi.

01.00 giờ. 5 hải lý hướng tây bắc của Song Tử Đông. Mưa gió ào ào. Sóng vỗ ầm ầm tung bọt trắng xóa. Chiếc Hải Mã bình quân ở độ sâu 55 bộ.  Đó là độ sâu vừa đủ để cho tiềm vọng kính có thể thấy những gì trên mặt nước cũng như giàn ra đa có thể bắt sóng. Hệ thống ” JRC ZPS six I-band search radar ” chuyên dò tìm tàu nổi của nó hoạt động tối đa. Sau một hồi quan sát trung sĩ nhất Cường chỉ vào chùm đốm sáng đang di chuyển chầm chậm trên màn ảnh ra đa.

– Nó đó hạm trưởng… Hướng tây 45 độ…

Khẽ gật đầu Chương bước tới chỗ tiềm vọng kính của tàu. Ghé mắt nhìn vào anh chậm chạp di chuyển ống kính giây lát rồi lên tiếng nói với Thiện.

– Ông nhìn đi…

Vị hạm phó ghé mắt vào ống dòm và nói gọn.

– Sơn Đông… Ông Toàn coi đi…

– Nguyên cả ” task force ”…

Quan sát giây lát Toàn nói nhỏ câu trên trong lúc dán mắt vào ống kính rồi rời chỗ nhường ống kính lại cho hạm trưởng. Chương im lặng nhìn cụm tàu đang hải hành theo đội hình tác chiến biển. Anh biết đội hình tác chiển biển của Sơn Đông Task Force là ” copy cat ” tức  sao y bổn chánh từ task force 11, 16, 17, 31, 77  hay những task force khác của hải quân Hoa Kỳ. Có thể hải quân của Trung Cộng sẽ thay đổi chút chút vì ít chiến hạm hơn và cũng để cho phù hợp với tinh thần Á Đông song căn bản vẫn giống như vậy. Tàu ngầm sẽ đi đầu kế đến khu trục hạm và hộ tống hạm đi kèm hai bên hông để bảo vệ hai bên sườn. Sau cùng sẽ có khu trục hạm và hộ tống hạm. Ở trong vòng đai bảo vệ bởi tám chiếc tàu khu trục và tàu hộ tống này sẽ có tàu tiếp tế, tàu vớt mìn, tàu tác chiến đổ bộ rồi chính giữa sẽ là chiếc Liêu Ninh, trung tâm điều khiển và chỉ huy của task force. Tàu càng kém khả năng phòng thủ chừng nào thì càng phải được bảo vệ kỹ hơn do đó phải ở trong cùng. Ngoài ra vì tốc độ của mỗi tàu khác nhau do đó cả đoàn tàu phải chạy với vận tốc của chiếc thấp nhất mới hải hành theo đội hình tác chiến được. Có lẽ vì ít tàu với lại vị chỉ huy Sơn Đông task force nghĩ hai nước Phi và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có lực lượng hải quân mạnh hơn, do đó chỉ có bốn khu trục hạm và hai hộ tống hạm làm vòng đai bảo vệ ngoài cùng. Nếu vượt qua được vòng đai của sáu chiến hạm này, chiếc 66 có cơ ” bắt tay ” với thằng sơn đông. Hai tiếng bắt tay lởn vởn trong trí não của anh. ” Bắt tay với Thúy Nhi khó dàn trời mà mình còn bắt tay được thì sá gì chiếc Sơn Đông…”. Nghĩ tới đó anh bật lên tiếng cười. Thủy thủ đoàn ngơ ngác khi nghe hạm trưởng bật cười một cách vui vẻ. Họ không biết tại sao cấp chỉ huy lại có thể cười được trong tình huống căng thẳng và gay cấn tới độ đứt hơi này. Mắt vẫn còn dán vào ống kính tiềm vọng, Chương nói với Thiện và Toàn đang đứng bên cạnh mình.

– Tôi đã nghĩ ra cách bắt tay thằng sơn đông rồi…

Thiện và Toàn nhìn nhau. Họ chưa kịp lên tiếng hỏi thì Chương đã nhìn Toàn ra hiệu. Hiểu ý, đang là sĩ quan đương phiên, vị sĩ quan C4 ra lệnh ngắn và gọn.

– 66 lặn… 66 lặn…

Chiếc tàu ngầm chìm nhanh xuống lòng biển thâm u và lạnh ngắt.

– 66… ba năm không… 66… ba năm không…

Phòng chỉ huy im phăng phắt khi độ sâu hiện  200 rồi từ từ xuống sâu hơn 250. Thân tàu kêu răng rắc. Không khí nằng nặng. Vách tàu hai lớp vỏ bằng sắt như tươm ra mồ hôi song còn ít hơn mồ hôi tươm ra trên mặt của thủy thủ đoàn. Tiếng đếm chầm chậm của trung sĩ nhất Hà vang nhỏ mà nặng như búa tạ nện vào ngực mọi người.

– 66… Ba trăm mười… ba trăm hai chục… ba trăm ba chục, ba trăm bốn chục … ba trăm năm chục

Tiếng ba trăm năm chục vừa dứt vị hạm trưởng cất giọng trầm lạnh.

– 66… bình quân… 66 bình quân…

Chiếc tàu ngầm lớp Oyashio của hải quân Nhật Bản được cải tiến ra thành chiếc tàu ngầm tấn công lớp Phú Quốc bình quân ở độ sâu 350 mét chờ lệnh hạm trưởng.

– 66… năm… mười… ba mươi mốt… không bảy… một trăm lẻ tám… năm mươi chín…  mười hai…

Chiếc 66 trườn mình trong nước với vận tốc 5 knots. Thuỷ thủ trong phòng chỉ huy đều biết toạ độ mà hạm trưởng vừa đọc lên chính là toạ độ của Cù Lao Thu ở Phan Thiết. Hổng lẽ vị hạm trưởng của họ đọc lầm toạ độ. Tuy nhiên lệnh là lệnh và họ phải làm theo lệnh của cấp chỉ huy. Đúng sai gì thời ông ta sẽ chịu trách nhiệm. Chiếc tàu sắt nặng gần bốn ngàn tấn giống như con cá ngựa lặng lẽ hải hành.

– Mình đi đâu vậy đại úy?

Đang có nhiệm vụ lái tàu hạ sĩ Nhường hỏi nhỏ Toàn, lúc đó đang làm sĩ quan đương phiên. Toàn cười lắc đầu không trả lời bởi chính anh chỉ biết một cách mơ hồ ý định của cấp chỉ huy nên không dám nói ra. Vừa hải hành được chừng vài hải lý, thủy thủ đoàn nghe lệnh của hạm trưởng vang trong phòng chỉ huy.

– 66… năm trăm năm chục… 66… năm trăm năm chục…

Tim của thủy thủ đoàn như ngừng đập theo con số 550. Đó là độ sâu mà họ chưa từng lặn với tàu. Các con tán, vít, ốc như run rẩy và kêu thành âm thanh rắc rắc. Vách tàu như co rúm lại dưới sức ép gần trăm ký lô trên một phân vuông. Thỉnh thoảng mọi người lại nghe tiếng rắc rắc sắc nhọn đâm vào tai làm họ giật mình đồng thời cảm thấy như có con voi khổng lồ nặng ngàn ký lô đứng trên ngực của mình làm họ hít thở khó khăn.

– 450… 460… 470… 480… 490… 500… 510… 520… 530… 540… 550…

Đang ôm tay lái, Nhường như ngừng thở theo tiếng đếm đều đặn của trung sĩ nhất Hà, phụ trách máy đo độ sâu.

– 66… năm trăm năm chục… 66… năm trăm năm chục…

Giọng của Chương vang lên liền khi nghe Hà dứt câu ” năm trăm năm chục ”.

– 66… bình quân… 66… bình quân…

Bình quân ở độ sâu năm trăm năm chục mét, chiếc Hải Mã trườn mình đi trong nước biển đen ngòm và lạnh buốt vì ở độ sâu này ánh sáng mặt trời không còn xuyên thấu được.

– 66…  ba knots… 66… ba knots…

Bây giờ chiếc 66 như mù mắt cho nên phải dùng tai là thủy âm định vị thụ động để đi đến mục tiêu đã định. Tới lúc này Toàn và Thiện mới đoán ra ý định của hạm trưởng. Ông ta đã lợi dụng ưu điểm của chiếc tàu ngầm lớp Oyashio do Nhật Bản đóng. Đó là sức lặn sâu của loại tàu ngầm này có thể lên tới mức tối đa 650 mét, một độ sâu mà chỉ có tàu lặn nguyên tử mới đạt được. Nằm ở độ sâu 550 mét, chiếc 66 sẽ không sợ bị tìm ra bởi các tàu ngầm thông thường chạy bằng dầu-điện bình. Ngay cả loại tàu ngầm nguyên tử cũng khó mà tìm ra vị trí của nó được. Hải quân Trung Cộng chỉ có chừng chục chiếc tàu ngầm nguyên tử cũ, mới và cũng ít khi xuất hiện ở Biển Đông để tham gia vào các vụ tranh chấp với các nước láng giềng yếu kém về lực lượng tàu chiến như Việt Nam và Phi. Ngay cả tàu ngầm Kilo lớp 636MV mới nhất của Nga cũng chỉ lặn sâu được 300 mét. Hải quân Trung Cộng chỉ có vài chiếc Kilo cũ xưa mà mức lặn sâu cũng không quá 300 mét. Biết được điều đó Toàn vững lòng chỉ huy chiếc Hải Mã đi tới vị trí mà anh đoán sẽ hội ngộ với Sơn Đông ở đâu thì anh chưa biết.

– Hai ông đoán mình sẽ gặp nó ở đâu?

Chương lên tiếng hỏi vị hạm phó và vị sĩ quan C4 của mình. Cả hai được mọi người nể nang nhờ kiến thức chuyên môn và thâm niên quân vụ. Liếc nhanh Toàn, Thiện cười trả lời.

– Hi vọng mình sẽ đụng đầu nó tại đây…

Thiện chỉ vào tọa độ bắc vĩ tuyến 10°31′09″, đông kinh tuyến 114°19′11″ trên bản đồ. Mỉm cười Chương nói với vị hạm phó của mình.

– Vì ông nói đúng điểm hẹn của mình với chiếc Sơn Đông nên tôi để cho ông cái vinh dự bấm nút thủy lôi…

– Cám ơn hạm trưởng… Tôi sẽ lo vụ này…

Dứt lời Thiện nhanh nhẹn chỉ huy nhân viên các cấp chuẩn bị. Toàn ra lệnh cho hệ thống thủy âm định vị thụ động hoạt động tối đa để tìm ra đường đi của chiếc Sơn Đông. Thâm và nhân viên của ban vũ khí bận rộn sửa soạn. Thủy lôi mà chiếc 66 được trang bị là loại thủy lôi ” wake homing ”, tức loại thủy lôi được trang bị hệ thống tự động bắt tín hiệu và dò tìm mục tiêu ngoài ra còn nhận chịu sự điều khiển và kiểm soát bởi hệ thống điện toán của tàu. Có thể nói với hệ thống điều khiển vũ khí tự động này, sau khi ” target lock ” thì xạ thủ chỉ còn ngồi chờ xem kết quả. Không khí trong phòng như đông đặc lại vì cái lạnh của nước biển và cái lạnh của sự hồi hộp lẫn lo âu. Phần Chương giao khoán cho vị hạm phó chuyện khai hỏa cũng có lý do riêng. Anh biết sau khi bắn thủy lôi thời anh phải chạy trốn tàu địch. Các chiến hạm nổi và không biết bao nhiêu tàu ngầm của địch sẽ săn đuổi cho tới khi nào bắn gục được chiếc 66 để trả thù. Muốn sống sót anh phải chạy nhanh, chạy xa, chạy chỗ nào mà địch không thể tìm ra, không thể nghĩ tới. Trong trí của vị hạm trưởng hiện lên câu nói ” You do what no one can do… You think what no one can think… ” ( Làm cái gì mà người khác không thể làmNghĩ điều gì mà người khác không thể nghĩ ). Mấy tiếng ” run silent, run deep, run fast…” ( lặn sâu, chạy êm, chạy nhanh ) vang vang trong đầu anh. Theo sách vở thời chiếc 66 có sức lặn tối đa 650 mét. Nếu biết lợi dụng ưu điểm của nó anh có hi vọng lại gần chiếc Sơn Đông để phóng thủy lôi đánh chìm mà vẫn có may mắn chạy trốn khỏi sự săn tìm của tàu nổi và tàu ngầm của địch.

– 66… Mục tiêu 17 hải lý…

Lệnh của Thiện vang gọn trong phòng chỉ huy. Trung sĩ Thắm, hạ sĩ quan vũ khí hỏi.

– Mình bắn chưa hạm phó?

Liếc nhanh cấp chỉ huy đang ngồi trầm ngâm, Thiện lắc đầu.

– Chưa… Mình lại gần hơn… càng gần càng tốt…

Chương gật gù như đồng ý với Thiện. Đang ở độ sâu 550 mét mà bắn với khoảng cách 17 hải lý thì xa quá. Thủy lôi đi với vận tốc 65 knots một giờ, do đó phải mất chừng mấy phút nó mới chạm mục tiêu. Mấy phút quá đủ thời giờ cho địch khám phá ra thủy lôi để phóng ” decoy ” lừa thủy lôi hoặc dùng thủy lôi bắn nổ thủy lôi của họ. Phải bắn với khoảng cách ngắn nhất để địch không kịp đỡ dù biết sau khi bắn khó khăn lắm mới trốn chạy được.

– 11 hải lý…

Tàu giảm tốc độ còn 3 knots cũng như hệ thống thủy âm định vị chủ động và MOAS đều ngừng hoạt động. Bây giờ tàu chỉ còn trông cậy vào hệ thống thủy âm định vị thụ động, tức là lắng nghe tiếng ồn của tàu địch phát ra để tìm kiếm mục tiêu mà nó muốn bắn. Điều khó khăn mà vị hạm trưởng cũng như các sĩ quan chỉ huy phải giải quyết, chiếc nào là chiếc hàng không mẫu hạm Sơn Đông trong số tàu chiến đang ở trên đầu của họ. Nằm dưới độ sâu 550 mét họ như mù không thấy gì hết nên chỉ còn trông cậy vào lỗ tai của mình là giàn máy thủy âm định vị thụ động để xác định mục tiêu. Không thể xác định mục tiêu thì không thể phóng thủy lôi được.

– Nó đây rồi…

Thượng sĩ Đan la lên tiếng mừng rỡ sau một hồi nghe ngóng. Thiện, Toàn, Thâm và luôn cả Chương đều dán mắt vào màn hình lớn của máy thủy âm định vị thụ động với từng đợi sóng âm thanh hiện lên cùng lúc với tai của họ nghe được tiếng ồn của chân vịt quậy trong nước. Chân vịt của loại hàng không mẫu hạm khác với chân vịt của các loại tàu chiến khác, do đó tiếng ồn của nó cũng đặc biệt và khác hẵn. Đeo ống nghe vào tai giây lát rồi Chương mới nói trong tiếng cười vui mừng.

– Đúng nó rồi…

Được sự xác nhận của hạm trưởng, Thiện vội vàng ra lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị. Tiếng nói của thượng sĩ Đan vang lên.

– 8 hải lý…

Nhiệt độ trong tàu như nóng lên làm cho ai ai cũng đổ mồ hôi mặc dù ở bên ngoài nước biển lạnh gần tới 0 độ C và máy điều hòa không khí trong tàu đang chạy rì rì. Có tiếng người nào đó thở khò khè vì hô hấp khó khăn hoặc thì thào như thiếu hơi mòn sức.

– 6 hải lý…

Hàng chục cặp mắt đổ dồn vào hạm phó lúc đó đang thọc tay vào túi quần như không muốn cho ai thấy lòng bàn tay mình tươm mồ hôi và run run vì bị kích thích với hồi hộp và lo âu.

– 4 hải lý…

– 2 hải lý…

Số 2 vang nghèn nghẹn rồi giọng nói chầm chậm đều đặn đếm.

– 1 hải lý 8… 7… 6… 5… 4… 3… 2… 1… 0… 1 hải lý…

Trong lúc tiếng đếm đều đặn vang lên thì trung uý Thâm, Toàn và Thiện nhìn đăm đăm vào màn ảnh của hệ thống khai hoả và điều khiển thuỷ lôi có ba cái nút màu đỏ. Ba tiếng ” một hải lý ” vừa vang lên, giọng của vị hạm phó chiếc 66 bật ra liền.

– Thủy lôi 1… 2… 3… bắn…

Phụ trách giàn thủy lôi 1, trung sĩ Én tự tay bấm nút. Ba trái thuỷ lôi mang đầu đạn nặng 270 kí lô vọt ra. Được nạp đạn bằng hệ thống tự động nên một phút sau chiếc 66 lại phóng ra thêm ba trái thủy lôi mỗi trái nặng ba trăm ký lô. Thủy thủ đoàn ở phòng chỉ huy đều thấy rõ sáu trái ” wired guide ” thủy lôi dưới sự điều khiển của hệ thống điện toán của tàu rẽ nước lao  tới mục tiêu.

– 10… 9… 8… 7… 6… 5… 4… 3… 2… 1… Nổ…

Ở xa một hải lý và nằm dưới độ sâu 550 mét mà chiếc 66 còn bị sức nổ làm rung rinh và vách tàu kêu răng rắc. Còn đang điếc con ráy vì tiếng nổ liên tục, hạ sĩ Nhường nghe giọng của hạm trưởng vang gấp gáp bên tai của mình.

– 66 lặn… sáu trăm… 66… lặn… sáu không không…

Không giống như hai lần trước khi bắn chiếc quân vận hạm 885 và giàn khoan dầu Hải Dương 981, lần này chiếc Hải Mã không có thời giờ để nhìn thấy kết quả việc mình làm. Nó phải chạy nhanh, chạy liền không chậm trễ giây đồng hồ nào. Máy đo độ sâu hiện nhanh những con số 560, 570, 580, 590 và cuối cùng dừng lại ở con số 600. Hồi nãy lo chạy chết nên thủy thủ đoàn hầu như quên đi sức ép của nước. Bây giờ tàu bình quân ở sáu trăm mét họ mới cảm thấy khó chịu, tức ngực và lùng bùng lỗ tai vì áp lực mạnh khủng khiếp của nước. Vách tàu như cong phình ra làm cho lòng tàu hẹp lại. Bù long, vít, ốc, tán, mối hàn bắt đầu rỉ nước. Tiếng la, hét, gọi nhau ơi ới tạo nên khung cảnh mà thủy thủ đoàn chưa từng thấy. Đứng tại ” Ship control station ” hay là khu vực điều khiển mọi hoạt động của tàu, Chương trầm giọng của mình.

– Cơ khí trưởng báo cáo…

– Dạ… hạm trưởng… phòng máy rỉ nước… đang sửa chữa…

Những trái RGB-60 unguided depth charges phóng ra từ dàn RBU-6000 của chiếc Sơn Đông hoặc của các chiếc khu trục và hộ tống hạm của địch nổ ì ầm, rung rinh vách sắt càng gây thêm sự lộn xộn và hốt hoảng của vài thủy thủ thiếu kinh nghiệm. Loại chất nổ chuyên chống tàu ngầm này được phóng rồi chìm xuống tới năm trăm hay ngàn mét sâu sau đó nổ ra với sức tàn phá khủng khiếp. Chẳng may mà bị trúng thời tàu sẽ vỡ ra và chìm luôn xuống đáy biển.

– Báo cáo hạm trưởng… Nước rỉ vào hầm chứa thủy lôi…

– Nước rỉ vào phòng chứa bình điện…

Một tiếng nổ long trời lở đất đẩy mọi người đang đứng ngã lăn vào nhau. Ghì chặt lấy tay vịn của tiềm vọng kính, Chương hét vào tai hạ sĩ trung sĩ nhất Biền, phụ trách hệ thống lặn của tàu.

– 66… sáu trăm hai chục… 66… sáu trăm hai chục…

Chiếc Hải Mã cắm đầu xuống sâu hơn. Liếc thấy đồng hồ chỉ 620, Chương trầm giọng.

– 66 bình quân… 66 bình quân…

Chiếc Hải Mã chậm chạp lướt đi trong lòng nước đen ngòm ì ầm tiếng nổ. Nó phải chạy nhanh, lặn êm và lặn sâu thời mới có cơ hội sống sót với máy bay trực thăng dò tìm, với khu trục hạm săn đuổi và hộ tống hạm truy diệt tàu ngầm bằng hỏa tiển, thủy lôi và luôn cả bộc phá chìm sâu năm bảy trăm hay ngàn mét mới nổ ra với toàn thể sức công phá. Thật lâu, không ai biết bao lâu, mọi người mới thở hơi dài nhẹ nhỏm khi thỉnh thoảng mới nghe tiếng nổ ì ầm xa xa rồi lệnh của hạm trưởng vang lên.

– 66… năm trăm năm chục… 66… năm trăm năm chục…

Lát sau chiếc 66 bình quân ở độ sâu 550 mét. Thở khì sau khi nguy hiểm đã qua, hạ sĩ Nhường cười toe toét.

– Ở 550 mà sao tôi nghe phẻ re hạm trưởng… Hồi nãy ở 620 chút xíu nữa tôi tè rồi…

Bật lên tiếng cười nhỏ Chương đùa một câu.

– Thế à… Em phải tè vài lần thời mới quen được…

Thuỷ thủ trong tàu bật cười hăng hắc khi nghe hạm trưởng cười đùa ở dưới đáy biển. Nhìn vị hạm phó của mình, Chương nhẹ thốt.

– Tới phiên ông… Tôi đi kiếm ly cà phê uống cho tỉnh…

 

Trang 3

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 2: Tất cả cho Hoàng-Trường Sa

  1. Cách đây cũng lâu, tình cờ vào trang này và đã đọc được hết quyển 2 của truyện dài này. Đang mong chờ quyển 3 và quyển 4 🙂

Comments are closed.