GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

GIẤC MỘNG VIỆT-NAM.

Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn 

Tập 7

Đặt chân lên Lục Tỉnh

 

33.

Hai người đàn ông thong thả đi dạo trên bãi biển nằm trong bộ tư lệnh hải quân. Cả hai đều mặc thường phục. Người đi bên trái là Quốc, bộ trưởng quốc phòng; còn người đi bên phải không ai khác hơn thủ tướng Việt, vị lãnh đạo cao cấp nhất của của nước Việt Nam ở Phú Quốc.

– Theo thiển ý của tôi thời đây là thời điểm thuận lợi nhất cho ta bắt đầu cuộc chiến tranh lật đổ cộng sản Việt Nam…

Thủ tướng Việt trầm ngâm khi nghe câu nói của Quốc.

– Tôi đồng ý với anh về chuyện này tuy nhiên…

Vị thủ tướng bỏ dở câu nói ở đó. Nhìn ra mấy chiếc tàu chiến đang neo trong vịnh An Thới, sau đó ông ta mới cất giọng nhẹ và trầm.

– Có một điều khiến cho tôi do dự và băn khoăn là thái độ của ” White House ”. Tôi đã nhờ một thượng nghị sĩ quen với tôi trong Thượng Viện Hoa Kỳ ướm lời với vị Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng về cuộc chiến lật đổ cộng sản Việt Nam của ta. Họ không đồng ý…

– Tại sao họ không đồng ý thưa thủ tướng?

Nói xong Quốc quay qua cười với Việt như xin lỗi mình đã ngắt lời. Hiểu ý Việt cười lên tiếng.

– Họ nói là họ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh dù chỉ là cuộc chiến tranh cục bộ giữa ta với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Họ còn nói thêm cuộc chiến tranh giữa ta với cộng sản Việt Nam có nguy cơ lôi kéo thêm nhiều nước khác vào cuộc chiến. Ngay cả chuyện ta đánh chiếm lấy Trường Sa và các hành động gây hấn với Trung Cộng cũng đã làm họ phật lòng rồi. Họ nhắn với tôi là nếu có làm chuyện gì thì nên thảo luận với họ trước chứ đừng có đặt họ trước một sự đã rồi. Anh cũng hiểu lời nhắn đó như là một cảnh cáo. Nếu họ không bằng lòng mà mình cứ làm thì họ sẽ không tiếp tục ủng hộ mình…

Quốc gật gật đầu liên tiếp mấy cái như hiểu lời của Việt. Vị thủ tướng làm thinh giây lát mới tiếp tục nói.

– Tôi cũng biết nếu muốn giữ vững Trường Sa ta phải khai mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn nhưng…

– Thưa thủ tướng… Nếu mình không chiếm lấy Hậu Giang ngay lúc này để làm bàn đạp tiến công Sài Gòn và vùng cao nguyên với miền duyên hải Trung Phần thời quân lực ta không đủ sức giữ Trường Sa. Khi Trường Sa lọt vào tay Trung Cộng lần nữa thì không những Côn Đảo mà cả Phú Quốc cũng bị đe dọa. Muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Cộng về ba mặt quân sự, kinh tế và chính trị là ta phải bóp cổ họ bằng cách kiểm soát đường chuyên chở tiếp liệu của họ. Đó cũng là lý do họ nhất định phải mở một cuộc hải chiến với ta để tái chiếm Trường Sa…

Thủ tướng Việt quay qua nhìn vị bộ trưởng quốc phòng của mình, người được coi như thân cận và tín nhiệm nhất của ông trong số các vị bộ trưởng. Dù tuổi đời khác nhau gần 20 năm, ông luôn luôn đãi ngộ Quốc như một người bạn vong niên hơn là một nhân viên trong nội các của mình.

– Theo ước tính của Phòng Nghiên Cứu Chiến Thuật và Chiến Lược cũng như tin tình báo tổng hợp từ các cơ quan tình báo của ta thời Trung Cộng có thể khai mở cuộc hải chiến sớm vào cuối năm 2041 và trễ vào giữa năm 2042…

– Thế à… Tôi tưởng… Cách đây ba tháng tôi có đọc báo cáo của anh nói là tới năm 2044 hoặc 2045 mà…

Quốc cười nhẹ.

– Thưa thủ tướng… Tình hình thay đổi lẹ lắm… Mất Trường Sa, Trung Cộng mất đi nguồn tiếp liệu khá lớn cho nền kinh tế của họ. Dù mình vẫn để yên con đường xuất nhập cảng song họ cũng hiểu là nó có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào. Điều đó chẳng khác gì đặt họ ngồi trên lò lửa. Ngoài ra họ còn mất đi cái thế chiến lược biển để đe dọa Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Triều Tiên cũng như Nam Dương và Mã Lai Á. Làm chủ Trường Sa đồng nghĩa với kiểm soát hải lộ biển Đông, tuyến đường biển quan trọng nhất ở Á Châu nếu không muốn nói là thế giới…

Gục gặt đầu thủ tướng Việt hắng giọng.

– Nếu tòa nhà trắng không đồng ý với mình về việc chiếm lại Sài Gòn thì họ sẽ không ủng hộ mình nếu chiến tranh lan rộng. Tôi giả sử như Trung Cộng xua quân đánh miền bắc…

– Lý do nào khiến cho thủ tướng nghĩ Trung Cộng đánh chiếm miền bắc Việt Nam nếu ta khai mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn?

Hỏi xong Quốc thấy sếp của mình nhíu mày sau đó mỉm cười tằng hắng tiếng nhỏ rồi nhỏ nhe lên tiếng.

– Họ nghĩ sau khi chiếm Sài Gòn, ta sẽ đi xa hơn bước nữa để đánh lấy Hà Nội. Họ không muốn Việt Nam trở thành một nước tự do và dân chủ. Nói trắng ra họ không muốn Việt Nam nằm trong quỷ đạo của Hoa Kỳ. Họ bằng lòng với hiện trạng của Việt Nam bây giờ hơn là một nước Việt Nam dưới chính thể tự do và dân chủ do ta đề xướng. Việt Nam mà trở thành một nước tự do dân chủ đồng nghĩa là thân Hoa Kỳ, mà thân Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa là Hoa Kỳ có thể đặt các căn cứ quân sự ở miền bắc. Họ không thích và không thể chịu cho Hoa Kỳ đặt các giàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử chỉa vào đất của họ. Đó cũng là lý do rất chính đáng và cần thiết để họ xua quân chiếm miền bắc trước khi ta cất quân ra giải phóng Hà Nội…

Quốc gật đầu mấy cái liên tiếp rồi sau đó mới lên tiếng. Giọng của anh hơi cao lên như muốn nhấn mạnh những gì mình sẽ nói ra.

– Trước khi gặp thủ tướng, tôi đã bàn soạn với các vị tư lệnh và giám đốc của hai cơ quan tình báo và nghiên cứu chiến lược của bộ quốc phòng. Bính cũng đã đưa ra ý kiến về chuyện Trung Cộng có thể xua quân đánh chiếm lấy miền bắc nước ta trước khi quân lực ta cất quân ra Hà Nội. Theo tôi nghĩ điều đó có lợi cho ta nhiều hơn có hại. Nếu Trung Cộng chiếm miền bắc thời họ đã sa vào cái thế đi xâm lược nước khác. Từ đó ta có thể phát động một cuộc chiến tranh chống xâm lăng trên toàn thể nước Việt Nam. Chống xâm lăng thời ta sẽ được hậu thuẫn của trăm triệu người Việt trong cũng như ngoài nước. Thủ tướng cũng biết…

Quốc ngừng lời khi thấy thủ tướng Việt gật đầu tỏ vẻ hiểu lời mình nói. Quay qua cười ông ta đùa một câu.

– Coi bộ anh và các ông tướng nhất định phải khai mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn hả?

Quốc bật lên tiếng cười như nhìn nhận.

– Mình phải mất bao lâu mới chiếm được lục tỉnh?

Quốc giơ ba ngón tay lên trong lúc nói.

– Ba tháng… Còn nói cho chắc ăn thời từ ba tới sáu tháng… Tôi cùng với các người có liên hệ trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn đã phác họa xong xuôi từng chi tiết cho chiến dịch rồi thưa thủ tướng. So về quân số thời ta với địch tương đương nhau. So về vũ khí thời cũng bằng nhau. Nếu ta có hơn họ thời cũng không bao nhiêu. Tuy nhiên ta có hai ưu điểm mà họ không có. Ưu điểm đầu tiên là sự bất ngờ. Ta chuẩn bị chu đáo trong lúc họ lơ là với việc đánh nhau. Thứ nhì là ta sẽ được lòng dân hơn họ. Bao năm nay sống dưới chế độ cộng sản độc tài đảng trị, dân họ chán lắm rồi. Tham nhũng, thối nát, sự nghèo khổ và cơ cực khiến cho họ muốn có sự thay đổi. Ta đến đúng thời điểm mà lòng dân ao ước do đó họ sẽ ủng hộ ta. Có được lòng dân là ta sẽ thắng…

– Sau khi lấy xong lục tỉnh rồi thời bao lâu anh sẽ khai mở giai đoạn 2 của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn…

Quốc trả lời với giọng chắc nịch trước câu hỏi của thủ tướng Việt.

– Từ một năm cho tới hai năm… Nếu mình khai mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn Giai Đoạn 1 ngày 1 tháng 1 năm 2039…

Tới phiên thủ tướng Việt bật lên tiếng cười kèm theo câu nói đùa.

– Tôi coi bộ anh mới là người muốn giải phóng Sài Gòn hơn ai hết. Bởi vậy anh đã ấn định ngày rồi…

Quốc cười hắc hắc. Ít nhiều gì anh cũng cảm thấy thủ tướng Việt sẽ chấp thuận cho mình khai mở cuộc đánh chiếm lục tỉnh.

– Trước khi chấp thuận cho anh khai mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn, tôi muốn biết chi tiết của nó…

Quốc gật đầu liền.

– Sáng mai tôi sẽ cầm tay bản phác họa chiến dịch đưa cho thủ tướng… Tôi xin thủ tướng ban lệnh càng sớm càng tốt vì mình chỉ còn không đầy hai tháng là tới tết dương lịch…

– Tôi hiểu… Như vậy thì anh cứ bảo các ông tướng sẵn sàng đi…

Quốc tươi nét mặt vì hiểu câu nói đó như một sự chấp thuận ngầm.

*****

Căn phòng họp của bộ quốc phòng đông người ngồi vây quanh chiếc bàn hình chữ nhật dài và rộng. Dĩ nhiên có sự hiện diện của  đề đốc Kiếm tư lệnh hải quân; tướng hai sao Hãn, tư lệnh bộ binh; thiếu tướng Điền, tư lệnh không quân và hai vị giám đốc là Su với Bính. Đợi cho người tùy phái đóng cửa phòng lại, Quốc mới hắng giọng.

– Ngày hôm qua tôi có họp với thủ tướng Việt về chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn…

Quốc nhận thấy ba ông tướng đều có thái độ liền khi nghe dứt câu. Vị tư lệnh không quân sửa lại dáng ngồi, trong lúc đề đốc Kiếm tươi nét mặt, còn tướng Hãn tỏ vẻ vui mừng.

– Ông ta bảo tôi đưa cho ổng coi bản thảo của chiến dịch xong sẽ trả lời. Dù chưa chính thức chấp thuận, ông ta cũng đã ra lịnh cho tôi sẵn sàng. Hể ổng bật đèn xanh là mình lập tức bắt đầu. Tôi có nói với ổng là tôi chọn ngày 1-1-2039 là ngày đầu của chiến dịch…

– Vậy là mình còn non hai tháng để chuẩn bị…

Điền lên tiếng trước nhất. Hãn gật đầu phụ họa. Đề đốc Kiếm cất giọng trầm và chậm.

– Tôi nghĩ ông chọn ngày tết dương lịch là ngày đầu thời thích hợp nhất. Họ sẽ bị bất ngờ…

Quốc gật đầu cười.

– Chúng ta phải đặt địch vào cái thế bất ngờ nhất. Không có ai trong các nước đồng minh, kể cả Hoa Kỳ biết trước giai đoạn 1 của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. ” White House ” không đồng ý với mình về cuộc chiến tranh lật đổ cộng sản Việt Nam. Vì vậy mình cứ im lặng làm. Tôi muốn nói là mình đặt họ trước một sự đã rồi. Lúc đó dù muốn hay không muốn họ cũng phải chọn lựa một thái độ: ủng hộ mình hay đứng trung lập…

Bính ứng tiếng.

– Tôi đồng ý với chuyện giữ bí mật ngày giờ và địa điểm đổ bộ lên hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cho tới giờ phút cuối…

34.

5-1-2039.

Ngồi im trên chiếc ghế da đặt trong phòng làm việc của mình, Thúy Nhi nhìn ra khung cửa kính thật rộng. Trời xanh ngắt. Bóng những con chim biển xoải cánh bay. Giơ tay lên xem đồng hồ thấy 4 rưởi chiều, cô thở dài buồn bã. Một tuần làm việc đã hết. Hai ngày cuối tuần cũng phải tới. Nhân viên trong sở lăng xăng cố làm cho xong việc để được rảnh rang với gia đình trong hai ngày cuối tuần. Riêng cô lại thờ ơ với công việc của mình. Dường như trong lòng có sự trống vắng hình thành từ chút nhớ nhung, mỏi mòn chờ đợi một người đi xa chưa về. Ông lính tàu ngầm bỏ cô đi mất biệt không có tăm hơi. Gọi điện thoại mấy lần thời điện thoại lần nào cũng câm. Cuối cùng vừa buồn vừa tức cô hỏi thăm Yến Vi. Câu trả lời rất mơ hồ ” Chương đi ra bắc… Bắc là ở đâu vậy chị? Đâu đó ngoài Hoàng Sa…”. Riết rồi cô cũng nín câm hổng thèm hỏi ai hết mà âm thầm chịu đựng nỗi nhớ đang quậy trong lòng mình.

Dù nghe tiếng giày cao gót gõ trên sàn trong phòng làm việc của mình song Thúy Nhi cũng không có cử động nào mà chỉ lên tiếng gọn.

– Nhàn hả?

– Dạ… Gần 5 giờ rồi… Chị không về sớm bữa nay hả chị?

– Chắc không… Về nhà cũng chẳng làm gì hết… Chị ngủ ở trên ghế này luôn…

Nhàn bật lên cười vì câu nói đùa của cô chủ.

– Có chuyện gì không Nhàn?

– Dạ… Em đem báo vào cho chị đọc…

– Chị hổng muốn đọc báo hôm nay…

– Em nghĩ chị nên đọc báo hôm nay. Có nhiều tin tức mới lắm… Chị có nghe radio chưa?

Thúy Nhi hỏi với giọng thờ ơ. Mắt của cô vẫn nhìn ra ngoài trời như theo dõi bóng chim biển mù xa.

– Chưa… Có tin gì?

– Dạ tin lính của chính phủ mình đánh vào Rạch Giá. Tivi và radio nói suốt mấy ngày nay về tin đó… Tàu hải quân đã chạy vào cửa Cỗ Chiên của sông Hậu nữa chị…

Câu nói cuối cùng của Nhàn đánh động sự tò mò khiến Thúy Nhi xoay chiếc ghế lại. Nhàn mỉm cười khi thấy cô chủ nằm lọt thỏm trong lòng chiếc ghế ghế da rộng. Sớt tờ báo trong tay Nhàn, Thúy Nhi đưa lên như muốn che giấu sự mắc cỡ của mình khi biết nụ cười của nhân viên có ý nghĩa gì. Không nói thêm lời nào Nhàn lui ra và khép cửa lại. Xoay chiếc ghế về lại vị trí cũ, mắt Thúy Nhi đóng đinh vào cái tít lớn nhất ” Chiến dịch HẸN NHAU Ở SÀI GÒN hay là CUỘC CHIẾN TRANH LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM BẮT ĐẦU ” nơi trang 1 của tờ nhật trình tên Cây Dừa Nhật Báo có số lượng độc giả đông nhất Phú Quốc đảo. Cái tít nóng hổi đó khiến cho Thúy Nhi, nằm lọt vào lòng ghế da chăm chú đọc một mạch bản tường thuật rất chi tiết về cuộc tiến công của Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc vào hai tỉnh Rạch Giá và Cà Mau để làm điểm tựa từ đó phóng ra các đơn vị chủ lực đánh chiếm vùng Hậu Giang, vựa lúa của miền nam trù phú và đông đúc dân cư. Mơ màng nhớ tới ông lính tàu ngầm của mình, nàng lẩm bẩm: ” Hổng biết Chương Điên có tham dự hông…? ”. Vừa lẩm bẩm nàng vừa đọc thật chậm bản tường thuật của người phóng viên chiến trường tên Mang Khôi. Bản tường thuật rất dài và rất chi tiết, kể lại từ ngày đầu của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn.

*****

15-12-2038

VNN22 ” snort ” sau khi rời khỏi căn cứ tàu ngầm ở Phú Quốc. Bảy người đứng vây quanh chiếc bàn hành quân được đặt trong phòng chỉ huy. Chỉ có một người mặc quân phục hải quân còn bao nhiêu đều mặc thường phục. Người mặc quân phục hải quân chính là thiếu tá Vũ Ngự Bình, hạm trưởng tiềm thủy đỉnh VNN22. Sáu người mặc thường phục là lính thám báo trực thuộc phòng quân báo của bộ tư lệnh bộ binh. Trọng trách của họ là bí mật đổ bộ lên bờ rồi sau đó tiếp xúc với nhân viên quân báo nằm vùng để thu thập tin tức về hoạt động cũng như căn cứ của bộ chỉ huy trung đoàn 20 bộ binh trực thuộc sư đoàn 330 đang đóng ở Hà Tiên. Ngoài ra họ cũng cần tìm hiểu thêm về hoạt động của các đơn vị trực thuộc sư đoàn 4 bộ binh của địch có bộ tư lệnh tại xã Bình Sơn huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang.

Trên mặt bàn mở ra tấm bản đồ vùng ven biển của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau từ thị trấn Hà Tiên trải dài tới vùng Năm Căn-Đầm Dơi. Đưa tay chỉ vào một vị trí có mũi tên màu đỏ, thiếu tá Bình nói với đại úy Truyền, trưởng toán thám báo.

– Tôi sẽ thả đại úy và toán thám báo lên chỗ này. Xuồng cao su sẽ chở ông vào sát bờ…

– Hạm trưởng biết an ninh của bãi biển mà tôi sẽ đổ bộ lên xấu hay tốt?

Đại úy Truyền lên tiếng hỏi. Mỉm cười, thiếu tá Bình hơi thấp giọng của mình xuống.

– Trên bờ thì tôi không biết rõ lắm. Riêng về an ninh bãi đổ bộ thì khá tốt. Trung úy Châu chắc rành hơn tôi về an ninh trên đất liền….

Gật đầu đại úy Truyền quay qua nhìn trung úy Châu, vị sĩ quan quân báo. Hiểu ý Châu lên tiếng liền.

– Tôi đã bắt liên lạc với người của mình rồi. Họ hẹn 01:00 giờ…

Châu là sĩ quan quân báo của bộ binh được tháp tùng theo toán thám báo với nhiệm vụ bắt liên lạc với tổ tình báo mà phòng quân báo của bộ binh đã bí mật cài vào trong dân chúng nằm rải rác ở Hà Tiên, Kiên Lương và thị xã Rạch Giá. Nhân viên của một trong nhiều tổ tình báo nằm vùng này sẽ đón họ, cung cấp tin tức đồng thời lãnh nhiệm vụ làm liên lạc viên hướng dẫn họ thu thập mọi hoạt động của địch trước khi cuộc đổ bộ bắt đầu.

Đưa tay lên Bình nói lớn với Truyền và toán thám báo năm người.

– Bây giờ là 23:55 giờ. Mấy ông lấy giờ cho đúng với giờ của tôi đi… Đúng 00:00 giờ ngày mai  tôi sẽ liên lạc với mấy ông để trao chỉ thị mới từ bộ tư lệnh…

Đèn xanh bật cháy cùng với tiếng còi hụ vang vang báo hiệu tàu đã vào sâu trong bờ tới mức có thể vào được. Toán thám báo sáu người lần lượt leo lên cầu thang. Hai chiếc xuồng cao su được thả xuống nước. Mỗi xuồng chở ba người lính thám báo với hai thủy thủ tàu ngầm, một cầm lái còn một thủ khẩu đại liên đặt trước mũi. Hai chiếc ca nô khuất dạng trong bóng đêm. Chừng mười lăm phút sau thủy thủ trên tàu ngầm nghe tiếng nổ rì rầm rồi ánh đèn hai chớp một tắt và một chớp bật lên. Hai chiếc ca nô hiện ra trong bóng tối thâm u. Thuyền cao su được kéo lên tàu. Còi hụ vang nhỏ. Chiếc 22 từ từ chìm xuống nước…”

Thúy Nhi cựa mình khi đọc hết phần đầu của bài tường thuật. Nhìn ra khoảng trời xanh ngắt nàng mơ hồ nghe được tiếng sóng vỗ bờ rì rầm như lời thì thầm của Chương bên tai mình lần gặp gỡ sau cùng cách đây mấy tháng. Mới đây thôi mà nàng tưởng chừng lâu lắm. Thở hắt hơi dài nàng cúi xuống đọc tiếp bản tường thuật còn thật dài…

*****

16-12-2038.

Bất cứ người lính bộ binh nào của Quân Lực Việt Nam đều biết Trại Đống Đa nằm dưới chân núi Chùa ở Phú Quốc bởi vì căn cứ này chính là bộ tư lệnh của bộ binh dưới quyền chỉ huy của vị tướng hai sao Trần N. Hãn. Ngoài ra nó còn là bộ tư lệnh của 6 sư đoàn tác chiến mang số 1, 2, 3, 4, 5 và 6. Mỗi sư đoàn với quân số mười ngàn, có 3 chiến đoàn xung kích và một chiến đoàn tác chiến điện tử gồm 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn chiến xa, 1 đại đội hỏa tiễn và 2 đại đội tác chiến điện tử có nhiệm vụ phụ trách và điều hành hệ thống truyền tin, liên lạc và tình báo của đơn vị.

Căn phòng họp của bộ tư lệnh bộ binh có hơn chục người đang ngồi bàn luận với nhau. Họ; gồm 6 vị tư lệnh của 6 sư đoàn cùng các trưởng phòng 2, 3 và 4, thêm tư lệnh phó và tham mưu trưởng; tổng cộng thành 11 người. Tất cả đều đứng lên nghiêm chào vị tư lệnh của họ khi ông ta bước vào. Giơ tay chào thiếu tướng Hãn mỉm cười hắng giọng.

– Xin chào tất cả anh em. Tôi vừa xong buổi họp với hai vị tư lệnh cùng các yếu nhân trong bộ quốc phòng về một chiến dịch mới để yểm trợ cho chiến dịch Hoàng Sa Giai Đoạn 4…

Nói tới đó vị tư lệnh bộ binh ngừng lại nhìn mọi người đoạn hắng giọng tiếp.

– Trong chiến dịch mới này không quân và bộ binh sẽ giữ vai trò chánh mà hải quân chỉ giữ phần yểm trợ thôi. Đó là chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn…

Mọi người ở trong phòng đều tươi nét mặt khi nghe tướng Nam nhấn mạnh năm tiếng Hẹn Nhau Ở Sài Gòn.

– Trên phương diện chiến thuật và chiến lược, chiến dịch này rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự của nước Việt Nam chúng ta. Sự thành công của chiến dịch này sẽ truyền bá rộng rãi tinh thần dân chủ và tự do của nước ta lên khắp ba miền nam trung bắc của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để từ đó bộc phát ra cao trào chống đối của dân chúng đối với đảng cộng sản và giới cầm quyền ở Hà Nội. Chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, ta sẽ đánh chiếm vùng lục tỉnh từ phía bên này con sông Tiền dài xuống Vịnh Thái Lan bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Rạch Giá. Giai đoạn 2 bắt đầu được phát động vào năm 2041. Sau thời gian chỉnh đốn lại mọi việc ta sẽ xuất quân giải phóng Sài Gòn và các tỉnh của miền đông nam phần và cao nguyên như Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Gia Định, Phan Thiết, Phan Rang, Tuy Hòa, Khánh Hòa, Tuyên Đức, Ban Mê Thuột, Pleiku và Kontum. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu năm 2043 với việc giải phóng miền trung dài ra tới vĩ tuyến 17 tức là tới sông Bến Hải, ranh giới cũ của hai miền nam bắc ngày xưa. Sở dĩ ta phải mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn song song với chiến dịch Trường Sa Giai Đoạn 4 vì cả hai chiến dịch có liên hệ mật thiết với nhau. Theo ước tính của bộ quốc phòng, bộ tham mưu liên quân và bộ tư lệnh hải quân thời sớm muộn gì Trung Cộng cũng sẽ mở cuộc chiến tranh trên biển với ta để tái chiếm lại Trường Sa. Đây là vùng biển có rất nhiều dầu hỏa và khí đốt, thứ nhiên liệu rất cần cho nền kinh tế đang lên của họ. Cuộc đụng độ lần này sẽ khốc liệt và to lớn hơn vì không những họ sẽ sử dụng hạm đội Nam Hải mà có thể cả Đông Hải và Bắc Hải nữa. So về số lượng tàu chiến thì ta không bằng họ. Đó là yếu điểm của ta. Tuy nhiên họ cũng có nhược điểm là phải vượt đoạn đường dài bảy trăm hải lý mới tới Trường Sa được. Còn nếu muốn đánh đảo Phú Quốc thì họ phải vượt hơn ngàn hải lý. Ngày xưa trong cuộc chiến chống xâm lăng đến từ phương bắc, nhà Lý và nhà Trần đã sử dụng cách thức triệt đường lương thảo của địch khiến cho chúng phải rút lui. Hôm nay muốn đánh bại Trung Cộng, chúng ta cũng sẽ noi theo cách của người xưa là triệt con đường tiếp vận của họ bằng cách đánh chìm đoàn tàu tiếp tế nhiên liệu, đạn dược và lương thực cho binh sĩ. Mở chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn kiểm soát được vùng Hậu Giang thì ta sẽ có đủ nhân lực vật lực cũng như địa bàn hoạt động để xếp đặt một trận đánh trên biển với hải quân Trung Cộng theo cái ý của ta…

Ngừng lại hớp ngụm nước lạnh, hướng về sáu tư lệnh của sáu sư đoàn bộ chiến, vị tư lệnh bộ binh thong thả nói tiếp.

– Mười mấy năm qua, dưới sự làm việc cực nhọc của toàn thể quân nhân các cấp thống thuộc; chúng ta đã có trong tay sáu sư đoàn bộ chiến tinh nhuệ được trang bị vũ khí tối tân và được chỉ huy bởi các sĩ quan giàu kinh nghiệm trận mạc từng phục vụ dưới cờ của các nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada… Mười ba năm qua, chính phủ và dân chúng đã tốn tiền nuôi nấng quân lực và bây giờ tới lúc chúng ta phải làm để thực hiện giấc mơ của mọi người là đặt chân lên vùng lục tỉnh, giải phóng dân chúng đang sống nghèo đói và đang bị bóc lột bởi đảng cộng sản và các kẻ cầm quyền chỉ biết có lợi ích cá nhân và bè phái nên trở thành khiếp nhược dâng đất đai và biển đảo của tổ tiên cho kẻ xâm lăng phương bắc…

Ngừng lại giây lát, vị tư lệnh hai sao của quân lực Việt Nam trầm giọng nói.

– Bây giờ tôi mời tư lệnh phó trình bày sơ lược về giai đoạn 1 của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Anh em nào có thắc mắc cứ việc đặt câu hỏi để chúng ta cùng thảo luận. Với sự đề bạt của tôi và sự chấp thuận của ông Quốc và ông Nam, chuẩn tướng Khải sẽ là tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Tất cả sĩ quan và binh sĩ tham gia vào chiến dịch đều chịu sự chỉ huy và điều động của tướng Khải…

Bước lên bục gỗ, đứng trước tấm bản đồ hành quân, vị tướng một sao cười nhìn mọi người thay lời chào hỏi rồi thong thả cất tiếng.

– Vùng lục tỉnh là vùng trách nhiệm của quân đoàn 9 bộ binh của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có bộ tư lệnh đóng tại Cần Thơ. Quân đoàn 9 có bốn sư đoàn cột trụ là sư đoàn 4 bộ binh, bộ chỉ huy đóng ở thị trấn Hòn Đất nằm trong quận Kiên Lương. Vùng trách nhiệm của sư đoàn này là tỉnh Kiên Giang và một phần của vùng U Minh Thượng. Sư đoàn 330 có bộ chỉ huy đóng ở Chi Lăng nằm trong quận Tịnh Biên của tỉnh Châu Đốc, trông coi tỉnh An Giang gồm hai vùng Châu Đốc và Long Xuyên. Có căn cứ tại Đồng Tâm thuộc Mỹ Tho, sư đoàn 339 chịu trách nhiệm các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre và vùng Đồng Tháp Mười. Được thành lập ngày 22 tháng 10 năm 1974 và có căn cứ ở Sóc Trăng, sư đoàn 8 chịu trách nhiệm vùng Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nếu tấn công vào vùng Hậu Giang thì ta phải đương đầu với ba sư đoàn 4, 8 và 330 của địch. Các sư đoàn chủ lực này đều có thành tích nổi bật trong chiến tranh Việt Nam, đã từng đụng độ với các sư đoàn 7, 9 và 21 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Nói tóm lại, nếu chúng ta là hậu duệ của các chiến sĩ xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời binh lính của quân đoàn 9 cũng là con cháu của các người đã từng có quá khứ lẫy lừng không kém chi ta. Bởi vậy nay mai này đổ bộ lên đất liền, các anh em hãy làm sao cho xứng mặt hùng anh của con cháu cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa…

Một giọng nói sang sảng vang lên ngắt lời của vị tư lệnh chiến dịch. Mọi người đều biết giọng nói đó chính là của đại tá Thành, tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh, đơn vị kỳ cựu nhất của Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc. Lính là phải ăn to nói lớn. Nếu điều đó đúng thì vị tư lệnh sư đoàn 1 đúng là người lính nói lớn nhất. Đứng trước hàng quân mấy ngàn người mà giọng của ông ta sang sảng, vọng vang còn hơn được phát ra xuyên qua máy khuếch đại âm thanh có công xuất ngàn ” watt ”. Sử ghi vua Quang Trung ngày xưa có giọng nói sang sảng như chuông đồng, thì nay đại tá Thành cũng có giọng nói tương tự như vậy.

– Tôi khoái đụng với các đơn vị nổi tiếng như vậy. Địch quân càng thiện chiến mà mình đánh bại được họ thì điều đó mới chứng tỏ thực tài của mình…

Mọi người gật gù đồng ý về lời luận giải chí lý của đại tá Thành. Khẽ gật đầu, Khải lên tiếng tiếp.

– Tôi và bộ tham mưu của chiến dịch, sau nhiều ngày điều nghiên đã đưa ra kế sách đại cương đánh chiếm vùng hậu giang như sau. Ba  chiến đoàn xung kích của sư đoàn 2 sẽ được tàu hải quân đổ lên các vị trí thuộc quận Kiên Lương  và thị trấn Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất, toàn thể các đơn vị chủ chốt của sư đoàn 2 sẽ chia làm hai hướng tiến quân. Hướng thứ nhất gồm chiến đoàn 1 và 2 được thủy vận dọc theo Rạch Giang Thành và kinh Vĩnh Tế tấn kích mặt tây của các đơn vị thuộc sư đoàn 330. Còn chiến đoàn 3 sẽ men theo liên tỉnh lộ nối liền Kiên Lương về Tri Tôn, Châu Đốc đánh vào các căn cứ bên mặt của sư đoàn 330. Trong khi đó chiến đoàn 1 và 2 của sư đoàn 1 sẽ đổ bộ lên thị trấn Hòn Đất để đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn 4 cùng với các đơn vị của địch đóng ở thị xã Rạch Giá. Sau khi bình định xong Rạch Giá, chiến đoàn 1 của sư đoàn 1 noi theo quốc lộ 80 đi Tân Hiệp để về Long Xuyên tấn kích vào trung đoàn 3 thuộc sư đoàn 330 của địch. Phần chiến đoàn 2 của sư đoàn 1 kiếm đường đi Giồng Riềng tới Cờ Đỏ, Thới Lai. Chiến đoàn 3 của sư đoàn 1 được đổ lên Gò Quao rồi sau đó bắt đường 61 chiếm thị trấn Vị Thanh. Ba chiến đoàn thuộc sư đoàn 3 sẽ được tàu đổ lên U Minh Hạ tấn kích vào các đơn vị thuộc sư đoàn 8 của địch xong men theo liên tỉnh lộ tới Thới Bình để yểm trợ cho  các đơn vị của sư đoàn 4. Riêng toàn bộ các đơn vị trực thuộc sư đoàn 4 sẽ lên bờ ở Sông Ông Đốc, Cái Nước, Năm Căn và Đầm Dơi rồi men theo quốc lộ 1A tiến về tỉnh lỵ Cà Mau, Bạc Liêu xong công kích vào bộ tư lệnh sư đoàn 8 đóng ở Sóc Trăng. Phần sư đoàn 5 sẽ chia làm hai cánh quân. Chiến đoàn 1 đánh Bến Tre, còn chiến đoàn 2 đánh vào Trà Vinh và chiến đoàn 3 đánh Vĩnh Long…

Vừa nói Khải vừa dùng viết vẽ những mũi tên màu đỏ chỉ đường tiến quân của các đơn vị. Mọi người cũng đã nhận ra các mũi tên chỉ đường tiến quân của họ cuối cùng đều qui về một địa điểm: Cần Thơ, bộ tư lệnh của quân đoàn 9, căn cứ cuối cùng của lực lượng địch ở vùng Hậu Giang. Dứt điểm được căn cứ này, Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc sẽ làm chủ được vùng hậu giang trù phú, đất rộng người đông cung cấp đủ nhân lực, tài lực và vật lực cho chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn.

– Trong giai đoạn 1 này, ngoài các tiểu đoàn tác chiến điện tử cơ hữu, ta sẽ được sự yểm trợ tích cực của các pháo đội thuộc binh chủng pháo binh cộng thêm hải pháo của hải quân và các phi đoàn F15 và F16, phi đoàn trực thăng võ trang và phi đoàn vận tải của không lực dùng để di chuyển quân. Riêng về kế hoạch hành quân của các sư đoàn thì tôi để cho các vị tư lệnh sư đoàn tự quyết định…

Đại tá Thiều, tư lệnh sư đoàn 6 tỏ vẻ nôn nóng khi nghe tướng Khải chẳng nói năng hay nhắc nhở gì về đơn vị của mình. Ông ta chưa kịp lên tiếng thì Khải đã nói lớn.

– Phần sư đoàn 6 thì lại có nhiệm vụ đặc biệt…

Hướng về đại tá Thiều, Khải cười nói đùa.

– Đây là nhiệm vụ bằng vàng nghe ông. Sư đoàn 6 sẽ là lực lượng trừ bị để tiếp ứng cho mặt trận nào nặng nhất và quan trọng nhất. Có thể khi hay tin vùng hậu giang bị ta tấn công, Sài Gòn sẽ gởi quân xuống tiếp viện thì lúc đó sư đoàn 6 sẽ được tung ra để ngăn chận quân tiếp viện của địch xuống từ Sài Gòn hay Mỹ Tho. Hoặc khi 5 sư đoàn kia đã nhồi cho địch mệt thì tôi sẽ tung sư đoàn 6 vào để thanh toán chiến trường…

– Tư lệnh ước lượng như thế nào về sức kháng cự của địch?

Đại tá Thành lên tiếng hỏi trước nhất. Câu hỏi của ông ta cũng chính là thắc mắc của mọi người. Vị tư lệnh chiến dịch cười cười trả lời một cách lửng lơ.

– Tôi không đánh giá họ quá cao mà cũng không đánh giá họ quá thấp. Tôi chỉ nhấn mạnh một điều là chúng ta phải thử mới biết được. Bất kỳ quân đội của bất cứ nước nào trên thế giới  cũng đều có ưu và khuyết điểm. Ở ngoài trận địa không phải có vũ khí tối tân là thắng được địch mà còn do ở ý chí quyết thắng và tài điều binh của cấp chỉ huy nữa. Kể từ khi cuộc chiến tranh với Miên và chiến tranh biên giới với Trung Cộng năm 1979, thì quân đội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chưa có đánh một trận nào. Phần ta từ năm 2026 tức là ngày tái lập quốc tới nay cũng chưa tham dự một trận đánh nào. So về kinh nghiệm thì ta với họ đều không có. Vũ khí thì có thể ta hơn họ chút đỉnh. Do đó ý chí mới là yếu tố quyết định sức kháng cự của họ cũng như quyết thắng trận của ta…

Tới phiên đại tá Đăng, tư lệnh sư đoàn 2 đặt câu hỏi liên quan tới đơn vị đối đầu với ông ta là sư đoàn 330.

– Tư lệnh có thể cho biết thêm vài chi tiết về sư đoàn 330?

Khải cười liếc nhanh đại tá Thân. Khẽ gật đầu vị tham mưu trưởng của ông ta hắng giọng.

– Sư đoàn 330 có bộ tư lệnh đóng tại thị trấn Chi Lăng thuộc quận Tịnh Biên, Châu Đốc. Sư đoàn này có ba đơn vị chủ lực là trung đoàn 1, 3 và 20. Trung đoàn 1, bộ chỉ huy cũng đóng tại căn cứ Chi Lăng. Trung đoàn 3 đóng căn cứ tại Long Xuyên. Còn trung đoàn 20 có căn cứ tại Hà Tiên. Muốn biết thêm chi tiết về các sư đoàn 4, 8 và 330 cũng như ngày giờ, cách thức và địa điểm của cuộc đổ bộ thì quí vị tư lệnh sư đoàn hãy liên lạc trực tiếp với phòng 2 và phòng 3 và bộ tư lệnh hải quân…

 

 

35.

00.00 giờ…

27-12-2039…

Ai còn thức và luôn cả những người đã đi ngủ ở đảo Phú Quốc, nhất là những người cư ngụ lân cận quanh phi trường Dương Đông đều lấy làm lạ khi nghe tiếng phản lực cơ chiến đấu gầm rú trong bầu trời đen mờ. Hơn mười năm nay họ đâu có nghe tiếng phi cơ phản lực của không lực Việt Nam ở Phú Quốc gầm rú vào ban đêm đâu.

Hai phi đoàn phản lực cơ chiến đấu F15D và F15E biến mất trong bầu trời lấm tấm sao đêm. Hai mươi lăm chiếc phản lực cơ chiến đấu dưới quyền chỉ huy của vị tư lệnh không quân, tướng hai sao Nguyễn Huy Điền có nhiệm vụ cực kỳ xung yếu trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn: phá hủy phi trường Trà Nóc, căn cứ chiến thuật của không quân nước Cộng Sản Việt Nam ở vùng Hậu Giang. Tham dự cuộc oanh kích bất ngờ này, thiếu tướng Điền chọn hai phi đoàn ưu tú nhất của không lực là Hải Âu và Ó Biển. Phi đoàn Hải Âu được chỉ huy bởi trung tá Julie Nguyễn, một người lính đặc biệt nhất của không lực nước Việt Nam. Thứ nhất Julie Nguyễn là sĩ quan đầu tiên mang cấp bực trung tá, cấp bậc cao nhất hiện nay của nữ sĩ quan không quân. Thứ nhì cô trung tá nổi danh này còn là phi công đầu tiên lái phản lực cơ chiến đấu. Thứ ba cô cũng là phi đoàn trưởng đầu tiên được đề bạt bởi tư lệnh Điền. Chưa hết, cô nữ phi đoàn trưởng này còn là thiếu nữ kiều diễm và có học thức. Với mảnh bằng cao học về quản trị hành chánh và kỹ sư hàng không, cô là một phụ tá đắc lực của vị tư lệnh không quân trong chương trình bành trướng sức mạnh của không lực Việt Nam cả về lượng và phẩm. Kế đó phi đoàn Hải Âu còn có thêm hai nữ phi công tài sắc vẹn toàn là đại úy Liz Trần, trưởng phi đội Bão Biển Đông và đại úy Kathy Lê, trưởng phi đội Mèo Đen, được lính trong phi đoàn ưu ái tặng cho biệt danh ” Cat Le ”.

Ó Biển là danh hiệu của trung tá Bùi Hiệu, phi đoàn trưởng phi đoàn Ó Biển, từng phục vụ trong không quân Hoa Kỳ với cấp bậc đại úy. Tình nguyện giải ngũ khỏi một binh chủng không quân hùng mạnh nhất thế giới hơn năm, đại úy Bùi Hiệu về Phú Quốc gặp tướng Điền. Nhìn ra khả năng tiềm tàng của một sĩ quan trẻ tuổi về quản trị điều hành và cũng là một phi công lỗi lạc, Điền không bỏ lỡ cơ hội mời Hiệu gia nhập không quân Việt Nam với cấp bậc thiếu tá kiêm chức vụ phi đoàn trưởng phi đoàn Ó Biển. Với khả năng tổ chức và tài chỉ huy, chỉ trong vòng mấy năm, thiếu tá Hiệu đã biến phi đoàn Ó Biển trở thành một phi đoàn ưu tú của không lực Việt Nam không kém chi phi đoàn Hải Âu.

Phú Quốc cách Cần Thơ chừng hai trăm cây số đường chim bay. Với khoảng cách quá gần cùng với vận tốc nhanh gấp hai lần vận tốc âm thanh, chỉ cần mươi phút hai phi đoàn chiến đấu cơ F15 của không lực Việt Nam đã tiếp cận mục tiêu. Khi ” Early Warning System ” hay là hệ thống cảnh báo sớm của đài kiểm lưu ở Trà Nóc phát hiện có phi cơ lạ xâm nhập không phận thì hệ thống phòng thủ của căn cứ không còn phản ứng kịp thời bởi cuộc oanh kích đã xảy ra trước khi lính trong căn cứ ngồi vào ụ súng và các giàn hỏa tiễn phòng không. Chiếc phản lực cơ chiến đấu F15E mang phù hiệu đặc biệt của vị tư lệnh cắm mũi xuống phi trường đầu tiên. Trái hỏa tiễn nhắm vào mục tiêu quan trọng là đài kiểm lưu xẹt xuống kéo theo sáu chiếc F15D do nữ phi công trung tá Julie Nguyễn chỉ huy. Bom cày nát phi đạo. Hỏa tiễn nhắm vào kho xăng, kho vũ khí, phi đạo, nhà chứa máy bay lao vào gây ra hàng trăm tiếng nổ long trời lỡ đất. Cố tình không cho phi cơ địch có thể cất cánh nên ngay loạt oanh kích đầu tiên, vị nữ trung tá phi đoàn trưởng đích thân thả bom phá hủy phi đạo. Lãnh lệnh của cấp chỉ huy, Liz Trần và Cat Le cũng tự mình dội bom vào các mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy ngay đợt oanh kích đầu tiên, phi đạo bị hư hại nặng thành ra không có chiếc phi cơ nào cất cánh được để rồi làm mồi cho đại bác, bom và hỏa tiễn của không lực Việt Nam ở Phú Quốc. Sau khi 12 chiếc F15D của phi đoàn Hải Âu bắn phá xong đợt đầu lại tới phiên các chiến đấu cơ F15E của phi đoàn Ó Biển tham chiến. Các mục tiêu còn lại của phi trường và căn cứ không quân Trà Nóc lần nữa hứng chịu cuộc oanh kích đợt 2. Súng phòng không ở dưới đất có bắn lên song rất yếu ớt vì hầu hết các ổ cao xạ đều bị trúng đạn ngay đợt oanh kích đầu tiên. Hơn nửa giờ bắn phá, tướng Điền mới ban lịnh rút lui để lại phi trường Trà Nóc và căn cứ không quân Cần Thơ chìm trong biển lửa do cuộc oanh kích bất ngờ của hai phi đoàn phản lực cơ chiến đấu F15.

*****

13:00 giờ.

28-12-2039.

Bộ tư lệnh sư đoàn 2. Hơn chục sĩ quan các cấp tề tựu trong căn phòng họp rộng chờ sự xuất hiện của đại tá Đăng, tư lệnh sư đoàn.

– Tôi vừa xong cuộc họp với các tư lệnh sư đoàn, hai vị trưởng phòng 2 và 3 cùng sự hiện diện của các sĩ quan tham mưu bên hải quân và không quân. Chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn sẽ bắt đầu lúc 00:00 giờ ngày 1 tháng 1 năm 2039. Đó là lý do khiến cho tôi mời các anh em tới họp. Theo như ý kiến của tướng Khải, sư đoàn 2 của chúng ta sẽ đụng với các đơn vị của sư đoàn 330 thuộc Quân Đội Nhân Dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà người ta thường hay gọi là bộ đội…

Nghe có tiếng cười khẽ vang lên, đại tá Đăng ngừng nói nhìn xuống chỗ của trung tá Hiệu, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 xung kích rồi mới thong thả nói tiếp.

– Sư đoàn 330 là đơn vị kỳ cựu có thành tích nổi bật qua nhiều trận đánh với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa và cuộc chiến tranh với Cao Miên xảy ra từ 1975. Sư đoàn này có ba đơn vị chủ lực là trung đoàn 1, trung đoàn 3 và trung đoàn 20. Trung đoàn 1 có bộ chỉ huy đóng tại thị trấn Chi Lăng nằm trong quận Tịnh Biên. Trung đoàn 3 đóng căn cứ tại Long Xuyên. Trung đoàn 20 đóng bộ chỉ huy tại Hà Tiên. Tỉnh An Giang bao gồm hai vùng Châu Đốc và Long Xuyên; riêng Hà Tiên tuy thuộc tỉnh Kiên Giang song lại là vùng trách nhiệm của sư đoàn 330…

Hướng về ba vị chiến đoàn trưởng, đại tá Đăng rắn giọng.

– Chiến đoàn 1 xung kích sẽ đổ bộ lên Hà Tiên và sẽ đụng với trung đoàn 20 của địch. Sau khi đánh tan đơn vị này của địch, trung tá Vui điều động lính, một nửa được chuyển bằng tàu đỗ bộ của hải quân dùng Rạch Giang Thành và kinh Vĩnh Tế để về quận Tịnh Biên. Còn một nửa bắt tỉnh lộ 955A chạy dọc theo rạch Giang Thành và kinh Vĩnh Tế để về Châu Đốc. Chiến đoàn 1 sẽ được sự yểm trợ của tàu chiến của hải quân và phi cơ của không quân. Chiến đoàn 2 đổ bộ lên Kiên Lương xong men theo quốc lộ 80 rồi kiếm đường đi về Tri Tôn và quận lỵ Châu Phú. Chiến đoàn 3 sẽ đổ bộ lên vùng Bình An, Bình Sơn nằm giữa hai thị trấn Kiên Lương và Hòn Đất để kiếm đường đi Tri Tôn rồi bắt tỉnh lộ 941 về Long Xuyên…

Trung tá Vui, Hạnh và Hiệu, ba chiến đoàn trưởng tai nghe và mắt nhìn vào các mũi tên màu xanh mà vị tư lệnh của họ đã vẽ trên bản đồ chỉ các trục tiến quân của đơn vị do họ chỉ huy. Theo đó thì chiến đoàn 2 đi chính giữa có nhiệm vụ nặng hơn hết vì có thể đánh vào bên phải của trung đoàn 1 và bên trái của trung đoàn 2 của sư đoàn 330 để yểm trợ cho chiến đoàn 1 và chiến đoàn 3.

– Ba ông nên nhớ mỗi trung đoàn của địch đều được tăng cường một đại đội thiết giáp, một đại đội pháo binh và súng nặng. Do đó mỗi chiến đoàn xung kích sẽ được tăng phái một chi đoàn chiến xa, một pháo đội 155 ly và một đơn vị phòng không. Đó là tôi chưa kể tới sự yểm trợ tích cực của không quân nữa. 0:00 giờ sáng ngày hôm nay, không quân của ta đã oanh kích phi trường và căn cứ không quân Trà Nóc của địch, phá hủy hầu như toàn bộ phi trường và rất nhiều phi cơ của địch như trực thăng vũ trang và phi cơ cánh quạt. Như vậy thì ta không còn lo lắng về sự can thiệp của máy bay địch ở Trà Nóc nữa. Chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn rất quan trọng trong sự sống còn của đất nước do đó ba vị phải thắng chứ không được bại…

Nhìn ba vị chiến đoàn trưởng đang ngồi cạnh nhau, đại tá Đăng rắn giọng nói của mình để cho thuộc cấp hiểu đó là mệnh lệnh.

– Chấp nhận hy sinh và tổn thất, ta phải đánh nhanh đánh mạnh lấy đường về thị xã Châu Đốc và Long Xuyên càng sớm càng tốt rồi bắt tay với ba sư đoàn 2, 3, 4 về Cần Thơ. Đó là lệnh từ phủ thủ tướng, bộ quốc phòng và bộ tư lệnh bộ binh…

*****

Thúy Nhi bỏ tờ báo xuống bàn. Nhấc ly nước lạnh lên hớp một ngụm nhỏ cô liếc nhanh đồng hồ đeo tay chỉ 12 giờ rưởi. Đói bụng muốn ngưng đọc báo để đi ăn trưa nhưng cô lại đâm ra chần chừ. Hình như giữa đọc báo và ăn trưa cô cảm thấy mình muốn đọc báo hơn.

– Chị đi ăn trưa nghen… Em bao chị…

Nhàn cười nói khi bước vào phòng. Nhìn trang báo đang đọc dở dang Thúy Nhi nhẹ lắc đầu.

– Cám ơn Nhàn… Chị nhờ em mua dùm chị dĩa bánh cuốn hay ổ bánh mì thịt…

Nói xong Thúy Nhi mở bóp lấy tiền. Nhàn xua tay lắc đầu cười nói.

– Chị khỏi đưa tiền… Chị cho em nhiều lắm rồi… Tới phiên em bao chị mà…

Chưa dứt lời Nhàn vội vàng lùi ra cửa như không muốn nhận tiền. Lẩm bẩm mấy lời Thúy Nhi cầm lấy tờ báo lên đọc tiếp.

Trang 2

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.