Mùa Thu Đã Già

images-1

thu chưa tới sao đã già

chắc đến lúc bóng nhạn sa lưng đồi

Nguyên tác Bashô 

1.

Ngồi trên chiếc ghế da cũ đặt tại phòng khách, Nhẫn im lặng nhìn ra ngoài rừng cây xanh xa xa phía lưng chừng núi. Mùa thu năm nay hình như tới sớm hơn. Giữa tháng 9 mà cây trong rừng, một vài loại cây thôi đã đổi màu vàng mặc dù lá chưa rụng. Sự chuyển mùa này chỉ là sự cảm nhận riêng của anh và những con thú quanh nhà như sóc, racoon, scun, nai và chim chóc. Những con vật hoang dã này sống thuần bằng cảm tính, do đó chúng nhận ra sự biến dịch, thay đổi của trời đất chính xác hơn con người vốn sống và nhận xét phụ thuộc phần lớn vào lý trí và máy móc. Anh hướng đôi mắt của mình về mấy chú sóc nhỏ đang lon ton chạy tới chạy lui trên mặt đất lác đác những trái dẽ, trái sồi, trái thông hay các loại trái cây khô khác mà anh không biết hoặc biết mà bây giờ lại không nhớ tên. Hằng năm, tới độ thu về, mấy chú sóc nhỏ quen thuộc lại đi lượm những trái cây khô đem chôn giấu để dành làm thức ăn cho mùa đông. Anh cũng cảm được cơn gió rừng lùa qua kẻ lá xạc xào thứ âm thanh nghe hoài mà cũng không thể diễn tả như thế nào cho đúng. Cơn gió rừng từ vùng Cumberland Plateau, Smoky Mountain hun hút kéo về mang theo chút hơi lạnh, không nhiều song cũng đủ làm cho người già yếu, bệnh hoạn như anh phải co ro và gai gai sốt. Vùng cao nguyên này núi và đồi không cao lắm mà thành phố anh cư ngụ lại nằm dưới thung lũng sâu nhiều cây cối vì vậy núi thấp đồi lùn cũng vừa đủ khuất che tầm mắt nhìn. Mùa giông bão, trời đang nắng đẹp bỗng mây đen lặng lẽ xuất hiện trên chót đỉnh núi lan dần dần xuống khu rừng hoang rồi tối sầm lại kèm với mưa gió ào ào và lát sau mưa tạnh. Mưa không dai dẳng mà mưa hoài. Mưa bất chợt đến nhanh rồi cũng vội vàng đi lắm khi lưu lại chút ngỡ ngàng và hụt hẫng của một người dân cư ngụ ở đây lâu như anh. Có tiếng điện thoại réo. Nhẫn liếc nhanh đồng hồ treo trên tường.

– Giờ này chỉ có quảng cáo…

Lẩm bẩm mấy tiếng đó anh vẫn ngồi yên trên ghế mà hổng thèm trả lời điện thoại vì biết những cú điện thoại đó chẳng ăn nhập tới mình. Đâu có ai điện thoại cho anh. Bạn lính lớp già hơn chết hết rồi; nếu sống thì tình trạng sức khỏe còn bết bát hơn anh nên ai lo phần người đó hoặc trời kêu ai nấy dạ. Còn lớp trẻ hơn vài tuổi thì ngơ ngơ ngác ngác thấy người đi trước nghĩ tới phiên mình nên rút vào xó tối yên lặng chứ ít khi chịu liên lạc với người khác. Đành rằng ai cũng một lần đi xuống đất nhưng nằm xuống nơi xứ lạ quê người thì ít có người muốn. Mấy tiếng ” xứ lạ quê người ” khiến cho Nhẫn lắc lắc đầu cười. Bốn mươi mốt năm sống và sẽ chết ở xứ này, thế mà anh cũng không thể nhận nó làm quê hương của mình. Lắm khi lẩn thẩn nghĩ quanh nghĩ quẩn, anh ví nước Mỹ như cô tình nhân trẻ đẹp giàu sang còn Việt Nam như người vợ xấu xí và già nua. Người tình Mỹ cho anh đủ mọi thứ. Tự do. Nhà lầu. Xe hơi. Thức ăn nước uống ê hề. Đời sống dư thừa tiện nghi. Nhưng sao anh vẫn thờ ơ, lạnh nhạt và lắm khi còn hằn học với người tình ” blue eyes ”; trong lúc đó lại nhung nhớ người vợ già nua xấu xí chờ hoài một người đi chưa trở lại. Phải chăng lòng chung thủy làm cho anh nhớ hoài không quên. Phải chăng dù trẻ đẹp sang giàu, cô tình nhân tóc vàng mắt xanh chỉ là thứ người tình giai đoạn nhiều mặn nồng mà bội bạc cũng không kém. Hơi cựa mình khi nghe có tiếng chuông rồi chừng vài giây sau có tiếng cửa mở, anh biết cô y tá của nhà thương tới thăm mình. Sau cú ” stroke ” phải nhập viện mấy ngày, anh được cho về nhà. Vì lý do anh sống một mình mà tạm thời không được phép lái xe nên nhà thương, vào ngày thứ sáu mỗi tuần sẽ gởi y tá tới nhà theo dõi bệnh trạng của anh. Hôm nay là lần đầu tiên cô y tá tới nhà thăm bệnh. Sở dĩ anh biết vì cô đã gọi báo trước khi tới.

– How are you doing Mr. Tran?

Cô y tá cười hỏi trong lúc bước lên cầu thang năm bậc.

– I’m fine… Thank you… And you…?

Nhẫn lên tiếng chậm. Giọng của anh yếu và rời rạc.

– I’m fine… Thank you Sir…

Đợi cho cô y tá tới ngay đầu cầu thang Nhẫn mới quay đầu nhìn. Anh ngạc nhiên chút chút vì tưởng mình sẽ gặp một cô gái tóc vàng mắt xanh chứ hổng ngờ đứng trước mặt mình là một người đàn bà Á Đông. Thoạt nhìn cô ta có thể là người Hoa, Nhật hay Việt Nam. Cũng là dân châu Á song người Hoa khác với người Nhật và người Nhật lại khác với người Việt. Mỗi sắc dân có nét đặc thù riêng của họ. Khi nhìn thấy cô y tá, Nhẫn ngờ ngợ cô là người Việt bởi vì khuôn mặt của cô làm anh liên tưởng tới một người. Dù có nhiều thắc mắc song vì lịch sự anh không tiện hỏi về đời tư của cô y tá mới gặp lần đầu. Tuy không mở miệng hỏi song anh cũng thầm quan sát. Cô ta không còn trẻ. Có thể đã qua bốn mươi. Mái tóc đen dày bóng mượt được cắt ngắn và uốn cong cong. Khuôn mặt thanh tú. Mũi cao. Đôi mắt đen long lanh với hàng mi cong và dài. Miệng hơi rộng. Tự người cô y tá này toát ra cái gì làm cho anh cảm thấy thân thiện và gần gụi dù chỉ mới gặp mặt lần đầu. Tới ngồi nơi chiếc ghế đối diện với anh, cô nở nụ cười như thay cho lời chào hỏi. Lần nữa nụ cười của cô y tá phảng phất nét cười của một người nào đó trong quá khứ lộn xộn hình ảnh của anh. Ngồi xuống ghế, cô y tá đưa tay ra kèm theo câu giới thiệu.

– I’m glad to see you… Sir… My name is Jackie…

Nhẫn cười đưa tay ra bắt tay cô y tá tên Jackie. Anh hổng cần giới thiệu vì biết Jackie đã đọc hồ sơ bệnh lý tất phải biết họ tên của mình.

– Tên của ông là gì? Nhàn, Nhân hay Nhẫn?

Jackie phát âm mấy cái tên đó nghe rất rõ ràng y chang như cách phát âm của một người Việt Nam. Không nhịn được Nhẫn bật lên câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

– Cô là người Việt Nam?

 Cười như xác nhận xong Jackie mới hỏi lại bằng tiếng Việt.

– Làm sao ông biết tôi là người Việt?

Nhẫn bật lên tiếng cười nhỏ.

– Cô phát âm tên Nhẫn của tôi y chang như người Việt Nam. Nó trơn tru chứ hổng có ngọng nghịu hay trọ trẹ…

Jackie bật tiếng cười hăng hắc. Lần nữa giọng cười của cô làm Nhẫn nhớ tới một người.

– Vậy bây giờ tôi gọi cô là Jackie hay là… là…?

Hiểu ý của Nhẫn, Jackie cười nhẹ trả lời bằng tiếng mẹ đẻ.

– Dạ ở nhà má cháu kêu cháu là Nhịn…

Nhẫn lẩm bẩm trong trí của mình ” Nhịn… Nhịn… Tên nghe quen quá… Mà cũng kỳ… Mình tên Nhẫn mà cô này lại tên Nhịn… Thành ra Nhẫn Nhịn… Ngộ à nghen…”. Sau khi nói Nhịn thong thả làm công việc của một y tá như chăm chú đọc hồ sơ bệnh trạng của Nhẫn, đo thân nhiệt, huyết áp, lấy nhịp tim đập, hỏi xem bệnh nhân có uống thuốc đúng giờ không, có cảm thấy triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, đau nhức thân thể hay bất cứ cái gì khác lạ. Từ khi nhận đồng bào thì hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên đâm ra thân thiện và dễ dàng thông cảm hơn.

– Bác không có trí nhớ tốt mà bây giờ bị thêm stroke thành ra thường hay quên uống thuốc đúng giờ. Có khi bác tự hỏi mình đã uống thuốc chưa… Có khi bác uống thuốc này quên thuốc kia…

Ngẫm nghĩ giây lát Nhịn ra xe giây lát rồi trở vào nhà đưa cho Nhẫn cái hộp tròn có nhiều ngăn, trên mỗi ngăn đều có đề Mon, Tue, Wed… Lấy mấy lọ thuốc của Nhẫn, cô bỏ bỏ mấy viên thuốc đủ màu, đủ kích thước vào trong đó xong đưa cho anh và ân cần dặn dò.

– Dạ bác… Đây là cái hộp đựng thuốc có đề sẵn ngày rồi. Bác cứ theo đó mà uống thì không sợ quên là bác chưa uống thuốc. Mỗi thứ sáu tới thăm bệnh cháu sẽ bỏ vào đó cho bác uống đủ bảy ngày. Mấy thứ thuốc mà bác sĩ cho bác uống mỗi ngày chỉ uống có một viên thôi, nên hễ thấy ngăn trống trơn là bác biết mình đã uống rồi…

Đưa tay xem đồng hồ, Nhịn cười tiếp.

– Xin phép bác cháu phải đi… Cháu còn vài bệnh nhân nữa phải làm cho xong ngày hôm nay. Cháu cho bác số điện thoại riêng của cháu. Nếu có gì bác gọi thẳng cho cháu cũng được. Bác đừng ngại… Cháu biết bác sống có một mình…

Thấy Nhẫn định đứng lên tiễn mình ra cửa, Nhịn đưa tay ngăn lại.

– Bác còn yếu cứ nằm nghỉ. Thứ sáu tuần sau cháu sẽ tới thăm bác…

Tiếng cửa khép lại, tiếng máy xe nổ và Nhẫn thấy bóng xe lướt qua khung cửa sổ chỗ mình ngồi. Tựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại anh mơ hồ thấy lại đoạn đời bốn mươi mấy năm về trước…

 

 

2.

Đại úy Hậu, phó trưởng phòng nhân viên ngước lên khi nghe có tiếng chân bước vào phòng làm việc của mình. Thấy Nhẫn, ông ta tươi cười lên tiếng trước khi anh kịp đứng nghiêm chào kính. Giọng nói của ông ta thân tình như nói với anh em trong nhà chứ không phải cấp trên ra lệnh cho cấp dưới.

– Bên hải quân họ xin mình biệt phái một sĩ quan làm huấn luyện viên…

Thấy Nhẫn có vẻ không hiểu mình nói gì, Hậu vui vẻ giải thích.

– Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải của Hải Quân ở Phú Quốc muốn thành lập một đơn vị tác chiến lấy tên là Đại Đội Xung Kích. Họ nhờ mình…

Nhẫn rụt rè lên tiếng.

– Thưa đại úy tại sao họ không nhờ bên Thủy Quân Lục Chiến. Tôi nghĩ…

Hậu cười hiểu ý của Nhẫn. Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến có liên hệ với nhau nhiều hơn vì Thủy Quân Lục Chiến từng trực thuộc Hải Quân trước khi tách ra thành binh chủng độc lập.

– Điều đó thời anh không rõ lắm. Dường như ông tư lệnh hay ông tướng nào đó của Hải Quân có quen biết với chỉ huy trưởng của mình…

Nhẫn gật đầu tỏ vẻ hiểu. Hớp ngụm cà phê nguội ngắt, Hậu thong thả tiếp.

– Ở bộ chỉ huy thời đang neo người. Sĩ quan tác chiến không có ai nên anh mới chỉ định em…

– Dạ… mà tôi không phải là sĩ quan có nhiều kinh nghiệm tác chiến thưa đại úy…

Rời chỗ ngồi, bước tới vỗ vai Nhẫn, đại úy Hậu cười thốt.

– Không sao… Tuy là hạ sĩ quan nhưng em đã từng nắm trung đội trưởng. Có lúc em làm đại đội phó phải không?

Nhẫn cười khẽ gật đầu. Gật gù Hậu tiếp trong lúc quay trở lại bàn làm việc.

– Về kinh nghiệm tác chiến và chỉ huy em có thừa… Như vậy cũng đủ rồi…

Ngồi xuống ghế, Hậu chìa tờ giấy ra.

– Đây là lệnh công tác…

Nhận tờ giấy, liếc nhanh hàng chữ, Nhẫn ngước lên tính mở miệng nói điều gì. Hiểu ý thuộc cấp, Hậu nói liền.

– Để cho dễ làm việc, với sự chấp thuận của chỉ huy trưởng, em tạm thời được thăng cấp thiếu úy… Thiếu úy giả chứ hổng phải thiệt à nghen…

Nhẫn bật cười. Đại úy Hậu được mọi người kính mến vì tính tình bình dân và vui vẻ. Đối với ông ta, người lính nào nhỏ tuổi và nhỏ cấp bậc đều được ông ta đối xử thân thiện như em út.

– Về nhà chơi ba ngày rồi em trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở bến Bạch Đằng để họ cấp phương tiện cho em ra Phú Quốc. Em muốn đi tự túc cũng được. Đón xe đò xuống Rạch Giá xong đón tàu ra Phú Quốc…

Cầm lệnh công tác, giơ tay chào thượng cấp, Nhẫn bước ra khỏi phòng. Vừa đi anh vừa suy nghĩ.

– Kệ tới đâu hay tới đó… Coi như mình đi phép…

*****

Nhẫn thở phào khi chiếc xe đò ngừng lại. Từ sáng tới xế chiều ngồi túm rụm trên xe đò làm cho anh bực bội và mệt đừ. Rạch Giá-Kiên Giang đây rồi. Lẫn trong gió anh nghe như có mùi rong rêu và muối mặn. Xách cái túi quân trang nằng nặng anh chậm chạp xuống xe. Thành phố Rạch Giá cũng không khác mấy so với vài tỉnh lỵ của miền lục tỉnh mà anh đã có dịp đi qua như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Cà Mau. Dù sao Rạch Giá cũng có nét đặc thù của thành phố nằm sát biển. Nhà có ngói mái đỏ, mái rêu phong. Thực ra thời mái ngói có màu rêu mốc nhưng anh lại thích hai tiếng rêu phong hơn. Khu nhà lồng chợ rác rưởi bốc mùi tanh tanh của cá biển lẫn cá đồng. Ngoắc chiếc xe lôi anh nói với ông tài xế tóc lốm đốm bạc.

– Bác làm ơn chở tôi tới căn cứ hải quân…

Ông xe lôi gò lưng đạp. Xe chầm chậm lăn bánh rồi lát sau leo lên dốc cây cầu thấp màu trắng bắc ngang qua con rạch nhỏ đầy nước đục. Xuống dốc cầu xe quẹo trái vào con đường tráng nhựa mà mãi sau này Nhẫn mới biết đó là đường Nguyễn Trung Trực. Xe chạy ngang qua ngôi đền thờ khá lớn có tấm biển đề ” Đền thờ Nguyễn Trung Trực ”. Lát sau chiếc xe lôi quẹo phải vào con đường nhựa lồi lỏm đoạn dừng trước căn nhà gạch có hàng chữ lớn ” Hậu Trạm Kiên Giang ”. Đưa cho bác tài xế tờ giấy hai trăm đồng, nhảy xuống xe, tay xách túi quân trang, Nhẫn đứng nhìn quanh quất rồi mới thong thả đi vào ngôi nhà gạch màu trắng. Nghe tiếng động người lính hải quân đang đánh máy ngước lên.

– Chào thiếu úy… Nếu tôi không lầm thời thiếu úy chính là thiếu úy Trần Trọng Nhẫn thuộc Biệt Động Quân…

Nhẫn cười nghĩ thầm trong đầu của mình: ” Hải quân làm việc nhanh thật. Mình...”

Đưa tay ra bắt tay Nhẫn, người lính hải quân tự giới thiệu.

– Tôi là trung sĩ Quýnh, trưởng ban văn thư của Hậu Trạm Kiên Giang. Công điện của bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn gởi bộ chỉ huy vùng 4 duyên hải, cho biết thiếu úy đi ra Phú Quốc bằng phương tiện tự túc…

Nhẫn gật đầu cười thốt.

– Tôi cũng muốn có ba ngày vui với gia đình nên xin đi tự túc…

Quýnh cười nhẹ gật đầu.

– Tôi hiểu… Gặp tôi thì tôi còn ở nhà lâu hơn nữa…

Nhẫn cười nói một câu xã giao.

– Hân hạnh được biết trung sĩ. Chừng nào mới có tàu cho tôi đi Phú Quốc?

Quýnh trả lời không do dự.

– Trưa mai có một chiếc ghe chủ lực ghé Kiên Giang. Nếu muốn thiếu úy có thể quá giang ghe này về An Thới. Còn nếu thiếu úy muốn ở lại thăm Rạch Giá một hai ngày cũng được…

Nhẫn cười nghĩ hải quân thật tà tà. Bởi vậy ai ai cũng nói đi hải quân sướng.

– Chắc tôi đi An Thới ngày mai. Tôi nghĩ tôi chơi đủ rồi…

Quýnh bật cười vì câu nói của Nhẫn. Anh thầm nghĩ ” Ông thiếu úy này coi bộ chịu chơi…”

– Vậy để tôi liên lạc với bộ chỉ huy ghé đón thiếu úy ngày mai. Trung úy Đan mong thiếu úy lắm. Ngày nào ông cũng gọi máy hỏi thiếu úy tới chưa…

Nhẫn cười lớn. Anh thích tính tình vui vẻ và ân cần của người trưởng ban văn thư Hậu Trạm Kiên Giang.

– Hậu trạm có giường cho thiếu úy ngủ tạm đêm nay. Phần cơm nước thời tự túc. Chợ Rạch Giá không xa…

Nhẫn gật đầu. Rời khỏi ghế Quýnh bước vào căn phòng mà đứng ngoài nhìn vào Nhẫn thấy mấy chiếc giường nệm có người ngồi nằm rải rác. Bước tới đứng cạnh giường còn trống, Quýnh quay lại cười nói với Nhẫn.

– Thiếu úy ngủ tạm… Không được sạch sẽ lắm…

Đặt cái túi quân trang nặng chĩu lên mặt nệm cũ và vàng ố, Nhẫn cười nói với mấy người lính ở trong phòng.

– Không sao… Như vầy còn sang gấp mấy lần so với mền trời chiếu đất của biệt động…

Ngừng lại liếc một vòng căn phòng anh cười tiếp.

– Tôi quen nằm đất rồi…

Hai người trở ra cửa. Đứng nhìn ra ngoài trời đầy nắng, Nhẫn nói trổng với Quýnh.

– Có làm gì không. Tôi với trung sĩ ra chợ lai rai…

Quýnh cười lắc đầu.

– Cám ơn thiếu úy. Tôi còn mấy cái văn thư phải thảo cho xong. Với lại tôi mà nhậu thời bà xã cằn nhằn chịu hổng nổi… Thiếu úy chịu khó đi một mình vậy… Ngoài chợ có cá lóc nướng trui hết sẩy…

Bật cười Nhẫn bước nhanh ra cửa. Tới đầu đường Nguyễn Trung Trực anh dừng lại ngắm nghía. Bên tay mặt của anh biển mặn đục ngầu. Xa xa có hòn đảo nhô lên. Sau này anh mới biết đó là Hòn Tre hay còn gọi là Hòn Rùa. Vài chiếc ghe đánh cá có hình thù lạ mắt mà dân chúng đặt tên là ghe Kiên Giang. Gió từ ngoài khơi thổi vào man mát. Đứng ngắm cảnh giây lát anh ngược đường lên chợ. Cây cầu xi măng sơn trắng bắc ngang qua con rạch đục nước. Tiếng xe gắn máy nổ ầm ỉ. Khoảng năm 1970, Rạch Giá cũng có nhiều loại xe gắn máy của Nhật như Honda, Suzuki, Kawasaki. Ngoài ra thiên hạ vẫn còn dùng các chiếc xe gắn máy cũ có từ thời Pháp. Người dân ưa cuốc bộ nhiều hơn vì thành phố không lớn lắm với lại không tốn tiền. Chỉ năm bảy con đường. Một hai phòng ngủ. Bệnh viện. Chợ. Quán ăn. Còn thức ăn Việt thời bán trong nhà lồng chợ nhiều hơn. Cũng có vài quán cà phê song chủ yếu là cà phê và nghe nhạc dành cho giới trẻ. Đứng trên cầu anh chăm chú vào những chiếc ghe có hình dáng đẹp và lạ lùng ít khi thấy ở Sài Gòn. Được gắn máy đuôi tôm ở sau lái loại ghe này chạy khá nhanh có lẽ vì vậy nó mới được đặt tên vỏ vọt. Mùi thơm của thức ăn từ nhà lồng chợ khiến cho Nhẫn quay nhìn về phía đó. Anh cảm thấy kiến cắn bụng. Từ sáng tới giờ anh toàn gặm bánh mì. Thứ này dễ nuốt, ngon miệng song lại mau tiêu.

– Rạch Giá có cái gì ngon ta?

Chân bước chậm, Nhẫn lẩm bẩm với chính mình. Lâu lâu mới có được dịp may được hưởng nhàn, anh muốn tận dụng quãng thời gian hiếm hoi đối với một người lính chiến. Sau khi xuất viện anh được lưu lại tại bộ chỉ huy trung ương để chờ trở lại đơn vị cũ. Nhân có sự yêu cầu của hải quân, thượng cấp bèn gởi anh ra Phú Quốc làm huấn luyện viên tác chiến cho một đơn vị xung kích của hải quân vùng 4 duyên hải. Dù thắc mắc về chuyến biệt phái ngắn hạn cũng như nhiệm vụ của mình, song là một quân nhân quen tuân lệnh anh vui vẻ thi hành. Đại úy Hậu, trưởng ban nhân viên cho biết anh chỉ biệt phái có ba tháng thôi rồi sau đó trình diện bộ chỉ huy để được về lại đơn vị cũ. Húp xong tô cháo cá, cảm thấy chỉ lưng lửng bụng, Nhẫn bèn gọi tiếp nửa chục hột vịt lộn và chai bia lớn để ăn cho no. Ăn nhậu một mình anh nghe tẻ nhạt. Đời lính chiến cần có bạn bè và thêm một chút bóng dáng giai nhân, dù lắm khi giai nhân chỉ là hình bóng của cô học trò tỉnh lỵ tình cờ đi ngang qua quán rượu hoặc ánh mắt và nụ cười của bà chủ quán còn trẻ. Những cơn nhậu tối xả láng sáng đi sớm. Tối hôm qua cố uống say, cho đã ghiền, để rồi sáng mai thức dậy sớm, ngồi ngủ gà ngủ gật trên chiếc GMC chở mình đi về nơi nào không biết và không cần biết. Nhẫn thở dài. Anh biết, sau bốn năm rưởi ở lính anh có tật thở dài, thứ thở dài vô duyên cớ. Dường như có điều gì bất ổn. Có điều gì buồn bã. Có điều gì không vừa ý… Uống một hơi cạn ly bia, trả tiền, anh rời nhà lồng chợ đi bộ về Hậu Trạm Kiên Giang. Mùi gió biển ngai ngái rong rêu và bùn sình. Ánh mặt trời của buổi chiều chiếu xiên xiên qua ngọn cây dừa dọc theo con rạch. Ngang qua đền thờ Nguyễn Trung Trực, anh dừng lại ngắm nghía. Trong dòng lịch sử đấu tranh của dân tộc, vị anh hùng họ Nguyễn này chiếm một địa vị khiêm tốn, nhưng trong lòng dân chúng của miền Nam hình ảnh của ông ta sáng rực thứ lửa hào hùng và bất khuất được diễn tả bằng hai câu thơ ” Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa… Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỉ thần…”. Anh muốn vào thăm đền vị anh hùng chài lưới này song do dự và cuối cùng đi về ngôi nhà của hải quân.

*****

Chiếc ghe chủ lực cặp vào cây cầu làm bằng gỗ. Nhấc lấy túi quân trang, Nhẫn chậm rãi leo lên. Điều mà anh cảm nhận trước nhất là trong không khí có cái mùi thum thủm, không nồng nặc lắm mà chỉ thoang thoảng thôi khi có lúc không, khi theo cơn gió biển quyện vào mũi của mình.

– Mùi gì lạ quá ta…

Nhẫn lẩm bẩm. Đi bên cạnh, người lính hải quân chợt lên tiếng.

– Nước mắm đó thiếu úy… Ở An Thới thiếu úy ngửi nó suốt ngày suốt đêm luôn…

Nhẫn cười bắt chuyện.

– Vậy à… Nước mắm ăn thì ngon mà ngửi sao thúi quá…

Đứng im anh phóng mắt nhìn bao quát căn cứ hải quân mang cái tên: Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải. Hít hơi dài không khí trong lành của buổi xế chiều, anh bước từng bước trên cây cầu làm bằng những thanh gỗ màu đen bốc mùi dầu hăng hắc. Mười phút sau anh dừng lại tại đầu cầu trước khi giẫm chân lên nền cát mịn màu trắng ngà. Cát phẳng phiu có lẽ vì ít ai đi lại. Trên đầu anh trời xanh ngắt một màu xanh lềnh bềnh vài tảng mây trắng. Gió từ ngoài khơi lùa vào man mát làm cho anh cảm thấy dễ chịu. Theo lời chỉ dẫn của người lính dưới tàu, anh nhắm hướng dãy nhà tôn nằm bên trái đi tới. Lát sau anh dừng trước cánh cửa có tấm biển nhỏ viết ba chữ ” Phòng Nhân Viên ”. Hơi mỉm cười anh bước vào cửa. Vừa thấy anh, một người lính mà anh đoán là hạ sĩ quan vì có mang lon trên vai áo, cười lên tiếng.

– Thiếu úy chắc là thiếu úy Trần Trọng Nhẫn bên biệt động quân biệt phái cho vùng 4 duyên hải…

Khẽ gật đầu, Nhẫn cười nói gọn.

– Chính tôi…

Nhẫn chìa lệnh công tác của mình ra. Liếc nhanh mấy dòng chữ như để xác nhận, người hạ sĩ quan trả lại lệnh công tác cho anh sau khi sao y bản chánh.

– Tôi là trung sĩ nhất Tiệp, trưởng ban văn thư. Để tôi điện thoại cho trung úy Đan sang gặp thiếu úy. Mời thiếu úy ngồi…

Thái độ của trung sĩ nhất Tiệp đầy niềm nở và kính nể. Bây giờ Nhẫn mới thấy đại úy Hậu có lý khi trong lệnh công tác đã ghi tên anh với cấp bậc thiếu úy. ” Thiếu úy cho em dễ làm việc hơn...” Đó là lời nói đùa mà cũng là lời dặn dò của người sĩ quan nhiều kinh nghiệm.

– Cám ơn trung sĩ…

Nhẫn ngồi xuống ghế. Vài phút sau nhìn ra cửa, Nhẫn thấy một sĩ quan hải quân bước trên lối đi bằng xi măng tiến về chỗ mình ngồi. Nhẫn đoán ông ta chính là trung úy Đan, vị chỉ huy của mình trong suốt thời gian biệt phái ở Phú Quốc. Đợi cho trung úy Đan gần tới cửa Nhẫn mới đứng lên.

– Xin lỗi để thiếu úy chờ lâu…

Trung úy Đan tự giới thiệu xong đưa tay ra bắt tay Nhẫn. Hai sĩ quan của hai quân binh chủng bắt tay nhau thật chặt, hứa hẹn một hợp tác lâu dài. Nhìn bộ quân phục rằn ri có thêu hình con cọp của Nhẫn, Đan cười nhẹ nói lời khách sáo.

– Cám ơn thiếu úy chịu khó lặn lội xuống hòn đảo xa đất liền này để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ…

Hơi mỉm cười, Nhẫn cũng buông lời khách sáo.

– Không có chi thưa trung úy. Tôi nghe Phú Quốc phong cảnh hữu tình mà chưa có dịp may thăm viếng. Nhờ trung úy tôi sẽ có thời giờ câu cá và tắm biển…

Trung úy Đan bật cười vui vẻ. Vỗ nhẹ lên vai Nhẫn, ông ta nói gọn.

– Để tôi đưa thiếu úy về phòng sĩ quan độc thân. Sau đó tôi mời thiếu úy bữa cơm tối… Xin nói trước bà xã tôi nấu ăn tệ lắm…

Tới phiên Nhẫn bật cười.

– Tôi nghĩ không tệ như cơm lính đâu…

Hai người lính bước song song trên lối đi tráng xi măng. Mình ở đây bao lâu? Làm gì ở hòn đảo xa xôi này? Nhẫn tự hỏi và không có câu trả lời dứt khoát. Anh biết chỉ có người đi bên cạnh mới giải đáp được thắc mắc của mình, song anh ráng dằn lòng không hỏi. Ba má anh đặt tên cho anh là Nhẫn, do đó anh phải tập tành cho đúng với cái tên của mình.

8 giờ sáng. Cười thầm, Nhẫn kín đáo quan sát bốn mươi quân nhân của đơn vị mang tên Đại Đội Xung Kích. Tên nghe kêu lắm mà thực sự thì chẳng ra cái quái gì hết. Quân phục xốc xếch, tóc tai bù xù, giầy vớ luộm thuộm, súng ống thời ôi thôi, nếu bóp cò chưa chắc đã nổ. ” Lính này đánh với đàn bà còn thua nữa…”. Nhẫn lẩm bẩm. Quan sát kỹ lưỡng anh biết nhiệm vụ của anh khá nặng nhọc và chắc phải ở lại đây lâu hơn. Thứ lính kiểng, lính làng, lính ấp này mà muốn trở thành lính chiến thời đúng ra phải quẳng họ vào Quang Trung, Đồng Đế, Vạn Kiếp, Chi Lăng hoặc các trung tâm huấn luyện khác của quân lực hơn là một khóa huấn luyện ngắn hạn lại thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Nhưng anh không có chọn lựa nào khác hơn mà phải thi hành nhiệm vụ của thượng cấp đã giao phó. Dù sao anh cũng có được an ủi là những người lính này cũng biết bóp cò. ” Họ mà chỉ biết bóp cò cây súng nước của họ thời phiền lắm…”. Nhẫn lẩm bẩm với chính mình. Ở lâu trong lính anh sinh ra tật hay khôi hài người khác và với chính mình. Có lẽ đoán ra ý nghĩ của vị sĩ quan biệt động, trung úy Đan lên tiếng.

– Thiếu úy cũng biết anh em tụi tôi không phải là biệt động…

Câu nói đùa của ông ta làm cho Nhẫn bật cười. Nhìn hàng quân đang đứng nghiêm trước mặt mình, anh gật đầu cười.

– Tôi cũng nghĩ như vậy…

Quay sang trung sĩ nhất Linh, hạ sĩ quan phụ tá của trung úy Đan, Nhẫn tiếp nhanh.

– Trung sĩ cho đại đội giải tán xong tôi xin phép được bàn luận với trung úy và trung sĩ vài chuyện cần thiết…

Hiểu ý, Linh ra lịnh cho lính giải tán. Còn lại ba người, Nhẫn nói với trung úy Đan.

– Trước khi đi vào việc huấn luyện kỹ thuật tác chiến, tôi cần trung úy làm cho ba điều chính. Thứ nhất là quân phục tác chiến. Nếu không có được quần áo ngụy trang thời ka ki cũng được. Điều thứ nhì là súng ống. Thứ ba là quân phong quân kỹ…

Trung úy Đan mỉm cười. Chính ông ta cũng có cùng ý nghĩ nhưng chưa muốn nói ra trước mà để xem ông lính biệt động này có biết cách thức huấn luyện không. Ngay khi gặp mặt ngày hôm qua, ông ta hơi băn khoăn vì bộ vó có vẻ thư sinh của vị sĩ quan mà bộ chỉ huy biệt động khoe đánh giặc tới nhất của họ.

– Quân phục rằn ri thời tôi có thể xin được. Cố vấn Mỹ họ sẽ thỏa mãn yêu cầu của ta. Vũ khí thời thiếu úy muốn thứ nào?

– Tôi thấy Carbine M2 tiện nhất vì anh em có sẵn. Mình là đơn vị xung kích, đánh nhanh dọt lẹ thời không cần súng nặng. Nếu có thể trung úy xin ba khẩu M79 và hai khẩu M60…

Quay sang trung sĩ Linh, Nhẫn cười tiếp.

– Nhờ trung sĩ ra lo về quân phong quân kỹ của anh em. Tôi nhận thấy…

Nhẫn ngừng nói khi thấy trung sĩ Linh quay qua nhìn trung úy Đan như hỏi ý trước khi thi hành lời yêu cầu của mình. Hơi mỉm cười nhìn Nhẫn, trung úy Đan rắn giọng với Linh.

– Anh cứ thi hành lệnh của thiếu úy Nhẫn. Kể từ giờ phút này, ông ta là cấp chỉ huy trực tiếp của anh…

Trung sĩ nhất Linh hơi đổi nét mặt song lấy lại vẻ tự nhiên thật nhanh. Riêng Nhẫn thầm cám ơn sự tế nhị của trung úy Đan. Câu nói của ông ta đã tạo cho anh có thực quyền chỉ huy. Như vậy công việc của anh sẽ dễ dàng hơn.

– Tôi đi lo vụ quân trang, súng ống và tập họp anh em lại để bảo họ hớt tóc…

Dứt lời trung sĩ Linh giơ tay chào thượng cấp rồi quay lưng đi. Nhẫn nói vói theo.

– Hớt ngắn được rồi không cần phải ba phân đâu…

Còn lại hai người, trung úy Đan cười thốt.

– Tôi giao cho ông trọn quyền điều động. Mình cần gấp lắm…

– Để làm gì hả trung úy?

Nhẫn hỏi nhỏ. Trầm ngâm giây lát, Đan mới thong thả lên tiếng.

– Sau vụ Tết Mậu Thân, địch gia tăng quấy rối đảo Phú Quốc bằng cách pháo kích vào quận lỵ Dương Đông, trại tù Đất Đỏ và căn cứ hải quân. Tháng trước chúng pháo kích năm lần vào đây. Tôi nhờ ông rinh mấy khẩu pháo của chúng về đây triển lãm…

Ngưng lời, Đan cười nhìn Nhẫn.

– Ông mà làm được tôi khui 33 mời ông. Điều thứ nhì, đại tá Thanh, chỉ huy trưởng của tôi muốn lấy điểm với bộ tư lệnh ở Sài Gòn nên ra lệnh cho tôi thành lập toán xung kích. Có điểm tốt ổng mới bắt sao được.

Nhẫn cười hà hà nhìn Đan.

– Ổng mà bắt được sao thì trung úy chắc cũng nắm được ba mai. Được rồi… Tôi cố gắng hết mình…

Khẽ gật đầu Đan cười nói.

– Tôi phải đi họp. Ông muốn gì cứ cho tôi biết…

Thấy Đan dợm bước, Nhẫn nói liền.

– Tôi muốn biết tin tức tình báo…

Đan đưa tay chỉ về ngôi nhà ngói nằm lẻ loi một góc dưới hàng cây dương.

– Phòng 2 đó… Muốn gì ông cứ tới hỏi họ…

Gật đầu Nhẫn băng ngang bãi cát vàng tới phòng 2. Tại đây, anh được thượng sĩ Tánh, nhân viên của phòng 2 thuyết trình về tình hình an ninh của hòn đảo xa đất liền trăm cây số.

– Phú Quốc là hòn đảo có diện tích hơn 400 cây số vuông. Đa số là rừng núi. Nó được phòng an ninh của hải quân vùng 4 chia thành ba khu vực. Miền bắc là khu quận lỵ Dương Đông. Khu chính giữa là trại tù Đất Đỏ. Khu nam là căn cứ hải quân Cây Dừa hay An Thới. Hai vùng bị áp lực địch đè nặng là quận lỵ Dương Đông và An Thới vì có dân cư ngụ… Hàm Ninh cũng có ít dân đánh cá ở…

– Thượng sĩ biết gì về lực lượng của địch?

Nhẫn ngắt lời thượng sĩ Tánh. Ông thượng sĩ già tuổi trong ngành an ninh trả lời không do dự.

– Theo tin tức của chúng tôi và tình báo nhân dân của chi khu Dương Đông thời địch có độ một đại đội trừ. Súng ống của chúng cũng không tối tân lắm. Điều mà tôi lưu ý thiếu úy là chúng có mấy khẩu 82 dùng để pháo kích vào phi trường Dương Đông, phi trường An Thới, trại tù và bộ chỉ huy hải quân…

Nhẫn gật gù chăm chú nhìn vào các vòng tròn màu đỏ của chiếc bản đồ hành quân khá lớn treo trên tường. Đó là các địa điểm mà phòng 2 nghi ngờ địch đặt súng 82 hoặc có thể là căn cứ của địch. Nghĩ mình biết những gì cần thiết cho công việc Nhẫn cám ơn thượng sĩ Tánh. Bước từng bước trên nền cát trắng mịn anh cảm thấy lòng nhẹ nhàng vì tiếng gió rì rào hàng dương và mùi nước mắm tan loảng trong không khí. Không gian vắng lặng. Tuy mới ở đây ngày thứ nhì song anh cảm thấy vùng đất quê mùa này có cái gì níu chân mình lại. Ban đêm không có thú vui gì hết ngoài đọc sách hoặc nghe chương trình phát thanh của đài Sài Gòn hoặc quân đội xuyên qua cái radio mà trung úy Đan có nhã ý cho anh mượn để giải sầu. 9 giờ tối, mọi sinh hoạt ngưng đọng khi cổng chính của bộ chỉ huy khép lại. 10 giờ đèn trong căn cứ tắt. Anh đọc Ai Hát Giữa Rừng Khuya qua ánh đèn ngủ lù mù và có cảm tưởng mình đang sống ngược thời gian ở nơi nào hoang vu rừng rú. Chiến tranh bị đẩy lùi và hầu như tạm thời được quên lãng trong buổi sáng sớm ngồi uống ly cà phê đen nhìn màn sương mỏng giăng giăng trên mặt biển của vịnh An Thới.

*****

Sân bắn dã chiến được thiết trí mau lẹ nơi Mũi Ông Đội. Mấy tấm bia dựng trên bãi cát dựa lưng vào vách đá cao. Nhẫn bắt tay người cố vấn Mỹ mang cấp bậc trung sĩ có cái tên ngắn gọn Don. Hai trung đội, lần lượt ba người một toán thi nhau tập bắn. Điều khiến cho Nhẫn hài lòng là súng ống, quần áo và tóc tai đều đúng theo điều anh mong muốn. Chỉ có điều lính biết bóp cò mà lại không biết bắn. Thiếu kinh nghiệm nên họ bắn chim hơn là bắn trúng tấm bia đặt cách họ hai mươi thước. Trong số 40 người lính chỉ có chừng chục người tạm gọi là biết bắn mà hai người bắn khá nhất là hạ sĩ Ba và Đực, người lính trẻ tuổi. Sau khi toán cuối cùng bắn xong, trung sĩ Linh cho thay bia mới. Nhẫn cầm lấy khẩu M2 của mình. Bước vào vị trí tác xạ, anh nói lớn.

– Anh em phải nhắm cho kỹ. Mắt đặt vào lỗ châu mai, từ lỗ châu mai tới đỉnh đầu ruồi và mục tiêu phải nằm trên một đường thẳng. Bằng… Bằng… Bằng… Nhẫn bắn từng phát một. Don cười nói bằng Anh ngữ với trung sĩ Linh khi thấy hồng tâm có dấu đạn ngay chính giữa.

– He’s good… very good…

Hạ sĩ nhất Ba, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 cười phụ họa.

– Thiếu úy bắn chì thật…

Nhẫn biết muốn chỉ huy đám lính ô hợp này, anh phải làm cho họ nể và phục mình bằng cách trổ tài tác xạ. Bắn ngồi, bắn nằm, vừa chạy vừa bắn được anh làm nhiều lần. Tiếng vỗ tay hoan hô của lính vang lên. Bắt tay vị sĩ quan mới biết lần đầu một cách thân mật và vồn vả, Don nói trọ trẹ bằng tiếng Việt.

– Thiếu úy bắn giỏi quá… Thiếu úy muốn thử khẩu M16 của tôi…

Nhận khẩu M16 từ tay Don, Nhẫn xem xét qua loa. Vào năm 1972, khẩu súng này không còn mới lạ đối với lính biệt động. Tuy nhiên anh biết nó không là khẩu súng mà mình sử dụng hằng ngày. Không quen với khẩu súng thì khó mà bắn chính xác lắm. Don gật gù cười khi thấy Nhẫn kéo cơ bẩm, mở khóa an toàn và bắn liền năm phát vào tấm bia. Cài khóa an toàn trước khi trả khẩu súng lại cho chủ nhân, nháy mắt với trung sĩ Linh, Nhẫn cười nói với Don.

– Nếu toán xung kích mà có vài khẩu súng mới này thời tốt lắm…

Hiểu ý, Don nói với Nhẫn.

– Tôi không dám hứa song tôi sẽ cố gắng kiếm cho thiếu úy…

Lính hò la vỗ tay ầm ỉ. Họ biết tính của vị cố vấn Mỹ. Tuy nói là không dám hứa song ông ta sẽ làm. Sở dĩ ông ta nói như vậy do tính cẩn thận và khiêm nhường.

 

 

3.

Chiều xuống chầm chậm. Mặt trời đỏ ối nằm lơ lửng trên mặt nước xanh. Tựa lưng vào thân cây dương già cỗi, Nhẫn ngồi im ngắm cảnh hoàng hôn trên biển. Thật đẹp mà cũng thật buồn. Chung quanh anh vắng lặng. Bãi cát trắng mịn, ẩm ướt và sạch trơn. Những khúc củi mục nằm trơ vơ. Sóng vỗ ì ầm hòa với tiếng dương reo. Đó là thứ âm thanh duy nhất của bãi biển mà người dân ở đây gọi là Mũi Ông Bốn. Đời lính ở hòn đảo này thật an nhàn. Sau những giờ huấn luyện anh cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài dạo phố chán rồi uống cà phê với Ba, thụt bi da với Đực và mấy người lính của toán xung kích, ngắm cảnh, về trại đọc sách và ngủ. Phố An Thới chỉ có mỗi con đường. Nó bắt đầu từ cổng căn cứ hải quân cho tới khi đụng khu làm nước mắm. Nói tới Phú Quốc là nói tới nước mắm và khô cá thiều. Mới đầu anh còn khó chịu sau rồi cũng quen dần cái mùi thum thủm hòa tan trong gió bay khắp cùng làng xóm thành ra không muốn ngửi cũng không được. Khô cá thiều ngon tuyệt. Mấy người lính của toán xung kích chỉ cho anh cách phân biệt khô cá thiều thứ giả và thứ thiệt. Giả có nghĩa là người ta pha trộn cá thiều hay còn gọi cá đường với một vài loại cá khác gần giống như thịt cá thiều khi xẻ ra làm khô. Dĩ nhiên họ lừa được khách hàng xa lạ song không thể qua mặt được dân địa phương. Khô cá thiều mà nhậu với bia thời ngon song cũng không ngon bằng nước mắt quê hương. Thứ rượu đế, nhất là rượu đế Đường Xuồng cất bằng nếp nguyên chất, chảy tới đâu nóng tới đó. Vị cay cay và ngòn ngọt của cá thiều được dân nhậu ở đây gọi là đưa cay. Miếng khô cá thiều chấm với nước mắm Phú Quốc nguyên chất giằm với me sẽ làm rượu thêm đậm đà và ngọt lịm rồi cơn say tới lúc nào không biết. Chỉ cần nửa tháng, Nhẫn đã quen mặt hầu hết các hàng quán ở đây. Quán cô Kim, cô gái mẹ gốc Rạch Giá, ba bắc kỳ 54, người mảnh khảnh, khuôn mặt trái xoan, ít nói ít cười. Chị ba Thơm, chủ quán cà phê không có tên nằm sát bãi biển dưới gốc cây dừa lão có những trái dừa nhỏ như trái bưởi. Người đàn bà có chồng đi lính hải thuyền, cả gia đình sống nhờ vào cái quán có đủ thứ như bàn bi da, cơm tháng cho lính, cơm dĩa cơm phần và cà phê dợt. Từ khi hạ sĩ Ba giới thiệu, Nhẫn trở thành khách hàng quen thuộc và được chị ưu ái dành cho bữa ăn đặc biệt do chính tay chị làm. Lý do anh được chị săn sóc đặc biệt thật giản dị. Chị có đứa em trai đi biệt động tử trận cách đây ba năm. Bởi thế chị xem Nhẫn như đứa em trai xấu số của mình. Ngồi hoài mỏi lưng, Nhẫn đứng dậy bước dài theo bãi biển. Xa đằng kia là mũi Đất Đỏ. Vì đường bộ bị gián đoạn nên từ An Thới lên Dương Đông phải đi bằng ghe. Hai nơi chỉ cách nhau mươi cây số mà lại xa cách vô cùng. Cũng như từ mũi Đất Đỏ đi qua Hàm Ninh chừng chục cây số mà dân ở vùng này ít khi gặp mặt dân ở vùng kia. Mấy anh du kích của mặt trận thật sự thành công trong việc làm gián đoạn lưu thông, cô lập làng xã đúng với sách lược ” lấy nông thôn bao vây thành thị ” mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự miền bắc đã đề ra. Chỉ có điều làm dân quê bị thiệt hại thôi bởi vì họ không được thụ hưởng nền giáo dục căn bản để hiểu thế nào là tự do dân chủ cũng như ánh sáng văn minh của thị thành. Đạp trên cát đi một lát Nhẫn thấy mấy cái bồn cao hiện ra trong cảnh hoàng hôn. Đó là bồn nước mắm. Mùi thum thủm càng lúc càng thêm đậm đà và nồng nặc hơn khi anh tới gần. Xương cá khô vương vải khắp nơi. Anh quẹo trái vào con đường mòn. Nó là lối đi tắt ngang qua khu nhà của dân làm nước mắm. Mấy đứa con nít thập thò nơi cửa nhìn ông lính lạ. Bóng tối đổ ập xuống thật nhanh. Vừa đi Nhẫn vừa lo ngại thầm. Tự nhiên anh đặt tay vào khẩu Colt 45 nhét trong bụng. Dù biết khẩu súng của mình chỉ là món đồ chơi so với vũ khí của địch song chất thép lạnh cũng làm cho anh an tâm. Vả lại từ hồi nào tới giờ đám du kích của mặt trận chưa bao giờ mò về tận An Thới. Anh bước như chạy khi thấy ánh đèn măng xông sáng trưng hiện ra. Đó là quán cà phê của chị ba Thơm. Đưa tay mặt lên anh thấy chiếc đồng hồ cũ mèm của mình chỉ mập mờ gần 8 giờ tối. Nhẫn mỉm cười khi nhớ lại mấy thằng bạn cùng đơn vị thường hay diễu mình về chuyện đeo đồng hồ bên tay mặt. Có đứa bảo anh lập dị. Có đứa nói anh mê tín. Bính, chuẩn úy đại đội phó phán một câu để đời: ” Thằng Nhẫn mà mê tín. Nó mê gái thời có chứ mê tín gì cái thằng bán trời không mời thiên lôi đó…” Ngang qua quán cà phê, xuyên qua cánh cửa còn mở he hé, anh thấy chị ba Thơm đang lui cui quét nhà. Hình ảnh của chị khiến cho anh thở dài. Hết rồi thời hoa mộng của cô nữ sinh áo dài trắng Rạch Giá. Chỉ vì thương anh lính hải thuyền tên Nhân mà chị vứt bỏ bút nghiên theo anh ra tận vùng đất xa xôi này để sống cuộc đời bình dị và mộc mạc. Cô nữ sinh tóc thề ngang vai bây giờ đã ba con, ngày ngày làm việc quần quật kiếm từng đồng bạc lẻ. Khi nghe chị kể chuyện tình, anh hỏi đùa lý do nào chị bỏ học đi lấy chồng. Câu trả lời của chị thật gọn, thật chí lý mà cũng có chút tếu. ” Tại chị mê trai… ”. Nhẫn nghĩ chị phải can đảm lắm mới dám công nhận mình mê trai. Ngẫm cho cùng, con gái mà không mê trai thời uổng lắm, cũng như con trai mà không mê gái thời mê cái gì. Trên đời này có cái gì đáng mê đâu ngoại trừ thứ sinh vật có đường cong tuyệt mỹ, có tiếng nói ngọt ngào, có ánh mắt nhìn làm liệt tay chân và nụ cười làm tối tăm mặt mũi. Hết rồi cái thời mà thanh niên như anh mê thần tượng, thứ thần tượng văn chương, âm nhạc hoặc chính trị. Nhẫn vừa đi vừa suy nghĩ. Ngang quán cô Kim, anh liếc thật nhanh. Qua khung cửa sổ hẹp anh thấy cô ta ngồi trước ánh đèn dầu lửa lù mù. Anh đoán cô ta đang đọc tiểu thuyết tình. Cũng như chị ba Thơm, Kim là dân lạc bến. Đã hơn hai mươi mà vẫn chưa chồng, cô ta theo ba má ra Phú Quốc sống. Ba cô ta là lính quân cảnh coi trại tù. Lính quân cảnh ở đảo này đông lắm, có mấy tiểu đoàn để canh giữ mấy chục ngàn tù binh. Thế mà cô Kim không được ai ghé mắt nhìn. Cũng tội cho cô ta. Có thể cô ta không tìm thấy trong đám lính hải quân, quân cảnh một người bạn trăm năm đúng như ý của mình.

Vừa đi vừa miên man suy nghĩ Nhẫn đi tới cổng của bộ chỉ huy hải quân lúc nào không hay. Tới khi nghe tiếng hỏi của người lính gác anh mới giật mình.

– Thiếu úy đi nhậu hả thiếu úy?

Người lính gác cổng quen mặt Nhẫn cười hỏi đùa.

– Tôi đi ra bãi biển nên về trễ…

Mở hé cánh cổng cho Nhẫn đi vào, người lính cười nói tiếp.

– Chúc thiếu úy ngủ ngon…

Nhẫn cười khi nghĩ tới cái bông mai màu vàng trên cổ áo của mình mà đại úy Hậu đã đưa kèm theo với lệnh công tác biệt phái. Nhờ chức thiếu úy giả này mà việc huấn luyện cho toán xung kích trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Chỉ cần hai tuần lễ nữa thôi, anh có thể đem toán lính xung kích ra tham dự chiến trận để thử thách sự học hỏi của họ. Kinh nghiệm chiến trường là thứ kinh nghiệm xương máu chứ không thể thu lượm từ sách vở hoặc tại bãi tập bắn. Ngước nhìn về phía căn phòng sĩ quan độc thân thấy còn sáng, Nhẫn bước chậm hơn. Dường như anh không muốn hoặc cảm thấy không thoải mái khi có mặt trong căn phòng đó. Sự hiện diện của anh làm cho mấy ông thiếu úy, trung úy khó chịu mặc dù họ không nói ra hoặc tỏ lộ bằng cử chỉ hay thái độ. Họ có thừa lịch sự để không làm mất sĩ diện của một sĩ quan hải quân. Tuy nhiên đôi lần, xuyên qua lời nói bóng gió xa xôi của vài ba người, anh biết họ không thích sự hiện diện của một người lính lạ khác binh chủng dù người đó là sĩ quan. Cũng giống như bầy gà không muốn có sự hiện diện của một con vịt vậy mà. Hiểu được điều đó anh chỉ trở về phòng khi bị bắt buộc như tắm rửa, thay quần áo và leo lên giường ngủ. Ngoài giờ huấn luyện anh lang thang ở quán cà phê, bãi biển, lội bộ lên trại tù để nhậu với Hiệp, một sĩ quan quân cảnh. Trung úy song Hiệp rất bình dân, vui vẻ và cởi mở. Mỗi lần có món ngon vật lạ, Hiệp đều xách xe jeep xuống căn cứ hải quân đón anh lên trại tù để hai đứa bù khú với nhau. Món ngon vật lạ đây là thú rừng như rắn rùa, heo rừng hoặc may mắn lắm mới săn được nai. Anh nhớ có lần lính coi tù bắt được con nưa đem về làm thịt. Gỏi nưa, nưa nướng vỉ, nưa xào lăn, nưa um, nưa nấu cháo, đủ thứ món bày ra trên bàn bốc mùi thơm phức cộng thêm rượu đế đầy thùng đại liên. Tuy nhiên ông thượng sĩ già thình lình phang một câu cho biết là thịt nưa độc lắm, ăn thịt con nưa sẽ bị tan thành nước. Ông ta nói tùm lum tà la. Thế là cả bọn nhậu suông vì không ai dám phá mồi sợ mình sẽ tan thành nước lẫn trong rượu. Uống vài chung đế sần sần thêm đói bụng, Nhẫn bèn lên tiếng ” Ăn thịt con nưa mà tan thành nước tôi cũng ăn. Sợ quái gì… Cùng lắm là chết…” Thấy ông lính biệt động tà tà vừa ăn vừa nhậu một cách ngon lành mà vẫn chưa tan thành nước lại còn ngồi rung đùi phì phèo thuốc lá Pall Mall thế là mọi người tuần tự quất sạch con nưa. Sau này cả bọn mới biết ra đó là con trăn chứ hổng phải nưa. Trăn có hình dáng từa tựa nưa, chỉ khác nhau ở chỗ nưa có chín lỗ mũi. Thật ra thì trăn hay nưa gì cũng chỉ có hai lỗ mũi thôi, nhưng con nưa lại có tới bảy chỗ lõm vào nằm dọc theo lỗ mũi nên người ta gọi trại thành lỗ mũi. Từ đó hể có món độc hổng ai dám xực, Hiệp đều lái xe xuống căn cứ hải quân xách ông lính cọp vằn lên để thử trước coi ổng có bị tan thành nước hay lăn đùng ra chết.

Đang ngủ Nhẫn giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng còi báo động. Chỉ mặc có chiếc quần đùi anh chạy ra sân. Tiếng mọt chê 82 ly nổ rời rạc về hướng tây nam.

– Nó nổ ở đâu thiếu úy biết không?

Bằng, ông trung úy hải quân ở cùng phòng hỏi nhỏ. Nhẫn trả lời không do dự.

– Tôi nghe tiếng đạn 82 nổ vọng từ hướng tây nam…

Bằng gật đầu.

– Vậy là căn cứ của Duyên Đoàn 46…

Vừa lúc trung úy Đan bước tới. Nghe câu chuyện giữa hai người, ông ta xen vào bằng câu nói.

– Mình phải làm câm họng không thôi có ngày mình ăn miểng của nó…

Hiểu ý Đan, Nhẫn thong thả lên tiếng.

– Để sáng mai tôi đi tìm nơi tụi nó đặt súng…

Thấy Đan nhìn mình, Nhẫn cười nhẹ tiếp.

– Biết chỗ tụi nó đặt súng xong mình nằm lại chờ nó vác súng ra là…

Đan mỉm cười khi thấy Nhẫn đưa tay làm dấu bóp cò súng.

– Tôi giao cho ông… Ông làm được tôi mở tiệc ăn mừng liền…

Đứng trò chuyện hồi lâu không thấy địch bắn tiếp mọi người lục tục trở vào ngủ tiếp.

*****

Nhẫn thức dậy sớm hơn thường lệ. Đánh răng rửa mặt và thay quân phục xong anh tất tả đi ra cổng. Tự nhiên anh thèm ly cà phê buổi sáng. Mới hơn sáu giờ song nhằm cuối tháng 5 nên trời đã sáng rõ. Hàng quán dọc hai bên con đường đã mở cửa từ lâu. Mùi thức ăn theo gió quyện vào mũi làm cho anh đói bụng song ráng bước thêm chừng vài chục bước nữa để tới quán của chị ba Thơm. Anh đoán giờ này vợ chồng chị đã mở cửa. Nhất là Nhân, giờ này chắc vừa uống cà phê vừa lăng xăng phụ vợ nấu ăn. Nhưng khi tới nơi anh thấy cửa đóng im ỉm và đèn tắt tối thui.

– Chị ba ơi… chị ba… Anh Nhân ơi…

Không có tiếng trả lời. Nhẫn cau mày khi nghe tiếng đàn bà khóc văng vẳng.

– Chắc ông bả lại gây lộn rồi…

Nhẫn nghĩ thầm. Đoán hai vợ chồng đêm qua gây lộn với nhau nên thức dậy trễ, Nhẫn lại kêu lớn hơn.

– Chị ba mở cửa… Tôi là Nhẫn đây… Có cà phê chưa…

Vừa kêu lớn Nhẫn vừa gõ cửa mạnh. Lát sau anh nghe có tiếng người khóc lớn hơn rồi sau đó tiếng bước chân vang lên. Cánh cửa mở ra he hé cho anh thấy khuôn mặt ràn rụa nước mắt của chị ba Thơm.

– Có chuyện gì vậy? Anh Nhân đánh chị hả?

– Anh Nhân chết rồi em ơi…

Tiếng khóc của Thơm òa vỡ sau câu nói. Nhẫn lặng người.

– Làm sao mà ảnh chết…

– Bị pháo kích…

Dù Thơm không nói nhiều song Nhẫn cũng đoán ra cái chết của chồng chị. Đêm qua du kích của mặt trận rót mấy trái 82 vào căn cứ của Duyên Đoàn 46 mà Nhân lại có phiên trực ở đó. Giản dị như vậy. Anh thở dài thầm lặng khi nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của chị ba Thơm. Người đàn bà chưa tới ba mươi tuổi này sẽ sống ra sao, sẽ phải làm gì để nuôi ba đứa con. Lương tử tuất 12 tháng không đủ. Rồi đây một mình chị phải cáng đáng cái quán cà phê. Nhẫn ước gì mình có thể giúp cho người quả phụ đáng thương này. Anh là lính, sống chết chưa biết, tiền bạc cũng không có thời giúp được gì.

– Chị cần gì không tôi cố gắng giúp…

Thơm lắc đầu. Không nói lời nào thêm Nhẫn lặng lẽ ra về. Anh hết đói bụng cũng như hết thèm ly cà phê nóng cho buổi sáng. Anh cảm thấy mình có phần nào trách nhiệm trong cái chết của Nhân. Đó là trách nhiệm của một người lính không thể bảo vệ chiến hữu của mình. Mình phải làm gì? Câu hỏi lởn vởn trong trí của Nhẫn trên suốt đoạn đường về tới cổng của bộ chỉ huy vùng 4 duyên hải. Đan tỏ vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy Nhẫn gõ cửa nhà riêng của mình trong cư xá hải quân.

– Tôi có chuyện muốn bàn với trung úy…

Tuy không hiểu chuyện gì song Đan cũng vui vẻ mời Nhẫn vào nhà. Ông ta im lặng nghe vị sĩ quan biệt phái trình bày cách thức khóa họng khẩu 82 của địch. Sáng nay ông ta đã được đọc báo cáo của duyên đoàn 46 về thiệt hại nhân mạng và tiếp liệu của đơn vị này.

– Thiếu úy nghĩ là anh em sẵn sàng để đánh giặc?

Nhẫn cười nhẹ khi nghe câu hỏi của vị sĩ quan hải quân.

– Đánh trận lớn thời tôi nghĩ họ chưa đủ sức song rình nắm đầu mấy thằng du kích miệt vườn thời tôi nghĩ họ làm được. Tôi sẽ đi với họ…

Đan gật đầu. Anh biết Nhẫn có kinh nghiệm tác chiến hơn mình. Vả lại tuy mới gặp nhau hơn tháng song anh lại có sự tín nhiệm vào vị sĩ quan biệt phái.

– Nếu thiếu úy muốn thời thiếu úy được toàn quyền điều động toán xung kích. Chỉ huy trưởng của tôi cũng hối thúc hoài về vụ pháo kích. Ổng sợ binh sĩ mất tinh thần…

 Đứng dậy, Nhẫn cười nói gọn.

– Đêm nay hai người sẽ đi với tôi…

Đan bật kêu sửng sốt.

– Hai người… Thiếu úy…

Hiểu được sự ngạc nhiên của Đan, Nhẫn cười bình tịnh.

– Mình đột kích nên không thể đi đông. Gọn êm cộng thêm yếu tố bất ngờ sẽ khiến địch không kịp trở tay…

Đan gật đầu tỏ ý hiểu. Dù không phải sĩ quan tác chiến, ông ta cũng đã tự mình nghiên cứu về kỹ thuật đánh giặc nhất là du kích chiến.

– Trung úy an tâm… Tôi sẽ chọn hai tay súng giỏi, lì và chịu chơi nhất của toán xung kích để đi với tôi…

Đan gật đầu tiễn Nhẫn ra cửa. Nhìn theo dáng đi của người sĩ quan biệt động ông ta lẩm bẩm điều gì.

 

*****

Trời chập choạng tối. Chiếc jeep dừng lại trên con đường nối liền An Thới với trại tù Đất Đỏ. Nhẫn cùng hai người lính mặc quân phục ngụy trang nhảy xuống đất. Chiếc jeep quay đầu chạy trở về hướng An Thới. Đứng nhìn theo cho tới khi chiếc xe khuất bóng, anh mới thì thầm.

– Anh Ba đi trước… Tôi đi sau, còn Đực chính giữa…

Ba là người lính già nhất của toán xung kích. Nhẫn chọn người hạ sĩ nhất già tuổi đời lẫn tuổi lính vì lý do rất dễ hiểu. Trước khi trở thành lính hải quân, Ba đã là lính  bảo an rồi dân vệ và sau đó đăng vào hải thuyền. Hai thứ lính dân vệ và bảo an này khiến cho anh có nhiều kinh nghiệm để được Nhẫn chọn trong lần xuất quân đầu tiên. Còn một lý do quan trọng để Nhẫn chọn Ba là vì Ba sinh ra ở Dương Đông. Dân địa phương do đó anh quen thuộc địa hình địa vật của đảo Phú Quốc. Phần Đực lại là người lính trẻ nhất. Nhà ở Khánh Hội. 17 tuổi Đực đi biệt kích. Một năm sau bỏ về nhà rồi đăng vào hải quân và cuối cùng hiện diện trong toán xung kích. Ngay lần đầu tiên, Nhẫn đã nhận thấy khả năng của Đực. Anh cũng biết luôn cái tính ba gai và lì lợm của người lính có máu du đãng chảy trong người.

Đêm ba mươi không trăng. Sao sáng nhưng cũng không đủ làm sáng khu rừng thưa. Đom đóm bay lập lòe. Con đường mòn hiện mờ mờ. Nó là con đường dẫn tới Bãi Khem rồi lại chạy dọc theo bờ biển lên Bãi Sao qua mũi Chùa, mũi Ông Thượng, bãi Vòng và tới làng đánh cá Hàm Ninh. Phú Quốc là một hòn đảo có núi song núi không cao cũng như rừng không rậm rạp lắm. Không có ngọn núi nào cao quá năm trăm thước, còn rừng phần lớn là rừng chồi cây cối thưa thớt. Thuộc đường Ba đi thật nhanh khiến cho hai người đi sau phải cố gắng bước mới theo kịp. Dù  quen lội rừng song nghĩ mình không thuộc đường nên Nhẫn để cho Ba dẫn đường. Suốt cả ngày hôm nay, với sự cho phép của phòng 2, anh đã ngồi lì để đọc các tin tức mà họ thu lượm được xuyên qua các tổ tình báo nhân dân. Đúc kết các hoạt động gần đây nhất của du kích địch rồi đối chiếu với bản đồ hành quân, anh đoán ra hai mục tiêu mà các tên du kích thường hay đặt súng để pháo vào căn cứ hải quân và trại tù. Tìm ra vị trí rồi nằm chờ cho tới khi ban đêm chúng xuất hiện để đặt khẩu 82 xong toán xung kích bất thình lình nổ súng. Anh biết nếu muốn pháo vào căn cứ hải quân, địch phải đặt súng ở địa điểm gần căn cứ vì loại mọt chê 82 không thể bắn xa được. Ngoài ra địch cũng phải đặt súng ở vị trí trống trải mới có thể pháo được. Đó là chưa kể vị trí phải ở trên cao để có thể nhìn thấy mục tiêu rồi điều chỉnh tầm bắn. Anh không nghĩ đám du kích miệt vườn này biết cách quan sát và điều chỉnh mục tiêu mà chúng chỉ nhắm hướng, bắn càn bắn đại thôi. Bắn vào các vị trí cố định và rộng lớn thì không cần phải biết hoặc điều chỉnh toạ độ một cách chính xác.

– Tới rồi thiếu úy…

Nghe Ba lên tiếng, Nhẫn ngước nhìn về phía trước mặt của mình. Biển sáng mờ mờ. Ánh đèn leo lét của thuyền đánh cá lập lòe như đèn ma.

– Bãi Khem hả anh Ba?

Nhẫn thì thầm và Ba cũng trả lời gọn.

– Dạ… Mình còn cách bãi Khem trăm thước. Thiếu úy tính làm gì?

Đưa tay lên thấy đồng hồ chỉ 9 giờ, Nhẫn ra lệnh.

– Mình kiếm chỗ ngáo chờ tới sáng. Tôi đoán tụi nó không có bắn đêm nay đâu… Đực gác ca đầu đi rồi tới phiên tôi…

Không nói gì thêm Nhẫn tựa lưng vào gốc cây lim dim ngủ. Trên đầu anh, xuyên qua lá cây sao lấp lánh sáng. Đêm trôi trong yên tịnh.

– Thiếu úy…

Nhẫn mở mắt khi nghe tiếng của Ba gọi khẽ bên tai. Trời sáng mờ mờ. Giơ đồng hồ lên xem anh thấy 5 giờ rưởi sáng.

– Làm ly cà phê cho ấm thiếu úy…

Đực chìa ra trước mặt cấp chỉ huy cái ly nhựa ngã màu.

– Đen hay sữa vậy?

Nhẫn hỏi trong lúc ngồi dậy. Đực cười mỉm.

– Đen… Muốn có cà phê sữa thời thiếu úy phải đợi về quán chị ba…

Nhẫn cười cười đưa ly cà phê lên nhấp ngụm nhỏ đoạn tặc lưỡi.

– Ngon…

Nhìn thấy Ba đang phì phèo điếu Ruby, Nhẫn buột miệng.

– Mình hút được à?

Hiểu ý Nhẫn, Ba cười gật đầu.

– Thiếu úy cứ hút đi. Hồi sáng thức sớm tôi rảo một vòng… Chẳng có thấy thằng du kích nào…

– Không có dấu vết gì à?

Nhẫn hỏi trong lúc móc gói Pall Mall. Rút một điếu xong anh chìa sang cho Đực. Thấy nó lắc đầu anh lại đưa cho Ba.

– Cám ơn thiếu úy nhưng tôi thích Ruby hơn…

Không nói gì Nhẫn quẹt diêm đốt thuốc. Rừng thưa bắt đầu sáng hơn. Ba người lính im lặng uống cà phê và hút thuốc xong thong thả ăn sáng. Cũng chẳng có gì. Chỉ là ration C mà cố vấn Mỹ dành riêng cho toán đi kích. Một hộp thịt ba lát vì có đúng ba miếng thịt. Một hộp bánh lạt. Một lon trái cây và một gói thuốc lá có năm điếu. Ăn xong Đực lãnh phần chôn giấu thực phẩm để ngụy trang. Ba đi trước dẫn đường khi Nhẫn thấy mặt trời đỏ ối từ từ nhô lên sau hàng cây thưa. Đi tới bìa rừng Ba dừng lại. Bãi biển sạch trơn. Cát vàng mút mắt. Nước xanh gợn chút bọt trắng. Không có âm thanh nào khác hơn ngoài tiếng sóng vỗ vào bờ và gió lùa cây rừng.

– Quẹo phải hả anh ba?

Nhẫn lên tiếng hỏi. Ba gật đầu thay cho câu trả lời. Lát sau anh mới từ từ lên tiếng.

– Mình quét một đường từ đây về tới Mũi Ông Đội. Tôi nghi mấy thằng du kích đặt súng quanh quẩn trong vùng này…

Đực phụ họa lời của Ba.

– Tôi cũng đoán như anh Ba. Phải đặt súng gần nên tụi nó mới bắn trúng mình…

Chầm chậm gật đầu Nhẫn nói với hai người lính dưới quyền chỉ huy của mình.

– Bây giờ mình đi theo thế cài răng lược…

Ba với Đực nhìn Nhẫn như thắc mắc. Hiểu ý anh cười tiếp.

– Ba đứa mình lấy bãi biển làm chuẩn, đi cách nhau chừng ba mươi thước, dài từ đây tới Mũi Ông Đội. Nếu không tìm ra được chỗ địch giấu đạn hoặc đặt súng thời chúng ta đi ngược lại, bắt từ ngoài bãi biển kéo vào tới tận con lộ đi trại tù…

Hiểu ý của Nhẫn, Ba cười hỏi.

– Mình đi hả thiếu úy?

Anh ta cất bước liền không đợi câu trả lời của cấp chỉ huy. Nhẫn đi chính giữa còn Đực bên trái. Vì không có máy truyền tin để liên lạc nên Nhẫn ra lệnh cho hai người lính dưới quyền cố gắng giữ khoảng cách gần tới độ người này thấy được bóng của người kia. Khu rừng không tối lắm nhờ ánh nắng của mặt trời xuyên qua lá cây. Nhẫn đi chậm. Dù biết nếu đụng thời chỉ là du kích làng song anh vẫn cẩn thận. Khẩu M2 kèm bên hông, tay đặt hờ lên cơ bẩm, anh liếc ngang liếc dọc với hi vọng tìm gặp dấu chân, tàn thuốc lá, thức ăn mà địch bỏ lại. Tuy nhiên khu rừng hoang vắng không bóng người. 12 giờ trưa. Thấy Ba đang đi tới gần anh làm dấu hiệu nghỉ để ăn cơm trưa. Lát sau Đực cũng tham gia. Mỗi người đều có phần ration C riêng của mình. Nhìn Nhẫn lôi trong ba lô ra khúc bánh mì thịt, Đực cười nói nhỏ.

– Thiếu úy thích bánh mì à… Tôi thấy ông ăn cơm tay cầm hoài…

Cắn một miếng bánh mì, Nhẫn nói trong lúc nhai chầm chậm.

– Cái này dễ nuốt hơn đồ hộp Mỹ…

– Thiếu úy đoán chừng nào tụi nó mới pháo?

Nhẫn im lặng không trả lời câu hỏi của Ba. Anh hiểu anh ta muốn nói điều gì. Phải đốn gục ổ 82 thời họ mới thôi lội trong rừng để tìm kiếm mấy tên du kích. Ngủ ở nhà bên cạnh vợ con dĩ nhiên là sướng hơn ngủ bờ ngủ bụi, ăn đồ hộp và uống nước lã.

– Tôi không biết. Mình phải tìm ra chỗ tụi nó đặt súng rồi nằm chờ…

Đưa tay áo lên lau miệng Đực xen vào bằng câu hỏi.

– Thiếu úy đoán tụi nó có mấy cây 82?

– Tôi nghĩ có một. Bởi vậy tụi nó không thể bắn mỗi đêm vì phải mang tới chỗ này chỗ nọ. Ít nhất tụi nó cũng có hai địa điểm để đặt súng…

Nhẫn đưa bi đông lên uống liền một lúc hai hớp nước xong mới tiếp tục ăn. Ba nhận thấy dù đang ngồi ăn trưa cấp chỉ huy vẫn không rời khẩu súng. Thay vì để nó dựa vào gốc cây như Đực hay anh vẫn thường làm, Nhẫn lại đặt khẩu M2 nằm ngang qua đùi với tư thế sẵn sàng khai hỏa.

– Anh đi lính bao lâu rồi anh Ba?

Nhẫn lên tiếng hỏi. Gói phần cơm thừa của mình lại một cách cẩn thận, Ba cười trả lời.

– Mười hai năm rồi thiếu úy… Tôi đi lính lúc mười bảy… Thấy tôi lớn mà nhỏng nhỏng chơi với phá làng phá xóm, ông già bắt tôi đi lính bảo an. Được thời gian chán tôi nhảy qua hải thuyền rồi sau đó nhập vào hải quân luôn. Đi hải quân nhàn và thọ hơn. Nhất là ở Phú Quốc này thì nhậu mút chỉ cà tha. Đi lính hải quân ở Phú Quốc thì chỉ có nước bị sét đánh mới chết…

Không nhịn được Đực bật lên tiếng cười. Tới chừng nhớ ra anh ta vội ngậm miệng lại thật nhanh. Nhẫn thở dài nói.

– Vậy mà anh Nhân lại chết…

Nhìn khu rừng thưa đầy bóng nắng, Ba cũng thở dài nhè nhẹ.

– Mỗi người đều có cái số thiếu úy. Hễ tới số chết thì nằm trên bụng vợ cũng chết…

Đực lại đưa tay lên bụm miêng để tiếng cười của mình không phát ra lớn. Riêng Nhẫn vừa lắc đầu vừa mỉm cười vì câu nói có vẻ tiếu lâm của ông hạ sĩ.

– Tôi biết ai cũng có số… Chỉ tội cho chị Thơm…

Nhẫn nói nhỏ rồi im lặng. Ba cũng không nói gì thêm. Anh ta đang mân mê điếu thuốc lá trong tay trước đi đốt. Đực lên tiếng phá tan bầu không khí man mát vì gió từ ngoài biển lùa vào.

– Mình phải chôm được khẩu 82 của tụi nó không thôi biết đâu lại tới phiên mình…

– Mày đừng có nói tầm bậy tầm bạ…

Ba lên tiếng rầy Đực. Chỏi tay đứng dậy, cầm lấy khẩu M2, anh ta cười với Nhẫn.

– Mình đi hả thiếu úy?

Nâng khẩu súng lên bằng một tay, còn tay kia chống xuống đất lấy đà đứng lên, Nhẫn gật đầu nói bâng quơ.

– Mát quá… Trời này căng võng ngáo một giấc…

Đực cười nhỏ.

– Tôi có tật giống như thiếu úy… Ăn no là hai con mắt muốn híp lại…

Tủm tỉm cười Ba bước đi trước. Anh đi thật chậm. Con đường mòn quẹo chênh chếch về bên phải rồi đụng một con đường khác từ trại tù chạy xuống.

– Thiếu úy…

Nghe Ba kêu, Nhẫn hỏi gọn.

– Gì?

– Dấu chân… dấu chân mới lắm…

Bước thật nhanh để bắt kịp Ba đang đứng lại chờ, Nhẫn đứng im nhìn dấu chân in mờ mờ trên nền đất mịn màu vàng sậm. Nếu không chú ý người ta sẽ không nhận ra vì lá cây mục che bớt một phần nên ánh nắng mặt trời không xuyên qua được.

– Cái này của tụi nó hay là mấy ông tù binh?

Đực lên tiếng hỏi. Ba gật đầu nói với giọng quả quyết.

– Lính canh không có dẫn tù đi xa đâu…

Nhẫn gật đầu. Nhậu với Hiệp nhiều lần, anh biết lính quân cảnh không được phép dẫn tù đi xa căn cứ. Vả lại nếu có dẫn tù đi ra ngoài, họ chỉ dẫn đi về hướng bắc chứ không có đi về hướng nam. Từ chỗ anh đứng đi về trại tù độ ba cây số do đó lính quân cảnh không dẫn tù đi xa như vậy. Dấu chân này chắc chắn phải là dấu chân của toán du kích đã đặt súng pháo vào An Thới ngày hôm kia.

– Anh Ba bám theo đường mòn, tôi đi bên phải còn Đực bên trái. Nhớ coi chừng…

Thấy Đực dợm bước, Nhẫn nói thật nhanh.

– Chờ Ba đi trước rồi mình theo sau. Mình bung ra…

Hiểu ý, chờ cho Ba đi chừng hai mươi thước, Đực mới bắt đầu di chuyển. Riêng Nhẫn đứng nhận định phương hướng và tính toán giây lát mới nhanh nhẹn băng rừng để bắt kịp Ba. Anh thầm tiếc nếu mỗi người trong toán được trang bị máy truyền tin thời việc điều động và chỉ huy của anh sẽ dễ dàng hơn. Sau lần này anh sẽ đề nghị với trung úy Đan cấp cho mỗi toán và nếu có thể mỗi người một máy truyền tin. Tuy nhiên muốn cho lời yêu cầu của mình được thỏa mãn thời việc trước tiên là anh phải tìm ra chỗ đặt khẩu 82 cũng như bắn hạ mấy người lính du kích. Đi được một đoạn anh gặp con đường mòn. Trên nền đất màu vàng hiện mờ mờ vài dấu chân cũ và không còn nguyên hình dạng. Ngồi xuống quan sát thật kỹ, Nhẫn đoan chắc đây chính là dấu chân của đám du kích quận Dương Đông vì một lý do dễ hiểu. Nó không phải là dấu giày mà là dấu của bàn chân trần có năm ngón chân in trên nền đất ẩm ướt. Nhất là ngón cái lại in sâu và rõ hơn hết. Men theo lối mòn anh thấy dấu chân nhiều và rõ hơn. Nhưng được một quãng lối mòn đột nhiên biến mất và dấu chân cũng không còn nữa. Hơi thắc mắc anh đứng im suy nghĩ rồi sau đó bắt đầu đi loanh quanh để tìm kiếm. Lát sau anh bật lên tiếng kêu mừng rỡ. Giữa khu rừng thưa hiện ra một khoảnh đất trống khá rộng đầy dấu chân người. Điều đó cho anh biết đã tìm ra địa điểm, có thể là nơi đặt khẩu 82, hoặc có thể là điểm tụ tập của đám du kích. Đứng im suy nghĩ thật lâu anh lẳng lặng bỏ đi tìm hai đồng đội của mình.

Nấp sau thân cây Ba chăm chú nhìn khoảnh đất trống đầy dấu chân người giây lát đoạn quay qua thì thầm với Nhẫn.

– Thiếu úy tính sao thiếu úy?

Nhẫn trả lời nhanh như đã có sẵn dự tính trong đầu của mình.

– Mình phải đi ra chỗ đó…

Nói tới đó anh đưa tay chỉ vào một mô đất ngay chính giữa khoảnh đất trống. Ba gật đầu nói nhỏ.

– Tụi nó đấp đất cao lên để dùng làm chỗ đặt súng 82. Hay là thằng Đực canh chừng còn tôi với thiếu úy ra đó coi…

Gật đầu đồng ý Nhẫn ra lệnh cho Đực canh chừng còn mình với Ba đi ra mô đất. Vừa đi cả hai vừa cúi nhìn dấu chân in trên mặt đất.

– Đúng là tụi nó đặt súng ở đây rồi thiếu úy ơi…

Ba kêu lên mừng rỡ khi thấy ba cái vỏ đạn nằm cạnh mô đất. Nhặt vỏ đạn lên Nhẫn gật gù.

– Vỏ đạn 81… Chôm được khẩu súng là mình phẻ re…

Miệng lẩm bẩm anh quan sát thật kỹ lưỡng mô đất cũng như vị trí xung quanh để tìm chỗ phục kích. Riêng Ba chắt lưỡi khen đám du kích đã dọn chỗ bắn một cách chu đáo. Đấp mô đất lên cao xong chúng còn ra công nện cho cứng và bằng phẳng rồi mới chịu đặt chân súng lên để bắn cho chính xác.

Giơ đồng hồ lên xem thấy đã hơn ba giờ chiều, Nhẫn thì thầm với hai người lính của mình.

– Mình chờ…

Tuy cấp chỉ huy chỉ nói gọn có hai tiếng song Đực và Ba đều hiểu ý. Đưa tay chỉ con đường mòn, Nhẫn tiếp nhanh.

– Tôi nghĩ tụi nó sẽ theo đường đó để vào chỗ đặt súng… Mình nằm chờ…

Ba với Đực gật đầu hiểu ý. Ba giờ rưởi chiều họ ăn cơm thật nhanh xong tìm chỗ nấp. Nhẫn để cho Ba nằm vào vị trí số 1 và mỗi người cách nhau chừng năm  thước.

– Thiếu úy…

Ba lên tiếng. Như hiểu ý Nhẫn cười giải thích.

– Tôi để cho anh Ba nằm đầu. Khi nào anh nổ thì Đực và tôi sẽ nổ. Tôi muốn cho anh Ba và Đực quen dần… Mai mốt không có tôi…

Ba gật đầu hiểu ý của Nhẫn. Ông sĩ quan biệt động sẽ không ở đây lâu, do đó ông ta muốn anh trở thành kẻ chỉ huy như toán trưởng hoặc tiểu đội trưởng của đơn vị xung kích.

Ánh mặt trời le lói.  Không có tiếng chim ríu rít về tổ mà chỉ có tiếng gió biển xào xạc cây rừng. Khu rừng chìm dần vào bóng tối chập choạng. Nhẫn đưa tay lên. Chiếc đồng hồ dạ quang chỉ bảy giờ rưởi. Ba người lính im lặng ghìm súng chờ đợi. Đột nhiên họ nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm rồi lát sau trong rừng cây mờ mờ tối ba bóng người mặc bà ba đen xuất hiện. Ngón tay trõ của Ba miết vào cò súng.

8 giờ rưởi sáng. Đang ngồi trong phòng làm việc trung úy Đan nghe có tiếng cười nói xôn xao rồi trung sĩ nhất Linh hấp tấp bước vào. Giơ tay chào cấp chỉ huy, Linh nói nhanh.

– Trung úy… Ông Nhẫn… Ổng rinh về mấy khẩu súng… khẩu 82 nữa trung uý ơi…

Không nói tiếng nào, Đan hấp tấp theo chân Linh bước ra sân. Đám lính xung kích quây thành vòng tròn bao quanh Nhẫn, Ba và Đực. Trên nền cát mịn, 1 khẩu bá đỏ,  1 khẩu AK 47 và một khẩu mọt chê 82 với ba trái đạn 81 nằm im lìm. Vừa thấy Đan, Nhẫn mỉm cười.

– Tôi có đồ chơi cho trung úy rồi đó…

Cười bắt tay Nhẫn thật chặt, Đan quay sang Ba và Đực nói vài lời khen ngợi xong ngắm nghía chiến lợi phẩm rồi kéo Nhẫn đi về phía phòng hành quân để làm bản báo cáo trình lên thượng cấp.

4.

Bến đò từ Rạch Giá đi Dương Đông và An Thới nằm dọc theo con rạch đầy nước đục ngầu ăn thông với cửa biển. Gió man mát mang theo mùi sình và muối cộng với mùi rong rêu từ ngoài khơi ùa vào làm cho Nhẫn cảm thấy dễ chịu sau một đêm nhậu say. Chiến tích bợ được khẩu 82 và hai khẩu súng khác về cho bộ tư lệnh hải quân vùng 4 duyên hải khiến anh được trung úy Đan cho phép ra Rạch Giá chơi hai ngày cuối tuần. Bợ có ba khẩu súng về mà tất cả lính của căn cứ đều vui mừng như đụng trận lớn. Điều đó khiến cho anh buồn cười, nhất là được vị đại tá tư lệnh bắt tay khen thưởng nữa mới lạ. Chả bù với biệt động. Đánh tan tiểu đoàn địch, tịch thu súng chở đầy nhóc xe nhà binh mà chẳng được ma nào khen hay để mắt tới. Hoạ hoằn mới được liên đoàn trưởng bố thí hay chỉ huy trưởng vùng ” xí cô hồn ” cho vài cây thuốc Ruby quân tiếp vụ và thùng đại liên rượu đế, thứ rượu công xi pha cồn uống vào cháy ruột cháy gan. Anh mỉm cười nghĩ kể ra chuyến biệt phái của mình không vô vị lắm. Đang từ một kẻ xa lạ thì bây giờ ngược lại. Anh được mấy ông sĩ quan hải quân cùng phòng nhìn bằng con mắt nể phục và cử chỉ của họ cũng thân thiện, vui vẻ hơn. Trung úy Bằng, sĩ quan có cấp bậc cao nhất của phòng độc thân mời anh đi uống cà phê và tặng anh một cây thuốc Lucky gọi là quà tao ngộ. Còn mấy người khác thì cho mượn truyện chưởng, sách báo đọc để giải cái sầu xa Sài Gòn.

– Anh ơi anh… Làm ơn cho tôi hỏi tàu đi về Cây Dừa chạy rồi hả anh?

Đang sật sừ vì rượu còn đọng trong máu lại thêm mơ màng suy nghĩ, nghe tiếng người nói bên tai, Nhẫn ngước lên nhìn. Trước mặt anh là cô gái còn trẻ, tóc buông chấm lưng, đội nón lá, mặc bà ba trắng quần đen, mang guốc vông đang mỉm cười nhìn như chờ câu trả lời. Vì anh không mặc quân phục nên cô gái tưởng anh là dân thường.

– Cô về An Thới hả?

– Dạ… Tôi về An Thới…

Cô gái dạ tiếng nhỏ. Nhẫn cất giọng chậm và nhát gừng.

– Hồi nãy tôi thấy chiếc đò chở đầy người tách bến mà hổng biết nó đi đâu…

– Vậy là tàu chạy rồi. Tôi tới trễ có chút xíu mà nó chạy mất tiêu… Đợi chiếc thứ nhì lâu lắm… chiều mới có…

Liếc nhanh cô gái, Nhẫn cười cười.

– Một hồi nữa có tàu của hải quân…

– Dạ…Tôi là dân họ đâu có cho tôi đi…

– Họ sẽ cho cô đi với một điều kiện?

– Dạ… Điều kiện gì dậy anh?

Nhìn chăm chú gã con trai đang đứng trước mặt mình, cô gái hỏi nhỏ. Đốt điếu thuốc hít hơi dài, Nhẫn cười nhìn cô gái.

– Cô cho tôi biết tên…

– Dạ… Sao kỳ dậy… Anh muốn biết tên tôi để làm gì?

– Tôi sẽ nói với mấy ông lính hải quân cho cô quá giang vì cô là bạn với tôi. Cô là bạn của tôi mà tôi hổng biết tên của cô thì ai mà tin. Đúng hông?

Cô gái chúm chiếm cười như nhìn nhận gã con trai đang đứng chờ đò nói đúng.

– Dạ tôi tên Lựu…

Mỉm cười, Nhẫn nghĩ thầm trong trí của mình. ” May mà cô tên Lựu… chứ cô mà có thêm tên Đạn nữa thì tôi hổng dám quen với cô đâu…”. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng anh lại đâm ra thích cô gái tên Lựu vì cách nói chuyện lễ phép và thật thà của dân miền lục tỉnh.

– Vậy thì cô Lựu đứng đây chờ một chút sẽ có tàu hải quân tới đón cô và tôi về An Thới…

Lựu liếc nhanh gã con trai mới gặp mặt lần đầu. Cử chỉ của cô có vẻ băn khoăn và không mấy tin vào lời nói của anh ta.

– Dạ… mà anh có chắc hông… Tôi đâu có thấy chiếc tàu hải quân nào đâu…

Hít hơi thuốc dài, Nhẫn cười cười.

– Tôi hỏi rồi… Cô rán chờ…

Hồi sáng vào hậu trạm Kiên Giang hỏi trung sĩ Quýnh phương tiện về An Thới, anh được Quýnh cho biết sẽ có chiếc ghe chủ lực của Duyên Đoàn 45 đi từ Xẻo Rô sang An Thới. Quýnh đã liên lạc với chiếc ghe này ghé Hậu Trạm để đón anh và các nhân viên đi phép. Lựu làm thinh không trò chuyện song thỉnh thoảng cứ liếc chừng gã con trai lạ mặt. Không biết anh ta là ai, làm gì mà bộ vó khác với đám con trai ở đây. Cái kiểu hút thuốc xong rồi phun khói ra thành hình chữ O từ lớn ra nhỏ mà nhỏ lại xuyên qua lớn thì chỉ có dân ở Sài Gòn mới biết và làm giỏi hơn dân lục tỉnh. Chừng mười lăm phút sau, Nhẫn nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện rồi mấy người lính hải quân từ hậu trạm Kiên Giang đi ra bến. Điều đó cho anh biết tàu hải quân sắp tới. Lát sau mọi người đều thấy chiếc ghe khá lớn có lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới chạy vào con lạch. Ghe cập bến. Lính hải quân bước xuống trước. Thấy Nhẫn và Lựu định xuống ghe, một người lính dưới thuyền giơ tay ngăn lại. Nhẫn cười nói.

– Tôi là thiếu úy Nhẫn ở biệt động quân. Tôi biệt phái cho đại đội xung kích của trung úy Đan. Cô Lựu đây là bạn của tôi, nhà cũng ở An Thới…

Vừa nói Nhẫn vừa móc lệnh công tác đưa cho người lính. Xem xét cẩn thận anh ta mới cho hai người xuống tàu. Ngồi bên cạnh Nhẫn, Lựu im lìm không nói. Dường như sau khi nghe ông lính xưng tên và cấp bậc, cô có hơi e dè hổng muốn bắt chuyện làm quen kể cả nói tiếng cám ơn dù biết nhờ có ông ta nói dùm cô mới được quá giang tàu hải quân mà không phải chờ đò lâu lắc hơn. Ghe chật ních người nên Nhẫn cũng không tiện chuyện trò để làm quen với Lựu ngồi kế bên. Khoảng hai giờ chiều ghe cặp cầu căn cứ hải quân. Gặp lúc thủy triều xuống, tuy nhờ Nhẫn giúp đỡ mà cũng khó nhọc lắm Lựu mới lên cầu được. Đi song song trên cầu tàu, Nhẫn cười nói với Lựu.

– Tôi hi vọng gặp lại cô…

Im lìm giây lát, Lựu nói với giọng hờn mát.

– Anh là lính mà anh giấu… Hổng thèm nói chuyện với anh đâu…

Cười đứng nhìn theo cô gái đi ra cổng, Nhẫn lẩm bẩm: ” Cô ở Cây Dừa thì sớm muộn gì tôi cũng kiếm ra cô, cô Lựu… đạn ơi…”. Nói xong anh cười hắc hắc đi về phòng sĩ quan độc thân.

Mũi Ông Bốn. Tuy nắng chói chang song nhờ có gió mạnh thành ra cũng không oi bức lắm. Sóng vỗ ì ầm tung bọt trắng xóa. ” Dường như biển sắp động…” Nhẫn nói với mình khi thấy sóng bạc đầu trắng xóa bủa ngoài khơi. Hàng dương vi vu âm thanh lãnh lót vì gió mạnh. Bãi biển sạch trơn không dấu chân người. Nhằm thời chiến tranh với lại cách xa đất liền, Phú Quốc không phải là nơi dành cho khách du lịch. Bãi biển này dài mấy cây số, cát vàng óng ánh mà vắng lặng không có tiếng người ngoại trừ tiếng sóng vỗ vào bờ cát ì ầm nhịp điệu hoài hủy. Đây là nơi nghỉ mát của Nhẫn trong những ngày không có công tác hoặc giờ huấn luyện cho toán xung kích. Sau chiến thắng tịch thu được khẩu 82 ly và hai khẩu súng trường của địch thì tình hình khá yên tịnh. Tuy nhiên với kinh nghiệm của một người lính chiến, anh biết địch đang âm thầm chuẩn bị một cú ngoạn mục để trả thù. Có thể địch sẽ tìm cách bắn sẻ, tấn công căn cứ, hay tìm một vị trí mới để pháo và lần pháo này mục tiêu sẽ là bộ tư lệnh vùng 4 duyên hải nơi anh đang lưu trú. Anh đã trình bày chuyện này với trung úy Đan song chưa thấy ông ta có quyết định gì. Anh còn bàn ra với trung sĩ Linh về ý kiến dẫn toán xung kích ban đêm ra lập trạm thám báo để dò xét và nghe ngóng địch tình để nếu địch có tấn công thì sẽ đụng toán thám báo trước. Tuy nhiên người hạ sĩ quan hải quân này có vẻ không hưởng ứng lời nói của anh. Biết mình là sĩ quan biệt phái chẳng có quyền hạn gì nên anh im không nói nữa. Ngày ngày anh chỉ làm công tác huấn luyện như dẫn lính tập bắn, dạy ném lựu đạn hay dạy chút ít lý thuyết hành quân như di hành trong đêm, sử dụng la bàn… Giờ rảnh rổi, nếu không lên trại tù chơi với Hiệp thì anh lại ra đây tắm, phơi nắng, đọc sách và nhậu với mình. Trời, đất, biển bao la… không người nhậu thì ta nhậu với ta… Anh ước gì tình trạng an ninh cho phép, anh có thể cắm trại ban đêm trên bãi biển. Đêm có trăng mà tắm, đi bộ, uống rượu say ca hát nghêu ngao thì chắc thơ mộng và thú vị vô cùng. Liếc đồng hồ thấy chỉ 4 giờ rưởi anh biết mình phải về trại tắm rửa, thay y phục rồi đi ăn cơm trước khi trời tối. Thu dọn nhanh đồ đạc anh đi dài trên cát một đỗi sau đó noi theo đường mòn đi xuyên qua xóm nhà dân làm nước mắm rồi ra đầu lộ nơi có quán của chị Ba Thơm. Đi gần tới đường mòn, anh dừng lại rút khẩu Colt45 ra kiểm soát lại lần nữa mới bương bả bước. Trời tuy chưa tối nhưng vì có nhiều cây cối bao quanh, ” xóm nước mắm ” trông có vẻ u tịch và vắng vẻ. Anh rảo bước khi nghe tiếng cười nói xa xa vẳng lại. Đi gần tới ngã ba chạy sâu vào trong xóm anh thấy một người đi cùng chiều với mình và đi trước chừng mươi bước. Thấy y phục anh biết đó là phụ nữ. Người này mặc bà ba trắng, quần đen, mang guốc và đội nón lá xùm xụp. Khi anh đi gần tới nơi, có lẽ vì nghe tiếng bước chân của người nào đó khác mình, người này quay đầu lại nhìn. Thở khì ra, Nhẫn cười nói bằng giọng vui vẻ.

– Tưởng ai té ra cô Lựu…

Thiếu chút nữa Nhẫn đã phun ra tiếng ” đạn ” rồi. Lựu, cô gái quá giang tàu hải quân cùng anh về An Thới mím đôi môi như cố không cười. Tuy nhiên Nhẫn nhận thấy ánh mắt của cô ta sáng lên vẻ gì là lạ như vui mừng. Đôi môi mím lại như cố không cười làm cho cô ta có duyên hơn.

– Ủa anh… Anh đi đâu dậy?

Nghe câu hỏi, được dịp để đùa, Nhẫn cười thành tiếng.

– Thì đi kiếm cô chứ đi đâu… Mấy ngày nay tôi vòng vòng trong phố Cây Dừa kiếm cô Lựu. Bữa nay mà hổng gặp cô là ngày mai tôi sẽ đi vòng vòng réo tên cô cho tới khi nào cô chịu ló mặt ra nói chuyện với tôi…

Lựu bật cười vì cái giọng nói tếu của gã thanh niên mà nàng biết là lính và đặc biệt hơn nữa lại là dân Sè Gòn. Mấy hôm trước sau khi về tới nhà, trong lúc trò chuyện cô kể cho anh trai là lính hải quân nghe về chuyện mình tình cờ gặp ông lính xưng là thiếu úy Nhẫn biệt động quân, biệt phái cho toán xung kích. Làm trong phòng 5 của bộ tư lệnh do đó Hiển, anh nàng biết khá rành mạch về Nhẫn. Không biết Hiển nói gì với cô em gái của mình mà khi đụng mặt, Lựu lại có cử chỉ kha khá thân thiện hơn.

– Tôi đã nói là tôi hổng thèm nói chuyện với anh mà thì anh kiếm tôi làm chi…

Câu nói của cô nghe như hổng có thèm, hổng có muốn quen biết mà giọng nói lại có chút khang khác đi.

– Tôi kiếm để xin lỗi cô Lựu…

– Xin lỗi cái gì… Lỗi phải gì đâu mà xin anh ơi…

Nhẫn cười. Lựu cảm thấy nụ cười làm cho khuôn mặt của người lính cọp rằn thành ra có cái gì ưa nhìn hơn…

– Cô mà hổng cho tôi xin lỗi là tôi theo cô tới nhà…

– Ừa… anh hổng sợ thì anh theo tôi dìa nhà… Ba tôi là trưởng ấp còn anh tôi là lính hải quân đó… coi chừng họ bẻ răng anh…

Cười hì hì Nhẫn nghĩ thầm: ” Hết người hù sao mà cô ta đem trưởng ấp với lính hải quân ra hù lính cọp rằn. Lính của công trường 5, công trường 7 hù tôi còn chưa ớn nữa cô ơi…”

Nghĩ thì nghĩ như vậy song anh không nói ra vì sợ mích lòng bèn xuống giọng tếu.

– Tôi có làm gì đâu mà ba và anh cô bẻ răng tôi… Nếu họ muốn bẻ thì tôi cho họ bẻ… Tôi có cái răng sâu nhức ngủ hổng được… Họ bẻ thì tôi cám ơn…

Không nhịn được Lựu bật cười hắc hắc. Nói này nói nọ mà trong thâm tâm cô lại thích nghe ông lính cọp rằn đẩy đưa. Ở An Thới này cô ít có nghe ai đẩy đưa với mình bằng cái giọng nghe hổng nín cười được.

– Anh lì quá…

– Dạ tại tôi được huấn luyện để lì mà. Lính cọp rằn như tôi mà hổng lì thì phe địch họ hù một tiếng là chạy rớt quần…

Lựu đưa tay lên bụm miệng để cho tiếng cười không phát ra nhưng âm thanh sằng sặc vẫn thoát ra ngoài. Cố nín cười, cô đưa tay chỉ căn nhà ngói khang trang thắp đèn sáng nằm dưới khóm dừa cao.

– Nhà tôi đó…

Nhẫn buột miệng trầm trồ.

– Nhà đẹp quá… bởi vậy ông bà mình nói phải quá ” nhà đẹp để cho người đẹp ở ” đâu có sai đâu…

Lựu làm thinh mà trong bụng khoai khoái vì được khen.

– C… á… m… ơ… n…

Cô đãi tiếng cám ơn ra thật dài khiến cho Nhẫn bật cười.

– Anh dô hay là anh đứng đây?

Lựu hỏi khi thấy bộ tịch hơi ngần ngại của Nhẫn. Anh chưa trả lời, cô tiếp liền.

– Ủa anh nói anh là lính biệt động anh lì lắm mà…

– Sao cô biết tôi là lính biệt động lì?

Nhẫn hỏi liền. Lựu chúm chiếm cười.

– Thì anh nói chứ ai nói. ” Tôi là thiếu úy Nhẫn ở bị động quân. Tôi biệt phái cho đại đội sung rụng của trung úy Đan. Cô Lựu quen với tôi, nhà cũng ở An Thới…”

Cười hăng hắc khi nghe Lựu nhái giọng câu nói của mình đồng thời còn sửa mấy tiếng biệt động quân thành ra ” bị động quân ” và xung kích thành ra  ” sung rụng ”, Nhẫn nghĩ thầm: ” Cô này thiệt hết biết luôn. Của người ta là xung kích mà cổ dám nói là sung rụng…”

Nghĩ tới đó Nhẫn cười cười.

– Cô Lựu biết tại sao tôi kiếm cô không?

– Tại sao?

– Tại vì tôi thích cô… Cô ăn nói có duyên… Cô làm tôi cười… An Thới buồn hiu mà kiếm được người chọc cho mình cười khó quá…

Hứ tiếng lớn Lựu buông gọn lỏn.

– Tôi đâu phải là hề của anh…

– Hổng là hề thì là thê…

Nhẫn nói trong lúc bước vào sân và nói thật nhỏ. Lựu nghe song giả vờ không nghe mà chỉ hứ một tiếng rồi ngoe nguẩy bước qua mặt Nhẫn. Gần tới cửa cô ta kêu lớn.

– Anh hai ơi anh hai… Có người kiếm anh nè…

Đang ở trong nhà nói chuyện với ba má, nghe tiếng em gái kêu Hiển bước ra hàng ba. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy Nhẫn đi cùng em gái mình.

– Ủa thiếu úy kiếm tôi hả?

Nhẫn cười vui. Ở trong căn cứ, tới lui với phòng 5 vài lần nên anh quen mặt Hiển.

– Tôi đi vòng vòng trong xóm chơi tình cờ gặp cô Lựu. Nói chuyện mới biết anh là anh của cô Lựu nên cô Lựu rủ tôi tới gặp anh…

Cúi mặt cười Lựu lẩm bẩm.

– Anh này xạo ghê ta… Anh tò tò theo mình mà dám mở miệng nói mình rủ ảnh… Người gì đã lì lợm mà còn thêm xạo nữa…

Liếc em gái, Hiển cười hà hà.

– Vậy hả… Mời thiếu úy dô nhà uống nước chơi…

Chưa chịu bước, Nhẫn cười nhìn Hiển.

– Cho tôi xin hai tiếng thiếu úy đi. Anh em được rồi. Tôi chắc nhỏ tuổi hơn anh…

Nghe câu nói đó Hiển có vẻ khoái ông lính cọp rằn nên vỗ vai Nhẫn vui vẻ mời vào nhà. Chào hỏi ba má của Hiển xong Nhẫn được mời ngồi làm vài chung đế cho ấm bụng. Thấy Lựu còn đứng xớ rớ Nhẫn nháy mắt cười khiến cô ta nguýt anh một cái bỏ vào nhà sau. Ngồi lai rai trò chuyện với Hiển, Nhẫn mới biết thêm vài chi tiết về cô em gái út của anh ta. Lựu được ba má cho ra Rạch Giá ở với người dì ruột để đi học trường trung học. Cô 16 tuổi đang học lớp 10. Hè nên về An Thới ở với ba má. Vì là con út, học giỏi nhất nhà, hiền hậu, nết na và siêng năng làm việc nên được ba má thương và cưng nhất. Hôm mà anh gặp Lựu ở Rạch Giá là hôm cô ra thăm bạn bè ở tỉnh rồi trở về. Ba má của Lựu thuộc gia đình khá giả có ghe đánh cá và lò làm nước mắm. Phần Hiển làm gì không biết Nhẫn thích em gái mình. Anh cũng mến Nhẫn vì thấy Nhẫn tuy là lính biệt động mà ăn nói đàng hoàng, lễ độ, lịch sự, không có văng tục chửi thề như một số ít lính khác, vì vậy cũng vui vẻ tiếp chuyện.

– Trời tối rồi anh chắc tôi phải về… Hôm nào rảnh tôi ra nói chuyện tiếp…

– Ừ để tôi bảo con Lựu nó cầm đèn đưa anh ra tới lộ lớn ngay quán chị Ba…

– Ở đây ban đêm an ninh không anh?

– An ninh lắm… bởi vậy tôi mới ngủ ở nhà được… Lựu ơi…

Nghe anh gọi Lựu dạ tiếng nhỏ.

– Em cầm đèn đưa Nhẫn ra quán chị ba dùm anh nghen em…

Liếc nhanh Nhẫn, Lựu cầm đèn bước ra sân trước. Chào từ giã ba má của Lựu với Hiển xong Nhẫn ra cửa. Hai người im lặng đi bên nhau.

– Cám ơn cô Lựu…

Nhẫn lên tiếng. Làm thinh giây lát Lựu mỉm cười.

– Vậy là anh vừa lòng hén… Hổng bị bẻ răng mà còn được mời nhậu và hỏi chuyện về tôi…

Nhẫn cười trong bóng tối chập chờn ánh đèn dầu.

– Tôi chỉ muốn làm quen với cô Lựu thôi mà… ở đây kiếm được người có học và biết nói chuyện khó quá…

– Học gì… Tôi đâu có biết chuyện gì để nói với anh…

Nghe giọng thì vẫn còn hờn mát song đã giảm đi nhiều, Nhẫn cười.

– Học chữ chứ học gì. Ở đây đâu có ai học lớp 10 của trường trung học Rạch Giá…

Lựu quay mặt giấu nụ cười.

– Nhà anh ở đâu. Sài Gòn phải hông?

– Dạ…

Nghe Nhẫn dạ, Lựu cười nghĩ thầm: ” Anh này mà nghe ảnh nói chuyện lầm chết… Dạ thưa mà lì lợm và xạo một cây…”

– Nhà má tôi ở Sài Gòn. Lựu có lên Sài Gòn lần nào chưa?

– Dạ có… Sau khi học xong lớp 11 ở Rạch Giá, tôi sẽ xin ba má lên Sài Gòn học thi tú tài đôi rồi thi vào trường đại học sư phạm…

Nhẫn quay qua nhìn Lựu. Anh có chút ngạc nhiên về dự tính tương lai của cô gái hơi có vẻ quê mùa này. Anh đâm ra thích thú vì biết mình đã gặp một cô nữ sinh còn trẻ có cá tính. Cô ta biết rõ ràng vị trí của mình cũng như những gì mình sẽ làm và phải làm. Anh đã hỏi nhiều học sinh trung học về dự tính của họ sau khi tốt nghiệp. Đa số đều không có câu trả lời dứt khoát về tương lai của mình. Họ không biết họ sẽ làm gì? Tiếp tục học? Đi làm? Đi lính? Họ không thể làm nếu họ không biết làm gì. Giống như họ sẽ đi vòng vòng bởi không biết mình đi đâu. Định được hướng đi của mình là điều quan trọng nhất trước khi khởi hành trong chuyến đi vào đời sống đầy xô bồ và hổn loạn của một xã hội đang có chiến tranh.

Hai người im lặng không nói gì hết khi tới quán chị Ba. Nói lời cám ơn và từ giã Nhẫn lầm lũi bước. Đứng nhìn theo dáng đi của người lính chiến giây lát Lựu mới trở lại nhà.

Trang 2