1
LUẬT CỦA KIẾM
Nằm trong địa phận phủ Tuyên Hóa và cách Hà Dương chừng hai ba chục dặm, Thanh Thủy là một sách của vùng biên thùy. Đó là nơi dân thiểu số Mèo, Mán, Thổ, Thái mang các đặc sản như ngà voi, da thú, xương cọp, sâm, nhung hoặc các loại dược thảo hiếm quí để trao đổi với các con buôn tới từ Vân Sơn, Nghiễn Sơn, Bình Viễn hay Mông Tự. Là đất rừng rú dĩ nhiên Thanh Thủy còn là nơi trú ẩn của các tay lưu lạc giang hồ, dân trốn tránh luật pháp hoặc những ai muốn sống ngoài vòng cương tỏa của triều đình. Tuy nhiên tất cả dân cư ngụ hoặc người lui tới đây vì bất cứ lý do gì đều đối xử với nhau bằng thứ luật đặc biệt. Luật của kiếm.
Viễn khách có mặt ở Thanh Thủy lúc nào không ai biết. Chẳng ai màng chú ý tới y bởi vì cái sách biên thùy này có rất nhiều khách phương xa đến không ai biết và đi không ai hay. Không ai màng chú ý tới y dù y đang ngồi lai rai chén rượu trong Quán Biên Thùy, một quán rượu ồn ào, dơ dáy, bẩn thỉu và hôi hám. Đó là cái mùi hăng hắc của rượu cần, thuốc lá và mùi hôi toát ra từ quần áo và thân thể của các tay phiêu bạt giang hồ năm ba ngày hoặc nửa tháng chưa tắm rửa và thay đổi y phục. Người ta thường gọi đùa với nhau là mùi giang hồ.
Đang ăn uống, trò chuyện ồn ào thực khách chợt ngưng bặt khi thấy một người xô cửa bước vào. Tóc dài chấm vai, râu rồng hung hung đỏ, quần áo làm bằng da thú, chân quấn xà cạp, ngang hông lủng lẳng thanh dao đi rừng to bản; người lạ giống như thứ người rừng ngang tàng và hoang dã. Đảo đôi mắt đười ươi trắng dã hắn lừng lững tiến tới chiếc bàn trong góc nơi viễn khách đang ngồi.
– Ê… Mày…
Hắn nói bằng giọng cộc cằn và xấc xược. Tay nâng chén rượu lên ngang tầm mắt, vành môi hơi nhếch thành nụ cười, viễn khách bình lặng nhìn gã người rừng đang đứng sừng sững trước mặt mình.
– Ngươi biết võ không mà mang kiếm?
Gã người rừng cười hô hố sau câu hỏi. Không nghe người khách phương xa trả lời câu hỏi của mình, hắn lập lại.
– Tao hỏi mày biết võ không mà mang kiếm. Bộ tính hù thiên hạ à?
Uống một hơi cạn chén rượu viễn khách vẩy tay gọi chủ quán cùng với giọng nói trầm lạnh vang lên.
– Rót cho ta chén rượu đầy…
Không nói lời nào lão chủ quán rót rượu đầy chén mà viễn khách vừa uống cạn.
– Các hạ tên gì?
Viễn khách buông gọn bốn tiếng. Gã người rừng cười hô hố.
– Hắc Báo… Tên của ta là Hắc Báo…
Nâng chén rượu lên bằng tay trái viễn khách từ từ cất tiếng.
– Tuy không biết võ nhưng ta có thể chém rơi đầu Hắc Báo…
Hắc Báo ngữa cổ cười sằng sặc. Vài người trong quán cũng cười vì câu nói của viễn khách. So về nhân dạng y không phải là đối thủ đồng cân lượng với Hắc Báo. Nếu hai bên choảng nhau thời không khác gì người lớn đánh với trẻ con.
– Chém rơi đầu ta… hà… hà… hà…
Rẻng… Lưỡi dao rừng to bản được rút ra khỏi vỏ gây thành âm thanh chát chúa làm nhức tai người nghe. Cuộn gió ồ ồ, nó bắt từ trên cao vút xuống đỉnh đầu như muốn xẻ đối thủ ra làm hai mảnh. Ngay lúc lưỡi dao còn cách mục tiêu cự ly, bàn tay của viễn khách máy động. Buông chén rượu đang cầm bàn tay của y hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Xoẹt… Ánh kiếm lòe chớp rồi tắt lịm. Tay vẫn còn cầm chén rượu, vành môi hơi nhếch thành nụ cười cao ngạo, viễn khách trầm lặng nhìn Hắc Báo đang đứng trước mặt mình.
Không một người nào thấy được viễn khách xuất thủ. Họ chỉ thấy Hắc Báo đứng bất động rồi một sự kiện kỳ dị xảy ra. Máu từ từ ứa ra quanh cổ của hắn thành một vòng tròn đỏ tươi. Hắc Báo ngã ngữa ra đất cùng lúc với cái đầu lìa khỏi cổ lăn lông lốc tới chỗ lão chủ quán đang đứng. Không khí lặng trang tới độ người ta nghe được tiếng ruồi bay vo ve trong không khí.
Từ từ ngồi xuống ghế, viễn khách thong thả nhấp ngụm rượu. Tiếng cười nói, ăn uống lại nổi lên dường như không ai quan tâm tới cái chết của Hắc Báo. Luật của kiếm mà. Mạnh thời sống mà yếu thời chết.
– Sát Minh Thư Sinh… Cuối cùng rồi Bát Thủ Tiên Trần Hoàn ta cũng gặp ngươi…
Vành môi hơi nhếch thành nụ cười, viễn khách chăm chú nhìn ra cửa. Nhân vật tự xưng danh Bát Thủ Tiên Trần Hoàn đủng đỉnh bước từng bước tới đứng trước mặt viễn khách. Không ai tường tận lai lịch của họ Trần, nhưng nhìn huy hiệu chiếc ngôi sao màu vàng nơi cổ áo ai ai cũng biết hắn là nhân viên có cấp bực của đoàn do thám Ngụy Minh, một trong nhiều cơ quan đang cai trị Đại Việt. Dừng trước mặt người khách lạ mà hắn gọi là Sát Minh Thư Sinh, Trần Hoàn lạnh giọng.
– Ta nhận lệnh của tổng đàn áp giải ngươi về Đông Quan…
Khẽ nhấp ngụm rượu nhỏ, Sát Minh Thư Sinh cất giọng trầm trầm.
– Các hạ theo đuôi ta từ Thăng Long, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, châu Thuận, châu Hóa, Hưng Hóa rồi lên miệt Tuyên Hóa và cuối cùng ở Thanh Thủy này. Xem ra các hạ không chịu bỏ cuộc…
Giọng nói của Bát Thủ Tiên Trần Hoàn rít qua hàm răng cắn chặt.
– Nhân viên do thám như ta không khi nào bỏ cuộc nhất là đối với một can phạm bị tuyên án tử hình khiếm diện như ngươi. Ngươi lên rừng ta cũng lên rừng. Ngươi xuống biển ta cũng xuống biển. Ngươi xuôi nam ngược bắc ta cũng theo. Ta chỉ bỏ cuộc khi nào giữa ta và ngươi có một người chết…
Sát Minh Thư Sinh nhếch môi cười khỉnh. Liếc nhanh vòng người đang im lặng lắng nghe câu chuyện của mình với Trần Hoàn, y cao giọng.
– Các hạ biết mình đang ở đâu?
Ánh mắt sáng rực hàn quang của tên do thám Ngụy Minh quét một vòng quanh quán rượu. Vài người có cảm giác ánh mắt đó giống như lưỡi kiếm vờn trên da thịt của họ.
– Ta biết…
Buông gọn hai tiếng trên, Trần Hoàn cao giọng tiếp.
– Thanh Thủy… Luật của kiếm…
Hắn vừa dứt lời, Sát Minh Thư Sinh cao giọng.
– Chủ quán… Mang cho ta chục vò rượu…
Hiểu ý đối phương định so tài bằng rượu Bát Thủ Tiên Trần Hoàn cười gằn. Dù muốn hay không hắn cũng không có chọn lựa nào khác hơn bởi vì hắn phải tuân theo luật của kiếm. Muốn hoàn thành nhiệm vụ áp tải hay xóa tên can phạm, hắn phải tỏ cho mọi người biết hắn có tài cao hơn hoặc thừa khả năng chế ngự đối phương. Thắng là sống mà bại là chết. Luật của kiếm giản dị lắm.
Năm vò rượu cần và một cái chén lớn được lão chủ quán đặt trước mặt mỗi đối thủ. Đây là loại rượu của dân miền sơn cước, được cất theo cách thức đặc biệt cho nên mạnh vô cùng. Người thường uống một vò cũng đã say túy lúy ngủ li bì cả ngày.
Liếc nhìn các tay hảo hán giang hồ trong quán biên thùy, Sát Minh Thư Sinh cao giọng.
– Mời các hạ…
Vành môi hơi nhếch thành nụ cười cao ngạo, Bát Thủ Tiên Trần Hoàn vung tay hữu xớt lấy vò rượu trong lúc bàn tay tả vờn quanh cổ. Dưới bàn tay ảo thuật của một cao thủ giang hồ đồng thời là nhân viên cao cấp của đoàn do thám Ngụy Minh, nắp vò rượu vọt bay lên trời gây thành tiếng nổ ròn hơn pháo. Có người trợn mắt, có người há hốc mồm khi mục kích Trần Hoàn tu một hơi cạn sạch vò rượu. Phải là tay tổ trong làng nhậu hắn mới quất một hơi cạn vò rượu đặc biệt của dân sơn cước.
Uống liền một lúc hai vò rượu da mặt của Trần Hoàn hơi đổi màu xanh cùng với mục quang sáng rực lên. Không phải hắn bị rượu công phạt mà vì chứng kiến thủ thuật rót rượu của đối thủ. So về dung lượng vò rượu cũng chẳng nhiều hơn chén rượu bao nhiêu song nếu không ngưng tay Sát Minh Thư Sinh sẽ làm rượu tràn ra ngoài. Tuy nhiên lạ một điều là y cứ tiếp tục rót cho tới giọt cuối cùng khiến chén rượu vun cao lên song không có giọt nào rơi rớt trên mặt bàn. Bát Thủ Tiên Trần Hoàn biết đối thủ đã dùng nội lực giữ chặt không cho rượu rớt ra ngoài chén. Nâng chén rượu đầy vun lên Sát Minh Thư Sinh há miệng. Ai ai cũng thấy rõ dường như bị sức hút vô hình rượu trong chén biến thành một tia nước vọt vào miệng của y.
Hai đối thủ, mỗi người uống mỗi cách khác nhau cạn liền bốn vò rượu. Tới đây hầu hết người trong quán mới biết hai cao thủ giang hồ dùng rượu để so tài với nhau. Dù ngon hay không ngon, dù mạnh hay yếu; rượu là chất độc đối với con người bởi vì nó tác hại vào não bộ, gây trì trệ hệ thống thần kinh và nguy hại nhất là làm tim ngừng đập. Tuy nhiên trong trường hợp này, hai đối thủ sẽ không chết vì sự công phạt của rượu mà chết vì bị đối phương tấn công trong lúc mình không còn tỉnh táo và sáng suốt để chống đỡ.
Đặt vò rượu không cuối cùng xuống bàn Bát Thủ Tiên Trần Hoàn xô ghế đứng dậy. Tạt bộ một bước ra chỗ trống hắn lạnh giọng.
– Ngươi sẵn sàng…
Nâng chén uống một hơi cạn vò rượu cuối cùng, Sát Minh Thư Sinh thong thả đứng lên trong lúc tay vẫn còn cầm chén rượu cạn không còn một giọt nào. Không đứng tấn, không thủ thế y nhếch môi cười buông gọn một tiếng.
– Mời…
Ngọn roi da dài gần ba thước của Trần Hoàn xẹt ra liền theo tiếng ” mời “. Kình lực đủ, mục tiêu chuẩn xác, thủ pháp thần tốc, lộ số biến ảo; bốn tính chất đó tạo cho chiêu thức của họ Trần tân kỳ, hoa mỹ song ngụy dị và độc hại vô cùng. Chớp mắt đầu roi da đen xì chỉ còn cách huyệt hạ quản gang tấc.
Đả huyệt là một tuyệt kỹ nổi tiếng, thông dụng và được nhiều người luyện tập trong giới giang hồ Đại Việt. Nó là phương cách chế ngự đối phương hiệu quả và nhanh chóng hơn so với vũ khí hay quyền chưởng. Tuy nhiên cũng vì đòi hỏi nhiều điều kiện và thời gian khổ luyện, do đó ít có người lĩnh hội được tinh hoa cũng như thành đạt được sở đắc của tuyệt kỹ đả và giải huyệt.
Sát Minh Thư Sinh vẫn bất động dù đầu roi da chờn vờn nơi huyệt hạ quản của mình gang tấc. Ngay lúc đầu roi còn cách mục tiêu cự ly chén rượu không trong tay y chợt trôi vùn vụt xuống che kín yếu huyệt. Y giải chiêu một cách tầm thường và giản dị nhưng chính xác cho nên phát sinh hiệu quả bởi vì nếu Trần Hoàn không biến chiêu thời đầu roi da sẽ điểm ngay vào chén rượu.
– Giỏi…
Lồng trong câu nói Bát Thủ Tiên Trần Hoàn vặn cổ tay. Đầu roi da đảo qua huyệt thương khúc, thái ất rồi tới chương môn và phúc ai. Có thể nói các huyệt đạo quan trọng thuộc nhâm mạch cùng các kinh dương minh vị, thái âm tỳ, quyết âm can, thiếu âm thận đều nằm trong vùng khống chế của đầu roi da của Trần Hoàn. Hắn thi triển thuật múa roi với hàng trăm thế thức khiến cho đầu roi da bay lượn chập chờn, khi biến chợt hiện thành vùng bóng ảnh trùm phủ hết mọi huyệt đạo trước ngực đối phương.
Sát Minh Thư Sinh hồi bộ một bước. Trần Hoàn xô người tới ngay lúc đối phương hồi bộ. Tăng… Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ vừa bật lên, gã nhân viên của đoàn do thám Nguỵ Minh thoáng thấy một tia sáng xanh lè xẹt tới huyệt cự khuyết của mình. Kinh hoàng trước thủ pháp thần tốc vả lại cự khuyết là một yếu huyệt do đó bắt buộc Trần Hoàn phải giải đòn và giải đòn thật nhanh. Hắn tạt bộ chênh chếch sang tả nửa bước cùng với đầu roi da điểm vào các huyệt đại bao, kỳ môn và bất dung.
Đa số người chứng kiến cuộc giao đấu đều là vũ sĩ giang hồ. Ít hay nhiều họ có đủ kiến thức vũ học và kinh nghiệm giao tranh để nhận biết hai người đang đánh nhau thuộc hàng cao thủ nhất đẳng giang hồ với hơn hai mươi năm khổ luyện vũ thuật. Điều này được tỏ lộ qua cách thức họ phối hợp thân, thủ, bộ pháp và kiếm pháp hay tiên pháp để giải đòn, phá thế, đổi thức, biến chiêu hầu ngăn đón sự tấn công ráo riết của đối thủ.
Rẹt… Rẹt… Song phương đình thủ. Hàng trăm cặp mắt chăm chú vào đấu trường. Sát Minh Thư Sinh đứng bình lặng. Tay trái của y cầm thanh kiếm mỏng dính dài chừng ba thước. Lưỡi kiếm màu xanh biêng biếc lấm tấm vài giọt máu đỏ tươi. Bát Thủ Tiên Trần Hoàn đứng bất động. Không có gì xảy ra ngoại trừ máu từ từ ứa ra quanh cổ của hắn.
– Chủ quán… Cho ta vò rượu…
Sát Minh Thư Sinh cất giọng trầm trầm. Đón lấy vò rượu, nhét vào tay chủ quán mấy quan tiền y xoay mình bước ra cửa. Ngay lúc y xoay mình thân thể của Trần Hoàn ngã vật ra đất cùng với thủ cấp lăn lông lốc theo bước chân của y.
Thời tiết đang ở vào độ cuối mùa thu. Trời âm u như muốn mưa. Vùng biên giới heo hút này mưa vào mùa hè và mùa thu. Rừng xanh ngút ngàn. Núi non trùng điệp. Sát Minh Thư Sinh đứng im nhìn con đường đất đỏ uốn lượn giữa rừng cây. Gió thổi vù vù. Mưa bắt đầu bay lất phất. Không khí lạnh lùng và rét mướt. Mây xám xịt giăng mắc bầu trời. Xa xa về hướng đông bắc đỉnh núi Lão Quân cao ngất kéo dài tới núi Tụ Long sừng sững giữa trời. Xa xa về bên trái là núi Cao Ca và xa hơn nữa là núi Đồng Cốc với núi cao núi thấp chồng chất mấy tầng. Ngắm trời mây xám xịt y chợt buông tiếng thở dài hắt hiu. Chín mùa thu mất nước. Bao mùa đông xa nhà. Mấy mùa hè xa làng quê thôn xóm. Quá khứ chập chờn lay động. Y còn nhớ rõ vào một ngày cuối tháng 4. Một đoạn thời gian ngắn ngủi của biến động. Lợi dụng sự rối loạn nội bộ và suy yếu của binh lực nước Nam, Ngụy Minh từ phương bắc xua quân xâm lấn biên cương. Lửa chiến chinh cháy đỏ trời. Không được bá tánh ủng hộ triều đình Nam Quốc xụp đổ nhanh chóng. Là một vũ sĩ giang hồ đồng thời là nhân viên của đoàn do thám Phương Nam, Sát Minh Thư Sinh bị kẻ xâm lăng tuyên án tử hình khiếm diện. Chín năm qua y trở thành một tội phạm tại đào của đoàn do thám Ngụy Minh. Chúng theo đuôi y vào tận miền Thuận Hóa xa xôi hẻo lánh. Chúng bám theo y lên tận châu Quảng Uyên, phủ Trùng Khánh rồi ra tận các hoang đảo của vịnh Hạ Long. Nhiều cuộc chạm trán đổ máu đã xảy ra. Nhờ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của một nhân viên do thám, y tránh thoát khỏi sự lùng bắt của kẻ thù và tiếp tục sống quãng đời mất nước. Hôm nay y lạc bước tới vùng Thanh Thủy này. Chín năm mà quê hương có quá nhiều đổi thay. Với ý định tẩy xóa vết tích của kẻ thù, lũ Ngụy Minh đã thay đổi mọi thứ với con người mới, luật lệ mới, không khí mới và địa danh mới.
Đứng im trên nền đất lấm tấm cỏ vàng Sát Minh Thư Sinh đưa vò rượu lên tu một ngụm. Ánh mắt của y mất hút vào khoảng không mịt mù. Đâu đó trong hóc hẻm nghèo nàn có một mái nhà. Hình bóng mẹ già khoắc khoải chờ tin đứa con yêu đi biền biệt không về. khàn khàn. Chiêu ngụm rượu dài, tay lắc lắc vò rượu, y cất giọng khàn khàn.
Trượng phu không hay sé gan bẻ cột
phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể,
luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm,
mây nước một mầu sương
Học không thành,
danh chẳng lập,
trai trẻ bao lâu mà đầu bạc,
trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát,
nghiêng đầu mà hỏi,
trời đất mang mang,
ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
về đông phương,
nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
Rót về tây phương,
mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương,
ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương,
trời nam mù mịt,
có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say,
chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ,
hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Chuếch choáng hơi men ngâm tràn bài thơ Hồ Trường xong Sát Minh Thư Sinh buông chuỗi cười cuồng dại đoạn ngửa cổ tu một hơi rượu. Tăng… Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ bật lên. Chân đạp tấn, bàn tay mặt vẫn cầm lấy vò rượu trong lúc bàn tay trái gấp lại thành hình thước thợ, bàn tay nắm lấy chuôi, y bồng kiếm đứng im. Thanh kiếm màu xanh biêng biếc chĩa mũi lên trời.
Một yếu tố quan trọng song ít người chú ý tới là cách cầm kiếm nói riêng và vũ khí nói chung. Cầm lấy chuôi kiêm chặt quá không tốt mà lỏng quá cũng không tốt. Cầm chặt quá thời bàn tay sẽ mất lực vì tê mỏi và không được linh hoạt khi xử dụng vũ khí. Còn cầm lỏng quá sẽ bị đối phương đánh rơi vũ khí. Sát Minh Thư Sinh cầm kiếm bằng tay trái. Đó là điều hi hữu trong giới giang hồ Đại Việt. Thường thường người ta nói tay trái không mạnh bằng tay phải. Chuyện này do bẩm sinh song đôi khi cũng có những biệt lệ. Thư sinh họ Sát là một biệt lệ bởi vì y cầm kiếm bằng tay trái. Cách cầm kiếm bằng tay trái của y cũng lạ lùng vì y cầm bằng ba ngón tay cái, trỏ và ngón giữa. Còn hai ngón tay áp út và ngón út đưa thẳng ra.
Sát Minh Thư Sinh đạp bộ chênh chếch về bên trái nửa bước cùng với mũi kiếm bật lên đâm vào một mục tiêu tưởng tượng trong không khí. Một biến thành ba, ba thành chín, chín thành tám mươi mốt rồi thoáng chốc thanh lục kiếm biến ra tia sáng màu xanh trùm phủ lấy thân hình của y dày đặc, khít khao và kín mít dù mưa gió hay bất cứ vật gì cũng không lọt vào được. Từ trong màn kiếm quang xanh biêng biếc đó hoa kiếm chợt tắt, chợt nổi, khi biến khi hiện mịt mờ giăng mắc khắp nơi. Kình phong toát ra càng lúc càng mạnh khiến cho bụi đỏ bốc mờ mờ. Phằng… Âm thanh tựa lụa xé nổi lên. Sát Minh Thư Sinh bồng kiếm đứng im. Không có gì hết ngoại trừ mắt y như có lệ. Qua màn nước mắt y thấy hình ảnh kiêu hùng và ngạo nghể của sư phụ nằm gục chết bên vệ đường trong lúc dìu dắt đám đệ tử rút lui về phương nam. Dấu binh lửa nước non như cũ. Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương. Phận trai già ruổi chiến trường. Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về… Sư phụ của y không có may mắn đó. Người không còn có dịp trở về thấy mặt vợ con. Người đã chết trong giờ phút cuối cùng của Nam Quốc.
– Sư phụ…
Sát Minh Thư Sinh gọi thầm trong trí não. Tần ngần giây lát y lê bước dọc theo con đường từ Thanh Thủy dẫn về Hà Dương. Chừng nửa dặm y ngừng lại khi bị hai người lạ mặt chận đường. Nhìn y phục và huy hiệu ngôi sao vàng nơi áo của hai người lạ y biết chúng là đệ tử của Vô Sản Giáo. Đây là một giáo phái mới xuất hiện trong giới giang hồ Đại Việt song thế lực và danh tiếng lan rất nhanh qua nhiều thủ đoạn tàn độc, gian manh và nham hiểm. Luật lệ của giáo phái này rất nghiêm nhặt cũng như người của bản phái đối xử với nhau rất tàn tệ. Bắt lầm hơn tha lầm. Giết lầm hơn tha lầm. Đó là phương châm của Vô Sản Giáo đối với mọi người.
– Ngươi là Sát Minh Thư Sinh?
Kẻ lạ mặc áo đỏ lên tiếng hỏi với giọng cộc lốc và xấc xược. Nhếch nụ cười khỉnh Sát Minh Thư Sinh không thèm trả lời gã đệ tử Vô Sản Giáo. Y có lý do để không trả lời câu hỏi của kẻ thù không đội trời chung. Sư phụ và vô số anh em, bằng hữu của y đã chết bởi bàn tay độc ác của Vô Sản Giáo.
– Hoả Đao và Thủy Kiếm ta tìm ngươi…
Đưa vò rượu lên tu một hơi dài Sát Minh Thư Sinh vung tay. Ào… Vò rượu không cuộn gió ồ ồ ập tới ngực tên mang kiếm. Nhếch môi cười gằn hắn rung tay. Ánh kiếm chớp chớp màu xanh. Xoẹt… Xoẹt… Vò rượu không bị chém đứt thành bốn mảnh rơi xuống đất. Sát Minh Thư Sinh bật cười sằng sặc. Giọng cười của y đầy bi thương và phẫn nộ.
– Gặp ta hôm nay là diêm vương giũ sổ hai ngươi rồi…
Tăng… Nghe âm thanh bật lên Hỏa Đao và Thủy Kiếm biết kẻ thù rút kiếm. Chưa kịp phản ứng Hỏa Đao thấy trước mặt hiện lên trăm ngàn mũi kiếm nhọn hoắt bay lượn khắp các yếu huyệt nơi ngực của mình. Rẹt.. .Sát Minh Thư Sinh đình thủ. Cánh tay trái gấp lại thành hình thước thợ, bàn tay nắm lấy chuôi kiếm y bình lặng nhìn máu từ từ ứa ra quanh cổ của Hỏa Đao. Phịch… Gã đệ tử Vô Sản Giáo ngã vật ra đất cùng với chiếc thủ cấp lăn lông lốc vài vòng mới dừng lại.
Thủy Kiếm đứng im vì sợ hãi. Dĩ nhiên hắn muốn chuồn càng nhanh càng tốt. Ở lại chỉ có nước chết mà thôi. Cái chết của đồng bạn là một chứng minh hùng hồn. Nhưng nếu chạy trốn hắn sẽ bị trừng phạt vì không làm tròn nhiệm vụ. Hắn sẽ bị khai trừ hoặc bị xử tử bởi giáo điều khắt khe của bản giáo. Do đó chết bởi tay kẻ thù hắn còn được mang lấy hư danh là hy sinh cũng như trở thành thứ anh hùng của giáo phái.
Phằng… Thanh thủy kiếm đen xì nhảy ra khỏi vỏ bật thành âm thanh lãnh lót như xé lụa xong vút tới mục tiêu tựa ánh chớp. Thủ pháp rút kiếm và phóng kiếm của Thủy Kiếm nhanh nhẹn vô cùng vì âm thanh vừa bật lên mũi kiếm chỉ còn cách mục tiêu gang tấc. Sát Minh Thư Sinh nhếch môi cười khi mục kích thuật xử kiếm tinh diệu và hiểm độc của kẻ thù. Vô Sản Giáo lừng danh trong giới giang hồ Đại Việt qua các công phu hay tuyệt kỹ chứa đựng tính chất ngụy dị, biến trá và độc hiểm.
Dịch bộ sang tả nửa bước Sát Minh Thư Sinh tránh chiêu kiếm của kẻ thù trong đường tơ kẻ tóc. Thoáng thấy địch thủ tạt bộ Thủy Kiếm vặn mạnh cổ tay khiến mũi kiếm đổi hướng đâm vào hông. Sát Minh Thư Sinh dịch bộ lần nữa và Thủy Kiếm biến chiêu đâm vào lưng kẻ địch.
Thay vì tạt bộ tới trước để né tránh Sát Minh Thư Sinh đột nhiên xoay mình đối diện với kẻ thù. Ào… Ngụm rượu từ trong miệng của y vọt ra mờ mờ như màn mưa mỏng trùm phủ lấy đối phương. Lúc nãy khi tu ngụm rượu y không nuốt mà ngậm kín trong miệng chờ tới lúc này mới phun ra biến thành thứ vũ khí tấn công.
Thoáng thấy màn sương mỏng vọt tới ngực của mình Thủy Kiếm giật mình. Hắn biết những giọt nước hàm chứa kình lực này tương tự như thứ ám khí xung phá màn khí công hộ thể của mình và có thể gây thương tích dễ dàng. Chưa kịp giải đòn hắn thoáng nghe âm thanh của kiếm bật lên cùng lúc với mũi kiếm nhọn hoắt chập chờn nơi huyệt nhũ trung. Kinh hãi hắn tức tốc tạt bộ sang tả nửa bước tránh đòn. Tuy nhiên hắn ước tính sai lầm về bản lĩnh và thuật xử kiếm quái đản của kẻ thù. Ngay lúc hắn bỏ bộ Sát Minh Thư Sinh cũng xô người nhập nội cùng lúc lưỡi kiếm đổi từ thế đâm sang thế chém vạch một đường từ trên ngực xuống dưới bụng trong lúc tay tả mở thành chưởng vổ hờ một đòn phách không vào ngay mặt đối phương.
Gã đệ tử của Vô Sản Giáo lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh. Làm sao gã có thể hóa giải cùng một lúc hai đòn cực độc này. Tránh kiếm sẽ bị chưởng. Chỉ cần trúng một đòn thôi hắn không chết sớm cũng chết muộn dưới thuật xử kiếm quái đản của kẻ thù.
Không còn cách nào hơn hắn quyết định đổi mạng. Bỏ mặc đòn phách không chưởng đang đập vào mặt của mình, Thủy Kiếm vặn mạnh cổ tay. Lưỡi kiếm đổi chiều đâm ngay vào bụng đối phương. Đồng lúc đó Sát Minh Thư Sinh cũng biến chiêu. Khi mũi kiếm bắt từ huyệt đản trung kéo xuống tới huyệt cự khuyết y vặn cổ tay khiến cho lưỡi kiếm biến từ thế chém sang thế đâm thẳng vào huyệt cự khuyết. Có tiếng vũ khí xuyên vào da thịt. Hự tiếng nhỏ Thủy Kiếm chệnh choạng lùi lại. Máu từ vết thương nơi ngực của hắn phun ra có vòi.
Sát Minh Thư Sinh hồi bộ một bước. Trầm lặng nhìn đối phương đang hấp hối giây lát y lặng lẻ rời khỏi đấu trường. Phóng mắt nhìn con đường đất đỏ ngoằn ngoèo chạy dọc theo dòng sông y thở hơi thật dài. Gần nửa năm nay y qua lại vùng biên giới cho nên biết chút ít về đường đi nước bước. Từ Thanh Thủy về Hà Dương chừng hai ba chục dặm song dường như xa lắm. Dù sao y cũng phải rời khỏi nơi đây vì đệ tử của Hồ giáo và nhân viên do thám Ngụy Minh sẽ bao vây vùng đất này để truy lùng tông tích của y.
2
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI
Là một phố biên thùy thuộc huyện Bình Nguyên phủ Tuyên Hóa; Hà Dương nằm cách sách Thanh Thủy không xa lắm. Tuy chưa mùa đông song trời lạnh căm căm. Gió thổi ù ù mang theo nước mưa quất vào mặt rát rạt. Sát Minh Thư Sinh lầm lũi bước trên con đường dẫn vào khu phố cũ nằm bên bờ sông Lô. Nhà nhà lên đèn song cửa đóng im ỉm. Không màng tới mưa gió y lê bước tìm một quán trọ để ăn uống và nghỉ ngơi qua đêm.
Thoáng thấy nơi cuối phố có ánh đèn sang sáng y rảo bước đi tới. Tất cả người trong quán ăn đều ngẩng đầu lên nhìn người khách xa lạ đang đứng nơi cửa. Mặc dù trời lạnh buốt xương mà y chỉ mặc phong phanh chiếc áo dài tay mỏng tanh. Nét mặt mệt mỏi có lẽ vì vượt đường xa, vai đeo gói hành lý nho nhỏ; khách đứng im nhìn mọi người trong quán đoạn chậm bước về phía chiếc bàn còn trống đặt trong góc. Vừa ngồi xuống y kín đáo quan sát hai thực khách ngồi bàn bên cạnh đang thì thầm trò chuyện. Xuyên qua kinh nghiệm và kiến thức của một nhân viên do thám y biết hai người này là vũ sĩ giang hồ mặc dù họ mặc y phục bằng vải thô của hàng dân giả. Ánh mắt bình thường song thỉnh thoảng lại rực sáng chứng tỏ họ có công phu khổ luyện vũ thuật không dưới hai mươi năm. Điểm đặc biệt nhất mà y nhận thấy nơi người đàn ông trọng tuổi chính là hai bàn tay đang đặt trên mặt bàn. Hai bàn tay với mười đầu ngón tay đen đủi, vuông vức và cứng hơn sắt tôi. Đó là bàn tay của những người chuyên luyện ngạnh công như thiết sa chưởng hay triệt thủ. Còn người kia là một thanh niên tuổi chừng ba mươi nhân dạng bình thường nhưng nhãn quang sáng rực như hai vì tinh tú trong đêm tối.
– Lê huynh từ Đông Quan lặn lội lên Hà Dương này gặp tôi chắc phải có lý do…
Người được gọi là ” Lê huynh ” liếc một vòng quanh quán. Thấy ai ai nhất là người khách ngồi bàn bên cạnh đang gầm đầu ăn uống y cười nhẹ thấp giọng:
– Dĩ nhiên là phải có lý do. Một lý do quan trọng và đặc biệt…
Y thấp giọng đến độ mà Sát Minh Thư Sinh phải vận dụng nội lực mới nghe được:
– Thủ lĩnh của ta muốn mời Bất hiền đệ gia nhập nhóm Ba Không Bốn…
Không một ai thấy được nét biến đổi trên gương mặt của Sát Minh Thư Sinh khi nghe câu nói trên. Y biết nhân vật được gọi ” Bất hiền đệ ” có danh hiệu Bất Tự Thông, một vũ sĩ của phe hắc đạo thuộc giới giang hồ Đại Việt mà địa bàn hoạt động thuộc vùng ba biên giới Ai Lao, Vân Nam và Đại Việt. Còn người đàn ông trọng tuổi chính là Lê Ăn Ké. Thật ra tên cúng cơm của hắn là Lê Văn Ké song vì tính tình keo kiệt, bần tiện nên những người quen biết mới gọi là Lê Ăn Ké. Khi Vô Sản Giáo thành lập nhóm Ba Không Bốn mà có người còn gọi Ba Lẻ Bốn, Lê Ăn Ké là kẻ đầu tiên gia nhập. Đây là một tổ chức mà Vô Sản Giáo đã lập ra sau khi chiếm cứ được Nam Quốc nhằm phục vụ cho các mục tiêu quan trọng của chúng. Thứ nhất là thu dụng người của Nam Quốc để tạm thời điều hành guồng máy cai trị. Thứ nhì là xử dụng đám người tráo trở, trở cờ đón gió này như thứ chó săn chuyên truy lùng, chỉ điểm hay dò la mọi hoạt động của dân chúng cũng như của các vũ sĩ giang hồ đang lưu lạc khắp nơi trong nước.
Cúi gầm đầu làm bộ ăn uống Sát Minh Thư Sinh âm thầm vận dụng nội lực lắng nghe câu chuyện của kẻ thù đồng thời đề phòng bị đánh lén. Y biết mình đang ngồi cạnh hai kẻ bất lương hành sự độc ác và không tuân theo lề luật giang hồ.
– Cám ơn thủ lĩnh đã để mắt đến nhưng tôi quen sống…
Hiểu ý của Bất Tự Thông Lê Ăn Ké mỉm cười thốt:
– Thủ lĩnh biết điều đó cho nên có dặn tôi là người chỉ cần hiền đệ thuận ý hợp tác thôi. Hiền đệ vẫn ở yên tại chỗ cũ, vẫn là thủ lĩnh của đám lục lâm thảo khấu vùng biên giới này. Mục đích của thủ lĩnh là nhờ thế lực của hiền đệ để đối phó, chận bắt đám vũ sĩ giang hồ Nam Quốc đang âm thầm chống lại Minh triều. Chúng mượn vùng biên giới hiểm trở này để trốn tránh, thiết lập các căn cứ để huấn luyện môn đệ, thu mua vũ khí chờ ngày nổi dậy…
– Ạ… Hóa ra là như thế. Nếu chỉ có vậy thôi thời tôi hân hoan gia nhập nhóm Ba Không Bốn…
Ngừng lại nhấp ngụm rượu nhỏ Bất Tự Thông cười tiếp:
– Tôi nghe phong phanh về sự hiện diện của những người lạ mặt nơi vùng biên giới này…
Nói tới đó hắn láy mắt cho Lê Ăn Ké đoạn nhấp ngụm rượu:
– Tuy nhiên điều đó không có chi lạ. Hà Dương và vùng biên giới này là đất của dân Mèo, của giới giang hồ tứ chiến, dân ưa thích phiêu lưu mạo hiểm, dân làm giàu tắt bằng cách buôn lậu, tìm vàng hay cướp bóc…
Hội ý Lê Ăn Ké cười phụ họa:
– Hiền đệ nói phải…
Liếc nhanh một vòng trong ngôi tửu quán bắt đầu thưa người Bất Tự Thông cuời lớn:
– Tôi mời Lê huynh về tệ xá đàm đạo. Tôi sẽ sai thủ hạ nướng khô nai để mình lai rai hũ rượu cần đặc biệt…
Trả tiền xong Bất Tự Thông cùng Lê Ăn Ké thong thả ra cửa còn Sát Minh Thư Sinh vẫn còn ngồi tiếp tục ăn uống.
Vừa ra khỏi cửa Bất Tự Thông thì thầm vào tai một thủ hạ thân tín. Không biết hắn nói gì mà chỉ thấy tên này gật đầu lia lịa rồi biến mất vào bóng tối. Liếc một vòng không thấy có ai ở gần Bất Tự Thông cười hỏi Lê Ăn Ké:
– Lê huynh biết thằng cha ngồi bàn bên cạnh mình trong quán rượu là ai không?
Họ Lê quay nhìn Bất Tự Thông rồi lắc đầu:
– Ai vậy… Bộ có quen với hiền đệ à…
Bất Tự Thông cười cười buông gọn:
– Sát Minh Thư Sinh… Chắc Lê huynh không lạ gì hắn…
Lê Ăn Ké biến hẵn sắc mặt khi nghe tới danh hiệu trên. Hắn nói với giọng hấp tấp và không được bình thường:
– Phải hắn không… Cái đầu của hắn được treo giá cao lắm…
Bất Tự Thông gật gù cười:
– Tôi và huynh trúng mánh rồi. Bắt sống được hắn ta sẽ lãnh năm trăm cây vàng…
– Bắt sống hắn khó lắm… Ta nghe đồn hắn không những giỏi võ, lắm cơ mưu và trí trá… Mà làm sao hiền đệ biết hắn chính là Sát Minh Thư Sinh?
Bất Tự Thông trả lời không do dự:
– Tôi nhận ra hắn mà hắn không nhận ra tôi. Tôi có gặp hắn cách đây khoảng mười lăm năm lúc đó hắn là nhân viên chính thức của đoàn do thám Phương Nam còn tôi là kẻ làm mướn… Điểm khiến cho người ta nhận diện được hắn chính là ba nốt ruồi trên má…
Lê Ăn Ké chầm chậm lên tiếng:
– Chín năm rồi giá cái đầu của hắn càng ngày càng cao mà đâu có ai làm trầy da hắn. Nếu hiền đệ với ta tóm cổ hắn thời hai ta sẽ lập công lớn với triều đình…
Bất Tự Thông cười ha hả. Tiếng cười của hắn vang vang trong đêm tối:
– Hắn hết thời rồi nên mới mò tới Hà Dương này. Việc tóm cổ hắn huynh để tôi lo liệu. Tôi chỉ cần nhờ huynh dùng hai bàn tay sắt dần cho hắn một trận tơi bời hoa lá trước khi ta trói hắn đem về Tuyên Hoá lãnh thưởng…
Mặt trời lên tới ngọn cây mà sương mù vẫn còn giăng lãng đãng. Rừng xanh ngút ngàn. Tiếng vượn hú, hổ gầm xa xa. Sát Minh Thư Sinh lững thững cất bước trên quãng đường nối liền Hà Dương với Vĩnh Tuy. Y biết từ Hà Dương về Đông Quan còn xa lắm. Y còn phải đi qua các vùng như Vị Xuyên, Vĩnh Tuy, Đoan Hùng, Phong Châu lắm rừng nhiều núi và đầy bất trắc. Dĩ nhiên y không ngại ngùng khi phải đối phó với thú dữ hay thổ phỉ mà chỉ quan tâm tới sự truy lùng của nhân viên do thám hay đám đệ tử của Vô Sản Giáo. Một kẻ cô thân độc mã như y khó lòng chống trả lại sự tấn công của hạng người không tuân theo lề luật giang hồ và không từ bất cứ thủ đoạn bất lương nào miễn đạt được mục đích. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đó là phương châm hành động của Vô Sản Giáo và nhân viên của đoàn do thám Ngụy Minh
Đang đi y chợt ngừng bước ngưng thần lắng tai nghe ngóng. Có tiếng vó ngựa nện rầm rập trên mặt đường. Hơi cau mày y lạng mình núp sau gốc cây bên vệ đường. Nơi khúc quanh về phía Hà Dương chợt xuất hiện một toán nhân mã đang phi nước đại. Lát sau toán người ngựa hiện rõ trong tầm mắt. Khi họ tới gần hơn chút nữa Sát Minh Thư Sinh nhận ra kẻ dẫn đầu chính là Bất Tự Thông, người mà y đã gặp đêm hôm qua trong quán rượu ở Hà Dương. Ngồi trên ngựa chạy song song với Bất Tự Thông là Lê Ăn Ké.
Khi toán nhân mã khuất dạng Sát Minh Thư Sinh vẫn đứng im trong rừng chưa chịu xuất hiện. Y có cái cảm giác bất an vì sự xuất hiện của Bất Tự Thông. Dường như tay ăn cướp này theo mình? Hắn theo mình để làm gì. Có thể nào hắn nhận diện ra mình? Những câu hỏi lởn vởn trong trí của một nhân viên do thám nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp.
Trầm ngâm suy nghĩ giây lát y không đi trên đường mà lại len lỏi theo con đường mòn chạy song song với đường cái. Chừng cạn tuần trà y nghe có tiếng vó ngựa rồi toán nhân mã hồi nãy lại xuất hiện nơi đỉnh đèo. Nấp sau thân cây cổ thụ to lớn cạnh lề đường Sát Minh Thư Sinh im lìm chờ đợi. Lát sau toán người ngựa tới ngay chỗ y đang nấp. Giọng nói oang oang của Bất Tự Thông vang lên:
– Quái… Hắn trốn chỗ nào mà mình tìm không ra…
– Bất hiền đệ có lầm không… Hay là hắn đã đi xa lắm rồi… Ta nên gấp tới Vị Xuyên…
Bất Tự Thông lắc đầu nói với giọng quả quyết:
– Tôi không nghĩ hắn tới Vị Xuyên. Đêm hôm qua thủ hạ của tôi báo cáo hắn đang ngụ ở Hà Dương. Nếu hắn đi bộ thời cũng không thể nào đi nhanh hơn chúng ta được…
Đưa tay chỉ lên đỉnh đèo Bất Tự Thông tiếp nhanh:
– Cái đèo đó cách Vị Xuyên khoảng hai mươi dặm. Nếu hắn đi bộ thời cũng không thể nào vượt qua đèo đó được…
– Hiền đệ tính thế nào. Vuột mất hắn uổng lắm. Năm trăm cây vàng không ít đâu…
Bất Tự Thông gật gù cười nói với Lê Ăn Ké:
– Lê huynh đừng lo… Tôi có cách này… Lê huynh dẫn hai chục thủ hạ đi theo đường lớn vượt qua khỏi đèo chừng mươi dặm xong cho thủ hạ bỏ ngựa đi sâu vào rừng tìm kiếm. Phần tôi chỉ huy thủ hạ lục lọi từ đây dài xuống tới khi hai chúng ta gặp nhau…
Lê Ăn Ké lên ngựa còn Bất Tự Thông ra lệnh cho thủ hạ bỏ ngựa đi sâu vào rừng tìm kiếm. Biết tình hình càng lúc càng khó khăn hơn Sát Minh Thư Sinh rời chỗ nấp. Nhờ rừng rậm và thiếu ánh sáng do đó tông tích của y tạm thời không bị lộ; tuy nhiên y cũng biết nếu không có cách nào khác hơn thời sớm muộn gì Bất Tự Thông cũng tìm thấy mình. Trời mùa thu lá vàng rơi đầy trên mặt đất khiến cho y phải di chuyển khó khăn để tránh gây tiếng động. Rắc… Y vô tình dẫm lên cành cây khô.
– Nó đó…
– Hắn chạy đó…
Nghe thủ hạ báo động Bất Tự Thông lao tới chỗ thủ hạ đang bao vấy lấy kẻ địch.
– Hà… hà… hà… Ta biết trước sau gì cũng tìm ra ngươi…
Như con hổ dữ cùn đường Sát Minh Thư Sinh cười lạt. Tiên hạ thủ vi cường. Rẹt… Thanh kiếm từng vấy máu kẻ gian tà vẽ một đường xanh biếc trong không khí vút tới ngực địch thủ.
– Tấn công…
Lồng trong tiếng hét Bất Tự Thông rung tay. Lưỡi đoản đao đúc bằng thép ròng lên nước bóng ngời tà tà chém vào lưỡi kiếm. Cười hực Sát Minh Thư Sinh đạp bộ chênh chếch sang trái nửa bước cùng lúc gặt mạnh cổ tay khiến cho mũi kiếm đổi hướng đâm vào nách kẻ địch. Bất Tự Thông giật mình vì lối biến chiêu thần tốc và quái đản này. Không chậm trễ hắn dịch bộ sang hữu tránh đòn đồng thời vung đao chém vào cổ tay.
– Giỏi…
Miệng buông tiếng khen Sát Minh Thư Sinh vung tay. Từ trong ống tay áo rộng thùng thình loé lên ánh kim khí. Bựt… Bựt… Trúng phải đòn phi kiếm cực độc hai thủ hạ của Bất Tự Thông gục chết không kêu được tiếng nào. Nương chỗ trống Sát Minh Thư Sinh băng mình chạy. Bất Tự Thông cùng thủ hạ của hắn rượt theo. Bằng cách vừa đánh vừa chạy y đã hạ sát hơn mười kẻ địch.
Tuy nhiên tới trưa y không còn đường để chạy vì đụng phải toán ăn cướp do Lê Ăn Ké chỉ huy từ phía đèo kéo tới. Cuộc hổn chiến kéo dài. Sát Minh Thư Sinh như con hổ đang bị đàn chó sói vây cắn. Tiếng người la hét, mắng chửi, tiếng vũ khí chạm nhau chát chúa làm náo động khu rừng hoang vu. Thây người chết nằm la liệt trên đất. Máu vương vãi khắp nơi.
Khi ánh tà dương ngã về tây cuộc chiến chỉ còn lại hai người. Đó là Bất Tự Thông và Sát Minh Thư Sinh, hai nhân vật giang hồ có bản lĩnh trội nhất, nhiều kinh nghiệm giao tranh nhất và sức chịu đựng bền bĩ nhất. Nhờ vậy họ mới sống sót cho tới giờ phút cuối cùng. Cả hai đứng đối diện trên khoảnh đất trống cạnh đường. Họ đứng im âm thầm vận dụng nội lực để lấy lại hơi sức sau cuộc giao đấu ác liệt. Nơi hông của Sát Minh Thư Sinh máu ri rỉ chảy. Phần Bất Tự Thông cũng bị nội thương không nhẹ. Bị đối thủ điểm vào huyệt quan nguyên hắn cảm thấy bụng dưới đau thắt và khó khăn lằm mới có thể vận khí chu lưu khắp cơ thể được đồng thời vết thương bên hông không ngớt rỉ máu.
Hai đối thủ mở mắt và hầu như xuất thủ cùng một lượt. Lưỡi kiếm xanh biếc của Sát Minh Thư Sinh xẹt ra tợ ánh chớp. Y đã vận dụng hết sức lực để đánh một chiêu cuối cùng. Đắc thủ y sống bằng không sẽ nằm ngủ vĩnh viễn trong khu rừng xa lạ này.
Bất Tự Thông cũng thế. Lưỡi đao trong tay của hắn chém vớt một đường vào hông địch thủ. Song phương lảo đảo lùi lại và cúi nhìn vết thương đang phun máu đỏ tươi của mình. Cắn răng nhịn đau Sát Minh Thư Sinh chống mũi kiếm xuống đất để lấy đà bước đi. Đứng im Bất Tự Thông nhìn theo đối thủ lê từng bước trên đất. Hắn muốn đuổi theo song thân thể nặng chình chịch, mắt hoa đầu váng vì vết thương đang phun máu.
Sát Minh Thư Sinh lê bước trong khu rừng thưa lổ chỗ ánh nắng. Sương mù lãng đãng. Dù gần đúng ngọ song khí trời vẫn còn rét mướt. Khòm người ho một tràng dài y dừng lại thở hổn hển. Y không biết mình đang ở đâu. Hai ngày qua y cứ mãi miết men theo dòng sông nước cuồn cuộn chảy. Dĩ nhiên y biết đó là sông Lô phát nguồn từ vùng biên giới Việt Hoa rồi chảy qua các huyện Vĩnh Tuy, Vị Xuyên, Chiêm Hóa và Hàm Yên. Mấy ngày không ăn uống cộng thêm vết thương phát tác khiến cho sức khỏe của y suy giảm nhanh chóng. Vì vết thương quá sâu vả lại y không có thời giờ nằm tịnh dưỡng cho nên cứ rỉ máu hoài. Điều đó khiến cho thương thế của y càng nặng thêm. Đang lê bước y thấy bóng người hiện mờ mờ trong làn sương mù cùng với tiếng cười nói lao xao.
– Ai đó…
Sát Minh Thư Sinh cất tiếng kêu lớn đoạn ngã lăn ra đất nằm im không cục cựa. Trước khi thiếp mê y thấy lờ mờ đôi mắt lóng lánh đang nhìn mình đăm đăm.
Mưa rơi rỉ rả. Gió lay động cánh cửa của ngôi nhà sàn. Đuốc cháy bập bùng khi mờ khi tỏ nhưng cũng đủ soi rõ hai người ngồi bên cạnh một người nằm ngủ mê man. Đó là một ông lão và một thiếu nữ. Tuy gọi là ông lão song ông ta không già lắm vì mái tóc chỉ mới hoa râm, da mặt hồng hào tươi nhuận còn ánh mắt vẫn tinh anh. Thiếu nữ còn trẻ chắc tuổi chưa quá hai mươi với mái tóc đen dài chấm vai. Nàng mặc chiếc váy màu xanh và chiếc áo cộc tay màu vàng.
– Nội… Y ngủ chừng nào mới thức dậy?
Thiếu nữ lên tiếng hỏi ông lão đoạn nhìn chăm chú vào người đang nằm ngủ. Mỉm cười nhìn cháu gái ông lão hắng giọng:
– Chắc cũng gần tới lúc y mới tỉnh dậy rồi… Y mê man ba ngày đêm…
Ngừng lại giây lát ông lão nói tiếp:
– Đang độ trai tráng thêm có sức khoẻ đặc biệt cho nên y mới không chết…
– Y là ai vậy nội?
Thiếu nữ lại hỏi. Ông lão cười đáp:
– Y là người kinh hay người miền xuôi…
Thiếu nữ lắc đầu cười nói với giọng nhõng nhẽo:
– Con biết y là người kinh nhưng y là ai?
Ông lão cười hỏi vặn lại cháu gái:
– Con muốn biết để làm gì. Y trông lạ lắm phải không?
Thiếu nữ hơi hồng đôi má xong lại hỏi:
– Nội nội y là ai?
Liếc gói hành lý nhỏ đặt bên cạnh thanh kiếm cũ kỹ ông lão nhẹ giọng:
– Y là một vũ sĩ lưu lạc giang hồ. Lúc còn trẻ ta thường hay theo ông cố của con xuống châu Tuyên Quang cho nên được nghe người ta thuật kể về sự tích của các vũ sĩ giang hồ. Người ta đồn họ giỏi võ lắm…
– Họ giỏi võ thật hả nội… Họ giỏi võ hơn phụ thân hay các trai tráng trong bản của ta không nội?
Thiếu nữ nhìn ông nội chăm chú trong lúc hỏi câu trên. Nhấp ngụm trà nóng ông lão trả lời:
– Giỏi võ như cha của con hay trai tráng trong làng mà nhằm nhò gì. Các vũ sĩ giang hồ giỏi võ tới độ có thể chạy nhảy trên nóc nhà hoặc chạy nhanh hơn ngựa và leo tường vượt thành dễ dàng. Nhiều người còn có sức mạnh vật ngã trâu bò hay quật chết cả cọp beo…
Thiếu nữ tròn đôi mắt phượng long lanh nhìn người đang nằm ngủ say sưa.
– Nội kêu y dậy rồi nói y trổ tài cho con xem đi ông nội…
Hơi mỉm cười ông lão nhẹ lắc đầu nói:
– Đợi y thức dậy rồi con năn nỉ y biểu diễn vũ thuật cho con xem. Nội nói như vậy chứ cũng phải tròn con trăng y mới có thể đi đứng hay chạy nhảy được. Nội đã đắp bồ hoàng để làm vết thương ngưng chảy máu. Bây giờ con ngồi canh chừng khi nào y thức dậy con gọi nội để nội cho y uống thuốc…
3
NGỌC VÂN
Ba người ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật đặt trong căn phòng vách xây bằng gạch. Bốn bức vách kín mít không có cửa sổ ngoại trừ chiếc cửa cái đóng im ỉm. Căn phòng được soi sáng bằng bốn ngọn nến lớn nơi bốn góc nhà. Ba người đó chính là Trần Bội Phản, trưởng ban truy tầm đoàn do thám Minh Triều. Còn hai tên kia là Nguyễn Bợ và Nguyễn Đỡ, chi đoàn trưởng và chi đoàn phó thuộc ban truy tầm của phủ Tuyên Hóa. Hai tên Nguyễn Bợ và Nguyễn Đỡ là anh em ruột với nhau mà Bợ là anh cả.
Xoa tay mấy lượt Trần Bội Phản cất giọng trầm trầm:
– Vâng lệnh thủ lãnh ta tới Tuyên Hóa với hai mục đích quan trọng là kiện toàn và bành trướng ban truy tầm và nhất là chi đoàn Tuyên Hóa. Tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất mà ta cần lưu ý là thu lượm tin tức đồng thời truy lùng và bắt giam những kẻ chống đối hoặc âm mưu lật đổ triều đình. Có làm được những chuyện đó hai ngươi mới đạt được chỉ tiêu mà tổng đàn đã đề ra…
Đặt lên bàn cuốn sổ màu đen mạ vàng dày cộm hắn cất giọng nghiêm nghị:
– Đây là phó bản của quyển sổ bìa đen đã được tổng đàn ấn hành và phân phối tới các chi đoàn. Trong cuốn sổ này ghi chép rõ ràng lý lịch của các kẻ chống đối hoặc can phạm bị bắt hay tại đào. Bất cứ ai có tên trong cuốn sổ này đều là thành phần xấu làm nguy hại tới triều đình…
Ngừng lại nhấp ngụm trà mạn sen nổi tiếng của châu Thái Nguyên xong Trần Bội Phản hắng giọng hỏi:
– Hai ngươi có tin tức gì mới lạ cần báo cáo không?
Liếc nhanh em của mình Nguyễn Bợ đáp với giọng khúm núm và kính cẩn:
– Trình Trần trưởng ban… Tôi cũng có vài tin tức mới lạ cần bẩm báo. Số là gần nửa tháng trước đây hai chúng tôi dọ được tin tên Sát Minh Thư Sinh xuất hiện ở Thanh Thủy…
Dường như không tự chủ được Trần Bội Phản nắm chặt lấy mép bàn đồng thời ánh mắt của hắn sáng lên vẻ mừng vui khi nghe thủ hạ trình báo về tin tức của kẻ thù không đội trời chung.
– Hắn đã hạ sát Bát Thủ Tiên Trần Hoàn cùng hai tín đồ Vô Sản Giáo là Thủy Hỏa Kiếm. Khi được nhân viên báo cáo về sự xuất hiện của hắn ở Thanh Thủy hai chúng tôi vội chỉ huy nhân viên tới vây bắt song hắn đã cao bay xa chạy…
– Hắn chưa đi xa đâu… Ta biết tên thư sinh này rành lắm…
Nguyễn Đỡ lên tiếng xen vào câu chuyện:
– Thưa Trần trưởng ban… Dạ ngài nói đúng lắm. Sau khi rời Thanh Thủy hắn ghé Hà Dương rồi đụng lớn với Bất Tự Thông. Tôi nghe thủ hạ báo cáo tên Sát Minh Thư Sinh đã hạ sát nhiều người lắm. Ngay cả Bất Tự Thông cũng bị thương nặng suýt chết. Quan sát kỹ nơi xảy ra cuộc giao tranh giữa hắn và Bất Tự Thông chúng tôi nhận thấy có nhiều vết máu rơi rớt dọc theo bờ sông Lô cho nên tôi đoán chừng hắn cũng bị thương trầm trọng. Nếu bị thương hắn không thể đi xa và phải còn ẩn náu trong phủ Tuyên Hóa này như các châu huyện Trấn Yên, Thu Vật, Văn Bàn, Tụ Long, Vĩnh Tuy, Vị Xuyên và Văn Yên…
Đợi cho Nguyễn Đỡ dứt lời Trần Bội Phản mới từ từ cất tiếng:
– Sát Minh Thư Sinh là tên tội phạm quan trọng mà đoàn do thám của chúng ta cần phải bắt giữ hay giết chết. Hắn đã sát hại nhiều đồng bạn của ta. Không những vũ thuật cao siêu và nhiều kinh nghiệm giang hồ hắn còn là một kẻ có mưu trí và tính toán cẩn thận. Nhờ đó hắn đã thoát khỏi sự truy lùng của ban truy tầm trong thời gian mấy năm qua. Hai ngươi ráng dò la tin tức để tìm ra chỗ hắn trốn lánh. Tóm cổ được thằng thư sinh này là hai ngươi sẽ lập công lớn với tổng đàn…
Nguyễn Bợ cười cầu tài:
– Dạ… Dạ… Đó cũng nhờ Trần trưởng ban nâng đỡ chúng em…
Nguyễn Đỡ cười chúm chiếm phụ họa lời anh cả của mình:
– Hai chúng tôi đội ơn Trần trưởng ban lâu lắm mà chưa kịp đáp đền. Nay nhân cơ hội Trần trưởng ban viếng thăm Tuyên Hóa nên chúng tôi mới có dịp trả ơn này. Tuy là nơi rừng rú hoang sơ song phủ Tuyên Hóa cũng có nhiều món ngon vật lạ. Đoan Hùng nổi tiếng về con gái nết na hiền hậu và xinh đẹp…
Như được gải đúng chỗ ngứa của mình Trần Bội Phản cười hích hích:
– Ta cũng nghe vùng Sơn Tây sản xuất cá anh vũ ngon có tiếng nhưng cái mà ta muốn là…
Tên trưởng ban truy tầm bật tiếng cười hích hích. Hai anh em họ Nguyễn cũng nghe đồn về tính ba mươi lăm cùng với tính ” trâu già thích gặm cỏ non ” của xếp. Do đó Nguyễn Bợ cười nhẹ lên tiếng:
– Gì chứ chuyện đó dễ như trở bàn tay. Nghe tin Trần trưởng ban sẽ thăm Tuyên Hóa nên chúng em đã sửa soạn chu đáo. Đêm nay chúng em kính mời ngài một tiệc rượu nhỏ. Ngài cứ việc say sưa, hưởng thụ thả cửa còn việc truy lùng thằng Sát Minh Thư Sinh để chúng em xử lý…
Dù mừng rơn trong lòng song ngoài mặt vị trưởng ban nhiều quyền uy cũng phải giả giọng quan quyền:
– Ăn chơi thời chúng ta cũng ăn chơi nhưng công việc cũng phải chu toàn. Ta sẽ bàn cách tóm cổ thằng Sát Minh Thư Sinh với hai ngươi trong lúc ăn nhậu…
Nguyễn Bợ cười nói thêm:
– Hai chúng tôi còn có chút quà mọn kính biếu Trần trưởng ban…
Trần Bội Phản cười hì hì:
– Hai người bày đặt quà cáp biếu xén làm chi cho mang tiếng. Ta có lòng nâng đỡ hai ngươi vì hai ngươi siêng năng và làm được việc mà tổng đàn đã đề ra…
Nguyễn Đỡ cười ruồi:
– Thưa Trần trưởng ban chỉ mấy củ hà thủ ô, sâm nhung và hũ rượu cao hổ cốt để ngài tẩm bổ cho có nhiều sức khỏe để lãnh đạo chúng em trên đường phục vụ triều đình. Sau đây chúng em kính mời ngài bước qua phòng bên cạnh để trẻ nhỏ đấm bóp và nghỉ mệt chờ tới giờ nhập tiệc…
Cười vui vẻ Trần Bội Phản theo chân hai nhân viên bước vào căn phòng cửa đóng im ỉm.
Sát Minh Thư Sinh mở mắt vì ánh nắng của buổi xế chiều xuyên qua cánh cửa dọi vào mặt của mình. Căn nhà sàn im vắng đến độ y nghe được tiếng gió rì rào, tiếng chim hót véo von và tiếng người nói chuyện lao xao. Mấy ngày nay y nằm liệt trên chiếc giường cây ọp ẹp. Cơm nước có người lo. Thuốc thang có người đem tận chỗ nằm. Vết thương ngưng chảy máu song y vẫn chưa đủ sức ngồi dậy. Y biết sở dĩ mình còn sống là nhờ ở sự giúp đỡ tận tình của hai vị ân nhân. Hai ông cháu một già một trẻ đã chăm sóc y như một người thân trong gia đình.
Căn nhà sàn rung động rồi y nghe tiếng cười thánh thót và giọng nói thanh thanh vang lên:
– Chắc anh ấy thức dậy rồi hả nội?
Một giọng nói trầm trầm khàn khàn nổi lên nơi đầu cầu thang:
– Ta cũng nghĩ như thế. Tới giờ uống thuốc rồi…
Chống tay ngồi dậy Sát Minh Thư Sinh thấy một ông lão tóc hoa râm và một cô gái trẻ đẹp từ dưới cầu thang bước lên căn nhà sàn. Thấy y đang ngồi ông lão cười nhẹ giọng:
– Chú em khỏe rồi phải không?
– Dạ cám ơn lão bá… Tôi cảm thấy khỏe nhiều. Xin hỏi lão bá là ai?
Kéo chiếc ghế thấp ngồi cạnh người bệnh ông lão cười thốt:
– Lão phu họ Lý tên Thiên Ân. Còn đây là cháu nội của lão phu. Lúc nó mới sinh lão phu lấy tên hai ngọn núi Ngọc Mạo và Vân Trung để đặt cho nó cái tên Ngọc Vân…
– Tôi tên là Sát Minh Thư Sinh. Cám ơn lão bá và cô nương đã cứu mạng…
Lý Ngọc Vân cười thành tiếng:
– Anh ấy gọi con là cô nương. Cô nương là gì vậy nội?
Quay nhìn cháu nội Lý Thiên Ân cười đáp:
– Cô nương là tiếng để gọi một cô gái chưa có chồng. Đó là tiếng của người miền xuôi…
Sát Minh Thư Sinh lên tiếng hỏi:
– Lão bá là người kinh?
Đưa mắt nhìn qua khung cửa rộng ông lão cất giọng trầm buồn:
– Phải… Lão phu là người kinh song Ngọc Vân lại là đứa con lai hai dòng máu…
Sát Minh Thư Sinh nhìn sững người ngồi đối diện với mình. Có lẽ y hơi ngạc nhiên về lời tiết lộ này. Giọng nói già nua của Lý Thiên Ân vang trầm trầm trong căn nhà sàn im vắng:
– Chuyện của hơn trăm năm nói ra dài lắm. Khi nào rảnh rỗi lão phu sẽ nói cho chú em nghe. Bây giờ tới lúc chú em uống thuốc rồi. Vân nhi thuốc xong chưa con?
– Dạ… Xong rồi nội. Con đã rót ra chén cho nguội bớt…
– Đa tạ cô nương…
Lý Ngọc vân cười nói với ông nội:
– Nội nội anh ấy nói gì con không hiểu…
Lý Thiên Ân cười nói với Sát Minh Thư Sinh:
– Chú em nói những tiếng văn chương nó không hiểu đâu…
Sát Minh Thư Sinh cười nói với Lý Ngọc Vân:
– Cám ơn cô Vân…
Lý Ngọc Vân cười vui vẻ chứng tỏ nàng hiểu câu nói này. Đưa chén thuốc còn lên khói cho Sát Minh Thư Sinh nàng cười nói:
– Anh uống thuốc cho mau hết bịnh đặng múa võ cho tôi xem…
Sát Minh Thư Sinh có vẻ không hiểu cô gái nói gì. Lý Thiên Ân xen vào câu chuyện:
– Lão phu nói chú em là một vũ sĩ giang hồ vũ thuật cao siêu cho nên nó ngưỡng mộ lắm. Nó muốn thấy chú em biểu diễn võ nghệ…
Lý Ngọc Vân vừa cười vừa nói:
– Anh múa võ cho tôi xem đi rồi tôi dẫn anh lên núi chơi…
Dù còn yếu nhưng Sát Minh Thư Sinh cũng phải bật cười vì câu nói của Ngọc Vân. Y biết nàng sơn nữ này tính tình thật thà, chất phác và không câu nệ lời nói như người miền xuôi.
– Vết thương của chú em ra sao?
Lý Thiên Ân hỏi và Sát Minh Thư Sinh cười nhẹ:
– Cũng nhờ thuốc thang và sự mát tay của lão bá mà vết thương đã lành. Tuy nhiên…
Hiểu ý Lý Thiên Ân gật gù cười nói:
– Ta chỉ hỏi vậy thôi chứ không có ý gì khác. Chú em muốn lưu lại đây bao lâu cũng được. Nhà rộng lắm mà chỉ có hai người…
Ông ta không dấu được vẻ buồn rầu trên khuôn mặt cùng với tiếng thở dài khe khẽ. Chỉ có Ngọc Vân dường như vui vẻ hơn vì có người cùng trang lứa để trò chuyện.
– Anh ở lại đây chơi với tôi cho vui. Tôi sẽ chỉ anh cách bắn cung, cỡi ngựa, hái thuốc và đãi vàng. Ở vùng này nhiều vàng lắm…
Sát Minh Thư Sinh mỉm cười uống cạn chén thuốc. Dường như lây cái tính hồn nhiên và vui vẻ của Ngọc Vân nên y thốt:
– Nếu cô dạy tôi bắn cung với cỡi ngựa thời tôi sẽ dạy võ cho cô…
Không biết nghĩ gì mà Lý Thiên Ân chợt lên tiếng:
– Chú em cứ gọi Ngọc Vân bằng em đi. Ta đoán nó nhỏ tuổi hơn chú em. Xưng hô với nhau bằng anh em cho thân mật hơn…
– Nếu lão bá và cô Vân cho phép…
Sát Minh Thư Sinh nói câu trên. Lý Thiên Ân cười ha hả tràng dài xong nói với cháu nội:
– Trời cũng đã xế chiều rồi… Con đi lo cơm nước đi con. Nhớ nướng miếng thịt heo rừng cho anh của con ăn mau lại sức…
Dạ tiếng nhỏ Ngọc Vân đứng lên lo bữa cơm chiều. Nhìn theo bóng cô gái lặng lẽ xuống cầu thang Sát Minh Thư Sinh chợt buông tiếng thở dài.Y nhớ tới đứa em gái của mình. Đã lâu lắm rồi y không biết tin nhà, được thấy hình bóng của cô em gái hiền hậu và dễ thương.
– Chú em quê quán ở đâu?
Ý nghĩ của Sát Minh Thư Sinh bị cắt đứt vì câu hỏi của Lý Thiên Ân.
– Thưa lão bá… Tôi sinh trưởng ở Bắc Giang…
Ánh mắt của Lý Thiên Ân chợt sáng lên vẻ kinh ngạc lẫn mừng rỡ song ông ta kịp thời ngăn không bật thành tiếng.
– Thế à… Mà chú em ở làng nào?
– Dạ… Quê tôi là làng Yên Vật huyện Siêu Loại…
Không biết Lý Thiên Ân có nghe câu trả lời của người đối diện hay không mà tầm mắt của ông ta mất hút vào khoảng trời hẹp chắn bởi khung cửa sổ bằng cây. Lát sau giọng nói trầm khàn của ông ta cất lên:
– Bà nội của lão phu cùng quê với chú em…
Tới phiên Sát Minh Thư Sinh lộ vẻ kinh ngạc song y cố gắng kềm giữ để chỉ kêu lên hai tiếng ngắn gọn:
– Thế ư… Vì cớ gì mà lão bá lại lạc tới đây?
Lý Thiên Ân thở dài:
– Thời thế đẩy đưa… Chuyện của hơn một trăm năm dài lắm…
Biết ông lão không muốn thố lộ Sát Minh Thư Sinh cũng không hỏi gì thêm. Vừa lúc đó Ngọc Vân mang cơm lên. Ba người, một già hai trẻ vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ và tương đắc. Cơm nước xong trời xụp tối. Chim về tổ kêu ríu rít. Gió đêm thổi mạnh. Lý Thiên Ân đứng lên khép kín cửa sổ khi nghe có tiếng sấm gầm xa xa. Chớp loè sáng rực.
– Lạnh quá nội ơi…
Nằm cạnh ông nội Ngọc Vân kêu lạnh dù đắp mấy lớp chăn mền làm bằng da thú. Đắp thêm chăn cho cháu nội Lý Thiên Ân chép miệng:
– Năm nay có vẻ lạnh hơn năm ngoái. Mới vào thu mà đã rét lắm rồi. Chú em biết không ở đây khí hậu độc lắm. Nếu không cẩn thận người ta dễ bị bịnh lắm…
Nhấp ngụm nước nóng Sát Minh Thư Sinh cười thốt:
– Nước này có mùi vị lạ lắm… Dường như không phải trà…
Lý Thiên Ân gật gù:
– Chú em nhận xét đúng đó. Bà nội của lão phu đã chế ra thứ nước này. Nó là nước cây rừng như hà thủ ô, quế hương, đại hồi, tiểu hồi…
Chỉ vào Ngọc Vân đang nằm thiu thiu ngủ ông ta tiếp:
– Con Ngọc Vân từ nhỏ tới lớn không có bịnh hoạn gì là nhờ lão phu cũng biết chút ít về thuốc thang…
– Cô Vân bao nhiêu tuổi rồi bác?
– Mười bảy… Nhờ trời nên nó có chút nhan sắc. Lão phu muốn gả chồng cho nó mà nhắm tới nhắm lui không có ai xứng đôi vừa lứa. Nói đúng ra thời nó không ưng bất cứ đứa con trai nào trong vùng này…
Hớp ngụm nước nóng Sát Minh Thư Sinh cười hỏi:
– Vì cớ gì cô Vân không ưng?
Lý Thiên Ân chép miệng thở dài:
– Điều này cũng do lỗi của lão phu một phần. Nó giỏi võ đâm ra kiêu hãnh chê thanh niên trong vùng kém tài hơn nên không chịu lấy chồng…
– Ạ… Hóa ra cô Vân biết võ…
Nói tới đó Sát Minh Thư Sinh ngừng lại nhìn Lý Thiên Ân rồi cười hỏi:
– Bác là một vũ sĩ giang hồ?
Lý Thiên Ân cười lắc đầu:
– Lão không có hân hạnh cùng may mắn được làm một vũ sĩ giang hồ. Vũ thuật của lão do thân phụ và nội tổ dạy cho…
– Võ gia truyền…
Sát Minh Thư Sinh buột miệng nói ba chữ trên. Gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Ngọc Vân mở mắt ngơ ngác nhìn khi nghe tiếng gió hú qua thung vắng cùng với tiếng hổ gầm xa xa.
– Nội… Con cọp gầm… Con sợ…
Lý Thiên Ân khẽ xoa đầu cháu nội. Sát Minh Thư Sinh muốn hỏi vài điều nhưng y cảm thấy khó mở lời. Y muốn hỏi cha mẹ của Ngọc Vân ở đâu, còn sống hay đã chết mà ông ta phải nuôi dưỡng cháu nội. Dường như biết sự thắc mắc của người đối diện Lý Thiên Ân cất giọng. Giọng nói của ông ta trầm trầm, xa vắng và khàn đặc:
– Lão kể cho chú em nghe một cố sự cách đây hơn trăm năm. Trước khi ngai vàng lọt vào tay họ Trần, nội tổ đã bí mật rời bỏ đế đô tới mai danh ẩn tích trong vùng Tuyên Hóa này. Ông ta đem toàn gia đình, người thân, gia nô hơn trăm người tới Hồ Thác Bà xây nhà, phá rừng, làm rẫy, săn thú, hái thuốc và đãi vàng để làm kế sinh nhai…
– Xin phép tiền bối cho tôi được ngắt lời…
Sát Minh Thư Sinh đổi cách xưng hô và Lý Thiên Ân cũng nhận ra điều đó song ông ta im lặng không nói gì.
– Chú em cứ nói…
– Làm sao nội tổ của tiền bối lại biết Hồ Thác Bà mà đưa gia đình tới định cư ?
Hớp ngụm nước trà thuốc Lý Thiên Ân đáp không do dự:
– Tổ phụ của lão là một vũ sĩ giang hồ như chú em. Lúc còn trẻ ông ta lưu lạc khắp nơi rồi sau đó trở thành một vị tướng của binh đội triều đình. Nhờ có nhiều công trận nên ông ta được kết hôn với tổ mẩu là một tôn thất của Lý triều. Hai người có sáu con, bốn trai và hai gái. Thân phụ của lão là con trai út…
Lý Thiên Ân ngừng lời khi thấy người đối diện đang ngưng thần lắng tai nghe ngóng.
– Tiền bối nghe gì không?
Lý Thiên Ân nói nho nhỏ:
– Ông ba mươi… Con cọp bạch thành tinh này đã ăn thịt biết bao nhiêu người trong vùng kể cả con dâu của lão…
Giọng nói của ông ta đanh lại thành lạnh tanh như chất chứa nhiều phẫn hận và cay đắng.
– Mẹ con Ngọc Vân bị con cọp bạch này tha đi không tìm thấy xác…
Nói tới đó ông ta đưa chén trà thuốc lên uống một hơi cạn sạch như muốn nuốt lấy buồn phiền vào tận đáy lòng.
– Sau khi vợ chết thằng con trai của lão đâm ra buồn rầu và chán nản không thiết làm lụng gì hết. Cuối cùng nó bỏ nhà đi giang hồ để con Vân lại cho lão phu nuôi dưỡng. Nghe đâu nó trôi lạc tới miệt Thuận Hóa theo phò quan Đặng Dung chống lại Minh triều. Mấy năm rồi lão không nghe tin tức gì của nó. Chắc đã bị bắt hay chết trong đám loạn quân rồi…
Thở dài sườn sượt Lý Thiên Ân kéo mền đắp thêm cho cháu nội. Không khí trong căn nhà sàn lạnh lùng và rét mướt. Có tiếng gầm gừ nho nhỏ dưới chân nhà sàn và tiếng thở đều đều của Ngọc Vân. Hai người không ai nói thêm lời nào. Họ ngồi câm nín trong bóng đêm như miên man suy tưởng. Tiếng gió hú qua thung vắng hòa lẫn trong tiếng hổ gầm thành thứ âm thanh quái dị kéo dài suốt đêm…
4
TIỂU MÃ
Bạch Mã Sơn. Núi cao ngất trời. Mây đùn trắng xóa. Rừng hoang ngút ngàn. Suối sâu róc rách chảy luồn qua các tảng đá, thân cây ngã nằm trơ vơ. Gió thổi ào ào. Thác cao đổ xuống hồ nước xanh giống như bức lụa trắng. Nắng trưa dọi xuống khoảnh đất trống cạnh hồ nước. Hai người đứng đối diện nhau. Thanh niên vóc người dong dỏng cao, mái tóc dài chấm vai, y phục bằng vải thô và chân mang giày làm bằng da thú. Ông lão ăn mặc đơn sơ và giản dị. Tay chống cây gậy tre ông ta cất giọng trầm trầm:
– Hai mươi năm miệt mài khổ luyện vũ thuật con đã không phụ lòng ta chỉ dạy. Bây giờ tới lúc con xuất sơn hành đạo, đem tài nghệ của mình ra cứu dân giúp nước. Lũ giặc Minh hung tàn bạo ngược gây biết bao nhiêu tang tóc điêu linh. Dân Nam ta đang nuốt hờn câm chờ ngày quật khởi…
Giọng của ông ta chùng xuống khi nói tới câu cuối cùng. Thanh niên thấy mắt của sư phụ mình như có lệ.
– Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Ta nay tuổi ngoài bảy mươi gân chùng cốt mỏi nên không còn sức để làm bổn phận của một người dân trong thời tao loạn. Trọng trách này ta xin trao lại cho con…
Ngần ngừ giây lát thanh niên thấp giọng hỏi:
– Thưa sư phụ… Con phải làm gì?
Ông lão nhẹ lắc đầu:
– Ta không thể chỉ dạy con phải làm thế nào để quang phục đất nước. Mười năm náu mình nơi Bạch Mã Sơn ta biết rất ít về tình thế bên ngoài. Cách đây ba tháng khi xuống Hóa Châu mua lương thực ta nghe dân chúng xầm xì về chuyện khởi nghĩa ở ngoài bắc cũng như ở phương nam để chống lại lũ giặc Minh…
Ngừng lại nhìn đứa học trò thân yêu giây lát ông ta điềm đạm nói tiếp:
– Hành lý đã sẵn sàng… Con kíp lên đường…
Xụp lạy ông lão ba lạy thanh niên cất giọng nghẹn ngào:
– Thưa sư phụ con không muốn rời khỏi nơi đây… Sư phụ già rồi lấy ai săn sóc…
Hiểu thiện ý của người học trò bao năm gần gụi ông lão cười buồn:
– Ta cũng chẳng còn sống bao lâu nữa cho nên con chớ bận tâm. Sinh ra là cát bụi thời ta sẽ trở về với cát bụi. Con hãy mạnh dạn đi theo tiếng gọi của nước non…
Dứt lời dường như không muốn làm cho học trò thêm bịn rịn ông lão xoay mình bước trên con đường mòn dẫn vào khu rừng già âm u.
– Cầm chính đạo để tịch tà cự bí… Con hãy nhớ lời ta nói…
Mắt thanh niên sáng lên khi nghe giọng nói của sư phụ rền rền ngàn cây, ngân dài khắp núi non hồi lâu mới dứt.
– Con xin lĩnh ý sư phụ…
Thanh niên cúi nhặt gói hành lý rồi lầm lủi theo con đường mòn đi về hướng mặt trời mọc.
Đất Thuận Hóa xưa kia vốn là hai châu Ô Lý do Chế Mân, vị quốc vương si tình và dại gái của Chiêm Thành đem dâng cho Đại Việt để làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa. Với chủ trương bành trướng lãnh thổ về phương nam Trần triều hân hoan thu nhận Ô Lý và sau đó đổi tên Thuận Hóa.
Nằm trong địa phận huyện Trà Khê, thành Hóa Châu do dân Chiêm Thành dựng lên rồi sau đó được nhà Trần tu bổ lại. Thành cao vòi vọi, chu vi hàng ngàn trượng và bốn mặt có nước bao quanh. Phía nam thành Hóa Châu dựa lưng vào sông Kim Trà, phía đông đối diện phá Hạt Hải, một đầm nước rộng mênh mông do ba nhánh sông Tả, Trung và Hữu chảy vào. Sau khi đánh chiếm được phương nam, Minh triều dùng thành Hóa Châu làm nơi đóng quân để giữ an ninh cho vùng Thuận Hóa.
Nhờ phá Hạt Hải và ba con sông bao quanh cho nên vùng đất lân cận thành Hoá Châu có đông đúc dân chúng cư ngụ và làm ăn. Nhà cửa, chợ búa, hàng quán san sát xen lẫn với sòng bạc, kỹ viện và động hút. Cũng vì vậy mà thành Hoá Châu và vùng phụ cận trở nên đất làm ăn béo bở của đám đầu trộm đuôi cướp cầm đầu bởi một nhân vật mới nổi trong giới giang hồ Đại Việt.
Từ vùng biên giới nước Chiêm tới đạo Tân Bình các vũ sĩ đều nể mặt Gặp Thời Thế Lê Thành Đạt. Không một ai được rõ lai lịch của hắn. Không người nào biết xuất xứ của hắn. Chẳng có ai tường họ Lê thuộc gia trang, môn phái nào trong cõi giang hồ. Tuy nhiên mọi người đều đồng ý về một điều là Gặp Thời Thế Lê Thành Đạt có bản lĩnh cao siêu ít người đánh bại. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nếu không có công phu khổ luyện vượt bực hắn khó ngồi yên trên danh vị chúa tể Thuận Hóa. Ngoài trình độ vũ thuật cao siêu Lê Thành Đạt còn có cái mà người khác không có. Thức thời mới làm ăn cướp được. Họ Lê dựa hơi nhà cầm quyền và nâng bi xếp lớn ngoài ra còn làm chó săn và chỉ điểm cho nhân viên do thám Minh Triều lùng bắt những ai mưu toan quật khởi hay chống đối.
Trời sáng rõ. Chợ Bái Đáp đông người qua lại. Mùi thức ăn bốc thơm lừng. Tiếng rao hàng lanh lãnh. Thiên hạ đứng thành vòng tròn bao quanh bãi đất trống nơi gốc tây của chợ. Chính giữa là một nhóm mãi võ và bán thuốc gia truyền. Họ là những người giỏi võ nghệ đi khắp nơi trong nước biểu diễn võ thuật và bán thuốc để làm kế sinh nhai. Nhóm mãi võ này gồm có bốn người mà già nhất độ sáu mươi và trẻ nhất chừng mười sáu mười bảy.
Đa số người đứng xem là nam phái bởi vì chỉ có phái nam mới thích võ nghệ. Tuy nhiên còn có một lý do đặc biệt là nhan sắc của cô gái mãi võ. Tuy thuộc con nhà mãi võ phải tắm gội nắng mưa song cô ta lại có nước da trắng hồng, sống mũi dọc dừa, môi son má thắm và đôi mắt lóng lánh mà mỗi lần cô cười cô liếc ai là người đó cảm thấy tim như thắt lại. Bởi thế sau mỗi lần cô gái trổ tài mấy chàng thanh niên không ngớt trầm trồ và vổ tay tán thưởng. Họ thưởng thức đường quyền thế cước ít hơn họ chiếu tướng thân hình gợi cảm và hấp dẫn của cô gái. Cặp đùi thon dài chắc lẳn, hai cánh tay trần trắng muốt, gò ngực vun cao căng cứng ẩn hiện mập mờ qua làn lụa Mỗ mỏng manh khiến cho mấy chàng thanh niên phải nuốt nước miếng hay chắt lưỡi hít hà. Để làm cho cô gái chú ý tới mình đồng thời tỏ lộ tính hào hoa, mấy anh chàng con trai nhà giàu không ngần ngại quăng tiền vào chiếc nón mà con khỉ cầm đi vòng vòng sau khi thiếu nữ múa xong bài quyền.
– Trời ơi… Người đã đẹp mà múa võ còn đẹp hơn…
– Ước gì anh lấy được nàng… Thời anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang… Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân…
Một thanh niên ăn mặc sang trọng ngâm bốn câu thơ trên. Tuy nhiên mặc cho lời tán tụng, đẩy đưa của các chàng trai đa tình cô gái vẫn tươi cười, lịch sự và thản nhiên của một người hầu như đã quá quen với lời ong bướm của kẻ xa lạ.
– Kính thưa chư vị… Để đáp tạ sự ủng hộ nhiệt thành của chư vị, con gái của kẻ hèn này tên là Hương Trà sẽ trình diễn bài quyền tổ truyền…
Nói xong phụ thân của Hương Trà vòng tay chào đoạn lùi về sau nhường chỗ cho con gái trổ tài. Khom người chào khán giả xong Hương Trà đạp tấn. Hai bàn tay nhỏ nhắn, xinh xinh nắm chặt lại thành quyền. Tả quyền gấp lại đưa lên ngang mặt còn hữu quyền đặt bên hông, Hương Trà triển khai thế quyền khởi đầu tân kỳ và ngoạn mục song không kém phần trầm ổn và vững vàng. Lồng trong tiếng hét thanh tao Hương Trà bắt đầu dạo quyền. Thoạt đầu còn thấy rõ thân hình rồi từ từ biến thành màu xanh vần vụ bao phủ kín mít dù mưa gió cũng không lọt vào được. Có tiếng người tặc lưỡi:
– Đẹp như cô Hương Trà mà còn giỏi võ thời lấy chồng chắc phải được chồng cưng lắm…
Có tiếng người khác xen vào:
– Không cưng cũng không được. Không cưng cô ta giỡ võ là mình chết ngay…
– Cô này mà làm vợ tôi là tôi giao hết gia tài cho cô ta giữ…
Các chàng trai bàn ra tán vào cho tới khi Hương Trà ngưng tay. Hai má hồng dưới ánh mặt trời, hơi thở gấp làm lồng ngực phập phồng nàng mỉm cười cúi đầu chào khán giả. Như quen thuộc con khỉ nhỏ cầm cái nón đi vòng vòng xin tiền. Gia đình mãi võ này đã huấn luyện con khỉ khôn ngoan tới độ biết làm hề. Khi cầm cái nón tới chỗ người nào mà họ không bỏ tiền vào nó giả bộ buồn hiu, gãi đầu gãi tai như sắp khóc khiến cho ai ai cũng phải phì cười vui vẻ bỏ tiền vào nón cho nó.
– Kính thưa chư vị… Chúng tôi còn lưu lại đây một ngày nữa. Kính mời chư vị tới xem…
Thiên hạ tản dần nhưng còn mấy chàng thanh niên trẻ tuổi vẫn chưa chịu bỏ đi. Họ tìm cách gợi chuyện với Hương Trà. Đang lui cui dọn dẹp ông lão hơi cau mày khi thấy một thanh niên ăn mặc sang trọng đang từ xa bước nhanh lại cùng với ba tên dáng dấp cao lớn. Còn cách ba bước thanh niên lớn giọng:
– Ê… Mấy thằng mãi võ… Chúng mày biết đây là đâu không… Tại sao hành nghề mà không xin phép và đóng thuế…
Dù không biết thanh niên mặt hoa da phấn và ăn mặc sang trọng này là ai ông lão cũng cung kính thi lễ:
– Dạ… Dạ… Công tử nói gì lão không hiểu. Gia đình lão từ phương xa tới nên không biết…
Thanh niên liếc một vòng và ánh mắt của hắn sáng lên vẻ thèm thuồng khi nhìn thấy Hương Trà đang đứng bên cạnh thân mẫu. Giọng nói của hắn tuy vẫn còn hách dịch song dịu hơn trước khá nhiều:
– Lão từ xa tới đây không biết luật lệ nên ta cũng xí xóa và vui lòng nói cho biết. Bất cứ ai làm ăn ở đất Thuận Hóa này đều phải xin phép và đóng thuế cho cha của ta…
Ông lão nhỏ nhẹ lên tiếng hỏi:
– Dạ thuế chi thưa công tử ?
Phe phẩy chiếc quạt giấy thanh niên cười hắc hắc:
– Thuế này do cha ta đặt ra và dành cho bất cứ ai làm ăn buôn bán ở Thuận Hóa. Thứ nhất là thuế hành nghề và thứ nhì là thuế bảo đảm an ninh…
Ông lão cười gật gù:
– Dạ… Lão đường đột hỏi quí danh thân phụ công tử ?
Ông lão nhận thấy là từ lúc gã thanh niên sang trọng xuất hiện mấy thanh niên im lặng rút lui dường như họ sợ hãi hoặc không muốn dây dưa với thanh niên ăn mặc sang trọng. Chúm chiếm cười tình với Hương Trà xong hắn nói một câu đầy xấc xược và hách dịch:
– Nể tình cô nương ta tha cho lão cái tội bất kính không biết đến tên của phụ thân ta. Lão có nghe ai nói tới cái danh Gặp Thời Thế bao giờ chưa?
Hai cha con mãi võ đều có cử chỉ không được bình thường khi nghe thanh niên nói tới danh Gặp Thời Thế. Ông lão giật mình lộ vẻ bất an thấy rõ.
– Dạ… Dạ… Ai chứ danh Lê thủ lĩnh thời lão có nghe thiên hạ nói tới nhiều lắm. Công tử xá cho tội vô lễ đã không xin phép làm ăn trước. Công tử nể tình thứ cho một lần. Chốc nữa lão sẽ sai trẻ tới tạ tội và đóng thuế luôn…
Chỉ vào Hương Trà đang đứng nép sau lưng mẹ gã thanh niên cười hỏi:
– Cô nương đây là chi của lão?
Liếc nhanh con trai đang đứng bên cạnh ông lão nhẹ trả lời:
– Dạ… Nó là cháu ngoại của lão…
– Cô ấy tên chi vậy?
Ông lão quan sát người đối diện giây lát rồi mới từ từ đáp:
– Dạ… Nó tên Hương Trà… Nếu lão phu không lầm thời công tử chính là Tửu Sắc Công Tử, nổi tiếng ” đào hoa ” nhất ở đất Thuận Hóa…
Gã công tử cười hích hích lấy làm khoái chí khi có người xa lạ lại biết tới biệt danh của mình. Hắn nhìn đăm đăm vào Hương Trà như muốn lột trần cô gái trẻ đẹp. Ai ai cũng hiểu hắn muốn gì với cái nhìn đầy thèm thuồng đó.
– Hương Trà… Tên đẹp lắm… Tên đẹp mà người còn đẹp hơn gấp ngàn lần. Ta nói thật với lão chuyện này. Tuy mới gặp cô Hương Trà đây mà ta đã đem lòng yêu thương và mến mộ. Nếu lão bằng lòng ta sẽ cưới cô em làm dâu nhà ta. Lúc đó lão và gia đình bốn người tha hồ ăn trên ngồi trước, khỏi phải tắm gội nắng sương làm nghề mãi võ để kiếm cơm. Đẹp như cô em đây mà dãi dầu mưa gió thời tội cho phận má hồng và uổng của trời cho…
Hiểu ý gã công tử hiếu sắc ông lão cười nhẹ:
– Ý tốt của công tử già nay xin tâm lãnh… Lão sẽ bàn tính với cha mẹ của nó rồi tới gặp công tử sau…
– Được… Được… Không sao… Ta không thúc bách và nài ép chuyện vợ chồng, tuy nhiên lão đừng để ta thất vọng. Ta mà giận thời phiền lắm…
Nheo mắt cười tình với Hương Trà lần nữa Tửu Sắc Công Tử mới chịu cùng thủ hạ rút lui. Vừa đi hắn vừa thì thầm với thủ hạ những gì mà một tên lẩn mất vào dãy nhà lụp xụp.
– Thưa nhạc phụ… Nhạc phụ tính sao về đề nghị của hắn?
Phụ thân của Hương Trà lên tiếng hỏi. Trầm ngâm giây lát ông lão từ tốn đáp:
– Giấy rách cũng phải giữ lấy lề. Gia đình ta vì quốc nạn nên phải lưu lạc mượn nghề mãi võ làm kế sinh nhai. Dù sao ta cũng không thể khuất thân làm xui gia với thằng Gặp Thời Thế. Tiếng ác của cha con hắn rền vang khắp vùng Thuận Hóa. Ta mau thu xếp hành lý rời Hóa Châu thành bởi vì chậm trễ con Hương Trà sẽ lọt vào tay của thằng công tử bất lương và háo sắc…
Dứt lời ông ta hối con cháu thu dọn hành lý xong lặng lẻ rời chợ Bái Đáp. Họ không thấy mấy bóng người ẩn hiện trong dãy nhà lụp xụp theo dõi từng cử chỉ của họ.
– Ngoại ngoại… Đây là đâu vậy ngoại ngoại?
Hương Trà lên tiếng hỏi. Chưa vội trả lời ông lão làm nghề mãi võ ngoái đầu trông về hướng nam. Đường thiên lý vắng tanh. Thở hơi dài nhẹ nhỏm ông ta mới hắng giọng trả lời cháu ngoại:
– Chúng ta đang ở trong địa phận làng Hồ Xá thuộc châu Nam Linh. Chút nữa ta sẽ đi vào Truông Nhà Hồ. Chỗ này nguy hiểm lắm…
Cha của Hương Trà lên tiếng giải thích thêm cho con gái:
– Truông Nhà Hồ nổi tiếng vì có ăn cướp chận đường giết người và cướp của…
Ông lão cười gật đầu:
– Sau khi Trần triều thu nhận hai châu Ô, Lý của Chiêm Thành rồi đổi thành châu Thuận và châu Hóa thời Truông Nhà Hồ cũng là nơi giặc cướp hoành hành… Trời đúng ngọ rồi ta hãy đi mau để qua khỏi truông trước khi trời tối…
Bốn người cắm cúi bước nhanh vào con đường bề ngang chừng năm bảy thước nằm lọt giữa rừng cây rậm rạp. Xa xa núi Linh Sơn sừng sững. Đường sâu hun hút và vắng vẻ. Ngay cả tiếng chim chóc kêu cũng không có. Cây cỏ vàng cháy hoang sơ và tiêu điều.
Đột nhiên có tiếng người la hét, tiếng chiêng trống vang ầm ỉ rồi một toán cướp chừng ba chục đứa kéo ra chận đường. Tên đầu đảng mặc áo cộc, đi chân đất, tay xách cây côn bằng gỗ đen bóng. Vừa ra tới đường chúng lập tức chia thành hai toán chận kín đầu đuôi không cho nạn nhân chạy thoát.
– Các ngươi có bao nhiêu tiền bạc vòng vàng khôn hồn đưa hết đây bằng không ta đập vỡ sọ…
Biết đụng phải lũ cướp nên ông lão cố gắng giữ bình tỉnh không lộ vẻ sợ hãi. Liếc con rể làm hiệu ông ta trầm giọng:
– Gia đình lão phu làm nghề mãi võ rài đây mai đó nên làm gì có tiền bạc hay vòng vàng…
Tên đầu đảng sáng mắt lên khi thấy Hương Trà đang đứng nép sau lưng mẹ già.
– Hà… hà… Cô em đây đẹp lắm… Ta đang thiếu một người để lám áp trại phu nhân. Gia đình lão theo ta về sơn trại mà hưởng giàu sang sung sướng nhược bằng cải lời ta sẽ giết hết rồi bắt cô em về làm vợ… Bay đâu…
Nghe lệnh chủ tướng đám lâu la rút vũ khí hằm hè nhìn bốn người như đe dọa. Ông lão liếc nhanh một vòng. Gia đình bốn người mà phân nửa là đàn bà chân yếu tay mềm trong khi bọn cướp có tới ba bốn chục mạng. Dù sao ông ta cũng không thể để cho cháu ngoại lọt vào tay bọn người hung tàn và bạo ngược.
– Hà… hà… Các ngươi biết điều thời ta sẽ lưu mạng sống…
Ông lão làm thinh không nói. Giận dữ tên đầu đảng hét lớn ra lệnh cho thủ hạ xiết chặt vòng vây.
– Đánh…
Đám lâu la tấn công hai người đàn ông kích liệt trong lúc chỉ đánh cầm chừng với hai người đàn bà.
– Tụi bây nhẹ tay với phu nhân của tao nghe chưa. Đứa nào làm trầy da hay chảy máu quí phu nhân là tao vặn họng…
Rẹt… Cha của Hương Trà bị trúng một đao vào tay máu tuôn đỏ áo. Hự… Tới phiên ông ngoại của nàng bị một quyền vào lưng. Tình thế của hai người càng thêm ngặt nghèo và mạng sống chẳng khác gì chỉ mành treo chuông.
– Dừng tay…
Tiếng thét tuy nhỏ song thừa uy lực bắt đám lâu la phải tạm thời ngưng tay.
– Ngươi là ai?
Tên đầu đảng buông giọng cộc lốc khi thấy người lạ xuất hiện một cách bất thình lình không ai hay biết. Gia đình mãi võ vừa thở vừa chăm chú nhìn người lạ mặt đã lên tiếng bảo lũ cướp phải ngưng đánh nhau với họ. Vóc dáng cao gầy, y phục màu lam, chân mang giày rơm, vai mang gói hành lý nhỏ, người lạ đội trên đầu chiếc nón rơm rộng vành che khuất mặt mày. Tay cầm thanh roi tre to cở ngón chân cái và dài chừng ba thước, y đứng im lìm như pho tượng.
– Ta là kẻ qua đường trông thấy lũ ngươi năm ba chục thằng đàn ông vai u thịt bắp mà lại ăn hiếp đàn bà con gái với ông già…
– Rồi ngươi làm gì ta… Lạng quạng ta bẻ cổ ngươi…
Bật cười hô hố tên đầu đảng nói một câu đầy đe dọa lẫn thách thức. Giọng nói trầm trầm của người lạ vang lên từng chữ một khiến cho ai ai cũng đều nghe rõ:
– Ta cho ngươi một ân huệ. Giải tán đám ăn cướp cạn rồi bỏ nghề lạc thảo về làm ăn lương thiện. Bằng không ta giết ngươi…
Đám lâu la cười ngất khi nghe người lạ hăm dọa. Chúng không hù người ta thời thôi chứ có ai dám hăm he chúng. Mắt nổi hung quang tên đầu đảng cười gằn:
– Ngươi là cái thá gì mà ra điều kiện với ban ân huệ. Bây đâu… Bây đâu dần cho hắn một trận…
Tuân lệnh chủ tướng đám lâu la vung vũ khí nhào vào bề hội đồng người lạ. Tuy nhiên chúng chưa kịp ra tay đầu roi tre đã bật lên như máy. Chát… Chát… Chát… Hàng chục tiếng kêu ròn tan cùng với tiếng rú, tiếng la, tiếng hét thất thanh của đám lâu la. Chới với vì bị đòn đau chúng trợn mắt song không đứa nào dám nhào vào tấn công.
– Lần thứ nhất ta cảnh cáo…
– Ta gõ bể sọ ngươi…
Lồng trong tiếng nói tên đầu đảng vung thanh mộc côn đập xuống đỉnh đầu người lạ.
– Trời… Chết… Ông ơi…
Không nhịn được Hương Trà bật la thảng thốt khi thấy đầu côn chỉ còn cách đỉnh đầu người lạ gang tấc. Ngay lúc đó đầu roi tre bật lên mà mục tiêu của nó chính là khuỷu tay cầm côn của tên đầu đảng. Bựt… Hự tiếng nhỏ tên đầu đảng loạng choạng lùi lại xong trợn mắt nhìn người lạ đang cầm trong tay thanh mộc côn của mình.
– Côn này làm bằng gỗ lim tốt lắm…
Chữ cuối vừa buông y vung bàn tay chém xuống thân côn. Rắc… Thanh mộc côn to bằng cổ tay gãy làm đôi dưới cú chém bằng bàn tay thịt của người lạ. Ông lão mãi võ chớp mắt khi mục kích người lạ phô diễn công phu.
– Đứa nào muốn thử bước ra đây…
Đám lâu la nín khe. Ngay cả tên đầu đảng cũng im thinh thít. Gỗ đá còn bị gãy huống hồ gì cái cần cổ của chúng. Nhìn thẳng vào mặt tên đầu đảng người lạ gằn giọng:
– Lần đầu ta tha cho… Mau về đốt sào huyệt và bỏ nghề ăn cướp. Một năm sau ta trở lại mà còn gặp các ngươi thời hãy xem đây…
Người lạ hồi bộ một bước cùng với bàn tay vổ nhẹ lên tảng đá bên cạnh đường. Bụp… Tảng đá hoa cương cứng rắn đao kiếm chém còn nháng lửa lại vỡ vụn thành trăm mảnh dưới đòn phách không chưởng của người lạ. Quá sợ hãi tên đầu đảng co giò chạy trước khiến cho đám lâu la cũng quăng vũ khí ù té chạy theo.
Không nói tiếng nào, không đợi cho ông lão cùng gia đình nói lời cám ơn người lạ khoa chân.
– Ân nhân… Khoan… Ân nhân…
Ông lão hấp tấp lên tiếng. Người lạ dừng bước song không quay lại.
– Lão trượng cần điều chi?
– Lão chỉ xin ân nhân chậm bước để cho lão và gia đình được nói lời cám ơn…
– Tại hạ hành xử theo tôn chỉ vũ đạo do đó lão trượng không cần phải cám ơn…
Dù người lạ đã nói như thế song ông lão vẫn nài nỉ:
– Lão cũng biết vũ sĩ như ân nhân thi ân bất cầu báo nên chỉ xin ân nhân lưu lại tính danh…
Giọng nói trầm trầm của người lạ cất lên giữa khu rừng già trong buổi xế chiều cô tịch và quạnh hiu:
– Chư vị hãy tiếp tục hành trình. Tại hạ xin hộ tống chư vị qua khỏi Truông Nhà Hồ…
Mừng rỡ ông lão hối thúc con cháu bước theo người lạ. Năm người im lặng đi không ai nói với ai lời nào. Thật lâu ông lão đột nhiên lên tiếng:
– Còn chừng trăm bước nữa chúng ta sẽ ra khỏi Truông Nhà Hồ…
Người lạ đột nhiên gia tăng cước lực khiến cho ông lão và gia đình theo không kịp. Họ chỉ còn biết đứng nhìn theo hình bóng ân nhân càng lúc càng mờ dần theo ánh tà dương từ từ khuất sau rặng núi.
– Thưa nhạc phụ… Y là ai?
Nhẹ thở dài ông lão lắc đầu:
– Ta không biết… Nghe giọng nói ta đoán y còn trẻ. Tuổi mới ngoài hai mươi mà y khổ luyện được bản lãnh cao siêu hiếm người sánh kịp… Ta hãy nhanh chân lên để kiếm quán trọ tạm trú đêm nay rồi mai sáng đi Tân Bình…
Người đàn bà chợt hỏi nhỏ:
– Thưa phụ thân … Phụ thân tính về bắc?
Quay nhìn đứa con gái ông lão khẽ thở dài:
– Con đoán đúng ý của ta… Lâu quá rồi ta…
Tuy ông lão nói không trọn câu song con gái của ông ta dường như hiểu ý.
– Dạ con cũng muốn nhìn lại mái nhà xưa…
Hương Trà nói với giọng mừng rỡ:
– Mình về nhà hả mẹ… Con nhớ cây soan nhà mình…
Không nói thêm lời nào bốn người đi nhanh hơn khi thấy xóm nhà lá với ánh đèn sang sáng. Mướn phòng trọ ăn uống qua loa họ đi ngủ sớm để mai còn lên đường. Gà vừa gáy rộ bốn người thức dậy. Ăn điểm tâm xong họ mua lương khô để dùng dọc đường rồi lặng lẽ theo đường cái quan đi về hướng bắc.
– Đi nhanh lên các con… Chỉ còn mấy dặm nữa là ta sẽ vào địa phận Tân Bình. Lúc đó ta không còn sợ thằng…
Liếc nhanh cháu ngoại ông lão bỏ dở dang câu nói. Trông thấy ngọn núi cao hiện mờ mờ lúc bình minh Hương Trà hỏi:
– Núi đó tên là núi gì vậy ngoại ngoại?
Quay đầu trông chừng về phía sau lưng ông lão đáp nhanh:
– Đó là núi Chấn Sơn, cách huyện Nha Nghi chừng ba mươi dặm về hướng nam. Nó là nơi phân chia ranh giới giữa hai huyện Nam Linh của châu Thuận và huyện Nha Nghi của Tân Bình đạo…
Ngừng lại giây lát ông lão chép miệng thở dài:
– Từ đây về tới Nho Quan của chúng ta xa lắm gần ngàn dặm đường. Nếu đi bộ cũng phải mất hai tháng trời…
– Mình mua xe đi ngoại… Đi bộ lâu quá…
Hương Trà cười lắc lắc tay ông ngoại. Ông lão cười xòa xoa đầu cháu:
– Mình nghèo đâu có tiền mua xe. Đợi khi nào con lấy chồng giàu may ra ta mới có xe…
– Thôi con không thích lấy chồng đâu. Con thích ở với ba má và ông ngoại…
– Con nói tầm bậy rồi. Con gái lớn lên là phải lấy chồng rồi sinh con cái chứ đâu có ở hoài với cha mẹ được…
– Sao ba má con ở với ngoại đó… Mà con đâu có ưng ai…
Bước nhanh lên song hàng với ông ngoại Hương Trà nói tiếp:
– Cái thằng công tử thấy ghét… Mắt la mày lét hắn liếc con hoài…
– Con ưng nó không?
Xì tiếng dài Hương Trà lắc đầu:
– Bản mặt thằng đó con ưa không nổi. Chưa gì hết mà nó đã trổ mòi ba mươi lăm…
Dừng lại giây lát Hương Trà hỏi nhỏ:
– Người mà hôm qua đánh bọn cướp cứu mạng gia đình ta là ai vậy ngoại?
Khẽ lắc đầu ông lão liếc nhanh cháu gái của mình:
– Ngoại không biết… Mà con hỏi làm chi vậy?
Cười chúm chiếm Hương Trà nói nhỏ:
– Con nghe ngoại nói y còn trẻ. Ngoại đoán y chừng bao nhiêu tuổi?
Ông lão cười cười:
– Ta không biết chắc song đoán y lớn hơn con chừng năm ba tuổi. Con thích y không?
Hương Trà cười liếc nhanh ông ngoại:
– Con không biết… Con có thấy mặt mũi y đâu mà thích hay không thích. Ước gì gặp lại y lần nữa để con hỏi tên y và xem mặt y đẹp xấu…
Ông lão cười lớn khi nghe cháu ngoại nói.
– Con nói đùa phải không?
Hương Trà nói bằng giọng quả quyết:
– Con nói thật mà ông ngoại. Con có cách để nhìn mặt y…
– Y giỏi võ lắm…
– Con biết… Bởi giỏi võ cho nên y không thể nặng tay với con…
Mỉm cười ý nhị ông lão liếc nhanh cháu ngoại như vừa nghĩ ra điều gì lý thú. Khi vầng thái dương nhô lên đỏ rực nơi hướng đông họ tới cầu Phá Lễ. Tuy mới hừng đông mà thiên hạ đứng xếp hàng dài chờ tới phiên trình hộ thiếp để qua cầu. Sau khi thôn tính Nam Quốc Minh triều đã lập ra nhiều điếm canh, trạm gác để tra xét giấy tờ của người qua lại. Ai không có hộ thiếp sẽ bị bắt giữ. Phải mất khá lâu gia đình mãi võ mới tới điếm canh để trình giấy tờ. Quá quen thuộc ông lão đưa giấy tờ kèm theo một quan tiền. Tên điếm trương chỉ liếc nhanh rồi trả lại giấy tờ cho họ. Vì hối hả họ không thấy người lạ mà họ đã gặp ở Truông Nhà Hồ cũng đang đứng xếp hàng chờ qua cầu.
Trang 2
Sao truyện dở dang vậy? Muốn tìm đọc nốt mà ko thấy đâu cả
nhiều quá nên tôi chẳng nhớ. Đã đăng tiếp mấy chương mới. Rất tiếc để anh hay chị chờ…
Bác có thể đăng tiếp đc ko ah. Đọc nhiều tác phẩm của bác thấy hay quá nhưng đều chưa đc đọc đến cuối nên thấy hụt hẫng lắm ah
Ad đăng quyển hai đi
Đọc nửa chừng bứt rứt lắm
chưa viết xong mà
Bao giờ mới có quyển 2 vậy ad