Lời Bạt
Mấy ngày nay, đọc trên mạng tin các trường trung học phổ thông ở Việt Nam sẽ không còn giảng dạy môn Sử như là một môn học chính mà là môn học kèm của môn Công Dân và Tổ Quốc trong đó có hai môn Giáo Dục Công Dân và An Ninh Quốc Phòng. Ngày xưa khi tôi mới bắt đầu học lớp đệ thất ( lớp 7 bây giờ ), Sử là một môn học chính ngang hàng với môn Toán, Việt Văn, Lý Hóa… Riêng tôi ngoài Việt Văn, Sử là một môn hấp dẫn và thích thú nhất. Dân tộc ta có chiều dài lịch sử hơn bốn ngàn năm, với biết bao triều đại thịnh suy hưng phế và vinh nhục đủ điều. Bây giờ giới cầm quyền của đảng cộng sản ở Hà Nội đang có những hành động thâm hiểm là muốn xóa bỏ lịch sử của dân tộc để từ đó viết lên trang sử mới đúng với đường lối của đảng và nhà nước hầu biến nước Việt thành quận huyện của Trung Cộng. Không dạy sử như là một môn học chính tức muốn toàn giới trẻ quên đi cội nguồn, coi nhẹ công sức mở nước, dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Phải chăng với âm mưu xóa sử Việt để rồi sau đó học sử Tàu, coi dòng Hán tộc là tổ tiên của người Việt. Vâng lệnh kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt là Trung Cộng; giới cầm quyền Hà Nội mà đại diện là đảng cộng sản Việt Nam đã bán đất đai biển đảo không chưa đủ mà bây giờ lại muốn xóa xạch dòng sử xanh để chuẩn bị cho bước nô lệ cuối cùng của dân ta. Những kẻ mãi quốc cầu vinh như chúng là tội đồ của dân tộc và đất nước và là vết nhơ của lịch sử Việt.
Với những âu lo và thao thức cho vận mệnh của dân tộc, tôi, bằng sức người hạn hẹp của chính mình, cố gắng viết ra và lưu trữ những gì liên quan tới sử của nước ta xuyên qua những bộ truyện dã sử võ hiệp Việt Nam. Suốt trong dòng chảy của lịch sử Việt có biết bao biến cố lớn, vinh quang khi hưng thịnh, tủi nhục khi suy vong phải cúi đầu làm nô lệ cho kẻ láng giềng phương bắc đầy tham vọng đế quốc. Như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: ” Dẫu cường nhược có lúc khác nhau song hào kiệt đời nào cũng có…”. Đúng như vậy. Đó cũng là lý do khiến cho tôi viết bộ truyện võ hiệp Việt Nam tên MỸ NHÂN KIẾM để ca tụng cái dũng khí của Hai Bà Trưng; TIẾNG SÓNG BẠCH ĐẰNG của Ngô Quyền qua chiến công hiển hách dìm quân Nam Hán xuống lòng sông Bạch Đằng mở đầu kỹ nguyên tự chủ, tự do của dân tộc sau ngàn năm thuộc Hán đầy tủi nhục. Trong bộ BÚT KIẾM THẦN THI nói về Lý Thường Kiệt, vị danh tướng trước không có và sau cũng không có, đã chỉ huy binh đội Lý triều mở cuộc xâm lăng đất Tàu, dạy cho lũ quân binh Tống Triều một bài học về cách đối xử với nước láng giềng ở phương nam. SÁT ĐÁT NHÂN mà đại diện là Hưng Đạo Vương, vị danh tướng duy nhất cũng như nước Việt, nước duy nhất đã đánh bại quân Mông Cổ bách chiến bách thắng. Trong QUANG PHỤC KIẾM, quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, đã biểu dương khí thế ” đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo ” bằng cuộc chiến mười năm chống xâm lăng. Vua Quang Trung, với GIẤC MỘNG LƯỠNG QUẢNG, đã cùng các vũ sĩ của Giới Giang Hồ Đại Việt, âm thầm luyện quân tuyển tướng để cất quân phạt Hán đòi lại Lưỡng Quảng về cho nước Việt.
Bằng quyết tâm giữ lửa cho dòng sử Việt, tôi sẽ lần lượt viết những bộ truyện dã sử võ hiệp Việt Nam, bắt đầu bằng truyện Sát Đát Nhân. Kính mời quý độc giả theo dõi.
Ngày 23 tháng 11 năm 2015
chu sa lan
15
Về lại chốn xưa
Mặt biển gờn gợn sóng. Nước sáng lấp lánh. Trời cao xanh ngắt không một gợn mây. Chiếc thuyền buồm chầm chậm lướt sóng. Tay cầm lái Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nhìn quanh quất. Ðảo xanh rì. Hạ Long là một quần đảo với trăm ngàn đảo to nhỏ, lớn bé nằm rải rác trên vùng biển mênh mông. Xa về hướng đông bắc là đảo Cát Bà và Cái Bàn. Hai hòn đảo lớn này có dân chài lưới cư ngụ. Nhìn ngắm cảnh vật vẫn như cũ lòng y dấy lên nhiều ngậm ngùi. Hôm qua lúc đang ngồi trò chuyện với Tam Bộ Ðộ Giang, y bỗng thấy nhớ nhà. Thay y phục, từ tạ người bạn mới quen y xuôi dòng Bạch Ðằng ra biển. Mua chiếc thuyền chuyên đi biển y dong buồm ra Hạ Long tìm về mái nhà xưa dù biết sẽ không có ai đón tiếp mình. Y chỉ muốn đạp chân trên bãi cát quen thuộc, trở lại hang đá nơi trú ngụ bao ngày, nhìn thấy di vật của tổ tiên. Y muốn được ngồi trên gềnh đá vào buổi sáng tinh sương để hồi tưởng lại những lời giáo huấn của sư tổ. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cảm thấy mắt mình cay cay khi hình dung tới ông lão râu tóc bạc phơ, già yếu bệnh hoạn nhưng gắng gượng sống những ngày tàn với mối u uất trong lòng. Cũng chính nỗi u uất đó là động lực thúc đẩy ông ta ngày đêm khổ nhọc đào tạo một truyền nhân để thay thế ông ta thực hiện lời hứa khuynh đảo Trần triều với người đã chết.
Ðất liền chỉ còn là một dãy đất xanh mờ. Chiếc thuyền buồm đi lọt vào vụng biển che khuất bởi ba hòn đảo nhỏ. Không khí im vắng. Hạ buồm Sát Ác Nhân Chủ Tiệm neo thuyền khuất sau gềnh đá xong lao mình xuống nước lội vào bờ. Bãi biển sạch trơn không dấu chân người. Cảnh vật trong lòng hang vẫn y nguyên như cũ. Ánh sáng mờ mờ. Sờ soạng trong hốc sâu y lấy ra một hộp sắt han rỉ. Trong hộp đó chứa đựng vài di vật của tổ tiên. Mò mẫm trên nóc hang y lấy ra hai thanh kiếm, một thanh kiếm dài và một thanh kiếm ngắn ước chừng ba tấc. Bước ra khỏi hang y từ từ rút thanh trường kiếm ra khỏi vỏ. Thanh kiếm đen tuyền phản chiếu ánh mặt thành một màu đặc biệt vừa đen vừa vàng hoặc pha trộn bởi màu đen và màu vàng.
Khe khẽ thở dài y tra kiếm vào vỏ đoạn gói hai thanh kiếm và chiếc hộp sắt thành một gói hành lý xong bước dài dài trên bãi biển. Mấy ngôi mộ nằm trơ vơ trên cát. Mộ không có gì hết ngoài những viên đá xếp chồng lên nhau thành hình dáng ngôi mộ. Không có bia ghi ngày sanh ngày tử. Không có nén hương thắp lên để tưởng niệm vong linh người đã khuất. Chỉ có tiếng thở dài u uất của người sống hoà lẫn với tiếng than van não nề của người chết. Không khí nằng nặng hơi nước. Mây đen kéo về. Sấm nổ đì đùng. Chớp lòe sáng rực. Bầu trời tối sầm lại. Mưa đổ ào ào. Mưa giăng ngút ngàn phương trời. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đứng im lìm giữa trời mưa trước nền mộ của tổ tiên.
– Phụ thân… Sư tổ… Hài nhi sẽ thực hiện di ngôn ” khuynh đảo Trần triều…”
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm ngửa mặt lên trời hú tiếng dài lòng lộng không gian. Tiếng hú chứa đầy u uất bay trong gió mưa thành tiếng gầm phẫn nộ chuyển rung trời đất, xôn xao ngàn cây nội cỏ lan dài trên mặt biển ì ầm sóng vổ. Từng bước chân lê trên cát y rời bỏ mái nhà xưa mang theo tâm nguyện khuynh đảo một triều đình.
Biết mình sẽ không bao giờ trở lại hoang đảo Sát Ác Nhân Chủ Tiệm dong thuyền ngắm cảnh lần cuối. Biển xanh ngắt một màu mênh mông bát ngát. Sóng bạc đầu bủa trắng xóa. Gió thổi mạnh. Ðột nhiên trên nền biển xanh hiện lên một bóng thuyền. Chừng khắc sau y thấy một chiếc đại thuyền sơn màu trắng với ba cột buồm cao ngất. Buồm no gió căng phồng nên thoáng chốc chiếc đại thuyền lướt nhanh qua chỗ thuyền của y đang trôi lềnh bềnh. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm hơi ngạc nhiên khi quan sát chiếc thuyền lạ. Thủy quân của Ðại Việt không có thuyền nào giống như vậy. Thuyền của đám giặc cướp biển Tàu Ô cũng không có hình dáng và màu sắc như vậy. Thương thuyền của Ðại Việt, Chiêm Thành, Trung Hoa hay các xứ xa lạ cũng không có hình dáng như vậy.
Thuyền tới từ hướng đông bắc tất nhiên phải từ vùng Hải Nam hoặc Quảng Ðông đi sang. Suy nghĩ giây lát Sát Ác Nhân Chủ Tiệm giương buồm theo sau chiếc đại thuyền một quãng xa xa trong tầm mắt bởi vì vịnh Hạ Long đường lối chằng chịt cho nên nếu lạc dấu y phải mất nhiều thời giờ mới tìm ra được. Khoảng xế chiều chìếc thuyền lạ bỏ neo bên cạnh hòn đảo nhỏ nằm trơ vơ. Nhận định phương hướng xong Sát Ác Nhân Chủ Tiệm bẻ lái cho thuyền tạt vào hòn đảo hẻo lánh kế bên. Neo thuyền vào một nơi khuất y lội vào bờ. Vào tới bãi biển y thấy bờ có nhiều dấu chân người in trên cát. Quan sát kỷ y biết dấu giày này không phải của dân đánh cá bởi vì ngư dân đi chân không chứ không mang giày. Mang giày đi trên biển phải là dân xứ lạ và cũng là dân ở sâu trong đất liền. Ðang suy nghĩ chợt nghe có tiếng nói chuyện líu lo y vội vã trườn vào bụi rậm trốn tránh. Nghe tiếng líu lo mỗi lúc một rõ hơn y vạch kẻ hở nhìn ra thấy năm người xa lạ. Họ mặc quần áo giống như người Mông Cổ bởi vì cách đây mấy tháng trong kỳ tuyển phu của Hà Phương công chúa, phái đoàn Mông Cổ cũng ăn mặc tương tự như năm người này. Người nào cũng cao lớn và mang vũ khí tùy thân. Ðứng trò chuyện líu lo và chỉ chỏ ra ngoài biển xanh giây lát năm người này bỏ đi. Ðợi cho họ khuất bóng Sát Ác Nhân Chủ Tiệm rời chỗ nấp. Nghĩ ngợi giây lát y lội trở về thuyền nghỉ ngơi chờ đêm xuống để lên bờ dò xét xem năm người lạ là ai, làm gì trên hoang đảo xa xôi hẻo lánh này? Y ước gì có Hà Phương bên cạnh. Có nàng mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Y liên tưởng tới hai hình bóng. Một nàng công chúa yêu kiều sang cả và một thiếu nữ thông minh duyên dáng. Hai hình bóng đó có lúc giống nhau song có lúc lại khác nhau. Hai người là hai nhưng lắm khi là một, có lúc lại hoà hợp để thành một người như thực như mơ. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm khe khẽ thở dài khi nghĩ tới Hà Phương công chúa. Sự vắng mặt của nàng là một mất mát lớn lao trong lòng y. Dù quen biết không bao lâu, dù chỉ gặp gỡ có ba lần, chuyện trò mấy câu song tâm tư y vương vấn hình bóng nàng công chúa đài các. Giọng nói của nàng vẫn còn văng vẳng bên tai. Tia nhìn đầm ấm thiết tha vẫn còn trong mắt. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nghe tim đập thình thịch với nỗi ngất ngây dịu nhẹ khi hồi tưởng lại giây phút ngồi dưới gầm giường nhìn thân thể ngọc ngà của nàng lung linh nhạt mờ trong căn phòng im vắng. Suối tóc đen dài óng ả. Ðôi tay trần trắng muốt. Y còn nhớ rõ một bớt son đỏ hồng trên đùi của nàng. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cảm thấy mắt mình cay cay. Bây giờ nàng ở đâu? Còn sống hay đã chết? Dù vắng mặt nàng vẫn hiện hữu suốt đời trong trí não khiến cho mỗi lần nghĩ đến y cảm thấy lòng mình trĩu nặng u hoài và nỗi ngậm ngùi theo tháng ngày chín dần lên.
Như muốn xua đuổi tạp niệm Sát Ác Nhân Chủ Tiệm vội ngồi xếp bằng tham thiền nhập định. Bàn chân phải đặt lên đùi trái, bàn chân trái lòn dưới chân phải đặt lên đùi bên phải, lưng thẳng, vai thẳng, hai cánh tay gấp lại đặt hờ lên đùi, bàn tay tả đặt vào lòng bàn tay hữu, hai ngón tay cái gần chạm nhau; y ngồi trên sàn thuyền vững vàng như người ta ngồi trên đất bằng. Ðây là thế tọa thiền mà sư tổ thường gọi là tư thế phật ngồi. Ðây cũng chính là tư thế mà lúc lên năm, lên sáu y được sư tổ chỉ dạy trong bài học vở lòng về khổ luyện nội lực. Hít vào đếm là một, thở ra đếm là hai cứ như thế tuần tự tới mười xong bắt đầu trở lại một mà không bị lầm lẫn và sơ sót. Qua một thời gian lâu hay mau tùy theo sự chuyên cần luyện tập người ta sẽ bước sang giai đoạn thứ nhì. Hít vào và thở ra đếm là một, cứ như thế tới mười xong bắt đầu trở lại. Sau thời gian tọa thiền lâu dài tạp niệm sẽ từ từ lắng đọng giống như nước nếu để yên các chất cặn bả và dơ bẩn sẽ từ từ lắng xuống đáy.
Vừa hít thở được vài lần Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cảm thấy chân khí từ huyệt trường cường nơi hậu môn theo đốc mạch chạy lên cổ, lên đầu rồi đi vòng xuống trán, mũi và chạy tới huyệt thừa tương sau đó theo nhâm mạch chạy xuống ngực, bụng rồi chảy vào đan điền xong chạy xuống tới huyệt hội âm. Đồng thời một luồng khí nhu hòa từ ngực chạy vào thủ tam âm kinh của tay là thái âm phế, quyết âm tâm bào và thiếu âm tâm. Cùng lúc đó chân khí từ mạch nhâm chạy xuống ba kinh dương ở chân là dương minh vị, thiếu dương đảm và thái dương bàng quang. Ngoài ra chân khí theo đốc mạch chạy từ bụng cùng với chân khí từ ba kinh dương ở tay chạy lên đầu trong khi đó luồng nhiệt khí từ ba kinh âm ở chân chạy lên đan điền và cứ như thế mà luân lưu không bao giờ dứt.
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm ra khỏi tình trạng tham thiền nhập định khi chiều xuống từ từ trên biển. Dùng tạm chút lương khô xong y chuẩn bị vào bờ. Ði chân trần, mặc quần cộc, mình trần, kiếm đeo trên vai y lẳng lặng bơi vào bờ.
Bóng tối đổ xuống làm nhòa cảnh vật. Như con thằn lằn khổng lồ y bò dài theo bãi biển. Ðột nhiên y dừng lại. Gió biển rì rào. Trong gió biển ẩm ướt và mằn mặn y ngửi được mùi là lạ. Mùi khói. Phải có lửa mới có khói. Phải có người ta mới có lửa.
Nương theo bóng đêm cùng các thân cây y tiến sâu vào trong bờ. Trong bóng đêm thâm u hiện lên vầng ánh sáng. Càng tới gần y nghe rõ hơn tiếng nổ lách tách lẫn trong tiếng người nói chuyện rì rầm.
Nép sau thân cây y trông thấy mười mấy người ngồi, đứng và nằm quanh đống lửa. Một người lớn tuổi dường như là cấp chỉ huy đứng nói líu lo tràng dài đoạn phất tay một cái. Bụp… Ðống lửa tắt phụt. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm kinh ngạc trước đòn phách không chưởng của người lạ. Xuyên qua chiêu thức vừa thi triển y biết kẻ lạ là một nhân viên có chức phận khá cao của đoàn do thám Mông Cổ. Chúng lén lút xâm nhập vào hải phận của Ðại Việt không ngoài mục đích dọ thám đường đi nước bước để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng bằng đường thủy. Với trăm ngàn hòn đảo hoang vu ít người lui tới, Hạ Long trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho nhân viên do thám trước khi xâm nhập vào đất liền.
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm do dự trước hai điều. Thứ nhất là lẳng lặng xuống thuyền đi vào đất liền xong thông báo cho quan quân của Trần triều để họ tùy nghi quyết định. Thứ nhì là y tự mình tìm cách đối phó. Mới đầu y định tìm cách hạ sát từ từ kẻ địch song bỏ ý định này vì biết địch quá đông trong lúc y chỉ có một mình. Ðứng im suy nghĩ hồi lâu y âm thầm trở ra bãi biển. Một ý nghĩ thoáng qua nhanh trong đầu trong lúc y lao mình xuống nước. Muốn ngăn chận không cho nhân viên do thám Mông Cổ xâm nhập vào đất liền không cách gì hay hơn bằng cách đục thủng thuyền của chúng. Thông thạo việc bơi lội cho nên nếu tìm ra thuyền địch y có thể đục cho chìm xuống đáy biển một cách dễ dàng.
Như con kình ngư y lội vòng vòng quanh đảo quan sát. Cuối cùng y tìm thấy chiếc thuyền buồm nhỏ chở khoảng năm bảy người đậu khuất trong một hang đá. Leo lên thuyền y không thấy có người canh gác. Dùng kiếm đục thủng đáy thuyền y chờ cho nước tràn ngập khoang thuyền mới lội trở về thuyền của mình.
Còn một chuyện nữa mà y cần phải đối phó là chiếc đại thuyền đang bỏ neo trong vụng biển bao bọc bởi ba hòn đảo nhỏ. Ðoán người trên đại thuyền chắc phải có liên hệ tới toán người trên đảo. Y định chờ tới khuya sẽ trèo lên chiếc đại thuyền dò xét. Thời niên thiếu y thường dong buồm khắp các hoang đảo để đánh cá, mò ngọc trai và kiếm tổ yến cho nên thuộc lòng đường ngang nẻo dọc. Dù trong đêm tối y cũng nhận định được phương hướng do đó tới gần canh ba y trông thấy xa xa bóng chiếc đại thuyền hiện mờ mờ trên mặt biển đen.
Neo thuyền vào một chỗ kín đáo y lao mình xuống nước. Ðầu canh tư y còn cách chiếc đại thuyền trăm bước. Y bơi thật chậm và cố gắng không gây ra tiếng động vì biết trên thuyền có người canh gác. Lội một vòng quanh thuyền quan sát và tìm chỗ thuận tiện để leo lên cuối cùng y phải bám vào dây neo để leo lên thuyền. Nhô đầu lên xem xét y thấy sàn thuyền im lìm và vắng lặng. Núp vào chỗ tối y kiên nhẫn chờ đợi. Nhớ lại lời chỉ dạy của sư tổ y biết nếu đúng là thuyền của đoàn do thám Mông Cổ thời nhân viên canh gác không phải là quân lính mà toàn là cao thủ giang hồ tai thính mắt linh có thể nghe được tiếng bước chân của kẻ dạ hành xâm nhập.
Bốn cột buồm cao ngất. Mấy ụ lớn được che kín mít mà y đoán là thuyền nhỏ dùng làm thuyền cấp cứu. Xa về phía bên trái chỗ y nấp là phòng lái với cửa đóng kín song vẫn có ánh sáng le lói. Nghe tiếng cửa mở Sát Ác Nhân Chủ Tiệm ló đầu nhìn thấy một bóng người bước ra. Y nhảy xổm tới lưng của kẻ lạ tựa con báo vồ mồi. Bàn tay tả mở khoằm khoằm chụp vào đại trụy huyệt trong lúc bàn tay hữu chụm lại thành chỉ điểm vào huyệt chương môn nơi thắt lưng. Thi triển hai đòn cầm nã thủ bí truyền của sư môn y cố tình đánh gục kẻ địch một cách nhanh chóng và êm thắm vì nếu đối phương còn đủ sức tri hô thời công cuộc dọ thám của y bị thất bại. Thật ra y cũng không muốn đánh lén vào lưng của bóng đen nhưng vì tình thế bắt buộc y phải làm trái với lời dạy dỗ của sư tổ.
Chiêu thức còn cách mục tiêu gang tấc bóng đen đột nhiên đạp bộ tới trước một bước. Bằng cử động giản dị này bóng đen hoá giải hai đòn đánh của đối thủ một cách dễ dàng và hữu hiệu. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm biến chiêu liền. Bàn tay tả đang từ trảo biến thành chỉ điểm vào huyệt thần đạo còn bàn tay hữu hóa thành trảo móc vào huyệt huyền khu. Y ra tay lanh khủng khiếp. Không đầy chớp mắt y đánh ra ba chiêu, mỗi chiêu có ba thức, mỗi thức có ba thế, mỗi thế có ba đòn tổng cộng thành ra hai mươi bảy lần biến với ý định bắt buộc địch thủ lo chống đỡ trối chết hầu không có thời giờ mở miệng tri hô cho đồng bọn. Tuy nhiên địch thủ của y quả nhiên tôi luyện được thân vũ thuật bất phàm. Ðứng trưóc những đòn tấn công thần tốc và biến ảo này hắn chiết chiêu, giải đòn, hoá thế một cách ung dung và bình tịnh không hề có chút sợ hãi hay bối rối. Hai bên giao nhau đúng mười chiêu. Bóng đen đột nhiên tạt bộ vào chỗ tối rồi biến mất không lưu lại vết tích.
Nép mình sau chiếc thuyền nhỏ dọc theo lan can Sát Ác Nhân Chủ Tiệm im lìm nghĩ ngợi. Bây giờ y mới nghĩ ra bóng đen không phải là nhân viên do thám Mông Cổ bởi vì hắn không hề mở miệng tri hô hay cố tình gây náo động dù hắn có thể làm được chuyện đó. Có thể bóng đen là nhân viên của đoàn do thám Thăng Long hay là một vũ sĩ giang hồ nào đó cùng một mục đích lên thuyền dọ thám như y. Tuy nhiên một câu hỏi lởn vởn trong trí của vị chủ tiệm trẻ tuổi kém kinh nghiệm giang hồ và không quen suy nghĩ. Bóng đen là ai mà có thể đi lại trên thuyền địch một cách một cách tự nhiên và dễ dàng. Ðang thu hình trong bóng tối Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nghe tiếng còi rúc lanh lãnh cùng với tiếng người chạy rầm rập và đèn đuốc cháy sáng khắp nơi. Y đoán kẻ địch đã khám phá ra có người lạ lên thuyền.
Tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách. Trong ba mươi sau kế chuồn là hay nhất. Tiếng người nói líu lo càng lúc càng lúc càng lớn dần cùng với tiếng chân chạy làm rung chuyển sàn thuyền. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đột ngột đứng dậy. Thanh kiếm đen tuyền loang một vòng che chở thân thể rồi thân hình y vọt lên không đoạn tà tà rơi xuống mặt biển đen ngòm.
Trời sáng rõ.Ăn qua loa buổi điểm tâm xong Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nhổ neo định dong buồm về đấ liền. Ðột nhiên y thấy chiếc đại thuyền xuất hiện chận đường. Hơi kinh ngạc y vội bẻ lái thuyền sang hướng khác. Y thoáng thấy cụm khói bốc lên rồi âm thanh vọng lại cùng với tiếng hú bay qua đầu y và sau cùng là tiếng nổ long trời lở đất cách y chừng chục bước. Nước bắn tung toé. Thần công… Không kịp suy nghĩ y chụp lấy gói hành lý lao mình xuống biển. Ngâm mình dưới nước y nghe một tiếng nổ kinh thiên động địa khíến cho chiếc thuyền của y vỡ tung thành trăm mảnh nhỏ. Hớp hơi dài dưỡng khí Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lặn sâu xuống nước.
Muốn sống sót y phải lội vào bờ biển của một hòn đảo gần nhất nằm về phía bên phải cách y non dặm đường. Nói thời dể song làm mới thấy khó bởi vì vô số chiếc thuyền nhỏ có người chèo đang đuổi theo sau lưng của y khoảng xa xa. Càng lúc khoảng cách đôi bên càng gần hơn và đám nhân viên do thám có cơ bắt kịp kẻ mà chúng đang truy đuổi.
Thình lình một chiếc thuyền buồm xuất hiện. Chiếc thuyền này hình dáng thon dài với năm cánh buồm hình tam giác và hàng trăm tay chèo. Trông lên Sát Ác Nhân Chủ Tiệm thấy trên chiếc buồm chính có hình con ó đen đang vẩy cánh một cách linh hoạt và sống động như thật. Biết thuyền lạ tới cứu mình y vội bơi về hướng đó. Có tiếng súng thần công nổ và nước bắn tung tóe sau lưng y. Mấy chiếc thuyền Mông Cổ hơi khựng lại rồi quay đầu chèo về hướng chiếc đại thuyền của chúng. Súng thần công nổ rền trời đất. Không bỏ lỡ cơ hội Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lội nhanh. Thủy thủ thả thang dây xuống cho y trèo lên đoạn hướng dẫn y đến gặp chủ nhân của chúng.
Một thanh niên gần ba mươi, mặt chữ điền gân guốc, mày rậm, mắt sâu và sáng, tóc cắt ngắn, vận vũ phục màu xanh nước biển, vai đeo kiếm, phủ ngoài chiếc áo choàng cũng màu xanh trước ngực có thêu hình con ó đen.
Ðang đứng trên sàn thuyền chỉ huy thủ hạ bắn nhau với thuyền Mông Cổ, thanh niên cười vui vẻ nói với khách:
– Huynh đài từ đêm qua tới giờ vất vả nhiều lắm. Kính mời huynh chén rượu giải lao…
Thanh niên vẩy tay. Thủ hạ của y trao cho khách vò rượu. Hớp một ngụm Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười sang sảng:
– Bạch Long Vỉ đảo chúa công phu trác tuyệt. Ðêm qua tuy chỉ có mươi chiêu song tôi thực tình mến mộ phong cách cùng bản lãnh của huynh lắm…
Thanh niên được gọi là Bạch Long Vĩ đảo chúa cười nhẹ:
– Huynh lầm rồi… Tôi không phải là Bạch Long Vỉ đảo chúa. Gia phụ phái tôi vào đất liền tìm hiểu về tình hình của giới giang hồ Ðại Việt…
Ngừng lại giây lát thanh niên cười tiếp:
– Hắc Ưng Khách tôi hân hạnh được diện kiến Sát phò mã của Trần triều…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm thở dài.
– Huynh nói đùa làm chi… Tôi nào màng tới hư danh này chẳng qua ngộ biến phải tòng quyền…
Quay qua thủ hạ đứng cạnh Hắc Ưng Khách ra lệnh.
– Ngưng bắn và vào đất liền…
Còi lệnh rúc lên. Con thuyền đổi hướng đi vào một hẻm núi hẹp. Cầm lấy vò rượu do thủ hạ trao cho Hắc Ưng Khách cười cười:
– Mời huynh đài…
Chiêu ngụm rượu y thong thả tiếp:
– Cách đây mấy tháng khi Trần triều mở cuộc tuyển phu cho Hà Phương công chúa gia phụ và tôi có tới dự khán. Vì nhiều lý do chúng tôi không lộ hình tích nhưng gia phụ đã nghi ngờ về lai lịch của huynh. Trở về Bạch Long Vỉ xong gia phụ phái tôi vào đất liền bí mật tìm hiểu về hoạt động của Sát Ác Nhân Tiệm và nhất là thân thế, lai lịch của huynh đài…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười hỏi:
– Huynh biết thế nào về thân thế của tôi?
Chiêu hơi dài Hắc Ưng Khách lắc đầu:
– Xin lỗi Sát huynh tôi không thể trả lời câu hỏi này. Tôi sẽ đem tất cả tin tức thu lượm được trình lên gia phụ để tùy người liệu định. Người ta có thể thay đổi hình dáng, tướng mạo, giọng nói song không thể hoặc khó lòng thay đổi vũ thuật mà họ đã khổ luyện…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm chép miệng:
– Huynh đài nói đúng…
Hắc Ưng Khách cười nhẹ:
– Người gửi thư báo tin có trộm vào nhà chính là tôi mà đêm qua người giao đấu với huynh cũng chính là tôi. Cách đây hai hôm trên đường trở về Bạch Long Vỉ thuyền bị hư bánh lái nên tôi hạ lịnh cho thủ hạ neo cạnh một hòn đảo trong vịnh Hạ Long để sửa chữa. Phần tôi lên bờ ngắm cảnh tình cờ khám phá ra sự hiện diện của nhân viên do thám Mông Cổ. Chiếc pháo thuyền trá hình thành thuyền buôn dường như là thuyền tiếp tế và liên lạc của chúng từ bên Tàu qua…
Uống ngụm rượu Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười nói Hắc Ưng Khách:
– Tôi nợ huynh cái ân cứu tử…
Hắc Ưng Khách cười ha hả:
– Ân nghĩa gì… Quân tử thi ân bất cầu báo. Tuy không là quân tử song tôi cũng không muốn huynh để tâm tới chuyện ân nghĩa đó huống hồ gì sư tổ của huynh và sư tổ của tôi là bằng hữu tâm giao. Đưa huynh vào bờ xong tôi sẽ…
Liếc nhanh Sát Ác Nhân Chủ Tiệm, y cất giọng trầm trầm:
– Tuy không ưa gì Trần triều nhưng tôi nghĩ ta nên trình báo cho quan quân biết chuyện nhân viên do thám Mông Cổ xâm nhập vịnh Hạ Long để họ tùy nghi quyết định. Chống kẻ xâm lăng là bổn phận của mọi người dân trong nước…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm hơi thoáng động dung khi nghe Hắc Ưng Khách nói câu trên. Thật lâu y mới hắng giọng:
– Huynh nói phải…
Vổ vai Sát Ác Nhân Chủ Tiệm, Hắc Ưng Khách cười nói đùa:
– Huynh thật xui xẻo… Nếu không có gì xảy ra thời huynh đã là chồng của Hà Phương công chúa rồi. Ðúng là cái số…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười gượng. Thuyền no gió phăng phăng lướt sóng. Xế chiều thuyền vào tới cảng Vân Đồn. Xa xa đại đội chiến thuyền của thủy quân Ðại Việt bỏ neo trên biển. Thuyền neo nơi chỗ khuất vắng. Truyền lệnh cho thủ hạ canh gác cẩn thận xong hai người ngồi thuyền nhỏ vào bờ.
– Tôi mời huynh chén rượu xong chúng ta chia tay…
Ðặt chân lên bờ Hắc Ưng Khách cười nói câu trên. Ra tới phố họ thấy phố xá và hàng quán tấp nập. Người đi lại đông đảo. Tuy nhiên nếu tinh ý người ta sẽ nhận thấy sự hiện diện của nhân viên của đoàn do thám Thăng Long. Ða số bọn họ đều mặc thường phục song thỉnh thoảng lại có người mặc sắc phục.
Hắc Ưng Khách thì thầm:
– Chắc có chuyện gì quan trọng cho nên nhân viên do thám mới đổ xô về đây. Không chừng họ đánh hơi được sự xâm nhập lén lút của Mông Cổ. Tôi với huynh lén theo họ để xem chuyện gì xảy ra…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm ưng thuận. Cả hai giả vờ vừa đi vừa trò chuyện song mắt liếc chừng một nhân viên do thám mặc sắc phục đi trước họ chừng năm mươi bước. Gã này đi ngược về phía đồng trống rồi mất dạng trong khu nghĩa địa hoang vu cây cối mọc um tùm.
Biết vào trong đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm nhưng tự tin vào bản lĩnh của mình cả hai không ngần ngại tiến vào. Ðược mươi bước họ thấy một xác chết nằm gục mặt vào nấm mộ. Nhìn y phục họ biết đó là nhân viên do thám Mông Cổ. Lát sau họ thấy hai người một mặc thường phục, một mặc sắc phục của đoàn do thám Thăng Long nằm chết cạnh nhau. Vào sâu hơn họ thấy tử thi nằm rải rác cùng với tiếng la hét văng vẳng.
Nép sau một ngôi mộ họ trông thấy một đám đông đứng thành hai phe riêng biệt và có hai người giao đấu với nhau ác liệt.
– Có người đến sau lưng…
Tiếng cười ngắn gọn khẽ vang cùng với giọng nói trầm trầm:
– Tôi tưởng mình tới sớm hoá ra muộn hơn nhị vị…
Nghe giọng nói Sát Ác Nhân Chủ Tiệm biết đó chính là Tam Bộ Ðộ Giang. Vị phò mã hụt của Trần triều thì thầm:
– Hân hạnh giới thiệu Tam huynh đây là Hắc Ưng Khách, người của Bạch Long Vỉ còn Tam huynh chính là…
Hắc Ưng Khách cười nhẹ đỡ lời:
– Tam Bộ Ðộ Giang… Ðạp Thủy công phu của ông vua ăn cướp của giới giang hồ Đại Việt. Tôi ngưỡng mộ phong anh hào hiệp của huynh lắm…
Tam Bộ Ðộ Giang nói nhỏ:
– Hôm qua thủ hạ báo cáo về sự hiện diện của nhân viên do thám Mông Cổ ở Vân Đồn. Dường như bọn chúng định lén lút vào để dò đường đi nước bước. Biết tin này tôi vội báo cáo cho tổ lượm tin của đoàn do thám Thăng Long ở Quảng Yên…
Hắc Ưng Khách nói đùa:
– Huynh tính lấy điểm với triều đình phải không?
Tam Bộ Ðộ Giang cười xòa trước lời nói đùa của Hắc Ưng Khách:
– Dù tiếng xấu hay tiếng tốt mình cũng là kẻ sống ngoài vòng pháp luật cho nên được dịp lấy điểm với triều đình tôi nào chịu bỏ lỡ dịp may hiếm có. Theo tôi đoán thời nhân viên thuộc ba ban ám sát, truy tầm và tin tức đều tề tựu đông đủ. Thủ hạ của tôi còn lượm được số họa đồ và giấy tờ cho biết Mông Cổ vào đây với mục đích vẽ bản đồ các cửa biển, sông ngòi và thành lũy quan trọng của ta…
– Tại sao nhân viên do thám của đoàn do thám Thăng Long không thông báo cho quan quân lùng bắt kẻ địch mà lại âm thầm lo liệu một mình…
Hắc Ưng Khách hỏi. Liếc nhanh về phía đấu trường Tam Bộ Ðộ Giang đáp:
– Tôi đoán họ chưa muốn làm dân chúng sợ hãi dù sớm muộn gì việc đánh nhau với Mông Cổ cũng phải xảy ra. Chúng ta tới gần chút nữa để xem cho mở rộng tầm mắt. Nghe đồn vũ thuật Mông Cổ có nhiều điểm kỳ tuyệt song tôi chỉ thấy một lần trong kỳ tuyển phu…
Ba người lén lút tới gần chỗ hai bên đang đánh nhau. Có lẽ vì chú tâm vào việc đánh nhau cho nên hai phe do thám Mông Cổ và Ðại Việt không phát giác ra tông tích của ba người dù khoảng cách đôi bên chỉ hơn mươi bước. Tam Bộ Ðộ Giang thấy nhân viên do thám của đoàn do thám Thăng Long chỉ còn lại năm người trong khi phe Mông Cổ nhân số đông gấp ba lần.
Một nhân viên do thám Mông Cổ chợt bật cười ha hả:
– Các ngươi gan to mật lớn mới dám chống lại đoàn do thám thiên triều. Ta cho các ngươi một chọn lựa là đầu hàng hay chết…
Năm nhân viên của đoàn do thám Thăng Long im lìm không trả lời. Tên Mông Cổ này dường như là cấp chỉ huy chợt cao giọng:
– Ha…ha…ha… Nghe đồn giới giang hồ Ðại Việt bản lãnh tuyệt luân nào ngờ đụng chạm nhau mới biết chúng chỉ có hư danh mà không có thực tài…
Tam Bộ Ðộ Giang, Hắc Ưng Khách và Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nóng mặt vì lời miệt thị của kẻ thù. Liếc nhanh hai người bạn mới quen, Tam Bộ Ðộ Giang tằng hắng tiếng nhỏ đoạn rời chỗ nấp. Ba người bước song song về phía đấu trường. Thấy ba người lạ xuất hiện một cách đột ngột hai phe do thám Mông Cổ và Thăng Long đều chăm chú nhìn.
Ôm quyền thi lễ ông vua ăn cướp lên tiếng:
– Tại hạ là Tam Bộ Ðộ Giang cùng hai bằng hữu đây là Sát Ác Nhân Chủ Tiệm và Hắc Ưng Khách. Hân hạnh được diện kiến chư vị…
Một nhân viên do thám Thăng Long có lẽ là cấp chỉ huy mừng rỡ khi nghe ba người lạ xưng danh.
Tên chỉ huy Mông Cổ cười hực:
– Có ba thằng con nít hỉ mũi chưa sạch mà nhằm nhò gì…
Hắn nói tiếng nôm rất sõi khiến cho người ta không thấy mặt cứ tưởng hắn là dân Ðại Việt. Thân ảnh của Tam Bộ Ðộ Giang đột nhiên loáng động. Bịch… Một tên Mông Cổ đứng gần y nhất té ngửa ra đất giật giật mấy cái rồi nằm im không nhúc nhích. Gầm tiếng lớn một tên Mông Cổ khác rút đao tấn công Tam Bộ Ðộ Giang. Rẹt… Tia hắc quang xẹt ra cùng với tiếng la thất thanh của tên Mông Cổ. Lưỡi kiếm đen tuyền của Sát Ác Nhân Chủ Tiệm tiện đứt lưỡi đao và cánh tay cầm vũ khí của tên Mông Cổ.
Hắc Ưng Khách động dung khi thấy vị chủ tiệm trẻ tuổi cầm trong tay thanh kiếm đen tuyền lóng lánh hào quang dưới ánh mặt trời. Hò tiếng lớn tên Mông Cổ chỉ huy vẩy tay ra lệnh cho thủ hạ vây đánh kẻ địch. Cuộc hổn chiến xảy ra dữ dội. Xác người chết nằm ngổn ngang.
Tam Bộ Ðộ Giang nói lớn với năm nhân viên do thám Thăng Long:
– Năm vị rút lui để báo tin. Việc ở đây chúng tôi lo liệu được…
Biết chuồn là thượng sách, năm nhân viên do thám đánh bậy vài chiêu xong hè nhau bỏ chạy. Tam Bộ Ðộ Giang cười lớn:
– Hai thế huynh tính cách nào. Chạy hay đánh…
Chong thanh kình ngư kiếm vấy máu, Hắc Ưng Khách cười ha hả:
– Bạch Long Vỉ đảo tôi chưa hề biết chạy nhất là đối với bọn cẩu Mông này…
Nghe kẻ địch xỉ vả tên Mông Cổ chỉ huy giận run. Tuy nhiên hắn biết khó lòng đối địch với ba cao thủ Ðại Việt nhất là gã thanh niên trẻ tuổi xử thanh kiếm chém sắt như chém chuối. Hắn không biết thanh kiếm đó tên là gì, do ai chế tạo song tiện đứt vũ khí của nhân viên hắn một cách ngọt sớt. Do đó hắn tính cách rút lui. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đột nhiên hú tiếng lớn nhảy tới chổ tên Mông Cổ chỉ huy đang đứng cùng với mũi kiếm nhọn hoắt thọc vào ngực kẻ địch. Tên do thám Mông Cổ cười hực rung tay. Lưỡi kiếm của hắn tà tà vớt vào khuỷu tay cầm kiếm của địch thủ. Nạt tiếng lớn Sát Ác Nhân Chủ Tiệm xô ngưòi nhập nội. Bàn tay tả trong thế triệt thủ chém sả xuống lưỡi kiếm trong lúc thanh hắc kiếm biến thành trăm ngàn bóng ảnh bay lượn chập chờn.
Xoẹt tiếng nhỏ. Tên do thám Mông Cổ lảo đảo lùi lại. Máu từ ngực hắn tuôn ra ướt đẫm thân áo trắng. Hò lớn bằng tiếng Mông Cổ ra lệnh cho nhân viên rút lui, hắn gườm gườm nhìn Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đoạn chạy theo đồng bọn.
Ðứng nhìn cho tới khi kẻ địch mất dạng xong Tam Bộ Ðộ Giang cười nói:
– Tôi mời hai thế huynh về tổng đàn nghỉ ngơi qua đêm…
Hắc Ưng Khách cười cười:
-Tôi xin khất lần khác sẽ tới quấy rầy huynh. Tôi phải trình báo với phụ thân về tình hình của nước ta để người chuẩn bị nhập giang hồ…
Dứt lời Hắc Ưng Khách từ tạ. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nói với Tam Bộ Ðộ Giang:
– Tôi xin làm khách của huynh đôi ngày…
Tam Bộ Ðộ Giang cười xòa:
– Khách khứa gì… Trước lạ sau quen vả lại sớm muộn gì chúng ta cũng gia nhập đoàn do thám Thăng Long để chống Mông Cổ…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười im lặng. Nét mặt y có nhiều đăm chiêu và tư lự.
16
Vô Lưu Huyết
Có rất nhiều người không biết tên tuổi của viên tướng trấn thủ thành Lạng Sơn; tuy nhiên mấy vạn lương dân từ cửa ải Pha Lũy dài xuống tới ải Chi Lăng đều nghe danh biết tiếng một nhân vật khó chọc của phe hắc đạo. Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng. Người ta đồn Nùng Chí Dũng mang hai dòng máu Việt và Nùng ở trong người. Số là sau khi nhà Trần soán ngôi nhà Lý xong để không ai nhớ tới nhà Lý nữa, Trần Thủ Ðộ mới đem các cung phi hoặc con cháu của nhà Lý gả cho các tù trưởng của dân thiểu số sống rải rác khắp vùng biên thùy. Một trong những cô gái trẻ đẹp này may mắn gá nghĩa cùng một tù trưởng của dân Nùng và sinh ra Nùng Chí Dũng. Sau khi phụ thân từ trần Chí Dũng chính thức trở thành tù trưởng của dân Nùng, một bộ lạc có nhân số đông đảo và hùng mạnh nhất trong các sắc dân thiểu số. Không biết thụ nghiệp từ ai nhưng bản lãnh của Nùng Chí Dũng không sút bất cứ cao thủ nào trong giới giang hồ Ðại Việt. Vũ thuật cao siêu lại khéo đút lót cộng thêm thế lực của dân Nùng, ba yếu tố này đưa Nùng Chí Dũng ngồi vào danh vị thủ lãnh hắc đạo thành Lạng Sơn.
Ðạp Thanh quán… Tọa lạc trên một ngọn đồi cao ở ngoài thành Lạng Sơn, ngôi tửu quán ba tầng này cất bằng gỗ đỏ trên một thảm cỏ bốn mùa xanh mướt. Ðứng xa xa trông lên người ta sẽ thấy màu đỏ của gỗ nổi bật trên nền cỏ xanh tạo cho Ðạp Thanh quán nét hoang sơ song lộng lẫy, hùng vĩ mà thơ mộng. Vào những buổi chiều mát mẻ, ngồi dọc theo lan can ngoài hiên người ta có thể vừa thưởng thức rượu quí, thức ăn ngon và phong cảnh núi rừng hùng vĩ. Thực khách đều thuộc hạng quyền quí, vương tôn công tử hay trâm anh thế phiệt bởi vì Ðạp Thanh quán chém mạnh và chém hung nhất trong số các tửu quán ở Lạng Sơn. Dân thường không bao giờ dám vào quán này ăn nhậu bởi vì họ không đủ tiền trả một chén trà nguội chứ đừng nói tới một bữa ăn. Một vò rượu tăm giá năm chục đồng. Có tiền thời uống không tiền đi chỗ khác chơi. Ðó là lề luật của Ðạp Thanh quán. Thực khách đừng hòng ăn quịt hay ăn chịu. Nùng Chí Dũng không giựt của người ta thời thôi chứ nhất định không để ai giựt của hắn. Kẻ nào ăn chịu, ăn quịt sẽ bị hỏi thăm sức khỏe bởi đám thủ hạ của họ Nùng.
Ðạp Thanh quán hầu như có đủ mọi món ăn thức uống. Lâm sản, hải sản, cá sông, cá biển, gan chim sẻ, khô lân chả phụng, gân rồng đều có đủ. Rượu hà nàm, rượu bao tử nhím, rượu cần, rượu tăm, nhũ thạch tửu, mật tửu không thiếu thứ nào. Dù biết ăn uống ở Ðạp Thanh quán sẽ bị chủ nhân cứa cổ song thiên hạ vẫn ăn ào ào, tới rần rần bởi vì người ta cho rằng nhà giàu mà không ăn uống ở Ðạp Thanh quán thời không phải nhà giàu thứ thiệt.
Trời vào khoảng đầu giờ dậu. Một lữ khách thong thả đạp trên nền cỏ xanh dẫn lối lên Ðạp Thanh quán. Khách là một nhân vật giang hồ chân mang giày cỏ cũ mèm, bộ vũ phục bằng vải thô màu lam lấm bụi đường, vai mang kiếm và tay xách gói hành lý nhỏ.
Bước đúng một trăm bực thang làm bằng đá hoa cương nhẵn thính, khách dừng trước cửa quán. Tên gác cửa kín đáo quan sát khách lạ xong lễ độ mở cửa mời khách vào. Chực sẵn nơi phòng đợi gã tửu bảo niềm nở lên tiếng:
– Kính chào đại hiệp… Ðại hiệp muốn ngồi ngoài lan can hóng mát hay ngồi trong phòng lớn…
Không trả lời khách giang hồ xăm xăm bước tới chiếc bàn tròn lớn đặt chính giữa phòng. Thường thường nếu là một người thời tửu bảo sẽ đưa khách tới bàn nhỏ hơn còn bàn lớn dành cho nhiều người. Nay khách đi cu ky một mình mà lại ngồi vào chiếc bàn lớn. Tuy hơi bất mãn song tên tửu bảo im lặng không nói gì. Ðợi cho khách an vị xong gã mĩm cười cầu tài:
– Dạ khách quan dùng rượu?
Ðặt gói hành lý và thanh kiếm lên bàn xong khách cất giọng trầm trầm và lành lạnh. Hơn hai mươi năm làm nghề đón khách, tên tửu bảo chưa bao giờ nghe một giọng nói kỳ lạ khó diễn tả, nửa lạnh lùng nửa vô tình cảm, tương tự như giọng nói của người chết. Thực sự thời người chết không thể nói song tên tửu bảo có cảm tưởng khách giang hồ là một người chết với làn da xanh mét và ánh mắt rực hàn quang lạnh lẽo.
– Thứ rượu nào ngon nhất, đắt tiền nhất mang ra đây cho ta…
Không dám nói gì hơn tên tửu bảo lẳng lặng đi lấy rượu cho khách. Lát sau gã trở ra với vò rượu cũ mèm còn đóng khằn cẩn thận.
– Thưa đại hiệp đây là nhũ thạch tửu của Yến gia trang ở Hạ Long…
Bàn tay tả đón lấy vò rượu còn bàn tay hữu vờn quanh cổ vò rượu.Tên tửu bảo trố mắt nhìn. Giống như bàn tay của một phù thủy đầy phép lạ nắp vò rượu bay vọt ra gây thành tiếng kêu ròn tan. Ðưa lên mũi hít hơi dài khách ngửa cổ uống một hơi cạn vò rượu trị giá hai trăm đồng.
Ðặt vò rượu không xuống bàn khách cất giọng lạnh băng:
– Món ăn nào ngon nhất và đắt tiền nhất?
Gải gải đầu tên tửu bảo ấp úng:
– Thưa đại hiệp bổn tiệm có nhiều món ngon vật lạ lắm. Ðại hiệp xem thực đơn sẽ biết…
Không thèm nhìn tới thực đơn khách giang hồ lên tiếng:
– Ðem cho ta chục vò rượu nữa và một dĩa gan chim sẻ…
Dù thắc mắc và hoài nghi khách sẽ ăn quịt song tên tửu bảo vẫn lặng thinh đi lấy rượu và bảo đầu bếp làm món nhắm cho khách. Chuyện khách ăn quịt sẽ có người khác lo. Ðặt chục vò rượu nhũ thạch lên bàn tên tửu bảo bỏ đi giây lát xong đem ra dĩa gan chim sẻ còn bốc khói bay mùi thơm phức. Mỗi con chim sẻ nhỏ chỉ bằng ngón tay mà gan của nó còn nhỏ hơn nữa cho nên một dĩa nhỏ chỉ vừa đủ cho khách tráng miệng.
– Dĩa gan chim sẻ này giá bao nhiêu tiền?
Khách giang hồ hỏi tên tửu bảo còn đứng xớ rớ.
-Thưa đại hiệp gan chim sẻ mắc lắm, một trăm năm chục đồng một dĩa…
Khách giang hồ cười hực:
– Một trăm năm chục đồng một dĩa gan chim sẻ chút xíu không đủ ta bỏ miệng. Thằng Nùng Chí Dũng là kẻ lột da thiên hạ đúng như lời đồn… Lấy cho ta thêm dĩa nữa…
Tên tửu bảo lẳng lặng đi lấy thức ăn cho khách xong vào phòng chưởng quầy trình bày tự sự.
– Ngươi cứ làm theo hắn bảo. Ðể ta ra xem mặt mũi hắn. Bộ hắn định tự sát hay sao mà tới đây gây sự…
Lão chưởng quầy nói đúng. Ăn giựt ở đâu chứ khách đừng hòng ăn giựt của Nùng Chí Dũng. Hắn không để cho ai làm chuyện đó. Hắn không giựt của người ta thôi chứ thiên hạ đừng hòng giựt của hắn.
Bước ra đứng đối diện với khách giang hồ lão chưởng quầy vui vẻ nói:
– Tôi là chưởng quầy cho nên nếu có điều gì phiền xin đại hiệp nói cho tôi biết trước…
Khách giang hồ ngước nhìn. Lão chưởng quầy cảm thấy ánh mắt lạnh tanh của khách như có lửa.
– Ngươi sợ ta ăn giựt hả. Khi nào ăn giựt ta sẽ báo cho ngươi biết…
Lão chưởng quầy cười hề hề trước câu nói đầy hăm doạ của khách:
– Dạ tôi đâu có ý đó. Vả lại mấy vò rượu và thức ăn đáng giá bao nhiêu mà lầm tổn thương hòa khí của Ðạp Thanh quán với đại hiệp…
Nói xong lão chưởng quầy cung kính thi lễ cùng khách đoạn lẳng lặng rút lui. Ngang qua chỗ hai gã đàn ông tướng tá bặm trợn lão nháy mắt ra hiệu. Lệnh được truyền ra và đám thủ hạ của Nùng Chí Dũng chờ hỏi thăm sức khoẻ của khách.
Vẩy tửu bảo khách giang hồ trầm giọng:
– Ngươi mang cho ta một dĩa hải sâm, một dĩa bào ngư, một tô cháo yến, một dĩa vi cá, một dĩa nai xào lăn và một dĩa bồ câu ra ràn…
Khách gọi liền một lúc gần chục món ăn đắt tiền. Tên tửu bảo vào trình tự sự với chưởng quấy
– Ngươi cứ làm theo lời hắn. Nếu hắn ăn giựt thời ta sẽ bẻ gảy từng cái răng của hắn để trừ nợ…
Lát sau rượu và thức ăn bày đầy trên chiếc bàn tròn song khách giang hồ không hề đụng đủa. Ngay cả rượu cũng vậy. Y khui hết mười vò rượu nhũ thạch mà chỉ nhấp có mấy ngụm. Gian phòng ăn vắng tanh chỉ có một mình khách ngồi. Dường như đánh hơi được chuyện lộn xộn sẽ xảy ra nên thực khách ăn lẹ lẹ rồi rút lui.
Mặt trời khuất sau rừng cây xanh ngút ngàn. Tiếng côn trùng rỉ rả. Ðạp Thanh quán lên đèn rực rỡ muôn màu vạn sắc. Vẩy tửu bảo tới đứng trước mặt, khách giang hồ trầm trầm cất tiếng:
– Ngươi đi vào hỏi chưởng quầy cái đầu của Nùng Chí Dũng đáng giá bao nhiêu tiền?
Khẽ gật đầu tên tửu bảo xoay lưng bước. Khách nói vói theo:
– Tiền thưởng của ngươi đây…
Khách giang hồ vung tay. Đồng tiền xẹt ra tựa ánh chớp. Chát… Không ai biết y đã phổ bao nhiêu kình lực mà đồng tiền soi thủng cây cột làm bằng gỗ lim thành một lỗ sâu hun hút. Ðứng trong phòng riêng nhìn thấy khách lạ phô diễn công phu lão chưởng quầy xanh mặt. Lão biết đêm nay Ðạp Thanh quán sẽ đụng với một cao thủ dữ dằn trong giới giang hồ Ðại Việt. Hắn là ai? Tới đây với mục đích gì khi kiếm cớ gây hấn với chủ nhân của lão.
Vẩy tên thủ hạ lão chưởng quầy nói nhỏ:
– Ngươi mau thông báo cho chủ nhân biết để tùy người định liệu…
Ung dung bước tới bàn khách lạ, lão chưởng quầy ôm quyền thi lễ:
– Thưa đại hiệp… Chủ nhân của tôi có nhã ý mời đại hiệp bữa ăn này ngoài ra còn tặng đại hiệp chút tiền lộ phí để lên đường…
Trước lời lẽ nhã nhặn, nhún nhường song kín đáo đuổi khách của lão chưởng quầy, khách giang hồ nhếch môi cười lạnh:
– Ta hỏi ngươi cái đầu của Nùng Chí Dũng giá bao nhiêu?
Lão chưởng quầy cười cười không trả lời cốt ý câu giờ chờ viện thủ tới để hợp nhau hỏi thăm sức khoẻ của khách lạ.
– Ta không ăn giựt của ngươi. Mục đích của ta tới đây là hoả thiêu Ðạp Thanh quán và mua cái đầu của Nùng Chí Dũng…
Lát sau có tiếng vó ngựa nổi lên ròn rã rồi ngừng trước cửa quán. Một người đàn ông dong dỏng cao bước vào cửa chính. Bước chân nhẹ mà êm, nhặt khoan mà đều đặn. Mục quang sáng long lanh, nơi vai ló lên chuôi kiếm thắt tua màu đỏ rực chứng tỏ hắn thuôc hàng cao thủ nhất đẳng giang hồ. Lão chưởng quầy tươi nét mặt khi thấy gã đàn ông xuất hiện. Ôm quyền thi lễ lão lẹ bước tới thì thầm với gã đàn ông xong im lặng rút lui. Nhẹ cười người này bước tới đứng trước mặt khách giang hồ trong lúc thủ hạ của hắn chia nhau bao vây một vòng kín mít. Ðeo kiếm vào vai khách lạ thong thả đứng lên.
Sau khi chiếu tướng đối thủ giây lát gã đàn ông cao giọng:
– Tại hạ là Khoái Kiếm Lê Trường Thọ, phó thủ lĩnh Lạng Sơn thành. Các hạ danh tánh là chi?
Nghe đối thủ xưng hô cái danh vị dài xọc, khách giang hồ cười hực cùng với giọng nói trầm lạnh vang lên đều đều trong căn phòng nặng mùi chết chóc.
– Ta là kẻ sẽ biến cái danh Khoái Kiếm của các hạ thành ra Mạn Kiếm, cái tên Lê Trường Thọ thành ra Lê Ðoản Mệnh…
Xoạc chân đứng tấn vị phó thủ lĩnh hắc đạo thành Lạng Sơn cười nhạt:
– Xin mời…
Chữ cuối vừa buông bàn tay của hắn hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Thủ thuật rút kiếm của Lê Trường Thọ nhanh vô cùng. Tuy nhiên hắn nhanh có người khác nhanh hơn. Ngay lúc bàn tay vừa chạm vào chuôi kiếm, vị phó thủ lĩnh hắc đạo Lạng Sơn cảm thấy một tia kình khí nhỏ rức bén hơn gươm đao đâm vào mi tâm của mình.
Khách giang hồ bình lặng nhìn đối thủ mắt đứng tròng, thân hình rung nhè nhẹ, tay cầm kiếm xuôi xuống rồi ngã ngửa trên sàn gạch bóng loáng. Không có âm thanh của kiếm rút ra khôi vỏ cũng như âm thanh của kiếm tra vào vỏ. Chỉ có một sự kiện duy nhất xảy ra là ngay tại mi tâm có một lỗ nhỏ sâu hun hút mà không có giọt máu chảy ra. Khách giang hố đã làm đúng như lời nói. Y đã biến Khoái Kiếm Lê Trường Thọ thành Mạn Kiếm Lê Ðoản Mệnh.
Ðám thủ hạ của Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng đờ người ra không có phản ứng nào trước cái chết nhanh chóng của phó thủ lĩnh.
– Ðánh…
Lão chưởng quầy nạt lớn. Ðám thủ hạ ùa vào. Bàn tay giết người của khách giang hồ máy động. Hàng chục tiếng nấc cùng với thây người cùng lượt ngã vật ra sàn gạch. Lão chưởng quầy sợ tới độ muốn chuồn mà hai chân như không còn sức lực. Lão cảm thấy mi tâm nhói đau rồi trước mặt là một màn đen ngòm. Cũng như Mạn Kiếm Lê Đoản Mệnh, lão chết mà không hề biết danh tánh của kẻ đã giết mình. Nhân viên của Ðạp Thanh quán túa ra sân cỏ đứng nhìn lửa bốc cháy sáng rực trong đêm tối. Khách giang hồ xoay lưng bước đi. Y đi về phía thành Lạng Sơn nơi Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng đang vui đùa với đám thê thiếp. Hắn chưa biết tin dữ.
Là một sòng bạc duy nhất của thành Lạng Sơn, Ðại Phát gồm ba toà dinh thự nguy nga và tráng lệ nằm ở cửa tây. Nó mang danh Ðại Phát thật đúng bởi vì đây là cơ sở làm giàu của Nùng Chí Dũng. Chủ nhân sòng bạc thời đại phát còn tay chơi người nào cũng cháy túi, sập tiệm hoặc bán nhà bán đất, cầm vòng vàng châu báu, hay bán vợ đợ con vì mê cờ bạc, vì ghiền quân đỏ quân đen. Ðại Phát có đủ trò cờ bạc tuy nhiên đổ xí ngầu là trò chơi dễ trúng nên phổ thông và được mọi người ưa chuộng. Tuy mới giữa trưa mà mấy sòng đổ xí ngầu đã có người ngồi đứng chen chúc.
– Mại dô… mại dô… Một trúng thành ba… Có gan làm giàu… có gan làm giàu… Một trúng thành ba…
Chiếc bàn dài và rộng làm bằng gỗ đỏ bóng loáng. Mặt bàn được trải vải màu xanh đậm. Ba vạch màu trắng phân chiếc bàn thành ba khung rõ rệt. Hai khung hình chữ nhật lớn bằng nhau còn một khung kia nhỏ hơn. Khung bên trái có ba khung nhỏ chia cách nhau bởi hai vạch trắng. Mỗi khung vẽ nhất tam ngũ. Khung bên phải cũng giống như khung bên trái chỉ có khác là vẽ nhị tứ lục. Ðây là chiếc bàn dành cho trò đổ xí ngầu. Gã hồ lì miếng rao tay đưa cao cái chén kiểu úp trên cái dĩa sứ trắng tinh. Tiếng hột chạy ròn tan. Cạch… Gã hồ lì đặt cái dĩa xuống bàn. Tay con hùa nhau đặt tiền vào khung nhị tứ lục còn khung nhất tam ngũ trống trơn không có ai đặt tiền hết.
Gã hồ lì định nhấc chén một giọng nói trầm lạnh vang lên:
– Khoan…
Bịch…Trong khung nhất tam ngũ nằm chình ình gói vải to tướng. Nếu tiền thời nó phải có giá trị lớn lắm. Ai ai cũng thấy người vừa đặt tiền là một khách giang hồ với bộ vũ phục bạc màu, vai mang kiếm và khuôn mặt xanh mét và lạnh tanh hầu như vô tình cảm.
– Dạ thưa đại hiệp đặt bao nhiêu tiền?
Gã hồ lì lên tiếng hỏi và khách chơi buông gọn:
– Năm ngàn đồng…
Thiên hạ ngó khách giang hồ lom lom. Gã hồ lì gải đầu. Hai mươi năm sinh sống bằng nghề cờ bạc hắn chưa thấy ai dám đánh một canh bạc lớn như vậy. Thường thường tay con chỉ đặt một đồng, năm ba đồng hay cùng lắm chục đồng còn một trăm hay ngàn thời chưa bao giờ thấy.
– Thưa đại hiệp vì số tiền quá lớn cho nên tiện nhân phải xin phép vả lại ở đây chỉ xài tiền mặt…
Khách lạ cười nhạt. Xoẹt… Ánh kiếm chớp lên và trong khung nhất tam ngũ hiện lên một vật mà thiên hạ khi nhìn vào đều buột miệng la trời. Trong khung nhất tam ngũ màu đỏ ối hiện lên thủ cấp của một người với đôi mắt trắng dã mở trừng trừng. Gã hồ lì thiếu điều muốn tiểu tiện trong quần còn tay con có người ụa mửa hoặc tự động thối lui mấy bước.
– Ta hỏi ngươi thủ cấp của Khoái Kiếm Lê Trường Thọ giá bao nhiêu tiền?
Khách giang hồ trầm trầm cất tiếng hỏi. Mặt xanh hơn chàm đổ, tay run rẩy vì sợ hãi gã hồ lì líu lưỡi không nói được tiếng nào.
– Ðể ta trả lời…
Một giọng nói ồm ồm cất lên sau lưng cùng với ánh kim khí chớp lên. Thanh đoản côn làm bằng đồng đen xé gió re re thúc vào hậu tâm của khách giang hồ đang đứng. Môi hơi nhếch lên nụ cười nhạt thếch khách rung tay. Như có mắt sau lưng ám khí từ trong ống tay áo xẹt ra. Bựt… Tên đàn ông cao lớn như khỉ đột chệnh choạng lùi lại. Tay tả hắn đưa lên cố rút lấy mũi kim nhỏ rức ghim ngay mi tâm sâu lút cán. Phịch… Ngã ngửa ra sàn gạch hắn giật giật mấy cái rồi đi đứt. Gã hồ lì đái trong quần khi mục kích khách giang hồ giết người một cách bình thản, lạnh lùng và nhanh chóng.
Nghe có tiếng bước chân nhẹ mà êm, trầm ổn và vững vàng khách giang hồ chầm chậm xoay người lại. Ánh mắt xanh lè của y nhìn chằm chặp vào một tráng niên tuổi ngoài bốn mươi, mặc y phục bằng lụa, chân mang hài thêu và tay cầm chiếc ống điếu ngắn độ nửa sải tay.
Dừng trước mặt khách giang hồ, tráng niên ôm quyền thi lễ:
– Tại hạ là Hoả Trúc Trần Chấn, đệ nhị phó thủ lĩnh Lạng Sơn thành. Hân hạnh được gặp các hạ…
Trước lời lẽ lịch sự của Trần Chấn, khách giang hồ lạnh giọng:
– Các hạ muốn mua thủ cấp của Mạn Kiếm Lê Đoản Mệnh?
Ánh mắt của vị đệ nhị phó thủ lĩnh hắc đạo Lạng Sơn như có lửa. Không cử động báo trước, chiếc ống điếu rít gió vù vù bắn tới ngực đối phương. Trần Chấn quả xứng đáng danh vị đệ nhị phó thủ lĩnh hắc đạo thành Lạng Sơn. Hắn xuất một chiêu bao hàm hàng chục thế thức biến hoá cũng như mọi huyệt đạo quan trọng trước ngực đều nằm trong vùng phong toả của chiêu thức. Khách giang hồ vẫn bất động. Ánh mắt sáng quắc của y chú mục vào bàn tay cầm vũ khí của địch thủ. Y không màng tới đầu ống điếu chỉ còn cách mục tiêu gang tấc. Phải hội đủ ba điều kiện khiến cho y thản nhiên dù chiêu thức cận kề mục tiêu. Thứ nhất phải có kiến thức và kinh nghiệm giao tranh để nhận ra đâu là thế hư đòn thực. Thứ nhì phải có nhãn lực cực tinh để nhận biết biến thế của địch thủ sẽ đánh vào bộ vị hay huyệt đạo nào trên thân thể mình. Thứ ba phải có thủ pháp thần tốc hầu kịp thời hoá giải chiêu thức của địch thủ. Thiếu một trong ba điều kiện đó sẽ chết không kịp ngáp.
Thấy đối phương vẫn an nhiên tự tại dù đầu ống điếu của mình chỉ còn cách mục tiêu cự ly Hoả Trúc Trần Chấn rung tay. Cái rung tay giản dị và tầm thường này đã được làm đi làm lại hàng ngàn hàng vạn lần cho nên thành thạo và nhanh hơn máy. Ðang trên đường tiến tới huyệt thương khúc đầu ống điếu chợt đổi hướng xẹt lên vân môn huyệt nơi vai đoạn xẹt qua yết hầu xong trôi vùn vụt xuống nhũ trung, nhũ căn, thần tàng, khí môn.
Bàn tay tả của khách giang hồ chợt máy động. Bàn tay với năm ngón tay thon dài, trắng xanh, gầy guộc như bàn tay của một thư sinh chuyên cầm bút hay của một nghệ sĩ chuyên đàn hát hơn là bàn tay cầm vũ khí để giết người của một vũ sĩ giang hồ. Năm ngón tay mở khoằm khoằm như vuốt chim ưng chụp xuống ống điếu. Mục tiêu mà y chụp xuống chính là thân ống điếu bởi vì kiềm chế đầu ống điếu khó hơn phần chính giữa. Năm ngón tay còn cách mục tiêu cự ly chợt biến thành chưởng vổ nhẹ xuống đoạn hóa ra triệt thủ lướt theo thân ống điếu róc xuống tay cầm vũ khí của Trần Chấn.
Một chiêu ba lần biến với thủ pháp thần tốc và tiên liệu chính xác khiến cho chiêu thức trở nên hiệu nghiệm cực cùng. Hoả Trúc Trần Chấn có hai chọn lựa để giải đòn. Thứ nhất là lùi lại và thứ nhì là biến chiêu để tấn công hầu bắt buộc đối thủ phải triệt chiêu. Cách thứ nhất tuy có bị mất mặt đôi chút song dễ dàng và an toàn hơn còn cách thứ nhì tuy nguy hiểm song có thể dồn ép đối phương phải lùi về thế thủ.
Trần Chấn chọn cách thứ nhì. Nạt tiếng nho nhỏ vị đệ nhị phó thủ lĩnh Lạng Sơn đạp bộ nửa bước cùng lúc trầm khuỷu tay xuống một chút. Ðầu ống điếu theo đà thọc nhanh vào huyệt cận tiếp dưới nách của địch thủ. Ngay lúc đó hắn nghe tiếng xoẹt khẽ vang lên. Ðó là âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ. Hắn cảm thấy một tia kình khí nhỏ rức lạnh băng đâm vào mi tâm của mình gây tê liệt toàn thân rồi trước mắt là một màn đen ngòm. Vị đệ nhị phó thủ lĩnh hắc đạo Lạng Sơn ngã ngửa ra sàn gạch mà mắt còn mở trừng trừng. Ngay mi tâm của hắn có một lỗ sâu hun hút song không thấy có giọt máu nào chảy ra.
– Ðại ca… đại ca… đại ca…
Ðang ngồi trong khách sảnh nhâm nhi chén trà nóng Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng cau mày khi nghe tiếng tên thủ hạ thân tín kêu la om xòm ngoài sân.
– Việc gì mà mày kêu la…
Tên thủ hạ thân hối hả bước vào. Nét mặt hắn xanh lét và lấm tấm mồ hôi.
– Trần đại ca bị thằng khách giang hồ đâm chết rồi…
Nùng Chí Dũng đứng phắt dậy. Bây giờ hắn mới biết tin dữ.
– Hắn đâu… Hắn còn ở sòng bạc?
Tên thủ hạ gật đầu lia lịa:
– Hắn còn ở sòng bạc… Hắn nói hắn chờ để mua cái đầu của đại ca…
Bốp… Nùng Chí Dũng bạt tai thủ hạ một cái nháng lửa.
– Im… Ngươi lạng quạng ta bẻ cổ ngươi liền.. Lấy vũ khí cho ta mau lên…
Bước vào sòng bạc Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng thấy ngay sự bất tường. Hàng chục xác người nằm chết ngổn ngang. Chính giữa căn phòng rộng im vắng và nằng nặng tử khí khách giang hồ đứng trơ vơ. Ánh mắt của y sáng lên màu xanh lạnh lẽo khi thấy Nùng Chí Dũng.
– Rốt cuộc rồi ta cũng gặp các hạ…
Họ Nùng cất giọng gằn gằn. Khách giang hồ chầm chậm lên tiếng:
– Phải trước sau gì ta cũng gặp các hạ…
Nùng Chí Dũng cười hực:
– Các hạ tính danh là gì?
Vành môi nhếch thành nụ cười nhạt thếch, khách giang hồ lạnh giọng:
– Các hạ hỏi tên ta làm gì vô ích. Người chết đâu cần biết tên kẻ khác…
Dứt lời y xuôi tay triển công phu trầm tịnh. Không chậm trễ Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng đứng im an thần định khí trong lúc bàn tay mặt cầm hờ lưỡi phi đao đen tuyền. Song phương bất động nhưng bên trong cái bất động này là cái động vô lường. Ðối phương tịnh, mình tịnh còn đối phương động, mình động trước bởi vì sự thắng bại, sống chết sẽ được phân định bằng phản ứng của một sát na.
Hai mắt mở lớn Nùng Chí Dũng nhìn đăm đăm đối thủ đứng trước mặt mình ba bước. Muốn sống sót hắn phải tiên liệu đúng trước khi đối thủ ra tay. Muốn tiên liệu đúng hắn phải thấy được từng cử chỉ nhỏ nhặt như cái chớp mắt hay cái nhích đầu vai hoặc nhích động của bàn tay. Các cử động nhỏ nhặt này là dấu hiệu báo cho hắn biết đối phương sẽ xuất thủ.
Xoẹt… Nùng Chí Dũng phản ứng chậm hơn đối thủ. Trước khi nghe được âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ, hắn cảm thấy tia kình khí nhỏ rức và lạnh băng đâm ngay vào mi tâm gây tê liệt toàn thân khiến cho hắn muốn phóng phi đao cũng không được. Hai mắt mở lớn đứng tròng họ Nùng không thấy gì hết. Thiểu Bại Quyền Nùng Chí Dũng trở thành thất bại quyền mà trong cuộc so tài như thế này thất bại là chết.
Cúi nhìn thi thể của vị thủ lĩnh hắc đạo thành Lạng Sơn, khách giang hồ lẩm bẩm:
– Còn nhiều người chết lắm… Ngươi chỉ là kẻ thứ nhất…
17
Chậm Tay Là Chết
Quán ăn lụp xụp và tồi tàn nằm dọc theo con đường cái quan từ Thanh Hóa vào Nghệ An và cách thành Nghệ An non nửa dặm đường. Hai vợ chồng già với đứa con gái sống lây lất qua ngày nhờ cái quán ăn bán cho người lỡ độ đường không kịp vào trước khi cửa thành đóng lại.
Trời vào khoảng xế chiều. Một lữ khách thong thả đi trên đường cái quan. Ngang qua quán độ mươi bước không hiểu nghĩ sao y quay đầu trở lại rồi bước vào quán. Ðón khách là một ông lão không biết bao nhiêu tuổi song da mặt nhăn nheo và dáng đi lụ khụ.
– Kính chào khách quan. Dạ khách quan dùng rượu?
Ngước nhin ông lão, lữ khách nhẹ giọng:
– Nếu không có chi phiền lão trượng cho tôi xin phần cơm và bình trà. Tôi xin trả tiền trước…
Lữ khách đưa cho lão chủ quán mười đồng.
– Tiền dư lão trượng cứ giữ lấy mua quà cho con cháu…
Gặp người khách hào sãng ông lão mừng rỡ song lắc đầu nói:
– Dạ cám ơn khách quan song phần cơm giá chỉ có một đồng…
Lữ khách gật đầu cười nói thêm:
– Tôi biết song lão trượng cứ giữ lấy mua sắm quần áo cho cháu nội ngoại…
Lão chủ quán cười buồn lắc đầu:
– Thưa khách quan tôi vô phước nên chỉ có mụn gái. Nó cũng vừa tới tuổi cập kê…
Ông lão bỏ vào trong. Lát sau một thiếu nữ trẻ tuổi mang trà ra. Lữ khách nhận thấy tuy xuất thân nơi hàng dân giã nghèo nàn song thiếu nữ lại có nhan sắc mặn mà tươi thắm với mắt huyền đen láy, môi son đỏ au và da trắng như trứng gà.
– Cô đây là con của lão trượng?
Lữ khách lên tiếng hỏi. Lão chủ quán tươi cười đáp:
– Dạ cháu vừa đúng mười bảy tuổi. Lão cũng tính kiếm chỗ nào đàng hoàng để cho nó nương nhờ tấm thân mà xung quanh đây không có ai…
Thở hơi dài ông lão thấp giọng:
– Nhờ trời nó cũng có chút nhan sắc song nhiều khi chữ sắc lại liền với chữ tai…
Hớp ngụm trà lữ khách hỏi:
– Lão trương nói gì tôi không hiểu. Cô nương đây xinh đẹp thời sẽ có người giàu sang rước về làm vợ rồi lão trượng cũng được nương nhờ trong lúc tuổi già xế bóng…
Cô gái mang dĩa cơm ra đặt lên bàn. Biết cha già và khách lạ bàn tán về mình, cô gái bẽn lẽn cắm cúi dọn thức ăn rồi lẳng lặng bỏ đi vào trong bếp.
– Khách quan nói đúng nhưng không đúng vào chỗ của lão. Vùng này có thằng du côn thấy con Thu Hoa của lão xinh đẹp nó cứ theo chọc ghẹo tán tỉnh muốn cưới làm vợ song con nhỏ chê thằng đó du côn ăn cướp nên nó không ưng. Tức giận thằng du côn này đem chuyện ra mét với đàn anh của nó. Biết chuyện thằng đàn anh của nó sai bà mai tới xem mặt rồi xin lão gả cho ông ta làm vợ lẽ. Thương con nết na hiền hậu và nhan sắc không lẽ chôn thân làm vợ lẽ nàng hầu nên lão không chịu. Ông ta cứ sai người tới mua chuộc, dọa dẫm và hăm he đủ mọi cách mà lão dụ dự chưa quyết. Lão tính đem vợ con đi chỗ khác làm ăn ngặt vì già cả vả lại tiền bạc không có cho nên chẳng biết tính cách nào cho ổn thỏa…
Ánh mắt của lữ khách chợt sáng lên khi nghe lão chủ quán giải bày hoàn cảnh.
– Lão trượng biết tên thằng đàn anh của thằng du côn không?
Ông lão lắc đầu:
– Bà mai có nói mà mà lão già cả thành ra không nhớ tên. Ðể lão gọi con Thu Hoa may ra nó nhớ… Thu Hoa…
Ông lão gọi lớn và cô gái bước ra. Chỉ lữ khách, ông lão nói:
– Khách quan đây hỏi tên ông gì đó muốn cưới con làm vợ lẽ mà ba không có nhớ tên. Con có nhớ tên ổng không?
Mặt đỏ bừng Thu Hoa cúi đầu nói nhỏ:
– Dạ.. dạ… Thưa khách quan. Bà mai nói ổng làm lớn lắm, làm tới chức thủ lãnh gì đó nên giàu có lắm. Tên của ổng là Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt…
Ánh mắt của lữ khách đột nhiên bừng sáng màu xanh lạnh lẽo đồng thời vành môi chợt nhếch thành nụ cười nhạt thếch khi nghe Thu Hoa nói tới sáu tiếng trên.
– Không dấu chi lão trượng và cô nương gì chứ ông thủ lãnh này tôi có quen. Nhân tiện tôi sắp vào thành thăm viếng ổng nên tôi sẽ khuyên ổng bỏ ý định cưới cô nương đây làm vợ lẽ…
Thu Hoa mắc cỡ cúi mặt đi vào trong bếp.
– Ða tạ khách quan. Nếu được vậy thời gia đình lão đội ơn khách quan suốt đời…
– Không có chi… Tôi chỉ làm bổn phận của một người qua đường thấy chuyện bất bình…
Nói xong lữ khách thong thả ăn cơm. Ông lão bỏ vào trong nói cho vợ con biết. Lúc đó có tiếng lao xao rồi hai thằng con trai tướng mạo dữ dằn hùng hổ bước vào quán.
– Bớ lão Tam… Rượu… Lão Tam… Rượu… Ta khát lắm rồi… Chậm trễ ta đốt quán lão đó…
Biết mặt đám du thủ du thực chuyên phá làng phá xóm, lão chủ quán hối hả đem rượu ra. Một thằng lớn tuổi cười ha hả:
– Lão kêu Thu Hoa đem rượu ra… Lão mà đem rượu ra là ta không trả tiền đấy…
Bất đắc dĩ lão chủ quán phải bảo con gái đem rượu ra. Thu Hoa đem vò rượu và hai cái chén đặt lên bàn.
– Trời ơi… Mới có ba bữa mà anh trông em đẹp lên bội phần…
Dứt lời hắn đưa tay vuốt mông cô gái.Thu Hoa la nhỏ. Lữ khách khẽ tằng hắng một tiếng. Nhìn thấy khách lạ ngồi một mình bàn bên cạnh tên du côn cười gằn nói vọng sang:
– Ngươi ăn uống cho lẹ rồi xách đít đi đi… Ở đây lạng quạng ta tát vỡ mặt. Cái bản mặt của ngươi ta không ưa nổi…
Thu Hoa bỏ vào trong bếp. Tên du côn nói tiếp:
– Ngươi điếc hả… Cái bản mặt của ngươi ta thấy không ưa được…
Bốp… Bình trà bằng đất nung đập vào mặt tên du côn một cách bất thình lình khiến cho hắn chới với. Ðưa tay vuốt mặt đầy máu và nước trà, hắn phun phèo phèo ra đất ba cái răng.
– Mày chết… Ta chém mày chết…
Nói xong hắn cùng đồng bọn đứng dậy. Khệnh khạng bước tới đứng trước mặt lữ khách hắn rút thanh đoản côn bằng đồng đập xuống đầu trong lúc tên kia rút dao đâm vào ngực lữ khách. Chát… Hai tiếng ròn tan. Không biết bằng cách nào và cũng không ai thấy rõ thanh côn và lưỡi dao lọt vào tay lữ khách. Ngoài ra y còn bạt tai hai thằng du côn hai cái nháng lửa.
– Thứ phá làng phá xóm như hai ngươi sống cũng vô ích. Tuy nhiên…
Nhìn tên du côn lớn tuổi đã chọc ghẹo cô gái, y gằn giọng:
– Ta sẽ bẻ gãy mười ngón tay để ngươi chừa thói du côn…
Bàn tay hữu của y vung lên. Rắc… Rắc… Có tiếng xương gãy cùng với tiếng la hét.
Lữ khách trầm giọng nói thành lạnh băng:
– Về nói với Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt là ta sẽ tới hỏi thăm sức khoẻ của hắn…
Ðụng phải hung thần dữ dằn hai tên du côn lấm lét rút lui. Lão chủ quán nói với khách:
– Cám ơn khách quan ra tay nghĩa hiệp nhưng thế nào chúng cũng trở lại.Gia đình lão ở đây chắc cũng không yên với chúng mà khách quan không ở bên cạnh hoài để che chở cho chúng tôi…
Dường như đã suy tính cẩn thận lữ khách bình tịnh nói:
– Tôi có cách an bài cho gia đình của lão trượng…
Mở hành lý, y viết vội mấy chữ vào mảnh giấy trắng xong điềm đạm nói với lão chủ quán:
– Số tiền này đủ cho lão trượng mướn một cỗ xe ngựa tới Thăng Long. Khi tới kinh đô lão trượng tìm đường tới Sát Ác Nhân Tiệm và trao mảnh giấy này cho vị chủ tiệm. Y sẽ cấp cho gia đình lão trượng nơi ăn chốn ở và công ăn việc làm. Mọi việc ở đây tôi sẽ giải quyết một cách êm thắm…
Lão chủ quán mừng rỡ gọi vợ con ra cám ơn ân nhân. Nhìn vị ân nhân chỉ lớn hơn mình vài tuổi, Thu Hoa thỏ thẻ:
– Tôi xin phép hỏi tên họ của ân nhân?
Khách cười nhẹ lắc đầu:
– Tôi sẽ gặp lại cô nương sau và lúc đó ta sẽ nói cho cô nương biết tên họ của tôi…
Lão chủ quán cười xen vào câu chuyện:
– Nếu lão phu không lầm thời khách quan là nhũng người xuôi ngược đó đây để giúp đỡ dân lành mà người ta quen gọi là vũ sĩ giang hồ…
Lữ khách chầm chậm gật đầu xác nhận. Lão chủ quán hối vợ con thu xếp hành lý để mai lên đường sớm. Suốt đêm hôm đó thỉnh thoảng thức giấc lão chủ quán và Thu Hoa thấy ân nhân của mình ngủ ngồi trên đất lạnh. Trời sáng rõ. Ðứng nhìn theo cỗ xe ngựa chở gia đình lão chủ quán khuất bóng trên đường thiên lý, lữ khách thong thả đi vào thành Nghệ An.
Nằm ở phường Vạn Xuân, Tầm Hoan Các là một kỷ viện hái ra tiền của Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt. Kỷ viện này nổi tiếng khắp Nghệ An vì có nhiều mỹ nhân sắc nước hương trời chuyên môn tiếp đãi khách giàu sang hay hàng vương tôn công tử thừa tiền dư bạc muốn hưởng thú đàn ca xướng hát và kề cận giai nhân. Nhân vật đứng đầu Tầm Hoan Các không ai khác hơn Trúc Côn Nguyễn Diệc, phó thủ lĩnh hắc đạo Nghệ An thành.
Trời chập choạng tối. Tầm Hoan Các lên đèn muôn màu vạn sắc. Hàng chục cỗ xe ngựa đậu dài dài theo đường. Một khách giang hồ thong thả bước trên con đường lát gạch dẫn vào cửa chính kỷ viện. Khách mang giày rơm, vũ phục cũ mèm, không hành lý ngoại trừ vật bất ly thân là thanh kiếm đeo nơi vai. Khi khách còn cách cửa chính mươi bước tên gác cửa hơi nhíu mày song lấy lại vẻ thản nhiên rất nhanh. Thân mở cửa cho khách, gã lễ độ và niềm nở lên tiếng:
– Kính chào đại hiệp…Mời đại hiệp vào khách sảnh…
Ậm ừ không nói khách giang hồ bước vào căn phòng trần thiết lộng lẫy và sang trọng. Một kỷ nữ mặt hoa da phấn bước tới đon đả chào khách:
– Chào đại hiệp… Chắc đại hiệp định tìm ai…
Giọng nói của khách trầm trầm cất lên trong gian khách sảnh đông người:
– Ta muốn gặp Trúc Côn Nguyễn Diệc…
Ðang ngồi trong góc sảnh một tên đàn ông lực lưỡng vội quay nhìn người vừa nói câu trên. Lừng lững bước tới đứng trước mặt khách giang hồ, hắn gằn giọng:
– Các hạ là ai? Tìm thủ lĩnh ta có chuyện gì?
Ánh mắt lạnh băng của khách giang hồ chiếu vào người đang đứng trước mặt mình như thôi miên cùng lúc bàn tay vổ nhẹ lên vai gã đàn ông lực lưỡng. Cả khối thịt khổng lồ hơn hai trăm cân khuỵu xuống đất dưới cái vổ hời hợt và thân thiện của khách giang hồ.
Giọng nói trầm lạnh từ từ vang lên trong lúc gã đàn ông lực lưỡng nhăn nhó và mồ hôi vã ra như tắm trên khuôn mặt tái xanh.
– Nói với Nguyễn Diệc là ta tới mua thủ cấp của hắn với giá một đồng. Ði…
Gã đàn ông lực lưỡng khập khểnh bước đi. Lát sau gã trở lại với hai tên đàn ông cao lớn dềnh dàng như hai con khỉ đột. Dừng trước mặt khách giang hồ một tên cất giọng ồm ồm:
– Bộ ngươi định tự tử hay sao mà tới đây kiếm chuyện…
Tay quyền của hắn bung ra theo sau câu nói. Bịch… Cú đấm ngàn cân của hắn nện vào ngực khách giang hồ. Ai ai cũng tưởng y sẽ ngã lăn ra đất song y vẫn thản nhiên với nụ cười nhạt thếch nở trên môi. Ðạp bộ nửa bước bàn tay với năm ngón thon dài vổ nhẹ vào ngực tên khỉ đột. Khối thịt hơn hai trăm cân gục xuống không kêu được tiếng nào. Nạt tiếng như hổ gầm tên khỉ đột thứ nhì tung quyền đánh ập vào hông đối thủ. Cười hực khách giang hồ vung tay. Cái vung tay hời hợt của y đủ sức xô ngã tên khỉ đột nặng hơn hai trăm cân vào vách nằm im không cục cựa.
– Thủ pháp hay tuyệt… Trúc Côn Nguyễn Diệc tôi hân hạnh gặp các hạ…
Ánh mắt của khách giang hồ sáng lên màu xanh dị kỳ giống nhu ánh mắt của con chó sói đói mồi. Dù tay sừng sỏ một phương Nguyễn Diệc cũng cảm thấy ơn ớn khi chạm vào ánh mắt của khách giang hồ. Thầm hít hơi dài trấn định tâm thần vị phó thủ lĩnh hắc đạo Nghệ An cất tiếng:
– Tôi mạn phép hỏi tính danh của ngươi?
Giọng nói của khách giang hồ trầm trầm cất lên trong không khí nặng nề khó thở:
– Ngươi hỏi tên của ta để làm gì…Người chết đâu cần biết tên…
Hơi cau mày Trúc Côn Nguyễn Diệc cười hực:
– Ngươi là người đã đâm chết Nùng Chí Dũng ở Lạng Sơn?
– Hắn là kẻ đầu tiên. Người thứ nhì chính là ngươi…
Nguyễn Diệc hơi thay đổi sắc mặt. Giọng nói của hắn rít qua kẻ răng cắn chặt:
– Tại sao ngươi tìm giết ta. Ta đâu có đụng chạm hay thù oán gì với ngươi…
Khách giang hồ cười lạt:
– Ta giết người đâu cần đụng chạm hay thù oán. Muốn giết người, ta giết. Thích giết người, ta giết…
Nguyễn Diệc cao giọng:
– Nếu ta không động thủ…
– Ta cũng giết ngươi. Xuất thủ may ra ngươi còn có chút may mắn sống sót…
Khách giang hồ thỏng tay triển công phu trầm tịnh. Biết không đánh cũng không được Trúc Côn Nguyễn Diệc đứng im an thần định khí. Người người nín thở chăm chú xem cuộc tử đấu. Vị phó thủ lĩnh hắc đạo Nghệ An ra tay trước. Cây gậy trúc lừng danh của hắn tà tà đâm vào huyệt nhũ trung. Ðược nửa đường một tiếng tách khẽ vang và từ trong đầu côn chùm ám khí nhỏ rức hơn mũi kim bắn vào ngực đối thủ. Ðây là loại ám khí tẩm độc chuyên xung phá nội gia chân khí của các cao thủ giang hồ. Vả lại khoảng cách đôi bên rất gần cho nên chớp mắt ám khí chỉ còn cách mục tiêu gang tấc. Không biết có nghe có thấy hay không mà khách giang hồ hoàn toàn bất động. Ngay lúc ám khí còn cách mục tiêu cự ly thân hình y chợt gãy gập làm đôi ngang thắt lưng.Trong tư thế nằm ngửa y thoáng thấy chùm ám khí xẹt vù qua mặt.
Ngay lúc đối thủ triển công phu thiết bản kiều né tránh ám khí, Nguyễn Diệc biến chiêu liền dường như hắn biết trước đối thủ sẽ phản ứng như thế nào và chờ đợi cơ hội ngàn năm một thuở để lấy mạng đối phương. Nguyễn Diệc đạp bộ một bước cùng lúc thanh trúc côn hóa thành trăm ngàn bóng ảnh chập chờn bay lượn khắp các huyệt đạo trên ngực đối thủ. Vị phó thủ lĩnh hắc đạo công mà không thủ bởi vì hắn nghĩ đối phương phải lo hoá giải chiêu thức của mình trước rồi mới phản công sau. Hắn nghĩ đúng song chỉ đúng nửa phần. Xoẹt… Người ta nghe được âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ. Nhưng trước khi âm thanh đó tới tai mọi người, Trúc Côn Nguyễn Diệc cảm thấy tia kình khí lạnh ngắt bén hơn gươm đao đâm vào mi tâm của mình gây chấn động toàn thân khiến cho tứ chi tê liệt. Sinh nghề tử nghiệp. Vị phó thủ lĩnh hắc đạo thành Nghệ An ngã ngửa xuống sàn gạch. Cũng như nhiều người đi trước hắn chết mà không hề biết được tính danh của kẻ đã giết mình. Lật mình đứng dậy khách giang hồ bình lặng nhìn nạn nhân nằm chết không nhắm mắt. Ðám thủ hạ của Nguyễn Diệc đờ người ra không có được phản ứng nào khi chứng kiến cái chết nhanh chóng của phó thu lĩnh. Khách giang hồ xoay lưng bước đi vọng lại câu nói:
– Còn nhiều người chết lắm…
Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt ngồi đứng ăn ngủ không yên khi biết tin Trúc Côn Nguyễn Diệc, thủ hạ thân tín của mình bị một vũ sĩ giang hồ vô danh lạ hoắc hạ sát chỉ bằng một chiêu kiếm. Từng vào sinh ra tử, từng so quyền đọ kiếm với nhiều cao thủ giang hồ nhưng đây là lần đầu tiên hắn phải lo âu và suy nghĩ tìm cách đối phó với kẻ thù. Hắn sợ chết. Hắn sợ bỏ của cải và vợ đẹp con ngoan. Ðang an hưởng giàu sang sung sướng cho nên hắn không muốn chết. Nhưng dù không muốn hắn cũng khó chạy trốn khi thần chết gỏ cửa. Dù sớm hay muộn con người ta cũng phải chết. Lê Tất Ðạt nghĩ như thế.
– Trình thủ lĩnh có khách tới thăm…
Lê Tất Ðạt giật mình khi nghe đàn em báo có khách tới thăm.
– Lê huynh làm gì mà thần sắc ủ dột vậy… Chắc vì cái tin…
Lê Tất Ðạt hơi tươi nét mặt khi nghe giọng nói vang nơi cửa. Người đó chính là Ma Thủ Nguyễn Bá, tay kiếm nổi danh đã vắng bóng giang hồ mười mấy năm. Mừng rỡ Quá Mươi Ðao hét thủ hạ bày tiệc đãi bằng hữu lâu ngày mới gặp lại. Thân rót rượu vào chén cho bạn Lê Tất Ðạt cười nói:
– Nguyễn huynh đi đâu mà biệt dạng giang hồ mười mấy năm…
Nhấp ngụm rượu Nguyễn Bá tặc lưỡi:
– Chẳng dấu gì huynh tôi ẩn cư trong vùng Tản Viên sơn hơn mười năm để khổ luyện kiếm thuật…
Lê Tất Ðạt nói với giọng ngạc nhiên lẫn mừng rỡ:
– Thế ư… Nguyễn huynh nhập giang hồ đúng lúc lắm. Gần đây có một kiếm thủ lạ hoắc xuất hiện ở Lạng Sơn hạ sát Nùng Chí Dũng. Ba ngày trước đây hắn có mặt ở Nghệ An giết chết Nguyễn Diệc…
Ma Thủ Nguyễn Bá gật gù:
– Ðó cũng là lý do khiến tôi tới đây. Nếu tôi đoán không lầm sớm muộn gì hắn cũng tìm huynh…
Lê Tất Ðạt cười gượng:
– Tôi cũng biết điều đó cho nên sẵn sàng chờ hắn…
Nguyễn Bá cười ha hả:
– Lê huynh đừng lo… Tôi muốn gặp hắn để thử xem sau mười năm khổ luyện kiếm thuật của tôi tăng tiến tới mức độ nào…
Dù không nói ra Quá Mươi Ðao mừng rơn. Không cần hắn mời mọc hay năn nỉ mà Ma Thủ Nguyễn Bá lại dẫn xác để thay hắn giao đấu với kẻ thù. Còn gì hay hơn có kẻ muốn chết thế cho mình.
Châm thêm rượu cho khách, Lê Tất Ðạt cười nhẹ:
– Tôi cũng muốn gặp hắn để thử xem thanh kiếm của hắn có bén hơn thanh đao cùn của tôi không. Nguyễn huynh biết Nùng Chí Dũng?
Hớp ngụm rượu Ma Thủ Nguyễn Bá cười gật đầu:
– Tôi có nghe danh hắn nhưng chưa gặp mặt cũng như chưa bao giờ giao đấu để biết bản lãnh của hắn cao thâm tới mức độ nào…
– Tôi cũng vậy… Tuy nhiên giang hồ đồn Nùng Chí Dũng là một trong những cao thủ đứng hàng đầu về quyền thuật trong giới giang hồ nước ta bởi vậy hắn mới có danh Thiểu Bại Quyền. Ðiều mà ít người biết, không những thành danh nhờ quyền thuật Nùng Chí Dũng còn có tài xử dụng ám khí. Thủ thuật ném phi đao của hắn mới chính là sát thủ lấy mạng người trong chớp mắt. Lạ một điều, hắn bị đối thủ đâm chết mà không phóng phi đao được. Ðiều này tỏ lộ thuật xử kiếm của khách giang hồ vô danh phải nhanh khủng khiếp…
– Trình thủ lĩnh…
Quá Mươi Ðao quắc mắt nhìn tên thủ hạ thân tín vừa xuất hiện nơi cửa.
– Chuyện gì vậy… Ta đang có khách…
Tên đàn em thân tín gãi đầu nói nhỏ:
– Trình thủ lĩnh có một người khách lạ tới thăm và y nhờ trao món quà tới tay thủ lĩnh…
Tên đàn em đặt một vật lên bàn. Nhìn vật đó Lê Tất Ðạt biến sắc mặt. Hắn nhận ra đó là thanh trúc côn, vũ khí bất ly thân của Nguyễn Diệc. Liếc Nguyễn Bá, vị thủ lĩnh hắc đạo thành Nghệ An nói nhỏ:
– Hắn tới rồi đó Nguyễn huynh…
Cạn chén rượu Ma Thủ Nguyễn Bá đứng lên:
– Chúng ta ra sân đón hắn tiện hơn…
Ðứng nơi khoảng đất trống Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt và Ma Thủ Nguyễn Bá chăm chú quan sát người khách lạ đang đi trên con đường lát gạch đỏ ối. Vũ phục bằng vải bạc màu, kiếm đeo nơi vai, chân mang giày rơm, khách bước nhẹ và êm, khoan thai và đều đặn.
Lê Tất Ðạt lẩm bẩm:
– Hắn đi êm như con báo…
Ma Thủ Nguyễn Bá gật gù đồng ý với lời nhận xét của họ Lê. Xuyên qua bước chân hắn có thể ước lượng được trình độ vũ thuật của đối thủ. Phải có hơn hai mươi năm miệt mài khổ luyện khách mới có bước chân như thế. Một vũ sĩ giang hồ bước khác với người không biết võ. Bước chân của vũ sĩ là bước chân thành hình tự sự luyện tập miệt mài ròng rã ngày này sang tháng khác, năm này sang năm nọ. Khi bước, họ đặt năm đầu ngón chân xuống trước rồi sau đó mới tới gót chân trong lúc người không biết võ đặt nguyên cả bàn chân xuống cho nên gây tiếng động và càng bước nhanh tiếng động càng lớn hơn.
Khách giang hồ dừng bước khi đôi bên còn cách tầm tay. Ma Thủ Nguyễn Bá hơi rùng mình khi chạm phải ánh mắt lạnh lẽo vô tình cảm của khách lạ.
– Trong hai vị ai là Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt?
Giọng nói trầm trầm, lành lạnh của khách giang hồ vang lên trong bầu không khí nặng nề. Vị thủ lĩnh hắc đạo thành Nghệ An lên tiếng. Giọng nói của hắn có chút thay đổi:
– Chính ta…
– Ta sẽ giết ngươi…
Khách giang hồ nói với giọng bình thản và lạnh lùng dường như chuyện giết người đối với y bình thường như người ta ăn cơm hay uống nước.
Ma Thủ Nguyễn Bá hắng giọng:
– Nghe đồn ngươi kiếm thuật cực tinh…
Khách giang hồ nhếch môi:
– Ngươi phải thử mới biết được…
Cười ha hả Nguyễn Bá xoạc chân đứng tấn. Khách giang hồ xuôi tay. Song phương người triển công phu trầm tịnh, người đứng im an thần định khí. Ðứng ngoài làm khán giả, Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt không bỏ lỡ cơ hội quí báu quan sát từng cử động nhỏ nhặt của kẻ tử thù. Hai kiếm thủ đều đeo kiếm nơi vai chứng tỏ thuật xử kiếm của họ tương tự như nhau. Ðó là lấy nhanh làm chuẩn và ít khi biến hóa vì kiếm còn cài trong vỏ do đó khi rút ra phải đâm vào một mục tiêu nhất định. Người nào nhanh tay hơn sẽ thắng còn chậm hơn sẽ bại và đưa tới cái chết không tránh được.
Thuở bấy giờ các kiếm thủ của giới giang hồ Ðại Việt chia ra làm hai phe khác nhau. Có người gọi đùa là phe cũ và phe mới. Phe cũ mang kiếm ngang hông và phe mới đeo kiếm sau lưng. Thuật xử kiếm của họ hoàn toàn khác biệt tùy theo cách thức mang kiếm. Kiếm thủ thuộc phe cũ hay mang kiếm ngang hông, thuật xử kiếm của họ có kiếm pháp, chiêu thức hay đường lối và lộ số rõ rệt. Trong lúc các kiếm thủ của phe mới đeo kiếm sau lưng cho nên thuật xử kiếm thần tốc và không biến hóa có nghĩa là không có kiếm pháp hoặc chiêu thức gì hết. Thuật xử kiếm của họ giản dị, một chiêu là một chiêu không có tới chiêu thứ nhì. Họ chuyên luyện một chiêu và thường thường nhằm đâm vào tử huyệt hay bộ vị duy nhất trên cơ thể của đối thủ. Họ quan niệm rằng nếu thuật xử kiếm thần tốc và chuẩn xác tới độ đánh một chiêu đã hạ sát được đối thủ thời cần gì phải luyện tập kiếm pháp làm chi cho mất thời giờ và công sức.
Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt biết khách giang hồ lạ mặt và Ma Thủ Nguyễn Bá thuộc vào loại kiếm thủ chỉ có một chiêu. Một chiêu thôi song độc hại vô cùng bởi vì khó có ai sống sót.
Xoẹt… Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ rồi tra vào vỏ trở lại nhanh tới độ Lê Tất Ðạt nghe như chỉ có một. Ánh mắt xanh lè của khách giang hồ nhìn chằm chằm vào đối thủ. Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt thấy ngay mi tâm của Ma Thủ Nguyễn Bá có một lỗ nhỏ xíu và sâu hun hút song không thấy có một giọt máu nào rỉ ra. Ðôi mắt mở trừng trừng nhưng Nguyễn Bá không thấy gì hết. Phịch… Hắn ngã ra đất nằm im không cục cựa. Mười năm ẩn cư khổ luyện của hắn trở thành vô ích vì thuật xử kiếm của hắn vẫn còn chậm hơn đối phương một chút.
Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt cảm thấy lòng bàn tay ươn ướt mồ hôi. Hắn sợ, thực tình sợ cho thuật xử kiếm khủng khiếp của kẻ tử thù. Hắn biết rằng giờ chết của mình sắp điểm tuy nhiên còn nước còn tát. Đánh… Vị thủ lĩnh hắc đạo từng một thời hét ra lửa mửa ra khói ra lệnh cho thủ hạ tấn công. Tuy nhiên thấy tận mắt cái chết nhanh chóng của Ma Thủ Nguyễn Bá, đám đàn em của hắn đâm ra sợ hãi rụt rè chưa chịu rút vũ khí tấn công. Chúng chờ thủ lĩnh ra tay trước. Rẻng… Nhảy ra khỏi vỏ thanh đao từng vấy máu người của Lê Tất Ðạt biến thành luồng hắc quang bao phủ thân hình của hắn kín mít như bưng và vững chắc tợ tường đồng vách sắt. Thỉnh thoảng trong vầng hắc quang mịt mờ bòng ảnh đó có những điểm đen ngòm khi tắt khi ẩn, lúc biến lúc hiện không ngớt bắn vào các huyệt đạo của đối thủ. Quá Mươi Ðao. Danh vị đó đủ diễn tả thuật múa đao đặc dị và quái đản của vị thủ lĩnh hắc đạo thành Nghệ An. Ðao pháp của hắn có hai mươi bốn chiêu nhưng một chiêu có tới hai mươi bảy lần biến tổng cộng thành sáu trăm bốn mươi tám kỳ thế cho nên phức tạp và biến ảo vô lường. Cũng vì tính chất biến hóa này mà ít có người sống sót quá mười chiêu đao của hắn.
Khách giang hồ xuôi tay triển công phu trầm tịnh. Mục quang sáng rực của y nhìn đăm đăm vào vầng đao quang vần vụ mịt mờ bóng ảnh. Không những nghe bằng tai thấy bằng mắt mà y còn có cảm ứng của cái tâm vị diệu để nhận thức đâu là đòn thực thế hư, đâu là chân chiêu giả thức hầu phản ứng kịp thời đúng lúc bởi vì chỉ chậm hơn chớp mắt y sẽ thành cái xác không hồn. Bàn tay mặt, bàn tay với những ngón trắng xanh, thon dài của một thư sinh không phải cầm bút mà cầm kiếm để giết người sẵn sàng máy động. Xoẹt… Âm thanh tắt lịm. Có tiếng nấc của người chết bất đắc kỳ tử. Không biết đã thi triển quá mươi chiêu chưa mà Lê Tất Ðạt đứng im như trời trồng và tay cầm đao xuôi xuống. Không có gì xảy ra ngoại trừ một lỗ nhỏ xíu và sâu hun hút nơi mi tâm. Không có một giọt máu rỉ ra. Phịch… Cũng như nhiều người khác vị thủ lĩnh hắc đạo lừng danh chết không nhắm mắt. Cũng như nhiều người khác Quá Mươi Ðao Lê Tất Ðạt chết mà thủy chung không biết tính danh của kẻ giết mình.
Khách giang hồ lẩm bẩm:
– Ngươi không phải là kẻ cuối cùng…
Y quay lưng bước đi không màng tới hai tử thi nằm im trên đất. Y ngược đường ra bắc nơi có một người đang chờ: Khoái Kiếm Ðỗ Nhất Lam, thủ lĩnh hắc đạo thành Thanh Hóa.
Trang 2
Tác giả ơi, các bộ MỸ NHÂN KIẾM, TIẾNG SÓNG BẠCH ĐẰNG, BÚT KIẾM THẦN THI vẫn chưa viết à?
Thưa với anh Cường là nhũng quyển đó tôi chưa có viết.