28
Mông Cổ động binh
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm, Vạn Lý Câu Lê Hành, Mai Côn Vũ Bạch và các nhân viên còn sống sót rảo bước trên con đường đất về Na Ngạn. Sau lưng họ là Chi Lăng, cửa ải của quân Đại Việt đang bị quân Mông Cổ đánh phá. Khả Ly đã mất. Chi Lăng, Vĩnh Châu, Thiết Lược đang bị công kích và trước sau gì cũng lọt vào tay giặc. Môi hở thời răng lạnh. Nếu các cửa ải trên đã thất thủ thời Nội Bàng không thể nào chống trả được sáu mũi dùi cùng lúc tấn công.
Ngày hôm qua tức ngày hai mươi ba tết với sự khuyến cáo của vị tướng trấn thủ ải Chi Lăng, y hướng dẫn nhân viên về Na Ngạn ngay lúc hừng đông. Vũ Bạch đã báo cho y biết Thoát Hoan và A Lý Hải Nha sẽ cùng lúc động binh đánh phá các ải Khả Ly, Thiết Lược, Vĩnh Châu, Chi Lăng và Nội Bàng. Riêng nơi đóng đại bản doanh của Hưng Đạo Vương sẽ do Thoát Hoan và A Lý Hải Nha đích thân chỉ huy sáu đạo quân bộ và quân thiết kỵ trực diện tấn công. Đây chính là lý do khiến cho y chỉ huy nhân viên gấp rút tới Na Ngạn để báo tin.
Đang đi Lê Hành chợt nói lớn:
– Vó ngựa…
Hiểu ý mọi người không ai đợi ai tự động nhảy vào lề đường tìm chỗ kín đáo để ẩn nấp. Thu hình sau mô đất đầy cỏ cao và rậm rạp, Sát Ác Nhân Chủ Tiệm thì thầm với Lê Hành:
– Đoàn nhân mã đông lắm…
Lê Hành gật đầu. Y cũng nghe được tiếng vó ngựa nện rầm rập trên mặt đường. Ló đầu ra nhìn y thấy xa xa đạo kỵ quân tinh kỳ phất phới và gươm giáo lấp lánh dưới ánh mặt trời vừa ra khỏi cụm mây xám. Lê Hành thì thầm với thủ lĩnh của mình:
– Trình thủ lĩnh… Đạo quân kỵ này không phát xuất từ Chi Lăng…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nhìn nhân viên với ánh mắt dò hỏi. Lê Hành nói tiếp:
– Tôi đoán đạo quân kỵ phải từ huyện Yên Bác kéo tới. Yên Bác có nhiều con đường nhỏ hẹp nối liền với huyện Na Ngạn…
Vầng trán hơi cau lại vị thủ lĩnh đoàn do thám thấp giọng:
– Lê trưởng ban hãy hướng dẫn nhân viên tìm đường tới ải Nội Bàng trước. Phần ta sẽ bám theo đạo quân kỵ này để xem chúng đi đâu và làm gì…
Lê Hành hiểu ý thủ lĩnh. Do thám là một công tác bí mật, đơn độc và nguy hiểm cho nên càng ít người càng tốt.
– Thủ lĩnh cẩn thận… Cách đây chừng ba dặm có con lộ tắt dẫn về Na Ngạn. Theo con đường tắt này thủ lĩnh sẽ tới Nội Bàng nhanh hơn…
Ngần ngừ giây lát y thong thả tiếp:
– Tôi nói ra điều này e chạm tự ái của thủ lĩnh song tôi vẫn phải nói. Đối với một nhân viên do thám đánh không lại thời chạy. Cách đó là tránh voi chẳng xấu mặt nào…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm mỉm cười vỗ vai nhân viên tín cẩn của mình:
– Ta biết… Chạy là cách hay nhất trong ba mươi sáu cách. Ta sẽ ghi nhớ lời của Lê trưởng ban…
Cười nhẹ Lê Hành ra lệnh cho Mai Côn Vũ Bạch chỉ huy nhân viên tìm đường tắt về Na Ngạn. Ngồi im lìm chờ đợi Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nhớ tới lời dặn dò của Lê Hành. So với nhiều nhân viên trong đoàn do thám y là tay mơ, mới thi hành công tác lần đầu tiên do đó có rất nhiều điều cần phải học hỏi để thu lượm kinh nghiệm. Phải mất thời gian lâu đạo kỵ binh Mông Cổ mới đi qua hết chỗ y ngồi. Vừa định nhỏm dậy để theo dấu y lại phải ngồi xuống vì nghe có tiếng vó ngựa vọng lại. Lát sau đoàn người ngựa chừng hai chục phi nước đại trên con đường đất trơn trợt. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm nhận ra trong đoàn nhân mã đó có Hữu Đại Khan, thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ.
Lão cỡi con ngựa ô cao lớn dẫn đầu. Đợi cho đoàn nhân mã vượt qua chỗ mình ngồi hơn trăm bước y mới rời chỗ nấp rồi triển thuật phi hành bám theo kẻ thù một quãng xa xa. Đúng theo lời Lê Hành nói, y gặp một ngã ba. Ngần ngừ giây lát y không rẽ vào con đường tắt về Na Ngạn mà thẳng đường theo sau đoàn nhân mã của Hữu Đại Khan. Y muốn biết lão đi đâu và làm gì. Y nghĩ chuyện báo tin địch quân tấn công ải Nội Bàng Lê Hành làm được. Việc quan trọng hơn mà y cần biết là kế hoạch của đoàn do thám Mông Cổ sau khi đánh Nội Bàng. Điều này y hi vọng sẽ khám phá nơi đối thủ của mình. Y biết trong cuộc so tài đọ trí y đã thua đối thủ keo đầu tiên. Tuy nhiên thua keo đầu tiên không có nghĩa là bại trận. Thua keo này ta bày keo khác. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lẩm bẩm lời sư tổ thường hay nhắc nhở trong lúc hai người khổ luyện vũ thuật.
Độ non dặm đường y không thấy bóng đoàn nhân mã do Hữu Đại Khan chỉ huy. Hơi ngạc nhiên y đi dài theo đường mòn dọc con rạch nhỏ. Thấy có dấu chân ngựa còn mới tinh in trên đất y cẩn thận theo dấu. Lòng rạch càng lúc càng lúc càng rộng ra. Hai bên bờ có rất nhiều cây cao và rậm rạp. Lát sau con rạch lại chảy vào một con sông khá lớn cùng với một xóm nhà hiện ra. Y không biết đó là một nhánh sông bắt nguồn từ huyện Yên Bác của Lạng Giang rồi chảy vào địa phận huyện Na Ngạn làm thành sông Thủ Dương, sông Trú Hữu rồi Mỹ Nương và Cương Sơn. Nhánh sông này sẽ gặp một nhánh sông khác cũng phát nguồn từ huyện Yên Bác để thành một con sông mà bây giờ người ta quen gọi sông Lục Nam, một chi nhánh của sông Nhật Đức hay sông Thương.
Qua khỏi xóm nhà một quãng y vội vã nhảy vào lề đường ẩn nấp. Xa xa trong tầm mắt y thoáng thấy bóng người ngựa xuất hiện. Càn bờ lướt bụi y dùng đường tắt tới gần hơn để quan sát. Y mừng rỡ khi nhận ra bóng của Hữu Đại Khan đang ngồi trên lưng ngựa. Men theo bờ sông đầy cây cối rậm rạp y chỉ còn cách chỗ nhân viên do thám Mông Cổ hơn trăm bước. Một chiếc thuyền buồm đang buông neo nơi chính giữa sông. Chiếc thuyền thân thon dài và có chừng mấy chục mái chèo. Thấy chiếc thuyền y đoán lão thủ lĩnh đoàn do thám sẽ dùng đường thủy đi vào miền sông rạch chằng chịt và đông đúc dân cư.
Trời chạng vạng tối. Hữu Đại Khan xuống ngựa. Đứng im quan sát địa thế giây lát lão trầm trầm lên tiếng:
– Áo Bách Hoa… Ngươi có tin tức gì mới lạ không?
Áo Bách Hoa, vị tân trưởng ban tin tức của đoàn do thám Mông Cổ nói với giọng kính cẩn:
– Trình thủ lĩnh… Quan Bình Chương đã ra lệnh cho toàn thể tướng tá của sáu đạo quân bộ và kỵ nhất tề tấn công vào Nội Bàng đầu canh năm…
Trầm ngâm giây lát lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ hỏi tiếp:
– Quan Bình Chương còn nói gì nữa không?
– Trình thủ lĩnh… Quan Bình Chương còn đoán thêm là lão Trần Quốc Tuấn sẽ rút khỏi Nội Bàng song người không dám quyết đoán lão sẽ rút bằng đường bộ hay đường thủy…
Áo Bách Hoa thấy được nụ cười của vị thủ lĩnh của mình nở ra trong bóng tối vừa đổ xuống vùng rừng núi hoang vu. Giọng nói trầm trầm của Hữu Đại Khan lại cất lên:
– Trần Quốc Tuấn biết không thể nào giữ được Nội Bàng dưới sự tấn công vũ bão của quân ta. Do đó lão sẽ rút lui. Có hai lý do chính đáng khiến cho lão phải rút lui. Thứ nhất là bảo toàn lực lượng và thứ nhì là dụ quân ta tiến sâu vào đất nhà. Đó là thế rút lui chiến lược. Đó là cách nhử địch phải tiến vào đất của mình, phải đánh với mình trên một địa thế mà mình đã chọn lựa. Căn cứ vào tin tức của nhân viên ta thu lượm được thời lão Trần Quốc Tuấn sẽ rút về vòng đai phòng thủ thứ nhì là Vạn Kiếp và Phả Lại. Phá vỡ vòng đai thứ nhì này quân ta sẽ thẳng đường bao vây Thăng Long. Trong lúc bàn luận quan Bình Chương và ta đều đồng ý là nếu bắt sống hay giết chết lão Trần Quốc Tuấn, quân ta có cơ thắng trận một cách dễ dàng hơn. Lão là cái hồn của quân Đại Việt. Do đó ta mới phác họa một kế hoạch bắt sống hay ám sát lão…
– Ám sát Trần Quốc Tuấn… Thủ lĩnh…
Bật kêu với vẻ sửng sốt Áo Bách Hoa hấp tấp lên tiếng:
– Thủ lĩnh… Lão Trần Quốc Tuấn được hai ba chục vạn quân hộ tống ngoài ra xung quanh lão còn có trăm viên hộ tướng bảo vệ vòng trong vòng ngoài…
Hữu Đại Khan bật lên tiếng cười ngắn gọn:
– Hà… hà… hà… Ta biết hắn có mấy chục vạn quân che chở, trăm hộ tướng bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Nhưng đó là hắn ở trên bộ. Nếu quân binh đại bại lo chạy để thoát thân thời còn thời giờ đâu lo che chở chủ tướng. Nếu hắn rút lui bằng đường thủy ta sẽ phục binh bằng thuyền để tóm cổ hắn… hà… hà… hà…
Nói tới đây lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ vuốt râu cười ha hả như thích thú về kế hoạch táo bạo của mình. Nhìn đám thủ hạ thân tín đang đứng im lìm trong bóng đêm, Hữu Đại Khan hắng giọng tiếp:
– Biết hắn được trăm hộ tướng bảo vệ cho nên ta mới tuyển lựa trăm nhân viên giỏi võ, gan lì và cảm tử để thi hành sứ mệnh giết chết hoặc bắt sống Trần Quốc Tuấn. Đây là đợt đầu trong kế hoạch ám sát những nhân vật chủ chốt của Trần triều. Thứ nhất là Trần Quốc Tuấn, thứ nhì là cha con vua nhà Trần và sau cùng là tên Trần Quang Khải. Hạ sát được một hoặc tất cả những nhân vật này đoàn do thám của chúng ta sẽ lập đại công trông cuộc chinh phạt An Nam…
– Mạt chức phục thủ lĩnh sát đất…
Áo Bách Hoa đủ khôn ngoan để không làm phật lòng cấp chỉ huy của mình. Tiếng vó ngựa chợt nổi lên rầm rập. Từ trong bóng đêm mông lung hiện ra thớt ngựa cao lớn và một kỵ sĩ mặc y phục màu đen. Ngựa chưa ngừng vó kỵ sĩ bay mình xuống đất bằng thân thủ ngoạn mục và linh hoạt. Bước từng bước khoan thai tới trước mặt Hữu Đại Khan, kỵ sĩ kính cẩn thi lễ:
– Trình thủ lĩnh… Quan Bình Chương đã sẵn sàng. Hai vị đệ nhị và đệ tam phó thủ lĩnh cũng bắt đầu khởi hành tới vị trí ấn định…
Mỉm cười hài lòng Hữu Đại Khan nói với Áo Bách Hoa:
– Bách Hoa… Ngươi điều động nhân viên xuống thuyền trước…
Toán nhân viên do thám chừng vài chục lẳng lặng xuống bờ sông rồi lần lượt ngồi thuyền nhỏ chèo ra chiếc thuyền lớn neo giữa dòng sông. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm trầm mình xuống nước khi toán nhân viên do thám Mông Cổ đầu tiên rời bờ. Êm ái và gọn gàng như con cá sấu y bám vào lái thuyền không ai hay biết. Ba chiếc thuyền nhỏ hiện lờ mờ trên mặt sông mù sương. Tiếng mái chèo khuấy nước. Tiếng thuyền va chạm nhau. Tiếng chân người di động trên sàn thuyền. Chốc sau nhìn hai bên bờ sông y biết chiếc thuyền bắt đầu di chuyển xuyên qua tiếng mái chèo khua nước và cảnh vật dọc theo bờ sông lùi dần dần ra đằng sau. Trong lúc thuyền xuôi dòng Sát Ác Nhân Chủ Tiệm thầm suy tính. Y biết nhờ đêm hôm tăm tối và thưa thớt dân cư nên kẻ địch chưa phát hiện ra tông tích của mình. Tuy nhiên gặp lúc ban ngày sáng sủa và đông đúc thuyền bè qua lại, kẻ địch sẽ dễ dàng phát giác ra có người ẩn núp dưới đáy thuyền của chúng. Y nghĩ tới cách đục thủng hầu ngăn cản hành trình của lão Hữu Đại Khan. Tuy nhiên suy đi tính lại y biết cách này không có hiệu quả bởi vì không có chiếc thuyền này lão cũng sẽ có chiếc thuyền khác. Cách hay nhất là âm thầm theo dõi để xem lão đi đâu và làm gì. Sương mù bốc mờ mịt mặt sông càng lúc càng rộng ra khiến cho y muốn nhìn vào bờ để nhận định phương hướng cũng chỉ thấy một cách lờ mờ. Nghe tiếng gà gáy y đoán gần sáng. Chiếc thuyền đột nhiên dừng lại. Tiếng chân người di động rồi tiếng bùm thật lớn cho y biết thuyền đã buông neo. Tất cả đều im lặng trừ tiếng sóng vổ tí tách vào mạn thuyền.
Mặt trời lên. Sương mù tan dần và cảnh vật từ từ hiện ra. Thuyền neo gần hữu ngạn của sông nên y thấy lác đác nhà cửa song không có một bóng người nào đi lại. Đột nhiên y nghe hàng loạt tiếng nổ rền trời đất rồi tiếng ngựa hí hòa lẫn với tiếng người la hét. Lát sau một đạo quân thiết kỵ đông vô số kể ào ào di chuyển trên con đường dọc theo bờ sông.
Đứng trên sàn thuyền nhìn thấy đạo kỵ binh chuyển động, Hữu Đại Khan nói với nhân viên của mình:
– Đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Đây là một phần nhỏ của một trong sáu đạo quân tấn công vào Nội Bàng. Thử xem lão Trần Quốc Tuấn chịu đựng được bao lâu…
Phóng tầm mắt quan sát cảnh vật giây lát Áo Bách Hoa lên tiếng:
– Trình thủ lĩnh… Khi nào lão Trần Quốc Tuấn sẽ rút lui…?
Hữu Đại Khan nhẹ lắc đầu:
– Ta không biết khi nào lão sẽ rút lui. Điều đó còn tùy thuộc vào sức chống trả của sĩ tốt của lão. Tuy nhiên sớm muộn gì lão cũng phải rút…
Mắt không rời đạo kỵ quân đang di chuyển dọc theo bờ sông, Hữu Đại Khan hắng giọng tiếp:
– Không muốn hao binh tổn tướng một cách vô ích, Trần Quốc Tuấn sẽ rút lui bởi vì hắn biết không đủ sức để giữ Nội Bàng. Ta có thể nói hắn không còn cách nào hay hơn là rút lui để bảo toàn lực lượng của mình. Hắn có hai đường thủy bộ để rút lui. Rút bằng đường bộ hắn sợ lọt vào vòng binh phục của ta vả lại trèo đèo vượt núi thời khó khăn, vất vả và lâu hơn xuống thuyền xuôi theo con nước về Vạn Kiếp. Lão rút lui bằng thuyền và thuyền đậu ở đâu? Đó là điều mà ta muốn biết và ta đang chờ câu trả lời từ toán do thám đặc biệt nằm sâu trong lòng địch…
Áo Bách Hoa nhìn vị thủ lĩnh của mình với ánh mắt ngạc nhiên và dò hỏi. Thân danh trưởng ban tin tức mà hắn cũng không hề nghe nói gì về toán do thám đặc biệt này. Hiểu ý nhân viên, Hữu Đại Khan cười ha hả:
– Giỏi võ, cơ mưu, quyền biến, gan lì, cảm tử, thông thạo ngôn ngữ, dân tình và địa thế của An Nam; toán do thám đặc biệt này hoạt động riêng rẻ và khác biệt với hoạt động thông thường của đoàn do thám. Nhiệm vụ của chúng bao gồm ba lãnh vực ám sát, phá hoại và thu lượm tin tức…
Hữu Đại Khan ngừng nói khi thấy một chiếc thuyền con từ trong bờ tiến ra thuyền của mình. Trên thuyền chỉ độc một người ngồi. Thuyền vừa cập vào gã bơi thuyền lắc mình bay lên thuyền lớn. Chân vừa chạm đất gã vòng tay thi lễ với Hữu Đại Khan:
– Thủ lĩnh… Lão tiết chế họ Trần chắc chắn sẽ rút lui bằng đường thủy. Tuy nhiên mạt chức chưa dò ra thuyền của lão đậu ở đâu…
Hữu Đại Khan trầm ngâm không nói. Vầng trán của lão thủ lĩnh đoàn do thám nổi danh bách chiến bách thắng cau lại với nhiều suy tính. Lát sau lão nói nhỏ với thủ hạ vừa lên thuyền:
– Ngươi rải thủ hạ bí mật tìm kiếm từ Na Ngạn tới Phượng Sơn và Bảo Lộc. Nếu thấy có thuyền lạ buông neo thời có thể đó là thuyền đón lão tiết chế họ Trần…
– Tuân lệnh thủ lĩnh… Nếu có tin tức gì mới lạ mạt chức sẽ dùng phi tiển để truyền tin…
Khẽ gật đầu Hữu Đại Khan căn dặn:
– Ngươi khá tua thận trọng…
Không nói thêm lời nào tên do thám lao mình xuống thuyền. Có tiếng mái chèo khuấy nước rồi con thuyền rẽ nước vào bờ.
*****
Kẻ trước người sau Đa Cùn Kiếm, Bất Bình Thời Cuộc, Vạn Lý Câu Lê Hành, Lãnh Tâm Diện và Độc Kiếm Nguyễn Dị lần lượt tới ải Nội Bàng tờ mờ sáng ngày hai mươi bốn tết. Vừa lúc đó tiếng pháo lệnh nổ rền trời đất. Địa lôi nổ ầm ầm. Quân Mông Cổ xuất hiện đông hơn kiến. Kỵ quân dẫn đầu, quân bộ theo sau ào ào tấn công thẳng vào tuyến phòng thủ thứ nhất của quân Đại Việt. Bị tấn công một cách dữ dội và bất ngờ quân ta tỏ ra bối rối, hoang mang đồng thời sức chống trả cũng sút kém. Sau vài giờ kịch chiến họ phải bỏ phòng tuyến thứ nhất lui về cố thủ nơi phòng tuyến thứ nhì. Nương đà thắng lợi quân Mông Cổ rượt theo bén gót. Cuộc hổn chiến ác liệt xảy ra cho tới chiều. Thây người chết nằm la liệt khắp nơi. Đôi bên tạm thời thu quân nghỉ ngơi qua đêm.
– Lê trưởng ban… Tôi không thấy mặt Sát thủ lĩnh?
Đa Cùn Kiếm lên tiếng hỏi Lê Hành câu trên. Họ Lê hắng giọng:
– Tôi không nghĩ ông ta bị lạc đường. Vả lại dù không biết đường ông ta cũng có thể bám theo quân giặc để về Nội Bàng. Chắc phải có chuyện gì xảy ra…
Đang băng bó vết thương nơi vai cho Nguyễn Dị, Lãnh Tâm Diện chợt xen vào câu chuyện:
– Tôi đoán Sát thủ lĩnh đã khám phá ra chuyện lạ cho nên mới không có mặt ở đây. Tôi nghĩ chúng ta nên rút về tổng đàn…
Ngừng lại nhìn Đa Cùn Kiếm, Bất Bình Thời Cuộc, Lê Hành và Nguyễn Dị; Lãnh Tâm Diện nói tiếp:
– Không phải tôi sợ chết bỏ anh em trong lúc địch đang tấn công quân ta. Nội Bàng thế nào cũng mất cho nên sự hiện diện của vài chục nhân viên do thám như chúng ta không giúp ích gì cho hai chục vạn quân nhà. Chi bằng chúng ta rút về tổng đàn để lo thiết lập một hàng rào ngăn không cho nhân viên do thám địch xâm nhập vào Thăng Long…
Mọi người đều công nhận lời của Lãnh Tâm Diện hữu lý. Hai chục vạn quân Đại Việt còn không cản nổi bước tiến của địch quân thời xá gì mấy chục nhân viên do thám. Vả lại hoạt động của họ là đối đầu với nhân viên do thám địch mà giờ này có lẽ chúng đã có mặt ở Thăng Long rồi.
– Lãnh huynh nói đúng… Ta ở đây cũng không giúp ích gì cho quân nhà…
Dứt lời Lê Hành quay qua hỏi Đa Cùn Kiếm và Bất Bình Thời Cuộc:
– Nhị vị tính sao… Ở lại đây hay theo ba chúng tôi về Thăng Long?
Bất Bình Thời Cuộc cười cười:
– Tôi và Đa Cùn Kiếm sẽ đi tìm tông tích của thủ lĩnh…
Hiểu ý Lãnh Tâm Diện dặn dò:
– Nhị vị thận trọng… Nếu có gì cứ lộn lại đây rồi theo quân ta về Vạn Kiếp…
*****
Bóng tối đổ xuống thật nhanh. Đeo nơi bánh lái Sát Ác Nhân Chủ Tiệm không cảm thấy lạnh dù trời mùa đông lạnh ngắt. Y cảm thấy kiến cắn bụng vì hơn một ngày chưa có gì lót dạ. Dù là một vũ sĩ giang hồ vũ thuật tuyệt luân, y cũng là con người cần phải ăn uống mới có sức để làm việc. Ngẫm nghĩ hồi lâu y quyết định bơi vào bờ kiếm cơm. Nhận định phương hướng xong y lặn môt hơi vào tới bờ. Từ từ nhô đầu lên khỏi mặt nước để quan sát xong y im lặng men theo bờ sông lần tới xóm nhà hiện lờ mờ trong bóng đêm. Đèn lửa mập mờ khi lu khi tỏ. Thỉnh thoảng có tiếng ngựa hí cùng với tiếng người la hét rồi cảnh vật lại chìm vào yên lặng. Lát sau y mới tới gần xóm nhà nằm dọc theo bờ sông. Trườn mình leo lên bờ y bước nhanh vào khu nhà tối đen. Không có người cư ngụ vì dân chúng huyện Na Ngạn đã được lệnh tản cư hơn nửa tháng trước. Cánh cửa mở phân nửa. Y lách mình vào căn nhà đầu tiên. Dù bóng tối dày đặc song nhờ nhãn lực tinh tường y có thể nhận ra chiếc giường tre xiêu vẹo và chiếc bàn bằng cây với bốn cái ghế đặt chính giữa nhà. Bếp núc lạnh tanh. Không khí ẩm ướt. Giỡ nấp chiếc nồi nhỏ trên bếp Sát Ác Nhân Chủ Tiệm thấy cơm lưng chừng nửa nồi. Mừng rỡ y bốc miếng cơm nguội bỏ vào miệng đoạn nhai chầm chậm. Mùi gạo lức hăng hăng. Dù không ngon miệng lắm song vì đói bụng y vẫn tiếp tục ăn. Càng ăn y càng cảm thấy ngon miệng hơn cũng như càng nhai y có cảm giác gạo lức ngọt đậm đà hơn lúc ban đầu. Ăn sạch nồi cơm nguội y mới thấy lưng bụng. Vừa định bước đi y hấp tấp ngồi thụp xuống vì thoáng nghe tiếng bước chân đạp trên đất của kẻ dạ hành xa lạ nào đó. Sau khi ăn cây nấm nơi Tản Viên Sơn, y khám phá ra nhiều điều khác lạ. Ngoài chuyện nội lực tăng tiến vượt bực y còn cảm thấy thân thể nhẹ nhàng và sảng khoái đồng thời tai thính mắt linh thấp bội. Không cần vận dụng nội lực mà y cũng nghe được tiếng lá rụng xa ngoài trăm bước cùng thấy được mọi vật trong bóng tối một cách rõ ràng như ban ngày. Bây giờ nghe được tiếng bước chân, y thầm khen ngợi kẻ dạ hành xa lạ tôi luyện được thuật phi hành siêu đẳng xuyên qua tiếng bước chân nhẹ và êm hơn tiếng lá rụng. Thoáng chốc y thấy một bóng đen xẹt qua cửa. Đi ban đêm trong huyện Na Ngạn tất nhiên phải là nhân viên của hai đoàn do thám Đại Việt hoặc Mông Cổ. Kẻ dạ hành vừa khuất dạng Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lạng mình ra đường. Nhãn quang sáng rực của y soi thủng màn đêm thâm u tìm kiếm bóng kẻ dạ hành nhưng chỉ có xa xa đèn lửa khi mờ khi tỏ. Khung cảnh vắng lặng không bóng người ngoại trừ tiếng gió thổi rì rào. Không màng săn tìm kẻ dạ hành y bước ba bước thật dài tới cạnh mé sông đoạn trầm mình xuống nước. Y không cảm thấy lạnh vì nước hay vì cơn gió mùa đông mà vì một đột biến đang xảy ra. Đứng sừng sững trên mé sông là một bóng đen với đôi mắt xanh lè tựa ma trơi. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm chưa có một phản ứng nào bóng đen vung tay. Một tia sáng vút xuống nước tợ ánh chớp. Khoảng cách quá gần mà thủ pháp phóng ám khí của bóng đen thần tốc vô tưởng nên chớp mắt chỉ còn cách đỉnh đầu của y cự ly. Không chần chờ, không suy nghĩ, vị thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt vung tay chụp lấy ám khí xong ném trả lại cho địch thủ. Đây chính thủ pháp dĩ độc trị độc chuyên dùng để hóa giải đòn tấn công bằng ám khí của đối thủ. Nó bao gồm hai động tác bắt lấy ám khí đoạn ném trả lại. Nói ra thời dễ dàng và giản dị nhưng thực hành là cả công phu khổ luyện lâu dài và cực nhọc. Trước nhất người ta phải học bắt lấy ám khí một cách thuần thục và chính xác. Điều này có nghĩa phải bắt lấy chuôi ám khí bởi vì bắt trúng lưỡi thời sẽ bị thương hoặc bị trúng độc. Giai đoạn thứ nhì là bắt trúng ám khí xong dùng nó để tấn công đối thủ. Bựt… Có tiếng vũ khí ghim sâu vào da thịt. Lãnh trọn lưỡi đoản kiếm vào ngay yết hầu bóng đen chệnh choạng lùi lại. Cùng lúc đó Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lao mình tới. Hai tay chụp lấy chân đối thủ y biến mất trong dòng nước lạnh tanh.
29
Thua me gỡ bài cào
Bất Bình Thời Cuộc và Đa Cùn Kiếm rảo bước trên con lộ từ thôn Bình Nội thuộc huyện Na Ngạn về huyện Phượng Sơn. Đây là con đường đất khá rộng chạy dọc theo bờ sông Trú Hữu. Vầng kim ô đỏ ối từ từ nhô lên khỏi hàng cây. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt. Không khí im vắng và đìu hiu. Dân làng đã tản cư về miền xuôi từ hơn nửa tháng trước. Đang rảo bước Đa Cùn Kiếm chợt dừng lại.
– Ngươi mệt?
Y lên tiếng hỏi trong lúc nhìn nét mặt xanh xao và nhuốm chút mỏi mệt của Bất Bình Thời Cuộc. Họ Bất cười nhẹ lắc đầu:
– Vết thương chảy máu chút ít thời nhằm nhò gì. Ta lo cho y…
Dù Bất Bình Thời Cuộc không nói hết câu song Đa Cùn Kiếm cũng hiểu. Chính y cũng thầm lo lắng cho vị thủ lĩnh trẻ tuổi của mình. Liếc nhanh phong cảnh hai bên đường y hắng giọng:
– Ta cũng lo cho y… Y còn trẻ lại thiếu kinh nghiệm giang hồ…
Bất Bình Thời Cuộc nhẹ gật đầu:
– Phải có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp mới khiến y vắng mặt. Ta muốn trở lại để tìm kiếm tông tích của y…
Đa Cùn Kiếm gật đầu không do dự:
– Đi… may ra còn kịp…
Hai cao thủ nhất đẳng của giới giang hồ Đại Việt triển thuật phi hành chạy ngược trở lại. Được chừng vài dặm Bất Bình Thời Cuộc dừng lại khi thấy một ngã tư. Đa Cùn Kiếm lên tiếng:
– Ngươi tính đi theo đường nào?
Bất Bình Thời Cuộc trầm ngâm. Y biết con lộ nằm bên tay trái của mình sẽ dẫn tới ải Nội Bàng, còn nếu đi thẳng theo con lộ lớn này y sẽ tới Sơn Động. Xuyên qua tin tức mà y đã nghe được thời cả hai thôn Bình Nội và Sơn Động đều có sự hiện diện của quân Mông Cổ. Nếu đi theo con lộ tẻ bên phải dọc bờ sông Trú Hữu may ra không đụng đầu quân địch.
– Ta rẽ phải theo con đường dọc bờ sông…
Bất Bình Thời Cuộc lên tiếng. Chưa chịu cất bước Đa Cùn Kiếm liếc nhanh người bạn đồng hành như chờ đợi sự giải thích. Đưa tay chỉ con đường trước mặt Bất Bình Thời Cuộc hắng giọng:
– Thẳng đường gần hai chục dặm là Sơn Động. Rẽ trái độ bảy tám dặm là thôn Bình Nội nơi có ải Nội Bàng. Hai nơi này đều có mặt của lũ giặc Mông Cổ. Chỉ có con đường bên tay phải dọc theo bờ sông là yên ổn nhất. Ta hi vọng…
Đa Cùn Kiếm gật đầu tỏ vẻ hiểu. Không nói gì thêm y triển thuật phi hành chạy trước và Bất Bình Thời Cuộc lẳng lặng theo sau. Lát sau Đa Cùn Kiếm nói lớn:
– Có xóm nhà…
Không lơi bước Bất Bình Thời Cuộc phụ họa:
– Đúng rồi… Xóm nhà lá này nằm sát bờ sông và cách xã Trú Hữu hơn dặm đường…
Lát sau hai người chậm bước trên con lộ dẫn vào xóm nhà lá vắng vẻ không có người cư ngụ. Cúi nhìn dấu chân ngựa in trên mặt đường, Đa Cùn Kiếm thấp giọng:
– Kỵ binh Mông Cổ đã qua đây…
Bất Bình Thời Cuộc gật đầu:
– Dấu chân ngựa còn mới… Đây là toán quân thiết kỵ tấn công ải Nội Bàng. Ta phải cẩn thận để khỏi gặp chúng…
Hai người ra khỏi xóm nhà lá. Đi được non nửa dặm họ nghe tiếng vó ngựa nện rầm rập trên mặt đường.
– Quân Mông Cổ…
Đa Cùn Kiếm la nhỏ khi thấy bóng cờ phất phới cùng với bóng người ngựa hiện ra trùng điệp. Hai nhân viên của đoàn do thám Thăng Long lâm vào tình thế hiểm nghèo vì không có chỗ nào để trốn. Phía bên trái của họ là đống trống mênh mông còn bên phải là dòng sông rộng nước trong vắt. Sau lưng họ có xóm nhà lá song lại xa quá. Bất Bình Thời Cuộc hét lớn:
– Xuống sông…
Không còn chọn lựa nào khác hơn hai cao thủ giang hồ lao mình xuống sông. Nấp dưới thân cây ngã nằm trên mặt nước họ nghe tiếng ngựa hí người la hòa lẫn trong tiếng vó ngựa nện rầm rập làm chuyển rung mặt nước. Chừng khắc sau cảnh vật trở nên im lặng song hai người chưa chịu rời chỗ nấp. Đa Cùn Kiếm cau mày. Y cảm thấy có vật gì mềm mềm, trơn trơn và lành lạnh chạm vào chân của mình rồi… Ào… Một xác người từ dưới nước vọt lên khiến cho Bất Bình Thời Cuộc cũng phải giật mình. Bằng phản ứng y vung tay định chế ngự đối phương nhưng vội rụt tay lại khi nhận ra đó là một xác chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Quan sát y phục cũng như lưỡi đoản kiếm cắm ngay vào huyệt ấn đường của xác chết Bất Bình Thời Cuộc nói nhỏ:
– Nhân viên do thám Mông Cổ… Hắn chết vì ám khí của chính mình…
Đa Cùn Kiếm reo lên với giọng mừng rỡ:
– Y còn sống… Thủ thuật bắt và ném ám khí này chỉ có y mới làm được…
Nhẹ gật đầu công nhận lời của Đa Cùn Kiếm, Bất Bình Thời Cuộc thấp giọng:
– Chắc y còn quanh quẩn đâu đây… Xác chết trông còn mới lắm nên ta nghĩ y chưa đi xa. Ta với ngươi men theo bờ sông may ra gặp y…
Hiểu ý Đa Cùn Kiếm đi trước. Vốn sinh trưởng ở miền rừng núi của Nghệ An vì vậy y không thông thạo chuyện bơi lội lắm. Tuy nhiên nhờ ven sông có nhiều cây cối nên y có thể di chuyển không mấy khó khăn nhờ bám vào rể hoặc nhánh cây. Mặt trời gần đúng ngọ Đa Cùn Kiếm chợt dừng lại.
– Ngươi thấy chiếc thuyền lạ đàng kia không?
Vừa nói y vừa đưa tay chỉ chiếc thuyền đang bỏ neo chính giữa sông. Bất Bình Thời Cuộc gật gù:
– Thuyền Mông Cổ…
– Làm sao ngươi biết đó là thuyền của tụi Mông Cổ?
Đa Cùn Kiếm vặn. Bất Bình Thời Cuộc cười từ từ giải thích:
– Ta chưa bao giờ trông thấy chiếc thuyền lạ lùng và đặc biệt như vậy. Vả lại vùng này dân chúng đã tản cư đi hết rồi thời làm gì có chiếc thuyền lại bỏ neo ở giữa sông…
Đa Cùn Kiếm cười rè:
– Ngươi nói đúng. Có thể sự vắng mặt của y có dính líu tới chiếc thuyền lạ này…
Trầm ngâm giây lát Bất Bình Thời Cuộc hỏi:
– Ngươi biết lội?
Đa Cùn Kiếm cười cười:
– Lỏm bỏm thôi…
Đưa tay chỉ chiếc thuyền bỏ neo chính giữa sông cách chỗ hai người đứng khoảng trăm trượng, Bất Bình Thời Cuộc hỏi tiếp:
– Ngươi nhắm lội tới đó được không?
Đa Cùn Kiếm nhẹ lắc đầu:
– Ta không bảo đảm… Ngươi lội đi…
Bất Bình Thời Cuộc cười gượng:
– Chân không đụng đất là ta chìm liền…
Không nhịn được Đa Cùn Kiếm bật cười:
– Như vậy ta còn khá hơn ngươi. Thôi ta với ngươi kiếm chỗ kín đáo nghỉ mệt chờ khi nào chiếc thuyền di chuyển mình sẽ theo sau nó…
Trông thấy cạnh mé sông có một khóm cây cỏ um tùm Bất Bình Thời Cuộc lội tới. Hai nhân viên của đoàn do thám Thăng Long bò vào khóm cây ngồi chờ đợi.
*****
Đứng trên sàn thuyền Hữu Đại Khan nhìn đăm đăm vào trong bờ như ngóng chờ một điều gì. Thật lâu lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ mới quay sang hỏi vị trưởng ban tin tức của mình:
– Mấy giờ rồi?
Nhìn mặt sông rộng Áo Bạch Hoa hắng giọng:
– Trình thủ lĩnh… Mạt chức đoán khoảng cuối giờ dậu hoặc đầu giờ tuất…
Vừa lúc đó có tiếng mái chèo khuấy nước rồi trong bóng tối chập choạng hiện ra chiếc thuyền con. Thuyền cập vào và gã chèo thuyền tung mình nhảy lên sàn. Hữu Đại Khan không dấu được nét mừng rỡ khi nhận ra người thủ hạ tín cẩn của mình.
– Trình thủ lĩnh… Quan Bình Chương nói cho mạt chức biết là quân An Nam đã rút về cố thủ ở phòng tuyến cuối cùng. Ngài còn nói thêm là vòng vây của quân ta từ từ xiết chặc và địch quân sẽ phải rút lui chậm nhất vào trưa mai…
– Ngươi biết lão Trần Quốc Tuấn rút lui bằng đường thủy hay bộ?
Hữu Đại Khan lên tiếng hỏi và tên thủ hạ của lão trả lời ngay:
– Trình thủ lĩnh… Nhân viên của mạt chức đã tìm ra một chiếc thuyền lớn cắm sào tại Bãi Tân cách đây chừng hai chục dặm… Thủ lĩnh đoán lão họ Trần rút theo đường nào?
Trầm ngâm giây lát Hữu Đại Khan mới trả lời câu hỏi của thủ hạ:
– Quan Bình Chương và ta đều tiên đoán là lão Trần Quốc Tuấn sẽ rút lui bằng thuyền bởi vì nếu rút lui bằng đường bộ lão sợ lọt vào vòng binh phục của quân ta. Đi bằng thuyền vừa an toàn, dễ dàng và nhanh chóng hơn cho nên lão họ Trần thế nào cũng chọn đường thủy. Tuy nhiên ta cần ngươi xác định lại tin này…
Gã thủ hạ gật đầu nói nhanh:
– Mạt chức sẽ dùng phi tiễn báo tin cho thủ lĩnh chậm nhất sáng mai…
Mỉm cười tỏ vẻ hài lòng Hữu Đại Khan nói với gã thủ hạ tin cẩn của mình:
– Ngươi truyền lệnh của ta tới hai thuyền khác trực chỉ đến Bãi Tân…
– Mạt chức tuân lệnh…
Gã thủ hạ quăng mình xuống thuyền. Nhìn theo con thuyền mất hút trong bóng đêm thâm u, Hữu Đại Khan hỏi Áo Bạch Hoa:
– Ta có bao nhiêu nhân viên trên thuyền?
Áo Bạch Hoa trả lời không do dự:
– Trình thủ lĩnh… Mạt chức tuyển lựa được một trăm nhân viên xuất sắc nhất của ban tin tức. Ngoài ra toán thủy thủ chèo thuyền cũng có thể đánh nhau với địch…
– Tốt lắm… Bây giờ ngươi và thủ hạ chia nhau nghỉ ngơi…
Không nói lời nào Áo Bạch Hoa im lặng xuống hầm. Trên bong thuyền còn trơ lại Hữu Đại Khan đứng im lìm như pho tượng trong bóng đêm thâm u và huyền bí. Lão đứng như vậy suốt đêm không màng tới cơn gió mùa đông lạnh buốt thổi ù ù trên mặt sông mờ mờ sương. Lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ đứng chờ cho tới khi tiếng gà eo óc gáy. Đột nhiên một đường tên lửa từ trong bờ xẹt ra mà mục tiêu là cây cột lớn chính giữa thuyền. Đang đứng im như say ngủ, Hữu Đại Khan chợt mở mắt. Bằng thính lực tinh tường của một đại cao thủ giang hồ lão nghe được tiếng tên xé gió trong không khí. Ngay lúc đường tên lửa còn cách mục tiêu gang tấc thân ảnh lão thủ lĩnh đoàn do thám loáng động. Khi bóng ảnh tắt lịm Hữu Đại Khan cầm trong tay mũi tên dài thước rưởi. Một mảnh giấy trắng cuốn tròn nơi chính giữa. Nhẹ gở mảnh giấy lão thủ lĩnh đoàn do thám mỉm cười hài lòng khi thấy trên mảnh giấy trắng ghi vỏn vẹn hai chữ Bãi Tân. Tung mảnh giấy trắng lên không lão vung tay đánh dứ một đòn. Bụp… Mảnh giấy trắng nát vụn thành trăm ngàn mảnh bay lả tả trong gió sớm.
– Áo Bách Hoa…
Giọng nói trầm khàn vang lên và tên trưởng ban tin tức đoàn do thám Mông Cổ xuất hiện trên sàn thuyền.
– Trình thủ lĩnh… Mạt chức xin chờ lệnh…
Mắt không rời cảnh vật bên bờ sông Hữu Đại Khan cất giọng nghiêm lạnh:
– Ngươi cho thủ hạ sẵn sàng chờ lệnh ta…
Ánh mặt của lão thủ lĩnh đoàn do thám Nguyên triều sáng lên như có lửa cùng với giọng nói lạnh hơn sắt thép vang chầm chậm trong gió sớm:
– Lệnh của ta là bằng mọi giá phải hạ sát lão Trần Quốc Tuấn. Kẻ nào giết chết lão sẽ được phong chức vạn hộ hầu và được thưởng một ngàn lạng vàng…
– Mạt chức tuân lệnh thủ lĩnh…
Lệnh được truyền ra và nhân viên do thám im lìm chờ tới giờ hành động. Con thuyền lặng lẽ xuôi theo nước. Mặt trời từ từ nhô lên. Đột nhiên một tiếng nổ chuyển rung rừng núi rồi hàng ngàn, hàng vạn tiếng người la ngựa hí hòa lẫn trong tiếng đại pháo nổ rền trời đất. Nhìn thấy đoàn quân thiết kỵ đông mấy vạn người rùn rùn tiến về hướng ải Nội Bàng, Hữu Đại Khan vuốt râu cười khoái trá. Đúng theo kế hoạch được phác họa; quan bình chương A Lý Hải Nha đã phân binh sáu đạo mở đợt tấn công vào phòng tuyến cuối cùng của địch quân nơi Nội Bàng, cùng lúc cánh quân bộ sẽ khóa chặt con đường rút lui bằng đường bộ để buộc địch quân phải tháo chạy về mé sông và rút lui bằng thuyền. Nếu Trần Quốc Tuấn lên thuyền ở Bãi Tân tất nhiên phải lọt vào vòng phục binh của lão. Bắt sống hay giết chết vị tướng họ Trần là rút ngắn nửa đoạn đường chinh phạt An Nam của thiên triều. Lão trở thành kẻ lập đại công và có thể lui về an hưởng tuổi già trong vinh quang và chiến thắng.
Bất Bình Thời Cuộc vổ vai Đa Cùn Kiếm khi thấy chiếc thuyền lạ bắt đầu xuôi theo dòng nước về phía hạ lưu. Không chậm trễ hai người vội rời chỗ nấp. Biết tình thế cực kỳ khẩn trương và cấp bách do đó họ thi triển thuật phi hành chạy trên con đường đất dọc theo bờ sông. Khi tới ngã tư họ chợt nghe đại pháo, địa lôi nổ rền cùng với tiếng người la ngựa hí. Hàng vạn vạn người xuất hiện trên cánh đồng. Ngoái đầu nhìn về phía sau Đa Cùn Kiếm la làng khi thấy một đoàn quân thiết kỵ xuất hiện.
– Quân Mông Cổ… chạy…
Tiếng nói của Bất Bình Thời Cuộc chìm mất trong âm thanh của pháo nổ và người la ngựa hí.
– Chúng tấn công Nội Bàng… Ngươi chạy nhanh lên… Chúng ở sau lưng ta…
Triển hết công phu phi hành hai cao thủ nhất đẳng của giới giang hồ Đại Việt chạy đua với ngựa. Họ chạy trối chết bởi vì quân thiết kỵ của địch bám theo sau lưng. Không chạy họ sẽ bị hàng vạn con ngựa đạp nát như tương. Qua khỏi xóm nhà lá nửa dặm họ mới lơi bước khi thấy địch quân rẽ theo con đường dẫn về thôn Bình Nội. Đưa tay áo lau mồ hôi trán Đa Cùn Kiếm thở khì.
– Chiếc thuyền đâu rồi?
Bất Bình Thời Cuộc im lặng không trả lời dường như y đang bận hít thở để lấy lại hơi sức sau cuộc chạy đua với ngựa. Lát sau y mới đưa tay chỉ về hướng hạ lưu. Xa xa trên dòng sông xanh lơ chiếc thuyền lạ trôi theo con nước. Đa Cùn Kiếm lên tiếng:
– Ta đoán chiếc thuyền đó là thuyền của đoàn do thám Mông Cổ. Chỉ có nhân viên do thám mới dám đi lẻ tẻ và đi sâu vào địa phận của nước ta để dọ thám tin tức…
Bất Bình Thời Cuộc chép miệng:
– Ngươi đoán có khi đúng… Tuy ta không biết nó định đi đâu và làm gì nhưng có mặt ở vùng Na Ngạn, Phượng Sơn trong lúc này tất phải có lý do đặc biệt. Không chừng nó có dính líu tới chuyện quân Mông Cổ tiến đánh Nội Bàng…
Đa Cùn Kiếm chợt lên tiếng:
– Có tiếng chân người…
Bất Bình Thời Cuộc cũng gật đầu như đã nghe tiếng chân chạy trên mặt đường.
– Tại sao chỉ có một người…
Đa Cùn Kiếm lên tiếng trong lúc nấp vào gốc cây bên đường. Lát sau họ trông thấy một bóng người chạy tới. Bất Bình Thời Cuộc nói lớn:
– Vũ Bạch… Ta tưởng y về Thăng Long rồi…
Đa Cùn Kiếm và Bất Bình Thời Cuộc bước ra đường. Trông thấy hai người, Mai Côn Vũ Bạch mừng rỡ nói nhanh:
– Tôi tìm nhị vị khắp nơi mà không thấy tăm hơi…
Bất Bình Thời Cuộc cười nhẹ:
– Ta tưởng Vũ thế huynh theo Lê trưởng ban về Thăng Long rồi…
Vũ Bạch lắc đầu thở dài:
– Tôi nợ Sát thủ lĩnh cái ân cứu tử cho nên không thể nào bỏ người trong nguy hiểm. Do đó tôi xin phép Lê trưởng ban ở lại Na Ngạn để tìm kiếm Sát thủ lĩnh. Nhị vị chắc không biết tin quân Mông Cổ đã phá thủng phòng tuyến cuối cùng của quân ta ở Nội Bàng rồi. Giờ này chắc quan tiết chế đang trên đường rút về Vạn Kiếp…
Bất Bình Thời Cuộc lên tiếng hỏi Vũ Bạch:
– Vũ thế huynh biết quan tiết chế rút về Vạn Kiếp bằng đường bộ hay đường thủy?
Ngần ngừ giây lát Vũ Bạch mới trả lời:
– Điều này tôi không biết rõ lắm. Hôm qua trò chuyện với Dã Tượng…
– Dã Tượng là ai?
Đa Cùn Kiếm hỏi và Vũ Bạch đáp nhanh:
– Dã Tượng với Yết Kiêu là hai gia nô trung thành của quan tiết chế. Dã Tượng có nói với tôi nếu Nội Bàng bị thất thủ quan tiết chế sẽ lui binh về giữ Vạn Kiếp và Phả Lại. Ý của quan tiết chế là muốn đi cùng với quân sĩ bằng đường bộ song Dã Tượng khuyên ngài nên dùng dường thủy vừa dễ dàng, an toàn và nhanh chóng hơn. Y nói là Yết Kiêu đã neo thuyền ở Bãi Tân để đón quan tiết chế…
Bất Bình Thời Cuộc ngắt lời của Vũ Bạch:
– Bãi Tân ở đâu?
Giơ tay chỉ về hướng tây nam Vũ Bạch cười đáp:
– Cách đây chừng ba bốn dặm đường. Chúng ta mau rời khỏi nơi này chậm trễ ta sẽ bị giặc bắt…
Đa Cùn Kiếm băng mình chạy trước. Vũ Bạch và Bất Bình Thời Cuộc theo sau cách một bước. Vừa chạy vừa quay đầu lại họ trông thấy bóng cờ bay phất phới, người ngựa xuất hiện trùng điệp trên cánh đồng cỏ. Cắm đầu chạy một mạch hơn ba bốn dặm đường Vũ Bạch nói trong tiếng thở gấp:
– Có chiếc thuyền lớn đằng kia. Chắc là thuyền của Yết Kiêu?
Ba người dừng lại trên bờ nơi có chiếc thuyền lớn cắm sào. Trên thuyền quân sĩ cầm vũ khí đứng canh gác. Vũ Bạch hò lớn:
– Ai là Yết Kiêu?
Một người đàn ông trung niên xuất hiện nơi mũi thuyền. Quan sát ba người lạ xong y hắng giọng:
– Tôi là Yết Kiêu. Ba vị là ai?
Vũ Bạch đáp nhanh:
– Tôi tên là Vũ Bạch, còn hai vị này tên là Bất Bình Thời Cuộc và Đa Cùn Kiếm. Ba chúng tôi là nhân viên của đoàn do thám Thăng Long.
– Ạ…
Yết Kiêu ạ tiếng nhỏ đoạn hỏi lớn:
– Ba vị có gì làm bằng?
Hiểu ý Vũ Bạch ném lên thuyền miếng tín bài chứng tỏ y là nhân viên của đoàn do thám Thăng Long. Ngắm nghía miếng tín bài rồi Yết Kiêu lại lên tiếng hỏi:
– Ba vị muốn gì?
Liếc nhanh Vũ Bạch, Bất Bình Thời Cuộc cao giọng:
– Ba chúng tôi chỉ muốn hỏi huynh đài là quan tiết chế rút về Vạn Kiếp bằng đường bộ hay bằng thuyền?
Vầng trán của gã gia nô nhăn lại ra chiều suy nghĩ. Lát sau y mới nhẹ giọng đáp:
– Thật tình tôi không biết quan tiết chế sẽ rút lui bằng đường bộ hay đường thủy. Tôi chỉ được lệnh cắm sào ở đây để chờ đợi…
Ngừng lại giây lát y cười tiếp:
– Tôi và Dã Tượng có nêu ý kiến khuyên ngài nên dùng thuyền vừa an toàn, dễ dàng và nhanh chóng hơn nhưng quyết định ở quan tiết chế. Ba vị nên rời khỏi đây càng sớm càng tốt. Còn nếu ba vị muốn lên thuyền thời Yết Kiêu tôi không nề hà chuyện đó…
Bất Bình Thời Cuộc tung mình lên thuyền trước rồi Vũ Bạch và Đa Cùn Kiếm cũng nhảy lên theo. Đứng trên sàn thuyền Bất Bình Thời Cuộc thong thả kể cho Yết Kiêu nghe về việc y và Đa Cùn Kiếm theo dõi chiếc thuyền lạ của đoàn do thám Mông Cổ đang có mặt trên sông Trú Hữu. Nghe xong Yết Kiêu lộ vẻ lo âu. Trông lên bờ thấy một toán quân vừa đánh vừa lùi dần ra mé sông y hét lớn:
– Cập bờ… Quan tiết chế tới…
Đứng nơi mũi thuyền Bất Bình Thời Cuộc trông thấy một đạo quân thiết kỵ xuất hiện xa xa nơi khúc quanh. Cuộc hổn chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Tên bay như mưa rào. Tiếng người la hét. Thây người chết nằm chật đất. Quân bộ và kỵ của Mông Cổ truy đuổi ráo riết để bắt sống chủ tướng của địch quân trong lúc quân Đại Việt cố gắng cầm cự để bảo vệ và hộ tống chủ tướng rút lui.
Chiếc thuyền cặm sào ở một khúc quanh vắng vẻ. Hữu Đại Khan đứng im trên sàn thuyền. Ánh mắt sáng rực của lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ đóng đinh vào chiếc thuyền lớn của thủy quân Đại Việt đang cắm sào cách chỗ lão đứng không đầy nửa dặm đường. Tin tức do thủ hạ báo cáo khiến lão ước đoán chiếc thuyền lớn này có nhiệm vụ rước Trần Quốc Tuấn. Vuốt râu mỉm cười lão liếc nhìn lá cờ bay phần phật trong gió. Với buồm no gió cộng thêm sức của mấy chục tay chèo lão có thể chận bắt kẻ địch không mấy khó khăn. Hữu Đại Khan nghe tiếng hò la xen lẫn với tiếng ngựa hí càng lúc càng rõ dần rồi bóng người xuất hiện nơi bờ sông. Lát sau chiếc thuyền lớn từ từ tách bến.
– Đi…
Nghe giọng nói uy nghi trầm lạnh của thủ lĩnh, Áo Bạch Hoa phất tay ra lệnh. Buồm được kéo lên. Tiếng mái chèo khuấy nước. Chiếc thuyền với mũi nhọn bọc sắt nhắm hướng thuyền địch phóng tới như bay. Biết chuyện bắt sống một viên đại tướng như Trần Quốc Tuấn vô cùng khó khăn do đó Hữu Đại Khan đã âm thầm phác họa một kế hoạch nếu không bắt sống thời cũng có thể giết chết được vị đại tướng của Trần triều. Cách giản tiện nhất là đánh chìm thuyền của địch. Vì vậy lão mới ra lệnh cho thủ hạ thân tín đâm ngay vào hông thuyền địch. Buồm căng gió cộng thêm sức nước chảy và sức đẩy của mấy chục tay chèo khiến cho chiếc thuyền Mông Cổ chớp mắt chỉ còn cách thuyền địch mấy chục trượng.
– Thuyền Mông Cổ…
Bất Bình Thời Cuộc la thất thanh khi nhận ra chiếc thuyền lạ đang lao tới thuyền của mình. Chiếc đại thuyền của thủy quân Đại Việt nặng nề, to lớn thêm chở nặng do đó xoay trở chậm chạp và khó khăn. Thủy thủ la hét ầm ỉ khi thấy chiếc thuyền lạ với mũi bọc sắt sắp sửa đâm vào hông thuyền của mình.
– Tiến vào bờ…
– Lùi ra giữa sông…
Chậm mất rồi. Viễn tượng chìm thuyền mà mình không biết lội khiến cho Đa Cùn Kiếm, Bất Bình Thời Cuộc sợ hãi nhưng không có cách nào đối phó. Chiếc thuyền lạ tựa như mũi tên khổng lồ chỉ còn cách mục tiêu mấy chục trượng. Tên bay như mưa rào. Một vài người trên chiếc đại thuyền bị trúng tên rơi xuống nước. Bất Bình Thời Cuộc thấy rõ nhân viên do thám tay đao tay kiếm đứng đầy trên sàn thuyền chực chờ tấn công khi có lệnh.
– Tấn công…
Tiếng hét của Hữu Đại Khan vang lên cùng với tiếng la hét và hò reo của thủ hạ. Bỗng nhiên con thuyền chợt đổi hướng nhắm vào bờ sông phóng tới như bay. Sự đổi hướng một cách đột ngột này khiến cho con thuyền nghiêng về một bên đồng thời đẩy dạt đám nhân viên do thám Mông Cổ vào góc thuyền. Nhiều tên bị mất thăng bằng rơi xuống nước kêu la om xòm. Chân bám cứng trên sàn thuyền, Hữu Đại Khan giật mình không biết chuyện gì xảy ra. Chưa có hành động nào chợt nghe tiếng hú nổi lên lồng lộng không gian, lão biết ngay địch thủ của mình là ai rồi. Phần Áo Bạch Hoa và thủ hạ trợn mắt nhìn gã cướp biển đang đứng cầm bánh lái điều khiển chiếc thuyền. Dưới chân gã hải tặc, tên tài công của họ nằm chết gục trên sàn thuyền. Mình trần, chân không, mặc chiếc quần cụt ngang đùi, vai đeo thanh cổ kiếm, bên hông dắt thêm mấy lưỡi đoản kiếm đen tuyền; thanh niên trông giống như tên hải tặc ngang tàng và ngạo nghễ thường xuất hiện trong các chuyện cướp biển hoang đường.
– Bắt hắn cho ta…
Hữu Đại Khan hét lớn. Tuân lệnh thủ lĩnh đám nhân viên do thám ùa tới. Gã thanh niên mình trần lao người vào đám đông. Rẹt… rẹt… Ánh kiếm chớp ngời. Máu bắn tứ tung. Tiếng người la hét. Từng thây người gục chết trên sàn thuyền. Hữu Đại Khan chuyển bộ. Lão biết nếu không lâm chiến thủ hạ sẽ chết hết bởi tay kẻ thù không đội trời chung. Còn cách ba bước lão vổ liền một chưởng. Đòn ra chưa dứt lão thoáng thấy ánh kiếm chớp chớp cùng với lưỡi kiếm lấp lánh ánh ngũ sắc vớt vào cánh tay của mình. Kinh hoàng lão tức tốc hồi bộ bước dài. Quắc mắt nhìn đối phương, lão gằn giọng:
– Sát Ác Nhân Chủ Tiệm… Ngươi cùn đường rồi…
Liếc một vòng mấy chục người đang bao vây lấy mình, vị minh chủ của giới giang hồ đồng thời là thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt bật tiếng cười ngạo nghễ:
– Ta cùn đường không chưa biết mà các hạ chắc chắn sẽ mạt lộ. Sang Đại Việt lần này các hạ dấn thân vào đất chết…
Lồng trong tiếng cuối cùng vị thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt động thủ. Dịch bộ sang tả nửa bước y thi triển hai chiêu trong công phu bí truyền của sư môn tấn công hai địch thủ đứng gần nhất. Tay tả y xử một đòn triệt thủ với bàn tay cứng hơn sắt tôi chém sả tới người trong lúc bàn tay hữu đâm ngược kiếm về sau. Trúng hai chiêu độc hại hai nhân viên do thám Mông Cổ gục chết không kêu được tiếng nào. Hữu Đại Khan vừa giận vừa sợ. Từng đụng nhau một lần tại ải Chi Lăng, lão biết địch thủ tuy trẻ tuổi nhưng tôi luyện được thân vũ thuật trùm thiên hạ. Tuy nhiên lão không ngờ dù đứng giữa vòng vây mấy chục người, đối thủ lại có khả năng giết người dễ dàng và nhanh chóng.
– Áo Bạch Hoa… Ngươi chỉ huy thủ hạ đuổi theo thuyền giặc còn việc ở đây để mặc ta đối phó…
Tuân lệnh Áo Bạch Hoa điều động thủy thủ lùi thuyền ra giữa sông và đuổi theo chiếc thuyền của thủy quân Đại Việt đang xuôi dòng về hạ lưu. Trên sân thuyền rộng còn trơ lại hai địch thủ đang ghìm nhau từng thế thức. Tuy nhiên trước khi giao đấu cả hai thầm suy tính lợi hại. Hữu Đại Khan biết kế hoạch ám sát vị tướng chỉ huy binh đội Trần triều đã hỏng trong giai đoạn đầu. Muốn chuyển bại thành thắng lão phải thay đổi cách thức. Thứ nhất phải cầm chân Sát Ác Nhân Chủ Tiệm không cho y phá rối. Thứ nhì huy động thủ hạ truy đuổi theo chiếc thuyền của thủy quân Đại Việt. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cũng thầm tính toán. Biết kẻ địch người đông thế mạnh do đó y không muốn tử chiến mà chỉ muốn phá rối, ngăn cản rồi thoát thân. Y cũng biết Hữu Đại Khan sẽ dùng đủ mọi cách để cầm giữ mình vì vậy âm thầm vận dụng nội lực chờ cơ hội đào tẩu.
Liếc thấy thuyền của mình chỉ còn cách thuyền địch mấy chục trượng Hữu Đại Khan động thủ. Đạp bộ nửa bước lão vung tay chém dứ một đòn. Đối phương vừa xuất chiêu Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cảm thấy luồng kình phong mạnh mẽ lốc tới người. Giật mình trước kình lực hung hãn cũng như chiêu thức dữ dằn, vị thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt dịch bộ tránh đòn. Sở dĩ y không muốn trực diện giao đấu vì có thâm ý riêng. Thoáng thấy kẻ địch chuyển bộ để tránh đòn của mình, Hữu Đại Khan cũng tạt bộ cùng lúc bàn tay tả khép lại thẳng băng đâm vào ngực còn bàn tay hữu mở thành chưởng vỗ vào hông địch thủ. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm sớm nhận ra điểm tân kỳ và đặc dị trong chiêu thức của lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ. Chưởng lực âm hàn lạnh buốt trong khi kình phong toát ra từ đòn triệt thủ nóng hừng hực như có lửa. Một cương một nhu, một nóng một lạnh, hai đòn của Hữu Đại Khan dồn ép địch thủ phải hoàn thủ vì kình phong tỏa ra rộng tới mấy trượng. Trái với dự đoán của lão, Sát Ác Nhân Chủ Tiệm hồi bộ một bước thật dài.
– Chạy đi đâu…
Lão thủ lĩnh đoàn do thám chuyển mình. Rẹt… Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ vừa bật lên, Hữu Đại Khan thấy mũi kiếm đen xì và nhọn hoắt chờn vờn nơi huyệt nhũ căn của mình. Kinh hoàng lão tức tốc giải chiêu. Từ triệt thủ lão đổi liền sang cầm nã thủ bấu vào hông trong lúc chưởng biến thành trảo móc vào cổ tay cầm kiếm của địch thủ. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm chợt gióng lên tràng cười lồng lộng không gian cùng với chiêu thức biến đổi mà không một ai có thể lường được ngay cả một kẻ già dặn, từng trải và nhiều kinh nghiệm giao tranh như Hữu Đại Khan. Lồng trong tiếng cười như xói vào tai mọi người, Sát Ác Nhân Chủ Tiệm tạt bộ sang tả một bước thật dài đoạn vung kiếm chém sả vào cây cột buồm ngay chính giữa thuyền. Rẻng… Âm thanh vang chát chúa. Báu kiếm cộng thêm kình lực khủng khiếp của vị minh chủ giang hồ chém cột buồm đứt hơn phân nửa. Chưa hết… Chém xong y tung cước đá một đòn cật lực. Không chịu nổi nhát chém và cước lực khủng khiếp, cây cột buồm to lớn kêu răng rắc rồi lung lay muốn ngã. Trông thấy cây cột buồm sắp ngã thủy thủ trên thuyền sợ hãi kêu la ầm ỉ chạy tán loạn lo tìm chỗ nấp. Ầm… Thân cột bườm to lớn ngã xuống làm cho con thuyền chòng chành muốn lật. Hữu Đại Khan giận điên người vì bất lực trước đột biến này. Ba động tác tạt bộ, vung kiếm chém xong đá vào cột buồm của Sát Ác Nhân Chủ Tiệm quá nhanh cho nên lão không tài nào ngăn chặn được.
– Lão có giỏi xuống nước đấu với ta trăm chiêu…
Chỉ bằng ba bước nhảy Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đứng chênh vênh nơi mạn thuyền. Buông tiếng cười ngạo nghễ y lao mình xuống nước mất tăm dạng. Hữu Đại Khan hét lớn:
– Đuổi theo thuyền giặc…
Dứt lời lão lao mình tới chỗ cây cột buồm ngã nằm trên sàn thuyền. Chụp lấy thanh đoản đao của thủ hạ lão chém một nhát đứt tiện cây cột buồm thành hai đoạn. Hò hét thủ hạ hợp sức quăng hai đoạn cột buồm xuống nước, lão thúc hối thủy thủ chèo thật nhanh hầu bắt kịp chiếc đại thuyền của thủy quân Đại Việt đang rút chạy về Vạn Kiếp.
Tiết Chế Trần Quốc Tuấn đứng im nơi mũi thuyền. Sau lưng ông ta là Yết Kiêu, Dã Tượng, Bất Bình Thời Cuộc, Đa Cùn Kiếm và Vũ Bạch. Dù xuôi nước, dù buồm no gió và được đẩy bởi mấy chục tay chèo song chiếc đại thuyền nặng nề và cồng kềnh vẫn chầm chậm lướt trên mặt nước.
– Thuyền của địch sắp bắt kịp ta…
Đa Cùn Kiếm nói lớn khi thấy chiếc thuyền của đoàn do thám Mông Cổ vùn vụt tiến tới. Thoáng chốc hai chiếc thuyền chỉ còn cách nhau vài trăm trượng. Viên tướng chỉ huy đám hộ vệ quân ra lệnh cho quân sĩ sẵn sàng đánh nhau với địch. Sau khi đi vào địa phận huyện Cỗ Dũng, dòng sông Trú Hữu trở nên quanh co và khúc khuỷu khiến cho chiếc thuyền của thủy quân Đại Việt phải giảm bớt tốc lực. Nếu không nhờ tài công quen đường thuộc lối thời nó đã đâm vào bờ mấy lần rồi. Tuy nhiên vì phải giảm tốc lực nên lát sau khoảng cách của hai bên càng lúc càng gần hơn. Bất Bình Thời Cuộc lẩm bẩm những gì không ai nghe rõ khi thấy nhân viên do thám Mông Cổ hò hét om xòm. Tên bay vun vút. Đám hộ vệ quân phải đưa khiên mây lên che chở cho chủ tướng. Đa Cùn Kiếm liếc nhanh vị tiết chế họ Trần. Y thấy ông ta vẫn giữ được vẻ bình thản dù tình thế mỗi lúc thêm khẩn trương và ngặt nghèo.
– Trần Quốc Tuấn… Hữu Đại Khan ta là thủ lĩnh đoàn do thám thiên triều. Ngươi chạy lên trời mới thoát khỏi tay ta…hà…hà…hà…
Lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ đã phổ kình lực vào khiến câu nói vang rền trên mặt sông rộng. Bất Bình Thời Cuộc, Đa Cùn Kiếm và Vũ Bạch nặng mặt khi nghe kẻ thù xưng danh tánh. Qua sự tường thuật của các nhân viên do thám Tống triều sang nương náu ở Đại Việt; nhân viên do thám Thăng Long biết một cách khá tường tận về nền vũ thuật đặc thù của Mông Cổ cũng như bản lĩnh của các nhân viên đầu não. Hôm nay trong tình thế cực kỳ hiểm nguy họ lại chạm trán với nhân vật đứng đầu của đoàn do thám địch. Bất Bình Thời Cuộc hắng giọng:
– Để ta tiếp lão vài chiêu…
Thuyền vừa qua khỏi xã Hành Quán thuộc huyện Cỗ Dũng chợt có hai chiếc thuyền từ trong bờ phóng ra chận đường. Hai chiếc thuyền này hao hao giống với thuyền của lão Hữu Đại Khan.
– Bốn mặt bao vây… Ta cùn đường rồi…
Đa Cùn Kiếm la nho nhỏ khi thấy từ dưới hạ lưu năm chiếc thuyền thon dài không có buồm song song ngược nước tiến lên. Quân do thám Mông Cổ hò reo khi hai thuyền còn cách nhau mấy tầm. Rút kinh nghiệm lần trước nên lần này chính Áo Bạch Hoa cầm lấy tay lái còn Hữu Đại Khan đứng cạnh đề phòng sự phá rối của Sát Ác Nhân Chủ Tiệm. Con thuyền với mũi nhọn bọc sắt của lão như mũi tên không lồ nhắm ngay hông thuyền địch lao tới như bay. Mắt ngời hung quang lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ hét lớn:
– Tử chiến…
Được lịnh chủ tướng nhân viên do thám Mông Cổ hò hét đồng thời rút vũ khí cầm tay và sẵn sàng nhảy qua thuyền địch. Ngay lúc còn cách thuyền địch mấy tầm thời thuyền Mông Cổ bỗng nhiên đổi hướng cùng với tiếng la thất thanh của Áo Bạch Hoa vang lên:
– Thủ lĩnh… bánh lái hư rồi… bánh lái hỏng rồi…
Hữu Đại Khan nghiến răng kèn kẹt khi thấy con thuyền của mình mất phương hướng xoay vòng vòng trên dòng sông rộng trong lúc thuyền của thủy quân Đại Việt nương con nước ròng xuôi về hạ lưu. Một tiếng hú chợt nổi lên lồng lộng không gian. Áo Bạch Hoa và nhân viên dưới quyền trợn mắt trước cảnh tượng lạ kỳ lần đầu tiên mới chứng kiến. Gã hải tặc mình trần, mặc quần cụt, vai đeo thanh cỗ kiếm lướt như bay trên mặt sông gờn gợn sóng.
Hữu Đại Khan gầm gừ trong cổ họng:
– Sát Ác Nhân Chủ Tiệm… Ta vặn cổ ngươi…
Nói thì nói vậy cho hả giận nhưng lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ cũng biết mình bất lực trong hoàn cảnh này. Vốn sinh trưởng ở vùng sa mạc hoang vu, lão đâu có rành lặn lội và đánh nhau ở dưới nước như kẻ địch. Bây giờ lão và Áo Bạch Hoa mới biết chính cái gã Sát Ác Nhân Chủ Tiệm đã phá hủy bánh lái khiến cho chúng không còn điều khiển con thuyền theo ý muốn được.
Nghe tiếng hú và bóng người xuất hiện trên mặt nước Vũ Bạch bật kêu mừng rỡ:
– Sát thủ lĩnh… Sát thủ lĩnh…
Quan Tiết Chế Trần Quốc Tuấn quay qua hỏi Dã Tượng và Yết Kiêu:
– Sát thủ lĩnh… Có phải là…
Yết Kiêu trả lời thật nhanh:
– Thưa tướng công… Y là Sát phò mã, chồng hụt của công chúa Hà Phương…
Trần Quốc Tuấn gật gù cười:
– Ạ… Ta có nghe thượng hoàng nhắc tới Sát phò mã đôi lần… Nếu không có y chắc chúng ta phải một phen vất vả…
Nhìn đăm đăm Sát Ác Nhân Chủ Tiệm lướt như bay trên mặt nước, Yết Kiêu hỏi Bất Bình Thời Cuộc:
– Có phải đó là công phu đăng bình độ thủy không Bất đại hiệp?
Nhẹ lắc đầu, Bất Bình Thời Cuộc giải thích:
– Đó là đạp thủy công, thứ khinh công thượng thừa dùng để đi trên nước. Nó còn cao hơn công phu đăng bình độ thủy một bậc vì không nhờ vào điểm tựa nào để nổi trên mặt nước. Trong giới giang hồ nước ta hiếm có người luyện được công phu đạp thủy…
Nhìn đăm đăm năm chiếc thuyền từ hạ lưu ngược nước đi lên Dã Tượng lên tiếng:
– Thuyền đó không phải của Mông Cổ…
Bất Bình Thời Cuộc gật đầu phụ họa:
– Dã huynh nói đúng. Dường như là…
Vừa lúc đó một giọng nói hùng tráng vang rền mặt sông bao la:
– Hữu Đại Khan… Các hạ đặt chân lên sông nước Đại Việt mà Tam Bộ Độ Giang ta không được thông báo trước để tiếp nghinh. Nếu có dịp gặp lại ta sẽ mời các hạ một trăm chiêu để tạ lỗi…
Nét mặt của Bất Bình Thời Cuộc và Đa Cùn Kiếm lộ vẻ hớn hở khi nghe nói tới bốn tiếng Tam Bộ Độ Giang. Vũ Bạch thở phào lẩm bẩm:
– Tam Bộ Độ Giang… Mình vững bụng rồi…
Đứng trên thuyền mọi người thấy rõ Tam Bộ Độ Giang phất tay làm hiệu. Bốn chiếc thuyền nhỏ của y lập tức tách thành hai toán chặn đầu hai thuyền của địch vừa xuất hiện, còn chiếc thuyền chở vị chúa tể thủy khấu chợt đổi hướng đón đầu Sát Ác Nhân Chủ Tiệm.
– Sát thủ lĩnh… Tôi biết tin hơi chậm…
Vị thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt cười ha hả:
– Tam huynh tới đúng lúc… Tôi mệt rồi nên việc ở đây nhờ huynh xử lý…
Tam Bộ Độ Giang cười hà hà:
– Mời Sát thủ lĩnh lên thuyền uống chén rượu giải lao. Mọi việc sẽ có thủ hạ của tôi lo lắng…
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm tung mình lên thuyền. Chân vừa chạm sàn thuyền y nói liền:
– Chúng ta cần trở lại tổng đàn để tìm cách ngăn chận lão Hữu Đại Khan cùng nhân viên xâm nhập vào thành Thăng Long…
Chiếc thuyền chợt đổi hướng lao vút theo sau chiếc đại thuyền của thủy quân Đại Việt xuôi về hạ lưu.Trong lúc thay quần áo Sát Ác Nhân Chủ Tiệm từ từ kể lại cho Tam Bộ Độ Giang nghe mọi chuyện đã xảy ra.
30
Kẻ cắp gặp bà già
Buổi họp xảy ra vào lúc mọi người sửa soạn nghỉ ngơi. Cuối giờ hợi lính hầu gõ cửa phòng tất cả nhân viên thuộc bốn ban của đoàn do thám. Hà Phương mỉm cười khi thấy mọi người tề tựu đông đủ. Nhấp ngụm nước lạnh nàng cất giọng thánh thót:
– Tiểu muội được nhân viên báo cáo nhiều tin tức bất lợi. Quân Mông Cổ cùng lúc tiến đánh các ải Chi Lăng, Thiết Lược, Vĩnh Châu và Nội Bàng. Riêng phần ải Nội Bàng, nơi đóng quân của quan Tiết Chế Trần Quốc Tuấn đang phải vất vả chống trả lại sự tấn công dữ dội và ác liệt của sáu đạo quân bộ và quân kỵ của Mông Cổ…
Hà Phương ngừng lời nhìn mọi người. Dù nàng cười nhưng ai ai cũng nhận thấy nét ưu tư thấp thoáng trên nét mặt của nàng.
– Liệu quân ta giữ được Nội Bàng không Hà hiền muội?
Tây Hồ Cỗ Kiếm, trang chủ của Tây Hồ gia trang nơi hồ Lãng Bạc lên tiếng hỏi. Trầm ngâm giây lát Hà Phương mới từ từ đáp:
– Theo thiển kiến của tiểu muội thời quân ta sẽ bỏ Nội Bàng vì nhiều lý do. Thứ nhất quân ta không đủ sức để giữ vững cửa ải quan trọng này dưới sự tấn công dữ dội của địch. Biết không giữ được mà lại cố gắng giữ để hao binh tổn tướng thời một vị tướng quyền biến như quan tiết chế Trần Quốc Tuấn tất nhiên sẽ không làm. Bỏ Nội Bàng không có nghĩa là bại trận mà chỉ tạm thời né tránh mũi nhọn đồng thời nhử địch tiến sâu vào đất của ta khiến cho chúng phải giao tranh trên vùng đất xa lạ về địa hình và địa vật…
– Nói như hiền muội thời quân ta phải rút khỏi Nội Bàng?
Hà Phương cười nhẹ khi nghe câu hỏi của Thiên Lôi Thủ Đinh Văn.
– Đinh huynh nên nhớ đây ý kiến của tiểu muội còn quyết định của quan Tiết Chế ra sao tiểu muội không dám luận bàn. Ông ta là một vị tướng tài ba hơn nữa lại ở tại trận tiền cho nên có thể sẽ nghĩ khác với tiểu muội…
Nhìn một vòng mọi người ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật, nàng thong thả tiếp:
– Sở dĩ tiểu muội mở cuộc họp trong lúc đêm hôm khuya khoắt như vầy vì một chuyện quan trọng và cấp bách. Đó là chuyện di chuyển kho tàng hoàng gia ra khỏi Thăng Long rồi đem chôn dấu ở một nơi bí mật. Đoàn do thám của chúng ta được giao phó công tác này. Bảo khố của hoàng gia tàng trữ vô số ngọc ngà châu báu, vàng bạc và sách vở quí giá…
Đông Hải Kiếm Nguyễn Long, tân trang chủ của Duyên Hải Trang ngắt lời Hà Phương:
– Di chuyển một kho tàng quí giá và khổng lồ như thế ta e quân Mông Cổ sẽ hay biết…
Hà Phương mỉm cười:
– Tiểu muội cũng đã nghĩ tới điều đó. Nguyễn huynh xuất thân từ đông hải chắc biết câu cá?
Mọi người nhìn nhau. Không ai hiểu tại sao Hà Phương lại hỏi một câu như vậy. Chuyện chôn dấu kho tàng có liên quan gì tới chuyện Nguyễn Long câu cá. Dường như biết mọi người thắc mắc về câu hỏi của mình, Hà Phương lên tiếng giải thích một cách vắn tắt:
– Chuyện câu cá thành tựu phải hội đủ ba yếu tố là người câu cá, mồi câu cá và con cá. Ngư ông là đoàn do thám của chúng ta, mồi câu cá là bảo khố của hoàng gia và con cá bị câu chính là đoàn do thám Mông Cổ. Bởi lẽ đó mà tiểu muội sẽ cố tình để lộ tin tức cho địch biết đồng thời lập kế hoạch nhử con cá Mông Cổ bị mắc câu…
Nghe xong mọi người cười vui vẻ. Thiên Lôi Thủ Đinh Văn hắng giọng hỏi:
– Hiền muội không sợ kho tàng lọt vào tay giặc?
Hà Phương cười nhẹ trả lời câu hỏi của vị trang chủ Đinh gia trang:
– Kho tàng sẽ được bảo vệ bởi các cao thủ nhất đẳng của giới giang hồ Đại Việt. Để kho tàng bị lọt vào tay giặc là chư huynh sẽ bị mọi người đàm tiếu và đồng đạo giang hồ của lân bang cười chê…
Nét mặt của mọi người trong phòng hội tỏ vẻ nghiêm trọng sau khi nghe Hà Phương nói câu trên.
– Từ lâu chư huynh mong có dịp may so tài với đoàn do thám Mông Cổ thời bây giờ dịp may đã tới. Tiêu diệt được nhân viên do thám địch xâm nhập sâu vào trong đất nhà là chúng ta có thể che tai bịt mắt được Thoát Hoan…
Hướng về Diệu Thư Sinh đang ngồi nơi ghế chủ vị, Hà Phương tiếp nhanh:
– Cuộc di chuyển và chôn dấu kho tàng hoàng gia được đặt dưới quyền chỉ huy của nội tổ của tiểu muội với hai vị đệ nhất và đệ nhị phó thủ lĩnh là Lê Bách Chiến và Trần Gia Mạnh. Sau đây tôi xin nhường lời cho nội tổ…
Nhìn một vòng mấy chục cao thủ trẻ tuổi, Diệu Thư Sinh hắng giọng:
– Trước nhất lão phu xin nói sơ về cách thức di chuyển và chôn dấu kho tàng. Ta sẽ dùng ngựa để chở báu vật…
– Thưa Diệu tiền bối…Tiền bối định chôn dấu kho tàng ở đâu?
Hớp ngụm nước trà nóng xong Diệu Thư Sinh mới trả lời câu hỏi của Tây Roi Hồ Dũng, tân trang chủ của Mộc Châu trang:
– Vì tình thế khẩn trương và cấp bách nên lão phu định chôn dấu kho tàng trong vùng Tản Viên sơn. Kho tàng của nước ta được lão phu chia làm ba loại là cực quí, quí và tầm thường. Các báu vật sẽ được bảo vệ tùy theo giá trị của nó. Để phòng ngừa chuyện bị địch chiếm đoạt các báu vật quí và cực quí đều được tẩm độc. Bất cứ ai đụng tới là chết…
Diệu Thư Sinh nhấn mạnh bốn chữ “đụng tới là chết” như để cảnh cáo mọi người.
– Không phải lão phu không tin tưởng chư vị song đó là cách duy nhất để ngăn chặn báu vật lọt vào tay của giặc. Xin nhắc cho chư vị biết là chất độc được thoa lên các báu vật cực quí là thứ chất độc không có thuốc chữa trị. Chỉ cần đụng vào là thất khiếu rỉ máu và chết không kịp ngáp…
Mọi người im lìm trước lời cảnh cáo của Diệu Thư Sinh. Họ biết đó không phải là lời hăm dọa xuông bởi vì ông ta thành danh trong giang hồ mấy chục năm về thuật dụng độc cùng chế tạo các cạm bẩy và máy móc giết người.
– Sáng mai lão phu và Trần phó thủ lĩnh sẽ điều động nhân viên tới Tản Viên để tìm kiếm và sửa soạn chỗ chôn dấu trước. Phần đoàn xe chở kho tàng sẽ khởi hành vào sáng mốt dưới sự chỉ huy của Lê phó thủ lĩnh. Bây giờ lão phu xin mời Lê phó thủ lĩnh trình bày chi tiết về sự di chuyển kho tàng…
Nhìn một vòng người trong phòng hội Lê Bách Chiến trầm giọng:
– Để dễ dàng và thuận tiện cho việc bảo vệ, đoàn xe mười chiếc được chia thành ba nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất đi đầu có ba chiếc chở báu vật cực quí. Nhóm thứ nhì cũng có ba chiếc đi chính giữa chở vật quí ngoài ra nhóm thứ ba chở vàng bạc và các vật cồng kềnh. Mười hai vị tân trang chủ của Thập Nhị Hiền Trang được chọn lựa để bảo vệ đoàn xe. Ngoài ra các vị chưởng môn của phái Cổ Loa, Tướng Quốc, Thảo Đường và nhiều môn phái khác cũng được chọn lựa bảo vệ ngầm bằng cách ngồi trong xe…
Mọi người đều nhận thấy điểm đặc biệt là Hà Phương hoặc Diệu Thư Sinh đã chọn mười hai vị tân trang chủ của mười hai đại trang tăm tiếng để nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc di chuyển và chôn dấu kho tàng. Mười hai vị trang chủ trẻ tuổi này đa số mới vừa nhậm chức trang chủ tháng rồi mà người già nhất chưa tới bốn mươi tuổi.
Giọng nói của Lê Bách Chiến vang đều đều trong căn phòng hội im lìm:
– Mỗi chiếc xe còn được mười nhân viên do thám bảo vệ ngầm. Họ sẽ xuất hiện để giúp đỡ chư vị trong trường hợp cấp bách và cần thiết. Chư vị có ý kiến gì không?
Vị đệ nhất phó thủ lĩnh đoàn do thám Thăng Long lên tiếng hỏi. Im lặng một lát vị trang chủ của Trần gia trang ở Đông Triều là Nhất Bút Trần Chí Lan mới hắng giọng:
– Tại hạ xin hỏi Lê phó thủ lĩnh là chúng ta đi theo lối nào tới Tản Viên?
Lê Bách Chiến trả lời không do dự:
– Trần trang chủ thừa biết Tản Viên Sơn nằm trong địa phận hai huyện Lũng Bạt và Ma Lung thuộc Quảng Oai trấn. Đường tuy không xa lắm song cũng phải qua sông qua núi qua đèo. Huống chi chúng ta phải hộ tống mười chiếc xe…
Mọi người đều nhận thấy Lê Bách Chiến trả lời quanh co câu hỏi của Trần Chí Lan dường như không muốn tiết lộ hành trình về cuộc di chuyển và chôn dấu kho tàng ở Tản Viên sơn. Có lẽ biết sự thắc mắc của mọi người, vị đệ nhất phó thủ lĩnh lên tiếng giải thích:
– Sở dĩ tôi không thể trả lời câu hỏi của Trần trang chủ vì lý do bảo mật. Nó nằm trong nội qui của đoàn do thám. Sau khi khởi hành chư vị sẽ biết rõ ràng mọi chi tiết về hành trình cùng nhiệm vụ của mình…
Hà Phương chợt lên tiếng như muốn phụ họa cho lời của Lê Bách Chiến:
– Tiểu muội xin nhắc nhở cho chư đại huynh biết là ngoài nhiệm vụ bảo vệ kho tàng không cho lọt vào tay giặc Mông, chư huynh còn có một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng. Đó là chuyện tiêu diệt hết nhân viên do thám địch có mặt để tranh chiếm kho tàng. Đoàn do thám Mông Cổ là tai mắt của Thoát Hoan, do đó nếu ta làm tê liệt mọi hoạt động của đoàn do thám địch tức là ta đã thắng phần đầu của trận giặc gián điệp…
Ngừng lại nhấp ngụm nước cho thấm giọng Hà Phương tiếp tục lời nói bỏ dở dang. Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe giọng nói của nàng trở nên nghiêm nghị, rắn rỏi và nhuốm chút lạnh lùng. Đó là điều ít khi họ thấy nơi một cô gái ôn nhu như nàng:
– Tiểu muội xin nhắc cho chư huynh biết là nếu chúng có một thời chư huynh giết một, nếu chúng có mười thời chư huynh giết mười, chúng có trăm hay ngàn thời ta giết trăm ngàn. Giết được những kẻ tàn bạo như quân Mông Cổ là giảm bớt đi nổi khổ đau của bá tánh trong nước…
– Ta không muốn giết người tuy nhiên nói như hiền muội thời ta cũng không nề hà gì mà ra tay trừ khử kẻ ác để cứu nạn cho lương dân vô tội…
Nghe giọng nói ai ai cũng biết người đó chính là Trúc Quyền Trình Tú, trang chủ của Trúc Thanh trang ở châu Thái Nguyên.
– Mô Phật… Sát sinh là chuyện mà một kẻ tu hành như bần tăng không bao giờ làm song nếu đúng lời Hà thí chủ nói thời bần tăng xin được phá lệ một lần…
Ai ai trong phòng họp cũng đều quay nhìn vào sư Tâm Ấn, vị trưởng tràng của chùa Tướng Quốc. Hà Phương cười nói đùa:
– Đại sư không cần phải khai sát giới. Chỉ cần dùng Tâm Ấn Chỉ điểm ngã kẻ địch là đại sư hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi…
Dường như không tự chủ được sư Tâm Ấn nói bằng giọng kinh ngạc:
– Làm sao thí chủ biết bần tăng luyện được Tâm Ấn Chỉ. Đó là tuyệt kỷ mới nhất và bí truyền nhất của Tướng Quốc tự…
Hà Phương nói trong tiếng cười thánh thót:
– Sở dĩ tôi biết chuyện này là do Vô Danh Hiệp mách nước. Nghe phong phanh quí tự có tuyệt kỹ tân kỳ và mới lạ mà ông ta không tiện mở miệng hỏi cho nên mới mách cho tôi. Đại sư cũng biết kẻ tu hành không bao giờ nói dối huống hồ gì sư phụ của đại sư. Dường như cao hứng sư Hưng Quốc còn đem mấy chiêu trong Tâm Ấn Chỉ ra phô diễn trước mặt các vị cựu chưởng môn và lão trang chủ các gia trang. Sư phụ của đại sư là một người rất có thiện tâm và cũng rất quan tâm tới sự thịnh suy của giới giang hồ Đại Việt, do đó ông ta đã truyền khẩu quyết của Tâm Ấn chỉ cho Sát huynh của tôi vì sợ tuyệt kỹ này bị thất truyền. Thật ra cái ý của ông ta là kín đáo nhờ Sát huynh khổ luyện để sau này truyền thụ lại cho đồ đệ của mình bởi vì hiện nay chỉ có ba người biết Tâm Ấn chỉ là Sát huynh, đại sư và sư phụ của đại sư…
Hà Phương ngừng nói nhìn mọi người xong thong thả tiếp:
– Tiểu muội còn nghe phong phanh là tất cả các tông chủ các môn phái, gia trang hay các nhà thuộc giới giang hồ Đại Việt sau nhiều ngày bàn luận đã đi tới một thoả thuận…
Tây Hồ Cỗ Kiếm chợt lên tiếng:
– Hiền muội muốn nói tới chuyện các bậc tiền bối này sẽ tập hợp tất cả tuyệt kỹ hay công phu nổi tiếng nhất để viết thành một bí kiếp vũ công…
Nhất Bút Trần Chí Lan phụ họa cho câu nói của Tây Hồ Cỗ Kiếm:
– Tôi cũng có nghe gia phụ nói sơ qua về việc này nhưng không được tường tận lắm…
Uống ngụm nước Hà Phương cất giọng:
– Khi nào có thời giờ tiểu muội sẽ trò chuyện với chư huynh về việc này. Bây giờ ta trở lại chuyện di chuyển và chôn dấu kho tàng. Đem kho tàng hoàng gia ra làm mồi nhử địch, ta đã đánh một canh bạc lớn mà sự mất còn hay thắng bại đôi khi không biết trước được. Muốn chắc chắn thắng trận ta phải biết lộng giả thành chân, đổi hư thành thực để kẻ địch không biết đâu mà lường. Có thể chư huynh sẽ bảo vệ một kho tàng giả để làm mồi câu nhử và tiêu diệt nhân viên do thám Mông Cổ trong lúc kho tàng thực đã được di chuyển bằng thuyền tới một địa điểm bí mật…
Tây Hồ Cỗ Kiếm gật gù mỉm cười:
– Ta hiểu ý của hiền muội. Lộng giả thành chân hay đổi hư thành thực đó là chuyện của tiểu muội. Phần bọn ta chỉ biết bảo vệ kho tàng và tiêu diệt kẻ địch. Hi vọng chúng sẽ đâm đầu vào bẩy để ta có việc làm chứ gần hai tháng nay ta chỉ có ăn rồi ngủ mà chẳng làm nên cái tích sự gì…
Mọi người cười lớn như tán thành lời nói của Tây Hồ Cỗ Kiếm. Diệu Thư Sinh cười lên tiếng:
– Lão phu mời chư vị đi nghỉ ngơi để sáng sớm ngày mai còn lo chuyện lớn…
Tất cả lục tục giải tán còn trơ lại Hà Phương, Diệu Thư Sinh, Lê Bách Chiến và Trần Gia Mạnh. Họ Lê thấp giọng:
– Diệu tiền bối và Hà cô nương định chở kho tàng bằng ngựa hay bằng thuyền?
Hà Phương cười hỏi lại:
– Lê phó thủ lĩnh định di chuyển bằng đường thủy hay đường bộ?
Lê Bách Chiến đáp nhanh:
– Tản Viên sơn nằm trong vùng đất giữa sông Thao và sông Đà cho nên dùng thuyền dễ dàng và tiện lợi hơn. Chỉ cần một chiếc thuyền lớn là ta có thể chở hết kho tàng…
Hà Phương gật đầu:
– Tôi đồng ý với Lê phó thủ lĩnh. Phần đoàn xe ngựa chỉ là mồi giả để câu cá mà thôi…
Trần Gia Mạnh cười lớn khi nghe Hà Phương nói câu đó. Khẽ nhấp ngụm trà y hỏi Diệu Thư Sinh:
– Diệu tiền bối tính chôn kho tàng ở đâu trong vùng Tản Viên. Theo tôi biết thời núi Tản Viên gồm ba ngọn là núi Ông, núi Bà và núi Chẹ. Núi Ông còn có tên là Ao Vua cao hơn hết rồi núi Chẹ hay Tản Viên ở chính giữa cao thứ nhì và sau cùng là núi Bà hay núi Ngọc Hoa. Vùng núi này chu vị rộng năm chục ngàn trượng cho nên…
Diệu Thư Sinh gật gù cười:
– Mười mấy năm trước đây lão phu có tới vùng Tản Viên để kiếm dược thảo rồi tình cờ tìm ra một cái động rất sâu và rộng có thể chứa được cả ngàn người ở dưới chân núi Ông. Ngày mai lão phu và Trần phó thủ lĩnh chỉ huy nhân viên tới khu vực núi Ông xem xét và dọn dẹp. Khi nào chôn dấu kho tàng xong lão phu sẽ dùng địa lôi lấp kín động để không có ai vào được…
Ngẫm nghĩ giây lát Diệu Thư Sinh thong thả tiếp:
– Chôn dấu xong ta còn phải nghĩ tới cách thức khai quật sau khi hết nạn binh đao. Do đó lão phu định chôn kho tàng làm thành ba tầng bậc khác nhau. Báu vật cực quí sẽ chôn vào tầng sâu kín nhất là tầng thứ ba với nhiều cạm bẩy và máy móc giết người. Tầng thứ nhì dành cho báu vật quí và tầng thứ nhất sẽ chôn vàng bạc hay tiền đúc. Đó là thứ có thể khai quật dễ dàng hơn…
Hà Phương lên tiếng xen vào câu chuyện:
– Chủ ý của tôi là nhân cơ hội di chuyển kho tàng ta sẽ tìm cách tiêu diệt các nhân viên do thám địch đã trà trộn vào trong nội địa của nước ta. Tiêu diệt được các nhân viên do thám địch là ta có thể bưng tai bịt mắt được lão A Lý Hải Nha…
Nhìn Lê Bách Chiến, Hà Phương nghiêm giọng:
– Phần việc này tôi xin giao phó cho Lê phó thủ lĩnh. Huy động hết cao thủ nổi danh của giới giang hồ, Lê phó thủ lĩnh bằng mọi cách và bằng mọi giá phải tiêu diệt hết các nhân viên do thám địch…
Hà Phương nhấn mạnh sáu chữ ” bằng mọi cách, bằng mọi giá “. Điều đó được hai vị phó thủ lĩnh đoàn do thám Thăng Long ngầm hiểu như là một mệnh lệnh. Cả hai đều biết rằng dù không mang danh vị hoặc chức tước nào nhưng Hà Phương lại là nhân vật có thẩm quyền nhiều nhất trong đoàn do thám…
Hớp ngụm nước trà Lê Bách Chiến nói bằng giọng nghiêm nghị:
– Tôi hiểu ý của cô nương…
Hà Phương cười nói trong lúc đứng lên rời phòng họp:
– Bây giờ chúng ta bắt đầu đem mồi ra nhử con cá lớn…
Trang 2
Truyện rất hay và hấp dẫn, theo dõi và rất muốn đọc tập tiếp theo mgay ah
Truyện hay, tình tiết lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên nếu tác giả tránh được một vài lỗi nho nhỏ sẽ giúp câu chuyện đỡ bị chỏi. Chẳng hạn như tránh cách dùng từ và thời gian đương thời vào truyện.
Cảm ơn Chusalan. Không biết phải xưng danh thế nào.
Tôi xin phép gọi là bạn.
Tôi cảm ơn bạn đã cho Tôi được sống lại sự oai hùng của dòng máu Việt.
Lịch sử nước Nam ta rất hay. Tiếc rằng ít người hiểu và được tiếp xúc.
Tôi Mong 10 năm nữa, kinh tế đất nước phát triển.
Việt Nam sẽ có những bộ phim dã sử thật hay, hoàng tráng để cho con cháu ta thuộc sử Việt
cám ơn bạn. đang cố viết mà bịnh hoài
Kính chào chú
Cháu đọc hầu hết tất cả các truyện chú viết. Rất cám ơn chú nhiều nhưng cũng ấm ức lắm vì thiếu mấy quyển sau chưa viết….. (hihihi xin lỗi chọc chú thôi …nhưng cũng buồn quá !!!).
Đọc những truyện khác thấy chú viết rất rành về Chattanooga Tn, Signal Mountain, Smokey Mountain và Thái Smile Restaurant. Chắc chú từng ở Chattanooga TN hả chú? Nếu còn hoặc có dịp ghé qua Chattanooga xin chú email liên lạc cháụ. Cháu xin mời chú đi ăn và có dịp để hàn huyên thêm.
Chúc chú nhiều sức khỏe để tiếp tục viết Sát Đát Nhân 4, Giang Hồ Kỳ Hiệp – Quyê?n 3 và Thanh Kiếm Quy Hương cùng những truyện khác.
Cám ơn đã chúc nhiều sức khỏe. Đó là thứ mà tôi cần có để tiếp tục viết. Viết gần xong Giang Hồ Kỳ Hiệp quyển 3. khi nào xong đăng lên.