1.
Chiếc xe đò cũ mèm chậm chạp rời bến xe. Tiếng người cười nói ồn ào xen lẫn với tiếng gà vịt kêu quang quác khiến cho Hoài cảm thấy khó chịu mặc dù anh không lạ lùng gì về các chuyến xe đò từ tỉnh lỵ chạy nối các vùng làng mạc lân cận. Băng ghế có ba người mà lơ xe lại nhét thêm một người nữa thành ra chật như nêm. Xe chạy dọc theo bờ hồ Trúc Bạch. Hai bên đường cây phượng nở hoa đỏ rực. Khu sở thú bỏ hoang chỉ còn mấy chuồng nuôi thú vắng lạnh. Những cây trứng cá già cỗi khẳng khiu. Khung cảnh của tỉnh lỵ dù có thay đổi cũng rất ít khiến cho anh còn nhận ra được một vài địa điểm quen thuộc của thành phố cũ.
Xe quẹo trái khi gặp ngã ba. Con đường nối liền tỉnh lỵ Bến Tre- Giồng Trôm- Ba Tri một đoạn được tráng nhựa khá phẳng phiu và sạch sẻ. Nhà cửa san sát. Nhà lá có. Nhà tôn có. Thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà ngói khang trang nằm khuất trong vườn cây ăn trái xum xê. Xe lại dừng để đón khách. Một cô gái tay trái ôm chiếc cặp học trò còn tay phải xách chiếc va ly nặng trĩu. Cô gái ngó dáo dác tìm chỗ ngồi, tuy nhiên xe chật cứng không còn một chỗ trống. Nhìn cô gái, Hoài nói nhỏ:
– Chị ngồi vào chỗ của tôi…
Hoài đứng lên nhường chỗ cho cô gái. Thấy cô còn do dự, anh tiếp:
– Tôi đàn ông thanh niên đứng cũng không sao…
– Cám ơn anh…
Lí nhí trong miệng ba tiếng cô gái ngồi xuống chỗ của người con trai. Nhìn cái huy hiệu ” Trường Trung Học Phan Thanh Giản ” thêu trên ngực áo bà ba trắng của cô gái, Hoài cười hỏi:
– Chắc chị về nghỉ hè…
Cô gái mỉm cười gật đầu thay cho câu trả lời. Nàng có vẻ hơi e ngại và thẹn thùng khi phải nói chuyện với người lạ, nhất là một người con trai trên một chuyến xe đông người. Thấy thế Hoài cũng không hỏi gì thêm. Xe bắt đầu chạy nhanh rồi lát sau dừng lại khi tới Kinh Giẹt Sậy. Mọi người phải xuống xe qua phà trong lúc chiếc xe đò lắc lư và ngã nghiêng trên con đường gồ ghề đầy đá cục và ổ gà. Con kinh hẹp và nước chảy xiết. Nó là thủy lộ nối liền sông Bến Tre với sông Ba Lai và sông Mỹ Tho. Sông Bến Tre là một chi nhánh của sông Hàm Luông cho nên dân chúng ở đây mới gọi nó là con kinh nối ba dòng sông lớn. Mới bốn năm mà quang cảnh có khá nhiều đổi thay. Những cây dừa cao gãy ngọn vì bom đạn. Đồn bót được dựng lên. Hàng rào kẽm gai giăng mắc khắp nơi.
Hành khách lại leo lên xe. Từ Kinh Giẹt Sậy về tới Mỹ Lồng đường vắng vẻ nên chiếc xe đò chạy nhanh hơn. Thấy người con trai lắc lư theo nhịp ngã nghiêng của chiếc xe đò vì một tay ôm cây đàn còn một tay bám lấy tay vịn, cô gái nhỏ nhẹ:
– Anh ngồi xuống đây đi để tôi đứng cho?
Hoài lắc đầu cười:
– Chị đừng lo tôi đứng được. Tôi đứng quen rồi…
Cô gái mỉm cười như không tin vào lời nói của người con trai.
– Hay là anh đưa cây đàn tôi cầm cho…
Trao cây đàn cho cô gái, Hoài cười cười.
– Tôi ở Sài Gòn đứng xe bus mỗi ngày…
Ánh mắt long lanh của cô gái sáng lên một vẻ gì là lạ.
– Chắc anh đàn hay lắm?
– Ẹ lắm… Tôi học lóm từ một người bạn. Chị thích nhạc không?
– Thích… Cũng như anh, tôi học đàn từ một người bạn…
Hoài cúi nhìn chăm chú vào hai bàn tay của cô gái.
– Anh nhìn gì vậy?
– Tôi nhìn hai bàn tay của chị. Thằng bạn tôi nói muốn biết người con gái nào đàn hay cứ nhìn vào bàn tay của họ…
Cười thành tiếng ngắn cô gái dấu hai bàn tay của mình dưới vạt áo. Nhìn vào ngực áo bà ba trắng của cô gái, Hoài cười hỏi.
– Chị học trường Phan Thanh Giản?
Cô gái cười gật đầu như xác nhận.
– Chị học lớp mấy?
Dường như không để ý tới câu hỏi cộc lốc và không được lịch sự cho lắm của người con trai, cô gái vui vẻ và nhã nhặn trả lời.
– Dạ… Đệ ngũ…
– Tôi tên Hoài, mười sáu tuổi, học đệ tứ… Tôi vừa thi trung học xong?
– Anh đậu hạng bình thứ?
– Sao chị biết…?
– Tôi biết anh là học trò thông minh và chịu khó gạo bài…
– Cám ơn chị… Chị mấy tuổi?
Lần thứ nhì cô gái không tỏ vẻ phật lòng về câu hỏi có vẻ điều tra của người con trai. Cô ta cười thành tiếng ngắn. Giọng nói của cô ta cũng vui hơn và nhuốm chút tinh nghịch.
– Anh Hoài thông minh hơn tôi… Mười sáu mà anh đã xong trung học còn tôi mười sáu mà học đệ ngũ… Anh Hoài sanh nhằm tháng mấy?
Hoài cười nhìn cô gái:
– Tháng hai…
– Tôi sinh tháng giêng… Tôi lớn hơn anh một tháng… Chị à nghe…
Hoài cười vì ba chữ ” chị à nghe ” của cô gái.
– Ngày xưa tôi cũng học ở trường Phan Thanh Giản. Tôi học tiểu học rồi sau đó gia đình dời lên Sài Gòn… ” Chị ” biết Cầu Cá Lóc không?
Hoài nhấn mạnh ở chữ ” chị ” khiến cho cô gái cười thành tiếng.
– Biết chứ… Quê của anh ở đâu?
Hoài khom người nhìn ra bên phải con đường. Hàng dừa lã ngọn. Mạ xanh um. Mấy thân cây me già khẳng khiu.
– Sắp tới Mỹ Lồng phải không chị?
Cô gái gật đầu. Hoài nói tiếp.
– Quê của tôi ở Châu Bình…
Cô học trò tỉnh lỵ Bến Tre mỉm cười. Ánh mắt của nàng sáng lên vẻ vui mừng song Hoài không thấy được vì mải mê ngắm cảnh đồng quê. Xe dừng lại. Người đàn bà luống tuổi ngồi cạnh cô gái xuống xe.
– Tôi trả lại chỗ cho anh…
Xích vào phía trong nhường cho Hoài ngồi xuống, cô gái nói nhỏ.
– Tôi cũng ở Châu Bình…
Hoài liếc cô gái.
– Chắc chị biết bà ngoại của tôi?
– Bà ngoại của anh Hoài tên gì?
– Bà hai Quận…
Cô gái cười. Tiếng cười của nàng như tiếng reo vui.
– Tôi biết bà ngoại của anh Hoài… Nhà tôi…
Cô gái dừng lại. Hoài quay nhìn cô gái. Dường như biết người ngồi bên cạnh đang nhìn mình cô gái cúi mặt xuống. Hoài thấy được làn da trắng mịn với mấy chiếc lông măng. Chiếc mũi cao và thẳng, đôi môi mỏng mím lại như cố gắng không nói hay không cười khi biết mình đang bị người khác chiếu tướng.
– Chắc nhà chị gần nhà bà ngoại tôi?
– Dạ… Không xa lắm…
Xe dừng khi tới làng Lương Qưới. Thấy Hoài đứng lên, cô gái cười.
– Anh xuống đây hả?
Hoài gật đầu.
– Anh xuống Lương Qưới đón xe lôi đi Châu Thới rồi đi bộ về Châu Bình cũng được. Anh còn nhớ đường không?
– Tôi nhớ mài mại… Hỏi thăm người ta chắc cũng ra…
– Thôi để tôi đi với anh… Tôi biết đường…
– Cám ơn chị… Chị để tôi xách cái va ly…
Chiếc xe đò chạy đi. Hai người bước qua bến xe lôi bên kia đường.
– Cô cậu đi đâu?
– Tụi tôi đi Châu Bình
– Tui chạy tới Châu Thới rồi cô cậu chịu khó đi bộ về Châu Bình…
Cô gái cùng Hoài leo lên xe lôi.
– Anh lên Sài Gòn bao lâu rồi?
– Bốn năm… Nhưng trước khi lên Sài Gòn gia đình tôi dọn lên tỉnh…
Cô gái cười nhỏ:
– Con gái nhà quê như tôi đi học trễ lắm…
– Chị đâu có nhà quê…
Cô gái quay mặt nhìn.
– Sao anh Hoài biết?
– Tôi đâu có thấy nét nhà quê của chị… Tôi cũng không ngữi được mùi nhà quê của chị…
Cô gái cười thành tiếng. Làn da mặt của nàng hồng lên vì câu nói bạo của người con trai sống ở Sài Gòn.
– Chị tên gì vậy?
– Tiên Sa… Tên của tôi là Lê Thị Tiên Sa…
– Tên của Tiên Sa ngộ lắm… lạ lắm… Hoài đọc sách có nói tới một địa danh tên là Tiên Sa ở Đà Nẳng…
– Hoài thích đọc sách lắm hả?
– Hoài mê đọc sách và ghiền âm nhạc… Tiên Sa thích đọc sách và đàn hát không?
– Thích lắm nhưng không có tiền mua… Nhà Tiên Sa nghèo lắm…
Nhìn cô gái làng Châu Bình, Hoài thấy ánh mắt của nàng long lanh.
– Bà ngoại Hoài có nhiều sách lắm… Hoài sẽ đưa cho Tiên Sa đọc…
– Tiên Sa thích tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn…
– Tiên Sa biết nhà bà ngoại của Hoài không?
– Biết… Nhà bà ngoại của Hoài lớn lắm. Nó có hai cây me cao…
Chiếc xe lôi quẹo cua thật gắt khiến cho Tiên Sa hầu như ngã vào người của Hoài. Cô gái đỏ mặt vì sự đụng chạm thân thể với người con trai mà nàng mới quen trên chuyến xe đò cách đây hai ba tiếng đồng hồ.
– Tới rồi…
Tiên Sa nói trổng khi thấy chiếc xe lôi ngừng trước cây cầu ván bắc qua con rạch nhỏ. Hai người xuống xe. Thấy Tiên Sa móc bóp, Hoài đưa tờ giấy hai chục đồng cho ông đạp xe lôi.
– Tôi trả luôn cho cô này…
– Để Tiên Sa đưa tiền lại cho Hoài…
Hoài cười khoát tay.
– Đó là tiền công Tiên Sa dẫn đường cho Hoài. Tiên Sa để Hoài xách chiếc va ly cho…
Hoài nhấc chiếc va ly.
– Tiên Sa đựng gì mà nặng vậy?
– Đâu có gì… Trà cho ba má và bà ngoại. Kẹo bánh cho đứa em gái. Quần áo và sách vở của Tiên Sa…
– Nếu không có Hoài mang phụ thời Tiên Sa phải làm sao?
– Tiên Sa gởi ở nhà người quen rồi mai chèo ghe lên lấy về…
Nói xong Tiên Sa giơ tay chỉ ngôi nhà ngói nằm ở sau lưng. Hai người chậm bước trên con đường đất hai bên cỏ mọc cao gần tới ngực.
– Hoài còn nhớ đường về nhà bà ngoại không?
– Không nhớ rõ lắm…
– Nếu không có Tiên Sa đi cùng thời Hoài phải làm sao?
Hoài hơi mỉm cười khi nghe Tiên Sa hỏi bằng cách lập lại câu hỏi của mình.
– Hoài tới ngôi nhà ngói đó ngủ một đêm chờ tới sáng mai Tiên Sa chèo ghe lên đón Hoài về…
Tiên Sa cười. Hoài nhận thấy tiếng cười của nàng thật ấm dịu.
– Ê… bắt chước người ta… lêu lêu mắc cở…
– Hoài thích được nói chuyện với Tiên Sa… Thích có một người bạn như Tiên Sa…
– Tại sao Hoài lại về nghỉ hè ở đây…
– Hoài thương bà ngoại… Bốn năm rồi không có gặp bà ngoại…
– Bà ngoại của Hoài hiền lành và tử tế lắm… Trong làng ai cũng thương bà Hai… Thỉnh thoảng bà mang xuống cho ba của Tiên Sa hộp trà hay bánh kẹo… Tiên Sa cũng mến bà ngoại của Hoài…
Tiên Sa ngừng nơi ngã ba.
– Mình đi đường nào hả Tiên Sa?
Tiên Sa giơ tay chỉ con đường đất trong lúc cởi đôi guốc.
– Hoài không cởi giày à… Đi giày khó qua cầu lắm…
Hoài hơi do dự rồi cuối cùng cởi giày. Con đường đất hẹp nên hai người không đi song song được. Tiên Sa đi trước dẫn đường còn Hoài đi sau.
– Hoài qua cầu được không?
– Chắc được… Hoài không muốn cây đàn bị ướt…
Đeo cây đàn vào lưng Hoài cười gượng và ngần ngừ nhìn cây cầu nhỏ. Gọi là cầu nhưng thực ra chỉ là nửa thân cây dừa bắt ngang qua con rạch rộng.
– Để Tiên Sa dẫn Hoài qua cầu…
Tiên Sa đưa tay ra đằng sau cho Hoài nắm. Người con trai mười sáu tuổi sống ở Sài Gòn cảm thấy chút giao động và run rẩy trong lòng khi nắm lấy bàn tay mềm mại. ấm êm của cô học trò tỉnh lỵ. Hai người đi thật chậm qua cầu. Đường về nhà bà ngoại của Hoài xa hơn hai cây số nhưng có rất nhiều cầu. Mỗi lần như vậy Hoài lại được Tiên Sa nắm tay dắt qua cầu.
– Tới nhà bà ngoại của Hoài rồi…
Tiên Sa đưa tay chỉ cây me cao vượt khỏi hàng dừa xanh. Lát sau Tiên Sa dừng trước con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà ngói mái đỏ ối.
– Nhà bà ngoại của Hoài đó… Hôm nào rảnh Hoài xuống nhà Tiên Sa chơi…
Hoài cười gật đầu trao chiếc va ly cho Tiên Sa. Đứng nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh của Tiên Sa bước thoăn thoắt trên chiếc cầu xong Hoài mới bước đi. Anh nghe có tiếng chó sủa rồi giọng nói của bà ngoại.
Gấp cuốn Tiểu Thuyết Thứ Bảy lại Hoài bước ra sân. Trời xế chiều. Nắng dọi xuống hàng cây mãng cầu dọc theo bờ ao. Những trái mãng cầu xiêm da bóng lưỡng và hơi ửng màu vàng. Điều đó chứng tỏ nó sắp chín. Ngoại đã dạy cho Hoài biết cách để nhận ra mãng cầu hay vài loại trái cây sắp sửa tới lúc già hay chín trên cây. Tiếng chim dòng dọc kêu sau nhà hoà với tiếng chim trao trảo tạo thành âm thanh chát chúa. Tiếng con chim cu gáy trên ngọn dừa lão buồn da diết. Hoài nhớ tới Tiên Sa. Lúc giã từ Hoài quên không hỏi nhà của cô gái ở đâu mà Tiên Sa cũng quên không chỉ nhà. Muốn biết nhà của Tiên Sa Hoài phải hỏi bà ngoại của mình. Ngẫm nghĩ giây lát Hoài đi ra sau vườn.
– Ngoại… Ngoại biết cô gái nào ở làng mình tên Tiên Sa không?
Nghĩ ngợi giây lát ngoại lắc đầu:
– Trong làng không có ai tên Tiên Sa. Nó có đi học không?
– Dạ có… Tiên Sa đi học ở Bến Tre. Ngoại biết không?
– Như vậy chỉ có nhà bà Tám Bá thôi. Ngoại nghe tụi nhỏ nói bả có đứa cháu ngoại đi học ở trên tỉnh…
– Nhà của bà Tám Bá ở đâu hả ngoại?
– Con đi ra hướng chợ cách nhà mình năm căn… Con hỏi chi vậy?
Hoài cười không trả lời. Bà ngoại điểm mặt cháu:
– Con quen với nó hả. Mới nứt mắt là đã theo gái rồi. Ngoại nghe nói con nhỏ đó ngộ lắm. Con gái Châu Bình này có mỗi mình nó đẹp, nết na mà học giỏi nữa… Có gì ngoại làm mai cho…
Hoài cười chạy vụt đi. Lên nhà trước anh chọn hai cuốn Bướm Trắng của Khái Hưng và Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Nhìn bóng mình trong gương Hoài chải lại mái tóc dài, mặc chiếc áo sơ mi trắng với chiếc quần kaki màu xanh xong xỏ vội đôi giày bata. Đi ngang qua cây mãng cầu Hoài bẻ một trái lớn nhất và già nhất. Ngắm nghía trái mãng cầu da bóng và vàng ươm Hoài nghĩ Tiên Sa sẽ thích lắm.
Đường từ nhà ngoại tới nhà Tiên Sa qua ba cây cầu khỉ. Hoài phải thật cẩn thận khi qua cầu vì không muốn hai cuốn tiểu thuyết và quần áo bị ướt khi gặp Tiên Sa. Căn nhà thứ năm là một căn nhà khá rộng. Mái lợp lá vách bằng ván nên không được khang trang như nhà của ngoại. Thở hơi dài Hoài đi vào chiếc sân rộng. Có tiếng chó sủa rồi có tiếng nói của một bà lão vang lên:
– Bông… Mày coi có ai lạ hôn mà chó sủa vậy…
– Dạ… Chắc có ai ghé nhà mình…
Một đứa bé gái trạc mười ba, mười bốn tuổi mặc áo bà ba đen, quần đen và đi chân đất bước ra. Thấy Hoài nó hơi khựng lại.
– Ngoại… Ngoại ra đây coi… Có anh nào lạ lắm… Ảnh ăn mặc bảnh lắm ngoại. Ảnh mặc quần tây mà lại mang giày nữa ngoại…
Hoài muốn cười mà không dám cười. Một bà lão mà Hoài đoán chừng là bà ngoại của Tiên Sa bước ra.
– Cậu kiếm ai vậy cậu?
– Dạ thưa bà cháu kiếm cô Tiên Sa. Cháu là bạn của cô Tiên Sa…
– Tiên Sa… Tiên Sa nào vậy cậu… Nhà tôi hổng có đứa nào tên Tiên Sa. Chắc cậu lầm nhà rồi…
Hoài hơi bối rối khi nghe bà lão nói. Đứa bé gái tên Bông chợt lên tiếng:
– Ngoại… Tiên Sa là chị hai đó… Chị hai đi học lấy tên Tiên Sa…
Hoài mừng rỡ khi nghe đứa bé gái nói.
– Thưa bà cháu là cháu ngoại của bà Hai Quận. Cháu quen với cô Tiên Sa…
– À… Vậy cậu đây là cháu ngoại của bà Hai. Cũng là chòm xóm với nhau mà tôi hổng có biết. Cậu là con của cô ba Đẹp?
– Dạ thưa bà… Cháu là con của cô ba Đẹp…
– Cậu ngồi chơi. Bông mày chạy ra gọi con hai nói có cậu…
– Cậu tên gì vậy cậu?
– Dạ cháu tên Hoài
– Ừ nói có cậu Hoài tới chơi. Mày chạy cho lẹ nghe. Nó ở tuốt ngoài vườn ngoài lận…
Đứa bé chạy đi. Hoài liếc nhanh căn nhà. Đúng như lời Tiên Sa nói. Nhà lá vách ván. Gian trước hai bên phải trái bày hai bộ ván bằng cây. Chính giữa là cái bàn cũ với mấy cái ghế đẩu. Mặt trời dọi xuyên qua vách lá thành từng đốm nắng trên nền đất.
– Cậu ở đâu vậy cậu?
– Dạ cháu ở Sài Gòn
– Tôi có nghe con hai nói Sài Gòn mà hổng có biết ở đâu…
– Dạ thưa bà xa lắm… Phải đi gần một ngày mới tới
– Cô ba mạnh hả cậu. Lâu lắm rồi tôi hổng có gặp cô ba. Từ ngày cổ lấy chồng xa… Tôi chưa thấy ai đẹp như cô ba. Cổ đẹp mà lại học giỏi. Làng nầy hồi Tây bố nhờ có cổ mà tụi nó hổng có phá phách gì hết trơn hết trọi. Cổ gặp mấy thằng Tây cổ xổ tiếng Tây rôm rốp…
Hoài mỉm cười khi nghe bà ngoại Tiên Sa khen má của mình. Có tiếng nói loáng thoáng rồi Tiên Sa hiện ra. Hoài nhìn sửng. Trước mặt mình là một cô thôn nữ với chiếc áo bà ba màu nâu, chiếc quần đen, nón lá và chiếc khăn rằn quàng trên cổ.
– Hoài tới lâu chưa?
Tiên Sa cởi chiếc nón lá và chiếc khăn rằn đặt lên bộ ván. Hoài mỉm cười:
– Hoài tới cũng không lâu lắm. Hỏi bà ngoại mới biết nhà của Tiên Sa…
Đưa cho Tiên Sa hai cuốn tiểu thuyết và trái mãng cầu Hoài cười:
– May mà không lọt cầu…
Tiên Sa cười nhẹ. Dường như nàng vẫn còn e dè khi nói chuyện với Hoài trong lúc có mặt bà ngoại.
– Tiên Sa làm gì ngoài vườn vậy?
– Làm cỏ…
Hoài gật gù:
– Hoài biết làm cỏ… Cỏ tranh chứ gì…
Tiên Sa nheo mắt nhìn Hoài như không tin người bạn trai sống nơi thị thành lại biết làm cỏ…
– Hoài uống nước nghe… Tiên Sa chặt dừa xiêm cho Hoài uống…
Hoài lắc đầu.
– Hoài không khát… Hoài chỉ muốn theo Tiên Sa ra vườn để làm cỏ…
– Chắc hôn… Hay là làm một chút rồi la đau tay… Đâu xè tay ra cho Tiên Sa coi…
Hoài xoè bàn tay mặt ra. Tiên Sa xì nhẹ:
– Tay thư sinh này mà đòi làm cỏ… Hoài biết hai câu ca dao ” Ai ơi chớ lấy học trò… Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm ” chứ…
– Ừ thì Hoài xem Tiên Sa làm cỏ…
– Ngoại… Con dẫn Hoài ra vườn làm cỏ rồi về sớm nấu cơm…
– Ừ đi lẹ lên… Tao biểu con Bông nó vo gạo trước…
Khu vườn dừa sáng dưới ánh mặt trời của buổi xế chiều.
– Bộ Tiên Sa làm cỏ mỗi ngày sao mà vườn sạch trơn vậy…
– Ba má của Tiên Sa làm đó… Tiên Sa chỉ phụ thôi…
Chỉ vào bờ dừa Tiên Sa cười nhìn Hoài:
– Mai mốt còn phải bồi vườn nữa… Hoài biết bồi vườn không?
– Biết chứ… Mình móc đất dưới mương quăng lên bờ dừa chứ gì…
– Giỏi… Mai mốt Tiên Sa sẽ rủ Hoài đi bồi vườn…
Ba má của Tiên Sa ngạc nhiên lẫn vui mừng khi biết gốc gác của Hoài. Cả hai luôn miệng hỏi thăm về má của anh, về cuộc sống trên Sài Gòn.
– Hai… Tối rồi con về nấu cơm đi con… Nấu thêm cơm và kho cá kho mời cậu Hoài ăn cơm…
Tiên Sa và Hoài bước trên con đường mòn trong khu vườn dừa.
– Cám ơn Hoài tới thăm Tiên Sa… Còn cho mãng cầu nữa…
– Có gì đâu mà Tiên Sa cám ơn. Hoài ở đây không có ai nói chuyện buồn lắm… Hoài cám ơn Tiên Sa mới đúng…
Cô thôn nữ của làng Châu Bình quay nhìn Hoài và bắt gặp người bạn trai cũng đang nhìn mình. Hai người im lặng nhìn nhau rồi Tiên Sa cúi mặt xuống. Hoài chỉ thấy miệng của cô bạn gái hơi nhếch lên mà anh đoán đó là nụ cười.
– Hoài muốn làm bạn với Tiên Sa không?
– Muốn…
– Bạn à nghe… chứ không có gì khác hơn à nghe…
– Ừ… Bộ Tiên Sa muốn gì khác hơn à…
– Hông…
Tiên Sa nói trong tiếng cười khiến cho Hoài cũng cười theo.
– Hoài đi lẹ lên… Hai đứa mình phải về nấu cơm không má rầy chết…
Hoài mỉm cười thầm cám ơn chữ ” mình ” mà Tiên Sa nói. Nó cho anh biết là cô gái đã chấp nhận hai người là bạn với nhau.
Bữa cơm thật đạm bạc. Rau luộc với cá kho. Hoài chỉ ăn có một chén cơm xong buông đủa.
– Hoài ăn ít vậy? Hay là đồ ăn không ngon?
Hoài cười nói với Tiên Sa:
– Tại Hoài quen như vậy rồi. Ở Sài gòn người ta không ăn nhiều một lần mà ăn nhiều lần. Hàng quán mở cửa tới mười một giờ đêm…
– Ở quê xụp tối là lên giường rồi… Ở ngoài muỗi cắn…
Hoài cười:
– Bởi vậy bà ngoại cứ rầy Hoài thức khuya… Một hai giờ sáng còn đốt đèn đọc tiểu thuyết…
Nhìn ra ngoài khoảnh sân rộng Hoài nói với Tiên Sa:
– Đêm nay trăng sáng chắc đẹp lắm…
Tiên Sa hiểu ý của người bạn trai tuy nhiên nàng lặng thinh. Nàng ngại chòm xóm dị nghị. Chuyện nàng có bạn trai đã là một chuyện có thể thành đề tài bàn tán của mọi người. Mặc dù Hoài không phải là người xa lạ gì với dân làng nhưng vẫn không là người sống ở đây. Cơm nước dọn dẹp xong Tiên Sa rủ Hoài ra sân sau nói chuyện. Hai người ngồi đối diện với nhau.
– Hoài thích ở nhà quê không?
– Thích nhưng mà đôi khi cũng buồn…
Tiên Sa gật đầu:
– Riét rồi cũng quen… Tiên Sa đi học ở tỉnh cũng vui mà đôi khi cũng nhớ nhà. Ở tỉnh ban đêm mấy đứa bạn rủ nhau ra bờ hồ ăn cà rem. ăn kem tán dóc rồi khuya về nấu cháo trắng ăn với nước mắm kho quẹt… Ba tháng hè về nhà phải làm lụng cực khổ thành ra nhớ bạn bè…
Tiên Sa thở dài.
– Mấy hè trước Tiên Sa về nhà thui thủi một mình vì mấy nhỏ bạn cùng tuổi lấy chồng hết trơn. Không có ai trò chuyện, vui chơi và tâm tình với mình…
Nhìn Hoài đăm đăm giây lát Tiên Sa cười:
– Hè này may gặp Hoài, có Hoài…
– Hoài cũng vậy… Nếu không gặp Tiên Sa chắc Hoài trở lại Sài Gòn sớm hơn…
– Chừng nào Hoài mới trở lại Sài Gòn?
– Chừng nào Tiên Sa mới lên Bến Tre?
Tiên Sa bật cười khi nghe Hoài hỏi lại mình.
– Hổng biết…
– Hoài cũng không biết. Hoài chỉ sửa soạn sẵn chờ Tiên Sa đi ngang qua nhà là theo Tiên Sa đi về Sài Gòn… Tiên Sa thích lên Sài Gòn chơi không?
– Thích nhưng tiền đâu mà đi…
Hoài thở dài:
– Mai mốt có tiền Hoài xuống Bến Tre đón Tiên Sa lên Sài Gòn chơi…
– Má Hoài có chịu cho Tiên Sa ở không?
– Chịu chứ… Má hiền và cưng con lắm…
Mặt trời từ từ xuống. Tiên Sa đốt vỏ dừa để xua muỗi. Hai đứa vừa đập muỗi vừa nói chuyện cho tới khi trăng lên Tiên Sa mới đốt đuốc đi với Bông đưa Hoài về nhà.
2.
Đang nằm đọc tiểu thuyết Hoài nghe có tiếng ai nói chuyện loáng thoáng với bà ngoại ngoài sân sau.
– Dạ… Bà Hai…
– Con Hai đó hả… Con dạo này lớn đại trông ngộ hết sức…
– Dạ…
– Con kiếm thằng Hoài hả con…?
– Dạ… Anh Hoài có nhà không bà Hai?
– Có… Chắc nó đang đọc sách. Thằng đó nó mê sách không thua gì mê con gái…
Hoài nghe có tiếng con gái mà anh đoán là Tiên Sa cười ròn tan.
– Dạ… Chắc ảnh hư lắm hả bà Hai?
– Coi vậy chứ nó tình nghĩa lắm con à… Khi nào rảnh là nó về thăm bà… Có nó cũng vui cửa vui nhà… Hai bà cháu hủ hỉ với nhau…
Tiên Sa quay lại khi nghe tiếng tằng hắng của Hoài vang lên sau lưng.
– Hoài nghe chưa… Ngoại nói Hoài hư lắm…
– Tiên Sa xạo… Hoài đâu có nghe ngoại nói. Con đâu có hư hả ngoại?
Bà ngoại xoa đầu cháu.
– Hông… Con hổng có hư… Hai đứa bây coi bộ đẹp đôi dữ… Con Hai chịu hôn bà làm mai cho…
Hoài cười lớn còn Tiên Sa mặt đỏ au vì mắc cỡ. Nàng lí nhí trong miệng.
– Dạ… Con cám ơn bà Hai… Đi Hoài…
– Đi đâu?
Tiên Sa nói nhỏ như cố ý cho một mình Hoài nghe mà thôi.
– Hai đứa mình đi bồi vườn…
Vừa qua khỏi cây cầu thứ nhất Tiên Sa khều tay Hoài.
– Mình đi tắt lẹ hơn và ít có ai thấy…
Không khí trong vườn dừa mát rời rợi. Tiếng chim cu gáy buồn buồn lẫn trong tiếng gió xào xạc lá dừa làm thành thứ âm thanh kỳ lạ.
– Tiên Sa…
– Dạ…
Tiếng ” dạ ” của Tiên Sa nghe thật êm, thật dịu và ngọt ngào như nước dừa xiêm vừa mới hái khỏi cây.
– Hoài muốn nói gì?
– Không… Hoài chỉ muốn nghe tiếng của Tiên Sa, chỉ muốn biết Tiên Sa còn ở bên cạnh…
Tiên Sa cười thành tiếng nhỏ. Hoài cũng cười:
– Tối hôm qua nằm đọc sách Hoài nghĩ ra ý nghĩa của hai chữ Tiên Sa. Tiên Sa là tiên bị đày sa lạc xuống trần thế…
Tiên Sa quay nhìn Hoài. Người con trai thấy mắt của cô bạn gái long lanh như giọt sương ban mai đọng trên lá dừa lúc nắng vừa lên.
– Nhiều khi Hoài có cảm tưởng sợ hãi như Tiên Sa sẽ vụt bay trở lại chốn tiên cảnh bỏ Hoài bơ vơ…
– Tiên Sa không bay đâu… Tiên Sa sẽ ở lại với Hoài…
Tiếng nói của cô gái nhỏ như tiếng thì thầm của con nước mặn lên vào sáng sớm. Hoài bóp nhẹ bàn tay nhỏ nhắn của Tiên Sa như bày tỏ sự cám ơn chân thành.
– Tới rồi Hoài…
Hai đứa leo xuống mương. Nước lấp xấp ngang hông.
– Hoài bồi vườn nhà Tiên Sa mà Tiên Sa định trả công như thế nào đây?
Giọng cười của Tiên Sa vang vang trên mặt nước đục vì bùn non.
– Không… Không có trả công gì hết… Coi như Hoài làm rể không công mà…
Tiên Sa cười nghẹo đầu nhìn bạn trai. Hoài im lặng rồi bất thình lình tạt nước vào mặt cô bạn gái. Buông tiếng cười trong trẻo Tiên Sa tát trả lại. Hoài chợt ngưng tát khiến cho Tiên Sa cũng ngưng. Thấy Hoài đăm đăm nhìn mình Tiên Sa không hiểu chuyện gì.
– Hoài nhìn gì vậy?
Im lặng không trả lời Hoài nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt với ánh mắt mê mẩn, ngây ngô và khờ dại. Tiên Sa chợt hiểu. Nàng đỏ bừng cả mặt. Nàng không có mặc áo lót cho nên khi xuống nước chiếc áo vải màu đen của nàng sát vào da lộ ra bộ ngực căng cứng.
– Hoài ăn gian… Hoài xấu lắm… Nghỉ chơi với Hoài… Tiên Sa hổng thèm chơi với Hoài nữa…
Dùng dằng Tiên Sa trầm mình xuống nước như cố tránh thẹn thùng và cũng không để cho người bạn trai thấy thân thể của mình.
Hoài thở hắt hơi dài.
– Hoài xin lỗi Tiên Sa… Hoài…
– Bây giờ mình làm sao đây?
Tiên Sa lo lắng. Hoàn nhìn cô bạn gái đang ngâm mình dưới nước.
– Tiên Sa đừng lo…
Hoài cởi áo sơ mi của mình đưa cho Tiên Sa.
– Tiên Sa mặc áo của Hoài đi…
– Cám ơn Hoài… Hoài nhắm mắt lại đi cho Tiên Sa mặc áo…
Thay vì nhắm mắt Hoài đưa tay lên che mặt của mình. Thấy thế Tiên Sa quay lưng lại trong lúc mặc áo. Dù chỉ thấy chiếc lưng thon Hoài cũng cảm thấy hồi hộp và run rẩy trong lòng. Tiên Sa cũng nghe tim mình đập thình thịch. mặt nóng bừng lên vì biết có người đang nhìn mình. Mặc xong hai lớp áo Tiên Sa biết không ổn. Chiếc áo sơ mi của Hoài cũng không giúp ích gì hơn. Nàng vẫn thấy bộ ngực của mình hiện ra lồ lộ.
– Hoài…
Tiên Sa hầu như bật khóc.
– Tiên Sa chờ ở đây… Hoài chạy về lấy cái áo khác…
Chạy một mạch về nhà Hoài chụp nhanh chiếc áo thun dày và chiếc mền cũ. Ba bước nhảy, mấy bước chạy Hoài men theo con đường tắt xuyên qua khu rừng mù u cao vút và lá xanh um.
– Tiên Sa…
– Hoài… Tiên Sa ở đây…
Bỏ chiếc mền trên cỏ tranh rồi leo xuống nước Hoài đưa cho Tiên Sa chiếc áo thun dày cộm.
– Cám ơn Hoài…
Tiên Sa quay lại cười với bạn trai sau khi mặc xong chiếc áo thun.
– Tiên Sa không thể về nhà như thế này…
Hoài gật đầu.
– Tiên Sa đi với Hoài… Hoài biết một chỗ mình có thể ngồi đợi quần áo khô…
Leo lên bờ Tiên Sa cười với Hoài:
– Tiên Sa cám ơn Hoài nhiều lắm…
– Tiên Sa còn muốn chơi với Hoài nữa không?
Tiên Sa cười dặc dặc tay bạn.
– Muốn chứ… Hoài có giận Tiên Sa không?
– Giận… Giận nhiều lắm… Hoài chạy muốn xỉu đây nè… Tiên Sa thưởng đi…
– Xạo hoài… Mới chạy có chút mà đòi thưởng…
Rừng mù u hiện ra. Tiên Sa quay nhìn Hoài.
– Coi chừng ma hay rắn Hoài ơi…
Tiên Sa núp sau lưng bạn. Hoài cười:
– Tiên Sa đừng sợ… Hoài ở trong đó cả ngày… Hoa mù u đẹp lắm, thơm lắm…
Hai đứa bước trên lối mòn đi vào chính giữa khu rừng mù u. Mùi hương thoang thoảng. Hoa mù u nở trắng xóa và rơi đầy trên đất.
– Thơm quá hả Hoài. Tiên Sa ở đây mà đâu có để ý vả lại trên đất của bà hai nên Tiên Sa ít khi qua đây…
Cô gái mỉm cười khi thấy chiếc võng căng giữa hai thân cây mù u cao ngất.
– Tiên Sa cởi quần áo phơi cho khô đi…
– Hoài đi chỗ khác đi… Hoài ở đây mắc cỡ lắm… Cởi quần áo rồi lấy gì mà mặc…
– Tiên Sa trùm mền kín đâu có ai thấy…
Hoài bước ra bìa rừng mù u đứng ngó mong.
– Hoài ơi…
Nghe tiếng Tiên Sa gọi Hoài trở vào và không nhịn được cười khi thấy cô bạn gái quấn mền kín mít chỉ chừa có cái đầu và hai bàn chân. Tiên Sa đỏ mặt khi thấy Hoài nhìn mình cười chúm chiếm.
– Hoài… Hoài đừng nói chuyện này cho ai biết nha Hoài…
Nghe giọng nói van lơn của bạn Hoài gật đầu:
– Hoài sẽ không nói cho ai biết đâu. Hoài sẽ giữ nó ở đây…
Hoài chỉ vào ngực trái của mình. Tiên Sa nhìn bạn. Hoài thấy ánh mắt của nàng đằm thắm, trìu mến và dịu dàng. Tiên Sa ngồi lên võng.
– Hoài ngồi không?
– Ngồi ở đâu?
– Ngồi chung võng với Tiên Sa nè…
– Tiên Sa không sợ à?
– Sợ gì?
Tiên Sa cười vênh mặt. Hoài lúng túng.
– Sợ đụng Hoài…
– Hông… Miễn Hoài hứa là đừng có táy máy tay chân…
Giơ hai tay lên cao Hoài cười nói trong lúc ngồi xuống chiếc võng cạnh Tiên Sa.
– Hoài quý mến Tiên Sa lắm cho nên…
Mặc dù bạn không nói hết câu nhưng Tiên Sa hiểu. Nhìn Hoài với cái nhìn dịu dàng nàng cất giọng nói đầm ấm và thiết tha.
– Tiên Sa cũng quý mến Hoài…
– Thương không?
Hoài quay nhìn Tiên Sa. Cô gái cúi mặt lí nhí.
– Thương… chút chút…
Hoài bật cười khi thấy Tiên Sa đưa hai ngón tay lên làm dấu.
– Còn Hoài…
– Nhiều hơn Tiên Sa chút chút…
– Hương mù u thơm quá hả Hoài?
– Hồi còn nhỏ tình cờ Hoài đi lạc vào khu rừng mù u này. Mới đầu hơi sợ sau quen dần đi. Tới mùa mù u nở bông đẹp và thơm lắm…
– Hoài hái cho Tiên Sa vài cái đi…
– Chi vậy…
– Tiên Sa ép vào sách để khi nào không có Hoài bên cạnh Tiên Sa lấy ra nhìn để nhớ Hoài…
Hoài cảm thấy mắt mình cay cay. Rời chỗ ngồi Hoài hái mấy bông mù u xong trở lại cài lên tóc của bạn.
– Tiên Sa đẹp như tiên bị đày…
Hoài nói nhỏ. Tiên Sa cúi đầu dấu nụ cười và cũng để tránh không nhìn ánh mắt lạ lùng của người bạn trai. Nàng hiểu ánh mắt đó muốn nói điều gì. Tuy nhiên điều đó còn sớm quá và nhất là nàng chưa sẵn sàng.
– Hoài coi quần áo của Tiên Sa khô chưa Hoài…
– Còn âm ẩm Tiên Sa chịu mặc không?
– Thôi Tiên Sa chờ chút nữa. Phải chi mình có sách đọc đỡ buồn hả Hoài…
– Tiên Sa đọc hai cuốn Đoạn Tuyệt và Tố Tâm chưa?
– Đọc Tố Tâm rồi… Tiên Sa vừa khóc vừa đọc nên bị má rầy là đọc làm chi ba cái sách kỳ cục…
Hoài cười lớn. Tiên Sa nói như bào chữa cho cha mẹ của mình.
– Ba má không có học lại quê mùa đâu có biết cái lãng mạn trong văn chương như Hoài và Tiên Sa. Tuy nhiên Tiên Sa thương và cám ơn ba má nhiều lắm vì nhờ sự hy sinh của ba má mà Tiên Sa mới được đi học…
– Năm tới thi trung học xong Tiên Sa còn định học tú tài không?
– Tiên Sa muốn học tú tài xong thi vào trường sư phạm. Tiên Sa thích làm cô giáo… Hoài thích làm gì?
Hoài cười nhìn cô bạn gái.
– Hoài thích làm đứa học trò trong lớp học của cô giáo Tiên Sa…
Tiên Sa cười rũ rượi. Nhìn Hoài nàng hăm he.
– Hổng có thuộc bài là bị đòn nghe chưa. Nghịch ngợm là bị cô giáo ký đầu đó…
– Thương cô giáo nên Hoài không có nghịch ngợm đâu mà còn ráng học giỏi nữa…
Tiên Sa không ngăn được tiếng cười khi thấy Hoài khoanh tay lại.
– Học trò ngoan mà học giỏi vậy cô giáo thưởng cái gì đây…
– Đưa má đây cô giáo thưởng cho…
Hoài chìa má ra và Tiên Sa hôn nhẹ vào má của bạn trai.
– Chịu chưa… Thôi nhe đừng có đòi thêm nữa…
– Hoài cám ơn Tiên Sa…
Tiên Sa nhìn người bạn trai. Hoài cảm thấy ánh mắt của nàng long lanh như ánh trăng mùng mười dọi xuống mặt nước của con rạch trước nhà bà ngoại. Dường như không tự chủ được Hoài hôn vào má của người bạn gái. Tiên Sa im lặng đón nhận sự gởi trao nhẹ nhàng và đằm thắm của người bạn trai mới quen nhưng bằng linh cảm bén nhạy của một cô gái nàng biết sẽ có nhiều gắn bó trong đời sống tình cảm của mình. Mỗi khi có dịp về thăm nhà thỉnh thoảng nàng có nghe cha mẹ nói bóng gió xa xôi về việc gả chồng cho nàng. Điều đó được chứng tỏ qua sự có mặt của bà con làm mai mối. Tiên Sa thương cha mẹ nhưng nàng lại hấp thụ nền giáo dục mới. Nàng muốn được tự do chọn lựa một người bạn trăm năm của mình. Nàng muốn hôn nhân phải đặt căn bản trên tình yêu hơn là sự môn đăng hộ đối hoặc lấy một người chồng mà mình không yêu thương và nhất là không đồng tư tưởng như mình. Dù có những người bạn trai cùng lớp chú ý tới nhưng vì lý do nào đó nàng không cảm thấy tâm hồn giao động. Dường như nàng vẫn còn say ngủ để chờ một người trong mộng. Rồi bỗng dưng người đó đến như cơn gió tình cờ.. Người con trai Sài Gòn này có một cái gì khác với đám thanh niên quê mùa ở Châu Bình. lạ lùng hơn đám bạn trai học ở trường trung học Phan Thanh Giản mặc đồng phục trắng đi guốc vông. Hoài. Xa lạ mà gần gụi. Hoài đến từ vùng trời xa lạ. chỉ có trong giấc mơ. trong tiếng nhạc mà nàng và lũ bạn nghe từ chiếc radio nhỏ xíu. Hoài dí dỏm. lãng mạn. và tham lam đáng yêu. Hoài nồng nàn như con nước mặn hiếm hoi làm chín trái tim của một cô gái tới tuổi dậy thì muốn thử nghiệm thứ tình yêu lãng mạn mà nàng đã đọc trong những cuốn tiểu thuyết của văn chương thời tiền chiến. Hoài hiền hậu như cơn gió mát mang theo mùi hoa lục bình trôi lêu bêu trên dòng sông Ba La gần cạn nước. Hoài tình cảm như bông hoa mù u nở vào những ngày hè dịu nhẹ. Hoài đam mê như con cá bóng dừa lăn xả vào mồi mặc kệ sống chết. không cần biết tới mai sau. Hoài ngọt như nước dừa xiêm. như mọng dừa mới tách ra…
– Tiên Sa…
Tiếng gọi của Hoài mơ hồ văng vẳng.
– Tiên Sa…
– Dạ…
Tiên Sa mỉm cười nhìn Hoài.
– Trưa rồi… Tiên Sa đói bụng không?
– Đói… Hoài có gì cho Tiên Sa ăn hông?
– Tiên Sa thay quần áo rồi mình về nhà ngoại ăn cơm…
Tiên Sa lắc đầu.
– Tiên Sa thích ở đây hà. Hoài chạy về nhà ngoại lấy đồ ăn đi…
– Ừ… Tiên Sa chờ nghe…
Hoài cắm đầu chạy ra khỏi rừng mù u. Khi anh trở lại Tiên Sa dịu dàng trong bộ bà ba đen đang nằm trên võng im lặng nhìn hoa mù u nở trắng trên cành.
Hai đứa ngồi trên xác bông mù u ăn cơm nguội với tôm kho dừa cứng cạy. Không có đủa hai đứa phải ăn bốc. Thấy cây đàn dựng dưới gốc cây mù u Tiên Sa cười.
– Hoài đàn cho Tiên Sa nghe đi…
– Hoài đàn ẹ lắm…
– Xạo… Chuyện đó để Tiên Sa phê bình sau khi nghe xong… Đi Hoài… Hoài đàn hát cho Tiên Sa nghe đi…
Lặng lẻ cười Hoài cầm lấy cây đàn. Tiên Sa trở lại ngồi trên võng. Âm thanh cất lên trầm ấm. thiết tha.
– Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lêng đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ im trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
Tiên Sa cảm thấy tâm hồn của mình lao đao. xuyến xao vì giọng hát trầm buồn và thiết tha của Hoài. Như một lời tình tự. một gọi mời đầm ấm. gởi trao dịu dàng.
– Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có buồn buồn trong mắt em
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh…
Giọng hát dứt. Nhạc nhỏ dần rối tắt hẵn mà Tiên Sa như còn như say. ngơ ngẩn. bàng hoàng. Nhìn Hoài bằng ánh mắt chan chứa tình cảm Tiên Sa nói nhỏ.
– Bản nhạc hay mà Hoài hát tuyệt… Tiên Sa thương Hoài. mê tiếng hát của Hoài rồi Hoài ơi… Bản nhạc tên là gì vậy Hoài?
– Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn…
– Mai mốt Hoài chép cho Tiên Sa bản này nghe…
Mắt nhìn vào khoảng trời cao xanh nhỏ hẹp trong khu rừng mù u Hoài lặng lẻ cười. Âm thanh của tiếng đàn nổi lên. Tiếng hát chơi vơi.
– Em. lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng
tay này tay nắm tay
nhìn nhau đắm say
như chưa bao giờ
nghe chừng trong mắt nâu
hồn anh đã tan thành mùa xuân ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta…
Ðã qua đi ngày tháng úa môi sầu nhớ tình người buồn tênh …
Em chút giọt lệ ấm, khóc mừng một ngày hạnh phúc miên man …
qua … ngày buồn đã qua
vì đã có em trong cuộc đời này
em, ngồi đây với anh
cùng nhau lắng nghe
giòng sông đang thầm thì trong đất những khúc nhạc tình …
em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
bên đàn chim hót ca
này em có nghe
mùa xuân đang mờ thoảng trong mát tình người… mênh mang…
Ngước mặt lên Hoài thấy Tiên Sa đang nhìn mình mỉm cười.
– Cám ơn Hoài…
Bằng tất cả trang trọng và chân thành Tiên Sa hôn lên má người bạn trai.
Thấy Tiên Sa mấp máy môi Hoài nói liền.
– Đây là bài Tình Tự Mùa Xuân của nhạc sĩ Từ Công Phụng…
– Hoài thích thơ không?
– Thích… Hoài thích thơ nhiều hơn nhạc… Hoài thuộc thơ của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm… Tiên Sa thích thơ không?
– Thích chút chút… Tiên Sa thích nhạc nhiều hơn… Tiên Sa thich viết nhạc mặc dù không biết nhạc lý nhiều…
Cô gái ngưng nói khi thấy bạn tròn mắt nhìn mình với vẻ ngạc nhiên.
– Tiên Sa viết nhạc hả… Cho Hoài xem đi…
– Không được đâu… Cho Hoài xem đặng Hoài cười Tiên Sa à… Tiên Sa hổng có ngu đâu…
– Hoài hứa danh dự là không cười, không phê bình…
– Thôi… Để Tiên Sa suy nghĩ đã…
Tới ngồi chung trên võng Hoài lật tờ báo tới trang có bài Hai Sắc Hoa Ti Gôn đưa cho cô bạn gái. Tiên Sa lẩm bẩm đọc trong lúc Hoài nhìn khu rừng mù u. Giọt nắng chiều dọi xuống những lá cây mù u lung linh theo gió thành thứ hình bóng mờ ảo. Khung cảnh tịch mịch ngoại trừ tiếng lẩm bẩm đọc thơ của Tiên Sa và tiếng gió thì thầm với những bông mù u trắng lay động. Hương mù u thoang thoảng hòa lẫn với hương thơm toát ra từ mái tóc. từ thân thể của Tiên Sa thành thứ mùi hương diễm tuyệt gây trong lòng Hoài niềm rung động. nỗi ngất ngây dịu nhẹ nhưng dai dẳng. Hoài nín thở. chậm chạp quay mặt nhìn Tiên Sa. Khuôn mặt rám hồng. Hàng mi đen cong cong. Chiếc mũi thẳng xinh xinh. Một nốt ruồi đen nơi tai. Thoạt nhìn Tiên Sa không đẹp lắm nhưng càng nhìn Hoài mới nhận ra cái đẹp của cô bạn gái. Cái đẹp của Tiên Sa không phải riêng ở nhan sắc mà do ở sự hoà hợp diễm tuyệt của tâm hồn và thể xác. Cái đẹp của nàng phát xuất bởi tia nhìn đằm thắm. giọng nói thiết tha. sự thật thà. trung hậu. cái hồn nhiên của một người sinh ra từ thôn dã và hấp thụ giáo dục thành thị. Nàng là cô gái quê nhưng lại không có cốt cách quê mùa. Tính tình của nàng là sự pha trộn của thành thị với thôn quê. Càng trò chuyện nhiều chừng nào Hoài mới khám phá ra một điều lý thú ở Tiên Sa. Nàng thích văn chương nhất là âm nhạc. Nàng lãng mạn. đam mê. cái đam mê phát khởi từ sự thiếu thốn vì gia đình nghèo khổ. Tiên Sa nghèo nhưng nàng lại không có cái mặc cảm tư ti của người nghèo. Nàng có cái tự tín của một người hiểu được khả năng và giới hạn của mình.
– Hoài…
Dường như Hoài không nghe tiếng gọi bên tai mình.
– Hoài ơi…
Hai chữ ” Hoài ơi ” của Tiên Sa như lời tình tự bên tai. Hoài cảm thấy trái tim của mình nhảy nhịp. đập theo nhịp độ rối loạn hoặc không còn thứ tự nữa. Anh quay nhìn Tiên Sa và bắt gặp cô bạn gái cũng đang nhìn mình đăm đăm. Hai người nhìn nhau. Người này có thể nghe được hơi thở của người kia.
– Tiên Sa…
– Hoài ơi…
Hai người nhìn nhau nhưng không làm gì khác hơn. Dường như họ hoàn toàn bị tê liệt không còn biết làm gì hơn là im lặng nhìn nhau hoặc không có ngôn từ nào đủ ý nghĩa để nói lên những gì mà họ nghĩ
– Tối rồi Hoài… Tiên Sa phải về nấu cơm…
Tiên Sa thì thầm trong lúc tựa đầu vào vai bạn. Hoài đứng lên nắm tay cho Tiên Sa đứng dậy.
– Khi nào muốn gặp Hoài Tiên Sa cứ tới đây…
Nhìn cảnh vật mờ ảo lung linh trong cơn nắng chiều Tiên Sa cười nhìn bạn.
– Tiên Sa muốn đặt tên cho khu rừng này để kỷ niệm…
– Tiên Sa muốn đặt tên gì?
– ” Vườn Đợi Chờ ” Hoài chịu không?
– Không còn tên nào hay hơn và có ý nghĩa hơn…
Bước song song ra khỏi rừng mù u Hoài cười hỏi Tiên Sa.
– Mai mình có đi bồi vườn nữa không?
Tiên Sa háy bạn.
– Hông… Nếu không có làm gì Tiên Sa sẽ rủ Hoài chèo ghe ra sông Ba Lai chơi…
– Tiên Sa muốn dợt đàn không. Hoài cho Tiên Sa mượn cây đàn…
– Muốn nhiều lắm nhưng Hoài lấy gì mà dợt…
Hoài lắc đầu cười.
– Hoài thích đọc sách khi về nhà ngoại…
Cầm lấy cây đàn Tiên Sa theo đường tắt về nhà. Tần ngần giây lát Hoài cúi đầu bước trên con đường mòn cỏ tranh non lấm tấm xanh.
Ba ngày. Hoài có mặt ở Vườn Đợi Chờ. Tuy nhiên Tiên Sa không đến. Hoài chờ. đợi. lo âu. thấp thỏm. ngóng trông. lắng nghe tiếng bước chân của ai kia dẫm trên cỏ tranh non. Thân cây mù u thẳng tắp. Lá mù u vẫn xanh. Hoa mù u nở trắng. Hoa mù u rơi đầy trên đất. Hương mù u vẫn ngạt ngào. Hoài thờ thẩn. nhặt từng cánh hoa mù u héo xếp thành hai chữ ” Tiên Sa ” thật lớn. Nằm trên chiếc võng đắp cái mền mà Tiên Sa đã quấn mấy ngày trước Hoài như còn ngửi được mùi hương của Tiên Sa hoà lẫn trong mùi hương mù u. đưa anh vào mơ mộng chỉ có trong vòm trời diễm ảo của kẻ chập chững khám phá ra sự tuyệt vời của tình cảm lứa đôi.
Ngày thứ tư. Hoài theo ngoại đi thăm bà con ở Châu Hoà tới xế chiều mới trở về. Ăn com xong anh tất tả ra Vườn Đợi Chờ. Tiên Sa không có ở đó. Có một điều cho anh biết Tiên Sa đã tới và đợi chờ. Bên cạnh hai chữ Tiên Sa mà anh đã viết bằng hoa mù u còn có thêm chữ Hoài thật lớn. Trên nền đất mịn in dấu chân người có dòng chữ ngay ngắn và gãy gọn:
– Ngày mai 10 giờ… Nhớ ” hoài “…
Chữ ” hoài ” của Tiên Sa được viết trong ngoặc kép. Người con trai thị thành thích thú khi nhận ra tính cách dí dỏm trong lối chơi chữ của Tiên Sa. Chữ hoài có nghĩa dài lâu đi với chữ nhớ thành ra nghĩa thứ nhất. Hoài cũng là tên kèm với chữ nhớ thành ra nghĩa thứ nhì. Hoài còn có nghĩa là nhớ theo sau chữ nhớ thành ra nhớ nhớ. Đó là nghĩa thứ ba.
– Tiên Sa thông minh hơn Hoài tưởng…
Hoài nói như Tiên Sa đang đứng trước mặt của mình. Trên lối về nhà ngoại anh luôn mỉm cười như vừa tìm ra được điều gì hay ho và lý thú.
3.
Chưa tới 10 giờ sáng Hoài đã có mặt ở Rừng Đợi Chờ. Tuy nhiên anh biết mình tới trễ hơn Tiên Sa. Chưa tới khu rừng mù u mà anh đã nghe tiếng đàn văng vẳng. Trong chiếc áo bà ba màu xanh lá mạ, quần lụa đen, mái tóc xỏa ngang vai. Tiên Sa ôm đàn ngồi tựa vào thân cây mù u chờ đợi người bạn trai. Nắng long lanh đọng trên lá mù u xanh. Gió thổi rì rào. Hương mù u thoang thoảng. Hoài chậm bước như sợ tiếng bước chân của mình làm xao động mơ tưởng của nàng tiên sa xuống trần thế. Nụ cười. Không còn gì đẹp hơn. Không có gì quý hơn. Không có gì hiếm hơn nụ cười của Tiên Sa. Hoài nghe bước chân mình hụt hẫng. lao chao. chìm ngập mất trong nụ cười của cô học trò trường Phan Thanh Giản. Tia nhìn hồn nhiên mà thăm thẳm. thơ ngây mà đắm đuối. gọi mời mà hững hờ. Tiên Sa nói lên tình cảm của mình bằng ánh mắt rọi chiếu suốt chiều ngang của không gian vô cùng và chiều dài vô tận của thời gian.
– Hoài mạnh không?
– Mạnh. Còn Tiên Sa?
– Xin lổi Hoài nha… Ba ngày qua Tiên Sa mê tập đàn nên không gặp Hoài được… Tại Hoài đó… Tại Hoài cho Tiên Sa mượn cây đàn khiến cho Tiên Sa say mê tập bỏ ăn bỏ ngủ…
Hoài mỉm cười. Ba ngày qua anh tưởng Tiên Sa bận phải giúp má làm vườn chứ đâu ngờ cô gái mê tập đàn quên cả chuyện hẹn hò với mình.
Chỉ vào hai chữ Tiên Sa được viết bằng hoa mù u cô gái cười.
– Cám ơn Hoài đã viết hai chữ đó…
– Hoài muốn viết thêm hai chữ nữa nhưng vì thiếu hoa mù u đành phải thôi…
– Hai chữ gì?
– Để khi nào nhặt đủ hoa mù u Hoài sẽ viết cho Tiên Sa đọc…
Nhìn dòng chữ Tiên Sa viết trên đất Hoài cười.
– Cám ơn Tiên Sa đã viết dòng chữ đó…
– Hoài thích không?
– Thích. Có một điều Hoài muốn nói là…
Hoài cố tình ngừng lại khiến cho Tiên Sa phải nhìn như chờ nghe.
– … Tiên Sa thông minh hơn Hoài tưởng…
– Sao Hoài biết Tiên Sa thông minh?
Hoài từ từ nói cho Tiên Sa biết ý nghĩ của mình về hai chữ nhớ hoài. Tiên Sa mỉm cười.
– Hoài mới thông minh hơn Tiên Sa tưởng…
– Mình đi đâu Tiên Sa?
– Tiên Sa mê tập đàn nên quên mượn xuồng. Tiên Sa xin lổi Hoài nghe. Nếu Hoài muốn đi ra sông Ba Lai ngắm cảnh thời mình đi bộ. Cũng không xa lắm…
Máng cái túi vải lên vai Hoài bước cạnh Tiên Sa trên con đường mòn dẫn ra bờ sông.
– Tiên Sa mê nhạc lắm mà không có tiền mua đàn. Đi học ở Bến Tre mỗi lần muốn tập đàn phải tới nhà nhỏ bạn…
Hoài cười thông cảm cho hoàn cảnh của Tiên Sa vì đã ở trong cảnh ngộ đó khá lâu.
– Hoài tặng Tiên Sa cây đàn của Hoài gọi là để kỷ niệm tình bạn của hai đứa mình…
– Rồi Hoài lấy đàn đâu mà đàn?
– Hoài còn một cây ở nhà…
– Cám ơn Hoài… Tiên Sa sẽ ráng tập rồi đàn hát cho Hoài nghe…
– Tiên Sa hát phải hay lắm…
– Sao Hoài biết?
– Thằng bạn anh nói muốn biết cô gái hát có hay không cứ nhìn cái miệng. Nó bảo đó là tướng đàn…
Tiên Sa cười ré lên.
– Xạo… Tiên Sa chưa có nghe ai nói như vậy… Hôm qua Hoài đi đâu vậy?
– Hoài đi với ngoại lên Châu Hoà… Tiên Sa tới không gặp Hoài buồn không?
– Buồn… Không biết tại sao có Hoài thời vui mà không có Hoài thời buồn…
Hoài nắm lấy bàn tay của Tiên Sa bóp nhè nhẹ. Cô gái để yên mỉm cười cúi đầu bước nhanh. Khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ đi bộ hai đứa trông thấy một vệt trắng vắt ngang.
– Sông Ba Lai đó Hoài…
Đứng trên bờ sông Hoài im lặng nhìn dòng nước chậm chảy. Lục bình dật dờ. Hoa tím nở đầy trên sông. Gió nhè nhẹ phất phơ tà áo bà ba màu xanh lá mạ của Tiên Sa. Chiếc quần vải bị gió thổi dính sát vào da đủ cho Hoài chiêm ngưỡng cặp đùi dài, cái mông tròn trịa và cái eo thon thon của cô bạn gái. Biết Hoài đang nhìn mình song Tiên Sa vẫn đứng im ngó mong ra dòng sông hiền hòa và bình yên. Nàng hơi mím môi cười khi thấy nét mặt thẫn thờ. ngây ngô của Hoài.
– Tiên Sa…
– Dạ…
Tiếng dạ ngoan hiền của Tiên Sa tựa như tiếng thì thầm của cơn gió lùa trên đám lục bình ngoài kia.
– Sông Ba Lai đẹp hơn Hoài tưởng…
Quay nhìn Tiên Sa Hoài cười tiếp với giọng bông đùa nhưng Tiên Sa cảm thấy nghiêm trang và thành thật.
– Nhờ được nước sông Ba Lai nuôi dưỡng cho nên đất Châu Bình mới sản sinh được một cô gái thông minh hơn Hoài tưởng…
– Hoài thật là lẻo mép nhưng là cái lẻo mép đáng yêu và đáng được thưởng…
Tiên Sa cười vui vẻ sau câu nói.
– Kể từ khi có trí khôn Hoài mới nhận ra đất Châu Bình có nhiều thứ hoa đẹp…
– Nhiều thứ hoa đẹp…
Tiên Sa lập lại với giọng tinh nghịch.
– Ừ… Nhiều hoa đẹp lắm. Thứ nhất là hoa mù u. Đúng không?
– Đúng… Cái này Tiên Sa nhìn nhận…
– Thứ nhì là hoa lục bình…
Tiên Sa gật đầu lần nữa.
– Thứ ba là hoa Tiên Sa. Đây là thứ hoa đẹp nhất của làng mình…
– Hoa Tiên Sa ở đâu mà Tiên Sa không thấy…
Hoài mím môi như cố kiềm hãm không cho tiếng cười bật ra.
– Hoa Tiên Sa ở đây… Ngay tại chỗ này…
Tiên Sa nguýt bạn rồi cũng cười theo. Hoài trải cái mền cũ dưới gốc cây dừa lão cạnh bờ sông. Ngồi tựa lưng vào gốc dừa hai đứa im lặng ngắm cảnh. Vài chiếc ghe trôi phía bên kia Bình Đại. Xa hơn chút nữa ở bên trái là Giồng Tre, Thới Lai rồi An Hóa. Bên này sông là Châu Hòa, Phong Mỹ rồi Phong Nẫm. Ngồi bên cạnh Tiên Sa Hoài cảm thấy yêu quê làng mộc mạc và bình yên của mình. Tiếng súng chợt nổ lên đâu đó. Hoài thở dài hắt hiu. Tiếng súng cho biết chiến tranh vẫn còn tiếp diễn trên đất nước quá nhiều điêu linh và đổ nát. Tuổi trẻ của Hoài có quá nhiều thương tích và chết chóc. Ngày tản cư. Đêm co rút dưới tảng xê. hồi hộp đếm tiếng mọt chê hú qua nóc nhà. Người con gái chết thịt xương nhầy nhụa.
Quay nhìn Tiên Sa đang mải mê ngắm cảnh Hoài thở dài buồn bã. Anh cảm thấy thương người bạn gái hiền lành của mình.
– Tiên Sa…
Như đã quen nghe Hoài gọi nên Tiên Sa dịu dàng lên tiếng.
– Dạ…
Hoài ngợp đi trong tiếng dạ ngoan hiền.
– Hoài ơi…
– Dạ…
Hai đứa nhìn nhau mỉm cười. Họ không cần nói nhiều. Tình cảm của họ đã tiến tới mức độ cảm thông tuyệt vời như người này có thể hiểu được người kia muốn nói gì qua ánh mắt. tia nhìn và nụ cười.
– Tiên Sa đói bụng chưa?
– Chưa…
– Hoài có cái này cho Tiên Sa thử. Ngon lắm…
Lục trong túi vải Hoài đưa cho Tiên Sa một phong kẹo được gói bằng giấy bóng.
– Kẹo gì vậy hả Hoài?
– Kẹo mè xửng…
Tiên Sa tháo lớp giấy bóng.
– Ngộ ghê hả Hoài. Nó trong suốt và dòn rụm…
– Tiên Sa ăn nửa miếng còn nửa miếng là phần Hoài…
– Tiên Sa ăn hết đi. Hoài ăn thứ này mòn răng rồi…
Tiên Sa dùng dằng.
– Hông chịu… Hoài hổng ăn là Tiên Sa hổng ăn…
Bẻ một miếng nhỏ đưa ra trước mặt Hoài Tiên Sa cười.
– Há miệng ra… Ùm đi cưng… Ùm giỏi đi chị hai thương
Hoài ngậm miệng lại. Tiên Sa nói với giọng dỗ dành.
– Ùm đi cưng… Cưng giỏi đi rồi chị hai thương… Cưng muốn gì chị hai cũng thưởng cho…
Hoài há miệng ra cười và Tiên Sa lẹ tay đút miếng kẹo vào miệng. Hoài ngậm miệng lại thật nhanh như cố tình ngậm luôn hai ngón tay của Tiên Sa.
– Hụt rồi… Lêu lêu mắc cỡ…
Tiên Sa cười chầm chậm nhai kẹo.
– Họ làm hay thật… Dòn rụm mà lại ngọt ngay…
– Họ làm kẹo này bằng mạch nha đó Tiên Sa… Tiên Sa biết mạch nha không?
Tiên Sa háy Hoài.
– Tiên Sa phụ má nấu mạch nha hoài… Hồi còn ở nhà Tiên Sa phụ má nấu mạch nha để bán…
– Hoài còn cái này cho Tiên Sa thử…
Hoài đưa cho cô bạn gái một miếng khô mai.
– Cái gì xanh lè và thúi hoắc vậy Hoài…
– Khô mai… Đây là một thức ăn của Tây. Họ làm bằng sữa bò…
Đưa miếng khô mai lên mũi ngửi Tiên Sa nhăn mặt.
– Nó thum thủm Hoài ơi…
Tuy nói như vậy nhưng nàng cũng cắn một miếng nhỏ rồi nhai chầm chậm.
– Cái này không ngon bằng kẹo gương của mình…
Hoài cười khi thấy Tiên Sa phun xuống đất miếng khô mai.
– Hoài muốn Tiên Sa ăn thử cho biết thôi. Mai mốt Tiên Sa lên Sài Gòn Hoài sẽ dẫn Tiên Sa đi ăn cho biết. Sài Gòn có nhiều món ăn lắm… bắc có, trung có, nam có, tàu tây đều có…
– Thôi Tiên Sa không thích ăn đồ tây đâu. Ngoại nói tây ác lắm…
Hoài cười cười lục trong túi vải ra mấy trái sa pô chê. Lựa trái lớn nhất chín nhất anh đưa cho Tiên Sa.
– Tiên Sa ăn đi cho mau lớn…
– Mau lớn để chi vậy?
– Để lấy chồng…
– Lấy ai?
Hoài cười vu vơ.
– Hoài đâu có biết. Tiên Sa thương ai thời lấy người đó…
Tiên Sa đưa ngón tay trỏ chỉ vào trán của Hoài.
– Tiên Sa thương người này nè nhưng chỉ sợ không lấy được thôi…
Hoài nhìn Tiên Sa đăm đăm và thấy cô bạn gái cũng nhìn với ánh mắt đằm thắm. dịu dàng và đầy gửi trao.
– Thật không?
– Thật… Nếu không lấy được Hoài thời Tiên Sa cũng không lấy ai hết…
Giọng nói của Tiên Sa nghiêm trang như một lời thề thốt khiến cho Hoài xao xuyến. Quay người Hoài hôn nhẹ lên má của Tiên Sa đoạn thì thầm.
– Cám ơn Tiên Sa… Hoài sẽ nhớ mãi câu nói này…
Tiên Sa ngã đầu vào vai Hoài. Người con trai thị thành ngửi được mùi hương thoảng thoảng trên tóc, trên làn da mịn màng hơi rướm chút mồ hôi.
– Hoài ơi… Nếu sau này lỡ hai đứa mình xa nhau thời Hoài sẽ làm gì…
Hoài nghe mắt mình cay cay.
– Không biết… nhưng chắc buồn lắm… Nếu hai đứa mình có con Tiên Sa thích con trai hay con gái?
Tiên Sa ngước lên nhìn Hoài.
– Con trai… Tiên Sa thích có đứa con trai giống như ba của nó… giống như ông Hoài đa tình và lãng mạn. Còn Hoài thích trai hay gái?
– Hoài thích có đứa con gái giống như Tiên Sa… giống như bà mẹ hiền lành và dịu dàng của nó…
– Vậy thì mình sẽ có ba đứa con. Một đứa con trai giống ba, đứa con gái giống má còn đứa thứ ba con trai giống ba má… Hoài chịu không?
Tiên Sa ngước mặt lên cười với bạn. Hoài cúi xuống khiến cho hai khuôn mặt sát với nhau.
– Chịu… Tiên Sa biết ngoại nói gì với Hoài không?
– Nói gì?
– Ngoại nói nếu Hoài ưng Tiên Sa ngoại sẽ làm mai cho. Ngoại khen Tiên Sa đẹp, hiền lành và học giỏi nhất Châu Bình…
– Hoài ưng không?
Hoài bóp nhẹ vai Tiên Sa.
– Ưng… chỉ có điều là Tiên Sa sẽ phải lên Sài Gòn. Xa ba má Tiên Sa chịu không?
Tiên Sa lặng thinh.
– Tiên Sa thương ba má nhưng chắc ba má cũng vui khi Tiên Sa lấy chồng…
Dường như không muốn nói tới chuyện đó nữa Tiên Sa đổi đề tài.
– Sáng mai nhà Tiên Sa giựt dừa. Hoài qua chơi với Tiên Sa nghe…
– Ừ… Hoài thích bè dừa… Vui lắm… Hồi nhỏ Hoài bè dừa cho ngoại…
Tiên Sa cười.
– Bây giờ lớn rồi phải làm cho đàng hoàng không chị hai đánh đòn…
– Người ta làm không công mà còn bị hăm he nữa… Ba má của Tiên Sa có cho phép Hoài giúp không?
Khuôn mặt đang tươi vui của Tiên Sa chợt đổi sang buồn rầu cùng tiếng thở dài.
– Ba bị bịnh hoài. Hồi còn trẻ ba bị lính tây bắt. Tụi nó giam cầm đánh đập ba thời gian rồi thả ra. Nhưng từ đó ba bị bịnh hoài. Má nói với Tiên Sa là ba bị lao nặng lắm…
Hoài nhìn thấy hai mắt của cô bạn thân nhạt nhòa nước mắt. Anh không biết làm gì hơn là nắm lấy bàn tay hơi bắt đầu chai cứng của Tiên Sa. Làn da trắng và mịn màng của cô học trò trường Phan Thanh Giản cũng bắt đầu rám nắng. Đó là kết quả của những ngày làm việc vất vả để đổi lấy miếng cơm manh áo và để được cắp sách tới trường. Hoài cảm thấy thương và kính phục Tiên Sa vô cùng. Dù nghèo khổ, dù vất vả Tiên Sa vẫn vui vẻ chịu đựng và phấn đấu để vươn lên. Dường như nàng có cái nghị lực và niềm tin tưởng mạnh mẻ để cố gắng tạo dựng cho mình một chổ đứng vững vàng trong xã hội.
Hoài hôn vào đôi mắt long lanh lệ của Tiên Sa.
– Hoài thương Tiên Sa…
Tiên Sa chớp mắt mấy cái rồi mỉm cười. Nàng đọc được sự thương mến và chân thành của bạn qua câu tỏ tình mộc mạc.
– Thiệt hôn… Mai mốt dìa Sài Gòn Hoài có thiếu gì người. Tiên Sa nghe mấy đứa bạn nói con gái Sài Gòn đẹp lắm…
– Đâu có đẹp bằng Tiên Sa…
– Xạo… Hoài nịnh cho Tiên Sa vui phải không?
Hoài nói với giọng nghiêm trang.
– Hoài không nịnh Tiên Sa đâu. Tiên Sa đẹp. Cái đẹp của Tiên Sa là một tích tụ của nước sông Ba Lai, phù sa của sông Cửu Long, là cơn gió đồng nội, là ánh trăng trên vườn dừa xanh, là hương mù u ngạt ngào. Cái đẹp của Tiên Sa thanh khiết và thuần hậu. Nó là cái phần hồn sâu kín không có gì quý hơn mà cũng không có gì so sánh được…
Hoài ngừng nói quay nhìn cô bạn gái. Anh thấy được đôi mắt đang dõi trông một cái gì thật mơ hồ và cũng thật gần gụi trên dòng sông Ba Lai đầy lục bình trôi lêu bêu.
– Ai bảo Tiên Sa không thoa má hồng. Tiên Sa đánh má hồng bằng nắng của mặt trời, tô môi son bằng bùn non của sông Cửu Long, xức dầu thơm bằng mùi hương diễm tuyệt của hoa mù u. Những thứ đó tự nhiên như gió, như trăng sao… Người ta thường hay loay hoay đi tìm, đi kiếm một cái gì mà họ không biết rằng cái mà họ nhọc công tìm kiếm đã có sẵn trong họ… Cái đẹp của nhan sắc là cái đẹp sẽ bị thời gian tàn phá trong khi cái đẹp của tâm hồn là cái đẹp hằng cửu, bất biến bất hoại…
Tiên Sa mỉm cười nhìn Hoài đăm đăm. Dường như một vài lời trong câu nói dài lê thê của Hoài đã mở cho nàng thấy được một cái gì mà nàng đang tìm kiếm.
– Nếu Tiên Sa dang nắng đen thui Hoài có thương không?
– Thương… Thương nhiều hơn…
– Nếu Tiên Sa hôi bùn sình Hoài thương không?
– Thương…
– Nếu môi của Tiên Sa dính bùn Hoài dám hôn không?
– Dám…
Hoài quả quyết.
– Mình đi dìa Hoài… Trưa rồi… Tiên Sa còn phải sửa soạn mọi thứ để mai giựt dừa…
Quay nhìn dòng sông Ba Lai rồi nhìn gốc dừa lão trơ vơ Hoài chợt nảy ra ý nghĩ.
– Tiên Sa có dao không?
– Có… Chi vậy…
– Hoài muốn khắc tên hai đứa mình lên gốc dừa…
Không lạ gì cái nết đa tình của bạn Tiên Sa đưa con dao nhỏ cho Hoài.
– Hoài khắc chữ gì?
Không trả lời Hoài cặm cụi dùng mũi dao khắc chữ Hoài sau đó là chữ nhớ rồi tiếp theo là chữ Tiên Sa.
– Hoài nhớ Tiên Sa…
Cô gái lẩm bẩm đọc.
– Hổng được đâu… Chỉ có mình Hoài nhớ Tiên Sa thôi chứ Tiên Sa đâu có nhớ Hoài… Hổng chịu…
– Có chứ…. Tiên Sa đọc ngược lại đi…
Tiên Sa mỉm cười sung sướng vì đọc ngược lại bốn chữ sẽ thành là Tiên Sa nhớ Hoài.
– Tình của mình sẽ được vun bồi bởi phù sa của sông Ba Lai…
Không biết nghĩ gì mà suốt trên đường trở về nhà cô gái nắm tay bạn thật chặt như không muốn rời.
Tiên Sa ngạc nhiên khi thấy Hoài có mặt ở nhà nàng rất sớm.
– Hoài ăn cơm chưa?
– Ăn rồi… Hoài biết bè dừa mau đói bụng nên ăn một bụng no cành hông…
Tiên Sa cười vì cách dùng chữ nhà quê của bạn. Nàng biết Hoài muốn hòa đồng với những người chung quanh. Nàng cười chúm chiếm khi thấy bạn mặc quần kaki ngắn, áo thun đen và đi chân đất gần giống như một cậu con trai nhà quê.
Vừa ra khỏi nhà Hoài nghe được tiếng đùng đùng vang không dứt. Đó là tiếng dừa rơi trên nước.
– Mình đi đường này…
Tiên Sa dẫn Hoài đi lối khác. Hai đứa phải ở đằng sau người thợ giựt dừa thời mới bè dừa được. Dân Châu Bình và các làng lân cận được chia làm hai hạng. Đó là chủ vườn dừa và người làm công. Cả hai liên hệ với nhau rất mật thiết. Có thể nói không có người này thời không có người kia. Giựt dừa là một nghề đặc biệt không phải ai cũng làm được. Người thợ giựt dừa dùng một cây sào thật dài mà nơi cuối sào có gắn một lưỡi hái để cắt đứt cuống trái dừa cho nó rớt xuống đất. Thường thường họ có ba cây sào làm bằng tre dài, ngắn và trung bình để giựt ba loại cây dừa khác nhau. Nói thời dễ nhưng làm mới khó và nhất là nguy hiểm. Không khéo tay hoặc đôi khi lỡ tay họ sẽ bị dừa rớt trên đầu hoặc trên chân. Trái dừa tươi nặng hai ba ký lô mà rớt trên đầu thời nếu may mắn còn sống cũng khó nuôi. Nhiều trái dừa lửa hay dừa Tam Quan lớn và nặng năm bảy ký lô cho nên rất nguy hiểm. Ngoài ra để tiết kiệm công cho chủ nhà người thợ giựt dừa phải làm sao cho dừa rớt xuống nước hơn là rớt trên đất. Nó có hai điều lợi là chủ vườn không phải tốn công quăng trái dừa rớt trên bờ xuống nước và nhất là tránh cho trái dừa bị bể hay bị nứt.
Dừa trôi đầy trên nước. Hoài lãnh phần đi lượm mấy trái dừa rơi trên bờ rồi quăng xuống nước xong phụ với Tiên Sa đẩy những trái dừa từ các mương nhỏ ra mương lớn và cuối cùng ra con rạch chính để chờ nước ròng dừa sẽ theo nước chảy về nhà. Tại đây má và các người làm khác sẽ chuyển lên bờ để chờ tới sáng mai trời đẹp dừa sẽ được bóc vỏ, đập bể ra và phơi khô rồi cạy ra lấy cơm dừa bán cho người ta ép thành dầu dừa dùng làm xà phòng.
– Tiên Sa không ngờ Hoài bè dừa giỏi ghê…
– Thưởng đi…
Hoài hất mặt.
Tiên Sa trề môi.
– Hoài nói làm không công mà…
– Bởi vậy Hoài đâu có đòi tiền công… Hoài chỉ muốn được thưởng thôi…
– Mới làm có chút mà đòi thưởng… người gì đâu mà kỳ cục quá…
Tiên Sa phụng phịu khiến cho Hoài phì cười. Nhờ hai đứa làm việc không nghỉ nên tới trưa dừa đã được bè ra hết ngoài con rạch chính và chỉ còn chờ nước ròng. Hai đứa ngồi dưới gốc dừa ăn cơm trưa.
– Tiên Sa…
– Dạ…
– Môi của Tiên Sa dính bùn…
Thấy bạn định đưa tay áo lên chùi miệng Hoài nói nhỏ.
– Tiên Sa để Hoài chùi cho…
Tiên Sa đưa mặt tới gần như để Hoài chùi miệng cho mình. Liếc một vòng không thấy ai Hoài nói nhỏ.
– Hoài muốn dùng môi của mình để chùi miệng cho Tiên Sa…
Cô học trò tỉnh lỵ đỏ mặt.
– Thôi… không được đâu…kỳ lắm…
– Hôm qua Tiên Sa hỏi Hoài là nếu môi Tiên Sa dính bùn Hoài có dám hôn không. Bây giờ Hoài muốn chứng tỏ cho Tiên Sa thấy…
Cô học trò tỉnh lỵ làm thinh. Liếc quanh quất không thấy ai Tiên Sa thì thầm.
– Ừ… Hoài hôn đi… mà hôn ngay chỗ có dính bùn nghe…
Hoài hôn nhẹ lên môi Tiên Sa ngay chỗ có dính chút bùn non. Dù Hoài chỉ hôn phớt lên môi của mình nhưng Tiên Sa cảm thấy run rẩy và xuyến xao vì cái hôn đầu tiên của người bạn tình.
– Hoài ơi…
Tiên Sa thì thầm. Nàng trông thấy ánh mắt long lanh. hơi thở rộn ràng. và mùi con trai ngai ngái của Hoài. Hai đôi mắt lặng câm nhìn nhau. Khu vườn dừa chan hòa ánh nắng như biến mất đi chỉ còn có đôi trai gái đang nhìn nhau. đang hôn nhau bằng mắt. đang nói với nhau lời tình tự không cần ngôn từ.
– Hoài ơi…
– Tiên Sa… Mình ăn cơm đi…
Bốc nắm cơm bỏ vào miệng Tiên Sa cười với Hoài.
– Hoài học cái đó ở đâu vậy?
– Cái đó là cái gì?
Tiên Sa biết Hoài làm khó mình.
– Cái đó là… là hôn lên chỗ này nè…
Tiên Sa đưa ngón tay lên môi.
– Hoài xem chiếu bóng. Khi yêu nhau người tây phương họ hôn nhau bằng môi… Đó là biểu hiệu đầu tiên của tình yêu…
– Như vậy là hai đứa mình thương nhau hả Hoài?
– Yêu nhau… Ở Sài Gòn khi trai gái thương nhau họ không nói là thương mà gọi là yêu. Chữ này hẹp nghĩa và đặc biệt hơn chữ thương. Như Tiên Sa nói thương ba má chứ không nói yêu ba má. Như Tiên Sa nói yêu Hoài chứ không nói thương Hoài…
– Chi mà rắc rối vậy… Thương hay yêu thời cũng vậy thôi bởi vậy người ta mới nói thương yêu…
Thấy nước bắt đầu rút Hoài hối Tiên Sa ăn lẹ lên rồi lội xuống nước để bè dừa.
– Mình được bao nhiêu dừa Tiên Sa biết không?
– Khoảng gần hai thiên…
– Tiên Sa lạnh không?
Hoài hỏi khi thấy Tiên Sa rùng mình và mặt với môi tái lại vì ngâm nước quá lâu.
– Tiên Sa lên trên bờ phơi nắng cho ấm đi. Hoài làm một mình cũng được…
– Thôi Tiên Sa không nở để Hoài làm một mình. Mệt chết…
– Tiên Sa…
Bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của Hoài Tiên Sa hiểu nên chiều ý bạn. Leo lên bờ đứng ngoài nắng nàng nhìn Hoài bè dừa một mình. Nước ròng rút càng lúc càng mạnh cho nên Hoài phải lanh tay, lội chỗ này chỗ nọ, quay vào mương nhỏ hơn để lùa mấy trái dừa đi lạc xong hối hả trở lại chỗ cũ để lùa mấy trái dừa bướng bỉnh không chịu trôi theo con nước.
– Hoài ơi… Tiên Sa xuống nước được chưa… Hết lạnh rồi…
– Hông… Ngồi trên đó phơi nắng đi… Chừng nào Hoài cho phép xuống mới được xuống…
Nghe giọng nửa đùa nửa nghiêm của bạn Tiên Sa bụm miệng cười.
– Cha làm phách dữ a… Mới bây giờ mà đã ăn hiếp người ta rồi mai mốt còn dữ cỡ nào…
Hoài cười lớn lặn xuống nước. Đang ngóng trời ngóng đất chợt thấy Hoài mất tăm Tiên Sa sợ hãi.
– Hoài… Hoài ơi…
Hình bóng của người bạn tình vẫn mất biệt khiến Tiên Sa la làng.
– Hoài… Hoài… Hoài đâu rồi?
Vừa kêu nàng vừa lần ra mé nước. Ù… Hoài từ dưới nước vọt lên khiến cho Tiên Sa giật mình thiếu điều rơi xuống nước.
– Hoài kỳ quá… Làm Tiên Sa sợ gần muốn xỉu…
– Tiên Sa sợ gì…
– Sợ Hoài chết chìm chứ sợ gì…
Hoài phì cười. Tiên Sa không biết Hoài là một học sinh đứng hạng ba của tỉnh Gia Định về môn bơi lội. Ngoài cử tạ Hoài còn đua xe đạp, chạy bộ và chơi đá banh. Cái rạch cạn nước ngang ngực thời làm sao chết chìm được.
Nhìn thấy hàng dừa đầu tiên đã trôi tới nhà Tiên Sa nói lớn:
– Hoài… Tiên Sa phải xuống nước bè dừa chứ đứng trên này má chửi chết…
– Tiên Sa là cô giáo mà… Đứng chỉ tay năm ngón có sao đâu…
Biết Hoài nói đùa Tiên Sa lội xuống nước phụ với Hoài đẩy mấy trái dừa tươi trôi nhanh hơn. Con rạch lớn đầy đặc những trái dừa đứng im tại chỗ. Đây là lúc mà hai đứa phải đi xuống phía dưới kia để quăng những trái dừa lên bờ lấy chỗ cho các trái còn lại trôi xuống. Công việc này khá nặng nhọc nên Hoài nhất định không để cho Tiên Sa làm. Nàng chỉ làm việc nhẹ là đẩy dừa tới gần cho Hoài quăng lên bờ. Bông, đứa em gái của Tiên Sa cũng lội xuống nước giúp cho nên gần một tiếng đồng hồ dừa đã được chất thành đống cao nghệu trên sân chờ sáng mai mới bắt đầu lột vỏ.
Tiên Sa phải năn nỉ Hoài mới chịu ở lại ăn cơm với gia đình của nàng. Hoài biết nhà của nàng nghèo nên không muốn làm phiền. Ăn cơm xong Hoài nói với Tiên Sa là sáng mai sẽ trở lại để làm xong công việc.