Giang Hồ Kỳ Hiệp- Quyển 3

 

34

Hoành Sơn Hiệp Lữ

Ba châu Địa Li, Bố Chính và Ma Linh núi cao đụng trời. Rừng già ngút ngàn. Một dãy từ bắc xuống nam lưng tựa vào biên thùy Đại Việt với Lão Qua còn mặt hướng ra Đông Hải. Hang động nhiều vô số kể, vốn là nơi trú ngụ của các kỳ nhân dị sĩ tu tiên hoặc rèn luyện võ nghệ để chờ khi nhập giang hồ dương danh cùng thiên hạ. Hoành Sơn chập chùng hiểm trở bắt từ biên thùy Lão Qua kéo dài ra tới biển Đông. Xưa là ranh giới của hai nước Việt Chiêm, nhưng từ khi vua Chiêm Chế Củ dâng ba châu cho nhà Lý thời Hoành Sơn hay còn gọi là Đèo Ngang nằm trong nội địa của nước ta.

Động Chân Linh. U tịch. Vắng lặng. Huyền bí. Không bóng người vãng lai. Cửa động âm u. Dòng sông ngầm lặng lờ chảy. Nước xanh biếc màu chàm. Bên trong động sáng sủa. Cây cỏ xanh tươi. Khí hậu ôn hòa mát mẻ. Chim chóc hót ca líu lo. Hoang thú nhởn nhơ đi lại. Mái thảo lư nằm dưới tàng cây xanh um. Trước sân một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi trên tảng đá hoa cương xanh biêng biếc. Trước mặt ông lão chừng ba bước một thanh niên tuổi còn trẻ đang đứng im triển công phu trầm tịnh. Thanh niên vận chiếc quần dài làm bằng da thú, ở trần để lộ hai cánh tay gân guốc. Tóc dài như con gái buông tới lưng. Đôi mắt sáng rực hàn quang nhìn đăm đăm vào gốc cây. Đang đứng yên bàn tay thanh niên chợt máy động. Luồng ánh sáng xẹt ra tợ điện chớp. Mũi dao bay mỏng hơn lá liễu cắm vào thân cây cổ thụ ngập tận chuôi.

– Con phóng như thế được chưa thưa sư phụ?

Thanh niên lên tiếng hỏi. Ông lão đứng lên. Tay chống cây gậy trúc ông ta bước tới đứng trước mặt đệ tử. Ánh mắt nhìn thời từ hòa song giọng nói lại nghiêm nghị cất lên giữa rừng già u tịch.

– Khá lắm… nhưng…

Ông lão ngừng nói. Thanh niên cười mau mắn hỏi tiếp.

– Như vậy là con được phép lưu lạc giang hồ rồi hả sư phụ?

Ông lão mỉm cười vuốt râu. Nhìn đệ tử ông ta trầm giọng.

– Cao thủ của giới giang hồ Đại Việt nhiều vô số kể. Bản lãnh cỡ như con so ra không bì được họ. Tài phóng dao bay như con đây chưa đủ để tranh tài cùng thiên hạ…

Thanh niên xịu mặt ấp úng.

– Con tưởng…

Giọng của ông lão chợt trầm xuống thật ôn tồn như muốn giải thích cho học trò hiểu.

– Con phóng dao trúng mục tiêu nhanh chuẩn vô cùng. Nhưng con nên nhớ một điều, gốc cây là vật chết, là vật bất động; trong khi đối thủ của con là một vũ sĩ giang hồ tài bộ hơn con gấp mười lần. Thủ pháp của họ sẽ nhanh hơn con…

Thanh niên trầm ngâm tỏ vẻ thấm cái ý của thầy. Lát sau y lên tiếng hỏi.

– Như vậy con phải làm sao thưa thầy?

Nhìn đệ tử ông lão bật cười sang sảng.

– Ta đã nói với con nhiều lần là mọi ý nghĩ và hành động của con đều khởi từ cái tâm của mình. Tâm phát sinh ý, ý chuyển thành hành và hành tạo ra lực. Chặng đường tâm, ý, hành đó con sẽ phải đi qua để đạt tới chỗ cao siêu nhất trong vũ thuật. Luyện được tâm ý hành thông suốt thời mũi dao bay của con sẽ nhanh hơn sát na, nhanh hơn phản ứng của bất cứ cao thủ giang hồ nào…

Thấy đệ tử hơi ngơ ngác về lời nói của mình ông lão vuốt râu cười.

– Để cho con dễ hiểu ta có cách như thế này. Từ đây về sau ta sẽ đứng làm cái bia sống cho con khổ luyện thuật phóng dao bay. Chừng nào con phóng trúng ta thì con được phép xuống núi…

Thanh niên trợn mắt nhìn thầy.

– Con phóng trúng thì thầy sẽ chết…

Ông lão gióng lên tràng cười rúng động rừng già âm u.

– Đúng như thế. Giết chết ta thì con mới đủ sức dương danh trong cõi giang hồ. Không giết chết ta thời con sẽ phải chôn thân ở đây… ha… ha… ha…

Ông lão xoay lưng bước đi để lại tràng cười cùng với thanh niên ngơ ngác nhìn theo.

– Tâm ý hành hợp nhất… Con nên ngẫm lời ta dặn…

Vầng thái dương chênh chếch ngọn cây. Nắng soi sáng khoảnh đất trống. Hai thầy trò đứng đối diện cách nhau mươi bước. Ánh mắt băng lạnh của thanh niên nhìn trừng trừng vào mục tiêu bất động trước mặt của mình. Y cũng hiểu mục tiêu thoạt nhìn thời bất động song bên trong hàm chứa một cái động vô lường không ai biết được. Thời gian trì trệ trôi qua. Bàn tay mặt của thanh niên khẽ nhích động. Ánh kim khí lóe lên. Lưỡi dao bay với tốc độ cực nhanh mà mục tiêu chính là mi tâm huyệt của ông lão. Tay áo rộng từ từ kéo lên. Hai ngón tay gầy khẳng khiu của ông ta kẹp cứng lưỡi dao bay của học trò. Ông ta không nói lời nào hết. Chỉ là sự im lặng. Chỉ là cái nhìn song hàm chứa vô vàn lời nói. Cuối cùng ông lão cất giọng trầm trầm.

– Không phải nhanh là đủ. Trong vũ thuật không phải nhanh là thắng. Nhanh chỉ là hành. Không có tâm ý thời nhanh cũng bằng thừa…

Ông lão xoay lưng bước để lại thanh niên trầm ngâm đứng nhìn vào mục tiêu vô hình trước mặt. Ngày lên rồi ngày xuống. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Thanh niên phóng dao bay mỗi ngày một nhanh hơn song vẫn không trúng được đối thủ. Ông lão vẫn chưa chết.

Đêm yên lặng. Trăng thượng tuần đổ xuống khu rừng hoang soi rõ bóng một người ngồi im lìm trên sợi dây mây vắt ngang qua hai thân cây cao. Bàn chân phải đặt lên đùi trái, bàn chân trái lòn dưới chân phải đặt lên đùi bên phải, lưng thẳng, vai thẳng, hai cánh tay gấp lại đặt hờ lên đùi, bàn tay tả đặt vào lòng bàn tay hữu, hai ngón tay cái gần chạm nhau; y ngồi trên sợi dây mây vững vàng như người ta ngồi trên đất bằng. Ðây là thế tọa thiền mà thầy y thường gọi là tư thế phật ngồi. Ðây cũng chính là tư thế mà lúc lên năm, lên sáu y được chỉ dạy trong bài học vở lòng về khổ luyện nội lực. Hít vào đếm là một, thở ra đếm là hai cứ như thế tuần tự tới mười xong bắt đầu trở lại một mà không bị lầm lẫn và sơ sót. Qua một thời gian lâu hay mau tùy theo sự chuyên cần luyện tập người ta sẽ bước sang giai đoạn thứ nhì. Hít vào và thở ra đếm là một, cứ như thế tới mười xong bắt đầu trở lại. Sau thời gian tọa thiền lâu dài tạp niệm sẽ từ từ lắng đọng giống như nước nếu để yên các chất cặn bả và dơ bẩn sẽ từ từ lắng xuống đáy.

Vừa hít thở được vài lần y cảm thấy chân khí từ huyệt trường cường nơi hậu môn theo đốc mạch chạy lên cổ, lên đầu rồi đi vòng xuống trán, mũi và chạy tới huyệt thừa tương sau đó theo nhâm mạch chạy xuống ngực, bụng rồi chảy vào đan điền xong chạy xuống tới huyệt hội âm. Đồng thời một luồng khí nhu hòa từ ngực chạy vào ba kinh âm của tay là thái âm phế, quyết âm tâm bào và thiếu âm tâm. Cùng lúc đó chân khí từ mạch nhâm chạy xuống ba kinh dương ở chân là dương minh vị, thiếu dương đởm và thái dương bàng quang. Ngoài ra chân khí theo đốc mạch từ bụng cùng với chân khí từ ba kinh dương ở tay chạy lên đầu trong khi đó luồng nhiệt khí từ ba kinh âm ở chân chạy lên đan điền và cứ như thế mà luân lưu không bao giờ dứt.

Chân khí lưu hành làm cho tạp niệm từ từ lắng đọng. Ý niệm phát sinh. Y cảm thấy một luồng khí từ trên đỉnh đầu chạy xuống tay rồi ra tới bàn tay và không tự chủ được y chụp lấy chuôi lưỡi dao đang đeo bên mình. Ánh kim khí lóe chớp giữa đêm trăng rằm. Hành động của y không qua được nhận xét của ông lão và ông ta gật gù mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Cứ như thế bàn tay của y liên tục nhích động dù không có lưỡi dao bay ra. Ngày tàn đêm xuống. Đêm tàn ngày lên cho tới một ngày. Mặt trời lên. Cỏ còn ngậm sương. Nắng le lói rừng hoang. Ông lão và đồ đệ của mình đứng đối diện nhau trên khoảnh đất trống quen thuộc. Hai thân thể bất động nhưng hàm chứa cái động vô lường. Tịnh động. Chỉ có hai tiếng thôi mà biến hóa vô cùng. Tịnh là động mà động là tịnh. Đối phương tịnh thời ta tịnh. Đối phương động thời ta động trước. Đối phương tịnh thời ta động. Tâm sinh ý, ý sinh ra hành và hành tạo ra động tác. Bàn tay của thanh niên máy động. Lưỡi liễu diệp phi dao xẹt ra. Thân người ngã xuống.

– Thầy ơi…

Thanh niên nâng người thầy kính yêu đã sống, đã dưỡng dục y hai mươi mấy năm. Ông lão mở mắt mỉm cười. Giọng nói của ông ta bình tịnh như không màng tới máu đang từ vết thương tuôn ra ướt đẫm áo.

– Con xuống núi được rồi… Bây giờ con thừa sức dương danh trong cõi giang hồ…

Thanh niên bật lên tiếng khóc.

– Con… Con…

Hiểu ý của đồ đệ ông lão cười mãn nguyện cất giọng thều thào.

– Ta già rồi… Ai cũng một lần chết. Ta chỉ muốn nói với con một điều…

Ông lão ngừng lại húng hắng ho rồi nói tiếp.

– Khí giới là vật vô tình mà người thời hữu tình. Nếu tha được thì con nên tha cho người…

Dứt lời ông lão ngoẹo đầu trút hơi thở cuối cùng để thanh niên ngồi khóc cạnh thi thể của thầy. Trưa hôm đó chôn cất thầy xong thanh niên mang gói hành lý nhỏ trên vai theo con đường mòn xuống núi. Vừa đi y vừa lẩm bẩm đọc lá thư ngắn gọn của người thầy kính mến.

– Ta biết con và ta sẽ có ngày chia tay cho nên con chớ nên bi lụy. Hai mươi lăm năm về trước, trong một cuộc viếng thăm sư cụ chùa Tiêu Sơn ta đã nhận lời ủy thác của người để nuôi dưỡng con nên người. Ta vui mừng vì đã làm tròn lời hứa của mình. Không phụ lòng kỳ vọng của ta, con đã khổ công rèn luyện vũ thuật để trở thành một cao thủ của giới giang hồ nước ta. Đó là lúc chúng ta phải chia tay. Con là đứa con mồ côi, không có danh tánh nên ta tạm đặt cho con cái danh Hoành Sơn Hiệp Lữ để giao tiếp với đời. Ta mong con sẽ thực thi tôn chỉ của vũ đạo, hành hiệp trượng nghĩa, và giúp đỡ dân lành. Được như vậy ta sẽ ngậm cười nơi chín suối…

Đọc xong lá thư thanh niên lẩm bẩm.

– Hoành Sơn Hiệp Lữ… Đường dao bay…

Bàn tay của y tự động chụp lấy chuôi lưỡi dao. Ánh kim khí chớp lên. Đường dao bay vút đi tợ sao sa rồi cắm vào thân cây ngập tận chuôi.

– Thầy ơi… Con sẽ làm theo lời thầy dạy…

 

*****

Chín người ngồi vây quanh chiếc bàn đóng bằng cây sơ sài. Đó là Lý Đông Ba, Lý Uyên Nguyên, Lý Thanh Anh, Lãng Thư Sinh, Hoàng Sa Quái Khách, Hải Âu Xứ Kiếm, Độc Thủ Khách, Vô Gia Tử và Lưỡng Xúc Thư Sinh. Nhấp ngụm nước đựng trong cái chén cây Hoàng Sa Quái Khách tặc lưỡi.

– Rượu ngon quá… Tôi không ngờ Lý lão tiền bối lại sành cất rượu…

Được khen Lý Đông Ba cười ha hả.

– Hồi còn làm nhân viên do thám lão phu đã lội khắp trấn Thanh Đô, Nghệ An và ba châu Lâm Bình, Bố Chính với Minh Linh. Nhờ vậy mà học được cách làm rượu cần của dân Man…

Hướng về Lãng Thư Sinh đang ngồi trầm tư ông ta cười tiếp.

– Túc hạ tính ngày nào về lại đảo Cát Bà?

Hiểu ý của Lý Đông Ba, Lãng Thư Sinh tươi cười lên tiếng.

– Tôi đã hỏi ý Long Anh với Tường Vi rồi. Cả hai đều bằng lòng là đợi sau khi Tường Vi sinh cháu Ngọc Sơn xong cả hai sẽ đi với tôi về đảo Cát Bà. Hiện giờ Tường Vi sắp tới ngày lâm bồn nên không tiện đi đứng. Vả lại sau khi sanh song cũng phải chờ ít nhất hai tới ba tháng cho cứng cáp thì mới khởi hành…

Nhìn một vòng người ngồi quanh bàn y cười hỏi.

– Chư vị tính đi đâu hay là ở lại đây?

Nghe câu hỏi này Lý Uyên Nguyên liếc nhanh Lý Đông Ba rồi mới trả lời.

– Tôi với Thanh Anh sẽ hộ tống cháu Phá Thiên Lôi về Chu gia trang cho biết rồi sau đó mới tính chuyện cưới hỏi…

Đang ngồi trò chuyện với Tường Vi và Lý Tiểu Dung nghe Lý Uyên Nguyên nói tới đó cô gái mang tên Phá Thiên Lôi mắc cỡ đỏ cả mặt mày. Lý Đông Ba chợt xen vào câu chuyện.

– Phần tôi sẽ đi với con Tiểu Dung về phủ Thiên Đức gặp phụ mẫu của thằng Bình để bàn về hôn ước cho hai đứa…

Nghe tới đó Vô Gia Tử cười hí hí nói với Lưỡng Xúc Thư Sinh ngồi bên cạnh.

– Ngươi kín miệng dữ a… Bây giờ ta mới biết tên họ của ngươi…

Lưỡng Xúc Thư Sinh tủm tỉm cười liếc nhanh Lý Tiểu Dung đang ngồi bàn bên kia. Tới phiên Hải Âu Xứ Kiếm hắng giọng.

– Tôi với Vô Gia Tử sẽ về Bạch Long Vỉ đảo…

Lãng Thư Sinh nhìn Hoàng Sa Quái Khách thì thấy y cười cười.

– Ta đem hai cô học trò của phái Đỗ Gia về đảo Hoàng Sa…

Độc Thủ Khách hắng giọng.

– Ta về lại Mã Giang chừng vài tháng xong sẽ trở lại đây thăm cháu Ngọc Sơn…

Lãng Thư Sinh gật đầu trầm ngâm khá lâu mới lên tiếng.

– Trước khi chư vị lên đường thời tôi có ý kiến như thế này. Trừ Hoàng đảo chúa xuôi nam, còn lại bảy người đều ngược ra bắc nên tôi muốn nhân cơ hội đó phao tin ta ra bắc với ý định hành thích Trần Thủ Độ. Biết được tin này tất nhiên nhân viên do thám dưới quyền của lão Lê Hàn phải rút về Thăng Long…

– Ngươi nghĩ là lão Lê Hàn sẽ rút về Thăng Long?

– Ta đoán như thế. Ít nhiều gì chúng cũng lo lắng cho sinh mạng của Thủ Độ… Như vậy chỉ còn một số ít lo tìm kiếm nơi ở của Long Anh và các người họ Lý…

Lý Uyên Nguyên gật gù cười.

– Ý kiến của tiên sinh rất hay. Dù gì chúng ta cũng ngược ra bắc nên đó là việc nhất cử lưỡng tiện…

– Lão mời tiên sinh cho nghe cao kiến…

– Tôi tính kế như vầy. Đầu tiên lão bá cùng Lý cựu chưởng môn và Thanh Anh với Phá Thiên Lôi vầy đoàn ra Thăng Long. Trên đường đi chư vị phải qua đèo Ba Dội gặp Lê Bĩnh Du rồi mời Bỉnh Du nhập đoàn ra Thăng Long hành thích Trần Thủ Độ. Dĩ nhiên Binh Du sẽ từ chối. Nếu y từ chối thời chư vị xin y kín miệng dùm. Tôi biết Bỉnh Du sẽ kín miệng nhưng khi bị nhân viên do thám tra hỏi thì hắn sẽ khai ra vì không muốn gặp rắc rối với đoàn do thám. Hai ngày sau khi Lý lão bá lên đường thì tới phiên nhóm thứ nhì với Hải Âu Xứ Kiếm, Vô Gia Tử, Độc Thủ Khách…

Nghe tới đây Hoàng Sa Quái Khách chợt ứng tiếng.

– Ta đi nữa… Ta sẽ cùng Vi Vi và Vân Vân ngược đường ra bắc rồi sau đó đón thuyền xuôi nam…

Lãng Thư Sinh gật đầu nói.

– Vậy thì ngươi đi toán sau cùng với Lưỡng Xúc Thư Sinh và Lý Tiểu Dung.

Suốt mấy ngày Lãng Thư Sinh cùng đồng bạn bàn soạn kỹ lưỡng chuyện giả vờ ra Thăng Long hành thích Trần Thủ Độ.

 

*****

Bát Chiêu Trần Hành, Độc Kiếm Nguyễn Long, Trần Anh và Lê Hàn ngồi ăn uống trong một tửu lầu ở chợ Phan Long hay Ba Đồn nằm cạnh bên bờ Linh Giang. Đang ăn họ Từ hơi ngưng lại khi thấy Lê An, tên thủ hạ thân tín hấp tấp bước vào. Thấy dáng điệu đó Từ Hanh vội đứng lên và bước nhanh ra đường chận Lê An. Y có thâm ý riêng là không muốn cho Lê Hàn nghe biết tin tức trước khi chính miệng y nói lại với lão. Hiểu ý của cấp chỉ huy Lê An thì thầm mấy lời rồi lủi nhanh vào đám đông đang đứng xem toán mãi võ biểu diễn vũ thuật.

Đợi cho Từ Hanh an tọa xong Nguyễn Long mới cười hỏi.

– Chắc huynh có tin vui?

Thong thả đưa chén rượu lên nhấp ngụm nhỏ Từ Hanh hắng giọng.

– Thủ hạ vừa lượm được tin lạ lắm…

Lê Hàn và Nguyễn Long im lặng chờ nghe. Họ biết Từ Hanh đã rãi một đường dây lượm tin khắp vùng Thanh Đô, Nghệ An và ba châu Lâm Bình, Bố Chính và Minh Linh. Bất cứ việc gì lạ mới đều không lọt khỏi tai mắt của họ Từ.

– Hai ngày trước một nhóm nhỏ ba người của Lãng Thư Sinh đã lên bờ ở cửa Linh Giang nhưng sau đó chúng biến mất không để lại vết tích. Nhân viên ban tin tức đã quậy nát một vùng rộng lớn mà cũng không biết bọn chúng biến đi đằng nào. Hồi sáng này nhân viên của tôi lại thấy tên Lãng Thư Sinh và Hải Âu Xứ Kiếm đang ăn nhậu tại bến đò Linh Giang cách ta non dặm đường…

Lê Hàn nhướng đôi mày chổi xể. Nếu không có công phu trầm tịnh thâm sâu lão đã đứng bật dậy kéo thủ hạ đi rồi.

– Hơi lạ hả Từ huynh. Tự nhiên y xuất hiện khơi khơi trước mặt bọn ta…

Từ Hanh gật đầu quay qua hỏi Lê Hàn.

– Phó thủ lĩnh nghĩ sao?

Lê Hàn lặng thinh suy nghĩ. Lão không muốn hấp tấp trả lời vì sợ bị thất thố. Lát sau lão thủng thẳng mở lời.

– Ta nghĩ gã phải có ý gì…

Nguyễn Long thấy Từ Hanh nhìn mình cười ý nhị rồi sau đó mới lên tiếng.

– Nhân viên của ta rình nghe được bọn chúng bàn tính…

Cố tình gây sự chú ý và nôn nóng của Lê Hàn và luôn cả Nguyễn Long nên Từ Hanh không nói hết câu. Đưa chén rượu lên nhấp ngụm nhỏ y nhìn ra ngoài đường. Tiếng rao hàng lanh lảnh. Mùi thức ăn theo gió bay vào mũi thơm lừng. Người đi lại tấp nập.

– Gã học trò bán kiếm mưu tính cái gì mà lại ra Thăng Long. Điều kỳ quặc là gã cố tình cho ta biết lộ trình… Tôi chờ Lê An cho biết tin cuối cùng… Có lẽ cũng không lâu ta sẽ biết chừng nào gã đi, đi đâu và làm gì…

Vị trưởng ban tin tức của đoàn do thám Thăng Long ngừng nói khi thấy bóng của Lê An từ xa đi lại. Lần này họ Từ vẫn ngồi yên không đứng dậy nữa. Đợi cho thủ hạ tới bàn y hất hàm.

– Gã đâu?

Kính cẩn thi lễ với Lê Hàn và Nguyễn Long xong Lê An mới nói với vị trưởng ban của mình.

– Thưa trưởng ban… Gã vẫn còn ở chỗ cũ. Gã và tên chúa đảo Bạch Long Vỉ nói chuyện. Thuộc hạ nghe chúng nhắc tới tên Trần thái sư…

Lê Hàn dựng mặt. Từ Hanh động dung còn Nguyễn Long nắm chặt mép bàn. Ba nhân viên cao cấp của đoàn do thám Thăng Long nhìn nhau. Cả ba dường như có cùng một ý nghĩ.

– Thôi được rồi… Ngươi cứ bám theo gã học trò đi… Có tin gì mới cứ tới gặp ta…

Từ Hanh vẩy tay cho thủ hạ rút lui. Nguyễn Long thấp giọng.

– Tôi nghĩ…

Lê Hàn gật đầu phụ họa.

– Không lẽ tên học trò liều mạng định hành thích Trần thái sư…

Nghe vị phó thủ lĩnh của mình nói thẳng ra Từ Hanh mỉm cười.

– Có thể lắm… Có thể gã làm thật hoặc cũng có thể gã hù ta. Gã biết nhân viên của ba ban truy tầm, ám sát và tin tức đều có mặt ở đây do đó gã tính lộn trở ra bắc để hành thích Trần thái sư…

Trần Anh nhỏ nhẹ lên tiếng. So với ba người ngồi cùng bàn hắn có thân phận thấp nhất nên ít khi mở lời để bàn luận chuyện gì.

– Có thể gã thư sinh hù ta vì vậy mà gã mới lộ ra cho ta biết…

Từ Hanh cười nhẹ.

– Gã hù hay không thời ta chưa cả quyết. Tuy nhiên tôi nghĩ ta không thể không quay trở lại Thăng Long. Sinh mạng của Trần thái sư quan trọng lắm. Nếu ông ta có mệnh hệ gì là chúng ta chịu trách nhiệm…

Khẽ gật đầu Lê Hàn lên tiếng.

– Ta đồng ý với Từ trưởng ban gấp rút quay về Thăng Long để ngăn chặn tên học trò. Ta với Trần trưởng ban chỉ huy nhân viên ban truy tầm đi trước còn nhị vị điều động nhân viên đi sau…

Dứt lời Lê Hàn đứng lên. Trần Anh cũng bước theo vị phó thủ lĩnh của mình. Từ Hanh nhìn theo mỉm cười. Bắt gặp nụ cười ý nhị của Từ Hanh, Nguyễn Long hỏi nhỏ.

– Từ huynh tính khi nào mình thượng lộ?

Họ Từ vẩy tửu bảo đổi cho mình bình trà mới. Khi gã tửu bảo đem bình trà ra, y thong thả rót vào chén cho mình và cho Nguyễn Long xong mới vui vẻ lên tiếng.

– Tôi với huynh cứ ở lại đây…

Dứt lời họ Từ thong thả đưa chén trà nóng lên nhấp ngụm nhỏ. Thần thái của vị trưởng ban tin tức rất ung dung và nhàn nhã. Tuy vốn là một vũ sĩ lưu lạc giang hồ song Từ Hanh lại có một phong cách hoàn toàn khác hẳn. Y không có ngưu ẩm ngưu thực, cười nói ồn ào và lổ mảng. Y có cung cách của con nhà quyền quí và cao sang hơn là nhân vật giang hồ ăn quán ngủ chợ.

– Lãng Thư Sinh không phải là kẻ võ biền vô học…

– Huynh biết gì về tên học trò bán kiếm?

Nguyễn Long hỏi trong lúc đưa chén trà lên uống ngụm nhỏ. Chơi với Từ Hanh hoài thành ra y cũng học được thói quen của bạn.

– Nhân viên của tôi dò la ra hắn thụ nghiệp từ một kỳ nhân dị sĩ ngoài Đông Hải. Vị này ẩn cư trong vịnh Ngọc Sơn, tài kiêm văn võ, nên đã truyền hết sở học bình sinh lại cho Lãng Thư Sinh. Y tôi luyện được công phu phi hành độc bộ giang hồ tên Hành Sa bộ pháp. Ngoài ra y còn có công phu mới lạ là Lãng công phu bao gồm hai tuyệt kỹ Lãng Kiếm và Lãng Quyền…

– Còn thanh kiếm thiết huyền. Làm sao y có được thanh thần kiếm này?

Nguyễn Long hỏi dồn và Từ Hanh thủng thẳng lắc đầu.

– Tôi không được tỏ tường lắm về thanh kiếm thiết huyền. Có lẽ nay mai nhân viên của tôi mới điều tra ra được. Tôi chỉ biết y sinh ra ở đảo Cát Bà. Cha mẹ nghèo nên mới cho y lên Phù Vân Tự đi tu nhưng sau đó không biết vì cớ gì lại thành vũ sĩ giang hồ…

Từ Hanh ngừng nói khi thấy Lê An trở lại với dáng hối hả.

– Thưa trưởng ban…

Từ Hanh ngắt lời nhân viên của mình.

– Y đi rồi hả?

– Thưa y và tên chúa đảo Bạch Long Vỉ vừa mới khởi hành với hai bằng hữu là Độc Thủ Khách và Lý Thanh Anh, tân chưởng môn của phái Thảo Đường…

Hơi cau mày nhưng không nói gì hết Từ Hanh im lìm khá lâu mới hắng giọng nói với Nguyễn Long.

– Bảo vệ quan thái sư đã có ban bảo hoàng lo lắng vì đó là trách nhiệm của họ. Chuyện truy tầm và tận diệt đám con cháu nhà Lý là nhiệm vụ của tôi với huynh. Thủ lĩnh có dặn riêng với tôi là đoạt được thanh kiếm thiết huyền mới là điều quan trọng nhất. Nó quan trọng hơn việc truy sát đám con cháu nhà Lý. Theo sở kiến của tôi thì Lãng Thư Sinh giả bộ ra Thăng Long hành thích Trần thái sư để cho ta rút nhân viên về đế đô. Biêt chuyện hành thích thái sư không phải dễ làm nên gã chẳng ngu dại gì mà làm để thiệt thân. Tôi đoán các đồng bọn của hắn chia nhau ra bắc cũng chỉ là giả vờ thôi. Tuy nhiên tương kế tựu kế ta cũng làm như bị trúng kế của hắn bằng cách cho hai vị phó trưởng ban của tôi với huynh chỉ huy thủ hạ về Thăng Long. Ta chỉ lưu lại đây một ít nhân viên giỏi để tìm ra chỗ ở của đám con cháu nhà Lý. Dọ được tin ta rút nhân viên về Thăng Long thì từ từ chúng cũng sẽ ló mặt ra. Dù núp sâu trong rừng chúng cũng cần phải có sự liên lạc với bên ngoài…

Nghe Từ Hanh luận giải, Nguyễn Long rất đồng ý. Thế là theo đúng sự xếp đặt, nhân viên hai ban tin tức và ám sát được lịnh rút về Thăng Long trừ một số thủ hạ đắc lực được lưu lại với hai vị trưởng ban.

 

35

 Đường dao bay giết người

Dãy Hoành Sơn thấp dần dần khi chạy ra tới biển do đó mà đèo Ngang chỉ còn cao độ năm trăm thước mà thôi. Con đường thiên lý từ từ nhỏ dần khi lên tới đỉnh đèo. Rừng cây nhô ra hai bên khiến cho con đường càng hẹp thêm. Trên đỉnh có một trạm canh để xét hỏi giấy tờ của khách bộ hành. Tên đội trưởng đang đứng ngóng trời. Khi nhìn xuống chân đèo phía nam y thấy một bộ hành đang leo lên được lưng chừng. Lát sau hắn thấy rõ người đang đi lên. Khi khách bộ hành tới gần hơn hắn mới nhận ra đó là một thanh niên ăn mặc kỳ lạ. Y phục bằng da thú rừng, vòng quanh người dắt chi chít những lưỡi dao nhỏ xíu. Tóc dài chấm vai, mắt chớp ngời hàn quang lạnh buốt, thanh niên lừng lững đi tới.

– Ngươi đi đâu?

Tên đội trưởng hỏi nhỏ. Hắn có vẻ hơi ơn ớn khi nhìn thấy bộ tịch rừng rú hoang dã của thanh niên lạ mặt.

– Ta đi đâu mặc ta mắc mớ gì tới ngươi mà ngươi hỏi…

Tên đội trưởng đặt tay lên đốc kiếm. Nhìn thấy cử chỉ đó thanh niên gằn giọng.

– Đừng… đừng có rút kiếm… Ngươi sẽ chết trước khi đụng vào cán kiếm…

Tên đội trưởng cười hực dù tiếng cười có vẻ gượng gạo.

– Ta là đại diện của triều đình… Ngươi tài cán bao nhiêu mà phách lối…

– Triều đình là gì?

Nghe giọng hỏi cũng như quan sát cách ăn mặc và bộ tịch quê mùa rừng rú của thanh niên, tên đội trưởng rắn giọng.

– Triều đình là vua quan với binh đội…

– Vua quan là gì?

Tên đội trưởng trợn đôi mắt ốc bươu nhìn lom lom người đang đứng trước mặt mình. Hắn bắt đầu bực dọc vì câu hỏi của người khách bộ hành xa lạ.

– Vua quan là người ra lịnh cho ta còng đầu ngươi… Ê nhóc con… Chỗ này là chỗ ta làm việc… Ngươi đi chỗ khác chơi đi…

Thanh niên nhếch môi cười bước tới một bước dài đứng trước mặt tên đội trưởng.

– Ngươi thử còng đầu ta đi…

Bàn tay của tên đội trưởng đặt lên đốc kiếm nhưng chưa rút ra.

– Ta cảnh cáo ngươi lần cuối…

Thanh niên ngửa mặt lên trời cười ha hả.

– Ngươi là đại diện của triều đình… ha… ha… Thử xem ngươi làm gì được ta…

Thanh trường kiếm được rút ra khỏi vỏ bật thành âm thanh lảnh lót. Tia sáng xanh lè vút đi trong ánh mặt trời chói chang. Nó chiếu đúng vào huyệt nhủ trung của đối thủ. Bựt… Tên đội trưởng nhìn lom lom hai ngón tay trõ và giữa của thanh niên kẹp cứng lấy mũi kiếm của mình. Thanh trường kiếm đúc bằng thép ròng cong dưới sức mạnh của một bên muốn đâm tới và một bên giữ cứng lại.

– Ta mà không nhớ lời thầy dặn là ngươi chết lâu rồi…

Dứt lời bàn tay mặt của thanh niên máy động. Ánh kim khí chớp chớp vút lên trời cao ngay chỗ con hải âu đang lượn trên trời. Ré lên tiếng nhỏ con chim rớt xuống đất ngay trước mặt của kẻ lạ. Tên đội trưởng sảng hồn. Làm tới chức đội trưởng, chỉ huy một toán quân mấy chục người dĩ nhiên hắn phải thông thạo võ nghệ và nhất là nghe biết về chuyện giang hồ. Nay mục kích thanh niên trổ tài hắn biết mình đụng phải một vũ sĩ giang hồ tuy vô danh song khổ luyện được bản lãnh vô song. Dù vậy hắn vẫn chưa chịu buông kiếm. Tự ái của một kẻ chỉ huy binh đội triều đình không cho phép hắn chịu thua một cách dễ dàng, do đó hắn âm thầm vận hết sức lực vào tay cố đâm mũi kiếm tới mục tiêu.

– Buông tay ra…

Thanh niên trầm trầm lên tiếng. Tên đội trưởng cảm thấy nguồn kình lực nóng hổi cuồn cuộn chuyển sang tay của mình khiến cho hắn cảm thấy cánh tay hầu như tê liệt không giữ vững thanh kiếm được đành để cho đối thủ tước lấy vũ khí của mình. Hồi bộ luôn ba bước dài hắn quát lớn.

– Bay đâu bắt hắn cho ta…

Đám quân dưới quyền vung khí giới ào tới. Thanh trường kiếm của tên đội trưởng bây giờ nằm trong tay thanh niên biến thành luồng ánh sáng lạnh ngắt chụp tới toán quân canh. Âm thanh loảng xoảng vang lên kèm theo tiếng la hét. Gươm đao kiếm côn rơi xuống đất. Toán quân canh xửng vững lùi lại. Mất vũ khí còn quân sĩ lại bị đánh xiểng niễng tên đội trưởng đâm ra sợ hãi. Hắn chưa biết phải làm gì thanh niên đạp bộ tới trước mặt hắn.

– Ngươi là đại diện cho triều đình mà mới đánh có một chiêu đã thua rồi. Hóa ra binh tướng triều đình chỉ là phường bị thịt, lũ ăn hại…

Tên đội trưởng giận xanh mặt vì lời miệt thị của thanh niên. Nhìn một vòng quân sĩ đang lấm lét y cao giọng.

– Chỉ có ta… ta mới là đại diện của triều đình. Ai cãi lại ta là chết…

Dứt lời năm ngón tay của thanh niên máy động. Ánh kim khí chớp ngời xẹt thẳng lên trời cao. Hàng chục tiếng chim kêu vang lên rồi rơi phịch xuống đất. Tên đội trưởng và đám quân canh dưới quyền của hắn nín khe. Chúng biết bản lĩnh của mình so với thanh niên lạ mặt khác nhau một trời vực. Dù ấm ức tên đội trưởng đành để cho thanh niên thay thế mình đại diện triều đình trấn giữ đèo Ngang.

Đỗ Di cùng với nhân viên ban ám sát dừng ngựa nơi chân đèo. Đứng nhìn con đường thiên lý nhỏ hẹp chạy dọc theo bờ biển hắn lẩm bẩm những gì trong miệng xong giật mạnh cương ngựa. Ba mươi ba nhân viên phi ngựa theo sau. Ngựa toàn chiến mã hạng nhất của binh đội triều đình, người đều xuất thân từ các môn phái, gia trang lớn nhỏ của giới giang hồ Đại Việt; do đó đoàn do thám Thăng Long là khắc tinh cho bất cứ ai muốn âm mưu chống báng lại triều đình.

Con đường thiên lý hẹp độ mươi thước bề ngang. Khi lên tới đỉnh đèo Đỗ Di vội ghìm cương ngựa lại. Không phải hắn muốn dừng mà phải dừng vì bị một vật chắn đường không cho ngựa đi tới. Người đi đầu không di chuyển được thời người ở sau lưng cũng không nhúc nhích được biến toán người ngựa thành ra dài ngoằng.

– Ngươi là ai?

Đỗ Di gằn giọng với kẻ chắn đường mình.

– Ta là đại diện của triều đình…

– Ngươi biết ta là ai không?

Mặt không đổi sắc thanh niên lạnh giọng.

– Không…

– Ta là phó trưởng ban ám sát của đoàn do thám Thăng Long…

Thanh niên cười hực.

– Ta không biết ngươi là ai. Bất cứ ai từ vua quan dài xuống tới thứ dân đều phải trình với ta rồi mới được phép qua đây…

Đỗ Di cũng thủ hạ bật cười rộ. Vẩy tay hắn ra lệnh cho thủ hạ của mình.

– Nguyễn Minh… Ngươi dạy cho hắn bài học…

Gã nhân viên do thám được gọi tên Nguyễn Minh quăng mình xuống đất. Chân chưa chạm mặt đường gã lạng mình vào sát đối thủ cùng với hai tay quyền bung ra. Bàn tay mặt nắm lại thành quyền đấm vào bụng còn bàn tay tả khép lại thẳng băng chặt xuống bả vai. Lanh, chuẩn và cương mãnh, ba tính chất đó tạo cho đòn đánh của Nguyễn Minh đẹp mắt và cường ngạnh cực độ. Chỉ là một nhân viên tầm thường thuộc ban truy tầm mà bản lãnh cỡ đó thời vị trưởng ban tài bộ phải cao siêu hơn thập phần.

Nhờ ngồi trên lưng ngựa thêm chú tâm quan sát, Đỗ Di giật thót người khi thấy cách giải chiêu của thanh niên lạ mặt. Thóp bụng tránh quả đấm, bàn tay mặt mở ra thành trảo bấu vào khuỷu tay trong lúc đó y giơ chân đá vào bạ bàn của Nguyễn Minh. Y ra tay cực nhanh nên đòn ra sau mà tới trước. Lãnh một cước vào bụng họ Nguyễn hự tiếng nhỏ lảo đảo lùi lại. Cánh tay tả của y xụi lơ vì bị trúng đòn cầm nã của thanh niên.

Giận dữ Đỗ Di nạt lớn.

– Để ta lo liệu hắn…

Vị phó trưởng ban truy tầm thong thả leo xuống ngựa. Trái với thủ hạ hắn bước từng bước chậm rãi tới đứng trước mặt đối thủ. Nhìn trừng trừng kẻ lạ hắn buông gọn một câu.

– Ngươi danh hiệu là gì? Thuộc môn phái, gia trang nào trong giới giang hồ?

Thanh niên bình thản trả lời.

– Ta là một kẻ vô danh. Ngươi cứ việc ra tay. Thắng được ta thời qua khỏi đây…

Câu nói thẳng thừng của thanh niên khiến cho Đỗ Di nóng mặt. Thân danh phó trưởng ban truy tầm hắn cảm thấy bị bẻ mặt vì lời nói của kẻ lạ mặt.

– Ngươi đã nói thế thời ta không nề hà…

Lồng trong tiếng nói họ Đỗ động thủ liền. Biết thanh niên có bản lãnh cao siêu cho nên hắn ra đòn thận trọng. Bàn tay hữu mở rộng ra mường tượng như chưởng vỗ hờ tới mặt trong khi bàn tay tả cụp lại thành chỉ đâm vào huyệt thương khúc. Đòn đi hơn hai phần ba đường, bàn tay hữu đang từ chưởng bổng biến thành trảo móc vào yết hầu, còn bàn tay tả chợt hóa ra chưởng phẩy liên tiếp ba lần. Đây là chiêu Hoàng Lạc Quẩy Cánh, chiêu thứ 11 trong chưởng pháp của Lạc gia trang. Đỗ Di vừa thi triển bóng tay dậy trùng trùng cùng với kình phong cuộn tới người của đối thủ như cơn gió. Mới nhập giang hồ dĩ nhiên thanh niên không biết đó là thứ quyền thuật trứ danh của Lạc gia trang, một gia trang đứng hàng thứ ba trong giới giang hồ Đại Việt. Tuy được liệt vào hàng thứ ba song thực ra Lạc gia trang lại đứng hàng đầu về quyền thuật với công phu kỳ bí, ngoạn mục và tân kỳ mang tên Lạc Vũ Công.

– Giỏi…

Lồng trong một tiếng ngắn gọn thanh niên giải chiêu. Lối giải chiêu của y khiến cho Đỗ Di buột miệng la thầm vì đó là cách giải chiêu lưỡng bại câu thương. Không màng tới chiêu thức dữ dằn ập tới người của mình, thanh niên xô người nhập nội cùng với hai cánh tay dài vung lên mịt mờ bóng ảnh. Bịch… Bịch… Đỗ Di lảo đảo lùi lại. Ụa ra ngụm máu tươi hắn trợn mắt nhìn thanh niên đăm đăm với nhiều kinh dị. Hắn không hiểu tại sao chiêu thức của mình chẳng hề gây thương tích cho đối thủ dù đã phổ hơn mười thành nội lực.

– Giết hắn cho ta…

Ánh mắt của thanh niên chợt lạnh băng khi nghe tới tiếng ” giết ”. Đám nhân viên do thám rút vũ khí ùa tới. Hai bàn tay của thanh niên máy động. Ánh kim khí chớp ngời. Hàng loạt tiếng rú vang lên. Mỗi nhân viên do thám đều bị lưỡi dao mỏng tanh ghim đúng vào bàn tay cầm vũ khí.

– Dừng tay…

Tiếng quát uy nghi trầm lạnh vang vọng rừng cây phát ra từ hai người cỡi ngựa vừa mới xuất hiện. Đỗ Di kêu với giọng mừng rỡ.

– Trưởng ban… Phó thủ lĩnh…

Thanh niên lạ mặt trầm lạnh nhìn hai người mặc vũ phục đen đang thong thả xuống ngựa. Có lẽ y không biết danh vị trưởng ban và phó thủ lãnh có ý nghĩa gì. Lê Hàn khoan thai bước tới đứng trước mặt thanh niên. Mục kích cuộc giao tranh ngắn ngủi giữa thanh niên và Đỗ Di, lão biết thanh niên lạ mặt này là nhân vật giang hồ mới lộ diện. Tuy nhiên điều này không có nghĩa y kém tài vì đánh bại Đỗ Di trong vòng mươi chiêu thời ít có người làm được kể cả lão.

Trái với lệ thường vị phó thủ lãnh đoàn do thám Thăng Long ôm quyền thi lễ rồi cất giọng hòa nhã nói với đối thủ đang đứng trước mặt mình.

– Lão phu là Lê Hàn, phó thủ lãnh đoàn do thám triều đình. Hân hạnh được biết tính danh của tôn  ông?

Nhân viên do thám đều ngạc nhiên khi thấy cấp chỉ huy của mình lại có thái độ nhún nhường và lễ độ với kẻ lạ mặt. Từ lâu ỷ thế triều đình nên chúng luôn luôn có thái độ hống hách và khinh khi đồng đạo giang hồ. Nay thấy vị phó thủ lãnh của mình lại ăn nói mềm mỏng với một vũ sĩ vô danh và lạ hoắc bọn chúng đâm ra thắc mắc. Riêng Trần Anh thời im lặng chăm chú quan sát thanh niên. Hắn cảm thấy bất an khi thấy ánh mắt thỉnh thoảng lòe chớp hàn quang của đối thủ.

Có lẽ chỉ hiểu lõm bõm lời của Lê Hàn nên thanh niên hỏi gọn.

– Lão muốn biết tên của ta?

Vuốt râu mỉm cười Lê Hàn nhẹ gật đầu. Lão đổi giọng của mình thành ra thân thiện hơn.

– Đúng. Lão phu muốn biết danh hiệu cùng sư môn của chú em?

– Sư môn là gì?

Biết thanh niên chưa có kinh nghiệm giang hồ cũng như lịch lãm chuyện giao tiếp với người đời Lê Hàn ôn tồn giải thích.

– Sư môn là thầy dạy võ cho chú em…

Ạ… Buột miệng kêu tiếng nhỏ thanh niên cất giọng bình thản.

– Tôi không biết tên của thầy tôi…

– Còn chú em tên gì?

– Hoành Sơn Hiệp Lữ…

Đám nhân viên do thám bật cười chế nhạo khi nghe kẻ lạ xưng danh. Nhưng chúng vội ngậm miệng lại khi bắt gặp cái lừ mắt nghiêm khắc của cấp chỉ huy.

Lê Hàn lẩm bẩm.

– Hoành Sơn Hiệp Lữ… Tên nghe hay lắm… Tuy nhiên lão phu muốn biết tại sao chú em lại chận đường lão phu…

Thanh niên nhếch môi cười. Lê Hàn động dung khi thấy nụ cười nhạt thếch của đối thủ.

– Có gì đâu… Tôi muốn dương danh trong cõi giang hồ. Giết được vị phó thủ lãnh đoàn do thám Thăng Long thời danh Hoành Sơn Hiệp Lữ của tôi sẽ nổi như cồn…

Lê Hàn tái mặt. Tự nãy giờ lão có cử chỉ nhún nhường và nhã nhặn với Hoành Sơn Hiệp Lữ vì thâm ý muốn lấy lòng và thu phục y thành nhân viên do thám. Bây giờ nghe y lớn tiếng đòi giết chết mình lão đâm ra giận dữ. Vốn tánh thâm trầm lão cười nhạt nói.

– Chú em muốn giết lão ư… Ta e…

Hoành Sơn Hiệp Lữ bật lên tiếng cười.

– Thử coi…

Bàn tay mặt của y máy động. Từ lúc bàn tay máy động tới khi lưỡi dao bay cắm vào mục tiêu, thời gian bằng một sát na. Lê Hàn, phó thủ lãnh đoàn do thám Thăng Long thấy mà tránh không kịp. Trần Anh lạnh toát sống lưng và lòng bàn tay ướt mồ hôi khi chứng kiến Lê Hàn ngã vật ra đất. Ngay mi tâm huyệt của lão có lưỡi dao nhỏ mỏng như lá lúa cắm ngập tận chuôi.

– Còn ai muốn thử đường dao bay của ta?

Đám nhân viên do thám im lặng trước lời thách thức của đối thủ. Phó thủ lãnh còn chết huống hồ gì nhân viên thường. Trần Anh tằng hắng tiếng nhỏ. Lê Hàn đã chết thời tại đấu trường này hắn là người có cấp bậc cao nhất cho nên phải đứng ra dù biết đối chọi với Hoành Sơn Hiệp Lữ là chết.

– Ngươi là ai?

Kẻ vừa giết người hỏi thật gọn. Kẻ sắp sửa bị người giết trả lời cũng gọn.

– Trần Anh, trưởng ban truy tầm…

Hoành Sơn Hiệp Lữ nhíu mày. Giọng nói của y trầm trầm.

– Các hạ muốn thử đường dao bay của ta?

– Phải…

– Các hạ cũng sẽ chết như lão già kia…

– Ta biết…

Trần Anh nghiến răng kèn kẹt. Ngọn roi da bất thình lình nhích động. Đầu ngọn roi da nhọn hoắt chiếu đúng nhũ trung huyệt vút tới. Khi còn cách mục tiêu gang tấc chợt tiếng tách vang lên rồi một chùm ám khí nhỏ rức như lông bò xẹt ra tựa ánh chớp. Biết Hoành Sơn Hiệp Lữ có tài phóng dao khủng khiếp nên họ Trần phải giở đòn phép giang hồ, dùng ám khí chứa trong đầu ngọn roi da để hạ sát đối thủ. Tuy nhiên hắn không biết đối thủ đã tôi luyện được tâm ý hành hợp nhất do đó ý niệm vừa phát sinh là hành động xảy ra lập tức. Vì thiếu kinh nghiệm giang hồ Hoành Sơn Hiệp Lữ xuất thủ chậm hơn đối thủ một chút; nhưng thủ pháp của y thần tốc gấp bội vì thế mà y ra tay sau song lại tới trước. Bàn tay tả kéo lên ngang ngực, lòng bàn tay mở rộng thành chưởng ngăn đón ám khí; trong lúc hai ngón tay giữa và trõ kẹp lấy chuôi dao. Ánh kim khí lóe chớp. Vị trưởng ban truy tầm đoàn do thám Trần triều chệnh choạng lùi lại. Lưỡi dao mỏng hơn lá lúa cắm ngay mi tâm huyệt. Chút máu tươi từ từ rỉ ra và họ Trần ngã vật ra đất.

Hoành Sơn Hiệp Lữ trầm lặng nhìn đám người đang đứng trước mặt mình xong hắng giọng.

– Các người còn chờ gì mà chưa chịu đi…

Mừng rỡ Đỗ Di bay mình lên ngựa. Không kịp nói lời nào hắn cùng thủ hạ chạy thật nhanh như sợ đối thủ đổi ý. Đứng nhìn xuống chân đèo Hoành Sơn Hiệp Lữ lẩm bẩm. Giọng của y vang lên chậm và rõ từng tiếng một.

– Kẻ nào sống dưới đường dao bay của ta thời kẻ đó mới được phép làm bạn với ta…

Không có ai nghe được lời nói cao ngạo của y trừ sóng biển và gió núi.

 

 

36

Lời gởi gấm sau cùng

Đang cùng Nguyễn Long ngồi nhâm nhi chén trà nóng trong một ngôi tửu quán ở chợ Ba Đồn, Từ Hanh chăm chú nhìn Lê An từ bên kia đường bước qua với dáng điệu gấp rút. Gã thủ hạ thân tín kiêm chức đệ nhất phó trưởng ban mà có dáng điệu như vậy thì tin tức mà Lê An mang đến phải quan trọng và mới lạ lắm.

– Trình trưởng ban…

Lê An thì thầm. Ra dấu cho thủ hạ ngồi xuống ghế, Từ Hanh thân rót trà vào chén cho họ Lê.

– Cám ơn trưởng ban. Tôi lượm được nhiều tin tức lạ lắm…

Không nói họ Từ hất hàm ra hiệu cho Lê An nói tiếp.

– Tin thứ nhất là Lê phó thủ lĩnh và Trần trưởng ban bị giết chết tại Hoành Sơn…

Từ Hanh chớp mắt còn Nguyễn Long động dung thấy rõ vì cái tin đột ngột này. Tuy nhiên cả hai vẫn im lìm chờ nghe Lê An nói tiếp.

– Lê phó thủ lĩnh và Trần trưởng ban bị một kẻ lạ hoắc sát hại. Tuy còn trẻ và lại là kẻ mới lộ diện giang hồ song kẻ lạ mặt này lại có thủ pháp phóng dao nhanh khủng khiếp…

Từ Hanh nhìn Nguyễn Long. Hai vị trưởng ban đều biết giết chết được Lê Hàn thì kể lạ phải tôi luyện được thủ thuật phóng dao bay nhanh, nhanh hơn phản ứng của bất kỳ cao thủ nào. Ở trong đoàn do thám Lê Hàn được cất nhắc lên tới chức đệ tam phó thủ lĩnh thời dĩ nhiên tài bộ của lão phải có hạng lắm. So về bản lĩnh thì lão không sút Lý Đông Ba và Nguyễn Tam Sơn chút nào. Thế mà lão lại chết vì đường dao bay của một kẻ vô danh.

– Hắn tên gì?

Từ Hanh hỏi thủ hạ. Tợp ngụm nước trà xong Lê An hắng giọng.

– Hắn tự xưng danh là Hoành Sơn Hiệp Lữ. Sau khi giết chết Lê Hàn và Trần Anh hắn còn ngạo mạn tuyên bố một câu là: ”Kẻ nào sống sót dưới đường dao bay của hắn thì mới xứng làm bạn với hắn…”

Từ Hanh nhếch môi còn Nguyễn Long hừ tiếng nhỏ khi nghe câu nói đó. Nhìn thủ hạ, họ Từ hất hàm.

– Còn tin gì nữa?

– Trình trưởng ban. Thuộc hạ đã gặp Thiết Quyền Lê Bỉnh Du để hỏi về tung tích của gã học trò bán kiếm. Bỉnh Du cho biết là mười ngày trước lão Lý Đông Ba đã vượt qua đèo Ba Dội. Tháp tùng theo Lỳ Đông Ba có cha con của Lý Uyên Nguyên và con nhỏ tên Phá Thiên Lôi…

Hơi mỉm cười, Nguyễn Long ngắt lời Lê An bằng câu hỏi.

– Phải con nhỏ chuyên xài lôi hỏa đạn?

– Thưa Nguyễn trưởng ban đúng là con nhỏ đó…

Từ Hanh lên tiếng đỡ lời của Lê An.

– Trong miệt Thái Nguyên có hai gia trang cùng họ Chu. Chu gia trang nổi tiếng giang hồ về thuật múa quyền nằm ở phía nam, lớn hơn và nhân số cũng đông hơn. Riêng Chu gia trang nằm ở vùng tây bắc thì nhỏ hơn và nổi tiếng giang hồ xuyên qua thủ thuật dụng độc và chất nổ. Phá Thiên Lôi có thể xuất thân từ Chu gia trang này. Ngươi kể tiếp đi…

Từ Hanh nói với thủ hạ của mình.

– Trình trưởng ban. Bỉnh Du nói là sau khi nhóm Lý Đông Ba vượt qua đèo Ba Dội thì hai ngày sau lại thêm một toán khác gồm Hoàng Sa Quái Khách, Hải Âu Xứ Kiếm, Vô Gia Tử và một thanh niên cụt tay mà Bỉnh Du không biết là ai. Nhóm này có ăn nhậu với Bĩnh Du một trận rồi mới xuống đèo. Sáng hôm sau lại có một cặp thanh niên nam nữ cỡi ngựa ô qua đèo mà Bĩnh Du nhận ra thanh niên có danh hiệu Lưỡng Xúc Thư Sinh còn đứa con gái tên Lý Tiểu Dung, gọi lão Lý Đông Ba bằng ông nội…

– Còn tên Lãng Thư Sinh?

– Trình trưởng ban… Thuộc hạ hỏi Bỉnh Du thì y nói không thấy gã học trò bán kiếm đi cùng mấy người kia. Bĩnh Du hỏi thì được trả lời là Lãng Thư Sinh sẽ đi sau. Tuy nhiên tới lúc này cũng chưa thấy hắn xuất hiện…

Từ Hanh gật gù song không nói gì hết. Lê An vẫn còn ngồi uống trà như có ý chờ lệnh của trưởng ban. Lát sau Từ Hanh mới lên tiếng.

– Ngươi làm việc đắc lực lắm. Nếu chuyện êm xuôi về tới Thăng Long ta sẽ trình với thủ lãnh tăng lương cho ngươi. Bây giờ ta cần ngươi rãi thủ hạ dò tìm chỗ ở của đám con cháu nhà Lý. Bọn chúng nhất định phải lẩn quẩn trong vùng này. Nếu có tin hãy cấp báo cho ta liền…

Vâng dạ Lê An cáo từ. Nhấp ngụm nước trà Nguyễn Long cười.

– Lê huynh đoán đúng. Lãng Thư Sinh không có ra Thăng Long mà vẫn còn ở quanh đây. Huynh tính sao về cái chết của Lê Hàn và Trần Anh?

Xoay chén trà đã cạn trong tay Từ Hanh cười cười.

– Chẳng tính gì hết. Lê Hàn và Trần Anh đã chết thì ta bớt đi hai kẻ tranh đoạt thanh thiết huyền kiếm. Đúng ra thì kẻ mang tên Hoành Sơn Hiệp Lữ đã giúp hai ta nhiều lắm. Nếu có cơ may gặp hắn tôi sẽ mời hắn một tiệc rượu để cám ơn…

Từ Hanh bật cười ha hả sau khi nói. Nguyễn Long cũng cười vui vẻ lên tiếng.

– Bây giờ thì không còn ai tranh với chúng ta về thanh thiết huyền kiếm. Chỉ cần tìm ra Lãng Thư Sinh hoặc đám con cháu họ Lý là ta có thể làm xong công chuyện mà Trần thái sư và thủ lĩnh giao phó…

 

*****

Lê An ngồi nhâm nhi chén rượu trong một quán rượu cạnh chợ Đại Phúc, một cái chợ nằm trong địa phận hai xã Đại Phúc và Tuy Lộc thuộc Tân Bình phủ. Sau một ngày vất vả chỉ huy thủ hạ lội rừng tìm kiếm tung tích của đám con cháu nhà Lý mà không thu được kết quả gì hắn kéo thủ hạ về đây nghỉ ngơi để sáng mai tiếp tục. Trên mặt bàn bày một dĩa thịt nai và hủ rượu tăm. Đây là một quán rượu nổi tiếng về thức ăn ngon nhất là các món thịt rừng như hươu, nai, mễn, heo rừng và thịt con trúc. Hai gã đàn ông mặc y phục bằng vải thô chậm chạp bước vào quán. Đó là một gã nhỏ con, mắt hí ăn mặc tươm tất. Đi bên cạnh gã này là một người đàn ông dáng tầm thước, mặc áo cộc tay để lộ ra cánh tay dài nổi vòng bắp thịt. Xà vào chiếc bàn bên cạnh bàn của Lê An, gã đàn ông mắt hí gọi hủ rượu uống trong lúc chờ ăn cơm.

– Hổm rày huynh có được săn được con nai nào không?

Gã mắt hí vừa hỏi vừa đưa chén rượu lên tỏ ý mời. Gã đàn ông, mà nghe câu hỏi Lê An đoán ra gã làm nghề săn thú hớp ngụm rượu gượng cười lắc đầu.

– Chẳng được con nào hết. Có chuyện gì vậy?

– Tôi cần huynh kiếm cho tôi một mớ sừng nai và mật gấu…

– Chắc ngươi phải đợi rồi. Khu rừng mà ta đi săn bây giờ có nhiều người đi săn nên càng ít thú đi…

– Ủa ai vậy. Theo tôi biết thì vùng này chỉ có mình huynh làm nghề săn bắt thú dữ thôi…

– Xưa thì như vậy nhưng giờ lại khác. Số là hơn tháng nay ta lùng hoài mà hổng thấy con thú nào ngay cả nai, mễn và heo rừng cũng chẳng thấy, ta lấy làm lạ nên để ý coi có chuyện gì xảy ra. Hơn tuần lễ rình mò ta mới khám phá ra là có đám người lạ mặt cũng làm nghề giống ta. Họ đông người lắm. Họ dùng bẫy và cả lưới để bắt thú vì vậy mà họ bắt không vuột con nào. Lấy làm lạ và cũng vì tò mò muốn biết họ là ai nên ta lén theo dõi họ. Tới chỗ họ ở ta mới biết đó là một trang trại mới cất lên giữa rừng có đông người ở lắm. Ta lại gần coi kỹ mới thấy có đàn ông, đàn bà, con gái và con nít nữa. Trang trại của họ lớn lắm và có nhiều nhà cửa…

Nghe gã thợ săn nói tới đây Lê An mỉm cười ngồi rung đùi nhâm nhi chén rượu. Hắn đoán chắc trang trại mà gã thợ săn vừa nói chính là nơi ngụ của đám con cháu nhà Lý. Bây giờ hắn chỉ cần tra hỏi hoặc vừa tra hỏi vừa dụ dỗ thì gã thợ săn sẽ dẫn đường cho hắn tới Lý gia trang. Hắn muốn gặp cấp trên để báo cáo về cái tin mừng này nhưng nghĩ đi nghĩ lại hắn định khi nào tìm thấy Lý gia trang thì báo cáo cũng chưa muộn.

*****

Trời tờ mờ sáng. Sương mù giăng giăng. Khí núi bốc ra lạnh căm. Lãng Thư Sinh thong thả dạo bước trên con đường mòn chạy dọc theo bờ sông Son. Lý Đông Ba đã giải thích cho y biết con sông này sẽ đổ vào Linh Giang. Ông ta còn cho biết vùng này có rất nhiều hang động. Khi còn là nhân viên do thám, trong một cuộc truy lùng tội phạm tới vùng Bố Chính, ông ta đi lạc vào một cái động vô danh thật lớn và đẹp. Động có rất nhiều thạch nhũ to nhỏ và đầy màu sắc. Nghe và ghi nhớ song y cũng chưa có dịp thăm viếng.

Đang đi Lãng Thư Sinh chợt dừng lại chăm chú nhìn những dấu giày hiện mờ mờ trên mặt đất. Người của Lý gia trang cũng đi giày làm bằng da thú song vì không biết võ nên dấu giày của họ phải in sâu và in rõ ràng trên nền đất đỏ mềm và mịn. Còn dấu giày này lại hiện mờ mờ chứng tỏ họ là các vũ sĩ giang hồ luyện được thuật phi hành cao siêu nên dấu giày cạn và mờ nhạt trên mặt đất. Ngồi xuống quan sát cẩn thận, y thấy dấu giày còn mới lắm như có người mới đi ngang qua đây. Lãng Thư Sinh cảm thấy mồ hôi tươm ra trong lòng bàn tay của mình. Nhân viên do thám… Bật lên tiếng kêu thảng thốt y chuyển bộ chạy ngược trở về Lý gia trang. Còn cách trăm bước y thoáng nghe tiếng người la hét, kêu khóc vang lên khắp nơi. Vừa vào tới sân y thấy thây người nằm chết la liệt trên khoảnh sân rộng.

– Tránh đường…

Lãng Thư Sinh nạt lớn khi thấy ánh kiếm chém sả xuống đầu của mình. Thanh kiếm thiết huyền loang một vòng. Máu bắn tứ tung. Y lao vào nhà như cơn lốc kèm theo tiếng gọi thật lớn.

– Long Anh… Tường Vi…

Có tiếng của Tường Vi vang lên nghẹn ngào và yếu ớt.

– Lãng huynh… Tôi ở đây…

– Còn Long Anh?

– Anh ấy bị thương… Máu ra… máu ra nhiều lắm…

Nóng lòng về tính mạng của hai người thân lại bị nhân viên do thám cản đường, Lãng Thư Sinh tức giận vung kiếm báu mở đường tiến vào khu nhà sau làm nơi ngủ cho người trong trang. Y đi tới đâu kẻ địch ngã ra tới đó. Lọt được vào căn nhà rộng nhất là nơi dành riêng cho vợ chồng của Long Anh y thấy Tường Vi đang ngồi thu hình trong góc phòng còn Long Anh nằm bên cạnh.

– Chúng ta mau rời khỏi đây…

Lãng Thư Sinh hấp tấp lên tiếng. Xuyên qua cuộc giao tranh y biết mình vừa chạm trán các nhân viên tầm thường mà chưa đụng với các cao thủ nhất là các vị trưởng ban. Nếu Từ Hanh hoặc Nguyễn Long kéo tới thời y khó khăn mới cứu được hai vợ chồng Long Anh và Tường Vi. Long Anh chợt mở mắt ra. Nhìn Lãng Thư Sinh, y thều thào.

– Lãng huynh…

Khẽ gật đầu Lãng Thư Sinh ngồi xuống xem xét vết thương nơi ngực của Long Anh. Máu từ vết thương không ngớt chảy ra thấm đỏ cả thân áo trước. Vết thương đâm vào ngay huyệt nhũ trung sâu cả tấc. Ngay cả một cao thủ giang hồ cũng đành bó tay huống hồ gì một người không biết võ như Long Anh. Nhìn vào ánh mắt thất thần của Long Anh, y biết người em kết nghĩa với mình không chi trì được lâu. Bàn tay phải nắm lấy tay Lãng Thư Sinh, còn bàn tay trái nắm lấy tay Tường Vi đặt vào lòng bàn tay của Lãng Thư Sinh; Long Anh xiết chặt hai bàn tay của hai người đang chứng kiến giờ phút lâm chung của mình.

– Lãng huynh… Nhờ huynh… nhờ huynh lo cho Tường…

Y không còn sức để nói hết câu. Thở hắt hơi dài y ngọeo đầu sang bên trong lúc tay vẫn còn nắm chặt hai bàn tay của Tường Vi và Lãng Thư Sinh như là lời gởi gấm sau cùng.

– Giết… Giết hết bọn chúng không chừa đứa nào…

Nghe tiếng hét lạnh lùng của Từ Hanh, Lãng Thư Sinh đứng bật dậy.

– Vi muội… Ta phải rời khỏi đây ngay…

Tường Vi nức nở.

– Còn Long Anh… Em không…

Khẽ nâng Tường Vi lên Lãng Thư Sinh nói nhỏ.

– Nếu nghĩ tới hài nhi còn trong bụng thì Vi muội phải gắng mà sống. Chúng ta phải trốn ngay…

Thấy Tường Vi bất động Lãng Thư Sinh vội quàng tay ôm chặt nàng lên mở cửa sau chạy trốn.

– Nó chạy đó… Rượt theo… Bắt lấy nó…

Nhân viên do thám la rầm trời khi thấy bóng người chạy vào rừng. Tiếng Nguyễn Long thét oang oang.

– Thằng thư sinh bán kiếm đó… Theo riết nó…

Hàng chục bóng người lạng vào rừng. Lãng Thư Sinh biết những kẻ truy đuổi mình toàn cao thủ hữu hạng của đoàn do thám Thăng Long, trong lúc y còn phải bảo vệ cho Tường Vi nên khó mà chống trả lại sự tấn công của kẻ địch. Muốn sống sót y phải chạy, chạy thật nhanh, thật xa rồi tìm chỗ nào kín đáo để trốn tránh. Không kịp suy nghĩ y vận dụng hết sức lực xuống chân, một tay ôm chặt lấy thân thể bất động của Tường Vi, còn một tay cầm kiếm băng rừng chạy miết cho tới khi không còn nghe tiếng hò hét của kẻ địch mới dừng lại để nghỉ ngơi. Thong thả đặt thân thể bất động của Tường Vi nằm dài ra đất y thấy nàng hai mắt nhắm nghiền và làn da mặt hơi tái xanh. Đưa tay bắt mạch, thấy mạch vẫn đều hòa y an lòng biết nàng bị xúc động mạnh vì cái chết của chồng nên ngất xỉu. Y cần mình phải tìm một nơi kín đáo để trốn tránh cho tới khi nào nhân viên do thám bỏ đi. Một điều khó khăn là trong lúc gấp rút chạy trốn y và Tường Vi không kịp đem theo cái gì hết. Thức ăn không có, thuốc thang cho Tường Vi cũng không và y phục cũng không nốt. Y chỉ có trong tay thanh trường kiếm và một thanh đoản kiếm mà lúc nào y cũng mang theo trong người và các vật dụng linh tinh.

– Em Vi… Em Vi…

Khẽ rên tiếng nhỏ Tường Vi mở mắt. Lãng Thư Sinh thấy trong đôi mắt thường ngày long lanh giờ có thêm ngấn lệ.

– Lãng huynh… Long Anh…

Khe khẽ thở dài Lãng Thư Sinh buồn rầu lên tiếng.

– Em đừng bi thương quá độ mà có hại cho sức khỏe…

Tường Vi bật khóc tức tửi. Nhìn thẳng vào mặt người đang nằm trên đất và đang nhìn mình với khuôn mặt ràn rụa nước mắt, y nghiêm giọng.

– Ta mến Long Anh và xem Long Anh như em của ta. Long Anh mất là một điều đau lòng. Tuy nhiên chúng ta phải nghĩ tới đứa bé sắp chào đời…

Thấy Tường Vi ngưng tiếng khóc song nước mắt cứ lăn dài trên mặt, y mỉm cười nhẹ giọng.

– Ta nhận lời ủy thác của Long Anh là phải bảo bọc cho mẹ con em. Vì vậy em nên nghe lời ta…

Lãng Thư Sinh ngừng nói. Tường Vi khe khẽ gật đầu cất giọng nói còn yếu ớt.

– Em xin vâng lời anh… Cám ơn anh đã lo lắng cho mẹ con em…

– Em đi được không?

– Thưa chắc được…

Nói xong Tường Vi chống tay ngồi dậy song dường như yếu sức nên nàng lại nằm vật ra. Thấy thế Lãng Thư Sinh nói nhỏ.

– Em còn mệt cứ nằm nghỉ…

– Nếu anh muốn đi thời anh chịu phiền…

Hiểu ý Lãng Thư Sinh khom người bế Tường Vi lên rồi cất bước đi về hướng đông bắc. Y nhớ lại lời của Lý Đông Ba. Ông ta nói cho y biết cách Lý gia trang chừng ba mươi dặm có một cái động lớn. Nếu tìm ra y và Tường Vi có thể trú ẩn chờ tới khi nhân viên do thám rút lui mới tìm đường về vịnh Hạ Long. Thấy trời đã xế chiều y hơi lo ngại. Trong rừng cây trời tối sớm hơn. Y không muốn ở giữa rừng vì sơn lam chướng khí và hổ báo rất nhiều. Đang mang thai nên cơ thể của Tường Vi rất yếu đuối và lại không quen khí độc trong rừng nàng có thể nhuốm bịnh bất cứ lúc nào.

Phần Tường Vi nhắm mắt nhưng đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Nàng tự biết kể từ giờ phút này nàng và đứa con sắp sửa chào đời sống hay chết đều nhờ vào sự che chở và đùm bọc của Lãng Thư Sinh. Nàng cảm thấy an lòng khi hai cánh tay rắn chắc của Lãng Thư Sinh đang ôm lấy thân thể của mình. Nàng nhớ lại lần đầu tiên gặp Lãng Thư Sinh nơi miếu thờ Ngô Vương rồi cùng nhau đi về Hoa Lâm. Dù mới quen nhau mà nàng lại tin tưởng vào chàng thư sinh trói gà không chặt để đem đời tư của hai vợ chồng ra kể với ông ta. Rồi sau đó biết chàng thư sinh trói gà không chặt lại là một vũ sĩ giang hồ bản lĩnh cao siêu nàng đâm ra mến mộ và kính phục nhiều hơn nữa. Đối với nàng, Lãng Thư Sinh là một vũ sĩ đầy lòng hào hiệp, nhân nghĩa và trí dũng. Tình cờ gặp nhau giữa đường, chỉ vì lòng hiệp nghĩa ông ta không ngại ngùng xả thân cứu giúp hai vợ chồng nàng. Giờ đây khi chồng mất đi ông ta lại phải bảo bọc cho nàng và đứa con. Ân nghĩa đó khó mà đền đáp bằng lời nói xuông.

– Lãng ca ca…

Tường Vi gọi nhỏ. Nghe tiếng gọi Lãng Thư Snh cúi nhìn xuống người đang nằm trong tay của mình. Tóc rối. Nét mặt xanh xao và tiều tụy. Mắt vẫn còn đọng chút nước mắt. Những thứ đó làm cho y mũi lòng

– Em khỏe nhiều chứ…

– Dạ… Em đỡ nhiều… Anh bế em chắc nặng lắm…

Lãng Thư Sinh bật cười tiếng ngắn.

– Hai người thời dĩ nhiên phải nặng hơn nhưng chắc ta cũng kham được…

Tường Vi mỉm cười. Nàng biết Lãng Thư Sinh muốn nói mình và đứa con đang mang trong bụng.

– Trời sắp tối rồi. Ta e mình phải ngủ giữa rừng…

– Em nghe ông Ba nói về hang động trong vùng này. Ông còn nói thêm trước miệng hang có cây quế thật lớn…

– Em đúng là cứu tinh… Mấy ngày nay ta tìm hoài không thấy…

Dứt lời Lãng Thư Sinh vội quay đầu trở lại. Lúc nãy khi chạy ngang qua một khoảng rừng y ngửi được mùi quế thoang thoảng song vì gấp rút nên y không dừng lại. Bây giờ nghe Tường Vi nói y mới nhớ ra. Băng qua khu rừng rậm rạp y lộn trở lại đường cũ.

– Lãng ca… Em ngửi được mùi quế…

Lãng Thư Sinh gật đầu. Chính y cũng ngửi được mùi quế thoang thoảng trong gió.

– Nó phải ở gần đây lắm…

Lần theo mùi hương y tiến về hướng khoảng rừng sáng mờ mờ. Mùi quế càng lúc càng thêm nồng nàn khiến cho hai người cảm thấy sảng khoái.

– Thơm quá…

Tường Vi nói nhỏ. Lãng Thư Sinh đặt nàng đứng xuống đất.

– Kia rồi…

Tường Vi giơ tay chỉ. Lãng Thư Sinh thấy vòm cửa tối mờ mờ. Hai người lẳng lặng bước tới. Đang đi không hiểu nghĩ sao mà Tường Vi chợt nắm lấy tay của Lãng Thư Sinh. Biết nàng sợ nên y cười im lặng. Tới gần họ thấy rõ hơn. Đó là một cửa động cao chừng vài chục trượng và rộng cỡ năm bảy trượng. Bên trong tối mờ mờ. Gió từ trong lòng động thốc ra lành lạnh khiến cho Tường Vi buột miệng.

– Lạnh quá…

– Để anh vào trước… Em đi sau lưng… Nhớ cẩn thận…

Tay mặt cầm kiếm, tay trái nắm tay Tường Vi, Lãng Thư Sinh chậm chạp bước vào cửa. Nền đá nham nhám và trơn trợt vì rong rêu bám đầy. Bên trong mờ mờ tối. Thỉnh thoảng có luồng gió bốc ra lạnh ngắt. Mò mẫm giây lát họ đi vào một vùng sáng hơn rồi lát sau Lãng Thư Sinh chợt dừng lại.

– Em Vi xem…

Tường Vi bước lên đứng cạnh Lãng Thư Sinh. Trái với phía bên ngoài tối om, bên trong lòng động rộng lại sáng hơn. Nền động bằng đá cũng bằng phẳng. Những cột thạch nhũ cao ngất. Không biết ánh sáng từ đâu lọt vào, phản chiếu với thạch nhũ làm thành ánh sáng rực rỡ muôn màu vạn sắc.

– Đẹp quá…

Tường Vi buột miệng kêu nho nhỏ. Nàng kinh ngạc khi nghe giọng nói của mình dội vào vách đá rền rền rồi lập lại nhiều lần. Tay mặt cầm kiếm, tay trái nắm tay Tường Vi vì sợ nàng té, Lãng Thư Sinh chầm chậm bước đi trong lúc quan sát cảnh vật trong lòng động. Y e ngại có thú dữ hoặc rắn rít sống trong hang nên đề phòng cẩn thận. Hai người đi một quãng ngắn đoạn dừng lại. Thấy một chỗ khuất gió và nền đá sạch hơn các chỗ khác Lãng Thư Sinh thì thầm.

– Em ngồi đây nghỉ mệt để ta đi xem xét một vòng rồi trở lại…

Dù sợ sệt song Tường Vi cũng gắng gượng gật đầu nói.

– Anh đi nhanh lên… Em sợ ở đây một mình…

Nói xong nàng xuýt xoa kêu lạnh khiến cho Lãng Thư Sinh phải cởi chiếc áo ngoài đưa cho nàng mặc thêm. Đi rảo một vòng thấy không có gì lạ y trở lại chỗ cũ.

– Em đói bụng chưa?

Câu hỏi của Lãng Thư Sinh khiến cho Tường Vi cảm thấy đói bụng. Từ sáng tới giờ mãi lo chạy trốn cả hai không có thời giờ để ăn uống cũng như nghĩ tới cái đói. Bây giờ Lãng Thư Sinh hỏi nàng mới nhớ ra mình chưa có ăn cái gì hết.

– Đói… Mình có cái gì ăn?

Lãng Thư Sinh cười gượng. Y chỉ vô tình buột miệng hỏi thôi do đó cũng không biết trả lời về câu hỏi của Tường Vi.

– Trời sắp tối rồi… Chắc mình phải nhịn đói cho tới sáng…

Tường Vi im lặng không nói gì. Lát sau vì mỏi mệt nàng nhắm mắt ngủ say sưa. Để yên cho Tường Vi ngủ Lãng Thư Sinh đi ra ngoài cửa động. Vừa đi y vừa suy nghĩ. Muốn trốn tránh ở trong cái động đá này lâu y phải có những thứ cần thiết. Trong lòng động rất lạnh về ban đêm do đó y phải có lửa để sưởi ấm cho Tường Vi. Điều này không khó khăn lắm vì trong túi y còn dụng cụ để đánh lửa. Thức ăn chắc cũng không khó tìm. Điều mà y lo lắng nhất chính là sự truy tìm của nhân viên do thám. Tường Vi có nói cho y biết là nàng sắp tới ngày lâm bồn rồi cho nên phải ở yên một chỗ. Nếu đang lúc nàng lâm bồn mà nhân viên do thám xuất hiện thì thật là lành ít dữ nhiều vì y không thể mang Tường Vi chạy trốn được. Chỉ có một mình lại phải lo bảo vệ một người đàn bà mang thai thì khó mà bảo toán tính mạng cho cả hai người. Muốn trốn trong động này y phải chuẩn bị thật chu đáo và tránh đi ra ngoài. Y biết khu rừng rậm này phải có nhiều thú hoang như thỏ, nai và chim chóc. Y chỉ mất công để săn bắt mà thôi. Thấy trời còn sang sáng y quyết định đi ra ngoài với hi vọng tìm kiếm thịt thú dữ cũng như lấy củi mang vào trong động đốt thành đống lửa sưởi ấm cho Tường Vi. Len lỏi trong rừng y nghe chim chóc ríu rít kêu nhau về tổ. Ngước nhìn lên cành cây cao cách mình hơn trượng y thấy một con chim lớn đang đậu. Mừng rỡ y vung tay. Lưỡi đoản kiếm thiết huyền xẹt ra. Con chim kêu tiếng nhỏ rơi xuống đất. Nhặt lấy con chim y vừa đi vừa nhổ lông. Con chim không lớn lắm song cũng đủ cho hai người ăn tạm đêm nay. Nhặt lấy mớ củi khô y bương bả trở về chỗ cũ. Tường Vi vẫn còn ngủ say. Lấy dụng cụ đánh lửa ra y nhóm lên đống lửa ở gần chỗ Tường Vi đang nằm ngủ. Dùng thanh kiếm thiết huyền xuyên qua con chim y bắt đầu nướng thịt. Tuy không được nêm nếm gì hết song mùi thịt nướng bốc thơm khiến cho y nuốt nước miếng.

Tường Vi thức giấc có lẽ vì mùi thịt nướng. Thấy Lãng Thư Sinh đang ngồi bên đống lửa nàng hỏi.

– Anh nướng cái gì mà thơm vậy?

Nàng hít hít mũi mấy cái. Lãng Thư Sinh lên tiếng.

– Thịt chim… Em muốn ăn chưa?

Tường Vi ngồi bật dậy. Khi thấy lửa cháy ấm và mở chảy kêu xèo xèo nàng reo nhỏ.

– Ưm… Thơm quá… Em đói bụng quá…

Vừa nói Tường Vi tới ngồi cạnh đống lửa đang cháy sáng rực và nhìn chăm chú vào cục thịt đang đổi thành màu vàng tươm đầy mỡ.

– Chín chưa anh?

– Sắp chín rồi. Em ráng chờ một chút xíu nữa…

Vứa nuốt nước miếng Tường Vi quay qua nhìn Lãng Thư Sinh cười nói đùa.

– Anh cho em cục thịt ngon nhất nghen…

Lãng Thư Sinh cười. Y biết dù đã có chồng và sắp sửa có con, Tường Vi chưa được hai mươi nên vẫn còn tính con nít. Lúc Long Anh còn sống nàng được y chiều chuộng như đứa em gái cho nên nàng hay cười đùa và thân thiết với y.

– Ta sẽ dành cho em cái đùi…

– Hỏng đủ đâu… Em ăn nhiều lắm… Thêm cái ức và cái đùi nữa…

Khẽ gật đầu Lãng Thư Sinh cẩn thận dùng đoản kiếm cắt lấy cái đùi đưa cho Tường Vi. Không khách sáo nàng cầm lấy ăn một cách ngon lành.

– Ngon quá… Anh là thư sinh trói gà hỏng chặt mà nướng thịt ngon lắm… Em nướng cũng không ngon bằng anh…

Lãng Thư Sinh bật cười. Y ăn thật chậm và ít như cố ý nhường cho Tường Vi ăn no. Đưa thêm cho nàng cái đùi y cười nói.

– Em ăn nữa đi còn nhiều lắm…

Hai người chậm rãi ăn gần hết con chim nướng. Còn dư bao nhiêu Lãng Thư Sinh cất kỹ để dành cho ngày mai. Ngồi tựa lưng vào vách đá sau khi ăn xong Tường Vi lên tiếng hỏi.

– Chừng nào mình trở lại Lý gia trang hả anh?

Trầm ngâm giây lát Lãng Thư Sinh mới từ từ lên tiếng.

– Tối mai ta sẽ trở lại để dò xét tình hình… Nếu được ta sẽ đem xác của Long Anh đi chôn cất…

Y ngừng nói khi nghe tiếng khóc của Tường Vi bật lên. Nhìn nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt xanh xao và thất thần của nàng, y thở hơi thật dài.

– Ta sẽ tìm cách mang thi thể của Long Anh về đây chôn cất…

– Em muốn đi với anh…

Tường Vi nói trong tiếng khóc. Lãng Thư Sinh chầm chậm lắc đầu.

– Nguy hiểm lắm… Đi một mình ta dễ xoay xở hơn…

Tường Vi không nói gì thêm. Nàng biết mình vừa không thạo võ nghệ lại thêm mang thai do đó đi theo đã không giúp đỡ được gì mà còn là gánh nặng cho y nữa.

– Em sợ ở đây một mình…

– Ta biết… Em nên ngủ đi…

Không nói lời nào Tường Vi nằm xuống. Nhắm mắt giây lát nàng lại mở mắt ra nói nhỏ.

– Em cám ơn những gì anh đã làm cho gia đình em…

Nói xong nàng nhắm mắt lại. Lãng Thư Sinh im lặng khi nghe tiếng nàng thở đều đều. Y biết Tường Vi sắp tới ngày sanh nở mà nàng lại sinh con giữa rừng hoang không có người thân bên cạnh. Nếu sinh khó nàng có thể bị nguy hiểm tới tính mạng. Y chỉ còn hy vọng là hoàng thiên phù hộ cho nàng được mẹ tròn con vuông.

Trang 2

Advertisement

2 thoughts on “Giang Hồ Kỳ Hiệp- Quyển 3

  1. Cảm ơn bác ạh. Truyện rất hay và hấp dẫn.
    Khi nào có quyển 4 vậy bác?
    Và cháu xin hỏi thêm là cuốn sát đát nhân 4 sắp có chưa ạh?
    Chúc bác luôn dồi dào sức khoẻ ah!!!

  2. Truyện của nhà văn rất hay nhưng nhà văn có thể viết thêm các truyện về thời hiện tại trong thế kỷ 21 đầy biến động này chắc chắn sẽ có nhiều người tìm đọc. Mong nhà văn phát huy tốt về văn chương nghệ thuật ạ.

Comments are closed.