1
River Park vào buổi xế chiều không nhằm ngày cuối tuần vắng vẻ và yên tịnh. Sau khi đậu xe xong tôi xách cặp trong đựng cái ” tablet ” nhỏ cùng với vài thứ lỉnh kỉnh rồi bước tới chiếc bàn nhìn ra mặt sông nước cạn lặng lờ chảy. Phía bên kia sông, khu nhà lầu cao với mái ngói đỏ ối thấp thoáng trong chòm cây xanh. Ngồi xuống chiếc băng gỗ đặt dưới tàng cây đầy bóng mát và càng thêm mát rợi nhờ gió từ mặt sông thốc vào; tôi bày ra mấy vật lỉnh kỉnh nối tablet thành laptop dùng để viết truyện. Xuân, hạ, thu, đông tùy hứng, tôi lái xe từ nhà ra đây ngồi ngắm cảnh và viết dù lắm khi chẳng viết được chữ nào mà cứ ngồi im thả hồn mình đi đâu đâu. Tôi thích ra ngồi đây vì không có ai quấy rầy, hỏi han hoặc nhờ mình làm cái gì trong lúc suy tư và mơ mộng. Đây là thế giới nhỏ của riêng tôi, có tiếng chim hót, tiếng gió thổi rì rào, tiếng sóng lách tách vỗ vào bờ và thỉnh thoảng tiếng cá đớp mồi hay quẫy nước. Những âm thanh quen thuộc làm cho tôi nhớ lại đoạn đời đã qua trên quê hương ngày một xa theo tuổi đời. Dù đã có tuổi, tính mơ mộng của tôi vẫn còn và có thể còn nhiều hơn lúc trẻ nữa. Dường như mơ mộng thỏa mãn được tâm hồn đầy khát khao của tôi về những gì tôi không có, không thể đạt được trong cuộc sống thường ngày của mình.
Chiều nay tôi tính sẽ viết nốt phần kết của quyển tiểu thuyết còn đang dở dang. Bắt đầu từ năm 2012 mà mãi tới nay tôi vẫn chưa viết xong. Còn hơn trăm trang để kết thúc mà viết hoài chẳng ra chữ hoặc nhiều khi có ra chữ mà đọc lại không vừa ý bèn xóa bỏ. Cứ như vậy đã mấy lần rồi vẫn chưa hoàn tất. Tôi hi vọng cảnh vật của công viên thành phố và sự yên tịnh sẽ giúp tôi viết ra thành chữ những ý nghĩ của mình.
Sau một lúc ” touch&click ” màn hình hiện ra những dòng chữ. Tôi cắm cúi đọc lại từ đầu câu truyện và hầu như quên mất tôi đang ở đâu cho tới khi dòng chữ cuối cùng. Thở hơi dài tôi nhìn ra dòng sông. Mặt nước trong xanh gợn sóng lăn tăn khi có cơn gió lùa về từ dãy núi ở hướng đông bắc. Thành phố miền núi này hay mưa về buổi chiều, những cơn mưa bất chợt đến nhanh mà đi cũng nhanh. Xa về bên trái ngay dưới gầm cầu có cây cầu nhỏ đúc bằng xi măng chạy ra gần tới giữa sông dành cho người ta đứng câu cá. Tại đầu cầu de ra khỏi bờ sông khá xa có một bóng người đứng trơ vơ. Dáng lẻ loi, nhỏ nhoi, gầy gò trông thật tội nghiệp. Khoảng cách hơi xa thêm mắt kém vì vậy tôi không thể phân biệt người này là đàn bà hay con gái và bao nhiêu tuổi. Chỉ biết là phụ nữ nhờ mái tóc đen dài rủ xuống gần tới lưng. Thấy mái tóc huyền tôi đoán người phụ nữ này thuộc dân châu Á, có thể là người Hoa, Nhật, Hàn, Phi và Việt.
– Hổng lẽ người này muốn nhảy xuống sông?
Ý nghĩ ngông nghênh bật ra trong trí khiến tôi hơi nhỏm người dậy rồi lát sau mới ngồi xuống ghế trở lại. Ngoại trừ có vài tai nạn chết đuối vì câu cá nhưng tôi chưa nghe tin có người tự tử ở khúc sông, song chưa không có nghĩa là không có. Bây giờ thấy người phụ nữ Á đông này đứng chênh vênh ở đầu cầu làm tôi hơi lo lắng. Không biết nghĩ sao tôi vội rời chỗ ngồi chầm chậm bước lên cây cầu xi măng đi dần tới chỗ người này đang đứng trầm tư. Như muốn làm cho người này biết tới sự có mặt của mình, tôi cố tình đi mạnh hơn và làm bộ húng hắng ho. Không biết có nghe không mà tôi thấy cô ta vẫn làm thinh. Có thể cô ta nghe và biết sự có mặt của tôi song cố tình làm ngơ.
– Cô ơi… Cô đừng có nhảy xuống sông nghen cô… Nước cạn xệu… Đầu cô đụng vào đá đau lắm…
Vì chưa biết đích xác cô ta thuộc sắc dân nào nên tôi phải nói bằng tiếng Anh. Nói dứt câu tôi nghe có tiếng nấc khẽ vang lên rồi cô ta quay đầu lại nhìn tôi. Đôi mắt nâu đen hơi đỏ chắc vì đã khóc toát ra chút buồn rầu u uẩn. Cái miệng nhỏ với đôi môi hơi mím lại như cố không khóc và cũng cố tạo ra vẻ bình thường trước người lạ. Nhìn mặt, tôi đoán cô ta còn trẻ, còn nhỏ tuổi hơn đứa con gái út của tôi nữa. Quan sát chút nữa tôi ngờ ngợ đoán cô ta là người Việt vì cái khung mặt của cô hao hao giống như khuôn mặt của con gái tôi. Tuy nhiên tôi vẫn hỏi bằng anh ngữ.
– Cô người gì? Việt, Hoa, Nhật?
– Dạ tôi là người Việt. Còn ông?
Lần này tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình và cách xưng hô cũng thay đổi.
– Cháu nhìn bác xem có phải da vàng mũi tẹt hông?
Bật lên tiếng cười ngắn, cô gái nheo mắt nhìn người đang đứng trước mặt xa chừng ba bước rồi sau đó mới cất giọng nhẹ và êm êm.
– Dạ bác nhìn y chang người Việt…
Tôi bật cười. Lâu lắm tôi mới nghe hai tiếng ” y chang ” phát ra từ một cô gái Việt tuổi còn rất trẻ.
– Dạ cháu cũng tính nhảy xuống sông mà nghe bác nói đụng đá đau lắm nên cháu thôi hổng nhảy…
Nghe giọng nói thì nghiêm mà nhìn nét mặt cười cười, tôi không đoán được cô gái nói giỡn hay nói thật. Vì vậy tôi cũng cười trả lại.
– Nếu cháu muốn thử thì bác cũng hổng có cản đâu. Bác đợi khi nào cháu nhảy rồi mới nhảy theo vớt cháu lên. Có một điều bác nghĩ là một cô gái trẻ đẹp như cháu mà bị u đầu, bầm mắt thì coi hổng có ngộ chút nào…
Cô gái bật cười lần nữa. Nhìn tôi giây lát cô ta lên tiếng.
– Dạ cháu xin phép hỏi bác tên gì vậy bác?
– Bác tên Chu… Còn cháu…?
– Dạ cháu tên May… Tên Việt của cháu là Cỏ May. Ở nhà ba má và anh chị gọi tắt là May. Ở trường bạn gọi là May…
May phát âm tên của mình trài trại ra như ” May ” của tiếng anh. Hơi gật gù cười tôi cất bước đi vào bờ. Như hiểu ý May cũng bước song song.
– Cháu khát nước chưa. Bác đãi cháu ly coca…
– Dạ khát…
Ngừng lại giây lát May mới hỏi nhỏ.
– Bác sợ cháu nhảy xuống sông thiệt hả bác?
Tôi quay qua nhìn May cười như xác nhận rồi mới chậm chạp lên tiếng.
– Bác sợ nhưng bác nghĩ một cô gái thông minh như cháu sẽ không sử dụng cái chết để giải quyết những rắc rối của mình… Chết không hẳn là cách tốt nhất…
May cười như mếu khi phải đối chọi với cái nhìn dò xét và hơi nghiêm khắc của tôi.
– Bác mới biết cháu vài phút đồng hồ thôi nhưng bác coi cháu như con cháu của bác vì thế bác mới khuyên can cháu. Chứ nếu bác ghét cháu, coi cháu như người xa lạ thì bác hổng cản mà còn xúi cháu nhảy xuống nước nữa a…
May bật cười vì cái giọng nửa nghiêm nửa giỡn của tôi.
– Dạ cháu nghe lời bác… mà bác có chịu đãi cháu ly coca hay bác còn đứng đây…
Nói xong May vội bước vượt qua mặt tôi rồi te te đi về phía cafeteria. Tới chỗ bàn ngồi tôi bỏ các thứ vào cặp đoạn bước theo May. Nắng chiều vàng hực chiếu lên mặt nước sông xanh lóng lánh màu gì thật lạ. Mua hai ly coca, tôi với May ra ngồi nơi chiếc bàn đặt sát bờ sông trò chuyện.
– Cháu làm gì ở đây?
– Dạ dạy học… Cháu dạy ở đây được một năm rồi…
– Bác chưa gặp mặt cháu lần nào…
– Dạ… Cháu ra trường hơn năm rồi mà tìm việc làm hoài hổng có. Bây giờ có chỗ này nhận nên cháu dời về đây dù phải xa nhà…
Ngừng lại nhìn ra mặt sông rộng lăn tăn sóng, May nói với giọng nghe thật buồn.
– Dạ… Cháu không có quen với ai ở đây. Đi làm về ru rú trong nhà. Đọc sách, nghe nhạc và thỉnh thoảng ra đây chơi…
– Nhà ba má cháu ở đâu?
– Dạ bên Colorado…
– Vậy cháu học Boulder University hả?
– Dạ… Sao bác biết hả bác?
– Bác có ở Denver vài năm… Cháu dạy trường nào?
May nói tên trường. Tôi cười gật đầu.
– Mấy đứa con của bác đều học trường đó. Cháu ở với ai?
– Dạ cháu mướn aparment ở một mình…
– Buồn hả?
Tôi hỏi gọn và May trả lời cũng gọn bân.
– Dạ… Còn bác?
– Bác ở với mẹ của các con bác…
May mỉm cười vì cách dùng chữ của tôi. Hút một hơi nước coca lạnh, tôi nhìn May.
– Cháu ở một mình buồn vậy hôm nào tới nhà bác chơi. Bác gái gặp mặt cháu bả thích liền…
May nhìn tôi với cái nhìn dò hỏi.
– Tin bác đi… Cháu thích ăn gì nhất?
– Dạ cái gì cháu cũng thích, cũng ăn…
Tôi gật đầu cười.
– Bác cũng vậy… Cái gì bỏ lên bàn là bác xực liền… hổng có chê… mùa này rau thơm nhiều lắm. Bún riêu, bún bò, bún chả giò, bánh xèo, bánh canh, phở, mì, hủ tiếu; cháu thích món nào?
Tôi kê ra một hơi gần chục món ăn cốt ý làm cho May thèm để nhận lời tới nhà tôi. Chép miệng May cười nhìn tôi.
– Dạ món nào cháu cũng thích…
Tôi nói liền như không muốn cho May có ý kiến gì hết.
– Xong… thứ bảy sáu giờ chiều… Đây là địa chỉ nhà bác…
Tôi với May trao đổi địa chỉ. Bỏ danh thiếp của May vào cặp da, tôi cười.
– Cháu mà hổng đến ăn là bác gái tới nhà kiếm cháu đó. Bác gái nấu phở, bún riêu ngon hết biết luôn…
– Bác có vườn rau hả bác?
– Ừa… húng cây, húng lủi, húng quế, dóc cá, tía tô, kinh giới, rau răm, ngò om, ngò gai, ớt hiểm đủ thứ hết… Tô bún riêu thật nóng, nước lèo thơm, dề cua trộn trứng vàng ươm, chút chanh, chút nước mắm, ớt bằm, giá, rau thơm cắt nhỏ trộn với nhau… chậc chậc… ngon hết biết…
May chép miệng cười.
– Nghe bác tả làm cháu thèm chảy nước miếng… bác mà viết truyện cháu sẽ đọc liền…
Tôi bật cười. May mà tôi chưa phun ra cái bí mật của mình cho May biết. Cứ để từ từ rồi ” con nhỏ ” biết cũng chưa muộn đâu. Tôi nghĩ như thế trong lúc bỏ chiếc ly giấy vào trong thùng rác. May với tôi trò chuyện khá lâu mới chia tay.
– Dạ cháu xin phép bác cháu về…
– Ừa cháu về… Chiều thứ sáu bác sẽ điện thoại nhắc cháu…
– Dạ cám ơn bác…
Đứng nhìn theo chiếc Honda Civic của May mất nơi khúc quanh, tôi hi vọng con nhỏ đừng có ý nghĩ bậy bạ. Tôi tự hỏi lý do gì khiến cho May có ý quyên sinh. Tiền? Tình? Ma túy? Thất vọng điều gì to tát? Mất niềm tin. Qua sự ngấm ngầm nhận xét và với chút kinh nghiệm, tôi không thấy May có dấu hiệu hay triệu chứng của người nghiện ma túy. Không lẽ con nhỏ thất tình? Câu hỏi đó lởn vởn trong trí tôi trên suốt đoạn đường trở về nhà.
2
Vặn nhỏ lửa cho nồi bún riêu âm ấm; Ngọc, quay nhìn ra cửa sổ trong lúc tôi đặt tô rau sống lên chiếc bàn rộng sáu chỗ ngồi của phòng ăn. Trừ những dịp lễ lộc hoặc con cái tụ về đông đảo, ít khi hai vợ chồng ngồi ăn nơi cái bàn rộng này. Phòng ăn không có ai ngồi ăn đã đành mà cả phòng khách cũng ít khi có người tới lui nữa. Thỉnh thoảng tôi dạo một vòng các phòng trống để xem có gì lạ xảy ra. Sinh hoạt của hai vợ chồng tôi thường chỉ quanh quẩn nhà bếp, phòng giải trí của gia đình và phòng ngủ. Phải có khách và là khách đặc biệt mới dọn ở phòng ăn.
– Năm giờ năm mươi lăm…
Ngọc lên tiếng. Tôi vạch màn nhìn ra sân vừa đúng lúc chiếc honda quẹo vào. Chắc vì tò mò nên Ngọc bước lẹ ra mở cửa đứng chờ sẵn.
– Chào cháu… Cháu mạnh hông cháu?
Tôi nghe tiếng Ngọc hỏi và giọng nói nhỏ nhẹ đầy lễ phép của May vang lên.
– Dạ thưa bác cháu mạnh… Cháu cám ơn bác đã mời cháu tới nhà và nấu cho cháu ăn nữa…
– Không có chi cháu… Mời cháu ngồi… Bác vui vì có cháu tới chơi… Nhà bác ít khi có khách lắm…
– Dạ cám ơn bác…
Tôi bước ra phòng khách. May cười với tôi.
– Dạ chào bác…
Tôi cười chào ngồi xuống chiếc ghế, im lặng nghe Ngọc và May nói chuyện với nhau. Đàn bà, ít nhiều gì cũng có tính tò mò mà Ngọc lại là người đàn bà được tôi liệt vào hàng tò mò nhất thế gian. Không giống tôi khi lần đầu gặp May; như một nhân viên FBI, Ngọc hỏi cung con nhỏ về gia đình một cách cặn kẽ và đầy đủ chi tiết. Điều đó khiến cho May hơi lúng túng. Thấy vậy tôi vội đứng lên cười nói cốt ý đưa May ra sân để khỏi trả lời những câu hỏi đôi khi đi sâu vào đời tư của Ngọc.
– Cháu ra sân bác cho cháu coi vườn rau của bác. Ngửi mùi không cũng đủ phê rồi…
Chắc hiểu ý của tôi, May cười nói với Ngọc.
– Dạ cháu xin phép bác được thăm vườn rau của bác… Cháu ghiền mùi rau thơm…
Ngọc cũng cười đứng lên.
– Vậy hả… Cháu muốn trồng kêu bác trai bứng cho cháu vài cọng đem về trồng…
Dạ tiếng nhỏ May bước theo tôi đi ra sau vườn. Vườn rau của tôi cũng nhỏ thôi và mỗi thứ rau được trồng thành khóm lớn nhỏ tùy theo sự cần dùng.
– Rau này là rau gì vậy bác… Nhà cháu có trồng mà cháu quên mất tên…
– Rau càng cua… Cháu nhìn kỹ sẽ thấy nhánh của nó mường tượng như cái càng cua… Nó còn có cái tên khác là rau tiêu vì hột của nó khi già sẽ có màu đen như hột tiêu… Cháu có thấy hột tiêu chưa?
– Dạ thấy… Ở nhà má cháu hay mua hột tiêu khô về để xay ra. Má nói như vậy mới thơm… mà cháu ngửi thì thơm thật, thơm hơn tiêu đã xay sẵn… Nó có mùi nồng nồng làm mình muốn nhảy mũi…
Cười cười khi nghe May diễn tả, tôi nghĩ thầm.
– Con nhỏ này biết diễn tả… chắc nó học văn chương…
Nghĩ vậy tôi bèn hỏi dò.
– Cháu dạy môn gì vậy?
– Dạ… Literature…
Tôi à tiếng nhỏ khi biết mình đoán đúng. Đang đứng nói chuyện với May, thấy Ngọc ra dấu tôi bèn cười lên tiếng.
– Thôi mình vào ăn cháu. Chậm bác gái ăn hết là bác cháu mình bơ mỏ…
May cười hăng hắc vì câu pha trò của tôi.
– Bác nói chuyện vui quá. Ba cháu hổng giống như bác…
Tôi quay qua nhìn May dò hỏi. Giọng của May buồn buồn.
– Ba cháu nghiêm khắc và ít khi cười lắm bác. Ở nhà ai cũng sợ ba…
Tôi cười với May.
– Hồi còn trẻ bác như vậy, ít khi cười nói lắm. Chỉ khi về già bác mới thay đổi. Bác không nghĩ cười là liều thuốc bổ song bác nghĩ cười tốt hơn khóc. Mình sống với nỗi buồn quá lâu rồi…
Im lặng giây lát tôi quay qua nhìn May, bắt gặp một ánh mắt u uẩn song chỉ trong thoáng giây lại biến mất. Thở ra nhè nhẹ, tôi buông gọn.
– Sống là khổ mà cháu…
May cười như hiểu được câu nói của tôi. Kéo cửa kính nhường cho May vào trước, tôi nói tiếp.
– Đau khổ và hạnh phúc vốn là hai mặt của đời sống… Hạnh phúc để cho mình thụ hưởng, còn đau khổ thăng hoa đời sống của mình… Cháu chọn cái nào?
Tôi thấy mắt May ươn ướt.
– Thường ai cũng chọn hạnh phúc. Nhưng đôi khi mình không có chọn lựa thưa bác…
Đợi cho May ngồi vào ghế cạnh mình, Ngọc mới đặt tô bún riêu bốc khói trước mặt. Cười với Ngọc, May nói một câu lịch sự và lễ phép.
– Dạ cám ơn bác…
– Không có chi cháu… Cháu cứ tự nhiên như ở nhà cháu…
Ngọc múc bún riêu ra hai cái tô dành cho tôi với Ngọc. Kê mũi vào sát tô bún hít hít mấy cái, May lên tiếng.
– Ui… thơm quá… Cám ơn hai bác…
Ngọc cười cười. Còn tôi biểu lộ sự mời mọc của mình bằng nụ cười và im lặng. Chắc biết thông lệ nên May cúi đầu im lặng khi thấy Ngọc làm dấu và cầu nguyện trước khi ăn. Tôi thì quá quen với cảnh đó cho nên chỉ im lặng. Ngay khi Ngọc buông tiếng Amen thì May cũng nói theo hai tiếng đó.
– Mời cháu….
– Dạ mời hai bác…
Ngọc mỉm cười thích thú khi thấy May thong thả gắp tất cả loại rau thơm và giá sống bỏ vào tô của mình. May gắp mỗi thứ một ít thôi song không thiếu thứ nào. Nước mắm sống, chanh, ớt bằm, mỗi thứ một ít được May chậm rãi bỏ vào chén rồi trộn lên cho đều xong mới bắt đầu ăn.
– Cháu ăn tự nhiên nghen… Lát nữa bác sẽ múc cho cháu một ít đem về nhà ăn tiếp…
– Dạ cám ơn bác…
Trong lúc ăn tôi và Ngọc nhắc lại những ngày ở Denver. May ngồi nghe và chỉ thỉnh thoảng mới góp chuyện. Trong một thoáng nào đó tôi bắt gặp nét u uẩn hiện ra trên mặt của May.
3
Sau lần ăn bún riêu May trở thành một người thân của tôi và Ngọc. Chúng tôi đối xử với May như con cái trong gia đình. Có khi một tháng, có khi hai tuần; Ngọc nấu phở, bún riêu, bún bò, cơm với canh chua, cá chiên, thịt kho dưa cải rồi gọi May tới ăn uống và trò chuyện. Có thể nói tôi với Ngọc gặp mặt May nhiều hơn gặp mặt con cháu dù chúng cũng ở trong phố giống như May. Dường như giữa May và hai vợ chồng tôi có điểm tương đồng khiến cho chúng tôi thích lân la trò chuyện với nhau hơn. Đầu tiên là văn nghệ rồi kế đó là ngôn ngữ. May thích nghe nhạc mà Ngọc lại mê hát. Chỉ nội điều đó thôi cũng đủ làm cho Ngọc quí con nhỏ dù mới quen biết. Lần nào cũng vậy, ăn uống xong tôi có bổn phận mở dàn máy lên cho Ngọc hát còn May với tôi ngồi im lắng nghe và mơ mộng theo trí tưởng của mỗi người. May, dù còn rất trẻ và sinh trưởng ở nước ngoài song lại có khả năng cảm ngộ sự thâm thúy trong lời ca tiếng nhạc của âm nhạc Việt Nam. May thích nghe nhạc tiền chiến, nhạc tình cảm của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng và nhất là Vũ Thành An. Mãi về sau này tôi mới biết lý do thầm kín tại sao May thích nhạc Vũ Thành An. May viết, đọc, nghe và nói tiếng Việt trôi chảy. Nhờ vậy mà May với tôi có thể ngồi trò chuyện hàng giờ. Biết May học về văn chương song tôi cũng ngạc nhiên về sự hiểu biết của May khi bàn tới văn chương của Việt Nam ở khoảng thế kỷ 19 và 20. Dường như con nhỏ không cảm nhận âm nhạc và thơ bằng mảnh bằng hoặc kiến thức được thu thập từ sách vở mà bằng cái tâm của chính mình. Thường, có khi tôi gọi, có khi May gọi xin phép tới nhà không phải để ăn uống mà bàn luận chuyện văn chương với tôi. Ở trên lãnh vực này tôi coi May như bạn, một thứ bạn văn chương không phân biệt tuổi tác, học thức, giới tính và nhân sinh quan. Chúng tôi ” cãi ” nhau sôi nổi về Kiều, thảo luận một cách nghiêm túc về ” dục ” trong thơ Hồ Xuân Hương, hăng say nói về chuyện tình giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như. May rất ngưỡng mộ hai nhân vật này, nhất là cô gái họ Trương. Cãi mỏi miệng và khát nước, chúng tôi uống trà đá chanh đường, gậm ” snacks ” hoặc bánh mì thịt rồi sau đó ra vườn ngồi ngắm cảnh rừng cây. May thích ngồi một mình và im lặng. Đôi khi chúng tôi ngồi như thế rất lâu. Tôi nhận thấy dường như May quên mất có người ngồi bên cạnh mình.
4
Đang ngồi xem Secrets of the Earth của Weather Chanel, nghe điện thoại reo tôi vội rời chỗ ngồi tới chiếc bàn đặt điện thoại. Thường thì tôi không phải làm việc này. Nhưng hôm nay Ngọc xuống thăm con gái ở Atlanta và dặn tôi phải nghe điện thoại. Trước khi nhấc điện thoại tôi nhìn thấy hàng chữ May Nguyen. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là mới có 8 giờ sáng. Hơi sớm đối với người trẻ như May.
– Dạ chào bác… Cháu xin lỗi vì gọi bác giờ này…
Giọng của May nghèn nghẹn như bị cảm cúm gì đó. Tôi cười nhẹ.
– Bác thức rồi… lúc 7 giờ lận… Cháu bịnh hả. Bác nghe giọng của cháu hơi khác…?
May ngập ngừng khá lâu mới trả lời câu hỏi của tôi.
– Dạ… dạ… cháu mời bác tới aparment của cháu uống cà phê…
Tôi im lặng chưa trả lời. May lên tiếng và trong giọng nói của May tôi nghe như có pha nước mắt.
– Cháu buồn quá… Bác là người duy nhất cháu biết ở đây…
Sự đơn độc nhiều lúc rất khó chịu đựng. Tôi đã nhiều lần đối diện với nỗi đơn độc của chính mình. Vì vậy mà tôi hiểu tâm tình của May.
– Cháu uống cà phê chưa?
– Dạ chưa…
– Vậy thì cháu pha cà phê đi. Bác sẽ gặp cháu khi cà phê xong…
– Dạ… Cháu pha ngay…
Tôi thay quần áo một cách vội vàng và ra xe. Sáng chủ nhật láng giềng vẫn còn đang ngủ. 10 phút sau tôi quẹo xe vào chung cư có tên Wild Rose Apartments. Leo lên tầng lầu 3, tôi chưa kịp làm gì hết cửa mở rộng ra. Tôi nhíu mày khi thấy May. Dù đã cố gắng sửa soạn cho tươm tất song ở May vẫn còn đầy cái vẻ không bình thường ít khi thấy. Đôi mắt sưng đỏ chắc vì khóc nhiều. Nét mặt bơ phờ. Mái tóc huyền mượt mà không được chải gọn. Quần áo luộm thuộm.
– Cháu bịnh gì vậy?
Tôi hỏi vì thấy sắc diện âu sầu, dã dượi của May.
– Dạ hông… Cháu chỉ…
May ấp úng rồi gượng cười.
– Dạ mời bác ngồi… Bác uống cà phê gì hả bác?
– Cà phê đen không có đường…
Tôi ngồi xuống chiếc sofa cũ. Phút sau, đặt trước mặt tôi tách cà phê bốc khói, May ngồi chiếc ghế đối diện tôi.
– Chắc lâu lắm rồi bác chưa trở lại Denver?
Hớp ngụm cà phê tôi cười nhìn May.
– Ừ lâu lắm… Hơn ba mươi năm…
– Denver thay đổi nhiều lắm…
Tôi gật đầu im lặng. Tôi biết May gọi tôi tới nhà không phải để nói những lời đó. Phải có cái gì khác hơn và tôi kiên nhẫn chờ đợi.
– Bác đạo công giáo hả bác?
Hớp ngụm cà phê, tôi chầm chậm lắc đầu.
– Không… Bác chẳng có đạo gì hết… Bác là người thấy nhà thờ thì né, gặp chùa thì tránh, còn đền miễu gì cũng chỉ đứng xa xa mà nhìn… Có người nói bác là kẻ vô thần…
Hiểu ý của tôi, May cười nhẹ.
– Ủa… Cháu tưởng bác gái…
Tôi gật đầu.
– Bác gái có đạo công giáo… Còn bác thì không… Chuyện bác gái có đạo là của bác gái, còn chuyện bác không có đạo là chuyện của bác. Đúng không?
Tôi thấy May cười. Nụ cười đó có ý nghĩa như một xác nhận.
– Còn cháu đạo gì?
Tôi thấy May ngần ngừ giây lát mới trả lời mà câu trả lời như để giải thích hơn là xác nhận.
– Dạ… Cháu đạo Phật… Hồi còn ở nhà với ba má thì ba má bắt đi chùa, đọc kinh, niệm Phật. Khi cháu lên học ở Boulder thì không còn đi chùa, đọc kinh, niệm phật nữa…
– Cháu không muốn đi hay là không có chùa để cho cháu đi?
Tôi cười hỏi và thấy May cũng mỉm cười vì câu hỏi của tôi. Như không đợi cho May trả lời, tôi tiếp.
– Bác biết… Mấy đứa con của bác cũng giống như cháu. Đi chùa hay nhà thờ chỉ dành cho những người lớn tuổi như bác gái hoặc ba mẹ cháu…
– Tại sao bác không theo đạo hả bác?
May hỏi tôi với giọng rụt rè, dường như hiểu chuyện tôn giáo dễ gây ra xích mích hoặc hiểu lầm.
– Tại vì đạo không cần thiết đối với bác. Quan niệm của bác về tôn giáo có thể sẽ khác với quan niệm của nhiều người khác. Nếu hỏi bác tin cái gì thì câu trả lời sẽ là ” bác tin vào lương tâm của con người…”. Bác sống và hành xử đúng với lương tâm của một con người, nếu không làm điều gì thiện lương, điều tốt thì cũng đừng làm điều xấu, điều ác độc có hại tới người khác…
Tôi ngừng nói khi thấy May tủm tỉm cười. Nụ cười làm cho khuôn mặt đang u sầu và dã dượi của May sáng lên chút tươi tắn.
– Cám ơn bác…
– Cám ơn cái gì?
Tôi vặn. May cười.
– Những gì bác nói…
Tôi thở dài nhìn xuống sàn nhà.
– Thực ra bác cũng bị áp lực của bác gái về vụ không theo đạo và không đi nhà thờ. Bác với bác gái đã có những lần cãi nhau rồi sau đó bác gái cũng để yên cho bác. Nói nào ngay vì ở bên Mỹ bác gái không bị áp lực của cha mẹ và anh chị em bằng không cũng gay go lắm… Bác nghĩ tôn giáo cũng tốt song đôi khi cũng gây ra rắc rối và phiền lụy cho mình…
Tôi ngưng lại khi nghe tiếng thở dài của May. Bỗng dưng tôi nghĩ tới một điều và buột miệng hỏi.
– Cháu có người yêu chưa?
Ngần ngừ thật lâu May mới trả lời.
– Dạ có…
– Người đó đang ở đâu?
– Dạ ở bên Colorado…
Tôi nhìn May lúc đó đang dõi mắt ra ngoài trời xuyên qua khung cửa sổ rộng của phòng khách. Não của tôi bật ra nhiều ý nghĩ. Hai người yêu nhau mà lại ở xa nhau tất phải có gì trắc trở. Có phải đây là lý do khiến cho May định nhảy xuống nước. Có phải vì vậy mà con nhỏ khóc sưng cả mắt…
– Có gì trục trặc trong tình yêu của cháu?
– Dạ có… Cháu yêu một người…
– Người đó cũng yêu cháu?
– Dạ yêu nhiều lắm…
– Thế thì đâu có gì trục trặc…
– Dạ có…
May ngước lên. Tôi nhìn nước mắt ứa ra từ đôi mắt u uẩn rồi chảy thành dòng trên khuôn mặt xanh xao, tiều tụy. Giọng nói cất lên nghẹn trong cổ họng.
– Dạ… có một trục trặc mà cháu không thể vượt qua được…
Tôi nhíu mày rồi thấp giọng nói của mình.
– Trục trặc gì?
Giọng của May thấp xuống mơ hồ như tiếng gió rì rào hàng cây bên ngoài cửa sổ mở.
– Dạ… Tại vì người cháu yêu là một linh mục…
Tôi cứng người, cảm thấy như thân thể của mình bị nhúng ngập vào trong thùng nước lạnh trừ mấy chục độ. Căn phòng im vắng lạ lùng. May ngồi rút chân lên trên ghế, mặt úp vào hai gối, mái tóc đen dài phủ một bên giống như bức tượng đá mà tôi đã thấy đâu đó. Cuối cùng không biết làm gì tôi thở hơi thật dài như muốn xua hết phiền muộn trong người ra. Đã từng yêu thương; đã từng khổ đau vì yêu; nhưng tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh khó xử như May. Yêu một kẻ tu hành. Là tín đồ phật giáo mà May lại yêu thương một linh mục công giáo. Tôi không phê phán hành động tình cảm của May đúng hay sai. Chuyện đó không phải của tôi. Với lại tôi không thích phê phán ai. Mỗi người đều có lý do riêng để hành động. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng bắt phải làm dù không muốn. Tôi liên tưởng tới tiểu thuyết Sa Huỳnh mà tôi đã viết. Tuy nhiên chuyện tình của cô gái nhỏ tội nghiệp đang ngồi trước mặt tôi còn ngang trái hơn nữa. Dù sao Hoàng trong Sa Huỳnh là kẻ không có đạo. Huống chi Sa Huỳnh là tiểu thuyết. Còn ở đây là đời sống thực. Hai người có hai đạo khác nhau mà đạo này với đạo kia ít nhiều gì cũng có mâu thuẫn. Hoặc giả đạo không mâu thuẫn mà người theo đạo lại không thích nhau, lại ganh ghét, tị hiềm với nhau…
– Ông ta tên gì?
May ngước lên khi nghe tôi hỏi. Đôi mắt bây giờ không có nước mắt song ngác ngơ đến mũi lòng.
– Dạ… Scott Anderson…
– Scott bao nhiêu tuổi?
– Dạ… 28…
Hồi nãy khi nghe May nói yêu một linh mục, tôi cảm thấy mình bị nhúng ngập vào trong thùng nước lạnh thì bây giờ còn hơn thế nữa. Tôi cảm thấy nước trong thùng đã đóng băng lại. Tôi lẩm bẩm trong trí: ” Con nhỏ này khùng… yêu ai hổng yêu lại đâm đầu đi yêu một ông linh mục… Đúng là hết thuốc chữa…”
Thấy tôi uống cạn tách cà phê, May nhẹ hỏi.
– Cháu lấy thêm cho bác nghen bác…
Tôi lắc đầu thầm suy nghĩ và sau đó lờ mờ suy ra lý do tại sao May lại nhận một việc làm thật xa nhà và lương cũng ít hơn bên Denver. May muốn trốn chạy tình yêu không có lối thoát bằng cách đoạn giao với người mà mình yêu thương. Tuy nhiên có thể vì mới yêu lần đầu thiếu kinh nghiệm, May không biết càng xa càng nhớ thêm, càng nhớ thêm càng yêu thêm, càng yêu thêm càng khổ thêm. Cái vòng lẩn quẩn đó không do ở xa ở gần gì hết mà ở trong lòng mình. Không bao giờ trốn chạy được tình yêu. Tôi đã biết điều đó.
– Từ khi ở đây cháu có nói chuyện với Scott?
– Dạ… Dạ có…
– Ai gọi ai? Cháu gọi Scott hay Scott gọi cháu?
May có cử chỉ lúng túng khi bị tôi cật vấn song cuối cùng cũng lên tiếng.
– Dạ Scott gọi cháu trước… Lúc cháu mới qua đây chừng tháng Scott có gọi hỏi thăm sức khỏe và việc làm…
Tôi mỉm cười. Bắt gặp tôi cười, May có vẻ ngượng ngùng bèn ngưng ngang không nói nữa.
– Bác hổng có cười cháu đâu… Hai người yêu nhau mà gọi nhau để hỏi thăm sức khỏe và việc làm hả. Bác hổng tin đâu… Bác đã từng yêu và ở vào cảnh ngộ éo le tuy không bi đát như cháu…
May cười như mếu vì câu nói của tôi.
– Scott gọi cháu mấy lần?
– Dạ hai lần… Lần đầu nói chuyện còn lần sau cháu không trả lời nên nhắn lại…
– Còn cháu gọi Scott mấy lần?
– Cháu không gọi mà text… Cháu ở đây một mình buồn quá…
Tôi hiểu và thông cảm cho tâm tình cũng như hoàn cảnh của May. Một cô gái trẻ mới vào đời sống xa nhà lại bị tình yêu hành hạ, buồn là điều đúng rồi. Cây cỏ cũng còn buồn nữa mà.
– Cháu với Scott yêu nhau bao lâu rồi?
May trả lời câu hỏi của tôi một cách chi tiết hơn.
– Dạ hai năm… Cháu gặp Scott trước khi cháu xong master…
– Bây giờ cháu định làm gì?
– Cháu không biết phải làm gì. Cháu xa Scott cốt ý quên song cháu biết cháu không thể quên…
Nước mắt lại trào ra trên mặt May. Tôi cảm thấy lòng mình chao đảo khi nhìn May. Đó là hình tượng của tôi mấy chục năm về trước. Người ta, mỗi người yêu một cách khác nhau, cường độ cũng khác nhau, quên mau hay chậm cũng tùy vào tâm tính; tuy nhiên tất cả đều giống nhau ở sự khổ, ít nhiều gì cũng khổ. Hơn năm mươi năm rồi, mỗi khi nghĩ tới, hình dung lại bóng dáng của cô gái mình yêu lần đầu tiên, lòng tôi lại quặn đau. May là mẫu người tình cảm cho nên sẽ nhớ suốt đời, khổ suốt đời vì tình yêu nghiệt ngã.
– Ba má cháu biết chuyện này chưa?
May lắc đầu. Cầm ly nước lạnh lên uống ngụm nhỏ rồi May mới chậm chạp lên tiếng.
– Dạ chưa biết… Cháu không thể nói chuyện này với ba má… Ba má cháu là phật tử thuần thành. Ba mà biết thì… thì…
May không nói ra hết nhưng tôi hiểu. Trong mỗi đạo, công giáo, phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo, Hindu hay gì gì nữa, đều có một thiểu số tín đồ cực đoan, bài bác, ganh ghét và đôi khi thù hằn đạo khác. Chuyện họ không chấp nhận cho con cái mình yêu thương hoặc kết hôn với người của đạo khác cũng không có gì lạ. Anh thương yêu tôi và muốn cưới tôi làm vợ thì anh phải bỏ đạo của anh để theo đạo của tôi. Đạo của tôi, đạo của anh chính là sự rắc rối và phiền não. Hoàn cảnh của May còn bi đát hơn vì người yêu là một linh mục. Ba má May mà biết con gái mình yêu thương một linh mục chắc sẽ bị stroke hoặc heart attack, nếu không chết cũng khó nuôi. Đó là lý do May không thể thố lộ cùng ai, mà không nói ra được thì cái khổ sẽ dội ngược vào trong tâm của mình để thành căn bệnh trầm kha không thuốc chữa.
– Tình yêu của cháu với Scott chỉ có chúng cháu biết và thêm chúa với phật biết thôi…
Tôi cười đùa một câu.
– Mà hai vị đó ở xa quá hả…
May nhìn tôi. Dù không nói May có chút gì đó đồng tình với câu nói đùa của tôi. Như muốn kéo May ra khỏi khung cảnh buồn thảm và đơn độc, tôi đứng lên nói như ra lệnh.
– Đi… Hai bác cháu mình lên núi chơi…
Thấy May ngần ngừ, tôi tiếp nhanh.
– Cháu mà không đi là bác nắm tay cháu dẫn ra xe liền…
May gượng cười vì lời nửa đùa nửa giỡn của tôi.
– Dạ… Bác chờ chút cháu sửa soạn…
Trong lúc May sửa soạn tôi ngồi im suy nghĩ. Tôi biết câu chuyện tình của May không giản dị mà rắc rối, khúc mắc và nhiều trắc trở. ” Rồi con nhỏ phải làm gì? ”. Tôi chưa có câu trả lời song tôi biết câu chuyện không dừng lại ở đây.
– Cháu mang thêm áo ấm. Mùa này ở trên cao vẫn lạnh…
Tôi nói vọng vào trong. Tiếng May hỏi vọng ra.
– Bác gái đi với mình hả bác?
– Không…
– Sao vậy bác?
– Bác gái không có ở nhà. Bả out of town… Bả đi thăm con dưới Atlanta…
May ăn mặc một cách giản dị mà cũng không trang điểm gì hết. Quần jean, áo sơ mi dài tay, giày thể thao. Điểm nổi bật nhất chính là kính mát đen chắc để che đôi mắt đỏ và sưng húp vì khóc suốt đêm hôm qua. Đợi cho May cài dây an toàn xong tôi mới hỏi.
– Cháu ăn sáng chưa?
Hỏi cho có lệ chứ tôi biết May chưa ăn sáng và có thể không có ăn tối hôm qua nữa.
– Dạ chưa… Tối hôm qua cháu chỉ ăn mấy miếng bánh lạt…
Tôi gật đầu quẹo mặt khi ra tới đường lớn. Giơ tay lên xem đồng hồ thấy chỉ 11 giờ, tôi lên tiếng.
– Mình ra nhà hàng ăn trưa xong rồi lên núi. Cháu có đi Smokey Mountain lần nào chưa?
– Dạ chưa. Bác đi rồi hả bác?
– Chưa…
– Bác ở đây ba chục năm mà chưa đi. Sao kỳ vậy bác?
Tôi cười cười vì câu hỏi của May.
– Bởi vậy hôm nay bác mới rủ cháu đi… Cháu nên ra ngoài… Ru rú trong nhà nó làm mình buồn hơn rồi đâm ra quẩn trí…
May làm thinh không nói. Tôi gợi chuyện bằng câu hỏi.
– Hè cháu có về thăm nhà chưa?
– Dạ chưa… Chắc cháu không về…
– Sợ gặp lại Scott hả?
Tôi hỏi thẳng thừng. May không có vẻ gì phật lòng hoặc khó chịu vì câu hỏi của tôi mà ngồi im với vẻ mặt buồn rầu.
– Bác xin lỗi…
Tôi lên tiếng. May quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh lệ và cười như mếu.
– Dạ bác nói đúng… Cháu sợ gặp lại Scott dù cháu rất mong muốn được thấy mặt, muốn nhìn thấy nụ cười, muốn nghe được giọng nói dịu dàng, lời thăm hỏi ân cần, câu khuyên nhủ cháu cố gắng quên…
Nghe giọng nói nghẹn của May mắt tôi như mờ đi. Hai tay tôi nắm cứng tay lái vì lòng tôi đang chao đảo. Tôi ước gì mình có cách nào để giúp cô gái trẻ này quên, quên tuốt luốt hình bóng của người yêu. Nhớ là cái khổ nhất trong tình yêu. Trong cảnh ngộ của May, nhớ còn làm mình khổ nhiều hơn nữa. Với thời văn minh hiện đại này, May có thể mở điện thoại để ” talk, text, chat ” với Scott hoặc lái xe một ngày hay ngồi máy bay để gặp nhau. Tuy nhiên May phải tự kiềm chế mình, ngăn cản sự mong muốn gặp lại người yêu. Điều đó khiến cho May khổ tâm nhiều hơn.
– Cháu muốn nghe nhạc không. Bác có nhiều bản nhạc mà bác biết cháu sẽ thích… Bác có hai cái cd nhạc. Cd 1 bác đặt tên là ” nghe nhạc với nỗi buồn ”; còn cd 2 là ” sống với nỗi buồn ”…
Tôi thấy trong mắt người ngồi bên cạnh ánh lên chút tò mò và thích thú. Vốn thích nghe nhạc tình cảm lãng mạn nên bây giờ nghe tôi nói May càng thêm tò mò muốn nghe. Tôi bỏ cd 1 vào trong máy. Nhạc cất lên vời vợi trong khoảng không gian chật hẹp rồi không có lối thoát ra xoáy vào hồn người nghe.
– Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy…
Tôi thấy May rút người lại khi tiếng hát cất lên. Từng lời. Từng lời. Từng nốt nhạc. Từng âm thanh biến thành mũi kim nhọn châm chích vào cơ thể nhỏ bé làm thành nỗi nhức nhối không biết gọi tên là gì. Mắt của May nhạt nhòa khi giọng hát bay bổng.
– Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời…
May giấu mặt khóc lặng lẽ bằng cách quay nhìn ra bên kia như không muốn cho tôi thấy; nhưng tôi cũng biết vì bờ vai rung rung và tiếng nấc nghẹn. Tôi biết ở trong lòng cô gái giàu tình cảm và lãng mạn đó đang bị nổi đau hành hạ mình. Tự hành hạ mình là một điều thống khổ song cũng là sự diễm lệ của tình yêu.
– Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế…
Nhạc dứt. Im lặng thật lâu. Tôi nghĩ May sẽ thở dài buồn bã nhưng tôi không nghe. Cuối cùng May lên tiếng.
– Bản nhạc hay quá mà bác gái hát tuyệt. Cháu nhận thấy có một số bản nhạc bác gái hát thật tuyệt. Dường như có cái cảm hứng nào đó phát khởi từ tâm hồn nên bác ấy hát như xuất thần…
Cười về nhận xét của May, tôi nói đùa.
– Bác gái mà biết cháu khen như vậy, bả sẽ mời cháu tới nhà ăn và nghe nhạc mỗi ngày…
May cười dù nụ cười còn lắm héo hắt.
– Cháu khen thiệt tình mà…
Tôi liếc nhanh May rồi mới thủng thẳng lên tiếng.
– Bác biết cháu khen thật tình vì bác cũng có cùng nhận xét như cháu. Bác gái hát bản nhạc nào hay đều nhờ vào cảm hứng cá nhân phát xuất từ ba yếu tố là người nghe, lời của bản nhạc hợp với tâm tình của mình và cuối cùng là ban nhạc phải chơi đúng với cái ý thích. Có thể nói bác gái hơi khó tính khi hát…
May quay đầu nhìn tôi cười.
– Còn bác thì hơi khó tính khi viết truyện hả bác…
Tôi cười cười im lặng. May ngồi ngay ngắn lại.
– Bác gái nói cho cháu biết mà hổm rày cháu quên mất…
– Bác thích bản nhạc này…
Tôi cười nói với May như muốn lảng sang chuyện khác. Giọng hát của Ngọc la đà như giọt sương mai trĩu nặng cành lá non.
– Xin đời sống cho tôi mượn tiếng
Xin cho cơn mê thêm dài một chuyến
Cuộc tình buông xuôi còn lưu luyến
Còn đắng cay còn hận còn đau
Em giờ đã xa xăm rồi đó
Nơi em đi chắc vẫn còn lệ ứa
Chiều nay trong mưa mà nhung nhớ
Một thoáng thương vay cho đời say
Cuộc tình ngày đó đã theo mùa Xuân đó
Cuộc đời này đây đã chôn vơi ở đây
Ước cho nhiều tuổi xanh trở về đâu
Theo ngày tháng tàn tình yêu cũng héo tàn
Mai đời có cho tôi gặp gỡ
Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ
Một bờ mi cong vùng tóc nhớ
Để sống thêm thêm lần trẻ thơ…
Tôi nghe có tiếng nấc rồi May nói bằng giọng buồn, rời rạc và mỏi mệt.
– Scott thích nhạc Vũ Thành An lắm… Cháu cho Scott nghe một lần rồi sau đó cứ mỗi lần gặp nhau Scott đều yêu cầu cháu cho nghe… Scott mà gặp bác nói chuyện chắc thích lắm…
Tôi cười nghĩ thầm. Có chuyện gì để nói giữa một linh mục và một kẻ vô thần như tôi.
– Ủa… Scott là người Mỹ mà biết nghe nhạc Việt à?
Tôi nhìn May. Lần đầu tiên tôi mới thấy ở May nụ cười e ấp.
– Dạ… Mẹ của Scott là Việt, còn ba Mỹ. Năm Scott lên bảy thì ba mẹ ly dị. Scott ở với mẹ nên nói tiếng Việt giỏi…
– Bác hi vọng sẽ gặp Scott. Một linh mục mà biết yêu chắc phải là người lạ lùng lắm… Còn một người mà yêu linh mục thì cũng đặc biệt lắm… Bác nghĩ tình yêu giữa cháu và Scott tuy nhiều khổ đau mà cũng vô cùng diễm lệ…
– Cháu cảm thấy có chút nhẹ lòng khi nói chuyện với bác… Bác không phản đối chuyện cháu yêu Scott hả bác?
Tôi nhìn May.
– Phản đối… Bác lấy tư cách gì để phản đối. Mà tại sao bác phản đối chuyện tình yêu của cháu. Chuyện cháu yêu ai là chuyện của cháu mắc mớ gì tới bác mà bác lại phản đối. Bác không phải là kẻ đạo đức hoặc nhân danh các giá trị tinh thần để phê phán hoặc chống đối kẻ khác khi họ yêu. Với bác, phản đối, chống báng lại một kẻ đang yêu là hành vi độc ác nhất…
May nhìn tôi chăm chú. Tôi thấy trong đôi mắt u uẩn buồn còn rất nhiều ngây thơ và tin tưởng vào điều gì đó sáng lên vẻ vui mừng.
– Không những không phản đối mà bác còn ủng hộ cháu nữa… Phải hách lắm mới yêu linh mục…
May bật cười khi tôi nói ra câu sau cùng. Nhìn tôi thật lâu rồi May mới lên tiếng.
– Cháu cũng nói với Scott như vậy…
– Rồi Scott nói sao?
– Scott nói là cháu có quyền hãnh diện khi yêu một linh mục. Không có gì phải xấu hổ khi yêu anh ấy…
Trong lòng xe chật hẹp vang vang tiếng cười của một người già và một người trẻ khác biệt về tuổi tác hơn 40 năm. Xe bắt đầu leo lên đồi cao. Đường quanh co, khúc khuỷu khiến cho tôi im lặng không nói nữa vì phải chú ý lái xe. Giọng hát của Ngọc mường tượng như tiếng thở dài hắt hiu buồn trong không gian lành lạnh hơi nước và tiếng gió ru cây rừng lào xào.
– Nhớ anh nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì?
Biết bao lần anh đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Em biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây người còn đây
Cuộc sống nào chờ
Này anh hỡi
Con đường anh đi đó
Con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên này đã làm em khóc, đã làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng…
Mặc dù chú tâm lái xe nhưng thỉnh thoảng liếc sang, tôi thấy May rút người lại mường tượng như cố gắng chống đỡ nỗi đau vô hình được chở chất bằng ngôn ngữ và âm thanh. Thân thể nặng chưa tới 120 cân của cô gái lụy vì tình run rẫy khi giọng của Ngọc cất lên tựa lời than van hay oán trách: ” Này anh hỡi… con đường anh đi đó… con đường em theo đó… sẽ đưa em sang đâu… Mưa bên này đã làm em khóc… đã làm em nhớ… những khi mình mặn nồng…”. Ngọc, khi hát Bài Không Tên Cuối Cùng đã đổi một vài chữ trong đoạn nhạc này theo ý riêng của mình. Có lẽ vì vậy mà May cảm nhận được nên xúc động nhiều hơn.
5
Bốn giờ chiều. Đang tưới nước ngoài sân sau, tôi thấy Ngọc bước ra đưa tay vẩy vẩy.
– Chuyện gì vậy hả em?
– May… May đang ở trong nhà thương…
Nhìn tôi giây lát, Ngọc mới lên tiếng tiếp.
– Nhà thương vừa cho biết May uống thuốc ngủ tự tử. Một người ở phòng kế bên tình cờ đi ngang qua thấy May ngất xỉu tại cửa nên gọi 911. Nhà thương thấy cái danh thiếp của anh nên mới gọi báo tin…
Tôi gật đầu im lặng. Tôi đã có ý nghĩ May tự tử từ lâu nhưng tôi không tin sẽ xảy ra sớm như vậy. Từ khi gặp nhau lần cuối cùng trong chuyến đi chơi núi, tuy không có gặp mặt song tôi vẫn đều đặn gọi điện thoại hoặc email trò chuyện với May. Xuyên qua những lần nói chuyện, tôi nhận thấy May không có dấu hiệu nào đã hoặc đang ở trong tình trạng khủng hoảng tâm thần trầm trọng dẫn tới việc tự tử.
– Mình vào nhà thương hả anh?
Ngọc hỏi và tôi gật đầu.
– May không có quen biết ai ở đây ngoài hai đứa mình. Sự có mặt của mình rất cần cho May…
Nửa tiếng đồng hồ sau tôi với Ngọc có mặt ở phòng ICU. Cô y tá trực phòng cấp cứu, sau khi tôi thông báo tên họ và lý do, cho biết sức khỏe của May đã qua khỏi tình trạng nguy hiểm. Chiều nay, sau khi xét nghiệm lại lần nữa bác sĩ sẽ chuyển qua phòng thường và có thể sẽ về nhà hai ba ngày sau. Biết không làm gì khác hơn được, tôi bảo Ngọc về nhà còn mình ở lại chờ tới chiều khi nào May được chuyển sang phòng thường Ngọc sẽ vào gặp May. Bốn giờ chiều, y tá tìm gặp và đưa tôi tới phòng May. Tuy có nhiều dấu hiệu mỏi mệt song May đã tỉnh táo và nói chuyện được chút chút.
– Cháu làm phiền bác quá… Cháu xin lỗi bác…
Đó là câu nói đầu tiên khi May thấy mặt tôi. Gật đầu đầu cười tôi nói một câu.
– Phải hách lắm mới yêu linh mục. Mà cháu hổng có hách rồi…
May chớp mắt một cái. Không đợi cho May lên tiếng, tôi tiếp.
– Bác nói cháu hổng có hách vì cháu đã tự hành hạ mình…
May cười như mếu.
– Cháu xin lỗi bác… Cháu khổ quá…
Nước mắt ứa ra trên làn da trắng xanh của May.
– Cháu muốn bác gọi cho ba mẹ cháu?
Hỏi thì hỏi song tôi biết câu trả lời rồi.
– Dạ hông… Cháu không muốn gặp ba mẹ… Cháu không muốn ba mẹ buồn và lo vì cháu…
– Còn Scott?
– Dạ không… Cháu muốn hách mà bác…
Tôi bật cười khi nghe May nói. Bước tới giường, nhìn May, tôi nói bằng giọng nghiêm và trang trọng.
– Cháu biết hai bác quí cháu lắm, nhất là bác gái. Mất một thính giả yêu thích tiếng hát mình là một mất mát lớn…
May cười gượng.
– Bác gái đâu rồi bác?
– Về nhà rồi. Bác đã gọi báo cháu tỉnh lại nên chút nữa cháu sẽ gặp…
Ba ngày, tôi với Ngọc thay phiên nhau ở nhà thương cho tới ngày thứ tư May mới được xuất viện. Sau khi nghe tôi phân trần và hứa hẹn sẽ lo lắng cho May, bác sĩ cho phép tôi đưa May về nhà tôi, vừa có thời giờ chăm sóc và ” canh ” không cho con nhỏ nghĩ quẩn tái diễn hành động dại dột nữa. May cũng không ngạc nhiên hay phiền hà vì khi tôi không đưa về nhà riêng của mình.
– Cháu ở với hai bác thời gian đi… Khi nào mạnh rồi về nhà của cháu… Ở đây cháu không phải lo cơm nước mà còn được bác gái giải trí cho cháu nữa…
May cười im lặng để cho Ngọc lo mọi chuyện. Cũng nhờ sự chu đáo và có người bên cạnh nên May hồi phục nhanh chóng. Có một điều mà tôi nhận thấy, dù sức khỏe có hồi phục song căn bệnh tinh thần của May không hề thuyên giảm, nếu không muốn nói trầm trọng hơn. Nhiều lúc tôi bắt gặp May ngồi trong phòng với thái độ thẩn thờ và vô cảm. Ít nói, ít cười, ít khi ra hỏi phòng trừ trường hợp bắt buộc như tới giờ ăn cơm hoặc các việc lặt vặt khác. Mỗi bữa cơm May chỉ ăn một chén. Khi nào Ngọc hay tôi nài ép lắm mới ăn thêm chút chút. Nhìn May vỏ vàng, tiều tụy; tôi biết May đang tự giết mình bằng sự buồn đau không thể nói thành lời. Tôi tự hỏi tôi phải làm gì để cứu May ra khỏi tình trạng sống dở chết dở này.
6
Mùa hè năm nay nóng bức hơn. Mới đầu tháng 7 mà nhiệt độ lên quá 90F. Điều đó khiến cho tôi ngại ra khỏi nhà sau 12 giờ trưa. Đang ngồi ở phòng riêng của mình đọc quyển ” Regional Disorder: The South China Sea Disputes ” của Sarah Raine-Christian Le Mière, tôi nghe có tiếng bước chân và tiếng ho khẽ. Ngước lên tôi thấy May đang đứng ở cửa.
– Vào đi cháu…
Lần đầu tiên May bước vào phòng riêng của tôi. Nhìn quanh quất May lên tiếng.
– Phòng của bác sạch và gọn quá…
Tôi cười bỏ quyển sách xuống. Thấy thế May vội nói.
– Bác đang đọc sách xin lỗi cháu làm phiền bác…
Tôi cười lắc đầu.
– Chẳng có phiền gì hết… Trời nắng nóng nên bác không ra ngoài. Có mấy quyển sách mới mua…
Tôi nói đứt đoạn nhưng có lẽ May hiểu được.
– Điện thoại của cháu không gọi được vì hết điện. Bác có máy…
– Bác không có xài điện thoại song bác nghĩ bác có thể xạc điện thoại cho cháu…
Tôi đi với May ra phòng giải trí của gia đình. Dùng cái máy xạc tablet tôi gắn vào điện thoại cho May rồi ngồi nói chuyện luôn. Tôi thấy May có nhiều tươi tỉnh hơn mấy ngày qua.
– Cháu khỏe không?
– Dạ khỏe… Cháu định gọi về hỏi thăm ba mẹ cháu…
Tôi gật đầu nói một câu như khuyến khích.
– Ừ… Dù có bất đồng về quan niệm sống song ba mẹ vẫn là ba mẹ. Họ là hai người thương yêu cháu nhất. Cháu cũng nên gọi nói chuyện với anh chị hay bạn bè…
– Dạ… Cháu cũng muốn nói chuyện với Hà, bạn thân của cháu và với Scott nữa…
May ngập ngừng. Thấy tôi nhìn chăm chú, May cúi đầu nhìn xuống thảm.
– Dạ… Trước khi bãi trường cháu có hứa sẽ về Denver nhân dịp hè. Bây giờ cháu gọi Scott để khất lại Giáng Sinh…
May vừa nói vừa ứa nước mắt. Tôi thở dài nhè nhẹ. Xem ra con nhỏ vẫn còn nặng tình. Trời đang nắng bỗng u ám. Tôi biết sắp mưa. Ở đây lâu quá nên tôi biết vùng đồi núi này mưa nắng bất chợt. Gió cuộn về ngã nghiêng khu rừng cây sau nhà. Xa xa tiếng sấm gầm. Mưa đổ xuống trắng trời. Ngồi trong phòng tôi và May im lặng nhìn mưa rơi. Với tay lấy cái remote control tôi bấm nút. Nhạc cất lên lãng đãng trong không khí nằng nặng hơi nước.
– Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Hơ dịu tình đau
Ngày tàn im ắng
Yêu người làm tóc trắng
Tâm sự rồi đến đắng
Như lệ giờ biết nhau
Đêm vỗ về nuôi nấng
Đêm trao ngọt ngào hương phấn
Buông lơi dòng tóc mỡ
Trên vùng ngày tháng vật vờ.
Thân em rồi hoang phế
Lê theo thời gian giông gió
Thôi cũng đành cúi xuống
Cho mộng đời thoát đi
Một đời đổ cho tình yêu
Từng đêm dòng nước mắt
Sẽ nâng niu đời nhau ư? Đớn đau anh
Sẽ cho nhau đời nhau ư? Xót sa em
Dắt đưa nhau mối hận đời người
Trả lại nước mắt
Cho mệnh đời son sắt
Thôi rồi em cũng mất
Cho tình cúi đầu
Một mình đi mãi
Trên đường dài không thấy
Ai người quen tôi đấy
Bao giờ đời sẽ vơi…
Không nhìn tôi cũng biết May khóc vì nghe tiếng nấc nghẹn.
– May này…
– Dạ…
– Bác ước gì cháu kể cho bác nghe chuyện tình của cháu với Scott…
– Tại sao bác muốn biết hả bác?
– Bác muốn biết để xem bác có thể làm điều gì giúp cháu không. Chứ thấy cháu ủ rủ và có thể chết dần mòn bác không đành lòng…
Tôi rời chỗ ngồi rồi lát sau mang lại cho May và tôi mỗi người một ly nước lạnh. Giọng của May vang nhỏ trong căn phòng khách nằng nặng hơi nước có hai người ngồi nhìn ra ngoài trời mưa đang rơi.