Từng người tình bỏ ta đi…

Để tiếp tục chuyên mục Giai Nhân trong Thơ Nhạc, hôm nay tôi xin đề cập tới những người đẹp đã đi qua cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bỏ ra ngoài sự bất đồng chính kiến cũng như quan điểm chính trị, bài đăng này chỉ thuần túy nói về một góc cạnh nhỏ trong đời sống tình cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo sát tiêu đề Giai Nhân Trong Thơ Nhạc, tôi chỉ trích dẫn những bài viết, đoạn văn, liên quan tới những người có liên hệ tình cảm sâu xa và thắm thiết với nhạc sĩ họ Trịnh. Chính họ, những giai nhân và người tình đã là yếu tố quan trọng để từ đó ông viết thành những bản tình ca được nhiều người ưa thích.

chu sa lan

Trịnh Công Sơn: Mật ngọt trên môi, mật đắng trong đời

(GDVN) – “Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”, Diễm nói.

Trong ca khúc “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn có câu: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời”. Trịnh cũng từng viết: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu… Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”. Với Trịnh Công Sơn, tình yêu là vậy, dù đắng, dù ngọt vẫn là mật.

Sinh thời Trịnh Công Sơn không có bạn đời, nhưng là một nghệ sĩ nhạy cảm, dễ xúc động, ông có nhiều mối tình. Đó là những người con gái mang vẻ đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, là những người tạo cho Trịnh Công Sơn những xúc cảm đặc biệt, là nguồn cảm hứng để ông viết nên rất nhiều ca khúc. Bên cạnh đó còn là những “chuyện tình” được chính một số người thêu dệt nên mà đến bây giờ mọi người đều biết không phải là thực. Nhưng cuối cùng rồi thì khi cát bụi trở về với cát bụi, chỉ còn lại đó những tình khúc mãi mãi với những NGƯỜI YÊU.

Nhân sắp đến dịp tưởng niệm 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, trong loạt bài này, Giáo dục Việt Nam điểm lại những “mật ngọt”, “mật đắng” trong đời Trịnh và đặc biệt là chia sẻ của những bóng hồng đã đi qua đời, âm nhạc của ông…

Kì 1: “Diễm” chưa bao giờ “Xưa”

Có lẽ trong số những bóng hồng đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn thì Diễm là người được biết tới nhiều nhất. Chẳng thế mà sau này, bất cứ người con gái nào được nhạc sĩ họ Trịnh cảm mến đều được gọi với một danh từ chung là “Diễm của Trịnh”. Hơn thế, giai thoại tình yêu của Trịnh Công Sơn với Diễm còn trở thành một câu phổ biến dùng trong giao tiếp hàng ngày, khi cần nói tới chuyện (đặc biệt là chuyện tình cảm) đã qua, người ta thường dùng câu “Diễm rồi” hoặc “Xưa như Diễm”, hoặc “Diễm của những ngày xưa”…

Trước đây, vẫn tồn tại một câu hỏi lớn trong cộng đồng người yêu nhạc Trịnh, rằng Diễm Xưa là một nhân vật có thật hay chỉ là một mộng tưởng vô thực nào đó đã giúp Trịnh viết nên nhiều ca khúc. Những bạn bè thân tình với Trịnh Công Sơn đều biết Diễm Xưa là có thật.

Chân dung Diễm Xưa

Diễm tên là Ngô Vũ Bích Diễm, là con gái của một thầy giáo dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc học Huế.

Mối tình của Trịnh Công Sơn với Diễm bắt đầu từ những buổi Trịnh Công Sơn đứng ngắm các nữ sinh trường Đồng Khánh tan trường. Đó là khoảng những năm 1962, khi ấy gia đình Trịnh Công Sơn mới chuyển đến ở một căn hộ ở tầng 1 dãy nhà mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ). Hằng ngày, chàng trai Trịnh Công Sơn (khi ấy ở độ tuổi đôi mươi) đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường học. Một cô gái có dáng người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng đã khiến Trịnh Công Sơn thầm thương trộm nhớ. Đó chính là Ngô Vũ Bích Diễm. Ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng vẫn đi về ngang qua nhà Trịnh tới 4 lần. Hình ảnh người con gái kín cổng cao tường, thùy mị đó đã khiến Trịnh Công Sơn không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi một vạt áo, một bước hài.

 

 BichDiem_copy
Ngô Vũ Bích Diễm thời đi học.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – một người bạn Huế cùng thời đã kể lại: “Anh (Trịnh Công Sơn) yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng, và trông thấy con đường trước nhà dài hun hút cho mắt thêm sâu”.

Không chỉ lồng ghép những cảm xúc của mình trong nhiều nhạc phẩm mà Trịnh Công Sơn sáng tác, ông còn dùng những lời đẹp như thơ để viết về Diễm. “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não”. Trịnh Công Sơn đã ngắm nhìn Diễm như thế trong khoảng thời gian dài, qua bao ngày tháng “Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…”

“Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận”. Trịnh Công Sơn đã quan sát, nhìn ngắm Diễm thật kĩ để rồi cứ ngỡ đó là một cảnh hư vô của một giấc mơ: “Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ”.

 Chan dung Diem do Trịnh Công Sơn vẽ
Chân dung Bích Diễm do Trịnh Công Sơn vẽ năm 1963

Tình yêu tuổi mười tám đôi mươi

Ấy vậy mà chuyện tình Trịnh – Diễm gặp rất nhiều cách trở. Thời đó, các cô gái đẹp ở Huế thường được cha mẹ gả cho những người đã thành đạt, có sự nghiệp vững chắc. Rất hiếm có chuyện những anh chàng học hành chưa tới mà “cưa” được người yêu đẹp, con nhà gia giáo. Thân sinh ra Bích Diễm lại là một ông giáo gốc Bắc nghiêm khắc. Ông giáo Ngô Đốc Khánh không thể chấp nhận chuyện một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài chuyện trò với các cô con gái của ông.

Khi ấy, họa sĩ Đinh Cường có thuê nhà gần nhà Diễm làm xưởng vẽ. Trịnh Công Sơn thường tới xưởng vẽ của bạn chơi, chờ lúc ông giáo bận giờ dạy, mà Diễm đang ở nhà thì liều mình qua chơi. Trong những lần thăm ấy, có lần Diễm tiếp, có khi không. Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho người viết ca khúc “Diễm xưa” biết điều đó.

Một lần, Trịnh Công Sơn ốm nặng, Bích Diễm biết tin mà không làm sao đi thăm được. Nhân lúc có một người bạn gái tới chơi, Diễm đã rủ người bạn gái ra vườn, để người bạn gái ngồi đó, giả vờ như hai người đang nói chuyện với nhau, còn Diễm trốn mợ chạy tới thăm Trịnh Công Sơn. Trên đường đi, nàng ngắt vội một cành hoa trồng sát hàng rào nhà láng giềng. Chạy tới chung cư nhà Trịnh Công Sơn ở, Diễm chỉ đứng bên ngoài cửa sổ song sắt, hỏi “anh Sơn, anh Sơn đã đỡ chưa?”, rồi đặt cành hoa bên song cửa và chào ra về.

Nhành dạ lan thầm lặng

Có lần, Trịnh Công Sơn đã nói về mối tình với Bích Diễm: “Ngày xưa dường như cả thế hệ tôi là vậy, yêu một mái tóc một dáng hình, một ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui”.

Còn Bích Diễm đã giữ im lặng mấy chục năm, chỉ tới năm 2010, trong một lần họp mặt các nữ sinh trường Đồng Khánh, Bích Diễm mới từ Mỹ trở về, và lần đầu tiên chia sẻ về chuyện tình với Trịnh Công Sơn.“Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”.

Bích Diễm cũng kể giữa bà và Trịnh Công Sơn có những kỷ niệm rất khó nói:“Cái bóng của anh Sơn quá lớn nên Diễm chọn cách im lặng để nghe người ta nói, còn tình cảm của Diễm đối với anh ấy là mãi mãi”.

Ngô Vũ Bích Diễm cũng kể những kỉ niệm với Trịnh Công Sơn một cách chừng mực: “Lần  đầu tôi gặp anh Sơn ngay tại nhà tôi. Anh đi theo anh Đinh Cường đến thăm Nguyễn Việt Hằng, một người bạn than của tôi lúc đó đang ở lại nhà tôi để học hè. Sau đó thấy anh Sơn một mình quay trở lại. anh viết nhạc và có tặng tôi mấy bài. Hồi đó còn trẻ lắm nên cũng biết lơ mơ vậy thôi… Sau này tôi mới biết thong qua hai người em của anh Sơn về câu chuyện nhánh dạ lan hương mà tôi tặng anh đã gây một chấn động mạnh nơi anh. Đó là một kỉ niệm thật đẹp, thật liêu trai…!”

 Diem xua but tich Trinh_copy
Bút tích ca khúc “Diễm xưa” của do Trịnh Công Sơn viết

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/diemxua-khanhly_3csf.mp3]

Có thể nói, trong mối tình với Diễm, Trịnh dường như chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm, và Diễm cũng vì cách trở mà không giám đáp lại tình cảm của Trịnh. Có lẽ mối tình ấy đẹp như một nụ hoa mãi e ấp. Nhưng từ mối tình ấy, Trịnh Công Sơn đã có nhiều nhạc phẩm bất hủ. Nổi tiếng và được nhiều người biết hơn cả là “Diễm xưa”.

“Diễm xưa” được dịch ra tiếng Nhật với cái tên Utsukushii mukashi, từng được bình chọn là một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản, được đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hóa và Âm nhạc của trường ĐH Kansai của Nhật. Và dù “Diễm xưa” có viết về mối tình với Bích Diễm, là viết về Huế, hay là về những cảm xúc nào theo suy tưởng của từng người, thì Diễm vẫn chưa bao giờ xưa cũ, Diễm luôn đẹp, luôn mới trên môi mỗi người cất lên tiếng hát.

hvln

Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện

(Dân trí) – Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng thi sĩ họ Trịnh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

diem81432010
Giáo sư Thái Kim Lan (bên phai) giới thiệu bà Ngô Thị Bích Diễm với mọi người

Xuất phát cho ý tưởng độc đáo này là giáo sư Thái Kim Lan, hiện đang công tác tại CHLB Đức. Qua lời mời của cô Lan, Ngô Thi Bích Diêm (Diêm) đã đồng ý về Huế gặp gỡ một buổi duy nhất với công chúng. Tuy nhiên khách được mời hạn chế qua điện thoại, chỉ những người thân quen, một thời gắn bó với Trịnh.

Cuộc gặp gỡ quá đặc biệt không được thông báo trước  đã diên ra tai trung tâm văn hóa Liêu Quán, TP Huế, tối 12/3 vừa qua.

“Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Từ đó đến giờ, rât ít ai biết hình bóng cô Diêm trong tuyêt phâm Diễm xưa là ai. Hôm nay, sự im lặng đó được phá vỡ”, Thái Kim Lan tâm sự.

diem41432010

“Diễm” ngày xưa đã trở về..

…và đã thu hút sự quan tâm của khách mời, bạn bè tại buổi giao lưu

Bà Diễm tâm sự những điều chưa nói đã quá lâu. Kể từ khi Trịnh Công Sơn mất, bà hoàn toàn im lặng với quá khứ

Nhà văn hóa Huế, giáo sư Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”, lời kể của giáo sư Bửu Ý.

diem31432010

Tao ngô Huế sau bao nhiêu năm “ân giấu”, bà vẫn mặc một áo dài Huế xưa, chân đi hài. Nét măt hiền, nhân ái và hay cười nhẹ. Đô tuôi 60 vẫn không làm mất đi nhan sắc thuở nào của “Diễm”. Sự có mặt của Diễm đã làm thỏa lòng toàn bộ mọi người có mặt trong khán phòng.

diem21432010
Trên nền, đầy lá và hoa…

Một chất giọng Bắc xưa nhè nhẹ cất lên, Bích Diễm đã thổ lộ cùng khán giả “Huế đối với tôi thật bình yên. Trong Huế có môt tình yêu. Từ lâu tôi đã giữ im lặng. Quá nhiều kỷ niệm từ thời thơ ấu tại Huế. Dù đi xa đã lâu nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như ngày ban đầu. Trong con người quý nhất là tình cảm. Anh Sơn đã lồng hết những cung bậc đó vào nhạc. Xin cảm ơn anh Sơn, cảm ơn Huế vì sự đón tiếp nồng hậu”. Những câu nói bị ngắt ý giữa chừng vì xúc động của bà đã làm không ít người đồng điệu rơi nước mắt.

Trên nền guitar và piano sâu lắng, nhiều người bạn đã hát tặng “Diễm xưa” những ca khúc tên tuổi của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, mà trong đó không thể thiếu ca khúc Diễm xưa.

Bài, ảnh: Đại Dương

hvln

Nhạc Trịnh Công Sơn trên xứ Phù Tang

 

Ở ngoài Việt Nam, Nhật Bản là nơi mà Trịnh Công Sơn được người bản xứ biết đến nhiều nhất. Bài Diễm Xưa được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii Mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970. Bài Utsukushii Mukashi cũng được phổ biến rộng rãi vào quần chúng Nhật qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật.
Từ đó đến nay Utsukushii Mukashi và một vài bài khác của Trịnh Công Sơn như Ca Dao Mẹ đã được phát trên các đài phát thanh ở Nhật khá đều đặn.

Năm 1980 ca khúc Diễm Xưa và bản dịch Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất ở Nhật NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim nội dung trình bày những khác biệt văn hóa giữa một người Nhật có vợ Việt Nam.

Tháng 7 2004 Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc.

Dưới đây là bài Diễm Xưa bằng tiếng Nhật cùng với cách phát âm.

diemxua_nhat

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/utsukushiimukashi-diemxua-yos_u48p.mp3]

hvln

 

DAO ÁNH: một bóng dáng lớn trong tình yêu của TCS

Chuyện tình Trịnh Công Sơn và em gái ruột của Diễm Xưa 

(GDVN) – Năm 2011, kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, cuốn sách “Thư tình gửi một người” được xuất bản gây “chấn động” trong cộng đồng yêu nhạc Trịnh. Lúc này, người ta mới biết tới Dao Ánh – người mà Trịnh Công Sơn đã gửi gắm tình yêu qua hàng trăm bức thư cùng nhiều kỉ vật được cô gìn giữ như những vật báu…

Trong ca khúc “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn có câu: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời”. Trịnh cũng từng viết: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu… Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”. Với Trịnh Công Sơn, tình yêu là vậy, dù đắng, dù ngọt vẫn là mật.

Sinh thời Trịnh Công Sơn không có bạn đời, nhưng là một nghệ sĩ nhạy cảm, dễ xúc động, ông có nhiều mối tình. Đó là những người con gái mang vẻ đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, là những người tạo cho Trịnh Công Sơn những xúc cảm đặc biệt, là nguồn cảm hứng để ông viết nên rất nhiều ca khúc. Bên cạnh đó còn là những “chuyện tình” được chính một số người thêu dệt nên mà đến bây giờ mọi người đều biết không phải là thực. Nhưng cuối cùng rồi thì khi cát bụi trở về với cát bụi, chỉ còn lại đó những tình khúc mãi mãi với những NGƯỜI YÊU.

Nhân sắp đến dịp kỷ niệm 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, trong loạt bài này, Giáo dục Việt Nam điểm lại những “mật ngọt”, “mật đắng” trong đời Trịnh và đặc biệt là chia sẻ của những bóng hồng đã đi qua đời, âm nhạc của ông…

Kỳ 2: Mối tình tưởng như siêu thực với Dao Ánh, em gái ruột của Diễm Xưa

Ngô Vũ Dao Ánh sinh ngày 24/5/1948, là con gái trong một gia đình gia giáo và là em gái ruột của Ngô Vũ Bích Diễm. Khi mối tình Trịnh – Diễm không thành do trắc trở, khi biết chị mình không vượt qua được những ngăn cách và chia tay Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đã viết thư nhờ Vĩnh Ngân – em ruột của Trịnh Công Sơn đem về cho ông (Trịnh Công Sơn có 7 người em: Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh  Quang Hà, Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh). Bức thư là những lời động viên và tình cảm thân thương của Dao Ánh dành cho chàng trai thất tình. Trịnh Công Sơn viết thư trả lời, và từ đó hai người thường thư qua, tin lại cho nhau. Khi ấy là năm 1963, Trịnh Công Sơn 24 tuổi, còn Dao Ánh mới 15 tuổi.

Duyên chị tình em

Dao Ánh dù sống ở Huế nhưng vẫn nói giọng Bắc, là một cô gái cao, gầy, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất đỗi dịu dàng. Dao Ánh không thích ồn ào, không thích đám đông và kín đáo, sống nội tâm. Gia đình Dao Ánh nghiêm khắc, thường kiểm soát sinh hoạt của các cô con gái rất gắt gao. Vì thế, việc gửi thư của Trịnh – Dao Ánh phải nhờ tới những cô em gái của Trịnh, đồng thời là bạn cùng lớp, cùng trường với Dao Ánh.

Trịnh Vĩnh Trinh – một trong những cô em làm “bồ câu đưa thư” đã kể lại: “Ba chị em (Vĩnh Ngân, Vĩnh Thúy, Vĩnh Trinh) thay phiên nhau xin anh Sơn được mang thư qua nhà chị Ánh… Mỗi khi tới nơi, Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây một lát. Chị Ánh thì đã quen với khoảng thời gian có người đưa thư cuối ngày, khi trời sập tối, nên chị cứ canh giờ ấy là đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không. Khi biết Trinh hoặc chị Ngân đã tới, thì chị Ánh lẻn ra bằng cửa bên hông để nhận thư và giấu vào người…”. Thư qua thư lại, tình cảm dần nảy sinh giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.

 Dao Anh tuoi 16
Dao Ánh năm 16 tuổi, phía sau là Trịnh Công Sơn

Hơn 300 bức thư tình gửi một người

Năm 1964, Trịnh Công Sơn 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh đã tới thị trấn B’lao, Lâm Đồng để dạy học. Những nhớ nhung, tâm sự, tình yêu được trao gửi qua những cánh thư đi về giữa B’lao và Huế. Trong suốt 3 năm 1964-1967, vị nhạc sĩ tài hoa ấy đã viết tới hơn 300 bức thư tình lãng mạn gửi Dao Ánh.

Trịnh âu yếm gọi Dao Ánh với nhiều tên khác nhau, khi thì là tên một loài hoa: dao – ánh – hướng – dương, khi ông gọi tên “Dao Ánh Sương mù”. Ông bày tỏ sự nhớ nhung tới người yêu trong lá thư viết ngày 26.10.1964: “Ánh ơi, bỗng nhiên anh thấy nhớ Ánh mênh mông… Sao con đường không ngắn hơn để anh có thể quay về đó thường xuyên nhìn thấy Ánh. Nhìn Ánh cười, Ánh buồn, Ánh nói, Ánh đi… Giờ này Huế có mưa không. Mùa đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng. Ánh ơi anh còn gọi đến bao giờ như thế. Cầu mong Ánh bình an và thản nhiên như núi rừng, mặt trời và toumesol – hoa hướng dương”.

Trịnh Công Sơn viết thư cho Dao Ánh hàng ngày, có ngày viết tới mấy lần, buổi trưa, chiều, và tối. Đi tới 1 vùng khác, ông cũng viết thư cho Dao Ánh. Viết xong một tình khúc, Trịnh lại báo tin cho Ánh: “Anh vừa viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, Ru em từng ngón xuân nồng” (thư B’lao 26.2.1965).

Từ Huế, Dao Ánh cũng hàng ngày hồi âm bằng những bức thư thấm đầy sáp nến được viết lúc đêm khuya. Dao Ánh ép cả lá long não gửi vào cho Trịnh. Những bức thư từ B’lao là niềm mong đợi nhớ nhung, niềm vui, hạnh phúc của Dao Ánh suốt tuổi 16, qua tuổi 17, sang tuổi 18 của cô. Khi Dao Ánh vào Sài Gòn học, Trịnh Công Sơn mỗi lần về thăm Huế đều ghé Sài Gòn thăm Dao Ánh. Cũng như bao tình yêu khác, mối tình Trịnh- Ánh cũng có những giận hờn, trách móc. Một lần về Huế, hẹn gặp Dao Ánh nhưng vì lỡ hẹn, Trịnh đã viết thư gửi Dao Ánh và trách “Gửi người yêu bạc bẽo nhất cuộc đời anh”, nhưng càng về sau, bức thư càng dâng tràn nỗi nhớ, để rồi hờn giận đã nguôi từ khi nào.

 Thu gui Dao Anh
Một bức thư Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh

Tình yêu vô thực

Hai người với hai tính cách lãng mạn ấy đã yêu nhau bằng một tình yêu vô cùng trong sáng, lý tưởng. Dao Ánh vốn giỏi tiếng Pháp, từng viết cho Trịnh những câu trong các nhạc phẩm của Pháp do Richard Anthony hát: “Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây”. Trịnh Công Sơn cùng gửi đáp Dao Ánh bằng một câu trích dẫn trong cuốn “Khung cửa hẹp” của Andre Gide: “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu”.

Mối tình lãng mạn tưởng như vô thực của họ cuối cùng kết thúc vào năm 1967. Trịnh Công Sơn viết một bức thư chính thức nói lời chia tay Dao Ánh. Trong thư chia tay, Trịnh viết “Bây giờ đã quá khuya… anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh…. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua. Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả… Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở độ cao nhất của thủy triều. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”

Trịnh Vĩnh Trinh, em út của Trịnh Công Sơn kể lại, trong cuộc tình phải chia tay với Dao Ánh, anh Sơn luôn nhận lỗi về mình, bởi lúc đó anh không thể mang lại một cuộc hôn nhân trọn vẹn cho người mình yêu, vì thế anh chưa nghĩ tới việc lập gia đình.

 La ep co chư TCS gui Dao Anh
Lá dã quỳ được Trịnh ép khô gửi tặng Dao Ánh, được Dao Ánh giữ gìn cẩn thận

Nặng tình, đa đoan

Dao Ánh sau đó sang Mỹ học và lập gia đình. Cô vẫn giữ liên lạc với gia đình Trịnh Công Sơn, vốn là những người bạn gái học chung trường với cô thuở nào. Tết năm 1993, Dao Ánh về Việt Nam thăm người tình cũ. Trịnh đã viết ca khúc “Xin trả nợ người” tặng Dao Ánh, dưới bản nhạc còn để lại câu thơ nhói lòng: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/ Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…”. Dao Ánh đã ly dị chồng sau cuộc tái ngộ đó.

 TCS va Dao Anh
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ

Những ngày ốm nặng không thể viết, Trịnh Công Sơn vẫn đọc cho người bạn gõ máy tính gửi email tới Dao Ánh, vẫn những lời lẽ dịu dàng, ân cần. Những ngày cuối đời của Trịnh, Dao Ánh về Việt Nam, ngày nào cũng tới ngồi bên giường của Trịnh từ sáng tới tối, chỉ biết nhìn nhau.

Dao Ánh đã nhiều lần từ chối xuất hiện trong các chương trình tưởng nhớ Trịnh, nhưng rồi cuối cùng bà quyết định công bố hơn 300 bức thư của Trịnh Công Sơn cùng những kỉ vật tình yêu. Bà cho biết, đó không phải là việc làm để công bố đời tư của một người, mà bà muốn mọi người biết tới những trang văn đẹp và những cảm xúc trong sáng của một con người tài hoa. Cuốn sách “Thư tình gửi một người” còn cho in lại cả những chiếc lá, cành hoa mà Trịnh Công Sơn ép gửi tặng Dao Ánh, được Dao Anh gìn giữ cẩn thận, luôn mang theo bên mình.

Mối tình Trịnh Công Sơn – Dao Ánh quá lãng mạn, tới độ tưởng như là vô thực trên đời. Không gắn bó với nhau nhưng họ vẫn tiếp tục giữ tình cảm đẹp về nhau. Để rồi khi gặp gỡ, liên lạc lại, những yêu thương họ dành cho nhau dường như vẫn còn đâu đó, lại tràn về, cùng nỗi buồn, tình yêu của những người đa đoan.

Trịnh Công Sơn: Thư tình gửi một người

n bốn mươi năm đã qua, bao tao loạn, thăng trầm, chiến tranh liên miên, rồi lấy chồng, sang Mỹ… vậy mà Dao Ánh vẫn cất giữ nguyên vẹn những bức thư tình, những chiếc phong bì, kể cả từng chiếc lá dã quỳ anh ép trong thư, cả những giọt nến anh đốt lên để viết tên chị… Nhưng có một điều ít ai biết, là lúc đó Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm (nhân vật của Diễm xưa), chỉ mới… mười lăm tuổi.

Kim Yến

trinh-cong-son-dao-anh

Dao Ánh lần trở lại năm 1998

Ngày 1.4.2011, đúng mười năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm để rong chơi chốn vĩnh hằng, bà Dao Ánh – người tình đầu tiên – một trong những người tình đã mãi mãi bất tử bằng những ca khúc của ông cho công bố hơn 300 bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi cho bà. Trịnh Công Sơn đã nói tiếng yêu em bằng ngôn ngữ thật đẹp, là bản chúc thư ca ngợi tình yêu, là thân phận, là những dằn vặt triền miên về kiếp người. Người ta nói nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Trong trường hợp này, dường như tình yêu đã làm nên những cảm xúc để từ đó ra đời những tình khúc huyền thoại để lại cho cuộc đời. Xin cảm ơn bà Dao Ánh và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho phép Giai phẩm xuân Tân Mão Sài Gòn Tiếp Thị lần đầu tiên công bố những di bút rất riêng tư này.

Sau gần nửa thế kỷ, hơn ba trăm bức thư tình mới được chủ nhân của nó tiết lộ, hé mở phần sâu thẳm trong trái tim một nhạc sĩ tài hoa, gắn với một thời đoạn khai sinh những ca khúc bất hủ về tình yêu và thân phận…

25 tuổi, tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã chọn B’lao, một thị trấn chênh vênh giữa những tầng mây để sống như một kẻ ẩn dật, ôm theo mối tình si với người con gái xứ Huế mang tên Dao Ánh.

Bức thư đầu tiên anh gửi ngày 17.9.1964, với những lời mở đầu như một tiếng reo vui “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…”. Nét chữ của anh hồi ấy nắn nót như những nốt nhạc: “Anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên-đàng-sương-mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích lấy nó đến bao giờ không thể. Ở đây có cái tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…”

B’lao bỗng hiển hiện thật rõ nét với hình ảnh một người đàn ông mơ mộng trầm tư ngày ngày chỉ có một niềm vui duy nhất là ra bưu cục đón nhận những bức thư. Anh viết về những ngày dài hoang vu, những buổi sáng thức dậy trong im lặng, những buổi tối trăng non… Anh gọi tên Dao Ánh không biết bao nhiêu lần trong thinh không… Anh dệt lên trong tâm tưởng một hình ảnh thật trinh nguyên, một Dao Ánh với “mái tóc thật dài, với tâm hồn lá non và tiếng cười hồn nhiên như một buổi sáng mùa xuân…” Bắt gặp đâu đó trong những cuộc hẹn hò bất thành của anh là những giận hờn, trách cứ như biết bao người đàn ông khác trong tình yêu. Nhưng trách cứ của anh sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào, yêu thương.

Những kỷ niệm đẹp nhất giữa hai người đã trở thành cái cớ cho những suy tư về thân phận, về chiến tranh, về tình yêu của Trịnh Công Sơn tuôn trào. Hay có lẽ cái khoảng cách vời vợi giữa một tình yêu quá mộng mị đã giúp anh soi rọi một cách trầm tĩnh nhất vào cái hố thẳm của riêng mình, để gọi tên những cảm xúc cho Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố… Dao Ánh còn giữ lại nguyên vẹn bản viết tay đầu tiên của Mưa hồng, Tuổi đá buồn với lời đề tặng “bản của Ánh đó”.

Trịnh Công Sơn dạy tại B’lao chỉ ba năm, từ 1964 đến 1967, ba năm đều đặn với hơn ba trăm bức thư tình. Quả thật anh là người viết thư tình lãng mạn nhất của thời đại. Bức thư đầu tiên anh nói lời cảm ơn, và bức thư chia tay cuối cùng, anh cũng nói lời cảm ơn. Mỗi lá thư của anh như một đoản văn đầy chất thi ca, chứa đựng tâm trạng lo âu, dằn vặt triền miên về kiếp người, lòng tin vào những điều tốt đẹp đang dần mất đi trong cõi nhân gian. Đây thực sự là mảng văn chương ấn tượng trong cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của anh.

Năm 1993, Dao Ánh đã trở lại Việt Nam, và gặp lại Trịnh Công Sơn. Xin trả nợ người đã được anh viết liền một mạch vào đêm mùng ba tết năm ấy. Dưới bản nhạc anh viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…” Dao Ánh đã ly dị chồng ngay sau cuộc hội ngộ buồn bã này.

Những lời cuối cùng anh viết cho Dao Ánh là những ngày anh nằm trên giường bệnh. Anh không thể cầm bút được, nên phải đọc cho người bạn Sâm Thương viết giùm mình, và gửi qua email. Vẫn là những lời an ủi thật dịu dàng: “Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái tết thú vị dù chỉ một mình hay với người khác…”

Hơn bốn mươi năm đã qua, bao tao loạn, thăng trầm, chiến tranh liên miên, rồi lấy chồng, sang Mỹ… vậy mà Dao Ánh vẫn cất giữ nguyên vẹn những bức thư tình, những chiếc phong bì, kể cả từng chiếc lá dã quỳ anh ép trong thư, cả những giọt nến anh đốt lên để viết tên chị… Nhưng có một điều ít ai biết, là lúc đó Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm (nhân vật của Diễm xưa), chỉ mới… mười lăm tuổi.

Không ít người thắc mắc tại sao đến giờ này, Dao Ánh mới chịu công bố những bức thư tình. Chính chị đã phải trải qua những ngày dài đắn đo, nên mười năm sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới được chiêm ngưỡng nó. Trong thư gửi Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết: “Hãy nghĩ về anh Sơn không phải chỉ để dành riêng cho một con người, một gia đình, một thành phần cụ thể nào cả… Dù cho mình có yêu thương anh Sơn thế nào đi nữa thì anh đã là một vĩ nhân rồi, và theo hướng nhìn đó anh đã là của tất cả mọi người. Dao Ánh đã tập nghĩ cho mình như thế, để có thể giao phó tập thơ này cho gia đình xuất bản, như một món quà để lại cho thế hệ đời sau và văn chương Việt Nam…”

Nhà thơ Nguyễn Duy, người được gia đình Trịnh Công Sơn tin cậy giao phó việc biên tập và xuất bản tác phẩm Thư tình gửi một người, thổ lộ: “Đọc hết ba trăm hai mươi bức thư tình, tôi gần như choáng váng. Cảm ơn những người tình như Dao Ánh đã biết gìn giữ tình yêu của anh Sơn trong bốn mươi sáu năm qua, tức là gần nửa thế kỷ. Dao Ánh vừa là một tình yêu rất cụ thể, đồng thời là một tình yêu biểu tượng. Một tình yêu cụ thể đã chấm dứt, nhưng biểu tượng tình yêu thì bất tử với thời gian…”

hvln

dao anh

Dao Ánh – Một thời để nhớ – Kỳ 1: “Người yêu lạ lùng nhất” của Trịnh

Sau khi loạt bài Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc rất muốn biết thêm về Ngô Vũ Dao Ánh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể rằng nhà của Dao Ánh nằm gần nhà của Trịnh Công Sơn – chỉ cách một cây cầu nhỏ Phú Cam – nên hằng ngày Dao Ánh đi học thường ngang qua đó…

Trịnh Công Sơn nhắc đến trong một hồi ức: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi… Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa… Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận (…) Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc”.

Trịnh Công Sơn nhớ về “những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình”. Đó là cố đô Huế với “mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa. Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”.

Câu cuối của hồi ức đúng là viết về Diễm. Nhưng từ câu cuối ấy ngược lên đến câu đầu tiên đều có thể ứng với trường hợp của Dao Ánh – em gái ruột của Diễm – những năm tiếp sau đó. Nghĩa là “người con gái ấy” trước kia là Diễm – nay đã là Dao – Ánh – hóa – thân. Dao Ánh sinh ngày 24.5.1948, người gốc Bắc, lớn lên tại Huế, trong một gia đình gia giáo. Cũng như Trịnh Công Sơn, Dao Ánh giỏi tiếng Pháp, cha là giáo sư dạy tiếng Pháp, đọc tiểu thuyết của André Gide, André Maurois, thơ Jacques Prévert, Apollinaire từ nguyên bản, năm 17 tuổi chép gửi Trịnh Công Sơn mấy câu trong một nhạc phẩm lời Pháp do Richard Anthony hát: “J’attendrai l’orage et la pluie pour pleurer. Je t’aime encore mais tu dois ignorer le chagrin de ma vie. Et j’irai pleurer sous la pluie” (Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây). Trịnh Công Sơn đã trích một câu trong đoạn cuối cuốn Porte étroite (Khung cửa hẹp) của André Gide gửi đáp Dao Ánh: Et que la vie peut souffler dessus chaque jour sans l’éteindre (ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu).

Ngôi nhà của Dao Ánh được Trịnh Công Sơn nhắc đến với những lùm nhãn mùa hạ che mắt đường về, với hàng cây mùa đông đứng lặng bên sông vắng, trông gợi cảm vô cùng. Từ nhà Trịnh Công Sơn nằm ở số 3/11 Nguyễn Trường Tộ, bên này cầu Phú Cam nhìn sang bên kia cầu chỗ có nhà Dao Ánh buổi chiều không thể không nhớ những bụi dạ lan trồng ở đó. Dạ lan thơm lắm, nhất là vào ban đêm, tỏa từ nhà Dao Ánh đến cả trong… giấc mộng của Trịnh Công Sơn ở Blao, Đà Lạt, Dran, Sài Gòn, Đà Nẵng về sau nữa. Trịnh Công Sơn nói Dao Ánh là “người yêu lạ lùng nhất” của mình. Năm Dao Ánh 19 tuổi, Trịnh Công Sơn nói với Ánh: “Yêu nhau đã có một compromis (ước hẹn) và không có một ước hẹn nào đáng giá hơn như thế”. Dao Ánh cũng biết điều ấy. Cũng lãng mạn, song rất kín đáo. Những đêm khuya Huế lạnh, Dao Ánh thắp đèn sáp trắng một mình ngồi viết thư và nhớ Trịnh Công Sơn, hái và ép những chiếc lá dạ lan còn ướt sương vào giữa trang thư gửi đến. Có hôm nhìn màu hoa sắp tàn, nhìn màu nắng chiều phai, Dao Ánh đã viết nhắn Trịnh Công Sơn: “Ôi màu mắt rồi có ngày cũng đổi màu như thế”.

Lãng mạn vậy, nên Trịnh Công Sơn nghĩ “biết đâu Ánh không sinh ra và lớn lên từ một loài hoa nào đó”. Năm 1966, Dao Ánh vào Sài Gòn học ở cư xá Thanh Quan số 232 bis/C Hiền Vương, bỏ lại con đường có vòm long não, cây cầu nhỏ, với con sông lững lờ và một khoảng trời cô quạnh.

Có lần Trịnh Công Sơn nói với Dao Ánh “con người sinh ra để gọi tên nhau”. Và ông đã gọi tên “Diễm” trước đó, rồi “gọi mãi tên Ánh” trong những ngày nắng thủy tinh

Chị Ngô Vũ Bích Diễm và Ngô Vũ Dao Ánh người gốc Hà Nội, lớn lên ở Huế, đi vào tình khúc như Trịnh Công Sơn (TCS) kể: “Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai. Sau một tuần lễ, tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo lệ thường, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn. Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” để viết nên bài Hạ trắng”.

Như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể, người mang bó hoa dạ lý hương đến bên giường bệnh TCS trưa ấy là Diễm. Như vậy bài Hạ trắng là bài TCS viết về cuộc chia tay mà chúng tôi gọi là bài Xin trả nợ người lần thứ nhất (cho Diễm). Còn bài Xin trả nợ người lần thứ hai (cho Dao Ánh) sẽ nói sau. Hồi ức trích dẫn trên do TCS đưa in trên tạp chí Thế giới Âm nhạc gần như liền mạch trong hai số tháng 3 và tháng 5.1997. Đến tháng 8 năm ấy, một người mà TCS quý trọng qua đời tại Sài Gòn: GS Đỗ Long Vân.

Không ít lần TCS đã kể với Dao Ánh về Đỗ Long Vân những ngày gặp gỡ Dran, Blao, Đà Lạt và Sài Gòn. Đỗ Long Vân dạy ở Đại học Huế, là tác giả của bản văn “lạ và đẹp như mơ” – theo cách nói của Nguyễn Quốc Trụ. Đó là: Vô Kỵ giữa chúng ta. Trong bản văn đó, cạnh những phân tích nền tảng về tiểu thuyết Kim Dung qua cơ cấu luận, Đỗ Long Vân đã dành những dòng viết về chữ “tình” mà TCS rất tâm đắc như sau: “nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm, đa tình? Người ta chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua đời, và tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con. Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi con người (…). Không thể tưởng tượng được chẳng hạn một cuộc yêu đương giữa người của Tà môn và của Chính giáo (…). Dĩ nhiên phải kể đến tất cả những sắc thái của tình yêu: tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách A Tỷ.

Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung và những mối tình, như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời. Cho nên A Chu có chết đi nhưng ảnh tượng nàng vẫn còn thao thức mãi trong lòng Kiều Phong. Hai tâm hồn gặp nhau, tương đắc, giao hội và không có gì có thể chia rẽ họ. Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu nhận cái chết để khỏi phải lên án người yêu của họ (…). Tình yêu không kể tới đạo lý. Nó không thể giải thích được. Ai biết đâu sự sa đọa của Dương Khang là cái đã cám dỗ Mục Niệm Từ, cái ngây thơ của Quách Tĩnh là cái cám dỗ Hoàng Dung, sự lơ đãng của Mộ Dung Phục là cái cám dỗ Vương Ngọc Yến? Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu. Sự giá trị hóa cái Tình trong Kim Dung, tuy nhiên, chỉ là tỉ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn”. TCS kể Dao Ánh nghe những ngày gặp Đỗ Long Vân (và họa sĩ Đinh Cường) ở một căn nhà trên Đà Lạt: “Anh Đỗ Long Vân từ dạo sau này ở Huế rồi lên đây vẫn còn miên man rơi vào những ưu tư không dứt. Anh ngồi hàng giờ đọc sách, rồi trầm ngâm rồi nói lẩm nhẩm một mình, rồi cười bâng quơ như một người đã vắng mặt trên hiện tại này”, song người vắng mặt đó vẫn có mặt, có tên giữa những ngày TCS và Dao Ánh đi về trong cõi mưa hồng..

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/xintranonguoi-trinhvinhtrinh_sw5n.mp3]

Kỳ tới- Khánh Ly: khuôn mặt không thể thiếu của TCS

Thưa quý độc giả

Định viết tiếp về bài ” Khánh Ly: Khuôn mặt không thể thiếu của TCS ”, tôi tình cờ đọc được nguốn tin Khánh Ly sẽ về VIỆT NAM hát. Điều này khiến cho tôi mất cả hứng thú để viết. Xin cáo lỗi cùng quý vị. Tôi sẽ trở lại mục Giai Nhân trong Thơ Nhạc với một bài viết mang tên ” Nghe nhạc với nỗi buốn ”. 

hvln

Advertisement