Từ Ngày xưa Hoàng Thị… tới… Đưa em tìm động hoa vàng…

Võ Phiến 

Phạm Thiên Thư

Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh, ông có Đoạn trường vô thanh;  Nguyễn Du có thơ Chiêu hồn, ông cũng có Chiêu hồn ca. Mặt khác, Phật có kinh Kim Cương, kinh Hiền Ngu, ông cũng phỏng soạn Kinh NgọcKinh HiềnKinh Thơ v.v… Rồi sau tháng 5-1975 nghe nói có một độ ông toan vung bút làm sáng tỏ cách mạng giải phóng. Đời ông từng bị thu hút ngược xuôi nhiều hướng. Nhưng Phạm Thiên Thư làm văn nô không thành văn nô, làm sư cũng không hẳn ra sư. Con vạc bờ kinh nó ghẹo ông:

“Hỏi con vạc đậu bờ kinh

Cớ sao lận đận cái hình không hư

Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư

Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.”

(Động hoa vàng)

Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.

Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ về v.v… thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.

Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng. Thật thế, khi yêu đương có lần ông kêu than vì một dáng hình mất hút:

“dáng em nho nhỏ

trong cõi xa vời”

(‘Ngày xưa Hoàng thị…’)

“Dáng em nho nhỏ” là hình ảnh quen thuộc của phần đông các cô gái trong thơ ca, là chỗ gặp gỡ chung của mọi thi nhân đa cảm. Nhưng “trong cõi xa vời” là khung cảnh riêng của Phạm Thiên Thư, là cái không khí yêu đương riêng biệt của ông. Tu sĩ đa tình, ông làm cho thế giới yêu đương phong phú hẳn lên.

Xưa nay có ai mê gái mà kêu “tình ơi tình ơi”? Họa chăng chỉ có Phạm đại đức. Ông thù thì thủ thỉ, ông kêu khe khẽ những lời ân tình tha thiết không chịu được. Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v… Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo. “Dáng em nho nhỏ” cứ như lúc nào cũng chập chờn “trong cõi xa vời”, đáng thương là thế.

Nhớ thuở nào lá vàng rơi trên áo người yêu phơi trước gió thu, bây giờ người yêu không còn nữa:

“nay áo đã cuốn về thiên cổ

lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.”

(‘Áo thu’)

Nhớ thuở nào người yêu đan áo tặng mình, áo chưa đan xong thì bỗng:

“rồi bỏ đó em vào thiên cổ

anh một đời ngóng áo thiên thanh.”

(‘Đan áo’)

Trong trường hợp tình nhân mất tình nhân, kẻ khác vật vã đau đớn, thì Phạm Thiên Thư lặng đi trước Không Hư. Ở đây không chỉ mất đi một người tình, một mối tình; ở đây là tan biến hết thảy, sự tan biến nó làm cho ta không buồn vật vã nữa mà thấy hụt hẫng, ngẩn ngơ.

Vả lại không phải chờ đến một cái chết mới đối diện Hư Vô, ngay cả khi đôi trẻ hãy còn đủ trên đời ông vẫn ý thức rõ ràng cái nhỏ bé chơi vơi của tình yêu:

“Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tướng

Hay một vết chim bay.”

Đáng thương biết mấy cái cảnh:

“Anh một mình gọi nhỏ

Chim ơi biết đâu tìm.”

(‘Vết chim bay’)

Không phải chỉ thương vì tìm chim biền biệt vốn khó; chính thương nhất là vì tình sầu vô lượng chẳng qua chỉ như một vết chim bay mà thôi. Ngay khi nói chuyện yêu đương đã nghe “lạnh nỗi niềm không”! Cái biệt sắc của tu sĩ đa tình nó hay là thế.

Vừa rồi trót buột ra mấy chữ “ân tình”, “tha thiết”, có thể gây sự hiểu lầm. Nói thế không phải có ý bảo ông Phạm có tài tán tỉnh giỏi giang hay ho. Ông không sở trường về khoa ấy. Tóm tắt, có lẽ ông không sở trường về khoa ái tình nào cả: nói năng, tí toáy, mánh lới quyến rũ mê hoặc v.v… đều không. Trông ông lành lắm, cổ điển lắm. Ông không có phát kiến nào trong lãnh vực yêu đương. Xuất hiện trước ông một thập niên kỷ, Nguyên Sa tỏ ra “mới mẻ” hơn nhiều: từ lời ăn tiếng nói khóe mắt đầu mày cho tới hoạt động tay chân bên cạnh người yêu đều linh hoạt tân kỳ.

Còn người tình lớp trẻ, lớp đàn em, là Phạm Thiên Thư lại hiền khô. Trong mối tình nổi tiếng nhất người ấy chỉ lẽo đẽo “gót giày thầm lặng” đi theo sau người yêu vậy thôi, trong bụng cũng muốn “tìm lời mở nói” nhưng mà cứ ngập ngừng cứ ngại ngần hoài. Mãi mới dám “trao vội chùm hoa”, thế rồi là… hết!

“trao vội chùm hoa

ép vào cuối vở.”

(‘Ngày xưa Hoàng thị…’)

là tuyệt đích cuối cùng. Rồi trong những mối tình đậm đà táo bạo sau này cũng chỉ đến chỗ “dan díu bàn tay” mà thôi.

Đã có ai bắt gặp cái hôn nào trong tình yêu của Phạm Thiên Thư chưa nhỉ. Ái tình ở đây cơ hồ không nhằm mưu cầu hạnh phúc. Yêu nhau như thể không vì hoan lạc mà chỉ để cùng thấm thía cái tính cách bọt bèo của kiếp người. Ái tình không đưa tới hạnh phúc, cũng không đưa tới những quằn quại, ghen tuông, khổ đau, sầu não v.v… Nó chỉ đưa tới sự ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ trước mênh mông, vắng lặng. Trước Phạm Thiên Thư lâu rồi, vào thời kỳ văn học lãng mạn, nghĩa là thời kỳ của tình cảm dạt dào cao khiết, khi yêu đương Xuân Diệu liền bám sát: “sát đôi đầu, kề đôi ngực, trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”, rồi “quấn riết đôi vai”, rồi “gắn chặt đôi môi” v.v… Vậy mà ông cứ kêu “Thế vẫn còn xa lắm”. Trong tiếng thơ tưởng nghe được cả hơi thở hổn hển. Nhà thơ cắn vào món ăn trần gian (nourriture terrestre), cắn mạnh dữ đa!

Sau này về già, Xuân Diệu trầm tư chín chắn, vẫn giữ một lập trường về thân xác:

“Không nền, sao dựng lầu thơ?

Không thân thể, chỉ bâng quơ cái hồn.”

(‘Thân em’)

Về già, Vũ Hoàng Chương gặp lại giai nhân trong giấc mơ cũng nằn nì:

“Em nhé!…, chiều anh, gần chút nữa

Cho anh tìm thấy chính em xưa.”

Khi em đã gần và anh đã tìm thấy, anh liền lính quýnh:

“Ớ, Chính em mà! Tất cả em

Đã về… Ôi trận gió nào đem!”

(‘Giấc mơ tái tạo’)

Tất cả em, tức là đủ cả nền thơ lẫn lầu thơ đấy, tức là không bâng quơ đâu. Các lão thi nhân không chịu cái bâng quơ nhé, ngay cả trong giấc mơ.

Nhưng trước nữa, trước xa, cách chúng ta hơn nghìn năm, ngót mười hai thế kỷ, tại quê hương đức Khổng, thì một vị tiến sĩ phong nhã như ông Bạch Cư Dị coi kỹ cũng khiếp lắm, không sao? Lúc thất thế sa cơ ông tư mã Giang Châu mặc áo xanh đêm khuya nghe đàn vẫn cốt cách ra gì, còn khi đắc ý ông làm thượng thư tại triều thì áo mũ cân đai, đường đường chính chính, uy nghi biết mấy. Vua trên trông xuống, muôn dân trông vào. Thế mà nói đến gái họ Dương, ông không ngại nói luôn tới cái lúc người ta đang tắm rửa kỳ cọ:

“Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì

Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi”

Ông nói đến cả chuyện da thịt người ta trắng thế này thế nọ. Đứa xấu nết đọc tới dám bấn lên lắm.

Những bậc đàn anh, những bậc tiền bối và cổ tiền bối ấy, giá họ có dịp xem qua thơ tình của chàng thanh niên thời nguyên tử, thời hiện sinh, cái thời từng bị vu là sa đọa! Thơ tình của chàng là thứ thơ tình không có nụ hôn. Người tình của chàng là thứ người tình không da thịt. Đố thiên hạ tìm ra trong thơ chàng một nụ hôn, tìm ra những cặp môi mọng như quả nho, gò má ửng hồng như trái đào, những sóng mắt đắm đuối, ngực tròn phập phồng v.v…, đố như thế là đố khó quá. Thường thường chỉ có nón bài thơ, có hoa cài đầu, có áo hồng áo xanh v.v… Kẻ hăm hở xông tới cũng có thể bắt gặp môi, tóc và một bàn tay chẳng hạn. Bàn tay (cái phần rất ít thân xác trong thân xác), bàn tay vậy thôi, cũng như tóc như tai vậy thôi. Không mọng đỏ, không no tròn, không phập phồng, không đắm đuối, không long lanh v.v… Ồ, những chữ nghĩa ấy hàm ý thưởng thức, cái ý quá sỗ sàng đối với chàng. Thành thử em Ngọ, em Tí, gái gác chuông, gái giàn hoa, gái lều thơ, gái chong đèn v.v…, tất cả chỉ là một cái tên hay một bóng dáng. Tuyệt nhiên không thịt da. A! Gái nguyên tử này với trai hiện sinh nọ, xứng chưa!

Thân xác ư? Chẳng qua những tấm thân mảnh dẻ, mong manh, như liễu, như tơ, như sương. Những thân xác như thế không chịu được sự cận kề. Gái như thế họ chập chờn xa xa , họ ở chỗ “xa vời”, họ thường mất hút hoặc trong quá khứ, trong thời gian mịt mù, hoặc trong không gian diệu vợi, hoặc trong hư vô, trong “niềm không” buốt lạnh…

Mới vừa rồi lại trót nói Phạm Thiên Thư không xuất sắc về kỹ thuật ái tình nào, nói ái tình ở đây không có hôn hít, người tình ở đây không có xác thân háo hức v.v…, nói vậy lại e có sự hiểu lầm khác nữa. Như vậy hoặc có thiếu nữ nào đó ngờ rằng Phạm lang có phần lạnh nhạt hờ hững chăng? Không đâu. Trái lại. Con chim con thú không lời nói, chúng vẫn có linh tính để phân biệt kẻ dữ người lành, để biết rõ ai là kẻ thương yêu nó. Người tình họ Phạm không tỏ ra bạo dạn nồng nàn, nhưng nghe giọng thủ thỉ của ông chúng ta tin ngay là ông yêu đương chân thành. Chân thành chắc chắn không kém lòng ông mến đạo. Những mối tình chay tịnh của ông chẳng những là tình chân thành lại còn là tình tha thiết. Mà tình càng tha thiết thì cái chới với của nó trong kiếp phù du chỉ càng thấm thía.

Ðáp lời tạp chí Bách Khoa trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Thiên Thư bảo ông cần có ba thứ trợ hứng cần thiết: thiên nhiên, sự yên lặng, và những quán cà-phê (Bách Khoa, số ra ngày 18-5-1974). Một cách thức trợ hứng vất vả: thiên nhiên phải đi với các quán cà-phê, sự yên lặng cũng phải đi đôi với các quán cà-phê, không khó khăn quá sao?

Nhưng khi đã có đủ ba trợ hứng cần thiết rồi thì ta thấy nhà thơ tha hồ phóng bút làm thơ liên hồi về ba (lại ba) đề tài: tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên. Đó là những đề tài chính yếu của thơ Phạm Thiên Thư. Đáng tiếc, tôi không có sự hiểu biết để nói về tôn giáo. Đáng tiếc hết sức, vì nó rất là quan trọng. Tôn giáo tỏa ảnh hưởng lên tình yêu, lên thiên nhiên, trong thơ Phạm Thiên Thư. Tôn giáo tạo cho thi sĩ một phong cách yêu đương riêng, và một phong cách riêng trước thiên nhiên.

Nếu khi tôn giáo cặp với ái tình nó có làm cho người đời ngỡ ngàng đôi chút, thì khi tôn giáo đi với thiên nhiên, cái thế hòa hợp thật là thoải mái. Mà chắc chắn trong trường hợp này chính Phạm Thiên Thư cũng thấy thoải mái nữa. Cho nên ông nói đến cái sức trợ hứng của thiên nhiên mà không đề cập đến sức trợ hứng của ái tình, mặc dầu sức ấy đâu phải không đáng kể.

Thiên nhiên trong thơ họ Phạm thật đẹp. Khi sảng khoái nhà thơ lên nương, và:

“Cắp theo cái nậm khô bầu

Ta ra múc nước bên cầu suối xanh

Vào bầu mây cũng xô nhanh

Ngẩn ngơ cảm thấy không đành bước đi.”

(‘Nhớ trang trại hồng’)

Khi ngậm ngùi, ông trông ra một cảnh chợ xưa:

“Đêm đêm bầy đóm xanh từng chiếc

Tụ giữa nền hoang nhóm lửa sầu.”

(‘Đom đóm’)

Trang trại hồng đẹp mà động hoa vàng cũng đẹp, mây chảy vào bầu đẹp mà đom đóm tụ về nền chợ cũ cũng lại đẹp nữa. Có con mắt nhìn ra cảnh đẹp đã quí, mắt Phạm Thiên Thư trông cảnh chẳng những thấy đẹp lại còn thấy ra đạo. Thế rồi trong cảnh chẳng những “trông” thấy đạo, ông lại “nghe” thấy đạo. Ngày thì:

“Trang kinh mây nổi trước hiên nhà.”

(‘Kinh mây’)

Tối đến lại:

“Đêm nghe lau lách thầm thì

Họp nhau từng khúc kinh gì nửa khuya.”

(‘Nhớ trang trại hồng’)

Nhưng cứ đi nhặt nhạnh chỗ này chỗ kia những câu nói về kinh kệ, về tiếng chuông tiếng mõ v.v… để cho rằng thiên nhiên trong thơ ông nhuốm mùi đạo thì dễ dãi quá. Những câu những chữ như thế chỉ là cái để phô ra; ông Phạm không cần phô ra: đạo nó đã thấm vào tâm hồn ông, nhập vào từng cảnh vật thiên nhiên quanh ông. Tôi đã gặp ở ông những bài ngũ ngôn tứ tuyệt cực hay, kể chuyện tang thương dâu bể chuyện nghìn đời đau thương, trong những khung cảnh hoang phế điêu tàn, mà lời lẽ vắn tắt, ý tình kín đáo, không hề quá độ bi thảm. Tôi cũng gặp ở ông những buổi mai sáng lạn diễn bằng lời nhẹ nhàng khoan thai. Ở đây niềm vui không cuống quít, nỗi buồn không não nề.

Giữa một thời ác liệt đầy âm thanh và cuồng nộ, ông giữ được quân bình an lạc trong tâm hồn: Do đạo đấy chăng? Như thế hà tất dõi theo tiếng chuông tiếng mõ trong thơ ông làm chi.

Thành thử Phạm Thiên Thư có tu lại có tình, nhưng không phải tí ti l’amour tí ti la foi. Không phải thế. Ở đây tình yêu thì tha thiết, niềm tin thì chí thành. Không tí ti.

Phạm Thiên Thư xuất hiện muộn ngưng bút sớm, mà sự nghiệp thi ca của ông vẫn đồ sộ. Năm 1975, mới ba mươi lăm tuổi ông đã có ngót chục vạn câu thơ. Phong phú là một đặc điểm của thế hệ văn nghệ sĩ bấy giờ. Riêng ông Phạm, ông từng dùng đến những tiếng: vơi óc, ốm người, mửa máu v.v… để nói về sự cố gắng của mình (Tạp chí Bách Khoa, số vừa dẫn); tuy nhiên người ta thấy có những trường hợp không có lý do để cố gắng ông vẫn làm thơ rất nhiều rất nhanh. Cuốn Kinh Hiền mười hai nghìn câu ông viết trong một năm rưỡi: việc đạo phải nỗ toàn lực nên thế. Còn cuốn Quyên từ độ bỏ thôn đoài gồm 111 bài thơ ông cũng chỉ làm xong trong vòng hăm ba ngày. Mỗi ngày năm bài thơ, đều đều. Lý do gì vậy?

Không ai đi trách một người… làm quá nhiều thơ. Duy không biết có phải cái lượng đã hại cái phẩm chăng. Vì trong cái lượng đồ sộ nọ số dở khá nhiều. Trong lắm bài có những câu thật hay lạc vào giữa các câu dở làm ta tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Võ Phiến 11 – 1986

Ngày xưa Hoàng Thị– Thơ Phạm Thiên Thư- nhạc Phạm Duy- Thái Thanh hát

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/ngay-xua-hoang-thi.mp3]

Những bóng hồng trong thơ nhạc: Ngày xưa Hoàng Thị…

05/06/2011 23:02

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc) đã từng gây xôn xao trong đời sống âm nhạc miền Nam. Cả thơ lẫn nhạc đều rất tuyệt vời…

Từ tiếng hát cao vút của Thái Thanh, những ca từ của Ngày xưa Hoàng Thị chấp chới đi vào hồn người: “Em tan trường về,  đường mưa nho nhỏ. Chim non lề đường, nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…”. Phải nói rằng, dạo đó thơ Phạm Thiên Thư là hiện tượng, bởi sau thành công của Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thêm liên tiếp những ca khúc từ thơ Phạm Thiên Thư: Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu… Người ta đua nhau tìm đọc thơ Phạm Thiên Thư – một tu sĩ Phật giáo – bởi hơi hướm thơ vừa nhuốm mùi thiền vừa vương tình trần. Thơ lục bát của Phạm Thiên Thư quá hay mà thơ 4 chữ (như bài Ngày xưa Hoàng Thị) lại cũng tuyệt… Chẳng thế mà tập thơ Đoạn trường vô thanh (hậu Kiều) của ông được trao Giải nhất văn chương – thể loại trường ca (Sài Gòn – năm 1973)… Rồi người ta đoán già, đoán non cô Hoàng Thị Ngọ là ai mà có sức hấp dẫn đến thế, khiến cho người thơ đã nương cửa Phật vẫn phải vướng mùi tục lụy?

cap-doia

Bìa bản nhạc Ngày xưa Hoàng Thị và Chân dung Phạm Thiên Thư – Ảnh: H.Đ.N

“Anh tìm theo Ngọ…”

Phải đến 40 năm sau tôi mới có dịp diện kiến nhà thơ Phạm Thiên Thư, khác với những gì tôi mường tượng: tác giả Ngày xưa Hoàng Thị không mang dáng dấp thư sinh, nho nhã mà đẹp như một… “lão ngoan đồng”. Ông hiện là chủ quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), tên quán chắc là để nhắc nhớ đến ca khúc Đưa em tìm động hoa vàng nổi tiếng một thời? Câu đầu tiên ông “chào” tôi là một câu lục bát: “Dễ gì được một vần thơ/Mà nghe nghiệp chướng, lại ngờ tiền oan”. Rồi ông kể về Ngọ: “Rất đơn giản, tôi tuổi Thìn (1940), còn cô ấy tuổi Ngọ (1942) cho nên được bố mẹ đặt luôn tên là Ngọ. Cách nhau 2 tuổi nhưng học cùng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ở trường Trung học Văn Lang (khu Tân Định). Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ ngắm… Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi… đánh lộn (gia đình tôi vốn có truyền thống võ thuật). Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại. Ngọ biết ý, mở cuốn tập ra cho tôi… liếc, đọc vanh vách!

Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng… thở mạnh còn không dám, nói chi là…

Đậu tú tài xong tôi vào Đại học Vạn Hạnh”… “Tại sao ông lại trở thành tu sĩ Phật giáo?”. “À, như đã nói, gia đình tôi vốn có truyền thống con nhà võ, từng lập “Học hội Hồ Quý Ly” quy tụ cả trăm người, khiến chính quyền miền Nam lúc ấy nghi ngờ, phải giải tán. Năm 1964 tôi “trôi dạt” vào “ăn cơm chay” ở các chùa: Vạn Thọ (Q.1), Kỳ Quang, Bà Đầm (Q.Phú Nhuận), rồi Đại học Vạn Hạnh… Cho dù đã nương thân vào cửa chùa nhưng mỗi lần đi ngang qua con đường cũ, hình ảnh cô học trò ôm cặp, tóc dài bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đây… Và rồi những tứ thơ tràn về: “Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Chim non giấu mỏ/Dưới cội hoa vàng/Bước em thênh thang/Áo tà nguyệt bạch/Ôm nghiêng cặp sách/Vai nhỏ tóc dài… Em tan trường về/Cuối đường mây đỏ/Anh tìm theo Ngọ/Dáng lau lách buồn… Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Trao vội chùm hoa/Ép vào cuối vở/Thương ơi vạn thuở… Ôi mối tình đầu/Như đi trên cát/Bước nhẹ mà sâu… Mười năm rồi Ngọ/Tình cờ qua đây/Cây xưa vẫn gầy/Phơi nghiêng dáng đỏ/Áo em ngày nọ/Phai nhạt mấy màu/Chân theo tìm nhau/Còn là vang vọng… Dáng ai nho nhỏ/Trong cõi xa vời/Tình ơi… Tình ơi!”…

“Tại sao nhạc sĩ Phạm Duy biết thơ ông để phổ nhạc?”. “Là thế này, năm 1968, tôi có ra tập thơ đượm mùi thiền Phật giáo, in rất ít, chỉ để tặng bạn bè. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh (nhà văn) đọc thấy thích mới giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, và nhạc sĩ đã phổ 10 bài đạo ca của tôi. Đó là cái duyên để đến năm 1971, nhạc sĩ Phạm Duy lại phổ nhạc bài Ngày xưa Hoàng Thị. Lạ một điều là bà xã tôi bây giờ lại rất giống Ngọ, có thể nói là một chín, một mười”.

Người viết tuy ngồi trong (động) Hoa Vàng nhưng tiếc ngẩn ngơ vì không được may mắn diện kiến nữ chủ nhân để ít ra cũng có thể hình dung được một nhan sắc thuở nào…

Hà Đình Nguyên

Phạm Thiên Thư – Người tu sĩ lãng mạn

( Bài viết đã đăng trên Tạp Chí Non Nước do Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành phố Đà Nẵng phát hành ngày 17/8/2012)

Sài Gòn có một quán café “Hoa vàng”, trước kia còn gọi là “Động hoa vàng”. Quán nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, trang nhã, tĩnh mịch và rất nên thơ. Khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu dể ý một tí sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những bài thơ nổi tiếng được Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ.

Ngày xưa Hoàng Thị…

Ngay xua hoang thi 2 Ngay xua hoang thi 3

Mỗi khi căn phòng vang lên giai điệu mượt mà “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về…”, ông lại nhắm mắt, ngồi bất động như một vị thiền sư, thả hồn về những dĩ vãng xa xưa…Ngày ấy, trên con đường trải nắng vàng, cậu học trò lặng lẽ theo sau cô gái tên Ngọ đi học về, nàng mặc áo dài trắng, tay ôm cặp, mái tóc xoã ngang vai… Chàng si tình, để lại những vần thơ xót xa và lung linh mãi đến sau này…

“…Em tan trường về

Cuối đường mây đỏ

Anh tìm theo Ngọ

Dấu lau lách buồn…
…Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở…”

Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 70, bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị..” là một tuyệt tác. Sau khi Phạm Duy phổ nhạc, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam. Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành công bài hát này. Lúc bấy giờ, trên các báo phát hành ở Sài Gòn, người ta thường nghi vấn và đặt dấu hỏi, nhân vật chính trong “Ngày xưa Hoàng Thị” là ai? Một vài người tự nhận là mình, số khác lại bình thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong thơ là cô A hoặc cô B nào đó… Đến khi các phóng viên gặp Phạm Thiên Thư hỏi chuyện, ông nói rằng, người đẹp trong ca khúc là cô Hoàng Thị Ngọ, nhưng không hiểu tại sao nhiều người thời bấy giờ vẫn không tin ?
Quê ông ở Kiến Xương, Thái Bình nhưng lại sinh ra ở Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, cư ngụ tại khu Tân Định, Sài Gòn. Đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định cách trường Trung học Văn Lang, nơi ông học, gần một cây số. Học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học trường Phật học Vạn Hạnh, chọn cửa Phật làm chốn dừng chân và gửi hồn vào cõi Thiền.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh,..Thơ Phạm Thiên Thư nửa đời, nửa đạo, tâm linh khác thường, làm cho độc giả lãng đãng và ngẩn ngơ:

“…Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương…”
(Pháp Thân)

Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị…” ra đời trong lúc ông mới chập chững bước vào làng thơ nên nhiều người nghĩ đó là bài thơ đầu tay. Thật ra, bài thơ đầu tiên chính là bài “Vết chim bay”, lúc ông mới 24 tuổi, còn nương náu ở cửa chùa.
Ngày ấy, có một nữ sinh thường vào sân chùa tìm nơi tĩnh lặng để học bài. Cô đẹp và thánh thiện như ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ Tát, Phạm Thiên Thư đem lòng thương mến. Hai người quen nhau độ mươi ngày, một buổi chiều như bao buổi chiều khác, ông ngồi ở hiên chùa đợi mãi nhưng chẳng thấy bóng dáng cô. Nàng ra đi chẳng một lời từ biệt để lại sự đơn côi và nuối tiếc cho chàng trai mới lớn. Mười năm sau, khi trở lại chùa xưa, tình cờ nhìn thấy nét phấn trắng ghi tên hai đứa vẫn còn trên gác chuông, lòng bâng khuâng chuyện cũ, Phạm Thiên Thư đã viết nên bài thơ này:

“Ngày xưa anh đón em.
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó.
Còn để dấu chân in…
Anh một mình gọi nhỏ.
Chim ơi biết đâu tìm…”

Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư thánh thiện, nhẹ nhàng và kín đáo. Chút bẽn lẽn, khẽ chạm mà không dám “tay trong tay” vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương. Đạo Phật ảnh hưởng và tạo nên một không gian ái tình riêng trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó làm cho người đời ngỡ ngàng, đắm say trong thế giới thi ca huyền diệu của thi sĩ.

Theo ông, Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ. Trong những năm Tú tài , ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông. Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn đi nơi khác từ lâu.
Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”. Và một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị”.
Những năm sau này, mỗi khi đi ngang lại con đường của một thuở yêu đương, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông:
“Em tan trường về.
Đường mưa nho nhỏ.
Chim non giấu mỏ.
Dưới cội hoa vàng..”
Giờ đây, Hoàng Thị Ngọ đã định cư ở Mỹ. Hơn 50 năm, nơi phương trời xa xôi, cô nữ sinh ngày ấy có còn nhớ…
“…Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi! Tình ơi!”
Một lần, có người hỏi ông “Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?” Phạm Thiên Thư trả lời: “Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi. Tôi cũng không nghĩ Phạm Duy lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng. Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
Cha Phạm Thiên Thư tuy làm nghề bốc thuốc Bắc nhưng thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Ông còn nhớ, cha ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội tổ chức. Phạm Thiên Thư làm thơ để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp. Vì vậy mãi đến năm 1968, ông mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên, chủ yếu để tự đọc, tặng một số bạn bè thân. Thật ra, trong cuộc đời sáng tác, Phạm Thiên Thư chẳng muốn ai biết về mình.

Thoáng hương qua

Năm 1964, nhà thơ Phạm Thiên Thư xuống tóc, đi tu ở một ngôi chùa với Pháp danh là Thích Tuệ Không. Trong 9 năm tu hành (1964 -1973), ông đã chứng kiến một cuộc tình giữa chú tiểu và một cô bé Phật tử. Chàng 16 tuổi và nàng cũng ngần tuổi đấy. Tình yêu vừa chớm như những bông hoa nở sớm sau sân chùa. Cứ mỗi lần, chú tiểu đánh chuông, cô bé đứng bên nhìn và tụng niệm. Trong những lời khấn nhỏ ấy, cô nguyện cầu cho 2 đứa được bên nhau mãi mãi…

Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Mùa xuân quen nhau, mùa hạ cùng em đi lễ… Rồi mùa thu, mùa đông, hai người vẫn yêu thương tha thiết, bốn mùa hẹn nhau trong ngôi chùa cổ, có lò hương với làn trầm nghi ngút:

Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Chiến tranh loạn lạc, cuối mùa đông năm ấy, cô bé chết trong trong lúc chạy trốn những cuộc hành quân. Trong mưa bay và gió lạnh, chú tiểu gạt nước mắt đưa tiễn người yêu trong chiếc áo quan đơn sơ và mộc mạc như chính tình yêu của họ:

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy
Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng

Gia đình đưa xác cô an táng sau chùa, nơi những bông hoa vẫn còn nở. Mỗi buổi chiều, chú tiểu đến bên mộ, thắp hương và ngồi mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống…

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ
Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Mỗi cuộc tình đều có những kết thúc khác nhau. Có người đến đỉnh cao của hạnh phúc, tràn ngập niềm hân hoan vô bờ bến. Có kẻ rơi xuống vực sâu của bất hạnh, ôm lấy đơn côi trong im lặng và nước mắt. Cho dù âm dương cách biệt ngàn trùng, tình yêu ấy vẫn tươi đẹp, sáng lung linh và huyền diệu. Cõi người vẫn tin rằng, họ vẫn yêu thương nhau, con tim vẫn thổn thức một lời hò hẹn từ kiếp trước.Và như thế, trong ánh sáng huyền diệu của Phật Pháp, họ không còn bên nhau nữa nhưng tình yêu vẫn lóng lánh như những giọt sương còn đọng lại trên những bông hoa nở sớm sau sân chùa.
Câu chuyện hoàn toàn có thật, Phạm Thiên Thư xúc động và sáng tác bài thơ nổi tiếng: “Thoáng hương qua”. Sau này, Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm “Em lễ chùa này” và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến giờ. Sau này, Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như: Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu,…Tất cả những ca khúc này đều nổi tiếng và được mọi người biết đến.
Sau 1975, Phạm Thiên Thư lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, để mưu sinh, Phạm thi sĩ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Giai đoạn (1981 – 1983), ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983, Phạm Thiên Thư nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh PHATHATA (Pháp – Thân – Tâm). Sau đó, ông được bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện. Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư thỉnh thoảng cho đăng báo những bài thơ ngắn. Đôi lần, giới văn nghệ sĩ lại gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TP.HCM. Thời gian sau này, Phạm Thiên Thư thực sự trở lại và hoà nhập với văn đàn khi trường ca “Đoạn Trường Vô Thanh” của ông được tái bản một cách trang trọng.
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên.Mùa xuân năm Nhâm Thìn (2012), Phạm Thiên Thư đã giao lưu với khán giả Đà Nẵng trong chương trình thơ-nhạc mang tên “Động Hoa Vàng” tại Nhà hát Trưng Vương. Với sự dàn dựng công phu và góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ, cuộc đời, thi ca và âm nhạc của người tu sĩ lãng mạn này lại tái hiện một lần nữa trong lòng người hâm mộ.

Sau đây có 2 bài nói về cô gái trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Không biết đúng sai, thực hay giả như thế nào song tôi cũng cho đăng lên đây để rộng đường dư luận.

Trên Việt Weekly số 24, June 9, 2005, đăng tải một bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, phủ nhận chuyện bà Hoàng Dược Thảo tự nhận mình là nhân vật “Hoàng Thị Ngọ” của bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc thành tác phẩm bất hủ “Ngày xưa Hoàng Thịï”. Cách đây hai tuần, tại quận Cam, tình cờ, một nhân vật xuất hiện, cho biết ông là người có liên hệ tới nhân vật “Ngọ” thiệt ngoài đời. Câu chuyện sau đây đưa thiên tình sử nhạc khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị” qua một khúc quanh mới. Người đàn ông trong cuộc là một nhân vật kín đáo, không muốn khoe khoang về phần mình, cũng không muốn làm chuyện “giựt gân”. Tuy nhiên, như ông nói, rất muốn được gặp lại ‘cố nhân’ HoàngThị Ngọ, theo ông, hiện đang có mặt tại Cali. Nhân vật kể chuyện, người đàn ông tử tế, có công ăn việc làm đâu ra đó, có vợ con rất hạnh phúc, chỉ muốn được gặp lại Ngọ, để có thể, giúp gì được cho tri kỷ đã không gặp nhau từ mấy chục năm qua. Không hơn không kém. Nhân vật xin được giấu tên, viết tắt là H.H.
°NGUYỄN QUANG MINH ghi
(Minh hoạ chân dung Ngọ của Etcetera, theo lời mô tả của ông H.H.)
NQM: Ông quen với Hoàng Thị Ngọ, nhân vật trong thơ/nhạc của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy trong trường hợp nào?
HH: Đó vào khoảng năm 1963, 1964. Nhà của Ngọ ở đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến… Mỗi lần cô đi học phải đi ngang nhà tôi. Nhà tôi số 90, đường Trần Quang Khải. Trường Văn Hiến cách nhà tôi độ 100 thước. Tôi thấy cổ thiệt là hiền hậu, dễ thương nên mới viết thư làm quen. Năm đó tôi chưa tới 20 tuổi, học Đệ thất, Ngọ cũng chỉ độ bằng tuổi tôi thôi. Gốc Hải Dương, gia đình Công Giáo.
NQM: Ông đã viết thư hay làm thơ cho Ngọ?
HH: Viết thư. Gởi cho Ngọ, cổ đáp ứng, mời tới nhà chơi. Ba của Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình rất khá, có anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư thời đó.
NQM: Về nhan sắc, Hoàng Thị Ngọ có đẹp không?
HH: Thành thật mà nói, Ngọ không phải là một thiếu nữ có nhan sắc lộng lẫy. Ngọ có mái tóc dài ngang lưng. Thường khi đi học, chỉ mặc hai màu áo vàng và đen. Nhưng rất là dễ thương… Ngọ có một dáng dấp mặc áo dài thật là đẹp.
NQM: Lúc đó, đã có bài thơ, bài nhạc về Hoàng Thị Ngọ chưa?
HH: Chưa. Lúc đó là thời gian chúng tôi quen nhau. Đi chơi với nhau rất vui. Một thời gian sau, tôi vào lính. Một vài năm, tôi trở về thăm Ngọ, cổ kể lại cho tôi nghe về một người con trai, theo Ngọ, viết thơ theo đuổi Ngọ, nhưng cô ấy từ chối, không nhận mối tình đó. Người đó sau này cạo đầu vô GòVấp đi tu, đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư như chúng ta ai ai cũng biết. Và bài thơ này làm ra lúc Phạm Thiên Thư đã đi tu. Sau này, bài thơ lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở nên một bài hát bất hủ. Nói tóm lại, Hoàng Thị Ngọ nói là không có gì với nhà thơ họ Phạm kia.
NQM: Như vậy, Hoàng Thị Ngọ là người yêu của ông?
HH: Nói là người yêu, tôi e là cũng không đúng hẳn. Nó lưng chừng thôi. Chúng tôi có đi xem phim với nhau, nhưng rồi tôi đi lính, trở lại… Tôi là lính, cũng lận đận vô cùng, do đó, chuyện liên hệ giữa tôi và Hoàng Thị Ngọ cũng không liên tục. Cho tới sau 75, mỗi người phải bươn chải riêng. Tới năm 1978, tôi mới liên lạc, gặp lại Ngọ tại nhà. Lúc đó, tôi đã có gia đình. Tôi nói: “Ngọ à, bây giờ tôi có tổ chức tàu đi vượt biên, đây là cơ hội cuối cùng tôi muốn giúp cho Ngọ, nếu Ngọ muốn đi vượt biên với tôi, tôi sẽ cho Ngọ cùng thêm 1 người nữa cùng đi.”
NQM: Lúc đó chị Ngọ đã có gia đình chưa?
HH: Chưa. Chỉ có tôi là có gia đình, vợ con. Ngọ nói để cổ suy nghĩ vài ngày. Sau đó tôi trở lại, Ngọ cho biết gia đình cô ấy có tới 4 người, nếu đi 2, bỏ lại 2 thì không được. Do đó, nếu đi thì đi hết, còn không thì thôi. Trong hoàn cảnh đó, phần tôi chỉ có thể lo cho 2 người, nên không thể làm gì hơn được. Tôi đi được… Ngọ ở lại.
NQM: Sau đó, qua tới Mỹ, ông không liên lạc với Ngọ nữa sao?
HH: Không. Chúng tôi mất liên lạc luôn từ đó. Mới đây, gần 1 tháng trước, tôi có về Việt Nam, tôi có ghé lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, tôi còn nhớ rõ, đó là căn nhà số 19E, đường Lý Trần Quán (tên cũ), bây giờ đổi thành Thạch Thị Thanh gì đó(?), khu chợ Tân Định, Phú Nhuận, Sài Gòn. Khi vào khu nhà Ngọ, bà hàng xóm vẫn nhận ra tôi. Bà cụ cho tôi biết là Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi. Nghe nói hiện ngay Ngọ đang ở Mỹ, ở California! Tôi nghe thì cũng buồn, nhưng lại vui vì biết cổ đang ở Cali. Tôi cũng quên hỏi bà Cụ là Ngọ đi đã bao lâu rồi. Tôi rất xúc động, sau bao nhiêu năm trở về, quên trước nhớ sau. Hàng xóm nhận ra hết mà.
NQM: Xin ông mô tả lại chân dung của Hoàng Thị Ngọ theo trí tưởng tượng của ông?
HH: Ngọ chỉ là một thiếu nữ tầm thước, cỡ 5’2”. ốm, da mặt không đẹp lắm, rơm rơm một chút. Tóc dài, chải thẳng ra phía sau mà không rẽ ngôi. Mặt hơi xương xương, dài dài. Ngọ có một cái mụn ruồi cũng hơi lớn lớn dưới cánh mũi bên phải. Một nhan sắc trung bình. Chỉ có dáng mặc áo dài rất đẹp. Mình mê vóc dáng và mái tóc đó. Tôi mê cái dáng của Ngọ, đúng là một cô gái Việt Nam. Đi đứng nghiêm trang, không ngó qua ngó lại. Mặt nhìn thẳng, nhìn lên chút xíu. Một mẫu người con gái có bị mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam.
NQM: Ông có nghĩ rằng, nếu không có chiến tranh, cách trở, ông có nghĩ sẽ lấy cô Ngọ làm vợ không?
HH: Tôi nghĩ duyên số cũng khó nói lắm. Lúc đó tôi chỉ là anh học trò dưới tỉnh lên, trọ học lang thang. Gia đình Ngọ giàu có. Tôi vào lính, nay đây mai đó, không có hy vọng nào mà đạt được. Hai đứa có trao đổi thật nhiều, nhưng biết rằng có sự cách trở nên không đi tới đâu…
NQM: Giả dụ bây giờ, gặp nhau lại ở Cali, ông nghĩ sẽ đối xử với cô Ngọ ra sao?
HH: Bây giờ gặp lại, chỉ là kỷ niệm thôi. Nhưng tôi rất muốn gặp lại Ngọ. Hồi đó chúng tôi viết cho nhau những câu đùa vui, rất dễ thương, lúc tôi đi lính, là: “Nếu mà anh tử trận, hồn anh sẽ về báo tin cho em biết, em có sợ không?” Ngọ trả lời tôi rằng: “Em sẽ không sợ đâu. Dù anh là lính chết trận, là ma, nhưng với em, anh là con ma dễ thương!” Cổ là một trí thức, tiếng Pháp giỏi, có khả năng viết văn bằng tiếng Pháp. Hình như cổ học đại học Vạn Hạnh.
NQM: Ông có nghĩ rằng, sau khi bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” ra đời, được phổ nhạc, và nổi tiếng… những điều này có ảnh hưởng tới suy nghĩ, tình cảm của ông về người con gái tên Ngọ hay không?
HH: Tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó. Lúc đó, Ngọ chỉ nói thoáng với tôi về chuyện thơ, nhạc mà thôi. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo chọc, làm thơ, rồi thất tình dữ lắm v.v. Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này. Còn tôi, cũng không biết Ngọ thích tôi ở điểm gì. Tôi nghĩ nếu không phải thời chiến, chuyện tình cảm của chúng tôi không chừng sẽ tiến xa thêm.
NQM: Nhiều năm qua, mỗi lần nghe bài hát “Ngày Xưa Hoàng Thị”, ông cảm thấy thế nào?
HH: Tôi vẫn xúc động khi nghe lại bài hát này. Không có gì thay đổi trong tôi khi nghĩ về Ngọ. Tôi nghĩ tới Ngọ bằng giá trị tinh thần, chứ không phải vì nhan sắc hay bất kỳ một chuyện gì khác. Sự thùy mị, dễ thương của Ngọ là bất tử. Thời chúng tôi, khoảng cách giữa nam và nữ rất nghiêm túc, nên hầu như giữa chúng tôi không có vấn đề gì khác ngoài kỷ niệm. Tôi viết cho Ngọ khoảng 10 lá thư, và Ngọ cũng trả lời cho tôi khoảng bằng đó lá thư. Thư viết cho nhau cũng không phải là người yêu viết cho người yêu, mà như hai người bạn thân. Tôi nghĩ, có lẽ tình bạn này mới là bất diệt.
NQM: Xin ông cho biết, câu chuyện “Ngày xưa Hoàng Thị” này, nếu bây giờ tới tai bà xã ông, ông có bị phiền gì không?
HH: Cả nhà tôi ai cũng biết. Bà xã tôi cũng đã nghe tôi kể cho bả nghe. Nhưng không sao hết, gia đình tôi rất hạnh phúc. Vợ chồng con cái rất thương yêu, tôn trọng nhau. Tôi biết là khi đọc bài báo này, chắc bả cũng có buồn chút chút, nhưng tôi nghĩ bả sẽ hiểu là tôi rất đàng hoàng, chuyện nào ra chuyện nấy. Nhân chuyện báo Việt Weekly nhắc tới bài thơ, bài nhạc, rồi có người ngộ nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, rồi nhạc sĩ Phạm Duy phải đi tìm v.v., tôi thấy mình cần lên tiếng về phía mình. Tuy nhiên, về phía Ngọ, nếu Ngọ có mặt ở Cali, xin để cho mọi người được biết, và tôi là người rất muốn được gặp lại bạn xưa, xem nhau như tri kỷ mà thôi, chứ không dám mong gì hơn

Linh Phương : – Đôi li v nhân vt Hoàng Th Ng trong thơ Phm Thiên Thư

Tháng 03 năm 2004, tôi và nhà thơ Chinh Văn ghé nhà nhà thơ Phạm Thiên Thư ở cư xá Bắc Hải chơi. Lúc đó, anh lại bị chứng bệnh nhớ nhớ, quên quên. Viết tặng tôi tập thơ “ Đon Trường Vô Thanh “ chỉ với một dòng chữ “ Tng nhà thơ Linh Phương . Quý mến ! “, vậy mà tay anh cứ lóng ngóng viết rất khó khăn. Anh Chinh Văn phải đọc từng chữ cho anh , tôi cảm thấy buồn buồn cứ sợ anh không còn làm thơ được nữa . Cuối năm 2005, nhân dịp đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy, chúng tôi gồm: Anh Nguyễn Hòa ( website Văn nghệ Sông Cửu Long, nay là Văn Hóa.Việt )-nhà thơ Chinh Văn-nhà thơ Vũ Trọng Quang –nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền và tôi , hẹn nhau ở quán Hoa Vàng của anh Phạm Thiên Thư. Thời gian này , hình như anh khá hơn trước, tuy vẫn còn lãng đãng.
Về chuyện một phụ nữ tên Hoàng Dược Thảo tự nhận là nhân vật Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “ Ngày Xưa Hoàng Thị “ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, thì sau đó Tuần báo Việt xuất bản ở Mỹ số 24 ra ngày 09/07/2005 cũng đã đăng tải thư của anh, do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển, phủ nhận nhân vật từ “trên trời rớt xuống” đó, tưởng đâu không còn gì để bận tâm. Thì mới đây, tại quận Cam có người đàn ông tự nhận mình có liên hệ với Hoàng Thị Ngọ “thứ thiệt” ( mà HĐP đăng trong số này ) , nêu lên nhiều chi tiết về nhân vật này . theo như ông H.H. nào đó nói Hoàng Th Ng hc trường Văn Hiến, còn Phm Thiên Thư tr li vi t Tin phong và Vietnamnet rng : “ Tôi vn nh ti căn nhà nhng ngày y, đó là mt căn nhà nh nm đng sau ch Tân Đnh. Cha tôi xin cho tôi hc ti trường trung hc Văn Lang cách nhà chng non mt cây s. Tôi đã hc hết tú tài đó “. Ông nhớ lại : Cũng trong nhng năm hc tú tài này, ông đã đ ý mt cô bn hc cùng lp tên là Hoàng Th Ng, cô gái đó quê gc Hi Dương, gn nhà ông. Nhưng ch là đ ý thôi ch không dám ng li.
Hàng ngày, khi x
ếp hàng vào lp, cô gái đng đu hàng bên n, ni bt, mái tóc dài xõa trên b vai mnh d. Ông ch im lăng ngm nhìn. Ri khi tan trường, cô gái mt mình trên đường v nhà, ông li là k lo đo theo sau. Như vậy Hoàng Thị Ngọ của Phạm Thiên Thư học ở trường Văn Lang chứ không phải ở trường Văn Hiến như ông H.H. kể. Tuy nhiên, thi sĩ Phạm Thiên Thư công nhận nguyên mẫu đó đúng của 40 năm về trước. Nhưng ông H.H.cho rằng thi sĩ Phạm Thiên Thư yêu đơn phương cô Hoàng Thị Ngọ, không được cô đáp lại phải vào chùa tu là không chính xác. Thi sĩ Phạm Thiên thư đã trả lời về vấn đề này trên báo NLĐ :
Hoàng Th Ng ch là mt nhân vt thơ, thoáng qua như mt ni nh đ nâng t thơ lên.
Tôi chưa tng mê mn mt ai đ đến mc đau kh. Cái hay nht ca đi tôi là đã đy được nhng kh đau khi nó ngp nghé đến xa xa sau nhng bước chân mình
Và cái thc tế là, hình nh Ng đi qua nhng câu thơ pha lê y, ch đ gi lên mt ni dâu b ca bi bm cuc đi, trong mt giai đon lch s đc bit .
Theo tôi, nếu thi sĩ Phạm Thiên Thư có yêu Hoàng Thị Ngọ, có đau khổ vì một Hoàng Thị Ngọ thì đã sao ? Điều đáng nói ở đây là ông H.H. lên tiếng vấn đề này để làm gì ? Chuyện tình cảm thời trai trẻ ai chẳng có , chứ không riêng gì thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhân vật Hoàng Thị Ngọ. Và chuyện tình lãng mạn ấy đã đi vào dĩ vãng mấy mươi năm, có còn chăng là ở tâm thức mỗi người trong cuộc, hà tất gì phải khơi lại những chuyện riêng tư của người khác ? Phải chăng ông định “ké” chút hào quang của nhân vật trong thơ Phạm Thiên Thư, khi cho rằng mình là người có quan hệ mật thiết với Hoàng Thị Ngọ ?

Vết chim bay- Thơ Phạm Thiên Thư- nhạc Cung Tiến

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/vetchimbaycungtien-phamthienthu_6huj.mp3]

Đưa em tìm đông hoa vàng- Thơ Phạm Thiên Thư- nhạc Phạm Duy- hát Ý Lan

[audio https://chusalan.files.wordpress.com/2012/12/duaemhvg_yl.mp3]

Tôi tìm được 1 bài viết về Phạm Thiên Thư và ĐETHV. csl

Phạm Thiên Thư

Vĩnh Hão viết

Khi cho ra đời thi phẩm Ðoạn Trường Vô Thanh, có thể Phạm Thiên Thư cũng ngầm tự ví mình như là một Nguyễn Du thời đại. Có điều, Ðoạn Trường Tân Thanh (hay Truyện Kiều) của Nguyễn Du thì càng lúc càng sáng lung linh hơn, càng được tiếp nhận bởi nhiều quốc gia khác hơn; còn Ðoạn Trường Vô Thanh chỉ có mặt một lúc rồi dần dần đi vào lãng quên. Bản thân tôi cũng chẳng nhớ thi phẩm ấy như thế nào.

Dù sao, những vần lục bát của Phạm Thiên Thư từ khi có mặt, cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, cho đến nay, vẫn rung dài âm hưởng trong tôi, cũng như trong nhiều người khác. Nhất là qua thi phẩm Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng với 100 đoản thi, quả thực là vẫn chưa có giòng lục bát nào sau Nguyễn Du có thể óng ả tuyệt bích như thế.

Nhưng nhiều người đã không được đọc hết 100 đoản khúc trong thi phẩm Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, mà chỉ được biết đến 3 đoạn ráp nối từ bản nhạc rất nổi tiếng của Phạm Duy. Nhà nhạc sĩ tài ba, cũng họ Phạm, rất đồng điệu với “thiền sư ỡm ờ” Phạm Thiên Thư khi trích một vài đoản thi để phổ thành bản nhạc với cùng tựa đề thi phẩm: Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng. Giòng nhạc và giòng thơ hòa nhập với nhau một cách tuyệt khéo, như thể chúng đã có sẵn cho nhau rồi vậy. Chỗ tài tình khác của Phạm Duy là rút được những đoạn, những câu hay nhất mà ghép thành lời cô đọng cho một nhạc khúc. Trong đó, vài chỗ phải thay đổi, nhưng không đánh mất ý chính.

Lời cho nhạc phẩm Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng như thế này:

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau

Thôi thì em đừng ngại mưa mau

Ðưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi

Sông này đây chảy một giòng thôi

Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Nhớ xưa em chửa theo chồng

Mùa xuân may áo

Áo hồng đào rơi

Mùa thu em mặc áo da trời

Sang đông lại khoác lên người áo hoa.

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Thôi thì em chẳng còn yêu tôi

Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng

Thôi thì thôi mộ người tà dương

Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Nhớ xưa em rũ tóc thề

Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay

Ðợi nhau tàn cuộc hoa này

Ðành như cánh bướm đồi tây hững hờ

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Thôi thì thôi để mặc mây trôi

Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Thôi thì thôi chỉ là phù vân

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

Chim ơi chết dưới cội hoa

Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà

Mai ta chết dưới cội đào

Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.

Tôi vẫn chưa có bản chính của thi phẩm Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng để xem lại câu “đành như cánh bướm đồi tây hững hờ”. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ là “đành như cánh bướm đôi tây hững hờ” nhưng nghe nhạc của Phạm Duy thì ai cũng hát “đồi tây”. Tự nghĩ, có lẽ ngay chỗ đó, đánh dấu huyền vào thì thích hợp với nhạc hơn nên đã dùng chữ “đồi” thay chữ “đôi”. Dầu vậy, tôi vẫn thích cái nghĩa “đôi tây”, nghĩa là đôi ngã riêng tây (tư), hững hờ, hơn là cánh bướm bay về đồi tây, hững hờ.

Một chỗ khác là “Chim ơi chết dưới cội hoa”. Tôi nghĩ cách gọi “Chim ơi” như thế trong câu, không hay và có lẽ còn sai ý nữa. Chẳng ai lại tự gọi mình “Tôi ơi, hãy chết đi dưới cội hoa!” Con chim chết dưới cội hoa là thi nhân đau khổ vì thất tình đã tự ví mình như con chim, chết đau chết điếng trong cuộc tình tan vỡ. Con chim nào mà chết dưới cội hoa? The thorn bird đấy. Loài chim ấy chỉ hót một lần trong đời, ngọt ngào hơn bất cứ âm thanh nào trên mặt đất. Một khi trưởng thành, rời tổ, nó tìm ngay một cành cây đầy gai nhọn, chọn ngọn gai nào bén và dài nhất, phóng mình vào ngọn gai ấy, đồng thời cất lên tiếng hót duy nhất trong đời nó. Tiếng hót lúc ấy, là bài ca siêu tuyệt nhất trong những bài ca; mang theo cả niềm hạnh phúc vô tận của tình yêu đồng thời cả chất liệu thống thiết khổ đau hàm ẩn của nó. Ðó là huyền thoại của loài chim gai (the thorn birds) có nói trong tác phẩm The Thorn Birds của Colleen McCullough.

Ở đây, tiếng kêu của loài chim chết dưới cội hoa này còn thảm hơn. Vì tiếng kêu của nó vừa cất lên thì đã rụng xuống trên sông rộng, chứ không cất lên cao để phụng hiến thần linh gì hết. Và như vậy, thi nhân, trong nỗi đau tình, đã “hờn giỗi”, vừa giả giọng lạnh lùng, nói:

Con chim chết dưới cội hoa

Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

Chứ không kêu gào:

Chim ơi! Chết dưới cội hoa

Nói thì nói vậy, vẫn cám ơn Phạm Duy đã phổ biến thơ Phạm Thiên Thư đến rộng rãi quần chúng hơn. Ðôi khi bốc hứng, không nhớ được cả trăm đoản khúc của Phạm Thiên Thư, tôi và nhiều người khác đã ca nhạc phẩm của Phạm Duy. Thích thú lắm!

Và đây, trọn vẹn 100 đoản thi trong Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, mỗi đoản khúc là một tiếng hót, của loài dị điểu, sẵn sàng yêu và chết, và để tiếng hót của mình rơi rụng trên sông:

Ðưa Em Tìm Ðộng Vàng

1
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

2
Xe lên bụi quán hoa đường
Qua sương trắng dậm phố phường úa thu
Tiếng chim ướt sũng hai mùa
Hạt rơi thêm lạnh hững hờ mây qua

3
Dế buồn dỗ giấc mù sa
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay
Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót mơ

4
Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

5
Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa

6
Từ chim thủa núi xa xưa
Về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng
Từ em khép nép hài xanh
Về qua dục nở hồn anh đóa sầu

7
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

8
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa

9
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

10
Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
Đêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi

11
Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

12
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

13
Tường thành cũ phiến bia xưa
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha

14
Đêm dài ươm ngát nhụy hoa
Chim kêu cửa mộ trăng tà gõ bia
Em ơi rũ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay

15
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di

16
Mây xưa cũng bỏ non về
Em xưa cũng giã câu thề đó đây
Nhớ đành biết mấy tầm tay
Lông chim biển bắc hoa gầy bãi đông

17
Đợi ai trăng rõi hoa buồn
Vắng em từ thủa theo buồm gió xuôi
Chiều chiều mở cổng mây trôi
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm

18
Thế thôi phố bụi xe hồng
Hồ ngăn ngắt đục đôi dòng nhạn bay
Đưa nhau đấu rượu hoa này
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm

19
Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa

20
Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần
Em về hong tóc mùa xuân
Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành

21
Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

22
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

23
Gầy em vóc cỏ mây dời
Tay em mai nở chân trời tuyết pha
Ngày dài ngựa soải cầm ca
Trán cao ngần nửa trăng tà ngậm sương

24
Xe lăn bánh nhỏ bụi hường
Lao xao vó rụng trên đường phố mây
Mưa giăng ráng đỏ hao gầy
Đôi con ngựa bạch ném dài tuyết sa

25
Chim nào hát giữa thôn hoa
Tay nào hong giữa chiều tà tóc bay
Lụa nào phơi nắng sông tây
Áo xuân hạ nọ xanh hoài thu đông

26
Con chim mùa nọ chưa chồng
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
Từ em giặt áo đông tơ
Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

27
Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

28
Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ

29
Vào non soi nguyệt tầm rùa
Đọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư
Thả rùa lại đứng ưu tư
Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa

30
Em nghiêng nón hạ cầu mưa
Sông ngâm mây trắng nước chưa buồn về
Hoa sầu cỏ cũng sầu chia
Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha

31
Đất nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân

32
Người vui ngựa chợ xe thành
Ta leo cầu trúc bên ghềnh thác rơi
Theo chân chim gặp mây trời
Lại qua khói động hỏi người tu non

33
Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng
Con ong nhỏ mới ra giàng
Cũng nghiêng đôi cánh nhụy vàng rụng rơi

34
Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa
Múc bình nước mát về qua
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa

35
Chim từ bỏ động hoa thưa
Người từ tóc biếc đôi bờ hạ đông
Lên non kiếm hạt tơ hồng
Đập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay

36
Người về đỉnh núi sương tây
Ta riêng nằm lại đợi ngày mướp hoa
Bến nam có phố giang hà
Nghiêng nghiêng nậm ngọc dốc tà huy say

37
Tình cờ anh gặp nàng đây
Chênh chênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu

38
Mốt mai em nhớ bao giờ
Bãi dâu vãn mộ cho dù sắc không
Chân chim nào đậu bên cồn
Ngựa xuôi có kẻ lại buồn dấu chim

39
Đợi người cuộc mộng thâu đêm
Sông Ngân trở lệ dài thêm dòng nhòa
Anh nằm gối cỏ chờ hoa
Áo em bạch hạc la đà thái hư

40
Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi

41
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

42
Ngựa xưa qua ải sương này
Còn nghe nhạn lạc kêu hoài bãi sông
Nước xuôi gờn gợn mây hồng
Tiếng ca lạnh thấu hoàng hôn giục đò

43
Hoa đào tưởng bóng đào xưa
Thuyền sang bến nọ dòng mờ khói vơi
Hoa dương vàng nhạt sầu người
Ta về uống nước sông khuây khỏa lòng

44
Đưa nhau đổ chén rượu hồng
Mai sau em có theo chồng đất xa
Qua đò gõ nhịp chèo ca
Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say

45
Khăn trăng từ độ trao tay
Nửa tan cát suối nửa mài nghiên sương
Mốt mai lòng có nghe buồn
Mảnh trăng hiện hóa thiên đường cõi chơi

46
Nhện cheo leo mắc tơ trời
Dòng chim qua hỏi mộ người tà dương
Đánh rơi hạt mận bên đường
Xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa

47
Nụ vàng hương rộ tháng ba
Nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu tương
Chẳng như cội liễu bờ dương
Tóc xanh mướt giữa vô thường sắc không

48
Mai nào thơm ngát thu đông
Lược em chải rụng đôi dòng tơ xanh
Đôi chim hồng yến trên cành
Ngẩn ngơ quên rỉa lông mình điểm trang

49
Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

50
Nến khuya lửa hắt hiu vàng
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa
Ý nào hóa hiện ngàn hoa
Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni

51
Dỗ non suối giọng thầm thì
Độ tam thế mộng xá gì vóc hoa
Ni cô hiện giữa ta bà
Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng

52
Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương
Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng

53
Đố ai nhớ hết hoa vàng
Đố ai uống cạn sương tàng trăng thâu
Đố ai tát cạn mạch sầu
Thì ta để tóc lên cầu đón ai

54
Em về sương đẫm hai vai
Dấu chân là cánh lan dài nở đêm
Từ em hé nụ cười huyền
Mùa thu đi mất trên miền cỏ hoa

55
Guốc mòn lẫn tiếng sơn ca
Sư về chống gậy trúc qua cầu này
Ngó bờ suối lạnh hoa bay
Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thanh

56
Có con cá mại cờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Nửa dòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi

57
Dù mai lều cỏ chân trời
Khơi hương lò cũ khóc người trong thơ
Em còn ửng má đào tơ
Tóc xưa dù có bây giờ sương bay

58
Lên non ngắt đóa hoa này
Soi nghiêng đáy suối bóng ai nhạt nhòa
Nom hoài chẳng rõ là ta
Tắm xong khoác áo hát ca về làng

59
Tay đeo vòng ngọc xênh xang
Áo em bay giải tơ vàng thiết tha
Bước chân tìm chán ta bà
Ngừng đây nó hỏi: đâu là vô minh

60
Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: thưa bác thiên thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ

61
Nước đi từ thủa bao giờ
Dòng xuôi người đứng trên bờ ngó xuôi
Chừng đâu dưới bến hoa tươi
Buộc thuyền xưa đã có người ngó sông

62
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay giở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh

63
Đôi chim nho nhỏ trên cành
Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường
Nửa đời mây nước du phương
Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân

64
Gò chiều ùn bụi sương lên
Hỏi ra mới biết nơi yên cành vàng
Bên mồ chồn cáo đùn hang
Chim kêu như lảnh tiếng nàng ngân nga

65
Cuối xuân ta lại tìm qua
Tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn
Sớm thu ta đánh đò sang
Bên đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa

66
Trúc thưa cổng gió ơ hờ
Em ra tựa cửa nghĩ chưa lấy chồng
Sông ơi xanh nhé một dòng
Mùa xuân cắp rổ ra đồng vớt hoa

67
Đường dài xao xác chim ca
Người còn khoác nón theo tà dương nao
Ván cờ bày trắng bông đào
Sao lên núi thẫm trăng vào chén không

68
Đồi thu vắt suối mây hồng
Chim xanh lác đác ngược dòng hoa tiên
Bấc sầu lửa lụn chờ em
Lệ xưa ai đã đổ nên dầu này

69
Đón em như ngóng chim trời
Bãi xuân sớm đậu chiều dời khói thu
Em còn áo trắng ngày xưa
Trong anh muôn thủa bao giờ lệ hoen

70
Khơi trầm thơm tụng kinh hiền
Máu xuân mạch lạnh trong miền xương da
Vườn chùa có nụ hàm ca
Sương khuya: pháp bảo trăng tà: vô môn

71
Mai tươi cánh nở bên cồn
Mưa bay lấm tấm cành hương trắng ngời
Thu đông tàng ẩn kho trời
Hạt rơi rụng ngọc cánh rời rã hoa

72
Cổng làng mở cánh sao sa
Nhã lan loáng thoáng tiếng gà xóm mai
Lên chùa dâng dĩa hoa nhài
Chợt viền trăng lạnh trên hài tổ sư

73
Chuông ngân chiều lặng trầm tư
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng
Điệu về tay giấu chùm bông
Gót chân đất phật trổ hồng hằng sa

74
Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện hương
Gió thu từ độ tha phương
Về trên hốc gỗ bên đường lặng im

75
Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay

76
Tình cờ như núi gặp mây
Như sương đậu cánh hoa gầy tiêu dao
Tỉnh ra thì giấc chim bao
Chuyện mười năm cũ lại nao nao lòng

77
Cành sen lá chĩu sương trong
Áo ni xám vạt trời hong buồn về
Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao

78
Đôi mày là phượng cất cao
Đôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ
Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
Tụng dòng kinh tuệ trên tờ khói mây

79
Tóc em rừng ngát hương say
Tay em dài nụ hoa lay dáng ngà
Mắt xanh bản nguyện di đà
Bước trầm hương nhẹ lẫn tà dương chim

80
Mắt nàng ru chiếc nôi êm
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em là hoa hiện dáng người
Tôi là cánh bướm cung trời về say

81
Một đêm nằm ngủ trong mây
Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
Cây bưởi trắng ngát hương đời
Nụ là tay phật chỉ người qua sông

82
Non xanh khoác áo sương hồng
Con chim điểm tuyết ngoài đồng vụt bay
Tiếng kêu lạnh buốt lòng tay
Ngón buông lại chợt tuôn đầy lòng hoa

83
Em bên cửa chuốt tay ngà
Cội lan đông mặc nở qua mấy nhành
Ngày em ướp áo hồ xanh
Con uyên tha thiết trên cành gọi thu

84
Ni về khép cửa chùa tu
Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng
Thu vương ngọn chổi đôi bông
Thoảng dâng hương lạ bướm vòng cánh duyên

85
Sư lên chót đỉnh rừng thiền
Trong tim chợt thắp một viền tà dương
Ngón tay nở nụ đào hương
Cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời


86
Một dòng hoa nổi trên trời
Một dòng hoa nở trong người trầm tư
Cánh nào mở cõi không hư
Phiến băng tuyết khảm một tờ kim cang

87
Thư em ướp nụ lan vàng
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa
Áo em phất cõi di đà
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ

88
Chênh vênh đầu trượng thiền sư
Cửa non khép ải sương mù bóng ai
Non xanh ướm hỏi trang đài
Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

89
Ngày xưa bên dậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
Năm sau em bỏ đi rồi
Ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn

90
Trên nền gạch nẻ rêu phong
Xưa phơi nhã điệu giờ hong đóa quì
Trẻ đào bãi cỏ xanh rì
Được thanh kiếm quỉ bao kỳ thu han

91
Non đem nhạn nhốt trong thành
Cho sông chưa trở yếm xanh dưới cầu
Người còn dệt lụa tằm dâu
Đêm nghe mưa rụng thiên thâu ngoài giàn

92
Núi nghiêng suối vắt tơ đàn
Nhìn ngoài thạch động mưa vàng lưa thưa
Nghiêng bình trà nhớ hương xưa
Từ vàng hoa nọ bây giờ vàng hoa

93
Sáng nghe lan rụng mái nhà
Chừng như mưa nhẹ núi xa mùa này
Đường về mù mịt ngàn mây
Về nam đôi cánh chim bay xạc xào

94
Mây dù chẳng chất non cao
Đường về dù chẳng sông đào nông sâu
Đêm đêm lòng dục nẻo sầu
Thềm trăng ngỡ tưởng hoa cau rụng thầm

95
Nhớ cha giọt lệ khôn cầm
Dưới trăng lấp lánh như trâm vân quỳnh
Nghiêng ly mình cạn bóng mình
Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay

96
Gối tay nệm cỏ nằm say
Gõ vào đá tụng một vài biển kinh
Mai sau trời đất thái bình
Về lưng núi phượng một mình cuồng ca

97
Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim

98
Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn

99
Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh

100
Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tâm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên.

 

Ở trên là lục bát. Nay đọc thử giòng thơ thất ngôn của họ Phạm xem sao:

Chim Quyên Từ Ðộ Bỏ Thôn Đoài

Chim quyên từ độ bỏ thôn Đoài
Quyên chẳng buồn thảm thiết gọi ai
Về núi Nam gặp cành hoa trắng
Quặn đau lòng ngó phiến tâm mai.

Đồi Cù
Thả gót giầy lãng đãng bên hồ
Trên đồi Cù thông rụng lá khô
Cơn sương trắng lùa ta mải miết
Xuống ven bờ phi hữu phi vô.

Đan Áo
Em ngồi đan chiếc áo len xanh
Hẹn gió thu về gửi tặng anh
Rồi bỏ đó em vào thiên cổ
Anh một đời ngóng áo thiên thanh.

Phơi Áo
Xưa em phơi áo giữa thu phong
Lá vàng cài trên lụa rực hồng
Nay áo đã cuốn về thiên cổ
Lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.

Trăng Úa

Ðã chớm vào thu sương chẳng bay

Sương rơi ngày đó lạnh ngày nay

Những đêm thức giấc nhìn trăng úa

Tưởng lửa rừng xa đốt giữa mây.

Hoang Phế

Ven núi vàng trơ mấy bức tường

Chiều chiều nắng lụn cú  kêu sương

Có con bướm trắng vương nền cỏ

Lẫn giữa ngàn lau dõi chút hương.

Và đây, ngũ ngôn. Bài thơ lãng mạn và buồn nhất của một người ỡm ờ chênh vênh giữa hai cõi đời-đạo:

Vết Chim Bay

Ngày xưa anh đón em

Nơi gác chuông chùa nọ

Con chim nào qua đó

Còn để dấu chân in

Anh một mình gọi nhỏ

Chim ơi biết đâu tìm

Mười năm anh qua đó

Còn vẫn dấu chân chim

Anh một mình gọi nhỏ

Em ơi biết đâu tìm

Ngày xưa anh đón em

Trên gác chuông chùa nọ

Bây giờ anh qua đó

Còn thấy chữ trong chuông

Anh khoác áo nâu sồng

Em chân trời biền biệt

Tên ai còn tha thiết

Trong tiếng chuông chiều đưa

Ngày xưa em qua đây

Cho tình anh chớm nở

Như chân chim muôn thuở

In mãi bực thềm rêu

Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tướng

Hay một vết chim bay.

Còn bài này thì ai cũng biết, vì đã được Phạm Duy phổ nhạc. Tựa của bài thơ và bản nhạc rất hay: Ngày Xưa Hoàng Thị và ba dấu chấm (…). Nếu thêm chữ Ngọ vào để thay cho ba dấu chấm thì mất hay ngay. Nàng tuổi Ngọ, tên Ngọ. Con gái mang cái tên này thì chẳng được đẹp cho lắm. Cho nên không tiện đưa vào tựa đề. Tuy vậy, trong bài, thi nhân cũng “thành thật khai báo” tên thật của người yêu; rồi từ đó, tên cô đi vào thi và ca. Tên Ngọ trở nên nổi tiếng và được mọi người nhắc tên, gọi tên, khi hát bản nhạc dễ thương mà buồn thấm thía này. Trong nhạc, Phạm Duy đã thay đổi và lược đi khá nhiều. Sau đây là bài thơ nguyên thủy:

Ngày Xưa Hoàng Thị… 

Em tan trường về

Ðường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang

Áo tà nguyệt bạch

Ôm nghiêng cặp sách

Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài

Gót giầy thầm lặng

Ðường chiều úa nắng

Mưa nhẹ bâng khuâng

Em tan trường về

Cuối đường mây đỏ

Anh tìm theo Ngọ

Dáng lau lách buồn

Tay nụ hoa thuôn

Vương bờ tóc suối

Tìm lời mở nói

Lòng sao ngập ngừng

Lòng sao rưng rưng

Như trời mây ngợp

Hôm sau vào lớp

Nhìn em ngại ngần

Em tan trường về

Ðường mưa nho nhỏ

Trao vội chùm hoa

Ép vào cuối vở

Thương ơi vạn thuở

Biết nói chi nguôi

Em mỉm môi cười

Anh mang nỗi nhớ

Hè sang phượng nở

Rồi chẳng gặp nhau

Ôi mối tình đầu

Như đi trên cát

Bước nhẹ mà sâu

Mà cũng nhòa mau

Tưởng đã phai màu

Ðường chiều hoa cỏ

Mười năm rồi Ngọ

Tình cờ qua đây

Cây xưa  vẫn gầy

Phơi nghiêng ráng đỏ

Áo em ngày nọ

Phai nhạt mấy màu?

Chân theo tìm nhau

Còn là vang vọng

Ðời như biển động

Xóa dấu ngày qua

Tay ngắt chùm hoa

Mà thương mà nhớ

Phố ơi muôn thuở

Giữ vết chân tình

Tìm xưa quẩn quanh

Ai mang bụi đỏ

Dáng em nho nhỏ

Trong cõi xa vời

Tình ơi tình ơi!

hvln

Advertisement