Bà ngoại tôi ở Việt Nam là người rất giỏi về nữ công gia chánh . Thêu , may , đan , móc gì bà cũng biết nhưng có lẽ giỏi hơn hết là nấu ăn .Ngoại là thợ nấu đám tiệc có tiếng ở xứ tôi . Rất nhiều người đặt Ngoại tôi nấu đám cưới , đám hỏi . Đôi khi Ngoại nhận luôn những khoản làm bánh này nọ . Ngày gần tết bếp nhà tôi luôn đỏ lửa do những người ngoài chợ hay đặt Ngoại tôi làm kẹo chuối và mứt tết .Vào cái thời khó khăn ngày cũ gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn vài người khác cũng là nhờ vào những khoản thu nhập phụ ấy .
Ngay trong bữa cơm gia đình thay vì nấu nướng những món ăn truyền thống như bao nhiêu người chung quanh . Ngoại tôi luôn chế biến chúng thành nhiều kiểu khác nhau . Tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ con tôm càng được làm từ mì căng . Những khúc mía lót phía dưới nồi cá kho vừa tiết kiệm được gia vị vừa làm món ăn ngon lạ .
Ngày còn nhỏ những lúc đi nấu đám gần nhà Ngoại hay dẫn tôi theo . Tôi được giao nhiệm vụ lột tỏi , lặt rau hoặc đơn giản lon ton đi pha ly nước chanh khi Ngoại cần . Ngoại tôi hiền hòa vui vẻ là thế nhưng lại rất khó tính trong những vấn đề bếp núc .Chỉ chuyện lặt rau cũng có lắm kiểu mẫu bắt buộc . Nước chanh cũng phải pha độ chua sao cho vừa uống , phải loại chanh gần chín thì mới ngon . Lớn lên một chút được sai đi chợ mua những thứ vặt vãnh .Phần đi chợ càng khó hơn tôi luôn thuộc lòng cái câu . Hành thì phải là hành hương lá nhỏ . Ớt thì phải ớt hiểm còn mướp phải suông thẳng , khổ qua phải nở gai . Dưa leo cuống phải tươi và năm , bảy thứ li ti khác . Mua không đúng thì về thế nào cũng bị la cho một trận . Để rồi hôm nay khi chỉ cần nhìn miếng thịt tôi biết nó nằm ở vị trí nào . Nhìn con cá biết ngon dở ra sao , trái cây thế nào là chín tự nhiên vv.vv thì tôi mới thấy mang ơn lắm cái sự khó của Ngoại tôi ngày xưa .
Tới chừng qua đây ngỡ đã không còn phải dính gì tới cái bếp . Ai dè lại gặp Mom của tôi bây giờ .Vốn có tổ tiên xuất thân từ đầu bếp chốn cung đình thời phong kiến. Mom tôi rất sành ăn và hiểu rõ về ẩm thực . Nhiều lần ăn một món ăn Mom tôi biết được người nấu thuộc vùng miền nào trong quốc gia nổi tiếng về thức ăn ấy .Bát bửu kỳ trân gia vị ra sao xuất xứ thế nào Mom đều có thể nói vanh vách . Vậy là dù muốn dù không tôi cũng bị ảnh hưởng . Dĩ nhiên tôi rất thích ăn , chuyện múa chảo không vấn đề gì . Dù so với hai đại nhân vật ấy tôi hãy còn kém xa .
Theo trật tự muốn ăn thì phải lăn vô bếp mà trước khi lăn vô bếp thì phải đi chợ . Chuyện đi chợ này lại phát sinh lắm thứ và cũng năm bảy kiểu . Chẳng biết có phải do thói quen ngày nhỏ hay không mà khi lớn lên tôi lại rất thích đi chợ . Mặc dù nhiều người than phiền đi chợ vừa đông người dễ bị mệt vừa đi tới đi lui chọn thực phẩm và mang xách đủ thứ linh tinh phiền phức . Khi qua đây chuyện đi chợ trở thành một trong những cái ”thèm ” của tôi . Công nhận mà nói đi mua thức ăn ở những siêu thị thật sự khoẻ hơn . Có thể điệu đà bận váy chấm gót vừa đẩy xe vừa nghe Baby one more time .Không cần bận lòng vì tất cả đều sạch bóng . Nguồn gốc hàng hóa , cân lượng đã được ghi rõ ràng . Đôi khi tự nhiên nổi cơn chán không muốn nấu nữa , cứ bỏ xe đó ra về không ảnh hưởng hay làm phiền lòng ai .
Làm con người ai mà không có những lúc buồn bực . Ai cũng có những cách ứng phó chịu đựng riêng . Nhiều lúc chẳng cần làm gì nó cũng qua . Riêng tôi phương pháp chống lại nỗi buồn là ăn .Nghe qua thì đúng là tức cười nhưng biết làm sao được , ai mà không có cái lập dị . Hậu qủa của sự chống nỗi buồn ấy là tôi suýt nhập viện mấy lần vì bội thực . Chẳng nhớ nỗi bao nhiêu lần người phục vụ quán ăn nhìn chồng dĩa trên bàn ăn của tôi với ánh mắt đầy ngạc nhiên .Những lúc gặp chuyện gì không vừa ý thì tôi đi chợ . Lang thang vơ tay chất đầy một xe thức ăn .Về nhà lui cui bày ra nấu , nghe tâm trạng nhẹ hẳn đi .Bận rộn chế biến khiến nỗi bực mình cùng cái máu cà chớn của tôi dịu lại rất nhiều . Bởi vậy cứ thấy tôi gọi điện rủ bạn bè lại ăn hay nấu cả bàn thức ăn thì Dad và Mom tôi biết tôi đang gặp chuyện gì đó không vui .
Mấy năm trước tôi qua cái xứ này sống vì công việc . Điều đáng nói nơi này có chợ để cho tôi đi . Chợ đúng kiểu châu á chính gốc kìa nhe và nằm gần nhà tôi . Vậy là tôi bắt đầu trở lại sự nghiệp đi chợ của mình .Khu chợ tôi đi đa số người bán là dân bản xứ. Thời buổi quay về với thiên nhiên nên chợ luôn nhộn nhịp . Người ta thích mua những thứ có nguồn gốc dân dã hơn ngoại nhập và những câu chuyện từ chợ bắt đầu .
Tôi thường mua rau ở một cái sạp quen và tôi gặp em nơi đó . Em là con gái của hai vợ chồng bác chủ sạp . Em gầy gầy vóc dáng nhỏ nhắn chừng 17 tuổi và em có một đôi mắt rất đẹp với cái rèm mi cong cong rợp bóng . Em theo đạo hồi nhưng không phải cực đoan nên chẳng trùm kín mặt mũi . Nhưng mái tóc thì vẫn luôn được quấn gọn giấu kín sau lớp khăn choàng . Tôi cứ hay tưởng tượng nếu em xõa mái tóc ấy ra . Bận những quần áo theo giới trẻ hiện đại chớ không phải bộ đồ truyền thống kín như bưng không ló được cái cổ ấy thì hẳn là em rất xinh đẹp .Đời đôi khi trớ trêu như vậy , người có nhan sắc long lanh lại bị mai một . Trong khi lắm kẻ bỏ bạc ngàn để nâng , thổi , kéo , vá rồi mang ra khoe mà vẫn xấu không đở nổi .
Những lần tôi mua rau lúc tính tiền em luôn lấy số chẵn và bỏ đi những xu lẻ . Điều khiến tôi ngạc nhiên khi thối tiền em dùng cả hai tay để đưa kèm lời cám ơn . Đặc biệt hơn em không gọi tôi bằng : Miss… như thông lệ mà dùng một từ bản xứ. Tôi vẫn hiểu từ đó có nghĩa là trân trọng thuộc nhóm từ cổ . Nhưng tôi đâu có cái gì để khiến em phải lịch sự tới như vậy . Tôi chỉ là kẻ tới đó kiếm gạo thì đào đâu ra cổ xưa . Không nén nổi tò mò nhân một bữa ít khách mua hàng . Tôi mời em đi uống café cùng mình và đem đều đó ra hỏi và được em giải thích nguyên do .
Thì ra cái khu đồi tôi ở ngày xửa ngày xưa là của ông vua xứ này cho cô con gái làm của hồi môn . Hèn chi nó có cái tên địa phương là : Đồi Công Chúa , đường Công Chúa , hồ Công Chúa …Trải qua bao bể dâu thì nó trở thành khu nhà như hàng trăm khu nhà khác . Em bảo nàng Công Chúa ấy theo truyền miệng là sống rất tốt với những người dân quanh vùng và ban đất đai cho họ trồng trọt . Thành ra như một luật bất thành văn những người họ luôn dành tình cảm ưu ái cho những người ở khu đó . Bà công chúa ấy cũng theo đạo hồi như em nên chả trách em ngưỡng mộ bà ta đến thế .Cuối câu chuyện em còn kể tôi nghe ngày nhỏ em từng mơ làm công chúa . Trong cái nắng ban chiều nhìn ánh mắt và nụ cười ẩn hiện của em khiến tôi mơ màng nghĩ nàng Công chúa ngày cũ chắc cũng xinh xắn thánh thiện đến thế là cùng .
Bẵng đi một thời gian tôi không thấy em nữa . Lúc đầu tôi ngỡ em bận học hay gì đó .Một thời gian sau vẫn không thấy em không nén được tò mò tôi hỏi mẹ em . Mẹ em bảo em đi lấy chồng rồi . Một cuộc hôn nhân tạm gọi là do tôn giáo tác hợp như là một sự vinh dự . Chồng em là người có địa vị giàu có . Bà niềm nở lấy bức ảnh ngày hôn lể khoe với tôi Nhìn vào bức ảnh tôi thấy một ông bệ vệ béo tốt . Không cần nói cũng biết già hơn em rất nhiều . Tôi ngán ngẫm khi nhìn những phục trang rườm rà có phần phô trương , khoe khoang của ông ta .Tôi nghe có chút buồn chen lẫn mừng cho em đã tìm được nơi yên ấm gởi thân . Bởi tôi hiểu những vấn đề tín ngưỡng tôn giáo rất khó đụng chạm . Nói chi ấy là một tôn giáo khép kín và không coi trọng đàn bà con gái .
Vài tháng sau gia đình em sang lại sạp rau cho người khác . Tôi vẫn ghé mua rau ở nơi ấy , đôi lúc cũng thoáng nghe nhớ em . Cho tới một hôm hình như gần hai năm sau , ngay ở sạp rau cũ tôi gặp em . Nếu em không gọi , tôi chắc không nhận ra em với chiếc xe đẩy trẻ con bên cạnh.
Mười phút sau tôi và em yên vị trong quán café gần chợ y như ngày nào. Sau năm ba câu chuyện xã giao thì tôi hỏi thăm em về cuộc sống hiện tại . Im lặng , e dè một chút rồi mắt em ngân ngấn lệ .Sau đó thì từng giọt lệ thi nhau rơi xuyên suốt câu chuyện em kể . Em là vợ thứ ba của chồng em . Những người đàn ông đạo hồi có quyền lấy bốn vợ miễn họ có đủ khả năng kinh tế . Mặc dù trên giấy tờ luật pháp thì chỉ có một bà được đứng tên . Em được yêu thương vài tháng đầu tiên đến khi em sinh được đứa con gái . Đã vậy đứa trẻ lại bị chút dị tật ở chân dù không nghiêm trọng lắm . Không cần em diễn tả nhiều tôi cũng hiểu những buồn phiền , ruồng rẫy mà em phải chịu đựng . Chồng em đã cưới thêm bà vợ thứ tư vào vài tháng trước . Em trở thành cái bóng mờ nhạt trong mắt chồng . Càng nhạt nhòa hơn so với ba bà vợ già đời , khôn khéo kia.
Em bảo em nhớ chợ , nhớ không khí ngày cũ và nhiều thứ nữa trong đó có cả tôi . Em ước phải chi quay ngược thời gian trở về thời son giá . Tôi cố lôi năm ba câu chuyện ra kể để lấn át cái không khí u hoài đang bao phủ . Tôi muốn nói với em rất nhiều điều toàn là những thứ nhân quyền tự do . Toàn là cái tư tưởng phụ nữ luôn được ưu tiên số một vv và vv. Nhưng tôi đành bất lực và im lặng nói gì bây giờ khi tôi và em được giáo dục và trưởng thành trong hai quốc gia khác biệt . Nói gì khi mà tôi và em tồn tại trong hai môi trường sống hoàn toàn đối lập .Và nói gì bây giờ …chẳng lẽ kêu em vứt bỏ cái lão chồng đó vào sọt rác và tìm lại chính mình . Chẳng thể nào bởi dù tôi có nói cũng không thể gở giúp được em những tư tưởng được nhồi nhét bằng cái gọi khuôn khổ .
Sau đó tôi đưa em về nhà . Tôi phải ngừng xe một đoạn cách cửa nhà em khá xa bởi chồng em không vui lòng cho em giao lưu với bất cứ ai . Trong nắng chiều tà tôi nhìn theo cái bóng gầy gò của em đẩy chiếc xe trẻ con . Màu áo đen tuyền buồn thảm , ảm đạm .Tự nhiên tôi liên tưởng ngày xưa người ta đưa người yêu sang sông trong cái bài hát nào đó thời bé tôi từng nghe .Chắc cũng chua xót tới thế thôi là cùng . Bóng em khuất rồi mà tôi vẫn còn ngồi im trong xe với mớ suy nghĩ . Tôi nghe nhớ qúa cô bé có đôi mắt đẹp ngày cũ , nghe thèm cái nụ cười của ngày xưa cùng cái ước mơ trong veo rằng : Em từng mơ làm công chúa .
Sau lần đó tôi không còn gặp em nữa ,dù tôi có cho số phone và dặn em gọi khi em cần tôi . Tôi cũng không ghé sạp rau ngày cũ . Tôi sợ cái tính nhạy cảm của mình khi nghĩ em bây giờ ra sao hoặc nhớ chuyện ngày cũ rồi nghe tiếc nuối này nọ . Tôi chuyển qua mua rau ở cái sạp cuối góc chợ của một dì cở tuổi mẹ tôi ở Việt Nam .
Một lần tôi ghé sạp thì tôi gặp dì đang bán hàng cho một bác gái lớn tuổi hơn dì một chút . Bác gái ấy ăn bận rất loè loẹt màu mè so với độ tuổi . Có một cô bé nho nhỏ người giúp việc đi cùng . Ngạc nhiên một chỗ là bác gái đó lại xoen xoét trả giá mới lạ , bỏ lên bỏ xuống đôi ba lần một bó rau . Thánh thần ơi , tôi cứ ngở cái vụ ” nghệ thuật trả giá ” ấy chỉ có ở chợ quê tôi không hà . Những nơi này người ta cứ theo giá ghi sẵn thậm chí không cần nhìn .Bên bán nói tổng cộng bao nhiêu bên mua trả rồi xong .Càng lạ hơn là dì bán cũng nhiệt tình kỳ kèo không kém .
Cuối cùng rồi cuộc mua bán ấy cũng kết thúc . Khi tính tiền cho tôi chắc thấy ngại khi tôi ôm mớ rau củ đứng chờ từ nãy giờ .Dì bán rau phân bua , giải thích :
– Bà ấy là người cùng một miền với tôi , cũng di dân qua đây . Hai vợ chồng cực khổ nuôi mấy đứa con giờ chúng đều có công ăn việc làm tốt và hiếu thảo . Xưa giờ bà ấy đều mua rau của tôi . Ba năm trước ông chồng bị đột qụy qua đời . Một năm sau bà ta mắc bệnh giảm trí nhớ của người già mặc dù bà vẫn còn khoẻ mạnh . Con cái chạy chữa cũng không bớt được bao nhiêu . Bệnh ngày càng nặng phải thuê người luôn ở cạnh . Sợ bà ta đi đâu quên mất đường về thì khổ . Trong trí óc của bà ta thì bà chỉ mới mười mấy tuổi . Ở nhà bà gọi con mình bằng anh / chị và cứ ngỡ chợ này là bên quê nhà . Bỡi vậy cứ khoái ăn bận bông lá cành và mua thì phải trả giá đỏng đảnh như vậy .
Dì bán rau chép miệng nói tiếp :
– Đôi ba đồng bạc đâu có nghĩa lý chi ở xứ này . Thôi kệ , đồng hương với nhau , nói chứ cũng nhờ bà ta như thế mà tôi thấy vui . Vài bữa không thấy bà là nghe mong . Bỡi vậy tôi cũng kỳ kèo cho đã cái sự nhớ quê của mình .Ở đây nói bao nhiêu tiền người ta trả xong rồi đi . Ai cũng bận rộn ít khi nói chuyện . Tôi lại không rành tiếng lắm cô ơi …
Tôi nhớ trong vốn Tiếng việt của mình thỉnh thoảng người ta hay dùng những chữ ” dân chợ búa ” như một ý ngầm chê bai miệt thị ai đó .Tôi biết không gì là tuyệt đối nhưng tự nhiên tôi cứ suy nghĩ hoài . Một người bán rau lại có thể vì cái gọi là tình đồng hương mà chịu nhận phần thiệt về mình dù chỉ là vài đồng bạc . Đơn giản cho người kia vui mà không cần đáp trả cũng như đối tượng được nhận không bao giờ đủ đầu óc để hiểu được tình cảm ấy .
Thỉnh thoảng vô tình nghe trên radio hay tivi chương trình về bình luận kinh tế thì tôi chuyển kênh khác . Trên báo mà thấy mục đó tôi cũng né sang trang kế tiếp . Tôi chán ghét cái luận điệu ra rả của những ông / bà ăn học trên mây . Bằng cấp chất đống , bàn luận kinh tế đang lên theo a,b, c . Cũng như vài ông chính khách đánh giá tình hình dân chúng an cư , lạc nghiệp . Dư ăn , dư mặc dựa theo chỉ tiêu nào đó .Nhiều khi tôi nghĩ theo cái đầu hạn hẹp của mình cứ ra chợ thì biết người dân sống ra sao . Cần gì theo mấy cái chỉ số ba xạo đó cho mệt . Hãy nhìn những người đàn bà ngược xuôi đi lên , đi xuống ở chợ . Nghe họ than cái chi cũng mắc qúa không biết mua gì .Những gương mặt nhẩm tính con số khi lật ngược con cá , bóp đầu con mực với mong muốn thêm chất tươi cho gia đình .Đó là câu trả lời tốt nhất cho biết kinh tế lên hay xuống , cũng như đáp số của sự lạm phát vào những năm gần đây .
Cuối tuần trước , tôi nhận lời nấu món tôm xốt giúp vợ người bạn .Nhân dịp sinh nhật con chị , nhằm vào tối ngày hôm nay . Sự thật mà nói tôi cũng không thật lòng thật dạ muốn giúp người ta . Chồng chị là một đối tác của công ty tôi . Làm năm bảy cái hợp đồng đều trôi chảy thuận lợi . Bên ấy rất thông cảm khi xảy ra những sát xuất phát sinh . Nên tôi tính nhân dịp chị nhờ làm chút gì đó coi như một cách cám ơn . Nghĩ vậy nên tôi giành luôn phần mua tôm viện cớ thuận đường và chính mình chọn sẽ tốt hơn .
Chiều nay , trời xế nắng tôi tới tiệm hải sản thường mua nằm trong chợ . Tôi đã đặt sẵn size lớn cũng như vẫn còn tươi sống . Vậy mà ra tới nơi dì bán hàng cáo lỗi lý do mưa gió không có loại tôm tôi yêu cầu . Tôi phải chịu khó lựa những con tôm ưng ý trong mớ tôm đủ cở lớn nhỏ đang bơi lội trong cái hồ kiếng còn sót lại mấy hôm nay . Tôi đành vớ tay lấy cái kẹp sắt rồi đi ra phía trước cửa tiệm .
Và … tôi trông thấy em , một bé gái nhỏ với mái tóc buột hai chùm xinh xinh đang đứng ngắm tôm cá bơi lội . Nhìn đôi mắt một mí và kiểu áo em đang bận tôi dễ dàng đoán được em là người gốc Hoa . Thấy tôi bước tới em khẽ nhích người qua nhường lối . Tôi bắt đầu công việc của mình .Tôi kẹp được một con tôm để ra thau thì em đã đến đứng cạnh tự khi nào và em hồn nhiên chỉ tôi : Chị ơi , con này lớn nè . Thấy em hoạt bát tôi đâm ra thích . Sau câu : Hi baby , tôi hỏi em vài chuyện để giết thời gian . Em bảo mẹ đang mua rau đằng kia dặn em đứng đây đợi . Em cũng hỏi tôi lý do tại sao phải dùng kẹp bắt những con tôm trong hồ . Tôi tài lanh tài lẹ làm ra vẻ người lớn giỏi giang giải thích với em :
– Chị cần mấy con tôm này bởi tôm chết thịt bở và nhạt . Còn mấy con tôm nhỏ , nấu xong teo lại chút xíu thịt thà đâu mà ăn . Hải sản bao giờ cũng phải tươi sống như vầy mới ngon .
Câu chuyện đang nói dỡ dang thì em bỏ tôi ngồi đó chạy ngược ra phía trước tiệm vì mẹ em trở lại . Sau đó chị đứng chọn lựa cá cũng ở tiệm hải sản ấy . Em đứng bên cạnh không ngừng luyến thoắt . Tôi nghe và nói được thứ tiếng mẹ đẻ của họ mặc dù tôi không hề có miếng máu bông hoa gì hết trong người . Tôi có học qua và biết thế thôi .
Tôi nghe em bảo với mẹ rằng muốn ăn tôm . Có lẽ chiều lòng con chị xoay qua lựa những con tôm đông lạnh trong tủ đá kế cạnh . Em vô tư nói lại y chang cái câu tôi vừa nói với em : Tôm chết thịt bở và nhạt . Hải sản phải luôn tươi sống ….và chỉ vào hồ kiếng đựng tôm. Tôi thấy mẹ em hỏi dì chủ tiệm giá những size tôm khác nhau . Chị khẽ nhíu mày nhưng chị cũng bước tới lấy kẹp sắt và gắp vài con nho nhỏ . Em hỏi mẹ sao không gắp những con lớn và tiếp tục nói thêm cái câu khi nãy tôi vừa nói : …mấy con tôm nhỏ nấu xong teo lại chút xíu thịt thà đâu mà ăn . Tôi nghe tiếng mẹ em khe khẽ giải thích rằng những con tôm đó mắc , hứa lần khác sẽ mua . Nhưng em vẫn khư khư , nằng nặc đòi mẹ chọn những con tôm ” giống như chị kia ” .
Bất chợt chị đứng bật dậy cho ngược cái thau đựng tôm trở vào hồ kiếng cùng câu cáu gắt : Không tôm cá gì hết , lần sau ở nhà không dẫn đi chợ nữa . Chị nhanh chóng hỏi và trả tiền mớ cá mua khi nãy . Tôi len lén nhìn họ . Tôi thấy nước mắt em chảy dài trên gương mặt cùng tiếng nấc và mẹ em mắt cũng đỏ hoe . Bỏ vội bịch cá vào giỏ chị nắm tay em kéo đi thật nhanh ra khỏi tiệm .Tôi nhìn theo và bắt gặp đôi mắt em như một dấu hỏi vẫn ngoáy lại nhìn về hướng tôi dù khoản cách đang dần xa .
Bao nhiêu hào hứng trong người tôi tan ra hết . Tôi bỏ cái kẹp xuống thau và ngồi thừ ra đó . Nói đúng hơn là tôi ước phải chi đất nó nứt ra để tôi chui xuống . Tôi đâm ra ghét tôi và ghét luôn những câu nói khi nãy trót lỡ nói với em .Tôi gọi tính tiền . Đã vậy khi cân tôm dì chủ tiệm còn than thở thêm thời buổi ngày càng khó khăn . Người mua khổ người bán cũng khổ vì ế ẩm cùng năm , ba chuyện linh tinh giá cả món này , món nọ đang lên , sắp lên .
Thú thật lúc nãy tôi muốn gửi tặng em vài con tôm trong số tôm đã chọn mà tôi không dám mở lời . Tôi sợ nếu tôi nói ra thì chẳng khác nào thú nhận với mẹ em rằng tôi nghe và hiểu hết được những gì chị và em nói . Trên hết tự ái và sĩ diện luôn là con dao hai lưỡi rất sắc bén . Không khéo tôi lại gián tiếp tổn thương người khác .Dù mục đích ấy được tôi cho là tốt đẹp . Biết đâu mẹ em chẳng thèm nhận và càng làm chị buồn thêm vì những cái được gọi là tế nhị . Tôi tin so với số tiền trong ví của chị giá một cân tôm không là gì cả .Nhưng tôi thấu hiểu khoản tiền ấy đôi khi không hề nhỏ trong cái đề mục ” tiền đi chợ ”. Khi những người đàn ông lo lắng trước tỷ lệ thất nghiệp đang lên cao thì những khoản hầm bà lằn được gọi là chi tiêu gia đình trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đàn bà .
Trong thoáng chốc tôi nhớ lại ngày nhỏ còn ở Việt Nam . Tôi cũng từng nhiều lần hỏi Ngoại tôi là : Tại sao nhà mình cứ ăn cá hoài mà không mua thịt ăn . Những lúc như vậy Ngoại tôi thường gạt ngang bằng câu nói : Khi nào lớn sẽ hiểu và ánh mắt Ngoại tôi cũng buồn cũng đỏ hoe như mẹ cô bé lúc nãy . Bây giờ tôi chẳng những hiểu mà còn rất hiểu là tại sao ngày nhỏ Ngoại tôi bảo tôi đi chợ mua này nọ . Nhưng ít khi bà dẫn tôi đi chợ cùng dù tôi năn nỉ xin theo . Tôi đã có lần đứng nhìn một hàng quán nào đó rất lâu . Từng khóc oà nức nở khi không đủ tiền mua quyển truyện tranh Nàng Tiên Cá . Đoạn đường từ chợ ra bãi đậu xe chiều nay hình như rất dài và bịch tôm trên tay tôi trở nên thật nặng nề .
………
Tới nhà chị bạn sau khi tiệc tan , tôi định ở lại một chút để nói chuyện phiếm với chồng chị về vài vấn đề liên quan công việc . Lúc ra phía bếp rửa tay tôi thấy chị giúp việc đang dọn dẹp cùng cái thùng rác nằm bên cạnh . Trên đống chén dĩa , thức ăn thừa mứa , vương vãi đầy ra đó . Trong đó có cả những con tôm xốt của tôi . Chúng nằm chơ vơ trên dĩa một vài con mất khoảng thịt nhỏ . Nhiều con vẫn còn y nguyên lẫn trong những thức ăn thừa hỗn độn khác .Chị bạn thì đứng cạnh cửa sổ nhà bếp hướng mắt ra vườn nói phone với ai đó bằng giọng hể hả :
– Mấy mụ đó mở miệng khoe giàu , khoe hột xoàn như thể ta đây ngon lắm . Vậy mà bữa sinh nhật con bà chị chồng , dọn lên chỉ thấy cá với gà cùng vài thứ mắc dịch gì đâu không hà .Gắp mới hai đũa thì sạch dĩa . Lần này chị chơi đủ món cho mấy mụ đó biết mặt . Nhà này thấy vậy chớ tiền không thiếu . Giàu mà trùm sò giống họ hả hổng có vé với chị .
Lúc nấu thức ăn tôi đã ngạc nhiên trong bụng mà không dám hỏi . Chỉ là sinh nhật trẻ con và đa số là người trong gia đình mà sao lượng thức ăn gấp đôi số khách . Chưa nói toàn những món cầu kỳ , mắc tiền . Bây giờ tôi đã có câu trả lời . Thì ra những món ăn ấy được nhắm cho ba mẹ đi kèm đám trẻ . Chúng không đơn thuần chỉ được phục vụ cho ăn uống mà được phục vụ có cái : ”Nhà chị lớn , nhà anh cao nhưng sao giàu bằng nhà tui ” . Một thứ tranh cao thấp, hơn thua rất thường thấy của những người đàn bà trong một đại gia đình dư giả về kinh tế .Nhớ tới câu chuyện hồi ban chiều ở chợ tôi lại thở dài tập hai . Nên đành lấy cớ nhức đầu , chóng mặt cáo từ ra về hẹn dịp khác sẽ trò chuyện nhiều hơn .
Trên đường về , tôi lái xe chầm chậm với những suy nghĩ không đầu , không đuôi . Tự trấn an những buồn phiền vu vơ đang dâng lên trong lòng bằng triết lý muôn thuở : Đã gọi là xã hội thì chuyện không công bằng là bình thường . Rồi nghe như chưa yên lòng lại lôi tiếp cái câu mà Ngoại tôi ngày xưa hay nói : Người ăn không hết kẻ lần không ra …để đè nén lòng mình .Cuối cùng cố mà gói gọn vào hai chữ : Đời mà …Để biện hộ , để giải thích cho một cái gì đó mà chính tôi cũng không biết rõ .
Khi xe tôi chạy ngang qua chợ . Theo quán tính tôi dừng xe lại bên lề đường tính ghé vào mua ít củ sen về hầm canh ngày mai . Phía trước chợ vẫn còn một vài cái shop bán những thứ linh tinh chưa đóng cửa và có khá đông người đứng mua . Mở cửa xe để chân xuống rồi tôi lại co chân lên . Tôi tự nói với chính mình : Thôi không ghé chợ nữa . Ngày mai bắt đầu đi mua thức ăn ở siêu thị cho yên thân . Thay vì rút chìa khóa ra khỏi xe như dự định tôi lại xoay ngược chiều và nổ máy trở lại , đạp ga lướt đi .
Đêm nay , chắc hẳn lại là một đêm khó ngủ ….
Song Nhi
17/ 11/ 2013