Bên Kia Sông-3

Chiều xuống thật chậm. Đứng sau nhà Vấn nhìn qua bên kia sông. Ngôi đồn hiện lên mập mờ. Nhờ Thiếu ra lịnh cho lính với sự giúp đỡ của dân, con lộ đất ngày xưa đầy cỏ mọc đã được phát

hoang thành ra sạch sẽ và trống trải hơn. Chiếc cầu ván cho ghe xuồng cặp vào cũng được xây mới, rộng, chắc chắn và lớn hơn gấp đôi. Lính, noi gương cấp chỉ huy đã qua lại thường xuyên, tử tế và cũng tỏ ra dễ chịu hơn. Điều đó khiến cho dân chúng ở xóm nhà lá tín nhiệm và thân thiện với lính hơn. Tình cảm giữa lính bên kia sông và dân bên này sông nẩy nở một cách tuy chậm chạp song có dấu hiệu tốt đẹp. Điều đó tới tai những người lính ở trong bưng biền. Đêm qua, Nghiêm trở về thăm nhà. Trái với lệ thường, anh đã ở lại suốt đêm, tới tờ mờ sáng mới vội vàng đi. Trong câu chuyện của Nghiêm với các đồng chí, chị biết anh trở về với mục đích quan trọng là dò xét, nghe ngóng rồi điều nghiên một sách lược để đối phó với lính bên kia sông. Chị nghe họ nhiều lần nhắc tới Thiếu bằng danh từ ” thằng sếp đồn, trưởng bót, lính ngụy…”. Điều đó khiến chị lo âu cho Thiếu. Có chồng theo cách mạng song không hiểu vì sao chị lại lo lắng cho Thiếu. Dường như tận đáy lòng chị sợ điều mà anh muốn làm sẽ bị cản trở. Thiếu, đã không còn gọi  xóm nhà lá hay xóm nhà bên kia mà anh gọi đùa một cách thân mật là ” xóm của chị ”. Điều đó làm cho Vấn cảm động. Chị ngồi nghe anh nói sẽ giúp cho dân trong xóm của chị mỗi người có đủ đất đai để trồng rau cải đem lên tỉnh bán. Cải thiện đời sống nghèo khổ của dân là mục đích chính của Thiếu. Khi đời sống của dân có chút khá giả, Thiếu sẽ tính tới chuyện lớn hơn là mở lớp dạy học cho con nít và anh đề nghị chị trở thành cô giáo làng. ” Tôi mà dạy gì… Tôi dạy tôi chưa được thì làm sao dạy người khác…” Dù nói như vậy song chị biết khó mà từ chối lời năn nỉ của Thiếu vì biết việc anh làm mang lại ích lợi cho con nít trong xóm. Vấn không hé môi tiết lộ những dự tính của Thiếu cho Nghiêm nghe. Chị biết chồng sẽ phản đối. Chồng theo cách mạng, chị không ủng hộ thì thôi chứ không được theo phe địch. Có một điều mà Vấn nhận thấy và rất phật lòng là cách mạng chỉ muốn người dân ở trong xóm của chị cứ phải sống mãi trong tình cảnh nghèo khổ và tăm tối. Cái ý muốn đó rất phản cách mạng song lại được Nghiêm và các đồng chí của anh hưởng ứng cũng như tìm đủ mọi cách để giữ nguyên hiện trạng bần cùng của xóm của chị. Bần cùng hóa nhân dân là một điều rất phản cách mạng song lại được cách mạng duy trì và áp dụng triệt để vì sợ nếu dân làng được sống sung túc, có chút hiểu biết sẽ xa rời khi hiểu rõ bộ mặt thật của cách mạng.

Sáng hôm qua, Thiếu có nói cho Vấn biết anh sẽ đi phép ba ngày về thăm nhà cũng như lên trên quận có chuyện cần. Sự vắng mặt của anh khiến cho chị cảm thấy lẻ loi và cảm thấy hụt hẫng một cái gì, thiếu mất một cái gì thân quen. Chị và hai đứa nhỏ đã quen những bữa cơm trưa, chiều với Thiếu. Chị đã quen nghe giọng cười thân thuộc của anh. Hậu, đứa con trai út đã quen ôm cổ Thiếu đi vòng vòng trong xóm. Nhờ Thiếu mà con Hạnh có quần áo mới khoe với bạn bè. Nhờ sự giúp đỡ của anh và những người lính bên kia sông mà quán mới đông khách và chị có chút tiền dư để phòng khi ốm đau. Hôm qua ông Biết, người nghèo nhất xóm khoe với chị là sau vụ mùa gia đình ông ta có được chút đỉnh tiền để mua chiếc tam bản chở rau cải đi qua chợ làng mỗi sáng sớm. Từ xưa tới giờ ông ta cứ phải mượn hoặc mướn ghe của các nhà khác. Làm chủ một chiếc ghe là mơ ước nhỏ nhoi của cả gia đình năm người. Ông ta còn khoe với chị là ông sếp đồn hứa sẽ cho lính khai hoang, phát dọn sạch sẽ, cày bừa dãi đất cạnh bờ sông cho dân làng trồng rau cải hoặc bất cứ thứ gì họ muốn. Vấn biết, một khi đã hứa với dân xóm của chị thời Thiếu sẽ thực hiện lời hứa của mình. Trong bóng tối của ngày sắp hết, chị mơ hồ thấy Thiếu bơi xuồng ba lá chở mình dạo chơi trên dòng sông nước trong xanh vào buổi bình minh nắng sớm.

Nghe tiếng trẻ con la hét ngoài đường, không biết chuyện gì Vấn vội ló đầu ra nhìn. Trong vòng vây của đám con nít là hình tượng rất quen thuộc mà chị mong đợi mấy ngày qua. Chiếc nón lưỡi trai lệch trên đầu, khuôn mặt rám nắng, tóc ngắn ba phân, ông sếp đồn bị bao quanh bởi đám con nít, đang vừa xoa đầu đứa này, cúi xuống bế đứa kia xong lại bồng đứa nọ. Đám con nít tản ra dần dần sau khi được phát cho bánh kẹo. Đứng giữa con lộ đất, nắng trưa chiếu trên đầu, Thiếu cười khi thấy Vấn giơ tay vẩy vẩy như chào đón.

– Sao vắng vậy chị?

Bước vào thấy không có ai trong quán Thiếu hỏi. Chùi hai tay của mình vào chiếc khăn vắt trên vai, Vấn cười nhẹ.

– Họ vừa đi đó… Ông mà muốn quán có khách hoài hoài là ông phải ở đây chạy bàn cho tôi. Mấy ngày ông đi, tôi vừa nấu ăn, rửa chén, chạy bàn, bưng cơm, rót nước, mệt ná thở luôn… Tối chui vào mùng ngủ chẳng biết trời trăng gì…

Vấn nói một câu dài như than thở mà cũng để phát tiết ra ngoài sự vui mừng của mình.

– Vậy à… Chắc chị phải mướn người phụ chị rồi…

– Mướn ai bây giờ?

– Thì mướn đại một chị, một bà nào trong xóm của chị để họ phụ chị rửa chén, quét nhà, dọn bàn… Giúp cho người nào đó có công ăn việc làm cũng tốt…. Bộ chị tính mướn tôi à…?

Hỏi câu đó Thiếu cười hắc hắc. Vấn cũng cười giỡn.

– Tôi mà mướn được ông sếp đồn làm bồi thì vạn hạnh cho tôi lắm…

Thấy Thiếu tay xách chiếc ba lô nằng nặng, Vấn hỏi.

– Ông mua gì vậy?

– Tôi có quà cho chị và hai đứa nhỏ ở trong ba lô… Bây giờ tôi phải về đồn vì còn nhiều chuyện phải làm. Chiều tôi qua ăn cơm rồi mình nói chuyện sau…

Đợi cho Thiếu khuất dạng, Vấn mới mở ba lô ra. Chị ứa nước mắt cảm động và sung sướng vì món quà của ông lính. Mấy xấp vải đủ màu để may quần áo cho chị và hai đứa nhỏ. Hàng chục cuốn tạp chí và tiểu thuyết cũ có mới có. Mươi cục xà bông tắm và giặt quần áo cùng những thứ lặt vặt như viết chì, viết mực, tập vở học trò. Tuy nhiên vật mà chị thích nhất chính là chiếc máy thu thanh nhỏ mà chị mơ ước song chưa kiếm đủ tiền để mua. Có chiếc máy thu thanh này quán của chị sẽ thu hút rất nhiều người tới nghe tin tức vào mỗi buổi sáng, trưa và chiều. Bây giờ nàng mới hiểu ra ý định thầm kín của Thiếu. Ông sếp đồn rất khéo léo và tế nhị trong cuộc giành dân lấn đất với phía người trong bưng bằng cách lôi kéo dân làng xóm của chị về phe ông ta. Lấy lòng dân bên này xuyên qua các hành động thực tế như giúp dân phá đồng hoang làm rẩy, đào mương dẫn nước vào, xây cầu, sửa chữa nhà cửa, chơi đùa với con nít, đối xử thân thiện và ngang hàng với mọi người; ông ta đã làm cho dân bên này nhìn ông ta và lính bên kia sông với con mắt khác. Người lớn bây giờ không còn có ánh mắt nghi kỵ, cử chỉ dò xét, lời nói dè chừng như ngày xưa. Họ có thể ngồi trong quán, nói chuyện với Thiếu hoặc khề khà chén rượu chén trà với lính. Tất cả coi nhau như anh em, cô chú một nhà. Người đầu tiên mà anh lôi kéo chính là chị. Nói đúng ra thì chị không bị Thiếu lôi kéo mà dần dà ngã theo anh lúc nào không hay, cũng như dân làng ở xóm của chị này vậy. Họ ngã theo Thiếu một cách từ từ, lặng lẽ và chậm chạp tới độ chẳng có ai để ý trừ những người ở trong bưng mà đại diện là Nghiêm, chồng chị. Lần về thăm cuối cùng cách đây không lâu, anh lên tiếng phàn nàn về chuyện phải về trong lúc ban đêm, phải ngó trước ngó sau vì sợ bị lính bên kia phục kích. Điều đó cho chị hiểu là anh không còn được tự do đi lại như trước nữa mà phải lén lút, tức mất đi cái quyền kiểm soát dân rồi. Chị im lặng lắng nghe không muốn nói và tránh can dự vào trò chơi của những người cầm súng, giữa Thiếu với Nghiêm, hai người đàn ông mà chị không biết binh ai bỏ ai vì cả hai ít nhiều vì cũng có liên hệ tình cảm với chị. Nghiêm còn nói bóng nói gió, tuôn ra những lời hăm dọa mơ hồ đối với dân làng như ” mai mốt mặt trận về rồi biết… Tôi biết ai theo tụi bên kia… Thằng sếp đồn đã bị khép tội tử hình rồi…”. Chị không coi những lời hăm dọa của chồng là lời nói xuông. Ông sếp đồn trước bị giết chết vì đã làm những điều mà Thiếu đã, đang và sẽ làm. Nhân danh cách mạng, nhân danh nhân dân, phe ở trong bưng sẽ tiêu diệt hết những ai chống lại họ. Nghĩ tới đó chị lo âu thầm cho Thiếu, định bụng sẽ nói cho anh biết và khuyên anh hãy cẩn thận.

Bước vào quán lúc xế chiều, Thiếu nhận ra ngay điều khác lạ. Dân làng, thay vì còn làm lụng ở ngoài rẫy thì lại ngồi đầy trong quán. Cái quán nhỏ chỉ để được ba cái bàn thì bây giờ phải kê sát với nhau để lấy chỗ cho một bàn khác. Khách đa số là mấy ông già. Họ ngồi khề khà tách trà, chung rượu đế, lắng nghe tin tức được phát ra từ chiếc máy thu thanh mà anh mua tặng cho Vấn.

– Thiếu úy mạnh hả thiếu úy? Ông làm với tôi một chung nghen?

Bác Tư Thiệt là người đầu tiên bắt chuyện với Thiếu. Trong xóm này ai cũng biết ông ta qua nhiều lý do. Thứ nhất ông ta có liên hệ mật thiết với phe trong bưng đồng thời cũng có con đi theo phe quốc gia. Hai thằng rể của ông ta ở trong bưng thì ba thằng con trai lại đi lính, một ở trên tỉnh, một đi lính sư đoàn 25 còn một đi nhảy dù. Dân ở đây có rất nhiều người nằm trong hoàn cảnh của ông ta. Dù bận pha trà, Vấn cũng thầm để ý xem xét hành động của ông sếp đồn. Lấy cái nón lưỡi trai xuống, nở nụ cười thân thiện, anh lên tiếng nói giỡn.

– Bộ mấy ông hôm nay làm reo với mấy bả hay sao mà giờ này lại ngồi đây…

Vừa nói anh vừa bước tới bàn của bác Tư Thiệt. Đưa tay ra bắt tay bác với chú Năm Chẳm, không đợi mời lần thứ nhì anh ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh chú năm. Tư Thiệt rót rượu còn Năm Chẳm vỗ vai anh cười hà hà.

– Bộ thiếu úy về thăm vợ hay sao mà lâu quá vậy. Tui nói với anh tư chắc thiếu úy bị bả níu chân hổng cho đi rồi làm tụi này trông đứng trông ngồi chờ ông về lai rai lẫu lươn… để lâu rau ngổ già hổng có ngon…

– Dô đi thiếu úy… ông làm một chung cho ấm bụng…

 Đẩy chung rượu đế tới trước mặt Thiếu, Tư Thiệt mới cười khà khà lên tiếng.

– Tại cái ra dô của ông đó… Hồi trưa tụi tui vào nghỉ mệt và uống nước trà thì con Vấn nó mở cho nghe tin tức. Nghe hay mà lạ quá… thế là tụi tui nghỉ làm luôn để nghe ra dô. Mình làm cả đời rồi thì bây giờ có nghỉ một bữa cũng hổng sao…

Gục gặt đầu Thiếu ực cái trót cạn chung rượu đế xong há miệng ra khà tiếng lớn. Thấy Vấn đang nhìn mình cười, anh cũng cười nói lớn.

– Rượu này ngọt mà nóng à nghen… Bộ chị đổi thứ khác hay sao mà tôi nghe cháy ruột cháy gan…

Vỗ vai Thiếu, chú Năm Chẳm cười khà.

– Tui bảo con Vấn nó lấy rượu của ông Năm Bình Bình ở trên chợ quận. Vừa ngon mà rẻ hơn ba cái thứ công xi…

Chép chép miệng, Thiếu móc túi lấy gói thuốc Lucky ra đưa mời Tư Thiệt, Năm Chẳm và mọi người trong quán.

– Thuốc lá Mỹ đó mấy ông hút cho biết…

Chừng mươi người trong quán, mỗi người lấy một điếu xong đốt hút thử đều khen ngon. Trò chuyện giây lát mọi người đều đi hết. Lúc đó Vấn mới bước ra dọn bàn. Nhìn Thiếu, chị cười vui.

– Cám ơn ông về cái ra dô…

Khẽ gật đầu, Thiếu hít hơi thuốc nhìn ra con lộ đất lơ thơ mấy đứa con nít đang chơi nhảy cò cò.

– Chị có thể nghe nhạc được. Tôi nhờ đứa em gái mua cho chị mấy cuồn băng nhạc. À quên… sáng mai tôi sẽ đưa thêm cho chị mấy cục pin…

Vấn cười im lặng. Không mở miệng nói lời cám ơn, chị  biết người làm ơn cho mình không cần. Với lại chị có cách khác để tạ tình lại Thiếu. Đó là nấu cho anh những bữa ăn ngon, trò chuyện với anh để góp ý kiến hay nói giỡn chuyện này chuyện nọ cho qua thời giờ. Thiếu lên tiếng nói trống không.

– Tôi biết chị thích nghe nhạc…

– Sao ông biết?

Vấn ngắt lời. Thiếu quay nhìn chị giây lát rồi quay nhìn ra lộ chỗ mấy đứa con nít đang nhảy cò cò.

– Tôi nghĩ như thế… với lại ở đây không thích nghe nhạc cũng thành ra thích… buồn mà nghe nhạc buồn mới thấm thía nỗi cô quạnh của mình…

– Tôi buồn ít mà cảm thấy lẻ đơn nhiều hơn…

Vấn góp chuyện trong lúc ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh quầy tính tiền nhìn ra đường.

– Anh ấy có về nhà thường không chị?

Vấn quay nhìn Thiếu khi nghe câu hỏi đó. Không biết nghĩ gì mà anh lại cười thốt như có ý giải thích hoặc phân bua về câu hỏi có hơi đường đột của mình.

– Tôi hơi lo cho anh ấy… Lỡ mà có gì thì chị và hai đứa nhỏ sẽ bị thiệt thòi nhiều…

Gật đầu tỏ vẻ hiểu được lời nói của Thiếu, Vấn cười nhẹ.

– Dạ ảnh cũng ít về thăm hai đứa nhỏ. Ảnh nói bây giờ đi lại khó khăn…

Rút điếu thuốc ra dọng dọng lên mặt bàn đoạn quẹt diêm đốt, hít hơi dài, nhả khói ra xong Thiếu mới thong thả và chậm chạp thốt.

– Tôi nói ra điều này hi vọng chị hiểu. Mặc dù anh Nghiêm ở phía bên kia, nhưng xuyên qua tình quen biết giữa tôi và chị, tôi không coi ảnh như một kẻ đối địch cần phải loại bỏ. Bản thân tôi cũng có anh chị em bà con và bạn bè ở phía bên kia. Chẳng qua vì hoàn cảnh…

Nhìn Thiếu với ánh mắt hiểu biết và thông cảm, Vấn nhẹ nhàng thốt.

– Tôi hiểu… Tôi biết Thiếu là người tốt…

Lần đầu tiên Vấn gọi tên mà không gọi ông khi trò chuyện với Thiếu. Trầm ngâm suy nghĩ giây lát sau cùng chị lên tiếng.

– Thiếu cũng nên cẩn thận khi đi lại… Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra… Tôi không muốn mất một người bạn tốt như Thiếu…

– Cám ơn chị… Tôi sẽ lưu tâm về lời khuyên của chị… Bây giờ chị cho tôi ăn cơm chưa… Tôi đói rồi nè…

Cười hắc hắc Vấn đứng lên đi vào trong bếp rồi lát sau trở ra với tay cầm tay bưng thức ăn. Thấy có một cái chén Thiếu hỏi.

– Chị không ăn à?

– Ông ăn đi… Tôi thì ăn lúc nào cũng được…

Trong lúc Thiếu ăn cơm, Vấn thành thực kể lại lời hăm doạ của Nghiêm dành cho anh. Thiếu im lặng lắng nghe song cũng không nói gì cho tới khi bỏ đũa xuống bàn anh mới hỏi một câu và câu hỏi của anh làm cho Vấn phải suy nghĩ.

– Chị có muốn dời nhà qua bên kia sông ở không. Tôi có thể sai lính cất cho chị căn nhà ở gần đồn hay ở trong làng…

Vấn thở dài nhè nhẹ. Thiếu im lặng uống trà và hút thuốc. Khi hỏi anh cũng không kỳ vọng Vấn phải trả lời ngay tức khắc câu hỏi của mình. Thật ra câu hỏi của anh như là một gợi ý hơn là buộc Vấn phải trả lời.

– Tôi cũng có nghĩ tới điều đó. Tuy nhiên…

Giơ tay chào một người đang đi ngoài lộ, chị thấp giọng.

– Sao ông lại hỏi tôi câu đó. Bộ…

Dù chị không nói hết câu song Thiếu gật đầu như hiểu ý.

– Chị cứ thủng thẳng suy nghĩ về câu hỏi của tôi đi… Tuy tình hình xóm của chị đã được cải thiện nhưng nó vẫn là cái xóm nằm giữa hai lằn đạn… Ở bên kia sông dù sao cũng an toàn hơn…

Nói xong Thiếu đứng dậy. Ra tới cửa anh ngoái đầu lại cười.

– Sáng mai tôi qua sớm uống cà phê. Hổm rày về Sài Gòn tôi thèm cà phê của chị quá…

Vấn cười hăng hắc vì cảm động và sung sướng.

– Mấy giờ ông qua?

– Chừng 8 giờ…

Vấn ngồi im nhìn theo bóng của người lính ngã dài trên con lộ đất chạy về bờ sông. Giày bốt đờ sô lấm bùn. Khẩu Colt45 xệ bên hông. Bộ trây di cũ và nhăn. Chiếc nón lưỡi trai đội chênh chếch, hình ảnh đó hầu như nàng thấy mỗi ngày nhưng hôm nay lại có cái gì khang khác. Người ta khác lạ hay chính chị đổi khác…

*****

Đang ngủ, Vấn giựt mình khi nghe tiếng súng nổ mới đầu còn ít sau vọng rền khắp nơi. Đạn rít trong không khí. Có tiếng nổ ầm rất gần khiến chị sợ hãi. Ôm hai con chui xuống gầm giường chị lắng nghe giây lát mới biết có đánh nhau lớn. Đoán mấy ông trong bưng về đánh đồn, chị lẩm bẩm.

– Lạy trời đừng có ai chết…

Chị không muốn ai chết bởi vì phe bên này và phe bên kia đều là người quen biết của chị. Bên này chị có Nghiêm, bên kia chị có Thiếu. Hai người đó chị không binh ai bỏ ai, không muốn ai chết ai sống. Chị không muốn người này cầm súng bắn người kia và ngược lại. Tại sao họ không thể nói chuyện được với nhau, không coi nhau như anh em, bạn bè. Bây giờ chị mới thấy đúng khi Thiếu nói ” chị là người bị kẹt giữa hai lằn đạn…” cũng như dân xóm của chị đang đứng trong cái thế chông chênh không biết sẽ bị ngã nhào lúc nào. Chị cũng như họ, cũng như cái xóm nhà biến thành sự tranh giành của phe này phe kia, bên này bên kia, thế lực này thế lực nọ. Chị sẽ là nạn nhân của hai thế lực đối nghịch với nhau. Muốn sống còn chị phải có thái độ, dứt khoát chọn lựa cho mình một thế đứng trong tình thế đầy xáo trộn. Tiếng súng chợt nổ dồn dập. Dù không phải là lính song tai đã nghe quen tiếng súng, chị có thể nhận ra nhiều loại tiếng nổ khác nhau như súng liên thanh, súng trường, phóng lựu và một chê. Điều đó cho chị biết phe của Nghiêm có đông người và họ đang cố gắng đánh chiếm ngôi đồn đóng ven bờ sông. Thiếu và lính đang chống trả. Có tiếng hú rền trong không khí rồi sau đó tiếng nổ ầm điếc tai. Hai đứa nhỏ ré lên khóc vì sợ. Vấn ôm con vào trong lòng. Chị không biết làm cách nào khác hơn là lấy thân hình của mình che chở cho con. Chị hầu như bất lực trước hoàn cảnh và chỉ mong có phép nhiệm mầu xảy ra. Lát sau tiếng súng thưa dần dần rồi thỉnh thoảng mới có tiếng súng nổ. Độ chừng trận đánh đồn dứt, chị bồng hai con lên giường rồi nằm nghĩ ngợi lan man sau đó mệt mỏi thiếp dần vào giấc ngủ.

– Chị Vấn ơi… sáng rồi… dậy đi…

Tiếng gọi đánh thức Vấn. Vẫn còn nửa ngủ nửa thức, chị lật đật bước ra mở cửa thấy Thiếu đứng nhìn mình cười.

– Bộ hồi hôm ông hổng ngủ hay sao mà giờ này đã réo người ta rồi…

Tuy bị chủ quán xì nẹt mà Thiếu lại cười hì hì, nheo mắt nhìn người đang đứng trước mặt mình. Cái nhìn của anh chứa nhiều tinh nghịch và soi mói làm cho Vấn phải cúi đầu xuống mới biết mình vì vội vàng nút áo bung ra hở cả ngực. Đỏ mặt, hứ tiếng nhỏ chị quay người te te đi vào trong bếp. Cười cười nhìn theo bóng người đàn bà, anh bước chậm vào trong căn nhà sáng mờ mờ nhờ ánh nắng xuyên qua các khe hở của vách ván. Hơn tháng trước, anh gợi ý muốn sửa lại quán cho bớt xập xệ và rộng rãi, bằng cách bỏ tiền túi ra mua ván rồi nhờ lính đóng vách mới cũng như ngăn lại buồng ngủ của chị cho kín đáo và sạch sẽ hơn là che bằng tấm màn vải đã cũ. Thoạt đầu Vấn không chịu, cằn nhằn mãi song anh lì ra cứ sai lính làm. Tới khi chuyện sửa lại nhà hoàn tất thì chị mới biết ơn ông sếp đồn đã lo lắng cho mình. Sẵn mớ ván cũ cộng thêm ván vụn, Thiếu bảo lính cất thêm cho chị cái buồng tắm kín đáo chứ hổng phải cái buồng tắm dừng bằng lá dừa nước hở trước trống sau mà chị chỉ dám tắm lúc ban đêm thôi.

Vừa ngồi xuống ghế, Thiếu cười khi thấy Vấn trở ra với áo quần tươm tất và mái tóc huyền gọn gàng phảng phất mùi xà bông tắm.

– Hồi hôm…

Thiếu cười gật đầu như đã hiểu Vấn nói cái gì. Rút điếu thuốc, quẹt diêm đốt, hít hơi dài anh cất giọng khàn và nhựa vì thức đêm.

– Mấy ông trong bưng về đụng phải tôi nằm kích… Bắn nhau một hồi thì mấy ổng rút…

– Có ai chết hông?

Vấn hỏi trổng. Hít hơi thuốc nữa Thiếu gật đầu.

– Có một người chết… Chị có hình của anh Nghiêm không?

Vấn hơi xanh mặt khi nghe Thiếu hỏi. Bước vào trong buồng hồi lâu chị trở ra đưa tấm hình trắng đen vàng ố cho Thiếu coi. Ngắm nghía giây lát anh lắc đầu.

– Không phải anh Nghiêm của chị…

Vấn thầm thở hơi dài nhẹ nhỏm. Nghe nước sôi chị bỏ vào trong lo pha cà phê cho Thiếu. Chị vừa đặt ly cà phê xuống bàn, Thiếu cười nói trong lúc tay vẫn còn cầm tấm hình của Nghiêm.

– Ảnh trông cũng đẹp trai hả…

Vấn cười im lặng. Đợi cho anh uống vài hớp cà phê, chị mới rụt rè hỏi.

– Ông đã biết mặt chồng tôi rồi, nếu hai người đụng mặt ông có bắn ổng không?

Nghe câu hỏi đó Thiếu cau mày. Thật lâu anh mới chậm chạp trả lời.

– Không, trừ trường hợp bắt buộc…

– Tại sao?

– Tôi không muốn thấy hai đứa con của chị bị mồ côi và chị trở thành goá bụa, dù…

Nói tới đó Thiếu ngưng lại như để cho Vấn muốn nghĩ sao thì nghĩ. Uống ngụm cà phê, hít hơi thuốc dài anh nói tiếp. Vấn nghe giọng nói của người lính chiến có chút gì buồn bã.

– Tôi là người lính cầm súng bảo vệ cho những điều gì mà tôi tin tưởng. Tôi không thù ghét ai kể cả anh Nghiêm, chồng của chị mặc dù ảnh và những người thuộc phe ảnh thù hằn và muốn giết tôi. Tôi nghĩ sự bắn giết nhau sẽ không giải quyết được bất hòa và xung đột của con người. Chị đạo gì?

– Phật…

Vấn trả lời gọn. Thiếu cười tiếp.

– Lấy oán báo oán thì oán ấy chập chùng, còn lấy đức báo oán thì oán ấy tiêu tan…

Vấn gục gặt đầu như hiểu và đồng ý về lời nói đó. Giọng nói của Thiếu vang rời rạc, chậm và buồn.

– Tôi nghĩ tôi có bắn chết chồng của chị thì cũng chẳng giải quyết được cuộc chiến này. Cũng như anh Nghiêm có bắn tôi chết thì cũng có người khác thay thế tôi làm những việc mà tôi đã, đang và sẽ làm cho cái xóm của chị… Phe người trong bưng của chị nói tập thể làm chủ cá nhân, cứu cánh biện minh cho phương tiện… Tôi không nghĩ như vậy…

Vấn ngắt lời Thiếu.

– Ông nói có chỗ sai…

Hít hơi thuốc Thiếu cười nhìn người đối thoại.

– Tôi nói sai chỗ nào?

– Năm tiếng ” người trong bưng của chị ” không đúng. Tôi không theo họ và cũng không bao giờ trở thành người trong bưng…

Lần đầu tiên Vấn xác định cái thế đứng của mình trước mặt ông sếp đồn. Thiếu cười im lặng.

– Tôi có chồng là người trong bưng song không có nghĩa là tôi đồng ý với những gì họ làm. Tôi ở trong vùng bị họ kiểm soát nhưng điều đó không thể nói là tôi theo họ. Cũng như dân chúng ở miền bắc đang sống dưới chế độ cộng sản song không có nghĩa là họ đồng ý với những gì cộng sản làm, cũng không có nghĩa họ là cộng sản…

– Chị nói đúng… Tôi xin lỗi chị…

Vấn cười nhìn Thiếu như thông cảm. Bây giờ chị hiểu thêm được một điều nữa về Thiếu. Anh có cái chị thích là nếu có lỗi anh sẵn sàng nhận lỗi của mình. Uống thêm hớp cà phê và hít hơi thuốc, Thiếu cười hỏi.

– Bữa nay chị cho tôi ăn cơm với gì vậy?

Cười hăng hắc, Vấn đưa nắm tay nhỏ nhắn của mình lên.

– Tôi cho ông ăn cái này nè vì tội ông dám nói tôi là người trong bưng…

Ngừng lại nhìn Thiếu, chị tiếp trong lúc đưa nắm tay của mình tới ngay mặt anh.

– Người trong bưng chỉ có cái này nè chứ hổng có cơm đâu…

Cười hì hì Thiếu đưa tay giả vờ nắm tay và Vấn rụt tay lại vừa kịp lúc không cho ông lính nắm lấy bàn tay của mình.

– Hụt rồi… lêu lêu mắc cỡ…

Lần đầu tiên hai người mới đùa giỡn một cách thân mật vượt quá mức bình thường đã được định sẵn. Dường như sau khi xác định vị thế của mình, Vấn vô tình hoặc cố ý nghiêng về phía của Thiếu và được anh hân hoan nhìn nhận như là một người cùng chiến tuyến. Từ đó giữa họ nảy sinh ra chút tình cảm thắm thiết và thân mật hơn. Đang đứng gần, liếc ra lộ thấy có mấy người lính đi tới, Vấn lùi lại rồi cười nói.

– Chắc ông đói bụng rồi… để tôi đi làm cho ông dĩa cơm tấm…

Lát sau, vừa uống cạn ly cà phê, Thiếu thấy Vấn bước ra trên tay cầm dĩa cơm tấm có miếng thịt sườn bề ngang lớn bằng hai ngón tay. Ngoài ra còn có một miếng trứng vịt chiên nữa. Chắc có lẽ đói meo vì thức đêm Thiếu không khách sáo ăn sạch dĩa luôn. Cầm cái dĩa lên Vấn cười nói giỡn.

– Ông mà ăn như vầy thì tôi cám ơn ông lắm. Khỏi cần rửa…

Cười hà hà Thiếu đốt thuốc rồi đứng dậy nhường chỗ cho mấy người lính dưới quyền chỉ huy của mình bước vào quán uống cà phê và ăn sáng.

Đang ngồi trước cửa nhìn hai đứa con chơi đùa với nhau, Vấn thấy một người mặc bà ba đen, mang giép râu và đội trên đầu cái nón vải đen xùm xụp. Tướng đi thì quen quá song vì không thấy mặt mũi nên chị không đoán ra ai. Tới lúc thật gần chị mới nhận ra đó là Thiếu. Mỉm cười chị lẩm bẩm: ” Ông này thiệt dị hợm. Giả ai hổng giả mà lại đi giả mấy ông ở trong bưng làm mình tưởng…”.

Tới đứng trước mặt Vấn, lấy cái nón xuống Thiếu cười nói.

– Nóng quá…

Vấn đứng dậy.

– Ông ngồi đi tôi làm cho ông ly nước chanh…

Khi chị đem ra ly nước chanh mà lại có đá khiến cho Thiếu ngạc nhiên phải kêu lên.

– Ở đâu mà chị kiếm ra được cái thứ xa xỉ phẩm quí như vàng này vậy…

– Mua ở bên làng. Hồi trước tới giờ tôi không có mua vì ít người uống quá. Bây giờ quán đông, mấy ông lính họ đòi uống nước đá chanh, trà đá chanh đường, cà phê đá, cà phê sữa đá nên tôi phải mua mỗi ngày một cây nước đá. Cứ sang sáng tôi phải đi chở nước đá về. Nặng muốn cụp xương sống luôn…

Vấn vừa nói vừa diễn tả điệu bộ khiến cho Thiếu phải bật cười. Vì quán  mỗi ngày một đông khách hơn nên chị phải mướn thêm chị Ba cũng ở trong xóm giúp đỡ mọi việc lặt vặt như rửa chén, dọn bàn, quét nhà, làm cá để chị có thời giờ chăm chút vào các món ăn cho ngon hơn và vừa miệng khách hơn. Ngoài ra chị còn nấu thử các món mới nữa. Mà quán của chị đông khách cũng phải. Với ý định chiếm cảm tình dân xóm của chị, Thiếu ra lệnh mỗi ngày một tiểu đội  phải có mặt thường trực ở bên kia sông. Ngày nào anh cũng qua đây ít nhất hai lần để ăn cơm và kiểm soát xem lính có thi hành đúng đắn lệnh của mình. Một tiểu đội lính sáng nào cũng kéo tới quán uống cà phê ăn sáng cộng với dân làng làm cho cái quán nhỏ của Vấn thành ra chật chội. Chỉ có trưa và chiều thì họ thay phiên nhau về nhà ăn cơm. Ban đêm có một tiểu đội nằm phục kích không cho du kích về hăm doạ và thu thuế dân làng. Làm ăn khấm khá mà không phải đóng thuế cho mặt trận, dĩ nhiên người dân có dư tiền ăn xài rộng rãi hơn. Con nít không còn ở truồng mà áo quần lành lặn. Nhà nào cũng được sửa sang lại với mái tôn, vách ván rất khang trang và thoáng mát chứ không còn nhà lá tối tăm và ẩm thấp như lúc trước. Ban đêm đèn măng xông sáng trưng thay cho đèn dầu lù mù. Nhà nào cũng có máy thu thanh để nghe cải lương, hát bội và vọng cổ. Mấy ông già sau giờ làm lụng mệt nhọc thì cũng vào quán uống trà bàn chuyện ruộng nương hay theo dõi tin tức chiến sự. Dần dần họ tạo nên một sinh hoạt cộng đồng chứ không phải sống lẻ loi và sợ hãi như xưa.

Từ trong bếp bước ra Vấn thấy Thiếu đang ngồi im lìm suy nghĩ. Càng gần ông sếp đồn chừng nào chị càng thêm thương mến và kính phục hơn. Ở Thiếu, chị thấy được sự già dặn và khôn ngoan của suy nghĩ, chính chắn trong hành động, cẩn trọng trong lời nói đối với mọi người. Anh không coi ai là kẻ thù ngay cả với những người thù ghét anh. Bởi vậy mới đầu còn lấy làm lạ về sự thành công của Thiếu qua hành động lấy lòng dân, rồi sau đó hiểu ra chị mới đâm ra nể và phục. Điều mà chị lo sợ là người ở trong bưng sẽ không để yên cho Thiếu chiếm đất giành dân của họ. Sớm muộn gì Nghiêm, chồng của nàng, đại diện cho mặt trận cũng trở về để giành giựt lại những gì họ đã bị kẻ địch lấy mất trong số đó có chị nữa.

Mặt trời xuống từ từ ngọn cây trâm bầu. Vấn tự tay dọn bữa cơm chiều cho ông lính một cách tươm tất với ba món canh, xào và món mặn. Biết Thiếu rất thích ăn cơm với canh, nhất là canh chua nên chị nấu đủ thứ canh chua. Chị săn sóc Thiếu một cách tận tình và chu đáo vì biết nhờ sự giúp đỡ của anh mà chị mới có đời sống khá giả hơn. Hơn nữa anh còn đem lại cho hai đứa con của chị chút tình cảm mà chúng rất cần lúc còn nhỏ lại phải sống xa cha. Tuy nhiên có một điều chị muốn giữ kín trong lòng của mình là thứ tình cảm mới mẻ đang nhen nhúm với Thiếu.

Khi chiếc xuồng ba lá còn ở giữa sông, Vấn đã thấy Thiếu đứng chờ nơi cây cầu ván. Hơi ngạc nhiên nên xuồng vừa đụng vào cầu chị lên tiếng hỏi liền.

– Ông đi đâu mà sớm vậy?

– Khiên nước đá chứ đi đâu. Để chị khiên có ngày chị cụp xương sống thì khổ chị, khổ hai đứa nhỏ và khổ luôn cả tôi…

– Ông làm gì mà khổ?

Vấn cười hỏi trong lúc chờ Thiếu buộc dây vào cây cột.

– Ai nấu cho tôi ăn. Ai lo cho hai đứa nhỏ… chẳng lẽ tôi bỏ tụi nó đói…

Miệng cười nói, Thiếu đưa tay đỡ hai cái rổ đựng đầy các món lặt vặt. Đợi cho Vấn leo lên cầu xong anh mới nói.

– Chị cần một chiếc xuồng lớn hơn. Chiếc ba lá này nhỏ quá… Lạng quạng có ngày nó chìm thì…

Như hiểu ý của Thiếu, Vấn cười hắc hắc.

– … Thì tôi réo ông…

Bước xuống xuồng nhấc lấy cây nước đá được ướp đầy trấu để giữ lạnh đặt lên cầu, Thiếu nhẹ lắc đầu.

– Tôi đâu có ở bên chị hoài…

Đứng dưới xuồng, Thiếu ngước lên nhìn thấy Vấn cũng đang cúi xuống nhìn mình. Ánh mắt của chị thật buồn. Hai người, một đứng trên cầu, một đứng dưới xuồng nhìn nhau để nhận ra giữa họ vẫn có một khoảng cách, dù nhỏ nhưng vẫn có sự ngăn cách. Cuối cùng Vấn nhẹ lên tiếng hỏi.

– Bộ ông bị đổi đi chỗ khác à?

Thiếu lắc đầu cười. Giọng anh buồn xa vắng.

– Bây giờ thì chưa nhưng mai mốt thì có thể… Lính mà…

Thiếu leo lên cầu. Vác cây nước đá lên vai anh theo sau Vấn.

– Ông hổng sợ người ta cười ông à?

– Cười cái gì?

– Cười ông là trung uý sếp đồn mà lại đi vác nước đá cho tôi…

Thiếu cười hắc hắc làm như không muốn nhắc tới chuyện đó bằng cách hỏi sang chuyện khác.

– Làm sao chị biết tôi lên trung uý?

– Ông Tánh nói… Ổng bảo tôi chuẩn bị làm vài món đặc biệt để rửa lon cho ông…

– Thôi khỏi cần… Tôi tự rửa lon tôi rồi…

– Hồi nào?

Vấn quay lại hỏi vì ngạc nhiên.

– Tôi vác nước đá cho chị trên vai, nước đá chảy xuống ướt lon của tôi rồi…

Bật lên tiếng cười vui khi nghe câu nói giỡn của Thiếu, Vấn cũng giỡn lại.

– Chưa đủ… còn vai bên kia… Vậy sáng mai ông vác thêm một cây nước đá nữa…

– Chị khỏi lo… tôi sẽ vác mỗi ngày…

Vấn lập lại câu hỏi của mình.

– Tôi hỏi thiệt ông nghen, ông hổng sợ người ta cười ông hả?

– Tôi là lính mà nhiệm vụ của lính là giúp đỡ dân, huống chi chị là đàn bà mà lại là người đàn bà đặc biệt…

Đi sau Thiếu không thấy da mặt của Vấn ửng hồng khi nghe anh nói chị là người đàn bà đặc biệt.

– Tôi mà đặc biệt…

– Ít nhất trong mắt tôi…

– Vậy ông mắt lé rồi…

Nói xong Vấn bật cười. Thiếu cười hắc hắc dừng trước hàng ba chờ cho Vấn mở cửa.

– Tôi mắt lé mà tôi hổng có đui. Bởi vậy tôi mới thấy chị là người đàn bà đặc biệt…

– C… á… m… ơ… n…

Vấn kéo dài hai tiếng cám ơn như cố tình đùa giỡn để làm cho câu nói của Thiếu giảm đi sự nghiêm trọng. Đặt cây nước đá vào cái thùng dài chứa đầy trấu xong anh lấy trấu phủ lên trên mặt. Rửa tay qua loa anh trở ra nhà trước vừa đúng lúc Vấn pha xong ly cà phê. Nắng bên ngoài vừa lên dọi những tia sáng vào trong ngôi nhà còn tối.

( Còn Tiếp )

chu sa lan