Bên Kia Sông-4

Càng gần tới Tết, sinh hoạt bình thường của dân trong xóm hầu như chậm lại để tới ngày 23 tháng chạp thì ngừng hẵn. Họ cúng đưa ông táo về trời cũng đồng nghĩa với sự ngưng làm việc đồng áng ruộng rẫy để sửa soạn ăn mừng Tết Mậu Thân. Ngay cả lính bên kia sông cũng náo nức chờ ăn tết.

Năm nào hai phe cũng đồng tuyên bố nghỉ đánh nhau ba ngày tết để cho dân và lính tráng được mừng xuân trong hòa bình dù chỉ là thứ hòa bình giả tạo. Năm nào phe ở trong bưng cũng ồn ào và huênh hoang tuyên bố vì yêu chuộng hòa bình nên đề nghị hưu chiến trong ba ngày tết. Dân chúng hân hoan nô nức chuẩn bị đón xuân rồi cũng chính phe đề nghị ngưng bắn lại vi phạm, lại nổ súng tấn công trước. Riết rồi chẳng có ai tin vào lời hứa hẹn của họ. Năm nay, đề nghị hưu chiến, lời hứa ngưng bắn trong ba ngày tết được tuyên bố một cách long trọng song Thiếu không tin tưởng lắm. Chuẩn bị cho lính và dân ăn tết mà anh cũng đề phòng phe trong bưng thất hứa bằng cách mà anh nói với Tánh là ” tay mặt ăn Tết còn tay trái ghìm súng…”. Đại đội có ba trung đội. Mỗi trung đội sẽ được nghỉ một ngày để ăn tết. Đêm giao thừa Tánh sẽ dẫn trung đội 1 qua bên kia sông nằm án ngữ để cho dân đón giao thừa. Đêm mồng một tới phiên anh và Đơn, trung đội trưởng trung đội 2. Còn đêm mồng 2, Chẳn, trung đội trưởng trung đội 3 sẽ chỉ huy trung đội của mình qua sông phục kích. Kế hoạch hành quân đã được vẽ ra chỉ chờ tới tết sẽ đem ra thi hành.

29 tết. Chiếc xuồng năm lá khẳm lừ chậm chạp cập vào cây cầu ván. Vấn leo lên cầu trước trong lúc chị Ba, người giúp việc lui cui chất những cái rổ, thúng lên cầu. Càng gần tết thì Vấn lại bận bịu hơn vì dân làng mua sắm nhiều hơn. Đúng ra thì họ có thể bơi xuồng hoặc chèo ghe qua bên kia sông tới chợ làng mua cũng được song vì một vài lý do riêng họ lại thích mua ở quán tạp hóa của Vấn.

– Để đó tôi phụ cho chị…

Nghe tiếng nói, Vấn ngước lên nhìn thấy Thiếu từ trong con đường mòn dọc theo mé sông bước ra.

– Ông làm tôi hết hồn… Ông ở đâu mà chui ra vậy?

Thiếu cười, bước tới đón cái thúng đầy nhóc kẹo bánh từ tay của Vấn. Liếc nhanh thấy chị Ba còn đang đứng ở cây cầu ván, anh nói nhỏ với Vấn.

– Tôi đi chấm địa điểm để cho lính nằm án ngữ đêm 30. Chị có cúng ông bà chiều 30 hông?

– Có chứ… Năm nào tôi cũng cúng hết… Dù nghèo mình cũng phải rước ông bà về ăn tết chứ…

Nghe Vấn nói, Thiếu gật đầu cười.

– Bởi vậy mà tôi phải lo giữ an ninh cho bà con ăn tết…

Quay lại nhìn Thiếu với cái nhìn biết ơn Vấn cười.

– Năm nay tôi cúng ông bà sớm… Tôi mời ông ăn tất niên với tôi… Ông nhận lời nghen…

– Mấy giờ?

– 6 giờ chiều…

– Giờ đó thì được…

Vấn gật đầu nói chậm và nhỏ.

– Tôi hiểu… Cầu trời năm nay mình được ăn tết vui vẻ và bình yên… Ông thích ăn bánh tét hông?

– Thích… Chị gói bánh tét hả?

– Dạ… Tôi nhờ ông phụ canh dùm nồi bánh tét…

Hiểu ý Vấn, Thiếu cười vui.

– Tôi hân hạnh lắm… mà chừng nào?

– Tối ba mươi… Ông rảnh hông?

– Rảnh… Một mình tôi canh nồi bánh hả?

Vấn quay lại. Thấy chị Ba lẽo đẽo quảy gánh theo sau lưng quãng xa xa, chị cười với Thiếu đang đi bên cạnh.

– Tôi có quen ai đâu…

Thiếu cười chúm chiếm. Anh cảm thấy có chút gì khác lạ đang xảy ra trong lòng mình. Như đó là niềm vui khi nhớ lại thời thanh niên, lúc còn học trung học được cô bạn gái mời tới nhà cùng cô ta ngồi canh nồi bánh tét đêm ba mươi tết. Bảy tám năm sau anh lại may mắn được một người đàn bà tuy không hẵn là bạn nhưng lắm lúc còn hơn bạn. Giữa anh và Vấn, chưa bao giờ vượt qua giới hạn tình cảm đã được phân định, nhưng lại có sự thông cảm, hiểu biết cần thiết để nương tựa vào nhau trong giai đoạn khó khăn. Có thể nói anh với Vấn cần nhau hơn ngoài cái vốn tình cảm đã có với nhau.

– Ông Thiếu… Bộ ông quên nhà rồi à…

Vấn cười nói khi thấy Thiếu mãi suy nghĩ chuyện gì đó nên đi thẳng luôn thay vì dừng lại khi tới cửa.

– Tôi mãi nghĩ chuyện đâu đâu…

Thiếu cười nói. Cười chúm chiếm Vấn xô cửa bước vào nhà. Bên ngoài nắng đã lên. Lác đác vài người đi trên đường.

Đêm thăm thẳm. Tiếng côn trùng kêu hòa nhập vào tiếng gió lùa hàng cây đo đũa trên bờ mẫu sau nhà rồi tan loảng trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy thu thanh. Lửa cháy bập bùng. Chảo nước sôi sùng sục. Thiếu ngửi được mùi bánh tét ngan ngát thơm. Bên cạnh anh, Vấn ngồi im lặng nhìn lửa cháy.

– Chị buồn ngủ chưa?

– Chưa… còn ông?

– Tôi quen thức đêm rồi… với lại đêm nay giao thừa…

Thiếu quay sang nhìn Vấn và bắt gặp chị cũng đang nhìn mình. Ánh mắt chị lóng lánh. Nụ cười e ấp ấm như lửa đang cháy. Hai người nhìn nhau cười rồi mỗi người quay mặt đi chỗ khác.

– Hai đứa nhỏ về ngoại ăn tết chừng nào mới trở lại?

Thiếu phá tan sự im lặng bằng câu hỏi. Vấn trả lời gọn.

– Mùng 5… Ba má tôi sẽ đem xuống đây…

– Chị…

Nói tiếng ” chị ” xong Thiếu ngưng bặt rồi liếc nhanh sang bên cạnh. Lần thứ nhì anh bắt gặp Vấn cũng liếc mình. Hai người cười với nhau. Họ có nhiều điều muốn nói song ngần ngừ chưa biết ai sẽ nói trước hay bắt đầu câu chuyện như thế nào.

– Ông cười gì vậy?

Thiếu thầm thở hơi dài trước khi lên tiếng.

– Tôi nhớ tới mấy câu hát…

– Đâu ông hát cho tôi nghe đi…

– Tôi mà hát gì… rống thì có…

Vấn bật lên tiếng cười ngắn. Quay qua nhìn Thiếu, chị nói trong tiếng cười.

– Tôi nghe ông Tánh khen ông ca ” dọng vô mặt và bẻ cổ ” mùi tận mạng luôn mà…

Tới phiên Thiếu cười hắc hắc. Vấn nài nỉ.

– Thôi ông hát đi mà… hát cho mình tôi nghe…

Tằng hắng tiếng nhỏ, Thiếu cúi đầu nhìn vào lò lửa đang cháy sáng. Vấn nghe giọng của người lính đang ngồi bên cạnh ấm và rung lên như dây đàn đang chở chất chút tình cảm:Tay em lạnh để cho tình mình ấmMôi em mềm cho giấc ngủ em thơmSao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoanTrời sắp Tết hay lòng mình đang Tết… 

Đêm tĩnh lặng. Người hát im lặng sau khi hát và người nghe cũng im lặng thật lâu mới lên tiếng.

– Bản nhạc tên gì vậy?

– Anh đến thăm em đêm ba mươi…

– Tôi thích… Ông hát nữa đi…

Khẽ gật đầu Thiếu hát chậm, đúng hơn đọc chứ không phải hát và đã đổi một vài chữ trong câu hát: ”… Tháng ngày sẽ trôi quaTình sẽ phôi phaNgười khuất xaChỉ còn chút hương xưaRồi cũng phong baRụng cùng mùa...”.

 – Mai mốt ông kiếm cho tôi bản nhạc này nghen…

– Chi vậy?

– Nghe… Tôi muốn nghe…

– Hết Tết rồi chị nghe làm gì…

– Trời đang tết và lòng tôi lúc nào cũng đang tết…

Thiếu cười im lặng. Đưa đồng hồ lên anh thấy chỉ 11 giờ rưởi.

– Mấy giờ rồi?

Vấn hỏi trổng. Thiếu cũng trả lời giống như vậy.

– 11 giờ rưởi…

– Chị tính đón giao thừa hả?

– Dạ…

Nghe tiếng ” dạ ” của Vấn, Thiếu cười. Dường như cũng cảm nhận ra Thiếu cười, chị cũng cười tiếng mềm và dịu.

– Ở ” xóm của chị ” hơn năm năm mà năm nay tôi mới được ăn cái tết có ý nghĩa… Mấy năm rồi súng nổ liên miên trong ba ngày tết… Bởi vậy tôi mới cám ơn ông bằng cách nhờ ông cùng tôi canh nồi bánh tét…

Thiếu gật đầu cười.

– Cám ơn chị… Đây là cái tết đặc biệt nhất trong đời lính của tôi… Tôi sẽ không bao giờ quên…

Vấn sửa lại dáng ngồi của mình cho ngay ngắn. Đẩy khúc củi vào sâu trong lò lửa, chị quay qua nhìn Thiếu. Anh thấy mắt chị thăm thẳm như sao sáng trong đêm ba mươi.

– Tôi sẽ không để cho ông quên đâu…

Cúi đầu nhìn vào hàng cây so đũa mờ mờ đen trong đêm, Vấn nói nhỏ mà như hỏi.

– Người ta có cần phải yêu nhau mới nhớ nhau không ông?

– Tôi nghĩ không cần. Yêu khác mà nhớ khác…

– Khác nhau chỗ nào?

– Yêu thì có thể quên, còn nhớ thì không bao giờ quên…

– Vậy thì ông chọn cái nào?

– Tôi chọn cả hai…

– Ông tham lam quá…

Thiếu cười hắc hắc. Giọng của anh cất lên buồn.

– Tôi chọn cái nhớ… Không phải là tôi không muốn cái yêu… Sở dĩ tôi chọn cái nhớ vì cái nhớ sẽ ở trong lòng mình lâu hơn…

– Ông đặc biệt hơn tôi nghĩ…

– Thế à…

– Ông lãng mạn như tôi nghĩ về ông…

Thiếu im lìm. Lát sau Vấn nói tiếp.

– Nếu xa nhau tôi sẽ nhớ ông hoài…

– Còn gần nhau?

Quay nhìn người bên cạnh trong lúc đặt câu hỏi, Thiếu thấy một nửa khuôn mặt cúi xuống được che bởi mái tóc dài. Thường Vấn hay bới tóc lên cao cho gọn gàng để dễ làm việc. Riêng giao thừa đêm nay, không những để tóc xỏa dài mà chị lại ăn mặc tươm tất hơn. Dường như anh ngửi được hương tóc mềm tỏa ra thầm lặng trong đêm. Giọng nói của Vấn cất lên mơ hồ xa xăm.

– Tôi chưa biết… Có lẽ tôi cũng nhớ ông như lúc xa ông…

– Như vậy xa hay gần chị cũng nhớ…

– Chắc là vậy…

Tiếng súng chợt nổi lên bên kia sông báo hiệu năm mới bắt đầu. Vấn hỏi nhỏ.

– Giao thừa phải không?

Thiếu cười.

– Dạ… Năm mới tôi chúc chị được những gì chị ước muốn…

Vấn hơi cựa mình khi Thiếu nắm tay mình. Họ ngồi như thế cho tới khi mặt trời lên.

Đêm mồng 1 Tết. Đang nằm nép mình sau bờ mẫu cao, Thiếu nghe súng nổ khắp nơi. Tiếng một chê hú lồng lộng. Đạn địch réo thành âm thanh ròn rã hơn pháo tết. Ánh lửa kèm theo tiếng nổ cho anh biết trung đội do mình chỉ huy đã bị pháo và tấn công cùng một lúc. Địch quân không biết đông hay ít, định tràn ngập đơn vị của anh đang nằm phục kích để lấy đường tiến vào xóm của chị. Mọt chê vải khắp nơi. Vài ngôi nhà chắc bị ăn pháo bốc cháy sáng rực trong đêm tối. Qua tần số liên lạc anh biết ngôi đồn của mình bên kia sông cũng đang hứng pháo. Đổi tần số liên lạc với chi khu, anh được vị sĩ quan trực cho biết quận đường cũng bị địch tấn công dữ dội. Ngay cả tiểu khu cũng bị một lực lượng đông đảo cỡ cấp trung đoàn của địch tấn công. Biết tình hình trở nên bất lợi, anh ra lịnh cho lính cố giữ vững vị trí chờ tới sáng. Gần sáng tiếng súng im dần rồi sau đó dứt hẵn trước khi mặt trời le lói nơi hướng đông. Kiểm điểm lại quân số, băng bó cho lính bị thương xong Thiếu dẫn lính đi vào xóm của chị. Nhà cửa đổ nát, xiêu vẹo. Xác người chết nằm rải rác. Tiếng con nít khóc. Tiếng người bị thương rên rỉ. Thiếu dừng lại nơi chiếc quán của Vấn bị đổ nát tan hoang vì sự trở về của Nghiêm, chồng của chị . Anh ứa nước mắt khi thấy Vấn nằm im trên mặt đất. Ngồi bệt xuống cạnh thi thể của chị, anh cầm lấy bàn tay. Bàn tay như còn chút hơi ấm. Nhìn chị nằm anh nhớ câu hát: ” Tôi có người yêu vừa chết đêm qua… Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò… Không hận thù nằm chết như mơ…”. 

chu sa lan

Đón đọc

Chiếc Xuồng Ba Lá trên dòng sông Bến Tre