Bên Kia Sông- 2

Đang ngồi trong hầm chỉ huy, Dương ngước lên khi thấy thượng sĩ Biền bước vào kèm theo câu hỏi.

– Tôi nghe nói thiếu uý dẫn mấy đứa nhỏ qua bên kia sông hả thiếu uý?

Dương cười gật đầu xác nhận. Ông đại đội phó chưa kịp nói tiếp, anh lên tiếng bằng giọng nghiêm nghị.

– Mai mốt mình sẽ qua bên đó thường hơn…

– Thiếu uý…

Biền kêu lên song ngậm miệng lại liền. Ông ta đủ biết Dương là kẻ chỉ huy, có quyền hạn ở đây và ông ta phải tuân lệnh anh.

– Tôi thấy họ chẳng có gì xấu. Chẳng qua…

Dương ngừng lại như để cho ông thượng sĩ có thì giờ suy nghĩ.

– Họ là dân. Nhiệm vụ của mình là bảo vệ dân không để cho họ theo phía bên kia. Sở dĩ họ phải theo bên kia là vì mình không bảo vệ được họ…

– Tôi nghĩ dân bên kia sông có liên hệ…

Dương gật đầu móc túi lấy ra gói thuốc đưa mời ông thượng sĩ. Ông ta lắc đầu từ chối. Đốt thuốc hít hơi dài anh thong thả lên tiếng.

– Tôi biết dân bên kia nhiều người có liên hệ gia đình với mặt trận. Bản thân tôi cũng có liên hệ gia đình với mặt trận nữa. Anh bà con, cậu mợ, dượng dì của tôi làm lớn phía bên kia đó. Cuộc chiến này là cuộc phân tranh ý thức hệ giữa cộng sản và quốc gia, giữa tự do dân chủ và độc tài đảng trị. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là mình bỏ rơi họ. Ở trên mặt trận tâm lý và chính trị thì mình phải cố gắng giành dân, tách dân ra khỏi phe bên kia. Không có dân ủng hộ là phe bên kia sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông đồng ý với tôi về chuyện này?

Thượng sĩ Biền làm thinh. Dù không có học nhiều như Dương, song xuyên qua kinh nghiệm của 20 năm lính ông ta cũng biết lời cấp chỉ huy nói đúng. Sống tựa vào dân mà nay bị tách rời khỏi dân thì phe bên kia sẽ tàn lụn vì thiếu sự ủng hộ.

– Muốn làm cho dân bên kia sông theo mình thì trước nhất mình phải lo cho họ, giúp đỡ họ và bảo vệ họ bằng cách không cho du kích lén lút về…

Biền gật đầu tỏ ý hiểu lời của cấp chỉ huy.

– Bắt đầu từ ngày mai, mình sẽ làm như vầy. Đại đội của mình có ba trung đội, mỗi trung đội có 4 tiểu đội. Như vậy mình có 12 tiểu đội. Mỗi ngày tôi sẽ cho 1 tiểu đội sang bên kia sông để giữ an ninh và làm các việc lặt vặt giúp đỡ dân chúng. Ban đêm mình sẽ phục kích lính du kích bên kia về…

– Mệt à nghen thiếu uý…

Biền cười lên tiếng. Dương gật đầu rít hơi thuốc dài.

– Thì mệt… có thể lúc ban đầu thì mình sẽ mệt nhiều hơn. Tôi, ông, ông Tánh và ba trung đội trưởng sẽ chia phiên nhau để dẫn lính bình định bên kia sông…

Biền gật đầu. Vẫn còn ngồi trên ghế, Dương nói tiếp.

– Sáng mai tôi lên chi khu có chuyện cần. Ông ở nhà xếp đặt chuyện hành quân qua bên kia sông để ngày mốt mình khởi sự. Nhớ là phải tử tế với họ…

Lãnh lệnh Biền bước ra khỏi hầm. Dương ngồi lại. Xuyên qua khung cửa sổ hẹp anh thấy trời thật xanh và nắng dọi những tia sáng vàng hực xuống mặt con sông hẹp.

Đang lui cui dọn dẹp lại cho ngăn nắp và trật tự hơn, nghe tiếng tằng hắng, Vấn không giấu được nét ngạc nhiên và vui mừng khi thấy ông sếp đồn mà chị đã đặt cho cái tên mới là Thiếu đang bước vào cửa.

– A… tôi tưởng ông sợ thiếu nợ nên trốn biệt luôn…

Sau câu nói Vấn cười hắc hắc. Thiếu cảm thấy giọng cười của chị thật trong sáng và hồn nhiên, một điều rất hiếm đối với người đã có gia đình.

– Thật ra thì tôi cũng sợ thiếu nợ lắm song biết tránh hổng được nên phải qua đây…

– Ủa chú Tánh hổng có đi với ông à…

– Tôi thích đi một mình hơn… với lại hôm nay tới phiên tôi dẫn lính qua đây thăm chị…

Vấn cười có lẽ hiểu được câu nói của Thiếu.

– Ông ngồi đi… Ông uống gì để tôi làm cho ông…

Đưa tay áo lau mồ hôi trán, Thiếu nói nhỏ.

– Bữa nay thì tôi không nhậu… Chị có cái gì uống cho đã khát hông?

– Tôi có chanh muối… mà hổng có nước đá à nghen…

Thiếu gật đầu ngồi xuống chỗ cũ mà anh đã ngồi lần trước.

– Hổng sao… Trưa nay tôi chỉ muốn ăn cơm… Chị nấu cái gì cũng được…

Vấn cười đi pha chanh muối. Mang ra đặt cái ly nhựa ngã màu trước mặt khách, chị nói trống không.

– Thử coi ngon hông…

Thiếu hớp ngụm nhỏ rồi tặc lưỡi xong ngước lên cười với Vấn.

– Chanh muối của chị tuy hổng có nước đá mà lại ngọt đậm đà và mặn mòi hơn…

 Quay mặt đi để giấu nụ cười, Vấn bỏ ra sau bếp rồi lát sau trở lên nhà trước.

– Tôi nấu canh chua và cá lăng chiên, thiếu uý ăn hông?

Nói tới đó chị bụm miệng cười vì biết mình vừa lỡ lời gọi ông lính bằng thiếu uý. Thiếu chưa kịp lên tiếng cằn nhằn, chị cười hăng hắc.

– Thiếu uý thì người ta gọi thiếu uý chứ sao. Bộ ai cũng là thiếu uý được à…

Tới phiên Thiếu bật cười.

– Thì chị muốn gọi gì cũng được. Nấu món gì cũng được… Tôi đi một vòng xong trở lại…

Gật đầu Vấn nhìn theo dáng đi của ông lính. Chị chợt nhớ tới Nghiêm, người chồng ở trong bưng của mình. Cả hai có dáng đi từa tựa nhau.

*****

Ba tháng, tuần lễ hai lần, Thiếu trở thành người khách quen thuộc của Vấn; quen tới độ họ có thể ngồi chuyện trò một cách vui vẻ và lắm khi đi sâu vào đời tư của nhau. Nhờ vậy anh mới biết người đàn bà ở vùng đất quê mùa này lại không quê mùa như anh nghĩ. Ba má của Vấn ở trên tỉnh, nhà khá giả nên Vấn được đi học tới lớp đệ tam rồi nghỉ học để lập gia đình với Nghiêm cũng ở trên tỉnh. Nghiêm thi xong tú tài 1 thì đột nhiên bỏ học đi vào bưng. Vấn không ngần ngại nói cho Thiếu nghe nhiều điều về Nghiêm, người chồng ở trong bưng của mình. Sự thành thật của Vấn làm cho anh hơi khó xử. Trên cương vị của một ông trưởng đồn, anh không thể giao tiếp một cách thân mật với một người đàn bà có chồng thuộc phe đối địch với mình. Nếu thượng cấp biết anh sẽ bị khiển trách. Tuy nhiên dù biết như vậy song anh cứ tiếp tục giao du với Vấn. Ở người đàn bà có chồng này anh tìm được một thứ mà anh thiếu vắng từ khi tới đây. Đó là sự đồng cảm trong ý nghĩ và chữ nghĩa để diễn đạt tư duy của mình. Khi hai người xa lạ có sự đồng cảm với nhau thì họ không cần nói nhiều, hoặc giả họ có nói nhiều thì cũng không chán chuyện với nhau. Họ có thể ngồi hàng giờ, lắm khi cả buổi nữa để nhắc lại thời đi học, kỹ niệm của tuổi thơ, thảo luận sôi nổi về một bài thơ hay bản nhạc. Có một điều mà Thiếu biết là mình không yêu Vấn theo cái nghĩa thông thường, là tình cảm giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Anh chỉ xem Vấn như một người quen, đúng nghĩa quen, tức có một giới hạn đã được định sẵn. Khi người ta biết được cái giới hạn của mình thì mọi việc sẽ dễ dàng và ít rắc rối hơn.

10 giờ đêm. Đang mơ màng ngủ Vấn nghe có tiếng bước chân sau hè rồi có tiếng gọi vang nhỏ nơi cửa.

– Vấn… anh đây… mở cửa cho anh…

Ngồi dậy, bới tóc, Vấn rời giường ra mở cửa cho chồng. Nghiêm bước vào nhà. Khép cửa lại anh hỏi liền.

– Em mạnh hông?

Không trả lời Vấn hỏi lại chồng.

– Dạ mạnh… Chừng nào anh đi?

– Đi liền. Anh nhớ con nên về thăm…

Vấn cười lặng lẽ trong bóng tối. Chị biết lý do nào chồng lén về nhà một cách đột ngột và cũng vội vàng bỏ đi. Câu ca dao ” nhớ con thì ít mà nhớ cái đít vợ thì nhiều ” rất thực, ứng đúng vào tâm trạng của mấy ông ở trong bưng. Nhiều khi chị nghĩ mấy ổng khổ cực chiến đấu cũng chỉ vì cái đó thôi chứ chẳng có phải vì dân vì nước gì gì hết. Nếu không vì cái đó của chị thì Nghiêm chẳng phải lén lút, lội nước băng đồng về đây trong vòng một hai tiếng đồng hồ rồi hối hả bỏ đi.

– Anh đói bụng không tôi có sẵn đồ ăn cho anh…

– Không… anh vừa đi vừa ăn rồi…

Hiểu ý chồng, Vấn nằm dài ra giường. Chị lờ mờ thấy chồng cởi quần áo rồi nằm lên người của mình. Bình thường chị tự động cởi quần áo song hôm nay chẳng biết nghĩ sao mà chị cứ nằm yên.

– Em hổng cởi ra à…

Không nói tiếng nào, Vấn tuột quần mình xuống tới đầu gối rồi lấy bàn chân đạp cho chiếc quần tuột khỏi chân bên phải xong nằm đó để mặc cho chồng muốn làm gì thì làm. Không biết nghĩ tới điều gì mà chị cảm thấy buồn và mắt cay cay. Chiếc giường kêu thành tiếng kẽo kẹt vì những cử động của Nghiêm. Đứa con trai út nằm cạnh bên vẫn im lìm say ngủ và cha của nó cũng chẳng màng hôn hít hay nựng nịu nó. Mươi phút sau Nghiêm thở hắt ra hơi dài rồi nằm lăn xuống giường. Căn nhà im lặng. Tiếng cóc nhái kêu rời rạc.

– Anh đi… mai mốt anh về… Em nhớ cài cửa…

Vẫn nằm yên, Vấn nhìn chồng mặc quần áo, lận khẩu súng vào lưng quần rồi lặng lẽ đi ra cửa. Nghiêm đến mau mà đi cũng lẹ. Lầm bầm vài tiếng Vấn mặc quần lại rồi ngồi dậy đi lanh quanh trong căn nhà tối. Lát sau chị đốt đèn lên. Ánh đèn le lói soi bóng chị lên vách lá. Cái bóng thật cô đơn và buồn bã.

8 giờ sáng. Dương lắc đầu một cách chán nản khi muốn pha ly cà phê mà mở nắp hộp đựng cà phê ra mới biết hổng còn miếng nào. Ở đây đã buồn mà buổi sáng thêm thiếu ly cà phê và điếu thuốc thì càng buồn hơn. Moi túi áo trận anh thiếu điều buột miệng chửi thề vì thuốc lá cũng hết luôn.

– Hay là mình đi uống cà phê…

Có hai nơi để anh uống cà phê và mua thuốc lá. Đó là chợ làng và quán tạp hoá của Vấn bên kia sông. Bốn tiếng ” Vấn bên kia sông ” bật lên trong đầu. Anh thấy mình có đủ lý do để sang bên kia sông một mình. Thay quần áo trận, lận lưng khẩu súng cá nhân, anh đi ra cổng sau nằm sát mé sông. Thấy anh người lính gác cổng cười.

– Thiếu uý qua bên kia sông hả thiếu uý?

Gật đầu, mở dây buộc, anh cười nói với lính trong lúc bước xuống ghe tam bản.

– Tôi đi uống cà phê… Anh nói với ông Biền qua gặp tôi…

Đối với anh, cầm cây dầm vừa bơi vừa điều khiển cho chiếc ghe tam bản đi tới mà đi thẳng chứ không có đâm bên này lủi bên kia, còn khó hơn thi tú tài nữa. Phải mất gần tháng trời, mỗi ngày bơi vòng vòng trên rạch anh mới có thể tạm gọi là biết bơi xuồng. Sáng hôm nay, cầm chiếc dầm bơi nhè nhẹ anh cảm thấy một điều thật lạ mà từ nào tới giờ anh chưa biết. Buổi sáng mặt trời lên dọi chút ánh nắng xuống mặt nước xanh sạch trơn, bơi thuyền và ngắm cảnh đồng quê quả thật thú vị. Gió mát, thổi nhẹ đủ làm gợn mặt nước. Không khí trong lành và tinh khiết.

– Bây giờ mà nhảy xuống nước tắm chắc đã lắm…

Thiếu lẩm bẩm rồi cười hắc hắc. Anh nhớ lại thời tuổi nhỏ cởi truồng nhảy xuống tắm sông. Phải ở truồng vì sợ dơ quần áo về nhà bị má bắt nằm dài trên bộ ván quất vài roi đau quắn đít luôn. Tiếng động rì rầm thật cao. Ngước lên anh thấy bóng chiếc máy bay khuất sau cụm mây. Cặp chiếc tam bản vào cây cầu ván, buộc dây cẩn thận anh thong thả đi vào xóm nhà lá. Kể từ khi lính bên này sông qua bên kia mỗi ngày thì sáu tiếng ” bên này sông, bên kia sông ” hầu như không còn. Người dân của xóm nhà lá không còn nhìn lính bên kia sông với ánh mắt nghi kỵ và thiếu thân thiện nữa. Con nít, những kẻ không biết phân biệt đã chào đón lính vồn vả và thân mật như người trong nhà. Đối với ông sếp đồn thì chúng còn bày tỏ cử chỉ thương mến như bắt bồng bế hay làm nũng để xin bánh kẹo. Hai đứa con của Vấn đã chịu cho anh bế vào lòng trong lúc ngồi khề khà chén trà chung rượu với mấy ông già rỗi chuyện trong quán tạp hoá của Vấn. Nhờ Thiếu, quán tạp hóa lúc nào cũng có khách mà phân nữa là lính bên kia sông. Mấy người lính có gia đình như Tánh thì thích sang xóm nhà lá nhậu vì vợ hổng có réo hoặc tìm họ được. Ngay cả thượng sĩ Biền, dù ít hơn những người khác cũng lần mò qua quán chị Vấn ăn lương um, thịt chuột, rùa rang muối… Có lẽ ông ta nể lời mời của cấp chỉ huy. Dù sao ông ta cũng ít có ác cảm với dân bên kia sông hơn lúc trước.

Vừa mở cánh cửa đóng bằng ván sơ sài, Vấn trợn mắt vì thấy Thiếu đứng lù lù nơi hàng ba.

– Trời ơi… ông đi đâu mà sớm vậy… Đứng lù lù làm tôi sợ đứng tim tưởng ăn trộm chứ…

Cười hăng hắc Thiếu đùa.

– Chị này thiệt tình hết biết luôn… Hết nói tôi thiếu nợ bây giờ lại nói ăn trộm…

Vấn bật lên tiếng cười ròn tan.

– Ông qua đây có chuyện gì mà sớm vậy?

– Tôi ghiền cà phê và thuốc lá. Nghĩ tới chị nên tôi bơi xuồng qua đây…

Vấn chớp mắt. Có lẽ chị cảm động về lời nói của Thiếu.

– Ngồi xuống đi… Tôi pha cho ông ly cà phê đặc biệt…

Loay hoay một lát Vấn đặt trước mặt Thiếu một vật mà khi nhìn thấy anh phải la nhỏ.

– Ở đâu mà có cái này vậy?

– Nhờ người quen trên tỉnh mua. Có một thôi vì ở đây chỉ có mình ông mới biết uống cái thứ quỉ này…

Thiếu cười hắc hắc. Vấn cũng cười thốt.

– Tôi còn có cái này cho ông…

Ông lính sáng con mắt lên khi thấy Vấn đặt trước mặt mình gói thuốc lá hiệu Lucky.

– Cà phê phin và thuốc Lucky. Gu của ông mà…

Thiếu ngước đầu lên nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt mình khi nghe tiếng ” gu ” rồi sau đó mới chậm chạp lên tiếng.

– Điệu này tôi thiếu nợ chị nhiều lắm…

– Tôi có đòi ông trả đâu mà ông sợ… Có nợ thì tốt chứ sao… chỉ sợ sống mà không nợ nần thì hơi…

Vấn ngừng nói như để tìm lời rồi không biết nghĩ sao lại im luôn. Không lên tiếng hỏi, Thiếu im lặng nhìn ra đường. Vài ông già vác cuốc trên vai đi ra rẫy. Dân xóm nhà lá chuyên làm rẫy trồng các thứ rau cải để đem bán bên chợ làng hay bán sĩ cho các bạn hàng xuống mua đem về trên quận hay tỉnh bán lại. Hai đứa con của Vấn, chị và em trai sau khi ăn uống xong bắt đầu túa ra đường giỡn hớt với mấy đứa trẻ hàng xóm.

– Chị học tới lớp mấy chị Vấn?

Đang nấu cơm trong bếp, nghe Thiếu hỏi, Vấn ló đầu ra cười.

– Lớp đệ tam… Có chuyện gì hông?

– Dạ hông… Tôi chỉ hỏi cho biết…

Vấn cười hắc hắc trong bếp khi nghe ông lính dạ thưa với mình. Nhấc lấy phin cà phê bỏ vào dĩa, Thiếu múc muỗng đường cát trắng bỏ vào tách, quậy quậy mấy lần rồi mới hớp ngụm nhỏ.

– Uống được không?

Ở trong bếp Vấn hỏi vọng ra. Thiếu chắt lưỡi.

– Hết sẩy luôn. Vậy là sáng nào tôi cũng qua đây uống cà phê nghen…

– Ông hổng sợ sao?

– Sợ gì?

– Lính của ông nói…

– Tại sao tôi phải sợ. Tôi có làm cái gì sái quấy đâu mà sợ. Lo cho dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ của một người lính. Tôi chịu trách nhiệm vùng đất này…

Ngẫm nghĩ giây lát Thiếu nói với giọng chậm và buồn.

– Chị tử tế, hiền lành thì tôi giúp đỡ chị…

– Thế à…

Thiếu ngó về phía bếp sau khi nghe Vấn nói hai tiếng ” Thế à ” gọn lõn.

– Với lại chị nói chuyện hạp với tôi…

– Tôi biết… Dân ở đây đâu có đủ chữ nghĩa nói chuyện với ông. Tôi theo ông còn muốn hụt hơi nữa kia…

– Đâu cần phải có chữ nghĩa nhiều mới nói chuyện được…

Vấn im lặng chắc vì bận làm cá ngoài sân. Hôm qua chèo xuồng qua chợ chị mua được hai con cá rô mề nên bữa nay làm một con, cắt làm đôi, khúc đầu nấu canh bí đao, khúc đuôi kho tiêu. Chị muốn làm cho Thiếu ngạc nhiên bằng cách mời anh ăn cơm chung với mình. Lâu lắm rồi, từ lúc Nghiêm bỏ vào bưng, chị chưa hề ăn bữa cơm có mặt một người đàn ông. Chị hoàn toàn không có tình ý gì với Thiếu mà chỉ muốn mời anh bữa cơm gia đình vì biết anh là người duy nhất không có gia đình với lại anh là người có cảm tình và giúp đỡ chị nhiều nhất so với người ở đây.

Bước ra khỏi bếp, thấy Thiếu đang ngồi trâm ngâm nhìn ra quãng đồng cỏ rộng xanh mướt, Vấn im lặng ra đứng nơi cửa cạnh bàn ông lính ngồi. Biết anh đang ngắm mình, chị có vẻ không được tự nhiên song vẫn không chịu bỏ vào trong. Thiếu im lặng quan sát hình tượng đứng trước mặt mình. Có thể nói đàn bà ở xóm nhà lá này hổng có ai đẹp hết trơn hết trọi kể cả Vấn. Tuy nhiên người đàn bà đẹp thuần tuý không phải ở chỗ nhan sắc bởi vì anh đã gặp nhiều người đàn bà đẹp mà vô duyên từ cử chỉ, lời nói, dáng điệu và cung cách đối xử với người khác. Vấn không đẹp song lại có duyên, cái duyên ngầm mà phải quen biết thời gian anh mới khám phá ra. Nét đẹp của Vấn là nét đẹp ẩn ở trong một tâm hồn dung dị, sự thật thà chất phác và thứ tình cảm rất đậm đà không phân biệt bên này hay bên kia. Vấn như thứ bông đồng nội nở đầy nơi đồng cỏ ngoài kia. Nó đẹp nhưng ít ai biết vì hiếm người chịu khó đi ra ngoài đó để nhìn ngắm. Phải có dịp gì đó thì người ta mới khám phá ra vẻ đẹp của bông nhãn lồng, bông điên điển hay bông của cây keo, cây bần. Phải có cơ duyên. Mà khi nói tới cơ duyên thì không phải ai cũng có được.

– Mấy giờ rồi ông sếp của tôi?

Vấn bật lên tiếng cười sau khi hỏi.

– Dạ 10 giờ…

– Ông ở lại đây chơi hay về đồn?

– Tôi phải về có chút việc…

– Tôi nấu canh cá rô với bí đao và cá kho tộ mời ông ăn với ba mẹ con tôi… Ông ăn không?

Thấy Vấn nhìn mình như chờ đợi câu trả lời, Thiếu cười nhẹ.

– Ở đây ai mời ăn cái gì tôi cũng không từ chối. Chị mời mà tôi không nhận lời thì hoá ra tôi ngu nhất trên đời. Chị thấy tôi có ngu hông?

Bật lên tiếng cười thanh thoát, Vấn lắc đầu.

– Ông mà ngu thì tôi còn ngu tận mạng luôn. Trưa ông trở lại đây nghen. Tôi chờ…

Khẽ gật đầu, uống cạn tách cà phê, nhét gói thuốc Lucky vào túi áo trận, Thiếu móc tiền ra. Vấn khoát tay.

– Tôi mua tặng ông mà…

Thiếu lắc đầu.

– Tôi hổng thích thiếu nợ ai nhất là chị. Tôi nghèo mà chị còn nghèo hơn tôi… Tôi có một mình mà chị có hai con nhỏ thành ra…

Dứt câu, Thiếu đặt 4 tờ giấy 200 lên bàn, lấy cái tách dằn lên trên rồi bước nhanh ra đường. Đứng nhìn theo bóng người lính đi về phía bờ sông, Vấn lẩm bẩm.

– Người như ông ta rất tiếc lại quá hiếm trên đời này…

Trưa hôm nay Vấn cho hai con ăn cơm sớm hơn thường lệ vì không muốn tụi nó làm rộn trong lúc Thiếu và chị ăn cơm trưa. Vừa dỗ cho hai đứa thiu thiu ngủ chị nghe tiếng bước chân rồi Thiếu bước vào cửa.

– Ông đúng hẹn ghê… chắc đói bụng dữ lắm hả…

Nghe bà chủ quán nói đùa,Thiếu cười nhẹ đùa lại.

– Tôi nhịn từ sáng tới giờ để ăn cho ngon…

– Tội nghiệp chưa. Mời ông ngồi…

Ngồi xuống ghế Thiếu cười hỏi.

– Bữa nay sao chị khách sáo vậy chị?

Đặt hai cái chén, hai đôi đũa xuống bàn, vói người qua cái kệ bưng nồi cơm, tô canh bí đao, tô cá rô kho tiêu và dĩa nước mắm sống xong Vấn ngồi đối diện với khách. Bới hai chén cơm đặt trước mặt Thiếu một và mình một, bà chủ quán nâng chén lên.

– Mời ông… Ông tự nhiên như người nhà đi…

– Mời chị… Ủa còn hai đứa nhỏ đâu?

Vấn cười nhìn về phía nhà trong được ngăn với bên ngoài bằng bức màn vải đã phai màu.

– Tôi cho chúng nó ăn rồi để khỏi làm rộn ông…

– Tôi đâu có ngại ăn chung với con nít đâu…

– Ông không ngại mà tôi lại không muốn bị phá rầy trong lúc ăn cơm với ông…

Hiểu ý chủ nhà Thiếu không nói nữa. Hai người thong thả vừa ăn vừa nói chuyện.

– Ngon quá… Tôi có thể ăn món cá kho của chị hoài…

Vấn cười sung sướng vì biết ông sếp đồn khen thật tình. Chị chưa kịp nói gì thì Thiếu đã lên tiếng trước.

– Hay là chị nấu cơm tháng cho tôi đi…

– Hổm rày ông ăn ở đâu?

– Ăn ở chợ… Đụng gì ăn nấy, đụng đâu ăn đó…

– Ông thật tình muốn tôi nấu cơm tháng cho ông hả?

Vấn hỏi lại bằng giọng nghiêm nghị trong lúc đưa tay như ra dấu cho Thiếu trao chén cho mình bới thêm cơm.

– Thiệt chứ… Có chị nấu thì tôi đở khỏi phải ăn bậy bạ. Ngày hai bữa thôi…

– Tôi sợ ông chê…

– Trời đất… chị này nói kỳ cục à nghen… Lính cu ky như tôi mà có người nấu cho ăn là mừng húm rồi…

Đưa chén cơm trắng cho Thiếu, Vấn cười nhẹ.

– Có cái gì tôi nấu cái đó ông chịu hông?

– Chịu… Chị đừng lo. Đọt lang chấm với nước mắm kho quẹt tôi cũng hổng chê đâu… Chị ăn cái gì tôi ăn cái đó…

Thiếu nói bằng giọng năn nỉ khiến cho Vấn khó mà từ chối được.

– Ngày mai ông qua đây ăn thử vài ngày đi rồi tính sau. Ông thích thì ông ăn tiếp, tôi thích thì tôi nấu tiếp…

Dường như đã quyết ý nên Thiếu móc bóp lấy một xấp tiền ra đặt lên bàn ngay trước mặt của Vấn.

– Chị cầm đi để mua xắm cái gì chị cần. Nếu thiếu cho tôi biết tôi sẽ đưa thêm…

Đưa ngón tay trõ lên chỉ vào mặt Vấn, Thiếu nói bằng giọng nghiêm như ra lệnh.

– Nếu thiếu thì phải báo cáo cho tôi biết nghen. Đó là lịnh…

Vấn cười hắc hắc giỡn bằng câu nói.

– Ông này dữ ghê… Dám xỉa xói vô mặt người ta…

Nói xong chị bỏ tiền vào túi áo rồi cười tiếp.

– Coi bộ điệu này thì tôi thiếu nợ ông chứ ông hết thiếu nợ tôi rồi…

Thiếu cười cười lập lại câu nói chỉ sửa hai tiếng thôi.

– Tôi có đòi chị trả đâu mà chị sợ… Có nợ thì tốt chứ sao… chỉ sợ sống mà không nợ nần thì hơi buồn… Phải không chị?

Vấn gật đầu cười nghĩ thầm. Có người nào sống mà không nợ. Ít nhiều gì cũng phải nợ ai đó. Chỉ có người chết mới dứt nợ. Bởi vậy đừng lo mình mắc nợ người khác cũng như khi mắc nợ người nào thì đừng lo trả nợ vì chưa trả hết nợ này mình đã mắc nợ khác. Đang suy nghĩ nhìn lại thấy chén của Thiếu không còn hột nào, chị đưa tay ra như có ý muốn bới thêm cơm cho anh. Thiếu lắc đầu cười.

– Tôi no rồi…

– Ông ăn mới có hai chén mà… Bộ ông sợ tôi nấu không đủ cho ông ăn à…

Thiếu lắc đầu cầm ly nước lạnh lên uống ngụm nhỏ cười thốt.

– Ít khi tôi ăn tới ba chén… Tại chị nấu vừa miệng nên tôi mới ăn nhiều…

Bật cười sung sướng vì được khen song Vấn lại nói giỡn một câu.

– Chứ hổng phải ông ăn ít để giữ eo à…

Thiếu cười lớn nhìn Vấn.

– Chị mới cần ăn hơn tôi… Lúc này tôi thấy chị ốm hơn trước… Chị bịnh à?

– Không… Tôi có bịnh gì đâu?

Thiếu gật gật đầu.

– Chị mà bịnh là hai đứa nhỏ khổ lắm… Ba chúng ở xa…

Vấn thở dài thầm lặng. Chị không mong, không đợi gì về người chồng ở trong bưng nuôi nấng hai đứa con. Anh ta đang chạy theo cái mà anh ta gọi là ” cách mạng ” nên đâu còn thì giờ để lo chuyện khác. Mới đầu nghe chồng nói về cách mạng chị cũng bị kích thích và hấp dẫn nên ủng hộ chồng đi theo cách mạng. Tuy nhiên ngày qua ngày, nước sơn cách mạng bị phai nhạt lộ ra bộ mặt thật khiến chị thất vọng và lạnh nhạt dần với chồng. Chị nghĩ có cách mạng hay không có cách mạng đời sống của chị cũng vậy thôi, thì cách mạng để làm gì. Điều mà chị nhận thấy là càng đi theo cách mạng lâu thì khoảng cách giữa mình với người chồng trong bưng càng xa ra, xa tới độ thành lạ và khó thông cảm nữa. Đối với Nghiêm, mọi người, trong đó có chị; mọi vật, mọi thứ đều trở thành phương tiện phục vụ cho cách mạng. Ngay giây phút này Vấn biết mình không yêu Thiếu, thứ tình cảm giữa hai người khác phái. Chị  cảm thấy dễ chịu khi gặp Thiếu, lân la trò chuyện, thuận miệng nói ra những ý nghĩ của mình một cách tự nhiên và thành thật. Ở Thiếu, không có sự ” nói một đàng làm một nẽo ” mà đã nói thì phải làm đúng như lời mình nói.

– Tôi nói điều gì làm chị buồn?

Thấy Vấn lộ ra vẻ trầm tư sau khi nghe mình nói, Thiếu hỏi nhỏ. Vấn cười nhìn người lính đang ngồi trước mặt.

– Tôi đâu có gì buồn ông đâu… Ông nói sự thực thì làm sao tôi buồn ông được…

Sau câu nói Vấn bắt đầu dọn bàn.

– Ông ngồi chơi… Mình sẽ uống trà ăn bánh ngọt…

Thiếu mỉm cười. Dường như cũng sớm nhận ra mình vô tình ăn nói có hơi thân mật khi xưng ” mình ”, Vấn bưng nồi cơm ra sau bếp để cho Thiếu không thấy mình cười.

– Tôi có pha bình trà hoa lài…

Hai tách trà được Vấn rót ra.

– Bánh gì vậy?

– Bộ ông không nhận ra bánh trung thu à?

Vấn hỏi và Thiếu lắc đầu.

– Hổng biết bao lâu rồi tôi không được ăn bánh trung thu… chắc lâu lắm… Ủa mà hôm nay trung thu à?

– Chưa. Còn hơn tuần lễ nữa… Tôi cho ông thưởng trung thu sớm hơn…

Để ý, Thiếu thấy Vấn cắt phần bánh trung thu một miếng lớn một miếng nhỏ, đồng thời miếng lớn lại có nhiều lòng đỏ trứng vịt hơn.

– Tôi muốn miếng nhỏ đó đó…

Thiếu chỉ vào miếng bánh trung thu nhỏ và ít trứng hơn. Biết ý của Thiếu muốn chọc mình, Vấn cũng cười lắc đầu nói giỡn.

– Không… Miếng đó ngon của tôi… Ông ăn miếng này dở hơn…

Đẩy cái dĩa đựng miếng bánh trung thu lớn tới trước mặt Thiếu, chị nghiêm giọng.

– Ăn đi… đừng có cãi lời tôi… Ông mà cãi lời là chiều nay tôi cho ông ăn cơm trắng…

– Cơm trắng với nước mắm kho quẹt càng ngon…

– Kho quẹt cũng hổng có luôn… Khỏi có cà phê phin buổi sáng nữa…

– Điệu này chắc tôi phải đầu hàng chị rồi…

Vấn cười hăng hắc.

– Ông quánh hổng lại tôi đâu… Tôi du côn lắm…

– Mặt chị hiền khô mà nói du côn… Tôi hổng tin đâu…

Hai người uống nước trà, ăn bánh trung thu và nói chuyện vu vơ. Chuyện của họ không đầu không đuôi, lan man đủ thứ. Tới lúc hai đứa nhỏ thức dậy, Thiếu mới đứng lên.

chu sa lan

( Còn tiếp )

Advertisement