Cũng Đành 1- 4

cungdanh

Mở truyện

Đám tang buồn. Thật buồn. Thật lẻ loi. Theo sau chiếc xe hòm màu đen chỉ có hai người. Vỏn vẹn hai. Tảng, một người bạn ở xa. Chiêm, chồng của người chết. Như thế đủ rồi. Không họ hàng con cái gì hết. Người chết, sống đơn độc mà chết cũng lẻ loi. Tang lễ cũng đơn giản. Ngay cả vòng hoa cũng không có. Người nhắm mắt lại đâu có nhìn thấy hoa. Người nằm trong chiếc quan tài bằng sắt kín mít đâu có ngửi được mùi hương của hoa. Lời chia buồn cũng không. Người chết đâu có nghe được. Còn người sống cũng không cần người đi đưa đám tang phải thốt lên sáo ngữ để chia buồn. Buồn đau là thứ không thể chia xẻ được. Hai người sống đứng cạnh nhau, im lặng nhìn chiếc quan tài đang từ từ được hạ xuống. Tấm bia bằng đá xanh khắc tên người chết. Nguyễn Thị Sầu Đông. Thế thôi. Không có ngày sinh, ngày tử. Người chết đâu màng chuyện sinh tử nữa. Không có tiếng khóc bi ai. Không có nước mắt. Chỉ có ánh mắt đăm chiêu của một người bạn. Chỉ có hai giọt lệ ứa ra từ đôi mắt buồn của người chồng. Thế thôi. Tháng 6 trời thật xanh. Mùa hè lá cây xanh thật xanh. Người ta thường nói màu xanh tượng trưng cho ước vọng. Ước vọng cái gì? Điều gì? Người chết đâu màng. Ngay cả người sống rồi cũng cạn dần ước vọng kia mà. Bỏ lại đằng sau lưng ngôi mộ chưa được đắp đất, hai người đưa đám tang chậm chạp lê bước trên nền cỏ xanh. Bước chân mỏi mòn, rời rạc, nặng chình chịch. Tảng lên tiếng như muốn phá tan sự im lặng.

– Rồi anh làm gì?

Chiêm im lặng. Lát sau anh mới trả lời, một câu trả lời nhát gừng, như không có câu trả lời chính xác hoặc mệt mỏi khi phải trả lời.

– Không biết… Chắc cũng không làm gì…

Ngước đầu lên nhìn trời xanh, anh thở dài tiếp.

– Chắc tôi vẫn sống một mình… phải sống một mình… Thế thôi…

– Anh đủ sống?

Tảng lại hỏi. Chiêm nhếch môi cười. Hai ngày nay Tảng mới thấy bạn của mình cười lần đầu tiên, dù chỉ cái nhếch môi. Câu trả lời ngắn gọn như hà tiện lời nói.

– Tri túc, tiện túc…

Tới phiên Tảng bật cười thành tiếng ngắn. Hai người ngừng lại nơi bãi đậu xe. Chiêm nói nhỏ và gọn. Vẫn giọng nói đứt đoạn, rời rạc.

– Mời anh ăn cơm tối nay… Còn nửa chai rượu… Đông với tôi… chưa kịp uống hết…

Tảng gật đầu trong lúc mở cửa xe.

– Sáng mốt tôi mới về…

Câu nói có nghĩa họ còn một đêm để bù khú với nhau.

– Xe của chị sạch quá… Xe mấy bà lúc nào cũng sạch sẽ hơn xe của tụi đàn ông mình…

Nhìn quanh quất trong lòng chiếc Honda cũ song sạch sẽ và ngăn nắp, Tảng cười lên tiếng. Chiêm vừa lùi xe vừa nói.

– Đông bị dị ứng nặng… lúc nào xe cũng phải sạch sẽ… thơm tho…

– Chị bị dị ứng gì vậy anh?

– Đủ thứ… Cây cỏ, hoa lá, chó mèo, không khí và người ta…

Tảng đùa một câu.

– Kể cả anh…

Chiêm cười lặng lẽ. Tảng nhận thấy không có gì buồn hơn nụ cười của bạn. Khe khẽ gật đầu, Chiêm thốt.

– Đông dị ứng với chính mình nữa…

Tảng muốn bật cười song nín lại khi nhìn nét mặt buồn u uẩn của bạn. Mười lăm phút sau xe quẹo vào khu đất nhỏ có độ hai chục căn nhà. Đã tới nhiều lần anh nhận thấy mọi thứ đều giống như cũ trừ hoa mùa hè đang nở rộ. Những chùm hoa bằng lăng màu đỏ, tím đậm, hồng nhạt và màu trắng đung đưa trong cơn gió nhẹ. Một cây hoa màu tím dường như có tên chuỗi ngọc đứng riêng lẻ nơi góc sân trước. Trong lúc bạn mở cửa, anh nhìn khóm hoa huệ vàng úa, lá rủ xuống chắc vì thiếu bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Ngày xưa, lúc Đông chưa bị bệnh, vườn hoa nhà nàng bốn mùa xuân hạ thu đông đều có đủ mọi loại hoa nở.

– Mời anh vào…

Chiêm lên tiếng trong lúc mở rộng cửa. Khẽ gật đầu Tảng bước vào. Anh nhận thấy ngôi nhà vẫn y nguyên trừ vài thay đổi nhỏ nhặt. Màng nhện bắt đầu đóng trên tường. Chút bụi mờ trên bệ cửa, trên tay vịn của cầu thang và vài mảnh giấy nằm lây lất ở trong góc tường. Ngồi xuống chiếc ghế nệm bằng da cũ, chỗ mà ngày xưa anh hay ngồi mỗi khi tới thăm bạn, Tảng cảm nhận được sự trống vắng và quạnh hiu của thứ không khí thiếu chất người. Đó là thứ tiết ra sự ấm áp tình cảm, điều hòa hơi thở và chan chứa ý nghĩa của sự sống. Đó cũng là điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà có người sống đang ở. Người đang ở nhất định phải có hai người, đàn ông và đàn bà. Đàn ông và đàn bà ở chung nhà với nhau thì phải có tình cảm dù ít hay nhiều. Chính tình cảm tạo nên sinh khí cần thiết cho người. Đời sống mà không có tình cảm là một đời sống giãy chết. Vì vậy, cũng mang danh nhà song nhà mồ, nhà xác và nhà thương khác với nhà ở. Không khí trong ngôi nhà này thiếu sự sống. Có lẽ Đông đã mang nó theo xuống nấm mồ của nàng.

Nhận lấy ly rượu của bạn đưa cho, Tảng nhìn bức ảnh trắng đen lớn treo nơi vách phòng khách đối diện với mình. Đó cũng là vật trang trí duy nhất nơi phòng khách. Thấy bạn chăm chú vào bức ảnh bán thân, Chiêm thở dài.

– Đông… trước khi bị bịnh…

Như để giải thích thêm về câu nói chưa tròn nghĩa của mình, anh cười tiếp.

– Trong thời gian Đông bị bịnh, tôi giết thời giờ bằng cách lôi mấy tấm hình cũ ra dọc phá cho vui. Đó là hình tôi ưng ý nhất. Gọi như kỹ niệm… Đông đi rồi tôi chẳng còn lại gì ngoài kỹ niệm…

Chiêm nói bằng giọng bình thường. Có lẽ anh cố gắng giữ cho giọng nói của mình bình thường. Dù vậy Tảng cũng cảm thấy thấp thoáng chút ngậm ngùi, tiếc nuối và nằng nặng nước mắt.

– Tụi mình sống có gì đâu ngoài kỹ niệm… Dù đẹp hay xấu, kỹ niệm cũng đáng được nâng niu và gìn giữ giống như khuôn mặt của người giờ đã xa khuất mờ…

Tảng phụ họa. Cười nhẹ, Chiêm đưa ly rượu lên tỏ ý mời bạn. Gật đầu hớp ngụm rượu, Tảng hỏi cho có chuyện.

– Anh có được thư bên nhà?

– Cũng chẳng có gì quan trọng…

Tảng không hỏi gì thêm nữa khi nghe câu trả lời nhát gừng của bạn. Có bạn bè, bà con và anh chị em ở lại quê nhà, anh hiểu được điều mà Chiêm muốn ám chỉ xuyên qua câu trả lời ” Cũng chẳng có gì quan trọng…”. Rượu Jack Daniel pha với Sprite có vị ngòn ngọt và thơm thơm. Từ lâu anh vốn không thích rượu pha với nước ngọt vì nghĩ mất đi mùi vị của rượu. Tuy nhiên hôm nay anh cảm thấy ly rượu của bạn đưa cho mình lại ngon và thơm. Anh biết vị giác và khứu giác của mình hơi thay đổi. ” Mình bắt đầu già…”. Tảng lẩm bẩm với chính mình. Sự bắt đầu già đó đôi khi anh cảm thấy có, đôi khi không. Tùy theo nhiều điều kiện như sức khỏe, tâm tình, hoàn cảnh mà nó xuất hiện vô chừng. Khi người ta bắt đầu quên, lúc đó người ta bắt đầu ở vào tuổi già. Ngước lên nhìn bạn đang ngồi im lặng ngó đăm đăm ra khung cửa sổ, anh thầm thở dài. Chiêm là hình tượng của bất hạnh, vô phước và buồn đau. Khuôn mặt gầy gò. Mái tóc muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu. Nét nhăn ở vầng trán và đuôi mắt. Ánh mắt mỏi mệt của nhiều đêm mất ngủ. Đi làm để sống và săn sóc một người vợ bệnh hoạn không phải chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi ở anh sức chịu đựng hay đúng hơn sự hi sinh bắt nguồn từ tình thương yêu không thể diễn tả bằng ngôn từ.

– Anh chị lấy nhau bao lâu rồi?

Tảng hỏi cho có chuyện vì không lẽ im lặng mãi. Đang ngồi ngó ra ngoài trời Chiêm quay nhìn bạn. Câu trả lời của anh chậm, buồn, rời rạc, không trọn nghĩa.

– Quen nhau 73… Cưới nhau 83…

Ngừng lại giây lát rồi chắc biết câu trả lời của mình không đủ, anh tiếp.

– Sống với nhau 25 năm… đúng 25 năm và 1 ngày thì Đông đi…

Tảng mỉm cười khi nghe bạn trả lời. Lập gia đình đã lâu anh vẫn không nhớ được bao nhiêu năm, ngày nào mình lấy vợ. Nhớ làm chi ba thứ lỉnh kỉnh đó. Phải có điều gì rất đặc biệt cho nên Chiêm mới nhớ từng ngày, tháng, năm trong đời sống vợ chồng của mình. Dù tò mò muốn biết điều đặc biệt đó song anh không hỏi. Chơi với nhau khá lâu, anh biết tính tình của người bạn hà tiện lời. Quen nhau gần hai mươi năm song vì ở xa nên họ ít khi gặp nhau mà điện thoại nhiều hơn. Thỉnh thoảng, nếu rỗi rảnh anh mới đi thăm hai vợ chồng Chiêm một lần. Lý do mà anh quen với Chiêm khởi đầu từ Đông, một người cùng quê ở Bến Tre. Chiêm, người Sài Gòn song lại biết nhiều về Bến Tre hơn Tảng, gốc gác ở Bến Tre. Thêm một điều nữa khiến cho hai người lâu ngày thành ra thân thiết hơn. Lính. Dù khác binh chủng song đều khoác áo nhà binh nên họ cũng có nhiều chuyện để tán gẫu với nhau. Ở vùng đất quê mùa mà họ đang sống thì bạn lính còn quí và có giá trị hơn nhiều thứ khác.

– Quen nhau 73… Lấy nhau 83… Bây giờ là 2008…

Tảng lập lại nguyên văn và thêm vào câu nói của mình. Chiêm hiểu Tảng muốn chỉ điều gì. Ở giữa năm 1973 và 1983 có khoảng cách thời gian, có một đứt đoạn. Hớp ngụm rượu nhỏ, Chiêm từ từ giải thích.

– Tôi với Đông quen nhau từ năm 73. 30-4-75 tôi tị nạn sang Mỹ. Đông ở lại rồi vượt biên năm 81… năm 82 qua Mỹ… 83 tụi này lấy nhau… và 2003…

Chiêm ngừng nói vì nghẹn lời. Hớp thêm hớp rượu, anh bắt sang chuyện khác.

– Anh uống thêm… Rượu còn nhiều… Đêm đâu đã hết…

Tảng ậm ừ không nói. Uống một hơi cạn ly rượu, anh đưa chiếc ly không chỉ còn chút nước đá cho bạn. Đỡ lấy ly rượu, Chiêm thong thả gắp vài cục nước đá bỏ vào ly, rót chút nước ngọt vào rồi sau đó rót thêm rượu. Tảng nhìn cung cách rót rượu của bạn. Từ tốn, thong thả và như có chút cẩn trọng trong đó. Ở Chiêm, bây giờ như một nghiêm túc chừng mực, một trầm lắng dịu dàng pha chút mệt mỏi và chán nản. Tới lúc nào đó, trong tuổi bắt đầu già như Chiêm, thấp thoáng một sửa soạn để ra đi. Tuy nhiên dù nói sửa soạn để ra đi, song lẩn khuất đâu đó một dùng dằng, níu kéo để ở lại. Chẳng bù với ngày xưa. Ngày xưa, nghe thời xa xôi, đúng ra chỉ năm bảy năm về trước lúc Đông chưa bị bịnh. Không con cái, Chiêm-Đông là cặp vợ chồng được bạn bè thương mến nhất. Vào dịp Tết Ta, Tết Tây, Chiến Sĩ Trận Vong, Lễ Độc Lập, Lễ Lao Động, Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh; Đông thường mời mọi người tới nhà thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo của nàng.

– Mời anh…

Tảng đưa ly rượu sóng sánh màu vàng ươm lên mời chủ nhà. Chiêm cũng nâng ly rượu lên ngang tầm mắt nhìn của mình. Màu rượu vàng óng ánh. Rừng thông xanh ngút ngàn màu xanh thẫm. Dãy núi Signal, Lookout kéo dài xuống tận dãy Racoon thành một bức tường mờ mờ xanh trong bầu trời  nhiều nắng ít mây của ngày hè oi ả. Xuyên qua bóng nắng lung linh đọng trên tàng cây hoa mộc lan, anh thấy Đông hiện ra, không phải bây giờ mà Đông của ngày xưa. Đôi mắt buồn u ẩn. Mái tóc đen huyền hoặc ánh trăng buông lơi trên chiếc áo bà ba trắng. Đôi chân trần thon thon. Môi mím lại ẩn ước nụ cười. Đông của ngày xưa đó. Của năm 1973, ở vùng đất cũ quen thuộc mà tưởng chừng như xa thật xa, lạ thật lạ, tới nổi khó mà hình dung ra được, mơ hồ lãng đãng từa tựa khói sương khó diễn tả bằng ngôn từ mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh.

2.

Chiếc xe đò chạy đường Trúc Giang-Ba Tri dừng lại tại chợ Giồng Trôm. Người xuống xe đầu tiên là Chiêm. Tay xách chiếc túi quân trang nặng chình chịch, anh đứng im ngắm nghía quận lỵ đìu hiu mà anh biết mình sẽ ở lại một thời gian dài không biết bao lâu. Ba năm. Năm năm hoặc dài hơn nữa. Hai dãy nhà ngói cũ mèm đóng rêu xanh, xen lẫn với mấy căn nhà tôn rỉ sét. Căn nhà lồng chợ dơ dáy đầy rác rến sau khi vãn. Mấy đứa con nít, đứa ở trần, đứa ở truồng đang la hét om xòm. Ánh mắt của vị thiếu úy trẻ có hơn ba năm quân vụ dừng lại nơi ngôi nhà gạch loang lổ thứ màu gì không có tên gọi nằm lẻ loi trên khoảnh đất rộng bao quanh bởi hàng chục lớp kẽm gai dày đặc. Chi khu Giồng Trôm. Nó sẽ trở thành nhà của anh, nơi anh sẽ làm việc và ăn ngủ. Ngắm nghía giây lát, Chiêm nhấc túi quân trang lên vai đoạn chậm rãi đi về phía chi khu. Mươi phút sau anh dừng lại nơi trạm canh có người lính đang đứng gác. Thấy bộ quân  phục và một bông mai trên cổ áo của người lính lạ mặt, anh lính gác giơ tay chào kính. Anh ta chưa kịp mở miệng, Chiêm đã lên tiếng trước sau khi chào trả lại người lính gác cổng.

– Tôi là thiếu úy Chiêm, từ tiểu khu đổi xuống đây…

Người lính gác cười nói rồi đưa tay chỉ ngôi nhà gạch

– Dạ thiếu úy đi dô chỗ đó… Thiếu úy sẽ gặp ông trung úy Điền…

Hơi gật đầu, Chiêm cười với người lính gác thay cho lời cám ơn. Nhấc lấy túi quân trang, anh bước nhanh về căn nhà có cánh cửa màu nâu nâu đang mở rộng. Một người lính mặc áo thun, quần ka ki, chân mang giày trận cười lên tiếng.

– Thiếu úy Chiêm hả… Tôi là trung úy Điền…

Giơ tay chào kính, Chiêm cười trả lời.

– Thưa trung úy… Chính tôi…

Điền đưa tay ra bắt tay Chiêm kèm theo câu hỏi có hơi tếu.

– Dân Sè Gòn hả?

– Dạ… Tôi ở Phú Nhuận…

Cười ha hả, Điền móc túi áo lấy ra gói Ruby Quân tiếp vụ.

– Vậy cũng gần… Tôi ở Tân Định…

Hai người lính, dân Sài Gòn, tình cờ gặp nhau ở vùng đất xa lạ, bắt tay nhau thật chặt. Ít ra họ cũng cảm thấy bớt cô lẻ vì có người cùng quê. Đưa gói thuốc mời Chiêm, Điền cười nói trong lúc quẹt diêm.

– Đi… Ra quán ông Tám Chỉa mình lai rai xị này xị nọ chơi…

Chiêm hơi nhăn nhăn mặt. Anh biết mấy tiếng ” xị này xị nọ ” của Điền chỉ tới rượu đế cay nồng pha với xá xị cho dễ uống song lại mau say hơn và khi cho chó ăn chè thì bốc cái mùi khó ngửi. Thấy nét nhăn mặt của Chiêm, Điền bật cười hà hà.

– Nhậu được không?

– Dạ chút chút thưa trung úy…

Bước ra cửa được vài bước, thấy không có ai ở gần, Điền cười hì hì.

– Thôi bỏ cha tiếng trung úy đi em… Đi làm xị này xị nọ cho sần sần rồi anh nói cho em biết em phải làm cái khỉ khô gì ở cái quận đìu hiu và buồn thiu này…

Hai người lính bước nhanh ra cổng không thèm để ý tới cái chào kính của người lính gác.

– Em…

Chiêm ngập ngừng rồi lát sau mới nói tiếp.

– Em có phải trình diện ông chi khu trưởng không anh?

– Khỏi cần… trừ khi nào ổng muốn… Em trình diện anh được rồi. Anh là chi khu phó kiêm xử lý thường vụ chi khu trưởng, kiêm trưởng ban 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 luôn nếu cần…

Chiêm bật cười khi nghe Điền khai chức vụ dài sọc không có trong lính.

– Ông quận có vợ con ở Trúc Giang nên tuần lễ chỉ có mặt ở đây bốn ngày thôi từ thứ hai cho tới thứ năm. Đại úy Tiên, chi khu phó đi tu nghiệp dài hạn chắc không trở lại nhiệm sở cũ nên anh được đôn lên làm chi khu phó kiêm đủ thứ chức vụ. Trung úy Mạnh đi học khóa an ninh tình báo ở Sài Gòn. Neo người quá, ông quận mới xin em về. Ở đây ai mà có quen lớn, có xếp bao che và đỡ đầu thời họ chạy đi tu nghiệp, đi học khóa chuyên môn. Chỉ có những thằng lính con bà phước, cháu chùa cháu miễu hoặc trần minh khố chuối như mình mới chịu chết ở đây…

Chiêm im lặng cười khi nghe cái giọng mỉa mai và có chút chịu đựng của cấp chỉ huy.

– Em về đây làm cái gì hả anh?

– Bắt tay nhậu với mấy ông mặt trận…

Cười hì hì Điền đùa. Nhìn nét mặt hơi thoáng ưu tư của Chiêm, anh nghiêm giọng.

– Coi phụ anh… Cái gì cũng làm hết… Thay thế anh khi nào anh đi phép hoặc anh đi công vụ ở trên tỉnh… Làm việc văn phòng mà quánh giặc nữa…

– Trời đất…

Chiêm kêu lên hai tiếng. Điền cười hì hì.

– Lính ở đây đủ nghề hết… Làm lính văn phòng cũng được mà dẫn lính đi hành quân, đi tuần tiễu, đi kích cũng ngon lành như ai… Lính đa năng, đa hiệu, đa đủ thứ mà em, trừ đa thê; mặc dù anh cũng muốn thử đa thê coi ra làm sao mà thiên hạ mê quá. Chỉ khổ ở đây hổng có đứa con gái nào coi cho được mắt mình…

Điền ngừng nói. Bắt gặp cái nhăn mặt của Chiêm, anh cười hà hà.

– Đàn bà con gái ở đây toàn là du kích tóc dài… Em mà dính tới họ thì chẳng xơ múi gì được mà lại ăn miểng mãng cầu…

Ngừng lại trước quán hủ tiếu xập xệ và dơ dáy, Điền cười tiếp.

– Mình vào đây… Chỗ này sang nhất và sạch nhất Giồng Trôm đó em…

Chiêm cười làm thinh như chấp nhận lời giới thiệu của cấp chỉ huy. Lính mà. Sạch sẽ cũng ăn mà dơ dáy cũng quất tuốt luốt. Sang trọng cũng xực mà nghèo nàn cũng hổng có chê. Chọn lựa hoặc chê khen thời đói nhăn răng. Dù mới hơn ba tuổi lính anh cũng học được nhiều điều khi đổi về tiểu khu Kiến Hòa. Mới chân ướt chân ráo về trình diện tiểu khu, ba ngày sau anh cầm lịnh thuyên chuyển tới phục vụ chi khu Thạnh Phú. Bắc giáp Hàm Luông, nam đụng Cổ Chiên, đông sát biển, còn tây có ranh giới với Mỏ Cày; Thạnh Phú là quận lỵ nghèo, ít dân cư ngụ còn vẹm thời đông hơn ruồi với muỗi. Thế mà anh đã ở đó hơn hai năm rưởi. Bị thương rồi sau khi xuất viện được đại úy Bắc, khóa đàn anh thương tình lôi về tiểu khu làm ở phòng 2, ban an ninh tình báo dưới quyền của ông ta. Bây giờ anh lại khăn gói về Giồng Trôm, quận nổi tiếng về nhiều thứ như dừa, con gái đẹp và vẹm trong tỉnh Bến Tre.

– Nhớ bồ hả?

Thấy nét mặt của Chiêm có vẻ tư lự, Điền cười hỏi đùa. Hớp một hớp rượu đế pha xá xị bốc mùi hăng hăng, Chiêm lắc đầu cười.

– Bồ đâu mà nhớ… Em chẳng có cô nào hết…

Gắp một miếng xí quách, chấm vào dĩa nước tương đầy ớt đỏ tươi, Điền gật đầu.

– Anh đã đọc sơ lý lịch của em. Mới ra trường mà bị tống về Thạnh Phú thì hổng có bồ phải rồi. Thôi ráng chịu đi… Ở đây cũng vậy… Toàn đàn bà chân lấm tay bùn… Còn con gái thì lên tỉnh học hoặc theo mặt trận… Chắc em hổng ưng mấy cô du kích tóc dài đâu…

Dứt câu Điền cười hà hà. Chiêm cũng bật cười hắc hắc.

– Du kích tóc dài của bà Định thì em chạy xa… Dữ còn hơn bà chằng…

– Sao em biết?

– Hồi còn ở Thạnh Phú, mới đầu em coi trung đội biệt lập nên đụng với họ hoài. Súng mình bắn ào ào mà xung phong thì họ cứ xung phong… Chắc họ điếc nên hổng sợ súng…

Cười hà hà, Chiêm cầm lấy ly nước lạnh lên uống để chữa lửa. Ực cái trót cạn chung rượu của mình, Điền cười hì hì.

– Tại em hổng biết chứ họ ớn cây súng nước của em…

Điền cười khằng khặc sau khi nói, còn Chiêm cũng phá ra cười ha hả vì câu pha trò của cấp chỉ huy. Ngoắc ông Tám Chĩa kêu thêm ly nước đá để chữa lửa, Điền rót xị này xị nọ vào hai cái chung xong lên tiếng.

– Dô đi em rồi mình ăn cơm. Xế chiều rồi…

Chiêm nhìn ra ngoài sân. Nắng chiếu xiên xiên trên mái nhà ngói phủ rong rêu phía bên kia. Khu nhà lồng chợ chỉ còn vài người cố ngồi lại để bán hết rau cải hay trái cây của mình. Không khí của quận lỵ nghèo càng thêm vắng vẻ và đìu hiu vào buổi xế chiều. Mới về đây chưa được một ngày mà anh cũng ngửi được trong không khí một cái gì bất bình thường. Đó là sự buồn rũ, quạnh hiu và hơn hết sự không bình yên.

– Tình hình ở đây ra sao hả anh?

Chiêm hỏi nhỏ. Điền trả lời sau khi cạn chung rượu.

– Nửa xôi nửa đậu… nửa bên này nửa bên kia… nửa tối nửa sáng… nửa quốc gia nửa vẹm… Trừ vòng đai của quận lỵ còn có chút an ninh về ban đêm còn những chỗ khác mình bước ra là đụng… mấy cô du kích tóc dài ngồi chờ em ra ca dọng cổ cho họ nghe…

Chiêm cười hăng hắc. Đón dĩa cơm sườn từ tay bà chủ tiệm xong đưa cho Chiêm, Điền từ từ tiếp.

– Ông quận muốn anh tìm cho ổng một sĩ quan tác chiến gan lì, chịu chơi và độc thân để coi toán thám kích. Anh chọn em…

Điền bật cười khoái chí khi nhìn thấy nét mặt bí xị như đưa đám ma của Chiêm.

– Toán thám kích có bao nhiêu lính hả anh?

– Chẳng có ai hết…

– Trời đất…

Chiêm kêu lên hai tiếng. Điền vừa nhai vừa nói tiếp.

– Em phải chọn, lựa trong đám lính quận, lính làng, lính kiểng để lập ra toán thám kích ?

Nhai, nuốt cơm, Chiêm miễn cưỡng gật đầu.

– Cũng được… Còn súng ống?

Tiếng cười của Điền vang ục ục trong miệng còn đầy cơm chưa kịp nuốt hết.

– Thì có cái gì mình chơi cái đó… Ông quận xin được một mớ súng của tụi cố vấn Mẽo trước khi tụi nó chuồn về nước… Mình ăn lẹ rồi về chi khu. Ở lại đây trễ coi chừng bị mấy cô du kích nựng sưng mặt mày…

Chiêm lua cơm lia lịa rồi đứng lên vừa lúc Điền cũng ăn xong. Ực một hơi cạn ly nước lạnh, Điền trả tiền xong cả hai rảo bước về chi khu. Đêm đầu tiên ở chi khu Giồng Trôm thật yên lặng. Không quen uống rượu, Chiêm ngủ vùi một giấc tới sáng.

Thiếu tá Bằng, quận trưởng kiêm chi khu trưởng Giồng Trôm kín đáo quan sát vị thiếu úy mới đáo nhậm đơn vị của mình. Mái tóc hơi dài và rối một chút; đôi mắt hơi mỏi mệt song thỉnh thoảng ánh lên nét trẻ trung và cương nghị; càm bạnh ra và xương xương, nét mặt của người lính đứng trước mặt ông ta thấp thoáng chút khắc khổ và tư lự.

– Em đi lính bốn năm rồi hả?

– Dạ đúng thưa thiếu tá…

Mỉm cười cúi nhìn vào hồ sơ chứa đựng lý lịch cá nhân của Chiêm, thiếu tá Bằng ngước lên cười nói.

– Nắm trung đội biệt lập chắc em đánh giặc lì lắm hả?

Cười nhẹ, Chiêm trả lời một cách từ tốn.

– Dạ tôi cũng biết chỉ huy lính đánh giặc chút chút…

Bằng gật gù cái đầu tóc ba phân của mình. Ông ta cười tỏ vẻ hài lòng về câu trả lời khiêm nhường của Chiêm.

– Tôi nghe thiếu tá Hạnh, chi khu trưởng Thạnh Phú khen em lắm. Bởi vậy tôi mới kéo em về đây để thành lập toán thám kích của quận…

Thiếu tá Bằng thấy ánh mắt của người sĩ quan trẻ sáng lên rồi tắt thật nhanh sau đó giọng nói rắn rỏi vang lên.

– Dạ… Tôi có nghe trung úy Điền nói sơ qua… Tôi nghĩ tôi có thể làm được…

Nhìn người sĩ quan thuộc cấp đang đứng trước mặt giây lát, thiếu tá Bằng chắc giọng.

– Em phải làm được. Em cần cái gì tôi cũng kiếm được cho em… Mình phải nới rộng vùng ảnh hưởng của chi khu. Mình cần phải lấy lại thế chủ động. Toán thám kích của em như một lực lượng đặc biệt chuyên môn đánh tỉa, đánh du kích và truy lùng đám đầu não của mặt trận ở trong quận…

Chiêm hiểu ý của cấp chỉ huy. Hồi còn ở Thạnh Phú anh cũng đã làm việc đó rồi.

– Tôi sẽ làm theo lệnh của thiếu tá…

Cười gật đầu tỏ vẻ hài lòng, Bằng hỏi tiếp.

– Em cần bao nhiêu lính?

– Chắc chừng hai tiểu đội thưa thiếu tá. Còn súng ống thời M16 ngon nhất. Hai khẩu M60 cho bán tiểu đội súng nặng…

Đứng dậy, bước tới vỗ vai vị thiếu úy thuộc cấp, Bằng cười nói đùa.

– Súng ống tôi sẽ lo, còn em thì lo tuyển lính. Chắc trung úy Điền đã dẫn em đi nhậu rồi hả?

Chiêm cười nhẹ.

– Dạ… Tôi không nhậu nhiều… Uống chừng xị này xị nọ là tôi cho chó ăn chè…

Bằng cười bước ra cửa. Chiêm theo sau. Tựa cửa đứng nhìn phong cảnh, Chiêm lên tiếng.

– Vùng này dừa nhiều quá… Du kích chắc cũng nhiều hơn Thạnh Phú và Mỏ Cày…

Thiếu tá Bằng gật đầu.

– Du kích là đơn vị nồng cốt trong sách lược ” lấy nông thôn bao vây thành thị ” của mặt trận. Du kích kiểm soát, thu thuế dân đồng thời là tai mắt của bộ đội chủ lực. Bởi vậy mình diệt được đám du kích thời các đơn vị chủ lực của mặt trận sẽ mất nơi nương tựa vì không còn được dân ủng hộ nữa… Nhiệm vụ của mình là đối phó với đám du kích làng, còn các đơn vị chủ lực của mặt trận thì để cho sư đoàn 7 và tiểu khu lo…

Trong lúc thiếu tá Bằng nói, Chiêm nhìn ánh mặt trời từ từ khuất sau dãy rừng dừa xa xa. Anh biết những ngày sắp tới của mình sẽ bận rộn và gay go.

3.

Ba tuần lễ, Chiêm chúi đầu vào một công việc khó khăn và quan trọng nhất. Đó là chọn lựa 24 người lính trong đám lính làng, lính quận để thành lập toán thám kích. Kiếm được một người lính đánh giặc giỏi đã khó mà tìm ra một người lính thám kích còn khó hơn nữa. Giống như đãi vàng vậy. Lính thám kích đòi hỏi một vài điều kiện như gan dạ, liều lĩnh, tháo vát, ưa thích hiểm nguy và có thể hoạt động riêng lẻ một mình hoặc toán nhỏ chừng năm ba người. Ngoài ra yếu tố liên hệ gia đình cũng được anh chú ý tới. Người lính thám kích phải có lý lịch sạch. Sạch ở đây tức không có dính líu với mặt trận, không có anh em, bà con hoạt động cho vẹm. Do suy nghĩ riêng tư, anh thích chọn người lính độc thân song ở vùng thôn quê ít có lính độc thân vì đa số lập gia đình sớm, do đó anh bắt buộc phải chọn những người lính hợp khả năng dù họ có vợ con đùm đề.

Ba tháng sau. Nắng óng ánh đọng trên tàng cây sao cao vút trong sân rộng của chi khu. Dù cành lá bị đứt gảy nhiều song nó là cây sao duy nhất còn sống được qua bao nhiêu cuộc pháo kích và công đồn của địch. Toán thám kích 24 người, chia thành hai toán 1 và 2, mỗi toán 12 người ngồi đứng dưới gốc cây tàng lá xum xê. Khi thấy Chiêm song song bước ra cùng với thiếu tá Bằng, chi khu trưởng và trung úy Điền chi khu phó; trung sĩ nhất Chín Được, toán phó toán thám kích, vội ra lệnh cho lính tập họp thành hàng ngũ tề chỉnh chờ thượng cấp duyệt binh. Thiếu tá Bằng tỏ vẻ hài lòng khi thấy quân sĩ của toán thám kích được vũ trang đầy đủ, đồng thời ai ai cũng có vẻ hăng hái và nôn nóng muốn thử lửa trận đầu tiên.

15 giờ. Chiếc xe lam chở hành khách ngừng lại  nơi ngã ba phía bên phải trên khoảng đường từ Lương Quới đi Mỹ Lồng. Chỗ này có con đường đất hẹp đi vào một xóm nhỏ lưa thưa mấy ngôi nhà lá. Chiêm và Được bước xuống xe. Mỗi người xách một cái túi bằng vải khá nặng. Trả tiền xong đợi cho chiếc xe lam khuất dạng, Chiêm đưa tay chỉ xóm nhà sâu trong kia khuất trong khu vườn dừa âm u.

– Lương Hoà ở trong kia hả anh Chín?

– Không phải đâu thiếu úy. Ngã ba vào Lương Hòa ở bên trái đằng kia. Sợ người ta chú ý nên tui không xuống tại ngã ba Lương Hòa. Mình chịu khó lội một đỗi mới tới ngã ba đi vào Lương Hòa…

Bước lẹ một lát họ dừng lại ngay ngã ba. Chiêm phóng mắt nhìn con đường đất màu nâu nhàn nhạt chạy giữa cánh đồng lúa xanh rì. Đứng cạnh anh, Chín Được giơ tay xem đồng hồ. 15 giờ 30.

– Anh em tới rồi… Mình đi chưa thiếu úy?

Chiêm trả lời bằng cái gật đầu. Nhấc chiếc túi vải của mình lên, anh bước theo con đường dẫn vào Lương Hòa. Chín Được im lặng song hành với cấp chỉ huy. Được chừng đỗi ngắn, họ thấy bên mặt con lộ có hàng trâm bầu mọc dài theo cái mương đầy nước. Cây keo già cỗi nằm bên đường. Hai người dừng lại cạnh hàng trâm bầu. Mở túi vải, Chiêm lấy ra vài món đồ chơi của người lính thám kích quận. Bộ bà ba đen. Chiếc khăn rằn quấn cổ. Đôi giép râu. Khẩu AK47. Dây băng đạn. Ba trái mãng cầu và lưỡi dao bay. Chiêm mân mê con dao cũ đã theo anh từ lúc bắt đầu đời quân ngũ với khuôn mặt của một người bạn cùng khoá hiện ra. Bính. Dân Bình Định. Tuy Bính không hề thố lộ song vài bạn đồng khóa rỉ tai cho anh biết Bính gốc làng Tây Sơn. Bởi vậy mà Bính giỏi võ. Từ người bạn hiền lành và khiêm nhường này anh học được thuật phóng dao và căn bản võ Bình Định. Không nhiều lắm cũng như không phải là cao thủ song trong vài trường hợp anh có thể tự vệ được. Thay quần áo và sửa soạn đồ chơi cho chuyến công tác đầu tiên, Chiêm thầm cám ơn thiếu tá Bằng. Thượng cấp giao cho anh nhiệm vụ khó khăn thời bù lại ông ta cũng cung cấp cho anh những gì cần thiết để hoàn thành.

Chín Được quay nhìn về hướng con lộ đá khi nghe tiếng xe gắn máy từ xa vọng lại. Mươi phút sau, nép mình sau thân cây keo, anh nhìn thấy lố nhố mấy chiếc xe gắn máy ngừng lại nơi ngã ba rồi sau đó lại quay đầu chạy trở về hướng Lương Quới. Lát sau bốn bóng người tiến tới chỗ anh đứng.

– Anh em tới hả anh Chín?

Chiêm lên tiếng. Chín Được gật đầu.

– Dạ… Mình đợi chiều tối hả thiếu úy?

Như hiểu được câu hỏi của người toán phó, Chiêm nói nhỏ trong lúc quay nhìn con lộ đất chạy sâu rồi mất hút trong khu rừng dừa âm u.

– Ừ… Anh Chín dẫn đường nghen… Tôi…

Chín Được bật cười nhỏ.

– Thiếu úy để tôi… Không phải dân Lương Hòa mà tôi cũng rành lắm…

– Anh Chín quê ở đâu?

– Dạ… Tôi ở Lương Phú…

Chiêm gật gù cười.

– Vậy à… Chỉ cách nhau con sông Bến Tre thời đâu có xa xôi gì…

Chín Được quay nhìn cấp chỉ huy.

– Thiếu úy cũng rành dữ ta…

Chiêm cười nhẹ.

– Tôi chỉ coi bản đồ thôi chứ chưa bao giờ đi tới…

– Đi làm chi thiếu úy ơi… Lương Phú, Sơn Phú, Long Mỹ bây giờ của mấy ông mặt trận rồi… Mình dô đó lạng quạng họ bẻ giò mình làm ống điếu…

Chiêm cười hắc hắc. Ngẫm nghĩ giây lát anh quay nhìn Được rồi nói bằng giọng chắc nịch.

– Mai mốt tôi đi với anh về Lương Phú cho anh thăm nhà…

Được cười hì hì. Chiêm hỏi gọn.

– Dám đi hông?

– Sợ ai thiếu úy. Tụi nó tới rồi…

Bốn người lính thám kích mặc thường phục xuất hiện. Mỗi người đều xách túi vải nằng nặng.

– Thiếu úy chờ lâu hông?

Tư Cá Bóng hỏi. Chiêm cười trả lời.

– Không lâu lắm… Anh em sửa soạn đi…

Trong lúc bốn người lính thám kích lo ngụy trang, Chiêm với Chín Được chụm đầu thì thầm bàn tán. Đợi cho lính xong xuôi, Chiêm mới lên tiếng.

– Mình chia làm ba toán. Tôi đi với Đực. Hai Nhàn đi với anh Chín, còn Tư Cá Bóng đi với Năm Dức…

Theo lời khuyên của Chín Được, Chiêm xếp mỗi toán đều có một người lính địa phương. Đực là dân Lương Hòa nên đi với Chiêm vốn ở Sài Gòn. Chín Được ở Lương Phú đi với Hai Nhàn ở Giồng Trôm. Còn Tư Cá Bóng, quê Lương Quới đi với Năm Dức ở Châu Thới. Chia toán xong sáu người lính ngồi chờ trời tối. Mặt trời từ từ xuống sau rặng dừa. Bóng tối nhập nhòa khuôn mặt mấy người lính đang ngồi im lặng. Cầm lấy khẩu AK, Chiêm đứng lên.

– Đi… Mình vào bắt tay con cháu bà Định…

Chín Được bật cười nhỏ vì câu nói của Chiêm. Kéo cơ bẩm của khẩu AK, anh cũng lên tiếng.

– Thăm cô Thu Hà vui hơn thiếu úy…

Mỉm cười, Chiêm nói nhỏ.

– Anh Chín nhắc tôi mới nhớ… Không biết cô Thu Hà đẹp hay xấu. Có anh nào thấy mặt chưa?

Đực lên tiếng liền.

– Đẹp lắm thiếu úy ơi nhưng mà tui hổng ham nhìn mặt cổ… Cổ nựng mình sưng mặt mày…

– Tại sao họ gọi là bộ đội Thu Hà?

Chín Được giải thích.

– Người chỉ huy của đơn vị này tên Thu Hà…

Gật gù, Chiêm chắt lưỡi nói một mình.

– Thu Hà, tên đẹp mà người hổng biết có đẹp không. Tôi mong mặt mũi của người chỉ huy toán lính tóc dài ở Lương Hòa đẹp như cái tên Thu Hà…

Năm người lính lầm lủi bước. Sinh ra ở dưới đồng quê, tính tình giản dị, mộc mạc và chất phác; từ đó họ không có những suy tư và mơ mộng như cấp chỉ huy vốn sinh trưởng nơi Sài Gòn. Đang đi sau lưng Chiêm, Đực vội lên tiếng.

– Sắp tới rồi… Thiếu úy để tôi đi trước…

Không đợi lệnh của cấp chỉ huy, Đực tiến lên dẫn đầu. Sáu người lính im lặng đi trong bóng đêm thâm u. Tiếng ễnh ương kêu phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Tiếng dế gáy bên đường hòa với tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng gió rì rào cánh đồng làm thành âm thanh miên man buồn. Đang đi Đực chợt dừng lại. Chín Được thì thầm cốt ý cho cấp chỉ huy nghe.

– Mình tới ngã ba…

Chiêm gật đầu. Trong năm người lính, anh không phải là dân Bến Tre, nhất là dân sinh ra ở địa phương này. Mặc dù đã mất nhiều thời giờ nghiên cứu đường xá song anh cũng hiểu có những điều không thể biết trên sách vở. Muốn biết phải sống, phải đi lại, tới lui hàng ngày vì có những lối đi, đường mòn, ngõ tắt không được ghi trên bản đồ mà chỉ có người dân sinh ra và lớn lên ở tại làng mới biết.

– Đực… Mày với thiếu úy đi thẳng. Tao bên trái còn thằng Tư kèm bên mặt…

Chín Được nói nhanh. Chiêm lên tiếng.

– Anh em cẩn thận. Đừng nổ bậy…

Sáu người lính thám kích biến mất trong bóng đêm. Chiêm đi sau lưng Đực. Dù muốn đi trước song  không thuộc đường nên anh đành phải lùi lại phía sau. Tay ghìm khẩu AK đạn đã lên nòng, anh liếc nhanh hai bên đường. Vườn dừa tối đen. Xa xa đèn nhà ai thấp thoáng. Vừa bước anh vừa suy nghĩ. Theo như tin tình báo nhân dân mà ban 2 của quận cho biết thời đêm nay sẽ có một buổi họp của các bí thư xã ủy thuộc khu tây Giồng Trôm bao gồm các xã như Mỹ Lồng, Lương Hòa, Lương Quới, Lương Phú, Sơn Phú… Tên bí thư huyện ủy của huyện Giồng Trôm sẽ hiện diện trong buổi họp này. Anh và toán thám kích có nhiệm vụ đột nhập để bắt sống hoặc giết chết tên bí thư huyện ủy và xã ủy. Chỉ có một điều mà Chiêm thắc mắc song không được cấp trên giải đáp là ngày giờ và địa điểm của buổi họp vì người mật báo viên nằm trong lòng địch cũng không biết chính xác. Do đó ông quận và trung úy Điền phải chấp nhận may rủi. Vả lại cả hai còn có một lý do giản dị. Gởi toán thám báo vào đất địch như một thử thách để cho lính rút tỉa kinh nghiệm tác chiến, dù biết có thể kinh nghiệm phải thu lượm bằng xương máu hoặc đôi khi bằng chính mạng sống. Lính như vậy đó.

Đang đi Đực bỗng dừng lại.

– Thiếu úy…

– Có chuyện gì?

Chiêm hỏi nhỏ. Ngồi thụp xuống Đực thì thầm.

– Tới khu nhà dân rồi. Nhà của thằng Sáu Lồng, bí thư xã ủy ở đầu xóm tại ngã ba…

Chiêm gật đầu. Sau đó nghĩ trong bóng tối có thể Đực không thấy mình gật đầu, anh thì thầm.

– Mình tới đó… Anh Chín với anh Tư sẽ ập vào…

– Vậy tôi đi trước, thiếu úy đi sau…

Nói xong Đực cất bước. Chiêm theo sau. Nhờ ngụy trang làm lính du kích, họ cứ theo đường lớn tiến dần tới ngôi nhà của tên bí thư xã ủy Lương Hòa. Chân bước theo sau Đực, Chiêm suy nghĩ thật nhanh. Nếu đêm nay cuộc hội họp cấp đơn vị xã với sự có mặt của tên bí thư huyện ủy thời đám du kích làng phải canh gác cẩn thận chứ đâu có được lơ là. Thế mà anh lại không thấy bất cứ trạm canh ngầm nào. Ngay cả khi anh đã cải trang thành du kích để được đi lại dễ dàng và không bị xét hỏi, song không có nghĩa là không có sự canh gác của đội du kích làng Lương Hoà. Phải có điều gì trục trặc? Có thể tin tức sai lạc? Có thể kẻ đưa tin là người của địch được xếp đặt để đưa toán thám kích vào bẫy? Chiêm tự hỏi. Thầm nghĩ mình và năm người lính dưới quyền đang bước ngay vào họng súng đang sẵn sàng nhả đạn của địch, anh cảm thấy tim đập mạnh và miệng đắng nghét.

– Đực…

Chiêm thì thầm.

– Dạ thiếu úy…

– Sao không thấy ai hết…

– Chắc tụi nó ngủ…

– Ngủ gì giờ này… mới xụp tối mà…

Cười nhỏ, Đực quay lại nhìn cấp chỉ huy đang đi sau lưng.

– Nhà quê ngủ sớm lắm thiếu úy…

Chiêm làm thinh. Tự nhiên anh nâng khẩu AK lên và ngón tay trõ đặt vào cò súng như sẵn sàng nổ khi có chuyện gì xảy ra. Đực dừng lại.

– Tới rồi…

– Tôi vào cửa trước còn anh bọc cửa sau…

Gật đầu, Đực biến nhanh trong bóng tối. Đứng ngoài đường, bây giờ Chiêm mới có đủ thời giờ quan sát ngôi nhà nằm cách chỗ anh đứng chừng năm bước. Ánh đèn leo lét xuyên qua khe hở của cánh cửa hắt chút ánh sáng ra ngoài sân. Chiêm hồi hộp. Ngôi nhà thật vắng lặng, không có vẻ gì có người đang ở trong. Dù sao anh cũng phải vào. Chỉ cần ba bước, vị trưởng toán thám kích của chi khu Giồng Trôm nép mình sau cửa hé mắt nhìn vào bên trong. Xuyên qua khe hở anh chỉ thấy được cái bàn và chiếc đèn dầu cháy leo lét. Nhẹ xô cửa bước vào anh đảo mắt thật nhanh. Ngôi nhà trống trơn. Anh thoáng cau mày khi nghe tiếng động vang ra từ phía sau mà anh đoán là nhà bếp. Ghìm khẩu AK anh lần ra sau bếp. Ánh đèn dầu lù mù cho anh thấy một người đang lom khom nấu nước. Nhờ mái tóc đen dài và chiếc áo bà ba màu trắng anh biết chủ nhân ngôi nhà là đàn bà. Vừa lúc đó tiếng súng chợt nổi lên. Người chủ nhà đứng phắt dậy dáo dác nhìn. Cô ta hơi có nét sửng sờ khi thấy người lạ trong nhà. Nét sửng sờ lại biến thành sợ hãi khi thấy họng súng đen ngòm đang chong thẳng vào ngay ngực mình. Phần Chiêm cũng ngạc nhiên khi nhận ra chủ nhà là một cô gái mà trong nhất thời anh không đoán bao nhiêu tuổi chỉ biết còn trẻ. Bước một bước dài tới sát cô gái, họng súng AK chĩa ngay ngực, anh rắn giọng.

– Im… Cô là ai?

Cô gái lộ ra vẻ bối rối vì câu hỏi của người lạ.

– Tôi… tôi… Tôi tên Đông… chủ nhà…

Tiếng súng càng lúc càng trở nên dồn dập và vang vang khắp nơi. Ấn nhẹ họng súng vào người cô gái Chiêm ra lệnh.

– Đi theo tôi…

Thấy cô gái còn do dự, anh nghiêm giọng.

– Theo tôi… Cô chạy là tôi bắn…

Khẽ gật đầu cô gái quay lưng đi trước. Theo cửa sau của nhà bếp hai người đi ra khỏi nhà. Đực xuất hiện liền theo câu nói.

– Thiếu úy… Mình đụng tụi nó rồi…

Nói tới đó anh chợt ngưng lại nhìn cô gái đoạn buột miệng hỏi.

– Hai… Mày làm gì mà ở đây?

Cô gái, liếc nhanh Chiêm rồi trả lời nhỏ.

– Dạ… Em về thăm nhà. Anh năm đi lính hồi nào dậy?

Đực chưa kịp trả lời, Chiêm lên tiếng trước.

– Anh dẫn cô này đi trước… Tôi chờ hai toán kia…

Dứt lời Chiêm băng mình vào bóng tối. Nhắm hướng có ánh lửa đạn nháng lên từng chập anh chạy tới.

– Ai?

Tiếng hét nho nhỏ. Nhận ra giọng nói của Được, Chiêm la lớn.

– Tôi đây anh Chín…

– Thiếu úy… Mình đụng mấy thằng du kích…

Gật đầu Chiêm ra lệnh gọn.

– Mình rút… Bể rồi…

Được lệnh rút lui, Được và toán thám kích vừa bắn vừa chạy một hồi mới ra khỏi tầm đạn của địch. Dừng lại nghỉ mệt, Chiêm kể cho lính nghe chuyện mình xâm nhập vào nhà của tên bí thư xã ủy mà không thấy ai hết ngoại trừ cô gái còn trẻ ở trong nhà. Chín Được chắt lưỡi.

– Vậy tin báo bậy rồi… Hay tụi nó biết trước… Có thể tụi nó đổi chỗ…

Gần tới khuya, gặp lại Đực chờ ở rặng trâm bầu Chiêm mới cho lính dừng lại nghỉ ngơi chờ sáng sớm đón xe về Giồng Trôm. Muốn tự mình điều tra về cô tù binh tên Đông, Chiêm bảo mọi người đi ngủ trước để anh gác ca đầu.

– Cô còn thức?

Chiêm hỏi Đông. Trong bóng tối mờ mờ anh nghe giọng nói nhỏ nhẹ vang lên.

– Dạ còn thức…

– Cô làm gì trong ngôi nhà đó?

– Dạ nhà đó là của ba má tôi…

Ngập ngừng giây lát Đông mới hỏi.

– Dạ ông là lính quận?

– Đúng… Tôi là lính của quận Giồng Trôm… Cô Đông làm gì ở Lương Hòa?

– Dạ tôi về thăm nhà…

Chiêm im lặng. Câu trả lời cho anh biết Đông không có ở tại Lương Hòa.

– Cô ở đâu?

– Dạ trên Trúc Giang…

– Cô làm gì trên tỉnh lỵ?

– Dạ thợ may quần áo?

– Cô ở với ai?

Chiêm mỉm cười trong bóng tối. Anh biết câu hỏi của mình không nằm trong phạm vi cuộc điều tra lý lịch của tù binh.

– Dạ ở với bạn…

– Bạn trai hay gái?

– Dạ bạn gái…

– Cô có chồng chưa?

Chiêm lên tiếng hỏi nhưng Đông im lặng không trả lời. Chiêm lập lại câu hỏi lần nữa.

– Cô có chồng chưa?

– Ông hỏi chi vậy?

– Tôi muốn biết sự thật. Cô nói thật thì tôi mới thả cô ra. Còn cô nói dối thì tôi dẫn cô về quận giao cho an ninh để điều tra…

– Dạ chưa có chồng…

– Cô bao nhiêu tuổi?

– Dạ mười tám… Tôi khai thật rồi… Ông làm ơn thả tôi ra… Tôi đâu có làm gì…

Chiêm im lặng. Anh chưa biết thả hay bắt giữ Đông. Thật ra anh không có đủ chứng cớ để bắt giữ Đông ngoài chuyện ở trong ngôi nhà bị nghi ngờ có cuộc hội họp của tên bí thư huyện ủy. Anh không nghĩ Đông lại là bí thư huyện ủy huyện Giồng Trôm. Một cô gái mặt búng ra sữa như Đông không thể nào là nhân vật quan trọng mà anh đang lùng bắt.

– Ông có thả tôi ra không ông?

Dù đã có quyết định sáng mai sẽ thả Đông ra, nhưng nghe giọng nói gần như năn nỉ của cô gái, tự nhiên Chiêm lại nãy ra ý nghĩ hù cô ta chơi cho vui.

– Tôi chưa biết…

– Tôi khai thật với ông rồi… Tôi là con gái… con nít mà… Tôi đâu có làm gì…

Chiêm mỉm cười trong bóng tối. Không biết vì lý do gì mà anh lại thích nghe cái giọng nói thanh thanh, năn nỉ và dường như ươn ướt nước mắt của Đông.

– Cô ngủ đi…

– Ông hứa là ông thả tôi ra thì tôi mới ngủ được… Tôi sợ bị lính bắt lắm…

Chiêm mỉm cười gật đầu.

– Tôi hứa…

– Cám ơn ông…

– Không có chi… Cô ngủ đi…

Chiêm im lặng nhìn cô gái ngồi tựa lưng vào gốc cây. Đêm trôi qua từ từ. Vươn vai ngồi dậy, Chiêm hơi ngạc nhiên khi thấy Đông thức giấc trước. Nhờ trời sáng anh mới có dịp quan sát người nữ tù binh của mình. Cô ta có nét gì là lạ, nửa tỉnh nửa quê; nửa hiền hậu nửa thông minh ngầm. Điều mà anh chú ý nhất chính là khuôn mặt trái soan với đôi mắt buồn u ẩn. Khều Chín Được ra chỗ vắng, Chiêm hỏi nhỏ.

– Anh Chín tính sao về cô ta?

Liếc nhanh cô gái đang đứng, Chín Được cười cười.

– Thiếu úy tính sao cũng được… Tôi nghĩ con nhỏ chắc hổng phải bí thư huyện ủy đâu… Mặt nó còn non choẹt… Để tôi hỏi thằng Đực coi nó có biết mặt con nhỏ này không. Nếu thằng Đực biết thì mình sẽ thả con nhỏ ra…

Chiêm gật đầu phụ họa.

– Hồi tối tôi nghe Đực nói chuyện với cô ta. Chắc họ quen nhau…

Bước tới thì thầm với Đực giây lát, Chín Được trở lại cười nói với Chiêm.

– Thằng Đực nói nó biết ba má con nhỏ này… Con nhỏ tên Đông, đi học trên tỉnh rồi sau đó nghỉ đi học may. Lâu lâu nó mới về Lương Hòa thăm ba má…

Nghe Chín Được nói, Chiêm cười gật gù.

– Tôi tính thả cô ta. Thật ra thì mình cũng đâu có chứng cớ để bắt cô ta. Còn chuyện cô ta ở trong nhà của tên bí thư xã ủy thì tôi nghĩ không đúng…

Chín Được gật đầu như hiểu ý của cấp chỉ huy.

– Tui cũng đoán như thiếu úy… Con nhỏ hổng có làm bí thư xã ủy hoặc bí thư huyện ủy được…

Đã quyết định, Chiêm bước nhanh về chỗ Đông đang đứng đợi.

– Cô đi về đi…

Nét mừng rỡ hiện ra trên mặt, Đông nói nhỏ.

– Cám ơn ông…

– Không có chi…

Chưa chịu bước đi, ngần ngừ giây lát Đông mới hỏi nhỏ.

– Lý do nào làm cho ông thả tôi ra?

Chiêm cau mày vì câu hỏi của Đông. Anh nghĩ cô tù binh này dị. Người ta đã thả ra thời đi cho lẹ đi còn hỏi han gì nữa. Tuy nghĩ vậy song anh lại cười trả lời.

– Tôi có hai lý do để thả cô. Lý do thứ nhất, tôi tin vào sự thành thật của cô. Lý do thứ nhì là ” chẳng thà tha lầm còn hơn bắt lầm ”. Tôi không đủ bằng chứng để bắt giữ cô nên phải thả cô ra…

Đông làm thinh cúi nhìn hai bàn chân của mình giây lát sau đó mới ngước lên nhìn Chiêm.

– Tôi cám ơn ông…

Vừa bước được hai bước, không biết nghĩ gì mà Đông quay đầu lại hỏi nữa.

– Ông tên gì dậy ông?

– Chiêm… Thôi cô đi lẹ đi… Nếu không tôi đổi ý…

Nghe ông lính hù dọa và chắc cũng sợ bị bắt lại Đông cúi đầu tất tả bước. Chiêm im lặng nhìn theo bóng cô gái đi chậm trên con lộ màu nâu. Gió thổi bay mái tóc dài của cô ta. Không gian thật êm ả. Tự dưng anh thở dài, cảm thấy như mình vừa mất đi một cái gì mà mình không biết.

 

 

4.

 

Chiêm bước lên chiếc xe lam chở hành khách đang nổ máy. Rất hài lòng về kết quả của toán thám kích sau ba tháng hoạt động, thiếu tá Bằng vui vẻ ký ba ngày phép nghỉ xả hơi để tưởng thưởng công lao của anh. Được thượng cấp cho nghỉ ba ngày phép, anh muốn lên Trúc Giang để thăm Tịnh, một người bạn cùng khóa phục vụ tại tiểu khu.

Ngồi trong lòng xe chật hẹp anh mỉm cười chào mấy người chung xe. Đa số hành khách đều đàn bà. Họ mang rau cải lên bán ở chợ Lương Quới hoặc vài người đi lên tỉnh lỵ bổ hàng cho tiệm tạp hóa của họ tại quận lỵ hay các làng lân cận trong quận Giồng Trôm. Chiêm nhận ra trong số các hành khách có hai người quen mà anh biết mặt. Đưa tay xem đồng hồ anh thấy 10 giờ. Trung úy Điền khuyên anh nên đi trễ vào buổi sáng mà đừng đi trễ vào buổi chiều. Đi sớm quá đường bị đấp mô và đặt mìn. Còn đi trễ quá thì bị du kích ra chận đường xét hỏi. Bởi vậy nếu muốn an toàn anh nên đón các chuyến xe chạy từ 10 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Để cho chắc ăn anh còn lận lưng khẩu Colt 45. Anh cũng biết nếu rủi bị du kích chận đường thời khẩu súng lục cũng chẳng giúp được bao nhiêu song có còn hơn không.

Chiếc xe lam qua cầu Bình Chánh. Con sông Bến Tre tới đây nhỏ và cạn dần thành ra con rạch nhỏ mà dân làng gọi tên Rạch Bình Chánh hay Rạch Giồng Trôm. Nó cũng chia ra nhiều nhánh nhỏ hơn chảy xuyên qua các làng như Lương Quới, Bình Chánh, Bình Hòa và quận lỵ Giồng Trôm. Lát sau xe dừng lại tại chợ Lương Quới để cho người xuống và đón thêm khách mới đi lên tỉnh. Chừng 10 phút xe lại qua cầu. Từng nghiên cứu bản đồ hành quân cũng như hoạt động tại vùng này vài lần, anh biết chiếc cầu mang tên Cầu Đúc. Nó là ranh giới giữa hai làng Lương Hòa và Lương Quới. Con lộ trải đá trộn với đất chạy xuyên giữa quãng đồng trống mà xa trong kia vườn dừa xanh um. Đang chạy chiếc xe lam chợt chậm lại rồi sau đó ngừng lại.

– Đấp mô rồi bà con ơi…

Từ từ giảm tốc độ, người tài xế xe lam nói lớn rồi dừng lại. Chiêm xuống xe. Nhìn về phía trước anh thấy có mấy chiếc xe đò, xe lam đậu trên đường. Bước tới chiếc xe đò đậu trước chiếc xe lam, anh hỏi người tài xế.

– Có chuyện gì vậy bác?

Liếc nhanh Chiêm, người tài xế trả lời.

– Chắc đấp mô hay mấy ông du kích chận đường…

Liếc Chiêm lần nữa, ông ta thấp giọng.

– Chú em cẩn thận… Người già hổng sao còn trẻ trẻ như chú em mấy ổng dám mời đi lắm…

Chiêm gật đầu nói lời cám ơn rồi trở lại xe của mình. Tuy ngoài mặt cố giữ vẻ thản nhiên song trong lòng anh lại lo âu. Tới lúc này anh có chạy cũng không còn kịp. Nếu như đi xe gắn máy thời anh còn có thể quay xe chạy trở về Lương Quới. Bây giờ chỉ còn cách giả trang mình thành thường dân thôi. Nghĩ như thế anh làm bộ đứng nơi bờ ruộng hút thuốc rồi liếc không thấy ai để ý tới mình, anh rút bóp lấy thẻ căn cước quân nhân, giấy chứng chỉ tại ngủ, tờ giấy phép và khẩu súng lục ra nhét vào bụi cỏ rậm bên đường xong trở lại chỗ chiếc xe lam vừa đúng lúc xe bắt đầu chạy. Xe càng tới gần trạm xét, Chiêm càng thêm căng thẳng và hồi họp. Anh biết mình chỉ còn trông cậy vào may rủi. Chiếc xe lam dừng lại ngay chỗ hai người mặc bà ba đen đứng. Liếc nhanh khẩu súng bá đỏ trên vai người nữ du kích của mặt trận, anh thầm tiếc cho hành động vất đi khẩu Colt45 của mình. Anh nghĩ mình hơi vội vàng. Kẻ địch có hai cô lính gái mà một mang súng, một tay không. Nếu còn giữ khẩu súng lục anh có thể bắn gục hai kẻ địch và có hi vọng thoát chết nhiều hơn bây giờ ngồi đây chờ bị bắt. Nếu đám du kích này biết anh là trưởng toán thám kích quận Giồng Trôm thời đời anh kể như tàn. Ngồi lọt giữa hai người đàn bà, tim đập thình thịch anh chờ tới phiên mình bị xét hỏi.

Chiêm nhìn hai cô nữ du kích của mặt trận đang đi tới chỗ mình ngồi.

– Anh kia… Anh đi đâu?

Người nữ du kích không mang súng lên tiếng hỏi. Điều này làm cho anh đoán có lẽ cô ta là người chỉ huy.

– Tôi đi lên tỉnh…

Chiêm trả lời trong lúc nhìn cô nữ du kích đang ghìm họng súng ngay ngực của mình.

– Anh là học trò hả?

– Không, tôi là thầy giáo…

Chiêm mỉm cười trong lúc trả lời. Anh cười vì không biết nghĩ sao lại xưng thầy giáo. Tuy nhiên xưng thầy giáo anh lại thấy thích hợp hơn học sinh hoặc công chức của chính phủ. Ít ra thầy giáo cũng không có nhiều dính líu tới các cơ quan của chính phủ được mặt trận coi là thù địch như cảnh sát và lính tráng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

– Anh dạy ở đâu?

– Tại quận Giồng Trôm…

– Mời anh xuống xe…

Cô lính không mang súng lên tiếng. Chiêm chậm chạp bước xuống xe. Khoát tay ra dấu cho tài xế chiếc xe lam chạy, cô nữ du kích không mang súng ra lệnh cho Chiêm.

– Anh đi theo tôi…

Dứt lời cô ta quay lưng bước về phía ngã ba nơi có con lộ đất đi vào Lương Hòa. Chần chờ giây lát Chiêm lặng lẽ bước theo. Người nữ du kích mang khẩu bá đỏ đi sau cùng. Vừa đi Chiêm thầm suy tính. Hai người nữ du kích này chỉ có một người mang súng. Như vậy anh có thể tước lấy vũ khí của kẻ địch và bắn hạ hai người. Tuy nhiên anh phải hành động thật nhanh và ngay lúc họ không phòng bị thời mới có kết quả. Chân bước, anh kín đáo quan sát cảnh vật hai bên đường. Đã đi trên con đường này một lần cách đây không lâu vì vậy anh còn nhớ rõ ràng. Chút nữa ba người sẽ tới rặng trâm bầu có cây keo già cỗi. Anh tính sẽ tước vũ khí của người lính đi sau lưng khi tới rặng trâm bầu. Chốc sau Chiêm thấy dáng cây keo già nhô lên trời rồi rặng trâm bầu xanh xanh hiện ra. Khi còn cách rặng trâm bầu chừng hai mươi bước, Chiêm cố tình bước chéo qua một bên, đồng thời liếc thật nhanh ra sau để xem cử chỉ của người nữ du kích đi sau lưng. Anh mừng thầm khi thấy cô ta đi cách chừng hai bước và mũi súng cũng không chĩa vào ngay lưng của mình. Chỉ cần bước chệch qua một bên, anh có thể chụp lấy họng súng cùng lúc giở thế võ tay không cướp vũ khí của địch mà anh đã học từ khóa huấn luyện về cận chiến.

– Chị hai ơi… Tụi em bắt được ông thầy giáo nè chị Hai…

Người nữ du kích đi trước lên tiếng nói với cô gái mặc bà ba đen đứng tựa vào thân cây keo.

– Vậy hả… Thầy giáo thì em Tư bắt làm chi…

Vừa nói cô gái mặc bà ba đen xoay người lại. Chiêm sửng sờ. Anh thấy người này cũng có nét sửng sờ như mình. Hai bên im lặng nhìn nhau giây lát rồi cô gái lên tiếng.

– Hai em về trước đi… Để ông thầy giáo ở lại đây cho chị hỏi chuyện…

Quay đầu nhìn theo hai nữ du kích đi một đỗi khá xa, cô gái mới lên tiếng.

– Ông làm thầy giáo hồi nào dậy?

Chiêm nhìn đăm đăm cô gái đang đứng đối diện với mình. Cô ta không ai khác hơn là người nữ tù binh tên Đông mà anh đã bắt được và thả ra cách đây không lâu. Anh thấy, dù nét mặt của cô ta cố làm ra vẻ nghiêm nghị song trên đôi môi phảng phất nụ cười có chút gì nửa diễu cợt, nửa mỉa mai.

– Cô trở thành du kích hồi nào vậy?

Không những không trả lời Chiêm còn hỏi lại. Ánh mắt buồn xa xăm của Đông chợt sáng lên nét gì là lạ mà trong nhất thời anh không thể nghĩ ra điều kỳ lạ này là điều gì. Hai người, ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau, nhìn nhau đăm đăm rồi cùng quay đi chỗ khác. Đông ngước mắt nhìn lên cây keo lưa thưa lá với những trái cong cong có lớp da màu trắng ngà ngà bọc ở bên ngoài. Còn Chiêm cúi xuống nhìn bàn chân trần của cô gái. Màu da trắng tương phản với màu nâu của đất càng làm cho làn da thêm trắng. Anh tự hỏi tại sao một cô du kích làng lại có bàn chân trắng, thon và nhỏ nhắn không giống như bàn chân của dân quê. Bàn chân này chính thị là bàn chân của dân thành phố quen đi guốc hoặc đi giày chứ không phải đi chân trần.

– Ông nhìn gì vậy?

Đông lên tiếng hỏi. Chiêm trả lời một câu như không có trả lời.

– Tôi nhìn cái gì mà tôi muốn nhìn…

– Ông kỳ quá… Tôi hỏi ông mà…

Chiêm bật lên tiếng cười ngắn.

– Tôi nhìn hai bàn chân của cô…

Đông vội rụt hai bàn chân lại khi nghe câu trả lời của Chiêm.

– Chân của tôi có gì đâu mà ông nhìn…

Chiêm cười nói cốt ý cho người đối diện nghe mà cũng như nói cho mình.

– Tôi tự hỏi tại sao một người lính du kích tóc dài như cô lại có bàn chân đẹp. Đó là bàn chân của kẻ ở thành thị quen đi giày guốc hơn lội sình đạp đất…

Đông quay nhìn Chiêm. Ánh mắt của cô ta như dịu lại. Đàn bà ai lại không thích được khen đẹp hơn nữa người khen lại chính là người đã có ơn nghĩa với mình.

– Ông nên thành thật thời tôi mới thả cho ông đi… Ông làm thầy giáo hồi nào dậy?

Cười thành tiếng nhỏ, Chiêm thong thả kể lại cho Đông nghe lúc mình ngồi trên chiếc xe lam đi lên tỉnh thì bị du kích chận đường.

– Như thế ông nói dối?

Đông vặn. Chiêm cười cười. Nhìn thẳng vào mặt cô du kích làng Lương Hòa, anh buông một câu.

– Tôi bắt chước cô Đông mà… Cô trở thành du kích hồi nào vậy?

– Gần một năm…

Đông cúi nhìn xuống đất khi trả lời. Có lẽ cô ta không dám nhìn người đối diện vì mắc cỡ. Chiêm trợn mắt nhìn; nhưng không thấy gì khác hơn một khuôn mặt đang cúi xuống mà đôi môi bậm lại.

– Vậy là cô không thành thật khi tôi hỏi cô?

– Dạ không… Nếu tôi thành thật thời ông bắt tôi rồi. Như thế đâu có ngày hôm nay…

Ngước lên nhìn Chiêm đang nhìn mình đăm đăm, Đông nói tiếp. Giọng của cô ta cố làm ra nghiêm nghị.

– Hôm trước ông thả tôi ra thời hôm nay tôi cũng thả ông ra. Như vậy mình huề hén…

Chiêm gật đầu im lặng. Lát sau Đông mới lên tiếng.

– Ông chưa chịu đi à?

Nhìn Đông lần nữa, Chiêm mới chịu bước đi rồi không hiểu nghĩ gì mà anh quay đầu lại cười chúm chiếm hỏi một câu.

– Cô tên gì dậy cô…?

Đông mím môi cố không cười. Cô biết ông lính đã lập lại lời của mình khi được anh ta thả ra.

– Đông… Ông đi lẹ đi… Nếu không tôi đổi ý…

Chiêm bật lên tiếng cười nhỏ. Anh quay hẵn người lại nhìn Đông và câu nói tự nhiên bật ra.

– Cô Đông không như tôi…

Cô du kích tóc dài cau mày vì câu nói tối nghĩa của Chiêm. Biết thế anh từ từ lên tiếng.

– Cô không bắt đúng mà tha lầm như tôi… Cô bắt đúng mà tha cũng đúng…

Không đợi cho cô du kích nói lời nào anh rảo bước đi nhanh. Đông im lặng nhìn theo bóng người lính. Cô ta có vẻ trầm ngâm suy nghĩ về lời nói của anh ta. Đi được mấy bước, quay đầu lại thấy Đông vẫn còn đứng yên tại chỗ cũ nhìn theo, Chiêm thở dài bước nhanh tới đường lộ đá. Băng ngang qua con lộ rồi đứng quay mặt nhìn về phía rặng trâm bầu, anh còn thấy bóng cô du kích có mái tóc dài đen bay trong gió. Nắng vàng hực trải dài trên đồng cỏ xanh lả ngọn trong cơn gió mạnh.

Bắt tay từ giã Tịnh xong Chiêm leo lên xe. Chiếc xe đò cũ kỹ chạy đường Trúc Giang-Ba Tri từ từ lăn bánh. Xe chạy qua Ngã Ba Tháp, quẹo vào con đường nhỏ mà anh không biết tên rồi tới hồ Trúc Bạch. Lát sau xe quẹo vào con đường lớn tráng nhựa nối liền tỉnh lỵ Trúc Giang với hai quận Giồng Trôm và Ba Tri. Chiếc xe đò cũ kỹ lúc chạy lúc dừng để đón khách vì xe còn nhiều chỗ trống. Tới một khu nhà đông đúc thuộc Phú Chánh xe dừng lại để đón thêm khách. Chiêm trợn mắt khi thấy cô gái bước lên xe. Sau đó anh mỉm cười nhích qua một bên có ý nhường chỗ cho cô gái ngồi xuống bên cạnh mình. Ngần ngừ giây lát cuối cùng cô gái cũng ngồi xuống bên cạnh Chiêm sát với thành xe.

– Cô Đông làm thợ may hồi nào vậy?

Vừa hỏi Chiêm vừa quay qua nhìn Đông đang ngồi bên cạnh.

– Dạ trước khi ông làm thầy giáo chừng ba tháng…

Chiêm biết Đông muốn ám chỉ tới lần gặp nhau đầu tiên. Đêm hôm đó khi bị bắt và bị Chiêm tra hỏi, cô ta đã nói dối làm thợ may trên tỉnh. Ngoài ra cô ta có ý bảo anh cũng đã nói dối khi khai mình làm thầy giáo ở quận Giồng Trôm. Cười cười vì lối ăn miếng trả miếng của người ngồi bên cạnh, anh quay đầu nhìn vào mặt của Đông rồi nói nhỏ.

– Vậy là huề… Thôi mình đừng nhắc lại chuyện đó nữa nghen…

Đông gật đầu làm thinh không nói như tỏ cho Chiêm biết mình còn giận. Xe dừng lại nơi cầu Giẹt Sậy để chờ tới phiên qua cầu. Nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, anh hỏi nhỏ.

– Đây là kinh Giẹt Sậy phải không cô Đông?

Biết Chiêm hỏi để làm quen, Đông trả lời nhỏ.

– Dạ… Nó thông sông Bến Tre với sông Ba Lai… Còn kinh An Hóa nối sông Ba Lai với sông Mỹ Tho…

Ngừng lại giây lát Đông cười hỏi. Chiêm nhận thấy Đông ít khi cười, song cười lại rất có duyên. Nụ cười làm cho khuôn mặt của cô ta bớt nét buồn rầu mà trở nên hiền hậu và dễ nhìn hơn.

– Ông quê ở đâu dậy?

Chiêm cười sung sướng khi nghe câu hỏi làm quen của Đông.

– Tôi ở Sài Gòn. Cô Đông có đi Sài Gòn chưa?

Đông lắc đầu. Cúi nhìn xuống sàn xe dơ dáy, cô ta trả lời nhỏ.

– Chưa… Chỉ nghe người ta nói… Nhà tôi nghèo…

Chiêm thầm thở dài. Ngay khi gặp mặt Đông lần đầu tiên, anh không hiểu sao mình lại có cảm tình. Đó là một trong nhiều lý do làm cho anh không muốn bắt giữ cô ta. Rồi gặp lần thứ nhì được Đông thả ra, anh càng thêm có cảm tình nhiều hơn dù biết cô ta là người chỉ huy đội du kích của Lương Hòa. Một người thuộc phe quốc gia, còn một người của mặt trận; hai phe đối nghịch nhau. Điều đó đã được phân định rõ ràng. Anh cũng biết mình không thể vượt qua lằn ranh đó. Tuy nhiên cứ mỗi lần gặp lại anh cảm thấy thêm gần gụi và nghĩ về Đông nhiều hơn.

– Nhà tôi cũng nghèo… bởi vậy mà tôi phải nghỉ học để… để… đi làm thầy giáo ở quận Giồng Trôm…

Chiêm ấp úng giây lát rồi cuối cùng cũng nói ra được một câu mà khi nghe xong Đông lại mỉm cười liếc nhanh anh rồi quay mặt ra chỗ khác.

– Ông học tới lớp mấy?

– Tú tài… Còn cô Đông?

Ngập ngừng giây lát Đông mím môi trong lúc trả lời.

– Tôi chỉ học hết lớp đệ nhị… à lớp 11…

– Trường Phan Thanh Giản?

– Dạ… Sau đó đi học may…

Chiêm bật cười nhỏ.

– Như vậy cô Đông là thợ may thật. Chỉ có tôi là thầy giáo giả…

Lần đầu tiên Đông bật cười thành tiếng. Dù chỉ là tiếng cười ngắn gọn song Chiêm nghe giọng cười của cô ta thật êm dịu. Cũng nhờ tiếng cười đó mà giữa hai người bớt đi chút xa lạ và dè dặt.

– Tôi đang may thời bị ba má bắt về nhà…

Đông nhấn mạnh hai tiếng ” ba má ” đồng thời liếc nhanh Chiêm như có ý cho người ngồi bên cạnh hiểu mình muốn nói cái gì. Chiêm gật đầu tỏ vẻ hiểu hai tiếng ba má của Đông ám chỉ tới ai.

– Ông thích dạy học?

Chiêm trầm ngâm vài giây đồng hồ trước khi trả lời.

– Không thích lắm nhưng dường như tôi không còn chọn lựa nào khác hơn. Như cô Đông phải làm nghề thợ may thời tôi phải làm thầy giáo. Tôi ở bên này thời cô Đông ở bên kia. Thế thôi…

Đông gật đầu im lặng như thông cảm cho lời phân trần của Chiêm.

– Hoàn cảnh phải không ông?

Chiêm gật đầu. Lát sau anh thốt sau tiếng thở dài nhè nhẹ.

– Đúng… Hoàn cảnh mà đôi khi tôi nghĩ đó là guồng máy. Nó quay thời mình cũng phải quay theo vì mình chỉ là cơ phận nhỏ nhoi trong cái guồng máy đó… Không quay theo mình sẽ bị nghiền nát…

Đông im lặng giây lát rồi quay sang nhìn người ngồi cạnh. Ánh mắt của cô ta như hiểu và thông cảm về câu nói của Chiêm. Chiếc xe đò cũ kỹ chở đầy khách ngừng lại cho hành khách đi bộ xuống bến bắc để qua bờ kinh bên kia. Đứng cạnh nhau một khoảng cách vừa đủ gần vừa đủ xa, hai người im lặng nhìn dòng nước chảy xiết. Bắc cập vào cầu sắt. Hành khách lại leo lên và chiếc xe đò cũ nặng nhọc rồ máy chạy đi.

– Mỹ Lồng đó ông?

Chiêm ” a… a…” lên tiếng nhỏ như có điều gì thích chí. Quay nhìn Đông đang ngồi thu hình lại cố tránh đụng chạm với mình, anh cười nói nhỏ.

– Phải nơi đây là địa danh của hai câu ca dao nổi tiếng…?

Đông nhìn Chiêm với vẻ nửa như tò mò nửa như ngạc nhiên vì không hiểu anh ta nói tới hai câu ca dao nào.

– Hai câu gì dậy ông?

Miệng cười tủm tỉm, mắt nhìn vào mặt Đông, Chiêm nói nhỏ vừa đủ cho cô ta nghe.

Bến Tre nhiều gái chưa chồng.
Không tin, xuống chợ Mỹ Lồng mà coi

Nhờ nhìn ngay mặt nên Chiêm thấy làn da trắng xanh của Đông hồng lên vì mắc cỡ. Đôi mắt dài đen vốn long lanh buồn của cô ta long lanh ánh lên chút rạng rỡ.

– Tôi thích những câu ca dao của xứ Bến Tre. Giả dụ như những câu sau đây.

– Bến Tre gái đẹp thật thà,

Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên…

Ngâm nga hai câu ca dao xong Chiêm tủm tỉm cười. Hứ tiếng nhỏ, Đông thì thầm.

– Tôi đâu có thật thà…

Chiêm cười như hiểu ý của người ngồi bên cạnh. Ngẫm nghĩ giây lát anh lên tiếng.

– Không thật thà một lần đâu có sao. Tôi cũng vậy… Nếu sự không thật thà của mình chẳng làm hại ai…

Đông cười quay đầu nhìn người bên cạnh như tỏ ý cám ơn về lời biện bạch. Chiêm cũng cười nói tiếp.

– Tôi thích hai câu này nhất… Giồng Trôm có gái nhu mìQua thương nhớ Bậu, sá gì đường xa…

Đông lắng nghe ông thầy giáo giả ngồi kề bên đang dùng những câu ca dao để tán tỉnh mình. Cô không có cử chỉ nào hưởng ứng, khuyến khích hoặc từ chối mà chỉ im lặng và thỉnh thoảng cười kín đáo, chứng tỏ cho người ta biết, mình dù thụ động song cũng thưởng thức lời tán tỉnh của ông ta. Mơ hồ, cô nhận ra người con trai ngồi bên cạnh có thái độ, cử chỉ, lời nói và cung cách khác với những thanh niên cùng trang lứa mà cô đã gặp. Mấy cậu con trai ở Lương Hoà thời nhà quê quá. Họ thiếu trình độ học thức và sự hiểu biết để nói chuyện với cô. Họ thật thà, chơn chất quá nên cách trò chuyện giống như dùi đục chấm mắm nêm. Còn các anh con trai trên tỉnh tuy cũng có học thức song lắm anh lại không biết nói chuyện hay không hợp tính và sở thích với cô. Chiêm khác hơn những người đó. Anh như mẫu người pha trộn giữa văn minh thành thị và văn minh miệt vườn. Các câu ca dao mà Chiêm đọc, cô cũng đã nghe mấy cậu con trai trong làng hò hát nhiều lần. Tuy nhiên khi nghe Chiêm dùng ca dao để tán mình thời lại khác. Anh biết lựa câu, nhằm lúc và chọn đối tượng, do đó tạo thành sự rung cảm trong lòng người nghe.

Đang trầm tư, Đông không nhịn được cười khi nghe Chiêm ngâm nga hai câu: ” Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng… Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi hổng có chịu buông… mà nắm luôn… hò ơ hò… ”. Gặp người khác thời họ sẽ đọc nguyên văn: ” Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng… Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi không buông…”. Cô cười vì mấy tiếng ” tôi hổng có chịu buông mà nắm luôn… hò ơ hò… Cái hay ho và dí dỏm của Chiêm nằm ở chỗ biết thêm thắt vào để chọc cười đồng thời cũng tỏ lộ ra chút tình cảm của mình. Phải có thích, có mến thương chút chút anh mới, không những không chịu buông mà còn nắm luôn, nắm chặt lại.

– Sắp tới Lương Hòa rồi…

Đông lên tiếng. Chiêm nhận ra giọng nói của cô ta nhuốm buồn, một chút xíu thôi song cũng là buồn.

– Mau quá…

Chiêm nói bâng quơ và giọng của anh nghe cũng buồn. Dường như cảm nhận được điều đó Đông nhẹ thở dài. Tự dưng cô cảm thấy buồn như bị mất mát một điều gì đó. Cô cũng biết mình với người ngồi bên cạnh ở vào thế đối nghịch nhau. Ngày nào đó không xa, cô, vì nhiệm vụ có thể nổ súng vào Chiêm cũng như anh, sẽ nhắm bắn vào cô. Tuy nhiên cứ mỗi lần gặp nhau, cô lại cảm thấy thêm chút vấn vương khuôn mặt của người ngồi bên cạnh. Vấn vương không nhiều lắm, một chút xíu thôi; nhưng cũng đủ làm cho cô phải thức giấc nửa đêm hoặc trằn trọc trong bóng tối. Cô đã được mặt trận dạy dỗ, phải gạt bỏ tình cảm cá nhân để phục vụ cho tập thể, cho lý tưởng giải phóng dân tộc. Cô đã làm điều đó hơn một năm rồi. Cho tới khi gặp Chiêm, cô mới biết thứ tình cảm mà mặt trận dạy phải quên đi vẫn nằm sâu trong góc cạnh nào đó của tâm hồn và bây giờ nó đang thức dậy. Nó đang đòi cái quyền của nó. Nó thúc đẩy cô phải sống thực với chính mình.

Chiếc xe đò từ từ dừng lại nơi ngã ba Lương Hòa. Đông quay nhìn Chiêm như nói lời từ giã rồi lặng lẽ xuống xe sau khi đưa tiền cho lơ xe. Không biết nghĩ sao Chiêm cũng trả tiền rồi xuống xe. Tuy thắc mắc song Đông im lặng không lên tiếng. Đúng ra cô muốn hỏi song ngại người ta biết nên nín lặng. Đợi cho chiếc xe đò lăn bánh, cô ta mới quay nhìn Chiêm.

– Ông xuống đây làm gì dậy?

Chiêm chưa kịp trả lời, cô ta tiếp nhanh. Giọng nói của cô ta chứa chút thân ái và cợt đùa.

– Ở Lương Hòa hổng có trường cho ông dạy đâu…

Bật lên tiếng cười vui thích, Chiêm thong thả kể lại cho Đông nghe, ba ngày trước vì sợ bị du kích xét hỏi, anh mới giấu khẩu súng và giấy tờ tùy thân vào bụi cỏ bên đường. Bây giờ trên đường trở về anh tính xuống xe ở ngã ba để lấy lại khẩu súng và giấy tờ. Nghe xong, dù không tỏ ra cử chỉ nào song trong lòng Đông có chút thất vọng. Cô tưởng ông lính xuống xe vì mình. Dường như hiểu được tâm tình của Đông, Chiêm cười giơ tay chỉ vào rặng trâm bầu.

– Với lại tôi muốn vào trong kia… Chỗ rặng trâm bầu…

– Chi vậy?

Đông hỏi gọn. Chiêm quay nhìn vào mặt cô gái trong lúc trả lời.

– Gặp cô thợ may để nhờ cổ may dùm bộ quần áo…

Nở nụ cười vui vẻ, Đông nói lảng.

– Để tôi phụ với ông kiếm giấy tờ…

Hai người đi dài dài theo con đường cỏ cao mọc tràn lan.

– Tôi nghĩ chỗ này…

Dừng lại Chiêm chỉ vào bụi cỏ cao và rậm rạp. Hai người lui cui vạch cỏ. Nhìn thấy khẩu súng dằn lên trên cái bóp da, Đông cầm lấy. Ngần ngừ giây lát cô cười đưa cho Chiêm xong im lặng trở lại ngã ba. Chiêm đi sau. Gió đồng thổi mạnh làm chiếc quần vải dán sát vào da thịt lộ ra những đường cong của cặp giò thon dài. Có lẽ biết Chiêm đang đi sau ngắm nghía nên bước chân của Đông hơi luống cuống. Cô đi chậm lại cố tình để cho Chiêm ngang hàng với mình. Hai người dừng tại ngã ba nhìn con đường làng màu nâu sẫm. Họ im lặng đứng cạnh nhau. Có thể họ không biết nói gì. Có thể họ có nhiều điều để nói song chưa tiện nói ra. Có thể sự không nói có nghĩa nhiều hơn nói với nhau. Có thể họ chỉ cần đứng cạnh nhau. Được đứng cạnh nhau quá đủ cho họ. Thật lâu Đông mới thỏ thẻ.

– Tôi đi về…

Chiêm gật đầu nhìn theo dáng đi của Đông. Được mấy bước cô quay lại nhìn rồi cúi đầu lầm lủi bước đi trên con đường cỏ mọc lún phún. Không biết nghĩ sao Chiêm lại bước đi theo.

– Ông đi đâu vậy?

– Vào rặng trâm bầu…

– Chi vậy?

Chiêm thở khì.

– Tôi nhớ rặng trâm bầu với cô thợ may của tôi…

Đông mỉm cười.

– Thôi ông đi về đi… Vào đó nguy hiểm lắm…

Gật gật đầu, Chiêm nói nhỏ.

– Mai mốt mình gặp lại nữa nghen…

– Tôi hổng có hứa…

– Nếu vậy thời tôi đi vào rặng trâm bầu. Cô Đông hứa tôi mới đi về…

Đông bặm môi của mình mạnh tới độ cô cảm thấy rát buốt. Chỉ có hai tiếng thoát ra song phải khó khăn lắm cô mới nói được.

– Tôi hứa…

– Chừng nào?

– Hai tuần nữa…

– Cám ơn cô Đông…

Mỉm cười Chiêm quay lưng đi trở lại ngã ba. Ngoái đầu nhìn theo dáng đi của Chiêm, Đông thở dài buồn bã. Dù đã hứa song cô tự hỏi mình có nên gặp lại Chiêm lần nữa không. Tự thâm tâm cô muốn bởi vì ở bên cạnh anh, cô có được những phút giây thoải mái không tìm thấy ở các đồng chí du kích của mình. Chiêm biết cách nói chuyện. Anh nói ra nhiều điều cô đã nghĩ và cũng thật nhiều điều cô chỉ mơ hồ cảm nhận. Anh nói ra những điều mà cô muốn được nghe. Đó là thứ tình tự hồn nhiên, chân thật xuất phát từ lòng người chứ không phải những giáo điều, lý luận, chủ nghĩa, đảng cương đầy sắt máu hoặc khô khan. Mấy thứ đó, nghe quá nhiều cô đâm ra chán và cảm thấy vô nghĩa. Ngoài ra anh còn có sự hiểu biết, thông cảm và độ lượng. Sau khi được thả ra cô nghĩ hoài câu nói ” Chẳng thà tha lầm còn hơn bắt lầm...” của anh. Nó trái ngược hoàn toàn với câu ” chẳng thà bắt lầm còn hơn tha lầm…” mà cô đã được mặt trận dạy dỗ. Cô thầm cám ơn sự tha lầm của anh, bởi vì nếu anh không tha lầm thời giờ này cô đã nằm nghỉ mát trong nhà giam của tỉnh. Ngoái đầu lại cô nhìn lần nữa. Dù khá xa cô cũng thấy được bóng ông thầy giáo giả mạo đang đứng nơi ngã ba chờ đón xe về Giồng Trôm. Mỉm cười cô lẩm bẩm: ” Giả gì hổng giả lại giả thầy giáo... ngộ ghê…”. Cô lắc đầu mỉm cười khi nghe cái giọng ồ ồ như vịt xiêm trống của ông lính theo cơn gió đồng bay vào chỗ mình đang đi. ”Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng… Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi hổng muốn buông… mà nắm luôn… hò ơ hò…”

Bật lên tiếng cười, Đông tất tả bước khi thấy năm ba bóng người mặc bà ba đen thấp thoáng trong khu vườn dừa âm u.

Advertisement