17
3 giờ chiều. Quát ngồi im trong nhà bếp. Ly cà phê phin nhỏ chầm chậm từng giọt cà phê xuống cái ly thủy tinh màu ngà ngà. Mùi cà phê thoang thoảng. Cuối tháng tư mà vẫn còn lạnh. Trời sáng rõ. Tiếng xe cộ rì rầm. Có tiếng khua động của cặp vợ chồng ở phòng kế bên. Ngước nhìn tờ lịch anh lẩm bẩm.
– 30 tháng 4…
12 năm. Tính từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho tới nay đúng 12 năm. Quãng thời gian đó có thể không dài lắm so với nhiều người nhưng đối với anh dài, thật dài. Dài lê thê. Dài đăng dẳng. Bởi vì đó là thời gian của tù tội. Bảy năm lê lết từ các trại tù cải tạo như Trảng Bom, Suối Máu, Long Giao, Hố Nai. Dù bị đày đọa đủ mọi cách, dù bị bệnh hoạn do thiếu dinh dưỡng, dù buồn rầu lẫn nhớ thương nhưng anh vẫn sống. Ở trong cái thân thể ốm như cò ma, dật dờ như một sinh vật mà giá trị chỉ đáng làm phân bón cho cây cỏ, vẫn tiềm tàng sự sống nhờ dựa vào một điểm sáng lung linh nhạt mờ là hình ảnh tuyệt vời của cô Duyên. ” Mình phải sống, phải sống, để gặp lại Cô Duyên…” Quát lập lại hàng ngàn, vạn, triệu lần tên Duyên trong lúc ăn, ngủ, làm việc. Cái tên ngắn gọn đó trở thành thứ lực nhiệm mầu vực anh lên mỗi khi anh sắp ngã gục vì đói khát, bệnh hoạn, vì đòn thù của quản giáo dành cho tù cải tạo. Bảy năm tù chưa đủ. Sự thù hằn của chế độ vẫn đeo đuổi sau khi anh cầm tờ giấy ra trại và trở lại Sài Gòn. Trình diện công an phường khóm. Khai báo mỗi ngày. Bị hăm dọa và dụ dỗ đi vùng kinh tế chết đói. Tuy nhiên bên cạnh đó có rất nhiều tấm lòng nhân ái. Dân Sài Gòn hay đúng hơn dân miền nam vẫn không quên ơn những người lính thua trận như anh. Những người bạn lính vẫn không quên anh. Trong những ngày chạy kiếm cơm anh tình cờ gặp lại Ba. Hai thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Ba, chỉ đi cải tạo ba năm rồi được tha, sống vất vơ vất vưởng nhờ bà vợ làm đủ mọi nghề. Cũng nhờ vào tình thương của Ba mà anh mới có được một chỗ ngồi trên chiếc tàu vượt biên sang Mã Lai. Hai năm chờ đợi và cuối cùng anh được nhà thờ bảo trợ sang thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Kentucky.
Tiếng chuông điện thoại vang lên khiến cho Quát giật mình. Ngần ngừ giây lát anh mới nhấc điện thoại. Bên kia là tiếng cười tiếp theo giọng nói quen thuộc của Ba.
– Trung úy sửa soạn xong chưa?
Quát mỉm cười. Dù không còn trong lính Ba vẫn quen gọi anh với tên quen thuộc của ngày xưa.
– Có gì đâu mà sửa soạn…
Ba cười hà hà trong điện thoại.
– Chút nữa tôi sẽ tới đón ông…
Ba cúp điện thoại và Quát vẫn còn ngồi yên trên ghế. Thong thả đưa ly cà phê lên uống anh im lặng nhìn ra khung cửa sổ rộng. Mặt trời đỏ ửng ở ngoài kia. Xa thật xa. Trong ký ức mỏi mòn anh có cảm tưởng mình đang ngồi trên chiếc poncho cạnh con suối róc rách ở Tân Uyên. Cô Duyên với với áo bà ba trắng, quần lụa đen. Đôi chân trần của nàng giẫm lên nền cỏ xanh mịn. Trăng mười hai đổ lên tóc cô Duyên, dọi trên làn da mịn màng thành hình ảnh lung linh huyền ảo. Thân thể cô sực nức mùi hương tình ái. Giọng nói êm như tiếng mưa rơi trong bản nhạc Giọt Mưa Thu. Nụ cười lã lơi gọi mời tình ái. Bàn tay cô ân cần. Còn nữa… còn nhiều thứ lắm không nhớ hết được…
Quát bật diêm đốt thuốc. Mùi thuốc lá hăng hăng. Khói thuốc lá như đông đặc lại trong căn phòng nhỏ đóng kín cửa. Có tiếng xe ngừng. Tiếng cửa xe đóng rồi cánh cửa mở ra. Ba bước vào với xâu chìa khóa trên tay. Quát đứng lên cùng với câu hỏi bật ra.
– Mình đi đâu vậy?
– Tới nhà một người quen của tôi ở Louisville. Ông này lính sư đoàn 5. Dân cải tạo như mình…
Quát gật đầu mở cửa xe. Đang lái xe thấy Quát có thái độ trầm tư Ba hỏi nhỏ.
– Trung úy sao vậy?
– Buồn… Ngày hôm nay thật buồn…
– Tôi cũng vậy… Tôi chở trung úy tới gặp anh em cho đỡ buồn… Làm vài chai bia cho ấm…
Liếc qua Quát đang ngồi co ro trên cái ghế rộng Ba cười tiếp.
– Ấm tình chiến hữu. Trung úy còn nhớ Bính không?
Quát gật đầu giọng nhát gừng đứt đoạn.
– Nhớ… Bính với tôi ở Long Giao… rồi chuyển trại… sau đó không gặp nữa…
Quẹo xe vào con đường nhỏ Ba cười lên tiếng.
– Bính còn kẹt ở Sài Gòn. Vượt biên hai lần mà lần nào cũng bị bể. Nghèo lắm. Tôi vừa nhận được thư của Bính. Tôi đang nhờ ông anh bà con bên Cali gởi quà về cho Bính…
Quát hơi trở mình.
– Ông cho tôi hùn với. Dù gì cũng anh em với nhau…
Ba cười cười.
– Ông thầy độc thân mà… Lương đâu có bao nhiêu…
Quát cười.
– Tôi độc thân thời cần gì. Bất quá nhịn ăn ngày một bữa cũng đâu có chết…
– Được rồi… Khi nào gởi quà cho Bính tôi sẽ hú ông thầy… Tới rồi…
Ba nói khi quẹo xe vào một chung cư lớn và đông đúc xe đậu. Theo cầu thang hai người lên tầng lầu 3 rồi dừng trước căn phòng mang số 351. Tiếng cười nói ồn ào vang ra tận nơi chỗ hai người đứng. Ba gõ nhè nhẹ. Cửa mở ra. Quát thấy một người đàn ông tóc cắt ngắn cười nói lớn.
– Dô đi Ba. Tụi này vừa nhắc tới anh…
Ba cười chỉ Quát.
– Đây là ông đại đội trưởng của tôi…
Người đàn ông vui vẻ bắt tay Quát và tự giới thiệu.
– Chào anh tôi là Thịnh… Mời anh vào…
Bước vào cửa Quát thấy năm ba người đàn ông ngồi rải rác nơi phòng khách. Có lẽ quen biết nên Ba vui vẻ bắt tay chào hỏi mọi người. Mấy bà vợ ngồi thủ thỉ nơi chiếc bàn ăn rộng. Con nít la hét cười giỡn um xùm. Ba ấn vào tay ông thầy của mình lon Bud lạnh. Quát lần lượt bắt tay mọi người. Bảy người lính ngồi xếp bằng quanh tấm ni lông trải trên thảm. Thịnh, cấp bậc cao nhất trong bọn vả lại là chủ nhà nên mời mọi người nâng lon.
– Mời các anh… Uống say để nhớ tới ngày quốc hận…
Mọi người cụng lon. Bia uống thả dàn. Chủ nhà tuyên bố trong lúc chỉ vào cái thùng đựng nước đá đầy bia. Thức ăn tha hồ. Kỷ niệm được nhắc nhở để cười, để nghẹn ngào, để thở dài và để khóc cho các đồng đội xấu xố đã chết hay đang ở tù. Quát ngồi nghe mà tâm trí bềnh bồng. Men bia đưa ngược anh về mười mấy năm trước. Cô Duyên. Nụ cười hiền như tiên. Tà áo dài màu trắng tha thướt. Mùi nước hoa lãng đãng trong lớp học làm cho học trò nghiện còn hơn nghiện thuốc phiện. Giọng nói thánh thót hơn tiếng mưa thu rơi trong nhạc của Đặng Thế Phong. Tiếng cô Duyên cười làm lao chao tâm hồn. Ánh mắt cô nhìn trong đêm trăng mười hai như hai viên ngọc sáng rực ân tình. Bàn tay cô mềm ấm ve vuốt như muốn chia xẻ bớt gian lao của người lính. Vòng tay cô quấn quít. Bây giờ cô đang ở đâu? Cô ơi. Chắc là cô đã yên phận chồng con. Mười lăm năm thắm thoát có ra gì. Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu. Gặp em tay bế tay bồng. Tay cặp ông chồng tay dắt đứa con. Quát lắc lắc đầu như muốn phủ nhận chuyện đó. Cô Duyên là hình ảnh bất hủy hoại trong hồn anh, không bị hư hao bởi thời gian và thay đổi của đời. Kỷ niệm chợt về không biết trước. Buổi nhậu nơi Bến Sỏi. Dòng thơ chảy theo ý nghĩ.
–Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh…
Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối
Trong mạch máu chút gì nghe vướng rối
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa
Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp
Yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này đây
Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén…
Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc
Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ
Trăng nào ngọt với duyên nào thắm nở
Áo xiêm nào rực rỡ ngựa xe ai
Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài
Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp
Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này thôi
Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó…
Quát ứa nước mắt. Trong tâm tư tưởng như khô cằn và chai đá của một kẻ lưu vong như quặn đau khi lầm bầm trong trí bốn câu thơ: ” Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp… Tình mười năm còn lại chút này thôi… Lá thư xưa màu mực úa phai rồi… Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó…”. Cô ơi. Cô đang làm gì cô ơi. Cô có còn nhớ Tân Uyên không cô. Nhớ ngôi nhà liêu trai ở Tân Định. Trước khi rời Sài Gòn Quát có đi ngang nhà cô. Chỉ còn là hình bóng. Ngôi nhà vẫn còn nhưng đã thay chủ. Nó mới hơn, đẹp hơn nhưng không phải là nhà của cô Duyên. Người xưa đã không còn. Cô dạt về đâu. Trôi đi đâu trong cuộc đổi đời.
– Dô đi anh…
Quát cười khi nghe Thịnh nói với mình. Đưa lon bia lên uống một hơi anh đốt thuốc rồi hít hơi dài.
– Tôi nghe Ba nói anh làm thơ hay lắm. Sẵn có anh em đây và cũng để nhớ ngày quốc hận xin anh đọc cho bài thơ…
Quát cười hiền.
– Cám ơn anh. Từ khi sang đây nhàn hạ quá nên tôi ráng nhớ lại những bài thơ mình đã làm trong trại cải tạo. Bây giờ tôi đọc cho anh em nghe bài thơ với cái tựa ” Cho một người ở lại Việt Nam ”…
Giọng trầm buồn, khàn khàn, đặc đặc như có nước mắt của Quát cất lên trong căn phòng im lặng.
– Anh đi
Từ trại lao tù cải tạo
Từ phòng ” kiên giam ” tăm tối
Và lệnh ” bắn bỏ ” được biết ngày hôm qua
Tôi nghe tiếng nổ rền trên đầu khẩu AK
Trong tiếng khóc âm thầm của mẹ cha, anh chị em, vợ con và bằng hữu
Tôi nghe môi mình mặn đắng và tâm hồn chìm xuống cõi hư không…
Thịnh cảm thấy mắt mình ươn ướt rồi hai giọt nước mắt từ từ ứa ra rồi lăn dài trên má. Chết là sự việc không ai tránh được. Nhưng chết trong trại cải tạo là cái chết tức tưởi, Người chết không nhắm mắt được.
– Còn đâu anh
Những ngày dài rực rỡ
Ngẩng đầu lên ngạo nghễ với mặt trời
Anh sống sạch như nắng vàng buổi sáng
Và hiên ngang như cổ thụ giữa phong ba
Lăn vào đời anh làm người lính mọn
Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả
Xác quân thù ngập cả lối anh đi
Trời An Lộc dưới mây mù lửa đạn
Anh cười to rúng động khoảng không gian
Nào tăng
Nào pháo
Nào bộ đội hung tàn
Đã rã rời tan tác dưới chân anh
Ngày Xuân Lộc
Lúc thế cô lực bạc
Anh cúi đầu dưới cơn mưa pháo đổ
Đành ngậm ngùi cay đắng rút quân đi
Ôi Sài Gòn tan nát với chia ly
Anh về đây xơ xác mảnh chiến y
Anh đã chết
và như anh phải chết…
Quát ngừng lại để uống ngụm bia như muốn nuốt trôi cái gì vướng nghèn nghẹn trong cổ họng của mình.
– Lúc tim còn khao khát chút tự do
Thôi giã từ hạnh phúc lẫn buồn lo
Anh ra đi trong vòng tay của mẹ
Nước mắt sầu của vợ yếu con thơ
Xác thân anh mục rữa với lá rừng
Rồi ngày qua tàn lụn những phôi pha
Tôi ngồi đây ôm ấp nỗi xót xa
Than ôi…
Anh đã bỏ cuộc chơi rồi…
Thôi anh đi
Xin tạ từ
Hẹn gặp nhau bên kia trời hạnh phúc
Tôi tiễn anh
Bằng nụ cười héo úa mấy mươi đời…
Không một ai vỗ tay khi Quát đọc xong bài thơ. Chỉ có tiếng thở dài. Chỉ có ánh mắt rưng rưng. Tia nhìn lặng câm chiếu qua khung cửa sổ với chút mây trắng dật dờ của một buổi chiều cuối tháng tư buồn. 6 giờ chiều tiệc tan vì ai cũng phải đi cày ngày mai. Đưa Quát về tới nhà Ba cười ấn vào tay ông thầy mấy tờ báo cũ.
– Của anh em bên Cali gởi cho. Tôi đọc rồi nên đưa cho ông thầy đọc đỡ buồn…
Cầm xấp báo, đứng nhìn theo cho tới khi Ba khuất dạng Quát chậm chạp mở cửa vào nhà. Căn phòng nhỏ hiu quạnh. Đời sống của một người dân lưu vong cũng quạnh hiu và buồn. Pha ly cà phê anh mở tờ báo ra đọc. Đột nhiên một ý nghĩ bùng ra. Tối hôm đó anh cặm cụi ngồi viết cho tới khuya mới đi ngủ.
18
Thu tàn. Không còn lá vàng rơi. Cơn gió lạnh từ miền bắc về làm xạc xào đám lá khô chết và cuốn vào góc sân của công viên nằm dọc theo bờ sông. Duyên ngồi im trên băng gỗ nhìn ra giữa sông. Mặt nước bốc mù hơi sương. Gió từ dưới sông thốc lên khiến nàng phải co người lại vì cảm thấy lạnh. Tiếng con gái đang chơi đùa với bà ngoại vọng lại văng vẳng. Nàng cảm thấy cô đơn và trơ trọi. Sống nơi xứ người, ở một thành phố nhỏ ít có người đồng hương khiến cho nàng hiểu được niềm đau buồn của một kẻ ly hương. Biến cố 30 tháng 4 như một vết chém đứt rời những liên hệ với người thân yêu. Cho tới bây giờ nàng cũng không hiểu được tại sao mình lại ra đi. Nàng ra đi vì hốt hoảng hay vì một lý do thầm kín nào đó. Dường như trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn nàng nghe tiếng Quát hối thúc nàng phải rời bỏ quê hương. Thế là ngày 30, nàng ẵm con, dắt mẹ già cùng với cô bạn hàng xóm đi xuống bến Bạch Đằng, theo làn sóng người dạt về kho 5 rồi may mắn có được chỗ ngồi trên chiếc tàu tị nạn ra khơi. Từ đó nàng chảy theo dòng đời của một người tị nạn cộng sản. Ngày tháng lê thê trong trại Fort Chaffee. Cuối cùng nàng được một nhà thờ bảo trợ về thành phố nhỏ và thưa thớt dân cư thuộc tiểu bang Kentucky. Dân chúng ở đây hiền lành và tử tế. Thương cảnh mẹ góa con côi lại thêm mẹ già nên nhà thờ giúp đỡ tận tình. Họ mướn cho nàng một ngôi nhà ba phòng ngủ. Họ mua cho nàng chiếc xe để đi làm. Họ đưa nàng vào làm thư ký trong một hãng sản xuất máy móc như tủ lạnh, bếp điện và các thứ khác. Mãi sau này nàng mới biết vị giám đốc là người của nhà thờ và chính ông ta đã thu nhận nàng vào làm việc.
Đời sống vật chất tạm yên ổn thời nhu cầu về tinh thần trở thành cấp bách hơn. Những đêm ngủ không yên. Những giờ trằn trọc. Phút trở trăn. Kỷ niệm lãng đãng trở về theo cơn gió lất lây từ miệt rừng núi xa xôi làm nàng co ro lạnh. Hình ảnh của Quát hiện ra. Quát đã đi ra khỏi cuộc đời nàng từ lâu lắm rồi, những mười mấy năm về trước; nhưng hình bóng của Quát vẫn còn ở hoài hoài trong tâm hồn của nàng. Nàng thấy Quát trong giờ dạy học. Nàng cảm thấy Quát ngồi với mình trên xích lô. Nàng nghe tiếng anh cười ở nhà. Ở đâu nàng cũng thấy, cũng nghe và cũng có cảm tưởng người tình xưa đang ở bên cạnh mình. Điều đó dễ hiểu bởi vì đứa con gái mà nàng sinh ra giống hệt Quát. Để kỷ niệm những ngày hạnh phúc bên Quát nàng đặt tên đứa con gái là Tân Uyên. Nội cái chuyện đặt tên cho con nàng cũng phải tranh đấu quyết liệt và dai dẳng với chồng và gia đình bên chồng mới đặt được tên nó là Tân Uyên. Lý do thầm kín khiến cho nàng muốn con gái mang tên Tân Uyên vì nó là kết quả mối tình tuyệt vời giữa nàng với Quát. Lý do quan trọng hơn hết là nàng, chỉ có một mình nàng, biết nó là con của Quát. Lấy chồng được tám tháng thời bé Tân Uyên ra đời. Nếu nó là kết quả của tình yêu thời nó cũng là nguyên nhân chính làm tan vỡ cuộc hôn nhân giữa nàng với Trân. Tân Uyên giống Quát như hệt. Giống từ khuôn mặt, đôi mắt, cái miệng. Nụ cười. Nếu Quát và Uyên đi ra đường thời người ta sẽ nói đó là cha con. Nó không có một chút gì giống Trân hết mặc dù trên giấy khai sinh nó là con của anh. Trân nghi ngờ, thắc mắc, hạch hỏi rồi cuối cùng đay nghiến nàng mỗi ngày vì Tân Uyên. Mẹ chồng, em chồng thời dè bỉu, nhiếc mắng, xỏ xiên nàng khi nhìn mặt Tân Uyên. Duyên hiểu cái lỗi lầm của mình nên cắn răng chịu đựng không một lời thở than dù ngay cả với những người thân yêu nhất. Đời sống vợ chồng giữa nàng với Trân ngày càng trở nên tồi tệ vì một lý do khác. Nàng không có con. Không biết là nàng không thể có con hay là Trân không thể có con. Chỉ biết là hai vợ chồng không có con với nhau. Cuối cùng Trân và nàng đi tới một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Anh đi đường anh tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thể thôi… Nàng ôm con gái trở về sống với cha mẹ mặc cho dư luận dèm pha. Nàng bất cần dư luận. Nàng làm ngơ lời chê bai của hàng xóm và họ hàng. Lần này nàng nhất quyết đạp trên dư luận để sống theo ý của mình. Cũng vì dư luận, cũng vì cái tiếng ” cô giáo học trò ” mà nàng đã làm lỡ cuộc tình và mất người yêu. Bây giờ nàng được tự do, được quyền sống để chờ Quát, chờ người lính chiến trở về với mình. Nàng không muốn đi tìm Quát dù biết nếu tìm gặp và năn nỉ Quát sẽ trở về với mình. Nàng tự ái. Nàng nghĩ tình yêu không thể đi kèm với sự van xin hay lòng thương hại. Do đó nàng kiên nhẫn chờ đợi dù mỗi ngày soi gương thấy mình già đi một chút. Nàng già mà người tình xưa đi biền biệt chưa về. Bây giờ ngồi đây, bên cạnh dòng sông xa lạ nàng biết hi vọng gặp lại Quát thật mong manh và xa vời. Hằng đêm nàng khóc thầm. Nàng cầu nguyện. Cầu nguyện ai cũng được. Trời. Phật. Chúa. Thánh. Thần. Bồ tát. Trả Quát về cho nàng. Nhưng ngày qua ngày Quát chỉ là hình bóng trong trí tưởng, trong kỷ niệm u hoài của một thời ở Tân Uyên xa xăm khuất nẻo.
– Má ơi…
Tân Uyên bá vai mẹ. Duyên quay lại cười với con gái.
– Má ơi con khát nước…
– Ngoại đâu rồi…
– Dạ ngoại ở đằng kia kìa…
Tân Uyên đưa tay chỉ về chỗ cầu tuột. Đứng lên Duyên nắm tay con đi về phía chiếc xích đu.
– Má lạnh hông má?
Duyên hỏi và má của nàng cười trả lời.
– Sắp tối rồi. Mình đi về nghen con…
– Dạ… Con đi mua cho con Uyên ly nước rồi mình đi về…
Lát sau nàng trở lại với ly nước cam. Gia đình ba người thủ thỉ trò chuyện. Đợi cho con uống nước xong Duyên đứng lên. Ngước nhìn bầu trời xám đục và giăng sương mù nàng lẩm bẩm trong trí.
– Quát ơi… Cô nhớ Quát…
19
Chỉ còn hơn tuần lễ nữa tới Tết Nguyên Đán. Dù ở đây không có không khí tết như quê nhà song Duyên cũng cảm thấy lòng mình nao nao. Nàng nhớ tới tết năm nào đã xa. Chiều mồng 3 tết Quát tới nhà thăm nàng mang theo bịch mứt me, mứt gừng của má anh làm. Hai thầy trò vừa uống trà hoa lài vừa ăn mứt me, mứt gừng, đọc báo xuân của trường để cười với nhau. Bây giờ chỉ còn mình nàng bơ vơ. Buổi sáng thức sớm. Trời mùa đông mù mù lạnh. Hơi nước đọng thành sương trên cửa sổ. Pha bình trà nàng ngồi uống một mình. Nàng cười khi nghĩ mình sắp sửa thành bà cụ non dù chỉ mới ngoài ba mươi. Sống mà không có tình yêu làm người ta cằn cỗi. Nhưng yêu ai bây giờ. Nàng nhớ lại cách đây tuần lễ đi chợ Việt Nam ở Louisville. Nàng hơi sùng vì có một ông theo tò tò sau lưng của mình. Ông ta hỏi han đủ thứ, bắt chuyện với mẹ của nàng và tình nguyện đẩy xe cho nàng. Thấy nàng có vẻ không bằng lòng má nàng nhỏ nhẹ khuyên.
– Thôi người ta có lòng mà con. Má nghĩ con cũng nên đi thêm một bước nữa. Biết bao giờ con mới gặp lại ba của con Uyên…
Duyên biết mẹ mình nói có lý. Tuy nhiên khổ là nàng không yêu được ai dù quen biết nhiều người. Sống với người mà mình không yêu thương là một cực hình. Nàng đã trải qua điều đó và đã phải trả giá để biết được điều đó. Vì vậy chẳng thà ở giá còn hơn lấy một người mà mình không yêu thương. Ba anh trai của nàng ở Cali giới thiệu cho nàng mấy người bạn độc thân hoặc chết vợ nhưng nói chuyện vài lần rồi nàng đâm ra mất hứng. Có lẽ họ không phải là kẻ đồng điệu. Có lẽ họ không có cái mà nàng tìm kiếm. Có lẽ hình bóng của Quát vẫn còn ngự trị trong tim cho nên nàng không thể quen ai và yêu ai. Ngày xưa hồi còn đi dạy, Quát thần tượng nàng, tôn thờ nàng như một nữ hoàng trong tim anh, thời bây giờ nàng tôn vinh Quát là ông vua trong trái tim không nguôi thổn thức vì nhớ thương của mình.
Rót nước trà ra cái chén hột mít mà con Uyên thường hay dùng làm đồ chơi, Duyên với lấy tờ báo xuân. Báo Việt ngữ ở đây đẹp về hình thức song nội dung lại nghèo nàn. Quảng cáo chiếm hơn phân nửa tờ báo. Người ta làm báo vì tiền, vì miếng cơm manh áo hơn là vì văn chương nghệ thuật. Viết bài cho lấy có, để lấp đầy khoảng trống vì thiếu quảng cáo. Tuy nhiên nàng vẫn chăm chú đọc vì thứ nhất không có gì để đọc và thứ nhì ít ra cũng để không quên tiếng nước mẹ. Không những đọc một mình nàng còn đọc cho con gái nghe mỗi đêm vì sợ nó quên tiếng Việt. Mẹ nàng đã nói một câu chí lý ” Con đừng sợ con Uyên nó không nói được tiếng Anh mà con nên lo nó không nói được tiếng Việt…”. Cũng may mẹ nàng nhìn ra điểm đó nên không bao giờ nói chuyện với cháu ngoại bằng tiếng Anh. Nhiều thời giờ rảnh bà dạy cháu nói, đọc và viết tiếng Việt. Con Uyên đi học thời nói tiếng Anh nhưng về nhà phải nói tiếng Việt vì mẹ nàng không nói tiếng Anh với nó. Bà từ chối đi học tiếng Anh như nhiều người khác viện lẽ không cần thiết. Bà cho đời mình kể như bỏ đi. Đào tạo cho con cháu mới là chuyện quan trọng. ” Con Uyên là người Việt Nam mà không nói tiếng Việt thời má buồn lắm…”. Không những dạy cháu ngoại nói tiếng Việt bà còn bảo ba đứa con trai mua sách báo gởi qua để bà dạy cháu ngoại đọc cho rành chữ nghĩa văn chương với người ta. Từ một quan niệm như vậy bà mua cho cháu đủ mọi loại sách báo. Thừa hưởng huyết thống của cha mẹ do đó Tân Uyên rất thích đọc sách và mê văn chương. Không giống như những đứa bạn cùng trang lứa nó không xem tivi hay cắm đầu vào video game mà mê đọc sách báo và vẽ.
Tay cầm tách trà nóng, Duyên lơ đãng lật từng trang báo. Đột nhiên hàng chữ đập vào mắt khiến cho nàng đặt tách trà xuống bàn rồi hai tay cầm lấy tờ báo đưa lên gần để nhìn cho rõ hơn. Sáu chữ đậm nét và khá lớn ” CÔ Ơi… CÒN NHỚ TÂN UYÊN ? ” khiến cho Duyên run rẩy tay chân và tim đập thình thịch. Tân Uyên. Suối Sâu. Hồ Đá Bàn. Tên gọi như tiếng thì thầm. Tân Uyên với Quát. Tân Uyên với tình yêu mật ngọt. Giọng cười ấm miên man hạnh phúc. Giọt nước mắt chảy ra âm thầm trong đêm cuối cùng. Bàn tay ân cần ve vuốt. Nụ hôn rực mê đắm. Cũng ở Tân Uyên nàng đã yêu, đã cho hết một đời con gái cho người yêu. Nàng đã yêu người học trò, người lính biệt động quân mà mười mấy năm hơn nàng vẫn còn thương yêu và tưởng nhớ. Tân Uyên. Cái tên xa lạ hầu như ít người biết đã thay đổi cuộc đời nàng. Cứ mỗi lần nghĩ tới Tân Uyên, nàng nhớ lại hình bóng của người tình ngồi trên chiếc quân xa khuất dần trong đám bụi mù. Cứ mỗi lần nhớ lại Tân Uyên nàng như sống lại cảm giác mê đắm làm rẩy run từng đường gân sớ thịt trong vòng tay ân ái của người tình… Còn một đêm nay thôi người ơi. Ngày mai người đã xa tôi rồi. Ôm người tình trong tay Quát đã thì thầm như thế… Cô về cô nhớ em không… Cô về em nhớ hàm răng cô cười… Quát đã thủ thỉ với nàng như thế khi nàng gối đầu lên tay anh nằm đếm sao trời trong đêm cuối cùng hai người bên nhau ở Tân Uyên. Kỷ niệm đầy nước mắt. Khóc chảy nước mắt mà cười cũng ứa lệ.
Mắt rưng rưng Duyên nhìn xuống dòng chữ nhỏ hơn ghi tên tác giả. Tiểu Đinh Hùng. Duyên sờ soạng lên cái tên đó như hồi tưởng lại hai bàn tay của mình nâng niu làn da sạm nắng, bàn tay chai cứng và đôi mắt buồn đầy nét nhăn của người tình. Nàng như ngửi được mùi áo nồng mồ hôi, mùi khen khét của mái tóc và mùi thuốc lá thân thương để nhớ hoài dù năm tháng xa cách dài đăng đẳng.
Uống hớp nước trà nóng để cho lòng mình bớt hồi hộp, Duyên chăm chú vào những hàng chữ mờ dần dần đi vì nước mắt.
– Hầu như mỗi người đều yêu ít nhất một lần trong đời của mình. Tôi cũng vậy. Tôi chỉ yêu một lần và tôi chỉ yêu có một người bởi vì sau khi yêu thương người đó rồi tôi không còn chút hơi sức nào để thở chứ đừng nói yêu thương một người nào khác…
Duyên mỉm cười vì câu nói đùa của tác giả mặc dù nước mắt từ từ chảy thành dòng trên mặt của mình.
– Ai cũng nghĩ người tình của mình tuyệt vời nhất. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên người tình của tôi không những tuyệt vời mà còn lạ lùng và đặc biệt. Nguyễn Thị Quỳnh Duyên. Cô Duyên là thầy của tôi. Cô Duyên là giáo sư Việt Văn của tôi. Cô Duyên là bạn của tôi. Cô Duyên là người tình hiếm quí và diễm tuyệt nhất. Tôi không biết tôi yêu cô Duyên lúc nào. Có thể ngay phút đầu tiên nhìn thấy cô trong lớp đệ tứ A2 của trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Có thể tình yêu của tôi là sự tích tụ tình cảm của những ngày ngồi ở chiếc bàn cuối lớp nhìn vóc dáng thướt tha và kiểu diễm của cô đi lại trước tấm bảng đen. Những lần đứng nơi góc sân nhìn tà áo dài màu vàng kiêu sa như bàn tay vẩy chào mình tôi cảm thấy lòng mình xôn xao và xót nhức của tình si. Phải nói tình yêu thầm lặng của tôi đối với cô Duyên pha trộn rất nhiều sự si mê và thần tượng hóa người yêu. Nếu thi sĩ Đinh Hùng có một ” Kỳ Nữ ” thời trong con mắt một cậu học trò mơ mộng và lãng mạn của tôi, cô Duyên là một nữ hoàng kiêu hãnh, lạnh lùng và cao sang mà một đứa học trò nghèo như tôi không bao giờ có thể và dám bước qua giới hạn ” thầy trò ” để nói tiếng yêu. Chỉ có một tiếng thôi mà ngàn lần lập lại, trăm lần dặn dò tôi cũng không thể nào thốt nên lời. Đứng trước cô Duyên, nhìn mặt cô, tôi quên hết, quên tuốt luốt những gì mình cần phải làm, để chỉ ngụp lặn trong cảm giác si mê của mình khi nghe giọng nói ” giọt mưa thu ” của cô, tiếng cười não lòng, ánh mắt nhìn cuốn hút của cô. Thế rồi trong suốt ba niên học, đệ tứ, đệ tam và đệ nhị, tôi không bao giờ nói ra thứ ” tình trong giây phút mà thành thiên thu ” của tôi…
Duyên ngưng đọc vì nước mắt của nàng bắt đầu nhỏ xuống tờ báo càng lúc càng nhiều hơn.
– Quát ơi… Cô xin lỗi Quát… Cô cũng như Quát… Cô yêu Quát mà cô cũng không dám nói Quát ơi…
Duyên khóc, nói như người tình tên Quát đang đứng trước mặt mình.
– Ngoài lý do gia cảnh, mối tình câm của tôi với cô Duyên là nguyên nhân khiến cho tôi tình nguyện đi lính sau khi thi đậu tú tài. Tôi suy nghĩ nhiều về quyết định đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của tôi. Tôi sung sướng vì bước rẽ của đời tôi. Tôi muốn rời xa mái trường càng sớm càng tốt. Tôi muốn cắt đứt cái giới hạn thầy trò. Tôi muốn tôi lớn. Tôi muốn tôi trưởng thành để có thể ngang hàng với cô Duyên… ” Chuẩn úy so với cô giáo không có cách biệt bao nhiêu ”. Đó là ý nghĩ mà tôi mang trong lòng của thời gian ở trường sĩ quan Đồng Đế và lò luyện thép Biệt Động Quân Dục Mỹ. Tuy nhiên khi trở thành người lính biệt động tôi mới biết là đời sống nay đây mai đó làm cho tôi càng ngày càng xa cách cô giáo thương yêu của tôi. Giới hạn thầy trò không biết có được san bằng hay không mà sự cách xa càng dài ra đồng thời với nỗi lo âu ” Cô Duyên sẽ quên mình ” càng khiến cho tôi buồn nhiều hơn, lo nhiều hơn cũng như thương nhớ nhiều hơn. Nhớ như điên… Nhớ như chưa bao giờ nhớ. Thương như chưa bao giờ biết thương ai ngoài cô giáo của mình. Nửa đêm trăn trở. Gần sáng trằn trọc. Ban ngày ủ rũ. Tôi sống trong sự đày đọa của tình yêu. Nhiều khi ngồi ngóng về phía Sài Gòn tôi mường tượng ra hình ảnh kiều mị của cô Duyên trên chiếc xích lô..
Duyên cảm thấy nỗi rạo rực cháy bùng lên khi nhớ lại cảnh ngồi chung xe xích lô với Quát. Hai làn da nóng cọ xát làm nóng thêm sự xao xuyến. Hai hơi thở quyện vào nhau tạo thành sự truyền nhiễm tình cảm để trói, để buộc hai người lại với nhau mà tháng năm xa cách cũng không thể làm hao mòn.
Những dòng chữ nhạt nhòa. Nàng thấy lại hình ảnh người tình xưa ngày gặp nhau ở Tân Quyên. Mái tóc cháy nắng. Khuôn mặt xạm đen, khắc khổ đầy ưu tư. Bộ chiến y bạc màu hăng hắc mùi mồ hôi, thuốc lá và hơi người làm thành thứ mùi kỳ cục mà nàng gọi là mùi lính ở dơ. Quát cười hắc hắc vì bị chê là lính ở dơ. Lạ một điều nàng chê mà mê. Lạ một điều sau khi ngửi lần đầu nàng lại đâm ra ghiền và nhớ hoài bởi vì cho tới bây giờ mùi lính ở dơ đó vẫn còn trong trí não của nàng.
– Nếu có một địa danh nào trên đất nước thân yêu làm cho tôi nhớ thời Tân Uyên chính là nơi tôi không bao giờ quên. Tới chết cũng không quên. Tân Uyên với cô Duyên. Tân Uyên với tình yêu. Hai ngày thôi. Nhưng gom một đời lại cũng không đủ và ý nghĩa bằng hai ngày cô Duyên thăm tôi ở Tân Uyên. Năm bảy lần lên lon tại mặt trận, chục cái anh dũng bội tinh, năm cái chiến thương bội tinh cũng không ý nghĩa bằng nụ cười tình tứ, ánh mắt nhìn thương yêu, bàn tay ve vuốt ân cần của cô Duyên ban cho tôi. Lần đầu tiên ôm cô Duyên trong tay, trang trọng đặt lên môi cô nụ hôn chiêm bái tôi thầm cám ơn người, thứ hình tượng nhân ái và dễ thương, biểu tượng là cô giáo mà tôi đã tôn thờ và yêu thương suốt đời. Sự hiện diện của cô Duyên ở Tân Uyên làm cho biết là tôi không bị bỏ rơi, dù tôi ở xa song hình ảnh của tôi vẫn được cô Duyên ấp ủ trong lòng. Tôi nhũ lòng là nếu có dịp trở về tôi sẽ đi tìm gặp lại cô Duyên để bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tình nguyện sống bên cô suốt một đời còn lại của mình…
Đoạn tùy bút còn khá dài nhưng đối với Duyên như thế đủ rồi. Quá đủ để cho nàng biết được điều cần biết. Quát còn sống. Người tình xưa vẫn còn sống và vẫn không quên nàng. Anh vẫn còn thương yêu nàng như lúc ở Tân Uyên.
20
Quát xô cửa bước vào căn phòng trọ của mình. Không có gì lạ. Không có gì thay đổi. Ba năm qua anh vẫn sống như vậy. Vẫn sống với tình yêu khoắc khoải, với thương nhớ, mong chờ và hi vọng. Bỏ xâu chìa khóa lên bàn anh liếc một vòng. Thấy máy điện thoại nhấp nháy anh biết trong lúc mình vắng nhà có người gọi và lưu lại lời nhắn. Thờ ơ anh bấm nút ” play ”. Người gọi chỉ nhắn có một câu nhưng lại làm cho tay của anh run run và tim đập mạnh. Giọng của người đàn bà thánh thót như tiếng rơi của giọt mưa thu. ” Cô Duyên có duyên với lính ”. Một câu sáu chữ nhưng là một tín hiệu mà anh đã mỏi mòn chờ đợi và trông ngóng suốt mấy năm dài. Cô Duyên… Cô Duyên. Nước mắt ứa ra Quát thì thầm.
– Cô ơi… Cô còn nhớ Tân Uyên…
KẾT
Quát dừng lại trước cánh cửa sơn màu xanh đậm. Hít hơi dài để cho mình bớt hồi hộp anh giơ tay gõ cửa. Cánh cửa mở ra liền như bên trong có người chờ để mở cửa. Người ở bên trong cửa và người ở bên ngoài cửa nhìn nhau. Không còn giới hạn thầy trò nữa. Chỉ có người với người. Chỉ có người yêu người. Mắt người nào cũng ướt. Cuối cùng người ở bên ngoài thì thầm.
– Cô ơi…
Duyên ngã vào vòng tay của người mà nàng đã đợi chờ quá lâu. Giọng của nàng nhẹ như hơi thở.
– Quát ơi…
Quát ôm trong tay thân thể của người mà nhiều năm qua không lúc nào anh thôi mơ yêu và tưởng nhớ. Anh hít hương tóc dịu dàng. Anh hôn lên khuôn mặt mà mỗi lần hình dung tới nó như là niềm tin mạnh mẽ để anh sống sót trong bảy năm tù tội.
Khuya đêm đó, ngồi nơi phòng khách, tay trong tay hai người kể cho nhau nghe khoảng đời gian truân của họ sau ngày chia tay ở Tân Uyên. Nhìn người học trò, người tình xưa ngồi trước mặt mình Duyên hỏi với giọng chứa nhiều âu yếm và cũng nhiều tinh nghịch.
– Quát tìm ra câu đối chưa?
Quát bật lên tiếng cười. Sau mấy năm xa cách Duyên cảm thấy tiếng cười của anh không khác ngày xưa bao nhiêu.
– Bảy năm trong tù lúc nào Quát cũng nghĩ tới câu đối của cô. Nó khó quá. Quát tìm ra nhưng không chỉnh lắm…
Duyên bật cười. Tiếng cười của nàng giống như tiếng mưa thu rơi trong nhạc của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Nắm tay người tình vừa gặp lại sau thời gian xa cách nàng hăm he.
– Đâu Quát đọc cho cô nghe đi… Đối không chỉnh là bị phạt nghe chưa…
Nhìn đắm đuối vào mắt cô giáo Quát mỉm cười thì thầm.
– Trò Quát vẫn nhớ Tân Uyên…
Duyên cười thánh thót. Hai má nàng hồng lên vì vế đối của Quát gợi lại kỷ niệm tuyệt vời đã qua.
– Nghe hay và có ý nghĩa nhưng mà không được chỉnh lắm. Chịu phạt chưa?
Quát cười hôn lên mái tóc nhuộm màu thời gian của cô giáo.
– Dạ… Cô muốn phạt gì Quát cũng chịu…
Dụi đầu vào ngực người học trò mà mình yêu thương Duyên thì thầm.
– Cô phạt Quát từ đây về sau phải ở bên cô suốt đời…
Quát cúi nhìn vào mắt cô giáo. Trong đôi mắt long lanh anh thấy lại kỷ niệm mười mấy năm về trước ở Tân Uyên. Duyên mỉm cười. Bây giờ nàng hiểu được một điều là hạnh phúc không khó tìm nếu người ta yêu nhau.
2- 2010
chu sa lan
Cô Duyên có duyên với lính
Ông Quát hay quát tháo lính