13
Một ngày có 24 giờ. Một giờ có 60 phút. Một phút có 60 giây. Thời gian thật dài và cứ như vậy mà trôi đi. Những ly rượu đế cháy gan. Khói thuốc vàng tay. Súng nổ. Người chết. Máu chảy. Mọi thứ đều không làm vơi đi nỗi khổ đau cực cùng cũng như nỗi nhớ thương đòi đoạn trong lòng người lính chiến si tình tên Quát. Đêm chập chờn thức ngủ với tiếng đại bác hú qua đầu và hình ảnh của cô Duyên sáng rực trong tâm tưởng. Nụ hôn của nàng còn đọng hương thừa trên môi. Tiếng cười, giọng nói của nàng còn âm ba hoài hoài không bao giờ nguôi ngoai. Da thịt nàng mềm ấm. Bàn tay nâng niu ân cần. Cứ mỗi lần nghĩ đế Quát ứa nước mắt. Anh không còn hi vọng dù nhỏ nhoi để gặp lại người mình thương yêu. Hai mảnh đời xa lạ cách ngăn. Duyên bây giờ đã an phận chồng con. Còn anh đời chiến binh dạt theo cường độ của chiến tranh. Tây Ninh. Trảng Lớn. Mỏ Vẹt. Phước Long. Hớn Quản. Đồng Xoài. Bù Đăng. Bù Đốp. Lộc Ninh. An Lộc. Pleiku. Kontum. Ban Mê Thuột. Chuẩn úy Quát bây giờ đã thành trung úy. Nắng của trời và lửa của người làm khô cằn thân xác và héo úa tâm hồn. Đời sống buồn tênh. Lâu lâu về lại Sài Gòn rồi vội vả bỏ đi như muốn quên hay chạy trốn một hình ảnh, một khuôn mặt, một chuyện tình mà biết dù cố quên sẽ không bao giờ mình quên được.
Bến Sỏi. 2-1975. Quán rượu tồi tàn. Chiếc bàn cây ọp ẹp. Năm cái ghế đẩu lỏng chỏng. Đốt điếu Bastos xanh, rít hơi thật dài rồi nhả khói ra từ từ Quát cất giọng khàn đục nói với Hàn, người lính mang máy cho mình.
– Dô đi em… Mai chắc tụi mình phải dậy sớm rồi…
Đưa chung rượu đế lên Hàn nhìn màu rượu đùn đục và lợn cợn cặn. Bính, thiếu úy đại đội phó của Quát lè nhè.
– Ông thầy nói đúng đó… Em không xỉn thì còn lâu lắm em mới được về thành phố…
– Phố gì thiếu úy… Cái phố Bến Sỏi này… sợ còn nhỏ hơn cái Chợ Đũi của tui…
Mạnh, thượng sĩ thường vụ cười khằng khặc.
– Thì mày cứ coi như ở phố đi… Còn hơn mày lội trong mật khu Hố Bò…
Quát im lặng nhìn ra bờ sông Vàm Cỏ Đông. Nước đục lờ lợ màu vàng của đất núi và lặng lờ dường như không chảy. Đây cách biên giới Việt Miên không xa. Bên kia sông mấy ngôi nhà lá khuất trong chòm cây xanh. Tiếng xe rì rầm rồi lát sau đoàn công voa xuất hiện. Trên xe lính mặc đồ rằn ngồi im. Có lẽ họ ngủ sau chiếc nón sắt. Ực cạn chung đế Mạnh nói với Quát.
– Mấy thằng này đi rồi thời mai tới phiên mình đó trung úy…
Quát gật đầu cầm lấy chung đế của Mạnh đưa sang trong lúc vẫn mơ màng nhìn dòng sông nước lấp lánh sáng của một ngày tháng 6.
– Chuyến này tôi coi bộ nặng nghe ba ông…
Quát cười nói với Bính, Ba và Mạnh. Bính, biệt danh Bính Nhè vì chỉ cần uống một chung đế là bắt đầu lè nhè nói chuyện tiếu lâm.
– Trung úy… Tôi thấy bà chủ quán đá lông nheo với ông hoài… Ông không dô uổng lắm…
Liếc nhanh bà chủ quán còn trẻ Quát cười lắc đầu.
– Thôi tôi ngại lắm… Mấy cái vụ ái tình lẽ này tôi không muốn dính vào… Ông dô đi…
Bính cười hặc hặc.
– Bả không chịu tôi… Tôi thử mấy lần mà bả cứ làm lơ… Ông dô đi không uổng của trời…
Mặc dù có lời hối thúc của Bính, Quát vẫn cười lắc đầu. Mạnh khà tiếng lớn sau khi ực cạn chung đế. Đốt điếu thuốc anh xen vào.
– Thiếu úy mới về nên hổng có biết trung úy là kẻ chung tình nhất thế gian… Tụi này giới thiệu cho ổng mấy em ngon ơi là ơi mà ổng cứ lờ đi. Ổng làm như ổng thiến rồi…
Ba, chuẩn úy trung đội trưởng trung đội 2 cười khặc khặc.
– Ổng thiến chứ còn gì nữa. Ông Mạnh còn nhớ con nhỏ Dung hông?
Mạnh chắt lưỡi hít hà.
– Nhớ sao không nhớ. Trời ơi em Dung, nữ sinh của trường Tây Ninh xinh như mộng, thơm như mít đó làm tôi thèm chảy nước miếng. Nó mê trung úy gần chết thế mà ổng lại phớt tỉnh ăng lê làm tôi tức ói máu…
Quay sang Quát đang ngồi nhìn dòng nước đục đầy lục bình Mạnh cà khịa.
– Tôi hỏi thật trung úy nghe trung úy có liệt hông?
Bính, Ba và Hàn phá ra cười. Ngay cả Quát cũng phải bật cười vì câu hỏi của ông thượng sĩ thường vụ. Chỉ có Mạnh mới dám hỏi câu này bởi vì anh với Quát quen nhau lâu, từng sống chết với nhau nên xem như anh em.
– Tôi liệt rồi ông ơi…
Quát cười cười trả lời. Mạnh lắc đầu rít hơi thuốc.
– Tôi không tin… Phải chi có cô Duyên ở đây để tôi hỏi cổ…
Bốn người lính không ai thấy được nét thoáng buồn hiện ra trên mặt của Quát. Người lính chiến rưng rưng nước mắt khi nhìn trên dòng sông hiện lên hình bóng của cô giáo tên Duyên. Nụ cười. Giọng nói. Ánh mắt nhìn. Bàn tay mềm ấm. Thân thể ngọc ngà đọng mùi hương ái ân trong đêm trăng mờ ở Tân Uyên. Nghe như xa xôi lắm. Nghe như lạ lùng quá. Cô Duyên giờ chắc đã chồng con năm ba đứa. Cô Duyên giờ đang sống hạnh phúc bên chồng. Thôi nhớ làm chi cho thêm đau. Thôi nhớ làm chi giờ đã xa nhau. Tình yêu nào cũng phai theo dấu bụi mờ thời gian.
– Trung úy buồn hả trung úy?
Mạnh lên tiếng vì dường như hiểu mình vô tình khơi động lại nỗi đau buồn của cấp chỉ huy. Quát quay lại cười với bốn người lính của mình.
– Buồn gì… Chuyện cũ rồi… Chỉ mình không quên được thôi…
Vỗ vai Ba ngồi bên cạnh Quát cười tiếp.
– Dô đi ông… Nhậu cho đã rồi mai mình đi…
– Đi đâu trung úy?
Ba hỏi trước khi ực cạn chung đế.
– Chắc Phước Long hoặc Bình Long… Tôi nghe tiểu đoàn trưởng nói Phước Long bị tụi Vẹm xơi tái rồi. Chắc mình về đó để tái chiếm hoặc tăng cường cho sư đoàn 5 giải tỏa áp lực của công trường 7…
Bính chắt lưỡi buông tiếng chửi thề.
– Tôi tưởng tránh được cái vùng đó té ra lại…
Ba cười khành khạch.
– Chạy trời không khỏi nắng thiếu úy ơi… Tôi thích Đồng Xoài hơn Tây Ninh…
Mạnh cười cười nhìn Quát trong lúc rót rượu vào chung. Quát cũng cười nhìn người lính mà anh xem như là bạn thân nhất của mình. Dù cấp bực khác nhau nhưng tuổi tác, tính tình và sở thích lại giống nhau nên hai người chơi rất hợp gu. Chỉ có Quát mới biết tuy chỉ là hạ sĩ quan nhưng Mạnh đang học năm thứ ba văn khoa. Chỉ có Quát mới biết vì lý do gì mà Mạnh lại không được đề nghị đi học sĩ quan mặc dù quân đội đang thiếu thốn các cấp chỉ huy như trung đội trưởng và đại đội trưởng. Cũng chỉ có Mạnh mới được Quát kể cho nghe mối tình học trò của mình. Cũng chỉ có Mạnh mới biết Duyên không phải là vợ của Quát.
– Mạnh… Ông thích ở vùng nào. Tây Ninh hay Đồng Xoài?
Ba lên tiếng hỏi Mạnh, người lính cấp bậc thấp nhưng có kinh nghiệm chiến trường hơn mình. Liếc nhanh Quát, Mạnh cười trả lời.
– Tôi không thích hai chỗ đó. Tây Ninh và Đồng Xoài là hai mặt trận lớn của vùng 3. Nói cho rõ nghĩa hơn là cả hai địa điểm đó đều nằm trên trục tiến quân của bộ đội Bắc Việt về Sài Gòn. Mình ở đó là đưa mặt ra cho bộ đội nựng…
Hàn bật cười hắc hắc vì câu nói tiếu lâm của Mạnh. Ba và Bính đồng gật đầu. Dù uống khá nhiều rượu họ cũng còn chút tỉnh táo để hiểu Mạnh muốn nói điều gì. Quát cựa mình duỗi hai chân thẳng ra khi nghe tiếng của bà chủ quán vang lên bên tai của mình.
– Trung úy có cần thêm rượu không trung úy?
Quát hơi mỉm cười vì thấy tám con mắt của bốn người lính dưới quyền đang nhìn mình trân trân. Cái nhìn của họ có ý nghĩa như thế này: ” Dô đi trung úy… Trời ơi bả chịu đèn mà ông cứ lửng lơ con cá vàng. Coi chừng bả nghĩ ông liệt…”
– Chị có cái gì dằn bụng không. Phải ăn no thời tụi này mới ngồi vững được…
Bà chủ quán cười nhìn Quát.
– Tôi có thịt kho dưa giá… Trung úy chịu hông?
Bính trả lời thay cho cấp chỉ huy của mình.
– Chị cho cái gì ổng cũng chịu hết…
Hàn và Ba bật cười khằng khặc khi nghe câu trả lời đầy ý nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của Bính. Quát ngồi bật dậy. Nhìn bà chủ quán với ánh mắt thân thiện anh cười thốt.
– Vậy hả. Chị cho tụi này ăn đi rồi tính sau…
Nhìn theo cái lưng ong nhất là cái mông tròn trịa láng o sau làn vải mỹ a mịn màng của bà chủ quán tuổi mới chừng hơn ba mươi Bính hít hà.
– Dô đi trung úy… Bả chịu đèn mà ông cứ cà rề… Ông làm tôi tức dế quá…
Quát cười hà hà. Còn Mạnh, Ba và Hàn cũng cười sặc sụa khi thấy Bính bỏ tay xuống bàn làm bộ như bụm lấy của quí của mình. Ực cạn chung rượu đế Mạnh gật gù cái đầu tóc ngắn ba phân.
– Tôi nói trung úy là kẻ tình si khá giả nhất thế gian mà… Ổng chỉ mê có cô Duyên thôi…
Quát cười hà hà gật đầu lia lia. Tự tay rót đầy chung rượu anh đẩy tới trước mặt Mạnh.
– Thưởng ông đó. Ông nói đúng… Tôi chỉ mê có cô Duyên…
Bật cười ha hả Mạnh ực cạn chung rượu. Rót cho mình chung rượu đầy Quát đưa lên ngắm nghía rồi cất giọng nghêu ngao ” Công danh sự nghiệp không bằng đôi mắt của cô Duyên…”. Nói xong anh ực cạn chung rượu đế rồi khà tiếng thật lớn. Như quá quen tính tình của cấp chỉ huy Bính xen vào.
– Phạm Thái khóc Trương Quỳnh Như hả trung uý?
Gật đầu Quát cười khà rót chung rượu đẩy về phía vị đại đội phó của mình.
– Còn nhớ chuyện tình Phạm Thái và Trương cô nương thời ông đáng thưởng một chung. Dô đi ông… Tụi mình uống đi… Biết đâu…
Quát dừng lại kịp thời. Chờ cho Bính ực cạn chung rượu xong Quát rót đầy chung khác rồi lại đẩy tới trước mặt của Ba.
– Uống đi Ba…
Cười cười Ba nốc cạn chung rượu rồi nghêu ngao ngâm. ” Em ơi lửa tắt bình khô rượu… Đời vắng em rồi say với ai…”. Bật cười sảng khoái Quát rót thêm một chung đế rồi đưa cho Hàn.
– Dô đi em…
Đưa chung đế lên ngắm nghía Hàn, người lính trẻ nhất và cấp bậc thấp nhất trong bàn nhậu cười hì hì nói với Ba.
– Tôi chịu câu thơ ” Đời vắng em rồi say với ai…” của chuẩn úy…
Ba cười khành khạch cất giọng nhừa nhựa.
– Tao mà làm thơ cái con khỉ gì… Hai câu thơ này của… của…
Ba vỗ vỗ tay lên trán mình. Dường như đã tới lúc rượu hành làm cho anh không còn nhớ được ai là tác giả hai câu thơ mà mình vừa buột miệng nói ra.
– … Của ai vậy trung úy?
Ba nhướng mày hỏi cấp chỉ huy và Quát cười cười.
– Vũ Hoàng Chương… Đó là hai câu thơ trong bài Đời Vắng Em rồi…
Mạnh chợt lên tiếng xen vào câu chuyện.
– Ông ta có bốn câu thơ mà tôi chịu nhất là ” Men khói đêm nay sầu dựng mộ…Bia đề tháng sáu ghi mười hai… Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc… Tố của Hoàng nay Tố của ai ….”
Mạnh nhìn cấp chỉ huy trong lúc nói câu thơ này. Hiểu ý của Mạnh, Quát im lặng nhìn ra dòng sông. Trong cơn say lưng chừng anh nghĩ tới câu: ” Duyên của mình nay Duyên của ai...”. Bây giờ anh mới thấm thía nỗi xót nhức của nhà thơ họ Vũ. Phải đau lắm người ta mới thốt nên lời thống thiết đó. Ánh nắng mặt trời của buổi xế chiều dọi xuống mặt nước những tia nắng vàng úa. Tiếng gầm gừ xa xa vọng lại như là tiếng bom nổ đâu đó trong vùng biên giới không xa đây lắm. Tiếng bom nổ cũng không át được tiếng cười thánh thót của Cô Duyên trong chuyến đi ăn trái cây ở Lái Thiêu. Anh như còn nguyên cảm giác ngất ngất say khi bàn tay mềm ấm của Duyên sờ soạng trên đùi mình để tìm cho ra cọc tiền.
– Trung úy ngâm thơ đi trung úy… Tôi khoái nghe giọng ngâm của ông lúc ông một phần tỉnh hai phần say… Nghe nhức nhối làm sao…
Bính lè nhè lên tiếng. Mạnh cũng phụ họa thêm.
– Phải đó trung úy… Hay là ông ngâm thơ Vũ Hoàng Chương đi…
Biết tính mê văn nghệ của cấp chỉ huy nên Ba cũng nài nỉ. Cười cười Quát gật đầu rít hơi thuốc rồi tằng hắng tiếng nhỏ.
– Để tôi ngâm bài Lá Thư Ngày Trước của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cho mấy ông nghe…
Đưa chung nước mắt quê hương lên uống một hơi cạn Quát cất giọng khàn khàn có pha chút nước mắt.
– Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh…
Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối
Trong mạch máu chút gì nghe vướng rối
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa
Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp
Yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này đây
Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén
Quát ngừng lại có lẽ vì nghẹn ngào không đọc tiếp được. Biết ý Mạnh đặt chung rượu đế ngay trước mặt cấp chỉ huy. Hơi mỉm cười Quát nốc cạn. Khà tiếng nhỏ anh đốt điếu thuốc, hít ba hơi liên tiếp rồi nhè giọng. Ý thơ sầu mênh mang mà giọng đọc còn buồn hơn khiến cho Bính lè nhè.
– Trung úy ngâm thơ buồn đứt ruột…
Quát cười buồn. Rít một hơi thuốc thật dài anh cất giọng nhừa nhựa.
– Ai dám viết yêu đương và hứa hẹn
Lần đầu tiên ai dám ký “Em Anh”
Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh
Lòng tự thú giữa khi tìm trốn nấp
Mươi hàng chữ đơn sơ ồ ngượng ngập
E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ
Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy
Ôi thân mến nhắc làm chi thuở ấy
Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
Khóc chia lìa ai níu gọi than van
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối
Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc
Mạnh lẩm bẩm: ” Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối… Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau…”. Hay… hay… Gắng say mà rượu cũng không ấm lòng đau. Ông Vũ Hoàng Chương hết sẩy… Dô một chung nghe trung úy…
Quát gật đầu cười vu vơ. Đón chung rượu từ tay Mạnh anh ngửa cổ uống cạn. Mạnh cũng nốc cạn một chung. Bốn người lính say khật khà khật khưỡng cười ha hả chỉ riêng Quát ngồi im nhìn ra mặt nước đục lờ lợ của dòng sông Vàm Cỏ Đông. Anh nhớ tới Duyên. Hình bóng yêu kiều của nàng hiện ra lung linh trên mặt nước sông dưới ánh mặt trời của một ngày tháng 12.
– Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ
Trăng nào ngọt với duyên nào thắm nở
Áo xiêm nào rực rỡ ngựa xe ai
Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài
Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp
Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này thôi
Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó…
Bàn tiệc thật im lặng sau khi Quát dứt câu. Ba thở hơi thật dài xong nhừa nhựa giọng.
– Thơ buồn quá… Mẹ ông này làm thơ buồn muốn khóc được…
Quát ngước lên cười ngu ngơ khi thấy bà chủ quán đem ra tô thịt kho, dĩa dưa giá và một nồi cơm. Mùi thịt kho bốc lên thơm lừng khiến cho năm người lính chảy nước miếng. Trứng vịt kho với thịt ba rọi mà mỡ nhiều hơn thịt nhưng họ không màng. Cả tháng nay họ ăn toàn đồ quân tiếp vụ nên bây giờ có thức ăn tươi là hạnh phúc rồi.
– Trung úy còn muốn thêm gì nữa hông trung úy?
Bà chủ quán cười hỏi Quát. Anh hơi mỉm cười vì bị Bính đá vào chân của mình như ra hiệu. Hơi lắc lắc đầu anh cười thốt.
– Cám ơn chị… Khi nào cần thêm món gì tôi sẽ nói…
Bà chủ quán nhìn ông trung úy bằng tia nhìn thật mời mọc và câu nói chứa chan tình cảm.
– Dạ trung úy cứ gọi… Bất cứ thứ gì tôi cũng làm cho trung úy…
Bà chủ quán đi chừng năm bước Bính thì thầm.
– Ông thấy chưa… Ông mà không nhào dô là bả nghĩ ông bê đê đó…
Ba bật cười sằng sặc còn Hàn phải ngưng ăn để ôm bụng cười. Quát liếc nhanh bà chủ quán và thấy bà ta cũng đang quay lại cười với mình. Tự nhiên anh nhớ tới Duyên. Trong cơn say ngầy ngật anh nhớ lạ lùng. Nhớ quay quắt và tê tái lòng khi mường tượng ra khuôn mặt. Cô ơi… Quát nhớ nét môi cô cười cô ơi… Quát nhớ bàn tay ve vuốt ân cần… Nhớ nụ hôn bằn bặt mà mỗi lần hồi tưởng lại thèm được hôn cô, ôm cô trong vòng tay để nghĩ mình còn có nhau. Nhớ mùi hương dịu dàng thoang thoảng bay trong lớp học. Nhớ tà áo dài màu vàng kiêu sa. Nhớ lần đầu tiên nắm tay cô mà nghe xôn xao làm ứ nghẹn và run rẩy tâm hồn. Giờ đây mình xa thật xa. Lạ thật lạ. Như chưa từng quen biết. Như chưa từng gặp nhau. Mà tại sao lại nhớ hoài không quên, dù muốn quên để làm gì không biết nhưng ít nhất cũng không làm mình xót nhức chút tình si giờ đã hư hao. Tại sao mình không coi như cô Duyên đã chết. Phải chăng tình trong giây phút mà thành thiên thu.
– Trung úy…
Mạnh gọi nhỏ. Quát mở mắt cười ngu ngơ.
– Trung úy ăn đi trung úy… Ăn no rồi mình về sửa soạn…
Quát gật đầu lua vội chén cơm đầy. Buông đũa xuống Bính với lấy gói thuốc. Móc một điếu Bastos quân tiếp vụ, quẹt diêm đốt xong anh rít một hơi thật dài rồi từ từ nhả khói ra. Từng đợt khói mỏng lan chầm chậm trong không khí.
– Về Bình Long là mình có quyền căng võng ngủ giữa rừng cao su hả thiếu úy…
Hàn hỏi Bính sau khi ăn xong chén cơm thứ ba. Chính cười khằng khặc.
– Tao chỉ sợ mình phải lội giữa rừng cao su chứ không được nằm ngủ đâu…
Quát vừa nhai vừa lên tiếng.
– Hôm qua họp ở tiểu đoàn ông Nam có nói nhỏ cho tôi biết là tình hình càng ngày càng bết bát. Ổng dặn tôi bảo lính nên tiết kiệm đạn…
Ba chắt lưỡi.
– Tiết kiệm gì nữa trung úy… Mình có đủ đạn đâu mà tiết kiệm. Sau cái hiệp định Ba Lăng Nhăng…
Bính ngắt lời Ba bằng một tiếng chửi thề rồi mới nói tiếp.
– Cái tờ hiệp định đó chỉ đáng làm giấy chùi đít tao… Mẹ nó bắt mình không được vượt biên giới mà tụi bộ đội thời cứ vi phạm đều đều cho ta. Chẳng có thằng nào làm đách gì nó…
Quát cười buồn. Cấp số đạn phát cho lính cứ giảm dần. Chả bù hồi mùa hè đỏ lửa. Tha hồ bắn và tha hồ lãnh đạn. Bây giờ từ hai cấp số xuống còn một. Xin phi pháo lại càng khó hơn. Năn nỉ gãy lưỡi, gọi khan cả cổ thời pháo chỉ dập vài trái rồi nín khe. Trong khi đó địch có đủ mọi ưu thế về hỏa lực và quân số. Địch luôn luôn xử dụng hai đại đội hoặc tiểu đoàn trừ để đánh đại đội của anh. Đó là chưa kể tăng đi kèm. Muốn diệt tăng là phải có Tow hoặc M72, mà mấy thứ này bây giờ còn quí hơn hột xoàn. Nguyên đại đội lèo tèo có năm ba trái M72. Quát nhận ra một điều là lính bắt đầu xuống tinh thần vì nhiều lý do trong đó có tình trạng thiếu thốn đạn dược và lương thực. Tự ngàn xưa cho tới bây giờ lương thực lúc nào cũng là vấn đề sinh tử cho quân đội. Quân Mông Cổ, một đạo binh bách chiến bách thắng thế mà ba lần sang đánh nước ta đều phải rút chạy chỉ vì lý do thiếu lương thực.
– Dô đi trung úy… Hết xị này chắc mình dọt…
Quát cười khi thấy Mạnh đẩy chung đế tới ngay mặt của mình. Gật gật đầu anh đưa chung lên ực một hơi xong vẩy tay gọi bà chủ quán tính tiền. Thấy Bính móc túi Quát nhướng mày.
– Để tôi trả… Ba ông và thằng Hàn còn vợ con đùm đề. Tôi độc thân…
– Nhậu lần nào trung úy cũng trả tiền…
Bính kèo nài. Quát nghiêng đầu đốt thuốc. Bập bập điếu Bastos cho cháy đều anh nhựa giọng.
– Tôi có tiền thời tôi trả… Thôi mình dọt…
Nói xong Quát đứng lên đi tới chỗ bà chủ quán đang ngồi.
– Trung úy về hả trung úy?
Gật đầu cười Quát nói nhỏ.
– Dạ tôi về… Chắc còn lâu lắm mới gặp lại chị…
Tuy nét mặt thoáng buồn song bà chủ quán im lặng không nói gì. Dường như bà ta hiểu những người lính như Quát đi rồi ít khi hoặc còn lâu lắm mới trở lại chỗ mình đã đi qua. Trả tiền xong cả bọn kéo nhau đi. Bính lên tiếng.
– Trung úy nói gì với bà ta?
Hít hơi thuốc Quát cười nhỏ.
– Tôi hẹn nếu còn sống và không có lấy vợ tôi sẽ trở lại gặp bà ta…
Không nhịn được Bính cất tiếng cười khằng khặc. Riêng Mạnh tủm tỉm cười liếc nhanh cấp chỉ huy đang cúi đầu bước. Đôi giày trận bê bết bùn. Chiếc quần rách lai. Áo sờn bâu. Khẩu súng lục cũ. Quát trong mỏi mệt và buồn rầu.
14
Sáng tinh sương. Trời mù mù. Không khí trong rừng lạnh lùng, ẩm ướt và nhơn nhớt. Nó trộn lẫn với cái mùi hăng hắc của mồ hôi đọng trên áo làm cho Quát có cảm giác rùng mình gai gai lạnh. Sương mù dày tới độ cách hai ba chục thước chỉ thấy mờ mờ. Cây rừng cách nhau chừng năm bảy thước nhờ đó mà mỗi người lính đều có chỗ nấp khá an toàn sau thân cây. Súng mở tự động, họ dàn hàng ngang im lìm chờ đợi. Trung đội chỉ huy nằm chính giữa còn trung đội 1 và 3 nằm hai bên phải trái. Đứng sau một thân cây to lớn Quát căng mắt nhìn như muốn xuyên thủng màn sương mù dày đặc. Tuy nhiên dù nhìn bằng ống dòm, anh cũng không thấy được gì ngoài màn sương mờ mờ. Lẫn ntrong tiếng gió lùa cây cỏ dường như có tiếng bước chân vang lên rồi lát sau qua màn sương khi dày khi loảng thấp thoáng bóng nón cối. Quát cảm thấy một nỗi sợ hãi vô cớ dâng lên trong đầu làm cho bàn tay cầm ống liên hợp của anh run run và mồ hôi rịn ra. Tiếng bước chân nghe rõ dần. Quay sang gốc cây bên cạnh Quát thấy Mạnh đang ghìm khẩu M16 về trước. Ba mươi thước… Quát vẫn im lìm. Hai mươi thước…
– Bắn…
Quát bóp cò khẩu Colt45 của mình. Tiếng súng nổ rền rền. Lựu đạn ì ầm. M79 nổ thật gần làm lùng bùng lỗ tai. M60 rống lên từng hồi. AK47 xé không khí tạo thành. Thượng liên gầm gừ. Tiếng la, hét, kêu, than, khóc vang vang. Nhưng tất cả hầu như chìm mất trong thứ âm thanh kỳ lạ của súng đạn dội vào rừng cây.
– Lựu đạn… Lựu đạn…
Ba hét toáng lên khi thấy bóng bộ đội tiến tới gần ngay trước mặt của mình. Trái M26 bung ra. Đất cát bay rào rào tạt vào mặt Quát rát rạt nhưng anh không để ý tới. Xuyên qua báo cáo của các trung đội trưởng anh biết được tình trạng của các trung đội cũng như hướng tấn công của địch. Lắng nghe những lời đối thoại, tiếng chửi thề ỏm tỏi của đại úy tiểu đoàn phó trong máy, anh biết không riêng gì đại đội của mình mà cả tiểu đoàn đều bị địch tấn công ác liệt. Điều đó cho anh biết quân số của địch có thể lên tới cấp trung đoàn.
– Tăng… Tăng tụi bây… Mẹ… nó có tăng…
Quát nặng mặt khi nghe tiếng thiếu úy Thiệu, trung đội trưởng trung đội 1 la ong óng trong máy.
– Quỳnh Duyên… Quỳnh Duyên đây Thuận Hóa… Nghe rõ trả lời…
Quỳnh Duyên là danh hiệu truyền tin của Quát còn Thuận Hóa là của Thiệu.
– Quỳnh Duyên nghe Thuận Hóa…
– Trình thẩm quyền… Mẹ tụi nó có cua sắt… Quỳnh Duyên… nó có cua sắt… nghe rõ trả lời…
Quát nghiến răng hét vào máy.
– Quỳnh Duyên nghe 5/5… Anh nướng nó đi… nghe rõ trả lời…
– Tôi nghe thẩm quyền 5/5…
Chừng năm phút sau Quát nghe tiếng nổ thật lớn rồi lửa phụt cháy về hướng của trung đội 1 đang án ngữ.
– Quỳnh Duyên đây Thuận Hóa… nghe rõ trả lời…
– Quỳnh Duyên nghe Thuận Hóa…
– Trình Quỳnh Duyên… Tôi nướng con cua rồi… nhưng tôi không còn đồ chơi nữa…
Hiểu ý của Thiệu Quát nói nhỏ.
– Tôi biết… Anh cẩn thận… Có gì anh kéo con cái về gặp ba má… nghe rõ trả lời…
– Trình Quỳnh Duyên… Tôi nghe rõ 5/5…
Quát thở dài. Đại đội chỉ có ba M72 mà đã bắn một rồi; nếu địch có nhiều tăng thời… Quát lắc lắc đầu không muốn nghĩ tiếp. Tiếng súng bắt đầu thưa dần báo hiệu địch ngưng tấn công để chỉnh đốn hàng ngũ cho một trận cận chiến mới. Nói tới chuyện đánh xáp lá cà thời bên nào có quân số đông hơn sẽ thắng. Đưa ống liên hợp cho Hàn Quát cười khi nghe Mạnh đang đứng sau thân cây bên cạnh nói lớn với mình.
– Xả hơi đi trung úy… Chừng nào nó đánh…
Khẽ gật đầu Quát móc túi lấy điếu thuốc xong đưa qua cho Hàn.
– Tụi nó đánh nữa hôn ông thầy?
Vừa rít thuốc Hàn vừa hỏi Quát. Hít liên tiếp ba hơi thuốc thật dài vị đại đội trưởng trả lời trong lúc nhả khói.
– Đánh là cái chắc…
– Mình còn ít đạn lắm ông thầy…
Quát gật đầu.
– Tao biết…
Chỉ vào khẩu AK47 đang nằm trước mặt cách mình chừng mươi thước anh tiếp.
– … Súng đó… Mày chôm một khẩu đi. Bắn hết đạn rồi bỏ… Tao cũng kiếm một khẩu phòng thân…
Hàn gật gật đầu cười.
– Ông thầy coi chừng cho em lượm một khẩu nghe…
Không đợi cấp chỉ huy trả lời Hàn chậm chạp bò tới gần cái xác đang nằm im trên đất. Liếc nhanh anh thấy bóng áo rằn di động trong sương mù bắt đầu tan dần vì nắng lên. Đồng đội của anh cũng cùng ý nghĩ như anh nên tịch thu vũ khí của địch để bắn lại địch khi súng của họ hết đạn. Quát cũng kiếm ra một khẩu AK47 mới toanh và một dây đạn. Không khí trong rừng cao su như đông đặc lại khi tiếng kèn xung phong của địch nổi lên. Rán hít hơi dài rồi quăng tàn thuốc xuống đất Quát lẩm bẩm.
– Nó không cho mình hút hết điếu thuốc…
Đưa ống dòm lên quan sát anh thấy vô số bóng nón cối thấp thoáng trong sương mù bắt đầu tan và sau thân cây cao su. Anh hơi nặng mặt khi thấy ánh đèn pha quét qua quét lại. Quay qua Mạnh đang hờm khẩu M16 Quát nói lớn.
– Nó có tăng…
Anh chỉ về hướng trước mặt. Mạnh cười hà hà.
– Để tôi gọi thằng Tươi đem đồ chơi lại…
Năm phút sau hạ sĩ nhất Tươi, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 tới với khẩu M72. Tiếng máy xe gầm gừ. Pháo tháp của chiếc T54 hiện rõ trong ống dòm với khẩu đại bác và tên xa thủ đội nón. Lố nhố đằng sau chiếc tăng là bộ đội tùng thiết. Quát lo âu khi thấy chiếc T54 tới gần.
– T54…
Quát nói lớn. Tuy nhiên tiếng nói của anh bị át bởi tiếng đại bác và đại liên của chiếc tăng. Đạn xói vào không khí thành âm thanh kinh dị. Lính mọp đầu trước hỏa lực của tăng. Quay qua Tươi đang hờm khẩu súng chống chiến xa Mạnh nhắc chừng.
– Mày phải nhắm cho đúng tử huyệt của nó nghe mậy… Trật là nó bắn nát xương… Trật là nó cán tao với mày dẹp đép…
Tươi cười hà hà.
– Ông đừng lo… Đợi nó tới gần tôi chơi một phát là nó câm họng liền…
Quát nghe mồ hôi tươm ra ươn ướt trong lòng bàn tay đang cầm chặt ống liên hợp khi bóng chiếc xe tăng hiện sừng sững. Anh sợ. Sợ chết. Sợ không còn nghĩ, còn nhớ và không còn thấy cô Duyên thương yêu của mình nữa. Đạn đại liên réo trên đầu, cày trên đất nghe chụt chụt, ghim vào thân cây cao su trước mặt nghe bựt bựt. Liếc qua bên trái anh thấy Tươi đang quì trên đất, ống phóng hỏa tiễn đặt lên vai và ngón tay trõ đang đặt lên cơ bẫm. Sinh mạng của chính anh và các đồng đội được đặt vào trái đạn chống chiến xa và kinh nghiệm bắn tăng của Tươi. Bụp… Tiếng nổ nhỏ kèm theo ánh lửa nháng lên rồi tiếng ầm lớn hơn. Không cần ống dòm Quát cũng thấy được chiếc tăng phụt cháy kèm theo hàng chục tiếng nổ dữ dội.
– Trúng rồi…
Mạnh đứng bật dậy. Quát hét lớn trong ống liên hợp.
– 1, 2, 3, 4… xung phong… xung phong…
Tiếng hò la vang vang.
– Biệt động quân xung phong… Biệt động quân sát…
Buông ống liên hợp Quát nhào tới trước. Súng mở tự động anh quét nguyên một băng về phía hàng nón cối trước mặt. Tạch… tạch… tạch… Ba bốn thân người lảo đảo. Thấy cấp chỉ huy chạy trước lính áo rằn la hét vừa chạy vừa bắn. Trận đánh cận chiến diễn ra. Người la. Người kêu tắt nghẹn. M16. AK47. M26. M60. Trung liên nồi. Đại liên nổ rền. Khói súng bốc mù mịt quyện với sương mù và mùi máu thành thứ mùi hương đặc sệt. Hai lần xung phong Quát và lính của mình phải khựng lại trước địch quân đông gấp mười lần.
– Ông thầy…
Nấp sau thân cây bên kia Mạnh kêu nho nhỏ. Chỉ khi nào tình thế nguy ngập Mạnh mới gọi Quát bằng hai tiếng ” ông thầy ”. Người hạ sĩ quan có hơn mười lăm năm quân vụ và kinh nghiệm chiến trường đã nhận ra một điều là địch quân vượt hẳn họ về quân số lẫn hỏa lực.
– Tụi nó đông quá… Mình hết đạn rồi…
Quát cắn răng. Trong trí não của người đại đội trưởng thấp thoáng nhiều ý nghĩ. Lính biệt động không bao giờ đầu hàng. Không bao giờ rút lui khi chưa có lệnh. Tuy nhiên nằm đây sẽ bị banh thây với T54 còn không cũng bị đâm bằng lưỡi lê của bộ đội. Viễn ảnh nguyên đại đội bị tan hàng khiến cho Quát lạnh người.
– Hàn… Máy cho tao…
Quát nói gọn. Hàn đưa ống liên hợp cho cấp chỉ huy.
– Đơn Dương… Đơn Dương đây Quỳnh Duyên… nghe rõ trả lời…
Đơn Dương là danh hiệu truyền tin của đại úy Đông, sĩ quan ban 3. Bên kia chỉ có tiếng xè xè. Quát cau mày. Dường như anh linh cảm được điều gì không hay đã xảy ra với bộ chỉ huy tiểu đoàn.
– Đơn Dương… Đơn Dương đây Quỳnh Duyên… nghe rõ trả lời…
Không có ai lên tiếng. Điều này cho anh biết là bộ chỉ huy tiểu đoàn đã bị địch quân tràn ngập. Cấp chỉ huy của anh có thể bị bắt sống, bị chết hoặc tan hàng và đang trên đường rút lui dưới sự truy đuổi của địch. Quay qua Mạnh Quát nói thật nhanh.
– Không liên lạc được với tiểu đoàn. Chờ ba thằng con của mình rút về đây xong mình dọt…
Mạnh gật đầu. Quát ra lệnh cho ba trung đội trưởng rút. Đoán biết được tình thế địch quân ào ào tấn công. Đạn đại liên của T54 réo trong không khí, xói vào thân người cùng với tiếng la hét của người bị trúng đạn làm Quát lạnh người.
– Rút… Rút… tăng tới…
Quát hét lớn. Dưới sự điều động của cấp chỉ huy lính của bốn trung đội chạy song không hổn loạn mà rút theo đội hình chân chim. Trung đội 1 và 2 lùi một đoạn xong nằm lại án ngữ để chặn địch cho 3, 4 rút và cứ như thế mà chạy cho tới chiều tối mới ngừng lại khi không còn nghe tiếng súng nữa.
– Mình đang ở đâu trung úy?
Hàn lên tiếng. Quát nói chậm và nhỏ.
– Hồi sáng mình ở gần Đồng Xoài. Mình rút theo hướng đông nam nên có thể mình đang ở trong quận Phú Giáo. Bản đồ của mày đâu?
Hàn ú ớ trả lời.
– Mất rồi trung úy ơi…
Quát lẩm bẩm những gì trong miệng xong nói nhỏ.
– Mày mở máy coi…
Hàn vặn nút. Không có tiếng xè xè quen thuộc. Lật cái máy 25 xong nó thở dài.
– Hư rồi trung úy ơi…
Hàn đưa cái máy lên cao. Quát lắc đầu thở dài khi thấy chiếc máy 25 có ba lỗ đạn sâu hun hút. Trời tối sẫm Quát mới tập họp được lính lại. Đại đội chỉ còn được ba mươi mấy người. Bốn ông trung đội trưởng chỉ còn sống có một là chuẩn úy Ba. Lính bị thương khá nhiều. Chuẩn úy Thân, trung đội trưởng trung đội 1 lãnh nguyên một quả M79. Lính kể như thế. Còn thiếu úy Hạnh, trung đội trưởng 4, bị thương nặng quá không đi được nên bảo lính bỏ mình lại. Một người lính nói ông ta cho nổ lựu đạn để tự tử. Thiếu úy Tấn mất tích, có thể bị chết hoặc bị bắt sống. Quát ứa nước mắt khi nhớ tới ông chuẩn úy hiền lành và ít nói. Kiểm điểm súng đạn anh lắc đầu. Súng có mà đạn quá ít, nhất là thức ăn đều mất hết. Chỉ có mấy người lính may mắn còn giữ được mấy bi động nước uống. Chia lính thành 2 trung đội, 1 do Bính chỉ huy còn trung đội 2 do mình điều động, Quát dẫn lính lần mò đi suốt đêm. Phải mang theo đồng đội bị thương nên di chuyển chậm. Dù mệt, đói và khát anh cũng không dám dừng quân để ngủ qua đêm vì biết mình vẫn chưa ra khỏi vòng vây của địch.
15
– Trung úy… Trung úy…
Quát mở mắt khi nghe tiếng người gọi bên tai của mình. Anh hơi mỉm cười khi thấy Bính đang đứng kế bên. Vẫn còn dựa vào gốc cây Quát hỏi gọn.
– Có chuyện gì?
Bính thì thầm như sợ có người nghe mặc dù bên cạnh không có ai.
– Tụi nhỏ thấy bộ đội…
Quát bật dậy kèm theo câu hỏi ngắn gọn.
– Ở đâu?
Bính vẩy tay và một người lính bước tới. Nhận ra Ẩn là tiểu đội trưởng ở trung đội 4 của Hạnh, Quát cười thật tươi.
– Ẩn hả… Em thấy tụi nó ở đâu?
– Dạ đằng kia trung úy… Đằng kia có đường xe be…
– Đông không?
Ẩn cười toe tóet.
– Dạ đông lắm trung úy ơi… Em thấy có tăng nữa…
Quát liếc nhanh Bính và bắt gặp người đại đội phó của mình cũng đang nhìn mình.
– Mình đi coi… Kiếm vài đứa đi với mình…
Hiểu ý cấp chỉ huy nên Bính bỏ đi. Ẩn lên tiếng.
– Em đi với trung úy… Em biết đường…
Quát cười nhẹ.
– Em hổng sợ à?
Ẩn cười nhe hàm răng đã gãy mất hai cái răng cửa.
– Dạ sợ nhưng em muốn dẫn đường cho trung úy. Nằm ở đây lạng quạng cũng đụng tụi nó…
Quát gật đầu xốc lại dây ba chạc và khẩu súng colt chỉ còn có một băng đạn. Cầm lấy cái ống dòm anh nói nhỏ với Ẩn.
– Mình đi gặp ông Bính…
Toán quân dò đường len lõi trong rừng khá lâu mới dừng lại. Nấp sau thân cây Quát im lặng nhìn quãng đường ngoằn ngoèo. Ẩn thì thầm.
– Đường xe be trung úy… Tụi nó ở trong rừng đông lắm… Phía bên kia…
Quát gật đầu nhìn theo tay chỉ của Ẩn. Phía bên kia đường xe be là một trảng trống không có cây. Cỏ mọc cao khỏi đầu người. Rồi tiếp theo là khu rừng thưa. Đưa ống dòm lên quan sát Quát thấy thấp thoáng bóng người.
– Bính xem đi…
Quát đưa ống dòm cho người đại đội phó. Nhìn hồi lâu Bính mới nói nhỏ.
– Đông lắm… Tôi thấy có tăng nữa. Hay là…
Quát gật đầu như hiểu ý của Bính.
– Công trường 7. Có thể đây là một đơn vị khác hơn đơn vị đã đụng với mình ngày hôm qua…
– Trung úy tính sao?
Bính lên tiếng. Quát nói thật chậm.
– Mình trở về chỗ đóng quân…
Cả bọn kéo nhau về chỗ cũ. Họp tất cả các cấp chỉ huy Quát trải tấm bản đồ lên đất xong nói với Bính, Ba và Mạnh.
– Tôi đoán mình đang ở đây…
Thấy Bính nhìn mình Quát cười tiếp.
– Mấy ông nhớ đêm qua mình đi dài theo con suối…
Mạnh gật đầu.
– Có phải là suối Nước Trong không trung úy?
Quát gật đầu. Móc trong túi ra gói thuốc dẹp và nhăn nheo anh cười nói tiếp.
– Còn bốn điếu. Đủ cho mỗi người một điếu…
Đốt thiếu hít hơi dài Mạnh ém hơi thật kỹ rồi lát sau mới thở khì ra.
– Đã thật… Sáng chưa ăn gì hít hơi Bastos tôi cảm thấy phê…
– Tôi đoán chừng mình ở đâu đó trong vùng xã Phước Hòa của quận Phú Giáo. Muốn tới đường 13 mình phải vượt qua sông Bé…
Quát chỉ vào một lằn xanh kha khá lớn trên bản đồ.
– Chỉ có một điều làm tôi lo âu là mình đang ở trong vùng đóng quân của công trường 7 của Vẹm. Đi lạng quạng là đụng. Mà đụng là mình vô phương chạy trốn… Mấy ông tính sao?
Đúng ra Quát không cần phải hỏi câu này. Là cấp chỉ huy anh có toàn quyền quyết định nhưng suy nghĩ kỹ càng anh mới hỏi các sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình. Tới giờ phút này anh biết là tình thế rất ngặt nghèo do đó không muốn ép buộc binh sĩ phải làm theo ý của mình.
Bính, Ba và Mạnh nhìn nhau. Cuối cùng Bính lên tiếng trước vì mang cấp cao hơn hết.
– Trung úy quyết định. Tụi tôi tin ở ông…
Quát hít hơi thuốc xong nhả khói ra từ từ. Nắng lên khá cao dọi xuống quãng đồng đầy cỏ tranh thành màu vàng hực.
– Nếu mình biết noi theo quốc lộ 13 để về Bình Dương và Sài Gòn thời tụi bộ đội cũng biết. Cho nên tôi đề nghị mình lội dọc theo Suối Nước Trong cho tới khi nào đụng sông Bé rồi bắt đường liên tỉnh Đồng Xoài để về Tân Uyên…
Mạnh ngước lên nhìn Quát mỉm cười. Chỉ có anh mới hiểu được tại sao cấp chỉ huy của mình muốn về Tân Uyên.
– Về tới Tân Uyên là mình thoát vì Tân Uyên chỉ cách Biên Hòa có hai mươi cây số…
Bính, Ba và Định đều đồng ý. Chỉ có Mạnh im lặng môt lúc mới lên tiếng.
– Trung úy nói đúng ý tôi. Công trường 7 sẽ noi theo lộ 13 để đánh Sài Gòn…
Quát gật đầu. Im lìm giây lát anh nói nhỏ.
– Di chuyển nguyên một sư đoàn tụi nó phải dùng xe để chở đồ tiếp tế. Mình dùng đường khác sẽ ít đụng hơn. Nếu có đụng cũng lẻ tẻ…
Gấp tấm bản đồ lại Quát nói với Ba.
– Ông dẫn một toán trinh sát đi trước dò đường. Dặn lính không được làm ồn. Không được nổ súng. Tôi đi sau với anh em bị thương…
Bính ra lệnh cho trung đội của mình di chuyển. Ba chỉ huy toán trinh sát sáu người đi trước dò đường. Tuy nắng đã lên song trong rừng vẫn còn sương mù. Nhiều chỗ dày tới độ lính không thấy đường. Họ phải dừng lại chờ một lúc mới tiếp tục. Quát đi sau với trung đội 2 đa số thương binh trong số đó ba người đi phải chống gậy. Hai người bị thương khá nặng đi không nổi phải có người dìu. Họ bị thương chảy máu nên mất sức lại không được ăn uống thành ra kiệt lực. Vết thương sưng lên vì nhiễm trùng và không có thuốc uống. Nếu không có thương binh thời anh không ngại lắm dù đụng địch. Đằng này mang theo thương binh đã không di chuyển nhanh được mà thêm bó tay bó chân. Tuy nhiên anh không thể bỏ họ được. Trách nhiệm của một cấp chỉ huy cũng như tình đồng đội bắt buộc anh phải cưu mang họ dù đôi khi vì thế mà hy sinh mạng sống của mình hay của lính dưới quyền.
– Trung úy đói không trung úy?
Đang đi nghe Hàn thì thầm hỏi Quát mới nghĩ tới một điều là từ sáng hôm qua tới giờ anh chưa có ăn cái gì. Chỉ uống mấy ngụm nước cầm hơi. Tiếng đói khiến cho Quát cảm thấy bụng mình sôi ục ục và nước miếng trong miệng ứa ra vì nghĩ tới đồ ăn.
– Trung úy ăn cái này cho đỡ đói?
Hàn ấn vào tay cấp chỉ huy một miếng gì tròn tròn, mềm mềm và đen đen. Đưa lên mũi ngửi xong Quát hỏi nhỏ.
– Cái gì vậy?
– Thịt…
Hàn mỉm cười. Quát nhìn người lính từng sát cánh bên mình.
– Xạo mày… thịt gì?
– Chắc thịt thú rừng… Thằng Ẩn cho tôi hai cục, tôi chia cho trung úy một cục…
Không hỏi gì thêm Quát bỏ cục thịt vào trong miệng. Vừa đi anh vừa nhai thật chậm như để thưởng thức cái mùi hơi tanh tanh và cái vị ngòn ngọt của thịt mà anh hoàn toàn không đoán ra thịt gì. ” Kệ… thịt gì cũng được miễn không phải thịt người…” Hai chữ thịt người bật lên trong trí khiến cho Quát muốn nhả cục thịt ra nhưng cuối cùng anh vẫn nhai chậm vì biết Hàn, thằng em thân tín của mình không bao giờ dám ăn thịt thứ sinh vật dễ thương mà cũng dễ ghét đó.
– Ngon hông trung úy?
– Ăn được. Thịt gì vậy?
Hàn mỉm cười. Nếu không có lịnh làm ồn chắc nó đã bật cười lớn.
– Thịt chim trung úy. Đêm hôm qua lúc đi thằng Ẩn bắt được con chim bự lắm…
– Làm sao nó nhổ lông được?
– Nó vừa đi vừa nhổ. Nhổ mệt nó chuyền cho thằng khác. Tới sáng mới nhổ lông xong tụi này đem thui…
– Lửa đâu mà tụi bây thui…
Hàn bụm miệng cười.
– Cây thiếu gì. Tụi này đào bếp hoàng cầm nướng chín xong chia cho mỗi người một cục. Thằng Bảy nhờ ăn cục thịt chim nên mới chống gậy đi được đó trung úy…
– Mày còn thuốc không?
Hàn thở dài rười rượi.
– Hết rồi. Tui có nguyên gói Ruby mà… mẹ mấy thằng bộ đội rượt chạy mất hồi nào không hay… Nón sắt của tui cũng rớt luôn…
Quát cười đùa.
– Mày lính mũ nâu mà cần gì nón sắt…
Hàn mỉm cười như khoái chí về câu nói của cấp chỉ huy.
– Ba lô mày cũng mất luôn hả?
– Đánh xáp lá cà với tụi nó hôm qua rồi mình chạy. Tôi quên mất ba lô. Tối ngủ không có mền lạnh thấy mẹ…
– Tao cũng như mày… Tụi nó rượt nà quá chạy sút quần không hay hơi đâu mà nhớ tới ba lô…
– Trung úy ghiền thuốc hả?
Quát cười cười.
– Không ghiền nhưng mà hút thuốc cho quên đói…
– Ráng nhịn đi trung úy. Về Tân Uyên mình tha hồ ăn nhậu…
Quát cười vặn.
– Tao đâu có nói cho mày là mình về Tân Uyên…
Hàn cười chúm chiếm.
– Trung úy không nói mà ông Mạnh nói… Bởi vậy mấy đứa bị thương cũng ráng lội. Ông Mạnh nói chỉ cần lội hai ngày là mình về tới Tân Uyên. Bởi vậy đứa nào nghe cũng mừng…
Quát cười im lặng. Anh biết Mạnh nói như thế để động viên tinh thần của lính chứ làm gì có chuyện đi nhanh và đi xuông xẻ như vậy. Dẫn theo thương binh do đó đại đội đi rất chậm. Ngoài ra nhiều khi còn phải đi vòng vì không muốn đụng với địch. Quát thở dài ngao ngán. Chả bù với ba năm trước mình săn tìm bộ đội mà bây giờ nó đi ngờ ngờ thời mình phải mọp đầu né tránh. Anh không biết cuộc chiến này đi về đâu nhưng anh cảm nhận là không thuận lợi cho phe nhà. Một bằng chứng hiển nhiên là súng đạn không còn dồi dào như xưa. Lính bị thương hay chết lại không được thay thế. Lúc anh mới về nắm đại đội thời quân số đầy đủ rồi từ từ giảm dần dần tới mức một trăm. Gặp cấp chỉ huy lần nào anh cũng năn nỉ xin thêm lính. ” Xin lính như xin con cầu tự…” Anh nhớ Mạnh đã mỉa mai như thế. Riêng anh thời lại nghĩ mình xin lính như xin học bổng đi du học ngoại quốc. Trăm người xin chỉ có 1 người được đi.
– Trung úy… Thiếu úy Bính muốn gặp trung úy…
Quát gật đầu khi nghe Ẩn nói.
– Ổng đang ở đâu?
– Dạ đằng trước kia…
Quát bước song song với Ẩn. Lát sau anh thấy Bính và Ba đang đứng sau thân cây cổ thụ rườm rà.
– Chuyện gì vậy?
Bính thì thầm.
– Bộ đội…
– Ở đâu?
Ba đưa ống dòm và chỉ về hướng đằng trước mặt. Đưa ống dòm lên Quát im lặng quan sát. Bên kia con đường mòn là một khu rừng thưa. Thỉnh thoảng anh thấy ánh sáng lóe lên. Dường như đó là ánh kim khí phản chiếu ánh mặt trời. Nhưng anh không thấy rõ lắm để quyết định được họ là ai, phe mình hay phe địch.
– Tôi không thấy rõ lắm… Mình tới gần hơn…
Quát nói trong lúc nhìn Ba. Hiểu ý của cấp chỉ huy Ba vẩy toán trinh sát.
– Ông ở lại đây để tôi đi với Ba…
Nói xong Quát bước nhanh để bắt kịp toán trinh sát vừa mất dạng sau thân cây.
– Trung úy có tin gì về tiểu đoàn của mình không?
Ba thì thầm và Quát lắc đầu nói nhỏ.
– Không liên lạc được… Mình chỉ còn có một máy 25 và thằng Hàn nói điện gần hết nên tôi không dám gọi thường…
Im lặng giây lát Quát tiếp.
– Chờ khi nào tới Tân Uyên tôi mới liên lạc…
Đang đi, Ẩn, trưởng toán trinh sát chợt dừng lại vì đã ra tới bìa rừng. Đứng nấp sau thân cây Quát đưa ống dòm lên quan sát. Đột nhiên một vật hiện rõ trong ống kính và anh sững người khi nhận ra vật đó là một ngôi sao vàng trên nền cờ màu đỏ.
– Bộ đội…
Quát nói nhỏ xong đưa ống dòm cho Ba. Ông chuẩn úy trẻ rê rê ống dòm xong gật gù.
– Bộ đội… Tăng…
Quát cười gật đầu. Ba hỏi nhỏ.
– Trung úy tính sao?
Quát trầm ngâm chưa trả lời. Địch đóng quân đúng ngay vào đường mà anh phải đi qua để về Tân Uyên. Không muốn đụng địch anh phải chọn con đường khác. Anh không muốn đi vòng vì đi như vậy xa hơn. Đại đội vừa đói khát, mệt mỏi lại đèo theo thương binh nên ngay cả những kẻ không bị thương cũng đã đuối rồi. Mắt nhìn đăm đăm vào khu rừng có bộ đội đang đóng quân Quát nói chậm.
– Mình tới gần hơn để xem tụi nó có đông không?
Ba hơi sửng sốt vì quyết định của cấp chỉ huy. Quát quay nhìn anh và sáu người lính dưới quyền.
– Tôi muốn biết xem tụi nó có bao nhiêu để mình tìm cách băng ngang qua tụi nó lấy đường về Tân Uyên. Lính không đủ sức lội xa nếu ta đi vòng đường khác…
Ba gật đầu. Anh biết cấp chỉ huy nói đúng. Ngay cả anh cũng cảm thấy nhấc chân lên không nổi vì hai ngày nay chỉ ăn có cục thịt chim nhỏ bằng ngón chân cái và uống nước lã cầm hơi. Đói khát, lo âu và sợ sệt làm cho anh và binh sĩ hầu như chỉ lê bước đi như kẻ mộng du giữa ban ngày.
– Mình tới gần xem cho kỹ… Anh em nhớ là không được nổ súng. Tôi nhắc lại tuyệt đối không được nổ súng. Trừ khi có lệnh…
Lính im lặng khi nghe cấp chỉ huy ra lệnh. Quát bò trước rồi tiếp theo là Ba xong tới Ẩn và bốn người lính bò sau cùng. Bò phía sau Ba mỉm cười khi thấy cấp chỉ huy bò thoăn thoắt như con rắn.
– Ông này ra trường lâu mà còn bò ngon lành quá ta. Chắc ổng bị cô Duyên bắt bò thường xuyên…
Nếu ở một chỗ nào an toàn chắc Ba phải bật cười vì ý nghĩ của mình. Mười lăm phút sau Quát và toán trinh sát đã bò tới trảng tranh. Nhờ cỏ cao mút đầu người nên họ không cần bò nữa mà chạy lom khom theo con đường mòn nhỏ. Quát nhận thấy con đường này như có nhiều người đi lại nên nhẵn nhụi và khá rộng hai người đi cũng vừa. Lát sau họ đi hết trảng tranh. Đứng trong đám cỏ Quát đưa ống dòm lên quan sát. Thấp thoáng bóng người di động. Quay qua Ba anh thì thầm.
– Ông dẫn ba thằng bọc vào phía bên trái còn tôi với thằng Bang và thằng Tân đi bên phải. Nhớ cẩn thận…
Ba lãnh lệnh ngoắt Ẩn và hai người lính vạch cỏ tranh đi về bên trái. Còn Quát với hai người lính đi về bên phải. Quát đưa đồng hồ lên xem. 4 giờ. Chiếc đồng hồ anh đang đeo là của Duyên và nàng đã cởi ra đeo vào tay cho anh trước giờ chia tay ở Tân Uyên. Bởi vậy anh nâng niu và giữ gìn nó thật cẩn thận. Nó như là chứng tích của cuộc tình vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng người lính chiến. Cứ mỗi lần nhìn nó anh lại nhớ tới cô Duyên để rồi cảm thấy khổ sở và đau buồn hơn. Tội một điều là anh không thể quên dù Duyên đã đi lấy chồng. Có lẽ anh không có một hình bóng nào khác hơn để quên Duyên. Có lẽ anh đã thần tượng cô giáo của mình nhiều quá để rồi khi mất mát anh không thể tìm một hình bóng nào khác để thay thế.
– Trung úy…
Bang lên tiếng khi thấy cấp chỉ huy tự nhiên dừng lại. Quát thì thầm với Bang và Tân
– Hai em thấy gì không?
Nhìn theo tay chỉ của cấp chỉ huy hai người lính thấy mấy vỏ đạn nằm rải rác trên đường mòn. Nhìn võ đạn Bang thì thầm.
– Đạn AK…
Gật gật đầu như hiểu ý của Bang, Quát nằm xuống rồi bò chầm chậm vào khu rừng tranh tối tranh sáng. Nép mình sau gốc cây anh đưa ống dòm lên. Xuyên qua ống kính anh thấy vô số lều trại. Bóng người đi đi lại lại. Trong không khí ẩm mục phảng phất có mùi khói. Nấp sau thân cây bên cạnh Bang giơ tay chỉ chỉ vào trong như muốn nói là sẽ vào sâu để quan sát. Hiểu ý Quát gật đầu. Nhìn theo bóng người lính biến mất anh lo sợ. ” Nó mà bể là mình bị bắt…” Tuy nhiên tới giờ phút này anh chỉ có tiến chứ không lùi được nữa. Tất cả đều trông vào sự rủi may và sự cẩn thận cũng như khôn khéo của Bang. Đang nằm đợi anh hướng nòng súng lên khi nghe tiếng bước chân rồi mấy bóng đen hiện ra mờ mờ trong khu rừng tối mờ mờ. Quát liếc nhanh Tân và thấy nó cũng đang lăm lăm khẩu M16 trong tay. Nó cũng đã nghe tiếng bước chân do đó đã chuẩn bị bằng cách ghìm mũi súng về bóng người tới gần. Tiếng cười đùa xen lẫn với tiếng vũ khí va chạm.
– Tụi bay có đi ỉa đái thời đi lẹ lên… Tao ngồi đây chờ…
Giọng của người nói hơi già mà là giọng miền trung vì anh đã nghe mấy người lính quê ở ngoài trung trong đại đội của mình nói giống như vậy. Có tiếng bước chân tới càng lúc càng gần khiến cho anh phải dí sát người xuống đất, chỉ có đầu ngước lên để quan sát. Một người tới ngay bên cạnh gốc cây anh đang núp. Hắn vừa đái xè xè vừa lấy tay đập muỗi. Tự dưng Quát mỉm cười nghĩ mình mà kể chuyện này cho cô Duyên nghe cô sẽ chọc quê mình cả tháng. ” Ông trung úy biệt động bị thằng bộ đội đái vào mặt mà ổng không dám làm gì hết. Ê lêu lêu mắc cỡ...” Đái xong tên bộ đội còn đứng hát nghêu ngao vài câu rồi mới bỏ đi. Quát thở phào nằm im chờ đợi. Lâu lắm Bang mới trở lại. Nó thì thầm vào tai cấp chỉ huy mấy câu. Nghe xong anh cùng với hai người lính rút lui. Vừa ra tới trảng tranh lại thời Ba cũng vừa ra tới.
– Tôi nghe tụi nó nói sắp chuyển quân. Đi đâu thời tôi không biết…
Bang xen vào câu chuyện.
– Tui mò vào gần thấy tụi nó đang sửa soạn…
Quát trầm ngâm giây lát mới lên tiếng.
– Mình trở về chỗ đóng quân chờ tới sáng rồi trở lại đây. Nếu tụi nó rút thời mình cũng dọt…
Quát nhìn Ba rồi nói nho nhỏ.
– Nhớ dặn lính đừng làm ồn…
16
– Nai… Nai… Nai… chuẩn úy ơi…
Đang đi Ba nghe Ẩn la nho nhỏ hai tiếng nai nai. Không hiểu chuyện gì anh bước qua mặt người lính trinh sát. Lên tới khoảng cỏ xanh nằm giữa khu rừng anh thấy Ẩn và Tiệm đang núp sau lùm cây nhìn một con nai nhởn nhơ gậm cỏ. Nhìn con vật Ba liên tưởng tới miếng thịt nai nướng mỡ nhỏ xèo xèo xuống dưới than rồi mùi khói bốc lên thơm phức. Nuốt ực nước miếng anh thì thầm.
– Trung úy dặn không được bắn… Tụi bay có cách gì bắt sống nó hôn?
Ẩn trợn mắt nhìn cấp chỉ huy vì tưởng ông ta nói đùa.
– Thiếu úy… Nó chạy lẹ lắm…
Tiệm đưa súng lên định bắn. Ba trừng mắt.
– Mày mà bắn là tụi Vẹm nghe liền. Để tao trở lại xin với trung úy…
Đi được mấy bước Ba quay đầu lại nhắc.
– Tao dặn tụi bây không được bắn nghe chưa. Chờ một hồi trung úy tới…
Đang ngồi nghỉ mệt thấy Ba hộc tốc kiếm mình Quát tưởng có chuyện gì quan trọng. Tới lúc nghe Ba nói chuyện con nai anh cười đứng lên. Cái tin gặp con nai lan nhanh và lính ào ào chạy theo cấp chỉ huy. Khi Quát tới nơi thời Ẩn và toán trinh sát đang canh con nai.
– Mình không được bắn. Tụi Vẹm sẽ nghe…
Quát lên tiếng. Ẩn kèo nài.
– Tôi chỉ bắn một phát thôi trung úy. Thịt nó ngon lắm trung úy ơi… Anh em đói bụng…
Quát thở dài khi nhìn ánh mắt van lơn của lính. Mặt hốc hác, ánh mắt lờ đờ vì thiếu ăn và mất ngủ của họ làm anh mũi lòng. Tuy nhiên anh cũng biết súng nổ sẽ làm cho địch quân nghe được. Vì mạng sống của mình và đồng đội anh phải cứng rắn.
– Không được. Tôi đã nói là không được bắn. Mình tìm cách bắt sống…
Ẩn lên tiếng mong làm cấp chỉ huy thay đổi lệnh đã ban ra.
– Nó chạy nhanh như ngựa mình rượt không kịp đâu trung úy ơi…
– Thì mình chận không cho nó chạy… Mấy chục người bao vây nó…
Nghe cũng có lý vả lại biết không thể nào làm cấp chỉ huy thay đổi ý định nên chuẩn úy Ba bảo lính lập thành vòng tròn vây kín con vật đang ăn cỏ. Tới chừng nghe động con nai phóng cái ào về phía Ẩn đang đứng. Lanh trí nó dùng khẩu M16 quất thẳng vào chân con nai khiến cho con vật bị gãy chân nằm lăn ra đất. Lính reo hò nhào tới đè cứng con nai. Đưa cây súng bị gãy lên Ẩn cười ha hả.
– Cây súng hết đạn này coi bộ có lý à nghe…
– Tụi bay định làm món gì vậy. Nai nướng vỉ hả?
Bính đùa. Cười hắc hắc Ẩn nói lớn.
– Tôi cắt cổ nó lấy máu cho thằng Tâm và thằng Chí uống. Hai thằng đó bị ra máu nhiều nên cho nó uống máu…
Bính nhìn trân trân Ẩn.
– Uống máu ghê vậy mậy…
Ẩn cười khặc khặc.
– Thiếu úy đừng lo. Để tôi dụ cho hai thằng đó uống…
Lính hùa nhau khiên con nai về chỗ đóng quân. Đi sau Quát nói nhỏ với Bính.
– Ông rải một tiểu đội ra để canh chừng. Tôi sợ tụi nó đốt lửa…
Bính gật đầu. Ba chêm vào.
– Giờ này còn sáng chắc không sao đâu trung úy. Thiếu úy để tôi lo chuyện canh gác…
Toàn thể đại đội ai cũng mừng khi nghe tin có thịt tươi. Ngồi tựa lưng vào gốc cây Quát cảm thấy nước miếng ứa ra đầy miệng vì mùi thịt nướng quyện trong không khí rồi bay vào mũi của mình. Không nhịn được anh đứng lên đi tới chỗ lính đang nướng thịt. Ẩn cho lính đào một lỗ tròn và sâu đường kính chừng sải tay làm cái lò lộ thiên xong chất đấy củi bên dưới rồi đốt lửa lên. Nguyên con nai được xỏ vào một cái cây dài. Hai đầu hai người lính cầm để nướng và thỉnh thoảng lăn qua trở lại. Hàng chục người lính khác đứng vòng quanh miệng lò cởi áo làm quạt cho khói bay tan trong không khí cũng như che lửa không cho người lạ thấy. Mỡ chảy xuống gặp lửa nóng bốc cháy xèo xèo. Lúc thịt gần chín bốc mùi thơm khiến cho ai nấy đều nuốt nước miếng ừng ực và bụng kêu ục ục. Sau bốn ngày ăn rau cỏ và uống nước lã cầm hơi cả bọn đói run nay gặp thịt nai nướng không ai mà không thèm. Đứng bên cạnh Quát nhìn thịt vàng ươm, không nhịn được Ba lên tiếng.
– Chín chưa tụi bây. Chín quá ăn hết bổ nghe tụi bây…
Ẩn cười hì hì.
– Xong rồi chuẩn úy. Công ông thấy con nai nên tôi mời ông ăn trước…
Ba cười hắc hắc liếc nhanh Quát.
– Đưa trung úy ăn trước đi. Ổng có ý kiến bắt sống…
Quát cười từ từ lên tiếng.
– Mấy anh em bị thương cần ăn hơn. Đem thịt cho họ ăn trước. Ai ăn được bao nhiêu thời ăn. Còn dư mình để dành cho ngày mai…
Ẩn lãnh phần xẻ thịt chia cho mọi người. Quát, Bính, Mạnh và Ba được chia cho một phần thịt nướng chấm với muối ớt và một chút gạo sấy.
– Ở đâu mà tụi nó có ớt vậy?
Ba cười lắc đầu.
– Lính mà trung úy. Tụi nó có ngàn cách để kiếm ra thức ăn. Mưu sinh thoát hiểm mà trung úy…
Vừa nhai ngồm ngoàm Bính vừa chắt lưỡi.
– Ngon… Ngon hơn thịt nai ở Sài Gòn… Phải chi mình có chai bia…
Ba bật cười khằng khặc. Vừa nhai anh vừa lên tiếng.
– Đế cũng được… Mình hên lắm mới có thịt ăn…
Quát cười nhỏ.
– Mình đói rã họng mà ăn gì không ngon…
Ăn xong Ẩn định bảo lính xúc đất lấp cái lò nhưng Ba cản lại bảo để vậy cho ấm. Thương binh được nằm ngủ bên cạnh bếp lửa. Trừ lính gác ai ai cũng lăn ra ngủ vùi vì mệt nhọc mặc dù mặt trời chưa lặn.
Đêm thật yên lặng. Quát nằm không động đậy dù đã thức. Anh cảm thấy khỏe khoắn sau giấc ngủ nhất là sau bữa cơm chiều no nê. Tiếng côn trùng rỉ rả. Xa thật xa vọng lại tiếng ì ầm như là tiếng bom hoặc đại bác. Sương mù giăng giăng. Không khí lạnh buốt và càng lạnh hơn khi có ngọn gió thổi qua. Nằm trong bóng tối ngửa mặt nhìn sao anh cảm thấy thèm điếu thuốc lá với ly cà phê nóng. Bao lâu rồi mình không về Sài Gòn? Hình bóng người mẹ hiền lung linh nhạt mờ trộn lẫn với khuôn mặt của Duyên. Cô ơi… Người lính chiến gọi thầm trong trí não. Ánh mắt long lanh. Nụ cười hiền thục. Đêm nào ở Tân Uyên. Kỹ niệm dấy lên. Anh co người vì lạnh. Bộ quân phục ẩm ướt bốc hăng hăng mùi lính ở dơ. Anh mỉm cười mường tượng cô Duyên đang nói chuyện với mình. Bây giờ mà mình ôm cô Duyên chắc cổ xô mình ra bảo thúi lắm. Cổ sẽ bịt mũi bảo đi tắm đi. Lính ở dơ quá. Cô Duyên đã lấy chồng rồi làm sao mà mình gặp được. Quát thở dài ứa nước mắt. Ở trong hoàn cảnh khốn khó và nguy hiểm này anh chỉ còn biết lấy hình ảnh của người mà mình yêu thương như một hi vọng mong manh để sống sót. Huống chi mạng sống của mấy chục người lính đều trông cậy vào sự chỉ huy sáng suốt của anh. Dù thế nào đi chăng nữa anh cũng phải sống. Anh phải sống dù sống với nỗi đau buồn âm ỉ trong lòng.
Quát ngồi dậy. Hai chân rút sát vào ngực như để làm cho mình ấm hơn. Cơn gió khuya tạt vào mặt khiến cho anh rùng mình.
– Giờ này có điếu thuốc và ly cà phê thời tuyệt…
Anh lầm bầm. Ước mơ chỉ có vậy. Nhỏ như vậy. Tầm thường như vậy. Thuốc gì cũng được. Ruby. Bastos. Ngay cả thuốc rê, thuốc lào cũng được. Cà phê gì cũng được. Phin. Cà phê vợt. Cà phê chua lè của Mẽo cũng được. Anh không hiểu tại sao mình lại thèm, lại nghĩ về cà phê và thuốc lá trong một buổi sáng lạnh sương mù giữa vùng rừng núi haong vu. Mình hư quá. Cô Duyên nói như thế. Cô Duyên rầy khi thấy mình hút thuốc và uống rượu. Nói chuyện với tôi là phải dạ thưa đàng hoàng nghe chưa. Cấm chửi thề. Cấm văng tục. Ông là chuẩn úy với ai chứ với tôi ông vẫn là học trò. Cô Duyên nói như thế. Trời tang tảng sáng vì đồng hồ chỉ năm giờ nhưng sương mù giăng kín mít. Có tiếng lục đục. Tiếng nói chuyện xì xào dù nhỏ song nhiều người nói thành ra nghe cũng lớn.
– Trung úy dậy sớm vậy trung úy…
Hàn lên tiếng ở sau lưng cấp chỉ huy. Quát nói không quay đầu lại.
– Lạnh quá tao ngủ không được…
Hàn cũng xuýt xoa.
– Em cũng vậy. Em đi kiếm cà phê uống cho ấm…
Mươi phú sau Quát thấy Hàn trở lại với cái cà mèn.
– Cà phê nè trung úy. Em xin thằng Ẩn được một chút…
– Mày uống trước đi…
– Em uống rồi… Cái này em để dành cho trung úy…
Quát nhìn thằng em thân tín đầy vẻ biết ơn. Hơn ba năm nay nó theo anh sát nút, lo cho anh từng chút và đổi lại anh coi nó như đứa em trong gia đình. Tình chiến hữu là cái gì vô hình nhưng lại là thứ keo gắn chặt anh với Hàn và lính trong đại đội. Thương yêu nhau, đùm bọc nhau, binh vực nhau, chia xẻ nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Có người vì muốn cứu bạn mà hi sinh tánh mạng của mình. Có người không muốn bỏ bạn mà chịu chết chung với nhau. Hàn, Ẩn, Tiệm và vô số người lính vô danh mà Quát không nhớ tên yêu đồng bào và tổ quốc nhiều hơn các chính khách ở Sài Gòn. Tụi nó yêu bằng hành động thiết thực, bằng cách đem chính mạng sống của mình ra để bảo vệ từng tấc đất, giành nhau từng bờ mẫu, con suối với bộ đội. ” Tại sao mình cứ đảo chánh hoài vậy thiếu úy? ” Quát nhớ Hàn đã hỏi mình như thế khi nghe tin đồn đảo chánh ở Sài Gòn xuyên qua ra đi ô nhỏ xíu lúc đại đội đang ở trong rừng. Anh không thể giải thích cho nó hiểu bởi vì với người lính chỉ học tới lớp đệ lục thời chính trị là cái gì xa lạ và giá trị không bằng miếng giấy chùi đít được xé ra từ tờ báo cũ mèm.
Đưa cái cà mèn đựng chút cà phê lên Quát uống một ngụm nhỏ. Giờ phút này, ở giữa rừng hoang trong buổi sáng lạnh sương mù chút cà phê còn quí hơn vàng bởi vì có vàng cũng không mua được.
– Thuốc nè trung úy…
Quát nhìn nửa điếu thuốc nhăn nhúm trong tay thằng em song anh chưa vội cầm lấy.
– Trung úy hít mấy hơi cho đỡ ghiền. Em chừa cho trung úy đó…
Quát cảm động vì cử chỉ thân tình của thằng em. Cầm lấy nửa điếu thuốc anh đưa lên mũi ngửi mà chưa chịu đốt như muốn giữ mãi cái mùi hăng hắc và cay cay của điếu thuốc hút dở dang. Ngủ gần đó Bính ngáp tiếng lớn rồi ngồi bật dậy có lẽ vì ngửi được mùi cà phê. Hiểu ý Quát cười nói nhỏ.
– Bính tới đây… Tôi có cà phê và thuốc lá…
Không đợi cấp chỉ huy mời lần thứ nhì Bính rồi tiếp theo là Ba tới ngồi vây quanh Quát. Đưa cái cà mèn lên mũi Ba hít một hơi thật dài như muốn đem hương cà phê vào tận buồng phổi của mình rồi sau đó mới chịu nhấp một ngụm thật nhỏ. Dường như anh chỉ liếm cà phê chứ không phải uống. Uống hết uổng lắm. Anh đón lấy điếu thuốc của Quát đưa sang bằng vẻ trân trọng và nâng niu như sợ nó rơi mất. Nhìn thấy cử chỉ của Ba, Bính cười đùa.
– Ông cưng nó còn hơn vợ con…
Hít hơi thuốc Ba cười chưa vội lên tiếng vì đang bận ém hơi để giữ cho khói thuốc ở trong phổi của mình càng lâu càng tốt. Chuyền điếu thuốc và cà mèn đựng cà phê cho Bính anh thở khì ra rồi cười hà hà.
– Thiếu úy làm tôi nhớ bà xã. Lần này mà về được tôi bảo bả phải ủng hộ tối đa…
Hàn cười hắc hắc vì câu nói của Ba. Bính hỏi cấp chỉ huy bằng giọng ít nhiều lo lắng.
– Mình về được không trung úy?
Quát gật đầu không do dự mặc dù anh biết chính mình cũng không chắc chắn bởi vì chuyện dẫn dắt đại đội về tới Tân Uyên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ở ngoài sự liệu định của anh. Dìu dắt một toán lính vừa bị thương vừa mất tinh thần thêm không có lương thực và vũ khí đi một đoạn đường sáu bảy chục cây số xuyên qua vùng đóng quân của địch thời hi vọng trốn thoát xem ra rất mong manh. Anh không lo lính bị thương. Anh không lo lính mất tinh thần vì anh biết lính tin tưởng là cấp chỉ huy sẽ dắt họ về một nơi an toàn. Anh không lo không có thức ăn vì trong rừng dễ tìm thức ăn. Không kể anh mà bất cứ người lính biệt động nào cũng đã được huấn luyện về chuyện mưu sinh thoát hiểm khi bị lạc mất đơn vị. Họ biết cách thức mưu sinh và sống sót trong rừng để chờ tiếp cứu. Anh cũng không lo thiếu thốn đạn dược bởi vì mục đích của anh hiện giờ không phải là đánh nhau trừ trường hợp bất khả kháng. Điều mà anh lo âu tới mất ngủ chính là sự có mặt của địch trên đường di chuyển của mình. Dường như anh mơ hồ có thứ cảm giác kỳ cục là địch đã biết sự hiện diện của anh và lính nhưng không làm gì hết. Có thể địch chưa biết hoặc biết mà làm ngơ. Có thể mục tiêu của họ là đơn vị nào hay địa điểm nào quan trọng hơn là toán biệt động đã thất lạc đơn vị và đang trên đường chạy trốn.
Thấy cấp chỉ huy im lìm suy nghĩ mà không trả lời câu hỏi của mình Bính quay qua Ba và thấy anh cũng đang nhìn mình. Hai người lính có chức vụ cao sau Quát lặng lẽ nhìn nhau. Dường như họ cùng có chung ý nghĩ là cấp chỉ huy của mình cũng không có câu trả lời thỏa đáng.
– Mình bị lạc tám ngày rồi…
Quát chậm chạp lên tiếng. Anh nói mà không nhìn ai. Ba ngập ngừng.
– Thằng Tâm và thằng Chí ở trung đội của tôi bị mất máu nhiều quá. Vết thương lại làm độc… Tôi sợ tụi nó không sống được…
Quát gật đầu thở dài.
– Tôi biết. Hôm nay mình ráng đốc thúc lính lội tới đường liên tỉng trước khi trời tối rồi nghỉ đêm ở đó. Sáng mai mình băng qua cầu sông Bé rồi về Tân Uyên…
– Xa không trung úy…
Hàn hỏi nhỏ. Quát nhìn Bính và Ba trước khi trả lời Hàn. Chỉ có Bính, Ba và Mạnh mới hiểu được ý nghĩa cái nhìn của cấp chỉ huy.
– Không xa lắm… Chừng hai mươi cây số thôi. Qua cầu sông Bé thời mình đi cái vèo là về tới Tân Uyên…
Bính và Ba mỉm cười. Cả hai đều biết Quát nói không đúng hay nói đúng hơn anh cố tình nói đường đi ngắn gấp đôi để cho lính vui mừng mà đi cho lẹ.
– Thôi mình sửa soạn để di chuyển. Hai ông nhớ dặn lính đừng làm ồn. Tuyệt đối không được nổ súng…
Nói dứt câu Quát đứng lên. Ba và Bính cũng đứng dậy. Cùng lúc đó họ nghe nhiều tiếng bum bum từ xa vọng lại.
– Pháo…
Ba la lớn. Giọng của anh nghe hoảng hốt. Quát nhào xuống đất. Ầm…ầm… ầm… Pháo của địch từ đâu không ai biết chụp xuống đầu của toán lính biệt động đang lăng xăng sửa soạn để di chuyển. Tiếng la. Tiếng hét. Tiếng khóc. Tiếng kêu tắt nghẹn của người bị thương hay chết. Đất cát bay ào ào. Tiếng nổ ầm ầm bưng tai. Không có hầm trú ẩn. Không một hố cá nhân. Những người lính biệt động lạc đơn vị nằm hứng pháo của địch từ bốn hướng rơi vải xuống như mưa. Pháo vừa ngưng Quát nhỏm dậy hét lớn.
– Rút… rút… hướng nam…
Quay qua Bính và Ba anh ra lịnh.
– Hai ông mở đường… Tôi và thương binh theo sau…
Không đợi lịnh của cấp chỉ huy lính hè nhau chạy. Tuy nhiên họ chạy đường nào. Từ ba hướng bắc, tây và nam, từ trong rừng thưa, từ trong cánh đồng cỏ cao, bộ đội vừa la vừa bắn vừa tiến tới.
– Hàng sống chống chết… Hàng sống chống chết…
Tiếng la như xoáy vào tai. Bóng áo xanh đội mũ tai bèo hiện ra. Quát và lính dưới quyền nhìn nhau. Họ lấy gì để mở vòng vây với mười mấy khẩu súng chỉ còn mấy viên đạn. Đoàn quân lầm lì tiến tới. Họng súng AK đen ngòm đầy hăm dọa. Quát nhìn Bính và Ba rồi buông khẩu Colt45 của mình rơi xuống đất.
Một người mang bên hông khẩu K54 bước tới. Chắc anh ta là kẻ chỉ huy đám bộ đội. Giọng nói của kẻ thắng trận đầy hách dịch.
– Ai chỉ huy chúng mày?
Liếc nhanh lính Quát lên tiếng.
– Tôi… Tôi là người chỉ huy…
– Cấp bậc gì?
– Trung úy.
– Chức vụ gì?
– Đại đội trưởng.
Nhìn chiếc áo rằn và huy hiệu con cọp trên áo người sĩ quan địch nhếch môi cười.
– Biệt kích hả?
Quát rắn giọng.
– Không… Biệt động quân…
Khẩu lệnh của kẻ thắng nghe lạnh lùng.
– Anh theo tôi… Thằng nào chạy cứ bắn bỏ…
Quát bước đi khi mũi súng AK thúc vào lưng. Ngước nhìn về phương trời tang tảng sáng anh ứa nước mắt gọi thầm mấy tiếng ” cô ơi… cô ơi...”. Là một tù binh bị bắt tại mặt trận anh biết mình không còn có dịp may nào để gặp lại cô Duyên. Hoặc nếu có chắc phải còn lâu lắm như ” chàng siêu mái tóc điểm sương mới về ”.