Còn Nhớ Tân Uyên 5 – 8

csl_connhotanuyen1

5

Năm đệ tam bắt đầu khi Duyên bước vào lớp đệ tam A1. Vì phải chọn ban A, B hoặc C nên nàng nhận thấy có những khuôn mặt quen mà cũng có nhiều khuôn mặt lạ. Tất cả hầu như đều nhổ giò sau ba tháng hè ăn no ngủ kỹ. Nàng cười thầm khi nhìn bộ ria mép lún phún đen của Chương. Nàng hơi lắc đầu khi thấy những mụt mụn đo đỏ trên gương mặt dài của An Mặt Ngựa hay giọng nói đổi ra khào khào của Đan và Thắng. Học trò, mỗi đứa mỗi cách, đều tỏ ra mình là người lớn. Nhiều đứa đi học không mang cặp nữa. Dường như càng mang ít sách vở chừng nào nó càng chứng tỏ mình khôn, mình thông minh và mình lớn hơn. Khi bị đứa học trò lớp đệ ngũ hỏi sao không mang sách vở Chương trả lời bằng cách gõ gõ ngón tay trỏ vào trán của mình cùng với câu trả lời: ” Sách vở ở trong này nè…”. Điều đó khiến cho nàng buồn cười và khi về nhà kể lại cho ba má nghe trong bữa cơm tối đều khiến cho ông bà cười ra nước mắt.

Đứng trên bục gỗ cao Duyên thấy Quát ngồi ở bàn cuối cùng. Trong lần đi ăn trái cây ở Lái Thiêu anh có nói cho nàng biết là anh đổi ý chọn ban A thay vì ban C. Lúc đó trường Hồ Ngọc Cẩn chưa có ban C là ban văn chương; vì vậy nếu chọn ban C  anh phải chuyển sang học ở Chu Văn An hoặc Petrus Ký. Sợ sẽ không được thu nhận vào hai trường đó nên Quát phải đổi qua ban A để ở lại trường cũ. Tuy anh nói như vậy nhưng nàng hiểu lý do thầm kín tại sao Quát lại đổi ý. Anh không muốn xa nàng. Tình cảm của anh đối với nàng ngày một nhiều, một mạnh tới độ không thể rời xa cô giáo của mình. Riêng Duyên lại có ý nghĩ phức tạp và mâu thuẫn. Nàng muốn Quát đi học trường khác đồng thời lại muốn Quát cứ ở lại trường cũ. Nàng muốn ngày ngày, từ trong cửa sổ của phòng giáo sư được thấy Tiểu Đinh Hùng đứng lẻ loi trong góc của sân trường. Nàng muốn được nhìn thấy nụ cười của nhà thi sĩ nhỏ của mình lững thững bước vào lớp học ít nhất ba ngày một tuần.

– Trong chương trình Việt Văn của lớp đệ tam thời các em sẽ học về Chinh Phụ Ngâm Khúc. Đây là một áng văn chương được viết bằng Hán văn  mà tác giả là Đặng Trần Côn và bà Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ nôm. Trong các em có em nào đọc qua Chinh Phụ Ngâm Khúc chưa?

Cả lớp đều không có ai trả lời câu hỏi của cô giáo. Thật lâu mới có một học sinh đưa tay lên.

– Thưa cô em có đọc…

Duyên mỉm cười nhìn về chiếc bàn nơi cuối lớp.

– Quát đọc rồi hả. Vậy em hãy đọc lên cho cả lớp nghe một đoạn…

Liếc một vòng quanh lớp Quát cất giọng ngâm nga.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nữa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Nước thanh bình ba trăm năm cũ

Áo nhung trao quan vũ từ đây…

Sứ trời sớm giục đường mây

Phép công là trọng niềm tây sá nào…

Giơ tay ra hiệu cho Quát ngưng đọc xong Duyên cười lên tiếng.

– Có em nào có ý kiến hoặc câu hỏi về mấy câu thơ mà Quát đã đọc không?

An Mặt Ngựa rụt rè đưa tay lên.

– Dạ em… Thưa cô câu ” Thuở trời đất nổi cơn gió bụi...” Có phải là ông Đặng Trần Côn muốn nói tới chiến tranh phải không cô?

– An nói đúng. Chiến tranh xảy ra cho nên khách má hồng ý chỉ đàn bà phải chịu nhiều điều khổ sở như chồng phải đi lính, rồi việc ở nhà vợ phải đưa vai ra gánh vác. Có em nào có ý kiến gì nữa không?

Quát đưa tay lên thật nhanh. Tuy hơi ngạc nhiên song Duyên vẫn tươi cười nói.

– Em có ý kiến gì nữa Quát?

– Dạ… Em thấy mấy câu thơ khởi đầu của Chinh Phụ Ngâm Khúc có vẻ Tàu quá…

Duyên nhíu mày nhìn học trò của mình. Bắt gặp nụ cười tinh nghịch của anh, nàng biết là mình phải cẩn thận vì Quát sẽ tuôn ra những ý tưởng lạ đời.

– Lý do nào mà em nói mấy câu này có vẻ Tàu quá?

– Đọc kỹ mấy câu thơ này ta sẽ thấy là truyện có vẻ Tàu liền. Như câu Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt. Tràng thành này chắc thành Tràng An, kinh đô của nước Tàu chứ Việt Nam ta làm gì có Tràng Thành. Câu thứ nhì sẽ chỉ rõ hơn. Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. Cam Tuyền là một địa danh của Tàu. Cô đồng ý không?

Duyên im lặng. Nàng không đồng ý cũng không được bởi vì chính nàng cũng nhận thấy điều đó.

– Thưa cô… Bộ nước ta không có địa danh nào cho ông Đặng Trần Côn dùng hay sao mà ông ta phải dùng tới tên của Tàu như Tràng An, Cam Tuyền, Hàm Dương… Em nói Tàu là ở chỗ đó…

Cả lớp vỗ tay rào rào khiến cho Duyên phải giơ tay cho học trò im lặng. Thoạt đầu nàng hơi có vẻ sùng vì bị Quát bắt bẻ. Tuy nhiên sau đó nàng lại nãy ý nghĩ mới. Nhìn Quát nàng cười hỏi.

– Em chê thơ của ông Đặng Trần Côn có vẻ Tàu vậy em đổi được không?

Quát gật đầu liền dường như anh đã suy nghĩ chuyện này rồi.

– Em nghĩ em có thể. Tuy câu thơ mà em sửa nghe gượng ép nhưng lại không có vẻ tàu… Trống Đồng Cổ lung lay bóng nguyệt. Khói biên thùy mờ mịt thức mây. Chín tầng gươm báu trao tay. Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh. Nước thanh bình ba trăm năm cũ. Áo nhung trao Hưng Đạo từ đây… Hành động của Hưng Đạo Vương chỉ sông Hóa và nói một câu là: ” Không đánh tan giặc Nguyên thời không trở lại sông này...” là một hình ảnh đẹp và hào hùng vì nó tượng trưng cho lòng bất khuất và can đảm của dân tộc ta… So về danh tiếng và tài cán thời em nghĩ Hưng Đạo Vương xứng đáng cho chúng ta đem vào văn chương…

Mặc dù Duyên đưa tay lên ra hiệu song học trò vẫn vỗ tay tán thưởng thật lâu. Duyên cũng vậy. Nếu không đứng tại lớp học có lẽ nàng còn vỗ tay nhiều hơn.

– Hay lắm… Em còn gì để nói nữa không?

Duyên cười hỏi và Quát trả lời không rồi ngồi xuống. Chuông báo hiệu giờ ra chơi. Đợi cho học trò đi ra hết xong Duyên mới thong thả ra sau cùng. Tới cửa nàng thấy Quát đứng nơi cầu thang như có ý chờ mình.

– Em xin lỗi cô…

Quát lên tiếng và Duyên làm mặt nghiêm.

– Xin lỗi không chưa đủ. Em đáng bị cấm túc…

Quát nhìn cô giáo của mình rồi lát sau cười lên tiếng.

– Cô cứ việc cho em cấm túc nếu cô muốn…

Duyên mím môi để không cười. Thật lâu nàng mới nói nhỏ.

– Vậy là tuần tới nữa cô mời em đi cấm túc…

Xuống hết cầu thang Quát ngừng lại. Anh không lên tiếng chào từ giã mà cô giáo cũng làm thinh cúi đầu bước.

Thấy Chương chìa cho mình tờ giấy Quát hỏi liền.

– Cái gì dzậy?

– Giấy phạt cấm túc…

– Tao làm gì mà bị cấm túc. Ai phạt?

Chương cười hì hì.

– Cô Duyên…

Quát lập lại.

– Cô Duyên?

Chương gật đầu.

– Ừ… Cô Duyên phạt mày 4 giờ cấm túc thứ bảy tuần tới…

– Tao không ký. Tao có làm gì đâu mà bị phạt…

– Mày ký thời mày đi cấm túc. Mày không ký thời mày phải trình diện ông giám học rồi sau đó mày cũng đi cấm túc… Mà có thể tới hai kỳ cấm túc…

Nghĩ ngợi giây lát Quát cầm tờ giấy phạt và ký tên vào. Nó trợn mắt khi biết lý do mà cô Duyên phạt mình là không làm bài và nói chuyện trong lớp. Ký xong ngồi im anh cảm thấy buồn. ” Mình có làm gì đâu mà cô ấy phạt mình. Hay là cổ giận mình… Cổ hết thương mình…” Quát ứa nước mắt khi nghĩ tới đó nhưng anh cố gắng không khóc hoặc có cử chỉ khác lạ làm cho Chương để ý. Đợi cho thằng bạn đi khỏi anh mới lặng lẽ quay mặt nhìn ra cửa sổ. Hình ảnh cô Duyên với nụ cười, ánh mắt, màu áo dài vàng kiêu sa, mùi hương trên tóc lan tỏa dịu dàng trong trí não. Mình đệ tam rồi. lớn rồi không thể khóc. Quát lẩm bẩm. Dù cổ không còn thương mình cũng không sao. Mình cũng không còn gần cổ bao lâu nữa. Hai năm nữa thôi. Mình sẽ đi lính. Mình sẽ mất cô Duyên. Ba tiếng ” mất cô Duyên ” khiến cho Quát cảm thấy lòng quặn thắt, đầu óc trở nên trống rỗng và nước mắt tự nhiên ứa ra làm nhạt nhòa khung trời xanh ngoài cửa sổ.

Thứ bảy. 6 giờ rưởi sáng Quát uể oải chui ra khỏi mùng. Thấy em trai thức dậy sớm hơn thường lệ nhất là sáng thứ bảy Hương, chị hai của anh hỏi.

– Thứ bảy mà sao mày dậy sớm dậy?

Quát ngáp dài vặn mình mấy cái rồi trả lời nhát gừng.

– Đi học…

– Đi học… Mày mà đi học thứ bảy à…?

– Em bị phạt cấm túc…

Hương ré lên cười hắc hắc khi nghe em trai của mình trả lời.

– Đáng đời… Tao mà dạy mày tao còn cho mày cấm túc dài dài…

– Sức mấy…

Xúc miệng, chải đầu và thay quần áo thật nhanh, nhét cuốn tập vào túi quần sau Quát bước ra đường. Hôm nay anh phải đi xe buýt vì xe đạp bị xẹp bánh chưa vá được. Trong lúc đứng nơi trạm xe buýt gần nhà thờ anh cảm thấy vừa buồn vừa sùng cô Duyên. ” Mai mốt gặp mặt cổ mình đừng cười, đừng nói chuyện và đừng… đừng…” Vừa lẩm bẩm anh vừa leo lên xe. Ngồi trên băng cuối anh biết tuy nói vậy nhưng biết mình không thể làm được. Cô Duyên như có một sức hút vô hình mạnh còn hơn sức hút của quả đất nữa. Bởi vậy cô ấy mới hút mình rời khỏi mặt đất bay tới cô ấy. Quát nghĩ thầm rồi cười khi liên tưởng tới ông Newton với  thuyết vạn vật hấp dẫn. ” Ổng khác mình… Ổng nằm dưới gốc cây táo để ngắm táo rơi và tìm ra  sức hút của quả đất. Trong khi mình nằm dưới gốc mận chỉ thấy cô Duyên cười. Chỉ hình dung ra khuôn mặt, đôi mắt, mái tóc huyền của cô Duyên. Ổng khác mình… ” Quát ngồi im trong xe buýt suy nghĩ vẩn vơ. Xe ngừng nơi ngã tư Hàng Xanh. Anh lơ đãng nhìn ngắm quang cảnh nhộn nhịp của bến xe vào sáng thứ bảy. Mùi xăng nhớt nồng nặc. Khói bốc như sương mù. Tiếng rao hàng lanh lảnh. Xe ngừng nơi ngã tư. Quát xuống xe. Đường Lê Quang Định nhằm sáng sớm thứ bảy lưa thưa người đi. Theo cửa hông anh vào bên trong. Sân trường vắng lặng. Ghé qua phòng giám thị để biết mình phải ở phòng nào xong anh lẳng lặng lên lớp. Chừng mươi đứa học trò đủ mọi lớp ngồi rải rác. Quát hơi vui vì không nhận ra ai quen mình. Đi một mạch tới cái bàn trống cuối lớp anh ngồi xuống rồi rút cuốn tập ra để trên bàn đoạn cặm cụi viết.

– Dạ chào cô…

– Cô ơi…

Nghe tiếng nói chuyện lao xao Quát ngước lên nhìn sững sờ. Cô Duyên… Cô Duyên… Quát lẩm bẩm… Tà áo dài thướt tha. Vóc thân uyển chuyển. Nụ cười dịu dàng thay cho lời chào hỏi. Đứng nơi đầu bàn Duyên cười nói với học trò bị cấm túc.

– Tôi không bắt các em làm gì hết nhưng các em cần im lặng. Các em có thể đọc sách, học bài hoặc làm thơ hay viết văn…

Nói tới bốn tiếng ” làm thơ hay viết văn ” Duyên hơi mỉm cười nhìn xuống chiếc bàn nơi cuối lớp đoạn trở về chỗ ngồi của mình. Chừng mươi lăm phút sau Duyên ngước lên khi thấy Quát đang đứng đối diện với mình qua chiếc bàn giáo sư.

– Em cần chuyện gì dậy Quát?

– Dạ em làm luận văn. Xin cô chấm coi em được mấy điểm…

Quát đưa hai tờ giấy cho cô giáo. Duyên mở ra đọc và mỉm cười lắc lắc đầu. Tờ thứ nhất có bốn chữ ” Em xin lỗi cô…”. Nàng hơi mím môi lại như cố gắng không cười khi thấy trên nền giấy học trò trắng tinh của tờ thứ nhì vỏn vẹn có năm chữ thật lớn. ” Em nhớ cô… c… ô… ơ… i… ”. Ngước nhìn Quát giây lát xong nàng lấy viết vẽ số không và chua thêm hàng chữ:” Viết như vầy là sẽ bị cấm túc dài dài…”. Viết xong nàng trao trả bài luận văn cho học trò. Quát vừa đi vừa đọc vừa mỉm cười trở lại chỗ ngồi. Hai giờ cấm túc trôi qua chậm chạp. Tất cả học sinh ra sân chơi mười lăm phút chỉ trừ Duyên và Quát còn ngồi lại. Chờ cho học sinh ra hết xong nàng mới đi xuống cuối lớp chỗ Quát ngồi.

– Chắc em thắc mắc tại sao cô cho em cấm túc?

Quát gật đầu nhè nhẹ. Duyên cười hỏi tiếp.

– Chắc em giận cô lắm?

Quát im lặng không trả lời. Lát sau anh mới lên tiếng.

– Em có sùng cô nhưng bây giờ thời hết rồi… Trẻ con phải hết sức rộng lượng đối với người lớn…

Duyên mỉm cười. Nàng biết Quát đã dùng một câu trong truyện Le Petite Prince để nói với mình.

– Tại sao?

– Mặc dù bị cấm túc nhưng em hết giận cô. Được nhìn cô cười, được ở bên cô là em hết giận mà còn cám ơn cô nhiều…

Mặt hơi hồng lên khi nghe câu tán ngầm của học trò nhưng Duyên cố làm nghiêm.

– Cô cũng cám ơn em. Nếu không có em chắc cô sẽ chán vì phải ngồi bốn tiếng ở đây… Em có đem theo sách đọc không?

– Dạ không. Em tính viết…

Duyên mỉm cười nói với giọng nhẹ nhàng như  lời khuyên nhủ của người chị lớn đối với đứa em nhỏ dại của mình.

– Quát đừng viết như vậy nữa. Người ta biết được thời phiền phức lắm…

Ngừng lại Duyên nhìn học trò với cái nhìn mà cho mãi về sau này Quát vẫn còn nhớ.

– Cô biết Quát thương cô. Cô muốn Quát giữ kín tình thương đó ở trong lòng mình. Càng giữ kín chừng nào thời cái tình đó càng sâu đậm và bền vững. Cô cũng vậy…

Nói ba tiếng ” Cô cũng vậy ” thật nhỏ xong Duyên cúi đầu trở về bàn của mình. Ngồi yên soạn bài cho tuần tới nàng thỉnh thoảng thấy học trò húy hoáy viết rồi ngước lên nhìn mình mỉm cười. Đồng hồ chỉ 11 giờ Duyên rời chỗ ngồi. Nàng tò mò muốn biết Quát đang làm cái gì.

– Em làm gì dậy Quát?

– Dạ em làm thơ để đăng vào số báo xuân…

Duyên mỉm cười.

– Cô nghe nói em được bầu làm trưởng ban văn nghệ toàn trường…

Quát cười hắc hắc.

– Còn cô là giáo sư phụ trách văn nghệ của trường. Như vậy là mình phải hội họp với nhau nhiều lắm cô ơi…

Duyên lắc đầu cười gượng.

– Đúng ra đó là trách nhiệm của cô Phấn nhưng vì cô ta có thai nên ông giám học giao cho cô… Cô chưa bao giờ làm chuyện đó. Chắc cô phải thỉnh ý của em…

– Dạ em có tham gia vào vụ báo xuân nhưng cũng như cô em mới làm trưởng ban văn nghệ năm nay. Em với cô đều là lính mới…

Duyên bật cười vì tiếng ” lính mới ” của học trò. Đứng tựa vào tường, xoay người đối diện với Quát, nàng cười hỏi.

– Thường thường thời khi nào mình bắt đầu làm báo xuân?

– Dạ ngay bây giờ. Phần của em là cổ động học sinh viết bài. Phần cô là cổ động giáo sư viết. Ngoài ra cô phải viết bài cảm tưởng để đăng nơi trang đầu. Phần văn nghệ thời có thơ, truyện ngắn và tùy bút…

Cô giáo chưa bao giờ làm văn nghệ đứng chăm chú nghe học trò nói về chuyện làm đặc san Xuân của trường. Hai thầy trò mãi mê bàn luận cho tới khi nghe chuông reo báo hiệu giờ tan học.

– Em dìa trước đi. Cô còn phải gặp ông giám thị…

Quát chào Duyên xong theo cửa hông ra đường. Trời tháng 9 nắng chang chang khiến cho anh phải nhắm mắt lại. Từ trường ra tới chợ Bà Chiểu khá xa. Vừa đi anh vừa suy nghĩ vẩn vơ.

– Quát…

Nghe tiếng gọi Quát ngước lên thấy cô giáo đang ngồi xích lô giơ tay vẩy mình.

– Lên xe đi cô cho em quá giang về nhà…

– Dạ cám ơn cô… Em đi xe buýt dìa được…

Duyên trừng mắt nói như ra lệnh.

– Đừng có cãi lời cô. Em đi ngoài nắng coi chừng bịnh…

Ngần ngừ giây lát Quát mới bước lên xe. Nhích ra một bên nhường chỗ cho học trò xong  Duyên nói với ông đạp xích lô.

– Bác cho tôi dìa Thị Nghè. Bác chịu khó chở hai người tôi trả thêm tiền cho bác…

Ông đạp xích lô bằng lòng. Lúc chiếc xích lô bắt đầu lăn bánh Duyên cảm thấy ngay một điều bất ổn. Lòng xe chật hẹp lại thêm hai người ngồi thành ra càng chật chội hơn. Hể chật chội thời sinh đụng chạm và cọ sát. Sự cọ sát giữa hai người khác phái, giữa âm và dương sẽ tạo ra lửa. Hể có lửa là có nhiệt hay sức nóng. Duyên cảm thấy làn da đùi của Quát nóng dần dần lên, truyền qua làn vải quần mỏng manh của mình khiến cho người nàng cũng nóng theo rồi sau đó là cảm giác bàng hoàng, ngây ngất và lâng lâng như bị say rượu. Một thứ cảm giác mới lạ và kỳ diệu lần đầu tiên nàng mới cảm thấy. Len lén liếc Quát nàng thấy anh cũng ngồi co rút lại và da mặt đỏ lên như uống rượu, miệng há ra như bị thiếu không khí nên phải thở thêm bằng miệng. Bằng một cố gắng Duyên hơi trở người để mong làm cho lòng xe rộng hơn. Nhưng khi trở người xong nàng mới biết làm như vậy là nguyên cả cái mông của nàng chạm vào và đè nặng lên đùi của Quát. Đụng chạm này tạo ra sự kích thích mạnh mẽ hơn khiến cho nàng phải rùng mình nhắm mắt lại. Không biết trong đầu nàng có ý nghĩ gì mà nàng cảm thấy mặt nóng bừng lên và người như gây gây sốt. Nàng như nghe được tim của mình đập thình thịch và máu chạy rần rật trong cơ thể.

– Tới đâu rồi Quát?

Duyên lên tiếng và giọng của nàng như lạc đi. Không nghe học trò trả lời, quay qua nhìn nàng mới biết Quát cũng đang nhắm mắt lại và mặt đỏ ửng. Hai bàn tay của anh nắm chặt lại như đang phải chịu đựng một tình trạng căng thẳng cực độ. Hai cánh mũi phập phòng có lẽ vì thiếu không khí để thở hoặc anh đang bị ngạt thở vì mùi dầu thơm và mùi hương thân thể của cô giáo toát ra càng lúc càng mạnh và càng nhiều làm cho anh bị ngầy ngật nửa tỉnh nửa say. Theo sự dằn xóc của chiếc xích lô Duyên cảm thấy hai thân thể như bị dính chặt vào nhau và sự cọ sát hoặc nhúc nhích tạo thành một cảm giác kích thích cực độ khiến cho nàng phải trân mình chịu đựng. Đây là cảm giác mới lạ và kỳ thú nàng mới có được lần đầu tiên vì tuy đã hai mươi hai tuổi nàng chưa hề đụng chạm thân xác với bất cứ người đàn ông nào. Xe tới ngã tư Hàng Xanh rồi quẹo vào xa lộ mới xây và chưa tráng nhựa nên mặt đường không được thăng bằng và có nhiều lồi lõm. Chiếc xích lô dằn lắc, ngã nghiêng nên trong lòng xe hai thầy trò cũng phải ngã nghiêng theo. Nhiều lúc hai khuôn mặt gần sát nhau hoặc hai thân thể chạm nhau. Mới đầu Duyên còn dùng tay bấu vào thành xe sau đó mỏi tay quá nên nàng để mặc cho người ngã và tựa hẳn vào vai học trò.

– Em… có sao… hông Quát?

Giọng của Duyên rời rạc và Quát hổn hển lên tiếng trả lời cô giáo của mình.

– Dạ… mệt… còn hơn chạy nước rút trăm thước cô ơi…

Câu trả lời của Quát làm cho Duyên bật cười. Nhờ vậy mà mọi kích thích và căng thẳng trong lòng nàng được dịp xì ra cũng như cảm giác rạo rực và ngất ngây giảm đi cường độ. Nhìn học trò nàng cười nói đùa.

– Cô cũng vậy… Mai mốt mình đi xe buýt cho khỏe nghen Quát…

Quát cười hăng hắc.

– Dậy tuần tới cô cho em cấm túc nữa đi. Hết giờ cấm túc xong mình đi ra Lê Lợi ăn kem…

Duyên lườm học trò.

– Thôi đi đừng có xúi dại… Cô đâu có lý do gì mà cho em cấm túc…

Nói tới đó Duyên ngừng lại kịp lúc. Thấy học trò nhìn mình như chờ nghe nói tiếp Duyên cười lãng sang chuyện khác.

– Tới rồi…

– Dạ…

Quát chỉ cho ông đạp xích lô ngừng lại. Bước ra khỏi xe anh khom người vào cười nói với cô giáo của mình.

– Dạ cô dìa… Em cám ơn cô?

Duyên hỏi nhỏ.

– Cám ơn cái gì?

Quát cười không trả lời. Duyên đỏ mặt vì nụ cười nhiều ý nghĩa của học trò. Hơi ngước lên nàng nói với ông đạp xích lô.

– Bác chạy lẹ lên bác…

Xe vừa chuyển bánh nàng nhích người ngồi vào chính giữa. Nệm xe còn âm ấm làm cho nàng liên tưởng tới một điều khiến cho da mặt của nàng đỏ lên và cảm giác xuyến xao lại dâng lên trong lòng. Ngó về sau nàng thấy Quát còn đứng trơ vơ trên con đường đất đỏ. Quát đã đi song hơi nóng như còn lưu lại đâu đây trong tâm tưởng của nàng.

6

Trưa thứ bảy. Thư viện im vắng. Lưa thưa vài người ngồi đọc sách hay viết lách. Duyên ngồi im nơi cái bàn nằm khuất trong góc. Cuốn tập học trò được mở ra trước mặt. Trên trang giấy kẽ hàng đầy đặc chữ. Những khi nhàn rỗi nàng thường tới đây để soạn bài, đọc sách hay suy nghĩ. Sự im vắng và mát mẻ của thư viện làm cho nàng cảm thấy dễ chịu hơn ở nhà. Hôm nay nàng vào thư viện với mục đích nhờ không khí yên tịnh để suy nghĩ và viết lời tựa cho số báo xuân sắp tới. Chỉ còn gần hai tháng nữa tới tết do đó nàng cần viết cho xong càng sớm càng tốt. Cắm cúi viết một mạch xong ngừng lại vì mỏi tay nàng nghĩ viết cũng không khó lắm. Viết văn thời nàng chưa viết nên chưa biết nhưng viết lời tựa thời nàng nghĩ mình có thể làm được. Nàng mỉm cười nghĩ tới câu nói của Quát: ” Cô viết được và cô viết hay nhưng tại cô không chịu viết và nhất là tin tưởng vào khả năng của mình. Cô mơ mộng, lãng mạn và đam mê văn chương. Ba thứ đó là điều cần thiết để viết văn, làm thơ hay nói chung là sáng tạo. Nó đẩy tưởng tượng của mình vượt qua khỏi giới hạn thường tình...”. Quát còn trẻ mà nhiều khi nói chuyện như ông cụ non. Duyên bật lên tiếng cười khẽ song vội đưa tay bụm miệng khi nhớ ra mình đang ở tại thư viện chứ không phải nhà riêng. Nàng dạy cho Quát nhiều điều song ngược lại nàng cũng học được nhiều thứ ở đứa học trò đặc biệt này. Biết Quát rất ngưỡng mộ Đinh Hùng cho nên một lần nàng hỏi học trò về chuyện Đinh Hùng hút thuốc phiện. Câu trả lời của đứa học trò 17 tuổi và đang học đệ tam khiến cho nàng phải suy nghĩ. ” Thi sĩ Đinh Hùng nói riêng hay nghệ sĩ nói chung, là những người khác thường. Do đó mọi phê phán dựa vào nhân sinh quan bình thường của thiên hạ để mà xét đoán thời hơi khắt khe nếu không muốn nói thiển cận. Em thích thơ Đinh Hùng bởi vì thơ của ông có nhiều ý tưởng và ngôn từ thật lạ lùng. Chẳng hạn như câu ” Ta gần em mê từng ngón bàn chân…” Hay như câu thơ ” Em đài các lòng cũng thoa son phấn…” Duyên nhớ khi nói câu này Quát nhìn vào mặt mình và mỉm cười. Nàng còn nhớ cảm giác lao đao, hụt hẫng vì nụ cười của Quát…

Đang chìm đắm trong suy nghĩ và mơ mộng, nghe tiếng tằng hắng Duyên ngước lên. Quát… Đồng phục Hồ Ngọc Cẩn, mắt ẩn ước nụ cười tươi vui, tay thọc túi quần, Quát đang nhìn nàng bằng tia nhìn tinh nghịch và âu yếm.

– Đi đâu dzậy?

Duyên thì thầm. Quát nói nhỏ vừa đủ cho cô giáo nghe.

– Dạ thư viện…

Chỉ cái ghế ra dấu cho học trò ngồi xuống Duyên hỏi tiếp.

– Để làm gì?

Ngồi xuống ghế, liếc một vòng không thấy ai Quát cười nhẹ. Mở cuốn tập ra Quát viết nhanh.

– Để làm thơ. Đọc sách. Viết truyện. Và để gặp cô…

Hiểu ý học trò muốn bút đàm để khỏi làm phiền người lân cận Duyên viết.

– Đừng có xạo nghen… Muốn bị ký đầu hông?

Quát nhăn răng cười. Đưa cuốn Pilote De Guerre của Antoine de Saint-Exupéry ra trước mặt cô giáo, Quát cười hạ bút.

– Em đọc quyển này… Hơi khó nuốt nhưng em nhớ lời cô dạy nên…

Duyên cười sung sướng nhìn học trò của mình.

– Em mà nghe lời cô thời cô cám ơn…

Dừng lại ngẫm nghĩ giây lát nàng mới viết tiếp.

– Nghe lời thời cô thương…

– Nhiều hay ít…

Duyên lắc lắc mái tóc hơi uốn quăn của mình.

– Thương được rồi… Đừng đòi hỏi nhiều quá…

– Cô mới uốn tóc?

– Hôm qua. Em thích hông?

– Thích nhưng em mê mái tóc huyền của cô hơn… Mấy giờ rồi cô?

Duyên đưa tay lên xem đồng hồ.

– 12 giờ. Chi vậy?

– Em mời cô đi ăn kem

– Cô trả tiền nghe… Em đã bao cô ăn sầu riêng rồi…

Quát cười viết gọn.

– Mời cô đi trước…

Hai thầy trò đứng dậy và song song ra cửa. Nắng gần cuối tháng 11 óng ánh đọng trên tàng cây me. Sài Gòn vào mùa này đẹp vì bớt nóng và không có mưa. Hôm nay Duyên không mặc áo dài. Chiếc quần dài bằng kaki may thật khéo. Áo thun hở cổ ôm gọn thân hình mảnh mai khiến cho Quát nhìn lén hoài.

– Nhìn gì dzậy. Bộ lạ lắm sao?

Thấy học trò liếc mình hoài Duyên cười vặn. Từ khi Quát lên đệ tam nàng đối xử với học trò khác hơn ở lớp đệ tứ. Thứ nhất hai bên thân thiết nhiều hơn và nhất là cậu học trò của nàng lớn hơn. Quát lớn thấy rõ. Chỉ có mấy tháng mà anh cao hơn cô giáo của mình cái đầu.

– Cô lạ lắm… Mỗi lần gặp cô em thấy cô lạ. Mai mốt em đi lính lâu gặp cô chắc em nhìn cô không ra…

Duyên thở dài.

– Em tính đi lính thiệt hả Quát?

– Dạ… Em không muốn nhưng nhiều khi mình bắt buộc phải làm điều mà mình không muốn. Em muốn nói mình không có chọn lựa hoặc là một chọn lựa bị bắt buộc…

Duyên mỉm cười khi nghĩ Quát nói chuyện như người lớn. Tuy nhiên cười chưa trọn vẹn nàng lại ứa nước mắt khi nghĩ tới lúc Quát đi lính, tới lúc hai thầy trò phải chia lìa và xa cách. Nàng cũng biết trước sau gì hai người cũng phải xa nhau. Nếu không đi lính, học xong tú tài rồi Quát cũng phải rời xa trường Hồ Ngọc Cẩn. Nàng không thể giữ mãi đứa học trò mà nàng quí mến bên cạnh mình. Con chim lớn lên phải rời tổ. Nàng biết điều đó nhưng lại nghe lòng bồi hồi. Dường như nàng cảm thấy chuyện Quát đi lính có dính dáng ít nhiều tới mình. Dường như Quát thất vọng điều gì.

– Nếu nói như em thời chuyện em đi lính là một chọn lựa, một tình nguyện…

Duyên nhấn mạnh câu nói của mình. Quát quay qua nhìn cô giáo của mình rồi chầm chậm lên tiếng.

– Em đi lính là một chọn lựa được thúc bách bởi hoàn cảnh. Em đi lính là một sự tình nguyện-bắt buộc…

Duyên nhíu mày rồi cười đùa.

– Em đừng có ngụy biện. Em nên nhớ cô là giáo sư Việt Văn của em…

Quát bật lên tiếng cười rồi ngừng lại nơi ngã tư chờ qua đường.

– Cô biết thầy Doãn Quốc Sỹ không cô?

– Biết… Cô có nói chuyện với ổng về những cuốn sách mà ổng đã viết…

– Trong các giáo sư Việt Văn thời em thích cô nhất rồi tới thầy Sỹ…

Duyên liếc nhanh học trò.

– Em thích cô vì lý do gì?

Quát không trả lời. Mắt anh nhìn đăm đăm vào con đường đông đúc xe cộ.

– Thứ nhất cô là con gái… Thứ nhì cô giảng bày hay. Thứ ba cô đẹp, duyên dáng và hiền…

– Có bao nhiêu đó thôi à?

Duyên hỏi dò. Quát gật đầu nhìn xuống lề đường đầy tàn thuốc lá và giấy báo.

– Có thể có thêm vài điều khác mà em chưa nghĩ ra… Mình qua đường đi cô… Cô có cần em nắm tay dẫn cô băng qua đường hông cô…

Quát hỏi trong tiếng cười và Duyên vừa bước vừa trả lời.

– Cám… ơn…

Nàng kéo hai tiếng cám ơn ra thật dài trong lúc bước qua đường.

– Em muốn ăn kem ở đâu?

– Ở đâu cũng được… Với em người ngồi ăn quan trọng hơn…

Duyên liếc học trò. Nét mặt tư lự và đăm chiêu của Quát làm cho nàng thấy buồn. Nàng không hiểu tại sao mình lại tỏ ra quan tâm tới nó. Thương hại vì nó không có cha. Quí mến vì nó dễ thương và hợp tính với nàng. Còn lý do nào khác hơn nữa. Duyên lục lọi lòng mình để tìm ra lý do. Nàng biết phải có lý do nào khác hơn. Có thể là sự đồng điệu. Có thể là sự thông cảm. Có thể là sự hiểu biết. Phải có lý do nào đó mới khiến cho nàng quan tâm tới cậu học trò của mình dù hai bên có nhiều khác biệt về tuổi tác và địa vị trong xã hội. Nàng là giáo sư và Quát là học trò. Học trò thời cũng được đi nhưng oái oăm Quát lại là học trò của nàng. Rắc rối nằm ở chỗ đó. Duyên miên man suy nghĩ cho tới lúc bước vào tiệm kem.

– Em viết gì cho báo xuân hả Quát?

Duyên tìm cách gợi chuyện vì nàng không muốn im lặng.

– Dạ em viết một truyện ngắn…

Múc muỗng kem bỏ vào miệng Duyên cười nói.

– Truyện ngắn giống như truyện ” Cô Học Trò Hàng Xóm ” hả. Cô thích truyện đó… Cô thích thứ tình cảm thơ mộng và lãng mạn…

Quát cười chúm chiếm.

– Truyện này còn thơ mộng và lãng mạn hơn nhiều. Em biết cô sẽ thích…

– Tên gì?

Quen nhau và nói chuyện với nhau hoài nên Duyên bị lây bởi cách nói chuyện của học trò. Nàng cười ra nước mắt khi Quát nói đó là sự truyền nhiễm của tình cảm.

– Cô giáo sư của tôi…

Thấy Duyên trợn mắt và há miệng nhìn mình Quát muốn cười mà không dám cười vì thấy hàm răng trắng đều đặn và miếng kem nằm trên cái lưỡi xinh xinh của cô giáo.

– Cái gì?

Duyên hỏi với giọng thảng thốt như không tin lời của học trò.

– Viết xong chưa?

– Dạ xong rồi cô…

– Đâu đưa cô coi… Em nên nhớ là cô có quyền kiểm duyệt…

Quát cười hắc hắc. Nghe giọng cười Duyên biết là học trò xạo. Quát có hai giọng cười khác nhau. Nghe quen rồi nên nàng có thể nhận ra giọng cười nào biểu lộ Quát nói thật và giọng cười nào tỏ ra anh xạo.

Nhìn cô giáo đang ngồi đối diện qua chiếc bàn hẹp Quát nói với giọng buồn nhiều hơn vui.

– Hù cho cô sợ chơi chứ chuyện cô giáo sư của em em không muốn cho ai biết. Nó không thể san sẻ hay tiết lộ…

– Cô cũng nghĩ như vậy. Nó là cái hiếm quí nhất đời mình thời tại sao lại chia xẻ với người ta…

Múc muỗng kem bỏ vào miệng Quát nhìn cô giáo.

– Cô biết bài thơ ” Tình Tuyệt Vọng ” hông cô?

Duyên nhíu mày. Nàng biết tuy là giáo sư Việt văn nhưng chuyện thuộc thơ văn thời nàng còn thua xa Tiểu Đinh Hùng. Tuy nhiên tự ái không cho phép nàng nói không biết do đó nàng phải trả lời lửng lơ con cá vàng.

– Cô biết nhưng không nhớ hết…

– Dạ đây là bài thơ tiếng Pháp của tác giả nào thời em không nhớ tên nhưng được dịch ra tiếng Việt như vầy.

Lòng tôi chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hởi ơi người đó tôi đây

Sao tôi thui thủi đêm ngày chiếc thân…

Dẫu tôi đi trọn đường trần

Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi

Người dù ngọc thốt hoa cười

Nhìn tôi như thể nhìn người không quen…

Quát đọc tới đó thời Duyên gật đầu nói nhỏ. Giọng của nàng như nghẹn đi.

– Cô nhớ bài này rồi. Bài thơ buồn lắm… Theo cô nghĩ tình tuyệt vọng là tình yêu đẹp nhất, thơ mộng nhất và lãng mạn nhất…

– Nhưng cũng đau khổ nhất…

Quát phụ họa và Duyên gật đầu như đồng ý.

– Cô đồng ý với em. Hạnh phúc và đau khổ là hai mặt của tình yêu…

Nói tới đó Duyên bỗng bật cười.

– Hai đứa mình nói chuyện tình yêu mà hổng có đứa nào biết yêu hết chơn hết chọi…

– Sao cô biết em chưa biết yêu…

Quát nói trong lúc mắt nhìn ra đường Lê Lợi. Duyên hỏi dò trong lúc nhìn vào mặt học trò.

– Em yêu ai đâu nói ra cho cô nghe đi…

Quát nín lặng rồi lấy muỗng gõ vào ly kem và ngâm nga. Giọng của anh nghe thật buồn.

Lòng tôi chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hởi ơi người đó tôi đây

Sao tôi thui thủi đêm ngày chiếc thân…

Dẫu tôi đi trọn đường trần

Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi…

Ngừng lại nhìn cô giáo, Quát cười hỏi.

– Cô ơi cô biết bài Kỳ Nữ của Đinh Hùng hông cô?

Duyên lắc đầu cười. Ở một lúc nào đó nàng thích cái ngông của Quát, cái tốc kê kỳ quái của học trò.

Ta thường có những buổi sầu ghê gớm

Ở bên em ôi biển sắc rừng hương

Em đến đây như đến tự thiên đường

Những buổi đó ta nhìn em kinh ngạc…

Duyên cúi xuống mỉm cười làm bộ múc kem khi thấy học trò nhìn đăm đăm vào mặt của mình.

Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly

Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ

Ta trông đó thấy trời ta mơ ước…

Thấy cả bóng một vầng đông thưở trước

Cả con đường sao mọc lúc ta đi

Có chiều xương mây phủ lối ta về

Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ

Ta run sợ cho yêu là mệnh số

Mặc tay em định hộ kiếp nghìn sau

Vì người em có bao phép nhiệm mầu

Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc…

Duyên cúi đầu xuống thấp. Bên tai nàng văng vẳng tiếng đọc thơ buồn, khàn khàn nằng nặng nước mắt của học trò. Nàng hơi mỉm cười khi nghe câu ” một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc…”

Ngước lên nhìn thấy nụ cười của học trò. nàng cười hỏi một câu.

– Nếu cô có một điều yêu cầu…

Nhận thấy mình dùng chữ có lẽ không được chuẩn lắm nên nàng cười sửa lại.

– Nếu cô có một điều xin thời em có ưng thuận hông Quát?

Quát nhìn cô giáo với ánh mắt như muốn đọc được ý nghĩ.

– Điều gì cô cứ nói. Nếu làm được em sẽ làm…

Duyên nhẹ lắc đầu. Nàng nhìn Quát bằng ánh mắt như van nài và cầu khẩn khiến cho anh bối rối không biết đối phó ra sao. Giọng của nàng nửa vòi vĩnh nửa van xin.

– Hông. Quát phải ưng cô mới nói…

Im lặng giây lát Quát mới lên tiếng.

– Em hứa. Cô nói đi cô…

– Nếu em muốn đi lính thời cô xin em nên suy nghĩ lại. Em nên bàn với cô trước…

Thấy Quát nhìn mình, nàng cười buồn.

– Cô không muốn mất em… Cô không muốn em chết…

Quát rơm rơm nước mắt. Anh hiểu được sự lo âu và mối quan tâm của cô giáo. Ngoài má và ba người chị ra anh còn có thêm được một người lo lắng cho mình.

– Em hứa với cô…

Múc một muỗng kem bỏ vào miệng Quát cười cười.

– Cô khôn lắm nghen… Cô gài em vào thế kẹt…

Duyên bật cười hắc hắc. Dường như nàng lấy làm thích thú khi gài được học trò vào cái thế kẹt.

– Cô phải giả vờ ngây thơ mới lừa được một kẻ khôn ngoan như em…

Nói xong Duyên lại cười khi nhìn thấy nét mặt ưng ửng đỏ của học trò. Liếc đồng hồ nàng nói nhỏ.

– 2 giờ rồi. Cô phải đi dìa…

Trả tiền xong hai thầy trò ra cửa. Đứng nơi hàng ba nhìn người qua lại xong Duyên lên tiếng.

– Thôi cô dìa. Em dìa Thị Nghè còn cô dìa Tân Định… Em đi xe buýt hả?

Quát cười hắc hắc.

– Dạ em đi xe buýt trừ khi nào cô cho em quá giang xích lô với cô…

Duyên đỏ mặt lắc đầu đùa bằng hai câu thơ.

– Em đi đường em tôi đường tôi. Tình nghĩa hai ta có thế thôi…

Thấy Quát trợn mắt nhìn mình nàng cười thánh thót chui vào lòng xe xích lô đang chờ. Quát lắc đầu đứng trông theo chiếc xích lô khuất dạng trong rừng xe cộ của Sài Gòn vào một buổi chiều thứ bảy. Tự nhiên anh cảm thấy buồn thật nhiều. Tự dưng anh ứa nước mắt. Đứng trên hàng ba đầy người đi lại anh lẩm nhẩm đọc.

Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hởi ơi cô đó em đây

Sao em thui thủi đêm ngày chiếc thân…

Dẫu em đi trọn đường trần

Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi

Cô dù ngọc thốt hoa cười

Nhìn em như thể nhìn người không quen…

7

       Dù không phải là thí sinh nhưng Duyên cũng nôn nóng chờ đợi nhà trường niêm yết danh sách thí sinh đậu tú tài 1. Nàng không phải nôn nóng cho mình mà quan tâm tới Quát. Dường như bằng linh cảm nàng biết Quát sẽ đậu và anh sẽ tình nguyện đi lính. Cứ nghĩ tới ba tiếng ” Quát đi lính ” nàng lại buồn. Nàng không biết tại sao mình buồn. Chỉ nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ không được nghe giọng nói, không được thấy dáng đi lừng khừng và ánh mắt u ẩn với nụ cười truyền nhiễm tình cảm của Quát, nàng thở dài muốn khóc. Quát đi lính rồi nàng sẽ không có ai để nói chuyện văn chương. Không có ai để cùng nhau bút đàm ở thư viện. Nàng sẽ không có ai làm cho nàng giận, chọc cho nàng cười. Rồi ngày chờ đợi cũng tới. Không thể và cũng không có lý do để chen lấn với đám học trò nên Duyên đành đứng nơi phòng giáo sư ngó ra. Cuối cùng nàng thấy Quát. Hai tay thọc túi quần, đầu hơi cúi nhìn xuống, Quát chậm rãi bước trên sân trường lưa thưa bóng học sinh vì nhằm vào ba tháng bãi trường. Dáng đi lừng khừng và đầu hơi cúi nhìn xuống đất đó lũ học trò gọi đùa là lượm bạc cắc. Duyên mỉm cười khi thấy Quát nhìn về phòng giáo sư. Dường như thấy nàng đưa tay vẩy vẩy nên anh thong thả đi lại.

– Quát đậu rồi phải hông?

Quát trả lời bằng cái gật đầu và nụ cười buồn như xác nhận.

– Cô mừng cho em…

Duyên nói mừng mà lòng nàng ủ ê.

– Lát nữa mình đi ăn kem nghen…?

Duyên hỏi cho có chuyện vì thấy học trò im lặng  không nói lời nào cả.

– Dạ thôi… Em phải dìa nói cho má em biết. Hổm rày má em lo lắm…

Duyên gật đầu mặc dù nàng muốn mời Quát đi chơi và nói tới chuyện khiến nàng phải bận tâm là chuyện Quát sẽ đi lính sau khi thi đậu. Đứng nhìn theo bóng dáng gầy gầy và dáng đi lừng khừng nàng lẩm bẩm.

– Người như thế mà đòi đi lính… Thư sinh trói gà không chặt mà đòi đi lính…

Đang ngồi nói chuyện với ba má nơi tràng kỹ Duyên hơi cau mày khi thấy bóng dáng quen quen của Quát đi ngang cổng nhà mình. Xin lỗi ba má, nàng bước ra đường.

– Quát…

Duyên gọi lớn và Quát quay lại cười.

– Dạ cô…

– Em kiếm cô hả?

– Dạ…

– Sao em không vào nhà?

Quát cười gượng.

– Dạ em sợ ba má cô rầy…

Bật cười Duyên đùa một câu.

– Đã sợ thời đừng đến. Đã đến thời đừng sợ. Em vào nhà hông?

Quát cười nhìn cô giáo của mình.

– Đã đến thời phải vào. Đã vào thời phải ở chơi tới khi ba má cô đuổi. Cô chịu hông?

Duyên cười thánh thót khi nghe cậu học trò nhái lại câu nói của mình.

– Cô rất vui mừng và hân hạnh có một đứa học trò hay chữ như Quát…

Cả hai đi vào nhà. Quát cúi chào ba má cô giáo. Chỉ Quát, Duyên nói với ba má của mình.

– Thưa ba má. Quát là học trò của con. Quát sắp đi lính nên tới đây gặp con để từ giã…

Ba má Duyên nói mấy câu xã giao xong lui vào nhà trong nhường chỗ cho thầy trò tự do nói chuyện.

– Má em chắc mừng khi em thi đậu hả?

– Dạ mừng mà cũng buồn…

– Cô cũng vậy. Tại sao em muốn đi lính hả Quát. Nói thật cho cô nghe đi. Đừng giấu cô điều gì hết…

Nghe giọng nói van nài của Duyên, Quát tỏ vẻ bối rối. Cuối cùng anh thong thả lên tiếng.

– Em phải đi lính vì nếu em có học thêm cũng chẳng đi tới đâu. Má em nghèo không có tiền cho em học đại học. Em đi lính thời má em khỏi phải nuôi em. Hơn nữa em còn có tiền để cho má em dưỡng già…

Duyên có nhiều điều muốn tỏ bày để ngăn Quát bỏ ý định đi lính. Nhưng khi nghe anh nói như vậy nàng im lặng luôn.

– Em cũng buồn khi phải đi lính…

– Cô cũng buồn như em…

Duyên thở dài sau khi nói. Nhìn nét mặt dàu dàu của cô giáo, Quát gượng cười nói đùa một câu.

– Phải hông… Hay là cô mừng vì từ nay hổng có em chọc cô nữa, hổng làm phiền cô nữa…

– Quát nói như vậy mà nói được à… Cô thích có một đứa em trai như Quát…

Nói xong Duyên cười chúm chiếm. Từ khi biết Quát sẽ đi lính nàng nhũ thầm trong lòng là mình phải chấp nhận một chia tay dù sớm hay muộn. Do đó nàng gượng vui, muốn vui rồi sau đó có buồn cũng được. Liếc nhanh vào nhà trong không thấy bóng ba má Duyên nói nhỏ vừa đủ cho học trò nghe.

– Mình đi ciné nghen Quát. Rạp Văn Hoa ngoài đầu ngõ nhà cô…

Duyên nhận thấy ánh mắt của học trò sáng lên nét mừng rỡ.

– Em muốn đi hông?

Duyên hỏi và Quát hấp tấp trả lời.

– Dạ muốn… Em muốn mời mà sợ cô giận… Mà cô phải để em bao cô…

Duyên gật đầu không cãi lại.

– Quát bao cô rồi một hồi cô bao em ăn thạch chè Hiển Khánh… Để cô vào thưa với ba má và thay quần áo…

Ngồi chờ giây lát Quát lặng lẽ bước ra sân. Cây nhãn già cỗi khẳng khiu. Hai chiếc võng căng song song với nhau. Bỗng dưng anh cảm thấy buồn. Rồi đây anh sẽ không được nhìn thấy cô Duyên nữa. Không được nghe tiếng cười, giọng nói. Không được ngửi mùi hương từ mái tóc dài. Anh ước gì mình không lớn và cứ học mãi lớp đệ tứ với cô Duyên.

– Mình đi chưa Quát?

Quát ngước lên. Duyên đọc trong ánh mắt của học trò một vẻ gì như đắm đuối mà pha trộn với buồn rầu và hối tiếc. Khuôn mặt u ẩn buồn, nụ cười ẩn ước nước mắt hay một lời nói gì mà nàng không biết. Quát lớn rồi và anh phải rời tổ ấm để lăn vào đời. Hai thầy trò đi song song với nhau và không ai nói với ai lời nào mà chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau cười. Vài người trong xóm ngó Duyên với vẻ tò mò nhưng nàng làm lơ. Ra tới đầu ngõ quẹo trái chừng vài chục bước cả hai dừng lại trước cửa rạp Văn Hoa. Quát mua vé rồi cả hai im lặng đi vào. Phim đang chiếu dở dang nên rạp tối hù. Họ phải đứng một lúc cho mắt mình quen với bóng tối mới thấy được mờ mờ.

– Tối thui Quát…

– Dạ cô coi chừng té. Hay là cô đưa tay ra cho em nắm để em dẫn cô đi…

Duyên đưa tay ra và Quát nắm lấy bàn tay của cô giáo để đi tìm chỗ ngồi. Quen nhau từ năm đệ tứ cho tới bây giờ là đệ nhị, lần đầu tiên hai người mới nắm tay nhau. Nàng cảm thấy bàn tay của Quá run rẩy, ươn ướt mồ hôi rồi sau đó nóng lên dần dần. Bàn tay của Quát thật mềm, ấm và như có điện vì nó hút lấy bàn tay mình và giữ chặt lại không rời.

– Mình ngồi đây nghen cô. Chỗ này vắng…

Mỉm cười trong bóng tối Duyên nghĩ thầm: ” Đi xem phim chứ hẹn hò sao mà tìm chỗ vắng…”. Nghĩ tới chuyện hẹn hò nàng đỏ mặt và hồi hộp vì đi ciné chính là ý kiến của nàng. Dường như ý nghĩ hẹn hò với Quát đã có sẵn đâu đó trong tâm tưởng của nàng và nó chỉ chờ một cơ hội thuận tiện để bộc lộ. Nàng để yên cho Quát dìu mình ngồi xuống ghế. Lạ một điều là anh vẫn còn nắm tay nàng cho tới khi ngồi xuống một lúc lâu mới chịu buông ra. Lạ một điều là nàng vẫn để yên cho học trò nắm tay mà không chịu rụt tay lại. Lạ một điều là cả hai đều nhìn nhau mỉm cười vui vẻ như không ai làm phật lòng ai.

– Em đi ciné hoài hả Quát?

Duyên hỏi trong lúc quay đầu qua nhìn Quát. Nàng quên là mình vào đây để xem phim chứ không phải để nói chuyện. Dường như nàng chỉ mượn cớ đi ciné để có được những giây phút riêng tư với Quát trước khi anh đi lính.

– Dạ thỉnh thoảng… Em thích đọc sách hơn…

– Cô cũng vậy… Cô thích đêm mưa nằm ăn đậu phọng rang và đọc sách…

Quát cười nhỏ. Trong bóng tối anh thấy lờ mờ khuôn mặt của Duyên với đôi mắt đen long lanh.

– Cô ơi tại sao cô không có bồ hả cô?

– Cô không biết… Có lẽ chưa tới lúc…

– Cô không sợ già sao cô…

Duyên im lặng rồi lát sau mới thở dài.

– Sợ chứ… nhưng bảo phải đi tìm người để yêu và làm vợ họ thời cô không thích…

– Cô không thích hạ mình?

Duyên mỉm cười và Quát hiểu là cô giáo cũng nghĩ như vậy. Quay mặt trong lúc nhìn cô giáo Quát cười.

– Cô thích làm nữ hoàng…

– Quát nói gì cô không hiểu…

– Dạ em muốn nói là cô muốn được người yêu tôn thờ và kính trọng trước. Phải có kính trọng thời người ta mới quí mình…

Duyên bật thành tiếng cười thánh thót. Quay nhìn học trò nàng thấy anh cũng đang nhìn mình mỉm cười.

– Quát làm thầy bói giỏi hén… Mà sao em lại nghĩ đúng như cô… Cô chờ tình yêu đến…

– Cô định chờ một cơ duyên hay một tình cờ đưa đẩy hả cô?

Duyên cười gật đầu mặc dù trong bóng tối chưa chắc Quát đã thấy được cái gật đầu của nàng.

– Có thể là như vậy… Em nghĩ có cơ duyên không Quát?

– Dạ em nghĩ là có. Nhưng nhiều khi cơ duyên tới chậm quá. Lúc đó mình già rồi cô…

Dường như muốn đổi đề tài nên Duyên nói nhỏ vào tai học trò.

– Em đi mua đậu phọng đi…

Quát gật đầu đứng lên. Vừa đi được một bước anh quay đầu lại dặn.

– Cô ngồi đây. Cô đừng đi bậy bạ nghen…

Duyên cười khẽ.

– Ừ lẹ lên. Cô ngồi đây chờ em… Em làm như cô còn nhỏ lắm sao mà phải dặn dò…

Quát cười khom người thì thầm vào tai cô giáo.

– Em sợ mất cô…

Duyên cảm thấy mắt mình cay cay. Nàng không hiểu tại sao mình lại khóc. Nàng không có lý do gì để phải rơi nước mắt khi sắp chia tay với đứa học trò. Rồi nó sẽ quên. Rồi nàng cũng sẽ quên. Không có ai nhớ mãi thứ tình cảm mong manh như tình thầy trò giữa nàng với Quát. Không ai có thời giờ để hoài niệm chút tình cảm nhạt hờ. Nàng phải sống, phải trôi theo dòng chảy của đời. Như mọi người con gái khác, nàng cũng phải có chồng, có con và có gia đình để lo âu. Nàng không có thời giờ để nghĩ và để nhớ về một đứa học trò được quan tâm chỉ vì chút lòng thương hại hay chút tình cảm lãng mạn của mộng mơ tuổi trẻ.

Mươi phút sau Quát trở lại. Vì là ngày thường và nhằm buổi trưa nên rạp vắng người. Hai thầy trò thủ thỉ trò chuyện. Họ xem phim thì ít mà ăn uống và cười đùa với nhau nhiều hơn.

– Đậu phọng hết rồi Quát ơi. Em ăn hết phần của cô rồi…

Duyên cười đùa. Dường như khung cảnh vắng  người và trong bóng tối làm cho nàng bạo dạn hơn, buông thả và phóng túng hơn. Quát đưa bịch đậu phọng ra. Duyên thò tay vào bóc thời cùng lúc Quát cũng thò tay vào và đụng nhằm tay của Duyên. Không hiểu nghĩ sao anh nắm lấy bàn tay của nàng và nàng cũng để yên không rụt lại. Không phản kháng còn có nghĩa là đồng tình và ưng thuận. Duyên hiểu điều đó hơn ai hết. Phần Quát liếc thấy Duyên đang mỉm cười mắt nhìn lên màn ảnh. Thật lâu Quát khẽ thở dài lấy tay của mình ra cũng chăm chú nhìn lên màn ảnh. Đột nhiên anh nghe tiếng thì thầm của Duyên vang nho nhỏ bên tay của mình.

– Em thích nắm tay cô hả Quát?

– Dạ thích…

Quát trả lời với giọng ngập ngừng. Duyên bậm môi như cố gắng lắm để cho lời nói không thoát ra nhưng cuối cùng nàng cũng phải nói.

– Em biết em đi lính là em sẽ không còn gặp cô nữa…

– Dạ biết…

– Em biết là cô cũng sẽ và phải lấy chồng…

Giọng Quát nghẹn lại như có cái gì chẹn ngang khí quản của mình.

– Dạ biết…

Im lặng thật lâu Quát mới từ từ lên tiếng. Duyên nghe giọng nói của học trò nặng như có chất nước mằn mặn.

– Em cầu mong cô được hạnh phúc… Chắc em không đi dự đám cưới của cô được…

Duyên đột ngột nắm lấy bàn tay của Quát và từ từ xiết chặt lại với tất cả sức mạnh mà nàng có thể có được trong lúc này. Năm móng tay dài nhọn và sắc của nàng bấu gần lủng da bàn tay của Quát nhưng anh cảm thấy sự đớn đau không nhiều lắm vì có thứ khác đau hơn. Cái xót nhức của tình si làm anh ứa nước mắt và hai giọt nước mặn từ từ chảy âm thầm trên mặt.

– Em khóc hả Quát?

– Sao cô biết em khóc?

– Cô cảm như vậy. Phải có cái gì mới làm em khóc… Cô biết em lì lắm…

Duyên không nói tới hai tiếng yêu thương nhưng vẫn đủ nghĩa để cho Quát hiểu nàng muốn nói điều gì. Giữa hai người đâu có cái gì để cho họ khóc, họ đau ngoại trừ tình yêu. Quát rùng mình khi bàn tay của cô giáo sờ soạng trên mặt mình như để biết mình có khóc hay không.

– Cô xin lỗi em…

Quát muốn nói. Nói thật nhiều. Muốn tỏ bày nỗi lòng của mình cho Duyên biết nhưng không hiểu sao anh lại không thể thốt thành lời. Dường như có cái gì khúc mắc. Có cái gì trắc trở trong tình cảm mà anh dành cho cô giáo của mình. Có một chút, một chút thôi nhưng cũng đủ để làm thành giới hạn phân chia anh và Duyên mỗi người phải đứng bên bờ của mình. Có thể nhìn nhau, thấy nhau, cảm thông nhưng không thể vượt qua lằn ranh đã được định sẵn. Anh với Duyên có thể làm gì cũng được, từ trò chuyện, đi chơi với nhau, cười đùa với nhau song không thể nào yêu nhau, lấy nhau, nghĩa là bước qua khỏi lằn ranh mà con người đã vạch ra. Nhìn mái tóc đen mờ, nhìn ánh mắt long lanh, nụ cười phô hàm răng trắng, cảm thấy sự mềm ấm của bàn tay đang bấu chặt mình không chịu rời, Quát muốn làm một cái gì để… Anh muốn vùng dậy. Anh muốn có hành động nổi loạn. Anh muốn bứt phá. Nhưng sự xót nhức của tình yêu có sức mạnh ghì chặt anh trên ghế. Mọi cử chỉ hay hành động đều không xảy ra. Họa chăng chỉ có nước mắt và tiếng thở dài.

Phim dứt và đèn bật sáng. Lạ một điều là Duyên vẫn còn bấu lấy bàn tay anh. Dường như nàng cố bám víu vào một cái gì mặc dù nó mong manh và dễ vỡ vụn.

– Cô làm em đau hả Quát?

Quát quay nhìn cô giáo. Anh thấy một nụ cười.

– Dạ không… Cô muốn nhéo, muốn phạt em nữa cũng được. Em đi lính rồi em nhớ gì cô biết hông?

– Nhớ gì?

– Em nhớ nhiều thứ lắm cô ơi… Nhớ giờ cấm túc của cô… Nhớ xe xích lô…

Duyên cười thánh thót. Bẻ hột đậu phọng nàng chia cho học trò phân nửa rồi nói với giọng buồn buồn.

– Quát đi lính rồi nhưng cái bệnh truyền nhiễm tình cảm của em sẽ làm cô buồn nhiều lắm…

Quát thở dài đứng lên. Đưa tay ra cho Duyên nắm lấy anh kéo nàng đứng dậy rồi hai người đi ra cửa. Ra tới đường trong lúc chờ băng qua đường Duyên quay qua hỏi.

– Mình xem phim gì vậy Quát?

Quát mỉm cười bước xuống đường.

– Em có xem phim đâu mà biết. Cô biết hông?

Duyên cười thành tiếng nhỏ.

– Cô cũng như em… Sợ còn tệ hơn em…

Băng qua đường hai người đi tới tiệm thạch chè Hiển Khánh. Quán đông người nên họ không nói chuyện nhiều mà ăn lẹ lẹ xong ra khỏi tiệm.

– Em dìa hả Quát?

– Dạ cô dìa. Chắc…

– Có gì em tới thăm cô nghe Quát…

– Dạ…

Đứng trên lề đường nhìn theo Quát thọc hai tay trong túi quần cúi đầu chậm bước Duyên ứa nước mắt. Nàng biết, còn lâu lắm hoặc có thể không bao giờ nàng gặp lại người học trò dù đã xa nhưng hình bóng vẫn còn in đậm nét trong ký ức của mình. Dù đã ra khỏi cuộc đời của nàng, Quát, đâu đó trong góc cạnh tâm hồn, vẫn là hình bóng khó thể phai nhòa theo năm tháng và truân chuyên của đời nàng. Tự dưng nàng mong ước một điều thật kỳ cục là Quát sẽ quay trở lại, nắm tay nàng, nhìn vào mắt nàng và nói câu ” Cô ơi em yêu cô…”. Chỉ như vậy thôi. Nàng chỉ cần có bao nhiêu đó thôi. Rồi Quát có đi xa, vĩnh viễn rời xa, nàng cũng an tâm vì biết có một người yêu mình. Nàng đứng trông theo Quát nhưng anh không quay đầu lại để nhìn nàng. Phải chăng anh muốn đoạn tuyệt với quá khứ. Phải chăng anh muốn quên đi chút xót nhức tình si đang cấu xé lòng mình.

8

      Đang ngồi trong lớp học chấm bài Duyên hơi cau mày khi nghe có tiếng la, hét, cười cợt và một câu nói khiến cho nàng giật mình.

– Đi… đi tụi bây ơi… đi coi Tiểu Đinh Hùng tụi bây ơi… Nó đi lính Biệt Động Quân oai lắm…

Ba tiếng Tiểu Đinh Hùng như tia lửa điện nẹt ra trong trí của Duyên. Không tự chủ được nàng hấp tấp bước ra cửa. Cách chỗ nàng không xa là đám đông chừng hai ba chục mạng đang bao quanh một người lính. Thỉnh thoảng có tiếng cười vang vang. Duyên thấy sự hiện diện của ông giám học và hai ông giám thị. Khi tiếng chuông reo báo hiệu giờ học bắt đầu đám đông tản mác dần dần rồi cuối cùng còn trơ lại người lính. Duyên phải đưa tay lên ngực như ngăn không cho tim mình đập mạnh. Vóc dáng xa lạ mà như quen thuộc đang tiến tới gần  rồi dừng lại trước mặt nàng. Nụ cười ấm cúng và giọng nói khàn chậm vang lên.

– Cô ơi… Cô mạnh hông cô?

Duyên ước gì trên trái đất này chỉ có một mình nàng với Quát để nàng được tự do gục đầu vào vai anh khóc vì vui mừng. Tuy nhiên dù anh không còn là học trò của nàng nữa cái giới hạn giữa hai người vẫn còn đó. Dù đi lính. Dù khoác vào người mảnh chiến y. Dù là lính chiến, trong mắt của mọi người chung quanh Quát vẫn là học trò của nàng. Cho nên Duyên không thể làm gì khác hơn là mỉm cười trả lời.

– Cám ơn em cô mạnh. Còn em?

Quát mỉm cười. Không có gì đẹp. Không có gì giá trị, ngay tại phút này, đối với Duyên là nụ cười của Quát. Nó y nguyên như ngày xưa. Có thể nó còn đẹp hơn ngày xưa. Có thể nó còn quyến rũ hơn ngày xưa vì bây giờ không phải nụ cười của một cậu học trò mà nụ cười của một người lính chiến. Chiếc bê rê màu nâu đội xiên xiên, khuôn mặt gân guốc, cháy vì nắng gió, ánh mắt rực lửa, nụ cười mê dụ; ngần thứ đó làm cho Quát lớn lên, vượt lên cao để ngang hàng với nàng. Nó toát ra một sức hấp dẫn khiến cho nàng cảm thấy hồn mình lao chao ngầy ngật.

– Quát đen thui…

Duyên lên tiếng. Quát cười chưa kịp nói gì nàng lại tiếp.

– Đen và ốm… Hết thư sinh rồi…

Quát gật đầu nhìn đăm đăm cô giáo của mình và Duyên im lặng chịu đựng cái nhìn đắm đuối của người lính.

– Cô ơi cô đẹp hơn xưa… Quyến rũ hơn ngày xưa nữa cô ơi…

Duyên mỉm cười. Lần đầu tiên Quát dám tán nàng một cách lộ liễu. Hai tiếng ngày xưa của Quát làm nàng tưởng chừng như xa xưa lắm. Xưa như nàng lúc mới bước vào cửa lớp đệ tứ A2. Xa như bay giờ hai người đứng cách nhau không đầy tầm tay. Chỉ cần giơ tay lên là đụng nhau. Chỉ cần đưa tay ra là tay nắm tay. Là có nhau. Tuy nhiên cái khoảng cách ngắn đó lại dài ra hơn nữa. Duyên chăm chú nhìn học trò. Bộ quân phục rằn ri. Đôi giày đinh bóng. Tóc ngắn. Chiếc mũ nâu đội lệch một bên làm cho Quát có nét vừa ngang tàng ngạo nghễ mà cũng còn sót lại chút hồn nhiên của tuổi học trò. Trên chiếc mũ nâu có hình con cọp đang nhe răng. Quát của nàng biến dạng. Khuôn mặt xương, làn da đen, ánh mắt nhìn nghiêm nghị chứ không còn vẻ bỡn cợt hoặc chán chường. Tuy nhiên nàng vẫn nhận ra đằng sau đó nhuốm nhiều u uất và buồn đau nín lặng không thể nói thành lời.

Tiếng học trò trong lớp cười đùa la hét kéo Duyên về với thực tại. Nhìn Quát, nàng chưa kịp nói thời anh đã lên tiếng trước.

– Quát sẽ ra đơn vị sáng mai. Nếu cô không phiền thời Quát sẽ đón cô…

Duyên cười đùa.

– Cái này là ông chuẩn úy ra lệnh cho cô hả?

– Dạ… Quát chờ cô trước cổng…

Duyên gật đầu.

– Ừ… Đừng cho cô leo cây nghen…

Quát cười lớn giơ tay chào cô giáo rồi bước nhanh. Duyên đứng nhìn theo giây lát mới thong thả trở vào lớp học. Hai giờ Việt Văn sau đó nàng không nhớ là mình đã giảng bài gì hay nói điều gì. Tâm trí của nàng mãi bềnh bồng trôi theo hình bóng của người lính chiến vừa trở về để thăm viếng mình. Nghĩ tới chuyện đón đưa và hẹn hò nàng cảm thấy sung sướng trong lòng. Ít nhất Quát cũng không quên nàng.

12 giờ. Học sinh đã ra về từ lâu. Chậm chạp bước ra khỏi cổng trường đứng trên lề đường Duyên nhìn quanh quất như tìm kiếm ai. Chiếc xe solex trờ tới. Quát cười nhìn cô giáo của mình.

– Cô mà ra chậm một chút nữa là Quát vào văn phòng cõng cô ra…

– Dám làm hông mà hăm he…

Nói xong Duyên nín liền vì biết đừng nên thách thức. Ngày xưa khi còn học trò Quát đã nổi tiếng lì lợm rồi thời bây giờ trở thành lính chắc sẽ phải lì lợm hơn ngàn lần. Ngày xưa si mê nàng cho nên biết lớp nào nàng sẽ dạy là Quát chui vào lớp đó để ngồi nghe và ngắm nàng. Lần đầu ngạc nhiên nàng hỏi thời Quát cười chúm chiếm nói: ” Dạ cô giảng bài ở lớp em mà em chưa hiểu nên phải qua lớp khác để nghe tiếp…”. Lý do chính đáng khiến cho nàng phải để cho Quát ngồi hết giờ. Tuy nhiên ngày qua ngày tình trạng cũ tái diễn và nàng từ từ hiểu ra lý do thầm kín đó. Cuối cùng nàng phải năn nỉ đứa học trò lì lợm của mình đừng làm như vậy nữa vì sợ người ta dị nghị.

Ngồi lên yên Duyên hỏi nhỏ.

– Mình đi đâu vậy Quát?

– Trước Quát chở cô đi ăn mì Cây Nhãn rồi mình đi ciné, sau đó đưa cô về nhà cho cô nghỉ ngơi. Bảy giờ tối Quát tới nhà đón cô đi chơi tiếp… Cô chịu hông?

Quát nói như ra lịnh và Duyên làm thinh không trả lời. Im lặng là đồng tình. Nàng không hiểu sao mình lại yếu đuối. Đáng lẽ nàng phải từ chối, bảo cô bận soạn bài, bảo phải về nhà làm việc nọ việc kia hay ít nhất cũng có ý kiến. Đằng này làm như nỗi vui mừng gặp lại Quát khiến cho nàng trở thành thụ động, nghe lời anh và để anh muốn đưa nàng đi đâu cũng được.

Quát lái xe nhanh và quẹo cua thật gắt khiến cho Duyên phải la nhỏ.

– Chậm lại Quát… Cô té…

Cười hắc hắc Quát nói lớn.

– Cô ôm Quát đi cho khỏi té…

Không biết nghĩ sao mà Duyên lại nghe lời học trò. Một tay ôm cặp còn một tay nàng ôm vòng ngang hông Quát. Ánh mắt trời của buổi chiều chóa mắt khiến cho nàng phải úp mặt vào vai Quát để tránh nắng. Nàng ngửi được mùi mồ hôi hòa lẫn với mùi áo lính thành thứ mùi hăng hắc.

– Lính ở dơ lắm hả Quát?

Đang lái xe, quay đầu lại nhìn thấy cô giáo đang dựa đầu vào lưng của mình Quát cười chúm chiếm.

– Sao cô biết lính ở dơ. Bộ cô ngửi mùi à?

Duyên gật đầu.

– Ừ… Mồ hôi hông hà…

– Cô phải ngửi cho quen rồi sau đó cô không nghe hôi nữa…

– Thôi cám ơn… Một lần là tởn tới già rồi…

Duyên cười thánh thót sau khi nói. Xe chạy qua cầu xa lộ rồi rẽ trái đường Đinh Tiên Hoàng sau đó ngừng trước tiệm mì nằm dưới cây nhãn già xum xê cành lá. Khóa xe xong hai người đi vào tiệm mì. Đứng chờ Quát kéo ghế cho mình ngồi Duyên mỉm cười nghĩ thầm.

– Lịch sự dữ… Học đâu vậy ta…

– Cô ơi… cô ăn gì hả cô?

Quát hỏi Duyên trong lúc cởi chiếc mũ nâu gắn vào cầu vai áo của mình. Nhìn cái đầu con cọp đang nhe răng ở trên túi áo của học trò Duyên đùa.

– Ăn con cọp trên túi áo của Quát đó…

Quát cười hắc hắc.

– Coi chừng cô bị cọp vồ…

Duyên lắc đầu.

– Hổng sợ. Cô thấy nó dễ thương hơn em…

Quát cười gọi một tô mì cho mình còn Duyên chọn hoành thánh. Trong lúc ăn Duyên hỏi và Quát kể hết cho nàng nghe hết những gì xảy ra với anh trong gần một năm rưởi hai người xa nhau. Mười tháng ở trường sĩ quan Đồng Đế. Ra trường tình nguyện đi Biệt Động Quân. Thụ huấn khóa sình lầy xong được đổi về tiểu đoàn 30. Làm trung đội trưởng. Có lẽ vì là lính mới và cũng không muốn cho cô giáo lo âu về mình nên Quát không đề cập nhiều tới chuyện đánh nhau và chết chóc.

– Sao Quát không viết thư cho cô hả Quát?

Quát cười cúi xuống ăn giấu không cho Duyên thấy nét buồn rầu của mình. Muốn viết thư nhưng viết cái gì và nói cái gi. Làm sao anh có thể nói hết. Làm sao anh có thể nói cho Duyên hiểu nỗi nhớ nhung của mình. Nhớ như điên. Nhớ tới độ cảm thấy được hơi thở thơm tho và nóng ấm của cô phà lên cổ, lên má của mình khi hai người ngồi cạnh nhau trong rạp Văn Hoa. Nói làm sao được cái cảm giác bàng hoàng ngây ngất khi lần đầu tiên được nắm tay cô. Nói làm sao được trong đêm di hành, đi giữa trời âm u đầy sao, ánh mắt, nụ cười và tiếng nói chợt dấy lên làm bềnh bồng tâm trí. Làm sao anh có thể nói cho cô giáo nghe sự xót nhức của mình khi biết sẽ mất nàng mãi mãi. Làm sao anh có thể nói lên được nỗi tình si lớn dần theo ngày tháng mà gian khổ của đời lính cũng không thể xóa nhòa hình bóng của nàng. Nói làm sao được khi anh, hàng ngàn, hàng vạn lần nhũ với mình phải quên, quên tuốt luốt, quên đến không còn gì để nhớ mối tình vô vọng của mình. Làm sao nói được một điều làm cho anh rơi nước mắt khi nghĩ hoài về một câu hỏi không có câu trả lời. Cô Duyên có yêu mình không? Có lẽ anh sẽ vơi thương nhớ và đau khổ khi trả lời được câu hỏi đó. Tuy nhiên chỉ có Duyên mới là người trả lời được thắc mắc của anh. Bây giờ ngồi đối diện anh lại không thể mở miệng hỏi. Có thể anh không dám hỏi vì mơ hồ đã có câu trả lời. Có thể anh sợ đối diện với sự thật. Có thể và có thể…

– Cô đi dạy dìa trễ có bị ba má rầy hông cô?

Quát hỏi Duyên khi hai người ra khỏi tiệm mì Cây Nhãn. Duyên gõ gõ vào cái trán của mình.

– Cô bị rầy quen rồi. Huống chi lâu lâu Quát mới dìa một lần…

Quát gật đầu cười nói với giọng buồn buồn.

– Dạ… Chắc lâu lắm Quát mới được dìa phép…

Dĩ nhiên là Duyên không chú ý cũng như không hiểu được câu nói của Quát. Nàng mãi nhận xét một điều mới lạ nơi người học trò cũ. Quát không còn xưng em với nàng nữa mà lại xưng tên. Quát lớn rồi. Duyên len lén nhìn người học trò cũ đang khom người mở khóa xe. Đưa cái cặp của mình cho Quát bỏ vào giỏ, nàng ngồi lên yên đoạn vòng hai tay ôm lấy hông của Quát còn đầu thời tựa vào vai và lẩm bẩm trong trí.

– Đây là quà mà cô dành cho người lính chiến… cho em lần cuối nghe Quát…

Suốt hai giờ ngồi xem phim trong rạp Eden hai người im lặng nhiều hơn nói. Không nắm tay như lần ở rạp Văn Hoa, họ chỉ ngồi cạnh nhau và thỉnh thoảng nhìn nhau cười. Tới một lúc nào đó cười có ý nghĩa nhiều hơn nói. Tới một lúc nào đó im lặng là sự cảm thông vô cùng tận. Được nửa phim Quát chợt nắm lấy bàn tay của Duyên đang để yên trong lòng và nàng không hưởng ứng mà cũng không phản đối. Rồi không biết nghĩ gì nàng nghiêng người tựa vào vai của Quát thì thầm.

– Cô muốn Quát cho cô cái áo mà Quát đang bận…

Quát cười trong bóng tối.

– Cô muốn Quát cởi trần à…

Duyên cười cấu năm móng tay nhọn vào tay Quát.

– Chiều nay tới đón cô Quát nhớ mang theo một cái áo nghe chưa. Quên là bị cấm túc đó… Quên là cô nghỉ chơi… Quên là cô sẽ không có nhớ Quát đâu nghen…

– Cô có nhớ Quát hông cô?

Duyên trả lời một cách thành thật.

– Hổng nhiều và thường xuyên lắm nhưng cô có nhớ Quát…

– Cô muốn áo Quát để làm chi dậy?

Vì trong bóng tối nên Quát không thấy mặt cô giáo của mình đỏ lên.

– Để làm kỷ niệm… Để treo trong phòng… Mỗi khi nhớ Quát cô nhìn cho đỡ nhớ… Để cô khoe với bạn là mình có học trò đi lính làm tới chức chuẩn úy…

Duyên cười khúc khích sau khi nói câu cuối cùng. Nàng cũng không hiểu sao mình lại nói ra cảm nghĩ của mình cho Quát nghe. Dường như ở bên Quát nàng không tự chủ được hoặc nàng nói ra với dụng ý khác. Tuy biết mình với Quát không thể nào thành vợ chồng nhưng nàng muốn Quát vẫn thương nhớ, vẫn si mê mình. Có thể nàng cũng yêu Quát nhưng không nhiều lắm, không đủ cho nàng có thể gạt bỏ mọi hệ lụy và phiền phức của cuộc đời để làm vợ Quát.

– Cô biết mỗi khi nhớ cô, Quát làm gì không?

– Làm gì?

– Quát uống rượu say rồi khóc…

– Quát biết uống rượu à…

– Dạ… Quát mới tập uống…

– Vậy à. Cô chưa bao giờ uống rượu…

Quát cười cầm bàn tay của Duyên lên mân mê.

– Coi chừng người ta thấy Quát…

Duyên nhắc chừng như không muốn Quát tiến xa hơn nữa. Phim dứt. Đèn bật sáng. Chờ cho tới khi rạp vắng không còn ai Duyên mới đứng lên. Khẽ vuốt mái tóc và vài nếp nhăn của áo dài nàng đi cạnh Quát ra cửa. Chiều thứ sáu xe cộ dập dìu. Nắng tháng 10 vàng úa. Lá me rơi đầy đường. Ngồi sau lưng Duyên nghĩ tới ngày mai. Quát của nàng sẽ phải đi xa. Đi biền biệt. Họa hoằn lắm mới có lá thư nhầu nát. Nếu lấy nhau nàng sẽ thành một chinh phụ ngồi ôm con chờ chồng. Nàng không thích như vậy. Nàng muốn nhìn thấy nụ cười của chồng mình mỗi ngày. Chắc nàng cũng phải lấy chồng thôi. Lấy ai cũng được. Không yêu thương thời cần gì hạnh phúc. Nó như là món quà đắt tiền mà một kẻ nghèo như nàng không thể mua được mà xin thời không có ai cho.

7 giờ tối. Quát có mặt ở nhà Duyên đúng giờ. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy Duyên chưa sửa soạn. Hiểu ý Duyên cười nói.

– Ba má cô đi vắng và cô phải coi chừng nhà. Mình ở nhà nói chuyện nghen Quát…

Quát cười ưng thuận. Duyên trải chiếc chiếu ngoài sân đủ cho họ ngồi vừa đập muỗi vừa nói chuyện.

– Quát đi mua bia uống được hông cô?

Duyên cười gật đầu.

– Ừ đi mua đi… Ngoài đầu ngõ có tiệm tạp hóa…

Mười lăm phút sau Quát trở lại. Duyên trợn mắt khi thấy người học trò cũ của mình đặt lên chiếu hai chai bia 33, bịch đậu phọng, mấy miếng soài tượng ngâm cam thảo và một gói thuốc lá.

– Quát hút thuốc nữa à?

Duyên hỏi trong lúc mân mê gói thuốc lá rồi đưa lên mũi. Hít hít mấy cái nàng nhăn nhăn mặt cười.

– Hôi quá nhưng chưa bằng mồ hôi của lính…

Quát cười khì. Ánh mắt của anh nhìn cô giáo đầy buồn rầu và u ẩn.

– Dạ… Quát hút cho đỡ buồn…

– Hư quá… Điệu này cô phải bắt nằm dài quất cho mấy roi…

Quát cười hắc hắc. Duyên nhận thấy học trò của mình thay đổi quá nhiều, lớn lên và có những cái tốt lẫn cái xấu.

– Có bồ chưa?

Duyên hỏi trổng và Quát trả lời bằng cái lắc đầu. Duyên cười cúi đầu xuống để tránh cái nhìn của người lính trẻ. Trong ánh trăng mờ mờ khuôn mặt của anh như bức tượng đồng đen đầy u buồn và khắc khổ.

– Quát cũng muốn có bồ nhưng không yêu được ai…

Quát nói với giọng buồn buồn khi rót bia vào ly rồi bỏ vài cục nước đá vào. Dưới ánh trăng màu nước bia vàng sẫm.

– Như vậy là Quát chưa có bồ… chưa yêu ai hết phải hông?

Đưa ly bia lên, lắc lắc mấy cái Quát cười nói lảng sang chuyện khác như không muốn trả lời câu hỏi của cô giáo.

– Cô uống hông cô… Ngon lắm cô ơi…

Duyên lắc đầu lập lại câu hỏi của mình.

– Như vậy là Quát chưa có bồ… chưa yêu ai hết phải hông?

Quát chầm chậm gật đầu xác nhận.

– Tại sao?

– Chưa có bồ… mà… có yêu một người…

Nhẹ thở dài sau khi trả lời Quát đưa ly uống một hơi dài gần nửa ly. Không hiểu nghĩ sao mà Duyên lại cười lên tiếng.

– Quát đưa cô nếm thử coi…

Đón ly rượu từ tay Quát, nàng uống một hớp thật nhỏ. Chép chép miệng mấy cái nàng cười nói.

– Hơi đắng nhưng…

Trả ly bia lại cho học trò nàng cúi đầu nhìn bàn chân nhỏ nhắn của mình. Nàng cảm thấy ngường ngượng và hơi xao xuyến khi nghĩ Quát cũng đang ngắm nghía bàn chân trần của mình. Đột nhiên câu thơ ngày nào mà Quát đã đọc cho nàng nghe hiện lên trong trí: ” Ta gần em mê từng ngón bàn chânMắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão… Khi sùng bái ta quì nâng nếp áo…”. Nàng cảm thấy mặt nóng lên và tim đập mạnh. Dường như nàng nghe rõ tiếng thở của Quát. Dường như nàng thấy được ánh mắt si mê đờ đẫn của Quát đang nhìn, đang ngắm, đang chiêm bái mình. Dường như ánh mắt của Quát đang cọ sát lên mặt, lên tay, lên chân, lên mái tóc, tạo nên một rạo rực và ngất ngây làm tê liệt thân thể. Nàng trân mình chịu đựng cái nhìn bốc lửa của người lính đang ngồi trước mặt mình.

– Bia cạn rồi Quát…

Duyên lên tiếng và Quát cười. Nụ cười ngây thơ như vừa trở về từ cơn mơ. Khi ly bia được Quát rót đây nàng tự động cầm lấy uống một ngụm.

– Khi nào cô say…

Duyên ngừng nói nhìn Quát rút điếu thuốc đưa lên môi xong quẹt diêm. Ánh lửa bừng lên cho nàng thấy ánh mắt u uẩn của học trò. Ánh mắt đó khiến cho nàng mũi lòng. Nó còn quá hồn nhiên, ngây thơ để đi lính. ” Có phải tại vì mình mà Quát phải đi lính hay là điều gì…? ”. Câu hỏi bật ra và nàng loay hoay tìm kiếm câu trả lời. Khói thuốc lá hăng hăng khiến cho Duyên hít hít mũi.

– Tại sao Quát đi lính hả Quát?

Duyên hỏi. Dường như nàng không tìm được câu trả lời thỏa đáng nên nàng phải hỏi hoặc nàng muốn phá tan bầu không khí im lặng giữa hai người.

– Tại sao cô muốn biết?

Duyên nín lặng khi bị Quát hỏi. Tại sao mình muốn biết. Quát bỏ học đi lính là chuyện của Quát. Nó đâu có liên quan gì tới mình. Đi lính vì nhà nghèo không có tiền học đại học. Đi lính vì thích đời sống mạo hiểm. Đi lính để có tiền giúp đỡ mẹ già. Đi lính vì chán học. Đi lính vì thất tình. Mà thất tình ai. Quát yêu ai mà thất tình. Duyên nghĩ lanh quanh. Ba hớp bia không nhiều lắm nhưng cũng đủ để làm cho đầu óc của nàng bớt đi sự tỉnh táo và suy tư bén nhạy. Không tìm ra câu trả lời Duyên tự động cầm ly bia uống thêm một hớp nữa.

– Cô coi chừng say cô ơi…

Duyên gật đầu một cách lơ đãng. Câu hỏi vẫn lảng vãng trong trí nàng. Quát thất tình ai. Quát yêu ai mà thất tình. Hay là… hay là Quát yêu mình. Duyên bàng hoàng, chới với khi nghĩ ra điều đó. Nàng sung sướng, vui mừng đồng thời cũng buồn rầu và lo âu khi biết được điều đó. Bấy lâu nay nàng chỉ nghĩ Quát si mê mình thôi. Đó là thứ tình cảm bồng bột của tuổi trẻ phát khởi từ sự choáng ngợp bởi một hình ảnh tuyệt vời của mộng ảo. Sự si mê theo thời gian và sự trưởng thành sẽ phai nhạt dần dần. Như nàng, lúc tuổi mười bảy đã thầm kín si mê một người bạn của anh mình. Rồi khi lớn lên, sau mấy năm xa cách, gặp lại người đó nàng thấy lòng mình dửng dưng. Riêng yêu thương lại khác. Nó lây, nó truyền nhiễm và nó là căn bệnh không có thuốc chữa, ngay cả đối với thời gian. Rồi mình phải làm sao khi Quát yêu mình. Mình có yêu Quát không. Câu hỏi như tia lửa điện nẹt ra rồi tắt ngấm. Không yêu sao mình lại nhớ. Không yêu sao mình lại buồn. Không yêu sao mình lại quan tâm, thắc mắc. Không thương sao có Quát thời mình vui, vắng thời mình buồn. Không yêu sao mình lại muốn Quát nhớ mình. Không yêu sao mình lại muốn Quát không có bồ và Quát đừng yêu ai. Không thương sao mình mơ thấy Quát. Không thương sao mình lại cưng chiều. Quát muốn gì mình cũng chiều. Quát năn nỉ gì mình cũng làm.

Mãi suy nghĩ nên Duyên tự động cầm ly bia lên định uống. Nàng không để ý nhưng Quát lại để ý. Anh lo lắng không dám để cô giáo của mình bị say rượu.

– Cô coi chừng say cô ơi…

Vừa nói Quát vừa đưa tay ra nắm tay Duyên để ngăn không cho nàng uống thêm. Vừa đưa ly lên tính uống lại bị Quát nắm tay Duyên giật mình ngơ ngác nhìn Quát. Nàng thấy một ánh mắt quan hoài. Một tia nhìn buồn rầu nhưng có chút gì si mê và say đắm. Khuôn mặt đồng đen khắc khổ. Bàn tay chai cứng đang nắm lấy tay mình. Duyên cảm thấy thương Quát vô cùng.

– Quát ơi… Cô…

Duyên nức nở. Nàng đặt ly bia xuống chiếu. Hai bàn tay nắm lấy bàn tay chai cứng của Quát ấp lên mặt mình. Nước mắt nàng ứa ra. Nàng nhìn Quát đăm đăm. Trong đôi mắt còn sót chút hồn nhiên của anh nàng như thấy lại thời xa xưa, ngày đầu tiên bước vào lớp học và thấy anh ngồi nơi cuối lớp nhìn ra cửa sổ. Quát cảm thấy một hơi ấm thật dịu dàng từ hai bàn tay của cô giáo truyền sang bàn tay của mình. Thứ hơi ấm dịu dàng đó như mơn man trái tim của mình, phà vào tâm hồn mình thứ tình cảm mới mẻ.

– Cô ơi…

Quát kêu lên một tiếng. Môi của Duyên hơi động đậy. Bàn tay cọ quậy như muốn kéo anh lại gần hơn, thật gần, gần tới độ anh ngửi được mùi hương thân thể, hơi thở nóng và ánh mắt ngời sáng như muốn nói điều gì. Tất cả làm ngây ngất, bàng hoàng tới độ tay chân hầu như không còn sức lực. Anh nghe được nhịp tim mình đập hổn loạn. Bằng tất cả cố gắng anh khom người tới chút nữa. Hai bờ môi đụng nhau và bất động. Nụ hôn không trọn vẹn nhưng đủ để cho hai người trong cuộc biết được một điều mà bấy lâu nay họ thắc mắc không trả lời được. Yêu. Quá đủ rồi. Họ chỉ cần như vậy thôi. Không hôn nhau cuồng nhiệt. Không ái ân đắm say. Không mê đắm tuyệt vời. Chỉ là nụ cười được đo bằng nhớ thương. Chỉ là ánh mắt nhìn được cân bằng ước vọng. Chỉ là cái nắm tay không rời ấp ủ nhớ thương.

– Cô ơi…

Duyên mở mắt mỉm cười. Vẫn còn ấp bàn tay của Quát trong hai bàn tay mình Duyên cười nhỏ.

– Tại sao Quát không hôn?

Quát cười.

– Quát chưa biết hôn. Cô là người thứ nhất… Tại sao cô không hôn hả cô?

Duyên bật cười khi bị học trò hỏi dồn.

– Tại vì cô… cô đâu có biết hôn. Quát là người thứ nhất…

Quát nghiêng mình hôn lên mái tóc ẩm chút sương đêm.

– Khuya lạnh rồi cô…

– Áo của Quát cho cô đâu…

Quát mở ba lô lấy ra cái áo choàng lên người cô giáo. Duyên xuýt xoa.

– Ấm… Quát lạnh hông Quát?

– Dạ không. Quát chịu lạnh quen rồi…

Duyên vỗ vỗ lên chiếu bên cạnh mình.

– Quát ngồi cạnh cô nè cho ấm…

Cạn hai chai bia, Duyên la đà say dù chỉ uống có mấy hớp rượu. Quát dìu nàng vào giường ngủ xong trở ra ngồi một mình ngoài sân. Anh thức suốt đêm. Khi tỉnh dậy Duyên mới biết Quát đã đi. Chỉ có chiếc áo lính mà nàng đang mặc còn ở lại như chứng tích cho một đêm gặp gỡ để rồi xa nhau.

Advertisement