1
Duyên dừng lại khi lên tới bực thang cuối cùng vì mệt mà cũng vì do dự và có hơi khớp. Hôm nay là ngày đầu tiên nàng bước chân vào lớp học, không phải để học mà để dạy. Sau bốn năm sôi kinh nấu sử ở trường đại học sư phạm, nàng đã tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm giáo sư Việt Văn của trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Nàng vui vẻ nhận việc mà không nghĩ tới chuyện mình là một nữ giáo sư trẻ tuổi lại dạy ở trường toàn nam học sinh.
Tiếng cười khằng khặc của một đứa học sinh nào đó vang ra tận ngoài hành lang rồi tiếp theo giọng nói khào khào như vịt xiêm trống.
– Ê Chương… Hôm nay không có thầy riệt răn dzậy tao đi ăn đậu đỏ bánh lọt được hông?
– Hổng được… Ông giám thị nói với tao mình sẽ có giáo sư riệt răn mới tới dạy hôm nay…
– Ai dzậy?
– Tao hổng biết? Mày hỏi chi dzậy?
– Tao muốn lớp mình có một nữ giáo sư. Nhìn mặt mấy ông giáo đực rựa hoài nản quá…
Duyên lắc đầu khi nhận ra một điều là trong lúc đối đáp với nhau hai cậu học sinh này phát âm vần V thành ra R như tiếng Việt Văn thành ra ” Riệt Răn ”. Đây là lần thứ nhất nàng mới nghe lối phát âm kỳ cục và quái gở. Nàng nghĩ mấy cậu học trò này cố tình phát âm như vậy. Lập dị. Danh từ này đủ nghĩa để chỉ tới cái cung cách hay thái độ của đám học trò quái quỉ ở thị thành. Dù chưa bước vào lớp và dạy giờ nào nàng tự nhũ thầm bổn phận của một giáo sư Việt Văn là phải ” chỉnh sửa ” đám học trò lập dị ăn nói kỳ cục.
Một giọng nói ồ ồ vang lên mà khi nghe Duyên phải nhăn mặt vì nó thiếu sự kính trọng đối với thầy cô và nhất là chê bai ở sau lưng.
– Tao khoái cái ý kiến của thằng Bá Vịt Xiêm… Nhưng mà tao muốn một cô tre trẻ… Ngó mái tóc bạc và nét mặt khó đăm đăm của bà Dung hoài tao thấy mình vô duyên thêm già khú đế…
– Có cô giáo trẻ vui à nghen…
Nghe đám học sinh ồn ào phát biểu Duyên mỉm cười lẩm bẩm.
– Không biết rồi mấy cậu có ưa được cái mặt vô duyên này không…
Ngước nhìn tấm bảng Đệ Tứ A2 xong nàng mạnh dạn bước vào cửa. Lớp học đang ồn ào bỗng dưng lặng trang. Tám mươi sáu con mắt của bốn mươi ba cậu học trò nhìn đăm đăm ngay cửa ra vào. Chiếc áo dài màu trắng đơn sơ. Đôi guốc cao gót cũng màu trắng. Mái tóc huyền buông lơi trên bờ vai gầy. Cái cặp da ép sát vào ngực như sợ bị người khác giật lấy. Ánh thu ba long lanh ẩn ước một nụ cười thay cho lời chào hỏi.
Chương đứng dậy. Nhìn cô gái lạ giây lát nó định lên tiếng hỏi thời An la lên với giọng ngạc nhiên và mừng rỡ.
– Cô giáo Việt Văn… Cô giáo tụi bây ơi…
Tiếng rú, tiếng la, tiếng hét, nón, mũ, sách, tập vở bay tung lên trời. Tiếng vỗ bàn rầm rầm như tiếng trống trận Tây Sơn. Bốn mươi ba thằng ” nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò ” của lớp đệ tứ A2 chào mừng cô giáo mới bằng tất cả sôi nổi và nhiệt tình mà chúng có thể có được. Hơn tháng trời mỏi mòn chờ đợi một cô giáo trẻ đẹp, duyên dáng xuất hiện để tô điểm cho lớp học toàn đực rựa chứ không phải một bà giáo già nghiêm khắc hay ông giáo sư đạo mạo, nên bây giờ có được một bóng hồng đủ hương đủ sắc bởi vậy đứa nào cũng mừng rỡ như muốn nổi điên.
Duyên ngơ ngác nhìn. Nàng không biết làm gì trong tình thế này. Mới ra trường, chưa có chút kinh nghiệm nghề nghiệp do đó nàng hoàn toàn lâm vào tình trạng thụ động. May cho nàng lúc đó một giọng nói trầm và nghiêm vang lên tuy nhỏ nhưng cũng lọt vào lỗ tai đám học trò đang nghịch phá.
– Im tụi bây… Tụi bây làm cô giáo khóc bây giờ…
Đang cười nói la hét bốn mươi ba cậu học sinh từ từ im lặng ngoại trừ mắt vẫn chăm chú chiếu tướng vào cô giáo trẻ đẹp đang đứng xớ rớ nơi cửa. Bặm đôi môi son cố không bật ra một tiếng nói nào Duyên nhìn một cậu học sinh đang tiến tới chỗ mình đứng. Nụ cười của cậu ta thật tươi, thật hiền mà cũng lộ ra chút gì giễu cợt.
– Thưa cô… Thay mặt toàn thể học sinh lớp đệ tứ A2 em xin chào mừng cô…cô…
Hiểu ý tốt của cậu học trò Duyên cất giọng nhỏ nhẹ.
– Cám ơn em… Cô tên Quỳnh Duyên. Cô sẽ là giáo sư phụ trách môn Việt Văn của các em…
Duyên hơi mỉm cười khi gọi đám học trò lớn chồng ngồng bằng hai tiếng ” các em ”. Nhiều cậu trông còn lão hơn nàng. Nhiều đứa cao hơn nàng cả cái đầu, nặng hơn nàng gấp đôi. Nhiều đứa đã bắt đầu để ria mép cho trông già hơn. Người ta thật kỳ. Con nít thời lại muốn làm người lớn còn người lớn lại sợ già nên cố tìm đủ cách làm cho mình trẻ ra. Nàng cảm thấy hơi ngường ngượng và không được thoải mái khi gọi đám ” học trò ông cụ non ” bằng hai tiếng các em.
– Cô ơi… Cô mấy tuổi hả cô?
Một đứa giơ tay lên kèm theo câu hỏi. Ngó về hướng có tiếng nói phát ra cô giáo mang tên Nguyễn Thị Quỳnh Duyên mỉm cười.
– Tôi còn trẻ lắm nhưng chắc già hơn em…
Cả lớp bật cười vì câu pha trò đầu tiên của cô giáo trẻ đẹp. Câu nói đùa làm cho hai phe thầy và trò cảm thấy thân mật và gần gụi chút chút đồng thời cũng làm cho bầu không khí trong lớp học được tự nhiên hơn. Duyên uyển chuyển bước về phía chiếc bàn đặt sát vách dành cho giáo sư. Có tiếng xì xào đâu đó và mỗi lúc một lan nhanh như điện.
– Tên của cổ đẹp hết sẩy tụi bây ơi…
– Ối giời ơi… Tao mê tà áo dài của cổ…
– Tao mết mái tóc huyền của cổ tụi bây ơi…
– Ui chao… Tao chịu nụ cười Giáng Kiều của cổ…
– Tao cảm” đôi mắt em lặng buồn ” của cổ…
Duyên nghe hết những lời tán tụng hoặc đùa cợt đó song nàng cố tình làm lơ. Nàng muốn làm nghiêm, muốn giữ một thái độ kẻ cả. Đây là thái độ rất cần giữa thầy và trò để nàng có thể làm việc. Nàng được trả lương để dạy học, để bắt đám ” nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò ” này phải nghe lời mình. Dĩ nhiên nàng cũng đã nghe qua rất nhiều về chuyện học trò nam mê cô giáo cũng như nữ sinh mết thầy giáo của mình. Riêng nàng, nàng hoàn toàn không muốn rơi vào tình trạng oái oăm và khó xử này. Đối tượng của nàng không phải là đám học trò mặt búng ra sữa hay đầy mụn của lớp học. Người tình trong mộng của nàng nếu có, không thể là đám con nít choi choi đang tập làm người lớn.
– Em nào là trưởng lớp dzậy?
Duyên hỏi với giọng nghiêm nghị mà nàng có thể có được. Hỏi xong nàng thấy đứa học trò ngồi đầu bàn thứ nhất bên dãy tay mặt giơ tay lên. Nó cũng là đứa đã đứng lên đón tiếp nàng.
– Dạ cô em là trưởng lớp…
Đi tới chỗ ngồi cậu học trò vừa trả lời Duyên hỏi với giọng nhỏ nhẹ
– Em tên gì dzậy?
– Dạ em tên Chương…
– Chương đây không phải là văn chương mà là xình chương đó cô…
Đám học sinh cười ồ. Hướng mắt về chỗ có tiếng nói phát ra Duyên nghiêm giọng.
– Em nào vừa nói đó tôi xin mời em đứng lên…
Một học sinh tóc dài, ăn mặc chải chuốt, có thân hình ốm và cao lỏng khỏng đứng lên cười cười. Duyên buông một câu hỏi ngắn để tỏ lộ sự không bằng lòng của mình.
– Em tên gì?
– Dạ tên Đan…
– Tôi không cấm em nói nhưng trước khi nói em nên xin phép tôi bằng cách giơ tay lên.
– Dạ tại sao em phải xin phép cô trước khi nói?
Đan vặn. Ánh mắt của cô giáo tên Duyên long lanh sáng cùng với giọng nói thanh tao vang trong lớp học đang yên lặng.
– Bởi vì như vậy chứng tỏ em văn minh, lịch sự và lễ phép. Dân tộc mình là dân tộc có mấy ngàn năm văn hiến do đó chúng ta phải tỏ ra mình là người có văn hiến chứ không phải là người rừng. Ở nhà em có xin phép ba má trước khi nói không hả Đan?
Vài học sinh không ngăn được tiếng cười khi nghe cô giáo mới mắng Đan là người rừng. Đan làm thinh. Nó có vẻ ngượng ngùng và bối rối. Đó là điều ít khi thấy ở thằng học trò nổi tiếng nhất lớp vì hai thứ giàu nhất và quậy nhất. Đứng im nhìn cô giáo giây lát xong Đan chầm chậm lên tiếng.
– Dạ em xin lỗi cô…
Duyên mỉm cười tự mãn. Nàng đã làm chủ được tình thế bằng cách tỏ cho đám học trò thấy nàng cũng biết ăn nói và nhất là chúng phải kính trọng thầy dạy học của mình.
– Được rồi… Lần thứ nhất cô bỏ qua cho em…
Cô giáo trẻ nói với giọng kẻ cả. Đan liếc nhanh một vòng quanh lớp. Thấy bạn học đều im lìm nó lẳng lặng ngồi xuống đoạn giơ tay lên thật nhanh. Duyên mỉm cười cất giọng. Cái giọng Sài Gòn của nàng nghe thánh thót hơn tiếng mưa thu rơi trong bản nhạc Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong bởi vì giọng nói này là vật sống phát ra từ cô giáo trẻ đẹp và duyên dáng.
– Em muốn nói điều gì dzậy Đan?
– Dạ cô… Cô có giọng nói nghe mùi lắm… Êm ái hơn tiếng mưa thu…
Cả lớp bật cười. Riêng Duyên phải dằn lòng lắm mới chỉ mỉm cười nhỏ nhẹ thốt lên ba tiếng.
– Cám ơn em…
Duyên quay mình trở về ghế ngồi. Tà áo dài màu trắng thướt tha. Đôi guốc cao gót gõ xuống nền xi măng tạo thành âm thanh êm ái. Không khí trong lớp học như bốc lên thứ hương thơm thoang thoảng. Ngồi đầu bàn thứ nhất bên tay trái Thắng hít hít mũi.
– Thơm quá…
Chương thì thầm với An, thằng bạn thân ngồi bên cạnh.
– Cô Duyên xức dầu thơm hén mậy…
An đưa tay lên vò vò mũi của mình.
– Tao ngửi như mùi hoa ngọc lan…
Duyên cúi mặt xuống cố dấu nụ cười dù không đứa học trò nào thấy được nụ cười sung sướng và tự mãn của nàng. Đó là triệu chứng tốt. Đám học trò bắt đầu nghe lời nàng. Chúng sẽ tuân phục nàng, xem nàng như một nữ hoàng không ngai. Mỗi lời nói của nàng là một mệnh lệnh mà chúng sẽ phải thi hành không hề thắc mắc. Điều khó khăn nhất là nàng phải giữ vững ngôi vị nữ hoàng. Nàng không thể để cho trái tim của mình bị rung động bởi học trò. Muốn thế, nàng phải biến trái tim của mình thành đất sét để nó không bị rung động, xao xuyến trước những tia nhìn ngưỡng mộ, si mê và tôn thờ của học trò. Nàng không được quyền yêu bởi vì yêu là hạ mình xuống ngang hàng với người yêu của mình. Muốn hoàn thành nhiệm vụ dạy học nàng phải ngồi trên cái ghế dành cho giáo sư chứ không thể xuống ngồi cùng bàn với học sinh được.
Trở lại ghế Duyên kín đáo quan sát cái ghế của mình trước khi ngồi xuống. Nàng không thể lơ là và không thể không đề phòng những chuyện bất ngờ sẽ xảy ra. Còn quá sớm để nàng có thể tín nhiệm đám học trò quỉ quái. Kinh nghiệm hồi còn đi học đã dạy nàng như thế. Cẩn thận hơn nàng còn lót tà áo dài của mình lên ghế xong mới nhẹ ngồi xuống. Má của nàng đã dạy như thế. Con gái phải cẩn thận cách ăn nói và đi đứng. Bởi vậy ông bà mình mới nói ” ăn coi nồi ngồi coi hướng ”. Trong lớp học nàng không cần phải coi hướng mà phải coi lại chỗ mình ngồi trước khi đặt đít xuống. Lót tà áo dài xuống rồi mới ngồi lên làm cho cái quần không dơ dáy và không nhăn nhúm. Không có gì khó coi cho bằng cái đít quần của người đàn bà lại dơ dáy và nhăn nhúm. Bà chị dâu, đồng thời cũng là giáo sư của trường Võ Trường Toản đã truyền lại cho nàng nhiều kinh nghiệm quí báu để đối phó với học trò con trai tinh nghịch và ưa chọc phá.
Thong thả ngồi xuống ghế xong Duyên nói nhỏ với Chương đang ngồi ở đầu bàn. Dù nàng nói nhỏ nhưng mọi học trò trong lớp đều nghe được vì đang im lặng chờ nghe nàng ra lệnh.
– Cô cần nói chuyện với em một chút…
Hiểu ý Chương bước tới bàn cô giáo. Đứng đối diện anh thấy cô giáo đang mỉm cười nhìn mình.
– Sau giờ tan học em ở lại chừng mười lăm phút nghen. Cô cần hỏi em vài chuyện…
– Dạ được cô… Chắc cô cần hỏi về bài vở?
Chương hỏi nhỏ. Duyên cười nhìn cậu học trò cũng đang nhìn mình.
– Cô cần hỏi em vài điều… Ông giám học có nói cho cô biết các em đã học tới đâu rồi nhưng cô cần biết nhiều hơn nữa…
Cô giáo tên Duyên ngừng lại để mỉm cười. Nàng cười vì vẻ mặt của cậu học trò trưởng lớp. Trước mặt nàng là khuôn mặt của một đứa con trai đang bắt đầu trưởng thành nhưng vẫn còn thấp thoáng nét thơ ngây và rụt rè của đứa trẻ. Hàng ria mép lún phún màu nửa đen nửa vàng. Mấy cái mụn nổi trên má. Ánh mắt tinh anh. Cái miệng nhỏ hơi mím lại cố làm ra vẻ người lớn.
– Ai là người giỏi Việt Văn nhất lớp?
Duyên hỏi và Chương trả lời không do dự.
– Dạ thằng Tiểu Đinh Hùng cô…
Duyên nhìn Chương một cách chăm chú có lẽ vì ngạc nhiên khi nghe nó nói tới tên này.
– Em nói gì cô không hiểu. Tiểu Đinh Hùng là ai dzậy?
Chương mỉm cười nói với giọng thân mật pha lẫn thán phục.
– Dạ… Tiểu Đinh Hùng là biệt danh của thằng Quát. Nó giỏi Việt Văn nhất lớp. Nó làm thơ hay lắm cô nên tụi em đặt cho nó cái tên Tiểu Đinh Hùng…
Duyên à tiếng nhỏ khi nghe Chương nói tới Quát với vẻ hâm mộ và thán phục. Điều đó khiến cho nàng ngạc nhiên và đâm ra tò mò muốn biết về cậu học trò này.
– Tiểu Đinh Hùng ngồi ở đâu dậy?
Chương cười với cô giáo mới.
– Dạ nó ngồi ở bàn cuối bên tay mặt đó cô…
Duyên liếc nhanh về cái bàn ở cuối lớp nhưng thấy trống trơn. Hiểu ý Chương nói nhanh.
– Hôm nay Tiểu Đinh Hùng không có đi học cô… Nó bịnh…
Duyên gật đầu mỉm cười như hiểu ra. Nàng muốn hỏi đùa một câu là: ” Còn em có quái danh gì vậy…” nhưng kịp thời ngăn lại vì không muốn đùa giỡn trước mặt học trò.
– Dạ cô… Em đề nghị cô đọc tên của tụi em trong bảng danh sách. Cô đọc tới tên đứa nào thời đứa đó đứng lên. Như vậy cô dễ nhận diện và nhớ tên của tụi nó…
Duyên thầm cám ơn về đề nghị của Chương. Liếc nhanh bảng danh sách học sinh xong nàng bảo Chương trở về chỗ ngồi. Hướng xuống đám học sinh đang yên lặng nàng cất giọng thanh tao.
– Để dễ dàng cho cô làm quen với các em, cô sẽ gọi tên các em. Cô đọc tới tên em nào thời em đó đứng lên. Nếu em nào có quái danh, biệt danh, hổn danh muốn xưng ra cũng được…
Bốn mươi ba học sinh cười rú lên khi nghe cô giáo đùa một câu. Cầm bảng danh sách, bước xuống đứng nơi hàng ghế thứ nhất nơi chính giữa lớp nàng cao giọng đọc theo thứ tự a, b, c…
– Lê Quốc An…
Một cậu học trò cao nhòng, ốm như cây tre và có khuôn mặt vừa nhọn vừa dài đứng lên.
– Dạ em là An, được giang hồ đặt cho biệt danh An Mặt Ngựa…
Duyên mím môi cố kềm hãm tiếng cười. Từ dãy bàn cuối lớp vang lên giọng eo éo.
– Nó nói chưa hết đó cô… Phải là An Mặt Ngựa Nước Hai mới đúng…
Cả lớp cười rú lên. Duyên đưa tay lên môi ra hiệu cho học sinh im lặng.
– Xuỵt… Các em đừng cười lớn quá. Lớp bên cạnh đang học…
– Trương Văn Bảng…
Khi cậu học trò có khuôn mặt hao hao con gái, nước da trắng đứng lên nàng mới nhận ra đó là người có giọng nói eo éo vừa nói câu ” An Mặt Ngựa Nước Hai…”.
– Dạ cô. Em có biệt danh là Đông Phương Bất Bại…
Duyên cau mày chưa kịp nói gì thời một đứa ngồi sát trong góc vừa đưa tay lên vừa nói.
– Cô có đọc truyện chưởng Kim Dung hông cô?
Duyên lắc đầu. Thật ra nàng có nghe mấy ông anh nói về loại truyện này nhưng không có đọc vì không thích chuyện đánh nhau.
– Đông Phương Bất Bại là thằng cha lại cái. Thằng Bảng nó có giọng nói như con gái nên được tụi này tặng cho biệt danh đó cô…
Đám học sinh ré lên cười khiến cho Duyên phải đưa tay làm dấu cho mọi người im lặng. Tiếng cười tắt thật nhanh song tiếng ằng ặc trong họng của vài đứa vẫn còn vang lên nho nhỏ. Theo thứ tự từ trên xuống dưới, Duyên gọi tên của học trò. Khi tới cái tên Nguyễn Đình Quát nàng lẩm bẩm đọc rồi lướt qua luôn.
Cuộc điểm danh kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Duyên cảm thấy thoải mái, tự tín và càng lúc càng thêm quen thuộc với học trò của mình hơn. Nàng thầm thở hơi dài nhẹ nhỏm khi tiếng chuông hết hai giờ học vang lên.
2
Tuy còn hơn mười lăm phút nữa mới tới giờ dạy nhưng Duyên đã rời văn phòng để lên lớp học vì muốn xem lại bài vở trước khi giảng dạy. Vừa bước vào cửa lớp nàng thấy một đứa học trò ngồi ở bàn cuối cùng. Dường như mãi mê nhìn ra khung cửa sổ rộng nên nó không biết có người đi vào. Duyên tằng hắng tiếng nhỏ. Đứa học trò quay lại. Duyên cảm thấy tâm hồn của mình có chút gì xuyến xao và dao động nhẹ nhàng khi nhìn nụ cười của đứa học xa lạ mới gặp mặt lần đầu. Mãi cho tới sau này khi đã quen thân với nhau, có hai điều mà suy nghĩ hoài nàng cũng không thể giải thích được lý do. Thứ nhất là tại sao nàng lại có cảm giác xao xuyến và rung động khi nhìn đứa học trò đó ngay lần gặp mặt đầu tiên. Thứ nhì là nàng không thể biết nụ cười của cậu học trò đó chứa đựng ý nghĩa gì. Buồn cũng không. Khinh bạc cũng không. Vui cũng không. Mừng cũng không mà thay lời chào hỏi cũng không luôn. Có thể nó không biểu lộ điều gì. Có thể nó biểu lộ tất cả. Nàng chỉ biết nụ cười không giống bất cứ nụ cười của bất cứ người nào mà nàng đã gặp qua. Làn da mặt hơi xanh xao, mái tóc hơi dài, lòa xòa trước trán khiến cho nó có nét hao hao giống như chàng thư sinh họ Đỗ trong truyện Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan mà nàng đã đọc vài tháng trước.
Đứa học trò đứng lên. Nhìn cô giáo giây lát nó mới từ từ rời chỗ ngồi của mình. Duyên cũng thong thả bước về phía đứa học trò. Hai người gặp nhau nơi khoảng trống chính giữa lớp.
– Dạ cô… Em tên Quát…
Nhớ lại lời của Chương Duyên mỉm cười nói đùa. Đây có lẽ là lần thứ nhất nàng lại nói đùa với một mình học trò.
– A… Tiểu Đinh Hùng hả… Cô hân hạnh được diện kiến nhà thơ của lớp đệ tứ A2…
Khi nói xong Duyên hơi ngỡ ngàng vì nàng không hiểu tại sao mình lại nói như thế. Không lẽ mới gặp nhau có một phút đồng hồ mà nàng lại cảm thấy quen nhau lâu lắm nên mới có giọng cợt đùa thân mật. Riêng Quát hơi có vẻ ngượng ngùng vì cái giọng đùa cợt của cô giáo trẻ mới gặp lần đầu.
– Dạ cô… Em cũng hân hạnh được gặp cô…
Hai tiếng ” Dạ cô ” của Quát nghe thật hiền nhuốm chút thân mật nhưng câu nói lại chứa đựng sự lịch sự và kiểu cách.
– Cô nghe nói em bị bịnh. Dậy hôm nay em mạnh chưa?
– Dạ cô… Tuy còn mệt nhưng em không muốn ở nhà thêm nữa. Em muốn đi học…
Nhìn cô giáo mới Quát cười nhẹ. Giọng của nó thêm thân tình hơn.
– Hôm qua thằng Chương tới nhà em. Nói nói với em là lớp mình có cô giáo Việt Văn mới. Cổ đẹp như tiên mày ơi…
Duyên mỉm cười khi nghe Quát nói nhưng nàng lại im lặng không nói gì thêm ngoài ba tiếng ” cám ơn em ” khách sáo và thờ ơ. Dường như nàng muốn giữ một khoảng cách cần thiết giữa thầy và trò.
Quát mỉm cười. Duyên nghe có chút gì hụt hẫng khi nhìn nụ cười của Quát.
– Cô đẹp hơn em tưởng tượng…
Duyên không biết phải làm gì, nói gì trước lời khen của cậu học trò. Im lặng là tốt nhất. Coi như nàng không để ý tới lời khen này. Hay ít nhất nó không có tác dụng gì đối với nàng.
– Từ hồi học đệ thất tới giờ em thường mơ ước được học với một cô giáo trẻ đẹp và duyên dáng. Bây giờ ước mơ đó mới thành sự thực. Em cám ơn cô…
Duyên hơi mím môi cười để giấu kín sự bối rối của mình khi nghe lời khen tặng của học trò. Dù lời nói có thành thật hay không, dù lời nói chỉ là cảm nghĩ của một cậu học trò trẻ tuổi, nàng cũng cảm nhận ra một điều là nó chở chất ít nhiều tình cảm. Như không muốn cho Quát ” tán ” thêm điều gì nữa nàng cất giọng và cố gắng tạo cho giọng nói của mình trở nên nghiêm nghị.
– Em mới khỏi bịnh vậy nên về chỗ ngồi cho khỏe. Cũng sắp tới giờ rồi…
Quát cười nhìn cô giáo của mình trước khi quay lưng đi về chỗ ngồi.
– Dạ cô… Cám ơn cô…
Nhìn theo vóc dáng gầy gầy của Quát giây lát Duyên thong thả bước về bàn của mình. Suốt hai giờ học, ngồi trên bàn cao, thỉnh thoảng liếc về phía cuối lớp nàng thấy một khuôn mặt xa vắng đang chiếu vào khoảnh trời ngoài cửa sổ. Dường như Quát không chú ý tới lời giảng của nàng mà đang mơ tưởng chuyện gì.
Khi tiếng chuông tan học reo lên Duyên mới từ từ thu dọn sách vở của mình. Học trò ồn ào tranh nhau ra cửa. Lát sau lớp học chỉ còn lại hai người. Cô giáo trẻ ngập ngừng rời chỗ ngồi. Liếc xuống bàn cuối lớp nàng thấy Quát ngồi tựa lưng vào vách tường nhìn ra khung cửa sổ rộng.
– Em chưa dìa à?
Quát quay lại khi nghe giọng nói thanh thanh của cô giáo.
– Dạ em tới sớm mà về trễ…
– Em nói gì cô không hiểu?
Duyên hỏi. Quát cười chỉ vào khung cửa sổ.
– Em tìm được sự bình yên khi ngồi đây nhìn ra khung cửa sổ… Nó đẹp mà không có ai biết…
Hơi ngạc nhiên về điều mà đứa học trò đã nói ra Duyên cười nói đùa một câu.
– Em tìm cái hứng để làm thơ…
Quát cười. Nụ cười không thừa nhận mà cũng không phủ nhận. Duyên nhìn ra khung cửa sổ trong lúc lên tiếng.
– Nghe nói em làm thơ hay lắm…
Vừa nói Duyên vừa quay lại nhìn vào mặt của Quát. Không có gì hết ngoại trừ khuôn mặt buồn xa vắng và cái nhếch môi lên như nụ cười.
– Em có làm thơ nhưng nói hay lắm thời em không nghĩ như vậy…
Duyên ngắt lời của Quát bằng câu nói nhẹ nhàng pha chút giễu cợt.
– Nếu không hay tại sao bạn bè lại gọi Tiểu Đinh Hùng…
Quát bật cười tiếng nhỏ và ngắn.
– Dạ cô… em chỉ là thằng chột làm vua trong đám mù cô ơi…
Quát kéo dài tiếng cô ơi khiến cho Duyên cũng phải bật cười. Liếc ra cửa thấy hành lang vắng tanh nàng nói nhỏ.
– Thôi mình đi dìa đi em…
– Dạ…
Duyên quay mình đi trước. Đi sau lưng Quát nhìn thấy cái lưng ong, cái mông ẩn hiện mập mờ sau tà áo dài và cái quần lụa mỏng.
– Cô may áo dài ở đâu mà đẹp quá…
Duyên mỉm cười không trả lời rồi không hiểu nghĩ gì mà nàng lại lên tiếng hỏi.
– Em thích màu nào nhất?
– Dạ màu vàng…
Ra khỏi cửa hai người bước song song xuống cầu thang. Quát ngửi được mùi thơm dịu dàng toát ra từ người của cô giáo đang đi bên cạnh. Thứ mùi hương đặc biệt của nước hoa hòa nhập với mùi hương của thân thể của con gái tạo thành một mùi hương quyến rũ lạ lùng. Là con út trong một gia đình có ba chị gái cho nên Quát thường được hân hạnh hoặc đôi khi bị bắt buộc phải ngửi thứ mùi hương lạ lùng này. Ba bà chị khi mua loại dầu thơm mới thường xức lên người rồi cho anh ngửi để hỏi ý kiến vì anh là con trai. Do đó anh biết được thứ cảm giác lạ lùng về mùi hương đặc biệt này. Bây giờ đi bên cạnh cô giáo trẻ chưa chồng, anh có cảm giác ngất ngây say vì bị thứ mùi hương thanh tân diễm tuyệt xâm chiếm và ở mãi trong khứu giác của mình. Im lặng bước Duyên len lén liếc nhìn người học trò đang im lìm và chậm chạp bước từng xuống thang lầu. Điều mà nàng nhận thấy ở Quát là nó khác hẳn đám học trò đồng trang lứa. Nó không có quậy, không có ồn ào và phá phách như những đứa khác. Nó cũng không có cái cung cách muốn làm người lớn như những đứa khác. Ở nó là một sự trầm mặc, xa vắng, mỏi mệt, uể oải cộng thêm một chút chán chường. Đây là thứ nổi loạn âm thầm hoặc phản kháng tiêu cực. Một chút thôi nhưng cũng đủ để cho nàng nhận biết qua giọng nói chậm, nhát gừng, nhiều khi không có động từ, chủ từ hay bất thành cú pháp.
– Em thích đọc sách hông Quát?
Duyên lên tiếng như muốn phá tan sự im lặng đồng thời cũng có ý muốn tìm hiểu thêm về cậu học trò đặc biệt này.
– Dạ thích… Em sẽ chọn tiếng Pháp năm tới…
– Pháp văn xưa rồi… Bây giờ người ta học tiếng Anh nhiều hơn…
Quát cười thành tiếng ngắn. Tiếng cười của nó mường tượng như tiếng reo vui khi được chuyện trò cùng cô giáo.
– Dạ cô… Em thích kho tàng văn chương của Pháp…
Duyên mỉm cười vì hai tiếng ” Dạ cô…” mở đầu đặc biệt của học trò và nhất là lối nói chuyện rời rạc, nhát gừng cũng như câu nói đứt quãng của Quát. Nhất là từ ngữ mà Quát dùng mang nhiều âm hưởng xưa cổ.
– Cô cũng dậy… Em đã đọc bao nhiêu cuốn sách bằng tiếng Pháp rồi?
– Dạ một. Em vừa đọc vừa tra tự điển nên mất hứng…
– Cuốn nào?
Duyên hỏi và nàng chợt giật mình khi biết vô tình hay cố ý bị lây cái tính nói chuyện bất thành cú pháp của học trò.
– Dạ cô… Le Petite Prince…
Duyên gật đầu. Quát quay nhìn cô giáo.
– Tại sao người ta không dạy tiếng Tàu ở trung học như tiếng Pháp hoặc tiếng Anh hả cô?
Duyên hơi cau mày vì câu hỏi của học trò. Nàng chưa kịp lên tiếng Quát tiếp.
– Văn chương của mình có liên hệ rất nhiều với Tàu mà mình lại không học tiếng của họ ở trung học. Điều này hơi khó hiểu…
Duyên im lặng. Có lẽ nàng đang suy nghĩ về câu hỏi của học trò. Liếc nhanh cô giáo Quát tiếp.
– Có lẽ mấy ông ở Bộ Giáo Dục không nghĩ ra điều đó. ” Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ…”
Không ngăn được Duyên bật lên tiếng cười vui vẻ. Nàng biết Quát đã dùng một câu trong truyện Le Petite Prince để vừa chê đồng thời cũng cười cợt mấy ông lớn của bộ giáo dục. Ít nhiều gì nàng cũng đồng ý với Quát về ý kiến không dạy tiếng Tàu như là một ngoại ngữ ở trung học. Liếc nhanh học trò nàng lên tiếng khi cả hai bước xuống bực thang cuối cùng.
– Quát dìa nghen. Nhớ chịu khó đọc sách…
– Dạ cô dìa…
Quát lên tiếng. Duyên cười nhẹ.
– Mai em có đi học?
– Dạ có chứ cô. Dù bị bịnh em cũng đi học. Em thích học với cô…
Duyên nghe mặt mình nóng bừng cảm giác gì mà trong nhất thời nàng không nghĩ ra được. Hơi dừng bước nàng trông theo dáng đi lừng khừng của đứa học trò chỉ vừa biết nhau hai giờ đồng hồ. Tuy nhiên có một điều lạ lùng không giải thích được là nàng cảm thấy quen thuộc như đã gặp nhau nhiều lần. Điều này khiến cho nàng khó chịu với chính mình. Lẩm bẩm mấy tiếng nàng đi vào văn phòng của trường.
Ngồi trong căn phòng dành riêng cho giáo sư để chờ ông giám học, Duyên đưa mắt nhìn quanh quất. Thấy có cuốn báo xuân trên bàn nàng cầm lấy. Lật nhanh vài trang nàng dừng lại nơi trang 15. Đó là bài thơ mang tên Dáng Thú. Cuối bài thơ có tên Tiểu Đinh Hùng. Duyên mỉm cười khi đọc mấy câu đầu.
– một buổi trưa mùa hạ
một mình vào sở thú
đứng nhìn con sư tử
tôi thấy nó giống tôi
Không ngăn được Duyên phải bật thành tiếng cười. Điểm đầu tiên mà nàng nhận thấy là học trò của mình làm thơ tự do, có thể nói quá tự do ở chỗ nó lại viết chữ thường thay vì phải viết hoa ở vần đầu tiên. Nàng đâm ra thắc mắc không hiểu tại sao trường lại để như vậy. Nàng tự nghĩ mình sẽ không để tình trạng ” tự do văn nghệ ” này xảy ra trong lớp học của mình. Liếc nhanh không thấy ai nàng cắm cúi đọc tiếp.
– một buổi chiều mùa thu
vào sở thú hút thuốc
đứng nhìn con cọp đực
tôi thấy nó giống tôi
một buổi tối mùa đông
một mình vào sở thú
đứng nhìn con gấu chó
tôi thấy tôi giống nó
một buổi chiều buồn bã
một mình vào sở thú
tôi gặp con voi già
Nó bảo nó là bạn tôi
thằng bạn tốt hơn những thằng bạn người của tôi
một buổi sáng mùa xuân
một mình vào sở thú
tôi nghe con sấu gọi tôi
tôi cười ôm hôn nó
thấy da thịt nó mịn màng hơn da thịt người tình con gái…
Duyên lắc đầu nhè nhẹ. Nàng ngạc nhiên vì cậu học trò ” babylac ” của mình lại có những ý tưởng lạ lùng. Nàng mỉm cười khi nghĩ ” để ngày mai mình hỏi Quát có bồ chưa mà dám nói da thịt con sấu mịn màng hơn da thịt người tình con gái…”
– một buổi trưa mùa hạ
âm thầm vào sở thú
tôi thấy tôi ngồi trong chuồng khỉ
giữa con khỉ đột có râu
khỉ cái vú xệ
khỉ già mang kính suy tư
tôi thấy tôi khóc
tôi nhe răng cười
tôi làm tình với con khỉ nhỏ…
Duyên cười một mình khi đọc hết đoạn trên. Nàng biết Quát đã cóp ý từ thuyết của Darwin cho con người phát xuất bởi một giống khỉ khôn ngoan nhất của loài khỉ sau một chuỗi tiến hóa dài đằng đẵng triệu triệu năm. Nó như là một giả thuyết nhằm cố gắng giải thích về cội nguồn của con người.
Đang cắm cúi đọc Duyên ngước lên khi nghe tiếng tằng hắng. Nàng cười khi thấy ông giám học đứng nơi cửa. Dù còn luyến tiếc song nàng bắt buộc phải bỏ tờ báo xuân xuống rồi theo chân ông ta đi vào phòng. Nửa giờ đồng hồ sau nàng mới ra khỏi phòng của ông ta. Đi ngang qua phòng giáo sư nàng ngần ngừ giây lát đoạn bước nhanh vào. Cầm lấy tờ báo nàng cuộn lại kẹp vào nách.
– Vì em mà cô phải thành kẻ ăn cắp báo đó biết chưa…
Duyên cười vì ý nghĩ của mình. Ra khỏi cổng trường, leo lên chiếc xích lô đạp nàng lại cắm cúi vào tờ báo xuân. Tối hôm đó sau khi soạn bài và tắm rửa xong nàng nằm trên giường đọc tiếp tờ báo xuân. Nàng nghiền ngẫm từng chữ trong truyện ngắn có tên Cô Học Trò Hàng Xóm của Quát. Điều mà nàng nhận thấy, không những ý tưởng ngộ nghĩnh mà từ ngữ trong truyện thật dễ thương. Điểm quí giá nhất là sự thành thật. Quát nói về thứ tình cảm lãng mạn và thơ mộng của chính anh, một học sinh lớp đệ ngũ trường Hồ Ngọc Cẩn với một cô học trò tên Hạnh của trường Lê Văn Duyệt. Duyên cười chảy nước mắt khi Quát tả cảnh anh đạp xe đạp chở theo nồi thịt kho trên đường về nhà ở Tân Thới Hiệp sau khi tan trường. Cô bạn gái đạp song song với anh và hai người mải mê nói chuyện. Vì phải lạng xe tránh ổ gà nên nồi thịt kho rơi xuống đường. Quát mắc cỡ tới độ bỏ chạy luôn và sau đó không dám gặp lại cô bạn gái của mình nữa. Cho tới một hôm anh bị Hạnh phục kích trên đường về và sau đó bị bắt buộc phải đạp xe với cô ta mỗi ngày cho tới hết niên học của lớp đệ ngũ. Vừa đọc nàng vừa nghĩ thầm trong trí: ” Mai mốt gặp mặt mình phải chọc quê cậu ta chơi…”. Duyên lẩm bẩm đọc đi đọc lại bài thơ, đúng hơn là hai câu thơ có cái tựa Ngẫu Hứng: ” Em trải mùa thu vàng trên tóc. Mắt đong buồn hỏi khóc ai đây…”. Tối hôm đó nàng thức quá 10 giờ để đọc hết mấy bài thơ và truyện ngắn của Quát ở trong tờ báo xuân.
Sáng thức dậy, sau khi ăn xong tô cháo trắng với hột vịt muối Duyên vào phòng sửa soạn để tới trường. Đứng tần ngần trước cái tủ treo hàng chục chiếc áo dài đủ màu, đủ kiểu, nàng không biết phải mặc màu áo nào hôm nay. Hôm qua mình đã mặc màu xanh rồi nên hôm nay phải mặc áo màu khác. Duyên lẩm bẩm. Nàng nhớ Quát nói thích màu vàng. Tự nhiên nàng đưa tay lấy cái áo dài màu vàng. Ướm thử vài lần xong nàng nhanh nhẹn thay quần áo. Chải đầu, mang giày, nàng đứng ngắm mình trong gương. Mái tóc huyền uốn dợn xỏa trên bờ vai nuột nà. Ba nàng thường nói là nàng có khuôn mặt giống bà nội, đẹp, thanh tú và sang cả. Trái lại nàng lại có một thân hình hấp dẫn của mẹ. Xịt vội chút dầu thơm vào người, cầm lấy cái cặp da nàng bước nhanh ra khỏi phòng. Ngang qua chỗ ba má đang ngồi uống trà nàng nói nhanh.
– Thưa ba má con đi làm…
Bước ra tới cửa nàng thoáng nghe tiếng má nói với ba.
– Con nhỏ này không biết có chuyện gì mà tôi thấy nó dzui vậy cà. Hổng lẽ nó có bồ…
– Nó có bồ bà mừng chứ sao lo. Nó hăm hai rồi chứ nhỏ nhít gì nữa…
Ra khỏi cổng nhà, leo lên chiếc xích lô đang chờ sẵn Duyên mỉm cười vui vẻ nói với ông xích lô.
– Bác mạnh hông bác…
Tuy hơi ngạc nhiên vì câu hỏi của Duyên song ông xích lô đạp vẫn vui vẻ trả lời.
– Cám ơn cô… Hôm nay tôi thấy cô dzui quá…
Duyên cúi mặt giấu nụ cười. ” Mình có vui không mà ai cũng nói mình vui. Tại sao mình vui…” Duyên hỏi với mình. ” Không lẽ...” Nghĩ tới đó nàng cười lắc đầu như cố xua đuổi ý nghĩ vẩn vơ. Tiếng còi xe ô tô buýt vang lên khiến cho nàng giật mình. Nắng vàng rực rỡ trên tàng cây sao ven đường. Lát sau bác xích lô đậu ngay cổng trường. Duyên bước xuống. Có tiếng xì xầm từ nơi đám học trò đang tụ tập trước cổng. Kín đáo quan sát nàng đoán họ là học sinh đệ nhị hoặc đệ nhất.
– Cô giáo mới đó tụi bây…
– Cổ dạy lớp nào?
– Hình như đệ tứ…
– Cô ơi cô đẹp mà dạy con nít uổng lắm cô ơi…
Duyên nghiêm mặt, làm lơ những lời chọc ghẹo của đám học trò lớn tuổi. Vào tới văn phòng, đọc thời khóa biểu nàng biết mình không có giờ Việt Văn ở lớp đệ tứ A2. Bỗng dưng nàng cảm thấy buồn buồn. Nàng tự hỏi tại sao mình lại buồn. Có gì đâu mà buồn. Chắc nàng buồn vì không được nói chuyện với Tiểu Đinh Hùng hôm nay.
Quát ngồi im nhìn ra khung cửa sổ. Tiếng ông thầy dạy môn Công Dân Giáo Dục vang đều đều bên tai anh. Công Dân là một trong mấy môn học mà anh chán nhất huống hồ gì ông Chí giảng bài như đọc kinh nên còn chán hơn nữa. ” Ổng đọc kinh nhật tụng… Người ta dạy học trò về bổn phận làm một công dân. Phải tuân hành luật pháp. Phải yêu nước. Phải hiếu thảo với cha mẹ. Phải thương người. Thương người như thể thương thân. Cũng được đi… Nhưng tại sao người ta không dạy học trò yêu. Bộ học trò không biết yêu à… Bộ yêu là độc quyền của người lớn à… Thơ văn, sách vở, báo chí nói tới yêu… Thiên hạ nói tới yêu ở ngoài chợ, trên xe buýt, trong nhà… Ở đâu cũng nói yêu thế mà lại không cho phép học trò nói, viết, và bàn luận về yêu. Nếu cấm đoán được, người ta cũng dám cấm học trò suy nghĩ về yêu… Anh mỉm cười một mình nhớ lại lời của thầy Doãn Quốc Sỹ nói về cái chính sách gì đó như là ” ba khoan ” ở miền bắc. Thứ nhất là khoan yêu. Bảo trai gái khoan yêu là độc ác. Chắc mấy ông lớn ở ngoài bắc không biết yêu hoặc không bao giờ yêu. Hoặc mấy ổng không có trái tim. Hoặc mấy ổng có trái tim mà trái tim bằng đá hay trái tim hóa đá nên mới bảo người khác khoan yêu. ” Mấy ổng có rỉ tai tuyên truyền mấy con thú tới mùa rượng đực thời hãy khoan rượng đực không hả? ” Quát nghĩ ngợi. Đã bảo khoan yêu rồi khi người ta yêu nhau thời lại bảo khoan lấy nhau hay khoan thành vợ chồng. ” Cái khoan này đúng là quái gở. ” Hai người yêu nhau thời mong ước lớn nhất của họ là được lấy nhau, được thành vợ chồng để sống đời với nhau. Lại thêm một điều ác và điều ác này ngẫm ra còn ác hơn nữa. Quát lắc lắc đầu của mình. Khoan thứ ba là khoan đẻ. Cái này là phản lại đất trời, phản lại cái luật tự nhiên. Bảo người ta khoan đẻ là ác độc. Lại thêm một cái ác nữa. Như vậy chính sách ba khoan là ba ác. Bảo người ta khoan đẻ chẳng khác gì mình nuôi một con gà, cho nó ăn uống đầy đủ rồi tới lúc nó nằm ổ lại ra lịnh không cho nó rặn ra trứng. Phản khoa học, phản nhân bản và phản tự nhiên đến thế là cùng. Hai người yêu nhau rồi lấy nhau thành chồng vợ thời mong muốn có con bởi vì đứa con là kết quả của tình yêu, là sợi dây ràng buộc hai vợ chồng. Thế mà lại bảo khoan đẻ. ” Sao không bảo người ta khoan thở luôn đi? ” Quát muốn bật cười. Khoan thở là hay nhất vì nếu mấy đấng lãnh tụ mà khoan thở là đỡ cho dân lắm nhất là thứ lãnh tụ bất lương. Mấy lãnh tụ ngoài bắc mà khoan thở là không có đánh nhau và mình khỏi phải đi lính đánh giặc… Quát nghĩ ngợi lan man… Không biết giờ này cô Duyên đang dạy lớp nào? Anh không hiểu tại sao mình lại có câu hỏi này. Anh không hiểu vì lý do gì mà mình lại nghĩ tới cô Duyên trong lúc đang ngồi trong lớp học. Hình ảnh cô giáo Việt Văn từ từ hiện ra trong trí tưởng của anh. Đôi mắt sáng long lanh. Nụ cười khả ái. Giọng nói thánh thót như giọt mưa thu. Khuôn mặt thanh tú. Cử chỉ dịu dàng. Mùi hương quyến rũ. Tà áo dài màu trắng hồn nhiên. Cô Duyên như là tiên. Quát mỉm cười khi nghĩ tới điều đó. Bởi vậy tuy mới có mấy tháng mà cô đã chiếm được cảm tình của toàn học sinh trong những lớp mà cô dạy. Hơn thế nữa cô còn giảng bài hay. Tới giờ cô dạy không đứa nào trốn học, không đứa nào làm ồn hay đùa giỡn. Đám học sinh xem cô như thần tượng. ” Hay là mình đi tìm xem cô Duyên dạy lớp nào rồi mình nhào dô học…”. Quát mỉm cười vì ý nghĩ ngồ ngộ của mình. Bước lên xin phép thầy Chí đi tiểu và được thầy cho phép anh hí ha hí hửng đi dài theo hành lang. A1 không có. A3 không có. Như vậy chỉ còn có A4. Gần tới cửa lớp A4 anh bước chậm lại như để lắng nghe. Giọng của cô Duyên thanh thanh nghe mà mê luôn. Không nhìn ai kể cả cô giáo đang giảng bài Quát đi thẳng xuống cái bàn cuối lớp và ngồi xuống.
Đang cắm cúi viết trên bảng đen, thoáng thấy bóng một đứa học trò bước vào lớp nhưng Duyên không quay lại vì nghĩ chắc là học trò của lớp mình đang dạy.
– Tuần tới các em…
Nói bốn tiếng đó xong Duyên quay lại rồi nín luôn. Nàng không nói tiếp được vì quá ngạc nhiên khi thấy nơi bàn cuối Quát đang nhìn mình mỉm cười. Nụ cười của Tiểu Đinh Hùng vui mà tinh nghịch. Cố gắng dằn sự ngạc nhiên của mình nàng thong thả lập lại. Nàng nghe giọng của mình có chút thay đổi.
– Tuần tới các em sẽ làm bài luận văn về truyện Lục Vân Tiên. Cô cho các em biết trước để sửa soạn…
Vừa nói Duyên vừa đi xuống cuối lớp nơi Quát đang ngồi.
– Em đi đâu dậy Quát?
Duyên nghe giọng nói của mình hơi xẳng. Quát chưa kịp trả lời nàng nghiêm mặt tiếp.
– Cô nghĩ lớp này không phải là lớp của em…
Quát cười nhìn cô giáo. Anh mở đầu câu nói thật lễ phép bằng hai tiếng mà Duyên nghe hoài.
– Dạ cô… Em đi lộn lớp?
Thấy cô giáo trừng mắt anh vội sửa lại liền.
– Dạ cô… Hôm qua cô giảng mà em chưa hiểu hết bài của cô. Bữa nay đi ngang qua lớp này nghe cô giảng bài hôm qua nên em đi vào nghe. Cô không đuổi em ra hả cô?
Duyên mím môi. Nàng làm sao đuổi đứa học trò ” mê cô giáo ” ra khỏi lớp vì một lý do như vậy mặc dù nàng biết Quát ranh mảnh viện lý do chính đáng để được ngồi ngắm mình.
– Cô không đuổi em ra nhưng lần tới em phải xin phép cô…
Nói đến đây Duyên nhũ thầm: ” Mình ngu quá… Nói lần tới là mình cho phép nó làm nữa...”. Nàng chưa kịp sửa lại lời của mình Quát cười nhìn cô giáo.
– Dạ cô… Cám ơn cô nhiều lắm… Lần tới em sẽ xin phép cô trước…
Duyên háy đứa học trò ranh mảnh của mình rồi ngoe ngoảy đi lên chỗ bảng đen. Đứng nơi đó thấy Quát nhìn mình cười như xin lỗi nàng nghĩ thầm: ” Thôi đi… Đừng có xin lỗi… Tôi không có tha thứ nữa đâu… Không có lỗi phải gì hết...”. Tuy nghĩ như vậy nhưng nàng biết là không thể nào bứt rời khỏi sự đeo đuổi dai như đĩa của đứa học trò nhiều mơ mộng và lãng mạn nhưng cũng quá ư lì lợm trừ khi nàng không còn dạy ở trường này nữa. Huống hồ gì trong thâm tâm nàng cũng cảm thấy không khó chịu lắm vì hành động của Quát.
Tiếng chuông tan học vang vang. Hôm nay thứ sáu do đó học trò tranh nhau về sớm. Đợi cho học sinh ra hết Quát mới đứng lên rời khỏi bàn. Duyên vẫn ngồi yên trên ghế. Đầu nàng cúi xuống. Cây viết vẽ những vòng tròn vô nghĩa lên tờ giấy trắng.
– Dạ cô…
Duyên ngước lên nhìn nhưng không nói gì hết. Quát rụt rè lên tiếng khi thấy nét mặt không vui của cô giáo.
– Em xin lỗi cô…
Thấy cô giáo vẫn im lặng anh biết nàng còn giận. Nở nụ cười cầu tài anh thấp giọng xuống như biết lỗi của mình.
– Em xin lỗi cô… Em hứa sẽ không làm như dậy nữa…
Duyên hơi mím môi như cố gắng để không cười. Nàng biết mình phải có thái độ cứng rắn nếu không Quát sẽ làm tới. Thấy cô giáo vẫn im lìm vì giận dỗi Quát thở dài cúi đầu im lìm đi ra cửa. Anh không thấy được nụ cười đắc ý của cô giáo cùng với tiếng thì thầm.
– Đáng đời… Ai biểu…
Nói xong Duyên đứng dậy. Đợi cho học trò khuất dạng nàng mới thong thả đi ra cửa. Tuy nhiên nàng hơi khựng lại khi thấy Quát đang đứng tựa lưng vào vách hành lang nhìn mình mỉm cười.
– Có chuyện gì vậy Quát?
– Dạ cô… Em xin lỗi cô… Em hứa là sẽ không làm như dậy nữa mà cô chưa trả lời…
Duyên nói thật nhanh khi nghe tiếng bước chân vọng lên từ cầu thang. Giọng của nàng dỗ dành như người chị nói với em trai.
– Cô tha lỗi cho em. Đừng làm như vậy nữa nghe Quát…
– Dạ cô… Em hứa…
Duyên tần ngần nhìn theo bóng người học trò đi xuống thang lầu. Nàng cảm thấy có chút gì buồn phiền trong lòng của mình. Nàng không biết mình nên có một thái độ cứng rắn đối với Quát hay mở miệng năn nỉ học trò đừng có làm những cử chỉ lộ liễu khiến cho người ta dị nghị. Nàng có thể bị thuyên chuyển đi trường khác và Quát có thể bị cảnh cáo hoặc đuổi ra khỏi trường.
Lớp học đang ồn ào như vỡ chợ bỗng im bặt khi thấy Duyên bước vào. Có tiếng xì xầm nho nhỏ.
– Ủa sao cô Duyên lại dạy… Đâu có phải giờ Việt Văn…
– Chắc cổ đi lộn lớp rồi…
– Hay là cổ dạy thế…
Như hiểu được sự thắc mắc của học trò Duyên cười lên tiếng.
– Chắc các em ngạc nhiên hả. Vì thầy Chí bị bịnh bất thình lình nên ông giám học nhờ cô dạy thế. Các em không thích hả?
– Dạ thích chứ cô… Cô dạy mỗi ngày tụi em cũng chịu nữa…
Duyên hơi mỉm cười khi thấy Quát đang ngồi im. Tuy anh không nhìn ngay chỗ của nàng đang đứng song nàng có cảm tưởng là anh nhìn mình vì vành môi hơi kéo lên thành nụ cười thay cho lời chào hỏi.
– Đây là giờ công dân giáo dục của thầy Chí. Cô không thông thạo về môn công dân nên muốn hỏi là các em học cái gì?
Chương lên tiếng trước nhất.
– Thưa cô thầy Chí có nói với em hôm nay lớp sẽ thảo luận về đề tài Lãnh Tụ…
Hơi gật đầu tỏ vẻ hiểu Duyên lẩm bẩm.
– Như vậy thời cũng dễ cho mình…
Hướng về học trò nàng cười hỏi.
– Trước nhất cô muốn các em định nghĩa hai chữ ” lãnh tụ ”… Em nào tình nguyện…
– Dạ… Em…
Đan giơ tay lên trước nhất và Duyên cho phép nó nói.
– Theo em biết thời lãnh tụ là một người đứng đầu của một nước…
An Mặt Ngựa giơ tay.
– Thưa cô lãnh tụ cũng là người lãnh đạo một đảng phái, một tổ chức hay một nhóm người…
Cả lớp hầu như đồng ý với những định nghĩa đó. Ngay cả Duyên cũng công nhận. Nhìn một vòng quanh lớp nàng hắng giọng hỏi.
– Còn em nào có ý kiến về định nghĩa của hai chữ lãnh tụ?
– Dạ em cô…
Quát giơ tay lên. Cả lớp đều chăm chú nhìn vào Quát để chờ nghe vì biết nó là đứa có nhiều ý tưởng lạ lùng hơn ai hết. Tỏ ra mình còn giận bằng thái độ lạnh nhạt và không cười Duyên cho phép Quát phát biểu cảm tưởng.
– Dạ theo em muốn có một định nghĩa chính xác về danh từ lãnh tụ thời mình phải chiết tự. Phải tách hai chữ đó ra thành hai chữ riêng biệt nhau để định nghĩa rồi sau đó gộp ý nghĩa của hai chữ này thành một định nghĩa chung…
Dù không cười song Duyên cũng nghĩ thầm: ” Nó có sự suy nghĩ khác hơn… mà nó cũng có lý...”
Giọng nói của Quát trầm và hơi chậm vang lên trong lúc Duyên và học trò im lặng chờ nghe tiếp.
– Dạ cô… Trước hết tụ là gì. Tụ là gom góp, là đem về một chỗ, một nơi, một điểm… Như trong toán học có danh từ hội tụ hoặc thường thường người ta cũng nói qui tụ. Còn lãnh là gì. Theo em lãnh là nhận, là lấy. Như cô lãnh lương hàng tháng hay tụi em lãnh một cái cấm túc hoặc trứng vịt của cô…
Học trò bật cười rần rần vì câu ví dụ có vẻ khôi hài của Quát. Phải dằn lắm Duyên mới không bật cười lớn như học trò mà chỉ mỉm cười. Nàng muốn tỏ ra cho Quát biết nàng còn chưa hết giận vì chuyện nó đã làm hôm trước.
– Từ định nghĩa riêng biệt của hai chữ lãnh và tụ, nếu ghép chung lại ta sẽ có một định nghĩa là gom góp và nhận lấy… Như vậy lãnh tụ là người gom góp và nhận lấy…
– Đúng… Mày nói có lý đó Tiểu Đinh Hùng…
Chương buột miệng khen một câu. Được khen Quát nhìn cô giáo mỉm cười.
– Dưới chế độ quân chủ chuyên chế thời lãnh tụ là vua. Ông vua ổng gom góp và lấy hết. Tiền bạc, của cải trong nước là của ông. Bao nhiêu đàn bà con gái đẹp ổng gom góp về cung làm vợ hết trơn. Dưới chế độ độc tài hay dân chủ hiện hành thời lãnh tụ cũng là người gom góp quyền lực, tiền bạc và nhiều thứ khác rồi lấy làm của riêng cho mình…
Tiếng vỗ tay vang lên. Học trò đứa nào cũng tỏ vẻ thích thú về định nghĩa có vẻ tếu và mỉa mai của Quát. Chương gật đầu nhìn cô giáo.
– Em đồng ý…
– Hay…
– Em khoái cái định nghĩa đó…
Học trò nhao nhao lên tiếng khiến cho Duyên phải yêu cầu chúng im lặng. Đợi cho cả lớp im lặng xong nàng mới cất giọng hỏi.
– Còn em nào có ý kiến gì nữa không?
Cả lớp im lặng. Quát đột nhiên lên tiếng.
– Dạ cô… Em và mọi người muốn biết ý kiến của cô… cô ơi…
Duyên làm lơ khi nghe Quát kéo hai tiếng ” cô ơi…” ra thật dài thành âm thanh ngộ nghĩnh và dễ thương. Hướng về chỗ Quát đang ngồi nàng từ từ thốt bằng giọng thật nghiêm nghị
– Cô không có ý kiến ngay bây giờ. Tuy nhiên nếu cô có ý kiến thời chắc chắn không đồng ý với em đâu Quát…
Cả lớp bật cười nhưng tiếng cười của Quát nghe rõ hơn hết. Tiếng chuông mãn giờ học vang lên và học sinh lục tục ra về. Vừa thu dọn sách vở bỏ vào cặp da Duyên vừa mỉm cười vì biết có một đôi mắt đang trông chừng mình. Không như những lần trước, lần này nàng đợi cho Quát ra trước rồi mới chịu rời chỗ ngồi. Đi sau lưng, tự dưng nàng muốn ký đầu học trò một cái thật mạnh cho hả cơn giận hờn. Ý nghĩ đó làm cho nàng bật cười.
– Dạ cô… Cô cười gì dậy cô?
Đi trước Quát lên tiếng hỏi mà không quay đầu lại. Duyên trả lời dấm dẳn làm như mình còn giận hờn.
– Không biết… Tôi cười gì kệ tôi… Mắc mớ gì tới em mà em hỏi…
– Dạ cô… Em tưởng cô cười em…
Duyên lẩm bẩm nhỏ vừa đủ để cho người đi trước nghe được.
– Xí… Tôi… Sức mấy mà cười em… Mập ốm gì mà cười em…
3
Nắm tay đứa cháu gái Duyên thong thả đi vào cổng Sở Thú. Trưa thứ bảy người người đi lại đông đảo. Trời tháng 5 man mát nhờ cơn mưa từ tối hôm qua. Hàng bông bụp xanh lá. Gốc cây me già cỗi. Bóng nắng lỗ chỗ trên đường tráng nhựa.
– Út ơi… Mình đi coi con khỉ nghen Út…
Đứa cháu gái lên tiếng và Duyên cười gật đầu. Tiếng rao hàng lanh lảnh. Ngang qua hồ cá hai cô cháu dừng lại nhìn những con cá màu vàng lớn hơn bàn tay đang nhởn nhơ bơi lội. Tuy chưa tới chuồng khỉ mà nàng đã nghe tiếng khỉ la hét um trời. Tự dưng nàng nghĩ tới Quát, tới bài thơ Dáng Thú. Đứa cháu gái nắm tay nàng hỏi han líu lo. Nhìn con khỉ cái Duyên liên tưởng tới lời diễn tả của Quát. Con khỉ cái này cũng có hai cái vú xệ. Đàng kia một con khỉ già ngồi im lìm trong góc. Nó tách biệt hẳn với đồng loại. Tay chống càm, ngồi trên tảng đá nó có thái độ như là suy tư. Duyên mỉm cười với ý nghĩ nếu mang thêm cái kiến lão thời nó giống y hệt như Quát đã diễn tả.
– Cô biết hông em nói với ông gác vườn thú đeo cho con khỉ già cặp kiến lão mà ổng hổng chịu…
Duyên rùng mình vì giọng nói quen quen cùng hơi thở ấm phà vào mặt của mình. Nàng biết người vừa nói là ai rồi. Quay qua nàng thấy Quát đang nhìn mình mỉm cười.
– Em đi đâu dậy?
Duyên hỏi vì ngạc nhiên thời ít mà mừng rỡ thời nhiều hơn. Dường như nàng quên mất cách đây hai ngày nàng còn giận cậu học trò của mình và tự nhũ với lòng là không thèm nói chuyện một tháng.
– Dạ em đi thăm cô…
Duyên trừng mắt tỏ vẻ không bằng lòng vì câu nói xạo của học trò. Hiểu ý Quát nhăn răng cười.
– Biết cô đi sở thú hôm nay nên em…
Duyên gạt ngang không cho học trò nói hết câu.
– Thôi đi đừng có xạo… Muốn bị cấm túc hông?
Quát cười hì hì khi nghe câu hăm he của cô giáo. Tuy nói là hăm he song lại đùa cợt nhiều hơn.
– Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ cô ơi…
Một ý nghĩ thoáng qua và Duyên reo lên.
– A… Cô biết rồi… Em đi thăm người yêu của em trong sở thú…
Tới phiên Quát ngẩn người. Bắt gặp cái nhìn dò hỏi của học trò Duyên cười hóm hỉnh ngâm nho nhỏ.
– một buổi sáng mùa xuân
một mình vào sở thú
tôi nghe con sấu gọi tôi
tôi cười ôm hôn nó
thấy da thịt nó mịn màng hơn da thịt người tình con gái…
Quát cười hắc hắc. Anh chưa kịp nói gì Duyên liến thoắng tiếp liền.
– Tôi hân hạnh được biết một nhà thơ nhớn, một thi sĩ nổi tiếng…
Quát đỏ mặt cười vì bị cô giáo chọc quê. Được thể Duyên chọc tiếp.
– Em có bồ chưa hả Quát?
Đang thọc tay trong túi quần Quát đưa tay lên xoa xoa chót mũi của mình.
– Dạ chưa…
– Thế thì làm sao em biết da thịt con sấu mịn màng hơn da thịt người tình con gái…
Quát đỏ mặt làm thinh giây lát mới cười gượng.
– Dạ cô… Cái này em tưởng tượng…
Duyên bật cười và giọng cười của nàng chứa nhiều tinh nghịch lẫn chế diễu.
– Tưởng tượng… Chuyện tình yêu không thể là chuyện tưởng tượng được. Nó phải là kinh nghiệm thực tiễn, phải là cái mình đã trải qua…
Quát ngắt lời cô giáo của mình.
– Cô ơi… Cô có bồ chưa cô?
Tới phiên Duyên đỏ mặt vì ngượng ngùng. Cuối cùng nàng cười gượng lắc lắc mái tóc dài của mình.
– Chưa… Cô chưa có bồ…
Quát cười hắc hắc. Giọng cười của anh không giống cô giáo, vừa tinh nghịch, chế diễu pha lẫn chút vui mừng khi nghe cô giáo tự thú nhận chưa có bồ hoặc người yêu.
– Như vậy thời cô đâu có kinh nghiệm thực tiễn để nói…
Cười gượng Duyên chống chế một cách yếu ớt.
– Thì ít ra cô cũng lớn tuổi, cô cũng già hơn em… Cô cũng biết nhiều về chuyện tình yêu hơn em…
Quát nhìn cô giáo của mình với cái nhìn giễu cợt. Miệng anh tủm tỉm cười và mắt nheo lại cùng với câu nói bật ra.
– Cô ơi… Cô biết gì về chuyện tình yêu hả cô… Chắc là trong tiểu thuyết hả cô…
Duyên ngẩn người chưa kịp nói gì Quát lắc lắc đầu cười tiếp.
– Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ…
Không hiểu sao Duyên lại bật cười khi nghe học trò của mình lại dùng câu nói trong Le Petite Prince của Antoine De Saint Exupéry để ” lên lớp ” mình. Nàng thật tình không giận có lẽ vì nét mặt khôi hài và câu nói mang âm hưởng trẻ con của Quát.
– Những đứa học trò chẳng bao giờ chúng nó tự hiểu cái gì cả và thật là mệt cho cô giáo lúc nào cũng phải giải thích cho chúng nó…
Quát gập người lại để cười khi nghe cô giáo ăn miếng trả miếng. Ngưng cười anh nói với Duyên giọng thật lễ phép và dịu dàng.
– Dạ cô… Cô hết giận em chưa cô?
Ngần ngừ giây lát Duyên mới thong thả lên tiếng.
– Còn nhưng hổng nhiều lắm. Bởi vậy cô mới chịu nói chuyện với em… Lần sau em đừng có làm như vậy nghe chưa…
Dứt lời nàng nhìn học trò bằng ánh mắt van lơn nhiều hơn nghiêm nghị.
– Muốn làm em phải xin phép…
Dường như biết hai tiếng ” xin phép ” không có ảnh hưởng nhiều lắm nàng cười duyên tiếp.
– Em phải hỏi ý rồi mình thảo luận…
Quát gật gù cười.
– Dạ… Em cám ơn cô… Em hứa là sẽ hỏi ý cô trước khi làm bất cứ chuyện gì…
Có lẽ thích thú điều gì Quát xoa hai bàn tay của mình rồi cười nói với cô giáo.
– Để tạ lỗi với cô em xin mời cô ăn mía ghim và đậu phọng rang…
Nắm tay đứa cháu gái Duyên cười đùa.
– Cô nhận lời xin lỗi của em. Để cám ơn em cô mời em ăn cà rem cây…
Sau khi mua thức ăn uống xong, thầy và trò như đồng tình cùng sóng bước trên con đường đầy bóng cây mát rợi.
– Nhà em ở đâu dậy Quát?
– Dạ Thị Nghè. Bên kia sông. Bởi vậy em đi sở thú hoài… Em chui rào…
– Em bao nhiêu tuổi rồi Quát?
– Dạ mười sáu…
– Dậy thì em nhỏ hơn cô sáu tuổi…
Quát cười cười nhìn cô giáo. Có lẽ nó sớm nhận ra cô giáo của mình định dùng sự khác biệt về tuổi tác cũng như vai vế làm thứ hàng rào cản ngăn đồng thời cũng ngầm cho nó biết đừng nên xé hàng rào tình cảm để chui qua. Riêng Duyên nhận thấy cậu học trò của mình thật lạ. Có những lúc nó trầm mặc, xa vắng như người lớn thời cũng có những lúc nó hồn nhiên và vui vẻ như một đứa con nít.
– Quê của em ở đâu dậy Quát?
– Dạ Bến Tre. Cô biết Bến Tre hông cô?
Nói xong Quát đưa cho cô giáo gói đậu phọng rang. Hai bàn tay chạm nhau. Duyên cảm thấy có một dao động nhẹ nhàng trong tâm hồn của mình vì sự đụng chạm này.
– Biết nhưng chắc không nhiều bằng em…
Duyên lắc đầu mỉm cười vì câu trả lời không đúng với văn phạm của mình. Không biết vô tình hay hữu ý nàng lại bắt chước học trò. Đúng ra nàng phải trả lời một câu như thế này ” Cô biết nhưng chắc không nhiều bằng em về tỉnh Bến Tre vì nơi đó không phải là nơi cô sinh ra…”
Giọng nói trầm và chậm rãi của Quát vang lên.
– Bao gồm ba cù lao Bảo, Minh và cù lao An Hóa, với bốn con sông thuộc sông Cửu Long chảy qua trên tỉnh là sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên; Bến Tre trở thành một tỉnh đặc biệt có hệ thống sông rạch nhiều nhất so với các tỉnh khác của miền nam. Cô thích ăn trái cây hông cô?
Duyên cười nhìn học trò của mình trong lúc cả hai ngồi xuống cái băng đá dưới tàng cây rườm rà.
– Thích… Cô thích xoài tượng và sầu riêng…
– Em chưa được ăn sầu riêng… Má em bảo mắc lắm không có tiền mua. Hôm nào em mời cô đi về Bến Tre ăn xoài tượng và sầu riêng…
Cười thánh thót Duyên giơ ngón tay trỏ dứ dứ vào trán của học trò.
– Nhớ nghe chưa… Thất hứa là bị cô cho ăn trứng vịt…
Quát đưa tay lên như thề thốt.
– Em sẽ nhớ… mà cô không được từ chối cô ơi… cô ơi…
Quát lập lại hai tiếng cô ơi khiến cho Duyên phải lên tiếng.
– Được rồi cô hứa… Bây giờ cô phải đi về…
Nhìn đứa cháu gái đang ngủ gà ngủ gật trong lòng nàng cười tiếp.
– Cô nhờ Quát ẵm dùm cô con Thảo ra cổng sở thú để cô đón xe…
– Dạ… Nhà cô ở đâu hả cô?
– Cô ở bên Tân Định… Bên hông rạp Văn Hoa…
Duyên không hiểu tại sao mình lại nói cho Quát biết nhà một cách rành rọt. Dường như ở cạnh Quát nàng đâm ra yếu đuối và mất tự chủ. Hoặc nàng cố tình nói để cho Quát tới thăm mình tại nhà. Hai người đi bộ ra tới cổng chánh. Người đi lại thưa thớt vì đã hơn bốn giờ chiều. Trong lúc đứng chờ xích lô Duyên nhắc lại với học trò lần nữa.
– Quát đừng chui vào lớp khác trong lúc cô dạy nghe Quát…
Quát mỉm cười nhè nhẹ gật đầu. Duyên thấp giọng xuống như năn nỉ.
– Quát làm như vậy người ta dị nghị… Cô…
– Em hiểu. Em hứa với cô em sẽ không làm như vậy nữa. Nhưng em…
Duyên quay qua nhìn học trò. Dường như ánh mắt của nàng nói lên điều gì đó làm cho Quát thở dài cười nói lảng.
– Xích lô kìa cô…
Leo lên xích lô Duyên còn căn dặn.
– Cô về nghen… Mai nhớ đi học nghen…
Dạ tiếng nhỏ Quát đứng nhìn theo chiếc xích lô từ từ mất dạng nơi ngã tư đường Hồng Thập Tự. Cô giáo lên xe rồi mà anh còn đứng thờ thẩn nhìn theo. Mùi hương của cô Duyên như còn lẫn khuất trong gió, phảng phất trong mũi và trong tâm hồn của cậu học trò ít tuổi nhưng nhiều tưởng tượng, đam mê và lãng mạn.
Bốn mươi ba học sinh của lớp đệ tứ A2 im lặng vì phải chú tâm vào giờ thi Việt Văn. Duyên ngồi trên bàn viết của mình nhìn xuống dãy bàn bên phải nơi có Quát ngồi. Nàng hơi ngạc nhiên khi thấy nó ngồi im nhìn ra cửa sổ. Không dằn được thắc mắc nàng thong thả rời chỗ ngồi đi ra cửa nhìn giây lát đoạn dạo một vòng xuống cuối lớp. Đi tới chỗ Quát ngồi nàng dừng lại quan sát. Thấy nó cắm cúi viết nàng mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Ngước lên thấy cô giáo đứng nơi đầu bàn nó viết lên tờ giấy trắng hai chữ ” cô ơi ” thật lớn. Duyên mỉm cười liếc nhanh một vòng quanh lớp. Thấy học sinh cặm cụi làm bài nàng lại ngó xuống chỗ Quát ngồi. Trên tờ giấy học trò hiện lên hàng chữ lớn ” Hôm nay cô đẹp quá…”. Hơi mỉm cười nàng vội bỏ đi vì nếu biết chần chờ sẽ còn đọc nhiều dòng chữ của đứa học trò có tính si tình, lãng mạn và đam mê.
Tiếng chuông trên bàn viết vang lên báo hiệu đã hết giờ thi. Học sinh tuần tự đem bài của mình lên nộp cho cô giáo xong trở lại chỗ ngồi. Vì là giờ Việt Văn cuối cùng trước ngày bãi trường cho nên học trò được nghỉ nửa giờ. Tiếng nói chuyện rì rầm. Tiếng cười phát ra nho nhỏ như cố gắng giữ im lặng trong lúc cô giáo chấm bài.
Trời cuối tháng bảy nóng hầm hập. Duyên nằm trên cái võng căng dưới gốc cây vú sữa rườm rà ở sân trước nhà của mình. Chút gió nhẹ làm lay động những lá vú sữa. Trên đùi nàng là quyển tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh đang đọc được vài chục trang. Nằm đọc sách mãi cũng chán và khát nước nàng ngồi dậy đi vào nhà pha ly nước chanh. Vừa từ trong nhà bước ra sân nàng thấy một người đi ngang qua cổng nhà của mình. Người đó đi chậm vả lại từ chỗ nàng đứng ra tới đường không xa nên nàng có thể nhận ra hao hao giống như Quát. Không dằn được tò mò và thắc mắc nàng bước nhanh ra cổng. Bóng người mặc chiếc quần xanh, áo trắng và mang giày ba ta. Vì ở xa nên dù ngờ ngợ là học trò song Duyên không dám lên tiếng gọi. Vài phút sau người đó quay trở lại. Khi người đó đi tới gần nàng lùi lại đứng nép vào thân cây nhãn lớn kế bên đường. Bây giờ nàng mới quả quyết chính là Quát. Nàng cười thầm khi thấy cậu học trò đi ngang qua cổng nhà của mình, hơi do dự và liếc nhanh vào trong rồi cúi đầu đi luôn.
– Nó coi vậy mà nhát…
Duyên cười vì ý nghĩ của mình. Bước ra cổng, nhìn sau lưng cậu học trò nàng gọi nhỏ. Nghe tiếng gọi Quát quay lại thật nhanh. Dường như nó chờ nghe cô giáo gọi tên của mình.
– Dạ cô…
Quát quay trở lại chỗ cô giáo đang đứng.
– Em đi đâu dậy?
– Dạ em đi tìm nhà thằng bạn… Nó cũng ở trong xóm này…
Duyên cười nói một câu nghe như đùa giỡn.
– Dzậy hả. Cô tưởng em tìm cô thời cô mời em dzào nhà chơi còn nếu em tìm nhà bạn thời em cứ đi tìm đi…
Quát cười ngượng ngập, bối rối và nét mặt hơi đỏ lên. Cuối cùng anh nói chậm và nhỏ.
– Dạ em đi tìm cô…
– Sao em biết nhà cô?
Quát ấp úng.
– Dạ cô… Cô chỉ nhà hôm trước… Em đi cầu may…
Duyên cười nhìn cậu học trò với cái nhìn thật dịu dàng cùng với giọng nói thân mật vang lên.
– Dậy hả. Mời em vào nhà cô chơi… Nhà ba má của cô thời đúng hơn…
Quát cười im lặng. Hai người bước song song trên nền đất trắng mịn đầy bóng nắng. Ngước đầu lên nhìn tàng cây nhãn cao rồi nhìn quanh quất như quan sát và nhận xét cuối cùng Quát cười.
– Em thích nhà của cô. U tịch… cổ kính… liêu trai giống như cô…
Duyên bật cười khi nghe học trò ví mình với ngôi nhà. Thỉnh thoảng nàng cũng nghĩ như Quát. Ngôi nhà này của ông cố nội nàng cất lên từ lâu lắm. Có lẽ nó còn lớn tuổi hơn ba của nàng. Ngôi nhà đã xưa mà đất quanh nhà cũng rộng lại thêm cây cối xum xê biến khu vườn thành u tịch, cổ kính và phảng phất nét liêu trai. Chính nàng đôi lúc ở nhà một mình vào ban đêm cũng đâm ra sợ ma.
– Quát nói cô cổ, cô xưa hả…
Duyên cười hỏi đùa và Quát cười hắc hắc.
– Cô có vẻ hoài cổ hơn mấy cô giáo trẻ trong trường…
Thấy học trò nói xong rồi nhìn mình cười chúm chiếm Duyên đâm ra mắc cỡ. Nhất là khi thấy Quát ngó đăm đăm vào chiếc áo cánh ngắn tay của mình. Vì là mùa hè vả lại trong nhà không có ai nên nàng chỉ mặc chiếc áo bằng lụa mỏng ngắn tay cho mát. Lúc gặp Quát nàng hầu như quên bẵng mình tuy không ăn mặc hở hang hay lộ liễu nhưng thân thể vẫn lộ ra nhiều phần không nên cho người lạ nhìn nhất là người lạ lại chính là cậu học trò si mê mình.
Ấn học trò ngồi xuống chiếc võng nàng nói như ra lịnh.
– Cấm nhìn nghe chưa. Ngồi xuống đây và nhắm mắt lại để cô vào thay áo…
Đi được ba bước Duyên quay lại hăm he.
– Cấm mở mắt ra nghe chưa. Em mà mở mắt nhìn là cô mời em đi dìa liền…
Quát mỉm cười nhắm mắt lại. Dù nhắm mắt lại anh cũng hình dung ra được hình ảnh của cô giáo với chiếc áo cánh ngắn tay hở cổ phô bày cái hằn sâu của hai bờ ngực trắng ngần. Từ người cô giáo toát ra mùi hương dịu dàng và đằm thắm giống như hương của hoa ô môi tuy không ngạt ngào song làm người ta nhớ hoài. Tiếng gió rì rào hòa lẫn với tiếng chim cu gáy và tiếng ca vọng cổ làm thành thứ tiếng động êm đềm của buổi trưa hè.
– Em dễ dạy lắm… Cám ơn em… Thôi mở mắt ra được rồi…
Quát mở mắt. Trước mặt là cô giáo Duyên, áo bà ba màu xanh, nút cài tận cổ, quần đen, hai bàn chân mủm mỉm, xinh xắn và mái tóc huyền xỏa bờ vai thon mềm. Anh mơ hồ ngửi được mùi hương như của hoa gì vừa mới nở. Đưa ly nước chanh cho Quát, Duyên cười hỏi.
– Em tìm cô có chuyện gì?
– Cô còn nhớ là cô có hứa đi với em về Bến Tre?
Duyên gật đầu uống ngụm nhỏ nước chanh.
– Cô còn nhớ…
– Chừng nào cô mới đi?
Ngẫm nghĩ giây lát Duyên mới lên tiếng.
– Bến Tre thời xa lắm. Mình sáng đi chiều về chắc không kịp mà ở qua đêm thời không tiện… Em đậu hay rớt?
– Dạ đậu… Bình cô ơi…
Khẽ gật đầu Duyên cười cười.
– Giỏi dzậy… Cô biết em sẽ đậu nhưng hổng ngờ em lại đậu bình…
Ngồi xuống chiếc võng đối diện với võng của học trò nàng cười tiếp.
– Để mừng em thi đậu cô đề nghị mình đi Lái Thiêu. Ở đó cũng có sầu riêng…
Mặc dù không muốn song Quát cũng không cãi lại lời của cô giáo. Riêng Duyên đã suy nghĩ kỹ càng trước khi nói. Trót nhận lời với Quát đi về Bến Tre nhưng sau đó nghĩ lại nàng thấy có nhiều bất tiện. Thứ nhất là đi chơi xa. Thứ nhì là ngủ qua đêm trong phòng ngủ. Dù nhỏ tuổi hơn song Quát vẫn là đàn ông. Do đó ở chung với học trò trong phòng ngủ làm cho nàng không được thoải mái lắm.
– Chừng nào mình đi hả cô?
– Hôm nay thứ hai. Thứ năm mình đi. Đi ngày thường ít người hơn nên mình tha hồ ăn trái cây và…
Duyên ngừng lại kịp thời. Đúng ra nàng định nói ” tha hồ mình nói chuyện ” nhưng nghĩ sao nàng lại thôi. Dường như nàng cảm thấy nói vậy giống như hai người bạn cùng trang lức đi chơi với nhau. Nàng vẫn muốn giữ khoảng cách thầy trò giữa mình với Quát.
– Em xin phép ba má của em chưa?
– Dạ rồi. Má em dễ lắm. Má em thương em lắm. Em xin gì cũng được…
Duyên cười đùa.
– Bởi vậy em mới hư…
Quát lắc đầu thở dài. Khuôn mặt của nó thoáng chút buồn rầu.
– Tại vì em là con trai út nên má em cưng…
– Ủa ba em đâu mà cô không nghe em nhắc tới…
Quát cúi đầu nhìn xuống đất. Duyên nghe như có tiếng thở dài.
– Dạ ba em ở xa lắm…
Quát ngước lên. Duyên thấy trong mắt của học trò có chút gì long lanh như nước mắt.
– Ba em ở trên Nam Vang. Lâu lắm rồi em không có gặp ba em… Hồi còn nhỏ má em có dẫn em lên thăm ba một lần…
Duyên thở dài thầm lặng. Bỗng dưng nàng cảm thấy thương Quát như thương đứa em nhỏ dại của mình. Nàng hiểu nó thiếu tình phụ tử. Nó kém may mắn hơn nàng.
– Em nhớ ba em hông?
Im lặng giây lát Quát mới lắc đầu.
– Hồi nhỏ thời nhớ mà bây giờ thời không. Lâu lắm rồi…
Duyên hiểu ý của học trò. Tình cảm phải phát sinh và tăng trưởng từ sự săn sóc, gần gụi, kề cận với nhau hằng ngày. Làm sao nó có thể thương yêu một người ở xa, không một mối dây liên lạc hay không thấy mặt mũi. Cô giáo và học trò đều im lặng thật lâu. Dường như mỗi người mãi suy nghĩ chuyện riêng tư của mình.
– Nhà của cô im thật. Cô sợ ma hông cô?
Quát cười nhìn cô giáo. Liếc nhanh vào ngôi nhà gạch lớn của mình Duyên cười đáp.
– Đôi khi cũng sợ. Nhất là khi ba má cô đi vắng ban đêm…
Uống hớp nước chanh Quát cười nhìn cô giáo.
– Khi nào ba má cô đi vắng em tới phụ coi chừng nhà với cô…
Liếc một vòng quanh ngôi nhà gạch xưa cũ anh cười nhỏ.
– Khung cảnh này mà trời mưa lất phất nằm đọc truyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh thời hết sẩy cô ơi… Em nhớ hồi nhỏ hè em về ở với bà ngoại. Mỗi khi bà ngoại đi thăm bà con mà về trễ là em sợ không dám ở trong nhà. Em ra ngoài sân đứng chờ…
Quát cười hắc hắc khi ôn lại chuyện cũ. Duyên cười góp chuyện.
– Lúc đó em đang ở đâu?
– Dạ ở Bến Tre. Em ở với má… Má em đẹp lắm cô… Má em hồi còn trẻ chắc cũng đẹp như cô…
Duyên cười gật đầu. Nghe giọng của Quát nói về mẹ của mình nàng biết nó rất thương mẹ. Có lẽ vì không sống gần cha do đó nó dồn hết tình thương về người mẹ hiền đã nuôi dưỡng nó.
– Để hôm nào em đem hình của má em chụp hồi còn trẻ cho cô xem…
Thấy Quát uống cạn ly nước chanh Duyên đưa tay ra cười bảo.
– Em uống nữa không cô lấy thêm…
Quát lắc đầu rời khỏi võng.
– Dạ cám ơn cô. Em phải đi dìa… Em chỉ muốn gặp cô để nhắc lại lời hứa của mình…
Có lẽ cũng không muốn lưu khách lâu hơn nên Duyên cười bước đi. Cô giáo và học trò bước song song ra cổng.
– Hè này em có đọc sách hông Quát?
– Dạ có… Em không có tiền mua sách nên ra thư viện quốc gia đọc ké…
Quát cười hắc hắc sau khi nói. Duyên cũng nói theo cho vui.
– Cô cũng hay ra đó ngồi đọc sách mệt xong đi bát phố…
– Dạ… Chào cô em dìa… Thứ năm em sẽ mượn xe của chị em tới đón cô…
Không biết nghĩ ngợi điều gì mà Duyên lại thay đổi ý kiến.
– Hay là cô tới nhà em…
– Dạ khỏi cần cô ơi… Cô đừng lo em lái xe chì lắm. Không sợ té đâu cô…
Như sợ cô giáo không tin Quát cười nói tiếp.
– Chị hai của em có xe. Em chở chỉ đi hoài…
Dừng lại khi ra tới cổng Duyên nói.
– Vậy hả. 10 giờ em tới nhà cô. Em đi xe buýt tới đây hả?
Quát cười lắc đầu.
– Dạ hông. Em đi bộ…
– Đi bộ mỏi chân chết…
– Dạ em đi bộ quen rồi cô… Dạ chào cô em dìa…
Duyên im lặng đứng nhìn theo bóng dáng gầy gầy và nhỏ thó của đứa học trò. Từ khi biết Quát không có cha ở gần nàng cảm thấy thương nó nhiều hơn. Bây giờ nàng có thể đoán ra nguyên nhân vì sao mà nó ít nói, trầm mặc và buồn nhiều hơn vui. Nàng cũng nhận ra một điều là nó cười nhiều hơn khi ở cạnh nàng. Nó vui vẻ nhiều hơn vì được nói chuyện với nàng. Ngay cả nàng cũng vậy. ” Có lẽ vì Quát biết nói chuyện và nhất là hợp gu với mình… Nó thích văn chương mà mình cũng thích...”. Duyên lẩm bẩm trong lúc cúi đầu đi vào nhà.
4
Chiếc velosolex chạy chầm chậm qua cầu Bình Lợi rồi lát sau quẹo trái vào con lộ tráng nhựa đi Lái Thiêu. Gió từ mặt sông bốc lên man mát. Quát ngồi trước lái xe còn Duyên ngồi phía sau.
– Mát ghê…
Duyên nói nhỏ như nói với mình song Quát nghe được.
– Ngày nghỉ em với thằng Chương hay lên sông Bình Lợi để tắm… Nó có bà cô nhà ở gần sông nên tụi này chèo xuồng đi hái bần…
– Em coi chừng chết chìm đó nghen…
Quát cười hắc hắc quay lưng lại nhìn cô giáo.
– Em biết lội từ hồi mới đẻ ra mà cô…
Duyên lườm cậu học trò của mình.
– Thôi đừng có xạo… Có ai mới đẻ ra mà biết lội…
– Có chứ cô… Ông Yết Kiêu đó… Cô biết hông?
– Hông… Yết Kiêu là ai vậy?
Bật cười sằng sặc Quát lại quay đầu nhìn cô giáo.
– Trời ơi… Cô là giáo sư mà cô không biết Yết Kiêu…
Duyên làm thinh không trả lời vì đang cố lục lọi trong trí nhớ của mình. Cuối cùng nàng lên tiếng.
– Tên nghe quen nhưng cô không nhớ là ai?
– Yết Kiêu là gia tướng của Hưng Đạo Vương. Ông ta nổi tiếng về tài lặn lội. Người ta đồn ông ta có thể lặn sâu ở dưới nước cả ngày…
– Chuyện đó cô nghĩ người ta đồn quá đáng. Làm gì có người ở dưới nước lâu như vậy được…
– Em cũng đồng ý với cô. Tuy nhiên chuyện Yết Kiêu bơi lội giỏi là chuyện có thật. Em là hậu duệ của Yết Kiêu mà cô…
Hơi nhúc nhích người cho khỏi mỏi rồi Duyên buông một câu có vẻ thờ ơ.
– Thật dậy à…
– Dạ… Gia phả nhà em nói như vậy. Má em nói khi có thai em thời nằm mơ thấy ông Yết Kiêu về dẫn đi tắm sông nên sau này khi em vừa sinh ra ba em bỏ vô nước là em lội bủm bủm liền…
– Thiệt hả Quát…
– Dạ thiệt mà cô… Bởi vậy em không bao giờ bị chết chìm vì xuống nước là người của em nổi như bong bóng vậy cô ơi…
– Vậy bữa nào mình đi tắm để cô xem em có nổi trên nước…
Khi Duyên nói xong thời Quát cười hắc hắc rồi quay lại nhìn cô giáo. Nhìn nét mặt của học trò Duyên biết mình bị mắc lừa.
– Em xạo ghê…
Vừa nói Duyên vừa thò tay nhéo vào hông cậu học trò một cái thật mạnh.
– Ái da…
Quát kêu lên một tiếng lớn xong buông tay lái để ngăn không cho cô giáo nhéo thêm cái nữa. Cử chỉ đó khiến cho chiếc xe mất thăng bằng lảo đảo rồi lủi vào bờ. Duyên sợ hãi la tiếng lớn đoạn vòng hai tay ôm chặt ngang hông của học trò. Cũng may nhờ Quát lanh trí cầm chặt tay lái bằng một tay nên chiếc xe chỉ lảo đảo mấy lần rồi lấy thăng bằng trở lại.
– Cô có sao hông cô?
Thở hổn hển Duyên trả lời.
– Hổng sao… Em làm cô sợ gần chết…
Vì sợ té nên Duyên quên mất là mình đang ôm eo ếch của học trò. Tới chừng hết sợ nàng cảm thấy mặt nóng bừng vì cảm giác âm ấm từ da thịt của Quát truyền sang người. Len lén như sợ học trò biết nàng từ từ rút tay ra. Tuy nhiên vì ngồi phía sau lưng nên nàng không thấy được nụ cười tinh nghịch của Quát.
– Em đừng xạo nữa nghe Quát. Cô không thích em xạo đâu…
– Dạ em xin lỗi cô…
– Em mà xạo là cô không đi chơi với em nữa… nghe chưa Quát…
Nghe giọng nói nghiêm nghị của cô giáo Quát le lưỡi. Quay nhìn ra sau nó cười chúm chiếm rồi lên tiếng.
– Cô giận em hả cô?
Duyên im lặng không trả lời như cố ý tỏ ra mình giận, trong lúc quay mặt nhìn vào lề đường nàng cười chúm chiếm và lẩm bẩm trong trí.
– Mình phải hù cho nó sợ… Đừng để nó coi thường mình…
Xe chạy qua vườn trái cây. Những ngôi nhà lá hay lợp ngói thấp thoáng.
– Mình ghé đâu hả cô?
– Em cứ chạy đi… Chừng nào tới chỗ cô chỉ cho. Cô biết một vườn trái cây ngon mà rẻ nữa… Cô có lên chỗ đó vài lần…
– Cô đi với ai dậy cô?
Nghe cái giọng của Quát Duyên mỉm cười.
– Đi với bạn chứ đi với ai…
– Bạn trai hay bạn gái hả cô?
Như muốn chọc cho cậu học trò tức Duyên đáp nước đôi.
– Bạn trai cũng có mà bạn gái cũng có. Em hỏi chi dzậy?
Quát làm thinh không trả lời. Điều đó khiến cho Duyên thích thú. Thật lâu thấy học trò cứ làm thinh Duyên cười.
– Cô có một người bạn trai hồi học ở sư phạm. Anh ta thích cô lắm… Anh ta hay mời cô lên đây ăn trái cây hoài…
Quát quay lại cười. Duyên thấy nụ cười của học trò nhuốm chút tinh nghịch.
– Em biết cô chưa có bồ…
– Sao em biết. Bộ em là thầy bói hả…
Quát quay lại cười khi nghe lời vặn hỏi của cô giáo. Riêng Duyên thấy nét mặt của nó vui vẻ một cách khác thường ngoài ra nụ cười cũng có vẻ giễu cợt.
– Cô khó có bồ lắm cô ơi…
Duyên bật cười vì cái giọng thầy đời nhất là hai tiếng cô ơi kéo dài của học trò…
– Cô là một cô gái hoài cổ lại thêm tính mơ mộng và lãng mạn. Tình yêu mà cô đi tìm là thứ tình yêu trong tiểu thuyết. Người yêu mà cô muốn gặp là người tình trong mộng của cô. Hai thứ đó khó tìm thấy trong đời sống của chúng ta…
Duyên biết Quát nói đúng ngay vào những gì mình đã nghĩ nhưng lại không muốn nói ra. Nàng không muốn cho Quát biết là nó nói đúng. Có thể vì tự ái. Có thể nàng muốn giấu ý tưởng thầm kín của mình. Nàng mê văn chương và nó ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống tinh thần của nàng. Nó ảnh hưởng tới cách sống của nàng. Ở vào thời đại mà ảnh hưởng của tây phương xâm chiếm hầu hết mọi lãnh vực trong xã hội thời nàng vẫn còn mơ những huyền thoại xa xưa. Người tình của nàng phải là hình ảnh của vua Quang Trung, chiến y cháy nám vì súng đạn trong cuộc chiến chống xâm lăng hào hùng của dân tộc. Nó là hình ảnh của Lý Thường Kiệt, dẫn đầu đoàn quân Đại Việt trong chiến công chưa từng có trong suốt dòng lịch sử đấu tranh của dân Việt. Hình ảnh người yêu của nàng như là hình ảnh của Ngô Quyền dìm quân Nam Hán xuống lòng sông Bạch Đằng mở đầu kỹ nguyên tự chủ và tự cường của dân Giao Chỉ sau hơn một ngàn năm nô lệ Tàu. Người yêu hay người chồng tương lai của nàng phải là hình ảnh của ” chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt. Xếp bút nghiên theo việc binh đao… Múa gươm rượu tiễn chưa tàn. Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo…” Hay trong hiện tại là hình ảnh của người lính chiến đấu cho tự do của dân tộc.
– Sau khi thi tú tài 1 xong em sẽ tình nguyện đi lính…
Giọng của Quát nhỏ nên hầu như bị át vì tiếng gió thổi vả lại đang mãi suy nghĩ nên Duyên không nghe được. Nói xong nhưng không nghe cô giáo lên tiếng Quát hơi quay đầu lại nhìn. Nét mặt của Duyên đăm chiêu như đang suy nghĩ chuyện gì do đó không nghe nó nói chuyện.
– Quát nói gì mà cô không nghe rõ…
– Dạ đâu có nói gì đâu cô…
Giọng của nó như hờn dỗi. Duyên cười dỗ dành.
– Có… Cô có nghe mà… Quát nói cho cô nghe đi…
Duyên nghe học trò lên tiếng bằng giọng buồn buồn và bùi ngùi.
– Dạ cô… Sau khi thi tú tài xong em sẽ tình nguyện đi lính…
– Đi lính…
Duyên kêu lớn. Giọng của nàng đầy thảng thốt vì ngạc nhiên xen lẫn hoảng hốt.
– Dạ em sẽ đi lính…
– Em chưa tới tuổi đi lính mà…
– Thi tú tài xong là em đủ 18 tuổi rồi cô…
– Đi lính cực lắm…
Duyên viện ra đủ mọi cớ mong thay đổi ý định của học trò. Nàng nghe Quát nói với giọng nghiêm nghị và cương quyết.
– Dạ em biết… Em chịu cực được. Vả lại người ta sao mình dậy…
– Em đi lính cô buồn lắm…
Duyên phải viện tới điều này với hy vọng cuối cùng là dựa vào lý do tình cảm giữa thầy trò để mong Quát bỏ ý định đi lính.
– Dạ em cũng buồn… Có thể còn buồn nhiều hơn cô. Tuy nhiên…
– Má em có bằng lòng cho em đi lính hông?
Duyên hỏi. Dường như nàng không muốn Quát đi lính nên tìm đủ mọi cách để lung lạc học trò.
– Dạ em chắc má em không chịu. Nhưng em có hỏi mấy người anh bà con, họ nói nếu em đủ 18 tuổi thời không cần sự ưng thuận hoặc cho phép của cha mẹ…
– Cô ước gì em đừng lớn, cứ 16 tuổi hoài…
Duyên cười thánh thót sau câu nói. Quát cũng quay đầu lại nhìn nàng rồi cười lớn.
– Cô không muốn em lớn lên à?
– Không… Em nhỏ như vầy em dễ thương hơn…
– Em thì em muốn em lớn. Em ước bây giờ em bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn cô…
Duyên hiểu câu nói của học trò ám chỉ điều gì nhưng nàng không muốn nói ra. Nàng lờ đi làm như không hiểu.
– Tới rồi Quát… Em quẹo vào chỗ đó đó. Có tấm bảng đó…
Nhìn thấy tấm bảng gắn lên trên thân cây Quát giảm tốc độ và từ từ quẹo vào con lộ nhỏ bằng đất. Nhìn tấm bảng viết nguệch ngoạc mấy chữ ” Tại đây có bán trái cây ” Quát cười lên tiếng.
– Em bao cô ăn nghen…
Duyên kêu lên.
– Không được đâu… Cô bao em mà. Mừng em thi đậu mà…
Quát vỗ vỗ vào túi quần của mình.
– Em có tiền mà cô…
– Xạo… Em có đi làm đâu mà có tiền…
– Em có mà cô… Em có nhiều lắm…
Im lặng giây lát Duyên lên tiếng.
– Bây giờ mình làm như dầy… Ai có nhiều tiền hơn thời người đó trả tiền. Chịu hông?
– Chịu… Cô có bao nhiêu tiền?
– Khoan đã… Em phải nói thiệt nghe… Không được xạo…
Quát gật đầu.
– Em hứa hổng có xạo với cô… Cô có bao nhiêu tiền?
Duyên cười thánh thót trước khi trả lời vì tin chắc học trò làm gì có tiền nhiều hơn mình trừ khi nó giàu từ trong trứng giàu ra mà nàng biết nhà Quát không giàu.
– Cô có một ngàn đồng… Em có bao nhiêu?
Quát cười hắc hắc. Nghe giọng cười đắc thắng của học trò Duyên cau mày hỏi dồn.
– Bao nhiêu?
– Dạ một ngàn hai trăm đồng. Cô ít hơn em rồi cô ơi…
Duyên lắc lắc đầu. Nàng không tin và không chịu tin là học trò lại có nhiều tiền hơn mình.
– Hổng tin. Tiền của em để đâu đưa cho cô xem cô mới tin…
– Em để trong túi quần bên hông nè…
Háo hức muốn biết học trò có bao nhiêu tiền Duyên thò tay vào túi quần của nó để lục tìm. Vì túi quần sâu và rộng nên bàn tay của nàng chạm vào đùi của Quát. Đứa con trai mới lớn rùng mình, cảm thấy bàn tay mềm mại, âm ấm như có điện truyền sang làn da đùi của mình gây chấn động toàn thân, làm run rẩy từng sớ thịt đường gân. Thêm vào đó là mùi hương toát ra từ mái tóc, từ hơi thở nóng của cô giáo khiến cho nó rụng rời, bàng hoàng ngây ngất. Riêng Duyên, dù cách một lớp vải mỏng manh, cũng có cảm giác kỳ lạ khiến cho bàn tay của nàng run run, tim đập mạnh và mặt nóng bừng lên.
– Cô… tìm được chưa…?
Quát thều thào hỏi còn cô giáo trả lời lạc giọng và như ngọng nghịu không thành lời rõ ràng.
– Chưa… chưa… túi… quần… em…
Quát trân người khi bàn tay của cô giáo cứ tiếp tục sờ soạng làn da đùi của mình. Một cảm giác kỳ lạ chạy rần rần trong cơ thể làm nổi gai ốc, lông tay dựng đứng và mặt nóng bừng lên giống như bị sốt.
– Đây… đây rồi… Để cô… đếm… coi em có bao nhiêu tiền…
Duyên thều thào lên tiếng như bị hụt hơi. Giọng của nàng như lạc đi. Một tay ôm vòng ngang hông, lưng tựa sát vào lưng, một tay giữ cọc tiền, một tay kia nàng chậm chạp tháo banh xấp tiền của Quát ra để đếm. Mải mê đếm tiền do đó nàng không để ý tới chuyện là nguyên bộ ngực con gái của mình đè mạnh vào lưng đứa học trò vừa mới lớn làm cho nó rùng mình như bị điện giật.
Cuối cùng Duyên thở dài nhè nhẹ.
– Cô thua… Em nhiều tiền hơn cô…
Quát thở phào. Tiếng thở của anh bật mạnh ra tựa như bóng bóng bị xì hơi.
– Vậy là em được quyền làm người lớn hôm nay rồi cô ơi…
– Cái gì?
Duyên hỏi gọn. Ngừng xe nơi cái sân rộng có vài chiếc xe đang dựng Quát cười trả lời.
– Chị hai của em nói con trai mà đi chơi với con gái, nếu muốn làm người lớn thời phải trả tiền…
Duyên cười nhìn cậu con trai mới lớn bằng ánh mắt là lạ.
– Nhưng cô không phải là con gái. Cô là thầy của em…
Quát cãi lại liền.
– Cô là thầy nhưng cô cũng là con gái mà… Em xin cô để cho em làm người lớn một lần…
Nghe lời xin của học trò Duyên ưng thuận. Không biết nghĩ sao mà nàng lại cười nói.
– Lần này cô để em trả tiền. Mai mốt cô sẽ mời em đi ăn kem…
Buột miệng nói xong câu này Duyên giật mình. Thật ra nàng muốn giữ nguyên giới hạn giữa mình với Quát thuần túy là tình thầy trò. Nàng biết là Quát thích mình nhưng nàng nghĩ đó chỉ là thứ tình cảm bồng bột của đứa con trai mới lớn nhiều mơ mộng và lãng mạn. Sau này khi rời khỏi mái nhà trường nó sẽ quên nàng, quên đi thứ tình cảm mong manh này. Do đó nàng không muốn mối liên lạc giữa mình với học trò càng ngày càng thêm mật thiết và chặt chẽ hơn. Tuy nhiên có một điều lạ lùng là dường như nàng không thể kiểm soát và không làm chủ được tình cảm của mình dành cho Quát. Nó lén lút và âm thầm; nó lẫn trốn và giấu mặt rồi thừa cơ hội nàng không để ý lại xuất hiện bất thình lình. Dường như nó muốn chứng tỏ rằng dù nàng cố gắng dập tắt nó vẫn hiện hữu hoài hoài, đâu đó trong góc thẳm tâm hồn của nàng.
– Cô nói thiệt hả cô?
Duyên gật đầu cắn môi của mình. Đứng nhìn Quát dựng chiếc velo vào thân cây măng cụt và khóa lại cẩn thận nàng nói với chút gì nghe như buồn buồn.
– Thiệt… Cô chưa hứa cuội với em mà…
Khóa xe xong Quát ngước lên cười. Duyên cảm thấy lòng mình lao chao vì nụ cười của học trò.
– Cô mà hứa cuội là cô biết em làm gì hông?
– Làm gì?
– Em mét má cô…
Duyên bật cười thánh thót. Nhìn nàng giây lát Quát mới từ từ lên tiếng. Giọng của anh nhuốm nhiều si mê mà cũng nhiều buồn rầu.
– Hôm nay em thấy cô đẹp tuyệt vời…
Duyên háy học trò rồi ngoe ngoảy bước đi. Dĩ nhiên là Quát không thấy được nụ cười tự mãn của nàng. Hôm qua trước khi đi ngủ nàng đã băn khoăn không biết mặc quần áo gì để đi chơi với học trò. Cuối cùng nàng chọn bộ quần áo này. Đó là chiếc quần dài xanh và áo sơ mi trắng ngắn tay. Nếu gắn lên cái huy hiệu ” Hồ Ngọc Cẩn ” thời nàng sẽ biến thành một cô học trò, có nghĩa là nàng cùng vai vế với Quát. Cả hai cùng là học trò chứ không phải thầy trò. Dường như trong thâm tâm nàng không muốn có sự cách biệt giữa mình với Quát. Nàng cũng không hiểu lý do tại sao mình lại băn khoăn về chuyện mặc quần áo khi đi chơi với học trò. Có phải mình muốn lúc nào mình cũng đẹp để cho Quát tôn thờ, ngưỡng mộ và si mê mặc dù mình không yêu Quát? Tại sao mình không muốn làm thầy Quát? Tại sao mình lại muốn ngang hàng với Quát? Mình có mến Quát? Có thích? Có yêu? Có thương? Nếu không tại sao mình lại đi chơi? Tại sao mình cảm thấy vui vui khi có Quát bên cạnh? Quát với mình đồng điệu? Quát chọc mình cười? Mình chán khuôn mặt đạo mạo của mấy ông giáo sư ngang tuổi hoặc chỉ lớn hơn năm ba tuổi. Nàng không muốn nhìn mặt mấy ông cụ non. Cái mặt nào cũng phủ bên ngoài một lớp son phấn nghiêm nghị, đạo mạo và cứng ngắt hồ của một bậc mô phạm. Họ không dám cười dù chuyện đáng cười. Họ không dám khóc dù buồn thúi ruột, dù bị đào đá, bồ bỏ đi lấy chồng khác. Họ sống hình thức. Họ đóng bên ngoài cái vỏ trí thức, mô phạm. Không như Quát. Vui cười. Buồn ít thời than thở. Buồn nhiều thời khóc ra nước mắt. Quát sống thực với bản ngã của mình. Bởi vậy mới dám viết lên những câu thơ mà nghe ai ai cũng lắc đầu. Duyên nhớ lại đoạn kết trong bài thơ Dáng Thú của Quát. Mỉm cười nàng vừa đi vừa ngâm nho nhỏ.
– một buổi trưa mùa hạ
một mình vào sở thú
tôi thấy tôi trần truồng đứng giữa bầy dã thú…
– Cô đi đâu vậy cô?
Quát vừa đi sau lưng vừa hỏi. Hơi chậm bước như chờ Duyên đáp vọng lại.
– Đi dạo chứ đi đâu… Em có đi bộ trong vườn trái cây lần nào chưa…
Hai người song hành trên đường mòn chạy giữa hai hàng cây ăn trái cao đầy bóng mát. Ánh nắng của mặt trời xuyên qua lá cây dọi xuống nền đất đen mịn và trên áo của thầy trò thành những đốm sáng lung linh. Ngước lên nhìn tàng cây cao đầy trái xong Quát len lén nhìn cô giáo của mình. Anh ngửi được mùi hương thoang thoảng tiết ra từ mái tóc huyền buông lơi trên chiếc áo sơ mi trắng. Anh quay mặt cười khi quan sát cô giáo thọc hai tay trong túi quần dài xanh thong dong bước. Không phải là hình ảnh của cô Duyên, giáo sư Việt Văn mà là hình ảnh của một cô gái mang tên Duyên xuất hiện thường xuyên trong trí tưởng nhiều mơ mộng của mình. Duyên hiện lên trong khi bó gối ngồi trước hàng hiên nhìn mưa rơi hay trong đêm sáng trăng nào đó, trải chiếu nằm trước sân mơ mộng. Duyên là hình bóng khi nhạt khi mờ trên trang báo xuân, trong những bài thơ tình của anh đăng trên đặc san hoặc chuyền tay cho cả lớp đọc để rồi ngẩn ngơ vì hình bóng đó chỉ có trong trí tưởng của một tâm hồn lãng mạn.
– Em nghĩ gì vậy Quát?
Duyên hỏi như muốn phá tan bầu không khí im lặng giữa mình với học trò.
– Em mơ tới ngày em đi lính rồi trở về thăm cô…
Muốn giấu kín tâm tư của mình Quát trả lời một câu mà khi nghe xong Duyên lại thở dài.
– Em muốn làm người lớn hả Quát?
– Dạ… Em muốn mau lớn… Em muốn cao hơn cô…
Cười nhìn học trò Duyên nói một câu.
– Em không bao giờ lớn hơn cô. Em có thể cao hơn cô nhưng em không bao giờ lớn hơn cô…
– Đo đi… Em nghĩ là em cao hơn cô…
Bật cười Duyên dừng lại.
– Đo liền… Đứng sát vào cô xem ai cao hơn ai…
Hai thầy trò đứng sát nhau. Duyên đưa tay của mình lên đầu để đo.
– Ê… ê đừng có ăn gian… Em đừng có nhón chân lên nghen…
Quát cười hắc hắc.
– Cô cao hơn em vì cô mang guốc cao gót…
– Đâu có… Cô mang giày ba ta mà…
Đo đi đo lại ba lần xong Duyên cười cười. Nụ cười thú nhận.
– Em cao hơn cô một chút…
Duyên đưa hai ngón tay của mình lên làm dấu để cho học trò thấy một chút là bao nhiêu. Quát chưa kịp nói nàng tiếp nhanh.
– Tuy nhiên cô lại già hơn em một chút…
Duyên cười vì thấy mình ra dấu cao một chút chỉ bằng lóng tay còn già hơn một chút lại dài bằng ngón tay.
– Cô ăn gian cô ơi…
Duyên cười hắc hắc vì cũng biết mình ăn gian.
– Cô không có ăn gian đâu. Cô muốn ăn sầu riêng măng cụt hà…
Duyên nói bằng giọng có chút gì nghõng nhẽo. Quát quay người trở lại.
– Mình dìa chỗ hồi nãy đi cô. Em hân hạnh được trả tiền cho cô ăn và hy vọng sẽ có nhiều lần vui như vầy…
Duyên nhìn học trò bằng ánh mắt biết ơn.
– Cám ơn em…
Duyên chứng tỏ lời cám ơn của mình bằng cách hôn lên trán Quát như người chị hôn đứa em trai thân yêu của mình. Nàng không biết được là nụ hôn đó đã làm chuyển hướng tình cảm của Quát. Nàng cũng không nghĩ là cái hôn tầm thường đó Quát đã mang theo suốt cuộc đời.