Bão Ngầm

 

bao ngam

Lời của người viết truyện

Là một bộ truyện chiến tranh giả tưởng gồm 3 phần: Cửu Long Phẫn Nộ, Du Kích Chiến Biển và Chuyến Công Tác Cuối Cùng; Bão Ngầm cũng là bộ truyện tiếp nối theo Giấc Mộng Việt Nam, nói về cuộc chiến tranh không qui ước của nước Việt Nam tự do và dân chủ đối với Trung Cộng để bảo toàn lãnh thổ trên đất liền và biển đảo. Muốn nắm vững tình tiết cũng như các nhân vật của truyện, xin quí độc giả vui lòng đọc truyện Giấc Mộng Việt Nam trước. Ngoài ra vì là truyện giả tưởng về chiến tranh ở thế kỹ thứ 21 cho nên có rất nhiều danh từ chuyên môn thuộc về chiến tranh mà người viết để nguyên Anh ngữ vì khó lòng dịch ra tiếng Việt một cách chính xác được. Tuy nhiên người viết cũng cố gắng giải thích cho quí độc giả có một khái niệm tổng quát để quí vị đọc truyện một cách dễ dàng hơn. Xin cám ơn nhiều.

 

Phần I

CỬU LONG PHẪN NỘ

 

1.

Sài Gòn. Tháng 3 năm 2045.

Do dự giây lát, thiếu tá Minh mới chịu bước vào căn phòng hội của Phòng Nghiên Cứu Chiến Thuật & Chiến Lược thuộc bộ quốc phòng của nước Việt Nam tự do và dân chủ đặt thủ đô tại Sài Gòn. Vị tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn thám biệt kích thấy quanh chiếc bàn dài có năm người đang ngồi trò chuyện mà trong đó có ba quân nhân anh quen mặt. Ngồi đầu bàn là chuẩn tướng Biên, tham mưu trưởng bộ binh. Ngồi cạnh tướng Biên là đại tá Thìn, trưởng phòng hành quân. Người thứ ba, ngồi cạnh Thìn chính là đại tá Mạnh, trưởng phòng an ninh tình báo, vị chỉ huy trực tiếp của anh. Ngồi đối diện với chuẩn tướng Biên là một người đàn bà mặc âu phục. Tuổi ước chừng năm mươi, bà ta thoạt trông từa tựa như người Châu Á song nếu nhận xét kỹ thì lại như có nửa phần Tây Âu với chiếc mũi cao và đôi mắt xanh. Minh nhíu mày cố nhớ ra người đàn bà này là ai song đành chịu. Tuy nhiên anh đoán ngồi ngang hàng với tướng Biên thì bà ta ắt phải có chức phận cao lắm. Ngồi cạnh người đàn bà là một thanh niên mang kính cận anh chưa gặp lần nào.

– Minh ngồi đi…

Nói với Minh, đại tá Mạnh chỉ vào chiếc ghế kế bên thanh niên lạ. Khẽ hắng giọng, chuẩn tướng Biên lên tiếng trước nhất.

– Để tôi giới thiệu sơ cho mọi người biết nhau. Thiếu tá Minh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt kích, người được chỉ định thi hành công tác Cửu Long…

Chỉ vào người đàn bà, tướng Biên cười tiếp.

– Bà Sue đây thì có lẽ chỉ có mình thiếu tá Minh chưa biết mặt thôi…

Hướng mắt về người đàn bà được tướng Biên gọi là bà Sue, Minh cười lên tiếng.

– Chưa có hân hạnh gặp bà Sue lần nào song tôi cũng được nghe tiếng ” kiều nữ ” của bà trong vụ bán đấu giá đảo Phú Quốc…

Sue bật lên tiếng cười thánh thót.

– Cám ơn về lời khen của thiếu tá. Tôi có nghe chồng tôi đôi lần nhắc tới đơn vị biệt kích do thiếu tá chỉ huy…

– Xin lỗi chồng bà là ai?

Tới phiên đại tá Mạnh lên tiếng trả lời.

– Bà Sue là phu nhân của ông bộ trưởng Quốc…

Minh à lên tiếng nhỏ.

– Tôi xin lỗi bà… Tôi không được biết điều đó…

Cười gật đầu, Sue quay qua nhìn thanh niên mang kính cận đang ngồi cạnh mình đoạn cười nói với thiếu tá Minh.

– Tiện đây tôi cũng xin hân hạnh được giới thiệu cùng thiếu tá, kỹ sư Chiến. Ông ta sẽ là người tháp tùng theo thiếu tá trong công tác Cửu Long…

Minh quay nhìn thanh niên được Sue giới thiệu với cái tên kỹ sư Chiến. Anh tự hỏi công tác mà mình được giao phó là thứ công tác gì mà lại dính dáng tới phe dân sự. Là lính chuyên nghiệp, anh không thích làm việc chung với phe dân sự vì có nhiều thứ khác biệt và lắm khi xung khắc với nhau. Giọng của Sue vang thánh thót.

– Để khỏi mất thì giờ quí báu của mọi người, tôi xin đi ngay vào mục tiêu chính của cuộc họp hôm nay. Với sự chấp thuận của thủ tướng Việt, bộ trưởng Quốc và tư lệnh Điền cũng như sự phụ giúp của hai phòng hành quân và an ninh tình báo thuộc bộ tư lệnh bộ binh; tôi và các nhân viên dưới quyền đã phác hoạ ra những điều đại cương cho công tác Cửu Long.

Dừng lại giây lát, Sue quay qua nhìn thiếu tá Minh đoạn thong thả tiếp.

– Công tác mà thiếu tá và anh em binh sĩ biệt kích sắp thi hành rất quan trọng và cũng rất khó khăn. Trừ thiếu tá và lính biệt kích ra không ai làm được…

Nghe Sue rào đón, Minh biết công tác mà mình sẽ thi hành là loại công tác nếu không phá hoại thì cũng điệp báo sâu trong vùng địch. Đó là thứ công tác cực kỳ nguy hiểm, đi có mà về thì gần như không. Giọng nói của Sue vang nhẹ trong căn phòng hội rộng song yên tịnh.

– Tôi đã đọc báo cáo của tướng Khải trình lên bộ quốc phòng cho biết Giai Đoạn 3 hay là Ra Trung của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn đã hoàn thành cũng như tình hình quân sự, chính trị và xã hội của miền Trung đã được ổn định. Quân lực của ta đã dừng lại tại đèo Ba Dội và giành phần kiểm soát tất cả các vị trí quân và dân sự quan trọng của mười mấy tỉnh thuộc miền Trung cũng như các thành phố Thanh Hoá, Vinh, Huế, Đà Nẳng, Nha Trang và Qui Nhơn. Trong ý định tái chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Cộng, chính phủ đã giao cho tôi trọng trách nghiên cứu và soạn thảo ra kế hoạch đối đầu với bộ binh và hải quân của Trung Cộng. Theo ước tính của phòng nghiên cứu chiến thuật&chiến lược thì sớm muộn gì hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng cũng tìm đủ mọi cách chiếm lại quần đảo Trường Sa đang được ta kiểm soát. Để làm chậm lại kế hoạch tái chiếm Trường Sa của hạm đội Nam Hải đồng thời cũng làm yếu đi sức mạnh của kẻ xâm lăng, tôi đề nghị hai biện pháp vừa quân sự vừa kinh tế. Đầu tiên tôi xin được đề cập tới yếu tố kinh tế vì nó liên quan tới công tác Cửu Long. Cũng chính vì sự quan yếu và khẩn cấp của công tác này mà chính phủ phải cần tới tài sức của thiếu tá Minh và các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn biệt kích…

Rời chỗ ngồi, Sue bước tới bức vách đang nổi lên bản đồ của vùng Vân Nam và năm nước Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Cao Miên và Lào. Trên bức bản đồ sáng lên một vệt mà nhìn vào ai cũng biết chính là con sông nổi tiếng: Cửu Long.

– Không đếm xỉa gì tới lợi ích chung cũng như muốn khống chế các nước láng giềng, Trung Cộng đã cho xây hai mươi cái đập thuỷ điện lớn nhỏ dài theo sông Cửu Long tính từ đất Tây Tạng xuống tới biên giới của tỉnh Vân Nam với năm nước láng giềng. Các đập thủy điện này đã làm nghẽn mạch, huỷ hoại dòng sông Cửu Long mà miền nam của ta chính là vùng đất bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nước trên thượng nguồn không được thông thương tự do đã làm cho vùng đồng bằng miền nam bị nhiễm mặn vì nước biển lấn sâu vào. Rồi đây, vùng đồng ruộng phì nhiêu của chúng ta sẽ khó mà trồng lúa hoặc cây trái được. Sự thiệt hại lâu dài ước tính lên tới trăm ngàn tỉ đô la. Đó là lý do thứ nhất khiến cho tôi đề nghị với chính phủ chấp thuận một kế hoạch để cứu vãn con sông Cửu Long. Lý do thứ nhì cũng quan trọng không kém. Hai mươi cái đập thuỷ điện mà Trung Cộng xây trên dòng Cửu Long có khả năng cung cấp điện cho mấy tỉnh của miền nam nước Tàu như Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Thanh Hải, Hồ Bắc… Nội trong địa phận của tỉnh Vân Nam, Trung Cộng đã xây mười cái đập thuỷ điện trong đó có hai đập lớn nhất là Tiểu Loan (Xiaowan) và Noạ Trát Độ (Nuozhadu). Muốn làm yếu đi tiềm năng quân sự của Trung Cộng, chúng ta phải làm suy xụp hoặc xáo trộn nền kinh tế của họ. Thử tưởng tượng ra nếu mười tỉnh của miền nam nước Tàu mà bị mất hoặc hao hụt điện thì dân chúng sẽ hoảng loạn như thế nào. Các nhà máy, công ty, xí nghiệp sẽ bị đình trệ hoặc đóng cửa vì không có điện…

Ngừng lại nhìn xuống chỗ mọi người đang ngồi, Sue cười nhẹ tiếp.

– Muốn làm cho nước sông Cửu Long được thông thương tự do để vùng đồng bằng miền nam của chúng ta không bị nhiễm mặn trong thời gian ít nhất 20 năm, muốn làm suy xụp phần nào nền kinh tế của Trung Cộng, muốn cho dân chúng Trung Hoa mất niềm tin vào chính phủ của họ; quân lực ta phải, bằng mọi cách và bằng mọi giá phá huỷ ít nhất 1 hoặc 2, hoặc 3 hoặc phá hết 10 cái đập thuỷ điện xây trên sông Cửu Long thuộc địa phận Vân Nam…

Nghe tới đó thiếu tá Minh liếc nhanh đại tá Mạnh, trưởng phòng an ninh tình báo và thấy cấp chỉ huy cũng đang nhìn mình mỉm cười. Điều đó khiến cho anh nghĩ ra lý do mình được đặc biệt mời tham dự cuộc họp cao cấp này.

– Theo đề nghị của các nhân viên của phòng nghiên cứu, tôi chọn cái đập Nuozhadu để thử tài phá hoại của thiếu tá Minh và các người lính biệt kích…

Ai cũng bật lên tiếng cười về câu nói đùa của Sue. Riêng Minh tuy cũng cười song lại nghĩ thầm: ” Phá hoại kiểu này mà tụi Tàu Cộng biết được thì sẽ có đánh nhau lớn. Hổng biết bà Sue này có nghĩ tới điều đó chưa ta…”. Rồi sau đó anh lại nghĩ tiếp: ” Chắc mấy ông lớn cũng đã nghĩ tới chuyện có chiến tranh với Trung Cộng nên mới cho phép mình phá hoại. Cái vụ đánh nhau với Tàu Cộng để họ lo. Họ biểu mình phá thì mình phá… Hơi sức đâu lo chuyện tào lao… mệt…”…

– Công tác Cửu Long là công tác tối mật và quan trọng vì nếu Trung Cộng biết chính phủ Việt Nam ở Sài Gòn âm mưu phá hoại thì tôi e rằng sẽ có chiến tranh giữa ta với họ…

Nghe tới đó Minh gật gù lẩm bẩm: ” Ít ra thì bà ta cũng nghĩ giống như mình nghĩ…”.

– Tuy nhiên theo sự lượng định của phòng nghiên cứu chiến lược và phòng tình báo; nếu công tác Cửu Long hoàn thành rồi sau đó mới bị Trung Cộng biết được thì nguy cơ chiến tranh trên bộ giữa ta với họ cũng khó mà xảy ra do ở ta không có chung đường biên giới với họ. Muốn đánh ta, họ phải kéo quân đi qua nước Lào và miền bắc của nước Việt Nam đang do cộng sản kiểm soát. Tôi muốn nói, ít nhất họ cũng phải suy tính kỹ càng trước khi khai mở một cuộc chiến tranh mà hại nhiều hơn lợi. Huống chi nếu công tác Cửu Long bị đổ bể thì chính phủ sẽ phủ nhận đã làm chuyện phá hoại đó…

Ngừng nói, vị giám đốc của phòng nghiên cứu chiến thuật & chiến lược hướng cái nhìn của mình về chỗ thiếu tá Minh đang ngồi.

– Tôi xin lỗi thiếu tá khi nói ra điều đó. Vì lý do an ninh quốc phòng, chính phủ coi như không hề nhúng tay vào công tác Cửu Long. Khi thi hành công tác thiếu tá và các người lính biệt kích sẽ không có lý lịch, quân số, cấp bậc, đơn vị và luôn cả quốc tịch nữa. Chính phủ không biết họ là ai. Nếu chết, họ sẽ chết âm thầm. Nếu may mắn sống sót, họ cũng không được hưởng vinh quang gì hết mà phải giấu kín bí mật  chuyện đã làm…

Thiếu tá Minh lặng lẽ gật đầu như hiểu được lời nói của Sue. Im lìm giây lát anh mới lên tiếng hỏi và đó cũng là thắc mắc đầu tiên của vị chỉ huy tiểu đoàn viễn thám.

– Xin phép bà cho tôi hỏi vài điều…

– Mời thiếu tá…

– Ngoài những lý do mà bà đã nêu ra khiến cho ta phải phá những cái đập thuỷ điện của Trung Cộng, còn có lý do nào khác hơn nữa thưa bà…

Mỉm cười nhìn chuẩn tướng Biên, hai đại tá Thìn và Mạnh; Sue thấy ba vị sĩ quan cao cấp này cũng gật gù cười như đã biết được câu trả lời. Quay sang thiếu tá Minh, Sue hắng giọng.

– Có một lý do mà vì sự tế nhị của nó nên không được thảo luận một cách công khai. Tuy nhiên nếu ông đã hỏi thì tôi xin trả lời một cách vắn tắt. Nước Mỹ muốn có chiến tranh với Trung Cộng nhưng lại không muốn mình là kẻ châm ngòi chiến tranh. Họ sử dụng tất cả những gì có thể làm được để ép Trung Cộng phải nổ súng trước… Hoặc có thể họ sẽ thúc đẩy các nước khác châm chọc cho Trung Cộng phải đánh nhau với các nước nhỏ và yếu hơn mình nằm trong vùng rồi thời gian sau sẽ tham gia như họ đã từng làm trong thế chiến thứ nhì…

Ngừng lại uống ngụm nước lạnh xong Sue mới cười nhẹ tiếp.

– Theo thiển ý của tôi thì có hai nước trong vùng đông nam á châu có đủ yếu tố để châm chọc cho Trung Cộng phải nổ súng trước. Nước thứ nhất là Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku ( Điếu Ngư ) ở biển Hoa Đông với Trung Cộng. So về thực lực quân sự thì Nhật Bản là nước có hải quân mạnh đủ sức cầm cự với hải quân của Trung Cộng cho tới khi Hoa Kỳ lâm trận. Chúng ta đều biết là giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ có ký kết hiệp ước quân sự. Nước thứ nhì chính là Việt Nam tự do và dân chủ của ta ở Sài Gòn. Tuy không giàu có với lại lực lượng hải quân cũng không bằng Nhật Bản song nước ta cũng có những tranh chấp về biển đảo với Trung Cộng. Tôi nghe tin phong phanh là chính phủ đang dự tính đổi tên nước Việt Nam tự do và dân chủ có thủ đô ở Sài Gòn thành ra tên Việt Nam Cộng Hòa như ngày xưa cách đây hơn bảy mươi năm. Tuy nhiên nếu muốn đổi tên thì chánh phủ phải mở ra cuộc trưng cầu dân ý để hỏi ý kiến của dân. Dân chúng có thuận thì mới đổi tên được…

Dường như không nhịn được Chiến mới lên tiếng ngắt ngang lời của Sue.

– Chị nghĩ dân chúng có chấp thuận không?

Sue mỉm cười nhìn mọi người trong phòng trước khi trả lời câu hỏi của Chiến.

– Chị nghĩ là dân chúng sẽ chấp thuận sau khi nghe chính phủ trình bày lý do của việc đổi tên nước. Từ năm 1954 cho tới năm 1975, nước Việt Nam bị chia làm 2 nước. Miền bắc nằm dưới sự cai trị của cộng sản với tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; còn miền nam tự do và dân chủ có tên Việt Nam Cộng Hòa. Hai quần đảo Hoàng- Trường Sa đều thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1974, Trung Cộng xua tàu chiến tấn công Hoàng Sa. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chống cự song rốt cuộc rồi Trung Cộng cũng cưỡng chiếm Hoàng Sa của ta. Rồi những năm kế tiếp họ lại xua hải quân đánh chiếm Trường Sa, tạo ra sự tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng như Việt Nam, Phi, Nam Dương… Năm 2013, nước Phi đã kiện Trung Cộng lên tòa án quốc tế và vào năm 2016, tòa án này đã tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn vô giá trị về mặt pháp lý. Chính phủ ta cũng đang tính kiện Trung Cộng ra trước tòa án quốc tế về vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta. Tuy nhiên muốn cho được danh chính ngôn thuận thì ta phải lấy lại tên nước là Việt Nam Cộng Hòa. Nếu tòa án mà xử ta thắng kiện thì ta mới có cớ và sự hậu thuẫn của dân chúng và các nước láng giềng để dùng lực lượng hải quân tái chiếm Hoàng Sa từ tay Trung Cộng…

À tiếng nhỏ như hiểu ra sự việc, Chiến hỏi gọn.

– Chị nghĩ Hoa Kỳ không ngăn cản ta đánh Hoàng Sa?

Su mỉm cười nói tiếp và như chỉ muốn trả lời riêng với Chiến.

– Chị nghĩ họ sẽ không ngăn cản bởi vì họ muốn dùng ta để chọc cho Trung Cộng phải châm ngòi cuộc chiến ở Biển Đông trước. Để cho ta đánh nhau với Trung Cộng một thời gian ngắn rồi họ sẽ nhảy vào. Tính ra sự tương quan lực lượng thì hải quân của ta có thể gây tổn thất, có thể là phân nửa cho hạm đội Nam Hải. Như vậy khi hải quân Hoa Kỳ can thiệp thì rất dễ dàng cho họ đánh thắng hải quân của Trung Cộng. Huống chi cuộc chiến giữa Việt Nam Cộng Hòa ta với Trung Cộng không chỉ xảy ra trên biển mà còn có cơ nổ ra trên đất liền nữa. Để đánh ta, bộ binh của Trung Cộng sẽ tràn qua biên giới miền bắc đánh chiếm nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lúc đó nhóm cầm quyền của miền bắc phải có chọn lựa là giải tán đảng cộng sản để theo về với ta chống xâm lăng hay theo Trung Cộng để đánh ta…

– Chị nghĩ cộng sản miền bắc sẽ theo ai?

Cười hắc hắc Chiến hỏi câu trên. Sue mỉm cười lắc đầu.

– Chuyện này lớn và phức tạp nên chị chưa có câu trả lời…

Chiến lại lên tiếng đặt câu hỏi.

– Thưa chị lý do nào Mỹ lại muốn đánh nhau với Trung Cộng?

– Ai cũng biết hiện giờ Hoa Kỳ là một siêu cường về quân sự, kinh tế và chính trị. Ảnh hưởng của họ bao trùm lên toàn thể thế giới. Họ áp đặt một trật tự và an ninh chung cho mọi quốc gia. Trong khi đó Trung Cộng là một nước đang trỗi dậy với sức mạnh về kinh tế và quân sự chỉ có kém Hoa Kỳ thôi. Giới lãnh đạo đảng cộng sản của nước Tàu mang tham vọng ngày nào đó sẽ thay thế Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới. Đó là điều mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận được. Hiện giờ Trung Cộng đang tìm đủ mọi cách thức để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu. Đó là bước đầu tiên mà họ cần phải làm. Muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á cũng như loại trừ ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi vùng Thái Bình Dương, Trung Cộng phải trục hải quân Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông trước. Ngày nào còn có sự hiện diện của hạm đội 3 và 7 ở Biển Đông và Thái Bình Dương, ngày đó Trung Cộng chưa đạt được tham vọng bá chủ Châu Á và Thái Bình Dương. Biết điều đó, Hoa Kỳ sẽ chọc cho Trung Cộng nổ súng trước. So về sự tương quan lực lượng thì Trung Cộng chưa có thể thắng được Hoa Kỳ nếu có đánh nhau trên biển. Chỉ trong vòng từ hai tuần lễ cho tới một tháng, hải quân của Trung Cộng sẽ bị đánh tan. Thua trên biển thì Trung Cộng có nguy cơ không cản được Hoa Kỳ đổ bộ lên các vùng đất ven biển. Thua trận thì đảng cộng sản của nước Tàu có rất nhiều khả năng bị xụp đổ. Đó là điều mà Trung Cộng không muốn. Do đó thoạt nhìn bề ngoài thì người ta thấy Trung Cộng sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ chủ quyền, tuy nhiên suy nghĩ kỹ hơn thì họ lại không muốn đánh nhau với Hoa Kỳ trong lúc này. Biết đánh sẽ thua thì đánh làm gì…

Ngừng lại sau khi nói một lúc thật dài, Sue đưa ly nước lên uống ngụm nhỏ rồi mới nhìn thiếu tá Minh.

– Trung Cộng không muốn đánh thì ta sẽ làm cho họ phải đánh, bắt buộc họ phải đánh. Họ đánh nhau với Hoa Kỳ mà bị thua thì ta có lợi nhiều. Thừa lúc hải quân của họ bị hải quân Mỹ đánh xập tiệm, ta sẽ đánh chiếm lại quần đảo Hoàng Sa. Phá vỡ đập thuỷ điện của Trung Cộng xây trên sông Cửu Long là ta dồn họ vào cái thế suy xụp thêm về kinh tế đồng thời tạo ra sự rối loạn về chính trị. Để giải quyết hai vấn đề quan trọng này, Trung Cộng bắt buộc phải khơi mào chiến tranh với Mỹ để khích động tinh thần dân tộc và lòng ái quốc của dân chúng. Có như vậy thì đảng cộng sản Tàu mới hy vọng tồn tại được…

Gật đầu tỏ vẻ hiểu những gì Su nói xong Minh hắng giọng hỏi tiếp.

– Xin phép bà cho tôi được hỏi về vai trò của ông kỹ sư Chiến trong công tác Cửu Long?

Nhìn Chiến đang ngồi, Su cười tiếng nhỏ.

– Khi phác họa ra công tác Cửu Long, tôi cũng đã nghĩ tới những cách thức dễ dàng và nhanh chóng hơn như dùng phi cơ thả bom hoặc dùng hỏa tiễn để phá đập. Nhưng hai cách thức đó quá lộ liễu vả lại ta cũng không có hoả tiễn hạng nặng hoặc phi cơ mang loại bom GPU-57 MOP do đó tôi chọn giải pháp gởi toán biệt kích tới phá hoại. Muốn phá cái đập có chiều cao gần 300 mét, chiều dài 600 mét và chiều rộng 18 mét này, thiếu tá và anh em biệt kích phải biết đặt chất nổ vào chỗ nào yếu nhất, quan trọng nhất của nó. Kỹ sư Chiến là người sẽ chỉ cho thiếu tá chỗ nào nên phá và phá xong rồi thì muốn sửa chữa lại phải tốn công và của nhiều nhất. Với sự hiểu biết của một kỹ sư về đập thủy điện, Chiến biết rõ cấu trúc và cách thức vận hành của cái đập Nuozhadu để chỉ cho thiếu tá phá. Không có Chiến chỉ dẫn, toán biệt kích của thiếu tá không phá xụp được cái đập đâu…

Gật đầu tỏ ý hiểu, Minh lại lên tiếng hỏi tiếp.

– Bà định khi nào công tác bắt đầu?

– Bây giờ là cuối tháng ba. Công tác sẽ bắt đầu ngày 1 tháng 5?

– Không được…

Minh buông gọn. Su nhìn chuẩn tướng Biên rồi sau đó mới buông một câu hỏi rất lịch sự.

– Xin thiếu tá vui lòng cho tôi biết lý do?

Giọng nói của Minh vang lên chắc nịch.

– Lý do khiến ông kỹ sư không thể tháp tùng toán biệt kích được nếu ông ta không trãi qua một khóa huấn luyện căn bản quân sự kéo dài ít nhất ba tháng rồi một tháng để học hỏi về mưu sinh thoát hiểm. Lội trong rừng không phải như đi dạo trong công viên hoặc chạy bộ trên đường phố. Nó có trăm ngàn bất trắc, với những đột biến mà nếu không phản ứng kịp thời người ta sẽ chết không kịp ngáp, gây nguy hại cho đồng đội và làm hư công tác phá hoại. Nếu kỹ sư Chiến không đủ sức lội 20 cây số trong rừng một ngày, không biết bắn súng, không biết xài địa bàn, không biết tìm đường nếu đi lạc, không biết mưu sinh thoát hiểm; thì bà nên cho ông ta ngồi trực thăng thả xuống gần gần chỗ cái đập và tôi sẽ đón ổng ở đó…

Ai trong phòng cũng đều nghe thiếu tá Minh nêu ra hàng chục tiếng ” không ”. Từ chuẩn tướng Biên tới đại tá Mạnh và đại tá Thìn đều biết Minh nói đúng sự thật. Làm một người lính biệt kích không phải dễ. Họ có khả năng làm được những chuyện đặc biệt mà người khác không làm được. Họ có một thể chất tốt, được huấn luyện thành thạo về kỹ thuật tác chiến cá nhân, có thể sử dụng rất nhiều loại vũ khí, biết dùng chất nổ để phá hoại, biết cách di chuyển và mưu sinh thoát hiểm trong rừng sâu, thông thạo việc sử dụng máy truyền tin, am tường võ nghệ và cuối cùng là dám tình nguyện hy sinh vì nhiệm vụ.

– Nếu dùng trực thăng đổ người xuống thì lộ liễu quá và địch sẽ biết…

Su nhìn tướng Biên khi nói câu trên. Hiểu ý Su và cũng không muốn làm phật lòng bà ta đồng thời cũng đã nhận được lệnh của thượng cấp do đó chuẩn tướng Biên vội lên tiếng.

– Thưa bà giám đốc… Những lời của thiếu tá Minh đúng với sự thực. Ông Chiến không thể tháp tùng theo toán biệt kích đi lên Vân Nam phá đập được nếu ông ta không trãi qua một khoá huấn luyện cấp tốc và căn bản quân sự của một người lính. Tuy nhiên vì lý do công tác Cửu Long cần phải được thi hành ngay nên tôi có đề nghị như vầy…

Nhìn Minh, chuẩn tướng Biên hơi rắn giọng nói của mình.

– Bà Sue yêu cầu 1 tháng, trong lúc thiếu tá nói 4 tháng nên tôi đề nghị 2 tháng rưởi. Thiếu tá và các huấn luyện viên của toán biệt kích phải cố gắng dạy cho kỹ sư Chiến được chút nào hay chút đó. Tôi nghĩ thiếu tá và các anh em biệt kích có thể bảo vệ cho ông kỹ sư đừng để cho ổng đi lạc thì chắc không có gì nguy hiểm đâu…

Thiếu tá Minh không nói gì thêm vì biết những lời của tướng Biên như là cái lệnh ngầm mà mình phải thi hành. Quay sang Chiến đang ngồi cạnh, Minh cười nói đùa.

– Vậy thì sáng mai ông kỹ sư sẽ bắt đầu khoá học. Ông sẽ ngủ 4 giờ một ngày, tập đi đứng chạy nhảy nằm bò tới khi mệt lả. Ông sẽ phơi sương, phơi nắng, dầm mưa, lội sình. Lính của tôi sẽ quay ông như quay dế đá. Đó là tại bà Sue chứ hổng phải tại tôi đâu nghen…

Nghe Minh nói đùa Sue bật cười hăng hắc như không có vẻ gì phật lòng.

– Có gì Chiến cứ réo chị mà phàn nàn… Chị sẽ năn nỉ thiếu tá Minh cho em…

Chiến cười nói đùa với Sue.

– Dạ… Em mà mệt là em réo chị đó…

Tuy không tường mối quan hệ giữa Sue với Chiến song nghe họ nói chuyện thân mật, mọi người đoán cả hai phải thân thiết với nhau như chị em ruột. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi nghe thuyết trình về tất cả chi tiết của công tác Cửu Long xong thiếu tá Minh mới được phép ra về. Bước ra ngoài sân anh thở dài biết những ngày sắp tới sẽ là những ngày gay go nhất trong binh nghiệp của mình.

2.

Ngày 01 của công tác Cửu Long.

Đâu đó trong vùng Pu’er thuộc tỉnh Vân Nam.

40 cây số cách đập Noạ Trát Độ (Nuozhadu).

Tháng 6 là tháng của mùa mưa. Mưa rơi mù trời đất. Đưa tay vuốt nước mưa chảy thành dòng trên mặt, khom người nhấc lấy chiếc ba lô của mình, thiếu tá Minh hơi nhăn nhăn nét mặt song chỉ cười hỏi trổng một câu.

– Cái gì mà nặng dậy tụi bây?

Ngồi bên cạnh đống ba lô, trung úy Ánh cười hè hè.

– Dạ đồ chơi của mình anh Tư?

Anh Tư hay Tư Minh là biệt danh của thiếu tá Minh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt kích trực thuộc phòng an ninh tình báo của bộ tư lệnh bộ binh. Đây là một đơn vị được thành lập với nhiệm vụ đảm trách những công tác đặc biệt và bí mật mà các đơn vị thông thường không thể thi hành như điệp báo, phá hoại và ám sát. Đợi cho cấp chỉ huy đeo ba lô vào vai xong xuôi, Ánh tiếp liền.

– Trừ ông kỹ sư ra, anh Ba bảo tôi chia cho mỗi người ba Carrying Case M85 thành ra từ anh Tư xuống tới thằng Gio đều được lãnh 48 bánh C4…

C4 là loại chất nổ thông dụng được dùng trong quân đội Hoa Kỳ và nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố trên thế giới hiện nay. Nguyên thủy C4 có tên Composition C4, chế tạo bởi quân đội của nước Anh, được dùng trong thế chiến thứ 2, chiến tranh Cao Ly, chiến tranh Việt Nam và vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho tới bây giờ vì làm bằng hổn hợp plastic nên rất gọn, có thể đặt gắn bất cứ ở đâu, bất cứ hình dáng nào và sức phá hoại mạnh mẽ của nó. Thường trong quân đội C4 được đúc thành bánh hình chữ nhật dài 28 phân, rộng 5 phân và dày độ 3 phân rưởi, được gọi với cái tên ” M112 demolition charges ”. 16 bánh C4 hay M112 demolition charges ghép với nhau thành M183 demolition charge assembly. Sau đó nó lại được kết nối với 4 bộ phận kích nổ rồi đóng gói lại thành Carrying Case M85 rất dễ dàng trong lúc di chuyển cũng như phá hoại. Dù mặt vẫn còn nhăn nhăn song Minh làm thinh khi nghe nói tới Anh Ba tức đại úy Bình, tiểu đoàn phó của mình đồng thời cũng là toán phó trong chuyến công tác đặc biệt này. Hơn ai hết anh biết tánh thẳng thắn, cương trực và quang minh chính đại của vị sĩ quan phụ tá. Có nói có không nói không, đúng nói đúng sai nói sai, phải nói phải quấy nói quấy; Bình chẳng hề sợ sệt, vị nể hoặc bợ đỡ bất cứ ai kể cả cấp chỉ huy của mình. Cũng vì cái bản tánh đó mà Bình được mọi người kính trọng và mến phục. Có thể có một số sĩ quan không ưa Bình song anh lại có rất nhiều kẻ mến mộ và bênh vực anh. Trong số người mến mộ Bình có thiếu tá Minh. Bởi vậy mà ông ta đã vận động với sếp của mình là đại tá Mạnh cho Bình làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn biệt kích, một đơn vị rất hợp với khả năng và kinh nghiệm của một sĩ quan tác chiến như Bình. Được cấp chỉ huy giao khoán cho nhiệm vụ thành lập tiểu đoàn, Bình lần lượt đọc hết tiểu sử của lính ở mọi cấp bậc thuộc các sư đoàn bộ chiến, từ đó thanh lọc và tuyển chọn 500 quân nhân tình nguyện để thụ huấn các khóa học dành riêng cho một người lính đặc biệt ở các lãnh vực điệp báo, phá hoại, ám sát. Đây là công tác không biết thứ mấy của 20 lính biệt kích, một công tác mà họ đã được thượng cấp cho biết rất gian nan và nguy hiểm tới mức độ đi có mà về không.

– Mình đi hả thiếu tá?

Chiến lên tiếng hỏi. Nhìn ông kỹ sư trẻ tuổi, Minh cười thốt.

– Chưa… Tôi để cho ông kỹ sư nghỉ mệt thêm mười lăm phút nữa… Tôi dạo sơ một vòng…

Vừa nói Minh vừa nháy mắt ra hiệu cho Nhất, ông thượng sĩ đã theo mình từ lúc còn trung úy. Hiểu ý sếp, Nhất, tay mặt cầm khẩu Uzi còn tay trái nhấc lấy ba lô theo sau Minh. Rảo một vòng lớn quan sát địa thế xong trở lại chỗ đóng quân, quây 19 người lính lại thành vòng tròn, Minh ra lệnh nhanh và gọn.

– Mình chia 5 toán, mỗi toán 4 người, đi theo hình mũi tên. Tôi 1 lãnh toán 1 mở đường với Nhất, Đãnh và Cam. Bình coi toán 2 có Viễn, Tánh và ông kỹ sư. Trung uý Ánh coi toán 3, đi sau hộ tống cho ông Bình có Chánh, Én và Phong. Thiếu uý Bá coi toán 4 với Tám, Vinh và Đàm đi bên mặt. Cánh trái là toán 5 do ông Điện chỉ huy với Hiền, Hàn, Gio. Có ai thắc mắc gì không?

Không có người lính nào lên tiếng. Họ đã được huấn luyện thuần thục để hiểu mặc dù câu hỏi song đó là lệnh của thượng cấp và họ phải thi hành. Huống chi họ đều nhận ra cách chia quân hợp lý của cấp chỉ huy. Các sĩ quan hay hạ sĩ quan thâm niên được rãi đều ra năm toán phòng khi bị địch phục kích thời vẫn còn người sống sót để tiếp tục chỉ huy lính thi hành nhiệm vụ phá hoại. Người quan trọng nhất là Chiến đi theo toán 2 dưới sự chỉ huy của Bình và được bao che bởi bốn toán phải trái trước sau. Địch có đụng thì đụng toán bên ngoài trước nhất. Thấy mọi người im lặng, tay mặt xách ba lô, tay trái cầm lấy khẩu súng Uzi, Minh buông gọn lệnh của mình.

– Đi…

Đã từng theo sếp trong các công tác đặc biệt, trung sĩ Cam với trung sĩ Đãnh cùng lượt đeo ba lô vào lưng đoạn xách Uzi đi trước. Minh nối gót theo sau hai người lính thân tín và thượng sĩ Nhất bám ông ta như bóng với hình.

– Mời ông kỹ sư…

Bình lịch sự lên tiếng mời Chiến đi trước rồi mới theo sau lưng. Ngoài súng đạn, thức ăn và đồ dùng cá nhân, mọi người đều phải mang thêm 20 kí lô chất nổ trừ Chiến. Biết ông kỹ sư không quen chiến trận và chưa đi rừng lần nào nên Bình không bắt ông ta phải mang thêm chất nổ vì sợ nặng quá ông ta đi không nổi. Vả lại 20 kí chất nổ dành cho Chiến, nếu chia đều ra cho 19 người lính thời họ cũng chỉ mang thêm hơn 1 kí lô thôi. Tuy được ưu đãi không mang chất nổ nhưng bù lại anh cũng phải chia với Gio mang vài món phụ tùng nhẹ của máy truyền tin. Ngay lúc Chiến cất bước, Bình bước theo sau lưng. Chỉ cần vài bước sải, Viễn với Vinh vượt qua mặt Bình với Chiến để dẫn đầu toán 2. Kế đó toán 3 dưới quyền chỉ huy của trung úy Ánh cũng nối đuôi. Tất cả năm toán dàn thành hình cánh cung di chuyển trong rừng rậm. Muốn đi trong vùng rừng rậm hoang vu và lạ xa chưa từng đặt chân lần nào, người ta cần phải dựa vào các điểm như có người dẫn đường, bản đồ và địa bàn. Từ xa xâm nhập vào vùng rừng núi của tỉnh Vân Nam, dĩ nhiên toán biệt kích không có người dẫn đường vì sợ lộ bí mật và tự tin sẽ tìm ra mục tiêu của mình. Cái đập thủy điện khổng lồ đó nằm trên dòng sông Cửu Long, ở thị trấn Pu’er có tọa độ bắc vĩ tuyến 22° 33′ 51″ và đông kinh tuyến 100° 30′ 46” thời nhất định họ phải tìm ra được nó nằm ở đâu trong vùng rừng núi bao la của tỉnh Vân Nam. Sử dụng địa bàn và bản đồ thì bất cứ người lính biệt kích nào cũng biết và phải biết rành hơn. Thêm vào đó đề phòng bị lạc nhau không tìm được lối đi, mỗi người lính còn mang thêm một walkie talkie cực mạnh đủ sức nói chuyện xa mấy chục cây số trong rừng sâu.

Đi trước làm hướng đạo, Cam với Đảnh tách ra cách nhau ba chục bước. Thừa kinh nghiệm để biết muốn tránh phục kích và chết chùm cả đám, họ phải đi rời ra một khoảng vừa đủ khỏi bị mất dấu song cũng có thể tiếp ứng với nhau khi chạm địch. Dĩ nhiên họ không muốn chạm địch bởi vì mục đích của công tác không phải để đánh nhau mà là phá hoại. Tuy nhiên chuyện tình cờ chạm địch thời không ai có thể biết trước được mà tránh né. Không đòi hỏi, nhưng người lính biệt kích thuộc quân lực Việt Nam ở Phú Quốc được quyền học hỏi thêm vài chuyên môn đặc biệt và hữu ích. Không ít thời nhiều, họ biết võ và biết dùng tín hiệu để liên lạc với nhau phòng khi thất lạc mà không có máy truyền tin. Vả lại dùng máy truyền tin thời dễ bị kẻ địch bắt sóng trong khi dùng tín hiệu thời không sợ bị lộ vì chỉ có họ mới biết tín hiệu riêng có ý nghĩa gì. Tiếng thú vật như chim hót, vượn hú, khỉ la, gà gáy là tín hiệu thông thường mà lại dễ học nhất và ít bị nghi ngờ nhất vì rừng nào lại không có chim có khỉ. Do ở cái khiếu trời cho thêm sự chịu khó tập luyện, Cam và Đảnh là hai người lính thành thạo dùng tín hiệu để thông tin cho nhau.

****

Ngày 02 của công tác Cửu Long.

30 cây số cách đập Nuozhadu.

Đi một mạch tới 12:00 giờ, Minh mới ra lịnh dừng quân để ăn cơm trưa. Trong lúc ăn anh với Bình coi lại bản đồ và địa bàn để xác định hướng đi. 12 giờ rưởi đoàn quân tiếp tục di hành. Đang đi nghe tiếng chim hót hai tràng dài rồi một ngắn, Minh chợt dừng lại. Đi sau lưng Minh chừng mươi bước dĩ nhiên Nhất cũng phải ngưng bước. Đãnh xuất hiện nhẹ và êm tựa bóng ma. Minh hất mặt.

– Gì…?

– Dấu giày của lính…

– Ở đâu?

– Bên phải…

Minh nháy mắt ra hiệu cho thượng sĩ Nhất. Hiểu ý ông ta bám theo Đãnh. Lát sau cả hai dừng lại trên đường mòn. Nhìn dấu giày giây lát Nhất thì thầm.

– Lính… mà lính gì vậy cà…

Đãnh gật đầu.

– Lính… Dân bản xứ hổng có mang giày đinh…

Nhất gật đầu hiểu ý của Đãnh. Giày của lính mang khác hẳn giày của dân thường cho nên dấu giày cũng khác. Huống hồ gì dân bản xứ không đi giày hoặc nếu có cũng không giống giày lính. Giày của dân bản địa thường làm bằng da thú, mây hoặc tre đan lại nên dấu giày trơn láng và cũng không lưu dấu sâu như giày đinh. Có một điều làm cho hai người lính biệt kích thắc mắc là tại sao chỉ có vài dấu giày. Đi trong rừng rậm hoang vu này lính tuần phải đi đông, đi thành toán năm ba người chứ ít khi đi lẻ tẻ. Đi dài dài theo dấu chân, Nhất với Đãnh gặp ngã ba. Tại đây cũng có dấu giày nhưng rõ nét hơn và mới hơn. Nhìn dấu giày họ đoán người mang giày chỉ đi trước họ vài giờ cùng lắm nửa ngày thôi. Nương theo dấu giày chừng trăm thước họ không còn thấy nữa mà chỉ thấy đám cỏ với lá mục bên đường bị giẫm nát và sau đó mất luôn. Có lẽ người đi cố tình xóa dấu chân của họ bằng cách bước lên lá mục

– Ông nghĩ sao?

Đãnh hỏi Nhất. Suy nghĩ giây lát ông thượng sĩ trả lời chậm.

– Tao nghĩ có thể là dân thiểu số mà cũng có thể là lính… Để tao trở lại báo cáo cho sếp…

Nhất trả lời nước đôi. Tuy không đồng ý về câu trả lời của Nhất song Đãnh không cãi. Nghe Nhất báo cáo, Minh nín lặng giây lát rồi lên tiếng.

– Nếu là dân bản xứ thời hổng sao… Mình không phiền họ thời họ sẽ không phiền mình. Đường ai nấy đi mà…

Tới đây Đãnh mới lên tiếng.

– Nếu là dân thiểu số thời tại sao họ lại mang giày đinh, giày của lính thưa thiếu tá…

Minh làm thinh trước câu hỏi của Đãnh. Đại úy Bình xen vào.

– Thằng Đãnh nói giống như tôi nghĩ. Chưa chắc là dân thiểu số đâu anh Tư… Tuy có tới 56 sắc dân thiểu số sống rải rác trong tỉnh Vân Nam song họ có tiếng nói, phong tục và quần áo riêng biệt. Họ không khi nào mang giày lính Tàu đâu anh Tư…

Nghe lời phân giải rành mạch của Bình, thiếu tá Minh quay qua nói với Đãnh.

– Mày cứ đi hướng cũ… Nếu gặp lính hoặc dân thiểu số thì né đi…

Không nói thêm lời nào nữa, Đãnh liếc nhanh mọi người rồi lẳng lặng đi trước mở đường. Gặp mặt Cam, anh nháy mắt ra hiệu. Không ai thấy được cái ba lần nháy mắt của anh dành cho người bạn thân nhất. Vả lại có thấy cũng ít người hiểu được nó có ý nghĩa gì. Chỉ thấy Cam mỉm cười gật gật đầu rồi sau đó mới cất bước tạt về bên trái trong lúc tay ghìm khẩu Uzi mà ngón tay trõ nghéo vào cơ bẩm như sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. Dường như anh hiểu được cái nháy mắt ba lần của người bạn thân. Nó báo hiệu cho anh biết họ đang đi vào khu vực nguy hiểm có sự tuần phòng thường xuyên của quân địch. Lính tuần tiễu có hai loại khác nhau. Lính tuần phòng thông thường đi thành toán, ít thì tiểu đội còn nhiều thì cỡ hai tiểu đội hoặc có khi nhiều hơn tùy theo tình hình an ninh của địa phương. Còn có một loại lính tuần đặc biệt chuyên phục kích kèm bắn sẻ. Được huấn luyện và thực tập thuần thục do đó họ có khả năng hoạt động một mình hoặc lập thành tổ ba người nằm lì tại ổ phục kích để chờ đợi kẻ địch sa bẫy. Các toán biệt kích khi xâm nhập vào các căn cứ lạ sợ nhất loại lính tuần chuyên phục kích và bắn sẻ này vì họ chẳng biết kẻ địch núp ở đâu mà chỉ nghe tiếng cắc bùm là lăn ra chết không kịp trối trăn tiếng nào.

Băng rừng đi một mạch mấy tiếng đồng hồ không ngừng, nhìn ánh mặt trời le lói trên ngọn cây biết đã xế chiều rồi, Minh ra lịnh cho dừng lại nghỉ đêm. Rảo một vòng tìm được chỗ đóng quân rồi Bình mới rãi lính ra lập vòng đai an ninh. Bóng tối ụp xuống khu rừng rậm hoang vu khi cả toán vừa ăn xong bữa cơm chiều.

****

05:00 giờ. Chiến thức giấc vì lạnh. Chiếc mền làm bằng ny lông nhẹ mà dầy cộm cũng không làm cho anh cảm thấy ấm áp dưới cái giá lạnh gần sáng trong vùng rừng núi hoang vu. Hôm qua Bình đã nói cho anh biết họ đang ở trên vùng núi của tỉnh Vân Nam cao hơn đất liền hai ba ngàn mét. Khí núi bốc ra từ đá cộng thêm sương mù làm cho anh cảm thấy lạnh run. Nằm trăn qua trở lại anh cố nhắm mắt lại để ngủ vì biết mình sẽ phải lội rừng suốt ngày mai. Không ngủ thì không đủ sức để băng rừng, trèo dốc và đi bộ hàng chục cây số. Tuy nhiên dù mắt nhắm kín mà đầu óc lại suy nghĩ lung tung. Chuyện cũ lần lượt hiện ra bắt đầu từ khi anh ngồi xuống chiếc ghế của chuyến bay từ Los Angeles đi Dương Đông, một địa danh mà anh chỉ biết tới nhờ Tín, người bạn thân ở UT trò chuyện với anh trong điện thoại rồi cuối cùng rủ anh thăm Phú Quốc cho biết. Tín sẽ mua vé máy bay cho anh. Không gặp nhau hơn hai năm sau khi hai đứa ra trường, anh tò mò muốn biết thằng bạn thân của mình làm gì và sống ra sao ở cái đảo nhỏ xíu song lại rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ và luôn cả thế giới nữa. Nhét cái samsonite vào cái kệ ngay trên đầu của mình, chưa kịp ngồi xuống anh phải né sang bên nhường chỗ cho cô gái bước vào ghế phía trong sát với cửa sổ. Vốn nhút nhát và ít nói, anh chỉ cười thay cho lời chào hỏi cô gái có mái tóc huyền và màu mắt nâu mà anh đoán dân Á Châu.

– Xin lỗi anh đi đâu?

Cô gái lên tiếng hỏi bằng Anh ngữ. Chiến không thể nào không trả lời khi thấy cô gái quay qua cười hỏi mình. Cô ta có nụ cười thật duyên dáng và giọng nói ấm dịu.

– Tôi đi Phú Quốc thưa cô…

Chiến trả lời cũng bằng Anh ngữ. Có hai lý do để anh trả lời cô gái bằng Anh ngữ. Đầu tiên anh nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Điều đó cũng dễ hiểu vì anh sinh ra ở Mỹ, đi học trường ở Mỹ và cả anh chị em hay bạn bè cũng đều nói tiếng Mỹ hàng ngày. Sau khi tốt nghiệp đại học và dọn nhà về Dallas, anh mới có dịp trau dồi thêm tiếng Việt để có thể trò chuyện chút chút mỗi khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Kế đó anh không dám chắc cô gái lạ này thuộc sắc dân nào nên tốt nhất đàm thoại bằng Anh ngữ.

– Thế à… Tôi cũng đi Phú Quốc như anh…

Chiến hơi mỉm cười khi nghe giọng nói mang âm hưởng vui vẻ và thân tình của cô gái mà anh biết sẽ ngồi cạnh mình mười mấy tiếng đồng hồ. Quay nhìn cô gái, anh cười đưa tay ra và nói tiếng Việt với cái giọng trọ trẹ của mình.

– Chiến là tên của tôi. Hân hạnh được gặp cô…

Rất tự nhiên cô gái đưa bàn tay nhỏ nhắn ra kèm theo câu nói. Chiến nhận thấy cô gái nói tiếng Việt lưu loát và giọng cũng ít lai căng hơn mình.

– Hải Vân hân hạnh được biết anh Chiến…

– Hải Vân?

Chiến lập lại tên của cô gái với chút ngạc nhiên. Hiểu ý Hải Vân cười nhẹ giải thích.

– Ông nội tôi đặt tên tôi như vậy. Vân là mây còn hải là biển. Người ta gọi nước biển, gió biển, bão biển thì phải có mây biển… Hồi còn nhỏ đi học mấy đứa bạn gọi tên tôi là SeaCloud…

Dứt câu Hải Vân bật lên tiếng cười ngắn. Chiến cũng cười gật gù.

– SeaCloud… Nghe ” weird ” mà tôi thích nó… Hải Vân đi nghỉ hè ở Phú Quốc hả?

– Dạ đi thăm ông bà nội ngoại… Còn anh Chiến?

– Tôi đi thăm một người bạn. Ra trường gần hai năm không tìm được việc làm nên nó về Phú Quốc ở. Cũng may nó được chính phủ nước Việt Nam thu nhận. Nó mua vé máy bay cho tôi qua thăm nó… Đi mà hổng tốn tiền thì tội gì mình hổng đi…

Nói dứt Chiến quay qua nhìn và thấy Hải Vân cũng đang nhìn mình. Hai ánh mắt đụng nhau giây lát rồi hai người quay đi. Cúi đầu xuống Hải Vân cười vu vơ. Chiến nhìn về phía cánh cửa máy bay trong lúc nghe giọng nói ấm dịu nhẹ cất lên.

– Hải Vân vừa học xong đại học thì ông bà nội mua vé máy bay về Phú Quốc chơi rồi sau đó sẽ đi Sài Gòn thăm ba má và ông bà ngoại… Ba của Hải Vân trước kia làm việc ở trong bộ quốc phòng của chính phủ tại Phú Quốc rồi mới đây dời về Sài Gòn…

Chiến à lên tiếng nhỏ như vui mừng.

– Oh… may quá… Tôi có nghe bạn tôi nói là nó cũng sắp phải dọn về Sài Gòn. Hổng chừng mình gặp nhau ở Phú Quốc rồi lại gặp nhau ở Sài Gòn nữa…

Hiểu cái ý ngầm trong câu nói của Chiến, Hải Vân cười nhẹ.

– Dạ… Tới Phú Quốc anh Chiến lại nhà bà nội của Hải Vân chơi cho biết rồi mình đi Sài Gòn một lượt nghen…

Chiến, dĩ nhiên không từ chối lời mời của cô bạn mới quen. Sau khi tới Dương Đông, Hải Vân ghi địa chỉ của mình và luôn cả số điện thoại cho Chiến xong mới chia tay.

****

Sài Gòn. Tháng 6 năm 2044…

Chiến ngồi im trong quán cà phê vắng người vì nhằm vào buổi trưa. Anh lơ đảng nhìn những giọt cà phê đen sánh nhễu chầm chậm từ cái phin cà phê xuống ly thủy tinh trong suốt. Lật bật mà anh đã cùng với Tín về Sài Gòn hơn ba tháng rồi. Hải Vân cũng đang ở Sài Gòn với cha mẹ. Theo như lời cô nói khi hai người gặp nhau hôm qua thì rất có thể cô sẽ tìm được việc làm trong bộ kinh tế của chính phủ mới. Tín, đang phục vụ trong Tổng Nha Năng Lượng có hứa sẽ giới thiệu cho anh một việc làm thuộc bộ Giao Thông và Xây Dựng nếu anh có ý định sống ở Sài Gòn. Chiến đang phân vân về quyết định này. Hôm nay Hải Vân hẹn gặp nhau ở đây với mục đích thuyết phục anh bỏ ý định trở lại Hoa Kỳ tìm việc làm. Thành thật mà nói Chiến rất mến Hải Vân. Mặc dù sinh trưởng ở Mỹ song cô lại rất Việt Nam, từ cung cách suy nghĩ, ăn nói và cư xử với mọi người chung quanh. Anh học ở cô bạn gái hiền lành, vui vẻ và tử tế này rất nhiều điều bổ ích trong lúc đang ở nơi thành phố đông hơn 10 triệu dân này. Họ đưa nhau đi chơi ở Đà Lạt, thăm nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Hải Vân rủ anh đi Vũng Tàu tắm biển, đi thăm Pleiku, Kontum, Nha Trang và Huế. Cô còn hứa sẽ rũ anh ra thăm Hà Nội nếu anh chịu ở lại Sài Gòn.

– Hi anh Chiến…

Nghe giọng nói thanh thanh, Chiến ngước lên nhìn và sững sờ không nói được tiếng nào. Cô gái đứng trước mặt anh không phải là Hải Vân mà anh đã biết qua. Áo dài trắng đơn sơ với quần lụa đen và đôi guốc cao gót, mái tóc uốn quăn thành lọn dài thả trên bờ vai mềm, cô bạn gái của anh đẹp tuyệt.

– Wow… Tôi không ngờ Hải Vân đẹp như vậy… Chắc tôi phải chụp…

Thấy Chiến móc túi định lấy điện thoại ra chụp hình mình, Hải Vân lắc đầu chận tay Chiến lại.

– Hải Vân chụp hình xấu lắm… Định cải trang làm cô gái Việt hù anh Chiến chơi thôi mà…

Chiến cười hắc hắc.

– Cải trang thành cô gái đẹp quá thì hù sao được. Hải Vân làm tôi mê thì có…

Biết mình lỡ lời Chiến bật cười hắc hắc nhìn cô bạn đang ngồi trước mặt mình kèm theo câu nói.

– Tôi xin lỗi Hải Vân… Tôi… tôi… nói cho vui…

Hải Vân nhìn Chiến đăm đăm.

– Hải Vân không chịu cho anh Chiến xin lỗi đâu. Anh Chiến mà mê Hải Vân thì có sao đâu mà phải xin lỗi… Hải Vân còn thích được anh Chiến mê nữa kìa…

Người hầu bàn bước tới. Hải Vân cũng gọi ly cà phê sữa đá như Chiến. Đợi cho người hầu bàn đi xa rồi cô mới cười nhìn Chiến.

– Anh Chiến mê Hải Vân rồi anh Chiến có chịu ở lại Sài Gòn với Hải Vân hông?

Chiến chớp mắt vì câu hỏi này. Dĩ nhiên anh không ngu tới độ không hiểu cái ý ngầm nhất là Hải Vân còn nhấn mạnh mấy tiếng ” ở lại Sài Gòn với Hải Vân hông…”

– Tôi rất muốn ở lại Sài Gòn với Hải Vân nhưng…

Hải Vân ngắt ngang lời của Chiến và cách xưng hô cũng thay đổi. Đang từ anh Chiến thì giờ chỉ còn tiếng ” anh ” dịu dàng và rất thân tình như đã quen nhau lâu lắm rồi và cũng có tình cảm thật sâu đậm.

– Như vậy anh chịu ở lại Sài Gòn với Hải Vân. Anh mà chịu thì anh ừ đi anh…

Chắc cũng có ít người sẽ không nghe theo lời năn nỉ của Hải Vân song rất tiếc người đó không phải là Chiến. Bởi vậy anh gật đầu không do dự.

– Ừ… Anh chịu ở lại Sài Gòn với Hải Vân…

Bỏ mấy cục nước đá vào ly cà phê vừa quậy xong với sữa, quậy quậy mấy cái xong Chiến đưa qua cho Hải Vân rồi cười nói.

– Hải Vân thử đi… ngon lắm…

Đưa ly cà phê sữa đá lên uống ngụm nhỏ Hải Vân gật gù.

– Ngon… Hèn chi anh mê cũng phải… Hải Vân báo cho anh một tin mừng là ba của Hải Vân có quen một người ở trong chính phủ. Cái nghề của anh ở đây người ta rất cần… Ba của Hải Vân nói chánh phủ đang có chương trình lớn về các đập thủy điện mà nhà cầm quyền cũ đã xây lên. Họ xây không đúng nguyên tắc nên các đập thủy điện có cơ bị bể mà bể thì gây lụt lội cho dân chúng ở dưới đồng bằng. Chánh phủ nhận anh vào làm trong cơ quan kiểm soát và thẩm định về các đập thủy điện đã xây. Anh thấy cái nào còn sửa chữa được thì chánh phủ sẽ xuất tiền ra sửa, còn cái nào cần phá bỏ thì phá bỏ…

Chiến có vẻ vui mừng khi nghe Hải Vân nói. Nhận ra điều đó nên Hải Vân cười nói tiếp.

– Bảy giờ tối nay anh tới nhà của Hải Vân ăn tiệc để ba em giới thiệu với anh một ông bên bộ xây dựng…

Nhìn Hải Vân, Chiến nói đùa một câu.

– Chắc ba Hải Vân tính coi giò coi cẳng anh hả?

Hiểu ý Chiến, Hải Vân cũng cười hắc hắc đùa lại.

– Dạ… coi giò coi cẳng anh mà hổng hạp nhãn ổng là ổng bẻ giò bẻ cẳng anh đó. Liệu hồn…

Hai người phá ra cười. Lát sau Hải Vân nói nhỏ.

– Bây giờ Hải Vân đi về để phụ má làm thức ăn. Anh nhớ có mặt trước bảy giờ nghen…

Chiến gật đầu ngồi im nhìn theo tà áo dài của cô bạn gái bay nhẹ trong gió của buổi trưa hè oi bức. Chút mây đen kéo tới làm anh nhớ tới một câu mà Tín hay nói ” Sài Gòn chợt nắng chợt mưa…”.

 

 

3.

Ngày 03 của công tác Cửu Long.

– Dậy… Dậy… Ông kỹ sư… dậy… Sáng rồi…

Chiến mở mắt ra vì tiếng gọi và cái lắc vai của Anh Ba hay đại úy Bình. Lồm cồm ngồi dậy Chiến nói nhỏ.

– Xin lỗi đại úy… Trời lạnh làm tôi khó ngủ mà khi ngủ được thì quên dậy luôn…

Ấn vào tay Chiến ca cà phê còn nóng bốc mùi thoang thoảng, Bình cười nhẹ nói với giọng thân tình. Anh biết Chiến chưa quen với thời tiết khắc nghiệt cũng như gian truân và vất vả của đời người lính biệt kích.

– Tôi biết… Thôi ông uống cà phê cho tỉnh rồi ăn sáng để sau đó mình đi… Ông có 15 phút…

Chiến uống vội vàng ca cà phê. Đánh răng rửa mặt qua loa, anh lục ba lô lấy ra phần ration C của mình. Liếc quanh anh thấy mọi người đang ngồi rải rác ăn sáng. Phần ăn sáng rất giản dị gồm ba miếng thịt gọi là ba lát, mấy miếng bánh lạt, miếng bánh ngọt và lon trái cây đôi khi là đào, lê hoặc đủ thứ loại trái cây được cắt nhỏ gọi là cocktail. Ngồi kế bên, Bình ăn chậm như cố ý đợi cho Chiến ăn xong vì mấy người lính kia chỉ ngốn giây lát là xong bữa ăn sáng. Biết điều đó nên Chiến cố ăn nhanh rồi đưa bi đông lên uống mấy ngụm nước đoạn đứng dậy mang ba lô lên vai đúng lúc thiếu tá Minh cũng đứng lên. Liếc một vòng lính đứng ngồi, ông ta buông gọn.

– Mình đi giống như hôm qua…

Không đợi cấp chỉ huy dứt lời Đãnh và Cam cất bước liền. Uzi kẹp bên hông, ngón tay trỏ đặt hờ lên cơ bẫm, đầu đội nón đi rừng có dây buộc dính dưới càm, hai người lính biệt kích bung ra hai bên trái phải. Minh bám theo sự mở đường này và thượng sĩ Nhất ở đằng sau lưng ông ta như bóng với hình. Đợi cho Nhất đi chừng hơn chục bước; toán 2 mới bắt đầu di chuyển có Viễn đi đầu tiếp theo Vinh rồi tới Chiến và cuối cùng Bình. Toán trưởng của toán 3, trung úy Ánh đợi cho Bình bước hơn chục bước mới bắt đầu nhúc nhích. Thiếu úy Bá, chỉ huy toán 4 đi bên phải cũng di chuyển. Ngay khi đó thượng sĩ Điện dẫn đầu toán 5 đi bên trái đã lẫn mất trong rừng cây mịt mùng. Hai toán này có nhiệm vụ che chở hai bên trái phải của toán 2 mà người được chiếu cố nhiều nhất chính là ” ông kỹ sư ”, giữ vai trò quan trọng trong công tác phá cái đập Nouzhadu khổng lồ của Trung Cộng nằm đâu đó trong vùng Pu’er của tỉnh Vân Nam.

Toán lính biệt kích im lìm di chuyển. Họ men theo đường mòn, có khi băng rừng, lúc lội suối, leo đồi đi một lèo tới 13:00 giờ mới dừng lại ăn cơm trưa và nghỉ ngơi. Nhìn thấy mồ hôi chảy trên khuôn mặt bơ phờ và mệt mỏi của Chiến, đại úy Bình cảm thấy ái ngại bèn nói nhỏ.

– Ông kỹ sư mệt hả… Để tôi bảo đứa nào mang ba lô cho ông…

Chiến cười lắc đầu.

– Cám ơn đại úy… Tôi mang được mà… chỉ vì đêm qua tôi thức giấc vì bị lạnh rồi thao thức… nhớ bồ…

Đại úy Anh mỉm cười vì tính thật thà của cậu thanh niên học thức đầy mình song chưa từng va chạm với đời, nhất là đời lính chiến gian lao và nguy hiểm.

– Có bồ để nhớ là hạnh phúc rồi ông kỹ sư…

Vừa nhai thức ăn Chiến lân la bắt chuyện với Bình.

– Đại úy có vợ con gì chưa?

– Tôi có vợ mà chưa có con. Chúng tôi lấy nhau mới hai năm thôi nên cũng chưa tính có con…

– Chừng nào mình mới tới đập Nuozhadu, đại úy biết không?

Liếc thiếu tá Minh đang ngồi nhâm nhi cà phê, Bình trả lời gọn.

– Khoảng chiều mai… Ba ngày trước đây mình ở trong vùng biên giới của Việt Nam với Puer. Ba ngày lội bộ, mỗi ngày chừng 10 cây số thì mình còn cách đập nước không xa lắm. Tôi đã dùng địa bàn và coi bản đồ thì mình chỉ còn cách đập nước chừng mười  cây số. Tuy nhiên…

Đại úy Bình dừng lại. Thấy Chiến nhìn mình chờ nghe tiếp, anh cười nhẹ thốt.

– Tuy nhiên càng tới gần đập nước thì mình mất nhiều thì giờ di chuyển hơn vì phải cẩn thận tránh đụng với quân tuần tiễu của địch cũng như dân chúng sống ở trong vùng. Thôi ông ăn lẹ lên để mình đi…

Bình hối Chiến khi thấy Minh uống cạn cà phê. Chiến nuốt vội miếng bánh bông lan cuối cùng rồi đưa bi đông lên uống một hơi. Sau khi ăn xong mọi người đều phải tự lo chôn giấu kỹ càng các đồ ăn thừa của mình để không lưu lại dấu vết nào cho dân hoặc lính biết sự hiện diện của họ. Lệnh di chuyển bắt đầu. Cũng Đãnh và Cam, mỗi người trái phải cách nhau chừng 30 thước mở đường. Kẹp Uzi vào bên hông, ngón trõ đặt hờ vào cơ bẫm như sẵn sàng nổ khi có đụng, Đãnh đi nhanh trong rừng rậm, luồn lách xuyên qua cỏ cao, gai góc, dây leo chằng chịt. Lát sau anh thở phào đưa tay vuốt mồ hôi trán rồi mỉm cười khi thấy trước mặt mình bỗng mở ra khu rừng thưa lấp lánh ánh mặt trời. Anh cũng thấy được con đường mòn uốn khúc trong rừng cây cao mà thưa thớt. Có tiếng chim chóc kêu. Ngoài ra anh còn nghe được tiếng động mơ hồ như tiếng máy móc hoặc nước chảy. Điều này cho anh biết cái đập nước không còn cách xa mình lắm. Đang đi anh chợt thấy có cái bóng mà anh đoán là người ta thấp thoáng phía trước mặt. Giật mình anh lạng sang phải đoạn bọc một vòng thật rộng chận đầu bóng người vừa thấy. Vừa bước ra khỏi bụi cây rậm, anh đứng sựng lại nhìn trân trân. Cách anh chừng năm bước sải, một cô gái mà anh đoán là dân thiểu số xuyên qua cách ăn mặc đang đứng tựa lưng vào gốc cây. Cô gái cũng nhìn anh một cách sửng sờ rồi sau đó lùi lại một bước như muốn chạy trốn.

– Đừng… đừng chạy…

Đãnh kêu lên bằng tiếng Việt. Trong lúc thảng thốt anh quên mất cô gái xa lạ này không biết tiếng Việt, tất nhiên cô ta sẽ không hiểu mình nói gì. Do đó anh bèn ra dấu hiệu. Thấy cô gái đứng im, anh gọi máy báo cáo với cấp chỉ huy. Lát sau Minh với Bình xuất hiện.

– Cô ở đâu?

Hỏi một câu ngắn bằng tiếng Việt, thấy cô gái ngẩn ngơ Bình đoán cô ta không biết tiếng Việt. Pu’er giáp biên giới với Việt Nam và có vài sắc dân thiểu số ở vùng này biết nói chút chút tiếng Việt như La Hủ, Mèo và Thái.

– Mình nói tiếng Tàu chắc con nhỏ này hiểu…

Thiếu tá Minh lên tiếng. Bình, Cam, Đãnh và Nhất đều làm thinh. Trong lúc tuyển chọn lính cho công tác đặc biệt này, Bình có chọn Lâm, một người lính biết nói bốn thứ tiếng là Việt, Anh, Tàu và Thái. Tuy nhiên sau đó Lâm ngã bệnh bất thình lình không thể tháp tùng toán biệt kích được vì vậy mà trong bọn đều bù trất các thứ tiếng khác trừ Việt và Anh.

– Anh Tư tính sao?

Bình hỏi nhỏ cấp chỉ huy. Minh dụ dự chưa trả lời. Nhìn chăm chú cô gái lạ giây lát, Đãnh mới bật lên tiếng.

– Lahu… Lahu…

Vừa nói hai tiếng trên Đãnh vừa chỉ vào cô gái. Anh thấy cô gái bỗng toét miệng ra cười. Nụ cười của cô ta rạng rỡ và thân thiện như hiểu được anh nói cái gì. Mừng rỡ anh chỉ ngay vào ngực cô gái rồi cười nói tiếp.

– Lahu Hpu… Lahu Hpu…

Gật gật đầu, cô gái cười chỉ vào ngực mình rồi lập lại hai tiếng Lahu Hpu… Lahu Hpu. Minh với Bình à tiếng nhỏ. Cả hai biết cô gái này thuộc sắc dân La Hủ Trắng, sống ở tỉnh Vân Nam, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. La Hủ chia ra thành bốn nhóm khác nhau là La Hủ Đen, La Hủ Trắng, La Hủ Đỏ và La Hủ Vàng. Không phải da họ đen, trắng, vàng hay đỏ mà do ở y phục truyền thống của họ có màu đen, trắng, đỏ hoặc vàng mà người ta gọi như vậy. Cô gái La Hủ Trắng chỉ vào Đãnh rồi nói một tràng líu lo làm cho anh ngẩn ngơ hổng biết cô ta nói gì. Đợi cho cô ta nói dứt, anh mới chỉ vào ngực mình và nói.

– Việt Nam… Việt Nam…

Vừa nói Đãnh vừa bước lại gần cô gái La Hũ hơn. Từ khi Đãnh nói mấy tiếng Lahu Hpu thì cô gái bớt đi vẻ e dè với anh. Khi hai bên còn cách nhau hơn bước Đãnh cười chỉ vào ngực cô gái xong lại chỉ vào ngực mình rồi nói nhỏ.

– Mình là bạn với nhau…

Dù không biết tiếng Việt song dường như cảm nhận được cử chỉ của Đãnh có ý nghĩa thân thiện nên cô gái gật đầu cười. Nhờ đứng gần nên Đãnh thấy trên cổ của cô ta có đeo sợi dây chuyền bằng đồng mà lại có hình thánh giá. Ý nghĩ bừng sáng trong trí, anh cởi nút áo lôi trong ngực của mình ra cây thánh giá rồi chìa trước mặt cô gái. Không những Đãnh mà Minh với Bình và mọi người đều thấy mắt của cô gái trợn tròn vo rồi sau đó kêu thành tiếng ngạc nhiên đoạn lôi cây thánh giá trong ngực của mình đưa ra cho Đãnh nhìn. Nhíu mày nhìn cô gái La Hũ Trắng giây lát, Bình mới bật ra câu hỏi.

– Can you speak English?

Ngần ngừ giây lát cô gái cũng trả lời bằng tiếng Anh.

– Yes… I can speak English little bit…

Minh và Bình thở phào nhẹ nhỏm. Cả hai đều biết cô gái La Hũ Trắng này ở trong nhóm dân được các vị tu sĩ Thiên Chúa Giáo truyền đạo dạy cho biết viết, đọc và nói tiếng Anh.

– What is your name?

Cách phát âm của Đãnh chậm chạp và rõ ràng. Có thể anh biết nếu nói lẹ quá cô gái này sẽ nghe không ra. Sau khi biết cô gái nói được tiếng Anh, anh rất vui mừng bèn kiếm cách làm quen. Cô gái La Hũ dường như cũng thích Đãnh nên vui vẻ trả lời.

– My name is White Cloud. What is your name?

Đãnh ú ớ không trả lời được vì có bao giờ anh nghĩ phải phiên dịch tên của mình ra Anh ngữ đâu. Cuối cùng thấy Bạch Vân đang nhìn anh bèn trả lời đại.

– Dan… I am Dan… My mom calls me Đãnh…

Bạch Vân toét miệng cười.

– Dan… I like you… very much…

Đãnh cũng cười vui vẻ.

– I like you too… I would like you to be my friend…

Bạch Vân gật đầu cười.

– Me too…

Bắt gặp ánh mắt của Bình ra hiệu cho mình, Đãnh cười hỏi cô bạn mới quen.

– Where is your house?

– Over there…

Bạch Vân đưa tay chỉ về hướng bắc. Bình với Minh đều biết hướng mà cô gái chỉ chính là hướng của thị trấn Puer.

– How far from here?

– About five hours by car… My mom’s house is over there… I live in Puer with my brother. I come home to see my parent…

Vừa nói White Cloud vừa chỉ tay về hướng đông nam. Nhìn theo tay chỉ Đãnh thấy một xóm nhà xa xa mà anh ước lượng cũng phải mất hai ba giờ lội bộ mới đi tới đó được. Riêng Minh với Bình nhìn nhau. Trước khi công tác bắt đầu họ đã nghiên cứu bản đồ, đường đi nước bước của toàn vùng Pu’er và địa thế quanh vùng có cái đập nước Nuozhadu, với lại đã coi kỹ la bàn trong lúc di hành nên họ cũng biết hướng mà cô gái vừa chỉ chính là hướng của thị trấn Pu’er cách xa chỗ họ đứng chừng 200 cây số. Từ Pu’er tới đập Nuozhadu xa 189 cây số. Như vậy thì cái đập đó ở gần đâu đây. Dù không nói ra Minh với Bình còn nghĩ xa hơn nữa. Họ phải đối xử với cô gái La Hủ này ra sao. Để cô ta đi tức làm lộ bí mật của mình. Còn giữ cô ta lại thì cũng có nhiều khó khăn. Thật tình họ không muốn gây rắc rối với dân thiểu số sinh sống trong vùng vì có hại nhiều hơn. Rủi dân đi báo với nhà chức trách sở tại thì lôi thôi lắm. Có đông lính kéo tới thì khó cho họ thi hành công tác phá hoại đập nước. Suy đi tính lại, hai sĩ quan chỉ huy đồng đi tới quyết định phải dọ hỏi mọi chi tiết về sự có mặt của cô ta trước rồi mới nương theo đó mà hành động. Trong lúc Đãnh và Bạch Vân đứng xí xô xí xào thì Minh với Bình chụm đầu bàn tính xong ra lệnh dừng quân nghỉ đêm vì đã xế chiều. Bước lại chỗ Đãnh đang đứng nói chuyện với cô gái La Hủ, Bình cười nói với Đãnh.

– Em hỏi Bạch Vân ở lại đây chơi với em đêm nay được không?

Vâng lệnh, Đãnh hỏi và cô gái nhận lời không do dự. Có lẽ cô ta thích Đãnh với lại cũng biết trời sắp tối rồi không tiện đi về nhà một mình. Đãnh còn nói cho cấp chỉ huy biết nhà cha mẹ của cô gái ở trong cái làng gần với đập nước. Cô ta sống chung với người anh ruột đã có vợ con ở ngoài thị trấn Pu’er. Cô ta bán hàng cho một công ty chuyên làm và bán trà nên nói được tiếng Anh vì thỉnh thoảng cũng được dịp tiếp xúc với du khách ngoại quốc. Hôm nay cô ta về thăm nhà. Vì xe bị hư dọc đường nên về trễ do đó cô ta mới dùng đường tắt gần hơn để tới nhà kịp khi trời tối. Nhờ vậy mà toán biệt kích mới đụng đầu cô ta. Đại úy Bình à tiếng nhỏ vì mọi thắc mắc của anh về sự hiện diện bất ngờ của cô gái La Hủ đã được giải tỏa.

Ngồi trên cái poncho mà Đãnh đã trải ra dùng làm chỗ ngồi cho hai người, Bạch Vân chăm chú nhìn anh bày ra hai hộp thịt ba lát, bánh lạt, bánh bông lan, hai lon trái cây cộng thêm với mấy lát ” cheese ” mỏng.

– What is it?

Bóc lát cheese lên, Bạch Vân hỏi. Cười cười Đãnh trả lời gọn.

– Cheese…

– What is cheese?

Đãnh gãi gãi đầu trước câu hỏi khó trả lời của cô bạn mới quen. Cuối cùng anh cố gắng giải thích theo cách mà anh có thể làm được.

– … Ăn thử đi… Bạch Vân sẽ thích lắm…

Tin vào lời của người bạn mới, Bạch Vân đưa miếng phó mát lên cắn miếng nhỏ rồi nhai chầm chậm xong cười với Đảnh.

– Ngon…

– Bạch Vân thích không?

Bạch Vân cười gật đầu. Với sự chỉ dẫn của Đãnh, cô gái La Hủ lần lượt thử qua mọi món rồi sau đó mới mạnh dạn ăn. Cô ta cười hắc hắc khi làm giống như Đãnh là đưa cái bi đông lên tu hơi nước lạnh. Vỗ vỗ vào bụng mình, cô ta cười nói với người bạn mới quen bằng thổ ngữ của dân mình.

– Aor Bo Eau Ja Ya…

Thấy Đãnh trợn mắt ngơ ngác vì không hiểu mình nói gì cô gái rũ ra cười xong mới nói bằng tiếng Anh.

– Thank you very much…

Đãnh nhăn răng cười đưa tay ra nắm lấy tay của Bạch Vân dặc dặc mấy cái.

– You’re welcome… You’re my friend… best friend…

Hiểu được cảm tình mà Đãnh dành cho mình, Bạch Vân cười toe toét.

– Yes… We are friends…

Ăn xong Bạch Vân ngồi nhìn Đãnh dùng cái cuốc nhỏ xíu đào lỗ chôn tất cả các lon đồ hộp và thức ăn thừa cũng như bất cứ thứ gì nằm trên mặt đất. Chôn xong anh còn lấy giày gạt cho mặt đất bằng phẳng rồi lấy lá cây mục phủ lên trên. Cô ta có vẻ ngạc nhiên tự hỏi tại sao người bạn mới lại làm như vậy. Trời chạng vạng tối. Ngoại trừ toán canh gác mọi người đều im lặng ngủ sau một ngày lội rừng vất vả. Đãnh với Bạch Vân nằm cạnh nhau thì thầm trò chuyện.

– Cold… I am cold… very cold…

Vừa nói cô vừa rúc sát vào Đãnh như tìm chút hơi ấm. Người lính biệt kích vòng tay ôm chặt lấy cô bạn mà anh mới quen chưa trọn ngày. Anh mỉm cười trong bóng tối khi bàn tay mềm ấm của Bạch Vân nắm lấy tay của mình đặt lên ngực của cô ta. Đêm trôi trong tỉnh lặng. Gần sáng thức dậy để canh gác, thấy cô bạn nằm co rút vì lạnh, Đãnh cởi chiếc áo ấm trùm lên người. Trong bóng tối mông lung anh thấy ánh mắt long lanh nhìn mình kèm theo lời thì thầm.

– Aor Bo Eau Ja Ya…

 

 

4.

Ngày 05 của công tác Cửu Long.

Nuozhadu Dam.

Hai mươi người lính biệt kích lớp đứng lớp ngồi trên đỉnh đồi cao nhìn xuống cái đập nước sừng sửng vắt ngang dòng sông Cửu Long. Riêng Chiến, xuyên qua ống dòm chăm chú nhìn cái đập Nuozhadu nối từ phía bên này núi sang phía bên kia núi. Đã nghiên cứu kỹ càng hình ảnh của cái đập khổng lồ này song bây giờ đứng cách xa chừng hai cây số, nhìn bằng mắt thật của mình anh mới biết nó vĩ đại vô cùng. Cao 261 mét rưởi, dài hơn 600 mét, bề ngang 18 mét song cái phần đáy phía dưới lại rộng 60 mét, tạo cho cái đập khổng lồ này một bề thế vững chải khó mà vỡ được. Quan sát thật lâu Chiến thở khì ra rồi lên tiếng.

– Tôi đã tìm hiểu về cái đập này mà khi thấy mới biết nó lớn quá sức tưởng tượng. Không những cao mà nó còn vững chắc vô cùng. May ra động đất mới làm bể nó được…

Minh và Bình nhìn nhau im lặng. Thật lâu vị thiếu tá trưởng toán biệt kích mới chầm chậm lên tiếng. Giọng của ông ta nghiêm và chắc nịch.

– Tôi được lệnh của cấp trên phải phá vỡ nó bằng cách này hay cách khác…

Chiến làm thinh. Anh có thái độ trầm tư và nghĩ ngợi trong lúc rê ống dòm khắp mọi nơi. Như không muốn làm phiền tới Chiến, hướng về chỗ Đãnh và Bạch Vân đang đứng bên nhau, Minh hỏi nhỏ Bình.

– Mình tính sao với cô gái?

Trầm ngâm giây lát Bình trả lời.

– Tôi nghĩ cứ để cho con nhỏ đi về nhà một cách tự nhiên như không có gì xảy ra. Tôi đã ra lệnh cho thằng Đãnh dặn con nhỏ đừng có nói với ai về chúng ta. Coi như nó chưa bao giờ gặp mình. Giết nó thì không đành lòng. Bắt nó đi theo mình thì cũng không tiện. Chỉ có cách thả nó đi về nhà…

Minh im lìm thật lâu mới lên tiếng.

– Đừng giết nó tội nghiệp. Mình không thể giết chết kẻ vô tội. Bảo thằng Đãnh dặn nó…

Nhìn vị sĩ quan phụ tá của mình, Minh cười đùa.

– Thằng Đãnh chắc có số đào hoa nên gặp gái mới lần đầu là gái theo riết nó…

Bình cười hì hì.

– Tôi coi bộ thằng Đãnh cũng mết con nhỏ…

Minh cười cười bước tới cạnh thân cây cổ thụ rồi đưa ống dòm lên quan sát đập nước. Trong thời gian hai tháng rưởi huấn luyện cho Chiến, anh và các người lính của công tác Cửu Long đã được các nhân viên dân quân sự thuộc bộ quốc phòng thuyết trình về những đập thủy điện mà Trung Cộng đã đang và sẽ xây trên sông Cửu Long, đặc biệt là cái đập Nuozhadu bắt đầu xây năm 2004 và hoàn tất năm 2014 với kinh phí mấy tỉ đô la. Như vậy nó đã được ba mươi mấy năm cũ. Quan sát kỹ càng, vị chỉ huy toán viễn thám cũng phải nhìn nhận lời của Chiến nói đúng. Bề thế, vững chắc, to lớn, hình thể của cái đập cao nghều nghệu so với mặt nước sông. Nó làm cho phần hạ lưu của con sông trở nên nhỏ bé và cạn nước đi rất nhiều. Vốn không quen chửi rũa nhưng sau khi quan sát cái đập nước, vị trưởng toán biệt kích cũng phải buột miệng.

– Mẹ… Tụi Tàu xây làm chi cái đập bự quá chừng chừng…

Lẩm bẩm, Minh chiếu ống dòm thật lâu nơi nước đang phun ra trắng xóa. Nước phun mạnh tới độ bốc thành hơi mù mịt cả mặt sông rộng và hai bên vách núi. Rê ống dòm lên cao hơn anh thấy có những vệt trắng hình chữ Z từ trên mặt chạy xuống tới đáy rồi nối liền hai vách núi với nhau. Anh đoán đó là con đường được xây để đi từ trên xuống dưới.

– Ông kỹ sư…

Minh lên tiếng gọi. Nghe Minh gọi mình, Chiến đi lại chỗ ông ta đứng.

– Tôi thấy có mấy vệt trắng hình chữ Z…

Đợi cho Minh dứt lời, Chiến mới dài dòng lên tiếng như giải thích cho Minh hiểu sơ về cấu trúc của đập thuỷ điện.

– Đó là con đường được xây để đi từ trên mặt đi xuống tận đáy và nối hai bên bờ lại. Vì không thể xây thẳng đứng nên họ phải xây theo hình chữ Z. Đập Nuozhadu có một bộ phận tên ” hydraulic head ”, tức là cái bồn chứa nước khổng lồ bề ngang rộng 187 mét đủ sức cung cấp nước cho 9 turbines, cơ phận được quay bằng sức nước tạo ra điện với công suất 5850 MW, dư điện cho bốn năm nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện xài quanh năm. Thiếu tá thấy nước phun ra trắng xóa mù mịt cả vùng rộng là nước sau khi quay các bộ phận phát điện (turbines) rồi sau đó chảy xuyên qua đường hầm và cuối cùng phun xuống sông. Người ta tính sức nước phun ra nhiều và mạnh tới 32 ngàn mét khối trong 1 giây đồng hồ…

Đang coi bản đồ nhưng Bình vẫn để ý tới lời của Chiến nói với Minh. Tò mò anh đi lại kế bên hai người để nghe tiếp. Cười với Bình, Chiến thong thả nói tiếp.

– Bởi vậy mà tôi nói chỉ có động đất mới làm bể cái đập này. Nhiều chuyên gia về động đất lên tiếng báo động các đập mà Trung Cộng xây trên dòng sông Cửu Long nằm trong khu vực bị động đất. Thường thường khi nói tới động đất chúng ta hay nghĩ đó là do trời đất làm ra song gần đây các chuyên gia về động đất còn nói tới loại động đất do con người tạo ra bằng phương pháp ” hydraulic fracturing ” …

Bình ngắt lời Chiến bằng câu hỏi.

– Có phải đó là phương pháp mà các công ty dầu hỏa áp dụng để khai thác dầu và khí đốt…

– Đại úy nói đúng đó… Có cách nào mình lại gần để cho tôi quan sát kỹ càng hơn không thưa thiếu tá…

Trầm ngâm một chút Minh mới trả lời bằng câu pha trò.

– Ông kỹ sư muốn là trời muốn mà. Bình với anh em sẽ đi dạo một vòng xem xét trước về tình trạng an ninh xong tôi sẽ đích thân hộ tống ông lại gần hơn để nghiên cứu cho kỹ càng trước khi mình bắt tay vào chuyện phá hoại. Bây giờ mình trở về chỗ đóng quân…

Vẫy Đãnh tới gần Bình ra lệnh cho anh đưa Bạch Vân đi về nhà cha mẹ của cô ta cách đập nước chừng năm cây số. Bình còn phái Cam tháp tùng theo Đãnh. Gần tối, Bạch Vân mới cười nói với Đãnh.

– Nhà tôi đó…

Theo tay chỉ Đãnh với Cam thấy những ngôi nhà lợp tranh thấp thoáng trong khu rừng thưa.

– Good bye Bạch Vân…

Đãnh lên tiếng với giọng buồn buồn. Cô gái La Hủ cũng lên tiếng và giọng của cô ta nghèn nghẹn.

– Kai-Na-Sa-Ma… 

Được cô bạn dạy nên Đãnh hiểu mấy tiếng đó có nghĩa ” xin từ biệt… hẹn gặp lại anh ”. Cười nắm tay Bạch Vân, anh dặc dặc mấy cái rồi lập lại bốn tiếng.

– Kai-Na-Sa-Ma… 

Tuy lên tiếng giã từ song Bạch Vân chưa chịu rời đi. Cô ta có vẻ bịn rịn và lưu luyến như không muốn rời. Thấy thế Đãnh cười nói.

– Bạch Vân muốn gặp tôi nữa không?

Ửng hồng đôi má Bạch Vân gật đầu. Liếc nhanh Cam đang đứng xa xa chờ mình, Đảnh nói nhỏ vào tai cô gái La Hủ.

– Tôi hẹn Bạch Vân ở tại chỗ này…

Đãnh chỉ tay ngay chỗ mình đứng xong bất thình lình hôn phớt lên môi của Bạch Vân. Cử chỉ của anh khiến cho cô gái sửng sờ không nói được tiếng nào cũng như không có cử chỉ nào tỏ ý bằng lòng hay phản đối.

– I love you very much…

Đãnh nói trong lúc quay người bước đi về chỗ Cam đang đứng đợi. Không ngoáy đầu lại, anh không thấy Bạch Vân đứng im nhìn theo rưng rưng nước mắt.

Trang 2