Một lần hạnh ngộ
Trong một lần đi phép về Sài Gòn, tôi cùng một người bạn học vào phòng trà Đêm Màu Hồng nghe nhạc. Tại đây, tôi được nó giới thiệu với Lê Uyên-Phương. Lúc đó gần 12 giờ đêm và phòng trà bắt đầu đóng cửa vì giờ giới nghiêm. Thằng bạn của tôi rủ hai vợ chồng Phương đi ăn tối. Bốn người kéo vào một quán cóc ăn xong về nhà của Lê Uyên-Phương. Cặp vợ chồng ca sĩ này dù nổi tiếng song vẫn nghèo. Họ mướn 1 căn phòng nhỏ mà vì không quan tâm nên tôi không còn nhớ ở đâu. Chỉ nhớ mài mại ở trên khu nhà lầu cao nhìn xuống đường. Chị Lâm, tên của Lê Uyên trẻ đẹp, hiền lành, tử tế và vui vẻ. Tôi gọi là chị nhưng sau này nghe thằng bạn nói thì tuổi của chị thua anh Phương nhiều lắm, nghĩa là còn nhỏ tuổi hơn tôi. Ngồi trong căn phòng hẹp, uống bia, hút thuốc, tôi nghe nhiều hơn nói. Xuyên qua câu chuyện thì dường như thằng bạn có bà con chi đó với Phương. Chị Lê Uyên thỉnh thoảng cũng nói chuyện với tôi. Khi biết tôi là lính ở xa Sài Gòn thì chị có vẻ chú ý hỏi nhiều câu về lính. Trò chuyện cho tới thật khuya bốn người mới trải chiếu ra ngủ trên sàn.
Trưa thức dậy, tôi rủ bốn người đi ăn rồi bắt tay hai vợ chồng từ giã. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp Lê Uyên-Phương. Nhiều lần sau này, mỗi khi về lại Sài Gòn, đi một mình vào ĐMH nghe nhạc, tôi vì không muốn làm phiền, với tính nhút nhát vả lại nghĩ mình cũng thân quen gì cho lắm nên chỉ đứng nhìn hai vợ chồng trình diễn. Tôi thích giọng hát và cách diễn đạt của Lê Uyên trong bản nhạc Để Lại Cho Em Hoà Bình. Tôi đã nghe Từ Dung hát nhạc Từ Công Phụng, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và Lê Uyên hát nhạc của chồng chị. Mỗi người có cách diễn đạt riêng và có nét đặc sắc riêng, song cả ba cùng có chung một tính chất mà hầu như bất cứ người nào làm nghệ thuật đều phải có. Đó là đam mê. Riêng chị Lê Uyên, nỗi đam mê hát và hát nhạc của người mình yêu thương trở thành nỗi đam mê của chính chị. Nhiều khi tôi cảm thấy chị hát cho chính chị, cho chính tình yêu của chị. Thằng bạn tôi có nói cho tôi biết về bịnh nan y của anh Lộc, tên thật của anh Lê Uyên Phương. Nó còn nói thêm về mối tình của anh chị. Phải yêu anh Lộc như thế nào chị mới tranh đấu với gia đình để được chung sống với anh. Tình yêu mà chị dành cho chồng được thể hiện bằng tiếng hát đã làm ” dậy sóng ” trong giới thưởng ngoạn âm nhạc trẻ tuổi ( ở lứa tuổi từ 20 tới 30 ) với suy tư về đời sống thực trong không khí chiến tranh. Lê Uyên- Phương trong ca khúc Để Lại Cho Em Hoà Bình nói lên cảm nghĩ của tôi, một người lính trẻ đang ưu tư về chiến tranh và thân phận của chính mình. Ngồi nhìn Lê Uyên- Phương đàn hát, tôi hiểu được điều vô cùng diễm ảo: tình yêu và đam mê đã buộc chặt họ lại với nhau. Họ hát cho họ, cho tôi hay cho bất cứ người lính nào đang hiện diện trong cuộc chiến này như người lính thì thầm và nhắn nhủ với người mình yêu thương còn ở lại.
– nếu một mai anh chết đi nghĩa là anh ngừng thở
nếu một mai anh chết đi
nếu một mai không có ai
có nhớ đến em nơi xa
còn nuối tiếc em nơi xa
bên kia đời
xin em nhận cho chút gia tài
xin em nhận cho
để lại gì cho em
đây còn chiếc poncho che mưa
để lại gì cho em
hay là tấm huy chương xanh lơ
để lại gì cho em
khi cuộc chiến cướp mất nơi anh
lời ngọt ngào êm ái
thay bằng tiếng than dài
để lại gì cho em
đây còn chiếc poncho che mưa
để lại gì cho em
hay là tấm huy chương xanh lơ
để lại gì cho em
khi cuộc chiến cướp mất nơi anh
lời ngọt ngào êm ái
thay bằng tiếng than dài
còn lại gì cho em
đây mười mấy tháng lương mong manh
còn lại gì cho em
hay là nuối tiếc thương riêng anh
để lại gì cho em
còn lại gì cho em
để lại gì cho em …
còn điều này cho em
xin nhận với mắt sáng hân hoan
còn điều này xin em
dang rộng với cánh tay Kitô
dù người còn hay mất
xin vì những lớp sau đang lên
hòa bình niềm mơ ước
chân hạnh phúc lâu bền
còn điều này cho em
xin nhận với mắt sáng hân hoan
còn điều này xin em
dang rộng với cánh tay Kitô
dù người còn hay mất
xin vì những lớp sau đang lên
hòa bình niềm mơ ước
chân hạnh phúc lâu bền
Hòa bình ! Hoà bình! Hoà bình !
Hoà bình ! Hoà Bình ! Hoà bình !
Bản nhạc có tựa Để Lại Cho Em Hoà Bình, nhưng nghe xong tôi có cảm tưởng đó là lời trối trăn của người biết mình sắp chết nhắn nhủ lại cho người sống. Phải chăng căn bệnh nan y bất trị đã ám ảnh rồi trở thành nỗi đau nhức tâm tư từ đó anh tạm mượn chiến tranh để nói lên nỗi lòng của chính mình. Làm gì có hoà bình, thứ hoà bình đắng nghét, khô khốc mà người sống cố bám vào như thứ gia tài của người thân yêu để lại. 12 tháng lương có nghĩa gì đâu so với chiến tranh đã lấy đi nơi người lính lời ngọt ngào êm ái và cả xác thân 45 ký lô bó gọn bằng chiếc poncho.
Đời lính đẩy tôi đi xa thành phố nên không có dịp nào được thấy và nghe Lê Uyên-Phương hát nữa. Dù vậy tôi cũng vẫn được nghe tiếng hát của họ qua đài phát thanh hay băng nhạc hoặc ở các quán cà phê nhạc. Rồi một hôm, khoảng năm 2001, tôi đọc được cái tin Lê Uyên Phương chết vì bịnh ung thư phổi vào tháng 6 năm 1999. Lục tìm thêm tin tức tôi cũng biết tin hai vợ chồng bỏ nhau. Điều đó làm tôi buồn và ngơ ngẩn tự hỏi tại sao? Phải chăng họ yêu nhau nồng nàn, cuồng nhiệt và đắm say quá nên tình yêu cũng mau cạn nguồn. Sống nơi thành phố của Cumberland Plateau, những khi buồn tôi nghe lại giọng hát khàn khàn đặc biệt của Lê Uyên trong ca khúc Ở Đây Thôi Ở Đây Đành.
– Ở đây có phố sương mù
có người như tưởng đứng thu bóng chiều
ở đây phố núi đìu hiu
đá mòn mỏi thở nhịp theo hơi người
ở đây, có kẻ xa đời
ở đây có kẻ xa đời
có anh em đứng chia lời buồn quanh
chia lời buồn quanh
ở đây, thôi ở đây đành
sáng ra núi ngóng chiều mênh mông chờ…
Phố tôi ở dựa lưng vào núi, rừng cây xanh ngàn, buổi sáng lắm sương mù nên nghe ca khúc Ở Đây Thôi Ở Đây Đành mà tôi tưởng như lời báo trước của Phương… Ở đây có kẻ xa đời… Ai xa đời? Anh hay tôi? Anh đã xa người xa đời, rong chơi trong vùng trời miên viễn nào đó. Còn tôi, đứng trên phố núi đìu hiu mà tưởng như thu bóng chiều tà xuống nơi vùng đất lạ quơ lạ quắc, thở theo nhịp đá mòn mỏi mà chẳng có anh em nào đứng chia lời buồn quanh. Chỉ có mình tôi ở đây, thôi ở đây đành… thôi thì cũng phải đành ở đây để sáng ra núi ngóng chiều mênh mông chờ. Ngóng gì đây hả anh Phương? Núi rừng cao quá tôi đâu có thấy được nơi nào mình ngóng trông. Chờ gì đây? Phải chăng lúc xa đời? Lê Uyên- Phương, tôi nhớ giọng hát khàn của chị, khuôn mặt gầy và nụ cười u uất của anh. Vĩnh biệt hai người, tuy chỉ một lần hạnh ngộ mà nhớ hoài không quên.
chu sa lan
Những bài viết về Lê Uyên&Phương
Lê Uyên và Phương, “hợp đồng tác chiến” trên sân khấu. (Kỳ 1)- Du Tử Lê
Chuyện kể, cuối thập niên (19)60, đầu thập niên (19)70, hai nhà thơ tên tuổi từ Saigòn lên Đà Lạt công tác; nhân tiện, tham dự một số sinh hoạt văn nghệ tại thành phố sương mù nổi tiếng này.
Trong những ngày sinh hoạt với giới trẻ ở Đà Lạt, tình cờ họ được nghe và, chú ý tới dòng nhạc cũng như nghệ thuật trình diễn nồng nàn của đôi song ca ở vùng đất “Hoàng triều cương thổ” đó.
Điểm đặc biệt, đôi song ca vừa kể, lại là một cặp vợ chồng trẻ. Rất trẻ. Khi trình diễn, họ như một cặp tình nhân đang ở đỉnh cao nhất của tình yêu đắm đuối. Tựa không lâu, một sớm mai nào, họ sẽ mất nhau.
Một đặc điểm khác, cũng đáng kể không kém: Họ chỉ hát những ca khúc do người chồng sáng tác.
Là những những người vốn có chủ tâm phát hiện, trân quý những tài năng mới ở lãnh vực văn học, nghệ thuật, hai thi sĩ kia đã ngỏ lời mời cặp vợ-chồng-như-tình-nhân về Saigòn. Đôi song ca đó, chính là cặp nghệ sĩ Lê Uyên và Phương.
Những người đầu tiên được hai thi sĩ giao trách nhiệm giới thiệu họ với giới trẻ Saigon, thời điểm ấy, là một trong những lãnh tụ sinh viên Đỗ Ngọc Yến, và nhà thơ Đỗ Quý Toàn…
Khi ấy, chiến tranh đã đem tai họa sắn sổ bước vào từng thành phố, ở lại từng căn nhà. Trong bối cảnh này, hiện tượng nhạc kêu đòi chấm dứt chiến tranh của Trịnh Công Sơn, như một chất gây nghiện, bắt đầu lan rộng cùng khắp miền Nam. Những người trẻ đô thị nắm tay nhau, tràn ra đường phố. Họ cất cao tiếng hát trên những đổ vỡ. Họ hát, như hát trên những xác người. Hiện tượng đối kháng hay, hành vi chống xã hội một cách vô thức của giới trẻ, là một phản ứng tự nhiên, bình thường nơi những xã hội có tự do và dân chủ.
Nhưng dù vậy, cõi giới tân nhạc như một chất gây nghiện bất ngờ của Trịnh Công Sơn, vẫn chỉ là một dòng chảy, bên cạnh những dòng chảy tân nhạc khác, có mặt trước đó. Nó vẫn tồn tại. Vẫn được đám đông yêu thích từ nhiều năm, tháng trước. Nó trở thành một món ăn tinh thần mà, người dân miền Nam không thể thiếu. Đó là dòng chảy Tình Ca. Động mạch chủ, nhịp đập chính của cơ thể bất cứ nền âm nhạc quốc gia, thời đại nào.
Cách khác, những hiện tượng, những phong trào âm nhạc, dù đáp ứng được nhu cầu giai đoạn của thời đại, chúng vẫn chỉ là những nhánh phụ, bên cạnh nguồn mạch chính.
Nói tới những nhánh phụ, chảy song song với nguồn mạch chính thì, ngoài hiện tượng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, chúng ta còn có dòng chảy của những ca khúc viết về đời sống, tâm tình người lính nơi tuyến đầu, liên hệ tới máu mủ, ruột thịt, tình yêu thương của họ gửi nơi những người thân, ở hậu phương. Tôi xin được dùng cụm từ “Tình khúc thời chinh chiến,” để chỉ danh dòng chảy này.
Đó là những tình khúc ngợi ca sự hy sinh tuyệt vời của người lính hay, những tiếng thở dài, lời chia buồn trước những tang chế, mất mát của mỗi gia đình hoặc, ở đời sống chung quanh. Một phần đời thực tế, hàng ngày hầu hết người dân miền Nam phải đối mặt.
Khi đề cập tới hiện tượng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn như một chất gây nghiện, lây lan nhanh chóng giới trẻ miền Nam, tôi không hề muốn nói, điều ấy có nghĩa, lúc nào giới trẻ cũng hùng hục xông ra đường phố, phất cao ngọn cờ chống chiến tranh, đòi hòa bình.
Khi đề cập tới những Tình khúc thời chinh chiến, tôi cũng không có ý nói, điều đó có nghĩa, giới trẻ miền Nam, thường trực sống với niềm hãnh diện, hay ủ rũ đau buồn vì cường độ và hậu quả khốc hại của cuộc chiến.
Trong một ngày, ít hay nhiều, cũng có giới trẻ thành phố thu mình một góc riêng. Lắng nghe, nhìn ngắm, cảm nhận nỗi buồn riêng của hoàn cảnh mình. Phần số mình. Đó là những giây phút họ cô đơn. Nhưng cũng là những giây phút họ sống thật nhất, với chính họ, theo tôi.
Đó cũng chính là lúc tình ca, động mạch chủ của bất cứ quốc gia, thời đại nào, về lại ngôi vị muôn đời bất hoại của nó.
Nhưng Tình ca là gì? Nếu không phải là tấm gương phản chiếu mọi mẫu mã tình cảm của những người yêu, xa nhau, hoặc mất nhau. Cốt lõi của Tình ca theo tôi là tính lãng mạn. Thơ mộng. Tính lãng mạn, thơ mộng mà nhân loại có được, tôi nghĩ, nó như một đặc ân Thượng đế đã dành riêng cho con người.
Nói tới lãng mạn hay thơ mộng, là nói tới những cảnh giới hầu hết trừu tượng. Không cụ thể. Yếu tính này, chúng ta thấy rất rõ trong những tác phẩm văn chương lãng mạn và dĩ nhiên, trong ca từ của hầu hết tình ca. Hơn thế, tính trừu tượng của tình ca, còn thể hiện ngay từ nơi tựa đề nhiều ca khúc.
Thời Tiền chiến, dòng tân nhạc chúng ta đã có những tình khúc thiết tha, nhung, lụa như “Gửi gió cho mây ngàn bay,” “Gợi giấc mơ xưa,” “Chuyển bến,” “Mầu thời gian”…Sau đấy, chúng ta có “Nghìn trùng xa cách,” “Nửa hồn thương đau,” “Hoài cảm,” “Chiều tím”… Gần hơn chút nữa, chúng ta có “Ru ta ngậm ngùi,” “Một cõi đi về,” “Niệm khúc cuối,” vân vân…
Trong bối cảnh ấy, đầu thập niên (19)70, qua chiếc cầu nối là những nhân vật tôi đã nhắc ở đầu bài, tình ca Lê Uyên Phương đã đến với giới trẻ, như một cơn gió mới.
Trên sân cỏ, trong khuôn viên đại học Văn Khoa, Saigòn, ngày ấy, những người trẻ tham dự buổi trình diễn đầu tiên của Lê Uyên Phương, giống như những người tình cờ bước ra khỏi những căn hầm thiên kiến của mình. Họ thấy một bầu trời khác. Họ được uống một loại nước mát khác. Từ một dòng suối khác.
Sự kiện này khiến cho buổi trình diễn đầu tiên của cặp song ca Lê Uyên và Phương, chỉ một sớm một chiều, trở thành hiện tượng.
Rất nhiều ký giả đã tìm gặp, phỏng vấn cặp vợ chồng nghệ sĩ, như tình nhân. Rất nhiều phòng trà mời họ ký hợp đồng trình diễn, với những khoản thù lao họ không chờ đợi…
Nhưng bầu trời và dòng suối làm thành hiện tượng bất ngờ đó là gì?
Thưa, trước nhất, tình ca của Lê Uyên Phương, là một tình ca ra khỏi “truyền thống tình ca” của mọi thời đại.
Cũng là tình ca, nhưng từ nhan đề mỗi ca khúc, cho tới phần nội dung tức ca từ, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã xây dựng ca khúc của ông trên căn bản dung dị, dễ hiểu của chữ và, nghĩa.
Ngay tự nhan đề của một số ca khúc nổi tiếng của LUP, cũng cho thấy tính tả thực! Thay vì nói “Niệm khúc cuối” (cách nói của Ngô Thụy Miên,) Lê Uyên Phương viết “Tình khúc cho em.” Thay vì viết “Bên đời hiu quạnh,” hay “Vết lăn trầm”…(cách nói của Trịnh Công Sơn,) thì LUP đặt tên cho ca khúc của mình là “Vũng lầy của chúng ta,” hoặc “Cho lần cuối”…
Với những tựa đề giản dị như vậy, người nghe, dù ở trình độ nào, cũng sẽ hiểu ngay. Không cần phải động não.
Bên cạnh đó, Lê Uyên Phương cũng cho một số ca khúc của ông những nhan đề tương đối bóng bẩy (trong một chừng mực nào đó.) Thí dụ “Lời gọi chân mây” hay, “Bài ca hạnh ngộ”…)
Trung thành với chọn lựa của mình, rất nhiều ca từ của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, cũng cho thấy dường ông chủ tâm đem vào phần ca từ của mình, một số ngôn ngữ đời thường. Những ngôn ngữ tả thực, tả chân. Thậm chí ta có thể gọi đó là ngôn ngữ nói, vốn ít thấy trong ca từ của những nhạc sĩ cùng thời với ông.
Thí dụ trong tình khúc nổi tiếng “Vũng lầy của chúng ta” ông viết:
“Yêu nhau giữa đám rong rêu hay dòng nước cuốn lêu bêu
“Đi qua những phố thênh thang, đi qua những trái tim khan
“Đi qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan…”
“Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai
“Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau”
(……)
“Ta sống trong vũng lầy
“Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
“Trong ngao ngán không dứt hết cơn cơn ê chề…”(1)
Ở bài “Tình khúc cho em,” một ca khúc nổi tiếng khác, họ Lê viết:
“Thương em khi yêu yêu lần đầu
“Thương em lo âu tình sau
“Dù gương xưa không được lau…”(2)
Hoặc ca từ của một số tình khúc quen thuộc khác nữa, như ở bài “Lời gọi chân mây,” ông viết:
“…Em ơi! Xin em, xin em nó yêu thương đậm đà
“Để rồi ngày mai cách xa
“Để rồi ngày mai…cách xa.”(3)
Hay trong ca khúc “Hãy ngồi xuống đây”:
“…Cho cơn buồn này rót nóng tung hoang
“Cho thiên đường này bốc cháy
“Trong cơn chia phôi chia phôi tràn trề…”(4)
Lê Uyên và Phương, “hợp đồng tác chiến” trên sân khấu. (Kỳ 2)
Tôi nhớ, vào khoảng giữa thập niên (19)80, trong một buổi trình diễn nhạc ở quán café LUP, ngã tư đường số 5th và đường Euclid, thuộc thành phố Santa Ana, khi được mời lên sân khấu, một nhạc sĩ lão thành, phát biểu rằng, nếu nét đặc thù trong nhạc Trịnh Công Sơn là “não tính” thì, đặc tính trong dòng nhạc Lê Uyên Phương là “dục tính.”
Cá nhân, tôi không thấy một ám ảnh tính dục nào trong cõi giới âm nhạc của tác giả này.
Qua hầu hết những ca khúc họ Lê đã viết, tôi lại thấy, cõi giới tân nhạc của ông là một loại “Nhật ký tình yêu,” viết bằng âm nhạc của một thị dân thành phố:
“Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
“Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau…” (Bđd.)
Hay:
“Hãy ngồi xuống đây
“Như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng
“Xoắn xít bên nhau vui chơi cuộc đời có dáng hôm nay…” (Bđd.)
Hoặc::
“Trên phố khuya âm thầm trong gió đông
“Trên phố khuya âm thầm như ngóng trông
“Mắt thơ ngây màu môi sẽ phai nhanh
“Tuổi yêu thương còn xanh…”
(Trích “Đêm chợ phiên mùa đông.”(5)
Hoặc nữa:
“Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
“Nhớ thương sâu xin gửi người xa
“Khóc nhau trong cuộc đời…”
(Trích “Dạ khúc cho tình nhân.”) (6)
Có chăng, người ta không thấy trong ca khúc của Lê Uyên Phương những ẩn dụ văn chương như tình ca của những tác giả khác. Người ta cũng không tìm thấy tính hào hùng, lạc quan của những người lính nơi trận tiền, hay những hạt lệ nhỏ xuống cho những chiến sĩ nằm lại nơi chiến địa, như ca từ của Trần Thiện Thanh.
Người ta cũng không tìm thấy những khắc khoải băn khoăn về một đất nước bị nhận chìm trong chiến tranh, chia cắt, tàn bạo như trong nhạc của Trầm Tử Thiêng, qua những ca khúc “Kinh khổ” hay “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy.”
Người ta càng không thể tìm thấy trong cõi giới âm nhạc Lê Uyên Phương, những câu hỏi mang tính triết lý sâu xa, quặn thắt ruột gan về thân phận, quyền làm người, như hầu hết các ca khúc của Trịnh Công Sơn…
Nhưng, người lại tìm thấy những buồn vui đời thường của tuổi trẻ đô thị trong nhạc Lê Uyên Phương. Điều mà trước cũng như sau họ Lê, không một nhạc sĩ nào bước vào. Rọi lớn.
Tính chất “Nhật ký tình yêu” viết bằng âm nhạc của Lê Uyên Phương, do đấy, đã đáp ứng một phần nhu cầu thanh niên thành phố. Khi họ cần tìm một khoảnh khắc tạm nguôi quên những bế tắc, tuyệt vọng, bất mãn về một tương lai bất định. Họ muốn quên, để sống với hiện tại. Dù cho đó là một hiện tại bị rình rập, vây quanh bởi những bất trắc:
“Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
“Gần bối rối biên giới từ lòng đau
“Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
“Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
“Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau…”
(Trích “Cho lần cuối.”) (7)
Hoặc:
“Này anh ơi, suối reo sườn đồi
“Này chim ơi, reo mừng cuộc đời ghi tên
“Rồi như khi lớn lên
“Rồi như khi úa tàn
“hoa thơm vẫn chờ nắng vàng dâng hương…”
(Trích “Bài ca hạnh ngộ.”) (8)
Thứ đến, trong sinh hoạt trình diễn của tân nhạc miền Nam, 20 năm, trước cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên và Phương, chúng ta chỉ có đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết. Tương quan xã hội của họ, cũng là tương quan vợ chồng. Nhưng, khởi nghiệp, họ không hát sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết mà, ca khúc mang lại sự nổi tiếng cho họ là một tình khúc của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. (Bài “Gạo trắng trăng thanh.” Cùng một số ca khúc khác.)
Không lâu, sau sự xuất hiện của cặp song ca Lê Uyên và Phương, giới yêu nhạc ở Saigòn được thưởng thức nghệ thuật trình diễn của cặp vợ chồng nhạc sĩ Từ Công Phụng – Từ Dung. Giống trường hợp Lê Uyên và Phương, cặp song ca này, chỉ trình bày những sáng tác của người chồng, nhạc sĩ Từ Công Phụng. Tiếc rằng, họ không được thành công lắm. Và, thời gian trên sân khấu của họ cũng không dài, lâu, vì biến cố 30 tháng 4-1975. Cũng chính biến cố này, đã đưa tới sự chia tay giữa hai người!
Nhưng, tôi thấy cần phải nói ngay rằng, sự kiện một cặp vợ chồng nghệ sĩ không hát nhạc ai khác, ngoài sáng tác của người chồng (hay người vợ,) chỉ tạo được chú ý buổi đầu. Đường dài, nó không hề là yếu tố dẫn tới thành công.
Trường hợp Lê Uyên và Phương cũng vậy. Ngoài yếu tố vợ chồng, về từ Đà Lạt, thời đó, dư luận còn xôn xao tin đồn nhạc sĩ Lê Uyên Phương bị ung thư. Căn cứ vào sự kiện ông có một cái bướu khá lớn nơi ngón tay cái. Do đấy, không ai có thể biết ông sẽ sống thêm được bao lâu.
Nhưng, ngay cả dư luận có phần thuận lợi về phương diện tình cảm của đám đông, cũng không thể đem thành công đến cho cặp song ca này, nếu không có dòng nhạc mới, lạ của Lê Uyên Phương. Nhất là nghệ thuật trình diễn nồng nàn của Lê Uyên.
Nhìn lui lại thời điểm hơn bốn mươi năm trước, người ta thấy, đa số các nữ ca sĩ thường rất nghiêm trang hay, hết sức chừng mực khi trình bày một tình khúc. Không ai dám đem “lửa” sân khấu qua những biểu cảm của tay chân, cơ thể trong những tình ca, hầu hết chậm và buồn. (Trừ những ca khúc được viết sau này ở thể điệu New Wave.)
Tính chất đam mê, hồn nhiên trên sân khấu của Lê Uyên đã thổi những ngọn lửa đắm đuối sang người bạn đời của mình. Nó cuốn Lê Uyên Phương nhập đồng theo dòng nhạc của chính ông. Từ tính cách đặc biệt vừa kể, trên sân khấu, Lê Uyên và Phương, đã có được với nhau một “hợp đồng tác chiến” mà, không một cặp ca sĩ nào, trước họ, có được.
Nói cách khác, ngoài giọng “khào” bẩm sinh, Lê Uyên còn hát bằng cả con người cô.
Tôi có cảm tưởng, khi bước lên sân khấu, đứng cạnh Lê Uyên Phương, Lê Uyên là một người khác. Cô không chỉ hát bằng chất giọng đi từ thanh quản. Cô cũng không chỉ hát bằng rung động đi ra từ nhịp đập rộn rã của trái tim. Mà, tiếng hát của cô, còn đi ra từ toàn thể cơ thể. Thậm chí, nó còn có thể đi ra từ những chân tóc, ngón tay, ngón chân…của cô nữa.
Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói. Nhưng với tôi, cách nói ấy cho thấy rõ hơn, ghi nhận sau đây:
Tình ca Lê Uyên Phương + Tiếng hát Lê Uyên + Sự hiện của nhân thân Lê Uyên Phương, là ba yếu tố làm thành bất khả phân ly. Như thể giữa ba thành tố này, đã có một tương thích hữu cơ mà, theo cách nói của những người trẻ hôm nay là tính “chemistry” định mệnh, không thể giải thích.
Theo tôi, chính tính chất chemistry / hữu cơ giữa ba thành tố kể trên, đã làm thành hiện tượng Lê Uyên và Phương, rực rỡ một thời, sinh hoạt trình diễn miền nam Việt Nam.
Phải chăng vì thế, sau Lê Uyên và Phương, người ta thấy, cũng có những cặp song ca mà, tài năng, nghệ thuật diễn tả của họ, không còn là câu hỏi cho bất cứ người nào – – Nhưng khi họ chọn tình khúc Lê Uyên Phương để trình diễn thì, dù họ là ai, chúng vẫn hiện ra như những tác phẩm không trọn vẹn.
Tôi muốn nói, tình ca Lê Uyên Phương sẽ còn ở mãi với chúng ta. Như một kỷ niệm hiếm quý. Nhưng khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương không còn nữa (9) thì, một phần thành tố làm nên rạng ngời những tình khúc của ông, cũng đã theo ông về cõi khác.
Du Tử Lê
(Sept. 2011.)
—————————————————————————————————
Chú thích:
(1,) (2,) (3,) (4,) (5,) (6,) (7,) (8): Theo dactrung.com
(9) Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tên thật Lê Văn Lộc. Ông sinh ngày 2 tháng 2 năm 1941 tại Đà Lạt, mất ngày 29 tháng 6 năm 1999 tại miền nam California.