Xuồng ba lá

 

Xuong 3 lá

xuongbalale

Xuồng Ba Lá: Nét Đặc Trưng Trên Sông Nước Nam Bộ

Tăng Tấn Lộc

Đồng bằng sông Cửu Long, vùng quê có chín dòng sông với hệ thống kênh rạch chằng chịt đi vào tận
trước cửa mỗi nhà, trên nền đất yếu, sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, những
chiếc cầu tre thì chênh vênh, từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng, hàng xóm đến với nhau cũng
bằng xuồng.

Xưa còn nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng ba lá. Người ta gọi xuồng ba lá là “đôi chân của người
dân vùng sông nước Nam bộ”. Hay có cách gọi dí dỏm hơn: “đi bằng tay” bởi vì chỉ cần hai tay chèo
xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Nhà ai không sắm được xuồng ba lá, cứ như bị cột
chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà phải sắm được một chiếc xuồng ba lá.

Trong kháng chiến, công lao của chiếc xuồng ba lá thật khó mà kể hết. Xuồng chở quân lương, vũ khí.
Xuồng đưa bộ đội, du kích qua sông. Nhiều đoàn quân tác chiến trên kênh rạch chỉ có thể nhờ dân
giúp đỡ mới hành quân được – hành quân đường xuồng. Xuồng còn nhẹ nhàng khoả sóng trong đêm,
đưa đặc công, trinh sát tiếp cận đánh đồn địch. Xuồng ba lá luồn lách được mọi rừng tràm, xẻo đước,
rạch nhỏ. Xuồng ba lá giấu lực lượng, giấu cán bộ trong đám lục bình trên sông. Đi biểu tình, đấu
tranh, địch vận cũng bằng xuồng ba lá.
Xuồng ba lá là tên gọi dựa trên cấu tạo của loại xuồng được ghép bởi ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván
be và một tấm ván đáy. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ
khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức
ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng.

Dưới các thanh cong, người thợ đóng xuồng nghĩ ra cách khoét lõm hình bán nguyệt gọi là những “lổ
lù”. Chúng có nhiệm vụ thông nước giữa các khoang xuồng với nhau để giúp cho việc tát nước dễ
dàng, không mất công tát theo từng khoang. Mũi và lái xuồng ba lá có hình dạng không khác gì nhau,
khác chăng chỉ là ở kích cở bộ ván sạp.

Nhờ mũi và lái xuồng ba lá giống nhau mà tính linh hoạt trong việc điểu khiển xuồng càng cao. Nếu
như ở các loại ghe, thuyền khác cần phải quay mũi khi cần trở lại thì với một chiếc xuồng ba lá, người
ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi, mũi rẽ thành lái và ngược lại. Đặc điểm này cũng chính là một trong
những ưu điểm của xuồng ba lá, nó đặc biệt có ý nghĩa khi sử dụng xuồng ở nơi đường đi quá chật
hẹp.
Trọng tải của xuồng ba lá được tính bằng kích cở của bộ ván be. Phổ biến là xuồng các cở từ khoảng
be sáu đến be mười. Xuồng có số đo be càng thấp thì càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng di chuyển cao,
nhưng sức chở thấp, thích hợp làm phương tiện đi lại. Xuồng lớn có thể chở nhiều, nhưng di chuyển
chậm nên thường được dùng để vận chuyển hàng hóa. Cùng với quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba
lá là quá trình sáng tạo ra các công cụ và phương pháp điều khiển nó như: cây sào nạng dùng để
chống, dầm dùng để bơi và cuối cùng là cây chèo. Mỗi thứ có cách sử dụng riêng. Nhưng dù cho điều
khiển xuồng bằng bất cứ cách nào, giữ thăng bằng cho xuồng khỏi tròng trành hoặc lật úp mới là điều
quan trọng nhất. Để đạt được sự thăng bằng cần thiết là cả một nghệ thuật và nghệ thuật đó chỉ được
thành hình qua một quá trình rèn luyện. Hiện nay, phần đông nhân dân trong vùng, do đời sống ngày
càng được cải thiện nên đã sắm được máy nổ thay cho dầm, chèo. Tuy nhiên, dù cho đã có máy móc,
nhưng bất cứ chiếc xuồng máy nào cũng đều mang theo dầm, chèo để phòng khi máy móc trục trặc
mà dùng.

Xuồng ba lá là sự lựa chọn tuyện vời để khắc phục hoàn cảnh, đối phó với môi trường tự nhiên. Sự
gắn bó của nó đối với con người nơi đây được ví như một bộ phận không thể tách rời của cơ thể.
Không có xuồng được người dân ở đây ví như bị “cụt chân”.

Quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá, những công cụ đi kèm, cách thức điều khiển và những ứng
dụng thực tiễn của nó đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa Nam bộ. Đó là một nền văn
hóa sông nước thật sự. Có thể nói, chiếc xuống đã gắn bó với cư dân nơi đây từ thuở thiếu thời cho
đến tuổi xế chiều.

Hàng trăm năm qua, từ ngày cha ông ta đi mở cõi, chiếc xuồng luôn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt
trong đời sống của người dân vùng quê sông nước Nam bộ. Xuồng là người bạn đồng hành, là bạn
đời thủy chung, son sắt gắn bó với con người nơi đây suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng
đất này. Chiếc xuồng có mặt ở khắp mọi nơi.

Xưa kia, với địa hình kênh rạch chằng chịt, rừng rú um tùm, giao thông đường bộ kém phát triển thì
chiếc xuồng là loại phương tiện đắc dụng và phù hợp nhất. Nó được sử dụng để đi lại dễ dàng cả trên
sông lớn lẫn kênh nhỏ. Nhưng chiếc xuồng ba lá càng tỏ ra có ưu điểm cao hơn các loại phương tiện
giao thông thuỷ khác khi cần thiết phải di chuyển trên mương, rạch nhỏ. Người ta chọn xuồng làm
phương tiện giao thông chủ yếu không hẳn do điều kiện kinh tế, mà trước hết là vì tính linh hoạt, hữu
hiệu của nó. Tính linh hoạt của xuồng ba lá đặc biệt có ý nghĩa khi được sử dụng ở trên ruộng hoặc
chân rừng ngập nước, là những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác phải chào thua.

Nhờ nhỏ, gọn, nhẹ nên xuồng có thể dễ dàng luồn lách trên những đoạn đường chật hẹp. Đồng thời,
do diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế tối đa sức cản của nước nên nó có khả năng di
chuyển nhanh ngay cả ở nơi nước nông. Người ta dùng xuồng để đi lại cũng như trong lao động sản
xuất. Chiếc xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, vận chuyển sản vật khai thác được ở rừng, chuyên
chở thành quả lao động từ đồng ruộng về, dùng xuồng để đi buôn bán. Độc đáo hơn, xuồng đôi khi còn
được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước, một mái ấm tâm linh chở che con người
trước mưa nắng vô thường của đất trời Tây Nam bộ.

Từ khởi thủy là chiếc xuồng độc mộc của tổ tiên đến chiếc xuồng làm bằng vật liệu mới composite
đương đại, chiếc xuồng ở vùng này đã qua một quá trình hơn ba thế kỷ phát triển không ngừng. Suốt
dòng lịch sử này, chiếc xuồng ba lá là cả một sự phát hiện đầy tính sáng tạo của con người Nam bộ.
Xuôi dòng Mê Kông, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, chạy dài gần 100 km là hai tỉnh Vĩnh Long và
Trà Vinh. Đây là vùng có hệ thống sông ngòi dày đặc và là nơi có hệ cây ăn trái phong phú nhất ở
miền Tây Nam bộ. Trước đây, vào năm 1937 ở Vĩnh Long (lúc đó bao gồm cả Trà Vinh, Chợ Lách –
Bến Tre, Sa Đéc – Đồng Tháp) cứ trung bình 1 km2 đất đai thì có một con sông, kênh, rạch. Tỷ lệ này
hiện nay có xê dịch đi chút ít nhưng tăng hơn trước do người dân đã tự khai phá thêm để làm ăn sinh
sống sau gần 300 năm, từ khi chúa Nguyễn đặt tên cho vùng đất này là Long Hồ Dinh vào năm 1732.
Người dân Vĩnh Long, Trà Vinh cũng như nhiều vùng quê Nam bộ khác khi lũ về thì đi lại chủ yếu bằng
xuồng, ghe. Xuồng ghe đã in đậm vào trí nhớ của người dân nơi đây, cho dù đi xa quê nhà họ vẫn luôn
nhớ tới loại phương tiện mà trước đây họ đã dùng thường xuyên từ đi lại thăm viếng nhau đến chở

lúa, mạ, phân bón, chợ búa trao đổi… Hiện trong lịch sử đến nay còn tồn tại nhiều khu chợ nổi trên
sông mang đậm nét văn hóa vùng đất sông nước này như chợ Quới Thiện (Cù Lao Dài), chợ Trà Ôn
(ngã ba sông Hậu), chợ Lục Sĩ (Cù Lao Mây)… Ở các xã, ấp vùng sâu của các huyện Bình Minh, Trà
Ôn, Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm còn hàng trăm ngôi chợ sông khác mà chủ nhân các chợ này
đông đảo nhất vẫn là ghe xuồng.

Chiếc xuồng đã gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây như gắn bó với cuộc đời họ từ lúc sinh ra,
lớn lên, biết đi lại, học hành, se duyên thành vợ thành chồng. Nhiều cụ già vùng Cù Lao Mây, Cù Lao
Dài cho rằng từ lúc sinh ra họ đã nằm trong xuồng rồi, đi học, đi chơi, đi chữa bệnh, đi đám cưới, đám
hỏi, thăm viếng nhau… mọi việc đều được xuồng vận chuyển. Xuồng vùng sông nước thủy chung với
con người chặt bền như tấm áo mảnh khăn đã sản sinh ra một vùng đất, một vùng người mang đậm
tính Nam bộ rất riêng biệt.

Ghe, xuồng – phương tiện đi lại ở vùng sông nước Nam bộ từ rất lâu đời đã kết gắn cả cộng đồng
người Việt trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang vùng đất Nam bộ phì nhiêu. Ngày nay, ghe xuồng vẫn
cùng với người dân vùng đất Nam bộ viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông ta để lại.
Thật vậy, xuồng ghe đi lại đã sống cùng cốt cách sông nước con người miền Tây. Những người con ở
xa quê hương cứ nhớ mãi những trại cây, bóng nước, bóng hình những chiếc xuồng ba lá… thành hồn
thơ lưu mãi của người dân vùng sông nước qua bao năm tháng sinh thành:
Những hạt cát liền nhau thành xứ sở
Thành những ven sông, bến chợ, sân trường
Ngày nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại.
Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông
nước Nam bộ vẫn giữ nguyên giá trị của nó, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được những
nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi này:
“Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá
Đêm trăng hai đứa mình…Hò ơ… mới thực đêm trăng”
Hữu dụng là thế, thơ mộng cũng vì thế, đậm sắc miền quê là chiếc xuồng ba lá khắp các vùng Nam bộ.
Một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, “ai đến miền Tây mà chẳng thương, ai xa miền Tây
mà chẳng nhớ”. Cho đến nay, nhiều địa phương ở Nam bộ, hội đua xuồng đã thành truyền thống.
Chiếc xuồng ba lá đã đi vào nghệ thuật qua văn, thơ, nhạc, họa… Cùng với mái đình, cây đa, bến
nước, chiếc xuồng là biểu tượng gợi nhớ quê hương cho những người con xa xứ.

11/2006
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org

hvln

Tắc Ráng

Vỏ vot trên song hau

220px-Tắc_ráng_trên_sông_Sài_Gòn

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi một hệ thống sông ngòi xếp vào hàng thứ năm các quốc gia có nguồn nước ngọt phong phú so với diện tích lãnh thổ.

Dòng chảy sông ngòi Việt Nam bình quân gấp 4,6 lần dòng chảy của lục địa châu Á, còn nếu so với dòng chảy của toàn lục địa, thì cũng gấp 3 lần.

Các dòng sông Việt Nam hàng năm nhận được lượng nước rất lớn, trong đó 2/3 là nước ngọt nội địa, phần còn lại là từ bên ngoài lãnh thổ đổ về qua hai hệ thống sông Hồng và Mê Kông. Hệ thống sông Mê Kông cung cấp khoảng 4.000 tỷ m3 nước trong 1 năm (Morgan F.R 1961). Sự phân bố sông ngòi của Việt Nam không đều, mà tập trung phần lớn ở Nam Bộ.

Ở Nam Bộ có một mạng lưới dày đặc các sông ngòi, kênh rạch không những là nguồn nước cho phát triển nông nghiệp, mà còn là hệ thống giao thông thủy thuận tiện. Tại vùng đồng bằng Nam Bộ, nhà nào cũng có kênh, rạch chạy qua và chính kênh, rạch ấy là con đường giao thông đã được người dân sử dụng rất sớm. Nhiều người bảo rằng, nếu trên đường bộ nhà nào cũng có xe gắn máy, hay xe đạp, thì ở vùng Nam Bộ nhà nào cũng có ghe xuồng. Ghe xuồng ở Nam Bộ là phương tiện đi lại, vận chuyển của người dân, cuộc sống của họ không thể thiếu loại phương tiện giao thông thủy với rất nhiều tên gọi: Xuồng, vỏ lải, vỏ vọt… và hơn 50 năm trở lại đây xuất hiện một loại phương tiện được gọi là Tắc Ráng.

 

Tắc Ráng là gì? Tìm về lịch sử, thì Tắc Ráng chính là tên một con rạch ở Rạch Giá.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi mà các loại máy thủy xuất hiện nhiều ở miền Nam, có hai người dân là ông Năm Cải và ông Chín Sum ở xã Vĩnh Hiệp, Rạch Giá đã cải tiến chiếc xuồng Ba Lá (câu chuyện về xuồng Ba Lá đã được in trong số 97 Tạp chí Công nghiệp tàu thủy) và lắp ở phía đuôi một động cơ có cần dài lắp chân vịt do một người điều khiển. Loại phương tiện này chở được 10 người. Kết cấu hẹp ngang, nhưng thân được kéo dài, mũi cong lên, mớn nước rất nông nên phù hợp với kênh, rạch nhỏ. Người dân gọi đó là Tắc Ráng.

Tắc Ráng ra đời, có thể xem như một cuộc cách mạng kỹ thuật của phương tiện vận tải nhỏ. Trước đây thuyền ba lá di chuyển nhờ mái chèo và lực đẩy của cơ bắp, thì nay thay bằng lực đẩy của động cơ. Ưu điểm vượt trội đó giúp Tắc Ráng nhanh chóng phát triển không chỉ ở Rạch Giá mà cả vùng sông nước Nam Bộ, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất Tắc Ráng. Cũng có thể nói Tắc Ráng là bước nhảy vọt của cơ giới hóa phương tiện giao thông gia đình ở vùng sông nước Nam Bộ và sau đó được phát triển ở tầm cao hơn để hình thành những phương tiện vận tải mới. Ngày nay Tắc Ráng còn được xem như một loại tàu khách 2 tầng với sức chở hàng trăm người, được lắp động cơ ô tô, động cơ thủy Honda, Yamaha, GMC có tốc độ tới 60km/h.

Tắc Ráng bây giờ đã dùng vỏ composite, vỏ thép thay cho vỏ gỗ. Những chuyến du lịch đến miệt vườn, rừng tràm không thể thiếu phương tiện chuyên chở hữu hiệu là Tắc Ráng. Bởi loại phương tiện này mới có thể len lỏi qua những kênh, rạch, để chiêm ngưỡng những khu rừng ngập mặn, những tràm chim mà các nhà nghiên cứu gọi là kiệt tác thiên nhiên.

Cho tới thời điểm hiện tại, vùng đất Mũi tỉnh Cà Mau vẫn chưa có đường bộ. Muốn đến đó chỉ bằng phương tiện Tắc Ráng với hành trình trên 50km sông nước tính từ thành phố Cà Mau.

Sơ lược lại lịch sử phát triển của phương tiện thủy gia dụng, có thể kể từ thuyền độc mộc, xuồng ba lá (hay tam bản) rồi Tắc Ráng. Hiện nay chưa ai thống kê được số lượng Tắc Ráng hiện có là bao nhiêu? Và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại Tắc Ráng là thế nào. Nhưng chắc chắn một điều là nếu không có Tắc Ráng, thì chắc hẳn những chợ trên sông thiếu sự nhộn nhịp và kém phong phú về hàng hóa và thiếu đi một nét đặc trưng sông nước Nam Bộ.

Những chiếc Tắc Ráng chứa đầy trái cây len lỏi trong các miệt vườn chiều hôm trước, tới tờ mờ sáng hôm sau đã kịp đến chợ nổi. Nhiều khách du lịch sau khi đi chợ nổi đã nhận xét rằng: “Cuộc sống trên sông ở Nam Bộ phong phú hơn trên cạn…” và họ cho rằng, mai đây hệ thống đường bộ dù phát triển tới cỡ nào thì chợ nổi vẫn còn, vì nó đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước miền Nam.

220px-Vỏ_lãi_trên_sông_Sài_Gòn

Những chiếc Tắc Ráng là phương tiện hữu hiệu của người dân Nam Bộ mùa nước nổi. Với cấu tạo thon, dài mớn nước nông nên thích hợp với vùng đầm lầy, nhiều lau sậy. Không chỉ để chuyên chở người, mà loại phương tiện này còn chở hàng hóa, phục vụ công việc đồng áng và kể cả đưa đón dâu trong các đám cưới.

Thế mới biết, sự sáng tạo của người Việt là vô biên. Những năm gần đây chúng ta còn nghe nói tới nhiều chuyện, nào là hai lúa làm trực thăng, hai lúa làm máy cầy, máy cắt lúa, cắt cỏ…Tắc Ráng cũng là sản phẩm bắt đầu từ các ông Năm Cải, Chín Sum, họ là những Hai Lúa của Rạch Giá.

Khi viết bài này, chúng tôi đã tìm về lịch sử của khóm Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Hiệp, nơi có con rạch mang tên Tắc Ráng, nơi có xóm cũng mang tên Tắc Ráng và được biết, con rạch Tắc Ráng ngày nay đã được đào thành con kênh mang tên Kinh Xáng Mới. Trên dòng Kinh Xáng Mới này có hàng ngàn chiếc Tắc Ráng mỗi ngày hướng về thành phố Rạch Giá, thành phố có nhiều lợi thế về giao thông thủy và còn được gọi là thành phố trên bến dưới thuyền ở Vùng Nam Bộ.

Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nên chăng cần có sự nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện nhằm giúp người nông dân phát triển cũng như hoàn thiện hơn những loại phương tiện vận tải nhỏ, nhẹ như Tắc Ráng bên cạnh việc đóng mới những loại phương tiện đi biển lớn.

Trong nền kinh tế đa thành phần, Tắc Ráng sẽ vẫn tồn tại một cách tự phát bởi yêu cầu của người dân cần phương tiện đi lại và kiếm sống. Nếu có những loại Tắc Ráng phù hợp với đời sống và sinh hoạt của bà con, lại có độ an toàn cao, giá thành phù hợp thì có nghĩa ngành công nghiệp tàu thủy nước nhà đã góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ cho nhân dân vùng sông nước Nam Bộ, vựa lúa của Việt Nam… Bà con ở vùng kênh rạch này có thêm một phương tiện “xe gắn máy” như trên bộ.

Hoàng Long

hvln

Advertisement