Bếp chữ này được xây là dành cho các đầu bếp nấu món ăn ngon và lạ được nhiều người ưa thích về cả hai diện ăn và chơi. Ăn thức ăn và chơi với con chữ. Đầu tiên tôi tính mời đầu bếp Song Nhi nhưng lại nghĩ tiên chủ hậu khách với lại mình xây bếp mà hổng thử rủi có gì trục trặc thì hơi phiền nên đành phải mở lò nấu trước. Cái dại của tôi là hổng phải đầu bếp mà lại đi xây lò đúc bếp thành ra loay hoay không biết nấu món gì. Lật trong thư viện nấu ăn của các trang mạng nổi tiếng như Đặc Quánh, VNTQ mà đôi khi tôi gọi đùa là Văn Như..… ( Xin lỗi mấy vị của ban điều hành các trang web này) thì cũng hổng thấy món gì mới, lạ, rẻ tiền, ít tốn công và dễ nấu mà lại ngon thì thật khổ tâm quá. Đã xây bếp, đốt lò, lửa cháy rần rần và khói bay nghi ngút mà chưa biết nghĩ ra món gì mơi mới để nấu thì bổng dưng ông thần ăn và ông thánh nhậu nhập vào chỉ bày và tôi lập tức nấu liền. Đây là món ăn mà tôi mới nấu lần đầu, ngon dở thì chưa biết… chắc sẽ không vừa miệng… nếu không ngon thì quí vị cứ ngậm nghe ra hè nhổ… kẻ viết bài này hổng có buồn đâu…
Món: ĐẠI PHONG
Món Đại Phong được nấu từng giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên được gọi là Rửa Chữ. Chọn một tảng đá nặng chừng 100 pound, nếu ở Mỹ, còn ở VN thì chừng 50 ký lô. Theo kinh nghiệm của mấy chục năm làm bếp chữ, tôi chọn đá hoa Phủ Quốc. Đá này tuy cứng rắn nhưng là loại đá đẹp, quí và sạch sẽ nên ít tốn công chùi rửa. Quí vị nào ít tiền và thiếu kiên nhẫn thì có thể chọn đá vôi Đông Triều hay đá vôi Hà Tiên cũng được. Hai loại đá vôi này có mùi vị hơi khác đá hoa Phủ Quốc và chất lượng thì hổng có bằng loại đá hoa Phủ Quốc. Bỏ tảng đá vào trong cái chảo đụng rồi đổ đầy nước vào. Cái gì cũng vậy, món ăn ngon phải đầy đủ hương liệu và chất liệu. Nước là thứ rất cần trong việc nấu món Đại Phong này. Nước phải nước suối Tiên ở Phú Quốc hay là nước sông Hà Tiên, còn quí vị nào ở miền trung thì nên dùng nước sông Ngàn Sâu. Ở ngoài bắc thì chọn nước sông Thương là tốt nhất. Nếu mình nấu bằng nước sông Thương thì khi người ta ăn, họ sẽ thương sẽ nhớ mình hoài. Đó là nếu muốn người thương mình thì mình phải thương người trước nhất. Đốt lửa cháy bùng cho tới khi nước sôi sùng sục độ nửa khắc, thì tắt lửa, khiêng đá ra đem đi chùi rửa cho sạch để khử vi trùng. Đổ nước ra chùi rửa chảo thật sạch rồi mới bỏ viên đá, đổ nước đầy và nổi lửa để nấu trở lại. Sở dĩ phải Rửa Chữ vì con chữ dơ dáy lắm. Ông bà mình có câu” ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước nhất ”. Tự thân con chữ hổng có dơ bẩn song bị thiên hạ dùng tầm bậy, ăn, ngậm chữ vào miệng rồi phun ra để hại người nên con chữ bị nhiễm trùng thành ra dơ bẩn. Nếu không rửa chữ thì ăn vào sẽ bị bệnh. Thời bây giờ thì chữ càng dơ nhiều hơn, nào vi trùng, vi khuẩn, siêu vi trùng, virus, bug, loạn cào cào châu chấu nên nấu con chữ phải cẩn thận. Mình ăn bị bệnh đã đành mà khách hàng ăn vào bị bệnh họ sẽ thưa kiện là xập tiệm liền. Nấu nước cho tới khi nào sôi thì bớt lửa để nhỏ thôi. Giai đoạn thứ nhì là Hầm Chữ hay Ninh Chữ. Đây là giai đoạn lâu lắc và mất nhiều thời giờ nhất. Trong thời gian chờ đợi tôi mời mọi người thưởng thức món khai vị và nhâm nhi chén rượu nhũ thạch. Ai không thích rượu thì tôi có loại trà Thần Nữ gia truyền uống vào thì khỏe khoắn liền. Trong lúc uống trà và lai rai tôi xin phép quí vị hãy kiên nhẫn ngồi nghe tôi lải nhải về chữ và con chữ.
Tại sao lại gọi là con chữ. Đây là tiếng của Sn mà tôi mạn phép mượn xài đỡ. Việt Nam ta hể thấy cái gì nhúc nhích, sống động thì gọi là con. Con cá, con gà, con người ta, con khỉ… Sở dĩ gọi là con chữ vì chữ nó nhúc nhích, nó linh động, nó nhảy tưng tưng thì gọi là con chữ. Huống hồ gì chữ Việt lại có vị và mùi nữa. Chắc vì vậy mà Sn mới gọi là con chữ. Thí dụ sau đây sẽ cho chúng ta thấy chữ Việt là con chữ. Tiếng Anh không có linh hoạt, sống động và nhảy tưng tưng để thành con chữ như chữ Việt. Đối với màu đen thì tiếng anh chỉ có black. Ngựa đen thì black horse. Mèo đen thì black cat. Cọp đen thì black tiger. Còn chữ việt thì lại khác. Con mèo mà có lông màu đen thì không ai gọi mèo đen hết mà gọi là mèo mun. Ngựa có da đen là ngựa ô. Cọp lông màu đen là hắc hổ chứ hổng có ai gọi là cọp đen. Vì vậy mà chữ biến thành con chữ, nhảy tùm lum khắp nơi. Ngựa màu trắng thì ta gọi ngựa bạch, cọp trắng là bạch hổ, gà trắng thì gọi gà nhạn, gà đen gọi gà quạ, vượn trắng thì gọi bạch viên, chó đen thì chó mực, chó trắng thì chó cò… Nội chữ đen không cũng đủ hương vị rồi. Đen xì, đen thui, đen thủi, đen thùi lùi, đen mun. Trắng thì trắng xát. Xanh thì xanh rì, xanh dờn, xanh ngắt, xanh rợn. Đỏ thì đỏ hoét, đỏ hoạch, đỏ rực… Đại khái những chữ thêm vào đó chính là gia vị của chữ, nó biến chữ thành con chữ nhờ tính linh động và sống thực. Ở đây tôi không bàn chữ nào hay hơn chữ nào mà chỉ nêu ra nét đặc thù của chữ Việt. Với tôi, chữ Việt là thứ con chữ lạ lùng và biến hóa như có phép thần thông khiến cho người ngoại quốc phải lắc đầu thán phục. Chính những cái dấu hiệu đặt ở trên đầu chữ đã biến nó có ý nghĩa hoàn toàn khác. Chỉ có dấu sắc, huyền, hỏi, ngã nặng, dấu móc cho chữ U và O, dấu mũ của O và A, dấu móc cho chữ Ă, tất cả 8 dấu đó đã thêm vào hương vị chua, mặn, ngot, cay, béo, bùi cho chữ Việt làm nó như có thất thập nhị huyền công của Tôn Hành Giả. Tuy nhiên cũng vì vậy mà làm cho chữ Việt trở thành khó học không những với người ngoại quốc mà luôn cả người Việt nữa khi học tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi có đứa con gái, hồi nhỏ tôi cố gắng dạy cho nó biết chữ việt. Sau khi nghe tôi giảng giải nó nói ” Sao rắc rối vậy ba? Sao có nhiều dấu quá vậy ba? Sao đọc khó quá vậy ba? Từ đó nó không còn hăng hái học tiếng Việt nữa. Tiếng Việt khó học cũng do một phần ở 8 cái dấu. Nói đã khó mà viết lại càng khó hơn. Nội 2 dấu hỏi ngã cũng đã làm khó người học rồi. Ngay chính tôi, già cỡ này mà viết còn sai hỏi ngã và mất rất nhiều thì giờ chỉnh sửa cho đúng. Có người bảo hãy học thuộc lòng cái công thức gì gì đó thì sẽ viết đúng. Ôi hơi sức đâu mà nhớ. Với lại khi mình đang viết mà chú ý tới văn phạm chính tả thì chắc chắn là chữ trong đầu sẽ bay mất tiêu. Chữ hiện ra là phải gõ cho nhanh để theo kịp ý tưởng chứ còn so đo hỏi ngã thì con lâu lắm mới viết cho đầy trang giấy. Bây giờ ta thử đặt câu hỏi như vầy: ” Tôi đã ăn ” với ” tôi đả ăn ” đọc lên đâu có khác gì đâu. Ai cũng hiểu nghĩa thì tội tình gì phải phân biệt hỏi với ngã. Còn nhiều chữ mà khi viết và đọc sai dấu hỏi ngã thì người ta vẫn hiểu. Chính sự phân biệt đó gây ra nhiều rắc rối, phiền toái và làm cho chữ Việt tối mù lên chứ hổng có trong sáng theo như người ta nói. Cái này là tại mấy ông tạo ra chữ Việt nặng đầu óc phân biệt, so sánh… Chúng ta đều biết tiếng Việt hổng phải do người Việt tạo ra mà do các giáo sĩ tây phương nhằm phục vụ cho mục đích truyền giáo của họ trước nhất. Họ nói tiếng tây thì dân xứ mình đâu có hiểu vì khác với thứ tiếng Nôm của mình. Đó là lý do giải thích tại sao chữ Việt có dạng giống như chữ Anh, Pháp là dạng chữ La tinh. Họ đem dạng chữ la tinh ra làm gốc rồi thêm đại vào 8 cái dấu để tạo ra thứ chữ tuy biến hóa song lại đầy rắc rối cho người dùng sau này. Chứ nếu người Việt mình mà tạo ra chữ Việt thì hổng có nhiều rắc rối và tối mù. Có người sẽ chê là tôi dốt nên ngụy biện. Thực ra thì tôi cũng dốt, viết chữ Việt sai chính tả và văn phạm. Tuy nhiên nếu có người nào viết ” xả hội ” thay vì ” xã hội ” thì tôi cũng hiểu nghĩa là gì, thì tại sao lại phân biệt và tranh cải ( cãi ) về cái dấu con con đó. Nếu ta không phân biệt dấu hỏi ngã thì đám trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở xứ người sẽ dễ dàng học để nói, nghe, đọc và viết tiếng Việt. Từ đó chúng ta sẽ không lo con cháu sẽ quên đi tiếng mẹ đẻ. Chúng nó sẽ ” tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời ” hơn là vì khó học và ít có người Việt ở xung quanh để thực hành, để rồi quên hẵn đi tiếng Việt. Xứ Mỹ rộng, người đông, nhiều chũng tộc khác nhau, người Việt sống rải rác khắp nơi thành ra ít khi có dịp thực hành ngôn ngữ của mình. Đó cũng là một trong nhiều lý do lớp trẻ lớn lên nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng Việt mặc dù chúng là dân Việt chính cống không có pha trộn.
Trong phần Rửa Chữ ở trên, tôi chọn viên đá nặng 100 cân Anh nhưng vì không kiếm được cái chảo đụng để hầm, bắt buộc tôi phải giảm viên đá xuống còn 10 cân thôi để có thể bỏ vào cái nồi như hình bên trên. Sau mấy ngày hầm với ninh mà con chữ vẫn trơ trơ và tảng đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt, tôi nghĩ chắc lửa yếu nên phải hầm thêm vài ngày nữa. Biết mọi người nóng ruột và buồn chán nên tôi xin kể chuyện đời xưa cho mọi người nghe trong lúc chờ đợi.
Người Việt Nam ta, tuổi từ 50 trở lên, nếu không có đọc thì cũng được nghe nói tới thời Tam Quốc phân tranh bên Trung Hoa với các nhân vật nổi tiếng như Tào Táo, Khổng Minh, Lưu Bị, Tôn Quyền và Chu Du, nhân vật trở nên lừng danh trong trận Xích Bích và câu nói ” Trời sinh Du sao lại sinh Lượng ”. Nước Trung Hoa lúc đó chia làm ba nước gọi là Bắc Ngụy do Tào Tháo làm vua, Tây Thục thuộc về Lưu Bị và Đông Ngô do Tôn Quyền cầm quyền. Câu chuyện mà tôi kể đây không có liên quan gì tới thời Tam Quốc phân tranh ở bên Trung Hoa mà nó lại xảy ra ngay tại xứ Giao Chỉ ta, lúc đó bị cai trị bởi Đông Ngô. Câu chuyện thuộc về ngoại sử, tức là những gì không có ghi lại trong sử, do đó mà ít người được biết vì từ hồi xa xưa cho tới bây giờ sử thường được ghi chép bởi những kẻ cầm quyền bởi vậy độ chính xác của chính sử thấp hơn ngoại sử. Chỉ có ngoại sử, là những gì không được chi chép trong sử, thường do sự loan truyền của dân gian thì may ra mới có thể tin được. Câu truyện do tôi viết xảy ra vào năm 226 tây lịch với nhan đề Tam Thập Thất Kế Cởi Truồng Vi Thượng Sách. Ai cũng biết binh thư của dân Đại Hán của nước Trung Hoa thì có tới ba sáu kế mà chạy trốn là cách hay nhất và thường được người đời sau gọi nôm na ” Tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách ” dịch ra tiếng Việt ta thì trong ” ba mươi sáu kế thì chuồn là cách hay nhất ”. Ba mươi sáu kế mưu này được ghi trên giấy trắng mực đen, song còn một kế thứ ba mươi bảy là Tam Thập Thất Kế Cởi Truồng Vi Thượng Sách thì vì lý do đặc biệt lại không được nhắc đến trong binh thư của dân Đại Hán. Cái kế thứ ba mươi bảy này được quan thứ sử Lục Dận của triều Đông Ngô đem ra thi hành tại xứ Giao Chỉ khi cầm quân đánh nhau với Bà Triệu của nước ta. Sau khi nghe xong câu truyện chúng ta mới biết tại sao Phục Ba Tướng Quân Mã Viện, vị danh tướng của nhà Hán mặc dù đã có công trạng rất lớn trong cuộc bình định xứ Giao Chỉ lại bị vua Quang Vũ cách chức và cho về quê đuổi gà cho vợ cũng như cái diệu kế mà họ Mã dùng để đánh thắng Trưng Nữ Vương lại không được ghi là kế thứ 37 trong binh thư của dân Đại Hán.
Trước hết mời mọi người đọc sơ qua về Bà Triệu.
” Tôi muốn cởi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kính ở bể đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi cảnh đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm thân tì thiếp cho người ta…”
Thoạt nghe câu nói hào khí ngất trời này, ai cũng tưởng đó là câu nói của một đấng nam nhi khí phách hay tay anh hùng hào kiệt nào của nước ta. Tuy nhiên câu nói còn vang vọng tới ngàn năm sau này lại phát ra từ một thiếu nữ tuổi mới đôi mươi sinh trưởng ở Cửu Chân mà ngày nay nằm trong huyện Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hoá. Triệu Thị Trinh hay Lệ Hải Bà Vương và Nhuỵ Kiều Tướng Quân mà dân chúng nước ta thường gọi với tên Bà Triệu.
Chuyện Bà Triệu đứng lên chống lại tên quan thứ sử Lục Dận thì trong sử sách đã ghi rõ ràng nên người viết cũng chẳng muốn đề cập tới. Điều mà tôi muốn nêu lên là câu nói khẳng khái của bà lúc còn trẻ đã chứng tỏ một khí phách của một nữ anh hùng có lòng thương nước thương dân nên mới không chịu làm một cô gái tầm thường. Cũng vì câu nói này mà anh bà, ông Triệu Quốc Đạt mới khâm phục chí hướng của em gái và bằng lòng đem hết của cải để mưu đồ chuyện khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô. Theo như lời đồn đại thì lúc ban đầu Lục Dận và quân Đông Ngô bị bà đánh thua xiểng niểng. Sau đó tên thứ sử họ Lục mới nghĩ ra diệu kế đánh thắng Bà Triệu. Những lời sau đây tuy không có ghi chép trong sử nhưng cũng có thể rọi sáng vào nguyên nhân gây ra sự thất bại của Bà Triệu. Nên nhớ Lục Dận, là cháu của Lục Tổn, vị danh tướng đang điều binh khiển tướng của Đông Ngô sau khi Chu Du hộc máu chết vì thua kế của Gia Cát Lượng.
Đêm đã qua giờ tý rồi mà quan thứ sử họ Lục vẫn còn trằn trọc. Hơn ba tháng nay, vị quan lớn của Đông Ngô ăn không trọn bữa, ngủ không bao giờ yên giấc vì mối lo âu canh cánh trong lòng. Đám quân nghĩa dũng của Giao Châu, dưới quyền chỉ huy của đứa con gái có cái danh mỹ miều Nhuỵ Kiều Tướng Quân đã liên tiếp đánh bại đạo quân tinh nhuệ của Đông Ngô. Thoạt đầu, quân chỉ có ba ngàn, nhưng sau mấy trận thắng thì thanh thế lại vang lừng khắp nước. Dân chúng trong hạt Cửu Chân và các vùng lân cận đều theo về với Nhuỵ Kiều Tướng Quân khiến cho sức mạnh của quân Giao Chỉ tăng lên thập bội. Theo như quân thám mã báo cáo thì bây giờ cô gái huyện Nông Cống đã có trong tay hơn một vạn người. Tuy không phải là tinh binh song nhờ vào mưu lược, lòng can đảm và quyết tâm giành lại độc lập cho đất nước, Nhuỵ Kiều Tướng Quân và nghĩa binh đã gây rất nhiều khó khăn cho việc an trị của xứ Giao Châu. Nếu hắn không có kế sách vẹn toàn thì việc khởi nghĩa của gái Giao Châu sẽ tới tai vua Ngô và hắn có cơ bị triệu về Đông Ngô và bị lột mũ áo về đuổi gà cho vợ. Đó là lý do khiến cho quan thứ sử Lục Dận đêm nào cũng thức tới tóc trắng mắt vàng khè mà chưa tìm ra kế sách để bình trị xứ Giao Châu.
– Tướng quân ngủ đi tướng quân… Quá canh ba rồi…
Người ái thiếp thỏ thẻ. Khẽ gật đầu, Lục Dận thổi tắt nến. Căn phòng ngủ sáng mờ mờ. Nằm bên ái thiếp trẻ đẹp, xinh như mộng và đầy ắp xuân tình mà lòng của quan thứ sử lại lạnh tanh như bếp đã lâu chưa được nấu nướng gì hết. Hai mắt của hắn lúc nhắm lại, lúc mở ra. Trong cơn mơ màng thức ngủ hắn nghe tiếng hò hét của nghĩa quân, tiếng rống của con voi một ngà và hình ảnh của Nhuỵ Kiều Tướng Quân với áo vàng giáp bạc đang bủa vây Long Biên. Sau đó vì quá mệt hắn thiếp đi lúc nào không biết. Đang ngủ hắn chợt giật mình thức giấc thấy một người đang đứng bên giường của mình. Người lạ mình cao tám thước, mặt chữ điền gân guốc, râu ba chòm xuông đuột, khôi giáp rở ràng chứng tỏ ông ta là một vị đại tướng. Sợ hãi họ Lục định tri hô song toàn thân tê liệt không mở miệng được. Mãi sau hắn mới thều thào câu hỏi.
– Ông là ai?
Giọng nói sang sảng của vị đại tướng cất lên trong đêm thanh vắng xoáy vào tai họ Lục.
– Ngươi khá tua sợ sệt. Ta chính là Phục Ba Tướng Quân…
Lục Dận thở khì cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng. Vốn con nhà danh tướng, hắn đã nghe tới tên Mã Phục Ba, vị danh tướng của nhà Hán. Hơn hai trăm năm trước đây, Phục ba tướng quân đã dẫn đạo hùng binh sang đánh với Trưng Vương, gái Giao Chỉ. Phải qua nhiều trận đánh long trời lỡ đất, thắng thua nhiều trận cuối cùng sở cậy vào tài thao lược quan Phục Ba mới thắng được Trưng Vương và bình định xứ Giao Chỉ.
Giọng nói sang sảng của Mã Phục Ba như rót vào tai của thứ sử Lục Dận.
– Đã đánh nhau với gái Giao Chỉ nhiều lần ta biết chúng tuy phận quần thoa yếu ớt song văn võ toàn tài. Chủ tướng thì kế mưu một bụng, quân thì dũng cảm và giàu lòng hy sinh nên khó mà dẹp lắm. Ta cũng giống như ngươi vậy. Dù có trong tay hai vạn hùng binh, bách chiến bách thắng mà ta còn bị chúng đánh cho thất điên bát đảo. Trận chiến ở Quỷ Môn Quan bây giờ hồi tưởng lại ta vẫn còn sợ muốn tè trong quần. Quân Hán thây chất thành núi, máu chảy thành sông. Trăm viên hổ tướng của ta, sau những trận đánh với Trưng Vương chỉ còn năm bảy đứa không lành lặn. Đứa thì sợ quá thành ngu ngơ, đứa thì què chân, đứa thì cụt tay, đứa hể nghe nói tới tên Trưng Vương thì đã bàn ” tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách…”
– Ủa… Kẻ này đọc Đại Hán sử nói ngài Phục Ba san núi, xẻ sông, chỉ huy năm vạn hùng binh rượt gái Giao Chỉ chạy có cờ tới nỗi chúng phải nhảy xuống sông tự trầm để khỏi bị bắt mà…
Phục Ba Tướng Quân lắc đầu cười gượng. Giọng của ông ta nghe như có vẻ gì ngượng ngùng và nghèn nghẹn.
– Những gì nhà ngươi đọc trong sử đều không đúng sự thực… Kẻ viết sử đâu có mặt nơi trận địa mà viết đúng những gì đã xảy ra. Chúng ngồi nhà, viết theo lệnh của hoàng thượng và các sớ bẩm báo của ta gởi về. Người đời sau không biết thực hư nên tha hồ bàn ra tán vào rồi phát ngôn bừa bãi và tầm bậy tầm bạ. Chúng nói trật lất hết trơn. Chỉ có ta mới biết việc bình định Giao Chỉ khó còn hơn xẻ núi lấp sông. Sang Giao Chỉ là đi không có về, là phải nghĩ tới chuyện da ngựa bọc thây. Nay ta biết ngươi cũng đang gặp phải khó khăn trong việc đánh nhau với gái Giao Chỉ nên đồng cảm tương lân vì vậy tới gặp ngươi…
Nghe mấy lời của quan Phục Ba, Lục Dận mừng húm kính cẩn thưa.
– Dạ kẻ hèn này kính xin quan Phục Ba khai tâm mở trí, chỉ bày diệu kế để đánh nhau với gái Giao Châu. Tuy nó tuổi đời mới hăm ba mà can trường và mưu cao kế diệu… Tôi đây tuy dòng danh tướng, được học binh thư đồ trận mà cũng bị con gái Giao Chỉ ví quánh chạy muốn rớt quần luôn. Hồi mới qua xứ này tôi nghe binh lính truyền miệng câu ” Hoành qua đương hổ dị… Đối diện Bà Vương nan (Múa giáo đánh cọp dễ… Đánh nhau với Vua Bà thì thực là khó ), tôi cho là lời ngoa truyền tới chừng đụng trận thì mới biết đá biết vàng…
Phục Ba Tướng Quân mỉm cười.
– Ta biết… Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt… Lục Dận Nhiều phen mắt đã vàng. Đi đây đi đó trong xứ Giao Chỉ ta nghe quân tướng của ngươi truyền nhau hai câu trên. Đó cũng là cái tâm trạng của ta ngày xưa khi đánh nhau với Trưng Vương… Dù sau này ta có dùng diệu kế đánh thắng kẻ địch song thật tâm mà nói ta phục chúng lắm…
Mã Phục Ba dừng lại. Vị danh tướng của nhà Hán có thái độ băn khoăn và ngập ngừng như có điều gì khó nói. Hiểu ý họ Lục cất giọng nài nỉ.
– Kính xin quan Phục Ba chỉ bày diệu kế…
– Ta có kế chỉ bày cho ngươi nhưng không tiện mở lời vì quân cơ bất khả lậu… Sáng mai ta sẽ bảo con cháu tới gặp ngươi để chỉ bày diệu kế đánh thắng gái Giao Chỉ… Gặp kẻ nào họ Mã ngươi nên tiếp đãi tử tế thì nó sẽ dâng kế hay…
Dứt lời Phục Ba Tướng Quân biến mất để Lục Dận im lìm nghĩ ngợi về những gì vị danh tướng đã nói trong mơ. Sáng thức dậy, nhớ lời dặn của quan Phục Ba, họ Lục bảo quân hầu túc trực trước cổng đường chờ đón khách. Hễ gặp người nào xưng họ Mã thì lập tức đưa vào dinh để cho hắn đón tiếp. Quân hầu chờ từ sáng tới đúng ngọ mà chẳng thấy ai tới. Lục Dận buồn rầu nghĩ mình nằm mơ gặp Mã Phục Ba chứ làm gì có chuyện sai người tới đây chỉ mưu bày kế cho hắn đánh dẹp nghĩa quân Giao Chỉ.
– Tới rồi… tới rồi… Trình tướng quân khách tới rồi…
Đang ngồi trong trướng, Lục Dận nghe quân hầu la rầm lên. Không nhịn được họ Lục vội bước ra. Vị tướng văn võ nổi tiếng của Đông Ngô trông thấy một tráng niên tóc thắt đuôi sam, râu ba chòm xuông đuột và trắng như bông, mặc áo thụng màu lam, chân mang giày cỏ, tay chống cây gậy trúc vàng óng ánh. Thoạt trông người lạ có cái dáng của một đạo sĩ thoát tục công thêm chút phiêu bồng của người đã thoát ra vòng danh lợi phiền toái. Đoán người lạ này do quan Phục Ba đưa tới giúp mình nên Lục Dận hấp tấp bước ra tận cửa đón mời thật kính cẩn và lễ độ.
– Đạo sĩ chắc là họ Mã?
Đạo sĩ bật cười sang sảng vuốt chòm râu dài trả lời.
– Đang cởi hạc thăm cõi tiên, Mã đạo sĩ tôi được quan Phục Ba bảo tới đây gặp ngài thứ sử. Chẳng hay ngài có điều chi mã tôi xin được rửa tai nghe…
– Lục tôi chẳng dám làm phiền Mã đạo sĩ nhưng ngặt vì đang gặp trở ngại trong cuộc bình định xứ Giao Chỉ nên mới cầu quan Phục Ba giúp đỡ. Tuy nhiên chẳng mấy khi có dịp gặp người tiên, vậy xin mở tiệc đãi đằng ngài trước rồi sau đó trong lúc thù tạc, tôi sẽ trình bày việc quân…
Vuốt chòm râu bạc Mã đạo sĩ cất tiếng cười vang.
– Ta nghe Lục thứ sử vốn dòng danh gia chư tướng, mưu chẳng sút Chu Du, võ chẳng nhường Triệu Tử Long của Tây Thục, thì ta rất hân hạnh được thù tạc với ngài… Nghe xong chuyện ta kể ngài tự khắc biết ra cái diệu kế đánh bại gái Giao Chỉ liền…
Mừng rỡ Lục Dận thét quân hầu mở đại tiệc đãi quí khách. Sau ba tuần rượu tẩy trần mà khách vẫn còn ngồi tà tà ăn nhậu chứ không hề đả động gì tới việc binh cơ của mình, Lục Dận bèn mở lời.
– Mã đạo sĩ chắc đã nghe quan Phục Ba bàn về chuyện đánh nhau với gái Giao Chỉ…
Nghe hỏi, hiểu ý chủ nhân, vị đạo sĩ họ Mã cạn chén rượu đầy xong cười bảo.
– Tôi là cháu năm đời của quan Phục Ba. Tuy không có hân hạnh theo hầu tổ tiên bình định Giao Chỉ song cũng được tổ tiên thuật kể về sự khó khăn của ngài Phục Ba lúc tử chiến với đám quân Trưng Vương… Để tôi kể lại cuộc trường chinh của quan Phục Ba cho chư vị nghe thì lúc đó chư vị mới biết xứ Giao Chỉ là xứ đi thì có mà về thì không cũng như binh tướng của thiên triều chưa bao giờ đắc thắng ở phương Nam…
Lục Dận cùng với tất cả tướng tá, mưu sĩ, quân sư đều im lặng lắng nghe Mã đạo sĩ thuật kể lại cuộc tử chiến giữa binh lính của Đông Hán do Mã Phục Ba chỉ huy với quân Giao Chỉ dưới quyền thống lãnh của Trưng Vương.
Đêm đã quá canh ba từ lâu mà đại tướng Mã Văn Uyên vẫn còn ngồi im lìm tại án thư. Gã lính hầu ngồi trong góc gục đầu ngủ gà ngủ gật. Vị đại tướng của Đông Hán đang gặp rắc rối trong cuộc bình định Giao Chỉ. Cách đây hơn năm, lãnh chiếu chỉ của vua Quang Vũ nhà Đông Hán, ông ta cùng với phó tướng Cảnh Thư kéo 2 vạn tinh binh lên đường nam chinh. Với binh như hùm, tướng như hổ, lương thực dư thừa, vũ khí đầy đủ, họ Mã tưởng sẽ cất tay là chiếm được Giao Chỉ. Tuy nhiên vượt qua cửa ải Nam Quan, binh đội của thiên triều mới biết đường vào Giao Chỉ khó tựa lên trời. Sơn lam chướng khí mù hơi sương. Chỗ nào cũng là hiểm địa. Đâu đâu cũng có quân mai phục. Tên độc chạm da là chết. Quân Giao Chỉ tựa như bóng ma biến hiện khôn lường gây rất nhiều tổn thất cho binh thiên triều. Quân lính và tướng tá chết như rạ, phần do sơn lam chướng khí và thuỷ thổ không hợp và một phần cũng do địch quân áp dụng chước lấy khoẻ đánh mệt, liệu đánh được thời đánh mà đánh không được thì lẫn tránh chờ dịp khác. Hai vạn binh ròng, trăm viên hổ tướng chết một phần ba, còn phần ba thì bệnh tật nên sức khoẻ suy giảm. Hơn 1 năm ở Giao Chỉ đối với tay danh tướng dài hơn 10 năm trường. Đây là lần đầu tiên trong đời chinh nam phạt bắc, bách chiến bách thắng, Mã Phục Ba mới lâm vào muôn vàn khó khăn và nhọc nhằn khi phải đối đầu với đám quân thoạt nhìn thì ô hợp và không thiện chiến nhưng lại khôn ngoan và quyền biến. Điều khiến cho Mã đại tướng sợ giận và tự xấu hổ vì kẻ đối đầu với hắn lại là hai cô gái tuổi chừng đáng con cháu. Không những thế các tướng tá chủ chốt của địch đều là đàn bà con gái. Thua bởi một vị đại tướng lừng danh Mã Phục Ba không cảm thấy nhục nhã ê chề bằng bại bởi tay đàn bà Giao Chỉ. Như thế là mất mặt thiên triều. Như thế là nhơ danh Mã đại tướng. Nếu tin quan Phục Ba Tướng Quân tước Tân Thành Hầu mà bị gái Giao Chỉ quánh bại thì còn chi thể thống binh gia. Huống chi tin này lan rộng ra thì các xứ mọi rợ man di khác sẽ ùn ùn nổi dậy để lật đổ thiên triều liền. Hơn ai hết Mã Phục Ba biết rõ cái khó của mình. Tuy nhiên biết là một chuyện mà giải được lại là chuyện khác. Cứ dùng dằng như thế này thì hắn phải rút lui vì thiếu lương và tinh thần của sĩ tốt xụp cái rụp. Lúc đó hắn sẽ vô phương chống đỡ trước sức tấn công kiên cường của quân Giao Chỉ. Mã tướng quân vuốt mái tóc thưa bị hắn bứt bỏ gần năm nay. Chước gì? Kế nào? Mưu thần chước quỉ của ai? Binh thư của Tôn Tử, Ngô Khởi, Hàn Tín rách tả tơi vì bị hắn nghiền ngẫm mỗi ngày mà vẫn chưa tìm ra kế sách vẹn toàn đánh bại hai cô gái. Đánh giặc với đàn ông con trai ngẫm ra còn dễ. Đối đầu với một vị đại tướng lừng danh xem ra hổng có khó bằng phải chọi với phận quần thoa. Tại sao? Bởi vì xưa nay các tay đại tướng, quân sư tên tuổi đâu có lưu lại binh thư để đánh với đàn bà. Ngô Khởi, Hàn Tín chẳng có chút kinh nghiệm nào về chuyện điều binh khiển tướng của đàn bà. Vì vậy mà quan Mã Phục Ba tước Tân Thành Hầu mù tịt về cách bày binh bố trận của hai cô gái họ Trưng xứ Giao Chỉ. Giao tranh mà không biết rõ về địch thì cầm chắc cái thua rồi. Câu ” biết người biết ta trăm trận trăm thắng ” Mã đại tướng thông tường hơn ai hết. Vầng trăng khuya chếch cửa sổ dọi vào chỗ ngồi thứ ánh sáng ủ dột, vị đại tướng của Hán triều vẫn còn ngồi im lìm tại án thư tới đầu canh tư. Có lẽ vì mệt mỏi nên ông ta thiếp đi. Trong giấc mơ màng nửa ngủ nửa thức, ông ta nghe như có ai nói vào tai của mình.
– Biết ngươi là tướng giỏi mà bây giờ phải lao tâm khổ trí để bình định xứ Giao Chỉ cho an thiên hạ nên ta mách giúp ngươi 1 câu…
Cả mừng Mã Phục ba sắm nắm hỏi.
– Xin hỏi ông là ai?
– Ngươi là bề tôi của bản triều mà hổng biết ta là ai ư. Ta là Lưu. Thủa hàn vi ta xuất thân là đình trưởng nên khi về trời ta được gọi là Lưu Đình Trưởng…
Trông mặt mày và nghe người lạ xưng họ Lưu, vị đại tướng hết hồn vội xụp lạy.
– Tâu thánh thượng… Thần đáng tội chết vì không nhìn ra thánh thượng…
Đưa tay ra đỡ không cho Mã Phục Ba xụp lạy, Lưu Đình Trưởng, vị vua khai sáng ra nhà Hán xì xào.
– Nghe nói ngươi và hai vạn quân Hán của bản triều đang bị đám nữ tướng Giao Chỉ ví quánh tả tơi như cái mền rách. Có đúng như vậy không?
Nghe hỏi, Mã Văn Uyên lộ ra vẻ tẻn tò và mắc cỡ. Lát sau ông ta mới thủng thẳng thưa.
– Muôn tâu thánh thượng. Hạ thần tuy có binh hùng tướng mạnh song đám giặc cái của Giao Chỉ lắm mưu sâu kế hiểm, quyền biến trí trá không dò được. Thánh thượng cũng biết câu ” Dò sông dò biển dễ dò… Nào ai lấy thước mà đo được lòng dạ đàn bà…” Bọn chúng cậy vào thế hiểm của núi non, quân binh hiệp nhất và sức mạnh của lòng dân nên… nên… hạ thần khó bề đương cự lại. Hạ thần ngày quên ăn đêm mất ngủ vì chưa tìm ra diệu kế…
Lưu đình trưởng gật đầu.
– Ta biết… Ta tới gặp ngươi cũng vì chuyện đó… Gái Giao Chỉ tuy dữ dằn song cũng có cách trừ…
Nghe nói như vậy Mã Phục Ba mừng rỡ sắm nắm lên tiếng thưa.
– Khải tấu thánh thượng… Hạ thần xin rửa tai kính cẩn nghe thánh thượng phủ dụ…
– Muốn thắng gái Giao Chỉ thì ngươi phải dùng khổ nhục kế… Hoài Âm Hầu cũng nhờ khổ nhục kế mới còn sống để giúp ta bình thiên hạ… Ngươi nhớ một lời của ta đây… Muốn thắng gái Giao Chỉ thì phải xài khổ… nhục… kế…
Mã Phục Ba ngơ ngác như không hiểu Lưu đình trưởng ám chỉ điều gì. Thấy vậy ông vua lập ra nhà Hán vội ghé tai thì thầm.
– Nhà ngươi sao mà tối dạ quá… Ngươi phải làm như vầy… như vầy mới thắng được gái Giao Chỉ…
Mã Phục Ba lộ ra vẻ sửng sờ trên nét mặt khi nghe hết câu nói của Lưu đình trưởng.
– Thánh thượng… hạ… thần… thần…
Nghe Mã Phục Ba ấp úng mãi không thành lời, Lưu đình trưởng nghiêm giọng.
– Ta biết… Đại tướng bách chiến bách thắng như ngươi mà làm theo kế của ta thì mất mặt quá. Tuy nhiên ngươi nên nghĩ tới bá tánh và giang san mà kíp thi hành cái khổ nhục kế của ta…
Nói xong ông ta biến mất để vị đại tướng của Đông Hán ngồi thẩn thờ nơi án thư suy nghĩ về cái khổ nhục kế của Lưu Đình Trưởng vừa mách cho mình. Suy đi tính lại ông ta thở dài. Cái kế này tuy có khổ và có nhục song nếu đánh bại được Trưng Vương thì cũng nên làm. Còn hơn là cứ ở lại đây rồi sẽ chết vì sơn lam chướng khí, hoặc phải rút quân do ở thiếu lương và quân sĩ bệnh tật không còn sức đánh nhau với địch nữa. Không bình định được Giao Chỉ thì làm sao ông ta trở về phục mệnh trước Hán Quang Vũ được. Không những danh tiếng không còn mà không chừng còn mất luôn chỗ đội nón nữa. Biết chẳng còn cách nào khác hơn, quan Mã Phục Ba đành chọn khổ nhục kế vậy. Đã chắc ý, ông ta rất an tâm đi ngủ một giấc cho khỏe chờ tới sáng mai họp mật với phó tướng Cảnh Thư và các vị đại tướng để bàn về khổ nhục kế mà Lưu Đình Trưởng mách bảo.
Mã Phục Ba nhìn các vị đại tướng đã từng theo ông trong các cuộc chinh phạt từ đông sang tây, nam tới bắc. Có kẻ luống tuổi với mái tóc điểm sương song vẫn còn tráng kiện và đầy kinh nghiệm trận mạc như hai vị tả hữu phó tướng là Cảnh Thư và Lưu Long. Năm tay kiện tướng rường cột của trung quân, tiền quân, hậu binh, tả dực và hữu dực đều đủ mặt. Cộng vào đó ông còn có trăm viên tướng mạnh, tay cung cứng, thập bát ban võ nghệ làu thông. Tuy nhiên cung cứng, tay thương mạnh và hai vạn hùng binh chưa đủ để đánh bại gái Giao Chỉ. Dù phận quần thoa song Trưng Vương có cái mà địch quân không có. Đó là chính nghĩa sáng ngời như thái dương. Quân như hùm, tướng như hổ, Trưng Vương hô một tiếng là trăm họ nhất tề đứng dậy. Trưng Vương đi tới đâu dân Giao Chỉ theo về. Đám nữ tướng gần 100 người, là thứ hổ cái của quân binh Giao Chỉ. Xuất quân là nữ tướng đi đầu. Xung trận thì nữ tướng không màng sống chết cùng quân binh lao vào kẻ địch xem cái chết tựa lông hồng. Bởi vậy dù có binh hùng tướng mạnh, mưu cao trí cả mà quan Phục Ba cũng không thể thắng được. Dù đã quen trận mạc, từng đánh dẹp các xứ man di song ông ta chưa từng đối mặt với đạo binh phân nửa là đàn bà con gái mà tài kiêm văn võ và kinh nghiệm chiến trận không sút nam nhi.
– Chư tướng…
Toàn thể tướng tá ngồi trong phòng họp đều chăm chú nghe chủ tướng lên tiếng.
– Các ngươi đều biết cuộc nam chinh này đã xảy ra không theo đúng như chúng ta đã định bày kế sách. Quân Giao Chỉ lắm mưu nhiều kế, biết cách bày binh bố trận, biết dựa vào các chỗ hiểm để cầm cự với ta. Quân ta hai vạn, tướng giỏi trăm viên thì địch so về quân số cũng chẳng kém ta bao nhiêu. Tuy là phận quần thoa song đám nữ tướng theo hầu Trưng Vương, đứa nào cũng giỏi võ nghệ và làu thông binh pháp khiến cho công việc bình định Giao Châu của ta bị trì trệ…
Mã Phục Ba ngừng lời nhìn một vòng chư tướng xong hắng giọng hỏi.
– Chư tướng có ý kiến gì về việc điều binh không?
Hai phó tướng Lưu Long và Cảnh Thư nhìn nhau giây lát rồi Lưu Long mới cất tiếng.
– Trình chủ tướng… Chúng ta phải có kế mưu nào mới lạ hơn mới không bị đám giặc cái Giao Chỉ ví quánh ta hoài… Chúng ỷ đông ăn hiếp ta, ỷ đàn bà ăn hiếp đàn ông…
Nghe Lưu Long nói, Cảnh Thư vội tiếp lời.
– Trình quan Phục Ba… Quân tế tác của tôi dọ được tin Trưng Vương cùng với hơn hai vạn quân nghĩa dõng sắp kéo tới đánh ta. Xuất phát tờ mờ sáng hôm qua nên giờ này tôi đoán chúng cũng gần tới nơi rồi…
Mã Viện nghe nói giật mình thất sắc, mồ hôi chảy dầm dề trên mặt. Chưa kịp nói gì vị tướng già của Đông Hán trông thấy viên cận tướng vạch lều bước vào với dáng hốt hoảng.
– Trình chủ tướng… Họa tới rồi… Đám giặc cái Giao Chỉ tới rồi…
Hơi nhỏm mông lên, hai tay chống xuống bàn, Mã Viện hỏi lớn.
– Trưng Vương tới rồi ư… Ở đâu?
– Trình chủ tướng… Quân tế tác dọ được tin chẳng lành. Trưng Vương cùng với 75 con giặc cái dẫn hơn hai vạn quân nghĩa dõng chia ba đường tấn công ta. Ba đứa Thánh Thiên, Thiều Hoa và Thục Tôn được Trưng Vương phong làm công chúa cùng với hai mươi lăm dũng tướng chỉ huy nửa vạn quân tiên phong trực diện đánh vào tiền quân của ta. Tả quân cũng đang chuẩn bị giao tranh với 8 nữ tướng Giao Chỉ tên Ả như Ả Nàng, Ả Chàng, Ả Nương. Còn hữu quân đang bị hai mươi bốn con giặc cái như Bát Nàn Công Chúa, Bà Liệt, Đào Phương Dung Công Chúa với năm ngàn quân uy hiếp nặng nề. Còn hai chị Trưng Trắc và Trưng Nhị dẫn trung quân và mấy chục nữ tướng kéo tới trung dinh của ta. Chúng chỉ cách đây chừng ba dặm…
Tướng chỉ huy tiên phong, hậu quân, trung quân, tả hữu dực quân Đại Hán đều biến sắc khi nghe tin dữ. Ngay cả một lão tướng trãi thân trăm trận, thấy chết chưa chau mày như Mã Phục Ba cũng động dung và bàn tay đặt trên bàn run rẩy.
– Chư tướng bình tịnh… Giặc còn xa đủ thời giờ cho ta bàn kế cự giặc…
Lưu Long hấp tấp hỏi.
– Chủ tướng có mưu thần chước quỉ để chống lại đám giặc cái Giao Chỉ…
Mã Phục Ba lộ ra vẻ ngần ngừ khi nghe câu hỏi của Lưu Long.
– Ta có kế nhưng mà… nhưng mà… hơi khó nói…
– Trưng Vương tới rồi…
Nghe tiếng la rầm trời, Mã Viện cùng với chư tướng tất tả bước ra ngoài lều. Cờ hiệu của địch bay phất phới hòa lẫn với tiếng quân reo hò, voi trận rống và ngựa hí rền trời đất. Chính giữa thì Thánh Thiên, Thiều Hoa và Thục Tôn ào tới, bên phải thì Bát Nàn Công Chúa, Bà Liệt, Đào Phương Dung Công Chúa xấn vào, bên trái thì Đào Nương, Lê Chân, Ngọc Trân Công Chúa ập tới. Ba đạo nữ binh khí thế trùm trời đất. Xa chút nữa là cờ hiệu của Trưng Vương bay phất phới. Tiếng voi trận gầm rống báo hiệu hai vua của Giao Chỉ đang điều quân mạnh đánh tới. Nhác trông thấy giặc binh như hùm tướng tựa hổ, quân Hán kinh hãi không đánh mà tan. Tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách. Phó tướng Lưu Long thành ra tướng đào vong. Cảnh Thư biến ra Cẳng Chân nên co giò chạy trước. Biết quân tình rối loạn không còn nghe lệnh chỉ huy của mình nữa Mã Phục Ba bèn nhảy tót lên ngựa xong hô lệnh lui binh. Thấy chủ tướng chạy trốn, quân Hán cũng ca bài tẩu đào vi thượng sách. Được thế quân Giao Chỉ rượt nà theo cho tới hồ Lãng Bạc thì Trưng Vương thấy chiều tối mới ra lịnh cho quân dừng lại cho quân nghỉ ngơi chờ sáng mai đánh tiếp. Hai Bà và quân tướng nhất định đánh một trận quyết định để đuổi hết lũ giặc xâm lăng ra khỏi bờ cỏi của Giao Chỉ.
Nửa đêm. Giờ tý. Canh ba. Trại quân yên lặng như tờ. Quân Hán ngủ vùi sau một ngày vừa đánh vừa bị đuổi chạy. Chỉ có Phục Ba Tướng Quân vẫn còn đi đi lại lại ngoài sân. Xa xa đèn lửa mập mờ nơi dinh trại địch. Quân Giao Chỉ đóng trại liền lạc và kín mít. Sát khí xung động chín tầng mây. Sương núi giăng giăng. Khí đá bốc ra lạnh căm làm cho vị tướng già đời chinh chiến, từng trải thân trăm trận phải rùng mình. Ông ta cảm thấy lạnh vì sợ phen này mình phải da ngựa bọc thây ở chốn rừng thiêng nước độc của Giao Chỉ. Trong óc của vị tướng lược thao hiện lên cái khổ nhục kế của Lưu Đình Trưởng. Xài cái kế này tuy có thể thắng được Trưng Vương song cũng làm hư cái danh của mình. Tuy nhiên nếu không dụng kế khổ nhục thì hổng lẽ kéo quân chạy về phục mệnh vua Hán Quang Vũ. Như thế cũng rũ thân trong tù vì thua trận mà lại thua bởi tay gái Giao Chỉ mới thiệt là cay đắng. Cái nhục bị gái Giao Chỉ ví quánh và thua chạy về nước ngẫm ra còn nhục nhã hơn là dụng cái khổ nhục kế của Lưu Đình Trưởng. Thôi thì… Ngài Phục Ba Tướng Quân lẩm bẩm: ” cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vòng vòng tới đâu… cùng lắm thì mình lại ca bài tam thập lục kế tẩu đào vi thượng sách…”. Ý đã quyết, Mã Phục Ba an tâm chui vào lều đánh một giấc tới sáng.
Đang mơ màng giấc điệp, Mã Phục Ba tướng quân nghe pháo nổ ầm ầm, trống trận vang đùng đùng cùng với tiếng hò reo tở mở.
– Bắt Phục Ba…
– Trói Cảnh Thư
– Bêu đầu Lưu Long…
Người chưa kịp mặc giáp, Mã đại tướng thét quân hầu mang ngựa tới. Tay cầm thanh báu kiếm, ông ta nhảy tót lên ngựa cùng lúc tướng Cảnh Thư tế ngựa tới.
– Quan Phục Ba chạy… Giặc Giao Chỉ tới sát rồi…
Tướng Lưu Long mặt xanh hơn chàm đổ, được hộ tống bởi 8 viên cận tướng, dẫn tiền quân chạy ào tới.
– Trình Quan Phục Ba… Trưng Vương đến rồi…
Mã Viện rụng rời khi nghe tin dữ. Tiếng voi rống, ngựa hí người la dậy trời. Vó ngựa của gái Giao Chỉ nện rung mặt đất. Quân Đại Hán hổng đánh mà tan. Ngước trông lên thấy bóng Trưng Vương ngồi trên lưng voi chỉ huy quân binh truy sát kẻ địch. Hết đường chạy, phúc động tâm linh, quan Phục Ba hét lớn.
– Cởi… cởi… cởi hết cho ta… mau lên không thì chết…
Chư tướng nhìn nhau kinh nghi vì không hiểu được lệnh. Cởi mà cởi cái gì mới được chứ. Hổng lẻ đường đường quân binh Đại Hán, thanh thế lẫy lừng, từng bách chiến bách thắng mà cởi giáp đầu hàng gái Giao Chỉ sao. Cái đó coi đâu có được. Cởi giáp trao vũ khí đầu hàng thì mất mặt thiên triều quá.
– Cởi… các ngươi cởi lẹ lên…
Phục Ba Tướng Quân hét vang. Thấy chư tướng ngơ ngác chưa chịu làm theo lệnh của mình, ông ta bèn vừa hét vừa làm gương cho quân sĩ.
– Cởi… cởi truồng… Phải cởi truồng không thôi là chết…
Thấy chủ tướng la hét đồng thời chơi cái màn thoát y, chư tướng dù chưa biết ất giáp gì cũng hè nhau lột quần áo ra. Hai chục ngàn binh Đại Hán, ngay giữa trận địa sôi sục máu lửa đứng tồng ngồng nhìn nhau. Nhiều người còn mắc cỡ bèn đưa tay bịn lại e tên của giặc cái Giao Chỉ bắn hư của quí.
– Tấn công…
Hét lớn ban lệnh tấn công, Phục Ba Tướng Quân bỏ ngựa vung kiếm chạy bộ dẫn đầu. Bên tả thì Cảnh Thư, bên hữu có Lưu Long chỉ huy hai đạo tả hữu sấn tới. Quân của Trưng Vương đa số là con gái, đàn bà, thấm nhuần lễ nghĩa nay đụng phải đạo quân cởi truồng của Đại Hán bỗng ngẩn tò te hổng biết đối phó ra sao. Hai chị em Trưng Vương lấy tay che mặt hổng dám nhìn quan Phục Ba đang cởi truồng múa kiếm. Trúng phải kế độc của quan binh Đại Hán, Trưng Vương ra lịnh rút lui. Đám nữ binh quay đầu chạy không dám quay đầu nhìn lại. Thấy diệu kế cởi truồng của mình làm cho địch quân rút lui, Mã Viện mừng rỡ thúc quân tấn công. Kể từ đó quân Giao Chỉ thua dài dài vì đám nữ binh không chịu đánh nhau với đàn ông ở truồng. Kết cuộc như thế nào thì sách sử đã ghi rồi. Dẹp yên được xứ Giao Chỉ, Mã Phục Ba viết sớ kể công trạng của mình mà giấu biệt chuyện phải chơi màn thoát y mới đánh bại gái Giao Chỉ. Sau này nội vụ đổ bể ra vì tướng Cảnh Thư đã tâu lên vua Hán Quang Vũ. Tức giận vì bị mất mặt ông ta bèn thu hồi chức tước của Mã Viện ( lúc đó đã chết rồi ) nại cớ họ Mã tịch thu vàng bạc làm của riêng…
Mã Đạo Sĩ dứt lời. Lục Dận nhìn chư tướng của Đông Ngô rồi cười như mếu. Phục Ba Tướng Quân danh lừng kim cổ, trí mưu thần kinh quỉ khiếp mà còn bị gái Giao Chỉ rượt chạy tới độ phải cởi truồng mới thắng được. Nay bọn họ binh vài ngàn, tướng chục viên lại phải đối mặt với Lệ Hải Bà Vương và hai vạn hùng binh được chỉ huy bởi trăm nữ tướng thì hổng muốn thoát y cũng hổng được. Nghĩ tới lúc múa kiếm xung trận mà thân thể mát lạnh, Lục thứ sử cười ra nước mắt. Còn chi thể diện một quan thứ sử của Đông Ngô. Đang còn suy nghĩ nửa muốn nửa không thì họ Lục và binh tướng nghe quân reo ầm ầm, voi trận rống điếc tai cùng với tiếng quân la.
– Bắt Lục Dận…
– Bêu đầu quân Đông Ngô…
Kinh hải họ Lục bước ra. Xa xa bóng cờ vàng phất phới. Nhuỵ Kiều Tướng Quân cởi voi một ngà, thúc quân rần rần tiến tới. Mặc dù là nữ binh, song quân mạnh như hùm, tướng dữ tựa hổ cái, khí thế đụng mây xanh khiến cho quân tướng Đông Ngô sờn lòng chưa đánh mà đã chực chạy.
– Lục Dận… Mau ra đây chịu chết…
Vị thứ sử Đông Ngô xanh mặt khi thấy địch quân tràn tới tựa nước lũ. Không còn đường nào hơn, không có kế nào hơn, vị thứ sử họ Lục hét to.
– Cởi… Chư tướng cởi… Ba quân cởi… Tất cả cởi truồng cho ta…
Nghe chủ tướng ra cái lệnh kỳ cục, quân Đông Ngô ngơ ngác chưa biết làm gì, nhác trông lại thấy chủ tướng đang chơi màn thoát y vũ bèn noi theo gương tự động cởi bỏ quần áo.
– Tấn công…
Lục Dận vung kiếm chỉ huy binh sĩ tiến đánh quân Giao Chỉ đang trợn mắt nhìn cảnh mấy ngàn quân tóc dài, thắt bính, ở truồng đang đi tới. Là con gái chưa từng thấy đàn ông thoát y nên Nhuỵ Kiều Tướng Quân mắc cỡ lấy tay che mặt hổng dám nhìn rồi hô quân rút lui. Nhìn thấy cảnh quân Giao Chỉ che mặt chạy dài, Lục Dận cười ha hả nói với quân tướng của mình.
– Cái kế cởi truồng của quan Phục Ba Tướng Quân quả nhiên thần diệu vô song. Từ nay ta còn sợ gì Nhuỵ Kiều Tướng Quân và đám giặc cái Giao Chỉ nữa… Gặp chúng ta cứ việc cởi truồng… Chư tướng nhớ lời ta dặn…
Từ đó mỗi lần đánh nhau quân Đông Ngô đều dùng kế cởi truồng. Lục Dận còn đi xa hơn bằng cách sai quân lính và tì nữ diễn trò dâm ô vì thế quân Giao Chỉ hổng đánh mà tan, chưa đánh đã chạy rồi. Cuối cùng quân tan rã và Nhuỵ Kiều Tướng Quân phải tự vẫn vì không đương cự lại cái kế Tam Thập Thất Kế Cởi Truồng Vi Thượng Sách của quân Đông Ngô. Tuy nhiên vì muốn giữ thể diện cho thiên triều nên cũng giống như Mã Phục Ba, Lục Dận không hề nhắc nhở tới cái kế cởi truồng mới đánh thắng được quân Giao Chỉ.