Vọng cố hương hề…
Còn hơn tháng nữa tôi đã sống đời dân tị nạn, kẻ ly hương đúng 38 năm. Thời gian đủ dài, với bao biến chuyển, đổi thay. Quê hương chỉ có trong trí tưởng, kỹ niệm đứt nối và những cơn mơ gãy vỡ. Dĩ nhiên là quê hương vẫn còn đó. Nước VN vẫn còn đó, nhưng dường như ở đâu đó trong góc cạnh của tâm hồn, tôi mơ hồ cảm nhận quê hương nghe như thật xa, thật lạ và có một khoảng cách không lớn lắm song cũng đủ để làm đứt đoạn sự cảm thông. Dường như quê hương không còn là quê hương của tôi nữa dù tôi vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn hoài mong một ngày trở lại mảnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Mảnh đất nghèo khổ, nhỏ hẹp đó còn đầy kỹ niệm tuổi thơ, tuổi mới lớn học trò và tuổi thanh niên nóng đau lửa đạn.
Ở đây, sống đời an nhàn, đầy đủ vật chất, tôi càng nhớ thương, mong chờ một ngày đất nước được tự do dân chủ để tôi có thể trở về sống nốt những ngày còn lại. Ngày ấy vẫn còn thật xa. Có những lúc tôi cảm thấy bị hụt hẫng của một người không có quê hương. Quê hương cũ đã mất. Còn quê hương mới… cứ gọi như nơi mà mình đang sống… nghe ra thật chát đắng và ngậm ngùi… quê hương mới vẫn còn nhiều lạ và xa, dù tôi đã sống nơi quê hương mới dài hơn tôi sống ở quê hương cũ… Phải chăng tôi có hai con người, 1 cũ và 1 mới… Đúng hơn là nữa người cũ và nửa người mới… Cả hai đối chọi nhau, xâu xé nhau, hậm hực, hầm hè. gấu ó, tùy theo tâm tình của tôi.
Có những lúc tôi giơ tay ôm quê hương mới vào lòng, nâng niu nó thì có những lúc tôi cũng xua đuổi nó, nguyền rủa nó, trút nó lên đầu bao nhiêu thứ tội. Có những lúc tôi thân mật với người của quê hương mới rồi lát sau tôi mạt sát, chê bai và thù ghét nó. 38 năm, tôi sống như mang thứ mặt nạ, bên ngoài thản nhiên, sung sướng và ca tụng mà trong lòng sôi sục sự tức giận, uất ức, phẩn hận. Đêm đêm khi bóng tối chụp xuống, hai mắt nhắm lại, tôi hình dung, tưởng tượng, nhớ lại quê hương cũ theo những giọt nước mắt chảy ra lặng lẽ thành dòng. Cứ như thế tôi sồng đời một thằng người tị nạn, một kẻ mà quê hương vẫn hiện hữu song lại vắng mặt đối với mình. Tôi vẫn sống vẫn đi trong dòng chảy của đời, nhưng hầu như không chú ý hoặc cố tình chối bỏ đời mà tôi đang sống để mơ, để nhớ lại quãng đời đã qua được tả lên ở các trang sách hay lời thuật kể của người khác…
Hôm nay, tôi bắt đầu viết về quê hương của tôi, thứ quê hương cũ với bạn bè, người quen, những nơi chốn mà tôi đã đi qua. Viết như một lời tạ lỗi của một kẻ nửa đường phải bỏ cuộc chơi dù trong lòng còn vô vàn luyến tiếc…
Viết ngày 11 tháng 3 năm 2013
Quê hương mà tôi viết bây giờ đã trở thành cố hương, hay thứ quê hương cổ xưa rồi như trong truyện thần tiên cổ tích, dù chỉ có xưa chưa đầy năm mươi năm. Tôi không thể viết về quê hương của thời hiện tại bởi lẽ giản dị là tôi không biết gì hết. Nghe mà buồn… Quê hương của mình mà nói mình không biết gì hết. Thực ra thì cũng biết nhưng chỉ biết qua hình ảnh, tin tức và lời kể của người khác thành ra sự biết của tôi không được chính xác và trung thực. Viết về điều mình không biết, không thấy và không sống thời khó viết lắm. Cố hương mà tôi viết đây cũng như những gì tôi viết giống như kể chuyện đời xưa.
Chuyện bắt đầu nơi tận cùng đất nước: Mũi Cà Mau. Đó là phần đất cuối cùng của đất liền song thực ra biên giới của nước ta không dừng lại ở đó mà phải nói quần đảo Thổ Châu, nằm về phía tây nam của Phú Quốc. Đây là quần đảo nằm xa đất liền hơn trăm cây số, bao gồm 8 đảo lớn nhỏ như Thổ Châu, hòn Cao, hòn Cao Cát, hòn Khô, hòn Mô, hòn Nhạn, hòn Từ và hòn Xanh. Ngoài quần đảo Thổ Châu, còn có quần đảo Nam Du, quần đảo An Thới, hòn Đất và hòn Khoai. Hòn Đất hay còn gọi là hòn Rùa vì nếu đứng ở bờ biển Rạch Giá nhìn thì hình dáng giống như con rùa nằm. Hồi năm 1966, khi còn ở Rạch Giá ( Kiên Giang ) tôi thích rủ năm ba người bạn ra hòn Đất ăn mãng cầu giai.
Giữa biển khơi mênh mông mà nước giếng trên hòn ngọt thơm khiến cho cây cối xanh tươi. Gió biển mát rời rợi. Căng chiếc võng giữa hai cây dừa, nằm đọc tiểu thuyết xong mệt uống nước dừa xiêm và ăn mãng cầu giai thì sảng khoái tới độ không muốn trở về phố thị. Cô gái làng tên Thơm, có nước da rám nắng hồng, nụ cười tươi và giọng nói ngọt ngào khiến ai ai cũng mến. Cô Thơm, tuy phận gái mà lại có tửu lượng cỡ Kiều Phong. Ai mà lạng quạng thời chết gục tại bàn liền khi chén anh chén em với Thơm. Chính tôi, lúc đó được bạn bè kháo cho cái danh ” Chiêu Lì ” mà còn phải e dè khi xếp bằng trên đất uống ” nước mắt quê hương ” với Thơm. Lần nào ngà ngà say tôi thường hay nói giỡn với Thơm là nếu có yêu em anh cũng không lấy em làm vợ vì sợ lương lính không đủ tiền mua rượu cho em nhậu.
Hòn Khoai nằm cách mũi Cà Mau chừng mươi cây số về hướng tây. Sở dĩ có tên hòn Khoai là vì nhìn xa xa ình dáng của nó giống như một củ khoai khổng lồ nằm dài trên mặt biển xanh. Trên đỉnh hòn có hải đăng. Cây cỏ không nhiều lắm mà đa số là cây sao. Hồi thời trước 1975, có một đơn vị hải quân đồn trú tại đây ( dường như là Duyên đoàn 41? ). Trong một lần đi theo phái đoàn tâm lý chiến tôi đã đặt chân lên hòn Khoai và ở lại đây ba ngày. Phong cảnh hoang sơ vì ít người. Bãi biển sạch trơn và nước trong xanh. Vùng biển này có nhiều cá. Tôi còn nhớ khi phái đoàn tới viếng thăm đã được vị chúa đảo là chỉ huy trưởng duyên đoàn 41 của hải quân đãi những món ăn bình dân mà ngon tuyệt vời. Cá tươi mới bắt từ dưới nước lên còn giãy đành đạch được đem lên nướng ngay tại bãi biển, nhậu với rượu đế pha nước dừa xiêm ngọt như tình chiến hữu của mấy cô nữ sinh trường Rạch Giá dành cho các ông lính.
Đêm lửa trại, ánh đuốc bập bùng soi sáng, hai học trò ( 1 nữ 1 nam ), nữ thì ngâm thơ còn nam hát Hoa trắng thôi cài trên áo tím của Kiên Giang Hà Huy Hà hay không kém gì ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn. Tiếng đàn cò, đàn gáo hoà quyện với lục huyền cầm và tiếng sáo trong Bài Ca Sông Dịch của Vũ hoàng Chương nghe buồn da diết. Tiếng sóng biển vỗ vào gềnh đá cũng không làm át được tiếng gươm đao và tiếng thét ngời uy vũ của người tráng sĩ đi không bao giờ trở lại. Từ đó, nếu có dịp tôi tìm đủ mọi cách tháp tùng phái đoàn văn nghệ vùng 4 hoặc của tỉnh Kiên Giang đi thăm các hải đảo xa xôi nằm trong vịnh Thái Lan. Không khí yên bình, êm ả của hải đảo khiến cho người ta tạm quên đi chinh chiến nhờ vậy mới thưởng thức trọn vẹn những màn văn nghệ đặc sắc. Sau mỗi lần đi như vậy tôi đều có bài viết đăng lên các đặc san địa phương. Nhờ vậy mà tôi có may mắn được đặt chân tới các vùng xa xôi của miền lục tỉnh.
Không biết đây có phải là nhà thờ được thi sĩ Kiên Giang nói đến trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím?
Nói tới miền Lục Tỉnh, đầu tiên tôi xin nói tới Rạch Giá, tên cũ, còn tên mới là Kiên Giang. Vùng đất giáp biển này còn nổi tiếng xuyên qua bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà. Tuy nhiên tên của tỉnh Kiên Giang được lan truyền khắp nước sau khi bài thơ được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành bản nhạc cùng tên. Thời kỳ bản nhạc thịnh hành thì tôi không còn ở Rạch Giá nữa, song có một lần ghé qua tôi được người bạn lính mời đi uống cà phê. Lính với dân, đa số là học sinh cứ nghe đi nghe lại bản HTTCTAT không biết chán. Một lần trở lại Rạch Giá, ngồi uống bia trong quán Tám Nghĩa, nghe bản Hoa Trắng Thôi Cài trên Áo Tím, tôi hỏi người bạn quê ở Rạch Sỏi, tác giả nói về hoa trắng mà đó là hoa gì. Ý của tôi là tên của thứ hoa trắng trong bản nhạc. Người bạn chỉ cười mà không trả lời. Cho tới giờ câu hỏi của tôi cũng chưa được giải đáp.
Thật ra Rạch Giá còn được thiên hạ biết tới qua vị anh hùng Nguyễn Trung Trực. Tôi đã thăm viếng đền thờ ông có hai câu thơ: ” Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần…”. Tôi sẽ thêm chi tiết về địa danh Nhật Tảo khi bàn đến tỉnh Long An. Rạch Giá có nhiều địa danh ngồ ngộ như Tắc Cậu, Xẻo Rô, Đường Xuồng, Miệt Thứ, U Minh… Từ tỉnh lỵ Rạch Giá đi về Cần Thơ theo liên tỉnh lộ ( đi lại trên đường này nhiều lần mà thú thật tôi cũng không để ý và nhớ liên tỉnh lộ số mấy nữa) trước nhất phải đi qua Rạch Sỏi. Từ Rạch Sỏi có con đường đá trộn với đất. Nếu đi chừng cây số sẽ có ngã rẽ đi về Tắc Cậu, địa điểm nằm trên bờ sông Cái Bé. Nếu đi thẳng con lộ đá ở Rạch Sỏi ta sẽ đụng Đường Xuồng, địa danh cất rượu đế. Rượu đế Đường Xuồng mạnh lắm. Rót ra ly xủi bọt nhiều còn hơn bọt nước Coke nữa. Uống vào tới đâu nóng tới đó song chép miệng thời lại ngọt. Bởi vậy người ta mới nói rượu đế Đường Xuồng cái hậu ngọt như đường. Biết đâu chữ Đường trong Đường Xuồng cũng do nghĩa đó mà thành. Ngồi xuồng vỏ vọt băng ngang sông Cái Bé và sông Cái Lớn và đoạn kinh nối liền hai dòng sông sẽ tới Xẻo Rô, nằm ngay tại ngã ba của sông Cái Lớn với con kinh dẫn vào Miệt Thứ.
Nhắc tới Xẻo Rô là tôi nhớ tới chuyện bùa ngãi. Cá nhân tôi không tin vào chuyện bùa ngãi song nhiều khi chuyện mình không tin lại có xảy ra hoặc vượt ngoài sự hiểu biết của mình. Tôi quen biết một anh quê ở Xẻo Rô. Anh ta gốc dân Miên, tên Lục Tài Nhơn. Nghe nói trước khi vào lính anh ta đã đi tu tới chức Lục, tương đương với chức đại đức. Không biết vì lý do gì anh ta không tu nữa mà đi lính. Anh ta nhỏ con, xấu xí thế mà lại có bà vợ đẹp như hoa hậu.
Ở cái xứ muỗi mòng xa lắc xa lơ này, lần đầu tiên thấy mặt vợ của anh Nhơn tôi choáng váng mặt mày. Không son phấn, ăn diện gì hết mà chị Nhơn đẹp lộng lẫy, đẹp tự nhiên như nàng tiên bị giáng trần. Sau này khi quen thân, không dằn được tò mò tôi đã hỏi thẳng anh Nhơn về chuyện bùa ngãi. Bản tính hiền lành, từ tốn anh cười trả lời: tôi với bả có duyên nên thương nhau rồi lấy nhau vậy mà… Câu trả lời khiêm nhường của anh không đánh bạt được lời đồn anh có bùa. Tôi thì thích nhậu, anh thì thích uống rượu và nghe tôi nói dóc, nên cuối tuần là tôi từ Rạch Giá vào Xẻo Rô nhậu với anh. Rượu có chỉ thiếu thức đưa cay. Tôm cá vùng U Minh lềnh khênh song cũng phải đi bắt mới có. Anh Nhơn chỉ cần thọc tay xuống nước xong lôi lên nào cá chạch, lươn, rắn…
Tôi không tin anh có bùa song cứ thấy anh bắt cá dễ hơn lật bàn tay tôi bán tín bán nghi. Biết tôi thích vợ anh nhưng anh không bao giờ tỏ vẻ ghen tuông. Anh biết tính lãng mạn của tôi và tin vào sự chung thuỷ của vợ anh. Với lại tôi cũng chẳng có cử chỉ hoặc thái độ nào ngoài việc, lâu lâu ngồi uống rượu, nói chuyện hương rừng U Minh cho anh và ngắm người đàn bà đẹp qua lại trước mặt mình như là một hứng thú để tôi kể chuyện cho hai vợ chồng anh nghe.
Chị Nhơn, tôi không nhớ tên thật của chị, sau này tôi mới biết là con nhà giàu ở Rạch Giá, học tới lớp đệ tam, gặp rồi thương anh Nhơn nên mới theo chồng sống ở Xẻo Rô. Khi biết tôi sẽ rời Rạch Giá, anh Nhơn có cho tôi lá bùa gọi là bùa hộ mạng. Dù không tin song tôi cũng vui vẻ nhận để làm vui lòng anh. Vốn không tin bùa ngãi lại thêm tánh ngang tàng, tôi nhét lá bùa vào túi quân trang rồi quên bẳng đi. Một hôm ngồi nhậu với lính, bàn tới chuyện bùa ngãi, phù phép tôi mới chợt nhớ tới lá bùa của anh Nhơn bèn đem ra cho lính xem. Trên chiếc khăn mù xoa trắng vẽ những dòng chữ và hình ảnh ngoằn ngoèo không ai hiểu và đọc được. Có người lính nói nếu là bùa thực thời đốt sẽ không cháy. Tôi ưng thuận để cho anh ta thử. Trước hai ba chục con mắt, anh lính nhúng chiếc khăn mù xoa vào thùng đạn đựng đầy xăng rồi đem ra đốt. Lửa cháy hừng hực mà lạ một điều là chiếc khăn mù xoa không bị cháy. Nó chỉ hơi ngã màu vàng thôi. Từ đó tuy có thêm chút tin tưởng vào lá bùa hộ mạng song tôi cũng dần dần quên đi rồi sau đó nó bị thất lạc không biết ở đâu.
U Minh là tiếng gọi chung một vùng đất đa số là rừng tràm nằm giữa hai tỉnh Rạch Giá và Cà Mau. U minh chia ra hai khu: U minh Thượng thuộc Rạch Giá, còn U minh Hạ thuộc Cà Mau. Có đi vào khu rừng tràm người ra mới hiểu rõ hai tiếng U Minh: u là tối và Minh là sáng. Sáng với tối trộn lẫn với nhau và tuỳ theo giờ giấc, thời tiết, khí hậu mà có khi tối nhiều hơn sáng hoặc sáng nhiều hơn tối. U Minh không phải chỉ có cây tràm mà còn nhiều thứ cây khác như đước và những loại cây chịu được sự ngập nước và nước lợ, nửa ngọt nửa mặn. Hoang thú thời có sấu cá, rắn, rùa, cá, đĩa và muỗi. Hai thứ sau đáng ngại nhất. Ở đâu vui bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi đĩa lội lềnh như bánh canh…
Cạnh Đền là tên của một làng nằm bên dòng sông Trèm Trẹm. Vùng U minh cây tràm mọc đầy như cỏ, lá rụng xuống thấm vào đất, vào nước rồi chảy ra biến nước sông Trèm Trẹm có màu như nước trà. Không có con cá nào sống được trong nước đăng đắng, mùi hăng hắc một cách kỳ cục. Nghe nói hồi đó dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có pha lá tràm mà hổng biết có đúng không. Tới mùa, tôi không còn nhớ tháng nào, bông tràm nở trắng rừng, hàng vạn vạn con ong bay kín để hút lấy mật hoa đem về tổ để sau đó thành ra mật ong. Trong lúc chén anh chén chú, khề khà ly đế hoặc khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem sao mọc khi chờ trăng lên; tôi cũng được nghe kể về chuyện ăn ong, cây kèo, cọp rắn, cây huê xà hầu như trở thành huyền thoại của vùng U Minh đã được nhắc tới trong Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam.
Nói tới Rạch Giá mà không nhắc tới Hà Tiên, tôi nghĩ là 1 thiếu sót. Tôi đã nghe nhạc nói về vùng đất này. Tôi đã đọc sách nói về Hà Tiên, vì thế tôi đã mang một ấn tượng đẹp về Hà Tiên. Đặt chân lên Hà Tiên, thú thật tôi thất vọng và buồn bã. Chiến tranh đã hủy hoại, tàn phá hết. Dù mang danh nghĩa ” giải phóng ” hay ” xâm lược ”, cuộc chiến tranh được phát động bởi miền bắc Việt Nam và chỉ đạo bởi Trung Cộng và Liên Bang Xô Viết đã gây ra bao nhiêu tang thương, đổ vở trên khắp miền nam mà điển hình là nơi tôi đang đứng. Hà Tiên, địa danh có cái nghĩa thơ mộng. Con sông mà các nàng tiên từ trên trời xuống tắm gội chỉ còn là con rạch nước đầy rong rêu và có thể mìn của mấy ông du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam gài. Tiên mà xuống tắm thì sẽ banh xác vì mìn. Ở đâu là các nàng tiên mĩ miều tung tăng bơi lội. Hà Tiên bây giờ đúng là rạch Giang Thành đúng như cái tên của nó. Nước chảy lừ lừ đầy hăm dọa. Đứng bên này con rạch, tôi nhìn lên núi Cô Tô đầy hầm hố. Xa ngoài biển hòn Phụ Tử đứng lẻ loi. Hòn Phụ khóc quê hương chìm trong lửa đạn. Hòn Tử khóc bạn bè ở bên này và bên kia.
Rạch Giá còn nhiều lắm song ở tuổi này tôi không nhớ hết kỹ niệm hoặc những nơi mà mình đã đi qua. Khi nào nhớ lại tôi sẽ viết thêm nữa. Sau đây là vài hình ảnh tìm được trên mạng của Rạch Giá ngày xưa, không biết vào năm nào.
Chiếc ghe đậu ven sông có tên là Kiên Giang
Rat thich loai bai viet nay nhung phai doc nhieu lan moi tuong canh cua tung dia danh va co gi chua xot cho than phan cua dan quan thoi chien …cho toi hom nay va lg biet den bao gio cho nguoi !