33
LONG TRANH HỔ ĐẤU
Đúng giờ mùi quần hùng tề tựu đông đủ. Chỉ có mười hai người ghi danh tham dự cuộc tranh chiếm danh vị minh chủ giang hồ. Cầm mảnh giấy Vô Hình Đao Tôn Nhật từ từ xướng danh:
– Kính thưa chư vi sau đây là tên tuổi của mười hai đối thủ đại diện của các môn phái, gia trang, bang hội hoặc các nhà thuộc giới giang hồ nước ta. Người thứ nhất là Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch chưởng môn nhân của phái Cổ Loa…
Quần hùng hò hét hoan hô khi thấy Lê Tuấn Bạch bước ra thi lễ cùng mọi người.
– Người thứ nhì chính là đệ tử của chùa Tướng Quốc. Mời Nhất Quốc đại sư ra đấu trường…
Quần hùng reo hò cổ vỏ cho vị đại diện của Tướng Quốc tự.
– Kính thưa chư vị người thứ ba là Lạc Kiếm Trần Hùng, đương kim chưởng môn Lạc Việt phái…
Quần hùng hò la nhiệt liệt tán thưởng cho vị chưởng môn phái võ kỳ cựu nhất của giới giang hồ Đại Việt.
– Nhân vật thứ tư chính là Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp, chưởng môn nhân của phái Thảo Đường. Kế tiếp là Bạch Đao Mai Thúc Lộc, trang chủ Mai gia trang. Đối thủ thứ sáu là Mộc Côn Lê Linh, đại diện cho Lê gia trang ở Lạng Giang. Người thứ bảy chính là Bạch Long Kiếm đại diện cho Bạch Long Vĩ đảo, còn người thứ tám là Hoàng Điểu Lý Anh của Hoàng Sa đảo. Thưa chư vị nhân vật thứ chín là Hạc Quyền Đinh Thế Trạc, đại diện cho Bạch Hạc phái. Người thứ mười là Hùng Lộc, đại diện cho Thông Thánh Quán. Người thứ mười một là Tà Quyền Nguyễn Tất Thắng ở Tuyên Quang và đối thủ cuối cùng chính là Vô Diện Thư Sinh quán ở Thái Nguyên… Ngoài ra ba người cũng được chọn lựa để làm trọng tài phán xét ai thắng ai bại trong mọi cuộc giao đấu. Ba người đó chính là sư Khai Quốc, Vô Pháp Quyền Lê Bút Mực, trang chủ của Lê gia trang ở Bắc Giang và Trần Bỉnh Thức trang chủ…
Quần hùng la ó hoan hô cho gà nhà và luôn cả mười hai đối thủ. Họ vui mừng lẫn thích thú vì sẽ được chứng kiến cuộc so tài trăm năm mới có một lần. Họ biết mười hai đối thủ đại diện đều có trình độ vũ thuật cao siêu cộng thêm kinh nghiệm giang hồ nên mới được chỉ định ra tranh tài nhằm mục đích làm minh chủ giang hồ cũng có mà để dương danh bản phái cũng có. Ai trong mười hai người này đều có ít nhất hai mươi năm khổ luyện đồng thời được liệt vào hàng nhất đẳng cao thủ giang hồ.
Sau khi giới thiệu danh tánh mười hai đối thủ cùng quần hùng, Vô Hình Đao Tôn Nhật cao giọng nói:
– Thưa chư vị để cho cuộc tranh tài được công bằng lão phu đề nghị một cuộc rút thăm. Đối thủ nào bắt trúng tên người khác tất nhiên sẽ đấu với người đó. Sau vòng loại thứ nhất sáu đối thủ thắng cuộc sẽ tranh tài bằng cách bắt thăm lần nữa. Ba đối thũ thắng cuộc sẽ lần lượt giao đấu với nhau và nếu ai thắng hai trận sẽ trở thành minh chủ giang hồ. Bây giờ tới phần rút thăm…
Qua cuộc rút thăm Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch sẽ mở màn cuộc tranh tài bằng cách giao tranh với Bạch Đao Mai Thúc Lộc, vị trang chủ trẻ tuổi và nổi tiếng nhất của miền Nam. Vô Hình Đao Tôn Nhật trịnh trọng nói:
– Lão phu kính mời Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch và Bạch Đao Mai Thúc Lộc mở màn cuộc tranh tài…
Bước ra đấu trường hai đối thủ ôm quyền thi lễ với quần hùng đoạn vái chào nhau xong đứng đối diện trên khoảng sân rộng. Trước khi rút lui vị trang chủ lừng danh của Tôn gia trang cao giọng:
– Lão phu cũng như chư vị đều biết rằng đây là một cuộc giao đấu mà hể có giao đấu là phải có thương vong hoặc chết chóc. Đao thương quyền cước vốn vô tình cho nên chư vị khá tua thận trọng…
Tôn Nhật từ từ lùi ra khỏi đấu trường. Nạt tiếng trầm trầm Bạch Đao Mai Thúc Lộc xoạc chân đứng tấn. Y đứng theo thế tấn đinh. Bàn tay mặt cầm lấy cán đao, cánh tay trái gấp thành hình thước thợ đưa lên ngang mặt, bàn tay nửa mở nửa khép đặt hờ lên cán đao. Trong tư thế đó vị trang chủ thinh danh lừng lẫy miền Nam bồng đao đứng yên.
Quần hùng im lặng nhìn. Ai cũng biết đó là chiêu thức mở đầu trong đao pháp bí truyền của dòng họ Mai hơn hai trăm năm nay. Vốn tay hành gia vũ thuật mà đao là ngón nghề ruột cho nên Tôn Nhật gật gù cười nói với Lê Hùng:
– Thất Thập Nhị Huyền đao pháp đấy chắc Lê huynh biết rồi…
Lê Hùng gật đầu:
– Tuy không phải là bằng hữu chi giao với Nam Đao Mai Thế Kiệt song tôi cũng có qua lại với y. Theo chỗ tôi được biết thời Mai Thế Kiệt có ba người con mà Thúc Lộc là con út. Thế nhưng Thúc Lộc lại được làm trang chủ tất nhiên tài bộ của y phải có chỗ hơn người. Thất Thập Nhị Huyền đao pháp mà y thi triển gồm có bảy mươi hai thế, mỗi thế phân thành bảy thức, mỗi thức lại biến ra ba đòn cho nên tinh vi, xão diệu và biến hóa vô cùng phức tạp…
Chăm chú nhìn Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch thỏng tay triển công phu trầm tịnh Lê Hùng nói tiếp:
– Vị chưởng môn của phái Cổ Loa tuy tuổi còn trẻ mà bản lĩnh cao thâm cực độ. Công phu trầm tịnh của y chỉ kém có một người mà thôi…
Vô Hình Đao Tôn Nhật hỏi liền:
– Huynh nói y kém một người mà người đó là ai?
– Kẻ cầm sổ giang hồ…
Lê Hùng buông gọn năm tiếng trên đoạn chép miệng thở dài:
– Tôn huynh còn nhớ trước đây hai ta liên thủ để vây đánh y không. Y đã triển công phu trầm tịnh trước khi rút kiếm mà công phu trầm tịnh của y so ra còn cao hơn Lê Tuấn Bạch một bực. Động là tịnh và tịnh là động. Nếu đối phương tịnh thời mình động; đối phương động thời mình tịnh. Nếu đối phương tịnh thời mình tịnh nhược bằng đối phương động thời mình động trước. Nói tóm lại chỉ có hai tiếng động tịnh mà hóa ra vô lường, biến ra vô số. Nó tùy theo tâm ý mà phát sinh. Khổ luyện vũ thuật tới mức độ tâm-ý-hành là một thời tôi đây chưa làm được…
Vô Hình Đao Tôn Nhật cười gượng:
– Tôi cũng thế. Thế mới biết vũ đạo mênh mông như trời bể cho nên cái biết của mình như ếch ngồi đáy giếng. Hai chúng ta liên thủ mà còn bị y đánh xiểng niểng huống hồ gì một người. Kẻ cầm sổ giang hồ mà có mặt ở đây tôi đoan chắc với Lê huynh chức vị minh chủ sẽ lọt vào tay y…
Tử Cước Lê Hùng trầm ngâm giây lát mới thong thả cất tiếng:
– Hồ Vũ Hoa tỏ ra rất tín nhiệm vào hành vị của kẻ cầm sổ giang hồ. Tôi không biết Hồ huynh quen thân với y như thế nào mà có thái độ bênh vực cho y. Tôn huynh thừa biết Hồ Vũ Hoa là người tâm cơ sâu xa cho nên…
Lê Hùng ngừng lời khi thấy Mai Thúc Lộc xuất thủ. Không một cử động báo trước mũi đao nhọn lễu trong tay vị trang chủ lừng danh xẹt ra tợ ánh chớp và mục tiêu của nó chính là huyệt thần tàng nơi ngực của đối phương. Khởi thủy đao là một thứ vũ khí chuyên dùng cho chiến trận nên to lớn,nặng nề do đó lực đạo cực kỳ trầm trọng và cương mãnh. Tuy nhiên sau này các vũ sĩ giang hồ đã chế biến thanh đại đao to lớn nặng nề và cồng kềnh thành đoản đao vừa ngắn, gọn và nhẹ hơn do đó được rất nhiều người ưa chuộng rồi lâu dần thành ra phổ thông như đại đao. Sở dĩ các vũ sĩ giang hồ ưa chuộng đoản đao vì nó nhẹ nhàng và gọn gàng tiện lợi khi di chuyển đó đây. Từ đó tính chất của đoản đao biến dạng và đường lối cũng như lộ số trở nên thần tốc, kỳ ảo và phức tạp hơn. Giới giang hồ Đại Việt có nhiều vũ sĩ xử đao song chỉ có ba dòng họ nổi tiếng nhất là Tôn gia trang miệt Tam Đảo, Mai gia trang ở Thiên Lộc thuộc Hoan Châu và Thái gia trang ở mạn biên thùy Lào Việt. Tôn Nhật nổi tiếng đất bắc qua Vô Hình đao pháp thời Mai Thế Kiệt được đồng đạo giang hồ tán tụng về thủ thuật múa đao khắp miền nam. Tuy nhiên hai cao thủ dường như cố tránh đụng chạm để khỏi thương tổn tới danh tiếng cùng hòa khí nên không người được biết ai tài hơn ai.
Khi mũi đao còn cách mục tiêu gang tấc Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch mới phản đòn và lối phản đòn của y khiến quần hùng giật mình kinh ngạc. Dịch bộ sang tả nửa bước bàn tay mặt của vị chưởng môn phái Cổ Loa hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Rẹt… Nghe âm thanh đó người ta biết Lê Tuấn Bạch đã rút kiếm. Nói ra thời dài dòng và chậm chạp nhưng hành động của họ Lê nhanh khủng khiếp. Âm thanh vừa bật lên mũi kiếm đã cận kề mệnh môn huyệt nơi cổ tay cầm đao của đối thủ. Lối giải chiêu của Lê Tuấn Bạch không những thần tốc, chính xác mà hiệu nghiệm cực cùng bởi vì mũi kiếm đâm ngay vào yếu huyệt của Mai Thúc Lộc.
Tuy nhiên vỏ quít dày có móng tay nhọn. Lê Tuấn Bạch giải chiêu nhanh thời Mai Thúc Lộc phản đòn cũng nhanh không kém. Dường như khi xuất chiêu y đã tiên liệu rằng một đối thủ cở như Lê Tuấn Bạch sẽ không để cho mình đánh trúng bằng một chiêu khởi đầu. Do đó vừa nghe âm thanh của kiếm bật lên Mai Thúc Lộc biến chiêu liền. Hơi trầm khuỷu tay xuồng một chút tránh mũi kiếm đâm vào cổ tay mình đồng thời y vặn mạnh cổ tay một cái. Lưỡi đoản đao mỏng dính chợt đổi thành thế chém vớt vào khuỷu tay cầm kiếm của Lê Tuấn Bạch.
– Ồ…
– Tuyệt…
– Công phu hay lắm…
Quần hùng lên tiếng khen khi thấy hai đối thủ phản đòn và giải chiêu một cách tài tình. Trong lúc đó Lê Tuấn Bạch và Mai Thúc Lộc quấn nhau như bóng với hình. Bụi bốc mờ mờ khiến cho khán giả khó lòng nhận thấy rõ chiêu thức của hai người.
Chát… Bùng… Song phương đình thủ. Quần hùng thấy Mai Thúc Lộc bồng đao đứng im trong lúc Lê Tuấn Bạch án kiếm ngang mày. Lát sau vị trang chủ Mai gia trang cất giọng trầm trầm:
– Tại hạ bại… Lê chưởng môn kiếm thuật quả hơn người…
– Đa tạ trang chủ đã nhân nhượng để cho tại hạ thắng cuộc…
Xuyên qua lời nói khách sáo của hai người quần hùng biết ai thắng ai bại. Hai đối thủ từ từ bước ra khỏi sân. Vô Hình Đao Tôn Nhật xướng danh hai đối thủ kế tiếp là Lạc Kiếm Trần Hùng và Hạc Quyền Đinh Thế Trạc. Thi lễ cùng quần hùng xong Trần Hùng ôm quyền thi lễ với Đinh Thế Trạc xong tươi cười lên tiếng:
– Tại hạ xin đem vài chiêu Lạc trảo ra làm trò cười cho Đinh chưởng môn…
Đinh Thế Trạc nhếch môi cười lạnh:
– Mời Trần chưởng môn…
Chân hữu đứng yên làm trụ, chân tả co lên ép sát vào chân hữu, hai tay dang ra thẳng băng, mười ngón tay chụm lại nhọn hoắt như mỏ con chim hạc; vị chưởng môn nhân của phái Bạch Hạc triển khai chiêu thức mở đầu tân kỳ, ngoạn mục, hiểm ác và biến hóa cực cùng.
Vành môi hơi nhếch thành nụ cười Lạc Kiếm Trần Hùng xoạc chân đứng tấn. Quần hùng lên tiếng xì xầm liền khi thấy y bỏ bộ. Chân tả bám trên mặt đất chắc hơn cọc gổ chôn sâu xuống đất, chân hữu co lên ép sát vào chân tả, bàn chân cách mặt đất chừng ba tấc, hai cánh tay gấp thành hình thước thợ đưa cao lên ngang mặt, bàn tay trái mở ra lòng bàn tay đưa về sau trong lúc bàn tay mặt mở thành trảo hướng về phía đối thủ.
Thế tấn của Trần Hùng thoạt trông buồn cười và kỳ dị vì y đứng giống như con chim sắp sửa bước đi. Tuy nhiên ai cũng hiểu thế tấn kỳ dị đó tàng ẩn một chiêu thức biến ảo và hiểm ác. Lạc Việt phái lừng danh giang hồ qua Lạc công phu bao gồm bốn tuyệt kỹ kiếm, quyền, trảo và chỉ với những chiêu thức thần tốc, biến ảo, ngụy dị và hiểm ác vô lường. Do đó dù không thường xuyên lộ diện giang hồ và môn đệ ít oi song Lạc Việt phái vẫn được giang hồ trọng vọng ngang hàng với Cổ Loa hay Tướng Quốc. Quần hùng không một ai không biết với số tuổi ba mươi mà đã nhận chức chưởng môn, Trần Hùng phải thuộc vào hạng nhân tài lỗi lạc của Lạc Việt phái.
Chim hồng, chim lạc là thần điểu, là vật tổ của dân ta do đó mới gọi là Hồng Lạc. Tuy nhiên kể từ khi họ Hồng Bàng mất ngôi vua chim hồng, chim lạc cũng mất dạng luôn. Trải qua hơn ngàn năm nó trở thành thứ linh điểu chỉ có trong sách vở mà thôi. Người ta cũng không rõ hình dáng thực sự của nó, chỉ biết một cách mơ hồ nó là loài chim với hình dáng to lớn, sống trên vùng rừng rậm hoang vu hoặc núi cao chớn chở. Các tiều phu cư ngụ trong các ngọn núi vùng biên thùy tây bắc đồn rằng thỉnh thoảng họ có thấy một đôi chim to lớn, toàn thân đỏ như lửa xuất hiện trên đỉnh núi mà họ đoán đó là chim hồng, chim lạc còn sống sót cho tới nay.
Hạc cũng là loài chim lông trắng như cò song có những điểm đặc biệt khiến người ta không thể lẩn lộn nó với cò. Thứ nhất hình dáng nó to lớn, thanh tao và chân màu đỏ chứ không đen như cò. Hạc thường sống trên núi cao chứ không ở đồng bằng và sống lẻ loi từng cặp chứ không kết thành bầy như cò. Người ta ít khi thấy hạc xuất hiện cho nên liệt nó vào loại linh điểu.
Hạc Quyền Đinh Thế Trạc động thủ trước. Hai cánh tay của y bắt từ ngoài kéo ập vào. Mười đầu ngón tay nhọn hoắt như mỏ con chim hạc nhắm ngay thái dương huyệt của đối phương vút tới nhanh tợ sao sa. Thái dương là một trong nhiều tử huyệt của con người, chỉ cần bị đụng nhẹ một chút thôi cũng thương vong như thường huống hồ gì đòn đánh của một cao thủ hữu hạng như vị chưởng môn phái Bạch Hạc. Hai bàn tay còn cách mục tiêu gang tấc chợt biến đổi liền. Bàn tay mặt đang từ chỉ hóa thành triệt thủ chém một đòn cường ngạnh vào cổ họng, trong lúc bàn tay tả biến ra trảo chụp nhầu xuống trốc vai của Trần Hùng. Thần tốc, biến ảo, hiểm độc; ba tính chất này tạo cho chiêu thức của Đinh Thế Trạc trở nên khinh linh, ngụy dị và phiêu hốt cực cùng. Trong vòng chớp mắt y đánh ra ba chiêu,mỗi chiêu có hàng chục thế thức. Từ chỉ công y đổi thành trảo, quyền, chưởng với bóng tay dậy mờ mờ khiến cho người ngoài lẫn người trong cuộc không thể nào phân định được đâu là thế hư đòn thực.
Nghe Lạc Kiếm Trần Hùng ré lên như chim gáy quần hùng biết vị chưởng môn của phái Lạc Việt xuất thủ. Ngay lúc bàn tay của đối phương gần chạm mục tiêu Trần Hùng đạp bộ. Bộ pháp của y mường tượng như bước chân chim bước chênh chếch tới sát đối thủ. Chỉ cần một bước chân chim giản dị y hóa giải đòn đánh của Đinh Thế Trạc một cách dễ dàng. Cùng với bước chân Trần Hùng vung tay điểm hờ vào hông đối thủ.
-Lạc chỉ…
Quần hùng có người buột miệng la lớn khi thấy Trần Hùng xuất chiêu. Ngón trỏ cong cong như mỏ chim lạc hàm chứa nội gia chân lực thừa sức soi vàng xẻ đá điểm vào huyệt cực toàn ở dưới nách. Đây chính là huyệt đạo quan trọng và cũng là điểm sơ hở của Đinh Thế Trạc vì khi dang tay ra y đã để trống huyệt đạo.
Thân danh chưởng môn của một phái võ nổi tiếng Đinh Thế Trạc không thể nào bại một cách nhanh chóng cũng như không để cho đối thủ điểm trúng huyệt đạo. Ngay lúc ngón tay trỏ của đối thủ vừa xẹt ra, Đinh Thế Trạc biến chiêu liền. Y phối hợp thân, thủ và bộ pháp để vừa giải chiêu vừa phản công một cách tài tình tuyệt diệu. Ngay lúc ngón tay của Trần Hùng chờn vờn bên hông Đinh Thế Trạc đạp bước ngắn sang bên tả để tránh đòn và hai bàn tay cùng lượt máy động. Bàn tay hữu chợt mở ra trong thế chưởng vổ vào ngực còn bàn tay tả biến thành hạc trảo chụp nhầu vào yết hầu của đối thủ. Chát… bùng… Quyền trảo và chưởng chỉ của đôi bên chạm nhau. Song phương ngưng tay. Lát sau Đinh Thế Trạc từ từ lên tiếng:
-Lạc công phu quả nhiên danh truyền không dối mà bản lĩnh của Trần chưởng môn cũng hiếm người sánh kịp…
Trần Hùng nhếch môi cười:
– Đa tạ… Hạc công phu của Đinh chưởng môn sánh ra nào kém Lạc công phu của bản phái. Chúng ta chắc phải có người thương vong mới phân định thắng bại…
Đinh Thế Trạc trầm giọng nói xuống thấp:
– Tại hạ cũng nghĩ như vậy…
Vị chưởng môn Lạc Việt phái động thủ liền sau câu nói của Đinh Thế Trạc. Y xuất chiêu ra đòn, biến thế, đổi thức lanh khủng khiếp. Một biến ra ba, ba hóa chín và chín ra tám mươi mốt khiến cho chiêu thức trở thành ngụy dị và biến ảo cực cùng. Quần hùng trông vào chỉ thấy bóng tay trùng điệp, mịt mờ giăng mắc khắp nơi. Phần Đinh Thế Trạc cũng không kém. Y thi triển công phu bí truyền của bản phái ngang nhiên giao đấu với vị tân chưởng môn trẻ tuổi của Lạc Việt phái.
Đứng ngoài làm khán giả chứng kiến cuộc giao tranh càng lúc càng thêm ác liệt Tử Cước Lê Hùng hỏi Tôn Nhật:
– Lê huynh đoán ai thắng?
Ngần ngừ giây lát Tôn Nhật nói:
-Trần Hùng chưa trổ đòn độc hoặc tuyệt chiêu trong công phu bí truyền của sư môn đâu. Thường thường khi nói đến phái Lạc Việt giang hồ nhắc tới Lạc công phu bao gồm các tuyệt kỹ như kiếm, quyền, chỉ, trảo mà thôi. Nhưng theo chỗ tôi được biết thời Lạc Việt phái còn có một tuyệt kỹ thần kỳ vô song mà không một ai biết tới bởi vì chỉ có vị chưởng môn mới được truyền thụ…
Tử Cước Lê Hùng gật đầu cười thốt:
– Ạ… Tôi hiểu ý của huynh rồi. Giống như Bạch Long Vĩ đảo ngoài Kình Ngư công phu còn có tuyệt kỹ bí truyền là Tróc Ngư thủ pháp mà chỉ có con cái của đảo chúa mới được truyền thụ thôi…
Vô Hình Đao Tôn Nhật vuốt râu cười:
– Lê huynh nói đúng đấy. Ngay cả hai đại môn phái như Cổ Loa, Tướng Quốc cũng vậy thôi. Có những tuyệt kỹ mà chỉ có người chưởng môn mới học được, hoặc có những tuyệt kỹ mà các đồ đệ chỉ được truyền thụ một phần nhỏ. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu gặp một đệ tử bất lương hay phản bội họ còn đủ sức để trừng trị… Trần Hùng với Đinh Thế Trạc còn đánh nhau lâu lắm vậy Lê huynh với tôi tới gặp Lê Tuấn Bạch xem y có tin tức gì mới lạ không…
Hai người rời đấu trường. Đi được mươi bước họ thấy vị chưởng môn phái Cổ Loa đang đi tới. Trông thấy dáng dấp không được bình thường lắm của Lê Tuấn Bạch Tôn Nhật hỏi liền:
– Chắc Lê chưởng môn có tin bất lợi cho chúng ta?
Liếc một vòng không thấy có ai đứng gần Lê Tuấn Bạch thấp giọng:
– Tổ do thám của bản phái đóng ở huyện Minh Nghĩa báo cáo rằng hồi sáng sớm hôm nay một đạo quân thiết kỵ của triều đình từ Hoa Lư kéo tới đồn trú tại một địa điểm cách Minh Nghĩa chừng mươi dặm. Ngoài ra họ còn phát hiện được sự hiện diện của hai lão Hữu Danh Vô Thực và Bách Diện Thư Sinh…
Lê Tuấn Bạch ngừng nói. Tôn Nhật nhìn Lê Hùng giây lát rồi thong thả lên tiếng:
– Như vậy chắc ba ban tin tức, truy tầm và ám sát chắc cũng đã tiềm phục trong vòng mươi dặm quanh Tản Viên. Lê huynh tính sao?
Trầm ngâm hồi lâu Tử Cước Lê Hùng hắng giọng:
– Ba chúng ta đều biết quân Hoa Lư thiện chiến như thế nào cho nên dẫu có ngàn người quần hùng cũng không thể nào đường hoàng giao tranh với quân Hoa Lư được. Do đó chúng ta chỉ còn cách lẩn trốn…
Lê Tuấn Bạch cau mày đoạn cười nhẹ:
– Lẩn trốn ta cũng gặp nhân viên do thám…
Lê Hùng gật đầu:
– Dĩ nhiên ta sẽ đụng phải sự săn bắt của nhân viên do thám, nhưng dù sao đối phó với các nhân viên của đoàn do thám cũng dễ hơn đánh nhau với quân Hoa Lư…
– Nhị vị nghĩ chúng ta cứ tiếp tục cuộc tuyển lựa minh chủ hay là đình hoản?
Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch hỏi nhỏ và Vô Hình Đao Tôn Nhật trả lời không do dự:
-Lão phu nghĩ chúng ta cứ tiếp tục bởi vì đình hoản không có lợi mà còn gây thêm hoang mang hay hoảng hốt cho mọi người. Lão phu nghĩ chúng ta nên mở một cuộc họp mặt để thông báo tình hình với các vị chưởng môn và trang chủ…
Lê Tuấn Bạch mau mắn nói:
– Tại hạ sẽ thân mời các trang chủ, chưởng môn hoặc đại diện các môn phái tới họp mặt tối nay…
– Xin làm phiền Lê chưởng môn. Lão phu đoán cuộc tranh tài không thể kết thúc một cách nhanh chóng được. Có sớm lắm cũng phải tới chiều ngày mai. Như vậy chúng ta phải lưu lại Tản Viên hai đêm nữa…
Lời nói của Tử Cước Lê Hùng rơi vào im lặng. Lát sau Lê Tuấn Bạch cáo từ. Tôn Nhật và Lê Hùng cũng trở lại đấu trường vừa đúng lúc cuộc giao đấu chấm dứt mà phần thắng về phía phái võ Lạc Việt. Quần hùng la hét hoan hô cho Lạc Kiếm Trần Hùng. Thấy trời đã xế chiều Tôn Nhật tuyên bố cuộc tranh tài tạm ngưng cho tới sáng mai. Quần hùng ồn ào giải tán rồi tự lo bữa cơm tối.
34
BẮT ĐẦU CUỘC TỬ CHIẾN
Lạng Giang thành. Mặc dù sinh hoạt vẫn bình thường song nét ưu tư và lo lắng cũng hiện ra trên mặt của bá tánh trong thành. Bô lão tụ nhau nơi trà đình, tửu quán xôn xao bàn tán về tin quân Tống sắp sang đánh Đại Việt. Họ nói cho nhau biết về tin vị đại tướng Tống triều là Hầu Nhân Bảo đã có mặt nơi vùng biên giới Hoa Việt. Không khí chiến tranh bao trùm thành Lạng Sơn. Một đạo binh tinh nhuệ của quân Hoa Lư đã đóng trại cách Lạng Sơn ba mươi dặm về hướng bắc cốt ý cản đường tiến quân của Tống triều. Tuy nhiên dân cư thành Lạng Sơn đều biết rằng đạo quân ba ngàn người này không thể nào cản được bước tiến của Tống quân mà nhân số sẽ lên tới năm mười vạn. Do đó cư dân đã sớm tản cư từ mấy ngày qua. Hàng quán, chợ búa một số đóng cửa im ỉm. Đàn bà và trẻ con được lệnh di chuyển về miền Nam.
Đang đóng kín cổng thành chợt mở ra một cánh nhường chỗ cho một thớt ngựa phi vào nhanh hơn gió cuốn. Ngồi trên lưng con chiến mã màu đỏ cao lớn là một kỵ sĩ mặc sắc phục của quân do thám. Trên tay y cầm cây cờ lệnh màu đỏ rực rở dưới ánh mặt trời. Đó là cờ lệnh truyền tin khẩn cấp của triều đình. Với cây cờ lệnh này gã nhân viên do thám có quyền vào ra bất cứ nơi nào thuộc binh đội triều đình cũng như có quyền gặp mặt vị quan trấn thủ thành Lạng Giang mà không cần phải thông báo trước.
Ngựa vừa vọt qua khỏi cửa thành y hò lớn:
– Quân Tống lấy Pha Lũy… Quân Tống chiếm Pha Lũy…
Mười chữ từ cửa miệng của tên quân do thám truyền lan ra nhanh hơn điện làm bàng hoàng dân chúng trong thành. Cửa ải địa đầu của Đại Việt đã lọt và tay lũ giặc bắc phương thời sớm muộn gì Lạng Giang cũng trở thành bãi chiến trường bởi nó chỉ cách Pha Lũy vài chục dặm đường. Đạo binh tiền phương của Tống quân sẽ có mặt ở Lạng Giang chậm lắm là ngày mốt.
Thẳng đường thớt chiến mã lao tới dinh quan trấn thủ. Ngựa chưa ngừng vó tên quân do thám bay mình xuống đất. Với mấy bước thật gấp và dài y đối diện với vị võ tướng trọng tuổi mặc khôi giáp rở ràng. Khẽ nghiêng mình thi lễ tên quân do thám cao giọng:
– Đỗ tướng quân… Một cánh quân dưới quyền chỉ huy của tướng Tôn Toàn Hưng đã chiếm lấy ải Pha Lũy hồi trưa này…
Đỗ Anh, vị tướng trấn thủ thành Lạng Giang không tỏ thái độ nào khác lạ khi được báo cáo tin dử. Trầm ngâm giây lát ông ta lẩm bẩm:
– Đúng như điều ta tiên liệu…
Nhìn cây cờ lệnh mà tên quân do thám đang cầm trên tay ông ta cười hỏi:
– Tướng quân chắc là nhân viên cao cấp của ban tin tức thuộc đoàn do thám Hoa Lư?
Tên quân do thám hơi mĩm cười:
– Thưa tướng quân mạt chức là Nguyễn Gia Quốc, phó trưởng ban tin tức của đoàn do thám…
– Ạ…
Vị tướng trấn thủ Lạng Giang ạ tiếng nhỏ rồi hắng giọng tiếp:
– Nguyễn phó trưởng ban hẵn đã dong ruỗi một quãng đường dài nên bản chức mời Nguyễn phó trưởng ban một chén rượu giải lao. Ngoài ra bản chức còn muốn biết chi tiết hơn về tình hình của ta và địch…
Nói xong Đỗ Anh mời Nguyễn Gia Quốc theo ông ta bước vào một gian phòng lớn thắp đèn sáng trưng. Hai người đứng trước bức họa đồ vẽ sơ sài hình thể núi sông, đường xá, thành lũy cùng địa điểm đóng quân của Đại Việt.
Đưa tay chỉ vào bức họa đồ Đỗ Anh cười nói:
– Đây là Lạng Giang thành cách Pha Lũy, ải địa đầu của quân ta ở vùng biên giới Hoa Việt chừng năm mươi dặm về hướng đông bắc. Còn đây là Lộc Châu…
Đưa chén rượu lên miệng nhấp ngụm nhỏ Nguyễn Gia Quốc góp lời:
– Thưa Đỗ tướng quân… Theo tin tức mà quân do thám ở Long Châu thu lượm được thời Tống quân chia binh làm bốn đạo đánh vào nước ta …
Đỗ Anh gật gù:
– Ạ… Hóa ra là như vậy…
– Trình Đỗ tướng quân… Đạo quân thứ nhất do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy gồm có quân bộ và quân kỵ sau khi vượt biên giới sẽ theo đường bộ tiến xuống thành Lạng Giang rồi sau đó sẽ đánh Chi Lăng để thẳng đường tới Đại La…
Ngừng lại nhấp thêm ngụm rượu vị phó trưởng ban tin tức đoàn do thám Hoa Lư hắng giọng tiếp:
– Đạo quân thứ nhì cũng có kỵ và quân bộ do tướng Tôn Toàn Hưng chỉ huy nhưng vẫn ở dưới quyền điều động của họ Hầu xuất phát từ Ung Châu xâm nhập vào địa phân của nước ta qua ngã Lộc Châu rồi tiến xuống vùng Ngân Sơn và Bắc Giang để uy hiếp Đại La. Mặt thủy địch cũng phân làm hai đạo, một do Lưu Trừng thống lãnh từ Quảng Châu theo sông Bạch Đằng vào sâu trong nội địa nước ta để hợp với đạo quân của Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng. Đạo thủy quân thứ nhì do Trần Khâm Tộ điều động có thể theo cửa biển Văn Úc hay Bà Lạt để tiến vào nước ta nhằm ý định uy hiếp Hoa Lư…
Trầm ngâm giây lát Đỗ Anh thong thả thốt:
– Bản chức đoán đạo binh tiền phong của Hầu Nhân Bảo sau khi chiếm Pha Lũy sẽ uy hiếp thành Lạng Giang rồi sau đó tràn xuống Chi Lăng. Bản chức được lệnh của quan Thập Đạo là nếu liệu giữ được thành thời giữ, bằng không sẽ rút lui để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên giặc xâm phạm biên thổ ta cũng nên đánh một vài trận để làm giảm đi chút nhuệ khí đồng thời làm chậm lại đà tiến binh của chúng hầu quân Hoa Lư có thời giờ chuẩn bị…
Uống cạn chén rượu Nguyễn Gia Quốc cười nói:
– Cám ơn ly rượu của tướng quân. Mạt chức phải trở lại Đồng Đăng để nghe ngóng tin tức trước khi điều động thuộc hạ rút lui về Chi Lăng…
Thân đưa Nguyễn Gia Quốc ra khỏi phòng Đổ Anh nói:
– Nếu có tin mới xin Nguyễn phó trưởng ban cứ vào gặp ta bất cứ giờ giấc nào. Bản chức sẽ không ngủ yên cho tới khi lũ giặc bắc rút ra khỏi bờ cõi Đại Việt…
Hơi nghiêng mình thi lễ cùng Đỗ Anh xong Nguyễn Gia Quốc bay mình lên ngựa. Tiếng vó câu nện ròn rả trên mặt đường. Cửa thành đóng kín lại khi bóng ngựa mờ dần trên con đường cái quan.
Trời chiều bảng lảng. Được mươi dặm đường Nguyễn Gia Quốc lỏng cương cho ngựa chạy chậm lại đoạn rẽ vào con đường mòn bên phải. Chốc sau y ngừng trước ngôi nhà bỏ hoang. Tung mình nhảy xuống đất y nhẹ xô cửa bước vào. Y hơi khựng lại khi thấy hai xác chết nằm bất động trên nền đất lạnh. Không nói lời nào y tức tốc xoay mình. Ngay lúc vừa xoay mình bước đi y nghe âm thanh bật lên trong bóng tối mờ mờ.
Gia nhập đoàn do thám lúc tuổi mới hai mươi, từ một nhân viên tầm thường của ban tin tức, phải mất hai mươi năm Nguyễn Gia Quốc mới được thượng cấp đề bạt vào chức vụ phó trưởng ban. Hai mươi năm kinh nghiệm tạo cho y một phản ứng cực kỳ bén nhạy.
Khi nghe âm thanh bật lên y biết đó là tiếng vũ khí được rút ra khỏi vỏ. Không kịp suy nghĩ vị phó trưởng ban tin tức đoàn do thám Hoa Lư tức tốc giải đòn. Tay trái vổ ngược ra sau một đòn phách không quyền che kín hậu tâm, chân phải đạp bộ Nguyễn Gia Quốc một bước dài trong lúc bàn tay mặt hất ngược về sau vai ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Rẹt… Y bạt kiếm đánh liền ba chiêu. Một chiêu biến thành ba thế,ba thế thành chín thức và chín thức hóa ra tám mươi mốt đòn. Hoa kiếm nở rực trong bóng đêm trùm phủ lấy thân thể kín đáo mưa cũng không lọt vào. Nguyễn Gia Quốc lạng mình ra sân.
Trên khoảnh đất nhỏ một người đứng im lìm. Thân thể bó gọn trong bộ vũ phục màu đen, chân mang hài são, chuôi vũ khí nhô lên khỏi vai và mắt sáng rực như hai vì sao, người lạ toát đầy vẽ thần bí lẫn ngạo nghễ.
– Ngươi là ai?
Dù lên tiếng hỏi nhưng Nguyễn Gia Quốc đã đoán ra được lai lịch của người lạ. Hỏi chỉ là cách để xác định mà thôi.
– Ta là Tử Kim Đao Tống Bình, trưởng ban tin tức đoàn do thám viễn chinh thiên triều…
Nguyễn Gia Quốc cười nhạt khi nghe kẻ địch xưng tên. Thân danh phó trưởng ban tin tức đoàn do thám Hoa Lư mà vùng trách nhiệm là miệt biên thùy Hoa Việt cho nên y nào xa lạ gì với nhân viên do thám của Tống triều. Y cũng như thuộc hạ đã từng đụng chạm với kẻ địch trong bóng tối. Tuy nhiên hôm nay là lần đầu tiên y mới có dịp gặp gỡ kẻ tử thù.
– Ngươi là ai?
Tử Kim Đao Tống Bình hỏi bằng giọng hách dịch. Nguyễn Gia Quốc trả lời với giọng cộc lốc:
– Ta là phó trưởng ban tin tức của đoàn do thám Hoa Lư. Hai thuộc cấp của ta chắc chết vì tay ngươi?
Tử Kim Đao Tống Bình nhếch môi cười:
– Ta muốn bắt sống để tra hỏi vài điều song chúng thà chết chứ không chịu mở miệng.Dân An Nam quả cứng đầu…
Ánh mắt của Nguyễn Gia Quốc bốc ngời sát khí khi nghe câu nói trên. Vị phó trưởng ban tin tức khẽ rung tay. Thanh nhuyễn kiếm biến thành tia sáng xanh lè vút tới người của đối phương. Ngay lúc mũi kiếm cận kề mục tiêu y gặt mạnh cổ tay khiến mũi kiếm đổi chiều xẹt lên yếu hầu kẻ địch.
– Kiếm thuật tân kỳ…
Lồng trong tiếng nói Tử Kim Đao Tống Bình xuất thủ. Dịch bộ sang tả nửa bước để tránh đòn, lưỡi đao đúc bằng thép ròng của hắn tà tà vớt vào khuỷu tay của kẻ địch. Mặc dù tầm thường và giản dị song đánh ngay vào chỗ sơ hở cho nên chiêu thức của Tống Bình trở thành hiệu quả vô cùng. Nguyễn Gia Quốc bắt buộc phải hóa giải nếu không cánh tay của y sẽ bị lưỡi đao tiện đứt làm đôi.
Nạt tiếng trầm trầm vị phó trưởng ban tin tức đoàn do thám Hoa Lư gặt mạnh cổ tay một cái. Lưỡi kiếm thay vì đâm vào yết hầu bỗng đổi hướng chém xuống vai. Cùng lúc đó y xô người nhập nội dường như không màng đến lưỡi đao của đối phương đang chém vào người. Vừa vào sát đối phương tay tả y bung ra trong một thế triệt thủ bá đạo giang hồ chém vút vào tay cầm đao của Tống Bình. Tên trưởng ban tin tức của đoàn do thám Tống triều hãi hùng với lối giao tranh liều lĩnh hầu như muốn thí mạng của địch thủ. Dĩ nhiên hắn không muốn bị thương hay cùng chết với kẻ địch do đó hắn không còn cách nào hơn là tự triệt chiêu đồng thời hồi bộ nửa bước để tránh đòn. Vừa lùi lại hắn giật mình khi thấy mũi kiếm xanh lè chập chờn nơi ngực.
– Giỏi…
Tử Kim Đao Tống Bình loang đao một vòng thật nhanh. Chát… Đao kiếm chạm nhau tóe lửa. Bồng kiếm đứng im với thanh trường kiếm xanh biếc chỉa mũi lên trời vị phó trưởng ban tin tức trầm giọng nói xuống thành lạnh băng:
– Các hạ biết điều nên rút lui bằng không đất Đại Việt sẽ là mồ chôn của các hạ đấy…
Ánh mắt phủ mờ sát khí Tống Bình bật cười rộ:
– Ngươi tài cán bao nhiêu mà lớn lối. Ta đã tưng đụng chạm với các cao thủ Tây Hạ, Hung Nô thời xá gì một kẻ vô danh tiểu tốt như ngươi…
Ánh kiếm của Nguyễn Gia Quốc chớp liền theo câu nói của Tử Kim Đao Tống Bình. Thần tốc, hung hiểm, ngụy dị và biến ảo khiến cho lưỡi kiếm của y thành vầng ánh sáng trùm phủ lấy người đối phương. Mũi kiếm khi biến khi hiện, lúc chớp lúc tắt, mịt mờ trôi nổi và giăng mắc khắp nơi.
Biết đụng phải một cao thủ hữu hạng giang hồ Tống Bình tức tốc thi triển thuật múa đao gia truyền ngăn đón những đòn tấn công ác liệt của kẻ địch.
Phần Nguyễn Gia Quốc tuy tấn công dữ dội song y không ham chiến mà lại có ý định thầm kín khác. Vốn là nhân viên do thám y đặt nhiệm vụ lên trên hết cho nên nếu đánh không thắng đối phương y tính cách chạy.
Đối với nhân viên do thám chạy không có gì xấu hổ hoặc mất tăm tiếng. Là trưởng ban tin tức mà Tống Bình đã xuất hiện ở Lạng Giang thời không chừng cả đoàn do thám Tống triều cũng có mặt trên đất Đại Việt. Nguyễn Gia Quốc muốn thông báo tin tức nóng hổi này lên bề trên của mình do đó y phải bỏ chạy. Liều mạng với kẻ thù trong lúc này không có lợi bằng bỏ chạy rồi sau đó phục thù bằng cách đánh bại lũ giặc xâm lăng.
Rẹt… Rẹt… Rẹt… Nguyễn Gia Quốc đâm liền ba chiêu liên hoàn cực độc bức kẻ địch phải tạt bộ tránh đòn xong tung mình chạy trốn. Cười ha hả Tử Kim Đao Tống Bình nạt lớn:
– Ngươi chạy đàng trời…
Họ Tống vẩy tay. Lưỡi đoản đao xẹt ra tợ ánh chớp. Chân vừa chạm đất chợt nghe gió rít vù vù sau lưng Nguyễn Gia Quốc vung tay đánh ngược ra sau một đòn phách không quyền. Tuy nhiên y chậm tay hơn kẻ thù một chút. Bị phi đao đâm vào vai nhưng y cắn răng cắm đầu chạy trốn. Không để cho kẻ thù trốn thoát Tử Kim Đao Tống Bình tức tốc triển thuật phi hành đuổi theo.
35
KHÔNG HẸN CŨNG GẶP
Trời tối mờ mờ. Sao khi mờ khi tỏ. Cơn mưa phùn đã tạnh từ lâu nhưng gió bấc còn thổi mạnh khiến cho trời càng thêm lạnh. Nấp sau thân cây cổ thụ Hồ phu nhân nhìn về khu rừng thưa. Xa xa đèn lửa mập mờ. Thấp thoáng bóng người đi lại.
– Phu nhân lạnh không?
Hồ phu nhân giật mình khi nghe tiếng người vang lên sau lưng mình. Quay lại thấy kẻ cầm sổ giang hồ nàng la nho nhỏ:
– Tôn ông làm tôi muốn đứng tim… Tôn ông nghe ngóng được gì không?
Kẻ cầm sổ giang hồ chậm rải lên tiếng:
– Nhiều điều lắm thưa phu nhân. Thứ nhất là triều đình không phải có một mà tới hai đạo binh…
– Hai đạo binh… Họ làm gì mà đem tới hai đạo binh. Chả lẽ…
Hồ phu nhân lẩm bẩm những lời trên. Giọng nói của kẻ cầm sổ giang hồ vang vang trong gió:
– Đạo quân thiết kỵ khoảng ngàn người đóng nơi hướng đông bắc cách Minh Nghĩa chừng mươi dặm. Còn đạo quân bộ đóng trại ở Quốc Oai tức là gần chỗ chúng ta đứng…
Đưa ngón tay chỉ về phía rừng thưa kẻ cầm sổ giang hồ nói tiếp:
– Phu nhân thấy chỗ sang sáng không. Đó là dinh trại của đạo quân bộ. Dù không biết họ có bao nhiêu quân song thấy dinh trại san sát và người người đi lại đông đảo tôi đoán phải có tới vài ngàn…
Hồ phu nhân nhíu mày. Thái độ của nàng có vẻ trầm tư và nghĩ ngợi. Lát sau nàng mới thỏ thẻ cùng với kẻ cầm sổ giang hồ:
– Tôn ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Đắn đo giây lát kẻ cầm sổ giang hồ mới thong thả trả lời:
– Quân Hoa Lư tới đây chắc không ngoài ý định vây bủa Tản Viên Sơn để tiêu diệt các vũ sĩ giang hồ. Tại hạ…
Nói tới hai tiếng ‘’ tại hạ y ngưng liền khi bắt gặp cái liếc mắt của Hồ phu nhân. Cười nhẹ y hắng giọng tiếp.
– Tôi nghĩ chúng ta nên gấp rút tới Tản Viên để nói cho họ biết hầu tìm cách đối phó. Phu nhân chắc đồng ý với tôi?
Trái với dự đoán của kẻ cầm sổ giang hồ vị phu nhân họ Hồ chầm chậm lắc đầu:
– Tôi nghĩ khác tôn ông…
Tay kiếm phiêu bạt giang hồ nhìn người đối diện với ánh mắt dò hỏi. Hồ phu nở nụ cười. Kẻ cầm sổ giang hồ cảm thấy tim mình đập mạnh. Dù trong bóng đêm y cũng thấy được khuôn mặt thanh tú và khả ái của nàng lung linh mờ ảo.
– Trước khi nói cho tôn ông biết tại sao tôi lại nghĩ khác với tôn ông; tôi muốn hỏi tôn ông một điều là tôn ông tới Tản Viên tham dự đại hội giang hồ nhằm mục đích gì?
Kẻ cầm sổ giang hồ trả lời câu hỏi của Hồ phu nhân không chút đắn đo:
– Sau gần một năm điều tra về cái chết của tiên đế tôi mới biết rằng mình không đủ sức phanh phui những bí ẩn để đưa hung thủ ra công luận. Do đó khi Hồ lão trang chủ nêu ý kiến mời tất cả cao thủ về Tản Viên để trình bày về vụ án tiên đế cùng kêu gọi mọi người hợp lực điều tra…
– Cha chồng của tôi có nói với tôn ông về việc bầu một vị minh chủ giang hồ?
Nhẹ gật đầu kẻ cầm sổ giang hồ trả lời câu hỏi của Hồ phu nhân:
– Hồ lão trang chủ không có nói song tôi nghe tin giang hồ đồn…
– Tôn ông định làm minh chủ giang hồ?
Kẻ cầm sổ giang hồ cười nhẹ:
– Không… Tôi chỉ muốn tới Tản Viên để nghe mọi người bàn tính thế nào về vụ án tiên đế đồng thời nói cho mọi người biết tường tận về chuyện kẻ giả mạo tôi…
– Tôn ông nghĩ rằng người ta sẽ tin vào lời nói của tôn ông?
Kẻ cầm sổ giang hồ chưa kịp trả lời của mình Hồ phu nhân nói liền:
– Tôn ông lầm rồi… Người ta sẽ không tin vào lời nói của tôn ông đâu. Thân nhân hay bằng hữu của những người bị tôn ông giết chết liệu họ chịu tin vào lời giải thích và biện bạch bằng miệng của tôn ông. Muốn làm cho họ tin tôn ông phải có bằng chứng hoặc nhân chứng. Tôn ông phải biết ai là người đã giả mạo… Trên đời này hiện nay chỉ có hai người mới tin tôn ông không phải là kẻ giết người vô tội. Hai người đó chính là tôi và cha chồng của tôi…
Hồ phu nhân nói một hơi thật dài. Kẻ cầm sổ giang hồ nhẹ thở dài xong gượng cười nói nhỏ:
– Dường như phu nhân không muốn tôi tới Tản Viên?
Vị phu nhân họ Hồ quay mặt sang chỗ khác cho nên kẻ cầm sổ giang hồ không thấy được nụ cười nở trên môi của nàng. Vả lại dù có thấy y cũng không tài nào đoán được nụ cười của giai nhân chứa đựng ý nghĩa gì.
– Muốn chứ… Tôi muốn tôn ông phải tới Tản Viên nhưng không phải tự nhiên mà tới. Tôi muốn tôn ông tới Tản Viên để tranh chức minh chủ giang hồ với người ta…
Trả lời một cách mau mắn Hồ phu nhân cười tươi tắn đoạn tiếp nhanh:
– Tuy nhiên tôn ông phải tới Tản Viên với một tư cách đặc biệt như là… như là…
Hồ phu nhân ngập ngừng như tìm lời. Lát sau nàng tươi cười tiếp:
– Như là một người tới báo một tin tức quan trọng để mọi người chú ý mà bỏ qua chuyện tôn ông giết người…
Chầm chậm lắc đầu kẻ cầm sổ giang hồ nói bằng giọng rắn rỏi và nghiêm nghị:
– Tôi không đồng ý với phu nhân về chuyện này. Tôi sẽ tới Tản Viên như một người bình thường…
Hồ phu nhân cau mày song lặng thinh. Nàng biết lời nói của mình đã va chạm tới tự ái của kẻ cầm sổ giang hồ. Một kiếm thủ nổi tiếng như y không ít thời nhiều cũng kiêu hãnh do đó không khuất mình làm theo cách của nàng vừa nói. Dường như muốn đổi đề tài nên Hồ phu nhân lên tiếng:
– Tôi nghĩ triều đình không cần phải huy động tới hai đạo quân để đối phó với quần hùng nơi Tản Viên. Phải có lý do gì đặc biệt hoặc quan trọng lắm mới khiến cho Lê Hoàn điều động mấy ngàn quân rời khỏi Hoa Lư trong tình thế sôi động này…
Nhìn đăm đăm Hồ phu nhân giây lát kẻ cầm sổ giang hồ nhẹ cười:
– Tôi hoàn toàn đồng ý với phu nhân về điểm này. Phải có lý do Lê Hoàn mới động binh…
Hồ phu nhân gật đầu:
– Chỉ có một chuyện quan trọng xảy ra mới khiến cho Lê Hoàn phái quân rời Hoa Lư. Đó là chuyện Tống triều xua quân sang đánh nước ta…
Ngừng lại giây lát Hồ phu nhân lẩm bẩm song kẻ cầm sổ giang hồ vẫn nghe được:
– Điều binh để ngăn quân Tống thời tại sao Lê Hoàn lại đóng ở Quốc Oai. Đáng lẽ y phải đóng quân ở thành Đại La rồi từ đó ngược lên Lạng Sơn…
Mĩm cười kẻ cầm sổ giang hồ góp lời:
– Đây cũng là điểm thắc mắc của tôi bởi vì nếu muốn ngăn đánh quân Tống Lê Hoàn phải đóng binh ở mạn bắc như Bắc Giang, Lạng Giang chứ đâu có đi về phía tây…
Vành môi son hơi mím,vầng trán cau lại, vị Hồ phu nhân họ Hồ trầm tư nghĩ ngợi đoạn lẩm bẩm:
– Hay là… hay là…
Ngước lên nhìn kẻ cầm sổ giang hồ nàng cười cười:
– Nếu tôi đoán không lầm thời quân Hoa Lư tới đây nhằm hai mục đích chính. Thứ nhất là vây bắt giới giang hồ trên Tản Viên sơn, còn thứ nhì là ngăn đánh sứ quân Phạm Phòng Át. Chắc tôn ông còn nhớ tới chuyện gặp gỡ Phạm Bách Hổ trên đường trở lại Hoa Lư. Có lẽ Lê Hoàn dọ biết tin Phạm Bách Hổ đã rời khỏi Đằng Châu cho nên mới xuất quân vây đánh. Không có tướng chỉ huy tất nhiên quân của Phạm Bách Hổ sẽ tan rã nhanh chóng…
Kẻ cầm sổ giang hồ hơi giật mình khi nghe Hồ phu nhân nói. Dù mới gặp song y rất ngưỡng mộ Phạm Bách Hổ về phong cách lẫn hành vi chống báng lại Lê Hoàn. Do đó khi nghe Hồ phu nhân nói căn cứ địa của Phạm Bách Hổ sắp bị quân Hoa Lư tấn công y muốn tới thăm dò và giúp đỡ. Nói xong câu trên Hồ phu nhân lại lắc đầu lẩm bẩm:
– Mình nói như thế cũng vô lý bởi vì nếu tiến đánh Đằng Châu tại sao lại đóng quân ở Quốc Oai. Quân Hoa Lư phải đi Đằng Châu mới đúng…
Nghe Hồ phu nhân lẩm bẩm câu trên kẻ cầm sổ giang hồ hỏi:
– Phu nhân nghĩ thế nào về sự mất tích của Hồ lão trang chủ?
Hồ phu nhân ngước lên nhìn kẻ cầm sổ giang hồ khi nghe câu hỏi lạc đề của y. Trong bóng tối mông lung nàng thấy được khuôn mặt dày dạn phong trần và ánh mắt buồn bã. Bỗng dưng nàng nghĩ tới một điều khiến cho lòng nàng chùng xuống và tiếng thở dài thầm lặng thoát ra. Tiếng của kẻ cầm sổ giang hồ vang lên chầm chậm:
– Tôi nghĩ Hồ lão trang chủ đã gặp Phạm sứ quân…
Vành môi son nở thành nụ cười Hồ phu nhân hỏi nhỏ:
– Chắc tôn ông có lý do để nói như vậy?
Kẻ cầm sổ giang hồ từ từ thuật lại chuyện tình cờ hội ngộ với Phạm Bách Hổ trên đường tới Phú Xuyên xong cười nói:
– Khi nghe tin nhân viên của đoàn do thám Hoa Lư đang tìm bắt phu nhân tôi hấp tấp đuổi theo bọn chúng và hẹn gặp Phạm Bách Hổ tại Phú Xuyên…
Thầm nở nụ cười sung sướng trong bóng tối Hồ phu nhân nói:
– Tôn ông lo lắng cho tôi nhiều quá…
Kẻ cầm sổ giang hồ im lìm không nói. Hơi cúi mặt xuống Hồ phu nhân nói nho nhỏ:
– Tôi hiểu ý của tôn ông rồi. Cha chồng của tôi và Phong nhi đi vào huyện lỵ Phú Xuyên chắc đã gặp sứ quân Phạm Phòng Át nhưng tại sao họ không trở lại tìm chúng ta…
– Chắc phải có lý do khẩn cấp cho nên Hồ lão trang chủ mới đi luôn không trở lại báo tin. Phu nhân nên biết các nhân vật giang hồ hành sự nhiều khi quái dị không thể lấy lý lẽ thông thường mà luận đoán được. Vả lại Hồ lão trang chủ cũng biết tôi thừa sức lo lắng và bảo vệ cho phu nhân…
Giọng nói nửa đùa nửa thực nửa nũng nịu của Hồ phu nhân vang lên:
– Phải hông… Chuyện này còn phải xét lại… Hơn nửa năm theo tôn ông lưu lạc giang hồ tôi chết hụt mấy lần và ở tù gần mọt gông…
Kẻ cầm sổ giang hồ cười lớn:
– Mới ở tù hơn hai tháng mà phu nhân dám nói ở tù gần mọt gông. Phải trải qua gian nguy và khổ sở người ta mới mau trưởng thành thưa phu nhân…
– Nói như thế là tôn ông ngụ ý tôi chưa trưởng thành lúc chưa gặp tôn ông?
Cười cười không trả lời kẻ cầm sổ giang hồ nghiêm giọng:
– Thưa phu nhân tôi định tới Đằng Châu trước khi quân Hoa Lư tấn công để xem Hồ lão trang chủ và Phong nhi có ở đó không. Nếu chậm trể lỡ có chuyện gì xảy ra thời mình sẽ ân hận suốt đời…
Nghe kẻ cầm sổ giang hồ nói như vậy Hồ phu nhân cũng cảm thấy lo lắng cho đứa con yêu quí của mình. Nàng hấp tấp lên tiếng:
– Chúng ta đi bộ tới Đằng Châu chắc cũng phải mất mấy ngày đường… Tôi e chậm mất…
– Chúng ta phải đi bằng ngựa mới kịp thưa phu nhân…
– Làm sao tìm được ngựa trong lúc đêm hôm tăm tối như thế này…
Kẻ cầm sổ giang hồ cười cười:
– Có sẵn ngựa đây thưa phu nhân…
– Bộ tôn ông mua ngựa rồi à…
Hồ phu nhân nhìn quanh quất. Kẻ cầm sổ giang hồ cười cười:
– Ngựa hai chân phu nhân chịu cỡi không…
Bật cười thánh thót Hồ phu nhân nói đùa:
– Ngựa hai chân này hiếm quí không phải dễ tìm đâu. Tôn ông…
Hơi khom người kẻ cầm sổ giang hồ cười nói:
– Ngựa đã sẵn sàng mời phu nhân…
Vòng tay ôm lấy cổ kẻ cầm sổ giang hồ vị phu nhân họ Hồ nói trong tiếng thở dài:
– Tôi có chân mà đi đâu cũng phải nhờ tôn ông cõng. Thật là tôi làm khổ tôn ông…
Kẻ cầm sổ giang hồ nói trong lúc cất bước:
– Nếu phu nhân không chê tôi tình nguyện cõng phu nhân cho tới lúc chúng ta vĩnh viễn chia tay…
Hồ phu nhân cảm thấy mắt mình cay cay khi nghe người bạn đông hành nói tới bốn tiếng vĩnh viễn chia tay. Khẽ thở dài nàng ôm chặt lấy cổ con ngựa hai chân của mình.
– Phu nhân giữ cho chặt để tôi triển thuật phi hành chạy cho nhanh. Hai ngày nữa mình sẽ tới Đằng Châu…
Hồ phu nhân không nói lời nào. Nàng chỉ biết ôm chặt thêm cổ con ngựa hai chân của mình. Biết tình thế cấp bách cho nên kẻ cầm sổ giang hồ im lìm thi triển thuật phi hành chạy nhanh.
Tờ mờ sáng. Hồ phu nhân mở mắt. Hơi cựa mình nàng khẽ hỏi:
– Ta đang ở đâu thưa tôn ông?
Hơi chậm bước kẻ cầm sổ giang hồ trả lời:
– Tôi không biết rõ chúng ta đang ở đâu song đoán mình đang ở trong huyện Chương Đức. Phu nhân ngủ ngon không?
Dụi đầu vào lưng kẻ cầm sổ giang hồ, vị phu nhân họ Hồ cười thánh thót:
– Không biết tại sao tôi có thể ngủ trong khi nằm trên lưng của tôn ông…
– Chắc phu nhân mệt mỏi nhiều lắm nên mới thiếp đi một giấc…
Hồ phu nhân lại bật thành tiếng cười trong trẻo:
– Tôn ông vất vả chạy suốt đêm trong lúc tôi lại ngủ khò. Tôi đúng là hư hỏng…
Kẻ cầm sổ giang hồ dừng bước. Khẽ đặt Hồ phu nhân xuống đất y nhìn quanh quất như quan sát địa hình địa vật. Phong cảnh vắng lặng. Nhà nhà thấp thoáng sau chòm cây xanh. Hồ phu nhân thì thầm:
– Tôi cảm thấy dường như có chuyện gì khác lạ. Im lặng quá, cái im lặng không được bình thường… Tôn ông có thấy như thế không?
Gật gù kẻ cầm sổ giang hồ trả lời câu hỏi của Hồ phu nhân:
– Cảnh vật thê lương và hoang vắng như không có sinh khí. Dường như người ta đang sửa soạn đánh nhau…
Vấn lại mái tóc đen dài óng ả Hồ phu nhân chầm chậm bước trên con đường đất đỏ hoạch.
– Có lẽ dân cư vùng Chương Đức biết sẽ có đánh nhau nên tản cư trước. Do đó khung cảnh mới vắng lặng như vầy…
Nàng chợt bỏ dở dang câu nói khi nghe có tiếng động rồi một toán quân bất thình lình xuất hiện bao vây lấy hai người. Không biết toán quân lính ẩn nấp ở đâu mà xuất hiện một cách đột ngột khiến cho hai nhân vật giàu kinh nghiệm giang hồ lại không khám phá ra được.
Nhìn vòng quân với gươm đao cung nỏ tua tủa quanh mình kẻ cầm sổ giang hồ nhẹ giọng:
– Chư vị là quân lính của ai?
Một thanh niên trạc ngoài ba mươi tuổi bước ra đứng đối diện với Hồ phu nhân và kẻ cầm sổ giang hồ. Không trả lời câu hỏi của hai người lạ y rắn giọng hỏi:
– Nhị vị là ai, tới đây để làm gì?
Nhìn thấy hai người lạ vận vũ phục y hơi nhẹ giọng hỏi tiếp:
– Là nhân vật giang hồ vậy tính danh của nhị vị là gì?
Dù biết kẻ lạ không phải là quân Hoa Lư song Hồ phu nhân cẩn thận chưa chịu thông báo lai lịch của mình. Quan sát thanh niên giây lát ngàng cười hỏi:
– Tôn ông là ai?
– Tôi tên là Lê Vũ, bộ tướng của Phạm sứ quân…
Hồ phu nhân và kẻ cầm sổ giang hồ cười với nhau. Họ không ngờ mình lại gặp được quân Đằng Châu ở Chương Đức. Như vậy họ khỏi phải đi bộ tới Đằng Châu tìm Phạm Bách Hổ.
– Tại hạ là kẻ cầm sổ giang hồ…
Thái độ hơi có chút biến đổi thanh niên lùi ra sau ba bước thì thầm với một thuộc hạ rồi người này biến mất. Thanh niên lại bước ra đứng đối diện với hai người khách lạ. Hơi nghiêng mình thi lễ cùng kẻ cầm sổ giang hồ y cười nói:
– Tuy không phải là nhân vật giang hồ nhưng tôi cũng được nghe đồn đại về tính danh của đại hiệp…
Đưa tay chỉ vòng quân đang bao vây lấy hai người khách lạ, Lê Vũ tươi cười tiếp:
– Ngày ngày sau giờ luyện tập võ nghệ anh em chúng tôi thường kháo nhau về chuyện giang hồ. Tính danh của đại hiệp là đầu đề sôi nổi và hào hứng nhất hiện nay…
Kẻ cầm sổ giang hồ ôm quyền thi lễ xong cười nói:
– Đa tạ thạnh tình của chư vị dành cho tại hạ…
Hồ phu nhân nhận xét thấy dù lời nói có thân thiện Lê Vũ vẫn không ra lệnh giải binh. Không có lệnh của y toán quân vẫn bao vây họ một cách chặt chẽ. Hàng cung tiễn, gươm đao vẫn chỉa vào họ.
– Dám hỏi Lê tướng quân theo hầu Phạm sứ quân được bao lâu rồi?
Hồ phu nhân xen lời dường như muốn đổi hướng câu chuyện. Lê Vũ quay nhìn Hồ phu nhân. Dù không nói ra y thừa biết người đàn bà này phải có lai lịch lớn. Không những nhan sắc diễm lệ, bà ta còn có phong cách cao sang và lịch sự của con nhà trâm anh thế phiệt.
– Thưa phu nhân gia đình tôi theo hầu Phạm sứ quân lâu lắm rồi. Trước khi qui tiên gia phụ thường hay kể lại chuyện cùng với Phạm sứ quân theo tiên đế bình loạn mười hai sứ…
Hồ phu nhân cười nhẹ:
– Gia phụ của Lê tướng quân nói đúng đấy. Nếu chư vị không chê tôi xin kể lại một cố sự liên quan tới Phạm sứ quân…
Lê Vũ hắng giọng:
– Mời phu nhân…
Giọng nói thánh thót của vị phu nhân họ Hồ vang lên trong khung cảnh tịch mịch:
– Chuyện xảy ra cách đây độ bốn năm chục năm. Đất Đại Việt của chúng ta bấy giờ còn gọi là Giao Châu bị đặt dưới quyền cai trị của nhà Hán bên Tàu. Không chịu đựng được sự cai trị tàn ác của kẻ xâm lăng Dương Diên Nghệ lúc đó vốn là bộ tướng của Khúc Hạo mới chiêu mộ hào kiệt nổi lên đánh đuổi quân Nam Hán lấy lại tự do và độc lập cho xứ sở. Dương Diên Nghệ mộ quân tuyển tướng thao luyện binh thư đồ trận vì biết chỉ có đánh nhau mới khiến cho nhà Hán bỏ mộng xâm lăng đất Giao Châu. Trong đám hào kiệt theo về với Dương tướng quân có một người được ông ta mến mộ nhất. Nhân vật đó chính là Ngô Quyền ở Đường Lâm. Không những tinh thông võ nghệ Ngô Quyền còn có tài điều binh khiển tướng nên Dương Diên Nghệ mới gả con gái của mình cho Ngô Quyền đồng thời giao trấn nhậm đất Hóa Châu để ngăn giữ giặc Lâm Ấp. Chấp chưỡng binh quyền ở Hóa Châu Ngô Quyền ra sức chiêu mộ anh hùng hào kiệt cũng như quân lính và lương thực. Khi nghe tin cha vợ bị nha tướng là Kiểu Công Tiện giết chết, Ngô Quyền sai tướng Đỗ Cảnh Thạc tức tốc dẫn quân ra thành Long Biên trừ diệt Kiểu Công Tiện. Sợ chết Kiểu Công Tiện trở thành kẻ phản quốc bằng cách cho người sang cầu viện với quân Nam Hán. Không bỏ lỡ dịp may vua nhà Nam Hán mới phái người con trưởng là thái tử Hoằng Thao đem quân sang lấy Giao Châu. Được tin dữ Ngô Quyền tức tốc hưng binh ra bắc. Khi ông ta chưa tới nơi thời Đỗ Cảnh Thạc đã hạ thành Long Biên và bắt sống Kiễu Công Tiện. Tới Long Biên Ngô Quyền ra lịnh hành hình Kiễu Công Tiện để báo thù cho cha vợ rồi sau đó đánh tan quân Nam Hán trong trận thủy chiến Bạch Đằng Giang. Ngô Quyền lên làm vua được thời gian rồi mất vì bệnh. Trước khi băng Ngô Quyền truyền ngôi lại cho con trưởng là Ngô Xương Ngập. Nhưng vì con còn nhỏ nên Ngô vương mới nhờ người em vợ của mình tên là Dương Tam Kha trông coi cho tới khi Xương Ngập khôn lớn. Sau khi Ngô Vương mất họ Dương chiếm ngôi của cháu xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập sợ bị giết mới bỏ trốn. Dương Tam Kha bèn bắt Ngô Xương Văn là con thứ của Ngô Quyền làm con nuôi. Tuy nhiên vì Dương Tam Kha tiếm quyền nên nhiều người nổi lên chống lại nhà Ngô. Năm canh tuất là năm chín trăm năm mươi lăm vì dân chúng ở thôn Thái Bình nổi loạn Dương Tam Kha bèn phái Ngô Xương Văn cùng hai tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đem quân đi dẹp loạn. Đi đến huyện Từ Liêm Ngô Xương Văn bàn luận với hai người bộ tướng trung thành của Ngô Quyền dẫn quân trở về bắt Dương Tam Kha. Lấy được ngôi vua là nhờ công cán của hai bộ tướng trung thành cho nên Ngô Xương Văn phong Đỗ Cảnh Thạc làm chức đại tướng giữ hết binh quyền. Tuy nhiên thế lực của nhà Ngô mỗi ngày một yếu nên giặc giả nổi lên khắp nơi trong nước. Khi Ngô Xương Văn chết các tay hào kiệt không thần phục nhà Ngô nữa. Mỗi người chiếm đóng một vùng xưng là sứ quân. Thấy tình thế nhiễu nhương Đỗ Cảnh Thạc cũng tự xưng là sứ quân và chiếm đóng Đỗ Động Giang, một địa thế hiểm trở và trù phú của huyện Thanh Oai còn Phạm Bách Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át chiếm giữ vùng Đằng Châu trù phú và đông đúc dân cư…
– Hồ thế huynh… Có được một con dâu xinh đẹp, học nhiều hiểu rộng như cháu đây Hồ gia trang quả là có phước lớn…
Nghe tiếng cười sang sãng nổi lên sau câu nói kẻ cầm sổ giang hồ biết người đó không ai khác hơn Phạm Bạch Hổ.
– Thưa cha…
Hồ phu nhân bật thành tiếng kêu mừng rỡ khi thấy Hồ Vũ Hoa nắm tay Hồ Phong bước ra. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Hồ phu nhân thì thầm nói chuyện với con trai.
– Lão phu hân hạnh gặp lại túc hạ…
Hồ Vũ Hoa cười nói câu trên. Kẻ cầm sổ giang hồ ôm quyền thi lễ:
– Tại hạ tìm Hồ lão trang chủ khắp nơi. May nhờ Hồ phu nhân thông minh, giỏi suy đoán nên tại hạ mới tới Đằng Châu…
Vổ vai kẻ cầm sổ giang hồ, Phạm Bách Hổ nói bằng giọng vui vẻ và thân mật:
– Chắc túc hạ còn nhớ cái hẹn với lão phu tại Phú Xuyên. Cũng nhờ gặp túc hạ mà lão phu mới có cơ hội gặp lại người bạn cũ mười mấy năm là Hồ thế huynh đây…
Kẻ cầm sổ giang hồ chầm chậm lên tiếng:
– Đa tạ thạnh tình của sứ quân tuy nhiên tại hạ chắc chúng ta không có thời giờ. Tại hạ tới báo cho sứ quân biết là quân Hoa Lư sắp sửa tấn công vào vùng Đằng Châu…
– Túc hạ đừng lo… Lão phu đã biết rồi. Hồ thế huynh là người đã dò la biết tin đó khi chúng ta gặp nhau tại Phú Xuyên. Cũng vì chuyện đó mà ta và Hồ thế huynh phải hấp tấp trở lại Đằng Châu để điều động quân sĩ tới Tản Viên…
Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa thở dài cất giọng buồn buồn:
– Quân Đằng Châu và Hoa Lư từng sát cánh bên nhau để bình loạn mười hai sứ mà bây giờ lại gà nhà bôi mặt đá nhau…
Phạm Bách Hổ vuốt râu cười gằn:
– Đó là do Lê Hoàn… Chỉ vì ôm mộng làm vua mà hắn làm nhiều điều sằng bậy. Thí vua, giết hại các vũ sĩ giang hồ không chưa đủ, hắn còn manh tâm tiêu diệt quân lính Đằng Châu, những kẻ từng hy sinh tính mạng để cho hắn được địa vị sang cả ngày hôm nay. Lão phu thực tình không muốn đánh nhau với quân Hoa Lư song ngẫm ra không còn chọn lựa nào khác hơn…
Đang ngồi thủ thỉ với con trai Hồ phu nhân chợt lên tiếng xen vào câu chuyện:
– Xin phép Phạm sứ quân cho cháu được nói vài lời…
Quay nhìn Hồ phu nhân, vị sứ quân họ Phạm cười vui vẻ nói:
– Cha chồng của cháu với ta là chỗ anh em bằng hữu mấy chục năm cho nên cháu không cần phải khách sáo gọi ta bằng hai tiếng sứ quân. Cháu có điều gì muốn trình bày cứ tự nhiên…
Nắm tay con trai bước tới đứng cạnh kẻ cầm sổ giang hồ vị phu nhân xinh đẹp cất giọng thanh tao:
– Nếu Phạm bá bá không muốn đánh nhau thời cháu xin trình bày một cách để cho quân Đằng Châu và Hoa Lư khỏi phải gà nhà bôi mặt đá nhau…
Ánh mắt sáng lên với nhiều mừng rỡ Phạm Bạch Hổ nói nhanh:
– Ta mời mọi người về trung dinh nghỉ ngơi rồi sau đó sẽ bàn luận chuyện binh cơ cũng chưa muộn…
36
NĂM CON CỌP CỦA ĐẰNG CHÂU
Không biết Hồ phu nhân đã nói những điều gì với con trai mà Hồ Phong tỏ cử chỉ thân thiện với kẻ cầm sổ giang hồ bằng cách nắm tay dặc dặc mấy lần đoạn nói nhỏ.
– Thúc thúc… Thúc thúc muốn xem cháu thi triển kiếm thuật giết ruồi không…
Hiểu được sự nôn nóng của Hồ Phong, kẻ cầm sổ giang hồ cười thốt.
– Phải lắm… Ta rất muốn được thấy công phu khổ luyện của cháu tiến bộ đến mức độ nào…
Quân lính Đằng Châu reo hò cổ võ cho cuộc biểu diễn vũ thuật. Vòng tay bái tổ lẫn nhau đúng với phong cách giang hồ xong hai đối thủ đứng im triển công phu trầm tịnh. Đấu trường lặng trang. Người người chăm chú nhìn nhất là Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa. Tuy biết cháu nội đích tôn của mình được một kiếm thủ lừng danh truyền thụ thứ kiếm thuật giết người độc địa nhất giang hồ hiện nay, song ông ta chưa từng mục kích cho nên không tường thực hư hay dở như thế nào.
Hai đối thủ chìm mất trong công phu trầm tịnh. Hồ Vũ Hoa gật gù mỉm cười khi nhận xét cháu nội triển công phu trầm tịnh. Một vũ sĩ giang hồ càng có công phu trầm tịnh cao thâm chừng nào càng dễ dàng tiến tới tình trạng khí hòa, thần định, tâm bình; một cảnh giới khó đạt nhất trong vũ thuật. Hồ Phong quả có công phu trầm tịnh khá cao siêu so với thời gian khổ luyện vũ thuật ngắn ngủi và nhất là với số tuổi bảy tám.
Không một cử động nhỏ nhặt nào báo trước bàn tay nhỏ nhắn của Hồ Phong hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Rẹt… Lồng trong âm thanh khô lạnh mũi kiếm nhọn hoắt xẹt ra tợ ánh chớp. Hồ Vũ Hoa chớp mắt khi nhận xét thuật xử kiếm điêu luyện của Hồ Phong. Bựt… Người người không hẹn buột miệng kêu thành tiếng kinh dị khi thấy mũi kiếm nhọn hoắt của Hồ Phong chĩa ngay yết hầu của kẻ cầm sổ giang hồ và mũi kiếm chỉ vừa chạm da. Hồ phu nhân bụm miệng còn Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa thở hơi dài. Thần tốc và chuẫn xác là hai yếu tố quan trọng nhất trong thuật xử kiếm độc địa của kẻ cầm sổ giang hồ. Dù không nói ra vị trang chủ lừng danh của Hồ gia trang phải thán phục cho cái gan dạ và liều lĩnh của kẻ cầm sổ giang hồ. Y đứng im không né tránh mũi kiếm dường như tin tưởng vào thuật xử kiếm của Hồ Phong đồng thời tự tin mình có thể hóa giải chiêu kiếm trên.
Nhìn Hồ Phong với vẻ hài lòng kẻ cầm sổ giang hồ cất giọng từ hòa và thân ái.
– Tuyệt… Cháu đã lĩnh hội được tinh hoa trong kiếm thuật giết ruồi của ta. Chỉ cần mươi năm khổ luyện nữa thôi cháu sẽ trở thành đệ nhất kiếm thủ của giới giang hồ Đại Việt…
Quay sang Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa, y cười thốt.
– Tre tàn măng mọc… Hai mươi năm nữa tại hạ và Hồ lão trang chủ sẽ không là đối thủ của cháu Phong…
Hồ phu nhân vọt miệng xen vào.
– Tôn ông nói quá lời… Phong nhi mới có tám tuổi thời làm gì…
Hồ Vũ Hoa cười sang sãng.
– Túc hạ nói cũng nhằm lý. Trong lãnh vực vũ thuật đôi khi tài không đợi tuổi song trường hợp này hiếm hoi lắm. Thôi chúng ta về trung dinh nói chuyện tiếp…
Sau khi thay đổi y trang Hồ phu nhân và kẻ cầm sổ giang hồ được mời tới trung dinh. Phạm Bách Hổ ngồi ghế chủ vị. Hồ Vũ Hoa ngồi đầu bàn đối diện với chủ nhân. Kẻ cầm sổ giang hồ ngồi cạnh Hồ Vũ Hoa còn Hồ phu nhân ngồi cạnh y tiếp theo là Hồ Phong. Tiệc được dọn lên. Tuy không có sơn hào hải vị nhưng vì mệt và đói nên Hồ phu nhân ăn nhiều hơn thường lệ. Phần kẻ cầm sổ giang hồ chỉ ăn một chén cơm xong buông đũa. Nhấp ngụm trà nóng y hỏi Phạm Bách Hổ.
– Chắc sứ quân biết quân Hoa Lư đang đóng binh tại Minh Nghĩa và Quốc Oai?
Nhìn kẻ cầm sổ giang hồ Phạm Bách Hổ gật đầu xong trầm giọng xuống thật thấp.
– Chiều hôm qua quân do thám cấp báo cho ta biết một tin không lành là quân Tống dưới sự chỉ huy của tướng Hầu Nhân Bảo đã vượt biên giới mở đầu cho cuộc xâm lăng Đại Việt…
Kẻ cầm sổ giang hồ hơi đổi nét mặt xong lấy lại vẻ bình thường thật nhanh trong lúc Hồ phu nhân buột miệng kêu tiếng nhỏ. Nàng quay sang nhìn cha chồng thời thấy ông ta chầm chậm gật đầu như xác nhận lời nói của Phạm Bạch Hổ.
– Quân do thám của ta còn dọ biết được đạo quân tiền phong của nhà Tống dưới quyền chỉ huy của tướng Tôn Toàn Hưng đã đánh chiếm ải Pha Lũy và thẳng đường tràn xuống Lộc Châu. Giờ này ta đoán các thành lũy địa đầu của Đại Việt ta đã bị quân Tống bao vây rồi…
Không khí im lìm dường như mọi người còn đang bàng hoàng về tin tức mà Phạm Bạch Hổ vừa tiết lộ. Thật lâu Hồ phu nhân mới nhỏ nhẹ lên tiếng.
– Lê Hoàn chắc hẵn đã biết tin này thưa bá phụ?
Nâng chén trà lên nhấp ngụm nhỏ Phạm Bạch Hổ cười đáp không do dự.
– Dĩ nhiên… Nếu ta biết thời Lê Hoàn cũng phải biết và có thể còn biết nhiều hơn ta nữa. Đoàn do thám Hoa Lư đã điều động hơn phân nửa lực lượng lên vùng biên thùy Hoa Việt từ lâu lắm rồi…
Kẻ cầm sổ giang hồ chợt mở lời và câu nói của y khiến cho mọi người phải suy nghĩ.
– Xuyên qua tin tức của Phạm sứ quân vừa cho biết tại hạ nghĩ quân Hoa Lư đóng ở Phú Xuyên chưa chắc nhằm ý định đánh vào Đằng Châu…
Phạm Phòng Át cười cười chưa kịp lên tiếng Hồ phu nhân nói liền.
– Tôi không đồng ý với tôn ông về điểm này. Nếu muốn ngăn đánh ngoại xâm quân Hoa Lư phải đóng ở miệt bắc hoặc vùng đông bắc chứ đâu có đóng trại ở Phú Xuyên…
Kẻ cầm sổ giang hồ nói thêm.
– Biết đâu là kế nghi binh của Lê Hoàn…
Gật gù Phạm Bạch Hổ cất giọng.
– Theo chỗ ta được biết thời Lê Hoàn cũng thạo binh cơ và có tài điều binh khiển tướng tuy nhiên nếu là kế nghi binh thời đây đúng là chước mưu của kẻ nào chứ không phải của Lê Hoàn…
– Phạm Cự Lượng…
Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa buông gọn ba tiếng trên. Phạm Bạch Hổ cười ha hả.
– Hồ thế huynh nói đúng ý ta lắm. Ta biết rành về Phạm Cự Lượng. Y vốn con nhà tướng mà ông nội là tướng của Ngô Vương còn cha của y làm tới chức Tham chính đô đốc và anh của y là Phạm Hạp làm vệ úy dưới triều của Bộ Lĩnh. Lúc mới gia nhập tuổi của y chỉ độ hai mươi ba song lại được quân sư đặc biệt chú ý vì không những giỏi võ y lại gan dạ, liều lĩnh thêm mưu kế và quyền biến. Nhờ vậy y được quân sư cho chỉ huy đạo binh cảm tử…
Ngừng lại nhấp ngụm trà xong Phạm Bạch Hổ từ từ hắng giọng.
– Có thể đây là kế nghi binh hoặc dương đông kích tây của Phạm Cự Lượng…
Ngừng nói Phạm Bạch Hổ vẩy tay. Hiểu ý tên quân hầu cận lấy ra tấm bản đồ đặt lên bàn ngay trước mặt chủ tướng.
– Theo tin báo mới nhất của nhân viên do thám thời quân Hoa Lư đang đóng tại hai địa điểm. Đạo quân thiết kỵ đóng cách Minh Nghĩa chừng năm dặm về hướng đông bắc, trong lúc đạo quân bộ ước chừng ba ngàn đồn trú cách Chương Đức mười dặm. Theo cháu Phạm Cự Lượng sẽ làm gì khi đóng binh như vậy?
Hồ phu nhân cười nói với Phạm Bạch Hổ.
– Cháu nghĩ Phạm Cự Lượng đồn binh như vậy tất phải có lý do. Có thể hắn sợ cái thế liên minh giữa giới giang hồ Đại Việt và Đằng Châu. Do đó đóng quân tại Chương Đức hắn cốt ý ngăn ngừa bá bá hợp lực với quần hùng tại Tản Viên. Thứ nhì nếu hắn đánh Tản Viên thời quân Đằng Châu cũng không thể nào tiếp cứu được vì phải vượt qua quân Hoa Lư đóng tại Chương Đức…
Phạm Bạch Hổ cười sang sãng. Nhìn Hồ Vũ Hoa ông ta nói lớn.
– Hồ thế huynh… Tuy là phận quần thoa song cháu gái đây quả có chút thao lược. Nếu không có chi bất tiện ta xin mời cháu gái tạm ngụ nơi trung dinh vài ngày để già trẻ có dịp bàn luận chuyện binh gia…
Hướng về Hồ phu nhân đang cười với kẻ cầm sổ giang hồ, ông ta tiếp.
– Khi nãy cháu nói có cách làm cho quân của ta và quân Hoa Lư không đánh nhau…
Nở nụ cười tươi tắn Hồ phu nhân nói không do dự.
– Theo cháu nghĩ Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng cũng biết mình đang ở trong cái thế tam diện thọ địch. Mặt bắc thời chúng đang phải đối phó với quân Tống, còn trong nước lại lo âu về sự chống đối của giới giang hồ và sự phản kháng của bá phụ. Do đó chúng dàn quân ra như vậy trước nhất nhằm phô trương thanh thế và sau nữa bẻ gãy cái thế liên minh của bá phụ và giới giang hồ Đại Việt. Ba ngàn vũ sĩ tại Tản Viên mà liên kết và nhất là được sự chỉ huy của bá phụ sẽ trở nên một lực lượng đáng e dè cho Lê Hoàn trong lúc hắn phải chống ngoại xâm…
– Nói theo ý cháu là nếu ta cứ án binh trong vùng Đằng Châu thời sớm muộn gì cũng sẽ bị quân Hoa Lư tấn công?
Hồ phu nhân cười nhẹ buông giọng lững lơ.
– Có thể có mà cũng có thể không. Bá phụ chắc không muốn đem tánh mạng của một vạn sĩ tốt để đánh cuộc. Nếu bá phụ kéo quân tới Tản Viên hợp cùng giới giang hồ thời dù có bị quân Hoa Lư tấn công chắc cũng không thiệt hại bằng án binh ở Đằng Châu…
Phạm Bạch Hổ trầm ngâm. Vầng trán rộng đầy nét nhăn của vị sứ quân già nua nhiều kinh nghiệm chiến trường cau lại trong phút suy nghĩ trước khi quyết định một hành động liên quan tới tánh mạng của mấy ngàn sỉ tốt. Đột nhiên ông ta vẩy tay. Tên quân hầu bước tới.
-Trình chủ tướng có điều chi sai khiến…
Giọng nói của vị sứ quân vang lên.
– Gọi Ngũ Anh tới cho ta dạy việc…
Tên quân hầu lãnh lệnh lẹ bước ra sân. Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa cười nói với con dâu của mình và kẻ cầm sổ giang hồ.
– Ngũ Anh là danh hiệu mà sĩ tốt Đằng Châu đặt cho năm người con trai của Phạm bá phụ. Người con trưởng là Bách Chước chỉ huy trung quân, thứ nhì là Bách Tất nắm hậu quân, thứ ba tên Bách Dị điều khiển đạo quân tiền phong còn Bách Chân là người thứ tư trông coi đạo quân tả dực và Bách Nhâm là người con út chỉ huy đạo hữu dực. Năm anh em không những tinh thông võ nghệ mà binh pháp thảy đều thông thạo. Ngày xưa lúc tiên đế còn đang bình loạn mười hai sứ, cũng nhờ năm người con này mà Phạm bá phụ mới vẫy vùng dọc ngang một cõi không sợ ai. Quân Hoa Lư thường gọi Ngũ Anh là năm con hổ dữ của Đằng Châu…
Kẻ cầm sổ giang hồ ngước nhìn năm người vừa bước vào phòng. Người lớn tuổi nhất hơn năm mươi còn người trẻ nhất gần bốn mươi. Tuy niên kỷ và vóc dáng bất đồng song họ đều có một điểm giống nhau là phong cách của con nhà tướng. Thân hình nở nang rắn chắc bó gọn trong bộ võ phục, ánh mắt sáng rực, thần thái uy nghi lẫm liệt đủ tỏ lộ cho mọi người biết họ đáng mặt đại tướng cầm binh khiển tướng.
– Trình phụ thân…
Phạm Bách Chước lên tiếng. Phạm Bạch Hổ cười nói với năm người con.
– Không biết thời thôi chứ nếu biết nhau thời cũng như người nhà…
Chỉ vào kẻ cầm sổ giang hồ ông ta tiếp lời.
– Vị thế huynh trẻ tuổi này là bạn vong niên mới quen biết của ta. Các con thường kháo nhau về chuyện giang hồ cũng như các vũ sĩ tăm tiếng. Vị thế huynh này là một nhân vật lừng danh nhất về tài múa kiếm. Còn cháu gái đây là con dâu của Hồ thúc thúc…
Không nhịn được Phạm Bách Nhâm buột miệng kêu lớn.
– Kẻ cầm sổ giang hồ… Huynh là kiếm thủ nổi danh về kiếm thuật giết người độc địa nhất giang hồ hiện nay…
Kẻ cầm sổ giang hồ cười nhẹ thốt.
– Phạm đại huynh thông thạo chuyện giang hồ lắm…
Phạm Bạch Hổ lên tiếng.
– Ta gọi các con tới vì một chuyện, một quyết định quan trọng và khẩn cấp liên quan tới tánh mạng của mấy ngàn sĩ tốt…
Nhìn năm người con trai giây lát vị sứ quân họ Phạm trầm giọng tiếp.
– Qua lời bàn luận với cháu gái đây ta có ý định né tránh chuyện giao tranh với quân Hoa Lư. Các con nghĩ thế nào?
Phạm Bạch Hổ đưa mắt nhìn năm người con. Im lìm giây lát Phạm Bách Chước lên tiếng đáp.
– Trình phụ thân… Năm anh em chúng con cũng đã bàn tính về chuyện này từ lâu nay nhân lúc phụ thân nói ra con xin được có ý kiến. Nếu ta và quân Hoa Lư đánh nhau thời hai bên đều bị thiệt hại ít hoặc nhiều. Một câu hỏi được đặt ra là ta phải hành động như thế nào nếu quân Tống tràn vào xứ sở?
Mọi người làm thinh trước câu hỏi của Phạm Bách Chước. Thật lâu Hồ Vũ Hoa mới hắng giọng:
– Dĩ nhiên là ta phải chống lại quân Tống…
– Chống lại quân Tống bằng cách nào thưa Hồ thúc thúc?
Phạm Bách Tất lên tiếng hỏi. Hồ Vũ Hoa còn đang dụ dự chưa kịp trả lời Hồ phu nhân lên tiếng.
– Thưa cha cho phép con được trả lời câu hỏi của Phạm đại huynh đây…
Hớp ngụm trà Hồ Vũ Hoa cười lớn.
– Con cứ tự nhiên…
Giọng nói thánh thót của Hồ phu nhân vang trong căn lều nhỏ.
– Chống ngoại xâm là bổn phận chung của mọi người do đó chúng ta không thể nào ngồi yên khi quân Tống tràn vào đất nước. Tuy nhiên ta không thể mang mười ngàn quân Đằng Châu ra ngăn chận mấy vạn quân của Tống triều được. Do đó chúng ta không còn cách nào hơn là liên kết với quân Hoa Lư. Năm đại huynh đồng ý với tôi về chuyện này?
– Tại sao ta phải liên kết với quân Hoa Lư?
Phạm Bách Nhâm lên tiếng hỏi. Hồ phu nhân chưa kịp đáp Phạm Bách Dị hắng giọng.
-Tình thế buộc ta phải liên kết với Hoa Lư. Muốn đánh nhau người ta phải có cái thế và cái lực. Lực của ta sánh ra không bằng một góc của quân xâm lăng, còn thế ta cũng không có. Lê Hoàn dù sao cũng có cái bình phong là triều đình ở Hoa Lư, có vua có chúa hẵn hoi. Nói tóm lại khi nắm được triều đình Lê Hoàn nắm được hậu thuẫn của dân gian. Hồ hiền muội đã nhìn ra cái lý đó quả nhiên có cái nhìn sâu sắc lắm…
– Đa tạ Đỗ tứ huynh…
Hồ phu nhân cười nói câu trên xong tiếp nhanh.
– Muốn giữ được cái thế độc lập và được sự nể trọng của Lê Hoàn ta phải liên kết với y bằng một lực lượng mạnh mẽ không kém chi y hoặc giả nếu có kém cũng chỉ chút ít mà thôi. Một vạn quân Đằng Châu tuy đông song chưa đủ để cho Lê Hoàn phải trọng vọng chúng ta. Bởi vậy tôi mới đề nghị cùng Phạm bá phụ không trực tiếp giao tranh với quân Hoa Lư mà kéo quân tới Tản Viên hợp cùng mấy ngàn vũ sĩ giang hồ tạo thành một lực lượng hùng hậu hơn hầu sau này nếu liên kết ta cũng không bị Lê Hoàn chèn ép…
– Đúng… Hồ hiền muội nói có lý lắm… Ta đồng ý chuyện này…
Phạm Bách Chước lên tiếng. Y là anh cả mà quyền huynh thế phụ vả lại ai cũng biết sau khi cha già tạ thế y sẽ là người chấp chưởng binh quyền cho nên khi y lên tiếng thời đó cũng là một quyết định. Phạm Bạch Hổ cười cười không tỏ thái độ dường như ông ta muốn để năm người con được tự quyền xếp đặt mọi chuyện.
– Chắc năm đại huynh cũng nghe nói là giới giang hồ Đại Việt có mười đại trang; mỗi gia trang có dân đinh hơn ngàn người; như vậy tổng cộng nhân số của mười hai gia trang độ hơn một vạn người. Ngoài ra hai phái võ Cổ Loa và Tướng Quốc cũng có môn đồ đông đảo mà ước tính khoảng một vạn. Hơn thế nữa họ còn được sự ủng hộ của Tam Phương Kiếm Đoàn Chí Hạ và Hạ Long Khách với nhân số một vạn. Như vậy tổng cộng nhân số của giới giang hồ khoảng ba vạn. Tuy họ không thông thạo chiến trận song bù lại họ giỏi võ, một người có thể địch năm bảy người. Cũng vì lý do này mà từ bấy lâu nay họ là mối lo âu không nhỏ của Lê Hoàn. Đem mười ngàn quân Đằng Châu hợp cùng ba vạn người của giới giang hồ, chúng ta sẽ có trong tay một lực lượng hùng mạnh khiến cho Lê Hoàn phải nể trọng khi ta kết hợp với hắn để chống xâm lăng…
Ngừng lại đưa chén trà lên hấp ngụm nhỏ thấm giọng xong Hồ phu nhân tiếp lời.
– Nhìn thấy sự lợi hại của thế liên minh giữa Đằng Châu và giới giang hồ Đại Việt do đó Lê Hoàn mới phái Phạm Cự Lượng chia ra đóng quân không cho hai kẻ địch nguy hiểm hợp sức để chống lại hắn…
Tám người ngồi trong trung dinh từ Phạm Bạch Hổ, Hồ Vũ Hoa, kẻ cầm sổ giang hồ cùng năm anh em của Phạm Bách Chước đều công nhận lời biện giải rành mạch và hợp tình hợp lý của Hồ phu nhân. Muốn làm được hai chuyện khó khăn là chống xâm lăng và vẫn giữ được thế mạnh đối với Lê Hoàn họ không còn cách nào hay hơn là liên minh cùng giới giang hồ Đại Việt hầu tạo thành một lưc lượng đủ mạnh để không sợ bị quân Hoa Lư tiêu diệt.
Chỉ vào tấm bản đồ trải trên mặt bàn Phạm Bách Chước cười nói với Hồ phu nhân.
– Đây là Tản Viên, còn đây là Chương Đức; hai bên cách nhau hơn trăm dặm đường đồng thời bị chia cách bởi hai đạo binh thiện chiến của Lê Hoàn. Muốn tới núi Tản Viên hợp cùng các vũ sĩ giang hồ ta phải vượt qua sự chia cắt của quân Hoa Lư có nghĩa là ta phải đánh nhau…
Cười thánh thót Hồ phu nhân đứng dậy thì thầm vào tai của Phạm Bách Chước mấy lời. Bách Chước gật gù nói nhỏ cho bốn người em của y nghe. Vốn còn trẻ nên nghe xong Bách Nhâm vổ tay cười ha hả nói với Hồ phu nhân.
– Phục lắm… Hiền muội có mưu hay kế lạ…
Vái chào mọi người xong năm anh em họ Phạm cáo từ đi điều động quân sĩ.