Phiên Tòa Dưới Âm Phủ- 2

4 – Không gì quí hơn ” TỰ DO ĐỘC TÀI ” 

Chín vị bồi thẫm tay bắt mặt mừng vì tình cờ được gặp gỡ nơi âm phủ. Sau màn chào hỏi và xưng tên họ xong Đán, người được âm phủ chỉ định làm chủ tịch bồi thẫm đoàn mới lên tiếng.

– Tôi kính mời tất cả anh chị em ngồi vào chỗ có tên của mình…

Đợi mọi người an vị xong xuôi Đán hắng giọng tiếp.

– Bồi thẫm đoàn của chúng ta có 9 người tất cả. Đại diện cho miền bắc có ba người là anh Trung, anh Bằng và chị Linh. Kính mời ba vị bồi thẫm đoàn miền bắc đứng lên cho mọi người chiêm ngưỡng dung nhan…

Mọi người đồng bật cười vì câu pha trò của Đán. Bình nhận thấy Trung độ bốn mươi, ăn mặc giản dị, vóc dáng cao lớn và khỏe mạnh. Trong lúc đó Bằng vóc dáng tầm thước song ăn mặc chải chuốt. Còn Linh ăn vận hơi có vẻ quê mùa dù nét mặt xinh xắn và nụ cười rất tươi tắn.

Giọng miền trung hơi nặng của Đán vang lên như để giới thiệu tiếp.

– Anh Trung đang cự ngụ tại Hà Nội còn anh Bằng thời sống tại Hải Phòng. Riêng chị Linh đang sống ở Nga… Sau đây tôi xin nói sơ về ba vị đại biểu của miền trung. Tôi đang ở Huế với gia đình một vợ bốn con. Anh Quá thời sinh quán ở Đà Nẳng còn chị Định đang ở Nha Trang…

Hướng về ba người còn lại Đán cười nói chậm.

– Ba người còn lại đại diện cho miền nam đồng thời cũng đại diện cho đồng bào hải ngoại cư ngụ trên ba quốc gia có đông dân Việt cư ngụ nhất là Hoa Kỳ, Pháp và Gia Nã Đại. Anh Bình ở tiểu bang Ohio thuộc Mỹ, chị Huyền ở Paris còn chị Vui sống nơi Toronto…

Ngừng lại nhìn tám vị bồi thẫm giây lát, Đán rắn giọng tiếp.

– Đây là một phiên tòa đặc biệt do đó cách thức luận tội và hình phạt dành cho bị can cũng hết sức đặc biệt. Mỗi người trong chúng ta sẽ bắt thăm. Bất cứ ai trong các anh chị bắt trúng tên của bị can thời phải nghĩ ra hình phạt dành cho bị can đó. Để cho dễ hiểu tôi xin nêu một thí dụ sau đây. Nếu bắt trúng tên của Phạm Văng Vàng thời tôi phải nghĩ ra một hình phạt nào dành cho hắn. Các anh chị được quyền giữ lá thăm của mình; nhưng một điều tôi cần căn dặn các anh chị là không nên tiết lộ với bất cứ ai về tên của người mà mình bắt thăm trúng. Sau đây tôi mời các anh chị lần lượt bắt thăm…

Chín vị bồi thẫm lần lượt bắt thăm. Bốc lấy một lá thăm được gấp làm tư xong mở ra xem, Bình mỉm cười gật gù. Thấy Huyền nháy mắt với mình anh cười cười im lặng. Sau khi xem xong mọi người bỏ lá thăm vào túi của mình. Giọng nói rắn rỏi của Đán vang lên trong căn phòng rộng.

– Điều thứ nhì là sau khi Thôi Phán Quan trình bày tội ác của bị can thời chúng ta sẽ vào trong căn phòng này để góp ý với anh chị nào đã bắt thăm trúng tên của bị can về hình phạt dành cho hắn…

Bình vội đưa tay lên như muốn đặt câu hỏi. Thấy thế Đán cười lên tiếng.

– Anh Bình muốn nói gì?

– Tôi muốn biết là mình có bàn luận để xem bị can có tội trước rồi sau đó mới tìm ra hình phạt…

Đán lắc đầu nói liền.

– Chúng ta không cần bàn luận để xem các bị can có tội hay không có tội…

– Tôi có chỗ chưa thông…

Bình lại lên tiếng nữa. Đán cười gật đầu giải thích tiếp cho Bình đồng thời cũng cho bảy người kia nghe.

– Diêm Vương có nói cho tôi nghe là tội ác của các bị can đã rành rành ra đó ai ai cũng biết hết rồi nên chúng ta không cần phải làm việc đó. Việc kết tội các bị can là việc của Trời. Còn việc của chúng ta là nghĩ ra hình phạt dành cho các bị can…

Mọi người gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Đán cười đứng dậy.

– Bây giờ tôi mời anh chị em ra phòng xử vì sắp tới giờ khai mạc rồi…

Theo cửa riêng chín vị bồi thẫm đi ra phòng xử. Huyền và Bình được hướng dẫn tới ghế ngồi có ghi sẵn tên của mình. May mắn là họ được ngồi cạnh nhau nơi hàng ghế đầu. Quan sát Bình nhận thấy phòng xử rất rộng lớn. Nó được chia làm bốn khu rõ ràng và riêng biệt. Cuối phòng là khu dành cho người dự khán. Đối diện là khu dành cho Diêm Vương và nhân viên có nhiệm vụ điều hành phiên tòa. Phía bên phải từ ngoài cửa nhìn vào là khu dành cho bồi thẫm đoàn với chín cái ghế của chín vị bồi thẫm. Phía bên trái là một cái lồng kính. Bình tự hỏi tại sao người ta lại đặt cái lồng kính trong phòng xử. Khoảng trống chính giữa hàng ghế dành cho người xem và vành móng ngựa là hai cái bàn dài. Một dành cho bị can và một dành cho biện lý cuộc. Tổ chức về phiên tòa của âm phủ cũng na ná như ở dương thế. Diêm Vương cũng giống như chánh án, đại diện cho công lý ngồi nghe và điều hành phiên xử. Công tố viện có một đại diện là Thôi Phán Quan. Ngoài ra âm phủ cũng cung cấp luật sư để bào chữa cho bị can nếu họ muốn.

Chỉ còn mười lăm phút nữa tới 10 giờ. Đó là giờ phiên xử bắt đầu nên người xem đã ngồi chật hết ba dãy ghế dành cho họ. Chín bị can theo cửa hông đi vào. Thiên hạ xì xầm nhỏ to khi thấy người đi đầu là Hình Chí Mô. Lão ta mặc áo sơ mi dài tay, quần tergal, mang giày da và khoác thêm cái áo vest cũ kỹ. Tóc bạc phơ, râu ba chòm xuông đuột, thoạt trông giống như một ông tiên đầy vẻ đạo mạo và nhân từ. Có tiếng vỗ tay hoan hô ầm ỉ từ trong số người tham dự. Tuy nhiên cũng nhiều người la lớn ” Đả đảo Hình Chí Mô ”. Như vậy lão cũng có người ghét người thương.

Tám bị can được đưa tới bàn ngồi chung với luật sư biện hộ. Có hai nhân viên giữ an ninh và trật tự đứng gần để bảo vệ bị can vì sợ họ bị khán giả hành hung. Vị lục sự hô tiếng lớn báo hiệu Diêm Vương xuất hiện. Huyền nhìn đăm đăm kẻ cầm đầu âm phủ, ông kẹ của người trên dương thế cũng như là nhân vật của huyền thoại mà người ta chỉ biết qua sách vở thời xa xưa. Tóc bạc phơ. Râu ba chòm trắng phau và xuông đuột, y phục đen, hia mão cũng đen, Diêm Vương là một người cao lớn, hai mắt ngời hào quang và cái nhìn nghiêm lạnh khiến cho nàng cảm thấy khó mà có cảm tình với ông ta.

10 giờ. Chiếc đồng hồ lớn gắn trên vách đá ré lên hồi còi báo hiệu phiên xử bắt đầu. Một người đàn ông đứng lên. Huyền khều Bình.

– Thôi Phán Quan đó…

Bình gật đầu chăm chú vào người mặc áo choàng đen bước tới khoảnh trống ngay trước mặt chỗ Diêm Vương ngồi. Đảo ánh mắt ngời hào quang một vòng từ chỗ 9 vị bồi thẫm ngồi sang tới ba dãy ghế đầu dành riêng cho nhân chứng và sau cùng dừng lại nơi bàn của tám bị can, Thôi Phán Quan cất giọng. Bình chưa bao giờ nghe có ai nói bằng giọng rổn rảng, nghiêm lạnh, đanh thép và rõ ràng như ông ta.

– Thưa Diêm Vương.

Thưa chín vị bồi thẫm.

Thưa toàn thể mọi người đang ở âm phủ.

Thưa toàn thể mọi người trên dương thế

Hôm nay, Thôi Phán Quan tôi, trước thừa lệnh Trời, sau vâng mệnh của Diêm Vương, đứng ra đòi hỏi công lý cho triệu triệu người đã chết bởi tám bị can hiện diện trong phiên tòa này. Có công thời thưởng, có tội thời phạt. Đó là luật của trời. Tám bị can, lúc còn sống ở dương thế, dân gian vì khờ khạo, thật thà, chất phác nên đã bị chúng lừa gạt đến nổi phải vong thân táng mạng. Dương thế vì kỹ cương lỏng lẻo, pháp luật mù mờ, nên được thể chúng tự tung tự tác, gian dối, điêu ngoa và ác độc đủ điều. Chúng, hô hào vì dân vì nước, kéo bè kết đảng, lập ra hội kín, chu du khắp nơi để truyền bá cái đạo vô thần, không coi trời đất, thánh thần ra gì. Chưa hết, chúng còn cổ võ, khuyến khích dân chúng theo cái đạo tam vô để phá hoại cho tới tận cùng giềng mối của thiên hạ. Không xem gia đình là trọng, bỏ bê tổ quốc, khinh lờn tôn giáo, tên kia…

Chỉ ngay vào mặt Hình Chí Mô rồi chuyển từ từ ngón tay trỏ của mình sang bảy bị can ngồi cạnh, Thôi Phán Quan cao giọng.

– Hình Chí Mô và bè lũ cũng như cái hội kín của hắn đã gây tang tóc suốt ba miền nam trung bắc của nước Việt Nam hơn năm mươi năm. Người chết dưới tay hắn lên tới con số triệu. Hai tay hắn dính đầy máu tươi của đồng bào. Người bị hắn giết chật đất âm phủ. Tiếng kêu than vọng thấu thiên đình. Hắn lấy vợ người. Hắn chôm chỉa công lao cứu nước của người khác. Hắn bán đứng anh em cách mạng với hắn. Hắn thủ tiêu đồng chí. Hắn giết tình nhân. Hắn không nhìn nhận con cái. Hắn thủ tiêu bất cứ ai biết về thân thế giả mạo, lý lịch mơ hồ của hắn. Hắn ăn gian nói dối. Hắn lừa đảo điêu ngoa. Tội ác của hắn và bảy bị can đang ngồi đây nói bao giờ cho hết. Thế mà có ai phàn nàn, chỉ trích thời hắn cười bảo ” cứu cánh biện minh cho phương tiện ”. Cứu cánh của hắn là gì? Là tròng vào cổ mấy chục triệu dân Việt cái ách nô lệ của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Cứu cánh của hắn là gì? Là đem dân tộc để chết cho mộng bá chủ thế giới của chủ thuyết Mác- Lê. Tội ác của hắn và bè lũ tay sai dù có viết trăm ngàn trang giấy cũng chưa đủ. Thôi Phán Quan tôi, xin mượn lời người xưa để kể về tội ác của Hình Chí Mô. Cụ Nguyễn Trải viết Bình Ngô Đại Cáo trong đó có hai câu: ” Độc ác thay trúc rừng không ghi hết tội… Dơ bẩn thay nước bể không rửa sạch mùi ”. Hai câu đó đủ nói lên tội ác của Hình Chí Mô và bảy bị can hiện diện trong phiên tòa này. Cho nên Thôi Phán Quan tôi, dựa vào câu nói của cụ Nguyễn Trải, mạo muội đứng ra đây, làm cái việc vạch trần tội ác của Hình Chí Mô để cho mọi người thấy rõ hắn là kẻ đại gian ác, không có yêu nước thương dân gì hết, mà chỉ vì tuân lệnh của đồng chí Mác, đồng chí Lê, đồng chí Xít để thi hành tham vọng bá chủ thế giới. Vì tham vọng lãnh tụ, họ Hình và cái hội kín mang tên đảng cộng sản đã thủ tiêu hàng chục ngàn đảng viên các đảng phái quốc gia đối lập. Cũng vì mê man quyền lực, hắn giết trăm ngàn người dân vô tội trong vụ cải cách ruộng đất ở miền bắc nước Việt vào các năm 1950. Hắn ra mật hiệu cho bộ đội thảm sát mấy ngàn dân vô tội hồi Tết Mậu Thân tại Huế. Hắn nướng trui mấy trăm ngàn bộ đội qua hai vụ tổng công kích cũng như trong mùa hè đỏ lửa. Cũng vì tham vọng điên cuồng hắn và bảy bị can này đã ném hàng triệu thanh thiếu niên nam nữ của cả hai miền nam bắc vào cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam…

Ngừng lại giây lát xong hướng về 9 vị bồi thẫm, Thôi Phán Quan rắn giọng.

– Kính thưa quí vị bồi thẫm. Quí vị là người Việt Nam, đại diện cho đồng bào của quí vị, được mời xuống âm phủ làm bồi thẫm cho phiên tòa lịch sử này. Quí vị sẽ lắng nghe, nhìn ngắm, nhận xét và thảo luận với nhau và sau đó tìm ra một biện pháp đặc biệt để bảo đảm là, Hình Chí Mô và bảy bị can này, dù có bị giam cầm ở âm phủ hay trở lại dương thế sẽ không bao giờ được khua môi múa mỏ, dùng lời gian dối để lừa gạt người, tuyên truyền láo khoét và sai khiến kẻ dưới quyền sát hại dân lành vô tội. Âm phủ bảo đảm với hàng triệu nạn nhân của Hình Chí Mô và người trên dương thế là hắn sẽ không bao giờ trở thành lãnh tụ nữa để tàn hại sanh linh…

Thôi Phán Quan ngừng nói. Hướng về Diêm Vương như xin lệnh, ông ta rắn giọng.

– Kính thưa Diêm Vương. Kính thưa 9 bồi thẫm. Kính thưa quý vị khán thính giả. Bây giờ nhân danh Công Tố Viện của âm phủ, Thôi Phán Quan tôi xin mời bị can thứ nhất ra trước vành móng ngựa…

Thôi Phán Quan phất tay áo rộng. Đèn đang sáng trưng bỗng từ từ mờ dần dần rồi căn phòng xử biến thành vùng tôi tối khiến cho Bình có cảm tưởng là mọi người đều trở thành những bóng hình u linh phảng phất. Anh cảm thấy điều này rõ ràng hơn khi bên tai nghe tiếng rì rầm mơ hồ. Chỉ có một điều khiến cho anh an tâm là bàn tay ấm mềm của Huyền đang nắm chặt tay của mình cùng với tiếng nói dịu dàng của nàng thoảng bên tai.

– Sao họ tắt đèn vậy anh Bình… Tối hù ghê quá…

Giọng nói rền rền vách đá của vị lục sự vang lên.

– Bị can thứ nhất là Tố Bồi Bút. Mời Tố Bồi Bút lên ngồi vào ghế bị can…

Đèn chiếu theo bước chân di chuyển cho Bình thấy một người vóc dáng cao lớn và mập mạp đang chầm chậm bước tới chiếc ghế dành cho bị can. Sau khi Tố Bồi Bút ngồi xuống vị lục sự đọc lớn tiểu sử của bị can cho chín vị bồi thẫm và toàn thể người tham dự nghe.

– Bị can họ Tố tên Bút và chữ lót là Bồi nên được người ta gọi là Tố Bồi Bút. Tố sanh năm 1920 tại Huế. Lúc nhỏ theo học trường Quốc Học Huế, sau gia nhập hội kín do Hình Chí Mô làm lãnh tụ. Thuở còn thanh niên Tố Bồi Bút có tài làm thơ rồi lớn lên được các đồng chí phong làm thi sĩ. Thơ của hắn được gọi là thơ cách mạng, chứa đựng toàn sắt máu và ca tụng công ơn của các lãnh tụ cộng sản như Hình Chí Mô, La Ninh, Xít Ta Linh… Cũng nhờ cái bí thuật ” đỡ bi bác ” nên bị can được cho giữ các chức vụ quan trọng như Phó Tổng Thư Ký Hội Văng Nghệ Việt Nam Dân Chửi, Phó Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Nghệ Thuật Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ, Ủy Viên Dự Khuyết Bộ Chính Chị, Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương, Trưởng Ban Nói Láo Trung Ương, Phó Ban Ruộng Lúa Trung Ương, Phó Chủ Tịt Hội Đồng Bộ Trưởng. Năm 1996, bị can được nhà nước tặng Giải thưởng Hình Chí Mô về Văn Học Nghệ Thuật đợt 1. Bị can được đồng bọn tôn là nhà thơ nhớn của chế độ… Bị can làm nhiều thơ lắm trong đó có tập thơ nổi tiếng tên Việt Bắc…

Nghe tới đây Diêm Vương giơ tay ra hiệu cho lục sự ngưng đọc xong mới quay qua hỏi Tố Bồi Bút.

– Chà… Như vậy ngươi cũng thông chữ nghĩa và nắm nhiều chức vụ quan trọng của nước Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ hả…

Đang ngồi rung đùi lắng nghe lục sự đọc tiểu sử của mình, nghe Diêm Vương hỏi Tố Bồi Bút vui vẻ trả lời.

– Dạ cũng nhờ đảng khai tâm và bác cưng nựng nên Tố tui mới được cất nhét vào các chức vụ của nước Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ… Chỉ có điều tui xin đính chánh là ông lục sự không rành chữ nghĩa đọc sai cái tên của tập thơ nổi tiếng của tui. Ổng đọc là Việt Bắc nhưng chính ra là Việt Bắt mới đúng…

Bị Tố Bồi Bút chê mình đọc sai lục sự cự nự.

– Ta đâu có đọc sai. Tiểu sử của ngươi là do nhà nước của ngươi cung cấp mà…

Thấy lục sự có vẻ giận, Tố Bồi Bút cười cười chữa.

– Dạ bẩm… Cái này không phải tại ngài sai mà tại vì mấy thằng đồng chí em út của tui trong Bộ Ăn Quá của nước Việt Nam Dân Chửi thời tui làm xếp nó dốt tiếng mẹ đẻ. Tui viết là Việt Bắt mà tụi nó lại in ra thành Việt Bắc. Hai chữ Việt Bắt của tui nó có cái ý nghĩa ” cách mạng ” lắm. Việt là tụi Việt Quốc, còn bắt là bắt giữ. Bởi vậy Việt Bắt là bắt giữ tụi Việt Quốc để cho tụi nó đi tàu suốt. Như vậy mới đúng cái ý của tui…

Diêm Vương gật gù cười.

– À ra thế… Hóa ra ta với mọi người hiểu sai cái ý của ngươi…

Nhân thấy Diêm Vương vui vẻ và chắc cũng cao hứng, họ Tố rụt rè nói tiếp.

– Bẩm Diêm Vương… Ngài có muốn nghe tôi đọc bài thơ Đời Đời Nhớ Ông… Hay lắm… Bảo đảm khi nghe xong là ngài sẽ đả thông tư tưởng liền…

Vuốt chòm râu xuông đuột Diêm Vương cất giọng sang sảng.

– Đâu ngươi đọc thơ cho ta nghe đi. Ta vốn trọng kẻ có tài bởi vậy nếu ngươi làm thơ hay thì ta cũng châm chế tội lỗi của ngươi…

Được Diêm Vương cho phép Tố Bồi Bút cao giọng ngâm nga bài thơ đã biến hắn thành nhà thơ nổi tiếng về tài ” nâng hòn đỡ bi ” hạng nhất của đảng và nhà nước Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ.

– Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

Ông Stalin bên cạnh nhi đồng

Áo ông trắng giữa mây hồng

Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười

Trên đồng xanh mênh mông

Ông đứng với em nhỏ

Cổ em quàng khăn đỏ

Hướng tương lai

Hai ông cháu cùng nhìn

Sta -lin! Sta-lin!

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!

 

Khi họ Tố đọc tới đó thời Diêm Vương chợt đưa tay như ra dấu cho hắn dừng lại.

– Ngươi đọc lại ba câu cuối cho ta nghe lần nữa…

Có lẽ biết Diêm Vương đã hơn mấy ngàn tuổi, bị ”’ hearing problem ” nghe không rõ nên họ Tố cao giọng đọc lớn.

Sta-lin!!!… Sta-lin…

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin…

Vừa nghe hết tiếng cuối cùng Diêm Vương vỗ bàn cái rầm rồi hét oang oang.

– Cha chả… Ngươi đúng là thằng đại bất hiếu… Đồ vô ơn bạc nghĩa… Cha mẹ ngươi sinh ra ngươi mà không kính không thờ lại đi thờ cái thằng bất nhơn ác đức. Con cái mình đẻ ra phải cho nó nói tiếng nước của nó, phải dạy cho nó gọi cha mẹ hay ông bà chứ có đâu lại dạy cho ” tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin ”…

Thấy Tố Bồi Bút đang cười cười Diêm Vương nổi cơn tam bành lục tặc hét tiếp.

– Mày là thằng đại bất hiếu. Cha mẹ, ông bà tổ tiên không thờ kính lại đi thờ những thằng bá vơ…

Bị Diêm Vương xì nẹt Tố Bồi Bút sợ xanh mặt mày. Tuy nhiên suy nghĩ giây lát Diêm Vương cười bảo.

– Nói gì thời nói chứ ta cũng muốn nghe hết bài thơ. Đâu ngươi đọc tiếp coi…

Tuân lệnh họ Tố cao giọng ngâm nga.

Mồm con thơm sữa xinh xinh

Như con chim của hoà bình trăng trong…

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, ông đã làm sao, mất rồi!

Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!

Hỡi ôi Ông mất! Đất trời có không?

Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một thương Ông thương mười…

Nghe tới đây Diêm Vương lắc đầu thở dài ngao ngán rồi nói nhỏ. Tuy ông ta nói nhỏ mà ai ai trong phòng xử cũng đều nghe rõ mồn một.

– Loạn… Loạn mất rồi… Dương thế loạn rồi… Cái gì mà ” Thương mình thương một thương Ông thương mười…” Cha mẹ, vợ con, anh em, đồng bào nó hổng thương mà đi thương cái thằng gian ác… Đúng là thời mạt pháp rồi… Loạn rồi… Thôi ngươi cứ đọc tiếp để cho ta biết ở trên dương gian loạn như thế nào…

Liếc nhanh về phía bồi thẫm đoàn Tố Bồi Bút cao giọng ngâm nga.

– Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu

Ngày xưa khô héo quạnh hiu

Có người mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời

Có người mới có được nồi cơm no

Ngày xưa cùm kẹp dày vò

Có Người mới có tự do tháng ngày

Ngày mai dân có ruộng cày

Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai…

 

Nghe tới đây Diêm Vương nghiến răng trèo trẹo.

– Láo… Láo khoét… Đúng là thứ an gian nói dối. Mày và các đồng chí của mày toàn là thứ ăn nói ngược ngạo. Mày làm thơ nói dân Việt Nam no ấm hả. Vậy mà tụi nó xuống đây đứa nào cân đo cũng thiếu tiêu chuẩn của âm phủ. Đứa nào đứa nấy ốm như cò ma, toàn xương bọc da, mở miệng ra là đòi cơm khiến cho nhân viên của ta chạy gạo cho tụi nó ăn muốn hụt hơi luôn. Thấy lạ tao mới tra hỏi thời tụi nó khai bị thằng hình thằng hồ gì đó bỏ đói cho chết… Tội nghiệp tao hỏi tụi nó muốn gì thì ngàn đứa như một nói muốn ” cơm… cơm ”… Còn ngươi nói sau khi thằng hình, thằng hồ gì đó lên làm vua thời dân được tự do mà tại sao có nhiều người của nước tụi bây chết xuống đây còn bị còng tay cùm chân vậy…

Thấy Diêm Vương nổi trận lôi đình Tố Bồi Bút rụt rè lên tiếng.

– Bẩm Diêm Vương. Chắc mấy đứa mà ngài gặp là tụi tù cải tạo hay dân phản động nên bị bỏ đói và bị còng cho tới chết…

Nghe Tố Bồi Bút chối bai bải Diêm Vương giận quá vỗ bàn hét oang oang.

– Láo… Láo khoét… Cái ngữ chuyên ăn gian nói dối như mày thật là cứng đầu… Tội lỗi lút đầu mà còn chối…

Thôi Phán Quan chợt tằng hắng tiếng nhỏ như để nhắc nhở Diêm Vương biết là ông ta đang ở trong phiên xử. Hiểu ý Diêm Vương điểm mặt Tố Bồi Bút rồi nói một câu.

– Sau khi Thôi Phán Quan hỏi tội ngươi xong ta sẽ ” có vấn đề ” với ngươi… Thôi đọc tiếp đi…

Ơn này nhớ để hai vai

Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông

Thương Ông mẹ nguyện trong lòng

Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con

Ông dù đã khuất không còn

Chân Ông còn mãi dấu son trên đường

Trên đường quê sáng tinh sương

Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng

Ngàn tay trắng những băng tang

Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời…

 

Nghe trọn bài thơ Thôi Phán Quan cười nhìn Tố Bồi Bút. Hướng về chỗ 9 vị bồi thẫm đang ngồi ông ta cao giọng.

– Chín vị là chín người dân nước Việt chắc có nghe nói tới vụ Nhân Văn Giai Phẩm?

Đán, chủ tịch của bồi thẫm đoàn trả lời.

– Tôi biết chút chút về chuyện đó… Đó là cuộc đàn áp của đảng cộng sản Việt Nam dành cho giới trí thức và văn nghệ sĩ của miền bắc…

Bình phụ họa.

– Hồi còn đi học tôi cũng có nghe nói về vụ đàn áp này…

Gật gù mỉm cười tỏ vẻ bằng lòng, Thôi Phán Quan bước ba bước tới đứng đối diện với Tố Bồi Bút. Ánh mắt nghiêm lạnh của ông ta nhìn trừng trừng vào mặt tên bồi bút nặng ký nhất cùng với câu hỏi.

– Nhà ngươi có dính líu vào vụ Nhân Văn Giai Phẩm?

Họ Tố lắc đầu quầy quậy.

– Bẩm ông không có ạ… Tố tui hoàn toàn không có dính líu gì hết trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm… Tôi chẳng biết Nhân Văn Giai Phẩm là cái răng, cái mô…

Thôi Phán Quan cười nụ. Có lẽ ông ta thừa biết bị can sẽ chối tội. Cười cười nhìn xuống chỗ bảy bị can đang ngồi ông ta từ từ lên tiếng.

– Các người đã ác mà lại hèn. Có sức chơi mà không có sức chịu…

Dứt lời ông ta bước tới bàn của mình. Cầm một quyển sách cũ đưa lên cao, hướng về chín vị bồi thẫm ông ta cất giọng trầm lạnh.

– Thưa quí vị… Thưa chín vị bồi thầm. Quyển sách mà tôi cầm trong tay đây mang tên ” Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận ” do Nhà Xuất Bản Sự Thật của đảng cộng sản Việt Nam in ra năm 1959. Còn đây là tờ báo Học Tập, một tờ báo cũng của đảng cộng sản Việt Nam được in ra năm 1958…

Cầm quyển sách và tờ báo đó đặt trước mặt Tố Bồi Bút, Thôi Phán Quan lạnh giọng.

– Ta yêu cầu nhà ngươi lớn tiếng đọc cho mọi người nghe bài ” Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ “

Tố Bồi Bút tỏ ra bối rối khị bị bắt buộc phải đọc bài này, nhưng cuối cùng rồi hắn cũng hắng giọng đọc. Có lẽ hắn biết không đọc cũng không được.

Dưới ánh sáng xã hội chủ nghiã đã bật rõ ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa cái mới và cái cũ; mỗi người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đều đã có thể nhìn thấy, phân biệt rõ ràng những con người và những con quỷ, những hoa thơm và những cỏ độc trong văn nghệ…

Không thể nào khác, muốn là “ kỹ sư tâm hồn ” xã hội chủ nghĩa, không thể nào không tự cải tạo bản thân văn nghệ sĩ thành những tâm hồn xã hội chủ nghĩa thật sự Càng không thể để lén lút vào trong hàng ngũ văn nghệ, những con rắn độc thù địch phun nọc giết người…

Đọc đoạn văn đó xong Tố Bồi Bút ngừng lại nhìn xuống nơi bàn lão Hình Chí Mô ngồi rồi cúi đầu đọc tiếp. Giọng của hắn như gầm gừ đe dọa.

Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng?

Đã đến lúc cách mạng đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ và mỗi cán bộ văn hóa “ duyệt lại ” những tư tưởng, tình cảm của mình, những sáng tác và công tác trong ba năm qua, và dưới ánh sáng của tư tưởng xã hộ chủ nghĩa, làm một cuộc phê phán thật nghiêm trang, không khoan nhượng đối với mình, đối với bạn, đối với địch…

Thông qua cuộc đấu tranh lần này mà lột trần bộ mặt gian ác của những phần tử phản cách mạng, chống chế độ, chống nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Phải lôi chúng ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đất

Chắc hứng lên sau khi đọc một đoạn do đó Tố Bồi Bút đọc sang sảng chứ không còn rụt rè như trước. Đọc tới câu ” Phải lôi chúng ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đất…” hắn còn dùng hai tay diễn tả nữa. Giọng của hắn gầm gừ đầy giận dữ. Hắn nói hăng tới độ văng nước miếng vào mặt Diêm Vương và vị lục sự ngồi bên cạnh. Hai người này nhìn nhau lắc đầu rồi lấy tay áo lau nước miếng.

– Chúng là những tên phản trắc, có kẻ họ Phan, một đời đã năm lần phản bội Tổ quốc, kẻ đã từng nhục mạ “ người An-nam là chó, và đã là chó thì phải ăn cứt ” để “ thuyết phục ” người khác đầu hàng địch, mà vẫn dương dương tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “ anh hùng của ba trăm nô lệ ”

Chúng là những con buôn ” mác-xít “, ” cách mạng ” đầu lưỡi họ Trương, họ Trần, mà thực chất là những tên tơ-rôt-skit vô tổ quốc đã từng nấp dưới nách của địch chống lại cách mạng, suốt đời thù ghét những người cộng sản và tất cả những ai tin yêu… Chúng là những kẻ đầu cơ cách mạng, như Nguyễn-Hữu Đang. Gặp nhau trong một mục đích chung, chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ, chống phe xã hội chủ nghĩa, chống Đảng lãnh đạo, tất cả bọn chúng đã liên minh thành một khối, phối hợp hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong các hội văn học nghệ thuật, một số cơ quan văn hóa, trong giới đại học, v.v… Trên thực tế, rõ ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm ở miền Bắc là “chống cộng trong lòng cộng ”.

Đọc tới đây Tố Bồi Bút ngừng lại nhìn xuống chỗ lão Hình Chí Mô đang ngồi rung đùi mỉm cười đắc chí. Giống như Tố Bồi Bút lão cũng khoái vì những lời buộc tội đanh thép đó.

Ném cái nhìn sắc lẻm như lưỡi mã tấu xuống chỗ 9 vị bồi thẫm đang ngồi xong họ Tố cao giọng tiếp.

Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân Văn và các tập Giai phẩm, Hình chủ tịch đã chỉ rõ: ” Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm “. Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là vứt bỏ những hạt giống xấu, mà còn là dọn lại đất cho tốt…”

Tố Bồi Bút ngừng lại. Thôi Phán Quan gằn giọng.

– Ai viết những dòng đó vậy?

Im lặng giây lát họ Tố mới trả lời thật nhỏ như không muốn cho mọi người nhất là chín vị bồi thẫm nghe.

– Bẩm tôi… Chính tôi viết…

Cầm lấy tờ báo và cuốn sách đưa lên cao Thôi Phán Quan rắn giọng. Giọng nói hàm chứa công lực tu vi mấy ngàn năm của kẻ chuyên buộc tội nơi âm phủ rền vang khắp tòa án.

– Thưa chín vị bồi thẫm. Đó là những dòng chữ mà Tố Bồi Bút đã viết trong bài ” Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ ” và được đăng trong tờ báo Học Tập số tháng 4 năm 1958…

Dứt lời ông ta bước tới đưa tờ báo cho Bình đang ngồi nơi hàng đầu. Chăm chú đọc xong anh đưa cho Huyền rồi chuyền tới tận tay các bồi thẫm còn lại và sau cùng trả lại cho Thôi Phán Quán. Bước tới đứng trước mặt Tố Bồi Bút, vị đại diện cho tòa án ở dưới âm phủ nhìn trừng trừng bị can như muốn hớp hồn, giọng nói của ông ta cất lên rang rảng vang dội trong căn phòng xử đông người mà lặng trang.

– Mỗi người của chúng ta khi sinh ra là được thượng đế ban cho những đặc quyền mà trên dương thế thường hay gọi là quyền tự do căn bản. Điều đó được viết thành giấy trắng mực đen trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Một trong những quyền tự do căn bản này là tự do tư tưởng…

Tố Bồi Bút chợt đưa tay lên rồi nhìn Diêm Vương như xin phép được nói. Thấy thế Thôi Phán Quan ngừng nói.

– Bị can muốn nói điều gì?

Diêm Vương lên tiếng hỏi và Tố Bồi Bút nói nhỏ.

– Dạ chuyện của con xảy ra hồi lâu lắm rồi. Năm 1956, 57 thời miền bắc của con chưa gia nhập Liên Hiệp Quốc mà chưa gia nhập thời không bắt buộc phải tuân hành…

Xầm mặt tỏ vẻ không bằng lòng song bắt gặp cái nháy mắt đầy ý nghĩa của Thôi Phán Quan nên Diêm Vương gượng cười lên tiếng.

– Bị can nói đúng. Khoảng thời gian đó miền bắc Việt Nam chưa có gia nhập Liên Hiệp Quốc nên không phải tuân hành…

Tố Bồi Bút ngồi rung đùi khoái chí vì bắt bẻ được Thôi Phán Quan. Bỏ Tố Bồi Bút, ông ta bước xuống đứng trước mặt Hình Chí Mô. Nhìn trừng trừng vào mặt lão ông ta buông một câu.

– Ta thường nghe dân chúng ở miền bắc hay lập lại một câu là ” Không gì quí hơn độc lập tự do ”…

Ngừng lại giây lát Thôi Phán Quan cười lên tiếng.

– Có phải ngươi là tác giả của câu nói bất hủ đó?

Hình Chí Mô im lặng không trả lời. Lão là người khôn ngoan nên không chịu trả lời. Lão sợ lọt vào bẫy của vị đại diện cho Công Tố Viện của âm phủ.

– Phải ngươi là tác giả của câu nói bất hủ đó?

Thôi Phán Quan lập lại. Hình Chí Mô chỉ cười im lặng. Lát sau, hướng về Diêm Vương đang ngồi lão nhỏ nhẹ lên tiếng.

– Thưa Diêm Vương tôi có phải trả lời câu hỏi đó không. Tôi thiết nghĩ, nếu chưa ngồi lên ghế bị can thời tôi không bị bắt buộc phải trả lời câu hỏi đó…

Diêm Vương gật gù mỉm cười. Dù sao ông ta cũng phải nhìn nhận là Hình Chí Mô khôn ngoan và trí trá.

– Nhà ngươi không bắt buộc phải trả lời câu hỏi đó…

Bỏ chỗ Hình Chí Mô đang ngồi, bước về chỗ 9 vị bồi thẫm, Thôi Phán Quan cao giọng.

– Câu ” Không gì quí hơn độc lập tự do ” là khẩu hiệu của đảng cộng sản Việt Nam dùng để tuyên truyền khích động dân chúng ủng hộ chúng đánh đổ thực dân Pháp lúc đó đang cai trị Việt Nam. Cũng vì bốn chữ độc lập tự do đó mà triệu triệu người Việt Nam yêu nước đã ủng hộ cộng sản, đã hi sinh tánh mạng của mình để chết cho lý tưởng giành lại tự do và độc lập cho xứ sở. Điều mà tôi muốn nói ở đây là sau khi đất nước được độc lập thời Hình Chí Mô và các đồng chí của hắn đã không thực hiện lời hứa hẹn của mình. Chúng đã lừa bịp người dân. Khẩu hiệu ” Độc Lập Tự Do ” mà chúng huênh hoang tuyên bố đã biến thành khẩu hiệu…

Nói tới đó Thôi Phán Quan bước tới thì thầm với Diêm Vương. Nghe xong Diêm Vương cười gật đầu.

– Ý kiến hay… Ta cho phép…

Được sự chuẩn chi của Diêm Vương, Thôi Phán Quan vẫy tay ra hiệu. Hai lính quỉ giữ trật tự bước ra khiên cái lồng kính đặt chính giữa phòng. Chỉ vào lồng kính ông ta cao giọng.

– Kính thưa 9 vị bồi thẫm… Kính thưa quý khán giả… Muốn biết sau khi đánh đổ thực dân Pháp giành lại độc lập cho đất nước thời Hình Chí Mô và đảng cộng sản của hắn biến khẩu hiệu ” Không gì quí hơn Độc Lập Tự Do ” thành khẩu hiệu gì tôi mời Hình Chí Mô lên ngồi vào ghế của nhân chứng…

Đợi nhân chứng thề thốt xong, hướng về chín vị bồi thẫm, Thôi Phán Quan cao giọng thốt cốt ý cho tất cả người dự khán nghe rõ.

– Để biết khẩu hiệu ” Không gì quí hơn Độc Lập Tự Do ” biến thành khẩu hiệu gì, tôi mời nhân chứng Hình Chí Mô vui lòng bước vào cái lồng kính này…

Thấy nhân chứng chưa chịu đứng dậy ông ta rắn giọng.

– Nhà ngươi có hai chọn lựa. Hoặc là ngươi tình nguyện bước vào hoặc là ta sai lính quỉ ” mời ” ngươi vào lồng kính…

Ngước lên nhìn Diêm Vương như cầu cứu nhưng thấy ông ta ngoảnh mặt làm lơ, Hình Chí Mô do dự giây lát rồi lẳng lặng bước vào lồng kính. Khi lão vừa bước vào thời mọi người đều buột kêu ồ tiếng ngạc nhiên. Chín vị bồi thẫm cùng người dự khán đều thấy trên đầu của lão Hình Chí Mô như có hào quang chiếu sáng rồi sau đó hiện dần dần lên hàng chữ lớn mà dù ngồi ở xa người ta cũng đọc được. Riêng Bình, nhờ ngồi ở hàng ghế đầu vả lại ngồi ở vị trí cao nên thấy rõ ràng hơn ai hết. Đây là hàng chữ mà anh đã thấy ngày hôm qua lúc cùng với Huyền tới thăm bác.

Bước tới chỗ Tố Bồi Bút ngồi Thôi Phán Quan trầm giọng.

– Nhà ngươi đọc lớn cho 9 vị bồi thẫm và mọi người nghe hàng chữ hiện ra trên đầu của Hình Chí Mô.

Tố Bồi Bút ấp úng rồi cuối cùng hắng giọng đọc lớn cái khẩu hiệu hiện lên phía sau đầu của lão Hình Chí Mô.

– ” Không gì quí hơn Tự Do Độc Tài ”…

Quay nhìn về chỗ 9 vị bồi thẫm, vị đại diện cho luật pháp dưới âm phủ cao giọng.

– Người xưa có nói là khi cái tâm của mình nghĩ điều gì thời điều đó sẽ được hiển lộ ra bên ngoài. Câu nói này ứng vào họ Hình. Kính thưa 9 vị bồi thẫm. Sau khi nắm quyền sinh sát trong tay, lão Hình Chí Mô và bè lũ tay sai mà tên Tố Bồi Bút là một, đã đổi khẩu hiệu ” Không gì quí hơn độc lập tự do ” thành ra khẩu hiệu ” Không gì quí hơn Tự Do Độc Tài ”. Từ cái ý trở thành một kẻ độc tài, lão Hình đã ra lệnh đàn áp, thanh trừng, thủ tiêu và bỏ tù bất cứ ai chống đối lại hắn và cái đảng cộng sản của hắn. Từ tự do, độc lập hắn biến thành tự do độc đảng, tự do độc tài…

Giơ ngón tay chỉ thẳng vào mặt Tố Bồi Bút, Thôi Phán Quan gằn giọng.

– Tuân hành theo chỉ thị của Hình Chí Mô, tên Tố Bồi Bút đã dùng ngồi bút nô lệ của mình cảnh cáo, đe dọa giới trí thức và văn nghệ sĩ trong nước xuyên qua những lời tuyên bố sắt máu sau đây: ” Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng?

Đã đến lúc cách mạng đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ và mỗi cán bộ văn hóa “ duyệt lại ” những tư tưởng, tình cảm của mình, những sáng tác và công tác trong ba năm qua, và dưới ánh sáng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm một cuộc phê phán thật nghiêm trang, không khoan nhượng đối với mình, đối với bạn, đối với địch…

Thông qua cuộc đấu tranh lần này mà lột trần bộ mặt gian ác của những phần tử phản cách mạng, chống chế độ, chống nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Phải lôi chúng ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đấtTrên thực tế, rõ ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm ở miền Bắc là “chống cộng sản trong lòng cộng sản ”…

Ngừng lại như để cho mọi người chú ý tới những gì mình sắp nói ra đồng thời cũng để nghỉ mệt xong Thôi Phán Quan chỉ thẳng vào mặt Tố Bồi Bút.

– Ngươi tự vỗ ngực xưng là thi sĩ, nghĩa là người trong giới văn nghệ sĩ mà lại bán lương tâm cho quỉ, nào nâng bi, nào bợ đỡ cấp trên, chèn ép, bắt nạt kẻ dưới làm nhơ danh văn nghệ sĩ, làm tổn thương danh dự của người cầm bút. Học cái tốt không học, học cái hay không học; ngươi lại học cái gian ngoa, xảo trá. Nâng đỡ dân nghèo ngươi lại không làm mà lại đi nâng bi, bợ đít… Giúp đỡ dân lành ngươi không chịu làm mà lại bợ đỡ lãnh tụ. Ngươi, nhân danh nhà nước, dựa hơi bác và đảng đã bỏ tù văn nghệ sĩ. Ngươi bắt họ phải đi cải tạo, phải tự kiểm thảo. Ngươi bỏ đói trí thức. Ngươi hành hạ tinh thần lẫn thể xác của kẻ cầm cọ… Người xưa có nói một câu như thế này: ” Làm thầy thuốc mà lầm thời hại một người. Làm chính trị mà lầm thời hại một nước. Còn làm văn hóa mà lầm thời hại muôn đời…’. Ngươi là bậc trưởng thượng về văn hóa, tức là kẻ chịu trách nhiệm…

Thôi Phán Quan ngừng lời có lẽ để lấy hơi sức sau khi nói một hơi. Nhân dịp đó Tố Bồi Bút vọt miệng nói.

– Dạ oan cho tôi. Tôi đâu có làm. Tôi đâu có quyền gì mà bắt bớ ai hay bỏ tù ai…

Thôi Phán Quan cười hực.

– Được rồi… Ta sẽ mời nhân chứng ra đây đối chất với ngươi…

Tố Bồi Bút cười cười.

– Dạ ngài cứ việc gọi bất cứ ai ra cũng được. Tôi là kẻ vô tội…

Liếc thấy đồng hồ trên tường chỉ 12 giờ Thôi Phán Quán cười nói với bồi thẫm đoàn.

– Đã tới giờ ăn trưa rồi. Sau khi 9 vị dùng bữa xong tôi sẽ trình bày nhân chứng để quý vị thấy rõ mà tìm hình phạt tương xứng với tội ác của tên Tố Bồi Bút gian ngoa xảo trá này…

5

Chủ Thuyết Tam Dân

1 giờ trưa. Đợi cho chín vị bồi thẫm cùng mọi người trở lại chỗ ngồi xong xuôi, Thôi Phán Quan mới cất giọng rổn rảng.

– Kính thưa Diêm Vương. Kính thưa 9 vị bồi thẫm. Sau đây tôi sẽ mời một số nhân chứng trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ra trước tòa. Họ là nhân chứng đồng thời cũng là nạn nhân của tên Tố Bồi Bút nói riêng và các lãnh tụ đảng cộng sản mà ba kẻ liên hệ nhiều nhất là Hình Chí Mô, Trườn Chui và Tố Bồi Bút. Họ là những người đại diện cho giới trí thức và văn nghệ sĩ đã bị đàn áp, bị bắt bớ và bị bỏ tù chỉ vì tranh đấu cho dân chủ và tự do…

Hướng về nơi hàng ghế nhân chứng, Thôi Phán Quan cao giọng.

– Tôi xin mời nhân chứng thứ nhất. Kính mời giáo sư Trương Tửu…

Một người chậm chạp bước ra khỏi hàng ghế nhân chứng. Mọi người dự khán phiên tòa cho tới 9 vị bồi thẫm đồng đứng lên chào đón. Giáo sư Trương đi tới đâu tiếng vỗ tay hoan hô tới đó. Ngồi trên ghế chủ tọa tuy không đứng lên đón tiếp, song Diêm Vương cũng im lặng mặc cho mọi người vỗ tay hoan hô. Ngay cả Thôi Phán Quan cũng mỉm cười. Khi giáo sư Trương đi tới gần, vị đại diện cho công tố viện của âm phủ kính cẩn nghiêng mình chào đón đồng thời hướng dẫn ông ta tới ngồi nơi ghế nhân chứng.

Tiện đây xin nói thêm một chút về việc xếp đặt phiên tòa dưới âm phủ. Diêm Vương là người chủ tọa của phiên tòa cũng giống như chánh án trên dương gian. Bên cạnh Diêm Vương và thấp hơn một chút là hai ghế. Bên phải dành cho nhân chứng còn ghế bên trái dành cho bị can. Giáo sư Trương ngồi vào ghế nhân chứng trong lúc Tố Bồi Bút ngồi ghế bị can, tức là ghế người bị truy tố và sẽ bị bồi thẫm đoàn trừng phạt.

Ngay lúc giáo sư Trương xuất hiện thời ai ai cũng thấy Tố Bồi Bút ” có vấn đề ”. Riêng lão Hình Chí Mô và tên Trườn Chui thời dáng vẻ cũng lo ra chút chút. Cả ba lãnh tụ của đảng cộng sản đều cúi mặt nhìn xuống đất như suy nghĩ. Đợi cho tiếng vỗ tay và lời hoan hô chấm dứt cũng như nhân chứng đưa tay thề thốt sẽ nói sự thật, Thôi Phán Quan mới tằng hắng tiếng nhỏ như gợi sự chú ý của mọi người xong cất giọng.

– Thưa ông Trương. Tôi biết ông là giáo sư đại học, một người nổi tiếng trong giới trí thức và văn nghệ sĩ của nước Việt Nam…

Giáo sư Trương mỉm cười nhìn Thôi Phán Quan như tỏ vẻ cám ơn về những lời nói trên. Ông ta nhìn xuống chỗ lão Hình Chí Mô và các đồng chí của lão đang ngồi đoạn dời sang ghế của Tố Bồi Bút nhưng cũng không nói gì hết. Cả phòng xử đều im lặng khi Thôi Phán Quan cất tiếng hỏi nhân chứng.

– Giáo sư liên hệ hoặc dính líu gì trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm?

Giáo sư Trương Tửu trả lời chậm và rõ.

– Tôi là người phụ trách tờ Giai Phẫm…

Mỉm cười vì câu trả lời giản dị của nhân chứng, Thôi Phán Quan bước trở lại bàn của mình. Đưa một tờ báo lên cao ông ta nói với 9 vị bồi thẫm cũng như có ý nói với mọi người trong phòng.

– Đây là tờ báo Giai Phẩm Mùa Thu Tập 2, trong đó có một bài viết của giáo sư Trương với nhan đề ” Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ ”. Tôi xin mời giáo sư Trương đọc cho mọi người nghe để biết ông đã viết những gì, viết ra sao, viết như thế nào mà bị đảng và nhà nước trù yểm, đe dọa, bắt học tập cải tạo tư tưởng và giam lỏng mấy chục năm…

Thôi Phán Quan đưa tờ báo cho giáo sư Trương Tửu, nhưng ông ta cười lắc đầu.

– Tôi không cần đọc tờ báo đó. Tôi nói ra cho mọi người nghe cũng được…

Thôi Phán Quan cười gật gù.

– Tôi quên ông là một giáo sư từng diễn giảng…

Giáo sư Trương chỉ cười im lặng. Giọng nói sang sảng của ông ta vang lên trong căn phòng xử.

– Tôi viết bài này, nối gót nhà văn lão thành dũng cảm Phan Khôi, góp ý kiến phê bình lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt sự sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ.

Sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ miền bắc. Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ; vì rằng, hôm qua cũng như hôm nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa; có cái này thì không có cái kia được…

Giáo sư Trương ngừng lại rồi quay nhìn vào mặt của Tố Bồi Bút. Bắt gặp cái nhìn của ông ta, Tố Bồi Bút cúi đầu nhìn xuống đất như để tránh né. Hơi mỉm cười giáo sư Trương hắng giọng tiếp.

– Người văn nghệ sĩ đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa, đi tìm tự do chứ không đi tìm cuộc đời nô lệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Lấy sáng tạo nghệ thuật để làm lẽ sống chủ yếu, họ không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào. Với những văn nghệ sĩ yêu chuộng tự do như thế, hễ lãnh đạo độc tài, bè phái thì tất yếu sự phản kháng nẩy ra ngay. Đó là tình trạng văn nghệ của ta từ sau 1949…

Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn “ yểm ” tất cả các tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó “ tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn ”. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách, phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị, v.v… còn gì nữa? “

Và phải nói ngay rằng ngần ấy lá bùa yểm cũng đã linh nghiệm ít nhiều. Một số văn nghệ sĩ non gan biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư nặng trĩu hờn oán và uất ức. Một số khác nữa “ cất kín ” cá tính và nghệ thuật xuống “ đáy ba lô ”, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu “ đánh giặc đã! ”. Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của Thường Vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị “ trù ”, bị hành hạ, bị gạt sang một bên…

Căn phòng xử lặng trang sau khi giáo sư Trương Tửu dứt lời. Nhất là 9 vị bồi thẫm đều lộ vẻ suy nghĩ. Cùng lúc đó giáo sư Trương quay sang nhìn Tố Bồi Bút và giọng nói nửa mỉa mai, nửa châm biếm của ông ta vang lên. Chỉ cần nghe mấy dòng đầu người ta biết ông ám chỉ tới Tố Bồi Bút.

Rất nhiều người trong giới văn nghệ sĩ, tôi biết có một đại thi sĩ của chế độ, ông ta có tâm lý sùng bái cá nhân lãnh tụ hay là thần thánh hóa lãnh tụ một cách trơ trẽn. Ở cửa miệng của ông ta bao giờ cũng nghe cái điệp khúc như thế này: ” Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm “. Tại sao họ sùng bái cá nhân? Họ sùng bái cá nhân để làm gì? Câu trả lời rất giản dị. ” Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy…

Họ quên mất một điều là ”Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật – để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả. Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt. Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch

Tiếng vỗ tay vang lên từ đám người tham dự phiên xử. Mặc dù không vỗ tay nhưng Diêm Vương cũng gật gù tỏ vẻ ưng ý với những gì giáo sư Trương Tửu đã phát biểu. Nhìn xuống đám đông ông ta thủng thẳng phán.

– Giáo sư viết như thế đúng ý của ta lắm. Cả trăm năm nay ta mới được nghe những lời nói khẳng khái của một trí thức. Gần đây ta đọc bản báo cáo nói về mấy thằng tự xưng là trí thức, viết bài ca tụng tên Hình, thằng Hồ gì đó. Xưng có bằng tiến sĩ ở dương gian mà tụi nó viết thúi còn hơn cứt, làm thúi rùm cả âm phủ của ta. Tụi nó làm ” air pollution ” âm phủ của ta. Cái lũ trí thức đó là thứ trí thức ngủ, trí thức mù, trí thức nâng bi, trí thức bợ đít. Mai mốt tụi nó xuống đây ta sẽ có hình phạt đặc biệt dành cho nó…

Giáo sư Trương Từ cười quay qua hỏi Diêm Vương.

– Tôi mạo muội hỏi ngài có hình phạt hay biện pháp gì để chế tài những tên trí thức đó?

Diêm Vương vuốt râu cười quay qua hỏi lục sự.

– Ngươi nhớ tên mấy thằng trí thức đó không?

Lục sự lắc đầu trả lời.

– Trình Diêm Vương. Cái đám trí thức đó nhiều lắm hạ thần không nhớ hết tên tuổi. Chỉ nhớ mang máng có thằng xưng có bằng cấp tiến sĩ vật lộn… ủa thần nói lộn xin nói lại là vật lý…

Gật đầu Diêm Vương quay qua nói với giáo sư Trương Tửu.

– Đám trí thức vô lương tâm đó xuống đây là ta sẽ cho nó bị ” Parkinson’s disease ” để nó run rẩy tay chân viết không được…

– Thưa ngài… Thời đại tân tiến bây giờ họ đọc cho người khác viết…

Diêm Vương bật cười hà hà.

– Ta biết… Bởi vậy mấy đứa đó xuống đây là ta cho lính quỉ nạo lưỡi, dũa lưỡi xong rồi cho nó ăn ớt cay thật cay để lưỡi của tụi nó teo lại khiến cho tụi nó đứa thì ngọng, còn không ngọng cũng ú ớ không ra lời. Nó ” rặn ” cả năm không nói được một tiếng thời ai hơi sức đâu mà nghe tụi nó… Còn đứa nào cứng đầu hơn thì ta cho nó ăm cám xú, cho nó bị Alzheimer disease cho nó quên, nó lú luôn…

– Dạ dám hỏi ngài ớt đó tên gì vậy. Tại sao ngài không gởi lên dương gian cho người ta trồng để cho mấy ông trí ngủ hoặc nhà lãnh đạo độc tài ăn…

Diêm Vương cười khà khà khi nghe câu nói của giáo sư Trương.

– Thiên cơ bất khả lậu. Cái phòng thí nghiệm của âm phủ vừa trồng được 1 cây ớt và còn đang trong vòng thử nghiệm để xem có kết quả như thế nào. Nếu có kết quả mỹ mãn ta sẽ sai lính quỉ mang lên dương thế cho dân gian trồng. Mấy thằng ” trí thức- ngủ ” hể ăn ớt này là ú ớ liền…

Mọi người trong phòng xử đồng bật cười khi nghe Diêm Vương phán. Riêng Thôi Phán Quan cười hỏi giáo sư Trương Tửu.

– Tôi chưa bao giờ nghe một bài viết về tự do hay như vậy. Thế rồi những tên lãnh đạo văn nghệ đó đã đối xử với giáo sư như thế nào?

Giáo sư Trương im lặng trước câu hỏi của Thôi Phán Quan.

– Ông đừng sợ. Lãnh ý Trời, thừa mệnh Diêm Vương và nhân danh luật âm phủ, tôi bảo đảm là không có một thứ đảng, nhà nước hay thứ lãnh tụ nào có thể đe dọa hoặc bỏ tù ông ở tại âm phủ này…

Trong lúc Thôi Phán Quan nói, giáo sư Trương nhìn xuống ngay chỗ lão Hình Chí Mô ngồi giây lát mới hắng giọng.

– Tôi bị họ trù, họ ếm, họ yểm bằng mọi thủ đoạn thâm độc nhất mà họ có thể nghĩ ra và làm được… Họ không cấm tôi ăn mà họ làm cho tôi không có cái gì để ăn hay nói một cách khác là họ bỏ đói. Việc đầu tiên là họ khai trừ tôi ra khỏi đại học. Họ không cho tôi dạy học kể cả mở lớp dạy tư. Họ tịch thu nhà cửa. Đến chiếc xe đạp quèn họ cũng lấy lại. Họ cấm không cho người khác giao thiệp với tôi. Ai mà giao tiếp với tôi là bị khép tội ” mất lập trường, có vấn đề ”. Tôi đi đâu cũng có công an theo đằng sau…

– Họ có bắt giáo sư đi cải tạo?

Giáo sư Trường liếc nhanh qua chỗ Tố Bồi Bút ngồi rồi mới trả lời câu hỏi của Thôi Phán Quan.

– Họ bắt tôi đi cải tạo mấy lần rồi sau đó chắc cũng biết không cải tạo được tư tưởng của tôi nên họ chỉ cô lập và phong tỏa kinh tế…

Giáo sư Trương Tửu dứt lời. Cả phòng xử lặng trang. Dường như họ còn bàng hoàng về những lời tiết lộ của ông ta. Dường như họ không tin là những kẻ từng hô hào ” Không gì quý hơn Độc Lập Tự Do ” lại có thể đối xử một cách tàn tệ với dân chúng.

Sau khi Thôi Phán Quan hỏi xong tới phiên luật sư của bị can sẽ đứng ra chất vấn nhân chứng. Tuy nhiên luật sư Trịnh Thảo đã làm cho mọi người thắc mắc khi ông ta tuyên bố không có điều gì để hỏi nhân chứng. Dường như ông ta kỵ cơ với giáo sư Trương Tửu hoặc ông ta thấy không có lợi để đặt câu hỏi.

Đợi giáo sư Trương Tửu về ngồi nơi hàng ghế đầu dành cho nhân chứng xong xuôi, Thôi Phán Quan mới cao giọng nói trong lúc hướng về 9 vị bồi thẫm.

– Để tiếp tục phiên xử tôi xin mời nhân chứng thứ nhì. Kính mời thi sĩ Trần Dần…

Nhờ ngồi ở hàng ghế đầu cho nên Bình thấy rõ nhà thơ họ Trần là một thanh niên chừng ba mươi tuổi, ăn mặc giản dị và nét mặt thông minh sáng sủa. Khi thi sĩ đi tới gần, Huyền quay qua thì thầm vào tai Bình.

– Ổng đẹp trai ớn hả anh Bình?

Bình cười gật đầu khi nghe câu nói của cô bạn gái mới quen. Dưới sự hướng dẫn của Thôi Phán Quan Trần Dần lên ngồi vào ghế nhân chứng. Sau khi nhân chứng thề thốt xong Thôi Phán Quan tiếp tục phiên tòa bằng một câu hỏi.

– Theo như những tài liệu mà tôi đã đọc thời trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm thi sĩ là người đã bị trù yểm và phải hứng chịu nhiều hình phạt khốc liệt về tinh thần lẫn vật chất. Thi sĩ xác nhận điều này?

Trần Dần gật đầu. Tuy nhiên Thôi Phán Quan có lẽ không bằng lòng về cử chỉ xác nhận của nhân chứng. Bước một bước tới đứng ngay mặt nhân chứng ông ta lập lại câu hỏi.

– Thi sĩ xác nhận là mình đã bị ngược đãi cả về vật chất lẫn tinh thần. Có hay là không?

Im lặng giây lát Trần Dần nói lớn.

– Tôi xác nhận là có. Tôi bị bắt giam nhiều lần… Bị đưa đi cải tạo, học tập, kiểm thảo, bị cấm làm thơ, cấm sinh hoạt văn nghệ…

Thôi Phán Quan nghiêm giọng hỏi.

– Ai ra lệnh bắt ông?

Trần Dần ngập ngừng chưa trả lời, Thôi Phán Quan quay qua hỏi Tố Bồi Bút.

– Chính ngươi ra lệnh bắt Trần Dần?

Tố Bồi Bút ấp úng rồi sau đó lắc đầu.

– Tôi không biết… Tôi không có ra lệnh bắt ai…

Cười hực Thôi Phán Quan nói.

– Ta cho ngươi đọc tài liệu này rồi xem ngươi có chối được không…

Nói xong ông ta trở lại bàn của mình. Cầm một cuốn sách mỏng ông ta trở lại đưa cho Tố Bồi Bút xong gằn giọng.

– Ta muốn nhà ngươi đọc lớn đoạn này cho 9 vị bồi thẫm nghe…

Liếc nhanh mấy dòng chữ đầu họ Tố xanh mặt. Hắn quay nhìn Diêm Vương như hỏi ý kiến hoặc cầu cứu nhưng thấy ông ta im lặng hắn đành phải đọc lớn.

– Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai phẩm Mùa Xuân, có đăng bài của Trần Dần và của Tử Phác. Tố Bồi Bút bèn triệu tập mấy người đến họp như là Hoàng Cầm, Vân Phác (phụ trách tổ chức Bộ Văn Hoá), Chế Lan Viên… Tố Bồi Bút cầm cuốn Giai phẩm Mùa Xuân, hỏi mọi người: ” Các anh thấy tập sách này thế nào? “

Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Bồi Bút. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: ” Cuốn sách đại phản động!”

Tố Bồi Bút hỏi Vân Phác: ” Hiện nay chúng nó đang ở đâu? “. Vân Phác: ” Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên “

Tố Bồi Bút lệnh – Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng: ” Gọi nó về, bắt lấy nó! “

Thế là Vân Phác làm giấy tờ để bắt Trần Dần và Tử Phác…

Đợi cho Tố Bồi Bút đọc xong xuôi Thôi Phán Quan mới nghiêm giọng.

– Chính ngươi ra lệnh bắt Trần Dần?

Tố Bồi Bút gật đầu rồi sau đó thủng thẳng lên tiếng xác nhận.

– Chính tôi đã ra lệnh bắt hắn…

– Ngươi ra lệnh bắt thi sĩ họ Trần vì lý do gì?

Thấy Tố Bồi Bút ngập ngừng Thôi Phán Quan gặn.

– Ngươi bắt hắn vì tư thù?

Dù Tố Bồi Bút nói nhỏ song 9 vị bồi thẫm đều nghe rõ câu trả lời của hắn.

– Tư thù cũng có mà cũng vì chỉ thị của cấp trên bảo tôi bắt cũng có…

Được thể Thôi Phán Quan hỏi dồn.

– Chỉ thị của cấp trên. Ai ra chỉ thị cho ngươi bắt Trần Dần. Ai?

Tố Bồi Bút hơi run người khi nhìn nét mặt đanh lạnh và ánh mắt như lóe hào quang của Thôi Phán Quan. Ánh mắt đó như thôi miên khiến cho hắn lắp bắp mãi mới ra lời.

– Thưa… thưa đó là đồng chí Trườn Chui… Anh Năm nói với tôi là đã được chỉ thị của bác… Trần Dần có ba tội là: thứ nhất là hắn chê bai tập thơ Việt Bắt của tôi. Hắn nhạo thơ tôi là tí ti căm thù, tí ti tình yêu…

Mọi người bật cười cái rần khi nghe mấy tiếng ” tí ti căm thù, tí ti tình yêu ”.

– Tội thứ nhì là lấy vợ mà không được sự chấp thuận của đảng. Hắn làm đơn xin phép lấy một đứa con gái có đạo, cha mẹ bỏ đi vào trong nam làm vợ. Như thế là mất lập trường. Đảng không cho mà hắn vẫn lấy. Tội thứ ba của hắn là làm thơ đả kích chế độ. Thơ của hắn là thơ phản động. Hắn là thằng phản động nguy hiểm…

– Đâu ngươi đọc thơ của Trần Dần cho mọi người nghe xem hắn phản động như thế nào…

Liếc nhanh qua ghế nhân chứng, Tố Bồi Bút cao giọng đọc.

Tôi ở phố Sinh Từ

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi

         không thấy phố

                không thấy nhà

 Chỉ thấy mưa sa

                 trên màu cờ đỏ

Gặp em trong mưa

Em đi tìm việc

Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

– Anh ạ !

         họ vẫn bảo chờ…

Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?

Trời mưa, trời mưa

Ba tháng rồi

Em đợi

Sống bằng tương lai

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…

Em đi

    trong mưa

         cúi đầu

              nghiêng vai

Người con gái mới mười chín tuổi

Giơ tay lên để ngăn không cho Tố Bồi Bút đọc tiếp, Thôi Phán Quan gằn giọng hỏi.

– Ngươi nói thơ của Trần Dần là thơ phản động, nhưng phản động ở chỗ nào đâu?

Nhếch môi cười Tố Bồi Bút trả lời liền.

– Thưa ngài … Mấy câu thơ này chỉ hắn phản động:

Tôi bước đi

         không thấy phố

                không thấy nhà

 Chỉ thấy mưa sa

                 trên màu cờ đỏ…

Đang ngồi lim dim có lẽ vì buồn ngủ, Diêm Vương chợt mở mắt rồi lên tiếng.

– Cái thằng ni lạ… Mấy câu thơ hay như vậy mà ngươi nói là phản động. Bộ mày muốn chụp mũ ai là phản động cũng được sao mậy… Người ta đi dưới mưa mà mưa nhiều quá nên không thấy đường, thấy phố, thấy nhà là chuyện thường…

Nghe Diêm Vương lên tiếng không đồng ý, Tố Bồi Bút nhỏ nhẹ trình bày.

– Bẩm Diêm Vương… Để con giải thích cho ngài thấy cái chất ” phản cách mạng ” trong mấy câu thơ của thằng Trần Dần. Nó có ý chê bai chế độ ở điểm là dưới sự lãnh đạo anh minh của đảng mà nhà cửa, phố xá đều xập hết cho nên hắn không thấy. Thứ nhì là hắn nói dưới sự lãnh đạo sáng suốt của bác mà hắn lại đói tới độ mờ cả mắt không thấy phố, không thấy nhà gì hết. Cái ý phản động của hắn nằm chình ình ở chỗ đó… Đã thế thôi đâu. Mấy câu thơ sau đây chỉ lời con nói là đúng y chang:

Gặp em trong mưa

Em đi tìm việc

Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

– Anh ạ !

         họ vẫn bảo chờ…

Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?

Trời mưa, trời mưa

Ba tháng rồi

Em đợi

Sống bằng tương lai

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…

Hoặc nó viết những lời sau đây: ”Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực. Đó là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá tác giả và tác phẩm… tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết… “

“… Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào. Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách ”

Diêm Vương thấy chưa. Nó viết như thế là nó có tư tưởng phản cách mạng. Nó tuyên truyền cho toàn dân biết về tình trạng hổng có việc làm, tình trạng suy sụp của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa…

Thôi Phán Quan ngắt lời Tố Bồi Bút bằng một câu hỏi.

– Ủa… Ta nghe nói Việt Nam có tự do mà…

Tố Bồi Bút gật đầu lia lịa.

– Bẩm ngài nói đúng lắm. Xứ của tôi là một trong những xứ nhiều quyền tự do mà ngay cả ở những nước dân chủ cũng không có… Dĩ nhiên tự do nào cũng có giới hạn của nó…

Diêm Vương gật gù.

– Đâu ngươi nói về tự do ở Việt Nam đi chứ ta nghe dân ở xứ của ngươi đang kêu gào vì bị mất tự do…

– Bẩm Diêm Vương ngài đừng có nghe lời mấy thằng phản động hay chống đối. Tụi nó phao tin đồn thất thiệt đó. Xứ tui dân có nhiều tự do nhiều lắm mà các xứ tây phương hổng có. Cái đám trí thức và văn nghệ sĩ kêu gào đòi tự do thì đảng với bác cho chúng nó tự do mà chúng nó đâu có thèm…

– Bác với đảng của ngươi cho dân tự do gì đâu nói ta nghe coi?

– Bẩm ngài đảng của con anh minh, bác con sáng suốt lắm nên cho dân tha hồ được hưởng tới sáu thứ tự do mà chỉ cấm có hai thứ nhỏ nhỏ mà thôi. Đó là tự do đói, tự do bị bóc lột, tự do ở tù, tự do bị bịt miệng, tự do bị đạp vào mặt và tự do chết. Đảng chỉ cấm có hai thứ là tự do ăn nói và tự do chống lại đảng thôi. Thằng Trần Dần và đám trí thức đâu biết là bác với các đồng chí trong bộ chín chị đang phải họp hành đêm ngày để thi hành chính sách tam dân…

Nghe Tố Bồi Bút nói tới đó Diêm Vương sáng mắt lên sắm nắm hỏi.

– Có thực vậy à. Ta nghe nói bên Tàu cũng có ông gì đó chủ trương cái thuyết tam dân… Đâu ngươi nói ta nghe cái thuyết Tam Dân của bọn ngươi. Nghe mà lọt lỗ tai là ta sẽ không bắt tội bọn ngươi…

Được Diêm Vương hứa hẹn Tố Bồi Bút rung đùi cười lên tiếng.

– Trình Diêm Vương. Bác của con là nhân tài có một không hai của nước Việt và luôn cả thế giới nữa. Bởi vậy bác mới được người người xem là đỉnh cao trí tuệ. Chính sách Tam Dân của bác vừa đem ra thi hành là ” bốn phương phẳng lặng, non sông vững vàng ” liền…

Diêm Vương hơi nhỏm người dậy có lẽ vì bị kích thích bởi cái thuyết Tam Dân mà Tố Bồi Bút sắp nói ra. Ngay cả 9 vị bồi thẫm và mọi người tham dự cũng đều chú ý khiến cho phòng xử im lặng như tờ ngoại trừ giọng nói oang oang của Tố Bồi Bút.

– Sau ba ngày hội họp và bàn cãi, ăn mất hai con heo quay, uống cạn mấy chục hũ ngũ gia bì và mai quế lộ, bác và bộ chính chị đã quyết định ban bố chính sách Tam Dân. Đó là Dân Đói, Dân Ngủ, Dân Ngu…

– Ngươi nói sao ta nghe không rõ… Nói lại coi…

Diêm Vương lên tiếng hỏi dồn. Có lẽ cái giọng miền trung của Tố Bồi Bút hơi nặng, hắn phát âm tiếng đói thành ra ” đọi ” do đó mà Diêm Vương không hiểu.

– Trình Diêm Vương chính sách tam dân của bác là dân đói, dân ngủ, dân ngu

Mọi người nhìn nhau ngơ ngác không hiểu Tố Bồi Bút nói cái gì. Ngay cả Thôi Phán Quan cũng nhìn xuống chỗ giáo sư Trương Tửu như để hỏi ý kiến. Nhưng giáo sư Trương chỉ cười lắc đầu tỏ ra mình không biết.

– Hắn nói cái gì dân đói, dân ngu, dân ngủ… Tớ chẳng biết hắn nói cái đếch gì…

Mọi người xì xào bàn tán mỗi lúc một nhiều hơn khiến cho Diêm Vương phải gõ búa làm hiệu cho họ im lặng. Quay qua Tố Bồi Bút, Diêm Vương nghiêm giọng.

– Cha chính sách này coi bộ mới lạ à nghe. Ta cũng mới nghe lần đầu. Đâu ngươi giải thích cho ta và mọi người nghe thử coi..

Cười chúm chiếm họ Tố hắng giọng.

– Trình Diêm Vương chỉ có mình bác mới đủ thông minh và sáng suốt nghĩ ra chính sách tam dân. Nó được chia làm ba giai đoạn: thứ nhất là bỏ đói dân. Hể dân đói thời sinh ra dân ngủ và dân ngu. Con lấy thí dụ như vầy cho Diêm Vương và mọi người dễ hiểu. Ở các nước tự do dân chủ thời dân làm có 8 tiếng đồng hồ một ngày là đủ ăn rồi. Ngoài 8 giờ đồng hồ dành cho ngủ họ còn có 8 giờ để học hành, đọc sách báo, xem truyền hình để biết tin tức cũng như mở mang trí óc của mình. Cũng vì thế mà họ mới khôn ngoan, biết suy nghĩ đòi hỏi quyền lợi này quyền lợi nọ. Trong khi ở nước con, dân ngu khu đen phải đi cày 15, 16 tiếng đồng hồ một ngày mà chưa đủ ăn đủ mặc, về nhà mệt quá lăn đùng ra ngủ, mai sáng thức dậy đi cày tiếp do đó họ có thời giờ đâu mà học hỏi để biết tự do, nhân quyền và dân chủ. Cha mẹ nghèo quá không có đủ phương tiện cho con cái đến trường nên trẻ con nó ngu hết ráo. Rồi mai mốt thành người lớn nó cũng ngu luôn. Đảng con ban hành chính sách tam dân này được vài năm là không còn có ai chống đối, biểu tình đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền gì hết. Cả nước êm ru bà rù vì đói quá nói không nổi hơi sức đâu mà biểu tình hay xuống đường đòi hỏi…

Diêm Vương gật gù.

– Quả là chính sách độc nhất vô nhị. Ở dưới âm phủ này cũng có nhiều chính trị gia lỗi lạc mà ta chưa nghe họ nói về chính sách tam dân giống như của nhà ngươi nói…

Liếc thấy đồng hồ trên tường chỉ đúng 5 giờ Thôi Phán Quan xin phép Diêm Vương tạm ngừng phiên xử để mọi người nghỉ ngơi. Gật đầu Diêm Vương nói.

– Ta cũng cần phải về nhà uống thuốc. Nghe thằng Tố Bồi Bút này nói về thuyết Tam Dân, ta nghĩ ta bị lên huyết áp..

Những ” ÔNG BÌNH VÔI ” của đảng

Hôm nay phiên tòa bắt đầu sớm hơn ngày hôm qua 1 giờ tức là bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Trong ngày thứ hai của phiên tòa người ta thấy hai dãy bàn dành cho nhân chứng chật ních người ngồi. Dường như có thâm ý nào đó, Thôi Phán Quan đã mời thêm nhân chứng mà đa số thuộc giới văn nghệ sĩ. Người ta nhận thấy trong số nhân chứng mới này có sự hiện diện của Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh…

Đợi cho Diêm Vương, 9 vị bồi thẫm và người tham dự cũng như Tố Bồi Bút an vị xong; Thôi Phán Quan tiếp tục vụ xử bằng câu nói.

– Kính thưa Diêm Vương. Kính thưa 9 vị bồi thẫm. Kính thưa quý khán thính giả tham dự. Để tiếp tục phiên xử tôi kính mời nhân chứng thứ ba. Đó là nhà thơ Lê Đạt…

Người mà Thôi Phán Quan gọi là thi sĩ Lê Đạt đứng dậy giơ tay vẩy mọi người khi đi lên ngồi vào ghế của nhân chứng. Đợi cho nhân chứng thề thốt xong Thôi Phán Quan nhỏ nhẹ hỏi.

Xin ông vui lòng cho tòa và bồi thẫm đoàn và mọi người biết trước khi vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, ông đã giữ chức vụ gì trong đảng hoặc nhà nước của nước Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ?

Hơi ngần ngừ giây lát nhà thơ họ Lê mới lên tiếng trả lời câu hỏi của Thôi Phán Quan.

– Tôi làm trong ban Tuyên Huấn, bên cạnh các ông Tố Bồi Bút và Trườn Chui. Tôi là bí thư văn nghệ cho ông Trườn Chui…

– Như vậy ông cũng là người có chức vụ trong guồng máy của đảng cộng sản… Ổng được đảng ưu đãi trước khi có vụ Nhân Văn Giai Phẩm nổ ra…

– Tôi nhìn nhận có chuyện đó. Không cần phải làm một tên bồi bút, không cần phải nâng bi đảng và ca tụng bác, chỉ cần bưng mắt che tai, tôi cũng có thể sống ung dung và sung sướng như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên tôi yêu tự do…

Gật gù mỉm cười tỏ vẻ hài lòng Thôi Phán Quan hỏi tiếp.

– Ông có thể cho tòa biết ông đã làm chuyện gì mà bị tên Tố Bồi Bút nói riêng và đảng nói chung ngược đãi ông?

– Thưa tôi làm báo…

Tố Bồi Bút vọt miệng.

– Trình Diêm Vương… Thằng đó làm ” báo hại ” đảng và nhà nước nên bác mới ra chỉ thị đì cho nó chết luôn…

Diêm Vương trừng mắt.

– Chừng nào ta cho phép nói ngươi mới được nói. Ngươi mà còn nói leo lần nữa là ta sai lính dũa lưỡi nghe chưa…

Bị Diêm Vương xì nẹt Tố Bồi Bút cười im lặng. Hướng về các người tham dự đang ngồi nghe Lê thi sĩ nói chậm và rõ ràng.

– Tôi là một trong bốn người của ban biên tập tờ báo Nhân Văn. Tôi là người chịu trách nhiệm về nội dung bài vở của tờ Nhân Văn…

Thôi Phán Quan mỉm cười hỏi tiếp.

– Tôi nghe người ta khen thơ của ông…

Lê Đạt cười nhẹ.

– Cám ơn ngài. Tôi chỉ là một nhà thơ trẻ so với các nhà thơ nổi tiếng khác…

– Ai là một trong số các văn thi sĩ nổi tiếng khác?

Thôi Phán Quan hỏi tiếp. Hiểu ý của ông ta, thi sĩ họ Lê cười trả lời.

– Ba người trong số các thi sĩ lừng danh là ông Tố Bồi Bút, ông Chế Lan Viên và ông Xuân Diệu…

Thôi Phán Quan gật gù.

– Tôi nghe đồn họ nổi tiếng nhưng chưa biết rõ lắm… Dường như ngoài tài cầm bút họ còn nổi tiếng về cái tài khác…

Lê Đạt cười nhẹ không phát biểu gì thêm khi nghe Thôi Phán Quan nói. Từ dưới chỗ người tham dự ngồi vang lên giọng nói lớn.

– Ba thằng đó nổi tiếng về tài nâng bi với bợ đít chứ tài gì… Tôi rành tụi nó quá mà…

Mọi người cười cái rần. Thôi Phán Quan mỉm cười ý nhị khi thấy có người diễn đạt cái ẩn ý của mình. Quay qua nhà thơ họ Lê ông ta hỏi một câu.

– Ông có thể đọc cho 9 vị bồi thẫm và mọi người nghe một vài bài thơ của ông?

Thiên hạ vỗ tay hoan hô trước khi nghe thi sĩ họ Lê đọc thơ. Hơi mỉm cười ông ta cao giọng đọc. Giọng của ông ta nghe ấm và dịu.

Chế độ ta không cấm họ yêu nhau

 Mà sao họ chết?

Người công an đứng ngã tư đường phố

Chỉ huy

              bên trái

                          bên phải

              xe chạy

              xe dừng

Rất cần cho việc giao thông.

Nhưng đem bục công an

              máy móc

                          đặt giữa tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

              theo đúng luật đi đường nhà nước

Có thể gây rất nhiều chua xót

              ngoài đời…

Mọi người vỗ tay rần rần hoan hô những câu thơ rất mới, rất lạ và có ý nghĩa của thi sĩ. Đợi cho tiếng vỗ tay dứt xong Diêm Vương mới gật gù lẩm bẩm.

– Em này làm thơ nghe hay. Làm thơ như vậy mới đúng là thi sĩ. Còn cái thằng Tố làm thơ nghe mà điếc con ráy. Vậy mà nó cũng được làm lớn, được tặng giải thưởng văn học này nọ…

Quay qua Lê Đạt, Diêm Vương tươi cười phán.

– Em làm thơ nghe thấm lắm. Đâu em còn bài thơ nào đọc lên cho qua nghe coi…

– Trình Diêm Vương… Tôi ngại…

Hiểu ý Lê thi sĩ, Diêm Vương gằn gằn giọng nói.

– Em chớ sợ. Đây là âm phủ chứ không phải trần thế đâu. Thằng nào hù dọa hay chụp mũ em là phản động ta sai lính quỉ còng đầu nó liền…

Được lời hứa hẹn của Diêm Vương, Lê Đạt gật đầu cao giọng đọc. Giọng của ông ta nghe thật buồn.

Trong khoảnh khắc / đối diện / cùng sự thật

Sởn tóc gáy / như kẻ sát nhân / đột nhiên / thấy / người mình thủ tiêu / lững thững / hiện theo về / đối chất

Anh có thể lừa /cha mẹ / vợ con / lừa cả nước

Nhưng thế nào / cũng có lần / anh phải lôi ra trước / vành móng ngựa bản thân anh…

Nghe dứt câu Diêm Vương vỗ bàn cái rầm cất giọng oang oang.

– Cha chả… Hay quá là hay… Đọc tiếp đi em… Để xong xuôi phiên tòa này ta sẽ sai trẻ tổ chức đêm ngâm thơ của em…

Được Diêm Vương khen thi sĩ họ Lê hừng chí cất giọng sang sảng.

– Tôi mới hai mươi lăm tuổi

Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi

Thất bại cúi đầu

Công thức xỏ giây vào mũi

 

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Ỳ như một chiếc bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại

 

Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại

Khôn ngoan không dám làm người

Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi…

Lê Đạt vừa đọc xong Diêm Vương nhìn Tố Bồi Bút khi thấy hắn đưa tay lên xin phép nói.

– Ngươi muốn gì nữa đây. Đàn ông mà sao ngươi nhiều chuyện quá vậy…

Quay qua Thôi Phán Quan ông ta hỏi.

– Cho hắn nói chuyện không?

Thôi Phán Quan cười nhẹ.

– Trình Diêm Vương… Cứ cho hắn nói chuyện thoải mái. Không cho hắn nói thời hắn lại đi tuyên truyền âm phủ sao giống Việt Nam không có tự do ăn nói, không có tôn trọng nhân quyền… Hắn sẽ rêu rao là âm phủ bịt miệng dân. Gì chứ nói láo là nghề của hắn và các đồng chí của hắn…

Được Thôi Phán Quan binh vực Tố Bồi Bút khoái chí vừa rung đùi vừa lên tiếng.

– Bẩm Diêm Vương… Ngài thấy thơ của nó phản động chưa, có vấn đề chưa. Nó chê mấy người sống lâu trăm tuổi như tui và bác Hình ỳ ra như chiếc bình vôi, càng sống lâu càng tồi, càng sống càng bé lại…

– Bởi vậy ngươi mới ghét hắn và thù hắn?

Thôi Phán Quan vặn và Tố Bồi Bút gật đầu không do dự.

– Không những ghét hắn, thù hắn mà tôi còn được lịnh viết bài đánh hắn…

– Phải ngươi viết như vầy không?

Thôi Phán Quan mở quyển Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận rồi lớn tiếng đọc.

Cuộc tấn công vào chế độ ta và Đảng ta đã bắt đầu trên mặt trận văn nghệ từ đầu năm 1955, ngay khi hòa bình vừa lập lại.

Trong khi bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ, và bọn tờ-rốt-kít tích cực chuẩn bị lực lượng ở trường Đại học, thì bọn phản Đảng ẩn nấp trong báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ cùng những tên phản Đảng trong phòng Văn nghệ quân đội, đã kết thành một bè phái chống Đảng trong Văn nghệ.

Như lời thú nhận của chúng, cuộc phê bình tập thơ Việt Bắt là do cái bè phái ấy sắp đặt, để đánh vào sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng, đường lối phục vụ chính trị cách mạng, phục vụ công nông binh, và để đề xướng cái “điệu tâm hồn ” ruỗng nát của chủ nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.

Đương nhiên cái ” điệu tâm hồn ” ấy của Lê Đạt xướng lên không thể nào hoà được với cái điệu lớn của cách mạng, và cũng rất tự nhiên nó chỉ hoà được với ” tiếng sáo tiền kiếp ” lóc gân của tên mật thám Trần Duy.

Cũng lúc ấy, bọn Trần Dần, Tử Phác – những đứa con hư hỏng của Hà nội cũ- nay lại trở về với ” cảnh cũ người xưa ” bỗng cảm thấy đời sống trong quân đội ” nghẹt thở “, chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống trụy lạc cũ. Đối với chúng, đời sống trong quân đội cách mạng chỉ còn là ” những sợi dây xích trói buộc phải phá mà ra “. Được tiêm thêm ít nhiều chất phản động của Hồ Phong bên Trung Quốc, Trần Dần gióng lên ” tiếng trống tương lai ” chửi cán bộ chính trị là ” người bệnh “, ” người ròi “, ” người ụ “. Cùng Tử Phác, khiêu khích những anh em khác, hắn tổ chức một cuộc đấu tranh ” buộc lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu ” của họ.

Họ đòi thực hiện những gì? ” Trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một chi Hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục Chính trị “. Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ. “

Đọc xong Thôi Phán Quan quay qua cười nói với nhà thơ Lê Đạt.

– Tôi xin ông thuật lại cho bồi thẫm đoàn nghe về chuyện ông bị bắt đi lao động cải tạo.

Trầm ngâm giây lát nhà thơ Lê Đạt mới từ từ lên tiếng

– Lúc đầu mới đi thì tôi cũng lao động, cũng hăm hở đi vì chắc là hai năm thì xong. Thế nhưng mà hai năm rồi cũng không thấy ai nói gì về vấn đề đó cả và lại tiếp tục hai năm nữa… rồi dần dần nó phai nhạt đi không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Trong quãng thời gian bị lao động cải tạo thời lúc nào người ta gọi tôi đi lao động cũng được. Thời gian đó kéo dài 10 năm. Lẽ dĩ nhiên là trong 10 năm ấy, không phải lúc nào tôi cũng bị bắt buộc đi. Người ta gọi đi, rồi người ta lại cho mình về; về rồi, họ lại kéo mình đi, nghĩa là trong 10 năm là thời gian mình phải dành cho việc đi lao động cải tạo. Thế còn sau này hết 10 năm thì ở nhà. Nhưng mà ở nhà thì… Tôi không ngờ nó kéo dài đến thế. Cả thời kỳ đi lao động lẫn thời kỳ ” cấm ” là gần 40 năm. Mình thấy nó đằng đẵng mà mình coi như là số mệnh thôi…

Ngừng lại uống ngụm nước lạnh xong nhà thơ thở dài tiếp.

– Lúc bấy giờ, nếu tôi không có sự cưỡng lại thì tôi là một người vứt đi, thành một cái rẻ rách. Tôi cho cái việc rẻ rách hóa con người đó, đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm…

Lúc ấy, Thủy, vợ tôi mới 18 tuổi. Ngày nào cũng có những cán bộ tốt bụng đến vạch rõ bộ mặt phản động của tôi và khuyên vợ tôi nên cắt đứt với tôi. Thủy không được làm diễn viên nữa, bị đẩy xuống làm phục trang và bị đối xử như một con chiên ghẻ. Có một điều chắc chắn là không có vợ tôi, thì tôi đã thân tàn ma dại rồi. Tôi đã làm lỡ cuộc đời nghệ thuật của Thủy và vì tôi mà Thủy mắc bệnh suy nhược thần kinh cho đến bây giờ. Được phục hồi,  tôi còn nhúc nhắc sáng tác được, nhưng Thủy thì được gì ngoài chứng bệnh suy nhược thần kinh, tê buốt khắp mặt đến mức nhiều khi không thể hé miệng được…

Tiếng thở dài buồn bả chấm dứt lời kể của người làm thơ. Không khí lặng trang. Lát sau Diêm Vương mới nói với Lê Đạt một cách thân mật.

– Em còn bài thơ nào nữa không đọc cho ta nghe chơi…

Được Diêm Vương hỏi nhà thơ họ Lê cười vui.

– Bẩm Diêm Vương… Tôi xin đọc bài thơ CỬA HÀNG LÊ ĐẠT cho ngài và mọi người nghe chơi…

   

Quý khách qua phố Trần Hưng Đạo

Hãy dừng chân / mấy phút / tham quan

Cửa hàng Lê Đạt.

1.

Lê Đạt nào ?

Có phải Lê Đạt / của Những người tự tử / của Những cái bình vôi

Chán thơ thẩn rồi sao / mà lại về mở hiệu

Hay vợ đau, con yếu  / Làm thơ không đủ tiền

Hay bị phê bình / kiểm thảo

Giờ như chim phải tên / Động thấy cây cong / là sợ

Hay thơ tồi không người tiêu thụ

Phải bán kí-lô…

2.

Làm thơ đã đành là khó sống

Một bài thơ Văn nghệ trả / năm nghìn

Mua soẳn vừa hai hộp sữa

Nhưng kinh tế dân ta còn khổ / làm thế nào

Cả nước nghèo tần tảo nuôi nhau

Đủ sống làm thơ / thế là tốt lắm

Nếu không có mấy ông phê bình

Mác xít thiên binh / Duy vật chi hồ giả giã

Nhai chữ mòn răng / chưa vỡ sự đời

Mấy chữ i- tờ lòng người / không biết

Ngắt ngọn bao nhiêu suy nghĩ /tìm tòi

Ra chữ nghĩa / nhiều khi / cũng giết người

Có những ngày chán nản / Tôi muốn đi thật xa

Không muốn nhìn / không muốn nghe / không muốn viết

Có những ngày / tôi chỉ còn muốn chết

Nhưng thương vợ / thương con / yêu tiếng Việt

Tôi không đành đi

Quê lạnh thân cò lặn lội

3.

Trần Hổ đi phao tin

“ Lê Đạt mở cửa hàng phở chó ”…

 

Nghe tới đó thiên hạ bật cười rần rần. Diêm Vương cũng cười gật gù.

– Ta nghe ông Tản Đà gì đó khen thịt chó ngon lắm. Xong vụ án này chắc ta phải tới cửa hàng phở chó của em ăn cho biết mùi vị…

Tố Bồi Bút vọt miệng xen vào.

– Bẩm Diêm Vương. Dưới âm phủ đảng con cũng có cửa hàng bán thịt chó. Bảo đảm đầy đủ chất lượng như ở Hà Nội…

Hơi cau mày Diêm Vương vặn hỏi.

– Cái gì mà đầy đủ chất lượng. Ngươi nói gì nghe chói cái lỗ tai ta quá. Thức ăn mà nói là đầy đủ chất lượng. Mày đúng là dốt mà hay nói chữ…

Bị Diêm Vương xì nẹt Tố Bồi Bút cười hề hề. Thấy vậy Diêm Vương mới hỏi tiếp.

– Ngươi làm gì trong cái quán thịt chó đầy đủ chất lượng của ngươi?

– Dạ con làm công cho bác và đảng. Con phụ trách phần văn nghệ giải trí. Hể khách vào ăn thì con tiếp rước và ngâm thơ cho họ nghe… Khi đông khách quá thời con chạy bàn luôn. Bởi vậy khách ăn mới gọi con là ” thi sĩ bưng tô ”. Còn khi nào quán ế ẩm thì con phụ trách dọn dẹp và làm sạch sẽ bởi vậy bác và đảng cho con cái chức ” thi sĩ bưng bô ”…  

Diêm Vương mỉm cười khi nghe Tố Bồi Bút khoe khoang chức vụ. Ông ta chưa kịp nói gì, vị sứ giả áo đen hắng giọng.

– Diêm Vương đừng có tin lời hắn. Lúc tiệm bán thịt chó của bác và đảng của hắn mới mở thần có tới ăn thử. Thằng chủ tiệm là thằng chó chết nên hắn nấu toàn thịt chó thúi hoắc ăn không được…

Quay qua Hắc y sứ giả, Diêm Vương hỏi.

– Ai là chủ tiệm vậy. Ta muốn biết để rút giấy phép hành nghề của hắn… Để lạng quạng là toàn thể âm phủ sẽ bị hắn đầu độc hay bị lây bệnh…

Hắc Y Sứ Giả cười cười không trả lời câu hỏi của Diêm Vương. Giọng ngâm thơ của nhà thơ Lê Thành Tựu vang lên trong căn phòng im lặng.

– Anh em ôm bụng cười

Ô hay, sao lại cười

Tôi không định mở cửa hàng phở chó

Nhưng sáng tác cho đời thêm vài thứ phở

Chẳng là nên hay sao

Chẳng hơn ngồi nhai đi nhai lại

Mấy vần thơ thịt rừ

Bã nát từ thời cà cộ.

Một tý anh / một tý em

Tý ty nhiệm vụ / tý ty căm thù

Tý ty diễm huyền / tý ty mông vú

Đổ làm mấy chục thùng thơ

Bùi Thị Xuân (1) / nếu không còn hàng phở

Đời sẽ buồn biết đến bao nhiêu

Như Hồ Gươm không người làm xiếc

Như Hồ Tây vắng bánh tôm

Ta sẽ mất rất nhiều Hà Nội

Nước béo / mỡ gầu / tôm tươi / thơ mới

Áo nắng tuổi cờ thu chín tới Thủ đô

4.

Anh em tôi đẻ sau đến muộn

Mở cửa hàng / sinh sống / khó khăn

Bao nhiêu chỗ thơm / người ta “xí” trước

Hiệu 20 năm / Hiệu 30 năm / Hiệu “ nhất Thủ- đô ”

Hiệu “ gia truyền chính cống ”

Phong lưu sống nhờ độc một cái tên

Anh em tôi đành ra góc phố

Đăng ký mở hàng

Chưa có tiếng tăm / rồi sẽ có tiếng tăm

Miễn chịu khó làm ăn / cần cù / lương thiện

Bà con / cho mấy tấm ni lông

Lợp lên làm mái

Mấy tấm dù Điện biên / quây lại làm tường

Mới ra ở riêng / bạn bè thương giúp đỡ

Ôm lấy bóng đèn / Văn Cao vẽ một con mắt đỏ

Giải thích / ” ngày đêm mất ngủ / đăm đắm sự đời ”

Ngoài cửa hàng / Trần Dần treo / quả tim đồ sộ

Khắc mấy câu thơ Mai – A “ Yêu / ghét / khổng lồ ”

Hôm khai trương / Hoàng Cầm giọng oanh vàng đất Bắc / Sẽ đến ngâm thơ

Nguyễn Sáng vẽ chân dung người đến dự

Tử Phác mắt Rômêô mơ buồn thả điệu “Quay tơ”

Phùng Quán “ vượt Đảo ” về múa micrô độc tấu…

5.

Cuộc sống thật vui / nhưng thật là vất vả

Méo mặt / lo cơm / lo gạo / lo ốm / lo đau

Lo hàng trăm thứ

Vật chất đã đành là hạ tầng cơ sở

Nhưng người ta đâu chỉ có dạ dày

Còn tim đòi rung / còn đầu đòi nghĩ

Hằng hà sa số nhu cầu

Anh thích đi câu

Anh thích đi píc-níc

Chị thích đầu xúc xích

Chị thích Uxi

Như sách nói :

Bách nhân bách thích

Anh hôm nay đi chơi /Trời cao thu mát

Gặp một tà áo bay phơ phất bên hồ

Con ruồi đậu mép ngẩn ngơ

Đêm khép cửa / lòng còn ngỏ gió

Còn anh / hai thứ tóc trên đầu / chưa vợ

Mưa dầm bến Nứa lỡ xe

Đầu gối ba lô xẹp mộng

Buồn như một sự hiểu lầm

Còn anh / con sài /vợ chửa

Sòn sòn / hai năm đôi

Quanh quẩn tã con / thuốc vợ

Còn anh / mơ ước trong đầu tấy mủ

Bao nhiêu dự định quay cuồng

Bức bối, tay chân / đói thèm cửa sổ

Tàu mơ neo nặng nợ rãnh đời.

6.

Xin các anh hãy đến hàng tôi

Nếu cần vui / tôi sẽ đi làm xiếc

Trồng cây chuối ngược / đánh trống thổi kèn

Tôi sẽ làm thằng hề / “ ới a ”/ bông phèng nghịch ngợm

Giành giật mảnh vui / từ tiếng thở dài

Những người ít cười / thường hay chết sớm

Tôi sẽ xào thêm xanh thêm mộng

Tôi sẽ làm thầy tướng / Chấp mấy tử vi / mấy bói bài xì

Người làm thơ nào chẳng chút ít tiên tri

Nếu những cái hàng ngày ỉ eo đê tiện

Mốc nồm ăn meo khắp cả thân hình

Tim tro nguội đến mèo không thèm ngủ

Tôi sẽ chụm thơ tôi thành ngọn lửa

Sấy lại tâm hồn mưa phùn

Trên đường mưu sinh trường kỳ mệt mỏi

Tôi sẽ tiếp máu thơ nóng hổi

Lên dây cót lại trái tim

Bước túc tắc / phố xanh mùa tíc tắc

7.

Để tạo dựng một cửa hàng nho nhỏ

Tôi đã đổi những ngày hớn hở / mười tám đôi mươi

Những má gọi / những vườn cười chín tới

Tôi đã sống những ngày lầm lũi

Quên ngủ quên ăn

Tôi đã chịu đau thương bất công hắt hủi

Tuổi thơ làm hại tuổi trời (2)….

Tôi vẫn đi / như cung mệnh / sao Đà la đầy dọa

Cho đến lúc / trí trá / cường quyền / đểu giả

Không còn hành hạ con người

Sao ta chưa khai thác cung trăng / thành chỗ ở

Sao mới sáu bảy mươi / đời đã vội về già

Đến bao giờ mới có những thiếu nhi trăm tuổi

Ngậm ngùi thương ông Bành tổ chết non

Những bà mẹ vừa sinh con vừa hát

Chữ tự do mùa thật hạt bát cười…

Nghe xong bài thơ Diêm Vương gật gù khen hay xong tuyên bố tạm ngưng phiên tòa để mọi người dùng cơm trưa.

Còn Tiếp

Advertisement