Phần III
Chuyến công tác cuối cùng
29.
Đang ngồi xem truyền hình với bà Hằng, Thúy Nhi nghe điện thoại reo. Nhìn vào màn hình cô mỉm cười.
– Hello My Captain…
Vừa nghe Thúy Nhi nói câu trên, bà Hằng vội bấm nút cho cường độ âm thanh của tivi xuống thấp. Hiểu ý của bà mẹ chồng tương lai, Thúy Nhi mở ” speaker’s phone ” lớn hơn rồi cười nói tiếp.
– Em và mẹ xin chia buồn với anh về trận hải chiến Trường Sa…
Bà Hằng nghe con trai cười rồi sau đó giọng nói trầm buồn vang vang.
– Anh cám ơn em với mẹ… Đánh nhau mà em… Phải có khi thắng khi thua… Mình mà thắng hoài thì lấy ai đánh với mình…
Cười hắc hắc, Thúy Nhi hỏi.
– Có em nè… Em rất muốn dọng dô mặt của anh… Mà anh đang ở đâu dzậy?
– Cam Ranh. Tàu anh được ghé Cam Ranh lãnh tiếp tế và cũng để nghỉ xả hơi một tuần…
Hiểu ý của ông lính tàu ngầm, cô cười thốt trong lúc nhìn bà mẹ chồng tương lai.
– Anh có muốn…
– Rất muốn…
– Muốn gì?
– Muốn dọng dô mặt em…
Thúy Nhi nghe tiếng cười hà hà vang ở đầu dây bên kia.
– Anh cũng muốn được gặp mẹ nữa…
– Dậy hả… Em sẽ ” book ” vé máy bay đi Nha Trang ngay bây giờ…
– Cám ơn em… Anh chờ được gặp em…
Cười hắc hắc Thúy Nhi đùa.
– Kỳ này chắc anh bị đòn nặng à nghen… Mẹ hăm he anh đủ thứ…
Bà Hằng nghe tiếng cười của con trai vọng lớn. Điện thoại ngưng. Thúy Nhi gọi hãng máy bay. Cô được cho biết sẽ có chuyến bay đi Nha Trang 8 giờ sáng mai. Hai mẹ con lo sửa soạn xong đi ngủ sớm vì phải thức dậy lúc 6 giờ sáng. Vừa bước vào phòng đợi của phi trường Nha Trang, Thúy Nhi ngó dáo dác nhưng không thấy ông lính tàu ngầm của mình. Một người lính hải quân từ trong góc bước ra. Nhìn cô, anh ta cười hỏi.
– Xin lỗi cô… Tôi tên Chiện. Cô có phải cô Thúy Nhi?
– Dạ chính tôi…
Người lính mau mắn thốt.
– Hạm trưởng của tôi nhờ tôi tới đón cô và bà về căn cứ Cam Ranh…
Sau khi lấy hành lý, Thúy Nhi và bà Hằng theo người lính ra xe. Nhìn chiếc jeep, Thúy Nhi cười nói đùa với bà mẹ chồng tương lai.
– Anh Chương cưng mẹ ghê… Đem xe jeep ra đón mẹ…
Bà Hằng cười đùa.
– Cưng con thì có. Hổng có con chắc nó cho mẹ đi tắc xi…
Dường như đã biết hai phụ nữ này là ai nên Chiện cũng vui vẻ góp chuyện.
– Dạ… Hạm trưởng của tôi nói là vì bận thử ” đồ chơi mới ” nên không thể ra đón bà với cô được…
– Anh xin lỗi cho tính tò mò… Anh nói ” hạm trưởng của tôi bận thử đồ chơi mới…”. Tôi không hiểu…
Bật cười hắc hắc Chiện mới lên tiếng giải thích.
– Dạ đó là tiếng lóng mà thuỷ thủ tàu ngầm gọi thứ vũ khí mới. Chiếc 66 Hải Mã vừa nhận được một UUV. Chắc cô chưa biết UUV là tiếng viết tắt của Unmanned Underwater Vehicle) được điều khiển từ xa. Vì vậy mà hạm trưởng phải cùng với thuỷ thủ đoàn thực tập để sử dụng cho nhuần nhuyễn…
– Aaaa… Thì ra là thế. Anh Chiện đi tàu ngầm lâu chưa?
Thuý Nhi hỏi dò. Chiện tủm tỉm cười.
– Dạ… Tôi đi lính được 10 năm rồi cô ơi. Mà tôi làm lính tàu ngầm mới 4 năm…
– Vậy là anh Chiện ở dưới quyền chỉ huy của ông trung tá hạm trưởng lâu hén…
– Dạ… mà đại tá Chương chứ hổng phải trung tá thưa cô…
– Thằng con tôi lên chức đại tá hồi nào mà nó hổng nói cho tôi biết dzậy cà…
Tới phiên bà Hằng góp lời. Đang lái xe Chiện quay lại cười với bà Hằng.
– Dạ mới lên chức chừng tháng thôi thưa bà. Chắc vì vậy mà hạm trưởng chưa có dịp thưa với bà…
– Anh Chiện thích làm việc với hạm trưởng của anh hông?
– Tôi thích lắm… Bình thường ổng rất vui vẻ bình dân và thương lính lắm. Nhưng khi đụng trận thì ổng điên hết biết và lì một cây…
Nói xong Chiện cười hắc hắc. Thuý Nhi cũng bật cười thánh thót nói với anh thủy thủ tàu ngầm.
– Ổng có biệt hiệu Chương Điên mà… Thực ra thì tôi chưa thấy ổng lên cơn điên bao giờ…
– Để tôi kể cho cô với bà nghe… Ổng cho tàu lặn ngay dưới lườn con vịt què Liêu Ninh rồi phóng thuỷ lôi bắn cháy một lúc ba chiếc tàu của hạm đội Nam Hải. Nghe cái lệnh của ổng bảo tàu phải lặn sâu gần tới đáy biển rồi nổi từ từ lên ngay dưới lườn tàu là thuỷ thủ đoàn sợ xanh mặt. Tôi muốn tè trong quần…
Bà Hằng và Thuý Nhi hổng nín cười được. Lát sau Thuý Nhi mới hỏi.
– Anh nói con vịt què Liêu Ninh là cái gì vậy?
Chiện bật cười ha hả.
– Đó là chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Cộng mua lại của nước Ukraine rồi sửa chữa lại và đặt tên Liêu Ninh. Nó cũ như trái đất và dở ẹt nên tụi này gọi là con vịt què để phân biệt với chiếc Thượng Hải mới đóng…
Chiện vừa lái xe vừa chuyện trò rồi chừng nửa giờ sau xe dừng lại nơi cổng có lính gác. Thuý Nhi thấy chiếc jeep cũ và bụi bặm xịch đổ ngay cạnh chỗ mình ngồi rồi Chương bước xuống.
– Mẹ… Con mừng được gặp mẹ…
Bà Hằng rưng rưng nước mắt khi thấy lại đứa con độc nhất của mình. Nhìn Thuý Nhi, ông lính tàu ngầm giang hai tay ra ôm lấy vị hôn thê ngồi trên xe. Cô chủ trẻ ứa nước mắt khi nghe lời thì thầm bên tai: ” Anh nhớ em…”. Dụi đầu vào ngực ông lính, cô thì thầm: ” So do I…”.
Nhường tay lái cho hạm trưởng, Chiện lái chiếc jeep cũ vào căn cứ. Chương quày xe trở ra phố.
– Anh đưa em với mẹ tới khách sạn xong chiều ra đón. Anh đã đặt buổi ăn tối rồi…
Ngồi ở băng sau, bà Hằng cười thánh thót.
– Mừng con lên chức hả…
Chương bật cười lớn.
– Dạ… Còn một điều mừng lớn hơn nữa mà đó cũng là lý do con mời mẹ và Thuý Nhi ra Nha Trang chơi…
– Lý do gì dzậy anh?
– Lên chức đại tá anh không còn đi tàu ngầm nữa mà sẽ lên bờ. Có thể anh sẽ được giao một chức vụ nào đó ở bộ tư lệnh tàu ngầm
Chương thấy được vẻ mừng vui trong mắt của Thuý Nhi khi cô quay sang nhìn anh.
– Có nghĩa là anh sẽ được ở Phú Quốc?
Cười nhẹ Chương gật đầu.
– Anh thích ở Phú Quốc hơn Sài Gòn…
– Em cũng vậy. Đời sống yên bình và nhàn hạ hơn…
– Do ở tình hình chiến trận còn nóng cho nên bộ tư lệnh yêu cầu anh thi hành một công tác mới cực kỳ quan trọng và khẩn cấp. Tư lệnh Kiếm có hứa sau chuyến công tác này Toàn sẽ thay anh làm hạm trưởng chiếc Hải Mã…
Nhẹ cười Thuý Nhi hỏi nhỏ.
– Vậy đây là chuyến công tác cuối cùng của anh hả?
– Đúng… Đây là chuyến công tác cuối cùng… Em rán chờ…
Thuý Nhi nói với giọng nghiêm nghị và quả quyết.
– Em sẽ chờ…
Xe dừng ở khách sạn Thuỳ Dương cao ba tầng ngó ra bãi biển có rừng thuỳ dương reo trong gió mát rời rợi. Thang máy đưa ba người lên tầng 2. Hành lý được mang vào. ” Tip” người bồi phòng xong khép cửa lại, Chương bước tới đứng trước mặt mẹ mình.
– Mẹ không già đi chút nào. Trừ một người ra mẹ là người đàn bà đẹp nhất trong mắt con…
Bật tiếng cười hạnh phúc bà Hằng giễu.
– Aaaaa… Ai là người đẹp nhất dzậy con?
Bắt gặp cái nheo mắt của bà Hằng, Thuý Nhi lên tiếng liền.
– Hổng phải con đâu… Chắc ảnh nhắc tới người đẹp áo xám của ảnh đó…
Chương cười ha hả đùa.
– Cô gái xách giày của anh đó… Cổ mới là người đẹp mà anh mê nhất…
Thấy đồng hồ chỉ 15:00 giờ Chương nói nhanh với Thuý Nhi.
– Anh phải đi… 18:30 anh sẽ trở lại đón em với mẹ… Bye…
Nhìn theo bóng ông lính tàu ngầm ra cửa, không hiểu nghĩ gì mà Thuý Nhi chợt thở dài. Nghe tiếng thở dài đó bà Hằng hỏi nhỏ.
– Con có chuyện gì không vừa ý?
Thuý Nhi lắc đầu cười.
– Dạ không… Con chỉ mong tới lúc anh Chương trở về…
30.
04:30 giờ. Gió đêm thổi phần phật. Mùi rong biển hăng hăng. Ánh hải đăng mờ dần. Thuỷ thủ đoàn còn năm phút để hút thuốc cho đã thèm trước khi tàu lặn. Chương im lặng nhìn về thành phố. Sáu ngày vui chưa đủ. Đêm bịn rịn chia tay. Lời dặn dò. Câu hò hẹn. Quản nội trưởng Hành đứng bên cạnh chợt lên tiếng.
– Tôi có vợ ba con mà hổng biết tại sao mỗi lần chia tay tôi cảm thấy buồn và lo…
Hạm phó Toàn lên tiếng.
– Ông lo gì?
– Lo mình không trở về… Lấy ai nuôi mấy đứa nhỏ…
Chương giấu tiếng thở dài. Lát sau nhìn đồng hồ chỉ 04:35 giờ anh mới cười nói nhỏ.
– 66… Chuẩn bị lặn… 66… chuẩn bị lặn…
Quản nội trưởng Hành cất giọng oang oang lập lại lệnh của hạm trưởng. Thuỷ thủ trên bong hối hả chui vào lòng tàu. Thuỷ thủ trên đài quan sát cũng từ từ chui xuống. Đợi cho mọi người xuống hết, Chương kiểm soát lại lần cuối cùng xem có ai còn ở trên bong không mới đậy nắp hầm, khoá cứng rồi lớn tiếng hô.
– 66… lặn… 66… lặn…
Dưới sự chỉ huy của sĩ quan đương phiên, thuỷ thủ đoàn tuần tự làm những động tác quen thuộc để cuối cùng đem chiếc tàu ngầm lặn xuống.
– 66… bình quân… độ sâu 20 mét… vận tốc 15…
Sĩ quan đương phiên là trung uý Minh báo cáo. Bước tới bàn hành quân dành riêng cho mình, Chương ra lệnh gọn.
– 66… bắc 30… vận tốc 12… độ sâu 200…
Tuân lệnh chiếc 66 lướt đi mang theo nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong kế hoạch chiếm lại quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng đánh chiếm vào năm 1974 trong một trận hải chiến với hải quân của nước Việt Nam Cộng Hoà. Không khí ở phòng chỉ huy im vắng trừ tiếng máy móc và tiếng thì thầm trò chuyện của thuỷ thủ. Đứng tại bàn hành quân, Chương nhìn vào bản đồ một phần của vùng Biển Đông từ đảo Hải Nam dài tới quần đảo Hoàng Sa. Sanya hay là căn cứ Du Lâm của Trung Cộng tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam xa chừng 350 cây số. Ở trong vùng biển rộng đó anh phải tìm cho ra sợi dây cáp đường kính bằng ngón chân cái hay nhỏ hơn một chút chìm khuất dưới đáy biển được che phủ bởi đất đá rong rêu mấy chục năm. Trong khu vực nằm giữa Hải Nam và Hoàng Sa, căn cứ theo hải đồ mà bộ tư lệnh hải quân cung cấp, biển có bốn độ sâu khác nhau. Từ bờ của đảo Hải Nam ra xa khoảng hơn trăm cây số độ sâu không quá 100 mét. Kế đến chừng 80 cây số có độ sâu 200 mét. Khoảng thứ ba hẹp hơn sâu từ 200 cho tới 1000. Gần tới khu vực của Hoàng Sa độ sâu trung bình từ một tới hai ngàn mét và có chỗ sâu hơn. Tuy nhiên các đảo đá ở Hoàng Sa lại cạn hơn, có chỗ chỉ sâu vài chục tới trăm mét thôi. Quan sát cẩn thận vị hạm trưởng nhận thấy vùng biển gần với đảo Hải Nam độ sâu trăm mét nên không thích hợp và khá nguy hiểm vì rất dễ bị tàu nổi, tàu ngầm và phi cơ săn tàu ngầm phát hiện và xác định vị trí của mình. Độ sâu thứ nhì tạm ổn song cũng như độ sâu thứ nhất. Suy tính cẩn thận anh chọn độ sâu thứ ba. Hai trăm cho tới ngàn mét là độ sâu thích hợp nhất cho chiếc 66. Anh có thể cho nó nằm yên trên lớp đất cát của đáy biển để thả chiếc ROV ra dò tìm sợi dây cáp đặc biệt mà hạm đội Nam Hải dùng liên lạc trực tiếp với bộ chỉ huy hải quân đóng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ba nhiệm vụ mà anh phải thi hành trong công tác Hoàng Sa, thoạt nhìn thì dễ nhưng đào sâu vào chi tiết thì lại khó khăn vô cùng. Cắt ” submarine cable ” nối liền căn cứ Du Lâm ở đảo Hải Nam tới căn cứ Phú Lâm của Hoàng Sa thì có thể mất thì giờ tìm kiếm nhưng không nguy hiểm và khó khăn như hai nhiệm vụ đánh gục giàn Hồng Kỳ 9 và đốt rụi đảo Phú Lâm. Nói là đốt rụi chứ anh cũng biết với 24 trái hỏa tiễn Harphoon, chiếc 66 không đủ sức bình địa căn cứ Phú Lâm của kẻ địch. Chỉ cần phá hủy phi trường là anh hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi. Tư lệnh Jack cũng đã nói rõ là bộ tư lệnh hải quân chỉ muốn hủy diệt toàn bộ phi trường Phú Lâm để phi cơ không thể hoạt động được. Jack còn nói thêm là sau trận chiến Trường Sa, bộ tư lệnh hải quân nói riêng và quân lực Việt Nam nói chung muốn tránh gây ra một cuộc hải chiến khác nữa mà không chắc nắm phần thắng nên không sử dụng lực lượng không quân và tàu nổi mà dùng thế du kích chiến biển để tiêu hao lực lượng của địch trước. Sau khi đoàn tàu đánh cá có sự bảo vệ của tàu hải giám và tàu cảnh sát biển liên tiếp bị bắn chìm bởi hải quân của nước Việt Nam có thủ đô ở Sài Gòn thì hoạt động của chúng sụt giảm hơn phân nửa. An ninh bị trực tiếp đe dọa cùng với sự sợ hãi đã khiến cho tàu đánh cá của Trung Cộng không dám xâm nhập vào hải phận Việt Nam mà phải ra xa bờ để hoạt động. Tuy nhiên ở vùng nước sâu thì lại không có cá nhiều bằng vùng nước cạn với lại tàu nhỏ thì không có đủ dụng cụ để đánh ở vùng nước sâu. Đa số các tàu đánh cá của Trung Cộng chỉ có sức đánh bắt ở vùng sâu nhất độ 200 mét tức là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc quanh quẩn trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa. Mật lệnh của hải quân là cho phép các tàu ngầm thuộc phân đội Mặt Trời bắn chìm các tàu chở tiếp tế cho các căn cứ của Trung Cộng ở Hoàng Sa với mục đích cô lập quần đảo này. Nếu muốn tiếp tục chiếm đóng Hoàng Sa, Trung Cộng phải lập cầu không vận rất tốn kém. Sự tốn kém này từ từ sẽ làm cạn ngân quỹ của hải quân Trung Cộng khiến cho hoạt động của họ bị giới hạn hoặc trì trệ.
– Trình hạm trưởng…
Đang suy tư Chương ngước lên khi nghe đại úy Hạ, sĩ quan đương phiên lên tiếng.
– Thưa hạm trưởng… Đây là lịch trình của buổi thực tập…
Im lìm giây lát Chương mới thủng thẳng lên tiếng.
– Ông thông báo cho các phòng và các ban không có thực tập hôm nay…
Thủy thủ đoàn vỗ tay hoan hô khi nghe hạm trưởng nói không có thực tập. Thường thường thì mỗi ngày đều có ít nhất một lần thực tập về chữa cháy hoặc chữa lụt lội, nhiệm sở tác chiến hay mưu sinh thoát hiểm. Đó là chưa kể những lớp học chuyên môn dành cho thủy thủ đoàn như hải hành, lặn, vũ khí, ra đa, thủy âm định vị, cơ khí, điện khí và nhiều thứ khác nữa. Mỗi thủy thủ phải biết và làm tất cả những công việc trên tàu để nhiều khi khẩn cấp và nguy biến họ biết cách chỉ huy và điều khiển chiếc tàu. Muốn được thăng chức lên cao hơn họ phải chứng tỏ có đầy đủ khả năng. Vị sĩ quan chỉ huy trực tiếp của họ sẽ xét định sự hiểu biết của nhân viên qua các kỳ trắc nghiệm hoặc khảo hạch. Sau khi nhân viên của mình đã vượt qua các kỳ khảo hạch thì cấp chỉ huy trực tiếp sẽ làm giấy chứng nhận rồi đệ trình lên hạm trưởng để cứu xét và đề nghị thăng cấp. Đề nghị của hạm trưởng sẽ được gởi lên bộ tư lệnh. Có thể nói muốn được thăng cấp nhanh, thủy thủ phải học hỏi để biết, không những ngành nghề chuyên môn của mình mà còn phải học nhiều thứ khác nữa để vượt qua những kỳ khảo hạch. Ngoài chuyện đánh nhau với kẻ địch họ còn phải tranh đua với đồng đội để được thăng cấp.
Ngẫm nghĩ giây lát Chương mới nói với Hạ, sĩ quan đương phiên sẽ xuống phòng ăn uống cà phê. Nếu có chuyện gì khẩn cấp thì báo cáo với hạm phó. Ngay khi cấp chỉ huy vừa rời khỏi phòng thì trung sĩ nhất Nam lên tiếng.
– Phẻ rồi… Mình không có thực tập hôm nay…
Mọi người trong phòng chỉ huy xì xầm bàn tán về chuyện sẽ làm gì sau khi mãn phiên trực lúc 07:00. Chỉ có Ẩn ngồi im, tai đeo ống nghe mắt chăm chú nhìn vào màn hình của máy thuỷ âm định vị. Lát sau Ẩn mới thong thả lên tiếng. Câu nói ngắn gọn của ông ta khiến cho mọi người ngưng cười nói.
– Có tàu lạ đại uý…
Đang cắm cúi ghi chép hoạt động của tàu vào nhật ký hải hành ở chiếc bàn nhỏ dành riêng cho sĩ quan đương phiên để bàn giao lại cho phiên trực sau, Hạ ngước lên rồi bước lẹ tới chỗ Ẩn đang ngồi. Trên màn hình của máy thuỷ âm định vị sáng lờ mờ hình dáng chiếc tàu tương tự như tàu ngầm.
– Song…?
Hạ hỏi gọn. Ẩn cười nhẹ tháo ống nghe ra khỏi tai.
– Không phải Song mà là Ming Class Type 035G. Nó có 6 chiếc tính từ số 305 tới 310 thuộc hạm đội Nam Hải. Những chiếc này cũ rồi được hạ thuỷ năm 1997 cho tới năm 2000…
Hạ cười nhẹ.
– Cũ như vầy mà tụi nó chưa chịu đem trồng hành à. Nó cách mình bao xa?
– 25 cây số… vận tốc 12 cây số/giờ…
Hạ cười nhẹ.
– Còn xa… để tôi báo cáo với hạm phó…
Đang ngồi uống cà phê, sau khi nghe báo cáo Toàn cười nói với Chương và Thâm.
– Mình có ” contact ” rồi. Ông Hạ báo cáo đã dò tìm được chiếc Ming-035B của Trung Cộng chạy cách xa mình 25 cây số…
Uống vội cà phê xong cả ba hạm trưởng, hạm phó và sĩ quan vũ khí kéo nhau tới phòng chỉ huy. Ngồi vào ghế của mình, Chương lên tiếng.
– Thuỷ âm định vị báo cáo…
Giọng của Ẩn vang lên liền.
– Ming-035G… bắc 33… vận tốc 12… sâu 225… khoảng cách 24…
Chương im lìm. Đâu đó trong ký ức còn nóng hổi, anh nhớ tới người bạn thân đã bỏ mình trong trận hải chiến Trường Sa. Chiếc hộ tống hạm VNH15 Bình Dương đã bị tàu ngầm của địch bắn chìm. Trung tá Hà, hạm trưởng cùng với mười mấy thuỷ thủ bị thiệt mạng. Cứ mỗi lần nghĩ tới người bạn thân nhỏ hơn mình ba tuổi, Chương đau thắt lòng. Dù công tác không có lệnh cho anh phải bắn chìm tàu ngầm của địch nhưng cũng không cấm cản anh bắn chìm nó để trả thù cho đồng đội. Huống chi hướng mà chiếc Ming-35G cũng là hướng đi của chiếc 66 nên săn tìm và bắn chìm nó không làm trở ngại công tác.
– 66… bắc 33… vận tốc 25… sâu 350…
Nghe lệnh của hạm trưởng, thuỷ thủ đoàn đều biết chiếc tàu của họ đang săn đuổi tàu ngầm địch. Chạy nhanh gấp đôi thì nó sẽ bắt kịp chiếc Ming-035G chỉ trong vòng hai ba giờ thôi.
– Khi nào còn cách nó 10 cây số thì báo cáo cho tôi…
Chương nói với Hạ. Vị sĩ quan đương phiên lên tiếng.
– Tuân lệnh hạm trưởng…
Dù chưa có nhiệm sở tác chiến song tin đụng tàu địch lan truyền ra. Không khí trong tàu ngột ngạt và nặng nề. Những người có nhiệm vụ hoặc phiên trực sắp tới đều ăn cơm sớm rồi trở về phòng nghỉ ngơi chờ lệnh. Họ biết không lâu sẽ có đánh nhau. Có người không về phòng nghỉ mà mang cà phê sách báo tới ngay vị trí của mình chờ đợi.
– Ming-035G… bắc 33… vận tốc 12… sâu 225… khoảng cách 10…
Hạm trưởng Chương ngồi dậy rồi bước tới bàn hành quân cùng với lệnh cho sĩ quan đương phiên.
– Nhiệm sở tác chiến…
Đèn đỏ bật cháy báo hiệu nhưng ít có người đi lại vì thuỷ thủ đã ngồi tại nhiệm sở từ lâu rồi.
– Phòng vũ khí báo cáo…
– Thuỷ lôi 1, 2, 3, 4, 5, 6 sẵn sàng bắn. Harphoon 7, 8 ready to fire Captain…
– Thuỷ âm định vị báo cáo…
– Mục tiêu… bắc 33… vận tốc 12… sâu 225… khoảng cách 8 cây số… thưa hạm trưởng…
Vì mọi người đều ở trong tình trạng kích thích và căng thẳng cũng như chú tâm vào chuyện làm của mình nên không ai thấy được quai hạm của cấp chỉ huy bạnh ra và nét mặt trở thành đanh lạnh.
– 66… vận tốc 30…
Chiếc tàu ngầm của hải quân Việt Nam tăng tốc độ thành 30 cây số/giờ để thu ngắn khoảng cách với tàu địch đang chạy trước.
– Mục tiêu… bắc 33… vận tốc 12… khoảng cách 6 cây số…
– Thuỷ lôi 1 bắn… 2 bắn…
Đại uý Thâm nhấn nút đỏ. Lệnh được truyền xuống phòng thuỷ lôi ở trước mũi. Hai trái thuỷ lôi rời khỏi giàn phóng trước sau 15 giây. Hạ sĩ Tính và Biền đã sẵn sàng chơi video game nếu địch thả decoy hay phóng thuỷ lôi phản công. Đứng sau lưng Đan, mắt nhìn lên màn hình của máy thuỷ âm định vị, hạm phó Toàn thấy được bọt nổi ở đằng sau đuôi của trái thuỷ lôi thứ nhất khi nó tìm thấy mục tiêu. Chiếc tàu ngầm của địch đột ngột đổi hướng chắc vì khám phá ra mình bị tấn công bằng thuỷ lôi. Tuy nhiên so với vận tốc trăm cây số/giờ của thuỷ lôi thì mọi hành động của nó quá muộn.
– Trúng…
Toàn la nhỏ khi thấy ánh lửa nháng lên rồi tiếp theo tiếng nổ điếc tai chứng tỏ thuỷ lôi đã đánh trúng mục tiêu.
– Trúng…
Lần này đại uý Thâm la lớn khi trái thuỷ lôi thứ nhì phát nổ. Lệnh của hạm trưởng vang lên lạnh lùng.
– 66… bắc 30… vận tốc 12… độ sâu 400…
Chậm chạp ghi lên bảng phong thần dòng chữ ” Ming-035G ” xong đại uý Hàm cười nói.
– Chắc mình phải làm thêm bảng phong thần nữa vì hết chỗ rồi…
Hạm phó Toàn góp chuyện.
– Tại ông vẽ cái hình của chiếc CVN-18 bự quá mà…
Thuỷ thủ đoàn rán nín cười song tiếng ằng ặc vẫn phát ra. Hơi nhếch môi Chương nói gọn.
– Ngưng nhiệm sở tác chiến…
Từ lúc có nhiệm sở tác chiến tới khi ngưng chỉ chừng 30 phút. Dù không nói ra nhưng Toàn biết cấp chỉ huy của mình có chút ít gì thay đổi sau trận hải chiến Trường Sa. Anh cũng biết hạm trưởng buồn đau vì mất đi người bạn thân thiết. Không có thủy thủ nào không biết về trận hải chiến Trường Sa mà phần thắng về phe Trung Cộng, kẻ xâm lăng và kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt. Tất cả mọi người trong số đó có anh giấu kín niềm đau buồn về những chiến sĩ đã bỏ mình cho sự tồn vong của đất nước. Có lẽ vì lý do muốn trả thù cho bạn nên vị hạm trưởng của mình tỏ ra không nhân nhượng khi gặp tàu địch. Sống với buồn đau và thù hận thì cũng chẳng sung sướng gì nhưng đôi khi những thứ đó là động lực giúp người ta đứng dậy tiếp tục cuộc chiến đấu của mình. Nhìn theo hạm trưởng lặng lẽ rời khỏi phòng chỉ huy Toàn thở dài khe khẽ. Nghe được tiếng thở dài đó Đan lên tiếng.
– Ổng đổi khác sau trận Trường Sa…
Lấy ống nghe ra khỏi tai mình, Ẩn quay nhìn Đan rồi hỏi nhỏ.
– Ông có ý gì?
Đan cười buồn.
– Tôi muốn nói hạm trưởng lạnh lùng và sắt đá hơn. Bây giờ gặp tàu địch là ổng nổ liền không như lúc trước.
Toàn lên tiếng.
– Ổng đau vì mình thua trận Trường Sa. Ổng qui trách nhiệm vào mình. Ổng nói nếu ổng ra lịnh bắn luôn con vịt què Liêu Ninh thì mình sẽ không thua và chết mấy trăm người.
Tới phiên Thâm xen vào câu chuyện.
– Mình mà bắn luôn chiếc Liêu Ninh thì chắc không trốn thoát được đâu. Mấy chục chiếc tuần dương, khu trục và hộ tống ví thì mình chỉ có nước nằm xuống đáy biển…
Toàn gật đầu thở dài.
– Ổng thương anh em thủy thủ của tàu nên mới chừa con vịt què ra.
Đứng nơi bàn dành cho sĩ quan đương phiên, Hạ vọt miệng hỏi.
– Mai mốt hạm phó lên làm hạm trưởng rồi ông có làm như ổng không?
Tất cả mọi người đều quay nhìn Toàn chờ nghe câu trả lời. Im lìm giây lát hạm phó Toàn mới cười thốt.
– Chắc tôi cũng làm giống như ổng thôi. Mình cũng phải thương thân mình trước. Vả lại mình chết rồi thì đâu còn tiếp tục chiến đấu được. Thua trận Trường Sa chưa hẵn là thua luôn cuộc chiến tranh với tụi Trung Cộng…
– Tôi đồng ý với hạm phó.
Hạ cười lên tiếng. Còn thiếu úy Hải, phụ tá của Thâm nói nhỏ trong lúc nhìn ra cửa.
– Tôi thích câu nói của hạm phó. Ông thành thật và thực tế hơn…
Toàn cười hà hà nhìn Hải.
– Cám ơn ông… Tôi yêu nước nhưng tôi cũng thương vợ con tôi. Đánh không lại thì mình chạy rồi mai mốt đánh tiếp. Cuộc chiến này dai dẳng lắm. Bởi vậy mình phải tìm đủ mọi cách để sống còn mà dạy dỗ con cháu của mình tiếp tục cuộc chiến đấu cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ.
– Tôi nghe đồn chính phủ đang vẽ kế hoạch Bắc Phạt. Hạm phó có nghe nói gì không?
Đan hỏi và Toàn cười hà hà.
– Ông nghe đồn mà sao đúng vậy. Chiến dịch Ngóng về Hà Nội giai đoạn cuối cùng sẽ được phát động sớm nhất là sau tết năm tới. ( Điều này sẽ được nhắc tới trong truyện LỬA TỰ DO sẽ được đăng tải ). Hạm trưởng có nói với tôi là mình phải đánh ra miền bắc để thống nhất đất nước. Yếu tố này rất quan trọng trong cuộc chiến chống xâm lược của Trung Cộng trên bộ và trên biển. Mấy ông nghĩ thế nào khi mình bố trí giàn hỏa tiễn nhắm vào đảo Hải Nam…
Tới phiên quản nội trưởng Hành xen vào bằng tiếng cười ha hả.
– Tụi Trung Cộng xón đái liền khi mình đặt vài giàn hoả tiễn ở Vinh, Thanh Hoá, Hải Phòng để nhắm vào đảo Hải Nam. Từ lâu tụi nó chuyên doạ người khác mà bi giờ bị mình hù lại là tụi nó ớn liền… Chừng chục trái Tomahawk là đủ bình địa căn cứ Du Lâm rồi.
– Mình cũng có thể phóng SLAM (AGM-84E Standoff Land Attack Missile) từ tàu ngầm nằm trong hải phận của mình…
Mỗi người lao xao góp ý rồi cười đùa với nhau. Từ Cam Ranh lên tới vùng biển nằm giữa Hoàng Sa với đảo Hải Nam cũng mất hơn hai ngày vì tàu chỉ chạy có 10 cây số/giờ. Từ Cam Ranh lên tới Đà Nẳng mất một ngày rồi một ngày nữa để lên tới gần vĩ tuyến 17. Ở đây tàu sẽ nổi lên trong hải phận Việt Nam để xạc đầy bình điện rồi đổi hướng đi vào vùng biển nằm giữa Hải Nam với Hoàng Sa.
31.
Cửa Tùng. 04:00 giờ. 10 cây số ngoài khơi. Chiếc 66 từ từ nổi lên giữa biển khơi. Gió không mạnh lắm song đủ làm khói thuốc tan thật nhanh. Thiếu uý Hải, phụ tá sĩ quan đương phiên cùng với vài người lính có phận sự đứng trên đài quan sát dùng ống dòm tìm kiếm tàu lạ trong lúc giàn ra đa cũng hoạt động để dò máy bay. Mặc dù tàu đang ở trong hải phận của nước Việt Nam nhưng không vì thế mà họ chểnh mảng nhiệm vụ của mình. Theo lệnh của quản nội trưởng Hành thì thuỷ thủ đoàn được thay phiên nhau lên bong tàu hút thuốc và đổi không khí nhưng mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cấm tuyệt. Đây sẽ là lần cuối cùng của tàu nổi lên để xạc bình điện. Trong lúc đó nhân viên thuộc phòng chỉ huy lại bận rộn. Từ ban hải hành, thuỷ âm định vị, vũ khí, truyền tin và liên lạc đều cắm đầu vào công việc của mình. Nơi bàn hành quân dành riêng cho hạm trưởng, Chương với Toàn, Thâm và Hạ đứng vây quanh màn hình sáng rực lên vùng biển nằm giữa hai đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Từ bờ biển của đảo Hải Nam của nước Trung Cộng tới hòn Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của nước Việt Nam khoảng cách chừng 350 cây số. Nó có bốn độ sâu khác nhau từ 0m tới 100m, 100m tới 200m, 200m tới 1.000m và 1.000m tới 2.000m. Đây là độ sâu trung bình vì có thể có nhiều nơi sâu hơn. Chương chọn vùng biển có độ sâu từ 200m tới 1000m và ba sĩ quan phụ tá đều đồng ý với chọn lựa của hạm trưởng.
– Tôi thấy mình nên chọn độ sâu từ 400 cho tới ngàn mét… thưa hạm trưởng…
Toàn lên tiếng trước nhất. Thâm phụ hoạ theo.
– Tôi cũng đồng ý với hạm phó. Sâu quá thì ROV khó hoạt động hơn…
Hạ rụt rè nêu ý kiến vì dù sao anh cũng mới xuống tàu gần nửa năm thôi trong khi ba sĩ quan chỉ huy của anh người nào cũng đã ở tàu ngầm ít nhất 5 năm.
– Trình hạm trưởng. Tôi nghĩ mình chỉ dùng độ sâu từ 500 mét cho tới ngàn mét để trốn tàu của địch khi bị khám phá. Chiếc ROV mà chúng ta có chỉ có thể hoạt động hữu hiệu ở độ sâu không quá 400 mét…
Hạ là sĩ quan duy nhất của tàu có học qua khoá huấn luyện cho việc sử dụng ROV. Biết điều đó nên vị hạm trưởng tươi cười lên tiếng như khích lệ cho nhân viên trình bày ý kiến.
– Ông Hạ là chuyên viên về ROV thì ổng phải biết nhiều hơn tôi với Toàn và Thâm về vụ điều khiển con cua biển… Ông chọn ai để điều khiển chiếc ROV?
– Trình hạm trưởng… Sau tuần lễ thực tập thì tôi thấy trung uý Biết với hạ sĩ nhất Ánh là hai người có khả năng để sử dụng ROV… Thiếu uý Biết lo phần phóng ra và thu hồi con cua biển trong lúc Ánh lo phần điều khiển con cua đi tìm sợi dây cáp…
Gật đầu tỏ vẻ hài lòng, Chương quay qua Toàn với Thâm.
– Hai ông có ý kiến gì nữa không?
Toàn nhìn Thâm như hội ý xong mới trả lời.
– Tôi không quan tâm lắm về vụ cắt cáp mà tôi lo về vụ Hồng Kỳ 9 ở Hoàng Sa hơn…
Chương cười cười nhìn ba sĩ quan dưới quyền của mình.
– Tôi cũng biết công tác ở Hoàng Sa quan trọng hơn nhưng việc cắt cáp sẽ làm ngưng trệ hệ thống truyền tin và liên lạc của căn cứ Hoàng Sa về bộ tư lệnh hạm đội Nam Hải. Khi mà cáp bị đứt thì căn cứ không quân ở Đà Nẳng sẽ sử dụng Miniature Air Launched Decoy Jammers (MALD-J) giả tấn công căn cứ Phú Lâm. Điều này sẽ khiến cho địch phải phóng hoả tiễn Hồng Kỳ-9 tấn công. Cho tới khi chúng hết hoả tiễn để phóng thì chiếc 66 của mình mới phóng hoả tiễn đánh xập các giàn phóng của Hồng Kỳ-9 cũng như phi trường Phú Lâm…
Ngừng lại giây lát vị hạm trưởng mới thong thả tiếp lời.
– Vụ cắt cáp tôi giao cho ông Hạ. Còn hai ông Toàn với Thâm lo chấm toạ độ của phi trường Phú Lâm và giàn Hồng Kỳ-9. Chấm toạ độ xong hai ông trình lên tôi…
Dứt lời vị hạm trưởng trở lại ghế ngồi của mình nhường chỗ cho hai sĩ quan tín cẩn phác thảo kế hoạch đánh xập tiệm căn cứ Phú Lâm với hai mục tiêu chính là phi trường và giàn hoả tiễn Hồng Kỳ 9. Anh biết hoả lực của một mình chiếc 66 không đủ sức huỷ diệt hoàn toàn căn cứ Phú Lâm nên anh phải chọn lựa những mục tiêu quan trọng nhất. Ở torng cái nhìn chiến thuật của anh thì phi trường tiêu biểu cho tấn công còn giàn hoả tiễn chỉ dùng để tự vệ mà thôi. Trong trận hải chiến Trường Sa xảy ra gần đây, chính phi trường của căn cứ Phú Lâm đóng một vai trò rất quan trọng. Anh nhớ mình đã làm cho chiếc CVN-18 Thượng Hải của hạm đội Nam Hải thành ra bất khiển dụng song phản lực cơ chiến đấu và oanh tạc xuất phát từ căn cứ Phú Lâm đã oanh tạc các căn cứ đóng ở quần đảo Trường Sa cũng như đã gây khó khăn và thiệt hại cho các tàu nổi của hải quân Việt Nam. Do đó đánh xập tiệm phi trường Phú Lâm là ưu tiên số một, quan trọng hơn giàn hoả tiễn Hồng Kỳ 9. Chiếc 66 mang theo 12 trái hoả tiễn Tomahawk. Bao nhiêu đó đủ để cho anh biến phi trường thành ra bất khiển dụng trong thời gian dài. Mục tiêu nào quan trọng nhất của phi trường Phú Lâm. Thứ nhất là khu vực chứa nhiên liêu, thứ nhì là phi đạo và thứ ba đài kiểm báo. Không có xăng dầu là mọi hoạt động đều đình trệ từ máy bay, tàu chiến, máy phát điện. Không có điện là hệ thống truyền tin, liên lạc, chỉ huy đều chết ngắt. Đó cũng là lý do mà bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn đã rãi mấy chục chiếc tàu ngầm chỉ để tìm kiếm và bắn chìm tàu chở nhiên liệu từ đảo Hải Nam ra căn cứ Phú Lâm. Anh cũng biết một điều rất thực là các giàn hoả tiễn hay phi cơ của không lực Việt Nam ở Đà Nẳng thừa sức huỷ diệt căn cứ Phú Lâm nhưng vì một lý do đặc biệt quân lực Việt Nam đã không làm điều đó. Cuộc chiến của nước Việt Nam tự do và dân chủ ở Sài Gòn đối với Trung Cộng là một hình thái chiến tranh mới được gọi là cuộc chiến tranh tự kiềm chế. Sử dụng phi cơ, hoả tiễn đặt căn cứ trên đất liền là tự lộ mặt ra mình chính là kẻ gây chiến. Sử dụng tàu nổi là tự tố cáo mình chủ động gây thêm tình trạng căng thẳng của sự xung đột và có cơ đưa tới chiến tranh. Không muốn bị cho là kẻ chủ chiến do đó nước Việt Nam chỉ còn mỗi cách là dùng hạm đội tàu ngầm để tiêu hao sức lực của kẻ địch. Nếu phi trường Phú Lâm bị ăn hoả tiễn thì người ta đâu biết kẻ phóng hoả tiễn là ai. Đó là lý do khiến cho bộ tư lệnh hải quân phải dùng chiếc 66 để tấn công căn cứ Phú Lâm. Bên nào cũng muốn đánh nhau với bên kia song lại không muốn chiến tranh lan rộng ra để lôi kéo thêm nhiều nước khác vào. Trung Cộng muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, muốn đánh nhau với Việt Nam nhưng lại không muốn đánh nhau với Hoa Kỳ. Chính Hoa Kỳ cũng không muốn đánh nhau với Trung Cộng mà dùng Việt Nam để làm cho Trung Cộng phải kéo dài cuộc chiến cho tới khi kinh tế của Trung Cộng phá sản vì đeo đuổi cuộc chiến dai dẳng. Đứng ở bên ngoài, Hoa Kỳ có lợi vì buôn bán vũ khí cho cả hai nước. Tuy biết như vậy nhưng vì là nước nhỏ do đó Việt Nam phải chấp nhận vai trò của cuộc chiến tranh uỷ nhiệm để nương vào đó đạt được mục tiêu của mình là lật đổ chế độ cộng sản đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. Sau khi hoàn thành được mục tiêu đó, chính phủ sẽ xét lại thế chiến lược là có nên theo đuổi một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm làm tốn hao tính mạng của dân và tài sản của đất nước.
Đang ngồi suy nghĩ Chương nghe phòng cơ khí báo cáo đã xạc bình điện xong và đại uý Hạ, sĩ quan đương phiên chỉ huy thuỷ thủ đoàn cho tàu lặn xuống độ sâu và lặng lẽ đi theo lộ trình cũng như phương hướng đã được chỉ định. Phòng chỉ huy sáng màu xanh pha với màu đỏ phát ra từ các giàn máy móc. Để tiết kiệm điện bình của tàu, máy điều hoà không khí được cắt giảm tới mức tối đa. Hệ thống nấu nước nóng cũng bị cắt luôn thành ra tàu chỉ có nước lạnh thôi. Nhà bếp chỉ được phép nấu bữa ăn tối với thực phẩm tươi còn bữa điểm tâm và ăn trưa đều là đồ hộp được hâm nóng. Đèn trong tàu cũng chỉ mở giới hạn hoặc chỗ nào cần thiết. Các buổi thực tập hoặc học tập cũng tạm thời được ngưng. Thuỷ thủ trên tàu rất vui vẻ vì quyết định này. Họ có dư thời giờ nhiều hơn để giải trí. Tàu có ba phiên trực cho một ngày/24 giờ. Mỗi ca trực 8 giờ. Thuỷ thủ của phiên trực thì có nhiệm vụ trực, còn thuỷ thủ của ca kế được đặt trong tình trạng ứng trực. Nếu có nhiệm sở tác chiến thì toàn thể thuỷ thủ phải trình diện tại nhiệm sở của mình.
06:00 giờ. Ngày 2 của công tác. Thuỷ thủ ở tại phòng chỉ huy đều ngước lên khi nghe có tiếng bước chân. Đại tá Vũ Quang Chương, biệt danh Chương Điên hôm nay trông khác hẵn mọi ngày với bộ quân phục màu xanh nước biển, mũ lưỡi trai và trên vai không có mang cấp bậc hoặc bất cứ thứ huy chương nào. Hạm trưởng của họ mang đôi giày ba ta xanh mà thuỷ thủ hay dùng để đi lại trên tàu vì không gây ra tiếng động. Sự giản dị làm cho ông ta nhìn trẻ trung và sống động hơn so với tuổi 38. Ai cũng biết hạm trưởng của họ là sĩ quan mang cấp bậc đại tá trẻ nhất của hải quân và có thể nói của quân lực Việt Nam ở Sài Gòn. Chuỗi tên của tàu địch được ghi trên bảng phong thần đủ nói lên tài chỉ huy, lòng can đảm và tận tuỵ với nhiệm vụ của ông ta cũng như thuỷ thủ đoàn của chiếc 66.
– Hạm trưởng bữa nay nhìn phong quá…
Chuẩn uý Đan cười đùa. Hơi mỉm cười Chương nói với giọng thân thiện.
– Cám ơn về lời khen của ông. Mình đang ở đâu vậy ông Đan?
– Dạ mình còn cách điểm hẹn chừng 35 cây số thưa hạm trưởng…
Khẽ gật đầu, Chương quay sang đại uý Hạ, người chỉ huy vụ cắt dây cáp đồng thời cũng đang là sĩ quan đương phiên.
– Tất cả sẵn sàng hả đại uý Hạ?
– Trình hạm trưởng… Tất cả đều sẵn sàng…
Hạm phó Toàn với Thâm, trưởng ban vũ khí đồng bước vào. Mặc dù không trực tiếp chỉ huy cũng như không phải là chuyên viên về ROV song vì chuyện dò tìm dây cáp ngầm có liên hệ tới vũ khí nên Thâm được lệnh của hạm trưởng phải có mặt đề phòng những trục trặc có thể xảy ra. ROV mà chiếc 66 được cung cấp nguyên thuỷ là một máy dò thuỷ lôi hoặc các chướng ngại vật của bộ tư lệnh hải quân rồi sau đó được cải biến bằng cách lắp thêm hai cái kéo giống như càng cua bởi vậy mới được thuỷ thủ đoàn gọi là con cua biển. Được coi như vũ khí vì vậy thuộc quyền chỉ huy của Thâm. Chiếc ROV nặng gần trăm kí lô, được chứa ở phòng lặn của tàu nằm gần sau lái. Chiếc phòng đặc biệt của tàu ngầm dùng trong việc thả lính hải kích và đón họ trở về sau khi hoàn thành công tác.
– Mục tiêu 5 cây số… độ sâu 390 mét…
Chuẩn uý Đan báo cáo. Tàu hải hành với vận tốc 6 cây số/giờ. Đó là vận tốc chậm nhất để tàu có thể giữ thăng bằng. Chạy chậm thì có cái lợi là ít tốn điện bình do đó tàu có thể ở dưới nước lâu hơn. Đứng tại bàn hành quân của mình vị hạm trưởng quan sát toàn thể địa hình địa vật của đáy biển nhờ vào hệ thống đặc biệt của tàu được gọi là MOAS, viết tắt của chữ Mine and Obstacle Avoidance Sonar được dùng để tìm kiếm các vật nhỏ nằm trong nước hay dưới đáy biển. Theo như tài liệu được cung cấp bởi bộ tư lệnh hải quân thì sợi dây cáp( fiber optic cable ) được thả từ đảo Hải Nam dài tới căn cứ Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam theo hướng bắc đông bắc xuống nam đông nam nhưng không xác định một cách chắc chắn vị trí của nó. Muốn tìm kiếm sợi dây cáp thì anh phải lái tàu phải chạy theo hướng đông tây. Anh cũng biết tìm được sợi dây lớn cỡ bằng ống nước nằm chôn vùi dưới đáy biển không phải là chuyện dễ dàng bởi vì có rất nhiều thứ lẫn lộn với sợi dây cáp để làm giảm đi hiệu quả của con cua biển. Bất cứ mảnh kim loại nào chìm ở dưới lớp đất cát của đáy biển cũng có thể làm cho con cua biển nhận lầm là sợi dây cáp. Đây là loại dây cáp được chế tạo rất đặc biệt, có tới 8 lớp khác nhau tính từ ngoài vỏ vào tới trong ruột. Lớp thứ nhất hay lớp ngoài cùng là một lớp nhựa dày polyethylene không thấm nước dùng để ngăn không cho nước biển thấm vào bên trong. Lớp thứ nhì gọi là mylar tape cũng là một lớp nhựa mỏng hơn dùng để giữ chặt những sợi dây thép ở bên trong. Lớp thứ ba là stranded steel wires có công dụng bảo vệ các lớp vỏ ở bên trong khỏi bị đứt gãy khi được căng kéo. Lớp vỏ thứ tư là Aluminium water barrier như tên đặt của nó dùng ngăn nước biển không thấm vào cũng như chống rỉ sét. Lớp thứ năm gọi là polycarbonate cũng có công dụng cách nhiệt và bảo vệ cho phần bên trong có được một nhiệt độ bình thường vì dưới đáy biển nhiệt độ có thể hạ thấp tới 0 độ C. Lớp thứ sáu là một ống bằng đồng hoặc nhôm bao kín phần bên trong. Lớp thứ 7 là petroleum jelly hay mỡ bò chống rỉ sét và ngăn cách các sợi dây của lớp cuối cùng bên trong là optical fibers. Đây là phần quan trọng nhất vì nó dẫn truyền tin tức, lời nói, tài liệu hay bất cứ thứ gì được phân giải ra thành sóng điện với hai dạng analog hoặc digital.
– Mục tiêu 2 cây số… độ sâu 390…
Nhìn lên màn hình vị hạm trưởng thấy đáy biển hiện mờ mờ nhờ ánh đèn phát ra từ ngọn đèn ở trước mũi tàu. Rong rêu trôi dật dờ. Vài con cá lội chầm chậm. Đáy biển có màu xám hay màu xanh là lạ.
– Thuỷ âm định vị… báo cáo độ sâu của biển…
Trung sĩ nhất Tánh nhìn vào máy đo độ sâu ngay trước mặt mình.
– Trình hạm trưởng… độ sâu 525…
Giàn MOAS ré lên âm thanh báo hiệu như đã tìm ra sợi dây cáp chìm sâu dưới lớp đất cát của đáy biển. Nếu nó cứ ré hoài và càng lúc càng lớn hơn thì mới chắc chắn đó là sợi dây cáp.
– Mục tiêu 100 mét…
Đan báo cáo. Lệnh của hạm trưởng vang liền theo lời báo cáo của Đan.
– 66 bình quân… Sẵn sàng cho tàu ngủ…
Theo lệnh của hạm trưởng, quản nội trưởng Hành ra lệnh cho pilot Miên từ từ hạ tàu nằm trên mặt đất của đáy biển với độ sâu 525 mét. Có tiếng va chạm cho biết tàu đã nằm yên trên mặt đất. Dù không có nhiệm sở tác chiến song thuỷ thủ nào không nhằm vào phiên trực được lệnh ở yên tại vị trí của mình. Để tiết kiệm điện nên tất cả hệ thống không cần thiết được tắt đi cho tới khi có lệnh mới. Phần việc thả con cua biển ra để xác định cái vật mà giàn MOAS tìm ra có phải là sợi dây cáp là nhiệm vụ của Hạ và các nhân viên dưới quyền chỉ huy. Hạm trưởng Chương, hạm phó Toàn và trưởng ban vũ khí Thâm đều có mặt tại phòng chỉ huy để quan sát cũng như sẵn sàng đối phó với các trục trặc xảy ra. Xuyên qua hệ thống video, hạm phó Toàn được coi như sĩ quan chỉ huy tổng quát nghe và thấy, trung uý Biết đang ở tại phòng lặn chỉ huy nhân viên mở cửa phòng lặn cho nước tràn vào phòng. Khi được nước làm đầy thì áp lực của nước trong phòng lặn sẽ bằng với áp lực nước ở bên ngoài. Xuyên qua hệ thống remote control Biết nhấn cái nút ” on ” của con cua. Từng cơ phận đèn của con cua biển bật cháy chứng tỏ nó sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.
– Trung uý Biết… Con cua của ông OK?
– Nó sẵn sàng để thả thưa đại uý…
– Go…
Hạ ra lệnh. Tương tự như chiếc tàu ngầm bỏ túi được chỉ huy bằng ” remote control system ” con cua biển từ từ rời khỏi tàu rồi lướt chậm trong nước biển sáng mờ nhờ đèn pha gắn trước mũi. Nó được trang bị hệ thống dò kim loại đặc biệt rất nhạy cảm. Khi gặp kim loại thì đèn báo động màu đỏ sẽ bật cháy. Càng gần tới mục tiêu thì đèn đỏ sẽ cháy sáng hơn chứ không còn chớp tắt nữa. Khi nó tới đúng ngay vị trí mà MOAS đã chỉ thời hạ sĩ nhất Ánh mới điều khiển con cua dùng hai cái càng đào bới lớp rong rêu và đất cát để kiếm sợi dây cáp đã bị chôn vùi không biết bao lâu dưới đáy biển. Việc làm này mất thời giờ nên người làm phải nhẫn nại. Trừ vài thuỷ thủ có phận sự riêng phải trông chừng, thuỷ thủ ở phòng chỉ huy đều nhìn vào màn hình để coi việc làm của con cua biển. Họ thấy đầu tiên nó dùng hai cái càng lớn khai quang tức là nhổ hoặc cắt đứt những cọng rong biển xong mới dùng đầu mũi của cái càng moi móc. Bùn đất bay lên mờ mờ. Tuy nhiên sau hơn mười lăm phút moi móc chẳng thấy sợi dây cáp đâu mà chỉ gặp một mảnh kim loại rỉ sét.
– Trình hạm phó… MOAS đã chỉ lầm…
Đại uý Hạ báo cáo. Đã được thấy trên màn nên Toàn lên tiếng liền.
– Con cua biển đi được bao xa…
– 2 cây số thưa hạm phó… Xa hơn nữa thì khó điều khiển và có thể nó sẽ bị lạc…
– Ông cứ cho nó đi tìm trong chu vi đường bán kính hai cây số… Nếu không tìm ra sợi dây cáp thì mình phải chọn địa điểm khác…
Được lệnh, hạ sĩ nhất Ánh chỉ huy con cua lội một vòng tròn đường kính 4 cây số nhưng cũng không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ sự hiện diện của sợi dây cáp. Trong lúc đó đèn của con cua biển nhấp nháy báo hiệu nó chỉ còn đủ điện để hoạt động trong 20 phút nữa thôi. Ra lệnh cho Ánh dẫn con cua trở về tàu xong Hạ lên tiếng.
– Tôi nghĩ tin tức mà bộ tư lệnh cho mình biết bị sai lạc…
Toàn dụ dự chưa có ý kiến, Thâm chợt mở lời.
– Tôi nghĩ có hai điều không đúng. Có thể tin tức mà bộ tư lệnh cho mình không đúng hoặc con cua biển không tìm ra được…
Thấy Toàn với Hạ nhìn mình, Thâm từ từ nói tiếp.
– Có thể tin tức của bộ tư lệnh đúng. Sợi dây cáp nối căn cứ Du Lâm ở đảo Hải Nam với căn cứ Phú Lâm của Hoàng Sa chạy theo chiều bắc đông bắc xuống nam đông nam gì gì đó thì nó cũng phải chạy theo chiều bắc nam. Hai ông đồng ý không?
Toàn với Hạ gật đầu. Thâm cười tiếp.
– Nếu tàu mình chạy theo hướng tây sang đông tất nhiên phải đụng sợi dây cáp. Đúng không?
Hạ gật đầu còn hạm phó Toàn mỉm cười như đồng ý.
– Mình không tìm ra sợi dây cáp có thể do hai điều. Thứ nhất là sợi dây cáp chìm sau quá dưới đất nên MOAS của tàu và của con cua biển không dò ra. Mình không biết sợi dây cáp nằm bao lâu dưới đáy biển. Nếu càng lâu chừng nào thì nó càng chìm sâu chừng đó cộng thêm với cách thức chế tạo càng khiến nó khó dò hơn. Theo ông thì MOAS của tàu với MOAS của con cua biển, cái nào mạnh hơn?
Thâm hỏi câu đó và câu hỏi này dành cho Hạ.
– Tôi nghĩ MOAS của con cua mạnh hơn vì nó được trang bị để dò tìm các vật chojnsau dưới đáy biển còn MOAS của tàu thì dò mìn nổi hoặc các chướng ngại vật to lớn nổi trong nước hoặc ló lên từ đáy biển…
Câu nói của chuẩn uý Đan vang lên trong phòng chỉ huy lạnh ngắt. Nghe câu nói đó ai cũng biết có chuyện lạ và gấp rút. Đan, theo thói quen mỗi khi có chuyện gì gấp rút đều bật ra hai ngôn ngữ.
– Captain… We got contact… Hạm trưởng mình chạm địch…
Chương đứng bật dậy khi nghe câu nói đó. Trong lúc vị hạm trưởng rời chỗ ngồi bước về phía giàn thuỷ âm định vị thụ động thì giọng của Đan vang liền.
– Target… bearing north north east… speed 15… distance 15… Mục tiêu… bắc đông bắc 20… vận tốc 15… khoảng cách 15…
– ID target…
Lệnh của hạm trưởng ngắn gọn và đầy đủ. 30 giây sau Đan có câu trả lời.
– Ming III hạm trưởng… Type 035B Ming-class (ES5F)…
Ngưng nói rồi lắng nghe giây lát Đan mới nói tiếp.
– Chiếc này là chiếc 312 nằm trong hạm đội Nam Hải…
Khẽ gật đầu Chương quay qua hỏi Hạ.
– Con cua về tới chưa?
– Dạ còn cách tàu vài trăm mét…
Hơi nhíu mày Chương hỏi lại.
– Vài trăm mét là bao nhiêu mét?
Hạ hơi đỏ mặt khi bị hạm trưởng vặn hỏi. Ông ta chưa quen với cách thức nói chuyện của hạm trưởng. Chương không thích những câu trả lời lơ lửng như vậy. Phải biết đích xác việc mình làm.
– Dạ 250 mét thưa hạm trưởng…
– Cám ơn ông… Dẫn con cua về hang của nó càng nhanh càng tốt…
– Tuân lệnh hạm trưởng…
Đại uý Hạ nói lớn. Quay sang Thâm, vị hạm trưởng ra lệnh gọn.
– Nhiệm sở tác chiến…
Đèn bật cháy báo cho thuỷ thủ đoàn cuả tàu biết. Chăm chú nhìn màn hình giây lát Chương hỏi gọn.
– Độ sâu của 312?
– 275 mét thưa hạm trưởng…
Vừa lúc đó thượng sĩ nhất Ẩn kêu lớn.
– Hạm trưởng… Mình đụng thêm khu trục hạm…
– Chiếc nào? Loại gì? Bao xa?
– 164 Quế Lâm loại 051D lớp Lữ Đại… 20 cây số… vận tốc 30 cây số/giờ…
Trong trí não của vị hạm trưởng nhiều kinh nghiệm trận mạc, từng lâm vào cảnh ngộ hiểm nghèo hiện ra những con số và ông ta phải có đáp số thật nhanh. Mạng sống của mấy chục người đều trông cậy vào đáp số của ông ta. Vận tốc 30 cây số giờ với khoảng cách 20 cây số thì 40 phút sau chiếc 164 Quế Lâm mới đi qua chỗ chiếc 66 đang nằm. Còn chiếc tàu ngầm 312 phải mất một giờ mới tới. 40 phút để chạy trốn thì quá ít vì vận tốc của chiếc 164 nhanh gần gấp đôi vận tốc tối đa của chiếc 66. Huống chi càng chạy nhanh chừng nào thì chiếc 66 càng tốn nhiều điện bình chừng đó để rồi khi hết điện nó phải chạy chậm lại cho hệ thống AIP xạc bình. Khu trục hạm là khắc tinh của tàu ngầm ở chỗ vận tốc cao mà còn kéo thêm hệ thống máy dò thuỷ âm định vị thụ động sâu mấy trăm thước.
– Còn mấy phút nữa con cua của mình mới vào hang?
Chương hỏi trổng song đại uý Hạ hiểu câu nói đó dành cho mình nên lên tiếng thật nhanh. Học kinh nghiệm từ trước lần này ông ta báo cáo bằng những con số chính xác.
– 7 phút 30 giây thưa hạm trưởng…
– Mình đợi con cua biển về…
Phòng chỉ huy như đông cứng lại vì nhiệt độ lạnh gần 0 độ cũng có mà vì hồi hộp và sợ hãi cũng có. Thrùmmm… thrùmmm… thrùmmm… Đó là tiếng động phát ra từ hai cái chân vịt của chiếc khu trục hạm. Chạy với vận tốc 30 cây số/giờ thì nó phải quay nhanh lắm. Càng lúc tiếng động càng có cường độ mạnh hơn cho biết chiếc tàu nổi tới gần hơn. Người người nín thở khi nghe được tiếng thrùmmm… thrùmmm… thrùmmm vang đều đặn và rõ dần dần.
– Báo cáo con cua biển đã vào hang…
Nghe tiếng thở khì ra của Hạ, vị hạm trưởng ban lệnh gọn cho thiếu tá Định, sĩ quan cơ khí ” shut down ” tất cả hệ thống máy móc trong tàu trừ các giàn máy của phòng chỉ huy. Nhà bếp tối thui vì bị cúp điện. Máy điều hoà không khí ngừng hoạt động. Đèn đuốc chỉ sáng thứ ánh sáng màu đỏ vì tàu đang nằm trong nhiệm sở tác chiến. Thuỷ thủ đoàn ngồi chết dí tại vị trí hay nhiệm sở của mình. Phòng chỉ huy lạnh còn hơn nước đá làm cho ai cũng phải choàng thêm hai ba lớp áo. Thrùmmm… Thrùmmm… Thrùmmm… Tiếng chân vịt quẩy nước lớn dần dần lên. Ai cũng biết chiếc khu trục hạm Quế Lâm số 164 sắp sửa chạy trên đầu của họ. 525 mét sâu thì đâu có an toàn. Depth charges của thế kỹ 21 này có thể thả sâu cả cây số ngàn mét kia mà. Trúng một trái mìn biển này là chiếc tàu của họ có cơ nằm ngủ luôn… Thrùmmm… Thrùmmm… Thrùmmm… Thrùmmm… như xói vào tai, vở tung màn nhỉ, làm điếc con rái, nghẹn đường hô hấp và chết cứng thân xác. Mấy chục thuỷ thủ im lìm như chết chờ đợi cho thần chết của họ đi qua. Sớm muộn gì nó cũng phải đi qua.
– Depth charges… Here they come… Damn you…
Chuẩn uý Đan lẩm bẩm câu nói bằng tiếng anh, thứ ngôn ngữ mà ông ta đã nói từ lúc mới đi học cho tới khi gia nhập vào quân lực của nước Việt Nam ở Phú Quốc. Phụ trách hệ thống thuỷ âm định vị thụ động, ông ta là người thấy hàng loạt trái mìn biển nổ chậm từ trên cao rơi xuống. Click… click… Âm thanh nhỏ của bộ phận kích hoả bị áp lực nước đè lên rồi vài giây sau ùuummm… ùuummm… oànhhhh… ầmmmm… rùuummm… vang rền khắp mọi nơi. ” Shock waves ” có cường độ khủng khiếp. Đang nằm im trên đáy biển mà chiếc tàu mấy ngàn tấn còn phải ngã nghiêng. Mảnh vỡ bay tung toé. Ly tách hay bất cứ thứ gì không được bắt cứng đều rơi xuống sàn tàu bể nát ra từng mảnh. Người bịt tai. Người há miệng. Người xịt máu mũi. Người chảy máu ở mặt vì bị mảnh vở ghim trúng. Người ôm ngực. Người thở khò khè vì hai lá phổi bị ép bằng sức mạnh vô hình. Depth charges nổ trên đầu, nổ sau lái, nổ trước mũi, hai bên hông, phải trái trước sau, đông tây nam bắc đều có tiếng nổ ầm ì chát chúa. Một khắc đồng hồ hay 15 phút đi qua thật chậm. Chiếc khu trục hạm đi qua nhưng cơn bão âm thanh của nó còn tồn tại rất lâu trong ký ức của thuỷ đoàn của chiếc 66. Chưa hết. Tiếng động do tàu ngầm gây ra dù nhỏ hơn cũng đủ làm họ chết dí trong cái hòm sắt tối tăm. Chiếc tàu ngầm số 312 của hải quân Trung Cộng còn cách họ không xa và sẽ chạy trên đầu họ chỉ cách 200 mét. Thuỷ lôi có vận tốc trung bình 80 cây số/giờ thì 200 mét nó chỉ cần vài giây đồng hồ đã chạm mục tiêu đang nằm chết cứng trên mặt đất của đáy biển. Không có tiếng nổ của depth charges mà chỉ có tiếng chân vịt rì rầm song thuỷ thủ đoàn lại đổ mồ hôi mặc dù nhiệt độ trong phòng chỉ huy chỉ đúng 34 độ F. Hạ liếc nhanh hạm trưởng đang đứng gần mình. Nét mặt của ông ta không lộ ra điều gì hết. Thản nhiên và bình lặng như tượng. Có thể ông ta cũng sợ hãi nhưng biết giấu kín nỗi sợ của mình. Hay ông ta quá quen với cảnh ngộ nên ít sợ hơn. Thật lâu tiếng động nhỏ dần dần rồi không ai còn nghe được. Tuy nhiên vị hạm trưởng vẫn im lìm chưa ban lệnh gì hết. Mười phút sau ông ta chậm rãi lên tiếng.
– Thuỷ âm báo cáo…
– 312… khoảng cách 10… vận tốc 14…
Khẽ gật đầu hạm trưởng quay sang đại uý Hạ kèm theo câu nói gắn ngọn.
– Thả cua biển ra cho nó làm việc…
Dứt lời hạm trưởng về lại ghế ngồi của mình.
Trang 5