BÃO NGẦM 2

22.

    23:20 giờ. Toán hải kích 24 người mà vị sĩ quan trưởng toán chính là đại uý Hậu đều tề tựu đủ mặt ở đằng sau lái của chiếc 114. 23:30 giờ. Đèn xanh bật lên báo hiệu giờ hành động bắt đầu. Hậu là người nhảy xuống nước đầu tiên và 23 người lính dưới quyền lần lượt theo sau cấp chỉ huy thi hành sứ mạng đột kích và chiếm đóng 4 chiếc tàu đánh cá bằng sắt có vũ trang của Trung Cộng đang neo đậu xa cách chừng năm ba chục mét. Theo kế hoạch hành quân được vẽ ra thì sau khi chiếm được 4 chiếc tàu đánh cá, toán lính hải kích sẽ điều khiển 4 chiếc tàu này hợp với chiếc 114 đánh chìm hoặc phá huỷ các tàu đánh cá khác. Cùng lúc đó chiếc tàu ngầm VNN66 sẽ lãnh phần đối phó với hai tàu hải giám 262 và 263.

Trồi hụp khá lâu trên mặt biển nhiều mưa với sóng, Hậu và năm người lính hải kích mới tới được mục tiêu. Ngoài vũ khí cá nhân và các dụng cụ đặc biệt, mỗi lính hải kích đều được hệ thống liên lạc siêu tần số.

– 1 đây… 2 và 3 nghe rõ…

– 2 với 3 nghe 1 rõ… Tụi này đang bám bánh lái…

– 4 và 5 nghe rõ…

– 4 với 5 nghe sếp 5/5… Tụi này đang đeo bánh xe…

Nghe báo cáo xong xuôi Hậu ra lệnh gọn.

– Tốt… Mình lên đúng 00:00 giờ…

Dứt lời vị trưởng toán hải kích đạp chân vào cái bánh xe dùng làm trái độn của tàu. Bằng cái nhún lấy đà anh chồm mình lên quan sát rồi sau đó trèo lên sàn tàu. Andy Nguyễn, người lính, đồng thời cũng là cận vệ cũng bám theo sau đàn anh như bóng với hình. Ngồi thụp xuống, Hậu chỉ tay về bên trái. Nhận lệnh Andy cởi bỏ cặp chân vịt xong đứng dậy đi về hành lang nằm bên còn Hậu quẹo mặt về đằng trước để xâm nhập vào phòng lái của tàu đánh cá. 25 tuổi. Ở lính 6 năm. Andy là người lính hải kích trẻ nhất. Trẻ đây là trẻ tuổi chứ không phải trẻ nghề. Cao 1 mét 7. Nặng 60 kí lô, anh là lực sĩ điền kinh của trường đại học. Không những thế anh còn thông thạo võ ta và đại đen Karate nữa. Bởi vậy anh vượt qua các thử thách của khoá hải kích dù đi lính chưa lâu. Kéo cái cửa sắt khép hờ ra, Andy bước vào. Đó là phòng ăn của tàu với bốn thuỷ thủ đang ngồi uống nước và tán dóc với nhau. Thấy người lạ bước vào bốn thuỷ thủ trợn mắt nhìn khẩu súng có nòng hãm thanh đang chĩa về mình.

– Hello…

Bụp… Âm thanh khô khốc bật ra. Trên ngực của bốn thuỷ thủ đều có lỗ thủng nhỏ và máu từ đó phun ra đỏ tươi. ” Không bắt tù binh ”. Đó là lệnh của Hậu trong công tác này. Andy nhẹ bước vào hành lang vắng rồi mở cánh cửa sắt bước vào phòng ngủ của thuỷ thủ. Âm thanh bụp bụp vang khắp nơi. Thoáng thấy một bóng người vừa bật ngồi dậy, người lính hải kích nhảy xổ tới. Lưỡi dao nhọn lễu được cánh tay rắn chắc vung ra mà mục tiêu là ngực bên trái. Lưỡi dao bén cắt xương đâm vào ngực cùng với bàn tay cứng như sắt tôi chặt vào cổ. Trúng hai đòn cực độc, thuỷ thủ của chiếc tàu đánh cá gục chết không kịp kêu tiếng báo động. Đảo mắt quan sát gian phòng ngủ của thuỷ thủ, Andy thì thào.

– 1 đây 6… nghe rõ trả lời…

– 1 nghe 6…

– Đã dọn xong phòng ngủ thuỷ thủ…

– Tốt lắm… Anh lên phòng lái với tôi đi… Phòng ngủ sĩ quan đã có thằng 2 với 3 dọn phòng rồi…

Đi rảo một vòng từng giường ngủ quan sát xem có ai chưa chết xong Andy mới chịu rời phòng ngủ ra hành lang rồi theo đường cũ lên phòng lái. Bước vào anh thấy đại uý Hậu đang nói chuyện với ai đó. Dứt cuộc điện đàm Hậu nói nhanh.

– Ba toán kia đã chiếm được tàu rồi…

Nhìn vào mặt kính đồng hồ dạ quang của mình, Hậu nói tiếp.

– Công tác sẽ bắt đầu lúc 00:30…

Nói xong vị trưởng toán thám kích nhắm mắt chờ tới giờ hành động. Đang mơ màng ông ta nghe giọng của Andy vang lên.

– Đại uý 00:30…

Dứt lời anh nhấn hai cái nút khởi động máy tàu. Tiếng máy nổ xình xịch. Tiếng xích sắt khua rổn rảng. Neo được kéo lên. Andy quay tay lái nhắm hướng đèn sáng chạy tới. Đó là khu vực đánh cá với mấy chục chiếc tàu lớn nhỏ đang hành nghề. Xuyên qua máy liên lạc nội bộ anh biết ba toán hải kích kia cũng đang lái tàu về hướng như mình. Sau lưng anh chiếc 114 đang xả hết ga. 01:30 giờ. Năm chiếc tàu đánh cá lớn nhất và có vũ trang xuất hiện một cách bất ngờ làm náo loạn hẵn khu vực đánh cá rộng mấy chục cây số vuông. Chiếc thì ủn, chiếc thì đè, chiếc thì ủi, chiếc thì tông, cọ quẹt vào các tàu đánh cá nhỏ hơn. Tiếng kêu cứu vang lừng. Tiếng gào rú của người bị thương, bị rớt xuống biển nổi lên ầm ỉ. Lửa bốc cháy khắp nơi. Tiếng súng nổ đì đùng. Trên mặt biển sáng mờ bóng 5 chiếc tàu đánh cá bằng sắt đang chạy tới lui. Dây nhợ trôi lềnh bềnh. Lưới đánh cá dính với nhau thành dề lớn. Chừng nửa tiếng sau chỉ còn lại năm chiếc tàu lớn nhất đang quay mũi chạy vào hải phận của Việt Nam.

*****

00:00 giờ. Đang ngồi im lặng vị hạm trưởng chiếc 66 buông gọn.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Chuẩn úy Đan ứng tiếng liền.

– 262 bắc 15… vận tốc 20… khoảng cách 6… 263 bắc 25… vận tốc 20… khoảng cách 6…

Nghe xong báo cáo của Đan, Chương ra lệnh gọn.

– 66… bắc 20… vận tốc 20… 100 mét sâu…

Đang hải hành ở độ sâu 350 mét, chạy với vận tốc 12 và hướng bắc 0 độ, chiếc 66 từ từ đổi hướng ra 20 độ, tăng vận tốc lên thành 20 cũng như nổi lên độ sâu 100 mét để sẵn sàng khai hoả.

– 66… bắc 20 độ… vận tốc 20 cây số… 100 mét sâu…

Trung úy Hàm, sĩ quan đương phiên báo cáo sau khi đã điều khiển cho tàu đi theo lệnh của hạm trưởng.

– Phòng vũ khí báo cáo…

Đại úy Thâm, trưởng phòng vũ khí ứng tiến liền.

– Phòng thủy lôi mũi sẵn sàng phóng… Phòng hỏa tiễn lái ” ready to fire ” Sir…

Điều này có nghĩa là tọa độ của mục tiêu đã được cài đặt vào trong hệ thống vũ khí. Thủy lôi hoặc hỏa tiễn phóng ra sẽ được điều khiển và chỉ huy bởi hệ thống vũ khí của tàu để đánh trúng mục tiêu dù mục tiêu có có ở xa cách mấy cũng như di chuyển. Trong trường hợp tàu địch di chuyển thì hệ thống thủy âm định vị sẽ dò tìm và xác định tọa độ mới đồng thời tự động điều chỉnh tọa độ để thủy lôi đánh trúng mục tiêu. Không khí trong tàu nhất là phòng chỉ huy nóng dần lên khi có nhiệm sở tác chiến. Hai nhân viên kỳ cựu nhất của tàu về máy thủy âm định vị thụ động là chuẩn úy Đan và thượng sĩ nhất Ẩn đều ngồi tại ghế của mình. Ẩn phụ trách broadband display còn  Đan lãnh narrowband display. Quản nội trưởng Hành cũng đang ngất ngưỡng trên chiếc ghế của sĩ quan hải hành, trong lúc thượng sĩ Chiêm cũng an vị ở ghế sĩ quan lặn tức là người điều khiển việc tàu lặn hay nổi lên. Phòng vũ khí là phòng bận rộn nhất với sự có mặt của ba sĩ quan gồm đại úy Thâm, trung úy Hải, thiếu úy Bình và dĩ nhiên không thể thiếu hai chuyên viên video game, hạ sĩ Tính và hạ sĩ Biền.

– Thủy âm định vị báo cáo…

– 262 bắc 15… vận tốc 20… khoảng cách 4… 263 bắc 25… vận tốc 20… khoảng cách 4…

Khẽ gật đầu, vị hạm trưởng nói gọn.

– Khi nào 262 còn cách 2km thì báo cáo…

Vài phút sau Đan lên tiếng.

– 262 bắc 15… vận tốc 20… khoảng cách 2km… 263 bắc 25… vận tốc 20… khoảng cách 2km…

Giọng nói của vị hạm trưởng vang sắc lạnh bởi vì theo sau cái lệnh đó sẽ có nhiều người chết.

– Thuỷ lôi 1 bắn… Hoả tiễn 1 bắn…

Tiếng của đại uý Thâm vang lên liền theo câu nói của hạm trưởng.

– Torpedo 1… Fire… Missile 1… Fire…

Thân tàu hơi rung chuyển vì thuỷ lôi và hoả tiễn trước sau 15 giây rời giàn phóng. Lần đầu tiên chiếc 66 mới sử dụng tới loại UGM-84 Harphoon. Đây là thứ anti-ship missle tức là loại hoả tiễn gắn trên tàu ngầm được dùng để tấn công tàu nổi trên mặt nước. Từ dưới độ sâu 100 mét, trái hoả tiễn Harphoon xé nước re re để lấy đà vọt lên trời cao. Trọng lượng 691 kí lô, đầu đạn nặng tới 221 kí lô, Harphoon có thể đạt vận tốc 864 km/giờ và có khả năng đánh gục một chiến hạm bực trung như chiếc tàu hải giám mang số 263. Hàng chục cặp mắt đóng đinh trên màn hình lớn đặt giữa phòng đối diện với ghế ngồi của đại uý Thâm. Hoả tiễn đi sau mà tới trước vì tốc độ khác biệt khá xa. Mọi người thấy tia lửa sáng rực từ dưới nước vọt lên trời cao chừng chục mét rồi đổi hướng đông bắc 25 độ. Over-the-horizon, active-radar-homing, low-level & sea skimming là những đặc tính biến Harphoon thành sát thủ của tàu nỗi bất kể loại nào vì nó có thể bay thật thấp dưới tầm khám phá của ra đa. Chiếc 66 tấn công tàu hải giám 263 thuộc hạm đội Nam Hải ở khoảng cách 2 cây số thì hệ thống early warning ( cảnh báo sớm ) của tàu vô phương khám phá mà nếu có tìm ra thì cũng không kịp thời giờ để phóng hoả tiễn chống hoả tiễn được. Tất cả thuỷ thủ đoàn đều nhìn vào màn hình coi hoả tiễn đánh trúng mục tiêu trừ vị hạm trưởng. Ông ta không cần coi, cần biết. Chắc ông ta đã biết. Ngoài ra ông ta cũng không muốn phí thời giờ vào chuyện nhỏ đó. Bước kế tiếp của hạm trưởng đồng thời là phân đội trưởng đội tàu ngầm là tìm kiếm đâu đó trong vùng Biển Đông mục tiêu mới của mình. Có thể đó là chiếc khu trục hạm hiện đại và dữ dằn thuộc loại 52D như Côn Minh 172, Trường Sa 173, Hải Phố 174, Giang Châu 175. Có thể đó là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh 16 hoặc Thượng Hải mang số 18.

– Trúng…

Có tiếng reo nhỏ của thuỷ thủ nào đó vang lên. Hơi mỉm cười Chương hắng giọng.

– Thuỷ âm định vị báo cáo…

– 263… mục tiêu phá huỷ… 262… thuỷ lôi 1 còn cách mục tiêu 400 mét Sir…

– 66… vận tốc 10… 20 thước sâu…

Thuỷ thủ đoàn nhìn nhau. 20 thước sâu tức là độ sâu mà tiềm vọng kính của tàu có thê ló khỏi mặt nước để quan sát.

– Anh em có 10 phút để hút thuốc và đổi gió. Không điện thoại và email… Tôi lập lại tuyệt đối không điện thoại và email. No contact at all. Do I make myself clear?

– Aye aye Sir…

– Sir yes Sir…

Khẽ gật đầu Chương lên tiếng tiếp.

– Sĩ quan đương phiên ghi vào nhật ký hải hành. 00:35 phút ngày 1 tháng 6 năm 2045. 66 Hải Mã đã bắn chìm hai tàu hải giám 262 và 263…

23.

Vịnh Cam Ranh. 22:30 giờ. Từ đầu tháng 5 cho tới cuối tháng 10 là mùa mưa bão trên Biển Đông. Mưa rơi mù trời mờ đi ánh đèn điện vàng đặt ở cầu tàu của căn cứ tàu ngầm. Gió vù vù lạnh buốt mang theo những giọt nước mưa tạt vào mặt rát rạt.

Good luck gentlemen

Lâu lắm rồi thủy thủ của chiếc tàu ngầm VNN66 Hải Mã mới nghe lại câu chúc tụng bằng tiếng Anh của Tư Lệnh Jack khi ông ta bắt tay tiễn biệt đại tá Vũ Quang Chương, chỉ huy trưởng phân đội 2 tàu ngầm kiêm hạm trưởng chiếc VNN66 Hải Mã. Bước lên cầu, vị tư lệnh tự tay mở dây cột xong đứng im nhìn chiếc tiềm thủy đỉnh từ từ tách bến ra khơi thi hành một nhiệm vụ mới. Trong lúc tàu đang cặp cảng Cam Ranh để lãnh tiếp tế sau ba tháng tham gia vào chiến dịch du kích chiến biển, chiếc 66 được trao cho một công tác quan trọng và đặc biệt. Đó là phá huỷ chiếc Thượng Hải, chiếc hàng không mẫu hạm mang số 18 của hải quân Trung Cộng vừa được đưa vào hoạt động vài tháng trước. Do đó dù được thăng cấp đại tá, Chương vẫn tiếp tục làm hạm trưởng của chiếc 66 đồng thời cũng đảm nhận chức vụ chỉ huy phân đội 2 của hạm đội tàu ngầm với 11 chiếc thuộc lớp tàu Oyashio của Nhật Bản. Để bày tỏ lòng cám ơn nước Nhật đã bán rẻ tàu cũng như xiết chặt thêm tình hữu nghị giữa đồng minh với nhau, hải quân nước Việt Nam ở Miền Nam đã đặt tên cho phân đội 2 tàu ngầm là Thái Dương Thần Nữ mà thủy thủ quen gọi với cái tên phân đội Mặt Trời gồm VNN44 Rắn Biển, VNN55 Sứa Lửa, VNN66 Hải Mã, VNN77 Cá Nược, VNN88 Cá Heo, VNN99 Cá Mập, VNN01 Lươn Biển, VNN02 Cá Đuối, VNN03 Thanh Long, VNN04 Hắc Long và VNN05 Bạch Long.

– Kính mời hạm trưởng xuống phòng chỉ huy…

Khẽ gật đầu, Chương theo sau Biết, sĩ quan đương phiên bước từng bước xuống cầu thang rồi vào phòng chỉ huy. Ánh sáng phát ra từ các giàn máy móc làm cho phòng chỉ huy mờ mờ một màu xanh dịu mắt. Thiếu tá Toàn hạm phó, đại uý Thâm sĩ quan vũ khí đều đủ mặt. Thiện, thăng trung tá được bổ nhiệm làm hạm trưởng một chiếc tàu ngầm Kilo mà hải quân đã tịch thu được của hải quân nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Đứng quan sát phòng chỉ huy giây lát Chương cười lên tiếng hỏi.

– Ông thấy thế nào chuẩn úy Đan?

Được thăng cấp chuẩn úy, Đan vẫn giữ chức vụ phụ trách hệ thống thủy âm định vị.

– Thưa hạm trưởng… Tôi mà hun được Thầy Thăng tôi sẽ hun ổng vài cái… Với giàn máy thuỷ âm định vị hiện đại này tôi và xấp nhỏ vừa ngủ vừa ngáy mà vẫn nghe được thủy thủ của tàu ngầm Trung Cộng nói cái gì…

Thủy thủ trong phòng chỉ huy bật cười hắc hắc vì câu pha trò của ông lính già. Tuy nhiên câu nói đó diễn tả một cách xác thực về hệ thống C4ISR tối tân của Thales Group sản xuất vào năm 2044. Tất cả đều tự động. Từ lái tàu, phóng và nạp vũ khí, liên lạc, truyền tin, ra đa, dò tìm tàu địch, phân biệt bạn thù, báo trước mìn hoặc chướng ngại vật trên đường đi; nhất nhất đều được làm bằng máy điện toán hoặc vi tính tùy theo tên gọi. Tất cả hình ảnh đều được hiển thị lên màn hình rộng lớn đặt quanh phòng chỉ huy ứng vào vị trí riêng biệt của mỗi hệ thống phụ thuộc. Máy tàu; từ máy dầu cặn cố hữu tới giàn AIP nặng 15 tấn và điện bình bằng lithium-ion, hệ thống lọc và cung cấp dưỡng khí đều được kiểm soát và điều khiển bằng máy điện toán. Với sự góp ý của thiếu tá Định, sĩ quan kiêm kỹ sư cơ điện khí, hệ thống máy tàu của chiếc 66 còn được ráp thêm một dụng cụ đặc biệt và tối tân để nghe, ghi nhận, phân tích các âm thanh lạ do máy tàu phát ra, từ đó có khả năng giám định và phân loại, cảnh báo trước những hư hỏng có thể xảy ra trong tương lai. Nhờ các hệ thống này mà thủy thủ đoàn rút lại có 40 thay vì 55 như trước kia. Nhân số giảm khiến cho nước uống và thực phẩm, dưỡng khí được nhiều hơn do đó tàu có thể ở dưới nước lâu hơn. Lặn sâu hơn 700 mét, ở lì dưới nước 10 tuần lễ không cần tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm; hai yếu tố khiến cho chiếc 66 trở thành chiếc ” hunter-killer submarine ” chuyên dò tìm, truy lùng và tấn công tàu ngầm và tàu nổi. Tuy nhiên hai yếu tố đó cũng chưa đủ để biến nó thành ra vô hình trước các thứ đồ chơi điện tử hiện đại của thế kỹ thứ 21. Ba món đồ chơi hiện đại nhất làm cho chiếc tàu đặc biệt của hải quân Việt Nam ở Phú Quốc thành ra vô hình trước các cộng cụ dò tìm tàu ngầm của các chiến hạm Trung Cộng. Đó là acoustic cloaking device, lớp nước sơn metamaterial và hệ thống magnetohydrodynamic propulsion system áp dụng phương thức electrical current để vận chuyển tàu để giảm thiểu tiếng ồn của chân vịt quay trong nước. Hệ thống magnetohydrodynamic propulsion system hay còn được gọi là pump jet này sẽ giảm thiểu tình trạng vỡ của bong bóng khi chân vịt quay nhanh ở gần mặt nước. Lớp tàu ngầm tân tiếng của hải quân Hoa Kỳ như Virginia đều được trang bị hệ thống pump jet này. Trong ba mươi mấy chiếc tàu ngầm của hải quân Việt Nam, chỉ có mỗi chiếc 66 là được lắp ráp các thứ đồ chơi hiện đại nhất để thử nghiệm rồi sau đó dần dần các chiếc tàu ngầm khác mới được tân trang. Dù quốc phòng là ưu tiên số một, song với ngân sách eo hẹp chính phủ cũng phải giới hạn chi tiêu của mình trong việc mua sắm vũ khí.

Bước tới chiếc bàn hành quân có Toàn, Thâm và Biết đang đứng chờ; Chương cười nhẹ như chờ nghe hạm phó Toàn báo cáo.

– Thưa hạm trưởng… Tôi vừa được tin Task Force 18 sau khi nhận tiếp tế đã rời căn cứ Du Lâm. Hạm trưởng có ý kiến gì không?

Nhẹ gật đầu Chương mỉm cười nhìn ba sĩ quan từng dưới quyền chỉ huy của mình.

– Chiếc hàng không mẫu hạm Thượng Hải mang số 18 mới là lý do chính khiến cho tư lệnh Jack chỉ thị cho tôi điều phân đội Thái Dương tham gia vào cuộc chiến du kích biển do bộ tư lệnh hải quân phát động. Mình đã tham gia cuộc chiến đánh chìm tàu đánh cá rồi nên bây giờ tới phiên các chiếc tàu ngầm khác thuộc phân đội Mặt Trời. Bây giờ mình sẽ đi hỏi thăm sức khoẻ thằng 18…

– Chỉ có một mình chiếc 66 thôi hả hạm trưởng?

Thâm lên tiếng hỏi. Chương cười nhẹ gật đầu.

– Chỉ có mình thôi. Bộ tư lệnh hải quân muốn đem chiếc tàu của mình ra thử nghiệm về các đồ chơi mới. Mình phải chứng tỏ cho chính phủ thấy là các món đồ chơi đắt tiền này phải đạt kết quả tốt thì chính phủ mới chịu chi tiền ra để tân trang cho các chiếc tàu khác. Mình phải bắn chìm hay ít ra gây thiệt nặng cho chiếc 18. Đó là cách duy nhất để chúng ta chứng tỏ rằng sự tân trang đáng đồng tiền…

Đợi cho Chương dứt lời, Toàn mới hắng giọng.

– Có một điều hơi lạ là tại sao đang ở vùng biển bắc để đối đầu với hải quân của Nhật Bản mà chiếc 18 lại được tăng phái cho hạm đội Nam Hải. Phải có lý do thưa hạm trưởng?

Chương cười nhìn ba sĩ quan cao cấp của chiếc 66.

– Tôi cũng nghĩ như ông Toàn…

Ngay lúc đó trung uý Hàm, phụ tá sĩ quan C4 nói nhanh.

– Thưa hạm trưởng… Có công điện của bộ tư lệnh…

Hàm trao bức công điện mới vừa được giải mã cho Chương. Đọc xong anh cười đưa cho Toàn. Lướt mắt thật nhanh bức công điện hơn chục dòng chữ xong Toàn gật đầu nói trong lúc đưa công điện cho Thâm. Đọc được nửa chừng Thâm mới à lên tiếng nhỏ cười nói với hai cấp chỉ huy.

– Thì ra là như vậy. Không những tụi Trung Cộng điều giàn khoan dầu Hải Dương 989 vào vùng biển đang tranh chấp với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Hoàng Sa mà còn định mở rộng thêm giàn hỏa tiễn HQ-9 ở Phú Lâm…

Nhìn Toàn, Chương cười nói với các sĩ quan trong phòng.

– Như vậy là mình sẽ bận bù đầu đó nghen quí vị. Bây giờ thì mình hãy đi Hoàng Sa trước… Cắt dây cáp rồi mình ghé coi Hồng Kỳ 9 xong sẽ đi hỏi thăm sức khoẻ của chiếc 18…

Thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy lặng lẽ nhìn nhau cười. Bây giờ họ mới biết ra nhiệm vụ chính của chiếc 66 là truy tìm và phá hoại chiếc hàng không mẫu hạm Thượng Hải của hải quân Trung Cộng chứ không phải để yểm trợ cho đạo quân du kích biển đối phó với tàu đánh cá có vũ trang của địch. Sở dĩ tin được lan ra như vậy là để bảo mật cho công tác. Ngoài ra đó cũng là kế dương đông kích tây. Chính phủ đã tốn mấy chục triệu đô la tân trang đồ chơi hiện đại nhất thì có đâu lại đem nó ra đối đầu với tàu đánh cá được. Như thế là hoang phí tiền của. Phải đem nó ra thử nghiệm với đồ chơi cũng hiện đại của chiếc 18 thì mới đáng đồng tiền bát gạo chứ. Ngoài ra chiếc tàu ngầm nổi tiếng của hải quân Phú Quốc còn lãnh thêm một công tác hiểm nghèo không kém là bắn xập giàn khoan dầu Hải Dương 989 được đóng xong năm 2042.

– Tôi chịu ý kiến của hạm trưởng. Đem chiếc tàu sịn của mình mà bắn tàu đánh cá thì uổng đạn…

Nghe chuẩn uý Hậu nói Chương mỉm cười nhìn Toàn. Hiểu ý vị hạm phó chiếc 66 bấm nút. Trên mặt bàn hành quân dành riêng cho hạm trưởng từ từ hiện lên tấm bản đồ của Hoàng Sa. Chỉ tay vào địa điểm được khoanh tròn màu đỏ, Toàn nói chậm và nhỏ.

– Vị trí của giàn khoan Hải Dương 989 đang nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Giàn khoan này đang hoạt động cách đường trung tuyến là ranh giới phân định trên Vịnh Bắc Phần giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Trung Cộng về phía Đông khoảng 170 hải lý…

Đợi Toàn dứt lời xong xuôi, Chương mới cười từ tốn lên tiếng.

– Tôi và tư lệnh Jack có bàn sơ qua về sự quan trọng trong công tác của chúng ta. Đó là chuyện vụ phá hoại chiếc 18. Chúng ta cần biết thêm về nó rồi tuỳ vào vùng hoạt động cũng như lộ trình mà nó đi lại ta mới phác thảo cách thức tiếp cận nó. Bây giờ thì chúng ta đã biết chiếc 18 có thể sẽ xuất hiện ở vùng biển nằm giữa nước Phi và quần đảo Hoàng Sa. Tôi muốn nói tới Scarborough Shoal.

Ngừng lại nhìn vào bản đồ của vùng biển nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Phi, vị hạm trưởng chiếc 66 nói tiếp.

– Nếu hải quân Trung Cộng xây được căn cứ quân sự ở Scarborough Shoal thì họ có thể kiểm soát được vùng biển Phi Luật Tân. Đó là con đường vận chuyển thứ nhì về Nhật Bản. Ba cụm đảo chiến lược Hoàng Sa, Trường Sa và Scarborough Shoal tạo thành một dãy chuỗi đảo hình tam giác để khống chế Biển Đông, kiểm soát con đường vận chuyển hàng hóa và dầu hỏa từ Trung Đông, Âu Châu đi về Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản. Bởi vậy mà Trung Cộng mới chiếm Hoàng Sa của ta, Scarborough Shoal của Phi và sẽ tái chiếm Trường Sa. Muốn tái chiếm Trường Sa đang do ta đóng giữ, hải quân Trung Cộng cần tăng cường lực lượng tàu chiến của họ mà chiếc 18 là một ví dụ điển hình. Muốn tranh hùng ở Biển Đông và kiểm soát Ấn Độ Dương và tây nam Thái Bình Dương, ngoài hai chiếc Liêu Ninh 16 và Thượng Hải 18 chạy bằng dầu cặn Trung Cộng cần phải có ít nhất một chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử…

Ngừng lại giây lát Chương mới cười nói với Toàn và các sĩ quan chỉ huy của mình.

– Ông và các sĩ quan dưới quyền có thời giờ để bàn soạn cuộc bắt tay chiếc 18 trước đi. Các ông nên nhớ là chính phủ đã đổ tiền nhiều lắm để tân trang chiếc 66, cho nên hãy cẩn thận. Phá được chiếc 18 của Trung Cộng mà mất luôn chiếc 66 thì mình cũng bị thiệt hại nhiều lắm…

Tỏ vẻ suy nghĩ giây lát Toàn chợt lên tiếng.

– Tôi nghĩ sự có mặt của chiếc 18 ở Hoàng Sa phải có lý do gì quan trọng và đặc biệt hơn bởi vì yểm trợ cho giàn khoan 989 đâu cần tới nguyên cả Task Force 18… Hay là tụi Trung Cộng chuẩn bị khai mở cuộc hải chiến để giành lấy Trường Sa của ta…

Bật lên tiếng cười vui vẻ, Chương nhìn Toàn rồi sau đó mới nói một hơi dài.

– Có lý đó… Chỉ có lý do đánh nhau với ta thì hạm đội Nam Hải mới xin tăng phái thêm Task Force 18. Mấy ông tướng của hạm đội Nam Hải đều biết chiếc Liêu Ninh và Task Force 16 không đủ sức đánh bại hải quân của ta. Do đó họ phải điều thêm chiếc 18 xuống vùng Scarborough Shoal. Tuy nhiên họ tránh tiếng bằng cách di chuyển giàn khoan 989 vào vùng biển này. Trước sau gì họ cũng sẽ di chuyển giàn khoan 989 xuống phía nam để nhân dịp đó chiếc 18 cũng đi theo luôn để yểm trợ. Khi hai Task Force 16 và 18 gặp nhau thì họ sẽ đánh ta liền. Tôi nghe tin giàn khoan Hưng Vượng từ thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông cũng được kéo đến biển Đông. Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ hạ đặt giàn khoan này ở đâu. Tuy nhiên phòng nghiên cứu chiến thuật và chiến lược của bộ quốc phòng tiên đoán giàn khoan này sẽ được hạ đặt ở vùng Hoàng Sa. Mấy ông theo dõi và nghiên cứu cẩn thận đi. Nếu cần tôi sẽ giúp ý kiến…

Nhìn một vòng các sĩ quan đang có mặt trong phòng chỉ huy Toàn cười hì hì.

– Chắc là cần rồi đó hạm trưởng… Hạm trưởng có tiếng là điên nên ý kiến điên của ông sẽ làm cho kẻ địch điên cái đầu hổng biết đường mà tính toán…

Bật lên tiếng cười vì câu nói đùa rất thực của Toàn, Chương từ từ bước ra khỏi phòng chỉ huy để cho Toàn điều khiển chiếc Hải Mã lặng lẽ snort ra khỏi vịnh Cam Ranh. Đợi cho hạm trưởng ra khỏi phòng xong, Toàn quay sang nói với đại úy Hàm, sĩ quan mới vừa được thuyên chuyển xuống nhận chức vụ sĩ quan C4ISR (Command, control, communications, computers, intelligence, surveillance and reconnaissance), tức chỉ huy, liên lạc, điện toán, tình báo, giám sát và thám thính.

– Mình có tài liệu nào nói về giàn khoan Hưng Vượng không?

– Có thưa hạm phó… nhưng không đầy đủ chi tiết…

Dứt lời Hàm lật sách ra đọc lớn cho mọi người trong phòng chỉ huy nghe.

– Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Cộng gọi tắt là CNOOC có nhiều giàn khoan dầu như Nam Hải 8, Nam Hải 11, Hưng Vượng và Hải Dương 983 và 989. Hai giàn khoan Hải Dương 981 và Nam Hải 9 đã bị ta bắn chìm khi trước rồi sau đó Trung Cộng cho tàu trục vớt lên đem về đất liền sửa chữa lại rồi đặt tên mới thành ra Hải Dương 983 và Nam Hải 11. Giàn khoan Hưng Vượng do Tập đoàn đóng tàu CIMC Raffles chế tạo trong thời gian 35 tháng, được chuyển giao cho CNOOC vào tháng 11/2014, có chiều dài 104 mét rưởi, rộng 70 mét rưởi, cao 37 mét rưởi. Nó có thể hoạt động ở vùng biển sâu từ 1500 mét trở lên cũng như có khả năng khoan sâu tới 7000 mét và có thể hoạt động với sức gió hơn trăm rưởi cây số nhờ vào hệ thống cân bằng đặc biệt…

Đọc tới đó Hàm ngừng lại. Toàn lên tiếng gọn.

– Có vậy thôi à…

Hàm gật đầu cười.

– Chỉ có vậy thôi thưa hạm phó…

Mỉm cười Toàn đùa một câu.

– Muốn biết thêm về hai thằng 989 và Hưng Vượng này chắc mình phải lại gần để coi giò coi cẳng nó…

Tới phiên Biết phụ hoạ vào.

– Tôi cược với hạm phó thế nào hạm trưởng cũng ra lịnh cho mình lên mạn bắc để coi giàn khoan Hưng Vượng…

– Chắc là vậy…

Cười nói với Biết xong Toàn hắng giọng.

– 66… 10… bắc vỉ tuyến 17.29.53 + đông kinh tuyến 110.57.18…

Theo lệnh của hạm phó, chiếc 66 vẫn ở tình trạng snort hải hành với tốc độ 10 hải lý một giờ trong hải phận của Việt Nam. Mặc dù mới được tân trang thêm hệ thống AIP tối tân đủ sức lặn sâu dưới nước 10 tuần lễ song Toàn vẫn không chịu lặn xuống để đi cho nhanh hơn. Anh cũng như bất cứ vị hạm trưởng tàu ngầm nào của hải quân Phú Quốc đều không muốn lặn khi chưa cần thiết. Trong vùng Biển Việt Nam bây giờ tính từ hải lộ Malacca dài lên tới Biển Nhật Bản có vô số tàu ngầm đi lại mà không một ai biết nó đi đâu, làm gì, mang sứ mạng nào. Tàu ngầm của Mỹ, của Nga, Trung Cộng, Nhật Bản, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Việt Nam tự do ở Sài Gòn, Tân Gia Ba, Nam Dương và có thể của Ấn Độ và Úc Đại Lợi nữa. Bạn thù lẫn lộn và lắm khi bạn có thể biến thành thù vì lý do nào đó. Cho nên Toàn hay bất cứ vị hạm trưởng tàu ngầm đều tiết kiệm tối đa hệ thống AIP để phòng gặp trường hợp bắt buộc phải ở lì dưới nước sâu.

*****

Đang đọc sách trong phòng riêng, Chương nghe tiếng gõ cửa rồi Toàn bước vào trên tay cầm tờ giấy màu đỏ. Nhìn thoáng qua, anh biết đó là loại công điện tối mật và hoả tốc. Theo qui ước chung của hải quân Việt Nam ở Phú Quốc, công điện có bốn loại khác nhau là thường, quan trọng, mật và tối mật. Công điện thường được biểu thị bằng màu trắng, xanh là quan trọng, vàng là mật và khẩn cấp, màu đỏ biểu thị loại công điện tối mật và hoả tốc mà người nhận bắt buộc phải thi hành tức khắc. Cầm lấy bức công điện, Chương liếc nhanh hàng chữ ngắn gọn: ” Gặp Hồng Kỳ trước… Hỏi thăm sức khoẻ… 18 sau… ”. Trầm ngâm giây lát vị hạm trưởng kiêm chỉ huy trưởng phân đội Mặt Trời nhẹ giọng.

– Trước khi rời Phú Quốc tôi đã được tư lệnh Jack nói sơ về tin tình báo dự đoán  chuyện Trung Cộng sẽ bố trí Hồng Kỳ 9 ở Hoàng Sa để trả đũa tàu chiến của Hoa Kỳ đi sâu vào trong hải phận của đảo Tri Tôn thực thi quyền tự do hàng hải…

Ngừng lại giây lát anh nói tiếp.

– Bộ tư lệnh đã chỉ thị thì mình phải thi hành tức khắc. Tôi cũng muốn coi giò coi cẳng thằng Hồng Kỳ 9 mà tụi Trung Cộng kháo nhau là loại hoả tiễn mới nhất của họ…

Dường như nói chưa đủ ý Chương bèn chêm thêm câu tiếng Anh ” new generation medium to long range, active radar homing surface to air missile…”. Toàn mỉm cười. Đó là thói quen của hầu hết lính bất phân cấp bậc trong quân lực của Phú Quốc. Họ nói chuyện mà pha trộn nhiều thứ tiếng khác nhau tuỳ nơi họ cư ngụ trước khi gia nhập vì không tìm ra chữ Việt tương xứng nhất là các danh từ chuyên môn về kỹ thuật và quân sự. Như câu ” new generation medium to long range, active radar homing surface to air missile…” này mà dịch nghĩa ra tiếng Việt thì dài dòng và ít có người lính nào dịch cho sát nghĩa.

– Thưa hạm trưởng… Tôi cũng muốn coi thử Hồng Kỳ 9 ra sao…

Toàn nói gọn. Chương đứng lên rồi ra dấu cho hạm phó của mình đi trước. Hai người thong thả tới phòng chỉ huy có Biết và Thâm đứng chờ sẵn.

– OK Thâm…

Chương lên tiếng gọn. Hiểu ý hạm trưởng muốn mình thuyết giảng Thâm hắng giọng.

– Hồng Kỳ-9 là loại hoả tiễn đất đối không tối tân của Trung Cộng chuyên dùng để ngăn chận hoả tiễn và máy bay của địch. Tuy nhiên nó còn dùng để tấn công các chiến hạm nữa. Không giống như PESA ra đa của hoả tiễn MIM-104 Patriot của Hoa Kỳ hay S-300 và 400 của Nga Sô; Hồng Kỳ 9 của Trung Cộng dùng AESA ra đa, là chữ viết tắt của ” active electronically scanned array (AESA), also known as active phased array radar (APAR). Một giàn hoả tiễn căn bản của Hồng Kỳ 9 gồm có một ra đa chuyên dò tìm, một ra đa chuyên theo dõi đường đi của mục tiêu, một máy phát điện 200 KW và tám giàn phóng. Mỗi giàn phóng chứa sẵn 4 hoả tiễn, do đó 32 trái có thể được phóng cùng một lúc. Tất cả đều được gắn vào chiếc xe vận tải lớn nên tính chất di động là một trong nhiều ưu điểm của Hồng Kỳ 9. Nó còn được khuếch trương lớn hơn khi gồm một xe chỉ huy có thêm nhiều ra đa dò tìm, phân loại, điều khiển đường đi của hoả tiễn. Tương tự như S-300V của Nga Sô, Hồng Kỳ 9 có hai tầng. Tầng thứ nhất lớn hơn tầng thứ nhì; tất cả có trọng lượng gần 2 tấn và dài gần 7 mét với đầu nổ 180 ki lô và đạt vận tốc tối đa bốn lần nhanh hơn vận tốc của âm thanh. Hồng Kỳ 9 được trang bị hệ thống tìm kiếm mục tiêu tự động đồng thời cũng có thể được điều khiển bởi phòng chỉ huy với hệ thống ra đa chủ động. Mặc dù có vận tốc cao song Hồng Kỳ 9 tương đối nặng và khá lớn nên kém hẵn tính chất ngăn đánh các loại hoả tiễn của địch. Gần đây Hồng Kỳ 9 đã được Trung Cộng tân trang thêm hệ thống HT-233 ra đa có khả năng dò tìm mục tiêu và đường đi ( search & target ) một góc 120 độ xa ngoài 300 cây số. Ra đa này có thể tìm kiếm ra 100 mục tiêu, dẫn đường cùng một lúc cho 6 hoả tiễn đánh vào 6 mục tiêu khác nhau. Tuỳ theo cách bố trí và ứng dụng khác nhau, hệ thống phóng Hồng Kỳ 9 còn được bố trí thêm nhiều loại ra đa để chống bị nhiễu sóng bởi các loại ra đa của hoả tiễn liên lục địa và máy bay tàng hình như loại ra đa 120, là loại ra đa có khả năng tìm kiếm mục tiêu bay rất thấp…

Đợi cho Thâm dứt lời xong Biết mới cười hỏi đùa.

– Như vậy Hồng Kỳ 9 hổng có bắn được tàu ngầm phải không?

Liếc nhanh hạm trưởng, Thâm cười hà hà.

– Tôi nghĩ là không nhưng…

Vừa định mở miệng hỏi thêm Biết vội ngưng lại khi nghe hạm trưởng hắng giọng.

– Nó mà đặt trên xe thì khó cho mình xác định mục tiêu…

Thâm lên tiếng liền theo câu nói của Chương.

– Không ảnh này có thể giúp ta xác định được vị trí của giàn HQ-9… thưa hạm trưởng…

Dứt lời Thâm bấm nút. Trên mặt bàn hiện lên hai bức ảnh chỉ rõ vị trí của hai giàn phóng hoả tiễn và hệ thống ra đa.

hoa_tien_tai_hoang_sa

south-china-sea-focal-point-02-18-2016-3

Chương gật đầu mỉm cười tỏ vẻ hài lòng.

– Như vầy thì dễ cho mình hơn…

– Hạm trưởng định chơi xập giàn HQ-9 hả hạm trưởng?

Thâm hỏi dồn. Chương cười lắc đầu nhìn Toàn.

– Tôi chưa biết. Mình còn phải đợi lịnh của chính phủ. Vụ này mà nổ lớn sẽ tạo ra nhiều hậu quả có thể dẫn tới chiến tranh trên biển giữa ta với Trung Cộng sớm hơn ta dự trù. Tuy nhiên chúng ta cũng nên chuẩn bị trước. Toàn với Thâm cố gắng xác định toạ độ để khi có lệnh của bộ tư lệnh là mình nổ liền…

Dứt lời Chương rời phòng chỉ huy. Ngang qua nhà bếp, lấy ly cà phê nóng trong lúc trò chuyện mấy câu với đầu bếp Lành xong anh lặng lẽ về lại phòng riêng của mình.

24.

00:00 giờ. Chiếc 66 nổi lên mặt biển gần cù lao Ré để xạc bình điện đồng thời cũng để cho thuỷ thủ đoàn có dịp hít thở không khí tự nhiên và liên lạc với gia đình. Đang ngồi họp với nhân viên Thuý Nhi nghe điện thoại trong túi xách reo. Lấy điện thoại ra, nhìn vào màn hình xong cô cười nói với nhân viên.

– Tôi xin lỗi có điện thoại… Anh chị em nghỉ xả hơi đi…

Dứt lời cô bước nhanh ra hành lang.

– Hi anh…

Từ bên kia đầu dây hình như xa lắm, giọng nói quen thuộc vang vang.

– Hi em… Em khoẻ không?

– Dạ khoẻ mà nhớ anh muốn bịnh luôn…

– Anh cũng vậy… Anh ước gì anh được nhìn thấy em bẹo hình bẹo dạng trước mặt anh…

Thuý Nhi bật cười. Kỹ niệm ngày đầu gặp nhau ùa về khiến cho cô bồi hồi.

– Anh đang ở đâu dzậy?

Dù biết trước câu trả lời song cô vẫn hỏi. Nhiều lần cô hỏi và ông hạm trưởng trả lời giống nhau: ” Rất tiếc anh không thể trả lời… hoặc xin lỗi em anh không được phép trả lời…”. Tuy nhiên lần này lại khác và điều đó khiến cho cô ngạc nhiên.

– Anh đang ở Quảng Ngải. Chắc em có đọc báo?

– Dạ có… Mẹ và em đọc báo và coi tivi mỗi chiều… Sợ em còn rành ” du kích chiến biển ” hơn anh nữa kìa…

Thuý Nhi nghe có tiếng cười vui vẻ của ông lính tàu ngầm vang trong điện thoại.

– Mẹ khoẻ không?

– Mẹ em hay mẹ anh?

– Cả hai…

– Dạ cả hai bà đều mạnh. Bà mẹ anh thì than thở anh đi hoài. Còn bà mẹ em thì phàn nàn chưa có cháu ẵm bồng…

Thuý Nhi nghe có tiếng thở dài ở xa. Tiếng thở dài buồn làm cho cô cũng phải thở dài theo.

– Anh ước gì anh được ở bên em… Chắc còn lâu lắm…

Thuý Nhi cảm thấy cay cay mắt. Vừa lúc đó cô thoáng nghe có tiếng gì như ” Thưa hạm trưởng… Tàu sẵn sàng lặn…” rồi sau đó giọng của Chương vang nhỏ.

– Em ơi… Anh phải đi… Nhờ em lo cho mẹ của anh…

– Dạ… Anh hứa anh sẽ trở về với em nghen

– Anh hứa… See you soon… bye…

Điện thoại ngưng. Thuý Nhi thẩn thờ cảm thấy mất đi một điều gì quí hiếm. Nhân viên trong phòng tỏ ra ái ngại khi thấy cô chủ trở vào với mắt đỏ và dáng điệu buồn bã.

Chương gật đầu khi nghe đại uý Thâm, sĩ quan đương phiên báo cáo phòng cơ khí đã xạc bình xong và tàu sẵn sàng lặn. Thuỷ thủ đoàn lần lượt chui xuống lòng tàu. Theo thông lệ thì hạm trưởng là người xuống sau cùng trước khi kiểm chứng không còn thuỷ thủ nào ở ngoài. Nếu hạm trưởng không có mặt trên đài quan sát thì sĩ quan đương phiên sẽ là người sau cùng. Tự tay đậy nắp hầm, khóa cứng lại xong Chương lên tiếng bằng hai thứ tiếng.

– 66… sẵn sàng lặn… ready to dive…

Quản nội trưởng Hành, ngồi trên ghế sĩ quan hải hành và thiếu uý Băng, sĩ quan lặn đều đủ mặt.

– 66… lặn… 75 mét sâu…

Tuân theo lệnh của hạm trưởng chiếc 66 từ từ chìm mất xuống mặt nước biển đen ngòm và chỉ nổi lên mặt biển khi cần thiết hoặc bị bắt buộc. Tới đây thì Chương trao quyền chỉ huy lại cho Thâm, sĩ quan đương phiên.

– 66… bắc 65 độ… vận tốc 15km… sâu 75m…

Tuân theo lệnh của sĩ quan đương phiên, chiếc 66 trườn mình đi với vận tốc 15km dưới 75 thước nước sâu tới quần đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm, nơi đặt giàn hỏa tiễn Hồng Kỳ 9. Chương nhìn lên màn hình trước mặt ngay chỗ chuẩn úy Đan ngồi. Cũng như các tàu ngầm khác, chiếc 66 cũng được trang bị hệ thống thuỷ âm định vị bao gồm chủ động và thụ động. Tuy nhiên tàu ngầm ít khi sử dụng tới hệ thống thuỷ âm định vị chủ động vì như vậy có khác nào tiết lộ ra sự có mặt cũng như vị trí của mình đối với tàu địch. Bởi vậy hệ thống thủy âm định vị thụ động được sự dụng để hải hành và dò tìm ra tàu địch nhờ giàn hydrophone array hay là hai lỗ tai của chiếc 66. Với 9 cái ống nghe cực thính cộng thêm giàn máy beamforming processer hiện đại nhất, chiếc 66 có khả năng nghe, ghi nhận, phân tích và xác định được tiếng động của tàu lạ ở cách xa 250 hải lý. Tiếng động có hai loại khác nhau về tính chất, cường độ và tần số. Đó là  ambien noise và self noise. Ambien noise là tiếng động tự nhiên như gió thổi, sóng vỗ, cá voi kêu gọi đàn, hay núi lửa phun dưới đáy biển. Trong khi self noise là loại tiếng động phát ra bởi chính tàu ngầm như tiếng chân vịt quay trong nước, tiếng bong bóng nước vỡ ra hoặc âm thanh từ các động cơ hoặc máy móc của tàu do chính hệ thống thuỷ âm định vị thụ động ghi nhận được đồng thời cũng có thể sẽ được ghi nhận từ tàu lạ. Tàu ngầm càng di chuyển nhanh chừng nào thì tiếng động của nó phát ra càng nhiều và lớn hơn đồng thời có thể làm cho hệ thống thuỷ âm định vị thụ động không còn ghi nhận và phân loại được âm thanh của tàu lạ. Muốn phân loại âm thanh thì tàu ngầm cần có beamforming processor để hiển thị lên màn hình với broadband display và narrowband(water fall) display. Broadband display hay còn gọi là bearing time history display khi được hiển thị lên màn hình sẽ là đường biểu diễn ghi nhận sự di chuyển của tàu địch từ thời gian cũ nhất cho tới thời gian mới nhất. Âm thanh sau khi được thu nhận bởi hydrone array cũng sẽ được chuyển tới beamforming processor thành tần số xong đi qua một máy phân tích tần số ( frequency analyzer ) rồi sau đó hiển thị lên màn hình bằng narrowband display hay waterfall display mà tần số sẽ là đường biểu diễn chạy từ trên xuống dưới và mất đi để cái mới hiện lên và cứ như thế mà tiếp tục. Tần số có ba loại khác nhau là tần số thấp (low frequency), tần số trung bình (medium frequency) và tần số cao (high frequency). Mỗi chiếc tàu, kể cả tàu dân sự hay tàu chiến, tàu nổi hay tàu ngầm đều có loại âm thanh riêng biệt gọi là acoustic signature phát ra bởi cánh quạt quay trong nước, máy của tàu, động cơ quay máy bơm nước và tất cả các loại máy móc hoạt động trên tàu. Tiếng động phát ra từ cánh quạt quay trong nước tuỳ thuộc vào kích thước, hình dáng, số lượng của cánh quạt và vận tốc quay của nó. Thường thường tiếng động này có tần số thấp, tuy nhiên khi chân vịt quay nhanh lại tạo ra tiếng động lớn hơn vì sự vỡ của bong bóng nước. Cường độ tiếng động này có thể nghe từ xa và đó cũng là điểm yếu của tàu ngầm để cho tàu lạ khám phá ra sự có mặt và vị trí của mình.

01:35 giờ. 35 cây số cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chiếc 66 lặng lẽ hải hành với 15km ở độ sâu 250 mét. Biển Đông tính từ bờ ra tới Hoàng Sa có nhiều độ sâu khác nhau. Từ bờ biển ra xa độ vài chục cây số thì độ sâu chỉ tối đa 100 mét. Rồi tiếp theo với độ sâu 200 mét. Sau đó là vùng biển bao quanh quần đảo Hoàng Sa thì độ sâu có thể lên tới 1000 mét cho tới 2000 mét nông sâu tuỳ theo hình thể của đáy biển. Từ Hoàng Sa ra xa hơn nữa, độ sâu có chỗ lên tới 4000 ngàn mét. Cũng nhờ vào độ sâu này mà chiếc 66 có thể triển khai sở trường lặn sâu xuống tầng nước biển mù để khỏi bị các tàu ngầm, tàu nổi hoặc máy bay săn tàu ngầm của địch dò tìm được. Đại uý Hạnh ngồi im trên ghế. Trên mặt bàn dành riêng cho sĩ quan đương phiên đầy những chồng giấy tờ, tài liệu hoặc hồ sơ được xếp ngay ngắn và trật tự. Phòng chỉ huy sáng mờ màu xanh. Tiếng máy móc chạy rì rầm.

– Đại uý coi nè…

Thượng sĩ nhất Ẩn phụ trách hệ thống thuỷ âm định vị của phiên trực lên tiếng.

– Có chuyện lạ hả ông?

Vừa lên tiếng hỏi, Hạnh vừa rời chỗ ngồi bước tới đứng cạnh ghế của Ẩn. Chỉ vào màn hình Ẩn từ từ nói.

– Tôi theo nó hơn 10 phút… Nó thay đổi vị trí ba lần rồi. Đầu tiên ở đông bắc 75 rồi sau đó lại đổi sang 80 và bây giờ thành 85 độ …

Khẽ gật đầu, Hạnh chăm chú nhìn đường biểu diễn bearing time history của chiếc tàu lạ giây lát mới lên tiếng.

– Ông nghĩ tàu của ai?

Cười hà hà, Ẩn trả lời không do dự.

– Trong vùng này thì còn tàu của ai nữa. Chắc mẻm là Chệt rồi…

– Vậy à… Loại nào…?

Nhìn chăm chú vào màn hình của máy phân tích tần số (frequency analyzer), Ẩn cười hì hì.

– Song II ông ơi… Tôi đã coi cái acoustic signature của nó rồi…

– Ok… để tôi gọi hạm phó coi ổng tính sao…

Năm phút sau Toàn có mặt nơi phòng chỉ huy. Chăm chú nghe Ẩn báo cáo rồi chăm chú quan sát màn hình giây lát, Toàn điềm đạm thốt.

– Đúng là Song II rồi…

Lặng lẽ quan sát thêm giây lát rồi cuối cùng Toàn hỏi Ẩn.

– Mình cách xa nó bao nhiêu?

– 28 cây số thưa hạm phó…

– Ông ID nó được không?

Toàn hỏi. Như đã chuẩn bị sẵn, Ẩn cười cười.

– Dễ ợt hạm phó… Song của Trung Cộng có hai lớp là Song I-039 và Song II-039G. Song I chỉ có một chiếc mang số 320 thuộc hạm đội Đông Hải chứ không phải Nam Hải. Còn Song II có 11 chiếc mang số từ 314, 315, 316, 317, 318, 319, 321, 322, 323, 324, 325. Có hai chiếc nằm trong hạm đội Nam Hải. Chiếc đầu tiên của Song II là chiếc 321 được hạ thuỷ năm 1999 và bắt đầu hoạt động vào tháng 4 năm 2001. Chiếc đang chạy trước mình nghe êm êm nên tôi đoán nó là chiếc 325, chiếc mới nhất của Song II…

 Gật gật đầu, Toàn quay qua nói với Hạnh.

– Ông gọi ông Thâm để chuẩn bị. Tôi báo cáo với hạm trưởng…

Toàn bốc máy. Năm phút sau Chương bước vào phòng chỉ huy. Đợi cho Toàn báo cáo xong, vị hạm trưởng mới lặng lẽ quan sát màn hình của cả broadband display và narrowband display rồi lên tiếng.

– Đúng là Song II rồi. Tôi cũng nghĩ như ông Ẩn là chiếc 325… Hạnh cho nhiệm sở tác chiến đi…

Đèn đỏ bật cháy ba lần báo hiệu cho thuỷ thủ đoàn biết nhiệm sở tác chiến đã được ban hành. Sĩ quan, hạ sĩ quan, thuỷ thủ đều vào nhiệm sở của mình. Đan và Ẩn chia nhau ra ngồi trước hai màn hình của máy thuỷ âm định vị thụ động. Đan quan sát broadband display còn Ẩn lo narrowband display. Riêng Thâm và các nhân viên dưới quyền chúi đầu vào hệ thống điều khiển vũ khí. Đây là hệ thống phức tạp nhất trong tất cả các hệ thống của tàu như liên lạc, hải hành và cơ khí bởi vì có rất nhiều hệ thống phụ thuộc hoặc liên quan như thuỷ âm định vị, điện toán, hải hành và liên lạc theo chiều ngang và dọc mà tất cả đều được tự động hoá và tính toán bằng máy điện toán. Tất cả các dữ kiện thu thập từ phía địch như phương hướng di chuyển, vận tốc và khoảng cách giữa hai tàu đều được đưa vào máy. Là sĩ quan trưởng ban vũ khí, Thâm cũng phải tính toán loại vũ khí nào để tấn công đồng thời cũng phải dự trù địch cũng sẽ phóng thuỷ lôi hoặc hoả tiễn phản tấn công hoặc phóng decoy (thuỷ lôi giả)  cản thuỷ lôi của mình. Tất cả các dữ kiện, ước lượng và tính toán đó đều được đề ra rồi cài đặt vào để hệ thống vũ khí tinh khôn để phân tích, chọn lọc và cuối cùng đề nghị loại vũ khí phải dùng cũng như cách thức chống trả khi tàu địch phản công.

– Trình hạm trưởng… Fire control sẵn sàng…

Thâm báo cáo. Ngồi im trên ghế, mắt nhìn vào màn hình của giàn máy thuỷ âm định vị thụ động, Chương  trầm trầm lên tiếng.

– Thuỷ âm định vị báo cáo…

Hiểu ý hạm trưởng muốn mình báo cáo về phương hướng của tàu ngầm địch, Đan trả lời liền.

– 325… đông nam 92 độ… vận tốc 15… Độ sâu 200m… khoảng cách 27…

Hơi nhíu mày Chương hỏi.

– Nó đổi hướng phải không?

– Đúng thưa hạm trưởng… Hồi nãy nó ở 85 độ rồi bây giờ lại đổi ra 92 độ. Lúc đầu tôi nghĩ nó đi về đảo Phú Lâm nhưng sau đó nó đổi hướng. Dường như nó đi…

Quay nhìn Đan, Chương mỉm cười song không nói gì hết. Lát sau rời ghế tới đứng nơi bàn hành quân dành riêng cho hạm trưởng, anh khẽ đưa tay bấm cái nút. Màn hình sáng lên bức bản đồ toàn thể vùng quần đảo Hoàng Sa lan ra tận tới đảo Scarborough Shoal nằm gần Subic Bay của nước Phi. Mắt dán vào hòn đảo nhỏ của nước Phi giây lát anh mỉm cười gật gù như đã tìm ra điều gì. Toàn bước tới đứng cạnh hạm trưởng của mình. Nhìn vào bản đồ quần đảo Hoàng Sa giây lát anh mới nói nhỏ.

– Hạm trưởng… Tôi nghĩ nó đi về

Chương khẽ gật đầu cười như đồng ý về lời phát biểu của hạm phó. Quay qua đại uý Hạnh, sĩ quan đương phiên, anh hỏi nhanh.

– Mình có tin gì của Mắt Thần về chiếc 18?

– Trình hạm trưởng… Theo báo cáo cuối cùng của chiếc Mắt Thần lúc 11:00 thì Strike Group 18 đã từ Hải Nam di chuyển xuống phương nam. Nó chỉ còn cách Scarborough Shoal chừng 100 cây số…

Hạm vị trưởng và phó nhìn nhau cười lặng lẽ. Cả hai dường như đều có cùng một ý nghĩ dù chẳng ai nói ra.

– Theo sát chiếc 325 cho tôi… Nó sẽ đưa mình tới gặp thằng 18…

Nghe hạm trưởng ra lịnh như vậy đại uý Hạnh, sĩ quan đương phiên hỏi.

– Mình không đi Phú Lâm hả hạm trưởng…

Lắc đầu Chương nhẹ giọng.

– Cứ theo chiếc 325… Sau khi bắt tay thằng 18 rồi mình trở lại Hoàng Sa. Tôi sẽ thảo công điện tường trình lên bộ tư lệnh về chuyện mình đổi lộ trình… Đây là dịp may hiếm có để cho mình ” link ” Strike Group 18…

Hạnh hiểu ý hạm trưởng. Đây là dịp may duy nhất để chiếc 66 có thể tiếp cận chiếc 18 một cách êm rơ. Khoảng hai giờ đồng hồ nữa, chiếc 66 sẽ bắt kịp chiếc 325 rồi song hành với nó ở độ sâu hơn 500 mét. Nhờ vậy chiếc 66 sẽ xuyên qua hàng rào phòng thủ của tàu ngầm, hộ tống hạm và khu trục hạm để cuối cùng lại gần chiếc hàng không mẫu hạm.

– Thuỷ âm định vị báo cáo…

– 325… đông nam 95 độ… vận tốc 18… khoảng cách 12… độ sâu 200…

Gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng khi nghe báo cáo chiếc 325 lại thay đổi lộ trình, Chương ra lệnh cho tàu lặn sâu xuống 450 mét đồng thời tăng tốc độ lên 25 cây số để bắt kịp tàu địch. Sau hai tiếng đồng hồ săn đuổi chiếc 66 bắt kịp rồi sau đó song hành với chiếc 325 chỉ khác ở độ sâu mà thôi. Thuỷ thủ đoàn được lịnh giới hạn sự di chuyển và gây huyên náo. Trường hợp bị bắt buộc phải đi lại thì nên dè dặt không gây ra tiếng ồn. Không khí nặng nề và ngột ngạt. Ai cũng biết trên đầu họ có tàu ngầm của địch đang di chuyển. Nếu bị chúng dò tìm ra sự có mặt thì khó mà chạy thoát được. Vùng này thuộc quyền kiểm soát của hải quân Trung Cộng với vô số tàu chiến đang hoạt động từ tàu ngầm thông thường tới tàu ngầm nguyên tử với khu trục hạm, hộ tống hạm và cả máy bay trực thăng săn tàu ngầm nữa.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Đan lên tiếng chậm.

– 325… đông nam 98 độ… vận tốc 18… khoảng cách zero… độ sâu 200 mét…

Nghe xong báo cáo Chương vội rời ghế tới đứng sau lưng chiếc ghế chỗ Ẩn ngồi. Trên màn hình water fall hình dáng lờ mờ của chiếc tàu ngầm hiện ra. Vị hạm trưởng hơi cau mày khi thấy nơi góc phải của màn hình có một chấm sáng khá lớn hiện lên rồi mất rồi lại hiện lên mà mỗi lần hiện lên thì lại lớn hơn và sáng hơn.

– Ông coi kỹ đốm sáng này cho tôi…

Chương nói với Ẩn. Ngay lúc đó Đan chợt la nhỏ với giọng vừa hoảng hốt lẫn kinh ngạc.

– Hạm trưởng… Dường như mình sắp tới cái cái ” picket ring ” của 18…

Không kể các sĩ quan chỉ huy đang hiện diện mà Chương cũng đổi nét mặt khi nghe Đan lên tiếng. Chưa có ai kịp nói gì thì Ẩn lại kêu lớn.

– Đúng rồi hạm trưởng ơi… Cái picket ring của nó rộng lắm… Tôi nghe có nhiều tiếng động lạ…

Dứt lời Ẩn trao ống nghe cho cấp chỉ huy. Chương nghe nhiều tiếng thùmmm… thùmmm… đùmmm… đùmmm… bùmmm… bùmmm… rùmmm… rùmmm khi xa khi gần, thoạt lớn thoạt nhỏ. Tai nghe mắt vị hạm trưởng nhìn âm thanh hiển thị lên màn hình với hàng chục đốm lớn nhỏ khi mờ khi sáng lúc tắt lúc hiện. Gật gù anh nói với Toàn.

– Đúng là mình sắp sửa đi vào cái ” picket ring ” của thằng 18 rồi…

Theo qui luật của hải quân Hoa Kỳ và có thể của bất cứ nước nào thì khi có từ hai tàu trở lên là phải lập đội hình di chuyển để khỏi va chạm nhau và cũng để bảo vệ nhau. Đội hình này có tên là HCE, chữ viết tắt của Harphoon Commander’s Edition bao gồm hai thành phần tạm gọi là thành phần chính (main body) và thành phần phụ (the screen). Thành phần chính chứa các tàu quan trọng hoặc tàu có giá trị cao như hàng không mẫu hạm hoặc các tàu không đủ sức tự vệ như tàu chở lính đổ bộ, tàu chở dầu và tàu chở nhu yếu phẩm. Thành phần phụ (the screen) gồm có các chiến hạm trang bị vũ khí để tự vệ và tấn công như tuần dương hạm, khu trục hạm, hộ tống hạm có nhiệm vụ bảo vệ các tàu của thành phần chính. Thường thường các tàu thuộc thành phần chính hải hành cùng một lộ trình, đội hình và vận tốc như nhau. Bên ngoài các tàu thuộc thành phần chính sẽ có ba vòng đai bảo vệ khác nhau. Vòng đai bảo vệ cận kề main body là AAW (Anti-Air Warfare) Ring còn gọi là hệ thống phòng không chuyên chống trả lại máy bay, hoả tiễn hay bất cứ vũ khí nào ở trên không nhắm vào các tàu nằm trong thành phần chính. Vòng đai bảo vệ thứ nhì là ASW(Anti-Submarine Warfare) bao gồm các loại chiến hạm hoặc tàu ngầm có khả năng dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm hay bất cứ thứ vũ khí nào của địch ở dưới nước trước khi nó đe doạ tới an ninh của các tàu thuộc thành phần chính. Vòng đai bảo vệ thứ ba gọi là ” picket ring ” gồm có các loại tàu tuần tiễu hay máy bay có thiết trí các dụng cụ cảnh báo sớm (AEW- Airbone-Early Warning) như ra đa hay thuỷ âm định vị. Tuỳ theo nhiệm vụ và cũng tuỳ theo thời bình hay thời chiến mà một đội hình của một task force hoặc strike group có ít hay nhiều chiến hạm đủ các loại khác nhau. Một task force có khi lên tới hai hoặc ba chục chiến hạm và máy bay đủ loại.

– Ông cho tôi biết khoảng cách của mình với cái picket-ring?

– 81 cây số thưa hạm trưởng. Tại cái lỗ tai của mình nhạy quá nên mới nghe xa như vậy…

Chương cười gật gù.

– Tốt… Như vậy mình có thời giờ để sửa soạn…

Nói xong Chương trở lại ghế ngồi của mình. Nhìn hạm trưởng ngồi im lìm trên ghế, thuỷ thủ đoàn đều biết cấp chỉ huy đang bận tâm suy nghĩ một vấn đề hóc búa. Do đó mọi người đều im lặng, nếu có nói cũng xì xào sợ kinh động tới hạm trưởng. Tất cả suy tư của ông ta có liên hệ tới công tác mà họ đang thi hành. Ngay cả mạng sống của thuỷ thủ đoàn cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định của hạm trưởng. Ông ta tính toán đúng thì họ sẽ hoàn tất nhiệm vụ và có dịp về nhà gặp lại vợ con. Ông ta quyết định sai lầm là họ sẽ ngủ yên trong lòng tàu dưới đáy biển sâu. Trầm ngâm suy nghĩ giây lát Chương bước tới đứng tại bàn hành quân. Bản đồ vùng biển từ Hoàng Sa trãi dài tới Vịnh Subic của nước Phi sáng rực lên. 18 Strike Group đang tới đây. Họ có ý định gì? Có phải Scarborough Shoal là mục tiêu của họ? Hay Trường Sa mới là cái đích chính? Sở dĩ họ làm như vậy là thế dương đông kích tây? Thông thường nếu Strike Group thì chiếc 18 chỉ có 1 tới 2 khu trục hạm và hộ tống hạm đi kèm cộng thêm với tiềm thuỷ đỉnh bảo vệ ngầm ở dưới sâu. Cũng sẽ có thêm các tàu tiếp tế và tàu chở lính đổ bộ đi cùng. Đằng này cái vòng đai bảo vệ vòng ngoài trăm cây số lại có nhiều tuần dương hạm, khu trục hạm, hộ tống hạm với tàu ngầm hộ tống và khinh tốc hạm nữa. Vòng đai an ninh rộng lớn đủ nói lên một điều, là chiếc 18 đang mang một nhiệm vụ lớn hơn tuần tiễu ở vùng biển của Scarborough Shoal. Nhiệm vụ đó có phải là mở trận hải chiến với hải quân Việt Nam để tái chiếm Trường Sa? Nếu chuyện đó xảy ra thì anh phải làm gì? Một mình chiếc tàu của anh không thể chống lại cả một lực lượng đông đảo như thế.

– Hạm phó… Đại uý Hàm… Đại uý Thâm… Xin ba ông vui lòng tới đây.

Chương gọi nhỏ. Nghe hạm trưởng gọi một lúc tới ba sĩ quan mà lại gọi bằng cấp bậc nữa, người thuỷ thủ đoàn đều ngạc nhiên quay nhìn. Đợi cho ba sĩ quan phụ tá của mình tới xong xuôi vị hạm trưởng mới hắng giọng. Tuy ông ta không nói lớn song vì phòng chỉ huy rất yên lặng nên thuỷ thủ đoàn đều nghe được.

– Theo sự suy luận của tôi thì hai Strike Group 16 và 18 có thể đã họp thành một Task Force…

Toàn lên tiếng liền.

– Tôi đồng ý với hạm trưởng về nhận định đó. Nếu là một Strike Group riêng rẻ thì không có tàu đông tới độ như vậy. Đan có nói với tôi ngoài hai chiếc mẫu hạm chính là 16 và 18, nhóm tàu này còn có năm bảy chiếc tàu tuần dương, khu trục và hộ tống đi kèm nữa. Hiện thời thì mình chưa dò tìm và phân loại được tàu nào nhưng tổng cộng có hơn ba chục chiếc…

– Tôi nghĩ mình nên báo cáo cho bộ tư lệnh biết…

Thâm lên tiếng. Chương nhìn hạm phó. Hiểu ý Toàn đáp nhanh.

– Mình không thể nổi lên vì sẽ bị trực thăng dò tàu ngầm tìm ra vị trí của mình liền…

Không nổi lên mặt nước là họ không thể sử dụng GPS để chuyển tin được. Trầm ngâm giây lát, Chương mới thong thả lên tiếng.

– Mình có hai cách như vầy. Ông Đan hãy cố tìm coi có chiếc tàu ngầm nào thuộc phân đội Mặt Trời ở gần mình nhất. Nếu được mình sẽ sử dụng tần số thấp liên lạc với chiếc đó nhờ chuyển tin tới bộ tư lệnh. Nếu không có chiếc tàu ngầm bạn nào ở gần thì mình bắt buộc phải nổi lên chuyển công điện xong lặn xuống liền. Bao lâu thì mình chuyển xong một công điện ngắn 25 chữ?

Thấy hạm trưởng nhìn mình, đại uý Hàm trả lời không chút đắn đo.

– Tôi nghĩ chừng 15 giây thôi. Hạm trưởng thảo công điện, đưa cho ban truyền tin mã hoá xong mình nổi lên chuyển đi rồi lặn xuống liền. 15 giây thì tôi nghĩ ra đa của địch không đủ thời gian để dò tìm ra mình đâu…

– Tốt… Toàn lo tìm tàu bạn… Tôi sẽ thảo công điện… Ông Thâm chuẩn bị vũ khí… Không chừng mình sẽ đụng lớn…

Thuỷ thủ đoàn bao gồm các ban như thuỷ âm định vị, hải hành, truyền tin và vũ khí đều lộ ra vẻ kích thích lẫn vui mừng. Họ biết nếu đụng lớn thì có thể nguy hiểm song nhờ vậy họ có cơ về nhà sớm hơn là chạy tới chạy lui trên biển thêm mệt mỏi và chán nản. Tin tàu nhà đã tìm ra sự có mặt của Task Force 18 lan đi nhanh qua phòng cơ khí, thuỷ lôi và luôn cả nhà bếp nữa rồi thuỷ thủ đoàn đều biết cái tin nóng này. Ăn trưa xong trở lại phòng chỉ huy Chương được Toàn báo cáo không tìm ra chiếc tàu ngầm bạn nào ở gần để chiếc 66 có thể liên lạc được. Chiếc ở gần nhất là VNN77 cũng cách xa bảy chục cây số. Tuy nhiên sau ba lần tín hiệu được đánh đi thì chiếc 77 vẫn không trả lời. Im lặng giây lát Chương đưa cho Hàm nội dung của công điện đã được  viết ra với nội dung: ” VNN66 gởi bộ tư lệnh tàu ngầm… Task Force 16+18 đang ở Scarborough Shoal… có thể đánh Trường Sa…”. Cầm lấy công điện Hàm chuyển tới ban truyền tin rồi lát sau trở lại.

– Trình hạm trưởng… Công điện đã được mã hoá… Ban truyền tin sẵn sàng chuyển đi…

Khẽ gật đầu Chương ra lệnh gọn.

– 66… 20 mét sâu… vận tốc 8km…

Dưới lệnh của hạm trưởng, chiếc 66 từ từ nổi lên. 20 mét là độ sâu vừa đủ cho tiềm vọng kính và ăng ten của ra đa ló lên để quan sát và chuyển đi tin tức.  Ngay lúc tàu từ từ nổi lên, hạm phó Toàn đã đứng tại chỗ tiềm vọng kính trong tư thế sẵn sàng để quan sát tàu nổi, còn ra đa thì lo dò tìm trực thăng. Đã chuẩn bị từ trước nên chỉ cần 15 giây công điện đã được gởi đi. Không chậm trễ chiếc tàu ngầm lại lặn xuống và lần này nó lặn xuống sâu 500 mét. Ngay khi tàu bình quân ở độ sâu 500, thuỷ thủ đoàn nghe hạm trưởng lên tiếng.

– Thuỷ âm định vị báo cáo…

– 325 đông nam 105 độ… vận tốc 20km… khoảng cách 2 km…

Khi mà chiếc 66 nổi lên để liên lạc với bộ tư lệnh tàu ngầm ở Phú Quốc rồi lặn xuống mất chừng vài phút đồng hồ thì chiếc tàu ngầm 325 của hạm đội Nam Hải đã chạy được một quãng non hai cây số. Vì vậy chiếc 66 chỉ cần tăng tốc độ và mất chừng 15 phút đã bắt kịp chiếc 325 rồi sau đó chạy song song ở độ sâu 500 mét. Biết được tàu của mình đang đi gần tới picket ring của địch với vô số tàu đang dò tìm nên thuỷ thủ đoàn đều rất cẩn thận trong mọi cử chỉ. Ngay cả dùng muỗng khuấy sữa bột họ cũng chỉ quậy nhè nhẹ. Cười cũng rán mà bụm miệng lại. Họ đều mang tennis shoes và bước len lén như đi ăn trộm. Máy điều hoà không khí được tắt vì sợ gây ra tiếng ồn vì thế không khí lạnh băng.

Trang 3

Advertisement