15.
20:00 giờ. Mưa bay lất phất. Mây mù xuống thấp làm cho trời tối sớm hơn. Đang nằm lim dim Bình chợt nhỏm dậy khi nghe có tiếng động là lạ. Thoạt đầu mơ hồ như xa như gần rồi tiếng động lớn dần lên. Thoáng nghĩ tới điều gì anh bước ra ngoài trời nhìn xuống mặt nước.
– Nước dâng lên Anh Ba…
Chánh cười nói. Rút điếu thuốc, châm lửa, hít hơi dài Bình gật đầu.
– Cái hồ dự trữ nước rộng mấy trăm cây số vuông nên mình không nghe rõ nước từ trên thượng lưu chảy xuống. Như vậy chỉ chút nữa sẽ đầy tràn…
Hít liên tiếp ba hơi thuốc vị sĩ quan thâm niên trong nghề lính biệt kích ra lịnh.
– Mình đã đặt remote control rồi nhưng cũng phải cài thêm bộ phận nổ giờ cho chắc ăn. Cái này hổng nổ thì có cái kia… Anh dẫn Tánh và Hiền trở xuống hầm cài cho mìn nổ đúng 22:00 giờ đi… Tôi qua chỗ ông Điện…
Đợi cho ba người lính dưới quyền đi xuống hầm xong Bình mới rão bước về phía trạm canh. Vừa lúc đó súng chợt nổ rền. Đạn lửa kéo thành dây dài trong bóng tối của khu vực quanh cái đập đã bị cúp điện. Điều đó cho anh biết phe địch bắt đầu mở cuộc tấn công mà không chờ đợi con tin được thả ra hết. Nó cũng báo cho anh biết lực lượng tấn công này ngoài cảnh sát địa phương còn có SWATT và đặc biệt hơn với sự tham dự của lính chính qui. Chỉ lính chính qui của quân đội mới dùng đại liên có đạn lửa chỉ đường. Chạy ào về vị trí án ngữ của Điện, Bình nghe đạn réo trên đầu của mình, dội vào vách đá và rừng cây thành âm thanh kinh dị.
– Tụi nó bắt đầu chơi mình Anh Ba…
Gio lên tiếng. Bình gật đầu quay qua nhìn về bên trái nơi Điện và xa hơn chút nữa Phong đang hờm súng chờ. Bình rê ống dòm một đường. Chiếc xe cơ giới hiện rõ trong bóng đêm. Cũng may cho anh là địch chưa điều động chiến xa mà chỉ sử dụng xe cơ giới bánh bằng cao su và chỉ thiết trí đại liên chứ không phải đại bác.
– Tao mà có AT4 là mày ngủm rồi con ơi…
Bình mỉm cười khi nghe Gio nhắc tới loại súng chống tăng nổi tiếng được chế tạo bởi hãng Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển. Rất tiếc là toán biệt kích không có bất cứ thứ vũ khí chống tăng nào do đó Gio phải mọp đầu dưới hỏa lực của mấy khẩu đại liên và ấm ức nhìn chiếc xe cơ giới lầm lì tiến tới vị trí do mình án ngữ. Tuy nhiên không phải vì vậy mà anh chịu thua. Mỗi người lính biệt kích tùy theo sở thích được quyền mang vũ khí riêng mà họ chọn. Trong công tác Cửu Long vì lý do bảo mật nên họ phải chọn loại vũ khí lạ của nước ngoài. Người nào thích nhẹ gọn thì mang Uzi. Riêng Gio lại chọn khẩu FRF2 dù anh phải mang nặng thêm gần 10 kí lô tính cả súng lẫn đạn. FRF2 là loại súng bắn tỉa được dùng rộng rãi trong quân đội của nước Pháp. Nó có thể bắn trúng mục tiêu xa 800 mét và có nhịp tác xạ 5 viên đạn trong 1 phút. Tiếng nổ của khẩu đại liên vừa chậm lại, Gio ngóc đầu lên. Anh có mười giây đồng hồ để bắn trước khi khẩu đại liên khạc đạn trở lại. Khẩu FRF2 của người lính biệt kích chuyên nghề bắn tỉa nhắm vào một mục tiêu. Đó là xạ thủ đại liên của chiếc xe cơ giới. Cắc bùm… Tiếng nổ khô khốc. Qua ống dòm Bình thấy người lính thủ khẩu đại liên bật ngữa về sau rồi lật ngang. Tiếng súng im bặt. Cắc… bùm… Gio nổ phát thứ nhì. Người trưởng xa gục xuống và chiếc xe cơ giới ngừng bánh rồi sau đó lùi lại thật nhanh. Kéo cơ bẫm lên Gio mỉm cười khi thấy cấp chỉ huy giơ ngón tay cái lên. Mặt trận tạm thời ngưng khi chiếc xe cơ giới của SWATT lùi về sau.
Chánh nói với Tánh và Hiền trong lúc đưa tay nhấn cái nút của thang máy có mũi tên chỉ xuống.
– Tôi lo cái phòng kiểm soát và điều khiển bên tay trái. Hiền lo phần chính giữa còn Tánh lo mấy cửa thoát nước bên tay phải. Ông Bình bảo mình cài đúng giờ 22:00 giờ mới nổ…
Hiền lên tiếng thật nhanh.
– Tôi nghĩ đợi tới 22:00 giờ thì lâu quá. Biết đâu tụi SWATT tấn công sớm là mình bị hỏng giò…
Tánh cũng phụ họa vào thêm.
– Thằng Hiền nói có lý… Nếu tụi lính không thèm cứu con tin nữa mà tràn vào thì mình cản hổng nổi đâu. Đặt mìn sớm chừng 1 giờ tôi nghĩ chắc ăn hơn. Hồi này tôi thấy nước cũng gần đầy rồi…
Ngẫm nghĩ giây lát Chánh mới thốt.
– Tụi mày tính vậy cũng được. Mình cài giờ nổ đúng 21:00. Đồng ý?
Hiền với Tánh chấp thuận. Sau khi xuống tới hầm cả ba hối hả chia nhau thi hành nhiệm vụ. Khu UnderGround Power House vắng tanh. Đèn sáng mờ mờ. Chỉ cần 15 phút họ đã xong chuyện cài giờ nổ. Vừa lên tới mặt đập cả ba nghe súng nổ rền khắp nơi. Toán của thượng sĩ Điện bị tấn công dữ dội mà toán của thiếu úy Bá cũng đang giao tranh ác liệt với lực lượng cảnh sát địa phương và lính ở bên Ximeng kéo qua và có thể từ trên Lancang kéo xuống. Trong ba người thời Chánh có cấp bậc cao và thâm niên nhất do đó anh là kẻ chỉ huy.
– Tôi qua phụ Anh Ba, còn Tánh với Hiền qua giúp ông Bá. Ráng giữ…
Tánh gật đầu hiểu ý. Đúng theo kế hoạch hành quân thì sau khi hoàn thành công tác họ sẽ dùng đường rừng tới biên giới Việt Lào ở trong địa phận tỉnh Thanh Hóa sẽ có trực thăng tới đón về. Vị trí do thiếu úy Bá đóng chốt ở bên bờ nam của sông Cửu Long nên cũng là nơi thoát thân của họ. Chỗ này mà địch chiếm được thời họ mất đường về đồng thời còn bị dồn vào chính giữa cái đập. Nếu đập vỡ thì mười người lính biệt kích không ai sống sót được. Vừa gặp mặt Bình, Chánh báo cáo liền.
– Đã cài đặt giờ xong rồi Anh Ba…
Ngần ngừ giây lát Chánh tiếp liền.
– Tôi cài giờ nổ 21:00 giờ thay vì 22:00 giờ như lời Anh Ba dặn…
Đang rê ống dòm quan sát hoạt động của chiếc xe tăng mà địch đang điều động tới, Bình quay lại nhìn Chánh đăm đăm. Đây là lần đầu tiên mới có người dám cãi lại lệnh của anh. Nhìn cấp chỉ huy, Chánh thong thả giải thích.
– Tôi sợ lâu quá mình giữ không được. Nói thật với đại úy tôi không muốn bỏ xác ở cái chốn này. Nước cũng đầy rồi thành ra… Nếu đại úy không đồng ý thì đưa tôi ra tòa án quân sự cũng được…
Bình im lìm không lên tiếng vì ba sự kiện xảy ra ủng hộ ngầm cho hành động không tuân lệnh thượng cấp của Chánh. Đầu tiên là việc cài đặt giờ. Sớm hơn 1 tiếng đồng hồ cũng không sớm lắm. Nước dâng lên cũng đầy rồi. Cuối cùng là địch, bỏ mặc hai mươi mấy con tin đang bị giam giữ nên bắt đầu mở cuộc tấn công vào bằng xe cơ giới. Biết đâu họ sẽ đem thiết giáp tới. Cân phân về những điều này do đó Bình làm thinh giây lát mới nhẹ giọng.
– Anh làm vậy cũng được…
Đang đứng gần đó, thượng sĩ Điện vội lên tiếng.
– Tôi đồng ý với thằng Chánh. Tụi nó đem tăng tới thì mình vô phương cản được. Bây giờ đã 8 giờ rưởi đêm rồi…
Ngay lúc đó mọi người đều nghe tiếng nổ ì ầm rồi một quả đại bác nổ cách chỗ họ đứng quãng xa chừng mươi mét. Đất đá bay rào rào. Chưa kịp làm gì hết thì có tiếng xè xè vang lên. Bình hét lớn.
– Đại bác…
Nhào vào góc lô cốt anh nghe tiếng nổ lùng bùng lỗ tai kèm theo trăm ngàn mảnh sắt vụn tạt vào người đau buốt thịt da. Xuyên qua ánh bụi mờ anh thấy Chánh ngã vật xuống đất nằm im không cục cựa. Ngóc đầu lên anh thấy chiếc xe tăng có khẩu đại bác dài lê thê đang lừng lửng tiến tới cách chỗ mình nấp không đầy năm chục thước. Không có M72 LAW hay AT4 để chống tăng thì anh và lính biệt kích chỉ còn cách rút chạy trước khi bị nó cán dập mật hoặc banh thây vì đại bác.
– Lùi… Ông Điện vác Chánh đi trước. Tôi với Gio và Phong cản cho ông…
Không nói tiếng nào Điện xốc cái thân thể đầy máu me của Chánh lên vai xong vừa bắn vừa chạy về phía khu nhà ở chính giữa cái đập. Bình ra lịnh cho Gio bắn kềm không cho đại bác ở trên xe tăng nổ tiếp. Tiếng hét của anh chìm mất trong tiếng đại liên gầm gừ, tiếng đại bác nổ ầm ầm và tiếng nổ của đủ thứ súng nhắm vào vị trí mà toán biệt kích đang trấn giữ. Bụi tung mịt mù trong ánh hỏa châu sáng rực. Gio ghìm khẩu súng bắn tỉa của mình. Xuyên qua ống kính của ống dòm anh thấy được chiếc nón sắt của người trưởng xa. Cắc… Bùm… Viên đạn 7 ly 62 thoát ra khỏi nòng súng. Cùng lúc đó anh cũng thấy ánh lửa nháng lên từ nòng khẩu đại bác. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó có hai người chết. Viên đạn 7 ly 62 xuyên qua chiếc nón sắt làm bể nát cái đầu của người trưởng xa thì viên đại bác cũng nổ tung thân thể của người lính tên Gio, có 11 năm lính và cũng có một người vợ với hai đứa con. Đứng kế bên Bình cảm thấy có sức lực vô hình nâng thân thể mình lên cao rồi bỏ rơi xuống một cách đột ngột khiến anh ngã úp mặt xuống đất. Dường như có tiếng sắt thép xuyên qua da thịt làm nhức buốt não bộ và tê liệt toàn thân thể.
– Đại úy…
Phong kêu lên khi thấy Bình bất động. Nhào tới chỗ Bình đang nằm xấp anh lật ngữa người của cấp chỉ huy dậy. Ngực của Bình thủng mấy lỗ và máu theo đó trào ra ướt cả ngực và tay anh nữa. Tệ nhất chân mặt gần như bị đứt lìa. Ho tiếng nhỏ Bình thì thào.
– Hộp remote control…
Hiểu ý Phong chụp lấy bộ phận dùng để điều khiển cho mìn nổ từ xa không cần biết nó có bị hư hao gì không. Giọng của Bình yếu dần.
– Đưa lựu đạn… Em chạy đi…
Phong ứa nước mắt. Anh biết Bình đợi cho chiếc xe tăng tới gần mới cho nổ lựu đạn để phá tăng và chết theo nó. Vị đại úy biệt kích cho tới lúc chết vẫn muốn làm tròn nhiệm vụ của mình. Rút hai trái lựu đạn mini nhét vào lòng bàn tay của cấp chỉ huy, Phong vừa bắn vừa chạy về chính giữa đập nơi có thượng sĩ Điện đang cố thủ. Có lẽ chất thép lạnh của lựu đạn làm cho Bình tỉnh táo chút chút. Hơi mỉm cười, anh lần lượt trước sau đưa hai trái lựu đạn lên miệng ngậm để mở chốt an toàn. Mắt nhìn lên trời đêm âm u, anh mường tượng tới khuôn mặt của Ấu Nhung. Lời tỏ tình âu yếm của người vợ thương yêu bị át bởi tiếng xích sắt của xe tăng nghiến trên mặt đường. Hơi nghiêng đầu nhìn anh thấy được chút khoảng tối của khối sắt lù lù tới ngay chỗ mình nằm. Hai bàn tay đang nắm hai trái ” mini ” bỗng mở từ từ. Cái muỗng bung ra gây âm thanh nhỏ không ai nghe được nhưng tiếng nổ của hai trái mini đủ sức tàn phá không thua gì đại bác. Đang chạy chiếc xe tăng bị khựng lại rồi nằm im.
Vừa gặp nhau, Phong nói trong tiếng thở gấp.
– Anh Ba và thằng Gio bị rồi…
Thượng sĩ Điện gật đầu làm thinh. Không thấy Bình và Gio, ông ta đã hiểu chuyện gì xảy ra. Nhìn thi thể của Chánh, Điện đưa đồng hồ lên coi xong mới nói.
– Còn 10 phút nữa mới tới giờ mìn nổ…
– Tôi có hộp điều khiển tự động… Ông muốn cho nổ liền cũng được…
Phong đưa ra cái remote control. Điện hấp tấp lên tiếng.
– Mày đừng có bấm bậy. Mình đặt chất nổ ở hai bên trái phải và chính giữa. Mày bấm lạng quạng mìn nổ là tao với mày đi chầu hà bá… Đợi mình rút về chỗ ông Bá hãy bấm…
Đợi cho Điện nói xong Phong mới cười cười.
– Nó bể rồi tía ơi…
Phong đưa cái remote control bị một miểng đạn đại bác phá vỡ ra. Cười ha hả Bình nói gượng.
– Vậy mà mày cũng giữ làm chi…
– Tôi đâu có biết… Anh Ba bảo tôi giữ thì tôi giữ…
Đưa tay vuốt mắt Chánh, Điện thì thầm.
– Ngủ yên nghen em. Tao sẽ nói cho vợ con mày biết là mày vẫn thương tụi nó cho tới chết…
Lời nói của Điện bị ngắt ngang bởi tràng đại liên phòng không và đại bác đặt trên chiếc thiết giáp. Dù xích sắt bị hư bởi lựu đạn của Bình, nó vẫn còn đủ sức gây khó khăn cho toán biệt kích. Điện với Phong vọt chạy về phía bên kia khi quả đại bác nổ gần chỗ họ nấp cũng như bóng chiếc xe cơ giới của SWATT xuất hiện. Thấy Điện với Phong chạy ào tới, Tánh hỏi liền.
– Mấy người kia đâu ông thầy?
Điện làm thinh. Phong trả lời nhỏ và chậm.
– Tiêu hết rồi…
Tánh cúi đầu xuống như không muốn cho ai thấy mình khóc cho đồng đội vừa nằm xuống trên đất xa lạ. Giọng nói của thiếu úy Bá vang lên như mệnh lệnh vì ở đây anh là người có cấp bậc cao nhất.
– Anh Tư nói ảnh chỉ còn cách mình nửa giờ xe chạy. Đợi khi mìn nổ xong là mình dọt tới chỗ hẹn với Anh Tư…
Đưa tay lên xem đồng hồ Bá tiếp với giọng hằn học.
– 5 phút nữa… Mẹ… Tao muốn thấy cái đập khốn kiếp này nó bể… Tội nghiệp Anh Ba…
Tiếng đại bác hú qua đầu cho họ biết địch tiếp tục tấn công. Điện lẩm nhẩm điều gì khi thấy lính địch đi chạy trên mặt đập rộng. Nước mấp mé lên hai bên bờ. Hỏa châu sáng lơ lửng trên nền trời âm u lất phất mưa bay có mùi thuốc súng và mùi máu chảy ra từ những người chết.
– Còn bao lâu nữa tụi bây…
Điện hỏi khi thấy chiếc xe cơ giới chạy tới dãy nhà ở chính giữa đập.
– 1 phút rưởi tía…
Hiền đùa. Điện có đứa con gái đầu lòng cùng lứa tuổi với Hiền nên anh hay gọi Điện bằng tía. Tuy không nói ra song ông thượng sĩ già cũng thích có thằng rể như Hiền. Ở trong lính là có cái nghề vững chắc mà còn được ưu đãi nhiều hơn. Chỉ có một điều là ráng sống sót cho tới khi về hưu.
Ầm… Ầm… Hai viên đạn đại bác nổ thật gần cho toán biệt kích bảy người còn lại biết sau khi điều chỉnh, khẩu cà nông trên thiết giáp sẽ bắn trúng mục tiêu.
– Anh em tản…
Thiếu úy Bá la lớn. Tiếng la của anh bị át bởi tiếng nổ của đại bác. Tiếng la của vị sĩ quan được năm tuổi lính bị đứt nghẹn. Dán mình sát đất nhưng Điện cũng thấy được Bá lảo đảo mấy lần rồi ngã vật ra đất nằm im không nhúc nhích. Trườn người lên ông ta thấy máu đỏ chảy ra từ thân xác bất động. Mẹ… Ông thượng sĩ có gần hai mươi lăm năm quân vụ buông tiếng chửi rồi nhỏm dậy thật nhanh.
– Tản ra xa…
Điện hét lớn. Súng nổ rền khắp nơi. Đủ mọi loại đạn réo trong đêm tối. Sáu người lính biệt kích bung ra tìm chỗ nấp. Họ nhất quyết bám vị trí chờ tới cái đập bị bể mới chịu tìm đường rút lui. Đúng hơn họ không thể chạy vì bốn mặt đều có lính địch bao vây.
– 20 giây nữa tía ơi…
Hiền la lớn. Giọng của anh nhất là hai tiếng ” bố ơi ” không còn là giọng nói đùa mà trở thành tiếng kêu cứu hay tiếng than vô vọng của người lính ở vào thế cùn. Người lính, dù lính biệt kích từng đối mặt với cái chết vẫn là một sinh vật sợ chết và không muốn chết. Họ cũng có vợ con, cha mẹ, anh chị em, người tình và bạn hữu do đó cũng thiết tha với sự sống. Ầm… Ầm… Oành… Oành… Đại bác nổ chuyển rung rừng núi và đêm vắng. Đại liên réo. Dây đạn lửa đỏ rực. Cứ mỗi một viên đạn lửa có 4 viên đạn thường nối theo thời phải có hàng ngàn viên đạn nhắm bắn vào toán biệt kích năm người đang lo âu lẫn hồi hộp vì càng gần tới giờ phút quyết định. Bao nhiêu đồng đội của họ đã chết vì cái đập này. Dù có chết họ cũng muốn nhìn thấy cái đập bị mìn và nước làm cho bể tan tành. Có tiếng đếm vang lên.
– 6… 5… 4… 3… 2… 1… Nổ…
Có tiếng nổ ở dưới đất vang lên. Nó không át được tiếng gầm gừ của đại bác song lại có sức tàn phá khủng khiếp. Nằm cách chỗ mìn nổ không xa do đó mấy người ính biệt kích đều có cảm giác tưng tức ngực và lùng bùng điếc con ráy. Mặt đất rung rinh như động đất rồi chuyển động mạnh hơn tạo thành âm thanh răng rắc. Điện và bốn người lính biệt kích ngóc đầu lên không màng tới đại bác nổ ầm ầm. Trong ánh hỏa châu mờ mờ họ thấy khoảng bê tông sát với bờ sông như bị sức lực vô hình nào đó làm cho lung lay. Tiếng rắc rắc lớn dần rồi sau đó thành tiếng ì ầm. Toàn thể con đường hay cái mặt đập rộng và dài đung đưa như cái võng dưới sức thổi của cơn bão. Phong nhảy tửng lên.
– Bể… bể rồi…
Mấy người lính hò reo khi thấy cái đập vỡ thành ba khúc cuốn trôi chiếc tăng, xe cơ giới và lính đang ở trên mặt đập. Nhà cửa, cột điện hay bất cứ cái gì bị ba dòng nước khổng lồ ở ba hướng khác nhau cuốn đi mất biệt. Nước réo ầm ầm. Nằm cạnh Điện, Hiền lắc lắc vai cấp chỉ huy.
– Bể rồi… nó bể rồi tía…
Thấy ông thượng sĩ vẫn im lìm, Hiền quay nhìn. Qua ánh hỏa châu lờ mờ anh thấy máu từ từ chảy ra nơi đầu của Điện. 3 tháng nữa tròn 30 tuổi lính, Điện từng có mặt ở chiến trường Iraq, Afghanistan của quân lực Hoa Kỳ, rồi đầu quân vào quân lực Việt Nam ở Phú Quốc để tham dự chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn và cuối cùng nằm lại ở vùng đất xa lạ.
– Tía Điện bị rồi anh Tánh…
Hiền nói lớn. Tánh, trở thành cấp chỉ huy tạm thời hét trong vùng không gian ì ầm tiếng động.
– Rút… Tao đi đầu…
Tánh chồm người lên khỏi chỗ nấp. Khẩu UZi kẹp bên hông nổ liền mấy phát về hướng đám lính địch ở trước mặt. Được huấn luyện để đánh cận chiến, năm người lính biệt kích tay súng tay lựu đạn ào về phía địch quân mở đường máu chạy trốn.
– 1 đây 11… nghe rõ trả lời…
– 1 tôi nghe…
– Trình Anh Tư… Nó bể rồi… Cái đập khốn kiếp nó bể rồi…
– Good job… Anh Ba ở đâu?
– Anh Ba đi rồi…
Mấy người ngồi chung xe với Minh là Chiến, Ánh, Đãnh và Bạch Vân đều nghe rõ giọng nói khàn đặc, nằng nặng như có nước mắt của Tánh.
– Anh Ba, ông Bá, ông Điện, Chánh, Gio đi đứt hết rồi Anh Tư…
Thở hắt ra hơi dài Minh hỏi.
– 11 đang ở đâu?
– Tụi này đang tới chỗ hẹn với 1…
Cuộc điện đàm bị đứt ngang một cách đột ngột. Ba người lính biệt kích nhiều kinh nghiệm chiến trường đều biết có cái gì bất thường xảy ra nên Tánh mới dứt một cách đột ngột.
– Hết ga đi em…
Minh nói với Đãnh đang cầm lái. Tuân lệnh Đãnh đạp lút ga bám theo chiếc SUV chạy trước. Súng nổ râm ran về hướng cái đập.
16.
Chiếc SUV từ từ giảm tốc độ rồi ngừng lại bên vệ đường. Mở mắt Minh quay qua hỏi tài xế là Ánh.
– Có chuyện gì dậy?
– Dạ hết xăng rồi Anh Tư…
Minh lẩm bẩm tiếng gì mà Ánh đoán là tiếng chửi. Bốc máy liên lạc với Nhất ngồi với chiếc quân xa, anh cũng được ông ta báo cáo xe chỉ còn chút xíu săng bèn ra lệnh cho lính bỏ xe để lội bộ. Nghe lệnh của sếp, Ánh quay về sau nói lớn.
– Mọi người rán cuốc bộ cho phẻ người đi… Xe hết xăng rồi…
Càu nhàu, chửi rủa, văng tục nhưng rồi ai cũng phải xách ba lô và súng đạn lục tục rời khỏi chiếc xe đã đưa họ đi một quãng đường dài cho tới khi thành khối sắt vô dụng. Hai toán hợp lại đứng ngồi chờ lệnh của cấp chỉ huy. Vươn vai mấy cái cho giản gân cốt, thượng sĩ Nhất lên tiếng.
– Sao tôi nghe có tiếng súng nổ…
Minh liếc nhanh Ánh. Họ cũng nghe tiếng súng nổ râm ran về hướng cái đập. Nhìn mấy người lính dưới quyền đang đứng ngồi rải rác giây lát, Minh ra lệnh gọn.
– Ánh chỉ huy Tám, Viễn, Vinh, Hàn bắt tay với toán 1. Tôi sẽ gặp anh sau…
Biết đồng đội đang đụng nặng cần sự giải cứu của mình, Ánh tức tốc chỉ huy lính chạy ào về phía có súng nổ. Nhờ không còn mang nặng nên Ánh và bốn người lính chạy nước rút tới hướng súng nổ. Càng gần tới cái đập anh càng nghe súng nổ nhiều hơn.
– 11 đây 3… nghe rõ trả lời…
– 3 đây 12… Tôi nghe anh…
Nghe xưng số hiệu Ánh biết đó là Hiền.
– 11 đâu rồi…
– 11 đi đứt rồi… 3 nghe rõ trả lời…
Im lặng giây lát Ánh mới lên tiếng.
– Tôi tới chỗ 12 rồi… Ráng bắt tay tôi đi…
Mừng rỡ khi biết Ánh đang tới điểm hẹn, Hiền chỉ huy Én, Đàm và Phong mở đường máu tới điểm hẹn. Bắt tay được với Ánh là họ sống. Còn không bắt tay được với Ánh là họ sẽ nằm lại tại đây. Chẳng ai muốn chết ở xó xỉnh này sau khi hoàn tất công tác Cửu Long. Sau nửa giờ chật vật có máu đổ Hiền nhào vào gốc cây nơi Ánh đang ghìm súng.
– Mày dẫn mấy thằng em của mày tới gặp Anh Tư đi… Tao nổ bậy vài phát rồi sẽ rút theo…
Thở phào khi thấy Hiền, Én, Đàm và Phong xuất hiện, Minh ra lệnh gọn.
– OK… Ông Nhất chỉ huy hai ba đứa mở đường… Điểm đến của mình ở đây…
Nhất thấy cấp chỉ huy chỉ vào địa điểm mang tên Jinghong. Đó là tên của một thị trấn lớn có trên nửa triệu dân cư ngụ thuộc khu tự trị Xishuangbana nằm kề bên dòng Cửu Long. Cứ men theo quốc lộ G214 từ trên Lancang đi hoài sẽ đụng Jinghong rồi Menghai. Đây là trục lộ giao thông chính dài hơn ba ngàn cây số chạy theo hướng bắc nam bắt đầu từ Xining Qinghai xuyên xuốt qua nhiều thị trấn và chấm dứt ở Menghai. Từ ngã ba của sông Cửu Long và sông Nadian tới Menghai xa hơn trăm cây số. Nếu dùng xe cũng phải mất độ 3 tiếng còn đi bộ cũng phải mất từ ba tới bốn ngày. Đó là đi mà không gặp trở ngại nào.
– Phải chi mình có xe thì nhanh và đỡ mệt…
Tám lên tiếng. Minh lắc đầu.
– Mình có xe mà hết xăng rồi. Cái đập Nuozhado bị bể nên có điện đâu mà bơm xăng…
Tám làm thinh. Nhất lên tiếng hỏi.
– Còn ông Ánh…
Nhất hỏi. Minh buông gọn.
– Ổng sẽ bắt kịp mình… Đừng lo…
Xốc lại dây ba chạc và chiếc ba lô nhẹ hều chỉ còn chứa lương khô, quần áo, băng đạn và các thứ lỉnh kỉnh, thượng sĩ Nhất vẫy tay. Toán biệt kích đi đầu lẫn mất vào rừng cây mịt mùng. Đợi cho toán của Nhất mất dạng xong Minh mới dặn nhỏ Đãnh.
– Em lo cho Bạch Vân, còn anh sẽ chiếu cố ông kỹ sư…
Đãnh gật đầu lẳng lặng bước theo cấp chỉ huy. Ghìm khẩu Uzi bên hông như sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc vị tiểu đoàn trưởng bước lẹ. Trừ Chiến với Bạch Vân là lính mới, Minh và các người lính biệt kích đều biết đường về của họ thật gian nan và vất vả. Mặc dù đã thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của đơn vị thuộc quân đội chính qui và lính địa phương song nguy hiểm vẫn còn và có thể còn nhiều hơn nữa. Họ biết mình chưa đụng với các đơn vị đặc biệt hay thứ lính biệt kích nhà nghề. Bộ binh của Trung Cộng có một đơn vị tên Lực Lượng Hành Động Đặc Biệt (The People’s Liberation Army Special Operations Forces) chuyên đảm trách các nhiệm vụ khó khăn như chống khủng bố hoặc điệp báo.
15:00 giờ. Minh an lòng khi thấy Ánh chỉ huy toán lính còn nguyên vẹn xuất hiện. Cả bọn đi thêm một đoạn đường nữa mới được lệnh dừng quân. Chỉ còn chút nắng vắt trên ngọn cây cao. Ánh với Nhất chia nhau đánh một vòng lớn để quan sát địa hình địa vật rồi sau đó cho lính lập vòng đai an ninh bao gồm ba thứ như gài mìn, cài lựu đạn và đặt trạm canh gác. Tất cả những thứ này phải làm đúng, làm nhanh và bí mật trước khi bóng tối ập xuống. Không lều võng. Không đèn đuốc lửa cháy gì hết. Tất cả đều ngủ ngồi. Tất cả đều nhai lương khô. Tất cả ngủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Ngay cả Chiến với Bạch Vân đều phải mang súng. Bạch Vân được Đãnh giao cho khẩu Colt45 có gắn ống hãm thanh và bộ quần áo ngụy trang thay cho bộ quần áo đã rách. Cô tủm tỉm cười khi được Đãnh khen mặc quân phục ngụy trang và mang súng thật oai. Vòng đai an ninh mà Nhất với Ánh lập là một vòng tròn với ba người gác bên ngoài và một người thức ở bên trong. Không một ai được di chuyển trừ người có phận sự canh gác. Phải thuộc lòng mật khẩu. Nhớ lộn, nhớ sai, trả lời chậm sẽ bị bắn, đâm chết lập tức. Đãnh được chia phiên gác ca thứ nhất bắt đầu khi xụp tối cho tới 23:00 giờ. Là lính mới lại chưa đủ kinh nghiệm đối phó với mọi bất trắc đột ngột xảy ra nên Bạch Vân và Chiến không được cắt cử để canh gác. Cô tỏ vẻ không vui vì phải nằm ở giữa để nghỉ ngơi. Biết người vợ chưa cưới buồn vì không được nằm cạnh mình, Đãnh vuốt tóc cô an ủi một câu.
– Em ngủ đi cho khỏe để lấy sức đi bộ ngày mai…
Nghe lời Bạch Vân nằm im nhắm mắt giây lát rồi đi vào giấc ngủ ngon lành. Tùy theo hoàn cảnh mà canh gác có nhiều cách thức khác nhau như đi, đứng, ngồi và nằm. Người lính gác ở thành phố hay các doanh trại thường đi hoặc đứng hay đôi khi ngồi nhằm mục đích chứng tỏ sự có mặt của mình cho kẻ lạ biết để tránh chỗ khác. Riêng lính biệt kích thì lại khác. Ở trong vùng rừng rậm hoang vu đầy thú dữ và phải đối phó với lính địch có ưu thế hơn mình, Đãnh dùng cách thức khác lạ không cần qui tắc. Anh nằm canh thay vì đi, đứng hay ngồi. Khu vực trách nhiệm của anh trống trải không có bất cứ chướng ngại vật nào như thân cây, mô đất hay tảng đá nào để làm chỗ nấp. Do đó anh phải nằm vì đi, đứng hoặc ngồi anh biến thành mục tiêu rất dễ thấy cho người lính bắn tỉa của địch. Phải nói là anh rình hơn là canh với gác. Nằm dán mình sát đất, hai mắt mở thao láo nhìn ra cánh đồng cỏ hoang sáng mờ dưới ánh trăng thượng tuần, anh nhìn bằng mắt, nghe bằng tai để ghi nhận và so sánh tất cả sự biến chuyển trong vòng 120 độ của vòng đai an ninh. Thỉnh thoảng anh lại đưa chiếc ống dòm hồng ngoại tuyến lên quan sát. Nếu anh biết nằm để rình thì lính biệt kích địch cũng biết làm như vậy. Nếu anh biết ngụy trang để giấu kín sự di chuyển của mình thì biệt kích địch cũng thành thạo các kỹ xão đó. Nếu anh biết nằm chờ để bắn tỉa thì biệt kích địch cũng rành mánh khóe này. Họ có đủ các dụng cụ tối tân và đặc biệt dành cho trò chơi du kích, giết người lúc bất ngờ nhất. Cũng như anh, họ được huấn luyện để nằm lì tại chỗ hai ba ngày chờ con mồi xuất hiện là cắc bùm. Ở giữa lằn ranh cắc bùm đó là một sự nhẫn nại, sự kiên trì và sức chịu đựng vượt khỏi mức chịu đựng của một người thường. Với người thường như chúng ta khi thấy rắn (đọc hoặc không độc), cọp beo sẽ la hét, nhảy choi choi và hoảng hốt không biết làm gì hoặc ngất xỉu. Thái độ sợ hãi đó không có ở Đãnh hay các người lính biệt kích của bất cứ quân đội của nước nào. Họ được huấn luyện để sống sót trong bất cứ hoàn cảnh nguy hiểm ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Mỗi năm, hay đúng thời hạn tùy theo sự xếp đặt họ phải trở lại các lớp học chuyên môn để được tái huấn luyện về thể chất, kỹ thuật và luôn cả tinh thần chiến đấu nữa.
Người thường hễ nằm thì dễ sinh ra ngủ hoặc suy nghĩ lung tung, tức lơ là với công việc của mình. Đãnh nằm mà không ngủ, đúng hơn anh không thể ngủ. Anh biết trách nhiệm của mình. Ngủ là chết, mình chết mà luôn cả các đồng đội trong đó có Bạch Vân. Biệt kích địch chỉ chờ anh ngủ sẽ đột nhập vào. Nguyên một ngày lội bộ đầy căng thẳng, giờ được nằm nên anh cảm thấy hai mắt nặng chịch phải nhắm lại. Tuy nhiên anh biết mình không được quyền ngủ do đó phải làm cái gì để thức. Đứng lên đi, ngồi thì không được vì vậy anh chỉ còn cách co duỗi tay chân, mà phải làm từ từ và chậm chạp không gây ra tiếng động. Giơ tay lên anh thấy chiếc đồng hồ dạ quang chỉ thiếu 5 phút mới tới 8 giờ tối. Ca gác của anh tới 23:00 giờ mới dứt tức còn 3 tiếng đồng hồ dài lê thê. Suy tính giây lát anh thò tay vào túi áo trận trên ngực bên tay trái lấy ra viên thuốc. Lần mò giây lát để xé lớp bao ny lông bên ngoài anh bỏ viên thuốc vào miệng rồi nuốt trọng luôn. Có thuốc ngủ thì phải có thuốc thức. Quân đội của các nước đều có thứ thuốc thức phát cho lính. Có loại mạnh thì làm cho lính thức 12 giờ tỉnh táo và không đói bụng. Có loại nhẹ hơn thì thức 4 giờ. Đãnh dùng loại nhẹ giúp anh tỉnh táo cho hết ca gác. Chỉ cần 15 phút thôi anh cảm thấy cơn buồn ngủ biến mất. Hai mắt anh không còn nặng nữa mà trở nên nhẹ thành ra con ngươi di chuyển linh hoạt hơn. Đưa ống dòm lên anh lặng lẽ quan sát. Chiếc ống dòm bất động ở một mục tiêu. Trong bóng đêm tỏ nhờ ánh trăng rồi lại mờ đi chút đỉnh vì bị mây che, anh thấy một vệt đen di động. Cái di động thật chậm nếu không chú ý và không thể thấy bằng mắt thường mà phải dùng tới NVD (Night Vision Device). Cái mà Đãnh dùng đây là loại AN/PVS-14 Monocular Night Vision Device (MNVD) được sử dụng rộng rãi trong quân đội Hoa Kỳ và được quân đội của nước Việt Nam tự do cải biến lại phần nào cho thích hợp với công tác của lính biệt kích. Được chế tạo bởi ITT Industries, loại ống dòm hồng ngoại tuyến này nặng 320 gram, dài 11.5 mili mét, cao chừng 5 mili mét và rộng khoảng 4 mili mét song có thể thấy được một góc 40 độ, xa 350 mét vào ban ngày và 300 mét lúc ban đêm. Hãng ITT chỉ chế tạo có 15 ngàn cái vì vậy phải tốn tiền và khó khăn lắm để cung cấp cho mỗi người lính biệt kích thứ ống dòm đắt tiền này. Trong ống kính hiện từ từ và rõ dần dần một thứ mà khi thấy được làm cho Đãnh giật mình. Đó là đầu của khẩu súng bắn tỉa hiện lờ mờ song nhờ kinh nghiệm anh có thể đoán định được. Nhích ống dòm xuống sâu chút nữa anh thấy được cái ống kính gắn trên khẩu súng.
Đang nằm canh ở bên trong, thượng sĩ Nhất nghe được giọng thì thầm của Đãnh qua walkie talkie.
– Tía…
– Tôi nghe…
– Có địch… Tui thấy có súng…
– Tôi tới anh liền…
Nhanh hơn rắn trườn, ông thượng sĩ bò êm tới vị trí của Đãnh. Sau một hồi quan sát, Nhất thì thào.
– Đúng rồi… Tao đoán là mấy thằng biệt kích…
Dứt lời Nhất báo cho Minh. Lệnh báo động được ban hành tới mọi người kể cả Chiến và Bạch Vân. Ngay lúc đó Viễn cũng báo cáo ghi nhận được hoạt động của biệt kích ở hướng mình gác là hướng tây. Như vậy họ đã bị địch khám phá ra vị trí và bị bao vây ở hai hướng tây và nam. Mọi người nằm chờ lệnh của cấp chỉ huy. Minh suy nghĩ thật nhanh. Sau khi công tác Cửu Long đã được hoàn thành thời anh có nhiệm vụ đưa những người lính dưới quyền chỉ huy trở về Sài Gòn. Anh thương yêu binh sĩ nên không muốn ai trong họ phải chết, phải hy sinh một cách vô ích. Nằm lại đây để đánh nhau với toán biệt kích đang truy sát mình là một hành động thiếu khôn ngoan. Muốn trở về xum họp với vợ con, anh phải rút, chạy hay cùng lắm chơi trò cút bắt với lính địch. Anh không muốn nổ súng trừ khi bị bắt buộc. Tuy nhiên muốn rút lui một cách an toàn anh phải tìm cách trì hoãn hay ít nhất cũng để cho biệt kích địch biết là họ đang săn đuổi những kẻ trong nghề mà nếu đụng chạm thì hai bên cùng chết. Suy tính cặn kẽ, Mình ra lệnh cho Ánh và Nhất.
– Mình chia làm 2 toán. Tôi với Đãnh và Tám hộ tống ông kỹ sư và Bạch Vân rút trước. Hai ông nằm lại chờ khi nào có lịnh của tôi thì mới rút…
Ánh với Nhất lãnh lệnh nằm lại. Minh ra dấu cho Chiến, Bạch Vân bò theo sau mình. Tám bò trước mở đường. Còn Đãnh bò sau giữ an ninh. Đợi cho toán của Minh mất dấu, Ánh mới rãi 10 người lính dưới quyền chỉ huy của mình lập thành 5 nút chặn, mỗi nút cách nhau ba mươi thước. Trong bóng đêm thâm u và có chút tối tăm nhờ mây che mặt trăng, mười biệt kích quân lặng lẽ lập thành dãy nút chặn với số 1 gồm có Ánh và Viễn; số 2 có Nhất với Én; Hiền và Phong số 3; Cam với Hàn số 4; Vinh và Đàm số 5. Nếu chạm địch thì số 1 chạm trước nhất. Số 2 sẽ bắn chặn địch cho số 1 lùi lại gặp số 3. Nhờ sự yểm trợ của số 3, số 2 sẽ rút về vị trí của số 4 để lập thành nút chặn cho số 1 và số 3 rút về gặp số 5 và cứ như thế mà lùi cho tới khi ra khỏi sự truy sát của biệt kích địch. Muốn cầm chân và cũng để gây thiệt hại, mỗi nút chặn còn được cài lựu đạn và mìn được điều khiển từ xa.
– Tao với mày, mỗi đứa chơi một trái mini xong rồi mình lùi lại chờ…
Giọng nói nhỏ rức như tiếng thì thào của Viễn lọt vào tai Ánh.
– Trung úy đặt bên trái còn tôi lo bên phải…
Rút trái lựu đạn nhỏ bằng ngón chân cái ra khỏi dây ba chạc, Viễn nhanh nhẹn dùng con dao đi rừng đào một cái lỗ nhỏ, bỏ trái mini xuống, lấy đất lấp lại để giữ cứng trái lựu đạn. Sau đó anh mới buộc một đầu dây vào khóa an toàn rồi kéo sợi dây dài ra xong bò tới gốc cây để buộc vào. Biệt kích địch nếu đi hay bò mà sơ ý hoặc không thấy sẽ đụng sợi dây kéo khóa an toàn bung ra khiến cho lựu đạn phát nổ. Đây là cách cầm chân địch hiệu quả nhất. Nếu bị trúng lựu đạn một lần họ phải cẩn thận hơn không dám liều lỉnh bám sát theo kẻ địch. Ba phút sau, Ánh ra dấu cho Viễn rút bằng cách bò ngược về sau một quãng chừng mười lăm mét rồi nằm chờ. Thời gian trôi chầm chậm. Ầm… Tiếng nổ giữa rừng hoang dội rền rền ngàn cây nội cỏ khiến cho muông thú giật mình. Chim bay kêu quang quác. Còn khỉ khọt khẹt trên đọt cây.
– Mình rút về chỗ số 3…
Ánh với Viễn bò ngược về sau ngay chỗ nút chặn số 2 do Nhất và Én đóng. Giọng của vị thượng sĩ xì xào nho nhỏ.
– Trúng lựu đạn là tụi nó ớn rồi…
Khẽ gật đầu cười lặng lẽ Ánh nói.
– Tới phiên ông cho nó ăn đi…
Nhất lên tiếng thật gọn. Giọng nói của ông ta sắc lạnh.
– Để tôi lo… Tụi nó mà mò theo sẽ ăn đạn bi…
Trong vòng năm phút, Nhất với Én đã gài xong trái mìn claymore có khóa an toàn như lựu đạn. Người nào đụng phải giây căng sẽ làm cho khóa an toàn bung ra để kích nổ trái mìn. Gài xong trái mìn cả hai âm thầm rời vị trí của mình bò từ từ về chỗ của số 3 do Hiền với Phong trấn giữ rồi sau đó lại rút về vị trí số 4 của Cam với Hàn.
Bò một hơi cách xa chỗ đóng quân lúc ban chiều chừng trăm mét Minh mới chịu đứng lên. Tám, Đãnh, Chiến và Bạch Vân cũng đứng dậy.
– Tôi đoán mình đã ra khỏi vòng vây nên không cần phải bò nữa. Tám đi trước dò đường. Đãnh đi sau coi chừng. Ông kỹ sư và Bạch Vân theo sát tôi…
Dứt lời vị tiểu đoàn trưởng biệt kích sãi bước đi khiến cho Chiến với Bạch Vân cũng bước thật nhanh mới bắt kịp. Năm người im lặng đi. Ban đêm ở trên vùng rừng núi cao 1.500 mét nên nhiệt độ xuống thấp do đó dù bước nhanh mà Bạch Vân cũng cảm thấy lạnh.
– Em mặc thêm cái áo của anh cho ấm…
Đãnh dúi vào tay Bạch Vân chiếc áo ấm. Quay đầu lại định nói tiếng cám ơn cô nghe giọng thì thầm của ý trung nhân.
– Có phong kẹo trong túi áo… Em ăn cho đỡ đói…
Đã từng mặc áo ấm của Đãnh nhiều lần nên Bạch Vân thọc tay ngay vào túi áo ở dưới bụng bên tay mặt lấy ra phong kẹo chocolat. Lần mò giây lát cô mới bẻ gãy thỏi kẹo thành từng miếng nhỏ bỏ vào miệng ngậm từ từ. Vị ngọt của chocolat làm cho cô tỉnh táo. Chiếc áo ấm của Đãnh có bốn túi, hai ở trên ngực và hai ở bên hông ngang bụng. Nó chứa nhiều thứ lỉnh kỉnh song đôi khi lại rất cần thiết và hữu dụng trong lúc di hành ngày cũng như đêm. Túi áo bên trái ở trên ngực có bọc ny lông đựng gói thuốc lá và cái bật lửa. Bên mặt là hộp thuốc với nhiều loại thuốc khử trùng, thử nước và thuốc trị tiêu chảy. Hai túi áo bên dưới lớn hơn. Túi bên mặt chứa thức ăn khô và bánh kẹo. Túi bên trái đựng con dao bấm, địa bàn và một vật mà mãi sau này cô mới biết sự hữu dụng của nó.
Đang đi nghe tiếng nổ Minh quay đầu lại nói nhỏ cho Chiến với Bạch Vân nghe song Đãnh cũng nghe được.
– Tôi đoán Ánh hay ông Nhất đã gài lựu đạn. Bị trúng lựu đạn thì tụi nó phải ngừng lại chờ tới sáng mới dám bám theo mình… Ông kỹ sư rán theo sau lưng tôi…
Minh đi như chạy. Ba lô trên vai, đội nón đi rừng, Uzi kèm bên hông, vị chỉ huy biệt kích luồn lách thật nhanh, né tránh thật lẹ mà ít khi gây ra tiếng động. Năm người mãi miết đi tới khi sương xuống ướt đẫm y phục Minh mới chịu ngưng bước. Đưa tay lên thấy đồng hồ chỉ 05:00 anh mới thì thào.
– Mình nghỉ ở đây…
Trong lúc nghỉ mệt Minh mở máy liên lạc ra lịnh cho Ánh rút. Được báo cáo của Ánh, anh ra lệnh dừng quân chờ tới sáng. Tựa lưng vào gốc cây, chân duỗi ra làm gối cho Bạch Vân gối đầu ngủ, Đãnh nhìn quãng đồng trống như muốn sáng dần lên. Xa tít nơi chân trời về hướng đông có ánh sáng mà anh đoán mặt trời mọc. Cúi xuống nhìn khuôn mặt của Bạch Vân, anh chạnh lòng thương. Cũng vì thương anh mà cô gái ngây thơ và vô tội lại dấn mình vào trò chơi giết người không suy tính, không đắn đo và ngần ngại. Cũng vì ý nghĩ chồng đâu vợ đó mà cô gái La Hủ bỏ lại mẹ cha và anh chị em để theo một chàng trai xa lạ có đời sống bấp bênh và mạng sống không biết trước được.
– I love you…
Đãnh thì thầm. Bạch Vân chợt mở mắt ra và mỉm cười.
– Em chưa ngủ hả?
– Dạ mới lim dim mà nghe anh nói ” I love you ” em tỉnh liền. Em thương anh…
Có lẽ biết mình không được phép gây tiếng động nên cô vòng tay ôm lấy cổ Đãnh kéo xuống gần rồi hôn lên má. Cô vẫn chưa quen được cái hôn lên môi. Hơi mỉm cười Đãnh hôn nhẹ lên môi người vợ chưa cưới.
– Ngủ đi em… Em nên ngủ để lấy sức băng rừng. Đường về nhà mình còn xa lắm…
Bạch Vân mỉm cười rưng rưng nước mắt vì cảm động cho sự săn sóc của người chồng chưa cưới và hai tiếng ” nhà mình ”. Cả đời cô mong ước có được mái nhà do mình làm chủ, trong đó có bóng dáng của người chồng và những đứa con mà cô thương yêu.
17.
Minh ứa nước mắt nhìn Ánh và Viễn nằm bất động trên mặt đất lấm tấm máu. Anh biết trước sau gì biệt kích địch cũng bắt kịp mình và chuyện chạm súng là chuyện phải xảy ra. Họ đã được lịnh của thượng cấp của họ phải truy sát kẻ địch không cho một ai sống sót. Hôm qua anh đã mất Cam với Hàn. Hồi sáng Vinh bị đứt nửa người vì đạp trúng mìn cóc nhảy. Bây giờ tới phiên Viễn và Ánh. Anh trông cậy rất nhiều vào vị trung úy quyền biến và gan dạ có thể thay thế anh để dắt dìu đồng đội trở lại Sài Gòn. Mất Ánh, anh như mất đi cánh tay mặt. Bây giờ còn lại vỏn vẹn 9 người, trong đó có Chiến với Bạch Vân là hai người mới thiếu kinh nghiệm chiến trường. Nhất, Tám, Đãnh, Hiền, Én và Phong đều có khả năng tự mưu sinh thoát hiểm và chỉ huy trong đó Nhất là người có nhiều kinh nghiệm nhất. Quay nhìn Bạch Vân khi nghe tiếng khóc tức tưởi của cô, Minh cười nhẹ.
– Thôi đừng buồn… Ai cũng có số mà…
– Anh Tư… Mình phải đi gấp…
Nhất hắng giọng. Khẽ gật đầu Minh phất tay ra hiệu di quân. Minh coi toán 1 có Đãnh hộ tống Chiến và Bạch Vân. Toán 2 có Tám và Hiền. Toán 3 do Nhất điều động Én với Phong. Tất cả di quân theo bước chân chim. Toán 1 mở đường đi chừng ba trăm thước sẽ nằm lại án ngữ cho toán 3 rút qua khỏi mình một đỗi rồi đóng nút chặn để cho toán 2 rút và cứ như thế mà tuần tự rút lui. Đi theo lối chân chim này họ không sợ bị đích tấn công sau lưng trên đường rút chạy của mình. Vì kẹt có Chiến và Bạch Vân không thạo việc đánh nhau nên cả hai phải đi theo toán nào vượt qua mặt họ. Cả bọn mãi miết đi cho tới chiều mà không có gì xảy ra. Nhất với Tám chia nhau quan sát xong báo cáo địa hình rất tốt, Minh ra lệnh dừng quân. Nghe Chiến thở cái phào, Minh cười an ủi.
– Mệt hả ông kỹ sư… Ngày mai mình sẽ vượt biên giới vào đất Miến. Hi vọng tụi biệt kích Tàu không rượt theo nữa…
Mặt mũi bơ phờ, quần áo rách tả tơi, Chiến đưa tay áo lau mồ hôi trán xong cười thốt. Dù chỉ ở trong toán biệt kích vài tháng nhưng Chiến cũng biết về chuyện mình bị lính biệt kích địch săn đuổi. Chưa thấy mặt mũi của người lính biệt kích của địch quân mà phe của anh lần lượt bị mất mạng mấy người rồi. Họ như những kẻ giấu mặt biến hiện vô chừng. Đang ngủ say anh bị Minh dựng dậy hối thúc phải chạy bán sống bán chết mới ra khỏi vòng vây. Ngày hôm kia, nguyên cả toán mở đường của ông thượng sĩ Nhất lọt vào tầm bắn của lính bắn tỉa của biệt kích địch với kết quả Cam với Hàn bỏ mạng. Hồi sáng này anh thiếu điều nôn mữa khi mục kích Vinh bị đứt nửa người nằm oằn oại trên vũng máu lẫn đất và lá rừng. Mới đây chừng tiếng đồng hồ, Ánh với Viễn lại bị bắn chết. Chiến cảm thấy quặn đau trong lòng khi nhớ tới Ánh, vị trung uý chỉ hơn mình vài tuổi, vui vẻ và năng động đã giúp đỡ mình rất nhiều. Cả đại uý Bình nữa. Ông ta chết để lại người vợ trẻ. Chiến tranh thật tàn nhẫn. Chiến hỏi nhỏ.
– Chừng nào mới có trực thăng đón mình hả thiếu tá?
– Mình phải vào địa phận của tỉnh Thanh Hóa thì trực thăng mới đón mình được. Để giữ bí mật của công tác Cửu Long, trực thăng không thể vượt biên giới Lào…
Chiến nhăn mặt xong không nói gì hết. Lính tự động tản ra thành vòng tròn xong lặng lẽ dùng cơm chiều rồi sau đó mới thiết lập vòng đai an ninh. Càng ít quân số thời nhiệm vụ của họ càng nặng nề hơn. Còn lại chín người chia thành ba ca gác. Ngay cả Chiến và Bạch Vân cũng phải trực gác nữa. Cơm nước xong thấy trời còn sang sáng, trãi tấm bản đồ hành quân lên đất, Minh bàn với Nhất và Tám.
– Mình đang ở đây…
Chỉ vào một vị trí có tên Menglongzhen trên bản đồ, anh tiếp gọn.
– Từ Menglongzhen tới con sông tên Nan’a chừng cây số. Con sông này cách biên giới Miến Điện chừng chục cây số… Như vậy trễ lắm là chiều mai mình sẽ vào đất Miến…
Nhất trầm ngâm giây lát mới thủng thẳng lên tiếng.
– Tôi sợ khúc đường này nhất. Tụi biệt kích Tàu cũng biết mình phải theo đường này…
Tám gật đầu đồng ý với Nhất. Minh nhìn hai người lính dưới quyền chỉ huy của mình.
– Tụi biệt kích Tàu biết mình sẽ qua cầu nhưng không biết lúc nào. Họ cũng không biết rõ mình có bao nhiêu người. Ông với Tám nghĩ sao?
Minh hỏi Nhất và Tám. Đúng ra thì anh không cần phải hỏi ý kiến của hai người đó. Là cấp chỉ huy anh có quyền quyết định rồi ra lệnh cho họ thi hành lệnh của mình. Tuy nhiên ở vào hoàn cảnh hiểm nguy và ngặt nghèo này anh không muốn ra lệnh mà hỏi ý kiến của hai hạ sĩ quan nhiều kinh nghiệm nhất. Anh cho họ có quyền trình bày ý kiến để nếu có chuyện gì xảy ra họ không trách móc anh được.
– Tôi có ý kiến như vầy…
Nhất ngưng nói rồi nhìn Minh.
– Ông cứ nói. Tôi cần biết ý kiến của hai ông…
– Tôi đề nghị mình chia làm ba toán để băng qua cây cầu biên giới. Biệt kích địch có phục kích thì chỉ phục kích được một toán thôi…
Ngẫm nghĩ giây lát Minh ưng thuận. Tám thêm vào.
– Tôi thấy mình cần tới chỗ cây cầu nằm án ngữ trước để tránh bị phục kích
Trầm ngâm mấy phút Nhất mới lên tiếng.
– Cách an toàn nhất là thiếu tá cho một toán 1 tới cây cầu xem xét trước. Cách này tuy làm chậm trễ hành trình của mình song có cái lợi là tránh được sự phục kích của đám biệt kích Tàu…
Tám nói không do dự.
– Thiếu tá để tôi dẫn thằng Hiền tới dốc cầu nằm trước rồi sẽ báo cho ông…
Minh chấp thuận đề nghị của Tám. Không cần nghỉ ngơi Tám vẫy Hiền biến mất vào bóng tối vừa ập xuống.
*****
23:00 giờ. Minh mở mắt khi nghe máy liên lạc vang lên giọng nói của Tám báo cáo đã tới đầu cầu.
03:00 giờ. Minh thức dậy vì máy liên lạc vang lên giọng nói của Tám. Anh với Hiền thức suốt đêm để lục lọi khắp nơi nhưng cũng không thấy có gì khả nghi chứng tỏ sự có mặt của biệt kích địch. Tám cũng cho biết cây cầu xi măng dài chừng ba bốn chục mét bắt ngang qua sông. Nghe báo cáo xong Minh ra lịnh di quân. Nhất với Én mở đường. Minh với Chiến và Bạch Vân đi chính giữa. Đãnh với Phong đi sau. 04:30 giờ. Sau khi bắt tay nhau Minh được Tám báo cáo tình hình kỹ càng hơn về tình hình. Nhất xen vào.
– Mình phải qua sông gấp thiếu tá…
Minh chưa kịp lên tiếng, Tám nói liền.
– Anh Tư để tôi với thằng Hiền qua trước…
Nấp sau gốc cây cổ thụ cách đầu cầu ba bước, Minh với mấy người lính nín thở nhìn Tám và Hiền rão bước trên chiếc cầu xi măng. Đi khơi khơi như thế cả hai biến thành tấm bia sống cho địch bắn mà khó bắn trả lại. Cây cầu biên giới nhỏ hẹp và trống trải nên họ khó bề xoay trở. Lùi cũng đã khó huống chi tiến chiếm đầu cầu để giữ an ninh cho đồng đội qua sau. Minh với Nhất nhìn đăm đăm cho tới khi bóng hai đồng đội mất hút. Họ thầm thở phào khi không nghe tiếng súng nổ. Được Tám báo cáo đã vượt qua cầu và đang trấn giữ đầu cầu phía bên kia, Minh thúc lính qua cầu. Quen tính cẩn thận, anh cho thượng sĩ Nhất với Đãnh đi trước chừng hai ba chục thước còn mình hộ tống Chiến với Bạch Vân theo sau trong lúc Én với Phong đi sau cùng đề phòng địch tập hậu.
Cắc… bùm… Tiếng súng đột ngột nổi lên. Minh thấy Nhất như nhảy dựng lên rồi lảo đảo lùi lại sau đó ngã chúi vào thành cầu.
– Tiến… Chạy về bên kia…
Minh hét lớn. Súng nổ râm ran. Đạn réo trong không khí, dội vào rừng cây ào ào. Chạy đầu, Đãnh nướng hơn nửa băng đạn vào chỗ có ánh lửa loé lên. Chiến với Bạch Vân hoảng hốt định lùi lại khi thấy Nhất gục chết trên cầu.
– Tiến… ông kỹ sư… Bạch Vân chạy theo Đãnh… Mau lên…
Vừa nói vị tiểu đoàn trưởng vừa xô cho Chiến chạy tới. Khẩu tiểu liên của ông ta khạc nguyên băng đạn về ánh lửa loé lên bên trái của dốc cầu. Tiếng Tám la lồng lộng.
– Hiền… bắn… Lựu đạn cho tao…
Lựu đạn nổ điếc tai. Đạn ghim vào lan can cầu nghe chụt chụt. Không biết nấp ở đâu mà biệt kích địch xuất hiện ở hai đầu cầu thi nhau bắn xối xả vào toán lính đang chạy đua với tử thần. Lãnh nguyên tràng đạn tiểu liên, Én gục chết khi chạy hết hai phần ba cầu. Sau đó tới lượt Phong ngã xuống. Đang chạy sau lưng của Bạch Vân, Minh cảm thấy chân phải nhói đau rồi tê liệt liền khiến cho anh mất thăng bằng ngã xuống cách dốc cầu mươi bước. Thấy Bạch Vân ngoái đầu lại, anh hét lớn.
– Chạy trước đi… Anh theo sau…
– Anh Đãnh… Anh Tư bị thương rồi…
Nghe Bạch Vân gọi, Đãnh quày ngược trở lại. Vừa chạy ngang qua mặt Chiến với Bạch Vân, anh hét lớn.
– Để tôi lo cho Anh Tư…
Chạy được ba bước, thoáng thấy bóng người túa lên đầu cầu phía bên kia, Đãnh nghiến răng rút trái lựu đạn ném về phía đó. Ầm… Tiếng nổ bưng tai. Khói bốc lên mờ mịt. Lợi dụng giây phút địch phải lo tìm chỗ nấp vì sợ lựu đạn, anh xốc cấp chỉ huy lên vai rồi vừa chạy vừa bắn ào qua phía đầu cầu bên kia. Tám hiện ra cùng với trái lựu đạn ném ra giữa cầu. Đặt Minh nằm dài trên đất, Đãnh quan sát vết thương. Minh bị trúng đạn hai nơi. Vết thương nơi bụng phá nát dạ dày. Ruột non lòi ra ngoài cả khúc. Vết thương dưới đùi mới nặng hơn vì trúng phải động mạch nên máu tươi phún ra như suối không cách gì băng bó hay cầm giữ được. Máu phun nhiều như vậy thì vô phương cứu.
– Thiếu tá…
Đãnh gọi nhỏ. Minh mở ánh mắt lờ đờ lạc thần. Giọng nói thều thào vang nhỏ.
– Mọi người ra sao?
Tám nhìn Đãnh xong mới trả lời.
– Ông Nhất, Én và Phong đi rồi Anh Tư…
Nghe tiếng Bạch Vân tức tưởi khóc, Minh cười nhẹ.
– Chắc anh không được uống cà phê của em pha ở Sài Gòn rồi Bạch Vân…
Ngồi thụp xuống, Bạch Vân cầm tay Minh.
– Anh Tư đừng chết Anh Tư… Đừng chết bỏ em Anh Tư…
Bàn tay của Minh xiết chặt tay Bạch Vân như nói lời vĩnh biệt. Người lính biệt kích thở hắt hơi dài. Đãnh đưa tay vuốt mắt cấp chỉ huy. Tám nhóng người lên quan sát. Súng ngưng nổ. Anh biết biệt kích địch vẫn còn nằm quanh đây song không chịu nổ súng khi không thấy mục tiêu. Họ khôn ngoan chờ anh ló mặt ra mới cắc bùm. Nhìn mây đen che khuất ánh trăng, Tám thì thào.
– Hiền mở đường. Đãnh lo cho ông kỹ sư và Bạch Vân. Tôi đi sau cùng…
Bắt đầu công tác có hai mươi người, bây giờ còn lại năm mạng, toán biệt kích dùng đường tắt lần mò tìm đường vượt biên giới vào đất Miến.
18.
Tám thở cái phào khi thấy cây cột bằng xi măng ngăn đôi biên giới của Miến Điện và Trung Cộng. Buông chiếc ba lô nhẹ hều xuống đất, Hiền cười nói với Tánh.
– Mình bước qua bên kia là xong…
Cắc… Bùm… Tiếng súng đột ngột vang lên. Đãnh, tay mặt xô Chiến ngã chúi vào gốc cây còn tay trái đẩy Bạch Vân ngã lăn ra đất rồi nằm đè lên như che chở. Nằm mọp người xuống đất, lát sau không nghe tiếng súng nữa Tám mới từ từ ngóc đầu lên quan sát. Cách chỗ anh nằm hai bước, Hiền nằm nghiêng một bên không cục cựa. Máu từ bên ngực chảy ra đọng thành vũng đỏ tươi trên nền đất mục. Phát súng bắn sẻ của toán biệt kích địch đã khiến cho Hiền chết không trăn trối. Tám suy nghĩ thật nhanh. Xung quanh toàn đồng trống. Nơi hướng bắc có khóm cây cao song lại cách xa vị trí của họ hơn hai trăm thước. Như vậy địch phải đặt súng từ chỗ đó. Với loại súng bắn sẻ tối tân địch có thể bắn trúng mục tiêu xa hơn nữa. Địch đã đoán được đường anh phải đi qua nên mới nằm chờ. Địch có dư thời giờ nguỵ trang thật kỹ cho nên anh và đồng đội mới không tìm ra chỗ nấp dù đã quan sát cẩn thận trước khi vượt biên giới. Muốn vượt qua lằn ranh sống chết này anh phải tính toán cẩn thận. Sơ sẩy một chút là không có dịp đoàn tụ với vợ con. Nhẫm tính tới lui thật lâu Tám mới bò dần dần về chỗ của Đãnh đang nấp với Chiến và Bạch Vân.
– Ông kỹ sư hổng có sao hả?
Cười nhẹ nhìn Đãnh, Chiến trả lời câu hỏi của Tám.
– Cũng nhờ Đãnh xô tôi té cắm đầu vào gốc cây nên mới khỏi bị bắn…
Bạch Vân mím chặt đôi môi lại để nín cười vì câu nói của Chiến.
– Em cũng vậy. Nhờ anh Đãnh xô té chúi nhủi và đè dập mật nên em mới còn đây… Anh Hiền đâu rồi hả anh Tám?
– Chết rồi…
Tám buông gọn. Nhìn cái xác bất động của Hiền nằm trơ vơ trên đất anh thở dài. Đãnh lên tiếng.
– Tôi đoán thằng biệt kích đặt súng ở đằng kia…
Đãnh chỉ về khóm cây cao. Tám thở dài.
– Tao cũng đoán như vậy. Có thể còn mấy thằng nữa nằm chờ đâu đó. Tụi nó có cả ngày để nguỵ trang…
– Anh tính sao?
Đãnh hỏi Tám. So về cấp bậc thì Tám cao hơn anh một bực, còn kinh nghiệm cũng nhiều hơn. Ngước nhìn trời thấy đã xế chiều, Tám nói với giọng mệt và buồn.
– Mình nằm đây chờ tới tối… Mẹ… lần sau tao sẽ mang theo khẩu…
Nói tới đó Tám ngưng ngang rồi tiếp nhanh.
– Tao bò ra chỗ mô đất đằng kia. Ở lại đây chết chùm cả đám…
Đãnh nằm im nhìn theo Tám bò ra chỗ mô đất cách mình mươi thước.
– Mình làm gì hả anh?
Bạch Vân hỏi. Đãnh nhìn Chiến rồi cười nói đùa.
– Ngủ…
Bạch Vân lập lại với giọng ngạc nhiên lẫn thắc mắc.
– Ngủ…
– Ừ… Mình ngủ để chờ tới đêm… Bây giờ mà ngồi hoặc đứng dậy là bể nắp nhạo liền…
Chiến bật lên tiếng cười nhỏ. Anh đã nghe mấy người lính giải nghĩa ba tiếng ” bể nắp nhạo ” rồi nên mới bật lên cười. Thấy Đãnh nằm dài ra đất, Bạch Vân cũng bắt chước nằm theo rồi lát sau vì mỏi mệt cô thiếp dần vào giấc ngủ. Không biết bao lâu cô mới thức dậy vì mưa rơi ướt mặt của mình. Bóng tối đổ xuống từ lâu. Khung cảnh càng thêm tối om vì mờ mịt mưa bay. Gió thổi vù vù rạp đồng cỏ cao. Nằm dán mình trên đất, Đãnh thầm cám ơn đấng tạo hoá đã làm mưa xuống. Chưa bao giờ anh thấy mưa đẹp và hữu ích như lúc này. Mưa sẽ làm cho kẻ địch không thấy được anh di chuyển trong bóng đêm dù có loại ống dòm hồng ngoại tuyến tối tân nhất.
– Mọi người sẵn sàng?
Tám thì thầm. Thấy lờ mờ cái gật đầu của Đãnh, anh lặng lẽ bò trước. Chiến theo sau, kế đó Bạch Vân và Đãnh sau cùng. Bây giờ Chiến mới cám ơn các ông huấn luyện viên đã hét vào tai mình khi bò không đúng cách. Anh nhớ lại thế bò dã chiến, hai tay cong lại để dùng cái cùi chỏ làm điểm tựa trên đất kéo thân hình tới trước trong lúc hai bàn chân cũng chỏi xuống đất để phụ lực. Bạch Vân bò sau Chiến. Dù chưa học qua khoá huấn luyện căn bản nào của lính, cô cũng đã thấy Đãnh và mấy người lính bò rồi nên bắt chước lẹ lắm. Mặt cúi gần đụng đất, hai cùi chỏ như mái chèo bám mặt đất đẩy thân hình tới trước, hai bàn chân chỏi lên đất, cô bò nhẹ và êm mà bên tai vang thì thầm giọng nhắc nhở của Đãnh.
– Đừng có ngóc đầu lên… Ngóc đầu là bể nắp nhạo liền…
Mưa ướt đẫm mặt. Cũng bò… Xình đất dính đầy quần áo. Cỏ tranh cào xướt mặt cũng bò… Kiến cắn cũng bò. Muỗi chích cũng bò. Sấm gầm cũng bò. Chớp loè sáng rực cũng bò… Đói bụng cũng phải bò. Mệt ngất ngư cũng phải bò. Sự sợ hãi khi chứng kiến cái chết của Hiền vài giờ trước khiến cho Chiến và Bạch Vân bò quên mệt, đói và lạnh. Thật lâu, không biết bao lâu Tám mới dừng lại. Nghe tiếng thở hào hển của Tám, Đãnh vội lên tiếng hỏi.
– Anh Tám sao vậy?
Không nghe tiếng Tám trả lời rồi lát sau giọng nói của anh run run vang lên.
– Chiến và Bạch Vân đi trước… Tôi nghỉ mệt giây lát sẽ theo sau…
Nghe câu nói đó Đãnh nhíu mày. Phải có chuyện gì lạ xảy ra nên Tám mới nói như vậy. Đợi cho Bạch Vân với Chiến bò đi mươi thước, Tám cất giọng thều thào.
– Anh chắc không đi xa được…
– Anh bị gì vậy?
– Rắn cắn…
Đãnh lắc đầu. Không chết vì súng đạn mà người lính biệt kích xuất sắc như Tám lại chết vì bị rắn độc cắn. Giữa đêm mưa bão với đám biệt kích địch đang rình mò mà bị rắn độc cắn thì cầm chắc cái chết.
– Đãnh rán đưa ông kỹ sư và Bạch Vân về Sài Gòn…
Tám dặn dò lần cuối. Nắm tay Đãnh, anh thều thào.
– Nói với vợ con của anh là anh không về được…
Không nói tiếng nào, chờ lúc lâu Đãnh mới chịu bò thật lẹ bắt kịp Chiến với Bạch Vân. Mưa vẫn rơi và gió vẫn thổi. Tự dưng người lính biệt kích cảm thấy lạnh, thật lạnh khiến anh rùng mình.
*****
Mường Lát. Thanh Hoá.
Bạch Vân ngồi phệt xuống đất, lưng tựa vào gốc cây. Viên đạn bắn vào chân gây sốt và mệt mỏi. Mặc dù được Đãnh cho uống thuốc trụ sinh song vết thương bắt đầu sưng lên khiến cho cô đi đứng khó khăn. Đưa cho cô cái bi đông đựng nước uống Đãnh cười nói.
– Em đưa cho anh cái đồng hồ trong túi áo…
Thò tay vào túi áo, Bạch Vân lấy ra cái đồng hồ đưa cho Đãnh. Cô chăm chú nhìn anh vặn, bấm mấy cái nút rồi sau đó một sợi dây nhỏ từ từ ló ra. Trên mặt kính đồng hồ có đèn chớp tắt và tiếng tích tích vang lên đều đặn.
– Anh làm gì vậy anh?
Đãnh cười nhìn Chiến trong lúc trả lời Bạch Vân.
– Anh gọi điện thoại để trực thăng tới đón em về nhà mình ở Sài Gòn…
Chỉ có Chiến mới biết cái mà Đãnh nói đồng hồ chính là một ” transmitter ” hay là máy phát sóng hoặc máy phát tín hiệu cực mạnh được các người lính biệt kích dùng để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Khi tín hiệu được phát đi thì các đài ra đa trực thuộc quân lực của nước Việt Nam tự do có thủ đô ở Sài Gòn sẽ nhận được tín hiệu đặc biệt này. Sau khi kiểm chứng và xác định vị trí của máy phát tín hiệu, nhân viên đài kiểm thính báo cáo với trung tâm hành quân của quân đoàn 1 đóng ở Đà Nẳng và máy bay trực thăng sẽ tới điểm hẹn để bốc họ về. Khoảng nửa giờ sau Đãnh dìu Bạch Vân bị thương nhẹ lúc họ bắn nhau với lính tuần tiễu của Lào để vượt biên giới vào địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ngồi trong lòng chiếc trực thăng bốc từ từ lên trời, Chiến ứa nước mắt khi hồi tưởng lại chuyến công tác hiểm nghèo đã qua. Anh như thấy lại nét mặt của Anh Tư, Ánh và giọng cười sãng khoái của thượng sĩ Nhất khi chứng kiến cái đập Xiaowan ( Tiểu Loan ) bể từng mảnh hoà với tiếng gầm rú của dòng sông Cửu Long bấy lâu nay bị nghẽn mạch bây giờ mới được tự do ào ạt tuôn chảy về phía hạ lưu.
*****
Sài Gòn.
Đãnh ngước đầu lên nhìn ra cửa khi người lính quân cảnh mở cửa bước vào với tờ báo trên tay.
– Chào trung sĩ… Có báo mới cho ông đọc đỡ buồn…
Nói lời cám ơn, Đãnh cầm tờ báo lên. Sau khi trực thăng về tới phi trường Đà Nẳng, anh với Chiến và Bạch Vân được đưa vào bệnh viện riêng để khám bịnh và chữa trị. Hai ngày sau cả ba được hộ tống lên phi cơ bay thẳng Sài Gòn và sau đó nằm dưỡng bệnh trong một khu biệt lập thuộc bộ tư lệnh bộ binh kế bên phi trường Tân Sơn Nhất. Rãnh rổi anh lôi chồng báo cũ ra đọc và giải thích cho Bạch Vân nghe hậu quả của công tác Cửu Long. Hai cái đập Xiaowan và Nuozhado bị bể đã gây ra hậu quả lớn lao cho các nước có con sông Cửu Long chảy qua. Lũ lụt đã tàn phá một khu vực dài hơn ngàn cây số, rộng mấy chục cây số dọc theo hai bên bờ sông. Nhà cửa, cầu cống và mấy cái đập nước nằm ở dưới hạ lưu đều bị hủy hoại. Mấy ngàn người dân bị thiệt mạng. Cả triệu dân phải di tản. Trung Cộng là nước bị thiệt hại nhiều nhất trong vụ bể đập này. Miền bắc của nước Miến Điện, miền bắc của nước Lào và miền nam của nước Tàu với diện tích cả triệu cây số vuông đều lâm vào tình trạng hổn loạn vì không có điện. Quận huyện, tỉnh, thành phố tối như ban đêm. Hãng xưởng của tư nhân, công sở của chính phủ đều ngưng hoạt động. Phương tiện di chuyển bị ứ đọng vì không có điện thì các trạm bán xăng đóng cửa. Nói tóm lại là tất cả mọi dịch vụ nào có liên hệ tới điện đều nghỉ làm trong thời hạn không ai biết. Chánh phủ các nước trong vùng cũng như cơ quan cứu trợ quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn khi tới các vùng bị nạn để phân phát thực phẩm, quần áo và thuốc men cho dân nghèo. Theo lời tường thuật của các phóng viên quốc tế thì lý do gây ra lũ lụt là có một nhóm dân thiểu số đã lén lút xâm nhập, chiếm đóng rồi đặt chất nổ làm bể hai cái đập Xiaowan và Nuozhado. Khi hai cái đập này bể thì nước sẽ tràn xuống hạ lưu gây ra nạn lũ lụt. Chánh quyền địa phương đã nhặt được xác của một vài người trong nhóm khủng bố bị bắn chết. Số còn lại đã tháo chạy vào rừng. Hiện thời thì chánh phủ của nước Trung Cộng chưa đưa ra lời công bố chính thức nào về toán khủng bố vì chưa hoàn tất cuộc điều tra.
– Tội cho họ hả anh…
Nằm giường kế bên, Bạch Vân nói nhỏ. Cô buồn rầu ứa nước mắt khi nhớ tới mẹ cha của mình. Không biết họ có bị gì không.
– Chừng nào mình được đi về nhà mình hả anh?
Quay nhìn người vợ chưa cưới với cái nhìn âu yếm, Đãnh cười thốt.
– Anh không biết… Có lẽ phải đợi khi em đi đứng được. Lúc đó anh sẽ cõng hoặc bế em về nhà…
– Sao kỳ vậy… Em đi được thì đâu cần anh phải cõng hay bồng…
Nằm kế bên Chiến bật lên cười hắc hắc khi nghe Bạch Vân nói. Cô gái La Hủ Trắng không biết tục lệ cưới hỏi là người chồng sẽ bồng hoặc cõng cô dâu vào nhà trong ngày cưới. Nghe Chiến bật cười, Đãnh cũng cười lớn khiến cho Bạch Vân ngơ ngác. Tới khi được Đãnh giảng giải cô mới thẹn thùng lẫn vui mừng. Cô nghĩ đó là tấm huy chương có giá trị nhất mà cô xứng đáng được hưởng khi tình nguyện gia nhập toán biệt kích để hoàn thành công tác Cửu Long.
( CÒN TIẾP )