16.
30-4-2031
Kỹ niệm 5 năm ngày thành lập nước Việt Nam có một sự kiện đặc biệt là bộ tư lệnh không quân sẽ mở ra một cuộc biểu diễn máy bay và nhảy dù cho toàn thể dân chúng cũng như quân lính trong nước xem cho biết. Đây cũng là dịp cho không quân phô trương sức mạnh của họ với mọi người và các quốc gia láng giềng trong đó có nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Nơi khán đài danh dự, các nhân vật quan trong của chính phủ và sĩ quan các cấp ngồi chờ đợi. Binh sĩ cũng như thường dân đứng chật cả phi trường. Mắt họ ngóng lên trời cao như tìm kiếm cái gì đó trong bầu trời. Tất cả đồng vỗ tay reo hò khi nghe tiếng động gầm rú rồi bóng các phi cơ xuất hiện. Dẫn đầu là phi đoàn phản lực cơ chiến đấu F15B mà không quân của nước Việt Nam đã mua lại của không quân Hoa Kỳ. Năm rồi, sau nhiều lần thương lượng, họ bằng lòng bán 10 chiếc F15 bao gồm các lớp như F15A, F15B, F15C và F15D. Tất cả máy bay trên đều nằm trong danh sách sẽ phế thải của không quân Hoa Kỳ vì vậy mà họ bán rẻ cho nước đồng minh các loại cũ để thay thế loại mới hơn như F22 Raptor và F35 Lightning. Nhờ vậy mà không quân của nước Việt Nam mới mua được.
– Anh Điền với anh Kim sướng nghen… Có nguyên phi đội phản lực này thì tha hồ mà khoe…
Yến Vi lên tiếng chọc. Điền cười ha hả thốt.
– Khoe gì em ơi… Toàn đồ cũ hông hà…
Tới phiên Hải Âu xen vào.
– Cũ người mới ta mà anh… Liệu mấy chiếc F15 của anh có thể cự lại máy bay của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hông. Tôi nghe đồn, một hai năm trước họ đã thành lập phi đội 12 chiếc Sukhoi SU-30MK2. Loại này ghê lắm hai anh ơi…
Cười chúm chiếm, Điền nói với Hải Âu.
– Cô Hải Âu biết phi đội F15 có danh hiệu gì không?
– Không… Nó có tên gì vậy anh?
Điền liếc nhanh Kim xong rồi mới trả lời câu hỏi của Hải Âu.
– F15 của không quân Hoa Kỳ có tên riêng là Eagle tức Đại Bàng. Tuy nhiên ở ngoài biển như Phú Quốc của mình không có đại bàng nên tôi mới đặt tên mới cho phi đội F15 là phi đội Hải Âu. Tôi có ý mời cô Hải Âu làm phi đội trưởng danh dự cho phi đội này…
Hải Âu cười sung sướng. Từ lâu cô biết Điền thích mình qua các lần anh kiếm cớ vào văn phòng của cô chuyện trò và hỏi về hồ sơ lý lịch của các sĩ quan trong không quân xong mời cô đi ăn trưa hoặc ăn tối. Tuy nhiên Điền có tính trầm lặng, ít nói và gần như là nhút nhát nên tình cảm giữa hai người tiến rất chậm.
– Tôi rất sung sướng và hãnh diện được làm phi đội trưởng danh dự với một điều kiện…
– Điều kiện gì hả Hải Âu?
– Anh Điền phải tập cho tôi lái máy bay à nghen… Làm phi đội trưởng mà hổng biết lái máy bay người ta cười chết…
Dường như có ý riêng, Yến Vi cười hắc hắc lên tiếng.
– Chị Hải Âu nói đúng đó. Em xuống tàu ngầm hoài để anh Jack dạy em làm hạm trưởng. Anh hứa mai mốt anh sẽ cho em chỉ huy tàu lặn sâu xuống tới đáy biển luôn. Biết đâu mai mốt chị Hải Âu sẽ lái F15 đánh nhau với chiếc SU-30MK2. Vui à nghen… Chị sẽ là nữ phi công phản lực đầu tiên của nước Việt Nam…
Mọi người đều bật cười khi nghe Yến Vi nói. Cười tủm tỉm Kim xen vào câu chuyện.
– Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn có loại phản lực cơ chiến đấu khác là SU-27. Nó không kém gì loại SU-30MK2 đâu…
Đang ngồi kế bên Quốc, Su xen vào câu chuyện.
– Đó là hai loại máy bay của trung đoàn không quân 935 có căn cứ đóng tại Biên Hòa. Đơn vị này thuộc sư đoàn không quân 370 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trung đoàn 935 thuộc Sư đoàn 370 hiện là đơn vị tiềm kích chủ lực của Quân chủng Phòng không-Không quân. Lúc vừa mới thành lập, trung đoàn có vài chiếc MiG-21 của Nga Sô và một số A-37 và F5 do không quân của nước Việt Nam Cộng Hoà bỏ lại vào năm 1975. Những năm gần đây trung đoàn 935 đã thành lập hai phi đội SU-27 và SU-30MK2. Mai mốt nếu có đụng với trung đoàn 935 này, hai anh Điền và Kim nên cẩn thận. SU-27 của Nga được liệt vào một trong 10 loại phản lực chiến đấu nguy hiểm nhất của thế giới. Nó được coi như là đối thủ của F15 đó anh Kim…
Kim bật cười nói lớn.
– Cám ơn cô Su… Tôi mong có ngày đụng một chiếc SU-27 cho biết đá biết vàng…
Trước khi gia nhập không quân của nước Việt Nam, Kim từng là phi công của không quân Hoa Kỳ nên anh không lạ gì các loại phản lực cơ chiến đấu của các nước tân tiến như F15, F18 của Mỹ, SU-27 và MIG 31 của Nga Sô, Rafale của Pháp, Eurofighter Typhoon, còn gọi là chiến binh châu Âu hay Cuồng phong và kể luôn cả J-10 của Trung Cộng.
Tất cả mọi người đều cảm thấy lùng bùng lỗ tai và thân thể chấn động khi nghe tiếng nổ đùng cực lớn báo hiệu phi cơ đã vượt tường âm thanh tức bay nhanh hơn 1.220 cây số một giờ. Thực ra thì F15 với lớp mới nhất là F15D có thể bay với vận tốc Mach 2.5, tức hai lần rưởi vận tốc của âm thanh. Còn đang bàng hoàng vì tiếng nổ vượt tường âm thanh, thiên hạ trông thấy đoàn trực thăng lừ lừ tiến tới với đủ loại như cứu thương, chuyên chở, chiến đấu và săn tàu ngầm. Năm chiếc C130 vận tải cơ sơn màu ngụy trang xuất hiện theo hình cánh cung chầm chậm tiến về khán đài danh dự. Khi nó vừa bay qua thì hàng trăm cánh dù nở bùng ra trong không khí và từ từ rơi xuống chấm dứt cuộc biểu diễn của không quân.
Trong lúc mọi người tụ tập ở khán đài để dự lễ kỹ niệm thì tại Hải Quân Công Xưởng Phú Quốc cũng có một cuộc tụ tập tuy ít người biết nhưng lại vô cùng quan trọng. Người chủ tọa buổi tụ tập này chính là Thầy Thăng hay Kỹ Sư Thăng, Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng. Dù không mang cấp bậc nào trong quân đội mà Thầy Thăng được mọi người kính nể và nghe theo lời của ông ta. Tháp tùng theo Thầy Thăng có đại tá Kiếm, tư lệnh hạm đội tàu nổi, Jack, tư lệnh hạm đội tàu ngầm, đại tá Hoài tham mưu phó hành quân và ba hạm trưởng đại diện cho ba chiến hạm.
– Tôi cho quý vị thấy kiểu chiếc tàu mà công xưởng chúng ta đã đóng xong hai chiếc…
Nói dứt lời Thầy Thăng ra hiệu cho Nghiêm, kỹ sư trưởng của công xưởng. Nghiêm cười ra lệnh cho nhân viên tháo gở tấm vải phủ lên. Mọi người há hốc nhìn trân trân vì ngạc nhiên tới độ không nói được tiếng nào. Cuối cùng đại tá Kiếm buột miệng.
– Tuyệt…
Một chữ thôi song đủ nghĩa để diễn tả. Tiếng Thầy Thăng vang vang bên tai mọi người vẫn còn ngó lom lom kiệt tác của các chuyên viên đóng tàu thuộc hải quân công xưởng.
– Đây là công trình của ông Nghiêm và nhóm chuyên viên phòng nghiên cứu và sáng chế của hải quân công xưởng. Chiếc khinh tốc đỉnh này thuộc loại tàu tấn công nhỏ và nhẹ, chạy bằng hai máy dầu cặn tạo ra một công xuất bốn ngàn mã lực nên có thể đạt tới vận tốc 150 cây số một giờ. Nó được trang bị hai dàn phóng hỏa tiển chống tàu nổi và máy bay cộng thêm hai dàn thủy lôi đặt trước mũi và sau lái để chống tàu ngầm. Nó có hai khẩu pháo Phalanx bắn tự động mà nhịp tác xạ lên tới 3000 viên một phút. Hỏa tiển được điều khiển bằng ra đa và máy điện toán với tầm bắn xa 50 cây số và bay nhanh bằng vận tốc âm thanh. Ông Yến còn lắp thêm vào một hệ thống stealth, có khả năng nhiểu sóng ra đa của tàu hoặc máy bay địch. Ngoài ra cách kiến trúc đặc biệt cũng làm cho ra đa địch khó xác định được vị trí của nó…
Tất cả người tháp tùng đều đủ kiến thức và kinh nghiệm về vũ khí nên hiểu được lời trình bày của Thầy Thăng.
– Thầy có chạy thử chưa thầy?
Thiếu tá Tánh, hạm trưởng hộ tống hạm VNH2 An Thới lên tiếng hỏi. Thầy Thăng nhìn Nghiêm trong lúc trả lời.
– Chạy thử thì tôi với mấy anh em cũng đã thử rồi. Hôm nay tôi mời quý vị đi thử lần nữa rồi cho tôi biết ý kiến… Quý vị sẵn sàng chưa?
Đại tá Kiếm lên tiếng trước hơn ai hết.
– Đi… Tôi nóng lòng xem mấy chiếc tàu nhỏ này trổ tài. Mình cần có chừng một tá loại tàu này…
Dẫn đầu bởi Thầy Thăng, phái đoàn sĩ quan hải quân bước xuống chiếc khinh tốc đỉnh cặp tại cây cầu nhỏ. Tàu từ từ tách bến ra khỏi Mũi Ông Đội. Nghe tiếng máy tàu nổ bum bum, Jack cười gật gù nói với Nghiêm.
– Tôi khoái tiếng máy tàu nổ… nghe đã cái lỗ tai lắm…
Vừa ra khơi, hạ sĩ Mạnh từ từ tăng tốc độ. Gió thổi phần phật. Sóng nện vào mũi tàu tung nước như mưa khiến cho mọi người phải rút vào trong phòng lái.
– Anh chạy bao nhiêu vậy?
Thầy Thăng hỏi Mạnh.
– Dạ 120…
– Lên trăm rưởi đi… Tôi muốn coi sức chịu đựng của máy chạy tới đâu…
Tuân lời, Mạnh nhấn cần ga. Đồng hồ chỉ tốc độ từ từ lên tới số 150. Chiếc khinh tốc đỉnh nhỏ và nhẹ bay trên mặt nước.
– Quý vị cẩn thận nghen…
Thầy Thăng lên tiếng xong ra hiệu cho Mạnh. Hiểu ý anh lính lái tàu đột ngột quay tay lái thật nhanh để phô diễn cái sở trường của nó là quẹo ngoặt trái phải, luồn lách để tránh né sự tấn công của tàu địch đồng thời vào sát hơn để phóng thủy lôi hay hỏa tiển đánh trả. Vì không có ngồi để buộc dây nên mọi người phải bám chặt vào chỗ nào có thể bám được. Họ bị dằn sốc, lúc ngã bên này, khi ngã bên kia vì sự đổi hướng đột ngột của tàu. Có lúc họ cảm thấy như bay lơ lửng trên không rồi chìm sâu xuống nước. Con tàu dừng lại khiến cho ai nấy thở phào nhẹ nhỏm. Không đợi hỏi, đại tá Hoài, tham mưu phó hành quân lên tiếng.
– Thầy có thể đóng được bao nhiêu chiếc như vầy?
Ngó về phía Nghiêm, thấy anh gật đầu cười, Thầy Thăng đáp liền.
– 12 chiếc từ đây tới cuối năm tới… Chúng tôi có đủ vật liệu để đóng bao nhiêu đó thôi. Nếu các ông muốn thì tôi phải có tiền mua thêm vật liệu, máy móc và trả lương cho nhân viên…
Đại tá Hoài cười cười.
– Để tôi trình với ông bộ trưởng Quốc…
Jack bật lên tiếng kêu.
– Ổng lên chức bộ trưởng hồi nào vậy đại tá?
Hoài cười cười nhìn mọi người.
– Chưa lên nhưng sẽ lên. Tôi nghe tin các ông tướng cũ ở bộ quốc phòng và tổng tham mưu sẽ về hưu vì già và bệnh hoạn. Họ muốn nhường lại cho lớp mới và trẻ cỡ tụi mình…
Thấy Jack nhìn mình cười, đại tá Hoài tiếp.
– Mười lăm hoặc hai chục năm nữa lớp của Jack sẽ trám chỗ tụi này… Luật đời mà… Ông Quốc sẽ lên làm bộ trưởng quốc phòng nên ông Kiếm được chỉ định làm tư lệnh hải quân. Mình sẽ có một vị tham mưu trưởng liên quân mới. Ông tướng này mới giải ngũ từ bộ binh Hoa Kỳ…
Quay sang Thăng, đại tá Hoài dặn dò.
– Thầy cứ tiếp tục đóng đi, càng nhanh càng nhiều càng tốt. Mình còn phải cho lính tập dợt nữa…
Sau năm năm thành lập, quân đội của nước Việt Nam gồm bộ quốc phòng và ba binh chủng hải, lục và không quân có sự thay đổi lớn. Các vị bộ trưởng, phó bộ trưởng bộ quốc phòng cũng như tham mưu trưởng liên quân đồng loạt xin giải ngũ vì lý do sức khỏe và cũng đã già lắm rồi. Ngoài ra họ cũng có ý muốn để cho nhóm người trẻ hơn được nắm quyền chỉ huy. Tuổi trẻ có nhiều năng lực, sáng kiến và nhiệt tâm hơn lớp người già như bọn họ. Quốc được thủ tướng Việt chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng. Xuất thân là nhân viên thuộc bộ hải quân nằm trong bộ quốc phòng Hoa Kỳ, do đó anh tổ chức cơ quan của mình tương tự như vậy, chỉ có điều ít nhân viên và cũng ít phức tạp hơn. Tổ chức bộ quốc phòng của nước Việt Nam được chia ra làm hai hệ thống chỉ huy: quân sự và dân sự. Về quân sự có bộ tham mưu liên quân với vị tham mưu trưởng đứng đầu. Ngang hàng với tham mưu trưởng liên quân có ba vị tư lệnh của ba quân chủng hải quân, không quân và bộ binh. Ba vị tư lệnh này nhận sự chỉ huy trực tiếp từ vị bộ trưởng quốc phòng và có quyền hạn ngang với vị tham mưu trưởng liên quân. Về dân sự có hai cơ quan chính là phòng tổng thanh tra và giám sát cùng Văn Phòng của Bộ Trưởng Quốc Phòng được điều khiển bởi hai phó bộ trưởng và ba giám đốc ba cơ quan: phòng an ninh tình báo, phòng nghiên cứu chiến thuật chiến lược, phòng ngân sách tài chính. Tin ai không bằng tin người thân của mình, Quốc chọn Su làm phó bộ trưởng kiêm giám đốc cơ quan an ninh tình báo. Bính được chọn làm phó bộ trưởng kiêm giám đốc phòng nghiên cứu chiến thuật và chiến lược. Riêng phòng ngân sách và tài chính, chức giám đốc vẫn còn để trống. Khi Quốc và Bính đi thì hải quân thiếu người chỉ huy nên Kiếm được vinh thăng đề đốc và nhận chức tư lệnh hải quân. So về cấp bậc và thời gian phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ và trong hạm đội Phú Quốc, anh hội đủ điều kiện hơn những sĩ quan khác đang phục vụ trong hải quân của nước Việt Nam. Các chức vụ của không quân và bộ binh đều không thay đổi. Hôm nay, lần đầu tiên Quốc mở cuộc họp để phác thảo hướng đi mới cho thích hợp với những chuyển biến của tình hình trong vùng Đông Nam Á Châu trong đó có vùng Biển Đông.
– Kính thưa quý vị… Tôi rất hãnh diện và vui mừng vì sự có mặt đông đủ của quý vị trong buổi họp mặt và họp hành quân đầu tiên của năm nay. Trước khi đi vào chương trình của buổi họp tôi xin trang trọng giới thiệu cùng quý vị cựu chiến binh Lê Đông Nam. Mời anh Nam đứng dậy cho mọi người chiêm ngưỡng dung nhan của anh…
Mọi người trong phòng đồng loạt hoan hô Lê Đông Nam. Thoạt nhìn ai cũng biết anh là lính với cái đầu tóc ba phân, da xạm nắng và ánh mắt sáng.
– Anh Nam từng là tướng lãnh chỉ huy nhiều đơn vị của bộ binh Hoa Kỳ. Tôi vì một may mắn được biết anh từ lâu. Mới đây được tin anh giải ngũ, tôi mời anh nhận chức vụ tham mưu trưởng liên quân. Với kinh nghiệm tác chiến, tài chỉ huy và tổ chức cùng uy tín cá nhân, anh Nam sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc hoàn chỉnh những sơ sót trong cơ cấu tổ chức của quân đội. Tuy nhiên nhiệm vụ chính của anh Nam là hợp tác với bộ quốc phòng để hoạch định một đề án dùng làm hướng đi mới cho quân đội của chúng ta trong tương lai. Sau đây tôi mời vị tân tham mưu trưởng liên quân trình bày về những điều mà nước Việt Nam của chúng ta cần và phải làm để có thể sống còn trong cuộc tranh giành Biển Đông…
Dứt lời Quốc trở lại chỗ ngồi của mình. Thong thả bước tới bức vách, Nam bấm nhẹ vào cái nút màu xanh trên tường. Màn ảnh từ từ sáng lên cho mọi người thấy bản đồ toàn thể vùng biển Phú Quốc.
– Chúng ta đang ở đây…
Chỉ vào điểm đỏ có tên An Thới trên bản đồ của đảo Phú Quốc, Nam hắng giọng tiếp.
– Nằm cách Phú Quốc bảy chục cây số về hướng đông nam, cách Rạch Giá độ 100 cây số về hướng nam là quần đảo Nam Du có hơn ngàn dân cư ngụ. Nó nằm trong huyện Kiên Hải thuộc tỉnh Rạch Giá của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Với tôi, Nam Du có hai điều đáng cho chúng ta quan tâm là vị trí quân sự và kinh tế. Năm 2008, tập đoàn Tân Tạo…
Vị tham mưu trưởng liên quân ngừng lại giây lát xong mới lên tiếng hỏi.
– Chắc quý vị có nghe nói tới tên này?
Mọi người trong phòng đồng gật đầu song không ai nói gì hết cho tới khi giọng nói trầm trầm và nhỏ nhẹ vang lên. Không cần nói mọi người đều biết đó là Khải, tư lệnh phó của bộ binh.
– Theo chỗ tôi được biết thì TanTao Investment & Industry Corporation là một tổ hợp công ty đang làm chủ cảng bốc dở hàng hóa tại Nam Du mà số vốn lên tới tỉ đô la. Tân Tạo cũng làm chủ Công Ty Điện Lực Kiên Lương…
Nam mỉm cười gật đầu.
– Đó cũng là điều mà tôi muốn nói tới Nam Du. Thương thuyền có trọng tải từ 80 ngàn tấn trở lên không thể vào sát bờ vì vịnh Thái Lan là vùng biển cạn, trung bình chỉ sâu chừng 80 mét thôi. Do đó công ty Tân Tạo mới xây hải cảng ở Nam Du cho các tàu trọng tải cao có thể cập vào để chuyển qua các tàu nhỏ hơn đem vào bờ. Nhà máy điện Kiên Lương chạy bằng than đá nên mỗi năm dùng hơn chục triệu tấn than và vùng Hậu Giang cũng cần dùng năm bảy triệu tấn hàng hóa đủ loại…
Bỏ lửng câu nói ở đó, Nam chỉ vào một cụm đảo nằm xa bờ biển nhất rồi hắng giọng.
– Cũng cách Phú Quốc về hướng đông nam hơn trăm cây số là quần đảo Thổ Chu có chừng vài trăm dân sinh sống. Nam Du cách Thổ Châu chừng 110 cây số. Nếu có chút tưởng tượng chúng ta sẽ thấy hai quần đảo Nam Du và Thổ Châu là hai cây cột của cái ngõ đi vào Phú Quốc. Người ta cũng có thể men theo thủy lộ giữa Nam Du và bờ biển của Cà Mau với Rạch Giá; nhưng các tàu có trọng tải lớn thì không dùng thủy lộ này vì sợ bị mắc cạn. Từ Biển Đông muốn tới Phú Quốc, tàu chiến phải dùng thủy lộ nằm giữa Nam Du và Thổ Chu vì đó là đường đi gần nhất và sâu hơn những chỗ khác nên an toàn hơn. Ở trên chiến thuật biển thì hai quần đảo này là tuyến phòng vệ của Phú Quốc. Nếu đặt căn cứ quân sự ở hai nơi này ta có thể kiểm soát tàu bè đi vào vùng biển Phú Quốc và luôn cả Vịnh Thái Lan. Hơn thế nữa nếu đặt một đài ra đa lớn trên đảo Thổ Chu, ta có thể quan sát hoạt động của các chiến hạm của hạm đội Nam Hải đang tuần tra vùng biển Trường Sa…
Ngừng lại giây lát như để cho mọi người trong phòng có thời giờ suy nghĩ về những lời nói của mình, Nam mới thong thả tiếp.
– Xa hơn nữa về hướng đông bắc là Poulo Obi hay là quần đảo Hòn Khoai. Xa hơn nữa ngoài biển Đông và cách Hòn Khoai hai trăm cây số về phía đông bắc là Côn Đảo. Trong kế hoạch phòng thủ Phú Quốc và tranh giành Trường Sa, ta không thể bỏ qua bốn quần đảo này. Đặt một căn cứ quân sự ở Côn Đảo, ta có thể giám thị mọi hoạt động của các tàu chiến của hạm đội Nam Hải của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa trong vùng quần đảo Trường Sa, phía nam Biển Đông và có thể giám thị luôn cả quần đảo Hoàng Sa nữa…
Nhìn lên bản đồ và nghe Nam nói xong, ai trong phòng cũng đều hiểu được cái ý của vị tân tham mưu trưởng của họ.
– Còn thêm một lý do nữa và lý do này cũng không kém phần quan trọng so với lý do quân sự mà tôi đã trình bày ở trên. Đó là lý do kinh tế. Làm chủ các quần đảo ở trên, ta sẽ làm chủ một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn có nhiều mỏ dầu hoả ở trong Vịnh Thái Lan, Côn Sơn và phía nam của Biển Đông. Chắc quý vị đã nghe nói về các bồn trũng dầu khí của vùng châu thổ Cửu Long và Côn Sơn rồi. Do đó tôi không cần phải nhắc lại. Nước ta đất nhỏ, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi; do đó muốn có tiền để làm cho dân giàu và một quân lực hùng mạnh ta chỉ còn nhờ vào tài nguyên của biển là dầu hoả và hải sản. Ý của tôi là muốn sống còn trong tình thế đặc biệt này, ta phải làm chủ phân nửa Vịnh Thái Lan cộng thêm vùng Côn Sơn và xa hơn nữa quần đảo Trường Sa…
– Tôi hiểu ý của tham mưu trưởng, tuy nhiên nếu chiếm đóng các quần đảo trên là ta sẽ mở cuộc chiến tranh với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…
Điền lên tiếng. Nam gật đầu trả lời không do dự như đã nghĩ tới điều đó.
– Đúng… Ta sẽ mở một cuộc chiến tranh giới hạn với họ mà tôi tạm gọi là cuộc chiến tranh cục bộ giữa hai nước Việt…
Tới phiên Hãn góp lời bằng câu hỏi.
– Tham mưu trưởng có nghĩ quân đội của ta yếu hơn họ?
Nam mỉm cười trả lời.
– Tôi cũng biết cân phân giữa hai lực lượng thì ta yếu hơn họ, song được cái là ta dốc toàn lực vào cuộc chiến trong khi họ thì không thể đem hết tàu bè cả nước để đánh nhau với ta. Họ còn phải dàn mỏng ra để lo bảo vệ một dãy bờ biển và quần đảo…
Thấy không ai lên tiếng nói gì nữa, Nam cười nhẹ.
– Để thử phản ứng của họ, ta sẽ đánh chiếm một vài hòn đảo như Hòn Tre và Hòn Sơn Rái hay còn gọi là Lại Sơn. Nếu họ phản ứng bằng quân sự thì ta sẽ tính sau. Còn nếu họ chỉ có phản ứng miệng thì ta sẽ nhân đó mà tiến tới. Theo suy luận của tôi thì họ chỉ có phản ứng miệng mà thôi…
Mọi người im lặng không hỏi gì thêm. Quốc xen vào bằng câu nói.
– Tôi đồng ý với đề nghị đánh chiếm Hòn Tre và Hòn Lại Sơn trước. Với lại tôi nghĩ nếu mình không chiếm trước thì có thể Mã Lai, Thái Lan hay nước Trung Hoa Cộng Sản cũng có thể chiếm đóng để khống chế hoàn toàn Biển Đông và Vịnh Thái Lan…
Mọi người đều hiểu câu nói của Quốc như là một quyết định. Nói xong Quốc đứng lên lần lượt bắt tay từng người với lời chúc mừng vào chức vụ mới.
– Tôi để mấy ông tư lệnh họp bàn với ông Nam…
Thấy Quốc nháy mắt với mình Su hiểu ý rời phòng để lại năm người gồm Bính, phó bộ trưởng kiêm trưởng phòng nghiên cứu chiến thuật và chiến lược, tham mưu trưởng Nam, 6 vị tư lệnh và tư lệnh phó của hải lục không quân. Đợi cho mọi người ra khỏi phòng xong xuôi Nam mới nhỏ nhẹ lên tiếng như có ý phân trần với bảy người trong phòng.
– Thật ra thì việc đánh chiếm mấy quần đảo như Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai và Côn Đảo không phải là ý kiến và quyết định của tôi mà xuất phát từ phủ thủ tướng và bộ quốc phòng. Trong phiên họp nội các chiều hôm qua, bốn bộ quan trọng nhất là bộ quốc phòng, bộ ngoại giao, bộ kinh tế và bộ tài chính đã khuyến cáo chính phủ nên có hành động thực tiễn và mới mẻ để làm cho vị thế của nước Việt Nam được mạnh mẽ hơn về kinh tế, quân sự và chính trị. Muốn có thế đứng mạnh thì ta phải có tiền, mà nước ta thì đâu có tài nguyên gì ngoài nguồn lợi dầu hoả. Bởi vậy mà tôi được lịnh của thủ tướng và bộ trưởng bộ quốc phòng phải họp bàn cùng các vị để phác hoạ một chiến dịch giành lấy đất đai của nước Việt Nam đang được đảng cộng sản quản trị trước khi nó lọt vào tay của ngoại bang qua nhiều hình thức bán, đổi chác, cho không hay bị cưỡng chiếm bằng vũ lực…
Nghe vị tân tham mưu trưởng của mình phân trần; Kiếm, tân tư lệnh hải quân mỉm cười điềm đạm lên tiếng.
– Tôi đồng ý với tham mưu trưởng về kế hoạch đánh và chiếm đóng các quần đảo kể trên. Tình thế đã chín nhừ rồi. Nếu ta không ra quân trước thì sớm muộn gì hải quân Trung Cộng cũng sẽ ra tay. Họ mà chiếm đóng các vị trí này thì ta khó mà đòi lại được. Theo nhận xét của tôi, nếu ta có đánh chiếm các nơi đó thì giới lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ phản ứng lấy lệ thôi. Họ quen nhường nhịn rồi…
Điền, tư lệnh không quân cũng lên tiếng phụ họa.
– Tôi cũng muốn được ra quân một lần chứ mấy năm nay toàn đánh trận giả không chán lắm…
Hãn, tư lệnh bộ binh lên tiếng hỏi bằng vẻ điềm đạm và từ tốn. So về tuổi tác và cấp bậc trong quân đội Hoa Kỳ thì anh còn nhỏ tuổi và cấp bậc thấp hơn Nam. Vì vậy mà anh có cử chỉ kính nể vị tân tham mưu trưởng của mình.
– Tham mưu trưởng cần bao nhiêu quân để đánh chiếm bốn quần đảo đó?
Không chần chừ Nam trả lời nhanh.
– Hai tiểu đoàn… Tôi nghĩ hai tiểu đoàn thì đủ. Mình lợi dụng yếu tố bất ngờ đồng thời áp dụng chiến thuật đánh nhanh và đánh mạnh để cho địch trở tay không kịp. Sau khi đánh chiếm xong mình sẽ đổ quân thêm cho việc đóng giữ…
Suốt buổi chiều trong phòng họp tám người sĩ quan cao cấp của quân đội nước Việt Nam bàn soạn từng chi tiết về kế hoạch điều binh của giai đoạn 1 của chiến dịch Trường Sa.
Dân chúng trên đảo Phú Quốc xì xầm bàn tán khi biết tin hải quân nước Việt Nam của họ đã đánh và chiếm đóng Hòn Tre với Hòn Sơn Rái. Hai hòn đảo này bấy lâu nay nằm dưới quyền kiểm soát của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu nước Việt Nam của họ mà đánh chiếm tức có ý gây chiến với một nước lớn hơn. Bộ ngoại giao của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã gởi công hàm chính thức phản đối hành động xâm chiếm này và yêu cầu quân đội của nước Việt Nam hãy lập tức rút quân. Nếu trong vòng một tháng mà không rút quân thì Quân Đội Nhân Dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ đánh trả để tái chiếm hai hòn đảo này. Dân đảo Phú Quốc hồi hộp chờ đợi chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên thời hạn một tháng đã qua mà người ta cũng không thấy nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có hành động thiết thực bằng quân sự để chiếm lại hai hòn đảo trên ngoại trừ các hành động phong tỏa chính trị và kinh tế như ngưng các chuyến bay từ Sài Gòn đi Dương Đông hay các chuyến tàu từ Rạch Giá ra An Thới và cấm dân chúng mua bán hay trao đổi thương mại với nước Việt Nam Cộng Hòa.
****
- 00 giờ.
15-6-2032
Tháng 6 là mùa mưa bão của vùng Biển Đông và luôn cả quần đảo Phú Quốc nằm trong Vịnh Thái Lan. Đoàn tàu chiến thuộc hạm đội Phú Quốc đội mưa lướt gió từng chiếc một ra khỏi Vịnh An Thới. Dẫn đầu đoàn tàu là ba chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke mà bộ quốc phòng của nước Việt Nam đã mua lại của hải quân Hoa Kỳ năm rồi. Với sự giúp đỡ của Đan, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, nước Việt Nam được ưu tiên một trong việc mua lại các loại tàu chiến mà hải quân Hoa Kỳ sắp phế thải hoặc không còn sử dụng nữa bao gồm các loại như khu trục hạm, tuần dương hạm, hộ tống hạm, tàu đổ bộ và chuyên chở, tàu chở dầu và tiếp liệu, tàu tuần phòng ven biển. Sau khi gia nhập hạm đội Phú Quốc, các chiến hạm được đặt tên tùy từng loại tàu khác nhau. Chỉ cần nhìn vào tên hoặc số hiệu người ta sẽ biết nó thuộc loại tàu gì. Như khu trục hạm có số hiệu VNK mà K là chữ tắt chỉ khu trục hạm; T chỉ tuần dương hạm, H chỉ hộ tống hạm, còn N chỉ tàu ngầm. Hải quân Phú Quốc có mười hai chiếc khu trục hạm được đánh số VNK1 tới VNK12, mang tên của các vị anh hùng hoặc danh tướng trong lịch sử nước nhà như Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Giư, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão và Quang Trung. Mười một chiếc tuần dương hạm có số từ VNT1 tới VNT11, mang tên các địa danh lẫy lừng trong lịch sử chống xâm lăng như Bạch Đằng, Vân Đồn, Vạn Kiếp, Như Nguyệt, Chi Lăng, Đống Đa, Tụy Động, Chí Linh, Hàm Tử, Hà Hồi, Ngọc Hồi. Các hộ tống hạm mang số VNH1 cho tới VNH15 và tên được lấy từ các thành phố hoặc tỉnh của nước như Phú Quốc, An Thới, Dương Đông, Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ, Mỹ Tho, Châu Đốc, Long Xuyên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Gia Định, Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh và Sài Gòn. Riêng tiềm thủy đỉnh thì đặc biệt hơn. Nó mang số hiệu VNN 11, 22, 33, 44, 55, 66, 77, 88, 99, 111, 222. Còn tên thì nào Nàng Tiên Cá, Mỹ Nhân Ngư, Kình Ngư, Rắn Biển, Sứa Điện, Hải Mã, Cá Nược, Cá Heo, Cá Mập, Lươn Biển, Cá Đuối…
Sau khi chiến hạm cuối cùng vừa ra khỏi vịnh, tất cả mười 16 chiếc tách ra thành bốn toán riêng biệt. Khu trục hạm VNK12 Quang Trung với tuần dương hạm VNT11 Ngọc Hồi, hộ tống hạm VNH12 Long An và chiếc tàu đổ bộ tấn công VNC1 Cửu Long làm thành toán 1 nhắm hướng Côn Đảo trực chỉ. Toán này còn được sự yểm trợ của chiếc tàu ngầm VNN11 Nàng Tiên Cá. Toán 2 gồm có khu trục hạm VNK6 Mai Thúc Loan, tuần dương hạm VNT11 Ngọc Hồi, hộ tống hạm VNH 13 Gia Định với chiếc tàu đổ bộ tấn công VNC2 Đồng Nai và chiếc VNN22 Mỹ Nhân Ngư hộ tống nhắm hướng Cà Mau tiến tới. Toán 3 gồm các chiếc VNK7 Triệu Quang Phục, VNT2 Vân Đồn, VNH5 Cà Mau, VNC3 Vàm Cỏ và VNN33 Kình Ngư lầm lủi tiến về quần đảo Nam Du. Toán 4 gồm có khu trục hạm VNK1 Ngô Quyền, tuần dương hạm VNT1 Bạch Đằng, hộ tống hạm VNH1 Phú Quốc, hải vận đỉnh 121 Vàm Cỏ và tiềm thủy đỉnh VNN44 Rắn Biển đi về phía Hòn Khoai.
Dàn đội hình mũi tên với khu trục hạm VNK12 Quang Trung dẫn đầu, trái có hộ tống hạm VNH 12 Long An, phải có tuần dương hạm VNT11 Ngọc Hồi, chính giữa có chiếc tàu tấn công và đổ bộ VNC1 Cửu Long, theo sau có VNN11 Nàng Tiên Cá đoạn hậu, hải hành với vận tốc mười hai hải lý một giờ, đoàn chiến hạm có nhiệm vụ đánh chiếm quần đảo Côn Sơn đội mưa bão đi không ngừng nghỉ. Họ phải tới vị trí đúng giờ ấn định để cùng với các đơn vị bạn đồng loạt mở cuộc tấn công ba quần đảo quan trọng trong Vịnh Thái Lan và quần đảo Côn Sơn thuộc tỉnh Vũng Tàu.
Ba mươi chín tuổi rưởi, mang cấp bậc trung tá, Sơn là vị hạm trưởng trẻ tuổi nhất trong 12 vị hạm trưởng của đoàn khu trục hạm. Khi còn là sĩ quan của hải quân Hoa Kỳ, anh từng phục vụ trên chiếc USS John S McCain (DDG 56) mà bây giờ trở thành khu trục hạm VNK12 Quang Trung. Bởi vậy mà anh biết rõ chiến hạm do mình chỉ huy hơn các vị hạm trưởng khác. Là chiến hạm thứ tư của lớp Arleigh Burke của hải quân Hoa Kỳ, VNK12 có trọng tải chín ngàn tấn, dài 154 mét, rộng 20 mét với bốn máy chạy bằng dầu cặn để quay các máy phát điện tạo ra một công xuất 75MW dùng trong việc quay chân vịt cho tàu và các dịch vụ khác. Nhờ vậy mà chiếc khu trục hạm Quang Trung đạt vận tốc 60 cây số một giờ. Được trang bị ba dàn ra đa tối tân dò tìm máy bay, tàu nổi và hai dàn máy dò tiếng động chống tàu ngầm cộng thêm các hệ thống điều khiển hỏa tiển chống hỏa tiển, hỏa tiển chống tàu nổi, máy bay, tàu ngầm, các dàn hỏa tiển phóng thẳng, ống phóng ngư lôi; khu trục hạm Quang Trung cũng như các chiến hạm đồng lớp với nó có một hỏa lực hùng hậu ít có khu trục hạm của các quốc gia khác có thể sánh được.
– Trình hạm trưởng… Chúng ta sắp tới Hòn Khoai rồi…
Khẽ gật đầu, Sơn hỏi đại úy Đạm, sĩ quan đương phiên.
– Mình đúng giờ hả Đạm?
Mắt nhìn đèn hải đăng lóe sáng trong bóng đêm thâm u, Đạm cười lễ độ trả lời.
– Trình hạm trưởng…
Liếc nhanh người lính từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của mình, Sơn nói với giọng thân mật.
– Thôi đừng có trình thưa gì hết… Mình biết nhau lâu rồi…
Đạm cười nhẹ.
– Dạ nếu hạm trưởng cho phép. Bây giờ là 00.00 giờ ngày 16 tháng 6. Giờ hẹn là 00.00 giờ 17 tháng 6. Mình còn đúng 24 tiếng để tới Côn Sơn…
– Có thấy gì không anh Quý?
Tánh, hạm phó hỏi thượng sĩ Quý, phụ trách ra đa.
– Hổng thấy tàu nào hết trơn thưa hạm phó. Mấy ông lính thủy của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam giờ này chắc ngủ rồi hạm phó…
Câu trả lời của ông thượng sĩ làm mọi người trong phòng chỉ huy cười ồ lên. Trung sĩ Tiến, phụ trách truyền tin phụ họa.
– Phải rồi… Hơn năm chục năm nay họ có đánh đấm gì đâu… Chỉ lo ăn chơi thôi… Mình mà vô tới nhà sợ họ còn chưa thức dậy…
Hạ sĩ nhất Lâm đang cắm cúi nhìn vào màn ảnh của máy dò tiếng động tìm tàu ngầm cũng lên tiếng.
– Bị cái cù lét của mình chắc họ mới thức tỉnh…
Sơn im lặng nghe lính trò chuyện vui vẻ. Tất cả cũng ít chú tâm vào việc dò tìm tàu hay máy bay của các nước khác vì chiến hạm đang hải hành trong vùng biển quốc tế. Xa xa trên biển hiện lên khu đèn sáng rực của các dàn khoan dầu. Gọi là dàn khoan dầu hỏa song có hai loại khác nhau đó là ” rig ” và ” platform ”. Rig là một dàn khoan dùng để khoan thử nghiệm trong việc dò tìm giếng dầu. Bởi vậy nó có thể ráp nối, tháo gở và di chuyển khắp nơi. Trong khi platform là một dàn khoan cộng thêm vài dịch vụ như rút dầu từ dưới đáy biển lên rồi sau đó lọc dầu thô và khí đốt xong chứa trong bồn để bơm xuống tàu chở dầu nên nằm cố định tại một chỗ.
16-06-2033
Đêm xuống đã lâu trong lòng tàu chật chội của chiếc tàu đổ bộ Cửu Long. Hai đại đội tác chiến của tiểu đoàn 1 thuộc Chiến Đoàn I Xung Kích được lịnh kiểm soát lại vũ khí. Cũng vì vị trí quan trọng của đảo Côn Sơn nên đích thân thiếu tá Vũ và bộ chỉ huy tiểu đoàn có mặt trong cuộc tấn công và chiếm đóng. Trải tấm bản đồ đảo Côn Sơn trên sàn tàu, Vũ nói với trung úy Tấn, đại đội trưởng đại đội 1.
– Đại đội 1 đổ bộ lên Bến Đầm xong em cho 1 trung đội chiếm đóng Hòn Bà. Còn ba trung đội kia bung ra đánh vào trung tâm huyện lỵ như đồn công an, văn phòng của ủy ban nhân dân huyện…
Quay qua thiếu úy Quyền, đại đội trưởng đại đội 2, ông ta cười tiếp.
– Còn anh lên ngay Bãi Dong để từ đó bung ra hai hướng bắc và nam đánh chiếm các khu vực quan trọng như nhà máy điện, trạm truyền tin và cầu tàu. Tôi với bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ đổ bộ lên bãi An Hải…
Giơ tay lên xem đồng hồ Vũ nói tiếp.
– Bây giờ là 22 giờ. Giai đoạn 1 của chiến dịch Trường Sa sẽ bắt đầu đúng 0 giờ ngày 17-6-2033…
Dù đã quá nửa đêm mà các sĩ quan cao cấp của ba binh chủng hải lục không quân vẫn còn tề tựu trong phòng hành quân thuộc bộ tư lệnh hải quân. Họ đang chăm chú theo dõi trận chiến xuyên qua tần số nội bộ của đội chiến hạm tấn công và chiếm đóng bốn cụm đảo Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khoai và Côn Sơn thuộc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Mọi người đều hướng ra cửa khi thấy trung sĩ nhất Chiến hấp tấp bước vào với mảnh giấy cầm trên tay. Không nói tiếng nào anh đưa bức công điện cho vị tư lệnh của mình. Giọng của Kiếm cất lên chầm chậm.
– VNK12 gởi Bộ tư lệnh hải quân… 00.30… hoàn tất đổ bộ… 00.45… kiểm soát phi trường… 01.00 chiếm đóng đồn công an… trại lính… nhà máy điện… 01.25… hoàn tất cuộc tấn công và chiếm đóng Côn Đảo…
5 phút sau Chiến lại bước vào phòng họp cầm theo xấp công điện được gởi từ khu trục hạm VNK6 Mai Thúc Loan báo tin đã hoàn tất cuộc đổ bộ và chiếm đóng Hòn Khoai; khu trục hạm VNK7 Triệu Quang Phục với kết quả đã làm chủ quần đảo Nam Du và cuối cùng khu trục hạm Ngô Quyền đã làm chủ quần đảo Thổ Chu.
17.
1-10-2033.
Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Hải Quân.
Chuẩn đô đốc Đoàn Tú Uyển, tư lệnh vùng 5 hải quân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngồi im trong phòng làm việc của mình. Bảy năm trước đây, lúc đang còn là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng của vùng 5 hải quân đóng tại đảo Phú Quốc thì một sự kiện trọng đại xảy ra. Nhà nước đã bán quần đảo Phú Quốc cho Phú Quốc.Org của Người Việt Hải Ngoại với giá rẻ mạt. Chuyện nhà nước bán, cho, nhượng, đổi, cho mướn chính thức hay bán chính thức thì không còn là việc lạ lùng với mọi người dân hay bất cứ sĩ quan cao cấp nào trong quân đội. Đảo Phú Quốc bị bán, dẫn tới chuyện bộ tư lệnh của vùng 5 hải quân phải dời về Rạch Giá. Một năm trước đây khi vị tư lệnh hồi hưu, Uyển được cấp trên thăng chức chuẩn đô đốc kiêm tư lệnh vùng 5 hải quân. Những tưởng mọi chuyện sẽ được êm xuôi để Uyển có thể an hưởng vài năm nữa trong quân ngũ trước khi về nghỉ hưu; thì đùng một sự kiện đột ngột xảy ra. Chính phủ của nước Việt Nam ở Phú Quốc, ngoài tiên liệu của đảng và nhà nước đã bất thình lình tấn công và chiếm đóng hai hòn Tre và Sơn Rái. Hành động gây hấn này khiến cho vị tư lệnh hải quân kinh ngạc rồi sau đó băn khoăn tự hỏi lý do nào thúc đẩy một quốc gia dân số ít và quân đội yếu kém lại có hành động gây hấn với nước láng giềng hơn hẵn họ về mọi mặt. Với chức vụ tư lệnh vùng 5 hải quân, Uyển đã báo cáo về bộ tư lệnh hải quân để xin chỉ thị. Cả tháng sau, Uyển mới nhận được lệnh của thượng cấp không được dùng quân đội để chiếm lại hai hòn đảo đã mất. Nhà nước mà đại diện là bộ chính trị đang có nhiều rối rắm nên không muốn có thêm rắc rối với bất cứ nước nào vì hai hòn đảo bé tí tị chỉ có vài trăm dân cư ngụ. Chỉ thị từ trung ương còn giải thích thêm, nhà nước sẽ sử dụng đòn phong tỏa kinh tế và ngoại giao để trả đũa lại nước láng giềng như ngưng hẵn các chuyến bay, cấm dân chúng mua bán, đi du lịch và đi ra Phú Quốc làm việc. Biện pháp này làm cho cả ngàn người dân trong tỉnh Rạch Giá bị thất nghiệp và nhiều cơ sở thương mại bị thất thu vì không bán được hàng hóa cho dân chúng của nước Việt Nam. Mọi chuyện đang lình xình và có thể sẽ bị nhà nước quên lãng. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của một người lính có 25 quân vụ, vị tư lệnh biết sẽ còn nhiều biến cố xảy ra nữa. Vì vậy mà ông ta đã chỉ thị cho đại tá Lân, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127 có căn cứ đóng tại Rạch Giá phải chuẩn bị đối phó với tình hình nghiêm trọng sẽ xảy ra. Lữ đoàn 127 có nhiều chiến hạm mới được trang bị vũ khí tối tân như hai chiếc HQ264 và HQ265. Chưa an tâm, Uyển còn ra lệnh cho các chiến hạm gia tăng sự tuần tra, thu thập tin tức về mọi hoạt động của hạm đội của nước Việt Nam. Sự đề phòng của vị tư lệnh cũng không ngăn cản được điều xảy ra đã phải xảy ra. Cách đây khoảng bốn tháng, đúng 00.00 giờ ngày 17-6-2033, vị tư lệnh vùng 5 hải quân bị ” sốc ” nặng khi nhận được tin hạm đội Phú Quốc của nước Việt Nam đồng loạt tấn công, chiếm đóng bốn quần đảo Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khoai và Côn Sơn. Tất cả bốn quần đảo đó đều nằm trong vùng trách nhiệm của vùng 5 hải quân thuộc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Mặc dù đã tiên liệu, đại tá Lân, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127 cũng phải sửng sốt khi nhận được công điện từ bốn quần đảo đó trước khi các chiến sĩ anh hùng của hải quân, cảnh sát biển phải buông súng đầu hàng. Hai chiến hạm tối tân nhất là HQ 264 và 265 bị trúng tên lửa của địch hầu như không phản pháo được nên phải rút chạy để tránh nguy cơ bị đánh chìm. Chưa hết. Hàng chục chiến hạm lớn nhỏ trong đó có HQ37 và HQ38 cũng bị hư hại nặng nhẹ. Mấy chục năm nay, đây là lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam mới bị người khác bạt tay một cái nháng lửa mà người bạt tay đó cũng lại là nước Việt Nam có mảnh đất nhỏ diện tích 700 cây số vuông.
Đang suy nghĩ miên man vị tư lệnh vùng 5 hải quân hơi quay nhìn ra cửa khi nghe có tiếng nói chuyện lao xao rồi ba quân nhân bước vào. Đó là đại tá Khởi, chính ủy; đại tá Lân, lữ đoàn trưởng 127, đại tá Nhiêu, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng vùng 5 hải quân. Chuẩn đô đốc Uyển đưa tay lên tỏ ý chào hỏi ba sĩ quan phụ tá. Ông ta hi vọng một điều là với 4 cái não của bốn người lính mà người nào cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm chiến đấu sẽ ” lên kế hoạch ” để đối phó với tình thế khó khăn.
– Mời anh Nhiêu nói trước…
Chuẩn đô đốc Uyển khôn khéo mời vị phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng nói trước vì biết vị sĩ quan tham mưu của mình là kẻ chịu khó suy tư, có đầu óc và lắm sáng kiến. Đặt xấp hồ sơ lên bàn, đại tá Nhiêu nhìn mọi người đang ngồi vây quanh chiếc bàn hình chữ nhật dài và rộng.
– Chúng ta đang phải đối đầu với một kẻ địch mà ta chưa biết nhiều về họ. Phòng quân báo của vùng 5 xuyên qua các tin tức của Tổng Cục Quân Báo của Bộ Quốc Phòng cũng chỉ cung cấp cho ta không nhiều chi tiết lắm về quân đội của nước Việt Nam, đặc biệt là hải quân của họ. Hạm đội Phú Quốc được đặt dưới quyền chỉ huy của đề đốc Kiếm. Hắn ta là cựu sĩ quan của hải quân nước Mỹ, mang cấp bậc trung tá trước khi giải ngũ. Về nhận chức vụ hạm trưởng một chiếc khu trục hạm, hắn được xem như là cấp chỉ huy xuất sắc cho nên hai năm sau được thăng cấp đại tá rồi sau đó là đề đốc khi làm tư lệnh hải quân. Hắn tỏ ra là con người có lý tưởng bởi vì dám từ bỏ đời sống đầy tiện nghi của nước tư bản để về trông coi một chiến hạm rồi lãnh chức tư lệnh với đồng lương ngàn đô la một tháng…
Chuẩn đô đốc Uyển với hai đại tá Lân với Khởi đều gật đầu đồng ý về nhận xét của Nhiêu. Phải giàu lòng hi sinh và tin tưởng vào lý tưởng của mình thì người ta mới thành kẻ tham bần phụ phú. Nếu Phú Quốc mà có nhiều cấp chỉ huy hay lãnh đạo có lý tưởng như vậy thì sẽ gây nhiều khó khăn cho họ.
– Có thể nói hầu hết lính của nước Việt Nam đều xuất thân từ quân đội của Hoa Kỳ mà vũ khí của họ sử dụng cũng là của Hoa Kỳ. Đó là một ưu điểm bởi vì họ thành thạo thứ vũ khí mà họ đã được huấn luyện và sử dụng rồi. Hạm đội Phú Quốc có 4 chiếc khu trục hạm thuộc lớp Spruance và 8 chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống gọi là ” Aegis combat system ”. Đó là một hệ thống dùng toàn máy điện toán tự động chỉ huy và điều khiển tất cả vũ khí trên tàu để chống lại sự tấn công của địch bao gồm tên lửa, tàu ngầm, tàu nổi và phi cơ. Nó tinh khôn tới độ khám phá vũ khí của địch từ khoảng cách thật xa, phân loại và đo lường vũ khí cũng như đề nghị cách đối phó. Tôi có thể nói với tư lệnh, đại tá chính ủy và đại tá lữ đoàn trưởng là chỉ cần năm ba chiếc khu trục hạm loại này họ có thể đánh chìm tất cả chiến hạm ở trong vùng 5 của ta. Chiếc khu trục hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ thuộc lớp Gepard 3.9 do nước đồng minh Nga Sô bán cho ta cũng không thể cự lại loại khu trục hạm lớp Arleigh Burke của địch. Kế đó địch còn có thêm 11 chiếc tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tận răng với tên lửa phòng không, tên lửa chống tàu ngầm, tên lửa chống tàu nổi, trọng pháo bắn tự động để bắn rơi hoả tiển của địch. Ngoài ra nó còn được trang bị thêm mấy dàn ngư lôi diệt tàu ngầm và hai chiếc trực thăng SH-60 Seahawk chuyên săn tàu ngầm. Trọng tải chín ngàn tấn với thuỷ thủ đoàn trên 300 người, nó là loại tàu tuần dương mà ngay cả tàu của Trung Quốc cũng chưa sánh được huống hồ gì ta…
Chuẩn đô đốc Uyển làm thinh trong lúc đại tá Khởi và đại tá Lân cau mày. Nhất là đại tá Lân, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127, người trực tiếp chỉ huy các chiến hạm của vùng 5 thì lo âu thầm trong lòng. Ông ta biết mình chạm mặt với kẻ địch có hạm đội mạnh nhất trong vùng Viễn Đông.
– Chúng ta cũng có tàu ngầm mà…
Đại tá Lân lên tiếng. Vị tham mưu trưởng của vùng 5 hải quân cười nhẹ.
– Tôi biết mình có Kilo 636 nhưng địch cũng có thứ dữ để chọi với mình. Anh biết loại tàu ngầm Gotland 19A và U Boat 2000 hay là A26 mà hãng Kockums lãnh đóng cho hải quân nước Thuỵ Điển rồi chứ gì. Nó được coi là loại tàu ngầm tối tân nhất trong các loại tàu ngầm trên thế giới. Nó còn mới hơn Kilo636 của ta. Chưa hết đâu, địch còn có sáu chiếc Oyashio của Nhật Bản nữa. Địch có tới mười hai chiếc mà ta chỉ có sáu. Vả lại bộ tư lệnh đâu có giao cho mình hết sáu chiếc Kilo để đánh nhau với tàu ngầm của địch. Địch còn có thêm 15 chiếc hộ tống hạm lớp Oliver Hazard Perry được chế tạo và trang bị các loại vũ khí chống tàu ngầm nên nó trở thành sát thủ của tàu ngầm. Ngay cả tàu ngầm Kilo của ta cũng phải cẩn thận khi hoạt động ở vùng Vịnh Thái Lan…
Trầm ngâm giây lát chuẩn đô đốc Uyển quay qua hỏi đại tá Lân.
– Mình còn bao nhiêu tàu có thể đánh nhau được?
– Thưa tư lệnh… Mình còn một ít như chiếc HQ359, HQ333, HQ332, HQ305; nhưng loại này là tàu tuần tra ven biển. Nó chạy nhanh song trang bị sơ sài. Không có tên lửa tầm xa tôi sợ…
Chuẩn đô đốc Uyển gật đầu làm thinh trong lúc giọng nói của vị tham mưu trưởng vùng 5 hải quân vang đều đều bên tai.
– Hạm đội Phú Quốc của địch có hai lực lượng nồng cốt là hạm đội tàu nổi và hạm đội tàu ngầm. Hạm đội tàu nổi của họ có ba loại tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu hộ tống. Đó là tôi không tính tới loại tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh có vận tốc cao và trang bị thủy lôi và tên lửa tối tân. 12 chiếc tàu khu trục, 11 chiếc tàu tuần dương, 15 chiếc tàu hộ tống và 12 tiềm thủy đỉnh, hạm đội của họ đáng cho chúng ta phải lên kế hoạch một cách chu đáo. Tôi đề nghị với tư lệnh và chính ủy là ta cần phải làm các việc sau đây. Đầu tiên ta phải xin bộ tư lệnh hải quân cấp cho ta chiếc hộ tống hạm HQ011 Đinh Tiên Hoàng hoặc HQ012 Lý Thái Tổ hoặc cả hai càng tốt. Thứ nhì ta phải xin bộ tư lệnh đặc phái cho vùng 5 của ta vài chiếc như chiếc HQ376. Nó là loại tàu tuần duyên có vận tốc nhanh tới 76 cây số một giờ được trang bị một khẩu pháo đa năng AK-176M bắn đạn 76 ly, hai khẩu pháo AK-630 bắn tự động đạn 30 ly. Ngoài ra nó còn được trang bị 4 dàn phóng tên lửa chống hạm có tầm bắn xa 130 cây số bay với vận tốc cận âm. Hải quân ta có 12 chiếc loại này. Vùng 5 của ta được biên chế hai chiếc HQ 375, HQ376. Chiếc 375 thì đang nằm ụ chờ sửa chữa. Còn chiếc 376 thì bị thiệt hại nhẹ trong cuộc hải chiến với tàu địch vừa qua…
Đại tá Lân nhè nhẹ gật đầu như công nhận lời nói của vị tham mưu trưởng của mình.
– Sở dĩ trong trận hải chiến ngắn ngủi vừa rồi mà ta bị thiệt hại nặng vì hai yếu tố sau. Thứ nhất, ta không ngờ địch tấn công một cách chớp nhoáng với hoả lực mạnh mẽ. Thứ nhì, ta thiếu kinh nghiệm giao tranh. Mấy chục năm nay trừ cuộc hải chiến với Trung Quốc ở Trường Sa năm 1988 cho tới bây giờ ta có thực sự đánh nhau với nước nào đâu. Thực tập, huấn luyện, thao dượt thì có, mà quý vị cũng biết đó là chiến tranh giả nên lính tráng lại mang tâm lý lơ là. Bây giờ đụng trận thật dĩ nhiên họ đâm ra mất bình tỉnh, phản ứng chậm và không thích hợp. Huống chi tàu địch lại được trang bị vũ khí tối tân có thể bắn nhanh, bắn xa và bắn chính xác. Ta thua là phải rồi. Điều tôi muốn nói ở đây là, nếu biết mình yếu thế hơn địch nên muốn đánh trả lại chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch đàng hoàng, thủng thẳng thám sát, điều tra, nghiên cứu cái mạnh và cái yếu của địch để rồi sau đó đem cái mạnh của ta đánh vào cái yếu của địch. Kể luôn cả quần đảo Trường Sa thì vùng biển do ta cai quản có hơn 140 đảo to nhỏ lớn bé với tổng diện tích 150 ngàn cây số vuông có bờ biển dài 500 cây số. Đó là một diện tích quá rộng so với tàu thuyền mà ta có được. Bây giờ địch đã chiếm đóng gần hết các quần đảo quan trọng rồi nên ta không dễ gì mà đòi lại được…
Ngừng lại giây lát để uống ngụm nước lạnh và cũng để có thời giờ sắp xếp lại lời nói của mình, vị tham mưu trưởng vùng 5 hải quân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nói bằng giọng nghiêm trọng.
– Theo cái sở kiến của tôi thì tình hình còn có chiều nghiêm trọng hơn với nhiều biến chuyển sẽ xảy ra có tầm vóc đa quốc gia chứ không phải riêng vùng 5 của ta đâu. Địch có ý định gì khi đánh chiếm cùng một lúc bốn quần đảo của ta…
Đang im lặng đại tá Khởi, chính uỷ chợt lên tiếng.
– Chia phần vùng Vịnh Thái Lan và quần đảo Trường Sa. Phải đại tá muốn nói như vậy không?
Vị tham mưu trưởng của vùng 5 hải quân mỉm cười nhìn mọi người. Nụ cười của ông ta như một xác nhận. Chuẩn đô đốc Uyển hắng giọng.
– Phú Quốc là nước nhỏ. Tuy có một ít nguồn lợi như du lịch, hải sản song cũng không đủ để họ chi dùng. Họ biết muốn trở thành một quốc gia lớn mạnh thì phải có nguồn tiền bạc khác. Đó là dầu hoả. Cách đây mấy năm họ sử dụng cả văn lẫn võ đòi chia với nước ta số tiền thu được trong vụ khai thác dầu hoả ở thềm lục địa của đảo Thổ Chu. Vốn yêu chuộng hoà bình với lại nhận thấy đòi hỏi của họ chính đáng nên bộ chính trị và nhà nước đã thoả mãn yêu sách của họ. Cũng vì vậy mà họ mới được đằng chân lân đằng đầu, đánh chiếm bốn quần đảo của ta. Đánh lấy Côn Đảo là họ muốn mở đường ra Trường Sa đấy. Đặt một đài ra đa nơi đảo này, họ có thể giám thị được mọi hoạt động của hải quân của các nước đang đóng ở Trường Sa…
Đại tá Khởi chợt ứng tiếng ngắt lời chuẩn đô đốc Uyển. Chỉ có ông ta mới là người không ngại mất lòng vị tư lệnh vùng 5 hải quân.
– Tôi có ý kiến như thế này. Quý vị nên nhớ đây là ý kiến riêng của tôi mà thôi. Do đó quý vị thấy được thì chúng ta sẽ xúc tiến bằng không thì bỏ qua…
Đại tá Nhiêu mỉm cười khi nghe vị chính uỷ vùng 5 hải quân rào đón khi nêu ý kiến. Chuẩn đô đốc Uyển hắng giọng.
– Mời đại tá cho nghe…
– Theo như lời anh Nhiêu nói thì địch đánh chiếm 4 quần đảo của ta nhằm mục tiêu khác. Đánh chiếm đảo của ta chỉ là diện mà mở đường ra Trường Sa mới là điểm. Ta thua trận đầu rồi vì lý do bất ngờ và lực lượng yếu hơn chúng. Bây giờ nếu đánh nữa thì ta cũng sẽ thua vì chiến hạm của ta cũng chẳng cự lại được với hạm đội của địch. Chi bằng ta bỏ luôn bốn quần đảo đó cho chúng quản lý. Dầu hoả thì vùng Vịnh Thái Lan cũng chẳng còn bao nhiêu. Nó chẳng đáng giá cho ta tranh giành với chúng. Như thế có lợi hơn là đem toàn lực của vùng 5 để giành lấy mấy hòn đảo ít dân và không có giá trị về chiến thuật và chiến lược gì đối với ta. Để cho địch mở đường ra Trường Sa thì thế nào chúng cũng đụng với hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Nếu hai bên choảng nhau thì thế nào nước nhỏ cũng thua. Lúc đó nương thế chúng thua Trung Quốc, hạm đội bị thiệt hai nặng; ta dốc toàn lực đánh chúng lấy lại bốn quần đảo bị mất và có thể luôn cả đảo Phú Quốc nữa…
Đại tá Lân, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127 tàu chiến của vùng 5 hải quân bật cười rè khi nghe vị đại tá chính uỷ luận. Ngay cả đại tá Nhiêu và chuẩn đô đốc Uyển cũng gật gù mỉm cười.
– Nếu tư lệnh và anh Nhiêu bằng lòng thì tôi sẽ bay về Hà Nội trình lên bộ chính trị để chúng ta án binh bất động mặc cho địch quản lý bốn quần đảo trên. Hoặc để khỏi mất thể diện thì nhà nước sẽ dùng đòn ngoại giao đưa họ ra trước Liên Hiệp Quốc để nhờ phân xử…
Chuẩn đô đốc Uyển gật đầu. Thâm tâm của vị tư lệnh cũng không muốn đánh vì biết đánh thì mình sẽ lãnh phần bại nhiều hơn thắng; mà bại thì ông ta có thể bị bay chức tư lệnh. Do ở sự quen biết riêng tư, ông ta biết được có rất nhiều người đang ngắm nghé cái ghế tư lệnh vùng 5 hải quân. Còn đại tá Nhiêu cũng nhận thấy ý kiến của vị đại tá chính uỷ rất phù hợp với tình hình hiện tại. Hãy để bộ chính trị và nhà nước lo trước đi. Nếu thượng cấp giàn xếp được bằng phương pháp hoà đàm thì đở tốn xương máu của binh sĩ một cách vô ích. Đánh thắng thì cũng chẳng lợi lộc gì mà bại thì có cơ bị bay chức.
Cuối cùng chuẩn đô đốc Uyển lên tiếng và câu nói của ông ta có nghĩa như là một cái lệnh.
– Tôi đồng ý với anh Khởi. Khi nào thì anh đi Hà Nội?
– Sáng mai thưa tư lệnh. Việc càng được giải quyết sớm chừng nào càng tốt cho ta chừng đó. Sáng mai tôi sẽ lấy trực thăng bay về Sài Gòn rồi đáp máy bay đi Hà Nội…
Nói xong đại tá Khởi kiếu từ đi lo công chuyện để sáng mai về Sài Gòn sớm. Còn lại ba người vẫn im trong phòng suy nghĩ. Lát sau chuẩn đô đốc Uyển mới hắng giọng nói cùng hai sĩ quan thân tín của mình.
– Tôi nghĩ bộ chính trị sẽ không nghe lời đại tá Khởi đâu. Mất thể diện và quyền lợi to tát thì họ đâu có chịu. Mất Côn Đảo nhà nước đâu có thu được tiền tỉ. Các công ty dầu hoả sẽ áp lực với bộ chính trị để nhà nước phải dùng giải pháp quân sự chiếm lại các quần đảo trên. Thế nào họ cũng bắt ta đánh. Thắng bại gì ta cũng phải đánh. Tôi sẽ gọi điện thoại nói chuyện với tư lệnh xin được cấp thêm chiến hạm…
Quay qua nhìn đại tá Lân, vị tư lệnh vùng 5 hải quân tiếp nhanh.
– Anh hãy đốc thúc nhân viên sửa chữa chiếc 375 cho xong rồi chuẩn bị súng ống, đạn dược và xăng nhớt cho đầy đủ. Tôi sẽ nói chuyện với tướng Hào của sư đoàn 370 để xin ông ta tăng cường cho mình phi đội SU-27…
– Tư lệnh định ăn thua đủ với địch à?
Đại tá Lân cười hỏi đùa. Chuẩn đô đốc Uyển gật đầu.
– Hổng đánh thì thôi mà đánh thì ta phải vỗ cho vỡ mặt địch ra…
Đại tá Lân cười ha hả rời phòng. Đại tá Nhiêu thấp giọng nói xuống dù trong phòng chỉ còn lại hai người.
– Tôi sẽ phái toán thám sát biển dò tìm xem tàu địch đang ở đâu. Đánh mà không biết địch làm gì và ở đâu thì khó thắng lắm…
Nói xong vị tham mưu trưởng lặng lẽ rời phòng để lại chuẩn đô đốc Uyển còn ngồi trầm ngâm với ít nhiều suy tư và lo nghĩ.
18.
1-12-2033.
HQ 011 Đinh Tiên Hoàng và HQ 012 Lý Thái Tổ hải hành ngang qua thành phố Phan Thiết khi mặt trời vừa ló lên khỏi mặt nước của Biển Đông. Đó là hai chiếc hộ tống hạm do cơ xưởng đóng tàu Zelenodolsk của Nga Sô đóng với giá tiền 350 triệu đô la và bàn giao cho hải quân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào năm 2011. Tính đến nay nó đã được hai mươi hai năm cũ rồi. Chiều dài 102 mét, ngang 13 mét, trọng tải tối đa 1900 tấn, vận tốc 28 hải lý một giờ với tầm hoạt động xa lên tới 7 ngàn cây số; HQ011 và HQ012 là hộ tống hạm thuộc lớp Gepard 3.9 được trang bị các dàn tên lửa chống máy bay, chống tàu nổi và ngư lôi chống tàu ngầm. Có thể nói hai chiếc tàu nổi này là chiến hạm chủ lực của hải quân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu ở trên mặt nước, hộ tống hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ là chiến hạm chủ lực thì ở dưới mặt biển sâu, sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636MV do Nga Sô chế tạo là thứ vũ khí đáng sợ nhất cho bất cứ tàu địch nào lăm le xâm nhập vùng biển Việt Nam một cách bất hợp pháp. Nằm trong lữ đoàn tàu ngầm 189, sáu tiềm thủy đỉnh mang tên các thành phố lớn hoặc nổi tiếng hay ở vùng duyên hải như HQ 182 Hà Nội, HQ 183 Sài Gòn, HQ 184 Hải Phòng, HQ 185 Đà Nẵng, HQ 186 Khánh Hòa, HQ 187 Bà Rịa Vũng Tàu. Hôm nay hai chiếc HQ185 và HQ186 được lệnh tháp tùng hạm đội đặc nhiệm từ ngoài bắc vào trong nam tham gia chiến dịch tái chiếm bốn quần đảo Côn Sơn, Hòn Khoai, Nam Du và Thổ Chu. Ngoài vị thế chiến thuật biển, bốn cụm đảo này nằm trong vùng biển có diện tích hơn trăm ngàn cây số vuông với nguồn tài nguyên thiên nhiên như hải sản, dầu hỏa và khí đốt. Đó cũng là lý do khiến cho bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam không thể để cho nó vuột ra khỏi sự kiểm soát của mình. Bộ chính trị đã ra lệnh cho bộ tư lệnh hải quân điều một loạt chiến hạm tối tân dưới quyền chỉ huy của chuẩn đô đốc Nguyễn Tấn Lễ vào nam. Dàn theo đội hình tác chiến với HQ 012 Lý Thái Tổ dẫn đầu; soái hạm HQ 011 Đinh Tiên Hoàng đi chính giữa; song song hai bên phải trái soái hạm là hai tuần duyên hạm HQ371 và HQ372. Hai chiếc tuần duyên hạm này thuộc lớp tàu Molniya của Nga, vận tốc 60 cây số một giờ, có bốn dàn phóng tên lửa KH-35-URAN-E được thiết trí hai bên hông tàu. Đi sau gồm hai chiếc HQ373 và HQ374. Đâu đó dưới làn nước biển âm u, hai chiếc Kilo âm thầm hộ tống. Khi tới Vũng Tàu, đoàn chiến hạm này sẽ được hai chiếc tuần duyên hạm HQ271 và HQ272 tháp tùng theo. Với ngần ấy chiến hạm trang bị tận răng cộng thêm lực lượng tàu cơ hữu của vùng 5 hải quân, phó đô đốc Lễ hi vọng có thể đè bẹp hạm đội của địch để tái chiếm lại các hòn đảo đã bị mất. Vốn tính cẩn thận và biết người biết ta, vị tướng hai sao của hải quân không hi vọng chiếm lại hết bốn quần đảo mà chỉ mong chiếm được hai hoặc ba mà thôi. Quần đảo Thổ Chu ở xa ngoài biển khó mà giữ được, vì muốn tái lập chủ quyền đảng với nhà nước phải có một hạm đội hùng mạnh. Đó là điều khó có thể thực thi được vì hải quân còn phải lo ở mặt bắc và giữ gìn các đảo ở Trường Sa nữa. Có thể nói đảng và nhà nước Việt Nam có quá nhiều rắc rối ở trên biển và nó vượt ngoài khả năng của hải quân. Với bờ biển dài hơn ba ngàn cây số và vô số hải đảo phải kiểm soát, hải quân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần có một lực lượng tàu chiến đông gấp năm lần số mà họ đang có để chu toàn trách nhiệm. Bởi vậy mà vị tư lệnh hải quân có thòng một câu khi giao quyền chỉ huy hạm đội đặc nhiệm cho tướng Lễ: ” Anh liệu coi đánh thắng được thì đánh, mà nếu nhắm đánh không thắng thì đừng có đánh để tiêu hao chiến hạm của ta. Cứ để cho tình hình thêm bi đát thì lúc đó bộ chính trị sẽ phải dùng tới giải pháp chính trị để điều đình…”
Đoàn chiến hạm buông neo ở vụng biển Vũng Tàu cho thuỷ thủ nghỉ ngơi sau chuyến hải hành dài. Chuẩn đô đốc Lễ mở cuộc họp hành quân trên soái hạm HQ011 Đinh Tiên Hoàng với sự hiện diện của các hạm trưởng nằm dưới quyền chỉ huy của ông ta. Sau một màn ăn nhậu, vị tướng hải quân có hơn 25 quân vụ luận trong lúc chỉ vào bản đồ của quần đảo Côn Sơn.
– Theo tôi địch chiếm đóng Côn Đảo nhằm vào hai mục tiêu quân sự và kinh tế. Về kinh tế thì chắc các đồng chí cũng biết rồi nên tôi sẽ không đề cập đến. Riêng về diện quân sự thì Côn Đảo là bàn đạp mà địch cần phải có để nhòm ngó Trường Sa hay nói cách khác là trực tiếp tham gia vào cuộc tranh chiếm quần đảo ngoài Biển Đông đang được chiếm đóng bởi ta, Trung Quốc, Đài Loan và nước Phi…
Ngừng lại nhìn các sĩ quan thuộc quyền giây lát, tướng Lễ hắng giọng tiếp.
– Côn Sơn nằm vào khoảng gần nửa đường từ Phú Quốc đi Trường Sa. Nếu có được một căn cứ quân sự gồm hải lục không quân tại Côn Đảo, địch sẽ có mặt thường xuyên để can thiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn ở Phú Quốc nếu có xung đột xảy ra tại Trường Sa. Ngoài ra từ Côn Đảo vào đất liền không đầy trăm cây số do đó địch cũng có thể phóng ra các toán thám sát biển xâm nhập vào vùng ven biển của ta ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh để phá hoại và thu lượm tin tức tình báo. Theo tôi, Côn Đảo quan trọng hơn ba quần đảo kia. Tái chiếm được Côn Đảo là ta có thể hoàn thành nhiệm vụ rồi…
Tất cả các sĩ quan tham dự buổi họp đều có cấp bực cao, nhiều kinh nghiệm và kiến thức quân sự nên biết rằng việc tái chiếm Côn Đảo không phải dễ dàng và mau lẹ được. Giống như họ, địch cũng biết sự quan trọng của Côn Đảo cho nên sẽ đóng chốt tử thủ để chờ đợi họ với đủ mọi thứ vũ khí tối tân nhất.
– Địch biết ta bằng mọi giá phải lấy lại Côn Đảo nên sẽ dàn quân chờ đợi. Trước khi mở cuộc công kích ta cần biết một vài điều cơ bản như địch có bao nhiêu tàu chiến, loại gì, đóng ở đâu. Ngày mốt chiếc tiềm thủy đỉnh HQ184 Hải Phòng của ta sẽ chở theo toán thám sát biển dọ thám tình hình trước. Khi toán thám sát biển trở về mang theo tin tức cần biết thì sau đó tôi sẽ nhờ bên không quân cho máy bay tuần tra lần nữa trước khi ta mở cuộc họp, với sự tham dự của các sĩ quan tham mưu cao cấp của vùng 5 để lên kế hoạch…
Ngừng nói, chuẩn đô đốc Lễ nhìn trung tá Tiến, lữ đoàn 1 đặc công xung kích, đơn vị có nhiệm vụ đổ bộ và đánh chiếm các vị trí phòng thủ của địch trong chiến dịch tái chiếm các quần đảo.
– Tôi để đồng chí trung tá toàn quyền lựa chọn một toán thám sát biển bí mật xâm nhập Côn Đảo thu lượm tin tức xong trở về báo cáo cho bộ tư lệnh hành quân. Phối hợp tin tức của toán thám sát biển với tin tình báo của tổng cục tình báo, tin tức của vùng 5 hải quân và không ảnh của máy bay tuần thám bên không quân, tôi sẽ lên kế hoạch sau…
Các vị hạm trưởng lục tục rời phòng lo chuẩn bị. Thấy cấp chỉ huy ra hiệu cho mình, trung tá Tiến ngồi nán lại chờ nhận chỉ thị.
– Anh tính vào chỗ nào?
Phó đô đốc Lễ hỏi trung tá Tiến trong lúc nhìn vào bản đồ của cụm đảo Côn Sơn. Ngoài ra ông ta cũng gọi trung tá Tiến bằng tiếng ” anh ” chứ không gọi bằng hai tiếng đồng chí. Quan sát bản đồ giây lát Tiến đáp nhanh.
– Chỗ này thưa tư lệnh…
Tiến chỉ vào Hòn Tre Nhỏ nằm ở hướng tây bắc của hòn Côn Đảo.
– Chiếc 184 sẽ thả toán biệt kích biển vào quần đảo Côn Sơn để chụp hình căn cứ hải quân hoặc các chiến hạm của địch…
****
Phú Quốc đảo. Bộ tư lệnh hải quân. Phòng hành quân. Hiện diện trong buổi họp hành quân hôm nay ngoài các vị hạm trưởng các chiến hạm còn có thêm sự có mặt của các sĩ quan cấp úy. Đó là một biệt lệ vì thường thường với những buổi họp hành quân quan trọng chỉ có các sĩ quan cấp tá đảm nhiệm chức vụ hạm trưởng mới được mời. Hôm nay, mọi người đều thấy có sự tham dự của mấy chục thuyền trưởng các tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh có cấp bực từ trung úy trở xuống. Đang trò chuyện với nhau mọi người vội im lặng khi thấy ba vị tướng của hải quân bước vào. Đề đốc Kiếm, tư lệnh hải quân đi chính giữa; bước song song với ông ta là phó đề đốc Minh, tư lệnh phó bên trái và phó đề đốc Thịnh, tham mưu trưởng đi bên phải. Ra hiệu cho mọi sĩ quan các cấp ngồi xuống xong xuôi, tư lệnh Kiếm hắng giọng.
– Tôi triệu tập buổi họp bất thường và cấp bách ngày hôm nay vì phó đề đốc An, tư lệnh chiến dịch Trường Sa đóng ở Côn Sơn gọi điện báo cho tôi biết là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã phái một hạm đội vào tới Vũng Tàu dưới quyền chỉ huy của chuẩn đô đốc Lễ. Theo những gì tôi biết thời vị tướng hai sao của hải quân này là một sĩ quan tham mưu giỏi, có uy tín và khả năng cùng kinh nghiệm tác chiến biển rất dồi dào. Hạm đội của ông ta có hai chiếc hộ tống hạm HQ011 Đinh Tiên Hoàng và HQ012 Lý Thái Tổ. Hai chiếc này thuộc lớp Gepard của Nga Sô. Ngoài ra ông ta còn có thêm chừng chục chiến hạm nữa thuộc các loại tuần duyên hạm tuy nhỏ song có tốc độ nhanh và trang bị pháo tự động với tên lửa. Đó là chưa kể các chiến hạm thuộc vùng 5 hải quân của tướng Uyển đóng ở Rạch Giá. Nếu gom hết các tàu chiến lớn và nhỏ của họ lại thì tướng Lễ có trong tay chừng hai mươi tới hai mươi lăm chiếc…
Ngừng lại giây lát như để suy nghĩ rồi tướng Kiếm hắng giọng tiếp.
– Với sự góp ý của tư lệnh phó và tham mưu trưởng, ba chúng tôi đề ra phương thức điều binh để đánh chìm hạm đội của tướng Lễ. Đó là cách dùng nhỏ đánh lớn, dùng nhanh đánh chậm, dùng nhiều đánh ít. Lần nay ta không dùng các chiến hạm lớn trang bị vũ khí tối tân mà ta sẽ dùng các khinh tốc đỉnh do hải quân công xưởng của ta chế tạo để đánh nhau với tàu chiến của địch. Các chiến hạm lớn chỉ dùng để ứng trực trong trường hợp các khinh tốc đỉnh không thể đè bẹp được tàu địch mà thôi. Bởi vậy mà tôi mới cho mời các vị thuyền trưởng của các tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh lên đây hội họp và nhận chỉ thị từ phòng hành quân của bộ tư lệnh…
Dứt lời đề đốc Kiếm ra lệnh cho các thuyền trưởng của tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh theo chân phó đề đốc Thịnh vào phòng riêng hội họp, trong lúc ông ta họp bàn với các vị hạm trưởng tàu nổi và tàu ngầm. Hướng về ba vị hạm trưởng của ba tàu tấn công và đổ bộ, ông ta ra lệnh.
– Ở Côn Sơn ta có chừng mười mấy chiếc tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh. Tuy nhiên bao nhiêu đó chưa đủ để đánh chìm hạm đội của tướng Lễ. Ba ông cấp tốc đem hết mấy chục chiếc khinh tốc đỉnh đang ở Phú Quốc tới giao cho đại tá An ở Côn Sơn. Phải giữ kín công tác này vì nếu địch biết thời mưu kế của ta sẽ không thi hành được…
Ba hạm trưởng ba chiếc tàu tấn công và đổ bộ lãnh lệnh lập tức rời phòng. Tướng Kiếm nói với ba hạm trưởng của ba chiếc khu trục hạm VNK11, tuần dương hạm VNT 9 và hộ tống hạm VNH 7 là trung tá Miên, trung tá Cương và thiếu tá Bình.
– Phần ba ông đi lên cù lao Thu dàn trận ở đó chờ tướng Lễ rút tàu về bắc tới ngang đây thì đổ ra đánh thêm một trận nữa. Nếu đánh chìm được số chiến hạm còn lại của ông ta thì lực lượng của hải quân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ suy giảm nhiều lắm…
Ba hạm trưởng rời phòng họp. Đề đốc Kiếm quay nhìn vào chỗ Jack và các vị hạm trưởng của các tàu ngầm.
– Tôi chưa biết được tướng Lễ mang bao nhiêu tàu ngầm vào Nam nhưng nếu có chắc cũng không nhiều lắm. Họ có sáu chiếc Kilo thì nếu đem chắc chỉ chừng ba chiếc thôi. Ông nghĩ mình cần bao nhiêu?
Jack trả lời liền sau câu hỏi của cấp chỉ huy.
– Nếu họ đem ba thì mình cũng đem ba… Một chọi một cho nó công bằng. Mình đem nhiều hơn thì họ nói mình ỷ mạnh ăn hiếp anh em trong nhà…
Mọi người bật cười khi nghe câu trả lời của vị tư lệnh tàu ngầm. Mỉm cười, tướng Kiếm thốt nhanh.
– Tôi để anh tùy nghi chọn chiếc nào cũng được…
Nói xong ông đứng lên có ý giải tán buổi họp để đi lo chuyện khác. Jack cùng với các hạm trưởng leo lên xe jeep đi về căn cứ dành riêng cho tàu ngầm ở Mũi Ông Đội.
Buổi họp được đặt dưới sự chủ toạ của chuẩn đô đốc Lễ, tư lệnh chiến dịch và các sĩ quan tham mưu của ông ta cùng với các vị hạm trưởng. Ngoài ra còn có sự tham dự của chuẩn đô đốc Uyển, tư lệnh vùng 5 hải quân, đại tá Nhiêu, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng và đại tá Lân, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127.
– Trước khi đi sâu vào chi tiết của buổi họp hôm nay tôi xin trình bày về tình hình của địch ở cụm đảo Côn Sơn mà toán thám sát biển đã thu thập được. Địch có chừng một tiểu đoàn bộ binh đóng giữ các cứ điểm quan trọng như đài truyền tin, phi trường, nhà máy điện, cầu tàu. Địch cũng đã điều tới Côn Sơn một phi đội trực thăng vũ trang, một pháo đội 155 ly. Riêng về lực lượng tàu chiến thì hình như toán thám sát biển đã không tìm ra chiếc nào neo đậu tại vùng biển Côn Sơn. Đó là một điều lạ…
Ngừng lại nhìn mọi người trong phòng họp giây lát xong ông ta mới hắng giọng tiếp.
– Tôi đã ra lịnh cho hai chiếc tàu ngầm bí mật thám thính các vị trí mà tàu có thể neo đậu hoặc nguỵ trang để che giấu không cho ta thấy được quanh các Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trưng, Hòn Cau, Hòn Bãi Cạnh, Hòn Tai, Hòn Chát và vụng biển của Hòn Bà mà cũng không thấy dấu vết khả nghi nào về tàu chiến của địch. Không lẽ chúng không có tàu hoặc có tàu mà ta không tìm ra…
Đợi cho chuẩn đô đốc Lễ ngưng nói xong vị tư lệnh vùng 5 hải quân mới thong thả lên tiếng.
– Tôi nghĩ là ta không tìm thấy chứ địch không vướng cái lỗi sơ đẳng là không dàn quân chờ. Ta không tìm thấy tàu không có nghĩa là không có tàu. Địch có mấy tháng trời để tìm chỗ kín đáo che giấu tàu của chúng mà máy bay thám thính và toán thám sát biển không tìm ra được…
Tới phiên đại tá Nhiêu, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng vùng 5 nhập cuộc họp bàn bằng câu nói.
– Tôi đồng ý nghĩ với tư lệnh của tôi. Muốn biết địch có tàu hay không ta sẽ thử bằng cách phái một hoặc hai chiếc tàu tuần duyên đi sâu vào vùng biển Côn Sơn. Nếu có tàu trú ẩn tất nhiên địch sẽ phải ra mặt. Đây là cách thử và nhử địch…
Chuẩn đô đốc Lễ gật gù tỏ vẻ đồng ý. Trong lúc vị tư lệnh vùng 5 hải quân lên tiếng.
– Tôi cũng thấy cách thức đó tiện và lợi. Chỉ cần hai chiếc HQ371 và HQ372 thôi. Anh Lễ nghĩ sao?
Đề nghị của vị tư lệnh vùng 5 hải quân dĩ nhiên được chuẩn đô đốc Lễ đồng ý trên nguyên tắc. Quay qua hai vị hạm trưởng của hai chiếc tuần duyên hạm, ông ta cười nói.
– Hai anh chia nhau, một đi vào mặt đông còn một đi vào mặt tây của Côn Đảo. Nhớ cẩn thận quan sát khi nào thấy bóng tàu địch xuất hiện thì rút lui ngay…
Sau khi vượt quãng đường dài, hai chiếc tuần duyên hạm HQ371 và HQ372 bắt đầu vào vùng biển chỉ cách quần đảo Côn Sơn độ hai mươi hải lý. Dàn khoan dầu nổi rải rác trên biển xanh với cột khói đen cao ngất. Biển thật lặng. Thiếu tá Ánh, hạm trưởng HQ371 đứng trước mũi tàu với chiếc ống dòm treo tòn ten trên cổ. Bên cạnh anh, hạ sĩ Điền cũng đang dùng ống dòm quan sát quần đảo Côn Sơn xanh um nổi lên trên biển. Có mười lăm năm kinh nghiệm của một sĩ quan hải quân, anh biết mình đang đi vào vùng biển do địch kiểm soát với vô số vũ khí tối tân có tầm bắn xa mấy trăm cây số. Vốn ham học hỏi và tìm hiểu, anh đã tự mình tìm kiếm tài liệu để biết về hải quân của các nước trên thế giới, đặc biệt ba nước có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Cộng. Dù không biết nhiều về hạm đội Phú Quốc, song anh cũng đoán được các chiến hạm của họ đều được đóng từ Hoa Kỳ.
– Hạm trưởng có thấy gì không hạm trưởng?
Từ phòng chỉ huy bước ra đại uý Cương, hạm phó lên tiếng hỏi.
– Chẳng thấy cái gì hết… Tôi không nghĩ là họ không có tàu song nhìn thì chẳng thấy… Thật kỳ lạ…
Đưa ống dòm lên quan sát giây lát, Cương cũng lắc đầu nhè nhẹ.
– Tôi có cảm giác lạ lắm… Giống như mình bị ai đó rình…
Đang chăm chú nhìn hạ sĩ Điền chợt ứng tiếng.
– Hạm trưởng và hạm phó coi nè… Có chiếc tàu nhỏ chạy lại…
Thiếu tá Ánh và đại uý Cương đồng loạt đưa ống dòm lên quan sát. Xa xa về hướng đông họ thấy có một chiếc tàu nhỏ đang chạy về hướng tàu của họ. Chiếc tàu này chạy nhanh nên chỉ chừng mươi phút sau đã thấy rõ hình dáng trong ống kính.
– Khinh tốc đỉnh của địch…
Thiếu tá Ánh lên tiếng trước. Chiếc khinh tốc đỉnh đảo một vòng tròn thật lớn quanh chiếc 371. Loa phóng thanh trên tàu vang vang nhiệm sở tác chiến. Lính túa ra bong tàu rồi biến mất trong các ụ súng cộng đồng hoặc dàn phóng hoả tiển đặt hai bên hông. Tuy nhiên chiếc khinh tốc đỉnh chỉ đảo một vòng tròn lớn rồi sau đó lại quay đầu chạy đi và cuối cùng biến mất sau hòn đảo xanh rì. Thiếu tá Ánh im lìm nghĩ ngợi. Lệnh của chuẩn đô đốc Lễ nếu thấy tàu địch xuất hiện thì anh phải rút lui ngay. Nay tàu địch đã xuất hiện thì anh có thể quay về cũng không làm trái lệnh của cấp chỉ huy. Tuy nhiên chỉ có một chiếc tàu bé ti ti thì chưa đủ để chứng tỏ địch có các chiến hạm lớn như khu trục, tuần dương hoặc hộ tống hạm. Im lìm suy nghĩ giây lát Ánh trở vào phòng chỉ huy ra lệnh tiến sâu thêm chút nữa vào tử địa. Chiếc tàu có hơn năm mươi thuỷ thủ lừ lừ nhắm hướng đảo Côn Sơn tiến vào. Qua tần số liên lạc nội bộ, chiếc 372 cũng cho biết không thấy chiến hạm nào trừ mấy chiếc khinh tốc đỉnh xuất hiện rồi cũng biến mất luôn. Hơi vững lòng khi biết chiếc HQ372 cũng không gặp chiến hạm nào của địch, Ánh ra lịnh tiến sát vào đảo Côn Sơn còn cách năm hải lý mới dừng lại. Ba chiếc ống dòm với sáu con mắt cộng thêm ra đa quét sóng 180 độ mà cũng không phát hiện ra tàu địch, Ánh điện về bộ chỉ huy hành quân báo cáo tình hình. Một giờ sau anh được lịnh rút ra khỏi vùng biển do địch kiểm soát.
Chiến dịch tái chiếm lại quần đảo Côn Sơn bắt đầu lúc 00.00 giờ ngày 15 tháng 1 năm 2034 bằng lệnh tiến quân của chuẩn đô đốc Lễ được truyền tới tất cả các chiến hạm tháp tùng. Ngồi yên trên chiếc ghế dành riêng cho mình nơi đài chỉ huy của soái hạm Đinh Tiên Hoàng, vị tướng một sao của hải quân im lìm nghĩ ngợi. Mặc dù đích thân hai vị hạm trưởng chiếc HQ371 và HQ372 báo cáo không thấy sự xuất hiện của bất cứ loại chiến hạm lớn nào của địch trừ mấy chiếc khinh tốc đỉnh nhưng không có nghĩa là không có. Địch không ngây thơ hoặc thiếu kinh nghiệm như vậy trừ khi họ đã nguỵ trang khéo tới độ máy bay do thám, toán thám sát biển và tàu quan sát cẩn thận vẫn không tìm ra. Dù sao thì ông ta cũng không còn có chọn lựa nào hơn điều hạm đội của mình đi vào đất địch. Lệnh của cấp chỉ huy phải tái chiếm lại bốn quần đảo bằng mọi giá. Nhất là quần đảo Côn Sơn nơi có rất nhiều giàn khoan dầu. Ông ta cũng biết mình với địch tranh giành mấy hòn đảo cũng chỉ tài nguyên nằm dưới đáy biển. Khí đốt và dầu thô là nguồn tiền bạc của quốc gia, do đó bộ chính trị bắt quân đội phải đánh dù biết đánh có thể thua và hy sinh tính mạng của binh sĩ. Nhân viên trên chiến hạm đều nằm trong tình trạng căng thẳng và chờ đợi điều mà họ biết phải xảy ra. Ra đa quét sóng tối đa. Hệ thống thuỷ âm định vị được làm việc liên tục để dò tìm tàu ngầm. Các ổ pháo đều sẵn sàng tác xạ. Hai giàn tên lửa chờ đợi để phóng. Tuy nhiên tất cả chỉ chờ đợi. Muốn tác xạ phải có mục tiêu mà trên mặt biển chẳng thấy có bóng tàu nào hết. Ngay cả tàu đánh cá hoặc các thương thuyền cũng không thấy chiếc nào. Còn cách quần đảo Côn Sơn ba chục hải lý, đúng theo kế hoạch hành quân hạm đội tách ra làm hai toán làm thành thế gọng kềm tiến vào. Toán 1 do soái hạm HQ011 dẫn đầu tiến vào để tấn kích mặt tây; trong khi toán 2 do đại tá Hạnh, phụ tá của tướng Lễ ngồi trên chiếc HQ012 chỉ huy 10 chiến hạm tiến đánh vào hướng đông.
Ngồi trên ghế của thuyền trưởng trong phòng lái, Biên im lặng chờ đợi. Xuyên qua tần số liên lạc với bộ chỉ huy, anh biết các chiến hạm của địch đang tiến đánh vào hai mặt đông và tây của Côn Sơn. Không riêng gì anh mà tất cả nhân viên trên tàu đang ngồi vào ụ súng đều hồi hộp lắng nghe tàu địch tiến vào càng lúc càng gần. Hơn năm nay, kể từ khi nhận chức thuyền trưởng của chiếc khinh tốc đỉnh 939, đây là lần đầu tiên anh cùng các thủy thủ mới thực sự đánh nhau với tàu địch. Bởi vậy tất cả đều lo âu, hồi họp, nôn nóng chờ tới lúc xung trận. Họ cũng được báo là sẽ đánh nhau với các chiến hạm lớn hơn và hỏa lực cũng mạnh hơn họ mấy lần. Họ chỉ được lợi thế là dùng yếu tố bất ngờ cộng thêm tốc độ nhanh để tiến sát vào rồi bắn hỏa tiển hoặc thủy lôi để đánh chìm. Mồ hôi chảy thành giọt ngắn giọt dài trên mặt các pháo thủ vì cái nóng nung người với lại họ phải đội nón sắt, mặc áo giáp và ngồi trong ụ thép bít bùng thành ra càng nóng và ngột ngạt hơn. Máy liên lạc cho biết tàu địch chỉ còn cách 10 hải lý. Binh nhất Kim đứng trước tay lái. Hai ngón tay trõ của anh đặt hờ lên hai cái nút màu xanh. Khi mà anh nhấn hai cái nút này sẽ khởi động hai máy tàu chạy bằng dầu cặn tạo công xuất hai ngàn mã lực. Nhờ vậy mà tàu có thể đạt vận tốc hơn trăm cây số giờ. Nhờ cách kiến trúc đặc biệt, thấp nhỏ và di động nhanh nó trở nên nguy hiểm khi vào gần các chiến hạm lớn nặng nề, cồng kềnh, xoay trở chậm chạp và khó khăn. Cũng vì sở trường đó mà hôm nay các khinh tốc đỉnh mới được đưa ra đối đầu với hạm đội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ ngoài bắc vào.
– Ba hải lý…
Ba hải lý… Vừa nghe máy truyền tin thông báo địch chỉ còn cách Hòn Tre Nhỏ ba hải lý, thiếu úy Biên hét vào máy liên lạc nội bộ.
– Tất cả sẵn sàng…
– Go…
Lệnh từ bộ chỉ huy vừa vang lên trong máy liên lạc, binh nhất Kim ấn hai ngón tay vào hai cái nút màu xanh. Hai máy tàu nổ bum bum. Hai cần ga được đẩy tới trước. Chiếc khinh tốc đỉnh mang số 939 vọt tới trước. Sáu giây sau kim đồng hồ tốc độ chỉ 60.
– Hết ga…
Biên hét vào tai Kim. Khẽ gật đầu anh đẩy mạnh cần ga. Chiếc 939 bay trên mặt biển tung bọt trắng xóa nhắm hướng chiếc tàu lớn nhất của địch phóng tới. Xuyên qua cửa kính, Biên thấy mấy chục chiếc khinh tốc đỉnh của phe mình nấp trong hai Hòn Tre Nhỏ và Hòn Tre Lớn túa ra theo hình chữ V bọc lấy đoàn tàu địch vào giữa.
Ngồi trên chiếc ghế dành riêng cho mình, tướng Lễ chăm chú nhìn đoàn tàu nhỏ xuất hiện. Điều khiến cho ông ta ngạc nhiên là đoàn khinh tốc đỉnh này hơi lạ về hình dáng và cách thức di chuyển. Thấp lè tè sát mặt nước mà nó lướt sóng lẹ làng như bay trong không khí. Thoạt nhìn thì đoàn tàu túa ra như đàn ong vỡ tổ chạy loạn lên song chỉ cần năm phút sau khi gần tới đoàn chiến hạm của mình thì nó đổi thành đội hình chạy xen kẻ vào giữa các tàu lớn. Tới đây thì vị tư lệnh chiến dịch tái chiếm Côn Sơn hiểu ra được chiến thuật của phe địch là dùng các tàu nhỏ có tốc độ cao được trang bị hỏa tiển và thủy lôi áp sát vào chiến hạm lớn để đánh chìm. Hiểu được chiến thuật cận chiến nguy hiểm này ông ta tức tốc ra lịnh cho đoàn chiến hạm của mình khai hỏa. Lệnh của ông ta đúng nhưng hơi chậm bởi vì khi lệnh nổ súng được truyền đi thì các chiến hạm của ông ta đã lọt vào vòng vây của địch rồi. Với tốc độ hơn trăm cây số giờ, các khinh tốc đỉnh của hạm đội Phú Quốc đã vào sát tàu địch tới mức mà hỏa tiển thành ra vô dụng. Ngay cả pháo cũng khó mà nhắm bắn cho chính xác một vật di động nhanh và luồn lách lẹ làng.
Ngồi trên ghế thuyền trưởng trong phòng lái, mắt dán vào ống dòm thấy chiếc tàu lớn có cờ xí tung bay, Biên thầm đoán đó là soái hạm của địch. Muốn đánh gục hạm đội của địch là phải đánh nát soái hạm này.
– 937 theo tôi…
Lệnh của Biên vừa ban ra, hai chiếc 939 và 937 bay trên mặt nước về phía chiếc soái hạm HQ011.
– Bắn… Bắn…
Đại tá Thắng, hạm trưởng chiếc Đinh Tiên Hoàng hét trong máy truyền tin. Tàu địch đã vào sát rồi nên hai giàn tên lửa chống tàu SS-N-25 Switchblade không còn sử dụng được cũng như hệ thống tên lửa chống máy bay Osa-M không thích hợp, vì vậy mà chiếc HQ011 chỉ còn trông cậy vào hai ụ súng đại bác 76 ly 2 và 30 ly để chống trả với các khinh tốc đỉnh. Súng nổ rền trời đất. Có một điều mà khi ra lệnh nổ súng, chuẩn đô đốc Lễ và đại tá Thắng không nghĩ ra là vì tàu địch không ở chỗ nhất định nên rất khó khăn để bắn và phải cẩn thận khi bắn để khỏi trúng tàu bạn.
– Hỏa tiển 1… bắn… Hỏa tiển 2 bắn…
Biên hét trong hệ thống truyền tin của tàu. Hai trái hỏa tiển xẹt ra với vận tốc của âm thanh cùng lúc Biên vỗ mạnh lên vai binh nhất Kim như ra hiệu lệnh. Đã được huấn luyện thuần thục do đó người lính thủy đang ôm tay lái hiểu ý thuyền trưởng của mình. Tay lái quay một vòng thật nhanh về bên trái anh điều khiển cho tàu của mình rẽ ngoặt sau lái tàu.
– Thủy lôi 1… bắn…
Biên hét trong máy liên lạc nội bộ. Nghe lệnh của thuyền trưởng, hạ sĩ nhất Chân bấm nút. Trái ‘’ wire guide ‘’ thủy lôi xẹt ra như con cá heo bơi với tốc độ 65 hải lý một giờ lao vào lái tàu địch. Đạn 30 ly từ chiếc HQ011 chạm vào vách nhôm nổ ầm ầm. Biên cảm thấy nhói đau nơi ngực song anh không có thời nghĩ ngợi gì hết. Trong giờ phút sinh tử này anh chỉ còn nghĩ tới một điều: đánh chìm chiếc soái hạm của địch. Bị thuyền trưởng vỗ vai lần nữa, Kim quẹo cua thật gắt cho tàu kém sát bên hông tàu địch.
– Thủy lôi 2… bắn…
Chân bấm nút lần nữa. Trái thủy lôi vọt ra… Ầm… Ầm… Sức nổ của thủy lôi quá gần đẩy chiếc khinh tốc đỉnh nhỏ và nhẹ dạt ra xa. Chiếc HQ011 như nhảy lên khỏi mặt nước vì sức công phá của hai trái thủy lôi. Lồm cồm ngồi dậy, tướng Lễ thấy trước mặt mình một cột nước khổng lồ phun lên trời rồi chiếc HQ371 phựt lửa sáng lòa. Hàng chục tiếng nổ vang khắp nơi trong vùng biển Côn Sơn có diện tích chừng năm trăm cây số vuông. Tiếng la, hét, tiếng đạn nổ vang vang trong máy truyền tin. Mười mấy chiến hạm thuộc hải quân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam do chuẩn đô đốc Lễ bị chia cắt ra từng tàu rời rạc và không còn đội hình tác chiến gì hết. Chiếc nào cũng tự lo tác xạ để bảo vệ chính nó trước những khinh tốc đỉnh đảo qua lượn lại, khi hiện khi biến như ma quỉ hay như đàn ong độc châm chích bằng đủ mọi loại vũ khí. Tàu nào cũng trúng thương không do đạn đại bác thì cũng do tên lửa hoặc thủy lôi. Chiến hạm lớn thì bốc khói bốc lửa, còn tàu nhỏ ngập nước sắp sửa chìm vào lòng đại dương. Ngay cả chiếc soái hạm Đinh Tiên Hoàng cũng bị trúng thủy lôi vào hầm máy và bên hông khiến cho nó gần như bị mất điện và bất khiển dụng.
– Tư lệnh… Tàu chiến của địch…
Trung tá Thành, hạm phó chiếc HQ011 hoảng hốt la lớn khi thấy chục chiếc tàu lớn xuất hiện. Chiếc nào chiếc nấy cao hơn tòa nhà ba tầng lầm lì tiến tới. Nó mà tham chiến thời không có chiếc tàu đang bị thiệt hại nào của ông ta còn nổi trên mặt nước được nữa. Tướng Lễ hiểu điều đó hơn ai hết. Ông ta đã nhận dạng được đoàn tàu mới xuất hiện là khu trục hạm và tuần dương hạm lớn gấp bốn năm lần chiếc soái hạm của mình được trang bị đủ loại vũ khí tối tân nhất thế giới như tên lửa tầm xa, hỏa tiễn bắn gần, đại pháo khổng lồ, đại liên phòng không, trực thăng săn tàu ngầm và chống tàu nổi. Ông ta phải rút chạy nếu không muốn thủy thủ đoàn của mình làm mồi cho cá mập. Nhấc máy truyền tin vị tư lệnh chiến dịch tái chiếm Côn Sơn và ba quần đảo trong Vịnh Thái Lan ban lệnh rút chạy về Vũng Tàu bỏ lại mấy chiến hạm sắp chìm hoặc bất khiển dụng.
HẾT QUYỂN 1
chu sa lan
6 – 2014
Xem tiếp quyển 2
Tất Cả Cho Hoàng-Trường Sa 
Anh CSL thân mến,
Có ai lường được chữ ngờ! Chuyện giả tưởng anh viết mấy năm về trước Phú Quốc for Sales bây giờ lại thành sự thật.
Chúc anh một cuối tuần vui vẻ.
TCB
TCB mến. Cám ơn về lời góp ý. Ý tưởng của tôi đang từ từ thành sự thực, nhưng thật buồn là thay vì hòn đảo thân yêu của chúng ta lại lọt vào tay bọn Tàu Cộng, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Có được Hoàng Sa, Trường Sa lại thêm Vịnh Thái Lan thì coi như Tàu cộng nuốt trọn Biển Đông. Rồi đây toàn thể nước Việt sẽ lệ thuộc Tàu, dân Việt có thể sẽ bị đồng hóa. Điều này khiến tôi mất ngủ hằng đêm.