GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 1: Phú Quốc For Sale

TẬP 3

RỒNG  PHƯƠNG  NAM  CỰA  MÌNH

13.

Đoàn tàu chiến ba chiếc của hạm đội Phú Quốc từ từ lướt sóng ra khơi. Đây là chuyến công tác đầu tiên có sự góp mặt của khu trục hạm VNK3 mà nước Việt Nam, qua sự trung gian của bộ hải quân Hoa Kỳ đã mua lại chiếc khu trục hạm USS Robinson- DDG-12 bị phế thải hồi năm 1991. Dù thuộc lớp cũ song nó còn tối tân hơn hai chiếc khu trục hạm được đóng từ thời thế chiến thứ nhì mà hạm đội Phú Quốc có được. Trọng tải gần 5 ngàn tấn, dài 130 mét, rộng 14 mét, vận tốc 33 knots tương đương với 60 ký lô mét 1 giờ, nó là chiến hạm chạy nhanh nhất mà hạm đội có được.

Cần phải có 300 sĩ quan và thuỷ thủ các cấp để vận hành con tàu khổng lồ này. VNK3 Đinh Bộ Lĩnh có hai dàn ” AN/SPS-39 3D Air Search Radar và AN/SPS-40 Air Search Radar ” chuyên dùng để dò tìm máy bay; một dàn ” AN/SPS-10 Surface Search Radar ” để dò tàu nổi; hai dàn ” AN/SQS-23 Sonar ” và ” SQQ-23 Pair Sonar ” gắn dưới đáy tàu ngay trước mũi để dò tiềm thủy đỉnh của địch. Chiến hạm này còn được trang bị hai hệ thống điều khiển hoả tiển chống máy bay, chống chiến hạm, chống tàu ngầm ( RUR-5 ASROC ) và bắn đại bác tự động; 11 ống phóng hoả tiển, hai khẩu đại bác 127 ly và 6 ống phóng ngư lôi chuyên đối phó với tàu ngầm của địch. Ngoài ra nó còn được cải biến để chở theo được 1 chiếc trực thăng săn tàu ngầm. Có thể nói mặc dù thuộc lớp cũ so với các khu trục hạm hiện đại của hải quân Mỹ, song VNK3 được trang bị tận răng, hoả lực mạnh mà không có chiến hạm nào của các nước trong khối ASEAN so bì được. Theo nguồn tin không chính thức thì do ở chiến lược chuyển trục sang Á Châu để đối đầu với Trung Cộng và cũng để bảo vệ quyền lợi và sinh mạng của các công dân sinh sống làm ăn ở Phú Quốc; chính phủ Hoa Kỳ lớp thì bán rẻ lớp thì cho một loạt tàu chiến cũ đã được sửa chữa và tân trang để hải quân của nước Việt Nam có đủ sức tranh cường với các nước trong vùng mà ai ai cũng biết ám chỉ tới nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa trong kế hoạch tranh giành biển Đông. Theo đúng chương trình đã được hai bên thỏa thuận thì mỗi năm, Hoa Kỳ sẽ bán rẻ cho nước Việt Nam một tuần dương hạm, một khu trục hạm và một hộ tống hạm đã phế thải. Các chiến hạm này được cải biến và tân trang với các loại ra đa tối tân, hệ thống phóng hỏa tiển chống máy bay, chống hỏa tiển, chống tàu nổi và tàu ngầm.

6-6-2030.

Nằm về hướng tây nam của Phú Quốc, cách Rạch Giá hơn trăm hải lý và Phú Quốc độ 55 hải lý, Thổ Châu là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Thổ Châu với diện tích độ 14 cây số vuông. Trên chiến thuật biển, mặc dù nằm gần bờ biển của Việt Nam hơn nhưng nếu đặt một đài ra đa ở Thổ Châu, người ta có thể kiểm soát các tàu bè ra vào Vịnh Thái Lan cũng như từ eo biển Malacca sang biển Đông. Ngoài ra Thổ Châu cách Trường Sa không xa lắm, do đó đài ra đa ở Thổ Châu có thể ghi nhận mọi hoạt động của những tàu chiến ở Trường Sa. Hơn nữa nếu có một hạm đội đủ mạnh, nước Việt Nam có thể chia xẻ với các nước như Trung Cộng, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Đài Loan và nước láng giềng gần nhất là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam một vài hòn đảo của Trường Sa.

Buổi sáng tinh sương, đang yên giấc, dân của đảo Thổ Châu nghe được nhiều tiếng động lạ tai vang lên nơi bãi biển. Trời sáng rõ, khi thức dậy đi làm họ mới biết tin là một toán lính lạ mặt đã bất thình lình xuất hiện trên đảo. Những người lính lạ tự xưng là lính ở đảo Phú Quốc. Họ nói là tàu bị hư phải sửa chữa nên thủy thủ đoàn bèn lên đảo thăm viếng cho biết. Để tỏ tình thân hữu họ đem quà ra phân phát cho lính với dân trên đảo cũng như có bác sĩ chẩn bệnh và phát thuốc cho mọi người.

Đứng trên Bãi Dong, trung tá Kiếm, hạm trưởng khu trục hạm VNK3 hỏi Tài, hạm phó.

– Chừng nào mình mới xong chuyện trên đảo Thổ Châu?

– Thưa hạm trưởng… Công tác chẩn bệnh và phát thuốc cho dân chúng trên đảo không lâu đâu. Còn việc dò xét và thám thính thì chỉ mất vài giờ…

Ngừng lại giây lát Tài mới thông thả nói tiếp.

– Tôi đoán cao lắm là hai ngày…

Kiếm gật đầu im lìm như suy nghĩ chuyện gì. Lát sau anh mới cất giọng trầm trầm.

– Bộ tư lệnh đã chỉ thị cho tôi cố gắng thi hành công tác Thổ Châu càng nhanh càng tốt. Lúc đó chiếc VNT1, VNH2 và chiếc tiềm thủy đỉnh VNN11 sẽ tháp tùng với ta trực chỉ Trường Sa…

Tài hơi thay đổi nét mặt khi nghe cấp chỉ huy tiết lộ tin mật này.

– Mình làm gì ở Trường Sa thưa hạm trưởng?

Mắt nhìn ra xa tít ngoài khơi, vị hạm trưởng của khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh trả lời chậm.

– Yểm trợ cho VNN 11 thả toán hải kích làm công tác chụp hình, thám sát vùng biển quanh các căn cứ quân sự của Trung Cộng ở Trường Sa để trình lên phòng nghiên cứu chiến thuật và chiến lược của bộ quốc phòng. Căn cứ vào những gì mình thu thập được, họ sẽ phác thảo một chiến dịch có tên là Trường Sa. Tuỳ theo tình hình và mức độ căng hay dãn của địch mà ta có thể sẽ chiếm đóng một trong những hòn đảo của quần đảo Trường Sa để làm chân đứng trong cuộc tranh giành biển Đông. Đây là chiến thuật lấn đất giành dân mà các nước kia đã áp dụng để chia xẻ Trường Sa của ta. Mình là chủ mà mình không có miếng đất cặm dùi là nghĩa làm sao…

Im lặng khi nghe cấp chỉ huy nói xong Tài mới thong thả góp ý.

– Tôi đồng ý với hạm trưởng. Mình là người Việt ở sát cạnh Trường Sa mà không được chia phần trong khi tụi Đài Loan và Trung Cộng ở tuốt luốt trên kia xa ngàn hải lý mà ỷ mạnh xí phần, chiếm đảo Bình Ba, Đá Chữ Thập không chưa đủ lại còn chiếm thêm mấy chỗ khác. Mình phải dằn mặt tụi Đài Loan, phải dũa te tua tụi Trung Cộng để cho nó bỏ cái thói ỷ mạnh hiếp yếu…

Mỉm cười khi nghe vị hạm phó của mình nói, Kiếm nhỏ nhẹ lên tiếng.

– Chưa tới thời đó đâu. Bộ tư lệnh đã có kế hoạch hết rồi. Chỉ còn chờ chuyến đi thám sát Trường Sa xong thì ta sẽ bắt đầu. Bây giờ mình trở lại tàu…

8-6-2030.

02:00 giờ.

Jack là người cuối cùng từ ca nô leo lên chiếc chiếc tàu ngầm VNN11 tên Nàng Tiên Cá đang nổi ngoài khơi. Tên nghe thật mỹ miều song nó là chiếc tiềm thủy đỉnh đầu tiên mà hải quân Phú Quốc mua lại của nước Thụy Điển. Nó là thứ vũ khí bí mật nhất và nguy hiểm nhất trong các loại tàu ngầm của hải quân các nước trên thế giới. Có thể nói đối thủ của VNN11 là Kilo 636 của Nga Sô mà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang sở hữu sáu chiếc mang tên HQ 182 Hà Nội, HQ 183 Sài Gòn, HQ 184 Hải Phòng, HQ 185 Đà Nẵng, HQ 186 Khánh Hòa, HQ 187 Bà Rịa Vũng Tàu. Riêng nước Trung Cộng cũng có hai chiếc Kilo loại cũ hơn. Tên nguyên thủy của Nàng Tiên Cá là HSWMS Gotland được đóng bởi công ty Kockums, một công ty đóng tàu nổi tiếng của nước Đức. Điểm đặc biệt nhất của VNN11 là có thể ở dưới nước lâu ba bốn tuần lễ nhờ vào hệ thông AIP với hai máy tàu Sterling Engine chạy bằng hổn hợp dưỡng khí lỏng và dầu cặn tạo ra một công suất 75KW được trữ trong hệ thống bình điện đủ để quay cánh quạt và toàn thể mọi hoạt động của tàu khi lặn xuống nước.

Trời tang tảng sáng. Jack, hạm trưởng và Tuấn hạm phó, cùng với Hà, sĩ quan đương phiên và thủy thủ đứng trên đài quan sát hít thở không khí trong lành của buổi sáng mai trong lúc tàu nổi lên mặt nước. Trưa nay chiếc Nàng Tiên Cá sẽ gặp VNK3, VNT1, VNH2 tại đảo Thổ Châu để trực chỉ biển Đông, mở đầu cho giai đoạn thám sát quần đảo Trường Sa với mục đích thám thính, thu thập tin tức tình báo, chụp hình các căn cứ quân sự trên đảo Đá Chữ Thập của Trung Cộng, đảo Bình Ba do Đài Loan chiếm đóng và đảo Thị Tứ đang được nước Phi trấn giữ. Để thi hành điệp vụ đó, VNN11 chở theo bán tiểu đội thám sát biển gọi tắt là Hải Kích. Họ đã được gởi sang Mỹ học một khóa chuyên môn về vũ khí, xung kích, cài đặt mìn và chất nổ cũng như kỹ thuật thu thập tin tức tình báo. Thi hành xong nhiệm vụ, Nàng Tiên Cá sẽ trở về căn cứ lập bản tường trình lên bộ tư lệnh hải quân. Sau khi duyệt xét bộ tư lệnh hải quân sẽ gởi tới phòng nghiên cứu chiến thuật, chiến lược và phòng an ninh tình báo thuộc bộ quốc phòng. Từ đó, nhân viên của hai phòng này sẽ phác họa ra chiến dịch Trường Sa. Cũng vì nhiệm vụ điệp báo này mà Jack đã xin với cấp trên cho chiếc tàu của anh đi theo để thực tập và học hỏi kinh nghiệm. Anh biết từ hạm phó cho tới thủy thủ đều chưa có kinh nghiệm tác chiến mà vùng biển Đông bây giờ nguy hiểm vô cùng. Trung Cộng, Đài Loan, Mã Lai Á và nước láng giềng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều có tàu ngầm đang rình rập với nhau, đang chơi trò mèo chuột dưới làn nước biển sâu thăm thẳm. Tất cả đều có loại tàu ngầm săn tàu ngầm tối tân và thủy thủ đoàn nhiều kinh nghiệm. Anh biết với kinh nghiệm hơn mười năm của người lính tàu ngầm, anh sẽ giúp ích rất nhiều cho thủy thủ đoàn, chỉ dạy họ những điều không có ghi trong sách vở. Kinh nghiệm là cái mà chính họ phải trải nghiệm, thu lượm được lúc đối diện với tàu địch và nhất là lúc phải chạy trốn bởi sự săn đuổi của tàu ngầm địch như SongI, SongII, Ming và Kilo.

– Tôi thấy VNK3 rồi…

Tiếng của người lính thủy dùng ống dòm quan sát lên tiếng làm cho Jack thôi suy nghĩ.

10-6-2030

19:00 giờ

Khu trục hạm VNK3, tuần dương hạm VNT1 và hộ tống hạm VNH2 nhắm hướng Trường Sa trực chỉ khi trời xụp tối. Chiếc tàu ngầm VNN11 cũng lặng lẽ theo sau. Để tiết kiệm dưỡng khí lỏng, nó chỉ lặn khi nào cần thiết. Với khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh dẫn đầu, tuần dương hạm Bạch Đằng bên trái và hộ tống hạm Phú Quốc bên phải, chiếc Nàng Tiên Cá đi sau, bốn chiến hạm của hải quân nước Việt Nam theo đội hình tác chiến biển hải hành với vận tốc 8 hải lý một giờ trong bóng đêm trên biển Đông thuộc hải phận quốc tế. Khoảng chiều mốt đoàn tàu sẽ vào vùng biển của quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp bởi các nước như Việt Nam, Phi, Mã Lai, Đài Loan, Trung Cộng và Brunei. Ngày xưa cách nay chừng năm bảy chục năm chẳng có ai thèm ngó ngàng tới quần đảo vô danh thuộc nước Việt Nam; nhưng từ khi người ta loan tin Biển Đông có chứa số lượng dầu hỏa, khí đốt và hải sản khổng lồ thì nước nào cũng muốn xí phần. Ngay cả hai nước ở xa lắc xa lơ như Trung Cộng và Đài Loan cũng động lòng tham nữa. Nước nhỏ thì tham ít vì biết phận của mình. Nước lớn thì lòng tham vô tận, ỷ mạnh vẽ ra đường ” lưỡi người ” gian tham và điêu ngoa muốn chiếm trọn vùng đất giàu có để làm của riêng. Từ đó đã nảy ra sự tranh chấp và xung đột bằng súng đạn giữa Trung Cộng và nước Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 ở Hoàng Sa rồi tiếp theo cuộc hải chiến giữa hai nước cộng sản anh em là Trung Cộng và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.

11-06-2030.

05:00 giờ

Kiếm đứng im nơi thành tàu. Âm thanh của nước vỗ vào thành ì ầm. Gió lành lạnh dù đang ở mùa hè. Đêm thăm thẳm. Nước biển sáng ngời như có lân tinh. Nhìn nước óng ánh sáng, anh biết tàu đang ở vùng biển khá sâu có thể tới hơn trăm thước.

– Hạm trưởng uống cà phê…

Tài xuất hiện với hai ly cà phê đen nóng trong tay. Đón ly cà phê từ tay hạm phó của mình, Kiếm cười nói nhỏ.

– Cám ơn anh… Gió lạnh như vầy mà có cà phê nóng thì tuyệt…

Hớp ngụm nhỏ ông ta gật gù tiếp.

– Cà phê thơm và ngon quá…

– Ban Mê Thuột đó hạm trưởng. Tôi có bà con ở trên đó nên mỗi lần về Sài Gòn là tôi nhắn họ gởi cho tôi vài ký…

Kiếm thở dài nhè nhẹ.

– Lâu quá tôi chưa trở lại Sài Gòn. Có thể tới chết cũng không…

– Tôi nghe nói ngày xưa hạm trưởng cũng đi lính thủy…

Hớp thêm ngụm cà phê, Kiếm gật đầu cất giọng trầm trầm.

– Ba tôi phục vụ trong hải quân của nước Việt Nam Công Hòa. Sau vụ 30-4-75 gia đình tôi di tản sang Mỹ lúc tôi chưa sinh ra. Học xong đại học tôi đăng vào hải quân Hoa Kỳ. Mới vừa giải ngũ tôi bị ông Quốc dụ về đây làm hạm trưởng…

Tài cười cười hỏi.

– Hạm trưởng quen với tư lệnh chắc lâu rồi…

Kiếm gật đầu cười nhẹ.

– Hồi mới ra trường tôi phục vụ ở bộ hải quân. Lúc đó ông Quốc cũng đang làm ở đó. Thời gian sau chán làm việc văn phòng, tôi xin xuống tàu. Thỉnh thoảng khi nào có dịp tôi cũng lên bộ hải quân rủ ổng đi nhậu. Sau này được đổi về hạm đội 7 thì tôi ít gặp ổng…

À lên tiếng nhỏ như nhớ ra chuyện gì Tài cười lớn.

– Ở hạm đội 7 chắc hạm trưởng biết rành vùng biển Đông của nước mình lắm?

Kiếm gật đầu không do dự.

– Biết… Ban đầu tôi ở trên chiếc USS Huế City-CG 66 rồi sau đó mới đổi sang chiếc USS Cowpens CG 63…

Vốn là sĩ quan hải quân của Hoàng Gia Úc, Tài kêu lên với giọng ngạc nhiên.

– Huế City… Bộ hải quân Mỹ có chiến hạm mang tên thành phố Huế sao?

Kiếm cười gật đầu.

– Đó là chiếc tuần dương hạm USS Huế City- CG 66, còn có một tên nữa là Battle of Hue. Nó cũng là chiến hạm duy nhất mang tên một thành phố của nước ta để kỹ niệm thủy quân lục chiến Mỹ đã chiến đấu trong trận Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế…

Ngừng nói nhìn xuống lòng biển sâu thẳm óng ánh sáng trong đêm tối thâm u giây lát, vị hạm trưởng của VNK3 Đinh Bộ Lĩnh cất giọng trầm trầm.

– Hồi còn ở trên chiếc 63, đóng tại Yokosuka thì tàu của tôi hoạt động ở vùng biển Đông. Tài chắc còn nhớ vụ chiếc Cowpens xém chút xíu nữa đụng nhau với chiếc tàu đổ bộ của hải quân Trung Cộng năm 2013 trong lúc chiếc Cowpens đang theo dõi chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh thực tập…

Tài gật đầu cười hớp ngụm cà phê đã nguội vì gió biển càng lúc càng thổi mạnh và lạnh hơn.

– Tôi có nghe nói về vụ đó. Chắc mấy ông lính hải quân của nước Tàu mới biết lái tàu bự nên lạng quạng hay là mấy ổng hoảng vì mặc cảm ăn cướp mà cứ bị người khác theo dõi…

Cười ha hả Kiếm nói tiếp.

– Chắc là vậy. Hành lang chiến lược biển này đã được Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ nghiên cứu và tìm hiểu rất tận tường từ thời xảy ra chiến tranh Việt Nam vào thập niên 60-70. Các tàu nghiên cứu của hải quân và tàu dân sự của các cơ quan nghiên cứu về hải dương đã cày nát Biển Đông để định vị trí đảo san hô, đá ngầm, độ nông sâu của biển, hải sản, mỏ dầu và khí đốt thiên nhiên. Họ hiểu biết rất rõ ràng về Biển Đông có điều họ không muốn chia xẻ với các nước khác. Chúng ta đều biết biển chiếm ba phần diện tích của quả đất. Ai mà làm chủ biển là làm chủ quả đất. Biển Thái Bình là biển lớn nhất trong số các biển lớn nhỏ. Nó chứa vô số tài nguyên mà con người chưa đủ khả năng để khai thác hết. Kỹ nguyên 21 là kỹ nguyên của biển, bởi vậy người ta không lạ gì khi Hoa Kỳ tuyên bố chuyển trục sang vùng Thái Bình Dương và Châu Á. Họ có một hải quân tối tân và hùng mạnh nhất thế giới thì biển Thái Bình là nơi để cho họ phô trương sức mạnh của mình đồng thời cũng để ngăn chận không cho Trung Cộng làm chủ vùng biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Người ta đã thấy và điều này càng ngày càng lộ ra dần dần một cuộc leo thang vũ khí chủ động bởi các nước có nền kỹ nghệ quốc phòng to lớn như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật, Tàu, Đức, Ấn, Úc đang thi đua nghiên cứu và chế tạo vũ khí mới. Viễn ảnh một cuộc chiến tranh lạnh thứ nhì giữa các siêu cường về kinh tế và quân sự thế nào cũng phải xảy ra và có cơ đi tới một ” conventional war ” hay là cuộc chiến tranh có giới hạn…

Vừa nói tới đó Kiếm ngưng lại khi thấy Chân, sĩ quan đương phiên bước ra.

– Trình hạm trưởng và hạm phó. Ra đa báo có tàu lạ…

Kiếm với Tài và Chân lần lượt bước vào đài chỉ huy của chiến hạm. Cả hai chăm chú nhìn vào màn ảnh của giàn AN/SPS-67(V)3 Surface Search Radar chuyên dùng để dò tìm các tàu nổi trên mặt biển. Giàn ra đa AN/SPS-67 có ba loại là V1, V2 và V3. Loại AN/SPS-67(V)3 mới nhất có một chức năng đặc biệt gọi tắt là DMTI (digital moving target indicator) tức tự động loại bỏ các vật cố định như mây, mưa, sương mù, đảo mà chỉ ghi nhận những mục tiêu di động như tàu biển, máy bay hoặc hỏa tiễn. Trên màn ảnh sáng mờ mờ hiện lên một chấm đen lớn và phải nhận xét kỹ mới biết nó đang di chuyển thật chậm và càng lúc càng lớn dần.

– Mình đang ở đâu?

Kiếm hỏi. Chân lên tiếng trước nhất.

– Thưa hạm trưởng. Mình đang ở bắc vĩ tuyến 07 độ 05 phút và đông kinh tuyến 110 độ 01 phút…

Im lặng giây lát Kiếm buông lệnh gọn.

– Theo dõi sát nó cho tôi. Có thể là tàu buôn. Chúng ta đang ở hải phận quốc tế cho nên…

Dù ra lệnh như vậy nhưng vị hạm trưởng từng có hai mươi mấy năm kinh nghiệm trong hải quân Hoa Kỳ vẫn thỉnh thoảng để mắt vào mục tiêu di động càng lúc càng lớn trong màn ảnh ra đa. Mặt trời từ từ ló lên nơi hướng đông cho mọi người thấy rải rác trên mặt biển nhiều dàn khoan dầu. 07.00 giờ. Không cần nhìn vào màn ảnh của ra đa người ta cũng thấy được một chấm đen nơi đường chân trời. Chấm đen rõ dần dần chứng tỏ nó đi ngược chiều với chiếc VNK3. Tính, cấp bậc trung uý vừa thế Chân ở chức vụ sĩ quan đương phiên đưa ống dòm lên quan sát chiếc tàu lạ. Anh thấy số hiệu 50 rồi lá cờ đỏ có 4 ngôi sao vàng bay phất phới. Quan sát  giây lát rồi lật nhanh quyển tài liệu trong đó có hình ảnh của tất cả các tàu của các nước trên thế giới, anh lên tiếng.

– Trình hạm trưởng. Đó là tàu hải giám của Trung Cộng…

Kiếm hỏi gọn.

– Số mấy?

– Thưa 50…

Hơi gật đầu Kiếm nói nhanh.

– Đây là loại tàu hải giám lớn nhất của Trung Cộng trọng tải 3000 tấn. Nó giống như Coast Guard của Mỹ. Chúng ta sẽ gặp nhiều chiếc tàu hải giám ở biển Đông. Hải quân Trung Cộng có hơn 30 chiếc hoạt động rải rác từ đảo Hải Nam xuống tận hải phận của Nam Dương và Mã Lai Á. Tuy nhiên chúng hoạt động mạnh nhất ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Cũng như các chiến hạm khác của hải quân Phú Quốc, khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh có một số thuỷ thủ trên tàu đều là cựu lính thuỷ người Việt từng phục vụ cho hải quân các nước khác nhau trên thế giới. Như Tài, từng là sĩ quan của hải quân Hoàng Gia Úc, Chân là sĩ quan của hải quân Hoàng Gia Anh, Tính, sĩ quan của hải quân Pháp. Đa số là sĩ quan, hạ sĩ quan ở trong hải quân Hoa Kỳ. Phần còn lại là lính mới được tuyển mộ ở Phú Quốc. Dù có khác biệt nhau về màu áo lính đã mang, song họ cùng chung một lý tưởng chiến đấu để đem lại tự do, dân chủ, độc lập cho nước Việt Nam. Cũng vì mục đích đó mà họ đã bỏ đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất, nhà cao cửa rộng để chấp nhận hiểm nguy và gian khổ khi trở thành người lính của nước Việt Nam nhỏ bé.

08.00 giờ. Còi nhiệm sở tác chiến kêu vang vang. Bóng người từ dưới hầm tàu túa lên bong như ong vỡ tổ. Phút sau tất cả thuỷ thủ đều ngồi vào vị trí của mình. Không cần nhìn bằng ống dòm, ai cũng thấy được chiếc tàu hải giám mang số 50, sơn màu trắng mang cờ của Trung Cộng đang tiến lại gần tàu của họ. Kiếm liếc mắt ra hiệu cho Tài. Hiểu ý, vị hạm phó ra lệnh cho trung sĩ Kim, phụ trách truyền tin và liên lạc đánh đi những dòng chữ.

– Đây là VNK3, khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh của nước Việt Nam. Xin vui lòng thông báo tính danh và số hiệu của bạn…

Phút sau dòng chữ bằng Anh ngữ hiện ra trên màn ảnh của máy.

– Đây là tàu hải giám số hiệu 50 của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Bạn đã xâm phạm vào vùng biển do chúng tôi kiểm soát. Yêu cầu bạn rút lui…

Ánh mắt của vị hạm trưởng khu trục hạm VNK3 sáng lên như có lửa cùng giọng nói đanh lạnh vang lên.

– Khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh của nước Việt Nam đang ở trong hải phận quốc tế. Chúng tôi có quyền tự do đi lại. Bạn không có quyền bảo chúng tôi rút lui…

– Đánh nguyên văn thưa hạm trưởng…

Trung sĩ Kim hỏi nhỏ. Kiếm gật đầu.

– Đánh nguyên văn cho tôi…

Công điện được đánh đi nguyên văn. Tài để ý nhận thấy mấy ngón tay của Kim run run. Mọi người đều biết tình trạng rất căng thẳng. Nếu không bên nào nhượng bộ thì có thể sẽ có bắn nhau.

– Nếu bạn không rút lui chúng tôi sẽ có giải pháp quân sự…

Kiếm liếc nhanh dòng chữ vừa được hồi âm. Quai hàm của vị hạm trưởng bạnh ra. Ánh mắt sắc tợ mắt diều hâu của ông ta rừng rực lửa cùng với giọng nói nghiêm lạnh vang lên.

– Các anh muốn đánh thì ta đánh cho các anh coi. Nước khác sợ anh chứ nước Việt Nam dân chủ và tự do này không sợ các anh đâu…

Công điện hoả tốc vừa được đánh đi, giọng nói của vị hạm trưởng khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh vang vang trong máy phóng thanh.

– Tất cả ụ súng chờ lệnh tác xạ của tôi…

Chiếc tàu hải giám sơn màu trắng mang số 50 của hải quân Trung Cộng rẽ sóng nhắm ngay chiếc VNK3 tiến tới. Trong lúc chiếc khu trục hạm Đinh Bộ Lĩnh nặng hơn năm ngàn tấn như con ” tiger shark ” nhắm ngay tàu địch lao vào. Chiếc tàu hải giám số 50 của Trung Cộng nặng ba ngàn tấn, so về trong lượng và sự đồ sộ thì chỉ bằng phân nữa chiếc VNK3. Hai bên mà đụng nhau thì chiếc tàu nào nhỏ và nhẹ tất sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn. Hai tàu còn cách nhau chừng ba trăm thước. Với tốc độ của hai bên cộng lại hơn 100 cây số một giờ cùng khoảng cách vài trăm thước chắc chắn hai tàu sẽ đụng nhau. Tài hét lớn.

– Mọi người cẩn thận…

Có lẽ cũng biết tàu mình nhỏ và mỏng manh hơn tàu địch, chiếc tàu hải giám số 50 tức tốc đổi hướng. Hai chiến hạm lướt qua với khoảng cách gần có thể bắt tay nhau. Hai tàu vừa lướt qua, Kiếm ra lệnh cho tàu đảo một vòng thật lớn rượt theo chiến hạm của địch. Với vận tốc 60 cây số một giờ chẳng mấy chốc nó bắt kịp chiếc 50. Đứng trong phòng chỉ huy, thấy trung sĩ Kim đưa tay lau mồ hôi trán, Kiếm cười lên tiếng hỏi một cách thân tình.

– Sợ hả em…

– Dạ… chút chút hạm trưởng…

Kiếm cười quay qua nói với Tài mà cũng nói với tất cả nhân viên đang có mặt trong phòng chỉ huy.

– Tư lệnh đã cho tôi toàn quyền định đoạt. Nếu cần bắn nhau với tàu Trung Cộng tôi cũng bắn…

Tài mỉm cười.

– Tôi đồng ý với hạm trưởng. Chúng ỷ mạnh hiếp yếu quen rồi nên nghĩ rằng ai cũng sợ chúng…

Thấy chỉ còn cách tàu địch khoảng cách vài trăm thước, Kiếm ra lệnh.

– Áp sát nó… Đại bác và hoả tiển sẵn sàng tác xạ…

Chiếc VNK3 được sơn nguỵ trang màu tác chiến lừng lửng như con quái thú của đại dương kèm sát bên hông chiếc tàu hải giám số 50 của Trung Cộng. Súng trên tàu chỉa thẳng vào tàu địch. Đứng trên đài chỉ huy, Tài thấy được bóng người lính mặc quân phục, đội nón sắt có 5 ngôi sao vàng đang ngồi trong ụ súng của tàu bên kia. Vận tốc chậm hơn chiếc VNK3, vì vậy dù máy phun khói đen mù mịt chiếc 50 cũng không thể nào chạy thoát được sự săn đuổi của đối thủ. Cuối cùng chắc biết thân mình nhỏ, không thể hù doạ được thứ tàu chiến khổng lồ, chiếc tàu hải giám mang số 50 của hải quân nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa phải đổi hướng khác để tránh né sự săn đuổi của tàu địch. Chiếc VNK3 cũng từ từ giảm tốc độ không rượt theo nữa. Nghe thuỷ thủ trong các ụ súng hò reo khi thấy tàu địch chạy trốn, Kiếm nói với vị hạm phó của mình.

– Mai mốt tới phiên thiếu tá nghen…

Hiểu ý Tài gật đầu.

– Tôi sẽ thi hành lệnh của hạm trưởng…

Khẽ gật đầu Kiếm bước ra cửa đài chỉ huy. Không ai thấy được nụ cười của ông. Mười ba năm trước đây lúc còn phục vụ trên chiếc tuần dương hạm USS Cowpens CG63, vì lý do chính trị nên vị hạm trưởng đã phải né tránh chiếc tàu đổ bộ của Trung Cộng. Điều đó xúc phạm nặng nề tới niềm kiêu hãnh của toàn thể thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu này. Hôm nay, không có sức ép chính trị, ông không để cho kẻ thù bắt nạt. Lòng kiêu hãnh của một quân nhân và tự ái dân tộc không cho phép ông lùi bước hay nhân nhượng nữa.

14.

15-6-2030.

21:00 giờ

Đá Chữ Thập. Bắc vĩ tuyến 09039.08. Đông kinh tuyến 112059.06.

1 hải lý về hướng tây bắc.

VNN11 nằm im dưới đáy biển sâu trăm thước. Toán hải kích sáu người gồm có trung úy San toán trưởng; thiếu úy Chính, toán phó và bốn người lính An, Bằng, Sinh và Tín quây thành vòng tròn trên sàn tàu trong ” lock-in/lock-out chamber for divers ”. Đây là một căn phòng đặc biệt có cửa mở ra ngoài cho toán hải kích lặn khỏi tàu để thi hành công tác và trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn năm người lính dưới quyền chỉ huy của mình, San nói chậm rãi.

– Căn cứ Đá Chữ Thập của tụi Trung Cộng có 5 địa điểm mà ta cần phải chụp hình là các ụ súng phòng không, đài truyền tin, dàn ra đa, cầu tàu và bãi đáp trực thăng mà trong đó có ba nơi quan trọng là đài truyền tin, ụ súng phòng không và dàn ra đa. Căn cứ theo hình này mình sẽ chia làm 3 toán…

Chỉ vào tấm hình được chụp bằng không ảnh ngay địa điểm có màu rằn ri, anh nói tiếp.

– Chỗ này được ngụy trang cẩn thận nên tôi đoán là ụ súng phòng không chính. Đối diện với nó là một ụ khác nhỏ hơn. Thiếu uý Chính với An lãnh cầu tàu và hai ụ súng này. Ngôi nhà cao có cờ xí và ăng ten tôi đoán đó là bộ chỉ huy căn cứ với đài truyền tin. Tôi với Tín phụ trách chỗ đó. Bãi trực thăng và máy phát điện nằm phía bên kia. Có thể hai ụ súng phòng không khác sẽ nằm chung phía với bãi đáp trực thăng. Sinh và Bằng ráng lội qua đó nghen. Có anh em nào thắc mắc gì không?

Sinh lên tiếng liền.

– Chụp hình thôi hả trung úy?

San gật đầu chắc giọng.

– Chụp hình thôi… Anh em rán đừng nổ súng. Tụi nó có mấy trăm thằng đóng trên đảo. Ngoài khơi còn có mấy chiếc tàu chiến nữa. Bể là mình khó chạy lắm…

Năm người lính gật đầu hiểu ý. Tất cả kiểm soát lại đồ chơi lần cuối. Súng hãm thanh. Đạn. Dao găm. Máy chụp hình. Ống dòm. Dụng cụ lặn. Máy liên lạc. 22.00 giờ. Âm thanh kêu rè rè và đèn xanh bật cháy. Jack bắt tay trung uý San, trưởng toán cùng với lời nói gọn ” Good luck ”. Cánh cửa của ‘’ divers lock in & lock out room ‘’, tức là căn phòng đặc biệt dành riêng cho các thợ lặn ra khỏi tàu hoặc trở vào được mở ra. Sáu người lính hải kích biến mất trong lòng nước tối đen. Nửa giờ sau. Từ từ ló đầu lên khỏi mặt nước, San nhìn chăm chú khu đèn sáng lờ mờ như xác định mục tiêu mà mình sẽ phải đi tới xong lại chìm mất xuống nước. 23.00 giờ. Sáu cái đầu lại từ từ nhô lên trên mặt biển đen dưới chân cầu tàu dài nhô ra xa ngoài biển. San rê chiếc ống dòm nhỏ bằng ngón tay từ bên trái sang phải rồi từ hướng đông sang tây. Đây là loại starlight scope đặc chế dành riêng cho đơn vị đặc biệt trong quân đội Mỹ mà các toán SEAL là một. Tuy nhỏ chỉ bằng ngón tay song nó có thể khuếch đại hình ảnh lớn gấp mười lần. Chỉ chút ánh sáng thôi đủ cho người ta nhìn thấy rõ hình ảnh được ghi nhận. Căn cứ khá lớn. Dãy nhà sơn trắng nằm sát biển xa đằng kia chắc là trại lính. Một dãy nhà bằng bê tông sơn trắng có lá cờ đỏ với bốn ngôi sao màu vàng chắc là bộ chỉ huy. Dàn ăng ten nhô cao lên. Ba ụ súng được nguỵ trang cẩn thận. Xa về phía bên kia lờ mờ dàn ra đa lớn. Chính và bốn người lính còn lại cũng đưa ống dòm của mình vào địa điểm có ánh đèn sang sáng phát ra. Mỗi người đều được trang bị một ống dòm cùng hệ thống truyền tin tối tân để liên lạc trong toán và liên lạc thẳng với tàu ngầm. Giọng nói của San nhỏ, sắc và gọn.

– Mọi người thấy rõ căn cứ chưa?

– Thấy…

– Đài truyền tin?

– Thấy…

– Ra đa…

– Thấy rồi…

– Nhà máy phát điện?

– Thấy…

– Bãi trực thăng?

– Chưa thấy nhưng sẽ thấy…

San hơi nhếch môi cười vì câu trả lời tếu của trung sĩ nhất Bằng. Lúc nào cũng vậy, trước lúc công tác, trong lúc công tác và sau khi công tác hoàn thành, Bằng luôn luôn cười nói vui vẻ và an nhiên tự tại trong đời lính nhiều hiểm nguy của mình. Nhờ vậy mà anh vẫn giữ được thái độ điềm tĩnh, cử chỉ ung dung trong lúc mọi người khẩn trương ra mặt.

– Hầm trú ẩn binh sĩ?

– Thấy…

– Các ụ súng phòng không?

– Thấy…

– OK… Good luck…

Dứt lời San trầm mình xuống làn nước biển mặn chát, đen ngòm và lao xao sóng bủa. Êm như con lươn biển ra khỏi hang để săn mồi, Tín bám theo cấp chỉ huy. Đã ước lượng được khoảng cách từ chỗ đang đứng tới mục tiêu của mình, San lặn một hơi cho tới khi chạm vào bờ đá trơn trợt mới chầm chậm trồi đầu lên. Đây là phút giây nguy hiểm nhất bởi vì anh không biết được việc gì xảy ra như có kẻ địch đã chờ sẵn. Tay thủ khẩu súng lục có nòng hãm thanh anh quét mắt một vòng quan sát. Theo kinh nghiệm và tin tức tình báo thu lượm được, anh biết sự phòng thủ của địch rất lơ là vì sau trận đánh nhau dữ dội với hải quân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1988 thì chẳng có ai dám xâm nhập hoặc đối đầu với hải quân Trung Cộng nữa. Vì vậy mà họ không cần phải chú tâm vào việc phòng thủ cũng như canh gác kẻ địch. Nguyên căn cứ rộng lớn chẳng thấy có bóng lính tuần tiểu mà chỉ có trạm gác ngay đầu cầu tàu. Vì trồi đầu lên rất gần ụ súng phòng không thật lớn, vốn tính lo xa và cẩn thận anh bấm máy liền mấy lượt. Đây là loại máy chụp hình đặc biệt, có khả năng chụp dưới nước và trên không, trong bóng đêm, sương mù và mưa gió. Tuy nhỏ bằng cái hộp quẹt song nó sức chứa hơn trăm tấm hình. Phía bên kia, cách chừng sải tay, Tín cũng bấm lia lịa tuỳ theo góc cạnh mà anh có thể chụp được.

– Mình lại gần đài chỉ huy…

San thì thầm và Tín trả lời bằng cái gật đầu xong trườn mình đi trước. Men theo bờ đá trơn trợt họ bám vào các vỏ xe cũ được treo tòn ten dùng làm con độn cho tàu cập vào không bị va chạm với thành bê tông để lần tới ngay trung tâm căn cứ. Anh biết căn cứ Đá Chữ Thập là bộ chỉ huy của toàn thể lực lượng của Trung Cộng đóng tại quần đảo Trường Sa. Ngoài căn cứ này chúng còn có thêm mấy chỗ đóng quân khác như Đá Xu Bi, Đá Ba Đầu, Đá Lạc, Đá Gác Ma… Vách bê tông cốt sắt mà anh đang đeo tòn ten là nơi cập cầu của tàu chiến.

– Mình tới đầu đằng kia…

Tín nghe giọng của San vang nhỏ trong ống nghe của chiếc ” head set ” mang trên đầu.

– Tôi theo sau trung úy…

San trước Tín sau; hai thầy trò trầm mình xuống nước, chuyền từ cái vỏ xe này sang cái vỏ xe khác lần về phía đầu bên kia. Đang đưa tay níu lấy cái vỏ xe hơi, Tín nghe tiếng bước chân vang lên trên đầu của mình. Quá chậm để trầm mình xuống nước nên anh đành phải treo mình lơ lửng. Bàn tay mặt đang cầm khẩu súng hãm thanh chĩa họng lên trên anh hồi hộp chờ đợi. Hồi nãy lúc ló đầu lên cao để quan sát anh biết có một hành lang rộng hơn ba thước sát bên hông tòa nhà và bệ đá để cho tàu cập cầu. Tiếng chân người đi càng lúc càng lớn cho anh biết có ai đó đang đi tới ngay trên đầu của mình. Tín thu người nhỏ lại. Ngón tay đặt hờ vào cò súng run run. Thật tình anh không muốn bắn ai kể cả kẻ địch trong giờ phút sinh tử này. Anh chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ thám sát của mình rồi bình yên trở về với gia đình một vợ hai con đang chờ ở Phú Quốc. Đột nhiên hình ảnh của một cô gái còn trẻ hiện ra. Nụ cười thật ” cute ” của cô nữ sinh lớp 10. Đôi mắt màu hạt dẽ. Mái tóc dài mềm như mạ non. Giọng hát khào khào của người lính địch đang đứng đâu đó trên đầu của mình vang vang bay theo gió biển khiến cho Tín mỉm cười nghĩ thầm trong trí của mình: ” Cha này hát dở ẹt mà cũng hát…”. Dù không biết người lính địch hát cái gì song âm hưởng của giọng hát nghe ra buồn buồn và có chỗ nghẹn ngào. ” Chắc hắn nhớ nhà… nhớ vợ con như mình…”. Từ ý nghĩ đó anh thôi căng thăng và nóng lòng vì chờ đợi mà im lặng lắng nghe giọng hát u buồn lan dài trên mặt nước đen thẳm theo gió mạnh đi về nơi nào đó xa thật xa có thể hơn ngàn cây số. Tín ngơ ngẩn, bần thần khi giọng hát dứt và tiếng chân người đi xa và mất dần dần. Anh chỉ bừng tỉnh khi giọng nói của cấp chỉ huy rót vào tai mình hai tiếng ” go home ”.

Jack bắt tay từng người một của toán hải kích khi họ bước ra khỏi phòng lặn kèm theo câu nói ” good job ”. Nàng Tiên Cá được lệnh trở lại căn cứ sau khi toán biệt kích biển đã hoàn thành công tác thám sát, chụp hình các căn cứ Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Xu Bi và Đá Gạc Ma của Trung Cộng, đảo Thị Tứ do nước Phi kiểm soát với đảo Bình Ba được chiếm đóng bởi Đài Loan.

23.00 giờ. 13 phút. 22-6-2030.

Quần đảo Trường Sa. Vĩ tuyến: 9.56.76.00. Kinh tuyến:111.93.11.09

Nàng Tiên Cá hải hành trên mặt nước bằng hai máy tàu thường mà không dùng hệ thống máy tàu chạy bằng dưỡng khí lỏng vì muốn tiết kiệm thứ nhiên liệu hiếm quí và mắc tiền này. Thuỷ thủ được phép thay phiên nhau lên bong tàu để thay đổi không khí.

– Mình đang ở đâu thưa hạm phó?

Minh, người lính mang cấp bậc hạ sĩ rụt rè hỏi Tuấn. Jack và Tuấn là hai vị sĩ quan của nước Việt Nam có cấp bậc cao nhất từng phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ. Jack với cấp bậc đại úy, còn Tuấn trung úy. Tuy nhiên Tuấn không có phục vụ trên tàu ngầm mà chỉ ở trên tàu nổi. Khi về đầu quân ở Phú Quốc, Tuấn được gắn lon đại uý và sau khi lãnh chiếc tàu ngầm đầu tiên đã được bộ tư lệnh hải quân cho làm hạm phó VNN11.

Liếc nhanh Jack đang đứng nhìn trời đêm, Tuấn trả lời gọn.

– Ngang đảo Trường Sa lớn, hướng tây 50 hải lý…

Hạ sĩ Minh không hỏi thêm đưa ống dòm lên quan sát. Thật sự thì anh không cần phải làm như vậy vì hai giàn ra đa, một dò tìm máy bay và một dò tìm tàu nổi trên mặt biển đã quét sóng ngay từ lúc tàu nổi lên mặt nước rồi. Dàn ra đa tìm máy bay có thể phát hiện bất cứ vật lạ nào ở trên không cách xa mấy trăm hải lý. Riêng dàn ra đa dò tàu nổi có thể bắt tín hiệu trăm hải lý. Kẻ thù nguy hiểm nhất của tàu ngầm là máy bay trực thăng. Loại máy bay này tuy không bay nhanh nhưng nhờ trang bị các máy dò siêu âm được thả xuống nước và ra đa tối tân nên có thể phát hiện ra tàu ngầm và tàu nổi xa mấy chục hải lý. Được trang bị thuỷ lôi và hỏa tiển đặc biệt nên nó trở thành sát thủ chuyên trị tàu ngầm. Hải quân Hoa Kỳ có nhiều phi đoàn trực thăng chuyên săn lùng tàu ngầm. Nga Sô cũng có và Trung Cộng cũng có tuy không nhiều bằng Hoa Kỳ.

– Sau chuyến đi này mình sẽ bận rộn nhiều hơn nữa…

Đang im lìm suy nghĩ, Jack lên tiếng nói với Tuấn. Vị hạm phó nói gọn.

– Dạ… Chắc hạm trưởng muốn nói tới việc huấn luyện nhân viên để lãnh thêm tàu ngầm…

Mắt không rời màn đêm thăm thẳm sao, Jack nói khá chậm. Tuấn nhận thấy vị hạm trưởng trẻ tuổi của mình gần đây nói tiếng Việt khá sõi. Tuy còn chậm song bây giờ Jack có thể đàm thoại với nhân viên trên tàu bằng tiếng Việt. Điều đó rất bổ ích vì anh có thể chỉ dạy cho họ hiểu biết một cách rõ ràng khi đi vào chi tiết về công việc trên tàu ngầm.

– Hạm trưởng nói tiếng Việt giỏi quá…

Jack mỉm cười.

– Bà xã tôi là một cô giáo dạy Việt ngữ rất siêng năng nên tôi học nhanh lắm… Với lại tôi có nửa người Việt mà…

Ngừng lại giây lát như để suy nghĩ sau đó Jack chầm chậm lên tiếng.

– Chúng ta cần chú tâm vào hai việc quan trọng. Thứ nhất là xây dựng một hạm đội tàu ngầm cả về phẩm và lượng. Ngoài chiếc Halland của Thụy Điển mà mình đã mua và được chở về Phú Quốc trong vòng vài tháng tới, bộ tư lệnh cũng được cấp ngân quỹ đủ mua thêm hai chiếc tàu ngầm của hải quân hoàng gia Tân Gia Ba. Hai chiếc này thuộc lớp RSS Challenger của Thuỵ Điển. Họ giàu nên sắm đồ chơi mới và bán lại đồ cũ cho mình với giá rẻ…

– Rẻ mà bao nhiêu thưa hạm trưởng?

Thượng sĩ Hiển, phụ tá của trung úy Đương, sĩ quan C4 xen vào hỏi. Jack, tuy là hạm trưởng mà tính tình rất bình dân và vui vẻ. Vì vậy mà lính tráng rất thích gần anh để trò chuyện và học hỏi.

– Mỗi chiếc 10 triệu đô…

– Trời… Như vậy mà hạm trưởng nói rẻ…

Cười ha hả Jack giải thích.

– Chiếc mới tinh giá hai trăm triệu đô… Gần đây Nga Sô nhận đóng 6 chiếc Kilo lớp 636 cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với giá 3 tỉ rưởi đó…

Hiển lắc đầu cười đùa.

– Sao mà đồ chơi chiến tranh lại mắc quá vậy thưa hạm trưởng…

Jack cười tiếp.

– Bởi vậy mà các hãng chế tạo vũ khí mới làm giàu được. Trong vòng vài năm nữa mình có thể mua thêm vài chiếc tàu ngầm hiệu Oyashio của hải quân Nhật Bản. Vì vậy mà chúng ta sẽ rất bận rộn. Nào lo tuyển thêm lính, nào lo mở trường huấn luyện và một xưởng bảo trì và sửa chữa tàu ngầm. Tuấn và Thương biết không, chiếc Nàng Tiên Cá này mướn bảo trì tốn tiền lắm. Nội cái vụ bơm dưỡng khí lỏng vào bình đã tốn chục ngàn rồi…

– Trời đất… Chục ngàn đô thì đủ trả lương cho 20 thuỷ thủ rồi…

Dứt câu nói Hiển ngập ngừng giây lát mới lên tiếng.

– Nói ra điều này thì tôi biết hơi đi sâu vào đời tư của hạm trưởng. Nhưng tôi nghe đồn là lương của ông chỉ có 500 đô la. Đúng không?

Jack cười xoà khi nghe câu hỏi của Hiển. Dường như nó chẳng có gì quan trọng đối với anh.

– Không đúng… Thiếu 1 đồng mới 500…

Tuấn với Thương và Hiển phá ra cười lớn. Ngay cả hạ sĩ Minh nghe xong cũng cười đùa.

– Như vậy thì tôi lãnh nhiều hơn hạm trưởng 26 đồng…

– Hạm trưởng đủ xài hông?

Jack cười hì hì trả lời câu hỏi của Hiển.

– Đủ chứ… Yến Vi lãnh 500 nữa mà. Ở Phú Quốc giá sinh hoạt rẻ rề. Dân họ có 50 đô một tháng còn sống phẻ re thì mình có 500 là sang rồi…

Ai ai cũng bật cười khi nghe vị hạm trưởng cha Mỹ mẹ Việt phát âm hai tiếng ” phẻ re ”. Đang vừa mở miệng chợt hồi còi vang gấp rút. Tàu ngầm có những tín hiệu thông tin riêng để cảnh báo nhân viên. Chỉ cần nghe nghe hai tiếng ngắn một tiếng dài rồi lại thêm hai tiếng ngắn, ai cũng biết còi cấp báo có tàu lạ xuất hiện. Do đó thuỷ thủ phải tức tốc chui vào hầm vì tàu sẽ lặn trong vòng 15 giây đồng hồ. Là người xuống sau cùng, tay mặt đậy nắp hầm, tay trái khoá cứng lại, Jack hét lớn.

– 11 dive… 11 quick dive…

Tiềm thủy đỉnh có ba cách lặn khác nhau. Đó là lặn khẩn cấp (quick dive), lặn nhanh (running dive) và lặn bình thường hay còn gọi bình quân (stationary dive). Lặn khẩn cấp chỉ dùng khi máy tàu chạy bằng dầu cặn đang được sử dụng. Với cách thức lặn khẩn cấp, tàu có thể chìm xuống nước trong vòng một phút đồng hồ. Cách lặn nhanh là cách lặn với thời gian ngắn nhất trong lúc tàu đang xử dụng hệ thống bình điện để lặn. Cách thứ ba là lặn bình thường có nghĩa là sau khi lặn xuống nước rồi, các ngăn chứa nước được làm ngập để giữ cho tàu nằm ở độ sâu theo ý muốn và tàu sẽ hải hành bằng tình trạng bình quân này.

Nàng Tiên Cá với 25 thuỷ thủ trầm mình xuống nước thật nhanh. Kim đồng hồ chỉ độ sâu thay đổi từ 5, 10, 15… và cứ thế con số lớn lên tới 100. Jack ra lệnh gọn.

– 11… 100… 11… Bình quân…

Định, sĩ quan đương phiên lập lại không sót tiếng nào lệnh của hạm trưởng.

– 11… 100… 11… Bình quân…

Jack thong thả lên tiếng.

– 11 hải hành…

Hạ sĩ Chơn đang ôm tay lái tàu lập lại.

– 11 hải hành…

Máy dò tiếng động bắt đầu hoạt động. Khi lặn sâu xuống nước, tàu ngầm trông cậy vào hệ thống máy dò tiếng động để di chuyển. Nàng Tiên Cá cũng vậy. Nó được trang bị hệ thống ” CSU 90-2 integrated sonar sensor suite ”, một hệ thống dò tìm và xác định âm thanh ở dưới nước để biết đường lối mà đi cũng như khám phá ra các tàu ngầm và tàu nổi khác. Ngoài ra hệ thống định vị thủy âm này còn có thêm ba chức năng khác là khám phá ra ngư lôi, đo lường khoảng cách cũng như vận tốc của ngư lôi địch đồng thời bảo vệ tàu bằng cách phóng ra ngư lôi giả hoặc bắn ra ngư lôi phá huỷ ngư lôi của địch. Hệ thống này còn có nhiều chức năng đặc biệt như: 1- tự động khám phá, định vị trí, vận tốc của tàu ngầm địch; 2- tính toán và báo trước tình trạng của đáy biển như dò tìm độ sâu, đá ngầm, san hô để tàu có thể nương vào đó mà trốn tránh trong trường hợp không muốn đụng độ; 3- đo lường và ước tính ra loại vũ khí nào đối phó với tàu của địch; 4- tính toán và ước lượng cách đối phó với tàu địch như phóng ra ngư lôi giả hoặc phóng ngư lôi để phá huỷ ngư lôi của địch. Nói tóm lại, chiếc VNN11 được trang bị hệ thống chống tàu ngầm và tàu nổi rất tối tân để giúp nó chơi trò mèo chuột với phe địch. Tuy nhiên đôi khi có đồ chơi tốt mà người ta còn cần phải dựa vào may rủi và kinh nghiệm của người chơi nữa.

Jack là người thấy trước nhất trên màn ảnh của máy dò âm thanh hình ảnh một chấm đen lớn từ từ.

– Tàu ngầm địch…

Tuấn thì thầm. Jack gật đầu.

– Khoảng cách?

Jack lên tiếng hỏi trung sĩ Hoá, phụ trách một phần của hệ thống định vị thuỷ âm, lúc đó đang nhìn vào màn ảnh bên cạnh giây lát xong trả lời.

– 15 hải lý… vận tốc 17 knot…

Jack nhìn chăm chú vào một màn ảnh chỉ toàn cảnh ở đáy biển trong chu vi hai mươi hải lý. Tuấn chợt lên tiếng.

– Tôi nghĩ mình nên tránh nó thưa hạm trưởng…

Jack gật đầu vì cũng cùng ý nghĩ với hạm phó của mình. Nàng Tiên Cá không có lý do gì để chạm mặt hay đánh nhau với chiếc tàu ngầm lạ. Vùng biển Đông bây giờ có vô số tàu ngầm di chuyển để thi hành sứ mệnh của mỗi quốc gia. Tàu ngầm thường cũng có mà tàu ngầm nguyên tử cũng có. Trung Cộng, Mỹ, Nga, Việt Nam, Mã Lai và Nam Dương đều có. Biển tuy mênh mông song đối với các loại máy móc tối tân nhìn xa thấy rộng bây giờ thì càng ngày càng trở nên chật hẹp.

– Tới chỗ này…

Miệng nói, tay chỉ vào một đường xanh đậm, Jack ra lệnh cho tàu đổi hướng đi vào đó. Mặt biển thường không bằng phẳng mà lồi lõm, có nơi sâu nơi cạn. Vùng quần đảo Trường Sa, đáy biển lại có nhiều rặng san hô, đá ngầm và vô số các chướng ngại khác. Nếu không cẩn thận, không có bản đồ chỉ dẫn và xác định rõ ràng tàu có thể bị đụng vào nhẹ thì gây hư hại còn nặng thì chìm luôn. Jack còn nhớ cách đây chục năm một chiếc tàu vớt mìn của hải quân Hoa Kỳ đã đụng vào rặng san hô và bị kẹt luôn không rút ra được. Chiếc Nàng Tiên Cá đang ở vào phần cạn hơn. Nếu đổi hướng sang đông nó sẽ đi vào vùng biển xụp sâu xuống có nhiều đồi cao thấp để nương vào đó mà trốn tránh chiếc tàu ngầm lạ đang đi ngược chiều với nó. Máy đo độ sâu chỉ số 110 rồi lớn dần lên cho tới khi có người la lớn.

– 150…

Kim đồng hồ chỉ áp suất cũng hiện lên con số 16.4082/kgf/cm2. Điều đó cho biết ở độ sâu 150 thước, vách tàu bằng kim loại sẽ phải chịu một sức ép gần 16 kí lô rưởi trên một phân vuông. Trên lý thuyết thì Nàng Tiên Cá có thể lặn sâu hơn 200 thước. Tuy nhiên từ hồi lãnh tàu tới giờ Jack chưa bao giờ cho tàu lặn xuống sâu hơn 150 thước. Bây giờ đang ở độ sâu 150 thước, mọi người dường như nghe được những tiếng răng rắc vang ra do áp suất của nước ép vào thành tàu đồng thời chính họ cũng cảm thấy lồng ngực nằng nặng như bị ép lại khiến cho hô hấp nặng nề.

– 155…

Tuấn liếc thấy khuôn mặt của vị hạm trưởng chiếc VNN11 vẫn bình tịnh và an nhiên vì quá quen tình trạng tàu nằm sâu dưới lòng biển đen âm u.

– 155… Bình quân…

Jack ra lệnh khi Nàng Tiên Cá chạm đáy biển và nằm yên chờ đợi. Dường như có tiếng ai thở khì khi nghe lệnh của cấp chỉ huy bật ra. Jack mỉm cười lên tiếng như muốn phá tan bầu không khí nặng nề đang đè lên ngực của thủy thủ đoàn.

– Lần đầu mình xuống sâu hơn trăm rưởi…

Hạ sĩ Hoá đưa tay vuốt mồ hôi trán xong mới nói với giọng run run.

– Hồi hạm trưởng đi tàu ngầm của Mỹ nó có lặn sâu như vầy không hạm trưởng?

Jack gật đầu cười trả lời. Giọng nói của anh bình tịnh khiến cho không khí trong phòng chỉ huy bớt căng thẳng hơn.

– Có lần chiếc tàu của tôi lặn thử và nó lặn sâu tới 400 mét…

– Nàng Tiên Cá mà xuống sâu 400 mét chắc mình bị nước ép dẹp như bánh tráng hả hạm trưởng…

Suy nghĩ giây lát, Jack mới hiểu ra nghĩa câu nói đùa của hạ sĩ Hoá bèn cất tiếng cười ha hả. Tiếng động càng lúc càng nghe rõ hơn khiến ai ai cũng khẩn trương ra mặt. Ngay cả Jack cũng im lặng như có ý lắng nghe tiếng cánh quạt của chiếc tàu ngầm sắp đi tới chỗ chiếc tàu của họ đang nằm yên dưới đáy biển sâu. Anh hoàn toàn không ước đoán được tàu này của nước nào, địch hay bạn. Tiếng động vang mơ hồ đâu đó trong lòng biển sâu tối mờ. Thông thường âm thanh truyền đi trong nước chịu ảnh hưởng của nhiều điều kiện như độ sâu, áp suất, nhiệt độ và độ mặn của nước biển khiến cho tốc độ của âm thanh bị giảm đi. Vì vậy các máy định vị thuỷ âm chỉ hoạt động hiệu quả ở một độ sâu nhất định mà thôi. Đó là lợi điểm của tàu ngầm nguyên tử so với tàu ngầm chạy bằng dầu cặn-điện. ” Run deep, run fast hay lặn sâu và chạy nhanh ”, là ưu điểm của tàu ngầm nguyên tử vì nó có thể lặn sâu bốn hoặc năm trăm mét vì vậy không sợ bị khám phá ra vị trí.

– Nó đang ở trên đầu của mình…

Có tiếng ai đó thì thầm. Thật ra dù họ có la lớn chưa chắc tàu địch có thể nghe được. Chỉ vì theo thói quen và sự sợ sệt khiến cho họ không dám và không thể nói lớn. Hình như mọi người đều nghe tiếng chân vịt quậy nước cùng với âm thanh đong đong phát ra từ máy dò tiếng động mà hạ sĩ Hoá cố tình cho họ nghe bằng cách lấy ra khỏi tai của anh. Chừng mười mấy phút sau tiếng động nhỏ dần rồi mất hẵn. Hạ sĩ Hóa lên tiếng.

– Chắc mình lên được rồi hả hạm trưởng…

Liếc nhanh Jack, Tuấn nói thay cho cấp chỉ huy.

– Đợi chút nữa cho chắc ăn. Biết đâu nó trở lại…

Nửa giờ sau, ở độ sâu 155 mét Nàng Tiên Cá từ từ lên 140, 120, 100 và cuối cùng bình quân ở 50. Phải đợi đêm xuống nó mới có hy vọng nổi lên mặt biển để báo cáo với bộ tư lệnh và cũng nhận chỉ thị mới nếu có.

15.

12- 2031

Không có thông tin nào trên báo chí, truyền hình và luôn cả trên mạng nữa; chiếc tàu ngầm thứ nhì của nước Việt Nam mang tên Mỹ Nhân Ngư với số hiệu VNN22 lặng lẽ cặp bến An Thới vào lúc nửa đêm. Thực ra thì chiếc tàu ngầm tên Hallaand lớp 19A mà nước Việt Nam mua lại của hải quân Thụy Điển đã được chở về tới Phú Quốc vào lúc xế chiều. Tuy nhiên để giữ bí mật nó được lệnh chờ tới đêm khuya mới âm thầm cập vào cầu tàu trong căn cứ dành riêng cho tàu ngầm của bộ tư lệnh hải quân nằm trong vịnh An Thới. Thủy thủ đoàn từ hạm trưởng xuống tới người lính quèn đều được nghiêm lệnh không bàn tán, chuyện trò về chiếc tàu của họ với bất cứ ai kể cả người thân trong gia đình. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhỏm khi ngửi được không khí quen thuộc của quê nhà sau hơn nửa năm xa vắng. Phấn thở hơi dài nhẹ nhỏm khi bước lên cầu tàu của khu vực dành riêng cho tàu ngầm nằm trong căn cứ hải quân An Thới.

Nghe được tiếng thở phào của vị hạm phó, Chấn cười lên tiếng.

– Người ta nói không đâu bằng quê nhà của mình. Tôi cảm thấy mùi nước mắm nó quyến rũ vô cùng…

– Ủa hạm trưởng bây giờ cũng thích ngửi mùi nước mắm nữa à… Tôi tưởng…

Thượng sĩ Tâm, nhân viên cơ khí của tàu xen vào. Cười ha hả Chấn nói lớn.

– Mới đầu tôi cảm thấy thúi song ngửi riết rồi cũng quen…

Quay qua Phấn, anh cười tiếp.

– Tôi nghe nói Phấn thích cà phê lắm. Sáng mai tụi mình làm chầu cà phê nghen…

Phấn chép miệng liên tiếp mấy cái rồi mới trả lời.

– Hạm trưởng nhắc cà phê làm tôi thèm. Hơn năm rồi tôi chưa có uống cà phê Việt Nam…

Trung úy Biết, sĩ quan vũ khí góp chuyện.

– Mình được nghĩ mấy ngày thưa hạm trưởng?

Do dự giây lát Chấn mới trả lời câu hỏi của Biết.

– Tôi chưa biết… Ngày mai tôi trình diện ” tư lệnh Jack ” xong mới biết được. Tôi đoán ổng sẽ cho mình nghỉ xả hơi ít nhất cũng tuần lễ…

Trung úy Điện, sĩ quan cơ khí của chiếc Mỹ Nhân Ngư bật cười hắc hắc khi nghe nhắc tới biệt danh của trung tá hạm trưởng chiếc VNN11 kiêm tư lệnh hạm đội tàu ngầm của nước Việt Nam. Quay đầu lại thấy thượng sĩ Tiềm đang đi sau lưng mình, Chấn cười nói tiếp.

– Hôm nay thứ mấy hả ông?

– Dạ thứ sáu thưa hạm trưởng. Tôi đã chia phiên trực xong xuôi rồi…

Chấn gật đầu tỏ vẻ hài lòng về sự làm việc tận tụy của vị quản nội trưởng. Phấn xen vào bằng câu dặn dò.

– Ông nên dặn lính phải cẩn thận. Lỡ có gì là mình đi tù cả đám…

– Hạm phó đừng có lo xa… Ông Chương làm sĩ quan trực hôm nay mà…

Phấn chưa kịp nói gì thì Chấn đã lên tiếng trước.

– Có ông từ Chương ở lại tàu thì được…

Chấn mỉm cười khi liên tưởng tới vị sĩ quan mang cấp bậc trung úy vóc dáng nho nhã của một thư sinh đàn có tài đàn rất hay. Cũng nhờ vào tài hoa của Chương mà thủy thủ đoàn có được những buổi giải trí trong suốt thời gian theo học khóa huấn luyện tàu ngầm ở Thụy Điển. Thủy thủ đoàn của Mỹ Nhân Ngư có 26 người gồm năm sĩ quan và hai mươi mốt lính cấp bậc từ thượng sĩ xuống tới thủy thủ. Năm sĩ quan là Chấn, thiếu tá hạm trưởng; đại úy Phấn hạm phó; trung úy Chương sĩ quan C4; trung úy Biết sĩ quan vũ khí và cuối cùng là trung úy Điện sĩ quan cơ khí. Lính dưới tàu đặt cho Chương cái tên là ” Chương điên ” vì dứt bỏ cái nghề chuyên môn kỹ sư điện toán với đồng lương gần một trăm ngàn đô la để trở thành sĩ quan hải quân của nước Việt Nam có lương ngàn đô la một tháng thì đúng là điên nặng hoặc quá lý tưởng. Không ai biết lý do nào khiến cho Chương làm như vậy trừ Chấn mà anh lại không chịu hé răng tiết lộ về đời tư của vị sĩ quan ưu tú dưới quyền chỉ huy của mình.

10 giờ sáng. Nhân viên của chiếc tiềm thuỷ đỉnh VNN22 đứng xếp hai hàng dài trên bong tàu chờ đón phái đoàn của của bộ tư lệnh hải quân xuống thăm viếng. Quốc, tư lệnh hải quân với Jack, tư lệnh hạm đội tàu ngầm lần lượt duyệt binh và bắt tay hạm trưởng, hạm phó rồi dài tới người thuỷ thủ cuối cùng. Đứng trước hàng quân vị tư lệnh hải quân Việt Nam nói ngắn và gọn.

– Nhân danh tư lệnh hải quân tôi hân hoan chào đón toàn thể thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu ngầm VNN22 mang tên Mỹ Nhân Ngư gia nhập vào đại gia đình của hải quân Việt Nam. Các anh đã chính thức trở thành thuỷ thủ đoàn của chiếc tiềm thuỷ đỉnh thứ nhì của hạm đội tàu ngầm Phú Quốc. Đó là một vinh dự đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao của một thuỷ thủ tàu ngầm. Mai mốt đây các anh sẽ hợp cùng toàn thể thuỷ thủ của hải quân Việt Nam ra Biển Đông để chứng tỏ cho lũ giặc phương bắc biết tính quật cường và chí khí bất khuất của Con Rồng Cháu Tiên trong nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc và dân tộc trước hoạ xâm lăng của kẻ thù phương bắc…

Ngừng lời, nhìn hàng quân đang đứng nghiêm, vị tư lệnh hải quân cao giọng.

– ” Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ…” Hơn hai trăm năm trước đây, vua Quang Trung đã nói như thế trước khi cử binh đánh đuổi lũ giặc xâm lăng đến từ phương bắc. Hôm nay, tôi nhắc lại lời nói của vị anh hùng bách chiến bách thắng chỉ để nhắn nhủ với các anh em một điều là ” giặc xâm lăng nước ta luôn luôn là kẻ láng giềng phương bắc ”. Là con dân của nước Việt các anh nên ghi khắc điều đó trong lúc chờ đợi thời cơ thuận lợi để nối gót người anh hùng áo vải Tây Sơn cất quân ra bắc diệt kẻ xâm lăng đem lại tự do và độc lập cho xứ sở…

Tiếng vỗ tay vang vang trên sóng nước sau khi vị tư lệnh hải quân dứt lời. Sau đó Quốc cùng với các sĩ quan thuộc bộ tư lệnh bước xuống thăm viếng chiếc tàu ngầm mới nhất của hạm đội tàu ngầm Phú Quốc. Đợi cho phái đoàn của bộ tư lệnh khuất bóng, Jack thong thả lên tiếng.

– Bây giờ tôi mời thiếu tá Chấn cùng các sĩ quan và hạ sĩ quan của hai tàu lên phòng họp của bộ chỉ huy hạm đội để bàn luận nhiều công việc quan trọng mà chúng ta cần phải thi hành…

Hai mươi người thuộc thành phần chỉ huy của hai chiếc tàu ngầm lần lượt đi lên căn nhà nhỏ được dùng làm bộ chỉ huy hạm đội tàu ngầm Phú Quốc. Đợi cho nhân viên ngồi xong xuôi Jack đi ngay vào chuyện.

– Tư lệnh Quốc ra lệnh cho tôi phải thi hành cấp tốc hai chuyện quan trọng sau đây. Thứ nhất là tập dợt cho thuỷ thủ hai chiếc tàu ngầm thật thông thạo cách thức chỉ huy, điều khiển con tàu để nó có đủ sức tham gia vào các công tác tuần tra hải phận của nước ta trong vịnh Thái Lan cũng như bí mật thám hiểm vùng biển của quần đảo Trường Sa cho thật rõ ràng. Dù trên hải đồ đã ghi rõ các vị trí nhưng chúng ta cũng nên tự mình khám phá ra độ nông sâu của vùng biển quanh Trường Sa. Chúng ta cần biết chỗ nào cạn, chỗ nào sâu, nơi nào có đá ngầm, nơi nào có san hô để dùng vào các công tác điệp báo. Chúng ta phải lặn…

Mọi nhân viên ngồi trong phòng họp đều nghe vị tư lệnh của mình nhấn mạnh tiếng ” lặn ”.

– Từ nào tới giờ mình chỉ có học lặn, thực tập việc cho tàu lặn sâu nhưng các anh chưa bao giờ thực sự chỉ huy tàu lặn trong những trường hợp cấp bách như khi gặp tàu nổi hay máy bay của địch hoặc phải trốn tránh sự săn đuổi của tàu ngầm của địch. Ngày mai này chúng ta sẽ thực hành chiến thuật chống tàu ngầm, tàu nổi và chống máy bay. Chiến thuật này được chia làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn 1, chiếc Mỹ Nhân Ngư do thiếu tá Chấn làm hạm trưởng sẽ bị chiếc Nàng Tiên Cá săn đuổi. Sau đó tới phiên chiếc Nàng Tiên Cá trở thành mục tiêu săn tìm của chiếc Mỹ Nhân Ngư. Khi chúng ta thật sự thuần thục giai đoạn 1 rồi sẽ tới giai đoạn 2. Chúng ta sẽ săn tìm và đánh chìm tàu nổi cũng như phải tìm cách trốn tránh sự phản công của họ…

– Tôi khoái cách thức huấn luyện này…

Trung uý Chương lên tiếng. Khẽ gật đầu cười Jack nói tiếp.

– Giai đoạn 3 là giai đoạn đối phó với sự săn tìm của trực thăng. Các anh đều biết rằng trực thăng là đối thủ nguy hiểm nhất của tiềm thuỷ đỉnh. Được trang bị loại máy thuỷ âm định vị tân tiến nhất là dipping sonar hiệu Flash của hãng Thales, dù bay trên trời cao trực thăng cũng có khả năng dò tìm tàu ngầm đang lặn dưới biển sâu. Khi khám phá ra nó sẽ dùng ngư lôi hay hoả tiển để bắn nổ tàu ngầm ở dưới độ sâu hai ba trăm mét. Hải quân vừa sắm được một phi đội trực thăng ba chiếc để cho chúng ta thực tập cách đối phó với loại trực thăng săn tàu ngầm này. Công tác thứ nhì là chúng ta phải huấn luyện mấy trăm khoá sinh để họ có đủ sức lãnh vài chiếc tàu ngầm lớp Oyashio mà ta đang điều đình để mua của hải quân nước Nhật vào năm 2033…

Tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan của hai chiếc tàu ngầm đều tỏ vẻ kinh ngạc khi nghe tin này. Cười nhẹ vị tư lệnh hạm đội tàu ngầm tiếp nhanh.

– Đại uý Tuấn, hạm phó chiếc 11 và đại uý Phấn, hạm phó chiếc 22; hai ông đã được tôi đề nghị với bộ tư lệnh thăng cấp thiếu tá và trở thành hạm trưởng của hai chiếc tàu ngầm sắp lãnh. Ngoài ra trong danh sách thăng cấp đại úy có tên của trung úy Chương. Sau khi thiếu tá Phấn đi lãnh tàu ngầm khác thời đại úy Chương sẽ là hạm phó của chiếc 22…

Mọi người thi nhau chúc mừng hai vị tân hạm trưởng và ông tân hạm phó. Đợi cho mọi người im lặng xong Jack mới lên tiếng tiếp tục buổi họp.

– Chương trình huấn luyện và thao dượt được chia ra như sau. Thứ hai, thứ tư và thứ sáu là ba ngày huấn luyện trên bờ cho các khoá sinh. Thứ ba và thứ năm sẽ thao dượt trên biển. Chương trình huấn luyện kéo dài sáu tháng. Vậy anh em cố gắng thao dợt để lấy điểm với bộ tư lệnh hải quân và bộ quốc phòng. Mình phải cho họ thấy khả năng tác chiến của mình trong việc bảo vệ hải phận và tiêu diệt kẻ thù địch của nước thì họ mới chịu bỏ tiền ra cho mình sắm tàu mới…

Hướng về hai vị đại uý sắp sửa trở thành hạm trưởng, Jack cười đùa.

– Hai ông ráng đừng để bị bắn chìm tàu. Tàu mà bị địch bắn chìm là tôi hổng có tàu cho hai ông chỉ huy đâu. Hai chiếc tàu ngầm lớp Oyashio này tuy máy móc là của hãng Kockums song được đóng ở Nhật vì vậy cũng na ná như chiếc 11 và 22 mà mình đang có. Tuy nhiên các dụng cụ điện tử thì của Nhật Bản ráp nối lại với nhau…

Ngừng lại uống ngụm nước cho thông cổ xong vị tư lệnh hạm đội tàu ngầm của nước Việt Nam hắng giọng tiếp.

– Theo cái nhìn của tôi thì muốn ra tranh hùng ở Biển Đông mình phải có một hạm đội tàu ngầm ít nhất hai mươi chiếc. Như thế mình mới đủ sức đương đầu với hạm đội Nam Hải của Trung Cộng. Tôi muốn có ít nhất hai chiếc Gotland lớp A26 hoặc Oyashio mới nhất của hải quân Nhật…

Chấn cười nhẹ lên tiếng.

– Tôi cũng đồng ý với tư lệnh về điều này. Tuy nhiên một chiếc Gotland lớp A26 mới tinh giá 250 triệu đô la rồi…

– Soryu của Nhật rẻ hơn thưa tư lệnh. Chiếc mới chừng 150 triệu thôi. Nó được đóng bởi Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Shipbuilding Corporation nên không thua gì hãng Kockums. Các máy móc điện tử của Soryu cũng ngon lành lắm…

Trung uý Chương lên tiếng. Jack gật đầu.

– Tôi cũng đã nghĩ tới chuyện mua của Nhật. Ông Quốc có nói với tôi là trong chiến lược tìm kiếm đồng minh chống lại Trung Cộng, nước Nhật coi mình như là một đồng minh tốt và đáng tin cậy. Vì vậy họ sẽ bán rẻ cho mình. Tuy nhiên điều này còn tuỳ thuộc vào túi tiền của chính phủ. Quí vị cũng biết ngân sách quốc gia của ta phần lớn nhờ vào dầu hoả…

Thượng sĩ Minh, phụ tá cơ khí của chiếc VNN22 lên tiếng với giọng thấp và nghiêm nghị.

– Tôi nghe phong phanh chính phủ đang chuẩn bị kế hoạch bành trướng lãnh thổ…

Nghe tới đó Jack cười ngắt ngang lời của thượng sĩ Minh.

– Ai nói với ông vậy?

Cười hì hì ông thượng sĩ gãi gãi đầu.

– Tôi nghe thiên hạ đồn mà tư lệnh…

Biết Minh không muốn nói tới tên người xì tin đồn nên Jack gật đầu.

– Tôi cũng có nghe tin đồn này mà thiệt hay giả thì tôi không dám chắc lắm. Thôi bây giờ mình giải tán để anh em chuẩn bị cho sáng mai mình ra khơi…

Theo lệnh của cấp chỉ huy, đại uý Tuấn hạm phó chiếc VNN11 và đại uý Phấn hạm phó chiếc VNN22 sẽ xử lý thường vụ chức hạm trưởng để chỉ huy con tàu trong suốt thời gian thao dợt kéo dài ba tháng. Phần Jack với Chấn sẽ trở thành quan sát viên theo dõi và chấm điểm cho nhân viên hai chiếc tàu ngầm. Ngày đầu tiên chiếc Nàng Tiên Cá sẽ thủ vai săn tìm để khám phá ra vị trí của chiếc tàu địch VNN22 đồng thời cũng phải lo chống trả lại sự tấn công của địch nữa. Vịnh Thái Lan là vùng biển cạn, ít có nơi nào nước sâu hơn trăm thước kể cả các vùng xa như Thổ Châu hay Nam Du. Vì vậy nó trở thành địa điểm rất thuận lợi cho hai chiếc tàu ngầm chơi trò cút bắt. Cả hai chiếc tiềm thuỷ đỉnh đều thuộc loại HMS Gotland lớp A19 nên hệ thống chỉ huy, kiểm soát, điện toán và liên lạc (command, control, computer và communication) gọi tắt là C4 rất giống nhau; vì vậy trong công tác thao dượt và huấn luyện này, việc chấm điểm tuỳ thuộc vào tài năng của các sĩ quan chỉ huy cộng thêm kinh nghiệm tác chiến của thuỷ thủ đoàn. Hai chiếc Gotland và Halland đều có trang bị ” sonar ” gọi là hệ thống thuỷ âm định vị để truy tìm tàu địch gồm một bộ phận gắn ở mũi tàu và một được lắp đặt sau lái tàu gọi là ” tow array ” với nhiều chức năng như dò tìm tàu nổi, tàu ngầm và luôn cả ngư lôi nữa. Ngoài ra hai chiếc tàu ngầm của hạm đội Phú Quốc còn được trang bị một hệ thống dò tìm đặc biệt để tránh mìn và các chướng ngại vật nằm dưới đáy biển gọi tắt là MOAS (mine & obstacle avoidance sonar) vì chuyên hoạt động trong vùng Biển Đông vốn có nhiều chướng ngại vật thiên nhiên như san hô, đá ngầm, đá nổi khi thủy triều rút xuống song bị ngập nước khi thủy triều dâng lên. Kín đáo quan sát Jack nhận thấy thuỷ thủ đoàn của chiếc Nàng Tiên Cá tỏ ra thành thạo trong việc sử dụng các dụng cụ điện tử. Riêng sĩ quan các cấp thì tỏ ra bình tỉnh và nhiều kinh nghiệm với hệ thống C4. Nhất là đại uý Tuấn, hạm phó. Chỉ huy một chiến hạm, bất kể tàu ngầm hay tàu nổi là một chuyện phức tạp và khó khăn bao gồm bốn nhiệm vụ điều khiển, kiểm soát, tính toán và liên lạc. Nó như một hệ thống liền lạc mà một phần bị đứt là toàn thể hệ thống sẽ bị hỏng ngay. Mỗi thuỷ thủ chăm chú vào nhiệm vụ của mình. Nhìn màn ảnh của máy đo độ sâu đang ở số 60, Jack biết chiếc Nàng Tiên Cá đã đi vào vùng tam giác của quần đảo Thổ Chu và Nam Du với Phú Quốc. Đâu đó không xa lắm, chiếc Mỹ Nhân Ngư lặng lẽ hải hành tới một địa điểm không ai biết được trừ nó. Có thể nó nằm im dưới đáy biển. Có thể nó chui vào góc kẹt nào của rặng san hô hay ẩn mình trong vụng biển của quần đảo Thổ Chu hay Nam Du. Vịnh Thái Lan có hai cụm đảo lớn là Nam Du và Thổ Chu cách nhau chừng trăm cây số. Nam Du có hai mươi mốt đảo lớn nhỏ còn Thổ Chu có 8 đảo, cộng lại cũng đủ cho chiếc VNN22 chơi trò cút bắt với VNN11.

– Ông nghĩ chiếc Mỹ Nhân Ngư đang ở đâu?

Jack lên tiếng hỏi Tuấn. Đang chăm chú nhìn vào màn ảnh của máy thuỷ âm, nghe Jack hỏi, Tuấn quay qua cười trả lời.

– Theo suy luận thông thường thì chiếc 22 sẽ trốn ở vùng biển quanh quần đảo Thổ Chu vì nơi đây sâu hơn Nam Du và gần cửa vịnh để ra Biển Đông. Tuy nhiên suy nghĩ ngược lại thì ông hạm trưởng Phấn cũng có thể nằm ngủ đâu đó trong cụm đảo Nam Du. Nó có hơn 20 chục hòn đảo lớn nhỏ nằm sát nhau nên rất dễ trốn tránh. Tôi đoán ông Chấn đang ôm cô Nam Du ngủ rồi thưa tư lệnh…

Nói xong Tuấn bật cười hắc hắc. Jack cười tiếng nhỏ không lên tiếng dù anh cũng cùng ý nghĩ với hạm phó của mình. Thổ Chu so về độ sâu cũng không sâu hơn Nam Du bao nhiêu, trong khi Nam Du lại có đảo nhiều gấp đôi. Trốn ở Nam Du tiện nhất vì nếu bị động chiếc VNN22 cũng có thể tới Hòn Khoai hoặc chạy ra Thổ Chu tạm trú. Anh gật gù cười khi thấy trên màn ảnh định vị trí chỉ hướng 104o22’ kinh tuyến Đông và 9o42′ vĩ tuyến Bắc. Đó là vị trí của quần đảo Nam Du. Do ở một biệt lệ mà hải quân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều làm lơ khi các tàu chiến thuộc hạm đội Phú Quốc của nước Việt Nam đi lại trong hải phận của họ vì hai lý do. Thứ nhất tàu chiến của Vùng 5 hải quân có căn cứ tại Rạch Gía không đủ sức tuần tra để khám phá ra sự ngang nhiên đi lại này. Thứ nhì so về lực lượng tàu chiến thì họ yếu thế hơn nên phải làm ngơ trước hành động xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp. Cũng giống như họ làm ngơ hành động ngang nhiên xâm nhập của tàu chiến Trung Cộng. Với lại họ cũng biết các chiến hạm của đảo Phú Quốc thăm viếng và giao lưu thân hữu nên chỉ lên tiếng phàn nàn lấy lệ thôi. Riêng về sự bí mật xâm nhập để thăm dò và thu lượm tin tức tình báo của tàu ngầm thì họ lại càng không có khả năng để phát hiện. Hải quân của họ có sáu chiếc Kilo thì cũng vừa đủ dàn trải ra để tuần phòng một đoạn bờ biển miền bắc và miền Trung với cụm đảo Trường Sa. Bờ biển của miền Nam và nhất là vịnh Thái Lan là vùng không có tranh chấp về lãnh hải nên họ không cần sử dụng tới tàu ngầm để tuần tra hay chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của tàu lạ. Cũng vì vậy mà hai chiếc Mỹ Nhân Ngư và Nàng Tiên Cá mới mượn vùng tam giác biển giữa Nam Du, Thổ Chu và Phú Quốc để thao dượt với nhau.

09.00 giờ. Biển mờ mờ sáng nhờ nước không sâu lắm. Chiếc Nàng Tiên Cá đang hải hành cách quần đảo Nam Du ba chục hải lý theo hướng nam bắc. Bước vào phòng chỉ huy Jack thấy Nam, sĩ quan C4 và cũng là sĩ quan đương phiên đang đứng trước màn ảnh của máy dò thủy âm. Mang cấp bậc trung úy, Nam là sĩ quan có cấp bậc cao và thâm niên đứng hàng thứ ba của tàu. Trong trường hợp khẩn cấp, với kinh nghiệm và hiểu biết của một sĩ quan từng phục vụ trên tiềm thủy đỉnh nguyên tử của hải quân Hoa Kỳ, Nam có thể thay thế cấp chỉ huy của mình là hạm trưởng Jack và hạm phó Tuấn để chỉ huy nhân viên điều khiển con tàu.

– Thấy nó rồi hả Nam?

Jack buông câu hỏi sau khi nhấp ngụm cà phê nóng. Nhẹ lắc đầu Nam cười trả lời một cách hơi tếu.

– Chưa thưa hạm trưởng. Hổng có dễ tìm ra Mỹ Nhân Ngư đâu. Nó là Ghost mà hạm trưởng…

Jack bật cười khi nghe vị sĩ quan C4 nói tới tiếng Ghost (Genuine Holistic Stealth ). Danh từ này chỉ tới khả năng tàng hình của hai chiếc Nàng Tiên Cá và Mỹ Nhân Ngư trước sự săn tìm của tàu địch nhờ vào các thiết bị và cách kiến trúc đặc biệt của hãng Kockums. Tính chất tàng hình đầu tiên là chân vịt có tới bảy cánh với cấu trúc và hình dáng mà khi quay trong nước hầu như không gây ra tiếng ồn. Đặc tính tàng hình thứ nhì là tất cả những máy bơm dầu, nước và không khí; đường ống dẫn nước, dầu, điện hay bất cứ vật gì bị giao động khi tàu di chuyển đều được bọc kín để khử âm thanh. Ngoài ra tàu còn được khử từ trường và khử điện để không bị khám phá bởi các máy dò tối tân. Đó là chưa kể tới các tính chất như thân tàu có rất ít chỗ nóng hoặc lạnh; vỏ tàu ít cản nước cũng như trang bị vật liệu khử tiếng ồn bên trong để tránh bị khám phá bởi các loại tàu nổi và phi cơ săn tàu ngầm. Thêm vào đó với hệ thống bình điện tối tân và hệ thống AIP sử dụng dưỡng khí lỏng để chạy máy dầu cặn nên hai chiếc tàu ngầm của hạm đội Phú Quốc rất ít khi nổi lên mặt nước trừ trường hợp cần thiết.

Uống hết ngụm cà phê cuối cùng xong Tuấn dõng dạc ra lệnh.

– 11 hải hành…

Đang ngồi trước tay lái binh nhất Minh lớn tiếng lập lại lệnh của vị hạm phó kiêm quyền hạm trưởng.

– 11 hải hành…

– Một trăm lẻ bốn độ hai mươi hai kinh tuyến Đông, chín độ bốn mươi hai vĩ tuyến Bắc… Vận tốc 8 hải lý…

Tuấn ra lệnh từng tiếng một rõ ràng và Minh cũng lập lại không sót tiếng nào trong lúc nhích tay lái cho đúng với hướng đi hiện trên màn ảnh trước mặt. Ngày xưa với các loại tàu cổ điển thì muốn điều khiển một chiếc tàu ngầm phải cần tới bảy hoặc tám chục nhân viên. Tuy nhiên tàu ngầm bây giờ được trang bị các máy móc tối tân nên nhân số giảm đi rất nhiều. Như chiếc Nàng Tiên Cá chỉ cần có 25 thuỷ thủ. Điều này tiết kiệm được rất nhiều điều cần thiết như có thêm diện tích để chứa thức ăn, nhiên liệu và vũ khí. Ít người thì chuyện cung cấp nước và không khí cũng giảm đi. Ai cũng biết khi lặn sâu thì nước ngọt và không khí đều phải được lọc từ nước biển. Nếu việc tiêu dùng hai thứ nhu yếu phẩm này được giảm thiểu có nghĩa là sự tiêu dùng hệ thống điện từ bình ắc quy cũng bớt đi, do đó sẽ làm cho tầm hoạt động của tàu sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra nếu hệ thống điều khiển và kiểm soát của tàu đều bằng máy móc thì sự làm việc sẽ nhanh chóng và chính xác hơn người. Một điều mà ai cũng phải thừa nhận là máy móc không có mệt như người. Sự bền bỉ và dẽo dai của máy hơn hẵn người do đó năng xuất cao gấp mấy lần.

Đứng trong phòng chỉ huy Tuấn liếc qua bên cạnh chỗ trung sĩ nhất Bính, hạ sĩ quan chuyên phụ trách hệ thống thuỷ âm định vị đang chăm chú nhìn vào màn ảnh của máy thuỷ âm định vị thụ động.

– Có nghe gì không anh Bính?

Trung sĩ nhất Bính lắc đầu cười lên tiếng.

– Không thưa hạm phó… Tôi nghĩ ông Chấn đã ngủ rồi…

Người mù và con dơi nhờ cậy vào thính giác để nhận biết đối tượng trên đường di chuyển của mình. Khác với người và dơi, tàu ngầm hoàn toàn trông cậy vào hệ thống máy móc để di chuyển và nhận biết đối tượng của mình. Đó là hệ thống ” sonar ” hay là hệ thống thuỷ âm định vị. Hệ thống thuỷ âm định vị của Nàng Tiên Cá có hai loại là active sonar và passive sonar ( tạm dịch là chủ động và thụ động ) mà cách thức hoạt động khác biệt nhau rất nhiều. Hệ thống thủy âm định vị thụ động (passive sonar) là một hệ thống sử dụng các dụng cụ đặc biệt chuyên lắng nghe và ghi nhận âm thanh phát ra từ một đối tượng ở xa. Sự ghi nhận âm thanh này được chuyển tới một hệ thống điện toán để phân loại bởi vì có rất nhiều đối tượng khác nhau ở trên mặt nước hoặc ở sâu dưới nước. Trên mặt nước thì có tàu nổi, còn dưới nước có tàu ngầm và các loài cá sinh sống như cá voi, cá heo là hai loài cá có khả năng phát ra âm thanh để liên lạc với nhau. Tàu nổi trên mặt nước lại được chia ra hai loại khác nhau: thứ nhất là tàu thường dân còn thứ nhì là chiến hạm. Nằm sâu một hai trăm mét dưới nước, làm thế nào tiềm thuỷ đỉnh có thể phân loại, xác nhận đó là tàu chiến hay tàu dân sự. Nếu là chiến hạm thì nó thuộc quốc gia nào, bạn hay thù địch với mình. Ngoài ra nếu tàu chiến thì lại thuộc loại nào như hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tuần dương hạm, hộ tống hạm… Muốn biết những điều đó hệ thống thuỷ âm định vị phải dựa vào tập hồ sơ mật của Phòng Tình Báo Hải Quân Hoa Kỳ (US Oficce of Naval Intelligence) trong đó liệt kê ra tất cả loại âm thanh của tàu chiến của các nước trên thế giới. Mỗi máy móc của tàu khi hoạt động đều gây ra một loại âm thanh đặc biệt không giống nhau. Thí dụ như tàu ngầm của Hoa Kỳ khi chạy gây ra âm thanh khác hẵn với tàu ngầm của Nga Sô, Trung Cộng, Pháp, Anh, Đức… Chiếc VNN11 Nàng Tiên Cá khi ghi nhận được âm thanh của chiếc tàu lạ nào đó, hệ thống thuỷ âm định vị thụ động sẽ chuyển âm thanh này tới một máy điện toán để phân loại, tàu ngầm hay tàu nổi, của nước nào, loại tàu gì. Khi xác định được đối tượng thì Nàng Tiên Cá sẽ biết được vận tốc, vũ khí và máy móc được trang bị để từ đó đưa ra cách thức đối phó hiệu quả.

Trong khi thủy âm định vị chủ động (active sonar) lại dùng một dụng cụ (transmitter) phóng ra một làn sóng âm thanh, danh từ chuyên môn gọi là ”ping ”, sau đó dùng một dụng cụ (receiver) thu nhận và lắng nghe sóng âm thanh khi đụng phải đối tương thì dội ngược trở lại (echo) để chuyển tới hệ thống phân loại, đo lường và ước tính. Khuyết điểm của máy thuỷ âm định vị chủ động là khi phóng ra làn sóng âm thanh để dò tìm đối tượng thì chính mình cũng bị tàu địch dùng máy thủy âm thụ động lắng nghe âm thanh mà mình phát ra. Tuy nhiên bất cứ tàu ngầm nào cũng phải dùng máy thuỷ âm định vị chủ động trong việc dò tìm để biết trước mà né tránh các chướng ngại vật bởi vì các chướng ngại vật như đá ngầm, san hô, mìn đều không phát ra âm thanh, do đó không thể dùng hệ thống thuỷ âm định vị thụ động lắng nghe được.

Điều khó khăn nhất mà chiếc VNN11 phải giải quyết là định được vị trí của đối thủ tức là phải tìm ra chiếc VNN22 Mỹ Nhân Ngư đang nấp ở đâu. Biển thì mênh mông do đó xác định được cũng không phải dễ dàng và nhanh chóng, nhất là khi kẻ bị họ săn tìm có thể không di chuyển mà nằm im tại chỗ nên không phát ra tiếng động nào. Ngoài ra Nam Du đang là một hải cảng chuyên bốc dở và chuyển tiếp hàng hoá từ các thương thuyền khổng lồ sang các tàu nhỏ để đưa vào bờ biển của Rạch Giá với Cà Mau, có vô số tàu thuyền đi lại tới lui tạo ra rất nhiều loại âm thanh có thể làm nhiểu loạn hệ thống thuỷ âm định vị trong việc lắng nghe. Sau nửa ngày sử dụng hệ thống thuỷ âm định vị thụ động vẫn tìm ra chiếc Mỹ Nhân Ngư đang ở đâu, Tuấn cho tàu tiến gần tới đảo Nam Du chừng vài hải lý xong mới nói với hạ sĩ nhất Tăng.

– Mở MOAS lên…

MOAS ( Mine & Obstacle Avoidance Sonar ) là một hệ thống đặc biệt được trang bị cho tàu ngầm dùng dò tìm mìn hay các chướng ngại vật như đá ngầm, san hô, tàu chìm hoặc bất cứ vật gì nằm trên đường đi. Được thiết trí ở dưới lườn nơi mũi tàu, dụng cụ này phát ra sóng âm thanh, nếu đụng phải đối tượng nó sẽ dội ngược trở lại và được thu nhận để chuyển tới màn ảnh cho người ta thấy được các chướng ngại vật nằm trên đường đi của tàu xa hay gần tuỳ thuộc vào hệ thống. Trung sĩ nhất Tăng, phụ trách MOAS chăm chú nhìn lên màn ảnh, lúc bấy giờ hiện rõ vùng nước xanh luôn cả các vật nằm trên mặt biển. Ba sĩ quan chỉ huy gồm có Jack, Tuấn với Nam và hạ sĩ nhất Tăng chú mục vào màn ảnh. Thấy một vệt xanh mờ thật lớn nằm vắt ngang họ biết đó là đảo Nam Du. Ở bên trái có ba vệt nhỏ hơn là Hòn Tre, Hòn Mốc và Hòn Hàng. Phía bên tay mặt có ba vệt nhỏ nằm sát nhau. Đó là Hòn Nồm Trong, Nồm Giữa và Nồm Ngoài. Chiều dài của bảy hòn đảo này độ mấy chục cây số.

– Mở thuỷ âm định vị chủ động…

Tuấn ra lịnh cho trung sĩ nhất Bính. Thế là ba hệ thống dò tìm của tàu được sử dụng để định vị trí của chiếc Mỹ Nhân Ngư đang nằm đâu đó trong hai mươi mốt hòn đảo của Nam Du. Chiếc 11 lặng lẽ di chuyển vòng quanh quần đảo trong tiếng ping pong của máy thuỷ âm định vị chủ động. Ngay khi Tuấn ra lịnh cho ba hệ thống thuỷ âm định vị hoạt động cùng một lúc, Jack mỉm cười có vẻ thích thú và ghi cái gì đó vào cuốn sổ tay của mình. Anh biết vị hạm phó sử dụng hệ thống thuỷ âm định vị chủ động cốt ý báo cho đối thủ biết rằng vị trí của họ đã bị lộ rồi. Dĩ nhiên chiếc VNN22 cũng dùng hệ thống thuỷ âm định vị thụ động lắng nghe mọi hoạt động của đối thủ. Ngoài ra nó cũng biết rằng Nàng Tiên Cá sẽ chạy quanh các hòn đảo để tìm ra nơi mà mình ẩn nấp. Do đó nó bắt buộc phải thay đổi vị trí bằng cách dời chỗ nấp. Khởi động máy tàu tất nhiên nó sẽ gây ra tiếng động và sẽ bị hệ thống thuỷ âm định vị thụ động của chiếc Nàng Tiên Cá bắt được và xác định vị trí của mình.

– Đây rồi…

Trung sĩ nhất Bính bật kêu tiếng mừng rỡ. Nghe tiếng kêu của Bính, Tuấn và Nam đều quay nhìn vào màn ảnh. Họ thấy một chấm đen di động thật chậm. Phải chú ý lắm mới thấy được sự di động này. Chăm chú nhìn vào màn hình của hệ thống thủy âm định vị giây lát, Tuấn lên tiếng gọn.

– Toạ độ…

Hiểu ý trung sĩ nhất Bính trả lời.

– Một trăm lẻ bốn độ hai mươi hai mười một kinh tuyến Đông, chín độ bốn mươi hai không sáu vĩ tuyến Bắc…

Khẽ gật đầu Tuấn cười nói nhỏ với Nam.

– Chút nửa mình sẽ gặp người đẹp…

Tuấn giơ tay chỉ vào bản đồ. Nghe câu nói đó Jack thầm đoán hai vị sĩ quan của mình đã tìm ra vị trí hay ít nhất cái hướng mà chiếc VNN22 Mỹ Nhân Ngư sẽ đi nên tìm cách chận đường. Phải tiên liệu đúng và ước tính chính xác thì họ mới có nhiều hy vọng tìm ra đối thủ đang trốn tránh đâu đó trong vùng biển nhiều hải đảo của Vịnh Thái Lan. Mươi phút sau, Tuấn lên tiếng.

– Một trăm lẻ bốn độ hai mươi hai mười hai kinh tuyến Đông, chín độ bốn mươi hai không bảy vĩ tuyến Bắc. Vận tốc 12 hải lý…

Binh nhất Minh lập lại lệnh của cấp chỉ huy từng tiếng một trong lúc quay tay lái đi đúng vào hướng đã được chỉ định. Tất cả những chỉ thị của Tuấn đều được Jack ghi nhận mặc dù anh không nói gì hết.

– Bingo…

Trung sĩ nhất Bính la nhỏ khi thấy chấm đen bây giờ lớn hơn rồi sau đó thành hình dáng lờ mờ giống như chiếc tàu. Điều đó cho thấy chiếc VNN11 dưới quyền điều khiển của Tuấn đã ước tính một cách chính xác vị trí của chiếc VNN22 Mỹ Nhân Ngư đang trên đường rời cụm đảo Nam Du. Cười ha hả Jack bắt tay Tuấn kèm theo lời khen ngắn gọn.

– Giỏi lắm hạm trưởng…

Quay sang bắt tay trung uý Nam, Jack cười đùa.

– Hết sẩy trung uý…

Hướng về thuỷ thủ đoàn ở trong phòng chỉ huy anh nói với giọng vui vẻ.

– Các anh em đã chứng tỏ khả năng của mình. Tôi rất hãnh diện vì có được một thuỷ thủ đoàn làm việc tận tuỵ và tăng tiến trong việc thực tập. Bây giờ mình có thể trở về căn cứ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục việc thao dượt…

Trời mờ mờ tối. Hai chiếc VNN11 và VNN22 tuần tự cặp vào chiếc cầu dành riêng cho tàu ngầm nằm trong một góc riêng của bộ tư lệnh hải quân gần Mũi Ông Đội. Jack cười nhìn Chấn và Phấn đang đi tới chỗ họ đứng. Hai hạm trưởng bắt tay nhau còn hai vị hạm phó cũng bắt tay nhau thật chặt. Sau khi bắt tay, Phấn cười nói với Tuấn.

– Mai sẽ đến phiên của tôi. Anh ráng trốn nghen…

Tuấn gật đầu cười hắc hắc đùa.

– Chuyện đó tính sau… Bây giờ mình ra quán lai rai chai bia đi…

Nhìn theo Phấn với Tuấn cặp kè nhau ra phố, Jack khều Chấn.

– Mình đi lên bộ tư lệnh họp với ông Quốc và các vị hạm trưởng khác…

 Trang 5

Advertisement

2 thoughts on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 1: Phú Quốc For Sale

  1. Anh CSL thân mến,
    Có ai lường được chữ ngờ! Chuyện giả tưởng anh viết mấy năm về trước Phú Quốc for Sales bây giờ lại thành sự thật.
    Chúc anh một cuối tuần vui vẻ.
    TCB

    • TCB mến. Cám ơn về lời góp ý. Ý tưởng của tôi đang từ từ thành sự thực, nhưng thật buồn là thay vì hòn đảo thân yêu của chúng ta lại lọt vào tay bọn Tàu Cộng, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Có được Hoàng Sa, Trường Sa lại thêm Vịnh Thái Lan thì coi như Tàu cộng nuốt trọn Biển Đông. Rồi đây toàn thể nước Việt sẽ lệ thuộc Tàu, dân Việt có thể sẽ bị đồng hóa. Điều này khiến tôi mất ngủ hằng đêm.

Comments are closed.