9.
30-4-2027
Toàn thể nhân viên lớn nhỏ của chính phủ mới cùng với dân chúng trên đảo Phú Quốc đứng chật trong căn cứ hải quân và lan ra tận bến tàu dân sự chào đón đoàn chiến hạm mà nước Mỹ đã viện trợ cho nước Việt Nam để thiết lập một hạm đội riêng dùng bảo vệ và tuần tiễu hải phận. Các cựu lính thủy của hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa đã làm việc ròng rả ngày đêm mới sửa chữa xong vận hành đoàn chiến hạm vượt đại dương về tới Phú Quốc. Thiên hạ reo hò khi thấy chiếc khu trục hạm dẫn đầu với lá hải kỳ bay phất phới trong gió mạnh. Đó là chiếc VNK1 Ngô Quyền, tên của vị anh hùng có công đánh bại quân Nam Hán mở đầu kỹ nguyên tự chủ của nước ta. Tiếp theo là khu trục hạm VNK2, Trần Hưng Đạo, vị anh hùng đã hai lần đánh bại quân Nguyên bảo vệ nền độc lập và tự do của dân tộc. Tiếp theo 2 tuần dương hạm VNT1 tên Bạch Đằng và VNT2 tên Chi Lăng rồi ba hộ tống hạm VNH1 Phú Quốc, VNH2 An Thới, VNH3 Dương Đông; hải vận hạm VNV1 Hàm Ninh và cuối cùng là tuần duyên đỉnh VND1 và hai khinh tốc đỉnh VN701 và VN702. Mười chiến hạm xếp thành hàng ngang trong Vịnh An Thới đối diện với bộ tư lệnh. Quốc thiều được trổi lên và mọi người đồng cất tiếng hát bản quốc ca trong lúc lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên và súng thần công nổ rền.
Kha và Khiêm đứng cạnh nhau nơi bãi biển. Nhìn là cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới Kha cười lên tiếng.
– Giấc mơ của mình đã thành sự thực. Tôi cảm thấy hãnh diện vô cùng. Bây giờ có chết tôi cũng ưng…
Đứng bên cạnh Khiêm cười nói nhỏ.
– Chưa chết được anh ơi. Đây chỉ là thời mài nanh dũa vuốt của mình thôi. Mình còn phải tiến ra biển Đông tranh hùng với thiên hạ mà…
Kha cười im lặng mắt mơ màng nhìn đoàn chiến hạm đang bỏ neo. Giọng nói của Quốc vang lên chậm và rõ.
– Bác Khiêm nói đúng đó cậu. Ngày xưa người ta nói chiến sĩ da ngựa bọc thây thì hôm nay chúng ta, nếu hy sinh vì tổ quốc thì mình phải được thủy táng mới xứng…
Ba người như không hẹn cùng đi dài theo bãi biển để trò chuyện.
– Cháu đã suy nghĩ chuyện này lâu rồi. Muốn ra biển Đông tranh hùng cùng thiên hạ, ngoài các loại tàu nổi và máy bay thì chúng ta phải có một thứ vũ khí không thể thiếu được…
– Cái gì vậy cháu?
Khiêm ứng tiếng liền. Quốc cười quay nhìn hai ông lính thủy già.
– Dạ… Tàu ngầm thưa cậu và bác. Đó là thứ vũ khí nguy hiểm và bí mật để ta có thể răn đe và tấn công tàu địch bất cứ lúc nào. Lặn sâu hai ba trăm thước dưới nước, nó hầu như vô hình trước con mắt của địch quân. Ta cần có ít nhất một chiếc…
Khiêm liếc nhìn Kha ra hiệu. Hiểu ý Kha hắng giọng.
– Cậu với bác Khiêm không biết chút nào về tàu ngầm vì ngày xưa lúc cậu đi lính hải quân nước ta chưa có. Cháu thử bàn với Đan và các bạn của cháu làm ở bộ hải quân xem họ có giúp cháu được gì không…
Trầm ngâm giây lát Quốc mới lên tiếng.
– Đầu tháng tới cháu sẽ về lại Mỹ để bàn với Đan về chuyện tàu ngầm. Ta có thể mua vài chiếc cũ được đóng từ hồi thế chiến thứ hai chạy bằng dầu cặn cũng được. Chuyện tuyển lính mới để huấn luyện xong thay thế các lính cũ trên chiến hạm thì Bính lo cũng được. Cháu phải về Mỹ để liên lạc với vài người quen cũ ở hải quân và ở trong hạm đội tàu ngầm của Mỹ. Chỉ huy tàu ngầm khó hơn tàu nổi…
– Như vậy là cháu đi sau ngày cắt băng khánh thành công ty Hàm Ninh hả?
– Dạ… Cháu cũng muốn xem coi công ty của chúng ta hoạt động ra sao. Hi vọng ý kiến mới mẻ của cô Hồng Ngọc sẽ đem lại công ăn việc làm cho đồng bào và đem chút tiền về cho chính phủ…
Kha cười lên tiếng.
– Cậu thì hổng biết gì về kinh tế hay làm ăn buôn bán gì hết, nhưng nghe nói thì mọi người đều vui mừng. Công ty ngư nghiệp Hàm Ninh này tối tân và đồ sộ lắm do nước Nhật xây cho mình…
Quốc có vẻ nghĩ ngợi gì đó sau câu nói của cậu ruột. Lát sau anh mới chầm chậm lên tiếng.
– Lúc còn làm ở bộ hải quân cháu có quen biết vài người trong lực lượng hải quân của nước Nhật. Sẵn chuyến trở về Mỹ cháu sẽ ghé Tokyo để gặp lại mấy người quen này. Theo cháu, nếu muốn tìm đồng minh để chống lại Trung Cộng thì Nhật Bản là một đồng minh tốt nhất sau Hoa Kỳ. Hiện thời thì hai nước Trung-Nhật đang có tranh chấp về các hải đảo, do đó họ có thể giúp ta lớn mạnh hơn để sát cánh với họ chống lại Trung Cộng. Cháu nghĩ viện trợ cho ta vài chiếc tàu cũ không phải là việc khó khăn với họ…
Kha gật đầu phụ thêm lời của cháu.
– Cháu nên thử biết đâu… Với lại mình cũng chẳng mất mát cái gì hết…
Thủ tướng Lê Quốc Việt và nội các của ông ta đều có mặt trong buổi lễ cắt băng khánh thành Công Ty Ngư Nghiệp Hàm Ninh vừa được xây cất xong. Tọa lạc trên miếng đất 50 mẫu tây, công ty Hàm Ninh sẽ thu dụng chừng một trăm nhân công để làm việc đóng hộp cá, đóng chai nước mắm và đông lạnh cá rồi xuất cảng sang các nước khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp và các nước của Châu Âu. Nhờ tài ngoại giao của Quế Hương cũng như uy tín cá nhân mà một đại lý về hải sản của nước Nhật đã ký khế ước dài hạn với công ty Hàm Ninh để cung cấp cá biển cho dân chúng của họ. Từ xưa tới giờ Thái Lan mua nước mắm của Phú Quốc rồi về đóng chai xong bán đi khắp thế giới. Bây giờ công ty Hàm Ninh sẽ thầu hết nước mắm nguyên chất của các lò nước mắm trên đảo xong đem về pha chế và vô chai và xuất cảng sang các nước khác. Để bảo đảm cho dịch vụ đóng hộp, công ty Hàm Ninh mà vốn do chính phủ bỏ ra đã mua năm chiếc tàu đánh cá của Nhật đem về sửa chữa và tân trang dụng cụ để đánh cá trong mùa sắp tới. Mỗi tàu đánh cá sẽ tuyển dụng từ ba mươi tới năm mươi nhân viên. Vịnh Thái Lan nhất là trong vùng biển Việt Nam có rất nhiều tôm cá mà đa số thuyền đánh cá của tư nhân nhỏ và kỹ thuật thô sơ nên không thể cạnh tranh với các tàu đánh cá khổng lồ của Thái Lan, Trung Cộng, Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai Á… Bởi vậy chính phủ Phú Quốc mới nghĩ tới chuyện kinh doanh bằng cách đầu tư vào hải sản vốn là nguồn tài nguyên dồi dào của biển cả bao la. Kinh tế, hay đúng hơn lợi tức của Phú Quốc dựa vào ba nguồn lợi chính là du lịch, ngư nghiệp và trồng tiêu hột.
Vừa mới bước vào phòng Bính thấy Khiêm, và Kha đang đứng chuyện trò với một người đàn ông mặc âu phục. Thấy Bính, Khiêm đưa tay vẫy. Không biết chuyện gì mà Khiêm vẫy tay gọi mình song anh cũng đi tới nơi. Vừa thấy anh, Kha đã lên tiếng trước.
– Phú Quốc của ta đúng là được quới nhân phù hộ nên bác Thời mới có mặt ở đây ngày hôm nay. Ổng là chuyên viên dầu hoả của hãng Shell…
Ngập ngừng giây lát Bính mới lên tiếng.
– Dạ bác có phải là bác của cô Quế Hương không ạ?
Mỉm cười, người được Kha gọi tên là Thời hắng giọng.
– Chính tôi đó cháu. Tôi là anh ruột của ba Quế Hương. Mấy tháng trước nghe con Hương nói về chuyện của đảo Phú Quốc mà tôi đang bịnh nên chẳng phụ giúp gì được…
Thấy mọi người đã có mặt đầy đủ, Hồng Ngọc mới bước tới chỗ đã gắn sẵn máy thu âm.
– Dạ… Cháu kính chào các bác chú và anh chị. Cháu mời các bác và các anh chị tới đây một cách gấp rút vì muốn cho mọi người nghe bác ba của Quế Hương nói về chuyện dầu hoả… Kính mời bác ba diễn giảng cho mọi người nghe…
Ai cũng đều chăm chú vào một ông già tóc bạc trắng, thân hình gầy cao, ăn mặc giản dị và bước đi có phần nào chậm chạp và run rẩy. Giọng nói trầm, khàn cất lên trong căn phòng im lặng.
– Kính thưa quý vị… Xuyên qua những gì mà cháu Quế Hương cũng như hai anh Kha và Khiêm đã trình bày, tôi hiểu là nước Việt Nam ta ở Phú Quốc cần tiền và cần rất gấp mà nguồn cung cấp tiền bạc của Phú Quốc chỉ trông nhờ vào ba điều là du lịch, canh nông và hải sản. Bao nhiêu đó không đủ chi dùng việc vận hành một chính phủ có hơn trăm ngàn dân với một quân đội đủ sức bảo vệ lãnh thổ. Chúng ta có một nguồn tài nguyên to lớn có thể đem lại bạc tỉ là các mỏ dầu hoả nằm sâu dưới lòng biển Đông và Vịnh Thái Lan. Tiếc thay Biển Đông bây giờ và trong tương lai là nơi xảy ra các tranh chấp chủ quyền của các quốc gia trong vùng như Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương và Brunei. Cũng vì vấn đề chủ quyền không minh bạch mà các hãng dầu hoả còn e dè và do dự khi bỏ tiền tỉ đầu tư vào để khai thác dầu hoả…
Nói tới đó ông Thời nhìn Quế Hương. Hiểu ý cô bấm cái nút màu xanh và bức tường từ từ sáng lên với bản đồ của quần đảo Phú Quốc và các vùng biển lân cận.
– Tôi đoán chắc tất cả quý vị ở đây đều biết thế nào là thềm lục địa, lãnh hải, nội thuỷ, vùng nước quần đảo, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rồi nên tôi xin đi ngay vào chi tiết…
Khải đưa tay lên cười nói lớn.
– Dạ tôi biết thì cũng gọi là biết chút chút. Tuy nhiên xin bác vui lòng giải nghĩa cho chắc ăn…
Khẽ gật đầu mỉm cười ông Thời lên tiếng giải thích một cách rõ ràng.
– Nội thủy: Bao phủ tất cả vùng biển và đường thủy ở bên trong đường cơ sở (phía đất liền). Tại đây, quốc gia ven biển được tự do áp đặt luật lệ, kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài không có quyền đi lại tự do trong các vùng nội thủy.
– Lãnh hải: Vùng nằm ngoài đường cơ sở có chiều rộng 12 hải lý. Tại đây, quốc gia ven biển được quyền tự do đặt luật lệ, kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Các tàu thuyền nước ngoài được quyền ” qua lại không gây hại ” mà không cần xin phép nước chủ. Đánh cá, làm ô nhiễm, dùng vũ khí, và do thám không được xếp vào dạng ” không gây hại “. Nước chủ cũng có thể tạm thời cấm việc ” qua lại không gây hại ” này tại một số vùng trong lãnh hải của mình khi cần bảo vệ an ninh.
– Vùng nước quần đảo: Công ước đưa ra định nghĩa về các quốc gia quần đảo, cũng như định nghĩa về việc các quốc gia này có thể vẽ đường biên giới lãnh thổ của mình như thế nào. Đường cơ sở được vẽ giữa các điểm ngoài cùng nhất của các đảo ở ngoài cùng nhất, đảm bảo rằng các điểm này phải đủ gần nhau một cách thích đáng. Mọi vùng nước bên trong đường cơ sở này sẽ là vùng nước quần đảo và được coi như là một phần của lãnh hải quốc gia đó.
– Vùng tiếp giáp lãnh hải: Bên ngoài giới hạn 12 hải lý của lãnh hải là một vành đai có bề rộng 12 hải lý, đó là vùng tiếp giáp lãnh hải. Tại đây, nước chủ có thể vẫn thực thi luật pháp của mình đối với các hoạt động như buôn lậu hoặc nhập cư bất hợp pháp.
– Vùng đặc quyền kinh tế: Rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm.
– Thềm lục địa: là vành đai mở rộng của lãnh thổ đất cho tới mép lục địa, hoặc 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chọn lấy giá trị lớn hơn. Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài 200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách quá 100 hải lý. Tại đây, nước chủ có độc quyền khai thác khoáng sản và các nguyên liệu không phải sinh vật sống. Có vị nào chưa hiểu hay có thắc mắc gì không ạ?
Mọi người đều im lặng kể cả Khải. Mỉm cười ông Thời nói tiếp.
– Đây là đảo Phú Quốc…
Ông Thời chỉ vào hòn đảo lớn nhất nằm trong Vịnh Thái Lan.
– Nếu áp dụng các điều mà tôi vừa giải thích ở trên thì nước Việt Nam có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý nghĩa là vượt qua khỏi quần đảo Thổ Chu vì quần đảo này nằm cách Phú Quốc vào khoảng 55 hải lý…
Nghe ông Thời nói tới đây Kha nhìn Khiêm với cái nhìn mà chỉ có họ hiểu với nhau mà thôi. Cả hai là lính thuỷ nên cái nhìn của họ khác với người thường.
– Vịnh Thái Lan là một vụng biển nửa kín nửa hở thông với Biển Đông bằng cửa vịnh mà chiều ngang độ 400 cây số tính từ chót mũi Cà Mau qua tới chót mũi Trenggranu của Mã Lai; diện tích khoảng 300 ngàn cây số vuông có đường ranh giới của các nước Thái Lan, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nước Cao Miên và Mã Lai. Thái Lan có bờ biển dài nhất với 1560 cây số, kế đó Cao Miên được 460 cây số, nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được 230 cây số và Mã Lai Á được 150 cây số. Riêng Phú Quốc lại ở vào trường hợp đặc biệt vì là một hòn đảo. Điều 121 trong Luật Biển được Liên Hiệp Quốc công bố năm 1982, định nghĩa đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và khi thủy triều lên thì vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Đảo cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như đất liền. Nếu căn cứ vào các điều luật đã được qui định trong Luật Biển của Liên Hiệp Quốc thì nước Việt Nam ta có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn lên các nước láng giềng trong vùng. Đó cũng là điều phiền phức đồng thời cũng là lý do cho sự tranh chấp giữa các nước trong vùng. Đã có những thoả thuận bằng giấy trắng mực đen giữa nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và các nước lân cận về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên lúc các hiệp ước đó được ký kết thì Phú Quốc vẫn còn là đất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bây giờ Phú Quốc là đất của nước Việt Nam thì tình thế lại thay đổi…
Nói tới đó ông Thời ngừng lại khi thấy Bính đưa tay lên như muốn hỏi điều gì. Lấy miếng giấy lau lau cặp kính trắng ông ta cười hỏi.
– Chú em muốn hỏi điều gì vậy?
– Thưa bác… Theo như lời bác nói thì Phú Quốc có một lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển. Như vậy thì nước Việt Nam ta hiện thời có một lãnh hải rộng 12 hải lý bao gồm cả bốn hướng đông tây nam bắc. Phải như vậy không thưa bác?
Ông Thời do dự giây lát mới cười gật đầu thay cho câu trả lời. Được thể Bính lại hỏi tiếp.
– Như vậy thì nước Việt Nam ta có một lãnh hải 12 hải lý, vùng tiếp cận lãnh hải rộng thêm 12 hải lý nữa rồi sau đó có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Nước ta hiện thời bắc thì giáp với Cao Miên, Tây giáp với Thái Lan, nam giáp với Mã Lai Á, còn hướng đông lại giáp với Biển Đông. Nếu căn cứ vào luật biển của Liên Hiệp Quốc thì bốn bề đông tây nam bắc nước ta sẽ có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý nghĩa là sẽ lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước kia. Ngay cả quần đảo Thổ Chu chỉ cách Phú Quốc có 55 hải lý, như vậy cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta…
Ai ai cũng gật gù khi nghe câu nói của Bính. Ngay cả ông Thời cũng mỉm cười vì hiểu được cái ẩn ý của Bính khi nêu ra vấn đề trên.
– Tính ra thì như vậy song bờ biển của Phú Quốc cộng lại chỉ dài hơn trăm cây số thành ra vùng đặc quyền kinh tế cũng không có bao nhiêu…
– Giả sử như quần đảo Thổ Chu, quần đảo Nam Du, Hòn Khoai, đảo Poulo Wai của nước Cam Bốt đều thuộc về ta thì hải phận và vùng đặc quyền kinh tế của nước Việt Nam chắc sẽ lớn hơn nhiều…
Nghe giọng nói chững chạc đó ai cũng biết là Hãn vừa lên tiếng. Khiêm quay qua nhìn Kha. Cả hai cũng có cùng ý nghĩ với Hãn nhưng vì lý do riêng nên họ chưa chịu đặt ra câu hỏi.
– Dĩ nhiên là với ngần ấy quần đảo thì vùng đặc quyền kinh tế của ta sẽ rộng ra gấp mấy lần. Tuy nhiên…
Hồng Ngọc chợt xen vào câu chuyện.
– Dạ con có câu hỏi như thế này. Nếu theo hiện trạng như bây giờ thì làm thế nào để mình có thể mời hãng Shell của bác hay các hãng dầu hỏa khác dò tìm và khai thác dầu hoả?
– Nhìn trên bản đồ thì chúng ta sẽ thấy là đảo Phú Quốc hay là nước Việt Nam chỉ có chủ quyền thực sự trong khu vực này…
Ông Thời chỉ vào một khu vực nhỏ có 4 cạnh nối liền đảo Thổ Châu tới đảo Poulo Wai của Cao Miên và sau đó chạy tới đảo Phú Quốc.
– Khu vực này rất nhỏ nên các hãng dầu hoả lớn không quan tâm lắm. Ngoài ra vì chưa có cuộc khảo cứu và dò tìm nào nên không ai biết chắc chắn là nó có mỏ dầu hoả và khí đốt hay không. Quý vị cũng biết là nếu chưa chắc thì các hãng dầu hoả không có chịu bỏ tiền ra để đầu tư. Theo chỗ tôi được biết thì hồi năm 1971, nước cựu Việt Nam Cộng Hoà, lúc đó còn có chủ quyền của quần đảo Thổ Chu đã tuyên bố là thềm lục địa của nước này xa 200 hải lý tính từ đảo Thổ Chu…
Vừa nói ông Thời vừa chỉ vào một khu vực có đường vạch đậm trên bản đồ. Ai ai cũng nhận thấy khu vực mà nước Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa tuyên bố có chủ quyền rộng gấp chục lần khu vực của đảo Phú Quốc đang có. Tới đây thì mọi người có mặt trong phòng hội đều cùng chung ý nghĩ là muốn nới rộng chủ quyền trên biển thì họ phải làm một việc không thể không làm là bằng cách này hay cách khác phải làm chủ các hải đảo trong Vịnh Thái Lan mà điển hình là đảo Poulo Wai, quần đảo Nam Du, quần đảo Thổ Chu và quần đảo Poulo Obi hay Hòn Khoai.
– Theo như tôi biết thì ngày xưa đảo Poulo Wai thuộc về nước Việt Nam Cộng Hoà… Nó có tên là Hòn Vây hay Hòn Bà…
Kha ứng tiếng trong lúc nhìn lên chỗ ông Thời đang đứng. Đưa tay chỉ vào hai hòn đảo nhỏ, ông Thời cười nói chậm.
– Anh Kha nói đúng. Theo lịch sử và pháp lý thì Hòn Vây thuộc Việt Nam măc dù nó nằm sâu trong lãnh thổ của nước Miên. Đảo này chỉ cách hải cảng Kompsong tức Shianoukville 95 cây số và cách Phú Quốc 110 cây số. Ngày xưa nó là đảo hoang song bây giờ đã có ít dân chúng cư ngụ và là trung tâm du lịch của nước Miên…
– Theo anh thì chúng ta phải làm thế nào để có thể mời các hãng dầu hoả chịu bỏ tiền khai thác trong vùng thuộc chủ quyền của nước Việt Nam?
Khiêm lên tiếng hỏi ông Thời. Do dự hồi lâu ông bác già của Quế Hương mới thủng thẳng trả lời.
– Câu hỏi của anh Khiêm rất rộng và hơi phức tạp. Tuy nhiên tôi có thể trả lời một cách đơn giản như sau. Thứ nhất phải chứng tỏ cho hãng dầu hoả mình là chủ của vùng đất mà anh muốn họ khai thác; tức là anh có chủ quyền trên thực tế hoặc trên pháp lý. Lý do thứ nhì quan trọng hơn hết. Đó là chúng ta phải chứng tỏ cho họ thấy rằng ta có khả năng bảo vệ an ninh cho họ, làm cho họ tin tưởng là sẽ không bị các nước khác quấy rầy. Quý vị thừa biết tình trạng ổn định an ninh và trật tự rất được các công ty ngoại quốc quan tâm vì họ không muốn bỏ tiền tỉ ra đầu tư vào một nơi nào có tình hình chính trị bất ổn định. Thí dụ như trong cuộc tranh giành chủ quyền của hai vùng Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù Trung Cộng chưa hẵn có chủ quyền thực sự song các hãng dầu hoả vẫn vào khai thác vì họ tin rằng Trung Cộng có khả năng bảo vệ họ. Đó là lý do để cho ta thấy Trung Cộng bỏ tiền tỉ vào việc tối tân hoá và tăng cường hải quân của họ chỉ vì mục đích muốn phô trương sức mạnh với các hãng dầu hoả và răn đe các nước láng giềng không nên đụng chạm vào quyền lợi biển của họ. Lý do thứ ba cũng quan trọng không kém. Đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta có đủ rộng về diện tích để cho họ bỏ tiền tỉ vào việc dò tìm và khai thác. Thường thường mỗi lô thăm dò phải rộng ít nhất vài ngàn cây số vuông trở lên…
– Theo bác thì vùng đặc quyền kinh tế của nước Việt Nam ở trong Vịnh Thái Lan có dầu hỏa không thưa bác?
Tới phiên Điền lên tiếng hỏi. Ông Thời trả lời ngay.
– Có nhiều lắm… Năm 1974 đã có cuộc tranh chấp giữa nước Miên và nước Việt Nam Cộng Hòa cũ về chuyện dầu hỏa ở Hòn Vây vì nước Miên đã cho phép dàn khoan Glomar IV do tổ hợp Elf (Pháp)-Exxon (Mỹ) thuê để thực hiện công tác tìm dầu trong thềm lục địa của Việt Nam. Mấy chục năm nay đã có nhiều hãng dầu hỏa đã dò tìm và khai thác dầu rồi. Theo thống kê gần đây nhất thì nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thu gần 10 tỉ đô la mỗi năm trong vụ khai thác hoặc liên doanh khai thác với các công ty dầu ngoại quốc…
Mọi người trong phòng đều lộ vẻ hân hoan khi nghe nói tới số tiền lớn đó. Nghe nói tới tiền tỉ thì ai cũng ham song họ cũng biết phải đổ mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả xương máu của dân chúng mới giành được ngần ấy tiền. Trong lúc mọi người đang suy nghĩ thì giọng nói trầm và khàn của ông Thời lại vang lên.
– Từ năm 1967 đến năm 1970, 4 cuộc thăm dò, khảo sát theo địa chấn, trọng trường, từ trường đã xác nhận được 3 bồn trầm tích có khả năng chứa dầu lửa quan trọng là bồn Cửu Long, bồn Sài Gòn-Brunei (sau này được đặt tên lại là bồn Nam Côn Sơn) vì nghiên cứu chi tiết cho thấy không phải chỉ có một mỏ mà là hai mỏ cách biệt nhau là Brunei và Nam Côn Sơn). Tháng sáu năm 1971, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa công bố chánh thức cấp quyền đặc nhượng khai thác dầu lữa. Nhưng mãi đến cuối tháng 8 năm 1974 , mới có tin vui lớn là giếng Hồng 1-X, giếng dầu đầu tiên khoan ở thềm lục địa Việt Nam cho thấy Việt Nam thực sự có dầu và có những mỏ dầu đủ lớn để đem lại lợi ích kinh tế lâu dài trong tương lai.
Cho đến đầu năm 1975, khi giếng Bạch Hổ 1 thử nghiệm sản xuất, đốt dầu thô và khí thiên nhiên thì người ta mới tin thềm lục địa Việt Nam có nhiều mỏ dầu có thể khai thác thương mãi được. Vùng Vịnh Thái Lan có các reservoirs mà người ta hay gọi là bồn trũng nằm ở thềm lục địa thuộc quần đảo Thổ Chu chồng lấn với thềm lục địa của Mã Lai. Ngoài ra còn có các bồn trũng ở lưu vực Cửu Long và Nam Côn Sơn nữa. Hiện có 9 mỏ dầu đã khai thác. Mỏ lớn nhất là Bạch Hổ, do công ty Vietsov Petro (VSP), thuộc tổng công ty quốc doanh dầu khí Petro Việt Nam khai thác cùng chung với công ty Nga Zarubezhneft và đôi chút cổ phần của BP(British Petroleum), Conoco Phillips, Korean National Oil Corporation–KNOC, Petronas (Malaysia), Nippon Oil Company và Talisman Energy. Các mỏ quan trọng khác như Rạng Đông, Hồng Ngọc A, Đại Hùng, Thanh Long, Hồng Ngọc B… Các mỏ Sư Tử Đen(lô 15-1 ở bồn Cửu Long) sản xuất năm 2003, đã đạt 80 ngàn thùng mỗi ngày và sẽ đạt mức 200 ngàn thùng mỗi ngày. Sư tử Trắng ở lô 15-1, hoạt động năm 2004 và hoàn thành năm 2008. Nhất là Sư Tử Vàng , cuối năm 2007 có năng xuất 100 ngàn thùng mỗi ngày, do tổ hợp gồm PetroVietnam, ConocoPhilips, KNOC, SK Corporation và GeoPetrol của Pháp khai thác.
Năm 2008 đã khai thác mỏ Phương Đông có cổ phần với Nhật là công ty hợp doanh Japan Viet Nam Petroleum Company (JVPC). Ở vùng Nam Côn Sơn mỏ Cá Ngừ Vàng, dầu-khí song hành, đã sản xuất 200 ngàn thùng mỗi ngày. Cũng theo tạp chí Dầu Hỏa và Khí Đốt (Oil & Gas Journal) thì Việt Nam, vào tháng giêng 2007 đã có trữ lượng chứng minh là 6.8 nghìn tỉ bộ khối (trillion cubic feet) khí đốt thiên nhiên (natural gas). Năm 1995 đã sản xuất 25 tỉ bộ khối ( 25 billion cubic feet), nhưng năm 1997 đã giảm xuống chỉ còn 8 tỉ bộ khối. Năm 2005, đã sản xuất 141 tỉ bộ khối, tăng 33 % so với năm 2004 , và hơn 3 lần rưỡi mức sản xuất năm 2000, đạt 41 tỉ khối. Năm 2006 sản xuất 162 tỉ bộ khối. Cũng như dầu hỏa, khí thiên nhiên do công ty quốc doanh Petro ViệtNam chủ trì, nhưng có sự đóng góp của các công ty ngọai quốc như BP, Chevron, Conoco Philips, KNOC, Petronas Malaysia, PTTEP của Thái Lan, Talisman Energy …
Ngoài dầu khí song hành của các mỏ Bạch Hổ, Sư tử Đen và Rạng Đông, hai mỏ khí dầu đáng ghi là Lan Tây và Lan Đỏ có trử lượng 2000 tỉ bộ khối ở Nam Côn Sơn, sản xuất 193 tỉ bộ khối mỗi năm do công ty hợp doanh khai thác gồm PetroVN 51 %, BP 32.67 %, Conoco Philips 16, 33%. Khí dầu đưa vào khu kỹ nghệ Phú Mỹ-Bà Rịa, nhờ hoàn thành 230 dặm Anh ống dẫn hai công ty BP và Conoco Philips đầu tư. Tháng 11 năm 2006, cũng ở bồn Nam Côn Sơn, hai mỏ Rồng Đôi và Rồng Đôi Tây, đạt 47.5 tỉ bộ khối mỗi năm, với trử lượng là 856 tỉ bộ khối, lô 11-2 là do công ty Hàn Quốc KNOC khai thác. Đường ống dẫn từ lô 11, cũng do KNOC, thực hiện đã hoàn thành đưa khí dầu vào lục địa năm 2006. Bồn Cửu Long ở các lô 9- 2 và 162 sẽ sản xuất 165 tỉ bộ khối mỗi năm. Tôi đưa ra các con số để cho quý vị thấy dầu hỏa là nguồn tài chánh quan trọng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu nước Việt Nam của ta mà mời được các công ty ngoại quốc đấu thầu và khai thác thì sẽ có nguồn tiền bạc đáng kể và lâu dài…
Ngay khi ông Thời vừa dứt câu, Kha đứng lên tuyên bố chấm dứt buổi họp để mọi người đi ăn trưa. Qua ngày hôm sau Kha hướng dẫn ông Thời với phái đoàn kinh tế và thương mại lên tàu đi thăm vùng biển Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu.
Buổi họp được mở ra hai ngày sau khi Quốc từ Mỹ trở lại Phú Quốc với sự tham dự của Khiêm và tư lệnh của ba quân chủng. Sau khi nghe Khiêm tóm tắt những điều mà ông Thời đã trình bày, Quốc lên tiếng hỏi liền.
– Bác với anh Điền và anh Hãn nghĩ sao?
Thấy hai ông tư lệnh nhìn như có ý để cho mình nói trước, Khiêm hắng giọng.
– Mình có ba cách mà tôi gọi là văn, vừa văn vừa võ và cuối cùng là võ. Cách văn là cách hòa bình. Trước nhất mình dùng thủ tục ngoại giao, gởi công hàm cho các quốc gia có thềm lục địa chồng lấn với mình để đòi họ phải chia cho mình số phần trăm tiền mà họ kiếm được trong vụ khai thác dầu hỏa trong các thềm lục địa chồng lấn với nước mình. Mình cho họ thời gian ba tháng kể từ ngày gởi công hàm để buộc họ phải trả lời. Sau thời hạn ấn định, nếu họ không trả lời hoặc không thỏa mãn yêu cầu của ta thì ta sẽ dùng tới cách nửa văn nửa võ. Ta sẽ phái chiến hạm tới các vùng có dàn khoan dầu để ” quấy rầy ”…
Quốc, Điền và Hãn đồng bật cười khi nghe hai tiếng quấy rầy của Khiêm.
– Các hãng dầu hỏa không thích bị quấy rầy trong lúc làm ăn. Họ càng không thích khi an ninh trong vùng không được ổn định. Sau thời gian quấy rầy ba tháng, ta sẽ gởi giấy cho các hãng dầu thông báo cho họ biết là họ đã khai thác bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Ta sẽ cho họ hai chọn lựa. Nếu muốn khoan dầu họ phải chia tiền lời cho ta. Nhược bằng không chịu họ phải ngưng hoạt động. Khi bị ta đưa ra điều kiện như vậy, các công ty dầu hỏa bắt buộc phải áp lực lên chính phủ đã cho họ khai thác để từ đó chánh phủ này phải thương lượng với ta. Riêng cách dùng võ lực chỉ áp dụng khi nào hai cách kia không đạt được kết quả như ta mong muốn…
Sau khi nghe Khiêm trình bày ba tư lệnh đều đồng ý. Riêng Quốc cũng nói cho Khiêm với Điền và Kim biết là hải quân Hoa Kỳ bằng lòng bán cho nước Việt Nam ba chiếc khu trục hạm USS Arleigh Burke (DDG 51), USS Barry (DDG 52) và USS John Paul Jones (DDG 53); ba chiếc tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52), USS Mobile Bay (CG 53) và USS Antietam (CG 54) và ba chiếc hộ tống hạm USS Underwood (FFG 36), USS Crommelin (FFG 37), USS Curts (FFG 38) với giá 1 tỉ đô la trả trong vòng 15 năm.
Nghe Quốc nói tới đó Khiêm cười thốt.
– Cháu vận động giỏi lắm. Có 9 chiến hạm này thì hải quân của mình ăn trùm các nước láng giềng rồi. Mà chừng nào thì họ giao tàu cho mình…
Quốc cười hể hả.
– Dạ khi nào mình trả tiền đặt cọc 10% tức 100 triệu thì họ giao tàu. Nói như vậy chứ sớm lắm cũng nửa năm vì thủy thủ đoàn cũng phải được huấn luyện thì mới đủ sức vận hành các chiến hạm có nhiều dụng cụ điện tử tối tân này…
Ngừng lại giây lát Quốc cười cười tiếp.
– Cũng nhờ cháu có người quen ở trong bộ hải quân và bộ quốc phòng với lại cũng nhờ anh Đan nói phụ thêm. Bộ quốc phòng và bộ hải quân cũng cần Ủy Ban Quốc Phòng và Ủy Ban Ngân Sách của hạ viện thông qua ngân sách để họ có đủ tiền đóng thêm tàu mới. Những chiến hạm này đều nằm trong danh sách tàu phế thải của hải quân Hoa Kỳ từ năm 2025 tới 2030…
Khiêm gật đầu cười tiếp.
– Bây giờ mình cần thêm vài chiếc tàu ngầm nữa là xong phần của hải quân…
Quay qua Điền, Khiêm vừa cười vừa nói một cách vui vẻ.
– Cái này là tôi nghe lén trong cuộc nói chuyện giữa ông Việt và anh Kha là Ủy Ban Ngân Sách của chính phủ đã chịu chi thêm cho không quân năm trăm triệu đô la để mua thêm máy bay trực thăng săn tàu ngầm và tàu nổi. Phần bộ binh cũng được ngần ấy tiền bổ xung cho đại đội tác chiến điện tử để mua hỏa tiển phòng thủ đảo Phú Quốc và đài ra đa được thiết trí trên đỉnh núi Chùa…
Ngừng lại giây lát Khiêm mới thong thả nói tiếp.
– Hi vọng là chuyện dầu hỏa được xuôi buồm thuận gió để mình có tiền làm chuyện này chuyện nọ…
10.
Dân chúng trên đảo xôn xao bàn tán về một thông cáo của chính phủ mới. Đó là việc đổi tiền. Ba tháng qua kể từ ngày có chính phủ mới, dân vẫn xài tiền cũ tức là đồng tiền của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bây giờ chính phủ mới ban hành lệnh đổi từ đồng tiền cũ sang đồng tiền mới mà lại là đồng đô la của Mỹ. Có lý do để người ta xì xầm và dị nghị. Tại sao lại là tiền Mỹ? Điều đó được nhân viên chính phủ giải thích là tiền Mỹ là đồng tiền có giá trị hơn. Dùng đô la thì chính phủ mới không phải tốn công quỹ để mướn nước ngoài in tiền. Dĩ nhiên là việc tiêu dùng đồng đô la phải được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Dân chúng có một tháng để đổi tiền. Sau thời hạn đó ai mà còn giữ tiền cũ sẽ bị mất. Sống dưới chế độ cũ đã mấy chục năm nên dân chúng quen nghi ngờ và không tin tưởng vào lời nói của chính phủ vốn nói một đàng làm một nẽo nên hơn tuần lễ trôi qua mà chẳng có ai mang tiền đi đổi.
Chị hai Mền là một người đàn bà hiền lành, thực thà và chịu khó làm ăn. Chồng chết đã ba năm mà chị cứ ở vậy làm lụng nuôi ba đứa con còn nhỏ. Chị có cái quán bán đủ các thứ thức ăn bình dân như cơm dĩa, cơm phần, cháo, xôi… cho dân lao động nghèo. Nghe lệnh đổi tiền của chính phủ chị cũng tính đem đi đổi song mấy người khách khuyên chị hãy chờ xem coi chính phủ mới này có giống như chính phủ cũ ra lệnh đổi tiền cũ lấy tiền mới để ăn cướp tiền của dân. Nghe người này người kia bàn ra tán vào chị nửa tin nửa ngờ chưa biết làm sao. Một bữa đi chợ về ngang qua văn phòng đổi tiền, nghĩ là trong túi áo có năm chục ngàn nên chị tính đem đổi thử nếu có bị chính phủ mới lột thì cũng chỉ bị lột mất bao nhiêu đó thôi.
– Dạ thưa cô tôi muốn đổi tiền…
Chị hai Mền rụt rè nói với cô gái đang ngồi chăm chú nhìn vào màn ảnh của máy điện toán. Cô gái ngước lên cười với chị xong vồn vả nói.
– Dạ mời chị ngồi… Chị muốn uống nước gì em lấy cho chị…
Chị hai Mền lúng túng không biết trả lời ra sao. Từ nào tới giờ ở dưới chế độ cũ vào các nơi làm việc của chính phủ chị phải đứng chứ đâu có được mời ngồi và còn được nhân viên nhà nước vui vẻ hỏi mình uống cái gì họ sẽ rót nước cho chị. Từ nào tới giờ chị chuyên hầu nhân viên nhà nước chứ đâu có đặng họ hầu hạ.
– Dạ… dạ…
Thấy điệu bộ lúng túng và cử chỉ bối rối của người đàn bà nhà quê, Yến Vi, trưởng ban tiền tệ thuộc bộ tài chánh của chính phủ cười rót ly nước lạnh đặt trước mặt rồi cười hỏi.
– Em tên là Yến Vi. Em xin phép hỏi chị muốn đổi bao nhiêu tiền ạ?
Chị hai Mến ngẩn người vì cách ăn nói lịch sự của cô gái xưng tên Yến Vi. Mấy chục năm qua người của nhà nước có bao giờ xin phép chị đâu. Họ muốn làm là làm hổng có xin phép mà cũng hổng có giải thích gì hết.
– Dạ… dạ… thưa cô… Tôi có năm chục ngàn… Hổng biết năm chục ngàn tiền cũ này đổi được bao nhiêu tiền đô hả cô…
Yến Vi cười vì sự thật thà của người đàn bà quê mùa và nghèo khổ.
– Dạ… Theo thời giá hiện tại thì năm chục ngàn của chị chỉ đổi được hai đô la thôi… Tuy nhiên em có cách giúp chị…
– Dạ cách gì vậy cô?
Lấy hai tờ giấy đánh máy chi chít chữ, Yến Vi cười nói.
– Chị điền vào tờ giấy này tên họ, ngày và nơi sinh, gia cảnh như chồng chị tên gì, chị có mấy con…
– Cô ơi tôi đâu có biết viết mà điền…
Bắt gặp vẻ ngượng ngùng vì mù chữ của người đàn bà nhà quê, Yến Vi càng thêm thương hại và có cảm tình nhiều hơn.
– Hổng sao hết… Để em giúp cho chị. Em hỏi tới đâu chị trả lời tới đó rồi em ghi vào cho chị… Chị cần khai sự thực vì như thế chị sẽ được chính phủ giúp đỡ. Khai gian thì hổng được cho tiền mà còn bị ở tù nữa…
Nghe nói như vậy chị hai Mền thành thật khai hết về gia cảnh, tiền bạc, nghề nghiệp của mình. Sau khi điền xong, Yến Vi cười nói.
– Chị uống nước ngồi chờ em chút nhen… Em sẽ tính coi chị được bao nhiêu tiền…
Lát sau trở lại cô cười nói với chị hai Mền.
– Xong rồi chị… Năm chục ngàn đồng tiền cũ của chị đổi được 2 đô la. Nhưng xét tới phần gia cảnh của chị thì lợi tức, tức là tiền chị buôn bán làm ăn trong một năm quá ít không đủ nuôi bốn miệng ăn nên chính phủ sẽ giúp cho chị số tiền đủ nuôi ba đứa con nhỏ của chị…
Nghe nói như vậy chị hai Mền nửa tin nửa ngờ. Chính phủ nào mà tốt như vậy cà. Hay là họ gạt mình đây. Tuy nhiên nghĩ thì nghĩ chứ chị để bụng hổng dám nói ra mà rán ngồi chờ. Yến Vi trở lại đưa cho chị một bao thư dài và nặng rồi cười nói.
– Đây là 150 đô la mà chánh phủ giúp chị. Nó gồm có 10 tờ giấy 10 đồng và năm chục đồng tiền lẻ 25 xu, 10 xu, 5 xu và 1 xu để chị thối cho khách hàng của chị…
Đã quen buôn bán, chị hai Mền cũng biết chút chút về giá trị của đồng đô la vì thỉnh thoảng mấy người khách Việt Kiều cũng trả tiền ăn cho chị bằng đồng đô la của Mỹ; nhưng chưa bao giờ chị có một số tiền lớn như vậy. Trong đầu chị tính nhẩm: 150X25.000=375.000 đồng. Tía má ơi… Nhiều hơn số tiền chị đem đổi gấp 7 lần. Mừng chảy nước mắt, chị hai Mền cám ơn Yến Vi rối rít mấy lần mới ra về. Tin chị hai Mến đi đổi tiền mà được chính phủ giúp đỡ nhiều gấp 7 lần số tiền chị có được lan ra nhanh hơn điện làm cho dân trên đảo nườm nượp kéo tới văn phòng của chính phủ để đổi tiền. Chung chung thì chính phủ giúp đỡ tùy theo số tiền mà người dân đem tới đổi. Nghèo thì được chính phủ giúp nhiều hơn còn giàu quá thì không được. Dĩ nhiên Phú Quốc cũng như mọi nơi trên thế giới, người nghèo lúc nào cũng nhiều hơn người nghèo. Có nhiều người, đa số là khách du lịch từ Mỹ về Phú Quốc, nói cho dân chúng biết năm tới chính phủ sẽ căn cứ vào những gì họ khai để bắt họ đóng một thứ thuế gọi là thuế lợi tức giống như ở bên xứ Mỹ vậy đó. Sẽ còn nhiều thứ thuế mà chính phủ sẽ lập ra để bắt dân đóng như thuế bất động sản gồm có nhà cửa và đất đai; thuế mua hàng hóa mà ở xứ Mỹ gọi là sale tax; thuế lưu hành xe cộ… Điều đó thì chị hai Mền hổng có lo vì chị hổng có xe cộ, còn đất đai thì vuông vức mươi thước và cái nhà gần xụp. Dù sao lời đồn của thiên hạ cũng làm chị lo trong bụng nên trở lại phòng thuế vụ để hỏi Yến Vi về vụ thuế má thì cô cười giải thích là nghèo như chị thì chánh phủ chỉ bắt đóng thuế tượng trưng một hai đồng bạc mà họ sẽ cho chị cả trăm đồng. Đó là chương trình ” lấy của người giàu cho người nghèo ” của chính phủ mới. Chị hai Mền tin tưởng vào lời giải thích của Yến Vi vì chính phủ đã làm đúng với lời nói. Không như chính phủ cũ, miệng la oang oang giúp dân nghèo mà làm thì trái ngược lại ” lấy của người nghèo cho người giàu ”.
Yến Vi ngã người ra ghế. Sau hơn giờ đồng hồ nhìn vào màn ảnh của cái máy điện toán, cô cảm thấy mắt mờ đi không nhìn rõ những con số nữa. Mệt mỏi vì làm việc quá độ cô cũng muốn nghĩ một ngày nhưng việc nhiều mà người ít, do đó cô cứ phải cắm đầu vào làm như điên với đồng lương ít ỏi của một người có tới hai mảnh bằng chuyên môn về thuế vụ và kế toán. Đưa tay lên cô thấy đồng hồ chỉ 5 giờ chiều thứ bảy. Không biết nghĩ gì cô gấp xấp giấy tờ, tắt máy điện toán rồi xô ghế đứng dậy. Tắt đèn, khép cửa lại cô bước ra đường cái. Trời vẫn còn sáng trưng. Lưa thưa người đi bộ. Cô nhớ mài mại gần đây nơi ngã ba có một quán ăn nhỏ, yên tịnh mà thức ăn lại ngon. Cô cần có chỗ nào vắng người, ăn bữa cơm và uống tách trà nóng để đầu óc thanh thản hầu có được giấc ngủ ngon đêm nay. Không nhằm ngày nghỉ nên quán cũng vắng. Gọi một tách trà một dĩa cơm sườn, một dĩa xà lách trộn với giấm xong cô uống trà trong lúc chờ thức ăn. Ở đây cái gì cũng khác lạ hơn ở Mỹ, nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Khí hậu nóng ẩm, mưa nắng hai mùa, mà mùa mưa thì mưa rồi chợt nắng, nắng rồi lại mưa. Dân tình ở đây cũng khác. Dù cùng màu da vàng với họ mà lúc mới tới cô cảm thấy xa lạ và lạc loài. Nhưng ở lâu rồi cô lại cảm thấy mến thương người ở đây. Họ nghèo, nghèo hơn cô nghĩ. Mỗi lần nghĩ tới người nghèo là cô lại liên tưởng tới chị hai Mền. Sau vụ đổi tiền, chị Mền trở lại văn phòng thuế vụ để cám ơn sự giúp đỡ của Yến Vi và cũng hỏi thêm về tin đồn thuế má. Chị còn đem tặng cho cô thức ăn chị đã làm song cô không nhận mà còn khuyên chị đừng làm như vậy nữa. Cô giải thích cho chị biết cô giúp đỡ chị là vì bổn phận của một nhân viên chính phủ do đó chị không cần phải biếu xén quà cáp gì hết. Chính phủ có luật rất khắt khe cấm nhân viên của chính phủ nhận thù lao dưới bất cứ hình thức nào như tiền bạc, quà cáp biếu xén, nghĩa là dưới hai hình thức hiện vật và hiện kim. Nếu muốn biếu tặng một cái gì có giá trị hơn 5 đô la thì người cho và người nhận phải làm một đống giấy tờ để trình nạp chính phủ. Ai mà không làm sẽ bị hình phạt rất nặng nề. Lần thứ nhất vi phạm, người cho sẽ bị phạt 100 đồng và 1 tháng tù. Người nhận sẽ bị phạt 500 đồng, bị cho nghỉ việc và bị tù 3 tháng. Cũng vì luật lệ khắt khe như vậy khiến nhân viên chính phủ không dám ăn hối lộ vì sợ mất việc, bị phạt tiền và bị tù. Mới đầu dân chúng còn kêu rêu như vầy: ” Mình mến họ, cám ơn họ, cho họ có trái dừa xiêm mà phải điền giấy tờ mất cả tiếng đồng hồ. Thôi đi… Cám ơn được rồi…”. Nói lời cám ơn thì được vì lời nói không phải là hiện vật hay hiện kim. Từ đó dân quen lệ, đi tới các cơ quan của chính phủ họ không còn cái mặc cảm đi xin xỏ nữa, không còn có thái độ khúm núm và rụt rè nữa. Với lại nhân viên của chính phủ mới lại khác xa. Mấy ông, bà, cô, cậu công chức của chế độ cũ lúc nào cũng mang vẻ đạo mạo, lạnh lùng và hách dịch. Họ không có cười, làm như cười với dân thì sẽ mất đi các cung cách quan quyền của họ. Trong khi nhân viên của chính phủ mới thì cười nói vui vẻ, điệu bộ thân mật và giúp đỡ tận tình. Đi vào bất cứ cơ sở nào cũng đều có tấm bảng lớn treo trên tường với hàng chữ: ” Nếu cảm thấy mình bị đối xử không tử tế, không công bình và không thoả mãn được ý muốn của mình, đồng bào hãy liên lạc với Uỷ Ban Giám Sát và Bài Trừ Tham Nhũng. Chúng tôi sẽ giải quyết lập tức cho đồng bào…”. Phải nói là chính phủ mới đã dạy cho dân bằng cách chính mình làm gương tốt cho họ. Họ dạy cho dân đảo hiểu biết về quyền của người dân, bổn phận của người dân và sau đó là mối tương giao giữa chính quyền và dân chúng phải đặt trên sự thương yêu và tín nhiệm.
Yến Vi chăm chú nhìn một người khách vừa bước vào quán. Phải nói là anh ta lạ hơn những người dân đảo. Thoạt trông anh ta có màu da không phải trắng mà cũng không phải vàng, mắt phơn phớt màu xanh. Còn tóc thì nửa nâu nửa vàng. Dường như anh ta là người con trai được pha trộn hai dòng máu. Có thể anh ta là Mỹ lai Á Châu hoặc lai Mễ. Anh ta có vẻ bụi đời xuyên qua chiếc quần jean, áo thun cũ nhăn nheo và đôi giày ba ta gần mòn gót. Trên tay anh ta có chiếc packbag mà dân đảo gọi là ba lô. Có một số dân du lịch da trắng, đa phần thì trẻ tuổi đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Vì không có nhiều tiền nên họ không mướn khách sạn mà mướn các phòng ngủ nhỏ hay mướn phòng của dân chúng để ở. Lâu dần tình trang đó càng lan rộng ra và dân đảo gọi những người du khách kiểu đó với cái tên: Tây Ba Lô. Cũng nhờ họ mà một số người trên đảo kiếm được tiền bằng cách chia nhà ra thành nhiều phòng cho Tây ba lô mướn. Người khách được Yến Vi ngấm ngầm quan sát chính là thứ Tây ba lô. Có lẽ quá quen mặt với ông tây ba lô nên bà chủ quán bước tới cười nói gọn hai tiếng bằng Anh ngữ.
– Coffee…?
– Yes… Please…
Chỉ cần nghe anh tây ba lô này nói một câu bằng tiếng Anh, Yến Vi biết chắc anh ta là người Mỹ. Ở trên thế giới có nhiều sắc dân nói tiếng Anh. Nhưng vì địa lý mỗi nước khác nhau do đó cái giọng nói của họ cũng khác nhau. Giọng dân Ăng Lê nói khác với Mỹ, Gia Nã Đại, Úc, Ấn. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chỉ cần nghe cái giọng của anh tây ba lô này cô biết chắc anh ta là người Mỹ. Tự dưng cô chợt nhớ tới bạn bè thân quen đang ở cách xa cô nửa vòng trái đất.
– Anh là người Mỹ hả?
Yến Vi bật lên câu hỏi bằng tiếng Anh. Gã Tây ba lô hướng tia nhìn về phía người vừa phát ra câu hỏi đang ngồi cách bàn của mình một bàn. Thấy một cô gái da vàng vóc dáng manh mai đang ngồi đối diện với mình cách chiếc bàn, anh ta cười nhẹ.
– Dạ tôi là người Mỹ…
– Anh ở tiểu bang nào?
– Maryland…
– Tôi cũng ở Mỹ…
Gật gật cái đầu tóc dài, anh Mỹ Ba Lô cười.
– Tiểu bang nào?
– Texas…
Anh Mỹ ba lô cười cười buông câu nói đùa.
– Dân cao bồi hả…
Đôi bên ngừng lời giây lát rồi Yến Vi cất tiếng.
– Tôi mời anh ly cà phê. Anh qua đây mình nói chuyện chơi…
Không ngần ngại anh Mỹ ba lô dời chỗ tới ngồi cùng bàn với Yến Vi. Đợi cho anh ta ngồi xong cô mới đưa tay ra.
– Hân hạnh được biết anh. Tôi tên Yến Vi…
Nắm bàn tay của cô gái, anh Mỹ ba lô cười nói gọn.
– Jack… Hân hạnh được biết Yến Vi…
Bà chủ quán đem ra cái phin cà phê đặt trên cái tách màu trắng ngà, một cái bình thuỷ đựng nước nóng và hủ đường cát.
– Cám ơn bà…
Lát sau bà ta lại trở ra mang thức ăn cho Yến Vi. Nhìn Jack, cô cười thốt.
– Anh muốn ăn gì cứ tự nhiên… Tôi mời anh mà…
Jack lắc đầu cười.
– Tôi chỉ muốn uống cà phê…
Yến Vi không nài ép thêm.
– Anh làm gì ở đây?
Chưa vội trả lời Jack cười móc trong túi ra gói thuốc lá. Nhưng chợt nhớ ra, anh ta cười buông gọn.
– May I ?
Yến Vi cười.
– Anh cứ tự nhiên…
Đốt thuốc lá hít hơi dài, rồi khi nhả ra vì lịch sự anh ta quay mặt đi chỗ khác để phun khói.
– Tôi đi thăm quê mẹ của tôi…
Dường như biết câu nói của mình chưa đủ, Jack cười nói nhát gừng.
– Mẹ của tôi là người Việt Nam. Đi lính 10 năm… Giải ngũ… Tôi về thăm quê của mẹ cho biết rồi sẽ trở về nước để đi học tiếp…
– Anh đi lính gì?
– Hải quân… Trong lúc đi lính tôi dành dụm được số tiền kha khá… Nếu tiện tặn tôi có thể ở lại Việt Nam một năm…
Vỗ nhè nhẹ lên chiếc ba lô anh ta cười tiếp.
– Ăn bánh mì uống nước lạnh, chia phòng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Nước Việt Nam đẹp lắm, nhất là ở Phú Quốc…
Yến Vi mỉm cười khi nghe Jack phát âm Phú Quốc với cái giọng của một người ngoại quốc bập bẹ tiếng Việt. Sau khi nghe Jack tự khai cha Mỹ mẹ Việt Nam, cô biết mình đoán không lầm. Anh Mỹ lai Việt ba lô này có nét gì phảng phất giống như mình như có đôi mắt nâu, nét da không hẵn trắng lắm mà ngăm ngăm và tóc có cái màu gì như là màu nâu thật đậm.
Biết Yến Vi đang ngầm quan sát mình, Jack cười lên tiếng.
– Yến Vi tìm cái gì vậy?
Cô gái trẻ bật cười hắc hắc.
– Tìm cái nét Việt Nam ở anh…
– Thấy chưa?
– Thấy rồi… Thoạt đầu tôi cũng ngờ ngờ là anh có chút máu Việt như tôi…
Bật cười ha hả, Jack nhấc cái phin cà phê lên bỏ ra bàn, múc một muỗng đường đổ vào tách, quậy quậy vài cái rồi đưa lên miệng uống ngụm nhỏ xong mới tặc lưỡi đưa tách cà phê cười nói với cô gái đang ngồi trước mặt.
– Tôi mê cái này nhất.
Yến Vi cười hỏi đùa.
– Anh không thích Star Buck à?
Jack lắc đầu quầy quậy.
– Star Buck mà uống gì… Nó dành cho baby… Phải là cà phê phin của Việt Nam mới đã… đậm đặc, đắng, thơm uống mới đã… Yến Vi thích cà phê hông?
Yến Vi cười. Đợi nuốt xong thức ăn trong miệng cô mới trả lời.
– Cũng thích nhưng chắc hổng có ghiền như anh…
Jack bật cười. Hớp thêm ngụm cà phê, hít hơi thuốc, anh cất giọng mà khi nghe Yến Vi cười thầm vì giọng dạy đời của anh ta.
– Ở đời mình cần phải nghiện một cái hay thứ gì… Nếu không chán chết… Yến Vi làm gì ở đây?
Yến Vi kể vắn tắt chuyện của mình. Jack cười im lặng giây lát mới lên tiếng.
– Tuy biết không phải là chuyện của tôi nhưng tôi có nghe người ta nói về chính phủ mới này…
– Xấu hay tốt?
Yến Vi hỏi. Jack trả lời một cách khôn ngoan.
– Khoan vội phê bình chuyện chính phủ mới này xấu hay tốt. Chỉ nội cái điều họ giúp dân nghèo thì tôi thích lắm… Tôi mong họ làm được cái chuyện ” lấy của người giàu chia cho người nghèo ”…
– Anh nghĩ họ làm được không?
Jack lắc đầu cười.
– Tôi không biết… Điều đó lý tưởng lắm mà lý tưởng thì khó nuốt, đối với tôi…
Uống cạn tách cà phê đen, Jack móc túi lấy tiền. Yến Vi giơ tay ngăn lại.
– Tôi trả cho anh mà…
Jack lắc đầu cười nói đùa mà khi nghe xong Yến Vi cũng cười hắc hắc để yên cho anh ta trả tiền ly cà phê.
– Tôi không muốn bị kết tội hối lộ nhân viên của chính phủ mới…
Tay xách ba lô, Jack đứng lên.
– Anh còn ở đây lâu?
– Không biết… Vui thì ở, buồn thì đi… Tôi tính ra Hà Nội…
– Mình có thể gặp lại?
Cười vì câu hỏi của cô gái, Jack buông gọn.
– Nếu mình có duyên…
Yến Vi ngồi im nhìn theo bóng gã con trai mang hai dòng máu Việt Mỹ mà cô mới quen. Cô cảm thấy giữa anh ta và mình có chút gì thân thiết.
Buổi cắm trại ngoài trời được tổ chức trên bãi biển của Hòn Thơm. Đây là dịp để cho nhân viên của chính phủ nghỉ xả hơi và trò chuyện quen biết nhau. Thức ăn thì có gà nướng và tôm cá được nhóm lính thuỷ của hải quân lặn bắt từ hôm qua. Khói bay mùi thơm phức. Tiếng cười nói vang vang. Con trai con gái tha hồ tắm biển mệt xong lên bờ phơi nắng, chơi bóng chuyền và đá banh. Ăn xong Yến Vi đi dài dài trên bãi biển thưa người. Nắng chói chang trên đầu cô. Gió mát rời rợi. Theo lời của Quốc nói thì bãi biển của Hòn Thơm là bãi biển đẹp và sạch của quần đảo so với các bãi biển của đảo Phú Quốc. Tiếng cười nói của mọi người mất dần. Khu rừng dừa cao ngất toả bóng mát rời rợi. Đang đi cô chợt hơi dừng bước khi thấy một người từ dưới nước đi lên. Khoảng cách khá xa lại thêm mặt trời dọi vào làm cô không nhận diện được chỉ biết đó là người đàn ông. Tới gần hơn cô cười vì đã nhận ra đó là Jack, anh chàng Mỹ ba lô.
– Hi Jack…
Yến Vi lên tiếng trước. Jack cười hắc hắc.
– Hi Yến Vi…
Nhìn cô gái trong bộ bikini, ngoài khoác hờ chiếc áo sơ mi dài tới đầu gối, anh cười tiếp.
– Tôi nghĩ là mình có duyên nên mới gặp lại ở cái đảo này…
Yến Vi cũng cười thánh thót.
– Anh tắm có một mình à…
Trong lúc hỏi cô làm bộ nhìn quanh quất như kiếm coi có ai tắm chung với Jack.
– Chẳng có ai đâu… ngoại trừ cô và tôi…
Nói dứt câu anh nhìn người con gái trước mặt đăm đăm. Dù sinh trưởng ở Mỹ, Yến Vi cũng cảm thấy ngường ngượng vì tia nhìn có chút soi moi, tìm kiếm mà cũng có chút gì khang khác lạ trong đó.
– Yến Vi biết tại sao tôi còn nán lại ở đây không?
– Tại sao?
– Tại vì tôi muốn gặp lại cô…
– Gặp lại tôi?
Yến Vi gặn. Jack gật đầu.
– Tôi rất thành thật khi nói như vậy… Có thể tôi sẽ tìm việc làm…
– Việc gì?
Yến Vi hỏi và Jack trả lời một cách lửng lơ.
– Hổng biết… Cái gì tôi cũng làm được… Dạy tiếng Anh cho trường trung học ở đây…
Dù hổng tin là Jack có thể tìm được việc làm ở trên đảo song Yến Vi không hỏi thêm. Hai người đi dài theo bờ cát ẩm ướt.
– Hay là anh đi lính đi?
Jack quay sang nhìn cô gái trân trân. Chính Yến Vi cũng không hiểu tại sao mình lại buông ra câu nói đó, có lẽ cô chỉ thuận miệng nói ra thôi. Anh ta chán lính nên mới xin giải ngũ bây giờ bảo anh ta đi lính trở lại, điều đó thoáng nghe qua thật buồn cười.
– Yến Vi giỡn phải hông?
– Hông… Tôi nói thật mà… Chính phủ mới cần lính lắm… Họ đăng bảng tuyển mộ lính đó… Biết đâu…
Nói xong cô cười hắc hắc và Jack cũng bật cười. Làm gì họ nhận anh làm lính trong khi anh là công dân Mỹ dù đã ở trong hải quân mười năm. Có lẽ không muốn làm phật lòng Yến Vi, anh cười lên tiếng.
– Để ngày mai tôi tới xin thử coi… Biết đâu…
– Đi… Anh đi với tôi lại đằng này để gặp một người…
Dường như sợ Jack không chịu đi, Yến Vi nắm tay anh kéo tới chỗ bạn bè đang chơi đùa với nhau.
– Anh Quốc… Anh Quốc…
Đang nói chuyện với Hải Âu, nghe Yến Vi réo tên mình, Quốc cười nói.
– Nợ tới rồi đó…
Yến Vi thua Quốc gần mười tuổi nên được anh coi như em út. Có chuyện gì cô hay tới gặp anh để hỏi ý kiến hay nhờ giúp đỡ. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy Yến Vi nắm tay đi với một cậu thanh niên da trắng. Vừa gặp mặt cô đã cười nói.
– Biết anh đang cần lính nên em dẫn Jack tới giới thiệu với anh. Jack đã ở trong hải quân 10 năm…
Câu ” đã ở trong hải quân 10 năm ” gây sự chú ý của Quốc vốn là cựu nhân viên của bộ hải quân.
– Anh ở trong hải quân?
Quốc hỏi lại trong lúc nhìn Jack như để xem gã thanh niên đang đứng trước mặt mình nói dối hay nói thật.
– Tôi đã ở trong hải quân hơn 10 năm…
– Anh làm gì?
Quốc hỏi gọn và Jack trả lời còn gọn.
– Lính tàu ngầm…
Quốc nghe bàn tay thọc trong túi quần của mình run lên vì bị kích thích khi nghe tới hai tiếng ” lính tàu ngầm ”
– Chiếc nào?
– SSN 21…
– Cấp bậc?
– Warran officer 4…
Mọi người có vẻ ngơ ngác lẫn thắc mắc khi nghe Quốc với Jack đối đáp với nhau. Dĩ nhiên chỉ có người trong nghề mới biết họ nói cái gì. Họ chỉ thấy Quốc nở nụ cười thoả mãn rồi vỗ lên vai Jack kèm theo câu hỏi.
– Jack muốn đi lính hả?
Jack ngập ngừng chưa trả lời, có lẽ vì sự việc xảy ra mau lẹ quá. Vừa định mở miệng nói ” để tôi suy nghĩ lại ” anh bắt gặp Yến Vi đứng bên cạnh nhìn mình với ánh mắt như quan hoài và năn nỉ. Không đành lòng anh gật đầu liền.
– Tôi muốn…
Quốc cười nhìn Jack.
– Nhân danh tư lệnh hải quân, tôi nhận Jack làm sĩ quan của hải quân Phú Quốc với cấp bậc thiếu tá. Jack sẽ là hạm trưởng của chiếc tiềm thuỷ đỉnh đầu tiên của nước Việt Nam mình…
Cấp trên không nói tới chuyện lương hướng mà cấp dưới cũng không hỏi luôn. Dường như họ quên hoặc cố tình không nhắc tới chuyện đó. Nhìn Yến Vi giây lát, Jack cười nói.
– Tối nay tôi muốn mời Yến Vi ” going out ” để ăn mừng tôi trở thành lính của nước Việt Nam…
– Anh có lý do chính đáng thì Yến Vi đâu có thể nói ” No ” được…
Nói xong cô cười hắc hắc rồi mới nói tiếp.
– Thật ra thì Yến Vi cũng tính mời anh bữa cơm tối để ăn mừng nhưng mà anh mời trước thì Yến Vi im luôn. Đỡ tốn tiền…
Jack cười vang vì câu nói đùa đó. Đôi bạn trẻ chậm bước bên nhau trên bãi biển.
– Anh Jack đăng lính mà anh có hỏi họ trả lương cho anh bao nhiêu không?
Im lặng giây lát Jack mới cười trả lời.
– Tôi thấy người ta không nói nên tôi cũng không hỏi. Với lại tôi đi lính của nước của Yến Vi không phải vì tiền…
Ngập ngừng giây lát Jack mới nhẹ thở ra hơi dài.
– Tôi nhận làm lính chỉ vì tôi nghĩ tôi có duyên với ” người ” của xứ này. Dù sao thì tôi cũng có nửa phần người Việt…
Ngừng lại giây lát Jack cười tiếp.
– Việt Nam là quê mẹ của tôi mà…
11.
Quốc, Bính và Jack, đứng trên cầu tàu nhìn ra vịnh An Thới. Cả ba vị sĩ quan của hải quân Phú Quốc đang nhức đầu về một chuyện hầu như nan giải. Làm sao họ có được một số dụng cụ căn bản để huấn luyện lính trước khi xuống tàu ngầm thực tập. Trường huấn luyện không có đã đành mà tàu ngầm cũ loại chạy bằng dầu cặn-điện thời chiến tranh thứ nhì họ cũng chưa có. Dĩ nhiên họ không dám mơ ước được làm chủ chiếc tàu ngầm nguyên tử tối tân mà chỉ có vài nước trên thế giới có thôi là Mỹ, Nga, Tàu, Anh, Pháp và gần đây nhất là Ấn Độ cũng chỉ có được một chiếc.
– Chắc tôi phải trở lại Mỹ để tìm gặp vài người quen ở trung tâm huấn luyện tàu ngầm. May ra họ giúp mình được…
Cuối cùng thì Jack cũng phải lên tiếng. Liếc nhanh Bính, Quốc nói nhỏ.
– Chừng nào em đi?
– Dạ càng sớm càng tốt. Tôi nóng lòng muốn nước mình có ít nhất một chiếc tàu ngầm. Có tàu ngầm thì các nước láng giềng mới ớn mình…
Quốc và Bính cười gật đầu. Họ biết tàu ngầm là thứ vũ khí bí mật nhất của các cường quốc bây giờ. Nằm sâu dưới đáy biển sát với biên giới của quốc gia thù địch, nó có thể phóng hoả tiển mang đầu đạn nguyên tử để huỷ diệt mục tiêu mà không có gì ngăn chận được. Bởi vậy nó là thứ vũ khí răn đe bắt buộc kẻ địch phải đắn đo và suy nghĩ cẩn thận trước khi tấn công.
– Hạm đội của mình nhìn cũng ngầu lắm nhưng…
Jack bỏ lửng câu nói ở đó song Quốc và Bính hiểu câu nói nửa chừng của anh. Gọi là hạm đội cho nó oai chứ thật ra thì mấy chiếc tàu này đều cũ mèm, súng ống lỗi thời rồi. Muốn đối chọi lại với hạm đội Nam Hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay các tàu chiến của các quốc gia trong vùng tranh chấp Biển Đông, họ cần loại tàu trang bị các thứ như hỏa tiển chống máy bay, chống tàu ngầm và tàu nổi trên mặt nước, đại bác tự động bắn nhanh và bắn xa mấy chục cây số. Tàu phải được trang bị loại radar cực mạnh cực xa khỏi đường chân trời để khám phá ra tàu địch trước khi họ thấy mình. Thời bây giờ là thời của vũ khí điện tử, máy bay tàu chiến có thể tàng hình. Muốn có những thứ đó người ta phải có tiền, mà Phú Quốc đảo là nước sinh sau đẻ muộn, tiền không có, người không có mà tài nguyên cũng thiếu thốn. Muốn thứ gì cũng phải đi xin, đi ăn mày cái mà thiên hạ chê hoặc bỏ không thèm xài.
Có lẽ cũng biết câu nói của mình chạm tới tự ái của hai vị chỉ huy, Jack cười nói chữa.
– Tàu cũ nhưng nếu mình biết cách thì cũng xài được lắm…
Móc trong túi ra tấm danh thiếp, Quốc trao cho Jack rồi nghiêm giọng nói.
– Em về DC thì tới gặp ông Đan. Ông ta là dân biểu nên quen biết nhiều lắm. Nói là anh gởi em tới thì ông ta sẽ giúp em những gì em cần…
Bỏ tấm danh thiếp vào túi áo, Jack theo chân cấp chỉ huy đi về ngôi nhà dùng làm bộ tư lệnh hải quân. Nhìn nắng vàng rớt trên tàng cây dương tự dưng anh muốn gặp Yến Vi trước khi rời Phú Quốc.
Yến Vi kông giấu được vui mừng khi chiếc phi cơ của Air VietNam đáp xuống phi trường Dương Đông. Hôm kia, Jack từ Los Angeles đã gọi điện thoại báo cho cô biết, sau gần hai tháng đi công vụ sẽ trở lại Phú Quốc. Anh sẽ đáp chuyến bay từ Los đi Hồng Công, Sài Gòn rồi từ đó sẽ về Phú Quốc. Theo những điều cam kết đã được ký thì đảo Phú Quốc và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có trao đổi với nhau về thương mại. Hàng hóa của Phú Quốc sản xuất ra như nước mắm, cá hộp, cá đông lạnh, khô cá thiều và các thức lặt vặt được phép bán vào trong nước. Mỗi ngày đều có chuyến tàu từ Rạch Giá đi Phú Quốc và ngược lại. Đường hàng không thì cách ngày sẽ có một chuyến bay từ Sài Gòn đi tới đảo. Về phần liên lạc với bên ngoài thì chính phủ mới cũng ký thêm một khế ước từng năm nhờ VN tiếp vận đường điện thoại viễn liên và đường Internet.
Đứng trong phòng đợi Yến Vi mỉm cười khi thấy cái dáng đi lừng khừng của anh Mỹ ba lô. Quần jean, áo thun ngắn tay, giày hiệu Nike là những thứ không thể thiếu của Jack. Cũng chính những thứ đó tạo thành vóc dáng ngang bừa, chút bụi và dễ nhìn của anh. Ai cũng nói người Mỹ thực tế song Jack lại khác. Nếu thực tế thì giờ này anh đã định cư ở Maryland, ngồi trong lớp học của một trường đại học nào đó hai năm để trở thành một kỹ sư điện tử làm cho một công ty lớn trong nước với đồng lương trăm ngàn một năm. Anh sẽ lập gia đình với cô gái Mỹ chứ đâu có chui đầu làm lính cho nước Cộng Hòa Việt Nam có diện tích 700 cây số vuông và dân số chỉ hơn trăm ngàn. Không lý tưởng tại sao anh lại ở đây nhận làm việc bất kể ngày đêm với đồng lương 500 đô la một tháng mà đời sống thiếu thốn đủ thứ.
– Hi Yến Vi…
Jack cười lên tiếng trước khi thấy cô bạn gái.
– Hi anh…
Jack hơi chớp mắt vì tiếng ” anh ” âu yếm của cô bạn gái người Mỹ gốc Việt.
– Anh khỏe không?
– Khỏe mà rêm mình vì ngồi máy bay… Còn Yến Vi?
– Dạ khỏe… nhất là khi thấy lại cái bản mặt của anh…
Bật cười hăng hắc vì câu nói đùa của cô bạn gái, Jack bá vai cô thì thầm.
– I miss you…
Ngước mặt lên Yến Vi cười mấp máy môi.
– Me too…
Nếu ở Mỹ thì chắc họ đã hôn nhau song đây là Phú Quốc đảo nên họ chỉ cười nắm tay nhau đi lấy hành lý rồi bước ra cổng về phía chỗ đậu xe gắn máy. Chính phủ mới đã mua một lô xe gắn máy của nước Nhật để bán lại cho nhân viên bằng cách trả góp mỗi tháng.
– Yến Vi mới mua xe à?
– Dạ… Chính phủ cho mua trả góp nên em mua một chiếc để đi làm và đi thăm anh…
Yến Vi cười nhìn Jack. Anh cũng cười nói trong lúc ngồi vào phía sau.
– Chắc anh cũng phải mua một chiếc để chở bồ đi chơi…
– Bồ nào…
Vòng tay ôm eo ếch của cô tài xế, Jack xiết chặt lại cùng với hai tiếng bật ra.
– Đây nè…
Yến Vi cười hắc hắc. Hơi giảm tay ga cô quay đầu lại đùa.
– Lần đầu mình gặp nhau anh nói ” lý tưởng khó nuốt ” mà bây giờ anh nuốt tuốt luốt…
Jack cười nói nhỏ.
– Nhiều khi anh băn khoăn không biết vì lý do nào mà anh lại nhận lời đi lính của đảo Phú Quốc. Ngày mai chủ nhật em có được nghỉ không?
– Dạ có… Bây giờ công việc đâu vào đấy rồi nên công chức như em được nghỉ hai ngày cuối tuần…
– Em nghĩ còn chắc anh phải làm 24/7 vì có nhiều việc đang chờ anh…
*****
30-4-2028
Hôm nay là ngày lễ kỹ niệm đệ nhị chu niên kể từ ngày nước Việt Nam thành hình. Không có tiệc tùng gì hết mà chỉ là buổi lễ đơn giản dành cho dân chúng cũng như các thành viên Phú Quốc.Org để chính phủ trình bày các thành quả đã gặt hái được, đồng thời phác hoạ ra những chương trình, sách lược sẽ áp dụng trong tương lai gần cũng như xa. Mở đầu chương trình của buổi lễ, thủ tướng Nguyễn Quốc Việt, nhân danh chính phủ đứng lên đọc diễn văn.
– Kính thưa đồng bào. Kính thưa các vị đại biểu của Phú Quốc Org. Kính thưa quý vị trong nội các. Như một phép lạ, từ một tổ chức nhỏ, lèo tèo năm bảy người, tiền bạc không có, Phú Quốc.Org đã thành nước Việt Nam rồi sau đó lớn dần lên trên mảnh đất 700 cây số vuông với hơn một trăm ngàn dân. Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta cũng không thể đi ra ngoài thông lệ đó. Tôi nói như là một phép lạ song phép lạ không thể thành hình nếu không có sự tham gia, ủng hộ và tranh đấu của khối Người Việt Hải Ngoại đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Không có họ, Phú Quốc.Org không có tiền để mua quần đảo Phú Quốc cũng như thi hành mọi hoạt động về chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, y tế và văn hoá dành cho mảnh đất mới mang tên nước Việt Nam. Phép lạ cũng không thể xảy ra nếu không có mồ hôi, nước mắt, công lao cực khổ của các thành viên thuộc Phú Quốc.Org và nhân viên của chính phủ, binh si các cấp của quân lực cũng như dân chúng đang sống trên đảo. Nhân viên chính phủ từ cấp cao nhất xuống cấp thấp nhất đã phải làm việc 12 giờ đồng hồ mỗi ngày và 7 ngày một tuần bằng đồng lương chết đói với hi vọng ngày nào đó; hòn đảo ngọc của chúng ta sẽ trở thành một quốc gia ngạo nghễ dưới ánh mặt trời. Kính thưa quý vị. Ngày đó đã tới. Hôm nay đây, tôi có thể mạnh dạn nói là Phú Quốc đảo đã sống cũng như nước Việt Nam đã trưởng thành và sẽ càng ngày càng lớn mạnh hơn trong vùng Đông Nam Á Châu và thế giới…
Những người tham dự ngoài các thành viên còn có dân chúng trên đảo đã vỗ tay rần rần khi nghe thủ tướng Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh mấy tiếng ” nước Việt Nam đã trưởng thành ”. Đợi cho tiếng vỗ tay dứt, ông ta mới cao giọng tiếp.
– … Tuy nhiên con đường mà chúng ta đi còn dài lắm. Gian khổ, hiểm nguy, trở ngại vẫn còn đầy ra đó mà theo tôi nghĩ còn nhiều hơn lúc ban đầu nữa. Trong chiều hướng tiến tới tương lai, tôi và nội các đã phác hoạ 7 mục tiêu cần phải làm sau đây:
Thứ 1: Thống nhất Phú Quốc.Org vào nước Việt Nam có quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ và quốc ca của nước Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa.
Thứ 2: Nộp đơn xin gia nhập khối ASEAN với danh xưng nước Việt Nam.
Thứ 3: Nộp đơn xin làm hội viên Liên Hiệp Quốc với danh xưng nước Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi sự chấp thuận, nước Việt Nam sẽ đi tìm hậu thuẫn và hổ trợ chính trị bằng cách thiết lập bang giao với các nước trên toàn thế giới.
Thứ 4: Xúc tiến việc thành lập cơ cấu pháp lý cho nền tự do và dân chủ của quốc gia bằng cách soạn thảo bản Hiến Pháp, phân quyền hạn của chính phủ ra ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp riêng biệt và độc lập với nhau.
Thứ 5: Cải tổ và bổ túc chương trình giáo dục từ cấp tiểu học và trung học. Ngoài ra, tôi cũng đã bàn thảo với bộ giáo dục thành lập Viện Đại Học Phú Quốc…
Nghe tới đây ai ai cũng vỗ tay. Nhất là dân chúng có con em đi học thì đứng lên vỗ tay thật nồng nhiệt cho ý kiến mới mẻ của thủ tướng Việt.
– … Như quý vị đã biết, chương trình giáo dục của chúng ta hai năm qua đều là chương trình miễn phí cho mọi người dân trên đảo. Chính phủ chỉ kêu gọi lòng hảo tâm của quý đồng bào giàu có giúp đỡ cho tất cả con em chúng ta được học hành tới nơi tới chốn. Theo thống kê của bộ giáo dục thì trong năm qua sỉ số học sinh trên toàn đảo là hai chục ngàn em, với mười một ngàn em bậc tiểu học và chín ngàn ở bậc trung học. Hai chục ngàn học sinh tiểu và trung học này là tương lai của đất nước song vì chúng ta chưa có chương trình giáo dục ở cấp đại học thành ra các em, nghèo thì bỏ học đi làm, còn nếu cha mẹ giàu sẽ phải đi xa như Sài Gòn hoặc các nước lân cận để tiếp tục học. Cũng vì vậy mà tôi, với sự gợi ý của bộ giáo dục và y tế, ráng tiện tặn trong việc chi tiêu để xây một trường đại học chuyên đào tạo các kỹ sư và chuyên viên về kỹ thuật. Trường đại học sẽ hoạt động vào mùa thu năm nay và sẽ thu nhận sinh viên các lớp kỹ thuật…
Lời nói của thủ tướng Lê Quốc Việt bị cắt bởi tiếng vỗ tay reo hò của dân chúng thật lâu mới dứt. Hớp ngụm nước lạnh, ông ta hắng giọng tiếp.
– Thứ 6 là chương trình quốc phòng. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy và thời nào cũng vậy; việc giữ nước cũng là điều khiến cho chính phủ tốn tiền nhiều nhất trong việc duy trì một quân đội tinh nhuệ, thiện chiến sẳn sàng chống trả lại bất cứ cuộc tấn công nào của các nước thù địch. Nước Việt Nam của ta, tuy không lọt vào đường lưỡi bò 9 đoạn mà nước Trung Cộng đã vẽ ra để độc chiếm biển Đông; nhưng biết đâu trong lòng đại dương sâu thẳm thuộc lãnh hải của ta lại chứa vô số tài nguyên thiên nhiên như dầu hoả và khí đốt mà một cường quốc kinh tế như Trung Cộng rất cần do đó họ có thể xua quân chiếm đóng nước ta. Muốn bảo vệ tổ quốc và dân tộc, ta phải có quân đội hùng mạnh, vũ khí tối tân, binh sĩ tinh nhuệ hầu cản bước xâm lăng của các quốc gia thù địch đang lăm le chiếm đất và giành đảo của nước ta. Với đề nghị của bộ trưởng quốc phòng, tham mưu trưởng liên quân và ba tư lệnh hải lục không quân; tôi đã duyệt xét và chấp thuận sự gia tăng kinh phí quốc phòng để sắm thêm chiến hạm, tiềm thuỷ đỉnh, máy bay và binh sĩ phòng vệ biển đảo trước nguy cơ chiến tranh Biển Đông có thể xảy ra trong tương lai.
– Thứ 7. Kính thưa quý vị. Trong chương trình 7 điểm của chính phủ, tôi dành chương trình kinh tế để trình bày cuối cùng vì nó cần thiết, quan trọng và cấp bách nhất. Hai năm qua, chính phủ đã có các kế hoạch ngắn hạn để giúp vào ngân sách eo hẹp của nước Việt Nam ta. Chính phủ đã bỏ tiền ra hùn vốn với một số tư nhân xây công ty ngư nghiệp Hàm Ninh với đội tàu đánh cá tối tân. Công ty Hàm Ninh đã thu nhận hơn hai trăm nhân công và vài năm tới sẽ còn bành trướng nhiều hơn nữa. Chính phủ cũng đang tìm cách nâng số vốn đầu tư của tư bản ngoại quốc như các nước Mỹ, Nhật và Nam Hàn lên tới 10 tỉ đô la trong vòng ba năm tới. Điều mà tôi thực sự muốn nói với toàn thể đồng bào là đầu năm nay, sau khi trải qua thời gian dài điều đình, thương lượng; các nước láng giềng như Thái Lan, Cam Bốt, Mã Lai và nhất là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thỏa mãn yêu cầu của ta về việc chia tiền lời trong dịch vụ khai thác các giếng dầu hỏa nằm trong thềm lục địa của nước Việt Nam. Ngoài ra hãng dầu Conoco Phillips của Hoa Kỳ đã bằng lòng hợp tác với các chuyên viên của Tổng Nha Năng Lượng và Dầu Hỏa của nước ta để xúc tiến việc dò tìm và khai thác các giếng dầu nằm trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Hi vọng trong vài năm nữa ta sẽ có thêm tiền…
Ai ai cũng đồng loạt vỗ tay và reo hò vì tin này. Mọi người đều biết dầu hỏa là nguồn lợi khổng lồ mà một quốc gia son trẻ như nước Việt Nam rất cần để khuếch trương kinh tế, giáo dục và quốc phòng cũng như nhiều thứ khác. Bằng chứng là các xứ khác như vùng Trung Đông trở nên giàu có nhờ vào dầu hỏa. Ngay cả các nước láng giềng như nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương đều có thêm nhiều tiền nhờ vào nguồn lợi dầu hỏa.
Lúc thủ tướng Nguyễn Quốc Việt đọc diễn văn trong buổi lễ kỹ niệm đệ nhị chu niên thì chiếc hải vận hạm HQ 411 của hải quân Phú Quốc ủi bãi ngay tại bộ tư lệnh hải quân. Hai chiếc xe xúc chạy bằng điện thay phiên nhau xúc những kiện hàng cồng kềnh đem đặt ở dãy nhà lợp tôn mới xây dùng để làm phòng huấn luyện cho các thuỷ thủ của tàu ngầm. Đứng nhìn các kiện hàng được đưa lên, Jack cười nói với Đương, phụ tá của mình đang đứng bên cạnh.
– Tôi đã tuyển mộ được năm mươi thuỷ thủ. Họ đã vượt qua được vòng tuyển chọn đầu tiên về khả năng Anh ngữ, về sức khoẻ và lý lịch cá nhân. Chị Su cho biết là phòng an ninh tình báo của bộ quốc phòng đã tra cứu về lý lịch cá nhân của các thuỷ thủ được chọn để đi học khoá tàu ngầm ở Singapore…
Đương lên tiếng trong lúc mắt không rời các kiện hàng đang được bốc lên khỏi tàu.
– Mình mua tàu ngầm của Thuỵ Điển mà lại đi học khoá tàu ngầm ở Singgapore thì anh nghĩ sẽ có trở ngại gì không?
– Không có đâu Đương… Khoá học ở nước Tân Gia Ba chỉ là khoá căn bản như mưu sinh thoát hiểm khi tàu ngầm bị chìm không nổi lên được, chịu đựng áp suất cao, học đời sống đặc biệt của thuỷ thủ trong tàu ngầm. Có nghĩa khoá học này chỉ là khoá bắt đầu thôi. Sở dĩ tôi chọn cho họ đi học ở Singapore vì ba lý do chính sau đây. Đầu tiên hải quân Singapore nhận dạy miễn phí cho mình. Thứ nhì họ cũng nói tiếng Anh. Thứ ba, hải quân của họ cũng đang sử dụng loại tàu ngầm của Thụy Điển với hai lớp là Västergötland và Archer. Hai loại này đều được chế tạo bởi hãng Kockums và gần giống như lớp Gotland mà mình định mua của Kockums. Theo lời ông Đan nói thì ổng đang vận động ráo riết với bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho mình một chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu cặn và điện. Tuy nhiên theo tôi biết thì hải quân Mỹ không có chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu-cặn-điện-bình (diesel-electric) nào còn hoạt động. Họ chỉ có tàu ngầm nguyên tử mà loại đó thì mình không kham nổi đâu. Bảo trì và sửa chữa nó tốn tiền lắm. Hai chiếc tàu ngầm mà Thuỵ Điển sẽ lần lượt bán cho mình tên Gotland và Halland lớp A19 là loại cũng đã cũ rồi. Họ nói họ vừa bán vừa cho mà mình phải trả 100 triệu đô la bao gồm việc huấn luyện thuỷ thủ và sửa chữa cùng bảo trì trong vòng năm năm. Thuỷ thủ nào vượt qua khoá căn bản ở Singapore sẽ được gởi qua bên Thuỵ Điển để học thêm 6 tháng nữa với chương trình huấn luyện chi tiết hơn trong chiếc tàu ngầm thuộc lớp Gotland của hải quân Thuỵ Điển. Sở dĩ tôi chọn tàu ngầm của Thuỵ Điển vì có một lần hải quân Mỹ mướn một chiếc Gotland của hải quân Thuỵ Điển để thực tập ” anti-submarine warfare ” (chiến tranh chống tàu ngầm) xem các chiến hạm của Mỹ có khám phá ra được các loại tàu ngầm dầu cặn-điện trước khi nó tấn công các tàu nổi như hàng không mẫu hạm hoặc khu trục hạm. Thế mà các chiến hạm từ tàu ngầm nguyên tử, khu trục hạm, tuần dương hạm và cả máy bay săn tàu ngầm đều không khám phá ra chiếc Gotland cho tới khi chiếc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagean lọt vào tầm bắn ngư lôi của nó. Điểm đặc biệt này đã làm cho Gotland nổi tiếng trên thế giới. Tàu ngầm lớp Gotland có hệ thống đặc biệt gọi là Sirling engine air-independent-propulsion gọi tắt là (AIP) khiến cho nó có thể ở lâu dưới nước. Loại máy tàu đặc biệt này sử dụng dưỡng khí lỏng hòa hợp với dầu cặn nên có thể ở lâu dưới nước cả tháng. Ngay cả loại tàu ngầm Kilo lớp 636MK của Trung Cộng cũng không lặn lâu như vậy. Chỉ có loại 636MV mà Nga Sô đã đóng cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là có thể coi như tương đương với Gotland. Nó còn được coi như là loại tàu ngầm ít gây tiếng ồn nhất so với tất cả các loại tàu ngầm thông thường của các nước trên thế giới. Nga Sô là nước chế tàu ngầm nổi tiếng mà loại Kilo của họ cũng không hơn Gotland của Thuỵ Điển. Đương cũng biết muốn săn tìm tàu ngầm thì người ta dò tìm tiếng động do máy tàu chạy và chân vịt của tàu quậy nước phát ra. Bởi vậy nếu tàu ngầm cũ xưa thì tiếng ồn càng lớn và dễ khiến cho máy dò tiếng động dưới nước ghi nhận được vị trí của tàu. Hệ thống máy dò tiếng động của Gotland rất tinh vi và nhạy cảm cực cao nên có thể ghi nhận tiếng ồn của một chiếc tàu ngầm khác cách xa trăm hải lý…
Ngừng lại giây lát Jack mới từ từ lên tiếng tiếp theo câu nói dở dang.
– Khi nào khóa học ở Thụy Điển bắt đầu chắc tôi cũng phải có mặt để tham dự phần thực tập việc chỉ huy và điều khiển con tàu. Mình phải học cho biết vì mai mốt mình sẽ mở ra các khóa huấn luyện căn bản và bổ túc tại nhà…
Đang nói chuyện tới đó, thoáng thấy bóng chiếc xe Mustang mui trần vừa quẹo vào căn cứ, Đương cười nói với Jack.
– Kiều nữ FBI và ông Quốc tới kiếm anh cà… Coi bộ ông tư lệnh của mình khó mà mở được cái còng số 8 của chị Su…
Jack cười ha hả đùa lại.
– Thì cũng như tôi bị Yến Vi bịt mắt móc túi vậy mà…
Đương lên tiếng trước nhất khi chiếc Mustang vừa thắng lại. Ở đảo cũng có người có xe hơi nhưng duy nhất mình Su có chiếc Mustang mui trần. Bởi vậy mà cô đi tới đâu thì ai ai cũng trầm trồ. Tính Su rất thích con nít nên nhiều khi trong chiếc xe mui trần chở đầy nhóc đám con nít đi tắm biển.
– Chị Su tới chở tụi này đi uống cà phê hả…
Không tắt máy Su nói trong tiếng cười thánh thót.
– Tính tới rủ Jack đi thôi mà sẵn có Đương đây thì mời luôn…
– Mình đi đâu vậy chị Su?
Đương hỏi. Su trả lời trong lúc lùi xe lại.
– Lên núi Chùa… Anh Hãn và anh Khải đang đợi trên đó…
– Bộ xong rồi hả chị Su?
Jack cười cười hỏi Su, dường như biết Su định làm gì. Su gật đầu cười trả lời câu hỏi của Jack. Ngồi ở băng sau với Jack, Đương chợt cười hăng hắc.
– Em biết chị Su định đi đâu rồi?
Nghe câu nói úp mở của Đương, Su quay đầu lại cười nói.
– Nhân viên truyền tin vừa hoàn tất công trình xây dựng một đài ra đa trên đỉnh núi Chùa. Với đài ra đa này mình có thể phát giác ra máy bay địch cách xa 500 cây số. Ngoài ra mình còn có thêm đài tiếp vận để thông tin và liên lạc với bên ngoài. Từ đây mình sẽ không còn phải trả tiền mướn nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về điện thoại viễn liên và Internet nữa. Mình đã ký khế ước dài hạn với hãng điện thoại AT&T để họ lo cho mình…
Ra khỏi cổng căn cứ, Su đạp mạnh ga cho xe chạy nhanh hơn. Mấy năm qua, để khuếch trương ngành du lịch cũng như nâng cao đời sống của dân chúng trên đảo, chính phủ đã tốn tiền vào việc sửa chữa và xây thêm đường xá trên đảo thành một hệ thống giao thông trên bộ, biển và sông rạch. Mấy con đường đất lúc trước khi mưa thì lầy lội còn khi nắng thì bụi bay mù trời thì bây giờ được tráng nhựa sạch sẽ và hết có ổ gà nữa. Tuy diện tích có gần 700 cây số vuông mà Phú Quốc lại có tới 99 ngọn núi và đồi cao thấp mà cao nhất là núi Chùa. Đầu tiên là một con đường rộng đủ chỗ cho hai xe chạy ngược chiều với nhau bắt đầu từ mũi Gành Dầu chạy xuống tới Dương Đông để tiếp giáp với con đường đã có sẵn từ Dương Đông đi An Thới rồi men theo ven biển chạy lên Hàm Ninh và sau đó lại chạy song song với dãy núi Hàm Ninh đi qua các khu du lịch như Cây Sao, Bãi Bốn, Mũi Gành Giao, Đá Chòng, Bãi Thơm, Mũi Trâu Nằm, Mũi Đá Bạc, núi Hàm Rồng và dừng lại ở Mũi Gành Dầu. Ngoài ra con đường từ Dương Đông đi Hàm Ninh cũng được mở rộng và tráng nhựa. Tất cả đường đi tới núi trong đảo hay các địa điểm du lịch đều được tráng nhựa hết.
Xe chạy bon bon trên con đường ven biển lên Hàm Ninh. Gió mát rời rợi. Hồi mới về đây Jack hay phàn nàn về mùi nước mắm trong không khí nhưng ở lâu rồi anh cảm thấy cái mùi đó thật quyến rũ cũng như người dân ở đây thật dễ mến. Nhờ ở biệt lập và hấp thụ văn minh nên họ học hỏi được nhiều cái lạ rồi đem cái hay của mình hoà hợp với cái hay của người thành một sắc thái đặc biệt. Họ biết tuân theo trật tự giao thông, tới đèn đỏ hay bảng ” Ngừng ” thì ngừng lại dù không có xe. Họ biết xếp hàng chờ tới phiên mình. Họ biết rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình cũng như ý thức được thế nào là tự do và dân chủ, quyền tự do ngôn luận… Trên đảo có một đài phát thanh của chính phủ và một tờ báo của tư nhân. Trong vòng hai năm tới sẽ có đài truyền hình hoạt động từ 4 giờ chiều tới 10 giờ đêm.
– Tôi với Hải Âu sẽ trở lại Mỹ tháng tới. Jack với Đương có muốn nhắn gởi gì không?
Jack quay đầu qua nhìn Đương.
– Chắc là em không có gì để nhắn và gởi. Đương may ra…
Cười hà hà Đương nói đùa.
– Khi trở qua đây hai chị nên dụ thêm vài cô em gái nghen… Ở bên này trai thừa gái thiếu thành ra em chắc ở giá quá…
Sue bật cười hắc hắc.
– OK… Chị sẽ kiếm cho em một cô gái tóc blonde và mắt em màu trùng dương. Chịu hông?
Đương cười hà hà.
– Tóc đen, nâu, vàng trắng xanh đỏ gì cũng được… Em hổng có kén đâu… Mắt đen màu dầu hắc cũng được nữa…
Câu nói của Đương làm cho Sue, Quốc và Jack không nhịn được phá ra cười. Xe theo con đường rẽ đi vào núi Chùa.
12.
4-2030.
Nguồn tin Tổng Nha Năng Lượng thuộc bộ kinh tế đã ký hợp đồng khai thác dầu hỏa với hãng ConocoPhillip của Hoa Kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Việt Nam khiến cho dân chúng xôn xao bàn tán. Viễn ảnh có tiền từ dầu hỏa khiến cho ai ai cũng tràn đầy hi vọng về một đời sống khá giả hơn. Chính thủ tướng Lê Quốc Việt cũng đã họp nội các để hoạch định chương trình và các kế hoạch cho tương lai. Có người thạo tin nói chính phủ đã vay tiền của ngân hàng thế giới và ngân hàng Á Châu để khuếch trương kinh tế và mở mang giáo dục cho dân chúng trên đảo.
Buổi họp có đông đủ người tham dự. Phe quân sự gồm có Quốc với Bính và Jack bên hải quân; Điền và Kim thuộc không quân và Hãn với Khải của bộ binh. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Hải Âu, bộ trưởng bộ nội an và Su, trưởng phòng nghiên cứu chiến thuật chiến lược và an ninh tình báo thuộc bộ quốc phòng. Tất cả đều có mặt trừ một người. Đó là Khiêm, tham mưu trưởng liên quân và cũng là người chủ tọa.
– Xin lỗi để quý vị chờ. Tôi bận họp với nội các xong rồi lại bận nói chuyện với Đan nên trễ giờ họp…
Ngồi vào ghế chủ tọa, Khiêm cười nói tiếp.
– Tôi vừa biết một tin vui nên muốn báo cho mọi người biết để ăn mừng. Sau hơn ba năm điều đình, thương lượng và hối lộ, nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới chịu chia cho ta một phần tiền của hợp đồng về dầu hoả mà họ đã ký với công ty Zarubezhneft của Nga Sô khai thác giếng dầu hoả thuộc Lô 42 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Việt Nam và quần đảo Thổ Chu. Theo hợp đồng này thì ta sẽ được chia 25 %. Nha Năng Lượng cho biết còn nhiều mỏ dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Phú Quốc sẽ được được khai thác bởi hãng ConocoPhillip. Họ đã ký hợp đồng khai thác với sự chia lời 60/40. Dù sao với 25% số tiền được chia từ giếng dầu hoả của Lô 42 cũng giúp chính phủ vay được 15 tỉ đô la của Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Á Châu…
Thấy mọi người nhìn mình như chờ đợi, Khiêm cười thong thả tiếp.
– Bởi vậy mà tôi mới triệu tập một buổi họp bất thường này. Các ông tư lệnh muốn cái gì thì nên lập danh sách yêu cầu để tôi trình lên bộ quốc phòng…
Không ai giấu được nét vui mừng hoặc hớn hở về tin này. Dầu hỏa và khí đốt là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng và cần thiết vì nó đem lại tiền bạc cho công quỹ quốc gia. Nhờ đó chính phủ mới có dư thừa tiền bạc để tăng cường quân đội cũng như nâng cao mức sống của dân chúng.
Hướng về Su đang ngồi bên cạnh Quốc, Khiêm cười nói đùa.
– Cái này là tin vui cho cô Su và Quốc…
Nghe nói tới đó ai ai cũng đều hướng về cặp trai gái mà họ biết sớm muộn gì cũng sẽ nên duyên cầm sắt.
– Bộ quốc phòng đã chấp thuận ý kiến của tôi là thăng chức cô Su lên làm giám đốc cơ quan nghiên cứu chiến thuật, chiến lược và an ninh tình báo. Chức vụ này ngang hàng với tư lệnh của các binh chủng hải, lục và không quân. Như vậy cô Su sẽ có quỹ riêng của mình. Ngoài ra cơ quan của cô Su còn được phân ra thành hai phòng chính. Đó là phòng nghiên cứu chiến thuật và chiến lược và phòng an ninh tình báo…
Mọi người đều vỗ tay hoan hô. Quốc cười hỏi Khiêm.
– Lên chức mà có tăng lương không bác Khiêm?
Cười cười Khiêm trả lời một cách khéo léo.
– Chuyện lương hướng thì anh nên liên lạc với phòng quân lương của bộ quốc phòng. Tôi không phụ trách chuyện đó với lại tôi nghĩ cháu Su hổng để ý tới chuyện lương mà…
Su bật cười hắc hắc vì hiểu ý của Khiêm. Hướng về Hải Âu đang ngồi kế bên Bính, ông ta cười nói tiếp.
– Trước khi đi vào chi tiết buổi họp tôi mời cô Hải Âu trình bày sơ qua về tình hình an ninh trên đảo…
Mở chồng hồ sơ ra, cô bộ trưởng phụ trách về an ninh và tình báo của nước Việt Nam cất giọng thanh thanh.
– Bốn năm kể từ ngày chúng ta lập ra nước Việt Nam cho tới bây giờ, tình hình an ninh trên đảo và trong nội bộ đã có nhiều thay đổi. Năm 2026 thì dân số chỉ hơn trăm ngàn. Bây giờ thì đã vượt qua con số một trăm năm chục ngàn. Sự gia tăng dân số một cách mau lẹ nhờ vào tình hình chính trị và an ninh trật tự được ổn định. Tuy nhiên phần lớn nhờ vào tình hình kinh tế của đảo đã tăng nhanh so với nền kinh tế thế giới dù có dấu hiệu phục hồi song rất chậm chạp. Kỹ nghệ du lịch của đảo phát triển nhờ vào một số người Việt ở hải ngoại. Họ về đảo cư ngụ 6 tháng xong lại trở qua Mỹ và cứ như thế mà tiếp tục. Nhờ vậy dân chúng trên đảo cũng có chút công ăn việc làm. Tuy nhiên sự gia tăng dân số phần lớn do ở dân chúng trong đất liền ra đảo tìm việc làm. Khi có công ăn việc làm vững chắc họ bèn nhập cư lậu, tức là đem vợ hoặc chồng và con cái qua đảo ở luôn. Chính phủ vì lý do nhân đạo với lại cần nhân công nên dễ dãi trong chuyện này. Thành phần người nhập cư lậu rất phức tạp nên tạo ra nhiều vấn đề cho bộ nội an trong việc điều tra lý lịch cá nhân của họ. Tôi biết công ty ngư nghiệp Hàm Ninh có hơn 200 nhân công mà phân nửa là người của tỉnh Rạch Giá. Mỗi tuần họ sang Phú Quốc làm việc năm ngày rồi lại trở về đất liền. Muốn kiểm soát số người này rất khó khăn vì tôi, phần thì thiếu nhân viên, phần thì không có hồ sơ lý lịch của họ. Những gì tôi biết đều do họ khai báo bằng miệng mà thôi. Một điều quan trọng hơn hết là vấn đề các binh chủng hải lục và không quân tuyển mộ lính. Bội nội an không có hồ sơ đầy đủ về các quân nhân đang phục vụ trong quân đội. Người thì ở Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Gia Nã Đại. Người thì ở trong đất liền như Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ, Mỹ Tho, Sài Gòn… Như vậy rất khó cho bộ nội an kiểm kê lý lịch và theo dõi các hoạt động của họ…
Nói tới đó Hải Âu nhìn Sue như ra hiệu. Chắc đã bàn tính trước, Sue gật đầu lên tiếng liền.
– Tôi cũng thấy tình trạng an ninh và tình báo rất lộn xộn đó. Bởi vậy tôi mới bàn với Hải Âu là bộ nội an và phòng an ninh tình báo sẽ tung ra một đợt kiểm tra lý lịch có đầy đủ chi tiết của tất cả mọi người từ quân tới nhân viên chính phủ và dân chúng. Bản kiểm tra lý lịch cá nhân sẽ được chúng tôi gởi cho mọi người và họ phải hoàn tất trong vòng một tháng. Riêng trong quân đội, bất cứ ai phục vụ ở bộ quốc phòng và ba binh chủng, từ cấp bậc sĩ quan trở lên sẽ phải qua một đợt kiểm tra lý lịch chi tiết hơn. Tôi muốn biết, nhất là ông này…
Vừa nói Sue vừa thúc cùi chỏ vào hông của Quốc đang ngồi bên cạnh.
– Tôi muốn biết ổng có mấy cô bồ, đẹp xấu sang giàu ra sao trước khi tôi nhận lời cầu hôn của ổng…
Nói tới đó Sue bật cười hắc hắc như muốn báo tin vui tới mọi người. Ai nấy lần lượt chúc mừng cho cặp Sue-Quốc. Là bạn thân nhất nên Hải Âu cười nói với Sue.
– Thế là bạn toại nguyện rồi nhé…
Sue cười cười hỏi nhỏ.
– Chừng nào tới phiên bạn đây…
Jack lên tiếng mà lại bằng cái giọng nói tiếng Việt đặc biệt của anh khiến ai ai cũng phì cười.
– Rồi… Bị nhân viên FBI còng tay mà bi giờ lại bị thẩm vấn nữa thì anh Quốc chỉ còn nước ú ớ thôi…
Nghe Jack lên tiếng, Khiêm mới chợt nhớ ra bèn hỏi liền.
– Tôi nghe Yến Vi nói hứa hôn mà chừng nào mới đám cưới vậy?
Jack cười lên tiếng.
– Dạ tháng 5 này…
Khẽ gật đầu Khiêm nhìn mọi người trong phòng xong cất giọng nghiêm nghị.
– Vì sự biến chuyển của tình hình nên bộ tham mưu liên quân phải tạm thời đình hoãn chiến dịch Trường Sa cho tới khi có lệnh mới. Cá nhân tôi cũng đồng ý với quyết định của bộ tham mưu. Là giám đốc cơ quan nghiên cứu chiến thuật và chiến lược, cô Sue nghĩ sao?
Liếc nhanh Quốc, Sue mỉm cười lên tiếng.
– Tôi cũng đồng quan điểm với bộ tham mưu liên quân là ta nên tạm thời hoãn lại chiến dịch Trường Sa để chờ thêm hai ba năm nữa. Hải quân của nước ta chưa đủ sức để đối đầu với hạm đội Nam Hải của Trung Cộng. So sánh về thực lực thì quá chênh lệch. Muốn cho chiến dịch Trường Sa đạt được kết quả mỹ mãn, ta phải đánh bại hạm đội Nam Hải rồi sau đó chiếm đóng các vị trí mà chúng đã đồn trú trên đảo. Ngoài ra ta còn cần có một hạm đội đủ mạnh để tuần tra và bảo vệ các vị trí quân sự đó…
Ngừng lại nhìn mọi người giây lát Sue mới thong thả tiếp lời.
– Đầu tiên tôi xin nói sơ qua về thực lực của hải quân Trung Cộng. Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa hiện có 11 chiếc tàu ngầm nguyên tử đang hoạt động bao gồm hai loại tàu ngầm tấn công và tàu ngầm được trang bị hoả tiển liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử. Về tàu ngầm thông thường thì có 51 chiếc đang hoạt động bao gồm loại cũ được tân trang và một loại mới đóng gần đây. Trong chiến lược độc chiếm biển Đông, hải quân Trung Cộng đã tăng cường tối đa lực lượng tàu nổi của họ đóng ở đảo Hải Nam. Hạm đội Nam Hải có 11 chiếc khu trục hạm, 18 chiếc hộ tống hạm, 8 tàu ngầm, 17 tàu đổ bộ và chuyên chở tiếp liệu. Đó là chưa kể sự hiện diện của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh với một phi đội phản lực cơ chiến đấu… Phần hạm đội của anh Quốc tôi…
Nói tới đó Su nhìn Quốc cười mím chi. Biết cô bạn gái có ý chọc quê mình nên Quốc chỉ cười im lặng.
– Hạm đội Phú Quốc của ta chỉ có 6 khu trục hạm, 5 hộ tống hạm, 5 tuần dương hạm, 1 tàu ngầm và hổng có chiếc máy bay nào hết trơn hết trọi…
Mọi người đều bật cười vì cái giọng của Sue.
– Muốn đánh nhau với hạm đội Nam Hải thì hải quân của chúng ta cần phải có 10 chiếc tiềm thuỷ đỉnh tối tân cỡ chiếc Gotland mà mình đang có; 10 chiếc khu trục hạm, 15 tuần dương hạm, 12 hộ tống hạm trang bị các loại hỏa tiển chống máy bay, chống tàu nổi và tàu ngầm. Tóm lại là muốn lập một hạm đội đủ mạnh để đối đầu với hạm đội Nam Hải, ta phải chi ra ít nhất 10 tỉ đô la. Theo tôi biết thì hiện giờ bộ quốc phòng chỉ có thể cung cấp cho hải quân chừng 5 tỉ thôi. Muốn xắm thêm tàu chiến thì chắc anh Quốc phải đợi hai ba năm nữa khi mà ta có thêm tiền từ dầu hoả…
Căn phòng họp im lặng khá lâu cho tới khi Quốc lên tiếng.
– Đan vừa báo cho tôi biết bộ hải quân Hoa Kỳ đồng ý bán rẻ và bán trả góp cho ta một số tàu chiến cũ của họ bao gồm các loại như khu trục hạm lớp Arleigh Burke; tuần dương hạm lớp Ticonderoga; hộ tống hạm lớp Oliver Hazard Perry; một số tuần duyên đỉnh và khinh tốc đỉnh. Mình mà có được vài chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke là đủ sức cự với với hạm đội Nam Hải rồi. Loại này được trang bị ”Aegis combat system ” và hoả tiễn Tomahawk. Phòng ngân sách và tài chính của bộ quốc phòng cần liên lạc với bộ hải quân Hoa Kỳ để biết thêm chi tiết…
Quốc ngừng nói. Khiêm buông câu hỏi trong lúc hướng về Bính, tư lệnh phó hải quân, người phụ trách về chuyện xây một công xưởng sửa chữa tàu cho hải quân và cả dân sự nữa.
– Hải quân công xưởng đã xây tới đâu rồi?
Bính trả lời không chút do dự.
– Dạ công xưởng sẽ khánh thành vào đầu tháng 8 năm nay và đi vào hoạt động đầu tháng 9. Công xưởng đã mướn 500 nhân viên dân sự và cộng thêm lính thợ nữa thì sẽ có hơn 1000 nhân công. Nó có thể bảo trì và sửa chữa bất cứ loại tàu nào kể cả tàu ngầm. Năm 2031 thì công xưởng này sẽ có thêm một xưởng mới chuyên đóng loại tàu từ 1000 tấn trở xuống. Ông Thăng nói với tôi như vậy…
Khiêm cười lên tiếng.
– Ông Thăng nói thì tôi tin. Ở đây đâu có ai bằng ổng về chuyện đóng và sửa tàu đâu…
Mọi người đều biết ông Thăng, một thanh niên học thức có tới hai bằng cấp kỹ sư hàng hải và kỹ sư máy móc đã du học ở Nhật. Sau khi ra trường đang làm việc cho công ty Mitsubishi Heavy Industries-Shimonoseki Shipyard & Machinery Works của Nhật, Thăng tình nguyện đầu quân vào hải quân Phú Quốc, phụ trách phần kỹ thuật với số lương khiêm nhường 700 đô la một tháng. Không những giỏi về kỹ thuật và máy móc, anh còn có tài tổ chức nữa. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng hai năm, cơ xưởng sửa chữa và đóng tàu đã thành hình. Cũng nhờ sự giao thiệp khôn khéo cộng với uy tín cá nhân, anh đã ” chiêu hồi ” được nhiều kỹ sư trẻ về làm việc ở Phú Quốc. Thăng còn trẻ chưa được 40 tuổi song vì kính nễ nên ai ai cũng gọi bằng ông Thăng hoặc Thầy Thăng.
– Nước Nhật có ý giúp ta bằng cách mở khóa huấn luyện sĩ quan hải quân có 250 học viên. Chương trình học hai năm và sau khi tốt nghiệp các học viên sẽ được dịp thực tập trên các chiến hạm của Nhật thời gian sáu tháng nữa. Họ kiếm thêm đồng minh bằng cách giúp ta lớn mạnh để kình chống lại Trung Cộng. Dù sao việc này cũng có lợi cho ta nên tôi đã nhận lời. Phòng nhân viên của hải quân đã tuyển chọn gần đủ số học viên rồi. Tại Phú Quốc, chúng ta cũng có một trường huấn luyện cho thuỷ thủ về quân sự và chuyên môn. Trường này cũng kiêm thêm chương trình huấn luyện cho thuỷ thủ tàu ngầm…
Bính ngừng lời sau khi trình bày về hoạt động và thành quả của hải quân trong bốn năm. Thấy Khiêm hướng mắt ngay chỗ mình ngồi, Hãn hiểu ý bèn hắng giọng.
– Hiện thời thì tôi có trong tay một chiến đoàn xung kích gồm có 2 tiểu đoàn bộ chiến và 1 tiểu đoàn tác chiến điện tử. Tiểu đoàn bộ chiến có 4 đại đội, mỗi đại đội có 250 lính, trang bị M16, M60, súng phóng lựu, hoả tiễn cầm tay chống chiến xa, chống máy bay và máy truyền tin. Riêng tiểu đoàn tác chiến điện tử thì chỉ có hai đại đội là viễn thám và kỹ thuật thôi. Nếu sau này có thêm tiền thì tôi sẽ mua súng lớn súng dài để thành lập đại đội trọng pháo. Muốn có đại đội cơ giới ta phải có tiền sắm xe tăng… Mỗi chiếc thiết giáp bây giờ không dưới chục triệu… Dù chỉ là chiến đoàn trừ song tôi nghĩ lực lượng này đủ sức giữ an ninh cho đảo cũng như ngăn chặn được sự tấn công của địch…
Đợi cho Hãn dứt lời xong Điền cười nhỏ hắng giọng.
– Tôi nhận được hai chiếc Mirage 2000 từ không lực của nước Pháp. Họ có hứa là sẽ bán rẻ cho mình hai chiếc Rafle F1. Hiện tại thì không quân Phú Quốc chỉ có 4 chiếc F15A, hai chiếc Mirage 2000, 8 trực thăng gồm có 2 chiếc cứu thương, hai chiếc chuyên chở và 4 chiếc võ trang chiến đấu, 1 C130 và hai chiếc máy bay quan sát…
Không cần nói ai cũng biết là không lực của nước Việt Nam rất nghèo nàn so với hải quân. Điều này không lạ vì Phú Quốc bao quanh là biển nên cần có một lực lượng hải quân mạnh để tuần phòng và chống ngăn tàu chiến của kẻ địch.
Ngẫm nghĩ giây lát Khiêm mới lên tiếng.
– Tôi sẽ can thiệp với bộ quốc phòng để họ tăng ngân quỹ cho không quân dùng vào việc huấn luyện phi công. Có tàu bay mà không có phi công thì cũng như không. Hai ông tư lệnh và tư lệnh phó cũng phải tuyển mộ lính để lập một công xưởng bảo trì và sửa chữa máy bay…
Kim cười cất tiếng.
– Chúng tôi đang có một khoá huấn luyện gần 200 học viên về căn bản quân sự xong mới bắt đầu học khoá chuyên môn. Học viên có mà lại thiếu thầy dạy…
Khiêm gật đầu cười nói với Điền và Kim.
– Tôi biết mấy ông già về đây ở có nhiều ông ngày xưa là dân không quân trước năm 75. Hai cháu cố tìm xem rồi nhờ họ làm huấn luyện viên…
Hải Âu chợt xen lời.
– Anh Điền tới gặp tôi ngày mai đi. Tôi sẽ cung cấp lý lịch tất cả những cựu chiến binh của không quân trước năm 1975…
Điền gật đầu cười vui vẻ nói với Hải Âu.
– Cám ơn cô Hải Âu trước. Mai tôi sẽ tới làm phiền cô…
Anh CSL thân mến,
Có ai lường được chữ ngờ! Chuyện giả tưởng anh viết mấy năm về trước Phú Quốc for Sales bây giờ lại thành sự thật.
Chúc anh một cuối tuần vui vẻ.
TCB
TCB mến. Cám ơn về lời góp ý. Ý tưởng của tôi đang từ từ thành sự thực, nhưng thật buồn là thay vì hòn đảo thân yêu của chúng ta lại lọt vào tay bọn Tàu Cộng, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Có được Hoàng Sa, Trường Sa lại thêm Vịnh Thái Lan thì coi như Tàu cộng nuốt trọn Biển Đông. Rồi đây toàn thể nước Việt sẽ lệ thuộc Tàu, dân Việt có thể sẽ bị đồng hóa. Điều này khiến tôi mất ngủ hằng đêm.