Tập 9
Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn
48.
– Chị sẽ đi Cần Thơ…
Nhàn không giấu được nét ngạc nhiên hiện ra trên mặt khi nghe cô chủ nói như thế. Cô vừa định mở miệng Thúy Nhi đã lên tiếng trước như đoán biết người cộng sự viên thân tín muốn nói điều gì.
– Nhàn muốn đi với chị không?
– Dạ muốn…
Cười lỏn lẻn cô nhìn Thúy Nhi với vẻ biết ơn.
– Bạn trai của em đang ở Cần Thơ. Em cũng muốn đi thăm ảnh mà chưa có dịp…
Khẽ gật đầu Thúy Nhi nói nhanh và gọn.
– Nhàn hỏi hãng máy bay coi có chuyến bay nào gần nhất…
– Dạ em đã hỏi rồi… Máy bay từ Phú Quốc đi Cần Thơ mỗi tuần có hai chuyến nhằm ngày thứ ba và thứ năm. Còn nếu chị muốn đi gấp thì mình đi tàu vào Kiên Giang xong ngồi xe đò về Cần Thơ. Sáng đi chiều tới lẹ lắm chị…
Ngẫm nghĩ giây lát Thúy Nhi mới lên tiếng.
– Vậy mình đi xe đò. Chị em mình có một ngày để chuẩn bị. Thứ năm mình sẽ đi thật sớm. Chị cần phải bàn giao công việc cho Nhiều nữa. Chắc mình sẽ ở Cần Thơ lâu…
– Bao lâu hả chị?
– Độ một tháng…
– Em xin lỗi cái này em hơi tò mò… Chị đi Cần Thơ có chuyện gì quan trọng hông?
Thúy Nhi bắt gặp Nhàn cười mím chi. Hiểu nụ cười đó có ý nghĩa gì, cô cũng bật lên cười.
– Chị hổng có đi thăm bạn trai như em đâu. Anh Chương ở ngoài biển mà. Chị đi Cần Thơ vì lý do khác. Chị muốn biết sơ về những dự tính của chính phủ để theo đó mà khuếch trương cơ sở của mình. Nếu như chính phủ mình ở Phú Quốc định giải phóng Sài Gòn thời sớm muộn gì họ cũng đặt thủ đô tại Sài Gòn. Đúng không?
Nhàn gật đầu. Cô lờ mờ hiểu ra ý tưởng ở trong đầu cô chủ trẻ song có tầm nhìn xa và rộng.
– Khi mà chính phủ thiên đô rồi thời Phú Quốc sẽ bị sụt giảm về dân số. Do đó muốn công ty đứng vững mình cũng phải dời về Sài Gòn…
– Còn ở Phú Quốc thì sao hả chị?
– Chị vẫn duy trì cơ sở ở Phú Quốc cho tới khi nó được sát nhập vào cơ xưởng chính ở Sài Gòn, hoặc có thể chị sẽ dời cơ sở ở Phú Quốc vào Cần Thơ. Đó là lý do khiến cho chị em mình phải đi Cần Thơ. Bây giờ em đi kiếm người giao lại cho họ những chuyện em làm đi. Chị cũng đi gặp chị Nhiều…
Vâng lời Nhàn lui ra khỏi phòng để lo công chuyện của mình. Vẫn ngồi im trên ghế Thúy Nhi nhìn ra khung cửa sổ rộng. Dĩ nhiên cô không muốn cho Nhàn biết lý do thầm kín và cũng là lý do chính thúc đẩy cô phải đi Cần Thơ. Ngoài lý do công chuyện của hãng, cô muốn tự mình tìm hiểu về chiến sự hay đúng hơn chiến dịch Hẹn Gặp Ở Sài Gòn mà chính phủ đặt quyết tâm vào với hi vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của nước Việt Nam nhỏ bé về chính trị, kinh tế, quân sự và địa lý. Cô muốn làm một điều mà khi gặp nhau Chương sẽ hãnh diện vì điều cô đã làm. Ngoài ra cô muốn gần Chương hơn. Cần Thơ với Côn Sơn không có xa xôi như Phú Quốc với Côn Sơn. Ngồi đây cô mường tượng ra khuôn mặt trắng xanh của Chương vì đêm ngày sống trong lòng chiếc hộp sắt cách biệt với đời sống và luôn cả người quen biết. Cô cảm thấy tội nghiệp cho anh. Cô cảm thấy nhớ anh, nhớ thật nhiều, nhớ tới độ mà mỗi lần nghĩ tới anh cô phải ứa nước mắt.
Chiếc xe đò chạy đường Rạch Giá-Cần Thơ dừng lại nơi bến xe. Mới vừa thoát ra khỏi sự cai trị độc tài của cộng sản, thủ phủ của miền tây vẫn còn ngơ ngác tìm kiếm một thái độ thích nghi với sự thay đổi về chính trị, kinh tế và quân sự cũng như chút xáo trộn xã hội. Chính phủ mới đem lại những cái mới và lạ. Cái mới thứ nhất là giải quyết phần nào tình trạng thất nghiệp của dân trong vùng lục tỉnh bằng cách tuyển mộ binh sĩ. Bất cứ trai tráng tuổi từ 18 cho tới 30, nếu tình nguyện sẽ được chính phủ thu nhận làm lính và được trả lương tương xứng. Hàng chục ngàn thanh niên, đa phần thuộc con nhà nghèo nô nức đi lính bộ binh, hải quân, không quân hay các binh chủng đặc biệt. Trung tâm huấn luyện Chi Lăng ở Châu Đốc đầy nhóc lính kéo theo hàng ngàn công việc cho dân chúng trong vùng. Chính phủ bỏ tiền triệu ra tu bổ, sửa chữa lại căn cứ không quân Trà Nóc thành ra căn cứ chiến lược đủ sức chứa các loại phi cơ phản lực và oanh tạc cơ hạng nặng. Tàu hải quân lớp neo lớp cặp đầy hai căn cứ hải quân ở Cần Thơ và Bình Thủy. Hơn trăm ngàn lính với vợ con của họ đổ về miền lục tỉnh tạo ra sự phồn thịnh hiếm có cho dân chúng tại địa phương. Người dân vui mừng đón nhận sự đổi mới dù biết chính phủ chưa chịu dừng lại ở Cần Thơ.
Thúy Nhi với Nhàn là hai người cuối cùng bước xuống xe rồi lại lên xe về khách sạn Hậu Giang nằm tại trung tâm thành phố chỉ cách bến Ninh Kiều nửa cây số. Khi xe tắc xi ngừng nơi cửa khách sạn, Nhàn thấy Nhơn, bạn trai của mình đứng chờ sẵn. Đã gặp và nói chuyện với Thúy Nhi nhiều lần nên Nhơn vui vẻ chào hỏi xong thân đưa hai người vào phòng tiếp tân làm thủ tục rồi theo lên tận phòng mới từ giã và hẹn tối sẽ trở lại mời Nhàn với Thúy Nhi ăn tối.
Để mặc cho Nhàn với bạn trai nắm tay nhau đi trước, Thúy Nhi lững thững bước ngắm nhìn phố phường. Đường phố không đông lắm có lẽ vì hôm nay mới thứ năm và chưa tới bảy giờ chiều. Thấy Nhơn với Nhàn dừng trước một căn nhà lớn nằm dọc theo bờ sông Cần Thơ, Thúy Nhi cười hỏi.
– Tới rồi hả. Chị đói bụng sắp xỉu rồi…
– Dạ tới rồi… Em nói trước là em trả tiền nghen…
Thúy Nhi bật cười lên tiếng.
– Chị hổng có giành trả tiền đâu. Vậy là chị có quyền ăn thả giàn hả Nhơn?
– Dạ… Chị cần phải ăn nhiều hơn. Chị hơi ốm… Chắc chị có điều gì lo nghĩ?
Thúy Nhi chưa kịp trả lời Nhàn đã liến thoắng hớt trước.
– Chỉ tương…
Nói được hai tiếng thấy Thúy Nhi trừng mắt ra hiệu, Nhàn lanh trí lái sang chỗ khác liền.
– Chỉ ăn toàn tương với chao thì mập sao nổi. Nhưng mà chỉ ốm em thấy chỉ đẹp hơn…
Nhìn Thúy Nhi giây lát Nhơn gục gặt đầu cười hăng hắc.
– Nhàn nói đúng… Chị ốm thành ra đẹp hơn. Bởi vậy mà ông hạm trưởng tàu ngầm mới mết chị…
Cười gượng, Thúy Nhi quay nhìn ra bờ sông như muốn che giấu cảm xúc của mình.
– Chị có gặp anh Chương thường không?
Nhơn hỏi và Thúy Nhi trả lời bằng cái lắc đầu. Lát sau cô mới nhẹ lên tiếng.
– Gần hai tháng rồi chị không có gặp ảnh mà cũng không có điện thoại hay thư từ gì hết. Chị hổng biết ảnh đang ở đâu…
Nhìn Thúy Nhi với vẻ ái ngại, Nhơn hỏi gọn.
– Chị muốn nói chuyện với anh Chương không?
Bắt gặp cái gật đầu của Thúy Nhi, Nhơn cười nói.
– Em làm việc tại bộ tư lệnh bộ binh nhưng bây giờ biệt phái cho bộ tư lệnh tiền phương của chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn nên cũng quen với mấy ông lính bên hải quân. Em có thể tìm ra anh Chương đang ở đâu và sẽ dàn xếp cho chị nói chuyện với ảnh…
– Chị cám ơn em…
Ba người song song bước vào cửa nhà hàng Sông Hậu.
– Bộ Nhơn tính xài hết tiền lương lính sao mà kêu nhiều món vậy?
Thúy Nhi cười nói đùa khi nghe Nhơn gọi thức ăn. Nhơn trả lời Thúy Nhi trong lúc nhìn Nhàn.
– Dạ… Chị với Nhàn tính ở Cần Thơ bao lâu?
– Chừng tháng… Chị đi xem xét tình hình và tìm hiểu sinh hoạt thương mại để mở một chi nhánh… Em có thể cho chị biết…
Khẽ gật đầu Nhơn sắm nắm trả lời.
– Tình hình của vùng Hậu Giang coi như yên rồi chị. Tàn quân của quân khu 9 thuộc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã rút về cố thủ bên kia bờ sông Tiền. Gần đây nghe đồn họ đã tái phối trí lại thành hai sư đoàn bộ chiến để thiết lập một tuyến phòng thủ mạnh mẽ từ biên giới Việt Miên dài xuống tới biển. Phần chính phủ của mình thời một mặt lo ổn định tình hình chính trị, kinh tế và xã hội còn một mặt lo tăng cường quân lực để giữ vững vùng Hậu Giang. Đánh chiếm Hậu Giang chỉ là giai đoạn đầu của chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn…
Nói tới đó Nhơn phải ngưng lời vì cô hầu bàn trở ra với nước uống. Đợi cho cô ta đi xa anh mới thấp giọng.
– Giai đoạn 2 là giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền đông như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Giai đoạn 3 sẽ đánh lấy vùng cao nguyên trung phần gồm có Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum và các tỉnh miền duyên hải như Khánh Hòa, Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngải, Quảng Nam, Thừa Thiên và Quảng Trị. Chiến dịch sẽ chấm dứt vào giữa hoặc chậm lắm vào cuối năm 2042. Muốn thực hiện điều đó chính phủ sẽ phải làm việc cật lực để khắc phục những trở ngại lớn. Phải có ít nhất 10 sư đoàn bộ chiến trước khi xuất quân tấn công Sài Gòn…
Đợi cho Nhơn nói tới đó Thúy Nhi mới đưa tay ra dấu cho anh ngưng lại.
– 10 sư đoàn bộ chiến có bao nhiêu người?
– Hơn một trăm ngàn…
– Nhiều quá trời luôn. Tiền đâu mà chính phủ nuôi họ?
Nhơn cười hì hì khi nghe Thúy Nhi hỏi.
– Không nhiều đâu chị. Em chỉ kể thành phần lính cầm súng bắn nhau thôi chứ nếu tính tới thành phần lính làm việc giấy tờ và lính thợ, lính ngành chuyên môn thời một sư đoàn có tới mười mấy ngàn người…
– Hiện tại thời mình được bao nhiêu lính rồi hả anh?
Tới phiên Nhàn lên tiếng. Hai cô gái bắt đầu cảm thấy thích thú và quan tâm tới chuyện chiến tranh mà thường ngày họ nghĩ đó là chuyện thuộc phe đàn ông.
– Mình đang có 6 sư đoàn bộ chiến. Theo như báo cáo của bộ quốc phòng, chỉ trong vòng năm tháng tính từ đầu năm nay mình đã tuyển mộ được 30 ngàn tân binh tình nguyện đi lính. Tất cả được gởi đi học tại trung tâm huấn luyện Chi Lăng và ở Phú Quốc hoặc các trại huấn luyện riêng của các sư đoàn. Hi vọng từ đây tới cuối năm hoặc đầu năm 2041 mình sẽ tuyển mộ thêm chừng 20 ngàn nữa…
– Sao họ thích đi lính vậy anh?
– Lý do kinh tế… Nếu tình nguyện đăng lính họ sẽ được số tiền thưởng lớn rồi sau đó có chỗ ăn ở và lương hàng tháng. Em với chị Thúy Nhi cũng biết tình trạng thất nghiệp cao lắm mà đa số là sinh viên mới ra trường hoặc học sinh tốt nghiệp trung học mà nhà nghèo không tìm được việc làm. Sinh viên tốt nghiệp đại học 4 năm sẽ được huấn luyện một năm thành sĩ quan tác chiến chỉ huy trung đội…
Nói tới đó Nhẫn ngừng lại nhìn hai cô gái đang ngồi đối diện giây lát rồi cười đùa một câu.
– Hai người có ý gì mà hỏi han nhiều vậy. Đừng có nói là hai người định tình nguyện đi lính nghen…
– Em với chị Thúy Nhi muốn giúp nước mà…
Lắc đầu quầy quậy khi nghe cô bạn gái thốt, Nhơn nhìn Thúy Nhi như để dò đoán xem lời nói đó thực hay đùa giỡn. Cười cười cầm đũa gắp miếng cá nướng bỏ vào chén của mình, Thúy Nhi nói chậm.
– Chị cũng có ý nghĩ giống như Nhàn…
– Chính phủ không nhận phụ nữ đi lính…
Nhàn im lặng như suy nghĩ còn Thúy Nhi nhìn Nhơn cười cười.
– Chị không tin là chính phủ từ chối không nhận phụ nữ đi lính. Như thế là kỳ thị…
Nhơn làm thinh không cãi. Anh biết Thúy Nhi sống lâu ở xứ ngoài, có ăn học và hấp thụ tư tưởng dân chủ và tự do lại lăn lộn trường đời nhiều hơn Nhàn do đó hiểu biết rõ ràng về bình đẳng nam nữ.
– Đâu cần phải đi lính hai người mới giúp nước được. Như chị Thúy Nhi mở hãng xưởng thu nhận người làm là đã giúp nước nhiều gấp mấy lần chỉ đi lính. Đóng thuế là giúp nước mà. Chính phủ làm gì có tiền trả lương lính nếu người dân không đóng thuế…
Nhìn vẻ mặt của Nhơn, Nhàn bật cười hắc hắc nói với Thúy Nhi.
– Ảnh sợ chị em mình đi lính sẽ giành việc của ảnh…
– Chị với em mà thành lính thời Nhơn bị cho giải ngũ liền. Chị nghe nói lính làm việc tà tà lắm…
Dứt câu, Thúy Nhi bật lên tiếng cười ròn rả trong lúc nhìn ra ngoài mặt sông nước óng ánh vàng của buổi chiều sắp tắt.
Nhơn đón Thúy Nhi và Nhàn tại cổng của bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn mà cách đây nửa năm được biết tới với cái tên bộ tư lệnh quân khu 9 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai cô gái có vẻ rụt rè khi thấy căn cứ toàn lính. Họ lạ từ cách chào hỏi, đi đứng với ngôn từ lạ lùng mà hai cô ít khi được nghe.
– Anh làm gì ở đây?
Nhàn hỏi nhỏ Nhơn. Dù quen nhau đã lâu nhưng cô cũng không biết nhiều về đời lính của bạn trai.
– Thì làm việc…
Nhơn cười cười. Nhàn hỏi tiếp.
– Làm việc mà làm việc gì chứ?
Nhàn hỏi. Nhơn do dự chưa muốn trả lời. Anh nhìn Thúy Nhi như cầu cứu. Hiểu ý cô cười xen vào câu chuyện bằng câu nói đùa.
– Ông bồ của em phải làm việc gì quan trọng lắm nên ổng không dám nói cho em biết. Ổng là sĩ quan mà…
– Sao chị biết?
Nhàn hỏi dồn. Thúy Nhi cười cười.
– Nhìn ba bông mai trên cổ áo và cầu vai của ổng kìa. Nó nói lên cấp bực đại úy. Anh Chương có nói với chị là…
Nói tới đây Thúy Nhi nháy mắt làm hiệu cho Nhơn. Hội ý anh cười nhường cho hai người khách bước vào gian phòng rộng có tấm bảng nhỏ đề ba chữ ngay cửa ra vào: ” Phòng Hành Quân ”. Điều làm cho Thúy Nhi chú ý là bốn màn hình cực lớn gắn ở các bức vách trong phòng đều nổi lên hình thể nước Việt Nam với cái tên lớn nhất Sài Gòn và Hà Nội. Tại địa điểm chỉ thành phố Sài Gòn hiện lên hàng chữ nhỏ hơn song lại sáng rực màu xanh: ” Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn ” và có mấy mũi tên màu vàng từ các hướng tây, nam, đông, bắc qui vào Sài Gòn. Bị Nhơn khều tay ra dấu, Thúy Nhi bước theo anh mà mắt còn ngoái lại như muốn nhìn thêm bốn bức địa đồ ở trên màn hình.
– Đây là phòng liên lạc. Ngồi ở đây chị có thể biết tất cả các đơn vị của quân lực mình đang ở vị trí hay địa điểm nào bất kể đơn vị đó thuộc bộ binh, không quân hoặc hải quân…
Thúy Nhi gật đầu hỏi nhỏ.
– Kể cả anh Chương…?
Nhơn ngần ngừ giây lát mới trả lời.
– Anh Chương của chị thì hơi đặc biệt và khó khăn hơn. Nếu tàu ngầm của ảnh đang lặn sâu thì không liên lạc được mà phải chờ tới giờ giấc nhất định khi tàu của ảnh nổi lên mặt nước. Em đã dò hỏi ở bộ tư lệnh tàu ngầm thời họ cho biết nếu tàu ảnh đang tuần tiễu ở vùng biển Trường Sa, một ngày hai lần nó được phép liên lạc với căn cứ và thân nhân bằng email hoặc điện thoại. Tàu của ảnh có lịch trình liên lạc mỗi ngày là 10 giờ sáng và 10 giờ tối. Còn chừng ba phút nữa mới tới giờ. Chị muốn nói chuyện bằng điện thoại hay email?
– Điện thoại chắc dễ hơn hả em?
Nhơn gật đầu chỉ cách cho Thúy Nhi dùng điện thoại xong khều Nhàn.
– Em với Nhàn tới đằng kia nói chuyện. Có gì cần chị ngoắc em…
Khẽ gật đầu, Thúy Nhi cúi nhìn vào cái bàn đánh máy trước mặt mình. Nó giống như bàn đánh máy để bàn song có nhiều ký tự mới và lạ hơn. Theo lời chỉ của Nhẫn, cô nhấn cái nút. Trên màn hình hiện lên hàng chữ: ” Vui lòng cho biết đơn vị muốn liên lạc… ”. Thúy Nhi gõ VNN66-Hải Mã. Trên màn hình hiện lên hàng chữ ” Xin vui lòng chờ- Đang kết nối liên lạc…”. Chừng vài giây đồng hồ sau Thúy Nhi nghe có tiếng nói trong ống nghe của mình: ” Hello… Đây là phòng liên lạc của VNN66-Hải Mã. Xin lỗi ai bên kia đầu dây? ”. Dù tiếng nói ở xa và hơi lạ song cô nghe khá quen. Liên tưởng tới một người cô mừng rỡ nói lớn: ” Toàn hả… Tôi là Thúy Nhi đây…” Ở đầu dây bên kia có chút im lặng rồi giọng nói vang lớn: ” Thúy Nhi… Có phải bạn của trung tá Chương…”. ” Đúng đó anh. Tôi xin phép được nói chuyện với anh Chương…”. ” Dạ… Thúy Nhi chờ chút…”. Có tiếng nói vang nhỏ trong ống nghe: ” Hạm trưởng… Cô Thúy Nhi gọi hạm trưởng nè…”. Thúy Nhi như ngưng thở khi nghe bên kia đầu dây giọng nói của Chương vang nhỏ: ” Em mạnh hông… Anh nhớ em chết luôn…”. ” Em cũng vậy. Em nhớ anh muốn khùng. Muốn nói chuyện với anh mà hổng biết làm sao…”. ” Em đang ở đâu vậy…? ” Chương bật lên cười khi nghe Thúy Nhi kể chuyện vào Cần Thơ để mở chi nhánh mới cho công ty rồi gặp Nhơn. ” Chừng nào anh mới dìa lại Phú Quốc? ”. Hỏi xong khá lâu Thúy Nhi mới nghe Chương trả lời. ” Chắc còn lâu em ơi. Nếu mãn công tác ở Trường Sa thời anh chỉ được phép về Côn Sơn nghỉ thôi. Khi nào tàu cần sửa chữa nhiều thời mới về Phú Quốc…”. ” Như vậy muốn gặp anh, em phải đi Côn Sơn hả? ”. ” Chắc là vậy. Em ra Côn Sơn anh dẫn em đi bắt ốc…”. Nói tới đó Chương bật lên cười hắc hắc. Thúy Nhi cũng bật cười vì nhớ lại chuyện cũ. Vừa định nói tiếp Thúy Nhi thấy màn hình hiện dòng chữ: ” Hệ thống liên lạc sắp ngưng hoạt động…”. Ngay lúc đó bên kia đầu dây vang lên giọng nói của Chương: ” Anh phải đi. Em đừng buồn. Mình sẽ gặp lại nhau…”. ” Dạ… Anh rán giữ gìn sức khỏe… Em nhớ anh…”. Cuộc điện đàm chấm dứt mà Thúy Nhi vẫn còn cầm điện thoại với thái độ ngơ ngẩn và bồi hồi.
49.
Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 9 năm 2040.
Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Chiến Dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn.
Chiếc jeep ngừng lại cho Hãn chầm chậm bước xuống đường. Theo sau vị tư lệnh bộ binh là đại úy Hiền, sĩ quan tùy viên. Vào tới phòng hội ông ta được chuẩn tướng Khải, tư lệnh chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn thân đón tiếp và chào hỏi. Liếc một vòng, tướng Hãn thấy đông đủ người ngồi đứng trò chuyện. Anh vui vẻ bắt tay Điền với Kim, hai người bạn cố cựu từ thời mới về Phú Quốc. Kiếm, tư lệnh hải quân cũng bước tới trò chuyện. Ai ai cũng đều vui vẻ pha lẫn chút khẩn trương. Dường như tất cả đều biết trước mục tiêu của buổi họp bất thường được triệu tập bởi trung tướng Nam, tham mưu trưởng liên quân từ Phú Quốc vào.
Tất cả mọi người trong phòng đều đứng lên khi nghe có tiếng hô nghiêm và trung tướng Nam bước vào. Đưa tay chào trả vị tham mưu trưởng liên quân cười thốt trong lúc bước tới bàn chủ tọa.
– Cám ơn anh em… Mời anh em ngồi…
Đợi cho mọi người ngồi xong xuôi ông ta mới hắng giọng.
– Sở dĩ tôi triệu tập buổi họp một cách bất ngờ vì nhiều lý do quan trọng. Lý do đầu tiên là bộ kinh tế, hay đúng hơn Tổng Nha Năng Lượng đã hối thúc chính phủ phải gấp rút thực thi chủ quyền trên vùng biển có sự tranh chấp giữa nước Việt Nam ta với các nước như Cộng Hòa Chủ Nghĩa Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai Á, Phi, Đài Loan và Trung Cộng. Họ nói nếu muốn các công ty dầu hỏa đầu tư vào việc khai thác thì mình phải thực sự có chủ quyền về hai mặt pháp lý và quân sự. Nói trắng ra là sự tranh chấp cũng như sự chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước đang tranh chấp khiến họ lo ngại về viễn ảnh bùng nổ một sự xung đột quân sự giữa ta với Trung Cộng. Giả sử như có xung đột thì họ cũng muốn ta có đủ lực để bảo vệ họ…
Tướng Nam ngừng lời nhìn xuống các nhân vật trọng yếu của quân lực đang ngồi. Lát sau ông ta mới mở lời. Ai cũng nhận thấy giọng của ông ta cao và nghiêm trọng hơn.
– Lý do thứ nhì và đây cũng là lý do mà theo thiển kiến của tôi quan trọng hơn hết. Đúc kết từ những tin tức, tài liệu của bộ nội an, cơ quan tình báo đặc trách Biển Đông của chính phủ và quân lực, tôi có một giả thuyết là hải quân Trung Cộng sẽ mở ra một cuộc hải chiến với ta trên biển…
Có tiếng xì xầm nho nhỏ của vài vị tướng tá ở phía cuối bàn về hai tiếng ” hải chiến ”. Vị tham mưu trưởng liên quân tỏ ra thận trọng khi không nói là một cuộc chiến tranh có sự tham dự của nhiều quốc gia. Có lẽ cũng hiểu điều đó, tướng Nam hắng giọng tiếp.
– Tôi nói hải chiến để minh định là một trận đánh ngắn, gọn gồm lực lượng của hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng với hải quân của nước Việt Nam ta ở Phú Quốc. Vì là một trận đánh chớp nhoáng mà sự thắng bại được quyết định trong vài ngày cho nên cả hai phe sẽ dốc toàn lực ra. Anh em cũng biết lực lượng hải quân của ta mạnh nhất so với các nước trong vùng Biển Đông song sánh với hải quân Trung Cộng thì ta còn kém xa. Có thể nói một cách không ngoa thì hải quân của ta chỉ bằng phân nửa họ thôi…
Cúi nhìn xuống mặt bàn có tập tài liệu quân sự, vị tướng có cấp bậc cao nhất của quân lực cao giọng thốt.
– Cũng vì lý do sẽ có một cuộc xung đột quân sự trên biển, thủ tướng Việt ra lịnh cho tôi khai mở chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn sớm hơn dự định. Vào ba tháng cuối năm 2041 hoặc đầu năm 2042 toàn thể quân lực ta bao gồm hải lục không quân sẽ tham dự cuộc tiến công Sài Gòn. Chúng ta phải giải phóng Sài Gòn khỏi tay của cộng sản Việt Nam, phải chiếm lấy vùng đất chiến lược thuộc cao nguyên trung phần, làm chủ vùng duyên hải miền trung trong đó có các hải cảng quan trọng như Cam Ranh, Đà Nẳng dài ra tới vùng Quảng Trị. Phải đóng quân ở các vị trí chiến lược như Ban Mê Thuột, Pleiku; phải khống chế hiểm lộ Hải Vân thời bộ binh của ta mới có đủ lực ngăn một cuộc phản công của bộ đội cộng sản Việt Nam từ bắc vào tái chiếm Sài Gòn. Phải đặt căn cứ ở Cam Ranh, Đà Nẳng thời ta mới đủ lực ngăn chặn tàu chiến của hạm đội Nam Hải vào Trường Sa và quan trọng nhất là cắt hải lộ huyết mạch của Trung Cộng một khi có xung đột xảy ra. Cách đây hơn tháng, tình báo của ta lượm được tin là quân đoàn 9 đã tái phối trí lại các đơn vị của ba sư đoàn 4, 8 và 330 để lập một phòng tuyến bên kia con sông Tiền vì e ngại quân ta sẽ bất thình lình tấn công họ…
Ngừng nói, tướng Nam đưa tay cầm ly nước lạnh lên hớp ngụm nhỏ cho thông cổ xong mới hắng giọng.
– Theo ước đoán của Phòng Nghiên Cứu Chiến Thuật và Chiến Lược thuộc bộ quốc phòng cũng như giả thuyết mà bộ tổng tham mưu đề ra, tôi ước đoán Trung Cộng sẽ mở ra một mặt trận mới nếu họ bị thất bại trong cuộc xung đột với ta trên biển. Mặt trận mới đó có thể là họ sẽ xua quân bộ vượt qua ranh giới miền bắc để đánh chiếm Hà Nội. Tại sao họ phải chiếm miền bắc Việt Nam trong lúc giới cầm quyền Hà Nội gần như lệ thuộc vào họ đủ mọi mặt? Có hai giả thuyết được nêu ra. Thứ nhất họ e ngại ta sẽ đánh ra Hà Nội sau khi chiếm được miền Trung để thống nhất đất nước. Họ thừa biết lật đổ chế độ cộng sản là mục tiêu mà ta đang đeo đuổi. Do đó họ không thể để cho miền bắc lọt vào tay ta mặc dù họ có thể để nguyên chế độ cộng sản bù nhìn mà trước sau gì họ cũng biết sẽ xụp đổ vì không còn được dân chúng ủng hộ nữa. Gia thuyết thứ nhì là họ không muốn cộng sản miền bắc ngã theo Hoa Kỳ để chống lại họ. Đã tới lúc Hà Nội biết thân Trung Cộng cũng không giúp họ ngăn cản sự xụp đổ của đảng và nhà nước. Chỉ còn có con đường thân Mỹ may ra họ còn được cai trị nước ta dù chỉ nửa phần. Khi mà Trung Cộng xua quân bộ tấn công miền bắc thời đó là lúc thuận tiện nhất cho ta phát động một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để giải phóng phần đất còn lại của non sông khỏi tay kẻ xâm lăng và cộng sản độc tài đảng trị. Ngoài những lý do phụ khác, đó là hai lý do khiến cho quân lực ta phải nhanh chóng kết thúc chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn sớm hơn dự trù. Sau đây tôi mời chuẩn tướng Khải trình bày về kế hoạch điều động các đơn vị thuộc bộ binh, không quân và hải quân tham gia cuột tấn công vào Sài Gòn…
Tươi cười bắt tay Khải xong Nam mới lui về ghế dành cho mình. Vị sĩ quan phụ trách buổi thuyết trình ấn cái nút màu xanh và trên tường lộ ra tấm bản đồ hành quân lớn bao quát toàn thể miền nam và miền trung gồm có nhiều vùng riêng biệt. Vùng được đánh số 1 gồm có các tỉnh như Gò Công, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh. Vùng số 2 có Sài Gòn, Bà Rịa, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Vùng số 3 là cao nguyên có Lâm Đồng, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum. Vùng số 4 gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và vùng 5 có Bình Định, Quảng Ngải, Quảng Nam, Thừa Thiên và Quảng Trị.
– Theo như lời của tham mưu trưởng nói thời địch đã lập một phòng tuyến vững chắc từ biên giới Miên Việt dài tới bờ biển của tỉnh Gò Công cốt ý ngăn cho ta vượt qua sông Tiền. Họ muốn ngăn thời tôi sẽ để cho họ ngăn. Để công kích Sài Gòn, quân lực ta chia ra làm ba cánh quân chính. Ba sư đoàn bộ chiến gồm có sư đoàn 3 của đại tá Chánh với sư đoàn 4 của đại tá Biên và sư đoàn 6 của đại tá Thiều sẽ đổ quân lên bờ biển từ Vũng Tàu dài ra tới Phan Thiết. Sau khi lên bờ ba sư đoàn này sẽ chia làm 3 hướng tiến quân. Hướng C là hướng của sư đoàn 6. Đại tá Thiều sẽ chỉ huy ba chiến đoàn xung kích tấn kích Ngải Giao, Xuân Lộc, Long Khánh, ba nơi đóng quân của sư đoàn 302. Hướng A hay là hướng tiến quân của sư đoàn 3 có thiết giáp và pháo binh tháp tùng sẽ đánh vào tỉnh Đồng Nai với các căn cứ quân sự của sư đoàn 309 thuộc quân khu 7. Cánh quân B của sư đoàn 4 thuộc quyền điều động của đại tá Biên với ba trung đoàn chủ lực sẽ đánh chiếm các căn cứ quân sự quan trọng của địch ở Vũng Tàu và Bà Rịa. Sư đoàn 5 do đại tá Vinh chỉ huy với ba trung đoàn chủ lực sẽ dùng tàu nhỏ đỗ bộ lên Gò Công rồi chia làm hai cánh. Cánh A bắt đường 50 về Cần Giuộc, Cần Đước để vào Sài Gòn. Cánh B tiến tới Chợ Gạo rồi đóng ở đó chờ khi nào có lệnh sẽ đánh vào bên hông tuyến phòng ngự của địch tại Mỹ Tho. Sư đoàn 1 dưới quyền chỉ huy của đại tá Thành được trực thăng vận xuống một địa điểm nằm trong đất Miên cách Mộc Bài mươi cây số xong bắt quốc lộ 22 đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn 5 đóng ở quận Châu Thành và các đơn vị trực thuộc của sư đoàn này đóng ở Gò Dầu, Trảng Lớn, Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh xong xuôi sẽ tấn kích vào Củ Chi, Bình Dương và Lái Thiêu. Cùng lúc đó sư đoàn 2 của đại tá Đăng sẽ được trực thăng đổ xuống quận lỵ Đức Huệ, Hậu Nghĩa và Đức Hòa đoạn bung ra đánh chiếm Hóc Môn, Bình Chánh và Bến Lức…
Khi tướng Khải nói tới đây thời mọi người đều nhận ra với cách đổ quân đó ông ta đã ” by pass ” tuyến phòng ngự dọc theo sông Tiền mà quân khu 9 của địch đã dàn tới ba sư đoàn để bảo vệ. Nói cách khác là ông ta đã vô hiệu hóa một lực lượng phòng vệ đông ba sư đoàn của địch bằng cách đổ quân sâu vào trong đất địch hay là sau lưng địch. Điều này khiến họ liên tưởng tới chiến lũy Maginot mà Pháp đã xây với mục đích phòng ngăn quân Đức Quốc Xã xâm lăng nước họ vào thế chiến thứ nhì. Tuy nhiên chiến lũy này tỏ ra vô hiệu vì quân Đức đã bọc hậu bằng cách đánh chiếm nước Bỉ trước rồi sau đó mới tràn qua biên giới của Pháp với Bỉ. Các sư đoàn 1, 2, 3, 4, 5 và 6 sẽ phải đụng với các đơn vị phòng vệ đóng vòng quanh Sài Gòn song có cái lợi làm cho địch lúng túng nếu không muốn nói gây kinh ngạc và hoảng hốt. Yếu tố tâm lý này sẽ làm sút giảm tinh thần chiến đấu của địch rất nhiều. Tuy nhiên đổ quân theo cách này cũng có cái bất lợi. Đầu tiên nếu dùng trực thăng thì các đơn vị cơ giới phải ở lại sau vì phải đổ quân xung kích trước rồi mới đổ thiết giáp và đại bác. Điều đó sẽ làm chậm trễ sự tiến quân của lính bộ cho nên yếu tố bất ngờ sẽ kém hiệu quả.
Giọng của tướng Khải vang vang trong căn phòng im lặng dù có nhiều người ngồi.
– Để gây tiếng vang và tác động tâm lý vào dân chúng ở Sài Gòn và vùng phụ cận, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến sẽ được các tàu đỗ bộ nhỏ thả lên vùng Cần Thạnh thuộc mũi Cần Giờ rồi bắt quốc lộ 15 tiến về Nhà Bè. Được sự yểm trợ của các giang đỉnh do bộ chỉ huy sông ngòi vùng 4 điều động và xe lội nước cơ hữu, lực lượng này sẽ đóng chốt tử thủ chờ khi nào bắt liên lạc với các đơn vị thuộc sư đoàn 5 từ Gò Công tiến lên để đánh vào mặt đông của Sài Gòn. Khi các sư đoàn 1, 2, 3, 4, 5 và 6 bắt đầu tiến công Sài Gòn thời đó cũng là lúc hai sư đoàn 7 và 8 bắt đầu đánh vào phòng tuyến Sông Tiền để không cho các sư đoàn đóng ở đây rút về tiếp viện Sài Gòn. Riêng sư đoàn 9 và 10 tân lập sẽ là sư đoàn ứng trực cố thủ Hậu Giang đồng thời còn có nhiệm vụ làm quân tăng viện cho mặt trận Sài Gòn hoặc làm nút chặn địch quân từ ngoài trung vào…
Ngừng lại nhìn xuống chỗ các vị tư lệnh sư đoàn, tướng Khải trầm giọng nói của mình xuống thấp.
– Các vị tư lệnh sư đoàn nên bàn soạn với sĩ quan các cấp của mình để đưa ra kế hoạch đổ bộ và tiến quân một cách chi tiết hơn rồi sau đó đệ trình lên bộ tư lệnh chiến dịch. Chúng ta có độ chừng năm rưởi để chuẩn bị cho giai đoạn 2 của chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn…
Câu nói trên chấm dứt buổi thuyết trình của tướng Hãn nhưng mọi người còn ngồi lại chuyện trò thăm hỏi với nhau mới lục tục trở lại vị trí đóng quân của họ.
Đang đợi đọc tiếp…