46.
1-2-2039. Đâu đó trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa cách Côn Sơn chừng 50 hải lý.
Đang ngồi đọc mớ giấy tờ trong phòng riêng của mình, Chương nghe có tiếng gõ cửa rồi Toàn bước vào cầm trên tay một vật nhìn thoáng qua anh biết đó là tờ công điện, mà công điện được gởi từ bộ tư lệnh tàu ngầm trong lúc tàu đang ở ngoài biển khơi thời phải là công điện khẩn.
– Có chuyện gì vậy Toàn?
Chìa tờ công điện ra, Toàn cười nhẹ.
– Coi bộ mình có ” job ” mới rồi thưa hạm trưởng…
Hơi mỉm cười Chương đón lấy tờ công điện. Chỉ cần ba phút anh đọc xong nội dung. Xỏ chiếc áo sơ mi anh đứng lên cùng Toàn, lúc đó đang làm sĩ quan đương phiên đi về phòng chỉ huy. Gần tới nơi Toàn lên tiếng.
– Hạm trưởng uống cà phê không tôi bảo nhà bếp mang lên…
Khẽ gật đầu Chương hừ tiếng nhỏ.
– Uống… Chắc mình sẽ không ngủ đêm nay và nhiều đêm kế tiếp cho tới khi nào xong nhiệm vụ…
Toàn cười im lặng không nói gì hết khi nghe hạm trưởng nói. Chưa biết nội dung của bức công điện nên thủy thủ đoàn trực tại phòng chỉ huy đều ngước nhìn hạm trưởng đang bước vào. Hiểu ý ông ta cười vui vẻ lên tiếng.
– Mình về Côn Sơn lãnh tiếp tế xong nhận công tác mới. Như vậy mình chưa có thể về nhà đúng theo lịch trình. Thôi ráng chút nữa đi các anh em. Làm xong công tác mới tôi sẽ yêu cầu tư lệnh Jack cho mình về Phú Quốc nghỉ một tháng…
Trong ba mươi vị hạm trưởng tàu ngầm thời Chương là người có cấp bậc cao nhất và được thủy thủ đoàn quí mến nhất nhờ tính tình hiền hậu, vui vẻ và ít quan liêu nhất. Theo thông lệ, hạm trưởng với sĩ quan của tàu có phòng ăn riêng và được lính dọn lên bữa ăn đàng hoàng. Ngoài ra không có bất cứ sĩ quan nào được ăn trước khi hạm trưởng cầm đũa trừ sĩ quan đương phiên hoặc trong vài trường hợp đặc biệt. Tất cả sĩ quan ngồi vào bàn và phải chờ tới khi nào hạm trưởng ăn mới được ăn và cũng phải buông đũa khi thấy hạm trưởng ngừng ăn. Vừa nhậm chức xong Chương thay đổi cách thức ăn uống dành riêng cho hạm trưởng và sĩ quan các cấp. Nhà bếp không phải sửa soạn bữa ăn riêng cho hạm trưởng và sĩ quan nữa mà họ tự ra nhà bếp lấy thức ăn. Dĩ nhiên họ không phải xếp hàng như thủy thủ đoàn. Từ đó ai tới trước ăn trước. Ai bận việc tới sau thời ăn sau. Ai ăn nhanh thì ngưng trước. Ai ăn chậm thời mặc họ. Thực đơn của hạm trưởng và sĩ quan cũng giống như lính chứ không có phân biệt như ngày xưa. Tuần lễ một lần, có khi hai, khi ba; hạm trưởng vào nhà bếp lấy thức ăn xong tới bàn ngồi ăn và trò chuyện cùng với thủy thủ. Thoạt đầu thủy thủ đoàn còn bở ngỡ nhưng lâu dần họ quen hình ảnh hạm trưởng của họ đứng xếp hàng trò chuyện với lính trong lúc chờ lãnh thức ăn. Chương không bắt buộc các sĩ quan phải làm theo song thấy hành động không có tính quan liêu và hòa mình với lính của hạm trưởng nên họ cũng bắt chước theo. Từ đó tạo ra tình thân thiện và kính trọng giữa lính với cấp chỉ huy biến chiếc tàu ngầm mang số 66 là biểu tượng cho sự hợp tác đặt căn bản trên tình thương song song với kỹ luật giữa thủy thủ đoàn các cấp.
Tờ mờ sáng, chiếc Hải Mã lặng lẽ cập vào cây cầu nằm trong căn cứ tàu ngầm ở Côn Sơn. Nó có vài tiếng đồng hồ nhận lãnh tiếp liệu như thực phẩm, dầu cặn, dưỡng khí lỏng, đạn dược và thư từ của thủy thủ xong tách bến liền. Vì bận lên bộ chỉ huy tàu ngầm hội họp và nhận chỉ thị nên Chương không có rảnh gọi điện thoại hỏi thăm Thúy Nhi. Tới lúc tàu hải hành anh mới gọi thời chỉ nghe máy nhắn lại. Buồn bã nên anh không lưu lại lời nhắn nào hết.
Đứng trước bàn hành quân dành riêng cho mình, hướng về đại úy Thiện, hạm phó và đang là sĩ quan đương phiên, vị hạm trưởng chiếc 66 buông gọn câu hỏi.
– Mình biết gì về giàn khoan dầu Nam Hải 9 hả Thiện?
Là hạm phó, người nắm giữ các tin tức và tài liệu của tàu liên quan tới phe nhà và phe địch, Thiện lớn tiếng nói cho cấp chỉ huy và thủy thủ đoàn nghe về giàn khoan dầu của Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Cộng gọi tắt là (CNOOC) đang hạ đặt đâu đó trong vùng biển Đông.
– Tên Việt Nam: Nam Hải 9. Tên tiếng Anh NAN HAI JIU HAO. Đây là giàn khoan dầu với dạng ” semisubmersible rig ” có khả năng khoan và lọc dầu luôn tại chỗ. Nam Hải 9 là giàn khoan nửa chìm nửa nổi, nặng 21714 tấn, sức hoạt động ở biển sâu tới một ngàn rưởi mét và khả năng khoan sâu 7600 mét. Được đóng bởi Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering (DSME) của nước Nam Triều Tiên ( South Korea ) năm 1988, có chiều dài 100 mét và rộng 80 mét; nó là giàn khoan lớn thứ nhì sau Hải Dương 981. China Oilfield Services Limited (COSL) là công ty phụ trách việc điều hành các hoạt động tìm kiếm cũng như khoan và lọc dầu của Nam Hải 9. Sau khi thành công trong vụ khoan thăm dò nước sâu ở giếng dầu Lăng Thủy với độ sâu 3900 mét, nó đã được kéo tới một địa điểm nằm trong thềm lục địa của Trung Cộng có tọa độ bắc vĩ tuyến 17o14′.1” và đông kinh tuyến 109o31′.0”. Tọa độ này cho ta biết Nam Hải 9 tuy ở trên Biển Đông song nằm trong thềm lục địa của Trung Cộng. Theo sự hiểu biết của riêng tôi thì giàn khoan Nam Hải 9 nằm ở địa điểm phía nam của căn cứ hải quân Du Lâm, cách đảo Cồn Cỏ 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn của nước ta 140 hải lý. Tại khu vực này, năm năm trước đây Trung Cộng cũng đã đặt vài giàn khoan và hiện vẫn hoạt động. Tin tức nhận được lúc 17 giờ 05 phút 33 giây ngày 14-12-2039, Nam Hải 9 đang nằm ở tọa độ 17.14.06.90+109.31.48.92…
Thủy thủ đoàn nghe lệnh của hạm trưởng vang lên liền sau khi đại úy Thiện dứt lời.
– 66… mười lăm knots… ba năm không… bắc mười bảy… mười bốn… không sáu… chín mươi… đông một không chín… ba mươi mốt… bốn mươi tám… chín mươi hai…
Nếu không phải là thủy thủ và nhất là thủy thủ ở trên tiềm thủy đỉnh của hạm đội tàu ngầm Phú Quốc, người ta sẽ không biết dòng chữ dài lê thê đó có ý nghĩa gì. Khởi đầu 66 là số của tàu. Mười lăm là vận tốc tàu di chuyển được tính bằng knot hay 15 hải lý một giờ. Ba năm không là độ lặn sâu 350 mét. Còn câu: bắc mười bảy… mười bốn… không sáu… chín mươi… đông một không chín… ba mươi mốt… bốn mươi tám… chín mươi hai… là tọa độ mà tàu sẽ đi tới. Nếu viết thành số sẽ là bắc vĩ tuyến 17.23.53.01/đông kinh tuyến 109.52.97.00. Đó cũng là tọa độ của giàn khoan dầu Nam Hải 9 được hạ đặt trong thềm lục địa Trung Cộng cách đảo Hải Nam 60 hải lý. Ngoài hạm trưởng và các sĩ quan tham mưu ra, thủy thủ đoàn không ai biết chiếc Hải Mã sẽ làm gì với Hải Nam 9. Tuy nhiên dù không biết đích xác song trải nghiệm qua những chuyến công tác trước, họ cũng đoán ra nhiệm vụ chính yếu và cấp bách của tàu là triệt con đường tiếp liệu của hạm đội Nam Hải tới căn cứ Hoàng Sa chuẩn bị cho một cuộc tái chiếm Trường Sa.
06:00 giờ. Đâu đó trong hải phận quốc tế cách Cù Lao Thu 80 hải lý. Chiếc 66 từ từ nổi lên mặt nước biển lóng lánh sáng. Gió dịu và sóng nhẹ. Đang đứng trầm ngâm trước bàn hành quân Chương hơi ngước lên khi thấy thiếu úy Ánh, sĩ quan đương phiên trao cho mình phong bì màu đỏ có đóng dấu chữ ” Mật ”. Xé phong bì, anh lấy ra bức công điện của bộ tư lệnh tàu ngầm ở Phú Quốc. Bỏ tờ công điện vào lại phong bì, gập làm đôi nhét vào túi áo lính của mình, vị hạm trưởng nói với thiếu úy Ánh.
– Mời ông Ân, ông Biết, ông Thâm, ông Thiện và ông Toàn tới gặp tôi…
Khi năm sĩ quan đầu não của chiếc 66 đủ mặt quanh bàn hành quân, Chương cười nói với giọng vui vẻ.
– Mình có tin mừng… Năm ông đều có tên trong danh sách thăng chức của bộ tư lệnh hải quân. Ông Thiện thành thiếu tá nhiệm chức. Ông Toàn là đại úy thực thụ. Ông Ân thành đại úy nhiệm chức. Ông Biết và ông Thâm là trung úy thực thụ…
Hướng về thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy và luôn cả thủy thủ đoàn của tàu, vị hạm trưởng cao giọng.
– Tàu của chúng ta có 23 người được thăng chức ở mọi cấp bậc và là chiếc tàu có nhiều người được thăng thưởng nhất trong hạm đội…
Có tiếng vỗ tay rào rào vang lên. Khẽ gật đầu vị hạm trưởng vui vẻ tiếp.
– Sự thăng thưởng này phần lớn dựa vào các chiến tích mà chiếc 66 đã làm…
– Hạm trưởng có được thăng chức hông hạm trưởng?
Hạ sĩ Bính lên tiếng hỏi.
– Không… Tôi là một trong số những anh em không có tên trong danh sách. Điều này không có nghĩa là bộ tư lệnh quên chúng ta cũng như chúng ta không xứng đáng được lên chức mà vì lý do giản dị là chúng ta đã được lên chức rồi hoặc thiếu một vài điều kiện nên phải chờ tới đợt thăng thuởng năm tới. Danh sách thăng thưởng sẽ được gởi tới sau để cho anh em biết. Tôi xin chia mừng với anh em thủy thủ có tên trong danh sách…
Chương lần lượt bắt tay năm vị sĩ quan may mắn xong lên tiếng.
– Bây giờ tôi cần ba phòng cơ khí, điện khí và vũ khí báo cáo tình trạng… Đại úy Ân trước nhất…
– Thưa hạm trưởng… Mình vừa được tiếp tế thêm mười lăm ngàn lít dầu và cũng được thay bình dưỡng khí lỏng mới. Bao nhiêu đó đủ cho công tác dài một tháng. Tình trạng bình điện rất tốt vì mới được thay thế…
Tới phiên trung úy Thâm, sĩ quan vũ khí báo cáo cho biết tàu đủ thủy lôi cho công tác. Bằng lòng vị hạm trưởng giải tán buổi họp xong lui về phòng riêng của mình. Ngồi vào cái ghế nhỏ đặt trước cái bàn cũng nhỏ, nhìn bức hình cô gái mặc áo dài trắng, mái tóc dài óng ả, đôi mắt long lanh ẩn ước nụ cười, anh thở dài nhè nhẹ. Như cố quên đi hình ảnh này, anh cắm cúi nghiên cứu tập tài liệu nói về giàn khoan dầu Nam Hải 9. Lớn thứ nhì sau Hải Dương 981, Hải Nam 9 là giàn khoan dầu thuộc công ty Transocean Ltd. của Thụy Sĩ, một công ty chuyên cho thuê mướn các giàn khoan dầu xa ngoài biển khơi, được đóng bởi Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering của nước Nam Triều Tiên với tên nguyên thủy là Sonat George Richardson. Năm 1998, giàn khoan dầu này được đổi tên thành Transocean Richardson, rồi vào tháng 8 năm 2013 nó được Trung Cộng mua lại của hãng Transocean Ltd và đổi thành tên Hải Nam 9. Được kéo về từ vùng biển của Malaysia, được sửa chữa và tu bổ lại gần hai tháng xong được kéo ra biển và khoan thử nghiệm ở giếng dầu Lăng Thủy, một giếng dầu nằm trong thềm lục địa của Trung Cộng sâu tới 1500 mét. Thành công trong việc khoan thử ở Lăng Thủy, hãng China Oilfield Service Limited (COSL ) đã di chuyển giàn khoan này tới địa điểm mới. Trong trí của vị hạm trưởng bật lên câu hỏi. Họ định làm gì khi kéo giàn khoan này tới vùng biển gần Quảng Trị, Huế và Đà Nẳng? Phải chăng kịch bản Hải Dương 981 sẽ được lập lại với Hải Nam 9? Tuy nhiên lần này có thể sẽ vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam bởi vì nhìn trên bản đồ thì nó lại gần bờ biển Việt Nam hơn Hoàng Sa. Phải chăng Trung Cộng muốn thử phản ứng của người anh em láng giềng? Phải chăng đã có thỏa ước ngầm giữa hai đảng và nhà nước? Nội dung bức công điện của bộ tư lệnh gởi cho anh chỉ nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất là thám thính, theo dõi và tìm hiểu về hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9. Thứ nhì là trắc nghiệm và tìm hiểu về hoạt động của Anti Submarine Warfare System tức hệ thống chống tàu ngầm mà hải quân Trung Cộng vừa hạ đặt ở trong vùng biển của đảo Hải Nam. Quan sát kỹ bức hình của giàn khoan, anh phải nhìn nhận vẻ bề thế và vững chãi của nó. Dài 100 mét, ngang 78 mét, chiều cao từ mặt nước lên tới đáy hơn 9 mét, giàn khoan này có diện tích gần một mẫu tây, có thể hoạt động dưới sức gió 60 hải lý một giờ, kể cả bão tố với sức gió 100 hải lý một giờ và sóng cao tới 30 mét. Đọc tới đó cảm thấy đói bụng, nhìn đồng hồ anh mới biết hơn 19:00 giờ rồi. Tới ” cafeteria ” ăn qua loa bữa cơm tối xong lấy ly cà phê đen trở lại phòng, anh đọc tiếp tập tài liệu dày cộm về giàn khoan dầu Nam Hải 9 và những gì liên quan tới dầu hỏa. Càng đọc anh càng thích thú khi biết thêm về cách kiến trúc và hoạt động của loại giàn khoan dầu mà giới chuyên môn gọi là semisubmersibles oil rig. Đây là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi. Toàn thể giàn khoan nổi trên mặt nước và được gắn liền với đế làm bằng hai cái ponton, thứ ống hình trụ khổng lồ bằng kim loại trong ruột chứa đầy không khí. Muốn cho giàn khoan chìm xuống độ sâu theo ý, người ta sẽ bơm nước vào trong hai cái ống này. Để giữ thăng bằng, hai cái ponton được neo xuống đáy biển bằng những chiếc neo sắt khổng lồ. Nhờ neo buộc lại và cũng nhờ sức nặng của giàn khoan nên phần chìm xuống nước rất vững vàng có thể chống chọi với bão tố và sóng lớn…
Đọc tới đây Chương à lên tiếng mừng rỡ. Anh vừa thoáng nghĩ ra cách thức mới mẻ để bắn xập giàn khoan Nam Hải 9 nếu nhận được chỉ thị từ bộ tư lệnh. Lần trước vì chưa có kinh nghiệm và nghiên cứu kỹ lưỡng nên anh chỉ làm hư hại 50% giàn khoan Hải Dương 981 thôi. Suy nghĩ tới đó anh vội rời phòng riêng của mình tới phòng chỉ huy. Là sĩ quan đương phiên, trung úy Thâm báo cáo tàu đang hải hành trong địa phận của tỉnh Quảng Ngải ngang với Cù Lao Ré. Vẫy Thiện, hạm phó với Toàn và Thâm lại đứng trước bàn hành quân của mình, Chương lên tiếng chậm.
– Trung Cộng lại di chuyển thêm ba giàn khoan Nam Hải 2, 4 và 5 vào Vịnh Bắc Việt. Tuy nó vẫn còn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ song lại gần vùng tranh chấp hơn. Họ tính gì đây?
Thiện lên tiếng trước nhất khi nghe câu hỏi của hạm trưởng.
– Trung Cộng có tổng cộng 16 giàn khoan dầu nhỏ và lớn gồm hai loại ” jack-up rigs ” và ” semi-submersibles ” trong vùng biển Đông rải rác từ Hồng Kông dài tới Vịnh Bắc Việt. Hai giàn khoan Nam Hải 9 và Hải Dương 981 là hai giàn semi-submersibles nghĩa là nửa chìm nửa nổi rất lớn có khả năng khoan dầu ngàn thước sâu trở lên, trong lúc loại jack-up rig thì chỉ có thể hoạt động ở vùng biển cạn không quá 500 mét. Có thể đây là kịch bản Hải Dương 981 được tái diễn…
Chương im lặng như đang bận suy nghĩ chuyện gì. Tằng hắng tiếng nhỏ, Toàn lên tiếng hỏi.
– Công điện của bộ tư lệnh chỉ thị cho ta làm gì thưa hạm trưởng?
– Bộ tư lệnh có hai nhiệm vụ cho ta thi hành. Đầu tiên là thử nghiệm hệ thống chống tàu ngầm của hải quân Trung Cộng mới thiết trí trong vùng biển Đông.
– Mình thử nghiệm bằng cách nào thưa hạm trưởng?
Trung úy Thâm hỏi. Chương cười cười.
– Giản dị lắm… Mình sẽ lái chiếc 66 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ để thử xem họ có tìm ra mình không. Nhiệm vụ thứ nhì là theo dõi, thám thính và tìm hiểu về hoạt động của Hải Nam 9. Tôi nghĩ bộ tư lệnh cũng chưa có quyết định rõ ràng về chuyện phá hủy giàn khoan này. Có thể bộ tư lệnh đắn đo khi ra lệnh cho ta phá hủy giàn khoan vì như vậy có thể gây chiến tranh. Hạm đội Nam Hải sẽ không để yên nếu biết mình bắn xụp giàn khoan Nam Hải 9. Lần trước mình đã gây hư hại nặng cho Hải Dương 981 rồi. Tôi nghe phong phanh tình báo của Trung Cộng nghi ngờ nước Việt Nam ta ở Phú Quốc đã bắn hư giàn khoan Hải Dương 981 của họ. Nếu bây giờ mà Hải Nam 9 bị trúng thủy lôi thì họ sẽ cả quyết là ta đã làm. Gây chiến bây giờ chưa đúng lúc. Ta chưa sẵn sàng cho một cuộc hải chiến với hải quân Trung Cộng cho tới khi chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn hoàn tất vào cuối năm 2042. Giờ này tôi đoán quân lực của chúng ta đang tiến đánh miền lục tỉnh…
Gật đầu tủm tỉm cười, Thiện xen vào câu chuyện.
– Mấy ngày trước đây lên mạng tìm đọc tin chiến sự tôi được biết 4 sư đoàn bộ chiến của quân lực ta sau khi đổ bộ lên vùng bờ biển của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã tiến chiếm các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Châu Đốc, Long Xuyên và sắp sửa vào tới địa phận tỉnh Cần Thơ…
Nhìn vị hạm phó của mình, Chương cười nhẹ lên tiếng.
– Hôm qua tôi nghe ông Ân nói quân mình sắp chiếm đóng tỉnh lỵ Cần Thơ rồi… Ông cũng chịu khó theo dõi tin chiến sự hả…
Thiện bật lên tiếng cười vui vẻ.
– Tôi có đứa em trai ở sư đoàn 1 bộ binh nên cũng để tâm vào chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Hi vọng chừng một hai năm nữa mình có thể ngồi uống cà phê ở đường Tự Do hoặc dẫn bà xã đi dạo ở đường Nguyễn Huệ…
Cười hắc hắc Toàn góp chuyện.
– Hết thời hạn của chuyến công tác này tôi đoán anh em nào quê ở vùng Hậu Giang có thể đi phép về thăm nhà rồi…
Tự nãy giờ lắng nghe cấp chỉ huy trò chuyện nên thủy thủ đoàn cũng biết được nguồn tin mới này. Họ xì xầm to nhỏ rồi truyền miệng với nhau nên sau cùng cả tàu đều biết tin quân lực Việt Nam ở Phú Quốc đã đánh chiếm miệt Hậu Giang. Người nào cũng nôn nóng mong thời hạn công tác qua mau để trở về Côn Sơn.
47.
Với chiều dài 290 cây số, rộng 190 cây số, diện tích độ 60 ngàn cây số vuông; Diongquingnan Basin là thềm lục địa nằm trong vùng biển đảo Hải Nam có nhiều dầu hỏa và khí đốt của Trung Cộng. Đâu đó trong thềm lục địa này, công ty dầu khí hải dương gọi tắt là CNOOC của Trung Cộng đã di chuyển giàn khoan dầu Nam Hải 9 từ giếng dầu Lăng Thủy tới một địa điểm mới cách đảo Hải Nam non 60 hải lý.
400 mét sâu. Chiếc 66 Hải Mã hải hành với vận tốc 5 knots. Biển tối mù mù một màu đen thăm thẳm. Phòng chỉ huy sáng màu trắng dịu mắt pha chút xanh nhạt với màu đỏ phát ra từ màn hình của các giàn máy thuộc bốn hệ thống Navigator (hải hành), Sonar (thủy âm định vị) Weapon Control (điều khiển vũ khí) và Ship Control hay phòng lái tàu. Giàn thủy âm định vị chủ động đã ngưng hoạt đông từ lâu do đó hệ thống thủy âm định vị thụ động trở thành tai và mắt của tàu. Nhân viên phụ trách làm việc tối đa vì ai ai cũng biết tàu đang đi vào vùng biển tuy ở trong hải phận quốc tế song lại là vùng mà các tàu chiến của hạm đội Nam Hải hoạt động mạnh nhất. Tàu nổi gồm khu trục, tuần dương, hộ tống, hải giám, tàu tuần duyên có tốc lực nhanh và trang bị hỏa tiễn đi lại thường xuyên. Trên không còn thêm trực thăng trang bị máy móc hiện đại không ngớt truy lùng sự có mặt của các tiềm thủy đỉnh. Dưới lòng biển sâu lại có tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm chạy dầu cặn-điện bình ngày đêm dò tìm tàu ngầm lạ định xâm nhập vào lãnh hải. Đó là chưa kể hệ thống chống tàu ngầm mà Trung Cộng đã thiết lập năm 2013. Tất cả tàu ngầm của Nga, Trung Cộng, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ấn, Úc hay bất cứ nước nào tham gia vào trò chơi mèo với chuột của cuộc chiến tranh thầm lặng này đều tuân thủ một ước lệ hay qui luật bất thành văn. Giỏi thời thắng mà dở thời bại, từ đó dẫn tới một kết quả không ai tránh được: thắng sống bại chết. Trong trò chơi mèo chuột này có một câu nói bất hủ: ” Anh mà để cho đối phương thấy anh là anh chết ”. Tàu ngầm bằng mọi dụng cụ điện tử hiện đại nhất, từ hạm trưởng tới thủy thủ quèn đều tận dụng kiến thức, kinh nghiệm, thủ đoạn cùng đòn phép trong nghề đi lính tàu ngầm để ” stealth ” hay tàng hình, không cho kẻ địch thấy mình, triệt để không cho đối phương biết mình là ai, ở đâu, làm gì. Có trở thành vô hình trước tai mắt điện tử của kẻ địch thì họ mới có nhiều lợi điểm mà lợi điểm đầu tiên và quan trọng nhất chính là bắn gục đối phương trước khi họ bắn gục mình. Cuộc chiến đầy bí mật này không hề được nhắc nhở trên tivi, radio, báo chí hay hệ thống truyền thông nào hết. Việc làm của họ bí mật và họ chết cũng âm thầm không ai hay biết họa chăng tờ giấy báo tử cho gia đình bằng lời giải thích hàm hồ: hy sinh vì tổ quốc.
Chương chăm chú nhìn vào màn hình đặt trước mặt thượng sĩ Đan, hạ sĩ quan giỏi nhất của tàu về chuyện dò tìm tàu địch hay bất cứ cái gì dính dáng tới biển. Vị hạm trưởng biết đâu đó trong vùng biển rộng mấy trăm ngàn cây số vuông trải dài từ Hồng Công xuống tới Vịnh Bắc Việt, từ đảo Hải Nam lan ra tận Hoàng Sa có không biết bao nhiêu tàu đang di chuyển gồm hai loại, nổi với ngầm cũng như hệ thống thủy âm định vị được đặt dưới đáy biển có thể nghe bắt các tín hiệu hoặc tiếng động xa chục hải lý. Muốn thi hành công tác do bộ tư lịnh giao phó, chiếc 66 phải tàng hình, phải làm sao giấu kín sự có mặt của mình. Có nghĩa là nó phải ở lì dưới nước biển sâu ít nhất 50 mét hoặc sâu hơn chứ không được nổi lên mặt nước trừ một trường hợp duy nhất, tàu bị hư hỏng nặng không thể ở lâu dưới nước. Ngoài ra nó phải tuyệt đối im lặng và cách biệt, không được liên lạc với bất cứ ai kể cả tàu bạn và căn cứ nhà ở Côn Sơn. Ngay lúc này không ai, kể cả bộ tư lệnh tàu ngầm, đơn vị chỉ huy trực tiếp biết nó đang ở đâu và làm gì. Chạy chậm… Chạy êm… Lặn sâu… Mấy tiếng đó vang vang trong đầu vị hạm trưởng trẻ tuổi có chút kinh nghiệm để tham dự vào trò chơi giết người thầm lặng.
– 6… tốc độ 3 knots… 500 mét sâu… hướng tây bắc 40 độ…
Nghe hạm trưởng ra lệnh cho tàu đổi hướng cùng lúc giảm tốc độ và lặn xuống sâu hơn, thủy thủ đoàn hiện diện trong phòng chỉ huy biết tàu đã tới gần vùng biển của đảo Hải Nam. Xuyên qua tin tức do bộ tư lệnh tàu ngầm cung cấp, họ đều biết rõ sau khi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được Nga Sô bán cho chiếc tàu ngầm Kilo thứ nhất mang tên Hà Nội thì lập tức hải quân Trung Cộng cũng thiết lập một hệ thống chống tàu ngầm ( anti submarine warfare ) trong vùng biển Đông. Hệ thống chống tàu ngầm này được thiết trí các hydrophone đặc biệt rất nhạy cảm ( hydrophone là một dụng cụ thu âm thanh dùng ở dưới nước ) phối hợp với hệ thống thủy âm định vị tân tiến đặt ở căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam có khả năng nghe ngóng, ghi nhận, phân loại và đề nghị cách đối phó với tàu ngầm lạ mặt bao gồm hai thứ tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm thông thường bí mật xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế cũng như hải phận của họ. Ngoài ra ở trên không còn có phi cơ săn tàu ngầm như Z-9C và Z-18F. Cả hai loại trực thăng săn tàu ngầm này đều được trang bị hệ thống thủy âm định vị chủ động và thụ động cũng như thủy lôi hủy diệt tàu ngầm. Chưa kể tàu khu trục, tuần dương, hộ tống ngày đêm săn lùng. Hải quân Trung Cộng có loại tàu khu trục 052D mà chiếc đầu tiên tên Côn Minh đã bị hải quân Việt Nam ở Phú Quốc bắn chìm trong trận hải chiến Trường Sa hồi tháng 3 năm 2037. Gần đây họ đã và đang tiếp tục đóng thêm loại tuần dương hạm đa nhiệm 055CG được trang bị tới bốn giàn ra đa 0346 gọi là I-Mast do hãng Thales của nước Pháp chế tạo và được gắn xung quanh đài chỉ huy có khả năng khám phá ra hỏa tiễn và phản lực cơ tàng hình từ xa ba bốn trăm cây số. Tàu tuần dương 055CG này sẽ thay thế cho khu trục hạm 052D. Nó được trang bị 128 ống phóng hỏa tiễn và nhiều dụng cụ điện tử tân tiến hơn.
Phòng chỉ huy im lặng như tờ. Ngoài ra các phòng khác như cơ khí, điện khí, phòng ngủ của thủy thủ và nhà bếp cũng được lịnh không gây ra bất cứ tiếng động nào. Thủy thủ đi lại nhẹ còn hơn bóng ma. Nói thời chỉ thì thầm. Tất cả đều biết hệ thống săn tìm tàu ngầm của hải quân Trung Cộng thiết trí ở vùng biển quanh đảo Hải Nam và Vịnh Bắc Việt rất bén nhạy. Các máy thủy âm định vị thụ động tối tân có thể bắt ” acoutic signature ” hay bất cứ loại tiếng ồn rất nhỏ ngay cả tàu của họ đang lặn sâu ba hoặc bốn trăm mét. Chỉ cần cái mỏ lết, cái muỗng rơi trên sàn tàu cũng đủ cung cấp cho địch biết sự hiện diện của tàu ngầm lạ. Từ đó địch có thể lắng nghe rồi phăng lần ra vị trí của họ. Mang headphone bịt kín hai tai, thượng sĩ Đan im lặng lắng nghe thứ âm thanh mà ông ta cần nghe nhất. Đó là thứ tiếng ồn phát ra bởi các máy móc của giàn khoan dầu. Nó hoàn toàn khác biệt với tiếng ồn gây ra bởi tàu ngầm, tàu nổi hay các loại cá sống dưới nước. Đâu đó lẫn lộn trong nhiều thứ tiếng động ông ta nghe mơ hồ như có tiếng rì rầm khi nhỏ lúc lớn, khi rời rạc lúc liên tục. Tai nghe, mắt nhìn vào quyển sách đặt trước mặt, tay điều chỉnh mấy cái nút trên máy thật lâu ông ta mới mỉm cười gật gù tỏ vẻ hài lòng. Gỡ ống nghe xuống, Đan ngước lên cười nói với hạm trưởng đang đứng bên cạnh.
– Tìm được nó rồi thưa hạm trưởng…
Sáng mắt Chương cười lên tiếng.
– Tốt… Tôi biết là ông có thể tìm ra nó mà… Ở đây hổng có ai có cái lỗ tai nghe ngàn dặm xa bằng ông…
Phải nín lắm Đan mới không bật lên tiếng cười thích thú. Đón lấy ống nghe mang vào tai, Chương im lặng nghe giây lát mới gật đầu.
– Tiếng động lạ lắm…
Nói xong Chương đưa cho Thiện nghe rồi chuyền sang Toàn. Tất cả ba sĩ quan đầu não đều nêu lên nhận xét là tiếng động lạ họ chưa bao giờ nghe. Khe khẽ gật đầu Đan chậm rãi giải thích.
– Thằng Nam Hải 9 này xài hệ thống khoan dầu EMSCO C3 Type II được khởi động bằng ba động cơ điện do hãng GE chế tạo có công xuất ba ngàn mã lực. Máy móc của GE có riêng ” acoustic signature ” hay là tiếng ồn đặc biệt của nó. Nói một cách không ngoa thời tiếng ồn đặc biệt này cũng giống như dấu tay của con người. Biết được tiếng ồn đặc biệt này thời mình có thể truy ra máy móc thuộc loại gì, do hãng nào sản xuất, của nước nào làm ra. Tiếng động mà mình nghe ở đây có thể là tiếng động do việc khoan dầu gây ra hoặc máy móc trên giàn khoan dầu. Ngoài ra cũng có thể là tiếng ồn của nhiều chiếc tàu di chuyển quanh giàn khoan mà loại acoustic signature này mình ít khi nghe vì vậy thành ra lạ. Chính tôi mới nghe lần đầu cũng ngờ ngợ rồi sau đó nghe lại cái dĩa The Sounds of GE tôi mới biết là động cơ điện của GE…
Gật gù cười, Toàn nhìn Đan rồi bật lên câu nói.
– Phải Drop of Science của Matthew Dear…
Nghe Toàn hỏi, thượng sĩ Đan cười nhẹ.
– Đại úy biết mà… Tôi đã nghe đi nghe lại The Sounds of GE nhiều lần nên cũng nhớ được chút chút…
Chương trầm ngâm suy nghĩ. Ra đa và hệ thống thủy âm định vị chủ động khi khám phá ra mục tiêu thì tự động báo cho anh biết tọa độ và khoảng cách một cách chính xác và mau lẹ hơn. Muốn dò tìm mục tiêu hay bất cứ vật lạ nào, máy thủy âm định vị chủ động phóng ra một sóng âm thường gọi là ” ping ”. Khi cái ping này truyền đi trong nước đụng phải bất cứ vật gì sẽ dội ngược trở lại và được máy thủy âm định vị bắt được thì gọi là ” blip ”. Biết vận tốc và thời gian của sóng âm thời người ta có thể tính ra khoảng cách của họ với mục tiêu đã chạm. Riêng hệ thống thủy âm định vị thụ động chỉ dò tìm mà không cho biết khoảng cách giữa anh với mục tiêu. Tuy nhiên với máy móc bây giờ việc xác định tọa độ và khoảng cách trở thành nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Như hiểu ý của hạm trưởng, thượng sĩ Đan cười lên tiếng.
– Tôi sẽ định tọa độ và khoảng cách của thằng Nam Hải 9 cho hạm trưởng…
Gật gật đầu Chương im lìm suy nghĩ. Mình phải làm gì với Nam Hải 9? Chỉ thị của bộ tư lệnh đưa ra rất hàm hồ, không xác định một hành động cụ thể nào khiến cho anh theo đó mà thi hành. Theo dõi, thám thính và nghe ngóng. Các danh từ đó mơ hồ và mông lung. Muốn hỏi thì tàu lại đang nằm dưới độ sâu 500 mét nên cũng không thể dùng tần số VLF để liên lạc vì tần số đặc biệt này chỉ có thể liên lạc với khoảng cách ngắn hai ba chục hải lý thôi. Muốn xin chỉ thị của bộ tư lệnh anh phải bắt liên lạc với các chiến hạm của hải quân Phú Quốc bằng không phải nổi lên mặt biển mà nổi lên trong vùng biển này chẳng khác gì tự sát. Bây giờ là lúc anh phải tự mình quyết định.
– Hạm trưởng…
Đang trầm tư, nghe thượng sĩ Đan gọi, Chương cười nhẹ nhìn ông ta.
– Mình còn cách nó 28 hải lý… Đây là tọa độ…
Đưa tay đón lấy mảnh giấy ghi tọa độ của giàn khoan dầu Nam Hải 9, Chương vỗ nhẹ lên vai Đan cười thốt ba tiếng ” cám ơn ông ” sau đó trở lại chiếc bàn dành riêng cho trung úy Hạnh, sĩ quan đương phiên. Đón mảnh giấy của cấp chỉ huy, Hạnh chỉ huy thủy thủ lái tàu tới địa điểm của giàn khoan dầu Nam Hải 9.
02:17 giờ. Chiếc 66 từ từ nổi lên cách mặt nước biển chừng 15 mét, một độ sâu đủ cho tiềm vọng kính ló lên khỏi mặt nước một chút để thấy được những gì cần thấy. Hạnh, sĩ quan đương phiên ôm lấy kính tiềm vọng. Mắt dán vào ống kính, anh xoay một vòng tròn quan sát. Cách anh chừng mươi hải lý, vùng ánh sáng đủ màu trắng xanh vàng đỏ của giàn khoan dầu Nam Hải 9 nổi bật lên trong đêm tối thâm u. Phía bên kia, Toàn cũng đang khiêu vũ với người đẹp áo xám dành riêng cho sĩ quan. Gấp hai cái cần của tiềm vọng kính lại, Toàn chậm rãi lên tiếng.
– Mời hạm trưởng…
Rời chỗ đứng của mình, Chương bước tới. Dán mắt vào ống kính, anh xoay một vòng thật chậm. Anh không cần nhìn giàn khoan dầu Nam Hải 9 đang sáng rực mà tìm kiếm đâu đó trên mặt biển mờ tối hình dáng của các tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải. Bằng kinh nghiệm anh biết đâu đó có thể một hoặc nhiều hơn, tàu khu trục, tuần dương, hộ tống đang âm thầm tìm kiếm tàu ngầm lạ bằng hệ thống thủy âm định vị có ít nhất ba cái hydrophone thả ngầm dưới nước. Dù chậm chân hơn các nước tây phương như Mỹ, Nga, Anh, Pháp Đức; Trung Cộng cũng đang dần dần hiện đại hóa quân đội của mình đặc biệt là hải quân. Họ đã đổ tiền tỷ để mua các đồ chơi điện tử trang bị cho tàu mới đóng, nâng cấp tàu cũ và tân trang các loại vũ khí giết người khủng khiếp nhất.
– Thiện coi nè…
Chương lên tiếng trong lúc gấp hai cái càng và nhích qua một bên nhường chỗ cho hạm phó của mình. Dán mắt vào ống kính tiềm vọng giây lát Thiện nói với giọng trầm và nghiêm.
– Khu trục…
Chương hơi mỉm cười song không nói gì khi nghe hạm phó lên tiếng. Nói xong Thiện lùi lại nhường chỗ cho Toàn. Vị sĩ quan C4 chậm chạp xoay một vòng tròn. Tới một vị trí anh dừng lại thật lâu mới bật lên tiếng nói. Giọng của anh chứa nhiều ngạc nhiên.
– Có chiếc tàu lạ lắm… Kích thước của nó lớn hơn mấy chiếc khu trục mà tôi đã thấy…
Tới đây giọng nói trầm của Chương mới vang lên.
– Tôi đoán nó là tuần dương hạm đa nhiệm lớp 055CG mà Trung Cộng đóng xong năm 2035 và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2036. Đây có thể là chiếc thứ ba. Loại tuần dương hạm đa nhiệm vụ này dài tới 183 mét, rộng 23 mét và được trang bị nhiều hệ thống điện tử tối tân nhất trong số các tàu tuần dương, khu trục và hộ tống của hải quân Trung Cộng… Toàn còn thấy chiếc nào nữa không?
Từng ở chung tàu với nhau khá lâu nên khi nghe hạm trưởng hỏi Toàn quay tiềm vọng kính một vòng 360 độ và quan sát cẩn thận. Trên vùng biển mập mờ ánh đèn anh thấy bóng một chiếc tàu.
– Hạm trưởng… Tôi thấy một chiếc nữa mang số 587. À… Đó là chiếc hộ tống hạm Yết Dương được hạ thủy năm 2014…
Thiện xen vào câu chuyện.
– Đây là chiếc thứ ba của loại 056. Hai chiếc đầu tiên là Mai Châu mang số 584 và Bách Sắc mang số 585…
Chương cười gật đầu.
– Điều động một lúc mấy chiến hạm dữ dằn đi theo giàn khoan Nam Hải 9, Trung Cộng phải có mưu đồ to lớn nào đó. Tôi nghĩ đó cũng là lý do bộ tư lệnh phái mình lên đây dò xét.
– Nó tiến tới hướng của mình hạm trưởng. Hay là nó đã biết sự có mặt của mình…
Không do dự Chương ra lịnh gọn bân.
– 66 lặn… 66 lặn…
Chỉ cần 15 giây đồng hồ ngắn ngủi chiếc Hải Mã xuống sâu hơn hai trăm mét và tiếp tục xuống tới 350 mét mới bình quân. Nhìn vào màn hình của hệ thống thủy âm định vị thụ động, Chương biết ba chiếc khu trục và hộ tống hạm đang truy lùng mình ráo riết. Một ý nghĩ thoáng qua trong trí, anh ra lệnh.
– 66… tốc độ ba knots… năm trăm rưởi mét sâu… tọa độ bắc vĩ tuyến mười bảy… mười bốn… không sáu… chín mươi… đông kinh tuyến một không chín… ba mươi mốt… bốn mươi tám… chín mươi hai…
Thiện với Toàn quay nhìn cấp chỉ huy khi nghe đọc tọa độ mà tàu sẽ đi tới. Họ ngạc nhiên và thắc mắc vì biết tọa độ đó cũng chính là tọa độ của giàn khoan dầu Nam Hải 9. Tại sao ông ta không chịu lặn sâu hơn và chạy xa để trốn tránh mà lại tiến sát, tiến sâu hơn vào vòng kiểm soát vô cùng chặt chẽ của địch. Nếu bị địch tìm ra thì chiếc Hải Mã không nhiều cơ hội trốn thoát khỏi sự truy lùng của mấy chiếc tàu tuần dương, khu trục và hộ tống hạm đều có mang theo trực thăng săn tàu ngầm. Tuy nhiên nghĩ như vậy song họ cũng im lặng vì biết quyền hạn và trách nhiệm của hạm trưởng. Trong thời bình ông ta có quyền hành rất lớn mà trong thời chiến thì ông ta còn có trách nhiệm nặng nề và quyền hành vô song.
Đứng tại bàn hành quân dành riêng cho hạm trưởng, Chương nghe vị sĩ quan đương phiên báo cáo từng thay đổi nhỏ nhặt như vận tốc, độ sâu, hướng đi và tọa độ của tàu trong lúc giàn máy thủy âm định vị thụ động liên tục lắng nghe đủ mọi loại tiếng động càng lúc càng lớn dần lên khi tàu lại gần giàn khoan dầu. Tiếng động này rất lớn khiến cho máy thủy âm định vị của chiếc 66 không còn nghe được tiếng động của các chiến hạm đang săn tìm nó.
– Thượng sĩ Đan… Báo cáo khoảng cách…
Hiểu ý hạm trưởng muốn biết khoảng cách giữa tàu với giàn khoan dầu nên Đan lên tiếng trả lời liền.
– 875 mét thưa hạm trưởng…
Khe khẽ gật đầu Chương bảo trung úy Hạnh cho tàu nổi lên 300 mét rồi nằm lơ lửng trong nước chờ lệnh. Bây giờ mọi người, nhất là Thiện và Toàn mới biết được ý định của hạm trưởng. Xung quanh giàn khoan với đường kính từ hai tới ba hải lý là vùng biển có rất nhiều loại tiếng động hổn tạp của giàn khoan dầu và cường độ của tiếng động này cũng mạnh hơn tiếng động do tàu ngầm gây ra, vì vậy mà các chiến hạm đang săn tìm chiếc 66 sẽ không thể nào tìm ra cái ” acoustic signature ” của nó được. Đó là lý do chính khiến hạm trưởng cho tàu vào gần giàn khoan để trốn tránh tàu địch.
– Mình có bắn nó không hạm trưởng?
Trung sĩ Bền, hạ sĩ quan vũ khí cười hỏi nhỏ khi thấy hạm trưởng đi tới chỗ mình ngồi. Thấy thủy thủ đoàn đang nhìn mình như chờ nghe câu trả lời, vị hạm trưởng lắc đầu.
– Tôi nghĩ là không, tuy nhiên…
Nghe được tiếng thở khì khoan khoái của Bền và hạ sĩ nhất Chiến đang trực tại giàn máy điều khiển vũ khí, Chương cười nhẹ tiếp.
– Bắn nó thì dễ lắm song chạy thoát khỏi sự săn tìm của mấy chiến hạm của hạm đội Nam Hải thì khó lắm. Tôi không muốn mạo hiểm…
Hướng về trung úy Hạnh, anh ra lịnh gọn.
– Gọi thượng sĩ Nhiêu tới trình diện tôi…
Lát sau, thượng sĩ Nhiêu, trưởng toán hải kích tới phòng chỉ huy gặp Chương với Thiện, Toàn, Hạnh và Thâm đang đứng chờ tại bàn hành quân. Đưa tay chào trả cái chào của ông trưởng toán hải kích, Chương nói gọn.
– Bộ tư lệnh không có chỉ thị cho tôi bắn xập giàn khoan Nam Hải 9. Song mình vượt ngàn hải lý mới gặp được nó mà bỏ qua thì hơi uổng…
Thiện với Toàn mỉm cười khi nghe hạm trưởng nói ” bỏ qua thì hơi uổng ”. Dường như cũng cùng ý nghĩ đó, thượng sĩ Nhiêu sắm nắm lên tiếng.
– Tôi đồng ý với hạm trưởng. Dịp này mà không bắn gục giàn khoan để dằn mặt tụi Trung Cộng thì uổng lắm. Nếu hạm trưởng không muốn dùng thủy lôi thì để tôi đặt chất nổ…
Hơi nhếch môi cười Chương gật đầu.
– Tôi muốn ông đặt chất nổ làm cho thằng Nam Hải 9 chìm một cách tự nhiên…
Nhiều ngơ ngác nhìn vị hạm trưởng như không hiểu ông ta nói cái gì. Ngay cả bốn sĩ quan có mặt cũng lộ ra vẻ thắc mắc và băn khoăn về câu nói tối nghĩa của hạm trưởng.
– Chìm một cách tự nhiên… Xin lỗi tôi không hiểu hết ý của hạm trưởng…
Biết mọi người thắc mắc Chương ôn tồn giải thích.
– Phần trên của giàn khoan cao 30 mét này sở dĩ đứng vững nhờ gắn dính vào hai cái ponton hình trụ sau đó được neo xuống đáy biển bằng những cái neo khổng lồ. Nếu ông đặt chất nổ đứt dây neo thì…
Chương ngừng lời như để cho Nhiêu có thời giờ suy nghĩ.
– Tôi hiểu ý của hạm trưởng nhưng…
Chương lên tiếng ngắt ngang lời của Nhiêu.
– Ông phải đặt chất nổ mà chỉ đứt phân nửa sợi dây neo thôi. Lâu ngày sóng gió sẽ phụ lực với ông làm đứt dây neo. Bị đứt dây neo một bên thì giàn khoan mất thăng bằng sẽ ngã xuống nước. Đó là cách chìm tự nhiên…
Nhiêu reo tiếng nhỏ như hiểu được ý của vị hạm trưởng. Nhìn Chương, ông ta cười vui vẻ nói.
– Tôi phục hạm trưởng lắm. Với cách chìm tự nhiên này thì chẳng ai biết mình đã đặt chất nổ phá hoại… Chừng nào mình làm thưa hạm trưởng?
Nhìn đồng hồ thấy chỉ 17:00 giờ, Chương lên tiếng.
– Ông với hai nhân viên hải kích cơm nước rồi ngủ một giấc lấy sức đi. 00:00 giờ mình sẽ bắt đầu…
Đợi cho Nhiêu ra khỏi phòng, Chương quay qua nói với Thiện.
– Ông cần giải thích cho toán hải kích hiểu là họ chỉ cần đặt chất nổ của dây neo một bên thôi. Có như vậy thì khi đứt dây neo giàn khoan Nam Hải 9 mới ngã ngửa ra rồi chìm xuống nước một cách tự nhiên…
Cười cười khi nghe hạm trưởng nói chìm tự nhiên, Thiện bèn đi gặp toán hải kích để vẽ ra từng giai đoạn của công tác phá hoại. Đầu tiên tàu sẽ ở độ sâu 25 mét cho toán thám kích ra khỏi tàu để xác định dây neo thuộc loại dây xích hay là dây cáp cũng như lớn cỡ nào để theo đó mà xếp đặt lượng chất nổ cho phù hợp.
23:55 giờ. Chiếc 66 lơ lửng trong nước. Phòng lặn được mở ra. Nước biển ùa vào lạnh ngắt. Ba người lính hải kích biến mất trong màn nước đen ngòm và chiếc tiềm thủy đỉnh di chuyển chầm chậm. Nó sẽ tới điểm hẹn với toán hải kích đúng 00:30 giờ. Thủy thủ đoàn được lịnh vào nhiệm sở tác chiến của mình cho tới khi toán hải kích trở lại. Lúc đó tàu sẽ bí mật di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm rồi đúng 60 phút sau chất nổ sẽ được kích hoạt.
Không khí trong tàu im lặng và lạnh lẽo vì hồi hộp và lo âu. Đứng trước bàn hành quân của mình, Chương kiên nhẫn chờ đợi. Anh chợt nghĩ tới Thúy Nhi và tự hỏi bây giờ cô đang làm gì. Đã yên ngủ hay vẫn còn thức?
Thiện bốc ống nói trước nhất khi thấy máy liên lạc nội bộ nhấp nháy báo hiệu có tin từ toán hải kích. Cuộc điện đàm thật ngắn vì sợ tàu địch dò ra tần số. 00:30 giờ. Chiếc Hải Mã đúng hẹn. Toán hải kích ba người trở lại tàu cho biết việc đặt chất nổ hoàn tất.
– 66… vận tốc 10 knots… ba năm không mét sâu… hướng tây nam 20 độ…
Thủy thủ đoàn cười với nhau tỏ vẻ vui mừng khi nghe dòng chữ mà hạm trưởng vừa đọc lên. Họ biết họ đang xuôi nam. Như vậy là họ đang trên đường trở về Côn Sơn. Ai cũng cảm thấy nhẹ nhỏm. Riêng thượng sĩ Đan vẫn còn bận rộn. Ông ta cần lắng nghe và ghi nhận thứ âm thanh của chất nổ mà toán hải kích đặt để cắt dây neo bằng xích đứt phân nửa. Mười lăm phút sau ông ta mỉm cười xoa tay khi thấy trên màn hình của máy thủy âm định vị thụ động có ba chấm sáng rực lên rồi sau đó tắt lịm.
– Báo cáo hạm trưởng… Công tác phá hoại hoàn tất…
Khoảng thời gian sau có cơn bão lớn thổi từ ngoài khơi vào vùng biển của đảo Hải Nam. Cơn bão này đã làm đứt dây neo và nhận chìm giàn khoan dầu Hải Nam 9 xuống đáy biển sâu.
Đang đợi đọc tiếp…