GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

44.

Ghé nhà bếp lấy ly cà phê nóng xong Chương thong thả tới phòng chỉ huy lúc đồng hồ chỉ bốn giờ rưởi sáng. Thiện, Toàn và Thâm, ba sĩ quan trọng yếu đã có mặt. Người nào cũng có ly cà phê tại chỗ của họ. Không đợi hạm trưởng hỏi, Thiện trình với cấp chỉ huy về mọi diễn biến. Đoàn tàu tiếp tế của hạm đội Nam Hải cho căn cứ Hoàng Sa chạy với vận tốc trung bình 10 knots vì loại LST không chạy nhanh được với lại thêm chở nặng thành ra càng chậm thêm. Đảo Hải Nam cách căn cứ Phú Lâm ở Hoàng Sa chừng 240 hải lý cho nên đoàn LST phải mất trọn ngày mới tới nơi được. Bây giờ chúng chỉ còn cách đảo Đá Bắc 45 hải lý. Ba chiếc 99, 01 và 02 dưới quyền chỉ huy của Chinh đã tới địa điểm phục kích ngủ chờ khi nào có lệnh sẽ khai hỏa. Riêng về tình trạng của các chiến hạm hộ tống của địch thì không thấy có hoạt động nào khác lạ. Có lẽ chúng không hoặc chưa dò tìm ra sự có mặt của ba chiếc 66, 03 và 04 vì tất cả đều lặn ở độ sâu 550 mét.

Trong lúc nghe báo cáo, Chương thong thả uống cà phê. Khi uống cạn anh lên tiếng liền.

– Nhiệm sở tác chiến…

Còi ré lên từng chập báo hiệu nhiệm sở tác chiến bắt đầu. Không ồn ào, không lộn xộn, năm mươi lăm người lính ngồi vào nhiệm sở của mình.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Trung sĩ nhất Chánh báo cáo với hạm trưởng.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 17 knots… hướng đông nam 10 độ… khoảng cách 4500 mét…

Đang ở độ sâu 450 mét, tuân theo lệnh của hạm trưởng, chiếc tàu ngầm nặng bốn ngàn tấn từ từ nổi lên ở độ sâu 250 mét cùng lúc hải hành với tốc độ 7 knots đồng thời cũng chạy đúng với hướng của chiếc khu trục hạm Trường Sa 164. Tất cả thủy thủ của phòng chỉ huy im lìm làm việc. Được giao cho nhiệm vụ nhử địch do đó Thiện là người bận rộn nhất. Anh phải tính toán cách nào để cho mấy chiếc khu trục và hộ tống dò tìm ra sự hiện diện của mình rồi đuổi theo mà bỏ rơi mấy chiếc LST. Muốn làm được điều đó anh phải điều động tàu của mình với hai chiếc 03 và 04 thay phiên nhau nổi lên gần mặt nước khiến địch lầm tưởng có đông tàu nên bắt buộc phải truy đuổi. Có thể địch sẽ không đem hết tàu hộ tống để truy đuổi song ít nhất cũng phải phân tán nửa lực lượng vì vậy sự bảo vệ sẽ kém đi nhiều. Chỉ cần một khu trục và hai hộ tống hạm rời bỏ đoàn LST là ba chiếc 99, 01 và 02 thừa sức bắn chìm hết sáu tàu chuyên chở của hạm đội Nam Hải.

– Hạm phó… Tàu địch tới gần lắm… Hai ba chiếc hạm trưởng ơi…

Phụ trách giàn thủy âm định vị thụ động, trung sĩ nhất Chánh lên tiếng báo cáo với giọng hơi hốt hoảng. Thiện và Toàn đồng dán mắt vào màn hình của máy thủy âm định vị. Ngay cả Chương cũng rời ghế hạm trưởng tới quan sát. Trên màn hình hiện lên hai, rồi ba, rồi 4 chấm đen càng lúc càng rõ và lớn dần lên cùng với hai loại âm thanh khác biệt nhau.

– Khu trục và hộ tống phải không hạm trưởng?

Trung úy Hạnh hỏi nhỏ. Giọng của anh có chút gì khẩn trương và lo âu. Hiểu ý của Hạnh, Chương gật đầu đáp bằng giọng rắn rỏi ý muốn trấn an vị phụ tá sĩ quan đương phiên chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến.

– Đúng…

Quay sang Toàn, anh nói tiếp.

– Chiếc 161 Trường Sa và 164 Quế Lâm cùng loại 051 và cùng lớp Lữ Đại nên âm thanh giống nhau. Hai chiếc 555 Chiêu Đồng và 557 Kế Thủ đều thuộc loại 053H, 053H1 và 053H1G lớp Giang Hồ cho nên tiếng ồn cũng từa tựa như nhau. Toàn thay tôi ra lệnh cho chiếc 03 bắn chiếc 555 Chiêu Đồng, còn chiếc 04 thì lo chiếc 557 Kế Thủ. Phần mình sẽ bao hai chiếc khu trục…

Thiếu úy Minh há hốc miệng nhìn hạm trưởng khi nghe ông ta nói bao luôn hai chiếc tàu khu trục của địch. Hiểu ý Chương cười nói đùa.

– Mấy ông muốn cho hạm trưởng cháy túi thì tôi sẽ cho mấy ông nhậu quắc cần câu luôn…

Dù đang căng thẳng tới đứt ruột mà thủy thủ trong phòng chỉ huy cũng phải bật lên tiếng cười nhỏ khi nghe hạm trưởng đùa giỡn. Đốn gục hai khu trục hạm của Trung Cộng thời họ có quyền hãnh diện vì trên bảng phong thần khá dài của tàu và bộ tư lệnh hạm đội còn có thêm tên hai chiếc 161 Trường Sa và 164 Quế Lâm. Tiếng động phát ra từ giàn thủy âm định vị thụ động lớn dần dần lên báo cho mọi người biết tàu địch càng lúc càng tới gần.

– 66… tốc độ 15 knots… hướng tây nam 35 độ…

Chiếc 66 Hải Mã tăng tốc độ lên 15 knots đồng thời đổi hướng tây nam 35 độ như giả vờ tìm đường chạy trốn khỏi sự săn đuổi của khu trục hạm địch cũng như càng lúc càng xa thêm đảo Đá Bắc, địa điểm mà ba chiếc 99, 01 và 02 đang nằm chờ để phục kích đoàn LST.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Lần này thượng sĩ Đan lên tiếng.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 18 knots… hướng tây nam 35 độ… khoảng cách bốn ngàn mét…

Không nói gì Chương nhìn chăm chú vào màn hình của máy thủy âm định vị thụ động lúc này do thượng sĩ Đan ngồi thế cho Chánh. Hai chấm sáng hiện rõ trên màn hình. Một chấm ở hướng tây nam 35 độ và gần hơn hết. Đó chính là chiếc Quế Lâm 164. Còn một chấm ở xa hơn và hướng tây nam 20 độ.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Đan lên tiếng liền và ông ta báo cáo rất chậm rãi và chi tiết hơn.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 17 knots… hướng tây nam 34 độ… khoảng cách năm trăm sáu mươi bảy mét… Trường Sa 161… vận tốc 14 knots… hướng tây nam 24 độ… khoảng cách hai ngàn bốn trăm hai mươi tám mét…

Vừa dứt lời Đan lại bật la nhỏ khi thấy trên màn hình hiện lên một vệt sáng mờ nhạt rơi từ trên cao xuống.

– Depth charge… depth charge… Mọi người coi chừng…

Liền theo đó tiếng nổ mạnh tới độ đẩy mọi người đang đứng té lăn cù. Cà phê, nước uống, thức ăn hay bất cứ thứ gì để trên bàn hoặc không bắt cứng vào vách tàu đều đổ ngã. Đèn điện tắt ngóm. Các giàn máy móc bị mất điện làm cho phòng chỉ huy tối thui. Chương la lớn.

– Đèn pin…

Mọi người mò mẫm tìm kiếm đèn pin. Cũng may chừng phút sau đèn bật cháy trở lại.

– 66… vận tốc 10 knots… ba trăm mét sâu… hướng tây nam 20 độ…

Ầm… Tiếng nổ khác mạnh không kém tiếng vừa rồi làm cho chiếc tàu nặng bốn ngàn tấn rung rinh. Chương cảm thấy một sức lực vô hình nâng mình lên khỏi sàn tàu khiến cho anh mất thăng bằng phải ghị cứng lấy chiếc bàn hành quân mới không ngã nhào ra.

– 66… vận tốc 5… bốn trăm mét sâu… hướng tây nam 15 độ…

Chương nói lớn trong âm thanh đổ vỡ của đồ đạc và ly tách rơi xuống sàn tàu. Theo lệnh chiếc 66 lặn xuống sâu hơn, giảm tốc độ và đổi hướng để chạy tránh chất nổ được thả ra từ chiếc khu trục Quế Lâm 164. Trên đầu nó vọng ì ầm tiếng nổ rất gần và rất mạnh làm điếc con ráy và rung rinh vách sắt. Tay bám vào kính tiềm vọng, Toàn thì thầm.

– Dường như không phải depth charges… Hạm trưởng tôi nghĩ…

Khẽ gật đầu Chương chầm chậm lên tiếng.

– Chiếc đang rượt mình là 164 Quế Lâm. Chỉ có nó mới được trang bị loại mọt chê chống tàu ngầm ( antisubmarine mortars ) do Trung Cộng chế tạo dựa theo loại RBU 1200 của Nga Sô. Loại này có đầu đạn nặng 34 kí lô và có thể xuống sâu tới 1200 mét. Tuy nó không mạnh bằng depth charges song mình cũng mệt nếu trúng phải nó…

Một tiếng nổ cực mạnh thứ ba như chứng minh cho lời nói của vị hạm trưởng. Tuy nhiên dù bị nổ gần song Chương không ra lệnh cho tàu lặn sâu hơn như có ý tỏ cho tàu địch biết sự hiện diện của mình. Thiện đột nhiên lên tiếng.

– Hạm trưởng… Ông Chinh báo cáo đoàn LST  đã tới điểm phục kích…

Gật đầu, Chương quay qua Toàn.

– Gởi lệnh bắn tới ông Chinh…

Trong lúc Toàn bốc máy liên lạc với chiếc 99, Chương thì thầm vào tai hạm phó của mình những gì mà chỉ nghe Thiện bật cười ha hả rời phòng chỉ huy vọng lại câu nói.

– Tôi sẽ làm như lời hạm trưởng dặn…

Nhìn theo bóng Thiện giây lát, Chương lớn tiếng ra lệnh.

– 66… năm trăm mét sâu…

Là sĩ quan đương phiên, Hạnh lập lại hai lần lệnh của hạm trưởng. Chiếc 66 từ từ xuống tới độ sâu 500 mét. Ngay khi thấy con số 400 hiện ra trên máy đo độ sâu, Chương ra lệnh cho tàu bình quân chờ lệnh mới. Xuyên qua hệ thống liên lạc VLF giữa các tàu với nhau ( very low frequency hay là tần số cực ngắn ), vị hạm trưởng biết ba chiếc 99, 01 và 02 đang tấn công đoàn LST của địch trong lúc hai chiếc hộ tống hạm 551  Mao Minh và 554  Ân Thuận cố gắng bảo vệ sáu chiếc tàu tiếp liệu.

– Thủy âm định vị báo cáo?

Thượng sĩ Đan lên tiếng gọn.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 15… khoảng cách 50 mét… hướng 360 độ…

Chương khẽ gật đầu như hiểu lời báo cáo của Đan. Chiếc khu trục hạm đang chạy vòng vòng để dùng hệ thống thủy âm định vị dò tìm ra vị trí của tàu ngầm địch đang lẩn quẩn quanh đây. Sở dĩ nó không biết đích xác vị trí vì chiếc 66 đang ở quá sâu và cũng đang nằm trong tình trạng ” trim ” tức là đang lơ lửng cho nên cánh quạt không xoay vì thế ít tạo ra tiếng ồn.

Chương hỏi thượng sĩ Đan vẫn còn cắm đầu vào màn hình của máy thủy âm định vị thụ động.

– Nó đâu rồi ông Đan?

– Đây nè hạm trưởng… Thằng 164 đang quần quần trên đầu mình…

Chương nhìn vào màn hình. Đang ở tại trung tâm điểm, chấm sáng màu xanh từ từ di chuyển ra xa, chứng tỏ chiếc 164 sau một hồi tìm kiếm đang bắt đầu di chuyển. Anh biết nó phải bỏ dở cuộc săn lùng vì nhận được tin đoàn tàu tiếp tế đang bị địch tấn công nên phải về giải cứu. Với lại nó nghĩ chiếc tàu ngầm mà nó săn đuổi đã bị trúng depth charges và mọt chê chống tàu ngầm sắp sửa chìm nên không cần phải săn tìm nữa.

Đợi chừng 5 phút Chương lên tiếng.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Giọng của Đan vang lên liền.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 25 knots… khoảng cách một ngàn mét… hướng đông bắc 45 độ…

Chương nhìn vị hạm phó đang đứng bên cạnh mình. Hiểu ý Thiện trả lời không do dự.

– Mình còn cách chỗ của ông Chinh 8 hải lý… thưa hạm trưởng…

Gật đầu Chương bước tới khu vực của hệ thống thủy âm định vị. Trên màn hình rộng có nhiều chấm xanh hiện lên. Có chấm hiện lên rồi tắt liền, có chấm hiện lên và giữ nguyên trạng. Anh biết những chấm hiện lên rồi tắt là tiếng nổ của thủy lôi hoặc depth charges do tàu của hai bên phóng ra. Chấm xanh hiện lên và không tắt là tiếng động phát ra từ tàu nổi hoặc tàu ngầm cũng của cả hai bên. Có một chấm lớn và sáng nhất lại ở gần tâm điểm cho anh biết đó là chiếc Quế Lâm 164 đã săn đuổi mình bây giờ đang chạy về hướng đảo Đá Bắc để giải cứu cho mấy chiếc LST đang bị ba chiếc 99, 01 và 02 tấn công.

– 66… … vận tốc 15… 300  mét sâu… hướng đông bắc 45 độ…

Theo lệnh của hạm trưởng chiếc 66 từ từ nổi lên ở độ sâu 300 mét và chạy với vận tốc 15 knots cũng như giữ hướng đúng hướng với chiếc khu trục hạm Quế Lâm 164.

– 66… Thủy lôi 1 chuẩn bị…

Trung úy Thâm, trưởng phòng vũ khí lập lại lệnh của hạm trưởng đồng thời cũng truyền lệnh xuống phòng thủy lôi.

– Thủy lôi 1 chuẩn bị… Thủy lôi 1 chuẩn bị…

Tiếng trả lời của Ban vang lên từng bước một trong việc chuẩn bị thủy lôi để phóng ra khi có lệnh

– Thủy lôi 1… Làm ngập nước ống phóng… quân bình với áp suất nước biển… mở nắp ống phóng… Thủy lôi 1 sẵn sàng…

– Thủy lôi 1 bắn…

Lệnh khai hỏa của hạm trưởng được trung úy Thâm, sĩ quan vũ khí lập lại rồi truyền xuống phòng thủy lôi cho thượng sĩ Ban xuyên qua hệ thống liên lạc nội bộ. Chương nghe được giọng của vị hạ sĩ quan phụ trách vang vang pha trộn cả hai thứ tiếng Việt Anh.

– Thủy lôi 1 ” normal launch ”…

Trái ” wire guide & active-passive homing torpedos ” rời giàn phóng. Đây là thủy lôi loại 89, lớp  HU-605 Advanced Capability (ADCAP) được chế tạo bởi Mitsubishi Heavy Insdustries của Nhật Bản có tầm bắn xa tới 27 hải lý, vận tốc 55 knots, đầu đạn nổ nặng 267 kí lô. Điểm đặc biệt đối với loại thủy lôi này là có thể hoạt động dưới nước sâu tới 900 mét. Được trang bị một ” active seeker ”  hay là bộ phận tự tìm kiếm mục tiêu, nó còn được trang bị thêm dụng cụ điều khiển từ tàu ngầm. Nếu bắn hụt nó có thể trở lại tìm kiếm cho tới khi nào bắn trúng mục tiêu. Lấy mẫu từ thủy lôi Mark-48 của hải quân Hoa Kỳ, HU-605 được đặc chế để phá vỡ lườn tàu và khung tàu ở bên trong. Chỉ cần một trái thủy lôi loại này cũng đủ sức đánh chìm chiến hạm loại trung bình như tuần dương, khu trục hạm và hộ tống hạm.

Sau khi ra lệnh bắn, Chương đứng cạnh Thâm đang chăm chú vào màn hình của hệ thống điều khiển vũ khí. Sau khi bộ phận active seeker được kích hoạt, tăng dần tốc độ từ 20 lên tới 40 và sẽ đạt tốc độ tối đa 55 hải lý khi nào tìm thấy và tiếp cận mục tiêu. Hai tàu cách nhau một cây số với tốc độ gấp đôi chiếc Quế Lâm do đó chỉ cần vài phút đồng hồ trái thủy lôi có thể chạm mục tiêu trừ trường hợp chiếc tàu chiến của hạm đội Nam Hải khám phá ra. Dĩ nhiên Chương và các sĩ quan dưới quyền đều ước đoán hệ thống thủy âm định vị của tàu địch đã bắt được tín hiệu của trái thủy lôi mà họ phóng ra và cũng sẽ phóng ra decoy để chặn thủy lôi của mình. Tới lúc đó thì Bình sẽ sử dụng hệ thống ” video control ” để điều khiển thủy lôi vượt qua hàng rào đánh chặn thủy lôi của địch để đánh trúng mục tiêu theo ý muốn.

Đứng nhìn giây lát Chương trở lại bàn hành quân. Anh không bận tâm về chuyện có bắn trúng mục tiêu hay không mà anh đang suy nghĩ để suy đoán và tìm kiếm vị trí của chiếc 161 Trường Sa. Bây giờ nó đang ở đâu? Đó là câu hỏi mà anh phải biết và chỉ có người với sự phụ giúp của hệ thống thủy âm định vị mới có thể trả lời được.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Dường như hiểu ý của hạm trưởng, mắt không rời màn hình, tai vẫn còn đeo ống nghe, ông thượng sĩ chịu trách nhiệm hệ thống dò tìm thủng thẳng lên tiếng.

– Tôi đang tìm chiếc 161 cho hạm trưởng…

Mỉm cười tỏ vẻ hài lòng, Chương buông câu nói đùa.

– Ông mà tìm thấy nó tôi cho ông ba ngày phép đặc biệt về hú hí với bà xã…

Cười cười Đan quay lại nói.

– Hạm trưởng cho tôi năm phút, tôi sẽ lôi đầu nó ra liền…

Chương mỉm cười làm thinh như muốn để cho Đan làm việc. Mắt anh nhìn vào màn hình đang có hàng chục chấm đen hiện rồi tắt, hiện lâu lâu rồi mới tắt. Tìm ra chiếc khu trục hạm đang ở đâu đó trong vùng nước biển ì ầm đủ mọi loại tiếng nổ không phải dễ dàng và nhanh chóng. Nghề phải cứng và nhiều kinh nghiệm, Đan mới làm được.

– Hạm trưởng nghe nè hạm trưởng…

Gở ống nghe đang đeo trên tai đưa cho hạm trưởng, Đan nói câu trên. Đeo ống nghe vào tai, Chương lắng nghe. Anh nhận thấy ngoài các tiếng động khác, có hai tiếng động giống nhau, một lớn và một nhỏ. Chỉ vào hai điểm đen trên màn hình, Đan giải thích.

– Hai chiếc 161 Trường Sa và 164 Quế Lâm cùng loại 051 và cùng lớp Lữ Đại nên tiếng động  phát ra từa tựa nhau. Tiếng động thứ nhất lớn và đang ở gần mình. Đó là chiếc mình 164. Còn chiếc thứ nhì có tiếng động nhỏ thì ở xa hơn và là chiếc 161 mà hạm trưởng muốn tìm. Để khi nào mình bắn chìm thằng 164 xong rồi thời hạm trưởng biết liền…

Đan vừa dứt tiếng, mọi người nghe tiếng nổ ầm vang làm rung rinh con tàu. Nhìn vào màn hình của máy thủy âm định vị thụ động, Chương thấy chấm đen lớn tắt ngấm cũng như không nghe được tiếng động nữa mà chỉ còn lại tiếng động nhỏ hơn mơ hồ như ở xa.

– Định vị trí của nó…

Chương ra lịnh gọn. Bấm nút máy điện toán giây lát, Đan đọc lớn.

– 164 Quế Lâm… vận tốc 15… khoảng cách 8 ngàn mét… hướng đông bắc 40 độ…

Nghe xong, hướng về phòng lái vị hạm trưởng cao giọng thốt.

– 66… vận tốc mười hai… ba trăm năm chục mét sâu … hướng đông bắc 45 độ…

Tuân theo lịnh đó chiếc 66 chậm chạp cắm đầu xuống sâu 350 mét mới bình quân rồi đổi hướng tiến theo hướng đã được chỉ định với vận tốc 12 knots. Biển tối mù và lạnh ngắt.

 

45.

Đang đứng im lìm trước bàn hành quân, Chương hơi ngước đầu lên khi nghe tiếng gọi của Toàn.

– Hạm trưởng…

Nghe giọng nói khác thường của vị sĩ quan đương phiên, Chương biết có chuyện gì lạ và khẩn cấp xảy ra. Tới đứng nơi khu vực dành cho hệ thống thủy âm định vị, anh thấy Thiện, Toàn, thượng sĩ Đan, thượng sĩ Ân và Chánh đang chăm chú nhìn vào màn hình của máy thủy âm định vị thụ động. Cuộc đụng độ dường như đã chấm dứt nên trên màn hình không có nhiều chấm đen nữa mà chỉ còn lại một hai chấm đen. Chấm thứ nhất  cùng hướng chiếc 66 đang đi tới nhưng càng lúc càng nhỏ dần đi cũng như di chuyển xa dần về hướng bắc. Điều này chứng tỏ chiếc khu trục hạm Trường Sa 161, với vận tốc nhanh hơn nên đã chạy xa rồi. Tuy nhiên có một điều khiến cho Chương và các sĩ quan dưới quyền ngạc nhiên và thắc mắc vì chấm đen mới xuất hiện ở hướng bắc di chuyển từ từ xuống hướng đông nam và càng lúc càng tới gần chiếc 66 hơn. Cau mày lẩm bẩm những gì chỉ có mình nghe được xong Chương ra lịnh cho Đan.

– Ông rán ID nó cho tôi…

– Aye… aye… captain…

Thượng sĩ Đan lên tiếng xong cắm cúi nghe giây lát mới thong thả lên tiếng.

– Tôi đoán chiếc này là Kilo…

Chương im lặng song câu hỏi được bật ra. Kilo mà của nước nào? Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Trung Cộng, Nga Sô hay của ai? Có 8 quốc gia sử dụng tàu ngầm Kilo do Nga Sô chế tạo, vậy chiếc Kilo mà họ đang dò thuộc về nước nào? Phải biết được của ai thì anh mới phân định nó là Kilo 636-MK hay 636-MV và biết nó là bạn hay thù. Thiện lên tiếng trước nhất.

– Tôi nghĩ chiếc Kilo này của Trung Cộng vì đây là vùng biển thuộc phạm vi hoạt động của hạm đội Nam Hải. Họ có mấy chiếc Kilo gồm hai lớp 877 và 636. Tàu ngầm của hải quân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chắc không dám đi vào vùng biển cấm này. Kilo của Nga thì không thấy xuất hiện…

Toàn phụ họa với Thiện bằng câu nói.

– Tôi cũng đoán như hạm phó. Chỉ có Kilo của tụi Trung Cộng mới đi lại trong vùng này…

Dù nói như vậy nhưng cả hai sĩ quan cao cấp cũng biết ý kiến của hạm trưởng mới là ý kiến quyết định. Hướng về Thâm đang đứng ở khu kiểm soát và điều khiển vũ khí, Chương ra lịnh gọn.

– Chuẩn bị vũ khí đối phó với Kilo…

Lãnh lệnh của cấp chỉ huy, Thâm với Minh vội vàng chỉ huy thủy thủ dưới quyền ráo riết sửa soạn. Đây là lần đầu tiên họ đụng với Kilo, thứ tàu ngầm nổi tiếng trên thế giới, vì vậy phải sửa soạn cẩn thận. Đan lại đeo ống nghe vào im lặng lắng nghe âm thanh phát ra từ máy thủy âm định vị thụ động giây lát mới giở cẩm nang của phòng tình báo của hải quân Hoa Kỳ. Sau khi đối chiếu với những gì được ghi trong sách và âm thanh của mình nghe được, anh có thể cả quyết đó là tàu ngầm Kilo lớp 636MK trực thuộc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Cộng.

– Thủy âm định vị báo cáo?

Chương hỏi và giọng trả lời của thượng sĩ Đan cao lên.

– Kilo 636… tốc độ 15… hướng đông nam 10 độ… khoảng cách 8 cây số…

8 cây số cũng xa song với vận tốc tối đa 15 knots thêm hai chiến hạm chạy ngược chiều nhau thời chiếc Kilo 636 của hải quân Trung Cộng có thể chạm mặt chiếc 66 không đầy nửa giờ. Vả lại với giàn máy thủy âm định vị  MGK 400E thời địch chắc cũng đã khám phá ra sự hiện diện của chiếc 66 rồi. Trong trí não của vị hạm trưởng trẻ tuổi nhớ lại bài học về chiến thuật phòng vệ và tấn công tàu ngầm địch bao gồm những điểm như chạy êm, lặn sâu, chạy đều đặn, tàng hình trước các dụng cụ điện tử như ra đa và sonar, quần cho tàu địch mệt nhoài, lợi dụng các chướng ngại vật dưới biển trốn tránh và phục kích để bắn chìm tàu địch.

– 66… năm knots… hai năm không mét sâu … hướng đông bắc 5 độ…

Giảm tốc độ còn 5 knots một giờ, chiếc 66 đang ở 300 mét lại từ từ nổi lên độ sâu 250 mét và hải hành với hướng bắc 5 độ như muốn chạm mặt chiếc Kilo. Phòng chỉ huy sáng mờ mờ. Không khí thật im lặng. Thủy thủ di chuyển âm thầm không gây ra tiếng động như cố tránh làm ồn để các nhân viên đang ngồi nghe ngóng dò tìm âm thanh của tàu địch cũng đang di chuyển đâu đó trong lòng biển âm u. Dù không thấy mặt vị hạm trưởng của chiếc Kilo, Chương đoán ông ta cũng như mình đang hải hành đâu đó trong vùng nước biển đen và nhẫn nại chờ tới lúc ra lệnh bấm nút phóng thủy lôi. Kilo là loại tàu ngầm dầu cặn-điện bình được xem như chạy êm nhất trong các loại tàu ngầm của thế giới. Bởi vậy nó mới được đặt cho cái tên Black Hole. Chạy êm, vận tốc cao, trang bị máy móc tối tân cũng như hệ thống khử tiếng ồn cực tốt đã làm cho Kilo trở thành vô hình với nhiều đối thủ của nó. So sánh thời chiếc 66 cũng không kém bao nhiêu về vũ khí và các máy móc điện tử. Nó còn có một lợi điểm lặn sâu hơn. Chương biết, ngoài kinh nghiệm tác chiến của bản thân, anh phải triệt để lợi dụng ưu điểm lặn sâu của tàu để thắng địch đồng thời phải sử dụng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình để đối phó với chiếc Kilo của hạm đội Nam Hải.

– Kilo… 6 cây số xa… vận tốc 8… độ sâu 250 mét… hướng đông nam 10 độ…

Đứng tại bàn hành quân, Chương nghe Đan báo cáo các điều cần biết về tàu địch như khoảng cách, vận tốc và độ lặn sâu. Phòng chỉ huy im như tờ vì các nhân viên của máy thủy âm định vị thụ động đang hoạt động tối đa để theo dõi chiếc Kilo đang tiến gần tới vị trí của mình. Không khí hầu như nóng lên mặc dù nhiệt độ của nước biển ở bên ngoài tàu lạnh vào khoảng bốn năm chục độ F.

Tiếng của Đan vang lên chầm chậm

– Kilo… Năm ngàn rưởi mét xa… hướng đông nam 5 độ… tốc độ tám… hai bảy không mét sâu…

Thiện và Toàn nhìn nhau rồi liếc sang chỗ hạm trưởng đang đứng khi nghe báo cáo tàu địch xuống sâu thêm 20 mét cũng như đổi hướng đông nam 10 dộ sang đông nam 5 độ. Sự thay đổi độ sâu 20 mét so với độ sâu bảy tám trăm mét của biển thời không có ý nghĩ gì. Tuy nhiên thay đổi 20 mét sâu so với độ lặn sâu tối đa 300 mét của Kilo thời sự thay đổi đó phải nói lên một điều gì. Bởi vậy mà hai sĩ quan cao cấp của chiếc 66 mới nhìn sang dò ý tứ của hạm trưởng song thấy ông ta im lìm không nói gì hết.

– Kilo… Năm ngàn mét xa… vận tốc tám… hướng đông nam năm độ… hai chín không mét sâu…

Lần nữa chiếc Kilo lại lặn sâu hơn. Nó muốn gì khi lặn sâu hơn? Câu hỏi đó lởn vởn trong trí của Chương và thủy thủ đoàn đang có mặt trong phòng chỉ huy ngột ngạt vì sự căng thẳng. Đã tới lúc nó phóng thủy lôi chưa? Với 6 ống phóng ở trước mũi nó sẽ phóng bao nhiêu trái? Chừng nào nó mới phóng? Đứng tại ” Weapon Control Panel ” hay là giàn máy móc kiểm soát và điều khiển vũ khí của tàu, trung úy Thâm tự đặt bàn tay của mình lên cái nút FIRE màu đỏ. Không ai nhận biết ra bàn tay của anh run run vì kích thích, hồi hộp và lo âu đồng thời cũng tê mỏi vì đợi chờ quá lâu.

– Kilo… Bốn ngàn rưởi mét xa … vận tốc 8… ba trăm mét sâu… hướng nam 180 độ…

Tiếng 180 độ của thượng sĩ Đan vang cao lên như muốn nhấn mạnh về sự thay đổi hướng đi của Kilo. Ngay lúc đó giọng của vị hạm trưởng chiếc 66 cất lên cao hơn.

– Báo cáo độ sâu của biển…

Phụ trách ” echo sounding ” hay máy đo độ sâu, trung sĩ Biền lên tiếng liền.

– 712 mét sâu thưa hạm trưởng…

Gật gật đầu Chương ra lệnh gọn.

– 66… ” tactical speed ”…

Thiện với Toàn nhìn nhau khi nghe hạm trưởng xài tiếng Anh với thủy thủ đoàn. Tactical speed là vận tốc tàu ngầm chạy không gây âm thanh để bị khám phá ra vị trí trong lúc dùng máy thủy âm định vị thụ động lắng nghe tiếng ồn của tàu ngầm khác. Như chiếc 66, sau nhiều lần thử nghiệm thời tactical speed của nó khoảng từ 3 tới 5 knots.

– 66… tactical speed… hướng đông bắc 5 độ… bốn không không mét sâu…

Theo lệnh của hạm trưởng chiếc 66 lặn xuống độ sâu đã được chỉ định rồi hải hành với hướng bắc 5 độ và vận tốc 5 hải lý một giờ.

– Thủy âm định vị báo cáo?

Đan im lặng chừng nửa phút mới hắng giọng.

– Kilo… Ba ngàn mét xa … vận tốc 8… ba trăm mét sâu… hướng nam 180 độ…

Giọng của Chương vang nhỏ và chậm trong căn phòng im lìm.

– 66… tactical speed… shadow zone… hướng đông bắc 10 độ…

Thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy đều hiểu thâm ý của hạm trưởng. Cái gì làm cho tàu ngầm bị đối phương dò tìm ra vị trí của nó? Tốc độ là điểm thứ nhất, bởi vì tốc độ càng nhanh thời cánh quạt quay trong nước phải nhanh hơn tạo ra tiếng động có cường độ cao hơn. Ngoài ra cánh quạt càng quay nhanh tạo những bong bóng bị vỡ ra thành tiếng ồn mà các máy dò thủy âm định vị thụ động tối tân có thể nghe được. Yếu tố nào nữa  khiến tàu ngầm trở thành vô hình đối với máy dò thủy âm? Lặn sâu chính là yếu tố đặc biệt nhất. Ai cũng biết âm thanh truyền đi trong nước biển nhanh khoảng ba lần trong không khí đồng thời tùy thuộc vào ba yếu tố chính như nhiệt độ, áp lực và độ mặn của nước. Có nghĩa là nhiệt độ, áp suất và độ muối mặn của nước biển cao thời tốc độ của âm thanh càng nhanh hơn. Nhờ vào ba yếu tố này các máy thủy âm định vị chủ động và thụ động có thể tìm ra bất cứ vật gì di chuyển và phát ra tiếng động như tàu ngầm, cá voi hoặc nằm im tại chỗ và không phát ra tiếng động như đá ngầm, san hô và tàu chìm. Tuy nhiên ở độ sâu từ 500 mét cho tới vài ngàn mét thời các máy thủy âm định vị không còn hoạt động hữu hiệu nữa vì âm thanh phóng ra bị đổi hướng đi của nó. Đó là hiện tượng ” refraction ” hay ” bend ” làm sóng âm phải đổi hướng khiến các máy thủy âm định vị không bắt được hoặc có bắt được cũng không tìm ra chính xác vị trí của tiếng động. Hiện tượng đổi hướng của âm thanh đã tạo nên một tầng nước biển gọi là shadow zone tạm gọi là tầng nước biển mù. Tàu ngầm thường dùng tầng nước biển mù này để tránh né sự dò tìm của các giàn máy thủy âm định vị của các tàu ngầm khác hoặc chiến hạm nổi trên mặt nước. Muốn xuống tới được tầng nước biển mù này tàu phải lặn sâu ít nhất 500 mét trở lên và còn tùy thuộc vào nhiệt độ cũng như độ mặn của nước nữa. Nhiệt độ của nước ở 500 mét cho tới vài ngàn mét sâu trung bình khoảng 33 hoặc 34 độ F tương đương với 1 hoặc 2 độ C. Hồi nãy máy đo cho biết độ sâu của đáy biển là 712 mét. Độ sâu đó đủ tạo thành tầng nước biển mù mà vị hạm trưởng của chiếc 66 sẽ dùng trú ẩn và phục kích chiếc Kilo của hạm đội Nam Hải vì biết tàu ngầm lớp 636MK do Nga Sô chế tạo có crush depth 300 mét hay là vỏ tàu sẽ bị vỡ ra nếu lặn sâu quá 300 mét. 

– 66… 250 fathoms…

Lời báo cáo của Mạnh, đang làm diving officer vang lên cũng không át được tiếng rắc rắc của vỏ tàu tạo ra bởi sức ép của nước. Dù được làm bằng hai lớp thép HY-100, có sức chịu đựng tám chín mươi ngàn cân trên một phân vuông, vỏ tàu của chiếc 66 cũng phải kêu răng rắc vì sức ép của nước ở độ sâu 250 fathom; một đơn vị dùng đo độ sâu của nước biển tương đương với 6 bộ anh hay gần hai mét. Thủy thủ đoàn mặt mày trầm trọng và im thinh thích như cố quên đi nỗi lo âu đang đè nặng trong lòng.

– 66… 300 fathoms…

Mọi người đều quay nhìn hạm trưởng đang đứng trước bàn hành quân. Hai tay của ông ta thọc vào túi quần như không muốn cho bất cứ ai thấy nó đang run rẩy.

– 66… 320 fathoms… 66… 320 fathoms…

Đang làm ” diving officer ”, trung sĩ nhất Mạnh lập lại hai lần như cố ý cho hạm trưởng nghe. Khe khẽ gật đầu, Chương hắng giọng.

– 66… trim…

Trim ” là tình trạng tàu ngầm nằm lơ lửng trong nước. Muốn đạt được tình trạng này thủy thủ đoàn của phòng lái phải điều chỉnh làm sao cho trọng lượng của tàu đều bằng nhau ở phần mũi và  lái xuyên qua lượng nước thêm hoặc bớt ở ” trim tanks ” là hai ngăn chứa nước ở mũi và lái tàu.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Im lặng hơn ba mươi giây đồng hồ rồi Đan mới báo cáo. Giọng nói của ông ta chậm, ngập ngừng và có chiều do dự dường như không chắc chắn về vị trí của chiếc Kilo 636 đang ở đâu đó trên đầu của chiếc 66.

– Kilo… hướng nam khoảng 180 độ… vận tốc chừng 12 knots… độ sâu chừng 160 fathoms… khoảng cách chừng 500 mét…

Mọi người biết họ đang ở trong nước biển mù do đó hệ thống thủy âm định vị thụ động của chiếc 66 không nghe được một cách chính xác tiếng động phát ra từ chiếc Kilo. Điều này được chứng tỏ xuyên qua lời báo cáo của Đan với những tiếng như ” khoảng, chừng ”. Nếu chiếc Kilo không tìm ra chính xác vị trí tàu của họ thời chiếc 66 cũng ở vào tình trạng giống như vậy.

Tiếng báo cáo vang nặng nề song cũng không nặng bằng cảm giác của mọi người trong tàu khi biết chiếc Kilo đang tiến tới gần và nằm ở trên đầu của họ với khoảng cách chừng 160 fathom. Nín thở họ mơ hồ nghe được tiếng chân vịt quẩy nước và tiếng động gì mường tượng như tiếng mở nắp ống phóng thủy lôi ở ngay trên đầu của mình rồi tiếng cánh quạt của thủy lôi thoạt đầu nhỏ sau lớn dần lên chứng tỏ bộ phận tìm kiếm của thủy lôi đã dò tìm ra mục tiêu nên tăng tốc độ lên để đuổi theo.

– Kilo… nam 180 độ… vận tốc 12… 160 fathoms… khoảng cách 50 mét…

Lời báo cáo của Đan vang khô khốc. Bây giờ thủy thủ đoàn trong phòng chỉ huy có cảm tưởng như nghe được tiếng động rì rầm ở trên đầu khiến cho họ không dám thở hay làm bất cứ cử chỉ nào gây ồn ào vì sợ máy thủy âm định vị thụ động của tàu địch nghe được. Phút sau Chương nhỏ giọng.

– Thủy âm định vị báo cáo…

– Ki lo… nam 180 độ… vận tốc 12… sâu 160 fathoms… khoảng cách 0 mét…

Khẽ gật đầu vị hạm trưởng rắn giọng.

– Phòng lái… vận tốc 12… 160 fathoms… thủy âm định vị… chuẩn bị theo sau ” baffle ” của Kilo… vũ khí… sẵn sàng phóng ngư lôi…

Dưới lệnh của hạm trưởng, như con cá khổng lồ chiếc 66 chuyển mình từ từ nổi lên độ sâu 160 fathoms bám theo sau ” baffle ” của chiếc Kilo. Baffle là vùng nước biển ở phía sau lái của tàu ngầm, nơi mà nó không thể ghi nhận tiếng động của tàu lạ ở đằng sau vì tiếng động do chân vịt của chính nó phát ra.

– Thủy lôi 1 chuẩn bị…

Lệnh được truyền xuống phòng thủy lôi rồi lời báo cáo của thượng sĩ Ban vang lên.

–  Thủy lôi 1… Làm ngập nước ống phóng… quân bình áp suất nước biển… mở nắp ống phóng… Thủy lôi 1 sẵn sàng phóng…

Là diving officer, Mạnh báo cáo từng độ sâu của tàu trong lúc đang nổi lên.

– 66… 250 fathoms…

Muốn nổi lên tàu ngầm có nhiều cách trong đó có hai cách thường dùng là ” blowing ” và ” driving ”. Blowing là cách dùng máy ép gió thổi hơi vào các ngăn chứa đẩy nước ra ngoài làm cho tàu nhẹ hơn để nổi lên mặt nước hoặc ở độ sâu theo ý muốn. Cách thức này có thể dùng ở bất cứ độ sâu nào. Driving là cách thức điều khiển thông thường dùng trong lúc lặn xuống hoặc nổi lên độ sâu như ý muốn. Từ dưới tầng nước biển mù nổi lên lần này vị hạm trưởng chọn cách driving để nổi lên ở phía sau lái tàu của địch với khoảng cách nằm trong vùng baffle. Như vậy nó mới không bị chiếc Kilo 636 của hạm đội Nam Hải dò tìm ra vị trí mà vẫn có thể phóng thủy lôi tấn công tàu địch đồng thời sẵn sàng vô hiệu hóa vũ khí của địch nếu bị tấn công lại bằng thủy lôi hoặc hỏa tiễn.

– 66… 200 fathom…

Từ độ sâu 320 fathoms chiếc 66 nổi lên 200 fathoms không đầy nửa phút và tiếp tục lên thật nhanh tới độ sâu 160 fathoms, tức rời bỏ tầng nước mù để có thể dùng hệ thống thủy âm định vị thụ động xác định vị trí của chiếc Kilo đang hải hành đâu đó trong tầng nước biển sâu 160 fathoms.

– 66… 165 fathom…

Trung sĩ nhất Mạnh báo cáo độ sâu của chiếc 66.

– Thủy âm định vị báo cáo…

Giọng của Đan vang gấp rút trả lời lệnh của cấp chỉ huy.

– Kilo… 160 fathoms… tây nam 10… vận tốc 12… khoảng cách một ngàn bộ…

Giọng của hạm trưởng vang liền theo đó như ông ta đã chờ đợi sự việc sẽ phải xảy ra đúng như ước đoán của mình.

– 66… thủy lôi 1 bắn… thủy lôi 1 bắn…

Lệnh được phòng vũ khí truyền xuống phòng thủy lôi cùng với giọng của thượng sĩ Ban vang vang.

– Thủy lôi 1… normal launch

Được kích hỏa trái thủy lôi 89 rời ống phóng gây ra sự rung chuyển nhẹ. Trên màn hình của máy điều khiển vũ khí có hình của trái thủy lôi rời ống phóng và ” zigzag ” trong nước. Trái wire guide & active-passive homing torpedos được điều khiển bằng máy điện toán rẽ nước lao tới mục tiêu đã được xác định. Sau khi trái thủy lôi vừa rời ống phóng chừng ba mươi giây, giọng nói của hạm trưởng vang vang trong phòng chỉ huy đông cứng vì bị kích thích và hồi hộp.

– Thủy âm định vị báo cáo…

– Thủy lôi 1… vận tốc 40 knots… hướng tây nam 10… khoảng cách mục tiêu 800 bộ…

Chương gật đầu im lặng giây lát mới thong thả ra lệnh.

– 66… trim…

Chiếc tàu ngầm nặng bốn ngàn tấn nằm lơ lửng trong nước chờ xem phòng vũ khí điều khiển thủy lôi đánh trúng mục tiêu.

– Thủy lôi 1… vận tốc 45 knots… hướng tây nam 10 độ… khoảng cách mục tiêu 600 mét…

Nhìn vào màn hình của hệ thống thủy âm định vị và hệ thống điều khiển vũ khí, mọi người đều thấy chiếc Kilo zigzag tức đổi hướng nhiều lần để tránh né thủy lôi. Họ cũng thấy trên màn hình xuất hiện thêm một chấm đen nữa. Chấm đen này nhỏ chứng tỏ tàu địch đã phóng ra decoy hay là thủy lôi giả để dụ thủy lôi của chiếc 66. Tuy nhiên nhờ được điều khiển bằng hệ thống video của tàu do đó trái thủy lôi 89 cứ luồn lách vượt qua hàng rào phòng vệ để tiến tới mục tiêu.

– Thủy lôi 1… vận tốc 55 knots… hướng tây nam 10 độ… khoảng cách mục tiêu 100 bộ…

Vừa dứt câu, Đan bật la thảng thốt khi thấy thêm một chấm sáng nữa hiện ra trên màn hình, chứng tỏ Kilo đã phóng ra thủy lôi tấn công chiếc 66.

– Thủy lôi… thủy lôi…

Giọng của Chương vang gọn.

– Thủy âm định vị báo cáo.

– Thủy lôi… 10 độ… vận tốc 45… khoảng cách 800 bộ…

Giọng nói của Chương vang vang trong không khí hầu như đặc quánh của phòng chỉ huy sau khi biết được Kilo đã phóng thủy lôi.

– 66… counter measures… đông nam 25 độ… vận tốc 15… 300 fathoms…

Counter measures là cách thức mà tàu ngầm dùng để chống lại sự tấn công của một tàu ngầm  khác như phóng thủy lôi giả, đổi hướng thật nhanh, quẹo cua thật gắt, đồng thời lặn nhanh xuống để vô hiệu hóa thủy lôi địch. Tất cả hành động đó được thủy thủ đoàn của chiếc 66 thi hành nhịp nhàng và ăn khớp với nhau, giống như con lươn sau khi thò đầu ra khỏi hang táp mồi xong lại rút vào để giấu kín không cho địch tìm ra vị trí của mình. Nằm ở tầng nước biển với độ sâu 300 fathoms, thủy thủ đoàn chờ giây lát mới nghe nhiều tiếng nổ làm rung rinh con tàu rồi sau đó là im lặng hoàn toàn cùng với tín hiệu biến mất trên màn hình của máy thủy âm định vị thụ động cho biết chiếc Kilo đã trúng thủy lôi. Họ cười với nhau khi thấy hạm phó giơ ngón tay cái lên kèm theo câu nói ” Good job gentlemen…” trong lúc ghi thêm hàng chữ Kilo 636MV vào bảng phong thần của chiếc Hải Mã.

 

Trang 6

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.