GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

39.

Thứ hai. Vừa thấy mặt Nhàn, Thúy Nhi hỏi liền.

– Hôm nay mình có báo không em?

Nhàn mỉm cười khi nghe cô chủ lên tiếng hỏi.

– Dạ có… Chắc chị muốn đọc tin chiến sự hả chị?

Thúy Nhi cười gật đầu.

– Chị đọc tin đánh nhau mấy ngày rồi bắt ghiền luôn… Chị muốn coi tiếp quân mình đánh tới đâu rồi…

– Dạ… Để em đi lấy báo cho chị…

Nhàn bỏ đi giây lát mới trở lại với tờ báo dày cộm. Đón tờ báo Thúy Nhi cười hỏi.

– Hôm nay mình có khách hẹn trước không?

– Dạ không… Thường thì em không có xếp khách tới thăm vào ngày thứ hai và thứ sáu trừ khi nào có việc gấp lắm…

Khẽ gật đầu tỏ ý bằng lòng trong lúc cúi nhìn vào trang nhất của tờ nhật trình, Thúy Nhi nói nhỏ và chậm.

– Vậy hả… Chị sẽ không tiếp khách hôm nay. Nhàn bảo Minh lấy cho chị ly nước cam nghen…

Dạ tiếng nhỏ Nhàn đi ra phòng tiếp tân nói với Minh lấy nước cam mang vào cho Thúy Nhi. Đợi cho cô thư ký khép cửa phòng lại, Thúy Nhi mới đưa tờ báo dày hai mươi bốn trang lên. Cái tít lớn màu đỏ tươi đập vào mắt của nàng: ” Chiến Dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn Giai Đoạn 1 Sắp Sửa Kết Thúc…”. Hớp ngụm nước cam, ngã ngửa người vào chiếc ghế da rộng nàng đọc bản tường thuật của người phóng viên chiến trường tên Mang Khôi.

*****

30 tháng 2 năm 2039.

Tướng Khải ngồi im. Tách trà nóng mà người lính mang cho ông đã nguội ngắt. Trên mặt chiếc bàn làm bằng gỗ thau lau, tấm bản đồ tỉnh Cần Thơ được trải rộng ra với những vòng khoanh tròn màu đỏ mang số 1, 2, 3 và 4. Bộ tư lệnh sư đoàn 2 đang đóng tại Ô Môn. Sư đoàn 1 đặt bộ tư lệnh tiền phương tại Vị Thủy. Sư đoàn 3 đóng tại Tầm Vu. Trong lúc đó chiến đoàn 1 của sư đoàn 4 vừa chạm địch ở Cái Răng. Bốn mũi tiến quân đều nhằm vào một vị trí: Bộ tư lệnh quân đoàn 9 của bộ đội cộng sản Việt Nam. Mặt trận phía bên kia sông Hậu thời hai sư đoàn 5 và 6 chia nhau chiếm đóng các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sa Đéc. Tuy nhiên mặc dù đã ước tính trước, ông ta và toàn thể sĩ quan tham mưu của chiến dịch cũng phải ngạc nhiên trước sức kháng cự của địch. Càng gần Cần Thơ chừng nào thời tuyến phòng thủ càng trở nên khó vượt qua chừng đó. Nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra mà số thương vong lên tới mức mấy trăm. Điều đó khiến cho ông ta phải ra lịnh ngưng tấn công để tìm kiếm sự giải quyết chiến trận bằng cách khác ít tốn hao sinh mạng của binh sĩ hơn.

– Tư lệnh nghĩ sao?

Đại tá Hành, tham mưu trưởng lên tiếng hỏi. Ngước nhìn vị sĩ quan tham mưu tín cẩn của mình, vị tướng hai sao cười nhẹ.

– Vòng vây đã xiết chặt rồi. Trước sau gì ông tướng tư lệnh của quân đoàn 9 cũng phải đầu hàng. Có điều…

Hớp ngụm cà phê nóng đựng trong cái ly nhựa, đại tá Hành gật gù.

– Tôi nghĩ mình nên tiền pháo trước rồi mới cho quân bộ tiến vào. Như thế ít tổn thất nhân mạng hơn. Chiến dịch chưa chấm dứt cho tới khi nào quân ta vào tận Sài Gòn và chiếm đóng cố đô Huế, do đó ta không nên làm các sư đoàn bị hao hụt quân số…

Tướng Khải gật đầu. Trầm ngâm giây lát ông ta hắng giọng.

– Tôi sẽ nói chuyện với ông Hãn. Chắc mình phải nhờ tới phi pháo bắn hủy diệt mục tiêu trước rồi mới tiến quân vào…

– Tư lệnh trình với tướng Hãn đi. Tôi đi kiểm lại lần nữa các mục tiêu nào cần phải cho ăn pháo trước nhất…

Tướng Khải nhấc điện thoại gọi về Phú Quốc trong lúc nhìn ra ngoài trời đang từ từ xụp tối.

Không phải dân mà luôn cả lính của hai phe đang ngủ ngon đều giật mình thức giấc vì tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Nhiều vị trí đóng quân của ba sư đoàn 4, 8 và 330 thuộc quân đoàn 9 bộ đội cộng sản Việt Nam nằm trong chu vi tỉnh Cần Thơ đều bị phi cơ oanh tạc. 01: 00 giờ. Lại tới phiên pháo binh dập. Đại pháo Paladin M109A6 155 ly của thiết giáp được lịnh bắn hủy diệt mục tiêu trước. Kế đến các pháo đội 155 ly của binh chủng pháo binh dập tan nát các cứ điểm nằm trên phòng tuyến của địch thiết lập dọc theo con sông Cần Thơ tới Rạch Ô Môn.

*****

1-3-2039. 06:00 giờ. Lệnh tấn kích được ban ra từ ” đích thân ”, danh hiệu truyền tin của vị tư lệnh chiến dịch xuống tới các tư lệnh sư đoàn, rồi từ đó lan ra chiến đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và cuối cùng tới binh nhất Bé, người lính khinh binh của tiểu đội 1, trung đội 3, đại đội 2, tiểu đoàn 2, chiến đoàn 3, sư đoàn 1 đang đóng dọc con sông Cần Thơ, tại một địa điểm có tên Nhơn Thọ.

– Xung phong…

Súng mở tự động, dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau mươi thước, sĩ quan, hạ sĩ quan cũng như lính binh nhì mới được tuyển mộ của tiểu đoàn 3 dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Hương ào ạt vượt sông Cần Thơ bằng các cây cầu dã chiến do công binh thiết lập. Súng đủ mọi loại từ M16, M14, AK47, TAR-21, đại liên 12 ly 7 hạ càng, trung liên, tiểu liên, phóng lựu M79, bazooka, hỏa tiễn cầm tay bắn trực xạ; lính của hai bên lăn xả vào nhau đánh cận chiến trong giao thông hào, địa đạo, hố cá nhân, công sự. Các phóng viên chiến trường theo sát Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc đã mục kích những trận đánh xáp lá cà ác liệt hơn hẳn những gì họ thấy trong phim ảnh. Xác người chết nằm đầy trên đồng ruộng. Máu chảy loang đỏ đất. Tiếng súng tạm ngưng vào lúc 17:00 giờ cùng ngày. Vòng vây xiết chặt thêm. Lính của Phú Quốc hò reo khi biết họ chỉ còn cách trung tâm thị xã Cần Thơ tám cây số. Ít ra máu, mồ hôi và nước mắt chảy đã đem lại kết quả. Hai ngày nữa thôi, trong bọn họ có người sẽ kéo lá cờ tự do và dân chủ lên trên nền trời của Cần Thơ: thủ phủ của vùng Hậu Giang.

 

 

40.

22:22 giờ. 1-3-2039.

Hai đại đội của tiểu đoàn 3 cộng với ba đại đội thuộc tiểu đoàn 1 thành ra năm đại đội, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Nhiều, lấy quốc lộ 91 làm chuẩn lặng lẽ tiến quân. Đêm lấp lánh ánh sao. Từ lính tới quan đều mang M16 với hai cấp số đạn. Ngay cả Nhiều ngoài Colt45 còn chơi thêm khẩu M79 và chục viên đạn phóng lựu nữa. Đường 91 chạy dọc theo sông Hậu san sát nhà dân. Hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 3 do thiếu tá Nhiều điều động đi chính giữa. Thằng 1 và 2 thuộc tiểu đoàn 1 do đại úy Hành, tiểu đoàn trưởng chỉ huy đi bên trái, còn thằng 3 của trung úy Nhân đi bên phải. Hạ sĩ nhất Bé với hai người lính khinh binh được lịnh đi trước dọ thám tình hình. Đang đi Bé chợt ngừng lại nghe ngóng rồi thì thầm với hai người lính của mình là binh nhất Can và Ảnh.

– Hai thằng bây nghe cái gì không?

Trong đêm tối yên lặng mơ hồ như có tiếng động rì rầm mỗi lúc một rõ dần dần.

– Hình như…

Can ngập ngừng rồi lát sau mới lên tiếng.

– Hình như xe nhà binh anh Bé… Anh nghe lại coi…

Bé ngồi thụp xuống rồi ép tai sát mặt đường nhựa. Anh như nghe được mặt đường rung rinh nhè nhẹ cùng với tiếng bánh sắt lăn. Ý nghĩ bật ra như tia lửa điện nẹt, Bé thì thầm.

– Lùi… lùi lại… Tăng… tăng…

Hai tiếng tăng tăng làm cho hai người lính khinh binh sảng hồn. Bé ra lịnh thật nhanh.

– Hai thằng bây rút về báo cho tiểu đoàn trưởng biết tụi nó có tăng nằm cản đường. Tao ở lại đây canh con cua sắt này…

Lãnh lệnh Can với Ảnh dọt lẹ về sau. Sau khi nghe hai người lính khinh binh báo thấy thiết giáp nằm trên đường tiến quân của  mình, đại úy Hành lập tức ra lệnh cho thiếu úy Ảnh, trung đội trưởng trung đội tác chiến điện tử kéo nửa tiểu đội được trang bị hỏa tiễn diệt tăng đi theo hai người lính khinh binh về chỗ của Bé đang nằm.

– Nó đó thiếu úy… Chiếc T55 này khó chơi lắm. Mình lạng quạng nó cán mình dẹp như bánh tráng…

Bé thì thầm. Ảnh gật đầu im lặng quan sát khối sắt khổng lồ đang nằm chắn gần hết con đường tráng nhựa. Muốn lấy đường về phi trường Cần Thơ anh phải diệt con cua sắt này trước nhất. Tịch thu được của địch mấy khẩu B72 anh muốn đem ra dùng song hơi ngần ngại không biết loại hỏa tiễn diệt tăng này có đủ sức bắn cháy chiếc xe tăng bự chồ vồ này không nữa.

– Mày nghĩ mình bắn cháy nó không Tiến?

Ảnh hỏi hạ sĩ nhất Tiến, toán trưởng toán lính chuyên dùng hỏa tiễn diệt tăng của tiểu đoàn. Tiến chưa vội trả lời vì mãi ngắm nghía chiếc thiết giáp đang nằm im trên mặt đường. Tuy nó bất động song họng đại bác lại chỉa về phía anh như hăm dọa.

– Thiếu úy muốn tui xài thứ nào. Javelin hay B72 mà mình mới lấy được?

B72 là loại hỏa tiễn một người sử dụng được chế tạo bởi Nga Sô dưới cái tên 9M14 Malyutka hoặc AT-3 Sagger. Nó được bộ đội cộng sản bắc việt đem ra dùng trong chiến tranh Việt Nam và vẫn còn được xài cho tới bây giờ. Trong khi Javelin là tên gọi của hỏa tiễn diệt tăng được chế tạo bởi hai hãng Raytheon/Lockheed Martin của Hoa Kỳ giá khoảng 250 ngàn đô la một trái. Do đó mỗi trung đội tác chiến điện tử chỉ được cung cấp có hai trái và chỉ được dùng trong trường hợp quan trọng thôi.

Bé vọt miệng xen vào.

– Thôi mình chơi hai thứ luôn cho chắc ăn… Bắn một mà không diệt được là nó quạt mình banh càng…

Tiến nhẹ lắc đầu.

– Tao nghĩ một trái B72 cũng đủ đốt tiêu chiếc T55. Bắn Javelin uổng lắm. Mình có nhiều B72 hơn…

Khẽ gật đầu Ảnh liếc nhanh Tiến rồi im lìm suy nghĩ. Tiến chợt thì thầm.

– Lấy được chiếc T55 này mình chạy cái vèo vào phi trường Cần Thơ… Tụi nó chới với liền…

Bé nhìn lom lom Tiến. Anh nghĩ thằng này khật khùng. Làm sao mười người lính lại đánh chiếm được chiếc xe tăng có hỏa lực mạnh hơn một đại đội. Lạng quạng nó cán nát thây. Còn Ảnh mỉm cười vì ý nghĩ điên khùng và liều mạng người lính dưới quyền chỉ huy của mình.

– Mày nghĩ mình làm được không?

Tiến gật đầu lia lịa khi nghe của cấp chỉ huy hỏi.

– Tui thấy trong phim họ làm hoài. Tăng coi dậy chứ yếu xìu. Nó có súng dài súng bự bắn ở xa thì ngon lành chứ mình áp sát vào thì nó bắn làm sao được…

Ảnh gật gù nghĩ Tiến nói cũng có lý.

– Mày nói tao nghe cũng lọt lỗ tai… Đâu mày nói cách nào mà mình lấy được chiếc tăng…

Đưa trái lựu đạn khói lên Tiến nói thật lẹ.

– Tôi với thằng Mền lén bò tới sát vách chiếc tăng xong bỏ lựu đạn khói vào. Bị ngộp khói là tụi bộ đội sẽ bò ra ngoài…

Ảnh ngậm miệng không dám cười vì ý kiến ngộ nghĩnh của Tiến.

– Mày làm đi… nhớ cẩn thận… Bể là nó bắn mình nát xương…

Gật đầu Tiến ngoắc Mền. Hai đứa bỏ hết mọi thứ chỉ mang theo M16 và lựu đạn bò từ từ lại gần chiếc tăng. Nằm dán người sát lề đường, Ảnh cũng cố ngóc đầu lên nhìn theo bóng hai người lính biến mất trong đêm tối. Anh nghe trống ngực của mình đập ình ịch vì hồi hộp lẫn lo âu.

Nằm cách Mền chừng hai bước, Tiến, khi bò lúc ngừng, cố không gây ra tiếng động nào, chậm chạp lại gần chiếc T55 đang đậu. Anh biết nếu rủi bị địch thấy thời kể như tàn mạng, không có cơ hội sống sót vì đang ở trong thế bò với súng trên tay anh chỉ còn nằm chịu chết chứ vô phương bắn trả  lại kẻ địch. Nếu biết anh đang bò lại gần địch chỉ cần miết cò khẩu 7 ly 62 hoặc quẳng ra trái lựu đạn thì coi như anh hổng còn gặp lại vợ con. Nghĩ tới trái lựu đạn rơi bịch trước mặt mình Tiến sợ tới độ cứng người và nước miếng ứa ra chua lè khiến anh muốn ói nằm im không cục cựa. Ló đầu lên nhìn, Ảnh thấy thằng lính dưới quyền chỉ huy của mình đang dán mình trên mặt đường nhựa. Đêm nay không có trăng nhưng lại có sao và lại có rất nhiều sao sáng làm cho mặt đường như sáng rực vì thế rất dễ dàng cho kẻ địch ngồi trên cao nhìn xuống sẽ thấy rõ người đang bò dưới đất.

– Sao đâu mà nhiều vậy… Lạy trời có nhiều mây…

Ảnh lẩm bẩm câu trên.

– … Hay là nó sợ quá hổng dám nhúc nhích…

Muốn bò lên tiếp cứu đồng đội nhưng anh lại nằm im không nhúc nhích vì biết nhào lên lúc này sẽ banh thây vì lựu đạn hoặc hứng chừng chục viên đạn phòng không 7 ly 62.

– Bò lên… bò lên đi…

Ảnh nói thầm như thúc giục. Anh thở ra cái khì khi thấy hai người lính của mình di động rồi sau đó dán sát người vào bên hông chiếc tăng đang nằm im.

Lưng dán vào dây xích chiếc thiết giáp Tiến hít hơi dài lấy lại bình tịnh cố nhớ về những gì đã học ở các lớp huấn luyện chuyên môn chống tăng đặc biệt tăng của Nga Sô. Chiếc thiết giáp khổng lồ này, ở bên ngoài tính từ dưới đất lên có ba tầng riêng biệt. Tầng thấp nhất là bánh xích sắt. Tầng thứ nhì là một bệ sắt vừa che bánh xích sắt vừa làm chỗ đi lại cho lính. Tầng trên cùng là pháo tháp gắn khẩu đại bác 100 ly và khẩu đại liên phòng không 7 ly 62. Hai ụ súng này thông xuống hầm và được đậy kín bằng cái nắp sắt. Muốn đánh chiếm chiếc tăng bằng sắt bít bùng này anh phải mở được cái nắp hầm để quăng lựu đạn xuống. Nghĩ tới đó anh khom người tính đặt chân mặt lên bánh xích sắt của xe tăng để ló đầu lên nhìn thật nhanh. Tuy nhiên bánh xích sắt hơi cao mà anh lại thấp lùn thành ra không bước lên được. Thấy vậy Bền phải khom người đưa hai tay ra để Tiến đạp lên rồi nhân đó lấy đà bước lên cái bệ sắt. Ngồi im giây lát Tiến mới chầm chậm ló đầu lên. Dù chỉ nhìn thoáng qua anh cũng thấy được cái bóng người đang ngồi chênh vênh cạnh khẩu đại liên phòng không đang quay nòng về phía trước. Ngồi thụp xuống lại chỗ cũ anh đưa tay ra cho Bền nắm lấy đà leo lên bệ sắt.

– Có một thằng ngồi ngay trên đầu mình…

Vừa thì thầm Tiến vừa đưa tay chỉ lên trên. Bền gật đầu. Tiến thì thầm tiếp.

– Mày bắn gục nó còn tao quăng lựu đạn…

Bền gật đầu nhận lệnh. Hai người lính đứng phắt dậy. Cắc bùm… Bền nổ liên tiếp ba phát súng vào bóng người đang ngồi gục đầu ngủ nơi ụ súng đại liên 7 ly 62, trong lúc Tiến rướn người lên cao hơn đủ để thấy lỗ trống mờ mờ cho anh buông trái lựu đạn khói vào.

– Lựu đạn… lựu đạn…

Từ trong hầm của chiếc T55 có tiếng người la thất thanh kèm theo tiếng nổ bụp. Tiến bóp cò khi thấy cái nón sắt hiện ra nơi lỗ hổng cùng lúc hét lớn ra lệnh cho Bền.

– Lên…

Mấy năm qua từng tập luyện cách đánh tăng, Bền nhào lên ụ súng đại bác. Bằng… bằng… bằng… Khẩu M16 nhả từng viên một vào lổ trống có cái nón sắt ló lên. Chiếc T55 thường có bốn người, gồm một xạ thủ khẩu đại liên phòng không 7 ly 62, một xạ thủ với một người tiếp đạn cho khẩu đại bác 100 ly và trưởng xa. Người xạ thủ đại liên đã bị bắn gục đầu tiên, còn trưởng xa khi nghe súng nổ vừa ló đầu lên đã bị bắn té xuống không kịp đậy nắp hầm lại. Mừng rỡ Bền nhào tới. Buông trái lựu đạn khói rơi xuống hầm xong anh lập tức đậy nắp lại cốt ý bắt kẻ địch phải ở luôn trong hầm ngửi khói. Bên kia Tiến cũng nhào lên pháo tháp của khẩu 7 ly 62 đậy nắp hầm lại đồng thời hờm khẩu M16 sẵn sàng nổ nếu địch quân mở nắp chui ra. Anh nghe tiếng ho sặc sụa và nắp hầm động đậy như hai người lính bên trong cố gắng mở nắp hầm thoát ra ngoài vị bị sặc khói.

– Xung phong…

Ảnh cùng với toán lính còn lại ào lên đường bao lấy chiếc T55. Hai ba người leo lên pháo tháp để giúp đồng đội. Lát sau đoán chừng lính bên trong ngộp khói xỉu hết rồi Ảnh mới ra lịnh mở nắp hầm. Thấy bên trong im lìm, Bé với Tiến bạo gan leo vào trong hầm còn Ảnh gọi máy báo cáo cho cấp chỉ huy. Biết tin lính lấy được chiếc xe tăng của địch, đại úy Hành mừng rỡ cho trung úy Nhân chỉ huy hai đại đội 2 và 3 tháp tùng theo chiếc T55 thọc sâu vào đất địch. Riêng các đơn vị còn lại cũng tiến theo sau. Đóng tạm bộ chỉ huy tại Bình Thủy, thiếu tá Nhiều bàn với Hành.

– Mình đang ở Bình Thủy. Để làm cho địch bối rối và sợ hãi, tôi tính như thế này. Anh dẫn một đại đội bọc theo mé sông đánh chiếm Cái Khế và chiếm luôn chiếc cầu bắt qua sông Hậu. Địch mà biết mình đã chiếm cầu Cái Khế và phi trường Cần Thơ thời sẽ hoảng loạn rút về cố thủ ở bộ tư lệnh. Như vậy đở cho mình phải đánh mà địch cũng chạy…

Nghe chiến đoàn phó nói có lý, Hành ra lệnh cho ba cánh quân đồng lúc di chuyển. Hai đại đội 2 và 3 do đại úy Bân, tiểu đoàn phó tháp tùng theo chiếc T55 đánh vào phi trường Cần Thơ. Hai đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn 3 tăng phái dưới sự điều động của thiếu tá Nhiều, chiến đoàn phó tiến chiếm ngã ba; còn đại úy Hành thân chỉ huy đại đội 1 đánh cầu Cây Khế. Tiếng súng nổ rền khắp nơi ở chu vi ngoại thành tỉnh lỵ Cần Thơ lúc 05:00 giờ ngày 15 tháng 12 năm 2039. Bị đánh thức vì tiếng súng nổ dân chúng, lớp túa ra khỏi nhà xem đánh nhau còn lớp lo chuẩn bị tản cư.

*****

06:00 giờ. 2-3-2039.

Vừa thức dậy chưa kịp uống cà phê, đại tá Đăng, tư lệnh sư đoàn 2 thấy trung tá Em, tham mưu trưởng hấp tấp bước vào cười nói oang oang.

– Tư lệnh… Tôi được tin một đơn vị của chiến đoàn 3 đã chiếm phi trường Cần Thơ cũng như cầu Cây Khế rồi. Ông Hiệu gọi máy báo với tôi là một cánh quân của ổng lấy được chiếc T55 của địch. Nhờ vậy mà họ đã tiến vào không gặp trở ngại…

Vừa nghe tới đó, đại tá Đăng bốc máy báo cho tướng Khải. Được tin vị tư lệnh tức tốc ra lệnh cho bốn vị tư lệnh sư đoàn tiến quân. Từ lính tới quan khi nghe quân của họ đã vào tận thành phố nên tinh thần lên cao ào ạt tấn công vào phòng tuyến của địch bất chấp thiệt hại. Phần đại tá Đăng cũng ra lịnh cho chiến đoàn 2 tiến đánh phi trường Trà Nóc còn chiến đoàn 1 nội chiều nay phải có mặt ở địa điểm tên Giai Xuân nằm trong chu vi quận Cần Thơ. Trong lúc đó sư đoàn 1 của đại tá Thành với ba chiến đoàn cũng đồng loạt tấn kích vào Long Tuyền. Riêng hai sư đoàn 3 và 4 với 6 chiến đoàn xung kích kéo pháo và xe tăng theo quốc lộ 1 tiến đánh Cái Răng để mở đường vào tỉnh lỵ Cần Thơ.

Đang chỉ huy lính đánh vào cầu Cây Khế, đại úy Hành được lệnh ngưng tấn công chờ quân tiếp viện tới. Nửa giờ sau ông ta cùng với lính thoáng thấy đoàn xe ầm ầm kéo tới. Chạy đầu là chiếc M1A2 Abrams. Đi sau chiếc tăng nặng 54 tấn này là hai chiếc M113 chở theo mấy tiểu đội lính. Cuối cùng là chiếc  Bradley Fighting Vehicle được trang bị đại bác 25 ly và đại liên 7 ly 6 với giàn hỏa tiễn Tow có hai ống phóng để chống thiết giáp. Thứ hỏa tiễn này đủ sức hủy diệt bất cứ loại chiến xa nào lọt vào tầm bắn xa bốn cây số của nó. Cuối cùng là hai chiếc xe kéo hai khẩu đại bác 155 ly. Với lực lượng hùng hậu đó khỏi cần nói dài dòng, đơn vị của ông ta chiếm giữ cầu Cây Khế chỉ tốn một phát đạn đại bác bắn dọa lính giữ cầu.

*****

18:00 giờ. 5-3-2039. Trung tá Nguyễn Đình Hiệu, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 xung kích thuộc sư đoàn 2 bộ binh cùng với các sĩ quan tham mưu của chiến đoàn đứng trên cầu Cây Khế bắc ngang qua dòng sông Hậu. Xa về hướng đông bắc là Sài Gòn, thành phố đông dân nhất của miền Nam, mục tiêu sắp tới của chiến dịch. Sài Gòn không còn xa lắm. Hai trăm cây số thôi. Nó ở trong tầm mắt của người lính Việt Nam sắp trở lại thành phố thân yêu của mình.

Trang 4

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.