36.
18:00 giờ.
31-12-2039.
Kể từ khi quần đảo Nam Du chịu sự kiểm soát của nước Việt Nam ở Phú Quốc thời hải cảng bốc dỡ hàng hóa và than đá của công ty Tân Tạo vẫn được phép hoạt động bình thường vì lợi ích chung của cả hai nước và dân chúng trong vùng hậu giang. Công ty Tân Tạo chỉ phải nộp thêm thuế 5% trên lợi tức hằng năm. Tàu lớn vẫn đều đặn cập bến Nam Du để bốc dỡ hàng hóa và than đá. Tàu nhỏ vẫn được phép chuyển hàng từ cảng Nam Du vào Kiên Lương. Có một thay đổi mà nếu không chịu để ý quan sát người ta sẽ không thấy được. Đó là sự vắng mặt của các chiến hạm hải quân vùng 5 thuộc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên Vịnh Thái Lan và nhất là vùng ven biển hai tỉnh Rạch Giá và Cà Mau. Dường như sau cuộc hải chiến ở Côn Sơn, hải quân vùng 5 dưới quyền chỉ huy của tướng Uyển đã âm thầm rút hết lực lượng tàu bè ra khỏi Vịnh Thái Lan về đóng ở Cần Thơ để tránh đụng chạm với hải quân địch vốn trên cơ mình rất nhiều.
Đoàn tàu gần trăm chiếc chở than đá và hàng hóa từ từ tách bến Nam Du. Với vận tốc mười mấy cây số một giờ, các tàu chuyên chở này sẽ tới Vịnh Ba Hòn vào lúc hừng sáng. Có một điều không ai biết, thay vì chở than đá hoặc hàng hóa từ cảng Nam Du vào bờ thì lần này đoàn tàu lại không có chở gì hết. Khi đoàn tàu trống trơn hàng hóa này đi được nửa đường, các thủy thủ trên tàu trông thấy mấy chục chiến hạm không có treo cờ của nước nào xuất hiện trên mặt biển đen mờ. Các chiến hạm này chạy xen kẻ rồi cặp sát vào đoàn tàu chở than đá của công ty Tân Tạo. Lát sau đoàn chiến hạm lại tách ra và biến mất trong đêm tối. Khi gần tới bờ, đoàn tàu chở than đá và hàng hóa tách ra làm hai toán. Toán thứ nhất đổi hướng đi về Hà Tiên, còn toán thứ nhì vẫn giữ nguyên lộ trình tới Vịnh Ba Hòn. 23:00 giờ. Đoàn tàu chở than đá từ từ cặp vào cầu của nhà máy điện Tân Tạo tại Vịnh Ba Hòn. Mấy ngàn người mặc quân phục rằn ri mang súng ống đầy đủ nhanh nhẹn leo, nhảy xuống cầu xong tập họp thành đội hình tề chỉnh. Họ là lính của chiến đoàn 1 xung kích thuộc sư đoàn 1 của nước Việt Nam trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Dưới quyền chỉ huy của trung tá Thạnh, chiến đoàn trưởng; đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 1 phân tán mỏng thành từng trung đội và tiểu đội chiếm đóng, kiểm soát nhà máy phát điện; còn ba tiểu đoàn 1, 2 và 3 âm thầm kéo về thị trấn Hòn Đất, nơi có bộ chỉ huy của sư đoàn 4 bộ binh.
– Đi… đi… mấy em đi lẹ lên… Mình phải tới bộ tư lệnh của sư đoàn 4…
Tăng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 thúc lính đi như chạy. Mang ba lô, súng với ba trăm viên đạn, lính ráng theo kịp cấp chỉ huy. Trung úy Uyên, đại đội trưởng đại đội 1 hỏi trong lúc di quân.
– Mình đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn thưa tiểu đoàn trưởng?
– Ừ…
– Chỉ có ba tiểu đoàn trừ mình làm sao đánh được tiểu đoàn trưởng…?
– Ba tiểu đoàn đủ rồi… Mình úp tụi nó một cách bất ngờ nên không cần đông… Hổng lẽ mấy em sợ…?
Lính xung kích của tiểu đoàn 1 lắc đầu. Tự ái của người lính thuộc đơn vị kỳ cựu nhất trong sư đoàn không cho phép họ để lính địch cười chê. Bảy năm nay họ đã khổ công tập luyện, thao dượt để được có mặt trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn ngày hôm nay. Phải nói là họ trông chờ ngày đặt chân lên đất liền giải phóng đồng bào ra khỏi sự cai trị của cộng sản. Không có xe nhà binh, quân xa thì lính chạy.
– Đó… Xã Bình Sơn… Thị trấn Hòn Đất đó…
Bân, vốn sinh quán ở Hà Tiên, cấp bậc trung sĩ nhất, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 giơ tay chỉ vào chỗ đèn điện sang sáng. Gật gật đầu, nhìn đồng hồ thấy chỉ 23:55 giờ ngày 31 tháng 12 năm 2038, tức còn 5 phút nửa mới tới tết dương lịch, Tăng bốc máy gọi cho Chiêm, đại đội trưởng đại đội 4.
– 4 đây Tango… 4 đây Tango … nghe rõ trả lời…
Giọng của trung úy An, đại đội trưởng đại đội 4 vang rõ mồn một trong tần số liên lạc nội bộ tiểu đoàn.
– 4 nghe Tango…
– 5 phút nữa tới giờ hẹn rồi rồi… Bốn làm ơn tắt đèn đi…
– 4 nhận Tango 5/5…
Phút sau đèn trong thị trấn Hòn Đất chợt tắt ngóm. Bốc máy Tăng liên lạc với trung tá Thạnh ở bộ chỉ huy chiến đoàn 1 đang trên đường tới thị trấn Hòn Đất.
– Thạnh Phú… Thạnh Phú… đây Tango… nghe rõ trả lời…
– Thạnh Phú nghe Tango…
– Trình Thạnh Phú… Sắp tết tây rồi… Thạnh Phú cho gà cồ gáy đi…
– Thạnh Phú nghe Tango…
Phút sau, đúng 00: 00 giờ ngày 1 tháng 1 năm 2039, nhìn ra ngoài biển khơi lính của tiểu đoàn 1 đều thấy ánh sáng chớp chớp chứng tỏ cuộc hải pháo của các chiến hạm vào bộ tư lệnh của sư đoàn 4 bắt đầu. Mười lăm phút sau hải pháo thưa dần rồi ngưng hẵn. Trung tá Thạnh hét trong tần số nội bộ của chiến đoàn 1 xung kích.
– 1, 2, 3 đây Thạnh Phú… Gà cồ gáy xong rồi… Go…
Lính của ba tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 xung kích từ bốn hướng đông tây bắc nam tấn kích thẳng vào hệ thống phòng thủ bộ tư lệnh của sư đoàn 4. Súng nổ rền trời đất. Ăn mừng tết tây xong còn chưa tỉnh táo thêm bàng hoàng và sợ hãi vì trận hải pháo không biết từ đâu bắn tới, nay lại thấy toán lính lạ không sợ chết ào vào; quan với lính thuộc tiểu đoàn phòng vệ bộ tư lệnh sư đoàn 4 trở nên bối rối và hoảng loạn. Điều này cũng không có gì lạ. Hơn năm chục năm nay họ có bao giờ đánh với ai đâu thành ra chểnh mảng chuyện chiến trận. Huống chi toán lính lạ này trang bị vũ khí tối tân và kinh nghiệm nhiều hơn họ. Sau khi làm chủ tình hình và kiểm soát căn cứ bộ tư lệnh của sư đoàn 4, tra hỏi tù binh Thạnh và ba tiểu đoàn trưởng mới biết vị đại tá tư lệnh sư đoàn không có mặt tại căn cứ vì phải đi họp với tư lệnh quân đoàn ở Cần Thơ. Tư lệnh phó thì bận về Sài Gòn ăn tết với gia đình. Còn tham mưu trưởng bị chết trong đợt hải pháo đầu tiên của các chiến hạm. Không có ai trực tiếp chỉ huy và điều động tiểu đoàn bảo vệ căn cứ cho nên binh sĩ phòng thủ buông súng đầu hàng lẹ hơn. Điện cúp thành ra hệ thống liên lạc bị gián đoạn vì vậy mà bộ chỉ huy của các trung đoàn trực thuộc sư đoàn 4 không hay biết tin bộ tư lệnh sư đoàn đã bị đánh úp và bị chiếm đóng.
05.00 giờ. Đoàn quân xa buông màn kín mít chạy từ từ vào tỉnh lỵ Rạch Giá. Một chiếc quân xa dừng ngay trước cửa của văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh. Toán lính mặc quân phục rằn ri đội nón sắt trên có sơn lá cờ nhỏ màu vàng ba sọc đỏ ào vào. Chỉ trong vòng 24 giờ, tỉnh lỵ Rạch Giá và 7 quận trong tổng số 13 quận của tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao, Kiên Lương và Vĩnh Thuận đều nằm trong vòng kiểm soát của quân lực nước Việt Nam ở Phú Quốc. Các trung đoàn trực thuộc sư đoàn 4 đều nao núng tinh thần khi nghe bộ tư lệnh sư đoàn đã thất thủ. Nhiều trận giao tranh ác liệt và đẫm máu xảy ra giữa hai bên trong vùng trách nhiệm của sư đoàn 4. Cuối cùng không chịu nổi tổn thất nhân mạng và tinh thần bị nao núng, các trung đoàn 1, 2 và 3 của sư đoàn 4 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải rút chạy về Long Xuyên và Cần Thơ.
*****
Gò Quao.
07.00 giờ.
5-1-2039.
Tiếng máy xe nhà binh và thiết giáp nổ rì rầm. Lính của chiến đoàn 3 xung kích đã thức từ sớm có lẽ từ 4 giờ sáng để lo cơm nước và chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành quân mà họ biết sẽ không chấm dứt sớm. Ngoài lực lượng tăng phái từ các tiểu đoàn cơ hữu, mỗi sư đoàn bộ binh còn được tăng viện thêm một tiểu đoàn thiết giáp và một tiểu đoàn pháo binh đi theo yểm trợ. Chiến đoàn 3 xung kích được một chi đoàn thiết giáp và một pháo đội của binh chủng pháo binh tháp tùng. Tất cả đều chịu sự chỉ huy và điều động của Tây Ninh, danh hiệu truyền tin của trung tá Tây, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 xung kích của sư đoàn 1. Vốn là sĩ quan của bộ binh Hoa Kỳ, sau khi giải ngũ với cấp bậc đại úy, đi du lịch Phú Quốc ông ta gặp Hãn rồi tình nguyện gia nhập bộ binh của nước Việt Nam. Sau bốn năm phục vụ, ông ta được thăng trung tá và trở thành chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 xung kích, một trong những đơn vị kỳ cựu của bộ binh Việt Nam.
Vì không đủ xe do đó lính tiểu đoàn 1 của thiếu tá Tăng được ưu tiên ngồi quân xa đi trước với nhiệm vụ chiếm đóng Vị Thanh làm đầu cầu cho các đơn vị lội bộ theo sau tiến về Cần Thơ. Xe chạy trên đường nối liền Gò Quao với Sóc Cạn được tráng nhựa êm ru. Lính cố gắng ngủ thêm được chút nào hay chút đó vì biết họ sẽ không có nhiều dịp để ngủ trong những ngày sắp tới. Được tiểu đoàn trưởng nói cho biết sẽ đi Cần Thơ, lính háo hức và nôn nóng. Người nào sinh ra và lớn lên ở Mỹ thì tưởng tượng tới thành phố hoa lệ đồng thời thủ phủ của miệt Hậu Giang. Còn người nào sinh ra và trưởng thành ở trong nước cũng náo nức không kém.
– Cần Thơ có gì vui tụi bây?
Thượng sĩ An, người lính già tuổi lính nhất của đại đội 1 lên tiếng hỏi. Chấn, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 ngập ngừng giây lát mới trả lời.
– Cái gì cũng vui hết ông thầy?
Hừ tiếng nhỏ An hỏi Chấn.
– Mày quê ở đâu?
– Dạ tỉnh Tiền Giang…
– Tỉnh Tiền Giang ở đâu?
– Mỹ Tho đó ông thầy…
Ông thượng sĩ già lại hừ tiếng nhỏ.
– Mỹ Tho thì kêu đại Mỹ Tho đi bày đặt đổi làm gì ra Tiền Giang. Mấy cha nội cộng sản Việt Nam đã dốt mà lại ngu thêm ngoan cố nữa. Như cái tên Sài Gòn đã đẹp và có lịch sử mấy trăm năm. Rồi năm 1975 mấy cha nội lại đặt cho cái tên Hồ Chí Minh. Mấy chả không biết cả thế giới cười vào mặt người Việt Nam vì đem cái tên của thằng điếm thúi, chuyên lừa bịp và gian ngoa xảo trá hổng ai bằng mà đặt tên thay cho thành phố Sài Gòn. Tụi nó nói Hồ Chí Minh chửa vợ mà hóa ra vợ có chửa có con. Tụi nó nói Hồ Chí Minh suốt đời độc thân, hy sinh cho dân cho nước thì bây giờ lại lòi ra vị cha già của tụi nó có năm bảy bà vợ bé, vợ lẽ, đào tơ, bồ nhí. Biết hố to lầm lớn mà tụi nó cũng hổng chịu sửa sai, dẹp cha cái tên Hồ Chí Minh đi… Đúng là thứ mặt dầy…
Ngồi ở băng trước cạnh tài xế, trung úy Biền, đại đội trưởng đại đội 1 tủm tỉm cười khi nghe ông thượng sĩ phát ngôn. Ông ta ức cũng phải. Sau 75 bị gọi là con của lính Ngụy, sinh ra ở Sài Gòn, ông ta đã sống thời gian dài dưới sự cai trị độc tài bất nhơn của cộng sản. Bởi vậy sau này theo cha mẹ vượt biên sang Hoa Kỳ, khi đủ tuổi và đủ điều kiện ông ta đăng lính liền. Tham dự hai mặt trận ở Iraq và A Phú Hãn, bị thương rồi được giải ngũ, ông ta lại tình nguyện vào bộ binh Phú Quốc và hôm nay có mặt trong đoàn quân đánh chiếm vùng Hậu Giang, bước đầu tiên trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn.
– Khi vào tới Cần Thơ tao bao tụi mày một chầu nhậu ở bến Ninh Kiều… Có đứa nào sinh đẻ ở Cần Thơ?
– Tui ông thầy?
Binh nhất Kiên lên tiếng. Như những người khác, Kiên cũng là dân vượt biên song không phải vượt biên sang Mỹ mà vượt biên sang Phú Quốc. Sau khi nước Việt Nam và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đoạn giao, có rất nhiều dân ở Rạch Giá, Long Xuyên, Cà Mau, từng làm việc cho các công ty hãng xưởng ở Phú Quốc đã bí mật tổ chức vượt biên để tìm tự do và một đời sống khá giả hơn. Kiên là một trong số người đó. Theo gia đình sang An Thới lúc lên mười, tám năm sau anh đầu quân vào lính, vừa có chỗ ở và lương căn bản mà không sợ bị thất nghiệp.
Đoàn công voa chở hai đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn 1 đang chạy bỗng tắp vào lề. Xuyên qua máy truyền tin nội bộ, Biền biết đơn vị xung kích của đại đội đang chạm địch sau khi chiếc quân xa chạy đầu bị trúng mìn. Lính được lệnh xuống xe rồi tản mác ra hai bên đường. Kiên, trung sĩ nhất phụ tá của An lên tiếng.
– Điệu này chắc mình phải cuốc bộ tới Cần Thơ hả tía?
An cười gục gặt đầu.
– Tao chắc vậy. Lội bộ tuy cực mà an toàn hơn ngồi xe… Trúng mìn là mình nát như tương…
Trung sĩ Kiệm, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 lên tiếng.
– Sao hổng thấy máy bay của tụi nó hả ông thầy?
– Mày đừng có nhắc… xui lắm…
Kiệm cười khặc khặc khi nghe ông thượng sĩ mê tín dị đoan. Vừa lúc đó có tiếng rì rầm vọng lên ở hướng bắc. Lính ngước lên trời cao ngóng máy bay của địch.
– Đó… đó…
Đứng sổng lưng, Biền thấy bóng chiếc máy bay thấp thoáng trong đám mây rồi lát sau nó cắm đầu lao xuống.
– Máy bay…
Thượng sĩ An hét toáng lên. Không đợi lệnh lính nhào vào hai bên đường vừa đúng lúc chiếc trực thăng võ trang cắm đầu xuống. Ánh lửa nháng sáng rực hai bên hông của nó. Đạn cày trên đường tráng nhựa bắn vào mặt An rát rạt. Lính bộ kỵ, nhất máy bay, nhì pháo, ba tăng. Với hỏa lực khủng khiếp, tốc lực nhanh, trực thăng trở thành sát thủ của lính bộ mặc dù họ cũng có loại hỏa tiễn cầm tay chống trực thăng.
– Hỏa tiễn… tên lửa… missiles… rockets… tụi bây…
Thượng sĩ An hét oang oang bằng cả hai thứ tiếng Việt Mỹ. Sau khi chiếm đóng bộ tư lệnh sư đoàn 4 ở Hòn Đất, lính của chiến đoàn 1 đã tịch thu được một số ít hỏa tiễn chống máy bay gồm có hai loại là SA-7 và SA-9. Họ chia cho các chiến đoàn khác xài chơi cho biết khí giới của Nga Sô. SA-7 là loại cũ xuất hiện từ thời chiến tranh Việt Nam song cũng được quân đội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tồn trữ cho tới bây giờ. Còn loại SA-9 mới hơn trở thành thông dụng và hiệu quả cho các lực lượng du kích để chống lại máy bay. Tuy nhiên loại này có một khuyết điểm không bắn rơi được phản lực cơ chiến đấu với tốc lực nhanh. Cũng may cho lính của tiểu đoàn 1 đã gặp phải loại trực thăng võ trang chứ không phải phản lực cơ chiến đấu. Chiếc trực thăng đảo một vòng tròn thật lớn. Khi nó cắm đầu xuống, súng đủ loại ở dưới đất nổ ầm ầm hòa với tiếng nổ của hỏa tiễn và đại bác của trực thăng. Trái SA9 xẹt ra nhưng không trúng mục tiêu vì người bắn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên điều đó cũng khiến cho nó sợ và bay thẳng luôn không trở lại.
– Để tao báo cáo với ông Biên xin một tiểu đội phòng không đi kèm với mình cho chắc ăn… Rủi gặp phản lực là mình banh càng liền…
An bốc máy báo cáo với trung úy Biên, đại đội trưởng xin một tiểu đội phòng không tháp tùng vì sợ sẽ gặp phản lực cơ chiến đấu. Biên gọi về tiểu đoàn rồi lát sau một chiếc xe jeep có gắn hỏa tiễn phòng không kéo đến. Vững bụng không lo máy bay nữa, Biên thúc đại đội tiến nhanh để kịp tới Vị Thanh lúc trời xụp tối.
37.
8-1-2039.
Tuần dương hạm VNT4 Như Nguyệt được dùng làm bộ tư lệnh hành quân lưu động của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Thiếu tướng Khải, tư lệnh cùng hai vị phụ tá là chuẩn tướng Kim, tư lệnh phó không quân và phó đề đốc Bạch, tham mưu trưởng hải quân đứng quanh chiếc bàn hành quân. Trên mặt bàn dài và rộng là bức bản đồ 11 tỉnh của miền tây như Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sa Đéc. Nhìn vào bốn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Châu Đốc, ai cũng thấy các vị trí quan trọng và xung yếu đều được đánh dấu bằng các quân cờ có hai màu riêng biệt. Màu vàng chỉ các đơn vị của phe quốc gia, còn màu đỏ chỉ phe cộng sản. Trong vùng trách nhiệm của sư đoàn 4 gồm các quận Năm Căn, Đầm Dơi và Cái Nước; ta thấy quân cờ vàng ghi chiến đoàn 2 đang đóng tại thị trấn Năm Căn; chiến đoàn 3 tại Đầm Dơi; chiến đoàn 1 tại Cái Nước. Ba mũi tên màu vàng được vẽ từ ba vị trí này đều cùng có một hướng tiến về thành phố Cà Mau nơi có bộ chỉ huy của trung đoàn 3, sư đoàn 8 của địch. Vùng trách nhiệm của sư đoàn 3, chiến đoàn 1 đóng tại Sông Ông Đốc, chiến đoàn 2 đặt bộ chỉ huy tại An Biên, còn chiến đoàn 3 vượt lên tới Thới Bình. Trong lúc đó sư đoàn 1 với chiến đoàn 3 xung kích đang ở Gò Quao và hướng tiến của nó là Vị Thanh. Chiến đoàn 2 xung kích đang đóng tại một địa điểm đâu đó trong quận Giồng Riềng. Còn chiến đoàn 1 đang trên đường tiến tới Tân Hiệp. Mặt trận phía tây có chiến đoàn 3 thuộc sư đoàn 2 đang trên đường tiến chiếm Núi Sập, còn chiến đoàn 2 đang ở Tri Tôn. Phần chiến đoàn 1 đang di chuyển gần tới Tịnh Biên.
Nhìn vào các mặt trận giây lát, tướng Khải mới chầm chậm lên tiếng hỏi hai vị tướng phụ tá của mình.
– Hai anh nghĩ sao?
Hớp ngụm cà phê phó đề đốc Bạch cười nhẹ.
– Theo nhận xét của tôi thì tình hình rất tốt cho ta. Chín trung đoàn chủ lực thuộc ba sư đoàn cột trụ của địch là sư đoàn 4, sư đoàn 8 và sư đoàn 330 đều bị thiệt hại nặng với hai ngàn tử thương, ba ngàn bị loại ra khỏi vòng chiến và năm trăm đầu hàng. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là tinh thần chiến đấu của địch sa sút nhiều lắm…
Chuẩn tướng Kim gật gù mỉm cười.
– Tôi đồng ý với anh Bạch về nhận xét tinh thần chiến đấu của địch xuống nhanh lắm. Tuy nhiên…
Tướng Khải quay nhìn vị tư lệnh phó không quân như chờ nghe tiếp.
– Nhân dịp tinh thần binh sĩ của địch xuống thấp, tôi nghĩ mình nên ba mặt giáp công. Dùng phi cơ oanh tạc các căn cứ lớn để phá hủy tiếp liệu của địch. Sử dụng hải pháo bắn vào các vị trí đóng quân các trung đoàn khiến cho binh sĩ các cấp thêm sợ sệt. Sau đó ta mới bắt đầu tấn công bằng quân bộ để lấy đường tiến quân về Cần Thơ…
Đang lắng nghe các đơn vị trưởng của bốn sư đoàn báo cáo về tình hình của ta và địch, đại tá Hạnh, tham mưu trưởng bộ tư lệnh chiến dịch lên tiếng liền.
– Tôi đồng ý với chuẩn tướng về đề nghị dùng phi cơ oanh tạc các căn cứ lớn hay bộ chỉ huy trung đoàn của địch. Chừng nào mình mới có máy bay thưa chuẩn tướng?
Tướng Kim chưa kịp trả lời, Hạnh chìa ra một mảnh giấy kèm theo câu nói.
– Đây là danh sách các căn cứ lớn của địch ở Hậu Giang, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Phi cơ mà đánh xụp các vị trí này địch sẽ bị thiếu hụt súng đạn liền…
Cầm mảnh giấy, chuẩn tướng Kim cười hà hà.
– Té ra anh đã soạn sẵn rồi hả… Để tôi điện thoại về bộ tư lệnh không quân nói chuyện với ông Điền. Máy bay thì chắc phải có song tôi không biết bao nhiêu…
Bước tới góc phòng dành riêng cho không quân, tướng Kim ra lệnh cho trung tá Hiện liên lạc với bộ tư lệnh ở Dương Đông. Mười phút sau Hiện cho biết sẽ có ba phi đoàn sẵn sàng thi hành nhiệm vụ. Mảnh giấy ghi các căn cứ lớn và vị trí đóng quân quan trọng của địch được mã hóa gởi về bộ tư lệnh không quân. Nửa giờ sau, mọi người nghe tiếng máy bay gầm rống trên bầu trời. Không hẹn, sĩ quan các cấp đều xách ống dòm bước ra bong tàu. Dù ở xa bờ mấy chục cây số họ cũng thấy được nhiều chiếc phi cơ nhào lộn trên vòm trời của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Rồi sau đó xuyên qua tần số liên lạc của bộ tư lệnh chiến dịch, nghe báo cáo mọi người mới biết bộ tư lệnh sư đoàn 8 của địch đóng ở Sóc Trăng đã bị oanh kích khiến cho kho săng bốc cháy và kho đạn dược cũng bị trúng hỏa tiễn. Căn cứ của trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 8 đóng ở Vị Thanh cũng bị oanh tạc và thiệt hại nặng nề. Bộ chỉ huy trung đoàn 3 đóng ở Cà Mau cũng bị một phi đội phản lực cơ chiến đấu bắn phá liên tiếp hai lần. Phần các đơn vị của ba trung đoàn 1, 2 và 3 của sư đoàn 4 đang cố thủ ở Giồng Riềng, Thới Lai, Cờ Đỏ không bị oanh tạc bằng phi cơ mà lại bị đại bác 155 ly của pháo binh dập tan nát. Sau khi nghe các báo cáo, tướng Khải đã ra lệnh cho các tư lệnh sư đoàn phải tiến quân vào ngày mai.
*****
15-1-2039.
Gò Quao.
Đại tá Thành, tư lệnh sư đoàn 1 quây ba chiến đoàn trưởng thành vòng tròn. Chỉ vào bản đồ hành quân ông ta nói thật nhanh.
– Tướng Khải vừa ra lệnh cho các sư đoàn di quân vào sáng mai. Bởi vậy tôi tính như vầy…
Ngừng lại giây lát, Thành cười nói với Quá, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 1.
– Ông dẫn ba đứa con của ông dùng quốc lộ 80 tiến tới Tân Hiệp. Cho một tiểu đoàn chiếm Núi Sập. Còn hai tiểu đoàn, một đánh Thốt Nốt và một đánh Cờ Đỏ. Ông Hiền dẫn thằng 2 từ Giồng Riềng tiến lên Thới Lai. Còn ông Tây đánh Vị Thanh…
Khoanh tròn bằng mực đỏ các vị trí như Cờ Đỏ, Ô Môn, Thới Lai, Phụng Hiệp, Nhơn Nghĩa, những cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài của quân đoàn 9, vị tư lệnh sư đoàn cười tiếp.
– Tại các vị trí này sẽ có những trận đánh dữ dội giữa ta và địch. Mới đầu bị đánh bất thần nên họ có phần nào lúng túng thành ra phản ứng chậm chạp. Sau khi lấy lại tinh thần và được điều động bởi các cấp chỉ huy họ sẽ đánh hăng hơn. Họ chỉ thua mình ở chỗ vũ khí tối tân và kinh nghiệm chiến trận vì mấy chục năm nay quen hưởng thụ rồi. Tôi nói trước để anh em động viên tinh thần của lính. Mình phải thắng dù trả bất cứ giá nào. Mình mà thua trận này thì tụi cộng sản vẫn còn được ngồi trên đầu trên cổ dân chúng và cầm quyền vài chục năm nữa. Hể cộng sản còn cai trị Việt Nam là nước mình sẽ trở thành quận huyện và dân mình sẽ làm nô lệ cho Tàu. Cái gương ngàn năm bắc thuộc chắc các anh em hổng quên…
Trung tá Hiền, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 2 cười hỏi.
– Ông Khải bây giờ đang ở đâu thưa tư lệnh?
Đại tá Thành cười rè.
– Ổng đang ở trên tàu của hải quân với hai ông tướng Kim của không quân và tướng Bạch của hải quân. Ngày mai ba ông tướng với bộ tư lệnh tiền phương mới đổ bộ lên Miệt Thứ. Tôi hi vọng họ bị muỗi cắn và đĩa bu cho biết mùi gian khổ với lính…
Mọi người đều bật cười khi biết tướng Khải, tư lệnh chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn và hai ông tư lệnh phó sẽ phải lội sình bị đĩa đeo và muỗi cắn.
– Thôi mình giải tán. Anh em cho lính lãnh tiếp liệu đi. Đơn vị nào cắm được lá cờ tự do của nước Việt Nam ta lên kỳ đài của quân đoàn 9 sẽ được thủ tướng Lê Quốc Việt mời uống chai bia mừng chiến thắng. …
Sau khi về lại bộ chỉ huy chiến đoàn, trung tá Hiền kể cho lính nghe về lời mời uống bia mừng chiến thắng của thủ tướng khiến cho ai ai cũng đều hăng hái muốn được lên tuyến đầu để vào Cần Thơ trước. Được treo lá cờ tự do lên kỳ đài của quân đoàn 9 của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là một danh dự to lớn của bất cứ người lính thuộc nước Việt Nam ở Phú Quốc, chưa kể được uống chai bia của thủ tướng Việt tặng trong lúc kéo cờ tự do lên nền trời Cần Thơ.
*****
06:00 giờ
18-1-2039.
Quốc lộ 61 khi qua khỏi cây cầu bắc ngang sông Cái Lớn sẽ chia ra làm hai nhánh. Nhánh bên phải là quốc lộ 61B. Còn nhánh bên phải là quốc lộ 61 và cũng là đường 931. Cả hai đều đi tới Vị Thanh. Sau khi tới ngã rẽ này, ba tiểu đoàn 1, 2 và 3 thuộc chiến đoàn 3 của trung tá Tây chia ra làm hai hướng tiến về Vị Thanh. Tiểu đoàn 2 với sự yểm trợ của giang tốc đỉnh của hải quân theo đường 61B tấn kích vào Nàng Mau thuộc huyện Vị Thủy, nơi đóng quân của một đơn vị thuộc trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 8 bộ binh. Sau khi chiếm được Nàng Mau, tiểu đoàn 2 sẽ đánh vào mặt nam của thị xã Vị Thanh. Trong lúc đó bộ chỉ huy chiến đoàn đi chung với tiểu đoàn 1 và 3 bắt tỉnh lộ 931 và quốc lộ 61 đánh vào hướng tây tỉnh lỵ. Vị Thanh là cứ điểm quan trọng nằm trên trục lộ giao thông của quốc lộ 61, đường 931 và tỉnh lộ 933 nối Vị Thanh với Giồng Riềng. Theo tin tình báo, Vị Thanh được phòng thủ bởi bộ chỉ huy trung đoàn 2 với một tiểu đoàn và chừng hai hoặc ba trăm lính thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Đơn vị phòng thủ này được sự yểm trợ của chiến xa với pháo binh và đại đội súng nặng cơ hữu của trung đoàn.
Tiểu đoàn 3 của thiếu tá Hương được giao cho vinh dự đi đầu. Tên của vị tiểu đoàn trưởng giống như con gái song tài đánh giặc thì hổng giống con gái chút nào. Trước khi gia nhập vào quân lực Việt Nam ở Phú Quốc, Hương là sĩ quan của sư đoàn dù của bộ binh Hoa Kỳ, từng tham chiến ở Iraq, Afghanistan và nhiều mặt trận khác nữa. Được lịnh mở đường máu vào Vị Thanh, Hương giao cho đại đội 3 do trung úy Chấn chỉ huy. Trung đội 4 của thượng sĩ Ẩn là đơn vị xung kích có nhiệm vụ nhổ chốt để vào Vị Thanh trước tiên. Tuy chưa hề đụng với bộ đội cộng sản lần nào song xuyên qua sử sách và tài liệu ở trường đại học chiến tranh của quân lực Hoa Kỳ, vị hạ sĩ quan thâm niên quân vụ và nhiều kinh nghiệm chiến trường biết thế nào là chốt của địch cũng như làm thế nào để bứng, nhổ chốt kiền của bộ đội. Tiểu đội mười bốn người của hạ sĩ nhất Tăng chạm địch trong lúc di chuyển trên đường 931 nằm trong địa phận xã Hỏa Tiến. Vị Thanh là thị xã của tỉnh Hậu Giang, có 5 phường là 1, 3 4, 5 7 với 4 xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu và Vị Tân. Tất cả đều nằm dài theo quốc lộ 61.
– Tạch… tạch… tạch…
Tiếng súng TAR-21 nổi lên đột ngột. Đạn cày trên mặt đường nhựa bóng nhẫy. Hai người lính khinh binh thuộc tiểu đội 1 của hạ sĩ nhất Tăng té gục trên mặt đường rồi lát sau gắng gượng lết vào vệ đường. Người thứ ba loạng choạng giây lát rồi cũng té ngã vào lề đường.
– Bộ đội… bộ đội tụi bây…
Hét lớn báo hiệu cho lính, Tăng nhào vào lề đường. Lính tiểu đội 1 cũng tạt vào hai bên lề. Dọc quốc lộ đầy nhà cửa của dân chúng nên lính được lịnh không nổ súng bừa bãi. Có lẽ cũng biết được nên bộ đội nương vào đó đóng chốt tử thủ…”
*****
Đọc tới đó Thúy Nhi phải ngưng lại. Cô cảm thấy khát khô cả cổ và bụng cồn cào vì đói. Ngước nhìn đồng hồ treo tường cô mới biết chỉ còn mấy phút nữa tới bảy giờ tối. Nhân viên đã ra về từ lâu nên các phòng ốc im vắng. Nhét tờ báo vào cặp da của mình, xỏ vội đôi giày ba ta mà lúc nãy vì mê đọc báo cô đã cởi ra, tắt đèn xong nàng chậm chạp rời phòng mà đầu óc miên man suy nghĩ về bài tường thuật của tờ báo. Trong lòng cô cũng mong vùng Hậu Giang được giải phóng khỏi sự cai trị độc đoán của cộng sản để dân chúng sống trong tự do và dân chủ. Cộng sản đã ngồi lên đầu lên cổ dân chúng quá lâu rồi mà càng ngày càng tỏ ra bất lực trong sự bảo vệ tổ quốc, chủ quyền của đất nước và dân tộc.
Tạt vào chỗ ăn cơm tháng thường nhật, cô ăn nhanh bữa cơm rồi hối hả về nhà. Thay quần áo thật nhanh, rót ly nước cam, nằm dài trên ghế nệm, cô thong thả đọc tiếp bài tường thuật của người phóng viên chiến trường tờ Phú Quốc Nhật Báo.
38.
Trời xế chiều. Thiếu tá Hương, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 và đại úy Thăng, tiểu đoàn phó đứng với ba người lính mặc quân phục ngụy trang trên mặt đường nhựa bóng nhẫy dưới ánh mặt trời của tháng 2.
– Ba em mà bắn gục mấy thằng đóng chốt tử thủ đó là anh bao ba em chầu cà phê liền…
Hương nói với trung sĩ Hào, toán trưởng của toán lính bắn tỉa được bộ tư lệnh sư đoàn phái tới giúp tiểu đoàn 3 nhổ chốt để tiến về Vị Thanh.
– Chuyện đó dễ ợt thưa thiếu tá. Tụi này cần ông làm cho một việc là sai lính dụ cho tụi nó nổ súng để tụi tôi biết chỗ nó nấp. Biết chỗ rồi tụi này bụp một phát là xong ngay…
Lịnh được ban xuống và Tăng cho ba người lính khinh binh mở đường dụ địch. Hào với hai người lính bắn tỉa dùng ống dòm canh chừng mục tiêu.
– Tạch… tạch… tạch…
Đạn đại liên cày xới mặt đường nhựa. Ba người lính đi khinh binh, một bị trúng đạn còn hai nhào vào lề đường nằm im.
– Đủ rồi thiếu tá… Chưởng với Tình… tụi mày thấy nó núp rồi hả?
– Thấy rồi anh ba… Ổ đại liên có ba thằng. Một xạ thủ, một tiếp đạn và một thủ AK…
Quay sang thiếu tá Hương và đại úy Thăng, Hào cười hề hề.
– Tối nay tụi này rình… Hể nó nhúc nhích tui nổ liền… Thiếu tá cho anh em sẵn sàng…
Có lẽ tin tưởng vào tài thiện xạ của toán lính chuyên môn bắn tỉa, Hương ra lịnh cho lính chuẩn bị chờ nhổ chốt. Khi nào ổ đại liên bị bắn gục họ lập tức tràn lên thanh toán chiến trận.
Trăng mùng 8 lười biếng buông ánh sáng bàng bạc xuống vùng chiến trận im lìm và chết chóc. Tiếng ếch nhái hoặc ễnh ương cũng không có. Mặt đường nhựa sáng mờ mờ. Ba người lính bắn tỉa bày đồ chơi của họ ra. Nằm bên cạnh thượng sĩ Tăng biết đó là khẩu M25 Sniper Weapon System được trang bị cho các toán bắn tỉa của Green Beret của bộ binh và SEAL thuộc hải quân Hoa Kỳ. Với ống nhắm và nòng dài gần nửa thước loại súng này có tầm bắn xa tối đa gần 1 cây số. Hạ cái càng súng xuống, nằm dài trên mặt đường, nhắm tới nhắm lui xong trung sĩ Hào thì thầm ra lệnh cho hai người lính dưới quyền.
– Tao lãnh thằng xạ thủ; Chưởng lo thằng tiếp đạn còn Tình nhắm thằng thủ AK nghen…
Mắt đóng đinh vào ống viễn vọng kính, Tình cười nhẹ.
– Anh khỏi dặn… Nó ló đầu lên tôi bụp một phát bể nắp nhạo liền…
Ba người lính bắn tỉa nằm im không nhúc nhích ở tư thế sẵn sàng khai hỏa. Ngoài cái khiếu trời cho để trở thành một xạ thủ tài ba, người lính bắn tỉa còn phải học thêm nhiều đức tính như nhẫn nại, chịu khó và im lặng. Cứ tưởng tượng họ phải nằm im một chỗ thời gian dài hai ba bốn tiếng đồng hồ canh chừng từng cử động của kẻ địch để khi nào lọt vào tầm bắn mới nổ một phát súng trúng mục tiêu thời đủ biết không phải ai cũng làm được. Quân lực của Việt Nam ở Phú Quốc có quân số gần hai trăm ngàn song cũng chỉ có được 12 người lính bắn tỉa với 8 người thuộc bộ binh và 4 thuộc toán hải kích của hải quân. Hào, Chưởng và Tình đã thụ huấn và tốt nghiệp trường đào tạo lính bắn tỉa nổi tiếng nhất trên thế giới. Đó là Marine Scout Sniper School nằm trong trại Thủy Quân Lục Chiến (Camp Pendleton) thuộc tiểu bang California. Cứ nhìn chiếc vòng ni lông có treo viên đạn 7 ly 62, kỹ vật tốt nghiệp thường được gọi là ” răng heo ” đeo ở cổ thì đủ biết họ đã trở thành HOG, tiếng viết tắt của ” Hunter of Gunmen ”.
Cảnh tượng ban đêm vắng lặng. Những bóng đen ôm súng chờ đợi, rình mò với nhau.
– Cắc… bùm… cắc… bùm… cắc… bùm…
Âm thanh khô khốc chợt vang lên trong ánh trăng mờ rồi sau đó có tiếng hét lớn.
– Xung phong…
Vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 thuộc chiến đoàn 2 xung kích nhào ra khỏi chỗ núp trước tiên. Mấy trăm người lính tựa đàn ong vỡ tổ túa ra. 1 bên trái. 2 chính giữa. 3 bên phải. Ba đại đội làm thành thế gọng kìm xấn tới. AK47 réo lanh lảnh. TAR-21 cày nát mặt đường nhựa. M16 lửa lóe từng chập. M79 nổ ầm ầm. Mấy người lính chạy đầu ngã rạp xuống đường. Mặc… Người sau ào lên. Trận đánh cận chiến diễn ra trong ánh sáng mập mờ của hỏa châu lơ lửng trên trời cao. Từng đợt. Từng đợt. Lính của tiểu đoàn 3 nhổ chốt, bứng tận gốc các toán phục kích, đạp lên hầm hố, công sự lấy đường về thị xã Vị Thanh cách họ mấy cây số. Trời sáng rõ. Ba tiểu đoàn của chiến đoàn 2 xung kích đã đi hết đoạn đường máu lửa thuộc ba xã Hỏa Tiến, Tân Tiến và Hỏa Lựu. Đóng bộ chỉ huy tại Phường 7, trung tá Tây ban lệnh cho các đơn vị nghỉ xả hơi ăn sáng và lãnh thêm súng đạn xong sẽ ”mần ” thị xã. 12:07 giờ… Đưa bi đong lên ực một hơi nước lạnh, vị chiến đoàn trưởng bốc máy. Lệnh tiến quân. Tiểu đoàn 1 xấn vào ba xã Vị Đông, Vị Thanh và Vị Bình. Tiểu đoàn 2 từ Nàng Mau đánh ngược qua. Tiểu đoàn 3 của thiếu tá Hương nhổ chốt, bứng các ổ súng cộng đồng theo đường 931 đi vào thị xã. Không biết bao nhiêu lính của hai phe tử trận. Không biết bao nhiêu bị thương. Không biết bao nhiêu đạn đã bắn. 18:05 giờ ngày 20-1-2039. Chiến đoàn 3 xung kích của sư đoàn 1 bộ binh thuộc Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc đã làm chủ Vị Thanh. Cần Thơ, nơi đóng quân của bộ tư lệnh quân khu 9 của Quân Đội Nhân Dân thuộc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không còn xa lắm. 60 cây số thôi.
*****
1.2.2039
Binh sĩ của tiểu đoàn 2 la ó vang trời sau khi nghe tin các đơn vị thuộc sư đoàn 8 của địch đã bị lính của sư đoàn 3 và 4 đánh tan hàng phải bỏ Sóc Trăng lui về cố thủ ở Phụng Hiệp. Mặt trận phía tây thời chiến đoàn 2 thuộc sư đoàn 2 đang đóng ở Thốt Nốt; chiến đoàn 1 và 3 đóng tại Cờ Đỏ. Chiến đoàn 1 của sư đoàn 1 thời bộ chỉ huy đang nằm ở Giồng Riềng. Chiến đoàn 2 án ngữ Vị Thanh. Chiến đoàn 3 đóng bộ chỉ huy tại Nàng Mau. Hai sư đoàn 3 và 4 chia nhau đóng tại các vị trí xung yếu của ba tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tướng Khải và bộ tư lệnh của chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn sau khi đi thị sát các mặt trận đã cho binh sĩ nghĩ hai ngày dưỡng sức và lãnh tiếp liệu sửa soạn cho mặt trận mới còn ác liệt và đẫm máu hơn vì các đơn vị của ba sư đoàn 4, 8 và 330 của địch đã rút qua phía bên kia con sông Cần Thơ lập phòng tuyến mới có cả pháo binh và chiến xa nữa. Hành động này nói lên quyết tâm họ sẽ tử thủ để giữ Cần Thơ. Điều khiến cho lính lên tinh thần nhất chính là sự tiếp đón của dân chúng. Mọi nơi họ đã đi qua, dân chúng đứng chật đường hoan hô quân đội về giải phóng vùng lục tỉnh khỏi sự cai trị độc đoán của cộng sản. Nhiều người có ăn học và hiểu biết chút chút về chính trị đã nói họ sợ một ngày nào đó không xa đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta sẽ trở thành quận huyện của Trung Cộng và dân Việt Nam sẽ làm nô lệ cho Tàu. Vì vậy mà họ rất vui mừng khi thấy quân đội của nước Việt Nam tự do và dân chủ ở Phú Quốc đánh bại bộ đội. Vô số thanh niên trẻ tuổi ới nhau tình nguyện gia nhập Quân Lực Phú Quốc với ý muốn có mặt trong chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn để thành người lính đi làm lịch sử. Thiếu nữ xin làm việc trong các trạm cứu thương. Ông già bà lão họp nhau nấu nướng rồi đem ra mời lính ăn uống. Chưa bao giờ dân hậu giang lại có thái độ mừng rỡ như vậy. Có người còn nói sao mấy anh lính Phú Quốc về chậm dậy…”
*****
Ngưng đọc Thúy Nhi uống hớp nước chanh. Dường như biển động nên cô nghe tiếng sóng vỗ bờ lớn hơn. Gió chắc cũng thổi mạnh hơn làm cho cành cây sao kêu răng rắc. Bỗng dưng cô nhớ tới Chương. Không hiểu tại sao mỗi lần biển động cô lại nghĩ tới anh. Ngồi dậy bước tới cửa sổ nhìn ra bên ngoài, cô thấy ánh đèn trước cửa hắt một vệt sáng mờ trên hàng ba lót gạch tàu đỏ sẫm. Chương có nói nhiều lần là thích ngồi nơi hàng ba ngắm mặt trời lặn trên biển. Dù không nói ra cô cũng tự hỏi tại sao Chương lại có ý thích giống mình như vậy. Quen nhau lâu, cô mới khám phá ra một điều rất vui mà cũng rất buồn. Chương với cô có rất nhiều điểm giống nhau, có rất nhiều cái thích giống nhau. Có lẽ vì vậy mà hai người phải ở xa nhau, tương tự như hai cực của nam châm. Giống thì đẩy ra xa mà khác thì hút lại gần nhau. ” Tại sao mình lại có nhiều cái giống nhau như vậy hả em? ”. Chương hay hỏi như vậy và cô lúc nào cũng trả lời. ” Em hổng biết nhưng em biết là mình sinh ra để gặp nhau và… ”. Ý của cô muốn nói hết là cũng để xa nhau song cô không thể nói trọn câu. Cô không muốn làm Chương buồn và làm chính mình buồn. Với lại nếu định mệnh bắt hai người phải xa nhau thời may mắn được gần nhau nên tận hưởng điều đó. Họ không còn là con nít hay mới lớn lên để khóc lóc, than van về số phận của mình. Chấp nhận vì không thể thay đổi hoặc cưỡng chống để sống còn là một thái độ sáng suốt và khôn ngoan của một người biết được chỗ đứng của mình. Suy nghĩ vẩn vơ giây lát cô trở lại đọc tiếp bản tường thuật dang dở…
*****
18-2-2039.
37 tuổi. Cấp bậc trung tá. Thâm niên quân vụ 15 năm. Chức vụ chiến đoàn trưởng. Nguyễn Đình Hiệu là vị sĩ quan trẻ tuổi nhất của sư đoàn 2 nắm chức vụ chỉ huy một chiến đoàn tác chiến có quân số gần ba ngàn. Hôm nay Hiệu cùng với chiến đoàn 3 của anh được giao cho nhiệm vụ khó khăn: đánh chiếm căn cứ không quân và phi trường Trà Nóc để cho các máy bay trực thăng của không quân Phú Quốc có chỗ lên xuống cũng như can thiệp kịp thời vào các mặt trận ở vùng Hậu Giang và phi cơ vận tải chở súng đạn tiếp tế cho các đơn vị đang đánh nhau. Muốn đánh chiếm phi trường Trà Nóc, chiến đoàn 3 phải bứng đi cái chốt bự của địch nằm trên trục tiến quân của họ. Chốt bự đó là chốt Ô Môn. Theo lời khai của tù binh có một đơn vị cấp tiểu đoàn đang đóng giữ Ô Môn để làm nút chặn không cho quân lực của Phú Quốc tiến đánh phi trường Trà Nóc. Địch chắc cũng nhìn ra vị trí chiến thuật của căn cứ không quân trong đó có phi trường Trà Nóc. Quây ba vị tiểu đoàn trưởng lại trung tá Hiệu luận.
– Ông Minh với ông Chấn đánh Ô Môn. Dứt điểm nó xong rồi ông Minh để lại 1 đại đội giữ Ô Môn, còn bao nhiêu theo đường 91 bao vây Trà Nóc. Ông Chấn cho một đại đội đánh căn cứ Bình Thủy của hải quân. Ba đại đội của tiểu đoàn 2 của ông Chấn đánh vào mặt bắc Trà Nóc, trong lúc tiểu đoàn 3 của ông Minh đánh mặt tây. Phần tiểu đoàn 1 và bộ chỉ huy trung đoàn sẽ đánh mặt nam. Tư lệnh cho mình ba ngày…
Hiệu đưa ba ngón tay lên đoạn cười cười tiếp.
– Ba ngày để dứt điểm Trà Nóc… Trung đoàn của mình sẽ là đơn vị tiến sâu vào địa phận tỉnh Cần Thơ trước nhất…
– Bộ Anh Năm tính giành chai bia của thủ tướng Việt hả anh Năm?
Đại úy Hành, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 đùa với cấp chỉ huy của mình. Cười khặc khặc trung tá Hiệu lắc đầu.
– Anh muốn tự tay mình kéo lá cờ vàng sao đỏ xuống rồi mới chia với anh em chai bia của thủ tướng Việt…
Ngừng lại giây lát vị chiến đoàn trưởng trẻ tuổi nói nhanh và gọn.
– Thôi mình đi… Ba ông đừng có hăng quá làm chết lính. Nhắm khó ăn thì báo cho tôi biết để nhờ phi pháo can thiệp. Chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn còn dài lắm nên mình cần tiết kiệm xương máu của anh em binh sĩ…
Ba vị tiểu đoàn trưởng lãnh lệnh thúc quân di chuyển. 23:00 giờ. Hai tiểu đoàn 2 và 3, mỗi tiểu đoàn quân số 800, chia làm ba hướng nam bắc và đông bao vấy lấy Ô Môn trong lúc bộ chỉ huy tiểu đoàn nằm phía sau điều khiển và sẵn sàng gọi phi pháo can thiệp khi cần thiết. Rải quân chiếm đóng các vị trí quan trọng nằm ngoài vòng đai cố thủ của địch, Minh bàn với Chấn.
– Để tiết kiệm tánh mạng của lính mình nên cho pháo dập tụi nó trước đi…
Chấn đồng ý. Chi đội pháo tháp tùng với bốn khẩu 155 ly được lịnh bắn hủy diệt mục tiêu. Lính hờm súng chờ lệnh tấn công trong lúc chứng kiến hàng trăm quả đại pháo 155 bắn vào cứ điểm Ô Môn. Nửa giờ sau pháo dứt.
– Xung phong…
Lệnh tấn kích được nghe trên tần số nội bộ của hai tiểu đoàn 2 và 3. Đủ mọi loại súng nổ rền trời đất. M79 và mọt chê ì ầm phựt lửa sáng lòa. Hai tiểu đoàn với quân số hơn ngàn rưởi đạp hầm hố, đè sập hàng rào kẽm gai, đạp trên xác địch quân tiến vào. Lính đánh cận chiến trong giao thông hào, địa đạo, hố cá nhân. Một bên cố giữ, một bên cố chiếm, cách nhau trong tầm bắn của súng cá nhân. Tiếng người kêu đứt nghẹn trước khi chết. Tiếng than, khóc, kêu la hòa với tiếng súng làm náo động khoảng không gian có vài trăm ngàn dân cư ngụ của thị trấn Ô Môn. Mùi thuốc súng khét nghẹt. 07:07 giờ ngày 19 tháng 11 năm 2039, với 7 chết, 25 bị thương nặng nhẹ, hai tiểu đoàn của chiến đoàn 3 thuộc sư đoàn 2 làm chủ thị trấn Ô Môn. Chỉ để cho lính đủ thời giờ ăn uống và lãnh thêm đạn xong trung tá Hiệu thúc quân lội một mạch tới xụp tối mới dừng lại cách căn cứ không quân Trà Nóc vài cây số. Xuyên qua tần số liên lạc nội bộ của sư đoàn, anh và các sĩ quan tham mưu của chiến đoàn tỏ ra phấn khởi khi biết tin chiến đoàn 2 của sư đoàn 2 đang trên đường từ Cờ Đỏ tiến chiếm Thới Lai. Thế là họ không lo bị địch tấn công vào hông của mình nữa. Biết tin đó, Hiệu ra lịnh cho Chấn tung ra hai đại đội tiến sát vào hàng rào căn cứ hải quân Bình Thủy chờ khi nào được lệnh sẽ tấn công. Quây các sĩ quan tham mưu lại, dưới ánh đèn pin mập mờ vị chiến đoàn trưởng trẻ tuổi luận.
– Căn cứ Trà Nóc được phòng thủ kỹ nên cũng khó cho mình đánh chiếm lắm. Tôi có cách như vầy. Thay vì bao vây mình cho tiểu đoàn 1 vượt qua Trà Nóc với Bình Thủy đánh chiếm phi trường Cần Thơ trước rồi quay ngược lại đánh Trà Nóc. Địch mà biết mình đã chiếm phi trường Cần Thơ tức là vào gần tới trung tâm thị xã thì Trà Nóc không còn là cứ điểm quan trọng nữa. Như thế có thể họ sẽ đầu hàng bằng không cũng xuống tinh thần. Mình bụp một cú là xong…
Thiếu tá Nhiều, chiến đoàn phó cười hà hà góp ý.
– Anh Năm luận như vậy tôi chịu lắm. Để tôi dẫn thằng 3 và thêm hai đại đội của thằng 2 vượt qua Trà Nóc, Bình Thủy chiếm phi trường Cần Thơ…
Ưng thuận, Hiệu gọi máy ra lệnh cho Minh đưa hai đại đội tháp tùng với tiểu đoàn 3 của đại úy Hành do thiếu tá Nhiều chỉ huy làm mũi dùi thọc sâu vào đất do địch kiểm soát bằng cách tiến đánh phi trường Cần Thơ…
*****
Lời tòa soạn:
Kính thưa quí vị độc giả… Chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn hứa hẹn nhiều trận đánh đẫm máu giữa hai phe. Trong cuộc phỏng vấn của các phóng viên bản báo, vị tướng tư lệnh của Quân Lực Việt Nam ở Phú Quốc tiên đoán là trong thời gian sắp tới sẽ có các cuộc đụng độ dữ dội giữa hai bên ở các mặt trận như Phụng Hiệp, Vị Thủy, Tầm Vu, Thới Lai và nhất là mặt trận Cần Thơ. Kính mời quí độc giả đón xem tin tức mới cập nhật trong số báo ngày mai…
Đọc tới đây Thúy Nhi gấp tờ báo lại. Hồi nãy lúc đang đọc báo cô cảm thấy buồn ngủ song bây giờ lại tỉnh queo như được uống ly cà phê đen đậm đặc. Ngồi dậy, khoác thêm cái áo choàng cô mở cửa bước ra hàng ba. Gió biển mát lạnh. Tiếng sóng vỗ bờ miên man ì ầm vọng vào tâm thức làm cho cô chợt nhớ tới vài câu trong bản nhạc xưa sáu bảy chục năm và nàng hát khe khẽ: ” Giờ này anh ở đâu… Quang Trung nắng cháy da người… Giờ này anh ở đâu… Dục Mỹ hay Lam Sơn…? Giờ này anh ở đâu… Đồng Đế nắng mưa thao trường… Anh ở đâu… Anh ở đâu…? Hồi trước mỗi lần nghe bản nhạc này cô đều bật cười vì cái chất cải lương của nó. Vả lại những tên trong bài hát quá xa lạ với một cô gái sinh sau đẻ muộn. Nhưng đêm nay buồn bã và đơn độc trong ngôi nhà quạnh vắng, nhớ tới Chương Điên, cô buột miệng hát lên những câu trên. Cười hắc hắc cô nói như có Chương đang đứng trước mặt mình. ” Tại anh đó… Bây giờ anh đang ở đâu mà hổng chịu lên tiếng…” Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng sóng vỗ bờ như lời thì thầm của Chương ru cô vào giấc ngủ muộn.
Đang đợi đọc tiếp…