GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

60.

Tay cầm tách cà phê bốc khói, tướng Khải lướt mắt trên mảnh giấy ghi các dòng chữ sau:

Bộ Tư Lệnh Quân Khu 7:

204 Hoàng Văn Thụ-Phường 9-Phú Nhuận-Sài Gòn

DD:10.8230989+106.6296638

DMS: Bắc 10o 49′ 23 156” + Đông 106 37′ 46.789”

Bộ Tư Lệnh Thành Phố Sài Gòn:

291 đường Cách mạng tháng 8-Quận 10-Sài Gòn

DD:10.7792747+106.678673

DMS: Bắc 10o 46′ 45.389” + Đông 106o 40′ 43.222”

Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố:

86 Lê Thánh Tôn quận 1- Sài Gòn

DD:10.7756965+ 106.7003131

DMS:Bắc 10o 46′ 32.507” + Đông 106o 42′ 1.127”

Đọc xong ông ta gật gù tỏ vẻ hài lòng. Đó là tọa độ của ba cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội và hành chánh thuộc thành phố Sài Gòn mà phòng tác chiến điện tử vừa đệ trình lên cho ông ta sáng hôm nay để duyệt xét và phê chuẩn. Ngoài ra danh sách còn ghi thêm tọa độ của bộ tư lệnh của bốn sư đoàn tác chiến của địch là 5, 302, 309 và 317. Hớp ngụm cà phê nóng vị tư lệnh chiến dịch viết chữ ” thuận ” rồi ký tắt ở dưới xong đưa cho Tiến, sĩ quan tùy viên của mình. Trung úy Tiến cầm mảnh giấy có chữ ký qua phòng tham mưu trưởng rồi đại tá Nhiều đích thân đi sang phòng tác chiến điện tử. Năm phút sau bức công điện đã được mã hóa gởi tới bộ tư lệnh không quân, hải quân và sư đoàn pháo binh 304 trực thuộc bộ binh.

*****

Mười một giờ rưởi. Tám Đũi bước vào quán cà phê của bà Ba Răng. Nhằm giờ ăn trưa nên quán cơm bình dân đầy đặc người ngồi. Tất cả đều là dân lao động trong hẻm và các nơi lân cận quanh phường 9 thuộc quận Phú Nhuận.

– Bác Tám ngồi với tui nè bác Tám?

Hai Nhường đưa tay lên vẩy ông Tám Đũi. Xà vào chiếc ghế đẩu, Tám Đũi hỏi nhỏ.

– Thằng Hai mày bữa nay hổng có làm gì à?

Dân trong xóm đặt cho Hai Nhường cái tên Cà Nhõng vì anh ta chẳng có nghề nghiệp nhất định gì để nuôi một vợ với năm con. Dù vậy gia đình anh vẫn có cái ăn cái mặc như mọi người. Chép miệng Hai Nhường nói nhỏ.

– Tình hình như vầy mà làm ăn gì bác. Tôi tính đi Xuân Lộc mà ra tới bến xe đã nghe thiên hạ nói miệt trên đó đánh nhau dữ lắm. Dân ở Hố Nai, Trảng Bom ùn ùn tản cư về Biên Hòa. Số còn lại thời chạy về đây… Mà ở Sài Gòn cũng chưa chắc đã yên. Mai mốt họ tiến vào mình chạy đi đâu…

– Mày nghĩ lính ở Phú Quốc sẽ dô tới đây hông hai?

Tám Đũi hỏi Hai Nhường. Anh ta chưa kịp trả lời một người khác đã lên tiếng trước.

– Cái đó thời chắc rồi bác Tám… Tôi nghe đồn lính ở Phú Quốc đã bao vây kín mít Sài Gòn rồi. Họ có cả trăm ngàn quân mà…

Người vừa lên tiếng chính là Tư Thông Tin vừa bước vào quán. Dĩ nhiên cái tin mà anh ta nói ra rất được mọi người trong quán chú ý.

– Thằng Tư nói trúng ý của tui đó anh Tám…

Ông Chín phụ họa với Tư Thông Tin. Ai cũng biết ông Chín có thằng con trai tên Bê đi bộ đội làm tới chức trung sĩ ở sư đoàn 317.

– Thằng Bê tối hôm qua điện thoại về nhà biểu tôi chuẩn bị đi để có gì tản cư. Tôi hỏi nó đi đâu bây giờ. Nó nói có gì chạy xuống miệt Cần Giuộc, Cần Đước vì miệt đó yên hơn. Lính Phú Quốc đã chiếm hai vùng này rồi nên không có đánh nhau. Nếu không chạy xuống miệt Cần Giuộc thời chạy về Nhà Bè, Phú Xuân cũng được. Miệt này có lính rằn ri hình như là thủy quân lục chiến của phe ở Phú Quốc đã đóng ở đó mấy ngày rồi…

Hai Cà Nhõng chép miệng thở dài.

– Điệu này là hết làm ăn gì nữa rồi…

Tư Thông Tin cười lên tiếng sau khi hớp ngụm nước trà nóng.

– Bởi vậy mà tôi mới phải nghỉ chiều nay. Phi trường Tân Sơn Nhất đóng cửa vì đâu có máy bay lên hay xuống. Máy bay quân sự còn nằm ụ mà…

Ông Tám Đũi gật đầu trầm ngâm xong mới thủng thẳng cất tiếng.

– Mấy đứa cháu nội của tui bị cho nghỉ học mấy ngày rồi. Tụi nó lên mạng coi thiên hạ đồn um xùm là lính ở Phú Quốc đóng đầy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Họ bắn nhau ầm ầm với bộ đội ở thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Thành, Ngải Giao, Nhơn Trạch nữa. Đêm qua súng nổ ở Thủ Dầu Một suốt đêm. Miệt Tây Ninh cũng vậy. Dân tản cư từ Tây Ninh, Gò Dầu và Trảng Bàng thấy lính mới kéo cà nông đi dài cả cây số. Họ nói sẽ đánh chiếm Sài Gòn…

– Cái điệu này là mấy ông bộ đội mệt cầm canh nghen bà con cô bác. Mấy chục năm nay mấy ổng có đánh đấm gì với ai đâu…

Hai Nhường lên tiếng trong lúc đưa tách cà phê lên. Bum….. Bum… Bum… Âm thanh đột ngột nổi lên với cường độ khủng khiếp làm điếc tai mọi người đang ngồi trong quán. Tấm kiếng lộng hình bác Hồ treo trên vách vỡ toang thành chục mảnh rơi xuống đất kêu loảng xoảng.

– Cái gì vậy bây?

– Tiếng gì mà lớn quá vậy…

Đưa tay vò vò lỗ tai của mình Tư Thông Tin cà lăm.

– Tui… tui… đâu biết…

Tất cả khách trong quán cà phê và luôn cả mấy triệu người dân của thành phố Sà Gòn đều nghe được thứ âm thanh có cường độ làm ù tai và vỡ kính cửa sổ. Họ không biết đó chính là âm thanh phát ra bởi 12 chiếc phản lực cơ của phi đoàn Sấm Thần vừa vượt tường âm thanh nên tạo thành tiếng nổ vỡ kính cửa sổ. Còn đang bàng hoàng vì âm thanh khủng khiếp, Tám Đũi, Tư Thông Tin và Hai Nhường lại nghe tiếng réo của vật gì trong không khí rồi tiếp theo hàng chục tiếng nổ long trời lỡ đất. Không biết chuyện gì xảy ra mọi người hối hả kẻ trước người sau túa ra đường Hoàng Văn Thụ đứng ngó. Xa đằng kia có cụm khói bốc lên. Tư Thông Tin nói lớn.

– Chỗ đó là bộ tư lệnh quân khu 7…

Tám Đũi phụ họa.

– Chắc là quân Phú Quốc bắn vào rồi…

Hai Nhường đưa tay chỉ về hướng quận 10 nơi có cột khói bốc lên cao sau khi một chiếc máy bay vừa từ dưới đám nhà lầu cao mấy chục từng vọt chênh chếch lên trời.

– Đằng kia là bộ tư lệnh thành phố… chắc nó cũng bị trúng bom rồi…

– Ủy ban nhân dân nữa… Thằng con tôi đang ở đường Lê Thánh Tôn điện thoại cho tôi biết bom nổ ngay tòa nhà của ủy ban nhân dân thành phố rồi…

Tới phiên Năm Bền, con trai của bà Ba Răng xen vào. Đang đứng bàn tán xôn xao, mọi người nghe tiếng đạn hú bay qua đầu họ. Tiếng hú thật gần khiến cho ai nấy sợ hãi nằm mọp xuống đất. Ầm… Oành… Rầm… Hàng trăm tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên khiến cho người đi đường phải ngừng xe nhảy vào lề kiếm chỗ nấp. Ngước lên ai ai cũng thấy bóng những chiếc phi cơ đang đảo lượn trên trời. Tiếng hỏa tiễn gầm rú, đạn xẹt qua đầu làm mọi người sợ sệt dù biết đạn nổ cách xa mình mấy trăm thước. Cuộc oanh tạc của các máy bay ở Phú Quốc kéo dài chừng mươi phút. Điều lạ là người ta không thấy các chiến đấu cơ của trung đoàn tiềm kích 935 ở Biên Hòa xuất hiện. Kể từ khi phi trường Biên Hòa bị oanh tạc vào đêm giao thừa thì người dân thành phố Sài Gòn ít thấy máy bay xuất hiện. Theo lời đồn của lính hoặc dân chúng sống ở quanh căn cứ không quân thì máy bay bị bắn cháy nhiều lắm cũng như các giàn ra đã bị phá hủy gần hết. Bằng chứng họ không còn thấy các cộ ăng ten trời cao ngất như ngày xưa. Kho đạn, kho xăng và kho tiếp liệu cháy nổ mấy ngày liền mới tắt. Không có xăng dầu dĩ nhiên máy bay đâu có cất cánh được.

*****

Thiếu tướng Khải, tư lệnh chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn tiếp một người lạ mặt trong văn phòng với sự hiện diện của chuẩn tướng Bình, tư lệnh phó; đại tá Nhiều, tham mưu trưởng và đại tá Chính, trưởng phòng quân báo của bộ binh. Người lạ là một thanh niên tuổi chưa tới 30, mặc thường phục và không có vẻ gì là dân nhà binh. Tuy nhiên bên ngoài cái vỏ bọc thường dân, người lạ đó tên Thông mang cấp bậc thiếu tá, trưởng lưới tình báo được phòng quân báo của bộ binh ra lệnh xâm nhập vào trong thành phố Sài Gòn. Thông chỉ huy một mạng lưới tình báo gồm mấy chục nhân viên chuyên trách về thu thập tin tức, tuyên truyền, xách động và phá hoại. Hôm nay, tướng Khải muốn nghe Thông trình bày cặn kẽ về tình hình sau khi bốn cơ quan đầu não của địch bị máy bay oanh tạc rồi sau đó lại bị tàu chiến của hải quân pháo kích bằng hỏa tiễn Tomahawk.

– Trình tư lệnh… Theo tin tức mà nhân viên của tôi thu lượm được…

Tướng Khải giơ tay lên như tỏ ý muốn ngắt lời của Thông khiến anh phải ngưng nói.

– Tôi xin lỗi đã ngắt lời đại úy… Tôi muốn biết là tin tức mà nhân viên của ta thu lượm được có độ khả tín bao nhiêu?

Liếc nhanh đại tá Chính, cấp chỉ huy trực tiếp của mình; Thông bình tịnh trả lời tướng Khải

– Trình tư lệnh… Tin tức chính xác từ 95 tới 100%…

Nghe xong vị tư lệnh chiến dịch gật gù cười.

– Mời đại úy nói tiếp…

Giọng của Thông cất lên chững chạc, mạch lạc và rõ ràng từng chi tiết.

– Tổ tin tức dưới quyền chỉ huy của trung úy Bằng đã có mặt ngay lúc ba cơ quan đầu não của địch bị phi cơ ta oanh tạc…

– Nhân viên của đại úy biết trước địa điểm và ngày giờ của cuộc oanh tạc?

Đại tá Nhiều lên tiếng vặn. Ông ta là người chỉ huy và chịu trách nhiệm về chuyện chấm tọa độ để cho phi cơ và hỏa tiễn bắn vào mục tiêu. Nếu một sĩ quan trung cấp như Thông mà biết được tin mật này trước khi cuộc pháo kích khởi sự thời có thể địch cũng biết rồi. Như vậy ba cơ quan đầu não của địch có thể bí mật di chuyển đi chỗ khác.

Thông cười bình tịnh trả lời.

– Trình đại tá… Chúng tôi không hề biết điều đó song ngay sau khi xâm nhập vào Sài Gòn, tôi đã bắt liên lạc với các ” sleep cell ” nằm trong bộ tư lệnh quân khu 7 và bộ tư lệnh thành phố…

Không những thiếu tướng Khải mà chuẩn tướng Bình cũng tỏ dấu hiệu tán thưởng khi nghe thuộc cấp nói tới đó. Riêng đại tá Chính không tỏ thái độ nào hết vì ông ta đã nghe Thông nói những điều đó trước rồi.

– Theo báo cáo của một nhân viên nằm vùng trong bộ tư lệnh quân khu 7 thời cuộc không kích và hải pháo đã đạt kết quả mỹ mãn. Bom tầm nhiệt và bom được điều khiển bằng tia sáng laser đã đánh trúng văn phòng của tướng Nguyễn Minh Chiến, tư lệnh quân khu 7. Hỏa tiễn Tomahawk được phóng từ các chiến hạm của hải quân cũng đã đánh trúng mục tiêu quan trọng như phòng liên lạc và đài ra đa… Nhân viên nằm vùng này còn cho biết thêm là vị tư lệnh phó, chính ủy bị chết còn vị tư lệnh và tham mưu trưởng bị thương nặng đang nằm điều trị ở nhà thương. Tôi có thể xác quyết với tư lệnh là bộ tư lệnh quân khu 7 hoàn toàn mất liên lạc với các đơn vị trực thuộc… Riêng…

Ngừng lại nhìn bốn vị tướng tá đang hiện diện trong phòng giây lát, đại úy Thông hắng giọng tiếp.

– Tin này thời tôi nghe dân chúng đồn trước rồi sau đó được lưới tình báo của tôi kiểm chứng lại nên có thể 80% là thật. Bộ tư lệnh của bốn sư đoàn bộ chiến của địch là sư đoàn 5, 302, 309 và 317 đều bị thiệt hại nặng sau khi bị pháo binh ta bắn hủy diệt mục tiêu. Ngoài ra các đơn vị khác như lữ đoàn pháo binb 75, lữ đoàn phòng không 77, lữ đoàn tăng thiết giáp, lữ đoàn thông tin và trung đoàn tăng thiết giáp 26 đều bị ăn pháo và bị thiệt hại nặng. Riêng hai lữ đoàn 125, 127 hải quân bị chiến hạm của ta bắn phá mà sự thiệt hại chưa được kiểm chứng…

Gật gù tỏ vẻ bằng lòng, tướng Khải cười nhìn đại tá Chính trong lúc nói với đại úy Thông.

– Tôi rất hài lòng về tin tức mà thiếu tá và nhân viên dưới quyền thu thập được…

Quay sang Tiến, sĩ quan tùy viên của mình vị tư lệnh cười ra lệnh.

– Tiến hãy thay tôi mời thiếu tá Thông vài ly rượu cho ấm lòng chiến sĩ… Cám ơn thiếu tá Thông rất nhiều…

Giơ tay chào kính các cấp chỉ huy, Thông lui ra khỏi phòng. Bốn vị sĩ quan chỉ huy cao cấp còn ngồi bàn luận thật lâu mới chấm dứt buổi họp.

61.

Ngày 8 tháng 3 năm 2042.

0 dark hundred…”

Ngay khi ba cây kim chỉ giờ, phút và giây nhập vào số 12, trung tá Tây nói với các người lính đang đứng ngồi ở bên cạnh.

Rock’d roll time…

Vị trung tá chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 thuộc sư đoàn 1 bộ binh vừa dứt lời, mọi người đều nghe tiếng hú của đại bác bay qua đầu họ rồi lát sau tiếng nổ rền khắp nơi quanh vòng đai của mặt trận Sài Gòn. Mỗi sư đoàn có một tiểu đoàn pháo binh cơ hữu với 24 chiếc SOLTAM SPEAR. Đây là loại súng cối tự động được gắn trên xe jeep, bắn đạn mọt chê 122 ly với nhịp bắn 15 viên trong vòng một phút. Kế đó trung đoàn pháo binh với 48 khẩu ATHOS, thứ đại pháo 155 ly, nạp đạn tự động có nhịp bắn 3 viên trong vòng nửa phút và tầm bắn xa lên tới 40 cây số. Tiếp theo đại pháo Aladin 155 ly được gắn trên thiết giáp. Tất cả hỏa lực pháo đó được lệnh bắn hủy diệt mục tiêu trước rồi sau đó các đơn vị thuộc sáu sư đoàn bộ chiến cộng thêm hai lữ đoàn thủy quân lục chiến và nhảy dù đồng lượt mở cuộc công kích vào phòng tuyến của quân khu 7 và 9 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang cố thủ quanh  Sài Gòn. Binh sĩ của hai quân khu này đang mất dần đi hi vọng cũng như tinh thần chiến đấu càng thêm suy xụp khi nghe tin bộ tư lệnh của họ từ cấp quân khu xuống tới sư đoàn, trung đoàn đều bị phi cơ địch oanh tạc. Nguồn tin vị tư lệnh quân bị thương nặng, tư lệnh phó bị thiệt mạng càng khiến cho binh sĩ hoang mang thêm. Kế đó tin đồn các cánh quân tiếp viện từ miền miền trung và cao nguyên định vào giải cứu cho Sài Gòn đều bị chận đánh và phải rút lui sau khi tổn thất nặng nề. Đạn dược, lương thực đều không có. Xe tăng, thiết giáp nằm chết dí tại chỗ vì thiếu xăng. Tất cả những điều đó khiến cho binh sĩ các cấp của hai quân khu 7 và 9 lén lút bỏ hàng ngũ và sẵn sàng buông súng đầu hàng khi bị tấn công.

Pháo dập tan nát các cứ điểm của địch trong vòng 30 phút xong thưa dần. Đội lên đầu cái nón sắt, kéo cơ bẩm khẩu Colt45; trung tá Tây bốc máy ra lệnh cho ba tiểu đoàn dưới quyền chỉ huy của mình bắt đầu nhổ chốt do các đơn vị thuộc trung đoàn 250 của sư đoàn 309 nằm trong quận Thủ Đức trong đó có hai cây cầu chiến thuật: cầu Bình Lợi và cầu Bình Triệu. Phải kiểm soát được hai cây cầu này thời trung đoàn 3 của Tây mới có thể kéo tăng pháo và lính bộ xâm nhập vào trung tâm thành phố trong đó có hai quận quan trọng là Gò Vấp, quận 2 và phi trường Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn 3 của thiếu tá Hương được chỉ định đánh chiếm cầu Bình Lợi. Cầu sắt Bình Lợi tức cây cầu cũ có từ trước năm 1975. Còn cầu Bình Lợi mới được xây sau này thời có tới hai cầu bằng bê tông xây song song với nhau với hai chiều lưu thông cũng giống như cầu Bình Triệu. Hương giao thằng 1 đánh cầu Bình Lợi cũ, thằng 2 và thằng 3 đánh cầu Bình Lợi mới, trong lúc đại đội 4 với bộ chỉ huy tiểu đoàn có nhiệm vụ yểm trợ cho mặt trận nào nặng nhất. Đại úy Biên, mới lên đại úy ba ngày trước thúc bốn trung đội với quân số 180 người từ lộ 13 tiến tới đụng ngã ba đường Kha Vạn Cân đoạn quẹo tay mặt. Thượng sĩ Án, trung đội trưởng trung đội 1-1-3-3-1 ( 5 con số trên chỉ trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 3, chiến đoàn 3, sư đoàn 1) dừng quân cách cầu chừng ba chục thước. Cây cầu sắt sơn đen vắng tanh. Đưa starlight scope lên quan sát, Án thấy ụ súng đại liên nằm chình ình ngay chính giữa cầu.

– Tánh… mày sai ba thằng em của mày tới thử…

Tánh, tiểu đội trưởng hơi ngần ngừ chưa chịu thi hành lệnh của cấp chỉ huy. Anh biết thử cũng đồng nghĩa đưa thân vào ngay họng đại liên của địch. Cuối cùng anh cùng với hai khinh binh nương theo bóng tối chậm chạp tiến lại gần dốc cầu. Tạch… tạch… tạch… AK47 nhịp ròn tan. Tánh cùng với hai người lính nhào vào lề đường cùng lúc với đạn cày mặt đường nhựa nháng lửa.

– Anh Tánh… để tôi chơi trái M79…

Hùng, người lính khinh binh nói nhỏ với cấp chỉ huy. Tánh gật đầu.

– Để tao nhử nó rồi mày canh cho đúng chỗ… Tối quá thấy mẹ gì đâu mà bắn…

Tuân lệnh Hùng hờm sẵn khẩu súng phóng lựu. Tánh nhào ra giữa đường. Ánh lửa từ nòng súng của địch nháng lên. Đạn AK cày mặt đường nhựa xẹt ra lửa. Bum… Viên đạn M79 vọt ra khỏi nòng bay thành vòng cầu rơi xuống chỗ nấp của phe địch. Ầm… Có tiếng la hét của người bị thương.

– Xung phong…

Tánh hét lớn. Tuân lệnh của cấp chỉ huy, mười bốn người lính xách súng chạy ào lên. Tạch… Tạch… Tạch… Đại liên nổ dồn. Lửa nháng sáng rực. Đạn rít trong không khí thành âm thanh rợn tóc gáy. Ba người lính khinh binh đi đầu trong đó có Tánh nhào xuống không biết có bị trúng đạn hay là nằm sát đất để tránh đạn. Toán lính đi sau dội ngược trở lại hoặc nhào vào hai bên lề đường tìm chỗ núp.

Tánh hỏi nhỏ ba người lính khinh binh đang nằm dài trên đất.

– Có đứa nào bị gì hông tụi bây?

Chấn lên tiếng liền.

– Hông anh…

– Thằng Bính?

– Tui bị mà chắc nhẹ thôi…

– Ở đâu?

– Ở bắp chuối…

– Mày nhúc nhích chân được hông?

– Được…

Tánh thở phào nói tiếp.

– Vậy là hổng gãy xương. Còn thằng Em?

– Tui hổng sao… Mẹ… đại liên nó bắn ghê quá… Đại liên gì dậy anh Tánh?

– Tao đâu có biết… Nó bắn súng gì kệ cha nó mày hỏi làm gì… Tụi mình phải dô lề đường. Nằm đây là ăn đạn nữa…

Tánh chợt lên tiếng lớn.

– Hùng… mày ở đâu?

– Đây nè anh Tánh…

– Mày gọi cho ông Án báo cho ổng biết tụi nó có gà cồ. Xin ổng con cua sắt…

Bằng bốc máy gọi Án xong báo cáo cho Tánh biết. Mười lăm phút sau mọi người nghe có tiếng xích sắt nghiến trên mặt đường nhựa rồi pháo tháp của chiếc M1A2 lừng lửng hiện ra. Mừng rỡ Tánh đợi cho chiếc tăng chạy qua khỏi chỗ mình nằm mới dẫn lính theo sau.

Dừng xe ngay dốc cầu, trung sĩ nhất Lành, trưởng xa rê ống dòm quan sát. Nửa phần của cây cầu sắt sơn đen hiện lên trong ống kính. Lô cốt được đắp bằng bao cát có trí ổ đại liên nằm chình ình giữa cầu. Thụt về đằng sau chừng mươi thước có một lô cốt khác cao hơn ở sát bên mặt thành cầu. Điều làm cho Lành chú ý nhìn kỹ hồi lâu mới nhận ra hình dáng lờ mờ của chiếc xe tăng với cái nòng súng dài.

– Nó có tăng tụi bay…

Lành nói vọng xuống lòng tàu như báo cho lính biết.

– T55 hả anh?

Hạ si nhất Biện, xạ thủ khẩu 120 ly hỏi. Ậm ừ trong lúc chiếu ống dòm giây lát sau Lành mới lên tiếng trả lời.

– Tao đoán T54 hoặc T55… 54, 55 gì cũng kệ nó… Đi

Lành ra lịnh cho Châu, tài xế. Hồi còn học trung học ở Cần Thơ, Châu rất khoái được ôm tay lái. Nó mơ ước sau này khi lớn lên sẽ được sang sống trên đất Mỹ và cầm vô lăng tham dự NASCAR. Đời có những đổi thay không ai ngờ. Vừa xong trung học, thay vì được lái xe đua, Châu tình nguyện đi lính bộ binh cho nước Việt Nam ở Phú Quốc. Cái mơ ước được lái xe đua cũng thành nhưng thay vì lái xe đua Châu trở thành tài xế lái xe tăng. Đêm hôm nay nó sẽ lái chiếc xe của mình đi ngay vào họng súng địch. Nghĩ tới đó tay của nó run lên vì bị kích thích. Chiếc M1A2 rồ máy lớn chậm chạp tiến lên. Cây cầu sắt cũ kỹ và cổ xưa run chuyển dưới sức nặng gần 70 tấn của chiếc tăng khổng lồ.

– Bắn…

Lệnh khai hỏa của Lành xuyên qua máy truyền tin ở trong xe truyền tới tay các xạ thủ. Súng lớn, súng nhỏ nổ rền trời đất. Ở đằng sau cách chừng hai ba chục thước, qua ống kính của chiếc ống dòm ban đêm, thượng sĩ Án thấy lô cốt đặt giữa cầu có trí khẩu đại liên bay tung lên trời vì lãnh nguyên quả đại bác 120 ly của chiếc M1A2. Địch có bắn trả lại rất ít và yếu ớt vì phải lo tìm chỗ núp trước hỏa lực của bốn khẩu súng của xe tăng.

– Xung phong…

Thượng sĩ Án hét trong máy truyền tin. Gần bốn mươi lính từ cấp chỉ huy tới khinh binh chạy ào tới bám riết theo xe tăng đang lầm lì chạy với vận tốc chừng 10 cây số một giờ. Tất cả chướng ngại vật ở trên cầu đều bị đại liên hoặc đại bác bắn nát. Đang rê ống dòm Lành thoáng thấy cái pháo tháp đen thui đột ngột hiện ra.

– T54… T54… 90 độ…

Lành hét trong máy truyền tin. Châu đạp lút ga. Chiếc tăng nặng nề lao tới bỏ lại toán lính ở phía sau. Trận đánh chiếm cầu của lính bộ bây giờ trở thành trận đánh của chiến xa. Minh, xạ thủ khẩu đại bác 120 ly ép chặt mắt của mình vào ống kính quan sát ban đêm cũng như hệ thống điều chỉnh mục tiêu và tác xạ tự động bằng máy điện toán.

– Bắn…

Lành ra lệnh. Minh bấm nút. Chiếc tăng run nhẹ vì sức giật của trái đạn 120 ly vọt ra khỏi nòng súng. Ầm… Lửa phựt cháy kèm theo tiếng nổ.

– Trúng rồi… Xung phong…

Tay xách M16, thượng sĩ Án vẫy tay ra lịnh cho lính thuộc trung đội chạy ào lên bám theo chiếc tăng. M16 nổ át tiếng AK. Lựu đạn nổ ầm phá nát công sự. 15 phút sau, thiếu tá Hương, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn được báo cáo trung đội 1 do thượng sĩ Án chỉ huy đã kiểm soát được cây cầu sắt Bình Lợi. Xe tăng, pháo và quân xa theo đó đã vượt qua sông Sài Gòn tiến vào quận Gò Vấp. Mừng rỡ Hương bốc máy báo cho thượng cấp biết. Nóng lòng muốn cho đơn vị của mình vào thành phố trước nhất, Tây  cho tiểu đoàn 1 và 2 dùng cây cầu sắt để chuyển quân đánh vào các vị trí đóng quân của địch nằm trong quận 2 và quận Gò Vấp mà vị trí cực kỳ xung yếu nhất chính là căn cứ Tân Sơn Nhất. Lệnh từ tư lệnh sư đoàn cho trung tá Tây, chiến đoàn trưởng là bất chấp thiệt hại phải chiếm cho được căn cứ không quân Tân Sơn Nhất để vô hiệu hóa sự can thiệp của phi cơ trực thăng của địch đồng thời làm căn cứ cho máy bay của không quân Việt Nam ở Phú Quốc trong hoạt động yểm trợ các đơn vị bộ binh.

Được tin chiến đoàn 3 thuộc sư đoàn 1 đã vượt qua sông Sài Gòn rồi, binh sĩ của các sư đoàn 2, 3, 4, 5 và 6, 7, 8 cùng với lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến vô cùng phấn khởi, đồng loạt mở cuộc công kích vào phòng tuyến địch bất kể thiệt hại. Lớp này ngã lớp khác tiến lên. Liên tiếp trong ba ngày nhiều trận đánh đẫm máu đã xảy ra. Thiếu sĩ quan chỉ huy, tinh thần chiến đấu suy giảm lại thêm bị tấn công dồn dập; lính của quân khu 7 và 9 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lần lượt bị tan rã. Nhiều đơn vị cấp đại đội hay tiểu đoàn không còn sĩ quan chỉ huy nên lính tự động cởi quân phục và bỏ hàng ngũ. Một ít đơn vị rút vào trung tâm thành phố cố thủ dù biết sớm muộn gì họ cũng phải buông súng đầu hàng.

*****

Buổi lễ tiếp nhận quyền quản trị thành phố Sài Gòn diễn ra rất đơn giản và chỉ kéo dài chừng nửa giờ. Phe thua trận có mặt trung tướng Nguyễn Minh Chiếm, tư lệnh quân khu 7 cùng với vài sĩ quan tham mưu của ông ta và một ít nhân viên hành chánh của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Phe thắng trận được chỉ huy bởi thiếu tướng Trần Quang Khải, tư lệnh chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn và các sĩ quan tham mưu. Lá cờ đỏ sao vàng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được kéo xuống rồi lá cờ tự do dân chủ của nước Việt Nam ở Phú Quốc được kéo lên bay phất phới trên bầu trời đầy nắng của thành phố Sài Gòn. Tướng Khải hơi mỉm cười khi nghe tiếng hát văng vẳng: ” Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi… Sài Gòn ơi… ”.

Hai vị tướng lãnh bắt tay lần nữa sau buổi lễ bàn giao. Thi hành lời hiệu triệu của thủ tướng Việt đọc trên đài phát thanh ba ngày trước, chính phủ mới cho phép quân nhân các cấp của hai quân khu 7 và 9 sau khi buông súng được tập họp tại nhiều địa điểm trong thành phố để kiểm kê xong sẽ được cấp phương tiện trở về quê quán sinh sống như mọi người khác. Những quân nhân nào muốn gia nhập vào quân lực của nước Việt Nam sẽ được thu nhận và bổ xung vào các sư đoàn tác chiến. Phần nhân viên hành chánh cũ tạm thời được thu dụng để điều hành mọi dịch vụ cần thiết. Nhờ vào chính sách khoan dung này mà trật tự thành phố được vãn hồi nhanh chóng cũng như tình hình chính trị và quân sự không bị xáo trộn nhiều sau khi trận chiến chấm dứt.

 

Hết Quyển 3

Xi đọc tiếp quyển 4

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.