GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

58.

22:30 giờ.

Mồng 1 Tết Nhâm Tuất năm 2042.

Đâu đó trong vùng biển của quần đảo Trường Sa. Chiếc 66 từ từ nổi lên mặt nước để chạy máy xạc bình điện đồng thời cũng liên lạc về bộ tư lệnh. Thủy thủ có phiên trực thay phiên nhau lên đài quan sát dò tìm tàu lạ luôn cả máy bay săn tàu ngầm. Đêm sáng mờ. Gió thổi mạnh. Đang làm sĩ quan đương phiên, trung úy Hạnh quay về chỗ ghế Chương đang ngồi nói lớn.

– Trình hạm trưởng… Tư lệnh Jack muốn nói chuyện với hạm trưởng…

Rời chỗ Chương cầm lấy điện thoại. Không biết đầu dây bên kia nói gì mà chỉ nghe Chương trả lời thật gọn.

– Dạ tôi sẽ làm đúng theo lệnh của tư lệnh…

Gác điện thoại, vị hạm trưởng nhìn mọi người đang ở trong phòng chỉ huy rồi mỉm cười lên tiếng.

– Mình có công tác mới…

Bảo nhân viên tề tựu nơi phòng chỉ huy, Chương nói gọn một câu.

– Mình sẽ đi Phan Thiết… đúng hơn là cù lao Thu…

Thấy mọi người tuy vui mừng song có vẻ ngơ ngác vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vị hạm trưởng cười giải thích tiếp.

– Đúng giờ giao thừa Tết Nhâm Tuất, các chiến hạm của ta từ ngoài hải phận quốc tế đã hải pháo phi trường Phan Rang để yểm trợ cho chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn giai đoạn 2. Cũng cùng giờ đó các máy bay oanh tạc có chiến đấu cơ phản lực hộ tống đã dội bom hai căn cứ Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Cũng đúng giờ giao thừa Tết Nhâm Tuất, quân lực Việt Nam ta đã vượt qua con sông Tiền mở đầu cho cuộc tiến công Sài Gòn…

Tiếng hò, hét, huýt sáo, vỗ tay vang lên từ phòng ăn rồi tới tận phòng cơ khí và ở phòng chỉ huy nữa. Đợi cho mọi người im lặng xong Chương mới thong thả tiếp.

– Tư lệnh Jack nói cho tôi biết 10 sư đoàn bộ chiến của quân lực ta đóng ở Cần Thơ đã đồng loạt mở cuộc công kích vào các địa điểm đóng quân của địch sau khi hải quân pháo kích căn cứ Phan Rang và không quân oanh tạc hai căn cứ Tân Sơn Nhất với Biên Hòa. Mình có nhiệm vụ hợp với các tàu nổi lập thành phòng tuyến biển tại cù lao Thu để ngăn chiến hạm của địch từ ngoài bắc và trung vào tiếp viện Sài Gòn. Bây giờ anh em giải tán để chuẩn bị cho công tác mới.

Dứt lời vị hạm trưởng ra lệnh gọn.

– 66… hướng tây bắc 270 độ… tốc độ 10 knots…

Là sĩ quan đương phiên, Hạnh ra lịnh hướng mũi tàu về tọa độ bắc vĩ tuyến mười ba mươi hai không chín, đông kinh tuyến một không tám năm bảy mười một. Đó là tọa độ của quần đảo Phú Quý với 10 đảo lớn nhỏ mà dân chúng thường gọi chung với tên Cù Lao Thu nằm trong tỉnh Bình Thuận; cách thành phố Phan Thiết hơn 100 cây số về hướng đông nam; cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía tây bắc; cách Cam Ranh 150 km về phía nam; cách Côn Sơn 330 km về phía đông bắc; cách Vũng Tàu 200 km về phía đông.

*****

21:00 giờ. Mồng 2 Tết Nhâm Tuất. 2042

Chiếc VNN66 Hải Mã từ từ nổi lên trên mặt nước cách cù lao Thu mươi hải lý về hướng đông bắc. Đây là dịp để cho tàu chạy máy dầu cặn xạc bình điện và cũng để cho thủy thủ đoàn liên lạc với gia đình bằng điện thoại hoặc bằng điện thư.

Đang ngồi xem tin tức chiến sự của đài truyền hình, nghe điện thoại của mình reo, Thúy Nhi vội nhấc máy liền như có linh cảm đây là cú điện thoại mà mình mong chờ từ lâu.

– Hello…

Từ bên kia đầu dây vang lên giọng nói trầm ấm của Chương. Dường như có tiếng rì rầm của máy tàu gì đó.

– Em mạnh không?

– Dạ em mạnh. Còn anh?

Thúy Nhi nghe giọng của mình như có nước mắt, còn giọng của Chương củng không được bình thường.

– Anh cũng mạnh. Nghe được giọng nói của em  anh cảm thấy mạnh liền…

– Em cũng vậy… mà anh đang ở đâu vậy?

– Ở trên biển… Gần Phan Thiết…

– Chừng nào Thúy Nhi mới có hi vọng thấy lại cái bản mặt của anh?

Thúy Nhi nghe có tiếng Chương cười rồi sau đó là tiếng thở dài rất khẽ.

– Chắc còn lâu mình mới gặp lại…

– Lâu là bao lâu?

Thúy Nhi hỏi vặn và nghe được tiếng thở dài của người ở bên kia đầu dây điện thoại.

– Anh không biết… Chắc em có nghe tin tức…

– Dạ em có nghe… Báo chí, radio và tivi nói hoài về chiến dịch Hẹn Nhau Ở Sài Gòn. Có phải vì vậy mà anh lưu lại cho em câu ” Hẹn gặp em ở Sài Gòn ”…

Có tiếng Chương cười vui vẻ trong điện thoại kèm theo câu nói.

– Anh gọi mà không gặp em nên nhắn lại câu nói đó…

Nhẹ thở dài Thúy Nhi lên tiếng.

– Em hứa với anh em sẽ bắt điện thoại mỗi khi anh gọi… I’m sorry…

– Không có chi em… đừng bận tâm về chuyện đó. Khi nào Sài Gòn được thở không khí tự do anh sẽ hẹn gặp em ở đó và tặng em món quà…

Nghe Chương nói, Thúy Nhi không giấu được sự ngạc nhiên. Từ khi quen nhau tới giờ anh chưa bao giờ mua bất cứ thứ gì cho cô cả. Chính cô cũng vậy. Sinh nhật hay lễ lộc gì đó, cả hai chỉ gởi cho nhau lời chúc mừng giản dị mà thôi. Không có quà cáp gì hết.

– Quà cho em?

Hỏi vặn xong Thúy Nhi nghe tiếng Chương cười lớn.

– Anh sẽ mua cho em chiếc nhẫn…

Chương ngừng lại giây lát mới nói tiếp bằng Anh ngữ

– … ” engage ”… Tiếng Việt của mình là gì hả em anh quên mất tiêu rồi…

Thúy Nhi nghe Chương cười hăng hắc bên kia đầu dây.

– Dạ em đoán là nhẫn hứa hôn… nhẫn cưới…

– Vậy hả… Từ đây tới đó còn xa nên em có thời giờ suy nghĩ. Dù em có từ chối anh cũng không phiền trách gì em hết…

– Dạ… Em sẽ suy nghĩ và sẽ trả lời khi gặp anh… mà em nghĩ là em sẽ nói ” Yes ”…

Nói xong Thúy Nhi bật cười thánh thót. Chương cũng cười đùa.

– Cám ơn em cho anh hi vọng… Mà anh muốn hỏi em điều này…

– Dạ… chuyện gì hả anh?

– Anh cưới em hay là em cưới anh…

Nghe câu hỏi có vẻ tếu của Chương, Thúy Nhi không nhịn được phải bật cười.

– Anh lính đâu có nhiều tiền … vậy để em cưới anh về làm ba của con em…

Chương nghe giọng cười của Thúy Nhi đầy âm vang sung sướng và hạnh phúc.

– Công việc của em ở Cần Thơ xong chưa?

– Dạ cũng đang tiến hành dù chậm… Em đã tìm được chỗ, treo bảng hiệu và mướn nhân viên xong rồi. Chỉ đợi ngày khai trương… Chắc phải giữa năm 2042 này. Em đang tính toán với các nhân viên để đi Sài Gòn một chuyến…

– Đi Sài Gòn làm gì? Đang lộn xộn mà… Lính đang đánh nhau mà em đi nguy hiểm lắm…

Chương kêu nhỏ. Thúy Nhi cười thánh thót.

– Anh hẹn gặp em ở Sài Gòn mà…

– Em đừng có đi… Đợi khi nào anh sắp xếp xong xuôi rồi anh cho em biết…

– Vậy à… Em sẽ chờ…

Nói tới đó Thúy Nhi nghe tiếng còi hụ vang vang rồi Chương lên tiếng.

– Anh phải đi… Em có muốn nói gì thêm trước khi anh đi?

– Dạ có… Em muốn anh đem cái bản mặt của anh về cho em ” nựng ” khi mình gặp nhau ở Sài Gòn. Is that clear, Captain?

Nói xong câu cuối bằng Anh ngữ Thúy Nhi phá ra cười hắc hắc. Đó là câu mà hai người thường  nói đùa mỗi khi trò chuyện với nhau. Bật lên tiếng cười vui vẻ, Chương cũng trả lại bằng câu tiếng Anh.

– Aye, aye, ma’…a…am…

Thúy Nhi bật cười hăng hắc khi nghe Chương kéo dài tiếng sau cùng và âm thanh vang nhỏ báo hiệu cuộc chuyện trò chấm dứt.

 

59.

Ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Tuất – 2042.

Trảng Bàng. Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch Hẹn Gặp Nhau Ở Sài Gòn. Thiếu tướng Khải, mới được gắn hai sao mười ngày trước, nhìn chăm chú lên tấm bản đồ hành quân trải lên mặt bàn bằng cây đặt trong căn phòng rộng trước đây là phòng làm việc của ủy ban nhân dân quận. Mười lăm ngày sau cuộc tổng công kích, các đơn vị của ông đã lập được một phòng tuyến tạm thời bao vây và cô lập Sài Gòn. Sau nhiều cuộc đụng độ ác liệt với các đơn vị của sư đoàn 317 thuộc quân khu 7 của địch, ba chiến đoàn của sư đoàn 1 đã chiếm đóng được một ít các vị trí quan trọng trong vùng trách nhiệm. Sư đoàn 1 đặt bộ tư lệnh tại Củ Chi. Chiến đoàn 1-1 vượt qua sông Sài Gòn, sau ba lần thất bại cuối cùng cũng đánh chiếm được tỉnh lỵ Thủ Dầu Một rồi ba tiểu đoàn cơ hữu chia nhau đóng chốt chận cứng quốc lộ 13, con đường huyết mạch dẫn về Sài Gòn. Địch từ Bình Long, Phước Long hoặc vùng cao nguyên muốn về giải vây cho Sài Gòn đều phải dùng đường 13 để chuyển quân. Qua nhiều trận đánh đẫm máu ở Hóc Môn, nơi đặt bộ tư lệnh của sư đoàn 317 của địch mà không chiếm được cứ điểm hiểm yếu này, chiến đoàn 2-1 phải lui về cố thủ ở Ấp Chợ, nằm ngay trên trục lộ 22 từ Củ Chi về Sài Gòn. Riêng chiến đoàn 3-1 của trung tá Tây đã làm bước nhảy vọt bằng cách vượt qua sông Sài Gòn tiến chiếm Lái Thiêu và Dĩ An. Tuy nhiên gặp sức kháng cự mạnh mẽ của địch và vì thiếu hụt đạn dược và không được sự yểm trợ của thiết giáp; chiến đoàn 3-1 chỉ chiếm được Lái Thiêu cũng như kiểm soát được trục lộ giao thông từ Lái Thiêu về tới cầu Bình Lợi.

Khẽ hớp ngụm cà phê còn âm ấm, vị tư lệnh chiến dịch đưa mắt sang vùng trách nhiệm của sư đoàn 2 với bộ tư lệnh và chiến đoàn 1-2 đang đóng tại Hậu Nghĩa. Chiến đoàn 3-2 ở Đức Hòa, còn chiến đoàn 2-2 trấn giữ Bến Lức ngăn không cho quân tiếp viện của quân khu 9 từ Mỹ Tho về giải cứu Sài Gòn. Phóng mắt sang phần đất của tỉnh Đồng Nai ông ta hơi cau mày. Báo cáo của phòng hành quân ngày hôm qua cho biết sau nhiều ngày tiến rồi lùi, chiếm rồi phải rút bỏ; chiến đoàn 1, 2 và 3 của sư đoàn 3 đã có những trận đánh nẩy lửa với trung đoàn 250, trung đoàn 31 và trung đoàn 96 thuộc sư đoàn 309 của địch quanh khu công nghiệp Biên Hòa và phường Long Bình Tân. Tuy thiếu sự yểm trợ của phi pháo cũng như thiếu hụt đạn dược, song ba trung đoàn cột trụ của sư đoàn 309 vẫn giữ vững vị trí. Trong lúc chiến đoàn 3-4 của sư đoàn 4 dưới sự điều động của trung tá Bão, chiến đoàn trưởng, đã nhổ từng chốt lớn cỡ trung đội, nhỏ cỡ tiểu đội của các đơn vị quân sự tỉnh cũng như của sư đoàn 309 để chiếm nhà ga Hố Nai, kiểm soát đường xe lửa và các vùng phụ cận như phường Hố Nai và Tân Biên. Nhấp thêm ngụm cà phê, tướng Khải để mắt tới mũi tên màu xanh ghi sư đoàn 4 của đại tá Biên đang ở tại Long Thành với chiến đoàn 1-4 trấn Bà Rịa-Vũng Tàu, còn chiến đoàn 2-4 đang trên đường xuống Nhơn Trạch. Xa hơn hết là sư đoàn 6 của đại tá Thiều, sau nhiều trận đánh ác liệt và đẫm máu với sư đoàn 302 ở thị trấn Ngãi Giao và các khu vực dọc theo quốc lộ 56 vẫn chưa kiểm soát được Ngải Giao, Xuân Lộc, Gia Ray và Trảng Bom cũng như chưa kiểm soát trục lộ 20 từ Lâm Đồng về Định Quán và quốc lộ 1A về Biên Hòa. Riêng sư đoàn 5 với hai chiến đoàn 1-5,2-5 và một tiểu đoàn tác chiến điện tử đã đánh tan các đơn vị cản đường tiến chiếm các địa điểm xung yếu như Cần Đước, Cần Giuộc bắt tay với lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng ở Phú Xuận của quận Nhà Bè. Phần mặt trận Tiền Giang thời tình hình có vẻ sáng sủa hơn. Phi cơ với pháo binh và đại bác thuộc các chiến hạm đã bắn phá các mục tiêu đặt dọc theo phòng tuyến sông Tiền của quân khu 9 ba ngày liên tiếp. Sau đó hai sư đoàn bộ chiến 7 và 8 đồng loạt đổ bộ lên các vị trí quan trọng dọc theo con sông Tiền như Hồng Ngự, Cái Bè, Mỹ Tho cũng như kiểm soát hai cây cầu chiến lược là cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miểu. Nhờ vậy mà chiến xa cùng quân xa đã vận chuyển hết binh sĩ qua bên Tiền Giang, từ đó phóng ra các cuộc tấn kích vào các đơn vị của quân khu 9. Nhiều trận đánh đẫm máu và cực kỳ ác liệt giữa hai bên đã xảy ra. Cuối cùng với tổn thất về sinh mạng và vũ khí, bộ tư lệnh quân khu 9 và ba sư đoàn 4, 8 và 330 phải rút về cố thủ ở Long An, chiếm giữ quốc lộ 1 với hai cây cầu Long An và Bến Lức và bắt tay với quân khu 7 lập thành phòng tuyến mới. Dù bắt buộc phải rút lui về cố thủ vòng đai quanh Sài Gòn, với bốn sư đoàn 302, 305, 309, 317 của quân khu 7 và ba sư đoàn 4, 8 và 330 của quân khu 9; lực lượng của địch vẫn còn đủ mạnh khiến cho quân lực của Phú Quốc nhất thời khó mà chọc thủng tuyến phòng thủ được. Ba căn cứ không quân Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Phan Rang dù bị thiệt hại nặng song các phi cơ của hai trung đoàn tiềm kích 927 ở Phan Rang, trung đoàn tiềm kích 925 vẫn hoạt động  sau khi phi đạo được sửa chữa tạm thời. Hợp với phi đoàn trực thăng võ trang, hai trung đoàn tiềm kích này cũng gây ít nhiều khó khăn cho quân lực Việt Nam ở Phú Quốc. Nhìn bản đồ của thành phố Sài Gòn với các vùng phụ cận rồi kiểm lại những gì ghi trong sổ tay của mình, tướng Khải trầm ngâm suy nghĩ. Mặt trận diễn ra không đúng theo kế hoạch hành binh. Nửa tháng rồi mà các đơn vị của ông chưa vào được Sài Gòn, chưa kiểm soát được thành phố rộng lớn này. Nó có 22 quận mà lực lượng của ông ta chỉ làm chủ được 6 quận Củ Chi, Lái Thiêu, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giuộc và Cần Đước. Điều đó đủ nói lên lực lượng của địch vẫn còn mạnh, tinh thần chiến đấu chưa suy giảm và vẫn cố thủ quanh phòng tuyến mà họ đã thiết lập. Muốn đạt chiến thắng ông phải làm điều gì khác hơn và đặc biệt hơn.

– Anh mời tư lệnh phó và tham mưu trưởng tới gặp tôi…

Tướng Khải nói với Tiến. Vị sĩ quan tùy viên nhấc điện thoại trò chuyện giây lát rồi thưa.

– Trình tư lệnh… Tham mưu trưởng đang ở phòng hành quân và sẽ tới ngay. Còn tư lệnh phó đang nghe báo cáo của các tư lệnh sư đoàn. Chừng mươi phút nữa tư lệnh phó sẽ có mặt…

Hơi gật đầu, tướng Khải ngồi im nhìn vào bản đồ hành quân. Ông hơi ngước lên khi thấy đại tá Nhiều vừa thay thế chức tham mưu trưởng cho đại tá Chiếm về hưu bước vào.

– Mời anh ngồi… Cà phê nghen…

Tướng Khải cười nói thân mật. Nhiều cũng cười vui vẻ.

– Dạ… Tư lệnh cho tôi cà phê đen cũng được…

Lui ra khỏi phòng Tiến gọi lính lấy cà phê cho đại tá Nhiều. Đợi cho ông ta nhấp ngụm cà phê xong xuôi rồi tướng Khải mới lên tiếng.

– Quân của mình đã khựng lại…

Đại tá Nhiều khẽ gật đầu lên tiếng.

– Ba ngày qua tôi đã đi thị sát các nơi đóng quân của hai sư đoàn 1 và 2 ở Thủ Dầu Một, Củ Chi, Đức Hòa, Bến Lức. Dù bị tổn thất và phải lui về cố thủ ở vòng đai của Sài Gòn, bốn sư đoàn 5, 302, 309 và 317 của quân khu 7 và 4, 8 với 330 của quân khu 9 hợp lại vẫn còn đủ mạnh để cản không cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Điều đó gây bất lợi cho ta vì các sư đoàn ở cao nguyên của địch hay miền trung sẽ vào giải cứu cho Sài Gòn. Tôi nghĩ…

Đại tá Nhiều ngừng lại uống ngụm cà phê. Tướng Khải im lặng như chờ nghe vị tân tham mưu trưởng vốn là sĩ quan tham mưu xuất sắc khi còn phụ trách trưởng phòng hành quân.

– Trình tư lệnh… Tôi có cách như thế này… Sau khi bị ta đánh rát địch đã để mất nhiều vị trí quan trọng song dần dần cũng đã lấy lại tinh thần và tái phối trí lực lượng để thiết lập một phòng tuyến vững chắc quanh Sài Gòn. Muốn làm cho hàng ngũ của địch tan rã trước nhất ta phải đánh ngay vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ…

Tướng Khải khẽ gật đầu như đồng ý về những gì vị tham mưu trưởng của mình đã nói. Chính ông ta cũng nghĩ như vậy và đang suy nghĩ để tìm kiếm một kế hoạch hành quân thích hợp với tình thế hiện tại. Đó là lý do khiến ông ta mời  hai vị phụ tá của mình tới bàn luận.

Vừa lúc đó chuẩn tướng Bình mới nhậm chức tư lệnh phó bước vào. Giơ tay chào tướng Khải, bắt tay đại tá Nhiều, ông ta ngồi xuống ghế dành cho mình.

– Cám ơn em…

Tướng Bình cười nói với Tiến khi nhận tách cà phê nóng. Nhìn tướng Khải và đại tá Nhiều, ông ta hắng giọng.

– Thưa tư lệnh… Các sư đoàn báo cáo đã nhận đầy đủ tiếp liệu rồi. Tinh thần binh sĩ cũng cao lắm. Tôi nghĩ là mình nên tấn công sớm. Để dần dà địch có thêm thời giờ tái phối trí và xin quân tiếp viện thời mệt cho mình lắm…

Đại tá Nhiều mỉm cười còn tướng Khải gật đầu lên tiếng.

– Anh Nhiều cũng đã nói điều đó và tôi cũng đồng ý. Bởi vậy tôi mới mời hai anh tới bàn luận về kế hoạch hành binh tấn công địch…

Hớp ngụm cà phê xong đại tá Nhiều hắng giọng.

– Tôi có ý kiến như thế này xin tư lệnh và tư lệnh phó nghe thử. Trước khi mở mặt trận mới quanh Sài Gòn, chúng ta phải làm cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ địch sụt giảm để từ đó dẫn họ tới chuyện bỏ hàng ngũ hay không còn chiến đấu hăng say nữa. Muốn làm cho tinh thần chiến đấu của địch suy giảm ta phải đánh ngay vào bộ chỉ huy đầu não…

Tướng Bình nhìn đại tá Nhiều rồi liếc tướng Khải. Rút trong túi áo trận của mình ra mảnh giấy Nhiều cười nhẹ.

– Các sĩ quan tham mưu của tôi đã lập một danh sách đầy đủ các căn cứ, bộ chỉ huy, bộ tư lệnh quân sự của địch. Mình sẽ oanh kích các nơi này. Mất liên lạc với cấp chỉ huy trung ương thời các đơn vị nơi tiền đồn sẽ bối rối và hoang mang liền…

Đại tá Nhiều dừng lại khi thấy hai cấp chỉ huy gật đầu tỏ vẻ đồng ý về những gì mình nói. Điều đó khiến cho ông ta phấn khởi. Mới nhậm chức do đó ông ta cần phải có sáng kiến cho mặt trận Sài Gòn vừa mở ra đã khựng lại vì sức kháng cự mạnh mẽ của các đơn vị thuộc quân khu 7 và quân khu 9.

– Thưa tư lệnh và tư lệnh phó… Cách thức đánh rắn phải đập đầu này vừa đổ tốn hao tánh mạng của anh em binh sĩ lại gây một tác động tinh thần dẫn tới sự xụp đổ nhanh chóng của các đơn vị địch. Lính mà biết tư lệnh quân khu của họ đã tử thương hoặc các bộ tư lệnh sư đoàn bị tan nát thời sớm muộn gì họ cũng phải bỏ ngũ vì thiếu cấp chỉ huy…

– Tôi đồng ý với sáng kiến của anh Nhiều…

Tướng Khải lên tiếng. Ông ta đồng ý thời dĩ nhiên tướng Bình cũng chấp thuận bằng câu hỏi cho vị đại tá tham mưu trưởng.

– Mình dùng cách nào để đánh xập tiệm các cơ quan đầu não của địch…

– Mình có ba cách. Đầu tiên là dùng trung đoàn pháo; kế đó dùng phi cơ và cuối cùng nhờ bên hải quân. Mình cũng có thể dùng cả ba càng tốt…

Trải danh sách dài sọc có ghi địa chỉ các cơ quan đầu não của địch lên mặt bàn, đại tá Nhiều từ từ thốt.

– Muốn cuộc oanh kích đạt hiệu quả cực độ, tôi sẽ ra lệnh cho phòng tác chiến điện tử chấm tọa độ rồi giao cho pháo binh, bên không quân và hải quân để họ căn cứ vào đó mà bắn trúng mục tiêu một cách chính xác. Khi cuộc oanh kích đạt hiệu qua thời ta sẽ rỉ tai đồng bào là quân lực của nước Việt Nam ở Phú Quốc có vũ khí tối tân tới độ bắn hỏa tiễn lọt vào cửa sổ làm nổ tung bộ tư lệnh của quân khu 7, bộ tư lệnh thành phố Sài Gòn. Dân mà đồn lên thời quan với lính của địch sẽ sợ hãi mà bỏ hàng ngũ liền…

Nghe tới đó tướng Khải gật gù cười tỏ vẻ hài lòng thốt nhanh.

– Kế hoạch này coi được lắm. Vậy anh cứ theo đó mà thi hành. Nếu có gì trục trặc anh hãy cho tôi biết…

– Tôi sẽ cho thi hành ngay thưa tư lệnh…

Giơ tay chào hai cấp chỉ huy của mình, đại tá Nhiều trở về phòng làm việc của mình. Hai vị tư lệnh và tư lệnh phó còn ngồi lại bàn soạn lúc lâu. Suốt ngày hôm đó toàn thể nhân viên thuộc văn phòng tham mưu trưởng và phòng tác chiến điện tử của bộ tư lệnh chiến dịch làm bỏ ăn mới hoàn thành được các dữ kiện cần thiết cho cuộc oanh tạc các bộ chỉ huy quân sự đầu não thuộc quân khu 7. Theo ý của đại tá Nhiều, thời không quân sẽ được giao cho nhiệm vụ bắn phá đầu tiên rồi sau đó mới tới phiên của trung đoàn pháo binh 304 An Thới.

*****

– Trung tá Phùng đang trên đường tới trình diện tư lệnh…

Khẽ gật đầu tướng Khải nhìn vào bản đồ rồi lại nhìn vào sổ tay của mình rồi lại nhìn bản đồ như đang vẽ trong đầu của mình một kế hoạch hành binh có thể làm thay đổi cục diện của mặt trận Sài Gòn. Có tiếng xe jeep ngừng ngoài sân rồi một trung tá mặc quân phục ngụy trang bước nhanh vào cửa. Vóc người cao ráo, da sạm nắng, tóc ba phân, giày trận tuy cũ song sạch và bóng, khuôn mặt gân guốc, bước chân nhanh mà ổn, ông ta bước vào phòng.

– Trung tá Phùng, lữ đoàn trưởng lữ đoàn đặc nhiệm trình diện thiếu tướng tư lệnh…

Tướng Khải đứng lên, đưa tay ra bắt tay trung tá Phùng kèm theo câu nói đùa.

– Tôi khỏi cần hỏi anh mạnh khỏe không… Cứ nhìn tướng anh là tôi biết anh phẻ re…

Phùng bật lên cười sang sảng.

– Cám ơn tư lệnh… Tư lệnh gọi tôi chắc có chuyện cần…

Khẽ gật đầu, tướng Khải nói.

– Mời anh ngồi…

Nói xong ông ta quay qua nói với Tiến.

– Anh vui lòng rót rượu mời trung tá Phùng. Phải cho ổng nhậu vài ly Jack Daniel thì mình mới nói chuyện đánh giặc với ổng được…

Quá quen với cá tính của cấp chỉ huy, Tiến lui ra phòng rồi lát sau trở lại với chai Jack Daniel và hai cái ly. Mở nắp chai rượu, Tiến cười hỏi Phùng.

– Trung tá muốn nóng hay lạnh?

Phùng trả lời nhanh.

– Em cho tôi nóng đi…

Nóng là tiếng lóng chỉ rượu không có pha trong lúc lạnh thời được bỏ thêm đá vào. Cười nhẹ rót hai ly rượu đầy đặt lên bàn trước mặt hai người xong Tiến từ từ lui ra khỏi phòng.

– Mời anh…

Tướng Khải đưa ly lên chạm nhẹ vào ly của trung tá Phùng. Hai người nhấp ngụm rượu xong tướng Khải bằng giọng nói thong thả và mạch lạc trình bày về mặt trận Sài Gòn. Trung tá Phùng chăm chú lắng nghe mà mắt theo dõi vào các địa điểm trên bản đồ. Dường như trong đầu vị sĩ quan có gần hai mươi tuổi lính đã sớm nghĩ ra điều mà tướng Khải muốn anh phải làm. Tuy nhiên anh vẫn im lặng nghe mà không phát biểu gì hết.

– Tôi muốn anh dẫn lữ đoàn đặc nhiệm vào trung tâm thành phố…

Trung tá Phùng cười nhẹ. Tướng Khải cũng cười như biết người sĩ quan từng ở dưới quyền chỉ huy của ông khi ông còn giữ chức đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng hiểu ông muốn làm gì.

– Tư lệnh muốn lúc nào tôi mới đi?

– Lữ đoàn của anh được đặt trong tình trạng ứng chiến. Khi nào có lệnh của tôi anh đi liền. Vào được trong đó rồi anh quậy lên thời tôi sẽ cho các sư đoàn động binh ngay. Trong đánh ngoài đánh thời địch sẽ bối rối và ” nứt ” liền…

Đưa ly rượu lên uống một hơi cạn sạch, trung tá Phùng đứng dậy đưa tay chào thượng cấp rồi nghiêm giọng.

– Tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà tư lệnh giao phó…

Dứt lời ông ta xoay lưng bước ra cửa đoạn leo lên xe jeep vừa xịch tới. Tướng Khải vẫn còn ngồi tại chỗ im lìm suy nghĩ. Dùng phi pháo đánh xập tiệm các căn cứ chỉ huy cao cấp rồi sau đó toàn bộ mặt trận sẽ nổ bùng cùng lúc lữ đoàn đặc nhiệm với quân số hơn hai ngàn quậy nát bên trong lòng thành phố; ông ta hi vọng tinh thần chiến đấu của địch sẽ lung lay dẫn tới chuyện phòng tuyến của địch sẽ bị nứt rạn.

Trang 13

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.