GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

54.

5 phút trước giao thừa.

Tết  Nhâm Tuất. Năm 2042.

Đêm thăm thẳm sao. Hai mươi chiếc F-15C và F-15D lần lượt rời khỏi căn cứ không quân ở Phú Quốc. Đây là loại phản lực cơ ” multirole ” tức kiêm luôn cả hai lãnh vực chiến đấu và oanh tạc thuộc phi đoàn Sấm Thần dưới quyền chỉ huy của trung tá CatLe mang nhiệm vụ tiêu diệt các giàn ra đa và hỏa tiễn của địch trước khi cuộc oanh kích bắt đầu. Có như vậy các oanh tạc cơ A-10 và C-130 Gunship mới không lo bị bắn rơi bởi các giàn hỏa tiễn.

Vừa bình phi ở độ cao 200 mét, tất cả phi công  lập tức dàn đội hình bắt đầu tấn công dưới đất hoặc sẵn sàng đối phó nếu có phi cơ của địch xuất hiện. Hai mươi bốn chiếc phản lực cơ xếp thành hai đội hình, mỗi chiếc cách nhau 2 cây số đồng thời giảm độ cao xuống còn 150 mét. Phi đoàn Sấm Thần do trung tá CatLe chỉ huy có 2 phi đội. Phi đội 1 gồm toàn F-15C, lớp phi cơ chỉ có một phi công do trung tá CatLe vừa là phi đoàn trưởng kiêm phi đội trưởng. Phi đội 2 với 12 chiếc F-15D có hai chỗ ngồi dành cho phi công chính và phụ. Phi đội này được sự chỉ huy của chính phi đoàn phó Liz Trần.

Phú Quốc cách Sài Gòn chừng 200 cây số đường chim bay, với tốc độ 2000 cây số một giờ do đó chỉ cần năm phút các phản lực cơ chiến đấu của phi đoàn Sấm Thần đã tiếp cận căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. Để đạt yếu tố bất ngờ cũng như giảm thiểu công việc cho phi công đồng thời gây thiệt hại nặng cho địch, tọa độ của các giàn ra đa và hỏa tiễn mà phòng an ninh và tình báo đã thu thập được gài vào hệ thống khai hỏa tự động của các phi cơ tham chiến. Đã nghiên cứu kỹ CatLe biết các giàn ra đa hiện đại của địch có thể bắt sóng rất xa. Có thể nói một cách không ngoa là ngay khi các phi cơ của phi đoàn Sấm Thần do cô chỉ huy vừa bình phi để lập thành đội hình tác chiến thời hệ thống cảnh báo sớm ở Sài Gòn đã biết rồi cho nên các giàn cao xạ và hỏa tiễn phòng không sẵn sàng bắn trả khi bị oanh tạc. Biết được điều đó, CatLe và các phi công triệt để lợi dụng các điểm vượt trội của họ so với địch. Đầu tiên là sự bất ngờ. Bây giờ là giao thừa, giây phút thiêng liêng nhất của dân chúng. Nhằm ngày tết do đó ai cũng lo ăn mừng. Đa số lính sẽ được phép về nhà xum họp với gia đình. Còn nếu bị bắt buộc ở lại căn cứ thì họ cũng đang nhậu nhẹt và ăn uống vì vậy sẽ lơ là chuyện canh phòng. Điểm thứ nhì là khoảng cách và tốc độ. Phú Quốc cách Sài Gòn độ 200 cây số và với vận tốc 2000 cây số, phi đoàn của CatLe chỉ cần 5 phút đồng hồ để tiếp cận mục tiêu. Thứ ba là tọa độ của các giàn ra đa và giàn hỏa tiễn đều được gài sẵn trong hệ thống khai hỏa tự động của phi cơ do đó phi công không phải mất thời giờ tìm kiếm. Thứ tư là nhờ biết sẵn mục tiêu, các phi cơ có thể bay thật thấp để tránh hỏa tiễn và súng phòng không. Do các điều vừa nêu trên, nếu có được ra đa cảnh báo sớm, lính phòng thủ căn cứ và các máy bay cũng khó mà phản ứng kịp thời trước cuộc oanh kích bất ngờ này.

*****

10 phút tới giao thừa.

Tết Nhâm Tuất năm 2042.

Đang từ bãi đậu chiếc oanh tạc cơ A-10 Thunderbolt II  to lớn và nặng nề chậm chạp ” taxi ” ra đường bay, tiếp theo hai chiếc A-10 khác và cuối cùng ba chiếc AC-130H/U Gunship. Với chong chóng quay vù vù, sáu chiếc oanh tạc cơ xếp hàng dài chờ lệnh của đài kiểm lưu để cất cánh thi hành công tác phá hủy căn cứ không quân Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Đèn xanh bật cháy báo hiệu đường bay ” clear ”. Chiếc A-10 đầu tiên chậm chạp lăn bánh rồi từ từ tăng tốc độ và sau cùng rời khỏi mặt đất. Năm chiếc kia cũng lần lượt cất cánh lên trên bầu trời đen lấp ló sao đoạn xếp thành đội hình nhắm căn cứ Biên Hòa và Tân Sơn Nhất trực chỉ. Cùng giờ đó các phản lực cơ chiến đấu và oanh tạc của hai phi đoàn Ó Biển, Hải Âu cũng cất cánh ở phi trường Dương Đông. Với vận tốc nhanh hơn nên chỉ cần năm phút hai phi đoàn phản lực cơ chiến đấu và oanh tạc đã bắt kịp sáu chiếc oanh tạc cơ. Với phi đội 1 của Ó Biển dẫn đầu, phi đội 2 bao đuôi và phi đoàn Hải Âu kèm hai bên trái phải; 6 chiếc oanh tạc cơ, mỗi chiếc mang theo mấy tấn vũ khí đủ loại nhất định san bằng hai căn cứ không quân quan trọng nhất ở miền nam của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Được nửa đường Cần Thơ-Sài Gòn, 6 chiếc F15D của phi đoàn Ó Biển do đích thân thiếu tá Lê Đăng, phi đoàn phó chỉ huy và một chiếc AC-130H/U Gunship giảm tốc độ lùi lại phía sau. Toán máy bay này lãnh nhiệm vụ oanh kích căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất gồm toàn các phi cơ trực thăng nên phải lùi lại phía sau để chờ đúng giờ hẹn mới đồng loạt oanh tạc.

*****

22:00 giờ đêm 30.

Tết Nhâm Tuất năm 2042.

Sáu khu trục hạm VNK6 Lý Thường Kiệt, VNK7 Trần Hưng Đạo, VNK8 Trần Khánh Giư, VNK9 Trần Quang Khải, VNK11 Phạm Ngũ Lão và VNK12 Quang Trung với sáu tuần dương hạm VNT1 Bạch Đằng, VNT2 Vân Đồn, VNT3 Vạn Kiếp, VNT4 Như Nguyệt, VNT5 Chi Lăng, VNT6 Đống Đa lềnh bềnh ngoài hải phận quốc tế cách thành phố Phan Rang hai mươi hải lý. Dường như đoàn chiến hạm này đang sửa soạn đón mừng giao thừa sắp tới trong hai tiếng đồng hồ nữa. Chỉ có điều hơi lạ là nếu chờ đón giao thừa thì họ phải bật đèn sáng trưng chứ đâu có tắt đèn tối thui.

*****

Giao Thừa.

Tết Nhâm Tuất năm 2042

Lửa phụt cháy từ giàn phóng hỏa tiễn Tomahawk của 12 chiến hạm thuộc hải quân Phú Quốc. Hai mươi bốn mũi tên lửa khổng lồ vọt lên trời cao nhắm hướng căn cứ không quân Phan Rang bay đi với vận tốc nhanh gấp rưởi vận tốc của âm thanh. Lửa phụt cháy và tiếng nổ ì ầm vọng lại từ hướng căn cứ không quân ở Phan Rang. Phút sau các khẩu đại bác 130 ly được điều khiển bằng hệ thống Aegis tiếp tục hải pháo vào phi trường mà mục tiêu chính là phi đạo 04l/22R, nhà chứa máy bay, kho xăng và kho đạn. Cơn mưa pháo từ 12 chiến hạm của hải quân Phú Quốc kéo dài hơn giờ đồng hồ mới chấm dứt.

*****

Giao Thừa.

Tết Nhâm Tuất năm 2042.

Được hộ tống bởi các khu trục hạm và tuần dương hạm cộng thêm các duyên tốc đỉnh; ba chiếc tàu thuộc loại chiến đấu và đổ bộ VNC1 Cửu Long, VNC2 Đồng Nai, VNC3 Vàm Cỏ và mười mấy chiếc LST cũng như LCM chở đầy nhóc lính và xe cơ giới bao gồm thiết giáp, xe kéo pháo, GMC và Jeep lặng lẽ tiến vào bờ biển của hai tỉnh Vũng Tàu và Bình Thuận. Tiếng va chạm mạnh báo hiệu tàu đã ủi bãi. Cánh cửa lớn nặng nề mở ra. Lính của ba sư đoàn 3, 4 và 6, súng giơ lên khỏi đầu lội nước ngập nửa người nhanh nhẹn tiến vào bờ. Thiết giáp, xe lội nước, xe kéo pháo, GMC và Jeep lần lượt đổ lên bãi biển dài mấy cây chục số thuộc Bãi Sau, Thùy Vân, Thùy Dương, Kỳ Vân, Cửa Lấp, Long Hải, Phước Hải lan xa tới Hải An, Cờ Đỏ và Mũi Hồ Tràm thuộc quận Xuyên Mộc. Xe cộ, máy móc và 30 ngàn lính tráng la hét tạo thành một khung cảnh náo nhiệt và xô bồ.

Theo đúng kế hoạch hành quân, sau khi lên bờ  sư đoàn 3 của đại tá Chánh có thiết giáp và pháo binh yểm trợ ngồi quân xa tiến đánh Biên Hòa. Để chiến đoàn 1 kinh lý Vũng Tàu và Bà Rịa; đại tá Biên, tư lệnh sư đoàn 4 kéo chiến đoàn 2 và 3 với tăng pháo đầy đủ đánh chiếm Long Thành và Nhơn Trạch. Sư đoàn 6 của đại tá Thiều sau khi lên bờ sẽ bắt đường 44A và đường 56 công kích vào bộ tư lệnh sư đoàn 302 và các trung đoàn trực thuộc đóng ở Ngải Giao, Xuân Lộc, Long Khánh.

 

 

55.

5 phút tới giao thừa.

Tết Nhâm Tuất năm 2042.

Cấp bậc trung úy, Mừng chỉ huy 3 tổ hợp tên lửa S-300 thuộc tiểu đoàn 166, trung đoàn tên lửa 261 của sư đoàn phòng không 367. Mười mấy người lính đứng ngồi trong phòng chỉ huy của anh để chờ đón giao thừa. Dù có lệnh từ trên ban xuống họ phải ứng trực tại chỗ để phòng địch quân tấn công, song không ai trong bọn họ nghĩ máy bay địch sẽ oanh kích vào đêm ba mươi tết.

– Anh em sẵn sàng cụng ly chưa?

– Dạ còn chờ ông Tiến tới là đủ…

Mừng gật đầu nhìn ra cửa khi nghe tiếng xe gắn máy. Tiến, tổ trưởng tổ 1 hấp tấp bước  vào cười nói.

– Xin lỗi anh em… Tôi phải dặn thằng Tín đàng hoàng để lỡ có gì nó kêu tôi…

Mừng nhún vai xì tiếng dài.

– Mày lo xa quá… Mấy thằng lính Phú Quốc giờ này cũng lo ăn nhậu đón tết như mình…

Nói dứt câu Mừng đưa cao ly bia sủi bọt lên. Mấy người lính dưới quyền của anh ta cũng làm theo. Đột nhiên Mừng cảm thấy ly bia trong tay của mình lắc nhẹ làm nước bia sóng sánh cùng lúc làn sóng âm thanh lớn dần lên ù tai anh.

– Cái gì vậy? Hổng lẽ động đất?

– Chắc bão tới…

Tiến nói nhanh.

– Bão đâu mùa này… Hình như máy bay… Tôi nghe tiếng động như là của máy bay…

Ầm… Oành… Đùng… Rầm… Đoàng… Cơn bão âm thanh cuộn tới bứng nguyên căn nhà tiền chế rời khỏi mặt đất rồi buông phịch xuống đất. Mọi người té lăn cù. Đèn điện tắt ngóm. Ly tách rơi xuống sàn vỡ kêu loảng xoảng. Lồm cồm ngồi dậy Mừng phóng ra cửa phải thối lui lại vì dây đạn lửa kéo lê trước mặt mình. Đạn cày đường nhựa hắt vào mặt anh rát rạt. Nằm mọp trên cỏ, ngước đầu lên người tổ trưởng thấy chiếc xe có gắn giàn phóng tên lửa S-300 nhảy dựng lên trên không rồi phựt cháy tiếp theo hàng chục tiếng nổ kinh thiên động địa phát ra khiến anh phải ôm đầu và úp mặt xuống đất nên không thấy được chiếc máy bay xẹt qua đầu mình kèm theo dây đạn lửa đỏ rực.

*****

Phòng hội của trung đoàn 935 tiềm kích thuộc sư đoàn 370 không quân thuộc quân chủng không quân và phòng không của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại căn cứ không quân Biên Hòa thắp đèn sáng trưng chờ đón giao thừa. Tiếng cười nói vang vang. Tất cả quan với lính đều đủ mặt trừ những ai được phép về đón xuân với gia đình. Họ ngồi xếp thành vòng tròn sát với nhau. Trên tay người nào cũng đều cầm ly bia, rượu mạnh chờ tới giờ giao thừa để mừng Xuân về. Vì đại tá Nguyễn Thành Công, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Biên Hòa kiêm trung đoàn trưởng trung đoàn 935 về quê ăn tết với gia đình cho nên trung tá Nguyễn Văn Ấn, trung đoàn phó kiêm chỉ huy phó sẽ chủ tọa cho buổi tiệc đón giao thừa đêm nay. Anh liếc chiếc đồng hồ treo trên tường. Hai cây kim dài ngắn nhích dần dần tới số 12.

– 10 giây nữa…

– 10… 9… 8… 7…

Tiếng đếm nho nhỏ. Mọi người im lặng chờ tới giờ thiêng liêng nhất. Trong cái im lặng đó trung tá Nguyễn Văn Ấn, trung đoàn phó chợt cau mày và hơi nghiêng đầu như lắng tai nghe. Mơ hồ và đâu đó dường như ở trên không, vị sĩ quan cấp tá đồng thời là viên phi công lỗi lạc nhất của trung đoàn nghe được tiếng động rì rầm càng lúc càng lớn dần. Một ý tưởng bật ra khiến cho Ấn buột miệng la lớn.

– Máy bay… máy bay địch…

– Đinh… đong… đinh… đong…

Hai tiếng máy bay địch bật ra cùng lúc với tiếng đồng hồ ngân nga kéo theo cơn địa chấn của âm thanh. Ầm… Oành… Ầm…. Bùng… Rầm… Ầm… Đùng… H…ùuuuuú… Đủ loại tiếng nổ. Còi báo động hú rền vang. Tiếng rít gió của hỏa tiễn. Tiếng đại bác 20 ly réo trong không khí. Tiếng bom nổ. Nhanh hơn ai hết Ấn phóng ra cửa. Trong ánh sáng mờ mờ anh thấy mũi tên lửa không lồ kéo thành dây dài lê thê từ trên cao chúc xuống giàn ra đa 55ZH6UE NEBO-UE đặt chính giữa sân đối diện với bộ chỉ huy căn cứ. Ầm… Oành… Rầm… Rầm… Tiếng nổ mạnh tới độ hất Ấn ngã chúi vào vách. Giàn ra đa cao ngất trời đổ ụp rồi biến mất. Hàng ngàn mảnh vỡ rơi lộp độp trên mái nhà, trên sân cỏ, trên mặt đường tráng nhựa và xi măng. Có những mảnh vụn nhỏ đập vào mặt anh đau buốt tựa kim châm.

– Pháo kích… Anh em ơi…

– Oanh tạc các đồng chí ơi…

– Máy bay địch… chạy…

– F-15 tới… chạy…

Hàng chục tiếng kêu la, hò hét bị át bởi tiếng gầm rú của phản lực cơ chiến đấu bay sát trên đầu họ cộng với tiếng còi báo động hú được vài lần rồi im bặt. Xa đằng kia nơi đặt trạm kiểm lưu lửa phựt cháy sáng lòa và ầm ầm tiếng nổ của bom, hỏa tiễn.

– Theo tôi…

Ấn hét vọng vào phòng có mấy chục phi công đang đứng lố nhố. Nghe lệnh của chỉ huy phó mấy phi công hấp tấp ùa ra bãi đậu xe. Ba chiếc jeep chở đầy nhóc người chạy ào tới bãi xi măng có mấy chiếc máy bay đang đậu. Xe chưa kịp ngừng, Ấn nghe tiếng rít của hỏa tiễn xẹt qua đầu mình. Ầm… Oành… Lửa nháng sáng rực trong đêm. Kèm theo ánh lửa sáng là cơn bão âm thanh cuộn tới có chứa chất thép trong đó. Có tiếng hự, la, hét, gào của người bị thương và người chết nghẹn. Chiếc Jeep được nâng lên bằng sức mạnh khủng khiếp khiến cho Ấn cảm thấy mình bay trong không khí rồi rơi phịch xuống bãi cỏ. Lồm cồm ngồi dậy anh, tai nghe tiếng đạn, bom, hỏa tiễn và tiếng gầm rú của phản lực; mắt thấy hầu hết mọi vị trí quan trọng của căn cứ như đài kiểm lưu, ra đa cố định, ra đa di động, các giàn hỏa tiễn đặt tại chỗ hay gắn trên xe đều bị ăn đạn. Kho săng bốc cháy hừng hực nổ thành tiếng long trời lỡ đất. Kho đạn cũng bị trúng bom. Đợi cho đợt bắn phá hơi lơi tiếng súng, Ấn la hét một số ít phi công không bị thương lên xe jeep chạy tới nhà chứa sáu chiếc phi cơ Sukhoi Su-30MK2 được cất giấu trong bên góc trái cách chừng 50 mét. Chỉ có nó chưa bốc cháy. Anh phải gấp rút tới nơi lái nó lên trời thời mới có hi vọng sống sót qua cuộc oanh kích còn tiếp tục với cường độ dữ dội hơn. Anh còn biết đợt oanh tạc vừa rồi chỉ mới là đợt đầu do phản lực bắn phá các giàn ra đa và hỏa tiễn cốt ý vô hiệu hóa hệ thống phòng không của căn cứ nhằm yểm trợ cho đợt oanh tạc thứ nhì do các oanh tạc cơ khổng lồ mang theo đủ các loại bom như tầm nhiệt, bom tinh khôn, bom tự động tìm kiếm mục tiêu, bom được điều khiển bằng hệ thống điện toán. Muốn sống anh phải ngồi vào buồng lái phi cơ của mình bằng mọi giá. Chiếc jeep phóng ào lên sân cỏ chạy tới nhà chứa phi cơ.

– Máy bay địch tới…

– F-15 tới trung đoàn phó ơi…

– Hỏa tiễn…

– Chạy…

– Nhảy…

Mọi người trên xe jeep nhảy xuống đất trừ Ấn. Đạn 20 nổ điếc con ráy. Đạn cày trên mặt đường nhựa của đường bay nóng rát da. Tiếng rít gió của hỏa tiễn nghe lạnh người. Ầm… Oành… Rầm… Mặc… Ấn đạp lút ga. Chiếc jeep lao đụng vách tường mới ngừng lại. Từng bước một anh chạy ùa vào nhà chứa theo sau còn lại đúng bốn phi công. Ngồi vào chiếc ghế lái quen thuộc anh cảm thấy chút thoải mái và bình tỉnh. Động cơ nổ ròn tan làm anh thêm tự tín. Nhìn qua hai bên anh thấy bốn chiếc kia cũng sẵn sàng lăn bánh. Năm chiếc Sukhoi Su-30MK2 do Ấn chỉ huy hấp tấp ra đường bay lổ chỗ vết đạn bom không có sự chỉ dẫn của trạm kiểm lưu. Đúng ra họ chẳng cần vì không có chiếc máy bay nào cất cánh được. Ngoài chuyện vô hiệu hóa hệ thống phòng không bằng cách phá hủy các giàn ra đa và hỏa tiễn, địch còn có chủ ý ác hại hơn là gây hư hại nặng cho đường bay để các phản lực cơ không cất cánh được. Điều đó được chứng tỏ là hàng chục chiến Su-27 và Su-30 đang nằm nơi bãi đậu hoặc trong nhà chứa đều bị trúng hỏa tiễn hay đạn 20 ly nổ ầm ầm và bốc lửa cháy sáng rực.

Bình phi ở độ cao 800 mét, Ấn mới có thời giờ nhìn xuống dưới đất. Căn cứ Biên Hòa trở thành biển lửa. Lửa cháy thành cụm nhỏ lớn khắp nơi, sáng rực trong đêm ba mươi tối đen. Bây giờ anh mới có thời giờ để hỏi tại sao hệ thống cảnh báo sớm của căn cứ lại không dò tìm ra máy bay địch cho tới giờ phút chót? Tại sao các giàn hỏa tiễn không bắn được trái nào? Tại sao máy bay của địch tha hồ bắn phá mà hệ thống phòng không lại chống trả yếu ớt? Anh chỉ nghe súng cao xạ bắn giây lát rồi im lìm. Tại sao máy bay địch có thể phá nát các giàn hỏa tiễn đặt rải rác trong căn cứ một cách dễ dàng và nhanh chóng? Dường như địch đã biết rõ tọa độ, vị trí hay địa điểm của các giàn ra đa và hỏa tiễn cho nên bắn không trật cái nào? Câu hỏi này tới câu hỏi khác nãy ra, Ấn biết mình đang lâm vào tình thế khó khăn. Chỉ còn lại năm chiếc SU-30 anh phải đối đầu với cả không lực của địch ở Phú Quốc có hàng trăm chiếc F-15. Mất hệ thống ra đa dưới đất do đó anh chỉ còn trông cậy vào ra đa của chính chiếc Su-30 mà anh đang lái. Nó được trang bị hệ thống TK-2 C3EM gồm nhiều chức năng như cảnh báo sớm, khám phá, xác định và phân loại mục tiêu về khoảng cách, độ cao, vận tốc, vũ khí của địch, đề nghị cách thức tấn công hoặc chống trả khi bị phản công. Qua hệ thống liên lạc nội bộ, Ấn biết được  bốn phi công dưới quyền chỉ huy của mình là đại úy Thiên, đại úy Bình, đại úy Miên và trung úy Báu, phi công trẻ tuổi nhất của trung đoàn đã theo anh lên không. Bảy chiếc phi cơ còn lại đã không cất cánh được có thể vì không có người lái. Phần nguyên phi đoàn Su-27 không thấy chiếc nào xuất hiện. Điều đó cho anh biết hoặc là các phi công đã chết hoặc bị thương hoặc phi cơ đã bị phá hủy.

Để mắt vào màn hình vị trung đoàn phó trung đoàn tiềm kích 935 thấy nhiều chấm sáng xuất hiện. Điều đó cho anh biết đợt oanh kích thứ nhì sẽ tới với các oanh tạc cơ hạng nặng đi kèm phản lực cơ chiến đấu và oanh tạc như F15, F16. Ít nhiều gì anh cũng biết không quân của nước Việt Nam nhỏ bé ở Phú Quốc có các loại phi cơ tối tân không kém mình. Phi công của họ đa số xuất thân từ không lực Hoa Kỳ, từng tham chiến ở Iraq và A Phú Hãn nên thu lượm được nhiều kinh nghiệm quí giá mà anh không có được. Điều quan hệ nhất là anh hiện thời đang ở vào thế yếu. Cuộc oanh kích bất ngờ của địch đã gây thiệt hại nặng nề với bằng chứng anh chỉ còn trơ lại năm chiếc máy bay. Đem năm chiếc ra chọi với đoàn phi cơ đang đầy khí thế của địch là dại, là ngu xuẩn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Anh hùng ba năm phục hận cũng chưa muộn mà. Nghĩ tới đó Ấn ra lệnh gọn.

– 85… 86… 87… 88… theo tôi…

Chiếc Su-300 nhắm hướng căn cứ không quân Phan Rang bay tới. Vị trung đoàn phó trung đoàn tiềm kích 935 không biết căn cứ Phan Rang cũng đang hứng cơn mưa pháo từ các chiến hạm của hải quân Phú Quốc.

Trang 11

One thought on “GIẤC MỘNG VIỆT-NAM. Quyển 3: Hẹn nhau ở Sài Gòn

Comments are closed.